Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Thánh Lễ Dầu
Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 17 tháng 4 năm 2025
Anh chị em Giám mục và linh mục thân mến,
Anh chị em thân mến!
“Ta là Alpha và Omega, Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1,8) chính là Chúa Giêsu. Người chính là Đức Giêsu mà Thánh Luca mô tả trong hội đường Nadarét, giữa những người đã biết Người từ thuở nhỏ và giờ đây kinh ngạc về Người. Mặc khải – “apokalypse” – được ban trong giới hạn của thời gian và không gian: có thân xác là bản lề nâng đỡ niềm hy vọng. Thân xác của Chúa Giêsu và của chúng ta. Sách cuối cùng của Kinh Thánh kể lại niềm hy vọng này, theo cách rất đặc biệt, làm tan biến mọi nỗi sợ hãi về ngày tận thế dưới ánh sáng của tình yêu chịu đóng đinh. Trong Chúa Giêsu, cuốn sách lịch sử được mở ra và chúng ta có thể đọc được.
Chúng ta, những linh mục, cũng có một lịch sử: khi tuyên lại những lời hứa trong ngày Truyền Chức vào Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta tuyên xưng rằng chỉ có thể đọc được lịch sử ấy trong Chúa Giêsu Nadarét. “Đấng yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta” (Kh 1,5) cũng mở ra cuộn sách cuộc đời chúng ta và dạy chúng ta tìm thấy những bước đi mang lại ý nghĩa và sứ mạng của cuộc sống chúng ta. Khi chúng ta để Người hướng dẫn, thừa tác vụ của chúng ta trở thành một thừa tác vụ của hy vọng, bởi vì trong mỗi câu chuyện của chúng ta, Thiên Chúa mở ra một Năm Thánh, nghĩa là một thời gian và một ốc đảo của ân sủng. Chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có đang học cách đọc cuộc đời mình không? Hay tôi sợ làm điều đó?
Cả một dân tộc tìm được sự nghỉ ngơi, khi Năm Thánh bắt đầu trong cuộc đời chúng ta: không phải mỗi hai mươi lăm năm một lần – mong là thế! – mà trong sự gần gũi hàng ngày của linh mục với dân Chúa, nơi những lời ngôn sứ về công lý và hòa bình được ứng nghiệm. “Người đã làm cho chúng ta thành vương quốc và tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,6): đó là Dân Thiên Chúa. Vương quốc tư tế này không đồng nhất với hàng giáo sĩ. “Chúng ta” mà Chúa Giêsu nhào nặn là một dân tộc mà chúng ta không thấy ranh giới, nơi những bức tường và biên giới sụp đổ. Đấng phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5) đã xé toạc bức màn Đền Thờ và dành cho nhân loại một thành phố-vườn, Giêrusalem mới với những cánh cửa luôn mở rộng (Kh 21,25). Như vậy, Chúa Giêsu đọc và dạy chúng ta đọc chức tư tế thừa tác như một sự phục vụ thuần túy cho dân tư tế, những người sắp cư ngụ trong một thành phố không cần đền thờ.
Năm Thánh đối với chúng ta, những linh mục, là một lời mời gọi đặc biệt để bắt đầu lại dưới dấu chỉ của sự hoán cải. Những người hành hương của hy vọng, để thoát khỏi chủ nghĩa giáo sĩ và trở thành những sứ giả loan báo hy vọng. Chắc chắn, nếu Alpha và Omega của cuộc đời chúng ta là Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể gặp phải sự chống đối như Người đã trải qua ở Nadarét. Vị mục tử yêu thương dân mình không sống để tìm kiếm sự đồng thuận và chân nhận bằng mọi giá. Tuy nhiên, lòng trung thành của tình yêu sẽ hoán cải, những người nghèo là những người đầu tiên nhận ra điều này, nhưng dần dần cũng làm bối rối và thu hút những người khác. “Kìa, […] ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người, và mọi chi tộc trên mặt đất sẽ than khóc khi thấy Người. Đúng thế, Amen!” (Kh 1,7).
Anh em thân mến, chúng ta quy tụ nơi đây để cùng nhau thưa lên lời “Đúng thế, Amen!”. Đó là lời tuyên xưng đức tin của Dân Thiên Chúa: “Phải, đúng như vậy, vững như tảng đá!”. Cuộc Thương Khó, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, mà chúng ta sắp tưởng niệm, là nền tảng vững chắc nâng đỡ Giáo Hội và, trong Giáo Hội, thừa tác vụ linh mục của chúng ta. Và nền tảng ấy là gì? Trong loại đất nào chúng ta không chỉ đứng vững mà còn có thể nở hoa? Để hiểu điều này, chúng ta phải trở về Nadarét, như Thánh Charles de Foucauld đã nhận ra một cách sâu sắc.
