Tin Việt Nam
- Viết bởi Dân Chúa
Năm Thìn nói chuyện Rồng
Năm âm lịch được tính theo mười hai con “giáp” (thập nhị chi): Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Mỗi lần con giáp được lặp lại thì kể như là đã 12 năm. Tên của năm âm lịch lại còn được kèm một tên trong “thập can”: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Do đó, năm âm lịch có tên được ghép bởi một can với một chi. Năm nay, 2012, là năm Nhâm Thìn. Chu kỳ của năm âm lịch là 60 năm, nghĩa là Nhâm Thìn trước là năm 1952, thì Nhâm Thìn này là 2012. Ai sinh năm Nhâm Thìn trước (1952) thì đến Nhâm Thìn này (2012) sẽ tròn 60 năm, nghĩa là 60 tuổi, nhưng thật ra lại không phải vậy, người Việt tính là 61 tuổi chớ không phải 60!
Tính theo thập nhị chi thì Rồng đứng vào hàng thứ năm, nhưng tính theo “tứ linh” (bốn con vật linh): long, lân, qui, phụng thì Rồng lại đứng hàng đầu. Trong thập nhị chi tính từ Tí cho đến Hợi (ứng với: chuột, trâu, cọp, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo) thì tất cả đều được con người biết, duy chỉ có Thìn-Rồng thì chịu, do người ta tưởng tượng ra. Rồng là một linh vật được huyền thoại hóa mang đầy tính siêu nhiên. Có thể nói, rồng là một biểu tượng của sự linh thiêng, cương trực, mạnh mẽ, sự vươn lên. Theo truyền thuyết, chuyện cá chép hóa rồng là một hình ảnh của sự vươn lên.
Đối với người Việt Nam, truyền thuyết kể lại rằng vua Lạc Long Quân thuộc dòng dõi rồng lấy Âu Cơ thuộc dòng dõi tiên sinh ra một bọc có trăm trứng nở ra 100 con, nửa theo mẹ lên núi vì mẹ là giống Tiên, nửa theo cha xuống biển, vì cha là giống Rồng; và từ đó sinh ra một dòng Việt Nam. Người Việt Nam đã tự hào mình là con Rồng cháu Tiên.
Rồng trong sử Việt
Chưa hề có ai tận mắt thấy rồng, tuy nhiên kinh Thư có đoạn nói vua Vũ (nhà Hạ) ngồi trên thuyền nơi giữa sông Hoàng Hà bỗng sóng gió nổi lên dữ dội thì một con rồng vàng bơi đến, đội thuyền của vua lên, nhờ vậy thuyền không bị chìm. Trong lịch sử Việt Nam, có những chuyện về rồng:
- Năm 549, Triệu Việt Vương trốn ở trong đầm Dạ Trạch để tránh quân nhà Lương. Lâu ngày, quân Lương không lui, Triệu Việt Vương mới lập đàn cầu khẩn thần linh. Truyền thuyết nói rằng vị thần trong đầm là Chử đồng Tử đã cưởi rồng vàng từ trên trời xuống, rút móng rồng trao cho ông, bảo gài lên mũ đâu mâu mà đánh giặc. Nhờ đó, Triệu Việt Vương đã đánh đâu thắng đó.
- Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ thường hay chơi trò đánh trận với các bạn. Một hôm, Đinh Bộ Lĩnh đã mổ trâu của chú làm thịt khao quân, bị ông chú rượt theo đuổi đánh, tới bờ sông, cùng đường, vừa may một con rồng vàng nổi lên trên mặt nước, ghé sát, thế là “vua cờ lau nhảy” vọt cưỡi lên lưng rồng khiến ông chú phải thất kinh, quỳ xuống vái lạy (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).
- Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ thành Hoa Lư ra thành Đại La, lúc thuyền rồng sắp sửa cập bến thì trên trời mây vàng tụ thành hình con rồng đang bay lên, nhân đó vua Lý đã đổi tên thành Đại La ra là thành Thăng Long.
Những tên có chữ rồng (long)
Không có thật nhưng con rồng vẫn cứ được sùng bái tôn vinh. Trong tâm linh, trong trí tương tượng của con người phương Đông, rồng là biểu tượng, là tượng trưng của sức mạnh, quyền uy, là biến hóa, là linh thiêng. và tượng trưng cho những gì cao quý. Ngoài việc con rồng là một biểu trưng cho nguồn cội của giống nòi, rồng lại được dùng để hóa thân thành một hình tượng của quyền lực tối cao trong thiên hạ: ông vua. Những gì thuộc về vua được gọi với chữ long đứng kèm.
- long bào: áo vua mặc
- long xa: xe để vua đi
- long sàng: giường vua nằm
- long thể: thân thể vua
- long nhan: mặt vua
- long mạch: chỗ đất thạnh vượng, có chôn ai xuống đó, thì con cháu nếu không làm vua thì cũng sẽ được giàu sang
- long đình: sân rồng nhà vua (anh em bái tạ, long đình đều lui - Lục Vân Tiên)
- long cổn: áo lễ có thêu rồng để vua mặc khi làm lễ tế trời
- …
Những địa danh có tên rồng (long)
Ngoài Thăng Long là tên thủ đô xưa, Việt Nam có nhiều địa danh mang tên Rồng hay Long từ Bắc chí Nam:
- Long Biên, nơi Lý Nam Đế đóng đô và đặt tên nước là Vạn Xuân.
- cầu Long Biên là cây cầu bắc qua sông Hồng, được xây trong những năm (1899-1902), được đặt tên Paul Doumer, tên của vị Toàn quyền Đông Dương thời đó, ngày nay được gọi là cầu Long Biên.
- cầu Hàm Rồng, bắc qua sông Mã, gần Thanh Hóa, đã có từ năm 1904.
- Vịnh Hạ Long, một thắng cảnh của Việt Nam, nơi thu hút nhiều du khách. Truyền thuyết kể lại xưa kia khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm, Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ.
- Cửu Long (được gọi là con rồng xuyên Việt), con sông vào đến miền Nam chia thành hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang, cuối cùng thoát ra bằng 9 cửa sông, cho nên có tên gọi là sông Cửu Long (tức 9 con Rồng).
- Kim Long, một địa danh ở Huế, được gắn liền với vua Thành Thái trong thời gian kháng Pháp.
Rồi đi lần về phía Nam, người ta sẽ gặp những nơi như: tỉnh Long Khánh, tỉnh Phước Long, tỉnh Long An (còn có tên là Tân An), tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Long Xuyên và những nơi như Long Bình, Long Định, … kể không hết.
Những hình tượng rồng
Những tác phẩm nghệ thuật về rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đình chùa, trang phục vua chúa. Hình tượng con rồng cũng thay đổi theo dòng lịch sử qua các triều đại. Việc xác định phong cách thể hiện con rồng qua các thời kỳ sẽ là một căn cứ để xác định niên đại công trình kiến trúc nào đó.
Rồng đời Lý
Đó là nhưng con rồng thân tròn lẳng, khá dài, không có vẩy, uốn khúc mềm mại và thon dài từ đầu đến chân, rất nhẹ nhàng, có bốn chân, mỗi chân có ba ngón phía trước, không có ngón chân sau và có hình dạng của một con rắn. Rồng thời Lý thường ngẩng đầu lên, miệng thì há to. Vị trí của chân bao giờ cũng đặt ở một chỗ nhất định. Chân trước mọc gần giữa khúc uốn thứ nhất, chân đối xứng phía bên kia nằm gần cuối khúc uốn này. Hai chân sau bao giờ cũng ở gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Cả bốn chân đều có khủy phía sau và có móng giống chân loài chim.
Rồng đời Trần
Thân rồng thời Trần vẫn giữ dáng dấp như thời Lý, với các đường cong tròn nối nhau, các khúc trước lớn, các khúc sau nhỏ dần và kết thúc như đuôi rắn. Chân rồng thường ngắn hơn, và có sự xuất hiện chi tiết cặp sừng và đôi tai.
Rồng đời Lê
Đến thời Lê, rồng có sự thay đổi hẳn, rồng không nhất thiết là một con vật mình dài uốn lượn đều đặn nữa mà ở trong nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Răng nanh cũng được kéo dài lên phía trên. Rồng có râu ngắn và một chân trước thường đưa lên đỡ râu, tư thế thướng thấy ở các con rồng đời sau. Cổ rồng thường nhỏ hơn thân, một hiện tượng ít thấy ở những con rồng trước đó, nhưng vẫn còn mang dáng dấp truyền thống của loài rắn.
Rồng đời Nguyễn
Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ… Phần lớn mình rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vảy trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.
Rồng quay đầu lại
Đặc biệt, trong vùng Mê Linh, người ta kiêng cử không làm “tượng rồng quay đầu lại” vì đó là biểu tượng hai bà Trưng quay đầu lại nhìn quê hương lần cuối trước khi nhảy xuống tự tử ở sông Hát. Ngoài Mê Linh, tưởng nhớ đến hai bà, người ta cũng nhớ đến “dòng sông Hát” nơi hai bà đã gieo mình xuống. Sông Hát là một nhánh của sông Đáy. Dọc theo dòng sông Hát có một nơi tên là Hát Môn, nơi còn giữ nhiều kỷ vật của hai bà, như đôi hài có thêu “tiên rồng hậu phượng”.
Rồng trong văn chương
Qua ca dao, người bình dân Việt Nam quan niệm con rồng như là một hình ảnh đẹp, có giá trị về cả thể chất lẫn tinh thần. Nó cũng thuộc về loài vật, nhưng là loài vật cao cấp nhất. Có nhiều câu ca dao đã sử dụng hình tượng con rồng để nói bóng về một con người cao sang hay một cái gì đáng quí:
Một ngày dựa mạn thuyền rồng
Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài
Có bạn đến thăm, chủ nhà khiêm nhường nói: Rồng đến nhà Tôm. Đi học, viết chữ đẹp thì được khen là viết chữ như rồng bay phượng múa, còn viết chữ xấu thì bị chê là viết như cua bò. Lắm điều lắm chuyện, người đời chê bai là “vẽ chân cho rắn, vẽ râu cho rồng”!
Bởi rồng không có thật nên dân gian lại mượn rồng để nói chuyện không có
Anh đây lục trí thần thông
Bẻ mây đón gió, bắt rồng đi chơi
hay như:
Cần câu sắt, sợi nhợ bạc, uốn lưỡi câu đồng
Móc mồi loan phụng câu rồng trên mây.
Mà bởi không có thật nên chính rồng cũng là hình tượng được dùng để trách móc những kẻ ..
Trách ai ăn ở hai lòng
Đang chơi với phụng, thấy rồng bay theo
Nhưng chuyện “rồng với mây” là chuyện tình đời thắm thiết:
Tình cờ bắt gặp mình đây
Như cá gặp nước như mây gặp rồng.
