Sức Khoẻ Là Vàng
Kỳ trước, chúng ta ôn lại khoáng chất Calcium trong cơ thể, kỳ này xin cùng ôn lại một số khoáng chất khác.
1-Khoáng Phospho (P)
Về số lượng trong cơ thể, phospho đứng hàng thứ nhì sau calci và chiếm khoảng 1% trọng lượng toàn thân với khoảng 650 gram.
Trung bình 80% phospho ở trong xương và răng, cùng với calci giúp các bộ phận này cứng mạnh. Phần còn lại nằm trong các mô tế bào mềm và hỗ trợ cho nhiều chức năng. Một lít máu có khoảng 400 mg phospho.
Phospho do thực phẩm cung cấp được tá tràng (duodenum) hấp thụ dễ dàng và nhiều hơn calci: 70% được giữ lại cho nhu cầu cơ thể và 30% được thận thải ra ngoài. Sự hấp thụ tùy thuộc nhu cầu, nguồn cung cấp, tỷ lệ calci/phospho, nồng độ acid ở ruột và lượng sinh tố D.
Phospho trong máu được điều hòa bởi kích thích tố của tuyến giáp và tuyến cận giáp, tương tự như calci.
Công dụng
Phospho và calci thường liên kết hoạt động với nhau nhất là ở xương và răng. Phopho rất cần cho:
-Sự tạo thành và bảo trì xương, sự tăng trưởng răng.
-Sự tạo thành sữa và bắp thịt;
-Sự sản xuất năng lượng;
-Sự cấu tạo của DNA, RNA là những yếu tố kiểm soát sự di truyền và sự tăng trưởng, bảo trì tế bào.
- Sự hấp thụ glucose, và chuyên trở acid béo dưới dạng phospholipid. Phospholipid là một thành phần của màng bao bọc tế bào, giúp màng này điều hòa sự ra vào của một vài hóa chất ở tế bào.
Có ý kiến cho rằng nếu không có phospho thì sẽ không có sự phân bào, tim không đập và trẻ sơ sinh không tăng trưởng.
Nhu cầu
Nhu cầu hàng ngày là 800mg cho người từ 19 tới 70 tuổi; 1250mg cho trẻ em từ 9 đến 18 tuổi và cho đàn bà có thai hoặc đang cho con bú sữa mẹ.
Thường thường ít khi ta bị thiếu khoáng chất này vì trong thực phẩm có rất nhiều.Tuy vậy thiếu phospho có thể xẩy ra khi ta dùng nhiều thuốc giảm acid bao tử, hoặc chỉ ăn chay không dùng sữa, thịt...
Triệu chứng thiếu phospho là mệt mỏi, kém khẩu vị, biếng ăn, đau nhức xương, Thiếu quá lâu có thể đưa tới loãng xương.
Quá nhiều phospho trong máu có thể gây trở ngại cho việc hấp thụ sắt và calci.
Nguồn cung cấp
Phosphor có rất nhiều trong các loại thức ăn như bột cocoa, đậu phọng, cá, thịt heo, bò, gà, sản phẩm từ sữa bò, trứng, các loại đậu, quả hạch.
Sữa là nguồn cung cấp phong phú cho cặp anh em kết nghĩa calci và phospho.
Natri (Na)
Nguồn cung cấp natri chính yếu trong thực phẩm là muối ăn (NaCl), một tinh thể mầu trắng được dùng làm gia vị cũng như cất giữ thực phẩm.
Trong cơ thể có khoảng 100 gram natri. Mỗi lít huyết tương có 3, 2 g natri. Khoảng 50% natri nằm trong dung dịch ngoài tế bào, 40% trong xương và 10% trong tế bào.
Thường thường do thói quen ăn uống, người ta tiêu thụ nhiều natri hơn là calci và sắt. Natri trong muối là một chất được dùng rất phổ biến trong việc nấu thức ăn, ướp thịt ướp cá, đóng hộp các loại thực phẩm, làm xì dầu, nước tương.
Natri giữ các chức năng sau đây trong cơ thể:
-Điều hòa nồng độ acid/kiềm và sự xuất nhập dịch lỏng ở tế bào;
-Giúp cơ thịt thư giãn;
-Giúp dẫn truyền các tín hiệu thần kinh;
-Giúp điều hòa huyết áp động mạch;
-Có vai trò đặc biệt trong sự hấp thụ carbohydrat.
-Là thành phần cấu tạo của mật, dịch vị, tụy tạng, mồ hôi, nước mắt.
Bình thường, cơ thể ít khi thiếu natri, ngoại trừ khi bị ói mửa, tiêu chẩy kéo dài, thận suy hoặc ăn nhạt không muối.
Thiếu natri, tạo cảm giác buồn nôn, chóng mặt, cơ thịt co rút. Đổ mồ hôi nhiều khi làm việc, vận động cơ thể ngoài nắng thường dẫn đến thiếu natri.
Một số người nhậy cảm với natri, khi tiêu thụ nhiều quá có thể đưa đến tích tụ natri trong cơ thể, làm dịch lỏng ứ đọng, gây sưng phù và tăng huyết áp. Với người bình thường thì khi ăn nhiều, natri sẽ được bài tiết ra ngoài.
Nhu cầu hàng ngày của natri, cũng như chất điện phân khác chưa được xác định, nhưng mức tiêu thụ an toàn mỗi ngày tối thiểu là 500 mg và tối đa không quá 2500 mg một ngày. Đầu năm 2004, một số chuyên gia y tế khuyên nên giảm lượng natri tối đa xuống ở mức 1500 mg một ngày.
Khoảng 80% nhu cầu natri được cung cấp từ các thực phẩm bảo quản, số còn lại là do muối ăn dùng khi nấu nướng hoặc có sẵn trong thực phẩm.
Một muổng muối ăn chứa khoảng 500 mg natri, một lít sữa mẹ có khoảng 160 mg natri, sữa bò có chừng 450 mg.
Magnesium (Mg)
Khoáng chất này có khá nhiều vai trò quan trọng và hầu như tế bào nào cũng cần đến, nhưng với lượng rất ít. Toàn bộ cơ thể chỉ có độ gần 30 gr Mg với 60% ở trong xương, số còn lại lưu hành trong máu (2%) và các mô mềm (28%). Gan và bắp thịt có nhiều Mg hơn các mô mềm khác.
Mg là thành phần của nhiều loại diếu tố (enzymes) trong cơ thể. Đây là những chất rất cần thiết để điều hòa việc sản xuất năng lượng, cấu tạo chất đạm và DNA, chuyển hóa chất dinh dưỡng.
Cùng với calci, Mg giúp xương vững chắc và duy trì huyết áp bình thường; giúp bắp thịt co duỗi; chuyên trở calci và kali trong máu, giúp điều hòa nhịp tim đập.
Khi cơ thể thiếu magnesium thì huyết áp có thể lên cao, nhịp tim đập bất thường, có thể dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim. Đồng thời sự co giãn của bắp thịt bị rối loạn, trong người mệt mỏi, buồn rầu, biếng ăn.
Thực ra, ít khi xảy ra thiếu Mg vì khoáng này có nhiều trong thực phẩm. Nhưng nếu bị ói mửa, tiêu chẩy, bị bệnh thận, gan, uống nhiều rượu hoặc uống thuốc lợi tiểu tiện thì có thể bị thiếu. Nhiều người bị táo bón, mất ngủ, mất định hướng, có ảo giác vì thiếu khoáng này.
Điểm cần lưu ý là những người cao tuổi thường bị táo bón và hay dùng sữa Mg để dễ đại tiện. Nếu dùng thuốc xổ này quá thường xuyên, thận không kịp bài tiết, khiến Mg tích tụ trong máu, có thể gây trúng độc. Người bệnh sẽ cảm thấy chóng mặt, buồn ngủ, kiệt sức, đổ mồ hôi, tiếng nói lơ lớ, đi đứng không vững và tim đập không đều.
Nhiều Mg đến mực ngộ độc là trong trường hợp suy thận, không thải được lượng Mg thừa, có thể đưa tới rối loạn hô hấp, suy tim, hôn mê.
Nguồn cung cấp magnesium gồm có bột cocoa, hạt vừng, cám lúa mạch, rau có lá màu lục, thịt, sữa, quả hạch, các loại đậu, hạt, chuối, mận.
Nhu cầu magnesium hàng ngày của đàn ông là 350 mg, đàn bà là 280 mg. Phụ nữ trong giai đoạn có thai hoặc cho con bú sữa mẹ thì tăng thêm 20mg mỗi ngày.
Kali (K)
Kali (K) là khoáng chất có nhiều trong cơ thể, chỉ sau calci và phospho, với 98% tập trung trong các tế bào.
Cùng với natri, calci và Magnesium, khoáng chất này điều hòa huyết áp và sự thăng bằng của dung dịch chất lỏng trong và ngoài tế bào. K dẫn truyền tín hiệu thần kinh, phối hợp sự co bóp bắp thịt nhất là cơ tim, cần cho tụy tạng tiết ra insulin, trong chuyển hóa carbohydrat và tổng hợp đạm chất.
Lượng K nhiều hay ít quá đều làm tim đập sai nhịp. K thư giãn cơ tim còn calci lại kích thích cơ này.
K có rất nhiều trong các loại thức ăn, nhất là cam, chuối, khoai tây (ăn cả vỏ) trái cây khô, sữa chua, thịt, sữa.
Chỉ cần ăn một quả chuối, một củ khoai tây nhỏ, một miếng dưa canteloupe nặng 250 gr, hoặc uống một ly nước cà chua, một ly nước cam vắt, một ly sữa là ta có thể cung cấp được 400mg kali cho cơ thể.
Nhu cầu kali mỗi ngày vào khoảng từ 2000 tới 3500 mg.
Cơ thể thường thiếu K khi bị ói mửa, tiêu chẩy kéo dài, lạm dụng thuốc nhuận tràng, phỏng nặng, có bệnh thận, biến chứng tiểu đường, suy dinh dưỡng, dùng nhiều thuốc lợi tiểu.
Thiếu K có các triệu chứng như bắp thịt yếu, ăn mất ngon, buồn nôn, hỗn loạn nhịp tim và ngưng tim.
Ngoài nguồn cung cấp từ thực phẩm, muốn dùng thêm K phải tham khảo ý kiến bác sĩ, vì nhiều K quá có thể đưa tới tử vong do tim ngưng đập.
Chlor Cl)
Chlor hay Chlorine thường có dưới dạng hợp chất như trong muối ăn (natri chlor).
Cơ thể có khoảng 100 gr chlor mà đa số nằm trong chất lỏng ngoài tế bào nhất là trong dịch vị bao tử, nước tủy cột sống, mồ hôi. Chlor có rất ít trong hồng cầu và các tế bào khác.
Từ thực phẩm và dịch bao tử, chlor được phần đầu của ruột non (tá tràng) hấp thụ.
Chlor có một số công dụng như:
-Giúp giữ sự thăng bằng tỷ lệ acid/kiềm và áp suất thẩm thấu của các chất lỏng ra vào tế bào;
- Là thành phần acid của dịch vị bao tử, chlor giúp tiêu hóa thực phẩm, hấp thụ các chất dinh dưỡng như sinh tố B12, sắt và tiêu diệt các vi sinh vật có hại trong thực phẩm.
-Có vai trò trong dẫn truyền tín hiệu thần kinh.
Muối ăn có natri và chlor, cho nên thực phẩm ướp muối cũng là nguồn cung cấp chlor cho cơ thể.
Một phần tư thìa muối có khoảng 750 mg chlor, vừa đủ cho nhu cầu một ngày của cơ thể. Với một số người, dùng quá lượng này có thể làm tăng huyết áp.
Tại một vài địa phương, chlor được pha vào nước uống để diệt vi khuẩn.
Cơ thể thiếu chlor sau khi bị ói mửa, tiêu chẩy kéo dài hoặc khi uống thuốc lợi tiểu lâu ngày, hoặc chế độ toàn rau trái và không dùng muối.
Sắt (Fe)
Tuy hiện diện trong cơ thể với số lượng rất nhỏ, sắt là một trong nhiều yếu tố dinh dưỡng quan trọng nhất và có vai trò rất lớn trong đời sống.
Cơ thể đàn ông có khoảng 4 gr sắt, trong khi đó đàn bà chỉ có 2,5 gr. Khoảng 70% sắt ở trong huyết cầu tố. Phần còn lại được dự trữ trong gan, lá lách, tủy xương sống.
Sắt là dạng khoáng vi lượng được biết tới và được nghiên cứu nhiều nhất vì tình trạng thiếu sắt rất phổ biến, ngay cả trong những điều kiện dư thừa thực phẩm.
Hấp thụ
Thực phẩm là nguồn cung cấp chính yếu sắt cho con người. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% sắt trong thực phẩm là được hấp thụ ở ruột non.
Sắt trong thực phẩm có hai loại: 1/3 là sắt hữu cơ “heme” dễ được hấp thụ và không cần sự hiện diện của sinh tố C ; 2/3 là sắt “non heme” khó hấp thụ hơn.
Sự hấp thụ sắt tăng khi thực phẩm có nhiều heme sắt; khi nhu cầu cơ thể cao như mang thai, xuất huyết, tăng trưởng. Sự hấp thụ sắt còn phụ thuộc vào hàm lượng sinh tố C và yếu tố nội tại được sản xuất ờvùng hang vị dạ dầy.
Hấp thụ giảm khi thực phẩm có nhiều nonheme sắt, khi bao tử bị cắt một phần hoặc khi có các bệnh suy hấp thụ.
Công dụng
Sắt kết hợp với protein để tạo ra huyết cầu tố (hemoglobin: heme = iron; globin=protein ) trong hồng huyết cầu. Sắt trong huyết cầu tố mang dưỡng khí từ phổi tới các tế bào và mang thán khí từ tế bào về phổi để thải ra ngoài.
Sắt cũng cần cho việc sản xuất acid trong bao tử để giúp tiêu hóa chất đạm và còn là thành phần của các diếu tố (enzymes) cần cho sự chuyển hóa năng lượng.
Nhu cầu
Nhu cầu hàng ngày là khoảng 10mg cho đàn ông, 15mg cho chụ nữ và từ 7- 12mg (tăng dần) cho trẻ em từ 3 tới 18 tuổi. Phụ nữ trong giai đoạn có kinh nguyệt, khi mang thai hoặc cho con bú có nhu cầu cao tới tới 30 mg/ngày.
Đa số sắt cần thiết cho cơ thể đều có trong thực phẩm tiêu thụ hàng ngày.
Thiếu sắt có thể là do kém dinh dưỡng, nhất là ở trẻ em đang tuổi tăng trưởng, phụ nữ mang thai, cho con bú sữa mẹ hoặc có kinh nguyệt.
Khi nguồn cung cấp sắt cho tủy sống ít đi thì khả năng chế tạo hồng huyết cầu của tủy cũng giảm, dẫn đến chứng thiếu máu (anemia). Bệnh nhân bị mệt mỏi, da tái xanh, khó thở và dễ bị nhiễm trùng.
Nếu dùng quá nhiều, sắt có thể tích tụ trong cơ thể và có ảnh hưởng không tốt, nhất là với những người bị bệnh di truyền nhiễm sắc tố mô (hemochromatosis). Thừa sắt còn gây ra chứng táo bón.
Nguồn cung cấp
Sắt có nhiều trong gan, thận, thịt heo, bò, gà, cá, trứng, đậu, hột quả hạch, cải có lá màu lục đậm. Sữa có rất ít sắt.
Sự hấp thụ sắt tỷ lệ thuận với lượng sinh tố C trong thực phẩm.
Sắt thường được bổ sung trong bánh mì, ngũ cốc khô chế biến.
Thông thường thì chế độ ăn hàng ngày luôn cung cấp đủ lượng sắt cần thiết. Vì thế, việc uống thêm các dạng thuốc để bổ sung sắt cho cơ thể cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Ferrous sulfate là dạng sắt thường được dùng thêm khi có chỉ định.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
SINH TỐ B 1
Sinh tố B1 (thiamine) gắn liền với một bệnh nan y mà người Trung Hoa đã biết tới cách đây nhiều ngàn năm. Đó là bệnh tê phù do suy nhược hệ thần kinh (Beriberi) vì ăn gạo không có cám.
Tên Beriberi có nghĩa là: “Tôi không thể” (I cannot), ý nói khi mắc chứng nan y này thì người bệnh không thề cử động được.Thực vậy, thiếu sinh tố B1, bệnh nhân nằm thở dốc trên giường. Nhưng chỉ với một mũi tiêm Thiamin là bệnh nhân hồi phục ngay.
Thiamine cần thiết cho mọi sinh động vật.
Công dụng
Sinh tố B1 có nhiều công dụng như sau:
-Giữ vai trò quan trọng trong sự chuyển hóa các chất dinh dưỡng của cơ thể.
-Giúp các tế bào chuyển carbohydrat thành năng lượng.
-Giúp cơ thể chuyển glucose thành chất béo.
-Rất cần thiết cho các chức năng của tế bào thần kinh não bộ và tim. Não bộ chỉ sử dụng nguồn năng lượng duy nhất từ glucose, nên cần Thiamin. Tim suy yếu khi thiếu Thiamin.
-Tạo cảm giác ăn ngon miệng và cần thiết cho sự tiêu hóa, sự tăng trưởng cơ thể và duy trì sức mạnh của cơ thịt.
Nguồn cung cấp
Sinh tố B1 có trong nhiều thực phầm như mầm lúa mì, thịt nạc (nhất là thịt heo), cá, mầm đậu nành, hạt hướng dương, gạo lức, lòng đỏ trứng, gan...
Sinh tố B1 tổng hợp ở dạng thiamine hydrochloride là một loại bột kết tinh mầu trắng, hòa tan trong nước được bán trên thị trường với các tên biệt dược như là Benerva, Betabian, Beneurin...
Sự thu hái, tồn trữ, biến chế thực phẩm có ảnh hưởng tới số lượng thiamine.
Nhiệt độ cao, sự oxy hóa, việc đóng hộp thực phẩm đều làm giảm lượng sinh tố B1. Gạo xay sạch vỏ cám, đường tinh chế cũng mất đi gần hết sinh tố này.
Khi ăn sống (gỏi) các hải sản như cá, tôm, sò cũng làm cho thiamine bị phân hóa và mất tác dụng.
Uống nhiều nước trà hoặc nhai lá trà, uống nhiều rượu cũng ngăn chặn sự hấp thụ thiamine.
Sinh tố B 1 rất kỵ sức nóng cho nên khi nấu thực phẩm thì sinh tố B 1, vì hòa tan trong nước, dễ bị mất mát trong nước sôi .
Thiamine được ruột non hấp thụ, chuyển vào máu và được tồn trữ trong gan, thận, tim, não bộ, cơ thịt. Vì hòa tan trong nước nên thiamine thừa thải ra theo nước tiểu.
Nhu cầu
Mỗi ngày nên tiêu thụ khoảng 1-3mg sinh tố B. Khi chế độ giầu carbohydrat thì có thể gia tăng nhiều hơn.
Thiếu sinh tố B 1 thì con người trở nên mệt mỏi yếu đuối, kém tập trung, ăn mất ngon, đau bụng, buồn nôn, đầu ngón tay tê dại, tim đập nhanh, thậm chí có thể bị suy tim.
