Biến cố trong tháng
Tân Tổng Thống Barack Obama đã viết lên trang sử mới
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
1-Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2008:
Kể từ đầu năm 2008 cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2009-2013 bước vào giai đoạn quyết liệt. Các Ứng cử viên (ƯCV) của đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã tung hàng triệu Đô-la cho cuộc vận động để được đảng đề cử là ƯCV của đảng ra tranh Tổng thống. Về đảng Dân Chủ thì cuộc vận động gay go nhất giữa Hillary Clinton và Barack Obama đã làm cho các đảng viên phân vân trong quyết định lựa chọn. Hillary Clinton, phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton đã chi phí hàng chục triệu trong cuộc vận động với hy vọng sẽ được đảng đề cử. Mặc dù nhờ uy tín và cơ cấu vận động khổng lồ của chồng trên toàn nước Mỹ, người phụ nữ Mỹ đầu tiên ra tranh cử Tổng thống đã bị thất bại trước Barack Obama.
Cuối cùng chỉ còn John McCain và Barack Obama là hai ƯCV duy nhất đại diện cho đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.
Cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ đã đạt tới phí tổn cao nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ. Số cử tri đi bầu 64,5%, con số cao nhất kể từ năm 1908 (65,7%). Có 136,6 triệu cử tri và chi phí trung bình cho mỗi cử tri là 8 Đô-la Mỹ, có nghĩa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008 tốn 1.088.000.000 Đô-la (1 tỷ 88).
Trong khi Hoa Kỳ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính, hàng ngàn người mua nhà và nhiều ngân hàng tín dụng bị phá sản, mà hai ỨCV đã chi phí hơn 300 triệu Đô-la cho cuộc tranh cử Tổng thống.
Theo đài truyền hình CNN ngày 29.10.2008 thì:
-ỨCV Barack Obama đã chi 25 triệu Đô-la cho 30 phút xuất hiện trên các đài truyền hình CBS, NBC, Fox và Univision vào ngày 29.10.2008, trước ngày bầu cử 4.11.2008. Có tới 33,5 triệu người Mỹ theo dõi chương trình này. Tính chung, Obama đã chi 205 triệu Đô-la cho các dịch vụ quảng cáo trên hệ thống truyền thông, không kể phí tổn dành cho việc di chuyển 4,7 triệu và ban vận động 2,8 triệu.
-ỨCV McCain cũng phải tốn phí không kém: 119 triệu Đô-la cho quảng cáo, 3 triệu cho di chuyển và 1,2 triệu cho ban vận động. ỨCV Phó Tổng thống Sarah Palin đã đem lại nụ cười duyên dáng như một luồng gió mát cho McCain khi xuất hiện trước công chúng; nhưng bông hồng tươi thắm này cũng làm cho Ủy ban Quốc gia đảng Cộng Hoà phàn nàn là đã xài 22.000 Đô-la trong tháng 8/2008 và tổng cộng 150.000 Đô-la cho y phục, trang sức, làm tóc và di chuyển gia đình bà trong cuộc tranh cử.
2- Kết quả:
2.1-Bầu cử Tổng thống
Ngày 4.11.2008, công dân Mỹ đã đi bầu Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Kết quả của cuộc bầu cử được đài truyền hình CNN công bố khi 99% số phiếu đã được xác nhận ngày 7.11.2008 như sau:
-Barack Obama đạt được 349 đại biểu bầu cử, với 64.975.682 phiếu, tỷ lệ: 53%
-John McCain đạt được 163 đại biểu bầu cử, với 57.118.380 phiếu, tỷ lệ: 46%
2.2-Bầu cử Quốc hội
Đảng Dân Chủ cũng toàn thắng và chiếm đa số trong Quốc hội:
-Thượng Viện (US Senate): Dân Chủ 57 ghế, Cộng Hòa: 40 ghế
-Hạ Viện (US House): Dân Chủ: 254 ghế, Cộng Hòa: 173 ghế
Đây là sự thuận lợi lớn lao đối với Tân Tổng thống Obama. Khi chính phủ đưa ra các chính sách sẽ không gặp sự chống đối đáng kể trong Quốc hội.
Theo thống kê thì đa số cử tri tuổi từ 18 tới 65, đặc biệt nữ giới và tuổi trẻ, bầu cho Barack Obama. Sự kiện này cho thấy mầu da không còn là vấn đề kỳ thị, tự do phá thai hay đồng tính luyến ái được lấy nhau và sự thay đổi chính quyền là khuynh hướng đang có ảnh hưởng mạnh trong xã hội Mỹ ngày nay.
John McCain chỉ được đa số phiếu của cử tri già trên 65 tuổi. Sự kiện này cho thấy người già còn tư tưởng bảo thủ về mầu da cũng như sự tôn trọng các giá trị luân lý đạo đức gia đình.
3-Barack Obama, một biểu tượng cho người da đen.
Có thể nói, ngày 4.11.2008, Barack Obama là người gốc gác da đen đầu tiên đã thực hiện được ước mơ của Mục sư Martin Luther King (1929-1968), một lãnh tụ da đen đầu tiên dấn thân cho cuộc đấu tranh đòi dân quyền và việc làm cho người da đen. Nhờ thấm nhuần tư tưởng đấu tranh bất bạo động của Thánh Gandhi, cha già dân tộc của Ấn Độ, Mục sư King đã công khai dẫn đầu cuộc hành trình từ miền Nam tiến lên Thủ đô Hoa Thịnh Đốn biểu tình nhằm đòi cho người da đen được tự do, bình đẳng và việc làm, những quyền lợi đã được ghi trong tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ vào năm 1776. Chính nhờ tranh đấu bất bạo động cho dân quyền, Mục sư King được trao giải thưởng Nobel về Hòa Bình vào ngày 14.10.1964.
Năm 1963, Mục sư King đã đọc một bài diễn văn nổi tiếng trong cuộc biểu tình có hơn 200.000 người tham dự trước đài kỷ niệm cố Tổng thống Abraham Lincoln, (người anh hùng giải phóng nô lệ vào năm 1863), tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C).
Bài diễn văn có câu “Tôi có một ước mơ’’ (I have a dream) đã đi vào lịch sử và được coi như lời ước nguyện của dân Mỹ da đen trong hơn 40 năm qua.
Nhân dịp này, chúng tôi tạm chuyển ý một đoạn quan trọng trong bài diễn văn. (nguyên văn bài diễn văn bằng tiếng Anh, quí độc giả có thể tìm đọc tại địa chỉ: http://en.wikipedia.org/wiki/I_Have_a_Dream.
“Tôi có một ước mơ rằng một ngày đất nước này sẽ vươn lên và sống thực với ý nghĩa của niềm tin “Chúng ta duy trì các sự thật này làm bằng chứng mọi người được sinh ra bình đẳng”.
Tôi có một ước mơ rằng một ngày trên những đồi cỏ miền Georgia con cái của những người nô lệ trước đây và con cái của các chủ nộ lệ có thể ngồi với nhau bên chiếc bàn huynh đệ.
Tôi có một ước mơ rằng một ngày, kể cả Tiểu bang Mississipi, một Tiểu bang oi bức vì cái nóng bất công, oi bức vì sự đàn áp, sẽ chuyển biến thành ốc đảo của tự do và công lý.
Tôi có một ước mơ rằng bốn con nhỏ của tôi sẽ có ngày sống trong một nước, nơi đó không bị xét đoán bởi mầu da nhưng bởi đặc tính phẩm chất của chúng.
Hôm nay tôi có một ước mơ.
Tôi có một ước mơ rằng một ngày ở Alabama, với bản chất kỳ thị chủng tộc, với ông thống đốc có đôi môi nhỏ ra những từ chia cắt và tiêu diệt, một ngày ở đó, tại Alabama các trai nhỏ và bé gái da đen sẽ có thể nối vòng tay với các trai nhỏ và bé gái da trắng như anh chị em.
Hôm nay tôi có một ước mơ.
Tôi có một ước mơ rằng một ngày tất cả các thung lũng phải vương cao, các đồi núi phải làm cho thấp, những nơi gồ ghề phải san cho phẳng, những chỗ quanh co phải uốn cho ngay và vinh quang Thiên Chúa phải tỏa ra (cho mọi người được thấy) và mọi người phải nhìn biết nhau.
Đây là hy vọng của chúng ta. Đây là niềm tin mà tôi đem theo khi trở về miền Nam.
Với niềm tin này chúng ta sẽ có thể chém ngọn núi của thất vọng để lấy tảng đá hy vọng.
Với niềm tin này, chúng ta sẽ có thể chuyển biến những tiếng kêu bất đồng của đất nước thành một khúc nhạc hoà tấu tươi đẹp của tình huynh đệ.
Với niềm tin này, chúng ta sẽ có thể cùng làm việc, cùng cầu nguyện, cùng đấu tranh, cùng đi tù. cùng đối đầu cho tự do, hãy hiểu rằng sẽ có ngày chúng ta được tự do. Sẽ là ngày, sẽ là ngày khi tất cả con cái Thiên Chúa có thể hát với ý nghĩ mới “Quốc gia của tôi là của bạn, đất nước tự do trìu mến, tôi hát ca đất nước của bạn. Đất nước nơi mà cha tôi đã chết, đất nước hãnh diện của người lữ khách, từ các sườn núi, hãy để tự do vang lên”.
Và nếu Hoa Kỳ là một đại cường quốc, ước mơ phải thành sự thật. Và như thế hãy để tự do vang lên từ đỉnh núi vĩ đại của New Hamsphire.
Hãy để tự do vang lên từ những núi hùng vĩ của New York
Hãy để tự do vang lên từ những dẫy núi Alleghenies của Pennsylvania.
Hãy để tự do vang lên từ đỉnh núi tuyết của Colorado.
Hãy để tự do vang lên từ các sườn núi gầy guộc của California.
Nhưng không chỉ có thế,
Hãy để tự do vang lên từ điểm quan sát trên núi Tennessee.
Hãy để tự do vang lên từ mỗi đỉnh núi và bờ đê sông Mississipi, từ mỗi sườn núi.
Hãy để tự do vang lên.
Và khi nó xuất hiện, và khi chúng ta cho phép tự do vang lên, khi chúng ta để tự do vang lên từ làng mạc đến thôn xóm; từ mỗi tiểu bang đến mỗi thành thị, chúng ta sẽ có thể gia tăng tốc độ, ngày đó khi tất cả con trẻ của Thiên Chúa, người da đen và da trắng, Do Thái và không Do Thái, Tin Lành và Công Giáo, sẽ có thể nối vòng tay và hát những bài thánh ca của người da đen Phi châu xưa: “Cuối cùng (rồi cũng) tự do! Cuối cùng (rồi cũng) tự do! Cảm tạ Thiên Chúa Toàn Năng, cuối cùng chúng con tự do!”
Chiến dịch tranh đấu cho người nghèo và dân quyền của Mục sư Martin Luther King qua hành trình tới Thủ đô Hoa Thịnh Đốn năm 1963 đã đưa tới thành công lớn. Hai đạo luật đã được ban hành là đạo luật dân quyền (the Civil Rights Act) năm 1964 và Quyền bầu cử (the Voting Rights Act) năm 1965.
Giấc mơ của MS King nay trở thành sự thật.
Không chỉ người Mỹ da đen gốc Phi Châu được tự do và phát triển mạnh trong các lãnh vực, đặc biệt nổi tiếng thế giới trong ngành thể thao bóng rổ, quyền Anh, quần vợt, âm nhạc, phim ảnh v.v… mà còn dấn thân trên chính trường và trở thành các nhân vật nổi danh trong chính quyền như: Đại tướng Colin Powell, cựu chủ tịch Bộ Tham Mưu Liên quân, Cố vấn An Ninh Quốc gia của Tổng thống Ronald Reagan và Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống George W. Bush; nữ Giáo sư Tiến sĩ Condoleezza Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống George W. Bush v.v…
Nay giấc mơ đó đã vươn tới đỉnh cao nhất là chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ, một chức vụ đầy quyền lực không chỉ trong nước Mỹ mà có ảnh hưởng bao trùm Thế giới. Tổng thống Mỹ da đen đầu tiên, con của dòng máu Phi Châu sẽ cai trị con cháu của các chủ nô lệ da trắng gốc Âu Châu, ít nhất trong một nhiệm kỳ bốn năm và bỗng nhiên trở thành biểu tượng cho tuổi trẻ và dân da đen.
Về danh vọng thì Barack Obama không chỉ thành công trong chức vụ Tổng thống, nếu đánh giá, cái giá trị lên tới bạc tỷ. Về tiền bạc vật chất thì 3 quyển sách của Barack Obama hiện đang là những quyển sách bán chạy nhất trên thị trường, dĩ nhiên trị giá tối thiểu vài chục triệu Đô-la; chưa kể hai cô con gái là Malia 10 tuổi và Sasha 7 tuổi đã được Billy Ray Cyrus mời xuất hiện trong chương trình truyền hình dành cho trẻ em “Hannah Montan” của World Disney cùng với con gái của ông ta là nữ tài tử trẻ đẹp duyên dáng Miley Cyrus. Nếu TT. Obama và phu nhân Michelle đồng ý thì hai cháu nhỏ cũng sẽ kiếm tiền triệu. Ngoài ra, tài tử và nhà đạo diễn Edward Norton sẽ thực hiện một phim về cuộc đời Tân TT. Obama và phim sẽ ra mắt thế giới vào năm tới. Công ty truyền hình HBO đã đặt trước cả chục triệu Đô-la để được bản quyền chiếu trên hệ thống truyền hình Mỹ. Tất cả các dịch vụ bán sách, quảng cáo trên truyền hình và phim ảnh sẽ mang lại cho Tân TT. Obama hàng chục triệu Đô-la. Đúng là vừa thành danh và thành tài.
4-Thế giới vui mừng hay lo ngại?
4/1-Về phương diện chính trị và quân sự:
Nói chung, nhiều lãnh tụ trên thế giới tỏ vẻ lạc quan đối với chính sách sống chung hòa bình của Tổng thống Barack Obama. Trong toàn bộ cuộc tranh cử ỨCV Obama đã nhấn mạnh tới dân chúng Mỹ có nhiều mầu da, nhưng chúng ta đang sống trong một quốc gia mang tên “Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ” thì không thể có sự phân biệt về bất cứ lãnh vực nào. Dựa trên quan điểm này thì Thế giới cũng là một “Hiệp Chủng Quốc” thì cần phải hợp tác và sống chung hòa bình.
Nguyên tắc là như vậy.
Nhưng hai sự kiện sau đây chứng tỏ chính sách của Tổng thống George W. Bush hay Barack Obama không khác nhau, khi quyền lợi của Hoa Kỳ bị tổn thương:
Sự kiện 1:
Ngày 2/8/2007, ỨCV Barack Obama đã tuyên bố trước các học giả tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson:
“Hoa Kỳ phải bảo vệ quyền tiến quân vào lãnh thổ Đồng Minh Pakistan và thâu hồi tài trợ nếu Hoa Kỳ nghĩ Tổng thống Pervez Musharraf không thành công đủ trong việc chận đứng khủng bố”.
(the United States should reserve the right to invade the territory of its Pakistani allies and withdraw U.S. financial aid if it believed Pakistani President Pervez Musharraf was failing to do enough to stop terrorists).
Lời tuyên bố trên có nghĩa chính sách chống khủng bố, dĩ nhiên, sẽ đi đôi với các hành động trừng phạt bằng quân sự. Như vậy, chỉ có những quốc gia nào không chứa chấp khủng bố và quân khủng bố ngưng các cuộc tấn công vào các cơ sở của Mỹ thì Hoa Kỳ mới không dùng biện pháp quân sự.
Sự kiện 2:
Trong bài diễn văn đọc trước quần chúng khi thắng cử trong đêm 4 rạng 5.11.2008, Tân TT. Obama đã khẳng định:
“Đối với những ai - với những ai muốn xé nát thế giới: chúng tôi sẽ đánh bại các bạn. Đối với những ai mưu tìm hòa bình và an ninh: chúng tôi hỗ trợ các bạn’’. (To those - to those who would tear the world down: We will defeat you. To those who seek peace and security: We support you).
Sau lời tuyên bố trên của Tân Tổng thống Barack Obama, ngày 6.11.2008 tờ Thời Báo (The Times) của Anh quốc đăng tin Tổng thống Nga Sô Dmitri Medvedev đã tuyên bố là sẽ đưa các giàn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử đến ngoại ô thành phố Kaliningrad (là đất của Đức quốc bị mất vào tay Nga sau Thế chiến II), trong vùng biển Baltic và gần biên giới Ba Lan. Lời tuyên bố này có vẻ như một lời cảnh giác và khiêu khích để đối đầu với phòng tuyến chống hỏa tiễn của Hoa Kỳ sẽ được thiết trí tại Ba Lan và Tiệp Khắc.
4/2-Về phương diện kinh tế
Bề ngoài thì các nhà lãnh đạo các quốc gia Á châu, Âu châu, Phi châu, Úc châu, Trung Đông và Nam Mỹ tươi cười chúc mừng Tân Tổng thống Obama với nhiều hy vọng; nhưng trong lòng lại lo ngay ngáy, kể cả các nhà kinh doanh và tài chính.
Tại sao vậy?
Tại vì đảng Dân Chủ luôn để cao Thuyết Bảo vệ (Protectorism) trong kinh tế của Hoa Kỳ. Và chính Tổng thống Abraham Lincoln, mặc dù thuộc đảng Cộng Hoà, cũng đã áp dụng thuyết này trong cuộc Nội chiến Mỹ¸ và ông chống tự do mậu dịch. Chính sách thuế khóa và trợ giúp cũng được đảng Cộng Hòa áp dụng kéo dài tới thời kỳ TT. Eisenhower và sau thời kỳ chiến tranh lạnh.
Chính sách Bảo Vệ kinh tế gồm các điểm chính sau:
-Hạn chế giao thương giữa các quốc gia.
-Đánh thuế (tariffs) các hàng hóa nhập cảng khiến cho hàng hóa ngoại quốc trở nên đắt và phí tổn nhập cảng lên cao. Như vậy sẽ giảm bớt được hàng nhập cảng của ngoại quốc, tạo điều kiện cho các công ty sản xuất trong nước có cơ hội phát triển.
-Hạn chế số lượng hàng nhập cảng (quotas) sẽ làm cho gía hàng nhập cảng lên cao trên thị trường nội địa. Hàng ngoại nhập giá cao sẽ giảm được mức cầu nhập cảng hàng ngoại quốc. Nhờ thế sản phẩm trong nước có cơ hội tràn ngập thị trường trong nước.
-Hạn chế hành chính (Administrative restricts) bằng đưa ra luật lệ và những đòi hỏi khó khăn về nhập cảng như: không làm ô uế môi trường, bảo đảm chất lượng hàng hóa, hợp vệ sinh, không chứa hóa chất độc hại trong thực phẩm v.v… Biện pháp này sẽ ngăn chặn hàng hóa rẻ và phẩm chất kém của ngoại quốc.
-Tài trợ các dịch vụ về xuất cảng (Export subsidies) để giá thành sản phẩm thấp đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tài trợ các nhà kinh doanh bằng biện pháp cho vay với mức lời thấp để gia tăng khả năng sản xuất và xuất cảng và bảo vệ việc làm cho công nhân.
-Can thiệp vào thị trường hối đoái bằng cách hạ giá đồng tiền bản xứ để giá sản phẩm thấp dễ bán ra thị trường ngoại quốc.
Và nhiều biện pháp khác do chính quyền đưa ra nhằm làm giảm hàng hóa nhập cảng; cũng như ngăn chặn người ngoại quốc nắm quyền kiểm soát các thị trường và các công ty tại Hoa Kỳ.
Nhìn vào chính sách Bảo vệ, người ta có thể coi đó như một sự chống đối Toàn Cầu Hóa (anti-globalization) và đối nghịch với Tự do Mậu dịch (free trade).
Chính vì chính sách Bảo Vệ kinh tế quốc gia và hạn chế nhập cảng hàng hóa vào thị trường Mỹ mà các chính phủ và các nhà kinh doanh của các nước từ Đông sang Tây lo ngại về vấn đề xuất cảng sang Hoa Kỳ, một thị trường mà mức tiêu thụ vẫn còn đứng hàng đầu trên thế giới.
Trước khi trở thành Tổng thống, ỨCV Obama từng tuyên bố sẽ hủy bỏ hoặc xét lại các thỏa ước về thương mại. Nhìn tổng quát thì tự do giao thương làm cho kinh tế thế giới phát triển, trường hợp Việt Nam chẳng hạn. Nhưng nó lại làm cho dân Mỹ bị thất nghiệp nhiều, vì nhiều công ty sản xuất đã di chuyển cơ sở ra ngoại quốc, đặc biệt sang Trung quốc để tiết kiệm phí tổn sản xuất và lương công nhân.
Chính vì vậy mà Tổ chức Mậu dịch Thế giới (World Trade Organization) lo ngại chính sách tự do thương mại DOHAN sẽ bị trì hoãn, các quốc gia đang trên đà phát triển kinh tế sẽ gặp khó khăn và các nước chậm tiến sẽ khó có cơ hội được “đặc quyền” bán hàng hóa vào thị trường Mỹ.
Kết luận
Cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ không chỉ lôi cuốn dân chúng Mỹ qua hệ thống báo chí, truyền thanh và truyền hình; mà hầu như khắp nơi trên Thế giới người ta cũng theo dõi sát nút chương trình tranh cử và kết quả của cuộc bầu cử, vì:
-Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất hiện nay trên Thế giới và bất cứ chính sách nào về chính trị và quân sự của chính quyền Mỹ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh và hòa bình trên Thế giới.
-Hoa Kỳ vẫn còn là quốc gia kinh tế hàng đầu Thế giới, như các chuyên gia kinh tế đã nói “Khi thị trường Hoa Kỳ hắt hơi thì thị trường thế giới sổ mũi!” (When the US market sneezes the world markets catch cold). Cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán hiện nay tại Hoa Kỳ là một bằng chứng điển hình.
-Hoa Kỳ là Đồng Minh duy nhất có khả năng tài trợ và giải phóng các dân tộc bị áp bức. Hai biến cố gần nhất là cuộc giải phóng Kuwait khỏi sự xâm lăng của Tổng thống Saddam Hussein của Iraq và Kosovo khỏi sự tiêu diệt của Nam Tư (Serbia) đã chứng minh tinh thần cứu giúp của Hoa Kỳ đối với các dân tộc và quốc gia bị xâm lăng và đàn áp.
-Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có thể thi hành quyết định của Liên Hiệp Quốc về biện pháp trừng phạt một quốc gia không tôn trọng qui luật quốc tế và xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác. Biến cố diệt chủng tại Somalia, Congo v.v… hiện nay chưa được giải quyết thoả đáng, cũng chỉ vì Hoa Kỳ không muốn nhúng tay để mang thêm tai tiếng. Ăn cơm nhà vác ngà voi cho Thế giới không được gì, lại bị các quốc gia tự do cũng như cộng sản lên án thì chính phủ Mỹ dại gì phải hy sinh thêm xương máu của dân mình!
JOHN McCAIN, một anh hùng trong chiến tranh Việt Nam, có đánh bại được BARACK OBAMA trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008 không?
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Trong những tháng cuối của năm 2008, cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đang diễn ra sôi nổi cả về phương diện chính trị lẫn kinh tế. Sôi nổi về chính trị vì chưa ai biết chắc ứng cử viên John McCain của đảng Cộng Hòa hay Barack Obama của đảng Dân Chủ sẽ thắng cử; sôi nổi về kinh tế vì Hoa Kỳ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính trầm trọng có nguy cơ đưa tới khủng hoảng kinh tế, không chỉ trong phạm vi nước Mỹ mà lan rộng toàn thế giới.
Trong bài này chúng tôi trình bày những nét đại cương về tiểu sử và các hoạt động chính trị của Thượng Nghị sĩ (TNS) John McCain, một anh hùng của Hải quân Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam; một ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng Hòa.
1-ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ CỦA TNS JOHN MCCAIN
John McCain được sinh ra ngày 29.8.1936, tại căn cứ không quân của Hải quân Hoa Kỳ ở Panama, vì thời gian này kinh đào Panama còn thuộc quyền kiểm soát của Hoa Kỳ. Cha là John S. McCain (1911-1981), một Đô Đốc Hải quân Mỹ. McCain thuộc dòng dõi Anh-Ái Nhĩ Lan (Anglo-Irish). Ông nội cũng từng là Đô Đốc (Tướng 4 sao) của Hải quân Hoa Kỳ trong Đệ Nhị Thế Chiến. Người chị Sandy và em trai Joe theo gót ông cha phục vụ trong quân chủng Hải quân Hoa Kỳ.
Năm 1951 gia đình đến định cư tại Tiểu bang Virginia, McCain học trung học ở Alexandra. Trong thời gian học trung học, McCain nổi tiếng về đô vật (Wrestling) và mãn trung học vào năm 1954. Sau đó McCain theo gót ông và cha vào trường Hải quân Quốc gia ở Annapolis. Trong thời gian này McCain trở thành võ sĩ Boxing hạng nhẹ và thường xung đột với nhân viên nhà trường qua việc không tôn trọng kỷ luật, nên bị xếp hạng 894/899. McCain tốt nghiệp sĩ quan Hải quân năm 1958 và theo học khóa phi công hai năm rưỡi tại Pensacola, tốt nghiệp và chuyên lái phi cơ tấn công diện địa (Ground-attack aircraft). Sau đó, McCain được phái tới phi đội Skyraider (loại phi cơ chiến đấu bán phản lực) trên Hàng không Mẫu hạm USS Intrepid và USS Enterprise có trách nhiệm hoạt động ở vùng biển Trung Mỹ (Caribbean) và Địa Trung Hải (Mediterranean). Máy bay của McCain bị rớt hai lần và một lần bị đụng vào đường dây dẫn điện nhưng ông không bị thương nặng.
Ngày 3.7.1965, McCain kết hôn với Carol Shepp, một người mẫu tại Tiểu bang Philadelphia đã có hai con trai (Douglas và Andrew). Carol sinh cho ông một con gái tên Sidney.
Mùa Hè 1967, McCain xin đổi qua lái phản lực cơ chiến đấu A-4 Skyhawks của Hàng không Mẫu hạm USS Forrestal. Trong khi thi hành công tác trong chiến dịch bỏ bom Bắc Việt, McCain và đồng đội đã tỏ ra bất mãn về chiến thuật từ Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Sau đó ông viết lại rằng: "Công bình mà nói, chúng tôi nghĩ các cấp chỉ huy dân sự hoàn toàn ngu ngốc, họ là những người không có một chút nhận định làm sao để thắng cuộc chiến!" (In all candor, we thought our civilian commanders were complete idiots who didn’t have the least notion of what it took to win the war).
Ngày 29.7.1967, trung tâm Hàng không Mẫu hạm Forrestal phát hỏa do hệ thống điện bị chạm bất ngờ làm cho hỏa tiễn Zuni trên sàn tầu phát nổ. Hậu quả của vụ nổ khiến cho 134 thủy thủ bị chết và 161 bị thương, tổn phí lên tới 72 triệu Đô-la. McCain chạy thoát từ chiếc máy bay đang bốc cháy và giúp đồng đội thoát hiểm. Ông bị thương ở chân và ngực, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Chiếc USS Forrestal bị hư hại nặng không thể tiếp tục nhiệm vụ được nữa, McCain phải chuyển qua Hàng không Mẫu hạm USS Oriskany.
2-TÙ BINH CỦA VIỆT CỘNG
Trong phi vụ thứ 23 oanh tạc Bắc Việt, phi cơ A-4E Skyhawk của McCain bị hỏa tiễn VC bắn hạ trên không phận Hà Nội. McCain nhẩy dù, rơi xuống hồ Trúc Bạch, bị thương hai tay và một chân và gần như bị chết chìm; nhưng được đám đông dân quân Hà Nội vớt lên. McCain bị đánh bằng báng súng vào vai và bị đâm bằng dao găm, rồi được đưa về nhốt tại nhà tù Hỏa Lò, nơi các tù nhân Mỹ đặt cho cái tên mỉa mai là "Hanoi Hilton", có nghĩa khách sạn Hilton ở Hà Nội. Mặc dù bị thương nặng, nhưng McCain không được VC cho thuốc chữa trị các vết thương. Ông bị tra tấn và hạch tội cho tới khi phải khai hết sự thật. VC chỉ bắt đầu chữa trị McCain khi biết ông là con trai của Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ. McCain phải nằm 6 tuần trong bệnh viện và sụt mất 23 kg, tóc trở thành bạc trắng.
Khi máy bay của John McCain bị bắn rơi trên không phận Hà Nội cha ông đang công cán tại Luân Đôn. Được tin máy bay của con bị bắn hạ, ông bà đô đốc Jack McCain hồi hộp, lo sợ không biết con mình sống chết ra sao, nhưng vẫn nén nước mắt đi dự một buổi tiếp tân theo chương trình đã định ở Luân Đôn.
Sau đó McCain bị di chuyển tới trại tù khác ở ngoại ô Hà Nội trong tình trạng bệnh tình nguy kịch mà hai tù nhân Mỹ khác nghĩ rằng ông ta may mắm lắm thì chỉ còn sống sót một tuần nữa thôi. Vào giữa năm 1968 cha của McCain được bổ nhiệm làm Tư lệnh tất cả các lực lượng Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Biết vậy, VC dở trò ma giáo tuyên truyền sẽ thả McCain theo chính sách khoan hồng. VC muốn chứng minh cho các tù nhân khác là giặc lái ác ôn như McCain mà vẫn được tha sớm, vì biết nhận tội và loè bịp thế giới là Cộng sản Bắc Việt nhân đạo. Nhưng McCain không thèm nhận cái khoan hồng mà VC dành riêng cho mình. Ông đòi thả hết các tù binh Mỹ bị bắt trước ông. Vì tính ngoan cố, VC hành hạ ông bằng cách dùng dây thừng trói chặt ông và đánh đập mỗi hai giờ. Cùng thời gian này, ông bị bệnh nặng về đường tiêu hóa, ỉa chảy và kiết lỵ.
Sau 4 ngày bị tra tấn, McCain phải làm bản thú tội và tuyên truyền chống Hoa Kỳ. Chính vì bị tra tấn dã man và hành hạ quá mức, McCain không còn tỉnh táo khi phải ký vào bản thú tội. Ông luôn có cảm tưởng rằng những lời khai và lời nói của mình trong thời gian bị tù tội là nỗi ô nhục: Sau này ông viết:
"Tôi đã nhớ được cái mà tất cả chúng ta nhớ đuợc ở đó là: mỗi người đều có một lúc yếu đuối. Tôi đã đạt tới sự yếu đuối của tôi." (I had learned what we all learned over there: Every man has his breaking point. I had reached mine."
Những vết thương làm cho ông hiện nay không giơ hai tay cao hơn đầu được là hậu quả bị tra tấn hai ba lần trong một tuần, chỉ vì không chịu ký tên vào các bản tố cáo tội ác của Hoa Kỳ. Các tù binh khác cũng rơi vào tình trạng bị hành hạ, làm bản thú tội và tuyên truyền tố cáo đế quốc Mỹ. Trong thời gian ông bị tù thì các phe phản chiến Mỹ, đứng đầu là nữ tài tử Janne Fonda, thường sang Hà Nội diễn trò "thờ ma Việt Cộng". Bọn này cũng tìm cách tiếp xúc McCain và các tù binh Mỹ. Là anh hùng trong chiến tranh, dĩ nhiên McCain không chịu tiếp xúc với các nhóm phản chiến đi tìm hòa bình tại Hà Nội, mà ông nghĩ nó chỉ có lợi cho chúng và kế hoạch tuyên truyền của Việt Cộng.
Kể từ cuối năm 1969, VC đối xử với McCain và đồng đội có vẻ nhân nhượng hơn, cũng chỉ vì chính sách Việt Nam Hóa Chiến tranh và ý định rút quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam của chính phủ Nixon. Các tù binh Mỹ thì vui mừng khi phi cơ khổng lồ B-52 thả bom Bắc Việt vào tháng 12/1972, như một áp lực đòi VC phải tỏ thái độ về một giải pháp hòa bình. Sau 5 năm 6 tháng bị cầm tù, ngày 14.3.1973, McCain được trao trả cho Hoa Kỳ. Khi về Mỹ đoàn tụ với gia đình thì vợ ông đã bị tàn tật sau tai nạn xe hơi vào tháng 12/1969, trong khi ông còn bị cầm tù ở Hà Nội. McCain phải mất nhiều tháng chữa trị các vết thương và luyện tập căng thẳng về vật lý. Sau khi bình phục vào cuối năm 1974, McCain được sử dụng trở lại trong chức vụ sĩ quan chỉ huy Tiểu đội huấn luyện tại Florida vào năm 1976. Ông thành công trong việc làm cho Tiểu đội không ai biết tiếng trở thành một đơn vị được ca tụng nhiều nhất. Trong thời gian này McCain bị tai tiếng vì ngoại tình và cuộc sống hôn nhân bị tan rã!
Tháng 4/1979, McCain gặp Cindy Lou Hensley, cô giáo của trường Phoenix ở Arizona, con của nhà đại lý phân phối bia. Ông xin người vợ cũ Carol ly dị và bà đã đồng ý. Hai người ly dị vào tháng 4/1980. Bà Carol được giữ lại hai căn nhà và trợ cấp tài chính để chữa bệnh. Hai người vẫn còn duy trì tình cảm tốt đẹp. McCain và Cindy thành hôn vào 17.5.1980; nhưng thỏa thuận là hầu hết tài sản của vợ được đứng tên vợ và tiền ai nấy giữ, thuế má ai nấy chịu. Vì bệnh hoạn, McCain không nghĩ đời binh nghiệp có thể đưa mình lên tới chức Đô đốc Hải quân, mặc dù có 17 huy chương và bằng Tưởng lục; nên ông từ giã đời binh nghiệp ngày 1.4.1981, chuyển hướng qua chính trị. Ông thắng cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ năm 1982; rồi trở thành Thượng nghị sĩ vào năm 1986. Sau đó, với uy tín sẵn có, TNS MacCain tiếp tục thắng cử vào các năm 1992, 1998 và 2004. Là đảng viên của đảng Bảo Thủ, nhưng McCain lại bất đồng với đường lối của đảng về nhiều lãnh vực. Năm 2000 McCain bị thất bại trước George W. Bush trong cuộc tranh cử để được đảng chọn là ứng cử viên Tổng thống. Tháng 3/2008, John McCain đánh bại các đối thủ và trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng Hòa ra tranh cử với Barack Obama thuộc đảng Dân Chủ.
2-LIỆU TNS JOHN MCCAIN CÓ THẮNG BARACK OBAMA KHÔNG?
Trả lời cho câu hỏi này có lẽ chúng ta nên tìm hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của John McCain
Các điểm yếu của McCain là:
2.1-Lớn tuổi: năm nay John McCain đã 72 tuổi. Cùng tuổi này nhưng không bệnh hoạn thì cử tri không có ấn tượng về vị tổng thống tương lai của mình. Cố Tổng thống Ronald Reagan khi thắng cử vào năm 1981, lúc đó ông đã 70 tuổi và cũng là một trong các Tổng thống già nhất của Hoa Kỳ. TNS McCain già hơn hơn cố TT. Reagan 2 tuổi và bệnh hoạn vì bị hành hạ trong tù Việt Cộng. Chính vì vấn đề tuổi tác cao mà trong các cuộc tranh cử công khai trên đài truyền hình, người ta thấy Barack Obama có lợi thế về sự trẻ trung. Theo cuộc thăm dò ý kiến thì có khoảng 47% dân chúng Mỹ nghĩ rằng McCain sẽ chết trước khi nhiệm kỳ Tổng thống kết thúc.
2.2- Di sản chiến tranh Iraq do chính phủ Bush để lại.
Cái yếu điểm kế tiếp có ảnh hưởng trực tiếp tới thành quả tranh cử của TNS McCain là: Di sản chiến tranh Iraq do chính phủ Bush, thuộc đảng Cộng Hòa để lại. Di sản này làm mất ảnh hưởng tốt của đảng Cộng Hòa trước quần chúng. Phần lớn dân chúng Mỹ chống chiến tranh Iraq và đòi rút quân về nước. Nhưng McCain vẫn ủng hộ chính sách này với lý do:
-có những tiến bộ về sự thành hình nền dân chủ của Iraq;
-thắng lợi về quân sự qua sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq mang lại thế quân bình tại Trung Đông.
