Biến cố trong tháng
Do Thái và Palestine, cuộc tranh chấp lâu dài nhất thế giới
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Đôi lời mở đầu
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi nhận được điện thư (email) của độc giả dài hạn Nguyệt-san Dân Chúa Âu Châu hỏi về vấn đề sự thành hình quốc gia Do Thái, các cuộc xung đột giữa Do Thái và các nước Ả Rập, các cuộc xung đột giữa Do Thái và Palestine, bao giờ quốc gia Palestine thành hình và viễn tượng hòa bình giữa Do Thái và các nước Ả Rập trong vùng... Cũng có độc giả thắc mắc tại sao nhà độc tài Adolf Hitler lại hận thù và giết gần 6 triệu người Do Thái trong Thế-chiến II?
Đây có lẽ cũng là những câu hỏi của nhiều độc giả đang cần tìm hiểu.
Do Thái và Palestine là vấn đề lớn không chỉ liên quan trực tiếp tới nền an ninh của hai dân tộc Do Thái và Palestine mà còn ảnh hưởng cả đến các nước Ả Rập trong vùng và Thế-giới.
Vấn đề Do Thái và Palestina không chỉ là một kinh nghiệm xung đột lịch sử dai dẳng nhất, mà nó còn có thể gây nguy hại trực tiếp tới người theo Thiên Chúa Giáo trên Thế-giới.
Vấn đề Do Thái và Palestina vẫn được tổ chức al-Qaeda lợi dụng để phát động các cuộc khủng bố Do Thái, Hoa Kỳ và Đồng-minh Tây-phương theo Thiên Chúa giáo, mà họ cho là "Thập Tự Quân" của thời đại mới chống các nước Islam. Cuộc chiến xâm lăng quốc gia Hồi-giáo Iraq và A Phú Hãn (Afghanistan) là hai bằng chứng cụ thể.
Vấn đề Do Thái và Palestine cho đến nay vẫn còn nằm trong giai đoạn tranh chấp gay go và có nguy cơ đưa đến cuộc chiến khốc liệt, nếu Iran trực tiếp ủng hộ dân Palestine và tấn công Do Thái bằng vũ khí nguyên tử. Iran luôn ủng hộ tiền bạc và vũ khí cho tổ chức Hezbollah, Muslim hệ phái Shia, tại phía Nam Lebanon. Cuộc viếng thăm Lebanon của Tổng-thống Iran, Mahmoud Admadinejah, vào ngày 13.10.2010 là một bằng chứng chứng tỏ sự phô trương sức mạnh và khiêu khích Do Thái.
Vì thế, chúng tôi sẽ trình bày một số bài nằm trong chủ đề "Do Thái và Palestine, cuộc tranh chấp lãnh thổ lâu dài nhất Thế-giới". Các bài này được thay thế bài "Biến Cố Trong Tháng", nếu trên Thế-giới không có biến cố nào quan trọng xẩy ra trong tháng liên hệ.
Bài 1
QUỐC GIA DO THÁI VỚI NHỮNG THĂNG TRẦM LỊCH SỬ
I)- QUỐC GIA DO-THÁI TRƯỚC CÔNG NGUYÊN
1)- Sự thành hình quốc gia Do Thái về phương diện lịch sử dân số
Sách Phúc Âm theo Thánh Matthêu khởi đầu bằng bản tường thuật Gia Phả của Chúa Giêsu (Mt 1: 1-17) và bắt đầu từ Tổ-phụ Abraham. Như vậy Tổ-phụ Abraham được coi là mốc lịch sử của Do Thái.
Theo Kinh Thánh Cựu Ước, Sách Khởi Nguyên, ông Abraham (Thế kỷ XIX trước Chúa giáng sinh) có cha tên là Terah, người gốc thành Ur, sắc tộc Chaldeans, vùng đất Mesopotamia, Iraq ngày nay. Gia đình đã di chuyển sống đời du mục tại miền Haram. Từ Haram, Thiên Chúa đã dẫn đưa Abraham xuống phía Tây-Nam đến miền Canaan và cuối cùng định cư tại giải đất Palestine, sát bờ biển Địa Trung Hải. Abraham lúc đầu có tên là Abram, nhưng đã được Thiên Chúa đổi tên là Abraham (Khởi Nguyên 17: 5) khi Người ký Giao Ước với ông.
Ông Abraham và vợ Sarah đã sinh ra Isaac. Isaac và vợ Rebecca sinh ra Jacob, sau được đổi tên là Israel (Khởi Nguyên 32: 29). Jacob sinh được 12 người con là tổ phụ của 12 chi họ Israel. Do đó, khi tái lập quốc gia (vào ngày 14 tháng 5 năm 1948), người Do Thái đã đặt tên nước mình là Israel. Mười hai người con trai của Jacob là: Reuben (đầu lòng) Simeon, Levi, Judah, Issachar, Zebulun (Mẹ là Leah) Joseph, Benjamin (Mẹ là Rachel), Dan, Neptali (Mẹ là Bilhah), Gad, Asher (Mẹ là Zilpah) (Khởi Nguyên 35: 23-26).
Vào khoảng năm 1630 (trước Chúa giáng sinh), vì nạn đói xảy ra tại vùng đất Canaan, nên cả gia đình Jacob đã phải sang sinh sống tại Ai Cập và phát triển thành một dân đông đảo. Sau 405 năm, tức vào năm 1225 (trước Chúa giáng sinh), vì bị người Ai Cập áp bức bắt làm nô lệ, nên Môi-sê đã được Thiên Chúa chọn làm người lãnh đạo để đưa cả dân tộc thóat khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, vượt qua sa mạc Sinai để trở về lại quê hương là “đất Chúa đã hứa” ban cho tổ phụ Abraham (Sách Xuất Hành).
Theo sách Dân số (Genesis) trong Kinh Thánh Cựu Ước thì có thể nói quốc gia Do Thái (Israel) được thành hình vào ngày 1 tháng 2 năm thứ 2, sau khi dân Do Thái được Môi-sê cứu ra khỏi Ai-cập vào năm 1225 trước Công-nguyên (BCE) và tiến hành việc kiểm tra dân số.
"1 Tại sa mạc Xi-nai ngày mồng một tháng hai năm thứ hai kể từ khi con cái Ít-ra-en ra khỏi đất Ai-cập, Ðức Chúa phán với ông Mô-sê trong Lều Hội Ngộ rằng: 2 ”Các ngươi hãy kiểm tra dân số toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en theo thị tộc và gia tộc, lập danh sách mọi người đàn ông từng người một. 3 Những người từ hai mươi tuổi trở lên, nghĩa là mọi người trong dân Ít-ra-en đến tuổi nhập ngũ, thì ngươi và A-ha-ron hãy liệt kê theo đơn vị của chúng. 4 Mỗi chi tộc còn phải có một người giúp các ngươi, người ấy phải là tộc trưởng." (trích Kinh Thánh Cựu Ước - Dân Số - Chương 01 - Bản dịch Việt Ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
12 chi tộc đầu tiên của dân tộc Do Thái gồm: Reuben, Simeon, Judah, Issachar, Sabulon, Joseph (Epraim), Manasseh, Benjamin, Dan, Asher, Gad, Naphtali.
Cuộc kiểm tra dân số đưa tới kết quả: Chi tộc Rưu-vên: 46.500 người, chi tộc Si-mê-ôn: 59.300, chi tộc Gát: 45.650, chi tộc Giu-đa: 74.600, chi tộc Ít-xa-kha: 54.400, chi tộc Dơ-vu-lun: 57.400, chi tộc Ép-ra-im (Giu-se): 40.500, chi tộc Mơ-na-se: 32.200, chi tộc Ben-gia-min: 35.400, chi tộc Ðan: 62.700, chi tộc A-se: 41.500, chi tộc Náp-ta-li: 53.400.
Ðó là những người đã được ông Mô-sê và ông A-ha-ron kiểm tra cùng với mười hai người phụ trách Ít-ra-en, mỗi người phụ trách gia tộc mình. Tất cả con cái Ít-ra-en đã được kiểm tra theo gia tộc của họ, từ hai mươi tuổi trở lên, tất cả các chiến binh trong dân Ít-ra-en, tổng số người được kiểm tra, là 603.550 người.
(BCE viết tắt của nhóm chữ: Before Common Era hay BC: Before Chritus (trước Đức Giê-Su) trước Công-nguyên (viết tắt là TCN). CE: Common Era hay A.D: Anno Dommini: Năm của Thiên Chúa – theo lịch Gregorian hay Tây lịch, kể từ năm 1 trở đi tính là sau Công nguyên (CN) thường người ta không đề gì cả.)
2)- Sự thành hình quốc gia Do Thái về phương diện địa lý.
Vào thời điểm năm 1225 (TCN) đất Canaan nằm giữa sông Jordan và biển Địa Trung-hải. Canaan trên bản đồ bao gồm lãnh thổ Do Thái, Lebanon, Palestine và Jordan ngày nay.
Biên giới xứ Ca-na-an
“1 Ðức Chúa phán với ông Mô-sê: 2 “Hãy ra lệnh cho con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Khi anh em vào đất Ca-na-an, thì phần đất rơi vào tay anh em làm gia nghiệp, chính là đất Ca-na-an với các biên giới như sau: 3 Phía nam, đất của anh em sẽ bắt đầu từ sa mạc Xin, giáp giới Ê-đôm. Ranh giới phía nam sẽ khởi sự từ cuối Biển Muối, ở mạn đông. 4 Rồi ranh giới đó sẽ vòng xuống phía nam, lên giốc Ác-ráp-bim, đi qua Xin, đến phía nam Ca-đê Bác-nê-a, rồi lại tiến về Kha-xa Át-đa và đi qua Át-môn; 5 sau đó, từ Át-môn, ranh giới vòng xuống Suối Ai-cập để đi ra Biển. 6 Phía tây, anh em sẽ có Biển Lớn làm ranh giới. Ðó sẽ là ranh giới phía tây của anh em. 7 Và đây là ranh giới phía bắc: từ Biển Lớn, anh em sẽ vạch một đường lên núi Ho; 8 rồi từ núi Ho, anh em sẽ vạch một đường đến Cửa Ải Kha-mát. Ranh giới sẽ đi đến Xơ-đát, 9 rồi chạy tiếp đến Díp-rôn và đi tới Kha-xa Ê-nan. Ðó sẽ là ranh giới phía bắc của anh em. 10 Sau đó, anh em sẽ vạch một đường làm ranh giới phía đông từ Kha-xa Ê-nan đến Sơ-pham. 11 Từ Sơ-pham, ranh giới đó sẽ đi xuống Ríp-la, ở phía đông A-gin. Ði xuống nữa, ranh giới đó sẽ tiếp giáp với các đồi phía đông biển hồ Kin-ne-rét; 12 rồi đi xuống theo dọc sông Gio-đan và đi tới Biển Muối. Ðó sẽ là đất của anh em với các ranh giới chung quanh.” (Kinh Thánh Cựu Ước - Dân số - Chương 34) (Xin coi hình bên trái tựa đề bài viết ở trên).
3)- Sự thành hình quốc gia Do Thái về phương diện chính quyền
Xét về công pháp quốc tế ngày nay, được gọi là một quốc gia cần có một lãnh thổ, một dân tộc và một chính quyền. Dựa trên yếu tố này, quốc gia Do Thái tạm coi là chính thức thành hình vào năm 1225 (TCN), với cơ chế tổ chức giống một chính quyền, đứng đầu là Môi-sê, A-ha-rôn điều hành và 12 chi tộc có lực lượng quốc phòng là các thanh niên tuổi quân dịch từ 20.
Tuy nhiên, nếu dựa vào tổ chức hành chính của một quốc gia thì quốc gia Do Thái (Melech Ysra’el) có một chính phủ quân chủ đúng nghĩa bắt đầu là triều đại vua Saul ben Qysh, (1030-1010 TCN), Thủ-đô Gibeah/Givat Shaul, kế đến là triều đại vua Ishbaal (1010-1008 TCN), Thủ-đô Mahanaim; rồi thời đế-quốc Do Thái với vua Đa-vít (David) (1008-970 TCN) thủ-đô đặt tại Hebron (7 năm) sau dời về Jerusalem (33 năm) và thời huy hoàng con vua Đa-vít là vua Salomon (970-931 TCN) Thủ-đô vẫn tại Jerusalem. Sau đó 12 chi tộc chia rẽ nhau và Do Thái bị phân chia thành hai vương quyền: Vương-quyền Judah (Judea) ở phía Nam và Vương-quyền Israel ở phía Bắc. Chính sự chia rẽ này dẫn tới sự mất nước về tay các dân tộc khác trong vùng và dân Do Thái bị lưu đày và bị bắt làm nô lệ.
**Lịch sử quốc gia Do Thái với Thủ-đô Jerusalem về phương diện pháp lý được tính kể từ thời quân chủ đầu tiên năm 1030 (TCN), triều đại vua Saul.
Trên thực tế người ta thường nhắc đến vua Đa-vít nhiều hơn, vì vào thời điểm này quốc gia Do Thái được thống nhất và trở thành Đế-quốc bá chủ trong vùng.
4)- Dân Do Thái bị mất nước vào tay Assyria (Iraq)(900-607 TCN)
Theo Kinh Thánh và tài liệu Assyria, Damascus và vương quốc Israel bị vua Tiglath Pileser III chinh phục vào năm 732 (TCN). 10 trong số 12 chi tộc của Dân Do Thái bị lưu đầy tại Assyria sau bị xóa nhoà. Số còn lại ẩn trốn nhiều nơi trên đất nước. Năm 720 (TCN) vương quyền Israel phía Bắc bị sụp đổ, kể cả vương quốc Philistine (Palestine). Kinh Thánh cũng nói vua Assyria là Sennacherib đã thất bại trong việc chinh phục Judah (Judea) ở phía Nam. Năm 722 (TCN) Assyria chinh phục hoàn toàn vương quốc Israel và người Do Thái phía Bắc phải tha hương.
5)- Do Thái dưới thời cai trị của Babylon (607-536 TCN)
Đế quốc Assyria sau đó bị sụp đổ và Đế-quốc Babylon ra đời, chiếm và cai trị các lãnh thổ trước đây của Assyria. Assyria hay Iraq ngày nay là nơi Tổ-phụ Abraham sinh ra và Vườn Địa Đàng (Eden) nơi Thiên Chúa tạo dựng Tổ-tông loài người “Adam” và “Eva” từ bụi đất cũng ở đây, vùng thung lũng Tigris và Euphrates, giữa Babylon và vịnh Ba Tư (Iran).
Năm 586 (TCN): vương quyền Judea bị mất về tay Babylon dưới triều đại Nebuchadnezzae II (586-140 TCN). Đền thờ Jerusalem thứ nhất của vua Salomon bị phá huỷ và dân Do Thái bị lưu đầy qua Babylon.
Lịch sử dân Israel bị mất chủ quyền đất nước và bị lưu đày được kể từ thời điểm này.
Quí độc giả lớn tuổi chắc vẫn còn nhớ và thuộc bài thánh ca “Thân phận lưu đày” của nhạc sĩ Tiến Dũng, Đỗ Xuân Quế trong Mùa Vọng Giáng Sinh:
“ÐK. Bên sông Ba-bi-lon, ngồi tôi khóc, ngồi tôi khóc, ngồi tôi khóc Si-on, Si-on! Bên sông Ba-bi-lon, tiếng thông reo, tiếng thông reo, tiếng thông reo nỉ non, nỉ non…”
Đây là bài ca thống thiết não nề của người dân Do Thái bị lưu đày nhớ về quê hương Si-on, nhớ một thời vàng son dưới triều đại Đa-vít và Sa-lô-mon đã qua.
6)- Dân Do Thái dưới thời cai trị của Ba Tư (Iran)
Năm 539 (TCN): Vương quốc Babylon bị sụp đổ. Ba Tư (Iran) nắm quyền cai trị Do Thái. Vua Ba Tư là Cyrus Đại Đế cho phép người Do Thái quay trở về quê hương và được phép xây lại thành và đền thờ Jerusalem. Đền Thờ thứ hai được xây dựng vào năm 516-519 (TCN) trong triều đại của vua Darius Đại Đế, tức 70 năm sau khi Đền thờ Thứ nhất bị phá hủy. 50.000 người Do Thái được phép trở về Judea dưới quyền chỉ huy của Zerubabel và sau đó tái xây dựng thành Jerusalem.
Năm 456 (TCN), nhóm thứ hai khoảng 5.000 người dưới quyền hướng dẫn của Ezra và Nehemiah trở về Judea. Theo tài liệu lịch sử thì dân không phải Do Thái đã viết thư cho Đại-đế Cyrus nhằm ngăn chặn người Do Thái trở về nước.
7)- Do Thái dưới thời cai trị của Hy Lạp
Năm 333 (TCN) Đại-đế Alexander đánh bại Ba Tư và chinh phục Judea. Quyển Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Do Thái "Hebrew" được dịch ra tiếng Hy Lạp tại Thủ-đô Alexandria, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Alexander chết, năm 305 (TCN) Do Thái rơi vào sự tranh chấp giữa Đế-quốc Seleucid (Syria) và Ptolemy I Soter, tự xưng là Pharaoh của Ai Cập, nhưng vẫn còn là một phần của Đế-quốc Seleucid.
Năm 174-135 (TCN), vua Antiochus II Epiphanes của Đế-quốc Seleucid muốn tiêu diệt đạo Do Thái (Judaism) và thay thế bằng đạo Hy Lạp (Hellenism), nên người Do Thái đã làm cuộc cách mạng chống đối do Judas Maccabeus cầm đầu. Cuộc cách mạng đã chấm dứt sự cai trị của Hy Lạp và được người Do Thái kỷ niệm trong ngày lễ Hanukkah.
Năm 164 (TCN), Jerusalem được giải phóng. Judah được đặt tên là bạn của dân chúng và quốc hội Rô-ma. Judea được cai trị bởi nhà Maccabees năm 166 (TCN), Judah năm 160 (TCN) và Jonathan năm 143 (TCN).
8)- Do Thái độc lập dưới triều đại Hasmonea (140 - 37 TCN)
Vương-quyền tôn giáo Hasmonea của Israel dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng Simon Maccabaeus, sau hai thập niên người anh là Judas Maccabee nổi lên, vào năm 165 (TCN), chống quân đội Seleucid. Vương quyền Hasmonea tồn tại được 130 năm sau rơi vào tay Vương quyền Hê-rốt (Herod) vào năm 37 (TCN) dưới thời cai trị của Đế-quốc Rô-ma. Thời kỳ này Do Thái coi như được độc lập và tự trị về lãnh vực tôn giáo. Các thày Rabbin của đạo Do Thái cầm quyền và Thày Thượng phẩm Đền Thánh Jerusalem được coi như một ông vua. Năm 125 (TCN) vua Hasmonea là John Hyrcanus chiếm Edom và bắt dân vùng này cải đạo Do Thái.
9)- Dân Do Thái dưới thời cai trị của Đế -quốc Rô-ma (64 (TCN) – 630 CN)
-Dị Giáo Rô-ma (Pagan Rome - 64 (TCN) - 330)
Năm 64 (TCN) tướng Rô-ma là Pompey chinh phục Judea. Tuy vậy, Đền thờ Do Thái ở Jerusalem trở thành cấu trúc tôn giáo duy nhất trong Cộng-hòa Rô-ma (Đế-quốc Rô-ma), được phép không treo hình Hoàng-đế Rô-ma. Từ năm 37 (TCN) đến năm 6 (CN) vua Hê-rốt (Herod) cai trị Judea đã nới rộng Đền Thánh và đổi tên đền thành Đền Herode. Đền này được coi là đền thờ lớn nhất Thế-giới vào thời điểm đó.
II- SAU CÔNG NGUYÊN
Năm 6 phần lớn đất nước Do Thái trở thành một tỉnh của Syria trực thuộc quyền cai trị của Đế-quốc Rô-ma. Tuy nhiên dân Do Thái là một dân tộc bất khuất đã nổi dậy chống Đế-quốc Rô-ma nhiều lần.
1)- Cuộc chiến Do Thái - Rô-ma đầu tiên (66-70)
Có 3 nguyên nhân dẫn tới các cuộc nổi dậy của dân Do Thái từ năm 66 tới 70:
Thứ nhất: Hoàng-đế Nero cần tiền và ra lệnh cho quan tổng trấn tại Judea là Gessius phải trưng dụng tiền bạc tại kho của Đền Thờ. Khi một vài người nghịch ngợm đầu đội mũ tròn đi qua thì quan bắt thuộc hạ phạt; nhưng khi họ bắt không được thì quan sai bắt người dân nào đi ngang qua để hành hạ.
Thứ nhì: sự xung đột tôn giáo giữa dân Do Thái và nhà cầm quyền Rô-ma.
Thứ ba: nguyên nhân chính là sau 60 năm phải đóng thuế cao cho Đế-quốc Rô-ma, người Do Thái bất mãn, vì tiền thuế lại được sử dụng tại Ý và biên giới. Dân Judea ngày càng nghèo và thất nghiệp, phải vay mượn hoặc bán đất.
Thứ tư: Từ một hy vọng mong manh: có lời trong sách Dân Số chương 24, đoạn 17 trong Kinh Thánh Cựu Ước: "17 Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en sẽ đập vào màng tang Mô-áp, đánh vỡ sọ tất cả con cái Sết."
"Một ngôi sao hiện ra từ Gia-cóp": người Do Thái nổi dậy theo Shimon Bar Kose, vì tên ông này quen gọi là Bar Kochba (con của sao trời) nên được hiểu là người cứu tinh (Messiah) của dòng họ Jacob đã đến. Bar Kochbar cầm đầu cuộc nổi dậy năm 132-136 và đặt tên nước lại là "Israel", tên của Ông Tổ Jacob.
Cuộc chiến đầu tiên xẩy ra vào năm 66 còn được gọi là "Cuộc nổi dậy vĩ đại". Đây là một trong ba cuộc nổi dậy lớn của dân Do Thái ở Judea chống Đế-quốc Rô-ma.
Cuộc nổi dậy đưa tới hậu quả là Hoàng-đế Titus Flabius Vespasianus ra lệnh tấn công phá huỷ thành và Đền Thánh Jerusalem vào năm 70. Biến cố này xẩy ra đúng như lời Đức Giê-Su đã báo trước:
Ðức Giêsu thương tiếc thành Giê-ru-sa-lem
(41) Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Ðức Giêsu khóc thương (42) mà nói: ”Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! ”Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. (43) Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. (44) Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm”. (Lu-ca, V- 41-44).
Cuộc nổi dậy thứ hai mang tên Kitos xẩy ra vào năm 115-117 và cuộc nổi dậy thứ ba có tên Bar Kokhba vào năm 132-135.
2)- Cuộc chiến Do Thái - Rô-ma lần thứ hai (115-117)
Năm 115-117 dân Do Thái ở Libya, Ai Cập (Egypt), đảo Cyprus (ở phía Nam ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ), Kurdistan (ở phía Bắc Iraq) và Lod (thành phố Sharon cách Thủ đô Tel Avis hiện nay của Do Thái 15 cây số về hướng Đông-Nam) nổi dậy chống Rô-ma. Cuộc nổi dậy này dẫn tới nhiều cuộc thảm sát hàng loạt của người Do Thái và Rô-ma. Toàn dân Do Thái ở đảo Cyprus bị xoá tên và không được sinh sống ở đây.
Năm 131, Hoàng Đế Hadrian dự tính xây lại thành Jerusalem nhu một món quà cho dân thuộc địa Do Thái. Nhưng khi ông ta tới Jerusalem đổ vỡ thì đổi ý xây thành khác mang tên Aelia Capitolina để cho quân sĩ cư ngụ và xây một đền thờ thờ thần Jupiter. Người Do Thái nổi dậy chống đối, sau đó bị đuổi khỏi Jerusalem và Judea bị đổi thành Palestina. Tên Palestine (tiếng Anh) và Filistin (tiếng Ả Rập) thoát thai từ đây.
3)- Cuộc chiến Do Thái - Rô-ma lần thứ ba (132-136)
Từ năm 132-136 Shimon Bar Kose, thường được gọi là Bar Kochba (con của sao trời) cầm đầu cuộc nổi dậy của người Do Thái đặt tên nước lại là "Israel" và đúc tiền cắc có hình ảnh Jerusalem của Do Thái tự do thay vì tiền của Rô-ma. Bar Kochba được người Do Thái coi như một Tiên-tri (Messiah) sẽ cứu dân Do Thái, vì cái tên "con của sao trời" của ông. Cuộc nổi dậy này kéo dài được 3 năm, sau đó bị Hoàng đế Hadrian sai tướng Saxtus Julius Severus từ Anh-quốc kéo quân sang Palestine dẹp.
Hậu quả của cuộc nổi dậy là 580.000 người Do Thái bị giết, 50 thành và 985 làng mạc bị phá hủy. Kinh Thánh Torah và lịch Do Thái bị cấm, các học giả Judaism bị xử tử, Cuộn Sách Thánh bị đốt ngay trên Đền-thờ Đá. Trên nền Đền Thờ cũ Hoàng-đế Adrian đặt 2 tượng thay vào đó, một tượng thần Jupiter, một tượng của ông ta. Để xóa hết tư tưởng về nước Judea, Hoàng-đế Adrian xóa tên Judea trên bản đồ và thay thế bằng tên Syria Palestina của người Philistine, cựu thù của Israel. Ông ta tái lập Jerusalem như là một thành phố của Rô-ma với tên mới là Aelia Capitilina. Người Do Thái không được vào thành này. Theo Kinh Thánh, ngoài việc xử tử Bar Kochbar, quân Rô-ma còn giết chết 10 Thày Thượng phẩm (Rabbins) của Tối Cao Pháp Viện thời đó và nhiều người bị hành hạ thể xác như: Rabbin Akiba bị lột da, Rabbin Ishmanuel bị lột da đầu từ từ, Rabbin Hanania bị cột chặt vào cây cột rồi cuộn kinh Torah quanh người đốt cho cháy từ từ.
4)- Do Thái dưới thời cai trị của Byzantine (Rô-ma Thiên Chúa giáo 330-631)
a)- Cuộc nổi dậy chống Hoàng-đế Constantius Gallus II và Caesar cai trị miền Đông (351-352)
Vào thế kỷ thứ tư vua Contanstine I theo đạo Thiên Chúa và trở thành Hoàng-đế Rô-ma. Đạo Thiên Chúa trở thành quốc giáo. Vì sự khác biệt về giáo lý trong Thiên Chúa giáo, Đế-quốc Rô-ma bị phân chia thành hai: Đế-quốc phương Tây (Công Giáo) và Đế-quốc phương Đông Byzantine chịu ảnh hưởng của Chính Thống Hy Lạp, Orthodox. Thủ-đô Đế-quốc phương Đông được dời về Byzantium sau đổi là Constantinople (ngày nay là Istambul thủ-đô Thổ Nhĩ Kỳ). Hoàng-đế Constantius Gallus II dành những đặc quyền cho Thiên Chúa giáo và kỳ thị các tôn giáo khác. Do đó người Do Thái nổi lên chống đối vào năm 351-352.
b)- Năm 628 Hoàng-đế Rô-ma Heraclius của Byzantine đánh bại vương quyền Sassanid của Ba Tư, chiếm lại Jerusalem. Dân Do Thái chống đối bị trục xuất khỏi đất Palestine và bị bắt làm nô lệ.
Năm 628 có thể coi đây là thời kỳ dân Do Thái hoàn toàn bị mất chủ quyền đất nước và phần lớn bị lưu đày khắp nơi trong Đế-quốc Rô-ma và phân tán trên thế giới.
5)- Do Thái dưới thời cai trị của Ả-rập (636-1099)
Năm 638: quân Ba Tư chiếm Jerusalem. Thủ lãnh Muslim (Caliph) Omar thỏa thuận bảo vệ người theo Thiên Chúa giáo. Đất Judea bị chia thành hai vùng quân sự: vùng Filastin (Palestine) ở phía Nam, thủ phủ tại Al-Lod sau đổi thành Ramlah và vùng Urdum ở phía Bắc, thủ phủ là Tiberias (Tabariyeh).
Kể từ năm 638 lãnh thổ Palestine bị đặt dưới sự cai trị của các thủ lãnh Muslim Rashidun ở Medinah (Ả Rập Saudi), rồi Umayyad ở Damacus (Syria) và Abbasid ở Baghdah (Iraq).
Năm 691, thủ lãnh Muslim Abd al-Malif (685-705) thuộc hệ Ummayyad xây Đền Thờ Hồi giáo ngay trên nền Đền Thờ Jerusalem thứ hai cũ của Do Thái đã bị quân Rô-ma phá hủy vào năm 70.
Năm 705, Đền thờ Hồi-giáo thứ hai, Al-Aqsa, được xây trên nền Đền Thờ Đá (Temple Mount) trong thành cổ Jerusalem. Đền Thờ Đá theo người Do Thái là nơi Thiên Chúa lấy bụi đất tạo nên ông Adam và Eva; đó là đất thánh của dân tộc và đạo Do Thái.
6)- Do Thái dưới thời Thập Tự Quân (Crusader 1099-1291)
Năm 1099, cuộc chinh chiến chiếm lại Jerusalem khỏi tay người Ả Rập do vua nước Pháp Louis XI chủ xướng được bắt đầu với đạo quân gồm các chí nguyện quân người Thiên Chúa giáo tại Âu Châu. Các chiến binh mang cờ có hình Thập Tự (Thánh Giá), nên gọi là Thập Tự Quân. Cuộc hành quân thành công, chiếm lại Jerusalem và thành lập Vương-quốc Jerusalem (Kingdom of Jerusalem). Trong thời kỳ này Palestine bị xóa tên và người Do Thái chống đối cũng bị giết nhiều và bán làm nô lệ. Đây là biến cố mà cả dân Do Thái, Palestine và Ả Rập đều hận thù. Ngày nay tổ chức khủng bố Al-Qaeda cố khơi lại biến cố này để khủng bố các quốc gia Thiên Chúa giáo Do Thái, Hoa Kỳ và Tây phương.
Năm 1260-1291 đất Do Thái nằm giữa lằn ranh tranh chiến trường, giữa Đế-quốc Mông Cổ và Vương quyền Mamluks của Ai Cập. Cuối cùng Sultan Baybars của Ai Cập đã đánh bại cả quân Mông Cổ và Thập Tự Quân vào năm 1291.
7)- Do Thái dưới thời cai trị của Hồi giáo Ai Cập (1260-1517)
Năm 1267 Babybars chiếm Hebron (cố đô của vua Đa-vít) và cấm dân Do Thái còn ở lại thờ phượng tại Đền Thánh thứ hai ở Judea. Sự sụp đổ của Thập Tự Quân đưa tới hậu quả là dân Do Thái bị tống xuất khỏi Âu Châu, bắt đầu tại Anh-quốc năm 1290; Pháp-quốc năm 1306 và Tây Ban Nha.
Năm 1453, Thủ-đô Byzantine bị rơi vào tay Đế-quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ, chấm dứt sự cai trị của người Thiên Chúa giáo tại Trung Đông. Tây Ban Nha chiếm lại được quyền lực và trục xuất người Do Thái vào năm 1492. Bồ Đào Nha cũng hành động tương tự vào năm 1497. Có những người Do Thái theo đạo Thiên Chúa và nhiều người chạy trốn sang Ba Lan, Bắc Phi và Nam Mỹ.
8)- Do Thái dưới thời Ottoman Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ (1517-1917)
Dưới thời Đế-quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman, đất Do Thái trở thành một phần của tỉnh Syria. Năm 1648-1654 có cuộc nổi dậy do Khmelnytsky cầm đầu ở Ukraine với mục tiêu tách rời khỏi Ba Lan. Cuộc nổi dậy bị thất bại và hơn 100.000 người Do Thái bị giết, đưa tới việc hồi cư của dân Do Thái về quê hương và sống quanh quẩn tại bốn thành phố cũ.
III- DO THÁI THỜI KỲ CẬN ĐẠI
1)- Phong trào và cuộc cách mạng Zion (1897-1917)
Cuộc cách mạng dân quyền tại Pháp-quốc vào năm 1789 có thể nói đã giải phóng người Do Thái tại Âu Châu và đưa tới quyền bình đẳng trong xã-hội. Nhưng sự đòi hỏi này gây nên việc chống đối quyền công dân của người Do Thái. Danh từ chống Do Thái "Antisemites" tại Âu Châu xuất hiện và hàng ngàn người Do Thái đã phải dời Nga Sô trở về đất Palestine. Năm 1870, Mikveh Israel thành lập Liên minh Israel Hoàn-vũ (Alliance Israelite Universelle), tiếp theo là Petah Tikva (1878), Rishon LeZion (1882) v.v…
Năm 1897, Hội nghị Zi-on thứ nhất (First Zionist Congress) công bố sẽ thiết lập quê hương cho dân Do Thái tại đất Palestine được bảo vệ bởi luật pháp.
2)- Anh và Pháp-quốc có ảnh hưởng và kiểm soát.
Trong Thế Chiến I (1914-1918), 4 tiểu đoàn chí nguyện quân của Do Thái mang tên "Jewish Legion hay Zion Mule Corps" đã được thành lập (1914-1915) và chiến đấu cùng Quân-đoàn 38 và 42 của Anh-quốc nhằm đánh bật quân Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi đất Palestine. Sau khi Đế-quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman bị sụp đổ chính phủ Anh do Thủ tướng Lloyd-George cầm quyền và qua Ngoại-trưởng Arthur James Balfour đã đưa ra một bản tuyên ngôn mang tên "Tuyên ngôn Balfour năm 1917" có nội dung như sau:
"Quan niệm Chính phủ của Nữ Hoàng với thiện chí thiết lập tại Palestine một quê hương cho dân tộc Do Thái, và sẽ tận dụng mọi nỗ lực tốt nhất để đạt tới mục tiêu này, cần hiểu rõ rằng không gì sẽ được thực hiện có thể gây ra định kiến về các quyền dân sự và tôn giáo của các cộng đồng không phải Do Thái hiện tồn tại ở Palestine, hay các quyền và tình trạng chính trị thủ đắc của người Do Thái trong bất cứ quốc gia khác nào"
Khi quân đội Anh giải phóng Trung Đông khỏi tay Thổ Nhĩ Kỳ và quản trị vùng này (1917-1948), chính phủ Anh thành lập 2 quốc gia tại vùng này:
-Palestine, gồm khu vực Bắc Do Thái, Bờ phía Tây (West Bak), Gaza và Jordan.
-Mesopotania: gồm nhiều vùng của Ottoman ở phía Nam Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, ngày nay là Iraq.
3)- Đặc mệnh của Hội Quốc Liên (The League of Nations Mandate)
Sau Thế Chiến II Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) trao quyền hành cho Anh-quốc tại đất Palestine theo tinh thần bản công bố Balfour và đòi hỏi phải thành lập một chính phủ tạm thời để điều hành vấn đề Do Thái tại Palestine. Chính phủ này có Hội-đồng 224 vị đại diện, một nửa được Hội-nghị Zion tuyển chọn; một nửa do người Do Thái ở các quốc gia không ở trong hệ thống Zionism tuyển chọn. Hội đồng này cấp phép hồi cư cho người Do Thái, số lượng do chính quyền Anh quyết định. Tài chính do người Do Thái ở ngoại quốc trợ giúp.
4)- Do Thái nổi dậy chống Anh-quốc (1945-1947)
Sau thảm họa bị Hitler tiêu diệt trong Thế Chiến II người Do Thái sống sót ở Âu Châu trở thành dân vô gia cư, mang thân phận dân tị nạn và 97% muốn trở về đất Palestine. Dòng thác trở về quê hương đã tìm đến các tổ chức chui để về nước, vì sự hạn chế số lượng do hậu quả của Bạch Thư năm 1939, một sự thỏa thuận với các nước Ả Rập mà Anh quốc phải thi hành. Do đó, vào năm 1946 dân Do Thái bất mãn thành lập tổ chức Mặt trận Do Thái Phản kháng, chống lại nhà cầm quyền Anh ở Palestine. Sự phản kháng đến tai Quốc-hội Hoa Kỳ, và vì sợ bị trở ngại trong việc vay tiền của Mỹ để các ngân hàng Anh-quốc không bị phá sản và sợ xung đột với các nước Ả-rập, chính phủ Anh bèn bàn giao vấn đề Palestine cho Liên Hiệp Quốc.
5)- Quốc gia Do Thái ra đời sau Quyết định của Liên Hiệp Quốc (1947)
Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ định một Uỷ ban Đặc nhiệm LHQ về Palestine (United Nations Special Committee on Palestine - UNSCOP) để quyết định về vấn đề chia đất Palestine. Tháng 9/1947, một tháng sau khi phân chia một phần lãnh thổ Ấn Độ cho Hồi-quốc (Pakistan), Ủy-ban Đặc-nhiệm LHQ đưa vấn đề Palestine ra trước Đại Hội Đồng LHQ vào ngày 29.11.1947. Kết quả đưa tới việc thành lập 2 quốc gia, một Ả Rập, một Do Thái. Thành phố Jerusalem trực thuộc quyền quản trị của LHQ. Chính phủ Anh sợ mất lòng các nước Ả Rập nên từ chối cộng tác và không cho LHQ tới Palestine trong thời gian chờ giải quyết dứt khoát.
Sau 2.679 năm đất nước Israel bị xóa tên trên bản đồ và phần lớn dân tộc Do Thái bị lưu đầy khắp Thế-giới, ngày 14.5.1948, sau khi quân đội Anh rút khỏi Haifa, Hội-nghị Do Thái dưới sự lãnh đạo của David Ben-Gurion, Tổng-thống đầu tiên, đã tuyên bố sự thành hình quốc gia Israel theo chương trình phân chia của LHQ. Lãnh tụ của hai siêu cường quốc là Tổng thống Mỹ Harry S. Truman và nhà lãnh đạo Sô-viết Joseph Stalin lập tức công nhận tân quốc gia Israel.
Sự ra đời của quốc gia Israel đưa tới các cuộc xung đột và chiến tranh giữa Do Thái với Palestine và các nước Ả Rập kể từ tháng 11 năm 1947. n
-------------------
Chú thích:
(1)- ”His Majesty’s government view with favour the establishment in Palestine of a national home for the Jewish people, and will use their best endeavours to facilitate the achievement of this object, it being clearly understood that nothing shall be done which may prejudice the civil and religious rights of existing non-Jewish communities in Palestine, or the rights and political status enjoyed by Jews in any other country.”[1]
Hận thù khủng bố 11.9.2011 Mục sư Jones khích động đốt kinh Koran
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Nhân dịp kỷ niệm 9 năm, 11.9.2001 - 11.9.2010, ngày Hoa Kỳ bị khủng bố bởi tổ-chức Al-Qaeda do Osama bin-Laden cầm đầu, Mục-sư Terry Jones đã công khai khích động đốt 200 quyển Kinh Koran (Qur´an) của Hồi Giáo (Islam) mà ông gọi là ”Ngày Thế-giới đốt kinh Koran”. Hành động của ông Mục-sư này không chỉ làm rúng động Thế-giới Hồi Giáo mà còn có thể tạo nên cuộc khủng hoảng tôn giáo và có nguy cơ đưa tới cuộc chiến giữa Thiên Chúa giáo và Hồi-giáo, giữa Hoa Kỳ và các quốc gia theo đạo Islam.
Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao ông Mục-sư Terry Jones lại hành động một cách khiêu khích như vậy.
1- Nguyên nhân xa: Cuộc khủng bố ngày 11.9.2001
Tháng 5/1996 Mặt-trận Islam Thế-giới Thánh-chiến chống Do Thái và Thập Tự quân, do Osama bin-Laden cầm đầu đã đổi thành tổ chức al-Qaeda và bắt đầu xây dựng một căn cứ lớn cho các cuộc hành quân tại A Phú Hãn (Afghanistan), nơi mà nhà cầm quyền Islam quá khích Taliban mới cướp được quyền lực tại đây. Mặt trận Islam này phát động cuộc Thánh-chiến chống Do Thái vì Do Thái đã chiếm phần lớn đất đại nước Palestina và chống Hoa Kỳ, biểu tượng lớn nhất của các quốc gia Thiên Chúa giáo đã đánh phá Palestina cũng như một số nước Ả-rập trong thời kỳ đem quân bảo vệ thành thánh Jerusalem.
Mở đầu cho các cuộc khủng bố là hai tòa đại sứ Mỹ ở Kenya và Tanzania bị đánh phá bằng bom nổ. Để trả đũa, Tổng-thống Mỹ Bill Clinton đã ra lệnh tấn công các căn cứ của tổ chức khủng bố tại hai quốc gia Sudan và A Phú Hãn. Khủng bố tiếp tục tấn công các mục tiêu của Mỹ tại phi trường quốc-tế Los Angeles vào đầu năm 2000, tầu chiến USS Cole của Hải-quân Mỹ tại Yemen vào tháng 10/2000 và cuối cùng cuộc khủng bố nhất trong lịch sử thế giới và Hoa Kỳ là cuộc tấn công Ngũ Giác Đài (Pentagon), đầu não của Bộ Quốc Phòng Mỹ và thành phố quan trọng nhất của Hoa Kỳ là Nữu Ước vào ngày 11.9.2001.
Ngày 11.9.2001, bọn khủng bố đã cướp 4 chiếc máy bay dân sự của hàng không Mỹ gồm: American Airline Flight 11, American Airline Flight 17, United Airlines Flight 93 và United Airlines Flight 175, để sử dụng vào cuộc tấn công tự sát vào Bộ Quốc Phòng, Thủ-đô Hoa Thịnh Đốn (Washington DC) và thành phố Nữu Ước (New York) của Hoa Kỳ.
- Lúc 8 giờ 46, quân khủng bố cướp American Airlines Flight 11 từ Boston lao thẳng vào tầng 95 và 103 của nhà chọc trời phía Bắc của Trung-tâm Thương-mại Thế-giới (3). 92 người trên máy bay gồm phi công, chiêu đãi viên hàng không và hành khách bị chết.
- Lúc 9 giờ 03, quân khủng bố cướp United Airlines Flight 175 lái đâm thẳng vào nhà chọc trời phía Nam của Trung-tâm Thương-mại Thế-giới. 65 người trên máy bay bị chết.
- Lúc 9 giờ 37 quân khủng bố cướp American Airlines Flight 77 lái đâm thẳng vào Ngũ Giác Đài (Pantagon) của Bộ Quốc phòng. 64 người trên máy bay bị chết. 125 nhân viên Bộ Quốc-phòng bị thiệt mạng.
- Lúc 9 giờ 37 quân khủng bố cướp United Airlines Flight 93 và dự trù lái đâm thẳng xuống dinh Tổng-thống tức Tòa Bạch Ốc; nhưng trong lúc "thập tử nhất sinh", hành khách đã vật lộn với bọn khủng bố với hy vọng làm chủ tình hình; nhưng rủi thay máy bay rớt xuống ngoại ô quận Somerset, Tiểu-bang Pennsylvania. 44 người trên máy bay bị tử nạn.
Tổng số các nạn nhân trên máy bay và trong hai nhà chọc trời bị chết trong vụ khủng bố lên tới 2.977 người (kể cả 19 tên khủng bố trên 4 máy bay) và trên 2.000 người bị thương. Theo thống kê thì các nạn nhân tử nạn thuộc quốc tịch của 90 quốc gia.
Vì danh dự Hoa Kỳ và để trừng trị bọn khủng bố cũng như nhà cầm quyền A Phú Hãn chứa chấp khủng bố, Tổng-thống Mỹ, George W. Bush, đã phát động "cuộc chiến Thế-giới chống khủng bố” (11), ra lệnh tấn công A Phú Hãn ngày 7.11.2001. Cuộc tấn công nhằm mục đích để phá tan sào huyệt của tổ chức khủng bố Thế-giới al-Qaeda và lật đổ nhà cầm quyền Taleban do Muhammad Omar cầm đầu. Omar là cha vợ của trùm khủng bố Osama bin-Laden, vì thế tổ chức al-Qaeda được tự do hoạt động và thành lập các trung tâm huấn luyện các chí nguyện quân tại quốc gia này để tung đi khắp Thế-giới.
2- Nguyên nhân gần
2/1- Chương trình xây đền thờ Hồi-giáo gần Trung-tâm Thương-mại Thế-giới
Sau 9 năm rồi, mặc dù thành phố Nữu Ước đã chấp nhận đồ án, mà chương trình tái thiết 2 tòa nhà chọc trời vẫn chưa hoàn tất. Biến cố đau thương chưa phôi pha trong lòng dân Mỹ thì một Trung-tâm Cộng-đồng Muslim ở Manhattan, còn gọi là Park-51, được đề nghị xây cất tại vị trí chỉ cách Trung-tâm Thuơng-mại Thế-giới đã đổ nát hai khu nhà (block). Dựa vào lý tưởng Hồi Giáo và Tự-do Tôn giáo những người Muslim quyết định thực hiện chương trình này. Bà Daisy Khan và chồng là đạo sĩ Abdul Rauf cai quản đền thờ tại khu vực tài chính Nữu Ước cùng với Sharif el-Gamel, nhà thầu khoán trẻ sinh trưởng tại Nữu Ước đã đưa ra đề án vào ngày 5.5.2010, ngay sau khi tên khủng bố Faisal Shahzad bị bắt vì toan phá hoại quảng trường Times Square thuộc trung tâm thành phố Nữu-ước bằng xe chứa chất nổ. Do đó, người ta cho rằng nó là một sự khiêu khích. Báo chí chống đối và mỉa mai đó là "Đền-thờ Trung-tâm Thương-mại Thế-giới” (the W.T.C. Mosque). Hàng ngàn người chống đối qua các cuộc biểu tình tại Nữu Ước và hàng ngàn cú điện thoại, điện thư Internet ồ ạt phản đối từ nhiều nơi trên Thế-giới.
Nhưng cuối cùng đề án xây dựng công trình Park-51 được Đặc-nhiệm Bảo-tồn Cảnh-quan của thành phố Nữu Ước (12) quyết định vào ngày 3.8.2010. Trung-tâm Cộng-đồng Muslim gồm một tòa nhà cao 15 tầng trong đó có một đền thờ Islam, phòng hội với 500 chỗ ngồi và một hồ bơi. Trung-tâm này giống kiểu các trung tâm của tuổi trẻ Y.M.C.A và trung-tâm Cộng-đồng Do-thái ở Manhattan. Nhiều thủ lĩnh đảng Cộng Hòa và học giả không hài lòng, trong đó có bà Sarah Palin, ứng cử viên phó Tổng-thống năm 2008. Những người phản đối cho đó là sự khiêu khích không cần thiết. Tuy vậy, Thống đốc Nữu Ước, Michael R. Bloomberg, quyết tâm bảo vệ dự án với lập luận rằng Hoa Kỳ là quốc gia dân chủ và bảo vệ tự do tín ngưỡng. Tổng-thống Barack Obama cũng cố tình xen vào và ủng hộ việc xây đền thờ Hồi-giáo tại đây với lời phát biểu: "Tôi tin rằng người Muslim có quyền hành đạo như mọi người khác trên đất nước’’. (4)
2/2- Mục-sư Terry Jones khiêu khích đốt Kinh Koran
Mục-sư Terry Jones sinh năm 1952, có nơi ghi 1953, học trung học tại Missouri và có thời làm quản nhiệm khách sạn, rồi trở thành Mục-sư của Trung-tâm Phát-triển Thế-giới Hòa Bình (Dove World Outreach Center) tại Gainsville thuộc Tiểu-bang Florida, Hoa Kỳ, kể từ năm 2001.
Năm 2010, Mục-sư Jones cho xuất bản quyển "Hồi-giáo là của Quỷ quái’’ (Islam is of the Devil), với luận cứ cho rằng đạo Hồi là tín ngưỡng bạo lực.
Từ năm 1981 tới 2008 Mục-sư Terry Jones thi hành nhiệm vụ thừa sai tại Cologne (Köln) của Đức-quốc. Ông ta thành lập và lãnh đạo "Cộng-đoàn Ki-tô giáo Cologne” (the Christliche Gemeinde Köln” (CGK), một cộng-đoàn thuộc chi nhánh của giáo phái Thánh Linh (the Maranatha Campus Ministries), một cộng đồng phụ của Thế-giới Hòa-bình (Dove World) do Bob Weiner thành lập và tồn tại từ năm 1971 tới 1990. Mục tiêu chính là phát triển trường Trung-học và Đại-học. Đầu năm 1972, Weiner thành lập tu viện (một loại trường giống Chủng-viện của Công Giáo) với tên là "Maranatha House" tại đại học tiểu-bang Murray (Murray State University). Chữ "Maranatha" tiếng Aramaic có nghĩa là "Lậy Chúa, Hãy đến" (Oh Lord, come). Cuối năm 1972, Weiner đổi Maranatha House thành "Giáo-hội Ki-tô Maranatha" (Maranatha Christian Church). Tới thập niên 1980 giáo hội này phát triển mạnh và được thiết lập tại các quốc gia: Anh, Á Căn Đình, Ba Tây, Gia Nã Đại, Hoa Kỳ, Nam Dương, Đức, Pháp, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan và Úc Đại Lợi. Trung tâm chính trước ở Paducah sau chuyển về Gainesville, Florida vào năm 1979.
Giáo xứ Gainesville của Mục-sư Terry Jones tại Florida là một giáo xứ nhỏ, chỉ có khoảng năm mươi (50) tín hữu. Giáo xứ này chỉ được biết tới từ những năm cuối 2000 qua các hoạt động chống đạo Islam, chống đồng tính luyến ái. Con của các tín hữu tới trường học vào đầu niên khóa mới mặc áo sơ-mi (T-shirt) phía trước có hàng chữ "Đức Giê-su đáp: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Gio-an 14,6) "Tôi trung thành với Trung-tâm Phát-triển Hòa-bình" và phía sau áo có hàng chữ: "Islam là của quỷ quái". Hàng chữ này phát xuất từ năm 2009, do Thế-giới Hòa-bình viết bằng chữ đỏ, bảng chữ được dựng trên sân cỏ trước nhà thờ. Sau này nó trở thành tựa đề tác phẩm "Islam is of the Devil"của Mục-sư Terry Jones.
Bảng hiệu "Islam là của quỷ quái" bị hội viên Muslim địa phương và Hội-đồng Cố-vấn Hữu-nghị Hồi-giáo Mỹ phản đối (13). Để chống lại, Hội-đồng Cố-vấn Hữu-nghị Hồi-giáo Mỹ liền làm một bảng hiệu lấy từ Kinh Koran: "Hãy giết những kẻ không tin bất cứ nơi nào anh em gặp chúng!" (Koran 9:5 "Kill the disbelievers wherever you find them". (Quran.com. quran.com/9/5. Retrieved September 9, 2010).
2/3- Nhóm Ki-tô Bảo-thủ xé Kinh Koran trước Tòa Bạch Ốc
Thứ bẩy, đúng vào ngày kỷ niệm 11.9.2010, một nhóm tín hữu Ki-tô Bảo-thủ đã tụ tập trước Tòa Bạch Ốc, trong đó có 6 người chủ động và một người tự giới thiệu là đại diện cho "Phong-trào Đảng Trà" (Tea Party Movement) đã xé một số trang kinh Koran. Đảng Trà (chè) xuất phát từ biến cố dân thuộc địa Mỹ ở Tiểu-bang Boston, vào năm 1773, đã nổi dậy chống Đế-quốc Anh độc quyền nhập cảng trà vào đất Mỹ và khởi đầu cho cuộc cách mạng dành độc lập của dân chúng Mỹ.
Đảng này không chỉ chống đạo Islam mà còn chống cả các đạo luật của chính phủ Mỹ như: Đạo-luật Ổn định Kinh tế Cấp thời năm 2008"(5), Đạo-luật Tái Đầu-tư và Phục-hồi năm 2009"(6). và nhiều đạo luật cải tổ y tế của Tổng-thống Barack Obama (7).
3- Hậu quả do việc chống Islam
3/1- Tại Hoa Kỳ
- Hành động khiêu khích đốt Kinh Koran đã đưa tới bất lợi đầu tiên cho Mục-sư Jones là Sở Cứu Hỏa Florida không cấp giấy phép cho ông ta dự trù đốt 200 quyển Kinh Koran ngay phía trước Thánh-đường của giáo xứ.
- Cùng lúc, ngân hàng đòi Mục-sư Jones trả lại gấp 140.000 US Dollars tiền cầm cố nhà cửa. Lý do việc bảo hiểm tài sản đã bị hủy bỏ vào cuối tháng 7/2010, khi ông ta tuyên bố sẽ đốt Kinh Koran.
- Ngoài ra, vì bị đe dọa tính mạng, ông Mục-sư này phải thủ cây súng lục 40-Caliber để tự bảo vệ mình.
- Hành động của Mục-sư Jones tạo nên làn sóng chống đạo Hồi tại Hoa Kỳ. Trong tháng 5/2010 có người đặt bom ống tại đền thờ Islam ở Jacksonville. Một đền thờ khác và một trường học ở phía Nam Miami bị phá hoại hai lần trong năm 2009, lần đầu bị bắn phá còn để lại trên tường 51 lỗ đạn.
- Về lãnh vực chính trị thì một số nhà chính trị, đặc biệt một số ứng cử viên của đảng Cộng Hòa đã chống việc xây dựng trung tâm Islam gần nền đất trống (Ground Zero) của Trung-tâm Thương-mại Thế-giới đã bị phá hủy ở Nữu Ước.
- Allen West, cựu sĩ quan bộ binh về hưu đang vận động tranh cử vào Thượng Viện tại quận Broward đã nói với những người ủng hộ rằng: "Islam không phải là một tôn giáo, nhưng đúng hơn, một thù địch xấu đã xâm nhập vào Hiệp Chủng Quốc" (8). Theo phát ngôn viên thì ông ta chỉ muốn ám chỉ Islam cấp tiến chứ không phải Islam nói chung.
- Ron McNeil, một ứng cử viên Thượng Viện của vùng Panhandle Florida đã nói với sinh viên và học sinh trong tuần trước là “Kế hoạch của Islam là hủy hoại lối sống của chúng ta. Đây là nơi mà người Ki-tô giáo phải đối đầu vì Lời Chúa và những gì Phúc Âm nói”(9).
-Beacham, cho mình là một thủ lĩnh Bảo-thủ Cánh Hữu của Đảng Trà ở Indiana phát biểu: “Hai Tháp cao (ám chỉ 2 nhà chọc trời của Trung tâm Thương mại Thế-giới) bị sụp đổ vì kinh Koran và các học thuyết tôn giáo khác”(10)
3/2- Tại các quốc gia
- Một nhóm Islam ở Anh-quốc đã đưa lên YouTube (Internet) đoạn Video khuyến khích người Muslim hành động.
Từ ngày 4/9/2010 đã có hàng ngàn người Muslim từ các quốc gia A Phú Hãn, Ấn-độ, Nam-dương, Iran, Jordan, Pakistan, Palestina v.v…tham dự các cuộc biểu tình chống Mục-sư Terry Jones và nhóm xé kinh Koran trước Tòa Bạch Ốc.
-Tại vùng Kashmir ở phần đất thuộc vùng kiểm soát của Ấn Độ, người Muslim đã biểu tình bạo động khiến cho cảnh sát Ấn phải nổ súng. Hậu quả là 13 người biểu tình và 1 cảnh sát bị chết. Tại làng Tangnarg, có 5 Ki-tô hữu bị giết và 1 trường học Ki-tô giáo bị nhóm bạo động Muslim đốt cháy.
- Tại Iran, đạo trưởng Ayatollah Ali al-Sistani cảnh giác dân chúng rằng hành động này chứng tỏ sự thù ghét Islam. Tổ chức Văn-hóa Hữu-nghị Islam của Iran cho rằng việc đốt Kinh Koran là sự lăng mạ của Do Thái. Hàng ngàn người biểu tình hô to khẩu hiệu: “Khai tử Mỹ và giết Mục-sư Mỹ” trước tòa đại sứ Thụy Sĩ đại diện cho những vấn đề lợi ích của Hoa Kỳ tại Iran.
- Nặng nề hơn, từ Gaza thuộc Palestina, lãnh địa của nhóm Hamas, Thủ-tướng Ismail Haniyeh tuyên bố Terry Jones là Mục-sư điên rồ, một người phản ảnh sự điên khùng của Tây-phương đối với đạo Islam và các quốc gia Muslim.
- Tại Vương-quốc Jordan, Mặt-trận hành-động Islam coi việc đốt kinh Koran là một sự tuyên chiến.
- Diễn đàn Al-Falluja jihadist của người Muslim trên Internet đe dọa sẽ phát động cuộc thánh chiến chống Hoa Kỳ vì hành động đốt Kinh Koran.
4- Lên án hành động đốt và xé kinh Koran
- Vatican: Hội-đồng Giáo Hoàng về Đối-thoại Tôn-giáo Thế-giới ngày 8/9/2010 cũng phát biểu rằng việc đốt sách là hành động xúc phạm nặng nề và nghiêm trọng. Tựa đề của báo Công-giáo Tòa Thánh L´Osservatre Romano có hàng chữ “Không ai lại đốt Kinh Koran” (No one burns the Koran).
- Hoa Kỳ: Tổng-thống Barack Obama, Bộ-trưởng Quốc-phòng Robert Gates và Bộ-trưởng Ngoại-giao Hallary Clinton cũng lên tiếng phản đối và cảnh giác rằng hành động của Mục-sư Jones có thể đưa tới sự nguy hại cho binh lính Mỹ tại chiến trường Iraq và Afghanistan. Trong khi đó, Hiệp-hội Muslim người Mỹ ở Bắc Mỹ có chữ ký của 15 đạo sĩ Islam, kể cả Ahmed Al Mehdawi thuộc Trung-tâm Islam ở Gainesville, đã lên án việc đe dọa giết chết Mục-sư Terry Jones.
Cộng-đồng Muslim Ahmadiyya cho rằng Trung-tâm Phát-triển Thế-giới Hòa-bình không theo đúng giáo lý Ki-tô giáo là Tình-yêu và Tha-thứ. Cộng đồng này dựa vào Kinh Thánh Tân Ước: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mát-thêu đoạn 5 - câu 44-45).
- Đức-quốc, Liên hiệp Kinh-thánh Đức (The German Evangelical Alliance) cũng tuyên bố không dính dáng gì tới việc đốt Kinh Koran. Sở dĩ có lời tuyên bố này vì người ta bàn tán trong thời gian Mục-sư Jones hoạt động về đạo tại Đức có liên hệ với Liên-hiệp này. Nguồn tin khác cho rằng Mục-sư Jones bị trục xuất khỏi Cộng-đoàn Ki-tô giáo Cologne vào năm 2009 vì vấn đề liên quan tới tiền bạc và thái độ cấp tiến có thể đưa tới khủng bố.
Trong khi đó, nữ Thủ-tướng Angela Merkel một đàng bà phê phán việc đốt kinh Koran là hoàn toàn bất kính, khinh bỉ, thật là sai trái; một đàng bà lại bảo vệ tự-do ngôn luận (Freedom of Speech) qua việc vinh danh họa sĩ Đan Mạch, Kurt Westergaard, người đã vẽ biếm họa Giáo-chủ Muhammad đầu đội trái bom vào năm 2005. Các biếm họa của Kurt Westergaard đã làm Thế-giới Hồi-giáo nổi giận biểu tình đốt cờ Đan Mạch, tấn công tòa đại sứ Đan Mạch tại Iran và Lebanon. Một đạo sĩ Pakistan đã treo phần thưởng 1 triệu Mỹ Kim cho ai giết được họa sĩ này.
- Liên Hiệp Quốc: Tổng Thư-ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon, ngày 8/9/2010 cho rằng hành động của Mục-sư Jones không tôn giáo nào dung thứ được.
5- Dự tính đốt Kinh Koran được hủy bỏ
Trước sự phản đối mạnh mẽ từ Thế giới Hồi-giáo, tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác, ngày 10.9.2010, Mục-sư Terry Jones và đạo sĩ Muhammad Musri, chủ tịch Xã-hội Islam thuộc trung tâm Florida, cùng xuất hiện trong cuộc họp báo trước nhà thờ Gainesville, đã xác nhận việc đốt kinh Koran được hủy bỏ để đổi lấy sự di chuyển dự án xây dựng đền thờ Islam ở Nữu Ước tới một vị trí khác, xa nền đất (Ground Zero) của Trung-tâm Thương-mại Thế-giới. Ông cũng tuyên bố là ngày thứ bẩy 11/9/2010 sẽ đáp máy bay lên Nữu Ước để nói chuyện với đạo sĩ Feisal Abdul Rauf, vì người Mỹ không muốn đền thờ Islam xây dựng ở đấy và người Muslim không muốn kinh Koran bị đốt. Mục-sư Jones xác nhận là đã hỏi kỹ về việc này và đạo sĩ Muhammad Musri đã xác nhận 3 lần.
Tuy nhiên, bà Daisy Khan, một trong những người chủ trương kế hoạch xây dựng trung tâm văn hóa và đền thờ Islam gần Ground Zero phủ nhận những gì Mục-sư Jones đã nói. Nó có nghĩa là họ không chấp nhận việc dời công trình xây dựng tới một nơi khác.
Sau vài giờ Mục-sư Terry Jones tuyên bố hủy bỏ chương trình đốt kinh Koral thì Megan Roper, hội viên của giáo-hội Thanh-tẩy (Baptist) Westboro, tuyên bố qua Internet/Twitter là giáo hội sẽ tự tiếp diễn nghi thức đốt kinh Koran trong trường hợp Thế-giới Hòa-bình (Dove World) không thực hiện.
Kết Luận
Nếu cả hai phe cực đoan tiếp tục chương trình của họ thì tình hình căng thẳng giữa hai tôn giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Người Muslim đốt phá trường học và giết Ki-tô hữu tại Ấn Độ là một bằng chứng điển hình.
-------------
Chú thích
(1)- The International Burn a Koran Day
(2)- The World Islamic Front for Jihad Against Jews and Crusaders viết tắt "WIFJAJC"
(3)- The World Trade Center
(4)- I believe that Muslims have the same right to practice their religion as everyone else in this country.
(5)- Emergency Economic Stabilization Act of 2008
(6)- The American Recovery and Reinvestment Act of 2009
(7)- A series of health care reforms bills.
(8)- Islam is not a religion” but rather “a vicious enemy” that was “infiltrating” the United States.
(9)- Islam’s plan “is to destroy our way of life.” He added: “It’s our place as Christians to stand up for the word of God and what the Bible says.
(10)- The Twin Towers were taken down because of the Koran and other religious teachings.
(11)- The War on Terror or the Global War on Terror or the War on Terrorism.
(12)- The New York City’s Landmarks Preservation Commission
(13)- Council on American-islamic Relations, viết tắt là CAIR
Nam Phi Năm 2010 Giải Bóng Đá Quốc Tế
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
I- Đôi dòng lịch sử bóng đá
Vào các thế kỷ trước đây quần chúng chưa mấy quan tâm về việc tập luyện thân thể mà ngày nay chúng ta gọi là thể dục, thể thao. Các hoạt động về thể lực nếu có chỉ dành cho các lực sĩ tham dự Thế Vận Hội Olympic cổ xưa tại Hy Lạp vào năm 776 trước Công-nguyên tới năm 393 sau Công-nguyên. Năm 1894 Pierre de Coubertin mới thành lập Ủy-ban Thế Vận (the Olympic International Committee) để rồi nhân loại bước vào giai đoạn tranh tài thể thao với qui mô toàn thế giới, trong đó có môn bóng đá.
Về lịch sử xa xưa thì môn bóng đá đã có từ trước Công-nguyên dưới các hình thức như sau:
Tại Trung Quốc: Vào đời Nhà Hán, khoảng thế kỷ thứ III và II trước Công-nguyên, binh lính nhà Hán đã chơi bóng đá gọi là “Tsu’Chu’’. Trái bóng da thời đó không phải bơm bằng không khí như ngày nay mà được nhét đầy lông và tóc, có kích thước 30cm - 40cm. Lưới được mắc vào các cọc tre. Trong lúc chơi cầu thủ không được phép đá thẳng vào mục tiêu (gôn: goal) mà phải dùng bàn chân, hay ngực và vai lừa bóng qua đối thủ, chứ không được dùng tay. Như vậy, bóng đá đã bắt nguồn từ các cuộc luyện tập thân thể trong quân đội hoặc trong các chùa và trường huấn luyện võ với cùng mục tiêu là làm cho thân thể cường tráng, có thể chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt hay thắng địch thủ trên chiến trường và đấu trường.
Tại Nhật Bản, môn bóng đá gọi là Kemari, có từ 500 tới 600 năm sau Công-nguyên. Hiện nay người ta còn tiếp tục chơi loại bóng này. Những người chơi không tranh dành bóng mà chỉ đứng thành hình vòng tròn và đá banh cho nhau làm sao trái bóng không rơi xuống đất.
Tại Hy Lạp môn chơi này có tên Episkyro. Khi đế-quốc La Mã chiếm Hy Lạp vào năm 146 trước Công-nguyên thì môn chơi bóng đá của Hy Lạp được Hoàng-đế Julius Ceasar và tướng lãnh của ông ta sử dụng trong quân đội La Mã với tên Harpastum, như một phương pháp thể thao, luyện tập thể lực cho binh sĩ. Đế-quốc La Mã chinh phục các nước Âu Châu và đi tới đâu thì môn chơi này được quảng bá tại đó. Quân lính La Mã cũng đã đem môn chơi bóng đá qua Anh Quốc.
Vào thời gian đầu việc dùng chân đá bóng vẫn còn ít so với môn chơi Rugby của Anh-quốc ngày nay. Trái bóng được làm bằng da và dồn lông thú vật, có đường kính khoảng 8 inches (22cm). Người ta biết rất ít về luật lệ của môn chơi này. Sân bóng có diện tích bằng sân bóng đá ngày nay và cầu thủ không phải mỗi đội chỉ có 11 người mà có cả trăm người.
Về lịch sử bóng đá hiện đại có thể nói đã xuất hiện và phát triển mạnh từ Anh-quốc với ``Hiệp-hội Bóng-đá’’ (the Football Association). Ban đầu nó chỉ là các hội chơi có tính cách tài tử; nhưng dần dà dân chúng thích chơi bóng bằng chân thay vì tay trên sân cỏ.
Trận bóng đá đầu tiên được giao đấu vào năm 1872 giữa đội bóng Anh-quốc và Scotland. Trong thời gian này các trận bóng chỉ xẩy ra trong lãnh thổ Anh Quốc. Bóng đá trở thành nổi tiếng và được công nhận là một bộ môn tranh tài tại Thế Vận Hội OLYMPIC vào năm 1900. Từ năm 1900 thì các trận bóng đá quốc tế mới được tổ chức ngoài lãnh thổ Anh-quốc. Trận đấu giữa Bỉ-quốc và Pháp-quốc diễn ra tại Paris vào tháng 5/1904 đã mở màn cho sự ra đời của FIFA vào ngày 22.5.1904. Có 7 quốc gia tham dự gồm: Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Đức-quốc hứa sẽ tham gia.
FIFA viết tắt từ tiếng Pháp “Fédération Internationale de Football Association’’ (tiếng Anh: the International Federation of Association Football) có nghĩa là Liên-đoàn Quốc-tế của Hiệp Hội Bóng Đá hay chúng ta quen gọi Liên-đoàn Bóng Đá Quốc-tế (hay Liên Đoàn Túc Cầu Thế-giới) được tổ chức 4 năm một lần.
Năm 1928, ông Jules Rimet, chủ tịch FIFA quyết định tổ chức giải này vào năm 1930 tại quốc gia Uruguay. Có 13 đội được mời. Tổ chức tại Uruguay quá xa đối với Âu Châu, vì thế không quốc gia Âu Châu nào hứa sẽ tham dự. Nhưng trước ngày khai mạc 2 tháng thì đội tuyển Pháp, Bỉ, Romenia và Nam Tư (Yugoslavia) thông báo tham dự. Như vậy có 13 quốc gia tranh giải Bóng Đá Quốc-tế đầu tiên gồm 7 đội từ Nam Mỹ, 4 từ Âu Châu và 2 từ Bắc Mỹ. Trong trận chung kết Uruguay thắng Argentina với tỷ số 4-2 trước 93.000 khán giả tại sân bóng Montevideo và trở thành quốc gia đầu tiên thắng Giải Bóng Đá Quốc Tế năm 1930.
Sau đó FIFA phát triển mạnh, có gần 200 đội trên thế giới và các giải Bóng Đá Quốc Tế lần lượt được tổ chức tại các quốc gia sau đây:
Năm 1934: tại Ý Đại Lợi. Đội tuyển quốc gia Ý thắng giải. Người ta tố cáo là nhà độc tài Benito Mussolini có ảnh hưởng tới việc chọn lựa các trọng tài.
Năm 1938: tại Pháp. Người ta ngạc nhiên khi thấy các nước Nam Mỹ tẩy chay, trong đó có cả Uruguay và Argentina. Chỉ có 15 quốc gia tham dự. Pháp tổ chức nhưng đội tuyển nhà bị thất bại. Đội Ý bảo vệ chức vô địch. Cầu thủ Ernest Willimowski của Ba Lan là người đầu tiên phá lưới 4 lần (4 goals). Từ đây khởi đầu cho một qui định mới là quốc gia nào tổ chức thì đội bóng của quốc gia đó được đương nhiên vào vòng loại (Qualification round).
Năm 1942: hai quốc gia đệ đơn xin tổ chức. Đức-quốc nộp đơn cho Hội-nghị FIFA tại Berlin ngày 13.8.1936. Tháng 6/1939, Ba Tây (Brazil) cũng nộp đơn xin tổ chức. Tuy vậy, vì Thế-chiến II bắt đầu bùng nổ; nên Giải Bóng Đá Quốc Tế năm 1942 và kể cả năm 1946 đều bị hủy bỏ.
Năm 1950: tại Ba Tây. Lần này có đội tuyển của Anh-quốc tham dự. Anh-quốc rút ra khỏi FIFA từ năm 1920 với lý do là không muốn chơi với các nước đã chiến tranh với Anh-quốc. Vì lý do chính trị, khối Cộng-sản Đông Âu và Sô Viết không tham gia. Uruguay thắng Brazil và đoạt giải lần thứ hai.
Năm 1954: tại Thụy Sĩ. Lần đầu tiên được chiếu trên màn ảnh truyền hình (TV). Đội tuyển Tây Đức đoạt giải.
Năm 1958: tại Thụy Điển. Ba Tây đoạt giải và cầu thủ Pelé nổi tiếng nhờ phá lưới 2 lần trong trận chung kết. Cầu thủ Pháp, Just Fontaine trở thành người phá lưới nhiều nhất, 13 trái trong toàn vòng loại.
Năm 1962: tại Chí Lợi (Chile). Trước khi khai mạc thì trận động đất lớn nhất trong lịch sử xẩy ra (chấn động 9,5 magnitude). Trận đấu giữa Ý và Chí Lợi là trận “đánh nhau’’ có chủ đích khiến cho 2 cầu thủ bị trong tài người Anh, Ken Aston phạt thẻ đỏ, đuổi ra sân. Kết quả Chí Lợi thắng 2-0. Tan trận cầu thủ Ý phải nhờ cảnh sát bảo vệ đưa về. Vào chung kết Ba Tây thắng Tiệp Khắc (Czechoslovakia) 3-1 và đoạt giải lần thứ hai. Cầu thủ Marcos Coll của Colombia đá cú phạt góc chưa từng có trong lịch sử giải Bóng Đá Quốc Tế, trái banh bay thẳng vào gôn (goal). Dân Nam Mỹ gọi là cú đá Olympic “Olympic Goal’’.
Năm 1966: tại Anh-quốc. Lần đầu tiên có biểu tượng (logo) cho giải Bóng Đá Quốc Tế. Vật trao giải thưởng (Cup) bị ăn cắp, nhưng sau đó được tìm thấy bởi con chó có tên là “Pickles’’. Nam Phi bị loại vì vi phạm hiến chương chống kỳ thị (Apartheid) cho đến năm 1992. Các nước Phi Châu rút lui để phản đối FIFA chỉ dành một nơi tổ chức vòng loại cho các vùng Á Châu, vùng đại dương (Oceania) và Phi Châu. Bắc Hàn (North Korea) là nước đầu tiên tại Á Châu được vào vòng tứ kết. Anh-quốc đoạt giải. Cầu thủ Eusébio của đội Bồ Đào Nha (Portugal) phá lưới cao nhất trong toàn vòng loại (9 goals).
Năm 1970: tại Mễ Tây Cơ (Mexico). Trận đấu giữa Honduras và El Salvador được coi là trận chiến bóng đá (Football War). Bắc Hàn từ chối đấu với Do Thái vì lý do chính trị. Trận đấu Bán-kết gay go giữa Ý và Tây Đức đưa tới kết quả không phân thắng bại, phải đấu thêm giờ và trong 30 phút đấu thêm này hai bên đã phá lưới 5 trái. Cầu thủ nổi danh của Tây Đức Franz Beckenbauer vẫn phải tiếp tục đá, mặc dù tay bị gẫy, vì đội Đức hết người thay thế theo qui định. Đội Ý thắng Tây Đức với tỷ số 4-3; nhưng vào chung kết thua Ba Tây 1-4. Ba Tây là quốc gia duy nhất lần đầu tiên đoạt 3 giải và được trao giải Jules Rimet vĩnh viễn.
Năm 1974: tại Tây Đức. Kỳ nay chiếc Cup mang tên Jules Rimet được thay thế bằng chiếc Cup ngày nay, làm bằng vàng 18 carat và cầu thủ nâng trái bóng. Sô Viết từ chối tới tái đấu tại thủ đô Chí Lợi vịn lý do là Tổng thống Pinoché chống cộng mãnh liệt. Do đó, Chí Lợi đương nhiên được điểm thắng. Đây là thời điểm được coi là cuộc cách mạng “Hệ-thống Bóng Đá Tổng lực’’ (the revolutionary Total Football system) của Hòa Lan được chú ý và đề cao, mặc dù Hòa Lan thua Tây Đức 1-2. Chiến thuật “Tổng-lực’’ có nghĩa là khi tấn công toàn đội đều chạy lên hết và khi đối phương phản công thì chạy về hết. Chiến thuật này đòi hỏi cầu thủ phải được huấn luyện gắt gao và có sức chạy không mệt mỏi trong suốt trận đấu.
Năm 1978: tại Argentina. Cuộc tranh tài được diễn ra sớm hơn, trước 2 năm, vì cuộc đảo chính. Cầu thủ nổi tiếng của Hoà Lan là Johan Cruyff từ chối tham dự, nhưng toàn đội không phản đối. Trong trận bán kết Ba Tây thắng Ba Lan 3-1 để vào chung kết. Argentina gặp Peru trong trận bán kết và muốn vào chung kết, Argentina phải thắng Peru 4 trái. Cuối cùng Argentina đã thắng Peru 6-0, một tỷ số mà người ta nghi ngờ là có sự mua bán nào đó. Cuối cùng Argentina được vào chung kết và thắng Ba Tây 3-1.
Năm 1982: tại Tây Ban Nha. Số đội tham dự vòng loại được gia tăng lên 24 đội. Các đội được chia ra làm 6 nhóm, mỗi nhóm 4 đội. 2 đội đứng đầu nhóm được tiếp tục vòng 2 và được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm 3 đội. Đội đứng đầu nhóm được vào Bán-kết. Trong cuộc tranh tài này có hai sự kiện đáng để ý:
-Trận giữa Pháp và Kuwait: trước khi cầu thủ hậu vệ Maxime Bossis của đội Pháp phá lưới nâng tỷ số lên 3-1, thì các cầu thủ Kuwait ngưng đấu, vì tưởng còi của trọng tài đã thổi. Chủ tịch hội bóng đá Kuwait là Sheik Fahid Al-Ahmah đã chạy xuống sân cảnh cáo trọng tài.
-Hung Gia Lợi (Hungary) đã thắng El Salvador với tỷ số lớn nhất trong lịch sử bóng đá là 10-1. Vào chung kết, đội Ý thắng Ba Tây và đoạt giải.
Năm 1986: tại Mễ Tây Cơ. Trong vòng loại này, trận tứ kết giữa đội Argentina và đội Anh-quốc có sự kiện đáng nhớ là cầu thủ nổi tiếng Diego Maradona của Argentina đã dùng tay đánh vào trái banh và làm bàn. Sự kiện này trở thành nổi tiếng mà người ta gọi là “Gôn tay” (Handball goal) và được coi là “Gôn của Thế-kỷ’’ (Goal of the Century) vì Maradona đã dẫn trái banh vượt qua 5 cầu thủ hậu vệ của đội Anh trước khi làm bàn thắng. Chung kết, Argentina thắng Tây Đức 3-2 và chiếm giải lần thứ hai.
Năm 1990: tại Ý Đại Lợi (Italy). Đội tuyển Cameroun tham dự lần thứ hai, đánh bại đương kim vô địch Argentina ngay trong trận mở đầu và là nước Phi Châu đầu tiên lọt được vào vòng tứ kết. Trong cuộc tranh tài có sự kiện đáng ghi nhớ là: trong trận đấu giữa Ba Tây và Chí Lợi, một pháo nổ được quăng xuống gần thủ môn Rojas của Chí Lợi. Anh này giả vờ bị thương bằng cách cắt mặt anh ta bằng lưỡi dao cạo râu mà anh ta dấu ngầm trong bao tay bắt gôn. Đội bóng Chí Lợi từ chối đấu tiếp khi đã thua 0-1. Màn dàn cảnh của Rojas sau bị khám phá đưa tới hậu quả là anh ta bị treo giò 12 năm và đội tuyển Chí Lợi bị hủy bỏ trong danh sách tranh tài kỳ tới vào năm 1994. Tây Đức lần thứ ba thắng giải.
