Dân Chúa Âu Châu

Tại Sao Quân Phiệt Miến Điện Không Cho Các Tổ Chức Nhân Đạo Thế Giới Đến Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Lụt?

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Trong tháng 5 vừa qua Miến Điện (Burma hay Myanmar) bị một trận thiên tai bão lụt lớn chưa từng có trong lịch sử của nước này. Sự tổn thất về nhân mạng và vật chất cao hơn cả thiên tai sóng thần tsunami vào năm 2004, thế mà chế độ quân phiệt can tâm không cho phép các cơ quan từ thiện ngoại quốc đến cứu trợ khoảng 2 triệu dân đang lâm vào tình trạng màn trời chiếu đất!
Trong hai tuần lễ đầu tiên, dù là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cũng không tiếp xúc được với các tướng lãnh cầm quyền. Trước tình trạng ngông cuồng và cố tình ngăn cản các hoạt động của cơ quan cứu trợ Quốc tế, Hội Đồng Bảo An (HĐBA) đã khẩn cấp triệu tập cuộc họp bất thường nhằm tìm biện pháp giải quyết. Một số quốc gia Tây phương đề nghị phong tỏa kinh tế Miến Điện! Nếu Nhà cầm quyền nước này vẫn tỏ thái độ vô nhân đạo đối với ngay dân chúng của họ.
Đồng lõa với chế độ quân phiệt Miến, đại diện Tàu Cộng tại LHQ đã công khai bênh vực đồng minh xã hội chủ nghĩa của mình và chống lại mọi quyết định trừng phạt Miến Điện. Thái độ coi thường uy quyền và bất cộng tác với LHQ của quân phiệt Miến khiến cho bộ trưởng ngoại giao Pháp đề nghị, nếu cần, LHQ phải dùng đến biện pháp quân sự để cấp thời tiến hành công việc cứu trợ hàng triệu nạn nhân bão lụt.

Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi mời quí độc giả theo dõi các mục dưới đây:

1- Trận bão lụt lớn nhất tại Miến Điện

Ngày 2.5.2008, trận bão Nargis (Nagis là tiếng Udu, xuất phát từ tiếng Nargess của vùng vịnh Ba Tư) với tốc độ 250 cây số giờ đã thổi vào vùng châu thổ Irrawaddy (vùng tam giác đất bồi sông Irrawaddy) nằm về phía nam Miến Điện, gây lụt lội và sự tổn thất cả về nhân mạng lẫn vật chất lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử thiên tai tại đất nước này. Vùng châu thổ Irrawaddy hay còn gọi là Ayeyarwady, rộng 50.400 km2, vẫn được mệnh danh là vựa lúa của Miến Điện (granary of Burma) nay lâm vào tình trạng tàn phá thảm thương. Vùng đồng bằng phì nhiêu này giống vùng châu thổ sông Cửu Long của miềân nam Việt Nam.
Hậu quả của thiên tai bão lụt được ghi nhận có khoảng 77.000 người chết và 55.900 mất tích. Theo chương trình thực phẩm thế giới "WFP" (World Food Program) một số làng mạc bị hủy hoại hoàn toàn và những cánh đồng lúa bao la bị nước cuốn trôi. LHQ ước tính có khoảng 2 triệu người bị vô gia cư và tổ chức y tế thế giới ``WHO" (World Health Organization) nhận được báo cáo bệnh sốt rét đang hoành hành tại khu vực, vì người dân, nhất là trẻ em, ngủ không có mùng. Nếu không cứu trợ thuốc men, thực phẩm và các phương tiện vệ sinh cấp thời thì số lượng người bị bệnh và bị chết sẽ gia tăng rất nhiều.

2- Tại sao quân phiệt Miến Điện cố tình cản trở cứu trợ của thế giới?

