Dân Chúa Âu Châu

DƯ LUẬN NGHĨ GÌ VỀ SỰ KIỆN ĐGH BIỂN ĐỨC XVI TIẾP THỦ TƯỚNG VIỆT CỘNG?

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Trong tháng vừa qua, biến cố được bàn tán nhiều nhất đối với người Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoại quốc là sự kiện ĐGH Biển Đức XVI tiếp Thủ tướng Việt Cộng (VC) Nguyễn Tấn Dũng.

Người ta tự hỏi:

-Tại sao ĐTC lại đi tiếp một Thủ tướng Cộng sản vô thần như vậy?
-Chính sách chống cộng của Tòa Thánh Vatican còn cứng rắn như thời ĐGH Piô XII (1878-1945) và Gio-an Phao-lô II (1920-2005) không?
Và còn nhiều thắc mắc của những người chống đối Giáo Hội Công Giáo mà người ta có thể đọc trên báo và hệ thống Internet.
Để tìm hiểu biến cố vừa qua có lợi hay có hại cho dân tộc VN, chúng tôi sẽ trình bày các điểm sau đây:

I- TẠI SAO THỦ TƯỚNG VIỆT CỘNG TÂY DU VÀ YẾT KIẾN ĐGH?

Có 3 nguyên nhân:

1- Giới thiệu nhãn hiệu "Việt Nam" trên thị trường Âu châu và Thế giới.

Sau khi Việt Nam được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Thủ tướng VC muốn đem chuông đi đánh xứ người không ngoài mục đính chứng minh cho thế giới biết VN đã có sự cải tiến về pháp luật, kinh tế, thị trường và môi trường, để kêu gọi các nhà đầu tư ngoại quốc đổ tiền vào kinh doanh tại VN.

2-Mượn danh nghĩa là hội viên WTO để xin viện trợ và đầu tư

Trong các nguồn tài trợ cho VN về tài chính thì Âu châu và Hoa Kỳ là chỗ tựa lớn và bảo đảm nhất tại Ngân Hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền Tệ Thế giới (IMF). Vì thế, Nguyễn Tấn Dũng cần sự giúp đỡ của các chính phủ Tây phương và Hoa Kỳ, mà không hành động nào gây nên sự chú ý và ủng hộ có hiệu quả lớn đối với giới doanh nhân và các công ty đầu tư bằng các cuộc thăm viếng cấp thủ lãnh quốc gia.
Sở dĩ Nguyễn Tấn Dũng phải đôn đáo đi xin viện trợ, yêu cầu ngoại quốc giúp đỡ và đầu tư vào VN, vì nền kinh tế của VN tuy có phát triển, nhưng mức độ còn khá khiêm nhường. Theo sự đánh giá và xếp hạng của Heritage Foundation và báo Wall Street Journal thì VN bị xếp hạng 138 trên tổng số 157 quốc gia và thứ 25 trên 30 nước Á châu về tự do kinh tế.
Sự đánh giá này dựa trên 10 tiêu chuẩn tự do: tự do kinh doanh, thương mại, tài chính của chính phủ, tiền tệ, mức độ can thiệp của chính phủ, đầu tư, quyền sở hữu, lao động và mức độ tham nhũng.
Dựa theo tiêu chuẩn trên, VN bị xếp hạng thấp về tự do thương mại, đầu tư, tài chính, quyền sở hữu và tình trạng tham nhũng.