Thiếu B1 lâu ngày có thể đưa đến bệnh Tê Phù (beriberi), với viêm giây thần kinh ngoại vi, mất cảm giác, gầy mòn, sưng phù cơ thể, suy tim.
SINH TỐ B 2
Sinh tố B12 (Riboflavin) hiện diện trong hầu hết các tế bào của cơ thể.
Ở trạng thái thiên nhiên, B2 là những tinh thể mầu trắng, không mùi, vị đắng, hòa tan trong nước, tương đối chịu nhiệt nhưng dễ bị ánh sáng phân hủy.
Công dụng
Cũng như thiamin, sinh tố B2 giúp chuyển hóa đường bột, chất đạm và chất béo thành năng lượng. Ngoài ra, sinh tố này còn có các chức năng như:
-Tác động qua lại với các loại sinh tố B khác và giữ vai trò thiết yếu trong sự chế tạo hồng huyết cầu và sự tăng trưởng của cơ thể;
-Giữ vai trò quan trọng để ngăn ngừa chứng đục thủy tinh thể của mắt;
-Làm da, móng chân tay, tóc phát triển lành mạnh.
-Giúp hệ thần kinh hoạt động hoàn hảo.
Nguồn cung cấp
B 2 có trong sữa, phó mát, thịt nạc, tim, gan, thận, trứng, quả hạch (nut), hạt ngũ cốc rau có lá màu lục và các loại rau đậu (legumes).
Nhu cầu
Mỗi ngày cơ thể nên có khoảng 1.4 mg sinh tố B 2.
Phụ nữ mang thai hay đang uống thuốc viên ngừa thai, người nghiện rượu, ma túy, hoặc uống nhiều cà phê thì cần nhiều B 2 hơn .
Thiếu sinh tố này đưa đến cơ thể mệt mỏi, vết thương chậm lành, thủy tinh thể đục, mắt cay, không chịu được ánh sáng mạnh; lưỡi đau, môi nứt nẻ, da khô, tóc dễ gẫy, móng tay móng chân ròn.
Thừa sinh tố B2 không gây ngộ độc.
Sinh tố B2 được hấp thụ ở ruột, chuyển sang máu, dự trữ rất ít ở gan, thận. Lượng sinh tố thừa được thải ra hầu như toàn bộ, nên hàng ngày phải cung cấp đủ sinh tố này.
Sinh Tố B 3.
Năm 1730, y sĩ Tây Ban Nha Gaspar Casal mô tả một chứng bệnh với các vết viêm loét trên da, tiêu chẩy trầm trọng và thay đổi tính tình như cáu kỉnh, lo sợ, buồn rầu rồi đi dần tới mất định hướng, hoang tưởng. Bệnh xuất hiện ở những người lấy ngô bắp làm thực phẩm chính. Ông ta đặt tên bệnh là Pellagra. Trong tiếng Tây Ban Nha, pella có nghĩa là da và agra là cáu kỉnh.
Sau đó bệnh lan tràn ra nhiều quốc gia trồng ngô ở châu Âu, châu Phi.
Bên Hoa Kỳ, vào thời kỳ Nội Chiến, dân chúng miền Nam chỉ có ngô để ăn, nên cũng có nhiều người bị bệnh và thiệt mạng.
Nghiên cứu khoa học trong những thế kỷ kế tiếp đã cho thấy rằng, ngô thiếu một chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Do đó việc chọn ngô làm món ăn chính mới dẫn đến mắc bệnh Pellagra. Chất bị thiếu chính là sinh tố B3 hay niacin, tên gọi chung cho nicotinic acid và nicotinamide. Trong thịt động vật có nhiều chất tryptophan là tiền thân của niacin.
Niacin là những tinh thể không mầu, vị đắng, hòa tan trong nước, không bị phân hủy bởi nhiệt độ, ánh sáng, acid, kiềm, và sự oxy hóa.
Công dụng
Sinh tố B3 có các công dụng sau đây:
- Cần thiết cho sự hô hấp của tế bào.
-Cần thiết cho việc chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng.
-Giúp duy trì các chức năng của da, giây thần kinh và hệ tiêu hóa;
-Điều hòa lượng đường và cholesterol trong máu.
-Cần thiết để cơ thể chế tạo những kích thích tố căn bản như cortisone, estrogen, progesterone, thyroxin...
Trong điều trị, đôi khi niacin được dùng để giảm mức cholesterol trong máu, nhưng việc sử dụng phải được bác sĩ hướng dẫn vì thuốc có nhiều tác dụng phụ khó chịu.
Nguồn cung cấp
Cơ thể có thể sản xuất sinh tố B 3 từ chất tryptophan có trong chất đạm động vật, hoặc hấp thụ trực tiếp sinh tố B3 có trong thực phẩm.
B 3 có nhiều trong thực phầm giàu chất đạm như gan, thận, thịt nạc, thịt gà, cá, nấm, các loại hạt, sữa, pho mát, ngũ cốc khô tăng cường, rau, sữa, trứng, cà phê.
Niacin tổng hợp cũng công hiệu như dạng tự nhiên và giá thành vừa phải.
Nhu cầu
Mỗi ngày nên tiêu thụ từ 15-17 mg niacin.
Thiếu sinh tố B 3 dẫn đến các triệu chứng giảm sinh lực, mất ngủ, hay quên, lo âu, tâm thần căng thẳng, hay gắt gỏng, buồn chán, nhức đầu, sưng nớu răng và chẩy máu, viêm ngứa da.
Nếu thiếu trầm trọng, có thể mắc bệnh pellagra, với các triệu chứng như viêm da, rối loạn tiêu hóa, bồn chồn, mất ngủ, giảm cân và ở mức độ nặng có thể mất trí nhớ.
Dùng niacin với liều lượng quá cao (trên 3g/ngày) có thể đưa tới hại gan, viêm ngứa da, mặt đỏ bừng, cảm giác chóng mặt. Với liều cao hơn nữa có thể làm cơ thể không hấp thụ được carbohydrat và gây cảm giác bồn chồn, không yên...
Sinh Tố B 6.
Sinh tố B 6 (pyridoxine) rất quan trọng trong sự chuyển hóa acid amin (chất đạm) và có vai trò nhỏ hơn trong chuyển hóa carbohydrat, chất béo. Cơ thể càng tiêu thụ nhiều chất đạm càng cần nhiều sinh tố B 6.
Ngoài ra, sinh tố B6 còn có các công dụng như:
-Giúp duy trì các chức năng bình thường của não bộ, giúp sự chế tạo hồng huyết cầu, kháng thể, kích thích tố nữ estrogen.
-Điều hòa sự sản xuất hóa chất ở não bộ kiểm soát sự ngủ nghỉ, cảm xúc và sự hấp thụ sinh tố B 12.
-Điều trị các trường hợp thiếu máu không đáp ứng với khoáng chất sắt.
Nguồn cung cấp sinh tố B 6 gồm có: thịt cá, gan, thận, quả hạch, đậu, chuối, trái bơ, trứng, lúa mì. Một số vi khuẩn đường ruột cũng tổng hợp được B6.
Sinh tố B6 hòa tan trong nước, chịu đựng được với nhiệt nhưng bị tia tử ngoại, sự oxy hóa phân hủy.
Mỗi ngày trung bình nên tiêu thụ khoảng 2mg.
Người cao tuổi và phụ nữ có thai hoặc đang dùng viên thuốc tránh thai có nhu cầu cao hơn. Ngoài ra, nhu cầu cũng tăng cao theo tỷ lệ thuận với thành phần chất đạm trong bữa ăn.
Thiếu sinh tố B 6, bệnh nhân có những bất thường như ăn mất ngon, ngủ mê, buồn rầu, tinh thần dễ kích động, bắp thịt co rút, co giật, tê đầu ngón tay, da khô, thiếu hồng cầu, giảm sinh lực. Các bất thường này thường thấy ở các bệnh nhân đang dùng thuốc Isoniazid (acid nicotinic hydrazit-INH) để chữa bệnh lao. Họ thường được chỉ định uống bổ sung từ 50 tới 100mg pyridoxine mỗi ngày.
Liều cao sinh tố B6 (trên 10g/ngày) có thể làm cho gan tạo ra men bất thường.
Sinh Tố B 12.
Bệnh Thiếu máu ác tính (Pernicious Anemia) là một bệnh hiểm nghèo, được bác sĩ người Anh Thomas Addison mô tả từ năm 1849. Nhưng phải đợi tới gần một thế kỷ nghiên cứu, khoa học mới tìm ra nguyên nhân và thuốc chữa bệnh.
Năm 1948, các khoa học gia đã tách từ gan ra một chất mầu đỏ có công dụng trị bệnh thiếu máu ác tính và họ đặt tên là sinh tố B12.
Điều đặc biệt là cơ thể thực vật và động vật bậc cao không tự tổng hợp được sinh tố B12. Nhưng vào năm 1955, các nhà khoa học của Đại học Harvard đã tổng hợp được sinh tố này trong phòng thí nghiệm.
Và ngày nay, bệnh thiếu máu ác tính đã được điều trị khỏi bằng sinh tố B12 mà ta còn gọi là Cyano-cobalamin.
Sự hấp thụ
B12 là sinh tố duy nhất cần có một nhân tố nội tại (intrinsic factor) đặc biệt trong bao tử là glycoprotein để có thể hấp thụ ở ruột. Sự hấp thụ này kéo dài cả mấy giờ, trong khi đó các sinh tố hòa tan trong nước khác chỉ cần ít phút.
Hấp thụ sẽ giảm khi thiếu chất glycoprotein vì một căn bệnh nào đó của bao tử, giảm chất glycoprotein ở người cao tuổi, hoặc khi cơ thể thiếu khoáng chất sắt và sinh tố B6.
Trong thực phẩm từ động vật, sinh tố B12 gắn liền với một đơn vị chất đạm. Khi thực phẩm vào bao tử thì chúng tách rời ra và sinh tố B12 kết hợp với glycoprotein. Nhờ đó B12 mới được chuyển qua ruột để hấp thụ.
Gan là cơ quan dự trữ nhiều B12 rồi đến thận, bắp thịt, phổi. Lượng B12 thừa được thải ra ngoài theo nước tiểu.
Công dụng
Sinh tố B 12 có các công dụng sau:
-Cần để tạo hồng huyết cầu từ tủy xương. Thiếu B12, hồng cầu không trưởng thành, sẽ lớn hơn bình thường, và gây ra bệnh thiếu máu hồng cầu to và những thương tổn đặc biệt của hệ thần kinh.
-Duy trì tốt các tế bào thần kinh.
-Giúp sự tăng trưởng của trẻ em;
-Giúp sự chuyển hóa chất béo, carbohydrat và chất đạm trong thực phẩm;
-Làm chậm việc chuyển nhiễm HIV dương tính sang bệnh AIDS;
-Giảm nguy cơ gây bệnh tim
Nguồn cung cấp
Sinh tố B12 được tạo ra nhiều nhất do các vi khuẩn đường ruột của các động vật ăn cỏ, và được kết hợp với chất đạm của các động vật đó. Vì thế B 12 có nhiều trong gan, thận, tim, tụy tạng, thịt bò, thịt gà. B12 cũng có trong cá, lòng đỏ trứng, sữa, pho mát, sò, cua.
Thực phẩm gốc thực vật không có B 12, vì thế những người ăn chay thuần túy rau trái sẽ bị thiếu B 12 và phải uống bổ sung loại sinh tố này.
Sinh tố B 12 hòa tan trong nước, rất dễ bị phân hủy khi ở ngoài cơ thể.
Vì hòa tan trong nước, nên khi tiêu thụ nhiều B12 thì sinh tố sẽ được nước tiểu thải ra ngoài và không gây ra ngộ độc
Nhu cầu
Nhu cầu mỗi ngày là từ 2 tới 4 mcg. Chỉ cần ăn khoảng 100gr thịt bò đã có đủ số lượng này.
Bao tử người cao tuổi thường tiết ra ít acid, nên nhiều vi sinh vật dễ dàng sinh sản nơi đây và tranh ăn hết sinh tố B 12 trong bao tử. Do đó các vị này cần dùng thêm B 12.
Người cao tuổi, người ăn chay, dân chúng các quốc gia đang phát triển (với lượng chất đạm động vật thấp trong khẩu phần) đều có thể bị thiếu B12, nên cần dùng bổ sung.
Thiếu B12 kéo dài dẫn tới bệnh thiếu máu ác tính. Bệnh nhân ăn không ngon, da vàng nhợt, khó thở, mất cân, viêm lưỡi, đi không vững, rối loạn thần kinh, cáu kỉnh, buồn rầu. Nếu không chữa kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Điều trị rất đơn giản: chỉ cần tiêm B12 là bệnh thuyên giảm ngay.
Trái với tin tưởng của nhiều người, khi không có bệnh mà tiêm B 12 sẽ không làm cơ thể khỏe mạnh hơn hoặc ăn ngon miệng hơn.
Sinh Tố B 5
Sinh tố B 5 hay acid panthotenic acid hòa tan trong nước, có nhiều trong trứng, sữa và phó sản, cá, rau, đậu, men, thịt nạc, bắp cải xanh, bắp xu, khoai lang.
Sinh tố B5 có các công dụng như sau:
-Cần thiết cho sự tổng hợp các acid béo
-Cần cho chuyển hóa carbohydrat, chất béo, chất đạm để tạo ra năng lượng.
-Giúp tổng hợp các kích thích tố, kháng thể.
- Tạo ra porphyrin, tiền thân của heme, cần cho sự tổng hợp huyết cầu tố.
-Tạo ra hóa chất acetylcholine để điều hòa các chức năng não bộ.
-Giảm đau và cứng khớp xương.
Ngoài ra, một số ý kiến cho là sinh tố giúp tóc giữ mầu tự nhiên.
Các nhà dinh dưỡng chưa xác định nhu cầu hàng ngày cho sinh tố này, nhưng khuyên không nên dùng quá 4-7 mg một ngày. Nếu dùng trên 10 mg một ngày thì có thể bị tiêu chẩy.
Khi thiếu B5, có thể dẫn đến hội chứng tiêu hóa như viêm dạ dầy-ruột, tiêu chẩy, vọp bẻ, ói mửa, kém tập trung, hay mệt mỏi, da sừng hóa, mất sắc tố da và có thể ảnh hưởng tới tuyến thượng thận. Trường hợp thiếu kéo dài có thể xảy ra hiện tượng suy cấp vỏ thượng thận, giảm các chất sterol...
Ở các loài chó, chuột...thiếu B5 làm cho màu lông bạc trắng. Nhưng ở con người thì sinh tố này cũng như các sinh tố khác không có vai trò gì trong việc bạc tóc.
FOLACIN.
Folatin là tên gọi chung của folic acid và một số chất có tác dụng tương tự.
Công dụng của Folatin gồm có:
-Giúp cơ thể tạo ra purines và pyrimidines là những chất rất cần thiết cho sự tổng hợp DNA (deoxyribonucleic acid) và RNA (ribonucleic acid). Đây là hai nguyên tố kiểm soát các hoạt động và tính chất di truyền của mọi tế bào. Do đó sinh tố này cần cho sự tăng trưởng và sự phân bào.
-Tạo ra chất đạm chứa sắt (heme) cần cho việc sản xuất huyết cầu tố.
-Cần cho sự tổng hợp các acid amin như tyrosine, methionine
Sinh tố này có nhiều trong các loại thực phẩm và rất cần thiết cho phụ nữ mang thai vì nó giúp các tế bào tang trưởng.
Nhiều nghiên cứu sơ khởi cho thấy sinh tố này có khả năng giảm nhẹ các nguy cơ khuyết tật ở trẻ sơ sinh; có thể giúp phòng ngừa ung thư tử cung, làm giảm nguy cơ tai biến tim.
Folacin cũng giảm nguy cơ cơn suy tim. Đó là kết quả nghiên cứu tại trường Y khoa Phòng Ngừa Đại học Harvard vào năm 1998.
Folacin cũng được dùng để chữa bệnh Thiếu Máu Hồng Cầu To (Megaloblastic anemia), ung thư máu, bệnh viêm ruột loét miệng (sprue) do thiếu Folic acid.
Tác dụng của Folatin cần sự hiện diện của các sinh tố B12 và C. Sinh tố C cũng bảo vệ folatin khỏi bị oxy hóa.
Nhu cầu trung bình mỗi ngày là 150mcg.
Nguồn cung cấp sinh tố folic acid gồm có gan, thận, các loại rau lá lục đậm, các trái chua, đậu và rau đậu, cám lúa mì, thịt heo, thịt gà và các loại tôm cua sò hến.
Sinh tố bị mất đi khá nhiều khi nấu thức phẩm quá lâu, nhất là các loại rau xanh.
Nghiện rượu kinh niên là nguyên nhân chính đưa tới thiếu Folic acid vì rượu gây trở ngại cho sự hấp thụ và di chuyển sinh tố này từ gan ra tế bào. Thuốc viên uống ngừa thai cũng làm giảm sự hấp thụ Folacin.
Triệu chứng thiếu sinh tố này gồm có: khô ngứa da, môi nứt nẻ, tóc sớm bạc, thiếu máu, ăn kém ngon, mệt mỏi, đau bụng, buồn rầu, lo lắng, giảm trí nhớ...
Sinh Tố C.
Từ những năm 1550 trước Công nguyên, các nhà y học đã mô tả một bệnh có khả năng gây tử vong ở những thủy thủ lênh đênh kéo dài cuộc hải hành cả dăm bẩy tháng. Thực phẩm chính của họ là đồ khô, không trái cây, không rau tươi. Đó là bệnh Scurvy, tiếng Pháp là Scorbut.
Bệnh có các triệu chứng như chẩy máu và sưng ở nớu răng, chẩy máu dưới da. Kéo dài lâu ngày, bệnh nhân có thể tử vong.
Năm 1535, nhà thám hiểm người Pháp Jacques Cartier nhận thấy rằng thủy thủ dùng một loại nước uống của thổ dân Gia Nã Đại thì lành bệnh. Trong nước đó có lẫn nước của trái chanh.
Vào năm 1932, sau nhiều nghiên cứu, các khoa học gia thấy trái chanh chứa một chất có thể chữa và ngừa bệnh Scurvy. Đó là sinh tố C, tên hóa học là Ascorbic acid.
Đến năm 1933, người ta tổng hợp được sinh tố C.
Ngày nay sinh tố C rất phổ biến và được nhiều người dùng thêm với nhiều mục đích khác nhau, nhất là để phòng và chữa cảm cúm và chống sự oxy hóa trong cơ thể.
Ascorbic acid là những tinh thể bột không mùi, màu trắng, dễ hòa tan trong nước và dễ bị phân hủy bởi nhiệt, oxy, ánh sáng, dung dịch kiềm, đồng và sắt.
Công dụng
Sinh tố C có nhiều công dụng quan trọng trong cơ thể con người như :
-Duy trì các mô tiếp nối, làm mau lành các vết thương;
-Giúp duy trì răng lợi trong tình trạng tốt;
-Giúp cơ thể hấp thụ chất sắt, folic acid;
-Tăng cường khả năng miễn dịch;
-Giảm mức cholesterol LDL trong máu, làm thành mạch máu bền vững hơn;
-Giúp phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể;
-Làm giảm triệu chứng của cảm lạnh;
-Là chất chống oxy hóa rất tốt;
- Giúp sự chuyển hóa chất béo, các acid amin như tyroxine, tryptophan.
