Dân Chúa Âu Châu

JOHN McCAIN, một anh hùng trong chiến tranh Việt Nam, có đánh bại được BARACK OBAMA trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008 không?

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Trong những tháng cuối của năm 2008, cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đang diễn ra sôi nổi cả về phương diện chính trị lẫn kinh tế. Sôi nổi về chính trị vì chưa ai biết chắc ứng cử viên John McCain của đảng Cộng Hòa hay Barack Obama của đảng Dân Chủ sẽ thắng cử; sôi nổi về kinh tế vì Hoa Kỳ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính trầm trọng có nguy cơ đưa tới khủng hoảng kinh tế, không chỉ trong phạm vi nước Mỹ mà lan rộng toàn thế giới.
Trong bài này chúng tôi trình bày những nét đại cương về tiểu sử và các hoạt động chính trị của Thượng Nghị sĩ (TNS) John McCain, một anh hùng của Hải quân Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam; một ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng Hòa.

1-ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ CỦA TNS JOHN MCCAIN

John McCain được sinh ra ngày 29.8.1936, tại căn cứ không quân của Hải quân Hoa Kỳ ở Panama, vì thời gian này kinh đào Panama còn thuộc quyền kiểm soát của Hoa Kỳ. Cha là John S. McCain (1911-1981), một Đô Đốc Hải quân Mỹ. McCain thuộc dòng dõi Anh-Ái Nhĩ Lan (Anglo-Irish). Ông nội cũng từng là Đô Đốc (Tướng 4 sao) của Hải quân Hoa Kỳ trong Đệ Nhị Thế Chiến. Người chị Sandy và em trai Joe theo gót ông cha phục vụ trong quân chủng Hải quân Hoa Kỳ.
Năm 1951 gia đình đến định cư tại Tiểu bang Virginia, McCain học trung học ở Alexandra. Trong thời gian học trung học, McCain nổi tiếng về đô vật (Wrestling) và mãn trung học vào năm 1954. Sau đó McCain theo gót ông và cha vào trường Hải quân Quốc gia ở Annapolis. Trong thời gian này McCain trở thành võ sĩ Boxing hạng nhẹ và thường xung đột với nhân viên nhà trường qua việc không tôn trọng kỷ luật, nên bị xếp hạng 894/899. McCain tốt nghiệp sĩ quan Hải quân năm 1958 và theo học khóa phi công hai năm rưỡi tại Pensacola, tốt nghiệp và chuyên lái phi cơ tấn công diện địa (Ground-attack aircraft). Sau đó, McCain được phái tới phi đội Skyraider (loại phi cơ chiến đấu bán phản lực) trên Hàng không Mẫu hạm USS Intrepid và USS Enterprise có trách nhiệm hoạt động ở vùng biển Trung Mỹ (Caribbean) và Địa Trung Hải (Mediterranean). Máy bay của McCain bị rớt hai lần và một lần bị đụng vào đường dây dẫn điện nhưng ông không bị thương nặng.
Ngày 3.7.1965, McCain kết hôn với Carol Shepp, một người mẫu tại Tiểu bang Philadelphia đã có hai con trai (Douglas và Andrew). Carol sinh cho ông một con gái tên Sidney.
Mùa Hè 1967, McCain xin đổi qua lái phản lực cơ chiến đấu A-4 Skyhawks của Hàng không Mẫu hạm USS Forrestal. Trong khi thi hành công tác trong chiến dịch bỏ bom Bắc Việt, McCain và đồng đội đã tỏ ra bất mãn về chiến thuật từ Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Sau đó ông viết lại rằng: "Công bình mà nói, chúng tôi nghĩ các cấp chỉ huy dân sự hoàn toàn ngu ngốc, họ là những người không có một chút nhận định làm sao để thắng cuộc chiến!" (In all candor, we thought our civilian commanders were complete idiots who didn’t have the least notion of what it took to win the war).
Ngày 29.7.1967, trung tâm Hàng không Mẫu hạm Forrestal phát hỏa do hệ thống điện bị chạm bất ngờ làm cho hỏa tiễn Zuni trên sàn tầu phát nổ. Hậu quả của vụ nổ khiến cho 134 thủy thủ bị chết và 161 bị thương, tổn phí lên tới 72 triệu Đô-la. McCain chạy thoát từ chiếc máy bay đang bốc cháy và giúp đồng đội thoát hiểm. Ông bị thương ở chân và ngực, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Chiếc USS Forrestal bị hư hại nặng không thể tiếp tục nhiệm vụ được nữa, McCain phải chuyển qua Hàng không Mẫu hạm USS Oriskany.

