Biến cố trong tháng
Khủng Hoảng Nợ Công
BY: HÀ MINH THẢO
Từ nhiều tuần qua, các thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục xuống giá vì nợ công các quốc gia Hoa kỳ cũng như Liên hiệp Âu châu tăng cao. Tại sao?
I. NỢ CÔNG.
A. Trong kinh tế vĩ mô là tình trạng các khoản chi của ngân sách quốc gia cao hơn các khoản thu, phần chênh lệch được gọi là thâm hụt ngân sách. Trường hợp ngược lại, khi các khoản thu cao hơn các khoản chi được gọi là thặng dư ngân sách. Thu của chính phủ không bao gồm khoản tín dụng (nợ vay). Chính phủ đi vay chính là một cách để giảm bớt mức thâm hụt ngân sách. Trong lịch sử, phát hành thêm tiền đã từng là một cách tài trợ cho thâm hụt ngân sách, nhưng do hậu quả nghiêm trọng của nó là dẫn đến lạm phát ở mức cao nên ngày nay cách này hầu như không được chính phủ của bất cứ quốc gia nào sử dụng nữa. Do chính phủ bù đắp cho thâm hụt ngân sách bằng cách đi vay, nên lũy kế các khoản thâm hụt ngân sách nhà nước đến một thời điểm nào đó chính là Nợ công.
B. Nợ công hay Nợ quốc gia (Dette publique, tiếng Pháp; Public debt, national debt, sovereign debt, tiếng Anh) là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách. Đó là thâm hụt ngân sách luỹ kế đến một thời điểm nào đó. Để hình dung quy mô của nợ này, chúng ta đo nó bằng tỷ số bách phân so với Tổng sản lượng quốc nội (TSLQN, tức GDP, Gross Domestic Product, tiếng Anh hay PIB, Produit Intérieur Brut, tiếng Pháp).
Nợ công thường được phân loại như sau:
- Nợ trong nước (các khoản vay từ người cho vay trong nước) và nợ nước ngoài (các khoản vay từ người cho vay ngoài nước).
- Nợ ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), nợ trung hạn (từ trên 1 năm đến 10 năm) và nợ dài hạn (trên 10 năm).
II. NGUYÊN NHÂN NỢ CÔNG GIA TĂNG.
Khi ông Barack Obama tuyên thệ nhậm chức tổng thống tháng 01.2009, nợ công Hoa kỳ chỉ lối 4.247 tỷ mỹ kim. Dự trù đến cuối tháng 6.2011, tổng số nợ vay của Hoa kỳ sẽ là 14.460 tỷ mỹ kim, tức 93% GDP, khiến Hoa kỳ đứng hàng thứ 12 các nước mắc nợ nhiều nhất thế giới, theo sắp xếp của Quỹ Tiền tệ quốc tế.
1. Ngân sách Hoa kỳ có ba khoản công chi lớn:
a. An sinh xã hội (Social Security) và Y tế cho người Cao niên (Medicare), có tính cách bắt buộc và rất khó giảm, hiện hiện 33,50% tổng số công chi;
b. Quốc phòng và chiến tranh. Sau vụ khủng bố ngày 11.09.2001, Hoa kỳ bước vào thời kỳ chiến tranh với chi phí quốc phòng và bảo vệ an ninh nội địa gia tăng. Ngân sách quốc phòng từ 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP Gross Domestic Product) vào năm 2001 đã tăng lên tới 4,8% GDP hiện nay và chiếm một phần năm số tổng chi, tức 20%.
c. Kích thích kinh tế và cứu trợ xã hội. Năm 2008 khi kinh tế Hoa kỳ bị suy trầm do cuộc khủng hoảng tài chính sau vụ bể bóng tín dụng gia cư thứ cấp khiến nhu cầu kích thích kinh tế và cứu trợ xã hội đòi hỏi phải đẩy mức công chi lên những kỷ lục mới. Hai chính phủ G. Bush (con) và B. Obama đã quyết định gói kích cầu trị giá hơn 180 tỷ mỹ kim (năm 2008) và gần 800 tỷ vào đầu nhiệm kỳ ông Obama năm 2009. Trong tài khóa 2011, vừa kết thúc ngày 30.09.2011, tổng số công chi ngân sách liên bang được dự trù sẽ ở mức 24,1% GDP, được cải thiện hơn bách phân chi 25% trong tài khóa 2009, mức cao nhất kể từ năm 1945.
Lưu ý quan trọng. Vụ "bể bóng tín dụng gia cư thứ cấp" (Subprime Mortgage Credits) là một chuỗi những hành vi có tính cách lường gạt mà kết quả đã gây gia tăng nợ công và số thất nghiệp tại Hoa kỳ và tràn lan sang các quốc gia tiên tiến khác.
Từ năm 2001, nhằm khuyến khích sự tăng trưởng kinh tế, Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Ngân hàng trung ương Hoa kỳ) đã giảm lãi suất căn bản thấp nhất từ trước đến nay là 1%, nên trở thành động cơ khuyến khích những gia đình có mức thu nhập thấp vay tiền mua nhà với lãi suất rất thấp trong những năm đầu, gọi là subprime (vay dưới chuẩn). Nhưng lãi suất thấp chỉ được áp dụng trong 4-5 năm đầu, sau đó, đã tăng lên từ 10 đến 15%. Bởi vậy, nhiều gia đình đi vay đã không còn khả năng tiếp tục trả nợ nữa. Do đó, các định chế cho vay tịch thu những căn nhà thế chấp kia đem ra bán nhằm thu hồi lại số tiền đã cho vay. Năm 2007, khoảng 2 triệu căn nhà đã bị phát mãi theo kiểu này (năm 2006 là 1,2 triệu căn). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, con nợ, vừa bị mất tiền lẫn mất nhà, đã đập phá nhà trước khi bị đuổi khỏi nhà. Cuối cùng, khủng hoảng địa ốc đã xảy ra tại Hoa kỳ vì chủ nợ không thu được lời lẫn vốn.
Chạy theo 'văn hoá' "có gan làm giàu", các chủ nợ và con nợ vay không phải không thấy các nguy hiểm của loại tín dụng dưới chuẩn này, nhưng hoàn cảnh kinh tế (giá nhà đang tăng khoảng 20%/năm) và tài chánh lúc đó đã cho phép đôi bên có những hy vọng.
Sau khi cấp tín dụng, ngân hàng tìm cách chuyển nhượng những món nợ này cho những cơ quan tài chánh khác, bằng cách "tái kết cấu" và "đóng gói lại" (titrisation, tiếng Pháp hay "restructuring and packaging", tiếng Anh) các món nợ và bán lại cho những nhà đầu tư quốc tế dưới dạng trái phiếu hay cổ phiếu được mua bán qua các thị trường chứng khoán.
Thấy có lời và, đôi khi có "lời nhiều", người Âu châu và ở các nước khác tranh nhau mua trái phiếu hay cổ phiếu nên, theo định luật cung cầu, phải trả giá cao). Tại đây, những món nợ với rủi ro cao được chuyền tay mua bán. Người mua có thể thu một số lời rất cao khi món nợ dưới chuẩn trước được thanh toán.
Khi nợ bị mất, trị giá thật các trái phiếu hay cổ phiếu này chỉ còn là số không. Lúc đó, các ngân hàng không còn tiền để cho vay. Các doanh nghiệp không còn vốn để sản xuất, đành phải cho các công nhân nghỉ việc. Do đó, số người thất nghiệp tại Hoa kỳ đã gia tăng tới mức 9,10% so với số người trong tuổi làm việc. Bởi thế, các chánh phủ Hoa kỳ đã phải có những biện pháp tài trợ:
- giúp ngân hàng để mua những trái khoản về những món nợ địa ốc từ các ngân hàng và công ty tài chánh khác (700 tỷ mỹ kim tháng 09.2008),
- giúp các hãng xe hơi để chính các hãng này và những xí nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng cho họ cũng sa thải nhân viên mà tổng số người bị ảnh hưởng có thể lên tới 3 triệu. Chưa hết, nếu kể cả gia đình của họ thì nền kinh tế Hoa kỳ sẽ mất mười triệu người tiêu thụ.
2. Mức trần vay nợ. Chính quyền Hoa kỳ chỉ được phép vay trong giới hạn do Quốc hội ấn định gọi là "mức trần vay nợ" hay "định mức đi vay". Mức này có hiệu lực cho đến ngày 02.08.2011 là 14.460 tỷ mỹ kim. Nếu không, Hoa kỳ sẽ lâm vào tình trạng bị "vỡ nợ" về kỹ thuật. Do đó, tổng thống Obama đang chờ Quốc hội (mà Viện Dân biểu do đảng Cộng hòa chiếm đa số) chuẩn chi mức trần vay nợ mới để chánh phủ có thể vay thêm.
3. Vấn đề Ngân sách (tăng mức trần vay nợ, tăng hay giảm thuế…) là đề tài để mở màn mùa tranh cử 2012 khi cử tri Mỹ sẽ bầu tổng thống, toàn thể 453 dân biểu Hạ nghị viện và một phần ba nghị sĩ Thượng nghị viện. Thật vậy, như bất cứ cử tri một quốc gia dân chủ nào, công dân Hoa kỳ khi sử dụng lá phiếu vẫn căn cứ vào: ai cũng muốn tăng thuế cho người khác mà không muốn giảm chi các khoản phúc lợi xã hội cho mình.
Cuối cùng, lưỡng viện Quốc hội đã thông qua dự luật để tổng thống kịp ký ban hành luật hôm 01.08.2011. Theo đó, tăng mức trần nợ thêm 2.400 tỷ mỹ kim chia làm hai lần, đổi lấy việc cắt giảm 917 tỷ chi tiêu công trong 10 năm tới, kèm theo chương trình giảm thâm hụt ngân sách 1.500 tỷ mỹ kim thông qua cải cách thuế và cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội.
Ngày 08.09.2011, trước Quốc hội lưỡng viện, tổng thống Barack Obama đã trình bày kế hoạch 447 tỷ mỹ kim để thúc đẩy việc tạo ra công ăn việc làm. Trong đó có 240 tỷ bắt dùng để giảm thuế và đóng góp xã hội.Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện nay lên đến 9,1% số người trong tuổi làm việc.
III. KHU VỰC EURO CÒN CÓ NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHÁC.
Liên hiệp Âu châu gồm 27 quốc gia, nhưng chỉ có 17 nước tham gia khu vực đồng tiền chung là: Áo, Bỉ, Bồ đào nha, Cyprus, Đức, Hòa lan, Hy lạp, Ái nhĩ lan, Lục xâm bảo, Malta, Pháp, Phần lan, Tây ban nha, Ý đại lợi, Slovenia, Slovakia và Estonia).
A. Trường hợp Hy lạp.
Trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 04.10.2009, công dân Hy lạp đã dồn phiếu cho Đảng Xã hội thắng cuộc bầu cử Quốc hội và ông George Papandreou được tín nhiệm chức vụ thủ tướng. Bắt tay vào việc nước, tân chánh phủ tìm thấy các số liệu cho tài chính công chứng minh mức thâm hụt ngân sách là 12% TSLQN, chứ không là 6% như giới cầm quyền xuất nhiệm tuyên bố, và 9,40% năm 2010. Ngoài ra, công nợ cao tới 113,40% (410 tỷ mỹ kim), năm 2009, và 120,80% TSLQN, năm 2010. Lập tức, Ủy ban Âu châu đòi hỏi một điều tra „toàn diện" để giải thích sự khác biệt này. Nhưng, sau đó, dù người dân phải chịu nhiều hy sinh để được sự trợ giúp tín dụng 110 tỷ euro của 16 quốc gia khu vực euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Hy lạp thoát khỏi phá sản.
Hy lạp bị khủng hoảng vì nước Hy lạp nghèo, nhưng 11 triệu người dân Hy lạp thì không nghèo vì lợi tức trung bình (TSLQN) đầu người là 21.300 euro năm 2008, tức khoảng 80%? so với lợi tức trung bình của một người Đức… Người giàu say mê chơi trò trốn thuế. Ngân hàng thế giới ước lượng 35% của nền kinh tế Hy lạp vận hành một cách không hợp pháp, bán không hóa đơn để người mua không trả thuế Trị giá gia tăng. Do đó, Nhà nước sạt nghiệp… Theo số liệu Minh bạch Quốc tế (Transparency international) trong năm 2009, người Hy Lạp đã trả 790 triệu euros trong các vụ hối lộ và lại quả. Trong năm 2008, tổ chức này đã xếp Hy lạp vào hạng 57 với 4,7 điểm và năm 2009, hạng 71 (3,8 điểm) trên 180 quốc gia. Để so sánh, năm 2008, Việt Nam được xếp hạng 121 với 2,7 điểm và, năm 2009, vào hạng 120 (2,7 điểm).
Ngày 21.07.2011, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles, các lãnh đạo khu vực euro và Ngân hàng Trung ương Âu châu đã đồng ý về một kế hoạch thứ hai để giảm bớt nợ cho Hy lạp 26 tỷ euro từ nay cho đến cuối 2014 và gói hỗ trợ thứ nhì lên tới 158,6 tỷ euro, trong đó Liên hiệp Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tài trợ khoảng 109 tỷ trong bốn năm sắp tới, gần 50 tỷ còn lại sẽ do khu vực tài chính tư nhân, gồm các ngân hàng, hãng bảo hiểm và quỹ đầu tư. Ngoài ra, các vị này còn đề cập đến "khả năng tăng cường các biện pháp chống khủng hoảng tài chính lan rộng" với dự án thành lập Quỹ Tiền tệ Âu châu để Liên hiệp Âu châu cùng hoạch định một chính sách kinh tế chung.
B. Trường hợp các quốc gia khác.
1. Khó khăn về tài chính.
Năm 2008, Âu châu đã phạm sai lầm cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính sang phần đất họ từ Hoa kỳ trong khi, thực chất, tích lũy từ đã lâu trong cơ chế kinh tế Âu châu. Nền kinh tế tại đây cũng có hệ thống tài chính ngân hàng với bong bóng đầu tư về địa ốc, có nạn tín dụng thứ cấp đầy rủi ro.
Để giúp thổi phồng bong bóng đầu tư về địa ốc, các ngân hàng cấp phát tín dụng với lãi suất rẻ để phát triển những quốc gia vừa thoái khỏi thảm họa cộng sản ở Đông Âu (Lỗ ma ni, Hung gia lợi,…) bằng đồng Euro mạnh nhờ vào Mark nước Đức.
Sau khi vào khu vực Euro, nhiều quốc gia yếu kém đã bắt chước Đức bảo trợ các tín dụng, nay các ngân hàng vỡ nợ và bị phá sản, như Ái nhĩ lan (Ireland, năm 2009), Hy lạp (Greece, hiện nay), có thể kể đến Bồ đào nha (Portugal), Tây ban nha (Spain) và Ý đại lợi (Italy). Một sự trùng hợp, trong các bài kinh tế Anh ngữ, chữ đầu bằng tiếng Anh của bốn quốc gia này ghép lại thành chữ" PIGS có nghĩa là "những con heo".
Hiện nay, người ta nói đến hiện tượng domino khi lo ngại những khó khăn kinh tế và tài chính nầy có thể sang các nước khác như Pháp và Bỉ.
Theo Ủy ban Âu châu, nợ khu vực Euro sẽ tăng lên chiếm 87,9% TSLQN trong năm nay. Riêng tỷ lệ nợ/ TSLQN của Hy lạp, Ái nhĩ lan, Bồ đào nha cũng như Ý đại lợi sẽ lên tới hơn 100%, trong khi mức trần theo quy định của Liên minh Âu châu chỉ là 60%. Năm 2007, tỷ lệ nợ/ TSLQN trong khu vực đồng tiền chung mới chỉ ở mức 66,3%. Còn đối với Liên minh Âu châu gồm 27 thành viên, tỷ lệ nợ/ TSLQN tăng từ mức 59% năm 2007 lên mức dự báo 83,3% cho năm tới.
Chiều ngày 14.09.2011, tổ chức định mức tín nhiệm Moody đã hạ mức tín nhiệm của hai ngân hàng hàng đầu Pháp: Crédit Agricole từ Aa1 xuống Aa2 và Société Générale từ Aa2 xuống Aa3. Triển vọng xếp hạng đối với cả 2 ngân hàng là "tiêu cực". Năm 2010, Pháp đã trả 50 tỷ euro tiền lời nợ công, mục chi cao thứ nhì, sau chi giáo dục, tương đương trọn số thu thuế lợi tức.
2. Khó khăn do chi về xã hội.
Các nước Âu châu có tinh thần "xã hội chủ nghĩa" vẫn dành những phúc lợi xã hội cho dân chúng. Các khoản chi xã hội ấy đã tạo ra những chi lớn cho công chi quốc gia (Pháp chi tới 17,5%, Ý đại lợi đến 17,7% TSLQN mỗi nước).
Để điền khuyết vào khiếm hụt ngân sách thì chánh phủ phải đi vay và càng vay nhiều thì càng phải trả lãi suất càng cao vì khả năng hoàn trái càng giảm.
C. Căng thẳng giữa Mỹ và Liên hiệp Âu châu gia tăng.
Ngày 16.09.2011, lần đầu tiên, bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tới tham dự phiên họp cấp Bộ trưởng Tài chính Liên hiệp Âu châu tại Wroclaw (Ba lan) và đã kêu gọi khu vực Euro huy động thêm vốn để giải quyết khủng hoảng nợ công đã kéo dài bằng gia tăng Quỹ Bình ổn Tài chính Âu châu (European Financial Stability Facility, tiếng Anh và Fonds européen de stabilité financière, tiếng Pháp FESF) hầu giúp đỡ các thành viên gặp khó khăn và để cứu nguy các ngân hàng.
Những đề nghị này không được các bộ trưởng tài chính Liên Âu hoan nghênh. Bộ trưởng Đức đã bác bỏ ý kiến của ông Geithner và cho rằng, Đức không thể tiếp tục bắt người dân đóng thuế để thực hiện mục tiêu này và đề nghị đánh thuế vào các khoản chuyển nhượng chứng khoán, kể cả trên thị trường Mỹ, để gia tăng khả năng can thiệp của FESF khiến ông Geithner phản đối.
Berlin đề nghị đánh thuế vào các khoản giao dịch chứng khoán – kể cả trên thị trường Mỹ- để tăng cường khả năng can thiệp của Quỹ FESP. Đây là điều mà đại diện của Washington tại cuộc họp Wroclaw đã không thể chấp nhận được.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Âu châu Jean Claude Trichet khẳng định: "Nhìn chung, tình hình kinh tế trong khu vực Euro khả quan hơn nhiều so với một số các nước phát triển khác: bội chi ngân sách của toàn khối chỉ ở vào khoảng 4,5% GDP trong năm nay, trong lúc thâm hụt ngân sách của chính quyền liên bang Mỹ là 8,8% tăng thêm 1,7% so với tài khóa 2010".
Các tiên đoán của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều cho thấy tình hình kinh tế không khả quan vào những tháng chót của năm 2011
.
IV. GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO.
Ngày 18.08.2011, trên chuyến bay từ Roma đến Madrid để gặp gỡ trên một triệu các bạn trẻ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã nói với 56 ký giả tháp tùng về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại: "Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, người ta thấy điều đã xảy ra trong cuộc đại khủng hoảng trước đây, đó là chiều kích luân lý đạo đức không phải là một điều ở ngoài các vấn đề kinh tế, nhưng là một chiều kích ở bên trong và cơ bản. Kinh tế không phải chỉ tiến hành với qui luật thị trường tự điều hành, nhưng còn cần một lý do luân lý đạo đức để mang lại lợi ích cho con người. Người ta thấy tái xuất hiện điều mà Đức Gioan Phaolô 2 đã nói trong thông điệp xã hội đầu tiên của Người, rằng Con Người phải là trung tâm của kinh tế và không thể đo lường kinh kế theo mức lợi tức tối đa, nhưng theo thiện ích của tất cả mọi người, kể cả trách nhiệm đối với tha nhân, và kinh tế chỉ thực sự tiến hành tốt nếu nó hành động một cách nhân bản, trong niềm tôn trọng tha nhân."
Trong cuộc khủng hoảng tài chính rồi kinh tế năm 2008, các doanh nghiệp đã lạm dụng thời cơ để đẩy quá nhiều công nhân vào số người thất nghiệp, làm tăng thêm gánh nặng cho xã hội. Số người thất nghiệp gia tăng làm cho mức đóng góp vào các quỹ an ninh xã hội giảm. Kết quả, mức khiếm hụt các quỹ được đào sâu và phải vay thêm tiền để lấp mức khiếm hụt. Tính đến cuối tháng 07.2011, số người thất nghiệp trong khu vực euro là 22,7 triệu người, tức 10% so với số người trong tuổi làm việc.
Trong khi đó, những người đang làm việc phải chia nhau hoàn tất khối việc mà người bị cho thôi việc phải làm trước kia. Việc giảm giờ làm việc từ 39 còn 35 giờ/tuần tại Pháp đâu có tuyển thêm người mới. Sức người có hạn, lâu ngày thấm mệt.
Thu nhập của người thất nghiệp thấp so với trước thì mức thu thuế lợi tức cũng bị giảm sụt. Với số nhiều trăm ngàn người thất nghiệp trong một năm thì số thuế bị mất cũng thật đáng kể và đưa đến sự khiếm hụt ngân sách ngày càng cao.
Đề cập đến thảm trạng xã hội, sự thất nghiệp làm giảm thu nhập gia đình không đủ để chi tiêu học hành cho con cái, trả tiền thuê nhà hay vay mua nhà… cuối cùng là ly dị, gia đình tan nát, con cái thất học. Với thu nhập thấp, người thất nghiệp buộc phải mua hàng phẩm chất xấu do Trung cộng sản xuất và tiền lời này được dùng để cho quốc gia người này vay.
Nợ công tự nó không là điều xấu, nhưng vấn đề chính là là vay để làm gì và đem lại lợi ích nào cho tập thể, có tạo nên việc làm cho người dân hay không.
Dưới tiểu đề "Của cải có là để được chia sẻ", Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo viết:
- Của cải, dù được sở hữu một cách chính đáng, luôn luôn có mục tiêu phổ quát; bất cứ hình thức tích trữ nào không chính đáng đều trái đạo đức, vì như thế là công khai đi ngược lại mục tiêu phổ quát đã được Tạo Hoá ấn định cho mọi của cải. Sự cứu độ trong Kitô giáo là sự giải thoát toàn diện con người, tức là được giải thoát không những khỏi mọi nhu cầu mà còn khỏi mọi sở hữu. Những ai hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và có được của cải hãy xem mình chỉ là người quản lý những tài sản Thiên Chúa đã giao (số 328).
- Của cải hoàn thành chức năng phục vụ con người khi chúng được hướng tới việc đem lại ích lợi cho người khác và cho xã hội. Thánh Gioan Kim Khẩu quan niệm: của cải thuộc về một số người để những người này lập được công trạng bằng cách chia sẻ cho người khác. Của cải là một điều tốt xuất phát từ Thiên Chúa và phải được người sở hữu nó sử dụng và lưu thông thế nào cho cả người túng thiếu cũng được hưởng. Sự xấu xa lộ ra khi người ta tha thiết quá độ với của cải và tham lam tích trữ. Thánh Basiliô Cả giải thích: của cải tựa như nước lấy từ giếng: càng kín múc thường xuyên, nước càng trong, và nếu không sử dụng, nước trở nên vẩn đục (số 329).
KHỦNG HOẢNG CHÁNH TRỊ TẠI LIBYA VÀ SYRIA
BY: HÀ MINH THẢO
Ngày 15.01.2011, người dân Tunisia đã thành công lật đổ tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali, chấm dứt 23 năm cầm quyền của ông. Sau đó, trước áp lực biểu tình của nhân dân Ai cập, ông Hosni Mubarak cũng đã phải trao lại quyền hành cho quân đội vào ngày 11.02.2011 sau gần 30 năm giữ chức tổng thống. Sau đó, những cuộc tranh đấu cho dân chủ đã xảy ra tại nhiều quốc gia Trung Đông khác, trong đó, máu người vô tội vẫn tiếp tục đổ tại Libya và Syria. Đây là nạn nhân không những của hai nhà độc tài tàn bạo Muammar al-Gadhafi và Bachard al-Assad mà còn do xung đột quyền lợi giữa cường quốc thành viên các định chế quốc tế (Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Minh ước Bắc đại tây dương, …).
I. NGUYÊN NHÂN LỊCH SỬ
Sau khi các quốc gia cộng sản chư hầu Liên xô và chính liên bang này tan rã năm 1991 và Trung quốc chưa hẳn là một nước đáng ngại, Hoa kỳ đã là cường quốc duy nhất về kinh tế và quân sự.
Thập niên 1990 đã là những năm được gọi là bắt đầu tiến trình toàn cầu hoá văn hóa và kinh tế. Hậu quả, các văn hóa phẩm, do chạy theo lợi nhuận, phản luân lý và tôn giáo được phát triển cùng nền kinh tế mà lợi tức không phân phối đồng đều làm gia tăng số người nghèo. Lợi dụng hậu quả đó, các nhóm khủng bố được lớn mạnh. Ngày 11.09.2001, tổ chức Al-Qa"ida (có nghĩa là nền tảng, cơ sở, căn cứ, do Usama Bin Ladin sáng lập năm 1988) tấn công vào Tháp Đôi (Nữu ước) và Ngũ giác đài (Hoa thạnh đốn).
Sau đó, chính quyền tổng thống George W. Bush cùng với các quốc gia Tây Âu, kêu gọi các nước khác tham gia Mặt trận toàn cầu chống khủng bố. Cơ hội ngàn vàng đã đến: các nước độc tài gia nhập Mặt trận này để các quốc gia Bắc Mỹ và gia Tây Âu không dòm ngó tình trạng nhân quyền tại đó mà chỉ chạy theo quyền lợi thương mại mà thôi… Do đó, cuộc cách mạng hoa lài đã nở rộ tại Tunisia từ ngày 18.12.2011.
II. KHỦNG HOẢNG CHÁNH TRỊ TẠI LYBIA
A. Đôi dòng lịch sử
Ngày 01.09.1969, Muammar al-Gadhafi (28 tuổi) chỉ huy một nhóm nhỏ các sĩ quan quân đội lật đổ Vua Idris (đang nằm bệnh viện ở Thổ nhĩ kỳ) và đặt Thái tử Sayyid Hasan ar-Rida al-Mahdi as-Sanussi (cháu Vua Idris), lên làm vua. Nhưng Vua Sayyid sớm nhận thức mình đang có ít quyền hơn khi còn là thái tử. Cuối tháng đó, Vua Sayyid bị truất phế, quản thúc tại gia và Cộng hòa Libya Ả Rập được tuyên bố ra đời với Gadhafi là "Lãnh tụ Anh cả và là Người hướng dẫn Cách mạng" cho đến ngày nay.
Trong thập niên 1980, Libya bị cáo buộc tội thực hiện nhiều hành động khủng bố như cho nổ bom ở vũ trường tại Berlin (1986) làm thiệt mạng 2 người Mỹ và Hoa kỳ trả đũa bằng ném bom vào các mục tiêu gần Tripoli và Benghazi. Tháng 12 năm 1988, 2 nhân viên tình báo Libya đánh bom chuyến bay Pan Am 103. Năm 1989, 6 người Libya khác cũng đánh bom chuyến bay UTA 772.
Năm 2003, chính phủ Libya đã thông báo quyết định từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân của mình và chi gần 3 tỷ Mỹ kim bồi thường cho các gia đình nạn nhân 2 chuyến bay nói trên. Từ đó, nước này đã bình thường hóa quan hệ với Liên minh Âu châu và Hoa kỳ.
B. Đặc điểm cuộc nổi loạn tại quốc gia này
Sau Tunisia và Ai cập, ngày 15.02.2011, phong trào chống đối của người Ả rập đã đến Libya với các cuộc biểu tình bắt đầu từ thành phố Benghazi ở miền đông và, sau đó, đã lan tràn tới thủ đô Tripoli. Libya, với nhà lãnh đạo lâu nhất thế giới 41 năm, là quốc gia giàu tài nguyên dầu khí có một mức sống cao hơn so với các nước láng giềng, nhưng chính hệ thống chính trị đàn áp, độc đoán khiến người dân biểu tình muốn thay đổi và đòi được phân chia phúc lợi công bằng hơn.
1. Quốc gia Libya
Libya bao gồm lối 140 bộ tộc chính với dân số Libya trên 6,5 triệu người, trong đó 90% là người Ả rập và 85% trong số đó xuất thân từ 4 bộ lạc lớn: Warfalah, Kadhafa, Makarha và Tuareg. Mỗi bộ lạc lớn là sự kết hợp của nhiều bộ lạc và bộ tộc nhỏ có cùng chung huyết thống sinh sống trên cùng khu vực địa lý. Lãnh đạo bộ lạc là cheikh (tù trưởng hay lãnh tụ) có nhiệm vụ gìn giữ sự thống nhất nội bộ và là gạch nối trung gian giữa chính quyền trung ương và các bộ lạc.
Mỗi bộ lạc được tổ chức như một đơn vị kinh tế, chính trị và xã hội độc lập với chính quyền trung ương. Không gian sinh tồn của họ là một khu vực bất khả xâm phạm: không bộ lạc nào được quyền xâm phạm lãnh thổ của bộ lạc khác. Khi có tranh chấp, chính quyền trung ương tổ chức một cuộc thương thuyết giữa các vị tù trưởng của các bộ lạc lớn để giải quyết. Lãnh thổ Libya chia thành những khu vực:
- Khu vực phía đông (Cyrenaica), nơi xuất phát cuộc nổi dậy, là địa bàn sinh trú của bộ lạc Warfalah cùng nhiều bộ lạc nhỏ khác như Zawayah, Awaqir, Abid,…
- Khu vực trung tâm (Tripolitania) là nơi sinh sống của bộ lạc Kadhafa, trong đó Kadhafi là một bộ tộc lớn, qui tụ các bộ lạc nhỏ khác như Mugharbah, Ziaan, Rojahan, …
- Khu vực sa mạc Sahara phía tây nam (Fezzan) là vùng đất qui tụ các bộ lạc du mục Beduins và Tuareg và những nhóm du mục nhỏ khác như Hausa, Tebu, …
Nguồn lợi chính của Libya là dầu lửa, được khám phá năm 1956.
2. Sự cầm quyền lâu dài của Muammar al-Gadhafi
Năm 1969, Gadhafi tuyên bố thành lập Cộng hòa Á rập Lybia tôn trọng các nguyên tắc một quốc gia có nền Cộng hòa theo khuôn mẫu tự do dân chủ thông thường như sự tam quyền phân lập, nhưng ông đã tổ chức chính quyền dựa trên sự liên minh và phân quyền giữa ba bộ lạc lớn: Warfallah, Kadhafa và Makarha.
Khi cầm quyền, Gadhafi phân chia đồng đều các chức vụ trong chính quyền, quân đội và kinh tài cho các lãnh đạo của các bộ lạc lớn. Ngoài ra, mỗi bộ lạc được phép cai quản một khu vực và có quyền đưa người vào các chức vụ cấp khu vực như sau:
- Bộ lạc Warfallah, lớn nhất với hơn một triệu dân, cai quản khu vực phía đông (Cyrenaica), trải dài trên một vùng đất rộng lớn phía đông Libya, giáp ranh với Ai cập, thủ phủ là Benghazi, có nhiều giếng dầu thô, khí đốt và hải cảng xuất cảng dầu lớn nhất nước. Tuy nhiên, Cyrenaica đã không được tài trợ tương xứng với nguồn lợi mang lại, nên đã là nơi phát sinh cuộc nổi dậy chống Gadhafi và nhiều đơn vị quân đội đã tham gia phe chống đối.
- Bộ lạc Kadhafa, 126 000 dân trong có gia đình Gadhafi, lãnh đạo khu vực trung tâm (Tripolitania), thủ phủ là Sabha. Bộ lạc này được trang bị vũ trang hùng hậu nhất và là lực lượng đáng tin cậy nhất của gia đình Gadhafi, an ninh do chính các con trai của Gadhafi trực tiếp chỉ huy.
- Makarha là bộ lạc lớn thứ ba cai quản một khu vực rộng lớn phía tây nam (Fezzan), nhưng là vùng sa mạc Sahara nghèo khổ. Hiện sống tại đây còn có các bộ lạc du mục Beduins và Tuareg, với hơn 500 000 người, trong sa mạc Sahara phía nam, và bộ lạc Zuaya, một chi nhánh của bộ lạc Warfallah, sinh sống cạnh các giếng dầu phía đông Libya, đang đe dọa gia nhập vào phe chống đối.
Gadhafi nắm quyền trong suốt 41 năm qua là do biết dung hòa quyền lợi của các bộ lạc để tranh thủ sự ủng hộ. Nay quyền lợi không được phân chia đồng đều, nên ông đang sắp mất chính quyền cũng vì các bộ lạc. Thêm vào đó, việc bắn giết người của bộ lạc Warfallah, tức sát hại đồng chủng là một cấm kỵ, không thể tha thứ. Ngoài ra, thái độ khinh thường các định chế quốc tế của ông đã gây rất nhiều bất mãn trong giới lãnh đạo các cường quốc Tây phương.
3. Chiến sự tại Libya
Để tránh cho nhân dân nổi dậy không bị oanh tạc bởi không lực của Gadhafi, các quốc gia Liban, Anh, Pháp và Hoa kỳ đã đệ nạp một dự thảo Nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và được thông qua ngày 17.03.2011, mang số 1973, với 10 phiếu thuận và 5 nước vắng mặt (trong đó có Nga và Trung quốc là hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết). Trong nghị quyết này, Hội đồng Bảo an yêu cầu chính quyền Libya ngừng bắn và oanh tạc các thành phố do phe đối lập đang chiếm giữ để bảo vệ dân thường, đóng cửa không phận Libya đối với phi cơ Libya, trừ khi chở hàng nhân đạo và sơ tán ngoại kiều khỏi Libya, các nước thành viên Liên hiệp quốc không cho phép phi cơ Libya cất, hạ cánh hay bay qua không phận nước mình, phong tỏa các tài khoản của công ty dầu mỏ quốc gia và Ngân hàng Trung ương Libya, cho phép áp dụng mọi biện pháp, ngoại trừ chiếm đóng Libya hay bất kỳ phần lãnh thổ nào của nước này bởi lực lượng nước ngoài.
Thi hành Nghị quyết 1973 của Liên hiệp quốc, một chiến đấu cơ Pháp đã nhả đạn vào một xe quân sự của phe Kadhafi vào lúc 16 giờ 45 (giờ quốc tế) ngày thứ bảy 19.03.2011, khai diễn cuộc chiến quốc tế tại Libya. Sau đó, hơn 110 hỏa tiễn Tomahawk từ các tàu ngầm và chiến hạm của Mỹ và Anh cũng đã bắn vào trên 20 mục tiêu khác. Bộ Quốc phòng Pháp loan báo: có khoảng hai chục máy bay Rafale, Mirage 2000, máy bay tiếp liệu của Pháp, cũng như máy bay trinh sát Awacs tham gia.
