Dân Chúa Âu Châu

Cuộc chiến tại Georgia có nguy cơ làm sống lại chiến tranh giữa Nga Sô và Hoa Kỳ

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Ngày 8.8.2008, quân đội Georgia mở cuộc hành quân dành lại sự kiểm soát lãnh địa Nam Ossetia, nơi dân Nga chiếm đa số đã tự tuyên bố độc lập và chịu ảnh hưởng của Nga Sô. Cuộc hành quân này là nguyên nhân khiến chính phủ Nga tung 5.000 lính (không kể 10.000 đã đóng tại Georgia) và hơn 150 xe tăng tràn vào lãnh thổ Georgia với danh nghĩa bảo vệ dân thiểu số gốc Nga. Không quân và pháo binh của Nga cũng đã dội bom và bắn phá một số thành phố, cơ quan và phi trườngï quân sự của Georgia. Cuộc chiến gây tử thương và bị thương cho hàng người. Có hơn 115.000 người chạy tị nạn.
Trước biến cố bất ngờ xẩy ra giữa Georgia và Nga Sô, người ta lo ngại một cuộc xung đột toàn vùng Caucasus có nguy cơ bộc phát và cuộc chiến tranh lạnh giữa Nga Sô và Đồng Minh Tây Phương có thể tái diễn.

Tại sao Nga Sô bất chấp công pháp quốc tế về chủ quyền của một quốc gia, ngang nhiên đem quân tràn qua lãnh thổ Georgia?

Để hiểu rõ vấn đề, mới quí độc giả theo dõi các mục dưới đây:

1- Lịch sử sự xung đột giữa Georgia và Nga Sô

Từ năm 1801-1804 phần lớn đất nước Georgia lọt vào tay Nga Hoàng cho tới năm 1918 mới tuyên bố độc lập. Nhưng nền độc lập chỉ kéo dài tới năm 1921 thì bị Hồng Quân Liên Sô xâm chiếm. Georgia trở thành lãnh thổ chuyển tiếp (Transcaucasian) của Cộng hòa Liên bang Sô Viết cho tới năm 1936 thì bị giải tán và trở thành một trong các Cộng hòa của Liên bang Sô viết. Eduard Shevardnadze được chỉ định vào chức vụ chủ tịch đảng cộng sản Georgia.
Sau khi Liên bang Sô viết tan rã vào năm 1990-1991, các quốc gia bị xâm chiếm và bị sát nhập vào Liên Bang này lần lượt tách rời và tuyên bố độc lập gồm: Azerbaijan, Estonia, Belarus, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzsistan, Moldavia, Latvia, Lithuania, Tajikistan, Turmenistan, Ukraine, Uzbekistan và các quốc gia Đông Âu. Trong số các quốc gia này có Ukraine, Estonia và Georgia là ba quốc gia có những xung đột nặng nhất với Nga Sô về vấn đề dân thiểu số Nga.
Năm 1991, Quốc hội Georgia tuyên bố tách rời Liên bang Sô viết và Gamsakhurdia trở thành tổng thống đầu tiên với 85% phiếu bầu. Tháng 1/1992, bất chấp sự đồng ý hay không đồng ý của Georgia, Nam Ossetia bỏ phiếu dành độc lập. Tháng 3/1992, cựu bộ trưởng Sô Viết Shevardnadza được bầu vào chủ tịch Hội đồng Quốc gia và chủ tịch Quốc hội, rồi đắc cử tổng thống vào năm 1995-2003.