“Người đến Nadarét, nơi Người đã lớn lên, và theo thói quen, vào ngày sa-bát, Người vào hội đường và đứng lên đọc” (Lc 4,16). Ở đây, ít nhất hai thói quen được nhắc đến: thói quen đến hội đường và thói quen đọc. Cuộc đời chúng ta được nâng đỡ bởi những thói quen tốt. Chúng có thể trở nên khô cằn, nhưng chúng cho thấy trái tim chúng ta ở đâu. Trái tim của Chúa Giêsu là một trái tim say mê Lời Chúa: năm mười hai tuổi, điều này đã có thể nhận ra, và giờ đây, khi trưởng thành, Kinh Thánh là nhà của Người. Đó là mảnh đất, là đất sống mà chúng ta tìm thấy khi trở thành môn đệ của Người. “Người ta trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở sách ra, gặp thấy đoạn chép” (Lc 4,17). Chúa Giêsu biết Người đang tìm kiếm điều gì. Nghi thức hội đường cho phép điều này: sau khi đọc Torah, mỗi rabbi có thể tìm thấy những đoạn ngôn sứ để hiện tại hóa sứ điệp. Nhưng ở đây còn hơn thế: đó là trang sách của cuộc đời Người. Thánh Luca muốn nói điều này: giữa nhiều lời tiên tri, Chúa Giêsu chọn lời nào ứng nghiệm.
Anh em linh mục thân mến, mỗi người chúng ta có một Lời để ứng nghiệm. Mỗi người chúng ta có một mối tương quan với Lời Chúa từ xa xưa. Chúng ta đặt Lời ấy vào việc phục vụ mọi người chỉ khi Kinh Thánh vẫn là ngôi nhà đầu tiên của chúng ta. Trong Kinh Thánh, mỗi người chúng ta có những trang sách yêu thích hơn. Điều này thật đẹp và quan trọng! Chúng ta hãy giúp người khác tìm thấy những trang sách của cuộc đời họ: chẳng hạn các đôi vợ chồng khi chọn các bài đọc cho hôn lễ của họ; hoặc những người đang đau buồn tìm kiếm những đoạn để phó thác người đã khuất cho lòng thương xót của Chúa và lời cầu nguyện của cộng đoàn. Có một trang về ơn gọi, thường là ở khởi đầu hành trình của mỗi người chúng ta. Qua trang sách đó, Thiên Chúa vẫn tiếp tục gọi chúng ta, nếu chúng ta gìn giữ nó, để tình yêu không trở nên nguội lạnh.
Tuy nhiên, đối với mỗi người chúng ta, trang sách mà Chúa Giêsu đã chọn cũng đặc biệt quan trọng. Chúng ta theo Người và chính vì thế, sứ mạng của Người liên quan và lôi cuốn chúng ta. “Người mở sách ra, gặp đoạn chép rằng:
Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa.
Người cuộn sách lại, trao cho người giúp việc, rồi ngồi xuống” (Lc 4,17-20).
Giờ đây, tất cả ánh mắt chúng ta đều đổ dồn vào Người. Người vừa công bố một Năm Thánh. Người làm điều đó không phải như một người nói về kẻ khác. Người nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi” như một người biết mình đang nói về Thần Khí nào. Và quả thật, Người thêm: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Đây là thần linh: Lời trở thành hiện thực. Giờ đây, sự kiện lên tiếng, lời nói trở thành hiện thực. Điều này mới mẻ, mạnh mẽ. “Này đây Ta đổi mới mọi sự”. Không có ân sủng, không có Đấng Mêsia, nếu những lời hứa vẫn chỉ là lời hứa, nếu chúng không trở thành hiện thực ở trần gian này. Mọi sự đều biến đổi.
Đây là Thần Khí mà chúng ta kêu cầu trên chức linh mục của chúng ta: chúng ta đã được đổ đầy Thần Khí ấy và chính Thần Khí của Chúa Giêsu vẫn là nhân vật thầm lặng trong sự phục vụ của chúng ta. Dân Chúa cảm nhận được hơi thở của Thần Khí khi nơi chúng ta, lời nói trở thành hiện thực. Những người nghèo, trước hết, và trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, và cả những người đã bị tổn thương trong mối tương quan với Giáo Hội, có “khứu giác” nhạy bén với Chúa Thánh Thần: họ phân biệt Người với những thần khí trần tục, họ nhận ra Người nơi sự trùng khớp giữa lời rao giảng và cuộc sống nơi chúng ta. Chúng ta có thể trở thành một lời tiên tri được ứng nghiệm, và điều này thật đẹp! Dầu Thánh mà hôm nay chúng ta thánh hiến, đóng ấn mầu nhiệm biến đổi này trong những chặng đường khác nhau của đời sống Kitô hữu. Và hãy lưu ý: đừng bao giờ nản lòng, bởi vì đây là công trình của Thiên Chúa. Hãy tin, vâng! Hãy tin rằng Thiên Chúa không thất bại với tôi! Thiên Chúa không bao giờ thất bại. Chúng ta hãy nhớ lại lời trong ngày Truyền Chức: “Xin Thiên Chúa hoàn tất công trình Người đã khởi sự nơi con”. Và Người sẽ làm điều đó.
Đó là công trình của Thiên Chúa, không phải của chúng ta: loan báo Tin Mừng cho người nghèo, công bố sự giải thoát cho tù nhân, đem lại ánh sáng cho người mù, trả tự do cho người bị áp bức. Nếu Chúa Giêsu đã tìm thấy đoạn văn này trong cuộn sách, thì hôm nay Người tiếp tục đọc nó trong tiểu sử của mỗi người chúng ta. Trước hết, bởi vì cho đến ngày cuối cùng, chính Người vẫn không ngừng rao giảng Tin Mừng cho chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi ngục tù, mở mắt chúng ta, và nâng đỡ những gánh nặng trên vai chúng ta. Và sau đó, bởi vì khi kêu gọi chúng ta vào sứ mạng của Người và tháp nhập chúng ta cách bí tích vào cuộc đời Người, Người cũng giải thoát người khác qua chúng ta. Thường là chúng ta không nhận ra điều đó. Chức linh mục của chúng ta trở thành một thừa tác vụ Năm Thánh, như của Người, không cần kèn trống: trong một sự dấn thân không ồn ào, nhưng triệt để và nhưng không. Đó là Nước Thiên Chúa, Nước mà các dụ ngôn kể lại, hiệu quả và kín đáo như men, lặng lẽ như hạt giống. Biết bao lần những người bé nhỏ đã nhận ra Nước ấy nơi chúng ta? Và chúng ta có biết nói lời cảm tạ không?
