Dân Chúa Âu Châu

BẦU CỬ PHÁP QUỐC

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Có phải Ségolène Royal, nữ ứng cử viên tổng thống đầu tiên trong lịch sử đã bị thất bại vì
"sống chung không hôn thú và bố chết không nhìn mặt?"

Trước khi tìm hiểu người thắng kẻ thua trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp, chúng tôi giới thiệu sơ qua về hai nhân vật trong số 12 ứng cử viên tranh cử vòng một ngày 22.4.2007 có số phiếu cao nhất được vào vòng hai ngày 06.05.2007:

I-SÉGOLÈNE ROYAL
1-Tiểu sử
Ségolène Royal sinh ngày 22.09.1953 trong căn cứ quân sự của Pháp tại Quakam, Dakar, Senegal khi bố, Jacques Royal, còn là Đại tá quân đội Pháp đóng tại đây. Mẹ Royal là Hélène Dehaye. Gia đình có 8 anh chị em: Marie-Odette, Marie-Nicole, Géhard, (Ségolène Royal), Antoine, Paul, Henry và Sigisbert. Sau khi kết thúc Trung học, Royal tiếp tục chương trình tại Chính trị Học Viện Paris (Institut d’ Étude Politiques de Paris – IEP), một Viện Đại học nổi tiếng thường được gọi tắt là "Sciences Po". Năm 1972, ở tuổi 19, Royal đã kiện cha ra tòa vì ông bố không chịu ly dị vợ, trợ cấp cho vợ và tài trợ cho các con về học vấn theo luật định. Sau nhiều năm tranh tụng, Royal thắng kiện trước khi bố chết vì bệnh ung thư vào năm 1981. Trong số 8 người con thì 6 đứa không muốn nhìn mặt bố theo yêu cầu của Royal! Từ thập niên 1970 Royal sống chung với Francois Hollande hiện là chủ tịch của đảng Xã Hội. Bà gặp ông tại trường Quốc Gia Hành Chánh và hai người có bốn con (Thomas, Clémence, Julien và Flora).
2-Sự nghiệp:
-Royal từng làm cố vấn pháp luật tại Tòa án Hành chính và được Jacques Attali, cố vấn đặc biệt của cố tổng thống Francois Mitterant mời vào ban Tham mưu chuyên trách về đảng viên trẻ tuổi từ 1982-1988. Sau đó trở thành một phó ủy ban trong Quốc Hội (1988-1992, 1993-1997, 2002…) và Bộ trưởng Môi trường dưới thời thủ tướng Pierre Bérégovoy năm 1992-1993. Khi các đảng cánh Tả thắng cử vào năm 1997, Royal ra ứng cử chủ tịch quốc hội, nhưng đa số lại đề cử Laurent Fabrius. Thay vào đó, bà được đề cử vào chức vụ phó bộ trưởng Giáo dục, rồi phó bộ trưởng Gia đình và Thanh thiếu niên từ năm 2000 tới 2002 trong chính phủ Lionel Jospin.
3-Trốn thuế:
Royal bị tố cáo trốn thuế về sự giầu có. Theo ký giả Peter Allen của báo Anh (The Independent) thì Royal cùng với chồng không hôn thú Hollande sở hữu 3 tòa nhà. Nhưng hai người muốn biến 3 tòa nhà này thành một công ty tư nhân để tránh phải trả thuế chung về gia sản, có thể lên tới 500.000 bảng Anh. Royal bị phanh phui vì trước đây chính bà từng đả kích kịch liệt danh ca nhạc Rock là Johnny Hallyday đã di chuyển sang Thụy Sĩ để tránh phải trả thuế cao tại Pháp. Hollande trong những tuần trước đây cũng đối nghịch giới trung lưu qua việc đề nghị tăng thuế những ai hưởng lương trên 4.000 Euro một tháng. Năm 2006, Hollande tuyên bố một câu nổi tiếng: "tôi không thích người giầu!" mặc dù hai người sở hữu chủ cả dẫy nhà ở ngoại ô Paris, vùng Boulogne-Billancourt và những biệt thự tại Riviera. Royal thì nổi tiếng ở khu bầu cử Melle, Deux-Sèvres.
