Biến cố trong tháng
Hồ Cẩm Đào, trùm CS Trung Quốc sang vỗ về đàn em CS Việt Nam
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Cuộc viếng thăm VN của Trùm Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tạo nên nhiều thắc mắc trong giới truyền thông VN hải ngoại cũng như thế giới. Các nhà nhận định thời cuộc bình luận cuộc Nam du của họ Hồ dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Người thì đặt nặng về vấn đề chính trị và quốc phòng, người khác lại chú tâm về vấn đề kinh tế và hợp tác trong vùng. Để tìm hiểu ý nghĩa của cuộc viếng thăm này có ảnh hưởng gì tới tình hình VN hay không; chúng tôi sẽ trình bày một số điểm sau đây.
I- HỒ CẨM ĐÀO LÀ AI?
Hồ Cẩm Đào sinh năm 1942. Nhập đảng CS và từng hoạt động tại các tỉnh Cam Túc, Quý Châu và Tây Tạng. Năm 1982 họ Hồ có chân trong Ban Chấp Hành Đoàn Thanh Niên CS, rồi chủ tịch Liên đoàn Thanh niên và Bí thư tỉnh ủy Tây Tạng năm 1985. Trong thời gian nắm quyền tại đây, họ Hồ đã có công lớn trong việc đàn áp thẳng tay các cuộc nổi dậy đòi độc lập của dân chúng Tây Tạng. Biện pháp này sau được áp dụng trong vụ trấn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên tại Thiên An Môn vào năm 1989. Đối với dân Tây Tạng thì họ Hồ có liên quan tới cái chết bí mật của nhà lãnh đạo tối cao Phật giáo, Panchen Lama. Sau sự thành công trong chính sách đàn áp quyết liệt các cuộc nổi dậy của dân chúng Tây Tạng, Hồ Cẩm Đào được nhiều đảng viên biết tiếng và trở thành nhân vật có giá trong đảng. Với công trạng trên, Hồ Cẩm Đào được thuyên chuyển về trung ương nắm chức vụ chủ nhiệm trường huấn luyện cán bộ cao cấp. Chính nơi đây ông ta đã đưa vào chương trình huấn luyện hai môn học mới là kinh tế thị trường và các tiêu chuẩn về vấn đề quản trị. Năm 1992, họ Hồ được bầu vào ủy viên thường trực Bộ Chính Trị và được coi là một đảng viên có tinh thần cải cách. Hồ Cẩm Đào trở thành Phó Chủ tịch Trung Quốc vào năm 1998, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương năm 1999 và Tổng Bí Thư tại Đại hội 16 của Đảng. Ngày 15-3-2003, họ Hồ được bầu vào chức vụ Chủ tịch nước và lên thay Giang Trạch Dân trong chức vụ chủ tịch Quân ủy Trung ương Quân đội Nhân dân vào ngày 19-9-2004. Hồ Cẩm Đào đã kết hôn và có một con trai và một gái.
II- NGUYÊN NHÂN VÀ THÔNG CÁO CHUNG VIỆT NAM - TRUNG QUỐC
Đáp lời mời của Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư BCH/TƯ Đảng CSVN, Hồ Cẩm Đào đã chính thức sang thăm VN từ ngày 31.10.2005 tới 2.11.2005; nhân dịp CSVN kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng, 60 năm thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và 30 năm thống nhất đất nước. Đây là chuyến thăm VN lần thứ 3 của Hồ Cẩm Đào và là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Tổng Bí Thư và Chủ tịch nước. Trong cuộc thăm viếng này, họ Hồ đã hội thảo với các nhà lãnh đạo CSVN như: Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và phát biểu trước Quốc hội. Dựa vào bài phát biểu trước Quốc hội VN, người ta có thể hiểu được mục đích của cuộc Nam du của lãnh tụ Trung Quốc. Ngoài những lời chúc tụng nhau theo kiểu "mèo khen mèo dài đuôi", người ta thấy có một số điểm đáng lưu ý trong Thông Cáo Chung 9 điểm của VN và Trung Cộng như sau:
-Đề cao tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước và hai đảng cộng sản anh em cũng như sự đồng nhất trong các vấn đề quốc tế mà hai nước đều quan tâm - Đề cao sự hợp tác và giúp đỡ nhau trong kế hoạch phát triển đất nước trên cơ sở Chủ nghĩa Xã hội - Đề cao sự phát triển kinh tế, hợp tác kỹ thuật và nâng cao mức độ giao thương giữa hai nước qua kế hoạch phải đạt tới chỉ tiêu vào năm 2010 là 10 tỉ Mỹ-kim - Trợ giúp VN gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) và xây dựng khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc.
-Hai bên sẽ giải quyết vấn đề ký kết các văn kiện về biên giới và cắm cọc biên giới trên đất liền, chậm nhất vào năm 2008. Hiệp định về sự hợp tác đánh cá, khai thác nguồn dầu hỏa giữa ba nước VN và Trung Cộng - Vấn đề hải quân kiểm soát vịnh Bắc Bộ cũng như vùng biển Đông (DOC) sẽ được giải quyết trong hòa bình - VN khẳng định lập trường chỉ công nhận một nước Trung Quốc, phản đối Đài Loan đòi độc lập và không phát triển quan hệ chính thức nào đối với Đài Loan.
-Hai bên cùng ủng hộ chương trình chống khủng bố, tôn trọng các nền văn hóa, văn minh thế giới và thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế - Hai bên đồng cổ võ cho mục tiêu cải tổ Liên Hiệp Quốc và giúp đỡ các nước phát triển đã đề cập tới trong Đại Hội Đồng LHQ tháng 9.2005 vừa qua - Hai bên đồng ý tăng cường sự hợp tác với các tổ chức LHQ, ASEAN, ACD, ARF, ASEM, GMS. -Cuối cùng "Hoàng Đế" Trung Quốc ngỏ lời mời CT Trần Đức Lương và TBT Nông Đức Mạnh sang "triều cống" vào một dịp thuận tiện.
Phía tiểu quốc VN thì khẩn khoản được chiêm ngưỡng dung nhan của "Thiên Tử" vào dịp tổ chức Hội nghị không chính thức lần thứ 14 gồm các nhà lãnh đạo trong tổ chức Cộng đồng Kinh tế Á châu Thái Bình Dương (APEC) vào cuối năm 2006.
III- HỒ CẨM ĐÀO CAO NGẠO PHÁT BIỂU TRƯỚC QUỐC HỘI VN
Tới thăm nước bạn mà họ Hồ lại trơ trẽn khoe khoang thành tích của Trung Quốc vĩ đại quá mức và hách dịnh nhắc khéo tiểu quốc An Nam hãy nghe giáo điều Mác-Lê:
"Lâu nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc kiên trì lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng "ba đại diện“ làm chỉ đạo, kiên trì độc lập tự chủ, cải cách mở cửa, tiến cùng thời đại, không ngừng hoàn thiện chế độ xã hội chủ nghĩa, không ngừng tìm tòi và phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, làm cho bộ mặt Trung Quốc đã thay đổi long trời lở đất, sức sản xuất xã hội, sức mạnh tổng hợp nhà nước và đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao…"
Sau khi ca tụng chế độ cộng sản, Hồ Cẩm Đào huênh hoang về thành tích kinh tế của Tàu: "Trong 26 năm kể từ năm 1978 đến năm 2004, GDP của Trung Quốc đã từ chỗ chưa đến 147,3 tỷ USD tăng lên tới 1.649,4 tỷ USD, tăng bình quân hàng năm 9,4%; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 20,6 tỷ USD lên tới 1.154,8 tỷ USD, tăng bình quân hàng năm trên 16%. Tính đến cuối năm 2004, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được sử dụng thực tế tại Trung Quốc đạt 562,1 tỷ USD…"
Vẫn một lập luận cố hữu "dân chủ bánh vẽ" và bốc thơm đảng qua việc đề cao vai trò độc quyền lãnh đạo của đảng CS trong chương trình phát triển kinh tế. Họ Hồ phát biểu tiếp: "Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tập trung sức lực xây dựng toàn diện xã hội khá giả với trình độ cao hơn và đem lại nhiều lợi ích hơn cho hơn 1 tỷ dân trong 20 năm đầu thế kỷ này. Mục tiêu này, nói cụ thể tức là đến năm 2020 đưa GDP Trung Quốc tăng gấp 4 lần so với năm 2000, đạt khoảng 4.000 tỷ USD, bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 USD..."
IV- KẾT QUẢ CỦA CUỘC CÔNG DU
13 văn kiện hợp tác về các phương diện đã được hai bên, VN và TQ ký kết gồm:
1- Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa VN -TQ.
2- Hiệp định về việc TQ hỗ trợ dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt Vinh-Sài Gòn.
3- Thỏa hiệp cho vay giữa Bộ Tài chính VN và Ngân hàng xuất nhập khẩu TQ về sử dụng tín dụng ưu đãi để hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên - Lạng Sơn và Lào Cai.
4- Thỏa hiệp cho vay giữa Bộ Tài chính VN và Ngân hàng Xuất nhập khẩu TQ về hiện đại hóa đường sắt Bắc-Nam VN;
5- Hợp đồng về TQ bán điện cho 6 tỉnh miền Bắc VN.
6- Thỏa hiệp về hợp tác dầu khí.
7- Thỏa hiệp hợp tác hóa chất.
8- Thỏa hiệp cho vay sản xuất khuôn mẫu nhựa và trục in tại VN.
9- Thỏa hiệp khung hợp tác giữa Tổng công ty than VN với ngân hàng xuất khẩu TQ.
10- Thỏa hiệp hợp tác giữa công ty điện lực VN (EVN) với ngân hàng xuất nhập khầu TQ về việc cung cấp tín dụng xuất khẩu cho dự án nhiệt điện Hải Phòng 1.
11- Bản ghi nhớ về việc hợp tác xây dựng nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 2.
12- Thỏa hiệp tổng quát giữa EVN với ngân hàng xuất nhập khẩu TQ về viêc cung cấp tín dụng xuất khẩu cho dự án nhiệt điện Quảng Ninh.
13- Hợp đồng công ty cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh và tập đoàn điện khí Thượng Hải.
V- NHẬN ĐỊNH VỀ CHUYẾN THĂM VN CỦA HỒ CẨM ĐÀO
5.1- VN được gì sau chuyến thăm của Hồ Cẩm Đào?
Về Bản Thông Cáo Chung thì đây cũng chỉ là những lời phát biểu có tính cách ngoại giao và sự đồng thuận về một số lãnh vực chính trị và kinh tế giữa hai nước cộng sản anh em. Dĩ nhiên, sau hậu trường làm gì không có những thỏa hiệp về quốc phòng và quân sự? Đặc biệt là sự giàn xếp và nhường nhịn nhau trong cuộc tranh chấp biên giới giữa VN và Căm Bốt (đòi lại đất vùng IV và đảo Phú Quốc); giữa VN (Hoàng Sa, biên giới phía Bắc, lãnh hải) và Trung Quốc?
Ngoài ra, nồng cốt của cuộc viếng thăm VN vẫn chỉ là sự củng cố chế độ cộng sản theo phương thức Trung Cộng. Họ Hồ muốn ru ngủ dân Nam bằng hào nhoáng của sự phát triển kinh tế tại các thành phố lớn của Tàu, để dân Nam tiếp tục tin tưởng vào Chế độ Cộng sản mà quên đi cái nghèo đói trường kỳ ở nông thôn và cái cốt lõi dân chủ tự do tới giờ mà dân chúng vẫn chưa được toại nguyện.
Theo Hồ Cẩm Đào thì: " …Mục tiêu này, nói cụ thể tức là đến năm 2020 đưa GDP Trung Quốc tăng gấp 4 lần so với năm 2000, đạt khoảng 4.000 tỷ USD, bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 USD..." Cứ nhìn vào mục tiêu của Trung Cộng phải đạt được vào năm 2020, người ta nhận thấy anh khổng lồ này vẫn còn ì ạch trên đường trở thành nước kỹ nghệ giầu có. Hiện nay Tổng sản lượng quốc gia trên mỗi đầu người tại các quốc gia Tây phương, Hoa Kỳ và Đài Loan ở mức độ từ 20.000 tới 30.000 Mỹ-kim, mà mãi tới năm 2020 Trung Cộng mới đạt được 3.000 Mỹ-kim, thì tối thiểu phải tới năm 2050, hoặc xa hơn nữa, may ra Trung Cộng mới theo kịp Đài Loan, nếu không có những khủng hoảng về chính trị, kinh tế, quân sự hay dầu hỏa xẩy ra.
Về 13 thỏa hiệp kinh tế đã được ký kết thì thực ra VN vẫn chỉ là khách hàng và người đi vay để hiện đại hóa về điện lực và đường xe lửa. Các văn bản không thấy đàn anh viện trợ miễn hoàn trả một ngân khoản nào. Tình hữu nghị thắm thiết chỉ có thể chứng minh khi TQ giúp VN đầu tư vào các chương trình xây dựng kinh tế và kỹ nghệ sản xuất lâu dài; các khoản trợ cấp tài chánh không bồi hoàn hoặc cho vay với một số lời tượng trưng hoặc thấp hơn so với các quốc gia tự do v.v… Hợp tác về dầu hỏa, hóa chất hay kỹ thuật thì phần lợi vẫn ngả về phía Trung Quốc.
Về đầu tư: Các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu vào Việt Nam từ tháng 8.1999 với 2 dự án có tổng vốn 15,35 triệu Mỹ-kim và đầu tư vào chương trình xây dựng chợ Sắt (Hải Phòng) và kinh doanh nhà hàng ăn Trung Quốc (Hà Nội). Đến nay, Trung Quốc đã đầu tư vào 350 dự án với tổng vốn trên 732,3 triệu Mỹ-kim tại 42 tỉnh và thành phố của Việt Nam, nhưng vẫn chỉ đứng vào hàng thứ 14 trong tổng số 62 quốc gia có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Trung Quốc lại khôn khéo tập trung chủ yếu vào những địa phương có cơ sở hạ tầng tương đối tốt và những nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống như Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng.
Về giao thương: Năm 2004, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều đạt 7,19 tỷ Mỹ-kim. Tám tháng đầu năm nay đạt khoảng 5,56 tỷ Mỹ-kim, tăng 30,2% so với cùng thời kỳ năm ngoái và cao hơn kế hoạch cả năm 2005 là 5 tỷ Mỹ-kim. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là dầu thô, hàng nông sản, thuỷ-hải sản, khoáng sản, lâm sản, hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử vi tính. Trung Quốc nhập vào Việt Nam xăng dầu, sắt thép, vật liệu dệt may-da-giày, phân bón, thiết bị và phụ tùng xe hơi, xe máy v.v…
5.2- VN có thoát khỏi gọng kìm của Trung Cộng không và tại sao Hoa Kỳ bỏ chạy rồi nay lại bám vào VN?
-Về phía Trung Cộng:
Nhằm bảo đảm an ninh phía Nam, Trung Cộng phải thân thiện với VC bằng bất cứ giá nào để tránh một cuộc tấn công từ lãnh thổ VN, nếu Hoa Kỳ muốn trở lại vùng này. Sự chuẩn bị chiến tranh và trực diện với Hoa Kỳ trong tương lai có thể dựa vào lời phát biểu của Tướng Zhu Chenhu rằng: "nếu Mỹ can thiệp cứu Đài Loan, chúng tôi sẽ trả đũa. Chúng tôi, người Hoa, đã tự sửa sọan để thấy sự hủy diệt của các thành phố phía đông của Xian (Tây An, trung tâm Hoa Lục). Dĩ nhiên, người Mỹ sẵn sàng thấy hàng trăm thành phố bị hủy hoại bởi Trung Quốc.“
Lời tuyên bố trên chứng tỏ Trung Cộng không thể nào để VN là một tiền đồn của Mỹ tấn công vào Hoa Lục. Nếu VN chống lại thì chắc chắn Hồ Cẩm Đào sẽ dậy cho VN bài học thứ hai, sau bài học Đặng Tiểu Bình đã dậy vào năm 1978-79. Với khả năng tấn công bằng vũ khí hiện đại và bom nguyên tử thì VN, với sức mạnh quân sự hiện nay, sẽ giống như "trứng chọi với đá!"
Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc kéo theo nhu cầu lớn về dầu hỏa mà VN có thể cung cấp. Thỏa hiệp 6 nêu trên đã bảo đảm một phần. Nhằm bảo đảm số dầu khí cần thiết cho sự phát triển kinh tế đều đặn, trước đây Trung Cộng muốn mua hãng dầu Mỹ UNOCAL, vì hãng này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh, để làm chủ vùng dầu ngoài khơi Vũng Tàu và 2 nhà máy điện Cần Thơ. Nhưng Hạ Viện Mỹ đã ngăn chặn kịp thời. UNOCAL đã thăm dò dầu khí tại VN từ năm 1996, và khám phá mỏ khí đốt tự nhiên đầu tiên cho hãng vào năm 1997. UNOCAL cũng thăm dò ba khu vực dầu khí có tên là - Block B, Block 48/95, và Block 52/97. Tính chung, UNOCAL có quyền khai thác vùng lãnh hải VN rộng 16.766 ki-lô mét vuông. Công ty này đã đầu tư 174 triệu Mỹ-kim vào chương trình thăm dò dầu hỏa VN với hãng dầu quốc doanh PetroVietnam. Trong 3 dự án lớn với PetroVietnam, hãng UNOCAL sở hữu 42,38% trong 2 dự án đầu và có 43,4% trong dự án cuối. UNOCAL còn đầu tư cả vào 2 nhà máy điện VN nằm trong vùng Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ. Đây là hai nhà máy nhiệt điện, có tên là O Mon 1A và 1B là 2 xưởng đốt dầu khí để sản xuất khoảng 600 Mega Watt.
Vì nhu cầu dầu hỏa cần thiết cho sự phát triển đất nước, Công ty dầu hỏa Trung Quốc CNOOC, lợi dụng sự khủng hoảng của UNOCAL, nhảy vào mua với giá cao nhất. Tuy UNOCAL chỉ là công ty dầu khí lớn thứ 9 Hoa Kỳ (sở hữu trữ lượng ước tính 1,75 tỉ thùng), nhưng là công ty duy nhất tại Mỹ cung cấp loại khoáng địa hiếm có (rare earth minerals) để dùng vào việc sản xuất các phi đạn điều chỉnh đúng hướng (Cruise missiles) và loại bom chính xác. Sản nghiệp của UNOCAL không chỉ trải dài từ Vịnh Mễ Tây Cơ tới Biển Caspian, nhưng bao quát cả vùng Đông Nam Á, gồm Thái Lan, Miến Điện, Indonesia, Việt Nam và Phi Luật Tân. Âm mưu của công ty dầu khí Trung Cộng CNOOC đòi mua UNOCAL, nếu nhìn sâu một chút, người ta thấy rõ nó không thuần túy vì lý do kinh tế, mà nằm trong kế hoạch quốc phòng và chính sách bao vây kinh tế và bành trướng quyền lực của Trung Cộng; ít nhất trong vùng Đông Nam Á.
-Về phía Hoa Kỳ:
Theo tin ngày 12.10.2005 của hãng thông tấn Reuters thì đại Công ty dầu khí Mỹ CHEVRON đã dành được quyền khai thác dầu khí VN. Công ty này sẽ sở hữu 50% cổ phần của Lô 122, với diện tích 6.981 Ki-lô mét vuông. Phần còn lại thuộc về công ty Petronas Carigali (PETR-UL) của Mã Lai. Ấn Độ cũng thông báo đã được khai thác Lô 127 tại Phú Khánh với trữ lượng ước tính khoảng 1 tỷ thùng. Khu lòng chảo Phú Khánh có độ sâu từ 50 mét tới 2.500 mét và có khối trầm tích dày đến 8.000 mét. Công ty dầu khí độc quyền VN, PetroVietnam, cũng cho biết trữ lượng dầu thô và khí đốt của khu vực nằm gần hai giếng lớn nhất là Bạch Hổ và Sư Tử Đen có thể tương đương với khoảng 1,5 tới 2 tỉ thùng dầu. Nếu chỉ tính hai hãng dầu lớn của Mỹ, UNOCAL và CHEVRON, người ta thấy Hoa Kỳ đã có phần lớn dầu khí tại hải phận VN. Nếu nhìn xa hơn, người ta sẽ thấy là Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cạnh tranh chiếm thị trường và trên chiến tuyến dầu hỏa.
-Về phía Việt Nam:
Để làm áp lực bắt Việt Nam phải nằm trong quỹ đạo của mình, Trung Cộng tiến hành các kế hoạch đánh phá về lãnh vực kinh tế và tài chánh bằng nhiều thủ đoạn như: nhập tiền giả để làm mất giá trị đồng bạc VN; lén đưa các loại ma túy từ biên giới Lạng Sơn hay từ ngã Lào vào VN để hủy hoại tinh thần giới trẻ; tuôn hàng hóa rẻ tiền và các loại hàng lậu, kể cả rau xanh hoa trái vào thị trường VN hầu làm chết các ngành công kỹ nghệ và nông nghiệp của VN. Các chương trình hợp tác kinh tế, dầu khí hay khoáng chất là cơ hội tốt cho Trung Cộng nắm và khai thác nguồn tài nguyên giầu có của VN. Đó là mặt nổi. Về mặt chìm thì tình báo Trung Cộng sẽ mua chuộc các cấp lãnh đạo VN, từ trung ương tới địa phương, bằng hối lộ tiền bạc để chiếm những ưu thế về chính trị và kinh tế; bằng mỹ nhân kế để khuynh đảo, gài bẫy và có bằng chứng, nếu bị phản bội. Lê Khả Phiêu là một trường hợp điển hình. Tình trạng trai thừa gái thiếu tại Trung Quốc có thể dẫn tới các cuộc mua vợ, mua lao động nữ đưa qua Trung Quốc hay Đài Loan và các cuộc kết hôn Việt-Tàu theo kiểu Trọng Thủy – Mỵ Châu. Tới một thời điểm nào đó dân Tàu trở về VN cùng với dân Tàu đang sống ở VN chiếm đa số tại một thành phố nào đó, họ sẽø tuyên bố đòi tự trị một phần hay nhiều phần lãnh thổ. Lúc đó đại họa sẽ xẩy ra. Một cuộc chiếm dân và chiếm đất bí mật và tinh vi.
Kết luận
CSVN cũng khôn ngoan lợi dụng thời cơ có dầu khí chơi trò làm eo theo kiểu "Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ, biết vào tay ai?" Khi anh chàng khổng lồ vụng về Trung Quốc tỏ ra hung hãn, vũ phu thì em gái VN sẽ ngả theo anh cao bồi hào hoa Mỹ quốc và ngược lại. Đó là chiến thuật "đu dây". Nhưng, nếu đu không khéo lại trở thành "một cổ đôi tròng!" thì dân ta lại lầm than khốn khổ. Cuối cùng, nếu có bị áp lực mạnh quá từ phía dân chúng và người quốc gia hay Hoa Kỳ thì CSVN lại giả bộ than thở "bán anh em xa; mua láng giềng gần?" Thế là huề cả làng!
Trận Động Đất lớn Nhất và Gây Thiệt Hại Nặng Nề Nhất Trong Lịch Sử Hồi Quốc
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Thiên tai bão lụt Katrina tại Hoa Kỳ tuy đã qua đi, nhưng sự tàn phá của nó để lại phải mất thời gian dài mới có thể khôi phục được tình trạng như xưa. Nàng Katrina vừa thổi qua thì nàng Ritta hà hơi nối tiếp khiến cho nhiều người Mỹ vẫn còn hồi hộp khi trở về và chứng kiến cảnh hoang tàn nơi mình ở. Thế giới vừa tạm quên thiên tai bão lụt thì vào thượng tuần tháng 10.2005 một trong những trận động đất có chấn động lớn nhất (7,6) đã xẩy ra tại Srinangar, khu vực nằm về phía Đông Bắc của vùng Kashmir, cách thủ đô Islamabad khoảng 100 cây số. Trận động đất này đã gây thiệt hại nặng nề cả về nhân mạng lẫn vật chất trong vòng 100 năm tại Hồi Quốc (Pakistan). Chấn động mạnh đến nỗi từ thủ đô New Delhi của Ấn Độ và Kabul của A Phú Hãn người ta cũng nhận ra được.