Chỉ có Thiên Chúa biết mùa gặt dồi dào thế nào. Chúng ta là những thợ gặt sống trong vất vả và niềm vui của mùa gặt. Chúng ta sống sau Đức Kitô, trong thời đại Mêsia. Hãy tránh xa sự thất vọng! Thay vào đó, hãy hoàn trả và xóa nợ; phân phối lại trách nhiệm và tài nguyên: Dân Thiên Chúa mong đợi điều này. Họ muốn tham gia và, nhờ sức mạnh của Bí tích Rửa Tội, họ là một dân tư tế vĩ đại. Các loại dầu mà chúng ta thánh hiến trong Thánh Lễ trọng thể hôm nay là để an ủi và đem lại niềm vui Mêsia cho họ.
Cánh đồng là thế giới. Ngôi nhà chung của chúng ta, bị tổn thương nặng nề, và tình huynh đệ nhân loại, bị chối bỏ nhưng không thể xóa nhòa, mời gọi chúng ta chọn lựa dứt khoát. Mùa gặt của Thiên Chúa dành cho tất cả: một cánh đồng sống động, nơi sinh hoa kết quả gấp trăm lần những gì đã gieo. Trong sứ mạng, chúng ta hãy để niềm vui Nước Trời đền bù mọi vất vả và thúc đẩy chúng ta. Quả thật, mọi nông dân đều biết có những mùa chẳng thấy gì mọc lên. Cuộc đời chúng ta cũng không thiếu những mùa như thế. Chính Thiên Chúa làm cho cây lớn lên và xức dầu vui mừng cho những người tôi tớ của Người.
Anh chị em tín hữu, dân tộc của hy vọng, hôm nay hãy cầu nguyện cho niềm vui của các linh mục. Ước gì sự giải thoát mà Kinh Thánh hứa và các Bí tích nuôi dưỡng đến với anh chị em. Nhiều nỗi sợ hãi cư ngụ trong chúng ta và những bất công khủng khiếp bao quanh chúng ta, nhưng một thế giới mới đã xuất hiện. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Người cho chúng ta, là Chúa Giêsu. Người xức dầu chữa lành những vết thương của chúng ta và lau khô những giọt nước mắt của chúng ta. “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây” (Kh 1,7). Người làm chủ vương quốc và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Nguồn: Vatican News
Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh cha Phanxicô đã ủy thêm một số Hồng y thay ngài cử hành các lễ nghi Tuần Thánh.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Hồng y Angelo Comastri, 82 tuổi (1943), sẽ chủ sự thánh lễ sáng Chúa nhật Phục sinh, ngày 20 tháng Tư tại Quảng trường thánh Phêrô.
Đức Hồng y Giovanni Battista Re, 91 tuổi (1934), Niên trưởng Hồng y đoàn, sẽ chủ sự lễ Vọng Phục sinh, lúc 19 giờ 30 thứ Bảy, ngày 19 tháng Tư tại Đền thờ thánh Phêrô.
Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Kỷ niệm Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể, do Đức Hồng y Mauro Gambetti, Dòng Phanxicô Viện Tu, Giám quản Đền thờ thánh Phêrô, cử hành.
Chưa có thông tin về buổi Công bố Sứ điệp Phục sinh và phép lành với ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới, vào trưa Chúa nhật Phục sinh.
Ngoài ra, theo tin báo chí, có thể Đức Thánh cha sẽ đến chủ tọa thánh lễ tại Nhà tù Regina Coeli, Nữ Vương Thiên Quốc, gần Vatican. Tuy nhiên, tin này chưa được Phòng Báo chí Tòa Thánh xác nhận hoặc thông báo.
Sáng ngày 16 tháng Tư vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp và cám ơn tất cả Ban lãnh đạo và nhiều nhân viên Đại học Đa khoa Gemelli, Đại học Công giáo cũng như Ban giám đốc Sở y tế Vatican, đến viếng thăm ngài và nhân dịp này. Đức Thánh cha nồng nhiệt cám ơn tất cả vì đã săn sóc, chữa trị cho ngài.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Buổi tiếp kiến diễn ra ở hậu trường Đại thính đường Phaolô VI và kéo dài 20 phút.
24 ngày sau khi được xuất viện, Đức Thánh cha muốn cám ơn tất cả mọi người và nói rằng: “Cám ơn anh chị em vì việc phục vụ ở nhà thương, rất tốt! Xin anh chị em hãy tiếp tục như vậy”.
Đức Thánh cha đã được điều trị trong 38 ngày ở nhà thương vì bệnh viêm phổi hai bên. Ngài đặc biệt nói với bà giáo sư Viện trưởng Elena Beccalli của Đại học Thánh Tâm: “Xin cám ơn bà, người rất mạnh mẽ. Khi phụ nữ quản trị, mọi sự xuôi chảy! Tôi cầu nguyện cho anh chị em và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi”.
