Biến cố trong tháng
Các quan chức và những người sống sót đã xác nhận các vụ tấn công vào đêm Giáng sinh và quy các vụ giết người cho cuộc khủng hoảng giữa nông dân và những người chăn gia súc ở quốc gia Tây Phi này.
Họ cho biết các băng đảng vũ trang, được người dân địa phương gọi là “kẻ cướp”, đã phát động các cuộc tấn công “được phối hợp chặt chẽ” tại “không dưới 20 cộng đồng khác nhau” và phóng hoả đốt nhà cửa vào thứ Bảy và Chủ nhật. Tiếng súng vẫn còn được nghe thấy vào sáng thứ Hai.
Một Giáng sinh đáng sợ
Thống đốc ban Plateau Caleb Mutfwang cho biết chỉ riêng tại tỉnh Mangu, 15 người đã được chôn cất vào thứ Hai và chính quyền ở Bokkos đã đếm được không dưới 100 thi thể.
“Tôi vẫn chưa thống kê được những cái chết ở Barkin Ladi,” ông Mutfwan cho biết và nói thêm, “Đây là một Giáng sinh rất kinh hoàng đối với chúng tôi ở Plateau”.
Hơn 300 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện.
Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Nigeria nói với hãng tin AP rằng cho đến nay họ đã xác nhận 140 trường hợp tử vong ở các khu vực Bokkos và Barkin-Ladi ở bang Plateau có đa số người theo Kitô giáo, dựa trên dữ liệu do các nhân viên của tổ chức này tại hiện trường và các quan chức địa phương tổng hợp.
Người ta lo ngại số người chết sẽ cao hơn vì một số người vẫn chưa được xác định. Một số nhân chứng cho biết phải mất hơn 12 giờ sau, cơ quan an ninh mới đáp lại lời kêu cứu của họ.
Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về các vụ tấn công, mặc dù các quan chức và những người sống sót quy cho những người chăn nuôi thuộc bộ tộc Fulani, những người bị cáo buộc thực hiện các vụ giết người hàng loạt tương tự trên khắp khu vực phía Tây Bắc và miền Trung.
Lực lượng kẻ cướp hoạt động từ các căn cứ sâu trong rừng và đột kích các ngôi làng để cướp bóc và bắt cóc cư dân để đòi tiền chuộc.
Cuộc tranh giành tài nguyên thiên nhiên giữa những người chăn nuôi du mục và các nông dân ngày càng gia tăng do dân số tăng nhanh chóng và áp lực biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm căng thẳng xã hội và gây ra bạo lực.
Vatican News
Tiến trình khiếu nại và quyết định của thẩm phán
Hôm 8/11/2023, thẩm phán Robert Peel đã ra phán quyết rằng thiết bị hỗ trợ sự sống cho Gregory sẽ bị tháo bỏ vào lúc 2 giờ chiều giờ địa phương ngày 9/11, trái với mong muốn của bố mẹ em. Lệnh đó còn yêu cầu phải tháo thiết bị hỗ trợ sự sống tại bệnh viện hoặc hospice (nơi chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối", chứ không phải tại nhà của bé, với lý do cần "điều trị lâm sàng với chất lượng cao nhất, được thực hiện trong môi trường an toàn và được bảo đảm".
Cha mẹ bé Indi nhiều lần kháng cáo để đưa em đến Roma điều trị sau khi thẩm phán, theo lời khuyên của các bác sĩ của bệnh viện, đã ra phán quyết vào tháng 10 rằng việc ngừng hỗ trợ sự sống là vì "lợi ích tốt nhất" của đứa trẻ.
Trong nỗ lực cứu sống Indi, trong một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 6/11, chính phủ Ý đã quyết định cấp quốc tịch Ý cho bé và trang trải chi phí điều trị y tế cho bé tại bệnh viện nhi Bambino Gesù của Vatican. Vào ngày 9/11, tổng giám đốc bệnh viện, Tiến sĩ Antonio Perno, đã nộp đơn khẩn cấp lên tòa án tối cao Vương quốc Anh kêu gọi Justice Peel nhượng lại quyền xét xử vụ việc cho ông.
Ngoài ra, ngày 10/11/2023, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã viết thư cho Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh để kêu gọi đưa Gregory đến Roma để điều trị.
Tuy nhiên, phán quyết của các thẩm phán vào chiều ngày 10/11/2023, tuyên bố rằng nỗ lực can thiệp của Ý vào trường hợp của Indi Gregory là "hoàn toàn sai lầm" và "không phù hợp với tinh thần" của Công ước La Hay 1996 mà cả Vương quốc Anh và Ý đều là thành viên. (CNA 10/11/2023)
Hồng Thủy - Vatican News
Trong tuyên bố, Uỷ ban Mục vụ Nhà tù của Tổng giáo phận Tegucigalpa thể hiện sự gần gũi và đau xót về sự việc đau buồn này và nói rằng “Chúng tôi lo lắng cho sức khỏe của các nữ tù nhân bị tước đoạt tự do đang nằm trong bệnh viện và hy vọng rằng họ có thể sớm hồi phục sức khỏe và không bị di chứng vì những vết thương do bạo lực đã trải qua trong Trung tâm hình sự này.”
Đồng thời, tuyên bố bày tỏ: “vào thời điểm này đòi hỏi câu trả lời cho rất nhiều nghi ngờ xoay quanh sự việc đáng buồn này, sự lạm quyền, tự trị trong các nhà tù.” Ngoài ra, một câu hỏi được đưa ra, đó là “làm thế nào mà các loại súng gây sát thương được đưa vào, ngay cả với tất cả các biện pháp kiểm soát trước khi được vào các trung tâm cải tạo này.”
Tôn trọng các quyền và sự tự do
Uỷ ban Mục vụ Nhà tù của Tổng giáo phận Tegucigalpa kết thúc tuyên bố với yêu cầu “các nhà chức trách có thể làm rõ sự việc bi thảm này để đưa ra câu trả lời cho những gì đã xảy ra, đồng thời tăng cường an ninh hoạt động hiệu quả và kịp thời; tôn trọng quyền của những người bị tước đoạt tự do và đảm bảo phẩm giá con người.” Trên hết, Uỷ ban bày tỏ tình liên đới với gia đình của “những người bị tước quyền tự do” và cầu xin Chúa để “sớm tìm ra giải pháp để những phụ nữ bị tước quyền tự do có thể thụ án trong hòa bình và tìm cách phục hồi.”
Nguyên do vụ bạo loạn
Các hãng thông tấn địa phương đưa tin rằng vụ ẩu đả bắt nguồn sau khi các quy định mới được công bố tại Trung tâm cải tạo. Về phần mình, chủ tịch Hiệp hội thân nhân của những người bị tước quyền tự do, Delma Ordóñez, nói rằng vụ ẩu đả và phóng hỏa ở Cefas được cho là xảy ra sau khi chính quyền thông báo các quy định mới bên trong nhà tù.
