Dân Chúa Âu Châu

PAKISTAN số phận Tổng Thống Pervez Musharraf sẽ ra sao?

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Trong những ngày vừa qua, tình hình Hồi quốc (Pakistan) trở nên căng thẳng. Nhiều cuộc biểu tình chống Tổng thống Pervez Musharraf, trong đó có cả luật sư đoàn, đã diễn ra tại thủ đô Islamabad cũng như tại một số tỉnh lớn. Trước các biến động có thể tạo nên cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện, TT. Musharraf đã quyết định đặt đất nước trong tình trạng khẩn trương (State of Emergency), hủy bỏ hiến pháp, giải tán cơ cấu lập pháp cũng như tư pháp và quyền hành nằm trong tay quân đội.
-Phải chăng đây là cuộc đảo chính lần thứ hai của Tướng Pervez Musharraf khi tòa án không chấp thuận ông tiếp tục chức vụ Tổng thống nhiệm kỳ hai?
Để quí độc giả có thể hiểu rõ vấn đề, chúng tôi lần lượt trình bày các điểm dưới đây:

1-TẠI SAO DÂN CHÚNG XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH CHỐNG TT. PERVEZ MUSHARRAF?

Trước khi tìm hiểu lý do tại sao, chúng ta cần ngược dòng thời gian để biết TT. Pervez Musharraf lên nắm chính quyền trong trường hợp nào?

1.1-Nắm quyền qua một cuộc đảo chính

Cuộc chiến giữa Ấn Độ và Hồi quốc xẩy ra tại Kargil thuộc khu vực tranh chấp Kashmir từ tháng 5 tới tháng 7 năm 1999 đã gây nên sự xung đột giữa chính quyền và quân đội. Theo lịch sử thì vùng Kashmir là đất của Ấn Độ. Nhưng đa số dân sống tại thành phố này lại là người theo đạo Hồi, nên nhóm quá khích Islam đã phát động phong trào đòi Kashmir được tự trị và trở thành phần đất của Hồi quốc.
Dựa vào lịch sử các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Thế giới, chúng ta thấy Kashmir có thể so sánh với Kosovo là đất đai của Nam Tư (Serbia), nhưng hơn 90% dân sinh sống tại Kosovo lại là người Albania theo đạo Hồi. Dân Thiên Chúa giáo hệ phái Chính Thống trở thành thiểu số trên quê hương mình. Dựa vào đa số, dân Muslim tranh đấu đòi tự trị và chịu ảnh hưởng bởi Albania.
Kashmir cũng rơi vào tình trạng đất đai thuộc về Ấn Độ và dân Ấn bỗng nhiên trở thành thiểu số, nhưng nhất quyết giữ vững chủ quyền. Nhiều cuộc xung đột vũ trang và khủng bố do phía người Hồi giáo chủ trương đãxẩy ra. Để giải quyết chính quyền Ấn và Hồi quốc đã thỏa thuận về một đường ranh phân chia Kashmir thành hai vùng riêng biệt. Nhưng người Muslim vẫn muốn dành vùng đất này thuộc về Hồi quốc.
Sau khi thử thành công vũ khí nguyên tử đầu tiên vào năm 1998, Hồi quốc tự cho mình trở thành cường quốc nguyên tử và không còn sợ Ấn Độ như trước đây. Để hỗ trợ cho các nhóm Muslim tại Kashmir, quân đội Pakistan đã xâm nhập qua đường ranh giới, tấn công vào các vị trí quân sự và hành chính của Ấn Độ. Ở cao điểm của cuộc chiến có lúc hai bên đã huy động một lực lượng hùng hậu lên trên tỉ 200.000 lính. Quân Hồi bất ngờ tấn công trước, nhưng bị quân Ấn phản công và đánh bại. Sự tổn thất khá cao về phía quân Hồi là nguyên nhân đưa đến tình trạng tranh chấp nội bộ.
Liên Hiệp Quốc cũng như các quốc gia trong vùng lo sợ cuộc chiến cục bộ có nguy cơ lan thành chiến tranh nguyên tử, nên đã cố gắng giảng hòa bằng ngoại giao. Sau các cuộc đàm phán và nhờ áp lực từ mọi phía, Pakistan chịu rút quân.

