Dân Chúa Âu Châu

ĐAN MẠCH TUY NHỎ MÀ CHỊU CHƠI!

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

BIẾM HỌA VỀ TIÊN TRI MUHAMMAD MỘT LẦN NỮA LẠI ĐƯỢC PHỔ BIẾN TRÊN CÁC BÁO!

1-Ngược dòng thời gian

Ngày 30.9.2005, nhật báo Jyllands-posten đăng 12 biếm họa liên quan tới Tiên tri Muhammad với nhiều cách nhìn khác nhau, do các họa sĩ vẽ không cần ký tên, theo yêu cầu để in trong tác phẩm viết bằng tiếng Đan Mạch: "Cuộc đời của Muhammed" (Muhammeds liv - tiếng Anh: Muhammad ’s life) của tác giả Kaare Bluitgen.
Theo Hồi giáo (Islam) thì người ta không được phép vẽ hình Tiên tri Muhammad. Đã không được vẽ hình Tiên tri, dù đẹp và trang trong, mà 12 hình vẽ lại là loại biếm họa thì người vẽ tất nhiên mang tội phỉ báng đạo của họ. Vì thế, các cuộc biểu tình chống Đan Mạch đã xẩy ra trong thế giới Hồi Giáo, đặc biệt tại Pakistan, Iran, Lebanon, Palestina, Jordan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia v.v....
Tòa đại sứ Đan Mạch tại Lebanon, Iran và Syria bị phá, quốc kỳ bị xé đốt và dẫm chân lên. Các sản phẩm xuất cảng của Đan Mạch bị tẩy chay tại các nước Ả Rập Trung Đông. Ả Rập Saudi và Pakistan phản đối mạnh bằng biện pháp trục xuất đại sứ Đan Mạch.
Sự tẩy chay hàng hóa xuất cảng của Đan Mạch đưa tới hậu quả là ngành ngoại thương bị tổn thất lên tới hàng trăm triệu Mỹ-kim. Trong tinh thần hiệp nhất giữa các hội viên, Liên Hiệp Âu Châu đã bênh vực Đan Mạch qua việc tuyên bố với các nước Ả Rập rằng phong tỏa kinh tế Đan Mạch có nghĩa là phong tỏa LHÂC. Ủy viên đặc nhiệm về thương mại của LHÂC đe dọa sẽ đưa vấn đề ra trước Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO (World Trade Organization).
Đầu tháng giêng 2006, phái đoàn đại diện người Muslim tại Đan Mạch đã đi Trung Đông để trình bày vấn đề trước Hội nghị các quốc gia Hồi giáo và đòi hỏi chính quyền Đan Mạch phải có biện pháp chế tài nhật báo Jyllands-Posten và xin lỗi Hồi giáo. Khi phái đoàn này về lại Đan Mạch đã bị báo chí và chính giới lên án. Bà chủ tịch đảng Quốc Dân Đan Mạch, Pia Kjergaard cho họ là "phản bội đất nước"(Landsforraederi), vì họ đã báo cáo sai sự thật. Để làm cho vấn đề thêm quan trọng, nhóm Muslim chưng hình một buổi dạ hội hóa trang đeo mặt lạ hình đầu heo tại Pháp mà họ đã cắt ghép chung vào 12 biếm họa, để kết án Đan Mạch vẽ mặt Tiên tri Muhammad giống mặt con heo!
Nhật báo Jyllands-posten vẫn giữ lập trường tự do báo chí và các hình vẽ được coi như một sự phản đối nhóm Islam quá khích tại Hòa Lan. Nhóm này đã giết đạo diễn Theo van Gogh, tác giả phim "Sự Phục Tùng - Phần 1" (Submission Part 1) vào năm 2004. Phim này có nội dung phê bình gắt gao các tập quán thiếu dân chủ và bình đẳng của đạo Islam, đặc biệt đối với nữ giới. Phim này được thực hiện do chính nữ tài tử da đen Ayaan Hirs Ali, dân biểu Hòa Lan, kể