Đến nay, ngày 15.07.2011, sau gần 2 tháng bắt đầu cuộc chiến, bao nhiêu người vô tội đã chết oan trong khi Gadhafi vẫn còn tại chức.
Ngày 11.07.2011, Đài quốc tế Pháp (RFI) loan tin: "Con trai của đại tá Gadhafi, ông Saif al Islam, cho biết Tripoli đang đàm phán với Pháp. Nhân vật này xác định trên báo chí Algérie, Paris đã hứa là nếu đạt được thỏa thuận thì sẽ buộc phe nổi dậy ngưng bắn. Bộ Ngoại giao Pháp đã bác bỏ lời tuyên bố này và nhấn mạnh "Gadhafi phải ra đi".
Ngày 12.07.2011, Quốc hội Pháp chấp thuận tiếp tục chiến dịch quân sự tại Libya với 482 phiếu thuận và 27 chống. Luật buộc sau 4 tháng tham chiến, chánh phủ cần sự chấp thuận của Quốc hội.
III. KHỦNG HOẢNG CHÁNH TRỊ TẠI SYRIA
Syria giữ một vai trò quan trọng trong khu vực, đặc biệt nhờ vị trí trung tâm của nó trong cuộc xung đột Ả rập - Do thái từ năm 1967, Do thái đã chiếm Cao nguyên Golan của nước này, và bởi sự tham gia tích cực vào các công việc tại Liban và Palestine.
Đảng Baath (Phục hồi Xã hội chủ nghĩa Ả rập) cầm quyền tại nước này từ năm 1963. Ngày 13.11.1970, Bộ trưởng Quốc phòng Hafez al-Assad trở thành Tổng thống sau cuộc đảo chính quân sự không đổ máu, mang tên "Phong trào Chỉnh đốn", cho đến khi qua đời năm 2000. Con trai của ông là Bashar al-Assad trở thành Tổng thống, lãnh đạo Syria với một thiểu số những quan chức quân sự và chính trị. Năm 2007, ông Assad đã thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý với 97,62% phiếu bầu để tiếp tục chức vụ cho đến ngày nay.
Ngày 18.03.2011, 4 người biểu tình bị thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc xuống đường lần đầu tiên chống chính quyền kể từ khi Tổng thống Bashar Al Assad lên cầm quyền vào năm 2000 do cảnh sát bắn đạn thật khi họ hô to khẩu hiệu và giương cao biểu ngữ với hàng chữ "Thượng Đế, Syria và Tự do. Ngày 23.03.2011, tại thành phố Deraa, lực lượng an ninh đã bắn vào đám đông tham gia tang lễ một người biểu tình bị bắn chết trước đó khiến 2 người bị chết. Paris kêu gọi chính quyền Damas đình chỉ ngay việc sử dụng võ lực nhắm vào thường dân.
Ngày 25.04.2011, chính quyền Damas điều động lực lượng an ninh có cả xe tăng đến Deraa đàn áp người biểu tình làm thiệt mạng 5 người. Tại Jableh, hôm 25.04.2011, cảnh sát cũng đã sát hại ít nhất 13 người, bắt giữ hàng chục người biểu tình ôn hòa. Damas đã tuyên bố hàng loạt các biện pháp cải tổ quan trọng, trong đó có việc xóa bỏ lệnh giới nghiêm.
Trong cuộc họp tại Bruxelles hôm 17.05.2011, đại sứ 27 thành viên Liên hiệp Âu châu đã thảo luận về dự định mở rộng diện trừng phạt nhắm vào chế độ Syria. Thụy sĩ cũng hành động như vậy. Ngày 17.05.2011, Tổng thống Obama loan báo những biện pháp trừng phạt mới khi cho biết là chính người dân Syria là tác nhân quyết định việc tổng thống Syria ở lại hay ra đi và Tổng thống Bashar Al Assad, nếu muốn tại vị, chỉ có một con đường duy nhất đó là chuyển hướng sang chế độ dân chủ.
Ngày 09.06.2011, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bắt đầu thảo luận về một dự thảo nghị quyết về Syria do Anh, Pháp, Đức và Bồ đào nha đệ nạp kêu gọi chính quyền Damas cải cách và gỡ bỏ lệnh phong toả các thành phố để các tổ chức nhân đạo quốc tế làm công tác cứu nạn. Tuy nhiên, Nga cho biết sẽ phủ quyết mọi nghị quyết của Liên hiệp quốc về Syria. Theo Thủ tướng Thổ nhĩ kỳ Recep Tayyip Erdogan, có hơn 1.600 người Syria sang tỵ nạn tại nước này từ tháng 4 đến nay. Ngày 11.06.2011, Trung quốc cũng đe dọa phủ quyết dự thảo nghị quyết này. Vì quyền lợi của hai thành viên thường trực, dự thảo nghị quyết… rơi vào quên bẵng.
Tỉnh Hama ở phía bắc thủ đô Damas khoảng 210 cây số đã trở thành tâm điểm của phong trào nổi dậy chống chế độ Syria, với 800 000 dân, đang bị lực lượng quân đội và chiến xa bao vây. Công an tiến hành xét nhà và đã gây tử vong 22 người, trong đó có một trẻ em 12 tuổi. Cư dân quyết định tử thủ bằng rào cản bằng bao cát và vỏ xe, canh giữ các ngả đường dẫn vào thành phố, không để cho quân đội chiếm thành phố.
Ngày 05.07.2011, Hoa kỳ kêu gọi chính phủ Syria rút lực lượng ra khỏi Hama và chấm dứt chiến dịch bắt giữ người. Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng vụ đàn áp ở Hama làm tổn hại thêm tính chính đáng của chế độ Syria và khiến người ta phải đặt nghi vấn về thực tâm cải tổ dân chủ của chế độ này.
Ngày 08.07.2011, Đại sứ Hoa kỳ và Pháp tại Damas đã đến Hama. Thông báo của bộ ngoại giao Pháp cho biết công việc đầu tiên của ông Eric Chevallier, đại sứ Pháp, đã đến Hama là ghé thăm bệnh viện, bác sĩ, y tá, và những thường dân bị thương cùng thân nhân của họ. Trong khi đó, Washington loan báo là đại sứ Robert Ford đã đến Hama để ở bên cạnh người biểu tình trong bối cảnh phong trào đòi cải cách chính trị, chấm dứt chế độ độc tài bùng phát từ giữa tháng 3 năm nay nhưng bị đàn áp mạnh với hơn 1.300 người tử vong. Thông cáo bộ ngoại giao Syria viết: "sự hiện diện của đại sứ Mỹ tại Hama không có phép là một bằng chứng rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ dính líu vào biến cố hiện nay, âm mưu xúi giục gây thêm căng thẳng và tạo bất ổn chính trị".
Ngày 11.07.2011, hai Sứ quán Hoa kỳ và Pháp tại Damas bị những người thân chế độ tấn công đập phá. Sau đó, Paris quyết định đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố: "Tổng thống Syria al-Assad "không còn cần thiết nữa" và đã mất "tính chính đáng" của một nhà lãnh đạo vì đã nuốt lời hứa cải cách, vì đã nhận sự trợ giúp của Iran để đàn áp dân của mình".
IV. NHẬN ĐỊNH THEO GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO
A. Quyền Hành Chánh Trị
Quyền hành chính trị, dựa trên bản tính xã hội của con người, rất cần thiết vì những trọng trách được giao cho quyền hành ấy, vốn là và phải là một nhân tố tích cực tới mức không thể thay thế được làm nên đời sống dân sự (Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo số 393). Quyền hành này được người dân giao cho nhà cầm quyền, phải bảo đảm cho có được một đời sống cộng đồng trật tự và ngay thẳng, không tước đoạt sự hoạt động tự do của các cá nhân và tập thể, nhưng phải điều tiết và định hướng cho sự tự do ấy bằng cách tôn trọng và bảo vệ sự độc lập của các cá nhân và chủ thể xã hội hầu đạt được Công Ích. Quyền này phải được thi hành trong khuôn khổ luân lý và theo đúng trật tự pháp lý được luật pháp công nhận (số 394).
Chính quyền phải nhìn nhận, tôn trọng và phát huy các giá trị nhân bản và luân lý thiết yếu, "phát xuất từ chính sự thật của con người, phản ánh và bảo vệ phẩm giá con người; là những giá trị mà không cá nhân, tập thể hay Nhà Nước nào có thể tạo ra, sửa đổi hay huỷ bỏ" (số 397). Chính quyền phải ban hành các luật công bằng, tức là những luật phù hợp với phẩm giá con người và phù hợp với những gì lý trí đúng đắn đòi hỏi (số 398).
Quyền phản đối theo lương tâm. Các công dân không bị buộc trong lương tâm phải theo những chỉ thị của chính quyền dân sự nếu những mệnh lệnh ấy trái ngược với những đòi hỏi của trật tự luân lý, trái ngược với những quyền căn bản của con người hay trái ngược với giáo huấn của Tin Mừng. Không được cộng tác, dù chỉ là hình thức, vào những việc ngược với luật Chúa, dù đã được luật pháp dân sự cho phép, đó là một nghĩa vụ quan trọng của lương tâm (số 399).
Quyền phản kháng. Nhìn nhận luật tự nhiên là nền tảng và đặt giới hạn cho luật thiết định và đặt giới hạn cho luật thiết định, nghĩa là chấp nhận rằng: thật là chính đáng khi phản kháng những nhà cầm quyền vi phạm các nguyên tắc thiết yếu của luật tự nhiên một cách nghiêm trọng hay liên tục (số 400). Giáo huấn xã hội Công giáo có đưa ra những tiêu chuẩn để thi hành quyền phản kháng: "Phản kháng bằng vũ khí trước sự đàn áp của chính quyền chỉ chính đáng khi hội đủ các điều kiện". Sử dụng vũ khí được coi như giải pháp sau cùng để chấm dứt "một chế độ độc tài công khai và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho các quyền căn bản của con người và làm tổn thất nghiêm trọng cho ích chung của đất nước". Sử dụng vũ khí được coi như giải pháp sau cùng để chấm dứt "một chế độ độc tài công khai và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho các quyền căn bản của con người và làm tổn thất nghiêm trọng cho ích chung của đất nước" (số 401).
B. Hòa Bình
Trước khi là ân huệ Chúa ban cho và là dự phóng của con người phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, hoà bình trước hết là thuộc tính căn bản của Ngài: "Đức Chúa là sự bình an" (Tp 6, 24). Hoà bình và bạo lực không thể đi đôi với nhau; nơi nào có bạo lực, nơi đó không thể có Thiên Chúa (x. 1Bn 22,8-9) (số 488). Hoà bình là một điều gì lớn lao hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh; hoà bình nói lên cuộc sống sung mãn (x. Mch 2,5). Đó là một trong những ân huệ cao cả nhất mà Chúa ban cho con người và vì thế, nó đòi chúng ta phải tùng phục kế hoạch của Thiên Chúa (số 488).
Hòa Bình: Kết quả của Công Lý và Bác Ái. Hoà bình là một giá trị và là một nghĩa vụ của hết mọi người dựa trên một trật tự hợp lý và luân lý của xã hội, bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, "là nguồn sống đầu tiên, là sự thật căn bản và là sự thiện hảo tối cao", thiết lập được một trật tự dựa trên nền tảng công lý, là tôn trọng sự cân bằng giữa mọi chiều hướng của con người, và bác ái hay tình yêu (số 494).
Nghĩa vụ bảo vệ người vô tội. Quyền sử dụng vũ lực vào các mục tiêu phòng thủ chính đáng được gắn liền với nghĩa vụ bảo vệ và giúp đỡ các nạn nhân vô tội không có khả năng tự bảo vệ mình trước những hành vi xâm lược hay đàn áp. Trong các cuộc xung đột hiện nay, thường diễn ra trong phạm vi quốc gia, người ta cũng phải tuân thủ trọn vẹn những mệnh lệnh của luật nhân đạo quốc tế. Những dân thường rất hay bị tấn công và có khi trở thành mục tiêu của chiến tranh (số 504). Nguyên tắc nhân đạo, được khắc ghi trong lương tâm mỗi người và mọi dân tộc, cũng bao gồm bổn phận phải bảo vệ dân thường khỏi những hậu quả của chiến tranh. "Việc bảo vệ tối thiểu phẩm giá của mỗi người, tuy đã được luật nhân đạo quốc tế bảo đảm, nhưng vẫn rất hay bị vi phạm nhân danh những yêu cầu về chính trị hay quân sự, là những điều lẽ ra không bao giờ được đặt cao hơn giá trị của con người. Hiện nay, chúng ta nhận thấy cần phải tìm ra một sự đồng thuận mới về các nguyên tắc nhân đạo và cần phải củng cố nền tảng của các nguyên tắc ấy để ngăn chặn không cho tái diễn những hành động tàn bạo và lạm dụng" (số 505). Cộng đồng quốc tế có bổn phận luân lý là can thiệp cho các tập thể ấy, vì sự sống còn của họ đang bị đe doạ hay vì các quyền căn bản của họ đang bị vi phạm nghiêm trọng. Các quốc gia không thể giữ thái độ thờ ơ; ngược lại, nếu các biện pháp khác đều tỏ ra vô hiệu, "cộng đồng có quyền hợp pháp và thậm chí có bổn phận áp dụng các biện pháp cụ thể để tước khí giới kẻ xâm lược hay bạo tàn" (số 506).
Biết Người Biết Ta
BY: LỮ GIANG
Trong tuần vừa qua, Việt Hà của đài RFA đã mở ba cuộc phỏng vấn rất hữu ích về các biến cố đang xẩy ra ở Biển Đông, đó là hai bài phỏng vấn hai giáo sư môn quan hệ quốc tế là Nick Bisley tại trường đại học La Trope của Úc và Renato Cruz De Castro thuộc trường đại học De la Salle, Philippines, và bài phỏng vấn ông Ian Storey, một chuyên gia về Đông Nam Á, người đã tham dự diễn đàn đối thoại Shangri La ở Singapore vừa qua. Cả ba bài phỏng vấn này, nhất bài phỏng vấn giáo sư Renato Cruz De Castro, có thể giúp người Việt ở trong cũng như ngoài nước thấy rõ hơn chuyện gì đang xẩy ra trên Biển Đông và phải đối phó như thế nào, thay vì cứ tiếp tục suy nghĩ và hành động theo cảm tính.
Dĩ nhiên, còn rất nhiều bài phân tích có giá trị của các chuyên gia khác, nhưng có thể coi quan điểm của ba chuyên gia này là tiêu biểu.
Trước hết, chúng tôi nói về quan điểm chính của ba chuyên gia nói trên về mục tiêu và chiến thuật của Trung Quốc và phương thức đối phó của các nước bị xâm lấn, sau đó chúng tôi sẽ nói về phương thức đối phó của nhà cầm quyền Việt Nam.
MỤC TIÊU CỦA TRUNG QUỐC
Trong bài phỏng vấn dưới đầu đề "Quan điểm của Philippines về việc TQ gây hấn" được RFA phổ biến ngày 10.6.2011, giáo sư Renato Cruz De Castro đã nói về mục tiêu gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông như sau:
"Trung Quốc đang muốn cho chúng ta thấy là họ là một cường quốc đang nổi lên và chúng ta phải tôn trọng cái gọi là quyền trên biển của họ cũng như sức mạnh trên biển của họ. Họ đang nhắm vào hai nước đó là Việt Nam và tất nhiên là Philippiness.
"Và mục đích là để khiến hai nước phải đồng ý làm việc song phương với Trung Quốc. Đây là một cách để phá hoại sự thống nhất của ASEAN đối với vấn đề biển Đông..."
Còn ông Ian Storey, một chuyên gia về Đông Nam Á, đã nói trong bài "Căng thẳng ở biển Đông có thể dẫn đến xung đột quân sự" được RFA phổ biến ngày 11.6.2011 như sau:
"Nó có nhiều lý do khiến Trung Quốc trở nên hung hăng hơn trong vài tháng qua, thứ nhất là Trung Quốc có khả năng về quân sự để tạo sức ép khi đòi chủ quyền trên biển Đông.
"Ngoài ra tôi cũng cho rằng Trung Quốc đang muốn thử các nước đòi chủ quyền khác trong khu vực và cả Mỹ nữa, vốn là nước đã lên tiếng quan ngại về căng thẳng trên Biển Đông trong vòng 18 tháng qua.
Nói tóm lại, theo hai chuyên gia này, mục tiêu của Trung Quốc là:
(1) Muốn cho các quốc gia liên hệ thấy quyền và sức mạnh của họ trên biển.
(2) Thử xem phản ứng của các quốc gia liên hệ, kể cả Mỹ, như thế nào.
CHIẾN THUẬT CỦA TRUNG QUỐC
Giáo sư Renato Cruz De Castro nói về chiến thuật của Trung Quốc như sau:
"Trò chơi của họ là muốn để chúng tôi rơi vào cái bẫy của họ, họ quấy rối, gây khó dễ và đợi chúng tôi bắn phát đầu tiên, và điều này đã xảy ra với Việt Nam vào hồi năm 1988 và Việt Nam đã phải chịu một tổn thất lớn. Cho nên đây là trò chơi đợi bạn bắn phát đầu tiên và sau đó họ sẽ nói là họ tự vệ."
Cũng theo ông, chiến thuật thứ hai của Trung Quốc là nói khác và làm khác, tức "có sự thiếu nhất trí giữa những gì mà họ tuyên bố và hành động thực tế trên biển Đông". Vào cuối tháng 5, Bộ Trưởng Quốc Phòng TQ là Lương Quang Liệt đến thăm Philippines và nói "mọi chuyện đều ổn" nhưng sau đó "lại khác hoàn toàn và có thể sẽ có một sự leo thang mới".
Vụ tàu Trung Quốc đổ vật liệu xây dựng tại bãi đảo Amy Douglas Reed vào cuối tháng 5 là một dấu hiệu khác. Tuyên bố chung của các nước ASEAN về ứng xử trên biển Đông năm 2002 (DOC) cấm các bên chiếm đóng các đảo và bãi chưa chiếm đóng. Từ đó đến nay tất cả các bên đều tuân thủ điều này. Nhưng Trung Quốc đã vi phạm DOC nghiêm trọng. Các sự kiện liên quan đến tàu đánh cá và tàu thăm dò của Việt Nam có thể leo thang thành những xung đột vũ trang nghiêm trọng hơn. Ông nói:
"Chẳng hạn những tàu này gặp tàu Trung Quốc trong tương lai và bắn nhau thì trên thực tế không có cơ chế nào ngăn chặn những hành động này và đây là mối nguy hiểm thực sự tại biển Đông, gây thiệt mạng, mất ổn định trong khu vực, và gia tăng căng thẳng.
Ông nói thêm:
"Chúng ta cũng phải tính đến khả năng là Trung Quốc có thể chia rẽ Asean bằng cách cung cấp trợ giúp tín dụng, kinh tế cho các nước trong lục địa khác, những nước không có quyền lợi gì trên biển Đông. Trung Quốc cùng cần phải được thuyết phục trước tiên là họ cần phải làm việc với cả ASEAN chứ không phải với từng nước."
Như vậy, chiến thuật của Trung Quốc có thể được tóm lược vào các điểm chính sau đây:
(1) Gây hấn và đợi cho đối thủ bắn trước để ra tay.
(2) Đưa ra những tuyên bố hoà nhã nhưng sau đó làm khác.
(3) Chia rẽ khối ASEAN bằng cách chỉ chấp nhận phương thức thương thuyết song phương, chứ không làm việc chung với cả ASEAN.
VỀ PHƯƠNG CÁCH ĐỐI PHÓ
Giáo sư Renato Cruz De Castro cho biết:
"Điều mà Philippines có thể làm là phát triển một hệ thống tàu tuần tiễu để quan sát, tuần tiễu khu vực biển Đông, nhưng nếu nói để trang bị đủ vũ khí phục vụ chiến tranh trên biển thì lại là một vấn đề khác. Tôi không nghĩ chúng tôi có thể làm được điều này trong vòng 5 đến 10 năm nữa.
"Hiệp ước với Mỹ cũng bảo vệ Philippines khỏi những tấn công vào những tàu của Philippines ở trên biển hay từ trên không, những tấn công này có thể bị coi là tấn công vào nước Mỹ. Nhưng Trung Quốc có thể đe dọa, quấy nhiễu nhưng liệu nó có leo thang thành tấn công vũ trang hay không thì lại là một vấn đề khác.
"Xem xét phản ứng của Việt Nam với Trung Quốc không thể quên vấn đề lịch sử và địa lý. So với Việt Nam chúng tôi không có một lịch sử lâu dài nhiều tranh chấp với Trung Quốc. Xét về mặt địa lý chúng tôi ở xa Trung Quốc hơn rất nhiều so với Việt Nam.
"Ngoài ra trong đầu óc của người dân chúng tôi, chúng tôi hiểu là chúng tôi được Mỹ bảo vệ qua hiệp ước ký với Mỹ. Liệu trên thực tế nếu có đụng độ quân sự với Mỹ thì chúng tôi có được thực sự bảo vệ không thì có thể là vấn đề khác...
"Điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là cùng nhau tìm cách hạn chế Trung Quốc, và tất nhiên là phải dựa vào sức mạnh của Mỹ. Tuy nhiên nếu nhìn vào những gì mà nước Mỹ đang phải đối mặt, nhất là thâm hụt ngân sách thì chúng ta không thể không đặt câu hỏi là liệu Hoa Kỳ sẽ vẫn còn là cường quốc trên biển Thái Bình Dương trong vòng 3 cho tới 5 năm tới hay không? Và trong trường hợp đó thì chỉ còn cách là chấp nhận những cái gì không thể tránh khỏi, đó là một học thuyết Monroe kiểu Trung Quốc tại Đông Á.
"Nhưng điều tiếp theo là vậy chúng ta có thể làm gì, Philippines có thể làm gì? Chúng tôi không có khả năng về quân sự vào lúc này ngay kể cả là để theo dõi các hành động trên biển của Trung quốc. Cho nên có thể là chúng ta biết điều gì có thể xảy ra nhưng vậy thì chúng ta có thể làm gì?
"Rất khó để trả lời, Asean hoạt động trên nguyên tắc bội số chung nhỏ nhất có nghĩa là tất cả những dàn xếp đều phải thỏa mãn lợi ích quốc gia hay là có tính đến lợi ích quốc gia của cả 9 thành viên khác. Cho nên là Việt Nam, Philippines và chủ tịch hiện tại của Asean phải đưa ra được một sáng kiến gì đó để khiến các thành viên khác tham gia".
Ông Ian Storey, một chuyên gia về Đông Nam Á, đã có ý kiến như sau:
"Trong năm 2010 một loạt nước tại diễn đàn khu vực ASEAN vào tháng 7 và hội nghị quốc phòng ASEAN vào tháng 10 đã đưa ra các thông điệp tới Trung Quốc là họ không hài lòng và quan ngại với thái độ của Trung Quốc không chỉ trên biển Đông mà còn cả các vùng biển khác.
"Có mong đợi là nếu có những chỉ trích đồng loạt như vậy thì Trung Quốc sẽ xem xét lại chính sách của mình nhưng thực tế họ đã không làm vậy.
Theo ông, các nước trong khu vực và thậm chí là cả vùng đông bắc là Nhật Bản rất lo ngại về đòi hỏi của Trung Quốc về lãnh thổ trên biển. Họ phải theo đuổi một loạt các chiến lược như ngoại giao, họ nói chuyện với Trung Quốc song phương và cả đa phương. Một vài nước còn hiện đại hóa quân đội như để bảo vệ mình trước Trung Quốc hoặc tiến tới gần với Mỹ, vì Mỹ là nước duy nhất có thể cân bằng với Trung Quốc trên Biển Đông.
Giáo sư Nick Bisley dạy môn quan hệ quốc tế tại trường đại học La Trope của Úc đã có ý kiến về khả năng của Úc trong các biến động ở Biển Đông như sau:
"Tôi nghĩ rất khó có khả năng Úc sẽ can thiệp vào những sự kiện đụng độ nhỏ trên biển Đông, Úc không muốn tham gia về mặt quốc phòng vào các khu vực nhạy cảm như biển Đông. Úc sẽ rất miễn cưỡng trong chuyện này trừ khi có sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc hay đa quốc gia.
"Thái độ của Úc như tôi biết được qua sự tiếp xúc với giới chức chính phủ lúc này là đồng hành với ASEAN để đạt được Bộ Quy Tắc Về Ưng Xử (Code of Conduct) trên biển Đông, hay có thể là một tuyên bố mạnh hơn bản tuyên bố năm 2002. Điều này không phải dễ vì có sự khác biệt giữa các nước thuộc khối, họ cũng có tranh chấp, và thứ hai họ còn gặp khó khăn với Trung Quốc và Mỹ. Vì thế, ông "không tin là một COC có thể thỏa mãn được tất cả các bên có thể sớm thành hình".
Nhìn chung, ý kiến về phương thức đối phó với Trung Quốc gồm những điểm chính sau đây:
(1) Khó có thể đối kháng với Trung Quốc bằng quân sự, vì cả Việt Nam lẫn Philippines không có khả năng về quân sự vào lúc này, ngay cả để theo dõi các hành động trên biển của Trung quốc. Việt Nam đã đụng độ với Trung Quốc năm 1988 và đã bị thiệt hại nặng nề.
(2) Nhờ sự bảo vệ của Mỹ: Giữa Philippines và Mỹ có hiệp ước này 30.8.1951 bảo vệ các hòn đảo, tàu thuyền và máy bay của Philippines trên Thái Bình Dương khi bị tấn công, nhưng khi có đụng độ, Philippines có thực sự được bảo vệ hay không thì có thể là vấn đề khác.
(3) Cách tốt nhất là các nước ASEAN cùng nhau kiềm chế Trung Quốc và phải dựa vào Mỹ. Nhưng cũng có những khó khăn sau đây:
Về phía các nước ASEAN, phải đưa ra được một sáng kiến gì đó để khiến các thành viên khác tham gia.
Về phía Mỹ: Nước này đang gặp khó khăn về ngân sách không thể biết Mỹ còn là một cường quốc trên Thái Bình Dương trong vòng 3 cho tới 5 năm tới hay không?
CÁCH ĐỐI PHÓ CỦA VIỆT NAM
VNCH (Miền Nam) và CSVN đều đã từng đối phó với sự xâm chiếm lãnh hải của Trung Quốc, nhưng mỗi bên có những khó khăn và thuận lợi khác nhau:
A. Về phía VNCH trước đây
Trong thời kỳ Pháp thuộc cũng như trong thời kỳ Mỹ tham gia vào cuộc chiến Đông Dương, Trung Quốc không bao giờ dám tranh chấp về lãnh hải với Việt Nam vì lúc đó khả năng quân sự của Trung Quốc còn yếu kém.
Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết, chủ quyền quốc gia được chuyển qua tay người Mỹ, họ đã xử dụng những người chỉ biết tuân theo chính sách của Mỹ, nên khi Mỹ bỏ, không phải chỉ có lãnh hải mà toàn bộ miền Nam đã bị mất.
B. Về phía CSVN
Nằm trong hệ thống cộng sản quốc tế, CSVN bị lệ thuộc vào hai nước đàn anh là Liên Sô và Trung Cộng. Có thể nói, không có Trung Cộng, CSVN không thể chiếm được miền Bắc năm 1954 và toàn Việt Nam năm 1975.
Để có phương tiện đánh chiếm miền Nam, CSVN đã phải ngầm bán Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Tuyên bố ngày 4.9.1958 của Chính Phủ Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa về lãnh hải và Công Hàm ngày 14.9.1958 của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng công nhận tuyên bố này, có thể được coi là một thỏa ước công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, mặc dầu trên phương diện pháp lý, hai văn kiện này không có giá trị gì cả. Lúc đó, CSVN đã coi việc đổi Hoàng Sa và Trường Sa để lấy miền Nam là thượng sách.
Vì phải dãi nắng dầm sương với Trung Cộng từ năm 1949 đến nay, CSVN hiểu rõ Trung Cộng hơn bất cứ ai hết. Cuốn "Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua" của Bộ Ngoại Giao CSVN được nhà xuất bản Sự Thật xuất bản vào tháng 10 năm 1979 đã nói lên gần hết mặt trái đàng sau của "tình hữu nghị Việt – Trung" và chính sách xâm lược của Trung Quốc.
Các tài liệu được công bố trên một số cơ quan truyền thông ở trong nước cho thấy các ban nghiên cứu của CSVN đã nắm rất vững vấn đề Biển Đông, cách hành xử của Trung Quốc, thái độ của khối ASEAN, thái độ của Mỹ, v.v. Bên ngoài, đảng CSVN đang đi theo đường lối chung: Kêu gọi các quốc gia ASEAN hợp tác để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc, kêu gọi tiến tới thông qua một Quy Tắc Ưng Xử ở Biển Đông (Code of Conduct – COC), yêu cầu Mỹ mạnh tay hơn đối với Trung Quốc, v.v. Bên trong, đảng CSVN đang thăm dò phản ứng của các bên để tùy cơ ứng biến.
DẬY MÀ ĐI HỠI ĐỒNG BÀO ƠI!
Hôm Chúa nhật 5.6.2011, đảng CSVN đã cho tổ chức một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn dưới hình thức "quần chúng nổi dậy" với hai mục tiêu chính: (1) Xả xú bắp cho phong trào đòi lên án Trung Quốc, và (2) thăm dò phản ứng của Trung Quốc.
Đây là một cuộc biểu tình được chuẩn bị rất kỹ càng. Các thành phần có thể gây biến động đã bị lượm trước. Các thành phần "không thể kiểm soát được" đã bị chận lại trên đường đi đến nơi biểu tình. Các thành phần tham dự biểu tình đã được lựa chọn. Một số nhân vật "kỳ cựu" như Nguyễn Đình Đầu, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Đình Vượng, Vương Đình Chữ, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quốc Thái, Hồ Cương Quyết... được đưa ra để làm cho cuộc biểu tình có thêm màu mè. Các biểu ngữ và khẩu hiệu được hô cũng được giới hạn: "Đã đảo Trung Quốc xâm lược", "Biển Đông – Việt Nam". Các bài hát được chọn cũng chỉ có ba bài: "Lên đàng" (Lê Hữu Phước), "Hành trình nối vòng tay lớn" (Nguyễn Văn Hiên), "Dậy mà đi" (Nguyễn Xuân Tân):
Dậy mà đi, dậy mà đi
Ai chiến thắng không hề chiến bại
Ai nên khôn không khốn một lần
Dậy mà đi, dậy mà đi
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi
Máy quay phim và máy chụp hình hoạt động liên tục, nhiều nhân viên an ninh được cài vào trong đoàn biểu tình. Một lực lượng an ninh lớn đã được chuẩn bị để can thiệp khi có biến. Nhà cầm quyền rất sợ các phần tử "phản động" hay bất mãn với chế độ biến cuộc biểu tình chống Trung Quốc thành cuộc biểu tình chống chế độ.
Một tuần sau, ngày 12.6.2011, một số người tưởng chính quyền đã cho phép biểu tình chống Trung Quốc, nên tụ tập lại ở Hà Nội và Sài Gòn để tiếp tục biểu tình. Nhưng bài "Nỗi buồn ngày biểu tình 12.6" được đài RFA phổ biến ngày 13.6.2011 cho biết quanh khu Lãnh sự quán Trung Quốc, công an và dân phòng đã ngập đường, đông gấp 5 lần so với tuần trước. Ai đi tới gần LSQ cũng bị công an ngăn cản... Tại khu Nhà Thờ Đức Bà "có anh vừa hô "Hoàng Sa, Trường Sa" liền bị một anh an ninh cầm tờ báo cuộn tròn đập bốp vào giữa mặt, rồi áp giải đi luôn".
Người Việt hải ngoại ở Los Angeles, San Jose và nhiều nơi khác cũng đã biểu tình chống Trung Quốc, nhưng lòng hận thù Cộng Sản và sự phản kháng Trung Quốc đã quyện lẫn vào nhau. Câu phương châm "L‘ennemi de mon ennemi est mon ami!" (Kẻ thù của kẻ thù tôi là bạn tôi) vẫn còn là kim chỉ nam cho hành động, nên một số người cho rằng chỉ cần phá sập chế độ cộng sản là mọi chuyện sẽ được giải quyết. Đây là chỉ một lực lượng nhỏ bé, hành động theo cảm tính, không đường lối rõ rệt, không có lãnh đạo, không theo một kế hoạch, chiến lược hay chiến thuật nào, nên không gây ảnh hưởng gì đến cuộc tranh chấp ở Biển Đông hiện nay.
Để thể hiện chủ quyền trên Biển Đông, ít ra trên phương diện khai thác dầu lửa, Trung Quốc đã biểu dương khí thế để buộc các nước liên hệ, nhất là Philippines và Việt Nam, phải thương lượng song phương với họ, chấp nhận chủ quyền của họ và họ sẽ cho phép khai thác một số khu vực nào đó. Trong khi đó, một số chuyên gia lại đề nghị chia vùng khai thác trên biển đông, không tranh luận về chủ quyền, nhưng Trung Quốc bác bỏ. Các nuớc ASEAN và Hoa Kỳ muốn thi hành Tuyên bố chung về Ưng Xử Giữa Các Bên ở Biển Đông 2002 (Declaration on the Conduct of Parties - DOC) về giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trong hoà bình và tiến tới thông qua Quy Tắc Ưng Xử ở Biển Đông (Code of Conduct – COC), nhưng Trung Quốc không chấp nhận. Thỉnh thoảng Trung Quốc lại gây rối ở Biển Đông để đòi chủ quyền của Trung Quốc. Nếu các quốc gia liên hệ phản ứng mạnh, Trung Quốc sẽ lùi lại, nhưng ít lâu sau lại giở trò cũ. Con đường chông gai còn dài.
Tường thuật thánh lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II
Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 1-5-2011 kính Lòng Thương Xót Chúa, ĐTC Biển Đức XVI đã chủ sự lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II trước thềm đền thờ thánh Phêrô.
Trái với lời tiên đoán thời tiết mưa, trời Roma sáng Chúa Nhật đã có nắng ấm mùa xuân chan hòa rất đẹp. Tham dự thánh lễ phong Chân Phước đã có 87 phái đoàn chính thức từ các nước về Roma dự lễ phong thánh, trong đó có có 16 vị Quốc trưởng, 5 hoàng gia Âu Châu là Bỉ, Tây Ban Nha, Anh, Luxemburg và Liechtenstein. Phái đoàn Italia do tổng thống Giorgio Napolitano và thủ tướng Silvio Berlusconi cầm đầu. Thủ tướng Francois Fillon đại diện cho nước Pháp, Vua Albert II và hoàng hậu Paola đại diện cho nước Bỉ. Quận Công Henri đại diện cho nước Luxembourg. Số tín hữu từ khắp nơi trên thế giới về dự lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II vào khoảng một triệu người.