Ngày 18/4 năm nay, chính quyền Honduras đã công bố một loạt các biện pháp nhằm mang lại trật tự cho các nhà tù của nước này, bao gồm việc chặn các cuộc gọi điện thoại di động, tước vũ khí thực sự của các tù nhân và phân loại các tù nhân theo mức độ nguy hiểm.
Hồng Thủy - Vatican News
Ngày 6/10/2022, tại một nhà trẻ ở huyện Na Klang, tỉnh Nong Bua Lamphu, phía đông bắc Thái Lan, một cựu cảnh sát 34 tuổi đã xông vào một nhà trẻ vào giờ ăn trưa và vừa nổ súng vừa dùng dao đâm nhiều người.
Theo báo chí địa phương, trong số 36 người thiệt mạng có 24 trẻ em. Thủ phạm đã tự sát tại nhà sau khi sát hại vợ và con. Đây là một trong những vụ có số trẻ em bị giết nhiều nhất trong một vụ thảm sát bởi một kẻ giết người duy nhất trong lịch sử gần đây.
Điện thư chia buồn
Trong điện thư Đức Hồng y Parolin viết: “Vô cùng đau buồn khi hay tin về vụ tấn công kinh hoàng đã xảy ra tại một trung tâm chăm sóc trẻ em ở Uthai Sawan, Đức Thánh Cha bày tỏ lời chia buồn sâu sắc và bảo đảm sự gần gũi thiêng liêng của ngài với tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi hành động bạo lực không thể diễn tả chống lại những trẻ em vô tội.”
Đức Hồng y cũng cho biết, trong khi khẩn cầu sự chữa lành và ơn an ủi của Thiên Chúa trên những người bị thương và người thân đang đau khổ, Đức Thánh Cha cầu nguyện để trong giờ phút vô cùng đau thương, họ có thể có được sự nâng đỡ và sức mạnh từ tình liên đới của người lân cận và của những người dân khác.
Điện thư kết thúc với lời Đức Thánh Cha cầu xin Thiên Chúa ban xuống trên tất cả người dân Thái Lan phúc lành bình an và sự kiên trì trong điều thiện hảo. (CSR_4224_2022)
Hồng Thủy - Vatican News
Theo báo Il Messagero của Ý, người đàn ông khoảng 60 tuổi này đã yêu cầu được gặp Đức Giáo hoàng và trở nên tức giận khi được thông báo rằng điều đó sẽ không thể được. Sau đó, ông ném một bức tượng bán thân xuống đất và đẩy ngã tượng kia trong khi cố gắng bỏ chạy.
Sau khi sự việc xảy ra, ông ta đã bị nhân viên bảo vệ khống chế và đưa về đồn cảnh sát để thẩm vấn.
Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cho biết, “Người kéo đổ các pho tượng đã bị hiến binh Vatican bắt và giao cho cơ quan thực thi pháp luật của Ý”. Được biết người này mới đến Roma được 3 ngày.
Hai tượng điêu khắc bằng đá cẩm thạch bị hư hại thuộc số các tượng nhỏ và thuộc bộ sưu tập trong Bảo tàng Chiaramonti. Bảo tàng này được thành lập dưới thời Đức Pio VII Chiaramonti (1800-1823), bao gồm hơn 1.000 tượng bán thân, tượng và quan tài bằng đá từ thời đế quốc Roma cổ đại.
Trong khi phần đế bằng đá cẩm thạch của một tượng bán thân bị vỡ vụn, một tai và mũi của hai khuôn mặt bị hư hại nhẹ. Các tác phẩm điêu khắc này ngay lập tức được chuyển đến xưởng phục hồi vật liệu đá của Bảo tàng Vatican.
Hồi tháng 5/1972, một người đàn ông đã giấu chiếc búa trong áo khoác, đi vào đền thờ thánh Phêrô và đập vỡ tượng Đức Mẹ Pietà, Đức Mẹ bế xác Chúa Giêsu, một kiệt tác của Michelangelo, làm hỏng cánh tay, mũi và mí mắt của Đức Mẹ. Tác phẩm đã được khôi phục và hiện đã được đặt trở lại trong đền thờ thánh Phêrô, được bảo vệ sau một tấm acrylic chống đạn. (CNA 05/10/2022)
Hồng Thủy - Vatican News
Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Phụng Vụ mới này, bắt đầu từ ngày 8 tháng 12, nhân dịp kỷ niệm 150 năm, Thánh Giáo hoàng Piô IX công bố Thánh Giuse là người Quan Thầy của Giáo hội nhân ngày Lễ Trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng công bố sắc lệnh năm nay là năm kính thánh Giuse “mọi tín hữu hãy noi gương thánh Giuse củng cố đời sống đức tin trong việc thực hiện thánh ý Thiên Chúa hàng ngày."
Sắc lệnh nêu rõ: “Vì vậy, các tín hữu hãy dấn thân, cầu nguyện và thể hiện những việc làm tốt, để nhận được sự chở che, nâng đỡ của Thánh Giuse, người đứng đầu Gia đình thánh gia Nazareth, hầu được an ủi, được xoa dịu khỏi những khổ đau trầm trọng của con người và xã hội trong thế giới đương đại ngày nay gây nên”.
Sắc lệnh được công bố, sau khi linh mục Donald Calloway, xin Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập một Năm kính Thánh Giuse, nhân dịp ngài phát hành tác phẩm về “Sự Dâng hiến cho Thánh Giuse”. Cha Calloway cho hay không biết đây có phải là một phản ứng trực tiếp hay không, nhưng “chắc chắn là Đức Thánh Cha đã nhận và đọc lá thư của tôi”.
Dưới đây là 8 cách để nhận được Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Giuse:
1) Nguyện gẫm 30 phút về Thánh cả
2) Tham dự một ngày tĩnh tâm có bài suy niệm về Thánh Giuse
“Thánh Cả Giuse, một con người đức tin đích thực, mời gọi chúng ta khám phá lại mối quan hệ hiếu thảo với Thiên Chúa Cha, xác quyết lại lòng trung thành qua lời cầu nguyện, lắng nghe và đáp trả lại cách sâu sắc đối với thánh của Thiên Chúa.”
3) Hy sinh hãm mình hay làm việc bác ái yêu thương.
“Đức tính công bình được Giuse được bày tỏ qua các mẫu gương như là tuân thủ hoàn toàn luật pháp của thiên Chúa, đó là luật của lòng thương xót,‘ bởi vì chính lòng thương xót của Chúa đã mang lại sự hoàn thành cho công lý thật sự’.
“Vì vậy, những ai, theo gương Thánh Giuse, thực hiện việc thương giúp thể lý hoặc thiêng liêng, cũng sẽ có thể nhận được ân toàn xá của lòng khoan dung.”
4) Đọc kinh Mân Côi trong gia đình.