Có thể nói khi coi hình ảnh nạn nhân và gia súc chết trôi, phụ nữ nheo nhóc với đàn con, trẻ em mất cha mẹ và hàng trăm ngàn người đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất trên các đài truyền hình, nhiều người trên thế giới đã xúc động và đổ lệ. Trước tình trạng bi thương như vậy mà chế độ quân phiệt cố tình cản trở sự cứu trợ thuốc men, mùng mền và thực phẩm của thế giới. Theo tường trình của Liên Hiệp Quốc hơn một tuần lễ sau thiên tai, chỉ một phần mười nạn nhân nhận được sự cứu trợ. Nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao?

Qua các tài liệu trong sách báo và mạng lưới Internet chúng tôi nhận thấy thái độ vô nhân đạo của chế độ quân phiệt Miến Điện bắt nguồn từ các nguyên nhân dưới đây:

2.1- Vì vùng bão lụt Irrawaddy trước đây là thuộc địa của thực dân Anh quốc

Theo lịch sử thì vùng Irrawaddy thuộc vương quốc Mon. Đã xẩy ra nhiều cuộc chiến tranh giữa vương quyền Ava của Miến Điện và vương quyền Mon của Pegu (Bago) vào thế kỷ 15 và 16. Tới thế kỷ 18 vương quyền Miến Điện nắm toàn quyền kiểm soát. Thành phố Pegu bị Anh quốc chiếm vào năm 1852 và trở thành một phần đất của Anh tại Miến Điện; giống như hoàn cảnh miền nam Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Khu vực Irrawaddy thời đó vẫn còn là vùng bùn lầy nước đọng cho tới giữa thế kỷ 19. Để phát triển vùng này, vào năm 1861 thực dân Anh đào kinh rạch thoát nước, đắp đê và làm đường để trồng lúa. Sự phát triển nông nghiệp tại đây thu hút dân Miến Điện di chuyển từ các vùng phía xuống lãnh địa của Anh để làm ăn. Ngày nay người ta còn thấy 1.300km bờ đê bảo vệ cho 600.000 mẫu tây (hecta) đồng ruộng tại vùng này. Có khoảng 3,5 triệu dân sống dọc theo lưu vực các sông lớn, chuyên nghề nông và chài lưới, các sản phẩm nông nghiệp tại Irrawaddy gồm lúa, bắp (ngô), khoai, đậu phọng (lạc), mè (vừng), cây đay, các loại đậu, bông mặt trời (để ép hột để lấy dầu).
Đa số dân sống ở Irrawaddy là dân Bamar và Karen theo Ki-tô Giáo do ảnh hưởng và sự truyền đạo dưới thời thực dân Anh.