4-Chương trình tranh cử:
Ngày 22.9.2005, trả lời cho báo Paris Match trong một cuộc phỏng vấn, Royal cho biết sẽ ứng cử tổng thống năm 2007. Năm 2006, khi luật lao động (CPE) của chính phủ bị chống đối mạnh mẽ, Royal lợi dụng các cuộc biểu tình tung ra chiến dịch tranh cử với khẩu hiệu "Sarko-Sego". Ngày 7.4.2006, Royal chính thức công bố chiến dịch tranh cử mang tên "Ước Vọng Tương Lai" (Désirs d’avenir) và tuyên ngôn chính trị (political manifesto) dài 10 chương. Theo Royal thì thành kiến về giới tính (sexism) trong đảng Xã hội là chướng ngại vật lớn đối với nữ giới về vấn đề được đảng chỉ định ra tranh cử.
Ngày 16.11.2006, Royal đánh bại các đối thủ Laurent Fabius và Dominique Strauss-Kahl ứng cử viên tổng thống của đảng Xã Hội. Bà thắng tại 101 trên 104 đơn vị đề cử. Một trong các cố vấn là Eric Besson đã từ chức ngay sau khi Royal công bố chương trình tranh cử mà ông này nghĩ là sẽ tốn hàng triệu Euro. Những người khác trong toán vận động tranh cử muốn trì hoãn thực hiện kế hoạch này. Eric Besson đã viết một quyển sách, xuất bản ngày 20.3.2007, có tựa đề là Ai hiểu được bà Royal? (Qui connait Madame Royal). Ông này tố cáo Royal là người tự cho mình là đại diện quần chúng (populist), độc quyền (authoritarian) và có khuynh hướng chống lại tiến bộ kỹ thuật (luddite). Eric Besson cũng nói mình sẽ không bỏ phiếu cho Royal và hy vọng bà sẽ thất cử. Ngày 18.2.2007, Royal cách chức Arnaud Montebourg, phát ngôn viên của bà, vì ông này tuyên bố một cách hóm hỉnh trên truyền hình rằng: bà Royal chỉ có một khuyết điểm là bạn đường (ám chỉ Hollande, chồng không hôn thú)
5-Về kinh tế
-Nếu thắng cử Royal sẽ tăng 5% tiền hưu trí cho người già, tăng lương tháng tối thiểu lên 1.500 Euro; tăng trợ cấp cho người tàn tật, giúp trả tiền đặt cọc thuê mướn nhà cửa cho giới nghèo; bảo đảm công việc và huấn nghệ cho các sinh viên trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp; hủy bỏ các giao kèo làm việc thích hợp cho các công ty nhỏ; bảo đảm sự tự do ngừa thai cho tất cả phụ nữ; miễn tiền lời khi tuổi trẻ vay 10.000 Euro v.v…
6-Về gia đình và xã hội
Royal đưa ra "luật quyền lợi và bổn phận của cha mẹ" (loi sur l’autorité parentale), Cải tiến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em sinh ra vô danh (l’accouchement sous X), chồng bỏ vợ phải chi trả cho con cái ăn học và bệnh hoạn (Parental leave), huấn luyện thêm y tá, cải tiến nhà ở, giúp sinh viên năm đầu (Allocation de rentrée scolaire), giảm thiểu số lượng gái giang hồ (Loi contre la prostitution des mineurs), luật chống sử dụng trẻ em làm phim khiêu dâm (la Charte de Prévention contre la pornographie Enfantine,CPPA), chống bạo hành trẻ em v.v…
7-Vấn đề nữ giới
Khi nhận ra tranh cử tổng thống, Royal tuyên bố: "Có sự tương quan mạnh mẽ giữa tình trạng của phụ nữ và tình trạng của sự công bằng hay không công bằng trong một nước". Theo tạp chí Ms, báo của dành cho nữ giới Mỹ, thì lương của nữ công nhân Pháp chỉ bằng 80% so với nam giới.
8-Về quan niệm tình dục
Năm 2000, khi còn giữ chức vụ Bộ trưởng Gia đình và Tuổi trẻ, Royal phát biểu chống lại phong trào đối kháng đồng tính luyến ái (Anti-Gay) tại trường học. Tháng sáu năm 2006 trong cuộc phỏng vần dành cho tổ chức tự do về dục tính LGBT, Royal phát biểu: "cởi mở hôn lễ cho các đôi đồng tính là cần thiết nhân danh sự bình đẳng, sự nhận thức và sự kính trọng và nếu tôi thắng cử, tôi sẽ ban hành đạo luật hợp thức hóa hôn lễ đồng tính và cho nhận con nuôi".