Sinh tố C hiện đang được nghiên cứu về khả năng chống sự oxy hóa làm tổn thương tế bào.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá liên tục làm giảm sinh tố C trong cơ thể. Nhưng không có dẫn chứng nào cho rằng ghiền thuốc lá cần dùng thêm sinh tố này.
Một số nghiên cứu khác cho rằng sinh tố C dùng với liều cao (300mg một ngày) có thể kéo dài tuổi thọ, có tác dụng chống dị ứng và loại bỏ độc tính của dược phẩm trong cơ thể.
Nguồn cung cấp
Sinh tố C có nhiều trong các loại trái chua như chanh, cam, trái dâu, cà chua, súp lơ xanh, khoai lang, khoai tây, hồng qua (cantaloupe). Cá thịt và sữa có rất ít sinh tố C.
Sinh tố C trong thực phẩm rất dễ bị phân hủy trong khi chế biến, gặt hái, nấu nướng và cất trữ. Thực phẩm tươi nên dùng sớm hoặc cất giữ nơi nhiệt độ lạnh, nấu với ít nước, không nấu trong nồi bằng đồng, sắt và nên ăn ngay sau khi nấu.
Muốn duy trì sinh tố C trong thực phẩm cất trữ bằng đông lạnh, không nên làm rã đá trước khi nấu mà chờ cho nước sôi rồi bỏ nguyên khối thực phẩm đông lạnh vào nồi.
Nhu cầu
Mỗi ngày trung bình nên tiêu thụ khoảng 60 mg sinh tố C.
Tình trạng thiếu sinh tố C của cơ thể ít khi xẩy ra vì có nhiều thực phẩm chứa sinh tố C và nhiều loại nước uống cũng được bổ sung sinh tố này.
Thiếu sinh tố C trầm trọng có thể đưa tới bệnh Scurvy. Bệnh có các dấu hiệu như chẩy máu ở lợi, rụng răng, dễ băng huyết, vết thương lâu lành. Bệnh thường xẩy ra khi ta không ăn rau và trái cây có sinh tố C.
Dùng sinh tố C liều cao trên 8 gr một ngày có thể gây tiêu chảy, đau bụng, ói mửa./.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Trời rét lắm! Sao em không áo ấm?
Để gió lùa, đem lạnh xuống da xương!
Trúc Lang.
Sống trong đất nước thanh bình, mình không phải :
“Gửi mau áo rét cho người chiến binh”.
Nhưng cũng có những mối ưu tư, sửa soạn để làm sao được an toàn với những giá lạnh của “ Mùa Ðông đã đến đây rồi”.
Thực vậy, nhiệt độ xuống thấp của mùa Đông có thể gây ra một số vấn đề khó khăn cho cơ thể. Nhưng, vì không thể tránh lạnh bằng cách đi vào giấc ngủ mùa đông như một vài thú vật, con người vẫn phải sống với lạnh cũng như tận hưởng cái thú của mùa lạnh.
Trong tận hưởng, có những đề phòng để tránh chuyện không tốt cho sức khỏe.
Thử tưởng tượng..
Một cặp tình nhân, tay lạnh trong tay, chậm bước dọc Hồ Gươm đêm gió thổi.Thủ thỉ thương yêu, thưởng thức từng hạt lạc rang húng lìu thơm nóng.
Đôi vợ chồng đầu bạc, bên lò sưởi tí tách tiếng củi cháy, cùng nhau coi từng tấm ảnh cưới khi xưa, nhìn nhau ôn lại “ chuyện chúng mình”. Năm sáu chục năm qua.
Và bầy trẻ, chạy đùa trong tuyết đá, đắp những hình nhân trắng sóa, rồi đập phá, ngây thơ hò hét, ném tuyết cho nhau.
Kể thì đẹp đấy. Nhưng đâu đây, những rủi ro vì thay đổi nhiệt độ bên ngoài cũng sẵn sàng ảnh hưởng tới ta.
Bình thường, cơ thể có những cơ chế mà Thượng Đế ban cho để thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ chung quanh. Đó là sự đổ mồ hôi và bốc hơi qua lớp da, giãn nở của mạch máu ngoại vi để tản nhiệt. Hơi lạnh làm bắp thịt run run tỏa hơi nóng, mạch máu co lại để giữ nhiệt. Do đó, dù có thay đổi thời tiết bên ngoài nhưng hơi nóng trong người được giữ ở mức bình thường. Ngoài ra, với vốn kiến thức sẵn có, ta cũng tạo nghĩ ra nhiều phương thức để tránh tổn thương vì giá lạnh.
Trước hết là sự Giảm Thân Nhiệt.
Giảm nhiệt ( Hypothermia) xảy ra khi nhiệt độ trong cơ thể xuống dưới 95°F. Bình thường là từ 97°F tới 100°F .
Có nhiều nguy cơ đưa tới giảm nhiệt độ: nhà không được sưởi đủ nóng; ăn không đủ chất dinh dưỡng ; uống nhiều rượu; có bệnh kinh niên về tim, gan, tuyến giáp trạng; đang mắc bệnh nhiễm trùng; do tác dụng của một số dược phẩm; ở ngoài lạnh quá lâu; mặc quần áo không đủ ấm; mới gặp tai nạn hay té xuống nước; người sống cô đơn, túng thiếu.
Giảm nhiệt có thể xẩy trong vòng một vài giờ, tùy theo số lượng hơi nóng mất đi nhiều ít.
Nạn nhân thấy mệt mỏi, lờ đờ, tâm thần rối loạn, nói ngượng nghịu, người lạnh giá, cơn run rẩy rùng mình, ngón chân ngón tay lợt lạt, cử động khó khăn, cơ thịt cứng nhắc, người lạnh toát.
Nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh sau đó chậm dần. Giảm nhiệt ảnh hưởng tới não bộ, nạn nhân kém nhận thức, ứng phó khó khăn với các rủi ro và có thể rơi vào tình trạng hôn mê.
Giảm nhiệt là một vấn đề sức khỏe trầm trọng cần được cấp cứu tức thì tại bệnh viện điều trị để tránh các biến chứng hiểm nghèo có thể xảy ra.
Trong khi chờ đợi, đặt nạn nhân nằm nơi ấm áp, kín gió; sưởi ấm ngực, cổ, đầu và bẹn với chăn thường hoặc chăn điện.
Đừng nâng cao chân nạn nhân vì làm vậy sẽ dồn máu về phần trên của cơ thể khiến chân bị băng lạnh nhiều hơn.
Cũng như các rủi ro bệnh tật khác, sự phòng ngừa là quan trọng. Mà cũng chẳng đòi hỏi nhiều công sức, chỉ một vài để ý, lưu tâm:
a- Kiểm soát nhà coi lấp kín các khe hở làm mất nhiệt mà hơi lạnh lại lùa vào.
b- Giữ nhiệt độ trong nhà không nóng quá, khoảng 72° F là vừa. Cao quá, da khô ngứa, dễ chẩy máu cam. Mặc thêm tấm áo len hồng người yêu mới tặng, vừa đẹp vừa ấm lòng cả hai.
c- Mặc quần áo nhiều lớp, không bó sát quá để máu lưu thông và thoáng khí. Không khí là lớp cách nhiệt rất tốt.
đ- Khi ra ngoài lạnh, nên mặc quần áo nhiều lớp: trong cùng là loại vải hút hơi ẩm như lụa, polypropylene; lớp giữa là hàng len giữ nhiệt trong cơ thể; lớp ngoài vừa giữ nhiệt vừa chắn gió, ngăn nước.
e- Một phần tư nhiệt trong cơ thể bay đi ở đầu nên ta cần đội nón nỉ, che kín đầu và tai, kẻo lạnh quá rụng mất chỗ đeo khuyên vàng.
g- Che chở bàn tay, bàn chân bằng tất và bao tay.
h- Khi ra ngoài lạnh, che mũi miệng để khỏi mất nhiệt qua hơi thở.
i- Nếu quần áo, cơ thể bị ướt thì cần lau khô, thay quần áo ngay. Đồ ướt làm mất rất nhiều nhiệt của cơ thể.
k- Dự trữ thêm một cái mền trong phòng ngủ, phòng khách để khi cần thì đã có sẵn mà dùng.
l- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Mùa Đông cần nhiều thực phẩm hơn để có nhiều nhiệt năng. Uống nước ấm như trà, cà phê, nước chocolate vừa làm ấm người vừa mang thêm chất lỏng cho cơ thể. Về mùa lạnh cũng như mùa nóng, cơ thể vẫn đổ mồ hôi nên vẫn cần tiêu thụ nước đầy đủ.
m- Tránh uống nhiều rượu vì rượu làm giảm nhiệt độ cơ thể. Nhiều người cứ nói” làm cốc rượu cho nóng người”. Thực tế là có nóng một lúc rồi người lạnh toát ngay.
n- Hỏi bác sĩ hoặc nha sĩ xem các thuốc mình đang uống có ảnh hưởng tới thân nhiệt không để phòng ngừa.
o- Nếu sống một mình thì nên sắp xếp để có người thỉnh thoảng hỏi thăm xem mình ra sao.
p- Người cao tuổi đừng cho là mình không bị giảm nhiệt nếu ta không cảm thấy lạnh. Ở nhóm người này cơ chế điều hòa thân nhiệt không còn nhậy cảm như khi còn trẻ.
r-Trẻ em dưới một tuổi không nên để ngủ trong một phòng lạnh một mình vì em bé mất nhiệt dễ hơn người lớn đồng thời các em cũng khó thích nghi với độ quá lạnh.
Kế đến là sự Cóng Giá, những tổn thương gây ra do lạnh giá, đóng băng.
Cóng Giá đưa đến mất cảm giác tạm thời hay vĩnh viễn ở bộ phận bị thương tổn. Mỹ gọi là Frost-bite. Mũi, tai, má, cằm, ngón tay, ngón chân là những nơi hay bị cóng giá cắn nhiều nhất.
Nguy cơ cóng giá tăng lên nếu máu bị cản trở hoặc không mặc quần áo đủ ấm khi khí trời rất lạnh.
Thương tổn do lạnh giá có thể ở ngoài da hoặc nằm sâu trong tế bào dưới da.
Khi nông thì da hơi đau, tái, cứng trong khi đó tế bào bên dưới lại mềm.
Khi tế bào dưới sâu bị cóng giá thì da không còn cảm giác, tê dại, cứng ngắc. Nhiều nạn nhân không biết bị cứng giá cho tới khi có người nhìn thấy, cho hay
Chứng cóng giá là một trường hợp cấp cứu, cần được chữa trị tức thì tại bệnh viện.
Trong khi chờ đợi:
a- Đặt nạn nhân vào phòng ấm áp.
b-Ngâm phần bị cứng giá trong nước ấm chứ không phải nước nóng.
c-Không thoa bóp phần bị cóng giá, tránh gây tổn thương thêm cho tế bào.
đ-Đừng hơ bộ phận cóng giá trên lửa, tấm sinh nhiệt (heating pad) vì phần cóng không còn cảm giác, dễ bị phỏng. Ngón tay cóng giá có thể đặt vào nách là nơi có nhiệt độ thích hợp.
Một rủi ro khác của mùa Đông, tuy không hiểm nghèo nhưng cũng làm trạng thái tinh thần của nhiều người trầm xuống. Đó là Nỗi Buồn Mùa Đông mà ngôn ngữ Anh gọi là “Blues Winter” hoặc “ Seasonal Affective Disorder” -SAD.
Qua nhiều thế kỷ, các nhà văn nhà thơ cũng đã tả nỗi buồn, mệt mỏi, mất mát này vào cuối Thu sang Đông với ngày ngắn đêm dài; và với
“Đây băng tuyết giữa mùa đông tê tái
Rơi rơi rơi và bao phủ đồng quê
Con đường làng hiu quạnh ngủ say mê
Cây trắng xóa , cửa nhà đều trắng sóa”-Xuân Tâm trong Xa lạ-1941
Tâm trạng trầm buồn này xảy ra vào cùng một thời gian của mỗi năm. Thường là từ đầu tháng Mười và kéo dài tới tháng Ba, tháng Tư, trầm trọng nhất là vào tháng Giêng, tháng Hai. Đây là thời gian mà ngày ngắn, đêm dài, ở những vùng thiếu ánh chiêu dương kéo lê thê ngày lại ngày.
Người mang “Nỗi Buồn Mùa Đông” có tất cả các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Buồn của mỗi người có diễn tiến khác nhau.
Có cậu hết ăn lại ngủ. Có người thì chán chường, uể oải, ăn uống ngủ nghê đều bỏ, cảm thấy không có sinh lực, tự cô lập. Nhiều mợ nhiều cô chỉ thèm ăn của ngọt như kẹo, bánh.
Nhiều giải thích cho là vì trong mùa Đông, ngày ngắn đêm dài, nên chất serotonin trong não xuống thấp. Mà ít chất này là lý do khiến con người u sầu, ảo não. Ngoài ra chất melantonin lại tăng. Chất này đưa tới lắng đọng tâm trí, dễ đi vào giấc ngủ. Tương tự như nhiều thú vật đi vào giấc ngủ dài suốt những tháng Đông lạnh giá, sống bằng chất béo dự trữ dưới da.
TheoViện Tâm Thần Hoa kỳ ở Maryland thì sự bất bình thường của gen 5-HTTLPR cũng là nguy cơ đưa đến Blues Winter.
Nhiều người có thói quen cứ tới mùa lạnh là giảm hoạt động, để tiết kiệm năng lượng. Rồi lại suốt ngày ngồi trong khung trời âm u ảm đạm, không ánh sáng thiên nhiên làm lòng người não nề hơn. Nhất là khi vắng người yêu; như Tương Phố:
“Sương giá lòng em sao ấm nữa!
Anh đi, đi để lửa hương tàn.
Trời đông lạnh lẽo muôn vàn,
Lòng em, so tiết đông hàn, giá hơn”
Ánh sáng đồng bộ với đồng hồ sinh học trong cơ thể. Tới mùa Đông, không ánh sáng, đồng hồ sinh học này lỗi nhịp nên gây ra buồn chán và bóng tối làm ta cảm thấy cô đơn và bất lực
Nỗi buồn Mùa Đông có thể thấy ở nhiều người trong một gia đình. Và bạn gái ta hay vướng mắc chứng này hơn là bọn mày râu.
Ánh sáng đèn nhân tạo đã được sử dụng để chữa hiện tượng này. Mình chỉ cần ngồi gần đèn nửa giờ mỗi buổi sáng là đủ.
Người Buồn mùa Đông cũng được khuyên nên ra ngoài trời, phơi nắng vàng nhiều hơn khi mặt trời chợt lú ra. Và gia tăng vận động cơ thể.
Trong nhà thì ngồi với nhau, thủ thỉ chuyện này kia nọ, làm chung một việc nào đó, đọc sách cho nhau nghe để giữ sự thân mật và tương trợ cho nhau. Điện thoại cho bạn bè gần xa để hàn huyên tâm sự, lên tinh thần.
Bác sĩ cũng có thể cho dùng vài loại thuốc chống trầm buồn. Đôi khi phải uống thuốc từ giữa Thu tới đầu Xuân cho có công hiệu.
Hoặc, như bầy chim trốn lạnh, cứ đến cuối Thu, đầu Đông là ta làm một cuộc Nam du về miền nắng sáng.
Cho ấm lòng người, lòng mình.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Texas-Hoa Kỳ
Texas-Hoa Kỳ
Ngủ là một phần của nếp sống lành mạnh (B.S.Christian J. Gillin)
Ca dao ta có câu:
“Ăn được ngủ được là tiên,
Khơng ăn không ngủ, là tiền vứt đi”.
Các cụ ta xếp Ăn và Ngủ vào hạng nhất và nhì của Tứ Khoái.
Thi sĩ thì
“ Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây. ”
Các nhà khoa học coi giấc ngủ là một tình trạng xẩy ra đều đặn với loài người và động vật, nhất là về ban đêm. Trong thời gian đó, mắt nhắm lại, các cơ bắp, hệ thần kinh đều thư giãn, tâm trí nghỉ ngơi, không đáp ứng những kích thích của ngoại cảnh. Đồng thời sức mạnh của toàn thân được phục hồi, sinh lực được tái tạo, tổn thương được hàn gắn để sửa soạn cho những sinh họat mới kế tiếp vào ngày hôm sau.
Cho nên người Ấn độ thường nói “Giấc ngủ nuôi dưỡng mọi sinh vật”.
Với Freud, giấc ngủ là để mơ mộng. Như Trang Chu mộng hồ điệp hay Lư Sinh trong giấc mộng hoàng lương.
Các loại Ngủ Việt Nam.
Là gì chăng nữa, dân ta cũng tận hưởng giấc ngủ với nhiều kiểu khác nhau.
Để được ngủ yên, không trăn trở, ta nên làm một giấc ngủ khì, ngủ thẳng giấc, ngủ li bì, ngủ vùi.
Đang ngồi hoặc đứng mà ngủ, mắt khi nhắm khi mở, đầu gật gù lên xuống ấy là ta vừa biểu diễn tuyệt chiêu “gia cầm dưỡng thương” vừa ngủ gà, ngủ vịt.
Ngủ mà thính tai, hay thức dậy khi có tiếng động nhẹ, nhất là với quý vị trọng tuổi hay các cao đồ của Phù dung Tiên nữ là ngủ say thức, ngủ tỉnh.
Thứ bẩy, chủ nhật, không đi lao động vinh quang, ta bèn làm màn ngủ nướng, ngủ thêm chút nữa sau khi đã dậy.
Làm bộ ngủ để nghe lén chuyện người khác là ngủ dòm.
Không có nhà ở hay chỗ ngủ, ta bèn đi ngủ nhờ, ngủ đậu, nhưng đừng nên ngủ bót (cảnh sát ) . Mà muốn ngủ bót thì có gan cứ đi ngủ đĩ, ngủ lang.
Ngủ-không mà không trả tiền, không nuôi dưỡng, thì cũng có ngày ra hầu Ba Tòa Quan Lớn.
Còn ngủ ... nhưng thôi, kể nữa quý vị buồn ngủ, lấy ai đọc tiếp bài này.
Sự quan trọng của giấc ngủ.
Khoa học cũng như kinh nghiệm đã nhấn mạnh sự quan trọng của giấc ngủ đối với cơ thể không kém gì không khí, thực phẩm, nước uống . Trong khi ta mơ màng ngủ, thì biết bao những thay đổi sinh hóa âm thầm xẩy ra trong cơ thể để tồn trữ nhiên liệu, năng lực, bảo vệ tế bào, thay thế tế bào già yếu.
Giấc ngủ ngon làm sức khoẻ bền bỉ và ta sống lâu hơn đồng thời làm giảm căng thẳng, soa dịu tâm trí. Đấy là một liều thuốc hiệu nghiệm để chữa sự mỏi mệt về thể xác và tâm hồn.