“Khía cạnh chính của ơn gọi của thánh Giuse là trở thành người cai quản của gia đình Thánh Gia Nazareth, là chồng của Đức Trinh Nữ Maria và là cha hợp pháp của Chúa Giêsu. Xin thánh nhân phù giúp các gia đình Kitô hữu được sốt sắng để tái tạo một bầu khí hiệp nhất mật thiết, yêu thương và cầu nguyện như Gia đình thánh Gia xưa.”
5) Phó dâng ngày và công ăn việc làm cho Thánh Giuse, xin Ngài bảo vệ và cầu bầu cho bạn.
“Ơn Toàn xá được ban cho người phó thác các hoạt động hàng ngày của mình cho sự bảo vệ chở che của Thánh Giuse và tín hữu nào cầu xin thánh cả cầu bầu cho thì cũng nhận được Ơn toàn xá, nhờ đó những người chưa có công ăn việc làm có thể tìm được việc làm xứng hợp với nhân phẩm con người.”
6) Cầu xin Thánh Giuse cho các Kitô hữu bị bách hại
“Ơn toàn xá thể được ban cho những tín hữu sẽ đọc kinh cầu Thánh Giuse (đối với truyền thống Latinh), hoặc đọc kinh Akathistos cầu xin Thánh Giuse, đối với các tín hữu thuộc Giáo hội Đông phương, hoặc những kinh cầu nguyện khác về Thánh Giuse, xin Ngài phù giúp các Giáo hội đang bị bắt hại và dấn thân trong công cuộc bác ái nâng đỡ các Kitô hữu đang bị bắt hại."
7) “Đọc bất cứ một kinh nguyện hợp pháp nào được chuẩn nhận (imprimatur) hoặc làm các việc đạo đức để tôn vinh Thánh Giuse”.
“Ơn Toàn xá có thể rộng ban cho các tín hữu đọc bất kỳ kinh nguyện hoặc thực hành việc đạo đức để tôn vinh Thánh Giuse, chẳng hạn kêu cầu 'Lạy Thánh Cả Giuse' đặc biệt trong các ngày 19 tháng Ba và 1 tháng Năm, Lễ Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, hoặc theo truyền thống Byzantine các ngày 19 hàng tháng; hoạc theo truyền thống Giáo hội Latinh dành các ngày thứ Tư hàng tuần, để nhớ tới Thánh.
8) Đối với những người già yếu, bệnh tật và hấp hối thì biết chạy đến kêu cầu Thánh Giuse, phó thác cuộc đời và những đau đớn bệnh tật cho Thánh Giuse.
“Trong những lúc nguy cấp như cơn đại dịch hiện nay, ân xá toàn thể đặc biệt có thể được trao ban cho những người già cả, bệnh tật hoặc đang hấp hối và tất cả những người vì lý do chính đáng không thể ra khỏi nhà, tất cả phải có ý định cử hành bí tích hòa giải khi có dịp, và thực hành ba điều kiện thông thường đọc kinh kính thánh Giuse, an ủi bệnh nhân và dâng hiến phó thác mọi, cậy trông vào Thiên Chúa."
Lạy Thánh Giuse, Quan thầy của Giáo hội, Xin cầu cho chúng con!
Nguồn: https://www.churchpop.com/2020/12/08/pope-francis-declares-year-of-st-joseph-8-ways-to-gain-a-plenary-indulgence-over-the-next-year/
Thanh Quảng SDB
Thượng Hội Đồng Giám Mục: Mục vụ Gia Đình
BY: LÊ THIÊN
Thay vì trình bày nội dung suy tư và phát biểu đôi khi mang sắc thái thần học từ các phiên thảo luận của Thượng Hội Đồng Giám mục, bản tóm lược này chỉ cô đọng những phần mang tính dân dã để mọi tầng lớp người đọc có thể nắm được vài nét chính yếu của chủ đề "Những thách thức mục vụ của gia đình trong bối cảnh của Phúc Âm Hóa" với bốn phân đoạn: (1) ĐTC Phanxicô đặc biệt quan tâm tới Thương Hội Đồng; (2) Hướng nhắm của THĐ; (3) Tiếng nói của giáo dân trong THĐ; (4) Phúc Trình Sau Thảo Luận và phản ứng.
Dĩ nhiên không tránh khỏi thiếu sót, phiến diện hoặc bất cập, mong nhận được tôn ý từ mọi tầng lớp độc giả.
Truyền thông Công Giáo theo dõi sát sao diễn tiến các cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám Mục (THĐGM) tại Vatican từ ngày 05.10.2014, dự trù kéo dài trong hai tuần lễ. Mạn phép ghi nhận ở đây một số nét quan trọng trích dẫn từ các truyền thông Công giáo, trong đó có VietCatholic News và VRNs của Việt Nam.
1. ĐTC PHANXICÔ ĐặC BIệT QUAN TÂM TớI THƯƠNG HộI ĐồNG.
Từ đêm 04 rạng 05.10.2014 trước khi diễn ra kỳ họp đặc biệt của THĐGM Thế Giới về Gia đình, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi canh thức tại quản trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng (THĐ).
ĐTC kêu gọi mọi người "hãy nài xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả các nghị phụ ơn biết lắng nghe: lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, làm theo Thánh ý của Thiên Chúa."
Trong các ý cầu nguyện, ĐTC nhấn mạnh đến ý cầu xin cho các nghị phụ "chuẩn bị thật tốt cho cuộc thảo luận chân thành, nhờ đó mới có thể hướng dẫn chúng ta cách đầy trách nhiệm trong việc mục vụ về những vấn đề chúng ta đang mang lấy tại thời điểm hôm nay."
Xác tín vào "gió của Lễ Hiện Xuống thổi trên công việc của THĐ, trên Giáo Hội và trên toàn thể nhân loại," ĐTC phó thác mọi sự vào Chúa Thánh Thần. Ngài khẩn thiết "xin ơn Thánh Thần chữa lành các vết thương và thắp lên niềm hy vọng."
ĐTC mời gọi các Giám Mục trong THĐ hãy lắng nghe tiếng nói của Chúa hầu có thể "chăm sóc cho các gia đình," vì "các gia đình là "một phần kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa cho nhân loại." ĐTC nhắc nhở các Nghị phụ: "Kỳ họp của THĐ không phải là thảo luận về các ý tưởng đẹp và khôn ngoan, nhưng để chăm sóc tốt hơn cho vườn nho của Chúa."
Ngài cảnh báo: "Khi chúng ta không để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình, chúng ta sẽ ngăn chặn giấc mơ của Thiên Chúa. Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để chúng ta có khả năng làm việc với lòng quảng đại, với sự tự do đích thực và khiêm tốn sáng tạo."
