Dân Chúa Âu Châu

NHÂN QUỐC HẬN 30.4.1975 – 30.4.2008

Xin Đừng Quên Cầu Nguyện Cho Hơn 5 Ngàn Nạn Nhân Bị Việt Cộng Tàn Sát Ở Huế Tết Mậu Thân năm 1968

BY: SÀI GÒN VIỄN TỬ

Đôi lời mở đầu

Sau 33 năm xa quê hương, có lẽ người Việt đã quên dần những cảnh tàn sát đẫm máu trong chiến tranh Việt Nam do Cộng sản Việt Nam (CSVN) gây ra.
Đối với tuổi trẻ thì các biến cố này có lẽ chỉ còn là những câu chuyện lịch sử, vì các em không thực sự sống trong hoàn cảnh đau thương hay trải qua những biến cố thăng trầm của đất nước. Đọc tài liệu một chiều của CSVN tuổi trẻ không thể hiểu hết nguyên nhân cuộc chiến.
Khi đảng CSVN vẫn còn độc đoán cai trị đất nước, đàn áp các nhà đấu tranh đòi dân chủ tự do, và tổ chức ăn mừng cướp được miền Nam ngày 30.04.1975, thì người Việt tị nạn chân chính vẫn còn nhớ mãi các hành động giết người đẫm máu của họ trong toàn cuộc chiến và sau chiến tranh.
CSVN đã gây ra nhiều vụ thảm sát lớn nhỏ khác nhau; nhưng trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới vụ quan trọng nhất là: biến cố giết người tập thể tại cố đô Huế vào Tết Mậu Thân, năm 1968.
Nhắc lại những kỷ niệm đau thương không phải để tiếp tục gây hận thù; nhưng để CSVN nhận ra được đâu là chính nghĩa và tình thương của dân tộc mà cải tà qui chính.

1-"Đừng tin những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng sản làm!"

Câu nói nổi tiếng và có giá trị lịch sử của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xuất hiện sau vụ Cộng sản Bắc Việt (CSBV) tấn công vào các thành phố lớn của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), mặc dù hai bên thỏa thuận Ngưng Chiến trong dịp Tết Mậu Thân 1968.
Tại sao CSBV lại lưu manh lợi dụng dịp Tết để tấn công vào lãnh thổ VNCH?

2-CSBV muốn đọ sức quân đội Mỹ để gây tiếng vang trên chính trường thế giới

Ngày 8.3.1965 Chính phủ Mỹ quyết định đổ bộ 3.500 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) tại hải cảng Đà Nẵng nhằm bảo vệ căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại miền Nam. Sự kiện này mở đầu cho cuộc chiến trên bộ của quân đội Mỹ. Sự hiện diện của lính Mỹ tại miền Nam là cớ để CSBV công khai xua quân xâm nhập miền Nam và thử sức Mỹ. Khe Sanh là mục tiêu đầu tiên của tướng Võ Nguyên Giáp.
Sư đoàn TQLC Mỹ rút kinh nghiệm từ trận Điện Biên Phủ, không làm hầm và đóng đồn dưới thung lũng, nhưng phòng thủ trên các đồi cao 861, 881 và 881S tại Khe Sanh, một địa danh đồi núi cách biên giới Lào 8,656km (6 dặm) và cách vĩ tuyến 17, ranh giới chia cắt Nam-Bắc, 22,51km (14 dặm).

Với chiến thuật "lấy thịt đè người" CSBV tung 2 sư đoàn (SĐ) thiện chiến nhất là SĐ-325 và SĐ-304 để quyết tiêu diệt SĐ/TQLC Mỹ. Sư đoàn 304 là một trong các SĐ chủ lực tham gia trận Điện Biên Phủ (1954). Lực lượng của CSBV có khoảng 15.000 tới 20.000 lính so với 5.600 lính của lực lượng Mỹ (3.500) và lực lượng đặc biệt VNCH (2.100).
Vào sáng sớm ngày 21.1.1968, từ các khẩu đại bác tầm xa được cất dấu trong các hang đá, CSBV chào mừng SĐ/TQLC Mỹ bằng 300 đạn pháo. Trong ngày đầu 18 lính Mỹ bị chết và 40 bị thương. Pháo binh của CSBV tiếp tục phủ đầu lính Mỹ trung bình mỗi ngày 2.000 đạn pháo.
Để bảo vệ SĐ/TQLC, tướng Westmoreland mở màn cuộc hành quân mang tên "Niagara Operation", tên thác lớn nhất thế giới. Các phi cơ thả bom khổng lồ B-52 của không quân Mỹ đã dội bom tới mức độ khủng khiếp: 150 phi vụ với 5.000 trái bom một ngày. Số lượng bom thả tập trung trên một chiến trận lớn nhất chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. Khoảng cách 3,5km quanh các đồi chỉ còn là đất trống, không cỏ cây.