Đông đảo nhất là tín hữu Italia khoảng 3-4 trăm ngàn người, đa số là các thế hệ đã sinh ra và lớn lên dưới triều đại của Đức Gioan Phaolô II. Ba Lan có 80.000 tín hữu do Hội Đồng Giám Mục hướng dẫn. Pháp có 40.000 tín hữu với 30 Giám Mục. Trong số các tín Pháp có nữ tu Marie Simon Pierre, người đã được phép lạ khỏi bệnh Parkinson nhờ lời bầu cử của Đức Gioan Phaolô II. Các nước khác, mỗi nước cũng từ năm mười ngàn người trở lên. Từ Việt Nam cũng có một phải đoàn do linh mục Trương Kim Hương hướng dẫn gồm khoảng 20 người, trong đó có 13 Linh Mục. Từ Anh quốc có phái đoàn 50 người do cha Phaolô Huỳnh Chánh hướng dẫn.
Đã có hơn 2.300 ký giả từ 100 nước đăng ký để theo dõi và tường thuật, trong đó có 1.300 phóng viên các đài truyền hình. Lúc 2 giờ sáng, các nhân viên an ninh đã mở các rào chắn cho tín hữu vào thay vì lúc 5 giờ như dự định.
Quảng trường thánh Phêrô, đại lộ Hòa Giải, lâu đài Thiên Thần, các con đường phụ cận Vaticăng đầy đặc tín hữu và du khách hành hương, khoảng trên 400.000 người. Những người không thể vào gần hơn đã tìm đến quảng trường thánh Gioan Laterano hay đến Circo Massimo, nơi chiều thứ Bẩy đã có buổi canh thức do ĐHY Agostino Vallini, Giám Quản Roma chủ sự từ 8.00 cho tới 11.30 tối, với sự tham dự của hơn 100.000 tín hữu. Ở đâu không có màn hình, tín hữu đã theo dõi thánh lễ qua radio và các loại điện thoại cầm tay đời mới như Ipad, Iphone.
Quảng trường thánh Phêrô được trang hoàng đơn sơ, nhưng rất đẹp. Bên trái có bức hình khổng lồ của Đức Gioan Phaolô cầm gậy mục tử với lời người kêu gọi trong bài giảng thánh lễ khai mào chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ ngày 22.10.1978: "Hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô". Phía đối diện bên phải là nhiều bức hình ghi lại các biến cố chính trong triều đại của người, trong đó có buổi liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi. Ở hai đầu hành lang bao bọc quảng trường có hình bức khảm đá mầu Mater Eccleasiae Mẹ giáo Hội, mà Đức Gioan Phaolô II đã cho đặt trên Dinh Tông Tòa trong Năm Thánh Mẫu.
Thềm đền thờ được trang hoàng như một vườn hoa nhỏ rất dễ thương. Phía bên trái thềm đền thờ Thánh Phêrô được dành cho mấy trăm Hồng Y, Giám Mục và các giám chức, và phía bên phải dành cho các phái đoàn chính thức. Ở bên trái phía chân thềm đền thờ dành cho hơn 5.000 Linh Mục, các bệnh nhân, và người khuyết tật, còn phía bên phải được dành cho ngoại giao đoàn, chính quyền dân sự và khách mời danh dự.
Ngoài các Hồng Y, được đồng tế với ĐTC còn có Đức Cha Miệc-Tếk (Mieczyslaw Mokrzycki), Tổng Giám Mục giáo phận Lvov của Công giáo la tinh ở Ucraine, là người kế nhiệm Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ trong nhiệm vụ bí thư thứ 2 của Đức Cố Giáo Hoàng từ năm 1995 đến 2005.
Ban giúp lễ gồm các đại chủng sinh giáo phận Roma và các phó tế sẽ được thụ phong linh mục trong năm nay thuộc giáo phận Roma. Chén lễ dùng trong thánh lễ cũng là chén mà Đức Cố Giáo Hoàng đã dùng trong những năm cuối của triều đại Giáo Hoàng. Cũng vậy đối với áo lễ và mũ Giám Mục mà ĐTC đương kim dùng trong thánh lễ phong chân phước.
Xe díp chở ĐTC Biển Đức XVI đã đi một vòng để ngài chào các tín hữu giữa các tràng pháo tay và cờ vẫy trong khi ca đoàn Sistina hát thánh ca nhập lễ.
Sau phần mở đầu lễ và kinh Thương Xót, ĐHY Agostino Vallini, Giám Quản Roma và Đức Ông Oder, thỉnh nguyện viên phong thánh tiến tới trước mặt ĐTC và xin ĐTC phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II.
ĐHY Vallini nói: Lậy ĐTC, vị Tổng Giám Quản của ĐTC cho giáo phận Roma khiêm tốn xin ĐTC ghi vào sổ bộ các Chân Phước, Vị Tôi Tớ Đáng Kính của Thiên Chúa Gioan Phaolô II. Tín hữu đã vỗ tay khi nghe tên Đức Gioan Phaolô II. Sau đó ĐHY đã đọc tóm tắt tiểu sử của Đức Gioan Phaolô II.
Tiếp đến ĐTC Biển Đức XVI đã đọc công thức phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II như sau:
Chấp nhận ước mong của Người Anh Em chúng tôi là ĐHY Agostino Vallini, Giám Quản giáo phận Roma, của nhiều Anh Em khác trong Hàng Giám Mục, và nhiều tín hữu, sau khi đã có ý kiến của Bộ Phong Thánh, với Quyền Tông Đồ của chúng tôi, chúng tôi chấp thuận rằng Vị Tôi Tớ Đáng Kính của Thiên Chúa Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng, từ nay trở đi được gọi là Chân Phước, và có thể cử hành lễ của người hàng năm vào ngày 22 tháng 10 tại các nơi và theo các điều lệ do giáo luật thiết định. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần Amen.
Mọi người đã hân hoan vỗ tay rất lâu trong khi tấm màn che hình Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở bao lơn chính giữa đền thờ thánh Phêrô được từ từ vén lên. Hình Đức Giáo Hoàng nhìn nghiêng tươi vui mỉm cười hóm hỉnh, mắt to mắt bé.
Ca đoàn và cộng đoàn hát ba lần Amen, trong khi đó thánh tích của vị tân chân phước là một ống nhỏ đựng máu của người đã được nữ tu Marie Simon Pierre và nữ tu Tobiana, người đã phục vụ Đức Gioan Phaolô 2, rước lên đặt tại giá cao cạnh bàn thờ. Ống máu nhỏ được gắn ở giữa 4 nhành ô liu bằng bạc.
Đây là 1 trong bốn ống máu đã được các nhân viên y tế lấy trong những ngày cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II và được giữ tại nhà thương Chúa Hài Đồng Giêsu, phòng hờ trường hợp phải chuyền máu cho ngài, nhưng đã không dùng đến. Máu ở thể lỏng vì chất chống đông tụ. Hiện nay 2 ống do ĐHY Stanislaw Dziwicz giữ bên Cracovia, ống còn lại do các nữ tu nhà thương Chúa Hài Đồng Giêsu giữ gìn như thánh tích qúy báu.
Các bài đọc phụng vụ đã được tuyên đọc bằng các thứ Ba Lan và Anh. Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý và Phúc Âm được hát bằng tiếng La Tinh.
Trong bài giảng, ĐTC ca ngợi mối phúc thật mà Đức Gioan Phaolô 2 đã nhận lãnh, đó là mối phúc đức tin, lòng kính mến của Người đối Đức Mẹ, và công trình của Đức Chân Phước Giáo Hoàng dẫn Dân Chúa tiến qua ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ ba, và sau cùng là kinh nghiệm bản thân của Ngài về vị Tiền Nhiệm. ĐTC nói:
Anh chị em thân mến, "Cách đây hơn 6 năm, chúng ta đã tụ họp tại Quảng trường này để cử hành lễ an táng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2. Nỗi đau buồn vì sự mất mát thật là sâu đậm, nhưng cũng có một cảm thức lớn lao hơn nữa về một ân phúc vô biên bao trùm Roma và toàn thế giới: ân phúc ấy như là thành quả trọn cuộc đời vị Tiền Nhiệm yêu quí của tôi và đặc biệt là chứng tá của ngài trong đau khổ. Ngay từ ngày ấy, chúng ta đã cảm thấy hương thơm thánh thiện của ngài loan tỏa và Dân Chúa đã biểu lộ lòng tôn kính ngài bằng nhiều cách. Vì thế, tôi đã muốn rằng án phong chân phước cho ngài được tiến hành sớm trong niềm tôn trọng đúng phép đối với qui luật của Giáo Hội. Và nay, ngày mong đợi đã đến; và đã đến sớm, vì điều đẹp lòng Chúa là: Đức Gioan Phaolô 2 là chân phước!"
ĐTC chào thăm tất cả các Hồng Y, Thượng Phụ, các Giám Mục, Linh Mục và các phái đoàn chính thức, các đại sứ và chính quyền, các tu sĩ nam nữ và giáo dân, cả những người theo dõi qua truyền thanh và truyền hình, rồi ngài nói đến Chúa nhật thứ 2 sau Phục Sinh, chúa nhật mà Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2 đã đặt tên là Chúa Nhật kính Lòng Từ Bi Chúa. ĐTC nói: "Chúa nhật này được chọn làm ngày cử hành lễ phong chân phước vì, do một ý định của Chúa Quan Phòng, vị Tiền Nhiệm của tôi đã từ trần chính vào tối hôm áp lễ này. Ngoài ra, hôm nay là ngày đầu tháng 5, tháng kính Đức Mẹ Maria và cũng là ngày kính nhớ thánh Giuse Thợ. Các yếu tố này góp phần làm cho kinh nguyện của chúng ta thêm phong phú, nâng đỡ chúng ta là những người còn lữ hành trong thời gian và không gian; trong khi ở trên trời, đại lễ nơi các Thiên Thần và các Thánh rất khác! Tuy nhiên, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một Đức Kitô là Chúa, Đấng giống như chiếc cầu nối liền đất và Trời, và chúng ta trong lúc này đây, chúng ta cảm thấy gần gũi hơn bao giờ hết, như thể được tham dự vào Phụng vụ thiên quốc."
Tiếp tục bài giảng, ĐTC áp dụng một số ý tưởng trong các bài đọc của thánh lễ vào cuộc đời của Đức Chân Phước Giáo Hoàng: "Phúc cho những người không thấy mà tin" (Ga 20,29). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố mối phúc này: mối phúc đức tin này đánh động chúng ta một cách đặc biệt vì chúng ta tụ họp nơi đây để cử hành một lễ phong chân phước, và hơn nữa, hôm nay là lễ phong chân phước cho một vị Giáo Hoàng, người Kế Vị thánh Phêrô được kêu gọi củng cố anh em mình trong đức tin. Đức Gioan Phaolô 2 là chân phước vì niềm tin của ngài, niềm tin mạnh mẽ và quảng đại, tông truyền. Và chúng ta nhớ ngay tới một mối phúc khác: 'Hỡi Simon, con của Giona, con có phúc vì không phải phàm nhân tỏ điều đó cho con, nhưng chính là Cha Thầy ở trên trời' (Mt 16,17). Cha trên trời đã tỏ điều gì cho Simon? Thưa đó là: Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Do niềm tin đó, Simon trở thành "Phêrô", là đá tảng trên đó Chúa Giêsu xây dựng Giáo Hội của Người. Hạnh phúc vĩnh cửu của Đức Gioan Phaolô 2 mà hôm nay Giáo Hội vui mừng tuyên bố, hệ tại lời này của Chúa Kitô: 'Hỡi Simon, con có phúc' và 'Phúc cho những ai không thấy mà tin!'. Hạnh phúc đức tin, mà Đức Gioan Phaolô 2 đã lãnh nhận từ Chúa Cha như hồng ân, để xây dựng Giáo Hội của Chúa Kitô." (...)
ĐTC nói thêm rằng: Anh chị em thân mến, hôm nay hình ảnh Đức Gioan Phaolô 2 kính mến chiếu tỏa rạng ngời trước mắt chúng ta trong ánh sáng thiêng liêng tràn đầy của Chúa Kitô phục sinh. Hôm nay tên của ngài được thêm vào hàng ngũ các thánh và chân phước mà ngài đã tôn phong trong gần 27 năm làm Giáo Hoàng, nhắc nhớ hùng hồn về ơn gọi của tất cả hãy đạt tới đỉnh cao của đời sống Kitô, đạt tới sự thánh thiện, như Hiến chế Lumen gentium, Ánh sáng muôn dân, của Công đồng đã quả quyết. Tất cả mọi thành phần của Dân Chúa - Giám Mục, Linh Mục, phó tế, giáo dân, tu sĩ nam nữ - chúng ta đang tiến về quê hương thiên quốc, nơi mà Đức Trinh Nữ Maria đi trước chúng ta, Mẹ kết hiệp một cách đặc biệt và hoàn hảo với mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội. Đức Karol Wojtila, trước tiên như Giám Mục Phụ tá, rồi như Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia, đã tham dự Công Đồng Chung Vatican 2 và ngài biết rõ rằng sự kiện Công Đồng dành cho Mẹ Maria chương cuối cùng trong Văn kiện về Giáo Hội có nghĩa là đặt Mẹ Đấng Cứu Chuộc như hình ảnh và mẫu gương thánh thiện cho mỗi Kitô hữu và cho toàn thể Giáo Hội. Cái nhìn thần học này cũng là cái nhìn mà Đức Chân phước Gioan Phaolô 2 đã khám phá khi còn trẻ, và sau đó đã bảo tồn và đào sâu suốt đời. Đó là một cái nhìn được tóm gọn trong hình ảnh của Kinh Thánh về Chúa Kitô trên Thánh Giá cạnh Đức Maria Mẹ Người. Đó là một hình ảnh ở trong Tin mừng theo thánh Gioan (19,25-27) và được tóm tắt trong huy hiệu Giám Mục và huy hiệu Giáo Hoàng của Đức Karol Wojtila: trên đó có một Thánh Giá màu vàng, một chữ M dưới chân bên phải của Thánh Giá, và khẩu hiệu "Totus tuus", Toàn thân con thuộc về Mẹ, là câu nói nổi tiếng của thánh Louis Marie de Montfort trong đó Đức Karol Wojtila đã tìm được nguyên lý nền tảng cho cuộc đời của ngài: "Toàn thân con thuộc về Mẹ, mọi sự của con là của Mẹ. Con đón nhận Mẹ trong mọi sự của con. Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con trái tim Mẹ" (Totus tuus ego sum et omnia mea tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi cor tuum) (Trattato della vera devozione alla Santa Vergina, n.266).
Trong di chúc, Đức tân chân phước đã viết: "Ngày 16-10-1978, khi mật nghị Hồng chọn Gioan Phaolô 2, ĐHY Stefan Wyszynbski, Giáo Chủ Ba Lan, nói với tôi: "Nhiệm vụ của vị Giáo Hoàng mới là đưa Giáo Hội vào Ngàn Năm Thứ Ba". Và ngài viết thêm: "Một lần nữa tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Thánh Linh vì đại hồng ân Công Đồng Chung Vatican 2, mà tôi cảm thấy mắc nợ cùng với toàn thể Giáo Hội, nhất là toàn thể hàng Giám Mục. Tôi xác tín rằng về lâu về dài các thế hệ mới còn được kín múc từ sự phong phú mà Công Đồng Chung của thế kỷ 20 đã rộng ban cho chúng ta. Trong tư cách là Giám Mục đã tham dự Công đồng từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng, tôi muốn phó thác gia sản lớn lao này cho tất cả những người đang và sẽ được kêu gọi thi hành gia sản này trong tương lai. Về phần tôi, tôi cảm tạ vị Mục Tử Vĩnh Cữu đã cho tôi được phục vụ chính nghĩa rất cao cả trong tất cả những năm qua trong triều đại Giáo Hoàng của tôi".
Đâu là chính nghĩa ấy? Chính nghĩa ấy đã được Đức Gioan Phaolô 2 nói đến trong thánh lễ trọng thể đầu tiên của ngài tại Quảng trường thánh Phêrô, với những lời đáng ghi nhớ: "Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, đúng hơn, hãy mở toang mọi cánh cửa cho Chúa Kitô!". Điều mà Đức tân Giáo Hoàng yêu cầu tất cả mọi người, chính ngài đã thi hành trước tiên: ngài đã mở rộng cho Chúa Kitô xã hội, văn hóa, các chế độ chính trị và kinh tế, với sức mạnh của một người khổng lồ, sức mạnh ngài nhận được từ Thiên Chúa, ngài đã đảo lộn một xu hướng dường như không thể lật ngược được".
Tiếp tục bài giảng trong lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2, ĐTC nhận xét rằng: Đức Karol Wojtila lên ngai tòa thánh Phêrô mang theo suy tư sâu sắc của ngài về sự đối chiếu giữa thuyết mác xít và Kitô giáo, quy trọng tâm vào con người. Sứ điệp của ngài là: con người là đường đi của Giáo Hội và Chúa Kitô là con đường của con người. Với sứ điệp này, vốn là đại gia sản của Công Đồng Chung Vatican 2 và của Vị Tôi Tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Phaolô 6, "hoa tiêu" của Công Đồng, Đức Gioan Phaolô 2 đã hướng dẫn Dân Chúa tiến qua ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ Ba, mà nhờ Chúa Kitô, ngài đã có thể gọi là "ngưỡng cửa hy vọng". Đúng vậy, qua hành trình dài chuẩn bị Đại Năm Thánh, Ngài đã mang lại cho Kitô giáo một hướng đi mới tiến về tương lai, tương lai của Thiên Chúa, tương lai siêu việt so với lịch sử, nhưng cũng ảnh hưởng trên lịch sử. Sức mạnh của niềm hy vọng ấy trước đó phần nào đã bị nhường cho chủ thuyết mác xít và ý thức hệ tiến bộ, nhưng ngài đã phục hồi một cách hợp pháp cho Kitô giáo, trả lại cho Kitô giáo hình dạng đích thực của niềm hy vọng, một niềm hy vọng cần được sống trong lịch sử với tinh thần chờ đợi, trong cuộc sống bản thân và cộng đồng, hướng về Chúa Kitô, là sự sung mãn của con người và là sự viên mãn những mong đợi công lý và hòa bình.
Trong phần kết của bài giảng, ĐTC gợi lại quan hệ bản thân với Đức chân phước Giáo Hoàng. Ngài nói: "Sau cùng, tôi cũng muốn cảm tạ Thiên Chúa vì kinh nghiệm bản thân Chúa đã ban cho tôi, được cộng tác lâu dài với Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2. Trước kia, tôi đã từng được biết và quí mến ngài, nhưng từ năm 1982, khi ngài gọi tôi về Roma làm Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, trong 23 năm trời, tôi đã được ở gần ngài và ngày càng kính mến ngài hơn. Công tác phục vụ của tôi được nâng đỡ nhờ linh đạo sâu xa và những trực giác phong phú của ngài. Gương cầu nguyện của ngài luôn đánh động và khích lệ tôi: Ngài chìm đắm trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, dù giữa bao nhiêu công việc bề bộn trong sứ vụ của ngài. Rồi chứng tá của ngài trong đau khổ: Chúa đã dần dần tước bỏ mọi sự của ngài, nhưng ngài vẫn luôn là "một đá tảng" như Chúa Kitô đã muốn. Lòng khiêm tốn sâu xa của ngài được ăn rễ sâu nơi sự kết hiệp thân mật với Chúa Kitô, đã giúp ngài tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội và mang lại cho thế giới một sứ điệp hùng hồn hơn, chính trong thời kỳ sức lực thể lý của ngài bị suy giảm. Vì thế, ngài đã thực hiện một cách ngoại thường ơn gọi của mỗi linh mục và giám mục, đó là trở nên một với Chúa Giêsu, Đấng mà hằng ngày các vị lãnh nhận và trao ban trong Thánh Thể."
"ĐGH Gioan Phaolô 2 quí yêu, phúc cho ngài vì ngài đã tin! Chúng con xin ngài tiếp tục nâng đỡ niềm tin của Dân Chúa từ trời cao. Amen."
Bài giảng của ĐTC đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay dài của tín hữu.
Lời nguyện giáo dân cầu cho các nhu cầu của Giáo Hội được đọc bằng các thứ tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Nga, và Anh. Lời nguyện tiếng Đức cầu cho kitô hữu bị bách hại được can đảm và kiên trì trong đức tin.
Ba cặp nam nữ đã bưng lễ vật lên ĐTC, đi đầu là một cặp năm nữ trong sắc phục cổ truyền Ba Lan rất đẹp.
ĐTC đã cho một số tín hữu rước lễ, trong đó có hai nữ tu Marie Simon Pierre và nữ tu Tobiana. 800 Linh Mục đã giúp ĐTC cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.
Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tậy Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Ý. Ngài chào các phái đoàn chính thức, các giới lãnh đạo dân sự và quân sự, các linh mục tu sĩ nam nữ và rất đông đảo tín hữu đến tham dự thánh lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II. Ngài ước mong cuộc sống và công trình của Chân Phước Gioan Phaolô II là suối nguồn cho một dấn thân mới phục vụ tất cả mọi người và toàn con người. ĐTC xin vị Tân Chân Phước chúc lành cho các cố gắng của mỗi người trong việc xây dựng một nền văn minh tình thương, trong sự tôn trọng phẩm giá của từng người được dựng nên giống hình ảnh của Chúa, và đặc biết chú ý tới những người yếu đuối hơn.
ĐTC đã đặc biệt cám ơn chính quyền Italia, tổng thống, chính phủ và các giới chức thành phố Roma, cũng như mọi tổ chức và hiệp hội, các lực lượng an ninh và đông đảo các thiện nguyện viên vì sự cộng tác tích cực báu cho ngày lễ này. Ngài cũng chào các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô các đường phụ cận và tại nhiều nơi khác trong thành phố Roma, đặc biệt là các bệnh nhân, người già cả cũng như những ai theo dõi lễ nghi qua các đài phát thanh truyền hình. Ngài phó thác mọi người cho lời bầu cử của Tân Chân Phước và tình yêu thương hiền mẫu của Mẹ Maria.
Sau cùng ĐTC đã đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho mọi người
Tiếp đến ĐTC và các vị Hồng Y đồng tế đã vào bên trong Đền thờ thánh Phêrô để tôn kính quan tài của Đức Gioan Phaolô 2, theo sau là các phải đoàn chính quyền, các giám mục, các bệnh nhân, rồi đến các tín hữu.
Lễ nghi mở mộ Đức Gioan Phaolô II đã diễn ra lúc 9 giờ sáng thứ sáu 29-4-2011 dưới hầm đền thờ thánh Phêrô, trước sự hiện diện của ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Quan tài của Đức Gioan Phaolô II được đặt trước mộ của thánh Phêrô có phủ một khăn viền vàng. Sáng Chúa Nhật, quan tài đã được đưa lên đặt trước bàn thờ tuyên xưng đức tin của đền thờ thánh Phêrô. Chiều thứ hai quan tài Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được bỏ vào một hộc trong nhà nguyện thánh Sebastiano cạnh nhà nguyện Pietà. Tấm bia mộ của người sẽ được đưa về Cracovia và sẽ được đặt trong nhà thờ mới dâng kính người.
Lúc 10g30 sáng thứ hai 2-5-2011 ĐHY Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chủ sự thánh lễ tạ ơn tại quảng trường thánh Phêrô.
Cuộc cách mạng hoa đăng! rực sáng ánh lửa cầu nguyện cho Tổ quốc, cho Sự thật - Công lý
BY: THIÊN PHONG
LTS. Nhân ngày kỷ niệm 36 năm biến cố 30.4.1975 (Ngày Quốc Hận!), mục biến cố trong tháng xin được gửi đến quý độc giả bốn phương phong trào thắp nến cầu nguyện cho Tổ Quốc, cho Sự Thật -Công Lý. Những buổi cầu nguyện thắp nến sáng này đã được khai mào từ lá thư kêu gọi của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt vào ngày 15.12.2007, nay lại bùng lên, rực sáng từ Thái Hà, Hàm Long đến nhiều giáo xứ trong giáo phận Vinh nhân vụ xử án Ts Cù Huy Hà Vũ vào ngày mùng 4.4.2011 và sau đó vụ công an bắt giam Ls lê Quốc Quân và Bs. Phạm Hồng Sơn…Ánh sáng lại bừng sáng soi vào đêm đen của bạo lực, đẩy lui bóng tối của bất công, của gian tà…của bạo quyền cộng sản…Có thể mệnh danh phong trào thắp nến cầu nguyện tại Việt Nam từ bao năm tháng qua đang âm ỉ trở thành cuộc cách mạng hoa đăng...
Thắp nến cầu nguyện cho Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ tại Thái Hà
VRNs - Hà Nội - 02.04.2011 Thánh lễ chiều tối thứ bảy tại giáo xứ Thái Hà, khoảng gần bốn nghìn người tham dự hiệp thông dâng Thánh lễ và thắp nến cầu nguyện cho Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.
Thánh lễ được diễn ra lúc 19g tối, do Linh mục Matthêu Vũ Khởi Phụng, bề trên chính xứ chủ sự cùng 3 Linh mục đồng tế. Thánh lễ hôm nay có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Dương Hà, phu nhân của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.
Phần kết lễ, Linh mục đề cập đến vấn đề sự thật "Chúng ta phải nói sự thật trong lòng mến". Ngài nói "chúng ta nhận thấy càng ngày con người càng phải được giải phóng theo hướng nhân quyền, nhân phẩm càng được tôn trọng. Xã hội chúng ta cần sự tiến bộ theo hướng dựa trên phục vụ và công lý".
Ngài nói đến Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ như là sự cô động và phản ảnh lại bước đường trăn trở, nhiều khó khăn, đôi khi nhiều gian nguy của cả một cộng đồng, cả một dân tộc khi tìm hướng đi riêng. Tìm hướng xây dựng xã hội xứng hợp với con người hơn. Hơn nữa, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đối với người Công giáo có mối liên hệ khá đặc biệt, vì chính ông Vũ đã đứng ra bênh vực anh chị em giáo dân ở Cồn Dầu khi phải bị ra tòa. Hôm nay nhớ tới ông và cầu nguyện cho ông, cho gia đình, và qua đây Linh mục cũng nhắc nhở mọi người hãy nhớ đến nhiều người khác đang giống như ông Vũ đang gặp khó khăn, trắc trở.
Thánh lễ kết thúc, tất cả cộng đoàn đã cùng nhau thắp nến và cất cao lời Kinh Hòa Bình, tiến bước tới tượng Thánh Đức Mẹ. Bà Dương Hà theo sau đoàn đồng tế tiến bước tới chân Đức Mẹ giữa hàng ngàn người.
Doanh nhân trí thức Công giáo Miền Bắc ký tên đòi thả Ls. Quân và Bs. Sơn
Hà Nội - Chuỗi dài của những đêm nến cháy như vô tận lại tiếp tục được bừng dậy kể từ khi sau vụ Thái Hà - Tòa Khâm Sứ xảy ra mấy năm về trước. Thái Hà lại ngập tràn trong ánh sáng của Sự Thật - Công Lý - Hòa Bình để cầu nguyện cho tất cả các người con ưu tú đang bị nhà cầm quyền giam giữ bất tuân luật pháp. Tối Chúa nhật 10.04.2011, Doanh nhân Trí thức Công giáo và toàn thể cộng đồng Dân Chúa lại đốt lòng mến hướng về Luật sư Lê Quốc Quân cùng Bác sĩ Phạm Hồng Sơn.
Sau hàng loạt các giáo xứ của các giáo phận từ Vinh, Thái Bình, Hà Nội… đã đốt nến cầu nguyện cho Ls Quân và Bác sĩ Sơn, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Thì nay, Doanh nhân Trí thức Công giáo - một lực lượng mạnh mẽ về Đức Tin - giỏi về Tri thức - giàu về Kinh tế đã chính thức lên tiếng. Doanh Trí với nghiệp đoàn người là những luật sư, bác sĩ, nhà báo, giảng viên, các chủ doanh nghiệp, các tập đoàn lớn có nhiều đối tác làm ăn với thế giới bên ngoài. Họ chính là thành phần vô cùng thiết yếu để xây dựng xã hội phát triển, xây dựng Giáo hội thánh thiện, hiệp nhất.
Thánh lễ hôm nay có khoảng trên 5 nghìn người tham dự, Linh mục Giuse Nguyễn Văn Phượng chủ lễ, ngài cũng là cha Tuyên úy cho Doanh nhân Trí thức Công giáo Miền Bắc.
Từ khi cháy lên ngọn lửa cầu nguyện cho Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ tiếp đến là cầu nguyện cho Ls Quân cùng Bác sĩ Phạm Hồng Sơn. Một thực tế cho thấy, đã có rất nhiều nhà trí thức, nhiều người dân đã cùng đến để hiệp thông cầu nguyện cho các nhà tranh đấu này.
Thánh lễ cầu nguyện cho Ls Quân và Bác sĩ Phạm Hồng Sơn kết thúc, rất đông người tiếp tục ký vào bản kiến nghị buộc đòi nhà cầm quyền phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện đối với 2 ông.
Lễ Lá ở Thái Hà, thắp nến tạ ơn và cầu nguyện cho những người đang bị tù đày, giam cầm và bắt bớ
Tối chủ nhật 17.4.2011, tại Giáo xứ Thái Hà đã tiến hành lễ Lá bắt đầu bước vào Tuần Thánh - kỷ niệm biến cố Đức Giêsu Kitô chịu nạn cứu chuộc cho nhân loại. Thánh lễ cuối ngày lúc 20g quy tụ đông đúc giáo dân bà con xa quê và nhiều người đến từ các miền quê khác nhau.
Tham dự Thánh lễ có các gia đình Bs Phạm Hồng Sơn, Ls Lê Quốc Quân, Ts luật Cù Huy Hà Vũ cũng như các trí thức, doanh nhân và những người yêu mến Sự thật - Công lý đến để tạ ơn và cầu nguyện cho Ls Lê Quốc Quân, Bs Phạm Hồng Sơn, gia đình cũng như bản thân ông Cù Huy Hà Vũ và những người đang bị bắt bớ, giam cầm.
Trong Thánh Lễ, bài giảng của linh mục Bề trên Matthêu Vũ Khởi Phụng đã nêu lên cội nguồn cứu rỗi nhân loại là Đức Giêsu Kitô. Ngài đã xuống trần gian, mặc lấy thân xác nghèo hèn và chấp nhận cái chết của những người mạt hạng trong xã hội. Điều đó đã nói lên tinh thần của Đức Giêsu Kitô đứng về phía những người đau khổ, thấp cổ bé miệng không tiếng nói, không thế lực và quyền lực.
Về những biến cố vừa qua, giáo xứ đã hiệp thông với những người bị bắt bớ, giam cầm như Ts Luật Cù Huy Hà Vũ, Ls lê Quốc Quân, Bs Phạm Hồng Sơn và những người đau khổ khác như một sứ vụ, một trách nhiệm của những người theo chân Chúa Giêsu Kitô.
Chia sẻ sau Thánh lễ, bác sỹ Phạm Hồng Sơn đã nói lên những lời cảm ơn sâu sắc tự. Phần cầu nguyện, tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện cho Tiến sĩ Luật Hà Vũ và gia đình được bình an, sớm vượt qua được cơn nguy biến. Cùng đó, cộng đoàn cầu xin Thiên Chúa và Đức Mẹ đoái thương đất nước đang chìm trong cảnh đau thương, quằn quại. Cầu nguyện cho con người sớm được giải thoát khỏi sự bất nhân, độc tài, tham nhũng. Cầu xin cho con người yêu thương và trợ giúp nhau, quan tâm đến kẻ khó nghèo để từ đó kiến tạo nên một xã hội yêu thương và nhân ái. Toàn thể Dân Chúa dâng lên những lời cầu nguyện, cách riêng cho ông Cù Huy Hà Vũ và gia đình được đầy ơn lành, cầu nguyện cho ông được sự soi sáng và dẫn đường cũng như mọi người biết đấu tranh cho lẽ phải, để xây dựng nhân phẩm con người và xã hội hòa bình.
Kết thúc phần thắp nến cầu nguyện, đông đảo giáo dân vây quay bà Dương Hà và họ chia sẻ những tình cảm yêu mến đến bà.
Các buổi thắp nến cầu nguyện tại Giáo xứ Thái Hà đã lây lan nhanh chóng đến nhiều nơi khác
Các buổi thắp nến cầu nguyện tại Giáo xứ Thái Hà đã lây lan nhanh chóng đến nhiều nơi khác. Đặc biệt tại các giáo xứ Cầu Rầm, Yên Đại, Đồng Tháp và Lập Thạch trong giáo phận Vinh, quê hương của Luật sư Giuse Lê Quốc Quân, người vừa bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giam trái pháp luật sáng ngày 4.4.2011 khi anh đến tham dự phiên tòa gọi là "công khai" xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.
Cùng đồng hành với Thái Hà, giáo xứ Hàm Long, một giáo xứ mạnh mẽ, đầy lòng tin mến và luôn luôn bên cạnh những nơi bị đau khổ, cũng đã tiến hành một Thánh lễ, thắp nến cầu nguyện cho Ts luật Cù Huy Hà Vũ và gia đình. Cả không gian rực sáng ánh nến và lời cầu nguyện từ những con tim chân thành dâng lên Thiên Chúa.
Hưởng ứng lời kêu gọi của những người con giáo phận Vinh tại Hà Nội ngày 5.4.2011 về việc dâng Thánh lễ cầu nguyện cho một người trong cộng đoàn Vinh tại Hà Nội - Ls Lê Quốc Quân đang bị bắt bớ giam cầm trái luật pháp. Trong tâm tình hiệp thông mạnh mẽ với anh chị em cộng đoàn Vinh, đúng 19g30, khi ở Thái Hà - Hà Nội bắt đầu dâng Thánh lễ cầu nguyện thì cách đó hơn 300 km trên thành phố Vinh quê hương, cộng đoàn sinh viên thành phố Vinh cũng đã thắp nến cầu nguyện tại nhà thờ Cầu Rầm với đông đảo bạn trẻ là sinh viên và giáo dân tham dự.
Nội dung buổi cầu nguyện được chỉ rõ là để cầu nguyện cho các chứng nhân của Công Lý - Sự thật. Cầu nguyện cho gia đình Luật sư Cù Huy Hà Vũ, gia đình Luật sư Lê Quốc Quân, gia đình Bác sĩ Phạm Hồng Sơn và các nạn nhân bị bách hại trong biến cố Cù Huy Hà Vũ. Đồng thời dâng lời cầu nguyện cho chị Thủy, một giáo dân Tam Tòa đã bị bách hại quá lâu qua biến cố Tam Tòa và hiện đang bị giam giữ tại Trại giam Nghi Kim, Nghệ An.