2. HƯớNG NHắM CủA THĐ.
Trong cuộc họp báo ngày 03.10.2014 tại phòng báo chí Tòa Thánh, ĐHY Lorenzo Baldisseri cho biết THĐGM sắp tới là độc đáo so với các THĐGM trước đó về sự tham dự đông đảo các vị Giám Mục để đối đầu với những thách thức của các gia đình Công Giáo. Ngoài 191 Nghị Phụ gồm các Hồng Y, TGM và Giám Mục, còn có sự hiện diện cả một số các chuyên gia và nhà lãnh đạo tinh thần các Giáo Hội Kitô Giáo khác như Chính Thống và Tin Lành. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của những cặp vợ chồng từ một số quốc gia, như Úc, Phi Luật Tân, Hoa Kỳ, Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) Phi Châu…
Cũng trong ngày 03.10.2014, ĐHY Velasio De Paolis, cựu chủ tịch HĐGH về Kinh Tế và cũng là đương kim thành viên Tòa Ân Giải Tối Cao đã nói lên tầm quan trọng của THĐGM về gia đình với chủ đề "Những thách thức mục vụ của gia đình trong bối cảnh của Phúc Âm Hóa." Ngài nói: "Hôn nhân và gia đình là hạt nhân của xã hội. Nếu hôn nhân bị khủng hoảng, thì xã hội bị khủng hoảng theo. Và nếu xã hội khủng hoảng, thì gia đình cũng bị khủng hoảng…"
ĐHY lưu ý: "ĐGH không triệu tập các THĐ để thay đổi hay thiết lập các học thuyết về hôn nhân, nhưng để tìm những cách thức mới hầu giải quyết những vấn đề vì lợi ích của các gia đình."
Đức Hồng Y Đe Paolis xác quyết: "Tín lý của Giáo Hội không phải là những thứ có thể thay đổi tùy tiện. Không! Ngay cả ĐGH cũng không thể thay đổi các tín lý của Giáo Hội. THĐ là để xét xem có thể có những ngộ nhận nào về tín lý cần phải làm rõ hơn hay việc áp dụng tín lý ấy trong Giáo Hội cần phải được chấn hưng."
Cũng vậy, vào ngày 06.10.2014, nghĩa là chỉ sau một ngày THĐ khai mạc, ĐHY Brandmuller, chủ tịch danh dự Ủy Ban Giáo Hoàng về Khoa Học Lịch Sử, đã nhận định rằng, "tại THĐ, các Giám Mục từ khắp nơi trên thế giới sẽ cùng ngồi với nhau, cùng thảo luận về các giải pháp mục vụ cho những thách đố xung quanh đời sống gia đình." Tuy nhiên, theo ngài, "các giải pháp ấy không thể đi ngược lại với Giáo Huấn của Giáo Hội."
ĐHY Brandmuller quả quyết: "Dù dưới bất cứ hình thức mục vụ nào, không ai được làm trái với giáo lý của Giáo Hội."
Ngài còn nhấn mạnh: "Nếu anh là một người Công Giáo thì mọi hoạt động của anh đều phải phù hợp với đức tin và Huấn Quyền của Giáo Hội."
Ngoài ra, ngài còn lưu ý: "Chúng ta phải nhớ rằng THĐ ngoại thường này sẽ chưa có một đúc kết cụ thể nào. Chỉ có THĐ thường niên diễn ra vào năm tới mới có thể làm điều đó."
3. TIếNG NÓI CủA GIÁO DÂN TRONG THĐ.
Tuy là THĐGM, song một số giáo dân đã được hân hạnh góp mặt và đóng góp tiếng nói như là chứng từ thiết thực từ cuộc sống của họ trong tư cách là vợ, là chồng, là cha, là mẹ giữa cái thời mà vấn đề hôn nhân rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Bởi lẽ "lắng nghe và tin tưởng giáo dân được chứng tỏ là việc chủ yếu, vì nơi họ và với họ, Giáo Hội có thể tìm thấy các giải đáp cho các vấn nạn của gia đình".
Có cặp vợ chồng đến từ Úc như ông bà Pirola. Có cặp đến từ Hoa Kỳ như ông bà Jeffrey Heinzen, hay từ Phi Luật Tân như ông bà George và Cynthia Campos, hay bà Jeannette Toure từ Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) Phi Châu.
Ông bà George và Cynthia Campos
Trong phát biểu của mình, bà Cynthia Campos (Phi Luật Tân) đưa ra những chứng từ bản thân trong đó "lần mang thai thứ 4, con (Cynthia) bị chẩn đoán mang chứng tiểu đường và nhiễm độc máu lúc có thai. Chúng con được cho hay mạng sống con có thể nguy hiểm nếu con tiếp tục mang thai và đứa con có xác xuất cao sinh ra bất thường. Chúng con được khuyên nên chọn lựa giữa phá thai và chấp nhận nguy hiểm. Đấy quả là một thử thách đối với đức tin và đầu hàng. Chúng con quyết định sinh cháu và tuân theo ý Chúa. Nhờ ơn Chúa, chúng con được mẹ tròn con vuông và con gái Christen của con hiện nay mạnh khỏe, đầy sức sống."
Ông bà Jeffrey Heinzen
Ông bà Jeffrey Heinzen (Hoa Kỳ) đưa ra một loạt hình ảnh bản than trong trách nhiệm sinh con và giáo dục con. Ông bà cho biết "Cha mẹ chúng con là chứng nhân trung thành của niềm vui và vẻ đẹp trong kế hoạch Thiên Chúa dành cho tình yêu và sự sống." Nhưng chứng kiến thực tại xã hội hôm này, ông bà cũng đã phải thốt lên: "Bất hạnh thay, không những trong các lượng giá của chúng con về nền văn hóa đương đại, nhưng còn do các kinh nghiệm mục vụ của chúng con, chúng con biết: nhiều người trẻ không gặp được chứng tá của tình yêu vợ chồng như chúng con đã được gặp. Do đó, quá nhiều giới trẻ đã lớn lên trong những gia đình bị đổ vỡ vì ly dị hay không có cảm nghiệm gì về cha mẹ kết hôn do những vụ thai nghén ngoài hôn nhân." Rồi ông bà đưa ra kết luận: "Như một số nhà khoa học xã hội từng mô tả, chúng con đã bước vào một thời đại trong đó cấu trúc gia đình bị thu nhỏ. Điều này trầm trọng hơn một cuộc khủng hoảng."
Từ suy tư trên, ông bà Heinzen nói lên trăn trở của mình: "Chúng con thấy người trẻ trở thành mồi cho nền văn hóa hưởng lạc đầy mù mờ. Chúng con biết con số đếm không xuể những người trưởng thành ly dị tham gia các cộng đồng đức tin khác vì họ cảm thấy họ không được Giáo Hội Công Giáo chào đón. Và lòng chúng con nhói đau đối với những cha mẹ đơn lẻ đang lao đao trong việc chăm sóc con cái. Giống như qúy vị, chúng con cố gắng tìm ra những cách thế đơn giản hơn, hữu hiệu hơn để chia sẻ tốt hơn các ơn phúc trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình."