Tuy vậy, lính CSBV vẫn tiến sát các đồi đóng quân của Mỹ bằng cách đào các địa đạo, một chiến thuật "đánh độn thổ" của CSBV tại Điện Biên Phủ. Ban đêm lính Mỹ nghe được tiếng cuốc xẻng đào đất chứng tỏ khoảng cách giữa hai địch thủ không xa lắm. Cuối cùng, vì khoảng cách hai bên quá gần, phi cơ khổng lồ B-52 không thể can thiệp được, các phi cơ Skyraiders và Skyhawks đã phải thả hàng chục ngàn tấn bom đốt cháy (Napalm) vào vị trí CSBV, khiến cho giấc mộng biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ của Mỹ của tướng Võ Nguyên Giáp tan thành mây khói. Với hỏa lực hùng hậu của không lực Hoa Kỳ, hai sư đoàn CSBV coi như bị hủy diệt.
Về quân sự CSBV bị thất bại hoàn toàn. Nhưng về chính trị, CSBV gây được tiếng vang trên chính trường Hoa Kỳ và Tây phương. Phong trào phản chiến chống Mỹ và tay sai Cộng sản được phát động tại Việt Nam, Hoa Kỳ và Tây phương.

3-Cuộc tổng tấn công của quân CSBV vào các thành phố lớn của miền Nam

Trong chiến dịch Đông Xuân 1967 – 1968, quân đội Bắc Việt đồng loạt tấn công vào 41 tỉnh, thành phố, thị trấn và hàng trăm xã ấp miền Nam Việt Nam trong bối cảnh hai phía Nam-Bắc và quân đội đồng minh đã thỏa thuận hưu chiến 36 giờ đồng hồ để người dân được yên hưởng một Tết truyền thống trong hoà bình.
Quân CSBV và MTGPMN đã tấn công đúng vào đêm giao thừa để đạt yếu tố bất ngờ. Nhưng cuộc tấn công vào các tỉnh và thủ đô Sài Gòn của CSBV và MTGPMN không đạt được thành quả như họ muốn. Chỉ sau một hai tuần lễ thì lực lượng địch bị thảm bại và bị đánh bật ra khỏi thành phố. Hàng chục ngàn cán binh CS bị tiêu diệt. Các cơ sở hạ tầng bị lộ tẩy và càn quét. Cái mà CSBV nghĩ là dân chúng miền Nam sẽ nổi dậy cướp chính quyền chỉ là ảo tưởng.