2.2- Vì dân thiểu số Karen chống chế độ quân phiệt

Vấn đề xung đột nội bộ giữa chính quyền và dân tộc thiểu số Ki-tô Giáo Karen đã xẩy ra vào năm 1948 và tái phát vào năm 1962. Thế giới quan tâm nhất là cuộc nổi dậy vào ngày 8.8.1988 được lãnh đạo bởi phong trào chống quân phiệt. Nhưng cuộc nổi dậy này bị đàn áp và tàn sát dã man. Khoảng 7.000 người bị giết và 160.000 người phải chạy tị nạn và sống đời lưu vong ở Thái Lan cũng như tại một số các nước lân cận. Sau này, để tưởng nhớ cuộc nổi dậy lớn nhất này, người ta quen viết cho gọn là cuộc nổi dậy 8888 (8888-Uprising)
Để tránh bị chống đối như năm 1988, chế độ quân phiệt đã di chuyển toàn bộ cơ sở hành chính từ thủ đô Yangon tới một địa điểm khác gần Kyatpyay. Ngày quân lực 27.3.2006 thủ đô mới ra đời với tên gọi là Naypyidaw Myodaw (thành phố Hoàng gia của ngai vua). Rangon trở thành cố đô.
Kể từ năm 2006, quân phiệt mở các cuộc tấn công Liên hiệp Quốc gia Karen (Karen National Union) vì tổ chức này quyết tâm tiến hành việc thành lập tiểu bang Karen tự trị. Cuộc giao tranh khiến cho khoảng nửa triệu người phải chạy loạn trong vùng phía đông và các làng mạc bị cưỡng bức phải tổ chức lại theo yên cầu của nhà cầm quyền. Dân thiểu số Karen (tiếng Miến là Pwa Ka Nyaw Po, tiếng Thái Lan là Kariang) sống giáp biên giới với Thái Lan được lãnh đạo bởi Liên Hiệp Quốc gia Karen Ki-tô giáo "CKNU" (Christian Karen National Union) bắt đầu chiến đấu cho việc thành hình một tiểu bang Karen tự trị. Sự nổi dậy, ngoài lý do chính trị còn vì lý do kỳ thị tôn giáo. Tình hình trở nên tồi tệ khi nhà cầm quyền ưu đãi Phật Giáo; không còn tôn trọng sự tự trị của các dân tộc Karen, Chin và Kachin (vùng cao nguyên phía bắc giáp Trung quốc và Ấn Độ) như dưới thời quân Chủ.
Cuộc nổi dậy khác vào tháng 8.2007 bị thất bại. Khoảng 160.000 dân Miến phải chạy tị nạn qua hai tỉnh giáp biên giới hai nước là Chiang Mai và Ratchaburi của Thái Lan. Trong số những người tị nạn có tới 62%ø người dân tộc thiểu số Ki-tô giáo Karen. Vì vấn đề nhân đạo, chính quyền Thái Lan đã thành lập các tổ chức giúp người tị nạn và thiết lập các trại tị nạn nằm đối diện với Miến Điện. Sự trợ giúp nhân đạo của các tổ chức từ thiện quốc tế, đặc biệt các tổ chức của Tây phương và Hoa Kỳ, có thể tạo nên sự hiểu lầm đối với nhà cầm quyền Miến là gián tiếp hỗ trợ các dân tộc thiểu số nổi dậy.
Bằng chứng cho thấy trong các báo cáo vừa qua, nhà cầm quyền Miến Điện đã tố cáo chính quyền Pháp và Tân Gia Ba xúi dục quân kháng chiến chống lại chính phủ. Đài Loan cũng bị tố cáo khuyến khích kháng chiến quân Phật giáo chống chính quyền, đặc biệt 8 triệu dân thiểu số Mon sống ở phía nam giáp biên giới Thái Lan. Một số người Mon hiện nay đang sống đời tị nạn tại Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Đan Mạch, Hòa Lan, Na Uy, Thụy Điển v.v...

2.3- Vì chính sách kỳ thị tôn giáo?

Phật giáo được ưu tiên!