2-TÙ BINH CỦA VIỆT CỘNG

Trong phi vụ thứ 23 oanh tạc Bắc Việt, phi cơ A-4E Skyhawk của McCain bị hỏa tiễn VC bắn hạ trên không phận Hà Nội. McCain nhẩy dù, rơi xuống hồ Trúc Bạch, bị thương hai tay và một chân và gần như bị chết chìm; nhưng được đám đông dân quân Hà Nội vớt lên. McCain bị đánh bằng báng súng vào vai và bị đâm bằng dao găm, rồi được đưa về nhốt tại nhà tù Hỏa Lò, nơi các tù nhân Mỹ đặt cho cái tên mỉa mai là "Hanoi Hilton", có nghĩa khách sạn Hilton ở Hà Nội. Mặc dù bị thương nặng, nhưng McCain không được VC cho thuốc chữa trị các vết thương. Ông bị tra tấn và hạch tội cho tới khi phải khai hết sự thật. VC chỉ bắt đầu chữa trị McCain khi biết ông là con trai của Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ. McCain phải nằm 6 tuần trong bệnh viện và sụt mất 23 kg, tóc trở thành bạc trắng.
Khi máy bay của John McCain bị bắn rơi trên không phận Hà Nội cha ông đang công cán tại Luân Đôn. Được tin máy bay của con bị bắn hạ, ông bà đô đốc Jack McCain hồi hộp, lo sợ không biết con mình sống chết ra sao, nhưng vẫn nén nước mắt đi dự một buổi tiếp tân theo chương trình đã định ở Luân Đôn.
Sau đó McCain bị di chuyển tới trại tù khác ở ngoại ô Hà Nội trong tình trạng bệnh tình nguy kịch mà hai tù nhân Mỹ khác nghĩ rằng ông ta may mắm lắm thì chỉ còn sống sót một tuần nữa thôi. Vào giữa năm 1968 cha của McCain được bổ nhiệm làm Tư lệnh tất cả các lực lượng Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Biết vậy, VC dở trò ma giáo tuyên truyền sẽ thả McCain theo chính sách khoan hồng. VC muốn chứng minh cho các tù nhân khác là giặc lái ác ôn như McCain mà vẫn được tha sớm, vì biết nhận tội và loè bịp thế giới là Cộng sản Bắc Việt nhân đạo. Nhưng McCain không thèm nhận cái khoan hồng mà VC dành riêng cho mình. Ông đòi thả hết các tù binh Mỹ bị bắt trước ông. Vì tính ngoan cố, VC hành hạ ông bằng cách dùng dây thừng trói chặt ông và đánh đập mỗi hai giờ. Cùng thời gian này, ông bị bệnh nặng về đường tiêu hóa, ỉa chảy và kiết lỵ.
Sau 4 ngày bị tra tấn, McCain phải làm bản thú tội và tuyên truyền chống Hoa Kỳ. Chính vì bị tra tấn dã man và hành hạ quá mức, McCain không còn tỉnh táo khi phải ký vào bản thú tội. Ông luôn có cảm tưởng rằng những lời khai và lời nói của mình trong thời gian bị tù tội là nỗi ô nhục: Sau này ông viết:
"Tôi đã nhớ được cái mà tất cả chúng ta nhớ đuợc ở đó là: mỗi người đều có một lúc yếu đuối. Tôi đã đạt tới sự yếu đuối của tôi." (I had learned what we all learned over there: Every man has his breaking point. I had reached mine."
Những vết thương làm cho ông hiện nay không giơ hai tay cao hơn đầu được là hậu quả bị tra tấn hai ba lần trong một tuần, chỉ vì không chịu ký tên vào các bản tố cáo tội ác của Hoa Kỳ. Các tù binh khác cũng rơi vào tình trạng bị hành hạ, làm bản thú tội và tuyên truyền tố cáo đế quốc Mỹ. Trong thời gian ông bị tù thì các phe phản chiến Mỹ, đứng đầu là nữ tài tử Janne Fonda, thường sang Hà Nội diễn trò "thờ ma Việt Cộng". Bọn này cũng tìm cách tiếp xúc McCain và các tù binh Mỹ. Là anh hùng trong chiến tranh, dĩ nhiên McCain không chịu tiếp xúc với các nhóm phản chiến đi tìm hòa bình tại Hà Nội, mà ông nghĩ nó chỉ có lợi cho chúng và kế hoạch tuyên truyền của Việt Cộng.