Bà Jeannette Toure
Bà Jeannette Toure từ Bờ Biển Ngà, Phi Châu, chỉ mỗi một mình đến với THĐ, vì chồng bà là một tín đồ Hồi Giáo, họ kết hôn với phép chuẩn của Tòa Thánh về hôn nhân dị giáo, đạo ai nấy giữ. Bà tâm sự: "Đối với chúng con, trong những cuộc hôn nhân hỗn hợp, chủ đề này ‘Các Thách Đố Mục Vụ của Gia Đình trong Bối Cảnh Phúc Âm Hóa’ lại càng quan trọng hơn nhiều khi áp dụng vào thực tế của chúng con: làm thế nào để một người đàn ông, theo Hồi Giáo, và một người đàn bà, theo Công Giáo, trong hơn 52 năm qua đã yêu nhau, và tiếp tục yêu nhau cho tới ngày nay, trở thành chứng tá của Tin Mừng cho con cái họ, cho khu xóm họ, cho bằng hữu của họ, cho các cộng đồng tôn giáo khác?"
Bà Jeanne nêu rõ: "Chúng con muốn chứng tá đời sống của chúng con trở thành một đóng góp cho chủ đề trên: 52 năm chung sống trong khoan dung, tôn trọng hỗ tương các niềm tin của nhau, nâng đỡ nhau, giáo dục con cái theo Kitô Giáo (tất cả đều chịu phép rửa trong GHCG với sự thỏa thuận của chồng con), tất cả những điều này trong khi tiếp nhận được nhiều niềm vui do Chúa ban và trong khi giữ vững hy vọng trước nhiều nỗi khó khăn. Từ cuộc phối hợp này, chúng con được 5 đứa con và 6 đứa cháu: với tất cả, chúng con vun xới lòng kính trọng người khác dù dị biệt và đem lại niềm tin cho chúng."
Bà Jeanne lại một lần nữa triển dương lòng biết ơn đối với chồng mình cũng như xác lập quyết tâm dấn thân của bà trong trách nhiệm đem Tin Mừng đến những người xung quanh. Bà phát biểu: "Con cám ơn chồng con, người đã chấp nhận việc đó, tức việc tất cả các con của chúng con đều là người Công Giáo. Đến lượt chúng, chúng cũng cố gắng trở thành những người đem Tin Mừng tới những người xung quanh. Gia đình, nhất là gia đình Phi Châu, có nhiệm vụ làm chứng cho đức tin của mình ở giữa đời và ở khu vực xung quanh. Cũng là một thách đố khi ta ý thức được sức mạnh của truyền thống. Các chọn lựa và quyết định của ta phải giúp người xung quanh hiểu biết hơn, chấp nhận và yêu mến Thiên Chúa hơn."
Ông bà Ron và Mavis Pirola và những phản ứng
Phát biểu của cặp vợ chồng người Úc là ông bà Ron và Mavis Pirola đã gây nên một luồng phản ứng không thuận lợi khi ông bà đặt lên câu hỏi: "Chúng con sẽ làm gì khi đứa con đồng tính muốn đem bạn tình về nhà trong dịp lễ họp mặt gia đình?" Ông bà ấy nêu lên rằng: "Gia đình phải đối mặt với sự căng thẳng trong việc bảo tồn chân lý đức tin trong khi vẫn phải thể hiện lòng từ bi và thương xót". Họ kể lại việc có một số bạn bè của họ phải làm như thế nào khi người con đồng tính của họ muốn đem bạn tình về nhà trong dịp lễ Giáng sinh: "Nó là con của con mà!"
Cụ thể là thế này: "Những người bạn của chúng con đã lên chương trình họp mặt gia đình vào lễ Giáng sinh, khi đó người con trai đồng tính của họ nói rằng anh ta cũng muốn mang bạn tình của mình về nhà họp mặt. Các bậc phụ huynh này hoàn toàn tin tưởng vào giáo lý của Giáo Hội và họ biết rằng con cháu của họ sẽ chứng kiến việc tiếp đón của người con trai này với bạn tình của anh ta trong đại gia đình. Phản ứng của họ có thể được tóm gọn trong câu này: ‘Nó là con của chúng con mà!’"
Theo ông bà Pirola, "Giáo Hội liên tục phải đối mặt với sự căng thẳng để bảo tồn chân lý trong khi vẫn phải thể hiện lòng từ bi và thương xót. Các gia đình phải đối mặt với sự căng thẳng này trong mọi lúc." Từ đó. ước mong của ông bà Pirola đối với THĐ là: "Một mô hình truyền giáo cho các giáo xứ phải trả lời được với các tình huống tương tự như vậy!"
Ông bà còn nêu lên một tình huống khác, một kinh nghiệm thực tế về "một người bạn đã ly dị của chúng con nói rằng đôi khi cô ấy cảm thấy mình không hoàn toàn được đón nhận trong giáo xứ của mình. Tuy vậy cô vẫn tham dự thánh lễ thường xuyên và giáo dục con cái rất tốt. Đối lại giáo xứ không có thiện cảm với cô và việc cô ly dị là một chướng mắt cho họ. Từ những người như cô, chúng con ngộ ra rằng tất cả chúng con còn giữ những yếu tố khiếm khuyết trong cuộc sống. Nhận ra sự khiếm khuyết, chúng con sẽ bớt phán xét người khác, phán xét sẽ làm cản trở việc loan báo Tin Mừng."
Phát biểu của ông bà Pirota về đứa con đồng tính được truyền thông Công giáo Việt Nam, cụ thể là VietCatholic News (Vũ Văn An, 10.2014) cho là "phát súng khá điếc tai". Đặng Tự Do trên VietCatholic News ngày 11.10.2014 nói rõ hơn: "Cách đặt vấn đề và cách giải quyết [về người con trai đồng tính] của ông Ron và Mavis Pirola đã gây ra xao xuyến và bất mãn cho nhiều người Hoa Kỳ."
Tác giả Đặng Tự Do trích dẫn câu trả lời của ĐHY Raymond Burke (Mỹ) cho chương trình truyền hình LifeSite News: "Nếu những mối quan hệ đồng tính luyến ái là những mối quan hệ rối loạn về bản chất, mà thực sự chúng là như vậy – thì việc chào đón một thành viên gia đình cùng với một người khác đang trong quan hệ rối loạn ấy trong một cuộc gặp gỡ gia đình có ý nghĩa gì với con cháu chúng ta?"
Cũng theo Đặng Tự Do, ĐHY [Burke] nói rằng cha mẹ trong trường hợp này có thể gây ngộ nhận cho con cháu của họ, và gây hại cho họ "bởi thái độ dường như tán đồng một hành vi phạm tội nghiêm trọng của một thành viên trong gia đình."