-thắng lợi về kinh tế do sự cung cấp dầu hỏa ưu tiên cho Hoa Kỳ của chính phủ Iraq và các nhà đầu tư Mỹ được ưu tiên trong chương trình tái thiết Iraq.
Chiến tranh Iraq tốn khoảng 80 tỷ Đô-la năm 2004, tăng lên 130 tỷ năm 2005, 210 tỷ năm 2006, 310 tỷ năm 2007 và 450 tỷ năm 2008; tổng cộng: 1.180 tỷ Đô-la. Nếu không có chiến tranh Iraq thì 1.180 tỷ Đô-la này chính phủ sẽ dùng cho ngân sách xã hội và kinh tế thì Hoa Kỳ không rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế và tài chính như hiện nay.
2.3-Di sản khủng hoảng tài chính và kinh tế do chính phủ Bush để lại.
Cuộc khủng hoảng tín dụng về địa ốc (Mortgage Subprime Credit Crisis) của hai tập đoàn Fanne Mae và Freddie khiến cho Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ FED (hay FCU) phải bỏ ra 200 tỷ Đô-la để cứu cuộc khủng hoảng có nguy cơ lan rộng tại Mỹ và toàn Thế giới. Ngân Hàng Trung ương cũng phải bỏ ra 50 tỷ để cứu tập đoàn bảo hiểm lớn nhất của Mỹ AIG; 30 tỷ cho Tập đoàn JP Morgan Chase. Tập đoàn địa ốc Merrill Lynch được Ngân hàng Mỹ (Bank of America) mua lại; nhưng Tập đoàn Lehman Brothers (thành lập từ năm 1850, có khoảng 15.000 nhân viên) tuyên bố phá sản vào ngày 15.9.2008, vì chính phủ không muốn bỏ tiền của dân ra cứu các tài phiệt.
Cuộc khủng hoảng tín dụng ngân hàng địa ốc ở hoa Kỳ đã lần lượt lan sang các quốc gia Âu và Á châu, khiến cho thế giới bị rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính. Với thời gian cuộc khủng hoảng tài chính sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu; nếu các nhà lãnh đạo thế giới không tìm ra được biện pháp giải quyết cấp thời. Mãi tới trung tuần tháng 10/2008 thì các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Âu châu và G.8 mới quyết định cứu vãn cuộc khủng hoảng tài chính bằng cách cho ngân hàng quốc gia tung ra hàng trăm tỷ Euro và Đô La để bảo đảm uy tín và các dịch vụ ngân hàng. Giá cổ phiếu và thị trường bắt đầu phục hoạt. Nhưng về lãnh vực về kinh tế người ta vẫn lo ngại sự suy thoái sẽ diễn ra trong những năm tới.
Cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ đuợc coi là cơ hội ngàn năm một thuở để Barack Obama tấn công sự thất bại của đảng Cộng Hòa nói chung và chính phủ Bush nói riêng. Như vậy, cần phải thay đổi chính quyền, từ đảng Cộng Hòa sang đảng Dân Chủ. Sự giao động của dân Mỹ về kinh tế, tài chính có thể đưa tới chiến thắng cho Obama; nếu chính phủ Bush không lấy lại uy tín qua một số chính sách kinh tài đúng lúc và hợp thời.
Sự ổn định kinh tế tài chính của chính phủ Bush có thể giúp McCain lấy lại phần nào uy tín và sự tin tưởng của cử tri về biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của chính phủ thuộc đảng Cộng Hòa. Tổng thống Bush đã yêu cầu Quốc Hội chấp thuận một ngân khoản 700 tỷ Đô-la để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính coi như một thành công. Sự thành công này cho thấy chính phủ thuộc đảng Cộng Hòa có khả năng đối phó với sự bất ổn của thị trường kinh tế và tài chính. Như vậy, cái mà McCain nói cần phải thay đổi và cải tiến tại Tòa Bạch Ốc có ảnh hưởng tốt đối với cử tri.
2.4- Sarah Palin, ứng cử viên Phó Tổng thống bị báo chí tấn công về các giá trị luân lý đạo đức.
Bà Sarah Palin, Thống đốc Tiểu bang Alaska được John McCain chọn làm ứng cử viên (ỨCV) Phó Tổng thống vào ngày 20.8.2008. Ban đầu sự xuất hiện của bà gây nhiều phấn khởi trong đảng và dân chúng; đặc biệt phái nữ yêu thích bà cả về nét đẹp và tài ăn nói. Khi đề cập tới các báo chí phê bình không tốt về bà, Sarah Palin đã phản ứng bằng lý luận rằng, bà ứng cử vào Tòa Bạch Ốc không phải để phục vụ cho giới truyền thông mà cho dân chúng Mỹ. Chính vì vậy mà một số báo chí, đặc biệt báo tán gẫu National Enguirers với những bài phiếm luận và một vài trang báo điện tử Internet, đã moi đời tư của bà và gia đình bà để đánh phá, nhằm tạo cho cử tri có ấn tượng xấu về bà. Các phóng viên của báo tán gẫu cũng từng khám phá cựu Ứng cử viên Phó Tổng thống John Edwards có tư tình với thiếu nữ trẻ tuổi; nay nhóm phóng viên báo này được lệnh tới Alaska để moi đời tư bà Sarah Palin. McCain, một anh hùng quân đội và chính trị gia dầu kinh nghiệm, nên họ không thể tìm ra những yếu điểm để tấn công. Palin, một TNS trẻ còn thiếu thành tích, kinh nghiệm và hoàn cảnh gia đình, nên vô tình trở thành đối tượng đánh phá của nhóm này.
Các tin tức nói xấu về bà Palin được ghi nhận như:
-Ngày 1.9.2008, trong chương trình xuất hiện trên truyền hình, người ta khám phá ra cô Bristol Palin, con thứ hai của bà Sarah Palin mới 17 tuổi mà có thai. Sau đó bà Palin công khai nhìn nhận và nói chàng Levi Johnston sẽ làm đám cưới với con gái bà. Sự thẳng thắn của bà có thể được dân chúng Mỹ thông cảm; như trường hợp ăn vụng tình của cựu Tổng thống Bill Clinton. Sarah Palin nổi tiếng trong đảng Cộng Hòa về chống phá thai, chống các chương trình huấn luyện tuổi trẻ về tình dục và ngừa thai. Nhưng con gái của bà mới 17 tuổi lại có bầu khi chưa lập gia đình! Đây là một trường hợp gây ảnh hưởng không tốt đối với bà trong cuộc tranh cử.
-Với chức vụ Thống đốc, bà đã bãi chức không hợp pháp viên thanh tra cảnh sát Walt Monegan, vì ông này sau khi bị áp lực, vẫn không sa thải cảnh sát viên Mike Wooten, em rể của bà. Đây là vụ tranh chấp quyền cha hay mẹ được giữ các con sau vụ em gái của bà và chồng ly dị. Theo tường trình dài 263 trang trong vụ gọi là Trooper-gate thì bà Palin đã cho chồng là Todd Palin sử dụng văn phòng thống đốc để tìm tài liệu nhằm sa thải cảnh sát viên Wooten. Nhưng bà Palin giải thích việc sa thải thanh tra Monegan không vì lý do nêu trên mà vì lý do khủng hoảng về ngân sách. Kết quả cuộc điều tra sẽ được tòa án xét xử vào ngày 31.10.2008, chỉ 5 ngày trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, 4.11.2008. Theo hãng thông tấn AP (Associated Press) đây là một trở ngại lớn cho McCain và Palin.
- Con trai trưởng Trac của bà bị phát giác nghiện hút Kokain và hash!
- Bà có quan hệ với đảng độc lập của Alaska và chồng đã từng là đảng viên của đảng này trong 7 năm, đòi tách Tiểu bang Alaska ra khỏi Hoa Kỳ. Năm 1986, chồng bà bị bắt giữ vì tội uống rượu quá độ mà lái xe.
-Theo các cuộc điều tra của cảnh sát, bà Palin có liên hệ tới vụ tham nhũng của TNS Ted Stevens, vì bà nhận tiền trợ giúp của nhóm này trong chương trình ủng hộ tài năng đảng viên trẻ của đảng Cộng Hòa.
-Bà từng chụp hình hở ngực và mặc quần áo tắm khi tham gia các cuộc thi hoa hậu và muốn trở thành nhân viên của đài truyền hình. Đây là lúc Sarah Palin 20 tuổi đã tham dự cuộc thi hoa hậu Alaska. Có một vài web site cá nhân lập ra để nói xấu đời tư của bà và một thanh niên con đảng viên đảng Dân Chủ đã tìm ra mật mã email lấy tin tức của bà đưa lên Internet để bêu xấu.
-Bà phạm tội ngoại tình năm 1996 với Brad Hanson, bạn buôn bán của chồng (theo tạp chí National Enguirers)
Nhiều người Mỹ tự đặt câu hỏi là: tại sao John McCain không chọn hai ỨCV Joe Lieberman và Joe Ridge có phiếu bầu thấp hơn mình trong đảng làm Phó Tổng thống?
Thực tế cho thấy John McCain không chọn Joe Lieberman và Joe Ridge vì hai ông này có quan niệm tự do phá thai, đi ngược lại với chính sách của đảng Cộng Hòa. Nay ông chẳng khác gì "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa"; chọn Palin với những yếu điểm bị báo chí phanh phui như trên.
Steve Schmidt, Chủ tịch ủy ban vận động tranh cử của McCain cảnh cáo là sẽ đưa vấn đề ra trước pháp luật đối với những tin tức dối trá về sự ngoại tình của bà Palin với bạn của chồng. Ông Schmidt đã nóng giận với giới truyền thông Mỹ mà ông cho là đã giết chết đức hạnh của Thống đốc Alaska, người có thể trở thành Phó Tổng thống Mỹ. Báo chí cố gắng hủy hoại người phụ nữ xinh đẹp và thành công, là một sự nhục mạ mà quần chúng Mỹ không muốn can dự vào.
Nếu nói rằng Palin có đời tư không tốt đẹp thì những người chống đối liên danh McCain-Palin cũng nên nhớ rằng, cựu Tổng thống Bill Clinton đã tư tình với cô thư ký trẻ, vẫn chối tội và chỉ nhận tội, rồi xin lỗi quốc dân, sau khi cảnh sát kiếm được bằng chứng.
Cố Tổng thống Richard Nixon nhẹ tội hơn, chỉ cho nhân viên nghe lén việc bàn tính tranh cử của đảng Dân Chủ mà phải mất chức và thân bại danh liệt!
Tại sao người ta không biểu tình đòi TT. Bill Clinton từ chức như TT. Nixon?
KẾT LUẬN
Những người bi quan về số phận của đảng Cộng Hòa cho rằng: chỉ có trùm khủng bố Osama bin-Laden mới giúp cặp McCain-Palin thắng cử và nếu đa số da trắng chỉ bỏ phiếu cho da trắng thì Barack Obama mới thất cử.
Nhưng chúng ta cần thận trọng khi tìm hiểu sân khấu chính trị Hoa Kỳ.
Trường hợp 1:
Tổng thống George Bush (bố) được coi là anh hùng trong chiến tranh giải phóng Kuwait khỏi sự xâm lăng của Iraq vào năm 1991-1992; lại bị thất cử trước Bill Clinton, một anh sinh viên trốn quân dịch Việt Nam và là một TNS trẻ không mấy tên tuổi!
Trường hợp 2:
Tổng thống Bill Clinton đã thành công lớn trong hai nhiệm kỳ và đem lại sự phát triển kinh tế Mỹ chưa từng có trong nhiều thập niên trước đây; nhưng Phó Tổng thống Al Gore lại không thừa hưởng được sự thành công này trong cuộc tranh cử Tổng thống với George W. Bush (con) vào năm 2000.
Trường hợp 3:
Tổng thống George W. Bush thắng cử nhiệm kỳ 2 trước John Kerry, cũng anh hùng trong chiến tranh Việt Nam sau theo phản chiến; mặc dù đa số các chính phủ Âu châu và thế giới không thích George W. Bush vì hậu quả chiến tranh xâm lăng Iraq. Nhưng dân chúng Mỹ vẫn còn tín nhiệm, đa số bầu cho ông thêm một nhiệm kỳ nữa. George W. Bush thắng do thành quả của chính sách chống khủng bố và bảo vệ an ninh lãnh thổ.
Do đó ai thắng ai thua trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008 vẫn còn những biến cố bất ngờ có thể làm đảo lộn tình thế mà người ta gọi là những phép lạ!
BARACK OBAMA, Người Mỹ Da Đen Đầu Tiên Trong Lịch Sử Hoa Kỳ
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Cứ bốn năm, người dân Mỹ lại nô nức đi bầu tổng thống. Tuy là một quốc gia đứng hàng đầu về tự do dân chủ, nhưng Hoa Kỳ chỉ có hai đảng lớn nhất đủ uy tín và trường tồn trên sân khấu chính trị là đảng Cộng Hòa (Republican Party) và đảng Dân Chủ (Democatic Party). Các ứng cử viên của cả hai đảng đã gay go tranh cử vòng đầu để được chỉ định là ứng cử viên chính thức ra tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2009-2011. Dù mới chỉ tranh cử vòng đầu mà các ứng cử viên đã phải tốn hàng chục triệu Mỹ-kim. Chính vì vậy người ta thường nói "không tài giỏi và giầu có, đừng hòng tranh cử tổng thống Mỹ!"
Để quí độc giả có thể theo dõi cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày hai bài:
Bài 1: Barack Obama, người Mỹ da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, ra tranh cử tổng thống. (DCÂC tháng 10/2008)
Bài 2: John McCain, anh hùng trong chiến tranh Việt Nam, có đánh bại được Barack Obama trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008 không? (DCÂC tháng 11/2008)
I-Đôi hàng tiểu sử Barack Obama
Barack Hussein Obama sinh ngày 4.8.1962 tại Honolulu, Hawaii trong một gia đình cha là Barack Obama.Sr người da đen ở Nyang’oma Kogelo, vùng Siaya, Kenya Phi Châu; mẹ là Ann Dunham người Mỹ da trắng ở Wichita, tiểu bang Kansas. Cha là sinh viên du học gặp mẹ khi cùng học đại học Hawaii ở Manoa. Sau đó hai người lấy nhau, rồi ly dị lúc Barack Obama mới 2 tuổi. Gia đình tan vỡ, cha Obama trở về Kenya và chỉ gặp mặt con một lần nữa trước khi chết trong một tai nạn xe hơi vào năm 1982. Khi Obama lên 6 thì mẹ lại kết hôn với nhà địa chất Lolo Soetora và gia đình dời về nhà chồng ở Indonesia năm 1967. Lúc 10 tuổi Barack Obama học trường địa phương ở thủ đô Jakarta, nhưng sau đó trở về Honolulu sống với ông bà ngoại, tiếp tục chương trình học vấn tại trường Punahou cho tới khi mãn khoá trung học vào năm 1979. Mẹ Obama chết vì bệnh ung thư năm 1995.
Thời kỳ còn học trung học, Obama tự thú từng hút marijuana, cocaine và nghiện rượu. Ông thú nhận đó là thời kỳ luân lý suy đồi nhất. Sau trung học phổ thông, Obama di chuyển về Los Angeles và học ngành khoa học chính trị tại đại học Columbia ở Nữu Ước. Obama đậu cử nhân năm 1983 tại đại học Columbia và làm việc một năm cho công ty dịch vụ quốc tế (Business International Corporation) và nhóm nghiên cứu lợi ích công chúng Nữu Ước (New York Public Interest Reasearch Group).
Sau 4 năm ở thành phố Nữu Ước, Obama di chuyển về Chicago làm việc như một nhà tổ chức, từ tháng 6/1985 tới tháng 5/1988, giám đốc của Chương trình Phát triển Các cộng đồng (The Development Communities Project: DCP), một tổ chức Cộng đồng Giáo hội bao gồm 8 giáo xứ Thiên Chúa giáo ở Greater Roseland. Trong nhiệm kỳ giám đốc 3 năm, nhóm tham mưu của Obama gia tăng từ 1 tới 13 nhân viên, ngân sách tăng từ 70.000MK lên tới 400.000MK; thành lập chương trình huấn nghệ, sư phạm và thành lập tổ chức bênh vực quyền lợi của những người thuê mướn nhà cửa ở khu Aligeld Gardens. Obama cũng làm cố vấn và huấn luyện cho Hội Gamaliel, một viện tổ chức cộng đồng.
Obama học luật khoa đại học Hardvard năm 1988. Cuối năm đầu, dựa trên khả năng và bài viết thi đua, Obama được chọn làm chủ bút tạp chí trường luật và qua năm thứ hai được chọn làm chủ tịch (chủ nhiệm) của ban biên tập có 80 cộng sự viên. Năm 1990, Obama là người da đen đầu tiên được chọn vào chức vụ chủ nhiệm tạp chí trường luật Harvard và tốt nghiệp tiến sĩ luật năm 1991.
Việc được chọn làm chủ nhiệm tạp chí trường luật của đại học Harvard là cơ hội tốt khiến đại học luật Chicago trao tặng Obama bằng hữu nghị và cung cấp một văn phòng để viết sách. Ban đầu Obama tính viết xong quyển sách trong vòng một năm. Nhưng sách bị kéo dài vì có liên quan tới hồi ký cá nhân. Để công việc không bị gián đoạn, Obama và vợ du lịch tới Bali, Indonesia, nơi Obama dùng thời gian rỗi và cảnh trí yên tĩnh để viết sách trong nhiều tháng. Bản thảo kết thúc và in thành sách có tựa đề "Những ước mơ từ cha tôi" (The Dreams from My Father) xuất bản giữa năm 1995.
Obama gặp vợ, nữ luật sư Michelle Robinson, vào tháng 6/1989, khi ông được nhận làm việc cho công ty luật pháp Sidley Austin. Hai người thành hôn vào ngày 3/10/1992 và cho ra đời hai con gái: Malia sinh năm 1998 và Natasha năm 2001. Do lợi tức bán sách, năm 2005 gia đình dời Hyde Park thuộc tiểu bang Chicago tới căn nhà trị giá 1,6 triệu Mỹ-kim (MK) ở vùng phụ cận Kenwood. Tháng 12/2007, tạp chí Money ước lượng gia đình Obama có khoảng 1,3 triệu MK. Dựa vào số tiền thuế trả lại người ta biết lợi tức của gia đình Obama khoảng 4,2 triệu MK, gia tăng 1 triệu so với năm 2006 và 1,6 triệu so với năm 2005. Lợi tức thu được phần lớn do việc bán các tác phẩm của Obama: "Những ước mơ từ cha tôi" (The Dreams from My Father (1995) – "Sự dũng cảm của Hy vọng" (The Audacity of Hope (2006) - "Quốc gia của người Mỹ da đen" (The State of Black America (2007) - "Cải tiến lãnh đạo Mỹ" (Renewing American Leadership (2007) -"Ông ta tin gì?" (What He Believes In (2008) – "Barack Obama và John McCain" (Barack Obama vs. John McCain 2008).
Về bên cha, Obama có 7 anh chị em cùng cha khác mẹ, 6 người còn sống. Về bên mẹ Obama có cô em gái cùng mẹ khác cha tên Maya Soetoro-Ng. Cô Maya kết hôn với một người Tầu quốc tịch Gia Nã Đại. Trong tác phẩm "Những ước mơ từ cha tôi", Obama thắt chặt tình liên đới với gia đình mẹ để chứng minh tiền nhân là dòng dõi Mỹ, giống như hoàn cảnh của Jefferson Davis, tổng thống Liên bang miền Nam trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ.
Trong tác phẩm "Sự dũng cảm của Hy vọng" Obama viết ông không lớn lên trong một gia đình có tín ngưỡng, mẹ sinh trưởng trong một gia đình không tôn giáo (có nơi ông nói không thực hành đạo giáo phái Phúc Âm (Methoist) và Rửa Tội (Baptist). Cha ông lớn lên là người Muslim, nhưng coi như vô thần khi cha mẹ cưới nhau; còn người cha ghẻ thì coi tôn giáo không đặc biệt hữu dụng. Trong sách Obama giải thích rằng qua làm việc với các nhà thờ người da đen lúc 20 tuổi, với tư cách người tổ chức, ông hiểu được sức mạnh phong tục tôn giáo của người Mỹ gốc Phi Châu có khả năng kích thích sự thay đổi xã hội.
II-Các Hoạt động của Barack Obama
-Về dân sự:
Obama là giảng sư dậy luật hiến pháp tại đại học luật Chicago 12 năm (1992-2004). Năm 1993, Obama cộng tác với công ty Barnhill & Galland gồm 12 luật sư nghiên cứu về dân quyền và phát triển kinh tế vùng phụ cận. Năm 1992, Obama là một trong các hội viên của ủy ban giám đốc thành lập công ty vô vị lợi "Public Allies" nhằm phát triển tài năng lãnh đạo của tuổi trẻ. Sau đó ông từ chức trước khi vợ (Michelle) trở thành giám đốc điều hành của công ty Public Allies Chicago vào năm 1993. Obama còn làm việc trong ban giám đốc điều hành của Quỹ Bác ái (Woods Fund of Chicago) nhằm giúp đỡ người nghèo (1985) và Hội Bác ái Joyce Foundation (1994-2002), Phát triển chuyên nghiệp và trợ giúp kỹ thuật.
-Về chính trị
Obama được bầu thượng nghị sĩ tiểu bang Illinois năm 1996 và tái đắc cử năm 1998 và 2002. Năm 2003, Obama trở thành chủ tịch Ủy ban y tế và nhân sự của Thượng viện Illinois. Ông từ chức thượng nghị sĩ tiểu bang để tranh cử vào Thượng Viện Hoa Kỳ vào tháng 11/2004
Với bằng tiến sĩ luật, kinh nghiệm hành nghề và khả năng ăn nói trước quần chúng, Obama đã tiến nhanh trên chính trường Hoa Kỳ. Sự nổi tiếng đầu tiên bắt đầu vào tháng 7/2004, khi Obama xuất hiện và phát biểu tại đại hội quốc gia của Đảng Dân Chủ nhân cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. Trong đại hội này Obama đề cập tới hai sự kiện quan trọng:
-Đề cao cựu chiến binh trong Đệ Nhị Thế chiến; trong đó có ông ngoại của mình;
-đề cao chương trình "Sự phân phối mới" (New Deal) mà tổng thống Franklin D. Roosevelt đã đề ra từ năm 1933-1939, sau cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới năm 1929, nhằm mục tiêu giúp đỡ người nghèo, cải tổ hệ thống tài chính và phục hồi kinh tế;
-đề cao Đạo luật Chiến binh "G.I.Bill" (tên chính là Servicemen’s Readjustment Act of 1944) nhằm giúp lính Mỹ trở về từ chiến trường Đệ II Thế chiến được đền bù một năm lương thất nghiệp; cho họ vay tiền mua nhà và mở mang nghề nghiệp.
Dựa vào lịch sử Hoa Kỳ, Obama phê bình quan điểm của người tham gia bầu cử và đặt vấn đề dân chúng Mỹ phải tìm ra sự thống nhất trong các khác biệt qua lời phát biểu: "Không có một nước Mỹ tự do và một nước Mỹ bảo thủ; chỉ có Hiệp Chủng Quốc Mỹ" (There is not a liberal America and a conservative America; there’s the United States of America).
Dựa vào lịch sử và thành quả của các chính sách của cố tổng thống Roosevelt, Obama chú tâm vào chương trình thay đổi kinh tế và các ưu tiên về xã hội của chính phủ Mỹ. Obama đặt vấn đề với chính quyền Bush về điều khiển chiến tranh Iraq và trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với các chiến binh.
Bài diễn văn được phần lớn hệ thống truyền thông và báo chí phổ biến khiến Obama trở thành một nhân vật chính trị được nhiều người biết tiếng. Nhờ vậy, Obama thành công trong cuộc tranh cử vào Thượng Viện Hoa Kỳ năm 2004. Tháng 11/2004, Obama đạt được 70% số phiếu, tỷ lệ cao nhất trong lịch sử bầu cử của tiểu bang Illinois. Đối thủ Alan Keyes chỉ được 27%. Obama là thượng nghị sĩ da đen thứ năm trong Thượng Viện Hoa Kỳ và là người thứ ba được dân bầu.
Tranh cử tổng thống năm 2008:
Ngày 10.2.2008, Barack Obama tuyên bố ra tranh cử tổng thống Mỹ từ mặt tiền của thủ đô cũ của tiểu bang Illinois là tòa nhà Springfield, nơi vào năm 1858, cố tổng thống Abraham Lincoln đã đọc bài diễn văn vang danh trong lịch sử "The House Divided Speech" vào ngày 16.6.1858, khi được đảng Cộng Hòa chỉ định làm ứng cử viên Thượng Viện Mỹ.
Dưới con mắt của các nhà bình luận chính trị thì Obama khá khôn ngoan khi gợi lại cho dân chúng biết quá trình lịch sử thành hình của quốc gia Hoa Kỳ. Biến cố quan trọng nhất là chính sách về sự thống nhất lãnh thổ và xóa bỏ chế độ nô lệ mà tổng thống Abraham Lincoln đã đề ra.
Những người am hiểu lịch sử và đối lập cho rằng Obama khá láu cáy và tư cao tự đại, dám đem trường hợp tranh cử của mình so với đường lối của một trong các tổng thống lừng danh nhất của Hoa Kỳ, tổng thống Abraham Lincoln. Ngày 7.6.2008, sau khi phu nhân cựu tổng thống Bill Clinton thất bại trong cuộc vận động để được đảng Dân Chủ đề cử, Obama đương nhiên trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Dân Chủ tranh cử tổng thống.
III-Nhận định
Câu hỏi 1: Tại sao Barack Obama từ một người không mấy ai biết tiếng bỗng trở thành nhân vật nổi danh trên chính trường Hoa Kỳ?
Ngoài bắng cấp tiến sĩ luật, chủ nhiệm tạp chí đại học luật Harvard, giám đốc các tổ chức từ thiện; Obama được nhiều người biết tiếng sau khi ông đọc một bài diễn văn xuất sắc tại đại hội đảng Dân Chủ đề cử thượng nghị sĩ John Kerry ra tranh cử tổng thống năm 2004 tại Boston. Những câu đặc biệt trong bài phát biểu được nhiều người vỗ tay như:
"Các chuyên viên có thói quen chia Hoa Kỳ ra làm vùng xanh và vùng đỏ. Vùng xanh là Dân chủ phóng khoáng, vùng đỏ là Cộng hòa bảo thủ. Nhưng cũng giống như ở vùng đỏ, trong vùng xanh dân chúng cũng có đức tin tôn giáo, cũng không muốn cảnh sát rình rập xem chúng ta đọc gì, và cũng khuyến khích con nít chơi baseball quốc hồn quốc túy. Trên quê hương này có những người yêu nước nhưng chống chiến tranh tại Iraq, và cũng có người yêu nước ủng hộ cuộc chiến Iraq. Tóm lại chúng ta là một dân tộc đồng nhất. Chúng ta đều trung thành với lá cờ và sẵn sàng hy sinh tính mạng bảo vệ tổ quốc này."
Bài diễn văn giúp Obama trở thành ngôi sao sáng của đảng Dân Chủ và giúp ông đắc cử TNS Hoa Kỳ của bang Illinois tháng 11 năm 2004. Đây cũng là cơ hội giúp ông thắng Hillary Clinton, phu nhân cựu tổng thống Bill Clinton, trong cuộc tranh cử để được đảng Dân Chủ chọn là ứng cử viên của đảng. Nhiều người đã yểm trợ tài chính cho Obama và hiện nay quỹ tranh cử của Obama gia tăng hàng trăm triệu Mỹ-kim. Ông được người da đen coi như thần tượng và giới trẻ rất ngưỡng mộ, một hiện tượng hiếm có trong lịch sử Hoa Kỳ.
Dựa vào tiểu sử của Obama, người ta thấy ông là trẻ da đen mồ côi, nhưng đã vất bỏ mặc cảm, cố gắng học thành tài và thành công trên chính trường. Văn bằng tiến sĩ luật khoa đại học Harvard, một đại học nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ, và chức vụ thượng nghị sĩ là hai chứng minh thực tế để dân chúng Mỹ, da trắng cũng như da đen, mến phục.
Dựa vào quá trình hoạt động trong các tổ chức từ thiện và dân quyền, phát triển khả năng lãnh đạo của tuổi trẻ và tranh đấu cho người nghèo là các hoạt động có tính cách nhân đạo, người ta thấy Obama là gương mẫu đáng cho tuổi trẻ Mỹ noi theo.
Dựa vào tài ăn nói trước quần chúng và chính sách đổi mới, trong khi Hoa Kỳ đang rơi vào tình trạng kinh tế suy thoái và quan hệ quốc tế bị khủng hoảng vì chiến tranh xâm lăng Iraq, người ta thấy dân chúng Mỹ lắng nghe Obama, muốn có sự thay đổi chính quyền và hy vọng Obama sẽ làm được việc này.
Dựa vào lịch sử lập quốc Hoa Kỳ, lấy gương tổng thống Abraham Lincoln làm phương châm: thống nhất đất nước, không phân biệc mầu da, dẹp bỏ chế độ nô lệ, phát triển kinh tế, phục hồi uy tín của Hoa Kỳ theo chính sách của cố tổng thống Franklin D. Roosevelt v.v… người ta coi Obama như là một biểu tượng cần thiết trong giai Hoa Kỳ cần dành lại uy tín trên chính trường thế giới.
Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trình bày ba bài thuyết trình, cũng là ba chính sách, đã đưa tên tuổi của tổng thống Abram Lincoln lên đỉnh cao và đi vào lịch sử của Hoa Kỳ: "The House Devided Speech" (1858), "The Gettysburg Address" (1863) và "The second inaugural address" (1865).
Câu hỏi 2:Tại sao Barack Obama đáng phục như vậy lại bị chống đối và tính mạng bị đe dọa?
1-Biến cố Mục sư Jeremiah Wright
Obama từng là giáo dân của Cộng đoàn Giáo hội Thống Nhất Ba Ngôi của Chúa Ki-tô (Trinity United Church of Christ) ở tiểu bang Chicago do Mục sư (MS) Jeremiah Wright cai quản. Trong bài thuyết trình "Một Liên hiệp Hoàn hảo hơn" (A More Perfect Union) tại trung tâm hiếp pháp quốc gia ở Philadelphia, Obama đã nhắc lại vấn đề hiến pháp, nô lệ, mầu da mà Mục sư Wright cũng đã thuyết giảng trước đây. Nhắc lại các vấn đề này, người ta nghĩ Obama muốn đả kích người da trắng và các chính sách của các chính phủ Mỹ trước đây theo luận điệu của MS Wright, người đã rửa tội cho Obama.
Tháng 3/2008, đài truyền hình ABC nhắc lại nhiều bài giảng của Mục sư Wright trong đó có hai bài đáng chú ý nhất là "Ngày sụp đổ của Jerusalem" (The Day of Jerusalem’s Fall) giảng ngày 16.9.2001 và "Lẫn lộn giữa Thiên Chúa và Chính quyền" (Confusing God and Government) giảng ngày 13.4.2003.
-Ngày sụp đổ của Jerusalem:
Dựa vào biến có khủng bố Trung tâm Thương mại Thế giới (The World Trade Center) ngày 11.9.2001, MS Wright đã lên án Hoa Kỳ như: chiếm đất của các bộ lạc da đỏ là khủng bố; bỏ bom Grenada, Panama, Libya, Hiroshima, Nagasaki và ủng hộ quốc gia khủng bố (ám chỉ Do Thái) chống lại Palestina và chống Nam Phi (ám chỉ Anh quốc) là khủng bố. MS Wright nói với bổn đạo hãy xét lại vấn đề liên hệ với Thiên Chúa, đừng đi từ căm thù kẻ thù có vũ trang đến căm thù người vô tội. Ông cũng nói bóng gió là "Những con gà của Mỹ đang về nhà để đậu" ("American’s chickens are coming to roost’’ được giới am tường diễn nghĩa là Mỹ đã tự đem vụ khủng bố 11.9.2001 đổ lên đầu mình). MS Wright nói tiếp: "Bạo lực đẻ ra bạo lực, căm thù đẻ ra căm thù, và khủng bố đẻ ra khủng bố v.v…" Bài giảng này được hiểu ngày sụp đổ của Hoa Kỳ đang đến và nhắc nhở người tín hữu nhớ lời Đức Giê-Su đã tiên báo thành Jerusalem sẽ bị sụp đổ "Thầy bảo thật anh em: tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào!" (Mt.24,2). Lời tiên đoán của Đức Giê-Su đã trở thành sự thật. Đền thánh Jerusalem bị phá hủy hoàn toàn vào năm 73 bởi quân đội La Mã dưới quyền chỉ huy của tư lệnh chiến trường, tướng Titus Flavius Vespasianus (sau trở thành Hoàng Đế La Mã) và phó tư lệnh, tướng Tiberius Julius Alexander
-Lẫn lộn Giữa Thiên Chúa và chính quyền:
MS Wright cho rằng nhiều chính quyền đã thất bại vì dối trá và thay đổi; nhưng Thiên Chúa không dối trá và không thay đổi. Chính quyền Mỹ dối trá về niềm tin mọi người được sinh ra bình đẳng. Sự thật là họ tin rằng mọi người da trắng được sinh ra bình đẳng. Sự thật là họ vẫn không tin người phụ nữ da trắng được sinh ra bình đẳng, trong sự tạo thành hay văn minh … Chính quyền dối trá về biến cố Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), Vịnh Bắc Việt (Gulf of Tonkin), Campuchea, Nigaragua, và Nelson Mandela, (người tranh đấu cho Nam Phi độc lập, bị CIA giúp bỏ tù ông ta và chính quyền Nam Phi dối trá về Mandela) v.v… Chính quyền dối trá về bệnh HIV như một phượng tiện tiêu diệt dân da mầu Phi Châu, dối trá về tổng thống Saddam Hussein có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda và biến cố khủng bố ngày 11.9.2001 để mở cuộc hành quân xâm lăng Iraq v.v…
Chính vì Obama có liên hệ mật thiết tới MS. Wright, nên người ta nghĩ bài thuyết trình của Obama cũng hàm ý như nội dung của hai bài giảng trên: Hoa Kỳ kỳ thị mầu da và chính quyền Mỹ dối trá!
Để bác bỏ dư luận cố tình gán cho mình đồng quan điểm chống chính quyền Mỹ và người da trắng như ông thầy của mình, Barack Obama và vợ Michelle đã tuyên bố rút khỏi Cộng đoàn của MS Wright vào ngày 31.5.2008.
2-Tổng thống Mỹ dễ bị ám sát
Ngược dòng thời gian, người ta vẫn chưa quên tổng thống Abraham Lincoln đã bị tài tử John Wilkes bắn chết trong rạp hát năm 1865 vì chính sách thống nhất đất nước và giải phóng nô lệ da đen; TT. John F. Kennedy bị Harvey Oswall bắn chết năm 1963; TT. Ronald Reagon bị một thanh niên 26 tuổi bắn chết hụt vào năm 1981; TT. George H. Bush (cha) bị nhóm 16 người của Saddam Hussein mưu toan nổ bom khi ông đọc diễn văn nhân kỷ niệm ngày giải phóng Kuwait năm 1993; năm 1994, TT. Bill Clinton đang ngồi trong Tòa Bạch Ốc bị một cựu chiến binh bắn vào tòa nhà nhưng không gây thiệt hại gì; năm 2001, TT. George W. Bush đang làm việc trong Tòa Bạch Ốc bị một kế toán viên bắn hàng loạt đạn vào tòa nhà, nhưng không sao; năm 2005 khi TT. George W. Bush đọc bài diễn văn tại Georgia, một tên khủng bố ném lựu đạn vào khán đài, nhưng may mắn cho ông, trái lựu đạn không nổ.
Người ta cũng không quên Mục sư Martin Luther King (1929-1968), một người da đen nổi tiếng về tranh đấu cho dân quyền, đặc biệt cho dân da đen, được giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1964, đã bị ám sát khi đang đứng trên lan can của một quán trọ (Motel) ở Memphis, Tennessee vào chiều ngày 4.4.1968. Câu nói để đời "Tôi có một ước mơ" (I have a dream) của MS Martin Luther King trong cuộc biểu tình tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C) vào ngày 28.8.1968 được coi như châm ngôn đối với người da đen và nay được Obama lập lại nhiều lần.