Miến điện là quốc gia đa tôn giáo. Theo nhà cầm quyền thì có tới 89% dân theo đạo Phật giáo Nam Tông hay Nguyên Thủy (Theravada); đặc biệt là các dân tộc Bamar, Rakhine, Mon và Tàu. Dựa vào sự tự trị, đào tạo tu sĩ, tự do giảng đạo, hành đạo và di chuyển, người ta nhận thấy Phật giáo là tôn giáo được ưu đãi (favoured religion) hơn các tôn giáo khác (un-favoured religions). Chính vì đa số dân chúng theo đạo Phật, nên chế độ quân phiệt Miến có khuynh hướng dựa vào Phật giáo để củng cố quyền lực bằng cách tạo ra Phật giáo quốc doanh, giống như tại Việt Nam. Chỉ giáo hội Phật giáo quốc doanh và Tăng Ni, Phật tử nào ủng hộ nhà cầm quyền mới được ưu đãi. Ai chống lại sẽ bị đàn áp. Dựa vào luật tổ chức tăng đoàn năm 1990 (the 1990 Sangha Organization Law) chế độ quân phiệt hủy bỏ bất cứ tổ chức Tăng Ni Phật giáo nào, ngoại trừ 9 tu viện quốc doanh. Ai vị phạm luật sẽ bị trừng phạt bỏ tù và lột áo cà sa. Năm 2003, quân phiệt Miến đã bắt một nhóm 26 nhà sư và lột áo cà sa. Năm 2004 các Tăng Ni này bị kết án 7 năm tù; Sư trưởng bị 18 năm, vì từ chối tặng vật của nhà cầm quyền. Theo sự ước tính của tổ chức yểm trợ cho tù nhân chính trị của người Miến Điện tị nạn thì 84 nhà sư khác còn bị giam cầm; trong đó có nhà sư Thondara của Myingyan bị bắt trong cuộc biểu tình năm 1988 và bị án tù chung thân. Để lấy lòng quốc tế và Phật tử trong nước, quân phiệt Miến tổ chức đại hội Phật giáo thế giới vào năm 2004, mặc dù bị thế giới chỉ trích.
Biến cố Tăng Ni và Phật tử chính thống xuống đường chống quân phiệt để đòi tự do, dân chủ cho đạo pháp và toàn dân trong những tháng vừa qua chứng tỏ phe chính thống không chấp nhận đường lối khuynh đảo và can thiệp vào nội bộ của Phật Giáo.

Qua hệ thống truyền thông người ta được biết chế độ quân phiệt khoe khoang đã trả phí tổn cư trú cho các Tăng Ni, dâng cúng tiền bạc cho các chùa trên toàn quốc, tổ chức công khai lễ lậy Phật giáo, tu sửa chùa chiền, khuyến khích các tổ chức đóng góp tiền bạc, thực phẩm và làm không công trong các công trình sửa chữa và xây dựng chùa mới. Nhà nước cũng xuất bản sách hướng dẫn về Phật giáo, bảo trợ nhiều tổ chức mở các khóa văn hóa có hàng triệu người tham dự. Nhà nước cũng tài trợ đại học thừa sai quốc tế Phật giáo Nam Tông ở thủ đô Rangon. Đại học này khai trương vào năm 1998 với mục đích chia sẻ kiến thức Phật giáo của quốc gia đối với dân chúng thế giới. Nhưng thực tế thật khôi hài! Cái đại học có vẻ quần chúng này lại không nhận sinh viên hay người tham dự nào mà nhà cầm quyền chưa chấp thuận hay không có sự giới thiệu của tu viện trưởng quốc doanh!
Thấy bài bản của Miến Điện có hiệu quả khuynh đảo tôn giáo, Việt Cộng và Phật giáo quốc doanh cũng đã và đang áp dụng bài bản của quân phiệt Miến Điện. Điển hình là việc tổ chức đại lễ Vesak của Phật giáo vào trung tuần tháng 5.2008 vừa qua.

Ở tiểu bang Kachin, nhà cầm quyền đã xây các đền thờ Phật tại khu vực cư ngụ của các cộng đồng Thiên Chúa Giáo, mặc dù có ít hoặc không có Phật tử sống tại đây. Tín đồ Ki-tô Giáo bị cưỡng bức phải lao động, khuân vác gạch ngói và các vật liệu khác vào việc xây cất đền thờ Phật giáo. Ở phía bắc tiểu bang Rakhine, nhà cầm quyền thường bắt dân Rohingays phải giúp xây đền thờ Phật giáo, mặc dù Phật tử ở đây chỉ chiếm 2% dân số. (có khoảng 8.000 dân Rohingays đang sống tị nạn tại Bangladesh. Quân phiệt Miến Điện đang đòi chính phủ Banladesh và LHQ trả họ về nước). Mọi người, Phật tử hay không phải Phật tử được kêu gọi đóng góp tiền bạc, thực phẩm và vật dụng cho các dự án xây cất, tu bổ chùa và các tượng đài của Phật giáo do Nhà Nước bảo trợ. Năm 2006, nhà cầm quyền tại Lashio cưỡng bức các thương gia phải đóng một số tiền lớn để xây đền thờ Phật giáo. Nhưng các nhà buôn Ki-tô Giáo từ chối tham dự, nên quỹ quyên góp nằm dưới mức so với chỉ tiêu của nhà cầm quyền.