lại cuộc đời và những gian truân của mình khi phải sống trong một quốc gia Hồi giáo, Somalia. Bà cũng là tác giả quyển "Tôi Tố Cáo" (Jeg anklager) được nhà xuất bản báo Jyllands-posten phát hành vào năm 2005. Chính vì hành động chống lại đạo Islam qua phim ảnh và sách, Ayann Hirs Ali bị các nhóm Hồi giáo quá khích lên án tử hình. Bà phải chạy qua Hoa Kỳ sống ẩn danh và dưới sự bảo vệ của cơ quan an ninh. Hiện nay chính quyền Hòa Lan không tài trợ việc bảo vệ an ninh cho bà nữa. Ngày 14.2.2008 một nhóm dân biểu Quốc hội Âu châu đã yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu tài trợ về nơi ở và bảo vệ an ninh cho bà. Bà Ali đã xuất hiện và phát biểu những lời chân tình trước Quốc Hội Âu Châu:
"Tôi không muốn chết, tôi muốn sống và tôi yêu cuộc sống, tôi biết mình đang ở trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm" (I don’t want to die, I want to live and I love life, I find myself in a very desperate position.)
Trước áp lực mạnh mẽ cả ở trong và ngoài nước, ngày 30.1.2006, qua thông tấn xã của quốc gia Jordan, nhật báo Jyllands-posten gửi thư xin lỗi đã xúc phạm tới người Muslim. Trong thư Carsten Juste, chủ nhiệm về văn hóa nhật báo Jyllands-posten viết:
"12 hình vẽ theo nhận thức của chúng tôi chân thật và không nghĩ là xúc phạm. Chúng không trái với luật pháp Đan Mạch, nhưng không thể chối cãi đựợc đã xúc phạm tới nhiều người Muslim mà chúng tôi phải xin lỗi."
(I brevet skrev Jyllands-Postens chefredaktor Carsten Juste bl.a.: "De 12 tegninger var efter vores opfattelse sobre og var ikke taenkt som kraenkende. De var ikke i strid med dansk lovgivning, men har uafviseligt kraenket mange muslimer, hvilket vi skal undskylde.)
Tuy vậy, ngày 31.1.2006, nhiều nước Hồi giáo vẫn giận dữ, đòi Đan Mạch phải công khai xin lỗi và phạt báo Jyllands-posten. 17 Bộ trưởng Nội vụ các nước Ả Rập, trong cuộc họp tại Tunesia yêu cầu chính phủ Đan Mạch phải phạt các họa sĩ vẽ biếm họa.
Trước tình trạng trên, ngày 1.2.2006, nhiều báo ở Âu Châu công khai ủng hộ lập trường tự do báo chí của Đan Mạch, đã đăng lại các biếm họa hay bài viết bảo vệ quyền tự do, trong đó có báo Đức Die Welt và Berliner Zeitung; báo Hòa Lan De Volks-krant; báo Ý Corriere della Sera và La Stampa; tập san Thiên Chúa giáo Na uy Norwegian Christian newspaper Magazinet; báo Do Thái Maariv, báo Tây Ban Nha El Periodico và nhật báo Shihan của Jordan (The Jordanian newspaper Shihan). Báo này sau khi đăng 3 biếm họa thì chủ nhiệm Jihad al-Momani bị sa thải.
Tờ France Soir của Pháp chịu chơi hơn, ngoài hình vẽ, còn ghi hàng chữ Chúa nói với Tiên tri: " Muhammad, Đừng phàn nàn, Chúng ta hết thảy đều bị châm biếm ở đây" (Don’t complain, Muhammad, we’ve all been caricatured here.)
Ngày hôm sau ông chủ nhiệm cũng bị chủ báo người Ai Cập sa thải.