Trong buổi cầu nguyện, một lần nữa những hình ảnh sống động, trung thực trong phiên Tòa và những gì diễn ra bên ngoài Phiên Tòa cũng như những tình tiết chính xác liên quan tới việc bắt Luật sư Lê Quốc Quân khi anh ấy đang khoanh tay, ôn hòa trên vỉa hè ngoài khu vực xét xử… đã được phát chiếu lên màn hình lớn cho giáo dân và sinh viên tường tận những gì đã xảy ra.
Ai ai cũng cảm thấy tự hào khi nhìn thấy hình ảnh một Cù Huy Hà Vũ ngẩng cao đầu, hiên ngang bước đi giữa hàng loạt cảnh sát và hình ảnh ông trước vành móng ngựa hiên ngang, bình thản, khác với những gì hệ thống truyền thông nhà nước đã loan tải và kết tội.
Tiếp theo là hình ảnh hàng ngàn người với hàng ngàn ngọn nến ở Thái Hà đêm trước ngày xét xử, những hình ảnh hoạt động bác ái xã hội và dấn thân vì Công Lý của Luật sư Lê Quốc Quân, nhà báo J.B Nguyễn Hữu Vinh và nhiều gương mặt ưu tú khác là con cái giáo phận Vinh ở Hà Nội cũng được phát chiếu khá tường tận, nói lên tinh thần hiến thân phục vụ và… xứng đáng với sự quan tâm, theo dõi của hơn 500.000 Kitô hữu giáo phận Vinh hiệp thông cầu nguyện và lên tiếng khi họ bị bách hại.
Buổi cầu nguyện thu hút được nhiều anh chị em sinh viên các tôn giáo bạn tham gia và khác với những lần cầu nguyện trước, lần này buổi cầu nguyện được khép lại bằng việc tất cả mọi người cùng đọc to bài thơ bất hủ của Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận…
"Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội…"
Mọi người ra về trong niềm tin sắt son vào Mẹ Giáo hội và hi vọng một ngày mai tươi sáng hơn, để người dân được thật sự sống với quyền con người, đúng phẩm giá của mình; để đất nước hùng cường, dân tộc phồn thịnh nhờ những lời cầu xin. Đặc biệt, mọi người hướng về những con người đang còn trong lao lý, trong sự bách hại và chà đạp về nhân phẩm, thể xác.
Thay lời kết: Sức mạnh của đám đông cầu nguyện
1) Chính thái độ đấu tranh quyết liệt nhưng ôn hòa của tập thể tín đồ Công giáo trong hơn 9 ngày... llàm cho CSVN rất lo sợ, vì sự việc có thể sẽ biến thành ngòi nổ cho một cuộc cách mạng Hoa Đăng tại Việt Nam khi mà cơn phẫn nộ của người dân bị đẩy đến tột đỉnh.
2) Ngoài ra, CS cũng không muốn những buổi hiệp thông cầu nguyện lan rộng trên toàn quốc gây khó khăn và cản trở việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào ngày 22 tháng 5 tới, nhất là sau khi Khối đấu tranh dân chủ quốc nội 8406 và Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền đã ra văn thư kêu gọi tẩy chay trò hề định kỳ lố lăng ô nhục này của CS.
3) Chính thái độ cương quyết của ĐGM Nguyễn Thái Hợp: “Nhà nước phải thả người, chấm dứt bắt giữ. Nếu điều này không được thực hiện, thì ngay cả chúng tôi cũng không thể kiểm soát hoặc ngăn chặn việc cầu nguyện của giáo dân, vốn đúng Giáo lý, Giáo luật và Pháp luật, chẳng ai có quyền cấm cản”. Sau đó chính Ngài ký tên vào kiến nghị đòi thả TS. Cù Huy Hà Vũ...
Ngày 15-12-2007, khi viết thư kêu gọi linh mục, tu sĩ và giáo dân Hà Nội “tích cực cầu nguyện để những nơi tôn nghiêm của tôn giáo được tôn trọng, nhu cầu chính đáng của Giáo phận và của Hội đồng Giám mục được đáp ứng”, Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã làm dấy lên những cuộc tập hợp cầu nguyện vì công lý chưa từng có trước Tòa Khâm sứ, với con số tín hữu lên tới cả chục ngàn.
Hôm nay, nhờ sự hợp lực cầu nguyện của các tín hữu Công giáo, Luật sư Quân và Bác sĩ Sơn đã được trả tự do. Và CS chắc chắn mong muốn hành vi đấu tranh rất đặc trưng tôn giáo này phải dừng lại. Nhưng đâu có được! Bất công vô tận vẫn còn đó.
Những bất công đó cần phải được tiếp tục cầu nguyện cho và cầu nguyện cách tập thể. Cho tới khi hết các nạn nhân của bất công và nhất là hết cái chế độ bất công này. Đây là nghĩa vụ cấp thiết nhất của các tín đồ.... Đó càng là nghĩa vụ quan trọng của các lãnh đạo tinh thần tại VN, theo gương bên Đông Âu, nơi những lãnh đạo tinh thần được gọi là thánh nhân của Giáo hội thì cũng mang danh anh hùng của Dân tộc!
Tóm xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 121 (15.04.2011) Nguồn tin: VRNs - Vietnam.
Thảm họa Nhật Bản Động đất, Sóng thần và Phóng xạ Nguyên Tử
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Ngày thứ sáu, 11.3.2011, một trận động đất lớn nhất trong lịch Nhật Bản, với chấn động (magnitude) 8,9 tới 9,0 (Richter Scale), ở độ sâu khoảng 13,5 cây-số dưới lòng biển đã xẩy ra. Sau trận động đất là sóng thần (Tsusami) cao trên 10 mét đã tràn ngập thành phố hải cảng Sendai và Minamisanriku. Sóng thần cuốn trôi tất cả nhà cửa, xe cộ, tàu bè và vật dụng. Sau trận động đất thứ nhất các trận động đất nhỏ cũng xẩy ra với chấn động từ 5 tới 6. Riêng tại Thủ-đô Đông Kinh (Kyoto) chấn động lên tới 6,6, nhà cửa rung rinh nhưng không có tổn thất lớn lao nào. Thiên tai không ngừng tại đó, động đất và sóng thần đã làm hư hại các lò điện nguyên tử tại Fakushima-Daiichi nằm cách Thủ-đô Đông Kinh khoảng 240 cây-số về hướng Đông-Bắc.
Khi coi hình ảnh thiên tai tàn phá trên các đài truyền hình, có lẽ ai cũng thắc mắc:
1) Tại sao có động đất và sóng thần?
Dù kỹ thuật tiến bộ, nhưng các nhà khoa học không thể tiên đoán một cách chính xác động đất sẽ xẩy ra ở đâu. Động đất xẩy ra do sự chuyển động bất ngờ của hai dẫy núi hay mặt đất đụng mạnh vào nhau, rồi tách ra theo chiều ngang, chiều sâu hay chiều cao. Nó tạo nên hình thể bất thường trên bề mặt của trái đất. Sự tách rời trên mặt đất tạo nên những hố sâu dài hay ngắn tùy theo sức mạnh của trận động đất và thời gian chấn động. Nếu sự tách rời xẩy ra dưới biển thì tạo nên các luồng sóng thần. cao hay thấp tuỳ theo chấn động mạnh hay yếu và hố sâu to, dài hay ngắn. Người ta có thể đo chấn động của một trận động đất bằng máy đo và biểu động đồ sẽ chứng minh được sức mạnh của nó.
Ban đầu người ta e ngại sóng thần tại Nhật Bản nó có thể tàn phá 20 quốc gia trong vùng Thái Bình Dương gồm: Nga-sô, Đài Loan, Nam Dương, Phi Luật Tân, Papua New Guinea, Úc, Tân Tây Lan, Mễ Tây Cơ, Guatemala, El Salvador, Costa Rica, Nicaragua, Panama, Chí-lợi, Ecuador, Colombia và Ba Tây. Tại Nga, chính quyền đã di tản khoảng 11.000 dân sống trên các đảo Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các quốc gia nêu trên đã không gặp tai họa lớn như ở Nhật Bản.
Sở dĩ Nhật Bản thường bị thiên tai vì lãnh thổ Nhật nằm trong ``Vòng lửa Thái Bình Dương´´ (the Pacific Ring of Fire), có nghĩa có nhiều hoạt động của động đất và núi lửa kéo dài từ Tân Tây Lan (New Zealand) nằm về phía Nam Thái Bình Dương qua Nhật Bản tới tận vùng băng tuyết Alaska và vòng xuống phía Bắc và Nam Mỹ-châu. Vì thế, người ta cũng lo ngại biết đâu có một ngày nào đó nước Nhật sẽ không còn tồn tại trên bản đồ Thế-giới!
Sau trận động đất và sóng thần, Thủ-tướng Nhật Naoto Kan đã gửi 50.000 binh sĩ tới vùng bị thiên tai để tìm các nạn nhân mà người ta hy vọng còn sống sót.
2) Lò nguyên tử và phóng xạ nguyên tử là gì?
Ngày 12.3.2011, 210.000 người sống trong vòng đường kính 20 cây số quanh lò nguyên tử Fukushima-Daiichi được lệnh di tản. Nguyên nhân của sự di tản này bắt nguồn từ sự hư hại của các lò điện nguyên tử, nơi mà phóng xạ sẽ thoát ra. Sau trận động đất và sóng thần, các bức tường chắn và nóc của lò nguyên tử Fukushima-Daiichi số 1 bị nổ tung. Hệ thống dẫn nước lạnh để làm giảm độ nóng trong lò cũng bị hư hỏng. Tuy vậy phòng thép chắn lò máy nguyên tử (Reactor) chưa bị nổ và nhân viên nhà máy đã phải đã cấp thời bơm nước biển vào để giảm nhiệt độ. Ngày 13.3.2011, hệ thống làm lạnh tại lò máy nguyên tử 3 cũng bị hư luôn. Ngày 14.3.2011, lò máy nguyên tử số 3 bị nổ và số 2 bị hư hỏng. Có 11 nhân viên bị thương. Tuy vậy, Thế-giới Nhiệt-lượng Nguyên-tử Cục ``IAEA´´ (The International Atomic Energy Agency) cho biết phóng xạ nguyên tử không thoát ra. Để bảo đảm an toàn, cho đến ngày này đã có hơn 300.000 người được lệnh di tản khỏi khu vực quanh lò nguyên tử Fukushima..
Để có ý niệm khái quát về một lò điện nguyên tử, chúng tôi ghi lại đây sơ đồ thiết kế một lò điện nguyên tử mà các quốc gia đang sử dụng để tiết nghiệm được hàng trăm lần phí tổn so vớ sử dụng xăng dầu. Một cục Uranium bằng ngón tay cái sau khi biến chế có sức tỏa nhiệt gần bằng một tấn (1.000kg) than đá.
Sơ đồ lò điện nguyên-tử:
-Số 1: Cục Uranium (Core) đã biến chế để phát nổ tạo nên nhiệt hâm nóng các thanh kim loại (rods).
-Số 2: Các thanh kim loại dẫn nhiệt.
-Số 3: Bình chứa hơi nóng.
-Số 4: Hơi nóng được dẫn qua ống tới đầu máy phát điện (Turbin), rồi truyền điện ra ngoài để sử dụng.
-Số 5: hệ thống phun nước lạnh vào lò đốt để giảm độ nóng quá mức.
-Số 6: Phòng kích nổ nguyên tử làm bằng thép dầy.
-Số 7: Hệ thống nước lạnh.
-Số 8: Tháp cao điều hòa hệ thống nước lạnh và thải khói.
-Số 9: Tường nhà máy điện nguyên tử.
Khi hệ thống làm lạnh bị trở ngại thì nước chung quanh các thanh kim loại (số 1, số 2) trong phòng thép (số 6) bị nung nóng. Vì thế, nhân viên làm tại lò nguyên tử Fukushima-Daiichi phải tạm dùng nước biển bơm vào hệ thống dẫn nước lạnh (số 5). Khi hệ thống phun nước lạnh bị hư và mực nước xuống thấp hay cạn thì các thanh kim loại bị tăng độ nóng, làm chảy bộ phận phá nổ nguyên tử (số 1) trong lò, phóng xạ nguyên tử sẽ thoát ra ngoài. Tại các lò này người ta đo được ở mức 760 microsieverts /một giờ; sau 2 phút tăng lên tới 3.130 microsievert/giờ. Có một máy phát điện diesel dùng để phun nước trong trường hợp khẩn cấp, nhưng máy này lại bị hư sau trận động đất và sóng thần tràn vào. Theo các chuyên gia thì sự hư hại các lò nguyên tử của Nhật Bản một phần vì chúng đã quá cũ, trên 30 năm rồi.
Theo sự yêu cầu của chính phủ Nhật, Chủ-tịch Đặc-nhiệm Điều-chỉnh Nguyên-tử Hoa Kỳ tuyên bố sẽ gửi toán chuyên gia, kể cả các chuyên viên về làm lạnh tới Nhật Bản để giúp đỡ, đặc biệt về hệ thống cung cấp nước lạnh cho lò nguyên tử. Theo Hiệp-hội Nguyên-tử Quốc-tế (World Nuclear Association) thì hiện nay Nhật Bản có 54 lò điện nguyên tử, cung cấp 30% điện cho toàn quốc.
3) Hậu quả do phóng xạ nguyên tử gây ra
-Về cường độ phóng xạ
Theo số lượng đo lường mức độ phóng xạ ngày 15-16/3/2011 tại lò nguyên tử Fukushima 1, vào khoảng 8mSv/giờ tới 1000 mSv/giờ thì chưa nguy hiểm lắm. Nhưng người ta vẫn nghi là chính phủ Nhật tuyên bố không rõ ràng về con số phóng xạ đo được. Nếu so với mức độ phóng xạ 10.000 mSv/giờ tới 30.000 mSv/giờ xẩy ra tại Chernobyl của Ukraine vào năm 1986, thì sự nguy hiểm tại các lò nguyên tử của Nhật Bản chưa đáng lo ngại. Tai họa phóng xạ nguyên tử ở Chernobyl đã giết chết 32 người và ít nhất có 4.000 người bị bệnh ung thư
-Về triệu chứng bệnh
Các triệu chứng xẩy ra cho người bị nhiễm độc phóng xạ nguyên tử gồm: nôn mửa, tiêu chảy, chảy máu, nhức đầu, mệt mỏi… Các triệu chứng này xẩy ra từ 24 tới 48 giờ sau khi bị nhiễm phóng xạ với mức độ 1-2 Sv. (1 Sv = 100 rems, 1 Sv = 1J/kg = 1 m2/s2 = 1 m2.s-2). Độ nhiễm xạ càng cao thì tình hình sức khoẻ càng nguy hiểm và có thể dẫn tới chết bất ngờ. Để phòng ngừa, chính phủ Nhật đã cung cấp 230.000 viên thuốc cho các nạn nhân đang tạm trú tại các trung tâm tỵ nạn. Thuốc này có hiệu quả chống phóng xạ nguyên tử xâm nhập vào thân thể và gây nên bệnh ung thư.
-Về thiệt hại kinh tế:
Cho đến lúc bài viết được đúc kết và gửi đi, theo hãng thông tấn Reuters của Anh, người ta ước lượng thiên tai động đất và sóng thần gây tổn thất cho Nhật Bản khoảng 200 tỷ Mỹ-kim, (14-15 tỷ Yen). Nếu các lò nguyên tử tại Fukushima phát nổ toàn bộ và phóng xạ thoát ra thì số tổn thất về sinh vật không lường được. Giá trị Thị trường chứng khoán của Nhật bị sút giảm trầm trọng. Giá cổ phần của Nikkel giảm 7,7%, một cảnh tượng chưa từng có trong hàng chục năm trước đây. Cổ phần của công ty nhiệt điện nguyên tử Tepco bị mất giá 24%. Cổ phần của các công ty lớn như Sony và Toyota cũng rơi vào tình trạng suy sụp đáng ngại.
Nền kinh tế ngắn và dài hạn của Nhật Bản dĩ nhiên sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng; mặc dù chính phủ đã phải hà hơi tiếp sức cho thị trường cả tỷ đồng Yen. Sự khủng hoảng kinh tế đưa tới giá nhiên liệu và thực phẩm gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp chắc chắn sẽ lên cao gấp đôi so với mức bình thường. Thủ-tướng Nhật đã phải than thiên tai động đất và sóng thần là tai họa này lớn nhất kể từ sau Đệ II Thế-chiến.
Mặc dù thiên tai xẩy ra tại Nhật Bản, nhưng thị trường thế giới cũng bị ảnh hưởng lây. Chúng ta có thể nhận thấy qua việc đi chợ coi giá cả thực phẩm và xăng dầu hiện nay đã lên cao. Thành phố Sendai, nơi có cả triệu dân cư, nay phần lớn bị sóng thần hủy hoại, hoang tàn như một bãi rác.
-Về thiệt hại nhân mạng:
Người ta ước lượng có hàng chục ngàn nạn nhân, trong đó có gần 4.000 người chết đã kiểm xác, hàng ngàn người coi như mất tích không tìm được xác, trong đó có khoảng 8.000 dân thành phố biển Otsuchi! Nếu tất cả các lò nguyên tử bị phát nổ thì số người bị nhiễm xạ và bị bệnh cấp thời, hoặc kéo dài trong một thời gian lâu, thì số tổn thất cả về sinh mạng lẫn tài chính sẽ lên khá cao. So với trận động đất và sóng thần năm 2004 tại Nam Dương có 200.000 người bị chết thì số lượng người chết trong trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản ít hơn. Nhưng tổn thất về cơ sở kinh tế và tài chính thì cao hơn nhiều.
-Về ngăn ngừa tai họa phóng xạ nguyên tử:
Trước thiên tại Nhật Bản, các quốc gia Hoa Kỳ, cũng như Liên Hiệp Âu Châu đã phải coi lại vấn đề an toàn của các lò điện nguyên tử. Ngày 14.3.2011, Thủ-tướng Đức, bà Angela Markel, đã ra lệnh ngưng hoạt động các lò điện nguyên tử đã cũ để kiểm soát lại. Năm ngoái chính phủ Đức đã cho các lò điện nguyên tử cũ được gia hạn thời gian hoạt động dài hơn. Nay qua tại họa ở Nhật bản chính phủ cần phải kiểm soát lại tất cả 17 lò điện nguyên tử của Đức-quốc. Chính phủ Đức chưa có chương trình xây dựng các lò mới. Ngoài ra, chính phủ Thụy Sĩ cũng hủy bỏ chương trình thay các lò điện nguyên tử cũ bằng xây các lò mới.
**Trong 25 năm qua đã có các tai nạn về lò nguyên tử như sau:
-Ngày 28/3/1979 xẩy ra tại Three Mile Island Tiểu-bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, 140.000 người phải di tản. Không có người chết.
-Tháng 8/1979 xẩy ra tại Erwin Tiểu-bang Texas, Hoa Kỳ, có 1.000 người bị bệnh vì nhiễm phóng xạ nguyên tử.
-Tháng 2-3/1981 xẩy ra tại Tsuruga, Nhật Bản, có 278 người bị bệnh.
-Ngày 26/4/1989 xẩy ra tại Chernobyl, Ukraine. Đây là tai họa phóng xạ nguyên tử nguy hại nhất. Có 200 người bị bệnh nặng trong đó có 32 chết trong vòng 3 tháng. Một đám mây khổng lồ mang theo phóng xạ nguyên tử bay qua Bắc Âu.
-Tháng 4/1993 xẩy ra tại Tomsk-7 phía Tây Tây Bá Lợi Á (Siberia), mây mang theo hơi phóng xạ, Uranium 235 và Plutonium-237. Số thiệt hại không ghi nhận.
-Ngày 11/3/1997 xẩy ra tại Tokaimura, phía Bắc Tokyo, Nhật Bản. Có 37 người bị nhiễm phóng xạ.
-Ngày 30/9/1999 xẩy tại Tokaimura, Nhật Bản, 2 nhân viên bị tai nạn trong lò biến chế Uranium. 600 người bị nhiễm xạ và 320.000 người phải ở trong nhà, đóng cửa kín một ngày.
-Ngày 9/8/2004 xẩy tại Mihama, cách Tokyo, Nhật Bản 350 cây số về phía Bắc. 4 nhân viên bị chết và 7 bị phỏng nặng.
Chính vì nước Nhật thường xuyên bị thiên tai và trở ngại kỹ thuật nguyên tử như trên, nên trong biến cố động đất, sóng thần và lò điện nguyên tử vừa qua, dân chúng Nhật đã không bị náo động và xã hội không trở nên hỗn loạn.
-Về sự thay đổi lãnh thổ Nhật Bản và trục trái đất
Trận động đất ngày 11/3/2011 vừa qua đã làm cho đảo chính của Nhật Bản, phần đất Đông-Bắc di chuyển 8 feets (2,4 mét) và trục của trái đất cũng bị di chuyển 4 inches! (10,16cm) Nó cũng tạo ra 160 chấn động đất trong vòng 24 giờ sau đó.
Ngọn lửa tự thiêu của 1 thanh niên đã đốt cháy chính quyền Tunisia
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Trong những tháng vừa qua đã xẩy ra một số biến cố quan trọng tại Phi Châu và Trung Đông, nên chúng tôi tạm ngưng loạt bài chủ đề về Israel và Palestine, mặc dù các biến cố này đã và đang có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc xung đột Do Thái - Ả-rập và Do Thái - Palestine.
-Ngày 9/1/2010 cuộc trưng cầu dân ý của dân chúng miền Nam Sudan đã được tổ chức để đi tới quyết định thành lập một quốc gia mới. Kết quả của cuộc bỏ phiếu chính thức được công bố ngày 6/2/2011 cho thấy 98,86% dân miền Nam Sudan, sau 55 năm mong chờ, đã đạt được ước nguyện. Quyết định thành lập tân quốc gia Nam Sudan, nếu không có gì cản trở, sẽ diễn ra vào ngày 9/7/2011 như đã được qui định. E ngại làn sóng cách mạng của Hồi-giáo tại Bắc Phi Châu và Trung Đông có thể gây trở ngại cho sự tuyên bố độc lập của Nam Sudan; nên chúng tôi chờ và sẽ bàn về vấn đề này khi tân quốc gia thực sự ra đời.
-Tháng 1 và 2 năm 2011 đã xẩy ra các cuộc nổi dậy đòi lật đổ chính quyền độc tài tại một số quốc gia phía Bắc Phi Châu và Trung Đông. Nguyên nhân mở màn đưa tới làn sóng cách mạng dân chủ là vụ tự thiêu của một thanh niên Tunisia để phản đối sự đàn áp của cảnh sát. Vụ tự thiêu đã phát sinh các cuộc biểu tình bạo động và làm sụp đổ chính quyền Tunisia. Làn sóng cách mạng dân chủ lan rộng tới Ai Cập. Các quốc gia khác đã và đang bị ảnh hưởng dây chuyền là Algeria, Iran, Jordan, Yemen, Libya, Syria và Saudi Arabia.
Tùy theo sự quan trọng của vấn đề, chúng tôi sẽ lựa chọn và trình bày biến cố tại một vài quốc gia Bắc Phi-châu và Trung Đông trong những số báo tới. Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập tới hai biến động quan trọng nhất đã xẩy ra tại quốc gia Tunisia và Ai Cập; đặc biệt tình hình Ai Cập sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề hòa bình giữa Do Thái và Palestine.
I)- Sự sụp đổ của chế độ độc tài Tunisia
Theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc và Ngân Hàng Thế Giới thì dân số Tunesia có khoảng 10,4 triệu người, nhưng có tới 14% thất nghiệp. Nguồn lợi kinh tế chính dựa trên nông nghiệp, du lịch và công nghệ. Lợi tức trung bình mỗi đầu người một năm là 3.720 Mỹ-kim. Ngôn ngữ chính là tiếng Ả-rập và tiếng Pháp, vì Tunesia là cựu thuộc địa của Pháp-quốc.
Nguyên nhân đưa tới các cuộc biểu tình bạo động.
Ngày 17.12.2010, Mohamed Bouazizi, một thanh niên Tunisia 26 tuổi, tốt nghiệp đại học nhưng lâm vào hoàn cảnh thất nghiệp. Không kiếm được việc làm để sống, Bouazizi bèn buôn bán rau quả trên đường Sidi Bouzid để kiếm ăn và giúp gia đình. Vì không có giấy phép anh ta bị cảnh sát tịch thu quầy hàng. Không còn cách gì sinh sống, Bouazizi đã tự thiêu để phản đối. Cuộc tự thiêu bất ngờ làm bùng nổ phong trào xuống đường biểu tình của giới trẻ chống chính phủ. Bouazizi được coi như một biểu tượng tử đạo dưới một chế độ độc tài và áp bức. Các cuộc biểu tình tại thủ đô Tunis ban đầu ôn hòa, sau trở thành bạo động.
Mục đích của các cuộc biểu tình là lật đổ chính quyền của Tổng thống Zine al-Abidine Ali, một chính quyền bị lên án là tham nhũng và để đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Giá thực phẩm và xăng dầu lên quá cao, dân nghèo không có tiền mua. Theo các nhà đầu tư ngoại quốc thì Tunisia là nơi an toàn cho kinh doanh và nhân công rẻ. Đây là hai yếu tố lợi điểm cho ngành sản xuất hàng hóa. Nhưng lợi tức của quốc gia phần lớn lại rơi vào tay chính phủ và giới giầu có. Thực tế cho thấy số lượng dân thất nghiệp lên cao và tuổi trẻ dù có bằng cấp đại học cũng không kiếm được việc làm.
Trước áp lực của các cuộc biểu tình, ngày 12.1.2011, Tổng-thống Ben Ali ra lệnh cho Bộ-trưởng Nội vụ thả những người bị bắt trong các cuộc bạo động và thành lập Uỷ-ban Đặc-biệt điều tra tham nhũng. Chính quyền cũng hứa sẽ giải quyết nạn thất nghiệp và sẽ kiếm 300.000 việc làm.
Mặc dù có lệnh giới nghiêm ban đêm, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục và dân chúng tiến vào trung tâm thủ đô ngày 13.1.2011. TT. Ben Ali lại hứa hẹn giảm giá thực phẩm, cho tự do báo chí và Internet, cải tổ guồng máy công quyền theo chế độ dân chủ đa số. Ông ta vừa phát biểu sẽ không ra tranh cử Tổng-thống vào năm 2014, vừa giải tán chính phủ, và kêu gọi Quốc-hội chuẩn bị bầu cử trong vòng 6 tháng, trước khi ông ta ban bố tình trạng khẩn trương của đất nước. Lệnh giới nghiêm được ban hành trên toàn quốc và lực lượng an ninh được quyền bắn bất cứ ai không tuân hành lệnh.
Theo hiến pháp thì một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày. Phát ngôn viên Quốc-hội, Foued Mebazaa, được đề cử vào chức vụ Tổng-thống tạm thời đã yêu cầu Thủ-tướng Mohammed Ghannouchi thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia.
Chính phủ Tunisia cho rằng các cuộc bạo động được đài truyền hình Al-Jazeera phát hình bằng tiếng Ả-rập và tiếng Anh, cở sở chính đặt tại quốc gia Trung Đông Qatar đã gây nguy hại cho Tunisia. Đài truyền hình Al-Jazeera đã tạo điều kiện cho Mun’sif Al-Marzouqi, nhà tranh đấu cho dân quyền, từ Pháp-quốc trở về cổ động phong trào chống đối chính phủ. Vì thế chính quyền Tunisia quyết định đóng cửa tòa đại sứ và cắt đứt ngoại giao với Qatar.
Tuy vậy, các cuộc xung đột giữa cảnh sát và dân biểu tình đã xẩy ra. Theo tin tức của Liên Hiệp Quốc ngày 6/2/2011, có 219 người chết trong các cuộc bạo động và cảnh sát bị chỉ trích vì hành động bạo hành. Trước áp lực trong và ngoài nước và tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, Tổng thống Ben Ali, người nắm chính quyền từ năm 1987, đã phải trao quyền cho phó Tổng thống, rồi đem vợ con bỏ chạy ra nước ngoài, đến tị nạn tại Ả-rập Saudi ngày 14.1.2011. Sau khi chính quyền sụp đổ dân nổi dậy đã đập phá các lâu đài, dinh thự và cơ sở kinh doanh của gia đình Tổng-thống Ben Ali. 30 thân nhân của gia đình ông ta tính trốn ra ngoại quốc, nhưng đã bị bắt lại.
Theo tin ngày 31/1/2011 của đài truyền hình ``BBC´´ của Anh-quốc, dựa vào lời phát biểu của Daniel Lebegue trưởng chi nhánh của tổ chức ``Trong sạch Quốc-tế´´ của Pháp tại Tunisia, thì TT. Ben Ali và vợ Trabelsi kiểm soát khoảng 30%-40% kinh tế Tunisia. Theo nhà văn và nhà báo Nicolas Beau, tài sản trong các ngành: ngân hàng, bảo hiểm, phân phối, chuyển vận, du lịch và bất động sản của vợ chồng Ben Ali ước tính vào khoảng $10 tỷ Mỹ-kim; chưa kể tiền bạc và đầu tư tại Thụy-sĩ, Pháp, Á Căn Đình (Argentine) và Ả-rập Emirates. Chính quyền Thụy-sĩ đã phong tỏa hàng chục triệu Mỹ-kim và chiếc phản lực tư nhân hiệu Falcon 9000 của TT. Ben Ali tại Geneva. Chính phủ Pháp cũng đang thi hành biện pháp phong tỏa.
Cuộc cách mạng thành công mau chóng vì chỉ có cảnh sát đàn áp dân biểu tình; còn quân đội không ủng hộ TT. Ben Ali. Tướng Rachid Ammar, Chủ tịch Bộ Tham-mưu từ chức vì không tuân hành lệnh của Tổng-thống cho binh sĩ bắn vào người biểu tình. Không được quân đội ủng hộ, TT. Ben Ali bị cô lập và để bảo toàn mạng sống đã trốn ra ngoại quốc. Như vậy chỉ gần một tháng, từ ngày 17/12/2010 tới ngày 14/1/2011, cuộc cách mạng lật đổ chế độ cầm quyền Tunisia đã thành công.
Một chính phủ đoàn kết do Thủ-tướng Mohammed Glannouchi cầm đầu hứa hẹn sẽ có bầu cử tự do trong vòng 6 tháng.
II)- Tổng thống Ai Cập bị lật đổ
1)-Đôi hàng về chính trị
Cộng-hòa Ai Cập ra đời vào ngày 18/6/1953, sau khi quân đội dưới quyền điều động của Tướng Muhammad Naguib đảo chính vua Farouk năm 1952 và trở thành Tổng-thống đầu tiên. Tuy nhiên, năm 1954 TT. Naguib lại bị Trung-tá Gamal Abdel Nasser đảo chính và lên nắm chính quyền tới năm 1970 thì qua đời. Tướng Mohamed Anwar El-Sadat lên thay thế. Sau khi bắt tay thỏa hiệp hòa bình với Do Thái vào năm 1979, năm 1981 TT. Sadat bị giết chết trong cuộc diễn binh kỷ niệm chiến thắng Yom Kippur 1973. Phó Tổng-thống Mohamed Hosni Mubarak lên cầm quyền cho đến ngày nay.
Trong thời kỳ chiến tranh giữa các nước Ả-rập với Do Thái, chính quyền Ai Cập đã ban hành ``Luật Khẩn-trương´´ số 162 năm 1958 (Emergency Law No. 162 of 1958); tiếp tục có hiệu lực khi chiến tranh Ả-rập và Do Thái bùng nổ vào năm 1967. Năm 1980 Luật này được tạm ngưng 18 tháng; nhưng lại áp dụng sau cuộc ám sát TT. Sadat năm 1981 và được gia hạn mỗi ba năm. Các qui định của Luật Khẩn-trương gồm:
``Quyền hạn của cảnh sát được mở rộng, các quyền do hiến pháp qui định bị giới hạn và việc kiểm duyệt là hợp pháp, các hoạt động biểu tình ngoài đường phố của các tổ chức chính trị không-chính phủ (Non-government) bị hạn chế tối đa, không chấp nhận các tổ chức chính trị mang mầu sắc tôn giáo và các tặng phẩm tiền bạc không khai báo bị cấm chỉ…´´
Từ năm 2003, một phong-trào đấu tranh cho sự thay đổi của Ai Cập ``Kefaya´´ ra đời nhằm mục đích chống TT. Mubarak và đòi cải tiến hệ thống chính trị dân chủ và tự do cho toàn dân. Vì thế, tháng 2/2005, bất ngờ TT. Mubarak tuyên bố cải tổ luật bầu cử Tổng-thống để mở đường cho nhiều ứng cử viên ra tranh cử. Nhưng cuộc bầu cử bị coi là gian lận bị phe đối lập biểu tình chống đối. Ứng cử viên Ayman Nour bị thất bại, xuống đường biểu tình nên bị tù ngày 29/1/2005. Ông này bị cáo buộc về sự liên quan tới quyền lực luật sư nhằm bảo vệ sự thành lập đảng El-Ghad. Hành động của TT. Mubarak đã bị chính phủ Mỹ phàn nàn về cái gọi là cải tiến dân chủ, tự do và cai trị theo luật pháp.
2)-Nguyên nhân đưa tới các cuộc biểu tình
Từ cuộc cách mạng Tunisia, Ai Cập là quốc gia thứ hai bị ảnh hưởng nặng nhất. Nguyên nhân đưa tới cuộc cách mạng lật đổ TT. Hosni Mubarak là Luật Khẩn-trương và tình trạng kinh tế không phát triển, số thất nghiệp của tuổi trẻ gia tăng.
Ai Cập mỗi năm nhận tiền viện trợ của chính phủ Mỹ khoảng $2,2 tỷ Mỹ-kim. Tuy vậy, tình trạng kinh tế không phát triển theo kế hoạch. Giá thực phẩm lúa gạo và ngô khoai dành cho người và nuôi súc vật trên thị trường Thế-giới lên cao và khan hiếm, khiến dân nghèo chiếm đa số trong khoảng 80 triệu dân không biết kiếm đâu ra tiền để mua. Hơn 40% dân Ai Cập chỉ sống sót với trên dưới €1 Euro một ngày! Giá cả trên thị trường Ai Cập gia tăng từ 15% tới 60%!
-Theo Tiến-sĩ kinh tế Nimrod Raphaeli thì Ai Cập đang lâm vào tình trang kinh tế suy sụp sau biến cố khủng bố ngày 11.9.2001. Nguồn lợi chính về ngoại tệ là du lịch bị suy giảm từ khoảng $2 đến $3 tỷ Mỹ-kim. Nguồn lợi từ kinh đào Suez cũng giảm sút vì tình trạng cướp biển gia tăng tại Biển Đỏ, khiến cho tầu bè ngoại quốc chọn đường hàng hải khác an toàn hơn.