Hình ảnh và cái chết của MS King như nhắc nhở Obama có cha là da đen cũng sẽ không tránh khỏi sự kỳ thị của các nhóm da trắng cực đoan và có thể sẽ bị ám sát vào bất cứ lúc nào.
Theo tin tức ngày 27.8.2008, có 4 thanh niên da trắng đã bị bắt vì can tội chủ mưu ám sát Obama. Thanh niên tên Tharin Robert Gartrell, 28 tuổi, lái chiếc xe thuê đã bị cảnh sát chặn tại ngã tư đèn xanh-đỏ dẫn vào hội trường Denver, nơi Obama sẽ xuất hiện trước khoảng 80.000 đại biểu trong Đại hội Quốc gia của đảng Dân Chủ. Khám xe cảnh sát bắt được 2 khẩu súng, một ống nhòm, nhiều máy điện thoại nhỏ, nhiều két đạn, áo giáp, bằng lái xe giả và nhiều thuốc methamphetamine. Theo cảnh sát trưởng Victor Ross đây là một đe dọa tới tính mạng của Obama. Sau khi Gartell bị bắt, tại một khách sạn gần đó, bạn của Gartrell là Shawn Robert Adolf đã nhẩy ra khỏi cửa sổ để tẩu thoát; nhưng bị gẫy khuỷu tay và bị cảnh sát tóm được. Nathan Johnson, một bạn khác của Gartrell cũng bị FBI bắt tại khách sạn và đang điều tra. Đây không phải là lần đầu tiên Obama bị hăm dọa. Trong tháng giêng 2008, vợ Obama cũng đã thổ lộ nỗi lo lắng của mình về số phận của chồng. Kể từ tháng 5/2007, khi Obama tuyên bố ra tranh cử tổng thống thì vấn đề bảo vệ an ninh chặt chẽ, không thua gì tổng thống Bush, đã được FBI thi hành.
3-Khủng bố 11.9.2001 do Muslims thực hiện, nay tại sao dân Mỹ lại bầu cho Obama, một người Muslim?
Mặc dù Barack Hussein Obama đã theo Thiên Chúa Giáo và trở thành giáo dân của Cộng đồng của Mục sư Wright; nhưng dưới con mắt Hồi giáo thì Obama vẫn là người Muslim. Các quan điểm dưới đây đã được các giới Hồi giáo nhận định:
-Để làm sáng tỏ vấn đề, Obama cần xác nhận trước quần chúng: không bao giờ là người Muslim, luôn luôn là tín đồ Thiên Chúa giáo; hoặc là một bằng hữu của Muslim hay một người bỏ đạo Islam. Thế giới Hồi giáo ít khi nhìn nhận ông là tín đồ Thiên Chúa giáo; nhưng là Muslim hay người Muslim bỏ đạo.
-Theo Lee Smith thuộc Viện Nghiên cứu Hudson thì cha của Obama là người Muslim và theo Luật Hồi Giáo thì con ông ta là người Muslim. Mặc dù trong các điều luật giải thích không có sự ép buộc trong tôn giáo, một trẻ Muslim theo đạo cha hay mẹ… nhưng đối với người Muslim trên thế giới thì Obama là người Muslim. Hơn thế, danh sách của trường học tại Nam Dương (Indonesia) đã ghi ông là người Muslim.
-Nhật báo Ai Cập, tờ Al-Masri al-Youm, ghi nhận Obama là người Muslim.
-Tổng thống Mu’ammar al-Qaddafi của Libya cho rằng Obama là người Muslim với nguồn gốc Phi Châu và Islam.
-Một nhà phân tích của đài truyền hình Al-Jazzera gọi Obama không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo, người khác nói cha Muslim Kenya và Naseem Jamail nói Obama không muốn gọi mình là Muslim; nhưng người Muslim vẫn coi ông là đồng đạo.
-Một số thủ lãnh Hồi giáo tại Hoa Kỳ vẫn coi Obama là người Muslim. Sayyid M. Syeed, Chủ tịch Xã hội Islam Bắc Mỹ, phát biểu trong Hội nghị ở Houston rằng: Obama dù thắng hay thất bại trong cuộc bầu cử thì đó cũng là gương cho tuổi trẻ Muslim có thể trở thành tổng thống của đất nước này.
-Louis Farrakhan trong tổ chức Quốc gia Islam (Nation of Islam) có khoảng 50.000 người Muslim, cho rằng Obama là niềm hy vọng của thế giới và so sánh Obama giống như nhà sáng lập đạo Islam, Fard Muhammad. Lời phát biểu này có nghĩa Quốc gia Islam đã được thành lập tại Hoa Kỳ mà không tốn xương máu hay vật chất, vì Obama một người Muslim đã trở thành tổng thống Mỹ, tổng thống của quốc gia Islam.
-Về phía đối lập, người Hồi giáo cho rằng Obama đã phản bội tôn giáo lúc được sinh ra, đã bỏ đạo Islam. Theo đạo Hồi thì người phản lại đạo sẽ bị tử hình và bất cứ người Muslim nào cũng có quyền giết chết kẻ bỏ đạo. Như vậy, Obama không chỉ bị nhóm da trắng quá khích giết chết mà cả người Muslim cũng có thể thủ tiêu ông ta vì theo Thiên Chúa giáo. Bằng chứng cho thấy rằng Tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã thổi phồng lời tuyên bố của Obama "Tôi không là người Muslim".
-Bà Shireen K. Burki của đại học Mary Washington coi Obama như là ứng cử viên ước mơ của trùm khủng bố Ossama bin-Laden. Bà tin rằng nếu Obama trở thành tổng tư lệnh của Hoa Kỳ thì Al-Qaeda thích khai thác nguồn gốc của Obama để chứng minh rằng, một kẻ bỏ đạo đang lãnh đạo thế giới chống khủng bố hầu kích thích những người đồng tình hành động".
Qua các sự kiện nêu trên, người ta lo ngại cho số phận của Obama, đặc biệt khi ông trở thành tổng thống Mỹ.
Về phía Hồi Giáo chắc cũng có người vui mừng và hãnh diện vì Hoa Kỳ sẽ được lãnh đạo bởi một người Muslim gốc da đen!
Cuộc chiến tại Georgia có nguy cơ làm sống lại chiến tranh giữa Nga Sô và Hoa Kỳ
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Ngày 8.8.2008, quân đội Georgia mở cuộc hành quân dành lại sự kiểm soát lãnh địa Nam Ossetia, nơi dân Nga chiếm đa số đã tự tuyên bố độc lập và chịu ảnh hưởng của Nga Sô. Cuộc hành quân này là nguyên nhân khiến chính phủ Nga tung 5.000 lính (không kể 10.000 đã đóng tại Georgia) và hơn 150 xe tăng tràn vào lãnh thổ Georgia với danh nghĩa bảo vệ dân thiểu số gốc Nga. Không quân và pháo binh của Nga cũng đã dội bom và bắn phá một số thành phố, cơ quan và phi trườngï quân sự của Georgia. Cuộc chiến gây tử thương và bị thương cho hàng người. Có hơn 115.000 người chạy tị nạn.
Trước biến cố bất ngờ xẩy ra giữa Georgia và Nga Sô, người ta lo ngại một cuộc xung đột toàn vùng Caucasus có nguy cơ bộc phát và cuộc chiến tranh lạnh giữa Nga Sô và Đồng Minh Tây Phương có thể tái diễn.
Tại sao Nga Sô bất chấp công pháp quốc tế về chủ quyền của một quốc gia, ngang nhiên đem quân tràn qua lãnh thổ Georgia?
Để hiểu rõ vấn đề, mới quí độc giả theo dõi các mục dưới đây:
1- Lịch sử sự xung đột giữa Georgia và Nga Sô
Từ năm 1801-1804 phần lớn đất nước Georgia lọt vào tay Nga Hoàng cho tới năm 1918 mới tuyên bố độc lập. Nhưng nền độc lập chỉ kéo dài tới năm 1921 thì bị Hồng Quân Liên Sô xâm chiếm. Georgia trở thành lãnh thổ chuyển tiếp (Transcaucasian) của Cộng hòa Liên bang Sô Viết cho tới năm 1936 thì bị giải tán và trở thành một trong các Cộng hòa của Liên bang Sô viết. Eduard Shevardnadze được chỉ định vào chức vụ chủ tịch đảng cộng sản Georgia.
Sau khi Liên bang Sô viết tan rã vào năm 1990-1991, các quốc gia bị xâm chiếm và bị sát nhập vào Liên Bang này lần lượt tách rời và tuyên bố độc lập gồm: Azerbaijan, Estonia, Belarus, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzsistan, Moldavia, Latvia, Lithuania, Tajikistan, Turmenistan, Ukraine, Uzbekistan và các quốc gia Đông Âu. Trong số các quốc gia này có Ukraine, Estonia và Georgia là ba quốc gia có những xung đột nặng nhất với Nga Sô về vấn đề dân thiểu số Nga.
Năm 1991, Quốc hội Georgia tuyên bố tách rời Liên bang Sô viết và Gamsakhurdia trở thành tổng thống đầu tiên với 85% phiếu bầu. Tháng 1/1992, bất chấp sự đồng ý hay không đồng ý của Georgia, Nam Ossetia bỏ phiếu dành độc lập. Tháng 3/1992, cựu bộ trưởng Sô Viết Shevardnadza được bầu vào chủ tịch Hội đồng Quốc gia và chủ tịch Quốc hội, rồi đắc cử tổng thống vào năm 1995-2003.
2- Các cuộc xung đột tại Nam Ossetia
Theo lịch sử thì thời Nga Hoàng cũng như thời Cộng sản Liên Sô dân Ossetia đều trung thành và đứng về phía Nga. Dân Nam Ossetia không những không tham gia vào các cuộc chiến cùng với dân vùng phía Bắc Caucasus chống lại Sô Viết, mà còn cộng tác với quân đội Sô Viết, khi Georgia bị xâm chiếm vào thập niên 1920. Khoảng 70.000 dân Nam Ossetia mà đa số là gốc Nga, mặc dù sinh sống trên lãnh thổ Georgia, nhưng họ luôn tranh đấu đòi độc lập và lúc nào cũng được Nga Sô yểm trợ. Cuộc xung đột võ trang đầu tiên tại thủ phủ Tskhinvali của Nam Ossetia giữa quân đội Georgia và du kích quân vào năm 1990 khiến cho Nga Sô đem quân tràn qua biên giới với danh nghĩa bảo vệ dân mình. Từ thời điểm này Nam Ossetia sống như một lãnh thổ độc lập. Cuộc xung đột kéo dài tới mùa hè năm 1992 thì một thỏa hiệp thành lập quân đội hỗn hợp giữ gìn hòa bình gồm Georgia, Nam Ossetia và Nga Sô đã được gửi tới Nam Ossetia.
Dưới thời tổng thống Shevardnadze tình hình tương đối yên ổn, một phần vì chính sách thân thiện với Nga của ông, một phần vì Georgia không đủ sức mạnh để đương đầu với Nga Sô. Nhưng khi Mikhail Saakashvili được bầu làm tổng thống vào năm 2006 thì chương trình của tân chính phủ là thu hồi các lãnh địa đòi tự trị Nam Ossetia và Abkhazia về cho quốc gia Georgia. Tân tổng thống chấp nhận đàm phán và cho Nam Ossetia tự trị trong một quốc gia Georgia, chứ không độc lập tách rời theo Nga Sô. Nhưng Nam Ossetia không chấp nhận điều kiện này. Tháng 11/2006, một lần nữa đa số dân Nam Ossetia đã tự tổ chức bỏ phiếu dành độc lập, thoát khỏi ảnh hưởng của Georgia, giống như tình trạng của thành phố Kosovo của Nam Tư Serbia. Sinh sống trên lãnh thổ Georgia mà đa số dân Nam Ossetia lại có giấy thông hành (Passport) của Nga và đồng tiền Rouble của Nga vẫn được dùng trong lãnh vực thương mại.
3- Các cuộc xung đột tại Abkhazia
Abkhazia cũng rơi vào tình trạng như Nam Ossetia. Trong thời Liên Bang Sô Viết, dân Nga tràn sang sinh sống ở vùng này và trở thành đa số. Từ đa số, dân Nga đòi tự trị và độc lập thoát khỏi ảnh hưởng của Georgia. Thực tế cho thấy Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu, Khối NATO, Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) và các quốc gia khác trên thế giới đã công nhận Abkhazia là một phần lãnh thổ của Georgia theo luật quốc tế.
Năm 1992 cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Georgia và du kích quân đòi cho Abkhazia độc lập thân Nga bùng nổ. Qua tháng 9/1993, với sự tích cực yểm trợ của Nga Sô, quân du kích Abkhazia đã đánh bật quân đội Georgia ra khỏi Abkhazia. Để tránh chiến tranh lan rộng hai bên ký thỏa hiệp đình chiến vào năm 1994, mở đường cho quân đội Nga tiến vào với danh nghĩa bảo vệ hòa bình trong vùng. Năm 2001, chính phủ Georgia và quân du kích Abkhazia lại ký thỏa hiệp không dùng bạo lực chống nhau. Nhờ thiện chí hợp tác này Nga Sô trao lại căn cứ quân sự Vazizni cho Georgia vào tháng 6/2001 theo như chương trình rút quân từ năm 1991.
4- Các cuộc xung đột giữa Georgia và Nga sô
Chính phủ Nga bực mình vì các quốc gia từ bỏ Liên bang Sô Viết dần dà có khuynh hướng thân Tây Phương và Hoa Kỳ. Do đó bằng bất cứ giá nào, bằng biện pháp quân sự hay khống chế bằng dầu hỏa và hơi đốt, chính phủ Nga luôn khuynh đảo các quốc gia đi ngược với đường lối do Nga đề ra. Tháng 10/2001, quân đội Georgia được các chiến đấu quân Bắc Caucasus hỗ trợ đã tấn công du kích quân tại Abkhazia. Cuộc hành quân này khiến Nga Sô tố cáo Georgia chứa chấp quân khủng bố Chechnya. Thực tế thì Nga Sô đã chiếm Chechnya và đất nước này coi như bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Các nhóm kháng chiến quân Chechnya chiến đấu đòi lại chủ quyền, nhưng không được Tây Phương nhiệt tình hỗ trợ, nên chỉ còn biết trông nhờ vào sự hợp tác với các quốc gia trong vùng có cùng hoàn cảnh bị Nga sô chèn ép.
Tháng 9/2002, tổng thống Nga Putin tố cáo Georgia chứa chấp kháng chiến quân Chechnya và đe dọa sẽ có hành động quân sự, nếu Georgia không giải quyết. Sợ Nga xâm lăng và ngưng cung cấp nhiên liệu, chính phủ Georgia lại phải hợp tác với Nga chống phiến quân Chechnya. Nhiều kháng chiến quân Chechnya bị giết, hàng chục bị bắt và nhiều tên bị giải giao cho Nga Sô. Tháng 5/2003, chương trình đặt ống dẫn dầu trên phần đất Georgia chạy dài từ Baku của Azerbaijan qua Georgia tới Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện và dĩ nhiên có lợi cho Georgia.
Tháng 11/2003, tổng thống Shevardnadza thân Nga bị lật đổ trong cuộc cách mạng không đổ máu mang tên "Cuộc cách mạng hoa hồng" (Rose Revolution) qua cuộc bầu cử quốc hội bất thường. Tháng 1/2004, Mikhail Saakashvili, thuộc Mặt trận Dân chủ Quốc gia, thắng đa số trong quốc hội và trở thành tổng thống. Tân tổng thống thi hành các chính sách thu hồi lãnh thổ và gây căng thẳng với thủ lãnh vùng tự trị Ajaria bằng phong tỏa và đóng biên giới. Tháng 5/2004, Aslan Abashidze, thủ lãnh vùng tự trị tố cáo quân Georgia sắp xâm lăng vùng này qua hành động phá hủy các cây cầu nối tiếp với các vùng trên lãnh thổ Georgia. Tổng thống Saakashvili ra lệnh cho thủ lãnh Abashidze phải thi hành luật pháp và giải tán lực lượng vũ trang, nếu không sẽ bị sa thải. Abashidze từ chức và rời bỏ Georgia.
Tháng 10/2004, cuộc bầu cử tổng thống ở Abkhazia, không được Georgia công nhận, chấm dứt trong hỗn loạn. Tòa án tuyên bố Sergei Bagapsh thắng cử, nhưng phe đối lập thân Nga do Raul Khadzimba cầm đầu đòi phải bầu phiếu lại. Tháng 1/2005, Sergei Bagapsh thắng cử và để tạo sự đoàn kết cũng như tình hựu nghị với Nga Sô, tân tổng thống đã thỏa thuận đề cử Raul Khadzhinba giữ chức phó tổng thống.
Trên nguyên tắc tổng thống Saakashvili chỉ dự tính cho Abkhazia tự trị, nếu dân tị nạn năm 1993 của Georgia được trở về Abkhazia. Theo đuổi chính sách thân thiện với Hoa Kỳ và Tây phương, chính phủ Georgia đã mời tổng thống George W. Bush tới thăm nước này vào tháng 5/2005. Rất đông quần chúng đã hân hoan đón chào tổng thống Mỹ tại Thủ đô Tbilisi. Tổng thống Bush đã ca tụng Georgia là một "ngọn lửa của tự do" (a beacon of Liberty).
5- Nga Sô trừng phạt Georgia
Nhận thấy chính phủ Georgia ngày càng chơi thân với Hoa Kỳ, tháng 1/2006, Nga Sô cho nổ tung ống dẫn dầu nằm trên lãnh thổ mình khiến cho hệ thống cung cấp nhiên liệu cho Georgia bị cắt đứt bất ngờ vào mùa đông băng giá. Sau đó, một vụ nổ tương tự xẩy ra cắt đứt nguồn cung cấp điện lực từ Nga Sô. Tổng thống Saakashvili tố cáo Nga Sô phá hoại. Chính phủ Nga bác bỏ lời tố cáo và cho rằng quân khủng bố Bắc Caucasus chủ trương.
Dựa vào trường hợp Ukraine cũng bị cắt đứt nguồn tiếp tế hơi đốt vào mùa đông trước đây, vì tổng thống Viktor Yushchenko thắng cử trong cuộc Các Mạng Mầu Cam (Orange Revolution) và thi hành chính sách chơi thân với Hoa Kỳ và Tây phương, người ta hiểu được Nga muốn cảnh cáo Georgia. Do biến cố trên, Georgia phải mua hơi đốt từ Iran, qua ống dẫn dầu mới được sửa chữa xuyên qua lãnh thổ Azerbaijan.
Tiến xa hơn nữa, Nga Sô lại trả đũa bằng cách hủy bỏ nhập cảng rượu vang của Georgia lấy cớ vì lý do bảo vệ sức khoẻ dân chúng. Tháng 5/2006, Nga Sô lại từ chối nhập cảng nước suối (mineral water) cũng với lý do bảo vệ sức khoẻ. Tháng 5+6/2006, tình hình trở nên căng thẳng hơn khi chính quyền Georgia yêu cầu lính Nga luân phiên bảo vệ hòa bình trên lãnh thổ Georgia phải có Visa.
Tháng 7/2006, ống dẫn dầu qua các vùng Baku-Tbilisi-Ceyhan được mở, sau khi dầu ở khu vực biển Caspian bắt đầu cho chảy. Cùng trong thời gian này, Quốc hội Georgia yêu cầu quân đội Nga rút khỏi Nam Ossetia và Abkhazia. Thay thế vào đó là một lực lượng bảo vệ hòa bình quốc tế. Tháng 9/2006, quan hệ với Nga Sô trở nên tồi tệ hơn khi phi cơ trực thăng của Georgia chở Bộ trưởng quốc phòng Okruashvili bị bắn ở Nam Ossetia.
Nhận thấy tình hình ngày càng trở nên căng thẳng và bị Nga Sô chèn ép về nhiều lãnh vực, chính phủ George đã đệ đơn xin gia nhập Khối NATO và hội viên của Liên Hiệp Âu Châu. Sự thay đổi chính sách ngoại giao của chính phủ George khiến cho Nga Sô theo dõi sát nút các hoạt động của tổng thống Saakashvili. Sự kiện này được chứng minh qua việc nhiều sĩ quan Nga bị Georgia bắt vì can tội làm gián điệp. Chính quyền Nga đã trả đũa bằng biện pháp phong tỏa, cắt đứt liên lạc giao thông và trục xuất hàng trăm người Georgia. Nga Sô cũng gây hấn bằng cách cho phi cơ chiến đấu xâm phạm không phận của Georgia hai lần vào tháng 8/2007.
6- Các âm mưu chống lại tổng thống Saakashvili
Một chính phủ Georgia thân Hoa Kỳ và Tây phương không thể tha thứ được dưới con mắt của chính quyền Nga. Nhìn lại, Nga Sô thấy hầu hết các quốc gia dành độc lập sau khi Liên Bang Sô Viết bị tan ra đã thay đổi chính sách thân Hoa Kỳ và Tây phương. Sự thay đổi này cùng với sự bành trướng của Liên Hiệp Âu Châu về hướng Đông cho thấy ảnh hưởng của Nga Sô ngày càng bị thu hẹp và vấn đề an ninh không được bảo đảm. Do đó, chính phủ Nga phải dùng mọi biện pháp để chận đứng ảnh hưởng của Tây phương và tạo nên các nhóm đối lập trong các nước lân bang và hậu thuẫn cho các chính phủ thân Nga. Khi cần thiết và tới gia đoạn phải khủng bố tinh thần, Nga Sô không ngần ngại dùng biện pháp quân sự và cắt đứt các nguồn tiếp tế nhiên liệu v.v... Chính sách này có thể nhận ra như:
-Tháng 9/2007, cựu bộ trưởng Quốc phòng Irakli Okruashvili tố cáo tổng thống Saakashvili tham nhũng và liên quan tới một vụ giết người, khiến cho làn sóng chống đối nổi lên tại nhiều nơi.
-Nga Sô vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại các vùng Nam Ossetia và Abkhazia.
-Tháng 3/2008, nhà cầm quyền Abkhazia đệ đơn xin Liên Hiệp Quốc công nhận sự độc lập của Abkhazia. Nga sô tuyên bố sẽ thắt chặt quan hệ với Abkhazia và Nam Ossetia. Thái độ này chứng tỏ Nga Sô trực tiếp can thiệp vào nội bộ Georgia và muốn sát nhập các hai phần lãnh thổ này vào nước Nga.
-Tháng 6/2008, nhà cầm quyền Abkhazia cắt đứt mọi liên hệ với chính quyền Georgia và tố cáo chính phủ này có dính líu tới nhiều vụ rối loại tại Abkhazia.
-Tháng 5/2008, Nga Sô gửi 300 lính không vũ trang tới Abkhazia nói là họ cần sửa chữa đường rầy xe lửa. Georgia cho rằng đây chỉ là âm mưu can thiệp quân sự của Nga vào khu vực này.
Tháng 1/2008, tổng thống Saakashvili tái đắc cử nhiệm kỳ hai và tiếp tục thi hành chính sách thân Tây phương. Phe đối lập thân Nga tổ chức biểu tình đòi tổng thống Saakashvili từ chức. Để vãn hồi trật tự, chính phủ phải ban hành tình trạng khẩn trương và cảnh sát được lệnh chống bạo động.
Ngày 8/8/2008, quân đội Georgia được lệnh tấn công du kích quân tại Nam Ossetia. Cuộc chiến xẩy ra giữa quân đội Georgia và Nam Ossetia bùng nổ khiến cho Nga Sô đem quân tràn vào lãnh thổ Georgia với danh nghĩa để bảo vệ dân Nga ở Nam Ossetia.
7- Liên Hiệp Âu Châu can thiệp vào Georgia
Trước tình hình căng thẳng tại Georgia, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, hiện là chủ tịch LHÂC, đã bay sang Mạc Tư Khoa ngày 13.8.2008 để hòa giải. Kết quả cho thấy một bản thỏa ước ngưng chiến đã được tổng thống Nga Dimitry Medvedev và TT. Georgia Mikhail Saakashvili ký kết ngày 15.8.2008. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Kondoleeza Rice, sau khi tới Georgia đã tuyên bố điều tiên quyết bây giờ là tất cả quân đội Nga và các đơn vị trừ bị theo gót xâm nhập vào lãnh thổ Georgia phải rút đi ngay. Các quan sát viên quốc tế cùng lực lượng trung lập bảo vệ hòa bình cần nhanh chóng tới Georgia và các vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia nơi Nga Sô hiện có nhiệm vụ bảo vệ hòa bình.
Theo thỏa hiệp đình chiến thì 1.500 lính bảo vệ hòa bình của Nga được phép ở lại và kiểm soát trong vòng 6 cây số bên ngoài khu xung đột Nam Ossetia và Abkhazia. Các đơn vị này không được phép kiểm soát thành phố Gori và các thành phố khác của Georgia, cũng không được cản trở việc cứu trợ và kiểm soát các hải cảng, xa lộ và đường rầy xe lửa. Điều ngoại lệ giới hạn lực lượng bảo vệ hòa bình Nga chỉ cho phép tới khi có một lực lượng lớn bảo vệ hòa bình quốc tế đến thay thế.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, trong cuộc họp báo chung với TT. Nga cũng kêu gọi quân Nga rút khỏi trung tâm Georgia, nơi họ còn kiểm soát phần lớn lãnh thổ quốc gia. Sự hiện diện của nữ thủ tướng Đức tại Mạc Tư Khoa chứng tỏ chính phủ Đức lo sợ Nga Sô có thể cắt đứt nguồn cung cấp hơi đốt cho Đức và Âu Châu, như họ đã làm một lần trước đây khi Liên Hiệp Âu Châu không thỏa mãn các yêu sách của Nga. Nhận định của chúng tôi dựa trên biến cố ngày 15.8.2008 Ba Lan đã đồng ý cho Hoa Kỳ thiết lập bức tường chống hỏa tiễn tại đất nước mình, trong khi ống dẫn hơi đốt của Nga lại chảy xuyên qua đất Ba Lan.
Ngày 15.8.2008, Tổ chức Quan sát Nhân quyền Thế giới (International Human Rights Watch) tố cáo Nga Sô đã thả bom bi (cluster bomb) xuống lãnh thổ Georgia, nhiều người dân bị chết.
Mặc dù hứa hẹn sẽ rút quân, nhưng cho tới ngày 15.8.2008 Nga Sô vẫn còn chiếm đóng thành phố Gori và Poto. Tổng thống Medvedev tuyên bố sẽ bảo đảm hòa bình vùng Caucasus, nhưng không hứa rút lực lượng quân sự khỏi Georgia và hai lãnh thổ ly khai.
Trong cuộc họp với thủ lãnh Eduard Kokoity của Nam Ossetia và Sergey Bagapsh của Abkhazia, bộ trưởng ngoại giao Nga tuyên bố rằng biên giới của Georgia hiện tại bị giới hạn, có nghĩa hai lãnh thổ tách ra không bao giờ đồng ý nối lại. Đây có thể là quyết định của Nga Sô công khai công nhận sự độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia.
TT. Mikheil Saakashvili trong cuộc họp với thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Georgia cho rằng cuộc xâm lăng Georgia chứng tỏ Nga Sô muốn kiểm soát các Cộng hòa trong Liên bang Sô viết ly khai mà phần lớn các ống dẫn dầu chạy qua lãnh thổ các nước này. Thực tế chứng minh rằng các cuộc oanh tạc vào các mục tiêu dân cư nghèo nàn của Georgia chứng tỏ nó không liên quan gì tới Abkhazia và Ossetia.
TT. Saakashvili cũng đặt câu hỏi: "Tại sao Nga Sô tấn công các ống dẫn dầu, nơi không có nghĩa lý gì về quân sự? Tại sao người ta tấn công chúng nếu không phải vì một số mục tiêu khác?"
Ngày 14.8.2008, một viên chức Mỹ nói lực lượng Nga đã kiểm soát hải cảng Poli ở Biển Đen (Black Sea) với một đơn vị hải quân đổ bộ lên bờ biển vài ngày trước đó. Hoạt động của hải quân Nga chứng minh cho những gì tổng thống Georgia đã nói là đúng
8- Hoa Kỳ can thiệp vào Georgia,
Thế giới cũng như Hoa Kỳ đã và đang rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế vì giá dầu hỏa gia tăng chưa từng có, trên 100 USD một thùng dầu thô. Nền kinh tế của Hoa Kỳ đứng đầu thế giới dĩ nhiên bị ảnh hưởng bởi sự tăng giảm giá dầu. Muốn bảo vệ sự phát triển, chính phủ Mỹ phải bảo đảm được số lượng dầu cần thiết cho sự sống còn của quốc gia. Chiến tranh Iraq là một giải pháp. Tuy mất tiếng trên thế giới về chiến tranh xâm lược Iraq, nhưng Hoa Kỳ thành công trên phương diện dầu hỏa. Iraq là nguồn cung cấp dầu hỏa không điều kiện, bảo đảm và ưu tiên cho Hoa Kỳ. Không dừng tại Iraq, chính phủ Mỹ muốn bành trướng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong toàn vùng Trung Đông và Caucasus. Lý do rất dễ hiểu vì vùng Caucasus và Trung Á có trữ lượng dầu hỏa không thua gì vùng Trung Đông. Nhưng trở ngại lớn nhất là làm sao đặt được hệ thống dẫn dầu từ vùng này ra biển Địa Trung Hải mà các chính phủ trong vùng không ngăn cản. Cuộc chiến ở Chechnya trước đây và cuộc xung đột hiện nay ở Georgia là bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ đã và đang quan tâm tới vùng này.
Tháng 4+5/2002, lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ được lệnh tới huấn luyện và trang bị cho quân đội Georgia để chống quân khủng bố. Sự kiện này chứng minh có sự hợp tác chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Georgia. Bằng chứng thứ hai cho thấy khi quân đội Nga tiến vào lãnh thổ Georgia thì chính phủ Mỹ cấp thời giúp chính phủ Georgia rút khoảng 2.000 lính đang chiến đấu tại Iraq về nước để bảo vệ thủ đô và sẵn sàng đối phó với tình hình bất ổn. Chính vì sự hợp tác chặt chẽ này mà chính phủ Georgia đã nộp đơn xin gia nhập NATO và Liên Hiệp Âu Châu.
Nhưng vấn đề Georgia khá phức tạp. Hoa Kỳ có thể hỗ trợ cho Georgia trở thành hội viên của Khối NATO; nhưng Liên Hiệp Âu Châu còn lo ngại sự chống đối mạnh mẽ của Nga Sô. Do đó, tháng 4/2008, Hội nghị Thượng đỉnh của Khối NATO đã đình hoãn quyết định đơn xin gia nhập NATO của Georgia đến tháng 12/2008.
Ngày 13.8.2008, TT. George W. Bush tuyên bố ủng hộ chính quyền dân bầu của Georgia và nhấn mạnh chủ quyền lãnh thổ Georgia phải được tôn trọng. TT. Bush cũng tuyên bố sẽ gửi tầu chiến và phi cơ tới Georgia trợ giúp nhân đạo, và kêu gọi chính phủ Nga rút quân ra khỏi lãnh thổ Georgia. Ngày 15.8.2008, TT. Bush gửi bộ trưởng ngoại giao Condoleeza Rice qua Pháp gặp TT. Sarkozy rồi tới Georgia để tìm phương thức giải quyết vấn đề xung đột và sự tôn trọng thỏa hiệp ngưng bắn. Theo bộ trưởng ngoại giao Pháp Bernard Kouchner thì Liên Hiệp Âu Châu đề nghị Liên Hiệp Quốc cử các quan sát viên của các quốc gia trong Liên Hiệp tới Georgia để quan sát thỏa hiệp ngừng chiến.
Ngày 14.8.2008, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Robert Gates, tuyên bố rằng nếu Nga Sô không bỏ thái độ gây hấn sẽ làm tổn thương tới quan hệ Mỹ-Nga trong nhiều năm. Tuy vậy, ông không thấy cần thiết phải sử dụng lực lượng quân sự của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột hiện nay. Ông cũng nói Hoa Kỳ đã dùng 45 năm làm việc khó nhọc để tránh một cuộc đối đầu quân sự với Nga Sô và ông thấy không có lý do gì thay đổi cái mà ngày nay đã đạt được. Robert Gates cũng tuyên bố trước Ngũ Giác Đài rằng ưu tiên hàng đầu đốùi với quân đội Mỹ trong thời gian này là tiết kiệm nhân mạng và giảm đau thương. Ông cho rằng thủ tướng Nga Puti muốn chứng minh Nga Sô là một đại cường quốc hay siêu cường có ảnh hưởng quốc tế, nhằm lấy lại uy tín trên chính trường thế giới sau khi Liên Bang Sô Viết tan rã. Nhưng TT. Putin đã hành động bằng đường lối tiêu cực.
Vì biến cố Georgia, bộ trưởng quốc phòng Mỹ hủy bỏ cuộc thao dượt hải quân hỗn hợp với Nga Sô dự trù vào thứ sáu 15.8.2008 và cuộc thao dượt hỗn hợp Hoa Kỳ - Gia Nã Đại và Nga Sô vào cuối tháng tám này. Nhân viên bộ quốc phòng Mỹ cho đài CNN biết sẽ tái lập cơ sở tình báo, trong đó có vệ tinh tình báo, để cung cấp tin tức trực tiếp cho tổng thống Bush về cuộc xung đột Georgia và các hoạt động, sự di chuyển của quân đội Nga trong vùng.
9- Cứu trợ và hàn gắn vết thương chiến tranh
Phát ngôn viên Ron Redmond của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết có 115.000 người phải bỏ nơi cơ ngụ. 68.000 trong đó đa số dân vùng Gori chạy tị nạn qua các lãnh thổ khác trong nước, 30.000 người Nam Ossetia chạy lên Bắc Ossetia thuộc Nga Sô và 15.000 người Nam Ossetia chạy qua vùng dân Georgia. Chuyến bay đầu tiên chở đồ cứu trợ tới Georgia vào ngày 14.8.2006 và chuyến thứ hai ngày 19.8.2008. Hai máy bay chở khoảng 66 tấn đồ cứu trợ từ kho ở Dubai. Chuyến thứ ba sẽ tới Vladikavkaz ở Bắc Ossetia vào ngày thứ sáu 22.6.2008. Hiện 2.000 người đã được trợ giúp và đồ cứu trợ đủ cho 40.000 người. Theo Ron Redmond vấn đề an ninh vẫn chưa được bảo đảm. Tại ngoại ô thành phố Gori đã xẩy ra một vụ cướp xe cứu trợ của LHQ vào ngày 14.8.2008 ở trạm kiểm soát. Chương trình Thực phẩm Thế giới (WFP) cũng đã chở 34 tấn bánh biscuit cho dân tị nạn.
Ngày 13.8.2008, Hoa Kỳ đã dùng máy bay chở đồ cứu trợ để giúp đỡ người tị nạn tại Georgia và chuyến máy bay thứ hai (C-17) tới Georgia vào thứ năm 14.8.2008. Cơ quan Phát triển Thế giới của Hoa Kỳ đã cung cấp 250 triệu Mỹ kim (USD) để mua các vật dụng cấp cứu. Đại sứ Mỹ tại thủ đô Sbisili cũng đã chi 1,2 triệu USD thuộc ngân sách của bộ ngoại giao, để mua vật dụng cứu trợ.
Nga Sô hứa viện trợ 400 triệu USD để tái thiết Nam Ossetia và 20 triệu USD cứu trợ dân tị nạn đến Bắc Ossetia. Nga Sô tuyên bố không cần đồ cứu trợ của LHQ cho vùng Bắc Ossetia.
Kết luận
-Ai gây chiến trước?
Theo Georgia thì quân đội mở cuộc hành quân vào Nam Ossetia sau khi lệnh ngưng bắn bị vi phạm bởi đạn pháo binh của quân ly khai Nga bắn ra giết chết 10 người, kể cả thường dân và lính bảo vệ hòa bình. Geogia tố cáo Nga Sô có lính bảo vệ hòa bình trong vùng đã hỗ trợ quân ly khai.
Một vài giờ sau, thông tấn xã Nga (Interfax) tường trình rằng nhà cầm quyền Nga tuyên bố có 10 lính bảo vệ hòa bình đã bị giết và 30 bị thương trong một cuộc tấn công của Georgia. Đó là lý do Nga Sô đem quân tràn qua Georgia.