Về phương diện quân sự, QLVNCH đã thắng Bắc quân. Dù đã vận dụng tới 84.000 cán binh vào cuộc chiến, từ ngày mồng 5 tết trở đi, cộng quân bị dồn vào thế thụ động. Chỉ còn lại một số nhỏ chốt chặn cảm tử nhằm tạo ảo giác trận chiến đang kéo dài. QLVNCH đã chứng tỏ khả năng vượt trên sự ước đoán của chính các tướng đồng minh.
Ngay những hãng thông tấn có phần thiên vị Hà Nội cũng phải nhìn nhận sự thất bại quân sự của cộng quân.
Chính Nguyễn Văn Linh, người chịu trách nhiệm chỉ huy cuộc tấn công Sài Gòn năm 1968, và sau này trở thành tổng bí thư đảng CSVN từ 1986 tới 1991, thú nhận rằng sau năm 1968 là "những năm khó khăn“ của cộng sản. Trong nội thành các cơ sở nằm vùng bị tiêu diệt hay "vỡ nhiều mảng.“ Cơ sở nông thôn ngoại thành cũng bị quét sạch vì kế hoạch "bình định cấp tốc“ [accelerated pacification]. Riêng bộ chỉ huy thành ủy phải lùi xa thành phố, vừa di chuyển vừa trốn tránh mất "1 năm 28 ngày“ mới tới được căn cứ an toàn.
Tướng Trần Văn Trà, người chỉ huy mặt trận phía bắc Sài Gòn, cũng có nhận xét tương tự. Theo Trà, Cộng Sản đã chịu "thiệt hại lớn lao về sức người, sức của, đặc biệt là cán bộ các cấp“ làm cho tiềm lực suy yếu rõ rệt. Nhưng sau đó chẳng những không giữ được những thành tựu mà còn chịu muôn vàn khó khăn trong những năm 1969-1970. Vào cuối năm 1968, theo Trà, "B-2“ (tức Khu 2 của CS, bao gồm Nam Bộ và một phần Trung Bộ) phải phân tán mỏng trung đoàn chủ lực 320 về vùng lãnh thổ Long An để duy trì trục tiếp vận từ Sài Gòn tới trung ương cục Miền Nam. Trong hai năm 1969-1970, từ cấp trung đoàn trưởng, chính ủy, trung đoàn phó xuống thủ trưởng các đơn vị đều lần lượt bị thiệt mạng.
Ngoài Sài Gòn, mục tiêu chính của CSBV phải chiếm bằng bất cứ giá nào là Thừa Thiên-Huế, vì Bắc Bộ Phủ muốn dùng nơi này làm căn cứ địa lâu dài cho MTGPMN với ba lý do:
Thứ nhất: Huế có nhiều di tích lịch sử văn hóa và thành quách rất vững chắc, nếu chiếm được, quân lực VNCH và đồng minh sẽ gặp trở ngại lớn khi giải tỏa, vì một phần địch sống trà trộn vào dân, một phần phải tránh gây đổ vỡ các di tích lịch sử của cố đô Huế.

Thứ hai: một số nhà lãnh đạo Phật Giáo, chính khách và sinh viên ở đây có khuynh hướng ủng hộ MTGPMN. Các biến cố chống chính phủ thời tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu/Nguyễn Cao Kỳ đều khởi đầu từ Huế và miền trung.
Thứ ba: chiếm được Huế thì cái gọi là chính phủ lâm thời miền nam VN (CPLTMNVN) có cơ sở hoạt động công khai và được thế giới quan tâm nhiều hơn. Khi có đất, có chính phủ và một số dân, CPLTMNVN sẽ công khai kêu gọi các nước cộng sản và không cộng sản ủng hộ. Đây là thắng lợi thứ nhất của phe CS.
Như vậy, nước Việt Nam bị chia làm ba phần, phe CSBV và MTGPMN chiếm được 2/3 lãnh thổ.
Chiến trường Huế, một địa điểm chính yếu trong toàn cuộc chiến, đã diễn ra ác liệt và kéo dài đến 25 ngày đêm, từ ngày 31.1.1968.
Ngày mồng ba Tết 1.2.1968, một ngày sau đó, chiến đoàn dù với 2 tiểu đoàn 2, 7 và chi đoàn 2/7 Thiết giáp từ phía bắc vào giải vây Huế. Hai đại đội TQLC cùng 4 chiến xa M-48 trong chiến đoàn X-Ray đóng tại Phú Bài cũng về Huế tăng cường phòng thủ MACV. Chiều ngày mồng 4 Tết, TĐ 9 dù được trực thăng vận vào chiến trường, từ đây cho tới ngày 12.2.1968, cuộc chiến trở nên khốc liệt với sự tổn thất nhân mạng rất cao của cả hai phía. Cùng ngày đó, chiến đoàn A Thủy Quân Lục Chiến VN gồm các tiểu đoàn 3, 4, 5 thay thế chiến đoàn Dù, tiếp tục giải tỏa áp lực VC tại sân bay Tây Lộc và Đại Nội.

Ngày 19.2 TQLC mở chiến dịch Sóng Thần 739/68. Ngày 22/2 hai tiểu đoàn 21 và 39 BĐQ được tăng cường tại Huế và VC bắt đầu tháo chạy.
Sáng 25.2.1968 toàn thể khu Gia Hội được giải tỏa. Đại Đội Hắc Báo của sư đoàn 1/BB chiếm được Kỳ Đài, hạ cờ Cộng sản xuống và kéo cờ VNCH lên. Sau 25 ngày đêm giao tranh ác liệt, cố đô Huế được giải tỏa.