Rồng … có thiệt
Tuy rằng rồng là một con vật không có thật nhưng người ta đã cùng nhau nhận rằng rồng có hình dạng như vậy … đó. Con vật nào có cái đầu, cái thân, mấy cái chân, với cái đuôi như vậy đó thì gọi là con rồng. Có một loại … rồng có thật, gọi là rồng lá (leafy seadragon), có tên khoa học là Phycodurus eques. Đây không phải là rồng phun lửa trong thần thoại mà là một loại cá, giống như con rồng và có kích thước nhỏ hơn, được tìm thấy trong vùng biển Tây Victoria và vùng biển phía nam của Tây Úc. Rồng lá được xem như là kỳ quan của biển cả.
Nguyễn Ngọc Sáng
Nguồn tin: http://vietcatholic.com
- Viết bởi Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Chuyến tầu thời gian vô hình đang chạy gần tới bến ga cuối cùng của năm 2023. Nhưng chiếc tầu thời gian vô hình này không dừng đỗ lại nơi ga cuối. Nó không chờ đợi ai. Nó cứ tiếp tục chạy lao xuyên suốt tiến về phía đàng trước, và đổi thành tên mới chuyến tầu 2024.
Theo luật tuần hoàn trong vũ trụ thiên nhiên, sau 12 tháng, 365 ngày và 52 tuần lễ , chuến tầu thời gian năm 2023 Dương lịch vào nửa đêm ngày 31.tháng 12. 2023 từ gĩa sân khấu không gian vũ trụ đi vào lịch sử qúa khứ.
Chuyến tầu Năm mới 2024 Dương lịch cũng với 12 tháng, 52 tuần lễ, nhưng với 366 ngày – vì là năm nhuận nên tháng Hai có thêm ngày 29. nữa- xuất hiện tiếp theo tiến vào đường rầy sân khấu đất trời thay vào chỗ trống đó.
Nhân loại khắp nơi trên hoàn cầu ôm hôn nhau, ca hát, vỗ tay, đốt pháo bông hoa muôn mầu, kéo chuông, đánh đàn chơi nhạc cụ, rúc tù và…cất cao lời Kinh tạ ơn Thiên Chúa, hân hoan đón mừng chuyến tầu Năm Mới 2024 còn non óng ánh như giọt sương ban mai đang tiến vào đất trời với niềm vui mừng và cùng với cả lo âu tư lự.
Hân hoan vui mừng. Vì một khởi đầu mới ló dạng đang dần thành hình, đem lại không khí phấn khởi. Nhưng cũng có lo âu tư lự. Vì không biết con đường thời gian trước mặt sẽ diễn xảy ra như thế nào cho đời sống bản thân mỗi người, cùng cho cộng đồng xã hội trên thế giới về mọi khía cạnh.
Hình ảnh lối sống nào có thể giúp cho đời sống tìm được sự quân bình trong thời gian năm mới đang đến?
Có nhiều suy tư khác nhau về việc này. Nhưng niềm hy vọng cho đời sống trong thời gian năm mới 2024 đang tới là hình ảnh cung cách căn bản hữu ích cần thiết.
Nó giúp cho đời sống can đảm vươn lên vượt qua những khúc lên xuống của con đường thời gian trước mặt sẽ diễn xẩy ra, mà không có thể suy đoán hay biết trước được.
Nó giúp cho tâm hồn có sức lực, có chút đốm lửa ánh sáng giúp suy tìm ra nếp lối sống khôn ngoan, thức thời trước những thử thách đặt ra cho đời sống của con đường thời gian năm mới 2024 đang dần thành hình.
Nó là không là viên liều thuốc an thần giúp ngủ quên đi những khó khăn buồn phiền đau khổ, hay an thân an phận thành ù lì. Nhưng nó là bước đà giúp đứng dậy chạy nhẩy vươn lên phía trước, lên cao, nhất là những khi lâm vào hoàn cảnh như bị chùng xuống không còn hơi sức tựa như ngã qụy nằm tận sát mặt nền đất.
Khi hài nhi Giêsu giáng sinh xuống trần gian làm người, các người mục đồng được Thiên Thần Chúa báo cho biết tin vui mừng này. Họ đứng dậy hối hả” nào chúng ta cùng đi đến Bethlehem” vui mừng tìm đến hang chuồng bò nơi Con Thiên Chúa vừa sinh ra thăm viếng, trò truyện ca ngợi Thiên Chúa.
Đức mẹ Maria, mẹ hài nhi Giêsu, thấy họ tới thăm, rất vui mừng. Rồi khi nghe họ kể thuật lại những lời Thiên Thần báo về hài nhi Giêsu, mẹ Maria càng vui mừng ngạc nhiên hơn nữa. Nhưng mẹ Maria đã âm thầm, như phúc âm viết thuật lại, gìn giữ những hình ảnh, những điều đó trong trái tim tâm hồn mình. Tựa như mầm non nhỏ của niềm hy vọng nơi con thơ bé của mình đang bắt đầu phát triển lớn lên từ gân cốt cơ bắp thể xác đến trí tuệ cùng sứ vụ tinh thần thiêng liêng trong tương lai.
Mẹ Maria âm thầm gìn giữ trong trái tim tâm hồn mình, vì cảm nhận ra rằng mọi sự cần thời gian mới phát triển thể hiện ra được. Qua đó mẹ Maria sống khám phá ra được mầu nhiệm sự sống Thiên Chúa xuống trần gian làm người.
Mẹ Maria với cung cách nếp sống âm thầm gìn giữ trong trái tim tâm hồn trở thành gương mẫu cho con người chúng ta vào ngày khởi đầu chuyến tầu năm mới 2024 trong cung cách sống cảm nghiệm khám phá mầu nhiệm sự sống, mầu nhiệm thời gian mà Thiên Chúa ban tặng cho con người trần gian.
Đó là hình ảnh việc bổn phận trong đời sống hôm nay và ngày mai.
Ngước mắt lên Trời Cao cầu xin chuyến tầu đời sống năm 2024 được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, nhờ lời bầu cử của Đức mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, chúc phúc lành ban cho bình an, mạnh khoẻ hạnh thông!
Và cũng đồng thời nhớ đến cội nguồn tổ tiên, ông bà cha mẹ, những người thân yêu trong gia đình, trong dòng họ máu mủ cũng như thiêng liêng, trong vòng bạn bè, ngày xưa đã có những thời lúc cùng nhau đón mừng chuyến tầu Năm Mới, mà nay chuyến tầu đời sống của họ đã vượt qua đường rầy đi sang khoảng không gian, thời gian khác nơi thế giới bên kia. Nhớ về họ với lòng ngậm ngùi biết ơn. Ta và họ cùng mắc nợ nhau, cùng hằng liên kết với nhau trong trái tim tình yêu mến với những kỷ niệm ngày nào, và trong lời kinh nguyện cầu.
Chúc mừng Năm Mới Dương lịch 2024
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
- Viết bởi Dân Chúa
Tiểu sử của Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski theo HĐGM Việt Nam
Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski sinh ngày 2-2-1963 tại Augustów, thuộc giáo phận Łomża, Ba Lan. Học triết học tại Đại chủng viện Łomża (1983-1985) và Thần học tại Đại chủng viện Firenze, Italia (1985-1989). Ngày 27-05-1989 thụ phong linh mục tại Nhà thờ chính toà Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở Łomża.
Từ 1989-1991, cha Marek Zalewski là linh mục phụ tá giáo xứ Thánh Maria của Tổng giáo phận Firenze. Sau đó theo học tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana và tốt nghiệp Tiến sĩ giáo luật năm 1995; đồng thời cha còn tham dự các khoá học ngôn ngữ và chương trình của Trường Ngoại giao Toà thánh.
Tháng Bảy năm 1995, cha Marek Zalewski bắt đầu tham gia ngành ngoại giao của Toà Thánh và trải qua nhiều sứ vụ:
– Toà Sứ thần Toà thánh tại Cộng hoà Trung Phi (1995-98)
– Phái đoàn ngoại giao tại Liên hiệp quốc, New York (1998-2001)
– Toà Sứ thần Toà thánh tại Anh (2001-2004)
– Toà Sứ thần Toà thánh tại Đức (2004-2008)
– Toà Sứ thần Toà thánh tại Thái Lan (2008-2011)
– Toà Sứ thần Toà thánh tại Singapore (2011-2012)
– Toà Sứ thần Toà thánh tại Malaysia (2012-2014)
Ngày 25-03-2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục hiệu toà Africa (nay là Tunisia) và Sứ thần Toà Thánh tại Zimbabwe. Đức Tổng Giám Mục Zalewski đã chọn khẩu hiệu “Lumen vitae Christus” (Chúa Kitô, ánh sáng ban sự sống) làm châm ngôn cho sứ vụ giám mục.
Ngoài tiếng mẹ đẻ, Đức Tổng Giám Mục Zalewski còn thông thạo tiếng Ý và tiếng Anh. Ngoài ra ngài cũng sử dụng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha.
Cùng ngày, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam, gửi thư đến Cộng đoàn Dân Chúa loan báo tin vui về Đức Tổng Giám Mục Đại diện Tòa Thánh thường trú tại Việt Nam.
- Viết bởi Phạm Lê Đoan (VNTB)
Chương trình “Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” được tái lập tại Nhà thờ Kỳ Đồng, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn từ nhiệm kỳ Giám Tĩnh 2023 – 2026.
Trong Thư ngỏ của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, linh mục Vincent M. Phạm Cao Quý – Trưởng ban Ủy ban Thăng tiến sự Phát triển con người toàn diện, có đoạn viết:
“Từ nhiệm kỳ Giám Tĩnh 2023 – 2026, Chương trình “Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” được Ủy ban Thăng tiến sự Phát triển con người toàn diện thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đảm nhận, và do linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, CSsR đặc trách.
Ủy ban Thăng tiến sự Phát triển con người toàn diện xác lập kế hoạch Tông đồ và Chương trình hành động trong nhiệm kỳ này gồm bốn lãnh vực:
1) Huấn luyện (Kinh Thánh, Giáo huấn của Giáo hội Công giáo,…);
2) Giáo dục và Nội trú;
3) Xa quê – di dân;
4) Trợ giúp thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (các nạn nhân chiến tranh trước 1975).
Với bốn lãnh vực cụ thể này, cùng với Giáo hội và những người thiện chí, chúng tôi các linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam muốn góp phần tích cực trong việc thăng tiến con người toàn diện, vì con người vốn là hình ảnh Thiên Chúa, những nhân vị đầy phẩm giá và tình thương.
Kính thưa quý vị, tiếp nối việc làm tốt đẹp trong những năm qua, nay Mùa Xuân 2024 đang sắp về, chúng tôi sẽ tổ chức Chương trình “Quà Xuân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa: Bên nhau đi nốt cuộc đời!” như là niềm khích lệ và dấu chỉ của lòng yêu mến.
(…) Món quà xuân này tuy bé nhỏ, nhưng chúng ta hy vọng mang đến các ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa một chút ấm lòng, đồng thời cũng thể hiện được sự tương thân, tương ái của chúng ta đối với những con người đã một thời hy sinh cho quốc gia và dân tộc”.