Các nhà bình luận thời cuộc cho rằng cuộc xung đột như là ván bài do Georgia chủ trương nhằm thử sức mạnh của Đồng Minh Tây phương đối với Nga Sô. Trong những năm vừa qua chính phủ Nga đã bày tỏ thái độ không muốn Liên Hiệp Âu Châu và NATO bành trướng sát ngưỡng cửa nước mình. Tổng thống Putin đã từng đe dọa sẽ quay các giàn phóng đầu đạn nguyên tử về hướng Âu châu sau khi Ba Lan và Tiệp Khắc đồng ý cho Hoa Kỳ thiết lập đài radar và bức tường chống hỏa tiễn tại hai quốc gia này.
Nếu Tây phương và Hoa Kỳ không tỏ ra quyết liệt, Nga Sô sẽ lấn tới và gia tăng áp lực buộc các quốc gia thoát ly Liên Bang Sô Viết năm xưa phải nằm trong quỹ đạo của Liên bang Nga (Russia Federation) hiện nay. Nga Sô có thể thực hiện được ý muốn của mình, vì
-Nga Sô có sức mạnh quân sự mà chỉ Hoa Kỳ mới khống chế được. Nếu Hoa Kỳ không phản ứng, quân đội Nga đã và sẽ tràn qua Georgia, không chỉ để bảo vệ hai phần lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia ly khai, mà còn chiếm luôn vùng Gori, tạo thành hành lang dài từ Nam Ossetia tới Abkhazia ở phía Bắc, khống chế luôn đường dẫn dầu hỏa từ Baku (Azerbaijan) qua Sbilisi (Georgia) tới hải cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ. Kho dầu lớn lao vùng Trung Á và Đông Nga chỉ đạt được lợi ích nhiều nhất khi dầu được dẫn ra các hải cảng nằm trong vùng biển Địa Trung Hải để bán cho các tầu ngoại quốc Tây phương.
-Nga Sô, ngoài ưu thế dầu hỏa, biết lợi dụng tình thế và thời cơ. Trường hợp Nam Ossetia có thể so sánh với Kosovo của Nam Tư Serbia, nơi đa số dân gốc Albania, theo Hồi Giáo đòi tự trị và độc lập thành công. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu ủng hộ Kosovo và trực tiếp can thiệp bằng quân sự, tiêu diệt tiềm lực chiến tranh và oanh tạc các căn cứ quân sự của Serbia khi quân đội Serbia hành quân dành lại quyền kiểm soát lãnh thổ Kosovo của mình. Kinh nghiệm này giúp cho Nga Sô áp dụng chiến thuật Kosovo ở Nam Ossetia và Abkhazia. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu sẽ rơi vào cảnh "gậy ông đập lưng ông". Nga Sô đã sát nhập Bắc Ossetia vào lãnh thổ của mình, nay Nam Ossetia và Abkhazia tự tuyên bố độc lập, thoát ly Georgia, thì tương lai Nga Sô có thêm hai lãnh thổ với diện tích 12.300 km2 và một số dân hơn 260.000 người.
Cái đau của Nam Tư Serbia mất Kosovo (diện tích 10.700 km2) trước đây cũng là cái đau của Georgia hiện nay: "ngồi khóc nhìn một phần lãnh thổ mất về tay người khác!" Về địa lý Georgia mất 20.332 km2 (kể cả Bắc Ossetia) trên tổng số diện tích 69.700 km2, gần 1/3 lãnh thổ!
Cái đau của Georgia là từ trước đến nay Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu châu, Tổ chức An Ninh và Hợp tác Âu châu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO và tất cả các quốc gia trên thế giới đều công nhận Abkhazia và Nam Ossetia là phần lãnh thổ của Georgia. Mặc dù vậy, chính phủ Georgia không dành lại được chủ quyền trên hai phần đất này chỉ vì Nga Sô bất chấp luật quốc tế và ỷ vào sức mạnh quân sự. Sự kiện lính Nga bắn nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ gần thành phố Gori cũng chứng tỏ Nga Sô không muốn cho thế giới biết các hành động quân sự đang xẩy ra tại Georgia.
-Nếu Nga Sô vẫn bất tuân luật lệ quốc tế, liệu Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu và Khối NATO có dám trừng phạt bằng biện pháp quân sự và phong tỏa kinh tế, hay sợ phải đụng đầu với cường quốc nguyên tử và dầu hỏa Nga Sô?
Tại Sao Quân Phiệt Miến Điện Không Cho Các Tổ Chức Nhân Đạo Thế Giới Đến Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Lụt?
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Trong tháng 5 vừa qua Miến Điện (Burma hay Myanmar) bị một trận thiên tai bão lụt lớn chưa từng có trong lịch sử của nước này. Sự tổn thất về nhân mạng và vật chất cao hơn cả thiên tai sóng thần tsunami vào năm 2004, thế mà chế độ quân phiệt can tâm không cho phép các cơ quan từ thiện ngoại quốc đến cứu trợ khoảng 2 triệu dân đang lâm vào tình trạng màn trời chiếu đất!
Trong hai tuần lễ đầu tiên, dù là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cũng không tiếp xúc được với các tướng lãnh cầm quyền. Trước tình trạng ngông cuồng và cố tình ngăn cản các hoạt động của cơ quan cứu trợ Quốc tế, Hội Đồng Bảo An (HĐBA) đã khẩn cấp triệu tập cuộc họp bất thường nhằm tìm biện pháp giải quyết. Một số quốc gia Tây phương đề nghị phong tỏa kinh tế Miến Điện! Nếu Nhà cầm quyền nước này vẫn tỏ thái độ vô nhân đạo đối với ngay dân chúng của họ.
Đồng lõa với chế độ quân phiệt Miến, đại diện Tàu Cộng tại LHQ đã công khai bênh vực đồng minh xã hội chủ nghĩa của mình và chống lại mọi quyết định trừng phạt Miến Điện. Thái độ coi thường uy quyền và bất cộng tác với LHQ của quân phiệt Miến khiến cho bộ trưởng ngoại giao Pháp đề nghị, nếu cần, LHQ phải dùng đến biện pháp quân sự để cấp thời tiến hành công việc cứu trợ hàng triệu nạn nhân bão lụt.
Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi mời quí độc giả theo dõi các mục dưới đây:
1- Trận bão lụt lớn nhất tại Miến Điện
Ngày 2.5.2008, trận bão Nargis (Nagis là tiếng Udu, xuất phát từ tiếng Nargess của vùng vịnh Ba Tư) với tốc độ 250 cây số giờ đã thổi vào vùng châu thổ Irrawaddy (vùng tam giác đất bồi sông Irrawaddy) nằm về phía nam Miến Điện, gây lụt lội và sự tổn thất cả về nhân mạng lẫn vật chất lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử thiên tai tại đất nước này. Vùng châu thổ Irrawaddy hay còn gọi là Ayeyarwady, rộng 50.400 km2, vẫn được mệnh danh là vựa lúa của Miến Điện (granary of Burma) nay lâm vào tình trạng tàn phá thảm thương. Vùng đồng bằng phì nhiêu này giống vùng châu thổ sông Cửu Long của miềân nam Việt Nam.
Hậu quả của thiên tai bão lụt được ghi nhận có khoảng 77.000 người chết và 55.900 mất tích. Theo chương trình thực phẩm thế giới "WFP" (World Food Program) một số làng mạc bị hủy hoại hoàn toàn và những cánh đồng lúa bao la bị nước cuốn trôi. LHQ ước tính có khoảng 2 triệu người bị vô gia cư và tổ chức y tế thế giới ``WHO" (World Health Organization) nhận được báo cáo bệnh sốt rét đang hoành hành tại khu vực, vì người dân, nhất là trẻ em, ngủ không có mùng. Nếu không cứu trợ thuốc men, thực phẩm và các phương tiện vệ sinh cấp thời thì số lượng người bị bệnh và bị chết sẽ gia tăng rất nhiều.
2- Tại sao quân phiệt Miến Điện cố tình cản trở cứu trợ của thế giới?
Có thể nói khi coi hình ảnh nạn nhân và gia súc chết trôi, phụ nữ nheo nhóc với đàn con, trẻ em mất cha mẹ và hàng trăm ngàn người đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất trên các đài truyền hình, nhiều người trên thế giới đã xúc động và đổ lệ. Trước tình trạng bi thương như vậy mà chế độ quân phiệt cố tình cản trở sự cứu trợ thuốc men, mùng mền và thực phẩm của thế giới. Theo tường trình của Liên Hiệp Quốc hơn một tuần lễ sau thiên tai, chỉ một phần mười nạn nhân nhận được sự cứu trợ. Nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao?
Qua các tài liệu trong sách báo và mạng lưới Internet chúng tôi nhận thấy thái độ vô nhân đạo của chế độ quân phiệt Miến Điện bắt nguồn từ các nguyên nhân dưới đây:
2.1- Vì vùng bão lụt Irrawaddy trước đây là thuộc địa của thực dân Anh quốc
Theo lịch sử thì vùng Irrawaddy thuộc vương quốc Mon. Đã xẩy ra nhiều cuộc chiến tranh giữa vương quyền Ava của Miến Điện và vương quyền Mon của Pegu (Bago) vào thế kỷ 15 và 16. Tới thế kỷ 18 vương quyền Miến Điện nắm toàn quyền kiểm soát. Thành phố Pegu bị Anh quốc chiếm vào năm 1852 và trở thành một phần đất của Anh tại Miến Điện; giống như hoàn cảnh miền nam Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Khu vực Irrawaddy thời đó vẫn còn là vùng bùn lầy nước đọng cho tới giữa thế kỷ 19. Để phát triển vùng này, vào năm 1861 thực dân Anh đào kinh rạch thoát nước, đắp đê và làm đường để trồng lúa. Sự phát triển nông nghiệp tại đây thu hút dân Miến Điện di chuyển từ các vùng phía xuống lãnh địa của Anh để làm ăn. Ngày nay người ta còn thấy 1.300km bờ đê bảo vệ cho 600.000 mẫu tây (hecta) đồng ruộng tại vùng này. Có khoảng 3,5 triệu dân sống dọc theo lưu vực các sông lớn, chuyên nghề nông và chài lưới, các sản phẩm nông nghiệp tại Irrawaddy gồm lúa, bắp (ngô), khoai, đậu phọng (lạc), mè (vừng), cây đay, các loại đậu, bông mặt trời (để ép hột để lấy dầu).
Đa số dân sống ở Irrawaddy là dân Bamar và Karen theo Ki-tô Giáo do ảnh hưởng và sự truyền đạo dưới thời thực dân Anh.
2.2- Vì dân thiểu số Karen chống chế độ quân phiệt
Vấn đề xung đột nội bộ giữa chính quyền và dân tộc thiểu số Ki-tô Giáo Karen đã xẩy ra vào năm 1948 và tái phát vào năm 1962. Thế giới quan tâm nhất là cuộc nổi dậy vào ngày 8.8.1988 được lãnh đạo bởi phong trào chống quân phiệt. Nhưng cuộc nổi dậy này bị đàn áp và tàn sát dã man. Khoảng 7.000 người bị giết và 160.000 người phải chạy tị nạn và sống đời lưu vong ở Thái Lan cũng như tại một số các nước lân cận. Sau này, để tưởng nhớ cuộc nổi dậy lớn nhất này, người ta quen viết cho gọn là cuộc nổi dậy 8888 (8888-Uprising)
Để tránh bị chống đối như năm 1988, chế độ quân phiệt đã di chuyển toàn bộ cơ sở hành chính từ thủ đô Yangon tới một địa điểm khác gần Kyatpyay. Ngày quân lực 27.3.2006 thủ đô mới ra đời với tên gọi là Naypyidaw Myodaw (thành phố Hoàng gia của ngai vua). Rangon trở thành cố đô.
Kể từ năm 2006, quân phiệt mở các cuộc tấn công Liên hiệp Quốc gia Karen (Karen National Union) vì tổ chức này quyết tâm tiến hành việc thành lập tiểu bang Karen tự trị. Cuộc giao tranh khiến cho khoảng nửa triệu người phải chạy loạn trong vùng phía đông và các làng mạc bị cưỡng bức phải tổ chức lại theo yên cầu của nhà cầm quyền. Dân thiểu số Karen (tiếng Miến là Pwa Ka Nyaw Po, tiếng Thái Lan là Kariang) sống giáp biên giới với Thái Lan được lãnh đạo bởi Liên Hiệp Quốc gia Karen Ki-tô giáo "CKNU" (Christian Karen National Union) bắt đầu chiến đấu cho việc thành hình một tiểu bang Karen tự trị. Sự nổi dậy, ngoài lý do chính trị còn vì lý do kỳ thị tôn giáo. Tình hình trở nên tồi tệ khi nhà cầm quyền ưu đãi Phật Giáo; không còn tôn trọng sự tự trị của các dân tộc Karen, Chin và Kachin (vùng cao nguyên phía bắc giáp Trung quốc và Ấn Độ) như dưới thời quân Chủ.
Cuộc nổi dậy khác vào tháng 8.2007 bị thất bại. Khoảng 160.000 dân Miến phải chạy tị nạn qua hai tỉnh giáp biên giới hai nước là Chiang Mai và Ratchaburi của Thái Lan. Trong số những người tị nạn có tới 62%ø người dân tộc thiểu số Ki-tô giáo Karen. Vì vấn đề nhân đạo, chính quyền Thái Lan đã thành lập các tổ chức giúp người tị nạn và thiết lập các trại tị nạn nằm đối diện với Miến Điện. Sự trợ giúp nhân đạo của các tổ chức từ thiện quốc tế, đặc biệt các tổ chức của Tây phương và Hoa Kỳ, có thể tạo nên sự hiểu lầm đối với nhà cầm quyền Miến là gián tiếp hỗ trợ các dân tộc thiểu số nổi dậy.
Bằng chứng cho thấy trong các báo cáo vừa qua, nhà cầm quyền Miến Điện đã tố cáo chính quyền Pháp và Tân Gia Ba xúi dục quân kháng chiến chống lại chính phủ. Đài Loan cũng bị tố cáo khuyến khích kháng chiến quân Phật giáo chống chính quyền, đặc biệt 8 triệu dân thiểu số Mon sống ở phía nam giáp biên giới Thái Lan. Một số người Mon hiện nay đang sống đời tị nạn tại Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Đan Mạch, Hòa Lan, Na Uy, Thụy Điển v.v...
2.3- Vì chính sách kỳ thị tôn giáo?
Phật giáo được ưu tiên!
Miến điện là quốc gia đa tôn giáo. Theo nhà cầm quyền thì có tới 89% dân theo đạo Phật giáo Nam Tông hay Nguyên Thủy (Theravada); đặc biệt là các dân tộc Bamar, Rakhine, Mon và Tàu. Dựa vào sự tự trị, đào tạo tu sĩ, tự do giảng đạo, hành đạo và di chuyển, người ta nhận thấy Phật giáo là tôn giáo được ưu đãi (favoured religion) hơn các tôn giáo khác (un-favoured religions). Chính vì đa số dân chúng theo đạo Phật, nên chế độ quân phiệt Miến có khuynh hướng dựa vào Phật giáo để củng cố quyền lực bằng cách tạo ra Phật giáo quốc doanh, giống như tại Việt Nam. Chỉ giáo hội Phật giáo quốc doanh và Tăng Ni, Phật tử nào ủng hộ nhà cầm quyền mới được ưu đãi. Ai chống lại sẽ bị đàn áp. Dựa vào luật tổ chức tăng đoàn năm 1990 (the 1990 Sangha Organization Law) chế độ quân phiệt hủy bỏ bất cứ tổ chức Tăng Ni Phật giáo nào, ngoại trừ 9 tu viện quốc doanh. Ai vị phạm luật sẽ bị trừng phạt bỏ tù và lột áo cà sa. Năm 2003, quân phiệt Miến đã bắt một nhóm 26 nhà sư và lột áo cà sa. Năm 2004 các Tăng Ni này bị kết án 7 năm tù; Sư trưởng bị 18 năm, vì từ chối tặng vật của nhà cầm quyền. Theo sự ước tính của tổ chức yểm trợ cho tù nhân chính trị của người Miến Điện tị nạn thì 84 nhà sư khác còn bị giam cầm; trong đó có nhà sư Thondara của Myingyan bị bắt trong cuộc biểu tình năm 1988 và bị án tù chung thân. Để lấy lòng quốc tế và Phật tử trong nước, quân phiệt Miến tổ chức đại hội Phật giáo thế giới vào năm 2004, mặc dù bị thế giới chỉ trích.
Biến cố Tăng Ni và Phật tử chính thống xuống đường chống quân phiệt để đòi tự do, dân chủ cho đạo pháp và toàn dân trong những tháng vừa qua chứng tỏ phe chính thống không chấp nhận đường lối khuynh đảo và can thiệp vào nội bộ của Phật Giáo.
Qua hệ thống truyền thông người ta được biết chế độ quân phiệt khoe khoang đã trả phí tổn cư trú cho các Tăng Ni, dâng cúng tiền bạc cho các chùa trên toàn quốc, tổ chức công khai lễ lậy Phật giáo, tu sửa chùa chiền, khuyến khích các tổ chức đóng góp tiền bạc, thực phẩm và làm không công trong các công trình sửa chữa và xây dựng chùa mới. Nhà nước cũng xuất bản sách hướng dẫn về Phật giáo, bảo trợ nhiều tổ chức mở các khóa văn hóa có hàng triệu người tham dự. Nhà nước cũng tài trợ đại học thừa sai quốc tế Phật giáo Nam Tông ở thủ đô Rangon. Đại học này khai trương vào năm 1998 với mục đích chia sẻ kiến thức Phật giáo của quốc gia đối với dân chúng thế giới. Nhưng thực tế thật khôi hài! Cái đại học có vẻ quần chúng này lại không nhận sinh viên hay người tham dự nào mà nhà cầm quyền chưa chấp thuận hay không có sự giới thiệu của tu viện trưởng quốc doanh!
Thấy bài bản của Miến Điện có hiệu quả khuynh đảo tôn giáo, Việt Cộng và Phật giáo quốc doanh cũng đã và đang áp dụng bài bản của quân phiệt Miến Điện. Điển hình là việc tổ chức đại lễ Vesak của Phật giáo vào trung tuần tháng 5.2008 vừa qua.
Ở tiểu bang Kachin, nhà cầm quyền đã xây các đền thờ Phật tại khu vực cư ngụ của các cộng đồng Thiên Chúa Giáo, mặc dù có ít hoặc không có Phật tử sống tại đây. Tín đồ Ki-tô Giáo bị cưỡng bức phải lao động, khuân vác gạch ngói và các vật liệu khác vào việc xây cất đền thờ Phật giáo. Ở phía bắc tiểu bang Rakhine, nhà cầm quyền thường bắt dân Rohingays phải giúp xây đền thờ Phật giáo, mặc dù Phật tử ở đây chỉ chiếm 2% dân số. (có khoảng 8.000 dân Rohingays đang sống tị nạn tại Bangladesh. Quân phiệt Miến Điện đang đòi chính phủ Banladesh và LHQ trả họ về nước). Mọi người, Phật tử hay không phải Phật tử được kêu gọi đóng góp tiền bạc, thực phẩm và vật dụng cho các dự án xây cất, tu bổ chùa và các tượng đài của Phật giáo do Nhà Nước bảo trợ. Năm 2006, nhà cầm quyền tại Lashio cưỡng bức các thương gia phải đóng một số tiền lớn để xây đền thờ Phật giáo. Nhưng các nhà buôn Ki-tô Giáo từ chối tham dự, nên quỹ quyên góp nằm dưới mức so với chỉ tiêu của nhà cầm quyền.
Tín đồ Ki Tô Giáo là con ghẻ?
Khách quan mà nói Ki-tô giáo muôn đời bị kết án là sản phẩm của văn hóa đế quốc Tây phương ở Miến Điện. Thực dân Anh chiếm Miến Điện làm thuộc địa trong các năm 1825,1852 và 1985 trở thành một vấn nạn lịch sử đối với người theo đạo Thiên Chúa tại nước này.
Theo danh sách quan sát thế giới của những cánh cửa mở (the Open Doors ’s World Watch List) của các quốc gia nơi mà người Ki-tô Giáo chịu sự đàn áp tồi tệ nhất thì Miến Điện đứng hàng thứ 25 trên tổng số 50 quốc gia. Theo tổ chức trên Miến Điện có 90% dân theo đạo Phật và 4% theo Ki-tô Giáo (bao gồm các hệ phái Tin Lành và Công Giáo).
Nói chung, chế độ quân phiệt không cho phép thừa sai ngoại quốc thường xuyên giảng đạo từ thập niên 1960, thời kỳ mà gần hết các thừa sai bị trục xuất; các trường tư và bệnh viện của Ki-tô giáo bị quốc hữu hóa mà không nhận được một khoản tiền bồi thường nào cả. Sự ngược đãi và mục tiêu chống phá của chế độ quân phiệt nhằm vào dân sự vùng phía đông Miến Điện, nơi có trên 3.000 làng mạc đã bị phá hủy trong mười năm vừa qua. Chính sách thiên vị của chế độ quân phiệt Miến gây nên tình trạng nghi kỵ giữa các tôn giáo.
Thực tế khách quan cho thấy một người Miến bỏ đạo Phật theo Ki-tô Giáo có thể sẽ gặp phiền toái trong vấn đề nhận định về nguồn gốc văn hóa và xã hội (Socio-cultural identity). Trong tư tưởng của những người Miến theo cộng sản hay được núp dưới chiêu bài chủ nghĩa xã hội hoặc các Phật tử quá khích và những người lợi dụng tôn giáo vào mục tiêu chính trị thì tín đồ Ki-tô giáo là hệ quả của chủ nghĩa thực dân, không trung thành với xã hội xây dựng trên nền tảng Phật giáo và quốc gia.
*Lý luận trên hiện cũng được Việt Cộng và tay sai đang khai thác để "ném bùn" vào Công Giáo, bằng hành động phát hành sách báo khơi lại lịch sử thời thực dân Pháp, thời tổng thống Ngô Đình Diệm; bằng cách dịch các sách của các tác giả vô thần, phản đạo, rối đạo hoặc đi sai đường lối của tòa thánh... nhằm tấn công Công Giáo dựa trên một số chính sách sai lầm của Giáo Hội trong thời trung cổ v.v... Họ cố gắng che dấu tội lỗi bán nước, làm tay sai cho Cộng sản quốc tế; tay sai Việt Cộng, lợi dụng tôn giáo cho mưu đồ đen tối, tìm cách đánh lạc hướng dư luận bằng mưu đồ lấy Công Giáo ra làm đề tài chống phá!
Bằng chứng kỳ thị
(Vì giới hạn của bài viết, chúng tôi không trình bày các hạn chế đối với Hồi Giáo và các cuộc xung đột đẫm máu giữa Phật tử với tín đồ Hồi Giáo (Muslim) tại Miến Điện).
Dưới đây là những bằng chứng tiêu biểu được Samuel Ngun Ling ghi lại qua tài liệu "Cuộc đối đầu của thừa sai Ki-tô Giáo với Phật giáo nổi dậy tại Miến Điện sau thời kỳ thuộc địa" (The Encounter of Missionary Christianity with Resurgent Buddhism), đúc kết từ hội nghị quốc tế về tôn giáo và toàn cầu hóa (International Conference on Religion and Globalization) ngày 28.7 tới 2.8.2003 tại Đại học Payap, Chiang Mai Thái Lan.
-Từ thập niên 1960, các nhóm Ki-tô Giáo (và Hồi giáo) gặp khó khăn trong việc nhập cảng văn chương tôn giáo vào Miến Điện. Tất cả sách báo về đạo và đời vẫn là đối tượng bị kiểm soát và kiểm duyệt. Nhập cảng các bản dịch kinh thánh qua tiếng bản xứ đều bị coi là bất hợp pháp. Vì sự hạn chế và kiểm duyệt, kinh thánh (Bible) của Thiên Chúa Giáo và kinh Coran (Qur’an) của Hồi giáo thường phải "nhập cảng chui" và "bán chui" trên thị trường chợ đen! Sự hạn chế gắt gao nhất là danh sách hơn 100 chữ cấm đoán mà những người kiểm duyệt không cho phép sử dụng trong văn chương Thiên Chúa Giáo (và Hồi Giáo), vì chúng là những "biệt ngữ bản xứ" (indigenous terms) hoặc thoát thai từ ngôn ngữ Pali, ngôn ngữ căn bản của văn chương Phật Giáo. Nhiều chữ này đã được dùng và chấp nhận bởi một số nhóm Thiên Chúa Giáo (và Hồi Giáo) kể từ thời kỳ thuộc địa Anh.
Cái mục tiêu mà những người kiểm duyệt nhắm vào chính là kinh thánh cựu ước (Bible) và kinh Coran (Qur’an) mà họ tin là các kinh thánh này cho phép dùng bạo lực chống lại những người ngoại đạo (không tin= unbelievers).
-Những người không phải Phật tử (non-Buddhists) bị kỳ thị ở thượng tầng cơ sở công cộng. Ít có người được giữ chức tổng giám đốc hoặc cao hơn. Mặc dù có một số rất ít tín đồ Ki-tô giáo mang quân hàm trung tá; nhưng không người nào được bổ nhiệm vào chức vụ tư lệnh trong quân đội,
-Ngay trong ủy ban điều hành trung ương của đảng đối lập lớn nhất là liên đoàn Quốc gia Dân Chủ (the National League for Democracy) của bà Aung San Suu Kyri, người mà Tây phương và Hoa Kỷ ủng hộ cũng không có người ngoài Phật giáo; mặc dù các hội viên cá nhân từ hầu hết các miền lãnh thổ đã ủng hộ đảng.
-Nếu có một tín đồ Ki-tô Giáo (hay người Muslim) nào leo lên được chức thiếu tá trong quân đội thì thượng cấp sẽ khuyến cáo họ phải bỏ đạo mình để theo đạo Phật.
-Nhà cầm quyền thường từ chối đơn xin cư trú của các mục sư nổi tiếng di chuyển vào phân khu hành chính mới. Một vài trường hợp người theo Ki-tô giáo bị hủy bỏ căn cước (quốc tịch) đã xẩy ra.
-Tín hữu Ki-tô giáo luôn bị khó dễ trong việc xin phép mua đất đai để xây dựng thánh đường tại nhiều vùng. Chế độ quân phiệt từ chối đơn xin không phải vì lý do tôn giáo mà lấy cớ là Giáo Hội không có quyền sở hữu tài sản riêng tư. Đất đai thuộc tài nguyên của quốc gia.
-Một số tín hữu Ki-tô Giáo tại tiểu bang Chin phàn nàn rằng nhà cầm quyền không cho phép xây cất bất cứ đền thờ nào kể từ năm 1997. Ba mục sư xây thánh đường mới bị nhà cầm quyền Mandalay bắt giữ với lý lẽ ông ta can tội xâm phạm luật đất đai, chứ không phải nhà cầm quyền cố tình xâm phạm tự do tôn giáo.
-Tại cố đô Rangon, tiểu bang Mandalay và một vài nơi khác, nhà cầm quyền cho xây trung tâm cộng đồng mới; nhưng với điều kiện các nhóm Thiên Chúa Giáo phải đồng ý không hành lễ đại tại đó hay treo các biểu tượng tôn giáo!
-Trong quá khứ, bộ trưởng tôn giáo đã đòi hỏi rằng muốn có giấy phép xây cất cơ sở tôn giáo phải tùy thuộc vào dân số tại địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng chùa và những yêu cầu về nơi thờ phượng của Phật Giáo lại không bị hạn chế gì cả!
-Các nhóm Ki-tô Giáo (và Hồi Giáo) chỉ có thể xây cơ sở thờ phượng nhỏ gần đường xá hay các địa thế bình thường khác, nếu được phép của nhà cầm quyền địa phương. Tuy vậy, Nhà cầm quyền địa phương thì hay thay đổi ý kiến và điều kiện xây cất như thay áo! Có khi họ chèn ép bằng cách phải phá bỏ các nhà thờ hiện tồn tại để được xây nhà thờ mới.
-Dân Karen báo cáo rằng lính Miến cho phép một mục sư gần Thandaung thuộc tiểu bang Karen được tổ chức lễ tại làng của ông ta, với điều kiện tổ chức "KNU’ Liên hiệp Quốc gia Karen (Karen National Union) không được tham gia. Khi cuộc giao tranh xẩy ra giữa KNU và quân đội Miến gần làng mục sư, lính bắt ông và chỉ thả tự do khi ông chịu trả 400USD (500.000 kyats). Nhà cầm quyền khu vực Rangoon đã đóng cửa nhiều nhà nguyện lấy cớ là không có người có quyền cử hành nghi lễ. Một số nhà nguyện còn tồn tại cũng vì đã phải hối lộ cho quan chức địa phương.
-Tháng 1.2005, chỉ huy quân đội tại phân khu Matupi thuộc tiểu bang Chin ra lệnh phá hủy một cây Thánh Giá cao 10 mét dựng bên sườn đồi, mặc dù đã được phép của chính quyền năm 1999. Trong quá khứ thì các nơi dựng các cây Thánh Giá bị phá đi thường được thay thế bằng các chùa mới với sự cưỡng bức tín hữu Ki-tô Giáo phải lao động xây chùa!
-Năm 2005, thượng cấp thông báo cho một sĩ quan Phật giáo rằng, người vợ Ki-tô Giáo phải theo đạo Phật, nếu không ông ta phải từ giã quân đội!
-Năm 2005, một học sinh trung học có tên là Alexander đoạt giải thiếu niên thể thao trong nhà, nhưng khi khám phá ra học sinh này là tín hữu Ki-tô Giáo, nhà cầm quyền khu vực Mandalay đã hủy bỏ!
-Năm 2005, một tín hữu Ki-tô Giáo, theo phong tục Tây phương, tổ chức lễ sinh nhật của mình tại một khách sạn ở Mandalay. Nhưng lễ sinh nhật của Anh ta bị nhà cầm quyền địa phương hủy bỏ với lý do là biến cố tôn giáo phải được tổ chức tại một thánh đường!
-Tháng 2.2006, cảnh sát ở Hpa-an thuộc tiểu bang Karen đã bắt giữ Yeh Zaw, thuộc cộng đoàn Insein Kanphawt, vì người này đã viết thư cho nhà lãnh đạo chính phủ yêu cầu ngưng đóng cửa nhà nguyện, nơi mà nhà cầm quyền Rangon đã ngăn cấm và không cho tín đồ thờ lậy tại đó vào năm 2006. Cảnh sát bắt Yeh Zaw không phải vì tội viết thư mà kiếm cớ là di chuyển không mang theo thẻ căn cước!
-Tháng 3.2006, trung tá Hla Maw Oo, giám đốc sở giao thương biên giới đã ra lệnh cho giáo dân tin Lành (Baptists) tại Kachin phá bỏ nhà thờ ở Mong Yu thuộc tiểu bang phía bắc Shan, để xây đường sá cho vùng phát triển kinh tế dọc theo biên giới với Tàu Cộng. Nhà cầm quyền chỉ bồi thường thiệt hại 7.000USD (khoảng 8,7 triệu kyats tiền Miến Điện) trong khi phí tổn xây cất trước đây là 12.070USD (15 triệu kyats) tính theo giá biểu năm 2002. Nhà cầm quyền đe dọa sẽ dùng biện pháp quân sự nếu các tín hữu không tuân lệnh.
- Tháng 4.2006, nhà cầm quyền Mandalay từ chối cho phép các nhà thờ tổ chức một chương trình tuần lễ Phục Sinh đúng theo phong tục. Khi được phép tập trung thì nhà cầm quyền lại đòi hỏi phải cho biết các chi tiết cuộc hội họp, kể cả tên người đánh dương cầm và các bản nhạc sẽ hát. Năm 2004, vào phút chót, nhà cầm quyền hủy bỏ giấy phép tổ chức kỷ niệm 125 năm của Giáo hội Methodist ở Lower Burma.
-Các nhà lãnh đạo cộng đồng Ki-tô Giáo (và Hồi Giáo) tường trình rằng, nay nhà cầm quyền có vẻ hủy bỏ chiến dịch cưỡng bức theo đạo Phật. Thay vào đó, tiêu điểm của họ là quyến rũ người ngoài Phật giáo theo đạo Phật bằng tặng phẩm và mua chuộc. Cải đạo bằng cưỡng bức (coerced) hoặc bằng cách này hay cách khác, là một phần trong chiến dịch dài hạn của nhà cầm quyền nhằm "Miến Hóa" (Burmanize) các vũng dân tộc thiểu số theo các tôn giáo khác. Chiến dịch này xẩy ra trùng hợp với việc gia tăng sự hiện diện của quân đội và áp lực.
-Năm 2004, tại vùng tây-bắc tiểu bang Shan, dư luận cho biết một nhà sư được Nhà cầm quyền địa phương hỗ trợ (sư quốc doanh) đã, vừa đe dọa, vừa mua chuộc tín hữu Ki-tô Giáo theo đạo Phật. Cũng vào thời điểm này, có một trường hợp (tường trình chưa được kiểm chứng), sự cải đạo đã được thực hiện bằng "đầu súng" (gunpoint) tại tiểu bang Chin!
Kết luận
-Phải chăng, qua cái gọi là "Đường Lối Miến Điện Tiến Lên Xã hội Chủ nghĩa" (Burmese Way to Socialism) của chế độ quân phiệt đã phát sinh chính sách kỳ thị tôn giáo, đặc biệt đối với Ki-tô Giáo?
-Phải chăng vì các tổ chức và nhân viên cứu trợ quốc tế đến từ các quốc gia Thiên Chúa Giáo, nên không được phép cứu dân Miến Điện?
-Phải chăng tín đồ Ki-tô Giáo là hậu quả của chế độ thực dân Tây phương, nên nhân vụ thiên tai bão lụt này cho chết luôn?
Qua các dữ kiện nêu trên chắc quí đọc giả cũng hiểu được tại sao chế độ quân phiệt Miến Điện, trong thời gian đầu, khi chưa bị Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu làm áp lực, đã không cho phép các nhân viên của các cơ quan từ thiện quốc tế tới cứu trợ dân của họ!
Máu Tăng Ni và Phật Tử đã đổ vì Đấu Tranh cho Độc Lập Tự Do (copy 1)
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
-Bài 1:
Nói tới Tây Tạng (Tibet), người ta liên tưởng đến miền cao nguyên lạnh giá với ngọn núi cao nhất thế giới Everest trong dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) tuyết phủ quanh năm và mỗi năm có hàng chục ngàn người du lịch đến đất nước này.
Nói tới Tây Tạng, người ta cũng không quên những câu chuyện huyền bí về hệ phái Phật Giáo Mật Tông, sự tái sinh và nhập thể vào trẻ em của các Đạt-la Lạt-ma (Dalai Lama) hay tuyệt kỹ khinh công tự nâng mình lên khỏi mặt đất và công lực của một số cao Tăng, từ khoảng cách ba bốn thước có thể xuất chưởng quật ngã đối thủ v.v...
Trong bài này chúng tôi không kể những chuyện huyền bí, nhưng đề cập tới biến cố mà cả thế giới đang hướng về Tây Tạng, nơi xẩy ra cuộc đấu tranh đòi độc lập tự chủ cho dân tộc nói chung và Phật Giáo nói riêng.
Để hiểu toàn bộ vấn đề Tây Tạng, chúng tôi sẽ trình bày trong 2 bài:
-Bài 1: Tây Tạng: Máu Tăng Ni và Phật tử đã đổ vì đấu tranh cho độc lập tự do.
-Bài 2: Hoa Kỳ đã thành công trong chiến lược dùng Tây Tạng làm phân hóa Cộng sản Liên-sô và Tàu Cộng; Ấn Độ và Tàu Cộng trong thập niên 1950-1960. (đón đọc trong số tới)
I-Đôi hàng về Tây Tạng
Tây Tạng thuộc vùng cao nguyên Trung Á với độ cao trung bình 4.900 mét, một vùng cao nhất địa cầu mà người ta quen gọi là "mái nhà của Thế-giới". Tây Tạng có biên giới giáp Ấn Độ về phía Tây-Bắc, Bhutan phía Đông-Nam, Nepal và dẫy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) phía Tây Nam, Trung quốc phía Đông-Bắc và sa mạc Dakla Makan phía Bắc. Theo thống kê vào năm 1959, dân số của Tây Tạng có khoảng 6.330.567 người. Nhưng theo thống kê năm 2000 của Tàu Cộng dân Tây Tạng trong nước chỉ có 5.400.000 người!