4-Cuộc tàn sát đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam

Trong cuốn "Công và Tội“, ông Nguyễn Trân cho biết: "về phía dân chúng, có 5.800 người chết, trong đó có 2.800 người bị Việt cộng giết và chôn tập thể: 790 hội viên các hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán tội "cường hào ác bá“, 1.892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, hằng trăm thanh niên tuổi quân dịch, một linh mục Việt (Bửu Đồng), hai linh mục Pháp, một bác sĩ Đức và vợ, và một số người Phi Luật Tân.“
Trong "Encyclopedia of the Viet Nam War“, David T. Zabecki ghi nhận rằng số thi hài nạn nhân tìm được trong các mồ chôn tập thể ở Huế là 2.810 người và hàng ngàn người bị mất tích.
Trong cuốn "Cuộc Thảm sát của Việt Cộng tại Huế" (The Vietcong Massacre at Hue) (Vintage Press, New York, 1976), bác sĩ Elje Vannema, người có mặt tại Huế trong biến cố Tết Mậu Thân, cho biết theo tài liệu kiểm kê được qua 22 mồ tập thể, số nạn nhân bị cộng quân giết là 2.326 người, chia ra như sau: trường Gia Hội: 203 người; Chùa Theravada [Gia Hội]: 43; Bãi Dâu [Gia Hội]: 26; Cồn Hến [Gia Hội]: 101; Tiểu chủng viện: 6; Quận Tả ngạn: 21; Phía đông Huế: 25; Lăng Tự Đức và Đồng Khánh: 203; Cầu An Ninh: 20; Cửa Đông Ba: 7; Trường An Ninh Hạ: 4; Trường Văn Chí: 8; Chợ Thông: 102; Lăng Gia Long: 200; Chùa Từ Quang: 4; Đồng Di: 110; Vinh Thái: 135; Phù Lương: 22; Phú Xuân: 587; Thượng Hòa: 11; Thủy Thanh - Vinh Hưng: 70; Khe Đá Mài: 428.
Trong cuốn "Chiến thuật Khủng bố của Việt Cộng" (Viet Cong Strategy of Terror (tr. 23 đến 29) giáo sư Douglas Pike cho biết qua vụ Tết Mậu Thân ở Huế, có khoảng 7.600 nạn nhân của Cộng sản, trong đó 1.946 người bị mất tích.

5-Lời kể của một nhân chứng sống

Để quí độc giả hiểu được nỗi đau của các gia đình và những cái chết tức tưởi của các nạn nhân bị chôn sống, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn lời kể của một nhân chứng:
(Nam Dao thực hiện - Tâm Thức Việt Nam - February 15, 2008)
LGT: 40 năm sau cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 68 ở Huế, có nhiều bài viết khác nhau về vụ này. Người Việt sống ở miền Nam nhớ lại với những căm phẫn. Lãnh đạo Hà nội ăn mừng và triển lãm chiến thắng vĩ đại Mậu Thân. Người ngoại quốc viết về những nói dối (của truyền thông) về Mậu Thân.
Còn cựu đại tá bộ đội CSVN Bùi Tín, nguyên phó tổng biên tập hiện đang sống tại Pháp, biện hộ cho cuộc thảm sát tại Huế trong một cuộc phỏng vấn trên đài BBC ngày 24/1/08 với những lời lẽ như sau:
‘’Lúc bấy giờ tôi không biết quy mô nó lớn đến vậy, chỉ biết là có những cuộc thảm sát nhưng tôi nghĩ nó chỉ xảy ra ít thôi... chứ tôi không nghĩ về sau này người ta nói tới hàng nghìn... Khi quân Mỹ đổ bộ lại từ Phú Bài trở ra để lấy lại Huế thì anh em họ trói, di chuyển đi hàng mấy trăm tới hàng nghìn người... Do vướng chân, mệt, rồi bị pháo bắn ở ngoài biển vào dữ dội cho nên phần lớn do tự động các chỉ huy trung đội tới trung đoàn đồng lõa với nhau để thủ tiêu không cho cấp trên biết." Ông Bùi Tín giải thích sở dĩ họ phải làm như vậy là để tuân theo lệnh ‘’không được để tù binh trốn thoát" nhằm giữ bí mật. ‘’Theo tôi biết thì không có mệnh lệnh cấp trên là tiêu diệt và giết tù binh."
Ông Tuấn sinh tại thành nội Huế. Khi CS chiếm đóng Huế ông vừa hơn 16 tuổi và đang theo học trường tư thục Nguyễn Du. Ông chứng kiến tận mắt vụ ám sát tập thể 5 người ngay ngày đầu cộng quân vào Huế. Sau đó, ông và hơn chục thiếu niên khác bị cộng quân bắt đem đi đào hố, chôn sống đồng bào ở Gia Hội. Nhờ một phép nhiệm màu, ông và 2 em khác thoát thân, còn những em còn lại thì bị cộng quân giết chết.