4. PHÚC TRÌNH SAU THảO LUậN VÀ PHảN ứNG.
Từ ngày khởi sự làm việc (05.10.2014) cho đến cuối tuần lễ đầu, THĐ đã trải qua 10 phiên họp với nhiều ý kiến và đề nghị sôi nổi, nhiều khi không phải là không có những cuộc tranh cãi khá gay gắt, đến nỗi, tại phiên họp thứ 10, sau khi bản phúc trình sau thảo luận giữa kỳ được công bố đã xẩy sinh "các nhận định không thuận lợi cho phúc trình" (như nhan đề bản tin của Vũ Văn An ngày 14/10/2014 trên VietCatholic News đã chỉ ra). Hoặc "Âu lo của các nghị phụ với bản Phúc Trình Sau Thảo Luận" (theo như Đặng Tự Do cũng ngày 14/10/2014 trên VietCatholic News). Hay "Thượng Hội Đồng về Gia Đình gây chấn động với Phúc Trình Sau Thảo Luận" (Vũ Văn An, VietCatholic News 13.10.2014)…
Lý do: "Các nghị phụ phàn nàn rằng bản Phúc Trình Sau Thảo Luận đưa ra hôm Thứ hai đã không phản ánh đúng những suy nghĩ của Thượng Hội Đồng" (Đặng Tự Do – Âu lo…14.10.2014).
Bài viết của Đặng Tự Do nêu rõ ĐHY Raymond Burke (Mỹ) "cáo buộc rằng bản Phúc Trình không phản ánh chính xác các cuộc thảo luận tại THĐ, nhưng ‘trên thực tế lại đề xuất những quan điểm mà nhiều nghị phụ không thể chấp nhận, và tôi có thể nói những mục tử trung thành với đoàn chiên không thể chấp nhận.’" Cũng theo tiết lộ của bài báo, "vị Hồng Y Mỹ cho biết rằng ‘một số lượng lớn những nghị phụ của THĐ phản đối Phúc Trình này.’"
Ngày 16.10.14, các tham dự viên của THĐ bước vào giai đoạn II của cuộc thảo luận. Các tham dự viên tiếp tục nghiền ngẫm các văn bản từ tài liệu làm việc để bàn về những thách đố nơi gia đình trong bối cảnh Tân Phúc Âm hóa.
Cha Lombardi trình bày "điểm chính" cuộc thảo luận vào sáng 16.10 và những kết quả từ cuộc thảo luận đang được cánh báo chí trên thế giới lưu tâm cách đặc biệt. Mỗi nhóm đều làm việc chăm chỉ để đề xuất những cải tiến, sửa đổi trong tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng và sẽ đi đến biểu quyết vào ngày thứ bảy 18.10.
Trong khi một số các phương tiện truyền thông đời đã mô tả cuộc thảo luận đang xảy ra những căng thẳng, xung đột từ các giám mục có đầu óc cải tiến thì Cha Tom Rosica người Canada cho biết các cuộc thảo luận hết sức chân thành và trung thực và đó cũng là mong muốn của ĐTC. Đồng thời từ những thảo luận chân thành và trung thực này sẽ đưa ra quyết định trong Giáo Hội.
Một số những thắc mắc từ các cuộc hội thảo trước, nay cũng đang có những giải thích nhận được nhiều sự đồng thuận, như Hoàng Minh của VRNs (Tin DCCT Việt Nam) ghi nhận ngày 16.10.2014 như sau:
"Phải chăng những thay đổi này dẫn đến việc thay đổi bản chất của Giáo huấn Giáo hội về đời sống hôn nhân và gia đình? ĐHY Schonborn khẳng định rằng: ‘Không hề có chuyện đó. Việc đổi mới là nhằm để phát triển giáo huấn của Giáo hội để đối phó với những thách đố trong đời sống ngày nay. ĐTC mời gọi chúng ta ‘chuyển đổi mục vụ’ trong Giáo Hội nơi nhiều nước châu Âu, là một thành phần của thế giới. Điều đó đòi hỏi sự can đảm nơi các Giáo hội tại Châu Âu là ‘đi ra các đường phố’, gặp tất cả mọi người, tôn trọng và tiếp đón họ, chứ không phải phán xét tình trạng của gia đình hay định hướng về khuynh hướng tính dục nơi gia đình ….
"Trường hợp về những người có khuynh hướng đồng tính thì giáo lý và các tài liệu nói rằng phải tiếp đón họ như những nhân vị và có cách cư xử mang tính Kitô giáo. Nhưng việc tôn trọng họ không có nghĩa là tôn trọng hành vi của họ.
"Đức Hồng Y Schonborn cũng nói đến kinh nghiệm đau khổ nơi những người con khi cha mẹ chúng ly dị, cũng như sự ngưỡng mộ của mình khi ngài làm việc mục vụ ở Vienna về tình yêu và sự quan tâm của một đôi đồng tính. ĐHY nhắc lại với các nhà báo rằng: Nhiệm vụ của Giáo Hội là tìm kiếm hạt giống tích cực của sự thật trong mọi tình cảnh, để nhận ra tình yêu nơi mỗi gia đình."
Ngoài ra, trên truyền thông internet, người ta cũng đọc thấy quan điểm của ĐHY Kasper về một số vấn đề trong khủng hoảng gia đình hiện nay và những phản ứng đối với quan điểm ấy.
Theo tác giả Vũ Văn An, VietCatholic News ngày 16.10.2014 (Thượng Hội Đồng về gia đình, quan điểm gây tranh cãi của Đức HY Kasper về Phi và Á Châu), "trong cuộc phỏng vấn mới đây của hãng tin Zenit, ngài phát biểu hết sức một chiều, phiến diện về quan điểm của các Giáo Hội Công Giáo Phi Châu, trong khi lại dựa các luận điểm của mình vào những Giáo Hội không phải là Công Giáo để bênh vực chủ trương của mình là cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ (hình như không cần xưng tội!), theo một mô thức mà ngài gọi là "được khoan dung dù không được chấp nhận".
Trong khi đó, khi được báo Vatican Insider phỏng vấn, nêu lên hỏi "Các người bảo thủ nói giáo điều đang bị lâm nguy", Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, linh mục Adolfo Nicolas, người sẽ từ nhiệm vào năm 2016, đang tham dự THĐGM thế giới về gia đình đang diễn ra tại Rôma, đã trả lời: "Tuyệt đối hóa là sai lầm. Chúng ta lấy ví dụ của những cặp sống chung với nhau. Không phải vì có khiếm khuyết mà mọi sự đều xấu. Cũng như, có một cái gì đó tốt khi người ta không làm điều xấu cho người anh em. Đức Phanxicô đã nhắc lại chuyện này: "Tất cả chúng ta đều là kẻ phạm tội". Phải nuôi dưỡng sự sống trong mọi lãnh vực. Công việc của chúng ta là đưa giáo dân về với ơn sủng chứ không phải vì các nguyên tắc mà loại bỏ họ. Đó là công việc hàng ngày của các tu sĩ Dòng Tên chúng tôi. Tòa Thẩm Tra biết chuyện này rất rõ."