3- Lợi dụng ĐGH làm "bình phong" về vấn đề tự do tôn giáo

Sau hơn 30 năm mà các phong trào và đảng phái chính trị của người quốc gia không làm cho VC phải sợ, thì chỉ còn các tôn giáo là mối lo ngại cuối cùng đối với họ. Từ trước đến nay VC vẫn bị thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu, liệt vào danh sách các quốc gia xâm phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Để hóa giải dư luận không tốt đẹp gì cho bộ mặt độc tài đảng trị, Nguyễn Tấn Dũng muốn ra mắt ĐGH, vị Giáo chủ Công giáo mà cả thế giới đều ngưỡng mộ; vị lãnh đạo tinh thần mà đảng CS hy vọng sự giao hảo với Vatican sẽ giúp họ xóa tan được những ám ảnh về hành động đàn áp tôn giáo do Chế độ Cộng sản gây ra.
Nguyễn Tấn Dũng cũng lợi dụng uy tín của ĐGH để dễ dàng thực hiện nhiều kế hoạch đã dự định.
Ví dụ: ĐGH không phải là một nhà đầu tư, Vatican không phải là công ty đầu tư về mọi lãnh vực. Nhưng uy tín và lời nói của Ngài có giá trị khó đo lường được. Người am hiểu thì quá rõ rằng, với uy tín bao trùm Thế giới, Ngài có thể "bảo đảm" bằng sự khuyến khích về một vấn đề kinh tế hay tài chính giá trị hàng triệu Mỹ-kim. Về chính trị thì một lời nói của Ngài có cả tỷ người ủng hộ. Một lời phát biểu chống CSVN của ĐGH cũng sẽ có ảnh hưởng tai hại vô cùng trên chính trường và thị trường thế giới, mà Nguyễn Tấn Dũng và Đảng CS không bao giờ muốn.

4-Tạo mâu thuẫn và ly gián giữa các tôn giáo để củng cố Đảng.

Sự lên án CSVN vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo có hiệu quả nhất phát xuất từ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu châu, các quốc gia có quá trình lịch sử xây dựng đất nước trên nền tảng Thiên Chúa Giáo từ ngàn xưa.
Khi bang giao được với Vatican thì CSVN có thể hóa giải sự chống đối trong Thế giới Công Giáo, không chỉ tại VN mà cả Hoa Kỳ và trên thế giới.
Khi bang giao được với Vatican, CSVN muốn chứng minh họ không quá quan tâm tới sự chống đối của các tôn giáo khác, vì các tôn giáo này không có Giáo chủ Hoàn vũ, như ĐGH, để đại diện chính thức bênh vực quyền lợi cho tôn giáo mình trên diễn đàn Quốc tế.
Khi các tôn giáo khác không được hưởng các "đặc ân" mà CSVN có thể sẽ dành cho Giáo Hội Công Giáo trong kế hoạch "ly gián", thì họ sẽ chống cả CS và Công giáo. "Mầm mâu thuẫn nội tại", một nguyên lý đấu tranh cơ bản của Chủ nghĩa Cộng sản, sẽ bộc phát và làm suy giảm tiềm năng chống VC, một chiến thuật mà Cộng sản Quốc tế và VN đã và đang áp dụng triệt để.
Hậu quả cho thấy đã có những bài viết phê bình ĐGH và đả phá đạo Công Giáo xuất hiện trên báo chí và Internet, vừa với tư cách cá nhân, vừa lợi dụng danh nghĩa tôn giáo khác.

II- TÒA THÁNH VATICAN VÀ VẤN ĐỀ NGOẠI GIAO

-Về tổ chức lãnh thổ thì quốc gia Vatican được thành hình qua hiệp ước Lateran (Lateran Treaty) năm 1929 giữa chính phủ Ý và Tòa Thánh. Hiện nay Vatican có quan hệ ngoại giao với 175 quốc gia và hàng chục tổ chức Quốc tế. Ngoài vị trí Giáo đô của người Công giáo, La Mã (Roma) còn là thủ đô của quốc gia Vatican. Vì thế, bất cứ cuộc tiếp kiến nào của ĐGH hay Hồng Y Quốc Vụ Khanh với các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới cũng chỉ mang tính cách ngoại giao.
Nếu Việt Nam đã trở thành hội viên Liên Hiệp Quốc và các tổ chức Quốc tế khác thì việc tiếp Thủ tướng VC cũng chỉ là hoạt động mang tính cách ngoại giao.
Nếu từ chối tiếp một thủ lãnh CS thì Tòa Thánh Vatican lại tự mình vi phạm các nguyên tắc về ngoại giao và công pháp quốc tế.