Một chút nhắc lại. Sau tháng 4-1975, nếu như các cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải đi học tập cải tạo, mà cấp tá thường kéo dài ngoài chục năm, thì với những thân phận thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa có cái may mắn là không phải vào các trại cải tạo, song con cái của họ thì chịu chung cảnh với những cựu quân nhân đang “học tập” về “chủ nghĩa lý lịch”.
Dĩ nhiên với “lính chết trận”, thì “chủ nghĩa lý lịch” cũng không buông tha.
Xin trích ra đây lá thư của Nguyễn Mạnh Huy, 4 lần thi đậu mà không được trường nào nhận vào học, chỉ vì lý lịch có cha là sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa chết trận. Huy cùng khóa trung học với người viết bài này:
“Tôi tốt nghiệp cấp III năm 1981 và dự thi vào trường đại học Bách khoa Đà Nẵng đạt số điểm 26,5 điểm (điểm chuẩn 17). Nhưng Ban tuyển sinh tỉnh không cho tôi đi học vì lý do lý lịch. Cha tôi đi lính chết trận năm 1965. Mẹ làm thư ký đánh máy cho Ty thông tin chế độ cũ. Tôi rất buồn, nhưng với ước mơ được vào đại học để có cơ hội rèn luyện kiến thức, góp trí tuệ xây dựng đất nước, tôi đã nộp đơn thi lại lần nữa. Năm đó tôi thi vào trường đại học Nông nghiệp IV và đạt số điểm 22,5 điểm (điểm chuẩn là 16). Nhưng, một lần nữa, tôi cũng không được đi học vì lý lịch như năm trước.
Tôi tha thiết được học tập không phải để sau này làm ông này ông kia có chức có quyền, nhưng vì khả năng và nhiệt tình tuổi trẻ muốn được cống hiến cho đất nước, nhưng động cơ trong sáng đó đã hai lần bị gạt bỏ chỉ vì tôi trót mang một lý lịch của cha mẹ sinh ra tôi.
Tôi bi quan nghĩ rằng đó là số phận nên đành chấp nhận. Sau đó, tôi xin đi làm ở hợp tác xã mộc Đa Hưng Quy Nhơn. Suốt trong 4 năm lao động tôi cố gắng học nghề, đồng thời tôi vẫn không quên ôn tập bài vở với một hy vọng bé nhỏ, có một ngày nào đó, có một sự nới rộng nào đó, tôi sẽ từ người thợ mộc được cắp sách bước vào ngưỡng cửa đại học đã khép lại với tôi từ mấy lâu nay.
Năm nay, tôi đọc báo thấy nhiều vấn đề cần đổi mới trong công tác tuyển sinh, trong đó có việc xét xếp đối tượng và điểm chuẩn. Hy vọng lại bùng lên trong tôi, khát khao được đi học sống lại trong lòng tôi mãnh liệt. Tôi quyết chí thi lại một lần nữa. Tôi xin nghỉ làm và dồn hết tâm trí vào việc luyện thi.
Năm nay tôi thi vào trường đại học Bách Khoa TP.HCM. Tôi đạt số điểm là 22 (điểm chuẩn cho nhóm IV là 20). Tôi thấp thỏm hy vọng. Nhưng tuyệt vọng thay, tôi cũng nhận được câu trả lời như 4 năm về trước…”.
… Là con em của thế hệ cha anh từng tham gia quân đội Việt Nam Cộng Hòa, có người cậu ruột đã chịu thương tích tật nguyền ở hải chiến Hoàng Sa 1974, một người anh thứ chín nằm lại ở mặt trận Kiến Hòa, xin qua bài viết này để cảm tạ đến Chương trình “Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” của quý linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, những thiện nguyện viên và mạnh thường quân cùng chung tay.
Bởi cho đến hôm nay, thật sự thì cụm từ “thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” vẫn đầy nhạy cảm đối với chế độ.
Phạm Lê Đoan (VNTB)
Nguồn: Việt Nam Thời Báo
- Viết bởi Dân Chúa
TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
THƯ MỤC VỤ XUÂN NHÂM DẦN 2022
Kính gửi:
Quý Cha, Quý Tu sĩ – Chủng sinh,
Quý Hội đồng Mục vụ và Anh Chị Em tín hữu,
Thưa Quý Cha và Anh Chị Em,
Những ngày chuyển giao năm cũ và năm mới là thời điểm nhìn lại và tạ ơn. Chúng ta được mời gọi tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù vừa trải qua một năm đầy khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong tâm tình hiệp thông, tôi xin gửi lời chúc Bình An đến Quý Cha và Anh Chị Em. Cầu chúc tâm hồn mỗi người đầy tràn Niềm Vui và Hy Vọng với niềm xác tín: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người” (Rm 6, 28). Đức tin vào Chúa khẳng định với chúng ta: đau khổ sẽ qua đi, sợ hãi không còn nữa, ân sủng và niềm vui sẽ tràn trề tâm hồn những ai biết yêu thương.
Năm mới bình an là ước mong của nhân loại. Trong sứ điệp Hòa Bình Thế giới 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra ba con đường để xây dựng nền hòa bình bền vững: đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và việc làm. Mọi người được mời gọi đọc các dấu chỉ thời đại với con mắt đức tin, lắng nghe tiếng kêu của những người đang chịu đau khổ về vật chất lẫn luân lý và tâm linh, tiếng kêu của trái đất đang không ngừng van xin công lý và hòa bình.
Chúng ta đặc biệt nhớ đến các bệnh nhân, những người cô đơn, thất nghiệp, những người vô gia cư, những anh chị em di dân không thể về quê đoàn tụ với gia đình ngày Tết. Trong bối cảnh đại dịch đầy thử thách này, nhân loại cần đến tình liên đới, cảm thông và sẻ chia hơn lúc nào hết. Kitô hữu phải là người đi bước trước trong sự tha thứ và hòa giải; sẵn sàng giúp người khác sống xứng với nhân phẩm; biết mở mắt để nhận ra người nghèo là Chúa Kitô để cho ăn, cho uống, cho mặc; biết mở lòng để chấp nhận và lắng nghe nhau; mở đôi tay để giúp đỡ, mở đôi chân để bước đi cùng nhau; biết mở trái tim để mang lấy và xoa dịu nỗi đau của những người bên cạnh. Chính từ con tim biết cảm thương như thế, mầm Vui Tươi và Hy Vọng được tưới gội, và Mùa Xuân sẽ nở rộ nơi lòng người.
Tết là dịp gia đình sum vầy, các bạn trẻ hãy dành thời gian ở bên, lắng nghe và trò chuyện với ông bà, cha mẹ bởi “một đàng, người trẻ cần sự khôn ngoan và kinh nghiệm của người lớn tuổi; đàng khác, những người cao tuổi hơn cần sự hỗ trợ, tình cảm, sự sáng tạo và năng động của lớp trẻ.” (Đức Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2022). Tuổi trẻ là mùa Xuân của Giáo Hội và đất nước. Xuân thêm khởi sắc khi những người trẻ ý thức học tập, làm việc với lòng trắc ẩn, hăng say và hơn hết là tinh thần trách nhiệm. Để có được những con người như thế, vai trò giáo dục thật quan trọng. Tôi mời gọi quý Cha xứ, các Giáo lý viên và hơn hết là các cha mẹ lưu tâm đến việc giáo dục đức tin, giúp các em không chỉ biết mà còn gặp được Chúa và đưa Chúa vào tâm lòng, từ đó phát huy được những giá trị Kitô giáo trong đời thường. Ngoài những kiến thức văn hoá, thế hệ trẻ cần được dẫn dắt phù hợp về tâm lý và tâm linh, các em cần được dạy cầu nguyện, dạy sống bao dung, biết tôn trọng phẩm giá con người. Chính nơi gia đình và giáo xứ, người trẻ học sống hiệp thông và sống ơn gọi làm người.
Thưa Quý Cha và Anh Chị Em,
Năm nay gia đình Tổng Giáo phận chúng ta bước vào Năm Truyền Giáo và tiến hành Công Nghị Giáo phận. Từ tháng Giêng đến tháng Mười năm 2022, các Hội thảo chuyên đề sẽ được tổ chức để cùng nhau bàn hỏi, chia sẻ và thu thập ý kiến của mọi tín hữu, từ đó, đưa ra những định hướng mục vụ phù hợp giúp canh tân đời sống Đức Tin và gia tăng tình hiệp thông trong Tổng Giáo phận. Sống trong thời đại xã hội thay đổi và có nhiều thách đố, chúng ta được mời gọi sống đức tin cách trưởng thành hơn để có thể dấn thân phục vụ cách mới mẻ, tích cực và hữu hiệu hơn cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Vì thế, thư Mục vụ này, tôi tha thiết mời gọi Anh Chị Em nỗ lực và can đảm đóng góp ý kiến trong tinh thần bác ái và dám sống đời sống mới trong Chúa Kitô, có như thế chúng ta mới cùng đi trong hành trình canh tân thực sự, là Mùa Xuân đích thực trong tâm hồn.
Trước thềm Năm Mới Nhâm Dần, kính chúc Quý Cha và Anh Chị Em vui hưởng Mùa Xuân Mới với sức sống và niềm vui của Thiên Chúa là Mùa Xuân Vĩnh Cửu.
Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 2022
+Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Hà Nội
- Viết bởi Dân Chúa
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam, trong tình hình dịch Covid-19 ngày càng trở nên nghiêm trọng tại Việt Nam, nhận ra vai trò và sứ mệnh của mình trong việc lan tỏa và chia sẻ những thông điệp bình an, hạnh phúc theo tinh thần Tin Mừng đến những người đang lo lắng, bất an, đặc biệt là các em thiếu nhi Sài Gòn, được sự đồng ý của Cha Tổng Tuyên Úy và Cha Đặc trách Truyền thông Tổng Liên Đoàn, Ban Truyền thông Tổng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam quyết định tổ chức cuộc thi với tên gọi: “COVID QUÁ, CÓ CHÚA ĐÂY”
NỘI DUNG CHÍNH:
🌻 Tên cuộc thi: “COVID QUÁ, CÓ CHÚA ĐÂY”
🌻 Hình thức cuộc thi: Dance Cover & Sáng tạo Video clip ngắn
🌻 Đối tượng: Tất cả các em Thiếu nhi, Dự trưởng và Huynh trưởng tại các Xứ Đoàn trên Toàn Quốc.
🌻 Thành phần Ban Tổ Chức: Chịu trách nhiệm chính Ban Truyền thông TLĐ. Các thành viên:
⭐ Cha Giuse Giuse Nguyễn Văn Tuyên: Đặc trách Truyền thông Tổng Liên Đoàn TNTT/VN
⭐ Cha Phêrô Vũ Văn Thìn: Tổng Thư Ký Tổng Liên Đoàn TNTT/VN
⭐ Trưởng Micae Ninh Đức Thành – Trưởng Ban Điều Hành TNTT/VN Toàn Quốc
⭐ Trưởng Phanxico Xavie Mai Tấn Phúc: Ủy viên kinh tài Tổng Liên Đoàn TNTT/VN
⭐ Trưởng Giuse Nguyễn Thế Khanh: Trưởng Ban Truyền thông TNTT TGP. Sài Gòn.