Sau cuộc chiến Thủ tướng Nawaz Sharif tuyên bố Hồi quốc bị thất bại nặng nề và hơn 4.000 lính bị tử thương. Lời tuyên bố của Thủ tướng Sharif làm cho Tư Lệnh Quân đội là Tướng Pervez Musharraf bất bình. Ông lên án chính quyền đã làm mất danh dự quân đội, trong khi dân chúng đang mong một chiến thắng về cho đất nước.
Thủ tướng Nawaz Sharif đưa Tư Lệnh Quân đội ra trước tòa án quân sư mặt trận và Tối Cao Pháp Viện. Tướng Musharraf bị trục xuất ra khỏi nước. Giám đốc cơ quan tình báo Khwaja Ziauddin được bổ nhiệm thay thế.

Sau khi bị trục xuất, Tướng Musharraf lên một chiếc phi cơ thương mại quay trở về. Thực ra, Hội đồng Tướng lãnh không chấp nhận phán quyết hủy bỏ chức vụ Tư lệnh Quân đội của Tướng Pervez Musharraf của Tối Cao Pháp Viện. Mặc dù vậy, Thủ tướng Sharif không nhượng bộ và ra lệnh đóng cửa phi trường Karachi, không cho phép bất kỳ phi cơ dân sự nào đáp xuống. Nhóm Tướng lãnh ủng hộ cựu Tư lệnh Quân đội làm cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Sharif và chiếm phi trường Karachi. Lúc đó phi cơ của Tướng Musharraf đáp xuống chỉ còn vài phút nữa là hết xăng. Nếu máy bay không đáp xuống kịp thời, có thể ông ta bị chết vì tai nạn.
Tướng Musharraf dành lại quyền lực và ra lệnh quản thúc Thủ tướng Sharif tại gia, sau đó trục xuất ra khỏi nước. Tổng thống đương nhiệm Rafip Tarar, vẫn còn tại chức cho tới năm 2001. Khi Tổng thống Tarar qua đời, Tướng Musharraf tự phong mình lên làm Tổng thống từ ngày 20.6.2001, chỉ vài ngày trước khi ông ta đến dự cuộc hòa đàm với Ấn Độ tại Agra để giải quyết cuộc tranh chấp về lãnh thổ Kashmir.

1.2-Những cuộc chống đối TT- Musharraf..

Tự phong mình lên chức Tổng thống là hành động thiếu dân chủ và bị chống đối là chuyện tất nhiên. Muốn hợp thức hóa chức vụ của mình, Tướng Musharraf đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 30.4.2002. Cuộc trưng cầu ý dân bị tẩy chay bởi phần lớn các tổ chức chính trị đối lập. Họ khiếu nại có gian lận trong bầu cử và số lượng người đi bầu chỉ có 30% hoặc thấp hơn. Như vậy việc trưng cầu ý dân không đạt được tiêu chuẩn đa số tối thiểu cần thiết để TT. Musharraf được tiếp tục giữ chức vụ Tổng thống thêm 5 năm nữa.
Vài tuần lễ sau, TT. Musharraf xuất hiện trên đài truyền hình xin lỗi quốc dân về những "sái luật" trong cuộc trưng cầu ý dân. Để cơ cấu hành pháp và luật pháp hoạt động trở lại bình thường, TT. Musharraf ban hành sắc lệnh bầu cử Quốc hội vào tháng 10.2002. Đảng Bảo thủ Trung tâm PML-Q (Pakistan Muslim League- Quaid-e-Azam), đảng ủng hộ TT. Musharraf kết hợp với Mặt trận Muttahida Qaumi "MQM" (Muttahida Qaumi Movement), đã thắng đa số trong Quốc hội và hợp thức hóa chức vụ của TT. Musharraf. Nếu xét về phương diện luật pháp thì sự tín nhiệm của Quốc hội có thể được coi là hợp lý.

Tháng 11.2002, TT. Musharraf trao quyền thành lập chính phủ cho Tân Thủ tướng Mir Zafanullah Khan Jamali.
Mặc dù đã trở thành Tổng thống dân sự; nhưng Tướng Musharraf không chịu dời bỏ chức vụ Tư lệnh Quân đội. Lý do dễ hiểu ở chỗ, nếu dời quân đội, ông ta sẽ gặp nhiều bất lợi trên chính trường, kể cả sự nguy hiểm tới tính mạng do quân khủng bố gây ra, sau khi nhiệm kỳ Tổng thống chấm dứt. Ông ta cũng lo ngại sẽ bị đảo chính.
Chính vì nắm toàn quyền, dân sự lẫn quân đội; nên TT. Musharraf bị các đảng phái chống đối và đa số dân chúng không nhiệt tình ủng hộ. Áp lực đòi TT. Musharraf phải từ chức không chỉ lan rộng ở trong nước mà cả ở ngoại quốc.
Để giải tỏa mọi áp lực và cố tìm sự hậu thuẫn trở lại, tháng 12.2003, TT. Musharraf thỏa thuận với Liên hiệp ba đảng Islam "MMA" "Muttahida Majlis-e-Amal", và hứa sẽ rời chức vụ quân đội vào ngày 31.12.2004. Hứa là một chuyện, sau đó TT. Musharraf lại thỏa hiệp với đảng MMA và các dân biểu, nghị sĩ ủng hộ ông trong Quốc hội thông qua đạo luật cho phép ông giữ cả hai chức vụ: Tổng thống và Tư lệnh Quân đội. Hành động này càng làm cho dân chúng và các đảng phái đối lập chống đối