2- Các cuộc xung đột tại Nam Ossetia

Theo lịch sử thì thời Nga Hoàng cũng như thời Cộng sản Liên Sô dân Ossetia đều trung thành và đứng về phía Nga. Dân Nam Ossetia không những không tham gia vào các cuộc chiến cùng với dân vùng phía Bắc Caucasus chống lại Sô Viết, mà còn cộng tác với quân đội Sô Viết, khi Georgia bị xâm chiếm vào thập niên 1920. Khoảng 70.000 dân Nam Ossetia mà đa số là gốc Nga, mặc dù sinh sống trên lãnh thổ Georgia, nhưng họ luôn tranh đấu đòi độc lập và lúc nào cũng được Nga Sô yểm trợ. Cuộc xung đột võ trang đầu tiên tại thủ phủ Tskhinvali của Nam Ossetia giữa quân đội Georgia và du kích quân vào năm 1990 khiến cho Nga Sô đem quân tràn qua biên giới với danh nghĩa bảo vệ dân mình. Từ thời điểm này Nam Ossetia sống như một lãnh thổ độc lập. Cuộc xung đột kéo dài tới mùa hè năm 1992 thì một thỏa hiệp thành lập quân đội hỗn hợp giữ gìn hòa bình gồm Georgia, Nam Ossetia và Nga Sô đã được gửi tới Nam Ossetia.
Dưới thời tổng thống Shevardnadze tình hình tương đối yên ổn, một phần vì chính sách thân thiện với Nga của ông, một phần vì Georgia không đủ sức mạnh để đương đầu với Nga Sô. Nhưng khi Mikhail Saakashvili được bầu làm tổng thống vào năm 2006 thì chương trình của tân chính phủ là thu hồi các lãnh địa đòi tự trị Nam Ossetia và Abkhazia về cho quốc gia Georgia. Tân tổng thống chấp nhận đàm phán và cho Nam Ossetia tự trị trong một quốc gia Georgia, chứ không độc lập tách rời theo Nga Sô. Nhưng Nam Ossetia không chấp nhận điều kiện này. Tháng 11/2006, một lần nữa đa số dân Nam Ossetia đã tự tổ chức bỏ phiếu dành độc lập, thoát khỏi ảnh hưởng của Georgia, giống như tình trạng của thành phố Kosovo của Nam Tư Serbia. Sinh sống trên lãnh thổ Georgia mà đa số dân Nam Ossetia lại có giấy thông hành (Passport) của Nga và đồng tiền Rouble của Nga vẫn được dùng trong lãnh vực thương mại.

3- Các cuộc xung đột tại Abkhazia

Abkhazia cũng rơi vào tình trạng như Nam Ossetia. Trong thời Liên Bang Sô Viết, dân Nga tràn sang sinh sống ở vùng này và trở thành đa số. Từ đa số, dân Nga đòi tự trị và độc lập thoát khỏi ảnh hưởng của Georgia. Thực tế cho thấy Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu, Khối NATO, Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) và các quốc gia khác trên thế giới đã công nhận Abkhazia là một phần lãnh thổ của Georgia theo luật quốc tế.
Năm 1992 cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Georgia và du kích quân đòi cho Abkhazia độc lập thân Nga bùng nổ. Qua tháng 9/1993, với sự tích cực yểm trợ của Nga Sô, quân du kích Abkhazia đã đánh bật quân đội Georgia ra khỏi Abkhazia. Để tránh chiến tranh lan rộng hai bên ký thỏa hiệp đình chiến vào năm 1994, mở đường cho quân đội Nga tiến vào với danh nghĩa bảo vệ hòa bình trong vùng. Năm 2001, chính phủ Georgia và quân du kích Abkhazia lại ký thỏa hiệp không dùng bạo lực chống nhau. Nhờ thiện chí hợp tác này Nga Sô trao lại căn cứ quân sự Vazizni cho Georgia vào tháng 6/2001 theo như chương trình rút quân từ năm 1991.

4- Các cuộc xung đột giữa Georgia và Nga sô

Chính phủ Nga bực mình vì các quốc gia từ bỏ Liên bang Sô Viết dần dà có khuynh hướng thân Tây Phương và Hoa Kỳ. Do đó bằng bất cứ giá nào, bằng biện pháp quân sự hay khống chế bằng dầu hỏa và hơi đốt, chính phủ Nga luôn khuynh đảo các quốc gia đi ngược với đường lối do Nga đề ra. Tháng 10/2001, quân đội Georgia được các chiến đấu quân Bắc Caucasus hỗ trợ đã tấn công du kích quân tại Abkhazia. Cuộc hành quân này khiến Nga Sô tố cáo Georgia chứa chấp quân khủng bố Chechnya. Thực tế thì Nga Sô đã chiếm Chechnya và đất nước này coi như bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Các nhóm kháng chiến quân Chechnya chiến đấu đòi lại chủ quyền, nhưng không được Tây Phương nhiệt tình hỗ trợ, nên chỉ còn biết trông nhờ vào sự hợp tác với các quốc gia trong vùng có cùng hoàn cảnh bị Nga sô chèn ép.