Năm 1994: tại Hoa Kỳ. Nam Tư (Serbia) bị đuổi vì Liên Hiệp Quốc phong tỏa liên quan tới cuộc chiến tại Bosnia-Herzegovina. Nga Sô tham dự lần đầu với tư cách quốc gia sau khi Liên Bang Sô Viết bị sụp đổ. Cầu thủ nổi danh Diego Maradona của Argentina bị đuổi giữa vòng loại. Lý do: sau khi thử máu người ta khám phá ra anh hút sì-ke. Một tai họa đã xẩy ra: André Escobar, cầu thủ hậu vệ của Colombia bị giết chết 10 ngày sau khi anh ta bị lỗi bắt trật bóng (own-goal) ngay trong trận đầu khiến cho Colombia bị loại. Cầu thủ đầu tiên, Oleg Salenko, của đội Nga làm 5 bàn (5 goals) trong trận chung kết thắng Cameroun.
Năm 1998: tại Pháp-quốc. Số đội tham dự vòng loại được gia tăng lên 32 đội. Một kỷ lục thứ hai trong lịch sử bóng đá vòng loại là Iran thắng Maldives 17-0. Trong trận chung kết Pháp thắng Ba Tây 3-0 và đoạt giải.
Năm 2002: lần đầu tiên được tổ chức tại Á Châu, ở Nhật Bản và Nam Hàn (Japan & South Korea). Kỷ lục thứ ba trong lịch sử bóng đá là Úc Đại Lợi (Australia) thắng American Samoa 31-1. Vào chung kết Ba Tây thắng Đức 2-0, trở thành quốc gia thắng giải lần thứ 5.
Năm 2006: tổ chức tại Đức-quốc. Lần đầu tiên các quốc gia thắng giải trước đây phải tranh đấu, nhưng quốc gia tổ chức thì đội tuyển vẫn được quyền lợi đương nhiên vào vòng loại. Đội Ý và Pháp vào chung kết. Thủ quân Zinedine Zidane của Pháp đánh đầu vào ngực của Marco Materazzi, trung vệ của đội Ý, nên bị đuổi ra sân vào 10 phút chót của thời gian đấu thêm. Cuối cùng đội Ý thắng Pháp với tỷ số 5-3 và đoạt giải.
Năm 2010: tại Nam Phi (South Africa). Sau khi các đội tuyển quốc gia đã giao đấu tại các lục địa theo lịch trình bốc thăm của FIFA để cuối cùng còn 32 đội chia thành 8 nhóm, mỗi nhóm 4 đội được vào vòng loại tại Nam Phi.
- Nhóm A: South Africa, Mexico, Urugay, France
- Nhóm B: South Korea, Greece, Argentina, Nigeria
- Nhóm C: England, USA, Algeria, Slovenia
- Nhóm D: Serbia, Ghana, Germany, Australia
- Nhóm E: Netherland, Danmark, Japan, Cameroun
- Nhóm F: Italia, Paraguay, New Zealand, Slovakia
- Nhóm G: Côte d’Ivoire, Portugal, Brazil, North Korea
- Nhóm H: Honduras, Chile, Spain, Schwizerland
Kết quả: đội tuyển Đức gặp đội tuyển Uruguay tranh giải 3 và 4. Đội tuyển Đức thắng Uruguay với tỷ số 3-2 đoạt hạng 3, được huy chương đồng. Đội tuyển Tây Ban Nha gặp đội tuyển Hòa Lan trong trận chung kết và thắng với tỷ số 1-0, đoạt huy chương vàng và Cup Vàng năm 2010. Hòa Lan đứng hạng 2, được huy chương bạc.
Trong giải bóng đá quốc tế kỳ này có những sự kiện đáng ghi nhớ như sau:
1)-Đội tuyển Pháp có hành động chưa từng có trong lịch sử bóng đá là “đình công không tập dượt’’ chống huấn luyện viên Raymond Domenech. Cầu thủ Nicolas Anelka không nhận khuyết điểm và không xin lỗi huấn luyện viên trong cuộc họp có tranh cãi, sau khi Pháp thua Nam Phi 0-2 vào ngày 17.6.2010. Anelka bị đuổi về nước. Sự kiện bị loại sớm và hành động chống tập luyện của các cầu thủ làm tổn thương tới danh dự nước Pháp. Tổng-thống Nicolas Sarkozy, khi được báo chí Nga phỏng vấn về hành động của đội tuyển Pháp, nhân chuyến công du Nga Sô của ông, đã trả lời là “không thể chấp nhận được’’. Bộ trưởng văn hóa Pháp cũng nói là cần phải đấu với nhiệt tình của con tim. Sau khi đội tuyển Pháp về nước thì đại diện được yêu cầu gặp TT. Nicolas Sarkozy.
2)-Trong trận đấu vào vòng Bát-kết, đội tuyển Anh gặp đội tuyển Đức. Sau khi hai đội huề nhau 1-1, cầu thủ Frank Lampark của Anh đá trái bóng vào thành ngang của gôn rồi trái bóng rơi xuống trong gôn, sau lằn trắng gạch nối giữa hai cột gôn, và nẩy lên đụng thành ngang lần hai, rồi rơi xuống bên ngoài đường ranh được cầu thủ giữa gôn chộp được. Thực tế trái bóng đã rơi vào phía trong gôn; nhưng trọng tài không nhìn kịp nên hủy bỏ. Đây là lỗi của trọng tài và đây là sự kiện tái diễn, vì đội tuyển Đức cũng đã thua Anh trong cùng trường hợp tương tự vào năm 1986. Kết quả đội tuyển Đức thắng với tỷ số 4-1. Đội tuyển Anh phản đối và không thừa nhận quyết định sai của trọng tài. Qua truyền hình chiếu lại người ta công nhận trái bóng đã lọt vào trong. Nếu trọng tài bắt đúng, gôn đó được công nhận, thì đội Anh sẽ dẫn trước 2-1 và biết đâu với tinh thần lên cao sẽ thắng đội Đức?
3)-Trong trận đấu giữa Argentina và Mexico trọng tài cũng bắt sai. Cầu thủ Carlo Tevez của Argentina đá vào gôn; nhưng cầu thủ này đã đứng sau hàng hậu vệ (phòng thủ) của Mexico, có nghĩa ở vào vị thế offside, mà trọng tài vẫn cho đội Argentina thắng trái này. Trọng tài của trận đấu giữa Argentina và Mexico bị loại ra khỏi danh sách trọng tài vào các giải tới.
Sepp Blatter, chủ tịch FIFA phải xin lỗi đội tuyển Anh và Mexico về nhưng lầm lỗi của các trọng tài. Hai đội Anh và Mexico đã chấp nhận lời xin lỗi. Từ vấn đề này, người ta dự trù sẽ dùng các máy ảnh quay lại các trái bóng được đá vào gôn, như trong các giải Tennis.
4)-Đội tuyển Nigeria, được dân ham mộ tặng cho danh hiệu là “Siêu Ó biển’’ (Super Eagle) nhưng lại bị thua Argentina 0-2, Hy lạp 1-2 và huề Nam Hàn 2-2, bị loại khỏi Nhóm B, nên bị chỉ trích là “Siêu gà con’’ (Super Chicken). Vừa bị thất bại nặng nề, vừa có tin đồn lem nhem hối lộ khiến Tổng thống Goodluck Jonathan của nước này, qua phát ngôn viên, muốn treo giò toàn đội tuyển trong 2 năm. Liên đoàn bóng đá đã phải xin lỗi chính phủ và dân chúng ham mộ về kết quả xấu của đội. Tuy nhiên, FIFA cảnh cáo là nếu chính quyền, có nghĩa chính trị, mà xen vào bóng đá thì đội tuyển Nigeria sẽ bị loại khỏi FIFA. Do đó, tin cuối cùng xác nhận là không có việc Tổng thống Nigeria treo giò đội tuyển 2 năm. Chủ tịch FIFA cũng quan tâm về quyết định của chính phủ Pháp điều tra về việc đội tuyển Pháp bị loại ngay vòng đầu.
II-Bóng đá vì tinh thần thể thao hay vì tiền?
Ban đầu bóng đá được coi như một môn thể thao có tính cách quần chúng. Để kích thích môn này các cuộc đấu giao hữu tại địa phương, trên lãnh thổ một quốc gia hay vượt qua biên giới quốc gia để tạo tình thân hữu giữa con người với con người, sự thân thiện giữa các quốc gia với nhau. Ban đầu tinh thần thể thao bóng đá mang tính chất vô vị lợi, vô chính trị, không vì tiền bạc. Nhưng với thời gian, chính trị đã len vào bóng đá, tiền bạc đã chi phối các giải, các cầu thủ và trọng tài để rồi bóng đá dần dà có vẻ nặng về kinh tế hơn thể thao. Nó cũng tạo ra nhiều vụ hối lộ trong các cuộc tranh tài địa phương, lục địa và quốc tế.
Để đi sâu vào vấn đề, chúng ta thử tìm hiểu xem các cầu thủ và trọng tài ngày nay được lợi lộc như thế nào và tại sao họ lại rơi vào tệ nạn nhận hối lộ, bán cả danh dự cá nhân và làm hoen ố tinh thần quốc gia!
2/1-Phần thưởng cho giải Bóng Đá Quốc Tế 2010
Đội tuyển quốc gia nào thắng sẽ nhập Cúp vàng và 30 triệu Mỹ-kim (US Dollars). 32 đội được vào vòng loại được nhận 1 triệu Dollars để trang trải phí tổn tham dự tranh giải. Mỗi đội bị loại khỏi nhóm được mang về nhà 8 triệu Dollars. Số tiền tặng cho các đội đứng đầu mỗi nhóm được ấn định: 9 triệu Dollars cho các đội thắng vào vòng Bát-kết (16 đội còn lại); 18 triệu Dollars cho các đội được vào vòng Tứ-kết; 20 triệu Dollars cho 4 đội được vào vòng Bán-kết. 2 đội vào chung kết đội thua được 24 triệu Dollars và đội thắng 30 triệu Dollars.
Ngoài các giải do FIFA tặng, mỗi cầu thủ và đội tuyển quốc gia còn được tặng tiền do chính phủ hoặc Tổng-hội Bóng-đá và các công ty quảng cáo tại các quốc gia liên hệ.
Ví dụ: Năm 2006, mỗi cầu thủ của đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ được tặng thêm khoảng $65.000 (USD) khi tham dự kể từ khi được vào toán giao đấu vòng loại. Về toàn đội thì được tặng thêm $2,6 triệu khi được vào vòng 2 (vòng 16 có nghĩa 16 đội còn lại sau khi các đội trong nhóm (32) đã đấu với nhau); $2,25 triệu khi được vào vòng Tứ-kết; $2,6 triệu khi được vào vòng Bán-kết; 3 triệu khi được vào Chung-kết và 3,75 triệu khi thắng giải bóng đá thế giới.
2/2-Lương một năm của mỗi cầu thủ
Tùy theo mỗi đội và liên đoàn bóng đá mà số tiền lương của mỗi cầu thủ sẽ khác nhau. Tính theo Dollar Mỹ (US Dollar) thì lương trung bình của mỗi cầu thủ của liên đoàn bóng đá khoảng từ $50.000 tới $250.000 USD một năm. Lương của cầu thủ thuộc liên đoàn bóng đá quốc gia (National Football League) khoảng $1,4 triệu USD một năm.
Hiện nay một số cầu thủ bóng đá sau đây có số lương một năm cao nhất tính theo Mỹ-kim (US Dollar).
-Lionel Messi, người Argentina, đá cho đội Barcelona (Tây Ban Nha), $43,3 triệu (USD).
-Cristiano Ronaldo, người Bồ Đào Nha, đá cho đội Real Madird (Tây Ban Nha), $39,4 triệu.
-Kaka, người Ba Tây, đá cho đội Real Madrid (Tây Ban Nha), $24,7 triệu.
-Thierry Henry, người Pháp, đá cho đội Barcelona (Tây Ban Nha), $23,5 triệu.
-Carlos Tevez, người Argentina, đá cho đội Manchester City (Anh quốc), $20,2 triệu.
-Frank Lampard, người Anh, đá cho đội Chelsea (Anh-quốc), $18,7 triệu và các quảng cáo khác khoảng 22,5 triệu.
-Samuel Eto’, người Cameroun (Phi Châu), đá cho đội Inter (Ý Đại Lợi), $18,1 triệu.
-Wayne Rooney: người Anh, đá cho đội Manchester United, 17 triệu và các quảng cáo khoảng 210 triệu.
-John Terry, người Anh, đá cho đội Chelsea (Anh-quốc), $14.6 triệu, và 6 triệu tiền hợp đồng với Umbro và các quảng cáo cho các công ty Samsung, Nationwide và Svenska Spel của Thụy Điển.
-Steven Gerrard, người Anh, đá cho đội Liverpool (Anh-quốc), $13.1 triệu và các quảng cáo khoảng 22 triệu.
-Xavi, người Tây Ban Nha, đá cho đội Barcelona (Tây Ban Nha), $12.4 triệu.
-Ashley Cole: người Anh, đá cho đội Chelsea, 9,36 triệu và các quảng cáo khác khoảng 3 triệu.
Gia sản của mỗi cầu thủ của Anh-quốc nêu trên khoảng $6 triệu USD.
2/3-Lương của huấn luyện viên bóng đá
Jose Mourinho huấn luyện viên của đội Chelsea của Anh-quốc đứng đầu với số lương là $18 triệu USD một năm. Kế đến là huấn luyện viên Svend Goran Eriksen của đội Manchester United $11,5 triệu USD. Kewell của đội Liverpool $10 triệu USD, Fabio Capello (England): $9,9 triệu, Viduka của đội Middesbourg $6,5 triệu USD, Tim Cahill của đội Everton $5 triệu USD.
Các huấn luyện viên có lương thấp hơn:
- Marcelo Lippi (Italy): 4,1 triệu - Javier Aguirre (Mexico): 4 triệu - Joachim Löw (Germany): 3,3 triệu - Berter van Marwijk (Netherlands): 2,7 triệu - Ottmar Hitzfeld (Switzerland): 2,6 triệu - Vicente del Bosque (Spain): 2,2 triệu - Carlos Queiroz (Portugal): 2 triệu - Pim Verbeek (Australia): 1,82 triệu - Carlos Parreira (South Africa): 1,8 triệu - Dunga (Brazil): 1,25 triệu - Diego Maradona (Argentina): 1,2 triệu - Takeshi Okada (Japan): 1,2 triệu - Ricki Herbert (New Zealand): 1,2 triệu - Otto Rehhagel (Greece): 1,15 triệu - Paul Le Guen (Cameroon): 960.000 - Marcelo Bielsa (Chile): 850.000 - Vahdi Halilhodzic (Cote d’Ivoire): 740.000 - Raymond Domenech (France): 720.000 - Hun Jung Moo (South Korea): 600.000 - Morten Olsen (Denmark): 570.000 - Milovan Rajevac (Ghana): 540.000 - Bob Bradley (USA): 400.000 - Radomir Antic (Serbia): 447.000 - Matjaz Kek (Slovenia): 360.000 - Gerardo Martino (Paraguay): 360.000 - Rabah Saadane (Algeria): 360,000 - Reinaldo Rueda (Honduras): 350.000 - Vladimir Weiss (Slovakia): 312.000 - Oscar Washington Tabárez (Uruguay): 300.000 - Kim Jong Hun (North Korea): 250.000 - Shaibu Amodu (Nigeria): 180.000.
2/4-Các câu lạc bộ bóng đá lấy tiền đâu mua cầu thủ với giá hàng triệu US Dollars?
Một việc mua bán lớn lớn nhất và đắt nhất trong lịch sử bóng đá là Câu-lạc bộ bóng đá Real Madrid của Tây Ban Nha đã mua cầu thủ thượng thặng người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo từ đội Manchester United của Anh với giá $132 triệu USD. Hiện nay Ronaldo là một trong các cầu thủ có số lương cao nhất, $500.000,00 (năm trăm ngàn) USD 1 tuần! John Terry đá cho đội Chelsea cũng là cầu thủ xuất sắc; nhưng chỉ lãnh lương gần bằng nửa của Ronaldo: $240.000,00 USD 1 tuần.
Ngoài ra, Real Madrid còn bỏ ra hàng triệu USD để mua các danh thủ khác như Kaka từ AC Milan của Ý và Karim Benzema, Alvaro Arbeloa và Xabi Alonso từ Liberpool của Anh. Câu lạc bộ lớn của Anh, Manchester United, cũng đã dùng $330 triệu USD để mua các cầu thủ nổi tiếng như: Carlo Tevez, Emmanuel Adebayor, Craig Bellamy, Toure v.v…
10 cầu thủ thượng thặng được mua bán với giá như sau: (1 đồng bảng Anh trị giá cao hơn 1,5 đồng Mỹ-kim - US Dollar. Để dễ tính toán, chúng tôi lấy chẵn 1,5. (£1 British Pound = $1,5 (US Dollar).
-Cristiano Ronaldo: Manchester United bán cho Real Madrid $120 triệu (US Dollar)
-Kaka: AC Milan bán cho Real Madrid $84 triệu
-Zinedine Zidane: Juventus bán cho Real Madrid $68,43 triệu
-Luis Figo: Barcelona bán cho Real Madrid $55,5 triệu
-Hernan Crespo: Parma bán cho Lazio $53,25 triệu
-Gianluigi Buffon: Parma bán cho Juventus $48,9 triệu
-Robinho: Real Madrid bán cho Manchester City $48,75 triệu
-Christian Vieri: Lazio bán cho Inter $48 triệu
-Dimitar Berbatov: Tottenham bán cho Manchester United $46,125 triệu
-Andriy Shevchenko: AC Milan bán cho Chelsea $45 triệu
Và hàng trăm cầu thủ từ Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ được mua bán với giá thấp hơn vài triệu hoặc vài trăm ngàn Mỹ-kim; nhưng vì hạn chế của bài viết, chúng tôi không thể nêu hết được.
Với số tiền chi tiêu lớn lao như vậy, làm cách nào các câu lạc bộ bóng đá thu tiền về để không bị lỗ và phá sản?
Câu lạc bộ bóng đá của Anh là Chelsea đã được nhà tỷ phú dầu hỏa người Nga, Roman Abramovich, mua trong 5 năm. Ông này có tài sản trị giá $80 tỷ USD. Chính vì vậy mà việc bỏ ra hàng triệu USD mua cầu thủ nổi tiếng như Shevenko (Nga), Ballack (Đức) và Drogba (Cameroun) trong vòng 2 năm là chuyện không có gì ngạc nhiên.
Câu Lạc Bộ bóng đá của Anh Manchester United nay do tỷ phú Sheikh Mohammed làm chủ cũng có tài sản trị giá $80 tỷ USD, nên việc bỏ ra hàng triệu USD mua các cầu thủ Rubinho, Adebayor và các cầu thủ thuộc hạng quốc tế khác cũng là chuyện bình thường.
Về kinh doanh thì có người thành công và không ít người thất bại. Câu lạc bộ bóng đá Liverpool được người Mỹ George Gillet và Tom Hicks mua, nhưng việc tái cải tổ tài chính hình như không mấy thành công. Tuy vậy, Liverpool cũng đã bỏ tiền mua cầu thủ nổi tiếng của Tây Ban Nha là Fernando Torres. Hơn phân nửa câu lạc bộ bóng đá của Anh-quốc ngày nay rơi vào tay chủ ngoại quốc chứng tỏ thị trường bóng đá tại Anh đã và đang còn gặp khủng hoảng.
Câu lạc bộ bóng đá Real Madrid, khi mua nhiều cầu thủ nổi tiếng với giá hàng chục và cả trăm triệu USD, đương nhiên họ phải tìm cách gỡ lại vốn. Cách đầu tiên là bán vé, kiếm tiền quảng cáo từ các công ty quốc tế như nước ngọt Coca Cola chẳng hạn, bán các loại quần áo, mũ nón, khăn quàng cổ, giầy dép, vòng tay, kính râm, đồng hồ … có hình danh thủ bóng đá, Cristiano Ronaldo là một ví dụ. Ngoài ra, họ cũng phải tìm sự bảo trợ khác từ các ngân hàng, công ty dịch vụ, chuyên chở…
Ví dụ: khi mua cầu thủ số một của Anh, David Beckham, Real Madrid đã kiếm lời khoảng $100 triệu USD do bán các sản phẩm mang nhãn hiệu và hình Beckham. Đối với Cristiano Ronaldo cũng vậy.
Cầu thủ tiền đạo người Argentina, Lionel Messi, hiện đá cho đội Barcelona của Tây Ban Nha được coi là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong năm 2009 (World‘s Best Footballer in 2009), cầu thủ của năm 2009 của Âu Châu (European Player Of The Year) và đoạt tước hiệu “Quả bóng vàng’’ (Ballon d’Or). Lionel Messi hiện nay đứng hàng đầu thế giới, vượt trội hơn Cristiano Ronaldo cả về số gôn (goal), danh tiếng và lương tháng.
10 cầu thủ đã đoạt tước “Quả bóng vàng’’ là:
2009: Lionel Messi, 2008: Cristiano Ronaldo, 2007: Kaka, 2006: Fabio Cannavaro, 2005: Ronaldinho, 2004: Andriy Shevchenko, 2003: Pavel Nedved, 2002: Ronaldo, 2001: Michael Owen, 2000: Luis Figo, 1999: Rivaldo
III-Giải Bóng Đá Thế Giới năm 2010
3/1-Chi phí:
Để chuẩn bị cho Giải Bóng đá Quốc-tế năm 2010, các vận động trường bóng đá khổng lồ đã được xây dựng và người ta tính số tổn phí lúc đầu dự trù vào năm 2006 là $1,095 tỷ (USD). Nhưng tới năm 2010 theo báo chí phí tổn tăng lên $4,65 tỷ và cuối cùng lên tới đỉnh cao là $10,2 tỷ để xây 10 vận động trường bóng đá mới. Phí tổn gia tăng một phần do giá xi-măng và thép trên thị trường lên giá.
3/2-Lợi tức
Theo báo Der Spiegel của Đức-quốc thì lợi tức của FIFA thu được qua dịch vụ bán bản quyền truyền hình và thị trường quảng cáo được ghi nhận như sau:
- Năm 1994, thị trường Hoa Kỳ: $120,96 triệu (USD)
- Năm 1998, thị trường Pháp-quốc: $207,9 triệu (USD)
- Năm 2002, thị trường Nhật Bản – Nam Hàn: $1.706 triệu (USD)
- Năm 2006, thị trường Đức-quốc: $1910,16 triệu (USD)
- Năm 2010, thị trường Nam Phi: khoảng $2.898 (USD)
Nhưng thực tế cho thấy FIFA thu lợi khoảng $3.000 triệu USD ($3 tỷ (USD) do việc được miễn thuế số tiền các công ty bảo trợ, gia tăng 50% so với Giải Bóng Đá Quốc-tế 2006 tại Đức Quốc.
FIFA trao giải thưởng cho 32 đội và các đội thua thắng trong các vòng kế tiếp tổng cộng chỉ có 600 triệu USD. Như vậy FIFA được lời: 3.000 triệu USD chưa tính các phí tổn chi cho trọng tài, ban tổ chức, di chuyển và việc tổ chức.
Nam Phi xây dựng được 10 vận động trường bóng đá tân thời và khoảng 483.000 du khách mang tới lợi tức thu nhập khoảng 675 triệu (USD), cũng như số tiền chia với FIFA về bán vé vào xem các trận đấu bóng.
Ngoài 483.000 du khách, còn có 17.000 phóng viên báo chí tới Nam Phi trong dịp này. Các trạm kiểm soát biên giới tại Nam Phi cho biết có thêm khoảng 201.856 người không phải là khách du lịch chính thức đi qua biên giới và khoảng 30.000 tới coi trận Bán-kết và Chung-kết.
Sau biến cố này, người ta hy vọng số lượng du khách và số đầu tư vào Nam Phi sẽ gia tăng, một khích lệ về sự phát triển kinh tế khá quan trọng. Chính vì vậy mà nhiều quốc gia lớn cạnh tranh nhau được tổ chức Giải Túc Cầu Thế Giới và đưa tới tình trạng ăn hối lộ, tham nhũng trong cơ cấu FIFA.
3/3-Lợi dụng Cup vàng để chứa bạch phiến
Chiếc Cup vàng giả cao 36cm được làm để chứa 11kg bạch phiến (Cocaine) đã bị cảnh sát Colombia bắt tại phi trường Bogota ngày 4.7.2010. 11kg bạch phiến đã được làm bằng bột bạch phiến trộn chung với Acetone hoặc Gasoline để dễ nặn thành hình, rồi sơn vàng bên ngoài. Cúp bạch phiến giả chứa bạch phiến sẽ được đưa tới Tây Ban Nha.
3/4-Lợi dụng Giải Bóng Đá Quốc-tế quảng cáo bất hợp pháp
FIFA đã kiện hãng sản xuất bia Baravia của Hòa Lan ra tòa án vì tội lợi dụng trận đấu giữa Đan Mạch và Hoà Lan để quảng cáo bia cho hãng này.
3/5-Trái bóng tồi tệ nhất
Nhiều cầu thủ, phóng viên báo chí và huấn luyện viên, trong đó có Favio Capello, huấn luyện viên đội tuyển Anh, cho rằng trái bóng đá 2010 có tên Jubulani do công ty Adidas của Đức chế tạo là trái bóng tồi tệ nhất. Những người khác ví nó như trái bóng bán trong các đại siêu thị! Độ nẩy cao và tiếng vang của nó khi rơi xuống, khi đá tự do, đá phạt hay ở khoảng cách dài không đạt tiêu chuẩn so với các trái bóng da năm 1982, 1986 và 1998 v.v... Trái bóng 2010 giá bán khoảng 150 USD/1 trái và hiện nay xuống giá còn khoảng 120 USD.
IV. Tham nhũng trong Bóng Đá và FIFA
Vì bài viết đã dài, chúng tôi sẽ đề cập đề tài này vào một dịp khác.
Liệu Thái Lan có nguy cơ bị Cộng-sản nhuộm đỏ không?
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
I- Cuộc bạo động tại Thái Lan bị dẹp tan
Trước tình hình vô trận tự, đốt phá trung tâm thương mại và tài chính quốc tế tại Thủ-đô Bangkok do đám biểu tình Áo Đỏ gây ra, ngày 19.5.2010, chính phủ Thái Lan quyết định giải tỏa bằng biện pháp quân sự. Theo tin của thông tấn xã AFP và Reuters có khoảng 900 binh sĩ và cảnh sát đã phải hộ tống đoàn xe chữa lửa đến dập tắt 17 dẫy nhà nhiều tầng thuộc trung tâm thương mại bị nhóm bạo động đốt phá. Một trực thăng quân sự cũng được dùng để cứu khoảng 100 nhân viên bị kẹt trong đài truyền hình kênh 3 (channel 3). Tại phía Đông-Bắc nhóm bạo động chiếm và đốt hai phòng hội của tỉnh.
Nhờ áp dụng biện pháp mạnh và nhất là sau khi Thiếu-tướng Khattiya Sawasdipol bị bắn vào đầu ngày 13.5.2010 sau đó chết tại bệnh viện Huachiew ngày 17.5.2010, có ít nhất 7 thủ lãnh của phe Áo Đỏ tự ý ra trình diện cảnh sát. Tướng Khattiya thuộc quân đội Hoàng Gia Thái đặc trách Chỉ-huy các cuộc Hành-quân An-ninh Quốc-tế (The International Security Operations Command), người từng cộng tác với Cơ-quan Trung-ương Tình-báo Mỹ “C.I.A" (the Central Intelligence Agency) trong các dịch vụ tình báo tại miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và tham dự vào cuộc chiến được CIA tài trợ chống Cộng-sản Lào (Pathet Laos). Tướng Khattiya cũng từng cải dạng là người Muslim để đột nhập vào sào huyệt của nhóm nổi loạn tại Acceh của Nam Dương (Indonesia). Việc ủng hộ phe Áo Đỏ dậy cách chống xe tăng bằng bom xăng và cướp xe nhà binh để chống chính phủ của Tướng Khattiya khiến ông bị loại ra khỏi quân đội vào ngày 14.1.2010.
Kể từ khi cuộc bạo động xẩy ra vào tháng 3/2010 có ít nhất 74 người chết, trong đó có một phóng viên chụp hình người Ý, và 1.700 người bị thương. Một phóng viên Gia Nã Đại và bốn binh sĩ Thái cũng bị thương do một trái lựu đạn nổ trong khu bị chiếm đóng.
II- Liệu Thái Lan có nguy cơ bị Cộng-sản nhuộm đỏ không?
Để hiểu rõ vấn đề Thái Lan có nguy cơ bị Cộng-sản nhuộm đỏ hay không, chúng ta cần tìm hiểu đảng Cộng-sản Thái Lan và sự nhúng tay vào nội tình Thái Lan của các nước Cộng-sản trong khu vực Đông Nam Á Châu.
2/1- Thái Cộng
Đảng CS Thái Lan hay tên thật là đảng Cộng-sản Xiêm (Siam) ra đời 1/12/1942 và trở thành đảng Cộng-sản lớn thứ nhì tại Đông Nam Á trong thập niên 1970, sau đảng CS Việt Nam. Năm 1948 theo tình báo Anh quốc đảng CS Thái có khoảng 3.000 đảng viên và trung tâm bí mật đóng tại căn nhà gỗ ở đường Siphraya, thủ đô Bangkok. Đảng Cộng-sản Thái Lan được sự ủng hộ của khoảng 4 triệu nông dân và 14.000 quân nhân. Vùng đảng CS Thái có ảnh hưởng lớn nhất là vùng Đông Bắc, miền Bắc và miền Nam Thái Lan. Tháng 2/1951, một phái đoàn của đảng CS Thái tham dự Hội nghị toàn quốc lần hai của đảng CS Việt Nam tại tỉnh Tuyên Quang và tham dự Cuộc họp Quốc-tế của các đảng CS và công nhân vào năm 1960 tại Mạc Tư Khoa. Trong cuộc xung đột giữa Trung Cộng và Sô-viết đảng CS Thái Lan đứng về phía Tầu Cộng và theo chủ thuyết Mao (Maoism) chống lại chủ nghĩa Xét-lại (Revisionism) và Đế-quốc Xã-hội Chủ-nghĩa.
Năm 1962 đảng CS Thái thiết lập đài phát thanh "Tiếng nói Nhân-dân Thái Lan" trụ sở đặt tại tỉnh Vân Nam, Trung-quốc. Mở đầu cho các hoạt động công khai, đảng CS Thái cho ra đời "Mặt-trận Yêu nước Thái Lan" vào ngày 1/1/1965 với chương trình 6 điểm về Hòa-bình và Trung-lập, để chống đối chính quyền Thái và sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Thái Lan. Họ áp dụng chiến lược "Chiến tranh Nhân-dân" theo sách lược của đầu sỏ Tầu Cộng là Mao Trạch Đông và già Hồ Việt Nam. Tháng 8/1965 Mặt-trận này, với quân số khoảng 1.200 cán binh, mở đầu các cuộc tấn công quân sự vào các khu vực NaKae và tỉnh Nakhon Phanom. Tới năm 1969 thì Tư-lệnh Tối-cao của Quân-đội Giải-phóng Nhân-dân Thái Lan được thành hình, mở đầu cho cuộc chiến tranh du kích tại phía Bắc và phía Nam giáp biên giới Mã Lai, nơi lực lượng quân sự của đảng CS Mã trú đóng.
Từ năm 1970, CS Thái Lan, được Việt Cộng và Tầu Cộng trợ giúp, đã mở các cuộc tấn công vào phi trường dành cho phi cơ oanh tạc của Hoa Kỳ tại Thái Lan. Sau cuộc đàn áp sinh viên biểu tình tại đại học Thammasat vào tháng 6/10/1970, nhiều sinh viên, công nhân, trí thức khuynh tả tham gia vào đảng Xã-hội Thái và được huấn luyện quân sự và chính trị tại các căn cứ nằm trong đất Lào. Huấn luyện viên là cán bộ CS Thái, Lào và Việt Nam. Năm 1977 CS Thái có khoảng 6.000 tới 8.000 cán binh và một triệu người đồng tình ủng hộ. Trong giai đoạn này một nửa các thành phố Thái Lan bị Cộng-sản xâm nhập. Đến ngày 7/5/1977 thì đảng Xã-hội Thái công bố hợp tác đấu tranh quân sự với đảng CS Thái và ngày 28/9/1977 hai đảng tuyên bố thống nhất trong một mặt trận mang tên "Ủy-ban Hợp tác của các Lực-lượng Yêu nước và Dân-chủ" (Committee for Coordination og Patriotic and Democratic Forces).
Khi Việt-cộng tấn công qua Căm Bốt vào năm 1978 để diệt Pol Pot thì CS Thái lâm vào tình trạng bị tống khứ khỏi lãnh thổ Lào vì CS Lào đứng về phía Việt-cộng. Bunyen Worthong và một nhóm sinh viên tách ra thành lập "Đảng Giải phóng Isan Thái Lan" thường gọi là đảng Pak Mai (Tân Đảng) tại Vientiane, ủng hộ CS Việt Nam và Lào.
CS Thái chính thức lên án CSVN xâm lăng Căm Bốt vào ngày 7/6/1979. Sau đó quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Thái Lan và Trung Cộng được tái lập thì hai nước này coi Việt-cộng là địch thủ thân Sô-viết. Tầu Cộng cố vấn cho CS Thái giảm bớt sự chống đối chính phủ Thái và đài phát thanh của CS Thái trên lãnh thổ Trung-quốc bị ngưng hoạt động ngày 10/7/1979. Năm 1980 chính phủ Thái Lan qua nghị định 66/2521 ân xá cho các đảng viên CS về chiêu hồi. Tháng 3/1981 đảng Xã-hội huỷ bỏ quan hệ với đảng CS Thái, vì thấy đảng này bị ảnh hưởng bởi ngoại bang. Tháng 4/1981 lãnh đạo CS Thái yêu cầu đàm phán hòa bình với chính phủ; nhưng chính phủ Thái đòi tất cả cán binh CS phải bỏ súng trước khi khởi sự đàm phán.
Trong một công bố vào ngày 25/10/1981, thiếu-tướng Chavalit Yongchaiyudh, giám đốc phân bộ hành quân của Quân-đội Thái tuyên bố cuộc chiến chống các lực lượng CS Thái đã đi tới hồi kết thúc, khi tất cả các căn cứ lớn của Quân-đội Giải-phóng Nhân-dân Thái Lan ở miền Bắc và Đông-Bắc bị tàn phá. Năm 1982, Thủ-tướng Prem Tinsulanonda ban hành nghị định 65/2525 tiếp tục ân xá cho các cán binh CS Thái. Nhờ chính sách ân xá và chiêu hồi lực lượng quân sự và cán binh CS Thái ngày càng suy sụp. Trong thời gian này hai thủ lãnh cao cấp của Bộ Chính-trị CS Thái là Damri Ruangsutham và Surachai Sae Dan bị quân đội chính phủ bắt giữ. Trong thập niên 1990 người ta không ghi nhận các hoạt động quan trọng nào của CS Thái.
2/2- Sự nhúng tay vào Thái Lan của các đảng Cộng-sản trong vùng.
a)- Tầu Cộng
Cộng đồng người Tầu có mặt tại Thái Lan do hậu quả của hai cuộc các mạng Tân Hợi và Cộng-sản tại Trung Hoa vào năm 1911 và 1927. Sau đó CS Tầu len lỏi vào đám dân buôn, thợ thuyền và dân nghèo để hoạt động và có ảnh hưởng vùng Đông-Bắc Thái Lan, nơi mà CS Việt Nam đã hoạt động mạnh kể từ thập niên 1920. Năm 1923 Tầu Cộng gửi một nhóm tham mưu nhỏ tới Vương Quốc Thái và năm 1926 đảng Nanyang được thành lập tại Đông-Nam Á Châu. Năm 1927 hàng trăm thanh niên Tầu thành lập Thanh Niên Cộng-sản Xiêm (The Communist Youth of Siam: CYS) liên hệ với Đảng CS Siam (CPS). Tổ chức CS thứ hai chi nhánh của đảng CS Tầu tại Thái Lan có tên Đảng CS Tầu của Thái Lan (The Chinese Communist Party of Thailand: CCPT). Tuy nhiên, vào các năm 1921 đến 1931 nhiều cán binh CS Tầu ở Thủ-đô Bangkok và vùng phía Bắc bị bắt do chính sách bài trừ CS của chính quyền Thái Lan. Kể từ năm 1933 thì vấn đề tuyên truyền cho chủ thuyết CS bị coi là tội phạm chống lại quốc gia, khiến cho CS Thái rơi vào tình trạng suy thoái vào năm 1936.
Năm 1950, Thái Lan trở thành Đồng Minh của Hoa Kỳ và trở thành quốc gia đầu tiên tại Á Châu cung cấp quân đội và vật liệu cho Liên Hiệp Quốc tại chiến trường Triều Tiên. Để đáp lại, hàng loạt viện trợ quân sự của Hoa Kỳ dành cho chính quyền Thái Lan. Chính sách chống Cộng-sản và Tầu Cộng trở nên mãnh liệt hơn. Tầu Cộng giúp CS Thái tranh đấu tại nông thôn; nhưng chính sách cải cách của chính phủ Thái đã đóng vai trò quan trọng trong việc tranh thủ nhân tâm, khiến cho các nỗ lực của Tầu Cộng không đạt được thành quả khả quan.
Ngày nay thì khác, CS Tầu đã thành công trong việc chiếm Tây Tạng và qua tay sai Cộng-sản bản xứ tại các nước nhỏ nằm về phía Tây Trung-quốc giáp Ấn Độ như: Bhutan, Bangladesh, Nepal, Miến điện và Tích Lan (Sri Lanka) ở phía Nam… Tầu Cộng đang bành trướng chủ-nghĩa Mao Trạch Động (Maoism) qua các đảng hoặc nhóm Cộng-sản mang tên Đảng Mao (Maoist Party) hay Mặt-trận Mao (Maoist Front) hoặc Phong-trào Mao (Maoist Movement)v.v...
b)- Việt Cộng (VC)
Hồ Chí Minh, biệt hiệu là Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần đại diện Cộng-sản Quốc-tế (CSQT) do Sô-viết lãnh đạo tới Thái Lan để thành lập đảng Cộng-sản Thái Lan (CSTL) với sách lược nhuộm đỏ toàn bộ các quốc gia Đông Dương gồm Việt Nam, Cao Miên và Lào. Tháng 7-1928, Hồ đến Thái Lan, lấy cái tên Tầu lai là Thầu Chín, để hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở các tỉnh Udon Thaini, Phi Chit, Sakon Nakhon... trước khi về trú tại Na-Chock của tỉnh Nakhon Phanom. Ngày mới đến, Hồ đã hô hào dân Việt tại đây dựng lên ngôi nhà gọi là nhà hợp tác để làm nơi sinh hoạt và phổ biến Chủ-nghĩa Cộng-sản. Chính vì vậy mà ở khu vực Nakhon Phanom thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan, một tỉnh đông Việt kiều, đã bị Hồ nhuộm đỏ lòm.