Nhiều vùng đất (Bộ-lạc) được vua Songtsan Gampo (605-649), vua thứ hai của Tây Tạng, thống nhất vào thế-kỷ 7 và chế độ Quân chủ này kéo dài tới thế kỷ 11. Sau đó vương quyền Tây Tạng trở nên yếu dần và bị Mông Cổ xâm lăng từ 1240-1644.
Từ năm 1644-1912, Nhà Thanh chiếm lục địa và cai trị Trung Hoa đã lập ra Đạt-lai Lạt-ma, người lãnh đạo Tây Tạng cả về tôn giáo lẫn chính trị, qua cơ cấu hành chính gồm, một chính phủ (Kashag) và 4 bộ trưởng (Kalon). Thủ đô đặt tại Lhasa.
Năm 1903 Anh quốc chiếm Tây Tạng và Nga Sô cũng không bỏ tham vọng. Sau đó hai nước đã ký Hiệp ước Anh-Nga (Anglo-Russian Convention) vào năm 1907, công nhận chủ quyền của Trung Hoa trên Tây Tạng.
Năm 1911, vào lúc triều đại Phổ Nghi Nhà Thanh sụp đổ, Tây Tạng tuyên bố độc lập và nền độc lập kéo dài tới khi có cuộc nội chiến giữa người Quốc Gia và Cộng sản tại Trung Hoa.
Mao Trạch Đông và đảng Cộng sản chiến thắng, chiếm được lục địa và tuyên bố sự ra đời của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vào ngày 1/10/1949.
Sau đó Mao Trạch Đông điều động 40.000 quân tiến chiếm Tây Tạng. Quân đội sơ khai của Tây Tạng chỉ vỏn vẹn có 5.000 lính nên đã bị thất bại tại chiến trường Chamdo. Sự thất bại đưa tới tình trạng bị chiếm đóng và chính quyền Tây Tạng phải ký Thỏa-hiệp 17 điểm vào tháng 5/1951.
Các điểm quan trọng đáng chú ý là:
-Tây Tạng phải thống nhất và trục xuất các lực lượng đế quốc gây hấn để trở về với đại gia đình mẫu quốc, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc!
-Tây Tạng được quyền tự trị dưới sự lãnh đạo của chính quyền Nhân dân Trung ương.
-Tây Tạng không được thay đổi hệ thống chính trị hiện hữu và tình trạng, nhiệm vụ và quyền hành của Dalai Lama.
-Tự do tôn giáo được tôn trọng.
-Quân đội Tây Tạng sẽ được tái tổ chức, từ từ sát nhập vào Quân đội Giải phóng Nhân dân.
-Vấn đề ngôn ngữ, giáo dục, nông nghiệp, kỹ nghệ, thương mại sẽ được cải tiến từng bước cho phù hợp với Tây Tạng.
-Thành lập Ủy ban quân sự và hành chính, bộ chỉ huy quân sự tại Tây Tạng. Chi phí cho các dịch vụ chuyên chở, thực phẩm và vật dụng cần thiết của Quân đội Giải phóng Nhân dân sẽ do chính quyền địa phương trợ giúp v.v...
Năm 1947, chính phủ Mỹ, do tổng thống Harry Truman lãnh đạo đã công nhận Tây Tạng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Các quốc gia khác trên thế giới cũng công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng.
II-Tại sao Tăng Ni và dân chúng Tây Tạng biểu tình chống Tàu Cộng?
Dân Tây Tạng đã phát động hai cuộc nổi dậy lớn nhất vào 1956 và 1959, nhưng đều thất bại. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã phải chạy tị nạn qua Ấn độ. Mao Trạch Đông có lần đã thuyết phục Ngài trở về nước sau lần nổi dậy thứ nhất, nhưng Ngài biết được âm mưu hiểm độc của Tàu Cộng, nên không dám về. Cuộc tổng nổi dậy lần thứ hai của dân Tây Tạng xẩy ra vào tháng 3.1959 khiến thủ tướng Chu Ân Lai (Zhou Enlai) ký sắc lệnh giải tán chính phủ Tây Tạng.
Để có thể tranh đấu cho quyền lợi của dân tộc Tây Tạng, ngày 20.6.1959, Đức Đạt-lai Lạt-ma thành lập chính phủ lưu vong tại Dharamsala, một thị trấn ở miền Bắc Ấn Độ và long trọng bác bỏ Thỏa hiệp 17 điểm mà Tàu Cộng áp đặt lên Tây Tạng.
Cuộc đấu tranh dành độc lập của dân Tây Tạng dựa trên ba lý do cơ bản:
-Lịch sử đã chứng minh, Tây Tạng vốn là một quốc gia có đầy đủ chủ quyền và tư cách pháp lý từ thời vua Songtsan Gampo (605-649).
-Tây Tạng đã chính thức tuyên bố là một quốc gia độc lập vào năm 1911 theo tiêu chuẩn quốc-tế, một nước có lãnh thổ, dân số và chính quyền hợp pháp. Giả sử Tây Tạng chưa tuyên bố là một quốc gia độc lập theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc đặt ra, Tây Tạng vẫn có quyền tuyên bố độc lập tự chủ sau khi bị Tàu Cộng chiếm đất nước mình. Trường hợp này có thể dựa vào tập quán chính trị thế giới. Hai vụ điển hình đã xẩy ra là Đông Timor (thuộc Nam Dương) và Kosovo (thuộc Nam Tư Serbia) đã tuyên bố độc lập.
-Nếu Tàu Cộng dựa vào cuộc chiến thắng xâm lược và Thỏa hiệp 17 điểm để nói rằng chính phủ Tây Tạng đã ký Thỏa hiệp sát nhập vào Trung quốc thì sự ký kết đó đã xẩy ra dưới áp lực và do thua trận, chứ không phải do thỉnh nguyện hay tình nguyện. Quyết định của Đức Đạt-lai Lạt-ma về việc hủy bỏ Thỏa hiệp 17 điểm là hợp lý.
Hiện nay chính quyền lưu vong và dân chúng tị nạn Tây Tạng có hai khuynh hướng chính trị khác nhau:
2.1-Khuynh hướng ôn hòa:
Từ các đài truyền hình thế-giới người ta được biết ngày chủ nhật 16/3/2008, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã tuyên bố: "Tàu Cộng đang thi hành chính sách "diệt chủng văn hóa" (China causing ‘cultural genocide’) và Ngài cũng yêu cầu thế-giới hãy điều tra các vụ thảm sát tại Tây Tạng do Tàu Cộng gây ra trong các cuộc nổi dậy của dân chúng vào các năm 1956, 1959 và 2008.
Năm 1959, được Cơ quan Trung ương Tình báo Mỹ (CIA) yểm trợ, dân tộc Tây Tạng nổi dậy chống lại bạo quyền Cộng-sản Tàu; nhưng bị thất bại và bị đàn áp khốc liệt. Đức Đạt-lai Lạt-ma cùng 80.000 dân Tây Tạng phải chạy qua Ấn Độ.
Tính đến năm 1966 khoảng 4/5 các chùa chiền và đền thờ Phật giáo đã bị Tàu cộng phá hủy. Cơ quan nhân quyền quốc tế phỏng đoán trong các cuộc nổi dậy có khoảng 1,3 triệu người đã bị giết chết qua ngục tù, tra tấn, lưu đày hay cải tạo. Ngoài ra ngôn ngữ Tây Tạng đã bị tiếng Tàu thống trị trong phạm vi trường học, ngoại giao và thương mại.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thành công trong việc gây uy tín trên chính trường thế-giới qua hành động tranh đấu nhân quyền cho các dân tộc bị áp bức mà giải thưởng Nobel hòa bình năm 1989 là một chứng minh cụ thể.
Nếu cuộc đấu tranh của dân Tây Tạng không diễn ra trong hòa bình thì ảnh hưởng của Ngài sẽ bị phôi pha và có hại cho cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Chính vì chủ trương sống chung hòa bình với Tàu Cộng, Đức Đạt-lai Lạt-ma chỉ tranh đấu cho Tây Tạng được tái tự trị chứ không đòi độc lập. Vì thế, Ngài đã tuyên bố sẽ từ chức, nếu các cuộc biểu tình vượt ra khỏi sự kiểm soát.
2.2-Khuynh hướng cứng rắn:
Qua hình ảnh biểu tình chống đối Tàu Cộng nhân dịp rước Đuốc Thế Vận Hội (Olympic) 2008, sinh viên và các tu sĩ trẻ Tây Tạng đã tạo được sự chú ý của thế-giới. Các thế hệ sinh sau năm 1950 và 1959 của Tây Tạng đang là mối lo sợ cho nhà cầm quyền Bắc Kinh. Giới quan sát báo chí nhận ra thế hệ trẻ ngày nay không hẳn đồng ý với Đức Đạt-lai Lạt-ma chủ trương "tranh đấu ôn hòa" chỉ đòi hỏi một nước Tây Tạng được tự trị hầu bảo toàn nền văn hóa dân tộc. Như vậy Ngài chấp nhận sự thống trị của Tàu Cộng theo kiểu nín thở qua sông!
Dựa vào các biến cố chính trị của thế giới, người ta nhận thấy tuổi trẻ Tây Tạng đã đọc lịch sử và phân tích được các yếu tố lợi hại trong việc đấu tranh đòi độc lập. Tuổi trẻ có khuynh hướng muốn chống ngoại xâm bằng bạo lực. Đây là mối lo sợ nhất của Tàu Cộng. Sự tiến bộ của ngành truyền thông Internet khiến cho mọi hành động đàn áp của Tàu Cộng sẽ không che mắt được thế-giới. Sự kiện mới đây cho thấy dân chúng thế-giới đã hướng về Tây Tạng và tỏ thái độ bất thân thiện với Tàu Cộng.
Cái ưu điểm của dân chúng Tây Tạng là đã có một quốc gia lịch sử, khác hẳn với hoàn cảnh Đông Timor và Kosovo.
Vì thế, Tăng Ni, Phật tử và dân chúng Tây Tạng hãy kiên trì đấu tranh đòi độc lập cho bằng được, dù phải trả bất cứ giá nào. Một điều vô cùng quan trọng là các cuộc biểu tình chống Tàu Cộng là phải xẩy ra nhiều nơi trên thế-giới và bất bạo động.
Nếu có hình ảnh Tăng Ni nào bạo động đập phá, cầm gậy, cầm vũ khí v.v... thì khó chiếm được cảm tình và sự hỗ trợ của dân chúng Tây phương, nơi mà người ta đã loại Tôn giáo ra khỏi chính trị từ lâu.
III- Các Cuộc Biểu Tình Chống Tàu Cộng Tại Tây Tạng và Trung Quốc
Kể từ ngày 10.3.2008, các cuộc biểu tình có lúc ôn hòa, có lúc bạo động của Tăng Ni và dân chúng Tây Tạng đã diễn ra.
-Tại Tứ Xuyên (Sichuan): Tăng Ni, Phật Tử biểu tình đã đụng độ với cảnh sát Tàu Cộng ở huyện Aba. Theo một cư dân cho biết có một cảnh sát bị chết và bốn xe cảnh sát bị đốt. Trong khi đó Trung Tâm Nhân Quyền và Dân chủ Tây Tạng ở Ấn Độ nói rằng ít nhất có 7 người Tây Tạng bị bắn chết tại đây.
-Tại Thanh Hải (Qinghai): 100 Tăng Ni đã xuống đường biểu tình, bất chấp lệnh nhà cầm quyền Tàu Cộng cấm họ dời khỏi Tu viện Rongwo ở thành phố Tongren, bằng cách trèo qua ngọn đồi sau Tu viện, nơi họ đốt nhang và pháo bông để phản đối sự đàn áp tại thủ đô Lhasa. Cơ sở kinh doanh bị đóng cửa. Cảnh sát gác gần tu viện và bắt nhà báo phải xóa bỏ hình ảnh có cảnh sát.
-Tại tỉnh Cam Túc (Gansu): Hơn 100 sinh viên đã biểu tình tại trường đại học ở Lanzhou. Lệnh giới nghiêm được ban hành ở thành phố Xiahe và cảnh sát đã bắn lựu đạn cay vào khoảng 1.000 Tăng Ni từ Tu viện lịch sử Labrang và dân biểu tình.
IV- Biểu Tình Chống Tàu Cộng Trên Thế Giới
Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã vượt qua biên giới Tây Tạng đến những thành phố khác trên thế giới.
4.1-Tại Á Châu
Các cuộc biểu tình đã diễn ra tại thủ đô và một số tỉnh lớn ở: Thái Lan, Tân Gia Ba, Nam Dương, Nhật Bản, Nepal, Ấn Độ, Do Thái...
Đặc biệt tại Đài Loan (Taiwan) theo tin tức của nhật báo Mỹ, tờ The Wall Street Journal số phát hành ngày 13.3.2008 có ghi lại việc Ủy ban Thế Vận Trung Quốc muốn ngọn đuốc Thế vận Bắc Kinh 2008 chạy ngang qua Đài Loan; nhưng bị chính phủ Đài Loan từ chối vì lo ngại rằng việc chấp nhận có thể tạo sự hiểu lầm là Đài Loan muốn sát nhập vào Trung Quốc.
4.2-Tại Âu Châu
Quốc Hội Liên Hiệp Âu Châu đã khuyến cáo chính phủ và nguyên thủ quốc gia của 27 hội viên nên tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, nếu Tàu Cộng không chịu đàm phán với Đức Đạt-lai Lạt-ma.
Các cuộc biểu tình chống Tàu Cộng đã diễn ra tại thủ đô và một số tỉnh lớn ở: Ái Nhĩ Lan, Anh, Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Đan Mạch, Hòa Lan, Hy Lạp, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Slovenia, Thụy Sĩ, Tiệp Khắc, Ukrain, Ý Đại Lợi.
-Anh quốc:
Hoàng thái tử Charles tuyên bố không tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.
Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng cho biết không tham dự. Ông cho biết sẽ tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma, khi Ngài đến viếng thăm Anh quốc vào tháng 5/2008. Quyết định này có thể gây tổn hại cho nỗ lực của thủ tướng đang muốn thắt chặt bang giao với Trung Cộng.
Tại Anh quốc, cuộc rước đuốc Thế Vận Hội (Olympic Torch) đã bị dân Tây Tạng và những người Anh đồng tình ủng hộ biểu tình cản trở.
-Ba Lan: Tại thủ đô Warsaw khoảng 200 người đã biểu tình trước sứ quán Trung Quốc. Họ đem theo cờ Tây Tạng và hô to "Tây Tạng tự do". Trong số những người biểu tình có phó chủ tịch Thượng Viện Ba Lan, ông Zbigniew Romaszewski, đại biểu Quốc Hội Andrzej Halicki... Những người biểu tình cũng kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.
-Bỉ quốc: có khoảng 100 người đã biểu tình trước Điện Công Lý ở thủ đô Brussels kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án Trung Cộng. Cảnh sát Bỉ đã xô xát với người biểu tình trước văn phòng tòa đại sứ Trung Cộng tại Liên Âu. Cảnh sát đã ngăn cản không cho người biểu tình bước chân vào khuôn viên tòa đại sứ, nhưng một người biểu tình đã ném một lá quốc kỳ Tây Tạng cho một người đứng gần cổng và người này đã phóng được cây cờ vào sân tòa nhà này. Cảnh sát bắt giữ ít nhất 3 người và đuổi người biểu tình qua phía bên kia đường. Trước đó, 5 người biểu tình đã cắm quốc kỳ Tây Tạng trước tòa đại sứ Trung Cộng ở Brussels. Sau đó họ đã bị cảnh sát Bỉ bắt giữ.
-Đức quốc:
Nữ thủ tướng Angela Merkel là nhà lãnh đạo đầu tiên tuyên bố không tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Nữ lực sĩ Yvonne Boenisch, người đoạt huy chương vàng về Nhu Đạo tại Thế Vận Hội Hy Lạp năm 2004, cũng tuyên bố tẩy chay.
Quyết định tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma của thủ tướng Đức hồi năm ngoái đã khiến cho mối bang giao giữa Tàu Cộng và Đức trở nên lạnh lẽo suốt 4 tháng trời.
-Hòa Lan: Ngày Chủ Nhật 16 tháng ba có khoảng 100 người đã lôi sập một phần hàng rào bao quanh tòa đại sứ và hạ cờ Trung Quốc xuống. Hơn 400 người biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc ở The Hague, và thay vào đó là cờ Tây Tạng trước khi cảnh sát Hòa Lan đến kịp thời và can thiệp.
-Thụy Sĩ: Cảnh sát đã phải dùng lựu đạn cay để ngăn chận những người biểu tình ủng hộ Tây Tạng có ý định đột nhập lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Zurich, trong lúc rất nhiều người Thụy Sĩ biểu tình cùng người Tây Tạng bên ngoài lãnh sứ quán.
-Pháp quốc: xô xát đã diễn ra trước tòa đại sứ Trung Cộng ở thủ đô Ba Lê. Cảnh sát chống bạo động đã dùng hơi cay giải tán đám biểu tình khoảng 500 người và bắt giữ khoảng 10 người. Một người biểu tình đã trèo lên tòa đại sứ Trung Cộng hạ lá quốc kỳ Trung Cộng xuống và thay vào đó lá quốc kỳ Tây Tạng.
Đặc biệt trong cuộc rước đuốc Thế Vận Hội, những người biểu tình ở Paris đã làm cho lực lượng an ninh phải tắt đuốc đưa lên xe buýt đi đoạn đường còn cuối cùng còn lại.
Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, dự tính không tham dự lể khai mạc Thế Vận Hội, nếu Tàu Cộng không chịu đàm thoại với Đức Đạt-lai Lạt-ma.
-Ý Đại Lợi: khoảng 100 người đã tới biểu tình trước cổng toà đại sứ Trung Cộng ở thủ đô Rô-ma.
4.3-Tại Mỹ Châu:
-Hoa Kỳ:
Các cuộc biểu tình đã diễn ra tại thủ đô và một số tiểu bang, thành phố lớn ở: Hoa Kỳ, Ba Tây, Chí Lợi, Costa Rica, Gia Nã Đại, Uruguay…
Đặc biệt tại Hoa Kỳ xô xát đã xảy ra giữa những người biểu tình và cảnh sát bên ngoài lãnh sứ quán Tàu Cộng ở khu Manhattan, Nữu Ước. Ở Hoa Thạnh Đốn, khoảng 80 người biểu tình trước tòa Đại sứ Tàu. Họ giơ cao cờ Tây Tạng và hô to khẩu hiệu "Nhục nhã cho Trung Quốc" và "Chấm dứt giết chóc".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Condoleezza Rice, lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tự chế và nên đối thoại với người Tây Tạng.
Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ cũng đã bay qua Ấn Độ thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala ngày 21.3.2008 để bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ cuộc đấu tranh của Tây Tạng. Bà Pelosi phát biểu: "Tình trạng Tây Tạng là một thử thách đối với lương tâm của thế-giới. Hoa Kỳ cần phải cam kết đối phó với thử thách đó. Chúng ta phải nhất quán khi nói về nhân quyền ở bất cứ nơi nào."
Bà Pelosi là một trong những người thường phê bình chính sách vi phạm nhân quyền của Tàu Cộng và chính bà đã trao Huy chương Quốc hội Mỹ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma trong dịp Ngài tới thăm Hoa Thịnh Đốn vào tháng 10/2007.
Tuyên bố trong cuộc họp báo trước cuộc biểu tình tại công viên Liên Hiệp Quốc, đức giám mục Anh Giáo Desmond Tutu nói rằng Ngài không vận động một cuộc tẩy chay toàn diện Thế Vận Hội vì đây là một cơ hội tranh tài của các lực sĩ. Tuy nhiên, các lãnh tụ thế giới nên tẩy chay lễ khai mạc để dạy cho Trung cộng một bài học. Ngài nói đuốc Thế Vận Hội cũng không nên rước qua vùng Tây Tạng và Hy Mã Lạp Sơn trong mùa hè năm nay, vì đây là một hành động khiêu khích. Nhân danh người dân Tây Tạng, nhân danh đức Đạt Lai Lạt Ma, chính phủ Tàu Cộng phải bỏ những gì mà họ đang làm, và nên ngồi lại thương thuyết với nhà lãnh đạo của Tây Tạng để tìm kiếm một đường lối nhằm giải quyết vấn đề.
-Gia Nã Đại:
Thủ tướng Stephen Harper cũng dự tính không tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.
4.4-Tại Úc Châu
Cuộc biểu tình đã diễn ra tại thủ đô và một vài thành phố lớn ở: Tân Tây Lan và Úc Đại Lợi.
Đặc biệt tại Úc Đại Lợi: sau khi một số người biểu tình leo thang trèo vào bên trong lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, họ đã ném trứng và dùng cột cờ cầm tay đánh vào một chiếc xe đang tiến vào bên trong lãnh sự quán. Thủ tướng Úc, Kevin Rudd, tuyên bố vẫn chống lại việc tẩy chay Thế Vận Hội, nhưng kêu gọi Tàu Cộng hãy giải quyết vấn đề nhân quyền tại Tây Tạng qua những cuộc thương thuyết. Nhiều người ngạc nhiên khi ông Rudd nói chuyện thông thạo tiếng Tàu tại đại học Bắc Kinh. Ông hiểu rất rõ về tình trạng nhân quyền tại quốc gia này. Ông nói Trung cộng đang đối phó với nhiều vấn đề từ nạn đói nghèo, sự cách biệt giàu nghèo, và nhất là vấn đề nhân quyền luôn là một vấn đề nhức nhối. Nói chuyện trước hàng trăm sinh viên trong hội trường của đại học này, ông Rudd kêu gọi các lãnh tụ Trung cộng hãy ngồi lại với đức Đạt Lai Lạt Ma để thương thuyết, thay vì phải đối đầu. Ông nói Úc Đại Lợi cũng như những nước khác công nhận chủ trương một nước Trung Hoa, nhưng họ cũng nghĩ rằng có sự cần thiết để giải quyết vấn đề nhân quyền tại Tây Tạng. Ông Rudd cho biết theo ý ông, Thế Vận Hội là một cơ hội cho Trung cộng mở cửa ra với thế giới, và vì thế ông không chủ trương tẩy chay đại hội thể thao này.
4.5-Liên Hiệp Quốc
Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tuyên bố không tham dự Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.
V-Thái độ của Phật Giáo chính thống Việt Nam đối với biến cố Tây Tạng
Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ viết thư cho Đức Đạt-lai Lạt-ma ủng hộ cuộc đấu tranh của chư Tăng và dân Tây Tạng.
Thư này gửi sang Paris nhờ phòng thông tin Phật giáo quốc tế chuyển đến tận tay Đức Đạt-lai Lạt-ma ở Dharamsala, Bắc Ấn Độ, thủ đô tị nạn của dân chúng Tây Tạng:
"Bất nhẫn khi nghe tin quân đội Trung quốc bắn giết 80 người Tây Tạng, và công an Trung quốc trá hình Tăng sĩ Tây Tạng nhằm gây rối hòng lấy cớ đàn áp các cuộc biểu tình thượng tuần tháng 3 này, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ viết cho Đức Dalai Lama trong bức thư đề ngày 15.3.2008 tại Saigon như sau:
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi bàng hoàng xúc động trước sự đàn áp bằng vũ lực cuộc biểu tình bất bạo động của chư Tăng và nhân dân Tây Tạng. Đạo Phật mang nguyên lý hòa bình và bất bạo động. Ấy thế mà những cuộc phản kháng ôn hoà của quần chúng Phật tử Á châu - từ Tây Tạng, Miến Điện đến Việt Nam - đã bị đàn áp tàn nhẫn gây đổ máu. Chính quyền Trung quốc bảo rằng đàn áp nhằm mang lại "trật tự và ổn định". Nhưng người Phật tử ý thức rằng bạo động không thể dẹp tan bạo động, vũ lực tàn bạo không mang lại hoà bình.
"Người Phật tử Tây Tạng đấu tranh nhằm ngăn chặn sự tiêu diệt văn hoá và tín ngưỡng, đang phản chống sự bất công của một chính sách cai trị độc đảng. Chỉ có đối thoại, chứ không là tàn phá, mới mở đường tiến tới giải pháp tối hậu cho Tây Tạng. Theo quan điểm của tôi, Trung quốc phải tức khắc chấm dứt mọi hình thức bạo động và mở ngay cuộc đối thoại với Ngài, là người lãnh đạo tâm linh và quốc gia của nhân dân Tây Tạng. Để hỗ trợ cho cuộc thương thảo này, Liên Hiệp Quốc, các chính phủ và quốc hội trong thế giới cũng như cộng đồng quốc tế cần tạo áp lực để nhà cầm quyền Trung quốc chấm dứt cuộc đàn áp vũ lực hầu đáp ứng những đòi hỏi cụ thể của nhân dân Tây Tạng.
"Tại Á châu ngày nay, các chế độ độc đoán đàn áp Phật giáo, vì các chế độ này rất sợ lực lượng hoà bình và tự do của người Phật tử. Dù vậy các chế độ ấy vẫn không ngừng lợi dụng Phật giáo để tuyên truyền cho họ, nhằm chế ngự tiềm lực Phật giáo đồng thời bành trướng chế độ của họ. Tháng 4 năm 2006, lần đầu tiên sau 57 năm xích hoá Trung quốc, Bắc Kinh tổ chức Hội nghị Phật giáo quốc tế lần thứ nhất với sự tham dự khoảng 30 quốc gia trong thế giới. Năm nay, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ tổ chức từ 12 đến 17.5.2008 tại Việt Nam Đại lễ Phật Đản Tam hợp, dự trù mời 4000 khách ngoại quốc đến tham dự. Các nhà lãnh đạo Hà Nội tôn vinh Đức Phật nhưng lại đàn áp tàn nhẫn các Trưởng tử của Đức Phật. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị ngăn cấm hoạt động, thành viên và quần chúng Phật tử của Giáo hội bị sách nhiễu và bắt giam. Khôi hài xiết bao khi chỉ có những người Cộng sản và khách ngoại quốc là có quyền tham dự Khánh Đản đức Phật, trong khi đó người Phật tử vắng bóng trên diễn đài?
"Nhân danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi cầu siêu cho tất cả những người chết vì tự do trong các cuộc biểu tình vừa qua và cầu an cho tất cả chư Tăng mất tích. Tôi hỗ trợ toàn tâm cuộc đấu tranh dũng cảm cho sự sống còn của nhân dân Tây Tạng, và chia sẻ mọi ngưỡng vọng của Ngài để mang lại quyền sống và quyền tự do. Ngày hôm nay đây, mọi người Phật tử Việt Nam đều là người Tây Tạng. Người Phật tử Việt Nam đứng bên cạnh Ngài trong cuộc đấu tranh bất bạo động để thực hiện quyền tự do tôn giáo và quyền làm người. Bởi vì thiếu nhân quyền, con người không thể nào tồn tại trọn vẹn trong tự do.
"Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và tôi cũng như hàng giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không bao giờ quên những thông điệp, kiến nghị mà Ngài đã cất lên từ đầu thập niên 1990 đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản trả tự do cho chúng tôi. Trong những ngày đen tối nơi tù ngục ấy, chúng tôi khó biết đầy đủ những nỗ lực của Ngài. Chỉ từ khi tôi được ân xá vào năm 1998, tôi mới được người phát ngôn của Giáo hội chúng tôi, là đạo hữu Võ Văn Ái, cho biết sự can thiệp quan trọng đầy lòng từ bi của Ngài. Tôi không bao giờ quên mối liên đới thâm tình của Ngài đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngài luôn hiện hữu trong tâm tư cầu nguyện của tôi, và tôi hy vọng thiết tha Ngài sẽ thành công dẫn dắc nhân dân Tây Tạng qua khỏi cơn nguy biến khó khăn hôm nay’’.
Phe Phật Giáo quốc doanh trong cái gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, và tay sai Việt Cộng trong và ngoài nước vẫn không một lời chia sẻ! Thế mới biết tại sao xưa họ hăng say chống hai chế độ của TT. Ngô Đình Diệm và TT. Nguyễn Văn Thiệu-Kỳ vì đàn áp Phật Giáo, nay thì họ im hơi lặng tiếng dưới chế độ Việt Cộng và Tàu Cộng?
VI-Thái độ thân Tàu Cộng của vài quốc gia đối với biến cố Tây Tạng
6.1-Việt Nam: theo Tân Hoa Xã, trong một cuộc họp mới đây với đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Vũ Dũng đã nói rằng: "Việt Nam hoàn toàn ủng hộ các biện pháp mà chính phủ Trung Quốc áp dụng để ổn định tình hình tại Tây Tạng".
Bản tin của thông tấn xã AFP trích thuật lời ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, nói hôm thứ tư: "chính phủ Việt Nam tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ có những biện pháp phù hợp bảo đảm an ninh trật tự, duy trì ổn định xã hội và phát triển kinh tế ở Tây Tạng nói riêng và ở Trung Quốc nói chung’... Mọi vấn đề liên quan đến Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc".
6.2-Căm Bốt: Tân Hoa Xã trích lời một nhân viên ngoại giao hàng đầu của Căm Bốt nói rằng những xáo trộn xảy ra tại thủ đô Lhasa của Tây Tạng trong những ngày qua là âm mưu của một nhóm nhỏ người với những động cơ không rõ ràng.
6.3-Bangladesh: Tân Hoa Xã cho hay phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao nước này mới đây đã phổ biến một tuyên bố nói rằng: "Bangladesh đoàn kết với Trung Quốc trong vấn đề Tây Tạng, và tất cả các vấn đề liên quan đến Tây Tạng và vấn đề nội bộ của Trung Quốc."
6.4-Ấn Độ: Ấn độ là quốc gia ân nghĩa đối với dân tị nạn và chính phủ lưu vong Tây Tạng; nhưng, chính phủ Ấn lại công nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc vào năm 2003. Quyết định trên được coi là một sự đáp lễ trước việc Trung Quốc thừa nhận khu tranh chấp Sikkim là một phần thuộc lãnh thổ Ấn Độ.
Năm 2001, con đường lịch sử nối liền hai quốc gia đã được mở lại nhằm phát triển giao thương. Chính sách của Ấn Độ đối với Tàu Cộng được phương Tây coi là hời hợt và bế tắc.
Có ít nhất 100.000 người Tây Tạng tị nạn tại Ấn Độ, nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên Thế-giới. Hàng năm còn có thêm hàng nghìn người tị nạn đến với đất nước này. Chính quyền Ấn biết rõ người Tây Tạng tị nạn, đặc biệt là thanh niên, luôn cổ vũ mạnh mẽ phong trào ly khai và đòi độc lập. Nếu ủng hộ, Ấn sẽ gặp rắc rối với Tàu Cộng về phương diện ngoại giao và kinh tế.
Kết luận
Chính vì Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu và không một quốc gia nào công nhận sự ra đời của quốc gia Tây Tạng kể từ năm 1947; nên việc đấu tranh đòi độc lập cho Tây Tạng không phải là chuyện dễ.
Tàu Cộng chơi trò ma giáo qua cái gọi là chương trình phát triển đất nước để di chuyển hàng triệu người Hán và gia đình tới Tây Tạng với danh hiệu khai phá, làm đường, xây cầu cống, mở mang hệ thống giao thông, khuếch trương kỹ nghệ, du lịch v.v... Với thời gian, số người Hán sẽ đông hơn người Tạng. Như vậy, khi có cuộc trưng cầu dân ý hủy bỏ sự tự trị của Tây Tạng để sát nhập vào một tỉnh của Trung Quốc, thì người Tây Tạng sẽ trở thành thiểu số và mất nước.
Đây cũng là trường hợp Kosovo, thánh địa của Nam Tư (Serbia) đã mất về tay người Hồi giáo Albania.
Tàu Cộng chơi trò diệt văn hóa Tây Tạng, văn hóa Phật Giáo, để thay thế bằng văn hóa vô thần Cộng sản. Yêu nước phải yêu Xã hội Chủ nghĩa!
Tàu Cộng từ từ hủy diệt ngôn ngữ Tây Tạng, vì tất cả các công sở, công văn, giấy tờ và trường học v.v... chỉ dùng tiếng Tàu phổ thông, tiếng Tạng sẽ dần dà đi vào lãng quên và trở thành cổ ngữ! Khi ngôn ngữ của một dân tộc không còn tồn tại thì mất nước là chuyện đương nhiên.
Khi sản phẩm kỹ nghệ của Tây phương và Hoa Kỳ đang khan hiếm chỗ tiêu thụ thì thị trường khổng lồ Trung quốc sẽ hấp dẫn tất cả các nhà sản xuất. Họ không dại gì ủng hộ Tây Tạng, một vùng núi đồi trùng điệp lại nghèo tài nguyên thiên nhiên.
Khi các nhà kỹ nghệ Tây phương và Hoa Kỳ đang gặp khó khăn trong việc trả lương cao cho nhân công thì Trung Quốc là thị trường nhân công khổng lồ chịu làm với giá rẻ. Như vậy không ai dại gì hỗ trợ Đức Đạt-lai Đạt-ma và dân nghèo Tây Tạng.
Khi Đức Đạt-lai Đạt-ma thứ 14 qua đời thì vấn đề đấu tranh đòi độc lập của dân chúng Tây Tạng cũng bị suy yếu dần.
Vì thế, dân chúng Tây Tạng nói chung và Tăng Ni, Phật Tử nói riêng có quyền đòi cho Tây Tạng được độc lập tự chủ, hoặc ít nhất là được tự trị hoàn toàn.
Cơ hội ngàn năm một thuở có thể đánh động lương tâm Thế-giới và làm cho quốc-tế phải chú tâm là Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Giai đoạn này là thời điểm quan trọng có tính cách quyết định cho vận mệnh đất nước và sự sống còn của Tây Tạng.
NHÂN QUỐC HẬN 30.4.1975 – 30.4.2008
Xin Đừng Quên Cầu Nguyện Cho Hơn 5 Ngàn Nạn Nhân Bị Việt Cộng Tàn Sát Ở Huế Tết Mậu Thân năm 1968
BY: SÀI GÒN VIỄN TỬ
Đôi lời mở đầu
Sau 33 năm xa quê hương, có lẽ người Việt đã quên dần những cảnh tàn sát đẫm máu trong chiến tranh Việt Nam do Cộng sản Việt Nam (CSVN) gây ra.
Đối với tuổi trẻ thì các biến cố này có lẽ chỉ còn là những câu chuyện lịch sử, vì các em không thực sự sống trong hoàn cảnh đau thương hay trải qua những biến cố thăng trầm của đất nước. Đọc tài liệu một chiều của CSVN tuổi trẻ không thể hiểu hết nguyên nhân cuộc chiến.
Khi đảng CSVN vẫn còn độc đoán cai trị đất nước, đàn áp các nhà đấu tranh đòi dân chủ tự do, và tổ chức ăn mừng cướp được miền Nam ngày 30.04.1975, thì người Việt tị nạn chân chính vẫn còn nhớ mãi các hành động giết người đẫm máu của họ trong toàn cuộc chiến và sau chiến tranh.
CSVN đã gây ra nhiều vụ thảm sát lớn nhỏ khác nhau; nhưng trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới vụ quan trọng nhất là: biến cố giết người tập thể tại cố đô Huế vào Tết Mậu Thân, năm 1968.
Nhắc lại những kỷ niệm đau thương không phải để tiếp tục gây hận thù; nhưng để CSVN nhận ra được đâu là chính nghĩa và tình thương của dân tộc mà cải tà qui chính.
1-"Đừng tin những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng sản làm!"
Câu nói nổi tiếng và có giá trị lịch sử của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xuất hiện sau vụ Cộng sản Bắc Việt (CSBV) tấn công vào các thành phố lớn của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), mặc dù hai bên thỏa thuận Ngưng Chiến trong dịp Tết Mậu Thân 1968.
Tại sao CSBV lại lưu manh lợi dụng dịp Tết để tấn công vào lãnh thổ VNCH?
2-CSBV muốn đọ sức quân đội Mỹ để gây tiếng vang trên chính trường thế giới
Ngày 8.3.1965 Chính phủ Mỹ quyết định đổ bộ 3.500 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) tại hải cảng Đà Nẵng nhằm bảo vệ căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại miền Nam. Sự kiện này mở đầu cho cuộc chiến trên bộ của quân đội Mỹ. Sự hiện diện của lính Mỹ tại miền Nam là cớ để CSBV công khai xua quân xâm nhập miền Nam và thử sức Mỹ. Khe Sanh là mục tiêu đầu tiên của tướng Võ Nguyên Giáp.