Nhìn về Kashmir, một vùng đất từng được mệnh danh là "thiên đàng hạ giới" thời xa xưa và nay trở thành ngòi nổ chiến tranh nguyên tử có thể xẩy ra giữa hai quốc gia Ấn Độ và Hồi Quốc, chúng tôi xin trình bày một số dữ kiện sau đây:
I- Đôi Hàng Về KASHMIR
Tên chính của vùng đất này là Jammu-Kashmir, trung tâm điểm của châu Á. Jammu-Kashmir giáp Trung Quốc về phía Bắc-Đông Bắc, A Phú Hãn phía Tây-Bắc, Ấn Độ phía Nam và Hồi Quốc phía Tây, Tây-Nam. Kashmir nổi tiếng từ thời Trung Cổ với khí hậu rừng sâu núi cao, thung lũng phì nhiêu và biển hồ thơ mộng "Satisar" (đất của nữ thần Sati, phối ngẫu của thần Shiva). Hồ này dài gấp ba và rộng gấp hai hồ Geneva. Chung quanh nó được bao bọc bởi những núi tuyết cao hơn cả núi Mount Blank. Kalhan, sử gia nổi tiếng nhất của Kashmir đã ca tụng quê hương Kailash như là một vùng đẹp nhất trong thế giới thứ ba và gần Hy Mã Lạp Sơn không gì đẹp bằng lãnh thổ Kashmir. Nói chung, phong cảnh của miền đất Kashmir đẹp nên thơ mà người dân Việt có thể so sánh nó như thành phố du lịch đẹp nhất vùng cao nguyên là Đà-lạt.
Theo cổ sử thì Kashmir có tên là "Nilmat Puran". Vào thời Satisar có con yêu tinh Jalod Bowa xuất hiện quấy phá và ăn thịt dân chúng sống gần chân núi. Tiếng kêu đau thương của dân chúng vang tới tai thần vĩ đại nhất của đất nước, thần Kashyap. Ngài đã xuất hiện cứu dân và cắt hòn núi gần Varahmullah, một chướng ngại vật chắn ngang nước hồ khiến nước không chảy xuống vùng đồng bằng bên dưới được. Nhờ thần ra tay cứu giúp, nước hồ bắt đầu chảy xuống bình nguyên và yêu tinh cũng bị giết chết. Thần khuyến khích dân Ấn tới thung lũng lập nghiệp và họ đặt tên nơi này là Kashvap-Mar và Kashyap-Pura. Cái tên Kashmir ám chỉ đất đai được khô cạn từ nước. (Ka: có nghĩa là nước và Shimeera: có nghĩa làm cho khô). Vào thời cổ Hy Lạp Kashmir được gọi là Kasperia và một người Tàu trên đường hành hương tới nơi đây vào năm 635 trước Công Nguyên đã đặt tên là Kashi-Mĩ-Lộ. Ngày nay người dân bản xứ gọi tắt là "Kasheer".
Thân phận Kashmir cũng thăng trầm với giòng thời gian và qua nhiều thời kỳ đổi chủ. Kể từ năm 635 Kasmir bị ảnh hưởng Ấn Độ. Nhưng từ năm 1354 tới 1587 lại bị đặt dưới quyền cai trị của Hồi Giáo. Từ năm 1587 tới 1752 Kashmir bị Mông Cổ xâm chiếm. Từ năm 1752 tới 1819 Kashmir lại rơi vào ảnh hưởng của A Phú Hãn. Năm 1757 Kashmir bị đặt dưới quyền cai trị của triều đại Ahmed Shah Durani; nhưng tới năm 1819 lại thuộc quyền Ấn Độ, triều đại Ranjit Singh. Lý do: năm 1857 Gulab Singh mua lại vùng này với giá 7,5 triệu rupies do kết quả của thương ước Amritsar. Maharaja Gulab Singh Ji trở thành người sáng lập Triều đại Ấn Giáo Dogra ở Kashmir. Sau Gulab Singh chết để đất lại cho con là Rambir Singh và sau đó Hari Singh nối tiếp cho tới năm 1925. Năm 1819-46 thì ảnh hưởng của đạo Sikh bao trùm vùng này.
Đến năm 1947 dân Kashmir, đa số là Hồi giáo, không phục tùng chúa vùng. Rambir phải nhờ quân đội Ấn tiếp cứu. Các cuộc xung đột xẩy ra khiến cho Liên Hiệp Quốc phải can thiệp và công bố dân Kashmir được quyền tự quyết theo đề nghị của Thủ tướng Ấn Độ, Jehewralal Nerhu, một người dân của Kashmir. Hồi Quốc đồng ý và Mohammed Ali Jinnah trở thành Thống đốc Kashmir. Sau đó Ấn Độ lại không chấp nhận tình trạng này và chiến tranh giữa hai nước đã xẩy ra. Kể từ năm 1947 Kashmir rơi vào tình trạng xung đột tôn giáo và lãnh thổ, giữa những người theo Ấn Giáo không muốn đất thánh rơi vào tay người Hồi Giáo và sự tranh đấu của đa số dân Islam đòi Kashmir tự trị và thuộc về Hồi Quốc.
Nguyên nhân gây nên chiến tranh tại Kashmir không chỉ vì lý do tôn giáo Ấn-Hồi giáo, mà bao gồm cả tham vọng khai thác du lịch leo núi và trượt tuyết bên bên dẫy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), khai thác mỏ vàng và kim cương trong vùng. Trước năm 1947 Kashmir là Tiểu bang lớn nhất của Ấn Độ, với diện tích trên 222.000 cây số vuông và dân số khoảng 14 triệu người, trong đó 80% là dân theo Hồi Giáo. Sau năm 1947, Kashmir bị chia thành bốn vùng. Vùng một: có diện tích bằng 2/3 tiểu bang thuộc quyền quản trị của Ấn Độ. Vùng hai có tên là Azad Kashmir tự trị, có Quốc Hội, Chính phủ và Tòa án riêng. Vùng ba có tên là Gilgit-Baltistan thuộc quyền quản trị của Hồi Quốc. Vùng bốn: Aksai Chin thuộc quyền của Trung Cộng sau cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 1963. Khu vực Wakhan nằm giữa A Phú Hãn và Trung Quốc được các nước A Phú Hãn, Trung Quốc, Kashmir và Tajikistan tuyên bố vào năm 1890 không thuộc quyền quản trị của nước nào trong vùng.
II- Những Trận Động Đất lớn Trong Vùng
Có thể nói vùng tam biên A Phú Hãn, Ấn và Hồi là một trong các vùng bị thiên tai động đất khá nhiều và chịu sự thiêt hại khá lớn. Một số vụ điển hình đã xẩy ra như:
-Tháng 5.1935: ở Quetta, phía Bắc Hồi Quốc, khoảng 30.000 – 60.000 người chết.
-Tháng12.1974: ở 6 thành phố nằm về phía Bắc, có 5.300 người chết.
-Tháng 8.1988: ở biên giới Ấn Độ và Nepal, có 1.450 người chết.
-Tháng 10.1991: ở phía Bắc Ấn Độ, có 7.000 người chết.
-Tháng 5.1998: ở tỉnh Takhar nằm về phía Bắc A Phú Hãn, có 4.000 người chết và 50 làng thôn bị hủy hoại.
-Tháng1.2001: ở Gujarat, Ấn Độ, có 20.000 người chết.
-Tháng 3.2002: ở Nahrin, A Phú Hãn, có khoảng 1.000 người chết.
-Tháng10.2005: ở Kashmir, Ấn-Hồi, có khoảng 40.000 người chết.
III- Thiệt Hại Về Nhân Mạng và Vật Chất
Cho tới ngày 14.10.2005, không kể khoảng 350 học sinh bị chôn vùi dưới ngôi trường bị sụp đổ tại quận Mansechra, người ta ghi nhận theo thống kê chính thức có 23.000 người chết, 51.000 bị thương. Đồng thời có khoảng 2,5 triệu người trong vùng Kashmir lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và trở thành vô gia cư. Theo ước tính, người ta nghĩ số người chết có thể lên tới 40.000. Cảnh tang thương nhất có lẽ là các tòa nhà của thành phố đẹp Muzaffarabad bên giòng sông xanh Neelum bị tàn phá không còn hòn gạch nào trên hòn gạch nào!
Trước tình cảnh đau thương này, Tổng thống A Phú Hãn, Pervez Musharraf đã phải xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia cầu cứu các nước trên thế giới cứu trợ các thứ tối cần thiết như thực phẩm, thuốc men, lều vải, mùng mền và phi cơ trực thăng. Khoảng 1.000 bệnh viện bị tàn phá gây nên sự thiếu thốn về thuốc men và các phương tiện y tế. Các bác sĩ đã phải giải phẫu nhiều nạn nhân mà không có thuốc chích mê làm giảm đau. Nhiều người bị thương phải nằm chờ đợi ngoài trời hay trong các lều tạm trú một vài ngày. Nhiều người phải nhịn đói và thiếu nước hai ba ngày sau thiên tai. Trên màn ảnh truyền hình, cả thế giới đều chứng kiến đội cứu cấp của Pháp dùng máy tìm người có màn ảnh nhỏ như Tivi và kiếm được một em bé nằm trong khoảng trống của trường học bị sụp đổ đã ba ngày. Họ phải khoan và đào bới suốt trong ba bốn tiếng đồng hồ mới cứu được em bé và trao cho người cha đang đứng đợi.
IV- Quốc Tế Cứu Trợ
Trước sự thống khổ của hàng triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và chết chôn dưới những đống gạch vụn; các quốc gia giầu có đã tích cực gửi nhân viên và đồ cứu trợ tới Kashmir. Những người Hồi quốc quê vùng Kashmir tại các quốc gia châu Âu cũng hăng hái tình nguyện đứng ra quyên góp tiền bạc ngoài phố hay trong các đền thờ để trợ giúp đồng bào đang bị thiên tai. Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia khẩn cấp tài trợ một ngân khoản 300 triệu Mỹ-kim. Tuy nhiên, người ta nghĩ con số cứu trợ cần thiết phải lên tới trên một tỷ Mỹ-kim.
Các nạn nhân không đuợc tiếp tế thực phẩm và nước uống kịp thời vì trời đổ mưa như trút nước xuống vùng bị hoạn nạn và các con đường dẫn vào khu vực phần bị mưa lầy lội, nên các xe cứu cấp không thể di chuyển kịp thời. Sự thiếu thốn về thực phẩm và nước uống đã tạo nên cảnh bất mãn đối với chính quyền và một vài sự xung đột giữa cá nhân với cá nhân khi tranh dành đồ cứu trợ.
-Hoa Kỳ là quốc gia tiên phong tích cực nhất và cứu trợ kịp thời 50 triệu Mỹ-kim. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Condoleeza Rice cũng tới Hồi Quốc để nghiên cứu tình hình tại chỗ, vì Pakistan là đồng minh tích cực đứng trên cùng chiến tuyến chống khủng bố. Để cứu giúp các nạn nhân kịp thời trong khi đường xá và cầu cống bị sụp đổ, Quân đội Mỹ ở A Phú Hãn đã được lệnh đem hàng chục trực thăng vận chuyển khổng lồ Chinook tới Kashir để chở thực phẩm, nước uống, đồ tiếp tế và những người bị thương tới các bệnh viện dã chiến ngoài trời.
-Anh Quốc hứa trợ giúp 170.000 bảng Anh và 60 nhân viên y tế.
-Hai nước Hồi Giáo Kuwait và Ả Rập Thống Nhất Emirater hứa giúp 200 triệu Mỹ-kim.
-Đan Mạch giúp 10 triệu kroner và toán cứu cấp Hồng Thập Tự được trang bị dụng cụ truyền tin điện tử nhằm giúp các chuyên viên cứu cấp và cứu trợ liên lạc với nhau dễ dàng trong khi toàn bộ hệ thống thông tin của vùng Kashmir đã bị hư hỏng.
-Các quốc gia khác như Ấn Độ, Đức, Nhật, Pháp. Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Cộng, v.v… ngoài cứu trợ bằng thực phẩm và tài chánh, cũng gửi các nhân viên tới Kashmir tham gia vào công cuộc tìm kiếm và cứu trợ những người sống sót đang sống trong cảnh hoang tàn đổ nát.
V- Một Tương Lai Tràn Ngập Người Tị Nạn
Càng ngày người ta càng chứng kiến nhiều thiên tai như bão lụt, động đất và núi lửa. Mỗi năm người ta nhận thấy các núi băng tại Bắc và Nam Cực tan nhiều vì khí hậu mỗi ngày một nóng hơn so với các thế kỷ trước đây. Trước các thiên tai này một số chuyên viên về dân số và môi trường của Liên Hiệp Quốc đang lo ngại về làn sóng người tị nạn có thể lên tới 50 triệu trong vòng năm mười năm tới và khoảng 250 triệu người trong vòng nửa thế kỷ tiếp theo. Họ tị nạn không phải vì lý do chính trị hay nghèo đói mà vì chạy bỏ các vùng thường bị thiên tai. Đây là một tình trạng tị nạn mới: Tị Nạn Môi Trường! Nếu Liên Hiệp Quốc không có kế hoạch điều hành dân số và nếu Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ không tích cực đẩy mạnh chương trình toàn cầu hóa và giúp đỡ các nước nghèo chậm tiến thì phong trào tị nạn hướng về châu Âu và Bắc Mỹ sẽ ngày càng gia tăng. "Thiên đàng hạ giới" tại hai lục địa này, biết đâu, sẽ có ngày lại trở về thời kỳ tiền phát triển và tràn ngập những người đói khổ!
Thực tế cho thấy, nhiều người dân ở New Orleans của Hoa Kỳ nay phân vân không muốn trở về thành phố này nữa. Ám ảnh đối với họ là thiên tai bão lụt sẽ có thể xẩy đến trong những tháng năm tới. Trở về tái xây dựng cuộc đời không bao lâu lại bị bão lụt thì thà di chuyển qua tiểu bang khác sống an toàn hơn. Ngoài ra, sự trợ giúp của chính quyền có giới hạn, không thể nào bù đắp vào tất cả sự tổn thất trong thiên tai của mỗi gia đình cũng là nguyên nhân tạo nên sự chán nản của người dân trong vùng bị hoạn nạn, không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới.
Danh ca Michael Jackson, sau vụ án tình dục, đã tới thủ đô Luân Đôn ngày thứ năm 6.10.2005 và qua Copenhagen để trình diễn nhạc lấy tiền giúp đỡ các nạn nhân do bão Katrina gây ra. Đây là một bằng chứng chứng minh rằng Hoa Kỳ, dù là siêu cường độc nhất và giầu có nhất thế giới, cũng không thể giúp dân mình 100% sau thiên tai bão lụt. Như vậy, hoàn cảnh của các nạn nhân tại các quốc gia nghèo đói sẽ ra sao?
Khi nào báo chí, đài phát thanh và truyền hình còn hô hào cứu trợ, còn nhắc nhở tới thảm họa thì những lời hứa trợ giúp sẽ mau chóng được thực hiện. Khi nào không còn tin tức về thiên tai trên hệ thống truyền thông thì ngày đó các nạn nhân sẽ bị bỏ quyên và lời hứa cứu trợ sẽ không được thực hiện đúng mức. Kinh nghiệm động đất tại Iran và sóng thần Á Châu vừa qua là những bằng chứng điển hình. Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc và các quốc gia khác không kiếm đâu ra tiền để cứu trợ tất cả mọi thiên tai. Lý do đơn giản là thiên tai này vừa qua, thiên tai khác lại tới. Có khi thiên tai đến sau lại tàn phá nặng nề hơn thiên tai vừa mới xẩy ra. Ở Hoa Kỳ thì bão lụt Katrina vừa qua, Ritta lại tới. Bão Stan tiếp nối tại Guatemala ở Trung Mỹ, rồi Trung Quốc và Việt Nam bị tàn phá bởi bão Damrey. Riêng tại VN thì các con đê tại Hậu Lộc (Thanh Hóa) và Cát Lái (Hải Phòng) bị phá hủy, nước tràn vào dâng cao 50cm-70cm. Khoảng 150.000 dân các tỉnh quanh vịnh Bắc Bộ phải di tản và có cả chục người chết. Trên đây là những bằng chứng chứng minh rằng sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc và các quốc gia khác chỉ có mức độ nào đó thôi.
Theo các nhà nghiên cứu về khí tượng của Viện Goddard thuộc Cơ Quan Không Gian và Hàng Không Hoa Kỳ (NASA) thì năm 2005 được ghi nhận là năm nóng nhất trên trái đất kể từ xưa đến nay. Do kết quả đo được từ 7.200 đài khí tượng trên toàn thế giới, kết quả cho thấy độ nóng năm 2005 gia tăng 0,1 Fahrenheit (0,04 Celcius) so với năm 1998, năm nóng nhất trước đây. Phải chăng con người đang tự làm cho khí hậu thay đổi và tự mình tạo nên "Ngày Tận Thế?"
KATRINA, trận bão lớn nhất và gây tổn thất cao nhất trong lịch sử thiên tai bão lụt của Hoa Kỳ
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Vào những ngày cuối của tháng tám và đầu tháng chín 2005, một trận bão khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ đã thổi vào tiểu bang Louisiana và Mississipi. Cuồng phong đã đánh sập hàng ngàn căn nhà, sóng thần đã tràn ngập thành phố và dìm chết nhiều người tại New Orleans, Biloxi và Alabama. Trong hàng chục ngàn người bị khốn khổ, đã có hàng ngàn người Việt tị nạn bị rơi vào tình vô gia cư.
Để đi sâu vào chi tiết, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày một số điểm dưới đây:
I- ĐÔI HÀNG VỀ TIỂU BANG LOUISIANA
Louisiana nằm về phía Đông sông Mississipi, khởi sự được thành lập vào năm 1699. Sau đó vùng đất này được tổ chức thành lãnh thổ New Orleans vào năm 1804 và gia nhập Liên Bang vào ngày 30.4.1812. Một thời gian sau, khu vực phía Tây của sông Mississipi cũng được sát nhập vào phần đất này. New Orleans giáp ranh với Tiểu bang Arkansas về phía Bắc, sông Mississipi về phía Đông, Vịnh Mễ Tây Cơ về phía Nam và Tiểu bang Texas về phía Tây. New Orleans có diện tích khoảng 112.836 cây số vuông, dân số trên 4,5 triệu người; đa số là Công Giáo. Người da trắng chiếm 28% và da đen 67%.
Khoảng năm 1718, người Pháp tên là Jean Baptiste La Moyne đã chọn địa điểm này làm nơi buôn bán bên sông Mississipi và với thời gian nó phát triển thành một thành phố văn hóa thịnh vượng.
Sông Mississipi tạo nên một vùng phù sa mầu mỡ. Bình nguyên này rộng khoảng 9 triệu mẫu Tây (ha) được dân New Orleans canh tác thành công với trên 32.000 nông trại. Tuy nhiên, điều bất lợi duy nhất cho dân chúng ở vùng này là đất đai lại nằm thấp hơn mặt nước biển và mặt nước sông Mississipi. Người ta đã phải xây đập ngăn nước dọc theo bờ biển và giòng sông, một hình ảnh giống như các đê điều sông Hồng ở Hà Nội Việt Nam.
Nằm sát vịnh Mễ Tây Cơ, New Orleans có nguồn tài nguyên thiên nhiên dầu lửa phong phú. Số lượng sản xuất dầu thô trung bình một năm là 105,4 triệu thùng và khí đốt khoảng 1.620.500 mét khối. Đây còn là một hải cảng quan trọng và địa danh du lịch nổi tiếng đứng hàng thứ hai về lợi tức thu nhập của Tiểâu bang. Nói chung về Nông, Lâm, Ngư nghiệp của Louisiana khá dồi dào và sự phát triển đều đặn.
II- TRẬN BÃO KATRINA VÀ SỰ TÀN PHÁ KHỦNG KHIẾP CỦA NÓ
Nhiều người không khỏi thắc mắc rằng tại sao trận bão quá hung dữ này lại mang tên người đẹp Katrina? Ông khí tượng nào đó bị "vợ bỏ, đào chê" hay sao nên muốn trả thù nữ giới chăng?
Thực tế thì Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới (World Meteorological Organiza-tion) mỗi khi phát hiện một cơn bão thường (tốc độ gió từ 17 mét/giây) tới bão lớn (tốc độ gió 32 mét/giây), người ta thường đặt cho nó một cái tên để dễ nhớ. Tập quán này bắt đầu từ năm 1953. Không hiểu vào thời gian đầu người ta muốn đề cao phụ nữ hay cho dễ nhớ hay sao mà các trận bão đều được hân hạnh đặt cho cái tên tiên nữ hạ giới nghe rất thân thương và xếp theo vần A,B,C v.v... Tới năm 1979, có lẽ phụ nữ khiếu nại: đâu chỉ đàn bà dữ tợn như vậy, nên người ta bắt đầu đặt tên đàn ông cho các trận bão để chứng tỏ "nam nữ bình quyền gieo tai họa?’’
Mỗi năm, người ta làm một danh sách tên cho các trận bão sẽ dùng cho năm đó và tái xử dụng danh sách này vào năm thứ 6 kế tiếp. Nếu bất ngờ xẩy ra một cơn bão khủng khiếp và sự tàn phá lớn lao ngoại lệ, người ta có thể đặt cho nó một cái tên khác ngoài danh sách đã chọn.
Ví dụ: nhiều tên bão đã được ấn định, nhưng sau đó bị thay đổi như trong danh sách năm 2001: tên Lorenzo được thay thế bằng Luis, Michelle bằng Marilyn, Olga bằng Opal và Rebekah bằng Roxanne… 3 tên trong danh sách của năm 1996 sẽ được xử dụng lại vào năm 2002 được đổi lại: Critobal thành Cesar, Fay thành Fran và Hanna thành Hortense…
Danh sách tên bão năm 2005 dành cho vùng Đông-Bắc Thái Bình Dương sẽ được dùng lại vào năm 2011 theo thứ tự là: Arlene, Bret, Cindy, Dennis, Emily, Franklin, Gert, Harvey, Irene, Jose, Katrina, Lee, Maria, Nate, Ophelia, Philippe, Rita, Stan, Tammy, Vince, Wilma.
Trong năm 2005 thì cơn bão vừa xẩy ra tại New Orleans là cơn bão thứ 11, nên rơi đúng vào tên Katrina, người đẹp gieo tai họa!
Bão Katrina chính thức thổi vào New Orleans ngày 28.8.2005 với tốc độ khủng khiếp 75 mét/giây, khoảng 240 cây số giờ và áp suất không khí xuống thấp tới 902 hPa. Cuồng phong đã tạo nên các lớp sóng cao tới gần 10 mét. Cuồng phong cũng làm cho nước hồ Pontchartrain dâng cao và phá vỡ một vài nơi hệ thống đê đập ngăn chặn nước biển và nước sông Mississipi. Nước tràn vào thành phố New Orleans có nơi cao tới 7 mét.
Để dễ theo dõi, chúng tôi xin ghi lại thứ tự thời gian mà người đẹp Katrina đã hà hơi thành cuồng phong và làm cho phần lớn dân chúng New Orleans bị "tán gia bại sản’’.