Đầu buổi tiếp kiến, ông Daniele Franco, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ chức Gemelli, đã ngỏ lời chào mừng và cầu chúc Đức Thánh cha, nhân lễ Phục sinh sắp tới và mong ngài sớm bình phục... Ông nói: “Chúng con sẽ rất hài lòng nếu Đức Thánh cha trở lại nhà thương Gemelli, không phải như một bệnh nhân, nhưng để viếng thăm các bệnh nhân của chúng con, đặc biệt những người ở trong hoàn cảnh khó khăn hơn, các trẻ em và người già. Các bác sĩ của chúng con đã làm việc rất nhiều trong việc săn sóc chữa trị và trong tương quan nhân bản, nhưng con chắc chắn rằng một lời an ủi của ngài sẽ giúp đỡ nhiều các bệnh nhân và gia đình họ. Họ đang chờ đợi Đức Thánh cha”.
Đức Thánh cha đã chào từng người hiện diện trong buổi tiếp kiến, bắt đầu từ bà Viện trưởng Beccalli. Bà đã tặng Đức Thánh cha bó hoa màu vàng và trắng, nhân danh tất cả mọi người”.
(Vatican News 16-4-2025)
Sáng Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 17 tháng Tư, theo sự ủy nhiệm của Đức Thánh cha Phanxicô, Đức Hồng y Domenico Calcagno, nguyên Chủ tịch Cơ quan Quản trị tài sản của Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ Làm phép dầu, tại Đền thờ thánh Phêrô, khởi sự Tam Nhật Thánh tại thủ đô Giáo hội.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Hồng y Calcagno, người Ý, năm nay 82 tuổi (1943), nguyên quán tại Tổng giáo phận Genova, bắc Ý, từng làm Chủ tịch Ban tài trợ Hàng giáo sĩ giáo phận, trước khi làm giám mục Giáo phận Savona-Noli, rồi được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm làm Tổng thư ký Cơ quan Quản trị tài sản của Tòa Thánh, gọi tắt là APSA, từ năm 2007. Bốn năm sau đó, ngài trở thành Chủ tịch cơ quan này và được thăng Hồng y. Đức Hồng y về hưu năm 2018.
Đồng tế với Đức Hồng y Calcagno trong thánh lễ, bắt đầu lúc gần 9 giờ 30 sáng, có gần 40 hồng y, giám mục và khoảng 1.800 linh mục, trước sự hiện diện của hơn 2.500 tín hữu.
Trước khi thánh lễ bắt đầu, các vị tư tế cùng với các tín hữu hiện diện đã hát Kinh Giờ Ba.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Sau bài Tin mừng, Đức Hồng y chủ tế đã đọc bài giảng của Đức Thánh cha, nhắc đến mầu nhiệm các tư tế được thánh hiến để tham gia sứ vụ loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu: “Thần khí của Chúa ngự xuống trên tôi; vì thế Người đã xức dầu thánh hiến tôi và sai tôi đi loan báo Tin mừng cho người nghèo, sự giải thoát cho các tù nhân và cho người mù được thấy, trả tự do cho những người bị áp bức, và công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,17-20).
“Đó chính là Thần Khí chúng ta khẩn cầu trên chức tư tế của chúng ta; chúng ta được Thần Khí ấy và chính Thần Khí của Chúa Giêsu tiếp tục giữ vai chính trong việc phục vụ của chúng ta. Dân cảm thấy hơi thở của Thần Khí khi những lời nói trong chúng ta trở thành thực tại... Dầu Thánh mà hôm nay chúng ta thánh hiến đánh dấu mầu nhiệm biến cải ấy trong các giai đoạn khác nhau của đời sống Kitô. Nhưng hãy lưu ý: đừng bao giờ nản chí, vì đây là công trình của Thiên Chúa. Tin mừng Thiên Chúa không thất bại với tôi! Thiên Chúa không bao giờ thất bại. Chúng ta hãy nhớ lời này trong thánh lễ truyền chức: “Xin Thiên Chúa hoàn tất công trình Ngài đã bắt đầu nơi con”. Và Chúa làm điều đó.
Trong chiều hướng ấy, Đức Thánh cha nhắc nhở các tư tế đừng nản chí thất vọng trước những khó khăn. Ngài viết: “Chúa giải thoát những người khác qua chúng ta, dù chúng ta không nhận thấy điều đó. Sứ vụ linh mục của chúng ta trở thành một thừa tác vụ toàn xá, như sứ vụ của Chúa... Đó là Nước Thiên Chúa, như các dụ ngôn đã kể, hiệu năng và kín đáo như men, âm thầm như hạt giống. Bao nhiêu lần những người bé nhỏ nhận thấy điều đó trong chúng ta? Chúng ta có khả năng nói nên lời cảm tạ hay không?”
Đức Thánh cha không quên mời gọi các tín hữu, “là dân hy vọng, hôm nay hãy cầu nguyện cho niềm vui của các linh mục. Xin hãy xảy đến cho anh chị em sự giải thoát đã được Kinh thánh hứa và được các bí tích nuôi dưỡng. Có nhiều sợ hãi vây bủa chúng ta và những bất công kinh khủng quanh chúng ta, nhưng một thế giới mới đã nảy sinh. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến độ đã ban Con của Ngài cho chúng ta là Chúa Giêsu. Người xức dầu các vết thương của chúng ta và lau khô nước mắt của chúng ta”.