⭐ Trưởng Maria Têrêsa Phạm Ngọc Thúy Diễm: Leader Team Fanpage
⭐ Trưởng Giuse Trần Nguyễn Minh Ngọc: Leader Team Multimedia
⭐ Trưởng Giuse Đoàn Nguyễn Ngọc Lân: Leader Team Content
⭐ Trưởng Alexis Đỗ Nhựt Tú: Team Fanpage
Và các thành viên trong các Team:
🌻 Thành phần Ban Giám Khảo:
👑 Trưởng Micae Ninh Đức Thành
👑 Trưởng Maria Đỗ Thị Tuyết Minh
👑 Trưởng Phêrô Đoàn Thanh Ngôn: Đạo diễn, dàn dựng phim truyền hình
👑 Thầy Giuse Phạm Phúc Thịnh: Thạc sĩ Giáo dục
👑 Thầy Giuse Phạm Sỹ: Thạc sĩ Tâm lý
⏰ Thời gian: 05 – 31/08/2021, chia làm 04 giai đoạn:
1️⃣ Thông báo phổ biến cuộc thi, nhận bài gửi, bình chọn trên mạng xã hội: từ ngày 05/08/2021 – 20h00 ngày 20/08/2021
2️⃣ Kết thúc bình chọn trên mạng xã hội: 20g00 ngày 27/8/2021
3️⃣ Ban Giám Khảo chấm điểm: từ ngày 28/08/2021 – 20h00 ngày 30/08/2021
4️⃣ Tổng kết, công bố kết quả: 31/08/2021
HÌNH THỨC THAM GIA:
1️⃣ Thực hiện Video clip ngắn
☘ Nội dung: thực hiện các Video clip ngắn nội dung cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể cho nạn Covid-19 sớm chấm dứt.
☘ Link bài mẫu: https://video1.bohoathieng.com & https://video2.bohoathieng.com
☘ Khuyến khích các hình thức nội dung sáng tạo, làm phong phú nội dung, tình tiết vui tươi, nhưng vẫn giữ được sự chuẩn mực của người Thiếu Nhi Thánh Thể. Lưu ý KHÔNG khuyến khích thí sinh tụ tập đông người trong mùa dịch.
☘ Định dạng clip khuyến nghị: 1920x1080, thời lượng clip: tối đa 03-05 phút, để ngang điện thoại khi quay, hoặc có thể thực hiện bằng bất cứ nền tảng, hoạt hình bằng phần mềm đồ họa hoặc thiết bị phù hợp.
☘ Gửi bài dự thi về Link: http://bohoathieng.com
2️⃣ Nội Dung Dance Cover:
☘ Cover lại vũ điệu bài “COVID QUÁ, CÓ CHÚA ĐÂY”, có thể sáng tạo tình tiết vui tươi, hài hước nhưng vẫn giữ được sự chuẩn mực của người Thiếu Nhi Thánh Thể.
Link bài mẫu: http://video.bohoathieng.com
Bài mẫu được cover từ bài “Thơm lên má, nhớ hơi em” của Hồng Thanh (Bài cover đã được tác giả cho phép sử dụng).
☘ Khi quay clip, cần mặc đúng đồng phục Thiếu Nhi Thánh Thể. Có thể thi cá nhân hoặc tập thể nhưng lưu ý: KHÔNG khuyến khích thí sinh tụ tập đông người trong mùa dịch.
☘ Định dạng clip khuyến nghị: 1080 x 1920, thời lượng quay: 30 – 60s, để dọc điện thoại khi quay, có thể quay bằng bất cứ nền tảng hoặc thiết bị nào phù hợp.
☘ Gửi bài dự thi về Link: http://bohoathieng.com
Đăng ký, Like và follow kênh Youtube & trang Fanpage Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam:
👍 Truyền thông Tổng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam: http://facebook.com/truyenthong.tnttvn
👍 Share clip về Facebook cá nhân và share với hashtag: #BOHOATHIENG #TNTTVN #VEYM #ThiếuNhiThánhThểViệtNam #CovidQuaCoChuaDay
👍 Đăng Ký theo dõi kênh Youtube : http://youtube.com/thieunhithanhthevietnam
✍️ Thông tin chính thức được đăng tải trên website:
http://thieunhithanhthevn.org và http://tntt.vn
Bình chọn bằng lượt like/react, bình luận và share với số điểm cụ thể như sau:
❤️ Lượt like/react: 1 điểm/lượt.
💭 Lượt bình luận: 2 điểm/lượt (Bình luận chỉ có sticker hay icon chỉ tính là 1 điểm, bình luận chỉ tag tên không tính điểm)
💌 Lượt share công khai: 5 điểm (Lượt share không công khai không tính điểm)
Top 20 Clip (mỗi nội dung 10 Clip) có số lượng tương tác cao nhất sẽ được chọn vào vòng chung kết. Ban Giám Khảo sẽ trực tiếp chấm điểm.
1️⃣ Giải cá nhân: 8.000.000 VNĐ
️🥇️ 02 giải nhất: 1.500.000 VNĐ (có thể quy đổi bằng hiện vật) và giấy khen của Ban Tổ Chức
🥈️ 02 giải nhì: mỗi giải 1.000.000VNĐ (có thể quy đổi bằng hiện vật) và giấy khen của Ban Tổ Chức
🥉 02 ba: mỗi giải 500.000VNĐ (có thể quy đổi bằng hiện vật) và giấy khen của Ban Tổ Chức
️🏅 01 Giải đặc biệt được bình chọn nhiều nhất trên mạng xã hội và điểm số BGK cao nhất: 2.000.000 VNĐ
*Trong trường hợp có hai thí sinh có bài thi tốt ngang nhau, sẽ ưu tiên cho thí sinh gửi bài thi sớm hơn.
**Quyết định của Ban Tổ chức là quyết định cuối cùng.
2️⃣ Giải đồng đội: 2.000.000 VNĐ
️🏆 Xứ đoàn có nhiều bài dự thi nhất: 1.000.000VNĐ và giấy khen của Ban Tổ Chức
️🏆 Liên đoàn có nhiều bài dự thi nhất: 1.000.000VNĐ và giấy khen của Ban Tổ Chức
*Trong trường hợp có hai Xứ đoàn hoặc Liên đoàn có số lượng bài gửi về ngang nhau, sẽ ưu tiên cho Xứ đoàn hoặc Liên đoàn có nhiều bài thi đạt thành tích cao hơn hoặc bài cuối cùng của Xứ đoàn hoặc Liên đoàn gửi bài thi sớm hơn.
**Các thành viên trong cùng một Xứ đoàn hoặc Liên đoàn có thể hỗ trợ nhau để hoàn thành bài thi tốt hơn và sớm hơn
***Quyết định của Ban Tổ chức là quyết định cuối cùng.
_____________________________________________
Facebook Fanpage: Truyền thông Tổng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
E-mail:
YouTube Channel: Truyền thông Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Website: http://tntt.vn/ - http://thieunhithanhthevn.org
#ThiếuNhiThánhThểViệtNam #TNTTVN #VEYM
Nguồn: tgpsaigon.net
- Viết bởi Nữ tu tình nguyện viên dòng Đaminh
NHẬT KÝ TỪ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN
Một ngày trực = 25 giờ của tua trực.
7:00 bàn giao những ca bệnh trở nặng của đêm hôm trước...
Mỗi bác sĩ theo dõi và điều trị khoảng 250 bệnh nhân. Một số lượng bệnh nhân quá nhiều cũng tương đương với một đống hồ sơ bệnh án chất như núi phải viết... Thế nên bác nào cũng ăn tranh thủ ngủ không đủ để hoàn thành nhiệm vụ của mình và của cả ê-kíp...
7:30 bắt đầu đường dây hotline đổ chuông liên tục và tình trạng bệnh nhân báo về trong group dồn dập... Các bác sĩ trùm bộ đồ bảo hộ lên thăm khám cho bệnh nhân và xử trí ca nặng...
Với số lượng bệnh nhân đông như thế nên chuyện bệnh nhân nặng cần thở oxy phải xếp hàng chờ bệnh nhân khác ổn mới đến lượt mình được thở oxy là việc diễn ra hằng ngày và ngày cũng như đêm...
Sau 2-3 giờ vất vả với bệnh nhân, tháo cởi bộ đồ bảo hộ ra ai cũng ướt như mới tắm mưa...
Tiếp đến là ra thuốc cho bệnh nhân có triệu chứng và hoàn thành hồ sơ bệnh án miệt mài cho đến khi trời nhá nhem tối... Ngày nào cũng tăng ca...
Công suất làm việc là 12-14/7 + tua trực 25 giờ mà chỉ ra trực một buổi sáng. Liệu sức bền của các bác sĩ tới đâu nhỉ???
Riêng hai bác sĩ trong ca trực xác định là trả lời không dưới 100 cuộc điện thoại, từ tình trạng bệnh nhân để xuống thuốc đến nghe những khó khăn, bế tắc của bệnh nhân, đồng thời thay nhau xử trí những ca bệnh bất thường ngoài giờ trong ngày...
... Cấp cứu cho bệnh nhân rồi viết tiếp...
... Sau hơn 1 giờ thở oxy, tập bài tập thở... bệnh nhân vẫn chưa ổn nên chuyển bệnh nhân xuống cấp cứu dưới trệt...
4:30 phút ca trực lại tiếp tục...
...
Mong cho mọi bệnh nhân được bình an và mau hồi phục.
Chúc tất cả ngày mới tươi đẹp và may lành trong sự quan phòng và tình yêu thương của Thiên Chúa.
Bệnh viện dã chiến 12, ngày 30/7/2021
Nữ tu tình nguyện viên dòng Đaminh
Nguồn: Vatican News
- Viết bởi Hồng Thủy - Vatican News
Trời Sài gòn thứ Năm 22/7/2021 mưa xối xả từ sáng sớm và mây vần vũ suốt cả ngày, dường như diễn tả sự quyến luyến của những người thân chia tay 299 tình nguyện viên các tôn giáo lên đường đến 3 bệnh viện dã chiến để phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tuy thế, những giọt mưa không thể làm nao núng tâm hồn, làm ngần ngại bước chân của những tu sĩ tình nguyện trở nên men muối giữa lòng đời.
Bức tranh đa sắc của các tu sĩ các tôn giáo
Ban sáng các tình nguyện viên đã có mặt tại Hội trường Thành phố, 111 Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, để làm thủ tục. Thật đẹp thay trong số các tình nguyện viên, không chỉ có các tu sĩ Công giáo nhưng còn các tình nguyện viên của các tôn giáo khác. Sắc áo nâu, vàng của các tu sĩ Phật giáo xen lẫn với những bộ áo dòng đủ màu, những bộ thường phục, như một bức tranh tuyệt vời được thêu dệt bởi tình bác ái hay lòng từ bi. Điểm chung hiện diện trên nét mặt của các tình nguyện viên chính là một thoáng lo âu, về sứ vụ, nhưng nổi bật hơn chính là sự nhiệt tình hăng say, lòng vui tươi vì có thể thực thi bác ái cách cụ thể.