Ngoài ra, cơ thể như một cái xe chạy bằng điện năng, nó cũng cần nạp lại bình điện, cần thời kỳ thư gãin để khôi phục hiệu năng.
Nói chung, giấc ngủ được coi như là một phần thưởng quý gía cho con người sau một ngày làm việc mệt nhọc .
Phân tích giấc ngủ.
Với điện-não-đồ, ta có thể phát hiện và ghi lại những dòng điện do hoạt động của não bộ trong khi ngủ.
Có hai thời kỳ chính lần lượt xen kẽ, kế tiếp nhau.Thời kỳ mắt-chớp-mau (MCM ) và thời kỳ mắt-không-chớp-mau (MKCM).
Trong MCM, 80% giấc mộng xẩy ra, đồng thời, nhịp tim nhanh, thân nhiệt tăng, và ở nam giới sẽ có những giây phút cương-dương.
Thời kỳ MKCM, là thời kỳ phục hồi, ngủ say, cơ thịt thư giãn, nhịp tim chậm, thân nhiệt giảm, có mộng du, miên hành và ở trẻ em có sự đái dầm.
Trong một giấc ngủ 8 tiếng thì hai thời kỳ trên lần lượt thay đổi khoảng 35 lần.
Giả thử rằng một người đang ngủ, mà có thể tự quan sát thì diễn tiến sự ngủ sẽ như sau:
Sau khi nằm xuống giường độ 30 phút, con người thấy thư giãn, rồi đi vào tình trạng nửa tỉnh, nửa mơ, tâm hồn như bay bổng lâng lâng, hồn như tạm lìa khỏi xác. Sau vài giây, ta đi vào cõi mơ với giây phút ngủ say: hơi thở nhẹ nhàng, nhãn cầu chớp chớp, ngón tay lạnh, ngón chân ấm, cảm giác mờ đi, máu tiếp tục chuyển lên óc; huyết áp giảm, tim đập chậm, thân nhiệt hạ.
Người ngủ lúc đầu nằm yên, nhưng sau đó tay, chân mắp máy cử động nhẹ, rồi toàn thân giở mình qua trái, qua phải, lật ngửa, lật xấp. Sự trăn trở, giở mình này xẩy ra tới 24, 25 lần trong một đêm.
Sau một thời gian ngủ, diễn biến trở ngược, ngủ nhẹ nhàng hơn, tỉnh lại dần dần rồi tỉnh hẳn và thức dậy.
Sự điều hoà giấc ngủ.
Để giúp điều hoà tự động các chức năng của cơ thể, trong đó có việc ngủ, là một đồng hồ sinh học.
Với sự ngủ, nói một cách dễ hiểu, đồng hồ này với nhịp-sinh-học sắp xếp để một người từ Mỹ về Hà-Nội thì trong mấy ngày đầu vẫn có thói quen là phải ngủ theo giờ giấc bên Mỹ. Vì vậy, ban ngày bạn ta bần thần khó chịu. Sau đó ít ngày, đồng hồ sinh học mới điều chỉnh lại để người đó ngủ theo giờ giấc ở Hà-Nội, cho đỡ mệt mỏi. Đó là hiện tượng chệch-múi-giờ (jet lag ).
Khoa học mới đây đã chứng minh là, ban ngày chất Melatonin trong cơ thể ở mức độ thấp, nhưng đến xế trưa và chiều thì nó tăng lên,làm ta buồn ngủ và báo hiệu giờ đi ngủ. Mọi sinh vật, ngay cả thảo mộc, cũng có đồng hồ này.
Về giờ giấc ngủ, có người điều chỉnh nhịp sinh học để có thói quen ngủ sớm, dậy sớm; có người sắp xếp để ngủ trễ dậy trễ mà hiệu năng cơ thể vẫn tối đa.
Con chim sơn ca hót hay vì nó ngủ sớm, dạy sớm; con cú xuất sắc khi ngủ trễ, dậy trễ. Người làm ca khác nhau, ăn ngủ thất thường, dễ bị mệt mỏi vì nhịp sinh học rối loạn.
Lão-Thượng-Nghị-sĩ John Glenn, trong dịp bay vào vũ trụ tháng 10 năm 1998, cũng được não điện đồ ghi những hoạt động của não bộ trong khi ông ta ngủ. Chắc là ông ta cũng mang về một vài ý niệm mới về ảnh hưởng của phi trọng lượng với giấc ngủ người tuổi cao.
Xin ghi thêm là, có những thay đổi giống nhau trong cơ thể một người cao tuổi sống trên trái đất và một phi hành gia đang bay trong vùng không trọng lượng: ngủ ít giờ hơn, hay bị chóng mặt, mất phương hướng, cơ thịt và xương bị hao tổn, cơ năng tim-mạch thất thường.
Nhu cầu ngủ của mỗi người
Về nhu cầu ngủ, khả năng ngủ, bao nhiêu cho đủ, cho vừa, để hiệu năng sinh hoạt ngày hôm sau không trở ngại, tất cả đều tùy theo tuổi tác.
Trẻ sơ sinh ngủ tới 17 giờ một ngày, mà sanh non tháng lại ngủ nhiều hơn; 6 tháng, ngủ 14 tiếng; 16 tuổi ngủ 10 tiếng; kể từ khi vào đại học cho tới trưởng thành thì ngủ 7,8 tiếng. Như vậy thì một người già 75 tuổi đã dành 25 năm chỉ để ngủ.
Phụ nữ mang thai ngủ 10 tiếng; trẻ con Mỹ ngủ nhiều hơn trẻ con Anh, Đức. Thông thường thì nữ giới ngủ nhiều hơn nam giới một chút.
Theo lời đồn đại thì các thiên tài như Edison, Napoleon ngủ đêm rất ít, còn thiên tài Einstein lại ngủ rất nhiều. Có người tin rằng ai ngủ nhiều, tính tình phóng khóang, không nhất quán, nhưng lại dễ bị kích thích tâm thần, còn ngủ ít laị có năng lực tốt, nhiều tham vọng và tôn trọng quy luật.
Ngủ là một sự bắt buộc phải có, nhưng tại sao lại bắt buộc thì ta không biết.Ta chỉ biết được cơ thể cần ngủ do sự quan sát hậu quả của sự mất ngủ. Một giấc ngủ ngon mang lại sự hoan lạc cho tâm hồn, sự đầy hiệu xuất của các chức năng. Thiếu ngủ, khả năng nhận thức bị ảnh hưởng trầm trọng .
Sự thay đổi giấc ngủ ở người cao tuổi
Ở người cao tuổi, sự ngủ thay đổi một cách khá rõ rệt:
1- Số giờ thực sự ngủ giảm. Nhiều cụ nằm trằn trọc, suy nghĩ mung lung suốt đêm.
2- Phẩm chất của giấc ngủ kém, ngủ không ngon giấc, không ngủ say .
3- Ngủ bị gián đoạn vì hay thức giấc giữa khuya hoặc thức dậy để đi tiểu, khó dỗ lại giấc ngủ.
4-Ngủ sảy thức, mẫn cảm với tiếng động, dù rất nhẹ cũng tỉnh dậy.
5- Đi vào giấc ngủ khó khăn, có khi nằm mắt mở thao láo cả mấy tiếng đồng hồ.
6- Thời gian nằm trên giường nhiều hơn để cố gắng ngủ bù số giờ thiếu ngủ ban đêm.
7- Hay dậy sớm .(mới năm giờ sáng mà ông cháu đã dậy, lục đục pha trà uống, hút thuốc lào sòng sọc rồi ho sù sụ ..)
8-Thường hay ngủ ngày, ngủ giữa trưa.
Trên đây là những thay đổi bình thường về sự ngủ của tuổi cao, nhất là khi ít vận động. Kinh nghiệm cho hay, sự vận động nhẹ làm ta ngủ ngon, say hơn.
Ở tuổi cao, giấc ngủ còn bị thay đổi, sáo trộn vì những lý do khc như :
1- Tuổi cao hay có những chứng bệnh như đau nhức phong thấp, tiêu hóa kém hay đầy bụng, hay đái đêm, khó thở do bị bệnh tim, phổi làm gián đoạn giấc ngủ.
2- Tuổi cao dễ bị ảnh hưởng bởi những ưu tư, sầu muộn lo sợ trước thực tế là sức khỏe suy yếu dần và nghĩ tới ngày ra đi từ từ đến. Cho nên hay trăn trở, khó ngủ.
Những thay đổi bình thường, những xáo trộn do bệnh tật, ngoại cảnh có thể tạo ra tình trạng mất ngủ cho con người.
Có người đã nhận xét: sự mất ngủ là một cái giá mà ta phải trả khi ta muốn làm giống người. Con sâu đất đâu có mất ngủ; con khỉ, con gấu, con huơu ... đâu có mất ngủ. Ngay đến trẻ em sơ sinh cũng không mất ngủ. Lý do là ta có một lớp vỏ não phát triển quá tinh vi với bao nhiêu công dụng, khả năng mà những sinh vật kể trên không có, và lớp vỏ này có vai trò quan trọng trong sự ngủ nghỉ.
Mất ngủ cũng thể tạm thời, ngắn hạn hoặc kinh niên.
Tạm thời thì chỉ bị mất ngủ độ vài đêm liên tiếp rồi thôi. Thường thường là do những căng thẳng, vui buồn trong đời sống, thất thường vì làm việc giờ giấc khác nhau hoặc mất phương hướng trong di chuyển chệch múi giờ ...
Ngắn hạn thì từ vài tuần đến một vài tháng với mất ngủ xẩy ra đều đều mỗi đêm và do thói quen ngủ kém hoặc do các đau đớn thể xác, dằn vặt tâm thần.
Còn kinh niên thì sự mất ngủ kéo dài cả tháng, cả năm và do các bệnh thể xác, nhất là tâm thần mà 2/3 là u sầu, sợ hãi, buồn phiền, ám ảnh. Nàng cung nữ bị hất hủi, chết dần mòn vì thao thức năm canh, tưởng nhớ tới Đức Quân Vương , đã chẳng than phiền là “ Giết nhau chẳng cái dao cầu; Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa” ?.
Rối loạn giấc ngủ có thể xẩy ra lúc chập tối, khi vào giường mà nằm loay hoay cả nửa giờ mới đi vào giấc ngủ được. Hoặc nửa đêm thức giấc rồi nằm trằn trọc cả mấy tiếng mới ngủ lại được. Hoặc về sáng, mới 5 giờ m đã thức dậy, rồi nằm đó thao thức cho đến sáng.
Hậu quả của sự mất ngủ.
Sau đây là một số hậu quả của sự mất ngủ:
1- Sau vài lần trắng đêm, con người như mất hồn, kém chú ý, kém tập trung, khơng bén nhậy, tinh tường, lúc nào cũng như ngây ngất, tính tình trở nên cáu gắt, càu nhàu.
2-.Thể xác mệt mỏi, không có sinh lực, tay run run, mắt sụp xuống, quầng đen hiện dưới mi, ngáp vặt, luôn miệng than phiền đêm qua không ngủ. Hiệu năng làm việc giảm trông thấy. Tai nạn xe cộ và nghề nghiệp gia tăng. Có thống kê cho hay, tai nạn xe cộ do mất ngủ cao bằng số tai nạn gây do say rượu. 3- Mất ngủ còn gây những thiệt hại cho sự tăng trưởng, hồi phục của mô và tế bào; việc tiếp tế nhiên liệu cho não bộ; công việc loại bỏ chất cặn bã của tế bào, chức năng thần kinh, khả năng miễn dịch với các bệnh ung thư, nhiễm độc vi trùng đều bị suy yếu. Số lượng tế bào chống nhiễm trùng T-cell giảm rất nhiều ở những người mất ngủ.
Quan sát trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu thấy một con chó con khơng ngủ trong một tuần thì chết, con chó lớn chết sau hai tuần lễ không ngủ.
Giáo sư Bác Sĩ Christian J Gillin, tại đại học California-San Diego, đã quan sát giấc ngủ của 10 người đàn ông tuổi từ 22 tới 61 và kết luận rằng thời gian từ 3 tới 6 giờ sáng là lúc ngủ ngon nhất và cũng là thời gian thiết yếu mà cơ thể đã được lập trình để ngủ.
Ở Hoa Kỳ, người ta ước lượng có trên một 100 triệu người bị mất ngủ. Như vậy cứ sáu người thì một người bị rối loạn về ngủ, và 80% dân chúng thiếu ngủ. Có nhận xét cho là xã hội này khơng thiếu ăn, mà thiếu ngủ. Phải chăng đây là một niềm đau của thời đaị, một cái gía phải trả cho sự tiến bộ kỹ thuật?
Ngoài ra, nhiều người đã làm việc suốt ngày, đêm lại thức khuya chỉ để coi phim chưởng phim bộ, hoặc say mê đỏ đen ở mấy sòng bi bạc mà quên cả ngủ. Người ta đã vi phạm những quy luật căn bản về việc bảo vệ sức khoẻ của mình bằng cách đặt nhẹ sự ngủ, nghỉ. Đã có ai từ bỏ không khí, nước uống, thực phẩm không mà lại để cơ thể bị bị thiếu ngủ ?!.
Xin nhấn mạnh rằng mất ngủ không phải là một bệnh mà chỉ là triệu chứng, một dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau: bệnh của lục phủ ngũ tạng, bệnh của tâm thần, của thói xấu, tật hư.
Thông thường, mỗi khi mất ngủ, ta chẳng nghĩ tới nguyên nhân, mà vội vàng đi xin mấy viên thuốc ngủ và làm giầu cho các viện bào chế. Theo báo cáo thì trong năm 1979, ở Mỹ, các bác sĩ đ biên 38 triệu toa thuốc ngủ, thuốc an thần. Người cao tuổi tiêu thụ 40% số thuốc ngủ của thị trường. Có tới 90% người cao tuổi ở các viện dưỡng lão được cho uống thuốc ngủ để nằm yên, khỏi đòi hỏi, quấy phá.
Vài điều cần biết về thuốc ngủ.
Mất ngủ có thể là khó đi vào giấc ngủ, không ngủ liên tục tới sáng hoặc giấc ngủ không êm dịu bình an.
Mất ngủ chỉ là dấu hiệu chứ không phải là một bệnh.
Nguyên nhân thông thường gây ra mất ngủ gồm có tác dụng phụ của một số dược phẩm trị bệnh, thay đổi hoàn cảnh, thay đổi môi trường và căng thẳng tinh thần.
Mất ngủ có thể tự điều chỉnh, thay đổi nếp sống, bằng thuốc trợ ngủ mua tự do hoặc thuốc cần bác sĩ biên toa.
Thuốc ngủ không phải là đáp số cuối cùng cho sự mất ngủ .Ta có thể uống tạm vài ba đêm, nhiều lắm là 1 tuần lễ trong khi tìm nguyên nhân gây ra mất ngủ rồi điều trị tới nơi tới chốn.
Thuốc ngủ không cho ta giấc ngủ mà óc não cần. Nó làm giảm thời gian ngủ nghịch thường với mắt chớp đều và mộng mơ. Mà khoa học cho mộng mơ là để giải tỏa những căng thẳng xẩy ra trong ngày, làm tâm hồn thư thái hơn. Nếu tình trạng rối loạn này xẩy ra thường xuyên, con người sẽ có những ảo giác và kém tập trung.
Thuốc ngủ có thể giúp ta đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn nhưng ta phải trả một cái giá là chuốc lấy cảm giác ngây ngất, bải hoải, trì trệ, mơ màng, nửa tỉnh nửa mê và khó lòng nhớ những sự việc vừa mới xẩy ra. Ấy là chưa kể nếu dùng thường xuyên, mỗi đêm, với phân lượng cao ta còn bị phụ thuộc, bị ghiền, khó mà dứt được.
Tiến sĩ Donald Bliwise, Đaị học Y khoa Emory, Attlanta, đã nhắc nhở về việc dùng thuốc ngủ như sau : “Thuốc ngủ chỉ nên thỉnh thoảng mới dùng. Người ta thường không cần thuốc để ngủ. Nếu quý vị bị chứng mất ngủ kinh niên thì nên tham khảo bác sĩ chuyên khoa ngay”.
Sau đây là mấy điều về thuốc ngủ xin được nhấn mạnh để quý vị tuổi cao lưu ý:
1- Thuốc ngủ bào chế trong phòng thí nghiệm thường được thử trước ở lớp người trẻ tuổi và không áp dụng cho người tuổi cao.
2- Người cao tuổi thường đã uống nhiều loại thuốc, nay lại thêm thuốc ngủ, sẽ có nhiều tác dụng phụ bất lợi như ngây ngất, hay quên, chóng mặt, dễ bị té ngã gây thương tích .
3- Sự biến hóa, hấp thụ cũng như bài tiết dược phẩm ở người cao tuổi thường rất chậm, nhất là thuốc ngủ, gây ra sự tích tụ trong cơ thể, đôi khi có hại.
Nói vậy thì tại sao thuốc ngủ lại bán được nhiều như thế?
Xin thưa, tại vì người ta lạm dụng nó: người biên toa cũng như người xin toa.
Thế tôi mất ngủ thì ông tính sao đây ? Không cho uống thuốc ngủ thì chẳng lẽ tôi đi cúng, đi châm cứu hay đi uống thuốc ta à?
Thưa có. Cụ có thể dùng thuốc ngủ, nhưng đừng dùng lâu qúa. Nên đi bác sĩ để điều trị cái thủ phạm chính của sự mất ngủ.
Bị cụp xương sống, đêm nằm đau nhức, không ngủ được, bác sĩ khuyên mổ, chẳng chịu, cứ nhè xin thuốc uống cho ngủ được, thì xương đau vẫn hoàn đau mà mình laị trở thành ghiền thuốc ngủ.
Buồn giận ông lão hai thứ tóc mà còn hay lăng nhăng bay bướm, mà không kiếm cố vấn hòa giải gia đình, lại chỉ uống thuốc để ngủ cho quên sự đời, thì chẳng bao lâu trí nhớ của mình sẽ thành “ trí quên” luôn.
Còn nếu thiếu ngủ, mất ngủ do thói hư tật xấu thì tránh xa chúng đi. Rượu đó. Cà phê đó.Thuốc lá đó. Ăn quá độ đó. Lại còn những ghen tuơng, đố kỵ làm tâm không an, đêm đêm nằm chỉ thao thức, bực mình, thì làm sao mà ngủ ngon, ngủ say cho được ?
Thuốc Trợ Ngủ
Với những mất ngủ ngắn hạn, có thể mua thuốc trợ ngủ không cần toa bác sĩ nhưng không nên dùng quá 2 tuần lễ.