9-Về chính sách ngoại giao:
Royal chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ trở thành hội viên Liên Hiệp Âu Châu, chống lại tất cả chương trình nguyên tử của Iran. Bà bị chỉ trích vì không hiểu rõ Hiệp ước Hạn chế phổ biến Vũ khí Nguyên tử (the Nuclear Non-Proliferation Treaty) được ra đời vào năm 1968, có 188 quốc gia đã ký kết. Hiệp ước không ngăn cấm chương trình phát triển nguyên tử dân sự hay hòa bình, tức điện năng sử dụng trong kinh tế đã được Liên Hiệp Quốc thanh tra và chấp thuận.
Nhằm tạo uy tín trên chính trường thế giới Royal đã du hành tới Trung Đông vào tháng 12-2006, gặp Ali Ammar dân biểu của tổ chức khủng bố Hezbollah và thăm quốc hội Lebanon. Khi Ammar tuyên bố chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ tại Trung Đông là "sự điên rồ không có giới hạn của người Mỹ"(Unlimitted American Insanity!) và so sánh hành động của Do Thái tấn công Lebanon trong thời gian vừa qua giống như Đức Quốc Xã (Nazism) mà Royal không có phản ứng gì. Royal lại cám ơn Ammar là người thẳng thắn, mặc dù ngày hôm sau bà tới thăm Do Thái. Royal cũng đi thăm Trung Cộng vào tháng giêng 2007. Sau khi nói chuyện với một luật sư Tàu, bà tuyên bố hệ thống pháp luật của người Tàu "nhanh hơn" Pháp quốc! Nhưng báo chí chê bà có hiểu gì đâu. Mỗi năm Nhà cầm quyền Trung Cộng xử tử 10.000 phạm nhân và luật sư bào chữa phải được phép của Đảng Công sản. Tháng giêng năm 2007, khi gặp lãnh tụ đối lập của Québec và đảng trưởng đảng Québécios, Royal đã không ngần ngại tuyên bố ủng hộ phong trào đòi độc lập cho Québec, thành phố lịch sử do nhà thám hiểm Pháp tìm ra. Dân ở đây nói tiếng Pháp và nhiều lần tranh đấu đòi tách rời quốc gia Gia Nã Đại (Canada). Ngày 5.4.2007, bình luận về vụ hai nhà báo Pháp bị nhóm Taliban bắt cóc tai A Phú Hãn (Afghanistan), Royal kêu gọi Liên Hiệp Quốc phong tỏa các chế độ như Taliban. Lời tuyên bố này chứng tỏ Royal không hiểu biết gì về tình hình thế giới và nhóm Taliban đã một lần nắm quyền sinh sát, nhưng bị tan rã sau cuộc tấn công của Hoa Kỳ và Đồng Minh.

-Thất bại trong chính sách đối với Hoa Kỳ: Royal giống như các chính quyền cánh Tả ở Âu Châu luôn tỏ thái độ đối lập chính phủ Mỹ. Royal không ngần ngại tuyên bố với báo chí: "Vị thế ngoại giao của tôi không phải đi và quì xuống trước mặt George Bush!" Royal cũng hạ thấp giá trị của Sarkozy khi tuyên bố: "Sarkozy, một bản sao của Bush"(Sarkozy as a clone of Bush) và "một người Mỹ Tân-Bảo thủ mang thông hành của Pháp!" (an American neo-conservative carrying a French passport). Chống chiến tranh Iraq và đòi chính phủ Mỹ rút quân khỏi Iraq là giọng điệu tranh cử của Royal.