Kể từ cuối năm 1969, VC đối xử với McCain và đồng đội có vẻ nhân nhượng hơn, cũng chỉ vì chính sách Việt Nam Hóa Chiến tranh và ý định rút quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam của chính phủ Nixon. Các tù binh Mỹ thì vui mừng khi phi cơ khổng lồ B-52 thả bom Bắc Việt vào tháng 12/1972, như một áp lực đòi VC phải tỏ thái độ về một giải pháp hòa bình. Sau 5 năm 6 tháng bị cầm tù, ngày 14.3.1973, McCain được trao trả cho Hoa Kỳ. Khi về Mỹ đoàn tụ với gia đình thì vợ ông đã bị tàn tật sau tai nạn xe hơi vào tháng 12/1969, trong khi ông còn bị cầm tù ở Hà Nội. McCain phải mất nhiều tháng chữa trị các vết thương và luyện tập căng thẳng về vật lý. Sau khi bình phục vào cuối năm 1974, McCain được sử dụng trở lại trong chức vụ sĩ quan chỉ huy Tiểu đội huấn luyện tại Florida vào năm 1976. Ông thành công trong việc làm cho Tiểu đội không ai biết tiếng trở thành một đơn vị được ca tụng nhiều nhất. Trong thời gian này McCain bị tai tiếng vì ngoại tình và cuộc sống hôn nhân bị tan rã!
Tháng 4/1979, McCain gặp Cindy Lou Hensley, cô giáo của trường Phoenix ở Arizona, con của nhà đại lý phân phối bia. Ông xin người vợ cũ Carol ly dị và bà đã đồng ý. Hai người ly dị vào tháng 4/1980. Bà Carol được giữ lại hai căn nhà và trợ cấp tài chính để chữa bệnh. Hai người vẫn còn duy trì tình cảm tốt đẹp. McCain và Cindy thành hôn vào 17.5.1980; nhưng thỏa thuận là hầu hết tài sản của vợ được đứng tên vợ và tiền ai nấy giữ, thuế má ai nấy chịu. Vì bệnh hoạn, McCain không nghĩ đời binh nghiệp có thể đưa mình lên tới chức Đô đốc Hải quân, mặc dù có 17 huy chương và bằng Tưởng lục; nên ông từ giã đời binh nghiệp ngày 1.4.1981, chuyển hướng qua chính trị. Ông thắng cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ năm 1982; rồi trở thành Thượng nghị sĩ vào năm 1986. Sau đó, với uy tín sẵn có, TNS MacCain tiếp tục thắng cử vào các năm 1992, 1998 và 2004. Là đảng viên của đảng Bảo Thủ, nhưng McCain lại bất đồng với đường lối của đảng về nhiều lãnh vực. Năm 2000 McCain bị thất bại trước George W. Bush trong cuộc tranh cử để được đảng chọn là ứng cử viên Tổng thống. Tháng 3/2008, John McCain đánh bại các đối thủ và trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng Hòa ra tranh cử với Barack Obama thuộc đảng Dân Chủ.

2-LIỆU TNS JOHN MCCAIN CÓ THẮNG BARACK OBAMA KHÔNG?

Trả lời cho câu hỏi này có lẽ chúng ta nên tìm hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của John McCain
Các điểm yếu của McCain là:
2.1-Lớn tuổi: năm nay John McCain đã 72 tuổi. Cùng tuổi này nhưng không bệnh hoạn thì cử tri không có ấn tượng về vị tổng thống tương lai của mình. Cố Tổng thống Ronald Reagan khi thắng cử vào năm 1981, lúc đó ông đã 70 tuổi và cũng là một trong các Tổng thống già nhất của Hoa Kỳ. TNS McCain già hơn hơn cố TT. Reagan 2 tuổi và bệnh hoạn vì bị hành hạ trong tù Việt Cộng. Chính vì vấn đề tuổi tác cao mà trong các cuộc tranh cử công khai trên đài truyền hình, người ta thấy Barack Obama có lợi thế về sự trẻ trung. Theo cuộc thăm dò ý kiến thì có khoảng 47% dân chúng Mỹ nghĩ rằng McCain sẽ chết trước khi nhiệm kỳ Tổng thống kết thúc.
2.2- Di sản chiến tranh Iraq do chính phủ Bush để lại.