Có 2 loại thường dùng là:
-Thuốc có chất chống dị ứng diphenhydramine như Benadryl, Sominex, Nytol
-Thuốc có chất chống dị ứng Doxylamine như Unisom
Ngoài ra, còn Melatonine là một loại hormone do não bộ tiết ra. Hormon này điều hòa giấc ngủ theo ngày và đêm có thể giúp ta rơi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
Vài điều cần lưu ý:
a-Trước khi dùng, nên hỏi ý kiến bác sĩ để coi xem các thuốc trợ ngủ này có phản ứng với các thuốc khác mà ta đang dùng hay không.
b- Thuốc trợ ngủ nhóm chống dị ứng có thể tăng tính cách trầm trọng của người đang bị bệnh suyễn, bệnh nghẹt thở kinh niên COPD, suy gan trầm trọng, bí tiểu tiện, cao áp nhãn kín. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng, kể cả phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú sữa mẹ. Thuốc có thể làm giảm sản xuất sữc và chuyển sang sữa khiến cho bé bị ngây ngất.
c-Không nên uống rượu khi đang dùng thuốc ngủ vì tình trang ngây ngất sẽ tăng
d-Không nên lái xe khi đang dùng thuốc trợ ngủ để tránh rủi ro tai nạn khi đang ở trong tình trạng ngây ngất, buồn ngủ.
Trước khi dùng thuốc trợ ngủ, nên lưu ý mấy điều như sau:
-Có uống nhiều hơn thường lệ nước uống có chất caffeine như cà phê, trà , cola hay không?
-Có đang dùng các chất có tác dụng kích thích hệ thần kinh như Ritalin
-Có ngủ trưa quá lâu
-Có thay đổi việc làm từ ngày sang đêm hoặc thay đổi giờ giấc ngủ
-Có bị các cơn nhức đầu đau xương khớp quấy rầy khiến cho không ngủ được
Để khỏi bị rối loạn giấc ngủ
Ngày xưa, còn bé, học lớp tư, lớp năm, có môn học Vệ Sinh Thường Thức. Ta phải học thuộc lòng những bài học như đừng để móng tay dài, tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mỗi ngày. Đây là môn học mà tự điển giải nghiã là những nguyên tắc phải giữ để có sức khoẻ.
Các cụ ta xưa chắc áp dụng điều mình học tới nơi tới chốn lăm, nên bệnh tật cũng ít, ngủ nghê chẳng cần Dalmane, Xanax. Đèn điện chẳng có, mà TV cũng không, nên tối đến, khi gà lên chuồng là các cụ cũng rủ nhau lên giường. Sáng mới hửng đông, gà gáy giấc đầu, là các cụ đã thức dậy, pha trà uống, làm bát cơm nguội hay củ khoai luộc, rồi ra đồng làm việc, rất đều đặn mỗi ngày.
Nay bài học Vệ Sinh không có, nhưng có những tài liệu về y tế công cộng, y khoa phòng ngừa, ta cũng lấy được những lời chỉ dẫn về giữ gìn sức khoẻ tự nhiên, không thuốc men. Về sự ngủ cũng vậy, có những nguyên tắc vệ sinh căn bản, mà nếu ta theo thì giấc ngủ sẽ đến với ta nhẹ nhàng, thư thái, lành mạnh lại không tốn kém.
Chúng tôi xin cùng quý vị sắp xếp một bài học Vệ Sinh về giấc ngủ :
1-Nên đi ngủ có giờ giấc.
Ngủ cùng giờ và thức dậy cũng cùng giờ, tạo thành một thói quen để cái đồng hồ sinh học và nhịp sinh học không bị rối loạn. Nếu cần du di thì thay đổi giờ đi ngủ, nhưng đừng để trễ qúa nửa đêm.
Ngủ nướng cuối tuần coi bộ hấp dẫn và nghe được đó, nhưng không lành mạnh vì nhịp sinh học lại phải điều chỉnh lại giờ giấc mỗi cuối tuần.
Bình luận về tầm mức quan trọng của việc ngủ có giờ giấc, Tiến Sĩ Donna Arand, Ohio, viết : “Nếu quý vị cần đồng hồ báo thức để thức dậy trong tuần thì quý vị đã không ngủ được đầy đủ. Khi ngủ ngon theo giờ ấn định thì óc não của quý vị sẽ tự động đánh thức quý vị dậy. Qúy vị sẽ thức giấc một cách hết sức tự nhiên”.
2- Tránh tập luyện cơ thể quá sức trước khi đi ngủ.
Đồng ý là sự vận động cơ thể rất tốt cho giấc ngủ, giúp ta ngủ ngon, nhưng sự tập quá sức và quá gần giờ đi ngủ làm tâm thần bị kích thích và ta khó đi vào giấc ngủ. Có người khuyên nên tập 3 giờ trước khi đi ngủ.
3- Tránh ăn quá no trước giờ ngủ.
Ta thường nói “Ăn no, nặng bụng”. Ăn no rồi vào giường ngủ ngay, thức ăn nó cứ nhấp nhỏm trong bao tử hàng giờ, đâi được tiêu hoá, thì làm sao mà ngủ yên cho được. Nhất là lại ăn nhiều gia vị chua, cay.
Một chút trái cây, một ly sữa ấm thì tốt hơn cho giấc ngủ ngon .
4- Tránh những chất kích thích thần kinh như cà phê, thuốc lá, rượu mạnh.
Cà phê có tính cách gây phấn khởi khiến khó ngủ. Ngoài ra, cơ thể cần khoảng 24 giờ để bài tiết một ly cà phê. Nếu ta uống vài ba ly trong ngày thì cafeine tích tụ trong máu sẽ cao hơn, và ảnh hưởng gây tỉnh táo cao hơn, lâu hơn. Vì vậy ta nên ngưng uống cà phê từ trưa, thèm lắm thì ly cuối cùng là vào 4 giờ chiều.
Rượu uống trươc khi đi ngủ có thể làm ta ngủ đấy, nhưng kinh nghiệm cho hay, rượu làm ta hay đái đêm, khó thở lại tạo ra những cơn ác mộng.
5- Phòng ngủ phải yên tĩnh, thoáng khí, nhiệt độ vừa phải, nệm không cứng quá hoặc mềm quá.
Một điểm quan trọng là: chỉ dùng phòng ngủ để Ngủ và Ngủ với nhau. Không coi TV nhất là những phim về tội ác, hoặc quá mủi lòng, gây vấn vương tâm trí; không ăn vặt trong phòng ngủ; không thảo luận chuyện làm ăn, chuyện khó khăn trong ngày, để tránh sáo trộn giấc ngủ .
6- Đừng mang suy tư, buồn bực vào giường. Nếu có những việc phải làm cho ngày hôm sau hay những ưu tư, thì ra bàn làm việc, ngồi viết hết những điều đó ra, đặt ưu tiên giải quyết cho ngày hôm sau rồi đi ngủ .
7- Thức giấc nửa đêm, không ngủ lại được rồi nằm trằn trọc: Hãy đúng lên, đi làm bất cứ một việc nhỏ nào đó, tới khi thấy mệt và buồn ngủ thì đi ngủ. Đừng nằm trên giường, ngó đồng đồng hồ và đếm thời gian đi qua.
8- Kết quả của nhiều nghiên cứu chứng minh rằng trong lúc ái ân, cơ thể tiết ra một vài kích thích tố khiến nhiều người ngủ ngon hơn. Cho nên đã có lời khuyên: nếu không ngủ được thì thử kiếm một bạn đồng sàng .
Một vài điều về giấc ngủ ban trưa.
Nói đến ngủ ban đêm mà không nhắc tới giấc ngủ trưa, ngủ chợp mắt ban ngày, thì thật là một thiếu sót.
Nhớ lại khi xưa, các ông Thông, ông Phán, công tư chức, cũng như bác thợ cầy, cô thợ cấy ở quê ta, trưa trưa sau bữa cơm đều làm một “giấc ngủ trưa hè ”. Rồi chiều làm việc tiếp. Thật là sảng khoaí, tỉnh táo.
Mà chẳng cứ dân ta, nhiều dân tộc khác cũng coi trọng giấc ngủ trưa. Ngay súc vật, con trâu con bò, cũng ngủ trưa, nhất là khi trời nóng bức .
Lại nữa, khi còn thơ ấu, các cụ thường bắt ngủ trưa và con cháu chỉ rình chốn ngủ để đi đánh đáo, chọi dế.
Chỉ riêng một số quốc gia tân tiến kỹ nghệ, vì nhu cầu sản xuất, lao động mà bỏ ngủ trưa.
Về phương diện khoa học, một giấc ngủ trưa ngắn giúp ta tỉnh táo, cơ thể tăng hiệu năng, tiêu hóa tốt.
Bác sĩ Claudio Stampi, Boston, có ý kiến là nếu quý vị thiếu ngủ thì giấc ngủ chợp mắt là cách để bù đắp vào phần thiếu đó, vì liều thuốc công hiệu và giản dị cho buồn ngủ là ngủ. Ngủ ngắn hạn này là một cách để nạp lại bình điện.
Cho nên, thay vào việc uống vài ly cà phê cho tỉnh ngủ, ta nên kiếm một chỗ yên tịnh, bỏ giầy, nới cổ áo, gác chân lên bàn nhắm mắt, hít thở vài hơi và thư giãn tâm thần trong mươi mười lăm phút để lấy lại sức thì có thể là hợp lý và ích lợi hơn.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Texas-Hoa Kỳ.
Hỏi rằng có một công thức dinh dưỡng nào toàn hảo cho tuổi thọ trường sinh, thì câu trả lời là không có. Nhưng những lời khuyên thực tế sẽ là: thực phẩm phải đa dạng, phẩm chất dinh dưỡng cao và các chất dinh dưỡng phải cân bằng.
Tại sao lại có chuyện đa dạng, cân bằng, dinh dưỡng cao?
Thưa lý do là vì ngoài các chất dinh dưỡng chung thì mỗi loại thực phẩm lại có những chất mà chỉ riêng mình mới có. Cho nên, bữa ăn cần phải có nhiều món ăn khác nhau. Chẳng hạn ta chỉ ăn thịt cá mà quên món rau tươi xanh, thì là điều thiếu sót rất đáng trách vì thịt cá không có chất xơ của rau. Mà chất xơ lại rất cần cho cơ thể.
Đa dạng nhưng không “hổ lốn”, hỗn độn, nhất bên trọng, nhất bên khinh mà cần theo một lỷ lệ đã được nghiên cứu chỉ định. Đó là sự cân bằng giữa các loại thực phẩm. Thông thường các nhà dinh dưỡng khuyến cáo nên dùng từ 45-55% chất carbohydrate từ cơm, gạo, mì, rau trái, 25-30% chất béo và phần còn lại là chất đạm thịt cá, các loại hạt.
Và món ăn phải có giá trị dinh dưỡng cao, tức là có đủ các chất mà cơ thể cần để hoạt động, để tái tạo tế bào hư hao, để trẻ thơ tăng trưởng. Các thực phẩm như đường tinh chế, rượu chỉ cho calori mà không cho chất dinh dưỡng, cho nên nếu tiêu thụ nhiều chỉ làm cho cơ thể phì lộn, béo bệu.
Dù ở tuổi già, nhưng quý lão niên vẫn cần năng lượng để làm việc, để duy trì sức khỏe tuổi cao đồng thời, nếu dinh dưỡng tốt, cũng có thể phòng tránh được một số bệnh như bệnh loãng xương, bệnh tim, bệnh cao huyết áp, thiếu hồng cầu, sa sút trí tuệ Alzheimer và vài loại ung thư. Chẳng may mà cụ nào đang mắc một vài trong các bệnh vừa kế thì dinh dưỡng đúng cách cũng khiến cho bệnh nhẹ nhàng, hồi phục mau hơn.
Về số lượng chắc chắn là nhu cầu của quý cụ sẽ ít hơn là khi còn trung niên trai tráng, vì bây giờ đâu còn phải lao động chân tay cật lực. Do đó quý cụ vẫn cần các chất dinh dưỡng chính như mọi người. Đó là chất carbohyrat (chất bột, đường), chất dạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước.
Con người, nói chung, không giống các sinh vật khác ở chỗ là ta không phải di chuyển để lùng kiếm thức ăn hay e ngại không kiếm đủ thức ăn. Mà ta lại có mối lo là làm sao không chỉ-ngồi-đó-mà-ăn hoặc ăn-quá-nhiều. Lý do là tại nhiều quốc gia, thực phẩm quá dư, chỉ muốn ăn gì và có tiền là xong. Nhưng ăn nhiều mà không vận động, tiêu dùng thì thật là nguy hiểm.
Sau đây là một số điều cần làm để có dinh dưỡng tốt cho tuổi già:
1- Biết lựa thức ăn thích hợp.
Tại Hoa kỳ, năm 1990 một đạo luật liên hệ tới việc liệt kê phẩm chất, thành phần của thức ăn đã được ban hành với mục đích để giới tiêu thụ dễ chọn lựa thức ăn thích hợp với nhu cầu của mình. Các quốc gia khác cũng phụ họa, làm theo.
Nhãn hiệu (Food label) đó không hoàn toàn đáng tin cậy, nhưng ít nhất cũng có giá tri hướng dẫn. Ta nên coi kỹ bảng phân tích này để lựa thức ăn thích hợp với cơ thể của mình.
2-Khi nào thì ăn?
Tất nhiên sẽ có câu trả lời: Thấy đói là ăn. Vậy khi nào thì đói, đói bụng hay đói con mắt? Laị nữa: ăn để sống hay sống để ăn?.
Người phương Tây có thói quen: ăn bữa sáng bữa trưa nhe, bữa tối thịnh soạn. Kể ra cũng tiện, vì sáng dậy vội vã đi làm, chỉ đủ thì giờ để chiêu một ly cà phê.
Trưa ngồi ở sở vừa làm việc vừa nhai miếng bánh mì kẹp chả mới làm tối hôm qua, kèm theo quả chuối, ly coke.
Tối về rảnh rang, làm một bữa cơm rượu no nê, rồi lên giường ngủ.
Thế là cholesterol trong máu tăng cao, những tảng mỡ không mời mà ngang nhiên xâm lấn vùng bụng, vùng hông.
Từ hơn ba chục năm trước, tại viện Đaị Học Chicago, nhà dinh dưỡng Clarence Cohln đã chứng minh rằng những người ăn một bữa no mỗi ngày thì cholesterol sẽ cao hơn những người nhâm nhi nhiều lần trong ngày. Ðây có lẽ cũng là lý do mà cholesterol ở nữ giới, lúc thiếu thời, thấp hơn ở nam giới, vì quý bà hay ăn quà vặt. Còn quý ông thì nhồi nhét một bữa cho xong.
Ăn một bữa no cũng bắt buộc sự biến hóa thực phẩm phải làm việc qúa sức, vị tố tiêu hóa, nhất là Insulin, phải tiết ra nhiều trong một thời gian qúa ngắn, đôi khi có khuyết điểm.
Tốt hơn hết là tuổi già cứ nhâm nhi, chia phần ăn ra nhiều phần nhỏ rồi ăn lai rai nhiều lần trong ngày.
3-Hỏi rằng ăn bao nhiêu cho đủ?
Xin thưa là các cụ Á đông ta quan niệm để sống lâu chỉ nên ăn” ba phần đói, bẩy phần no”. Để còn hơi thòm thèm, sau này còn muốn ăn món đó nữa và cũng để tránh ăn quá nhiều.
Các nhà dinh dưỡng lại khoa học hơn. Họ khuyên:
-Nam giới trên 50 tuổi tiêu thụ khoảng 2000 calo nếu ít hoạt động, 2200-2400 calori nếu hoạt động vừa phải và nếu còn rất hoạt động lại cần nhiều hơn: 2400-2800 calo mỗi ngày.
Với nữ giới thì theo thứ tự như trên sẽ là 1600 calori, 1800 calori và từ 2000-2200 calori.
4-Làm sao để ăn ngon?
Ăn uống đứng đầu tứ khoái (ăn, ngủ, sinh lý, “đổng ìa”). Nhưng nhiều vị cao niên lại chẳng muốn ăn hoặc thấy món ăn nhạt tuếch, vô vị. Trở ngại này có thể là vì răng không còn nhiều, lợi viêm sưng, nhai nuốt khó khăn, nước miếng giảm hoặc đang uống nhiều dược phẩm trị bệnh làm giảm khẩu vị; hoặc cô đơn lủi thủi ăn uống một mình.
Hãy thổ lộ với các nhà chuyên môn dinh dưỡng, y tế để cùng nhau giải quyết.
Lựa nấu món ăn ưa thích, cho thêm chút gia vị mầu mè để món ăn hấp dẫn hơn. Và cũng tìm thêm bạn để đồng thực, đồng ẩm.
5-Giới hạn thực phẩm có nhiều chất béo nhất là mỡ động vật.
Chất béo bão hòa làm tăng cholesterol trong máu. Chất béo từ thực vật, bất bão hòa, làm giảm cholesterol.
Giản dị nhất là ăn thịt nạc, thịt gà, vịt bỏ lớp da đầy mỡ; hấp hay nướng nhiều hơn là chiên; thay thịt bằng cá, rau, trái cây; uống sữa ít chất béo.
6-Ăn thực phẩm có nhiều rau, trái cây hạt ngũ cốc
Các thực phẩm này tương đối vừa rẻ lại tốt lành và cũng có nhiều năng lượng.
Các nhà dinh dưỡng khuyên nên dùng 5 đơn vị trái cây và rau mỗi ngày, 6 tới 11 đơn vị hạt ngũ cốc. Mỗi đơn vị là lượng thức ăn mà ta thường dùng như là một bát cơm, một quả táo cỡ trung.
Nên nhớ là trên thế giới có cả hàng trăm triệu người ăn chay mà họ vẫn sống lâu. Như vậy ăn chay chắc phải có một gía trị dinh dưỡng nào đó.
Lại nữa: phần ăn của các lực sĩ vô địch trước khi tranh giải đều có nhiều carbohydrat, là một lý do để ta tăng số lượng rau và trái cây trong bếp và trên bàn ăn của chúng ta .
7-Một vài ý kiến về chất đạm protein.
Cơ thể được cấu tạo bằng chất đạm. Chất này có nhiều nhất trong thịt động vật nhưng cũng có trong thảo mộc, nhất là các cây thuộc họ đậu như đậu hoà lan, đậu cô ve, đậu nành.
Khoa học đã chứng minh là một khẩu phần có nhiều thịt động vật làm tăng hiểm họa bệnh tim.
Do đó, tới tuổi cao, nên theo một chế độ thực phẩm với thịt nạc, sữa ít chất béo, nhiều rau, trái cây.
8-Nước và muối cũng cần được lưu ý.
Trong cơ thể, tỷ lệ nước lên đến 60% trọng lượng, mỗi ngày thận lọc gần hai trăm lít máu và thải ra1/100 dung dịch nước. Như vậy cơ thể cần có một số nước tối thiểu để tồn tại. Trung bình, cần uống 1 lít rưỡi nước mỗi ngày, và uống thêm khi nào thấy cần để tránh tình trạng khô nước hay loãng tiểu.
Nước không có calories, không có khoáng chất, đôi khi không mất tiền mua lại còn là chất bôi- trơn (lubricant) tốt cho cơ thể.
Với muối, chỉ cần một phần tư thìa cà phê mỗi ngày là đủ. Dân chúng dùng nhiều muối, như người Nhật, thường có nhiều nguy cơ cao huyết áp.
9- Tăng tiêu thụ chất xơ
Gần đây, chất xơ (fiber) trong rau và trái cây được nhắc nhở tới nhiều vì có công dụng trong việc hạ thấp lượng cholesterol trong máu, tăng tốc độ di chuyển của thức ăn trong ruột, tránh táo bón và viêm ruột.