-Tiến-sĩ Nabil Hashad, giám đốc Trung-tâm Tài-chính và Ngân-hàng Ả-rập cho biết trữ lượng ngoại tệ giảm còn $14 tỷ Mỹ-kim. Mahmud bul-Eyoon, Thống-đốc Ngân-hàng Trung-ương của Ai Cập tuyên bố rằng không thể phá giá đồng tiền Ai Cập nữa (Egypt Pound bằng khoảng $6,5 Dollars). Sau đó Thống-đốc Ngân-hàng Trung-ương phải xin Kuwait bảo chứng $150 triệu Mỹ-kim vào Ngân-hàng Trung-ương Ai Cập để bảo đảm giá trị đồng tiền Ai Cập. Ai Cập nợ trong nội địa khoảng $160 tỷ Mỹ-kim và khoảng $183 tỷ Mỹ-kim nợ ngoại quốc; mặc dù 2,7 triệu người Ai Cập làm việc từ nước ngoài mỗi năm gửi tiền về khoảng 7,8 tỷ Mỹ-kim (năm 2009).
-Theo cựu Thủ-tướng Atel Ebid dân số Ai Cập sẽ tăng lên 123 triệu người vào năm 2019. Mỗi năm có 800.000 người kiếm việc làm nên cần đầu tư khoảng $7 tỷ Mỹ-kim (36 tỷ Egypt Pound) và con số này sẽ gia tăng với đà phát triển dân số. Không có vấn đề bảo hiểm hay trợ cấp thất nghiệp, nên phát sinh tình trạng bạo động chống đối chính quyền.
-Theo Văn-phòng Lao-động Quốc-tế ``ILO´´ (The International Labour Office) tỷ lệ thất nghiệp của Ai Cập lên cao nhất kể từ năm 2005. Tuổi trẻ bị thất nghiệp từ 15%-24%, chiếm một nửa dân thất nghiệp, gấp ba lần người lớn thất nghiệp. Dân số Ai Cập hiện nay khoảng 80 triệu người. Số người thất nghiệp khoảng 22 triệu trong đó tuổi trẻ chiếm tới 60%. Đây chính là nguyên nhân đưa tới bất mãn và bạo động.
-Theo thống kê về Trung Đông và Bắc Phi Châu thì tỷ lệ thất nghiệp vùng này cao nhất thế giới. Hội-đồng Liên-hiệp Kinh-tế của Liên-đoàn Ả-rập cũng ước lượng tỷ lệ thất nghiệp khoảng 20%.
III- Các lựng lượng liên quan tới biến cố
Ngày 25/1/2011, ngọn lửa cách mạng từ Tunisia đã lan tới Ai Cập, hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình tại quảng trường Tahrir tại Thủ-đô Cairo và ở một số tỉnh lớn đòi Tổng-thống Hosni Mubarak từ chức để thành lập một chế độ dân chủ tự do. Nhận thấy cuộc biểu tình trên đường phố và trên hệ thống truyền thông Internet gây nguy hại cho chế độ cầm quyền, ngày 27/1/2011 chính phủ ra lệnh cắt đứt hệ thống Internet. Ngày 30/1/2011 chi nhánh của đài truyền hình Al-Jazeera tại Thủ-đô Cairo bị đóng cửa, 6 phóng viên của đài này bị bắt và dụng cụ máy móc, phim ảnh bị tịch thu. Trước hành động không dân chủ này, ngày 30/1/2011 chính phủ Mỹ, qua Bộ-trưởng Ngoại giao Hillary Clinton, đã cảnh cáo là TT. Hosni Mubarak phải chuyển quyền để thành lập một chính phủ dân chủ. Trước áp lực trong và ngoài nước, TT. Mubarak nhượng bộ một phần, bổ nhiệm phó Tổng-thống và thành lập chính phủ mới. Nhưng dân biểu tình không chấp nhận nếu TT. Mubarak chưa từ chức. Lệnh giới nghiêm (cấm di chuyển trên đường ban đêm) được ban hành. Nhưng dân biểu tình vẫn bất tuân lệnh. Ngày 31/1/2011 hàng chục ngàn người tiếp tục biểu tỉnh tại các thành phố lớn. Riêng tại quảng trường Tahrir số người biểu tình lên tới 250.000 người và gần 1 triệu người vào ngày 10/2/2011.
Ba tổ chức đối lập quan trọng, trong số 24 đảng phái và tổ chức, đòi lật đổ TT. Mubarak là:
1)- Phong trào Tuổi-trẻ ngày 6 tháng 4 (6 April Youth Movement).
Phong trào này do một số tuổi trẻ có học vấn cao cho ra đời vào ngày 6/4/2008. Họ dùng phương tiện truyền thông Internet ``Facebook´´ tranh đấu cho công nhân tại thành phố kỹ nghệ Mahalla al-Kubra. Họ kêu gọi tổng đình công cả nước. Vì thế mới có cái tên ``Phong-trào Tuổi-trẻ ngày 6 tháng 4´´. Do thành công qua hệ thống mạng lưới điện tử, Phong-trào này tiếp tục hoạt động vớI các chương trình khác như ``Twitter, Flickr´´ và nhiệt tình trong việc cổ võ và tham gia vào các cuộc biểu tình chống TT Mubarak. Đặc biệt cuộc biểu tình vào ngày thứ ba 25/2/2011 mà họ gọi là ``Ngày nổi giận´´ (Day of anger). Phong trào kêu gọi dân chúng xuống đường biểu tình và tiếp tục cho đến khi mục tiêu đạt được. Phong trào cũng đưa ra danh sách bao gồm nhiều đòi hỏi như: yêu cầu Bộ-trưởng Nội-vụ từ chức, chấm dứt lệnh giới nghiêm và tăng lương lên mức tối thiểu v.v… Phong-trào Tuổi-trẻ ủng hộ mục tiêu tranh đấu cho dân chủ và đón chào Mohamed ElBaradei, trưởng toán thanh tra Nguyên-tử Cục của Liên Hiệp Quốc trở về Ai Cập vào tháng 2/2010 cùng nhập cuộc. Thanh niên Wael Ghonim, đại diện công ty điện tử Google.com tại Ai Cập, được coi là anh hùng cách mạng, vì đã hô hào tuổi trẻ xuống đường biểu tình qua mạng lưới điện tử ``Facebook´´. Ghonim sau vài ngày bị cảnh sát bắt giam. Nhờ áp lực trong và ngoài nước Ghanim được thả và xuất hiện trước quảng trường Tahrir, được đón tiếp như một anh hùng. Nhưng anh ta khiêm nhượng nói ``Quí vị, những người biểu tình mới là anh hùng´´. Sụ kiện này chứng tỏ tuổi trẻ Ai Cập đã có trình độ học vấn khá cao và mạng lưới Internet đã trở thành thông dụng trên khắp đất nước.
2)-Hiệp-hội Quốc-gia cho sự Thay-đổi ``NAC´´ (National Association for Change)
Sau khi không ra ứng cử vào Nguyên-tử Cục của LHQ nhiệm kỳ kế tiếp 2010-2012, Mohamed ElBaradei, người đã được trao giải Nobel Hòa-bình năm 2005 và là cựu trưởng toán ``Nguyên-tử Cục Quốc-tế´´ (the International Atomic Energy Agency (IAEA) của Liên Hiệp Quốc, từng đi thanh tra chương trình phát triển nguyên tử hòa bình tại Bắc Hàn và Iran. đã trở về nước và thành lập Hiệp-hội Quốc-gia cho sự Thay-đổi. ElBaradei cùng xuống đường ủng hộ các cuộc biểu tình chống áp bức và tham nhũng. Ngày 25/2/2011 Hiệp-hội này chính thức đưa ra ba yêu cầu:
-Kêu gọi TT. Mubarak không ra ứng cử nhiệm kỳ 6 được dự định tổ chức vào tháng 9/2011.
-Chống bất cứ bằng hình thức nào con trai của TT. Mubarak là Gamal Mubarak lên kế nghiệp bố và
-Tổ chức bầu cử Quốc-hội mới, vì trong Quốc-hội cũ đảng cầm quyền ``NDP´´chiếm tới 90% số ghế.
3)- Tổ chức Huynh Đệ Muslim (Muslim Brotherhood)
Thủ lãnh của tổ chức ``Huynh Đệ Muslim´´ tuyên bố sẽ thành lập Ủy-ban Các Nhóm Đối-lập dưới sự chỉ đạo của tiến-sĩ Mohamed ElBaradei. Tổ chức ``Huynh Đệ Muslim´´ là tổ chức đối lập lớn nhất tại Ai Cập. Tổ chức này bị cấm hoạt động từ năm 1952, vì muốn biến Ai Cập trở thành quốc gia Islam và cai trị bằng luật Sharia của Hồi-giáo. Hai ba năm trước đây Tổ-chức này không có ảnh hưởng nhiều trong Quốc-hội. Mãi tới năm 2009 mới đạt được khoảng một phần năm ghế trong Quốc-hội và có khả năng hô hào xuống đường biểu tình. Hình ảnh cầu nguyện ngay trên quảng trường mà chúng ta thấy trên các đài truyền hình là bằng chứng cho thấy họ có tổ chức chặt chẽ. Theo tin tức ngày 15/2/2011 thì tổ chức Huynh Đệ Muslim đã chính thức thành lập một đảng chính trị để tham gia vào các hoạt động chính trị.
4)- Phe Quân-đội:
Ngày 2/2/2011, TT. Mubarak nhượng bộ một phần, thay đổi chính phủ, và bổ nhiệm một số chức vụ mớI như: Tướng Cảnh-sát hồi hưu Mahmoud Wagdi giữ chức vụ Bộ-trưởng Nội-vụ thay Habib el-Adly vì có hành động đàn áp biểu tình; Tướng Omar Suleiman, Giám-đốc cơ quan tình báo, giữ chức vụ Phó Tổng-thống; Cựu Tư-lệnh Không-quân, Tướng Ahed Shafig giữ chức vụ Thủ-tướng; Bộ-trưởng Quốc-phòng là Thống Tướng Hussein Tantawi được thăng chức Phó Thủ-tướng; còn Ahmed Aboul Gheit vẫn giữ chức Bộ-trưởng Ngoại-giao.
Theo Yuval Steinitz, cựu chủ tịch Quốc-hội Do Thái về lãnh vực Ngoại-giao và Quốc-phòng thì lực lượng hiện dịch của Ai Cập có 450.000 quân, Không-quân của Ai Cập cũng được Mỹ trang bị phi cơ chiến đấu phản lực tối tân như Không-quân Do Thái. Nhưng về xe tăng, đại bác, dàn phòng không và tầu chiến thì tối tân hơn cả Do Thái. Theo tin tức tình báo của Do Thái thì Ai Cập là quốc gia đầu tiên trong vùng có Vệ-tinh Tình-báo (Spy Satellite) mang tên EgyptSat-1. Ai Cập sẽ phóng thêm 3 Vệ-tinh nữa có tên: DesertSat-1, EgyptSat-2 và DesertSat-2 trong vòng hai năm tới. Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Ai Cập $1,3 tỷ Mỹ-kim cho năm 2009 và khoảng $1,33 tỷ Mỹ-kim cho năm 2011.
Ngay từ đầu, quân đội tuyên bố sẽ không dùng vũ lực đàn áp dân biểu tình. Sự tuyên bố này chứng tỏ quân đội đứng ở vị trí trung lập, không theo phe TT. Mubarak và cũng không đứng về phe biểu tình. Chính vì vậy mà biến cố vừa qua không đẫm máu.
Ngày 14/2/2011, nhằm cảnh cáo các nhóm Muslim quá khích, quân đội tuyên bố sẽ không chấp nhận sự khống chế của các tổ chức này. Sự kiện này cho thấy quyền lực của Hội-đồng Quân-đội có ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình Ai Cập.
IV)- Sự nhượng bộ của TT. Mubarak
Các nhượng bộ của TT. Mubarak được ghi nhận như sau:
-Sau một vài ngày phong toả hệ thống Internet, vì áp lực từ ngoại quốc, vì quyền tự do ngôn luận, báo chí, truyền thông, ngày 1/2/2011 chính quyền cho hoạt động trở lại.
-Ngày 1/2/2011, TT. Mubarak tuyên bố không ra ứng cử Tổng-thống nhiệm kỳ 6 được tổ chức vào tháng 9/2011.
-Con trai của TT. Mubarak là Gamal (Jamal) đã phải rút lui khỏi chức vụ Tổng Thư-ký của đảng Dân-chủ Quốc-gia NDP, vì người ta nghĩ là ông ta sẽ kế nghiệp bố.
-Ngày 6/2/2011, Phó Tổng-thống Suleiman chịu hội đàm với tổ chức Huynh Đệ Muslim, một tổ chức đã bị cấm hoạt động, vì các hoạt động bạo động chống chính quyền mà vụ ám sát TT. Anwar Sadat là một chứng minh. Đây phải nói là một sự nhượng bộ khá lớn.
-Đêm ngày thứ năm 10/2/2011 có thể nói toàn dân Ai Cập và Thế-giới hồi hộp chờ TT. Mubarak công bố trước công chúng về việc ông ta sẽ tự nguyện dời bỏ chức vụ. Buổi trực tiếp truyền hình của đài truyền hình quốc gia Ai Cập thông báo TT. Mubarak sẽ nói chuyện vào lúc 9 giờ tối (21 giờ đêm); nhưng TT. Mubarak đã xuất hiện trễ hơn 30 phút. Đến giờ phút chót TT. Mubarak vẫn tuyên bố ông ta còn trách nhiệm trước quốc dân và đất nước cho tới nhiệm kỳ Tổng-thống hết hạn vào tháng 9/2011. Đặc biệt trong buổi nói chuyện này TT. Mubarak đã ``đá giò lái´´ TT. Mỹ Barack Obama qua lời tuyên bố: ``Tôi không chấp nhận là mục tiêu của áp-lực ngoại quốc´´ (I will not accept to be subject og foreign pressure´´. Lời tuyên bố của TT. Mubarak để đáp lễ TT Mỹ Obama từng phát biểu trên truyền hình là TT. Mubarak phải chuyển giao quyền lực và thay đổi chế độ ngay trong lúc này.
Nhưng thật bất ngờ, vào giờ phút chót, chiều ngày 11/2/2011, Phó Tổng-thống Sulemain lên đài truyền hình quốc gia tuyên bố TT. Hosni Mubarak đã quyết định từ chức và quyền hành trao lại cho Hội-đồng Tối-cao Quân-đội.
-Ngày 13/2/2011, Hội-đồng Tối-cao Quân-đội, do Tướng Tantawi, cựu Phó Thủ-tướng và Bộ-trưởng Quốc-phòng giữ chức vụ chủ-tịch, đã giải tán chính phủ và Quốc-hội để chuẩn bị chương trình bầu cử tự do trong vòng 6 tháng.
Nhận định
1)-Tunisia
Mặc dù cuộc lật đổ chính quyền thành công; nhưng tình trạng chính trị trở nên bất ổn và tương lai đất nước không biết đi về đâu. Tình trạng này khiến cho các nhà đầu tư có thể bỏ cuộc và nền kinh tế Tunisia sẽ càng khủng hoảng hơn. Chính vì thế mà hàng ngàn người bỏ nước ra đi. Cho tới ngày 14/2/2011 có hơn 5.000 người chạy tới đảo nhỏ Lampadua ngoài biển giữa Tunisia và Ý Đại Lợi. Dân số tại đảo này chỉ có khoảng 4.500 người, ít hơn số người tị nạn khiến Chính phủ Ý đã phải yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu giúp đỡ tài chính và giải quyết vấn đề tràn ngập dân tị nạn. Chính quyền Ý cũng cho rằng có thể có những tên khủng bố được gài vào số người tị nạn để sống hợp pháp và xây dựng cơ sở tại Âu Châu.
2)- Ai Cập
-Đối với Do Thái
Nói chung, TT. Mubarak vừa ủng hộ Do Thái, vừa tham gia tích cực vào Liên-đoàn Ả-rập (The Arab League) để cố đạt cho được nền hòa bình trong vùng tại Hội-nghị Thượng-đỉnh tại Beirut, Lebanon ngày 28/3/2002. Hội-nghị này được triệu tập do sáng kiến của Ả-rập Saudi. Mục đích của Hội-nghị nhằm bàn thảo về cuộc xung đột giữa Do Thái và các quốc gia Ả-rập. Các nước Ả-rập chấp nhận sống chung hòa bình với Do Thái với điều kiện là:
-Do Thái phải rút khỏi tất cả các lãnh thổ chiếm được trong các cuộc chiến ranh, kể cả Cao-nguyên Golan, -công nhận một quốc gia Palestine tại Bờ Phía Tây và Gaza với Đông Jerusalem là Thủ-đô, -giải quyết vấn đề dân tỵ nạn Palestine tại các quốc gia Ả-rập trong vùng.
Sáng kiến hòa-bình lại tiếp tục được Liên-đoàn Ả-rập đưa ra vào tháng7/2007 qua hội nghị tại Riyadh, thủ-đô Ả-rập Saudi. Bộ-trưởng Ngoại-giao Ai Cập và Jordan đã đưa sáng kiến cho Do Thái. Tuy nhiên, các cuộc đụng độ quân sự giữa Do Thái và tổ chức Hamas của Palestine làm ngưng các hoạt động ngoại giao. Năm 2009, chính quyền Mubarak hủy bỏ Hội-nghị Cairo Chống Chiến-tranh (the Cairo Anti-war Conference) và bị chỉ trích là thiếu hành động chống Do Thái.
Thủ-tướng Do Thái Binyamin Netanyahu mới họp mặt với TT. Hosni Mubarak ba tuần trước khi các cuộc biểu tình xẩy ra, với mục đích tiếp tục thắt chặt tình hữu nghị, sống chung hòa bình giữa hai nước kể từ năm 1979. Do Thái còn chút hy vọng ở chỗ Phó Tổng-thống tạm thời của chính phủ Ai Cập hiện nay là Omar Suleiman, Giám-đốc Tình-báo; người đã hợp tác với Do Thái trong việc chận đứng sự tiếp tế vũ khí và tiền bạc của Iran viện trợ cho Hamas qua ngả biên giới Gaza. Ngày 12/2/2011, Chủ-tịch Hội-đồng Tối-cao Quân-đội tuyên bố chính phủ Ai Cập tiếp tục tôn trọng các hiệp định đã được ký kết với ngoại quốc. Lời tuyên bố này, một phần trả lời cho chính phủ Mỹ và Do Thái bớt lo ngại về Hiệp-ước Hòa-bình 1979 giữa Ai Cập và Do Thái.
-Đối với Hoa Kỳ:
Do Thái thường được coi là em út của Hoa Kỳ và Ai Cập là bạn thân của Mỹ. Ai Cập là quốc gia lớn và đông dân số nhất ở Trung Đông; nên bất cứ biến chuyển nào xẩy ra cũng có ảnh hưởng tới toàn vùng. Ai Cập cũng là quốc gia đầu tiên, duy nhất công nhận quốc gia Israel và ký hiệp ước hòa bình với Do Thái từ năm 1979. Nếu Ai Cập rơi vào tay chính phủ Islam và luật Sharia được thi hành thì biết đâu Hoa Kỳ lại trở thành kẻ thù của người Muslim?
Chính vì vậy mà Tổng-thống Jimmy Carter kiến trúc sư của Thỏa-hiệp Hòa-bình Ai Cập - Do Thái năm 1978, nay cũng tuyên bố tình trạng bất ổn chính trị và bạo động như vậy TT. Mubarak phải từ chức. Hoa Kỳ muốn giữ Mubarak tại chức; nhưng dân chúng đã quyết định. Tổng-thống Mỹ Barack Obama cũng yêu cầu Tổng-thống Hosni Mubarak chuyển giao quyền lực để thiết lập chế độ dân chủ.
Ai Cập mỗi năm nhận viện trợ của Hoa Kỳ khoảng $1,5 tỷ Mỹ-kim cho mục tiêu tân trang lực lượng quân sự, bảo vệ an ninh và sự ổn định trong vùng. Trên các đài truyền hình quí độc giả cũng thấy chiến đấu cơ F.16 nhào lộn trên bầu trời và xe tăng tối tân thuộc thế hệ thứ ba M1A2. Abrams (1) của Lục-quân Hoa Kỳ đã xuất hiện tại các quảng trường Tahrir ở Thủ-đô Cairo.
Chính phủ Mỹ chưa tuyên bố cúp viện trợ; nhưng ngày 28.1.2011, Robert Gibs, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cảnh giác là viện trợ dân sự và quân sự cho Ai Cập đang được xét lại! Theo báo TIME của Mỹ, thời Tổng-thống George W. Bush các nhóm đối lập của Ai Cập được viện trợ $45 tỷ Mỹ-kim một năm qua chương trình gọi là ``Viện trợ dân-chủ và cai-trị´´ (Democacy-and-governance Aid). Chương trình này nhằm thúc đẩy việc dân chủ hóa vùng Bắc Phi-châu, các quốc gia nhỏ bị Liên-bang Sô-viết sát nhập trước đây và Trung Đông. Đến thời TT. Barack Obama số tiền viện trợ cho Ai Cập bị cắt giảm còn $25 tỷ cho năm 2010 và 2011. Chính phủ Obama cũng hủy bỏ viện trợ dân chủ cho các nhóm không ghi danh với chính phủ Ai Cập để tránh viện trợ bị rơi vào tay các nhóm khủng bố. Chính vì chương trình này mà người ta cho rằng thành quả của cuộc cách mạng dân chủ tại Ai Cập trong tháng 2/2011 vừa qua, một phần do công lao của người sáng lập chương trình viện trợ dân chủ là TT. George W. Bush.
Để tránh đổ máu và ngăn ngừa TT. Mubarak có thể bị giết, chính phủ Mỹ đã bàn thảo về hai giải pháp để TT. Mubarak ra đi mà không bị mất mặt: -một là mời ông ta di chuyển tới dinh thự dành cho Tổng-thống nghỉ mùa Hè tại khu biển nổi tiếng Sharm el-Sheikh để an cư; -hai là mời ông ta đi khám sức khoẻ hàng năm tại Đức-quốc như thường lệ và lưu tại đây một thời gian.
Sự vắng mặt của TT. Mubarak sẽ được những người biểu tình coi như ông ta dời chức vụ và họ sẽ ngưng biểu tình. Cuối cùng giải pháp một đã được áp dụng: TT. Mubarak và gia đình được đưa đi Sharm el-Sheikh một cách an toàn. Sau đó Phó Tổng-thống Omar Suleiman mới lên đài truyền hình tuyên bố TT. Mubarak từ chức.
***Những điểm bất lợi:
-Ngày 14/2/2011, Ahmed Abu Al-Gheit, Bộ trưởng Ngoại-giao Ai Cập đã gọi điện thoại tới các nhà lãnh đạo Thế-giới khẩn cấp giúp đỡ Ai Cập phục hồi kinh tế, vì sau 18 ngày biểu tình Ai Cập đã bị tổn thất khoảng $6,2 tỷ Mỹ-kim. Al-Gheit cũng kêu gọi các hãng du lịch của các quốc gia, trong đó có Nga Sô, hãy tiếp tục chương trình gửi du khách tới Ai Cập vì tình hình đã được ổn định. Ai Cập hiện còn nợ ngoại quốc khoảng $183 tỷ Mỹ-kim chiếm gần 90% Tổng-sản lượng quốc-nội (GDP).
-Các tổ chức của người Muslim quá khích có cơ hội hoạt động trở lại sau 30 chục năm bị cấm đoán.
-Chính quyền có thể rơi vào tay các tổ chức của người Muslim, vì 90% dân số theo Hồi-giáo. Ai Cập có thể trở thành Quốc-gia Islam và luật Shariah của Hồi-giáo sẽ được áp dụng. Thời TT. Mubarak luật Shariah không được áp dụng; nhưng được công nhận trong hiến pháp.
-Tổ chức Huynh Đệ Muslim có thể sẽ bị tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda lợi dụng hay hợp tác để chống Hoa Kỳ và Tây-phương. Lý do: Ayman al-Zawahiri là nhân vật số hai của tổ chức Al-Qaeda, sau trùm khủng bố Osama bin-Laden, phát xuất từ tổ chức Huynh Đệ Muslim của Ai Cập. Theo các nhà lãnh đạo Chính Thống giáo thì tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda chi nhánh tại Ai Cập đã phát động chiến dịch bạo động, đặt bom nổ chống Thiên Chúa giáo, khiến cho nhiều giáo hữu phải bỏ nhà chạy đi tị nạn.
-Vấn đề bảo vệ Chính Thống giáo đã được chính quyền Mubarak khôi phục. Việc cải đạo, tức bỏ đạo này theo đạo khác (Proselytism) đã được hủy bỏ tại Ai Cập, có nghĩa không bị luật pháp cản trở hay trừng phạt. Sự kiện này khiến cho phe Hồi-giáo bất mãn. Theo luật lệ của Hồi-giáo thì một người Muslim bỏ đạo theo đạo khác sẽ bị xử tử hình. Theo luật quốc gia Ai cập một lần sinh ra là người Muslim thì người đó luôn luôn là một người Muslim. Điều II của Hiếp-pháp Ai Cập cũng minh định rõ: ``Islam là tôn giáo quốc gia và tiếng Ả-rập là ngôn ngữ chính. Triết lý của luật Islam là cội nguồn của pháp luật ´´ (Islam is the religion of the state and Arabic its official language. Islamic jurisprudence is the principal source of legislation).
-Mặt-trận Islam Ai Cập (Front of Egyptian Islam) trong một công bố mới đây nói rằng ``Người Chính Thống Coptics sẽ trải qua một cuộc tắm máu´´. Trong tháng 1/2011 đã có trên 10 cuộc biểu tình của hàng ngàn người Muslim hô to khẩu hiệu: ``Shenouda, hãy chờ, chúng ta sẽ đào mả ngươi với bàn tay chúng ta; Islamic, Islamic, Ai Cập vẫn là Islamic´´ (2) (Shenouda III là Giáo Hoàng của Chính Thống giáo Coptic tại Ai Cập).
Từ năm 1981 đã xẩy ra 1.500 vụ tấn công các cơ sở của Chính Thống giáo. Có nhiều ngàn người bị giết và bị thương. Các cuộc tấn công này khiến cho nhiều ngàn dân Coptics phải chạy tị nạn sang các tỉnh khác vào thập niên 1990. Trong 10 năm qua làn sóng chống Thiên Chúa giáo lên cao và nhiều cuộc tàn sát đã xẩy ra: -năm 2001 tại Kosheh, -2010 tại Nag Hammadi và cuộc khủng bố bằng bom nổ tại Alexandria. Giáo dân Coptics phàn nàn là chính quyền và hệ thống pháp luật trừng trị quá nhẹ tay đối với tội phạm, có khi tha bổng các thủ phạm.
-Trên quảng trường Tarhrir trong những ngày biểu tình, người ta thấy có một băng vải dài 20 mét với hàng chữ ``Cút đi, Mubarak, Ông do người Mỹ và đang làm việc cho chúng´´ ((Go Away, Mubarak, you are from the Americans, and you’re working for them).
Phải chăng khẩu hiệu này cho thấy phong trào chống Hoa Kỳ đã bắt đầu.
Tuy nhiên, ngày 4/2/2011, tiến sĩ Mohammed AlBaradei đã tuyên bố không ra ứng cử Tổng-thống. Ngày 9/2/2011, Mohammed Mursi, thủ lãnh cao cấp của tổ chức Huynh-đệ Mouslim cũng tuyên bố ``Huynh-đệ Muslim không tìm kiếm quyền lực. Chúng tôi không muốn tham gia vào lúc này và chúng tôi không đưa người ra tranh cử Tổng-thống´´. (3)
Lý do họ đưa ra là thời gian này cần sự thống nhất đất nước và đoàn kết dân tộc. Hai lời tuyên bố này chứng tỏ các phe phái muốn nhường quyền điều hành đất nước cho quân đội trong giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn, và dù có tổ chức bầu cử tự do, chưa chắc họ đã thắng phe quân đội. Hơn thế nữa, tình hình bất ổn như hiện nay khiến các tổ chức đối lập chính quyền cũ chưa chắc đã giải quyết được vấn nạn kinh tế và thất nghiệp, cũng như không chắc được chính phủ Mỹ tiếp tục viện trợ. Do đó họ khôn khéo nằm chờ thời.
…………………………………………………………………………………………………………..
Ghi chú:
(1) Abram Tanks trang bị đại-bác 105mm và đại-liên M.60. Loại xe này lấy tên Tướng Creighton Abram, cựu Tham-mưu trưởng Bộ Tham-mưu quân đội Mỹ và Tư-lệnh lực lượng Mỹ tại Việt Nam từ năm 1968-1972).
(2) The Front of Islamic Egypt in a statement said Copts will experience a “bloodbath.” Last month over 10 mass demonstrations were held by thousands of Muslims shouting, “Shenouda, just wait, we will dig your grave with our own hands and Islamic, Islamic, Egypt will remain Islamic”.
(3)- “The Muslim Brotherhood does not seek power. We do not want to participate at the moment, We will not put forward a candidate for the presidency.”
Tài liệu tham khảo:
http://www.huffingtonpost.com/2011/01/30/muslim-brotherhood-egypt-_n_816055.html
Story continues below
http://www.bbc.co.uk/news/world-africa-12157599
http://www.guardian.co.uk/global/blog/2011/jan/14/tunisia-wikileaks
http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,548300,00.html
http://www.guardian.co.uk/media/greenslade/2006/oct/26/tunisiabreakstieswithqatar
Muslim Brotherhood, Egypt Opposition Party, In The Spotlight During Protests
http://www.jpost.com/Defense/Article.aspx?id=205797
http://www.bbc.co.uk/news/world-middle-east-12290167
http://www.yabiladi.com/forum/corruption-egypt-reached-unprecedented-heights-44-2450094.html
http://www.christianitytoday.com/ct/2011/februaryweb-only/muslimbrotherhood.html?start=3
english.ruvr.ru/2011/02/14/44377047.html
Các cuộc chiến Israel - Palestine (1)
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Trong lịch sử đấu tranh dành chủ quyền và bảo vệ nền độc lập của mỗi quốc gia chúng ta thấy tại một số nước đã xuất hiện các anh hùng trẻ tuổi như: Việt Nam có Triệu thị Trinh (Triệu Ẩu) đánh đuổi quân Ngô của Tầu, Pháp-quốc có Trinh Nữ Jeanne d´Arc chống quân Anh và Do Thái có chú bé chăn cừu Đa-vít (David) chiến thắng tướng khổng lồ Gô-li-át (Goliath) của quân Phi-li-tinh (Philistine: tên gọi dân Palestine trước Công-nguyên). Mỗi nam và nữ anh hùng trẻ tuổi có những thành tích khác nhau trên chiến trường; nhưng tựu chung đều nêu cao tinh thần dân tộc và bảo vệ đất nước, dù phải hy sinh mạng sống của mình.
Để nhìn lại chặng đường lịch sử chiến tranh giữa hai dân tộc Do Thái và Palestine, mời quí độc giả theo dõi hai giai đoạn:
-Các cuộc chiến trước Công-nguyên.
-Các cuộc chiến sau Công-nguyên.
I- Các cuộc chiến trước Công-nguyên
Vào năm 1.225 trước Công-nguyên (TCN), sau 405 năm sống đời dân tị nạn, vì bị người Ai Cập áp bức bắt làm nô lệ, Môi-sê (Moses) đã được Thiên Chúa chọn làm người lãnh đạo để đưa dân thoát khỏi Ai Cập, vượt qua sa mạc Si-na-i (Sinai) để trở về quê hương. Như vậy dân Do Thái chính gốc vào thời điểm đó có thể nói đã mất tổ quốc 405 năm, nay phải sống cuộc đời di dân lang thang trên đất đai của người Ả-rập và Palestine. Vì thế đã có nhiều cuộc chiến tranh giữa dân Do Thái và dân địa phương trong vùng. Muốn có nơi sống dân Do Thái phải chiếm đất, bảo vệ lãnh thổ và dân mình. Có khá nhiều cuộc xung đột lớn nhỏ giữa dân Do Thái và các dân tộc khác trên đất Palestine; nhưng chúng tôi chỉ kể một số cuộc chiến quan trọng.
Khi đọc lại lịch sử Do Thái quí độc giả cũng thấy là một số thành phần dân tộc Do Thái đã phản bội Thiên Chúa. Bằng chứng đầu tiên là sau khi Môi-sê cứu dân ra khỏi Ai Cập, lên núi cầu nguyện để nhận chỉ thị của Thiên Chúa trong một thời gian, thì ở dưới núi một nhóm dân bắt đầu chống lại các thủ lãnh, và thay vì thờ phượng Thiên Chúa, chúng gom vàng bạc đúc tượng bò để quì lậy. Khi Môi-sê xuống núi đem theo "Mười Điều Răn" của Thiên Chúa thấy nhóm dân phản bội, ông tức giận, cảnh cáo và trừng phạt chúng. Nhưng tật nào vẫn chứng nấy, nhóm dân này vẫn tiếp tục hành động phản bội, khiến Thiên Chúa trừng phạt bằng cách đặt chúng dưới sự cai trị của dân Phi-li-tinh trong 40 năm, kể từ năm 1070 (TCN).
Sau 40 năm Thiên Chúa lại thương xót, muốn chỉ định người lãnh đạo giải thoát dân Do Thái khỏi quân Phi-li-tinh, nên sai Thiên Thần báo tin cho vợ ông Ma-nô-a (Manoah) lần thứ nhất: ”Này, bà là người son sẻ và không sinh con, nhưng bà sẽ có thai và sinh một con trai. Vậy bây giờ phải kiêng cữ: đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn mọi thứ không thanh sạch. Vì này bà sẽ có thai và sinh một con trai. Dao cạo sẽ không được lướt trên đầu nó, vì con trẻ sẽ là một na-dia của Thiên Chúa từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu cứu Ít-ra-en khỏi tay người Phi-li-tinh.” (Na-dia là nazirite có nghĩa người Do Thái).