2-Thái độ của chính phủ Đan Mạch

Cùng với lập trường của báo Jyllands-posten, tháng 10.2005, Thủ tướng Đan Mạch, Anders Fogh Rasmussen, mặc dù có sự khuyến cáo của 22 cựu đại sứ Đan Mạch, vẫn từ chối họp mặt với 11 đại sứ của các quốc gia Hồi Giáo đòi thảo luận về vấn đề biếm họa.
Tuy nhiên, để dân chúng tại các nước Hồi giáo hiểu rõ về sinh hoạt tự do báo chí tại Đan Mạch, Thủ tướng Anders Fogh Rasmussen đã dành cho đài truyền hình Ả Rập Al-Arabiya một cuộc phỏng vấn dài 25 phút. Một trong những phát biểu đáng chú ý có câu:
"Thật quan trọng để hiểu xã hội của chúng tôi hoạt động hữu hiệu như thế nào. Trong nước tôi chính quyền thường bị chỉ trích trên báo chí, tự cá nhân tôi cũng thường bị chỉ trích. Tự do báo chí là cốt tử cho dân chủ của chúng tôi và vì thế tôi không thể kiểm soát những gì báo chí viết"
(Det er vigtigt at forstaa hvordan vores samfund virker. I vores land bliver regeringen ofte kritiseret i aviserne - jeg bliver selv personligt ofte kritiseret. Ytringsfriheden er livsvigtigt for vores demokrati og derfor kan jeg ikke kontrollerer hvad aviserne skriver..)
Trong toàn buổi phỏng vấn, Thủ tướng Fogh không nói một lời xin lỗi nào cả. Điều này chứng tỏ lập trường của chính phủ Đan Mạch luôn tôn trọng tự do báo chí.

3-Cái đầu của họa sĩ được treo giá cao

Đạo sĩ Mohammed Yousaf Qureshi, người Hồi quốc (Pakistan), đã hứa thưởng 6,2 triệu Kroner (khoảng 1,2 triệu Mỹ-kim) và một xe hơi cho ai giết được họa sĩ vẽ biếm họa.
Với số tiền thưởng lớn lao như trên và với tinh thần trả thù kẻ dám nhạo báng Tiên Tri Muhammad, chắc sẽ có nhiều người muốn hành động. Do đó, họa sĩ Kurt Westergaard và gia đình phải sống ẩn dật, thay đổi địa chỉ, cũng như được cảnh sát bảo vệ đặc biệt. Sau 3 năm tình hình như có vẻ chìm vào quên lãng.
Biếm họa của họa sĩ Kurt Westergaard là hình Tiên tri Muhammed đầu đội khăn vấn tròn có bom ngòi nổ. Biếm họa này biểu tưởng cho tổ chức khủng bố lợi dụng đạo Islam của Muhammad để đánh bom tự sát; nên được thế giới Islam coi là xỉ nhục Hồi giáo nặng nhất.
Theo Tom Jorgensen, chuyên viên nghệ thuật và chủ bút báo nghệ thuật đã phát biểu với đài phát thanh của hãng truyền thông TV2 Đan Mạch thì bức biếm họa của họa sĩ Kurt Westergaard trị giá từ 1 triệu Đô-la tới chục triệu Đô-la, nếu đem bán đấu giá tại Anh quốc hay Hoa Kỳ.
Bức biếm họa có tên "Muhammad và các người võ trang" (Muhammed med bevaebnede maend) của họa sĩ Franz Fuchsel đã được bán đấu giá 15.000 kroner ngay tại Đan Mạch năm 2005, trong một cuộc quyên tiền giúp nạn nhân thiên tai động đất lớn ở Pakistan.

4-Biến cố bắt ba người âm mưu giết họa sĩ Kurt Westergaard

Ngày 12.2.2008, vào lúc 4 giờ 30 sáng, nhân viên tình báo và cảnh sát đã mở cuộc hành quân chớp nhoáng tại khu chung cư ở Aarhus để bắt ba người tình nghi có âm mưu giết họa sĩ Kurt Westergaard. Theo tin tức của báo Jyllands-posten thì họa sĩ sẽ bị giết ngay tại nhà ông ta.
Sự bắt giữ cấp thời này nhằm chận đứng hành động của đám khủng bố theo phương châm "Phòng lửa hơn chữa lửa". Sự bắt giữ cũng dựa vào tài liệu và sự theo dõi nhóm này trong trong một thời gian khá lâu. 2 người Tunesia và 1 Ma-rốc có quốc tịch Đan Mạch đã bị bắt giam. Theo giám đốc cơ quan tình báo P.E.T (Politiets Efterretningstjeneste) là Jakob Scharf thì cuộc hành quân có kết quả. Nhờ thế chặn đứng được cuộc ám sát. Hai người Tunesia sẽ bị trục xuất khỏi Đan Mạch không qua tòa án xét xử. Cơ quan tình báo dựa vào luật chống khủng bố, tị nạn và di dân để áp dụng trong trường hợp đặc biệt này.