Chất xơ không có giá trị dinh dưỡng mà chỉ làm đầy bao tử, cho nên còn có tác dụng giúp ta giảm béo mập...
10- Dùng bổ sung sinh tố và khoáng chất
Các vi chất này có tác dụng xúc tác trong việc chuyển hóa thức ăn và có nhiều trong các loại thực phẩm. Tuy nhiên, ở người cao tuổi, khẩu phần nhiều khi không được cân bằng và có thể thiếu một vài loại sinh tố, khoáng chất. Vì vậy nên dùng thêm một phân lượng phụ trội.
Kết luận
Để sống già sống khỏe, cần có dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, đa dạng.
Hãy tiêu thụ nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Hãy giới hạn các thực phẩm “rỗng”, chỉ có calori mà không có chất dinh dưỡng, như rượu, nước có hơi, bánh ngọt.
Hãy lựa thực phẩm có ít cholesterol, chất béo.
Và phòng tránh ngộ độc, tiêu chẩy với vệ sinh an toàn thực phẩm. Ăn chín, uống sôi, rau trái sạch, rửa tay thường xuyên.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.
Texas-Hoa Kỳ.
Ở bất cứ tuổi nào, sự an toàn cho mỗi cá nhân trong đời sống hàng ngày đều là quan trọng. Nhưng vào tuổi già thì sự thuận buồm suôi gió này lại càng cần được lưu tâm gấp bội.
Thực vậy, vào tuổi ngoài 60, quý cụ sẽ gặp nhiều rủi ro hơn những năm tháng thanh xuân về trước. Mà khi những chẳng may này lại đưa tới thương tích thì hậu quả cũng trầm kha hơn, sức khỏe bị suy giảm nhiều hơn, đời sống dễ bị lệ thuộc vào người khác. Và nếu nặng đến đỗi cần nằm nhà thương điều trị thì thời gian lành bệnh cũng chậm, chăm sóc khó khăn, vì ở tuổi này sự tu bổ, tân trang thương tích chậm.
Té ngã
Rủi ro thường xẩy ra là Té Ngã ngay tại căn nhà mà ta đã ở có khi đã vài chục năm, nơi mà ta tưởng như bình an nhất, quen thuộc nhất.
Té ngã có thể đưa đến những hậu quả trầm trọng cho tấm thân về chiều, dẫn tới tình trạng nguy hiểm cho sinh mạng người tuổi cao. Mỗi năm, cứ 3 vị trên 65 tuổi thì có 1 vị bị té ngã ít nhất một lần, đặc biệt là khi họ sống trong viện dưỡng lão.
Ngã với gẫy xương hông thường xẩy ra nhiều nhất, tới 90% các trường hợp, rồi đến các chấn thương khác tương đối nhẹ hơn.
Bên Hoa Kỳ, hàng năm có đến gần 200,000 người cao tuổi gẫy xương hông vì ngã, nhiều người thiệt mạng trong khi điều trị ở nhà thương. Số tử vong 5 năm sau thương tích lên khá cao, tới 50%, đặc biệt là ở cụ ông và khi các cụ lại có thêm vài bệnh kinh niên.
Sau khi ngã, dù không có thương tích, các cụ rất sợ di động, trở nên mất tự tin, mất độc lập, đời sống thể chất và tâm thần của các cụ suy giảm mau lẹ, dễ đưa tới tàn phế.
Những nguyên nhân gây té ngã có thể là từ môi trường bên ngoài hoặc từ trong cơ thể bệnh hoạn.
1- Một số bệnh kinh niên như tiểu đường, tai biến mạch máu não, Parkinson, phong thấp, bệnh tim, cao huyết áp là những nguyên nhân thường xuyên gây té ngã. Ðôi khi chỉ một rối loạn nhẹ trong nhịp đập của tim, một lên xuống bất thường của huyết áp, một viêm nhiễm dị ứng của tai trong cũng có thể khiến các cụ thấy chóng mặt, mất thăng bằng rồi ngã.
2- Gây ra do dược phẩm: Một số thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc trị cao huyết áp, bệnh tim, thần kinh tâm trí, hoặc do dùng nhiều dược phẩm khác nhau cùng một lúc thường đưa tới cảm giác lâng lâng, ngây ngất đi đứng không vững rồi té ngã.
3- Té ngã do sự thay đổi chức năng của tuổi cao như là kém thính giác thị giác, cảm giác ngoài da, khớp xương cứng, cơ bắp teo yếu, dáng đi không vững, mất thăng bằng cơ thể.
4- Rủi ro từ môi trường nhà ở như sàn trơn trượt, giây điện, đồ chơi trẻ em vướng chân, ánh sáng trong phòng không đầy đủ, bậc thang lung lay, quá dốc...
Làm sao đối phó với té ngã?
Khi bị té ngã, hãy bình tĩnh đối phó.
Nếu thấy rằng ta có thể bị thương ở chân hay xương sống thì không nên cố ngồi dậy. Bị thương tích ở cột sống mà cử động có thể ảnh hưởng tới não tủy, hậu quả sẽ trầm tọng hơn. Ta nên nằm yên rồi kêu giúp đỡ.
Trái lại, nếu không có đau đớn ở cơ thể, ta có thể cố ngồi dậy theo cách sau đây:
a- Nếu té nằm ngửa, hãy chuyển sang thế nằm sấp bằng cách sau: quay mặt về phía định lăn, đầu gối và khuỷu tay hướng về phía đối nghịch, rồi đồng thời chuyển chúng qua thân mình về phía mà mình định lăn
b- Khi đã nằm sấp rồi, dùng bàn tay và đầu gối để nhổm người lên, bò tới phía trước một cái ghế ở gần đâu đó.
3- Đặt bàn tay lên mặt ghế, ngả người xuống để thân mình được tay chống đỡ.
4- Co đầu gối nào mạnh, dùng bàn chân phía đó đẩy người nhổm lên, đầu gối bên kia chống dưới sàn, quay nhẹ người rồi ngồi xuống ghế. Sau khi nghỉ thở một lúc ta sẽ kêu cấp cứu.
Ðể tránh té ngã, ta nên cho bác sĩ hay những cơn chóng mặt, mất thăng bằng đã xẩy ra. Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân rồi điều trị; nên đi khám tai khám mắt theo định kỳ để nghe nhìn tinh tường; dùng thuốc theo lời dặn và không dung chung thuốc với rượu hoặc tiêu thụ quá nhiều rượu.
An toan nhà ở
Về nhà ở, xin đề nghị một bản kiểm điểm dưới đây để bảo đảm an toàn cho người cao niên ở trong nhà:
1- Cần lau khô ngay khi sàn nhà nhà bị ướt vì bất cứ lý do gì để tránh trơn trượt;
2-Cần giữ sàn nhà và cầu thang không bị các vật linh tinh nằm vương vãi cản trở bước đi.
3-Giữ cất các dụng cụ cần thiết ở các tầng tủ vừa tầm tay với tới.
4-Khi đánh bóng sàn nhà, nên dùng loại sáp không trơn trượt.
5-Thảm nhỏ trải trên sàn nhà phải là loại bám vào sàn, không trượt khi bước lên.
6-Không nên trải tấm thảm nhỏ ở đầu và cuối thang lên lầu vì dễ trơn tuột.
7- Không dùng những tấm thảm đã rách, có xơ làm vướng chân.
8- Ở buồng tắm: trải thảm cao su hay dán những miếng cao su nhỏ trong bồn tắm để tránh trợt té khi đang tắm; dựng tay vịn ở thành bồn tắm; để xà phòng nơi dễ với tay lấy.
9- Không có vật cản trở ở hành lang thông từ phòng này sang phòng khác, nhất là từ phòng ngủ sang phòng tắm.
10- Giây điện thoại, giây điện nối nguồn điện với máy truyền thanh, truyền hình cần được thu gọn trong mép tường, không cản trở lối đi.
11- Cần có đầy đủ ánh sáng trong các phòng. Nút mở-tắt đèn nên đặt gần cửa ra vào cho tiện dùng; có đèn mờ suốt đêm trong phòng tắm, hành lang, cầu thang.
12- Thang lầu có tay vịn suốt chiều dài của thang, tay vịn to vừa bàn tay nắm; bậc thang không lung lay; nếu có trải thảm thì thảm phải được gắn chặt vào bậc thang.
13- Việc xử dụng thang bước cao và ghế đẩu: Thang và ghế phải ở tình trạng tốt, vững chắc, đặt trên mặt phẳng, rắn, thăng bằng. Khi leo lên thang thì mặt phải đối diện với bậc thang; không đứng trên bậc cao chót của thang.
14- Xử dụng giầy dép: giầy phải có đế bám sát trên mặt sàn hay mặt đường. Không nên mang tất khi đi đứng trên sàn nhà gỗ hay đá hoa vì trơn trượt.
15- Cần luôn luôn đề cao cảnh giác với các nguy cơ bất chợt có thể xẩy ra. Coi chừng đồ chơi trẻ con vung vãi trong nhà hay chó mèo luẩn quẩn vướng bước chân.
16- Khi ôm vác đồ vật cồng kềnh đừng để chúng cản tầm nhìn của ta.
17- Khi nghe tiếng chuông điện thoại hay chuông gọi cửa, không hấp tấp vội chạy đến trả lời.
18- Khi đứng lên hay ngồi xuống, nên chậm rãi, tránh té ngã vì chóng mặt, mất thăng bằng.
19- Ngoài sân, vườn: quét sạch lá, rác rưởi trên lối đi. Dụng cụ làm vườn cất dọn vào kho an toàn. Nên có thảm chùi chân ở ngưỡng cửa.
20- Uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, giờ uống.
Thường thường mỗi nhà đều có một tủ thuốc gia đình nhất là với người cao tuổi uống nhiều thuốc.Tủ thuốc thường để trong buồng tắm. Nhưng theo các dược sĩ, phòng tắm hay bị ẩm ướt nên thuốc có thể bi phân hóa mau hư.Thuốc nên cất giữ nơi khô ráo, mát mẻ và xa tầm với của trẻ em.
Vứt bỏ các thuốc đã quá hạn vì để lâu thuốc hư hỏng hoặc mất công hiệu. Chẳng hạn thuốc ho có codeine để lâu thì chất lỏng có thể bay hơi, còn lại chất codeine với nồng độ cao có thể gây rủi ro như chóng mặt, buồn ngủ.
Hàng năm nên cập nhật và kiểm soát các thuốc cấp cứu thường dùng.
21- Xử dụng gậy chống: Chiều dài của gậy phải vừa tầm. Khi đứng thẳng người, tay buông thõng, cán gậy phải ngang với cổ tay, khi nắm cán gậy thì khuỷu tay phải cong từ 15 tới 20 độ. Nếu cần dùng gậy vì đau chân trái thì cầm gậy bằng tay mặt và ngược lại.
Khi bưóc đi thì gậy và chân đau phải chuyển động cùng một lúc. Bước lên cầu thang bằng chân không đau trước, rồi chống gậy và bước chân đau lên bậc thang, liên tiếp như vậy cho đến cuối bậc thang.
Đi xuống thì làm ngược laị, nghĩa là chống gậy và đặt chân đau xuống bậc thang trước rồi mới di chuyển chân không đau.
Nhiều người thích gậy có cán cổ ngỗng hơn loại cán cong, vì với loại trên, trọng lượng người sử dụng được thân gậy chịu đựng nhiều hơn.
22- Nhiệt độ trong nhà vừa phải. Nếu quá lạnh, phản ứng của ta chậm lại, dễ té ngã.
23- Viết số điện thoại khẩn cấp cạnh mỗi máy điện thoại: cảnh sát, bác sĩ gia đình, cứu hoả, xe cấp cứu, thân nhân hoặc bạn thân ở gần. Nhớ cách sử dụng số cấp cứu Hoa Kỳ 911; Việt Nam 115 cho cơ quan y tế.
Kế đến là an toàn khu gia cư.
Rất nhiều trường hợp xâm nhập gia cư bất hợp pháp xẩy ra, nhất là cho nguời tuổi cao. Kẻ gian thường theo dõi và làm những hành động phi pháp với lớp người này, như trộm cắp, lạm dụng tình dục, lừa gạt.
Nếu có thể được, chọn khu gia cư có kiểm soát ra vào, bằng máy móc hoặc nhân lực.
Nếu không thì cửa trước cần có một lỗ nhỏ để nhận diện căn cước người tới trước khi mở cửa.
Ðừng để thợ sửa chữa hoặc người lạ vào nhà nếu lhông có hẹn trước dù họ có đưa giấy tờ chứng minh.
Qua khe hở, yêu cầu họ cho số điện thoại nơi họ làm việc để kêu kiểm chứng.
Nếu kẻ lạ than phiền gặp khó khăn xin dùng điện thoại, xin đừng bao giờ để họ vào nhà. Lấy số điện thoại kêu hộ cho họ hoặc chỉ cho họ tới văn phòng gia cư.
Ði đâu về mà nghi ngờ có người ở trong nhà thì không nên vào mà báo ngay cho cơ quan công lực.
Nhiều cụ sống riêng rẽ một mình vì hoàn cảnh hay vì ý thích, không muốn phụ thuộc vào con cháu, gia đình.Trong trường hợp này, nên sắp xếp một hệ thống cắp cứu khi có tai nạn.
Nhờ thân nhân hay hàng xóm theo dõi ta hay để ta kêu điện thoại vào giờ đã định. Thí dụ như thường ngày ta lấy báo mỗi buổi sáng, hôm nay đến trưa ông hàng xóm vẫn thấy tờ báo nằm trước cửa, thì chắc là có chuyện bất thường xẩy ra. Ông ta bèn ghé gõ cửa hỏi thăm sự tình.
Ðã có nhiều trường hợp một người cao tuổi tử biệt cả mấy ngày mà không ai biết, cho tới khi xú uế từ nơi ở bay ra, mọi người mới phát giác.
Với sự tiến bộ của truyền tin, ta có thể đặt một hệ thống báo động điện tử. Các hệ thống này nối nhà ở với phòng cấp cứu bệnh viện. Hệ thống có ba bộ phận: một máy phát tín hiệu nhỏ cầm vừa trong tay, không giây, có nút bấm để phát tín hiệu, và được chỉnh giờ theo lịch trình định trước; một máy thu tín hiệu gắn với điện thoại trong nhà, và máy nhận tín hiệu ở nhà thương.
Khi người bị tai nạn bấm nút trên máy phát tín hiệu cầm tay, máy chuyển tín hiệu ở điện thoại sẽ chuyển tín hiệu cấp cứu này tới nhà thương dù ta không quay số điện thoại. Máy phát tín hiệu cầm tay có thể tự động phát tín hiệu cấp cứu mỗi 6 hay 12 giờ.
Nếu người xử dụng bình an, họ sẽ điểu chỉnh nút tự động theo thời gian kể trên. Ngược lại nếu vì bất tỉnh, không điều chỉnh nút phát tín hiệu tự động thì tín hiệu cấp cứu sẽ phát vào giờ đã định và nhà thương sẽ liên lạc ngay để giúp đỡ. Nhờ vậy, người gặp tai nạn không bị lãng quên quá 6 giờ.
Hoặc ta cũng có thể giao ước với hàng xóm để được cấp cứu lẫn nhau mỗi khi đèn mầu xanh trước cửa sổ bật lên, dấu hiệu báo có chuyện chẳng lành xẩy ra.
Vừa giản dị, đỡ tốn tiền, lại tăng thêm tình tương thân tương trợ lối xóm.
An toàn khi ra khỏi nhà
Trước khi ra ngoài, nên lưu ý mấy điều:
a-Dự trù lộ trình an toàn trước khi rời nhà;
b-Mặc quần áo thoải mái để khi cần ứng phó dễ dàng;
c-Nên có điện thoại di động để dùng khi cần;
d-Ðừng chụp ống nghe radio trên tai, để có thể tỉnh táo nghe nhìn động tĩnh chung quanh;
e-Tránh dùng cầu thang, lối đi ít người qua lại;
g-Ðừng đi chung thang máy với người lạ;
h-Bước đi một cách tự tin, đều đặn;
i-Nếu cảm thấy rủi ro có thể xẩy ra trên lộ trình thì tránh xa càng mau càng tốt;
k-Thay đổi lộ trình đi bộ hàng ngày; nếu có bạn đồng hành càng tốt;
l-Nêu nghi ngờ có người theo thì đi về phía đông người; đừng về nhà kèo kẻ gian theo biết nơi ở của mình;
m-Luôn luôn để ý tới mọi người, mọi việc ở xung quanh
Nếu lái xe hơi:
Lái xe càng cẩn thận càng tốt; luôn luôn mang nịt đeo vào ghế ngồi; không nên uống rượu hoặc dùng thuốc có ảnh hưởng tới trí óc;
a-Luôn luôn đổ săng đấy bình.
b-Ðậu xe nơi sáng sủa, gần nơi định tới;
c-Ðừng đậu kế bên xe to lớn vì kẻ gian có thể ẩn náu trong đó;
d-Lấy sẵn chìa khóa trước khi trở lại gần xe; từ xa nhìn gầm xe có gì lạ không;
e-Quan sát băng ghế sau trước khi bước vào xe;
g-Ðóng cửa xe, quay kính xe lên cao để không ai thò tay vào được;
h-Không cho người lạ quá giang;
i-Ðang ở trong xe mà có người lạ quấy rầy, muốn vào xe thì bấm còi to để lưu ý mọi người và ra dấu hiệu nhờ giúp đỡ;
k-Nếu nghi có xe theo mình thì lái vào khu đông người, cây săng và cầu cứu nếu thấy có nguy hiểm;
l-Khi xe hư dọc đường, nâng nắp xe lên cao, cheo một miếng khăn trắng trên cột antenne để tỏ ý cầu cứu rồi vào xe, khóa cửa ngồi đợi.
Kết luận
Trên đây chỉ là một số gợi ý căn bản, Có nhiều điều ta thấy như nhỏ nhặt không đáng lưu tâm nhưng nếu vô ý quên không theo thì “cái sẩy nẩy cái ung”. Cho nên cứ “cẩn tắc vô ưu” như cổ nhân vẫn nhắc nhở.
Ðể cuộc sống mỗi ngày được bình an.
Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức
Texas-Hoa Kỳ
Về phương diện sinh vật học, lão hóa là một đặc điểm của các sinh vật « cao cấp » trong đó có loài người. Những sinh vật nguyên sinh ở cấp thấp như vi khuẩn (bacteria), loại chỉ có một tế bào như protozoa đều không già ! Những sinh vật này sinh sôi nảy nở mà không cần phải có sự phối hợp của giống cái và giống đực, và đặc biệt chúng nó chỉ có một hệ thống nhiễm sắc thể trong nhân tế bào. Những sinh vật khác đều có hai hệ thống nhiễm sắc thể, sinh sản qua sự phối hợp của giống cái và giống đực, và bị chi phối bởi tiến trình lão hóa thiên nhiên. Trong các sinh vật này chỉ những yếu tố di truyền trong nhân của tinh trùng ở giống đực và trứng ở giống cái là có khả năng bất tử, truyền từ đời này qua đời khác.