Tháng 9/2002, tổng thống Nga Putin tố cáo Georgia chứa chấp kháng chiến quân Chechnya và đe dọa sẽ có hành động quân sự, nếu Georgia không giải quyết. Sợ Nga xâm lăng và ngưng cung cấp nhiên liệu, chính phủ Georgia lại phải hợp tác với Nga chống phiến quân Chechnya. Nhiều kháng chiến quân Chechnya bị giết, hàng chục bị bắt và nhiều tên bị giải giao cho Nga Sô. Tháng 5/2003, chương trình đặt ống dẫn dầu trên phần đất Georgia chạy dài từ Baku của Azerbaijan qua Georgia tới Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện và dĩ nhiên có lợi cho Georgia.
Tháng 11/2003, tổng thống Shevardnadza thân Nga bị lật đổ trong cuộc cách mạng không đổ máu mang tên "Cuộc cách mạng hoa hồng" (Rose Revolution) qua cuộc bầu cử quốc hội bất thường. Tháng 1/2004, Mikhail Saakashvili, thuộc Mặt trận Dân chủ Quốc gia, thắng đa số trong quốc hội và trở thành tổng thống. Tân tổng thống thi hành các chính sách thu hồi lãnh thổ và gây căng thẳng với thủ lãnh vùng tự trị Ajaria bằng phong tỏa và đóng biên giới. Tháng 5/2004, Aslan Abashidze, thủ lãnh vùng tự trị tố cáo quân Georgia sắp xâm lăng vùng này qua hành động phá hủy các cây cầu nối tiếp với các vùng trên lãnh thổ Georgia. Tổng thống Saakashvili ra lệnh cho thủ lãnh Abashidze phải thi hành luật pháp và giải tán lực lượng vũ trang, nếu không sẽ bị sa thải. Abashidze từ chức và rời bỏ Georgia.

Tháng 10/2004, cuộc bầu cử tổng thống ở Abkhazia, không được Georgia công nhận, chấm dứt trong hỗn loạn. Tòa án tuyên bố Sergei Bagapsh thắng cử, nhưng phe đối lập thân Nga do Raul Khadzimba cầm đầu đòi phải bầu phiếu lại. Tháng 1/2005, Sergei Bagapsh thắng cử và để tạo sự đoàn kết cũng như tình hựu nghị với Nga Sô, tân tổng thống đã thỏa thuận đề cử Raul Khadzhinba giữ chức phó tổng thống.
Trên nguyên tắc tổng thống Saakashvili chỉ dự tính cho Abkhazia tự trị, nếu dân tị nạn năm 1993 của Georgia được trở về Abkhazia. Theo đuổi chính sách thân thiện với Hoa Kỳ và Tây phương, chính phủ Georgia đã mời tổng thống George W. Bush tới thăm nước này vào tháng 5/2005. Rất đông quần chúng đã hân hoan đón chào tổng thống Mỹ tại Thủ đô Tbilisi. Tổng thống Bush đã ca tụng Georgia là một "ngọn lửa của tự do" (a beacon of Liberty).

5- Nga Sô trừng phạt Georgia

Nhận thấy chính phủ Georgia ngày càng chơi thân với Hoa Kỳ, tháng 1/2006, Nga Sô cho nổ tung ống dẫn dầu nằm trên lãnh thổ mình khiến cho hệ thống cung cấp nhiên liệu cho Georgia bị cắt đứt bất ngờ vào mùa đông băng giá. Sau đó, một vụ nổ tương tự xẩy ra cắt đứt nguồn cung cấp điện lực từ Nga Sô. Tổng thống Saakashvili tố cáo Nga Sô phá hoại. Chính phủ Nga bác bỏ lời tố cáo và cho rằng quân khủng bố Bắc Caucasus chủ trương.
Dựa vào trường hợp Ukraine cũng bị cắt đứt nguồn tiếp tế hơi đốt vào mùa đông trước đây, vì tổng thống Viktor Yushchenko thắng cử trong cuộc Các Mạng Mầu Cam (Orange Revolution) và thi hành chính sách chơi thân với Hoa Kỳ và Tây phương, người ta hiểu được Nga muốn cảnh cáo Georgia. Do biến cố trên, Georgia phải mua hơi đốt từ Iran, qua ống dẫn dầu mới được sửa chữa xuyên qua lãnh thổ Azerbaijan.
Tiến xa hơn nữa, Nga Sô lại trả đũa bằng cách hủy bỏ nhập cảng rượu vang của Georgia lấy cớ vì lý do bảo vệ sức khoẻ dân chúng. Tháng 5/2006, Nga Sô lại từ chối nhập cảng nước suối (mineral water) cũng với lý do bảo vệ sức khoẻ. Tháng 5+6/2006, tình hình trở nên căng thẳng hơn khi chính quyền Georgia yêu cầu lính Nga luân phiên bảo vệ hòa bình trên lãnh thổ Georgia phải có Visa.
Tháng 7/2006, ống dẫn dầu qua các vùng Baku-Tbilisi-Ceyhan được mở, sau khi dầu ở khu vực biển Caspian bắt đầu cho chảy. Cùng trong thời gian này, Quốc hội Georgia yêu cầu quân đội Nga rút khỏi Nam Ossetia và Abkhazia. Thay thế vào đó là một lực lượng bảo vệ hòa bình quốc tế. Tháng 9/2006, quan hệ với Nga Sô trở nên tồi tệ hơn khi phi cơ trực thăng của Georgia chở Bộ trưởng quốc phòng Okruashvili bị bắn ở Nam Ossetia.
Nhận thấy tình hình ngày càng trở nên căng thẳng và bị Nga Sô chèn ép về nhiều lãnh vực, chính phủ George đã đệ đơn xin gia nhập Khối NATO và hội viên của Liên Hiệp Âu Châu. Sự thay đổi chính sách ngoại giao của chính phủ George khiến cho Nga Sô theo dõi sát nút các hoạt động của tổng thống Saakashvili. Sự kiện này được chứng minh qua việc nhiều sĩ quan Nga bị Georgia bắt vì can tội làm gián điệp. Chính quyền Nga đã trả đũa bằng biện pháp phong tỏa, cắt đứt liên lạc giao thông và trục xuất hàng trăm người Georgia. Nga Sô cũng gây hấn bằng cách cho phi cơ chiến đấu xâm phạm không phận của Georgia hai lần vào tháng 8/2007.