Sau đây là lời ghi lại phần đầu của cuộc phỏng vấn. Đối với những quý vị muốn nghe trực tiếp câu chuyện của ông Tuấn trong tất cả sự kinh hoàng của tội ác và sự nức nở của con tim, xin mời quý vị nghe trực tiếp từ mạng www.tamthucviet.com, mục tạp chí truyền thanh ngày 7/2/08.
15, 16 tuổi bị VC bắt trong khi chạy đạn
ND: Ở trong hoàn cảnh nào mà những người CS bắt được anh?
T: Chúng tôi phải ở lại tại góc đường khu chợ Sép cho đến không biết mấy ngày, tôi cũng chẳng nhớ mấy ngày. Quanh quẩn ở đó từ ngày mồng 2 Tết cho đến khi chúng tôi bắt đầu thấy sự xuất hiện của những chiếc máy bay của quân lực VNCH bắn xuống cửa Đông Ba. Phi cơ trực thăng của VNCH với đồng minh khi đó xuất hiện trên bầu trời bắn xuống. Ba tôi nói, thôi bây giờ ở đây cũng chết, phải chạy thôi. Chạy. Chúng tôi bắt đầu bỏ chạy, chạy về hướng Mang Cá, từ Nguyễn Thành, Mai Thúc Loan mà chạy ngược về phía Mang Cá. Chạy qua một xóm được, hai xóm được, qua đến xóm thứ ba thì bị mấy thằng du kích chặn lại. Nó không cho chạy, nó bắt tôi đứng lại, nó kêu tôi đứng lại đi khiêng đồ.
Nó dắt tôi đi một hồi tôi thấy tập trung có 5 thằng cùng xóm. Đợi đến đêm, nó dắt tụi tôi đi qua phía bên chỗ cửa Đông Ba về phía bên chùa Diệu Đế. Ngó lui ngó tới, đến khi bị bắt đầy đủ thì tôi đếm cũng khoảng mười mấy người, bằng tuổi tôi khoảng 15, 16 tuổi. Sau khi tập trung ở chùa Diệu Đế, VC sai tụi tôi đi khiêng ba cái đồ gạo cơm hay là súng đạn gì đó. Nó bắt sai cái gì thì làm nấy thôi, nhưng con mắt thì khi nào cũng ngó đường để trốn