Vị linh mục kết luận: "Thần Khí vẫn là trước hết, vì Thần Khí đến từ Thiên Chúa, còn luật lệ và nguyên tắc là của con người. Đối với luân lý về tình dục và gia đình, phải dịu dàng và có tình anh em. Không phải chia rẽ nhưng là hòa hợp. Người ta không thể rao giảng Phúc Âm mà đi ngược với Phúc Âm. Chỉ có lựa chọn tập trung vào Chúa Kitô mới là lựa chọn thoát được các tranh chấp cằn cỗi, các tranh cãi ý thức trừu tượng. Các lỗ hổng và các bất toàn không vô hiệu hóa sự tiến triển của gia đình trong xã hội từ mấy mươi năm nay. Nếu có gì tiêu cực thì không phải tất cả mọi chuyện đều tiêu cực" (VietCatholic News, Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Tên trả lời phỏng vấn về Thượng HĐGM thế giới, Nguyễn Tùng Lâm dịch, 10.13.2014).
Chúng tôi thực hiện bản tóm lược này đang khi THĐGM đi vào giai đoạn cuối, và đúng lúc này cũng vừa nhận được Bản Tường trình kết thúc THĐ - cuộc hội ngộ kéo dài hai tuần lễ - trong đó xin ghi nhận lại một lần nữa lời của ĐHY Brandmuller: "Chúng ta phải nhớ rằng THĐ ngoại thường này sẽ chưa có một đúc kết cụ thể nào. Chỉ có THĐ thường kỳ diễn ra vào năm tới mới có thể làm điều đó."
BảN TƯờNG TRÌNH KếT THÚC THĐ
Vào đêm 18 rạng 19.10.2014, chúng tôi đọc được những bản tin kết thúc THĐGM thế giới. Xin mạn phép ghi lại những điểm then chốt mà bản tin ngày 18.10.2014 của Vũ Văn An, VietCatholic News đưa ra dưới nhan đề "Thượng Hội Đồng về Gia Đình: tường trình sau cùng".
Theo bản tin này, đêm thứ Bẩy, THĐ về Gia Đình phiên đặc biệt đã kết thúc với bản tường trình sau cùng, hay bản tường trình của THĐ (Relatio Synodi), được công bố chi tiết. Theo đó, đã có sự sửa đổi lớn đối với cả hai vấn đề đồng tính và ly dị tái hôn so với bản tường trình giữa khóa hay còn gọi là bản tường trình sau thảo luận (relatio post deceptationem).
Bản tin nêu rõ: Các đoạn nói về hai vấn đề trên là những đề mục không hội đủ 2 phần 3 số phiếu để được thông qua, mặc dù đã được sửa lại với những lối nói thận trọng hơn. Có giám mục sẵn sàng thay đổi thì cũng có giám mục lo ngại trước việc xâm hại tới truyền thống Công Giáo.
Đức HY Raymundo Damasceno Assis, TGM Aparecida, Ba Tây, cho rằng đây là một "tài liệu thỏa hiệp" nghĩa là phản ảnh cố gắng dung hoà khuynh hướng muốn có sự cởi mở lớn hơn và khuynh hướng bảo thủ lo lắng trước viễn ảnh giáo huấn GH bị lu mờ.
Điều này xem ra cũng phản ảnh viễn kiến của Đức Phanxicô. Trong bài diễn văn dài 10 phút, ĐGH nói rằng GHCG cần mở ra con đường trung dung giữa "cứng cỏi chống đối" và "thương xót sai lầm". Ngài nói thêm: GH không nên "ném đá người tội lỗi, người yếu đuối và người bệnh hoạn" mà cũng không nên "xuống khỏi thập giá" bằng cách tự thỏa hiệp với "tinh thần thế gian".
Bản tin cho biết ĐGH vừa dứt lời, THĐ đứng lên hoan hô trong 5 phút đồng hồ.
Bản tường trình của THĐ được dùng để hướng dẫn các cuộc thảo luận trong suốt năm tới, chuẩn bị cho THĐ thông thường về gia đình dự trù được tổ chức vào tháng 10. 2015.
Bản tường trình kết thúc rằng: Người đồng tính phải được "chào đón một cách tôn trọng và tế nhị" không nên "bị kỳ thị một cách bất công"; nhưng đồng thời cũng quả quyết rằng "không có căn bản nào" để so sánh "dù là xa xôi" các mối liên hệ đồng tính này với cuộc hôn nhân giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà.
Về những người CG ly dị và tái hôn dân sự, tường trình sau cùng cho hay: việc cho phép họ rước lễ được cả hai phe nhiệt tình tranh luận và kết cục, THĐ đã quyết định để nó lại cho một cuộc nghiên cứu thấu đáo hơn.
Riêng thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu, đại đa số các nghị phụ THĐ ủng hộ một hệ thống nhanh hơn, đơn giản hơn và lý tưởng nhất là miễn phí. Tuyên bố vô hiệu là tuyên bố rằng một cuộc phối hợp chưa bao giờ là hôn nhân cả vì thiếu một trong những điều làm nó thành sự. Trên thực tế, lời tuyên bố này cho phép người ta kết hôn lần thứ hai trong GH.
Chúng ta tiếp tục hiệp thông cùng ĐTC Phanxicô và toàn thể Giáo Hội khẩn thiết cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng cho các Đấng bậc tìm ra và thực hiện viên mãn các điều tốt đẹp Chúa muốn cho Giáo Hội và cho sự thăng tiến của mọi gia đình, nhất là gia đình con cái Chúa nơi trần gian này đang rơi vào khủng hoảng.
(Khánh Nhật Truyền Giáo).
Chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô
BY: VŨ BÌNH, MAI TÂM
LTS. Mặc dầu chuyến tông du của ĐTC Phanxicô sang thăm giáo hội Nam Hàn đã khép lại gần một tháng qua, nhưng vì những âm hưởng đạo đời vẫn vang dội trên toàn thế giới và nhất là những bài học quan trọng mà các giáo hội Công giáo châu Á nói chung và Giáo hội Công giáo tại Việt Nam nói riêng, có thể rút lấy những bài học phong phú về mọi phương diện, nên nguyệt san Dân Chúa Âu Châu xin tóm lược và mời quý độc giả cùng ôn lại biến cố này trong mục BIẾN CỐ TRONG THÁNG...
1. "MộT DÂN TộC KHÔN NGOAN VÀ VĨ ĐạI KHÔNG CHỉ TRÂN TRọNG TRUYềN THốNG CủA Tổ TIÊN MÀ CÒN BIếT QUÝ TRọNG NGƯờI TRẻ"
Ngày thứ nhất chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô:
Khởi hành từ sân bay Fiumicino, Roma lúc 16g thứ tư 13.08, ĐTC đã đến Seoul vào lúc gần 10g30 sáng thứ năm 14.08 theo giờ địa phương. Sau nghi lễ tiếp đón tại căn cứ không quân Seoul, ĐTC đã lên xe về Tòa Sứ thần Tòa Thánh để cử hành Thánh lễ riêng, sau đó dùng bữa và nghỉ trưa.