Sau bài giảng, các tư tế hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục. Tiếp đến, Đức Hồng y đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma).
(Rei 17-4-2025)
Sáng Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 17 tháng Tư vừa qua, Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh Jerusalem, đã chủ sự thánh lễ Làm phép dầu tại Đền thờ Thánh Mộ và ngài kêu gọi các tín hữu “đừng để sợ hãi và thái độ cam chịu làm trì trệ hoặc ngăn cản sự phát triển của Tin mừng tại Thánh địa”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đồng tế với Đức Hồng y, có đông đảo các linh mục và hàng trăm tín hữu. Trong bài giảng, Đức Hồng y nhìn nhận rằng: “Sự ác chúng ta đang trải nghiệm quả là thực sự, đau khổ của dân tộc chúng ta thực là sâu đậm, nhưng chúng ta đừng sợ nhìn nhận và tố giác nó”.
Trước tình trạng đó, Đức Hồng y nhắn nhủ các tín hữu hãy “theo học tại trường Nhà Tiệc Ly, trong đó chúng ta học ý thức rằng Chúa sống giờ của Ngài trong niềm hy vọng mạnh mẽ. Đây không phải là một sự lạc quan thơ ngây, nhưng là tín thác sâu xa rằng tăm tối không thể đánh bại ánh sáng. Tôi mong muốn chúng ta có thể sống trong tinh thần như thế trong hiện tại đen tối và phức tạp dường nào của chúng ta”.
Đức Hồng y Pizzaballa giải thích rằng: “Trong Nhà Tiệc Ly, chúng ta cũng học đứng lên, quyết định: Tối hôm ấy, Chúa Giêsu quyết định rửa chân cho các môn đệ, thiết lập bí tích Thánh Thể, tái chọn lựa các tông đồ như những bạn hữu của Ngài, mở ra một con đường hướng về tương lai và Ngài thi hành điều đó qua một sự hiến thân sâu thẳm hơn”.
Đức Hồng y nói thêm rằng: “Thời đại chúng ta đang đói. Thánh địa của chúng ta đang đói. Tại một số nơi ở đất nước chúng ta đang có cái đói, thậm chí trong cả ý nghĩa chân thực của lời nói. Không phải chỉ là thiếu phẩm giá, nhưng cả tình trạng thiếu bánh ăn hàng ngày, bánh trần thế. Nhưng hơn nữa, chúng ta có bánh mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta ngày hôm nay, là chính Chúa, Đấng hiến mình để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy xây dựng đời sống chúng ta trên đá tảng là Chúa Kitô. Chúng ta đói khát công lý, đúng vậy! Nhưng không phải thứ công lý của con người, là điều luôn thiếu thốn, luôn làm thất vọng và luôn làm cho chúng ta càng đói. Chúng ta nồng nhiệt mong muốn công lý xuất phát từ con tim của Chúa Giêsu”.
Đức Hồng y Thượng phụ thành Jerusalem nói thêm rằng: “Công lý của Chúa ngày hôm nay đang cần những người, như Chúa Giêsu, sẵn sàng tự trả giá, cần con tim chúng ta, lòng tận tụy và khả năng mất tất cả, thậm chí cả sự sống, để thế giới có thể nhận ra sự sống đích thực, gặp gỡ công lý chân thực và tình thương, tự do, không theo tiêu chuẩn của những người quyền hành...”
Tại Jerusalem, sau thánh lễ, vào ban chiều có cuộc rước tới Nhà Tiệc Ly, trên Núi Sion và có buổi canh thức ban đêm, gần vườn Giệtsimani.
Năm nay, các Giáo hội Kitô, tuy theo lịch khác nhau, nhưng cùng cử hành Tuần Thánh và Phục Sinh vào cùng một ngày, một sự trùng hợp hiếm có.
(Sir 17-4-2025, KAP 17-4-2025)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Vào cuối tuần sau cùng của tháng Tư này, từ ngày 25 đến ngày 27, hơn tám mươi ngàn thiếu niên từ các nước trên thế giới sẽ về Roma tham dự những Ngày Năm Thánh dành cho thiếu niên, với cao điểm là lễ phong hiển thánh cho chân phước Carlo Acutis, qua đời lúc mới 15 tuổi vì bệnh ung thư máu. Phần lớn các bạn trẻ đến từ Ý, các nước Âu Mỹ và cả Australia.
Ngoài những sinh hoạt tôn giáo và văn hóa tại nhiều địa điểm trong thành Roma, còn có một buổi đại hòa nhạc ở khu vực Circo Massimo, vào tối thứ Bảy, ngày 26 tháng Tư. Lễ phong thánh cho chân phước Carlo Acutis sẽ được cử hành lúc 10 giờ sáng Chúa nhật, tại Quảng trường thánh Phêrô.
(KAP 16-4-2025)
Theo các tổ chức nhân đạo, như Coopi, hoạt động từ hơn 20 năm nay ở Sudan, “Sudan là một hỏa ngục bị các nước mạnh làm ngơ”. Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới, nhưng thảm trạng này bị đẩy vào hậu trường và quên lãng so với các thảm trạng khác ở Ucraina và Gaza.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Ông Claudio Ceravolo, Chủ tịch tổ chức Coopi, nhận định rằng: “Điều đang xảy ra ở Sudan là một trong những ví dụ thích hợp nhất về tình trạng mà Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi là “thế chiến thứ ba từng mảnh”. Trước chiến tranh, chúng tôi hoạt động tại Sudan, chủ yếu với những dự án phát triển nông nghiệp, an ninh môi trường và tăng cường nữ giới, nhưng tất cả các dự án đó đã bị phá tán vì chiến tranh, và từ ngày 15 tháng Tư năm 2023, chúng tôi không làm gì khác hơn là cấp thiết cứu trợ dân chúng bị kiệt quệ vì chiến tranh”.