6- Các âm mưu chống lại tổng thống Saakashvili

Một chính phủ Georgia thân Hoa Kỳ và Tây phương không thể tha thứ được dưới con mắt của chính quyền Nga. Nhìn lại, Nga Sô thấy hầu hết các quốc gia dành độc lập sau khi Liên Bang Sô Viết bị tan ra đã thay đổi chính sách thân Hoa Kỳ và Tây phương. Sự thay đổi này cùng với sự bành trướng của Liên Hiệp Âu Châu về hướng Đông cho thấy ảnh hưởng của Nga Sô ngày càng bị thu hẹp và vấn đề an ninh không được bảo đảm. Do đó, chính phủ Nga phải dùng mọi biện pháp để chận đứng ảnh hưởng của Tây phương và tạo nên các nhóm đối lập trong các nước lân bang và hậu thuẫn cho các chính phủ thân Nga. Khi cần thiết và tới gia đoạn phải khủng bố tinh thần, Nga Sô không ngần ngại dùng biện pháp quân sự và cắt đứt các nguồn tiếp tế nhiên liệu v.v... Chính sách này có thể nhận ra như:
-Tháng 9/2007, cựu bộ trưởng Quốc phòng Irakli Okruashvili tố cáo tổng thống Saakashvili tham nhũng và liên quan tới một vụ giết người, khiến cho làn sóng chống đối nổi lên tại nhiều nơi.
-Nga Sô vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại các vùng Nam Ossetia và Abkhazia.
-Tháng 3/2008, nhà cầm quyền Abkhazia đệ đơn xin Liên Hiệp Quốc công nhận sự độc lập của Abkhazia. Nga sô tuyên bố sẽ thắt chặt quan hệ với Abkhazia và Nam Ossetia. Thái độ này chứng tỏ Nga Sô trực tiếp can thiệp vào nội bộ Georgia và muốn sát nhập các hai phần lãnh thổ này vào nước Nga.
-Tháng 6/2008, nhà cầm quyền Abkhazia cắt đứt mọi liên hệ với chính quyền Georgia và tố cáo chính phủ này có dính líu tới nhiều vụ rối loại tại Abkhazia.
-Tháng 5/2008, Nga Sô gửi 300 lính không vũ trang tới Abkhazia nói là họ cần sửa chữa đường rầy xe lửa. Georgia cho rằng đây chỉ là âm mưu can thiệp quân sự của Nga vào khu vực này.
Tháng 1/2008, tổng thống Saakashvili tái đắc cử nhiệm kỳ hai và tiếp tục thi hành chính sách thân Tây phương. Phe đối lập thân Nga tổ chức biểu tình đòi tổng thống Saakashvili từ chức. Để vãn hồi trật tự, chính phủ phải ban hành tình trạng khẩn trương và cảnh sát được lệnh chống bạo động.
Ngày 8/8/2008, quân đội Georgia được lệnh tấn công du kích quân tại Nam Ossetia. Cuộc chiến xẩy ra giữa quân đội Georgia và Nam Ossetia bùng nổ khiến cho Nga Sô đem quân tràn vào lãnh thổ Georgia với danh nghĩa để bảo vệ dân Nga ở Nam Ossetia.