Ngoài ra tất cả mọi tế bảo đều có tuổi thọ riêng. Có nhiều tế bào không có khả năng phân thân và do đó không có thể tự sinh sản, như tế bào của cơ tim, tế bào mô thần kinh của óc và tủy sống. Nhiều tế bào khác có tuổi thọ tương đối ngắn và không ngừng được thay thế bởi những tế bào mẹ được phân thân rất mau. Đó là những tế bào của máu, của lớp màng lót trong bao tử và ruột, của các lớp da bên ngoài.
Bản thân lâu mau của thời gian không làm cho các tế bào già đi nhưng trong/ với thời gian có những « đột biến » mutation xảy ra khiến các tế bào bị ảnh hưởng và biến đổi, kéo theo sự thay đổi của cơ thể và sự suy giảm của các chức năng sinh lý.
Lý thuyết về sự hóa già
Sự hóa già được giải thích bằng những lý thuyết như sau:
- Đồng hồ sinh lý: Cơ thể con người đã được « thảo chương » (Program) theo những yếu tố di truyền để cho con người được sinh, trưởng, lão hóa rồi chết trong trật tự thiên nhiên vào một thời hạn đã định trước. Khi các đồng hồ sinh lý đó điểm giờ định mệnh là khi con người ngưng sống.
- Sự tích lũy của sai lầm :
Đây là sai lầm của các phần tử trong các tế bào cơ thể. Trong tế bào và mô lành mạnh luôn luôn có một sự luân chuyển các thành phần hệ trọng như enzymes, kích thích tố (hormones) và hóa chất truyền tín hiệu thần kinh (neurotransmitters).
Trong mỗi quá trình luân chuyển thường có khả năng xảy ra những sai lầm và nếu những sai làm đó tích lũy tới một mức độ nào đó thì những tế bào hoặc mô trở thành bất khả dụng và có thể chết.
Ví dụ nếu một hóa chất nào đó ở tế bào não bộ bị suy thoái thì dù cho những tế bào đó còn sống nhưng não bộ cũng mất khả năng điều khiển các bộ phận trong cơ thể, hậu quả là sẽ dẫn đến sự chết của cơ thể. Nếu những tế bào khiếm khuyết sinh sôi nảy nở thì dù cho chúng không nằm trong những cơ quan điều khiển cơ thể, toàn bộ cơ thể cũng có thể bị hủy hoại đưa tới tử vong, như trường hợp các bệnh ung thư.
- Sự tích lũy của chất phế thải
Trong quá trình biến hóa của từng tế bào, có sự tích lũy các chất phế thải. Sự tích lũy này có thể xem như một phần của tiến trình lão hóa.
Về phía các tế bào không có khả năng phân thân như tế bào của cơ tim, thận và não, có một sự tích lũy dần dần của nhiều chất mà các khoa học gia có thể nhận ra dưới kính hiển vi nhờ một phương pháp nhuộm màu đặc biệt. Một trong những chất đó là « lipofuscin », một chất mềm biểu hiện tình trạng « hao mòn tả tơi » của mô tế bào về già. Hiện nay khoa học chưa tìm được nguồn gốc và ảnh hưởng của lipofuscin, chỉ biết được rằng chất đó có tích lũy trong não bộ già và có thể loại khỏi cơ thể bằng vài thứ dược phẩm. Người ta đang nghiên cứu xem sự loại trừ này có lợi hay có hại cho cơ thể.
- Lão hóa của các mô tiếp nối
Mô tiếp nối (connective tisues) là một cấu trúc yểm trợ gồm các chất như nguyên bào sợi (fibroblast), chất tạo keo (collagen), thớ sợi co giãn.
Những dấu hiệu của tuổi già do sự lão hóa mô tiếp nối rất dễ bị phát giác như tình trạng da và xương trở thành mỏng hơn và dễ vỡ, sự kiện phổi, xương sụn, mạch máu mất khả năng co giãn, các bắp thịt và khớp xương trở thành trơ cứng. Sự trơ cứng của các mô tiếp nối bắt nguồn từ phản ứng hóa học tròng chéo (chemical cross linkage) giữa các chuỗi phân tử dính liền nhau trong cấu trúc của các mô xốp (fibrous tissues).
- Sự mất hiệu năng của hệ thống miễn dịch
Nếu có chất lạ xâm nhập cơ thể thì hệ thống miễn dích sẽ phát giác ra ngay và huy động hệ thống phòng thủ để tiêu diệt hoặc loại trừ các chất lạ đó. Đó là phương cách mà hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus, nấm mầm bệnh, đồng thời ngăn chặn sự tích lũy các chất hữu cơ vô dụng trong cơ thể. Các tế bào hay chất liệu nào mà cơ thể không chấp nhận vì bị già cỗi suy yếu hoặc là có ác tính (như ung thư) đều bị phát giác và tiêu hủy.
Khi ta già hoặc khi một vài bộ phận trong hệ thống trở thành suy yếu thì hệ thống miến dịch mất hiệu quả và khi đó cơ thể dễ bị nhiễm độc và dễ bị bệnh ác tính xâm nhập.
Ngoài ra, hệ thống miễn dịch còn có thể mất khả năng chuyên biệt của nó và đôi khi còn hủy hoại các cơ quan trọng yếu của thân thể. Tiến trình này gọi là bệnh tự hủy miễn dịch (autoimmune disease). Ví dụ bệnh này có thể hủy tuyến giáp trạng (thyroid gland), thượng thận (adrenal gland) và lớp mô lót bao tử, gây nên bệnh myxoedema (hư hạch tuyến giáp), bệnh Addison’s disease (hư tuyến thượng thận), bệnh teo bao tử (gastric atrophy). Các chứng bệnh này do sự ngẫu nhiên, cho nên ngưởi ta tin rằng có một căn nguyên chung cho các chứng bệnh đó.
Kết luận
Trên đây là tóm tắt các diễn biến xảy ta trong và với thời gian mà hậu quả là sự biến đổi của cơ thể và sự suy giảm của các chức năng sinh lý.
Con người già không phải vì thời gian trôi qua mà do sự biến đổi sinh lý hóa. Số năm mà ta đã sống không tương đương với tỷ lệ, mức độ của sự suy thoái sinh lý mà cơ thể ta đã chịu đựng. Bởi thế một ngưởi với tuổi niên đại là 60 có thể có một thân thể sung mãn tương đương với người ở tuổi sinh lý 40, hay ngược lại.
Đó là nhờ có gen di truyền từ các bậc làm cha mẹ, và cũng nhờ họ có nếp sống điều độ, dinh dưỡng tốt trong suốt cuộc đời.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
www.bsnguyenyduc.com
Đứng về phương diện sinh vật học, rất khó mà xác định tiến trình lão hóa. Những biến đổi sinh lý xảy ra trong thời gian, với thời gian chứ không phải vì thời gian đi qua. Những biến đổi đó xảy ra không đồng bộ trong toàn cơ thể con người. Nhịp độ thay đổi khác nhau tùy theo từng bộ phận, từng tế bào.
Tiến sĩ Leonard Hayflick, một nghiêm cứu gia ở viện nghiên cứu Vistar, Philadenphia, Mỹ Quốc, đã ví cơ thể con người như là một tiệm đồng hồ trong đó có rất nhiều đồng hồ mà mỗi chiếc chạy theo mỗi giờ khác nhau. Các tế bào, các cơ quan trong thân thể con người hoạt động giống như những chiếc đồng hồ độc lập, theo nhịp độ khác nhau trên tiến trình lão hóa.
Có người tuy niên đại cao nhưng tuổi sinh lý thấp vì các cơ quan sinh lý của họ đã suy. Hiểu biết về tuổi sinh lý do vậy rất cần thiết cho tuổi thọ, tuy rằng khoa học chưa có phương pháp chính xác để đo tuổi sinh lý.
Các nhà chuyên khoa bệnh tuổi già đã thử đo chiều dài của vành tai, cơ năng hoạt động của tim, sức mạnh của bắp thịt, khả năng vận động thân thể, màu sắc của tóc v.v….với hy vọng tìm được một mẫu số để đo lường và tiên đoán nhịp độ của lão hóa, nhưng họ đã không thành công vì có quá nhiều yếu tố chi phối tiến trình lão hóa và những yếu tố đó đã vừa đa dạng mà lại còn không đồng bộ cho tất cả mọi người.
Tác giả Sunsanne Robb viết về lão hóa như sau: “Lý thuyết gia nào thử giải thích hiện tượng lão hóa của con người cũng vấp phải một sự thử thách lớn lao. Lão hóa có thể xem như một mức độ tăng gia rất phức tạp của sự phát triển hay cũng có thể là một quá trình đi đôi với sự suy thoái và mất mát. Lão hóa có liên hệ với sự phản ứng của cơ thể đối với các ảnh hưởng di truyền và môi sinh. Hơn nữa lão hóa là một quá trình rất cá biệt, bi chi phối bởi nhiều nguồn ảnh hưởng tác động lẫn nhau. Vì thể tuổi sinh lý đơn phương không thể dùng để tiên đoán một cách chính xác tuổi thọ của một cá nhân”.
Nói tóm lại, vấn đề sống lâu là một vấn đề hoàn toàn cá nhân. Con người chịu ảnh hưởng của di truyền, môi sinh, hoàn cảnh xã hội, lối sống cá nhân, tình trạng tâm thần v.v… nhưng con người cũng có khả năng chi phối đời sống của mình về nhiều mặt để đạt được mục đích sống lâu.
Con người có thể chặn đứng tiến trình lão hóa không? Tất nhiên là không, nhưng con người có khả năng giảm thiểu các chứng bệnh xảy ra ở tuổi già tức là làm chậm tiến trình lão suy với kết quả là kéo dài tuổi thọ.
Tuy nói vấn đề sống lâu tùy thuộc từng cá nhân, nhưng về phương diện môi sinh, vấn đề đó trở thành một vấn đề của tập thể. Ví dụ trong một cộng đồng sống xúm xít gần nhau, cùng sử dụng một nguồn nước chung, một khoảng không gian chung, thì mỗi cá nhân phải có bổn phận giữ cho nguồn nước và không khí được trong sạch và tất cả mọi người trong cộng đồng phải có cố gắng như nhau. Nếu một vài cá nhân trong cộng đồng đó cứ xả rác vào nguồn nước và phun khói vào không khí, thì tất cả cộng đồng phải chịu ảnh hưởng xấu của tình trạng môi sinh.
Tuổi thọ của một cá nhân tùy thuộc vào tình trạng môi sinh là thế. Cơ thể con người là một hệ thống mở ngỏ, tác động qua lại với môi sinh. Nó nhận được sự nuôi dưỡng từ môi sinh, nhưng đồng thời cũng chiu đựng từ môi sinh những nguy cơ và đe dọa đối với sự mất còn của nó. May mắn thay, cơ thể có một hệ thống điều chỉnh tự động để tự bảo vệ. Ví dụ nếu áp huyết bị sụt thì tức khắc hệ thần kinh phát ra tín hiệu để tăng nhịp tim đập, tăng lực co bóp của tim, làm co thắt các mạch máu và kết quả là áp huyết được tăng trở lại mức bình thường, trong một thời gian ngắn chờ đợi sự điều trị.
Ngoài ra, còn có hệ thống miễn nhiễm, miễn dịch để giúp bảo vệ cơ thể khi có sự xâm nhập của vi khuẩn, siêu vi trùng, nấm (mầm bệnh). Do đó, những người bị bệnh AIDS hay SIDA thường tổn mạng vì hệ thống miễn nhiễm bị virus AIDS/SIDA phá hủy.
Con người có thể sống đến bao nhiêu tuổi? Trong điều kiện lý tưởng, ví dụ có gene di truyền tốt, có hệ thống điều chỉnh tự động tốt, có hệ thống miễn nhiễm tốt, có hoàn cảnh môi sinh tốt, có điều kiện dinh dưỡng tốt, có lối sống lành mạnh v.v… thì con người, trên lý thuyết, có thể sống rất lâu.
Theo Leonard Mayflick tuổi thọ tối đa của con người là từ 110 đến 120. Những nhà nghiên cứu ở Đại Học California còn nâng tuổi thọ của con người lên khoảng từ 120 đến 150 tuổi. Hiện nay, riêng tại Hoa Kỳ, số người sống trên 100 tuổi đã tới trên 60.000 và sẽ còn gia tăng.
Trong lịch sử nhân loại, đã có nhiều người có tuổi thọ rất cao như: người Mỹ Delina Filking sanh ngày 4/5/1815, chết ngày 4/12/1928, thọ 113 tuổi; ngư phủ Nhật Bản chết năm 1986, thọ 121 tuổi; bà Jeanne Calment, người Pháp sanh tháng 2/1875, mất tháng 8/1997, thọ 122 tuổi. Ấy là không kể các nhân vật trong Thánh Kinh sống cả gần ngàn năm như Adam, sống trên 900 tuổi, Noah 950 tuổi, Methuselah sống tới 969 năm.
Giống như các động vật có vú khác, loài người trải qua 3 giai đoạn sinh tồn như sau:
- Giai đoạn phôi thai: Giai đoạn này lệ thuộc vào sự nuôi dưỡng của mẹ để sinh trưởng và phòng chống những đe dọa của môi sinh.
- Giai đoạn tăng trưởng: Đây là giai đoạn mà cơ thể đã đạt được sự cân bằng với môi sinh bằng cách bảo trì có hiệu quả các chức năng của tế bào.
- Giai đoạn lão hóa: Trong giai đoạn này, khả năng bảo trì và sửa chữa các tế bào dần dần trở thành kém hiệu quả, nhiều loại tế bào chết đi và các chức năng của cơ thể suy giảm.
Các khoa học gia tin rằng, con người có một tuổi thọ nhất định tùy theo các yếu tố di truyền và dù cho có loại bỏ hết tất cả các bệnh có khả năng gây tử vong hay là những đe dọa của môi sinh, thì tuổi thọ đó cũng chỉ được tăng thêm 10 năm là cùng. Tuy nhiên tuổi thọ đó là bao nhiêu cho từng cá nhân hay từng cộng đồng thì không thể xác định được.
Vậy nếu quý cụ thọ, ví dụ đến tuổi 60 ngày hôm nay, thì quý cụ có thể yên trí rằng cụ có những gene di truyền tốt đã giúp quý cụ chống đỡ mọi đe dọa của bệnh tật, môi sinh suốt 60 năm nay. Nay quý cụ chỉ cần theo đúng những phương pháp phòng, chống, chữa bệnh và những nguyên tắc căn bản về dinh dưỡng, tập luyện thể chất và tâm trí, thì có thể sống thoải mái, hưởng trọn tuổi vàng.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Già là gì ? Bao nhiêu tuổi thì gọi là già ?
Nếu dễ tính, ta có thể chấp nhận câu trả lời giản dị: già là một giai đoạn của cuộc đời, cũng như giai đoạn dậy thì của thiếu niên, trưởng thành của trung niên. Trong giai đoạn này, tương tự như ở trẻ con, người già có vài điểm giống nhau và đặc thù đủ để tạo thành một mô hình cho tuổi đó. Nhưng, thực tế cho hay một định nghĩa như vậy chưa đủ để thỏa mãn nhiều người.
Trong chu kỳ Sinh Lão Bệnh Tử, ta thấy khâu Lão tiếp liền khâu Sinh. Như vậy phải chăng phương Đông quan niệm rằng con người bắt đầu già ngay khi sinh ra đời?
Rồi nếu ta ngẫm nghĩ về chữ “Old” là già trong tiếng Anh thì ta thấy những sắc dân nói tiếng Anh tuồng như cũng đồng quan niệm với người phương Đông về tiến trình già của con người. Chả thế mà họ gọi một đứa bé vừa sanh ra được một giờ là “one hour old”, mà một người 90 tuổi là “90 years old”. Mới sinh ra đã là “old” mà sống đến 90 tuổi cũng “old” nốt. Phải chăng Đông Tây gặp nhau ở đây?
Ông Oscar R.Ewing, nguyên Giám Đốc Chương Trình An Sinh Liên Bang Hoa Kỳ đã có nhận xét: “Với con người, không có một định nghĩa khoa học nào cho tuổi già của cơ thể con người. Cái mà chúng ta phải liên hệ tới không phải là một nhóm người già mà là một nhóm bị người khác gán cho nhãn hiệu già, mặc dù khả năng của họ khác nhau”.
Vậy thì rất khó mà định nghĩa hai chữ tuổi già hay là đặt một cái mốc để chỉ tuổi già trong quãng đời con người.
Phải chăng tuổi già ở giai đoạn cuối đời của con người? Nhưng đời con người kéo dài bao nhiêu năm?
Cách đây một thế kỷ người Mỹ sống trung bình được 40 năm, nay họ sống trung bình được 75. Còn ở Việt Nam, vào khoảng đầu thế kỷ vừa qua, vua chúa sống đến 40 tuổi là đã ăn mừng “tứ tuần đại khánh”. Trong nhân gian thì “nhân sinh thất thập cổ lai hi”, tuổi 70 cực kỳ hiếm. Vậy vào thời kỳ đó, tuổi già bắt đầu ở quãng nào của tuổi đời? Ngày nay, tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng đáng kể, 71 tuổi và đang còn tăng nữa. Vậy thì tuổi già bây giờ tất phải cao hơn cái tuổi 40 của thời kỳ đầu thế kỷ.
Không căn cứ được vào số năm để xác định tuổi già, thì phải dựa vào cái gì? Hay là cứ ví von như các cụ xưa, hứa với nhau sống cho đến khi “đầu bạc răng long”, hoặc nói về cái mệnh đoản của người con gái đẹp mà ngâm nga câu “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”, ý nói rằng người đẹp cũng mệnh đoản như các ông tướng tài, không sống đến lúc bạc đầu. Cái lối ví von để nói về tuổi già thế mà lại có căn bản khoa học đấy: Các cụ đã sử dụng hệ thống tuổi sinh lý. Vì răng long và đầu bạc là dấu hiệu thông thường nhất của tuổi già.
Các khoa học gia đã thử lấy một số thay đổi của cơ thể khi về già làm mốc sinh học (biomarkers) để định nghĩa sự già. Thí dụ tới tuổi nào thì da bắt đầu nhăn, răng rụng, thính giác giảm…Để có giá trị, mốc sinh học phải tiên đoán được, không tránh được và không đảo ngược được. Mốc sinh học thay đổi tùy theo mỗi cá nhân, ví dụ cùng tuổi, nhưng có người da nhăn, có người da không nhăn.
Cho nên, già có thể trông thấy, như tóc bạc, da mồi ; hoặc cảm thấy, thí dụ cảm thấy mình không có sức khỏe, không có nhiều nhiệt huyết như ở tuổi 20; hay già với những thay đổi thực sự của ngũ quan, lục phủ ngũ tạng. Đó là chỉ dấu của thời kỳ lão suy.
Giai đoạn lão suy là giai đoạn con người bắt đầu có những biến đổi cơ thể theo chiều hướng đi xuống, nghĩa là từ tốt sang xấu, cũng như thay đổi về tính tình, cách đối xử.