Lần thứ hai ThiênThần hiện ra nói với ông Ma-nô-a và lập lại những gì đã nói với vợ ông ta. Sự việc đã xẩy ra như Thiên Thần truyền tin. Khi lớn lên Sam-sôn yêu và cưới một phụ nữ Phi-li-tinh, mặc dù cha mẹ phản đối. Để phá hủy cơ sở của quân Phi-li-tinh, Sam-sôn đã dùng lửa cột vào đuôi 300 con chó sói và thả chúng chạy tứ tung, đốt cháy các doanh trại của Phi-li-tinh, nên chúng tìm đến nhà giết vợ và gia đình cha vợ của chàng. Sau đó Sam-sôn lại yêu Đa-li-la (Dalilah). Trong các cuộc xung đột, Sam-sôn đã đánh bại hàng trăm quân Phi-li-tinh. Thấy Sam-sôn có sức mạnh địch muôn người, đã có lần trên đường tới nhà vợ thứ nhất bị sư tử tấn công, nhờ thần lực của Thiên Chúa, chàng bèn túm cổ con sư tử và xé nó ra từng mảnh. Để hạ cho dược Sam-sôn, quân Phi-li-tinh bèn tìm đến dụ Đa-li-la và hứa sẽ cho nàng 1.100 đồng tiền cắc làm bằng bạc, nếu nàng cho chúng biết vì sao Sam-sôn có sức mạnh không ai đánh lại được. Nhiều lần nàng thử lấy dây thừng trói chàng trong lúc ngủ; nhưng lúc thức dậy chàng vặn mình một cái thì dây thừng đứt hết. Sau cùng Đa-li-la dùng tình yêu và làm bộ giận hờn khiến Sam-sôn yếu lòng, thổ lộ chàng có sức mạnh vì lời giao ước của cha mẹ với Thiên Chúa là chàng không được uống rượu và tóc không được phép cắt. Thế là khi chàng ngủ, Đa-li-la cho đầy tớ cắt tóc chàng và báo cho quân Phi-li-tinh. Chúng đến bắt Sam-sôn, móc hai mắt và giải về nhốt trong nhà tù tại Ga-da (Gaza). Để hành hạ, chúng bắt chàng kéo cối đá xay gạo nặng cả ngàn cân. Vào một ngày kia, các thủ lãnh Phi-li-tinh và dân tụ tập trong đền Đa-gôn (Dagon) để hội họp và dâng lễ, Sam-sôn bị dẫn tới làm trò thằng mù cho dân chúng xem. Chàng cầu xin Thiên Chúa cho mình sức mạnh trở lại và nói với người áp tải dắt chàng tới cột chính của đền thờ. Khi thần lực của Thiên Chúa nhập vào, Sam-sôn đã kéo sập đền Đa-gôn và tất cả người Phi-li-tinh trong đó đều bị chết. Thế là từ đó dân Do Thái được giải thoát. Sam-sôn làm thủ lãnh (vua) dân Do Thái được 20 năm. (Hiện nay làng Mauterndorf, Lungau, Salburg, Styria ở Áo-quốc và Ath thuộc tỉnh Hainaut ở Bỉ-quốc hàng năm còn tổ chức lễ hội Sam-sôn).
-Trận chiến thứ 2
Dân Do Thái thua và "Hòm Bia Giao Ước" bị Phi-li-tinh cướp mất.
Khi Thiên Chúa sai Môi-sê (Moses) cứu dân Do Thái ra khỏi Ai Cập và để điều hành một dân tộc, Người đã lập Giao-ước với dân. Nói theo kiểu ngày nay Giao-ước là một Thỏa-hiệp hay một Hiến-pháp trong đó có 10 Điều-luật căn bản tức là “Mười Điều Răn hay Giới Răn” và những điều-lệ khác qui định bổn phận thờ phượng Thiên Chúa qua các nghi lễ và các qui định về các sinh hoạt xã hội của con người v.v… “Mười Điều Răn” được Thiên Chúa dùng ngón tay viết trên bia đá và trao cho ông Môi-sê. Bia đá này được cất giữ trong chiếc hòm mạ vàng được gọi là “Hòm Bia Giao Ước” (The Ark of God hoặc The Ark of the Covenant), được kính thờ như một báu vật linh thiêng quan trọng nhất của dân tộc Do Thái.
Cuộc chiến xẩy ra tại chiến tuyến Ebenezez-Aphek giữa dân Do Thái và Phi-li-tinh sau năm 1031 (TCN). Quân Do Thái bị thất bại, 30.000 lính bị giết, "Hòm Bia Giao Ước" bị quân Phi-li-tinh cướp mất và hai con ông Ê-li (Eli) là Hóp-ni (Hophni) và Pin-nơ-hát (Phinehas) cũng bị tử thương. Tuy nhiên, khi dân Phi-li-tinh cướp được "Hòm Bia Giao Ước" đem vào đền thờ thần Đa-gôn (Dagon) và đặt bên tượng thần Đa-gôn thì hai lần tượng thần của chúng bị ngã sấp mặt xuống đất, đầu và hai tay bị lìa khỏi thân tượng. Thấy vậy, chúng sợ hãi phải di chuyển Hòm Thánh từ Át-đốt tới Gát (Gath). Nhưng Thiên Chúa lại trừng phạt quân Phi-li-tinh bằng cách làm cho thân mình của mỗi người trong chúng bị các cục u lớn nổi lên nhức nhối. Quân Phi-li-tinh quá sợ hãi và sau bẩy tháng chiếm giữ, chúng phải trả "Hòm Bia Giao Ước" lại cho dân Do Thái.
-Trận chiến thứ 3
Chú bé chăn cừu Đa-vít chiến thắng tên khổng lồ Gô-li-át (Goliath)
Sau nhiều lần tấn công mà quân Phi-li-tinh không hoàn toàn đánh bại và bắt dân Do Thái làm nô lệ, chúng lại gây hấn bằng cách thách thức dân Do Thái rằng, nếu các ngươi có người nào can đảm, dám ra đấu tay đôi với tướng khổng lồ Gô-li-át (Goliath) thì chúng sẽ không gây chiến nữa. Vua Sa-un (Saul) và triều thần lo sợ, chưa kiếm được dũng sĩ nào, thì bất ngờ chàng thiếu niên chăn cừu Đa-vít đến tình nguyện ra chiến đấu với Gô-li-át. Ai cũng bật cười, vì chàng thanh niên nhỏ bé như vậy làm sao địch nổi tên khổng lồ?
Nhưng Đa-vít quyết tâm và một mình ra trận mặt đối mặt với tên khổng lồ. Đa-vít cầm gậy trong tay, chọn lấy năm hòn đá cuội dưới suối, bỏ vào túi chăn chiên, rồi tiến về phía tên Gô-li-át. Hắn thấy chú nhỏ Đa-vít thì chê rằng, dân Do Thái của ngươi chả lẽ không có ai tài giỏi hơn mà đưa thằng nhóc ra làm trò cười. Khi tên Phi-li-tinh bắt đầu tiến lên, Ða-vít cũng vội vàng chạy tới đương đầu với nó. Ða-vít thọc tay vào bị, lấy từ đó ra một hòn đá lớn, để vào dây vải, rồi quay dây vài vòng để tăng tốc độ và phóng hòn đá trúng vào đầu Gô-li-át. Hòn đá cắm sâu vào trán, khiến nó ngã sấp mặt xuống đất. Đa-vít chạy tới đạp chân lên mình nó và vì không có gươm, Đa-vít phải dùng gươm của nó chặt đầu nó. Người Phi-li-tinh thấy thủ lãnh anh hùng của mình bị chặt đầu thì bỏ chạy tán loạn. Dân Ít-ra-en và Giu-đa xông lên, reo hò và đuổi theo chúng cho đến lối vào thung lũng và tới cửa thành Éc-rôn (Ekron). Thây người Phi-li-tinh ngã gục trên đường Sa-a-ra-gim (Shaaraim), cho đến Gát và Éc-rôn. Sau khi ráo riết đuổi theo người Phi-li-tinh, con cái Ít-ra-en quay trở lại cướp phá trại chúng. Ða-vít lấy đầu tên Phi-li-tinh và đem về Giê-ru-sa-lem (Jerusalem); còn các vũ khí của nó thì đặt trong lều mình. (Sa-mu-en chương 17)
Sau chiến thắng của Đa-vít, dân Do Thái không còn bị quân Phi-li-tinh đe dọa nữa. Đa-vít lên ngôi, thống nhất 12 chi họ Israel và mở rộng quyền lực cũng như lãnh thổ để trở thành một Đế-quốc. Sau khi vua Đa-vít chết 12 chi họ Do Thái lại chia rẽ, không phục tùng vua Sa-lô-môn (Salomon), nên đất nước Do Thái bị chia hai: một vương quốc Israel ở phía Bắc và Judeah ở phía Nam. Sau đó đất nước Do Thái bị các đế quốc Syria, Babylon, Iran, Ai Cập, Rô-ma, Thổ Nhĩ Kỳ... xâm lăng và cai trị. Dân Palestine cũng rơi vào tình trạng tương tự cho tới năm 1947.
II- Các cuộc chiến sau Công-nguyên
Sau khi liên minh quân sự của các nước Ả Rập bị thất bại trong kế hoạch tấn công Do Thái để đòi lại lãnh thổ mà dân Ả-rập đã làm chủ trên hai ngàn năm, dân tộc Palestine nhận thấy các cuộc chiến nếu thành công thì đó là kết quả của các nước Ả Rập. Khi đã chiến thắng thì các nước này sẽ được lợi nhiều trên giải đất Palestine. Vì thế, kể từ thập niên 1970, dân Palestine nhận thấy việc tranh đấu đòi lại chủ quyền lãnh thổ không thể hoàn toàn phó mặc cho các nước Ả Rập nữa, mà phải tự dân mình đứng ra đấu tranh trực diện với Do Thái.
1)-Nguyên nhân thành hình các tổ chức khủng bố
Trong thập niên 1970-1980, khi nghe tới Phong Trào Giải Phóng Palestine (PLO) và tên Abu Amar (Yasser Arafat) cả Thế giới đều lên án về những hoạt động khủng bố và không tặc của tổ chức này. Nói tới Arafat và PLO, người ta liên tưởng ngay đến những trái bom nổ bất ngờ trên đường phố, trước các cơ sở hành chính, tại trung tâm kinh tế và phi trường của người Mỹ, cũng như Do Thái, trên Thế giới. Những vụ không tặc và khủng bố của PLO từ các năm 1972, 1976, 1977, 1978, 1985, 1986, 1988, 1989 v.v... đã làm chấn động các quốc gia Tây phương và Hoa Kỳ. Chiến thuật khủng bố của PLO và các nhóm kháng chiến Palestine nhằm đích sau đây:
-Gây tiếng vang trên chính trường Quốc tế để các quốc gia quan tâm và hỗ trợ cho cuộc chiến đấu dành độc lập tự chủ của dân tộc Palestine.
-Đòi Liên Hiệp Quốc xét lại quyết định 242 về vấn đề Do Thái phải rút quân khỏi các vùng chiếm được của dân Palestine trong trận chiến thần tốc vào năm 1967, và công nhận dân tộc Palestine có chủ quyền trên lãnh địa của mình,
-Đòi Hoa Kỳ phải xét lại chính sách ngoại giao đối với các nước vùng Trung Đông; đặc biệt về sự hỗ trợ trực tiếp Do Thái trong chương trình lấn đất dành dân tại lãnh thổ Palestine.
-Cảnh cáo Do Thái về hành động xâm lăng và không thi hành nghiêm chỉnh các phán quyết của Liên Hiệp Quốc.
-Cương quyết đấu tranh dành độc lập tự chủ cho dân tộc Palestine bằng bất cứ giá nào và bằng mọi phương thức: chính trị, ngoại giao, không tặc và khủng bố.
1/1)- Al-Fatah
Al-Fatah là tổ chức lớn nhất, được thành lập vào cuối năm 1957, do Yasser Arafat lãnh đạo. Al-Fatah nguyên thuỷ không đồng ý với đường lối đấu tranh mềm dẻo của PLO do các nước Ả rập thành lập tại Ai cập. Yasser Arafat không tán thành đường lối lệ thuộc. Ông ta tự chọn con đường của tổ chức Fatah đã vạch ra, tiếp tục tiến hành chiến tranh du kích và khủng bố nhằm vào các mục tiêu dễ tấn công tại Do Thái. Cuộc tấn công đầu tiên làm cho tổ chức Al-Fatah nổi tiếng và Thủ lãnh Yasser Arafat được nổi danh là cuộc tấn công vào lực lượng quân sự của Do Thái ngày 21-3-1968 tại Karameh, gần biên giới Jordan. Kết quả của cuộc tấn công đầu tiên, sau những thất bại nặng nề của các nước Ả-rập trong cuộc chiến 1967, đã làm sống dậy tinh thần quật khởi của dân Palestine. Sự thành công này còn chứng tỏ rằng: một lực lượng nhỏ được trang bị dù với những vũ khí thô sơ; nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, người ta vẫn có thể làm "thất điên bát đảo" kẻ thù hùng mạnh hơn.
Như lịch sử đã chứng minh: không có cuộc cách mạng nào lại không có chia rẽ; không có dân tỵ nạn nào không bị chia năm xẻ bẩy. Tổ chức Al-Fatah cũng không tránh khỏi những vấn nạn trên hành trình giải phóng dân tộc. Vì bất đồng chính kiến và đường lối đấu tranh, tổ chức Al-Fatah lại chia ra thành ba nhóm.
-Nhóm Abu Nidal do Sabri Khalil Banna (Abu Nidal) cầm đầu. Nhóm này còn được gọi là "Nhóm Tháng Chín Đen" vì nhiều cuộc không tặc và khủng bố được thi hành vào tháng chín. Abu Nidal ly khai tổ chức Al-Fatah vào năm 1976 và tự thành lập nhóm riêng biệt tại Iraq. Abu Nidal chống lại sự hiện diện của quân đội Syria tại Lebanon và tất cả các Thủ lãnh cấp tiến Ả Rập nào theo đuổi chủ trương thỏa hiệp chính trị với Do Thái. 50 cán bộ nồng cốt của tổ chức Al-Fatah bị Abu Nidal ghi vào sổ tử hình. Trước sự phản bội và chống đối quá khích này, tổ chức al-Fatah vào năm 1975 đã phải lên án "tử hình khiếm diện" Abu Nidal. Abu Lyad đặc trách an ninh nội bộ của al-Fatah đã ra lệnh cho các tay ám sát chuyên nghiệp của mình giết Abu Nidal tại Thủ đô Bagdad, nhưng việc bất thành. Sau đó Abu Nidal đã phải chuyển Ban chỉ huy qua Syria năm 1980 và năm 1985 phải chạy qua Libya. Có tin cho rằng Abu Nidal bị Tổng thống Libya, Moamor Gadhaffi, nhốt lại theo yêu cầu của các lãnh tụ Ả-rập.
-Nhóm Abu Abbas do Muhammed Abu Abbas chỉ huy và được sự trợ giúp của Syria. Abu Abbas tách rời tổ chức al-Fatah để chiến đấu chống Do Thái và Hoa Kỳ bằng phương thức khủng bố và không tặc vượt ra ngoài biên giới Do Thái. Một trong những thành tích làm kinh hoàng Thế giới của nhóm Abu Abbas là vụ cướp chiếc tầu du lịch "Achille Laura" của Mỹ trên biển Địa Trung Hải (Mediterranean Sea) vào năm 1975. Một công dân Mỹ, ông Leon Klinghoffer, người tàn tật, đã bị toán hải tặc giết chết. Vì thế, chính phủ Hoa Kỳ bằng bất cứ giá nào muốn bắt giữ toán khủng bố. Nhưng theo yêu cầu, toán khủng bố được trả về Ai Cập, một quốc gia đã từng ủng hộ PLO ngay từ thời kỳ mới thành lập; nên nước này không muốn trao nhóm khủng bố cho Hoa Kỳ. Chính phủ Ai Cập đã cung cấp phi cơ và phóng thích toán khủng bố. Các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ được lệnh ngăn chận và bắt phi cơ chở quân khủng bố phải hạ cánh xuống đảo Cicily, vị trí thuộc lãnh địa của Liên Minh Phòng thủ Bắc Đại tây Dương (NATO). Nhưng một lần nữa, Ý Đại Lợi sợ bị khủng bố; nên không thi hành luật Quốc tế về hải tặc. Quân đội Ý được lệnh ngăn cản, không cho quân đội Mỹ bắt giữ toán khủng bố. Cuối cùng toán khủng bố được Ý Đại Lợi chuyển giao cho Nam Tư (Serbia).
-Nhóm Abu Musa: Nhóm này theo đuổi cùng một mục tiêu chiến đấu chống Do Thái bằng phương pháp quân sự và khủng bố. Abu Musa từ năm 1983 được cả Tổng thống Syria là Assad và Tổng thống Libya Gadhaffi hết mình hỗ trợ để chống lại Yasser Arafat. Cuộc tấn công vào các trại tỵ nạn của người Palestine ở Chatilla và Burj al-Barajneh tại Lebanon là một bằng chứng điển hình. Abu Musa dựa vào lý do Yasser Arafat đã đơn phương tham dự hội nghị Algeria ngày 7-6-1987, mà không tham khảo ý kiến của các nhóm khác. Hội nghị Algeria nằm trong kế hoạch của Tổng thống Ronald Reagan nhằm vãn hồi hòa bình và thi hành Quyết định 242 của Liên Hiệp Quốc. Nội dung chính của quyết định 242 của Liên Hiệp Quốc qui định Do Thái phải rút quân về biên giới trước chiến tranh 1967 và trả các vùng đất đã chiếm được cho các nước Ả-rập.
1/2)-Phong trào Giải phóng Palestine "PLO" (Palestine Liberation Organization)
Phong trào Giải phóng Palestina được thành hình vào năm 1964. Mục tiêu của Phong trào nhằm kết hợp toàn dân Palestine trong một tổ chức để thống nhất tư tưởng và tập trung chỉ đạo, nhằm chiến đấu dành lại quyền tự chủ và thành lập một quốc gia Palestine. PLO qui tụ nhiều tổ chức chính trị và nhiều nhóm quân sự khác nhau; nhưng tất cả các kế hoạch được thông qua và thi hành bởi quyết định của Hội đồng Quốc gia Palestine (Palestine National Council). Hội đồng này gồm có 450 hội viên; hình thức tổ chức và quyền hạn giống như một Quốc Hội. PLO được các quốc gia dầu hỏa Trung Đông hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất. Hàng năm Phong trào này được tài trợ khoảng 100 triệu Mỹ kim. Ngân khoản trợ giúp nhiều hay ít còn tùy thuộc vào các biến chuyển của tình hình và nhu cầu thiết thực. Theo các chuyên viên tài chánh Thế giới thì tài sản của PLO trong thập niên 1970-1980 có khoảng 1 tỷ Mỹ-kim và hàng chục tỷ Mỹ-kim đang được sử dụng trong các chương trình kinh tài tại nhiều quốc gia.
1/3)- Phong-trào ANM (Arab Nationalist Movement)
Phong Trào Quốc Gia Ả Rập được Ai Cập trực tiếp hỗ trợ dựa theo quan niệm: "chỉ có sự hoàn toàn đồng tình và hợp tác của dân Ả-rập, PLO mới có thể khôi phục đất nước”. Để giải phóng dân tộc, Phong trào Quốc gia Ả-rập dựa vào chủ thuyết Cộng sản, với hy vọng được Đế quốc Liên-Sô nhúng tay vào cuộc chiến chống Do Thái và Hoa Kỳ. Phong trào này vì bất đồng trong đường lối đấu tranh; nên lại chia làm hai Mặt-trận:
- Mặt-trận PFLP (Popular Front for the Liberation of Palestine)
Mặt Trận Nhân Dân Giải Phóng Palestine được thành lập vào năm 1967. Mặt trận này theo cánh tả và do George Habash cầm đầu. Ban chỉ huy của Mặt-trận đặt tại Thủ đô Damascus thuộc Syria. Nhóm này được cả Syria và Iraq ủng hộ, đã chủ trương không tặc các đường bay Quốc tế. George Habash chống đường lối của Yasser Arafat và âm mưu lật đổ vua Hussein của Jordan, vì chính sách hòa hoãn của vua Hussein đối với tổ chức al-Fatah và Do thái. Ngoài ra, Mặt trận PFLP đã phá hoại hệ thống dẫn dầu tại Lebanon, nhằm tạo sự nghi ngờ và xung đột giữa quốc gia Saudi Arabia và tổ chức al-Fatah. Khoảng 50% dân chúng và sĩ quan Jordan đồng ý với chủ trương này. Hậu quả gây ra là quân đội Jordan đã một lần bắn vào xe của vua Hussein; nhưng may mắn thay, khi xẩy ra cuộc ám sát, ông không ngồi trong xe này. Nhóm khủng bố của PFLP đã gây kinh hoàng Thế giới vào cuối tháng năm 1972, khi nhóm này cướp phi cơ hàng không dân sự Pháp trên đường bay từ Thủ đô Ba-lê (Paris) tới Rô-ma (Rome). Hậu quả của vụ không tặc đã gây cho 25 người chết và 78 bị thương. Theo người ta được biết: trưởng nhóm khủng bố của PFLP đã chỉ huy toán không tặc là Wadi Haddad. Sau nhiều năm chiến đấu đơn độc không gây được ảnh hưởng tốt và không tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng Palestine, năm 1987 Mặt trận PFLP trở về cộng tác với Yasser Arafat.
- Mặt-trận PDFLP: (Popular Democratic Front for the Liberation of Palestine)
Mặt Trận Dân Chủ Nhân Dân Giải Phóng Palestine, một bộ phận của Mặt Trận PFLP, tách rời al-Fatah năm 1969, do Nayif Hawatmeh chỉ huy. Nhóm này được Algeria, Syria, Iraq và có thể cả Liên Sô yểm trợ trong chủ trương bất cộng tác và đối thoại với Do Thái. PDFLP đã nhúng tay vào hàng loạt các hoạt động khủng bố tại Do thái, nhưng không đạt được mục tiêu theo đường lối tả khuynh. Năm 1987, Mặt trận PDFLD trở về hợp tác với Yasser Arafat.
1/4)- Phong-trào PFLP-GC: (The Popular Front for the Liberation of Palestine- General Command)
Tổng Chỉ huy Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine, do Ahmed Jabril, một đại úy của quân đội Syria cầm đầu. Tổ chức này tách khỏi Mặt-trận PFLP vào năm 1969 và chống phe nhóm của Yasser Arafat. Về tư tưởng và chính trị không có gì thay đổi. Nhưng chủ trương chống Do Thái bằng vũ lực và khủng bố khắp nơi. Mặt trận PFLD-GC hoạt động được là nhờ sự hậu thuẫn của hai quốc gia Libya và Syria.
1/5)-Hamas: Phong-trào Đối-kháng Islam (Harakat al-Muqawima al-Islamiyya, Islamic Resistance Movement), đối lập với tổ chức Huynh-đệ Muslim (Muslim Brotherhood (Ikhwan al-Muslimin)) ở Gaza, được thành lập vào năm 1987-1988 trong cuộc nổi dậy lần thứ nhất (Intifada) của dân Palestine, thủ-lãnh là Ahmad Yassin. Hamas chủ trương quá khích, quyết tiêu diệt Do Thái qua các cuộc khủng bố, pháo kích vào lãnh thổ Do Thái, nên bị Hoa Kỳ và Liên-hiệp Âu-châu xếp vào danh sách của các tổ chức khủng bố trên Thế-giới. Nhưng đối với dân Palestine tại Gaza thì Hamas lại có uy tín và được đa số ủng hộ. Hiến-chương tháng 8/1988 của Hamas có ghi “Toàn lãnh thổ Palestine là quốc gia uỷ thác cho Islam, không bao giờ được dâng nộp cho người không phải Muslim và là một phần hội nhập vào thế giới Muslim”. Hamas thành lập ba nhóm khác nhau: Nhóm chính trị, Nhóm tình báo và Nhóm quân sự. Hamas trước đây được Ả Rập Saudi viện trợ khoảng 28 triệu Mỹ-kim một tháng và trở thành lực lượng đối kháng với Fatah của Yasser Arafat. Mục tiêu chính của Hamas là không công nhận quốc gia Do Thái tồn tại trong lòng Ả-rập, tấn công vào binh lính và dân chiếm cư Do Thái bằng bom nổ, pháo kích và bom tự sát. Thế-giới thì lên án; nhưng Hamas lại được đa số dân Palestine ở Gaza ủng hộ đến nỗi chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas, người kế vị chủ-tịch Yasser Arafat, phải hợp tác, bổ nhiệm thủ lãnh Hamas vào chức vụ Thủ-tướng.
1/6)- Palestinian Islamic Jihad Movement
Phong-trào Thánh-chiến Islam là nhóm quân sự chiến đấu cho mục tiêu hủy diệt Do Thái và thay vào đó một quốc gia Hồi-giáo Palestine. Jihad không chỉ chống Do Thái, nhưng chống cả các chính quyền Ả-rập mà họ coi là không hoàn toàn theo đường lối Islam và lại thân Tây-phương. Cả hai tổ chức Hamas và Jihad đều chống Thỏa-hiệp Oslo 1993, coi đó là sự phản bội dân tộc Palestine và các quyền lợi của Hồi-giáo. Hai tổ chức này tấn công Do Thái nhằm mục tiêu hủy bỏ chương trình hòa bình giữa chính quyền Do Thái và Palestine. Vào tháng 10/1995, Thủ lãnh của Jihad là Fathi Shkaki bị giết tại đảo Malta. Ramadan Abdullah Shallah, người đã sống tại Hoa Kỳ được lên thay thế. Vụ ám sát này theo dư luận thì tình báo Do Thái đã hành động. Thành quả của Jihad: từ ngày 30.1.2001 tới ngày 6.3.2008 có tất cả: 34 cuộc khủng bố khiến cho hàng trăm người bị chết và bị thương.
Ngoài ra còn nhiều tổ chức nhỏ khác nhưng vì giới hạn của bài viết chúng tôi không thể kể hết.
2)- Một số vụ không tặc và khủng bố điển hình trên Thế-giới
Có thể nói rằng: nếu không có các vụ khủng bố, không tặc và hải tặc, làm rúng động Thế giới; PLO không gây được tiếng vang nào trên chính trường Quốc tế. Một số vụ khủng bố tiểu biểu được ghi nhận như sau:
-Năm 1972: toán khủng bố bốn người của PFLP đã cướp phi cơ Sebena và bắt phi công phải đáp xuống sân bay Lod tại Do Thái. Khi máy bay hạ cánh, lực lượng đặc biệt của Do Thái đã tấn công và giết chết bốn tên không tặc. Sáu hành khách bị thương trong cuộc tấn công giải thoát này. Cuối tháng năm, nhóm không tặc lại cướp máy bay của hãng Hàng Không Pháp (Air France), hậu quả gây cho 25 người chết và 68 bị thương. Đến tháng tám, toán khủng bố PLO đã xâm nhập vào làng Thế vận tại Muenchen thuộc miền Nam Đức quốc và bắt giữ các lực sĩ Do Thái làm con tin. Cuộc khủng bố này đã gây căng thẳng về ngoại giao và làm chấn động các lực sĩ của các quốc gia tham dự Thế Vận Hội 1972.
- Năm 1973: Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestina (PFLP) đã hoạt động khủng bố đặc biệt nhắm vào các hãng hàng không của Hoa Kỳ và một số quốc gia Âu Châu như: - Cướp máy bay của hãng "PAN-American” tại phi trường Thủ đô Beirut - Cướp phi cơ hàng không dân sự Mỹ "TWA” - Cướp máy bay của hãng hàng không Thụy sĩ "Swiss Air” - Cướp máy bay của hàng không quốc gia Do Thái "EL-AL”... Trong lần cướp phi cơ của hãng ‘EL-AL’, khi phi cơ đang bay trên không, nhân viên an ninh của Do thái đã phản ứng kịp thời và bắn chết một tên không tặc, bắt giữ tên thứ hai là Leila Khaled, một phụ nữ Palestina - Lần cuối cùng nhóm khủng bố cướp phi cơ "BOAC” của Anh quốc và bắt phi công đáp xuống Dawson’s field. Hậu quả của các cuộc không tặc trên đã gây cho ba phi cơ bị tiêu hủy và 60 người bị bắt làm con tin.
-Năm 1976: máy bay của hãng hàng không Pháp "Air France” trên đường từ Do Thái trở về Pháp quốc bị toán khủng bố của PLO cướp. Phi công bị cưỡng bức phải bay qua phi trường Entebbe của Uganda và được Tổng thống Uganda, ông Idi Amin đứng ra làm trung gian giải quyết.
-Năm 1977: máy bay dân sự của Đức bị 3 kẻ khủng bố người Ả Rập và 1 khủng bố người Đức cướp. Phi hành đoàn bị cưỡng ép phải bay qua Thủ đô Mogadishu của Somalia. Trên đường đáp xuống Dubai, phi công trưởng bị toán khủng bố giết chết. Sau khi thỏa thuận với các nhà cầm quyền Somalia, lính biệt kích của Đức đã tấn công máy bay tại Mogadishu, giải thoát được con tin và giết chết 3 tên khủng bố.
-Năm 1978: máy bay của Ai Cập bị cướp và bị bắt buộc đáp xuống đảo Cyprus. Lính biệt kích của Ai Cập đã đụng độ và bị thất bại trước lực lượng của đảo Cyprus tại vùng phi trường. Lực lượng biệt kích của Ai cập Không đột nhập được vào máy bay và cuối cùng toán khủng bố đã đầu hàng cảnh sát đảo Cyprus.
-Năm 1982: Đại sứ Do Thái Sholoma Argov tại Anh quốc bị bắn chết ở Thủ đô Luân Đôn.
-Năm 1985: máy bay của Ai cập lại bị cướp và bị ép buộc phải đáp xuống đảo Malta.
-Cũng năm 1985, quân khủng bố bắn vào quầy kiểm soát vé của hãng hàng không Do Thái tại Thủ đô La Mã nước Ý và tại Thủ đô Vienna Áo quốc; đồng thời nhóm hải tặc đã cướp chiếc tầu du lịch "Achille Laura” của Mỹ trên Địa Trung Hải và đặt bom nổ tại chi nhánh hãng hàng không Mỹ "North-West Orient” ở Thủ đô Copenhagen Đan Mạch.
-Năm 1986: Phi cơ dân sự của Do thái ở Luân Đôn, bị đặt bom nổ.
-Năm 1988: máy bay dân sự Mỹ bị đặt bom và nổ tung trên không phận Scotland, làm cho 270 hành khách chết mất xác.
-Năm 1989: những hoạt động có chủ đích khủng bố diễn ra tại quán "Café Liberation” tại Islands Brygge, ở Thủ đô Copenhagen Đan Mạch v.v...
3)-Trên đường chiến thắng, xuất hiện trước Liên Hiệp Quốc
Sau hơn mười năm đấu tranh bằng chính trị cũng như quân sự, Phong trào Giải phóng Palestine đã gặt hái được những kết quả khả quan; mặc dù cả Thế giới đều lên án là " bọn khủng bố và không tặc”. Những thành quả mà Yasser Arafat, Thủ lãnh của tổ chức al-Fatah và chủ tịch PLO từ năm 1968, đạt được, phải kể đến quyết định tối quan trọng của các nước Ả-rập trong việc thừa nhận Phong trào Giải phóng Palestina là đại diện hợp pháp duy nhất của dân Palestine. Sự công nhận này được tuyên bố trong cuộc họp Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo các nước Ả Rập tại Rabat vào tháng tư năm 1974. Từ sự công nhận này, thủ lãnh Yasser Arafat đã bất ngờ được vận động để xuất hiện trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên vào tháng 11/1974. Khi xuất hiện trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Yasser Arafat ngang tàng đã tuyên bố: "Tôi tới đây mang theo một cành ô-liu và khẩu súng lục chiến đấu cho hòa bình. Đừng để cành ô-liu rơi khỏi bàn tay tôi". (Yasser Arafat là lãnh tụ duy nhất được phép mang súng lục khi tuyên bố trước Đại-hội Đồng Liên Hiệp Quốc, vì ông ta sợ Do Thái và phe chống đối ám sát vào bất cứ lúc nào. Yasser Arafat là một lãnh tụ bị tình báo Do Thái và các nhóm kháng chiến Palestine khác cố tình ám sát hàng chục lần nhưng vẫn thoát nạn).
Lời tuyên bố vừa bao hàm ý hướng hòa bình, vừa như một lời đe dọa của Yasser Arafat đã mở đầu cho trang sử tái lập quốc gia Palestine mà vấn đề còn lại chỉ là yếu tố thời gian. Dù Yasser Arafat được phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và PLO được phép tham dự với tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc; nhưng chính phủ Do Thái trong những thập niên trước đây vẫn không chịu đối thoại với PLO. Chính phủ Do Thái vẫn coi PLO chỉ là một nhóm khủng bố, không có tư cách để đàm phán song phương.
4)- Chiến dịch nổi dậy lần thứ nhất năm 1987
Chiến dịch này được thực hiện bởi trẻ em và phụ nữ Palestine qua các cuộc biểu tình đòi độc lập và ném đá vào binh lính Do Thái. Các cuộc bạo động nhằm đánh động lương tâm Thế-giới qua các hình ảnh phụ nữ, trẻ em bị lính Do Thái đàn áp, gây tử thương và bị thương. Thành quả của chiến dịch rất khả quan nhờ hệ thống truyền thanh, truyền hình và báo chí Thế-giới lên án Do Thái. Vì thế, một hội-nghị hòa bình được tổ chức tại thủ-đô Madrid, Tây Ban Nha vào năm 1991. Tuy nhiên, hội nghị này không đưa tới kết quả thực tế. Các cuộc biểu tình bạo động chống Do Thái tiếp tục xẩy ra.
Qua trung gian Na-Uy, đại diện Do Thái và Palestine đã mật đàm tại thủ đô Oslo, Na-Uy vào năm 1993. Kết quả của các cuộc mật đàm đã đưa tới Thỏa-hiệp Oslo được ký kết tại thủ-đô Hoa Thịnh Đốn ngày 28.9.1995, giữa Thủ-tướng Do Thái Yitzhak Rabin và thủ lãnh PLO Yasser Arafat, dưới sự chứng kiến của Tổng-thống Mỹ Bill Clinton. Hậu quả của thỏa hiệp này đưa tới cái chết đau thương cho Thủ tướng Do Thái. Ngày 4-11-1995, sinh viên luật khoa Do Thái, Yigal Amir, đã dùng súng lục bắn chết Thủ-tướng Rabin tại quảng trường hòa bình, ngay sau khi ông xuất hiện trước khán đài nói về thỏa hiệp hòa bình với Palestine. Có thể nói cuộc ám sát này nằm trong kế hoạch của phe chống thỏa hiệp với Palestine. Mùa hè năm 1994, một Thày Tư Tế của Chính Thống giáo tại Brooklyn, ông Abraham Hecht, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Truyền hình Do Thái đã tuyên bố rằng: "Bất cứ người Do thái nào nhượng cắt lãnh thổ của Do Thái cho người không phải là Do thái, theo luật lệ tôn giáo sẽ phải chết".
Kết quả của Thỏa-hiệp Oslo là dân Palestine được có một Hội-đồng cai trị, được tổ chức bầu cử thành lập một chính phủ tự trị tại hai phần đất Bờ Phía Tây và Gaza. Còn các vấn nạn về đất đai, dân tị nạn, thành phố Jerusalem… sẽ được hai bên tiếp tục thảo luận.