-Thất bại đối với Liên Hiệp Âu châu: Royal kêu gọi tái cấu trúc chính trị Âu Châu và như các tổng thống Pháp trước, chính sách của Royal là hội nhập, bảo vệ và can thiệp. Cần một hiến pháp, những đối nghịch với lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ, vấn đề ngoại giao, chính sách an ninh và độc lập quân sự v.v… Chiến dịch của Royal và đảng Xã hội là "Một Âu Châu mạnh để đối đầu và cạnh tranh với Hoa Kỳ". Khẩu hiệu này không khác với tư tưởng của phe De Gaulle. Trong cuộc phỏng vấn của báo Anh, tờ The Daily Telegraph, Royal cũng tấn công cả vào sự thân hữu và đồng minh giữa Hoa Kỳ và Anh quốc. Royal đòi Anh quốc phải chọn giữa "chư hầu" cho Hoa Kỳ hay Âu Châu.
Nói chung, chương trình của Ségolène Royal chỉ có ưu điểm cho giới nghèo về lãnh vực xã hội, lao động và giáo dục. Nhưng khi đưa ra những lời hứa hẹn như vậy Royal đã không chinh phục được sự tin tưởng của cử tri về vấn đề đào đâu ra tiền? Về phương diện kinh tế và ngoại giao thì Royal tỏ ra chưa hiểu biết đủ và có bản lãnh thuyết phục dân chúng và thế giới khâm phục.
II-NICOLAS SARKOZY
1-Tiểu sử
Nicolas Sarkozy sinh ngày 28.1.1955 tại Paris. Tên khai sinh là Nicolas Paul Stéphane Sarkozy de Nagy-Bocsa. Bố là Pal Sarkozy de Nagy-Bocsa, người Hung Gia Lợi di dân và mẹ Andrée Mallah, gốc Hy Lạp-Do Thái. Gia đình sở hữu đất đai và ngôi nhà nhỏ ở làng Alattýan, 92km về phía Đông thủ đô Budapest. Gia đình theo Tin Lành, nhưng bà nội lại là người Công giáo. Trong thế chiến II nước Hung Gia Lợi bị cai trị bởi chế độ Phát Xít, đồng minh của Hitler. Khi Hồng Quân Nga tiến vào Hung Gia Lợi năm 1944 gia đình Sarkozy chạy sang Đức quốc, rồi trở về nước năm 1945; nhưng toàn bộ gia sản bị cướp đoạt. Sau đó ông nội của Sarkozy bị chết và bà nội sợ con bị cưỡng bức vào quân đội sẽ bị đưa đi Tây Bá Lợi Á (Siberia); nên khuyên bố của Sarkozy phải trốn ra khỏi nước. Bà cũng hứa sẽ theo sau và hẹn gặp nhau tại Paris. Bố của Sarkozy chạy sang Áo quốc, rồi sang Đức. Bị hạch hỏi, bà nội khai với chính quyền là con trai mình bị chết đuối ở hồ Balaton. Cuối cùng bố của Sarkozy tới được vùng Baden gần biên giới Pháp, nơi đặt Bộ Chỉ Huy của Quân đoàn Pháp. Tại đây bố của Sarkozy tình nguyện gia nhập Binh đoàn Ngoại quốc của Pháp trong thời gian 5 năm. Ông được gửi đi huấn luyện quân sự tại Sidi Bel Abbes, thuộc Angéria, Phi châu. Theo chương trình thì ông sẽ được gửi sang chiến trường Đông Dương (Việt Nam, Lào và Căm Bốt) khi mãn khóa. Nhưng một bác sĩ khám sức khoẻ trước khi ông đi lại là người Hung Gia Lợi đã cảm thông hoàn cảnh, nói ông khai bệnh và cho thuốc. Nhờ thế ông không bị gửi tới chiến trường Việt Nam, nơi mà ông có thể bị Việt Minh bắn chết trên trong các cuộc giao ranh. Sau đó ông trở về đời sống dân sự vào năm 1948, cư ngụ tại thành phố Marseille. Mãi tới thập niên 1970 ông mới được cấp quốc tịch Pháp và chuyển về sinh sống tại Paris, làm việc trong một xưởng quảng cáo nghệ thuật. Ở Paris, Pal Sarkozy đã gặp và yêu nàng sinh viên luật Andrée Mallah vào năm 1949.