7- Liên Hiệp Âu Châu can thiệp vào Georgia

Trước tình hình căng thẳng tại Georgia, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, hiện là chủ tịch LHÂC, đã bay sang Mạc Tư Khoa ngày 13.8.2008 để hòa giải. Kết quả cho thấy một bản thỏa ước ngưng chiến đã được tổng thống Nga Dimitry Medvedev và TT. Georgia Mikhail Saakashvili ký kết ngày 15.8.2008. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Kondoleeza Rice, sau khi tới Georgia đã tuyên bố điều tiên quyết bây giờ là tất cả quân đội Nga và các đơn vị trừ bị theo gót xâm nhập vào lãnh thổ Georgia phải rút đi ngay. Các quan sát viên quốc tế cùng lực lượng trung lập bảo vệ hòa bình cần nhanh chóng tới Georgia và các vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia nơi Nga Sô hiện có nhiệm vụ bảo vệ hòa bình.
Theo thỏa hiệp đình chiến thì 1.500 lính bảo vệ hòa bình của Nga được phép ở lại và kiểm soát trong vòng 6 cây số bên ngoài khu xung đột Nam Ossetia và Abkhazia. Các đơn vị này không được phép kiểm soát thành phố Gori và các thành phố khác của Georgia, cũng không được cản trở việc cứu trợ và kiểm soát các hải cảng, xa lộ và đường rầy xe lửa. Điều ngoại lệ giới hạn lực lượng bảo vệ hòa bình Nga chỉ cho phép tới khi có một lực lượng lớn bảo vệ hòa bình quốc tế đến thay thế.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, trong cuộc họp báo chung với TT. Nga cũng kêu gọi quân Nga rút khỏi trung tâm Georgia, nơi họ còn kiểm soát phần lớn lãnh thổ quốc gia. Sự hiện diện của nữ thủ tướng Đức tại Mạc Tư Khoa chứng tỏ chính phủ Đức lo sợ Nga Sô có thể cắt đứt nguồn cung cấp hơi đốt cho Đức và Âu Châu, như họ đã làm một lần trước đây khi Liên Hiệp Âu Châu không thỏa mãn các yêu sách của Nga. Nhận định của chúng tôi dựa trên biến cố ngày 15.8.2008 Ba Lan đã đồng ý cho Hoa Kỳ thiết lập bức tường chống hỏa tiễn tại đất nước mình, trong khi ống dẫn hơi đốt của Nga lại chảy xuyên qua đất Ba Lan.
Ngày 15.8.2008, Tổ chức Quan sát Nhân quyền Thế giới (International Human Rights Watch) tố cáo Nga Sô đã thả bom bi (cluster bomb) xuống lãnh thổ Georgia, nhiều người dân bị chết.
Mặc dù hứa hẹn sẽ rút quân, nhưng cho tới ngày 15.8.2008 Nga Sô vẫn còn chiếm đóng thành phố Gori và Poto. Tổng thống Medvedev tuyên bố sẽ bảo đảm hòa bình vùng Caucasus, nhưng không hứa rút lực lượng quân sự khỏi Georgia và hai lãnh thổ ly khai.
Trong cuộc họp với thủ lãnh Eduard Kokoity của Nam Ossetia và Sergey Bagapsh của Abkhazia, bộ trưởng ngoại giao Nga tuyên bố rằng biên giới của Georgia hiện tại bị giới hạn, có nghĩa hai lãnh thổ tách ra không bao giờ đồng ý nối lại. Đây có thể là quyết định của Nga Sô công khai công nhận sự độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia.
TT. Mikheil Saakashvili trong cuộc họp với thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Georgia cho rằng cuộc xâm lăng Georgia chứng tỏ Nga Sô muốn kiểm soát các Cộng hòa trong Liên bang Sô viết ly khai mà phần lớn các ống dẫn dầu chạy qua lãnh thổ các nước này. Thực tế chứng minh rằng các cuộc oanh tạc vào các mục tiêu dân cư nghèo nàn của Georgia chứng tỏ nó không liên quan gì tới Abkhazia và Ossetia.
TT. Saakashvili cũng đặt câu hỏi: "Tại sao Nga Sô tấn công các ống dẫn dầu, nơi không có nghĩa lý gì về quân sự? Tại sao người ta tấn công chúng nếu không phải vì một số mục tiêu khác?"
Ngày 14.8.2008, một viên chức Mỹ nói lực lượng Nga đã kiểm soát hải cảng Poli ở Biển Đen (Black Sea) với một đơn vị hải quân đổ bộ lên bờ biển vài ngày trước đó. Hoạt động của hải quân Nga chứng minh cho những gì tổng thống Georgia đã nói là đúng
8- Hoa Kỳ can thiệp vào Georgia,