Ngày 23.8.2005, bão Katrina đã được phát hiện ngoài khơi. Ngày 26.8.2005: bão gia tăng cấp 2 tiến vào vịnh Mễ Tây Cơ và tàn phá Louisiana và Mississipi, gây tử thương cho 9 người và làm hư hỏng hệ thống điện cho 1,2 triệu người. Ngày 27.8.2005: bão gia tăng cấp 3 tàn phá vùng bờ biển vịnh Mễ Tây Cơ và dân chúng vùng thấp ở Louisiana được lệnh di tản cấp thời. Tổng thống Bush tuyên bố tình trạng khẩn trương tại Louisiana. Ngày 28.8.2005: bão gia tăng cấp 4, rồi cấp 5 khiến TT. Bush phải ban hành tình trạng khẩn trương trên vùng Mississipi. Ngày 29.8.2005: bão tàn phá vùng Grand Isle, cửa sông Mississipi và Alabama khiến cho hai tháp quan sát mực nước sông bị phá hủy. Hơn 1,3 triệu tư gia và cơ sở bị ngập lụt.
Ngày 30.8.2005: New Orlean không còn điện, nước uống và thực phẩm. Bọn phá hoại cướp thực phẩm và đồ đạc trong các siêu thị và tư gia. Chúng không ngần ngại đốt cả nhà dân và lợi dụng đêm tối không có đèn điện hãm hiếp phụ nữ. Trước tình trạng ngày một nguy ngập, quân đội Mỹ được lệnh cấp cứu bằng trực thăng và quân xa. Ngày 31.8.2005: TT. Bush bay quan sát vùng vịnh để coi cảnh tàn phá và ra lệnh cho Thị trưởng Ray Nagin cấp thời cứu trợ các nạn nhân. Quá nhiều người tị nạn tập trung trong đại thính đường ở trung tâm New Orleans sẽ gây ra trình trạng thiếu vệ sinh và ô nhiễm, nên hàng chục ngàn dân nghèo không có phương tiện tự túc được di chuyển bớt sang Tiểu bang Texas. Số dân tị nạn đông quá khiến Thống đốc Rick Perry tuyên bố Texas không thể chứa đông hơn 250.000 người tị nạn.
Ngày 1.8.2005: đoàn cứu cấp tiếp tục đi vớt người từ mái nhà, trên các chung cư và vùng đất cao. Bộ trưởng An ninh Nội Địa, Michael Chertoff, ra lệnh cho 4.200 Vệ Binh Quốc Gia tới Louisiana trong số 40.000 VBQG mà chính quyền Louisiana, Kathleen Blanco, đã yêu cầu.
Ngày 2.9.2005: thực phẩm, thuốc men và nước uống được đưa tới trung tâm tị nạn. TT. Bush tới thăm Alabama, Mississippi and Louisiana, sau đó ký một ngân khoản 10,5 triệu Mỹ-kim trợ giúp cấp thời nạn nhân bão lụt. Mỗi gia đình di tản được 2.000 Mỹ-kim trong thời gian tạp trú tại các trung tâm tị nạn. Đồng thời Quốc Hội Hoa Kỳ cũng đã phê chuẩn quỹ cứu trợ khẩn cấp là 62 triệu Mỹ-kim. Trước tình trạng nước dâng cao và cô đọng trong thành phố, Công Binh được gửi tới để hút nước ra. Thời gian dự trù sẽ mất từ 36 tới 80 ngày.
Ngày 3.9.2005: hàng ngàn người được di chuyển khỏi đại thính đường của Trung tâm Hội nghị Morial tại Louisiana để sở vệ sinh làm sạch sẽ và cung cấp điện cho người tiêu thụ. Ngày 4.9.2005: ủy ban cứu trợ tiếp tục vớt khoảng 17.000 người bằng trực thăng và thuyền trong thành phố. Ngày 6.9.2005: tình trạng tiêu chảy, nhiễm trùng được ghi nhận cả ở người lớn lẫn trẻ em.
*- Người Việt Nam tị nạn lần 2
Sóng thần tràn ngập thành phố, nặng nhất là thị trấn Biloxi, một thành phố ngư nghiệp nằm bên bờ biển phía Nam tiểu bang Mississippi. Theo tin tức trên Internet thì hàng ngàn người Việt tị nạn, trong đó có nhiều tín hữu Công giáo, đang sinh sống tại New Orleans đã lâm vào cảnh vô gia cư và tài sản bị tiêu tan. Tại Biloxi có ngôi thánh đường nổi tiếng của người Công Giáo là nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của linh mục Phan Đức Đổng. Nước lụt đã tràn ngập Thánh Đường và khi nước rút, thì trên nền của Thánh Đường đầy rác và bùn. Các tượng ảnh bị rơi nằm rải rác khắp nơi và giáo dân phải dự lễ ngoài trời. Lm Nguyễn Thế Tiến ở giáo xứ Maria Nữ Vương VN cũng ra sức cứu trợ khoảng 350 giáo dân và các Linh mục tại Trung tâm Tận Hiến ở Baton Rouge đã thuê 12 xe buýt để chuyên chở đồng bào Louisiana. Hiện nay các đoàn thể người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đang tổ chức các cuộc quyên góp để giúp đồng hương bị nạn.
*-Thiệt hại về vật chất
Theo ước tính thì thiệt hại về vật chất có thể lên tới trên 200 tỷ Mỹ-kim. Thiên tai cũng tạo nên tình trạng khan hiếm dầu hỏa và làm cho giá dầu thô tăng 71 Mỹ-kim một thùng vào ngày 30.8.2005 và giá giảm còn 63 Mỹ-kim vào ngày 16.9.2005. Giá dầu gia tăng vì các giàn khai thác dầu của Mỹ tại vịnh Mễ Tây Cơ bị bão làm hư hại. Số lượng dầu lửa xử dụng từ nguồn cung cấp tại vịnh Mễ Tây Cơ chiếm tới ¼ tổng số tiêu thụ dầu lửa toàn quốc của Hoa Kỳ.
Khi bão làm sập nhà cửa hay gia cư bị nước lụt làm hư hỏng thì chỉ nhưng ai có đóng bảo hiểm mới được bồi thường. Thực tế cho thấy, dân nghèo lấy tiền đâu ra để đóng bảo hiểm? Theo thống kê chỉ có 40% dân New Orleans có bảo hiểm (NFIP) về hỏa hoạn và sự tàn phá của bão. Loại bảo hiểm này lại không bao gồm sự thiệt hại do lụt lội gây ra. Cũng theo thống kê, chỉ có 85.000 bảo hiểm về nhà cửa và cơ sở. Trong số 213.000 cơ sở có tới 150.000 bị ngập lụt và hư hỏng không hy vọng được bồi thường.
*-Thiệt hại về nhân mạng:
Tính đến nay, số người bị chết vẫn chưa nhất định, khoảng 700 người. Con số tổn thất về nhân mạng thấp hơn số lượng tiên đoán trước đây của thị trưởng New Orleans là 10.000 người. Có 273.000 người rơi vào cảnh vô gia cư trong thời gian lũ lụt và hơn 780.000 người tại Louisiana, Mississipi và Alabama phải sống bằng tiền trợ cấp xã hội nay sẽ ra sao, khi họ trở thành những người với hai bàn tay trắng?
Theo thị trưởng Ray Nagin, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và chuyên viên y tế được nghỉ 5 ngày phép với gia đình tại khách sạn ở Las Vegas hoặc Atlanta. Sự chấp thuận cho nhân viên được nghỉ phép có lương nhằm mục đích trấn an và an ủi những người đã và đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Trong khi dân chúng được di tản thì các nhân viên công quyền phải ở lại thành phố giữa lúc tai họa xẩy ra. Họ không được phép chạy theo gia đình, nhưng liều chết để cứu dân. Họ không biết hoàn cảnh gia đình mình như thế nào và sau tai họa lại bị phê phán bởi chính trị gia và báo chí về lý do tại sao họ có nước uống và thực phẩm trong khi nhiều người dân đang đói khát!
Vì ngày đêm phải làm việc quá sức trên đường phố và cứu dân trong lúc không biết gia đình mình ở đâu, mà lại vô cớ bị chỉ trích, một cảnh sát viên tức quá đã tự sát và một cảnh sát viên khác tự kết liễu đời mình khi anh ta nghe tin vợ bị chết đuối!
Chính vì vậy mà không chỉ nhân viên của thành phố New Orleans được nghỉ phép mà khoảng 400-500 binh sĩ Mỹ thuộc Trung đoàn 256 tại chiến trường Iraq và một số binh lính tại A Phú Hãn có gia đình ở New Orleans bị hoạn nạn cũng được phép về nhà để tìm kiếm và an ủi thân nhân.
III- CHÍNH PHỦ BUSH BỊ PHÊ PHÁN QUÁ THỜ Ơ VỚI DÂN NGHÈO
Theo đúc kết của chính phủ Mỹ thì hiện nay có 1,1 triệu người Mỹ có đời sống dưới mức nghèo khổ, tăng 12,7% so với 12,5% năm 2003. Theo thống kê thì số lượng người nghèo tăng tới 37.000.000 người. Dân nghèo ở New Orleans, đa số da đen, không có phương tiện di chuyển đã trở thành nạn nhân của bão lụt. Chính vì vậy mà một số lãnh tụ da đen và dân da đen đã phê phán chính quyền Tiểu bang và Liên bang quá thờ ơ trong việc cứu cấp họ. Chính phủ đã biết bão Katrina và sức tàn phá mãnh liệt của nó. Nhưng sau gần cả tuần lễ mà nhiều người tị nạn vẫn chưa được tiếp tế nước và thực phẩm! Chính quyền địa phương ra lệnh di tản mà không cung cấp phương tiện công cộng thì người nghèo không có xe cộ làm sao chạy kịp? Khi tại họa xẩy ra, quân đội đã không được lệnh can thiệp đúng lúc. Mãi tới ngày 7.9.2005, Công Binh quân đội Mỹ mới may mắn lấp được hai lỗ hổng của đập ngăn nước cạnh sông Mississipi và bơm cho nước trong thành phố từ từ giảm xuống. Chứng kiến cảnh xác chết trôi lềnh bềnh, kỳ đà và chuột tìm xác người để ăn, người dân nào bất mãn và báo chí làm sao không phản đối chính quyền?
Là siêu cường quốc duy nhất và giầu nhất trên thế giới mà Hoa Kỳ lại thiếu máy bơm nước, khiến Liên Hiệp Âu Châu phải giúp đỡ. Phu nhân của cựu TT. Bill Clinton, Hillary Clinton, đã yêu cầu Quốc Hội thành lập ủy ban điều tra chính quyền về biện pháp cứu trợ thiên tai. Kết quả của những lời chỉ trích chính phủ đã đưa tới quyết định của Tổng thống George W. Bush cách chức Michael Brown, chủ tịch Cơ quan Thiên tai Liên Bang (FEMA), mặc dù Michael Brown đã có công lớn trong cuộc tranh cử của Tổng thống.
KẾT LUẬN
Nhiều người không khỏi khâm phục sự thành công mau chóng của Hoa Kỳ trong chiến thuật điều quân, hành quân và tấn công A Phú Hãn nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố của Osama bin-Laden và nhà cầm quyền Taliban; cũng như đánh bại quân đội Iraq và lật đổ Saddam Hussein trong một thời gian ngắn kỷ lục. Nhưng người ta thất vọng siêu cường quốc Hoa Kỳ đã không phản ứng kịp thời và cứu cấp đúng lúc, khi dân mình bị bão lụt. Tai họa khủng bố ngày 11.9.2001 đã xẩy ra được coi như một bài học và sự cảnh giác quí báu, thế mà chính quyền trung ương và địa phương vẫn không có kế hoạch thích ứng trong vụ thiên tai này! Để trấn an dư luận, tối 16.9.2005, TT. Bush đã xuất hiện trên đài truyền hình hứa sẽ trợ giúp và tái xây dựng New Orleans. Nhưng TT. Bush lấy đâu ra tiền dùng cho chương trình này?
Cho tới nay, Quốc Hội Mỹ chỉ phê chuẩn một ngân khoản cứu trợ đặc biệt là 62 tỷ Mỹ-kim. Chương trình tái xây dựng sẽ tốn khoảng 200 tỷ Mỹ-kim, một ngân khoản quá lớn mà chính phủ Mỹ không biết đào đâu cho ra. TT. Bush dự trù sẽ giải quyết bằng cách cắt giảm các chi phí không cần thiết, mà không phải gia tăng thuế như chính sách giảm thuế đã được thực hiện trong thời gian qua. Nếu không tăng thuế, chính phủ Bush phải tăng tiền lời, mà tăng tiền lời thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự khôi phục nền kinh tế quốc gia. Hiện nay sự thiếu hụt trong ngân sách của chính phủ được ghi nhận khoảng 333 tỷ Mỹ-kim và có hy vọng giảm xuống chừng 314 tỷ vào tam cá nguyệt đầu năm 2006. Nhưng theo các chuyên viên về kinh tế thì sự thiếu hụt trong ngân sách của chính phủ trước bão Katrina khoảng 350 tỷ Mỹ-kim, sẽ tăng lên khoảng 450 tỷ trong thời gian tới. Bất lợi này là do ảnh hưởng của sự gia tăng giá dầu lửa, tốn phí về chiến tranh Iraq và hậu quả của bão Katrina. Nó sẽ ảnh hưởng tới công ăn việc làm, tình trạng lạm phát cũng như hàng hóa sản xuất trong những tháng tới. Sự tái suy thoái của nền kinh tế Mỹ khó có thể tránh được.
Sự hứa hẹn của TT. Bush thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn thấy tội nghiệp cho đồng bào tị nạn Việt Nam. Sau 30 năm xây dựng cơ nghiệp nay nhiều gia đình trở thành trắng tay! Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và nếu có khả năng hãy đóng góp chút ít để an ủi các đồng hương đang bị sạt nghiệp lần thứ hai, sau biến cố 30.4.1975.
CÁC LÃNH TỤ CHÓP BU CỦA VIỆT CỘNG thay nhau đi ve vãn nhiều quốc gia, kể cả địch thù HOA KỲ!
Nhìn vào lớp lãnh đạo Việt Cộng (VC) người ta thấy họ đang múa may một cách khôi hài trước sân khấu chính trị! Sau 30 năm dưới quyền cai trị của cái gọi là "đỉnh cao trí tuệ" mà "dân Việt vẫn nghèo rớt mùng tơi và nước Việt vẫn yếu như sên!". Bề ngoài thì VC vẫn như "con cà cuống chết đến đít còn cay", luôn huênh hoang đề cao Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) là ưu việt và vênh váo khơi lại chiến thắng mùa Xuân, mà thực tế Hoa Kỳ giả bộ thua và để ra đi trong danh dự họ đã trói tay Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) qua Hiệp định Ba-Lê 1973, giết chết Quân Lực VNCH năm 1975 bằng cách giảm tối đa viện trợ quân sự.
Nhìn sang các nước láng giềng dĩ nhiên các trùm CS không khỏi ngỡ ngàng và nhận ra bạn bè lân bang đã tiến xa hơn mình quá nhiều. Để phát triển kinh tế, ngày nay VC mới nhận thức được rằng xài "luật rừng" hoài không ai thèm chơi. Muốn ngửa mặt nhìn đời và được người ta cho chơi chung thì phải bỏ tà phái theo chính phái và tôn trọng quy luật thế giới, cũng như bảo đảm các sinh hoạt tự do dân chủ. Vì thế, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đôn đáo đi Pháp cầu cứu, Thủ tướng Phan Văn Khải vội vã đi Mỹ cầu xin, Chủ tịch nước Trần Đức Lương hớt hả đi Tầu triều cống. Tại sao?
Để trả lới, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày các điểm:
I- TẠI SAO TỔNG BÍ THƯ NÔNG ĐỨC MẠNH ĐÔN ĐÁO ĐI PHÁP CẦU CỨU?
Cùng mục tiêu WTO, ngày 06.06.2005, TBT. Nông Đức Mạnh đã tới thăm Pháp quốc và được Tổng thống Jacque Chirac tiếp đãi. Trong tiệc tiếp tân TT. Pháp đã đề nghị VN và Pháp nên thành lập một Hội đồng cao cấp về sự phát triển hợp tác kinh tế của hai nước. Hội đồng này cũng sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu phương hướng phát triển hợp tác trong tương lai đối với các ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành thiết yếu của nền kinh tế như hàng không, giao thông vận tải, năng lượng. TT Pháp cũng nhắc tới dự án trùng tu cầu Long Biên, hợp đồng xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, việc ký kết hợp đồng xây dựng một trạm viễn thám v.v…
Theo Thông Tấn Xã VC thì tối 6.6.2005, TBT Nông Đức Mạnh đã tới thăm Đại sứ quán VN tại Pháp, gặp thân mật cán bộ các cơ quan đại diện, sinh viên thực tập và đại diện cộng đồng người Việt tại Pháp.
Nhưng thực tế như thế nào?
Cũng như tại Úc và Tân Tây Lan, đồng bào tỵ nạn CS đã biểu tình chống Nông Đức Mạnh tại Ba Lê. Hàng ngàn người đã tham dự cuộc biểu tình tại Quảng trường Nhân Quyền Trocadéro, Quận 16 vào lúc 15 giờ ngày 06.06.05. Các tổ chức, hội đoàn và đại diện của Công giáo, Cao đài, Hòa hảo, Phật giáo đã đồng thanh lên tiếng tố cáo VC không tôn trọng tự do tín ngưỡng và nhân quyền tại VN. Người biểu tình đã giơ cao Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và các biểu ngữ bằng hai thứ tiếng Pháp, Việt có nội dung "Đả đảo VC, Đả Đảo Nông Đức Mạnh v.v…"
Về phía chính phủ và doanh nghiệp Pháp thì các đài truyền hình Pháp không đề cập nhiều về cuộc viếng thăm của NĐM. Báo đảng CS, tờ Humanite, cũng chỉ ghi nhận tình trạng hững hờ của giới tư bản. Vụ tước đoạt cơ sở thương nghiệp của Việt kiều yêu nước Trịnh Vĩnh Bình và Nguyễn Gia Thiều có lẽ vẫn còn là mối lo ngại của các nhà kinh doanh Pháp.
II- CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐỨC LƯƠNG HỚT HẢ ĐI TÀU TRIỀU CỐNG
Trước cảnh hai chóp bu VC đi Pháp và Mỹ để o bế hai anh chàng đẹp trai con nhà giầu Jacque Chirac và George Bush, đám đệ tử họ Mao làm sao không ghen tức?
Để các chú Ba nguôi giận, Trần Đức Lương đã hớt hả đi Tàu triều cống để phân tỏ nỗi lòng của tiểu quốc An Nam. Ngoài việc sẽ thề hứa luôn chung thủy với anh Ba, TĐL thế nào cũng tuân lệnh của Đại Ca về lập trường chung của hai nước trong Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc sắp họp trong những ngày tới?
III- MUỐN GIA NHẬP WTO MÀ "NƯỚC ĐẾN MŨI MỚI NHẨY"!
Năm 2005 là năm VC hy vọng được thế giới cho vào chơi chung trong tổ chức WTO. Nhưng cho tới nay, VC vẫn còn ù lì trong vấn đề cải tổ luật pháp cho phù hợp với công pháp quốc tế và luật thương mại của thế giới. Muốn giải quyết vấn đề, VC cần phải ban hành nhiều luật mới liên quan tới đầu tư, thuế khóa, sản phẩm, lợi tức, ngoại tệ, vận chuyển, thị trường v.v… Có khoảng 148 luật phải giải quyết gấp rút trước cuối năm 2005.
Tình trạng luật pháp luộm thuộm và chập trễ đến nỗi, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội bàn về dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế sáng ngày 24.2.2005, TS. Kinh tế Dương Thu Hương, Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Kinh tế và Ngân sách đã phải than thở: "Nước đến mũi mới nhẩy!". Nữ VC Dương Thu Hương dẫn chứng thực tế là toà án VN khi xét xử tranh chấp về thanh toán quốc tế lại áp dụng pháp luật trong nước mà không áp dụng Công ước Genève. "Điều này dễ làm cho chúng ta mất uy tín trên trường quốc tế".
IV- TẠI SAO THỦ TƯỚNG VC PHAN VĂN KHẢI VỘI VÃ ĐI MỸ CẦU XIN?
*-Về phía Hoa Kỳ:
TT Mỹ Bill Clinton, người trốn quân dịch trong chiến tranh VN, đã hủy bỏ lệnh cấm vận và sang thăm VN vào tháng 11.2000. Sau đó đến luợt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen (2002), Đô đốc Thomas Fargo, Tư lệnh Thái Bình Dương (2004) và một vài chiến hạm Mỹ đã ghé cảng Sài Gòn trước sự bỡ ngỡ của nhiều người. Tuy vậy, trong thời gian qua người ta chưa thấy có những biến chuyển gì quan trọng.
Những ngày gần đây tình hình bang giao Việt-Mỹ có những biến chuyển đáng quan tâm. Đại diện cho chính phủ Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Robert Zoellick trong chuyến công du 10 quốc gia Đông Nam Á đã ghé thăm VN và chính thức chuyển lời của TT. Bush mời PVK thăm HoaKỳ vào ngày 21.6.2005. Lời mời trên được đưa ra trong cuộc hội kiến giữa Phó Thủ tướng Vũ Khoan và ông Zoellick vào ngày 6.5.2005
Trả lời cho câu hỏi về vấn đề VN có được trở thành hội viên của Tổ chức Mậu Dịch Thế giới (WTO) hay không, Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ xác nhận là chính phủ Mỹ sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ do quyết định của Hoa Kỳ mà còn liên quan tới Trung Cộng, Nhật Bản, Liên Hiệp Âu Châu và các quốc gia khác mà VN cần bàn thảo.
Tiếp theo, tại Hà Nội, Đại tướng Phạm Văn Trà, BT Quốc phòng đã tiếp ông Peter Rodman, Phụ tá BT Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề an ninh và chính sách quốc tế. Ông Peter Rodman thông báo cuộc hội đàm với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng VC, đã đem lại những khích lệ về sự gia tăng hợp tác Quốc phòng giữa hai nước.
Ngày 07.06.2005, PVK đã tiếp ông Myron Brilliant, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ đang thăm Việt Nam. Ông Myron Brilliant khẳng định sự ủng hộ đối với việc VN gia nhập WTO và cho rằng việc VN gia nhập sẽ có lợi cho quan hệ hợp tác về kinh tế giữa hai nước.
*-Về phía Việt Cộng
Mục tiêu trước mắt của VC là thèm muốn trở thành hội viên của Tổ chức Mậu Dịch Thế giới (WTO). Cho tới nay, VC vẫn chưa hội đủ các điều kiện cơ bản và luật pháp vẫn chưa được cải tổ đúng theo yêu cầu của WTO. Muốn được thiên hạ chiếu cố, VC phải tranh thủ nhân tâm và đi cầu cứu nước ngoài, kể cả cựu thù Hoa Kỳ. Ngày 27.5.2005, Bộ Ngoại giao VC chính thức xác nhận về chuyến thăm Hoa Kỳ của Phan Văn Khải theo lời mời của Tổng thống Mỹ George Bush. Phía CSVN loan tin cuộc viếng thăm kéo dài từ ngày 19 đến 25.6.2005 nhằm mục đích kỷ niệm mười năm ngày VN và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước đây VC đã cử một số Thứ trưởng qua thăm Hoa Kỳ để dọn đường cho các cuộc hội kiến cấp cao hơn. Đáp lại lời mới của Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, BT Quốc phòng Phạm Văn Trà là nhân vật cao cấp đầu tiên của VC đã thăm Hoa Kỳ vào tháng 11.2003. Trước cuộc viếng thăm Hoa Kỳ, PVK cũng đã vuốt ve Thủ tướng Nam Hàn (19.4.2005) tại Hà Nội, sang năn nỉ Úc Đại Lợi (5.5.2005) và Tân Tây Lan (8.5.2005) với mục tiêu xin các quốc gia này ủng hộ VN gia nhập WTO.