Thực ra, Nguyễn Tấn Dũng không phải là thủ lãnh CS đầu tiên yết kiến ĐGH. Trong quá khứ, ĐGH Gio-an Phao-lô II đã tiếp Trùm cộng sản Sô Viết, Tổng Bí Thư Mikhail Gorbachev, lần thứ nhất vào ngày 1.12.1989 và lần thứ hai vào tháng 12-1991. Cuộc gặp gỡ này đã đánh dấu bước ngoặc lịch sử của thế giới và cũng là một trong số các nguyên nhân đưa tới sự sụp đổ Đế quốc Cộng sản Sô Viết. Trong cuộc hội kiến với ĐGH, Gorbachev đã mời Ngài thăm viếng Nga Sô và hứa sẽ có tự do tôn giáo tại Liên Bang Sô Viết.
Thực tế đã chứng minh và người ta không thể tưởng tượng được kết quả mỹ mãn của cuộc hội kiến lịch sử trên. Sau đó hàng loạt các cuộc họp giữa TBT. Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, George Bush để đi tới các hiệp ước tài giảm binh bị, đặc biệt giảm thiểu số lượng đầu đạn và bom nguyên tử. Đế quốc Sô Viết và các Chế độ Cộng sản Đông Âu lần lượt sụp đổ. Ngày 8.12.1991 Liên Bang Sô Viết tan rã và ngày 20.12.1991, Tổng thống Boris Yeltsin đã sang yết kiến ĐGH, để rồi kỷ nguyên tự do dân chủ, tự do tôn giáo bắt đầu nở hoa tại Nga Sô và các nước lân bang.

ĐGH Gio-an Phao-lô II sau khi nhậm chức Giáo Hoàng đã trở về thăm quê hương còn đang lầm than dưới Chế độ tàn ác Cộng sản Ba Lan vào năm 1979. Ngài đã gặp Lech Valesa, thủ lãnh Công đoàn Đoàn kết (Solidarnosc) như một hình thức trực tiếp ủng hộ Công đoàn này trong mục tiêu đòi độc lập và tự do. Vai trò quan trọng của ĐGH đối với sự sụp đổ Chủ nghĩa Cộng sản Nga và Đông Âu đã được các nhà lãnh đạo quốc gia công nhân. Các nhà bình luận thời cuộc thế giới và Timothy Garton Ash, sử gia được biết đến qua hàng chục tác phẩm và bài bình luận về chính trị; và là ký giả chuyên mục chính trị của nhật báo nổi tiếng ở Anh quốc, tờ "The Guardian", cũng nhận định rằng:
"Không có ĐGH thì không có Công đoàn Đoàn kết. Không có Công Đoàn Đoàn Kết thì không có Gorbachev và không có Gorbachev thì chủ nghĩa Cộng sản không sụp đổ".
(Timothy Garton Ash put it this way, "Without the Pope, no Solidarity. Without Solidarity, no Gorbachev. Without Gorbachev, no fall of Communism).

Ngày 3.3.1992, báo Ý, tờ La Stampa có đăng tin cựu TBT Mikhail Gorbachev, người nắm quyền lực lớn nhất trong Thế giới Cộng sản, đã xác nhận công khai vai trò của Đức Gio-an Phao-lô II về sự sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản:
"Những gì xẩy ra ở Đông Âu trong những năm gần đây không thể xẩy ra, nếu không có sự hiện diện của Giáo Hoàng này và vai trò vĩ đại cả về chính trị mà Ngài đã đóng trên sân khấu Thế giới."
(Gorbachev himself who acknowledged publicly the role of John Paul II in the fall of Communism. "What has happened in Eastern Europe in recent years would not have been possible without the presence of this Pope, without the great role even political that he has played on the world scene" (La Stampa, March 3, 1992).
-Phải chăng sự tiếp xúc của ĐGH Gio-an Phao-lô II với Trùm CS Sô Viết đưa tới sự tiêu hủy Chủ nghĩa Cộng sản và sự tan rã của các Chế độ Sô Viết và Đông Âu chỉ có lợi cho Công Giáo?
Sau chiến thắng huy hoàng tại Ba Lan, Đông Âu và Liên Bang Sô Viết, người ta ca tụng nỗ lực của Vatican khắp nơi trên Thế giới và ĐGH Gio-an Phao-lô II được coi là biểu tượng sáng chói trong thế kỷ 20.