Thế giới cũng như Hoa Kỳ đã và đang rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế vì giá dầu hỏa gia tăng chưa từng có, trên 100 USD một thùng dầu thô. Nền kinh tế của Hoa Kỳ đứng đầu thế giới dĩ nhiên bị ảnh hưởng bởi sự tăng giảm giá dầu. Muốn bảo vệ sự phát triển, chính phủ Mỹ phải bảo đảm được số lượng dầu cần thiết cho sự sống còn của quốc gia. Chiến tranh Iraq là một giải pháp. Tuy mất tiếng trên thế giới về chiến tranh xâm lược Iraq, nhưng Hoa Kỳ thành công trên phương diện dầu hỏa. Iraq là nguồn cung cấp dầu hỏa không điều kiện, bảo đảm và ưu tiên cho Hoa Kỳ. Không dừng tại Iraq, chính phủ Mỹ muốn bành trướng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong toàn vùng Trung Đông và Caucasus. Lý do rất dễ hiểu vì vùng Caucasus và Trung Á có trữ lượng dầu hỏa không thua gì vùng Trung Đông. Nhưng trở ngại lớn nhất là làm sao đặt được hệ thống dẫn dầu từ vùng này ra biển Địa Trung Hải mà các chính phủ trong vùng không ngăn cản. Cuộc chiến ở Chechnya trước đây và cuộc xung đột hiện nay ở Georgia là bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ đã và đang quan tâm tới vùng này.
Tháng 4+5/2002, lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ được lệnh tới huấn luyện và trang bị cho quân đội Georgia để chống quân khủng bố. Sự kiện này chứng minh có sự hợp tác chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Georgia. Bằng chứng thứ hai cho thấy khi quân đội Nga tiến vào lãnh thổ Georgia thì chính phủ Mỹ cấp thời giúp chính phủ Georgia rút khoảng 2.000 lính đang chiến đấu tại Iraq về nước để bảo vệ thủ đô và sẵn sàng đối phó với tình hình bất ổn. Chính vì sự hợp tác chặt chẽ này mà chính phủ Georgia đã nộp đơn xin gia nhập NATO và Liên Hiệp Âu Châu.
Nhưng vấn đề Georgia khá phức tạp. Hoa Kỳ có thể hỗ trợ cho Georgia trở thành hội viên của Khối NATO; nhưng Liên Hiệp Âu Châu còn lo ngại sự chống đối mạnh mẽ của Nga Sô. Do đó, tháng 4/2008, Hội nghị Thượng đỉnh của Khối NATO đã đình hoãn quyết định đơn xin gia nhập NATO của Georgia đến tháng 12/2008.
Ngày 13.8.2008, TT. George W. Bush tuyên bố ủng hộ chính quyền dân bầu của Georgia và nhấn mạnh chủ quyền lãnh thổ Georgia phải được tôn trọng. TT. Bush cũng tuyên bố sẽ gửi tầu chiến và phi cơ tới Georgia trợ giúp nhân đạo, và kêu gọi chính phủ Nga rút quân ra khỏi lãnh thổ Georgia. Ngày 15.8.2008, TT. Bush gửi bộ trưởng ngoại giao Condoleeza Rice qua Pháp gặp TT. Sarkozy rồi tới Georgia để tìm phương thức giải quyết vấn đề xung đột và sự tôn trọng thỏa hiệp ngưng bắn. Theo bộ trưởng ngoại giao Pháp Bernard Kouchner thì Liên Hiệp Âu Châu đề nghị Liên Hiệp Quốc cử các quan sát viên của các quốc gia trong Liên Hiệp tới Georgia để quan sát thỏa hiệp ngừng chiến.
Ngày 14.8.2008, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Robert Gates, tuyên bố rằng nếu Nga Sô không bỏ thái độ gây hấn sẽ làm tổn thương tới quan hệ Mỹ-Nga trong nhiều năm. Tuy vậy, ông không thấy cần thiết phải sử dụng lực lượng quân sự của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột hiện nay. Ông cũng nói Hoa Kỳ đã dùng 45 năm làm việc khó nhọc để tránh một cuộc đối đầu quân sự với Nga Sô và ông thấy không có lý do gì thay đổi cái mà ngày nay đã đạt được. Robert Gates cũng tuyên bố trước Ngũ Giác Đài rằng ưu tiên hàng đầu đốùi với quân đội Mỹ trong thời gian này là tiết kiệm nhân mạng và giảm đau thương. Ông cho rằng thủ tướng Nga Puti muốn chứng minh Nga Sô là một đại cường quốc hay siêu cường có ảnh hưởng quốc tế, nhằm lấy lại uy tín trên chính trường thế giới sau khi Liên Bang Sô Viết tan rã. Nhưng TT. Putin đã hành động bằng đường lối tiêu cực.
Vì biến cố Georgia, bộ trưởng quốc phòng Mỹ hủy bỏ cuộc thao dượt hải quân hỗn hợp với Nga Sô dự trù vào thứ sáu 15.8.2008 và cuộc thao dượt hỗn hợp Hoa Kỳ - Gia Nã Đại và Nga Sô vào cuối tháng tám này. Nhân viên bộ quốc phòng Mỹ cho đài CNN biết sẽ tái lập cơ sở tình báo, trong đó có vệ tinh tình báo, để cung cấp tin tức trực tiếp cho tổng thống Bush về cuộc xung đột Georgia và các hoạt động, sự di chuyển của quân đội Nga trong vùng.