Nhưng hiện nay nhiều người, trong đó có cả dân biểu cánh Tả phê bình quyết định trục xuất không đúng với nguyên tắc luật pháp. Không ai bị kết tội và trục xuất nếu không qua một phán quyết của tòa án. Sự phê bình dựa vào nhận định rằng những người chủ mưu giết họa sĩ, nếu có tội là tội sát nhân, chứ không ảnh hưởng gì tới an ninh quốc gia theo luật chống khủng bố. Các luật sư bào chữa cho các bị can cũng phát biểu rằng nội vụ phải được đem ra trước tòa án với các bằng chứng và bị can được quyền phát biểu.
Ngày 14.2.2008, họa sĩ Kurt Westergaard đã công khai lên truyền hình Đan Mạch (DR1) để trả lời cuộc phỏng vấn trong chương trình "Aerlig talt". Ông đã phát biểu là ở tuổi 73 làm gì phải sợ chết và cũng không hối hận gì về hình vẽ của mình. Ông chỉ tức giận, vì quyền tự do nghề nghiệp bị xâm phạm.
Ông cũng xác nhận được cảnh sát bảo vệ và cơ quan tình báo rất tài tình trong biến cố này. Khi trả lời về sinh hoạt hàng ngày, ông kể là hai vợ chồng đã tổ chức sinh nhật, mời khách tới nhà chung vui như không có chuyện gì xẩy ra. Về câu hỏi làm sao cảnh sát biết ba thủ phạm tính giết ông mà bắt. Ông không cho biết lý do.
Nhưng theo dõi buổi phỏng vấn chúng tôi nhận ra được kế hoạch của cơ quan tình báo khá tinh vi. Họa sĩ và gia đình phải thay đổi chỗ ở liên tục, có lúc trở về nhà sống bình thường, có lẽ do kế hoạch nhử mồi, để tóm cổ những người muốn ám sát ông phải xuất đầu lộ diện. Dĩ nhiên là cảnh sát chìm và nhân viên tình báo theo dõi rất sát mọi hành động của bọn này bằng mọi phương tiện kỹ thuật tinh vi của ngành tình báo. Chính Jakob Scharf, Giám đốc Cơ quan Tình báo cũng xác nhận cần phải ra tay trước để tránh hiểm họa, hơn là chờ hiểm họa xẩy ra rồi mới đi điều tra. Qua nhiều vụ, người ta cũng nhận định được đây là phương thước làm việc của P.E.T. "phòng hỏa hơn cứu hỏa".

5-Các cuộc bạo động sau biến cố bắt ba thủ phạm toan giết họa sĩ Kurt Westergaard

Trong tuần lễ từ ngày 12.2.2008, một số địa điểm tại Thủ đô Copenhagen và một số tỉnh rơi vào tình trạng bạo động: đốt xe, đốt thùng đựng rác, đập cửa kính tiệm buôn và đốt cả trường học do tuổi trẻ gây ra. Các nguyên nhân của các cuộc bạo động được giải thích như sau:

-Vì cảnh sát khiêu khích?