Nhưng sau khi không còn sợ cộng sản nữa thì hình ảnh Vatican bắt đầu lu mờ dần trong trí óc của những kẻ phá đạo.
-Họ muốn hạ uy tín của Giáo Hội Công Giáo bằng cách moi lại lịch sử thời Trung cổ để chứng minh những sai lầm trong quá khứ.
-Họ muốn hạ uy tín của Giáo Hội Công Giáo bằng cách moi ra các vụ lạm dụng tình dục trẻ em của một số tu sĩ, nhằm bôi bác phẩm trật của Giáo Hội.
-Họ muốn hạ uy tín của Giáo Hội Công Giáo bằng cách tung ra những sách và phim xuyên tạc lịch sử về Đức Giê-su. Dan Brown là một kẻ ham tiền bạc đã bán lương tâm mình qua sách Mật Mã Da Vinci mà Nguyệt san Dân Chúa Âu Châu đã lột trần những gian trá của ông ta trong các số báo 283, 284, 285+286 năm 2006.

III- GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM THÌ SAO?

Nhân vụ biến cố Thủ tướng VC yết kiến ĐGH Biển Đức XVI, trên báo chí và Diễn đàn Internet, có những bài viết phê bình đường lối ngoại giao của Vatican và thái độ im lặng của Giáo Hội Công Giáo VN.
Họ dựa vào một số sự kiện trong lịch sử chiến tranh cũng như chính sách đàn áp tôn giáo, sự không tôn trọng nhân quyền của CSVN hiện nay để phê phán Giáo Hội Công Giáo là yếu kém.
Họ cho rằng Vatican muốn bang giao với các Chế độ Cộng sản, nên Giáo Hội Công Giáo tại các nước CS, trong đó có VN, không có biện pháp cứng rắn đối với các tổ chức Công giáo Quốc doanh và không công khai lên án các hành động tàn ác của Chế độ.
Nhưng họ nên hiểu rằng, về tu sĩ, Tòa Thánh Vatican đã qui định rõ trong Giáo Luật qua các Điều dưới đây:
Điều 285:
(1): Các giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp với bậc mình, theo như những qui định của luật địa phương.
(3): Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự.
Điều 287:
(2): Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy.
Như vậy, tu sĩ không được phép tham dự vào cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo do Đảng CSVN tạo ra. Lý do: cái Mặt Trận này là của Đảng CS, một đảng dựa trên nền tảng thuyết duy vật, vô thần, chống tất cả các tôn giáo, thì không lẽ tu sĩ của một tôn giáo lại đi hợp tác với địch thù của đạo.
Nếu có ai nói rằng Công Đồng Vatican II đã canh tân nhiều vấn đề, trong đó có việc Giáo Hội cho thắp nhang hương, quì bái trước bàn thờ Tổ Tiên hoặc có ai nói rằng tu sĩ cũng là công dân v.v… thì nên nhớ là Hiến Chương Mục Vụ của Công Đồng Vatican II có ghi:
"Người ta lên án bất cứ thể chế chính trị nào, như hiện có ở một vài nước, nếu nó ngăn cản quyền tự do công dân hoặc tín ngưỡng, nếu nó làm gia tăng con số nạn nhân của tham lam và của tội ác chính trị, nếu nó làm cho việc cai trị đi lệch đường, thay vì mưu cầu công ích lại phục vụ cho một tập đoàn hay chính những người cầm quyền" (Hiến Chế Mục Vụ, 73d)
Thực tế mà nói, cho tới nay không thấy tài liệu nào chứng minh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) tích cực hợp tác với chế độ CS, kể cả trong Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ).