9- Cứu trợ và hàn gắn vết thương chiến tranh

Phát ngôn viên Ron Redmond của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết có 115.000 người phải bỏ nơi cơ ngụ. 68.000 trong đó đa số dân vùng Gori chạy tị nạn qua các lãnh thổ khác trong nước, 30.000 người Nam Ossetia chạy lên Bắc Ossetia thuộc Nga Sô và 15.000 người Nam Ossetia chạy qua vùng dân Georgia. Chuyến bay đầu tiên chở đồ cứu trợ tới Georgia vào ngày 14.8.2006 và chuyến thứ hai ngày 19.8.2008. Hai máy bay chở khoảng 66 tấn đồ cứu trợ từ kho ở Dubai. Chuyến thứ ba sẽ tới Vladikavkaz ở Bắc Ossetia vào ngày thứ sáu 22.6.2008. Hiện 2.000 người đã được trợ giúp và đồ cứu trợ đủ cho 40.000 người. Theo Ron Redmond vấn đề an ninh vẫn chưa được bảo đảm. Tại ngoại ô thành phố Gori đã xẩy ra một vụ cướp xe cứu trợ của LHQ vào ngày 14.8.2008 ở trạm kiểm soát. Chương trình Thực phẩm Thế giới (WFP) cũng đã chở 34 tấn bánh biscuit cho dân tị nạn.
Ngày 13.8.2008, Hoa Kỳ đã dùng máy bay chở đồ cứu trợ để giúp đỡ người tị nạn tại Georgia và chuyến máy bay thứ hai (C-17) tới Georgia vào thứ năm 14.8.2008. Cơ quan Phát triển Thế giới của Hoa Kỳ đã cung cấp 250 triệu Mỹ kim (USD) để mua các vật dụng cấp cứu. Đại sứ Mỹ tại thủ đô Sbisili cũng đã chi 1,2 triệu USD thuộc ngân sách của bộ ngoại giao, để mua vật dụng cứu trợ.
Nga Sô hứa viện trợ 400 triệu USD để tái thiết Nam Ossetia và 20 triệu USD cứu trợ dân tị nạn đến Bắc Ossetia. Nga Sô tuyên bố không cần đồ cứu trợ của LHQ cho vùng Bắc Ossetia.

Kết luận

-Ai gây chiến trước?