Tín đồ Ki Tô Giáo là con ghẻ?

Khách quan mà nói Ki-tô giáo muôn đời bị kết án là sản phẩm của văn hóa đế quốc Tây phương ở Miến Điện. Thực dân Anh chiếm Miến Điện làm thuộc địa trong các năm 1825,1852 và 1985 trở thành một vấn nạn lịch sử đối với người theo đạo Thiên Chúa tại nước này.
Theo danh sách quan sát thế giới của những cánh cửa mở (the Open Doors ’s World Watch List) của các quốc gia nơi mà người Ki-tô Giáo chịu sự đàn áp tồi tệ nhất thì Miến Điện đứng hàng thứ 25 trên tổng số 50 quốc gia. Theo tổ chức trên Miến Điện có 90% dân theo đạo Phật và 4% theo Ki-tô Giáo (bao gồm các hệ phái Tin Lành và Công Giáo).
Nói chung, chế độ quân phiệt không cho phép thừa sai ngoại quốc thường xuyên giảng đạo từ thập niên 1960, thời kỳ mà gần hết các thừa sai bị trục xuất; các trường tư và bệnh viện của Ki-tô giáo bị quốc hữu hóa mà không nhận được một khoản tiền bồi thường nào cả. Sự ngược đãi và mục tiêu chống phá của chế độ quân phiệt nhằm vào dân sự vùng phía đông Miến Điện, nơi có trên 3.000 làng mạc đã bị phá hủy trong mười năm vừa qua. Chính sách thiên vị của chế độ quân phiệt Miến gây nên tình trạng nghi kỵ giữa các tôn giáo.
Thực tế khách quan cho thấy một người Miến bỏ đạo Phật theo Ki-tô Giáo có thể sẽ gặp phiền toái trong vấn đề nhận định về nguồn gốc văn hóa và xã hội (Socio-cultural identity). Trong tư tưởng của những người Miến theo cộng sản hay được núp dưới chiêu bài chủ nghĩa xã hội hoặc các Phật tử quá khích và những người lợi dụng tôn giáo vào mục tiêu chính trị thì tín đồ Ki-tô giáo là hệ quả của chủ nghĩa thực dân, không trung thành với xã hội xây dựng trên nền tảng Phật giáo và quốc gia.
*Lý luận trên hiện cũng được Việt Cộng và tay sai đang khai thác để "ném bùn" vào Công Giáo, bằng hành động phát hành sách báo khơi lại lịch sử thời thực dân Pháp, thời tổng thống Ngô Đình Diệm; bằng cách dịch các sách của các tác giả vô thần, phản đạo, rối đạo hoặc đi sai đường lối của tòa thánh... nhằm tấn công Công Giáo dựa trên một số chính sách sai lầm của Giáo Hội trong thời trung cổ v.v... Họ cố gắng che dấu tội lỗi bán nước, làm tay sai cho Cộng sản quốc tế; tay sai Việt Cộng, lợi dụng tôn giáo cho mưu đồ đen tối, tìm cách đánh lạc hướng dư luận bằng mưu đồ lấy Công Giáo ra làm đề tài chống phá!