Da vùng mặt và cổ bắt đầu nhão, tóc bắt đầu bạc thành muối tiêu và với thời gian muối nhiều hơn tiêu, cho đến khi bạc cả đầu, khóe mắt xuất hiện nếp nhăn, răng bắt đầu rụng dần, những chiếc chưa rụng thì lung lay. Công năng cơ thể giảm sút như ăn chậm vì tiêu hóa chậm, ngủ ít, ngắt đoạn vì hệ thống thần kinh suy giảm, đại tiểu tiện chậm vì công năng hệ thống tiêu hóa yếu, nói năng chậm, trí nhớ sút kém.
Thời kỳ lão suy cũng là thời kỳ mà các chứng bệnh liên quan đến tuổi già có thể bắt đầu xuất hiện hoặc tác động mạnh đến toàn bộ cơ thể con người. Ngoài ra vào tuổi lão suy, một số người cũng trở thành thụ động, phụ thuộc, không tham gia, có khuynh hướng sống lẻ loi, không đòi hỏi.
Cũng nên nhớ là sự hóa già ở nữ giới thường muộn hơn và họ thường thọ hơn đàn ông, lý do là nữ giới, dù hay nhiều bệnh hơn, nhưng họ chịu đựng dẻo dai hơn với bệnh tật, và khi về già giác quan của họ còn tinh tường, trí nhớ lâu hơn. Còn ở đàn ông thường bị nhiều stress do việc làm, nhiều bệnh tim mạch, ung thư, tai nạn hơn nên mau già.
Sự hóa già cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như gene di truyền, nếp sống cá nhân, gia đình, môi trường chung quanh, địa dư, cũng như quan niệm, thái độ của con người trước sự hóa già.
Ngoài ra, mỗi người già theo một diễn biến riêng biệt, và trong cùng con người, mỗi tế bào, mỗi cơ quan già theo nhịp độ, số lượng khác nhau.
Và như nữ tài tử Sophia Loren đã có ý kiến: “Có cả một suối thanh xuân trong cơ thể mọi người. Đó là trí óc của ta, tài năng của ta, sự sáng tạo ta tạo cho đời sống của ta cũng sinh lực từ những người ta thương yêi. Kho ta biết cách sử dũng các nguồn tài nguyên này thì ta đã hoàn toàn thắng được sự hóa già”.
Ý kiến này kể ra cũng hợp lý đấy, bà con nhỉ?!
Bác sĩ Nguyễn Ý Đúc
Trong Tam Đa, Ngũ Phúc (1), THỌ đứng hàng đầu.
Ước vọng sống lâu đã là điều mong muốn của con người từ ngàn xưa. Nó đứng trên cả tiền tài, danh vọng, đông con nhiều cháu. Chả thế mà thứ dân khi gặp nhau thì trang trọng chúc bách niên giai lão là thỏa mãn rồi. Còn vị quyền cao phủ chùm đất nước thì không bằng lòng với bách niên, mà đòi dân đen phải tung hô vạn tuế! vạn tuế ! hoặc muôn năm! muôn năm!
Nhưng trăm người trăm ý, cho nên Á Đông ta có quan niệm “đa thọ, đa nhục”. Chateaubriand ví tuổi già như con tầu đắm.
Horace than phiền: tuổi già buồn nản đang đến, giã từ những nụ cười vui, những tình yêu nồng nàn và những giấc ngủ an lành.
Còn Hippocrate thì so sánh tuổi với bốn mùa mà già là mùa đông băng giá.
Có lẽ là khi về già, con người, giống như mọi sinh vật khác, đều chịu những thay đổi về cấu tạo, về chức năng, đưa tới đau yếu, bệnh hoạn, mất sinh lực và ý chí. Vì vậy, người già cho rằng sống lâu mà suy yếu, thiếu thốn, chẳng qua cũng chỉ như cây tầm gửi, là gánh nặng cho gia đình và xã hội rồi chuốc cái nhục vào thân.
Rõ thực là:
“Khi vui thì muốn sống lâu,
Khi buồn lại muốn thác mau cho rồi”.
Nhân dịp xuân sắp về, tuổi thọ sắp tăng thêm một đơn vị, chẳng biết mình nên buồn hay nên vui. Thôi thì để biết người, biết mình, chúng tôi xin cùng quý vị ôn lại vài nét thăng trầm tuổi thọ của con người, lướt qua một phần phong tục tập quán của vài thời đại đã qua.
Người Già Việt Nam
Phong tục Việt Nam vốn trọng người già. Ta thường có câu nói:
“Triều đình thượng tước, Hương đảng thượng xỉ”
có ý nói là ở nơi triều đình thì chức tước cao được ngồi trên, còn tại chốn đình trung hương đảng thì người cao tuổi được coi trọng hơn. Vì được quý trọng nên dân ta đã có nhiều tục lệ tốt đối với người già.
Trong gia đình, Tết đến, con cháu tụ họp trước là để cúng bái gia tiên, sau là chúc tuổi thọ ông bà cha mẹ.Tăng thêm một tuổi là thêm thọ, một điều mà ai cũng mừng, cũng nhắc nhở chờ đợi:
“ Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm” Anh Thơ.
Trẻ con cũng sốt ruột chờ đợi để được mừng tuổi, bằng tiền mặt phong bao, bằng những lời khen tặng hay ăn, chóng lớn.
Ngoài xã hội, nhất là nơi thôn ấp, các vị cao niên từ 50 tuổi trở lên thì được xếp vào hạng bô lão, trên cả các hương chức quyền thế tại địa phương.
Trong số bô lão, cụ nào cao tuổi hơn cả thì được tôn vinh là các Cụ Thượng, thường là trên 80.
Tuổi 40 được mở tiệc tứ tuần đại khánh; 60 tuổi trở lên thì các cụ đã ăn mừng thọ, từ tiểu thọ, trung thọ rồi đại thọ ở tuổi ngoài 80.
Vì quan niệm tuổi thọ là tuổi Trời ban cho, nên các vị cao tuổi đều được kính trọng.
Ra đường, gặp người già là mọi người phải cúi đầu chào hỏi cho lễ phép, phải nhường bước, phải nhường chỗ ngồi, phải đứng lên khi bô lão xuất hiện, không được ngắt lời bô lão khi thảo luận. Chương trình giáo dục từ lớp Đồng Ấu đã có những bài học Luân Lý chỉ dậy học trò cung cách đối xử với người lớn tuổi.
Trong làng xã thì có những tục rước lão, tiệc yến lão. Người già mặc quần áo đẹp, con cháu ôm cơi trầu, điếu ống theo hầu, được dân làng mang cờ quạt, võng cáng với trống chiêng tới đón mời lên Đình để hương chức và dân chúng chiêm ngưỡng, chúc tụng rồi dự yến tiệc. Mà yến tiệc thì các cụ chỉ dùng một ít, còn lại lấy phần về chia cho người trong tộc họ, hàng xóm để cùng hưởng lộc nhân dân.
Các cụ Ông cụ Bà đều được rước đón, nhưng tại nhiều địa phương, cụ bà không tham dự vì các cụ vẫn theo lời dậy từ ngàn xưa là đàn bà con gái không dính líu vào việc làng, việc nước. Các bà mẹ Việt Nam bao giờ cũng khéo lo xa.
Ngoài ra các cụ còn được làng xã dành cho một số quyền lợi về công điền, địa thổ, được miễn trừ hết sưu dịch. Quan niệm “ kính già , già để tuổi cho ” rất phổ biến. Vả lại, kính lão đắc thọ, mọi người cũng mong là khi mình đạt tới tuổi thọ đó sẽ được hưởng những vinh dự tương tự.
Cũng như người Trung Hoa, xã hội ta vẫn coi gia đình là một đơn vị nền tảng với tôn ti trật tự rõ rệt.
Chủ gia đình là người cao tuổi nhất, có toàn quyền quyết định về mọi sinh hoạt của thành viên. Con phải tuân theo lời bố, vợ phục tùng chồng, em phải nghe lời anh, và nàng dâu mới về là người chịu nhiều thiệt thòi, hành hạ từ nhà chồng. Nhưng khi đã tới tuổi cao thì uy quyền của bà ta cũng tăng đối với con cháu và có cơ hội hành hạ nàng dâu như bà đã từng bị đối xử khắt khe khi xưa.
Việc dựng vợ gả chồng hoàn toàn do người cao tuổi sắp đặt: cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Khi bố mẹ thất lộc thì người trai trưởng nắm quyền hành: quyền huynh thế phụ.
Nhờ con cái thấm nhuần tư tưởng
“ Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chẩy ra”,
Cho nên người già Việt Nam đều sống với gia đình và được thân nhân chăm sóc, phụng dưỡng cho tơí khi mãn phần. Chỉ khi nào vì quá nghèo lại không có thân nhân thì họ mới phải vào trong các nhà dưỡng lão do chính quyền hay các hội từ thiện tư nhân tài trợ.
Người Già Nước Ngoài
Ở phương Tây, số phận và vai trò của người cao tuổi được ghi nhận đầy đủ hơn trong các sinh hoạt xã hội, văn hóa...
Vào thuở bán khai, số người cao tuổi không nhiều lắm. Những người trên 65 tuổi chiếm không quá 3% dân số. Tùy từng địa phương, quốc gia, họ được đối xử khác nhau. Nhưng nói chung thì họ được chăm sóc, nuôi dưỡng cho tới khi chết. Người trẻ dành cho họ một niềm kính trọng và dành cho họ một số biệt đãi như được uống rượu cho tới khi say, vì họ cần rượu để sưởi ấm cơ thể, được ăn những thức ăn hiếm như tim , phổi, gan, tủy sống của súc vật. Tại vài bộ lạc bên Úc, con cháu còn dâng hiến máu của mình cho ông bà cha mẹ để tăng cường sức lực, bằng cách vẩy máu lên người hay uống tươi. Ruộng vườn của họ cũng được người trẻ giúp cầy luống, trồng trọt trước. Dù vậy, để bảo đảm an toàn về tài chánh, người già cũng kiếm cách gây dựng một số tư hữu bằng cách bán những kinh nghiệm, kiến thức của mình như làm người phân xử tranh chấp, chữa bệnh, cúng tế thần linh.
Nhưng tới khi họ già, bệnh hoạn lại không có tư hữu thì bị bỏ rơi, nhiều khi phải lựa chọn sự tự kết liễu đời mình. Thưở xưa, dân chúng vài bộ lạc Châu Phi, và Nhật Bản cô lập người già bệnh họan vào những túp lều ở trong rừng, cung cấp thức ăn vừa đủ một thời gian và người già chết lần mòn. Lều và người chết được đốt để linh hồn người đó lên thiên đàng. Một số người Eskimo già khi không còn khả năng sản xuất,tự có bổn phận đi vào vùng bão tuyết, để rồi tan biến đi. Có người được dự một yến tiệc linh đình, ca hát, nhẩy múa để rồi bất chợt ngã bất tỉnh nhân sự sau một cái đập của một người trẻ được chỉ định trước. Sự đối xử này được người già chấp nhận nên con cháu cũng không băn khoăn, ân hận. Vả lại, mai đây cũng đến lượt mình.
Dân Do Thái xưa cũng tôn trọng người cao tuổi, nhất là trong chế độ tộc trưởng đa thê. Vị tộc trưởng phải nuôi dưỡng cung cấp cho cả một bầy vợ với một đàn con và người phụ việc, nên vai trò của người già này rất quan trọng. Ngay trong Thánh Kinh cũng có điều răn con cái là không được khinh thường cha mẹ già mà phải trân trọng họ. Luật cổ Do Thái cũng nhắc nhở ngươi trẻ phải đứng lên khi người cao tuổi tới và phải tỏ lòng kính trọng khi gặp người cao tuổi.
Nhưng, cũng như mọi sự việc khác trên đời, hung cát, cát hung theo nhau, sự kính trọng đó sói mòn dần, vì hoàn cảnh sinh sống, đòi hỏi kinh tế. Đã có người trẻ đặt vấn đề với người già và yêu cầu họ chuyển nhượng quyền hành. Tranh chấp giữa hai lớp tuổi mỗi ngày một căng thẳng và đời sống người già trở nên khó khăn, khổ sở khiến có người đã nghĩ là chỉ có chết đi mới khỏi nhục. Người già còn bị cáo buộc là không còn ích lợi gì, trái lại suốt ngày chỉ ngồi nói chuyện tầm phào, gây mâu thuẫn khó chịu. Họ yêu cầu người già giới hạn xuất hiện trước công chúng để mọi người khỏi phải mất công đứng lên ngồi xuống chào hỏi.
Trong các xã hội cổ Hy Lạp, La Mã, người già cũng có số phận thăng trầm tương tự. Theo luật pháp La-Hy thì khi người con không nuôi dưỡng cha mẹ già yếu sẽ bị mất quyền công dân; mà khi hành hạ cha mẹ sẽ bị tù tội.
Sau đó thì vai trò của người già xuống thang đến nỗi đã bị diễu cợt là lão già vừa bất lực nhưng lại dâm đãng.
Vào thời Đế quốc La Mã xưa, sinh mạng của người già quá rẻ so với lớp trẻ: khi sát hại một người già trên 65 tuổi thì kẻ sát nhân phải đền mạng có 100 quan vàng, trong khi đó với người 45 tuổi thì phải đền gấp ba lần; giết một nữ nhân còn sung sức lại mang thai thì bị bị phạt 250 quan, mà chẳng may ám hại một lão nữ trên 60 tuổi thì chẳng phải đền đồng nào.
Đến thời kỳ cân đại và các thế kỷ gần đây, vai trò, vóc dáng của người cao tuổi trải qua nhiều tang thương dâu biển hơn .
Với sự kỹ nghệ hóa, dân chúng bỏ thôn quê về thành thị tạo ra tầng lớp công nhân vô sản, chế độ gia đình tộc trưởng tan biến; đơn vị gia đình được thay thế bằng cộng đồng dân chúng; quyền bính nằm trong tay giới trẻ và người già đa số chỉ giữ vai trò tượng trưng, đại diện.
Người già thường được gán cho những hư cấu, những một nửa sự thật có dụng ý kỳ thị, phân chia. Họ được xếp vào một nhóm người nom ai cũng giống ai, suy yếu, kém sức khỏe, không tự lo liệu được, phụ thuộc con cái, không thích nghi với hoàn cảnh, chỉ nghĩ tới quá khứ, sống cô đơn xa lánh mọi người để mỗi ngày một hao mòn. Người già nhiều khi còn bị khai thác, lợi dụng, bỏ rơi không khác gì trong thời tiền sử.
Hiện Trạng Người Già
Trong thế kỷ vừa qua, vấn đề người già đã là mối ưu tư lớn của mọi người. Sự gia tăng dân số kèm theo nhiều khó khăn của lớp người này trên thế giới đã được các quốc gia và tổ chức Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu tâm tìm biện pháp giải quyết giúp đỡ. Số người trên 60 tuổi đã mau chóng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số dân cư trên thế giới, mà nhóm người trên 80 tuổi lại tăng lên mau nhất. Điều đáng ngại là sự gia tăng này lại xẩy ra nhiều hơn ở các quốc gia đang mở mang, chưa đủ phương tiện ứng phó.
Hiên nay số người cao tuổi trên toàn thế giới là gần sáu trăm triệu. Tới năm 2020, số này ước lượng có thể sẽ tăng lên một tỷ.Lý do sự gia tăng này gồm có việc giảm số tử vong do các bệnh truyền nhiễm, cải thiện điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng, nhà ở, các phương pháp phòng ngừa bệnh, khám phá ra thuốc kháng sinh. Sự gia tăng tuổi thọ là dấu hiệu của sự tiến bộ cũng như sự hoàn tất sinh học quan trọng trong thế kỷ 20.
Người cao tuổi phải được coi như một nguồn lợi quý giá chứ không phải là gánh nặng cho xã hội, vì họ sẽ còn đóng góp nhiều cho đất nước bằng những kiến thức, kinh nghiệm của họ. Căn cứ trên quan niệm đó, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi toàn thế giới lưu tâm tới những khó khăn đang ám ảnh người cao tuổi, đồng thời cũng đề nghị nhiều chương trình để bảo đảm sự an toàn về kinh tế, xã hội của khối người quan trọng và cần thiết này, cũng như tạo cơ hội cho họ đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia.
Liên Hiệp Quốc đề nghị một số nguyên tắc để giúp đỡ người cao tuổi như: Họ phải có cơ hội được xử dụng dễ dàng về thực phẩm, nước uống, nhà ở, chăm sóc y tế, việc làm và có một đời sống an toàn; họ phải được xử dụng các dịch vụ pháp lý, các phương tiện giáo dục, văn hóa, giải trí để phát triển mọi tiềm lực; phải được sống trong vinh dự, không bị khai thác, lợi dụng và được đối xử bình đẳng.
Ngoài ra, các quốc gia cũng cần tạo môi trường thuận lợi để khích lệ dân chúng dành dụm tiền cho tuổi về già; khuyến khích mọi lứa tuổi tham dự vào các chương trình, cũng như các cơ cấu đầu não có quyền quyết định chính sách chung; tăng cường các biện pháp và cơ chế để bảo đảm là người về hưu không rơi vào tình trạng nghèo khó, vì họ đã có công đóng góp nhiều cho sự phát triển quốc gia khi trước.
Về phần mình, người cao tuổi có lẽ cũng cần hành xử làm sao để sống cuộc đời cuối với nhiều tích cực hơn.
Kết Luận
Trong một dịp luận đàm với vị Thượng Bô Lão 86 tuổi ở thành phố Houston, người viết có hỏi thăm cụ là với bí quyết gì mà cụ nom vẫn phong độ cả về thể xác lẫn tâm hồn; lại mỗi ngày vẫn lái xe đưa người này người khác đi công việc, vẫn tham dự các sinh hoạt chung, đôi khi lại còn đi múa đôi mỗi cuối tuần.
Thì cụ trả lời: “ Nào có bí quyết gì đâu. Ông cứ chịu khó về dở lại những trang sách của cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư, in cách đây nửa thế kỷ, đọc hết chương “Bổn phận đối với bổn thân” là có hết. Nào là các bài học về biết trọng linh hồn, phải quý thân thể, về vệ sinh cơ thể, gìn giữ sức khỏe, ăn uống điều độ, vận động cơ thể, tới những cách đối xử với nhân quần xã hội để sao cho có tâm thân an lạc. Nếu có thiếu họa chăng chỉ thiếu những chỉ dẫn thực tế về nhu cầu sinh lý, tình dục”
Người viết vâng lời đi tìm đọc cuốn sách. Rồi thắc mắc: chả lẽ ngày xưa thiên hạ không có nhu cầu sinh lý. Hay là các cụ biết cả rồi, nên chẳng cần viết ra.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
(1) Phúc, Lộc, Thọ – Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh
- Những Lý Thuyết về sự Hóa Già
- Các Loại Tuổi Già
- Nói về tuổi Hạc, tuổi Vàng
- Tuổi Gìa: Hư Cấu và Sự Thực
- Nước Mắt Cá Sấu (larmes de crocodile)
- Khoang Miệng trong thời kỳ mang thai
- KHỐI U TIỀN LIỆT TUYẾN (hypertrophie bénigne de la prostate)
- THIẾU MÁU (Anemia)
- CHƯA CHỪNG BỊ TIỂU ĐƯỜNG MÀ KHÔNG HAY
- CÚM Năm Nay Sẽ dữ