Theo Georgia thì quân đội mở cuộc hành quân vào Nam Ossetia sau khi lệnh ngưng bắn bị vi phạm bởi đạn pháo binh của quân ly khai Nga bắn ra giết chết 10 người, kể cả thường dân và lính bảo vệ hòa bình. Geogia tố cáo Nga Sô có lính bảo vệ hòa bình trong vùng đã hỗ trợ quân ly khai.
Một vài giờ sau, thông tấn xã Nga (Interfax) tường trình rằng nhà cầm quyền Nga tuyên bố có 10 lính bảo vệ hòa bình đã bị giết và 30 bị thương trong một cuộc tấn công của Georgia. Đó là lý do Nga Sô đem quân tràn qua Georgia.
Các nhà bình luận thời cuộc cho rằng cuộc xung đột như là ván bài do Georgia chủ trương nhằm thử sức mạnh của Đồng Minh Tây phương đối với Nga Sô. Trong những năm vừa qua chính phủ Nga đã bày tỏ thái độ không muốn Liên Hiệp Âu Châu và NATO bành trướng sát ngưỡng cửa nước mình. Tổng thống Putin đã từng đe dọa sẽ quay các giàn phóng đầu đạn nguyên tử về hướng Âu châu sau khi Ba Lan và Tiệp Khắc đồng ý cho Hoa Kỳ thiết lập đài radar và bức tường chống hỏa tiễn tại hai quốc gia này.
Nếu Tây phương và Hoa Kỳ không tỏ ra quyết liệt, Nga Sô sẽ lấn tới và gia tăng áp lực buộc các quốc gia thoát ly Liên Bang Sô Viết năm xưa phải nằm trong quỹ đạo của Liên bang Nga (Russia Federation) hiện nay. Nga Sô có thể thực hiện được ý muốn của mình, vì
-Nga Sô có sức mạnh quân sự mà chỉ Hoa Kỳ mới khống chế được. Nếu Hoa Kỳ không phản ứng, quân đội Nga đã và sẽ tràn qua Georgia, không chỉ để bảo vệ hai phần lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia ly khai, mà còn chiếm luôn vùng Gori, tạo thành hành lang dài từ Nam Ossetia tới Abkhazia ở phía Bắc, khống chế luôn đường dẫn dầu hỏa từ Baku (Azerbaijan) qua Sbilisi (Georgia) tới hải cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ. Kho dầu lớn lao vùng Trung Á và Đông Nga chỉ đạt được lợi ích nhiều nhất khi dầu được dẫn ra các hải cảng nằm trong vùng biển Địa Trung Hải để bán cho các tầu ngoại quốc Tây phương.
-Nga Sô, ngoài ưu thế dầu hỏa, biết lợi dụng tình thế và thời cơ. Trường hợp Nam Ossetia có thể so sánh với Kosovo của Nam Tư Serbia, nơi đa số dân gốc Albania, theo Hồi Giáo đòi tự trị và độc lập thành công. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu ủng hộ Kosovo và trực tiếp can thiệp bằng quân sự, tiêu diệt tiềm lực chiến tranh và oanh tạc các căn cứ quân sự của Serbia khi quân đội Serbia hành quân dành lại quyền kiểm soát lãnh thổ Kosovo của mình. Kinh nghiệm này giúp cho Nga Sô áp dụng chiến thuật Kosovo ở Nam Ossetia và Abkhazia. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu sẽ rơi vào cảnh "gậy ông đập lưng ông". Nga Sô đã sát nhập Bắc Ossetia vào lãnh thổ của mình, nay Nam Ossetia và Abkhazia tự tuyên bố độc lập, thoát ly Georgia, thì tương lai Nga Sô có thêm hai lãnh thổ với diện tích 12.300 km2 và một số dân hơn 260.000 người.
Cái đau của Nam Tư Serbia mất Kosovo (diện tích 10.700 km2) trước đây cũng là cái đau của Georgia hiện nay: "ngồi khóc nhìn một phần lãnh thổ mất về tay người khác!" Về địa lý Georgia mất 20.332 km2 (kể cả Bắc Ossetia) trên tổng số diện tích 69.700 km2, gần 1/3 lãnh thổ!
Cái đau của Georgia là từ trước đến nay Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu châu, Tổ chức An Ninh và Hợp tác Âu châu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO và tất cả các quốc gia trên thế giới đều công nhận Abkhazia và Nam Ossetia là phần lãnh thổ của Georgia. Mặc dù vậy, chính phủ Georgia không dành lại được chủ quyền trên hai phần đất này chỉ vì Nga Sô bất chấp luật quốc tế và ỷ vào sức mạnh quân sự. Sự kiện lính Nga bắn nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ gần thành phố Gori cũng chứng tỏ Nga Sô không muốn cho thế giới biết các hành động quân sự đang xẩy ra tại Georgia.
-Nếu Nga Sô vẫn bất tuân luật lệ quốc tế, liệu Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu và Khối NATO có dám trừng phạt bằng biện pháp quân sự và phong tỏa kinh tế, hay sợ phải đụng đầu với cường quốc nguyên tử và dầu hỏa Nga Sô?