Sư đoàn TQLC Mỹ rút kinh nghiệm từ trận Điện Biên Phủ, không làm hầm và đóng đồn dưới thung lũng, nhưng phòng thủ trên các đồi cao 861, 881 và 881S tại Khe Sanh, một địa danh đồi núi cách biên giới Lào 8,656km (6 dặm) và cách vĩ tuyến 17, ranh giới chia cắt Nam-Bắc, 22,51km (14 dặm).
Với chiến thuật "lấy thịt đè người" CSBV tung 2 sư đoàn (SĐ) thiện chiến nhất là SĐ-325 và SĐ-304 để quyết tiêu diệt SĐ/TQLC Mỹ. Sư đoàn 304 là một trong các SĐ chủ lực tham gia trận Điện Biên Phủ (1954). Lực lượng của CSBV có khoảng 15.000 tới 20.000 lính so với 5.600 lính của lực lượng Mỹ (3.500) và lực lượng đặc biệt VNCH (2.100).
Vào sáng sớm ngày 21.1.1968, từ các khẩu đại bác tầm xa được cất dấu trong các hang đá, CSBV chào mừng SĐ/TQLC Mỹ bằng 300 đạn pháo. Trong ngày đầu 18 lính Mỹ bị chết và 40 bị thương. Pháo binh của CSBV tiếp tục phủ đầu lính Mỹ trung bình mỗi ngày 2.000 đạn pháo.
Để bảo vệ SĐ/TQLC, tướng Westmoreland mở màn cuộc hành quân mang tên "Niagara Operation", tên thác lớn nhất thế giới. Các phi cơ thả bom khổng lồ B-52 của không quân Mỹ đã dội bom tới mức độ khủng khiếp: 150 phi vụ với 5.000 trái bom một ngày. Số lượng bom thả tập trung trên một chiến trận lớn nhất chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. Khoảng cách 3,5km quanh các đồi chỉ còn là đất trống, không cỏ cây.
Tuy vậy, lính CSBV vẫn tiến sát các đồi đóng quân của Mỹ bằng cách đào các địa đạo, một chiến thuật "đánh độn thổ" của CSBV tại Điện Biên Phủ. Ban đêm lính Mỹ nghe được tiếng cuốc xẻng đào đất chứng tỏ khoảng cách giữa hai địch thủ không xa lắm. Cuối cùng, vì khoảng cách hai bên quá gần, phi cơ khổng lồ B-52 không thể can thiệp được, các phi cơ Skyraiders và Skyhawks đã phải thả hàng chục ngàn tấn bom đốt cháy (Napalm) vào vị trí CSBV, khiến cho giấc mộng biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ của Mỹ của tướng Võ Nguyên Giáp tan thành mây khói. Với hỏa lực hùng hậu của không lực Hoa Kỳ, hai sư đoàn CSBV coi như bị hủy diệt.
Về quân sự CSBV bị thất bại hoàn toàn. Nhưng về chính trị, CSBV gây được tiếng vang trên chính trường Hoa Kỳ và Tây phương. Phong trào phản chiến chống Mỹ và tay sai Cộng sản được phát động tại Việt Nam, Hoa Kỳ và Tây phương.
3-Cuộc tổng tấn công của quân CSBV vào các thành phố lớn của miền Nam
Trong chiến dịch Đông Xuân 1967 – 1968, quân đội Bắc Việt đồng loạt tấn công vào 41 tỉnh, thành phố, thị trấn và hàng trăm xã ấp miền Nam Việt Nam trong bối cảnh hai phía Nam-Bắc và quân đội đồng minh đã thỏa thuận hưu chiến 36 giờ đồng hồ để người dân được yên hưởng một Tết truyền thống trong hoà bình.
Quân CSBV và MTGPMN đã tấn công đúng vào đêm giao thừa để đạt yếu tố bất ngờ. Nhưng cuộc tấn công vào các tỉnh và thủ đô Sài Gòn của CSBV và MTGPMN không đạt được thành quả như họ muốn. Chỉ sau một hai tuần lễ thì lực lượng địch bị thảm bại và bị đánh bật ra khỏi thành phố. Hàng chục ngàn cán binh CS bị tiêu diệt. Các cơ sở hạ tầng bị lộ tẩy và càn quét. Cái mà CSBV nghĩ là dân chúng miền Nam sẽ nổi dậy cướp chính quyền chỉ là ảo tưởng.
Về phương diện quân sự, QLVNCH đã thắng Bắc quân. Dù đã vận dụng tới 84.000 cán binh vào cuộc chiến, từ ngày mồng 5 tết trở đi, cộng quân bị dồn vào thế thụ động. Chỉ còn lại một số nhỏ chốt chặn cảm tử nhằm tạo ảo giác trận chiến đang kéo dài. QLVNCH đã chứng tỏ khả năng vượt trên sự ước đoán của chính các tướng đồng minh.
Ngay những hãng thông tấn có phần thiên vị Hà Nội cũng phải nhìn nhận sự thất bại quân sự của cộng quân.
Chính Nguyễn Văn Linh, người chịu trách nhiệm chỉ huy cuộc tấn công Sài Gòn năm 1968, và sau này trở thành tổng bí thư đảng CSVN từ 1986 tới 1991, thú nhận rằng sau năm 1968 là "những năm khó khăn“ của cộng sản. Trong nội thành các cơ sở nằm vùng bị tiêu diệt hay "vỡ nhiều mảng.“ Cơ sở nông thôn ngoại thành cũng bị quét sạch vì kế hoạch "bình định cấp tốc“ [accelerated pacification]. Riêng bộ chỉ huy thành ủy phải lùi xa thành phố, vừa di chuyển vừa trốn tránh mất "1 năm 28 ngày“ mới tới được căn cứ an toàn.
Tướng Trần Văn Trà, người chỉ huy mặt trận phía bắc Sài Gòn, cũng có nhận xét tương tự. Theo Trà, Cộng Sản đã chịu "thiệt hại lớn lao về sức người, sức của, đặc biệt là cán bộ các cấp“ làm cho tiềm lực suy yếu rõ rệt. Nhưng sau đó chẳng những không giữ được những thành tựu mà còn chịu muôn vàn khó khăn trong những năm 1969-1970. Vào cuối năm 1968, theo Trà, "B-2“ (tức Khu 2 của CS, bao gồm Nam Bộ và một phần Trung Bộ) phải phân tán mỏng trung đoàn chủ lực 320 về vùng lãnh thổ Long An để duy trì trục tiếp vận từ Sài Gòn tới trung ương cục Miền Nam. Trong hai năm 1969-1970, từ cấp trung đoàn trưởng, chính ủy, trung đoàn phó xuống thủ trưởng các đơn vị đều lần lượt bị thiệt mạng.
Ngoài Sài Gòn, mục tiêu chính của CSBV phải chiếm bằng bất cứ giá nào là Thừa Thiên-Huế, vì Bắc Bộ Phủ muốn dùng nơi này làm căn cứ địa lâu dài cho MTGPMN với ba lý do:
Thứ nhất: Huế có nhiều di tích lịch sử văn hóa và thành quách rất vững chắc, nếu chiếm được, quân lực VNCH và đồng minh sẽ gặp trở ngại lớn khi giải tỏa, vì một phần địch sống trà trộn vào dân, một phần phải tránh gây đổ vỡ các di tích lịch sử của cố đô Huế.
Thứ hai: một số nhà lãnh đạo Phật Giáo, chính khách và sinh viên ở đây có khuynh hướng ủng hộ MTGPMN. Các biến cố chống chính phủ thời tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu/Nguyễn Cao Kỳ đều khởi đầu từ Huế và miền trung.
Thứ ba: chiếm được Huế thì cái gọi là chính phủ lâm thời miền nam VN (CPLTMNVN) có cơ sở hoạt động công khai và được thế giới quan tâm nhiều hơn. Khi có đất, có chính phủ và một số dân, CPLTMNVN sẽ công khai kêu gọi các nước cộng sản và không cộng sản ủng hộ. Đây là thắng lợi thứ nhất của phe CS.
Như vậy, nước Việt Nam bị chia làm ba phần, phe CSBV và MTGPMN chiếm được 2/3 lãnh thổ.
Chiến trường Huế, một địa điểm chính yếu trong toàn cuộc chiến, đã diễn ra ác liệt và kéo dài đến 25 ngày đêm, từ ngày 31.1.1968.
Ngày mồng ba Tết 1.2.1968, một ngày sau đó, chiến đoàn dù với 2 tiểu đoàn 2, 7 và chi đoàn 2/7 Thiết giáp từ phía bắc vào giải vây Huế. Hai đại đội TQLC cùng 4 chiến xa M-48 trong chiến đoàn X-Ray đóng tại Phú Bài cũng về Huế tăng cường phòng thủ MACV. Chiều ngày mồng 4 Tết, TĐ 9 dù được trực thăng vận vào chiến trường, từ đây cho tới ngày 12.2.1968, cuộc chiến trở nên khốc liệt với sự tổn thất nhân mạng rất cao của cả hai phía. Cùng ngày đó, chiến đoàn A Thủy Quân Lục Chiến VN gồm các tiểu đoàn 3, 4, 5 thay thế chiến đoàn Dù, tiếp tục giải tỏa áp lực VC tại sân bay Tây Lộc và Đại Nội.
Ngày 19.2 TQLC mở chiến dịch Sóng Thần 739/68. Ngày 22/2 hai tiểu đoàn 21 và 39 BĐQ được tăng cường tại Huế và VC bắt đầu tháo chạy.
Sáng 25.2.1968 toàn thể khu Gia Hội được giải tỏa. Đại Đội Hắc Báo của sư đoàn 1/BB chiếm được Kỳ Đài, hạ cờ Cộng sản xuống và kéo cờ VNCH lên. Sau 25 ngày đêm giao tranh ác liệt, cố đô Huế được giải tỏa.
4-Cuộc tàn sát đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam
Trong cuốn "Công và Tội“, ông Nguyễn Trân cho biết: "về phía dân chúng, có 5.800 người chết, trong đó có 2.800 người bị Việt cộng giết và chôn tập thể: 790 hội viên các hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán tội "cường hào ác bá“, 1.892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, hằng trăm thanh niên tuổi quân dịch, một linh mục Việt (Bửu Đồng), hai linh mục Pháp, một bác sĩ Đức và vợ, và một số người Phi Luật Tân.“
Trong "Encyclopedia of the Viet Nam War“, David T. Zabecki ghi nhận rằng số thi hài nạn nhân tìm được trong các mồ chôn tập thể ở Huế là 2.810 người và hàng ngàn người bị mất tích.
Trong cuốn "Cuộc Thảm sát của Việt Cộng tại Huế" (The Vietcong Massacre at Hue) (Vintage Press, New York, 1976), bác sĩ Elje Vannema, người có mặt tại Huế trong biến cố Tết Mậu Thân, cho biết theo tài liệu kiểm kê được qua 22 mồ tập thể, số nạn nhân bị cộng quân giết là 2.326 người, chia ra như sau: trường Gia Hội: 203 người; Chùa Theravada [Gia Hội]: 43; Bãi Dâu [Gia Hội]: 26; Cồn Hến [Gia Hội]: 101; Tiểu chủng viện: 6; Quận Tả ngạn: 21; Phía đông Huế: 25; Lăng Tự Đức và Đồng Khánh: 203; Cầu An Ninh: 20; Cửa Đông Ba: 7; Trường An Ninh Hạ: 4; Trường Văn Chí: 8; Chợ Thông: 102; Lăng Gia Long: 200; Chùa Từ Quang: 4; Đồng Di: 110; Vinh Thái: 135; Phù Lương: 22; Phú Xuân: 587; Thượng Hòa: 11; Thủy Thanh - Vinh Hưng: 70; Khe Đá Mài: 428.
Trong cuốn "Chiến thuật Khủng bố của Việt Cộng" (Viet Cong Strategy of Terror (tr. 23 đến 29) giáo sư Douglas Pike cho biết qua vụ Tết Mậu Thân ở Huế, có khoảng 7.600 nạn nhân của Cộng sản, trong đó 1.946 người bị mất tích.
5-Lời kể của một nhân chứng sống
Để quí độc giả hiểu được nỗi đau của các gia đình và những cái chết tức tưởi của các nạn nhân bị chôn sống, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn lời kể của một nhân chứng:
(Nam Dao thực hiện - Tâm Thức Việt Nam - February 15, 2008)
LGT: 40 năm sau cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 68 ở Huế, có nhiều bài viết khác nhau về vụ này. Người Việt sống ở miền Nam nhớ lại với những căm phẫn. Lãnh đạo Hà nội ăn mừng và triển lãm chiến thắng vĩ đại Mậu Thân. Người ngoại quốc viết về những nói dối (của truyền thông) về Mậu Thân.
Còn cựu đại tá bộ đội CSVN Bùi Tín, nguyên phó tổng biên tập hiện đang sống tại Pháp, biện hộ cho cuộc thảm sát tại Huế trong một cuộc phỏng vấn trên đài BBC ngày 24/1/08 với những lời lẽ như sau:
‘’Lúc bấy giờ tôi không biết quy mô nó lớn đến vậy, chỉ biết là có những cuộc thảm sát nhưng tôi nghĩ nó chỉ xảy ra ít thôi... chứ tôi không nghĩ về sau này người ta nói tới hàng nghìn... Khi quân Mỹ đổ bộ lại từ Phú Bài trở ra để lấy lại Huế thì anh em họ trói, di chuyển đi hàng mấy trăm tới hàng nghìn người... Do vướng chân, mệt, rồi bị pháo bắn ở ngoài biển vào dữ dội cho nên phần lớn do tự động các chỉ huy trung đội tới trung đoàn đồng lõa với nhau để thủ tiêu không cho cấp trên biết." Ông Bùi Tín giải thích sở dĩ họ phải làm như vậy là để tuân theo lệnh ‘’không được để tù binh trốn thoát" nhằm giữ bí mật. ‘’Theo tôi biết thì không có mệnh lệnh cấp trên là tiêu diệt và giết tù binh."
Ông Tuấn sinh tại thành nội Huế. Khi CS chiếm đóng Huế ông vừa hơn 16 tuổi và đang theo học trường tư thục Nguyễn Du. Ông chứng kiến tận mắt vụ ám sát tập thể 5 người ngay ngày đầu cộng quân vào Huế. Sau đó, ông và hơn chục thiếu niên khác bị cộng quân bắt đem đi đào hố, chôn sống đồng bào ở Gia Hội. Nhờ một phép nhiệm màu, ông và 2 em khác thoát thân, còn những em còn lại thì bị cộng quân giết chết.
Sau đây là lời ghi lại phần đầu của cuộc phỏng vấn. Đối với những quý vị muốn nghe trực tiếp câu chuyện của ông Tuấn trong tất cả sự kinh hoàng của tội ác và sự nức nở của con tim, xin mời quý vị nghe trực tiếp từ mạng www.tamthucviet.com, mục tạp chí truyền thanh ngày 7/2/08.
15, 16 tuổi bị VC bắt trong khi chạy đạn
ND: Ở trong hoàn cảnh nào mà những người CS bắt được anh?
T: Chúng tôi phải ở lại tại góc đường khu chợ Sép cho đến không biết mấy ngày, tôi cũng chẳng nhớ mấy ngày. Quanh quẩn ở đó từ ngày mồng 2 Tết cho đến khi chúng tôi bắt đầu thấy sự xuất hiện của những chiếc máy bay của quân lực VNCH bắn xuống cửa Đông Ba. Phi cơ trực thăng của VNCH với đồng minh khi đó xuất hiện trên bầu trời bắn xuống. Ba tôi nói, thôi bây giờ ở đây cũng chết, phải chạy thôi. Chạy. Chúng tôi bắt đầu bỏ chạy, chạy về hướng Mang Cá, từ Nguyễn Thành, Mai Thúc Loan mà chạy ngược về phía Mang Cá. Chạy qua một xóm được, hai xóm được, qua đến xóm thứ ba thì bị mấy thằng du kích chặn lại. Nó không cho chạy, nó bắt tôi đứng lại, nó kêu tôi đứng lại đi khiêng đồ.
Nó dắt tôi đi một hồi tôi thấy tập trung có 5 thằng cùng xóm. Đợi đến đêm, nó dắt tụi tôi đi qua phía bên chỗ cửa Đông Ba về phía bên chùa Diệu Đế. Ngó lui ngó tới, đến khi bị bắt đầy đủ thì tôi đếm cũng khoảng mười mấy người, bằng tuổi tôi khoảng 15, 16 tuổi. Sau khi tập trung ở chùa Diệu Đế, VC sai tụi tôi đi khiêng ba cái đồ gạo cơm hay là súng đạn gì đó. Nó bắt sai cái gì thì làm nấy thôi, nhưng con mắt thì khi nào cũng ngó đường để trốn
Đào hố chôn đồng bào
Sau chùa Diệu Đế, chúng nó đưa về phía Gia Hội, sống xung quanh mấy nhà dân. Chúng bắt chúng tôi đi khiêng vác trong vòng mấy ngày sau, thì bắt đầu tôi thấy phía bên chỗ Đông Ba, máy bay bắn xuống dữ lắm. Tụi tôi thấy chắc là phản công rồi, lính VNCH mình phản công chúng nó rồi. Tôi cũng cầu nguyện, cầu nguyện, nhưng không phải là đi dân công đâu quý vị ơi. Đến tối đó, nó phát cho mấy cái cuốc, nó nói bây giờ đi đào mấy cái hào, cái hầm. Tại vì máy bay bắn xuống quá, tôi nghĩ chắc nó sai tụi tôi đi đào mấy cái hầm để cho tụi nó núp, giống như công sự, núp để tránh đạn tránh bom. Tụi tôi mười mấy thằng còn xác vác cuốc đi đào, cũng đào, đào, nghĩa là tối xuống đi đào, đào. Cái hố bề sâu xuống là một thước, bề ngang bằng một sải tay, một sải tay ngang, cứ đi tới, đi tới, một thằng một khúc, cứ đào. Đào cứ nối liền nhau, nối liền nhau. Đào xong cái này rồi bắt đầu đi đào cái khác, như là đào tuyến công sự đó mà.
Nhưng quý vị biết không, sau khi đào xong lúc 3 giờ sáng, lần đầu tiên tôi thấy nó dẫn ra một đám người từ xa trong bóng tối. Những người này khi tiến tới gần, bấy giờ tôi mới thấy là tay trói về phía sau, cột trùm, cột dính vào với nhau bằng sợi dây điện thoại màu đen đen. Nó cột chùm, người ta dắt ra, dắt ra. Mỗi toán nó dắt ra như vậy là khoảng 14, 15 người. Những cái hố chúng tôi đào cũng vừa cái khoảng đó. Nó mới bắt những người đó đứng xoay lưng về cái hố. Còn nhiệm vụ chúng tôi thì chúng tôi đang đứng, đang đào đất, tay chúng tôi đang cầm cuốc. Nó mới sắp hàng những người kia, những người mà nó bắt, bị cột sợi dây điện thoại, dính chùm với nhau.
Số người này, một số mặc đồ ngủ hoặc mặc bộ đồ thường, có người mang dép, có người đi chân không, kể cả những người mặc quần xà loỏn. Nó sắp người ta xoay lưng về cái hố mà chúng tôi đào [ông T thở mạnh như bị ngộp thở, khóc thút thít], rồi cái thằng cán bộ VC mặc áo trắng và quần cán bộ chính quy, đội nón cối, nó đọc, nó đọc bản án tội ác của những người đó. Nó nói những người đó có tội với nhân dân, có tội với cách mạng. Nó vừa đọc xong bản án thì thằng du kích VC, thằng đứng đầu mặc quần xà loỏn, quần đen áo đen, nó lấy súng AK bắn người đầu tiên, nó bắn rào, nó bắn rafale. Ông này bị trúng, ông lật ngược ra, đằng sau đâu có cái gì đâu, là cái hố!
Ổng té xuống, quý vị biết không, mấy người sau đâu có trúng đạn gì đâu, cũng lăn xuống. Lăn và lộn, lộn vòng xuống, lật ngửa ra. [Ông T khóc rống lên] Nó bắt tôi lấp! Nó kêu lấp, lấp, lấp lẹ! [vẫn khóc] Tôi không lấp, nó đánh tôi. Tôi nhìn mấy người đó, tôi khóc, tôi khóc, khóc, khóc! không! Người ta còn sống mà lấp đi! không! thôi nó dọng báng súng tôi, súng AK nó dọng, nó dọng đằng sau xương sống tôi [vừa thở như bị ngộp, vừa khóc].
Chưa được, nó quay mũi lưỡi lê nó đâm tôi, nó đâm ba sườn tôi. Trời ơi, máu me nó đâm! Mấy thằng, thằng nào cũng khóc, nó đánh, nó đánh. Tôi phải lấp, phải lấp. Tôi lấp đồng bào tôi [khóc nức nở]. Trời ơi, trời ơi, Thượng Đế coi này! Bây giờ tôi nhớ tôi có tội quá. Tôi nhớ mấy con mắt đồng bào, mấy người dưới hố ngó tôi. Trời, trời, trời, trời ơi VC ơi là VC! Không lấp thì nó đánh! Lấp thì bà con tôi chết! Thôi, thôi, lạy Phật, lạy trời, lạy Thượng Đế. Chưa có thằng nào nó tàn ác như vậy...
Mười mấy cái hố, mười mấy lần chôn
ND: [cũng khóc theo] anh không phải là người giết đâu. Tội đó là mấy thằng cộng sản [cả hai người đều khóc]
T: Có hiểu thấu lòng tôi? Mấy người chết tội nghiệp ơi là tội nghiệp. Trời ơi, con mắt người ta, miệng toàn đất! Con mắt người ta ngó, tại bị cột chân ở dưới hố rồi, có người nằm ngửa nằm ngang. Trời ơi, mẹ ơi, con nằm con cứ thấy mấy người ta hoài, tội quá! Sao con cứ bị ác mộng hoài, mẹ ơi mẹ!
ND: Thưa anh, họ bắt anh đào hố ban đêm, và sau đó nó lấy người từ dân ra đó, thì tất cả những người đào cái hố đó là toàn người dân chứ có nó dính ở trong đó không thưa anh?
T: Những người đào hố là thanh niên tụi tôi đó, thanh niên thành phố Huế đó, khoảng 14, 15, 16 tuổi như tụi tôi, nó bắt đi dân công, bắt đi đào hố. Đào hố xong tưởng là để nó núp đạn, cuối cùng nó bắt chôn, không phải một lần đâu quý vị ơi, mười mấy lần lận! [khóc lớn] Mười mấy lần, bắt chôn mười mấy đám! Mỗi lần nó bắt mình đi chôn, trời ơi tôi sợ! Không chôn thì nó đánh, hỡi ơi Việt Nam ơi, Việt Nam ơi! Lấp, lấp, lẹ, lẹ [ông T nói ngọng theo giọng Bắc] ĐM, ĐM, tao bắn mày! Không lấp thì nó đánh, không lấp thì nó đâm. Giọng người miền Bắc đó chị, là cái giọng người miền Bắc, nó bận đồ chính quy
Người bị chôn sống, người bị đập vỡ sọ
ND: Nhưng thưa anh, trước khi nó lấp thì nó đều có bản án tử hình mấy người đó hay sao ạ?
T: Khi nó dàn người ra, dàn hàng ngang ra, xoay lưng vào hố, lúc đầu thì khi nào cũng đọc hết, đọc lệnh cách mạng, nói rằng có tội với nhân dân, có tội với tổ quốc. Nó đọc xong lúc đầu nó bắn, bắn là có phước lắm, bắn người nào trúng đạn AK là có phước lắm, tại vì trúng là chết, còn không chết mới tội. Không chết ngột lắm, ngột, bây giờ tôi bị ngột! Chị biết không, mấy đợt sau, nó đâu có bắn, không chôn ban đêm mà cũng không bắn chị ạ, tại vì nó sợ máy bay quan sát, bắn ra xẹt lửa, người ta sẽ bắn xuống, thành ra nó lấy AK dọng người đứng đầu. Nó đập xong rồi cái thằng VC quần đen áo đen đánh vào đầu người đó, đánh một cái là té ngửa thôi.
Sau quý vị biết không, mấy người kia té lăn xuống. Té lăn xuống thì nằm đâu có gọn, không gọn thì nó xách cuốc, nó bắt tụi tôi lấp. Còn số cuốc dư thì nó lấy cuốc nó nện đầu người ta xuống. Đầu người ta ngoi lên, nó đập người ta xuống. Lý do tại sao mà sau này đào lên, thấy cái dấu bể sọ, là bể vì cuốc đó. Là tại vì người ta không chịu chết, người ta muốn sống, mà nó bắt tôi lấp, người ta muốn ngoi lên, nó lấy cuốc đập. Những cái nhát cuốc lên đầu người ta đó, mấy thằng VC đập vào đầu dân cho đầu người ta không ngoi lên được, để đất lấp qua đầu,... thành ra quý vị nhớ dùm cho, có những cái hố không có đạn, không có AK, không có một viên đạn. Những cái hố chôn sau không có đạn, toàn là AK nó dọng vô đầu người ta, xong rồi những người nào nằm lăn xuống mà cái đầu còn lên cao, là nó vác cuốc nó đánh.
Trời ơi, cái cuốc mà nó xoay ngược đánh trúng cái đầu người ta là phải bể thôi. Máu ra chết từ từ, tội lắm. Chẳng thà nó bắn lúc đầu. Lúc đầu nó xử bắn Thượng Tứ ở chỗ Đông Ba bắn 5 người đó, tôi thích lắm, tôi thích bắn như vậy đi, bắn một phát cho người ta chết, chết xong nó khỏe đi, chứ đâu có chôn sống kiểu đó được.
Tôi thấy Hitler giết người Do Thái, ổng xả hơi ngạt đó chị, đếm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, họ chết với nhau, ôm chùm chết với nhau mà còn sướng. Chết vậy còn sướng, vì hơi ngạt chết nhanh hơn là lấp đất. Đất dưới đó đâu có chết liền đâu, nó chết từ từ, nó chết từ từ, đồng bào chết từ từ [bật khóc].
Ngột lắm chị, ngột lắm, bây giờ tôi nghe ngột...."
Vinh Danh Dân, Quân, Cán Chính đã hy sinh vì chính nghĩa quốc gia.
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Sau 33 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, nhưng hình ảnh hào hùng của Dân, Quân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình vì Tổ quốc luôn sống mãi trong tâm hồn những người quốc gia chân chính.
Sau 33 năm đã có nhiều sách báo của người Việt và của người ngoại quốc viết về nguyên nhân miền Nam Việt Nam bị sụp đổ.
Sự sụp đổ này được chứng minh sau cái bắt tay giữa tổng thống Mỹ Richard Nixon và Mao Trạch Đông, để đi tới thỏa thuận quân Mỹ lần lượt rút khỏi miền Nam trong danh dự và mối tình Mỹ-Tàu đưa tới hậu quả là quốc hội Hoa Kỳ cắt giảm tới mức tối đa quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Để tuổi trẻ hiểu được vấn đề tại sao ông bà, cha mẹ, chú bác, anh em của các bạn phải chạy tị nạn ra nước ngoài, để ngày nay các bạn được lớn lên, đậu bằng cấp cao và có cuộc sống sung túc tại các xã hội tự do, dân chủ Tây phương và Hoa Kỳ; chúng tôi ghi lại đây một số lời phát biểu của tướng lãnh, ký giả và chính trị gia Mỹ về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH).
Qua những nhận định của người ngoại quốc về khả năng và hiệu quả chiến đấu của QLVNCH, con cháu của quân nhân QLVNCH có thể hãnh diện về những gì ông bà, cha mẹ, anh chị em của các bạn đã phục vụ cho lý tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền mà đại đa số dân miền Nam và nhân loại theo đuổi.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có thua không?
Việt cộng thì huyênh hoang tuyên bố toàn thắng và giải phóng được miền Nam.
Nhưng cái lý tưởng của họ trong chiến tranh giải phóng là lý tưởng gì?
Thực tế cho thấy Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã giải phóng người dân miền Nam được sống dưới chế độ dân chủ, tự do, no ấm thành người dân của một nước cộng sản độc tài, khát máu, chậm tiến và đói khổ!
Chủ nghĩa Cộng sản như một bệnh cùi hủi gieo rắc đau thương và hôi hám trên toàn cõi Việt Nam. "Yêu Nước phải yêu chủ nghĩa Xã hội", một chủ nghĩa đã lỗi thời và bị thế giới nguyền rủa vì tội ác của nó, mà CSVN vẫn bắt dân phải gục đầu tuân theo!
Người Quốc gia chân chính không cần phải trả lời thắng hay bại.
Tài liệu lịch sử đã chứng minh rõ ràng QLVNCH bị bức tử vì đồng minh cắt viện trợ và bỏ cuộc.
Người Quốc Gia chân chính không cần phải trả lời thắng hay bại.
Những lời phát biểu một cách khách quan của tướng lãnh, chính trị gia và ký giả Mỹ dưới đây cho thấy QLVNCH đã chiến đấu anh dũng, không thua quân đội Mỹ và bất cứ quân đội nào trên thế giới.
I- Về phía Hoa Kỳ
1- Thống tướng Westmoreland
Phát biểu trong cuộc hội thảo chính trị quốc tế tại Dirksen Senate Building, Washington, DC ngày 2.5.1995 với chủ đề "Kỳ vọng dân chủ tại Việt Nam sau 20 năm dưới chế độ tồi tệ toàn trị" (Prospects for Democracy in Vietnam after 20 years of Totalitarian Misrule) do tổ chức Ủy Ban Quốc tế cho một Việt Nam Tự Do (International Commitee for a Free Vietnam/ ICFV) tổ chức tại thượng viện Hoa Kỳ, thống tướng Westmoreland, nguyên tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, đã tuyên bố:
"Quân lực Hoa Kỳ và QLVNCH không thua cuộc chiến tại Việt Nam, mà chính những nhà hoạch định chính sách và các thành viên trong quốc hội Hoa Kỳ đã buộc chúng ta thua cuộc chiến đó. Tôi đã cùng chiến đấu với các anh trong 4 năm; tôi kính phục các anh và giờ đây tôi vẫn tiếp tục kính phục các anh. Theo tôi, tự do và dân chủ cuối cùng sẽ thắng..."
"The United States Army and The South Vietnam Army have not lost the Vietnam War, but the policy makers and the members of the United States’ Congress have forced us to lose it. I have fought with you during 4 years; I admired you, and I still admire you now." "I think that at the end, freedom and democracy will win the final victory..."
Khi được báo Thời Luận số ra ngày 11.05.1995 về cuộc hội thảo chính trị quốc tế 2.5.1995 phỏng vấn:
"Là tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, thống tướng nhận xét thế nào về khả năng chiến đấu của quân đội Mỹ và quân đội miền Nam khi đối đầu với quân cộng sản Bắc Việt?"
Thống tướng Westmoreland trả lời: "Tôi kính trọng tinh thần chiến đấu của quân đội miền Nam Việt Nam. Về phía quân đội Hoa Kỳ, tôi thấy không có gì để nói thêm. Bởi vì cuộc chiến Việt Nam chấm dứt phát xuất từ vấn đề chính trị chứ không phải là vấn đề quân sự."
Qua phát biểu của tướng Westmoreland: "...chính những nhà hoạch định chính sách và các thành viên trong quốc hội Hoa Kỳ đã buộc chúng ta thua cuộc chiến đó..." chúng tôi nhận thấy trường hợp của tướng Westmoreland giống hoàn cảnh của tướng MacArthur, Douglas (1880-1964), nguyên tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Hiệp Quốc trong chiến tranh Triều Tiên (15.7.1950-1953). Khi thấy Trung Cộng trực tiếp đưa quân can thiệp vào Bắc Triều Tiên, tướng MacArthur đã đề nghị tấn công qua biên giới Bắc triều Tiên và oanh tạc các căn cứ quân sự của Trung Cộng tại Mãn Châu để chấm dứt chiến tranh và sự bành trướng của Tàu Cộng. Tổng thống Hoa Kỳ Truman và các cố vấn trong chính phủ đã không chỉ bác bỏ đề nghị chiến lược này mà còn cách chức tướng MacArthur. Ông bị triệu hồi về nước. Tuy được dân chúng và quân đội ca tụng là anh hùng, nhưng cuộc đời binh nghiệp của tướng MacArhtur coi như chấm dứt từ đó.
2- Đô đốc U.S.G. Sharp, nguyên tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương cũng ghi nhận trong tác phẩm "Chiến lược để thất bại" (Strategy For Defeat): "Hiệp định hòa bình Paris ngày 27.1.1973 mà Mỹ chấp thuận và bắt buộc VNCH thi hành, không phải là một công thức hòa bình. Theo đó, CSBV không còn sợ Mỹ can thiệp nên đã tự do xâm lăng miền Nam VN mà không bị chế tài!"
3- Fred C. Weyand, đại tướng tham mưu trưởng Lục Quân Hoa Kỳ, cũng thành tâm thổ lộ:
"Mức yểm trợ hiện nay của Hoa Kỳ bảo đảm sẽ đưa chính phủ Việt Nam đến chỗ thất trận. Số 150 triệu Đô-la còn lại trong ngân khoảng 750 triệu của tài khóa 1975 chỉ đủ dùng trong một chuyến tiếp vận lớn, trong một thời gian ngắn. Cơ may thành công cũng chỉ có thể có được nếu có ngay một ngân khoản phụ trội 722 triệu để tạo cho Nam Việt Nam khả năng phòng thủ tối thiểu chống lại cuộc xăm lăng được Nga và Trung cộng yểm trợ. Sự yểm trợ phụ trội của Hoa Kỳ không đi ngược với tinh thần và đường hướng của Hòa Ước Ba Lê, văn kiện căn bản cho những thỏa thuận hòa bình tại Việt Nam...
Uy tín của Hoa Kỳ, như một quốc gia đồng minh, đang bị thử thách tại Việt Nam. Để bảo vệ uy tín, chúng ta cần yểm trợ Việt Nam tối đa, và ngay lúc này."
Đại tướng Fred Weyand khi thuyết trình mãn nhiệm chỉ huy Đệ Nhị Lộ Quân đã nói rõ,
"Sự chậm trễ cung cấp khí giới và quân cụ mới cho Việt Nam, ít nhất ngang với sự yểm trợ của Nga-Tầu cho quân địch làm cho quân bạn yếu kém".
4- Đại tướng Creighton Abrams sau nhận chức tư lệnh phó lực lượng Mỹ ở VN đã điện ngay cho đại tướng Harold K. Johnson, tham mưu trưởng quân đội Mỹ, như sau:
"Tôi thấy ngay là quân lực Mỹ tại đây cũng như bên chính quốc chỉ nghĩ trước tiên đến hành quân Mỹ và yểm trợ các đơn vị Mỹ. Do đó chương trình cung cấp chiến cụ cho Việt Nam đã ít ỏi mà lại còn không được thi hành một cách tích cực và cấp tốc như đối với quân Mỹ. Rõ ràng chúng ta có trách nhiệm lớn với quân bạn. Công việc phải làm ngay và tôi đang bắt tay cấp kỳ vào việc!"
Ngay khi nhậm chức, tướng Abrams liền gia tăng lực lượng Việt Nam, nhất là cung cấp các súng M-16. Trong trận tấn công Tết Mậu Thân 1968 ông đã cung cấp ngay súng cá nhân M-16 cho Nhẩy Dù và các đơn vị thiện chiến khác. Tuy nhiên phần đông vũ khí của QLVNCH vẫn bị lép vế đối với cộng sản.
Ông cũng nói với tướng Wheeler rằng đó là vì thật sự quân đội VN không được yểm trợ như quân đội Mỹ cả về phẩm lẫn lượng (trọng pháo, không tập chiến thuật, không pháo và trực thăng vận). Bởi vậy việc chỉ trích quân đội VN trong thời kỳ đầu thiếu khách quan. Thiếu khí giới cần thiết trước một địch quân hùng hậu hơn lại còn bị đẩy xuống vai trò thứ yếu trong nhiều năm đã không cho họ cơ hội tăng tiến kinh nghiệm chiến đấu. Có rất nhiều tài liệu ghi sự dũng cảm và thiện chiến của QLVNCH, tuy nhiên các nhà viết sử không chú ý đến và các phóng viên báo chí thì lờ đi. Trong Văn Khố Quốc Gia có hàng ngàn huy chương Hoa Kỳ cấp cho quân sỹ Việt Nam vì thành tích phục vụ quả cảm.