Cái yếu điểm kế tiếp có ảnh hưởng trực tiếp tới thành quả tranh cử của TNS McCain là: Di sản chiến tranh Iraq do chính phủ Bush, thuộc đảng Cộng Hòa để lại. Di sản này làm mất ảnh hưởng tốt của đảng Cộng Hòa trước quần chúng. Phần lớn dân chúng Mỹ chống chiến tranh Iraq và đòi rút quân về nước. Nhưng McCain vẫn ủng hộ chính sách này với lý do:
-có những tiến bộ về sự thành hình nền dân chủ của Iraq;
-thắng lợi về quân sự qua sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq mang lại thế quân bình tại Trung Đông.
-thắng lợi về kinh tế do sự cung cấp dầu hỏa ưu tiên cho Hoa Kỳ của chính phủ Iraq và các nhà đầu tư Mỹ được ưu tiên trong chương trình tái thiết Iraq.
Chiến tranh Iraq tốn khoảng 80 tỷ Đô-la năm 2004, tăng lên 130 tỷ năm 2005, 210 tỷ năm 2006, 310 tỷ năm 2007 và 450 tỷ năm 2008; tổng cộng: 1.180 tỷ Đô-la. Nếu không có chiến tranh Iraq thì 1.180 tỷ Đô-la này chính phủ sẽ dùng cho ngân sách xã hội và kinh tế thì Hoa Kỳ không rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế và tài chính như hiện nay.
2.3-Di sản khủng hoảng tài chính và kinh tế do chính phủ Bush để lại.
Cuộc khủng hoảng tín dụng về địa ốc (Mortgage Subprime Credit Crisis) của hai tập đoàn Fanne Mae và Freddie khiến cho Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ FED (hay FCU) phải bỏ ra 200 tỷ Đô-la để cứu cuộc khủng hoảng có nguy cơ lan rộng tại Mỹ và toàn Thế giới. Ngân Hàng Trung ương cũng phải bỏ ra 50 tỷ để cứu tập đoàn bảo hiểm lớn nhất của Mỹ AIG; 30 tỷ cho Tập đoàn JP Morgan Chase. Tập đoàn địa ốc Merrill Lynch được Ngân hàng Mỹ (Bank of America) mua lại; nhưng Tập đoàn Lehman Brothers (thành lập từ năm 1850, có khoảng 15.000 nhân viên) tuyên bố phá sản vào ngày 15.9.2008, vì chính phủ không muốn bỏ tiền của dân ra cứu các tài phiệt.
Cuộc khủng hoảng tín dụng ngân hàng địa ốc ở hoa Kỳ đã lần lượt lan sang các quốc gia Âu và Á châu, khiến cho thế giới bị rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính. Với thời gian cuộc khủng hoảng tài chính sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu; nếu các nhà lãnh đạo thế giới không tìm ra được biện pháp giải quyết cấp thời. Mãi tới trung tuần tháng 10/2008 thì các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Âu châu và G.8 mới quyết định cứu vãn cuộc khủng hoảng tài chính bằng cách cho ngân hàng quốc gia tung ra hàng trăm tỷ Euro và Đô La để bảo đảm uy tín và các dịch vụ ngân hàng. Giá cổ phiếu và thị trường bắt đầu phục hoạt. Nhưng về lãnh vực về kinh tế người ta vẫn lo ngại sự suy thoái sẽ diễn ra trong những năm tới.
Cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ đuợc coi là cơ hội ngàn năm một thuở để Barack Obama tấn công sự thất bại của đảng Cộng Hòa nói chung và chính phủ Bush nói riêng. Như vậy, cần phải thay đổi chính quyền, từ đảng Cộng Hòa sang đảng Dân Chủ. Sự giao động của dân Mỹ về kinh tế, tài chính có thể đưa tới chiến thắng cho Obama; nếu chính phủ Bush không lấy lại uy tín qua một số chính sách kinh tài đúng lúc và hợp thời.
Sự ổn định kinh tế tài chính của chính phủ Bush có thể giúp McCain lấy lại phần nào uy tín và sự tin tưởng của cử tri về biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của chính phủ thuộc đảng Cộng Hòa. Tổng thống Bush đã yêu cầu Quốc Hội chấp thuận một ngân khoản 700 tỷ Đô-la để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính coi như một thành công. Sự thành công này cho thấy chính phủ thuộc đảng Cộng Hòa có khả năng đối phó với sự bất ổn của thị trường kinh tế và tài chính. Như vậy, cái mà McCain nói cần phải thay đổi và cải tiến tại Tòa Bạch Ốc có ảnh hưởng tốt đối với cử tri.