Nguyên nhân này bắt nguồn từ một người lớn tuổi gốc Palestina lái xe đậu tại đường Griffeldtsgade vào tối thứ sáu, bất ngờ bị một cảnh sát ra lệnh ra khỏi xe, bắt nằm xuống đường rồi đánh vào đầu và tay. Tuổi trẻ thấy vậy chạy đến giúp ông này đứng dậy và đem nước cho ông ta. Sau đó, như một sự đồng thuận trong giới trẻ, cuộc bạo động đốt xe và thùng rác trong khu vực Norrebro bộc phát.
Cũng nên biết là khu vực Norrebrogade và Blaagaard là nơi từng xẩy ra nhiều cuộc bạo động của tuổi trẻ khiến cho cảnh sát phải kiểm soát và tuần tiễu khu vực này thường xuyên. Các cuộc chận người đáng nghi ngờ để kiểm soát đã được cảnh sát thực hiện. Trong kế hoạch điều tra tội phạm và để vấn đề điều tra được mau chóng hơn, tòa Đô chính và cảnh sát thủ đô đã đánh dấu các địa điểm thường xẩy ra bạo động trên bản đồ. Tại các khu vực này cảnh sát cũng gắn máy ảnh quan sát tự động.
Hành động chận người bất ngờ để kiểm soát và xe tuần tiễu thường xuyên chạy trong khu vực là nguyên nhân khiến cho tuổi trẻ Muslim bị mặc cảm kỳ thị và tự ái dân tộc.
Cảnh sát cho rằng khu vực này không chỉ nổi tiếng bạo động mà còn là nơi buôn bán bất hợp pháp các loại sì-ke, ma tuý. Cơ quan công lực cũng được lệnh của Giám đốc cảnh sát kiểm soát bất cứ ai, vào bất cứ thời điểm nào. Tuy vậy, ngày 15.2.2008, Giám đốc cảnh sát, bà Hanne Bech Hansen, cho biết sẽ điều tra nội vụ đánh đập người lớn tuổi Palestine khiến cho tuổi trẻ bạo động kể từ ngày 10.2.2008.

-Vì đài truyền hình quốc gia "DR" thêm dầu vào lửa?

Trong mục tin tức tối thứ năm 14.2.2008 đài truyền hình DR đã chiếu lại cuộc phỏng vấn một thanh niên 15 tuổi ở Kalundborg về nguyên nhân xẩy ra bạo động. Thanh niên được phỏng vấn thuộc nhóm KLP đã xác nhận có tham gia và còn cảnh cáo sẽ có nhiều bạo động xẩy ra tại khu vực Klosterparkvej:
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động ở đây. Hôm nay và tối nay sẽ xẩy ra nhiều nữa. Xe và tất cả những gì có thể sẽ bốc cháy ở đây.."
Cảnh sát thủ đô Copenhagen đã phê bình đài truyền hình DR. Thiếu niên 15 tuổi sau đó bị cảnh sát Kalundborg bắt nhốt từ ngày 14.2.2008 đến 26.2.2008, vì phát biểu có tính cách khuyến khích bạo động. Per Larsen, Chánh Thanh tra cảnh sát Copenhagen cho rằng truyền thông nên có trách nhiệm và thận trọng, không nên đưa tin cảnh bạo động đốt phá vì nó có thể gây thêm bạo động.
Đây cũng là kinh nghiệm chiến tranh Việt Nam. Phe phản chiến và hệ thống truyền thông cũng như báo chí Mỹ chỉ đưa tin và hình ảnh máy bay Mỹ thả bom tàn phá và chết chóc, lính Mỹ bị thương máu me chan hòa và xác chết khủng khiếp v.v.. khiến cho dân chúng Mỹ chán ghét chiến tranh, đòi chính phủ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Hệ thống truyền thông và phản chiến Mỹ cũng không đả động gì tới các hoạt động hữu hiệu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa; khiến cho dân chúng Mỹ nghĩ rằng quân đội của họ "ăn cơm nhà, vác ngà voi cho miền Nam VN". Tại sao lính Mỹ phải chống cộng thay cho quân đội VNCH!
Về các tội ác của Việt Cộng thì hệ thống truyền thông và báo chí Mỹ ít khi có được, hoặc có mà họ không đưa lên báo và chiếu trên màn ảnh, vì không có lợi cho phe phản chiến và đối lập.

-Vì các báo tái đăng biếm họa nhạo báng Tiên Tri Muhammad?

Trưởng ban tin tức của đài truyền hình, Ulrik Haagerup, bác bỏ phê phán của cảnh sát về hậu quả của cuộc phỏng vấn. Ông xác nhận rằng thiếu niên 15 tuổi cũng nói tới việc đăng lại các biếm họa đã khích động tuổi trẻ có hành động vô kỷ luật. Nếu cho rằng lời phát biểu của thiếu niên đó là khích động bạo động thì đây lại là bằng chứng hữu ích cho cảnh sát để chuẩn bị đối phó và ngăn ngừa. Đây cũng là cuộc điều tra có ích. Tại sao cảnh sát không triệt để khai thác lại qui tội cho đài truyền hình?
Liên quan tới sự phẫn nộ về việc báo chí Đan Mạch tái đăng biếm họa, thiếu niên 15 tuổi đã xác quyết:
"Đạo của chúng tôi phải được kính trọng. Không ai được làm trò cười đối với Tiên Tri của chúng tôi. Khi họ không kính trọng chúng tôi phải hành động như ở đây..."
Cho đến khi bài này được đúc kết thì các cuộc bạo động vẫn tiếp tục xẩy ra.