Trong các cuộc thăm viếng Úc, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ, đi đến đâu PVK cũng bị người Việt tỵ nạn giơ cao Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và hô to khẩu hiệu đả đảo VC độc tài, bán nước. Các tin tức được các đài truyền hình, truyền thanh và báo chí Úc phổ biến rộng rãi. Người ta còn nhớ một trong các thành công vẻ vang đáng ghi nhớ nhất của đồng bào tỵ nạn CS tại Úc là cuộc đấu tranh đòi đài truyền hình Liên Bang S.B.S chấm dứt chương trình truyền hình VTV4 của Hà Nội.
Ngày thứ bảy, 18.6.2005, máy bay 787 của Hàng không VN đã đáp xuống phi trường thành phố Seatle để mở đầu cuộc viếng thăm Hoa Kỳ một tuần lễ của VC Phan Văn Khải. Phái đoàn VC có 240 người ở tại khách sạn 5 sao Fairmont Olumpic
Theo báo chí ngoại quốc thì mục tiêu chính của cuộc viếng thăm này là xin chính phủ Mỹ ủng hộ VC gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO và sự hợp tác trong lãnh vực Quốc phòng và kinh tế, như giao kèo đầu tiên đã được ký kết với công ty
Pegasus Global Capital về việc xây cất khách sạn trị giá 25 triệu Mỹ-kim tại Quảng Nam và công ty Cienco 5 sẽ xây dựng khu thương mại và chung cư tại khu công nghiệp Việt Hưng trên một diện tích khảong 50 ha.
Robert Karniol, chủ biên khu vực Đông Nam Á của tạp chí Quốc phòng JANE nói rằng VC muốn Mỹ bỏ lệnh cấm vận về việc mua bán thiết bị và chuyển giao công nghệ Quốc phòng. Ông Khải có xác nhận việc VN tham dự vào Chương Trình Huấn Luyện Quân Sự Quốc Tế của chính phủ Mỹ chỉ giới hạn trong phạm vi học Anh ngữ và quân y. Dù vậy, theo một số nhà phân tích thời sự, sự tham dự này là dấu hiệu cho thấy Hà Nội chịu hợp tác với Mỹ trong phạm vi nào đó về quốc phòng. Người ta còn nhớ trong cuộc họp báo ở Singapore ngày 2.5.2005, một nhân viên Quốc Phòng Mỹ cho biết Hoa Kỳ muốn VN và Nam Dương tham gia vào Liên minh phòng thủ chiến lược Đông Nam Á. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không muốn làm áp lực mạnh vì sợ Trung Cộng sẽ phản ứng mạnh.
Báo Washington Post bình luận sẽ có cuộc thỏa thuận về hợp tác tình báo và quân sự sau khi hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và VN gặp nhau. Trong dịp này, ông Khải cũng sẽ gặp BT Quốc phòng Donald Rumsfeld mọi lại chuyện cũ về Tù binh chiến tranh (POW) như cái cớ xin thêm tiền Mỹ.
Về "khúc ruột ngàn dậm", hãng thông tấn AP loan tin là ông Khải sẽ gặp đại diện cộng đồng VN để bàn "nhiều vấn đề quan trọng". Dĩ nhiện là ông Khải chỉ muốn gặp Việt kiều yêu nước, mặc dù chả thấy họ mang Cờ máu ra tiếp thân chủ VC. Sự o bế Việt kiều dựa trên thành quả thực tế là trong năm 2004 vừa qua, người Việt hải ngoại đã gửi vế nước hơn 3 tỷ Mỹ-kim. Nhờ số tiền này mà VC có thể trả nợ tín dụng ngoại quốc và nhập cảng hàng hóa.
Báo Washington Post và AFP đề cập tới nhiều chi tiết do Phan Văn Khải xác nhận: "chúng tôi là mở rộng quan hệ với Mỹ. Thứ nhất là đặt ra khuôn khổ cho mối quan hệ lâu dài trong thế kỷ 21. Thứ hai, tôi mong muốn Tổng thống Bush tuyên bố ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thứ ba, thiết lập quan hệ thương mại bình thường (điều kiện tiên quyết để gia nhập WTO). Thứ tư công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường với việc hủy bỏ đạo luật bổ sung Jackson-Vanick (bác bỏ quy chế tối huệ quốc với những nước không cho phép di cư tự do). Thứ năm, giải quyết những vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh. Chúng tôi muốn Mỹ có những hình thức trợ giúp thích hợp để xóa bom mìn và giúp các nạn nhân chất độc da cam. Đó là những vấn đề nhân đạo với VN".
Theo Mathew Daley, nguyên phụ tá Bộ trưởng Ngoại Giao đặc trách Đông Nam Á, thì Mỹ muốn VN hợp tác trong các vấn đề bài trừ buôn lậu ma túy, sao chép lậu băng đĩa điện tử và vấn đề hạn chế phổ biến vũ khí nguyên tử
Thực tế trước mắt của VC thì sự gia tăng hợp tác về kinh tế với Hoa Kỳ sẽ đem lại lợi nhuận khá lớn. Hoa Kỳ hiện nay là thị trường thương mại lớn nhất của VC, đạt 6.4 tỷ Mỹ-kim trong năm 2004. Ngoài ra, nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ về kỹ thuật, ông Khải cũng sẽ gặp nhà tỷ phú Bill Gates, chủ tịch công ty điện tử Microsoft Corp.
V- SỰ CHỐNG ĐỐI VÀ NHỮNG BẤT LỢI
Dù ông Khải cố gắng nở những nụ cười ngoại giao, nhưng ông ta nói riêng và nhà cầm quyền CSVN nói chung, dù muốn hay không, đã gặp phải những chống đối và bất lợi như:
-Như gáo nước lạnh tạt vào mặt Bắc Bộ Phủ và Phan Văn Khải. Ngày Thứ Ba 7.6.2005, Hội Đồng Giám Sát Quận Cam, nơi PVK dự trù đấn thăm, đã chính thức biểu quyết công nhận Nghị Quyết Cờ Vàng Quốc Gia do Giám Sát Quận Lou Correa soạn thảo và đệ trình. Sau nhiều phát biểu của các đại diện cộng đồng cũng như đồng bào VN, Nghị Quyết Cờ Vàng được chấp thuận với con số tuyệt đối 5/5.
Được biết trong khoảng 2 năm vừa qua, cộng đồng người Mỹ gốc Việt khắp Hoa Kỳ đã tham gia vận động thành công chiến dịch Vinh Danh Cờ Vàng VNCH trên hơn 82 trường đại học, thành phố, quận, và tiểu bang.
-Người Việt tỵ nạn Cộng sản tại Hoa Kỳ đã xuống đường biểu tình chống đối bằng rừng Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và các khẩu hiệu Đả Đảo CSVN, Phan Văn Khải là Saddam Hussein, Phan Văn Khải cút về VN, Tự Do và Nhân Quyền cho VN v.v… Những người Việt tỵ nạn đến từ Vancouver Gia Nã Đại; California, Idaho, Colorado, Texas và khắp nơi trong Tiểu bang Washington của Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp báo đầu tiên, Phan văn Khải đã dối trá trong việc trả lời các câu hỏi về Tự Do Tôn Giáo, ông Khải phát biểu:
"Lịch sử hàng ngàn năm của Việt Nam cho thấy chưa hề bao giờ xảy ra những xung đột tôn giáo tại đất nước này." Ông ta cũng trơ trẽn nêu ra số nhà thờ chùa chiền, tu sĩ số tín đồ gia tăng trong những năm gần đây để biện minh cho sự tiến bộ nhân quyền, tự do tôn giáo.
Thực tế cho thấy ông Khải cố tình quên đi hành động đàn áp Tin Lành tại Tây Nguyên qua việc đốt phá thánh đường, bắt giữ và quản chế Mục sư Nguyễn Hồng Quang, ngăn cản và đàn áp thô bạo tín đồ trong việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đức Huỳnh Phú Sổ của Phật Giáo Hòa Hảo; chính sách gây chia rẽ nhằm lũng đoạn giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, chiếm đất của Tu viện Thiên An ở Huế và mới đây nhất, thượng tọa Thích Thiện Minh, người ở tù 26 năm với cáo buộc chống phá chế độ, được thả hồi Tết Ất Dậu, gửi thư cho nhà cầm quyền Hà Nội, đòi trả lại ngôi chùa của ông từng trụ trì trước khi bị bắt năm 1979. Hiện nhà sư này phải tạm trú ở gia đình người thân và bị nhà cầm quyền địa phương theo dõi canh giữ chặt chẽ.
Chính vì quen thói dối trá và trả lời quanh co, nhà báo Huỳnh Quốc Bình đã chỉ thẳng vào mặt Phan Văn Khải nói bằng tiếng Anh: "You are liar (Ông là tên nói láo), (You are killer) ông là kẻ sát nhân". Phan Văn Khải không nghe được tiếng Anh, khi thông dịch viên dịch lại, Phan Văn Khải bẽ mặt nổi sùng quát đám cận vệ "đuổi tên nầy ra". Hành động vi phạm tự do ngôn luận của Phan Văn Khải tại quốc gia tự do dân chủ nhất thế giới Hoa Kỳ khiến cho giới truyền thông Mỹ sửng sốt. Họ bỏ phòng họp báo và đi theo ông Huỳnh Quốc Bình để phỏng vấn. Hành động hống hách của Trùm VC chứng tỏ cái bản chất độc tài và quê mùa dốt nát về tự do ngôn luận của họ vẫn còn. Ngay trên đất Mỹ mà VC còn hống hách vi phạm tự do báo chí, đuổi phóng viên như vậy, thử hỏi ở VN thì sao? Đây cũng là bằng chứng điển hình chứng minh CSVN dối trá về tự do và nhân quyền.
-Một ngày trước khi ông Khải gặp tổng thống Bush ở Tòa Bạch Ốc, Hạ Viện Hoa Kỳ lại tổ chức một cuộc điều trần trong đó có sự tham dự và phát biểu của nhiều tổ chức bảo vệ Nhân quyền Quốc tế, đại diện Bộ Ngoại Giao, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của chính phủ Mỹ, nhiều hội đoàn và tổ chức tranh đấu cho nhân quyền VN của người Việt hải ngoại. Sau cuộc họp, bản đúc kết sẽ được gửi tới TT Bush để kêu gọi TT Bush chuyển đến ông Khải "sự quan tâm sâu sắc của chúng tôi đối với điều kiện nhân quyền và tự do tôn giáo." TT Bush khó có thể nào làm ngơ trước sức ép của Quốc hội Hoa Kỳ đòi VC cải tổ dân chủ và cải thiện nhân quyền tại Việt Nam.
-Do áp lực của VC, chính phủ Nam Dương đã phá bia tưởng niệm thuyền nhân trên đảo Galang trước khi tổng thống của họ đến Hà Nội hồi cuối tháng Năm vừa qua. Còn chính phủ Mã Lai cũng ra lệnh cho tỉnh Tereng-ganu phá bỏ bia kỷ niệm thuyền nhân trên đảo Bidong. Hành động như vậy, VC một lần nữa cố tình dấu diếm tội lỗi của họ.
KẾT LUẬN:
Thời nào cũng vậy, dù chính phủ của đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa, quyền lợi của Hoa Kỳ bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu với chính sách "Cây gậy và củ cà rốt". VNCH đã bị siết cổ từ từ bằng Hiệp định Ba-lê 1973 và bị bóp chết năm 1975. Phải chăng VC ngày nay cũng đang rơi vào cái thòng lọng của Tàu Cộng và Hoa Kỳ? Chính sách của chính phủ Mỹ có thể nhận ra ngay trong các quyết định mới nhất: vừa hân hoan nhử Phan Văn Khải ăn cà rốt, vừa giơ cây gậy dằn mặt bằng Quyết định Tài Trợ 2 triệu Đô-la cho các tổ chức hoạt động Dân Chủ và Nhân Quyền tại VN, mà Ủy ban Hạ Viện đã thông qua vào ngày 9.6.2005.
Trước chiến tranh Iraq, trong các cuộc cách mạng dân chủ của Ukraine và một vài quốc gia trong Liên hiệp Nga v.v… Hoa Kỳ cũng đã tài trợ hàng triệu Mỹ-kim cho mục tiêu lật độ các chế độ độc tài. Nếu VC ngoan ngoãn cải tà qui chính thì thân được an, gia đình hạnh phúc. Nếu VC chơi xỏ, cái gậy của Hoa Kỳ sẽ trực tiếp đập lên đầu Chế độ và các trùm CS, hoặc bằng cách mượn tay Tàu Cộng dằn mặt theo chính sách "gậy CS đập CS".
Đối với Tàu Cộng thì VC đã trót ăn cà rốt hàng chục năm rồi. Ân nghĩa nợ nần khó trả. Con cháu Mao Xính Xáng đã đòi VC đáp lễ bằng dâng vùng biển và nhượng đất VN cho chúng. Đặng Tiểu Bình đã giơ cây gậy "dậy cho VN một bài học" vào năm 1978-79 và hành động bắn chìm tàu Hải quân VC tại quần đảo Trường Sa, bắn chết ngư dân VN ngoài hải phận biển Đông vào đầu năm 2005 v.v… là những bằng chứng chứng minh Tàu Cộng đã, đang và còn tiếp tục hành động theo kiểu đàn anh. Như cá mắc câu, VC đang dẫy dụa để thoát lưới Tàu?
VC chỉ còn con đường duy nhất là giải tán đảng Cộng Sản và hoạt động dân chủ như tại các quốc gia Đông Âu; hủy bỏ điều luật "yêu nước là yêu Xã hội Chủ nghĩa"; trao quyền lại cho Quốc Hội được dân bầu trong một cuộc tổng tuyển cử tự do có Quốc Tế giám sát; xóa bỏ hận thù Quốc - Cộng để thành lập một chế độ mới hoàn toàn dân chủ, tự do. Có như vậy dân tộc VN mới không bị nô lệ Tàu và tránh vào một cuộc chiến mới. Có như vậy, VN mới có cơ hội phát triển thành một con rồng Á châu.
NHÂN KỶ NIỆM 60 NĂM THẾ CHIẾN II, thử tìm hiểu tại sao HITLER bị ám sát nhiều lần mà không chết?
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Khi nhớ lại cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong thế kỷ 20, Thế Chiến II đã giết chết 52.199.262 người, ai trong chúng ta không đặt câu hỏi: tại sao không có ai hoặc tổ chức nào, kể cả của Đức và Đồng Minh, đưa ra kế hoạch ám sát Hitler để chiến tranh mau chấm dứt?
Trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi xin thưa là đã có những Tướng, Tá trong quân đội Đức, người Thụy Sĩ cũng như cơ quan tình báo Anh quốc đã mưu tính ám sát Hitler. Sau đây là một số vụ điển hình.
A- CÁC CUỘC ÁM SÁT HITLER DO NGƯỜI ĐỨC CHỦ ĐỘNG
I- HITLER CÓ SỢ BỊ ÁM SÁT KHÔNG?
Xin thưa: CÓ, vì bất cứ nhà lãnh đạo nào của một quốc gia cũng sợ bị ám sát. Cầm đầu một nước và lúc nào cũng phải đối đầu với các phe nhóm chống đối của người trong nước cũng như ngoại quốc, các thủ lãnh quốc gia làm sao tránh khỏi những cuộc ám sát? Hitler, một nhà độc tài tàn ác và là người gây nên Thế Chiến II, dĩ nhiên, đã bị chống đối trực diện hay ngấm ngầm bởi những người Đức và Đồng Minh. Lịch sử cho biết Hitler rất sợ các Tướng lãnh trong quân đội sẽ lật đổ mình, kể cả tổ chức của đảng những người không đồng ý với đường lối Hitler hay muốn bành trướng quyền lực. Bằng chứng: ngày 30.6.1934 Hitler đã giải tán và thủ tiêu thủ lãnh Ernst Rohm của lực lượng SA (Sturmab-teilung hay còn gọi là lính áo nâu), một tổ chức đã đưa ông Hitler lên đài danh vọng. Ernst Rohm bị thanh toán muốn lực lượng SA được đặt ngang hàng với Đảng (Nazi). Sau cuộc thanh toán này, người ta chế nhạo đảng Nazi đã được khai sinh trong máu đào. Không chỉ những người trong đảng, hai Tướng lãnh cao cấp nhất của quân đội Đức là Walter von Schleicher và Kurt von Bredow cũng bị giết chết vì chống đường lối của đảng và chống kế hoạch biến quân đội thành lực lượng quân sự của Nazi. Sau khi ra tay thanh toán tàn bạo đối lập, Hitler bắt quân đội phải tuyên thệ trung thành với mình và lần lượt cho về hưu hoặc thanh trừng thẳng tay nhiều Tướng lãnh và thay thế bằng những người thân tín trong đảng Đức Quốc Xã. Sau khi loại trừ lực lượng quân sự SA của đảng trước đây, Mật Vụ SS trở thành lượng chính bảo vệ đảng và lãnh tụ.
Hành động độc tài, thanh toán đối lập, tập trung quyền lực và phát động chiến tranh xâm lăng các quốc gia lân cận là nguyên nhân đưa đến sự chống đối và thủ tiêu Hitler cả ở trong nước lẫn ở ngoại quốc.
II- CÁC CUỘC ÁM SÁT HITLER TỪ 1939-1945
1- CUỘC ÁM SÁT TẠI BIÊN THÙY SIEGFRIED
Năm 1939, trước khi Thế Chiến II bùng nổ, Tướng Kurt von Hammerstein âm mưu giết Hitler bằng cách mời lãnh tụ thăm viếng vùng tiền tuyến Seigfried, nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Tiền Phương giáp biên giới Hòa Lan. Tướng hồi hưu Ludwig Beck đề nghị giết Hitler bằng một tai nạn trong khi tới thanh tra tiền tuyến. Nhưng Hitler đã từ chối lời mời. Không hiểu âm mưu này có bị bại lộ hay không khiến Hitler, thay vì cám ơn Tướng Tư Lệnh Tiền phương, lại ghi tên Tướng Hammerstein vào danh sách các Tướng phải về hưu.
2- CUỘC ÁM SÁT TẠI MUNICH DO MỘT NGƯỜI THỤY SĨ THỰC HIỆN
Ngày 8.11.1939, George Elser, một thợ sửa đồng hồ người Thụy Sĩ làm việc tại Đức nhiều năm đã chứng kiến cảnh Đức Quốc Xã đàn áp nghiệp đoàn lao động thẳng tay, nên đã quyết dịnh ám sát Hitler bằng đặt chất nổ trong một cây cột tại phòng hội Burgerbrau Beer Celler, nơi Hitler tới đọc diễn văn. Ông ta điều chỉnh đồng hồ nổ vào đúng 9 giờ 20 phút. Hitler tới phòng hội lúc 8 giờ và bất ngờ chấm dứt bài diễn thuyết và rời phòng hội vào lúc 9 giờ 12 phút. 8 phút sau bom nổ làm chết 8 người và 65 người bị thương. Sau đó George Elser bị bắt đưa vào trại tập trung Sachsenhousen và chỉ bị Mật Vụ SS xử bắn hai tuần trước ngày Thế Chiến II chấm dứt 8.5.1945. Vụ ám sát vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Người ta không hiểu tại sao Hitler và trùm mật vụ Himmler không xử bắn Elser như những người chủ mưu ám sát khác. Có thuyết cho rằng chính Himmler có dính tay vào vụ ám sát này với hai mục tiêu: thay thế Hitler hoặc dựa vào biến cố này để gia tăng quyền lực và tạo ảnh hưởng lớn trước lãnh tụ.
3- CUỘC ÁM SÁT TẠI PARIS LẦN 1
Thống Chế Erwin von Witzleben là Tướng lãnh thứ hai dự tính ám sát nhà độc tài qua kế hoạch mời Hitler tới thăm và vinh danh lãnh tụ bằng cuộc diễn binh tại Ba Lê vào ngày 21.5.1941. Nhưng cuối cùng kế hoạch thất bại vì cuộc thăm viếng Ba Lê của Hitler bị hủy bỏ vào giờ phút chót.
4- CUỘC ÁM SÁT TẠI PARIS LẦN 2
Theo kinh nghiệm của Tướng Erwin von Witzleben, một cuộc ám sát khác do Fritz-Dietlof von der Schulenberg chủ trương nhằm bắn sẻ Hitler trong cuộc diễn binh vinh danh lãnh tụ tại Ba-Lê vào ngày 27.7.1943. Kế hoạch không thành công vì Hitler lại bí mật thăm Ba Lê vào ngày 23.7.1943 từ 6 tới 9 giờ sáng và rời Ba Lê ngay sau đó. Một vài ngày sau Schulenberg nhận được vài chữ thông báo là cuộc diễn binh đã bất ngờ bị hủy bỏ.
5- CUỘC ÁM SÁT TẠI POLTAVA
Một âm mưu ám sát Hitler khác được hoạch định bởi Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn B tại Walki gần Poltava thuộc Ukraine. Lần này cuộc thanh toán do các Tướng Hubert Lanz, Tham Mưu trưởng; Thiếu tướng Bác sĩ Hans Speidel và Đại tá von Strachwitz, sĩ quan chĩ huy Trung đoàn chiến xa Grossdeutschland. Kế hoạch được đặt ra là bắt sống Hitler khi ông ta thăm Quân Đoàn Tiền Phương B vào năm 1943. Nhưng vào giờ chót Hitler thay đổi lộ trình. Thay vì tới thăm Bộ Tư Lệnh Tiền Phương, Hitler lại tới ủy lạo các lực lượng chiến đấu tại tiền tuyến Saporoshe ở phía Đông.
6- CUỘC ÁM SÁT TẠI SMOLENSK
Trong ngày 13.3.1943, có ba cuộc ám sát Hitler được hoạch định. Thống Chế Guenther von Kluge, Tư lệnh chiến trường Quân đoàn Trung ương tại phòng tuyến phía Đông mời Hitler thăm viếng Bộ Tư Lệnh của ông tại Smolensk. Tuy nhiên, một số sĩ quan trong Bộ Tư Lệnh tại Kluge đã có sáng kiến khác. Đại tá Henning von Tresckow, người rất căm thù Hitler và đảng viên Nazi đã cùng với Trung tá Fabian von Schlabrendorff, Đại tá Colonel Rudolf von Gersdorff và Đại úy Kỵ binh Georg von Boeslager lại hoạch định kế hoạch diệt trừ Hitler như sau:
-Kế hoạch 1: Đại úy von Boeslager và Đại đội của ông ta có nhiệm vụ hộ tống Hitler. Kế hoạch dự trù là sẽ phục kích giết Hitler trên đường di chuyển từ phi trường tới Bộ Tư Lệnh. Nhưng cuộc phục kích bị hủy bỏ, vì Hitler đã không dùng Đại đội hộ tống của Boeslager mà sử dụng 50 lính tín cẩn của cơ quan Mật Vụ SS bảo vệ trên đường di chuyển.
-Kế hoạch 2: Kế hoạch kế tiếp là giết Hitler vào lúc ăn cơm trưa tại phòng hội. Khi có dấu hiệu, Tresckow sẽ đứng dậy và chĩa súng bắn thẳng vào Hitler. Nhưng khi nhìn thấy quá nhiều mật vụ đứng sát chỗ ngồi của Hitler, Tresckow cảm thấy kế hoạch sẽ bị thất bại nên không dám hành động.