Tất cả các tình nguyện viên đã được kiểm tra và chích vắc-xin.
430 tu sĩ trong chiến dịch
Trước đó, trong thông báo ngày 19/7, Tổng giáo phận Sài Gòn cho biết trong những ngày sắp tới sẽ có 430 tu sĩ tình nguyện đến các bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19, theo sự hướng dẫn của ngành y tế. Thông cáo viết: “Đây là một cơ hội rất tốt để các tu sĩ Công giáo thực thi sứ mạng của ơn gọi thánh hiến. Xin cầu nguyện cho các tu sĩ này cũng như cho tất cả các y, bác sĩ và các thiện nguyện viên y tế được bình an và có nhiều sức khỏe để phục vụ”.
Tâm thư gửi 430 tu sĩ tình nguyện ra tuyến đầu
Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Vườn Xoài đã gửi một tâm thư đến 430 tu sĩ tình nguyện ra tuyến đầu:
Kính gởi các soeurs và các thầy,
Từ sáng đến giờ, con đọc đi đọc lại thông báo của Tòa Giám mục về việc 430 tu sĩ nam nữ tham gia chống dịch. Con rất vui và tự hào vì được thấy trong đội phòng chống virus corona của thành phố lần này có sự hiện diện của các soeur, các thầy. Con biết rằng đây chính là một nghĩa cử hy sinh quên mình của các soeur, các thầy nhằm đẩy lui dịch bệnh và đem bình an trở lại cho người dân Sài Gòn. Sẽ có nhiều bất trắc, hiểm nguy đang rình rập nhưng con tin chắc các soeur và các thầy sẽ được tham gia tập huấn, được trang bị đồ bảo hộ y tế và mang theo ngọn lửa yêu mến từ Thánh Tâm Chúa để đến với tha nhân, đến với anh em mình.
Thành phố đang phải đối phó với quá nhiều thách thức, đau thương, cách riêng Tổng Giáo phận Sài Gòn với hàng trăm nhà thờ, nhiều cộng đoàn không có thánh lễ, không thể đến với nhau trong những giờ sinh hoạt, giờ Chầu Thánh Thể, giờ cầu nguyện... và sẽ còn rất lâu chúng ta mới có thể gặp nhau nếu con virus này còn hoành hành. Các thầy, các soeurs lên đường lần này để cùng với tất cả lực lượng ngành y tế trong và ngoài thành phố tạo thành một tấm khiên che, chắn đỡ cho người dân thành phố, trong đó có ông bà, bố mẹ, anh chị, những người thân yêu của chúng con. Con tin Chúa Thánh Thần sẽ đồng hành, cùng làm việc và soi sáng cho tất cả các soeur các thầy, để các soeur, các thầy biết làm sáng danh Chúa qua nghĩa cử dấn thân này.
Con xin gởi tất cả tình thương mến, sự tin tưởng và lòng ngưỡng mộ đến các soeurs và các thầy. Xin Thiên Chúa ban cho các soeurs, các thầy tình yêu và niềm vui của Ngài để sứ vụ “bất khả” này sẽ mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc cho mọi người, đặc biệt là những bệnh nhân Covid-19.
Chúc các soeurs và các thầy lên đường bình an!
(Nguồn: FB Tổng giáo phận Sài Gòn)
- Viết bởi Dân Chúa
Mỗi năm, cứ đến cuối tháng Tư là người Việt Nam ở hải ngoại đều tưởng nhớ đến một cơn đại hồng thủy, một cơn lốc xoáy kinh hoàng làm thay đổi lịch sử mà dấu mốc chính là ngày 30/4/1975, khi Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Đại tướng Dương Văn Minh, lên tiếng đầu hàng Cộng Sản Bắc Việt.
Cuộc chiến tranh Việt Nam có lẽ là cuộc chiến gây nhiều tranh cãi nhất với ý nghĩa lịch sử của nó.
“Đối với cộng sản Bắc Việt, dù được ngụy trang dưới tên gọi là giải phóng miền Nam, sự thật là xâm lược miền Nam theo chỉ thị và viện trợ dồi dào của Liên Xô, Trung cộng, nhằm bành trướng chủ nghĩa cộng sản ở vùng Đông Nam Á. Đối với Việt Nam Cộng hòa, đây là cuộc chiến đầy chính nghĩa với nhiều hy sinh gian khổ của toàn thể quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa nhằm bảo vệ lý tưởng tự do dân chủ cho miền Nam,” ông Lê Văn Quan, cựu Trưởng ty Hành chánh tỉnh Gò Công từng bị tù ‘cải tạo’ gần 6 năm và là một người tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ, nói về ngày 30/4.
46 năm trôi qua, người Việt tị nạn sinh sống tại Mỹ vẫn truyền tay, truyền khẩu những câu chuyện về ngày 30/4, những câu chuyện từ người thật việc thật, từ trải nghiệm của các gia đình miền Nam phải bỏ nước ra đi, những mảnh ghép chân thực của lịch sử mà không sử sách nào có thể mô tả đầy đủ để thế hệ tiếp nối hiểu đúng về lịch sử và chiến tranh Việt Nam, về làn sóng người Việt lưu vong.
“Chỉ có cha mẹ mới nói để con cái hiểu rõ ra. Ngoài ra, cũng có số đã nhận thức được thực chất của cuộc chiến. Họ sẽ nói cho các bạn bè khác về thực chất cuộc chiến của chúng ta,” ông Quan nói.
Đối với ông Đặng Văn Âu, bút danh Bằng Phong, cựu Thiếu tá Không quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa, thì truyền đạt cho con cháu về lịch sử nguồn cội còn là để khuyến khích thế hệ trẻ đóng góp cho một đất nước Việt Nam tự do-dân chủ thực thụ.
“Mình ươm trồng những mầm non cho con cái mình để cho nó không quên được các nghĩa vụ đối với non sông. Giống như người Do Thái, họ lưu lạc bao năm nhưng họ vẫn trở về bởi vì họ truyền thụ lại tất cả những tư tưởng trở về cố hương của những người đi trước,” ông Âu diễn giải.
Được hỏi về kỳ vọng đối với thế hệ hậu 75 tại Việt Nam, những người sinh trưởng và được đào tạo theo chủ nghĩa cộng sản, ông Quan chia sẻ:
“Đối với thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay, tôi không bi quan lắm vì chúng ta thấy rằng hiện nay những tâm lý bài xích Trung Cộng của người dân Việt Nam rất cao. Người dân Việt Nam vẫn chưa quên được mối hận ngàn năm Bắc thuộc. Và hiện nay trong xã hội cộng sản Việt Nam, dù đã dùng bạo lực để thống trị người dân, nhưng vẫn có những cá nhân, những đoàn thể xã hội mạnh mẽ lên tiếng chống đối lại chủ nghĩa cộng sản hiện nay của Việt Nam và sự chống đối này, tôi tin rằng đã được người dân đồng ý. Đối với tôi, tâm lý chống đối cộng sản Việt Nam của người dân rất cao. Tuy nhiên, đa số hãy còn bị nỗi sợ hãi ám ảnh nên họ vẫn lặng yên chưa có phát biểu một cách mạnh mẽ.”
Hòa hợp và hòa giải dân tộc là một vấn đề thường được nhà cầm quyền Việt Nam nhắc đến bằng chính sách này, nghị quyết kia, nhưng từ bao năm nay vẫn không tiến triển. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có nhận xét “Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh, khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.”
Ông Bằng Phong-Đặng Văn Âu e rằng ông Kiệt chỉ là một cá nhân riêng rẽ.
“Ông Võ Văn Kiệt cũng có những động thái như là mời các trí thức ở hải ngoại về để mà bàn, thôi anh em mình hòa giải, nhưng đó là cá nhân ông Võ Văn Kiệt. Khi ông viết bản tường trình để gởi cho Quốc hội và cho Bộ chính trị thì ông bị Bộ chính trị khiền liền, là ông gặp khó khăn. Thậm chí ông Hà Sĩ Phu là người giữ bản báo cáo đó…ông Hà Sĩ Phu chỉ giữ trong cặp của mình bản báo cáo, bản đề nghị đó thì bị công an bắt và cáo buộc Hà Sĩ Phu là người lưu trữ tài liệu nguy hại đến an ninh quốc gia.”
Ngày 30/4 năm nay do đại dịch COVID nên việc kỷ niệm, tưởng niệm với những ý nghĩa khác nhau không được tổ chức rầm rộ cả trong lẫn ngoài nước. Dẫu vậy, đây vẫn là một ngày lịch sử không thể nào quên được đối với người Việt ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com
- Viết bởi +TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Hãy có trái tim hiền phụ để tự hiến. Chỉ khi tự hiến ta mới có niềm vui chu toàn ơn gọi. Đừng chỉ hi sinh. Đừng thụ động chịu đựng. Hãy tự hiến. Hãy có tình yêu. Như thế mới có niềm vui trong ơn gọi. Tự hiến hết mình cho tha nhân. Nhưng phải tôn trọng tự do của họ.
+TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn
Nho quan, Ninh bình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc Năm Thánh Giuse ngày 8-12-2020 vừa qua. Đây là Năm Thánh đầu tiên cử hành dành cho Thánh Cả Giuse. Tại sao mở Năm Thánh Giuse?
I. LÝ DO MỞ NĂM THÁNH GIUSE
1. Kỷ niệm
Cách đây 150 năm, ngày 8-12-1870, Đức Thánh Cha Piô IX ban hành sắc lệnh Quemadmodum Deus, tuyên bố Thánh Giuse là người bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ. Năm nay, kỷ niệm 150 năm biến cố này, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn tiếp tục khẳng định Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Hội Thánh toàn cầu. Một lần nữa phó thác Hội Thánh trong tay Thánh Cả. Xin Thánh Cả chăm sóc giữ gìn. Đặc biệt trong cơn đại dịch covid-19.
2. Đại dịch
Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định thao thức dâng Giáo hội cho thánh Giuse của ngài chín muồi trong đại dịch. Quả thực thánh Giuse đã là Đấng cứu giúp con người chống chọi với dịch bệnh.
Lịch sử ghi lại: vào năm 1838 thành phố Avignon bên Pháp bị dịch bệnh nặng nề. Cha chính xứ và ông thị trưởng cùng tha thiết cầu nguyện xin thánh Giuse cứu giúp. Với lời hứa sẽ dâng lễ trọng thể kính Thánh Cả trong suốt cả năm. Thật lạ lùng, dịch bệnh chấm dứt mau chóng và tuyệt gốc.
Bỏ Avignon, dịch bệnh sang tàn phá Lyon. Noi gương thành phố Avignon, người dân Lyon cũng bảo nhau chạy đến cùng thánh Giuse. Thoạt tiên một ngôi làng bị dịch bệnh. Người dân cầu khẩn thánh Giuse. Và đã thoát dịch bệnh một cách diệu kỳ.