2-TẠI SAO QUÂN KHỦNG BỐ MUỐN GIẾT TT. MUSHARRAF?

Nguyên nhân 1: Vì chống Hồi giáo quá khích

-Ngày 12.2.2002, TT. Musharraf tuyên bố trên đài truyền hình chính quyền sẽ dùng mọi biện pháp chống khủng bố, chống các nhóm Hồi giáo quá khích và bất tuân luật pháp quốc gia. Ông ra lệnh cấm các trường (Madrasas) và các đền Hồi giáo (Mosques) nhồi sọ giáo lý Islam và khích động thánh chiến, kể cả các hoạt động khủng bố bên ngoài lãnh thổ, ám chỉ các bộ lạc nằm giữa biên giới A Phú Hãn và Hồi quốc ủng hộ tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Ông cũng tuyên bố cấm các Quỹ ngoại quốc tài trợ cho các trường dậy đạo Islam, kể cả các sinh viên ngoại quốc tới học đạo tại Hồi quốc. Sở dĩ TT. Musharraf đưa ra các biện pháp cứng rắn đối với các tổ chức Islam quá khích và khủng bố vì các tài liệu thu thập được chứng minh các trường này huấn luyện chí nguyện quân tự sát, khích động thánh chiến và khủng bố.

-Trong năm 2001, quân đội đã mở cuộc hành quân tảo thanh quân khủng bố đang ẩn náu tại các bộ lạc phía Bắc Pakistan. Cuộc hành quân đã gây thiệt hại cả về vật chất lẫn sinh mạng. Cuộc hành quân, nhìn về phía quốc gia Pakistan chỉ là một cuộc hành quân có mục đích vãn hồi trật tự và an ninh. Nhưng dưới con mắt của các tổ chức Islam quá khích thì cuộc hành quân này nhằm chống lại dân Muslim và đạo Islam. Hành động này khó có thể được tha thứ. Chính vì vậy mà các vụ bom nổ đã xẩy ra.
Sự chống đối TT. Musharaf lên cao độ và biến thành bạo động vào ngày 13.9.2007, khi 300 binh lính của Hồi quốc bị quân khủng bố Islam bắt giữ trong một cuộc hành quân tảo thanh một số bộ lạc tại phía Bắc. Các phi vụ oanh kích gây cho hàng chục người bị chết là nguyên nhân khiến cho các đảng đối lập làm áp lực đòi phải tổ chức bầu quốc hội và Tổng thống.
-Ngày 14.12.2003: Khi đoàn xe của TT. Musharraf vừa băng qua chiếc cầu ở Rawalpindi thì bom nổ làm sụp cầu. Ông thoát chết nhờ miếng thép chắn trong xe. Đây là lần thứ ba ông thoát nạn trong vòng 4 năm cầm quyền.

-11 ngày sau, ngày 25.12.2003, hai người mang bom tự sát lái xe lao vào xe Tổng thống; nhưng ông thoát nạn. Xe chỉ bị bể kính. Bom nổ làm cho 16 người bị chết. Amjad Farooqi bị tình nghi chủ mưu trong vụ này đã bị quân đội giết vào năm 2004.
-Ngày 6.6.2007, một nhóm vô danh dùng súng phòng không bắn vào máy bay trực thăng của TT. Musharraf khi đáp xuống sân bay Rawalpindi. Vụ tấn công bất ngờ này cũng không mang lại kết quả. 39 người tình nghi bị bắt giữ. Các vụ ám sát trên xẩy ra ngay tại thành phố Rawalpindi, nơi tọa lạc của Bộ Tư lệnh Quân đội Pakistan.

Nguyên nhân 2: Vì bắt tay với Do Thái.