Bà Chiara Zaccone, điều hợp viên các chương trình của tổ chức Coopi, nói với Đài Vatican rằng: “Từ đầu cuộc xung đột ở Sudan, đã có 29.000 người chết, trong đó có 7.500 thường dân. Con số này sẽ cao hơn nếu kể cả những người chết vì những lý do gián tiếp liên quan đến chiến tranh... Cuộc khủng hoảng lương thực đang đè nặng trên 24 triệu người, trong đó ít nhất 270.000 người không có nước uống trong lành. Cả những dịch vụ cơ bản cũng bị thương tổn: tại những vùng có xung đột, chỉ có 25% các cơ cấu y tế còn hoạt động, trong khi tình trạng thiếu nước và những điều kiện vệ sinh bấp bênh đang làm lan tràn các bệnh, như dịch tả, sốt rét vàng và sốt rét ngã nước”.
Liên hiệp Âu châu và các nước thành viên hứa giúp 522 triệu Euro trong năm nay cho Sudan để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nước này.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Quyết định này được đề ra trong Hội nghị cấp cao về Sudan, hôm 15 tháng Tư vừa qua, tại Luân Đôn, với sự tham dự của Ủy ban hành pháp Liên hiệp Âu châu, và các nước Anh, Pháp, Đức cùng với nhiều nước khác và Liên hiệp Phi châu.
Thông cáo của Hội nghị nói rằng: “Những gì đang xảy ra sau hai năm xung đột võ trang đã gây ra những hậu quả rất trầm trọng cho dân chúng trong vùng. Trong số 522 triệu Euro vừa nói, có 282 triệu đến từ Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu châu, và 27 nước thành viên.
“Viện trợ trên đây nhắm hỗ trợ về phương diện y tế và dinh dưỡng cấp thiết, hỗ trợ lương thực, các dịch vụ về nước và vệ sinh y tế, nhà ở, bảo vệ và giáo dục cho các gia đình dễ bị tổn thương nhất, cho những người di tản nội địa, các gia đình tị nạn và cộng đoàn tiếp đón”.
Hội nghị ở Luân Đôn tiếp nối cuộc viếng thăm của bà Ủy viên Lahbib ở Cộng hòa Tchad. Tại đây, bà đã chứng kiến ảnh hưởng tàn hại của cuộc xung đột tại Sudan trên những người tị nạn, phụ nữ và trẻ em”.
Hội nghị ở Luân Đôn nhắm gia tăng sự chú ý của quốc tế đối với thảm trạng nhân đạo lâu dài tại Sudan, và cung cấp diễn đàn để đương đầu với những hậu quả tàn phá về mặt nhân đạo, kể cả những biện pháp thực hành để cải tiến việc viện trợ nhân đạo”.
Trưa Chúa nhật, ngày 13 tháng Tư vừa qua, trong huấn từ kinh Truyền tin được công bố, Đức Thánh cha Phanxicô cũng đặc biệt lưu ý dư luận thế giới về thảm trạng nội chiến tại Sudan và khẳng định rằng: “Ngày 15 tháng Tư sắp tới là kỷ niệm đau buồn lần thứ hai bắt đầu xung đột tại Sudan làm cho hàng ngàn người chết và hàng triệu gia đình buộc lòng phải bỏ gia cư của họ. Sự đau khổ của các trẻ em, phụ nữ và những người dễ bị thương tổn đang kêu thấu tới trời và khẩn xin chúng ta hành động. Tôi tái kêu gọi các phe lâm chiến hãy chấm dứt bạo lực và khởi sự con đường đối thoại, và tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng quên cứu trợ cần thiết cho dân chúng.”
Nội chiến tại Sudan bùng nổ ngày 15 tháng Tư năm 2023, với cuộc xung đột giữa quân đội chính quy (Sdf) và lực lượng bán quân sự hỗ trợ nhanh (Rsf) và sau hai năm, nội chiến này vẫn kéo dài.
(Sir 15-4-2025)

Vatican News
Tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha
Theo thông báo của Phòng Báo chí Tòa Thánh, tình trạng của Đức Thánh Cha đã có những cải thiện nhẹ về hô hấp, khả năng vận động và giọng nói.
Ngài đang tiếp tục điều trị và vật lý trị liệu liên quan đến khả năng vận động và hô hấp. Ngài có thể không cần dùng oxy trong thời gian dài, và thường chỉ cần sử dụng oxy lưu lượng cao với ống thông mũi vào buổi tối hoặc khi cần thiết.
Hơn nữa, thông cáo báo chí cũng đưa tin rằng Đức Thánh Cha vẫn tiếp tục các hoạt động công việc và tiếp các cộng tác viên trong Giáo triều Roma, ví dụ như Đức Hồng y Marcello Semeraro, người đã đến gặp ngài liên quan đến các sắc lệnh được ban hành về án phong thánh vào ngày 14/4/2025.