Theo Sarkozy kể thì không phải bố mà ông nội có ảnh hưởng trực tiếp tới quan điểm chính trị của mình. Quan điểm này dựa trên tinh thần chủ quyền độc lập của Pháp về phương diện chính trị, quân sự, kinh tế và xã hội do cố tổng thống Charles de Gaulle đề ra (Gaullisme). Bố của Sarkozy theo Do Thái giáo hệ phái Sephard Jew, nhưng trở lại Công Giáo. Vì thế niềm tin Công Giáo của Sarkozy được vững mạnh ngay từ trong gia đình. Ông từng tuyên bố thần tượng của mình là ĐGH Gioan- Phaolô II. Tuổi nhỏ Sarkozy học Tiểu học và Trung học tại trường Công giáo Cours Saint-Louis de Monceau. Sau đó vào đại học và tốt nghiệp Cử nhân Luật tại Université Paris X Nanterre và Học viện Chính trị quốc gia Paris (Institut d’ Etudes Politiques de Paris (thường gọi là Science Po). Sau khi tốt nghiệp Sarkozy trở thành luật sư chuyên về luật thương mại và gia đình. Với tài năng của một luật sư, ông đã ly dị được người vợ thứ nhất và giúp mẹ kiện bố để đòi trợ cấp ly dị cao hơn.

2-Về tình cảm gia đình: Ngày 23.9.1982, Sarkozy kết hôn với Marie-Dominique Culioli, con của một nha sĩ ở Vigo, một làng thuộc đảo Corsia. Hai người sinh được 2 trai, Piere (1985) và Jean (1987). Hai vợ chồng lâm vào cảnh cơm không ngon, canh không ngọt, sau nhiều năm ly thân, Sarkozy quyết định ly dị vợ vào năm 1996. Nàng Culioli vẫn ngoan đạo và xác nhận luôn cầu nguyện cho Sarkozy. Khi làm thị trưởng Neuilly, Sarkozy gặp Cécilia Ciganer-Albéniz, bố người Nga và ông nội là nhạc sĩ Isaac Albéniz. Lúc đó Cécilia đã thành hôn với Jacques Martin, Giám đốc đài truyền hình. Năm 1989, Cécilia bỏ Martin theo Sarkozy. Sau khi Cécilia ly dị chồng Sarkozy cưới bà vào tháng 10.1996 và năm 1997 hai người cho ra đời một trai tên Louis. Giữa năm 2002 và 2005, hai người thường cùng nhau xuất hiện trước công chúng trong các dịp lễ. Nhưng bất ngờ ngày 25.5.2005, nhật báo Thụy sĩ, tờ Le Martin, tung tin Cécilia bỏ Sarkozy để theo người tình Richard Attias, người Pháp gốc Marốc, giám đốc tập đoàn quảng cáo tại Nữu Ước. Năm 2005, báo chí lại tung tin Sarkozy có liên hệ tình cảm với Anne Fulda, một ký giả của báo Le Figaro. Nhưng cuối cùng Sarkozy và Cécilia lại nối lại tình xưa! Năm 2006, Sarkozy nói với báo chí rằng ông đã mời Cécilia trở về từ Hoa Kỳ, mặc dù không ai hiểu rõ hoàn cảnh của hai người như thế nào. Bất ngờ hơn, trong lúc Sarkozy xuất hiện trước quảng trường Concorde ở Paris mừng thắng cử, người ta lại thấy Cécilia đứng bên chồng, Tân tổng thống Pháp! Cécilia xuất thân từ một gia đình mang hai dòng máu: Tây Ban Nha - Do Thái.

3-Về chính trị: Sarkozy từng là phát ngôn viên trong các đại hội của đảng. Ông được cánh Tả cũng như cánh Hữu công nhận là có năng khiếu về chính trị và có tài diễn thuyết. Theo những người ủng hộ ông thì Sarkozy có sức hấp dẫn về cải tổ chính trị và "đột phá" những gì không hiệu quả trong chính sách. Người ta nghĩ là ông có khuynh hướng cải tổ xã hội và kinh tế theo chính sách của Hoa Kỳ và Anh quốc. Từ tháng 11.2004, ông là chủ tịch của Liện hiệp Phong trào Quần chúng UMP (Union pour un Mouvement Populaire), nơi qui tụ phần lớn đảng phái chính trị thiên Hữu. Sarkozy từng là Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền Dominique de Villepin và nổi tiếng đến nỗi người ta gọi là Bộ trưởng Quốc gia (Minister of State), đứng sau tổng thống Jacques Chirac và Thủ tướng Villepin. Trước khi làm Bộ trưởng, Sarkozy là một Phó Chủ tịch Quốc Hội năm 1998 và phải từ chức để được bổ nhiệm vào chức vụï Bộ trưởng.