-Kế hoạch 3: Khi Hitler dời Bộ Tư Lệnh Tiền Phương về Bá Linh bằng máy bay, Tresckow hướng dẫn Schlabrendorff đưa cho Đại tá Heinz Brandt một hộp quà, vì ông này cùng đi máy bay với Hitler. Trong hộp có 2 chai rượu mạnh hiệu Brandy để tặng Thiếu tướng Helmuth Stieff ở Bá Linh. Trong hộp có dấu bom nổ theo giờ đã gài. Nhưng kế hoạch không thành công vì khi phi cơ bay ở độ cao, vùng không khí khá lạnh nên chất lỏng acid ở trong bộ phận kích nổ của trái bom bị đông lại. Kết quả là bom không nổ! Khi nghe tin Hitler đáp xuống phi trường an toàn, Schlabrendorff vội vã chạy tới thay thế hai chai rượu Brandy giả bằng hai chai rượu thật.
7- CUỘC ÁM SÁT TẠI BIỆT THỰ BERGHOF LẦN I
Ngày 11.3.1944, Đại-úy Kỵ binh Eberhard von Breitenbuch nhận thấy quân đội Đức bị thua nặng và bị thiệt hại quá nhiều trên chiến trường; nên bất mãn và quyết định phải giết Hitler. Breitenbuch tới biệt thự của Hitler nằm tại Obersalzberg với khẩu súng lục dấu trong mình với quyết tâm phải giết cho được Hitler, dù phải hy sinh mạng sống mình. Đại úy Breitenbuch đi vào phòng họp nằm phía sau chỗ Thống Chế Ernst Busch đang đứng thì bị Trung sĩ an ninh chận lại với lý do là Hitler ra lệnh không cho ai vào phòng họp lúc này. Thế là cuộc ám sát bất thành.
8- CUỘC ÁM SÁT TẠI BÁ LINH LẦN 1
Tháng hai 1944, Đại úy Bộ binh Axel von dem Bussche chấp nhận hy sinh mạng sống mình để giết Hitler bằng bom tự sát. Kế hoạch là dấu bom trong chiếc áo khoác ngoài mùa đông và đến trao tặng chiếc áo này cho lãnh tụ như một món quà khi Hitler tới thăm viếng binh sĩ. Nhưng rủi ro thay, vào ngay ngày hôm trước cuộc oanh tạc của Không quân Hoàng gia Anh quốc (Royal Air Force: RAF) đã phá hủy kho áo khoác mùa đông và ngày hôm sau Đại úy Bussche lại bất ngờ được lệnh phải ra tiền tuyến nên kế hoạch không thành.
9- CUỘC ÁM SÁT TẠI BÁ LINH LẦN 2
Một vài tuần lễ sau cuộc ám sát thứ hai cũng bằng cách trao tặng Hitler một áo khoác mùa đông. Lần này do chí nguyện binh Ewald Heinrich von Kleist, con trai của một trong những người chính thức tham gia vào kế hoạch đảo chánh, kể cả Thiếu-tướng Helmuth Stieff, thực hiện. Nhưng một lần nữa, bất ngờ cuộc oanh kích của Không quân Hoàng Gia Anh Quốc đã làm hỏng kế hoạch.
10- CUỘC ÁM SÁT TẠI BIỆT THỰ BERGHOF LẦN II
Ngày 11.7.1944, Đại tá Claus Schenk von Stauffenberg khẳng định là ông ta có thể giết chết Hitler trong cuộc họp tại biệt thự bằng dấu bom trong cặp xách tay. Đứng ngoài cổng là sĩ quan cộng tác, Đại úy Friedrich Klausing. Từ trong biệt thự, Đại tá Stauffenberg điện thoại cho đồng đội là không có mặt Goering và Himmler. Vì thiếu hai nhân vật đầu sỏ trong bộ máy tuyên truyền và Mật Vụ của Hitler nên toán ám sát quyết định hủy bỏ kế hoạch.
11- CUỘC ÁM SÁT TẠI RASTENBURG LẦN II
Sau thất bại tại biệt thự Berghof, Đại tá Stauffenberg tiếp tục thực hiện cuộc ám sát thứ hai ngay tại Tổng Hành Dinh "Wolf’s Lair" của Hitler ở phía Đông nước Phổ (Áo quốc). Ngày 15.7.1944, Stauffenberg tới tham dự buổi tường trình vắn tắt về tình hình cho Hitler nhưng không thấy có mặt trùm Mật Vụ Himmler. Nên cuộc ám sát lại bị hủy bỏ.
12- CUỘC ÁM SÁT TẠI RASTENBURG LẦN III
Sau hai cuộc ám sát không thành công, Đại tá Stauffenberg, Tham mưu trưởng Quân Trừ Bị (1943-44) tiếp tục cuộc ám sát lần thứ ba vào ngày 20.7.1944. Bốn ngày trước đó cuộc ám sát được bàn bạc và quyết định trong cuộc họp tại nhà ông ta ở số 8 đường Tristanstrasse, Wansee. Lần này có mặt Himmler hay không cuộc ám sát vẫn tiến hành. Lúc 12.00 Stauffenberg và Tướng Fromm tường trình ngắn gọn cho Thống Chế Keitel trước khi vào phòng hội Rastenburg, phía Đông nước Phổ. Lúc 12.37, Stauffenberg để cái cặp có bom nổ dưới chiếc bàn trên mặt có trải bản đồ hành quân, rồi kiếm cớ phải gọi điện thoại nên rời phòng hội. Người sĩ quan tới sau ngồi vào chỗ của Stauffenberg thấy chiếc cặp dưới bàn bèn lấy chân đẩy ra xa. Lúc 12.42 bom nổ khi Stauffenberg trên đường trở về Bá Linh. 18.28 đài phát thanh tường trình từ Tổng Hành Dinh Wolf’s Lair cho biết Hitler sống sót. Ngay đêm đó, vào lúc 24.30 Đại tá Stauffenberg và các bạn cộng tác gồm: Haeften, Olbricht và Mertz bị bắt và bị xử bắn ngay trước sân Tổng Hành Dinh. Trước khi bị bắn, Stauffenberg đã hô to khẩu hiệu: "Đức quốc anh linh muôn năm".
Bom nổ đã gây thiệt hại về nhân mạng được ghi nhận như sau: Adolf Hitler (sống sót nhưng bị thương nặng tay phải và màng nhĩ), Tướng Heusinger (sống sót), Tướng Không quân Korten (chết vì vết thương), Đại tá Brandt (chết vì vết thương), Tướng Không quân Bodenschatz (bị thương nặng, Tướng Schnunt (chết vì vết thương), Trung-tá Borgman (bị thương nặng), Thống Soái Von Puttkamer (sống sót), Thư ký Berger (chết tại chỗ) và 14 Tướng, Tá và nhân viên khác thoát chết.
13- CUỘC ÁM SÁT BẰNG HƠI NGẠT
Tháng hai 1945, Albert Speer, Bộ trưởng Quân nhu, Quân cụ nhận thức rằng Hitler đã phản bội dân tộc Đức quá mức. Vì thế ông quyết định ám sát thủ lãnh của mình. Khi Speer đi bộ với Hitler trong vườn Chancellery, ông ta để ý tới ống dẫn không khí tới hầm trú ẩn an toàn của Hitler. Speer chợt có ý nghĩ giết Hitler và bí mật hỏi Dieter Stahl, người đứng đầu ngành sản xuất quân cụ và yêu cầu cung cấp một ít hơi độc mới để truyền vào ống dẫn không khí của hầm trú ẩn. Dieter cùng có mục tiêu như Speer, nhưng cho biết là khí độc Tabun chỉ hữu hiệu sau một sự bùng nổ và không thích hợp trong mục tiêu này. Một loại hơi độc khác đã tìm được, nhưng toàn bộ ý định của hai người đã phải bỏ dở vì mật vụ SS được lệnh canh phòng cẩn mật chung quanh, bên đường dẫn vào hầm và trên nóc hầm trú ẩn của Hitler. Ống khói cũng được xây cao khoảng 3 mét chung quanh ống dẫn hơi để chỗ hút không khí vào ống không chạm tới. Sau khi Thế Chiến II chấm dứt, mặc dù có ý định giết Hitler; nhưng Albert Speer vẫn bị tòa án tội phạm chiến tranh Nuernberg kết án 20 năm tù.
B- CÁC CUỘC ÁM SÁT HITLER DO ĐỒNG MINH THỰC HIỆN
Lịch sử chứng minh rằng các nhà lãnh đạo quốc gia Hoa Kỳ, Anh và Pháp trong thời gian đầu đã không nhiệt tình trợ giúp chương trình lật đổ Hitler của các nhà cách mạng và Tướng lãnh Đức. Chính vì vậy mà Đức Quốc Xã tồn tại và mở rộng chiến tranh toàn châu Âu.
1- ANH QUỐC
Năm 1944, Sở Hành quân Đặc biệt "SOE" (Special Operations Executive) của Anh quốc chủ trương "Cuộc Hành quân Foxley" nhằm ám sát Hitler. Kế hoạch này được giải mật vào tháng 7 năm 1998.
Tháng năm 1942, sau khi một trong số những nhân vật quan trọng nhất của Mật Vụ Gestapo bị ám sát bởi một người Tiệp Khắc do SOE huấn luyện, Hitler đã trả thù bằng tàn sát 5.000 thường dân vô tội. Sự kiện này cho thấy giết Hitler mà không thành công cũng mang tai họa đến cho nhiều người. Cơ quan SOE được thành lập vào năm 1940 nhằm mục đích làm suy yếu quân đội Đức và phá hoại địch quân ở ngoại quốc. Phần lớn các hoạt động xẩy ra ở châu Âu, nơi đang chịu sự xâm lăng của Đức. Cuộc hành quân Foxley bắt đầu kế hoạch vào năm 1944, mặc dù có sự bất đồng trong nội bộ. Đặc biệt Thủ tướng Chamberlain, Thủ tướng Winston Churchill và Tổng thống Pháp Edouard Daladier, kể cả sau khi Hitler chiếm Tiệp Khắc, đã không nhiệt thành với kế hoạch ám sát Hitler và lật đổ chế độ Đức Quốc Xã của các nhà cách mạng Đức.
2- SÔ VIẾT
Stalin, nhà độc tài cộng sản Sô Viết sau khi bị Hitler phản bội hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau đã công khai ủng hộ các tù binh chiến tranh và sĩ quan Đức lật đổ chế độ. Stalin cũng tuyên bố Hitler và dân Đức không phải là một, nên sẽ được đối xử khác nhau. Stalin đã yểm trợ các tù binh chiến tranh của Đức và thành lập một tổ chức mang tên "Ủy Ban Sĩ Quan Đức Cho Một Đức Quốc Tự (the German Officers’ Committee for a Free Germany). Nhưng không người Đức nào tin tưởng vào kế hoạch của Stalin.
3- HOA KỲ
Tổng thống Franklin D. Roosevelt, Bộ trưởng Ngoại giao Cordell Hull đã không quan tâm tới đề nghị của Tướng William J. Donovan, Giám đốc Sở Đặc nhiệm Chiến lược (O.S.S) về kế hoạch yểm trợ đối lập Đức lật đổ Hitler. Lý do: Hoa Kỳ còn dè dặt và để tùy thuộc vào sự cố vấn của tình báo Anh quốc S.I.S (Secret Intelligence Service); đồng thời muốn Hitler phải đầu hàng vô điều kiện, một đòi hỏi mà theo Tướng Donovan Hitler không bao giờ chấp nhận.
KẾT LUẬN:
Như trên đã trình bày, 13 kế hoạch giết Hitler đã bị thất bại. Có phải số mệnh của Hitler quá lớn không? Qua các sự kiện nêu trên, người ta thấy Hitler đã thoát nạn trong nhiều trường hợp một phần vì linh tính báo trước, một phần vì cơ quan Mật Vụ SS đã cẩn thận bảo vệ lãnh tụ của họ. Sau vụ ám sát ngày 20.7.1944 do Đại tá Stauffenberg chủ mưu, Hitler chỉ bị thương tay phải và bị thủng một màng nhĩ. Thấy mình sống sót, Hitler quá tự tin và không ngần ngại tự cao tự đại tuyên bố là ông ta "không thể bị sát hại, ông ta bất tử".
Tuy nhiên, Hitler đã không bất tử. Khi Hồng Quân của Sô Viết chiến thắng tiến vào Bá Linh, Hitler đã tự sát ngày 30.4.1945 đúng vào ngày sinh nhật của ông ta 20.4.1889. Hitler chết trong hầm trú ẩn xây ngầm dưới đất cùng với vợ mới cưới vào ngày hôm trước là Eva Braun. Trong nghi thức cưới gấp rút có sự chứng kiến của Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền và Martin Bormann, người được Hitler trao quyền thừa kế. Ngẫm nghĩ cho cùng: ở đời ai không phải chết?
ĐGH Gioan Phaolo II, Nhà lãnh đạo xuất chúng đã từ trần
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Ngày thứ bẩy 02.04.2005, cả Giáo Hội Công Giáo bàng hoàng, khắp thế giới rúng động khi nghe tin ĐTC Gio-an Phao-lô II từ trần!
-Tại sao một vị lãnh tụ Giáo Hội Công Giáo lại được cả thế giới ngưỡng mộ trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21?
-Tại sao các chế độ Cộng sản lại thù hận vị lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo có uy tín nhất thế giới?
Để trả lời cho các thắc mắc này, chúng tôi xin trình bày một số dữ kiện liên quan về lãnh vực chính trị trong thời gian tại vị của ĐGH (ĐGH).
I- ĐÔI HÀNG VỀ ĐGH GIO-AN PHAO-LÔ II
ĐGH tên thật là Karol Jozef Wojtyla, sinh năm 1920 tại Ba Lan, thành phố Wadowice, nơi có khoảng 8.000 người Công giáo và 2.000 người Do Thái. Wadowice cách Krakow khoảng 35 dặm về phía Tây-Nam. Cha Ngài là Karol Wojtyla, một sĩ quan hồi hưu, mất năm 1941. Mẹ Ngài là Emilia Kaczorowska Wojtyla, một giáo viên, mất năm 1929.
Sau khi mãn Trung học, Ngài cùng cha di chuyển đến Krakow năm 1938 để học văn chương và triết học tại đại học Jagiellonia. Tháng hai 1941 cha của Ngài qua đời lúc 61 tuổi. Giấc mơ được nhìn con làm Linh mục của ông không thành. Ngài tiếp tục học thần học dưới thời Đức Quốc Xã và phải ẩn náu tại Tòa TGM Krakow cho tới khi Thế Chiến II kết thúc. Ngài tiếp tục học đậu bằng cử nhân và tiến sĩ triết học trước khi thụ phong Linh mục và làm Cha phó Krakow vào năm 1949.
Trong thời gian đầu làm Linh mục, Cha Karol Wojtyla đặc trách tuyên úy cho sinh viên tại thánh đường thánh Floria ở Krakrow, gần đại học Jagiellonia. Ngài tiếp tục học lấy bằng tiến sĩ thần học; nhưng khoa này bị nhà cầm quyền cộng sản hủy bỏ vào năm 1954. Ngài phải ẩn thân tại đại học Công giáo Lubin, một đại học duy nhất dưới thời Cộng sản. Năm 1956 Ngài được bổ nhiệm vào chức vụ chủ tịch khoa luân lý đạo đức của đại học Công giáo và được phong Giám mục Phụ tá Krakrow vào năm 1958. Sau đó trở thành TGM và được ĐGH Phao-lô VI phong chức Hồng Y vào năm 1967, rồi được bầu Giáo Hoàng vào năm 1978, lúc mới 58 tuổi.
Tuy là một vị lãnh đạo tinh thần có khuynh hướng canh tân; nhưng Ngài lại cương quyết chống Chủ nghĩa Cộng sản và các chế độ độc tài. Sự kiện này có thể là hậu quả của những năm Ngài bị sống dưới chế độ độc ác của Đức Quốc Xã và Cộng sản tại Ba Lan.
Trong quyển tiểu sử ĐGH tác giả George Blazynski viết rằng: Ngài là kẻ thù của Chủ Nghĩa Cộng Sản (CNCS), vô địch về nhân quyền, một nhà thuyết giảng hùng hồn, một trí thức uyên bác có thể đánh bại người Mác-xít bằng đối thoại."
Theo tác giả George Weigel, khi viết về ĐGH, người đòi quyền xây cất thánh đường, bảo vệ các nhóm trẻ và "truyền chức Linh mục chui" ở Tiệp Khắc, khi được hỏi Ngài có sợ bị nhà cầm quyền CS trả thù không, thì Ngài trả lời: "tôi không sợ". Ngược lại "họ sợ tôi".
II- ĐGH GIO-AN PHAO-LÔ II LÀ NHÀ CHÍNH TRỊ LỪNG DANH TRÊN THẾ GIỚI VÀ CÓ CÔNG TRONG VIỆC LÀM SỤP ĐỔ CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN LIÊN-SÔ VÀ ĐÔNG ÂU
2.1- Tại sao lại nói ĐGH là một nhà chính trị lừng danh trong khi thực tế Ngài chỉ là Giáo Chủ của Giáo hội Công giáo hoàn vũ?
Để hiểu rõ vấn đề mời quí độc giả cùng ngược giòng thời gian để tìm hiểu một số dữ kiện lịch sử và văn kiện pháp lý liên quan tới vai trò của Vatican trên chính trường thế giới.
Trước đây lãnh thổ của Vatican rộng tới 44.000 km2, chạy dài từ bờ biển phía Đông sang phía Tây của miền Trung nước Ý và dân số có khoảng 3 triệu người. Vào các năm 1859-60 và 1870 quốc gia của Giáo Hoàng bị sát nhập vào Vương quốc Ý. Các cuộc tranh đấu của các Giáo Hoàng với chính quyền Ý kéo dài hơn nửa thế kỷ, cho mãi tới ngày 11.2.1929 mới đem lại kết quả. Vấn đề đã được giải quyết qua 3 thỏa hiệp được ký kết giữa Tòa Thánh và chính phủ Ý:
1-Hiệp ước chính trị công nhận chủ quyền độc lập hoàn toàn của Tòa Thánh trong thành phố Vatican.
2- Thỏa hiệp quy định tình trạng tôn giáo và Hội Thánh trong quốc gia Ý.
3- Thỏa ước tài chánh, theo đó, Tòa Thánh nhận được 750 triệu đồng tiền mặt (lire) và một ngàn triệu đồng thuộc 5% công khố phiếu của nước Ý. Số tiền này là quyết định tối hậu về tài chánh của Tòa Thánh do hậu quả mất quyền lợi vật chất trong năm 1870. Hiệp ước và Thoả hiệp được phê chuẩn vào ngày 7.6.1929 và chúng không chỉ được ký kết trên văn bản song phương, nhưng còn được ghi rõ trong hiến pháp năm 1947 của nước Ý. Thỏa hiệp tu chính giữa Cộng hòa Ý và Tòa Thánh được thảo luận tiếp và ký kết vào năm 1984. Thỏa hiệp này có hiệu lực kể từ ngày 3.7.85.
Qua các văn bản trên, chúng ta thấy ĐGH, về phương diện chính trị, chính là Tổng thống của một quốc gia nhỏ bé hiện nay có khoảng hơn một ngàn dân; nhưng có cơ sở ngoại giao (Khâm Sứ Tòa Thánh) tại 163 quốc gia
.
2.2- Tại sao lại nói ĐGH Gio-an Phao-lô II là một nhà chính trị lừng danh?
Trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi xin đưa ra các dữ kiện sau đây để chứng minh vai trò thiết yếu và các thành công trong hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh nói chung và của ĐGH nói riêng trong suốt thời gian Ngài lãnh đạo quốc gia Vatican.
-ĐGH là trung gian hòa giải vụ giải thoát 52 con tin người Mỹ bị bắt ngày 20.1.1981. Sự kiện diễn ra sau cuộc cách mạng của lực lượng Hồi Giáo do đạo sĩ Ayatollah Ruhollah Khomeini thuộc hệ phái Shia lãnh đạo. Họ đã lật đổ nhà vua Shiah của Iran vào năm 1979 và ông vua cuối cùng của Ba Tư phải chạy tị nạn sang Pháp.
-ĐGH là đối tượng cần phải giết chết của Chế độ Cộng sản Sô-viết. Bằng chứng có thể nhận định qua lời tuyên bố của trùm mật vụ KGB ngay sau khi ông ta được tin Ngài lên ngôi Giáo Hoàng.
Theo tác giả George Weigel thì khi cuộc bầu cử cho Wojtyla được công bố, Yuri Andropov trùm mật vụ KGB của Liên Bang Sô-Viết cảnh giác Bộ Chính Trị rằng sẽ có thể có những biến động trước mắt. Thực tế đã xẩy ra. Ngày 13.5.1981 vào lúc 17 giờ 19 phút ĐGH bị một người Thổ tên là Melmet Ali Agca ám sát trong khi Ngài đang tiếp xúc với giáo dân tại quảng trường Thánh Phê-rô. Theo tin tức phối hợp thì tình báo Sô-Viết đã chủ mưu trong vụ này qua trung gian tình báo Đông Đức và Bulgaria.
Tuy vậy, ĐGH đã thoát chết và trước kẻ thù Ngài vẫn chủ trương "Lấy tình thương xóa bỏ hận thù"ø. Ngày 27.12.1983, Ngài đã tới thăm tù nhân Ali Agca tại khám đường Rebibbia. Sau đó Ngài đã phát biểu:
"Tôi đã nói chuyện với Ali Agca khoảng 10 phút. Chắc chắn là thời gian ngắn ngủi đó không đủ để tôi thấy rõ những lý do và mục tiêu của việc mưu sát tôi, một công việc có lẽ rất phức tạp. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là Ali Agca bị kích xúc rất nhiều, không phải vì đã bắn tôi, nhưng vì đã không thành công trong việc giết tôi, vì từ trước đến nay ông ta vẫn tin mình là kẻ giết người không hề giết hụt một ai cả. Xin hãy tin tôi: Sự kiện phải nhìn nhận rằng có một ai hoặc một cái gì đó làm cho ông ta không bắn chết được tôi khiến ông ta bị đảo lộn và kinh hoàng".
ĐGH vẫn tin rằng chính Đức Mẹ đã làm cho những viên đạn phát xuất từ nòng súng của Ali Agca đi trệch đường và không trúng vào cơ phận chủ yếu của Ngài. Viên đạn đó hiện được ĐGH cho gắn vào triều thiên tượng Đức Mẹ ở Trung tâm Thánh Mẫu Fatima bên Bồ Đào Nha. Đai áo lưng của ĐGH bị viên đạn xuyên qua hiện được giữ tại đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora ở Ba Lan.
Nhà văn Marco Politi, người đã viết quyển tiểu sử ĐGH khi hỏi Ngài sẽ được nhớ đến như thế nào trong lịch sử, Ngài đã trả lời:
- Chắc chắn là một người khổng lồ trong cuộc chiến chống lại các chế độ toàn trị… - là một nhà lãnh đạo đại diện cho những giá trị truyền thông như hòa bình, công lý và đoàn kết.
- ĐGH là linh hồn của Phong trào Đoàn Kết Solidarity (Solidanorsc) của Ba Lan trong trận chiến đòi độc lập tự do dân chủ. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của ĐGH, ngày 26.8.1988 Giáo Hội Công Giáo Ba Lan đã yêu cầu nhà cầm quyền công nhận Nghiệp đoàn độc lập Solidarity.
Lech Walesa, cựu lãnh tụ Phong trào Đoàn Kết và cựu Tổng thống Ba Lan tuyên bố: "ĐGH ảnh hưởng tới cuộc chấm dứt Chủ Nghĩa Cộng Sản tại Đông Âu (không có Ngài), CNCS sẽ không chấm dứt hoặc ít nhất nó sẻ diễn ra rất chậm và sự cáo chung có thể sẽ đẫm máu."