Phòng Báo Tòa Thánh lưu ý rằng chưa thể nói về sự hiện diện của Đức Thánh Cha trong các nghi lễ Tuần Thánh hoặc trong Tam Nhật Vượt Qua, nhưng nhấn mạnh rằng họ sẽ cung cấp tất cả các thông tin cập nhật khi có.
Các Hồng y được Đức Thánh Cha ủy nhiêm cử hành các nghi lễ Tam Nhật Vượt Qua
Bên cạnh việc thông báo rằng chính Đức Thánh Cha đã viết các bài suy niệm cho Đàng Thánh giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường Colosseo, các bài suy niệm này sẽ được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố vào trưa Thứ Sáu Tuần Thánh, Phòng Báo chí Tòa Thánh cũng đã cho biết tên các Hồng y được Đức Thánh Cha ủy quyền chủ sự một số nghi lễ Tuần Thánh.
Thông cáo báo chí cho biết Thánh lễ Tiệc Ly, vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 17/04/2025, sẽ được Đức Hồng y Mauro Gambetti, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, cử hành tại Bàn thờ Ngai tòa của Đền thờ vào lúc 6 giờ chiều, trong khi Thánh lễ Truyền dầu vào sáng Thứ Năm Tuần Thánh sẽ được chủ sự bởi Đức Hồng y Domenico Calcagno, nguyên Chủ tịch của Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh.
Vào thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 18/04/2025, Đức Hồng y Claudio Gugerotti, Tổng Trưởng Bộ Giáo Hội Đông Phương, sẽ chủ sự Phụng Vụ cuộc Thương khó của Chúa Giêsu tại Đền thờ Thánh Phêrô, và vào chiều tối, Đức Hồng y Baldo Reina, Giám quản giáo phận Roma, sẽ chủ sự Đàng Thánh Giá tại Đấu trường Colosseo.
Văn phòng Báo chí sẽ cung cấp thông cáo báo chí khác vào Thứ Sáu và sẽ cập nhật thông tin cho các nhà báo.

Vatican News
Vào thứ Tư ngày 16/4/2025 Đức Thánh Cha đã cho công bố bài giáo lý được ngài soạn trước cho buổi Tiếp kiến chung được lên kế hoạch vào cùng ngày nhưng phải hủy bỏ; bởi vì dù tình trạng sức khỏe có khá hơn đôi chút, Đức Thánh Cha vẫn còn đang được trị liệu và cần tham gia các trị liệu vật lý về khả năng vận động, hô hấp và giọng nói.
Trong bài giáo lý tuần này, Đức Thánh Cha chuyển sang suy tư về các dụ ngôn và dụ ngôn đầu tiên ngài chọn chính là dụ ngôn người cha thương xót, được trình bày trong Phúc Âm Thánh Luca chương 15, dụ ngôn mà theo ngài, trình bày cốt lõi của Phúc Âm: lòng thương xót của Chúa.
Hai câu 31 và 32 trong chương 15 của Phúc Âm Thánh Luca - “Nhưng người cha nói với anh ta (người con cả): ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’” - nhắc với chúng ta rằng Thiên Chúa luôn tìm kiếm, tha thứ và thương xót chúng ta, bất kể chúng ta lạc lối ở đâu và như thế nào. Đây là niềm hy vọng của chúng ta. Mỗi chúng ta đều tìm thấy mình nơi hình ảnh của người con cả hay người con thứ, những người con lạc lối trong tình yêu khi không tôn trọng hay không hiểu tình yêu đích thực. Chính tình yêu thực sự của người cha đã có thể giải thoát những người con khỏi cách hiểu sai lầm về tình yêu.
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu suy nghĩ xem mình là người con cả hay người con thứ và cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn hoán cải để biết đường trở về Nhà. Ngài bắt đầu bài giáo lý như sau:
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến,
Sau khi đã suy tư về những cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một số nhân vật trong Phúc Âm, bắt đầu từ bài giáo lý này, tôi muốn tập trung suy tư một số dụ ngôn. Như chúng ta đã biết, các dụ ngôn là những câu chuyện lấy hình ảnh và tình huống từ thực tế hàng ngày. Đây là lý do tại sao chúng cũng có liên quan đến cuộc sống của chúng ta. Chúng đánh động chúng ta. Và chúng yêu cầu chúng ta đưa ra quan điểm: tôi đang ở đâu trong câu chuyện này?
Cốt lõi của Phúc Âm: lòng thương xót của Thiên Chúa
Chúng ta hãy bắt đầu với dụ ngôn nổi tiếng nhất, dụ ngôn mà có lẽ tất cả chúng ta đều nhớ từ khi còn thơ bé: dụ ngôn về người cha và hai người con (Lc 15:1-3.11-32). Trong đó chúng ta tìm thấy cốt lõi của Phúc Âm Chúa Giêsu, đó là lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thánh sử Luca kể rằng Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn này cho những người Pharisêu và các kinh sư, những người phàn nàn vì Người ăn uống với những người tội lỗi. Vì lý do này, có thể nói rằng đây là một dụ ngôn dành cho những người lạc lối nhưng không biết mình lạc và lại phán xét người khác.