Tại chính thành phố Lyon, gia đình luật sư Augery được phép lạ. Ông có đứa con tên Théodore Augery, 7 tuổi, bị nhiễm dịch bệnh nặng, thoi thóp nằm chờ chết. Ông tha thiết cầu nguyện với thánh Giuse. Ông làm tuần cửu nhật kính Thánh Giuse. Hứa dâng lễ 9 ngày liền trong nhà thờ kính Thánh Giuse. Đốt nến trước toà thánh nhân. Và sẽ khắc bảng tạ ơn thánh Giuse nếu con ông được khỏi bệnh. Các bác sĩ cho biết có cố gắng tối đa cậu bé cũng chỉ sống được 2 giờ nữa. Họ yêu cầu đưa cậu bé xuống nhà cách ly. Vừa tới nhà cách ly, cậu bé chỗi dậy. Tỉnh như sáo. Khoẻ như chưa từng bị bệnh (The Glories of the Catholic Church).[1]
Tiếng lành đồn xa. Từ đó bất cứ nơi đâu bị dịch bệnh, mọi người chạy đến với thánh Giuse, Đấng yêu thương và đầy quyền năng, có thể xua tan dịch bệnh.
3. Người cha
Trong đại dịch covid-19, Đức Thánh Cha ghi nhận công lao của những người phục vụ âm thầm. Chính họ giúp mọi người tồn tại và vượt qua đại dịch. Thánh Giuse cũng là một người phục vụ âm thầm. Xứng đáng nêu gương cho chúng ta noi theo.
Đàng khác Đức Thánh Cha cũng muốn nêu gương một người cha âm thầm. Kêu gọi các người cha ý thức trách nhiệm. Và cho mọi người ý thức trách nhiệm của mình. Vì thế giới hôm nay đang vắng bóng người cha. Tại sao thế giới vắng bóng người cha? Có nhiều lý do.
Trong xã hội nông nghiệp, người cha luôn đứng đầu gia đình trong tất cả mọi công việc. Con cái quây quần trong gia đình. Người cha điều khiển việc nhà. Phân công cho từng người. Quyết định mọi việc quan trọng. Nhưng trong xã hội công nghiệp. Đặc biệt công nghiệp điện tử. Con cái không còn quây quần trong gia đình. Mỗi người mỗi phương. Mỗi người mỗi ngành nghề khác nhau. Người cha không còn làm chủ và phân công trong gia đình nữa. Vai trò làm chủ của người cha mờ nhạt.
Trong xã hội đề cao cá nhân, người cha mất uy thế. Xã hội biến chuyển. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường lấy tiền làm thước đo. Những đứa con thành đạt mặc nhiên có tiếng nói quyết định trong gia đình. Và vì công việc, người trong gia đình, nhất là những người đã trưởng thành, ít có dịp đoàn tụ. Vai trò người cha bị giảm thiểu.
Trong xã hội đề cao tự do. Ly dị rất nhiều. Xuất hiện nhiều bà mẹ đơn thân. Nhiều gia đình không có bóng dáng người cha. Nhiều đứa con không được ở bên cha. Giáo dục đào tạo thiếu tính cách mạnh mẽ quyết đoán của người cha. Người cha vắng bóng trong gia đình. Về phương diện thể lý. Và cả về phương diện tinh thần.
Trong tình hình ấy, Đức Thánh Cha vừa gây ý thức cho các người cha. Không ra mặt nhưng vẫn có thể âm thầm phục vụ. Vừa gây ý thức trách nhiệm cho mọi người. Ai cũng phải quan tâm chăm sóc người bên cạnh. Với tâm tình người cha âm thầm phục vụ. Để trở thành người cha âm thầm, không gì bằng chiêm ngưỡng và noi gương Thánh Cả Giuse.
II.THÁNH GIUSE NGƯỜI CHA ÂM THẦM
Tông huấn Patris Corde trình bày thánh Giuse như một người cha âm thầm với những đức tính như sau.
1. Âm thầm yêu thương
Trong Tin Mừng không thấy thánh Giuse lên tiếng bao giờ. Nhưng ngài luôn làm việc. Hai hình ảnh rất quen thuộc diễn tả thánh Giuse âm thầm làm việc.
Hình ảnh thứ nhất: thánh Giuse đưa Chúa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai cập. Tôi rất thích bức tranh của Albretch Durer. Đức Mẹ bế Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa. Thánh Giuse một tay dắt lừa. Một tay cầm đèn. Mắt vẫn hướng về Chúa Giêsu và Đức Mẹ ngồi trên lưng lừa. Vì mẹ yếu con thơ. Phải canh chừng cẩn thận xem các ngài ngồi có vững không. Có vấn đề gì không. Hay giản đơn là chỉ quan tâm thôi. Còn bản thân ngài tay dắt lừa, đi chân không. Trời đêm tối. Đã soi đèn cho lừa và hai người ngồi trên lưng lừa. Thế mà ngài vẫn không nhìn đường đi, dù trời đêm tối. Chỉ quan tâm lo lắng cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Thật là một tình yêu chan chứa. Miệng không nói gì. Nhưng cử chỉ và đặc biệt ánh mắt nói lên ngài yêu thương Chúa và Mẹ biết bao.
Hình ảnh thứ hai: thánh Giuse làm thợ mộc. Có nhiều tranh ảnh vẽ cảnh tượng này.Thông thường là thánh Giuse đang cưa gỗ. Gần đó, Đức Mẹ ngồi đan áo. Còn Hài Nhi Giêsu thì đang chơi đùa bên cha mẹ. Tranh của Georges De La Tour thì vẽ thánh Giuse đang làm thợ mộc. Ngài làm việc cho đến tối mịt. Cậu bé Giêsu cầm nến soi cho cha làm việc. Ánh nến chiếu lên khiến mặt thánh Giuse rạng rỡ. Ngài vui vì được làm việc phục vụ Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Ngài vui vì được Chúa Giêsu soi đèn.
Tất cả nói lên tình yêu thương. Yêu thương Âm thầm nhưng rất mãnh liệt. Làm việc và phục vụ Chúa là niềm vui của thánh Giuse. Niềm vui và mệt nhọc rất âm thầm. Vì công việc tầm thường. Chẳng ai biết đến. Nhưng chính nhờ công việc âm thầm mệt mỏi ấy mà Chúa Giêsu lớn khôn. Trở nên trưởng thành. Hoàn thành công trình cứu độ thế giới.
Người yêu thương chân thực luôn âm thầm. Gánh chịu mọi khó khăn thử thách. Miễn sao chương trình của Chúa được thực hiện. Và người thân yêu chung quanh được hạnh phúc.
Để diễn tả điều này, Đức Thánh Cha nhắc lại tấm gương của tổ phụ Giuse. Tổ phụ Giuse bị anh em ghen ghét muốn giết chết. Sau cùng họ bán ngài sang Ai cập. Ngài làm nô lệ trong nhà quan Putipha. Bị vu oan giá hoạ và bị tống vào nhà tù. Bị quên lãng trong nhà tù. Nhưng sau cùng ngài trở thành tể tướng nước Ai cập. Khi nhận ra ngài, các anh em rất sợ ngài trả thù. Nhưng tổ phụ cho biết đó là thánh ý Thiên Chúa. Nên ngài chấp nhận tất cả. Ôm lấy những đau đớn, khổ cực, nhục nhã cho riêng mình. Để kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện. Và mọi người thân yêu được hạnh phúc. Thật là một tình yêu âm thầm. Thật là tấm lòng của người cha. Mạnh mẽ nhưng không kém dịu dàng.
2. Âm thầm dịu dàng
Tâm lý học nhận định: Gay gắt phê bình chỉ trích lỗi lầm của người khác tố cáo ta không chịu nổi lỗi lầm của chính mình. Đó là dấu hiệu của một tâm hồn yếu đuối. Dịu dàng là dấu hiệu của một tâm hồn mạnh mẽ. Thô bạo tiếp cận chỉ làm vết thương thêm đau đớn. Giống như lý hình hành hạ tội nhân. Dịu dàng tiếp cận mới có thể chữa lành vết thương. Như lương y lành nghề.
Dịu dàng là hình ảnh của người cha nhân hậu đón đứa con hoang đàng trở về. Hãy chiêm ngắm bức tranh của hoạ sĩ bậc thầy Rembrandt. Vòng tay ôm của người cha mới dịu dàng làm sao. Chữa lành tâm hồn tràn đầy thương tích. Phục hồi phẩm giá đã đánh mất. Vực dậy cuộc đời đổ vỡ. Phục sinh cuộc đời chết trong tội lỗi.
Cảm nhận được sự dịu dàng của Thiên Chúa, Thánh Cả cũng rất dịu dàng với Chúa Giêsu. Đặc biệt khi Chúa còn thơ bé. Chắc chắn Thánh Cả cảm nhận sâu xa lời Hôsê: “Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó…Ta đã tập đi cho Epraim, đã đỡ cánh tay nó…Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.” (Hs 11,1-4) Chắc chắn Thánh Cả đã từng âu yếm Hài Nhi Giêsu như thế.
Thật lạ lùng. Chúa hoàn thành lịch sử cứu độ qua những yếu đuối của con người. Thánh Phaolô cảm nhận được sự yếu đuối của mình. Ngài tâm sự: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi điều này, nhưng Người bào tôi: ‘Ơn Ta đủ cho con, vì quyền năng của Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối’” (2Cr 12,7-9).
Thánh Giuse cũng đã có những lúc sợ hãi hoang mang. Nhưng Chúa bảo Thánh Cả: “Đừng sợ” (Mt 2,20). Nên ngài cảm nhận được Thiên Chúa có thể hành động cả khi ta sợ hãi, mỏng manh và yếu đuối. Vì thế Thánh Cả dạy ta hãy để Chúa dẫn lối cho ta. Đừng muốn kiểm soát tất cả. Hãy đơn sơ phó thác cả trong những lúc nguy nan nhất. Đó là vâng phục.
3. Âm thầm vâng phục
Thánh Giuse vâng phục. Mau mắn. Triệt để. Không ngần ngại. Và không cần nói. Chỉ thi hành.
Vâng phục trong những việc thật khó khăn. Như nhận Đức Mẹ làm bạn. Thánh Cả đã định trốn đi. Nhưng chỉ một lời Chúa nói, ngài đã quay về nhận Đức Mẹ.
Vâng phục trong những việc vất vả. Đang đêm phải thức dậy. Trốn sang đất Ai cập xa xôi. Không chuẩn bị gì. Chỉ vâng lời. Và tức khắc lên đường.
Vâng phục trong những đổi thay biến chuyển. Từ Ai cập, không về quê hương Bêlem. Nhưng về Nazareth.
Cuộc đời Thánh Cả là cuộc đời hoàn toàn vâng phục. Luôn di chuyển chỗ ở. Luôn thay đổi chọn lựa. Kể cả chọn lựa quan trọng như chọn lựa bậc sống. Tất cả thuận theo thánh ý Chúa.