Là dân Thái gốc Việt mà hầu như nhà nào cũng treo hình ông tổ Cộng-sản họ Hồ! Năm 1936, qua chương trình diệt trừ Cộng-sản của chính phủ, ở phía Đông-Bắc Thái Lan nhiều cán binh Việt Cộng đã bị bắt. Số còn lại vội trở về nước tham gia vào các cuộc chiến chống Thực-dân Pháp. Từ đó ảnh hưởng của Cộng-sản Việt Nam (CSVN) và Cộng-sản Tầu (CST) suy giảm đối với Cộng-sản Thái. Năm 1954, Thái Lan và Phi Luật Tân tham gia vào Tổ-chức Hiệp-ước Đông-Nam Á "SEATO’ (The Southeast Asia Treaty Organization) với mục đích chống Chủ-nghĩa Cộng-sản qua liên minh với Tây-phương và với các quốc gia thân Tây-phương. Năm 1957, tướng Sarit Thanarat làm cuộc đảo chính lên nằm quyền lực. Năm 1959, hàng loạt nhân vật cánh Tả bị bắt và chính phủ ra lệnh cấm nhập hàng hóa nhập cảng từ Trung Cộng. Năm 1960, nằm trong kế hoạch phá vỡ liên minh Cộng-sản Đông Dương, quân đội Thái Lan đã hành quân bí mật với quân đội Mỹ trên chiến trường Lào.
Trong cuộc chiến Đông Dương và cuộc xung đột giữa Việt Cộng và Tầu Cộng vào năm 1979-1980 thì CS Thái mất phần lớn trợ giúp từ ngoại quốc. Nhiều cán binh CS đã giã từ du kích trở về thành phố qua chính sách chiêu hồi và ân xá của chính phủ Thái. Khi Việt Cộng xâm lăng Cam Bốt vào năm 1979 thì cuộc xung đột giữa CS Thái và VC xẩy ra. Đảng Cộng-sản Việt Nam (CSVN) kể từ năm 1975 có hứa sẽ trợ giúp quân sự cho CS Thái, nhân việc Hoa Kỳ thất bại tại Đông Dương, nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng tại Thái Lan. Những hứa hẹn được nhắc lại nhiều lần; nhưng CS Thái từ chối, cho rằng VC muốn tạo ảnh hưởng của mình vào phong trào cách mạng Thái Lan.
Đối với VC thì việc từ chối của CS Thái là ý muốn của CS Tầu để tránh sự bành trướng cuộc đấu tranh cách mạng trong vùng và chứng minh rằng CS Thái lệ thuộc chính trị vào CS Tầu. Trong thời kỳ đó CS Thái phải chọn giữa hai đồng minh cũ. Cuối cùng CS Thái đã đồng minh với Tầu và Khờ-me Đỏ (Khmer Rouge) rồi tố cáo CSVN là Chủ-nghĩa Đế-quốc Xã-hội tại Đông-Nam Á Châu. Chính vì vậy mà Thủ-tướng VC Phạm Văn Đồng đã tuyên bố hủy bỏ mọi trợ giúp cho CS Thái. Vào năm 1979, các mật khu của CS Thái và CS Thái gốc Tầu ở Lào-quốc bị dẹp bỏ và trục xuất. Trong cuộc xung đột giữa Việt Cộng và Pol Pot thì CS Thái cũng lo sợ Việt Cộng, nên chuẩn bị đối phó một cuộc xâm lăng Thái Lan từ phía Việt Nam.
c)- Miên Cộng
Ngày 4/11/2009 cựu thủ tướng Thaksin được chính phủ Căm Bốt công khai mời làm cố vấn đặc biệt cho chính phủ và thủ-tướng Hun Sen! Theo đài truyền hình Căm Bốt thì chính phủ Căm Bốt từ chối trục xuất Thaksin, vì coi ông ta là nạn nhân của sự kết án chính trị, mặc dù ông ta can tội tham nhũng. Để phản đối, ngày 5/11/2009, chính phủ Thái Lan triệu hồi Đại sứ ở Căm Bốt về nước và Căm Bốt cũng hành động tương tự. Trước biến cố này, người ta ghi nhận đã có cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Thái và Căm Bốt tại khu đền Preah Vihear, nơi mà cả hai nước đều cho là thuộc lãnh thổ của mình. Thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva cho rằng hành động của chính phủ Căm Bốt là can thiệp vào nội tình Thái Lan và vi phạm các thoả ước song phương nên cần phải xét lại. Cuộc xung đột lãnh thổ về phương diện lịch sử giữa Căm Bốt và Thái Lan, trong đó có ngôi chùa nổi tiếng Thế-giới là Angkor cũng từng tạo nên căng thẳng giữa hai nước trong nhiều năm qua.
d)- Phi Cộng (Đảng CS Phi Luật Tân: The Communist Party of Philippines: CPP)
Theo sự khám phá của Cơ-quan Phối-hợp Tình-báo Quốc-gia "NICA" (The National Intelligence Coordinating Agency) của Phi Luật Tân thì cán bộ Cộng-sản Phi không chỉ nhận diện được ở Ấn Độ mà cả tại Thái Lan và các quốc gia láng giềng vùng Đông Nam Á. Theo Pedro Cabuay, Giám-đốc của Cơ-quan Phối-hợp Tình-báo Quốc-gia thì các cán bộ CS Phi được xuất cảng qua Ấn Độ để huấn luyện đám tay sai Cộng-sản theo chủ thuyết Mao Trạch Đông (Maoism và những người theo chủ-thuyết này gọi là Maoists). Cơ quan NICA hợp tác với Cơ-quan Trung ương Tình-báo Mỹ "CIA" và "Mossad" (HaMossad leModi’in uleTafkidim Meyuchadim) của Do Thái cũng như với các Cơ-quan tình báo của các quốc gia trong khối ASEAN (The Association of South East Asian Nations). Theo giám-đốc Cabuay thì người sáng lập Cộng-sản Phi, Jose Maria Sison, hiện tỵ nạn tại Hòa Lan, đã vận động đảng viên của mình vào một tổ chức mang tên "Liên-đoàn Quốc-tế Nhân-dân Đấu-tranh" (International League of Peoples Struggle). Liên đoàn này có 40 chi nhánh trên Thế-giới. Qua sự phối hợp giữa hai Cơ-quan Tình-báo Ấn-Phi thì tin tức cho biết CS Phi huấn luyện cho Cộng-sản địa phương của Ấn Độ về chiến tranh du kích tại Tiểu-bang phía Tây Gujarat.
e)- Phải chăng cựu Thủ tướng Thaksin hoạt động có lợi cho Cộng-sản?
Người ta không hiểu tại sao một cựu Thủ-tướng bị Tối Cao Pháp Viện Thái Lan tuyên án về tội tham nhũng mà thiểu số Áo Đỏ lại phản đối và các quốc gia khác vẫn coi thường phán quyết này, để cho Thaksin tự do hoạt động ngoài vòng pháp luật?
Cựu Thủ-tướng Thaksin đã xin tỵ nạn tại Trung-quốc, Nicaragua và nhiều nước Nam Mỹ và Phi Châu. Tường trình cho biết Thaksin đã được quốc gia Bahamas và Nicaragua dành cho tước hiệu công dân danh dự. Thaksin cũng đã xây một lâu đài, trị giá 5,5 triệu bảng Anh, tại Trung-quốc! Chính sự kiện này khiến người ta nghi ngờ có bàn tay nhám của Tầu Cộng trong các vụ bạo loạn tại Thủ-đô Bangkok hiện nay. Tháng 5/2009 theo tường trình thì Thaksin đang ở Dubai. Phát ngôn viên cho biết Thaksin đã sử dụng giấy thông hành (Passport) của 6 quốc gia, không có giấy thông hành Thái Lan. Tháng 12/2008, Thaksin mượn danh nghĩa cao cấp xin Visa một năm của Đức-quốc, nhưng bị chính phủ Đức rút lại vào ngày 28/5/2009. Năm 2009 người ta được biết Thaksin trở thành công dân của nước Montenegro và Nicaragua công nhận Thaksin như một nhà ngoại giao, có nghĩa ra vào nước này theo qui chế ngoại giao.
III- Thái Lan có thể trở thành Việt Nam thứ hai không?
Trước các cuộc bạo động, đốt phá và bất tuân luật pháp của phe Áo Đỏ, người ta liên tưởng ngay tới sự nhúng tay của Cộng-sản trong khu vực. Các vấn đề sau đây có thể chứng minh một phần hay toàn phần hành động của các nước Cộng-sản Á Châu:
-Bằng chứng 1: Nhà cầm quyền Căm Bốt do Thủ-tướng Hun Sen cầm đầu đã mời cựu Thủ-tướng Thaksin của Thái Lan làm cố vấn kinh tế. Thủ-tướng Miên Cộng Hun Sen có vợ là người Việt Nam, được huấn luyện và hỗ trợ bởi Việt Cộng. Chính Việt Cộng đã đưa Hun Sen về nước nắm quyền sau khi Khmer Đỏ của Pol Pot bị đánh bật ra khỏi Thủ-đô Nam Vang trong cuộc xâm lăng Căm Bốt của Việt Cộng vào năm 1978-1979. Vì thế, nếu Hun Sen công khai mời Thaksin làm cố vấn cho ông ta thì người ta có thể hiểu ngầm là có sự đồng ý của Việt Cộng. Thực tế cho thấy 6 tỉnh phía Đông-Bắc Thái Lan, có dân số khoảng 10 triệu người, đã và đang bị Căm Bốt thăm dò qua các hành động khủng bố và đe đọa kiểu cộng-sản. Hàng chục dân làng bị ám sát chứng tỏ cánh tay dài của cộng-sản, nhân sự và tuyên truyền đã từ Lào vượt quan sông Cửu Long vào Thái Lan để thực hiện chính sách bành trướng của Cộng-sản.
-Bằng chứng 2: cựu Thủ-tướng Thaksin đã xây căn nhà trị giá 5,5 triệu Bảng Anh tại Trung-quốc. Tại sao Tầu Cộng lại chứa chấp Thaksin và cho ông ta xây nhà trên lãnh thổ mình, trong khi Thái Lan và Trung Quốc cùng là hội viện của ASEAN và có quan hệ thương mại với nhau trong nhiều năm?
-Bằng chứng 3: Trong một bài viết ngày 13/4/2010 của một mạng lưới truyền thông (đính kèm trong phần tài liệu tham khảo) có tựa đề "Cuộc bạo động Thái Lan là niềm hân hoan cho Nhà cầm quyền Việt Nam" (The Thai unrest is boon for Vietnamese government) đã nhận định rằng: các cuộc xung đột tại Bangkok giữa lực lượng cảnh sát cùng quân đội và những người Áo Đỏ ủng hộ cựu Thủ-tướng Thaksin đã gây nên cái chết cho 21 người và hàng chục người bị thương trong cuối tuần qua lại làm cho Nhà cầm-quyền Việt Nam có cớ so sánh sự bất ổn của Thái Lan và sự ổn định của Việt Nam!
Phạm Chiến Khu, Giám-đốc Viện Nghiên-cứu Quan-điểm Xã-hội, một bộ phận của Đặc-nhiệm Tuyên-truyền của đảng CSVN đã tuyên bố: "Thật hợp lý để nói rằng các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ chuyển đầu tư của họ từ Thái Lan sang Việt Nam. Các nhà đầu tư ngoại quốc tìm thấy ở Việt Nam có chế độ chính trị ổn định, như vậy các nhà đầu tư ngoại quốc đầu tư thay vì ở Thái Lan có lẽ chọn Việt Nam".
Lời phát biểu trên để lộ ý đồ "Ngư ông thủ lợi" của Việt Cộng.
-Bằng chứng 4: Không trực tiếp nói ra; nhưng Việt Cộng và Tầu Cộng vẫn còn rất sợ Thái Lan cho Hoa Kỳ sử dụng các phi trường của Thái vào mục tiêu quân sự để can thiệp vào vùng Á Châu, trong đó biết đâu có cả Việt Nam, Căm Bốt, Lào và Trung quốc trong tương lai?
Do đó các nước Cộng-sản trong vùng muốn lật đổ các chính quyền Thái Lan thân Hoa Kỳ. Nếu không lật được thì họ sẽ gây rối loạn chính trị và làm bất ổn thị trường kinh tế. Từ đó dân chúng Thái sẽ bạo động chống chính quyền và các nhà đầu tư ngoại quốc tránh xa Thái Lan.
Kể từ khi Thống-tướng Sarit Thanarat nắm quyền lực vào năm 1958 thì Thái Lan được coi là bàn đạp của Hoa Kỳ trong cuộc chiến bí mật chống các phong trào Cộng-sản tại Việt Nam, Cam Bốt và Lào. Thỏa hiệp mang tên Thanat-Rush được ký kết giữa Bộ-trưởng Ngoại-giao Mỹ Dean Rush và Thái Lan Thanat Khoman vào năm 1962 nhằm xác định Hoa Kỳ sát cánh cùng Thái Lan chống lái các cuộc tấn công của Cộng-sản trong nước và từ nước ngoài. Theo thỏa hiệp Hoa Kỳ cũng hứa viện trợ kinh tế và xã hội cho Thái Lan. Quân đội Thái được Hoa Kỳ huấn luyện và tài trợ. Đổi lại, Thái Lan cho phép 7 căn cứ Không-quân Mỹ được hiện diện trên đất Thái để chống Cộng-sản Đông Dương
a)- Trong cuộc chiến Việt Nam, Thái Lan đã cho Hoa Kỳ xây dựng phi trường quân sự tại Pattaya và phi trường này được trao lại cho Thái Lan sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt.
Ngoài ra, Thái Lan còn cho Hoa Kỳ sử dụng căn cứ Không-quân Hoàng-gia tại Udorn (Udorn Royal Thailand Air Base) nằm về phía Bắc và phi trường U-Tapao ở phía Nam dành cho các phản lực cơ oanh tạc khổng lồ B.52 của Mỹ trong chiến dịch oanh tạc miền Bắc Việt Nam. Hoa Kỳ trong tháng 3/1975 cũng đã dùng phi trường U-Tapao để tiến vận quân dụng và vũ khí cho Tướng Lon Nol, người đảo chính Vua Shianouk lên nắm chính quyền tại Nam Vang.
Đặc biệt ngày 20-21/11/1970, trong cuộc hành quân táo bạo mang tên Kingpin, Lực-lượng Đặc-biệt Mũ Xanh (Green Berets) của Lục-quân Mỹ được sự yểm trợ của toán Đặc-nhiệm 77 của Hàng-không Mẫu-hạm Hải-quân Hoa Kỳ, đã thi hành nhiệm vụ cứu khoảng 100 tù binh Mỹ bị giam tại tỉnh Sơn Tây miền Bắc Việt Nam. Cuộc hành quân tối mật do hai phi cơ trực thăng USAF HH-53s và HH-3 phát xuất từ căn cứ Không-quân Hoàng-gia tại Udorn. Cuộc hành quân không đem lại kết quả, vì khi Lực-lượng Đặc-biệt Mỹ đổ bộ xuống trại tù binh Sơn Tây thì các tù nhân đã được VC di chuyển tới một vị trí khác rồi! Người ta không hiểu tình báo VC biết trước kế hoạch của Mỹ hay tin tức tình báo của Hoa Kỳ không chính xác?
b)- Trong cuộc chiến Iraq và A Phú Hãn (Afghanistan), Thái Lan cũng cho phép Không-quân Mỹ sử dụng phi trường Thái để thực hiện các phi vụ tấn công hoặc yểm trợ các mục tiêu quân sự tại hai chiến trường này.
Kết-Luận
Hiện tại người ta chưa tìm được bằng chứng thiết thực Tầu Cộng, Việt Cộng, Miên Cộng và Lào Cộng trực tiếp nhúng tay vào nội tình Thái Lan qua cuộc bạo động phá hoại vừa qua nhằm lật đổ chính quyền và hủy bỏ Vương quyền Thái. Nhưng dựa vào các sự kiện lịch sử đã và đang xẩy ra tại một số quốc gia Á Châu, người ta thấy rằng:
Một Tây Tạng, quê hương của Phật-giáo Mật-tông, của các Đạt Lai Lạt Ma đã bị Tầu Cộng nhuộm đỏ từ năm 1950, trước sự ngỡ ngàng và chỉ biết tiếc thương của Thế-giới.
Một Vương quyền Nepal đã bị sụp đổ, vì đảng CS Népal đã triệt để khai thác và áp dụng thành công lý thuyết Mao Trạch Đông (Maoism) và chiến lược Chiến tranh Du-kích (Guerrilla Warfare) và Chiến-tranh Nhân-dân (People’s war). Nay đảng CS Nepal lại nắm đa số trong Quốc-hội và đang có ý định hủy bỏ hiến pháp, lật đổ chính quyền, để độc đảng cai trị, nhuộm đỏ nước này và nằm trong quỹ đạo của Tầu Cộng. Cuộc tổng đình công của phe Mao trong tháng 5/2010 là một chứng minh cụ thể cho thấy sức mạnh phe CS Nepal.
Một Tích Lan (Sri Lanka) từng mệnh danh là quê hương thứ hai của Đức Phật cũng đang chịu ân nghĩa của Tầu Cộng. Với vũ khí, bom đạn và viện trợ của Tầu, chính quyền Sri Lanka đã dẹp tan Tổ chức Tamil đối lập thân Tây-phương, nay chịu áp lực nằm trong quỹ đạo và cho Tầu Cộng thiết lập căn cứ hải quân đầu tiên tại Ấn Độ Dương!
Một Ấn Độ, một trong các quốc gia hàng đầu đang trên đà phát triển kinh tế cũng đang phải đối phó với loạn quân xưng danh Maoists và các cuộc xung đột biên giới giữa Ấn và Trung vẫn còn tiếp diễn.
Một Bắc Hàn, đàn em hung hăng của Tầu Cộng, trong tháng vừa qua đã khiêu khích quân sự bằng cách đánh đắm chiến hạm của Nam Hàn tại hải phận giữa hai nước. Sự khiêu khích này trước hết nhằm phô trương sức mạnh nguyên tử của Cộng-sản Bắc Hàn; kế đến tạo nên khủng hoảng cả về chính trị lẫn quân sự trong bán đảo Triều Tiên. Nó sẽ đưa tới hậu quả là các nhà đầu tư ngoại quốc e ngại sự bất ổn trong vùng sẽ gây thiệt hại cho các chương trình đầu tư của họ vào Nam Hàn, một con Rồng Kinh-tế Á Châu.
Chiến lược xâm lăng lâu dài của Tầu Cộng là dùng các đảng Cộng-sản hay tổ chức Maoism tại địa phương để khuấy động và gây rối tại các quốc gia Á Châu về chính trị sẽ đem lại lợi ích cho Tầu Cộng nói riêng và các nước Cộng-sản trong vùng nói chung. Sự bất ổn chính trị tại Thái Lan hay Nam Hàn sẽ là cớ khiến cho các nhà đầu tư của Hoa Kỳ và Tây Phương không muốn đầu tư vào các nước liên hệ.
Thuyết Domino của cố Tổng-thống Eisenhower đã đúng một phần: Việt Nam, Căm Bốt và Lào đã bị nhuộm đỏ bởi Chủ-nghĩa Cộng-sản. Các quốc gia vùng Đông Nam Á còn lại là Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Tân Gia Ba, Brunei và Phi Luật Tân dù chưa bị nhuộm đỏ, nhưng các đảng Cộng-sản theo chủ-thuyết Mao đang có cơ hội phát triển mạnh.
Hiện nay Tầu Cộng, Việt Cộng, Miên Cộng và Lào Cộng không dám ra mặt trực tiếp nhúng tay vào cuộc lật đổ chính quyền Thái Lan hay một số quốc gia trong vùng, vì các nước này đều là hội viên của Hiệp-hội Các Quốc Gia Đông Nam Á "ASEAN". Một trong các qui định trong hiệp-ước của tổ chức này là "các quốc gia hội viên không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau".
Nhưng, với chính sách cho vay tiền nhẹ lãi, trợ giúp tài chính vô điều kiện (không đòi hỏi về Nhân-quyền), viện trợ quân sự dễ dàng v.v… như trong chiến tranh Việt Nam, Tầu Cộng dần dà lôi kéo hoặc làm áp lực các quốc gia chịu ơn phải nằm trong quỹ đạo của Tầu.
Đến một thời điểm nào đó khi Tầu Cộng trở thành Đế-quốc có sức mạnh quân sự và kinh tế ngang hàng với Hoa Kỳ thì giấc mơ "Đại Đông Á" của Minh Trị Thiên Hoàng và Phát-xít Nhật trong Đệ Nhị Thế-chiến sẽ được Tầu Cộng thi hành thành công, không bằng chiến tranh bom đạn, mà bằng chiến lược xâm lăng bằng kinh tế.
Cuối cùng, nếu các quốc gia liên hệ không chịu qui phục thì Tầu Cộng sẽ dùng tay sai Maoists ở các quốc gia liên hệ phát động các cuộc cách mạng vũ trang và nếu cần, Tầu Cộng không ngần ngại sử dụng chiến thuật biển người hoặc vũ khí nguyên tử.
Những cái chết không người yêu vuốt mắt
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Đôi lời giới mở đầu
Bỏ tù các Sĩ-quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (SQ/QLVNCH) qua cái gọi là chính sách cải tạo của Việt Cộng kể từ sau ngày 30.4.1975 là nguyên nhân đưa tới nhiều cái chết oan nghiệt trong các trại cải tạo. Là một Sĩ-quan từng trải qua các trại cải-tạo Trảng Lớn, Kà-tum và Suối Máu, tôi đã có dịp chứng kiến tận mắt những cái chết thê thảm. Nguyên nhân đưa tới những cái chết tức tưởi của các chiến sĩ VNCH trên chiến trường hay trong nhà tù Cộng-sản dĩ nhiên là hậu quả của mưu đồ xâm chiếm miền Nam và chính sách cải-tạo của Việt Cộng (VC).
Nhân kỷ niệm 35 năm Quốc Hận, xin kể lại đây tâm tư của SQ/QLVNCH trong tù cải tạo vào thời điểm năm 1978-1980 và sự ra đi về bên kia thế giới của một số chiến sĩ VNCH. Mời quí độc giả trở về với quá khứ để tưởng nhớ "Những cái chết không người yêu vuốt mắt!’’
Thấm thoát đã bốn năm trôi qua. Bốn năm nằm trong trại cải tạo, người sĩ quan Pháo-binh có cảm tưởng dài như bốn thế kỷ! Thời gian vẫn lặng lẽ trôi đi; chương trình cải tạo vẫn được tiếp tục không mốc hạn. Đảng Cộng sản hy vọng qua chính sách cải tạo, những người thuộc chế độ cũ sẽ gột rửa được tư tưởng chống phá Cách-mạng, để đổi chiều "Yêu nước là yêu Chủ-nghĩa Xã hội". Người Cộng-sản không hay chưa nhận ra được chân giá trị giữa Chủ-nghĩa Tự do và Xã-hội Chủ-nghĩa. Họ cũng chưa chứng minh được Xã-hội Chủ-nghĩa "ưu việt" ở chỗ nào. Nếu đem cuộc sống của dân chúng thuộc khối Cộng-sản Đông Âu, Trung-cộng và Việt-cộng, để so sánh với nếp sống của Tây-phương hay miền Nam Việt Nam; người ta thấy có sự chênh lệch khá cao.
Tuy nhiên sự khác biệt về kinh tế, về phương diện vật chất không quan trọng bằng lãnh vực tinh thần, đó là sự tự do, một báu vật đã được định giá bằng máu và nước mắt của bao nhiêu thế kỷ. Vì không chứng minh được cái hay cái đẹp của Chế-độ Cộng-sản, làm sao họ có thể thuyết phục được sĩ quan cải tạo, những người có trình độ hiểu biết đáng bậc thày của giáo viên cải huấn, những người đã nhận thức sâu xa giá trị của tự do dân chủ xuyên qua các trào lưu tư tưởng lớn của nhân loại.
Từ chủ trương và chính sách một chiều, từ trên xuống dưới chỉ biết nhai đi nhai lại một điệp khúc "Yêu nước là yêu Chủ-nghĩa Xã-hội", nghe hoài nhàm tai. Chính sách cải tạo dưới con mắt của Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà chỉ là kế hoạch trả thù, chứ không phải xóa bỏ hận thù. Cái khẩu hiệu "Không làm không có ăn", nếu so sánh giữa hai miền thì Miền Nam giầu có, ấm no và hạnh phúc hơn miền Bắc. Như vậy phải ca tụng đồng bào miền Nam và hoan hô các chiến sĩ Quốc-gia đã đấu tranh để bảo vệ tự do và hạnh phúc của miền Nam mới phải. Như vậy: cán ngố Việt-cộng cần được đưa vào các trung tâm để nâng cao trí tuệ mà các giảng viên phải là Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mới hợp lý.
Từ đó, dù thời gian qua đi, nhưng những kỷ niệm oai hùng xưa không thể nào phai mờ trong tâm trí của những người trai thời chinh chiến. Quá khứ càng anh hùng, thực tại càng đau đớn xót xa. Tự-do không còn, Dân-chủ đã mất. Không hình ảnh nào thấm thía bằng hai câu thơ vừa có ý châm biếm, vừa có ý phản kháng Chế-độ Cộng-sản, mà đồng bào miền Nam và các Sĩ quan còn đang sống trong các trại cải tạo hầu như đã thuộc lòng:
"Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý,
Đồng khởi vùng lên mất Tự do ".
Đảng Cộng-sản đổi đường Công Lý thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Tự Do thành đường Đồng Khởi tại Thủ đô Sài gòn, không ngoài mục đích xóa bỏ những danh xưng đường phố cũ và nêu cao những cuộc khởi nghĩa của Việt-cộng. Nhưng người ta cũng hy vọng rằng những con đường này sẽ là khởi điểm bùng nổ cuộc cách mạng giải phóng quê hương vào một ngày nào đó, để Công-lý lại về với lẽ phải và Tự-do lại được hồi sinh, để Nhân Quyền được bảo đảm
Cả miền Nam bao phủ mầu cờ búa liềm đỏ máu, mầu cờ mà dân chúng Miền Bắc, đặc biệt là dân di cư năm 1954, khi nhìn thấy đều kinh hoàng; mầu cờ mà các nhà cách mạng, các đảng phái Quốc-gia trong thời kỳ kháng Pháp và chống Nhật năm 1945, nhìn thấy là tủi buồn uất hận.
"Giải phóng Miền Nam", một khẩu hiệu đã đầu độc hàng chục ngàn thanh niên miền Bắc lao đầu vào cuộc chiến tàn khốc và bỏ thây trong rừng thiêng nước độc, trên đường mòn xâm lược của họ Hồ. Đại Thắng Mùa Xuân năm 1975 đã giải phóng đồng bào miền Nam từ chỗ giầu sang, trở về thời kỳ "bần cố nông", và từ cuộc sống tự do sung túc lâm vào kiếp khủng bố đọa đầy!
Bốn năm qua rồi, nhưng đa số Sĩ quan cải tạo vẫn còn bị nhốt trong tù. Nếu dựa vào Hiệp Định Ba Lê năm 1973, thì chính sách cải tạo không phải là khoan hồng nhân đạo; mà là vô nhân đạo. Vì sau thời gian học tập tốt, Đảng lại đưa ra khẩu hiệu "Lao động tốt" để đánh giá sự hối cải của từng Sĩ quan cải tạo. Có học phải có hành, tư tưởng tốt phải thể hiện qua hành động. Vì thế kế hoạch thi đua lao động và chọn lựa những "Anh hùng lao động" được tung ra, là một âm mưu bóc lột sức người và tạo ra cảnh cạnh tranh bất chính hoặc gây ra những xung đột về tư tưởng cũng như hành động trong các Sĩ quan cải tạo.
Để thi hành chương trình "Lao động tốt", Đảng lại đưa các sĩ quan cải tạo đến vùng rừng núi miền Bắc, miền Trung, Cao nguyên hay vùng sình lầy châu thổ sông Cửu Long. Bốn năm qua đi, nay coi như làm lại từ đầu. Rừng Kà-tum không thâm sơn chướng khí đủ, nên các Sĩ quan QLVNCH lại được đưa đi xa hơn nữa, lên Bình Long, Phước Long, Kon-tum, Buôn Mê Thuột, Tánh Linh, Xuyên Mộc, rừng lá và miền Trung v.v... để thử nước độc và làm bạn với muỗi rừng gây bệnh sốt rét.
Những Sĩ quan có tên trong danh sách "Anh hùng lao động" hay những người còn nằm chờ như "cá nằm trên thớt!", gương mặt trông chẳng còn thần khí như xưa! Đa số lo sợ "Ra đi không có ngày về!" Có người bi quan thở dài: "Kỳ này chắc được về Vùng V (Năm) Chiến Thuật! Còn gì nữa mà mong ngày đoàn tụ!" Tất cả những người sẽ ra đi hay còn nằm chờ trong trại cải tạo Suối Máu ở Hố Nai, Biên Hòa đều bị giao động và choáng váng.
Trời đất như có vẻ cảm thông thân phận của các Sĩ quan cải tạo. Không gian bỗng trở nên âm u, mưa phùn rơi rả rích suốt đêm ngày.
Vì đang sống trong thời gian chờ đợi để được kêu tên, các Sĩ quan không phải đi lao động bên ngoài. Những lúc rảnh rỗi, đa số anh em ngồi từng nhóm chơi cờ tướng hay làm những đồ kỷ niệm, để khi có dịp thăm nuôi tặng người nhà; cũng như để ghi khắc thời kỳ tủi buồn nhất trong đời.
Trong lúc ngoài trời vẫn đổ mưa, cảnh vật chìm lặng dưới mây mù gió lộng, bỗng một luồng sét đánh rung chuyển cả dẫy nhà K.3 nơi tôi đang ở. Sét đánh tung mái tôn, gẫy cột nhà. Từ ngoài sân bỗng có tiếng la thất thanh:
- Chết tôi rồi!
Những người đang tắm dưới mái tôn vội chạy vào nhà. Người ở trong nhà thì chạy ra khiêng anh sĩ quan bị sét đánh da cháy xám và bất tỉnh. Anh em vội vàng, người thoa dầu, người làm hô hấp nhân tạo và tất cả những phương pháp khác để cứu nạn nhân. Sau đó anh được đưa sang bệnh xá K.30 để cấp cứu. Nhưng số bất hạnh, anh bị chết ngay trên đường di chuyển. Cây trứng cá gần chỗ tôi ngồi, vô tội vạ; cũng bị sét đánh gẫy cành, rớt ngọn. Tôi và một số anh em ngồi dựa vào cột nhà bằng sắt, cũng bị điện sét giật, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
Mưa vẫn rơi. Gió vẫn thổi. Sấm vẫn nỗ rền vang trên không trung. Sau giây phút sét đánh bàng hoàng, các sĩ quan cải tạo trở về vị trí của mình. Ai nấy đều nằm nhìn trời, đầu óc suy tư bâng khuâng.
Có người giầu tưởng tượng cho rằng "Trời muốn đánh tan những gian nhà nhốt Sĩ quan cải tạo", như vậy sắp được tha. Người khác lại cho rằng "Sét đánh là điềm xui, phen này đi dễ, khó về!".
Trong tâm tư, mỗi Sĩ quan đều nghĩ về số phận các bạn mới ra đi lao động nơi miền rừng núi hồi sáng sớm tinh sương. Giờ này họ tới đâu?
Ai cũng lo lắng bồi hồi và tự hỏi: "Bao giờ tới lượt mình? Thời gian thử thách bao lâu, để được gọi là học tập tốt, lao động tốt?"
Một số sĩ quan già, qua kinh nghiệm vào những năm của thập niên 1950, qua cái gọi là chính sách "Trăm hoa đua nở" tại miền Bắc vào các năm 1957-1958, thì không một ai tin rằng có đi lao động mới chóng được tha. Đối với các sĩ quan trẻ, thì sau ba năm cải tạo, họ đã hiểu được sự lừa dối của Đảng và Nhà nước Cộng-sản. Vì thế hầu như ai cũng nghi ngờ và thất vọng. Tình trạng vượt tù ngày càng gia tăng. Bệnh khủng hoảng thần kinh hay các bệnh nan y bộc phát ngày một nhiều. Tình trạng tuyệt vọng đưa tới những vụ tự tử, một hiện tượng có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trong các trại cải tạo.
Mọi người đang nằm suy tư, bỗng có tiếng xe di chuyển và tiếng nói ồn ào:
- Ủa! Đoàn xe chở các sĩ quan đi lao động hồi sáng sớm; sao giờ lại trở về?
- Chắc ngày mai lại có "biên chế" hoặc có người được tha.
- Còn khuya! Làm gì có chuyện tha! Đi lao động mút chỉ!
Những tiếng bàn luận mỗi lúc một to. Tôi vội đi ra ngoài để quan sát và xem tình hình như thế nào. Vừa ra khỏi láng, tôi nghe một sĩ quan trở về nói lớn:
- Mưa quá! Đường bị ngập lụt. Nước cuốn trôi cả cầu, nên đoàn xe phải quay đầu trở lại. Mai đi tiếp.
Ai nấy đều thở dài!
Trong tâm trí, người nào cũng biết rằng tương lai thật đen tối. Những khu rừng hoang thú dữ sẽ là nơi sinh hoạt của các anh hùng lao động. Con đường đưa tới lao động vinh quang là con đường đất sình lầy ngập lụt. Trại lao động vinh quang là vài ba gian nhà lá trống trải tại những vùng "khỉ ho cò gáy". Vinh quang của các anh hùng lao động là mỗi ngày được vài ba củ sắn, dăm củ khoai hoặc ba bốn muỗng bo bo; để rồi phải vào rừng hàng cây số, vác cây hai ba người ôm, phá rừng làm rẫy, đắp những con đường đất dẫn vào núi đồi trùng điệp, những con đường chiến lược được xử dụng nhằm phục vụ cho chính sách bành trướng của Chế-độ Cộng-sản Quốc-tế và Việt Nam.
Những người trở về đêm nay lo âu, ngủ không được. Người còn ở lại thì suy tư miên man, thức trắng đêm. Hình ảnh một thời lao động cực khổ tại Kà-tum, Sa-mát, nay lại hiện ra trong tâm trí của các SQ/QLVNCH đã hơn một lần nằm gai nếm mật. Tương lai đi về đâu và số phận mình sẽ ra sao, không ai biết được.
Vì chương trình đưa Sĩ quan cải tạo đi lao động tại miền rừng núi; nên một số gian nhà tôn K.3 ở phía sau, gần cầu tiêu, bị bỏ trống. Trong khung cảnh đen tối của những đêm mưa buồn, các Sĩ quan còn lại thường kể cho nhau nghe những truyện ma quái vô tội vạ. Các câu truyện về "Ma Lai rút ruột, ma Cà Rồng ăn xác chết tại nghĩa địa, Oan hồn tử sĩ trở về khóc than v.v..." là những đề tài khá hấp dẫn và thường làm cho những người yếu bóng vía không dám đi cầu tiêu ban đêm.
Tại K.3 này, đã có một Đại- úy Thiết-giáp thắt cổ tự tử sau hiên nhà vệ sinh. Anh có để lại bức thư tuyệt mệnh gửi cho vợ con. Vì chết trong oan nghiệt, đêm đêm anh trở về láng thăm bạn bè. Nhiều người nghe anh đi tới đi lui, guốc kêu lọc cọc. Đôi guốc cố hữu mà anh vẫn mang mỗi ngày trong trại cải tạo. Hình ảnh anh thắt cổ treo toòng teng bên hiên nhà càng làm cho khu nhà bỏ trống thêm âm u hoang vắng, đặc biệt vào những đêm mưa phùn gió bấc và đêm đông lạnh giá.
Những người nhát gan đêm đêm không dám nằm ngủ ngoài bìa, không dám đi giải quyết "đệ tứ khoái" vào ban đêm. Vì thế, cứ vào buổi chiều, trước khi màn đêm sắp buông xuống, nhiều anh em đã đứng sắp hàng dài cả trăm mét để "tống khứ chất bã" cho cái bầu tâm sự vơi đi. Ban đêm anh nào bị đau bụng bất ngờ, bị "Tào Tháo đuổi", thường phải năn nỉ bạn bè đi theo.
Chiều nay sao buồn quá! Gió đơn côi thổi qua các khe cửa của dẫy nhà tôn bỏ trống tạo nên những tiếng rít nghe rợn người. Bầu trời đen nghịt do mây mưa bao phủ. Cảnh vật bị chìm đắm trong màn đêm tĩnh mịch. Mưa rơi rả rích trên mái tôn, trong lòng người cô quạnh. Đêm buồn hiu không ru nổi giấc ngủ. Một chàng sĩ quan trẻ thuộc binh chủng Pháo binh rảo bước trong các căn nhà bỏ trống. Đêm buồn đưa tâm tư anh trở về dĩ vãng. Anh nhớ những ngày đầu gặp gỡ người yêu, nhớ câu ca dao mà anh đã mượn cớ để mở đầu câu chuyện tán tỉnh:
Bây giờ Mận mới hỏi Đào,
Vườn Hồng đã có ai vào hay chưa?
Là nữ sinh văn hay chữ tốt, V… liền đối lại cũng bằng hai câu ca dao với cử chỉ thật duyên dáng:
Mận hỏi thì Đào xin thưa,
Vườn Hồng có lối nhưng chưa ai vào!
Thế rồi hai người quen nhau, yêu nhau và dìu nhau dạo trên các con đường phố, trong công viên hay bên bờ hồ thơ mộng. Nhưng rồi chiến tranh lan rộng trên khắp lãnh thổ miền Nam. Tết Mậu Thân 1968, những tiếng đạn chát chúa thay cho tiếng pháo Giao thừa. Xác pháo tàn không thấy, chỉ thấy vỏ đạn AK văng đầy khắp nơi. Những tiếng hô "Xung phong" át cả lời chúc "Bình an" nhân dịp dân quân miền Nam đón Tết! Trẻ em thơ ngây thay vì được bộ quần áo mới, nay lại phải mặc áo tang. Cha khóc con, vợ khóc chồng, cả miền Nam ngụp lặn trong máu lửa binh đạo. Cảnh vui ngày Tết nay biến thành cảnh mai táng chia lìa.
Thế rồi, theo lệnh Tổng động viên, anh đã hân hoan lên đường làm nghĩa vụ giữ vững non sông. Anh ra đi với biết bao kỷ niệm: nhớ khi mới nhập ngũ bận trên mình bộ quân phục rộng thùng thình và dài lê thê trông thật tức cười; nhớ lúc đeo ba lô hành quân dã chiến, lúc gắn "Alpha" ra trường, ra đơn vị và thời gian xông xáo hành quân diệt địch trên chiến trường... là tất cả những kỷ niệm tuy gian nan nhưng hào hùng.