Sứ điệp hy vọng: Thiên Chúa luôn tìm kiếm chúng ta dù chúng ta lạc lối ở đâu
Phúc Âm muốn mang đến cho chúng ta sứ điệp hy vọng, bởi vì nó cho chúng ta biết rằng bất kể chúng ta bị lạc lối nơi nào, bất kể chúng ta bị lạc lối như thế nào, thì Thiên Chúa luôn luôn tìm kiếm chúng ta! Có lẽ chúng ta đã bị lạc lối như một con chiên, rời khỏi đường đi để gặm cỏ, hoặc bị tụt lại phía sau vì mệt mỏi (xem Lc 15,4-7). Hoặc có thể chúng ta bị lạc mất như một đồng xu, có thể rơi xuống đất và không thể tìm thấy nữa, hoặc ai đó đã để nó ở đâu đó mà không nhớ ra. Hoặc chúng ta đã lạc lối như hai người con của người cha này: người con thứ bởi vì cảm thấy mệt mỏi khi phải ở trong một mối quan hệ mà anh ta cảm thấy quá đòi hỏi; nhưng ngay cả người con cả cũng lạc lối, bởi vì ở lại trong nhà thôi thì chưa đủ nếu trong lòng còn kiêu hãnh và oán giận.
Lạc lối khi hiểu sai về tình yêu
Người con thứ lạc lối vì ích kỷ
Tình yêu luôn là một sự dấn thân, luôn có điều gì đó chúng ta phải mất đi để gặp được người kia. Nhưng người con thứ trong dụ ngôn chỉ nghĩ đến bản thân mình, điều thường xảy ra trong một số giai đoạn của thời thơ ấu và tuổi thiếu niên. Trên thực tế, chúng ta cũng thấy rất nhiều người lớn xung quanh mình có thái độ như vậy, những người không thể tiếp tục mối quan hệ vì họ ích kỷ. Họ tự lừa dối mình rằng họ đang tìm thấy chính mình, nhưng ngược lại họ lại đánh mất chính mình, bởi vì chỉ khi chúng ta sống vì ai đó thì chúng ta mới thực sự sống.
Phung phí tình yêu
Cậu con thứ này, giống như tất cả chúng ta, đều khao khát tình cảm, muốn được yêu thương. Nhưng tình yêu là món quà quý giá, cần phải được chăm sóc cẩn thận. Nhưng anh ta lại phung phí nó, hạ thấp giá trị của mình và không tôn trọng chính mình. Anh ta nhận ra điều đó vào những khi đói kém, khi không ai quan tâm đến anh. Nguy cơ là vào những khoảnh khắc đó chúng ta bắt đầu cầu xin tình cảm và gắn bó với người chủ đầu tiên mà chúng ta gặp.
Sống tình yêu trong tương quan chủ tớ
Chính những trải nghiệm này làm nảy sinh trong lòng chúng ta niềm tin sai lệch rằng chúng ta chỉ có thể ở trong một mối quan hệ như những người tôi tớ, như thể chúng ta phải chuộc tội hoặc như thể tình yêu đích thực không thể tồn tại. Trên thực tế, khi người con thứ chạm đến đáy vực, anh ta nghĩ đến việc quay về nhà cha mình để lượm nhặt một ít tình cảm vụn vặt từ mặt đất.
Ý nghĩa của vòng tay ôm của người cha
Chỉ có những người thực sự yêu thương chúng ta mới có thể giải thoát chúng ta khỏi quan điểm sai lầm này về tình yêu. Trong tương quan với Chúa, chúng ta sống chính kinh nghiệm này. Họa sĩ vĩ đại Rembrandt, trong một bức tranh nổi tiếng, đã miêu tả một cách tuyệt vời cảnh đứa con hoang đàng trở về. Có hai chi tiết đặc biệt đánh động tôi: đầu của chàng trai trẻ được cạo trọc, giống như đầu của một người sám hối, nhưng cũng giống như đầu của một đứa trẻ, bởi vì người con này đang được tái sinh. Và rồi đến đôi bàn tay của người cha: một bàn tay của người nam và một bàn tay của người nữ, để mô tả sức mạnh và sự dịu dàng trong cái ôm tha thứ.
Người con cả lạc lối khi chỉ sống tình yêu như bổn phận
Nhưng chính người con cả là người đại diện cho những người được kể trong dụ ngôn này: anh ta là người con luôn ở nhà với cha mình, nhưng lại xa cách cha mình, xa cách trong tâm hồn. Người con này có thể cũng muốn rời đi, nhưng vì sợ hãi hoặc vì bổn phận nên anh vẫn ở lại đó, trong mối quan hệ đó. Nhưng khi bạn miễn cưỡng thích nghi, bạn bắt đầu nuôi dưỡng sự tức giận trong lòng, và sớm hay muộn thì cơn tức giận này cũng bùng nổ. Nghịch lý thay, cuối cùng, người con cả lại là người có nguy cơ ở bên ngoài vì không chia sẻ niềm vui của cha mình.
Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta
Người cha cũng ra gặp anh ta. Ông không la mắng hay gọi anh đi làm nhiệm vụ. Ông chỉ muốn anh cảm nhận được tình yêu của ông. Ông mời anh vào nhà và để cửa mở. Cánh cửa đó vẫn mở cho chúng ta. Trên thực tế, đây chính là lý do để hy vọng: chúng ta có thể hy vọng bởi vì chúng ta biết rằng Chúa Cha đang chờ đợi chúng ta, Người nhìn thấy chúng ta từ xa và luôn để cánh cửa mở rộng.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi mình đang ở đâu trong câu chuyện thật hay này. Và chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa Cha ban ơn để có thể tìm được đường trở về nhà.