2.4- Sarah Palin, ứng cử viên Phó Tổng thống bị báo chí tấn công về các giá trị luân lý đạo đức.
Bà Sarah Palin, Thống đốc Tiểu bang Alaska được John McCain chọn làm ứng cử viên (ỨCV) Phó Tổng thống vào ngày 20.8.2008. Ban đầu sự xuất hiện của bà gây nhiều phấn khởi trong đảng và dân chúng; đặc biệt phái nữ yêu thích bà cả về nét đẹp và tài ăn nói. Khi đề cập tới các báo chí phê bình không tốt về bà, Sarah Palin đã phản ứng bằng lý luận rằng, bà ứng cử vào Tòa Bạch Ốc không phải để phục vụ cho giới truyền thông mà cho dân chúng Mỹ. Chính vì vậy mà một số báo chí, đặc biệt báo tán gẫu National Enguirers với những bài phiếm luận và một vài trang báo điện tử Internet, đã moi đời tư của bà và gia đình bà để đánh phá, nhằm tạo cho cử tri có ấn tượng xấu về bà. Các phóng viên của báo tán gẫu cũng từng khám phá cựu Ứng cử viên Phó Tổng thống John Edwards có tư tình với thiếu nữ trẻ tuổi; nay nhóm phóng viên báo này được lệnh tới Alaska để moi đời tư bà Sarah Palin. McCain, một anh hùng quân đội và chính trị gia dầu kinh nghiệm, nên họ không thể tìm ra những yếu điểm để tấn công. Palin, một TNS trẻ còn thiếu thành tích, kinh nghiệm và hoàn cảnh gia đình, nên vô tình trở thành đối tượng đánh phá của nhóm này.
Các tin tức nói xấu về bà Palin được ghi nhận như:
-Ngày 1.9.2008, trong chương trình xuất hiện trên truyền hình, người ta khám phá ra cô Bristol Palin, con thứ hai của bà Sarah Palin mới 17 tuổi mà có thai. Sau đó bà Palin công khai nhìn nhận và nói chàng Levi Johnston sẽ làm đám cưới với con gái bà. Sự thẳng thắn của bà có thể được dân chúng Mỹ thông cảm; như trường hợp ăn vụng tình của cựu Tổng thống Bill Clinton. Sarah Palin nổi tiếng trong đảng Cộng Hòa về chống phá thai, chống các chương trình huấn luyện tuổi trẻ về tình dục và ngừa thai. Nhưng con gái của bà mới 17 tuổi lại có bầu khi chưa lập gia đình! Đây là một trường hợp gây ảnh hưởng không tốt đối với bà trong cuộc tranh cử.
-Với chức vụ Thống đốc, bà đã bãi chức không hợp pháp viên thanh tra cảnh sát Walt Monegan, vì ông này sau khi bị áp lực, vẫn không sa thải cảnh sát viên Mike Wooten, em rể của bà. Đây là vụ tranh chấp quyền cha hay mẹ được giữ các con sau vụ em gái của bà và chồng ly dị. Theo tường trình dài 263 trang trong vụ gọi là Trooper-gate thì bà Palin đã cho chồng là Todd Palin sử dụng văn phòng thống đốc để tìm tài liệu nhằm sa thải cảnh sát viên Wooten. Nhưng bà Palin giải thích việc sa thải thanh tra Monegan không vì lý do nêu trên mà vì lý do khủng hoảng về ngân sách. Kết quả cuộc điều tra sẽ được tòa án xét xử vào ngày 31.10.2008, chỉ 5 ngày trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, 4.11.2008. Theo hãng thông tấn AP (Associated Press) đây là một trở ngại lớn cho McCain và Palin.
- Con trai trưởng Trac của bà bị phát giác nghiện hút Kokain và hash!
- Bà có quan hệ với đảng độc lập của Alaska và chồng đã từng là đảng viên của đảng này trong 7 năm, đòi tách Tiểu bang Alaska ra khỏi Hoa Kỳ. Năm 1986, chồng bà bị bắt giữ vì tội uống rượu quá độ mà lái xe.
-Theo các cuộc điều tra của cảnh sát, bà Palin có liên hệ tới vụ tham nhũng của TNS Ted Stevens, vì bà nhận tiền trợ giúp của nhóm này trong chương trình ủng hộ tài năng đảng viên trẻ của đảng Cộng Hòa.