Nhưng bỗng chốc cuộc đời quân ngũ bước vào khúc quanh lịch sử. Tất cả chỉ còn là những kỷ niệm thương đau! 30-4-1975, ngày miền Nam bị Việt Cộng xâm chiếm, bị nhuộm đỏ bởi Chủ-nghĩa Cộng-sản Vô Thần! 30-4-1975, cuộc đời oai phong của các Sĩ quan QLVNCH bước qua một trang sử mới, trang sử bị tù tội đọa đầy. Cuộc đời được thêu dệt bằng những vòng hoa kẽm gai là cuộc đời vô nghĩa. Ngồi trong hàng rào kẽm gai tính từng ngày, mong từng bữa ăn, là những gì quá tủi nhục đắng cay. Đi lao động tại các khu rừng già hoang dã là cảnh tượng chán chường và thê lương khó tả. Hình ảnh các tù nhân phải lao động khổ sai đang ám ảnh và đè nặng lên tâm hồn chàng Sĩ quan Pháo binh trẻ tuổi.
Chiều nay, mưa giăng buồn khắp không gian. Chiều nay, các gian nhà bỏ trống trở nên vắng vẻ lạ thường. Chàng Sĩ quan lang thang một mình trong khu nhà điêu tàn, tay ôm từng cây cột và lắc mạnh những xà ngang. Mắt anh nhìn hờ hững vào không gian vô tận.
Gió vẫn rít qua các khe cửa như những tiếng ma hú gọi hồn. Mưa vẫn rơi tí tách trên mái nhà tôn rỉ xét. Mưa rơi trên lối đi. Mưa soi mòn những góc nhà hiu quạnh. Thời gian trôi mau. Màn đêm đã buông xuống. Tất cả sĩ quan cải tạo đều an giấc, chỉ còn những tiếng côn trùng tỉ tê dưới mưa khuya vắng vẻ nghe như những tiếng rên tha thiết, trầm buồn. Nó vọng lên như những âm điệu hòa tấu bi ai trong màn đêm u tối.
Thỉnh thoảng có tiếng mơ nói của một vài người đang ôn lại những kỷ niệm thời chinh chiến. Lâu lâu có tiếng thì thầm của một hai người rủ nhau đi cầu tiêu vào giữa đêm. Họ vội vã nhìn trước nhìn sau, vì phải đi băng qua khu nhà bỏ trống để tới nơi một người đã treo cổ tự tử cách đây không lâu.
Trong đêm tăm tối ma quái đó, có một bóng đen lặng lẽ bước đi trong căn nhà bỏ trống. Có lúc bóng đen dừng lại, lúc nhẩy lên cao, như muốn nắm lấy xà ngang. Nhưng rồi bóng đen đứng lại im lìm như kể lể.
"V…, anh viết cho em trong đêm buồn hiu hắt. Anh viết cho em khi tâm hồn anh đang giao động cực mạnh. Viết cho em để chứng tỏ rằng không bao giờ anh muốn xa em hay chối bỏ một tình yêu đã đượm mầu qua bao năm tháng. Đêm nay, đêm tăm tối kinh hoàng. Anh đã ôn lại chặng đường qua đi và hiện đang sống trong mặc cảm của những anh hùng ngã ngựa. Anh nhớ mãi những kỷ niệm êm đềm năm xưa, nhớ cử chỉ âu yếm, nhớ hành động ôm choàng lấy anh khi anh về phép, nhớ lúc em mân mê tà áo chiến binh, nhớ bàn tay mềm mại thon xinh vuốt nhẹ trên "Alpha’’ vai anh và nhớ lời em thường nói:
"Trông anh oai quá. Em yêu dáng kiêu hùng của những chàng trai thế hệ đi làm nghĩa vụ giữ gìn quê hương và bảo vệ tự do hạnh phúc cho đồng bào.’’
Viết cho em hôm nay cũng để xác định rằng, anh vẫn yêu em như thuở nào. Vẻ hào hùng ngày xưa, nay không còn nữa! Thân thể anh bắt đầu tàn tạ bơ phờ; nhưng tình yêu em không bao giờ thay đổi. Thân phận của anh cũng như các Sĩ quan khác là thân phận của những người mang tư tưởng chiến bại và bị bỏ quên trong ngục tù. Danh dự của người chiến sĩ chiến đấu cho tự do dân chủ, nay bị Việt-cộng chụp cho cái danh hiệu "Ngụy Quân!" Nếu dựa vào "Dân làm chủ và ý dân là ý Trời", thì người đấu tranh cho ước vọng Tự do Dân chủ của toàn dân là Ngụy Quân, hay kẻ khủng bố, đàn áp bóc lột và tước đoạt mọi quyền căn bản của dân mới là Ngụy Quân?
Tất cả các Sĩ quan chân chính đều mang nặng mặc cảm trước cuộc đời vô nghĩa còn lại. Tất cả không còn kiêu hùng, không còn là Đại Bàng tung cánh bay cao như một thời đã qua. Các anh đã mất công danh, tan sự nghiệp, lấy gì để bảo đảm đời sống cho gia đình, và là chỗ tựa cho những người vợ hiền hòa chung thủy! Từ những mặc cảm đó, một số Sĩ quan thường nói bông đùa với nhau:
-Kỳ này ra thăm nuôi, tớ sẽ nói với vợ: em hãy tự quyết định cho tương lai của mình. Nếu cần phải sống và lo cho con, hãy coi anh như người đã chết. Nếu có thể, Em hãy kiếm người khác có phương tiện và công danh cao hơn anh để bắt đầu một cuộc đời mới v.v...!"
Anh thật không ngờ, lời nói bồng bột thiếu đắn đo phát ra trong một lúc tâm hồn trống rỗng, khi con người cảm thấy cuộc đời vô nghĩa, đã xúc phạm đến mối tình chung thủy của em. Xuất thân từ một gia đình gia giáo, trưởng thành trong môi trường luân lý đạo đức và luôn đặt niềm tin vào đối tượng mình yêu, lời nói kiểu bông đùa đó, đã vô tình dẫm nát tim em. Em đã sống xa chồng, sống trong tủi nhục vì mang danh là vợ Sĩ-quan Nguỵ! Em đã cực khổ suốt ngày để kiếm tiền nuôi con và từng giờ, từng phút, từng giây mong được gặp lại người yêu. Thời gian hội ngộ trong những lúc được thăm nuôi dù có ngắn ngủi, nhưng cũng đủ sưởi ấm lòng nhau, tạm đủ để làm vơi đi phần nào nỗi buồn tê tái của kẻ ở trong tù và người sống ngoài vòng kẽm gai.
Bao nhiêu hy vọng, bao nỗi nhớ thương bị một lời nói vô tình làm tan như mây khói! Danh dự của em bị xúc phạm. Lòng chung thủy của em bị coi thường. Tình yêu sâu đậm bao nhiêu, khi bị phũ phàng sẽ đau đớn nát tan không tưởng tượng nổi. Vì thế em giận anh, như giận một kẻ bạc tình. Em ra về trong tủi nhục. Em sống trong thất vọng và cuộc đời đã khổ đau, nay lại chồng chất đau khổ. Em tủi thân và thực sự muốn xa lánh anh. Những lần thăm nuôi sau này vắng bóng em, điều đó chứng tỏ em đã lạnh nhạt với anh.
Em ơi! Em hãy hiểu rằng: trong lúc khổ đau và thất vọng, nhiều người không thể kiểm soát được tư tưởng của mình. Có những người mắc bệnh nan y. Có những người rơi vào tình trạng đãng trí và có cả những người bị tê liệt, mù lòa, vì khóc than cho cuộc đời cải tạo! Anh cũng bị mặc cảm chi phối, anh không hoàn toàn kiểm soát được lời nói của mình và đúng ra, vì thương em, anh không muốn cuộc đời của em dính liền với thực tại thê thảm của người tù cải tạo, người đã hết thời. Sự vô tình của anh và sự giận hờn của em đã cắt đứt tình ta.
Em ơi! Cuộc tình đã đượm mầu qua bao năm tháng nay trở thành vô nghĩa, nay chỉ còn lại thương đau! Hết tình yêu, con người như cây khô, vô nghĩa. Cuộc đời không có em, còn ai sưởi ấm lòng anh. Anh đã hối hận. Anh đã khóc trong nhiều đêm dài thổn thức, kể từ khi em không còn đến thăm anh nữa.
Đêm nay, đêm cuối cùng của đời anh. Đêm nay kết thúc cuộc đời của một chiến sĩ không được hân hạnh hy sinh vì Tổ-quốc trên chiến trường; nhưng chết trong trại tù cải tạo.
Kính lậy cha mẹ,
Đêm nay con nhớ lại những lời cha mẹ kể về thời thơ ấu của con, thật đẹp và dễ thương. Đêm nay con nhớ lại những năm tháng dài được sống bên cha mẹ, những người luôn lo cho con mình từng miếng ăn, giấc ngủ và nhất là khi con đau ốm. Đưa con tới trường, dậy bảo con thành người hữu ích cho xã hội, là những hành động chứng tỏ sự quan tâm và tình thương bao la của cha mẹ dành cho con. Khi lập gia đình, khi có đứa con đầu tiên khôi ngô tuấn tú; lúc đó công ơn của cha mẹ ngày xưa, nay con mới hiểu rõ và tình thương cha mẹ mới thấm thía hơn nhiều. Cũng vì nghĩ lại thân phận mình, giờ con hối hận về những hành vi có khi đã làm mất lòng cha mẹ. Con còn nhớ những lần cãi lại cha mẹ, đôi lúc thô lỗ cọc cằn. Nếu hiểu theo đạo lý và phong tục Việt Nam, thì các hành vi đó cũng được coi như ngỗ nghịch.
Giờ đây, khi sa cơ thất thế, nhìn lại bản thân, con thấy xấu hổ vô cùng. Cuộc đời của con tuy không dựa trên những dối trá lưu manh; nhưng con vẫn cảm thấy vô nghĩa! Con không còn dịp báo hiếu cha mẹ và chăm sóc vợ con. Trong hoàn cảnh hiện nay, con hoàn toàn thất vọng. Tương lai mờ tối quá. Tương lai của một kẻ bại trận và vô dụng đối với gia đình.
Con thấy phải xa tất cả, sống cũng như thừa!
- Lậy cha mẹ, xin tha cho, con là đứa con bất hiếu!
- V… ơi! Anh là người chồng vô tình và vô dụng!
- Chào tất cả!!!
Thời gian lặng lẽ trôi. Màn sương vẫn còn bao trùm cả không gian. Xa xa có tiếng cú kêu não nùng như gọi hồn người về bên kia thế giới. Trại cải tạo Suối Máu vẫn còn chìm đắm trong sương mù. Nhiều người còn ngủ say. Trong khi đó có vài người dậy sớm tập thể dục, bóng hình chập chờn, tay chân cử động như những bóng ma trong căn nhà bỏ trống gần đường đi. Cảnh vật còn đang im lìm, bỗng có tiếng la thất thanh:
- Anh em ơi! Có người thắt cổ tự tử!
Những hồi kẻng báo động và báo thức vang lên. Toàn thể sĩ quan cải tạo tại K.3 bị rúng động qua lời thông báo lại có người thắt cổ tự tử. Nhiều sĩ quan sợ bị liên lụy không dám tới gần xác chết. Một số người bạo dạn hơn, tò mò đến gian nhà bỏ trống phía trong xem sao. Từ xà ngang trong căn nhà hoang vắng, một xác chết treo toòng teng, mặt tím bầm, lưỡi lè ra trông thật ghê sợ.
Bọn công an Việt-cộng được thông báo, vác súng chạy vào và cô lập khu vực. Sau khi khám xét sơ sài, tên cán bộ có trách nhiệm ra lệnh:
- Lấy cái chiếu bó lại, đem nó đi!
Khi lục soát đồ đạc của chàng Sĩ-quan cải tạo xấu số; người ta thấy hai bức thư ân tình và oan trái có nội dung tổng quát như trên.
Trời vừa hừng sáng, nhưng lại bị mây đen phủ kín. Mưa rơi lả tả trên K.3 kinh hoàng. Các sĩ quan cải tạo ngậm ngùi nhìn theo người bạn xấu số bị cuốn tròn trong chiếc chiếu cũ thảm thương.
Có những tiếng nghẹn ngào nức nở và tiếng thản thở não nề:
-Tội nghiệp thay! CÁI CHẾT KHÔNG NGƯỜI YÊU VUỐT MẮT!
Nền kinh tế Hy Lạp đi về đâu?
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Trong những ngày qua, dân chúng Hy Lạp tổng đình công, xuống đường biểu tình chống đối chính phủ, dĩ nhiên phải có lý do. Sự khủng hoảng tài chính của Hy Lạp không ít thì nhiều có ảnh hưởng trực tiếp tới đồng tiền chung Euro của Liên Hiệp Âu Châu (EU) và nền kinh tế của khối này. Nếu không có biện pháp giải quyết cấp thời thì cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế của một số quốc gia hội viên trong Liên Hiệp sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng toàn Âu Châu. Là công dân của các quốc gia Âu Châu người Việt tị nạn cũng bị ảnh hưởng một phần, điển hình là thuế gia tăng và hàng hóa mắc mỏ. Để có cái nhìn thực tế về hiện tình kinh tế Hy Lạp, chúng tôi sẽ trình bày các mục dưới đây.
I- Một vài nhận định về cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp?
-Giáo sư kinh tế người Mỹ Noriel Roubini đã tiên đoán đúng cuộc khủng hoảng tài chính của Hoa Kỳ và thế giới năm 2008. Nay ông lại tiên đoán là tình trạng tài chính của Hy Lạp có thể trở thành gần như một nhà băng bị phá sản.
-Một số nhà bình luận khác cho rằng nền tài chính của Hy Lạp hiện nay sẽ không khác gì tình trạng khủng hoảng tài chính của Băng Đảo (Iceland) vào năm 2008 và Dubai năm 2009.
-Theo Pascalis Rainmondos Moeller gốc người Hy Lạp, giáo sư kinh tế của Trường Thương-mại Copenhagen thì "Hy Lạp có tiền, nhưng nhiều tiền xuất phát từ kinh tế đen, và như vậy người ta không thấy được. Vấn nạn là tài chính của chính phủ chứ không phải nền kinh tế của Hy Lạp là như vậy. Kinh tế đen chiếm 25% nền kinh tế Hy Lạp và không giúp được gì cho công quỹ."
-Theo tin tức của Thời báo Tài Chính (Financial Times) của Anh quốc thì Hy Lạp đang đi van xin Trung Quốc để người Tầu mua công khố phiếu trị giá khoảng 35 tỷ Mỹ-kim. Nhưng chính phủ Hy Lạp mới đây đã phủ nhận tin này qua phát biểu của Bộ-trưởng Tài chính George Papaconstantinou: "Chúng tôi không là Băng Đảo kế tiếp cũng như Dubai".
II- Cuộc khủng hoảng trầm trọng như thế nào?
Tổng hợp tin tức từ giới truyền thông Âu-Mỹ, chúng tôi nhận thấy vấn nạn của Hy Lạp xuất phát từ các dữ kiện như sau:
- Sự thâm thủng ngân sách tài chính của chính phủ đã lên tới 12,7% Tổng Sản-lượng Quốc-gia "GNP" (Gross National Product) trong khi qui định của Liên-hiệp Âu-châu không vượt quá 3%.
-Chính phủ Hy Lạp đã báo cáo dối trá về con số thâm thủng trong ngân sách cho Ngân-hàng Trung-ương (ECB: European Central Bank) và Ủy-ban Đặc-nhiệm Âu châu (EC: European Commission).
-Chính phủ Hy Lạp không kiểm soát được sự chi tiêu trong lãnh vực công quyền, cho vay rẻ và thất bại trong việc cải tổ tài chính trong thời kỳ kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng trì trệ
-Số nợ của quốc gia Hy Lạp hiện nay vào khoảng khoảng trên 300 tỷ Euro (413,6 tỷ US Dollars), có nghĩa nó lớn hơn Tổng Sản-lượng Quốc-nội "GDP" (Gross Domestic Product) là 338.250 tỷ USD và Tổng Sản-lượng Quốc-gia là 341.688 tỷ USD, lớn hơn nền kinh tế của quốc gia và số nợ có thể lên tới 120% Tổng sản-lượng Quốc-gia vào năm 2010.
-Trị giá tín dụng bị xuống thấp nhất trong khu vực đồng Euro, một lỗ hổng đen lớn về tài chính khiến cho các nhà đầu tư ngoại quốc e ngại đầu tư vào Hy Lạp.
2- Phản ứng của dân chúng
Dân chúng Hy Lạp đã tỏ ra bất mãn và phản ứng mạnh vì:
-Người ta được biết Hy Lạp là một trong số các quốc gia nhập cảng nhiều nhất xe hơi mắc tiền hiệu Mercedes của Đức. Tiền bạc ở đâu và do giới nào là câu hỏi đang cần được trả lời.
-Sau gần 30 năm trở thành hội viên của Liên Hiệp Âu châu mà Hy Lạp coi như vẫn còn nằm trong tình trạng kinh tế kém phát triển, như vùng Trung Đông (Levanten) và Đông-Nam Âu Châu (Balkan). Hy Lạp cũng không theo kịp đà phát triển cả về kinh tế lẫn chính trị theo hệ thống Tây Âu.
-Nhiều người trốn thuế hoặc lừa đảo. Nhóm này chỉ tìm cách trả thuế một phần tượng trưng so với lợi tức thu nhập của mình.
-Số lượng công chức làm việc trong các công sở gia tăng gấp bốn lần, trên 1 triệu người, kể từ khi Hy Lạp trở thành hội viên vào năm 1981. Nhiều công chức về hưu ở tuổi 40 hay 50 và được hưởng tiền hưu bổng cao.
-Theo Ngân-hàng Thế-giới (WB: World Bank) và Quỹ Tiền-tệ Thế-giới (International Monetary Fund) thì Hy Lạp được xếp vào danh sách tham nhũng nhất trong 27 quốc gia hội viên Liên Hiệp Âu Châu và ngang hàng với một số nước tham nhũng nổi tiếng trong thế giới thứ ba như Chí-lợi (Chilé) và Ai Cập (Egypt). Vấn đề tham nhũng bắt nguồn từ khi đảng Bảo-thủ Tân Dân-chủ lên cầm quyền vào ngày 7/3/2000. Thị trường chứng khoán phát triển mạnh vào những năm cuối 1990 đã rơi vào tình trạng suy sụp. Hàng ngàn nhà đầu tư nhỏ bị phá sản vào năm 2000. Các vụ buôn bán gian lận khế ước bảo hiểm, vụ bê bối của công ty điện thoại Vodafone, các vụ cháy rừng chiếm đất đã đưa tới sự suy thoái trầm trọng của nền kinh tế Hy Lạp. Việc nhẩy lầu tự tử của Tổng thư-ký Bộ Văn-hóa Christos Zachopoulos đã nói lên vấn nạn này. Sau khi Zachopoulos chết, người ta phát giác trong sổ băng của ông này có 5,5 triệu Euro.
-Trong khi 1/5 dân số sống dưới mức nghèo, theo thống kê tiền lợi tức có 20% dân Hy Lạp kiếm được 100.000 Euro một năm, và 90% có lương dưới 30.000 Euro. Bộ-trưởng Tài chính tuyên bố với báo Người Quan Sát (Obsever) là Hy Lạp có nhiều người giầu không bị đánh thuế, vì có quá nhiều người trốn thuế. Nếu nhìn vào con số thực tế người ta sẽ thấy số người khai lợi tức trên 100.000 Euro là 15.000 người. Nhưng ông không tin có ai tại nước này lại tin chỉ có 15.000 người Hy lạp kiếm được hơn 100.000 Euro một năm. Lời phát biểu này chứng tỏ có khá nhiều người trốn thuế. Vì thế ngân sách quốc gia bị thiếu hụt là chuyện dĩ nhiên.
Trước cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng này, công đoàn của các công nhân viên chính phủ không chấp nhận trở thành nạn nhân của các vụ đầu cơ tài chính của ngoại quốc; cũng không muốn hy sinh phải trả giá cho nhiều nhà giầu, những người không giúp gì cho ngân quỹ quốc gia. Đây là sự kiện có thể nhìn thấy tại các quốc gia hội viên trong Liên Hiệp. Mỗi khi tăng hay giảm thuế thì hầu như người nghèo chịu thiệt thòi nhất.
Sau các cuộc bàn thảo, thương lượng nhằm tìm giải pháp cứu nguy cho nền kinh tế và tài chính không thành công, ngày 11/2/2010, các công đoàn đã phải bày tỏ sự bất mãn của mình qua các cuộc biểu tình và tổng đình công tại phi trường, công sở, trường học, bệnh viện, nhà ga, taxi; nông dân thì phong tỏa dọc theo biên giới Bảo Gia Lợi (Bulgaria) v.v… để đòi chính phủ phải cải tổ chính sách tài chính, thuế khóa và thi hành các kế hoạch kinh tài sao cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
3- Biện pháp giải quyết của chính phủ Hy Lạp
Trước nguy cơ phá sản của đất nước, Bộ-trưởng Tài-chính Panpondou đã đưa ra các biện pháp cấp thời như sau:
-Giảm thiểu sự tiêu dùng trong cơ cấu công quyền, giảm lương công chức, giảm tiện nghi công cộng; gia tăng thuế thuốc lá, xăng dầu và rượu bia; cải tổ hệ thống hưu bổng, nâng cao tuổi về hưu lên 2 tuổi và cắt giảm tiêu dùng ở khu vực công v.v…
Biện pháp trên lại đưa tới tình trạng thất nghiệp lên cao, đến một thời điểm nào đó sẽ không kiểm soát được. Bộ-trưởng Tài chính Panpondou hứa hẹn với Đặc nhiệm Âu Châu (EC) sẽ làm giảm sự thâm thủng ngân sách từ 12,7% Tổng Sản-lượng Quốc-nội (GDP) năm 2009 xuống còn 3% vào năm 2012. Theo đài BBC trong cuộc họp giữa Thủ-tướng Hy Lạp George Papandreou và Tổng-thống Pháp Nicolas Sarkozy ngày 10/2/2010, Thủ-tướng Papandreou hứa sẽ thi hành mọi biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề qua lời phát biểu "Chúng tôi không yêu cầu sự giúp đỡ, mà chỉ cần hỗ trợ thiện chí của chúng tôi."
4- Hậu quả của sự khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp dĩ nhiên có ảnh hưởng tới giá trị của đồng tiền chung Euro và kéo theo sự suy thoái của một số quốc gia có nền kinh tế kém phát triển trong Liên Hiệp như
- Ái Nhĩ Lan (Ireland): Thị trường Ái Nhĩ Lan cũng bị khủng hoảng trong thời gian qua và hệ thống ngân hàng bị mỉa mai như là một mảnh giẻ rách. Chính phủ tiên đoán nền kinh tế bị suy giảm khoảng 7,5% năm 2009 và 1,25% năm 2010.
-Bồ Đào Nha (Portugal): Cơ quan đặc trách về nợ nần của Bồ Đào Nha dự tính kế hoạch cắt giảm 300 triệu Euro (417,2 triệu USD) từ mức 500 triệu. Chính phủ Bồ trở nên yếu kém khi đảng đối lập đánh bại về biện pháp khắt khao mà quốc gia cần làm dịu thị trường và giảm sự gia tăng nợ nần. Sự kiện này sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư ngoại quốc. Như vậy biết đâu Bồ Đào Nha cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh của Hy Lạp?
-Tây Ban Nha (Spain): Chính phủ Tây Ban Nha cũng dự tính sự thâm thủng ngân sách sẽ gia tăng cao hơn trong ba năm tới. Năm 2010 sẽ thâm thủng 9,8% Tổng Sản-lượng Quốc-nội GDP, 7,5% vào năm 2011 và 5,2% vào năm 2012. Tức cao hơn dự đoán trước đây 1,7% tới 2,3%.
Nếu Liên Hiệp Âu Châu can thiệp để cứu nguy Hy Lạp giống như Quỹ Tiền Tệ Thế giới IMF thì sự giảm uy tín của đồng Euro có thể xẩy ra. Nói cách khác, đồng Euro sẽ mất giá so với đồng Dollar của Hoa Kỳ. Sự thật cũng cho thấy nợ nần của Hy Lạp lên tới khoảng 100% Tổng sản lượng Quốc-gia (GNP) và năm nay có thể lên tới 113%. Theo Đặc-nhiệm Liên-hiệp Âu-châu thì số nợ lên tới 135% Tổng sản lượng Quốc-gia vào năm 2011. Cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp đưa tới hậu quả là thị trường chứng khoán ở thủ-đô Athens giảm xuống khoảng 7% từ tháng 12/2009. Vì thiếu tiền, chính phủ Hy Lạp phải bán công khố phiếu. Nhưng tiền lời công khố phiếu so với Đức Quốc gia tăng từ 2% lên 2,5%, có nghĩa tiền lời công khố phiếu của chính phủ hiện nay là 5,7%. Vấn đề bất lợi cho chính phủ Hy Lạp là tiền lời càng cao theo yêu cầu của các nhà đầu tư, thì nợ nần tự nó càng là gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Theo báo Guardian của Anh quốc, sự khủng hoảng tài chính đưa tới hậu quả là nhiều nhà đầu tư ngoại quốc đã rút từ 8-10 tỷ Euro ra khỏi Hy Lạp. Hành động này sẽ gây khủng hoảng mạnh trên thị trường lao động, nạn thất nghiệp gia tăng; sản xuất và xuất cảng khó phát triển.
6- Liên-hiệp Âu Châu giúp được gì?
Theo lý thuyết thì vấn đề của Hy Lạp chỉ có ảnh hưởng trong quốc gia này. Dựa vào hiệp ước Maastricht thì vấn nạn về ngân sách công của một quốc gia không bao giờ được tài trợ bởi Ngân-hàng Trung-ương Âu Châu bằng tiền bạc hay đổ nợ qua cho các quốc gia hội viên khác. Điều 101 của Hiệp Ước cấm Ngân-hàng Trung-ương tài trợ cho sự lạm phát và điều 103 cũng cấm việc các quốc gia hội viên phải gắn bó trách nhiệm đối với nợ nần của một quốc gia khác. Các điều khoản trên của Hiệp-ước nhằm ngăn ngừa các quốc gia hội viên khi gặp vấn đề lại ỷ vào Liên Hiệp, mà không cần phải trả nợ của nước mình. Nếu nhiều quốc gia làm như vậy thì Liên-hiệp Âu-châu sẽ không tránh khỏi nhiều khủng hoảng về mọi lãnh vực, và không biết lấy tiền đâu để thanh toán.
Tuy nhiên, nếu dựa vào luân lý đạo đức thì khi một quốc gia hội viên lâm nạn về tài chính, cùng chung đồng Euro, mà tập thể hay các quốc gia khác làm ngơ, thì giá trị của một Liên Hiệp nằm ở đâu? Thủ tướng Thụy Điển và nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia hội viên không nhiệt tình đưa vấn đề trợ giúp tạm thời ra bàn bạc. Nếu Hy Lạp bị phá sản thì theo dây chuyền có thể tới lượt Ái Nhĩ Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và các quốc gia khác trong Liên Hiệp. Như vậy, thế giới sớm muộn gì cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nếu Hy Lạp van xin Tầu Cộng mua công khố phiếu thì Liên-hiệp Âu-châu sẽ nghĩ gì?
Theo nguyên tắc các quốc gia tham dự vào đồng tiền chung Euro thì phải chia sẻ trách nhiệm về sự ổn định kinh tế và tài chính của Liên Hiệp Âu Châu. Do đó, trong cuộc họp ngày 11/2/2010 của Liên Hiệp Âu Châu tại thủ-đô Brussels (Bruxelles) của Bỉ Quốc (Belgium), Tổng-thống Herman Van Rompy tuyên bố sẽ sẵn sàng giúp đỡ Hy Lạp nếu cuộc khủng hoảng nợ nần đưa tới nguy cơ phá sản.
Kết luận
Hy Lạp có thể bị phá sản như Băng Đảo hay Dubai không?
Về phía Hy Lạp thì chính phủ nước này đã quả quyết là ""Chúng tôi không là Băng Đảo kế tiếp cũng như Dubai".
*Dubai là một Bang trong số 6 Bang của Cộng-hòa Ả-rập Emirates đã bỏ ra hàng tỷ Mỹ-kim để xây dựng công trình đồ sộ trị giá 582 tỷ Mỹ-kim, bao gồm các công thự nguy nga, trung tâm buôn bán đắt tiền, nhà tháp chọc trời Donald Trump cao nhất thế giới 820 mét xây tốn 100 tỷ Mỹ-kim; công viên thiên nhiên xây tốn 95 tỷ MK, hồ cá mập và cá voi chứa 1 triệu lít nước, khách sạn có 1539 phòng, tốn phí xây cất hơn 1 tỷ Mỹ-kim v.v… nhằm thu hút các nhà đầu tư Tây phương và Hoa Kỳ. Dubai cũng muốn trở thành hòn ngọc của Trung Đông với lối sống sa hoa vật chất tư bản và đầy đủ các thú vui giải trí. Nhưng toàn bộ công trình xây dựng xong bị thất bại nặng nề, vì không đạt được giấc mơ trở thành trung tâm tư bản tại Trung Đông. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đang bị khủng hoảng tài chính và là con nợ, không ai muốn đầu tư. Ngân khoản dự trữ ngoại tệ của Trung Đông chiếm tới 40% thế giới. Nếu các nước này biết dùng vào việc kinh doanh cho khu vực này thì có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong thời gian vừa qua có khoảng 70.000 khách đến để thăm Dubai chứ không phải là khách mua hàng. Dubai trên đường bị phá sản, nhưng được Abu Dhabi, thủ đô dầu hỏa của Ả Rập Emirated bỏ ra 1 tỷ Mỹ-kim để cứu vớt.
Tuy nhiên, cần phải khách quan và không nên so sánh Hy Lạp với Băng Đảo hay Dubai được. Thâm thủng ngân sách của Hy Lạp trong những năm trước là 10% GNP và năm 2008 là 15% GNP, giống trường hợp Băng Đảo trước cuộc khủng hoảng vào năm 2008. Cái giá phải trả cho bảo hiểm phần thưởng công khố phiếu, mà nhà đầu tư đòi hỏi trong trường hợp chính quyền Hy Lạp không thể trả nợ được, đã gia tăng mạnh trong một vài tuần qua và vượt xa với cái giá phải trả. Hy Lạp là hội viên của Liên-hiệp Âu châu nên không thể tự giảm giá đồng bạc bằng hình thức lạm phát, như một phương tiện giải quyết vấn đề cân bằng chi trả.
Người ta cũng có thể so sánh với các quốc gia khác. Thực tế cho thấy số nợ nần của Nhật Bản còn cao hơn trong nhiều năm trước đây, và ngay cả Hoa Kỳ sự thâm thủng ngân sách cũng sẽ gia tăng trên 100% Tổng sản lượng Quốc-gia trong những năm tới. Như vậy vấn nạn của Hy Lạp có thể không đồng nhất và không hẳn bị đe dọa nặng nề, nếu có sự hỗ trợ bằng một hình thức nào đó của Liên-hiệp Âu-châu.
---------------------
Tài liệu tham khảo:
www.information.dk/223039.
www.cnn.com/2010/BUSINESS/02/11/greece.eu.deal/index.html
www.dailyfrappe.com/Default.aspx
onlinejournal.com/artman/publish/article_2911.shtml
sofiaecho.com/2010/02/11/856220_greek-general-strike-intensifies-amid-eu-meeting-in-brussels
www.cnn.com/2010/BUSINESS/02/10/greek.debt.qanda/index.html
www.msnbc.msn.com/id/35260378/ns/business-world_business/
Kết Quả Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Hiệp Quốc Về Sự Thay Đổi Khí Hậu.
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Từ thỏa hiệp Kyoto và mở đầu cho giai đoạn 1 Hội-nghị Liên Hiệp Quốc về sự thay đổi khí hậu được tổ chức tại Copenhagen Đan Mạch từ ngày 7 đến 18/12/2009 nhằm đi tới mục tiêu thiết thực mà mọi người hy vọng sẽ đạt được những ràng buộc pháp lý (Legally binding). Không kể Đan Mạch là chủ nhân tổ chức, có 192 quốc gia được mời tham dự Hội Nghị này.
Để có một chương trình bàn thảo thiết thực và sự cộng tác từ các tổ chức Quốc-tế, ngày 8/6/2009, tại thành phố Bonn của Đức, tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace), Tổ-chức Vô Chính-phủ ”NGO” (Non-Government Organizations) và Quỹ Bảo-vệ Đời-sống Thiên-nhiên ”WWF” (World WildLife Fund) đã đưa ra bản Hiệp-ước Khí-hậu Copenhagen (Copenhagen Climate Treaty) làm tiêu chuẩn để bàn bạc. Chúng tôi ghi lại một vài điểm đại cương như sau:
-Sự gia tăng độ nóng phải dưới 2oC; thiết lập ngân sách và ấn định số lượng thải khí độc CO2 kể từ Hội Nghị Copenhagen 2009 tới năm 2050; các quốc gia đã và đang phát triển có trách nhiệm giải thích làm sao trái đất bị hâm nóng và dân chúng cần phải hiểu nguy cơ này; giúp đỡ tài chính và kỹ thuật cần thiết cho dân nghèo chống lại sự thay đổi khí hậu.
-Dự án khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2020 không được cao hơn 36,1 tỷ tấn (Giga tons = 109 tons) so với mức độ năm 1990 và sẽ giảm xuống 7,2 tỷ tấn vào năm 2050 hoặc 80% so với năm 1990.
-Mỗi năm dành 160 tỷ Mỹ-kim (khoảng 115 tỷ EURO) cho vấn đề khí hậu qua việc đánh thuế nhiên liệu, tầu biển và máy bay. Đồng thời các quốc gia giầu, chiếm 20% dân số Thế-giới 6,7 tỷ người, gồm Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản, phải chi khoảng 100 tới 200 Mỹ-kim (MK) mỗi đầu người cho số lượng khí độc CO2 do nước mình thải ra đã vượt quá tiêu chuẩn trung bình của mỗi đầu người dân trên Thế-giới.
-Ấn định mục tiêu thiết thực để Thế-giới theo dõi vấn đề giảm thiểu thải khí độc CO2 phải đạt được cao điểm, tối đa là năm 2015. Các quốc gia giầu phải đi tiên phong.
-Phần lớn của 160 tỷ Mỹ-kim hàng năm được để vào quỹ gọi là "Phương tiện Khí hậu Copenhagen” (The Copenhagen Climate Facility) để dùng vào các hoạt động và trang bị kỹ thuật về lãnh vực này.
I- Kết quả của Hội-nghị
Ba ngày cuối có sự hiện diện của các Tổng-thống và Thủ-tướng của các quốc gia tham dự, nên được gọi là Hội-nghị Thượng-đỉnh LHQ. Hội nghị trong những ngày cuối đã diễn ra thật sôi nổi và căng thẳng đến nỗi suýt nữa bị tan vỡ vì bất đồng giữa các quốc gia tham dự. Như chúng tôi đã tường trình trong Bài-1 là Trung Cộng, Ấn Độ và một số quốc gia đã không đồng ý giảm thiểu số lượng thải khí độc CO2.
Các nước này dựa vào lý do quốc gia mình đang trên đà phát triển và đang thi hành chính sách xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, vào ngày cuối 18/12/2009 Hội-nghị đã phải họp kéo dài thêm 12 giờ đồng hồ nữa để đạt được kết quả. Tổng thống Mỹ Obama đã hủy bỏ thời gian ấn định phải trở về Hoa Kỳ, ở lại thảo luận nhiều giờ với các Tổng thống và Thủ tướng của các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu, Ấn Độ, Ba Tây, Nam Phi và Trung quốc để đi tới Thỏa hiệp Copenhagen (Copenhagen Accord) chỉ có tính chất chính trị, có nghĩa không bị ràng buộc về pháp lý. Sau đây là vài điểm quan trọng:
-Về mục tiêu xa: Cắt giảm sự thải khí độc trên thế giới tuỳ thuộc vào khoa học, giữ mức gia tăng nhiệt độ dưới 2oC (Celcius).
-Về ràng buộc pháp lý: Sự hứa hẹn liên hệ tới một hiệp ước ràng buộc pháp lý có trách nhiệm sẽ diễn ra vào cuối năm tới, tức tại Hội-nghị Mexico 2010.
-Về tìm tài chính cho các quốc gia nghèo: Văn bản ghi đại ý: "Các quốc gia đã phát triển sẽ cung cấp nguồn tài chính đầy đủ, dự đoán và hiệu quả, kỹ thuật và khả năng xây dựng để hỗ trợ sự hoàn thành hoạt động thích ứng tại các quốc gia đang phát triển”. Người ta muốn nói tới sự yếu kém đặc biệt và cần sự giúp đỡ là các nước ít phát triển nhất, các nước ngoài hải đảo đang phát triển và các quốc gia Phi Châu. Các quốc gia đã phát triển đưa ra mục tiêu cùng nhau huy động 100 triệu Mỹ-kim một năm từ năm 2020 để đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển. Quỹ sẽ xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, công và tư, song phương và đa phương.”
Một phụ lục đưa ra việc tìm kiếm tài chính ngắn hạn cam kết bởi các quốc gia đã phát triển cho năm 2010-2012 gồm:
Liên Hiệp Âu Châu (EU): 10,6 tỷ Mỹ-kim, Nhật Bản: 11 tỷ và Hoa Kỳ: 3,6 tỷ. Đế Quốc Mỹ giầu có nhất Thế-giới hứa hẹn bết nhất, chỉ bằng 32,8% Nhật Bản.
-Về giảm thiểu lượng khí thải
Về chi tiết của kế hoạch giảm thiểu bao gồm trong 2 phụ lục riêng rẽ. Một dành cho các quốc gia đã phát triển và một dành cho các nước đang phát triển tình nguyện cam kết thi hành. Như vậy không có sự ràng buộc về pháp lý nào cả. Hoa Kỳ còn xem xét lại (under consideration), chỉ có Liên Hiệp Âu Châu được chấp nhận bởi luật pháp.
-Về việc xác định: một điểm kéo dài là Tầu Cộng không chấp nhận sự kiểm soát quốc tế, và đề nghị sự phát triển kinh tế phải được theo dõi và thông báo kết quả cho Liên Hiệp Quốc mỗi 2 năm, đồng ý một số kiểm tra quốc tế để thoả mãn những lo âu của Tây phương về số tiền trợ giúp được dùng vào đúng mục tiêu, nhưng phải bảo đảm sự tôn trọng chủ quyền quốc gia.
-Về bảo vệ rừng: Thỏa hiệp công nhận sự quan trọng về vấn đề phá rừng, suy thoái rừng, và sự cần thiết phải giảm thiểu khí thải từ rừng. Thành lập quỹ bảo vệ từ các quốc gia đã phát triển.