6-Các thiếu niên bạo động bị bắt giữ

Tính đến ngày 15.2.2008, có 4 người bị bắt giữ tại khu vực Norrebro ở Copenhagen, 1 thanh niên 18 tuổi ném đá vào cảnh sát ở brabrand, Aarhus và 1 ở Kalundsborg.
4 thiếu niên khác bị bắt giam 10 ngày, 2 thiếu niên 15 và 17 tuổi bị bắt vì tưới xăng đốt thùng rác ở đường Bragesgade; 2 thiếu niên 16 tuổi ném đá vào cảnh sát ở công viên công cộng Folketspark.
Tuy một số thiếu niên bị bắt giữa vì tội đốt phá xe cộ và làm náo động trong khu vực; nhưng vì ở tuổi vị thành niên, nên họ lại được tha sau đó. Những người có hành động bạo hành ở mức độ nặng hơn có thể bị kết án một hai tháng tù treo hay trao cho cơ quan xã hội giáo dục.

7-Phí tổn do bạo động gây ra

Sau mỗi cuộc bạo động, tòa đô chính, cảnh sát và sở cứu hỏa tính ra tốn phí hàng chục triệu kroner. Trong biến động tuần qua, sự tổn thất về vật chất cũng khá cao. Tính chung có 110 vụ đốt phá. Riêng tại khu vực thủ đô sự thiệt hại được ghi nhận như sau:
-Trường Vaerebroskole ở Bagsvaerd và trường Kajerodskolen ở Birkerod bị đốt cháy phải tốn cả chục triệu mới khôi phục được.
-35 xe bị đốt tại thủ đô Copenhagen, các hãng bảo hiểm phải đền mỗi xe khoảng 52.000 kroner. Nếu tính thêm thiệt hại xe cộ tại các nơi khác thì số tiền sẽ gia tăng.
-Hàng chục thùng nhựa lớn có bánh xe đẩy dùng đựng rác tại các chung cư và dọc theo đường phố đã bị đốt. Tốn phí lên hàng trăm ngàn kroner.
Ngoài ra, tạo đảo Fyn, khu vực Vollsmose ở Odense và Gellerup ở Aarhus, bán đảo Jylland tình trạng đốt phá cũng gây ra tổn thất khá nhiều.
Nếu kể thêm tổn phí phụ trội của cảnh sát và sở cứu hỏa thì số tiền lên tới cả trăm triệu kroner.

8-Phản ứng chống Đan Mạch

-Tại Đan Mạch: ngày 15.2.2008 tổ chức Hồi giáo cực đoan Hizb-ut-Tahrir (tổ chức này bị cấm hoạt động ở Đức quốc) cùng 1.000 thành viên đã xuống đường tại thủ đô Copenhagen chống việc xúc phạm tới Tiên Tri Muhammad. Cuộc biểu tình diễn ra từ ga xe lửa Norrebro tới công viên Sainkt Hans. Các trật tự viên của Hizb-ut-Tahrir tự đứng ra bảo vệ an ninh và trật tự, nên cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa.

-Tại Palestina:
Khoảng 4.000 người Palestine thuộc phe quá khích Hamas ở Gaza đã xuống đường biểu tình chống việc in lại các biếm họa, đặc biệt hình Tiên Tri Muhammed đầu đội bom có ngòi nổ của họa sĩ Kurt Westergaard. Nhóm Hamas đòi xin lỗi công khai và họa sĩ Kurt Westergaard phải đền tội trước pháp luật. Họ cũng yêu cầu chấm dứt việc phổ biến các biếm họa. Cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, không có đốt quốc kỳ Đan Mạch như vào năm 2005.