Bằng chứng kỳ thị

(Vì giới hạn của bài viết, chúng tôi không trình bày các hạn chế đối với Hồi Giáo và các cuộc xung đột đẫm máu giữa Phật tử với tín đồ Hồi Giáo (Muslim) tại Miến Điện).
Dưới đây là những bằng chứng tiêu biểu được Samuel Ngun Ling ghi lại qua tài liệu "Cuộc đối đầu của thừa sai Ki-tô Giáo với Phật giáo nổi dậy tại Miến Điện sau thời kỳ thuộc địa" (The Encounter of Missionary Christianity with Resurgent Buddhism), đúc kết từ hội nghị quốc tế về tôn giáo và toàn cầu hóa (International Conference on Religion and Globalization) ngày 28.7 tới 2.8.2003 tại Đại học Payap, Chiang Mai Thái Lan.
-Từ thập niên 1960, các nhóm Ki-tô Giáo (và Hồi giáo) gặp khó khăn trong việc nhập cảng văn chương tôn giáo vào Miến Điện. Tất cả sách báo về đạo và đời vẫn là đối tượng bị kiểm soát và kiểm duyệt. Nhập cảng các bản dịch kinh thánh qua tiếng bản xứ đều bị coi là bất hợp pháp. Vì sự hạn chế và kiểm duyệt, kinh thánh (Bible) của Thiên Chúa Giáo và kinh Coran (Qur’an) của Hồi giáo thường phải "nhập cảng chui" và "bán chui" trên thị trường chợ đen! Sự hạn chế gắt gao nhất là danh sách hơn 100 chữ cấm đoán mà những người kiểm duyệt không cho phép sử dụng trong văn chương Thiên Chúa Giáo (và Hồi Giáo), vì chúng là những "biệt ngữ bản xứ" (indigenous terms) hoặc thoát thai từ ngôn ngữ Pali, ngôn ngữ căn bản của văn chương Phật Giáo. Nhiều chữ này đã được dùng và chấp nhận bởi một số nhóm Thiên Chúa Giáo (và Hồi Giáo) kể từ thời kỳ thuộc địa Anh.
Cái mục tiêu mà những người kiểm duyệt nhắm vào chính là kinh thánh cựu ước (Bible) và kinh Coran (Qur’an) mà họ tin là các kinh thánh này cho phép dùng bạo lực chống lại những người ngoại đạo (không tin= unbelievers).

-Những người không phải Phật tử (non-Buddhists) bị kỳ thị ở thượng tầng cơ sở công cộng. Ít có người được giữ chức tổng giám đốc hoặc cao hơn. Mặc dù có một số rất ít tín đồ Ki-tô giáo mang quân hàm trung tá; nhưng không người nào được bổ nhiệm vào chức vụ tư lệnh trong quân đội,
-Ngay trong ủy ban điều hành trung ương của đảng đối lập lớn nhất là liên đoàn Quốc gia Dân Chủ (the National League for Democracy) của bà Aung San Suu Kyri, người mà Tây phương và Hoa Kỷ ủng hộ cũng không có người ngoài Phật giáo; mặc dù các hội viên cá nhân từ hầu hết các miền lãnh thổ đã ủng hộ đảng.
-Nếu có một tín đồ Ki-tô Giáo (hay người Muslim) nào leo lên được chức thiếu tá trong quân đội thì thượng cấp sẽ khuyến cáo họ phải bỏ đạo mình để theo đạo Phật.
-Nhà cầm quyền thường từ chối đơn xin cư trú của các mục sư nổi tiếng di chuyển vào phân khu hành chính mới. Một vài trường hợp người theo Ki-tô giáo bị hủy bỏ căn cước (quốc tịch) đã xẩy ra.
-Tín hữu Ki-tô giáo luôn bị khó dễ trong việc xin phép mua đất đai để xây dựng thánh đường tại nhiều vùng. Chế độ quân phiệt từ chối đơn xin không phải vì lý do tôn giáo mà lấy cớ là Giáo Hội không có quyền sở hữu tài sản riêng tư. Đất đai thuộc tài nguyên của quốc gia.