Lịch sử đã chứng minh: thủ lãnh quốc gia Hồi giáo nào bắt tay với Do Thái và thân thiện với Hoa Kỳ dễ bị ám sát.
Bằng chứng 1: Tổng thống Ai Cập Anwar Al-Sadat đã bị giết chết ngay trong cuộc duyệt binh ngày 6.10.1981, vì ông là nhà lãnh đạo Ả Rập đầu tiên đơn phương công nhận quốc gia Do Thái và ký thỏa hiệp sống chung hoà bình với Do Thái tại Camp David, Hoa Kỳ, vào năm 1978. Thỏa hiệp này bị các nước Ả Rập chống đối và Ai Cập bị trục xuất khỏi Liên đoàn Ả Rập.
Bằng chứng 2: Ngày 25.6.1995 Tổng thống Ai Cập, Hosni Mubarak trên đường đi Addis Ababa, Ethiopia để dự Hội nghị do Tổ chức Thống nhất Phi châu tổ chức đã bị ám sát hụt. Theo giới tình báo và quan sát thì thủ phạm của cuộc ám sát không ai khác, chính là Mặt trận Quốc gia Hồi giáo (the National Islamic Front) của Sudan. Theo các tài liệu của Liên Hiệp Quốc thì chính quyền Sudan trực tiếp hay gián tiếp hỗ trợ cho các hành động khủng bố.

TT. Mubarak bị ám sát cũng chỉ vì nhân nhượng với Do Thái và thân thiện với Hoa Kỳ. Trong thâp niên 1990 tổ chức khủng bố Gama’a al-Islamiyya và Egyptian Islamic Jihad đã công khai chống chính sách thân Tây phương của TT. Mubarak. Thủ lãnh cao cấp đứng hàng thứ hai của tổ chức khủng bố bao trùm thế giới Al-Qaeda là Al Zawahiri cũng xuất phát từ Ai Cập, thành viên của tổ chức Gama’a al-Ilamyya. Một số cuộc khủng bố nhắm vào dân du lịch Âu châu đã xẩy ra trong thời gian vừa qua là một chứng minh cụ thể.
Ngày Chúa nhật 17.9.2005, TT. Musharraf tham dự cuộc thuyết trình có tín cách lịch sử trước số đông thính giả là các nhà lãnh đạo cao cấp của Do Thái ở Hoa Kỳ. Cuộc thuyết trình này được đỡ đầu bởi Hội Đồng Do Thái Thế Giới tại thành phố Nữu Ước. Tại đây TT. Musharraf đã lên án khủng bố và mở cửa cho tình hữu nghị giữa Pakistan và Do Thái, giữa Thế giớ Hồi giáo (Islam) và Thế giới Do Thái. Lời phát biểu của TT. Musharraf được nhiều Thủ lãnh Do Thái ca ngợi; nhưng bị các Thủ lãnh của các nước Ả Rập Trung Đông và Đạo sĩ Hồi giáo chống đối.
Sau cuộc khủng bố ngày 11.9.2001, TT. Musharraf đã hợp tác với Hoa Kỳ trong chương trình chống khủng bố. Một số quyết định sau đây đã chứng minh lập trường của chính phủ Hồi quốc:

-Cắt đứt quan hệ tài chính, văn hóa và quân sự đối với nhóm Taleban của A Phú Hãn.

-Phối hợp hoạt động và cung cấp tin tình báo cho chính phủ Mỹ về các tổ chức khủng bố.

-Cấm các hoạt động giáo dục nhồi sọ và khích động thánh chiến và khủng bố v.v...

Chính vì vậy mà TT. Musharraf bị coi là tay chân của Hoa Kỳ về lãnh vực ngoại giao.
Qua lịch sử và một số sự kiện đã xẩy ra, người ta thấy lãnh tụ Hồi giáo nào chơi thân với Do Thái và Tây phương, đặc biệt cộng tác với Hoa Kỳ trong chương trình tiêu diệt khủng bố đều được coi là kẻ thù của Islam. TT. Musharaf đã rơi vào tình trạng như hai tổng thống Ai Cập.

3- TẠI SAO CỰU NỮ THỦ TƯỚNG BENAZIR BHUTTO KÊU GỌI DÂN CHÚNG VÙNG LÊN CHỐNG TT. MUSHARRAF?