-Bà từng chụp hình hở ngực và mặc quần áo tắm khi tham gia các cuộc thi hoa hậu và muốn trở thành nhân viên của đài truyền hình. Đây là lúc Sarah Palin 20 tuổi đã tham dự cuộc thi hoa hậu Alaska. Có một vài web site cá nhân lập ra để nói xấu đời tư của bà và một thanh niên con đảng viên đảng Dân Chủ đã tìm ra mật mã email lấy tin tức của bà đưa lên Internet để bêu xấu.
-Bà phạm tội ngoại tình năm 1996 với Brad Hanson, bạn buôn bán của chồng (theo tạp chí National Enguirers)
Nhiều người Mỹ tự đặt câu hỏi là: tại sao John McCain không chọn hai ỨCV Joe Lieberman và Joe Ridge có phiếu bầu thấp hơn mình trong đảng làm Phó Tổng thống?
Thực tế cho thấy John McCain không chọn Joe Lieberman và Joe Ridge vì hai ông này có quan niệm tự do phá thai, đi ngược lại với chính sách của đảng Cộng Hòa. Nay ông chẳng khác gì "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa"; chọn Palin với những yếu điểm bị báo chí phanh phui như trên.
Steve Schmidt, Chủ tịch ủy ban vận động tranh cử của McCain cảnh cáo là sẽ đưa vấn đề ra trước pháp luật đối với những tin tức dối trá về sự ngoại tình của bà Palin với bạn của chồng. Ông Schmidt đã nóng giận với giới truyền thông Mỹ mà ông cho là đã giết chết đức hạnh của Thống đốc Alaska, người có thể trở thành Phó Tổng thống Mỹ. Báo chí cố gắng hủy hoại người phụ nữ xinh đẹp và thành công, là một sự nhục mạ mà quần chúng Mỹ không muốn can dự vào.
Nếu nói rằng Palin có đời tư không tốt đẹp thì những người chống đối liên danh McCain-Palin cũng nên nhớ rằng, cựu Tổng thống Bill Clinton đã tư tình với cô thư ký trẻ, vẫn chối tội và chỉ nhận tội, rồi xin lỗi quốc dân, sau khi cảnh sát kiếm được bằng chứng.
Cố Tổng thống Richard Nixon nhẹ tội hơn, chỉ cho nhân viên nghe lén việc bàn tính tranh cử của đảng Dân Chủ mà phải mất chức và thân bại danh liệt!
Tại sao người ta không biểu tình đòi TT. Bill Clinton từ chức như TT. Nixon?

KẾT LUẬN

Những người bi quan về số phận của đảng Cộng Hòa cho rằng: chỉ có trùm khủng bố Osama bin-Laden mới giúp cặp McCain-Palin thắng cử và nếu đa số da trắng chỉ bỏ phiếu cho da trắng thì Barack Obama mới thất cử.
Nhưng chúng ta cần thận trọng khi tìm hiểu sân khấu chính trị Hoa Kỳ.
Trường hợp 1:
Tổng thống George Bush (bố) được coi là anh hùng trong chiến tranh giải phóng Kuwait khỏi sự xâm lăng của Iraq vào năm 1991-1992; lại bị thất cử trước Bill Clinton, một anh sinh viên trốn quân dịch Việt Nam và là một TNS trẻ không mấy tên tuổi!
Trường hợp 2:
Tổng thống Bill Clinton đã thành công lớn trong hai nhiệm kỳ và đem lại sự phát triển kinh tế Mỹ chưa từng có trong nhiều thập niên trước đây; nhưng Phó Tổng thống Al Gore lại không thừa hưởng được sự thành công này trong cuộc tranh cử Tổng thống với George W. Bush (con) vào năm 2000.
Trường hợp 3:
Tổng thống George W. Bush thắng cử nhiệm kỳ 2 trước John Kerry, cũng anh hùng trong chiến tranh Việt Nam sau theo phản chiến; mặc dù đa số các chính phủ Âu châu và thế giới không thích George W. Bush vì hậu quả chiến tranh xâm lăng Iraq. Nhưng dân chúng Mỹ vẫn còn tín nhiệm, đa số bầu cho ông thêm một nhiệm kỳ nữa. George W. Bush thắng do thành quả của chính sách chống khủng bố và bảo vệ an ninh lãnh thổ.
Do đó ai thắng ai thua trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008 vẫn còn những biến cố bất ngờ có thể làm đảo lộn tình thế mà người ta gọi là những phép lạ!