-Một số tín hữu Ki-tô Giáo tại tiểu bang Chin phàn nàn rằng nhà cầm quyền không cho phép xây cất bất cứ đền thờ nào kể từ năm 1997. Ba mục sư xây thánh đường mới bị nhà cầm quyền Mandalay bắt giữ với lý lẽ ông ta can tội xâm phạm luật đất đai, chứ không phải nhà cầm quyền cố tình xâm phạm tự do tôn giáo.
-Tại cố đô Rangon, tiểu bang Mandalay và một vài nơi khác, nhà cầm quyền cho xây trung tâm cộng đồng mới; nhưng với điều kiện các nhóm Thiên Chúa Giáo phải đồng ý không hành lễ đại tại đó hay treo các biểu tượng tôn giáo!
-Trong quá khứ, bộ trưởng tôn giáo đã đòi hỏi rằng muốn có giấy phép xây cất cơ sở tôn giáo phải tùy thuộc vào dân số tại địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng chùa và những yêu cầu về nơi thờ phượng của Phật Giáo lại không bị hạn chế gì cả!
-Các nhóm Ki-tô Giáo (và Hồi Giáo) chỉ có thể xây cơ sở thờ phượng nhỏ gần đường xá hay các địa thế bình thường khác, nếu được phép của nhà cầm quyền địa phương. Tuy vậy, Nhà cầm quyền địa phương thì hay thay đổi ý kiến và điều kiện xây cất như thay áo! Có khi họ chèn ép bằng cách phải phá bỏ các nhà thờ hiện tồn tại để được xây nhà thờ mới.
-Dân Karen báo cáo rằng lính Miến cho phép một mục sư gần Thandaung thuộc tiểu bang Karen được tổ chức lễ tại làng của ông ta, với điều kiện tổ chức "KNU’ Liên hiệp Quốc gia Karen (Karen National Union) không được tham gia. Khi cuộc giao tranh xẩy ra giữa KNU và quân đội Miến gần làng mục sư, lính bắt ông và chỉ thả tự do khi ông chịu trả 400USD (500.000 kyats). Nhà cầm quyền khu vực Rangoon đã đóng cửa nhiều nhà nguyện lấy cớ là không có người có quyền cử hành nghi lễ. Một số nhà nguyện còn tồn tại cũng vì đã phải hối lộ cho quan chức địa phương.
-Tháng 1.2005, chỉ huy quân đội tại phân khu Matupi thuộc tiểu bang Chin ra lệnh phá hủy một cây Thánh Giá cao 10 mét dựng bên sườn đồi, mặc dù đã được phép của chính quyền năm 1999. Trong quá khứ thì các nơi dựng các cây Thánh Giá bị phá đi thường được thay thế bằng các chùa mới với sự cưỡng bức tín hữu Ki-tô Giáo phải lao động xây chùa!
-Năm 2005, thượng cấp thông báo cho một sĩ quan Phật giáo rằng, người vợ Ki-tô Giáo phải theo đạo Phật, nếu không ông ta phải từ giã quân đội!
-Năm 2005, một học sinh trung học có tên là Alexander đoạt giải thiếu niên thể thao trong nhà, nhưng khi khám phá ra học sinh này là tín hữu Ki-tô Giáo, nhà cầm quyền khu vực Mandalay đã hủy bỏ!
-Năm 2005, một tín hữu Ki-tô Giáo, theo phong tục Tây phương, tổ chức lễ sinh nhật của mình tại một khách sạn ở Mandalay. Nhưng lễ sinh nhật của Anh ta bị nhà cầm quyền địa phương hủy bỏ với lý do là biến cố tôn giáo phải được tổ chức tại một thánh đường!