Đào hố chôn đồng bào

Sau chùa Diệu Đế, chúng nó đưa về phía Gia Hội, sống xung quanh mấy nhà dân. Chúng bắt chúng tôi đi khiêng vác trong vòng mấy ngày sau, thì bắt đầu tôi thấy phía bên chỗ Đông Ba, máy bay bắn xuống dữ lắm. Tụi tôi thấy chắc là phản công rồi, lính VNCH mình phản công chúng nó rồi. Tôi cũng cầu nguyện, cầu nguyện, nhưng không phải là đi dân công đâu quý vị ơi. Đến tối đó, nó phát cho mấy cái cuốc, nó nói bây giờ đi đào mấy cái hào, cái hầm. Tại vì máy bay bắn xuống quá, tôi nghĩ chắc nó sai tụi tôi đi đào mấy cái hầm để cho tụi nó núp, giống như công sự, núp để tránh đạn tránh bom. Tụi tôi mười mấy thằng còn xác vác cuốc đi đào, cũng đào, đào, nghĩa là tối xuống đi đào, đào. Cái hố bề sâu xuống là một thước, bề ngang bằng một sải tay, một sải tay ngang, cứ đi tới, đi tới, một thằng một khúc, cứ đào. Đào cứ nối liền nhau, nối liền nhau. Đào xong cái này rồi bắt đầu đi đào cái khác, như là đào tuyến công sự đó mà.
Nhưng quý vị biết không, sau khi đào xong lúc 3 giờ sáng, lần đầu tiên tôi thấy nó dẫn ra một đám người từ xa trong bóng tối. Những người này khi tiến tới gần, bấy giờ tôi mới thấy là tay trói về phía sau, cột trùm, cột dính vào với nhau bằng sợi dây điện thoại màu đen đen. Nó cột chùm, người ta dắt ra, dắt ra. Mỗi toán nó dắt ra như vậy là khoảng 14, 15 người. Những cái hố chúng tôi đào cũng vừa cái khoảng đó. Nó mới bắt những người đó đứng xoay lưng về cái hố. Còn nhiệm vụ chúng tôi thì chúng tôi đang đứng, đang đào đất, tay chúng tôi đang cầm cuốc. Nó mới sắp hàng những người kia, những người mà nó bắt, bị cột sợi dây điện thoại, dính chùm với nhau.
Số người này, một số mặc đồ ngủ hoặc mặc bộ đồ thường, có người mang dép, có người đi chân không, kể cả những người mặc quần xà loỏn. Nó sắp người ta xoay lưng về cái hố mà chúng tôi đào [ông T thở mạnh như bị ngộp thở, khóc thút thít], rồi cái thằng cán bộ VC mặc áo trắng và quần cán bộ chính quy, đội nón cối, nó đọc, nó đọc bản án tội ác của những người đó. Nó nói những người đó có tội với nhân dân, có tội với cách mạng. Nó vừa đọc xong bản án thì thằng du kích VC, thằng đứng đầu mặc quần xà loỏn, quần đen áo đen, nó lấy súng AK bắn người đầu tiên, nó bắn rào, nó bắn rafale. Ông này bị trúng, ông lật ngược ra, đằng sau đâu có cái gì đâu, là cái hố!
Ổng té xuống, quý vị biết không, mấy người sau đâu có trúng đạn gì đâu, cũng lăn xuống. Lăn và lộn, lộn vòng xuống, lật ngửa ra. [Ông T khóc rống lên] Nó bắt tôi lấp! Nó kêu lấp, lấp, lấp lẹ! [vẫn khóc] Tôi không lấp, nó đánh tôi. Tôi nhìn mấy người đó, tôi khóc, tôi khóc, khóc, khóc! không! Người ta còn sống mà lấp đi! không! thôi nó dọng báng súng tôi, súng AK nó dọng, nó dọng đằng sau xương sống tôi [vừa thở như bị ngộp, vừa khóc].
Chưa được, nó quay mũi lưỡi lê nó đâm tôi, nó đâm ba sườn tôi. Trời ơi, máu me nó đâm! Mấy thằng, thằng nào cũng khóc, nó đánh, nó đánh. Tôi phải lấp, phải lấp. Tôi lấp đồng bào tôi [khóc nức nở]. Trời ơi, trời ơi, Thượng Đế coi này! Bây giờ tôi nhớ tôi có tội quá. Tôi nhớ mấy con mắt đồng bào, mấy người dưới hố ngó tôi. Trời, trời, trời, trời ơi VC ơi là VC! Không lấp thì nó đánh! Lấp thì bà con tôi chết! Thôi, thôi, lạy Phật, lạy trời, lạy Thượng Đế. Chưa có thằng nào nó tàn ác như vậy...