Benazir Bhutto sinh ngày 21.6.1953 tại Karachi, con gái đầu của cựu Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto. Ông bố sau này bị mất chức Thủ tướng vào năm 1975 và bị kết án tử hình ngày 4.4.1979 vì tội ám sát cha của nhà chính trị đối lập Ahmed Raza Kasuri. Năm 1980, người anh tên Shahnawaz bị giết ở Pháp và năm 1996, Mir Murtaza, người anh thứ hai cũng bị giết.
Ngược dòng thời gian, nữ thủ tướng Bhutto lãnh tụ Pakistan Quốc Dân Đảng đã thắng cử và đạt đa số trong quốc hội năm 2001. Nhưng vì bị tố cáo tham nhũng, bà mất quyền và phải sống lưu vong tại Dubai vào năm 1998.

Bà Bhutto là nữ Thủ tướng đầu tiên tại Hồi quốc và hai lần giữ chức vụ Thủ tướng. Lần đầu vào năm 1990, nhưng 20 tháng sau bị giải nhiệm bởi TT. Ghulam Ishaq Khan vì tội tham nhũng. Năm 1993 bà được tái bầu Thủ tướng, nhưng lại bị mất chức vào năm 1996 thời TT. Farooq Leghari, cũng vì tội tham nhũng.
Ngày 2.10.2007, trước áp lực từ trong nước và ngoại quốc, TT. Musharraf đưa ra Sắc lệnh Hòa giải Quốc gia (the National Reconciliation Ordinance). Thỏa hiệp đoàn kết giữa Liên đoàn Muslim Pakistan của TT. Musharraf và Pakistan Quốc Dân Đảng của Benzamir Bhutto để chia quyền lực đã được nói tới. Bhutto trở lại Hồi quốc ngày 18.10.2007 theo lời kêu gọi hòa hợp hòa giải của TT. Musharraf, vì ông ta đã hủy bỏ tất cả các tội tham nhũng của bà trong thời gian trước đây để hợp tác và chia quyền lực.
Nhưng ngày 3.11.2007, Benazir Bhutto phản phé và lợi dụng thời cơ đã lên án TT. Musharraf hành động bất hợp pháp khi ban bố tình trạng khẩn trương của đất nước.
Ngày 7.11.2007, Benazir Bhutto lại đe dọa sẽ dẫn đầu đoàn biểu tình dài 300 cây số đi từ thành phố bà đang cư
ngụ Lahore tới thủ đô Islamabad, nếu TT. Musharraf không dời chức vụ Tư lệnhQuân đội và tổ chức bầu cử quốc hội để tái lập chính quyền dân sự.
Được tha tội tham nhũng và cho về nước mà Bhutto không biết ơn, lại xuống đường chống đối; nên ngày 9.11.2007, chính quyền thành phố Lahore ra lệnh quản thúc bà tại gia. Hành động có thể hiểu vì hai lý do:
-Sợ quân khủng bố lợi dụng cơ hội giết cựu Thủ tướng Bhutto, người đang được dân chúng ủng hộ. Nếu cuộc khủng bố thành công, dân chúng sẽ nghi ngờ TT. Musharraf chủ mưu giết đối lập. Như vậy, TT. Musharraf có thể bị rơi vào tình trạng như bố của bà Bhutto đã bị xử tử hình năm 1975, vì tội giết đối lập.
Sự suy luận của chúng tôi dựa trên biến cố ngày 18.10.2007, khi bà Bhutto được trở về đã có 200.000 người đón tiếp. Quân khủng bố lợi dụng cơ hội đất nước đang rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị, đã đặt xe chứa bom nổ ngay tại đám đông, khi bà Bhutto cùng đoàn diễn hành tiến tới đài tưởng niệm nhà sáng lập quốc gia là Mohammad Jinnah. Bom nổ khiến cho hơn 130 người chết
-Sợ bà Bhutto thừa cơ hội này lật đổ chính quyền và biết đâu TT. Musharraf lại bị truy tố ra tòa án về tội đảo chính lật đổ chính phủ Sharif bất hợp pháp?
Trước áp lực trong và ngoài nước, TT. Musharraf đã phải thâu hồi lệnh quản thúc tại gia của Benazir Bhutto lần thứ nhất. Tuy vậy bà Bhutto vẫn xuống đường và chống đối, nên ngày 12.11.2007, chính quyền thành phố Lahore lại ra lệnh quản thúc bà tại gia lần thứ hai.
Bất bình trước hành động này, ngày 14-11-2007, bà Bhutto tuyên bố đảng "PPP" của bà sẽ tẩy chay cuộc bầu cử vào tháng giêng 2008 và sẽ cộng tác với các đảng đối lập đòi TT. Musharraf phải từ chức.