5- Robert H. Nooter: "nhận những báo cáo ở Huế" thì đại tá Robert Molinelli đang ở ngay trên mặt trận. Trên tờ Armed Forces Journal phát hàng ngày 19.4.1971, ông đã viết:
"Trong 3 ngày liền, một trung đoàn địch quân từ 2.500 đến 3.000 người đã bao vây một tiểu đoàn 420 người của Nam Việt Nam. Lực lượng Hoa Kỳ không thể tiếp tế cho đơn vị này, thế mà họ đã chiến đấu cho đến gần cạn đạn dược, và họ đã dùng cả vũ khí địch để chiến đấu mở đường máu phá vòng vây địch, mang theo hầu hết những thương binh và một vài chiến binh tử trận. Không ảnh chụp trận bao vây và phá vòng vây đó cho thấy 637 xác địch quân rải rác quanh vị trí của họ..."
6- Thiếu tướng James L. Collins đã trình bầy về tình hình quân đội Việt Nam như sau:
"Năm 1964 địch quân đã bắt đầu xử dụng AK-47, một loại súng tân tiến, tự động và rất bén nhậy. Trái lại lực lượng bạn vẫn dùng loại khí cụ phế thải của thế chiến II" Rồi từ năm 1965 khi quân Mỹ lần hồi gia tăng nhập cuộc thì nhu cầu chiến tranh về phía bạn lại càng bị đẩy lui vào hậu trường".
7- Harry F. Noyes III
"Năm 1975, Bắc quân đã thắng trận vì quân lực miền Nam cạn thiếu mọi thứ, từ súng tiểu liên, trọng pháo đến cơ phận chiến xa, máy truyền tin và cả đến bông băng cứu thương sau khi quốc hội Hoa Kỳ cắt viện trợ năm 1974, và ngay cả kẻ thù cũng nhận như thế.
Thế nhưng, một sư đoàn Nam Việt Nam đã chận đứng 5 sư đoàn tinh nhuệ của Hà Nội cả tuần lễ tại chiến trường Xuân Lộc, họ đã chiến đấu can trường trên mặt trận như bất cứ một đơn vị Hoa Kỳ nào.
Thật là tồi tệ là chúng ta đã bỏ rơi Nam Việt Nam. Đừng xúc phạm họ/ QLVNCH để khỏa lấp tội lỗi của chúng."
II- Phát biểu của chính trị gia Mỹ
1- Henry Kissinger, nguyên bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ thời TT. Nixon
Henry Kissinger, gốc Do Thái, được người quốc gia chân chính gọi là tên đồ tể bán đứng VNCH đã từng tuyên bố: "Sao chúng (ám chỉ dân quân VNCH) không chết quách cho rồi?" (Why Don’t These People Die Fast?).
Chương trình Việt Nam hóa chiến tranh và quyết định cắt giảm quân viện cho VNCH do Kissinger chủ trương không ngoài mục đích lấy số tiền này giúp Do Thái. Cuộc tấn công lần thứ ba của các nước Ả Rập xẩy ra vào dịp lễ nghỉ Yom Kippur của dân Do Thái năm 1973, khiến cho Do Thái rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng cả về ba phương diện: chính trị, quân sự và kinh tế.
Sau này Kissinger tỏ ra hối hận về chính sách đối với VNCH qua thư gửi cho TT. Nguyễn Văn Thiệu, câu kết: "Tôi không trông đợi sự thuyết phục được Ngài, ít nhất, tôi có thể cố gắng xin Ngài tin tưởng ở lòng hối hận, và kính trọng vẫn còn của tôi."
Hà Nội đã vi phạm Hiệp Định Ba Lê 1973 một cách trắng trợn, công khai xua quân qua vĩ tuyến 17 mà Hoa Kỳ không phản ứng gì! Phải chăng quyết định bỏ rơi VNCH đã nằm trong chính sách?
Được biết sau bài diễn văn nhậm chức trước Quốc Hội Mỹ ngày 5.1.1975, chính tổng thống Gerald Rudolph Ford đã họp báo tuyên bố là Mỹ chấm dứt can thiệp vào VN!
2- Đại sứ Ellswarth Bunker, đại sứ Mỹ cuối cùng tại miền Nam VN, đã tự tay đưa cho tổng thống Thiệu ba bức thư cam kết của tổng thống Nixon giúp Việt Nam nếu CSBV vi phạm trắng trợn hiệp định Paris 1973. Nhưng vì vụ nghe lén việc tổ chức tranh cử của đảng dân chủ, TT. Nixon phải từ chức và những lời hứa của ông không có giá trị gì đối với chính phủ Ford kế tiếp.
Đại sứ Bunker nói, "quốc hội bó tay chúng ta và kết quả là nước Mỹ đã bội phản". Ông Bunker giải thích rõ ràng, "tôi không thể hình dung được làm sao tổng thống Thiệu có thể biết trước cung cách và hành động điếm nhục ấy của Hoa Kỳ!"
3- Paul Vann, cố vấn Mỹ nổi tiếng về chống du kích và chương trình Bình Định Nông Thôn, tử nạn máy bay trực thăng vào tháng 6.1972 tại vùng II chiến thuật. Tháng 1.1972, Vann nói rằng "chưa bao giờ chúng ta phải tham chiến ít như bây giờ. Ngày nay thấy rõ các vùng quê phồn thịnh, đường xá khai thông, cầu kỳ mở lại và bạn có nhiều rủi ro hơn với cả đống Honda và Lambretta ngược xuôi. Chương trình Việt Nam Hóa chiến tranh đã có kết quả ngoài tưởng tượng".
III- Phát biểu của báo chí Mỹ
1- Peter Kahn: Báo The Wall Street Journal/ May 2. 1975 trong mục "Truy Điệu Nam Việt Nam".
"Nam Việt Nam đã chống cự hữu hiệu trong 25 năm và không phải luôn luôn được người Mỹ giúp đỡ. Tôi nghĩ không có quốc gia nào có thể chịu đựng một cuộc chiến dai dẳng và tàn khốc đến như vậy... Rốt cuộc, quân lực ấy đã tài giỏi hơn sự ước lượng của mọi người..."
2- David Halberstam của báo Newsweek.
"Tất cả những sự thất bại lịch sử và những hèn nhát tồi tệ của biết bao nhiêu nhà lãnh đạo Tây Phương đều chồng chất lên lưng những người lính nam Việt Nam... Thật là bất lương và bất công. Sự nhục nhã là của chúng ta chứ không phải là của quân đội Việt Nam Cộng Hòa."
3- Báo Time đã viết: "Nhiều người Mỹ đã ngạc nhiên và cộng sản đã đau đớn sửng sốt thấy quân đội Việt Nam đã tức tốc đương đầu và chiến đấu ngang tàng can đảm khác hẳn dự đoán? Nhưng không thấy ai đề cập đến sự chênh lệch khí giới của đôi bên".
4- James Webb đã vạch mặt giới truyền thông, trí thức và Hollywood là những nhóm đã "có lợi khi làm cho cuộc chiến bị xem là không cần thiết hay không thắng được". Vì họ điều khiển dư luận nên họ đưa ra những lập luận sai lầm ngay cả khi chiến tranh kết thúc đã ba mươi năm. Những lập luận thật sai lạc, đi từ thóa mạ người lính Việt trong một quá trình chiến đấu cam khổ cho đến Jane Fonda hạ nhục những tù binh Mỹ là bọn láo khoét hoặc đạo đức giả khi nói rằng họ đã bị tra tấn hay hành hạ trong lúc bị giam cầm. Đã đến lúc ta phải bỏ thái độ tiêu cực, lắm khi mạt sát và cố tình dùng chính trị để đổ lỗi cho quân đội Việt Nam trong hầu hết các tranh luận.
Phần đông chúng ta và ngay cả một số người Mỹ phục vụ tại chỗ đều chỉ trích quân đội Việt Nam trong thời kỳ ấy. Họ đã không lưu ý đến một số yếu tố ảnh hưởng nặng nề lên tình trạng đó. Quân cụ Mỹ cung cấp đều là những thứ lỗi thời từ thế chiến II, nhất là các súng trường M-1 vừa nặng vừa cồng kềnh với tầm vóc người Việt. Trong khi đó thì kẻ thù đã được Nga-Tầu trang bị đầy đủ súng AK-47.
5- Douglass Pike, chuyên viên về Việt Nam đã bình luận trong một ấn bản Indochina Chronology như sau: "Đã có cố gắng chậm chạp nhưng liên tục điều chỉnh và cứu vãn danh dự của người quân nhân Việt Nam từng bị nhục mạ bởi bọn phóng viên truyền hình thương mại ngu dốt và cánh trí thức thiên tả."
Theo lịch sử ghi chép của quân đội Nhân Dân thì kế hoạch tấn công 1972 được chấp thuận bởi ban quân ủy trung ương từ tháng Sáu 1971. Mục tiêu là chiến thắng vào năm 1972 làm cho quân Mỹ xâm lược phải thương thảo trong thế yếu.
"Đó là một cuộc tấn công toàn diện với nhân lực, khí giới và tiếp vận quy mô. Vào giữa mùa hè tất cả 14 sư đoàn bắc quân rời khỏi Bắc Việt. Chúng sử dụng nhiều thiếp giáp và đại pháo nặng hơn QLVNCH và đạn dược cũng không giới hạn".
Cuối tháng ba 1972 địch tiến hành một cuộc xâm lăng cổ điển với 20 sư đoàn và một trận chiến tàn bạo sắt máu đã xẩy ra.
"Cuộc tấn công được sửa soạn công phu đã bị bẻ gẫy vì không yểm làm cho chúng không tập hợp được và vì sự chống trả dũng cảm và kiên trì của quân Nam Việt. Bắc quân và hệ thống giao thông của chúng đã bị triệt hạ nặng. Nhưng chính yếu là QLVNCH và cả địa phương quân đã hiên ngang chống trả như chưa từng thấy". Bắc quân tổn hại 100.000 người trong số 200.000 xung trận và có lẽ 40.000 đã bị giết. Họ đã mất già nửa thiết giáp và đại pháo. Sẽ cần ba năm để hồi phục trước khi tấn công lại và tướng Võ Nguyên Giáp bay khỏi chức tổng tư lệnh. Trái lại Nam quân mất 8.000 tử vong, gần ba lần thương binh và vào khoảng 3.500 mất tích. Tướng Giáp đã tính sai và phải trả một giá đắt cho lỗi lầm ấy.
Pike kết luận: "Giáp đã ước sai lòng quyết tâm và sự chống trả mãnh liệt của quân Nam Việt. Hắn sai lầm về sức đề kháng của QLVNCH". Bọn chỉ trích cũng triệt hạ QLVNCH cho rằng họ sống sót được là nhờ quân Mỹ. Không một ai nhớ rằng 300.000 quân Mỹ phải đóng ở Tây Đức là vì người Đức không thể chống lại Nga Xô Viết hay nhóm Liên Minh Warsaw nếu không có quân Mỹ. Họ cũng quên là 50.000 quân Mỹ phải lưu lại Nam Hàn để giúp trong trường hợp bọn Bắc tấn công. Và không ai đã nghĩ rằng vì quân Mỹ hiện diện nên phải chê bai và chế riễu quân đội Tây Đức cũng như Nam Hàn. Chỉ có Nam Việt bị tách rời ra để bôi nhọ một cách bất công và ác độc mặc dầu chỉ được không trợ chớ không được quân lực Mỹ hỗ trợ như Đức hay Cao Ly.
II-Về phía Việt Nam Cộng Hòa
Trong tác phẩm "Những Ngày Cuối Của VNCH", đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng QLVNCH đã viết: Dù đã trưng dụng hết quân liệu trừ bị, quân viện vừa nhận được, 50% quân cụ, vũ khí, lấy từ trung tâm huấn luyện, cộng thêm các vũ khí được sửa chữa tối đa, các đơn vị được tái trang bị vẫn thiếu dụng cụ, vũ khí cần thiết:
-Chỉ có được 50% súng phóng lựu M-21, đạn súng cối 60 và 81 ly.
-Mỗi súng cá nhân M-16 chỉ có 3 băng đạn thay vì 6. (băng ngắn 10 viên, băng dài 20 viên)
-Máy truyền tin cá nhân chỉ có được 50%: mỗi đại đội trang bị một máy truyền tin AN/PRC-25 hoặc là AN/PRC-10. (Trước đây mỗi trung đội được trang bị một máy AN/PRC-25, có tầm hoạt động xa và nhanh chóng hơn AN/PRC-10)
-Thiết giáp M-113 thiếu hệ thống truyền tin và thép chắn bảo vệ xạ thủ đại liên trên xe.
-Chỉ còn 10% xe vận tải cần thiết.
-Chỉ còn 10% nón sắt và hộp cứu thương cá nhân cho các đơn vị v.v...
Trong những ngày cuối lực lượng VC được tăng cường nhiều trung đoàn phòng không; nên các phi cơ chiến đấu của không quân không thể bay thấp và yểm trợ đơn vị bạn có hiệu quả. Bộ tổng tham mưu (BTTM) phải sử dụng vận tải cơ C-130, bay với độ cao 15-20 ngàn bộ (5 đến 7 cây số) để thả bom hay các thùng phuy dầu sa thải (200 lít) được chế biến thay bom. Cuối tháng 2.1975 BTTM xin thứ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Eric von Marbod và đại tướng Weyand cung cấp loại bom "Daisy Cutter", mỗi trái nặng 15 ngàn cân. Bom này quân đội Mỹ dùng để phá rừng để làm bãi đáp cho máy bay trực thăng. Hoa Kỳ hứa cho 27 quả bom Daisy Cutter và cho chuyên viên sang hướng dẫn cách sử dụng trong vòng một tuần. Nhưng mãi giữa tháng 4.1975 mới được 3 trái và cuối tháng 4.1975 thêm 3 trái nữa. Một chuyên viên Mỹ đi theo để hướng dẫn không quân VN gắn ngòi nổ và cách vận chuyển bom trên phi cơ. Nhưng người phi công Hoa Kỳ có trách nhiệm lái máy bay thả bom thì không đến. Nên BTTM và bộ tư lệnh không quân quyết định tuyển chọn một phi công VN có kinh nghiệm thi hành nhiệm vụ. Vào lúc một giờ sáng phi cơ thả trái "Daisy Cutter" đầu tiên cách Xuân Lộc sáu cây số về hướng Tây Bắc. Thành phố Xuân Lộc bị rúng động như gặp động đất; tất cả đèn điện bị tắt, và truyền tin của địch ngưng hoạt động. Bộ chỉ huy sư đoàn 341 CSBV (Cộng Sản Bắc Việt) bị tiêu hủy. Tinh thần binh sĩ VNCH phấn khởi. Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh sư đoàn 18 BB (Bộ Binh) ở mặt trận Xuân Lộc hỏi "BTTM còn nhiều loại bom đó không?" Tin đồn loan nhanh ra ngoài quần chúng là chúng ta được trang bị bom nguyên tử. CSBV lên tiếng nguyền rủa VNCH và Hoa Kỳ đã sử dụng vũ khí tàn phá chiến lược.
Sự ghi nhận của đại tướng Cao Văn Viên cũng trùng hợp với các phi công bị đi học tập cải tạo. Có hai phi công, một lái trực thăng và một lái phi cơ bán phản lực A-37 đã kể lại khi bay các anh thấy hàng đoàn xe CSBV di chuyển khơi khơi trên quốc lộ mà không có bom đánh! Nếu QLVNCH có vài trăm bom Daisy Cutter thì các sư đoàn của CSBV sẽ bị xóa tên tại miền Nam. Như vậy VNCH chưa hẳn đã sụp đổ.
Kết luận
Sau 33 năm QLVNCH bị bức tử, vẫn còn những người Mỹ có lương tâm chính trực đã ca tụng tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ VNCH; trong đó có hàng chục ngàn người đã hy sinh mạng sống và hạnh phúc gia đình để bảo vệ tự do, dân chủ và no ấm cho đồng bào miền Nam.
Sau 33 năm QLVNCH bị bức tử, những người Mỹ có lương tâm chính trực đã nhận ra hành động tồi tệ của các chính phủ Hoa Kỳ khi bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa và hệ thống truyền thông Mỹ đã cố tình bỏ quên QLVNCH trong toàn cuộc chiến.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc Hận 30.4.1975, chúng tôi xin thắp nén hương lòng để tưởng nhớ đến Dân, Quân, Cán, Chính, những người đã bỏ mình vì lý tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
-------------------
Tài liệu tham khảo
-The Ten Thousand Day War (Michael Maclear)
-Losers Are Pirates (James Banerian)
-Những Ngày Cuối Của VNCH (ĐT. Cao Văn Viên)
-"Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử VNCH" (Nhóm Những Nhà Văn Quân)
www.vnafmamn.com/black_april3.html
- "Bí Mật Dinh Độc Lập và Khi Đồng Minh Tháo Chạy", Ts. Nguyễn Tiến Hưng)
ĐAN MẠCH TUY NHỎ MÀ CHỊU CHƠI!
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
BIẾM HỌA VỀ TIÊN TRI MUHAMMAD MỘT LẦN NỮA LẠI ĐƯỢC PHỔ BIẾN TRÊN CÁC BÁO!
1-Ngược dòng thời gian
Ngày 30.9.2005, nhật báo Jyllands-posten đăng 12 biếm họa liên quan tới Tiên tri Muhammad với nhiều cách nhìn khác nhau, do các họa sĩ vẽ không cần ký tên, theo yêu cầu để in trong tác phẩm viết bằng tiếng Đan Mạch: "Cuộc đời của Muhammed" (Muhammeds liv - tiếng Anh: Muhammad ’s life) của tác giả Kaare Bluitgen.
Theo Hồi giáo (Islam) thì người ta không được phép vẽ hình Tiên tri Muhammad. Đã không được vẽ hình Tiên tri, dù đẹp và trang trong, mà 12 hình vẽ lại là loại biếm họa thì người vẽ tất nhiên mang tội phỉ báng đạo của họ. Vì thế, các cuộc biểu tình chống Đan Mạch đã xẩy ra trong thế giới Hồi Giáo, đặc biệt tại Pakistan, Iran, Lebanon, Palestina, Jordan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia v.v....
Tòa đại sứ Đan Mạch tại Lebanon, Iran và Syria bị phá, quốc kỳ bị xé đốt và dẫm chân lên. Các sản phẩm xuất cảng của Đan Mạch bị tẩy chay tại các nước Ả Rập Trung Đông. Ả Rập Saudi và Pakistan phản đối mạnh bằng biện pháp trục xuất đại sứ Đan Mạch.
Sự tẩy chay hàng hóa xuất cảng của Đan Mạch đưa tới hậu quả là ngành ngoại thương bị tổn thất lên tới hàng trăm triệu Mỹ-kim. Trong tinh thần hiệp nhất giữa các hội viên, Liên Hiệp Âu Châu đã bênh vực Đan Mạch qua việc tuyên bố với các nước Ả Rập rằng phong tỏa kinh tế Đan Mạch có nghĩa là phong tỏa LHÂC. Ủy viên đặc nhiệm về thương mại của LHÂC đe dọa sẽ đưa vấn đề ra trước Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO (World Trade Organization).
Đầu tháng giêng 2006, phái đoàn đại diện người Muslim tại Đan Mạch đã đi Trung Đông để trình bày vấn đề trước Hội nghị các quốc gia Hồi giáo và đòi hỏi chính quyền Đan Mạch phải có biện pháp chế tài nhật báo Jyllands-Posten và xin lỗi Hồi giáo. Khi phái đoàn này về lại Đan Mạch đã bị báo chí và chính giới lên án. Bà chủ tịch đảng Quốc Dân Đan Mạch, Pia Kjergaard cho họ là "phản bội đất nước"(Landsforraederi), vì họ đã báo cáo sai sự thật. Để làm cho vấn đề thêm quan trọng, nhóm Muslim chưng hình một buổi dạ hội hóa trang đeo mặt lạ hình đầu heo tại Pháp mà họ đã cắt ghép chung vào 12 biếm họa, để kết án Đan Mạch vẽ mặt Tiên tri Muhammad giống mặt con heo!
Nhật báo Jyllands-posten vẫn giữ lập trường tự do báo chí và các hình vẽ được coi như một sự phản đối nhóm Islam quá khích tại Hòa Lan. Nhóm này đã giết đạo diễn Theo van Gogh, tác giả phim "Sự Phục Tùng - Phần 1" (Submission Part 1) vào năm 2004. Phim này có nội dung phê bình gắt gao các tập quán thiếu dân chủ và bình đẳng của đạo Islam, đặc biệt đối với nữ giới. Phim này được thực hiện do chính nữ tài tử da đen Ayaan Hirs Ali, dân biểu Hòa Lan, kể lại cuộc đời và những gian truân của mình khi phải sống trong một quốc gia Hồi giáo, Somalia. Bà cũng là tác giả quyển "Tôi Tố Cáo" (Jeg anklager) được nhà xuất bản báo Jyllands-posten phát hành vào năm 2005. Chính vì hành động chống lại đạo Islam qua phim ảnh và sách, Ayann Hirs Ali bị các nhóm Hồi giáo quá khích lên án tử hình. Bà phải chạy qua Hoa Kỳ sống ẩn danh và dưới sự bảo vệ của cơ quan an ninh. Hiện nay chính quyền Hòa Lan không tài trợ việc bảo vệ an ninh cho bà nữa. Ngày 14.2.2008 một nhóm dân biểu Quốc hội Âu châu đã yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu tài trợ về nơi ở và bảo vệ an ninh cho bà. Bà Ali đã xuất hiện và phát biểu những lời chân tình trước Quốc Hội Âu Châu:
"Tôi không muốn chết, tôi muốn sống và tôi yêu cuộc sống, tôi biết mình đang ở trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm" (I don’t want to die, I want to live and I love life, I find myself in a very desperate position.)
Trước áp lực mạnh mẽ cả ở trong và ngoài nước, ngày 30.1.2006, qua thông tấn xã của quốc gia Jordan, nhật báo Jyllands-posten gửi thư xin lỗi đã xúc phạm tới người Muslim. Trong thư Carsten Juste, chủ nhiệm về văn hóa nhật báo Jyllands-posten viết:
"12 hình vẽ theo nhận thức của chúng tôi chân thật và không nghĩ là xúc phạm. Chúng không trái với luật pháp Đan Mạch, nhưng không thể chối cãi đựợc đã xúc phạm tới nhiều người Muslim mà chúng tôi phải xin lỗi."
(I brevet skrev Jyllands-Postens chefredaktor Carsten Juste bl.a.: "De 12 tegninger var efter vores opfattelse sobre og var ikke taenkt som kraenkende. De var ikke i strid med dansk lovgivning, men har uafviseligt kraenket mange muslimer, hvilket vi skal undskylde.)
Tuy vậy, ngày 31.1.2006, nhiều nước Hồi giáo vẫn giận dữ, đòi Đan Mạch phải công khai xin lỗi và phạt báo Jyllands-posten. 17 Bộ trưởng Nội vụ các nước Ả Rập, trong cuộc họp tại Tunesia yêu cầu chính phủ Đan Mạch phải phạt các họa sĩ vẽ biếm họa.
Trước tình trạng trên, ngày 1.2.2006, nhiều báo ở Âu Châu công khai ủng hộ lập trường tự do báo chí của Đan Mạch, đã đăng lại các biếm họa hay bài viết bảo vệ quyền tự do, trong đó có báo Đức Die Welt và Berliner Zeitung; báo Hòa Lan De Volks-krant; báo Ý Corriere della Sera và La Stampa; tập san Thiên Chúa giáo Na uy Norwegian Christian newspaper Magazinet; báo Do Thái Maariv, báo Tây Ban Nha El Periodico và nhật báo Shihan của Jordan (The Jordanian newspaper Shihan). Báo này sau khi đăng 3 biếm họa thì chủ nhiệm Jihad al-Momani bị sa thải.
Tờ France Soir của Pháp chịu chơi hơn, ngoài hình vẽ, còn ghi hàng chữ Chúa nói với Tiên tri: " Muhammad, Đừng phàn nàn, Chúng ta hết thảy đều bị châm biếm ở đây" (Don’t complain, Muhammad, we’ve all been caricatured here.)
Ngày hôm sau ông chủ nhiệm cũng bị chủ báo người Ai Cập sa thải.
2-Thái độ của chính phủ Đan Mạch
Cùng với lập trường của báo Jyllands-posten, tháng 10.2005, Thủ tướng Đan Mạch, Anders Fogh Rasmussen, mặc dù có sự khuyến cáo của 22 cựu đại sứ Đan Mạch, vẫn từ chối họp mặt với 11 đại sứ của các quốc gia Hồi Giáo đòi thảo luận về vấn đề biếm họa.
Tuy nhiên, để dân chúng tại các nước Hồi giáo hiểu rõ về sinh hoạt tự do báo chí tại Đan Mạch, Thủ tướng Anders Fogh Rasmussen đã dành cho đài truyền hình Ả Rập Al-Arabiya một cuộc phỏng vấn dài 25 phút. Một trong những phát biểu đáng chú ý có câu:
"Thật quan trọng để hiểu xã hội của chúng tôi hoạt động hữu hiệu như thế nào. Trong nước tôi chính quyền thường bị chỉ trích trên báo chí, tự cá nhân tôi cũng thường bị chỉ trích. Tự do báo chí là cốt tử cho dân chủ của chúng tôi và vì thế tôi không thể kiểm soát những gì báo chí viết"
(Det er vigtigt at forstaa hvordan vores samfund virker. I vores land bliver regeringen ofte kritiseret i aviserne - jeg bliver selv personligt ofte kritiseret. Ytringsfriheden er livsvigtigt for vores demokrati og derfor kan jeg ikke kontrollerer hvad aviserne skriver..)
Trong toàn buổi phỏng vấn, Thủ tướng Fogh không nói một lời xin lỗi nào cả. Điều này chứng tỏ lập trường của chính phủ Đan Mạch luôn tôn trọng tự do báo chí.
3-Cái đầu của họa sĩ được treo giá cao
Đạo sĩ Mohammed Yousaf Qureshi, người Hồi quốc (Pakistan), đã hứa thưởng 6,2 triệu Kroner (khoảng 1,2 triệu Mỹ-kim) và một xe hơi cho ai giết được họa sĩ vẽ biếm họa.
Với số tiền thưởng lớn lao như trên và với tinh thần trả thù kẻ dám nhạo báng Tiên Tri Muhammad, chắc sẽ có nhiều người muốn hành động. Do đó, họa sĩ Kurt Westergaard và gia đình phải sống ẩn dật, thay đổi địa chỉ, cũng như được cảnh sát bảo vệ đặc biệt. Sau 3 năm tình hình như có vẻ chìm vào quên lãng.
Biếm họa của họa sĩ Kurt Westergaard là hình Tiên tri Muhammed đầu đội khăn vấn tròn có bom ngòi nổ. Biếm họa này biểu tưởng cho tổ chức khủng bố lợi dụng đạo Islam của Muhammad để đánh bom tự sát; nên được thế giới Islam coi là xỉ nhục Hồi giáo nặng nhất.
Theo Tom Jorgensen, chuyên viên nghệ thuật và chủ bút báo nghệ thuật đã phát biểu với đài phát thanh của hãng truyền thông TV2 Đan Mạch thì bức biếm họa của họa sĩ Kurt Westergaard trị giá từ 1 triệu Đô-la tới chục triệu Đô-la, nếu đem bán đấu giá tại Anh quốc hay Hoa Kỳ.
Bức biếm họa có tên "Muhammad và các người võ trang" (Muhammed med bevaebnede maend) của họa sĩ Franz Fuchsel đã được bán đấu giá 15.000 kroner ngay tại Đan Mạch năm 2005, trong một cuộc quyên tiền giúp nạn nhân thiên tai động đất lớn ở Pakistan.
4-Biến cố bắt ba người âm mưu giết họa sĩ Kurt Westergaard
Ngày 12.2.2008, vào lúc 4 giờ 30 sáng, nhân viên tình báo và cảnh sát đã mở cuộc hành quân chớp nhoáng tại khu chung cư ở Aarhus để bắt ba người tình nghi có âm mưu giết họa sĩ Kurt Westergaard. Theo tin tức của báo Jyllands-posten thì họa sĩ sẽ bị giết ngay tại nhà ông ta.
Sự bắt giữ cấp thời này nhằm chận đứng hành động của đám khủng bố theo phương châm "Phòng lửa hơn chữa lửa". Sự bắt giữ cũng dựa vào tài liệu và sự theo dõi nhóm này trong trong một thời gian khá lâu. 2 người Tunesia và 1 Ma-rốc có quốc tịch Đan Mạch đã bị bắt giam. Theo giám đốc cơ quan tình báo P.E.T (Politiets Efterretningstjeneste) là Jakob Scharf thì cuộc hành quân có kết quả. Nhờ thế chặn đứng được cuộc ám sát. Hai người Tunesia sẽ bị trục xuất khỏi Đan Mạch không qua tòa án xét xử. Cơ quan tình báo dựa vào luật chống khủng bố, tị nạn và di dân để áp dụng trong trường hợp đặc biệt này.
Nhưng hiện nay nhiều người, trong đó có cả dân biểu cánh Tả phê bình quyết định trục xuất không đúng với nguyên tắc luật pháp. Không ai bị kết tội và trục xuất nếu không qua một phán quyết của tòa án. Sự phê bình dựa vào nhận định rằng những người chủ mưu giết họa sĩ, nếu có tội là tội sát nhân, chứ không ảnh hưởng gì tới an ninh quốc gia theo luật chống khủng bố. Các luật sư bào chữa cho các bị can cũng phát biểu rằng nội vụ phải được đem ra trước tòa án với các bằng chứng và bị can được quyền phát biểu.
Ngày 14.2.2008, họa sĩ Kurt Westergaard đã công khai lên truyền hình Đan Mạch (DR1) để trả lời cuộc phỏng vấn trong chương trình "Aerlig talt". Ông đã phát biểu là ở tuổi 73 làm gì phải sợ chết và cũng không hối hận gì về hình vẽ của mình. Ông chỉ tức giận, vì quyền tự do nghề nghiệp bị xâm phạm.
Ông cũng xác nhận được cảnh sát bảo vệ và cơ quan tình báo rất tài tình trong biến cố này. Khi trả lời về sinh hoạt hàng ngày, ông kể là hai vợ chồng đã tổ chức sinh nhật, mời khách tới nhà chung vui như không có chuyện gì xẩy ra. Về câu hỏi làm sao cảnh sát biết ba thủ phạm tính giết ông mà bắt. Ông không cho biết lý do.
Nhưng theo dõi buổi phỏng vấn chúng tôi nhận ra được kế hoạch của cơ quan tình báo khá tinh vi. Họa sĩ và gia đình phải thay đổi chỗ ở liên tục, có lúc trở về nhà sống bình thường, có lẽ do kế hoạch nhử mồi, để tóm cổ những người muốn ám sát ông phải xuất đầu lộ diện. Dĩ nhiên là cảnh sát chìm và nhân viên tình báo theo dõi rất sát mọi hành động của bọn này bằng mọi phương tiện kỹ thuật tinh vi của ngành tình báo. Chính Jakob Scharf, Giám đốc Cơ quan Tình báo cũng xác nhận cần phải ra tay trước để tránh hiểm họa, hơn là chờ hiểm họa xẩy ra rồi mới đi điều tra. Qua nhiều vụ, người ta cũng nhận định được đây là phương thước làm việc của P.E.T. "phòng hỏa hơn cứu hỏa".
5-Các cuộc bạo động sau biến cố bắt ba thủ phạm toan giết họa sĩ Kurt Westergaard
Trong tuần lễ từ ngày 12.2.2008, một số địa điểm tại Thủ đô Copenhagen và một số tỉnh rơi vào tình trạng bạo động: đốt xe, đốt thùng đựng rác, đập cửa kính tiệm buôn và đốt cả trường học do tuổi trẻ gây ra. Các nguyên nhân của các cuộc bạo động được giải thích như sau:
-Vì cảnh sát khiêu khích?
Nguyên nhân này bắt nguồn từ một người lớn tuổi gốc Palestina lái xe đậu tại đường Griffeldtsgade vào tối thứ sáu, bất ngờ bị một cảnh sát ra lệnh ra khỏi xe, bắt nằm xuống đường rồi đánh vào đầu và tay. Tuổi trẻ thấy vậy chạy đến giúp ông này đứng dậy và đem nước cho ông ta. Sau đó, như một sự đồng thuận trong giới trẻ, cuộc bạo động đốt xe và thùng rác trong khu vực Norrebro bộc phát.
Cũng nên biết là khu vực Norrebrogade và Blaagaard là nơi từng xẩy ra nhiều cuộc bạo động của tuổi trẻ khiến cho cảnh sát phải kiểm soát và tuần tiễu khu vực này thường xuyên. Các cuộc chận người đáng nghi ngờ để kiểm soát đã được cảnh sát thực hiện. Trong kế hoạch điều tra tội phạm và để vấn đề điều tra được mau chóng hơn, tòa Đô chính và cảnh sát thủ đô đã đánh dấu các địa điểm thường xẩy ra bạo động trên bản đồ. Tại các khu vực này cảnh sát cũng gắn máy ảnh quan sát tự động.
Hành động chận người bất ngờ để kiểm soát và xe tuần tiễu thường xuyên chạy trong khu vực là nguyên nhân khiến cho tuổi trẻ Muslim bị mặc cảm kỳ thị và tự ái dân tộc.
Cảnh sát cho rằng khu vực này không chỉ nổi tiếng bạo động mà còn là nơi buôn bán bất hợp pháp các loại sì-ke, ma tuý. Cơ quan công lực cũng được lệnh của Giám đốc cảnh sát kiểm soát bất cứ ai, vào bất cứ thời điểm nào. Tuy vậy, ngày 15.2.2008, Giám đốc cảnh sát, bà Hanne Bech Hansen, cho biết sẽ điều tra nội vụ đánh đập người lớn tuổi Palestine khiến cho tuổi trẻ bạo động kể từ ngày 10.2.2008.
-Vì đài truyền hình quốc gia "DR" thêm dầu vào lửa?
Trong mục tin tức tối thứ năm 14.2.2008 đài truyền hình DR đã chiếu lại cuộc phỏng vấn một thanh niên 15 tuổi ở Kalundborg về nguyên nhân xẩy ra bạo động. Thanh niên được phỏng vấn thuộc nhóm KLP đã xác nhận có tham gia và còn cảnh cáo sẽ có nhiều bạo động xẩy ra tại khu vực Klosterparkvej:
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động ở đây. Hôm nay và tối nay sẽ xẩy ra nhiều nữa. Xe và tất cả những gì có thể sẽ bốc cháy ở đây.."
Cảnh sát thủ đô Copenhagen đã phê bình đài truyền hình DR. Thiếu niên 15 tuổi sau đó bị cảnh sát Kalundborg bắt nhốt từ ngày 14.2.2008 đến 26.2.2008, vì phát biểu có tính cách khuyến khích bạo động. Per Larsen, Chánh Thanh tra cảnh sát Copenhagen cho rằng truyền thông nên có trách nhiệm và thận trọng, không nên đưa tin cảnh bạo động đốt phá vì nó có thể gây thêm bạo động.
Đây cũng là kinh nghiệm chiến tranh Việt Nam. Phe phản chiến và hệ thống truyền thông cũng như báo chí Mỹ chỉ đưa tin và hình ảnh máy bay Mỹ thả bom tàn phá và chết chóc, lính Mỹ bị thương máu me chan hòa và xác chết khủng khiếp v.v.. khiến cho dân chúng Mỹ chán ghét chiến tranh, đòi chính phủ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Hệ thống truyền thông và phản chiến Mỹ cũng không đả động gì tới các hoạt động hữu hiệu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa; khiến cho dân chúng Mỹ nghĩ rằng quân đội của họ "ăn cơm nhà, vác ngà voi cho miền Nam VN". Tại sao lính Mỹ phải chống cộng thay cho quân đội VNCH!
Về các tội ác của Việt Cộng thì hệ thống truyền thông và báo chí Mỹ ít khi có được, hoặc có mà họ không đưa lên báo và chiếu trên màn ảnh, vì không có lợi cho phe phản chiến và đối lập.
-Vì các báo tái đăng biếm họa nhạo báng Tiên Tri Muhammad?