- ĐGH là nguyên nhân chính của sự sụp đổ bức tường Bá-linh (10.11.1989), sự tan rã của chế độ Cộng sản Sô-viết và Đông Âu.
Sự kiện này một lần nữa được bà Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Anh xác nhận:"hàng triệu người được thừa hưởng tự do và tự trọng, đời sống của Ngài là chiến đấu chống sự gian dối nhằm thi hành tội ác. Chống sự giả dối của CNCS và công bố giá trị đích thực của con người, sức mạnh luân lý của Ngài đã đưa tới sự chiến thắng cuộc chiến tranh lạnh."
- ĐGH là biểu tượng của hòa bình và công lý. Ngài từng kêu gọi các phe phái hãy giải quyết cuộc xung đột tại Bosnia-Hezegovina và Kosovo vào các năm 1991-1995, một cách hòa bình.
- ĐGH đã giải quyết êm đẹp biến cố Panama. Trước hành động bạo hành và đứng đầu đường dây buôn lậu thuốc phiện xuất cảng vào Hoa Kỳ, chính phủ Mỹ ra lệnh cho quân đội đổ bộ vào Panama để bắt Tướng Noriega. Tướng Noriega đã xin tị nạn tại tòa Khâm sứ. Sau các cuộc thương lượng ôn hòa, ông ta đã tự ra đầu thú.
- ĐGH đã kêu gọi giải quyết hòa bình trong hai cuộc xung đột có nguy cơ bộc phát thành chiến tranh là: cuộc xung đột biên giới giữa Peru và Ecuador; và cuộc xung đột giữa chính phủ Mễ Tây Cơ và dân thiểu số qua tổ chức ZAPATA
- Có thể nói ĐGH và cố TT. Ronald Reagan của Hoa Kỳ đã đồng thuận chương trình đánh sụp chế độ CS Ba Lan nói riêng và Đông Âu nói chung. ĐGH với sự vùng dậy của phong trào Đoàn Kết Ba Lan và TT. Reagan với chương trình "chiến tranh các vì sao". Chương trình này nhằm mục đích thi đua vũ trang để làm cho nền kinh tế của Sô Việt bị kiệt quệ. Chính vì vậy mà Tổng Bí Thư Gorbachev đã phải đề ra chính sách xét lại và sống chung hòa bình.
Người ta được biết TT. Reagan tới thăm ĐGH ngày 6.6.1987 và chỉ 2 ngày sau (8.6.1987) Ngài trở về thăm Ba Lan lần thứ ba. Với sự khuyến khích và hỗ trợ tích cực của Ngài, nhà cầm quyền Ba Lan đã tỏ thái độ hòa hoãn và là nước cộng sản đầu tiên đã tái lập quan hệ ngoại giao với Vatican ngày 17.7.1989. Thành quả này đưa tới kết quả dây chuyền là Albania cũng tái lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh vào ngày 7.9.1990 và Nga Sô ngày 1.1.1991.
-Với tâm niệm từ lời Chúa "Chúng con đừng sợ", Ngài đã thẳng thắn tố cáo Trung Quốc và Việt Nam đàn áp tôn giáo trước 163 đại sứ, khi họ tới chúc mừng năm mới ngày 13.1.1996.
- ĐGH đã tranh đấu cho Đông Timor được độc lập thoát sự khống chế của chính quyền Nam Dương. Thành quả được chứng minh qua cuộc tổng tuyển cử tự do đã diễn ra vào ngày 30.8.1999.
- ĐGH đã thành công trong chính sách ngoại giao với các chế độ CS còn lại. Thành quả đó được chứng minh qua việc các Giám mục VN, Lào và Căm Bốt được phép tới thăm Tòa Thánh từ 8 tới 13.2.1999.
- ĐGH đã tới thăm Cuba ngày 19.11.1998. Một sự kiện khó tin nhưng có thật là trùm Cộng sản Fidel Castro đã tham dự thánh lễ do ĐGH cử hành ngày 25.1.1998. Trong biến cố ĐGH tạ thế vừa qua, Fidel Castro cũng đã tới dự lễ tưởng niệm tại Thánh đường thủ đô Havana. Sự kiện này chứng tỏ nhà lãnh đạo CS Cuba rất ngưỡng mộ ĐGH, mặc dù Ngài đã từng phê phán chế độ của ông ta. Sự kiện này cũng chứng tỏ các nhà lãnh đạo Cộng sản Đông Âu và Cuba có thái độ tiến bộ hơn CS Việt Nam và Tàu Cộng.
Về phía Việt Nam thì Đại sứ Lê Vĩnh Thử, đã thay mặt Nhà nước đến viếng và ghi sổ tang tại Tòa thánh Vatican. Bộ trưởng Ngoại giao VN cũng cho biết đại sứ Việt Nam tại các nước có cơ quan đại diện của Tòa thánh Vatican được lệnh đến ký sổ tang tại cơ quan đại diện của Tòa Thánh tại nước đó.
III- CÁC VẤN ĐỀ GIÁO HỘI VÀ TOÀN CẦU
3.1- Phê bình Chủ nghĩa Tư Bản
Không chỉ cương quyết chống lại Chủ nghĩa Cộng sản toàn trị, Ngài còn khuyến khích các tổ chức đối lập chống lại các nhà độc tài như: Alfred Stroesner ở Paraguay, Augusto Pinochet của Chí Lợi, Ferdinand Marcos của Phi Luật Tân v.v... Đặc biệt khi tới thăm Cuba, Ngài không ngần ngại phê bình chủ tịch Fidel Castro về sự thiếu tự do tôn giáo tại nước Cộng sản này. Đồng thời Ngài cũng lên án Hoa Kỳ đã phong tỏa đất nước nghèo đói Cuba.
Hơn thế nữa, vì nhân quyền và cuộc sống của nhân loại, ĐGH đã thẳng thắn phê bình cả Chủ nghĩa Tư Bản, trong đó có Hoa Kỳ và Tây phương, những quốc gia quá đề cao Chủ nghĩa Tiêu thụ, đến nỗi làm mờ đi các giá trị luân thường đạo đức. Ngài đã coi các quốc gia đề cao Chủ nghĩa Vật chất như là các xã hội với "nền văn hóa của sự chết"(A culture of death).
Vì thế, Ngài đã:
-Kêu gọi các quốc gia tư bản hãy xóa nợ nần của các nước nghèo đói.
-Kêu gọi tôn trọng công lý và nhân quyền song song với chương trình tái tạo cơ cấu kinh tế và chính trị. Vấn đề này được đặt ra trong bài diễn văn đọc tại Sudan năm 1993.
3.2- Không chấp nhận các hành động đi ngược lại với đời sống tình dục tự nhiên hay tập quán luân lý đạo đức của Giáo Hội.
-Lên án phá thai.
Nhân dịp Quốc hội Ba Lan thông qua dự luật cho phép phá thai vào năm 1996, bằng một phản ứng tích cực, ĐGH đã tuyên bố: "Một quốc gia giết chết trẻ em của mình sẽ không có tương lai… và phá thai là sự hủy diệt hợp pháp!"
-Song song với việc chống đối những người đang tâm giết chết các bào thai, Ngài còn phản đối việc dùng các vật bảo vệ bộ phận sinh dục (condom) trong chuyện tình ái và lên án các cuộc hôn nhân đồng tình luyến ái. Theo Ngài "đó là một phần của lý thuyết tội lỗi".
-Trước sự tranh đấu cho nam nữ bình quyền và do sự thiếu hụt các Linh mục tại một số nơi, ĐGH vẫn giữ vững lập trường là từ chối việc truyền chức Linh mục cho nữ giới.
3.3- Một Giáo Hội Duy Nhất
Trước sự lan tràn của nhiều giáo phái, Ngài tiếp tục khẳng định uy quyền tối cao của Giáo Hội La mã, người thừa kế nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên mà Chúa Giê-su đã truyền cho Thánh Phê-rô. Tuy vậy, vì là anh em cùng tin vào Thiên Chúa, Ngài chủ trương đoàn kết và đối thoại với các Giáo Hội Chính Thống và Tin Lành.
Ngài cũng đã tới thăm Do Thái để xóa tan mặc cảm và sự bài bác một dân tộc đã giết Chúa. Năm 1998 Ngài đã xin lỗi vì người Công giáo đã không nhiệt tình cứu giúp dân Do Thái trước sự ruồng bắt và tiêu diệt của Đức Quốc Xã.
Tháng ba năm 2000, Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã xin Chúa thứ tha các lầm lỗi của Giáo Hội trong những thế kỷ trước đây.
Là một Giáo Hoàng cao tuổi và được mệnh danh là bảo thủ, nhưng Ngài lại trở thành "thần tượng" của giới trẻ. Các đại hội thế giới dành cho tuổi trẻ đã thu hút hàng triệu thanh thiếu niên khắp thế giới là một chứng minh hùng hồn về niềm tin của tuổi trẻ Công Giáo vẫn còn nhiệt thành.
Là một chủ chiên, Ngài đã du hành đến nhiều quốc gia trên thế giới để hâm nóng tình thương, khích lệ con chiên và thức tỉnh những người lầm lạc. Hơn 200 cuộc du hành mục vụ tới trên 120 quốc gia chứng tỏ ĐGH không biết mệt mỏi và không bao giờ muốn bỏ rơi các con chiên của Ngài.
KẾT LUẬN
Sự ra đi của ĐGH là một mất mát lớn cho Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Nhưng con người ai không phải chết? Cái chết của ĐGH không phải là một cái chết vô danh. Ngài đã ra đi vĩnh viễn nhưng danh tiếng của Ngài vẫn còn bao trùm cả thế giới.
Cùng thông công với nỗi buồn chung của Giáo Hội, chúng ta hãy cùng nhau dâng lời kinh nguyện xin Chúa hãy thứ tha mọi lỗi lầm và đón Ngài vào Nước Trời.
Berut "Hòn Ngọc" của Trung Đông
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Trong những ngày qua, chúng ta được chứng kiến đám tang lớn nhất của dân chúng Lebanon tiễn đưa cố Thủ tướng Rafik Hariri về bên kia thế giới và cuộc biểu tình vĩ đại của cả trăm ngàn người nhằm lên án kẻ sát nhân và đòi quân Syria rút ngay ra khỏi Lebanon. Tại sao biến cố này đã gây nhiều chú ý đối với các nhà lãnh đạo, cũng như dân chúng, trên toàn thế giới?
Để trả lời cho thắc mắc này, chúng tôi mời Quí Vị cùng hướng về Beirut, thủ đô từng vang danh một thời tại Trung Đông.
I- BERUT "HÒN NGỌC" CỦA TRUNG ĐÔNG
Ngược giòng thời gian, người ta thấy thủ đô Beirut của Lebanon đã từng được gọi là "Hòn Ngọc châu báu của Trung Đông", cũng như Sài Gòn xưa kia được mệnh danh là "Hòn Ngọc châu báu của Á Châu". Từ một địa danh quí hóa như vậy, tại sao Lebanon lại trở thành chiến địa và nơi chứa chấp khủng bố như ngày nay?
Ngược giòng thời gian, người ta được biết: sau 20 năm dưới sự bảo trợ của Pháp quốc, Lebanon tuyên bố độc lập vào ngày 26.12.1941. Khi đất nước được độp lập, ai cũng mong mỏi thủ đô Beirut sẽ nổi danh như trong quá khứ. Nhưng hỡi ôi! Hòa bình chưa được bao lâu, Lebanon lại bị rơi vào cuộc xung đột nội bộ trầm trọng. Nhiều nguyên do đưa tới sự bất ổn chính trị và xung đột đẫm máu tại miền đất rộng khoảng 10,5 cây số vuông, với dân số khoảng 4,3 triệu người có thể bắt nguồn từ dữ kiện tôn giáo. Lý do: đa số di dân tới Lebanon từ các nước Ả Rập trong vùng, gồm có: 35,2% dân Muslim hệ phái Shia (Shi’ite), 23% dân Muslim hệ phái Sunni, 27% dân Thiên Chúa Giáo (Maronite), 10% dân Druse, một nhóm Muslim sống có vẻ bí mật ở miền cao nguyên và rừng núi.
Sự khác biệt quan điểm về chính trị và tôn giáo đã đưa tới cuộc nội chiến kể từ năm 1958. Hậu quả của cuộc chiến nồi da xáo thịt đưa tới sự xâm lăng của Syria vào năm 1976. Với sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, ngày 24.12.1990, chính phủ Lebanon mới được tái thành lập và quân đội được lệnh giải giới các lực lượng võ trang. Tuy nhiên, tổ chức Hizbollah do Iran yểm trợ vẫn được phép hoạt động tại vùng phía Nam. Sự lợi dụng phía Nam Lebanon làm căn cứ khủng bố vào lãnh thổ Do Thái của tổ chức Hizbollah và phong trào kháng chiến PLO của Palestine đưa tới cuộc tấn công vào thủ đô Beirut của quân đội Do Thái và tạo nên cuộc xung đột giữa Do Thái và Syria từ năm 1976 tới 1990.
Quân đội Syria can thiệp vào Lebanon trong thời gian năm 1975-1990 được giải thích là vì cuộc nội chiến dằng dai; nhưng thực chất là để giúp dân Muslim. Tín đồ Thiên Chúa Giáo thuộc phe thiểu số đã bị các lực lượng của người Muslim và Palestine trấn át các dân tộc khác để chiếm ưu thế về kinh tế và chính trị. Năm 1982, khi Do Thái tràn qua Lebanon để tiêu diệt toàn bộ sào huyệt của Phong trào Giải phóng Palestine do Yasser Arafat cầm đầu thì nhóm Tín hữu Thiên Chúa Giáo được Do Thái che chở. Cũng từ thời điểm này, Hoa Kỳ, Đồng Minh và Liên Hiệp Quốc đã phải can thiệp và gửi quân đội bảo vệ hòa bình tới Lebanon nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột nội bộ trong vùng.
Từ thời kỳ đó, Syria kể công là binh lính đã phải đổ máu nhiều để vãn hồi trật tự và nền độc lập của Lebanon; nên họ có quyền ở lại để bảo đảm hòa bình. Đồng quan điểm với các nước Ả Rập trong vùng, Syria cho rằng nếu quân đội của họ rút khỏi Lebanon, Do Thái sẽ xen vào nội bộ nước này và gây nên các cuộc xung đột khác trong vùng.
II- TẠI SAO CỰU THỦ TƯỚNG LEBANON BỊ GIẾT?
Cố TT. Hariri sinh ở tỉnh Sidon, phía Nam Lebanon, hệ phái Sunni. Ông từng học tại Đại học Ả Rập Beirut, và có tham gia phong trào quốc gia Ả Rập. Lúc 21 tuổi, ông rời Đại học sang Ả Rập Saudi thiết lập công ty xây dựng và hợp tác với công ty Oger của Pháp để trở thành công ty xây cất lớn nhất trong vùng Trung Đông. Qua nghiệp vụ, Hariri làm quen được vua Fahd của Ả Rập Saudi, rồi trở thành đặc sứ chính trị của vua tại Lebanon. Vì yêu quê hương, ông trở về Lebanon thành lập quỹ văn hóa và giáo dục, mở trường học và cơ sở an sinh xã hội. Chính vì vậy mà ông được dân chúng quí mến.
Là đặc sứ của vua Fahd, ông đã môi giới hòa bình giữa các nhóm kháng chiến vào năm 1983, 1984. Ông cũng có công đem lại sự thân thiện giữa Tổng thống Amin Gemayel và Tổng thống Syria vào năm 1985. Năm 1992, ông trúng cử vào Quốc Hội và được đề cử vào chức vụ Thủ tướng vào tháng mười hai cùng năm. Thủ tướng Hariri là người nổi tiếng và được dân mến chuộng vì các chương trình tái thiết và phát triển Lebanon trong suốt thời gian dài từ 1992-98 và từ năm 2000 tới khi từ chức vào tháng mười 2004, sau khi Quốc Hội gia hạn nhiệm kỳ ba năm nữa cho Tổng thống TT. Emile Lahoud.
Không như các vị tiền nhiệm, TT. Hariri là một lãnh tụ cực lực chống lại sự hiện diện của hơn 14.000 lính Syria tại thủ đô Beirut và chống lại ảnh hưởng chính trị của Syria đè nặng trên đất nước, một xã hội có nền văn hóa hòa hợp giữa Đông và Tây. Sự chống đối Syria của TT. Hariri tạo nên bất mãn không chỉ về phía chính quyền Syria, mà cả các nhóm chính trị đối lập thân Syria. Đây là nguyên nhân chính yếu không chỉ dân Lebanon mà Hoa Kỳ và Đồng Minh đều nghi ngờ Syria chủ mưu trong vụ thanh toán ông bằng khủng bố.
Để giết TT. Hariri, bọn khủng bố đã dùng cả tấn thuốc nổ chôn ngầm dưới đất để sát hại khi xe của ông đi qua. Ngay sau vụ nổ ngày 14.2.2005, giết chết TT. Hariri cùng 16 người và 137 người bị thương, đài truyền hình Ả rập Jazeera đã chiếu hình thủ phạm nhận trách nhiệm là một người Palestin, tên Ahmed Abu Adas. Tên khủng bố này nói đó hình phạt cho Hariri vì ông ta thân với chính quyền Ả Rập Saudi. Qua hình ảnh trên đài truyền hình, cảnh sát Lebanon đã cấp thời tới kiểm soát nhà của thủ phạm, nhưng không tìm thấy gì đáng nghi, ngoài máy computer, các cuộn băng và tài liệu.
Trước cái chết oan nghiệt của một thủ tướng được toàn dân quí mến, hàng trăm ngàn người nối tiếp nhau dài hơn 3,2 cây số đã tham dự đám tang ngày 17.2.2005. Dân chúng biểu lộ thái độ phẫn uất đối với kẻ sát nhân và kẻ đứng sau lưng. Họ đòi quân Syria rút ngay ra khỏi Lebanon. Sự yêu cầu chính đáng của dân Beirut ngày nay cũng phản ảnh Quyết định số 1559 tháng 10.2004, của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong năm 2004 đòi Syria phải rút ngay quân ra khỏi Lebanon.
Để đẩy mạnh cao trào đòi tự do dân chủ và đuổi quân đội Syria ra khỏi đất nước, một cuộc họp của các thủ lãnh đối lập đã được tổ chức ngày 2.3.2005. Kết quả là TT. Emil Lahoud phải giải nhiệm chỉ huy trưởng an ninh quốc gia; quân đội và tình báo Syria phải rút ngay ra khỏi Lebanon.
Để xoa dịu tình hình và thỏa mãn yêu cầu cho biết sự thật của dân chúng, Chính quyền Lebanon đã mời chuyên gia Thụy Sĩ chuyên về thí nghiệm DNA và chất nổ tới Beirut để điều tra. Chính quyền Lebanon đã từ chối lời yêu cầu mời toán điều tra quốc tế do gia đình TT. Hariri, các lãnh tụ đối lập và TT. Pháp Chirac đề nghị.
Ngày 1.3.2005, sau khi Thủ tướng Omar Karameh đã phải từ chức vì yêu cầu của dân chúng và áp lực của phe đối lập, Tổng thống Emile Lahoud, cánh tay mặt của Syria đang tìm người thay thế. Khi chưa được thỏa mãn yêu sách, tại công trường Tử Đạo Beirut, hàng ngàn dân biểu tình tiếp tục hô to khẩu hiệu "Syria cút đi! Syria cút đi!"
Hình ảnh cuộc biểu tình đòi độc lập, tự do dân chủ của tuổi trẻ Lebanon được coi như phản ảnh cuộc Cách Mạng Mầu Cam (Orange Revolution) đem lại thắng lợi vẻ vang tại Ukraine, đã được các cơ quan truyền thanh và truyền hình phổ biến rộng rãi. Những gương mặt cương quyết cùng với nụ cười tươi vui nở trên môi là biểu tượng cho chí khí dũng mãnh và niềm tin tuyệt vời của tuổi trẻ. Họ can đảm đứng lên làm cuộc cách mạng rất ôn hòa; nhưng gây rúng động trong toàn vùng và chiếm được sự ngưỡng mộ của biết bao người trên toàn thế giới.
Thành công của cuộc các mạng của tuổi trẻ đã khích lệ dân chúng và thủ lãnh phe Druse đối lập là Walid Jumblatt hăng hái kêu gọi thế giới hãy yểm trợ phong trào đối lập. Ông ta cũng khẩn khoản yêu cầu thủ lãnh tổ chức khủng bố Hizbollah tham gia vào cuộc cách mạng của toàn dân. Tuy nhiên, Hizbollah lại vận động cả trăm ngàn người, đa số Muslim hệ phái Shia (được Iran hỗ trợ) xuống đường biểu tình vào ngày 9.3.2005 chống Hoa Kỳ và các nước can thiệp vào nội tình Lebanon. Đoàn biểu tình dưới sự chỉ đạo của Hizbollah lại ủng hộ quân đội Syria và giơ cao hình Tổng Thống Syria, Bashar Assad. Sự kiện này làm cho người ta lo ngại sẽ xẩy ra một cuộc nội chiến thứ hai, nếu Syria lại nhúng tay vào Lebanon và các phe phái không chịu hợp tác trong hòa bình.
III- PHẢN ỨNG CỦA HOA KỲ VÀ THẾ GIỚI
Hầu hết lãnh tụ của các quốc gia, kể cả Liên Minh Ả Rập, Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc, đều lên án việc sát hại cựu TT. Hariri cũng như yêu cầu Syria phải rút quân ra khỏi Lebanon.
Chính phủ Mỹ thì vui như diều gặp gió. Cuộc nổi dậy chống quân xâm lược Syria để dành độc lập, tự do, dân chủ của dân chúng Lebanon có thể chứng minh chinh sách bành trướng tự do dân chủ tới tận cùng trái đất của Hoa Kỳ có lý do chính đáng và đáng khích lệ. Từ sự kiện "bông hoa dân chủ" rộ nởû qua các cuộc bầu cử tự do tại A Phú Hãn, Palestina, Ukraine, Iraq, Ả Rập Saudi và Lebanon, TT. George W. Bush khôi phục được uy tín cho Hoa Kỳ trên chính trường thế giới. Thành quả của các nền dân chủ phôi thai, điển hình là các cuộc bầu phiếu tự do tại các quốc gia nêu trên, chứng tỏ chính sách "dân chủ hóa toàn cầu" của Hoa Kỳ có giá trị và như làn gió mát đang thổi qua các nước Ả Rập Trung Đông.
Chính sách chống khủng bố và lật đổ các chế độ độc tài của chính phủ Mỹ đã mang lại thành quả rất đáng khích lệ. Cuộc chiến giải phóng A Phú Hãn và Iraq đã chứng tỏ chiến thuật "đánh và đàm" rất có hiệu quả; giống như ca dao Việt Nam đã nói: "người khôn nói mánh, người dại đánh đòn." Câu ca dao khuyên bảo rằng: đối với những nước độc tài và kẻ chuyên chế thì không gì hay bằng "nện cho một trận" là xong.
-Vì "sợ bị đánh đòn" mà Bắc Hàn và Iran phải ngồi vào bàn hội nghị về vấn đề hủy bỏ chương trình chếâ tạo bom nguyên tử và các vũ khí giết người hàng loạt.
-Vì "sợ bị đánh đòn" mà Tổng thống Syria, Bashar Assad, đã phải tuyên bố rút 14.000 trong những tháng tới. Đây là kết quả từ chính sách ngoại giao nhiệm kỳ hai và Thông điệp gửi toàn dân của TT. Bush: "Syria vẫn tiếp tục cho phép quân khủng bố sử dụng lãnh thổ và nhiều phần đất Lebanon để phá hoại nhiều cơ hội hòa bình trong vùng"
Nhìn tấm gương của tuổi trẻ Ukraine và Lebanon, chúng ta lại đau lòng vì Đất Nước VN biết đến bao giờ mới chuyển mình vươn lên và dân tộc ta bao giờ mới thực sự có tự do dân chủ?