Có lẽ vì thế mà ảnh hưởng lên Chúa Giêsu. Ngay từ nhỏ, Chúa đã vâng phục song thân. Lớn lên trong nhà Nazareth, Chúa Giêsu đã học được lòng vâng phục từ người cha nuôi. Vì thế khi ra đời hoạt động, Chúa luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha. “Lương thực của Thầy là là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Đặc biệt trong giờ phút hấp hối tại vườn Giêtsimani, Chúa hoàn toàn từ bỏ ý riêng để vâng lời Chúa Cha, sẵn sàng chịu chết. “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Thánh Phaolô chứng thực: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào. Là vâng phục” (Dt 5,8). Bài học ấy Chúa đã học với Thánh Cả Giuse là người thầy đầu tiên và xuất sắc. Thánh nhân đã vâng phục để đón nhận thánh ý Chúa.
4. Âm thầm đón nhận
Đón nhận thánh ý Chúa. Vì Chúa mà đón nhận mọi người và mọi hoàn cảnh Chúa gửi đến. Không phải là một đón nhận miễn cưỡng. Nhưng đón nhận với tất cả tấm lòng, tình yêu và trân trọng.
Thoạt tiên là đón nhận Đức Mẹ. Thánh Giuse chẳng hiểu gì về Đức Mẹ. Nhưng Thánh Cả đón nhận Đức Mẹ như đón nhận chính Chúa. Yêu thương. Bảo vệ danh thơm tiếng tốt. Kính trọng. Sự trân trọng và tế nhị đối với phụ nữ là điều hiếm thấy ở thế kỷ thứ nhất. Thậm chí ngay cả trong thời đại hiện tại.
Kế đó là đón nhận những bất trắc xảy đến trong đời. Đón nhận không phàn nàn kêu ca. Đón nhận mà đồng hoá với bổn phận. Vì Thánh Cả kết hợp nên một với Thiên Chúa. Ý Chúa là ý ngài. Đón nhận mà không đòi lý do. Không giải thích. Chỉ đón nhận. Không tìm hợp lý. Chỉ tìm hợp nhất. Hợp nhất với Chúa. Chúa muốn gì Thánh Cả muốn điều ấy. Mọi sự Chúa muốn đều tốt. Kể cả hạnh phúc. Kể cả bất hạnh.
Ở đây ta không thể không nhắc đến các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đặc biệt Đấng Đáng Kính Phanxicô Xavie Nguyễn văn Thuận. Các ngài đã đón nhận hoàn cảnh khó khăn. Hợp nhất nên một với Chúa. Nên Đức Cố Hồng Y Phanxicô đã nói: “Chúa muốn mưa, con cũng muốn, - Chúa muốn nắng, con cũng muốn, - Chúa muốn sướng, con cũng muốn, - Chúa muốn cực, con cũng muốn, - Chúa và con chỉ có một ý. Bí quyết hạnh phúc của con.[2]
Hợp nhất với Chúa là hợp nhất với hoàn cảnh lịch sử. Đón nhận để hoà mình vào dòng chảy lịch sử. Để mình đi vào lịch sử. Để hoàn cảnh trở thành lịch sử đời mình. Và lịch sử đời mình ở trong lịch sử ơn cứu độ. Vượt lên trên phạm vi nhỏ hẹp của lịch sử cá nhân. Đi vào lịch sử rộng lớn trong bàn tay Chúa. Để đón nhận như thế phải rất can đảm và sáng tạo.
5. Âm thầm can đảm và sáng tạo
Đón nhận những bất trắc đòi hỏi can đảm và sáng tạo. Can đảm không đầu hàng hay chạy trốn. Nhưng thẳng thắn và bình tĩnh đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Sáng tạo để vượt qua những khó khăn. Biến những khó khăn thành thuận lợi. Đón nhận nhưng không thụ động chịu vậy. Sáng tạo để có thể chung sống với hoàn cảnh khó khăn.
Điển hình là cảnh Thánh Gia trong chuồng bò ở Bêlem. Hoàn cảnh không thể thay đổi. Quán trọ hết chỗ. Thánh Gia không đủ tiền. Chỉ còn chỗ trong chuồng súc vật. Thánh Cả Giuse can đảm đón nhận hoàn cảnh ấy. Không buồn rầu than trách. Không nản lòng thối chí. Không buông xuôi chịu vậy. Ngài bắt tay vào dọn dẹp. Biến chuồng bò thành một nơi tạm ở được. Không sang trọng nhưng sạch sẽ. Không tiện nghi nhưng ấm cúng. Máng bò lừa được rửa ráy lau chùi sạch sẽ bỗng trở nên chiếc nôi. Cỏ rơm được giũ sạch bụi đất và chải chuốt thẳng thắn bỗng trở nên tấm đệm. Bò lừa được xếp đặt trật tự bỗng trở nên lò sưởi. Tình yêu chan chứa khiến nghịch cảnh bỗng trở nên hạnh phúc.
Cũng tương tự như thế, khi Thánh Gia phải trốn sang Ai cập, bỏ Bêlem về Nazareth. Đến đâu cũng phải có nhà. Có công ăn việc làm. Sinh sống. Khi chạy loạn đâu mang được gì. Tin Mừng thuật lại, cứ mỗi lần Thánh Giuse nghe lệnh Thiên Chúa, ngài liền chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người ra đi. Không mang theo đồ đạc của cải. Chỉ mang theo Chúa và Mẹ. Đến đâu ngài cũng phải can đảm và sáng tạo. Làm nhà bằng những vật liệu sẵn có hoặc rẻ tiền. Tìm công ăn việc làm để tồn tại và nuôi sống Hài Nhi và Mẹ Người. Đi đâu cũng chỉ mang theo Hài Nhi và Mẹ Người. Đó là mang theo đức tin. Nhờ có đức tin mà can đảm và sáng tạo. Giống như những người bạn khiêng người liệt giường đến với Chúa Giêsu.
Không có lối vào thì họ trèo lên mái nhà. Mái nhà không có lối xuống thì họ rỡ ngói tạo lối xuống. Không có thang thì họ thòng giây thả người bạn bại liệt. Xuống ngay trước mặt Chúa. Can đảm không lùi bước trước nghịch cảnh. Sáng tạo để đạt tới Chúa. Tới ơn cứu độ. Nên Chúa đã khen ngợi đức tin của họ (Lc 5,17-26).
Đức tin không làm cho cuộc sống dễ dàng. Nhưng đức tin giúp ta can đảm sáng tạo. Can đảm đón nhận thực tế và nhận trách nhiệm với hoàn cảnh. Để được như thế phải làm việc cật lực.
6. Âm thầm làm việc
Thánh Giuse là con người làm việc. Ta không thể tưởng tượng Thánh Gia sẽ ra sao nếu không có thánh Giuse, hoặc ngài không làm việc. Không kể Chúa Hài Nhi sơ sinh và Mẹ Người cần biết bao chăm sóc. Các ngài còn gặp biết bao gian nan thử thách. Nào khai hộ khẩu. Nào trốn chạy Hêrôđê. Liên tục thay đổi chỗ ở. Từ Bêlem sang Ai cập. Từ Ai cập về Nazareth. Đến đâu cũng phải dựng lại nhà. Đến đâu cũng phải làm ăn sinh sống. Vì thế Thánh Cả phải lao động cật lực mới có thể giúp gia đình ổn định và tồn tại.
Thánh Cả có một nghề vất vả nhưng lương thiện. Kiếm sống bằng sức lao động của mình. Phải vất vả đổ mồ hôi, mỏi cơ bắp. Việc làm là phẩm giá con người. Không lệ thuộc vào người khác. Không trở nên gánh nặng cho người khác.
Không chỉ nuôi sống chính mình, việc làm còn góp phần nâng đỡ người yếu ớt. Đó là cộng tác với Thiên Chúa trong việc duy trì và phát triển sự sống. Thánh Cả khẳng định vai trò làm cha khi bao bọc chở che Chúa Giêsu và Mẹ Người. Bao bọc chở che để Hài Nhi lớn lên thành người trưởng thành. Nazareth trở thành một trường học toàn vẹn. Nên Chúa Giêsu phát triển toàn diện: “Càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).
Trên hết, khi làm việc, Thánh Cả tham dự vào kế hoạch của Thiên Chúa. Nuôi dưỡng Chúa Giêsu. Để hoàn thành công trình cứu độ nhân loại. Vì thế công việc của Thánh Cả, dù trước mắt người đời thật tầm thường bé nhỏ. Nhưng trong chương trình của Thiên Chúa thật lớn lao. Chính khi âm thầm làm việc Thánh Cả hợp nhất với Chúa Giêsu, trở thành hạt lúa mì mục nát, cùng Chúa Giêsu hiến trọn thân mình, cho ơn cứu độ của thế giới. Thánh Cả thật là một người âm thầm sống trong bóng tối.
7. Âm thầm trong bóng tối
Âm thầm yêu thương. Đó là tóm tắt cuộc đời của Thánh Cả Giuse. Jan Dobraczynski, nhà văn Ba Lan đã viết quyền “Hình bóng của Chúa Cha”, để nói về Thánh Cả Giuse. Tựa đề này thật sâu sắc.
Trước hết Thánh Cả Giuse là hình bóng của Chúa Cha. Chúa Cha là Cha trên trời của Chúa Giêsu. Thánh Giuse là người cha dưới đất. Chúa Giêsu đã nói: “Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,9). Tại sao? Thưa vì cha là tình yêu và sự sống. Tình yêu của Chúa Cha là sự sống. Chúa Cha tạo dựng cho muôn loài có sự sống. Và Người hằng làm việc để bảo vệ, duy trì, phát triển sự sống. Người có gì thì thông ban cho Ngôi Con trọn vẹn. Cũng thế, Thánh Cả tuy không ban cho Chúa Giêsu sự sống, nhưng được thông phần với Chúa Cha, giúp duy trì và phát triển sự sống nơi dương thế của Chúa Giêsu. Và cũng với một tâm tình hiền phụ, vô cùng yêu thương Chúa Giêsu. Đến nỗi có thể hi sinh trọn vẹn cuộc đời, kể cả mạng sống cho Chúa Giêsu.
Tuy Chúa Cha là Thiên Chúa toàn năng, quyền phép vô biên, ngự trị trên muôn loài, nhưng Người lại âm thầm ẩn mặt. Người nhường không gian cho con người. Đến độ nếu không tinh ý sẽ khó nhận ra sự hiện diện của Người. Tuy Người phải quan phòng tất cả. Mọi sự sống ở trong Người. Nhưng Người lại ban cho con người quyền làm chủ. Quyền ăn nói. Quyền thể hiện. Kể cả quyền chống lại Người. Cũng thế Thánh Cả Giuse luôn là người cha, người chủ gia đình. Nhưng Thánh Cả luôn âm thầm khiêm nhường. Cuộc sống của Người âm thầm chìm trong bóng tối. Chúa truyền lệnh cho Người thường lúc đêm tối, khi thánh nhân đã say giấc ngủ. Người thường phải làm việc giữa đêm khuya. Như khi phải trốn chạy Hêrôđê. Người chỉ xuất hiện trong thời ẩn dật của Chúa Giêsu. Thời Chúa hoạt động công khai, Đức Mẹ còn xuất hiện, nhưng thánh Giuse đã biến mất. Thánh nhân như người đã hoàn thành nhiệm vụ lui về nghỉ ngơi. Như người đã nuôi dạy con cái trưởng thành để con cái được tự do. Không nắm giữ gì lại cho bản thân. Phải có trái tim hiền phụ vô cùng yêu thương vô cùng bao la mới có thể làm được điều đó. Đó là điều ta phải noi gương bắt chước.