Chương trình Hòa Bình với Palestine của Thủ tướng Yitzhak Rabin đã đưa tới sự thành công rất đáng khích lệ về phương diện ngoại giao. Khi Hội nghị Madrid được triệu tập vào tháng 10 năm 1991, Do Thái mới chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với 91 quốc gia. Nhưng sau Thỏa Hiệp Oslo-I ngày 13-09-1993, Do Thái đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 155 quốc gia, kể cả các quốc gia Ả rập như Morocco, Tunesia, Oman, Qatar và Bahrain. Hội nghị Kinh tế tại Thủ đô Amman của Jordan vào tháng 10 năm 1995 là một chứng minh thực tế cho thấy sự thù địch giữa một số nước Ả Rập và Do Thái đã phần nào được giải tỏa, để đi tới chỗ hợp tác về kinh tế giữa các quốc gia trong vùng.
Từ kết quả của Thỏa-hiệp Oslo, năm 1994 Do Thái đã ký Hiệp-ước Hòa-bình với Jordan.
5)-Chiến dịch nổi dậy lần thứ hai năm 2000
Tuy đạt được kết quả quản trị hai phần đất và có chính quyền tự trị; nhưng dân Palestine vẫn chưa đạt được mục tiêu lấy lại đất đai đã mất trong cuộc chiến 1967, nên chiến dịch nổi dậy lần thứ hai được mở màn vào năm 2000. Các cuộc biểu tình bạo động chống Do Thái xẩy ra liên tục khiến cho Thế-giới quan tâm và chính phủ Mỹ lại phải can thiệp, đứng ra tổ chức Hội-nghị Thượng-đỉnh tại Trại Đa-vít (David Camp) ở Hoa Kỳ lần thứ hai vào năm 2000. Tại hội nghị này có sự tham dự của Tổng-thống Mỹ Bill Clinton, Thủ-tướng Do Thái Ehud Barak và chủ tịch Palestine, Yasser Arafat. Tuy nhiên, hội nghị vẫn không giải quyết được các vấn đề rắc rối giữa hai phe. Không phe nào chịu nhượng bộ nhau.
Các cuộc họp mới đây giữa Tổng-thống Mỹ Barack Obama với Chủ-tịch Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Do Thái Benjamin Nethanyahu vào các ngày 22/9/2009, 24/3/2010, 6/7/2010 và 24/3/2010 cũng không đạt được kết quả khả quan nào. Do Thái vẫn không chịu ngưng chương trình xây cất các khu gia cư trên phần đất chiếm được của Palestine trong cuộc chiến 1967.
Kỳ tới: "Bao giờ quốc-gia Palestine ra đời?"
Các cuộc chiến giữa Do Thái và các nước Ả Rập
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Như trong bài 1 chúng tôi đã viết: Ngày 29.11.1947 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) với 33 phiếu thuận, 13 phiếu chống và 10 vắng mặt, đã đưa ra Quyết-định 181 thành lập 2 quốc gia, một quốc-gia Ả Rập (an Arab State), một quốc-gia Do Thái (a Jewish State). Do Thái chấp nhận quyết định của LHQ và tuyên bố quốc gia Israel ra đời vào ngày 14/5/1948. Tất cả các nước Muslim và Ả-rập độc lập bỏ phiếu chống lại quyết định của LHQ. Sự chống đối này đưa tới các cuộc chiến tranh chống Do Thái của các nước Ả Rập kể từ năm 1948 cho tới ngày nay.
Vì giới hạn của bài báo, chúng tôi không viết tất cả các cuộc xung đột vũ trang hay nổi loạn nho nhỏ mà chỉ nói tới các cuộc chiến tranh quan trọng giữa Do Thái và các nước Ả Rập xẩy ra theo thứ tự thời gian như sau:
1) Cuộc chiến năm 1947-1948
2) Cuộc chiến tại kinh đào Suez năm 1956
3) Cuộc chiến thần tốc năm 1967
4) Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973
1)- Cuộc chiến năm 1947-1948:
Để thống nhất đường lối chính trị, năm 1945 Liên-đoàn Ả Rập (the Arab League) được thành hình với 7 nước hội viên là: Egypt (Ai Cập), Iraq, Lebanon, Saudi Arabia, Syria, Transjordan và Yemen. Iran vào thời kỳ đó dưới sự cai trị của Vương-quyền Shah thân Mỹ, nên không đứng về phe Ả Rập mà ủng hộ tân quốc gia Israel.
Ngày 15.5.1948, Tổng Thư ký của Liên-đoàn các quốc gia Ả-rập (the League of Arab States) gửi điện tín cho Tổng Thư-ký LHQ công bố mục đích của các nước Ả Rập là thành lập một ”Quốc-gia Thống-nhất Palestine” (a United State of Palestine) thay vì 2 quốc gia, một quốc gia Israel, một quốc gia Ả-rập theo quyết định của LHQ. Liên-đoàn các quốc gia Ả-rập tuyên bố sẽ tái lập trật tự tại Palestine và thành lập một quốc gia Ả-rập và công nhận sự độc lập của quốc gia Palestine. Liên đoàn tuyên bố việc chia đất Palestine của LHQ là bất hợp pháp, đối nghịch với đa số dân Ả-rập tại lãnh thổ Palestine và xác định việc thiếu một chính quyền hợp pháp là sự cần thiết mà các nước Ả-rập phải can thiệp vào để bảo vệ quyền lợi và tài sản của dân Ả-rập.
Trên đất Palestine, vùng đất dành cho Do Thái trong đó dân Do Thái có 499.000 người, chiếm 32% trên tổng số dân; dân Ả-rập có 438.000 người, nhưng qua Quyết-định 181 của LHQ lại được chia tới 56% lãnh thổ, kể cả vùng sa mạc Negev ở phía Nam không người cư trú. Tại vùng đất dành cho các nước Ả-rập thì dân Ả-rập và dân gốc Palestine có tới 818.000 người và dân Do Thái chỉ có 10.000 người; nhưng dân Ả-rập chỉ được chia 42% lãnh thổ. Nếu cộng lại, dân Do Thái có 499.000 người, trên tổng số 1.256.000 người Ả-rập (438.000 Ả-rập và 818.000 Ả-rập gốc Palestine) mà được chia 56% đất đai là sự không công bằng.
Do sự bất mãn trước quyết định 181 của Liên Hiệp Quốc, 5 nước Ả-rập là Egypt, Iraq, Jordan, Lebanon và Syria đã đồng loạt mở các cuộc tấn công Do Thái tại các chiến tuyến phía Nam Lebanon, bán đảo Sinai và khu vực Transjordan trước đây do Anh-quốc đặc nhiệm, tức quốc gia Jordan do vua Abdullah I cai trị.
Vua Abdullah I của Jordan lúc đó là tư lệnh binh đoàn Ả-rập (the Arab Legion) vào tháng 7/1948 có khoảng 40.000 chiến binh được huấn luyện và chỉ huy bởi các sĩ quan Anh-quốc. Tới tháng 10/1948 binh lính Ả-rập gia tăng lên khoảng 55.000 người. Do Thái vào tháng 6/1948 có khoảng 40.825 lính gồm các lực lượng Haganah, Stern và Irgun; nhưng tới tháng năm 1948 số binh lính đã gia tăng lên tới 115.000 người. Tuy vậy, vua Abdullah lại không quá quan tâm về việc chia đất Palestine và sự thành hình quốc gia Israel. Ông ta chấp nhận quyết định của LHQ, nhưng với điều kiện là phần đất Palestine, tức vùng Bờ phía Tây sông Jordan (West Bank), phải được sát nhập vào Jordan và ông đã được Do Thái chấp nhận trong các cuộc mật đàm với điều kiện là quân Jordan không tấn công vào lãnh thổ Do Thái do LHQ đã phân chia. Tuy nhiên, năm 1948 các nước Ả Rập làm áp lực đòi vua Abdullah I phải hợp tác trong đoàn quân Ả Rập để tấn công Do Thái. Có thể vì thân thiện với Do Thái, vua Abdullah bị ám sát vào năm 1951.
Do Thái vẫn khẳng định chương trình chia đất là hợp pháp với lý do dân Do Thái chiếm đa số trong vùng đất dành cho quốc gia Israel. Hoa Kỳ, Do Thái và Sô-viết coi hành động của các nước Ả-rập là hiếu chiến. Trygve Lie, Tổng Thư-ký LHQ cho rằng nó là sự hiếu chiến đầu tiên sau Thế Chiến II. Tầu Cộng lúc đó lại tuyên bố ủng hộ công bố của các nước Ả-rập.
Ai Cập mở đầu trận chiến với 2 phi cơ oanh tạc thủ đô Tel Aviv của Do Thái. Một phi cơ bị bắn hạ và phi công bị bắt sống. Ai Cập tiếp tục oan kích vào lãnh thổ Do Thái. Không quân Do Thái trả đũa bằng các cuộc không tập vào các cơ sở quân sự tại Damacus (Syria) và Amman (Jordan). Trong cuộc chiến đấu chống Ai cập Do Thái đã dành được một chiến thắng hết sức vẻ vang. Tại chiến trường Yad Mordechai lực lượng tự vệ 130 của Do Thái chỉ với súng trường, súng trung-liên và súng PIAT chống xe thiết giáp (Tank) đã cầm cự suốt năm ngày, chống trả mãnh liệt đoàn quân Ai Cập được trang bị thiết giáp, pháo binh và Không-quân. Ai Cập vừa chết vừa bị thương khoảng 400 người; Do Thái chỉ có 26 chết và 49 bị thương.
Ngày 29.5.1948 LHQ kêu gọi ngưng chiến trong vòng 28 ngày và cử Folke Bernadotte làm người hòa giải cùng với toán quan sát của LHQ bao gồm các sĩ quan của Bỉ, Hoa Kỳ, Thuỵ Điển và Pháp. Phái đoàn này có nhiệm vụ hòa giải và bảo đảm Thánh-địa Jerusalem và sự an toàn của dân chúng trong vùng. Nhưng cả hai phe Do Thái và Ả-rập đều lợi dụng thời gian ngưng chiến để củng cố lực lượng và chuẩn bị chiến đấu dành phần thắng cho mình.
Tư lệnh chiến trường của Do Thái lúc đó là Tướng Yitzhak Rabin (sau trở thành Thủ-tướng thứ 5 của Do Thái và bị ám sát chết vì bắt tay hòa bình với thủ lãnh Phong-trào Giải-phóng Palestine ”PLO” là Yassir Arafat) đã tuyên bố: ”nếu không có sự yểm trợ vũ khí từ Cộng-sản Tiệp Khắc thì Do Thái khó có thể củng cố an ninh và chống trả các cuộc tấn công của lực lượng quân sự từ các nước Ả-rập”.
Trong khi ngưng chiến đặc nhiệm LHQ Bernadotte bắt đầu hoạt động cho giải pháp chính trị: thành lập một quốc gia Ả-rập Palestine bên cạnh quốc gia Do Thái và một Liên-hiệp được hình thành giữa hai quốc gia tự chủ Israel và Jordan gồm cả Bờ phía Tây (West Bank); sa mạc Negev hoặc một phần sẽ thuộc về quốc gia Ả-rập và phía Tây Galilee thuộc về Do Thái; cố đô Jerusalem thuộc về quốc gia Ả-rập, khu vực Do Thái liên kết vào thành phố tự trị và phi trường Lydda và Haifa trở thành phi trường tự do cho cả Do Thái và Ả-rập.
Cả Do Thái và Ả-rập đều phản đối đề nghị này. Ngày 8/7/1948, một ngày trước khi thời hạn ngừng chiến chấm dứt, Tướng Naguib của Ai Cập mở lại cuộc chiến, tấn công vào khu vực Negba của Do Thái. Ngày 9/7/1948, Do Thái trả đũa trên cả ba chiến tuyến Ai Cập, Jordan và Lebanon. Cuộc chiến kéo dài được 10 ngày thì Hội-đồng Bảo-an LHQ yêu cầu ngừng chiến lần thứ hai vào ngày 18/7/1948.
Ngày 16/9/1948, Folke Bernadotte, đại diện của LHQ, đề nghị chương trình mới về việc phân chia lãnh thổ Palestine: Jordan được phép sát nhập các khu vực thuộc Ả-rập là Negev, Lydda và Ramla. Quốc gia Do Thái được toàn vùng Galilee và thành phố quốc tế Jerusalem, để thay thế cho vấn đề người tị nạn. Đề nghị này cũng bị hai phe từ chối. Ngày 17/9/1948, Bernadotte đại diện của LHQ bị ám sát tại Jerusalem bởi chiến binh Lehi của Do Thái, vì họ sợ chính phủ Do Thái sẽ chấp nhận chương trình này.
Quyết-định 194 của Liên Hiệp Quốc (UN Resolution 194)
Tháng 12/1948, Đại-hội Đồng LHQ thông qua Quyết-định 194 với những điểm chính liên quan tới thỏa hiệp hòa bình, dân tị nạn được phép trở về quê hương và sống hòa bình với láng giềng. Ai không về sẽ được đền bù tài sản bị mất mát. Quyết-định cũng đề cập tới việc thành lập một Ủy-ban Đặc-nhiệm Hòa-giải LHQ (the U.N. Conciliation Commission). Tuy vậy, nhiều phần của quyết định không được thi hành đưa tới cuộc xung đột về dân tị nạn Palestine.
** Thỏa-hiệp Ngưng-chiến năm 1949 của Do Thái:
Để tránh các cuộc chiến với các nước láng giềng hầu bảo vệ nền độc lập mới ra đời, năm 1949 Do Thái đã ký thỏa hiệp ngưng chiến với Ai Cập vào ngày 24/2, Lebanon ngày 23/3, Jordan ngày 3/4 và Syria ngày 20/7. Biên giới mới của Do Thái sau cuộc chiến 1948 được mở rộng thêm 18%, tức 78% so với lãnh thổ thời kỳ Anh-quốc đặc nhiệm vùng Palestine. Vùng Gaza bị Ai Cập chiếm và vùng Bờ phía Tây (West Bank) bị Jordan chiếm không thay đổi. Tổ-chức Quan-sát Ngưng chiến LHQ và Đặc-nhiệm ngưng bắn Hỗn hợp được thành lập để hướng dẫn ngưng bắn và lực lượng bảo vệ hòa bình LHQ cũng được gửi tới.
** Hậu quả:
Cuộc chiến năm 1947-1948 đưa tới hậu quả là:
-Do Thái có 6.373 người chết trong đó có 4.000 binh lính và số còn lại là thường dân, tổn thất khoảng 1% dân số. Tổn thất của Ả-rập không rõ. Người ta ước lượng khoảng 8.000 tới 15.000 người.
-Theo thống kê của Đặc nhiệm Hòa-giải LHQ về vấn đề Palestine ước lượng có khoảng 711.000 dân Palestine phải chạy tị nạn khỏi các vùng do Do Thái kiểm soát.
2)- Cuộc chiến tại kinh đào Suez năm 1956
Năm 1869, kinh đào Suez được mở cửa cho tầu bè quốc tế thông thương giữa Ấn Độ Dương (Indean Ocean) và Địa Trung Hải (Mediterranean Ocean). Kinh Suez được hoàn thành sau 10 năm làm việc và được tài trợ bởi chính phủ Pháp và Ai Cập. Việc điều hành do Công ty Quốc-tế Kinh đào Hàng-hải Suez (the Universal Company of the Suez Maritime Canal), một công ty đặc nhiệm của Ai Cập đảm trách. Khu vực chung quanh kinh Suez vẫn thuộc quyền lãnh thổ sở hữu của Ai Cập. Lợi điểm của kinh đào Suez là rút ngắn đường hàng hải từ Ấn Độ Dương qua Địa Trung Hải tới Âu Châu và ngược lại. Tầu bè tới Âu Châu kể từ thời điểm này không phải đi vòng qua Phi Châu, qua Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope), nơi có giòng nước xoáy dễ làm đắm tầu bè.
Năm 1875 vì nợ nần và khủng hoảng tài chính, chính phủ Ai Cập phải bán cổ phần hùn trong công ty điều hành kinh đào cho Anh-quốc. Chính phủ Anh mua 44% cổ phần với giá 4 triệu Bảng Anh (£4 million). Phần lớn cổ phần còn lại là của các nhà đầu tư Pháp. Năm 1882 quân đội Anh chiếm Ai Cập dành quyền kiểm soát kinh Suez và các lợi tức của kinh này. Năm 1888 qua Hiệp-định Constantinople kinh Suez được coi là vùng trung lập dưới sự bảo trợ của Anh-quốc. Đế-quốc Ottoman cho phép tầu bè tự do qua lại trong thời gian chiến tranh cũng như hòa bình. Hiệp ước có hiệu lực từ 1904. Lực lượng của Anh-quốc đồn trú tại kênh Suez vào lúc đó có khoảng 80.000 binh sĩ.
Ngày 24.1.1952 Anh-quốc quyết định tước vũ khí của lực lượng cảnh sát Ai Cập nổi loạn tại đồn Ismailia khiến cho 41 người Ai Cập bị chết. Biến cố này tạo nên phong trào chống Tây-phương ở Thủ-đô Cairo. Hàng trăm người ngoại quốc bị nhóm nổi loạn giết chết, trong đó có 11 dân Anh, và tài sản của họ bị tàn phá. Phong trào này đưa tới cuộc cách mạng lật đổ Chế-độ Quân-chủ Ai Cập. Ngày 23.7.1952 quân đội do Muhammad Neguib và Gamal Abdul Nasser (sau trở thành Tổng-thống) cầm đầu làm cuộc đảo chính mang tên “Phong-trào Sĩ-quan Tự-do” (the Free Officers Movement) đã lật đổ vua Farouk và thành lập Cộng-hòa Ai Cập (Egyptian Republic).
Ngày 26.7.1956, Tổng thống Ai Cập Gamal Nasser bất ngờ công khai quốc hữu hóa kinh đào Suez của Anh-Pháp, sau khi chính phủ Anh và Mỹ không viện trợ chương trình xây đập vĩ đại Aswan để giữ nước sông Nile dùng cho nông nghiệp. Chính phủ Anh-Mỹ cúp viện trợ vì Ai Cập công nhận Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa, tức Tầu Cộng, khi cuộc khủng hoảng giữa Tầu Cộng và Đài Loan lên cao điểm. Vì quyền lợi của mình, quân đội Anh, Pháp và Do Thái được điều động tấn công Ai Cập vào ngày 29.10.1956 để chiếm lại quyền kiểm soát kinh đào Suez. Quân độ Anh, Pháp và Do Thái thành công; nhưng lại bị áp lực của Hoa Kỳ và Liên Bang Sô Viết tại Liên Hiệp Quốc, phải rút quân.
Lúc đó Cộng-sản Sô Viết làm áp lực quân sự và đe dọa sẽ can thiệp đứng về phe Ai Cập, tấn công bằng phi đạn vào vị trí quân sự của Anh, Pháp và Do Thái. Vì áp lực này, ngày 8.11.1956, Tổng-thống Do Thái Ben-Gurion thông báo Tổng-thống Mỹ Eisenhower là Do Thái muốn rút quân khỏi bán đảo Sinai để nhường lại cho Lực-lượng Khẩn-cấp Liên Hiệp Quốc “UNEF” (the United States Emergency Force) gồm các quốc gia không là hội viên của Khối quân-sự Đồng-minh Tây-phương “NATO” và Khối Cộng-sản Đông Âu “Warsaw Pact”.
Hoa Kỳ tuy là Đồng-minh của Anh-quốc, nhưng dùng áp lực tài chính bắt quân đội Anh phải chấm dứt can thiệp vào kinh Suez. Chính phủ Anh chịu nhượng bộ vì về tài chính, Anh-quốc đang gặp khốn đốn, chỉ trong khoảng 30.10.1956 tới 2.11.1956, Ngân-hàng Quốc-gia Anh bị tổn thất $50 triệu Mỹ-kim và nguồn cung cấp dầu hỏa của Anh bị khủng hoảng do kinh Suez bị đóng cửa. Chính phủ Anh kêu cầu Quỹ Tiền-tệ Quốc-tế IMF (International Monetary Fund); nhưng Hoa Kỳ từ chối giúp đỡ khi Anh-quốc chưa chịu ký vào thỏa hiệp ngưng chiến và rút quân. Ngoài ra, Anh-quốc còn những món nợ khổng lồ với chính phủ Mỹ, các công ty và tư nhân Mỹ sau Thế-chiến II mà chưa trả được. Cùng lúc, Ả Rập Saudi bắt đầu phong tỏa dầu hỏa bán cho Anh và Pháp-quốc. Trong khi đó Khối NATO cũng không chịu cung cấp dầu hỏa cho Anh và Pháp-quốc. Chính vì vậy mà ngày 6.11.1956, Thủ-tướng Anh Anthony Eden đành tuyên bố ngưng chiến và cảnh giác cả Pháp-quốc cùng Do Thái. Lực lượng đặc nhiệm Anh-Pháp phải rút vào ngày 22.12.1956, nhường chỗ cho Lực-lượng Khẩn-cấp Liên Hiệp Quốc do Đan Mạch và Colombia đảm trách. Do Thái rút khỏi bán đảo Sinai vào tháng 3/1957; nhưng từ chối sự hiện diện của quân Liên Hiệp Quốc trên các phần đất đã chiếm được. Ngày 24.4.1957 kinh Suez đươc mở cửa cho tầu bè qua lại.
*** Sau vụ Hoa Kỳ chơi xỏ, bỏ rơi quân đội Pháp tại trận chiến Điện Biên Phủ vào năm 1954 và áp lực bắt phải rút quân trong cuộc xung đột tại kinh Suez năm 1956-1957, tình hữu nghị giữa Pháp-quốc và Hoa Kỳ không bao giờ còn mật thiết nữa. Từ biến cố kinh đào Suez, Tổng-thống Pháp Charles de Gaulle cho rằng không thể dựa vào Đồng-minh, vì đang giữa cuộc chiến chính phủ Anh đơn phương ngưng chiến mà không thông báo cho chính phủ Pháp; còn chính phủ Mỹ lại chống Pháp về chính trị. Vì thế, vào năm 1966 Tổng-thống Charles de Gaulle đã quyết định không hội nhập vào Khối NATO và ngày nay quân đội Pháp mặc dù nằm trong Khối NATO, nhưng không chịu đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tướng lãnh Mỹ trong NATO, có nghĩa quân đội Pháp do Tướng Pháp chỉ huy và chịu trách nhiệm vùng nào đó khi được chỉ định. Cũng vì bất mãn với Hoa Kỳ, Pháp-quốc đã chuyển giao tài liệu kỹ-thuật nguyên tử cho Do Thái, kể cả ngòi nổ (bộ phận kích hỏa) nguyên tử. Chính vì vậy mà Do Thái mới chế tạo được bom nguyên tử, một vũ khí phòng thủ không nước Ả Rập nào dám xóa tên Do Thái trên bản đồ khi chưa có vũ khí nguyên tử.
3)- Cuộc chiến thần tốc năm 1967
Ngày 18-05-1967, Tổng thống Ai Cập Gamel Abdel al-Nasser ra lệnh cho quân đội Liên Hiệp Quốc rút khỏi sa mạc Sinai; đồng thời ông điều động quân từ Yemen trở về và đưa tới trấn đóng tại bán đảo Sinai. Ngày 21-05-1967, nhằm khóa đường di chuyển của Do Thái, 7 sư đoàn của Ai Cập được lệnh tiến tới biên giới Do Thái và ngăn chặn trục giao thông từ bán đảo Sinai tới Saudi Arabia. Quân đội Syria và Jordan được đặt trong tình trạng báo động 100% và sẵn sàng lâm trận tại phía Bắc và phía Đông Do Thái.
Trước tình hình gây chiến đó, ngày 25-05-1967, Tổng Tư lệnh Quân đội, Tướng Yitzhak Rabin ban hành lệnh báo động 80% lực lượng chiến đấu của Do Thái để đối phó với những biến chuyển quân sự có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Tướng Moshe Dayan, người anh hùng của cuộc chiến năm 1956 đã giải ngũ vì bị thương hư một mắt và đang hành nghề nhà báo, được điều động trở lại phục vụ trong chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng. Vì sự sống còn của dân tộc, ngày 04-06-1967 chính phủ Do Thái quyết định tham chiến.
Ngày 05-06-1967 vào lúc 7 giờ 45 phút, trong khi không quân của Ai Cập đang ăn sáng, hàng trăm phi cơ phản lực chiến đấu của Do Thái bất ngờ tấn công các sân bay, đài radar và các máy bay vận tải còn đang đậu tại sân bay của Ai Cập. Trong vòng ba giờ đồng hồ, không quân của Ai Cập gồm 242 chiến đấu cơ Mic 21 và phi cơ oanh tạc trên chiến địa Sinai coi như bị hủy diệt hoàn toàn. Cùng chung số phận, không quân của Syria và Jordan đã bị phi cơ Do Thái đánh tan tành ngay trên đất liền. Trong vòng 16 giờ, 400 máy bay của Syria và Jordan bị chiến đấu cơ của Do Thái biến thành những mảnh sắt vụn. Trong khi đó, Không quân của Do Thái chỉ bị tổn thất 19 phi cơ trong tổng số 200 chiếc. Ngày 07-07-1967 Trung đoàn lính dù ‘Modechai Gur’ tái chiếm Thành Cổ, Bức tường phía Tây và Đền Thờ Jerusalem mới được tái thiết. Thành Thánh Jerusalem sau gần hai ngàn năm bị dân Ả Rập chiếm đóng; nay được giải phóng hoàn toàn và đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội Do Thái. Trên đà chiến thắng, Tướng Rabin, Tổng Tư Lệnh Quân đội và Tướng David (Dado) Elazar, Tư lệnh mặt trận tiền phương phía Bắc được lệnh Tổng trưởng Quốc phòng Moshe Dayan tấn chiếm cao nguyên Golan của Syria vào ngày 09-06-1967. Chỉ một ngày sau, quân đội Do Thái hoàn toàn làm chủ tình hình tại cao nguyên Golan.
Ngày 12-06-1967, Liên Hiệp Quốc lên án chiến tranh và ban hành Quyết định 242 yêu cầu Do Thái rút quân ra khỏi các vùng mới chiếm được. Sau đó, Thỏa hiệp ngưng chiến giữa Do Thái và các nước nước Ai Cập, Syria và Jordan đã được thi hành. Tuy nhiên, Do Thái vẫn không thực thi quyết định 242 của Liên Hiệp Quốc ngay trong thời gian này.
Sở dĩ người ta gọi là cuộc chiến tranh ‘Thần tốc” vì quân lực của Do Thái chỉ trong 6 ngày đã đánh tan Không quân của Ai Cập, Syria, Jordan, và đơn vị chủ lực trong cuộc chiến trên sa mạc Sinai. Khi Không quân đã làm chủ được vùng trời thì chiến thắng coi như nghiêng hẳn về phía quân đội Do thái. Hơn thế nữa, nếu so sánh sự tổn thất giữa cuộc chiến năm 1948 và 1967; người ta thấy trong chiến cuộc dành độc lập năm 1948, Do Thái đã bị tổn thất khoảng 6.000 nhân mạng; nhưng cuộc chiến năm 1967, Do Thái chỉ có 777 người chết. Trận chiến kết thúc quá nhanh và hầu như ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Chỉ trong 6 ngày, quân lực của Do Thái đã “tả xông, hữu đột”, đánh tan quân Jordan ở phía Đông, chặn đứng quân Lebanon và Syria ở phía Bắc, bao vây và cô lập hoàn toàn quân đoàn thiện chiến của Ai Cập trên sa mạc Sinai. Một quân lực của một dân tộc vỏn vẹn khoảng ba triệu dân, đã đánh tan ba đạo quân của Liên minh ba nước trên 65 triệu dân, và chiếm giữ một diện tích đất đai rộng lớn gấp mười lần lãnh thổ Do Thái. Kế hoạch gây chiến kiểu “lấy thịt đè người” của các nước Ả Rập lân cận đã đưa tới hậu quả: Ai Cập mất bán đảo Sinai; Jordan mất Bờ Phía Tây (West Bank) sông Jordan; Palestine mất Gaza; Syria mất cao nguyên Golan.
Hậu quả sau cuộc chiến
Sau chiến thắng năm 1967 có hơn 850.000 người Do Thái phải từ bỏ hoặc bị đuổi khỏi các nước Ả Rập phải trở về Do Thái. Người Do Thái còn lại tại các nước Ả Rập bị ngược đãi hay bị giết. Trong các cuộc bạo động tại Yemen và Syria hàng trăm người Do Thái bị giết, tại Lybia người Do Thái bị hủy bỏ quyền công dân, tại Iraq tài sản bị tịch thu v.v… Số lượng đất đai, khoảng 100.000 cây số vuông (Km2) mà người Do Thái sở hữu tại các nước Ả Rập nay phải bỏ lại lớn gấp bốn lần diện tích lãnh thổ Do Thái. Người Do Thái tại Bờ Phía Tây (West Bank) và Gaza cũng bị tịch thu tài sản khi trở về đất Do Thái. Cái khác biệt ở chỗ là những người Ả Rập sống tại Do Thái vẫn được quyền sở hữu đất đai, tài sản và không bị mất quyền công dân. Ngày nay chỉ còn khoảng 7.000 người Do Thái sống tại các nước Ả-rập.
4)- Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973
Sau 3 trận chiến chống Do Thái bị thua, các nước Ả Rập cố gắng tân trang quân đội và mua chiến cụ từ Sô Viết để tiếp tục chủ trương ”Ba Không”: ”Không công nhận, không hòa bình và đối thoại với quốc gia Israel”.
Tổng-thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser, thân Sô Viết, bị bệnh chết vào tháng 9/1970 và Anwar Sadat lên kế vị tiếp tục chương trình đòi lại bán đảo Sinai. Năm 1971 Anwar Sadat tuyên bố với Gunnar Jarring, đại diện của LHQ rằng: ”Nếu Do Thái chịu rút quân đội khỏi bán đảo Sinai và vùng ven biển Gaza cũng như chịu thi hành Quyết-định số 242 (ngày 22.11.1967) của Hội Đồng Bảo An LHQ thì Ai Cập sẵn sàng thỏa hiệp hòa bình với Do Thái”.
Hai điểm chính của Quyết-định 242, ngày 22.11.1967 là Do Thái phải rút về vị trí trước cuộc chiến năm 1967 và tôn trọng nền độc lập và lãnh thổ bất khả xâm phạm của các nước láng giềng. Nhưng Do Thái từ chối rút khỏi đường ranh trước tháng 6/1967. Tổng-thống Syria là Hafez al-Assad không cùng quan điểm với Tổng-thống Ai Cập Anwar Sadat nên tiếp tục gia tăng tiềm năng quân sự để chiếm lại Cao-nguyên Golan và áp lực Do Thái phải rút khỏi Gaza và Bờ Phía Tây.
Vì Do Thái không chấp nhận các điều kiện của Ai Cập, Tổng-thống Sadat bắt đầu mua vũ khí hiện đại do Số Viết sản xuất như: phi cơ phản lực chiến đấu MiG-21, Hỏa-tiễn chống chiến xa SA-2, SA-6 và SA-7, xe tăng (Tank) T-55, T-62, vũ khí chống xe tăng RPG-7 và hỏa-tiễn chống xe tăng AT-3 của Sô Viết. Các vũ khí và quân dụng này phải có theo chiến thuật ”ưu thế trận địa chiến” của Sô Viết. Các Tướng lãnh của Ai Cập thua trận trong năm 1967 bị thay thế. Sô Viết muốn bán và viện trợ vũ khí cho Ai Cập cũng nằm trong chương trình thử nghiệm xem vũ khí (bao gồm các trang bị của Không, Lục và Hải-quân) của Cộng-sản có thắng được Hoa Kỳ không. Tuy công khai bán vũ khí cho Ai Cập nhưng Sô Viết vẫn sợ phải đụng độ trực tiếp với Hoa Kỳ, nên đã tham dự đàm phán tại Thủ-đô Oslo của Na Uy. Tổng-thống Ai Cập Anwar Sadat biết được chuyện này đã quyết định trục xuất 20.000 cố vấn quân sự của Sô Viết về nước vào năm 1972 và tuyên bố đứng về phe Hoa Kỳ. Trong khi đó Syria vẫn thân thiện với Sô Viết. Vì Hoa Kỳ và Sô Viết đều không muốn chiến tranh Trung Đông bùng nổ, nên Tổng-thống Mỹ Richard Nixon và lãnh tụ Sô-Viết Leonid Brezhnev đã họp mặt vào tháng 6/1973 và hứa là Do Thái phải rút về biên giới trước cuộc chiến 1967.
Trong khi dân Do Thái đang chuẩn bị ngày lễ ăn năn thống hối linh thiêng nhất ”Yom Kippur” theo luật: kiêng ăn uống, không đi giầy da, không tắm rửa, không xức dầu thơm, kiêng việc xác thịt vợ chồng v.v… (giống như người Công giáo ăn chay hãm mình chuẩn bị Tuần Thánh Phục Sinh), thì các lãnh tụ của các nước Ả Rập và Islam họp nhau tại Thủ-đô Khartoum, Sudan và đi tới quyết định ”Không công nhận, không hòa bình và đối thoại với quốc gia Israel” mà người ta quen gọi là ”3 không” (three no´s).
Ngày 6/10/1973, Ai Cập bất ngờ dùng các phà chứa hàng tấn chất nổ TNT tông vào chiến lũy kiên cố nhất Thế-giới (sau chiến lũy Maginot của Pháp trong thời Đệ I và Đệ II Thế Chiến) của Do Thái nằm dọc theo kinh đào Suez. Sau đó quân Ai Cập vượt qua lằn ranh ngưng chiến, tấn công vào bán đảo Sinai. Cùng lúc, quân Syria ào ạt tấn công vào Cao-nguyên Golan, nơi mà Do Thái đã chiếm được trong trận chiến 6 ngày năm 1967.
Bán đảo Sinai là nơi đã xẩy ra 3 lần quần thảo giữa quân Do Thái và Ai Cập. Nay là lần thứ tư. Ai Cập chuẩn bị trước với 100.000 lính, 1.350 xe thiết giáp, 2.000 súng đại bác, súng cối, hỏa tiễn chống thiết giáp và các dàn hỏa tiễn SAM chống phi cơ Do Thái đặt bên phía Tây kinh đào trên vùng đất Ai Cập.
Lực lượng Do Thái có Binh-đoàn Jerusalem gồm 450 binh sĩ trải dài trên 16 chốt phòng thủ dọc theo kinh đào Suez cùng với 3 thiết đoàn gồm 290 xe thiết giáp.
Vì tương quan lực lượng quá chênh lệch (1 chọi 20) và bị tấn công bất ngờ nên lúc đầu Do Thái phải vừa lui quân vừa cố thủ cầm chân địch. Sau đó quân Do Thái được tăng cường thiết giáp, pháo binh và phi cơ yểm trợ đã phản công tại các mặt trận, đánh bọc hậu, tấn công vượt qua kênh Suez chiếm khoảng 2.000 cây số vuông bờ phía Tây của kinh Suez, chỉ cách Thủ-đô Cairo của Ai Cập khoảng 101 cây số. Lực lượng Do Thái cắt đứt đường liên lạc giữa Cairo và kinh Suez, cô lập đường tiếp tế quân dụng và thực phẩm và bao vây Quân-đoàn III của Ai Cập tại phía Đông kinh Suez. Đến ngày 24/10/1973 thì quân Do Thái bao vây và cô lập hoàn toàn Quân-đoàn III của Ai Cập khiến cho tình hình trở nên căng thẳng cao độ.