Sarkozy bắt đầu hoạt động chính trị năm 22 tuổi, khi trở thành cố vấn thành phố Neuilly-sur-Seine, một khu giầu có đặc biệt phía Tây ngoại ô Paris. Là một hội viên của đảng cánh Hữu Tân thời, Neo-Gaullit Party (RPR), Sarkozy đã được bầu làm Thị trưởng sau cái chết của Achille Peretti, một thân hữu mà mẹ của Sarkozy từng là thư ký của ông ta. Sarkozy là Thị trưởng trẻ nhất trong các thị trưởng vào thời đó và giữ chức vụ trong một thời gian khá dài, từ 1983 tới 2002. Năm 1993, Sarkozy đã tự mình đối thoại với tên khủng bố bắt giữ học sinh tại trường Kindergarten ở Neuilly trong vụ "Human Bomb". Hai ngày sau thì tên khủng bố bị cảnh sát đột nhập vào trường học và bắn chết. Từ năm 1993 tới 1995, Sarkozy giữ các chức vụ như: Bộ trưởng Ngân sách, Phát ngôn viên của Ủy ban Hành chính của Nội các chính phủ Édouard Balladur và từng bảo vệ tổng thống Chirac. Năm 1995, Sarkozy lại ủng hộ Balladur ra tranh cử tổng thống. Sau khi đắc cử, Jacques Chirac cất chức Sarkozy. Khi cánh Hữu bị thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội 1997, Sarkozy trở lại hoạt động và đứng thứ 2 trong đảng RPR. Sau đó lên nắm chức vụ chủ tịch đảng khi Philippe Séguin từ chức. Năm 2002, Chirac tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2 và bổ nhiệm Sarkozy vào chức vụ Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ Jean-Pierre Raffarin, rồi chuyển qua BT Tài chính năm 2004.

4-Chính sách: Cuối nhiệm kỳ Bộ trưởng và vào năm 2004 Sarkozy trở thành nổi tiếng nhất trong quần chúng; nhưng lại không nổi tiếng trong giới chính trị Bảo thủ. Chính sách tăng cường cảnh sát xuất hiện trên đường phố, công bố tình trạng phạm pháp hàng tháng đã chinh phục được sự ủng hộ của đa số dân Pháp; nhưng người ngoại quốc thiểu số lại chống đối. Trước tình trạng bạo động của thanh thiếu niên, Sarkozy cố gắng làm giảm sự căng thẳng giữa người Pháp và các dân tộc thiểu số khác. Đối với người Công Giáo và Tin Lành vấn đề không khó khăn, vì có các nhà lãnh đạo tinh thần hướng dẫn. Nhưng đối với dân Muslim thì vấn để trở nên khó khăn hơn, không có nhóm nào có tư cách pháp lý và quyền đại diện đối thoại với chính phủ. Vì thế, tháng 5.2003, Sarkozy hỗ trợ cho việc hình thành một tổ chức bất vụ lợi mang tên "Hội Đồng Pháp của người Muslim" (Conseil francaise du culte musulman). Hội đồng này sẽ đại diện cho toàn thể người theo Hồi Giáo. Sarkozy cũng dựa vào đạo luật năm 1905, tách rời Giáo Hội ra khỏi Quốc Gia để có thể tài trợ việc xây đền thờ và trường học cho người Muslim, để ít bị lệ thuộc vào tiền bạc từ nước ngoài.
Về tài chính thời Thủ tướng Balladur: Sarkozy đã giới thiệu chính sách qua các Nghị định phản ảnh từ thuyết tự do (libéralisme) như: Không trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh tế, nhưng theo truyền thống Pháp cần can thiệp (dirigisme). Nhằm khuyến khích tư hữu hóa, Sarkozy quan tâm đến sự giảm cổ phần của chính phủ từ 50,4% xuống 41% trong công ty điện thoại Télécom; hỗ trợ quốc hữu hóa một phần công ty Alstom bị phá sản năm 2003; thỏa thuận với các nhà bán lẻ để giảm giá hàng xuống 2%; giảm thiểu thuế đánh vào sự giầu sang "ISF" chứ không hủy bỏ hoàn toàn theo khuynh hướng của nhiều người cánh Hữu cũng như cánh Tả, đặc biệt trong giới kinh doanh. Sarkozy cho rằng nó là món quà chỉ dành cho giới giầu trong khi nền kinh thế Pháp đang gặp khó khăn.