Mười mấy cái hố, mười mấy lần chôn

ND: [cũng khóc theo] anh không phải là người giết đâu. Tội đó là mấy thằng cộng sản [cả hai người đều khóc]
T: Có hiểu thấu lòng tôi? Mấy người chết tội nghiệp ơi là tội nghiệp. Trời ơi, con mắt người ta, miệng toàn đất! Con mắt người ta ngó, tại bị cột chân ở dưới hố rồi, có người nằm ngửa nằm ngang. Trời ơi, mẹ ơi, con nằm con cứ thấy mấy người ta hoài, tội quá! Sao con cứ bị ác mộng hoài, mẹ ơi mẹ!
ND: Thưa anh, họ bắt anh đào hố ban đêm, và sau đó nó lấy người từ dân ra đó, thì tất cả những người đào cái hố đó là toàn người dân chứ có nó dính ở trong đó không thưa anh?
T: Những người đào hố là thanh niên tụi tôi đó, thanh niên thành phố Huế đó, khoảng 14, 15, 16 tuổi như tụi tôi, nó bắt đi dân công, bắt đi đào hố. Đào hố xong tưởng là để nó núp đạn, cuối cùng nó bắt chôn, không phải một lần đâu quý vị ơi, mười mấy lần lận! [khóc lớn] Mười mấy lần, bắt chôn mười mấy đám! Mỗi lần nó bắt mình đi chôn, trời ơi tôi sợ! Không chôn thì nó đánh, hỡi ơi Việt Nam ơi, Việt Nam ơi! Lấp, lấp, lẹ, lẹ [ông T nói ngọng theo giọng Bắc] ĐM, ĐM, tao bắn mày! Không lấp thì nó đánh, không lấp thì nó đâm. Giọng người miền Bắc đó chị, là cái giọng người miền Bắc, nó bận đồ chính quy

Người bị chôn sống, người bị đập vỡ sọ

ND: Nhưng thưa anh, trước khi nó lấp thì nó đều có bản án tử hình mấy người đó hay sao ạ?
T: Khi nó dàn người ra, dàn hàng ngang ra, xoay lưng vào hố, lúc đầu thì khi nào cũng đọc hết, đọc lệnh cách mạng, nói rằng có tội với nhân dân, có tội với tổ quốc. Nó đọc xong lúc đầu nó bắn, bắn là có phước lắm, bắn người nào trúng đạn AK là có phước lắm, tại vì trúng là chết, còn không chết mới tội. Không chết ngột lắm, ngột, bây giờ tôi bị ngột! Chị biết không, mấy đợt sau, nó đâu có bắn, không chôn ban đêm mà cũng không bắn chị ạ, tại vì nó sợ máy bay quan sát, bắn ra xẹt lửa, người ta sẽ bắn xuống, thành ra nó lấy AK dọng người đứng đầu. Nó đập xong rồi cái thằng VC quần đen áo đen đánh vào đầu người đó, đánh một cái là té ngửa thôi.
Sau quý vị biết không, mấy người kia té lăn xuống. Té lăn xuống thì nằm đâu có gọn, không gọn thì nó xách cuốc, nó bắt tụi tôi lấp. Còn số cuốc dư thì nó lấy cuốc nó nện đầu người ta xuống. Đầu người ta ngoi lên, nó đập người ta xuống. Lý do tại sao mà sau này đào lên, thấy cái dấu bể sọ, là bể vì cuốc đó. Là tại vì người ta không chịu chết, người ta muốn sống, mà nó bắt tôi lấp, người ta muốn ngoi lên, nó lấy cuốc đập. Những cái nhát cuốc lên đầu người ta đó, mấy thằng VC đập vào đầu dân cho đầu người ta không ngoi lên được, để đất lấp qua đầu,... thành ra quý vị nhớ dùm cho, có những cái hố không có đạn, không có AK, không có một viên đạn. Những cái hố chôn sau không có đạn, toàn là AK nó dọng vô đầu người ta, xong rồi những người nào nằm lăn xuống mà cái đầu còn lên cao, là nó vác cuốc nó đánh.
Trời ơi, cái cuốc mà nó xoay ngược đánh trúng cái đầu người ta là phải bể thôi. Máu ra chết từ từ, tội lắm. Chẳng thà nó bắn lúc đầu. Lúc đầu nó xử bắn Thượng Tứ ở chỗ Đông Ba bắn 5 người đó, tôi thích lắm, tôi thích bắn như vậy đi, bắn một phát cho người ta chết, chết xong nó khỏe đi, chứ đâu có chôn sống kiểu đó được.
Tôi thấy Hitler giết người Do Thái, ổng xả hơi ngạt đó chị, đếm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, họ chết với nhau, ôm chùm chết với nhau mà còn sướng. Chết vậy còn sướng, vì hơi ngạt chết nhanh hơn là lấp đất. Đất dưới đó đâu có chết liền đâu, nó chết từ từ, nó chết từ từ, đồng bào chết từ từ [bật khóc].
Ngột lắm chị, ngột lắm, bây giờ tôi nghe ngột...."