-Về thị trường than (Carbon): Có lưu tâm, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể nào.
Mặc dù không có sự thỏa thuận ràng buộc; nhưng nhiều quốc gia đã tự nguyện giảm khí thải từ năm 2020 như sau:
-Liên Hiệp Âu Châu: 20% so với mức độ năm 1990, nếu các nước khác cũng hứa hẹn cắt giảm CO2, mức cắt giảm là 30%. Đan Mạch và Na-uy hứa giảm CO2 nhiều hơn, khoảng 40%.
-Hoa Kỳ: 17% so với mức độ 2005 (hoặc 1,8% so với năm 1990).
-Nhật Bản: 25% so với mức độ năm 1990.
-Úc Đại Lợi: 5-15% so với năm 2000.
II- Những người bác bỏ sự khẳng định của Liên Hiệp Quốc cho rằng CO2 là nguyên nhân đưa tới sự hâm nóng địa cầu.
Nếu có hàng trăm bác học, chuyên viên khí tượng và giáo sư đại học trên Thế-giới ủng hộ quyết định của Liên Hiệp Quốc về địa cầu bị hâm nóng là do khí độc CO2 thải quá nhiều, khiến nhiệt độ gia tăng khoảng 0,6oC trong thế kỷ 19 và 0,17oC trong mỗi thập niên của 30 năm vừa qua; thì cũng có hàng trăm nhà thông thái và chuyên gia chống đối, với lý do là có những năm nhiệt độ không tăng mà còn lạnh hơn, và khí CO2 chưa hẳn là nguyên nhân làm cho địa cầu ngày càng nóng hơn. Chúng tôi chỉ xin ghi lại một vài chuyên gia như:
-Robert M. Carter nhà địa chất của viện nghiên cứu địa lý biển cả của đại học James Cook ở Úc cho rằng: kể từ năm 1998 địa cầu không nóng hơn và do con người gây ra là vấn đề cần phải xét lại.
-Vicent R. Gray là nhà hóa học chuyên về than cho rằng Liên Hiệp Quốc tuyên bố địa cầu bị hâm nóng do khí CO2 thải ra nhiều chỉ là khuyết điểm tai hại.
-Antonino Zichichi, giáo sư vật lý nguyên tử của đại học Bologna và chủ tịch của Liên-đoàn Bác-học Quốc-tế cho rằng: "Cách thức mà Liên chính phủ về Thay-đổi Khí-hậu của Liên Hiệp Quốc sử dụng thì rời rạc và không có giá trị đối với quan điểm của khoa học. Không thể bác bỏ rằng hiện tượng quan sát có thể có nguyên nhân thiên nhiên. Có thể con người có chút hay không dính dáng gì tới nó’’. (1)
-Khabibullo Abdusamarov nhà toán học và phi hành gia của đài quan sát Pulkovo của Hàn Lâm Viện Nga Sô cho rằng: "Địa cầu hâm nóng kết quả không do việc thải khí nhà kính vào khí quyển, nhưng từ mức độ cao bất thường của sóng điện từ mặt trời tăng trưởng lớn lao lâu dài, qua suốt thế kỷ vừa qua … Gán cho hiệu quả của nhà kính đối với khí quyển của trái đất thì không được công nhận có tính cách khoa học … Khí nóng nhà kính trở nên nhẹ hơn do kết quả phát triển lên cao vào bầu khí chỉ có nghĩa là khí nóng bị hút mất”. (2)
Sự bất đồng ý kiến của hàng trăm bác học, giáo sư đại học và chuyên viên khí tượng khiến cho vấn đề kết luận CO2 là nguyên nhân hâm nóng địa cầu trở thành một nghi vấn và cần xét lại.
III- Bao giờ Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long bị nước biển tràn ngập?
3/1- Tin tức về phía Việt Nam
Dựa vào tài liệu của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức Thế-giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam hồi tháng tám 2009 đã công bố, nếu mực nước biển dâng cao thêm 65cm, thì hơn 6% diện tích Sài Gòn bị ngập lụt; nếu dâng lên 1 mét thì khoảng 500 cây số vuông diện tích của Sài Gòn sẽ bị nhận chìm dưới nước biển. Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của khoảng 17 triệu người, có diện tích 40.000 cây số vuông, cung cấp hơn 50% sản lượng lúa và hoa quả cho toàn quốc; nếu nhiệt độ trung bình tăng hơn 3°C vào năm 2100, thì mực nước biển sẽ lên cao hơn một mét. Vựa lúa lớn nhất của Việt Nam sẽ bị mất đi 38% diện tích. Sài Gòn sẽ gặp hiểm họa này trước tiên.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, đại học Cần Thơ, thuộc Mạng lưới Nghiên cứu Đồng bằng và Quan trắc Toàn Cầu, DRAGON – Mékong cho biết: Trong mùa khô năm nay, tại một số nơi, nước mặn đã thâm nhập sâu hơn 60 cây số so với mức của năm ngoái. Ông giải thích, hiện tượng mặn hóa tiến nhanh là do hai yếu tố kết hợp: nước biển dâng cao hơn và mực nước sông Mékong xuống thấp. Khí hậu nóng hơn đã gây ra hiện tượng giãn nở của các đại dương và tan băng, làm cho mực nước biển dâng lên.
Theo thông báo đầu tiên của Việt Nam cho công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, thì những năm gần đây, các cơn bão xuất hiện ở Việt Nam có cường độ mạnh hơn. Quỹ đạo bão có dấu hiệu dịch chuyển dần về phía Nam và mùa bão kết thúc muộn hơn, nhiều cơn bão có đường đi dị thường hơn. Đánh giá về các ảnh hưởng do những hiện tượng của biến đổi khí hậu này gây nên cho Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, và là thành viên của Dự án Biến đổi khí hậu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:
"Đối với một đất nước mà có 3.200 km bờ biển như mình, trong đó có những vùng có liên quan trực tiếp tới đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu long, mực nước biển dâng sẽ tác động rất nhiều đến hai đồng bằng, hai vựa lúa. Thứ nhất là đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước và xuất khẩu. Thứ hai là vùng dọc bờ biển Miền Trung, Miền Bắc, từ Quảng Ninh cho tới Cà Mau, và khi cộng với hai đồng bằng nói trên, theo Tổng cục Thống kê, là vùng cư trú tập trung của 75% dân số cả nước.” Cửa Bồ Đề, Mũi Cà mau, mỗi năm mất cả hàng chục mét vào phía trong..."
3/2- Tin tức của Quốc-tế
Theo tường trình "Áp-lực lớn lao đối với các thành phố vĩ đại"(Mega-Stress for Mega-Cities) của Quỹ Bảo-tồn Đời-sống Thiên-nhiên Quốc-tế thì 11 Thủ-đô và thành phố lớn sẽ bị thiệt hại nặng nề do khí hậu thay đổi, khi nước biển dâng cao 1 mét do bão và mưa gây nên lụt lội.
Thứ tự của ba con số của biểu đồ là: 1- nguy cơ thiệt hại do khí hậu thay đổi/ 2- ảnh hưởng so với dân cư / 3- khả năng đối phó (con số hàng thứ ba càng nhỏ thì khả năng đối phó càng cao). Mức độ lớn nhất được ghi bằng số 9 và nhỏ nhất là số 1:
Dhaka-9/8/7 (Bangladesh), Jarkata-8/6/7 (Nam Dương/Indonesia), Manila-8/9/7 (Phi Luật Tân/Philippines), Calcutta-7/6/7 (Ấn Độ/India), Nam Vang-7/4/10 (Phnom Penh - Cambodia), Sài-gòn-6/8/3 (Việt Nam), Thượng Hải-6/8/2 (Shanghai/Trung-quốc), Bangkok-5/5/4 (Thái Lan), Hương Cảng-4/7/1 (Hong Kong/Trung-quốc), Kuala Lumpur-4/3/3 (Mã Lai/Malaysia) và Tân Gia Ba-4/4/1 (Singapore).
Nước biển dâng lên 1 mét, khi có bão thì sóng biển sẽ lên cao từ 2 mét tới 7 mét, như trận bão Ketsana ở Phi Luật Tân trong thời gian vừa qua. Nếu nước biển dâng cao 1 mét thì 11% dân số Việt Nam, 10% Tổng Sản-lượng Quốc-nội (GDP) và 29% vùng đất ẩm thấp bị ảnh hưởng. Tổn thất có thể lên tới 17 tỷ Mỹ-kim một năm và 12% đất mầu mỡ bị hư hại. Vùng châu thổ sông Cửu Long bị thiệt hại nặng nhất. Nước vùng sông Cửu Long có thể dâng cao từ 16% tới 19% vào khoảng năm 2010-2038 và cao hơn nữa vào khoảng năm 2070-2099 so với mức độ năm 1961-1990. Sài Gòn bị thiệt hại nặng do mưa, bão và lụt lội, Ngoài ra, nếu nước biển dâng cao 1 mét thì 2.500 km2 rừng Đước sẽ bị nhận chìm dưới nước biển và 1.000 km2 đất nông trại và hệ thống sản xuất cá tôm (đồ biển) bị nước muối tàn phá. Nước biển dâng cao khiến dân vùng ngoại-ô bỏ đồng ruộng chạy về Sài Gòn và các thành phố để sinh sống sẽ làm giảm sức sản xuất nông phẩm và gây nên nhiều khó khăn cho thành phố. Theo báo cáo của văn phòng LHQ thì từ năm 1997-2006 có 7.500 người Việt Nam bị chết do thời tiết gây ra.
Các cuộc nghiên cứu của Ngân-hàng Thế-giới (World Bank) vào năm 2007 cũng cho thấy Việt Nam là một trong số hai quốc gia bị tàn phá cao nhất trên thế giới và cao nhất tại Đông Á, khi nước biển dâng cao 1 mét vào năm 2100. Lý do: tỷ lệ dân số Việt Nam cao và các hoạt động kinh tế đa số nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. 11% dân số (9 triệu dân) bị ảnh hưởng, tỷ lệ cao nhất Thế-giới; 5% đất đai và 10% Tổng Sản-lượng Quốc-nội (GDP) bị thiệt hại. Nếu nước biển dâng cao từ 3-5 mét thì thật là một thảm họa!
Trong bản Tường-trình Phát-triển Thế-giới năm 2010 (World Development Report 2010), Chủ-tịch Ngân-hàng Thế-giới, ông Robert B. Zoellick cũng cảnh báo: "Các quốc gia phải hành động ngay bây giờ, cùng nhau và theo một cách khác trước đây để đối phó với biến đổi khí hậu. Những nước đang phát triển bị ảnh hưởng nhiều hơn từ biến đổi khí hậu - đây là một cuộc khủng hoảng không phải do họ gây ra, nhưng họ lại ít được chuẩn bị nhất để đối phó với nó. Vì vậy, một thỏa thuận công bằng ở Copenhagen là rất quan trọng”
Ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, báo cáo nhận thấy 3 yếu tố chính khiến người dân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu:
1- Một số lượng dân cư lớn sống dọc theo bờ biển và ở đảo thấp - chẳng hạn hơn 130 triệu người Trung Quốc, gần 40 triệu người Việt Nam và khoảng 2 triệu người ở Đảo Thái Bình Dương, nhiều người trong số đó sống ở các hòn đảo thấp và đảo san hô.
2- Một số nước nghèo còn bị ảnh hưởng vì phụ thuộc vào nông nghiệp. Khi sức ép lên đất đai, nguồn nước và rừng gia tăng – hậu quả của tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường do công nghiệp hóa quá nhanh – họ sẽ còn gặp nhiều vấn đề hơn nữa về quản lý, vì khí hậu sẽ ngày càng khó lường và khắc nghiệt. Chẳng hạn ở đồng bằng sông Mê-kông, mùa mưa sẽ có lượng mưa cao hơn trong khi mùa khô có thể kéo dài thêm 2 tháng.
3- Các nền kinh tế khu vực vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn thủy hải sản. Chỉ riêng ở Đông Nam Á, giá trị của những rặng san hô nếu được quản lý tốt là 13 tỷ Đô-la. Khu vực này đã và đang chịu nhiều sức ép từ ô-nhiễm công nghiệp, phát triển ven biển, đánh bắt quá mức. Ngoài ra, thuốc trừ sâu nông nghiệp và dinh dưỡng cuốn theo nước cũng đã gây nên ô-nhiễm.
3/3- Biện pháp đối phó
Hơn 80% dân số sống dựa vào nông nghiệp, dĩ nhiên Nhà cầm quyền Việt Cộng phải nhận ra tầm quan trọng trong việc đối phó với sự thay đổi khí hậu có ảnh hưởng tới nông nghiệp. Theo ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì Việt Nam đã chuẩn bị như sau:
"Hàng năm Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư cho thủy lợi độ 10.000 tỷ đồng. Hiện nay Bộ cũng tập trung vào 3 quy hoạch vào 3 vùng: quy hoạch tổng thể thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng, Đồng bằng sông Hồng cũng vậy, rồi Miền Trung cũng thế. Trong các chương trình hành động, Bộ luôn đề ra mục tiêu đạt tới. Trong báo cáo trình lên chính phủ, tôi đã khẳng định nếu như mực nước biển dâng lên 1 mét hoặc dưới 1 mét một chút thì ta quyết tâm bảo vệ thứ nhất là dân không phải di dời chỗ ở, thứ hai là sản xuất vẫn đảm bảo được 3,8 triệu hec-ta canh tác hai vụ.”
Trước thực tế này, Việt Nam đang tìm quan hệ hợp tác quốc tế và đa ngành để giải quyết hiểm họa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một số chuyên gia cho rằng cần phải thành lập một nhóm tư vấn quốc tế về lĩnh vực này. Vào tháng 12 năm ngoái, Nhà cầm quyền Việt Cộng đã thông qua một chương trình hành động trên bình diện quốc gia để thích ứng với thay đổi khí hậu. Ngân sách dự trù cho chương trình này lên đến 2.000 tỷ đồng, tương đương 74 triệu € (EURO), và theo ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ-trưởng Tài-nguyên Thiên-nhiên và Môi-trường, Việt Nam sẽ vận động từ 3-5 tỷ Mỹ-kim từ nguồn tài trợ quốc-tế để xây đập ngăn nước biển và lũ lụt tại vùng châu thổ sông Cửu Long.
3/4- Ai sẽ giúp Việt Nam?
a)-Đan Mạch
Theo chỗ chúng tôi được biết thì chương trình có tên Sự Thay-đổi Khí-hậu và Hệ thống Sinh-vật (hệ Sinh-thái) Cửa sông Việt Nam "CLIMEEViet" (Climate Change and Estuarine Ecosystems Vietnam), đã bắt đầu thực hiện vào mùa Xuân năm 2009 và sẽ kéo dài trong 3 năm. Chương trình này do sự hợp tác giữa các nhà sinh vật học và địa chất học của Viện Hải-học Nha Trang (VN) và Đại-học Aarhus, Đại-học Koebenhavn và Đại-học kỹ-thuật của Đan Mạch. Chương trình được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc-tế Đan Mạch "DANIDA" (Danish International Development Agency). Trong toàn bộ chương trình chúng tôi hy vọng có việc nghiêu cứu về rừng Đước và tái trồng rừng Đước đã bị phá hủy quá nhiều. Cây Đước có hiệu quả: hút nước, cản sóng biển và hút khí CO2 rồi tồn trữ dưới gốc.
Đan Mạch viện trợ cho Việt Nam khoảng 40-50 triệu Mỹ-kim liên quan tới biến đổi khí hậu, 18,7 triệu MK về cải tổ luật pháp và dự tính sẽ được Quốc-hội tiếp tục viện trợ qua cơ quan Yểm-trợ Phát-triển Chính-thức "ODA" (Official Development Assistance). Chương trình thiết thực nhất hiện nay là Đan Mạch sẽ giúp đỡ xây dựng hệ thống phế thải từ các bệnh viện tại Hà Nội và Sài Gòn, cũng như bảo vệ đầm Nha Phú, cửa sông chảy ra biển ở phía Bắc Nha Trang. Đây là một trong số hơn 250 cửa sông của Việt Nam có thể bị hủy hoại bởi sự thay đổi khí hậu; nó sẽ gây tổn thất nặng nề cho dân chài Việt Nam. Nơi đây dân chúng đang phát triển nghề nuôi tôm hùm để xuất cảng. Lars Chresten Lund-Hansen, giảng sư viện sinh vật học của đại học Aarhus, chủ tịch chương trình "CLIMEEViet" cho rằng, nếu nước biển dâng cao từ 0,5 mét tới 1 mét thì khoảng 30% - 40% đất đai của Việt Nam bị ngập lụt, phần lớn ở vùng châu thổ sông Cửu Long (Mékong) và sông Hồng.
b)-Nhật Bản:
Nhật Bản là một quốc gia nhiệt tình nhất trong việc giảm thiểu khí độc và trợ giúp các nước khác. Để giúp Việt Nam đối phó với sự thay đổi khí hậu, Nhật Bản hứa cho Việt Nam vay 350 triệu Mỹ-kim.
c)-Hòa Lan: Chính phủ Hòa Lan hứa cung cấp kỹ thuật xây cất đê đập ngăn nước biển. Như quý vị cũng biết vùng lãnh thổ giáp biển của Hoà Lan thấp hơn mặt nước biển, nhưng Hòa Lan đã thành công trong việc nới rộng đất ra biển bằng hệ thống các đập ngăn nước biển và làm những nhà nổi.
d)-UNDP: (the United Nations Development Program) Chương trình Phát-triển Liên Hiệp Quốc hứa trợ giúp Việt Nam 8 triệu Mỹ-kim.
e)- Hoa Kỳ: Hứa giúp nâng cao hệ thống quan sát khí tượng để các tỉnh phía Nam Việt Nam có khả năng theo dõi tình trạng lụt lội.
Kết Luận
Đưa vấn đề này lên báo, chúng tôi không có ý gây khủng hoảng tinh thần cho dân chúng Sài Gòn và đồng bào vùng châu thổ sông Cửu Long. Vấn đề này đã được Liên Hiệp Quốc, các tổ chức Quốc-tế và cả Nhà cầm quyền Việt Cộng công bố công khai, nhằm lưu ý quần chúng và cùng với Liên Hiệp Quốc cố tìm ra giải pháp cứu nguy cho dân tộc Việt Nam. Quí độc giả Dân Chúa Âu Châu có thân nhân ở các vùng liên hệ cũng nên thông báo cho gia đình và bà con hàng xóm biết để định liệu, vì mấy ai được nghe và được thông báo?
Việc quan trọng là cần theo dõi tình hình trợ giúp của quốc tế cho vấn đề và kế hoạch Nhà cầm quyền Việt Cộng được thực hiện ra sao. Người ta có thực sự tiến hành các dự án đắp đập ngăn nước biển không? Nếu cứ ỷ lại vào Nhà cầm quyền tham nhũng thối nát thì có ngày ngủ dậy, bỗng thấy nước biển dâng lên tới đầu gối thì chạy không kịp. Nếu có chạy được, gia sản coi như bị nhận chìm dưới nước biển.
Chúng tôi cần minh định rằng: thời điểm năm 2050 hay 2100 Sài-gòn và phần lớn các tỉnh vùng châu thổ sông Cửu Long bị nước biển tràn ngập chỉ là thời điểm dự đoán. Đến thời điểm đó có lẽ phần lớn Quí độc giả và chúng tôi chắc không còn để chứng kiến thảm họa. Nếu có, con cháu của chúng ta trong các vùng bị ảnh hưởng lãnh đủ.
Hai thời điểm nêu trên có thể xẩy ra sớm hơn hay trễ hơn, tùy theo vấn đề giảm thiểu khí độc CO2 nhiều hay ít; nhiệt độ địa cầu có tăng không, băng tuyết vùng Bắc và Nam Cực tiếp tục tan hay dừng lại; các dự án xây đập mà quốc tế sẽ trợ giúp hoạt động như thế nào và Việt Cộng thực hiện có thành công không hay tiền viện trợ bị đút vào túi cán bộ v.v…
Ngoài ra, nhân loại có phát minh được các phương pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật nào khác để khắc phục sự gia tăng khí độc CO2 trên bầu khí quyển không?
Hy vọng trong tương lai chúng tôi sẽ có dịp bàn về chuyện” buôn khói”.
----------------
1- Cước chú
(1): Models used by the Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC) are incoherent and invalid from a scientific point of view. It is not possible to exclude that the observed phenomena may have natural causes. It may be that man has little or nothing to do with it).
(2): ”Global warming results not from the emission of greenhouse gases into the atmosphere, but from an unusually high level of solar radiation and a lengthy – almost throughout the last century – growth in its intensity...Ascribing ‘greenhouse’ effect properties to the Earth’s atmosphere is not scientifically substantiated...Heated greenhouse gases, which become lighter as a result of expansion, ascend to the atmosphere only to give the absorbed heat away.”
2- Tài liệu tham khảo:
<cite>- www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_5961.asp</cite>
- www.tinvietonline.com/10/4/2009/12/355821/Anh-huong-cua-bien-doi-khi-hau-doi-voi-Viet-Nam.html
- vn.myblog.yahoo.com/jw!zxXyWBqGGBZ6JhjRNx.uWs4-/article
- www.sbtn.net/default.aspx
- www.freevietnews.com/tintuc/index.php&
- www.kyivpost.com/news/world/detail/55490/
- videnskab.dk/content/dk/miljo_natur/danske_forskere_skal_redde_vietnams_flodmundinger_fra_klimaodelaggelser
- go.worldbank.org/HRSIXVZ630
- vietnamnews.vnagency.com.vn/showarticle.php
3- Đính chính:
Trong bài Biến Cố Trong Tháng, Dân Chúa Âu Châu số 327 tháng 1/2010, có hai lỗi:
-Trang 6, cột 2, dòng 26: Marrakesh Acoord xin sửa lại là Accord.
-Trang 8 cột 1, dòng 4 "Và chúng tôi sẽ không gánh trách nhiệm… xin bỏ chữ "không”.
Xin cáo lỗi cùng quí độc giả.
Hội Nghị Liên Hiệp Quốc Về sự thay đổi khí hậu
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Trong những năm gần đây báo chí và hệ thống truyền thanh, truyền hình thường đề cập tới nhân loại đã, đang và sẽ còn bị các thiên tai tàn phá như: động đất, thời tiết nóng, bão lụt và hạn hán. Trước thảm họa này, người ta đặt câu hỏi tại sao có nhiều thiên tai như vậy?
Các bác học thiên văn, không gian và địa chất đã cùng nhau nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi tại sao. Một trong các thành quả nghiên cứu cho biết: thiên tai bão lụt và hạn hán là do sự thay đổi nhiệt độ bầu khí quyển của trái đất. Khí hậu thay đổi là đề tài chính được các nhà lãnh đạo của 192 quốc gia tham dự Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về sự Thay-đổi Khí-hậu đem ra bàn thảo và cố gắng tìm giải pháp thiết thực nhằm đối phó với những tai họa mà nhân loại sẽ gặp phải trong tương lai. Hội Nghị đã diễn ra tại Thủ-đô Copenhagen của Đan Mạch từ ngày 7 tới 18.12.2009.
Vì sự quan trọng của vấn đề, chúng tôi sẽ trình bày trong 2 bài về khí hậu thay đổi. Hậu quả của sự thay đổi này đưa đến nhiều tại họa cho nhân loại và các sinh vật khác. Bài 1: Thoả-hiệp căn bản Kyoto về vần đề giảm thiểu khí độc CO2. Bài 2: Kết quả của Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về sự Thay-đổi Khí-hậu "COP15" (1) tại Copenhagen.
I- Đôi hàng về thỏa hiệp Kyoto (Kyoto Protocol)
Năm 1992, Hội-nghị Thượng-đỉnh về trái đất đã diễn ra tại Rio de Janeiro, thủ đô Ba Tây và các chính phủ đã đồng ý về một Hiệp-ước Căn-bản Liên Hiệp Quốc về sự Thay-đổi Khí-hậu. Mục tiêu chính là sự ổn định độ tập trung của khí độc CO2 trên bầu khí quyển ở mức độ không gây nguy hại. Trong Hội-nghị này các quốc gia đã phát triển (Developed countries) đồng ý giảm thiểu số lượng thải khí độc CO2 ở mức độ năm 1990, khoảng 355 ppm (parts per million) như hình vẽ đính kèm.
Hội-nghị Kyoto tại Nhật Bản đưa tới một thỏa hiệp Quốc-tế vào ngày 11/12/1997. Thoả hiệp này có hiệu lực từ ngày 16/2/2005. Văn phòng Thư ký Liên Hiệp Quốc đặc tránh về sự thay đổi khí hậu đặt tại thành phố Bonn của Đức-quốc. Mục tiêu của bản thỏa hiệp Kyoto là ràng buộc 37 quốc gia kỹ nghệ và Liên hiệp Âu Châu phải giảm 5% (so với mức độ của năm 1990) lượng khí độc CO2 hay GHG (Green House Gas) thải ra từ các nhà kính trồng cây và các nhà máy kỹ nghệ trong thời gian 5 năm, từ năm 2008 tới 2012. Các quốc gia kỹ nghệ bị qui trách nhiệm, vì họ đã thải ra số lượng khí độc lớn lao vào khí quyển qua một quá trình hoạt động sản xuất dài 150 năm. Có 184 quốc gia đã phê chuẩn thỏa hiệp Kyoto. Các nguyên tắc thi hành được tiếp tục thông qua tại Hội-nghị COP.7 ở thủ-đô Marrakesh của Ma-rốc (Morocco) vào năm 2001 và được gọi là thỏa hiệp Marrakesh (Marrakesh Acoords). Thỏa hiệp Kyoto mới chỉ là khuôn mẫu để nghị các tiêu chuẩn và hướng dẫn các quốc gia có trách nhiệm thi hành kế hoạch giảm thiểu khí độc CO2. Tới năm 2012, hết giai đoạn thứ nhất, sẽ có Hội-nghị khác được tổ chức để đúc kết và đưa ra đường lối mới. Thỏa hiệp Kyoto ra đời bắt nguồn từ Hiệp-ước Căn-bản Liên Hiệp Quốc về sự Thay-đổi Khí-hậu "UNFCCC" (The United States Framework Convention on Climate Change) mà mục tiêu chính là làm thế nào giảm được sự hâm nóng địa cầu càng nhiều càng tốt.
Để xác nhận vấn đề thời tiết ngày càng nóng là nguyên nhân gây nên thiên tai, năm 2007, trên 200 bác học, giáo sư đại học và các nhà nghiên cứu đã họp tại Bali thuộc Nam Dương (Indonesia) để bàn thảo, nhận định và đi tới kết quả chung quyết là đưa ra "Tuyên-ngôn Bali 2007 về Khí-hậu của các nhà khoa học" (2007 Bali Climate Declaration by scientists) trong đó minh định hai vấn đề: Khí hậu nóng là do lượng Carbon Dioxide (CO2) có nhiều trong không khí, vượt quá mức tự nhiên, và 90% tin chắc là do các hoạt động của con người. Tuyên-ngôn này ra đời nhằm hỗ trợ cho Liên Hiệp Quốc trong chương trình vận động các quốc gia giảm thiểu khí độc CO2 thải vào khí quyển, để nhiệt độ không tăng quá 2oC và phải giảm thiểu khí độc CO2 ít nhất 50% vào năm 2050, dưới mức năm 1990.
II- Khí độc CO2
Chúng ta thường nghe nói khí độc CO2, vậy CO2 là gì?
CO2 là ký hiệu hóa học có tên là Carbon Dioxide, kết hợp bởi 1 nguyên tử than, Carbon (C) và 2 nguyên tử dưỡng khí, Oxygen (O2). Oxygen là khí thở cần thiết cho con người trong chu kỳ sản xuất và chuyên chở máu trong cơ thể. Mỗi khi có người ngất xỉu hay khó thở, thường người ta chụp ống dẫn Oxygen vào mũi bệnh nhân để nhịp thở tiếp tục và duy trì sự sống. CO2 là chất khí có trong bầu khí quyển bao quanh trái đất và chỉ nặng bằng 0,038% không khí. Đối với loài người thì CO2 là khí độc; nhưng đối với cây cối thì không thể thiếu được trong chu trình phát triển. CO2 ở độ tập trung khoảng 1% (10.000 ppm (parts per million) (2) sẽ làm cho một số người bị nửa tỉnh nửa buồn ngủ. Nếu độ tập trung lên 7% tới 10% thì người ta bị xây xẩm, nhức đầu, nhìn và nghe không rõ, thiếu tỉnh táo trong vài phút tới một giờ. Tháng 3/2009 người ta đo được độ tập trung CO2 trên bầu khí khí quyển của trái đất là 387 ppm, vượt quá mức năm 1990.
Tuy nhiên, độ tập trung trên khí quyển sẽ loãng ra do sự thay đổi mỗi mùa. CO2 giảm vào mùa Xuân và mùa Hè ở Bắc Bán Cầu (Northern Hemisphere), khi cây cối đâm chồi nở lá sẽ tiêu thụ một số lượng rất lớn CO2. Qua mùa Thu và Đông, lúc lá cây tàn rụng và cây cối trơ trụi ngủ yên hoặc chết thì độ tập trung CO2 lại nhiều. CO2 không chỉ phát xuất từ các ống khói nhà máy, máy bay, tầu thuỷ, xe cộ, lò sưởi, máy móc trong gia đình v.v… mà còn từ hơi thở của người và thú vật (người hít Oxygen vào và thở ra CO2; cây cối thì ngược lại). Phần lớn các nhà nghiên cứu về khí hậu đều hỗ trợ Liên Hiệp Quốc trong việc xác định nhân loại đã làm cho trái đất ngày một nóng hơn, do khí CO2 thải ra ngày một nhiều, nhiều nhất trong vòng 65.000 năm. Từ năm 1906 tới 2005 nhiệt độ gia tăng 0,74oC. Khí hậu nóng, theo Liên Hiệp Quốc, các vùng ẩm ướt sẽ ẩm ướt hơn (vì mưa bão nhiều) và các vùng khô cằn càng khô cằn hơn (vì thiếu mưa và do độ nóng gia tăng). Khoảng 1/6 dân số thế giới sẽ bị thiếu nước, 20-30% các loài thú và cây cối có nguy cơ biến mất; phần lớn san hô sẽ bị huỷ hoại nếu nhiệt độ tăng +2oC; nạn chết đói sẽ xẩy ra do mất mùa và nước biển dâng cao tạo cho hàng triệu người phải di tản.
1- Các khu vực thải khí độc CO2 nhiều nhất
1/1- Trung-quốc: Trung-quốc có 1.338.612.963 người, là nước thải CO2 nhiều nhất, 20,7% của thế giới, tương đương với 8,1 tỷ tấn CO2 một năm. Tính đầu người thì mỗi người thải khoảng 1 tấn CO2 một năm. Nhà cầm-quyền Trung Cộng mượn cớ Trung-quốc là một nước đang phát triển (developing country), chứ không phải đã phát triển (developed country) nhằm tránh né trách nhiệm giảm thiểu chất độc CO2. Ngày 22/9/2009, chủ tịch nước Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) yêu cầu các quốc gia đã phát triển phải trợ giúp các nước đang phát triển; phải giảm thiểu 40% vào năm 2020 so với mức độ năm 1990; tài trợ 1% Tổng sản lượng Quốc nội hàng năm để giúp các quốc gia khác và cung cấp kỹ thuật tân tiến làm giảm bớt lượng CO2 (hệ thống lọc trong ống thải khói của xe hơi là một ví dụ). Về phía Trung Cộng thì thời điểm công bố sẽ được thông báo trong tương lai. Tổng sản lượng Quốc nội của Trung-quốc năm 2008 là 4,3 ngàn tỷ Mỹ-kim (USD). Trong hội nghị Kyoto Trung Cộng ký vào thỏa hiệp như một nước đang phát triển, có nghĩa không có trách nhiệm về việc giảm thiểu CO2.
1/2- Hoa Kỳ: Hoa Kỳ có 308.089.065 người, là quốc gia đứng hàng thứ hai trên thế giới thải 6,087 tỷ tấn khí độc CO2 một năm, chiếm 15,5% của thế giới. Tính đầu người thì mỗi người thải khoảng 20 tấn CO2, nhiều gấp 20 lần dân Trung quốc. Tuy nhiên, dù dân số chỉ bằng 1/5 dân Tầu; nhưng Tổng sản lượng Quốc-nội của Hoa Kỳ vào năm 2008 lên tới 14,2 ngàn tỷ USD, nhiều gấp 3,3 lần so với Trung-quốc. Các chính phủ Mỹ trước đây chống lại đòi hỏi phải hứa giảm thiểu một số lượng CO2 nhất định và từ chối trách nhiệm thi hành Thỏa hiệp Kyoto, với lý do không chấp nhận một sự cưỡng ép trách nhiệm có tính cách pháp lý (legal hay Juridical obligations). Nhằm chống chế cho sự từ chối yếu lý của mình, chính phủ Mỹ đòi hỏi Trung-quốc (China), Ấn Độ (India), Nam Phi (South Africa) và Ba Tây (Brazil) phải hứa hẹn giảm bớt sự gia tăng thải chất độc, mặc dù các quốc gia này đang trên đà phát triển. Đạo luật về khí hậu nhằm giảm mức độ 4% CO2 vào năm 2020 đã bị Quốc Hội Mỹ làm tê liệt! Chính phủ Mỹ có ký vào Thỏa hiệp Kyoto; nhưng không được Quốc Hội phê chuẩn! Tới chính phủ của Tổng thống Barack Obama thì có sự thay đổi. Ngày 22/9/2009, Tổng-thống Obama tuyên bố: "Chúng tôi hiểu sự nghiêm trọng của sự đe dọa khí hậu. Chúng tôi quyết hành động. Và chúng tôi sẽ không gánh trách nhiệm đối với các thế hệ mai sau"(We understand the gravity of the climate threat. We are determined to act. And we will meet our responsibility to future generations).
1/3- Liên Hiệp Âu Châu (EU: European Union): Liên Hiệp Âu Châu (LHÂC) bao gồm 27 quốc gia, dân số: 491.587.852 người, đứng thứ ba về thải nhiều khí độc CO2 , 11,8% của thế giới, khoảng 4,641 tỷ tấn một năm. Tính đầu người thì mỗi người thải 9 tấn. Tổng sản lượng Quốc nội GDP khoảng 18,3 ngàn tỷ USD, nhiều gấp 4,2 lần Trung-quốc và 1,35 lần Hoa Kỳ. Stavros Dimas, Đặc-ủy Liên-hiệp Âu-châu về Môi trường phát biểu ngày 27/10/2009: "Chúng tôi đang vượt chỉ tiêu của thoả hiệp Kyoto". LHÂC sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong Hội-nghị Copenhagen, có thể giảm lượng thải chất độc 20% vào năm 2020 so với mức độ năm 1990. LHÂC cũng muốn các quốc gia giầu có giảm 80% tới 95% vào năm 2050, và đề nghị các nước nghèo cũng nên giảm thiểu sự gia tăng thải chất độc. Để giải quyết vấn đề, LHÂC phải chi phí mỗi năm 150 tỷ USD kể từ năm 2020, trong đó có từ 7 tới 22 tỷ USD xuất từ ngân sách công cộng, có nghĩa từ tiền đóng thuế của dân chúng. LHÂC ký vào Thỏa hiệp Tokyo và hứa giảm thiểu sự thải chất độc trung bình 8% dưới mức năm 1990. Như vậy chỉ có LHÂC có thiện chí và dẫn đầu về quyết định giảm thiểu khí độc CO2 như một sự ràng buộc pháp lý và có trách nhiệm thi hành.
1/4- Liên Hiệp Phi Châu (AU: Africa Union) có 52 quốc gia, dân số khoảng 100 triệu người. Cũng như Trung-quốc, Liên Hiệp Phi Châu (LHPC) muốn các quốc gia giầu phải có trách nhiệm ràng buộc pháp lý, cắt giảm 40% dưới mức năm 1990 kể từ năm 2020. LHPC cho rằng 20% tới 30% không chấp nhận được. Mỗi năm LHPC thải khoảng 3,164 tỷ tấn CO2, 8,1% của thế giới, mỗi đầu người 4 tấn, đứng hàng thứ tư thế giới. Tổng sản lượng Quốc nội năm 2008 là 34 tỷ USD. LHPC ký vào Thoả hiệp Kyoto là các nước đang phát triển nên không có trách nhiệm cắt giảm về pháp lý.
1/5- Ấn Độ: có 1.198.003.000 người, là quốc gia đứng hàng thứ năm về thải khí độc CO2, khoảng 5%, tức 1,963 tỷ tấn mỗi năm. Tuy vậy, ngày 21/10/2009, Jairam Ramesh, Bộ trưởng Môi-trường cho rằng "sự ràng buộc pháp lý về mục tiêu giảm thiểu là dành cho các quốc gia đã phát triển và các quốc gia đã phát triển mà thôi". (International legal binding [greenhouse gas] reduction targets are for developed countries and developed countries alone.“ Lời phát biểu này chứng tỏ Ấn Độ không chấp nhận sự ràng buộc nào về pháp lý. Tổng sản lượng Quốc nội của Ấn Độ năm 2008 là 1,2 ngàn tỷ USD. Ấn Độ ký vào Thoả hiệp Kyoto với tư cách là quốc gia đang phát triển; nên không có trách nhiệm thi hành.
1/6- Nhật Bản: Nhật Bản có 130 triệu dân, đứng hàng thứ sáu thả nhiều khí độc CO2: 3,3%, tức 1,293 tỷ tấn một năm. Nhật Bản chịu cắt giảm 25% dưới mức năm 1990 kể từ năm 2020, nếu các quốc gia khác cùng có thiện chí thi hành. Yukio Hatoyama, Thủ-tướng Nhật tuyên bố: "Chúng tôi nghĩ các quốc gia đang phát triển cũng đòi hỏi sự cố gắng giảm thiểu khí độc". (We think developing countries are also required to make an effort to reduce greenhouse gases). Tổng sản lượng Quốc nội của Nhật Bản năm 2008 là 4,9 ngàn tỷ USD. Nhật Bản đã ký vào Thoả hiệp Kyoto và giảm thiểu 6% dưới mức năm 1990, kể từ năm 2008 tới 2012. Như vậy, Nhật Bản là quốc gia thứ hai chấp nhận sự giảm thiểu khí độc CO2 như một sự ràng buộc và có trách nhiệm thi hành.
1/7- Các Quốc gia Vùng Vịnh - Trung Đông: Các quốc gia Trung Đông hay quen gọi là các nước Ả Rập gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Saudi Arabia.Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia. Mỗi năm các quốc gia Ả Rập thải khoảng 890 triệu tấn CO2, tức 2,3% thế giới, mỗi đầu người 25 tấn. Tổng sản lượng Quốc nội năm 2008 là 468 tỷ USD. Các quốc gia Vùng Vịnh ký vào Thoả hiệp Kyoto là các nước đang phát triển, nên không có trách nhiệm cắt giảm về pháp lý.