-Tại Hồi quốc (Pakistan):

Theo tin hãng thông tấn AP có khoảng 200 sinh viên biểu tình ôn hòa tại thủ đô Islamabad chống việc đăng lại các biếm họa và đòi chính quyền trục xuất đại sứ Đan mạch về nước. Các sinh viên này đốt quốc kỳ Đan Mạch và hô to "giết chết họa sĩ". Một cuộc biểu tình nhỏ khác cũng diễn ra tại Multan ở thành phố Punjab. Theo nữ phóng viên Simi Jan của đài truyền hình TV2 Đan Mạch thì các cuộc biểu tình tại Pakistan kỳ này không đông như vào năm 2005. Lý do: dân chúng đang tập trung vào cuộc bầu cử Quốc Hội vào ngày 18.2.2008. Đạo sĩ quá khích chủ trì Đền Đỏ (Red Mosque) đã cố gắng yêu cầu chính phủ đoạn giao với Đan Mạch và hô hào, khích động dân chúng xuống đường biểu tình, nhưng không có kết quả. Mỗi cuộc biểu tình chỉ có vài trăm người tham dự. Nhằm bảo vệ sự an toàn cho người dân, Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã khuyến cáo dân chúng nên ngưng tất cả các cuộc du lịch không cần thiết đến Pakistan trong thời kỳ này.

-Tại Iran:

Tin hãng thông tấn IRNA của Iran ngày 16.2.2008 cho biết Iran chỉ chào mừng phái đoàn Ủy ban Ngoại vụ của Quốc Hội Đan Mạch đến thăm nước này vào ngày thứ hai 18.2.2008, nếu chính khách nước này lên án việc tái đăng các biếm họa về Muhammad trên báo chí. Quốc Hội Iran cũng lên án gắt gao các báo chí Đan Mạch đã đăng lại các biếm họa.

9-Các họa sĩ tiếp tục bị đe dọa mạng sống
Web site Inshallahshaheed tại Hoa Kỳ của Samir Khan, 21 tuổi, quốc tịch Mỹ, gốc Ả Rập Saudi, hiện cư ngụ tại Charlotte, Tiển bang North Carolina đã công khai đe dọa họa sĩ Kurt Westergaard với lời cảnh cáo dựa vào lịch sử như sau:
"Kẻ điên khùng đã quên sự kết liễu của Theo van Gogh và quên rằng nhiều người Đan cũng là Muslim sẽ không bỏ qua, vì họ hiểu câu truyện Ka´’b bin Al-Ashraf và những gì Tiên Tri Muhammad đã đối xử với ông này, và họ biết đạo của họ cho phép làm việc này!"
**Ka’b bin Al-Ashraf là một trong những người Do Thái không chống Muhammad hay bất cứ người Muslim nào bằng vũ khí, nhưng bằng ý tưởng lời nói (cho rằng Muhammad là một Tiên Tri giả) và làm những bài thơ không hay ho gì về phụ nữ Muslim. Muhammad coi ông là người nguy hiểm, nên cho giết vào ban đêm!
(http://www.answering-islam.org/Muhammad/Enemies/kab.html)

Kết luận

Qua các sự kiện nêu trên, người ta thấy số phận của các họa sĩ vẽ biếm họa về Tiên Tri Muhammed sẽ vẫn không được bảo đảm; đặc biệt họa sĩ Kurt Westergaard. Xét về phương diện tự do tư tưởng và tự do báo chí thì sự đe dọa giết người nhân danh tôn giáo không thể chấp nhận được.
Qua các sự kiện nêu trên, một cách khách quan, người ta cũng tự đặt câu hỏi:
-Tự do báo chí là quan trọng, tự do phát biểu tư tưởng là quan trọng; nhưng tại sao tự do của một cá nhân hay một vài người lại được tôn trọng, mặc dù xúc phạm tới Giáo chủ của một tôn giáo có hàng trăm triệu tín hữu sùng bái?
-Nếu nói rằng trong một xã hội hay thế giới tự do, dân chủ đa số thắng thiểu số thì tại sao tự do của một cá nhân hay một nhóm người lại được tôn trọng hơn hàng triệu, hay trăm triệu người?
Kết cục, tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, thời nào cũng vậy, con người và tôn Giáo vẫn là vấn đề nhức nhối!