NHÂN MỪNG XUÂN ẤT DẬU 2005, HÃY TƯỞNG NHỚ GẦN HAI TRIỆU NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐÓI NĂM ẤT DẬU 1945
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
I- DẪN NHẬP
Lịch sử Việt Nam cho chúng ta biết: trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển đất nước; trải qua hàng chục cuộc chiến chống quân xâm lược Tầu phương Bắc từ năm 101 trước Công nguyên tới năm 939 sau Công nguyên, hay những lần phản công bẻ gẫy các cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ trong các năm 1257-1294, và giải phóng đất nước bằng cuộc trường kỳ kháng chiến của Lê Lợi đánh đuổi quân Minh từ 1418-1428 v.v.. dân tộc ta chưa bao giờ phải hy sinh mạng sống nhiều bằng năm Ất Dậu 1945.
Câu hỏi được đặt ra là: tại sao chỉ trong năm Ất Dậu 1945 lại xẩy ra tai họa trầm trọng như thế?
Để trả lời cho thắc mắc này, nhất là đối với tuổi trẻ Việt Nam, chúng tôi xin mời quí đọc giả cùng ngược giòng thời gian để ôn lại chặng đường đầy máu và nước mắt của dân tộc ta trong thập niên 1940-1950.
II- VIỆT NAM TRONG THỜI ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN
Dù muốn hay không, cơn lốc chính trị, kinh tế và quân sự của Thế Chiến II đã ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình và các sinh hoạt của dân tộc Việt Nam. Sau khi cuộc chiến toàn diện tại Âu Châu chấm dứt vào ngày 7.5.1945, quân đội Anh bắt đầu phản công Phát Xít Nhật tại Miến Điện và Hải quân cùng Không quân Mỹ trực tiếp nhẩy vào cuộc chiến chống Nhật tại Á Châu, sau biến cố Hạm đội Mỹ bị không quân Nhật tấn công tại Trân Châu Cảng.
Ngày 9.5.1945 vào lúc 19 giờ 30, đại sứ Nhật Matsumoto gửi tối hậu thư cho Toàn quyền Decoux, bắt buộc ông phải đặt nền hành chánh Đông Dương và tất cả quân lực Pháp ở Đông Dương dưới quyền chỉ huy tối cao của Nhật Bản. Lúc 21 giờ, các đơn vị của quân đội Nhật chiếm cứ tất cả các cơ sở hành chánh và các đồn binh trên khắp lãnh thổ Đông Dương.
III- VIỆT NAM ĐỘC LẬP
Trước sự kiện chỉ trong vòng 24 giờ, cả một lực lượng hùng hậu của Thực dân Pháp đã đô hộ Việt Nam hơn nửa thế kỷ bị tan rã, nhiều người Việt Nam không khỏi vui mừng và coi như sự xâm lăng của người Pháp đến đây là chấm dứt.
Ngày 10.3.1945, đại sứ Matsumoto công bố Việt Nam Độc Lập. Ngày 11.3.1945, vua Bảo Đại tuyên bố chế độ bảo hộ đến đây là chấm dứt. Sự kiện lịch sử trên đã chứng minh nước Việt Nam kể từ nay được tự chủ. Để có một cơ cấu hành chánh cầm quyền trong giai đoạn chuyển tiếp, ông Trần Trọng Kim, với sự ủng hộ của đảng Đại Việt và các phong trào quốc gia có khuynh hướng thân thiện với Nhật Bản, đã thành lập Nội Các đầu tiên của nước Việt Nam Độc Lập.
III- NẠN ĐÓI KHỦNG KHIẾP VÀO THÁNG BA NĂM ẤT DẬU 1945
Từ các nguyên nhân xa gần của cuộc khủng hoảng kinh tế Thế giới và Đệ Nhị Thế Chiến, xã hội Việt Nam dù muốn hay không đã bị ảnh hưởng về mọi lãnh vực. Sau khi Đức Quốc Xã đầu hàng vô điều kiện, lực lượng Đồng Minh, đặc biệt là Hoa Kỳ và Anh quốc đã tấn công quân Nhật trên chiến trường Á Châu. Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng và là vị trí đang có sự hiện diện của quân đội Nhật. Hải phận Việt Nam bị Hải quân Mỹ phong tỏa. Trên lãnh thổ thì các phi cơ oanh tạc của Hoa Kỳ bắt đầu thả bom xuống các vị trí quân sự và hệ thống giao thông tiếp tế. Để có lương thực, quân đội Nhật gom góp toàn bộ lúa gạo của VN và ra lệnh trồng cây đay thay lúa trên các cánh đồng. Đay được chế biến thành các bao bố dùng làm phương tiện chứa đựng quân trang và quân dụng để chuyển vận tới chiến trường. Hành động của quân đội Nhật trực tiếp đưa đến nạn nói kinh khủng nhất tại VN.
*- CÁC NHÂN CHỨNG SỐNG
Để tìm hiểu sự thật về nạn đói lớn lao này, chúng tôi đã phỏng vấn hai cụ lớn tuổi, các chứng nhân sống của năm 1945, và ghi lại những gì các cụ đã kể như sau:
- Cụ Trần Văn Vinh, 70 tuổi, đã kể lại rằng: Thực dân Pháp lo thu góp lúa gạo dồn vào kho lẫm vì tình hình chính trị và quân sự trở nên bất ổn. Quân đội Nhật cần có những bao bố đựng và chuyên chở vật dụng chiến tranh, nên khuyến khích dân bỏ lúa trồng đay để bán với giá cao. Tháng 3 năm 1945 thời tiết thay đổi bất ngờ khiến cho vụ lúa chiêm bị thất bại. Nước biển gần làng Cốt Lâm, Bùi Chu, Nam Định tràn vào các cánh đồng làm cho ruộng lúa trở nên mặn và mức thu hoạch giảm xuống còn khoảng 5 thùng, thay vì từ 12 tới 15 thùng một sào. Tuy vậy, 5 thùng thóc thu hoạch lại không hoàn toàn là lúa mẩy, phần lớn bị lép. Giá một thùng thóc trước tháng 3 khoảng 7 hào; nhưng sau đó tăng 25 đồng, có nơi lên tới 30-50 đồng. Tình trạng khan hiếm lúa gạo đã khiến cho những người chuyên môn đi cày thuê cuốc mướn không có lương (chỉ lãnh công gạo hàng ngày) của hai làng Ngọc Tỉnh và Hội Khê bị chết đói tới gần một nửa làng. Các gia đình còn lại, kể cả nhà giầu đều phải ăn cơm độn với khoai lang hay sắn và nấu cháo ăn bớt lại. Vì sợ cướp bóc, các gia đình tương đối còn lúa gạo trong nhà ban đêm phải khóa chặt cổng, gài then cửa nhà thật kỹ.
Ngoài chợ, mỗi người bán hàng phải có một người đứng canh chừng, vì lúc nào cũng có người đói đang đứng ngay trước mặt và sẵn sàng cướp đồ ăn bằng bất cứ giá nào. Nhiều người đói quá chịu không nổi, dù nồi cháo cám đang nóng như lửa mà họ, sau khi nhúng tay xuống vũng nước rồi, thọc đại vào nồi cháo cám. Cháo cám đặc dính vào bàn tay và người đói vừa đưa lên miệng liếm thật lẹ, vừa chạy ra xa để tránh bị ăn đòn. Những người nghèo quá không có cơm cháo, gặp thứ gì có thể ăn được là họ ăn liền, từ rau má, rau cúc mọc hai bên lề đường hay củ chuối chát mới moi lên từ lòng đất. Vì ăn cháo, rau và củ chuối quá nhiều, chân họ bị phù thũng và sưng lớn như chân voi. Chỉ vài ngày sau họ chết lăn ra đường. Suốt một quãng đường dài, từ chợ Cầu tới Nhà Thờ, tôi thấy nhiều người chết đói nằm la liệt hai bên đường.
Người chết vừa đem chôn xong lớp này, lại tới lớp khác. Họ chết liên tục, không ngừng nghỉ! Có sống vào thời điểm thê thảm nhất của lịch sử, người ta mới thấy giá trị của con người thật quá rẻ! Dân làng không có phương tiện chuyên chở, nhiều xác chết bị lôi lê lết trên đường tới hố chôn tập thể. Một thảm cảnh làm cho tôi không bao giờ quên được là có những người còn đang ngấp ngoái, mà người ta cũng đành cầm lòng lôi đi chôn sống.
Đến lúc cùng cực như vậy không ai còn khả năng giúp đỡ ai. Mỗi người, mỗi gia đình đều nghĩ rằng, nếu không tự bảo toàn mạng sống qua nạn đói, có thể ngày mai tới lượt họ sẽ bị tử thần cướp đi. Linh mục Hội có thương con chiên bổn đạo hoặc người lương dân cách nào đi nữa, cũng chỉ có khả năng nấu cháo loãng phân phối cho họ ở mức độ rất hạn chế. Người ta nhìn nhau trong nước mắt. Thấy bà con hàng xóm đang hấp hối, miệng thì thầm cầu khẩn miếng khoai, tô cháo v.v... mà mọi người còn sống đành lặng thịnh trông theo. Trước cái chết có thể tới bất cứ lúc nào, dù thương yêu tha nhân đến đâu đi nữa, người ta cũng chỉ biết than trời.
- Cụ Trần Đình Tính, 75 tuổi, nguyên quán ở làng Nam Hưng, tỉnh Bùi Chu, đã kể lại rằng: nguyên nhân đưa tới nạn đói, vì giống như tình trạng đã và đang xẩy ra ở các làng khác. Tại làng Nam Hưng quân đội Nhật bắt nhổ lúa để trồng cây đay, mặc dù lúa đang tốt và có đòng. Thực tế là quân đội Nhật cần các bao bố để đựng và chuyên chở vật dụng chiến tranh, nên họ phải trồng đay. Cây đay có thể cao từ 2 tới 2 mét rưỡi, ngọn khá lớn. Tình trạng dẹp lúa trồng đay đã trực tiếp đưa tới nạn đói. Các nhà giầu, thường là người bên Lương, cho người nghèo vay mượn lúa gạo và họ chỉ có thể trả vào vụ lúa Chiêm (từ tháng 1 tới tháng 5) hoặc vào vụ lúa Mùa (từ tháng 6 tới tháng 10). Nay ruộng lúa bị hủy hoại để trồng đay, dân chúng còn đủ lúa gạo đâu để sinh sống.
Các kho lẫm thì bị quân đội Nhật quản trị và cung cấp cho binh lính của họ. Mặc dù có kiếm được chút tiền về dịch vụ bán đay đi nữa, nhưng có tiền mà không có gạo thì đồng tiền cũng chỉ là tờ giấy vô nghĩa! Không chỉ giáo dân nghèo chết đói, mà cả đến các Linh mục cũng không còn lúa gạo hay thực phẩm để ăn. Linh mục Dụ và Linh mục Phán cũng đã về chầu Chúa vì không còn thực phẩm. Có sống ở trong giai đoạn thiếu hụt thực phẩm khủng khiếp như thế này, người ta mới biết không ai còn khả năng giúp ai. Giáo dân chết đói dài dài, đâu còn gì để cứu đói Cha Cụ! Ngay cả bố mẹ vợ của tôi, còn ít lúa gạo mà không dám ăn đúng tiêu chuẩn để sinh tồn, nên lâu ngày kiệt lực rồi bất ngờ ra đi về bên kia thế giới một cách thật vô lý.
Cảnh đói khát xẩy ra ở mọi nơi. Hoàn cảnh trở nên vô cùng thảm thương. Trên đường đi kiếm rau cỏ dại về ăn cho đỡ đói, khi đi ngang qua gốc cây đa gần nhà ông Phó Quế, tôi thấy một người mẹ ngồi bồng đứa con thơ. Thực ra bà ta đã chết từ bao giờ rồi! Đứa trẻ vô tội vẫn ôm cứng lấy mẹ, vừa khóc vừa bú vú mẹ! Thật là thảm thương không tả nổi! Người mẹ hiền chỉ còn là cái xác không hồn thì còn sữa đâu cho con! Đi xa hơn nữa, qua các cống dẫn nước vào ruộng nay đã khô, tôi thấy hai ba đứa nhỏ. Tôi thắc mắc không hiểu bố mẹ chết đói bỏ chúng lại hay vì không thể kiếm ra cơm cháo cho con, nên đành đem chúng ra bỏ ngoài đó. Lúc tôi đi qua thì những đứa nhỏ còn sống, lúc về thì chúng đã theo ông bà về bên kia thế giới rồi!
Cái đau khổ lúc bấy giờ là không ai còn khả năng nuôi giúp ai. Thấy người ta đang sắp chết mà đành nhắm mắt đi qua! Nhà nào còn chút lúa gạo đều phải dành dụm, ăn cầm chừng để khỏi chết vào ngày mai. Những người chết chôn ban ngày không kịp, người ta phải đốt đuốc chôn cả vào đêm khuya. Cảnh chết đói diễn ra từ trước tháng 3 và kéo dài tới tháng 5 năm 1945. Sau nạn đói, bệnh dịch tả lan tràn và nhiều người chưa bị chết đói lại chết vì bệnh. Cả bầu trời, trong suốt thời gian nạn đói hoành hành, hầu như lúc nào cũng âm u ảm đảm không thể tưởng tượng được. Cái ám khí của người chết, cảnh đồng lúa cháy rụi, khiến cho người ta có cảm tưởng như sắp tới ngày Tận Thế. Trong làng tôi, để tránh cái cảnh thê lương u uất vô tả, ông Chánh Đương phải đánh chiêng ở đầu làng và bố tôi phải đánh trống cuối làng, mong xua tan những ám khí và các oan hồn của người chết đói đang lảng vảng đâu đây. Người ta không chỉ sợ chết đói mà sợ cả ma, đặc biệt là về ban đêm. Những tiếng hú của gió, những tiếng khóc than của nhiều người sắp chết và tiếng gia súc rên rỉ ... đã tạo cho không khí về ban đêm thêm hoang lạnh. Nó chẳng khác gì nghĩa địa về đêm, ghê sợ vô cùng.
Nhiều nơi, dân làng còn sống sót lại phải gỡ cột, xà, đòn tay và thượng lương của nhà mình đem bán hoặc đổi lấy lúa gạo hay ngô khoai ăn cho đỡ đói. Cảnh làng mạc trông chẳng khác gì như mới bị cơn bão khủng khiếp thổi qua! Nó thê lương không diễn tả nổi. Những người còn sống sót sau nạn đói hoành hành đều bàng hoàng về tại họa đã xẩy ra và những gì đang hiện ra trước mắt họ. Người ta không chỉ bị chết vì thiếu thức ăn mà còn bị quân đội Nhật giết chết một cách vô cùng tàn ác, chỉ vì một vài tội không đáng chết. Tôi được biết một bà buôn cám với lính Nhật. Vì ham lời, bà ta đã trộn mạt cưa lẫn với cám. Ngựa của lính Nhật ăn cám trộn mạt cưa bị đau bụng rồi chết. Lính Nhật mổ bụng ngựa ra xem và khi biết được mạt cưa trộn trong cám, chúng đã bắt bà bán cám rồi bỏ vào bụng con ngựa đốt cả người lẫn ngựa ngay tại chỗ. Đây chỉ là một trong nhiều hành động tàn ác mà quân lính Nhật đã đối xử với dân Việt Nam trong thời kỳ này.
IV- DÂN THÌ CHẾT ĐÓI MÀ CHÍNH PHỦ BẢO ĐẠI THỜ Ơ!
- Sự chuyển quyền từ Pháp qua Nhật, tạo nên sự bất ổn toàn bộ về chính trị và kinh tế đối với Việt Nam, đặc biệt Bắc Kỳ và Bắc-Trung Kỳ. Mặc dù vua Bảo Đại chính thức chấp chánh từ ngày 2.5.1933; nhưng ông vua chót của Triều Nguyễn chỉ biết ăn chơi và săn bắn, nên trở thành bù nhìn của Thực dân Pháp. Chính trong hoàn cảnh đất nước có gần 2 triệu người chết đói mà chính phủ Bảo Đại đã không có chương trình cứu đói cụ thể. Dân chúng rơi vào tình trạng sống chết mặc bây. Theo thống kê, năm 1937, Nam Kỳ có 2.200.000 mẫu ruộng và số lúa xuất cảng từ Sàigòn là 1.548.000 tấn, thặng dư hơn 1,5 triệu tấn lúa; thế mà gần 2 triệu người miền Bắc bị chết đói một cách thật vô lý! Ai là tội đồ đưa tới cái chết gần 2 triệu người dân Việt Nam trong năm 1945? Thực tế lịch sử cho thấy: không chỉ địch thù Pháp và Phát Xít Nhật phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hành động gây ra chiến tranh; nhưng trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức chính trị của Việt Nam thời đó không phải là nhỏ. Chiến dịch „tiêu thổ kháng chiến“ của Việt Minh là một bằng chứng điển hình.
Chứng kiến thiên tai sóng thần (Tsunami) vừa xẩy ra tại Á Châu, ai cũng phải công nhận là một thiên tai kinh khủng. Nhìn hơn 150.000 xác chết nằm la liệt trên bờ biển, trên đường phố, trong các căn nhà sụp đổ, dưới sình lầy … tại Nam Dương, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Mã Lai, Miến Điện … ai trong chúng ta không ghê sợ?
Nhưng nếu tưởng tượng lại cái cảnh gần hai triệu người VN bị chết đói thảm khốc năm Ất Dậu 1945, thì hình ảnh đó phải rùng rợn gấp hai chục lần! Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân.
Biến Cố Trong Tháng
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
![]() |
Ngày 26.12.2004, ngay sau Lễ Giáng Sinh, một trận động đất đã gây nên những đợt sóng thần có tốc độ nhanh chưa từng thấy. Sóng thần đã tràn vào một số vùng gần bờ biển tại Á Châu và Phi Châu và nhận chìm khoảng 150.000 người.
Tại sao lại có trận sóng thần khủng khiếp này?
Đây là thắc mắc mà chúng tôi muốn cùng quí vị độc giả tìm hiểu.
I-CHẤN ĐỘNG CỦA CÁC CUỘC ĐỘNG ĐẤT
Mỗi khi trái đất bị rạn nứt tại một khu vực, nó báo hiệu bằng phát ra các chấn động. Chấn động càng mạnh, tổn thất về nhân mạng và vật chất càng lớn. Để đo các chấn động của các trận động đất, người ta dựa vào hai phương pháp:
-Phương pháp Charles F Richter được phát minh vào năm 1934 và được tính bằng toán học (Logarith). Cách đo bề mặt của chấn động của phương pháp này được tính công thức ML = log10 A (mm) + Distance Correction factor).
-Phương pháp Giuseppe Mercalli được phát minh vào năm 1902. Phương pháp này không dùng toán học mà dựa vào kỹ thuật kiến trúc, khoảng cách từ trung tâm chấn động, vật dụng bề mặt như đá, bụi và vật chất sau trận động đất.
Từ các trận động đất đã xẩy ra trong quá khứ, người ta ghi nhận được sức phá hủy tùy theo mức độ của chấn động như sau:
-Dưới 3,5: không gây thiệt hại.
-Từ 3,5–5,4: gây sụp đổ nhưng không thiệt hại lớn.
-Dưới 6,0: thường làm sụp đổ các công trình xây cất không vững chắc.
-Từ 6,1–6,9: làm sụp đổ một vùng rộng khoảng 100 cây số.
-Từ 7,0–7,9: làm sụp đổ một vùng rộng lớn hơn 100 cây số.
-Từ 8,0 trở lên: gây tại họa lớn lao cho khu vực rộng hàng trăm cây số.
Trận động đất gây nên sóng thần tại Nam Dương vừa qua có mức chấn động lên tới 9,0. Vì thế, tại họa thật khủng khiếp so với các trận động đất trước đây.
Ngoài ra, người ta cũng có thể so sánh sức mạnh của các chấn động như sau:
- Chấn động 2,0: có sức mạnh bằng 1 tấn than đá - 2,5 bằng 4,6 tấn - 3,0 bằng 29 tấn - 3,5 bằng 73 tấn - 4,0 bằng 1.000 tấn, hay bằng một trái bom nguyên tử nhỏ - 4,5 bằng 5.100 tấn, hay bằng trận bão (Tornado) cấp trung bình - 5,0 bằng 32.000 tấn - 5,5 bằng 80.000 tấn - 6,0 bằng 1 triệu tấn - 7,0 bằng 32 triệu tấn, hay bằng trái bom nguyên tử - 7,5 bằng 160 triệu tấn - 8,0 bằng 1 tỷ tấn hay bằng 6 triệu tấn thuốc nổ TNT - 8,5 bằng 5 tỷ tấn - 9,0 bằng 32 tỷ tấn - 10,0 bằng 1.000 tỷ tấn - 12,0 bằng 160 ngàn tỷ tấn
Những trận động đất và sóng thần trên thế giới gây thiệt hại về nhân mạng lớn trên 100.000 người, được ghi nhận như sau:
-22.12.856 tại Damghan, Iran. Chấn động 8,6, có 200.000 người chết.
-23.3.893 tại Ardabil, Iran. Có 150.000 chết.
-9.8.1138 tại Aleppo, Syria. Có 230.000 người chết.
-9.1290 tại Chihli, Tàu. Có 100.000 người chết.
-23.1.1556 tại tỉnh Shansi, Tàu. Chấn động 8, có 830.000 người chết.
-28.12.1908 tại Messina, Ý Đại Lợi. Chấn động 7,2 có 70.000 - 100.000 người chết.
-16.12.1920 tại Gansu, Tàu. Chấn động 8,6, có 200.000 người chết, thiệt hại lớn.
-1.9.1923 tại Kanto (Kwanto), Nhật Bản. Chấn động 7,9 có 143.000 người chết, hỏa hoạn lớn ở Kyoto.
-22.5.1927 tại Xining, Tàu. Chấn động 7,9 có 200.000 người chết và thiệt hại khá lớn.
-5.10.1948 tại Ashgabat, Turkme-nistan. Chấn động 7,3
-27.7.1976 tại tỉnh Tangshan, Tàu. Chấn động 7,5, có 255.000 - 655.000 chết.
-26.12.2004 tại Sumatra Nam Dương. Chấn động 9,0 tạo nên sóng thần với tốc độ gần 800 cây số giờ, tràn ngập không chỉ tại các khu vực gần biển của một số nước Đông Nam Á mà tới cả Somalia, Phi Châu. Luồng sóng thần đã gây nên cái chết cho hơn 150.000 người và sự tàn phá lãnh thổ ngoài sức tưởng tượng của mọi người.
II-THIỆT HẠI VỀ NHÂN MẠNG DO SÓNG THẦN GÂY NÊN NGÀY 26.12.2005
2.1- Về nhân mạng:
Khoảng 150.000 người bị thiệt mạng tại các quốc gia Á Châu và nhiều khách du lịch từ các nước trên thế giới. Vì sự khó khăn trong việc tìm kiếm và kiểm kê của các quốc gia, cho tới nay số lượng người chết và mất tích các hãng thông tấn và báo chí đưa ra không thống nhất. Ở đây chúng tôi chỉ tạm ghi lại con số do đài truyền hình CNN ghi nhận ngày 10.1.2005 như sau:
-Nam Dương: 95.000 chết, 7.000 mất tích, phần lớn tại quần đảo Sumatra và khu vực Banda Aceh, nơi Hải quân Mỹ phải dùng trực thăng để cứu trợ.
-Sri Lanka: hơn 29.650 chết và 4.707 mất tích.
-Ấn Độ: 10.022 chết và 5.617 mất tích tại hai đảo Andaman và Nicobar Islands.