Nhiệm kỳ 2 BT Nội vụ thời Thủ tướng Villepin và chủ tịch UMP: Sarkozy không chủ trương cứng rắn như chính sách "Luật pháp và Trật tự" (law and order) đã ban hành. Vụ bạo động mùa Thu năm 2005 khiến ông đặt lại vấn đề phải áp dụng luật pháp. Sarkozy bị cánh Tả tố cáo là khiêu khích những người trẻ bạo động bằng cách gọi họ là kẻ phạm pháp, dân ngu cu (khu) đen (racaille-rifraff) ở khu Argenteuil gần Paris. Sau vụ hai thanh niên biểu tình bị chết khiến nhóm trẻ bạo động đốt xe phá tiệm, Sarkozy phê phán họ là "quân cướp và băng đảng" (hoodlums and gangsters). Sau các vụ bạo động, Sarkozy đưa ra chính sách thanh lọc, theo dõi di dân và tu chính sắc lệnh của chính phủ năm 1945 về vấn đề bạo động của tuổi trẻ. Trong thời kỳ làm chủ tịch UMP, Sarkozy đã đem thắng lợi về cho đảng, đạt 85% phiếu của cử tri và số đảng viên gia tăng. Ông đã ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp Âu châu. Trong năm 2005, Sarkozy đã kêu gọi cải tổ chính sách kinh tế và xã hội. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Le Monde vào ngày 8.9.2005, Sarkozy đã nhận định rằng "Pháp quốc đã lầm đường 30 năm vì những hứa hẹn giả dối, và tố cáo cái mà ông cho là các chính sách không thực tế."(the French had been misled for 30 years by false promises, and denounced what he considers to be unrealistic policies).
Sarkozy muốn tổ chức hệ thống thuế giản dị hóa và cân đối hơn để tránh các lỗ hổng trốn thuế và mức độ thuế tối đa đánh vào lợi tức là 50% – Ban hành biện pháp giảm hay từ chối trợ cấp xã hội đối với những người thất nghiệp không chịu nhận công việc do chính quyền địa phương tìm kiếm cho họ. –Giảm sự thâm thủng trong ngân sách. –Cải tổ hệ thống di dân và ấn định một số lượng dành cho thợ khéo tay nghề cần thiết cho kinh tế Pháp quốc - Cải tổ hệ thống sinh viên ngoại quốc. Thay vì sinh viên ngoại quốc có thể theo các khóa học để được cư trú tại Paris, Sarkozy muốn chọn các sinh viên ưu tú cho các khóa học tốt nhất tại Pháp.

5-Về ngoại giao: như các chính trị gia Pháp khác, Sarkozy không tán thành cuộc xâm lăng Iraq của Hoa Kỳ. Nhưng ông không đồng ý về quan điểm chống chiến tranh của dân Pháp qua cách phát biểu của TT. Jacques Chirac và Bộ trưởng ngoại giao Dominique de Villepin. Sự bất đồng này được chứng minh qua lời Sarkozy phát biểu tại Hội Mỹ-Pháp ở Hoa Thịnh Đốn ngày 12.9.2006: "sự cao ngạo của Pháp và cách gây rối không tốt đẹp đối với đồng minh!" Sarkozy cũng nói thêm là chúng ta không bao giờ nên tỏ thái độ bất bình đưa tới xung đột".
III-KẾT QUẢ BẦU CỬ
1-Nicolas Sarkozy đạt được 53,5% tổng số phiếu của cử tri đi bầu và trở thành tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2007-2012

2-Ségolène Royal được 46,5%.
Người phụ nữ Pháp đầu tiên ra tranh cử tổng thống đã bị thất bại có phải vì sống chung không hôn thú, bố chết không gặp mặt và ủng hộ đồng tính luyến ái?