1/8- Các Đảo Nhỏ (Small Islands): Các nước nằm trong quần đảo "AOSIS" gồm 42 đảo thuộc vùng biển Thái Bình Dương và Caribbean đang lo sợ tai họa về sự tồn tại. Các đảo này thải khoảng 246 triệu tấn CO2 một năm, tức 0,6% của thế giới, mỗi đầu người là 4 tấn CO2. Tổng sản lượng Quốc nội năm 2008 là 46 tỷ USD. Các đảo ký vào Thoả hiệp Kyoto là các nước đang phát triển, nên không có trách nhiệm cắt giảm về pháp lý.
III- Hậu quả của sự hâm nóng địa cầu (The Consequences of Global Warming)
Khí hậu ngày càng trở nên nóng sẽ đưa tới hậu quả nguy hại cho nhân loại. Sau đây là một số bằng chứng.
1- Nhiệt độ cao: Nhiệt độ gia tăng sẽ đưa tới nhiều tai họa như hạn hán, hỏa hoạn, mưa bão, lụt lội và cuồng phong. Trong 35 năm qua thế giới đã chứng kiến sự tàn phá lớn lao của nhiều trận cuồng phong bão lớn ở cấp độ 4 và 5. Trận bão Katrina tàn phá New Orlean Hoa Kỳ vào tháng 8/2005 gây nên tổn thất về nhân mạng và vật chất lớn nhất trong lịch sử là một trường hợp điển hình. Hơn 1,7 triệu người phải di chuyển và 200.000 người rơi vào tình trạng bệnh hoạn. Theo công bố tại Paris của cơ quan đặc trách về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) thì đến năm 2100, nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên từ 1,8oC tới 4oC. Băng đá vùng Bắc và Nam Cực sẽ tan nhiều đưa tới tình trạng nước biển dâng cao từ 18cm tới 59 cm. Theo Viện nghiên cứu Goddard về không gian của Cơ-quan Hàng-không và Không-gian Hoa Kỳ "NASA" thì khí hậu trái đất ngày nay coi như nóng nhất trong một triệu năm. Trong một bài viết trên Tập san Hàn Lâm Khoa-học Quốc-gia (the National Academy of Sciences) bác học James Hanse cho biết đặc biệt vùng Thái Bình Dương xuất hiện hiện tượng nóng nực "El Niño" và trái đất nóng hơn 0,2 độ mỗi 10 năm, trong 30 năm vừa qua. Trả lời cho hãng thông tấn Reuteurs, James Hansen nói: "Bằng chứng cho thấy, chúng ta đang tiếp cận với hậu quả nguy hiểm của sự không trong lành do loài người tạo ra". Khí hậu quá nóng giết chết nhiều người không chỉ tại các vùng nhiệt đới Á, Phi châu, mà cả vùng ôn đới phía Nam châu Âu và Hoa Kỳ. Năm 1995 tại Chicago chỉ trong một tuần lễ có tới 739 người bị chết vì luồng gió (sóng) cực nóng. Năm 2003 những luồng gió cực nóng đã cướp đi 70.000 mạng sống của con người tại Châu Âu. Riêng tại Pháp có gần 15.000 người chết trong vòng 2 tuần lễ nóng bỏng nhất, nhiệt độ lên tới 40oC (104o Fahreinhait). Bắc Mỹ vào tháng 7/2006 cũng có 140 người chết vì luồng gió nóng. Nhiệt độ cao làm cho thực phẩm dễ bị ngộ độc (Samonella). Năm 2004 nhiều du khách trên tầu du lịch bị bệnh tiêu chảy vì ăn sò huyết sống ở vùng Alaska. Hạn hán và lụt lội gây nên tình trạng thiếu thực phẩm, nước uống, thiếu dinh dưỡng, tạo nên các cuộc di dân lớn và chiến tranh khu vực. Các nhà nghiên cứu dự kiến có khoảng 50 triệu người trên thế giới sẽ trở thành "di dân môi trường" vào năm 2010, do nước biển dâng cao, hạn hán và lụt lội.
2- Nhiệt độ cao ảnh hưởng tới sức khoẻ: Khí hậu nóng là cơ hội cho muỗi có thể bay xa hơn để gieo bệnh sốt rét. Trước đây muỗi chỉ có tầm hoạt động khoảng 3.300 feet (990m). Ngày nay vì khí hậu nóng chúng có thể bay xa 7.200 feet (2.160m). Các sinh vật khác cũng sẽ gây nên bệnh truyền nhiễm, sốt xuất huyết và tiêu chảy v.v… cho đa số dân nghèo ở các quốc gia đói khổ. Khí độc Carbon Dioxide (CO2) có nhiều trong bầu khí quyển sẽ gây nên bệnh suyễn và các loại bệnh dị ứng. Bằng chứng là Hoa Kỳ, Trung-quốc đã có hàng 100.000 người bị bệnh hoạn hay nhiễm khí độc trong những năm vừa qua. Nhiều CO2 trong bầu khí quyển là cơ hội cho các loại cây hoang mọc lên nhiều và chúng sẽ gây nên các bệnh dị ứng và bệnh suyễn. Mưa nhiều cuốn theo các nguyên tố gây nên bệnh truyền nhiễm từ đất, nông trại và đường phố thấm vào hệ thống cung cấp nước uống. Năm 1993, tại Milwaukee có hơn 403.000 người dân bị bệnh tiêu chảy do nước bị nhiễm trùng.
3- Nhiệt độ cao ảnh hưởng đời sống các sinh vật: Nhiệt độ cao gây nguy hại cho san hô dưới biển. Băng đá tan tạo nên tình trạng thiếu thực phẩm cho gấu trắng ở Bắc Cực và chim cánh cụt đi hai chân (penguins) ở Nam Cực. Nhiệt độ nóng hủy hoại hệ thống các loài sinh vật và thảo mộc (Ecosystem) khiến cho nhiều loại bị tuyệt chủng. Người ta dự tính có tới 1 triệu loài có thể bị xóa sổ trên trái đất vào năm 2050. Theo một nghiên cứu mới đây thì 2000 loại cây và thú vật đồng chủng di chuyển tới Bắc và Nam cực với nhip độ trung bình 6,3 cây số (3,8 dặm) mỗi 10 năm. Cũng thế, người ta khám phá những vật đồng chủng tại khu vực núi Alpine di chuyển 36,6m (20 feet) mỗi 10 năm trong bán thế kỷ 20. Tin mới nhất của giới hữu trách về sự thay đổi khí hậu cho biết có khoảng 20% tới 30% cây cối và thú vật đồng chủng có nguy cơ bị diệt chủng, nếu nhiệt độ tăng từ 0,4oC (2,7o Fahrenheit) tới 0,9oC (4,5oF).
4- Nhiệt độ cao ảnh hưởng tới băng tuyết và mực nước biển: Theo Tạp chí Nghiên cứu Địa lý (Geophysical Research) tới năm 2040 thì Bắc Cự không còn băng đá và tầu bè có thể qua lại dễ dàng. Nước biển sẽ lên cao 0,58m (23 inches) vào năm 2100, nếu độ nóng như hiện nay vẫn tiếp tục gia tăng. Băng đá Bắc và Nam cực tan nhiều sẽ ảnh hưởng tới sự tan băng đá của sông ngòi và ao hồ. Theo cơ quan Hàng-không và Không-gian Hoa Kỳ "NASA" băng đá Bắc Cực tan với mức độ đáng báo động, 9% mỗi 10 năm. Vào tháng 9/2007, Trung-tâm Dữ kiện Quốc gia về băng đá và tuyết cho biết vùng băng tuyết của Bắc Cực thu nhỏ lại gần nửa triệu dặm vuông so với tháng 9/2005. Trong 3 thập niên qua có hơn 2,6 triệu cây-số vuông (1 triệu dặm vuông) biển đóng băng, lớn bằng diện tích Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển, đã biến mất, vì trái đất bị hâm nóng. Mực nước biển lên cao sẽ đe dọa các vùng đất thấp gần bờ biển. Trong thế kỷ 20 vừa qua mực nước biển lên cao từ 10cm (4 inches) tới 20cm (8 inches) và vẫn tiếp tục. Giới hữu trách về sự thay đổi khí hậu tiên đoán mực nước biển sẽ lên cao khoảng 58cm (23 inches) vào năm 2100. Nhưng những năm gần đây các nhà nghiên cứu nhận thấy mực nước biển lên cao nhanh hơn so với thời gian trước. Nhiều gấu trắng bị chết chìm, vì chúng phải bơi xa tìm mồi mà không còn băng tuyết để dừng chân. Theo cơ quan khảo nghiệm địa lý của Hoa Kỳ tiên đoán có 2/3 gấu trắng Bắc Cực sẽ bị chết, khi số lượng băng đá tan mỗi ngày một nhiều. Khoảng 90% băng tuyết Bắc Cực dầy 4 cây số, nếu trong các thế kỷ tới tan hết thì mực nước biển sẽ dâng cao 60-70 mét. Nhiệt độ cao làm cho băng tuyết tan, tia sáng mặt trời có thể chiếu sâu xuống lòng biển làm bốc hơi khí Carbon Dioxide CO2 và Methane CH4 (Methane có độ đông đặc hay tỷ trọng ở +25oC là 0,656kg/m3, mạnh gấp 20 lần CO2) thì sự nguy hại đối với nhân loại và trái đất sẽ lớn lao không thể tưởng tượng nổi trong các thế kỷ tiếp theo! Đúng là tai họa Đại Hồng Thuỷ sẽ nhận chìm nhân loại không biết vào thời điểm nào.
IV- Một số đảo sẽ biến mất và nhiều thành phố bị nước biển tràn ngập
Băng đá của Bắc và Nam Cực tan sẽ làm cho nước biển dâng cao và tràn ngập một số đảo cũng như thành phố. Một số hiện tượng sau đây chứng minh cho sự nguy hiểm sẽ xẩy ra:
4/1- Đảo Tuvalu sẽ biến mất: Quốc gia Tuvalu bao gồm 9 ghềnh đá và đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 1,06 triệu cây số vuông, nằm về phía Nam Xích đạo, cách Úc Đại Lợi 4.000 cây số. Dân Tuvalu gốc Samoa và Tonga, có 85% theo Tin Lành, 3,6% Adventists, 1,4% Công Giáo và 15% Baha´i. Tuvalu có khoảng 10.000 người sống rải rác trên 26 cây số vuông đất bằng. Trước đây, theo Giáo-sư Stefan Rahmsdorf của Viện Potsdams nghiên cứu về khí hậu thay đổi, cho rằng đảo này còn tồn tại khoảng từ 80 tới 100 năm. Nhưng các nghiên cứu mới nhất cho thấy nó chỉ còn tồn tại khoảng 40 tới 50 năm mà thôi! Như vậy, quốc gia Tuvalu có nguy cơ sẽ chìm dưới nước biển trong tương lai. Hiện có khoảng 3.000 dân đảo Tuvalu đã xin tị nạn. Trong tương lai Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan (New Zealand) sẽ đón nhận di dân Tuvalu khi mực nước biển ngày càng dâng cao.
4/2- Cộng-hòa Kiribati: Nước Cộng Hòa Kiribati bao gồm 33 đảo nhỏ trải dài trên một diện tích 5 triệu cây số vuông, nằm gần đường Xích-đạo. Các đảo quan trọng của nước này là Gilbert, Banaba, Bắc Phenix và Nam Esporadas. Trước đây Kiribati nằm trong quần đảo Gilbert Islands là thuộc địa của Anh Quốc năm 1916. Năm 1978 nhóm đảo Ellice Islands tách khỏi Kiribati để thành quốc gia Tuvalu; sau đó tới lượt Kiribati độc lập vào năm 1979 và trở thành hội viên Liên Hiệp Quốc năm 1999. Dân đảo có 53,4% theo Công Giáo, 39,2% Tin Lành, 2,4% Baha´i, 1,9% Adventists và 1,6% mormons. Tổng thống Anote Tong nắm chính quyền từ năm 2003. Năm 1989 Liên Hiệp Quốc đã báo động về thời tiết nóng làm nước biển gia tăng và Kiribati có nguy cơ bị nước biển tràn ngập.
4/3- Ấn Độ: Đảo Lohachara ngoài khơi Calcutta phía Đông-Bắc Ấn Độ, có 10.000 dân đã phải di tản. Hiện có 2/3 các đảo bị ngập nước biển. Toàn bộ 12 đảo đang trên đường bị nước biển tràn ngập. Có khoảng 70.000 người sẽ phải di chuyển khỏi các đảo này. Các đảo đầu tiên này đã bị ngập lụt 8 năm trước đây; nhưng nay thì đảo Lohachara là đảo đầu tiên biến mất trên bản đồ thế giới.
4/4- Vùng Amazon có thể bị biến mất trong vòng 100 năm: Cuộc nghiên cứu mới đây cho biết vùng rừng nhiệt đới Amazonas trong vòng 100 năm chỉ còn lại trong trí nhớ của nhân loại. Hiện rừng này bị tàn phá vì vấn đề sản xuất cây, gỗ và canh tác. Theo hãng thông tấn AP thì vừa thiếu mưa, vừa thời tiết nóng đã làm cho các sông ngòi bị khô cạn dần, mực nước sông Amazon xuống thấp 15,8 mét. Sự khô cạn và thiếu nước có thể gây khốn đốn cho đời sống của 42.000 dân.
*** Hội-nghị Liên Hiệp Quốc về sự Thay-đổi Khí-hậu diễn ra tại Copenhagen từ ngày 7 tới 18/12/2009, nhưng vì nhà in nghỉ Lễ Giáng Sinh, báo DCÂC phải gửi đi in sớm, nên bài viết này phải gửi trước ngày 15/12/2005 trong khi Hội-nghị chưa kết thúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày kết quả của Hội-nghị COP15 trong số báo tới và năm nào Sài Gòn sẽ bị nước biển tràn ngập!
Kỷ niệm 20 năm Bức Tường Bá-Linh Sụp Đổ. Khiến Chế Độ Cộng Sản Đông Đức, Đông Âu và Sô Viết Giẫy Chết
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Ngày 9/11/2009 kỷ niệm 20 năm (9/11/1989 - 9/11/2009) ngày bức tường Ô-nhục Bá Linh sụp đổ, một biến cố trọng đại nhất đã xẩy ra tại Âu Châu sau Thế chiến II. Các chế độ Cộng-sản Đông Đức, Đông Âu và Sô Viết đã bất ngờ tan rã nhanh ngoài sức tưởng tượng của nhân loại. Nếu tìm hiểu sâu xa hơn, người ta nhận thấy biến cố bức tường Bá Linh sụp đổ dĩ nhiên phải có lý do của nó.
Để quí độc giả có cái nhìn chính xác về biến cố này, chúng tôi trình bày các nguyên nhân đưa tới ngày 9/11/1989.
I-Nguyên Nhân xa
Sau Thế Chiến II, Joseph Stalin trở thành nhà độc tài khét tiếng và Sô Viết là trung tâm quyền lực của Cộng-sản Quốc-tế. Các quốc gia theo Chủ-nghĩa Cộng-sản, trong đó có miền Bắc Việt Nam do ông Hồ lãnh đạo, phải tuân thủ các quyết định về đường lối cách mạng do Sô Viết đề ra. Sau khi Stalin chết ngày 5/3/1953, Nikita Krushchev lên cầm quyền và chủ trương xét lại các chính sách của Stalin. Krushchev từng gây nên các biến cố khiêu khích Hoa Kỳ và Tây Phương tại Liên Hiệp Quốc như: nắm tay đấm lên bàn phản đối Tổng Thư-ký Liên Hiệp Quốc Hammarskjold về vấn đề giải quyết thuộc địa Congo và lấy giầy đập bàn khi bị Phi Luật Tân tố cáo Đế-quốc Sô Viết ở Đông Âu. Ngoài ra, ông ta còn cho chở các dàn phóng hỏa tiễn tới Cuba để khiêu khích Hoa Kỳ và xung đột chính trị với Tầu Cộng. Vì các hoạt động khiêu khích có thể tạo nên Thế chiến III nên Krushchev bị hạ bệ. Leonid Brezhnev lên thay thế mở màn cho cái gọi là “Chủ thuyết Brezhnev” (Brezhnev Doctrine) được báo Pravda, cơ quan ngôn luận của đảng, công bố ngày 26/9/1968. Sau đó Brezhnev lập lại chủ thuyết này trong bài diễn văn tại Hội-nghị Đảng Liên hiệp Công nhân Ba-Lan ngày 13/11/1968. Một trong các điểm chủ yếu là:
“Khi các lực lượng thù địch của Chủ-nghĩa Xã-hội cố gắng chuyển biến sự phát triển của một quốc gia Xã-hội nào đó thành Chủ-nghĩa Tư-bản, nó không chỉ là vấn đề của quốc gia liên hệ, mà là vấn đề chung và liên quan tới tất cả các quốc gia xã-hội.” (1)
Chính vì Chủ thuyết Brezhnev, mà hiệp ước "Warsaw Pact", một Liên-minh Quân-sự của các nước Cộng-sản Đông Âu ra đời, để can thiệp vào bất cứ nước nào. Điển hình là quân đội của Liên-hiệp này đã được điều động dẹp tan các phong trào nổi dậy đòi tự do và dân chủ do sinh viên cầm đầu tại Hung Gia Lợi năm 1956. Liên quân Sô Viết, Bảo Gia Lợi, Đông Đức, Hung Gia Lợi và Ba Lan, với quân số gần 500.000 lính, cũng đã can thiệp vào Tiệp Khắc ngày 20/8/1968, nhằm dẹp bỏ chính sách cải tổ tự do chính trị của chủ tịch Alexandre Dubcek. Dubcek bị bắt đưa qua Mạc Tư Khoa. Mặc dù vậy, chính phủ lâm thời Svoboda không được đa số dân chúng ủng hộ.
Tại Ba Lan thì Liên Đoàn Đoàn Kết "Solidarnosc" (Solidarity) được thành lập vào năm 1980 và trong hội nghị năm 1981, Lech Walesa được bầu làm chủ tịch. Nhà Cầm quyền Cộng-sản Ba Lan không chấp nhận một tổ chức tự trị, nên ra lệnh đàn áp và Thiết Quân Luật "Martial Law". Nhưng trước áp lực từ nhiều phía, kể cả Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Nhà Cầm quyền chịu đàm phán. Kết quả là một chính phủ liên hiệp ra đời và Tadeusz Mazowiecki trở thành Thủ-tướng không là đảng viên Cộng-sản năm 1989. Sự thành công của Liên Đoàn Đoàn Kết Ba Lan có được là do sự ủng hộ nhiệt tình của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II. Chính Lech Walesa đã nói: "Đức Thánh Cha, qua các cuộc gặp gỡ, đã bày tỏ rằng chúng tôi thật là thần diệu. Ngài nói với chúng tôi đừng sợ." (The Holy Father, through his meetings, demonstrated how numerous we were. He told us not to be afraid.)
Chủ thuyết Brezhnev cũng đưa tới hậu quả là quân đội Sô Viết xâm lăng A Phú Hãn kể từ ngày 24/12/1979. Sự xâm lăng A Phú Hãn của Sô Viết bị thế giới chống đối. Hoa Kỳ đã trực tiếp trợ giúp cho các chiến đấu quân Mujahedeen chống lại quân xâm lược. Sự sa lầy của chủ-thuyết Brezhnev tại A Phú Hãn đã đưa tới thất bại cả về quân sự, chính trị và kinh tế. Cuối cùng, sau 9 năm chiếm đóng A Phú Hãn, qua hiệp định Genève 1988, quân đội Sô Viết phải rút về nước vào đầu năm 1989. Sau khi quân Sô Viết rút đi, chế-độ Cộng-sản do Mohammed Najubullah cầm đầu bị sụp đổ. Khi Brezhnev chết Giám đốc cơ quan mật vụ KGB Juri Andropov lên thay thế và không được bao lâu cũng về âm-phủ. Sau đó Konstantin Chernenko được bầu vào chức vụ Tổng Thư Ký đảng.
Năm 1985, sau khi Chernenko qua đời, Mikhail Gorbachev lên thay thế. Qua kinh nghiệm toàn bộ các chính sách về quân sự, kinh tế và chính trị đều bị thất bại, Gorbachev đưa ra chính sách "Perestroika", cải tổ chính trị và kinh tế, vào tháng 6/1987; và chính sách "Glasnost", công khai, cởi mở, tự do thông tin cho quần chúng các hoạt động của chính phủ. Đây là vết son lịch sử của Sô Viết, nó mở ra một tương lai tự do, dân chủ cho dân chúng Nga sau này. Chính sách cởi mở của Gorbachev đã đưa tới luồng gió cách mạng trong lành cho toàn Đông Âu. Một trong những điểm quan trọng nhất của chính sách là "Không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước Cộng-sản anh em".
Chủ thuyết Brezhnev chỉ có hiệu quả tới khi nó chấm dứt vào lúc Mikhail Gorbachev từ chối xử dụng lực lượng quân sự, khi Ba Lan tổ chức bầu cử tự do vào năm 1989; năm mà Liên Đoàn Đoàn Kết đánh bại đảng Cộng sản. Nó được thay thế bởi Chủ-nghĩa được đặt tên khôi hài là "Sinatra Doctrine" vào năm 1989.
Sinatra Doctrine lấy tựa đề bài hát "My Way" của ca sĩ lừng danh Thế-giới Sinatra. Nó có nghĩa Sô Viết để cho các nước Cộng-sản đàn em đi theo đường lối riêng của mình, không can thiệp vào nội bộ của các nước CS láng giềng. Gorbachev không chỉ đề ra chính sách không can thiệp vào nội bộ của các nước Cộng-sản, mà còn thỏa thuận với Hoa Kỳ về vấn đề giảm thiểu hoặc hủy bỏ các loại vũ khí nguyên tử. Gorbachev đã tham dự các cuộc họp với Tổng-thống Mỹ Ronald Reagan tại thành phố Genève của Thuỵ Sĩ vào năm 1985 và Reykjavik thủ đô Băng Đảo (Ice Land) vào năm 1986. Ngoài ra, ngày 1/12/1989, Gorbachev đã hội kiến với Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II tại Rô-ma, chấm dứt 70 năm thù địch giữa Vatican và Liên Bang Sô Viết. (2) Chính vì chính sách cởi mở và yêu chuộng hòa bình mà Gorbachev được tặng giải thưởng Nobel Hòa-bình vào năm 1990.
II-Hoa Kỳ quyết tâm bảo vệ Bá Linh
Các chính phủ Mỹ đều quan tâm tới Bá Linh, vì Sô Viết và khối Đông Âu thời Stalin khiêu khích Đồng Minh Tây Phương bằng phong tỏa đường bộ dẫn tới Tây Bá Linh vào năm 1948. Để cứu sống hàng chục ngàn dân Tây Bá Linh, Hoa Kỳ và Đồng Minh Anh-quốc, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan phải mở "Cầu Không Vận", dùng máy bay tiếp tế các nhu yếu phẩm cho dân chúng Tây Bá Linh. Trước tình trạng bị cô lập với thế giới bên ngoài, hơn 300.000 dân Tây Bá Linh đã biểu tình đòi Sô Viết hủy bỏ cấm vận. Mãi tháng 5/1949, Stalin mới hủy bỏ phong tỏa Tây Bá Linh. Chính vì không chịu được sự đàn áp và mất tự do dưới chế độ cộng sản, dân Đông Đức bắt đầu trốn khỏi Thiên-đường Cộng-sản. Năm 1950 có 197.000 người tị nạn; năm 1951: 165.000; năm 1952: 182.000 và năm 1953: 331.000. Năm 1953 dân Đông Đức chạy trốn lên cao nhất vì sợ đất nước mình bị "Sô Viết Hóa" (Sovietization).
Sự an toàn của thành phố Bá Linh được bảo đảm hay không tùy thuộc khá nhiều vào quyết tâm của các chính phủ Mỹ. Điển hình là cuộc viếng thăm thành phố Bá Linh và công khai lên án Chủ-nghĩa Cộng-sản của Tổng-thống John F. Kennedy vào ngày 26/6/1963. TT. Kennedy đã nói một câu nổi danh và đi vào lịch sử Đức Quốc: "Ich bin ein Berliner" (Tôi là một người Bá Linh). TT. Kennedy cho rằng việc xây tường Bá Linh như một ví dụ của sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng-sản: "Tự do có rất nhiều khó khăn và Dân-chủ thì không hoàn toàn, nhưng chúng tôi không bao giờ phải dựng một bức tường lên để giữ dân chúng" (3).
TT. Ronald Reagan cũng tới thăm Bá Linh vào tháng 6/1987. Trong bài diễn văn tại cổng Brandenburg ở Bá Linh, TT. Reagan nói trực tiếp qua microphone với Tổng Thư Ký đảng Cộng-sản Sô-viết Mikhail Gorbachev:
"Chúng tôi chào mừng sự thay đổi và cởi mở, vì chúng tôi tin rằng tự do đi đôi với an ninh, tiến bộ tự do con người chỉ có thể làm tăng sức mạnh hòa bình thế giới. Có một dấu hiệu mà Sô Viết có thể thực hiện mà không sợ lầm lỗi, nó sẽ tiến triển bất ngờ vì tự do và hoà bình. Tổng Thư ký Gorbachev, nếu ông tìm hòa bình, nếu ông tìm sự thịnh vượng cho Liên hiệp Sô Viết và Đông Âu, nếu ông tìm tự do hãy tới cổng này. Ông Gorbachev, hãy mở cổng này. Ông Gorbachev, hãy giật sập bức tường này!"(4)
Câu nói của Tổng-thống Ronald Reagan: "Mr. Gorbachev, open this gate. Mr. Gorbachev, tear down this wall!" tại cổng Brandenburg ở Bá Linh, cũng trở thành câu nói để đời đối với dân tộc Đức nói riêng và thế giới nói chung.
III-Nguyên nhân gần
Bức tường Bá Linh được xây từ ngày 13/8/1961, nhằm mục đích ngăn cản người Đông Đức vượt qua Tây Đức tìm tự do. Nhưng bức tường ban đầu vẫn không cản nổi ý nguyện vượt thoát của dân Đông Đức. Do đó, nhà cầm quyền cộng sản cho thành lập thêm bãi mìn và hàng rào điện. Mỗi khi dây kẽm gai bị đụng và rơi xuống thì tự động điện tín báo động nổi lên ở vọng gác, nơi luôn có 4-6 lính gác trực suốt ngày đêm. Khi điện báo động thì hệ thống đèn điện chiếu thẳng vào khu vực phát ra tiếng động, súng máy tự động nhả đạn vào mục tiêu. Xe tuần tiễu và chó săn luôn túc trực, lính gác kiểm soát mỗi giờ và phản ứng khi có báo động. Vì thế vấn đề vượt qua hàng rào kẽm gai, bãi mìn và tường cao 3-4 mét trở nên khó khăn hơn. Người vượt thoát đã phải dùng khí cầu, ván buồm cỡi sóng (surf-board), máy bay thể thao dân sự và đào đường hầm, có những đường hầm phải đào mất hai ba tháng, để trốn khỏi "thiên đường ác ôn cộng sản", nơi mà quanh năm bị đói khát và nhân phẩm bị chà đạp.
Không vượt qua được biên giới Bá Linh, người Đông Đức đã tìm đường qua biên giới các nước khác như Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc. Đặc biệt Hung Gia Lợi đã mở cửa thông thương biên giới với Áo Quốc ngày 23/8/1989. Tới tháng 9/1989 có hàng chục ngàn dân Đông Đức du lịch qua Hung Gia Lợi rồi chạy qua Áo-quốc. Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Hung Gia Lợi (Gyula Horn) và Áo Quốc (Alois Mock) cắt hàng rào kẽm gai tại biên giới hai nước vào năm 1989 thì làn sóng du lịch qua Hung Gia Lợi gia mãnh liệt. Đây là "Bước Ngoặc Lịch Sử của Đông Âu".
Trước làn sóng du lịch này, Nhà Cầm-quyền Đông Đức không cho phép xuất ngoại qua Hung Gia Lợi nữa. Những người đã trót qua đó được phép trở về. Dân chúng bất mãn về hành động ngăn cản du lịch sang các nước cộng-sản. Họ biểu tình phản đối và hô to khẩu hiệu "Gorby, cứu chúng tôi" (Gorby! Save us – Gorbi! Rette uns) vì lúc đó Mikhail Gorbachev đang dự lễ kỷ niệm 40 năm của Đông Đức. Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền diễn ra khắp trên lãnh thổ, khiến chủ tịch đảng Erich Honecker phải từ chức ngày 18/10/1989 và Egon Krenz lên kế vị. Ngày 7+8/11/1989 Bộ Chính Trị (Politburo) Đông Đức giải tán. Tháng 9/1989 dân biểu tình hô to khẩu hiệu: "Wir wollen raus! – We want out" (Chúng tôi muốn xuất ngoại) và hát "Wir bleiben hier – We’s staying here" (chúng tôi đứng ở đây). Biến cố này trở thành cuộc "Cách-mạng Hòa-bình" có một không hai trong lịch sử Đức quốc và Âu Châu. Tháng 11/1989 có hơn nửa triệu người biểu tình tại công trường Alexander. Bị cấm du lịch qua Hung Gia Lợi, dân Đông Đức đổi hướng qua Ba Lan và Tiệp Khắc. Cuối cùng vào ngày 9/11/1989, chính phủ Egon Krenz phải cho dân Đông Đức sang Tây Đức qua ngả biên giới Bá Linh với tính cách thăm gia đình hoặc với tính cách tư nhân. Các qui định mới có hiệu lực kể từ ngày 17/11/1989.
IV-Chống đối sự sụp đổ bức tường Bá Linh
Có thể nói, nhờ thiện chí và quyết tâm của Mikhail Gorbachev và cựu Thủ-tướng Tây Đức, Helmut Kohl, mà dân chúng Đức được thống nhất và đưa tới sự chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông Âu và Tây Âu; giữa Hoa Kỳ và Sô Viết. Nhưng việc thống nhất này gặp sự chống đối của hai nhà lãnh đạo nổi tiếng Âu Châu là Tổng-thống Pháp Francois Mitterand và Thủ-tướng Anh, bà Magaret Thatcher.
Vào tháng 9/1989, bà Magaret Thatcher yêu cầu Mikhail Gorbachev đừng để bức tường Bá Linh sụp đổ và thổ lộ tâm tình rằng bà mong muốn nhà lãnh đạo Sô Viết thực hiện những gì ông ta có thể ngăn lại. Nữ Thủ-tướng Thatcher phát biểu: "Chúng tôi không muốn một nước Đức thống nhất. Nó sẽ dẫn tới một sự thay đổi các biên giới sau chiến tranh, và chúng tôi không cho phép nó xẩy ra, vì một sự tiến triển như thế sẽ hủy hoại sự ổn định của toàn thể tình hình thế giới và có thể gây nguy hiểm cho nền an ninh của chúng tôi". (5)
Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Tổng-thống Pháp Francois Mitterand cảnh báo Nữ Thủ tướng Anh rằng, một quốc gia Đức thống nhất có thể chiếm nhiều đất hơn Hitler đã làm và Âu Châu sẽ gánh chịu mọi hậu quả. (6)
Sự phản đối Đức-quốc thống nhất của
hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp dựa trên yếu tố lịch sử. Adolf Hitler đã tạo nên Thế Chiến II, gây cho hơn 50 triệu người chết. Chính sách diệt chủng của Hitler đã tàn sát hơn 5 triệu dân Do Thái. Nếu chia hai nước Đức thì họ lo kình chống nhau, không còn thời giờ và sức mạnh để xâm lăng các quốc gia khác. Khi nước Đức thống nhất thì nguy cơ một Hitler thứ hai có thể tái diễn và Âu Châu sẽ lại chịu mọi hậu quả nghiêm trọng.
V-Lễ kỷ niệm 20 năm bức tường Bá Linh sụp đổ
Biến cố bức tường Bá Linh bị sụp đổ, lôi theo sự phá sản của các chế độ cộng sản Đông Âu và Sô Viết, đã trở thành biến cố lịch sử trọng đại không chỉ đối với dân tộc Đức mà chung cho toàn Âu Châu. Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông và Tây đã chấm dứt. Vì thế, ba nhà lãnh đạo quan trọng nhất liên quan tới biến cố này là Mikhail Garbachev, George Bush và Helmut Kohl đã họp mặt tại Đức-quốc vào ngày 31.10.2009.
Ngày 3/11/2009, Mikhail Gorbachev phát biểu trước các phóng viên rằng: "Nếu Liên-hiệp Sô Viết muốn, họ có thể chận đứng sự thống nhất. Và cái gì sẽ xẩy ra? Tôi không biết. Có thể Thế chiến III.’’
Ông Gorbachev cũng phê bình là Hoa Kỳ lợi dụng sự chiến thắng Thế chiến II để bành trướng sức mạnh qua Âu Châu và Thế-giới. Ông kết luận: "Người Mỹ cần hiểu rằng sự độc quyền của họ đã chấm dứt". Tuy nhiên, cuối cùng Gorbachev cũng phải công nhận rằng: "Nhưng Hoa Kỳ sẽ là người lãnh đạo một thời gian dài, sẽ rất có ảnh hưởng, sự thật là thế, dù quí vị thích hay không." (7)
Nhiều lãnh tụ của các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu cũng đã hiện diện trong lễ kỷ niệm này, như Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Anh Gordon Brown và Bộ-trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton v.v... Trong đêm kỷ niệm biến cố này, đặc biệt có sự hiện diện của Mikhail Gorbachev, cựu Tổng Thư Ký đảng Cộng-sản Sô Viết, cựu chủ tịch Liên Đoàn Đoàn Kết, nguyên Tổng thống Ba-Lan Lech Walesa và cựu Thủ tướng Hung Gia Lợi Miklos Nemeth, người ra lệnh mở cửa biên giới Áo-Hung. Ba nhân vật quan trọng đã đóng vai trò then chốt trong việc sụp đổ của các chế độ cộng sản Đông-Âu và Sô Viết.
Sau các bài phát biểu của Đô trưởng Bá Linh, Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Nga và Thủ tướng Anh, Bộ-trưởng Ngoại-giao Mỹ … 1.000 khối hộp lớn do tuổi trẻ vẽ, mang thông điệp hòa bình, được xếp thành hàng như các con cờ Dominos chạy dài 1,5 cây số, đã được Lech Walesa và Miklos Nemeth đẩy khối thứ nhất cho đổ. Từng khối hình đổ liên tiếp tượng trưng cho sự sụp đổ toàn bộ hệ thống cộng sản Đông Âu và Sô Viết. Hàng ngàn pháo bông được phóng lên, một cảnh bừng sáng tỏa khắp khung trời Bá Linh trong đêm lịch sử trọng đại. Nó chứng minh ánh sáng văn minh, tự do, dân chủ của Tây phương đã thắng bóng tối u-mê, độc tài cộng-sản.
Trong dịp này, cựu Tổng thống, nay là Thủ tướng Nga, Vladimir Putin có kể lại vào thời điểm đó, dân Đông Đức kéo tới cơ quan Mật Vụ Stasi biểu tình bạo động. Họ cũng kéo đến tòa Đại sứ Sô Viết, nơi Putin đang có mặt và là sĩ quan tình báo của KGB tại Đức. Khi đám đông giận giữ hỏi cơ sở này của ai, Putin nói ông là thông dịch viên và đây là cơ sở của ngoại quốc chứ không phải Stasi. Nhờ ông nói thông thạo tiếng Đức, nên đám biểu tình thông cảm bỏ đi. Nếu đám biểu tình mà phá tòa Đại-sứ Sô Viết thì không biết hậu quả tại hại sẽ xẩy ra như thế nào?
VI-Việt Nam thì sao?
Bức tường Bá Linh đã sụp đổ. Các chế độ cộng sản Đông Âu và Sô Viết đã tan rã 20 năm rồi, mà "Bức tường Ô-nhục Ý-thức hệ Cộng-sản Việt Nam" vẫn còn. Việt Cộng vẫn duy trì đảng Cộng-sản và bắt dân "Yêu nước là yêu Chủ-nghĩa Xã-hội!", một chủ nghĩa đã giẫy chết và bị ném vào sọt rác từ lâu. Hai bằng chứng dưới đây cho thấy Việt Cộng vẫn gục mặt sợ hãi, không dám cho dân Việt coi Tivi và bài viết về lễ kỷ niệm 20 năm Bức tường Ô-nhục Bá Linh sụp đổ:
1-Nhà báo Huy Đức của báo Sài Gòn Tiếp Thị, chủ "Blog Osin", đã bị đuổi trong tháng 8/2009 vừa qua, vì dám viết "Bức Tường Ô-nhục" (a Wall of Shame) và phê bình Sô Viết xâm lược, cũng như chửi mánh Việt Cộng Giải-phóng Miền Nam qua đoạn văn: "… Liên Xô, quốc gia đóng vài trò quyết định trong cuộc chiến chống Phát xít, thay vì được ghi nhớ như là “giải phóng quân” đã trở thành một lực lượng chiếm đóng và đã áp đặt lên Đông Âu một chế độ tước đoạt hết của con người những quyền căn bản … Một cuộc chiến không còn được coi là “giải phóng” nếu những gì mà nhân dân cuối cùng được hưởng không phải là độc lập tự do."
Không chỉ Huy Đức mà nhà báo Đoan Trang cũng bị bắt, vì chống Tầu Cộng chiếm các hải đảo của Việt Nam. Blogger Bùi Thanh Hiếu chống Tầu và lên án Nhà cầm quyền VC cướp đất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
2-Đài truyền hình Việt Nam không cho chiếu buổi lễ kỷ niệm 20 năm bức tường Bá Linh sụp đổ. Nhiều người ngoại quốc làm việc tại Hà Nội cho đài BBC biết họ không xem được chương trình của các hãng truyền thông nước ngoài truyền hình trực tiếp kỷ niệm 20 năm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ. Không nói ra, nhưng ai cũng hiểu được rằng Việt Cộng đã kiểm duyệt và cắt bỏ. Hệ thống truyền thông và báo chí Việt Nam hoàn toàn im lặng, cả trước và trong ngày 9/11/2009 là điều dĩ nhiên. Họ chỉ được phép nói, đăng, thông tin những gì Nhà cầm quyền cho phép! Để chối tội và với giọng điệu gian trá, đài truyền hình viện cớ "Vì lý do kỹ thuật?" Người ta được biết lâu nay, đài truyền hình BBC World trong hệ thống VCTV ở Việt Nam luôn phát chậm lại 30 phút. Lý do phát chậm, chả nói ra, ai cũng thừa hiểu là để kiểm duyệt và cắt bỏ!
----------------------------------------
Chú thích:
(1): "When forces that are hostile to Socialism try to turn the development of some socialist country towards Capitalism, it becomes not only a problem of the country concerned, but a common problem and concern of all socialist countries."
(2): The Brezhnev Doctrine stayed in effect until it was finally ended due to the refusal of Mikhail Gorbachev to use military force when Poland held free elections in 1989 and Solidarity defeated the Communist Party. It was superseded by the facetiously named Sinatra Doctrine in 1989. December 1, 1989 - Pope John Paul II and Mikhail Gorbachev met in Rome, ending 70 years of hostility between the Vatican and the USSR.