Về phía Đông-Bắc thì quân đội Do Thái đánh bật quân Syria ra khỏi lãnh thổ và tiến sâu vào đất Syria, tiến tới vị trí chỉ cách Thủ-đô Damacus 40 cây-số.
Trước tình hình nguy ngập có thể đưa tới chiến tranh toàn vùng, Liên Hiệp Quốc phải can thiệp bằng quyết định đình-chiến vào ngày 25/10/1973. Do Quyết-định 338 ngày 22.10.1973 của LHQ, và do Thỏa-hiệp ngưng chiến, Do Thái phải trả lại phần đất chiếm được ở phía Tây kinh Suez; nhưng vẫn giữ lại Cao-nguyên Golan của Syria.
Về tổn thất:
Quân đội Do Thái bị tổn thất 2.800 chết, 8.800 bị thương, 293 bị bắt, 400 xe tank bị phá hủy, 102 phản lực cơ chiến đấu bị bắn hạ gồm 32 F-4S, 53 A-4S, 11 Mirages và 6 Super Mysteres và 2 trực thăng Bell 205 và CH-53.
Quân đội các nước Ả Rập bị tổn thất cao hơn. Theo Thời báo Chủ-nhật Luân Đôn (London Sunday Times) có khoảng 15.000 lính Ai Cập và Syria bị giết, 35.000 bị thương; 8.372 lính Ai Cập và 392 lính Syria bị bắt sống; 13 lính Iraq và 6 Morocco bị bắt. Quân Ả Rập bị tổn thất 2.250 xe Tank trong đó 400 xe bị Do Thái chiếm được, 341-514 phi cơ bị hạ, 19 tầu bè bị đánh chìm trong đó có 10 tầu phóng hỏa tiễn.
Kết luận
Tổn thất hai bên nêu trên cho thấy Do Thái một mình chiến đấu với các địch thủ đông hơn và được trang bị bởi vũ khí hiện đại do Sô Viết bán và yểm trợ; nhưng vẫn đạt được chiến thắng huy hoàng, vang danh Thế-giới. Đây là một kinh nghiệm chiến trường cho thấy tinh thần dũng cảm, quyết chiến đấu để bảo vệ độc lập của toàn dân và toàn quân, cùng với chiến thuật hữu hiệu của Tướng lãnh Do Thái, đã đóng một vai trò quyết định. Sự nhất trí của dân và quân là yếu tố chủ chốt đã đem lại chiến thắng vinh quang và bảo vệ được nền độc lập của đất nước Do Thái.
Chiến thắng oanh liệt của một quân đội Do Thái nhỏ bé đánh tan các đạo quân khổng lồ Ả Rập trong các cuộc chiến bảo vệ độc lập cho tổ quốc khiến một số nhà bình luận thời cuộc đặt câu hỏi là:
-Tại sao Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa thua Việt Cộng ngay trên lãnh thổ Miền Nam?
-Toàn dân, toàn quân miền Nam có thực sự quyết chí chiến đấu chống Việt-cộng không?
Một trong các lý do Hoa Kỳ thất bại đã được danh Tướng “độc nhỡn” Moshe Dayan trả lời, khi ông tới thăm Miền Nam Việt Nam vào năm 1966 và cùng tham dự hành quân với Thủy-quân Lục-chiến Mỹ với tư cách là nhà báo của Do Thái. Hy vọng nếu có dịp chúng tôi sẽ bàn về vấn đề này.
Dân Tộc Palestine và những thăng trầm lịch sử
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Bài 2
Trong bài 1 chúng tôi đã giới thiệu một cách tổng quát về lịch sử Do Thái để nói lên tính cách hợp lý và hợp pháp sự tồn tại của quốc gia Do Thái trước và sau Công Nguyên.
Câu hỏi kế tiếp được đặt ra là: "Dân tộc Palestine xưa kia có một quốc gia như Do Thái không? Nếu không, tại sao ngày nay dân Palestine lại đòi lãnh thổ để thành lập quốc gia Palestine?
Trả lời cho thắc mắc này, mời Quí độc giả theo dõi bài 2: “Dân-tộc Palestine với những thăng trầm lịch sử”
I)- Dân tộc Palestine trước Công-nguyên
1)- Lịch sử tên gọi nguyên thuỷ Palestine
Tên gọI Palestine được nhắc tới đầu tiên trong Kinh Thánh Cựu Ước, sách Xuất Hành (Exodus: năm 1225 TCN) là Philistin.
Dân Ít-ra-en ra đi: “17 Khi Pha-ra-ô thả cho dân đi, Thiên Chúa không dẫn họ theo ngả đường xuyên qua xứ Phi-li-tinh, dù đường đó gần hơn, vì Thiên Chúa nói: “Khi thấy phải chiến đấu, dân có thể hối hận mà quay về Ai-cập.” 18 Vậy Thiên Chúa đưa dân đi vòng, qua ngả đường sa mạc Biển Sậy. Con cái Ít-ra-en võ trang đầy đủ từ đất Ai-cập đi lên.” (Xuất Hành chương 13, câu 17-18).
Tên gọi Palestine lâu đời kế tiếp được đề cập trong tài liệu của đền thờ Medinet Habu vào thời kỳ cổ đại Ai Cập có ghi là dân “P-r-s-t thường gọi là Peleset”, một dân tộc miền biển đã xâm nhập Ai Cập dưới triều đại vua Usimare Ramesses III (cũng gọi là Ramses III hay Ramese III) thuộc đời thứ hai của vương-quyền Pha-ra-ô (Pharaoh: 1186-1155 TCN). Theo tiếng Do Thái “Hebrew” thì tên Peleset trước kia thường được dịch qua tiếng Anh là “Philistia”.
Lãnh thổ Philistia thuộc vùng dân cư Philistines thời Vương-quốc Judah, phía Nam Do Thái. Vào thời kỳ 1185 (TCN) Philistia bao gồm 5 thành phố là Gaza, Ashkelon, Ashdod, Ekron và Gath. Biên giới phía Bắc là sông Yarkon, phía Nam kéo dài tới Gaza, phía Tây là Địa-trung hải và phía Đông không được xác định.
2)- Các Vương quốc thời kỳ 930-830 TCN
Như trong bài trước chúng tôi đã trình bày vào khoảng năm, 930 (TCN) sau khi vua Salomon từ trần Vương-quốc thống nhất của vua Đa-vít và Salomon bị chia thành hai nước lớn. Vương-quốc Israel ở phía Bắc và Judah (Judea) ở phía Nam. Cùng thời có Vương-quốc: Ammon, Edom, Aram-Damacus, Moab; đế-quốc Assyria, 2 tiểu bang (thành phố tự trị): Philistine, Phoenicia và 3 bộ lạc lớn: Aramea, Arubu và Nabatu (bản đồ đính kèm).
Năm 722 (TCN), cũng như lãnh thổ Israel, Philistia bị Đế-quốc Assyria xâm chiếm và sát nhập vào Assyria. Hoàng-đế Sargon II, trong kỷ yếu của ông ta, gọi vùng này là Palashtu hay Pilistu. Năm 604 (TCN) sau khi lật đổ Đế-quốc Assyria, Đế-quốc Babylon đã bắt dân Philistia làm nô lệ và Philistia coi như bị quên lãng.
II)- Dân tộc Palestine sau Công-nguyên
1)- Thời Đế-quốc Rô-ma, Hoàng- đế Publius Aerius Hadrianus, thường gọi là Hadrian (76-138)
Năm 131, dân Do Thái dưới sự lãnh đạo của Bar Kochba nổi lên chống Đế-quốc Rô-ma bị thất bại và Hoàng-đế Hadrian ra lệnh phá hủy thành Giê-ru-sa-lem (Jerusalem) và xây thành khác mang tên Aelia Capitolina để cho quân sĩ cư ngụ và xây một đền thờ thần Jupiter trên nền đền thờ Jerusalem. Sau đó dân Do Thái bị đuổi khỏi Jerusalem và lãnh thổ Judea bị đổi thành Syria Palaestina (Syria Palestina).
Đây là lần đầu tiên tên gọi Palaestina (ra đời dưới thời Hoàng-đế Hadrian của Đế-quốc Rô-ma (131-132)
(Palæstina: tiếng La-tinh mẫu tự a và e viết dính liền thành 1 mẫu tự æ)
2)- Thời Đế-quốc Rô-ma phương Đông, Byzantine (330-631)
Các phần đất Syria Palaestina, Samaria và Galilee được gọi chung là Palaestina vùng phụ của Palestina I và II; sau vùng này được đặt tên lạI, bao gồm sa mạc Negev, Sinai và bờ biển phía Tây bán đảo Ả-rập là Palaestina Salutaris, có khi gọi là Palaestina III. Chữ Ả Rập Palestine là Philistine, thường dịch qua tiếng Anh là Filistin, Filastin hay Falastin. Tên Palaestina không được dùng dưới thời Đế-quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman. Nó được thông dụng kể từ thời Âu Châu canh cải, đặc biệt sau thời Đế-quốc Ottoman sụp đổ và Anh-quốc đóng vai trò đặc nhiệm tại vùng này.
3)- Thời kỳ Đế-quốc Rô-ma Constantine (330-640)
Khi Hoàng-đế Constantine I theo đạo Công-giáo vào khoảng năm 330 thì lãnh thổ Palaestina được tổ chức thành ba khu vực vào năm 390:
-Palaestina I (Palaestina Prima) thủ phủ Caesarea bao gồm lãnh thổ Judea, vùng bờ biển Samaria và Peraea,
-Palaestina II (Palaestina Secunda) thủ phủ Scythopolis gồm lãnh thổ Gallilee, thung lũng Jezreel, vùng phía Đông Galillee và một phần phía Tây của Decapoli.
-Palaestina III (Palaestina Tertia hoặc Salutaris) thủ phủ Petra gồm lãnh thổ Negev phía Nam Jordan, một phần của Saudi Arabia và sa mạc Sinai.
Công-giáo trở thành quốc-giáo tại lãnh địa Palaestina. Vì thế khi nói tới Đất Thánh, người ta hiểu là lãnh thổ Palaestina rộng lớn được đặt trực thuộc Giáo-phận đàng Đông.
4)- Thời kỳ Hồi-giáo (Islam) cai trị (630-1918)
Năm 630, Tiên tri Muhammad chinh phục Mekka (Mecca) và nơi đây trở thành giáo-đô của đạo Islam. Mekka tại Saudi Arabia ngày nay, nơi có tảng đá đen hình khối vuông mà người Muslim tin rằng Tiên-tri Muhammad ban đêm đã bay về trời. Cuộc chinh phục này mở đầu cho sự phát triển đạo Islam trên toàn bán đảo Ả Rập. Palaestina dĩ nhiên chịu ảnh hưởng của Hồi giáo kể từ thời gian này.
5)- Thời kỳ cai trị của các Thủ-lãnh Islam (Caliphs) (638-1099)
Năm 638, Thủ-lãnh Islam Omar Ibn al-Khattab cùng Safforonius bao vây và chiếm thành Jerusalem. Giáo chủ (Patriarch) Jerusalem phải ký bản thỏa hiệp "Al-Uhda al-’Omariyya" (Thỏa hiệp Umariyya), một sự thỏa thuận khuyến khích các quyền lợi và bổn phận của tất cả những người không phải Muslim tại lãnh thổ Palaestina. Tín đồ Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo được coi là "Dân của Sách" (People of Book - Ahlal-Kitab), được bảo vệ, nhưng phải đóng thuế thân (Poll tax) gọi là "Jizyah".
"Dân của Sách" được xác định là không phải tín đồ Hồi-giáo Muslim, có đức tin và có sách cầu nguyện. Theo Kinh Thánh Koran (Qur´an), tín đồ Do Thái (Judaism), tín đồ Sa-bi (Sabians) và Tín đồ Thiên Chúa giáo là "Dân của Sách". Lý do: tín đồ các tôn giáo này, giống như người Muslim, công nhận Thiên Chúa của Tổ-phụ Abraham là Thiên Chúa duy nhất và thực hành đức tin qua lễ nghi thánh thiện, tha thứ và tự trị, thì thích hợp với người Muslim trong một xã hội được cai trị bởi luật Sharia (Luật Thánh của Islam)
Tuy nhiên, có nhiều thủ-lãnh Muslim và học giả Islam cũng kể đạo Zoroastrinism (của Tiên-tri Zoroaster ở Persia (Iran) trước thế kỷ 6 TCN) và Ấn Độ giáo (Hinduism) vào danh sách này.
Chính vì không có sự kỳ thị và áp bức; nên có nhiều người Do Thái trở về Jerusalem, sau 500 năm bị lưu đày xa quê hương.
6)- Thời kỳ cai trị của Umayyad Caliphates (661-750)
Thời cai trị của Umayyad, thủ lãnh Muslim, tỉnh Palaestina I trở thành tỉnh phụ (Sub-province hay Jund) hành chính và quân sự của Filastin là tên gọi lãnh thổ Palaestina trong tiếng Ả-rập từ thời điểm này trở đi. Nó là một phần của tỉnh lớn ash-Sham (trong tiếng Ả-rập có nghĩa Syria rộng lớn hơn).
-Jund Filastin (tiếng Ả-rập có nghĩa là quân đội của Palaestina) là vùng trải dài từ sa mạc Sinai tới đồng bằng Acre (Akko) từ biên giới Lebanon tới phía Nam Israel, bao gồm các thành phố lớn như: Rafah, Caesarea, Gaza, Jaffa, Nablus và Jerico. Thành phố Lod (tên Hy Lạp và Latin là Lydda, tên từ Kinh Thánh Cựu Ước), khu trung tâm của Thủ-đô Tel Aviv của Do Thái ngày nay, có phi trường quốc tế Ben-Gurion, xưa là trung tâm thành phố của Filastin và Thủ-đô di chuyển về Ramla vào khoảng năm 705-715 TCN, khi thủ-lãnh Muslim, Umayyad Caliph Suleiman ibn Abed al-Malik, chinh phục vùng này. Ramla nằm dọc theo đường biển (Way of Philistuines) hay the way of the sea, tiếng Latin: Via Maris), đường buôn thông thương giữa Ai-cập với Syria, Anatolia và Mesopotamia, ngày nay là Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và cửa biển Jaffa tới Jerusalem. Đường này cũng được nói trong Kinh Thánh Tân Ước (Mát-thêu 4, 15).
-Jund al-Urdum (Quân- đội của Jordan) là vùng phía Bắc và Đông của Filistin bao gồm các thành phố Acre, Bisan và Tiberia. Năm 691, thủ-lãnh Muslim Abd al-Malik ibn Marwan ra lệnh xây cất Đền Thờ Đá Vòm (Dome of the Rock) trên Núi Thờ (Temple Mount), nơi mà Tổ-phụ Abraham đã đem con trai mình là Isaac lên núi Moria để tế lễ Thiên Chúa; và là nơi mà người Muslim tin là Tiên-tri Muhammad đã lên trời vào ban đêm. Khoảng một thập niên sau (791), thủ lãnh Muslim là Al-Walid I xây Đền Thờ Al-Aqsa, đền thờ Islam thứ hai trên Đất Thánh.
*** Như vậy có thể nói: từ năm 638 là thời điểm dân Ả-rập theo đạo Islam có chủ quyền trên toàn lãnh thổ Palaestina và trên Cố-đô Jerusalem.
5)- Thời kỳ cai trị của Fatimid (969-1099)
Từ căn cứ địa ở Tunisia, Thủ-lãnh Muslim hệ phái Shi’ite là Fatimid Caliphate, qua con gái là Fatimah, tự xưng là hậu duệ của Tiên-tri Muhammad đã xâm chiếm Palaestina vào năm 969 qua đường Ai-cập. Fatimid từng cai trị Maghreb (Sudan), đảo Cicily và Malta, Levant và Hijaz từ năm 909 tới 1171. Ban đầu thủ-đô của Fatimid đặt tại Mahdia (Tunisia) sau dời qua Cairo (thủ-đô Ai Cập ngày nay). Jerusalem, Nablus và Askalan được mở rộng và canh tân dưới thời kỳ này. Hai tổ chức cũ Jund Filastin và Jund al-Urdum bị hủy bỏ. Vào cuối bán thế kỷ 11 thì Đế-quốc Fatimid bị thất bại về tay Thổ Nhĩ Kỳ (Seljuk Turks). Jerusalem bị đặt dưới quyền cai trị của Seljuks năm 1073 cho tới khi Thập Tự Quân giải phóng Jerusalem vào năm 1098.
6)- Thời kỳ cai trị của Thập Tự Quân (Crusader) 1099-1187)
Vương quốc Jerusalem là vương quốc của người Ki-tô giáo được thiết lập từ năm 1099 tới 1291 tại Levant, một khu vực rộng lớn bao gồm các lãnh thổ Lebanon, Jordan, Israel, Syria, Cuprus, Sinai và Iraq. Năm 1291 Vương-quốc Jerusalem bị thất bại về tay Đế-quốc Thỗ Nhĩ Kỳ "Mamluk". Vương-quyền Mamluk cai trị Trung Đông, Bắc Phi Châu và một số nước Đông Âu suốt trong 10 thế kỷ. Các người cầm quyền hành đất nước hay lãnh thổ được gọi là Sultan (thay cho Caliph trước đây). Mamluk Sultanate (1250-1517) đã có công đánh bại quân Mông Cổ và Thập Tự Quân.
Đến tháng 7/1187, từ căn cứ Cairo, Tướng Saladin, người Kurdistan, chỉ huy quân đội chiến thắng trong trận Hatti và chiếm Jerusalem. Một sự thỏa hiệp dành cho Thập Tự Quân đặc quyền lưu lại tại đất Palaestina. Năm 1229 vua Frederick II (1220-1250) đã đàm phán với Đế-quốc Thổ Sultan về hiệp ước 10 năm cho Jerusalem, Nazareth và Bethlehem, một lần nữa được cai trị bởi Thập Tự Quân. Frederick II là Hoàng-đế Rô-ma, vua nước Đức, Ý, Cicily, Burgundy, người bị Đức Giáo Hoàng Gregory IX rút phép thông công 4 lần (cấm rước lễ) vì tội chống Đức Kitô (Anti Christ).
Năm 1270, Sultan Baibars đánh đuổi Thập Tự Quân ra khỏi hầu hết các quốc gia Trung Đông.
Phải chăng vì sự thất bại này mà Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay chực chờ mãi mà chưa được chấp nhận làm hội viên của Liên Hiệp Âu Châu "EU"?
7)- Thời kỳ cai trị của Đế-quốc Thổ Nhĩ Kỳ Mamluk (1270-1516)
Trong thời kỳ Mamluk lãnh thổ Palaestina được coi như một phần của khu vực Damacus Wilayah dưới sự cai trị của Mamluk Sultanate của Ai Cập. Palaestina bị chia thành ba tiểu khu nhỏ (Sanjaks) với Thủ-phủ là Jerusalem, Gaza và Safed, được các văn sĩ Ả-rập và Muslim ca tụng là thời kỳ "Lãnh thổ được các Tiên-tri chúc phúc và các nhà lãnh đạo đáng kính của Islam". Các nghi lễ thánh được tái phục hồi và đón nhận nhiều khách hành hương.
Cuối thế kỷ 13 Đế-quốc Thổ Mamluks đã đánh bại quân của Đế-quốc Mông Cổ vào ngày 3/9/1260 ở chiến tuyến đồi cao Ain Jalut của thung lũng Jezreel phía Bắc Jerusalem trên đất Palaestina.
Năm 1267, Catalan Rabbi Nahmanides, bị ngược đãi đã trốn khỏi Âu Châu, xin tị nạn tại các nước Islam và tới Jerusalem xây đền thờ Do Thái Ramban tại thành phố Jerusalem cổ, còn tồn tại đến ngày nay. Đền thờ này làm sống lại tinh thần Do Thái tại Đất Thánh.
Năm 1486 cuộc xung đột giữa Đế-quốc Thổ Mamluk và Ottoman xẩy ra do sự tranh dành quyền hành tại Tây-Á. Quân đội của Mamluks bị quân Ottoman Sultan Selim I đánh bại. Lãnh thổ Palaestina mất về tay Ottoman năm 1516 sau trận chiến Marj Dabiq.
8)- Thời cai trị của Đế-quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman (1516-1831)
Sau sự chinh phục của Đế quốc Ottoman, tên Palaestina bị biến mất trên bản đồ. Năm 1516, Palaestina trở thành một phần đất của tỉnh Vilayet của Damacus-Syria cho tới năm 1660. Sau đó trở thành một phần đất của Saida (Sidon) cho tới khi Pháp-quốc chiếm Jaffa, Haifa và Caesarea vào ngày 7/3/1799 tới tháng 7/1799.
Trong cuộc chiến chống quân Đế-quốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Acre trên lãnh thổ Palaestina, ngày 20/4/1799, Napoléon Bonaparte, Tổng Tư Lệnh Quân-đội Cộng-hòa Pháp-quốc, sau trở thành Hoàng-đế Pháp, đã viết thư cho dân Do Thái hứa sẽ thành lập một quốc gia Israel trên đất Palaestina dưới sự bảo trợ của Cộng Hòa Pháp-quốc. Nhưng đó chỉ là sự hứa hẹn chưa thực hiện được, vì sau đó Napoléon bị thất bại phải rút quân khỏi vùng Cận Đông.
Ý định của Napoléon Bonaparte được coi như phát xuất từ tâm tình và nỗi chờ mong của người Do Thái về ngày được giải phóng trở về đất nước mà Tiên-tri I-sa-i-a (Isaiah) đã tiên báo trong Cựu Ước, sách Isaiah chương 35: "Giê-ru-sa-lem toàn thắng" câu 10:
Những người được Ðức Chúa giải thoát sẽ trở về,
Tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo,
Mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu.
Họ sẽ được hớn hở tươi cười,
Đau khổ và khóc than sẽ biến mất”.
9)- Thời cai trị của Ai Cập (1831-1841)
Ngày 10/5/1832, các lãnh thổ của Bilad ash-Sham bao gồm Syria, Jordan, Lebanon và Palaestina bị chinh phục và sát nhập bởi Muhammad Ali qua trận chiến Ai Cập-Ottoman vào năm 1831. Anh-quốc gửi Hải-quân tới Beirut, Lebanon và liên quân Anh-Ottoman hiện diện khiến cho dân địa phương nổi dậy chống Ai Cập. Quân Ai Cập phải rút về nước và Muhammad Ali phải ký thỏa hiệp 1841. Quân Anh trao lại vùng Lavant cho Đế-quốc Ottoman.
10)- Thời cai trị của Ottoman (1841-1917)
Trong chương trình tái tổ chức vào năm 1873, trong đó thiết lập biên giới hành chính còn lưu lại cho tới năm 1914, lãnh thổ Palaestina bị phân chia thành 3 đơn vị hành chính lớn.
-Phần phía Bắc trên đường ranh Jaffa tới phía Bắc Jericho và Jordan bị sát nhập vào tỉnh Vilayet vùng Sanjaks của Acre, Beirut và Nablus.
-Phần phía Nam từ Jaffa trở xuống là một phần của vùng đặc biệt Jerusalem. Các biên giới phía Nam không rõ; nhưng có thể kể là vùng phía Đông bán đảo Sinai và phía Bắc sa mạc Negev.
-Phần lớn vùng trung tâm và phía Nam sa mạc Negev thuộc tỉnh Vilayet của Hijaz, gồm bán đảo Sinai và phía Tây của Saudi Arabia.
Tới thế kỷ 19 chính quyền Ottoman đặt tên mới là Ardh-u Filistin (Đất Palaestina) là vùng phía Tây sông Jordan sau trở thành Palaestina cho đến khi thuộc quyền đặc nhiệm của Anh-quốc vào năm 1922.
11)- Thời kỳ Thế Chiến I (1914-1918)
Trong Thế Chiến I Palestine được dùng trong giấy tờ pháp lý và chỉ vùng đất trải dài từ Rafah (Đông-Nam Gaza) tới sông Litani (Lebanon). Biên giới Palestine phía Đông giáp biển và phía Đông từ sa mạc Syria hoặc giáp sông Jordan. Theo Thỏa hiệp Sykes-Picot thì phần lớn Palestine, khi chạy giặc Ottoman, sẽ trở thành vùng Quốc-tế; không trực tiếp dưới quyền kiểm soát của Anh và Pháp-quốc. Nhưng theo Tuyên ngôn Balfour năm 1917 của Ngoại trưởng Anh thì quốc gia Israel sẽ đuợc thành lập trên đất Palestine.
Anh-quốc điều quân Ai Cập dưới sự chỉ huy của Edmund Allenby chiếm Jerusalem ngày 9/12/1917 và quân Thổ phải đầu hàng ngày 31/10/1918.
12)- Thời kỳ đặc nhiệm của Anh-quốc (1920-1948)
Năm 1922, sau Thế Chiến I, Hội Quốc Liên (LHQ) giao quyền quản trị lãnh thổ Palestine cho Anh-quốc. Hai quốc gia được thành lập là: Palestine và Transjordan. Sự hình thành hai quốc gia Palestine và Transjordan lại đi ngược với Tuyên ngôn của Ngoại-trưởng Anh Balfour 1917, về sự thành lập một quốc gia Israel trên lãnh thổ Palestine.
Vì thế, một số quốc gia Ả Rập nghĩ rằng Anh-quốc đã vi phạm thư thỏa hiệp của cao ủy Anh, Mc Mahon gửi cho Thủ lãnh Hussein ở Mecca, về chủ quyền lãnh thổ Palestine. Lý do: binh sĩ của các nước Ả-rập trong vùng, đặc biệt lính Ai-Cập, đã có công trong việc đánh bật quân Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi lãnh thổ Palestine. Như vậy, quyền quyết định vận mạng đất nước này phải là quyền của các nước Ả-rập trong vùng.
Vì thế, một số nước Ả-rập muốn thống nhất Palestine vào Syria. Năm 1919 nhiều tổ chức Muslim và Ki-tô giáo từ Jaffa cũng như Jerusalem đã hội họp và chấp nhận dự án thống nhất với Syria, chống lại Do Thái. Có người gọi đây là Quốc-hội Quốc-gia Palestine đầu tiên.
III)- Nhận định
Ôn lại chặng đường lịch sử của dân tộc Palestine từ trước và sau Công Nguyên, chúng ta thấy rằng một dân tộc Palestine và lãnh thổ Palaestina thì có; nhưng một chính quyền quốc gia Palestine đúng nghĩa thì chưa có trong lịch sử cổ xưa và cận đại. Palaestina chỉ được nhắc tới như một thành phố tự trị hoặc tiểu bang (city-state) của một cộng đồng dân tộc thiểu số không có chính quyền hay vương quyền đúng nghĩa trong suốt dòng lịch sử; một dân tộc không có chủ quyền và luôn bị đặt dưới sự cai trị của các Đế-quốc và cường quốc trong vùng như Assyria, Babylon, Israel, Rô-ma, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… kể cả trước và sau Công-nguyên.
Người đứng đầu của thành phố tự trị hoặc tiểu bang của dân Palestine vào thời điểm đó cũng được gọi là "vua". Morgens Hansen, giáo-sư Đại-học Copenhagen trong tác phẩm: "Sự nghiên cứu có tính cách so sánh các nền văn hóa của 30 tiểu bang thành phố, một cuộc khảo sát" (A Comparative Study of Thirty City-State cultures: An Investigation, Bind 21), có trích một đoạn "Vương-quốc Philistine" (Kingdom of Philistine) của tác giả John Strange. Ở trang 136 ghi các vua của các thành phố Philistine (the Kings of the Philistine cities) như sau:
- Tiglat Pileser III (744-727 TCN), vua Hanno của Gaza.
- Esarhaddon, Sil-Be (680-669 TCN) vua của Gaza.
- Sennacherib (704-68 TCN), Iamani Lor và Azuri, vua của Ashkodod.
- Padi, vua của Ekron.
- Mitinti và Sidqia vua của Ashkelon.
Sự kiện làm vua một tỉnh chúng tôi có thể chứng minh được.
Trường họp 1:
Hiện nay dân Đan Mạch và báo chí vẫn gọi các ông tỉnh trưởng (Borgmester của Kommune: Công-xã hay tỉnh) là "Vua Tỉnh" (Bykonge = City King), mặc dù về phương diện hành chính trên các tỉnh còn có chính phủ Đan Mạch và Nữ Hoàng Margreth II. Theo nguyên tắc mỗi tỉnh (Kommune) được tự trị về hành chính; nhưng khi một tỉnh không còn khả năng điều hành, đặc biệt khi ngân sách của tỉnh bị thâm thủng vô phương cứu chữa, thì tỉnh đó sẽ được đặt dưới quyền quản trị trực tiếp của chính phủ. Các tỉnh của Palestin cách đây hơn 2.000 năm thì dân số chắc chỉ vài ngàn chục ngàn người, không thể so với các Tiểu-bang của Đức-quốc hay Hoa Kỳ ngày nay.
Trường hợp 2:
Thực tế hơn, quí độc giả cũng thấy rằng hiện nay dân Palestine có một chính quyền, lãnh thổ và dân chúng, đứng đầu là Tổng-thống (Chủ tịch) Mahmoud Abbas, 15.2.2005 kế vị sau khi Chủ-tịch Yasser Arafat, được bầu làm Tổng-thống năm 1996, chết vào ngày 11.11.2004. Tuy có một chính phủ: Tổng thống và nội các gồm Thủ-tướng và các Bộ-trưởng; nhưng Palestine vẫn chỉ là một lãnh thổ tự trị chứ chưa trở thành quốc gia Palestine độc lập, có chủ quyền và trở thành hội viên của Liên Hiệp Quốc.
Lý do vì sao, chúng tôi sẽ trả lời trong các bài kế tiếp.
Như trên đã nói, năm 722 (TCN), cũng như lãnh thổ Israel, Philistia bị Đế-quốc Assyria xâm chiếm và sát nhập vào Assyria. Hoàng-đế Sargon II, trong kỷ yếu của ông ta, gọi vùng này là Palashtu hay Pilistu. Năm 604 (TCN) sau khi lật đổ Đế-quốc Assyria, Đế-quốc Babylon đã bắt dân Philistia làm nô lệ và Philistia coi như bị quên lãng.
Như vậy, dân Palestine vào thời kỳ đó chỉ có vua của 4 thành phố lớn là Gaza, Ashkelon, Ashdod và Ekron dưới quyền cai trị của Đế-quốc Assyria và Babylon, chứ không phải là vua của một quốc gia độc lập tự chủ.
Khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thất bại trong Thế Chiến I và phải rút khỏi Palaestina, Anh-quốc với tư cách đặc nhiệm vùng Trung Đông đã thành lập hai quốc gia Palestine và Tranjordan (vương-quốc Jordan ngày nay). Tuy vậy, Palestine chưa thành hình một quốc gia độc lập có chủ quyền, vì Ngoại-trưởng Anh-quốc Balfour sau đó lại tuyên bố sẽ thành lập quốc gia Israel trên lãnh thổ Palestine. Chương trình của chính phủ Anh chưa được thực hiện và chưa có kết quả đã bị các nước Ả-rập trong vùng chống đối. Anh-quốc sợ mất lòng các nước Ả-rập đã trao vấn đề Palestine cho Liên Hiệp Quốc (LHQ) quyết định.
Ngày 29.11.1947 Đại Hội Đồng LHQ với 33 phiếu thuận, 13 phiếu chống và 10 vắng mặt, đã đưa ra Quyết-định 181 thành lập 2 quốc gia, một quốc-gia Ả Rập (an Arab State), một quốc-gia Do Thái (a Jewish State). Hai quốc gia này nằm trong liên hiệp kinh tế. Jerusalem rộng lớn hơn, bao gồm cả đất Bethlehem và Beit Sahour thuộc vùng đất thánh của người Ki-tô giáo do Quốc-tế kiểm soát. Tình trạng Jerusalem thuộc quyền kiểm soát của Quốc-tế cũng được tái xác nhận vào ngày 9/12/1949, qua Quyết-định 303 của Đại Hội Đồng LHQ
Do Thái chấp nhận quyết định của LHQ và tuyên bố quốc gia Israel ra đời vào ngày 14/5/1948; trong khi các thủ lãnh Ả-rập gốc Palestine bác bỏ và tất cả các nước Muslim và Ả-rập độc lập bỏ phiếu chống lại quyết định của LHQ. Liền sau đó, các cuộc bạo động xẩy ra khiến cho hàng trăm người dân Ả-rập, Do Thái và Anh-quốc bị giết.
Trong Quyết-định 181 Liên Hiệp Quốc không nói gì tới một quốc-gia Palestine (Palestine State).
Sự bác bỏ hoàn toàn quyết định 181 của LHQ ngày 29.11.1947 của các nước Muslim (Islam) và Ả-rập đưa tới hậu quả là một quốc gia Ả-rập hay Palestine không thành hình. LHQ đã cho các nước Ả-rập và dân Palestine một cơ hội; nhưng họ đã từ chối. Vì thế, lãnh thổ Palestine vẫn còn nằm tình trạng tranh chấp giữa Do Thái, Palestine và các nước Ả-rập kể từ năm 1947 cho tới ngày nay.
---------------------
Ghi chú:
Các tên gọi: Palestine (tiếng Anh, Pháp), Palestina hay Palæstina (Latin, mẫu tự "a" và "e" viết dính liền), vì bàn máy đánh chữ (keyboard) của Computer mỗi nước (Anh, Đức, Bắc Âu, La-tinh) khác nhau, nên có khi chúng tôi viết a và e không dính liền để thay thế, và Palaestina (Hy Lạp) có cùng một nghĩa về lãnh thổ mà chúng tôi đã và sẽ viết tuỳ theo mỗi thời kỳ lịch sử.
- Do Thái và Palestine, cuộc tranh chấp lâu dài nhất thế giới
- Hận thù khủng bố 11.9.2011 Mục sư Jones khích động đốt kinh Koran
- Nam Phi Năm 2010 Giải Bóng Đá Quốc Tế
- Liệu Thái Lan có nguy cơ bị Cộng-sản nhuộm đỏ không?
- Những cái chết không người yêu vuốt mắt
- Nền kinh tế Hy Lạp đi về đâu?
- Kết Quả Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Hiệp Quốc Về Sự Thay Đổi Khí Hậu
- Hội nghị Liên Hiệp Quốc về sự thay đổi khí hậu
- Kỷ niệm 20 năm Bức Tường Bá-Linh Sụp Đổ
- Thất bại tại Hội Nghị Olympic TT. Barack Obama bất ngờ được giải thưởng Nobel Hòa Bình