4- CỰU THÙ GẶP NHAU

Không chỉ Benazir Bhutto trở về Pakistan mà trong tháng 9.2007 cựu Thủ tướng Nawaz Sharif cũng nhân cơ hội TT. Musharraf đưa ra chính sách hòa hợp hòa giải, đã trở về để củng cố đảng và chuẩn bị tranh cử. Nhưng ông vừa tới phi trường thì bị bắt giữ và điều tra. Sau đó ông bị trục xuất, phải trở lại tị nạn chính trị tại Ả Rập Saudi.
Trước tình trạng Hồi quốc có thể bị rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng, một số tổ chức và quốc gia đã lên tiếng:

*-Về phía Thế giới:

-Liên Hiệp Âu châu yêu cầu TT. Musharraf nên tôn trọng quyền hành của tòa án.
-Ngày 10.11.2007, bà Condoleezza Rice, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, đã bày tỏ sự lạc quan khi TT. Musharraf hứa cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trước ngày 9.1.2008. Bà Rice cũng khuyến cáo TT. Musharraf nên hủy bỏ Lệnh Giới nghiêm để mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Chính phủ Mỹ cho rằng việc trục xuất cựu Thủ tướng Sharif là vấn đề nội bộ của Hồi quốc, nhưng yêu cầu cuộc bầu cử dự trù vào tháng 1.2008 phải được thể hiện theo tinh thần tự do và công bằng.
-Tổ chức Quan sát Nhân quyền của Mỹ tố cáo TT. Musharraf vi phạm công pháp quốc tế.
-Cộng đồng Thịnh vượng chung Vương quốc Anh "The Commonwealth of Nations hay The British Commenwealth" bao gồm 53 quốc gia có chủ quyền phần lớn thuộc địa của Anh trước đây, cũng khuyến cáo sẽ trục xuất Hồi quốc ra khỏi tổ chức, nếu TT. Musharraf không tái lập cơ cấu hành chính, rời chức vụ Tư lệnh Quân đội và thâu hồi Lệnh Giới nghiêm. Hồi quốc đã bị trục xuất một lần vào năm 1999 khi Tướng Pervez Musharraf đảo chính cướp chính quyền. Mãi tới năm 2004, Hồi quốc mới được tái thâu nhận vào Cộng đồng Chung.

*-Về phía Hồi quốc:

-Đảng của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif cũng lên án việc trục xuất đảng trưởng của họ là bất hợp pháp.
-9 thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện đã nghiên cứu kỹ 6 thỉnh cầu (kể cả Jamaat-e-Islamic’s, tổ chức Islam lớn nhất của Pakistan) hủy bỏ tư cách ứng cử viên Tổng thống của Tướng Musharraf.
-Ngày 2.10.2007, 85 nhà lập pháp từ chức để phản đối việc tái cử của TT. Musharraf. Nhưng phát ngôn viên quốc hội cho rằng việc này không ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống, nên ngày 6.10.2007, TT. Musharraf đã dành được đa số phiếu trong Quốc hội và được bầu vào chức vụ Tổng thống nhiệm kỳ hai.
Dù vậy, Tối Cao Pháp Viện phán quyết rằng không người nào thắng cử được tuyên bố cho tới khi luật pháp quyết định. Ngoài ra, quyết định cách chức Bộ trưởng Tư pháp Iftikhar Mohammed Chaudhry ngày 3.11.2007 đã khiến cho luật sư đoàn xuống đường biểu tình phản đối. Theo các cuộc thăm dò thì có khoảng 64% dân chúng không muốn TT. Musharraf cầm quyền thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.

5- SỐ PHẬN TT. MUSHARRAF SẼ RA SAO?

Theo các nhà bình luận khách quan thì TT. Musharraf là nhà lãnh đạo ôn hòa, có tư tưởng tự do và tiến bộ. Nhiều người cho rằng ông có thể được so sánh với nhà sáng lập Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Kemal Ataturk. Chính sách của TT. Musharraf là chống các nhóm Islam cực đoan, cải tổ kinh tế và xã hội. Chính quyền cũng được ca tụng về chính sách tự do báo chí và truyền thông.
Nhưng đối với một số người Hồi, đặc biệt tổ chức khủng bố bao trùm thế giới Al-Qaeda thì TT. Musharraf đã hành động có hại cho đạo Islam khi cộng tác với Hoa Kỳ và Đồng minh.
Như vậy tương lai của TT. Musharraf sẽ ra sao, khi ông ta không còn nắm quyền lực trong tay?