(3): Kennedy used the construction of the Berlin Wall as an example of the failures of communism: “Freedom has many difficulties and Democracy is not perfect, but we have never had to put a wall up to keep our people in".
(4): "We welcome change and openness; for we believe that freedom and security go together, that the advance of human liberty can only strengthen the cause of world peace. There is one sign the Soviets can make that would be unmistakable, that would advance dramatically the cause of freedom and peace. General Secretary Gorbachev, if you seek peace, if you seek prosperity for the Soviet Union and Eastern Europe, if you seek liberalization, come here to this gate. Mr. Gorbachev, open this gate. Mr. Gorbachev, tear down this wall!"
(5): "We do not want a united Germany. This would lead to a change to postwar borders, and we cannot allow that because such a development would undermine the stability of the whole international situation and could endanger our security".
(6): After the fall of the Berlin Wall, French President Francois Mitterand warned Thatcher that a unified Germany could make more ground than Adolf Hitler ever had and that Europe would have to bear the consequences.
(7) “If the Soviet Union had wanted, it could have stopped reunification. And what would have happened then? I don’t know. Maybe World War III,” … “The Americans should understand that their monopoly has ended,” … “But that America is going to be a leader for a long time, that it is going to be very influential — this is a fact, whether you like it or not.”
------------------------------------------------------
Đính chính:
Trong bài Biến Cố tháng 11/2009, DCÂC số 395, chúng tôi có ghi: "Bà Oprah Winfrey thất vọng bèn hủy bỏ chương trình giới thiệu "Dân Đan hạnh phúc" (De lykkelige Danskere - The happy Danes)
Xin đính chính là bài viết gửi trước ngày 15 mỗi tháng, chúng tôi chờ từ ngày 2 tới 14/10/2009 mà chương trình Talk Show của bà chưa xuất hiện trên Ti Vi Mỹ và Đan Mạch. Mãi tới ngày 21/10/2009 chương trình của bà mới chiếu trên TV Mỹ với tựa đề: "The happiest people on Earth" (Dân tộc hạnh phúc nhất trên trái đất). Sau khi mua lại phụ bản bản quyền, đài TV 4 của Đan Mạch mới được phép chiếu chương trình này vào lúc 22:00 giờ ngày 17/11/2009. (Đỗ Đức Thống)
Tài liệu tham khảo:
en.wikipedia.org/wiki/Brezhnev_Doctrine
en.wikipedia.org/wiki/Warsaw_Pact_invasion_of_Czechoslovakia
en.wikipedia.org/wiki/Solidarity_(Polish_trade_union)
en.wikipedia.org/wiki/John_F._Kennedy
news.bbc.co.uk/2/hi/europe/8344960.stm
www.highbeam.com/doc/1P2-3960810.html
uk.reuters.com/article/idUKTRE5A723V20091109
www.bredalsparken.dk/~soren-kretzschmer/berlinmurens_fald_og_nutiden_-.html
en.wikipedia.org/wiki/Berlin_Wall
http://www.thenews.com.pk/daily_detail.asp?id=206611
www.bbc.co.uk/vietnamese/viet..._viet_tv.shtml ;
Thất bại tại Hội Nghị Olympic TT. Barack Obama bất ngờ được giải thưởng Nobel Hòa Bình
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
I- Đôi hàng về Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc-tế (The International Olympic Committee)
Kể từ ngày 1 tới 9/10/2009, Phiên-họp của Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc-tế lần thứ 121 và Hội-nghị Thế Vận lần thứ 13 (the 121st IOC Session and XIII Olympic Congress) được tổ chức tại Thủ-đô Kobenhavn (Copenhagen) Đan Mạch. Mục đích của Hội-nghị nhằm bàn thảo về các vấn đề cải tổ, phát triển và chọn thành phố tổ chức Thế Vận Hội năm 2016 tiếp sau Thế Vận Hội năm 2012 được tổ chức tại Thủ đô Luân Đôn, Anh-quốc.
Từ ngày 1 tới 6/10/2009, các vấn đề bàn thảo gồm: Sự thân hữu giữa các vận động viên thể thao, các Câu lạc bộ, Liên đoàn và các Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc Gia “NOC” (The National Olympic Committee); bảo vệ sức khoẻ trong khi tập luyện và tranh tài; đời sống xã hội và chuyên nghiệp của các lực sĩ trong khi và sau khi tranh tài; làm sao đặt biến cố thi đua lên hàng đầu, giá trị của Thế Vận Hội, tính cách quốc tế và sự phát triển các quốc gia, phong trào thể thao tự trị, sự quản trị và luân lý đạo đức tốt, sự quan hệ giữa phong trào Thế Vận và mục đích của nó, tiến tới một xã hội năng động, sự tranh đua thể thao luôn là mời gọi, các biến cố thể thao của tuổi trẻ, sự quản trị mới về quyền lợi thể thao, làm thế nào gia tăng số lượng khán giả, sự thông tin với mục tiêu của thế hệ điện toán v.v…
Từ ngày 7 tới 9/10/2009, bầu Chủ tịch Ủy-ban Thế Vận Hội và các hội viên; chọn lựa các bộ môn thể thao mới. Hai môn Golf (đánh gôn) và Rugby (bóng bầu dục) đang được quyết định cho vào danh sách các môn chơi mới kể từ Thế Vận Hội năm 2016. Phần cuối của chương trình là cuộc tiếp tân “See you in Denmark” (Chào bạn tại Đan Mạch) vào ngày 9/10/2009 tại công viên giải trí Tivoli, một World Disney nhỏ của Đan Mạch.
Hiện nay có 205 Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc Gia trong đó có 192 quốc gia độc lập được Liên Hiệp Quốc công nhận và 13 đại diện của các lãnh thổ được công nhận trước năm 1996. Hội viên của Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc-tế hiện có 106 hội viên trong đó có 16 phụ nữ, 22 hội viên danh dự trong số này có 3 phụ nữ và một hội viên vĩnh viễn là Juan Antonio Samaranch chủ tịch suốt đời, và 12 hội viên là Hoàng-tử và Công-chúa của các vương quyền gồm: Công-chúa Nora của Liechteinstein, Hoàng-tử Albert của Monaco, Công-chúa Anne của Anh quốc, Đại Huân-tước Heri và Jean của Lục Xâm Bảo (Luxembourg), Hoàng Thái-tử Wilhem-Alexander của Hòa Lan, Hoàng-tử Nawaf Faisal Fahd Abdullaziz của Ả-rập Saudi, Hoàng-tử Tunku Imran của Mã Lai, Hoàng-tử Haya Bint Al Hussein của Jordan, Hoàng Tử Dona Pilar de Borbon của Tây Ban Nha, Sheik Al-Thani Tamim bin Hamad bin Khalifa của Qatar và Sheik Ahned bin Seed Al Maktoum của Ả Rập Thống-nhất Emirater. Ngoài các hội viên chính thức còn có 23 hội viên danh dự, trong đó có Tiến-sĩ Henry Kissinger, chủ nhân ông chính sách bán đứng VNCH.
Ủy-ban Tổ-chức Đan Mạch (The Danish Organizing Committee) chịu trách nhiệm tổ chức Phiên-họp của Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc-tế lần thứ 121 và Hội-nghị Thế Vận lần thứ 13, gồm: Kai Holm: chủ tịch Ủy-ban tổ chức, Carina Christensen: Bộ-trưởng Văn-hóa, Ritt Bjerregaard: Đô trưởng Kobenhavn, Lars Krarup: chủ tịch Biến cố thể thao Đan Mạch, Jørgen Christensen: chủ tịch phát triển vùng Thủ-đô, Niels Nygaard: chủ-tịch Ủy-ban Thế Vận Quốc-gia. Cuối hội nghị kỳ này Hoàng Thái-tử Frederik của Đan Mạch đã được bầu vào hội viên của Ủy-ban Thế Vận Quốc-tế. Sự tham gia của ông vua tương lai của Vương-quốc Đan Mạch bị phe đối lập chống đối với lý do: Vua là tượng trưng cho tinh thần một quốc gia được đánh giá cao về phương diện văn minh dân chủ và dân chúng hạnh phúc ấm no; nay lại ngồi chung với những hội viên mà quá khứ không tốt đẹp gì như:
-Guy Drut, cựu Bộ-trưởng Thể-thao của Pháp đã bị phạt tù treo 15 tháng và bồi thường 50.000 Euro về tội tham nhũng - Lee Kun-hee, cựu chủ-tịch ban giám đốc công ty Samsung của Nam Hàn bị kết án về tội tham nhũng, hối lộ và rửa tiền - Franco Carraro, cựu chủ tịch liên đoàn bóng đá của Ý bị phạt vì can dự vào việc thoả thuận trong các cuộc đấu bóng đá tại Ý năm 2006 - Francis W. Nyangweso, cựu Thiếu-tướng, Tham mưu trưởng Quân-đội, Bộ-trưởng Quốc-phòng và Văn-hóa, phục vụ dưới chế độ độc tài Idi Amin của Uganda, can tội tấn công vào dân chúng vô tội trong thập niên 1970 - Sepp Blatter, người Thụy Sĩ, chủ tịch liên đoàn bóng đá FIFA bị tố cáo hối lộ cả triệu Mỹ-kim từ công ty ISL. Nội vụ chưa ngã ngũ - Ibrahim Diallos, cựu Bộ-trưởng Thông-tin và Văn-hóa Guinea năm 1997, bị tố cáo có hành động độc đoán qua chính sách kiểm duyệt và đàn áp ngành thông tin báo chí.
II- Chương trình Hội-nghị và cuộc dự tranh
Ngày thứ năm 1/10/2009: Lễ khai mạc được tổ chức tại Hí Viện Ca Nhạc Kịch Quốc Gia (Opera Hus). Nữ Hoàng Margrette là thượng khách cùng với các vị lãnh đạo và các hội viên của Ủy-ban Thế Vận Hội Thế-giới và Quốc gia, cùng với đại diện của 4 quốc gia dự tranh tổ chức Thế Vận Hội 2016.
Ngày thứ sáu 2/10/2009: Cuộc tuyển chọn thành phố tổ chức Thế Vận Hội năm 2016 được diễn ra tại Trung-tâm Bella Center. Có 4 thành phố nộp đơn dự tranh theo thứ tự thời gian là: Chicago (Hoa Kỳ), Tokyo (Nhật Bản), Rio de Janeiro (Ba Tây) và Madrid (Tây Ban Nha).
Sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng-thống Ba Tây Luia Inacio Lula da Silva; Vua Carlos II và Thủ tướng Tây Ban Nha Zepatero, và Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama không phải là lần đầu tiên. Đây chỉ là kinh nghiệm bắt nguồn từ kết quả mà sự hiện diện và cổ động của Thủ tuớng Anh Tony Blair đã đem lại kết quả cho Luân Đôn được tổ chức Thế Vận Hội 2012; sự hiện diện của cựu Tổng thống Vladimir Putin, nay là Thủ tướng Nga, đã đem lại kết quả cho Nga Sô được tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông 2014 tại Sochi. Trên nguyên tắc vấn đề thể thao được tách biệt ra khỏi chính trị. Nhưng Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc-tế không ngăn cản các nhà lãnh đạo hay các chính trị gia của các quốc gia tham gia vào hội viên của các Ủy-ban Thế Vận Hội hoặc tới tham dự các phiên họp và hội nghị.
1-Hoa Kỳ: Phái đoàn hùng hậu nhất. Không kể các đại biểu của quốc gia nằm trong danh sách IOC, với tư cách cá nhân, 4 nhân vật quan trọng của Hoa Kỳ đã đến để cổ võ cho thành phố Chicago gồm: Tổng thống Barack Obama cùng phu nhân Michelle Obama, Michael Johnson, lực sĩ huy chương vàng 100m tại Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, Oprah Winfrey: giám đốc chương trình Talk Show OPRAH. Bà được coi là một phụ nữ có uy thế nhất nước Mỹ hiện nay, được tuần báo TIME xếp vào một trong 100 người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong thế kỷ 20. Tạp chí kinh tế tài chính Forbes ghi bà vào danh sách các tỷ phú của Mỹ trong năm 2003. Oprah Winfrey là người Mỹ da đen đầu tiên trở thành tỷ phú. Năm 1998, bà được Hàn Lâm Viện Quốc gia về Nghệ thuật Truyền hình và Khoa học trao tặng “Giải-thưởng Thành công Đời người” (Lifetime Achievement Award from the National Academy of Television Arts and Sciences).
Phu nhân Tổng thống Mỹ, Michelle Obama, Oprah Winfrey và Michael Johnson tới ngày thứ năm 1/10/2009 để cùng với Ủy-ban Thế Vận Hoa Kỳ chuẩn bị kế hoạch vận động. TT. Barack Obama đến đúng ngày tuyển chọn thứ sáu 2/10/2009. Phần giới thiệu của phái đoàn Mỹ, chủ tịch Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc-gia Hoa Kỳ, Thống đốc Illinois, Thị trưởng Chicago và TT. Obama, theo chúng tôi trực tiếp theo dõi, đã phát biểu có tính cách phô trương sự giầu có và tiến bộ của Hoa Kỳ. Chỉ có Phu nhân Tổng-thống Michelle Obama phát biểu hay, cảm động và hấp dẫn nhất, khiến cho khan thính giả mến phục. Bà đã gợi lên hình ảnh người cha đáng kính, mộng ước của con gái quí yêu, tuổi trẻ thuộc đủ mọi mầu da sắc tộc đã và đang ao ước Thế Vận Hội được tổ chức tại thành phố Chicago. Với giọng nói hùng hồn và đầy tính thuyết phục cùng tài hùng biện của một luật sư giỏi, bà đã đánh động được con tim của khán thính giả.
Tuy nhiên, “Một con én không làm nên mùa Xuân!” Sự giầu có của Mỹ và ảnh hưởng quyền lực của Tổng thống Siêu-cường-quốc vẫn không đem lại kết quả. Chicago đã bị loại ngay vòng 1. Sau đó, TT. Obama phát biểu chữa thẹn đại ý là “Trong một cuộc chơi đội banh giỏi có khi vẫn bị thất bại!” Bà Oprah Winfrey thất vọng, bèn hủy bỏ chương trình giới thiệu “Dân Đan Hạnh Phúc” (De lykkelige Danskere - The happy Danes). Chương trình này đã được quay tại Copenhagen nhưng không được chiếu toàn bộ như đã dự định trên Talk Show của bà ta.
Được biết Hoa Kỳ đã tổ chức 4 kỳ Thế Vận Hội: năm 1904 tại St. Louis Missouri; năm 1932 và 1984 ở Los Angeles tiểu bang California; năm 1996 ở Atlanta tiểu bang Georgia. Hoa Kỳ cũng tổ chức Thế Vận Hội mùa Đông tại Salt Lake City thuộc tiểu bang Utah vào năm 2002.
2-Ba-Tây:
Ba Tây hiện nay được liệt vào danh sách các quốc gia giầu có và phát triển, nên cuộc dự tranh của nước này đã gây được sự chú ý của hội viên nhiều quốc gia và hội viên của Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc tế. Đến Copenhagen vận động cho Ba Tây có: Tổng thống Luia Inacio Lula da Silva, Ủy-ban Thế Vận Quốc gia, Đô trưởng Rio de Janeiro và Pelé, cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới. Trước đoàn đại diện quá hùng hậu của Hoa Kỳ, Tổng-thống Ba Tây nghĩ rằng: người ta nói Ba Tây sẽ thất bại vì có Tổng thống Mỹ đến vận động cho thành phố Chicago. Trong bài thuyết trình vận động cho Rio de Janeiro, TT. Silva đã mượn khẩu hiệu “Yes We Can” (Vâng, Chúng tôi có thể) của TT. Obama trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008 tại Đại-hội Đảng Dân Chủ ở New Hampshire. “Yes, We Can” đã trở thành khẩu hiệu thời danh trên chính trường Hoa Kỳ, nó chứng tỏ thiện chí và khả năng của con người có quyết tâm sẽ hoàn thành được giấc mơ của mình.
Nhiều người nghĩ lầm rằng “Yes, We Can” là câu nói của TT. Obama. Thực tế đây là một câu trong bài diễn văn tranh cử của TT. Obama, được mượn từ câu “Sí, se puede” có nghĩa là “Vâng, có thể làm được: Yes, it can be done” của tiếng Tây Ban Nha. Khẩu hiệu này đã được Cesar Chavez, người sáng lập Hiệp Hội Nông Dân “UFW” (United Farm Worker), dùng vào năm 1972 tại Phoenix, tiểu bang Arizona. Khẩu hiệu này được ban nhạc Hip Hop và Pop có tên là Black Eyed Peas của William James Adams, Jr, quen gọi là will.i.am, phổ nhạc và đưa vào Video ngày 2/2/2008 với tên “WeCan08”. Ban nhạc này đã đạt được giải thưởng “Emmy”. Khẩu hiệu “Yes We Can” được Barack Obama lập lại vào ngày cuối Đại-hội Đảng Dân Chủ tại Denver, tiểu bang Colorado và trở thành câu nói thời danh, sau khi Obama trở thành Tổng-thống Mỹ.
3-Tây Ban Nha
Phái đoàn hùng hậu thứ ba là Tây Ban Nha, ngoài Ủy-ban Thế Vận Quốc gia, Đô-trưởng Madrid, còn có sự tham dự đặc biệt của Vua Juan Carlos II và Thủ-tướng Zapatero. Tây Ban Nha bị thất bại trong kỳ dự tranh Thế Vận Hội 2012, đứng hàng thứ hai sau Luân Đôn. Kỳ này cũng đứng hàng thứ hai, sau Ba Tây.
4-Đông Kinh (Tokyo)
Thủ-tướng Nhật Yukio Hatoyama đã cầm đầu phái đoàn cùng với Ủy-ban Thế Vận Quốc Gia và Đô trưởng Đông Kinh. Phái đoàn Nhật Bản coi như nhẹ ký nhất trong 4 phái đoàn. Tuy vậy cũng đứng hạng ba, trước Hoa Kỳ.
III- Kết quả của cuộc tuyển chọn
Đặc nhiệm đánh giá về sự tuyển chọn chủ nhân tổ chức các cuộc tranh tài Thế Vận 2016 gồm các nhân vật trong IOC: chủ-tịch là Nawal El Moutawakel, nữ Bộ-trưởng Thể-thao của Maroc, Gilbert Felli (Thụy Sĩ), Ching-Kuo Wu (Đài Loan), Craig Reedie (Anh Quốc), Guy Drut (Pháp), Mounir Sabet (Ai Cập), Alexander Popov (Nga-sô), Els van Breda Vriesman (Hòa Lan), Gregory Hartung (Úc).
Sau khi chiếu một đoạn phim quảng cáo cho thành phố dự tranh, đại diện của các quốc gia liên hệ lên trình bày trước hội nghị về các ưu điểm của thành phố dự tranh tổ chức Thế Vận Hội 2016. Khi phần trình bày kết thúc, 106 hội viên của Uỷ-ban Thế Vận Hội Quốc-tế sẽ bỏ phiếu qua 3 vòng loại.
Vòng 1: Madrid: 28 phiếu, Rio de Janeiro: 26, Tokyo: 22, Chicago: 18. Chicago của Hoa Kỳ ít phiếu nhất bị loại ngay vòng đầu.
Vòng 2: Rio de Janeiro: 46 phiếu, Madrid: 29, Tokyo: 20. Tokyo ít phiếu nhất bị loại ở vòng 2
Vòng 3: Rio de Janeiro: 66 phiếu, Madrid: 32. Rio de Janeiro nhiều phiếu nhất ở vòng 3, được chọn là thành phố tổ chức Thế Vận Hội năm 2016.
IV- Tốn phí cho một Thế Vận Hội
Dự tranh là một chuyến, nhưng có khả năng tổ chức một Thế Vận Hội không lại cả một vấn đề phải tính toán trước. Để giúp độc giả có một khái niệm về phí tổn khi tổ chức một Thế Vận Hội, chúng tôi lấy Thế Vận Hội 2008, từ ngày 8/8 tới 24/8/2009 tại Bắc Kinh, Trung Quốc làm ví dụ:
-Có 10.500 lực sĩ tham dự trong 302 cuộc tranh tài của 28 loại thể thao.
-Theo Tạp chí Zheng Ming Magazine, Thế Vận Hội Bắc Kinh được coi là tốn kém nhất từ trước đến nay: ngân sách dự trù 30 tỷ Yuan, nhưng thực tế lên quá 400 tỷ Yuan, khoảng 58,5 tỷ USD (Đô-la Mỹ). Tính chung toàn bộ dự án “Face Project”, mà Đảng Cộng-sản Tầu cho rằng, nó sẽ làm nở mày nở mặt với thiên hạ, tốn phí đã lên tới 65 tỷ USD, tương đương với 450 tỷ Yuan, tốn gấp 4 lần Thế Vận Hội 2004 tại thủ đô Athens, Hy Lạp.
-Theo tin tức thế giới có khoảng 1,5 triệu người dân bị di chuyển đi nơi khác để xây dựng làng Thế Vận Hội. Phía Tầu Cộng nói chỉ có khoảng 6.000 dân bị di chuyển. Về du khách: theo văn phòng du lịch của Tầu Cộng công bố có 77% giữ chỗ khách sạn 5 sao, 44% giữ chỗ khách sạn 4 sao. Thế Vận Hội thu hút 500.000 du khách ngoại quốc và 1,1 triệu du khách nội địa. Số tiền lời về các dịch vụ thương mại khoảng 116 tỷ Yuan.
-Về an ninh: Tầu Cộng phải huy động 100.000 công an, cảnh sát vũ trang và lính; 300.000 máy ảnh tình báo theo dõi. Ai thông báo cho cảnh sát biết nguy cơ về an ninh sẽ được thưởng từ 10.000 tới 500.000 Yuan. Có 400.000 người tình nguyện giúp đỡ ban tổ chức và 200 xí nghiệp bị đóng cửa để giảm bớt ô nhiễm thành phố trong thời gian tranh tài v.v… Theo Thông Tấn Xã Tầu Cộng số tiền thu được: 20,5 tỷ Yuan, chi tiêu hết: 19,34 tỷ Yuan, lời: 1,16 tỷ Yuan (khoảng 146 triệu USD). Nhưng có mấy ai tin được những gì Cộng-sản nói?
V- Tổ chức Thế Vận Hội lời hay lỗ?
Theo nhận định của Robert Barney, Giám đốc Trung-tâm Nghiên-cứu Thế Vận Hội của Đại-học miền Tây Gia Nã Đại thì “Không bao giờ một cuộc chơi Thế Vận đem lại lợi lộc… kể cả các Liên bang, đô thị, tỉnh thành hay quốc gia, nó luôn chứng tỏ một món nợ phải trả đâu đó!” (There has never been an Olympic Games that has made a profit....” ‘including federal allotments, municipal allotments, provincial or state allotments, it’s always been that a debt has to be paid somewhere). (Howard Berkes, “Olympic Caveats: Host Cities Risk Debt, Scandal,” NPR, 10/1/09).
Theo Annie Lowrey trong “An Olympic-Sized Mess,” Foreign Policy, ngày 9/30/09 thì Thế Vận Hội Athens và Beijing lỗ nhiều tỷ Dollars. Montreal (Gia Nã Đại) chủ nhân Thế Vận Hội 1976 phải mất 30 năm mới trả hết nợ vay. Chắc quí độc giả cũng biết Thế Vận Hội Montreal chỉ có 92 nước tham dự. Đài Loan bỏ cuộc vì Thủ tướng Gia Nã Đại Pierre Elliot Trudeau đã công nhận Tầu Cộng (Cộng-hòa Nhân-dân Trung-quốc), nên thông báo cho Đài Loan không thể tham dự với tên Cộng Hòa Trung Hoa (Republic China), mặc dù được mang cờ và hát quốc ca. Một số nước Phi-châu cũng bỏ cuộc. Jean Cluade Ganga của Congo dẫn đầu 28 quốc gia Phi-châu bỏ tham dự Thế Vận Hội Montreal. Lý do: IOC từ chối loại bỏ đoàn bóng bầu dục quốc gia Tân Tây Lan (Rugby Union). Morocco, Cameroon và Ai Cập đã tham dự nhưng sau ngày thứ nhất thì rút về nước.
Theo Katie Connolly trong “Chicago’s Olympic Bid: Both A Blessing And A Burden,” Newsweek’s “The Gaggle” Blog, ngày 9/28/09 thì ước tính phí tổn của Thế Vận Hội 2012 tại Luân Đôn lên gấp ba lần kể từ khi được tuyển chọn tổ chức Thế Vận Hội 2012.
VI- Tổng thống Mỹ Obama bị đánh bại và bị chỉ trích!
TT. Obama tới Đan Mạch với 2 mục tiêu:
-Cổ động cho thành phố Chicago được tuyển chọn tổ chức Thế Vận Hội 2016,
-Hội đàm bí mật trên phi cơ dành riêng cho Tổng thống Mỹ ”Air Force One” với Tướng Stanley McChrystal, Tư Lệnh Lực-lượng Mỹ và NATO tại A Phú Hãn. Cuộc hội đàm bí mật và chớp nhoáng nằm trong kế hoạch gửi thêm lính Mỹ tới chiến trường A Phú Hãn. Kế hoạch này đã được hậu thuẫn bởi Bộ-trưởng Ngoại giao Hillary Clinton; đặc ủy Richard Holbrooke; Đô đốc Mike Mullen chủ tịch Bộ Tham mưu Liên Quân; Tướng David Petraeus Tổng Tư Lệnh chiến trường Iraq và A Phú Hãn. Tuy nhiên, chiến lược này bị Phó Tổng thống Joe Bid; Tham mưu trưởng Ban Tham-mưu Tòa Bạch Ốc Rahm Emanuel và cố vấn An-ninh Quốc-gia James Jones ngăn cản.
Sự kiện này cho thấy có sự bất đồng về chiến lược giữa giới quân sự và dân sự trong chính quyền Obama. Lịch sử tái diễn, trong cuộc chiến Việt Nam phe quân sự chủ trương phải chiến thắng bằng quân sự, trong khi phe dân sự, đứng đầu là Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger, lại chủ hòa và bán đứng Việt Nam Cộng Hòa! Liệu TT. Barack Obama có rơi vào vết xe cũ của TT. Richard Nixon đối với VNCH không?
TT. Obama bị chỉ trích vì các nguyên do:
1-Ưu tiên không đúng chỗ: trong khi hàng triệu người Mỹ thất nghiệp và số người thất nghiệp tại Chicago và tiểu bang Illinois gia tăng gấp đôi, mà TT. Obama không lo, lại vừa gia tăng 500.000,00 USD cho Quỹ của Hiệp-hội Thống đốc thuộc đảng Dân Chủ ”DGA” (Democratic Governors Association); vừa đi Đan Mạch vận động cho thành phố Chicago được tổ chức Thế Vận Hội 2016. (Theo “Obama Speaks To Democratic Governors,” The Associated Press, 10/1/09).
2-Phí tổn quá mức cho một chuyến đi:
TT. Obama di chuyển bằng máy bay đặc biệt “Air Forces One” (Không-quân số 1). Hai chiếc Air Forces One hiệu Boeing 747-200s, hai đuôi máy bay mang số 28000 và 29000 trị giá 650 triệu Mỹ-kim (USD). Máy bay có thể bay 630 miles một giờ và bay xa 7.800 miles. Khi hết xăng, máy bay có thể được tiếp tế nhiên liệu trên không; nên không bị hạn chế bởi khoảng cách đường bay xa hay gần. Máy bay nặng 833.000 pounds (khoảng 378 tấn). Trên máy bay có chỗ chứa đủ 2.000 bữa ăn cho hành khách. Để duy trì liên lạc với Ban Tham Mưu Phủ Tổng thống và các Tư-lệnh quân sự ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn máy bay được trang bị 80 máy điện thoại và 383 km dây cáp đôi. Các đường dây và bên trong máy bay được che chở đặc biệt để không bị ảnh hưởng của điện từ trường và các sóng có khả năng làm hư hỏng hệ thống điện tử. Trong máy bay cũng có phòng riêng để làm việc, phòng nghỉ xả hơi cho Tổng thống, phu nhân và gia đình; cũng như phòng dành cho Ban Tham Mưu và nhân viên an ninh. Ngoài ra, còn một phòng khánh tiết và hội họp, khi cần có thể sử dụng thành trung tâm y tế.
Theo tường trình của Văn phòng Kế toán của Chính phủ năm 2000 mỗi giờ bay của Air Forces One tốn 54.100,00 USD; ngày nay giá khoảng 67.000,00 USD/1 giờ bay. Theo tường trình ngày 15.6.2009 của ký giả John McCormick của báo Tribune thì chuyến bay của TT. Obama từ Thủ-đô Washington D.C tới thành phố Chicago, để trình bày vào buổi trưa về cải tổ hệ thống bảo hiểm sức khoẻ, rồi trở về Washington D.C tốn 236.000,00 USD (hai trăm ba mươi sáu ngàn Đô-la!), chưa kể phí tổn về nhân viên bảo vệ an ninh, đoàn mô-tô hộ tống xe Tổng-thống và trực thăng di chuyển từ phi trường tới địa điểm thuyết trình. Trực thăng chở Tổng thống có tên là “Marine One”. Theo báo Washington Post 28 chiếc “Marine One” giá từ 6 tỷ USD lên 11 tỷ USD.
Như vậy, chuyến đi của TT. Obama từ Washington D.C tới Copenhagen, giả sử mất 10 giờ đi và về, thì tốn phí, cho chiếc máy bay Air Forces One không thôi, sẽ lên tới 67.000 x 10 giờ = 670.000 USD. Nếu có thêm 2 chiếc phản lực chiến đấu F-16 hộ tống như thông thường thì phí tổn lên tới 1 triệu USD.
Tốn 670.000,00 USD hay 1 triệu USD cho chuyến đi chỉ để nói trong 10 phút trước Hội nghị Thế Vận Hội Quốc Tế! Đúng là chỉ có Tổng thống Siêu-cường-quốc Hoa Kỳ mới dám phung phí tiền bạn theo kiểu tỷ phú.
VI- Tổng thống Mỹ bất ngờ được giải thưởng Nobel Hòa Bình
Ngày 9/10/2009, Ủy-ban Giải thưởng Nobel Na Uy (The Norwagian Nobel Committee) đã công bố giải thưởng Nobel Hòa-bình năm 2009 dành cho Tổng thống Mỹ, Barack Obama. Quyết định này làm sửng sốt nhiều người. Có hai ý kiến khác nhau: đồng ý và không đồng ý.
1-Những người đồng ý:
Theo Ủy-ban Giải Nobel Hòa-bình thì TT. Obama đáng được nhận giải thưởng với lý do: “Để khích lệ sáng kiến giảm thiểu vũ khí nguyên tử, giảm sự căng thẳng đối với thế giới Muslim, giảm áp lực ngoại giao, và sự hợp tác tốt hơn là chủ nghĩa đơn phương” (to encourage his initiatives to reduce nuclear arms, ease tensions with the Muslim world and stress diplomacy and cooperation rather than unilateralism).
Trong Dân Chúa Âu Châu số 317, bài Biến Cố Trong Tháng 3/2009: “Những thành công và thất bại đầu tiên của TT. Barack Obama sau ngày nhậm chức 20.1.2009”, chúng tôi có viết “thành công nổi bật nhất là làm giảm sự căng thẳng với Nga-sô… Nga-sô ngày 28.1.2009, quyết định rút các dàn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử khỏi Kalingrad, gần biên giới Ba-Lan…” Đây là một trong các nguyên nhân Tổng thống Mỹ được trao giải Nobel Hòa-bình 2009.
Trong cuộc viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/4/2009, TT. Obama đã đọc bài diễn văn lịch sử trước Quốc-hội và trong đó có một câu xác quyết một vấn đề mà thế giới Muslim rất hân hoan chào đón: “Hoa Kỳ hiện không và sẽ không bao giờ chiến tranh với Islam” (The United States is not, and will never be, at war with Islam). Đây là yếu tố thứ hai khiến TT. Obama được cứu xét và trao giải Nobel Hòa-bình 2009.
Theo chúng tôi nghĩ, câu tuyên bố trên hơi hớ hênh! Thiếu câu thòng: “Nếu Hoa Kỳ không bị tấn công bởi một quốc gia Islam”. Trong trường hợp Taliban và Al-Qaeda lật ngược thế cờ tại A Phú Hãn, lên nắm chính quyền tiếp tục tấn công và tống cổ quân đội Mỹ ra khỏi lãnh thổ thì sao?
Trong cuộc hội kiến tại Mạc Tư Khoa (Moscow) vào tháng 7/2009, TT. Mỹ Obama và TT. Nga Dmitry Medvedev đã bàn thảo về sự giới hạn mỗi xe phóng đầu đạn nguyên tử trong khoảng từ 500 tới 1.100, và số lượng đầu đạn hiện có khoảng 1.700 tới 2.200 giảm xuống còn khoảng 1.500. Hoa Kỳ hiện có 2.200 và Nga Sô có 2.800.
Tuy nhiên chưa có một thỏa hiệp chính thức nào được ký kết. Mới đây, trong cuộc họp báo tại thủ đô Mạc Tư Khoa (Moscow) ngày 13/10/2009, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Bà Hillary Clinton cũng xác nhận có những bất đồng với Nga Sô về hai lãnh thổ đòi tự trị ở Georgia, đặc biệt áp lực và phong tỏa Iran nhằm mục đích đòi nước này hủy bỏ chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử… thì thành quả hòa bình chưa có gì bảo đảm.
Tổng Giám Mục Desmond Tutu của Nam Phi, người được Giải Nobel Hòa-bình năm 1984 phát biểu: “Nó là phần thưởng trả lời cho sự hứa hẹn của thông điệp hy vọng của TT. Obama.” (It is an award that speaks to the promise of President Obama’s message of hope.)
2-Những người không đồng ý:
-Từ Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Anh, Đức, Pháp, Úc, Trung Đông và A Phú Hãn nhiều báo đã phê bình việc trao giải Nobel Hòa-bình cho TT. Obama là quá vội vã và chưa có bằng chứng cụ thể về các hoạt động hòa bình.
-Ngay cả Tổng Thống Obama khi nhận được tin cũng ngạc nhiên. Trong một tuyên bố ngắn gọn, Tổng Thống Obama nói “Tôi không cảm thấy mình xứng đáng đứng trong hàng ngũ của rất nhiều nhân vật có tài năng chuyển hóa đã được vinh danh bởi giải thưởng này” (I do not feel that I deserve to be in the company of so many transformative figures that have been honored by this prize).
-Theo cuộc thăm dò của tờ báo nổi tiếng của Hoa Kỳ, báo Washingtonpost, có 45% người Mỹ đồng ý TT. Obama xứng đáng được giải thưởng Nobel; nhưng 55% không đồng ý. Cuộc thăm dò tại Đan Mạch của báo Metroxpress cũng cho thấy tỷ lệ không đồng ý cao hơn: 64% không đồng ý, 36% đồng ý!
Không giống các giải thưởng Nobel khác được trao bởi Thụy Điển, giải thưởng Nobel Hòa-bình kỳ này được quyết định bởi Ủy-ban gồm 5 hội viên do Quốc-hội Na Uy tuyển chọn. Giống như Quốc-hội, Ủy-ban này có khuynh hướng “thiên Tả lệch lạc” (leftist slant), với 3 hội viên được tuyển chọn bởi các đảng cánh Tả trung tâm (Left-of-center). Đa số các quốc gia Bắc Âu có khuynh hướng thiên Tả nằm trong các đảng Cực Tả hay Dân chủ Xã-hội, một biến dạng của chủ nghĩa Cộng-sản. Vì thế, TT. Obama thuộc đảng Dân Chủ “chủ hòa và nhượng bộ” được chọn là chuyện đã xẩy ra.
-Thời gian quyết định xẩy ra quá sớm. TT. Obama mới nhậm chức được hơn 9 tháng thì các chính sách của ông chưa thực hiện đầy đủ và thành quả chưa là bao, mà đã trao giải Nobel Hòa-bình là một sự hấp tấp!
-Chiến tranh A Phú Hãn chưa chấm dứt thì chưa kể đã có hòa bình. Đặc biệt TT. Obama lại tăng cường 21.000 lính cho chiến trường A Phú Hãn, thì không thể coi là rút quân theo kế hoạch hòa bình.
-Vấn đề Do Thái và Palestina vẫn chưa đi tới một kết quả thực tiễn nào để chứng minh có hòa bình thực sự.
Cựu Tổng thống Ba Lan, Lech Walesa, lãnh tụ của Liên Đoàn Đoàn Kết “Solidarity” có công trong cuộc lật đổ chế độ Cộng-sản Ba Lan, được trao giải Nobel Hòa-bình năm 1983, cũng cho rằng “Quá sớm? Quá sớm. Ông ta cho tới nay chưa đóng góp gì. Ông ta mới ở giai đoạn đầu. Ông ta chỉ mới bắt đầu hành động. Có thể đây là sự khích lệ để ông ta hành động. Chờ xem nếu ông ta bền tâm. Hãy cho ông ta thời gian để hành động”.
Trước giây phút công bố, người ta nghĩ giải Nobel Hòa-bình 2009 sẽ được trao cho một trong số ứng viên như: Thủ-tướng Morgan Tsvangirai, một Nghị-sĩ Colombia, một nhà bất đồng chính kiến của Tầu, hoặc người phụ nữ A Phú Hãn đấu tranh cho nhân quyền v.v… Năm nay có tới 205 người được đề nghị nhận giải Nobel Hòa-bình, con số kỷ lục.
Barack Obama là tổng-thống đang tại chức thứ ba được giải Nobel Hòa-bình, sau TT. Theodore Roosevelt (1906) và Woodrow Wilson (1919).
- Bao giờ Hoa Kỳ & Đồng Minh Nato Tháo Chạy Khỏi A Phú Hãn?
- Nghi vấn lịch sử: Phải Chăng phi Đoàn Bắc Tiến của Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã oanh tac trúng Nhà Thờ Tam Tòa?
- Biến Động Miền Trung
- Tầu Cộng là nguyên nhân đưa tới sự tan rã của Các Mãnh Hổ Tamil
- Liệu Pakistan & Hoa Kỳ có thắng được Du Kích quân Taleban không?
- Tổng Thống Mỹ Barack Obama Lần Đầu Tiên “Đem Chuông Đi Đánh Xứ Người” hay “Làm Nhục Quốc Thể!”
- Quốc Hận 30.04.1975 - 30.04.2009
- Những Thành Công và Thất Bại Đầu Tiên Của Tổng Thống Barack Obama, Sau Ngày Nhậm Chức 20.1.2009
- Sau 8 Năm Cầm Quyền Tổng Thống George W. Bush Đã Làm Được Gì Cho Nước Mỹ?
- Kinh tế Hoa Kỳ đi về đâu ?