III. NOI GƯƠNG THÁNH GIUSE
Sống Năm Thánh Giuse chúng ta không chỉ tôn kính cầu khẩn Người trong cơn đại dịch, nhưng quan trọng hơn phải noi gương bắt chước Người. Phải có TRÁI TIM HIỀN PHỤ.
“Chúng ta không sinh ra là cha, nhưng trở thành người cha. Một người không trở thành cha đơn giản chỉ vì sinh ra một đứa con, nhưng vì đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của một người khác, thì một cách nào đó, họ trở thành cha của người ấy” (PC 7)
Thế giới hôm nay vắng bóng người cha. Trẻ em mồ côi. Vì không cha. Vì người cha không đảm nhận trách nhiệm. Vì thiếu trái tim hiền phụ. Ta hãy noi gương Thánh Cả Giuse đảm nhận trách nhiệm.
1. Đảm nhận
Cá nhân chủ nghĩa ngày càng mạnh. Con người ngày càng co rút vào bản thân. Không quan tâm đến tha nhân. Như ông phú hộ không chú ý đến anh Lazarô nằm trước cửa nhà. Còn đâu thời xa xưa. “Kiến nghĩa bất vi vô dũng giả. Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Thánh Giuse đã có trái tim hiền phụ, có tâm hồn quảng đại, đảm nhận trách nhiệm khi đảm nhận việc bảo vệ, chăm sóc Chúa Hài Nhi và Mẹ Người.
Hài Nhi và Mẹ Người là hai người bé nhỏ, yếu ớt thực sự. Khi phải đối đầu với hoàn cảnh khắc nghiệt. Vượt đường xa đăng ký hộ khẩu. Vượt đường còn xa hơn nữa khi chạy trốn sang Ai cập. Đường đã xa lại còn thêm nguy hiểm. Vì Hêrôđê lùng bắt. Ai dám chống lại cường quyền? Và rồi còn phải làm lụng để nuôi sống hai con người bé nhỏ yếu ớt chưa thể làm gì.
Chung quanh ta hôm nay có biết bao người yếu ớt bé nhỏ. Yếu ớt bé nhỏ về thể chất. Yếu ớt bé nhỏ về tinh thần. Không thể tự mình tồn tại. Không đủ sức đương đầu với hoàn cảnh khắc nghiệt. Những đứa trẻ mồ côi. Những người khuyết tật. Không thể tự mình kiếm sống. Những tâm hồn yếu ớt mong manh. Không thể gánh nổi cuộc sống của chính mình. Đó là những người sống ngay bên cạnh ta. Như Lazarô nằm trước cửa nhà ông phú hộ. Thánh Cả cũng nhắn nhủ ta: Hãy có trái tim hiền phụ. Hãy nhận lấy những người bé nhỏ yếu ớt để quan tâm chăm sóc cho họ. Đó chính là những Hài Nhi và Mẹ Người trong thời đại mới. Nhưng khi đảm nhận hãy đón nhận họ như họ là.
2. Đón nhận
Nền văn hoá tiêu thụ đang thống trị thế giới. Đi theo nó là hưởng thụ và vất bỏ. Người ta chỉ để trong nhà những người và những đồ vật khiến cuộc sống thoải mái, hưởng thụ. Người ta vất bỏ đồ vật và cả con người khiến người ta bận rộn, vất vả. Người ta chỉ đi lại với những người giúp thành đạt. Tránh xa những người phiền hà, khiến ta mất thì giờ, mất công sức, mất tiền của.
Thánh Cả Giuse đón nhận Hài Nhi và Mẹ Người như họ là. Nghĩa là với tất cả những gì bị coi là khiếm khuyết. Những gì tạo nên bất tiện cho cuộc sống của Người. Thánh Cả đón nhận Đức Mẹ dù không hiểu gì. Với tâm hồn tôn trọng lề luật, Người còn sợ làm trái lề luật khi nhận một thiếu nữ đã mang thai. Nhưng lòng bác ái của ngài đã lướt thắng lề luật. Và rồi còn đứa trẻ sơ sinh. Nuôi dưỡng đã vất vả. Che chở khỏi bạo quyền không những vất vả mà còn nguy hiểm. Nhưng sứ thần bảo Người: “Đừng sợ”. Và Người đã đón nhận. Đó là trái tim hiền phụ.
Những người sống bên tôi là Hài Nhi và Mẹ Người mà Chúa gửi đến. Tôi đâu muốn cha mẹ già bệnh tật. Tôi đâu muốn người trong gia đình khuyết tật. Tôi đâu muốn có người anh em yếu đuối đầy khuyết điểm. Thậm chí là những người gây phiền hà, khiến cuộc sống tôi thêm bận rộn, thêm bận tâm. Hôm nay Thánh Cả cũng nhắc nhở tôi: Đừng sợ nhận lấy Hài Nhi và Mẹ Người. Hãy nhận lấy người thân đau yếu bệnh tật. Hãy nhận lấy người anh em khiếm khuyết. Hãy nhận lấy những người mà những bất hạnh cuộc đời gửi đến cho ta. Hãy có trái tim hiền phụ. Như người cha nhân hậu. Ông đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Nó chẳng còn dáng vẻ con nhà. Nó gầy gò yếu đuối. Nó rách rưới. Nó tội lỗi. Nó đáng bị xua đuổi. Nó đáng chết. Nhưng ông đón nhận nó. Vì nó là con. Vì ông có trái tim hiền phụ. Trái tim hoàn toàn tự hiến.
3. Tự hiến
Trái tim hiền phụ khiến người cha sẵn sàng đảm nhận và đón nhận. Sẵn sàng hi sinh. Nhưng nếu chỉ là hi sinh thì sẽ đau buồn, cảm thấy bị thiệt thòi, cam chịu. Trái tim hiền phụ không chỉ hi sinh. Nhưng còn tự hiến. Tự hiến nên vui mừng khi được hi sinh. Đó là nền tảng của mọi ơn gọi. Hôn nhân mà chỉ có hi sinh sẽ trở thành hoả ngục. Nhưng khi có tự hiến sẽ trở nên hạnh phúc. Càng được chịu khó vì người mình yêu sẽ càng hạnh phúc. Tu trì mà chỉ hi sinh sẽ là một ông thánh đáng buồn. Phải tự hiến để thấy niềm vui trong hi sinh quên mình. Vì được tự hiến cho Chúa và cho anh em.
Thánh Cả Giuse không chỉ đón nhận nhưng còn tự hiến cho Hài Nhi và Mẹ Người. Sẵn sàng chịu gian khổ cho các ngài được bình an. Sẵn sàng chịu vất vả cho các ngài được thảnh thơi. Sẵn sàng chìm vào bóng tối để các ngài được vươn lên trong ánh sáng. Giống như thánh Gioan Tẩy giả: “Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại" (Ga 3,28-30). Như các thánh tử đạo. Ra pháp trường vui tươi hớn hở như đi vào phòng dự tiệc.
Hôm nay Thánh Cả cũng dạy tôi: Hãy có trái tim hiền phụ để tự hiến. Chỉ khi tự hiến ta mới có niềm vui chu toàn ơn gọi. Đừng chỉ hi sinh. Đừng thụ động chịu đựng. Hãy tự hiến. Hãy có tình yêu. Như thế mới có niềm vui trong ơn gọi. Tự hiến hết mình cho tha nhân. Nhưng phải tôn trọng tự do của họ.
4. Tự do
Hãy chiêm ngắm cảnh tượng Chúa Giêsu ở lại đền thờ sau khi cùng Đức Mẹ và Thánh Giuse hành hương đi lễ: “Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,48-49).
Khi nghe Chúa Giêsu trả lời, Thánh Giuse đã hiểu và chấp nhận. Vì Người có trái tim cực thanh cực tịnh. Trái tim cực thanh cực tịnh yêu thương hết tình. Nhưng lại không chiếm hữu. Yêu như dành tất cả cho đối tượng. Nhưng lại để đối tượng tự do như không liên hệ gì đến mình. Có trái tim hiền phụ không thể cứ trói buộc con cái trong nhà. Bắt con cái phải hoàn thành những mơ ước mà bản thân mình không thực hiện được. Càng không được để mình sống cuộc đời con cái. Hãy để con cái tự do sống cuộc đời của chúng. Vì người cha dưới đất chỉ được cộng tác, tham dự vào chức vụ làm cha của Cha Trên Trời.
Chính Cha Trên Trời cũng tôn trọng tự do của con người. Người cứ yêu thương bất kể con người đối xử với Người ra sao. “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Lc 6,45).
Kết luận
Thế giới hôm nay vắng bóng người cha. Vì chúng ta quên lãng Cha Trên Trời. Cha Trên Trời làm tất cả cho ta. Vẫn hằng quan tâm chăm sóc ta hằng ngày hằng giờ. Nhưng Người ẩn mặt trong âm thầm để ta được tự do. Hãy nhớ đến Cha Trên Trời. Để tạ ơn. Để hiếu thảo. Để sống đúng như lòng Người mong ước cho ta.
Thế giới hôm nay vắng bóng người cha. Vì chúng ta không nhớ đến Thánh Cả Giuse. Xưa kia Người đón nhận Hài Nhi và Mẹ Người. Nay Người vẫn đón nhận Hài Nhi và Mẹ Người trong Hội Thánh. Và trong mỗi người chúng ta. Những hài nhi bé nhỏ yếu ớt. Hãy để Thánh Cả yêu thương ta. Chăm sóc giữ gìn ta. Nhất là khi ta gặp gian nan thử thách.
Thế giới hôm nay vắng bóng người cha. Vì ta ích kỷ sống cho cá nhân mình. Không quan tâm đến tha nhân. Không đảm nhận trách nhiệm. Không đón nhận anh em. Hãy noi gương Thánh Cả Giuse. Quan tâm đến anh em chung quanh. Đón nhận mọi người Chúa gửi đến. Đón nhận họ như họ là. Tôn trọng. Yêu mến. Tế nhị.
Thế giới hôm nay cần TRÁI TIM HIỀN PHỤ. Trong Năm Thánh Giuse, ta hãy học tập theo gương Người. Để có TRÁI TIM HIỀN PHỤ. Hãy đảm nhận và đón nhận anh em. Hãy tự hiến cho anh em. Và tôn trọng tự do của anh em. Có như thế ta mới hiểu được tấm lòng của Cha Trên Trời. Có như thế ta mới sống Năm Thánh Giuse đúng nghĩa. Với TRÁI TIM HIỀN PHỤ ta sẽ vui tươi quảng đại hơn. Với TRÁI TIM HIỀN PHỤ thế giới sẽ ấm áp đáng sống hơn.