-Tháng 2.2006, cảnh sát ở Hpa-an thuộc tiểu bang Karen đã bắt giữ Yeh Zaw, thuộc cộng đoàn Insein Kanphawt, vì người này đã viết thư cho nhà lãnh đạo chính phủ yêu cầu ngưng đóng cửa nhà nguyện, nơi mà nhà cầm quyền Rangon đã ngăn cấm và không cho tín đồ thờ lậy tại đó vào năm 2006. Cảnh sát bắt Yeh Zaw không phải vì tội viết thư mà kiếm cớ là di chuyển không mang theo thẻ căn cước!
-Tháng 3.2006, trung tá Hla Maw Oo, giám đốc sở giao thương biên giới đã ra lệnh cho giáo dân tin Lành (Baptists) tại Kachin phá bỏ nhà thờ ở Mong Yu thuộc tiểu bang phía bắc Shan, để xây đường sá cho vùng phát triển kinh tế dọc theo biên giới với Tàu Cộng. Nhà cầm quyền chỉ bồi thường thiệt hại 7.000USD (khoảng 8,7 triệu kyats tiền Miến Điện) trong khi phí tổn xây cất trước đây là 12.070USD (15 triệu kyats) tính theo giá biểu năm 2002. Nhà cầm quyền đe dọa sẽ dùng biện pháp quân sự nếu các tín hữu không tuân lệnh.
- Tháng 4.2006, nhà cầm quyền Mandalay từ chối cho phép các nhà thờ tổ chức một chương trình tuần lễ Phục Sinh đúng theo phong tục. Khi được phép tập trung thì nhà cầm quyền lại đòi hỏi phải cho biết các chi tiết cuộc hội họp, kể cả tên người đánh dương cầm và các bản nhạc sẽ hát. Năm 2004, vào phút chót, nhà cầm quyền hủy bỏ giấy phép tổ chức kỷ niệm 125 năm của Giáo hội Methodist ở Lower Burma.
-Các nhà lãnh đạo cộng đồng Ki-tô Giáo (và Hồi Giáo) tường trình rằng, nay nhà cầm quyền có vẻ hủy bỏ chiến dịch cưỡng bức theo đạo Phật. Thay vào đó, tiêu điểm của họ là quyến rũ người ngoài Phật giáo theo đạo Phật bằng tặng phẩm và mua chuộc. Cải đạo bằng cưỡng bức (coerced) hoặc bằng cách này hay cách khác, là một phần trong chiến dịch dài hạn của nhà cầm quyền nhằm "Miến Hóa" (Burmanize) các vũng dân tộc thiểu số theo các tôn giáo khác. Chiến dịch này xẩy ra trùng hợp với việc gia tăng sự hiện diện của quân đội và áp lực.
-Năm 2004, tại vùng tây-bắc tiểu bang Shan, dư luận cho biết một nhà sư được Nhà cầm quyền địa phương hỗ trợ (sư quốc doanh) đã, vừa đe dọa, vừa mua chuộc tín hữu Ki-tô Giáo theo đạo Phật. Cũng vào thời điểm này, có một trường hợp (tường trình chưa được kiểm chứng), sự cải đạo đã được thực hiện bằng "đầu súng" (gunpoint) tại tiểu bang Chin!

Kết luận

-Phải chăng, qua cái gọi là "Đường Lối Miến Điện Tiến Lên Xã hội Chủ nghĩa" (Burmese Way to Socialism) của chế độ quân phiệt đã phát sinh chính sách kỳ thị tôn giáo, đặc biệt đối với Ki-tô Giáo?
-Phải chăng vì các tổ chức và nhân viên cứu trợ quốc tế đến từ các quốc gia Thiên Chúa Giáo, nên không được phép cứu dân Miến Điện?
-Phải chăng tín đồ Ki-tô Giáo là hậu quả của chế độ thực dân Tây phương, nên nhân vụ thiên tai bão lụt này cho chết luôn?
Qua các dữ kiện nêu trên chắc quí đọc giả cũng hiểu được tại sao chế độ quân phiệt Miến Điện, trong thời gian đầu, khi chưa bị Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu làm áp lực, đã không cho phép các nhân viên của các cơ quan từ thiện quốc tế tới cứu trợ dân của họ!