-Thái Lan: 5.305 chết và 3.498 mất tích.
-Somalia: theo liệt kê của Liên Hiệp Quốc có 114 chết.
-Maldives: 82 chết và 26 mất tích.
-Mã Lai: 68 chết và 6 mất tích.
Miến Điện: Theo Hồng Thập Tự Quốc Tế và LHQ có 59 chết.
-Tanzania: theo LHQ có 10 chết.
-Bangladesh: theo LHQ có 2 chết.
-Kenya: theo báo chí có 1 chết.
-Úc Đại Lợi: 12 chết 950 chưa kiểm chứng được.
-Áo: 6 chết và gần 500 mất tích.
-Bỉ: 6 chết.
-Anh: 41 chết và 159 mất tích.
-Gia Nã Đại: 4 chết, 13 mất tích và 74 chưa kiểm chứng được.
-Trung Cộng: 13 chết trong đó có 8 từ Hương Cảng, 3 từ lục địa và 2 người không có quốc tịch Hương Cảng. Theo báo chí có 29 mất tích.
-Tiệp Khắc: 1 chết, 7 mất tích.
-Đan Mạch: 7 chết, 66 mất tích.
-Phần Lan: 5 chết, 214 mất tích.
-Pháp: 22 chết.
-Đức: 60 chết và hơn 1.000 mất tích.
-Do Thái: 4 chết và 6 mất tích.
-Ý Đại Lợi: 20 chết, 436 mất tích.
-Nhật Bản: 8 chết.
-Hòa Lan: 6 chết, 30 mất tích.
-Tân Tây Lan: 2 chết, 64 mất tích.
-Na Uy: 16 chết, 88 mất tích; theo Ritzau có 153 mất tích.
-Singapore: 9 chết, 12 mất tích.
-Nam Hàn: 11 chết.
-Thụy Điển: 52 chết, 702 mất tích, 1.201 chưa kiểm chứng; theo hãng thông tấn Ritzau có 52 chết và 827 mất tích.
- Thụy Sĩ: 23 chết.
- Đài Loan: 3 chết, 45 mất tích.
- Hoa Kỳ: 32 chết và 2.377 mất tích.
Ngoài số lượng người bị thiệt mạng, hiện có khoảng 500.000 người bị thương trong đó có hơn 150.000 bị thương nặng cần một ngân khoản 60 triệu Mỹ-kim để chữa trị. Hơn 1 triệu người vô gia cư và hơn 2 triệu người thiếu thực phẩm.
2.2- Như một phép lạ:
Trong số những người được coi như đã chết, có hai người Nam Dương đã sống sót như một phép lạï.
-Người thứ nhất: Malawati khoảng 20 tuổi, đang mang thai 18 tuần, cùng với chồng bị sóng thần cuốn từ bán đảo Aceh Nam Dương ra biển, trôi tới đảo Penang ở phía Bắc Mã Lai. Sau 5 ngày cô ta được cứu sống trong khi chồng vẫn được ghi nhận là mất tích. Malawati kể lại rằng, cô bị sóng cuốn ra biển, hai lần kể như sắp bị chết chìm vì không biết bơi. Cô ta đã phải vùng vẫy và cố gắng ngoi đầu lên khỏi mặt nước và may mắn bám được thân cây dừa đang trôi nổi bên cạnh. Malawati sống sót nhờ ăn trái và vỏ cây dừa. Cô ta cũng kể cho phóng viên của hãng Reuters là có gặp đàn cá mập bơi chung quanh và cô ta đã cầu nguyện xin chúng đừng ăn thịt mình.
-Người thứ hai: Rizal Shah Shahputra, 23 tuổi bị cuốn ra biển, trôi lênh đênh 9 ngày giữa biển cả cách bán đảo Aceh 100 cây số. Anh ta không bị chết chìm vì nhờ bám vào được một chùm cây. Cuối cùng Shahputra được một chiếc tầu buôn chuyên chở các kiện hàng của Mã Lai cứu vớt.
2.3- Về tài chánh trợ cấp cho các quốc gia bị thiên tai:
Ngày thứ năm, 6.1.2005, trong cuộc họp Thượng đỉnh tại thủ đô Jakarta, Tổng Thư ký LHQ, Kofi Annan đã kêu gọi các quốc gia trợ giúp khẩn cấp một ngân khoản khoảng 977 triệu Mỹ-kim trong sáu tháng tới. Cộng đồng thế giới cũng ước tính cần phải có ngân khoản 3 tỷ Mỹ-kim để trợ cấp cho các quốc gia bị thoạn nạn. Ngân Hàng Thế Giới và các chính phủ hứa trợ cấp (tính theo triệu Mỹ-kim) cho các nạn nhân và các quốc gia Á Châu được ghi nhận như sau: (cơ quan từ thiện tư nhân ghi trong ngoặc đơn)
Liên Hiệp Châu Phi: 0,10 - Algeria: 2 - Úc: 810 - Áo: 10,88 (13,60) – Bahrain: 2 - Bỉ: 16,32 - Anh quốc: 96 (146,00) - Bulgaria: 0,14 - Gia Nã Đại: 66 - Trung Cộng: 60,42 - Cyprus: 0,37 - Tiệp Khắc: 0,668 (2,68) - Đan Mạch: 76,83 – Liên Hiệp Châu Âu: 31,29 - Phần Lan: 6,12 (17,68) - Pháp: 66,38 (49) - Đức: 680,20 (200) - Hy Lạp: 1,34 (14,70) - Hung Gia Lợi: 1,20 - Aùi Nhĩ Lan: 13,62 - Ý Đại Lợi: 95 - Nhật Bản: 500 - Kuwait: 10 - Libya: 2 - Lục Xâm Bảo: 6,80 - Hòa Lan: 34 - Tân Tây Lan: 3,60 - Na Uy: 181,90 - Ba Lan: 1 (1,30) - Bồ Đào Nha: 10,88 (2,72) - Qatar: 25 - Saudi Arabia: 30 - Tân Gia Ba: 3,10 - Slovakia: 0,23 - Slovenia: 0,11 - Nam Hàn: 50 - Tây Ban Nha: 68,02 - Thụy Điển: 80 - Thụy Sĩ: 23,81 (39,24) - Đài Loan: 50,25 - Thổ Nhĩ Kỳ: 1,25 – Ả Rập Thống Nhất Emirat: 20 - Hoa Kỳ: 350 - Venezuela: 2 - Ngân Hàng Thế Giới: 250 - Tổng cộng: 3.695.328,00 triệu Mỹ-kim (503,36).
Người ta hy vọng số tiền cứu trợ sẽ gia tăng, vì các quốc gia và cơ quan từ thiện còn đang tiếp tục quyên góp. Người ta cũng hy vọng các quốc gia và các hội từ thiện đừng quên lời hứa của mình. Lý do: trong các thiên tai trước đây, lời hứa trợ giúp các khu vực bị thiên tại đã bị giảm đi khá nhiều. Sau đây là một vài ví dụ cụ thể:
-Trận động đất tại Bam, Iran năm 2003, lời hứa trợ giúp khoảng 1 tỷ Mỹ-kim. Thực tế cho tới nay nạn nhân khu vực mới nhận được 1,6%, khoảng 16 triệu Mỹ-kim!
-Trận bão Mitch năm 1998 tại Trung Mỹ, lời hứa trợ giúp khoảng 2,5 tỷ Mỹ-kim; nhưng thực tế nạn nhân mới nhận được 25%, khoảng 625 triệu Mỹ-kim.
Cơ quan truyền thông trên khắp thế giới đóng một vai trò rất quan trọng. Tới ngày nào đó, các hãng truyền thanh, truyền hình và báo chí không còn đả động gì tới thiên tai, các nạn nhân sẽ bị quên lãng. Sự quên đi lời hứa sẽ được giải thích với nhiều lý do!
IV-THIÊN TAI SÓNG THẦN TẠI Á CHÂU PHẢI CHĂNG LÀ CƠN "ĐẠI HỒNG THỦY THỨ HAI?"
Nhìn khung cảnh hãi hùng do thiên tai sóng thần gây nên tại Á Châu, ai trong chúng ta không liên tưởng đến trận "Đại Hồng Thủy" đã tiêu diệt không biết bao nhiêu người và thú vật, được nói đến trong Cựu Ước? Chỉ có gia đình ông NO-EL và các đôi thú vật sống sót, nhờ được đem vào chiếc thuyền khổng lồ.
Nhìn cảnh tượng hoang tàn, chết chóc của hàng trăm ngàn người, ai trong chúng ta không thương tiếc và suy tư: phải chăng thế giới sẽ đi đến ngày tận diệt?
-Nếu người ta không biết bảo vệ môi trường, cứ thả đại hơi độc lên không gian, làm thay đổi thời tiết: mưa lụt, bão táp bất thường; … sẽ có ngày con người bị chôn vùi dưới lòng biển. Nếu người ta cứ làm cho lỗ hổng Ozon ngày càng lớn thêm, đến một ngày nào đó, nhân loại sẽ bị tiêu diệt bởi tia tử ngoại của mặt trời!
-Nếu người ta cứ tiếp tục thử bom nguyên tử trong lòng đất, hay dưới biển sâu … biết đâu, đến một ngày nào đó trái đất sẽ nổ tung và những người sống sót lại được chứng kiến một cảnh "Tạo thiên lập địa" lần thứ hai?
Phải chăng đây là một điềm báo cho trận "Đại Hồng Thủy thứ ba?
UKRAINE Một Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Không đổ máu
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Trong những ngày qua, cả thế giới đều chứng kiến một trong các cuộc biểu tình lớn nhất và lâu nhất của dân chúng Ukraine. Bất kể trời tuyết, mưa phùn và gió lạnh, hàng chục ngàn người, từ nông thôn tới thành thị, đã hăng say xuống đường, tiến về thủ đô để phản đối Ủy ban Bầu cử Trung ương, và đòi hủy bỏ kết quả của cuộc bầu cử đã được tổ chức ngày 21.11.04.
Để hiểu rõ vấn đề, chúng tôi xin trình bày các điểm sau đây:
I- ĐÔI HÀNG VỀ QUỐC GIA UKRAINE
- Về Địa Lý và Dân Số:
Ukraine có diện tích rộng 603.700 cây số vuông. Thủ đô là Kiev. Dân số tính đến tháng 7 năm 2004 có khoảng 47.732.079 người, trong đó có 77,8% Ukraine, 17,3% Nga, 0,6% Belarus, 0,5% Moldovan, 0,5%, Crimean Tatar, 0,4% Bảo Gia Lợi, 0,3% Hung Gia Lợi, 0,3% Lỗ Ma Ni, 0,3% Ba Lan, 0,2% Do Thái, và 1,8% người các sắc tộc khác.
Về Tôn Giáo:
Các tôn giáo tại Ukraine gồm:
- Giáo Hội Chính thống Nga có 26,5%,
- Giáo Hội Chính thống Kiev có 20%,
- Giáo Hội Công giáo Hy Lạp có 13%
- Các Giáo Hội khác gồm: Chính Thống độc lập, Tin Lành và Do Thái.
Về Ngôn Ngữ:
Các thứ tiếng thông dụng gồm: tiếng Ukraine, Nga, Lỗ Ma Ni, Ba Lan và Hung Gia Lợi.
- Về Lịch Sử:
Ukraine hay Kievan Rus, được coi là quốc gia đầu tiên của dân Slavic (nói tiếng Ba-Lan và Nga), một trung tâm rộng lớn và quyền lực nhất trong thế kỷ 10 và 11 tại châu Âu. Sau đó quốc gia này bị suy yếu bởi tranh chấp nội bộ và cuộc xâm lăng của người Mông Cổ. Sau khi thoát ách xâm lăng, Ukraine sát nhập vào Lithuania và nằm trong Cộng đồng Thịnh Vượng Chung Ba Lan và Lithuania. Di sản văn hóa và tôn giáo của Kievan Rus là căn bản của chủ nghĩa quốc gia trường tồn qua nhiều thế kỷ.
Quốc gia Ukraine hay Cossack Hetmanate được thành hình vào giữa thế kỷ 17, sau cuộc nổi dậy chống lại người Ba Lan. Tuy tiếp tục bị áp lực của Nga Sô, người dân Cossack đã dành được quyền tự trị trên 100 năm. Vào những năm cuối của thế kỷ 18, phần lớn đất đai của người thiểu số Ukraine bị sát nhập vào Đế quốc Nga. Khi Nga Hoàng Cza bị lật đổ vào năm 1917, Ukraine được tự trị một thời gian ngắn, từ năm 1917-1920. Sau đó bị Sô-viết tái chiếm và đặt dưới quyền cai trị bạo tàn của chế độ Cộng sản. Đặc biệt nạn đói khủng khiếp do nhà độc tài Stalin gây nên, bằng lệnh cấm tiếp tế lương thực cho vùng chống cộng sản này, đã xẩy ra vào thời kỳ 1921-1922 và 1932-1933, khiến cho hơn 8 triệu người bị chết. Trong Thế Chiến II, chiến tranh giữa quân đội Đức và Sô-viết tạo nên thảm họa cho từ 7 tới 8 triệu người Ukraine bị giết.
Mặc dù năm 1991, Nga Sô cho Ukraine độc lập; nhưng vấn đề tự do dân chủ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chương trình cải tiến và phát triển kinh tế vẫn chưa thực hiện đúng mức theo nguyện vọng của toàn dân.
- Về Chính Quyền:
Quốc gia Ukraine được lãnh đạo bởi Tổng thống Leonid D. Kuchma kể từ ngày 19.7.1994. Thi hành chính sách của Tổng thống là chính phủ, do Thủ tướng Viktor Yanukovych cầm đầu kể từ ngày 21.11.2002.
Bên cạnh cơ cấu Hành Pháp là Tối Cao Pháp Viện và Quốc Hội, được gọi là Hội đồng Tối cao Verkhovna Rada. Quốc hội có 450 dân biểu. Theo luật bầu cử thì 225 ghế dành cho các đảng đạt được 4% phiếu trở lên và 225 ghế dành cho các ứng cử viên độc lập. Nhiệm kỳ của các dân biểu là 4 năm.
- Về đảng phái:
Ukraine có 16 đảng phái khác nhau đại diện cho đủ mọi thành phần trong xã hội. Các đảng phái được xếp theo hai khuynh hướng chính trị khác nhau.
Nhóm thứ nhất chủ trương xây dựng và phát triển đất nước đặt trên cơ sở tự do dân chủ theo cách tổ chức của Tây phương. Thủ lãnh có uy tín nhất của nhóm này là ứng cử viên Tổng thống Viktor Yushchenko.
Nhóm thứ hai tiếp tục chịu ảnh hưởng chính sách độc tài và tập trung quyền lực theo hệ thống Nga Sô. Đại diện cho nhóm này là đương kim Thủ tướng Viktor Yanukovych.
II- TẠI SAO CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG NGÀY 21.11.2004 LẠI BIẾN THÀNH CUỘC BIỂU TÌNH CHỐNG ĐỐI VÀ LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN?
Dựa vào sử liệu nêu trên, chúng ta thấy sự xung đột bắt nguồn từ một lịch sử đẫm máu và đầy nước mắt. Dân tộc Cossack đã không được tự do dân chủ trong nhiều thế kỷ; đặc biệt dưới chế độ cai trị bạo tàn của Stalin. Gần 20 triêäu người bị chết là một chứng minh thực tế. Sau khi toàn bộ hệ thống cộng sản Liên Sô và Đông Âu bị sụp đổ; người dân Cossack xưa và Ukraine ngày nay được chứng kiến nếp sống tự do dân chủ mà các dân tộc Đông Âu hiện đang đượïc hưởng. Nếp sống này có được là do chương trình xóa bỏ tàn dư của chế độ cộng sản và đưa đất nước tiến theo chủ nghĩa Tư bản và kinh tế thị trường. Hình ảnh các quốc gia Tây phương là tấm gương sáng khiến cho người dân Ukraine ý thức được sự cần thiết phải canh tân đất nước và loại bỏ cái thối nát của thời Đế quốc Đỏ, còn tồn tại trong đầu óc của một số người lãnh đạo độc tài.
Cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua là một cuộc bầu cử gian lận và bất công. Ủy ban Bầu cử Trung ương đã tuyên bố thắng lợi về đương kim Thủ tướng Yanukovych, trong khi đa số người dân được hỏi thì họ trả lời là bầu cho Yushchenko. Sự gian dối trong cuộc bầu cử cũng được các quan sát viên Tây phương của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu (OSCE) xác nhận. Chính vì vậy mà thủ lãnh đối lập Yushchenko đã hô hào biểu tình chống cuộc bầu cử gian lận và đòi hỏi Quốc Hội hủy bỏ kết quả bầu cử.
Chính phủ Mỹ, qua Bộ trưởng Ngoại giao Colin Powell, Tổng Thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer, Chủ tịch Ủy ban Đặc nhiệm Liên Hiệp Âu Châu Jose Manuel Barroso, Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder và Phó Thủ tướng Gia Nã Đại, Anne McLellan v.v… đã đồng thanh tuyên bốõ phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử. ĐGH Gioan Phaolô II thì ưu tư và cầu nguyện cho dân chúng Ukraine.
Đặc biệt nhất là cựu Tổng thống Ba Lan, Lech Walesa, người hùng lãnh đạo Liên đoàn Đoàn kết (Solidarity) đã có công lật đổ chế độ cộng sản Ba Lan, cũng tới thủ đô Kiev ủng hộ dân chúng trong cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ.
Cuộc tranh chấp trở nên căng thẳng thêm, vì Tổng thống Nga Putin trong cuộc công du Âu Châu trong thượng tuần tháng 12.2004, lại tuyên bố ủng hộ Thủ tướng Yanukovych. TT. Putin cũng lên án các quốc gia Tây Âu đã nhúng tay vào nội bộ của Ukraine. Chính phủ Nga đã tung hàng trăm triệu Mỹ-kim vào cuộc bầu cử, và chính Tổng thống Putin đã hai lần tới Ukraine trong thời gian vận động bầu cử cốt ủng hộ gà nhà Yanukovych.
Cuộc biểu tình chống bầu cử gian lận kéo dài hơn hai tuần lễ và những người đeo khăn quàng cổ mầu vàng cam đã không nản chí, dù trời mưa to, tuyết rơi và gió bão. Sự kiện này nói lên quyết tâm của dân chúng muốn đất nước phải chuyển mình theo đà văn minh tiến bộ của thế giới.
Cuối cùng, ngày 28.11.2004, Quốc Hội đã ban hành quyết định cảnh cáo chính phủ không được dùng bạo lực đàn áp cuộc biểu tình ôn hòa; sau đó chính thức phủ nhận kết quả bầu cử. Tối Cao Pháp Viện, ngày 5.12.2004 đã tuyên bố cuộc bầu cử trong cuối tháng mười một vừa qua là bất hợp pháp. Ngày 8.12.2004, Quốc Hội biểu quyết một số đạo luật nhằm cải tổ luật bầu cử và hạn chế một phần quyền hành của Tổng thống. Có 402 phiếu thuận và 48 phiếu chống. Sau cuộc đàm phán có sự tham dự của cả hai phe, cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 26.12.2004.
Nhằm bảo đảm sự công bằng và tránh tình trạng gian lận trong bầu cử, phe đối lập của ứng cử viên Yushchenko đã yêu cầu Tổ chức An ninh và Hợp Tác Âu Châu gửi 2.000 quan sát viên tới Ukraine. Số lượng này đông gấp hai ba lần so với cuộc bầu cử ngày 21.11.2004.
Tuy vậy, các đề nghị của cựu Tổng thống Leonid D. Kuchma nhằm hạn chế quyền hành của Tổng thống trong tương lai được Quốc Hội thông qua lại là một bất lợi cho Yushchenko. Lý do: trong Quốc Hội phe của cựu Tổng thống và đương kim Thủ tướng Yanukovych vẫn nắm đa số. Họ có quyền chấp thuận hay không một số Bộ trưởng do Tổng thống đề nghị. Đặc biệt chức vụ Thủ tướng, Bộ trưởûng Quốc phòng và Ngoại giao, Giám đốc ngành an ninh và Công tố vẫn thuộc quyền bổ nhiệm của Quốc Hội. Đây là một trong các trở ngại lớn cho chương trình bài trừ tham nhũng và tệ đoan xã hội của Tổng thống Ukraine trong tương lai.
Như vậy, dù Yushchenko có thắng cử đi chăng nữa, chương trình canh tân đất nước, cải tổ kinh tế và bài trừ tham nhũng … vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đây chính là cú đá "giò lái" của phe Yanukovych thân Nga, để bù lại sự thất bại nhục nhã trong cuộc bầu cử gian lận vừa qua.
III- ỨNG CỬ VIÊN TỔNG THỐNG YUSHCHENKO BỊ ĐẦU ĐỘC!
Vì chủ chương thân Tây phương và Hoa Kỳ, gia nhập khối NATO và trở thành hội viên của Liên Hiệp Âu Châu, nên Yushchenko có thể bị chính quyền và nhóm thân Nga Sô cố tình đánh gục bằng mọi giá. Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình BBC Yushchenko đã nói ông bị nhiều thư từ đe dọa tới mạng sống suốt trong thời gian vận động tranh cử. Ông nói:
"Tôi biết, đất nước nào tôi đang sống và tôi biết cái mà chính quyền ở đây có thể cố gắng hành động. Vấn đề liên quan tới đầu độc, tôi đang chờ đợi."
Ngày thứ năm, 25.11.2004, theo tin tức từ bệnh viện tư Rudolfinerhaus tại thủ đô Vienna của Áo quốc, thì Yushchenko có thể bị đầu độc vào thức ăn. Các bác sĩ đã yêu cầu các chuyên gia ngoại quốc giúp đỡ. Họ nghi ngờ ông ta bệnh vì bị trúng độc (Toxins). Nhận định này dựa trên cơ sở là trước cuộc bầu cử, Yushchenko có gương mặt trẻ đẹp như một nam tài tử màn bạc; nhưng sau đó bỗng nhiên khuôn mặt ông ta trở nên đỏ bầm, đầy mụn, trông già nua và xấu xí vào những ngày cuối của cuộc bầu cử.
Theo Thông Tấn Xã Áo quốc thì Giám đốc bệnh viện, ông Michael Zimpfer, và Lothar Wicke, bác sĩ trưởng bệnh viện, đã phải yêu cầu cảnh sát bảo vệ, vì các ông cũng bị đe dọa. Đây là một bằng chứng chứng minh phe thân Nga muốn hạ sát đối thủ theo Tây phương của họ.
KẾT LUẬN
Cuộc đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ ở đâu cũng vậy và trong thời đại nào cũng gặp gian nan và nguy hiểm. Biết bao chiến sĩ tranh đấu cho lý tưởng tự do và nhân quyền đã, đang và sẽ còn bị bạo quyền giết chết. Giá trị của tự do thật là cao quí và không gì có thể so sánh được, vì nó được trả bằng máu và nước mắt của hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhân dân Ukraine thoát khỏi chế độ độc tài và Yushchenko thoát mọi nguy hiểm. Hy vọng dân chúng Ukraine có dịp sát vai cùng với dân chúng Âu Châu trong công cuộc xây dựng một nền hòa bình lâu dài tại lục địa này.
- John F. Kerry thua George Bush trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 2.11.2004
- Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2004
- Cựu TT. Ronald Reagan từ trần
- Như truyện thần tiên từ đảo Tasmania, Úc Châu
- Iraq là khúc xương khó nuốt
- Tây Ban Nha bạo lực khủng bố Al-Qaeda
- Nguyễn Cao Kỳ có triển vọng thành cháu ngoan Bác Hồ
- Cựu Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ
- Năm Khỉ Nói Chuyện Việt Nam
- Pháp lệnh tôn giáo là xiềng xích