Trưởng ban tin tức của đài truyền hình, Ulrik Haagerup, bác bỏ phê phán của cảnh sát về hậu quả của cuộc phỏng vấn. Ông xác nhận rằng thiếu niên 15 tuổi cũng nói tới việc đăng lại các biếm họa đã khích động tuổi trẻ có hành động vô kỷ luật. Nếu cho rằng lời phát biểu của thiếu niên đó là khích động bạo động thì đây lại là bằng chứng hữu ích cho cảnh sát để chuẩn bị đối phó và ngăn ngừa. Đây cũng là cuộc điều tra có ích. Tại sao cảnh sát không triệt để khai thác lại qui tội cho đài truyền hình?
Liên quan tới sự phẫn nộ về việc báo chí Đan Mạch tái đăng biếm họa, thiếu niên 15 tuổi đã xác quyết:
"Đạo của chúng tôi phải được kính trọng. Không ai được làm trò cười đối với Tiên Tri của chúng tôi. Khi họ không kính trọng chúng tôi phải hành động như ở đây..."
Cho đến khi bài này được đúc kết thì các cuộc bạo động vẫn tiếp tục xẩy ra.
6-Các thiếu niên bạo động bị bắt giữ
Tính đến ngày 15.2.2008, có 4 người bị bắt giữ tại khu vực Norrebro ở Copenhagen, 1 thanh niên 18 tuổi ném đá vào cảnh sát ở brabrand, Aarhus và 1 ở Kalundsborg.
4 thiếu niên khác bị bắt giam 10 ngày, 2 thiếu niên 15 và 17 tuổi bị bắt vì tưới xăng đốt thùng rác ở đường Bragesgade; 2 thiếu niên 16 tuổi ném đá vào cảnh sát ở công viên công cộng Folketspark.
Tuy một số thiếu niên bị bắt giữa vì tội đốt phá xe cộ và làm náo động trong khu vực; nhưng vì ở tuổi vị thành niên, nên họ lại được tha sau đó. Những người có hành động bạo hành ở mức độ nặng hơn có thể bị kết án một hai tháng tù treo hay trao cho cơ quan xã hội giáo dục.
7-Phí tổn do bạo động gây ra
Sau mỗi cuộc bạo động, tòa đô chính, cảnh sát và sở cứu hỏa tính ra tốn phí hàng chục triệu kroner. Trong biến động tuần qua, sự tổn thất về vật chất cũng khá cao. Tính chung có 110 vụ đốt phá. Riêng tại khu vực thủ đô sự thiệt hại được ghi nhận như sau:
-Trường Vaerebroskole ở Bagsvaerd và trường Kajerodskolen ở Birkerod bị đốt cháy phải tốn cả chục triệu mới khôi phục được.
-35 xe bị đốt tại thủ đô Copenhagen, các hãng bảo hiểm phải đền mỗi xe khoảng 52.000 kroner. Nếu tính thêm thiệt hại xe cộ tại các nơi khác thì số tiền sẽ gia tăng.
-Hàng chục thùng nhựa lớn có bánh xe đẩy dùng đựng rác tại các chung cư và dọc theo đường phố đã bị đốt. Tốn phí lên hàng trăm ngàn kroner.
Ngoài ra, tạo đảo Fyn, khu vực Vollsmose ở Odense và Gellerup ở Aarhus, bán đảo Jylland tình trạng đốt phá cũng gây ra tổn thất khá nhiều.
Nếu kể thêm tổn phí phụ trội của cảnh sát và sở cứu hỏa thì số tiền lên tới cả trăm triệu kroner.
8-Phản ứng chống Đan Mạch
-Tại Đan Mạch: ngày 15.2.2008 tổ chức Hồi giáo cực đoan Hizb-ut-Tahrir (tổ chức này bị cấm hoạt động ở Đức quốc) cùng 1.000 thành viên đã xuống đường tại thủ đô Copenhagen chống việc xúc phạm tới Tiên Tri Muhammad. Cuộc biểu tình diễn ra từ ga xe lửa Norrebro tới công viên Sainkt Hans. Các trật tự viên của Hizb-ut-Tahrir tự đứng ra bảo vệ an ninh và trật tự, nên cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa.
-Tại Palestina:
Khoảng 4.000 người Palestine thuộc phe quá khích Hamas ở Gaza đã xuống đường biểu tình chống việc in lại các biếm họa, đặc biệt hình Tiên Tri Muhammed đầu đội bom có ngòi nổ của họa sĩ Kurt Westergaard. Nhóm Hamas đòi xin lỗi công khai và họa sĩ Kurt Westergaard phải đền tội trước pháp luật. Họ cũng yêu cầu chấm dứt việc phổ biến các biếm họa. Cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, không có đốt quốc kỳ Đan Mạch như vào năm 2005.
-Tại Hồi quốc (Pakistan):
Theo tin hãng thông tấn AP có khoảng 200 sinh viên biểu tình ôn hòa tại thủ đô Islamabad chống việc đăng lại các biếm họa và đòi chính quyền trục xuất đại sứ Đan mạch về nước. Các sinh viên này đốt quốc kỳ Đan Mạch và hô to "giết chết họa sĩ". Một cuộc biểu tình nhỏ khác cũng diễn ra tại Multan ở thành phố Punjab. Theo nữ phóng viên Simi Jan của đài truyền hình TV2 Đan Mạch thì các cuộc biểu tình tại Pakistan kỳ này không đông như vào năm 2005. Lý do: dân chúng đang tập trung vào cuộc bầu cử Quốc Hội vào ngày 18.2.2008. Đạo sĩ quá khích chủ trì Đền Đỏ (Red Mosque) đã cố gắng yêu cầu chính phủ đoạn giao với Đan Mạch và hô hào, khích động dân chúng xuống đường biểu tình, nhưng không có kết quả. Mỗi cuộc biểu tình chỉ có vài trăm người tham dự. Nhằm bảo vệ sự an toàn cho người dân, Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã khuyến cáo dân chúng nên ngưng tất cả các cuộc du lịch không cần thiết đến Pakistan trong thời kỳ này.
-Tại Iran:
Tin hãng thông tấn IRNA của Iran ngày 16.2.2008 cho biết Iran chỉ chào mừng phái đoàn Ủy ban Ngoại vụ của Quốc Hội Đan Mạch đến thăm nước này vào ngày thứ hai 18.2.2008, nếu chính khách nước này lên án việc tái đăng các biếm họa về Muhammad trên báo chí. Quốc Hội Iran cũng lên án gắt gao các báo chí Đan Mạch đã đăng lại các biếm họa.
9-Các họa sĩ tiếp tục bị đe dọa mạng sống
Web site Inshallahshaheed tại Hoa Kỳ của Samir Khan, 21 tuổi, quốc tịch Mỹ, gốc Ả Rập Saudi, hiện cư ngụ tại Charlotte, Tiển bang North Carolina đã công khai đe dọa họa sĩ Kurt Westergaard với lời cảnh cáo dựa vào lịch sử như sau:
"Kẻ điên khùng đã quên sự kết liễu của Theo van Gogh và quên rằng nhiều người Đan cũng là Muslim sẽ không bỏ qua, vì họ hiểu câu truyện Ka´’b bin Al-Ashraf và những gì Tiên Tri Muhammad đã đối xử với ông này, và họ biết đạo của họ cho phép làm việc này!"
**Ka’b bin Al-Ashraf là một trong những người Do Thái không chống Muhammad hay bất cứ người Muslim nào bằng vũ khí, nhưng bằng ý tưởng lời nói (cho rằng Muhammad là một Tiên Tri giả) và làm những bài thơ không hay ho gì về phụ nữ Muslim. Muhammad coi ông là người nguy hiểm, nên cho giết vào ban đêm!
(http://www.answering-islam.org/Muhammad/Enemies/kab.html)
Kết luận
Qua các sự kiện nêu trên, người ta thấy số phận của các họa sĩ vẽ biếm họa về Tiên Tri Muhammed sẽ vẫn không được bảo đảm; đặc biệt họa sĩ Kurt Westergaard. Xét về phương diện tự do tư tưởng và tự do báo chí thì sự đe dọa giết người nhân danh tôn giáo không thể chấp nhận được.
Qua các sự kiện nêu trên, một cách khách quan, người ta cũng tự đặt câu hỏi:
-Tự do báo chí là quan trọng, tự do phát biểu tư tưởng là quan trọng; nhưng tại sao tự do của một cá nhân hay một vài người lại được tôn trọng, mặc dù xúc phạm tới Giáo chủ của một tôn giáo có hàng trăm triệu tín hữu sùng bái?
-Nếu nói rằng trong một xã hội hay thế giới tự do, dân chủ đa số thắng thiểu số thì tại sao tự do của một cá nhân hay một nhóm người lại được tôn trọng hơn hàng triệu, hay trăm triệu người?
Kết cục, tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, thời nào cũng vậy, con người và tôn Giáo vẫn là vấn đề nhức nhối!
Benazir Bhutto, cựu Thủ Tướng Pakistan, người phụ nữ nổi danh nhất trong thế giớiIslam đã bị ám sát
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Ngày 27.12.2007, một biến cố làm chấn động chính trường thế giới: Benazir Bhutto, cựu nữ thủ tướng Hồi Quốc (Pakistan) bị ám sát trong khi đang tiến hành cuộc tranh cử sẽ diễn ra vào ngày 8.1.2008.
Sự ra đi bất ngờ của bà Bhutto làm cho nhiều người nuối tiếc, nhất là dân chúng Hồi quốc và những người yêu chuộng tự do dân chủ trên toàn thế giới. Benazir Bhutto là biểu tượng tuyệt vời đối với nữ giới, đặc biệt trong thế giới Islam, nơi mà thân phận người phụ nữ chưa được giải phóng để có quyền tự do và bình đẳng so với phụ nữ của các quốc gia dân chủ và nhân quyền trên thế giới.
Để tìm hiểu nguyên do nào khiến bà Bhutto bị ám sát, chúng tôi mời quí độc giả theo dõi các mục dưới đây:
1-Đôi hàng tiểu sử
Benazir Bhutto được sinh ra ngày 21.6.1953 tại thành phố Karachi, trong một gia đình khá giả ở Hồi quốc.
Mới 5 tuổi, cô bé Bhutto được gửi theo học một trong các trường nổi tiếng nhất thuộc Tu viện Giê-su và Maria (The Convent of Jesus and Mary) do các nữ tu Công giáo người Ái Nhĩ Lan giảng dậy. Ở trường Bhutto học chương trình giáo dục Anh ngữ; gia đình cũng nói thông thạo tiếng Anh hơn cả tiếng Sindhi (tiếng dân tộc của cha), tiếng Ba Tư (tiếng dân tộc của mẹ) và tiếng bản xứ Urdu..
Cô bé Bhutto là con gái đầu lòng có nước da trắng hồng, nên được gia đình gọi bằng một tên dễ thương "Pinkie". Người em trai kế là Mir Murtaza sinh năm 1956 và Sanam sinh năm 1957.
Cha của Bhutto là Zulfikar Ali Bhutto người Ấn Độ, vùng Sindh, theo đạo Islam. Ông từng du học Mỹ và tốt nghiệp đại học Berkeley thuộc tiểu bang Massachusetts của Hoa Kỳ. Mẹ là Begum Nusrat Bhutto con của một thương gia giầu có người Ba Tư gốc Kurdistan, theo đạo Islam hệ phái Shia,
Cha từng giữ chức bộ trưởng thương mại dưới thời tổng thống Ayub Khan; sau đó bộ trưởng năng lượng, rồi bộ trưởng ngoại giao, cầm đầu phái đoàn Hồi Quốc tại Liên Hiệp Quốc và sau đó trở thành thủ tướng dân cử đầu tiên của Pakistan từ năm 1971 tới 1977.
Năm 1969, mới 16 tuổi, Bhutto được cha gửi sang Hoa Kỳ học tại khu Radcliffe dành cho nữ sinh viên, một chi nhánh thuộc đại học Harvard, đại học nổi tiếng nhất nước Mỹ. Trong quyển hồi ký "Người con gái phương Đông" (Daughter of the East) Bhutto có kể lại trong thời gian học tại đại học Harvard, bà cũng tham gia vào phong trào biểu tình chống chiến tranh Việt Nam của sinh viên Mỹ.
Sự kiện trên cho thấy Việt Nam Cộng Hòa trước đây còn yếu về mặt ngoại giao và tuyên truyền cho chính nghĩa tự do, dân chủ của mình trên chính trường thế giới. Bhutto, một sinh viên Hồi Quốc mà không biết gì về nguyên nhân chiến tranh Việt Nam, trong khi Hồi Quốc là một hội viên của Tổ chức Hiệp ước (Phòng Thủ) Đông Nam Á "SEATO" (The Southeast Asia Treaty Organization) được thành lập vào ngày 8.9.1954, nhằm mục tiêu chống sự lan tràn của Chủ nghĩa Cộng sản tại Á Châu. Hội viên của SEATO gồm các quốc gia: Anh, Pháp, Phi Luật Tân, Hồi Quốc (Pakistan), Thái Lan, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ!
Chính thời gian học tại đại học Harvard, Bhutto mới hiểu được thế nào là tự do dân chủ và nhân quyền. Từ đó cô sinh viên trẻ đã vạch ra cho mình con đường đấu tranh cho đất nước được tự do và dân chủ thực sự.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Nhân văn (Bachelor of Arts) hạng danh dự (Cum Laude) của đại học Harvard vào năm 1973, Bhutto được gửi qua Anh quốc tiếp tục học tại đại học Oxford. Cô tốt nghiệp cử nhân triết học, chính trị và kinh tế vào năm 1977. Bhutto cũng học thêm khóa luật pháp quốc tế và ngoại giao trong thời gian này. Năm 1976, Bhutto, người phụ nữ Á châu đầu tiên được bầu vào chức vụ chủ tịch Xã hội Liên hiệp Oxford (Oxford Union Social).
Ngày 18.12.1987 Benazir Bhutto kết hôn với Asif Ali Zardari tại Karachi. Hai người có 3 con: Bilawal, Bakhtwar và Aseefa.
Sau khi tốt nghiệp đại học Oxford, Bhutto trở về Hồi Quốc vào dịp cha thắng cử và trở thành thủ tướng dân cử của Hồi Quốc. Nhưng chỉ vài tháng sau, tướng Muhammad Zia ul Haq, tư lệnh quân đội làm cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự vào ngày 5.7.1977. Để chống lại sự bạo động, tướng Zia ban hành Lệnh Thiết Quân Luật và hứa sẽ tổ chức bầu cử tự do trong vòng 3 tháng. Nhưng thay vì tổ chức bầu cử, tướng Zia tố cáo thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto có liên quan tới vụ ám sát cha của nhà chính trị đối lập Ahmed Raza Kasuri. Tuy không có bằng chứng chính xác, nhưng thủ tướng vẫn bị tòa án quân sự mặt trận kết án tử hình.
Trong hồi ký bà Bhutto kể là lệnh tử hình được bí mật thi hành. Gia đình bà giờ phút chót mới được biết khi hai mẹ con bà đang bị giam, nên không cầu cứu ai được. Thế giới bên ngoài, kể cả các quốc gia Ả Rập không hay biết gì về ngày giờ xử tử. Sau sự can thiệp của các nhà lãnh đạo các quốc gia Lybia, Syria và Phong trào Giải phóng Palestine "PLO", Tướng Zia có hứa với Ả Rập Saudi, Emirates và nhiều quốc gia Islam là sẽ đổi án tử hình. Bộ trưởng ngoại giao Ả Rập Saudi và thủ tướng Lybia hứa sẽ bay tới Pakistan can thiệp, nếu biết ngày và giờ xử tử cha của bà. Nhưng tất cả đã xẩy ra trong bóng tối vào đêm 4.4.1979.
Nối nghiệp cha, Benazir Bhutto tuy là một phụ nữ Islam, một tôn giáo vẫn còn coi trọng nam giới, nhưng bà từng hãnh diện tuyên bố: "Tôi tin vào chính mình. Tôi luôn cảm thấy rằng tôi có thể trở thành thủ tướng nếu tôi muốn." (I had faith in myself. I had always felt that I could become Prime Minister if I want.)
Phẫn uất vì cha bị giết một cách oan uổng, hai em của bà Bhutto là Mir Murtaza Bhutto và Shahnawaz Bhutto đã thành lập tổ chức AZO (The Al-Zulfikar Organization) nhằm chống lại chính quyền quân phiệt Zia.
Năm 1972, Mir Murtaza được gửi sang Mỹ học ngành công quyền chuyên về chiến lược và năm 1976 tốt nghiệp hạng danh dự tại đại học Harvard về luận án "Một chút hòa hợp" (Modicum of Harmony). Luận án mang nội dung sự bành trướng vũ khí nguyên tử nói chung và sự liên quan đến khả năng nguyên tử của Ấn Độ đối với Pakistan nói riêng. Hoạt động nổi tiếng nhất của tổ chức AZO là cướp máy bay của hàng không Pakistan vào năm 1981, gây cho một hành khách tử nạn và Mir Murtaza bị kết án giết người; nên phải tị nạn tại thủ đô Damascus, Syria.
Ngày 18.7.1985, em út của bà Bhutto là Shahnawaz Bhutto (1958-1985) bị giết một cách bí ẩn tại chung cư Riviera ở Nice, Pháp quốc. Gia đình bà Bhutto nghi Shahnawaz bị đầu độc. Cảnh sát Pháp thì nghi ngờ chính người vợ Rehana giết chồng. Nhưng sau cuộc điều tra, cảnh sát không tìm được bằng chứng, nên cho phép Rehana di chuyển qua Mỹ. Nguồn tin khác cho rằng vì Shahnawaz dính líu tới việc lật đổ chính quyền Zia, nên bị giết.
Khi em bị ám sát, Bhutto trở về dự đám tang và lại bị bắt vì tội tham gia vào phong trào chống chính quyền quân đội qua việc thành lập Pakistan Quốc Dân Đảng "PPP". (Pakistan People’s Party) Sự ra đời của đảng PPP làm cho hai chị em rơi vào tình trạng chia rẽ và tranh dành ảnh hưởng trên chính trường. Mir Mutaza tiếp tục hoạt động cho AZO, Benazir thủ lãnh PPP.
Phong trào biểu tình chống chính quyền quân phiệt Zia tiếp tục xẩy ra nhiều nơi, mặc dù Lệnh Thiết Quân Luật đã được bãi bỏ.
Ngày 10.4.1986: Benazir Bhutto trở về từ Luân Đôn sau một thời gian sống lưu vong để lãnh đạo Đảng Quốc Dân Pakistan do cha bà sáng lập. Benazir Bhutto công khai kêu gọi Tướng Zia Ul Haq từ chức. Nhờ uy tín của cha, Bhutto và mẹ được bầu vào chức vụ chủ tịch Đảng.
Ngày 1.12.1988, Bhutto thắng cử trong cuộc bầu tự do và trở thành thủ tướng lúc mới 35 tuổi, một nữ thủ tướng trẻ tuổi đầu tiên trong một quốc gia Islam và một trong các thủ tướng trẻ nhất trên chính trường thế giới.
Ngày 6.8.1990: tổng thống Ghulam Ishaq Khan cách chức thủ tướng Bhutto vì dính dáng đến tham nhũng và thất bại trong việc kiểm soát bạo lực sắc tộc.
Ngày 19.10.1993: Bhutto thắng cử lần hai và tuyên thệ trở thành thủ tướng Pakistan.
Ngày 19.9.1996, người em thứ nhất, Mir Murtaza (1954-1996) cùng với 6 thành viên của AZO bị cảnh sát bắn chết. Theo nhà chức trách địa phương thì toán an ninh của Murtaza chống lại cảnh sát chận xe để bắt Murtaza. Nhưng theo bác sĩ Mazhar Memon thì chính cảnh sát bắn Murtaza trước, khi anh ta bước xuống xe đi đến nói chuyện với cảnh sát. Chính vì thấy thủ lãnh bị bắn máu chảy chan hòa trên đường, nên toán bảo vệ Murtaza mới nổ súng vào cảnh sát.
Ngày 5.11.1996: tổng thống Farooq Leghari cách chức thủ tướng Bhutto, cáo buộc bà có khuynh hướng gia đình trị và ngấm ngầm phá hoại hệ thống tư pháp. Benazir Bhutto tự nguyện bỏ xứ và xin tị nạn tại Dubai vào năm 1998.
Ngày 14.4.1999: sau khi Thụy Sĩ, Ba Lan và Pháp quốc cung cấp tài liệu liên quan tới thủ tướng Bhutto và chồng đã gửi hàng chục triệu Đô-la tại các ngân hàng ngoại quốc. Theo báo cáo thì số tiền hai vợ chồng Bhutto có được là do tham nhũng và nhận hối lộ bằng cách cấp giấy phép độc quyền cho các công ty đầu tư, xuất nhập cảng vàng, máy cày và phản lực cơ chiến đấu v.v... Hành động tham nhũng, đưa tới hậu quả bị tòa tuyên án vắng mặt khi bà Bhutto đang sống lưu vong ở ngoại quốc. Chồng thì bị 8 năm tù tại Pakistan.
Ngày 5.10.2007: sau khi giúp tổng thống Musharraf giải quyết vụ xung đột với bộ trưởng tư pháp và luật sư đoàn, Bhutto đạt được thỏa thuận xóa bỏ tội cũ và được chia sẻ quyền lực với tổng thống Pervez Musharraf, nên quyết định hồi hương để tranh cử. Ngày 18.10. 2007: Bhutto trở về quê hương sau hơn 8 năm sống lưu vong. Sau khi vừa đặt chân lên mảnh đất quê hương, Bhutto bị khủng bố tấn công bằng vụ đánh bom tự sát ngay tại cuộc tiếp đón bà ở thành phố Karachi. Nhưng bà thoát nạn.
Ngày 1.12.2007: Bhutto tuyên bố chiến dịch vận động tranh cử và kêu gọi chống lại các lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Ngày 27.12.2007: Ngay sau khi Bhutto chấm dứt bài phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử trước đám đông ở Rawalpindi, một tay súng bám sát xe chở Bhutto bắn vào cổ và ngực khiến bà ngã gục. Một tên khác đứng kế bên cho nổ bom tự sát gây cho hàng chục người bị chết và bị thương. Bà Bhutto chết ngay sau khi được chở vào phòng cấp cứu của bệnh viện Rawalpindi.
2-Ai giết bà Benazir Bhutto?
-Phải chăng mạng lưới khủng bố toàn cầu al-Qaeda giết cựu thủ tướng Benazir Bhutto?
Theo nhà bình luận Bruce Riedel thuộc viện nghiên cứu Brookings phát biểu với hãng thông tấn AP thì "Mạng lưới khủng bố đã cố giết bà Bhutto trong nhiều thập niên qua. Có thể một nhóm đồng tình với al-Qaeda chống Bhutto, vì bà là phụ nữ, trần tục và tranh đấu cho dân chủ."
Theo hãng thông tấn Bắc Âu "Scanpix" trên một mạng lưới Internet "Islamistiske websites" người ta thấy viết phó chỉ huy Ayman al-Zawahiri của al-Qaeda đã bày kế hoạch giết Bhutto. Tuy nhiên, mạng lưới này không có gì bảo đảm là tiếng nói của tổ chức al-Qaeda.
Về phía chính quyền thì phát ngôn viên bộ nội vụ Pakistan chỉ nói rằng cơ quan tình báo đã nghe được cuộc nói chuyện điện thoại giữa các thành viên al-Qaeda với những người chủ trương ám sát và tấn công bằng bom tự sát, nhằm mục đích làm xáo trộn đất nước Pakistan. Chính phủ đổ tội cho thủ lãnh của nhóm Baitullah Mehsud chịu trách nhiệm về cuộc ám sát này. Nhưng phát ngôn viên của Mehsud đã phản đối và cho rằng đây chỉ là cách tuyên truyền của chính phủ Pakistan.
Theo hãng thông tấn Pháp AFP (Agence France-Presse) ngày 28.12.2007, Mustafa Abu al-Yazid, một chỉ huy al-Qaeda ở A Phú Hãn (Afghanistan) tuyên bố nhận trách nhiệm trong vụ ám sát Bhutto, vì bà là "tài sản quí giá nhất của Mỹ" (the most precious American asset).
Phát ngôn viên của Mustafa Abu-al-Yazid tuyên bố với hãng thông tấn Ý Adnkronos Interna-tional (AKI) trong một cuộc điện thoại từ một nơi không rõ, rằng "Chúng tôi thanh toán tài sản quí giá nhất của Mỹ, người thề đánh bại "mujahedeen và al-Qaeda. "
Theo AKI thì Al-Yazid là chỉ huy chính của nhóm khủng bố ở A Phú Hãn. Người ta cho biết rằng quyết định giết Bhutto được thực hiện vào tháng 10 bởi nhân vật số hai của al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri. Bản tường trình nói các tiểu đội cảm tử (death squads) được thành lập ngay để thi hành nhiệm vụ và một nhóm cơ sở bao gồm chí nguyện quân Punjab của Lashkar-i-Jhangvi đã giết Bhutto.
Lashkar-i-Jhangvi là một tổ chức Islam hệ phái Wahabi cực đoan thuộc hệ phái của trùm khủng bố Osama bin-Laden. Nhóm này liên kết với al-Qaeda và đã một lần ám sát hụt thủ tướng Nawaz Sharif vào năm 1999.
Tổ chức khủng bố chủ mưu trong vụ ám sát cũng có thể phát xuất từ cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình Sky của Anh quốc, bà Bhutto đã ca tụng tổng thống Musharraf về hành động không giảng hòa với nhóm sinh viên khủng bố chiếm và cố thủ trong Đền Đỏ (Red Mosque). Theo bà nhượng bộ chỉ là hành động khuyến khích quân khủng bố.
-Phải chăng chính cơ quan tình báo và tổng thống Pervez Musharraf đã âm mưu giết Benazir Bhutto, một đối thủ tranh cử mạnh nhất trong cuộc bầu cử dự trù vào ngày 8.1.2008?
-Nếu không, tại sao chính quyền không tăng cường bảo vệ an ninh cho bà sau vụ bom nổ lần đầu khi bà mới về nước?
-Nếu không, tại sao xác bà không được giảo nghiệm để xác nhận vết thương và chỗ bom nổ đã được dọn dẹp sạch sẽ quá mau chóng khi cuộc điều tra chưa kết thúc?
Trong một điện thư (e-mail) gửi cho người bạn ở Hoa Kỳ là Mark Siegal ngày 26.10.2007, bà Bhutto có kể bà cảm thấy không được an ninh và không nhận được sự hứa hẹn nào về bảo vệ an ninh. Bà cũng kể là không được dùng xe riêng có cửa xe được bảo vệ bằng kẽm và dụng cụ ngăn ngừa hệ thống làm bom nổ (remote control) hay xe mô-tô cảnh sát bảo vệ quanh xe của bà.
Sự kiện trên được chứng minh trong một viedeo của một người quay không chuyên nghiệp cho thấy: một tên bắn bà và một tên đeo bom tự sát cho bom nổ, cả hai đứng gần xe chở bà Bhutto. Không một nhân viên cảnh sát nào bảo vệ xe chở bà!
Như vậy, có phải chính quyền cố tình để cho bà bị ám sát?
Sử gia Mỹ Arthur Herman trong bài viết cho báo The Wall Street Journal ngày 14.6.2007, cho rằng Bhutto và nhiều người không ưa tổng thống Musharraf, vì ông ta là người Muhajir, con trai của một người trong số hàng triệu người Ấn theo đạo Islam chạy qua Pakistan vào thời gian chia cắt năm 1947. Mặc dù những người Muhajir khích lệ cho sự hình thành quốc gia Pakistan trong thời gian đầu; nhưng nhiều người bản xứ Pakistan khinh họ và đối xử họ như dân hạng ba.
Tuy nhiên, ngày 3.1.2008, tổng thống Musharraf công khai phủ nhận có dính líu tới vụ ám sát cũng như thiếu bảo vệ an ninh cho bà Bhutto. Đồng thời ông cho biết cơ quan tình báo Anh quốc, Scotland Yard, đã tới Pakistan giúp điều tra nội vụ.
-Phải chăng chính những người mà bà Bhutto đã chỉ mặt trước khi bị giết?
Sau khi thoát chết vụ ám sát vào tháng 10.2007, bà Bhutto tuyên bố với báo Paris-Match của Pháp rằng bà biết ai muốn giết bà. Họ là những công chức cao cấp dưới chế độ cầm quyền của tướng Zia ul-Haq, người đã lật đổ cha của bà vào năm 1977 và xử tử cha bà vào năm 1979. Bà cũng nói rất lo sợ các tướng lãnh đạo về hưu muốn giết bà và đổ tội cho cơ quan tình báo quân đội có hành động mờ ám.
Ngày 30.12.2007, Đảng Quốc Dân Pakistan đã yêu cầu chính phủ Anh và Liên Hiệp Quốc giúp điều tra về cái chết của bà Bhutto.
Trước khi bị ám sát, bà Bhutto đã gửi một bức thư cho TT. Musharraf. Trong thư bà nêu rõ bốn nhân vật bị nghi ngờ sẽ thực hiện cuộc tấn công bà là:
-Chaudhry Pervaiz Elahi, người đối lập của Liên đoàn Muslim Pakistan "PML-Q" (Pakistan Muslim League) là bộ trưởng lãnh địa Punjab.
-Hamid Gul cựu giám đốc Sở Tình báo.
-Ijaz Shah tổng giám đốc Văn phòng Tình báo.
-Một người khác trong ngành tình báo. Bà cũng tố cáo ngành tình báo từng hỗ trợ các nhóm chiến đấu tại Kashmir và Afghanistan.
Nhưng bà đâu biết rằng tất cả những người nêu trên đang cộng tác chặt chẽ với TT. Musharraf. Vì thế, người ta mới nghi ngờ TT. Musharraf một cách trực tiếp hay gián tiếp có dính líu trong vụ ám sát này.
3-Những giải thích không thống nhất về cái chết của bà Benazir Bhutto
-Về phía chính phủ Pakistan:
Bộ nội vụ đã không thống nhất về lời giải thích của mình. Ban đầu họ nói là bà Bhutto chết vì vết thương bắn vào cổ. Sau đó họ lại nói bà chết vì những miếng sắt văng ra khi bom nổ. Cuối cùng, qua hình ảnh quang tuyến chụp trong bệnh viện, Brig Javed Iqbal Cheema, phát ngôn viên bộ nội vụ lại tuyên bố Benazir Bhutto không chết bởi những viên đạn hay mảnh bom như tin ban đầu. Sự thực bà thiệt mạng vì chấn thương sọ não khi đầu đập vào trần xe lúc bom nổ. Tin này cũng được tổng thống Musharraf xác nhận trên hệ thống truyền hình ngày 7.1.2008.
-Về phía các nhân chứng:
-Sherry Rehman, nữ thư ký và phát ngôn viên của đảng PPP, người có mặt trong lúc bà Bhutto bị bắn và cùng tham gia vào việc tắm xác bà trước khi an táng nói đã nhìn thấy vết thương bắn ở đầu và mặt của nạn nhân.
-Luật sư của bà Bhutto xác nhận nạn nhân có vết bắn ở bụng.
Lời phát biểu của hai nhân chứng trên đúng hay của bộ nội vụ đúng, người ta còn phải chờ kết quả của cuộc điều tra của cơ quan tình báo Anh quốc.
3-Di chúc của cựu thủ tướng Benazir Bhutto
Dù đang còn học tại đại học Oxford của Anh quốc, ngày 30.12.2007, Bilawal Zardari 19 tuổi, con trai đầu lòng của bà Bhutto được bầu vào chức vụ đồng chủ tịch Đảng Quốc Dân Pakistan cùng với cha là Asif Ali Zardari.
Sự chọn lựa con trai trưởng vào chức vụ chủ tịch đảng dựa vào di chúc của cố thủ tướng Benazir Bhutto. Bà đã ghi rõ Bilawal được chỉ định nối nghiệp lãnh đạo đảng trong trường hợp bà chết. Lời di chúc này được đọc trong buổi họp khẩn cấp của đảng tại Naudero.
Trong lúc nhậm chức Bilawal và người cha có nói: "Benazir Bhutto đã hy sinh mạng sống vì sự sống còn của đất nước Pakistan và dân chủ. Chúng ta hãy tiếp tục sứ mệnh của bà"
Theo một đảng viên thì em của cố thủ tướng Bhutto là Sanam, 51 tuổi, được nhiều đảng viên muốn bầu vào chức vụ đảng trưởng; nhưng bà đã từ chối không nhận một chức vụ nào trong đảng, vì bận công việc gia đình ở Luân Đôn. Sự từ chối này cho thấy bà Sanam cũng sợ sẽ bị ám sát khi bà tiếp tục con đường đấu tranh của bà Bhutto để lại.
4-Cuộc bầu cử được dời vào ngày 18.2.2008
Vì vụ ám sát bà Bhutto, ngày bầu cử Quốc hội chính thức trước đây được ấn định vào ngày 8.1.2008, nay được dời lại ngày 18.2.2008. Cái chết của bà Bhutto sẽ có lợi cho Pakistan Quốc Dân Đảng nếu cuộc bầu cử xẩy ra một vài ngày sau vụ ám sát, khi người dân đang còn luyến tiếc bà, họ sẽ bầu cho đảng. Cuộc bầu cử Quốc hội bị hoãn lại 40 ngày có thể trở thành bất lợi, khi sự nuối tiếc đã phôi pha trong lòng người dân và các đảng khác có thời gian củng cố nội bộ và phát động chương trình tranh cử có hiệu quả hơn.
Kế đến, con trai của bà Bhutto mới 19 tuổi, chưa chín mùi để ra ứng cử và tranh cử cho đảng. Ông bố đã bị tù về tội tham nhũng thì uy tín sẽ mất mát nhiều, khó thành công lớn và khó chiếm đa số trong Quốc Hội.
Như vậy, TT. Musharraf, đảng của ông ta và Liên đoàn Muslim sẽ có cơ hội thắng cử với đa số trong Quốc Hội.
5-Sự phẫn nộ của dân chúng
Sau cái chết của bà Bhutto, TT. Musharraf ban hành sắc lệnh tuyên bố cả nước đau buồn và treo cờ rũ ba ngày.
Tuy vậy, hàng loạt các cuộc biểu tình và xung đột với cảnh sát đã xẩy ra tại quê quán của bà Bhutto và tại các thành phố lớn khiến cho 20 người chết và hàng chục người bị thương. 250 chiếc xe bị đốt cháy, 176 ngân hàng, 34 trạm xăng, 72 toa xe lửa, 18 ga xe lửa và nhiều cửa hàng bị đập phá.
Hành động phá phách thiếu bình tĩnh này có thể làm cho đảng Quốc Dân Pakistan mất nhiều phiếu trong cuộc bầu cử vào ngày 18.2.2008.
Kết luận:
Trong cuộc chiến đấu chống lại các chế độ độc tài, đã có biết bao nhiêu chiến sĩ bỏ mình vì lý tưởng chung của dân tộc. Riêng với gia đình bà Benazir Bhutto, một gia đình đã cống hiến 4 người cho lý tưởng tự do, dân chủ là: cha (Zulfikar Ali Bhutto), trưởng nữ (Benazir Bhutto) và hai em trai (Murtaza và Shahnawaz!)
Sự hy sinh của họ đáng ca tụng và có ngày sẽ được vinh danh trên toàn đất nước Pakistan, khi chế độ độc tài phải nhường bước trước phong trào đấu tranh đòi tự do và dân chủ của toàn dân.
- Tại sao quân khủng bố đặt bom phá trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Algeria?
- Pakistan số phận Tổng Thống Pervez Musharraf sẽ ra sao?
- Miến Điện Ngọn lửa dân chủ bùng cháy
- Trùm khủng bố Osama Bin-Laden lại xuất hiện trên Tivi nhân dịp dân Mỹ kỷ niệm 11.09.2007
- Bắc Cực có thể trở thành bãi chiến trường vì dầu hỏa?
- Hội Nghị Thượng đỉnh của G8 tại Đức quốc có gì lạ?
- Cuộc tranh cử tổng thống Pháp
- Kỷ niệm 32 năm ngày Quốc hận 30.04.1975 - 30.04.2007
- Tại sao Liên Hiệp Quốc lại ưu đãi cho nữ giới một ngày có tên là "Ngày Quốc Tế Phụ Nữ"
- Biến cố Thủ tướng VC yết kiến ĐGH Biển Đức XVI