Về phương diện tôn giáo, HĐGMVN vẫn tuân phục và thi hành các qui chế cũng như chỉ thị của Tòa Thánh Vatican trên căn bản Phúc Âm, công lý và hòa bình. Khách quan mà nói, đây chỉ là vấn đề thi hành các nguyên tắc quản trị và hoạt động theo cơ cấu tổ chức của một tổ chức Quốc tế, đạo cũng như đời.
Về phương diện quốc gia, HĐGMVN vẫn đòi hỏi tự do, dân chủ, chống bất công và tham nhũng, đòi lại tài sản đã bị VC cướp lấy. Về nhiệm vụ công dân của nước VN thì HĐGM cổ võ cho việc xây dựng đất nước được giầu mạnh, khuyến khích giáo hữu tham gia vào các hoạt động xã hội, giáo dục, y tế, giúp đỡ người nghèo v.v...
Nếu đọc kỹ các văn bản và Thư Chung của HĐGMVN, người ta hiểu được quan điểm của các Ngài. Các Ngài đã trải qua bao kinh nghiệm đau buồn dưới thời Việt Minh, hai chế độ Cộng Hòa miền Nam và Cộng sản hiện nay. Trong bối cảnh chính trị muôn mặt như hiện nay, HĐGM lại càng cần phải khôn ngoan và thận trọng hơn bao giờ hết.
Nếu có một số tu sĩ và giáo dân hoạt động trong MTTQVN hay một tổ chức nào đó do VC giật dây, hoặc tổ cò mồi cho Nhà Cầm quyền, thì đó chỉ với tính cách tự nhân hoặc khu vực. Họ không đại diện cho hàng Giáo sĩ, HĐGM và Cộng đồng Công giáo VN. Người Công Giáo vẫn hy vọng "các con chiên lạc đường" này sẽ hồi tâm và quay về đường ngay nẻo chính.
KẾT LUẬN
Qua một số vấn đề nêu trên, chắc hẳn quí độc giả cũng thấy rằng, Tòa Thánh Vatican và HĐGMVN có đường lối độc lập, cả về phương diện đạo và đời. Không ai, kể cả các đảng phái chính trị hay tôn giáo có thể làm áp lực hay đưa yêu sách đòi hỏi ĐGH phải ủng hộ khuynh hướng này hay phong trào nọ. Dĩ nhiên, về phương diện tự do báo chí, tự do tư tưởng, họ có quyền phát biểu ý kiến và gửi thư đề nghị.
30 năm qua dân Việt nói chung và Công giáo "thiểu số" nói riêng mong chờ các tổ chức, phong trào và đảng phái chính trị phất cờ hay vung gươm chống Cộng. Nếu không bằng dưới hai thời VNCH, thì ít nhất cũng chứng tỏ được sức mạnh và sự thuyết phục có hiệu quả tốt đẹp cả đối với người Việt tị nạn, cũng như đối với các chính quyền trên Thế giới, để CSVN phải khiếp sợ. Nhưng sau hơn 30 năm, dân ta vẫn tiếp tục bị đè đầu bóp cổ, kể cả các tôn giáo, chỉ vì ý chí lật đổ chế độ CS độc tài đảng trị của các tổ chức chính trị ở ngoại quốc dường như đang lu mờ dần.
Như vậy, người ta cũng không nên qui trách nhiệm cho Giáo Hội Công Giáo VN và Tòa Thánh Vatican, hai cơ cấu nặng về tôn giáo hơn là thiên về chính trị trần tục.

(ĐGH Gio-an Phao-lô II
tiếp TT.
Boris Yeltsin).

Nếu cuộc hội kiến của ĐGH Gio-an Phao-lô II với TBT. Gorbachev và TT. Boris Yeltsin đã đem lại tự do dân chủ cho Liên Bang Sô Viết và Đông Âu thì:
-Tại sao người ta không có quyền hy vọng sau cuộc gặp gỡ giữa ĐGH Biển Đức XVI và Thủ tướng VC, đất nước Việt Nam sẽ có những biến chuyển thuận lợi cả về phương diện chính trị và kinh tế; cả về lãnh vực tôn giáo và nhân quyền?