Lúc 4 giờ chiều, ĐTC đã đến dinh tổng thống, gọi là "Nhà Xanh", và được bà Tổng thống Park Geun-hye đón tiếp. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội kiến riêng ngắn gọn và trao đổi quà tặng.
Gặp giới chức chính quyền
Sau đó ĐTC gặp gỡ giới chức chính quyền dân sự, gồm các nhà lãnh đạo chính trị Hàn Quốc, một đại diện của phái đoàn ngoại giao và các nhà lãnh đạo khác.
ĐGH cũng nói về hai sự kiện chính trong chuyến tông du của ngài: Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, và tôn phong chân phước 124 vị tử đạo Hàn Quốc.
Gặp các giám mục Hàn Quốc
Khoảng 17g30, ĐTC đã đến trụ sở HĐGM Hàn Quốc để gặp gỡ các giám mục. Đây là dịp để ngài trao đổi với một trong những Giáo hội năng động nhất ở châu Á và trên thế giới. Trong bài huấn từ, ĐTC ca ngợi "sức sống mạnh mẽ" này, nhưng cũng không ngần ngại cảnh báo các giám mục Hàn Quốc trước một "tinh thần thế tục về phương diện thiêng liêng và mục vụ, bóp nghẹt tinh thần, thay vì hoán cải lại tự mãn và rốt cuộc dập tắt nhiệt tình truyền giáo".
Kết thúc bài huấn từ, ĐTC đưa ra lời phê phán cứng rắn. Ngài thừa nhận rằng Giáo Hội tại Hàn Quốc "sống và hoạt động trong một xã hội thịnh vượng, nhưng ngày càng tục hoá và duy vật". Nhưng "trong những hoàn cảnh ấy, cám dỗ của những người làm mục vụ không chỉ là việc áp dụng những mô hình hiệu quả trong quản lý, lập kế hoạch và tổ chức của giới kinh doanh, mà còn là một lối sống và suy nghĩ được hướng dẫn theo các tiêu chuẩn thành công của thế gian, kể cả quyền lực, hơn là các tiêu chuẩn được Chúa Giêsu trình bày trong Phúc Âm".
Vì thế, ĐTC khích lệ tất cả các giám mục: "Ước gì chúng ta thoát khỏi tinh thần thế tục về phương diện thiêng liêng và mục vụ; nó bóp nghẹt tinh thần, thay vì hoán cải lại tự mãn và rốt cuộc dập tắt nhiệt tình truyền giáo".
2. "HÃY TRở NÊN NHữNG THừA SAI LOAN BÁO TIN MừNG"
Ngày thứ hai chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô:
Ngày thứ hai của chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô được đánh dấu bởi hai sự kiện lớn: Thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ Lên Trời được cử hành vào buổi sáng tại sân vận động "Cúp Bóng đá Thế giới" ở Daejeon, và cuộc gặp gỡ giới trẻ Á châu tại Đền Solmoe vào buổi chiều.
Những mô hình kinh tế phi nhân
Khoảng 50.000 người tụ hội tại sân vận động đã nồng nhiệt chào đón ĐTC tiến vào sân vận động trên một chiếc xe dành riêng cho Giáo hoàng "made in Korea". Bầu khí đã được hâm nóng trước đó bởi giọng ca của các ca sĩ nổi tiếng nhất Hàn Quốc.
Đây là thánh lễ đầu tiên ĐTC cử hành cùng với cộng đoàn tại Hàn Quốc trong chuyến tông du này. Trong bài giảng, ĐTC kêu gọi "các Kitô hữu của dân tộc này" hãy là "một sức mạnh quảng đại của sự canh tân tinh thần ở mọi môi trường của xã hội". ĐTC cũng nhắc lại lời cảnh báo ngài đã đưa ra hôm trước đó khi gặp gỡ các giám mục Hàn Quốc về mối nguy cơ có thể bị chết chìm trong một xã hội thế tục hóa và duy vật, và ngài kêu gọi các tín đồ phải cương quyết chống lại "sự lôi cuốn của chủ nghĩa duy vật đang bóp nghẹt các giá trị tinh thần và văn hóa, cũng như chống lại óc cạnh tranh không gì kềm hãm được đang làm nảy sinh sự ích kỷ và các mâu thuẫn".
Trở về với chủ đề ngài tha thiết, ĐTC bày tỏ lòng mong ước được thấy người Hàn Quốc "tránh xa các mô hình kinh tế phi nhân vốn đang tạo ra những hình thức mới của sự nghèo khổ và đang đẩy người lao động ra ngoài lề xã hội, tránh xa nền văn hóa sự chết đang hạ giá hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa của sự sống, và vi phạm phẩm giá của từng con người, nam, nữ và trẻ em".
Solmoe, trái tim sống động của Công giáo Hàn Quốc
Điểm nhấn của buổi chiều ngày thứ hai của chuyến tông du này là cuộc gặp gỡ giữa ĐTC Phanxicô với giới trẻ công giáo châu Á tại Solmoe.
Địa điểm được chọn làm nơi gặp gỡ mang tính biểu tượng bởi vì chính đây là cửa ngõ đạo Công giáo đi vào xã hội Hàn Quốc. Theo tiếng Hàn Quốc, Solmoe có nghĩa là "quả đồi nhỏ với rừng thông". Chính tại nơi đây Thánh Anrê Kim Taegon, linh mục đầu tiên người Nam Hàn Quốc, đã ra đời vào năm 1820 và đây cũng là nơi gia đình ngài sinh sống. Anrê Kim Taegon đã được chịu phép rửa tội vào năm 1836, lúc 16 tuổi, do tay linh mục người Pháp Pierre Philibert Maubant.
Ngài đã thực hiện một cuộc đi bộ kéo dài sáu tháng tới Macao bên Trung Quốc để học đạo Công giáo, và khi về lại nước năm 1846, ngài đã dấn thân trong hoạt động truyền giáo. Sự nhiệt thành truyền giáo của những người Công giáo tiên khởi Hàn Quốc đã bị nhà nước ra sức dập tắt. Anrê Kim Taegon bị giải tới Seoul và bị tống giam, trước khi bị treo cổ ngày 16.9.1846. Lúc ấy, ngài mới vừa 25 tuổi và mới được phong chức linh mục 13 tháng trước đó. Trước khi mất, cha Anrê Kim đã để lại một di chúc trong đó ngài ghi: "Tôi chết vì Chúa, nhưng đó lại là khởi đầu của một cuộc sống đời đời". Máu của ngài và của các vị tử đạo của Giáo hội Hàn Quốc đã đổ ra là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử của đạo Công giáo tại nước này.
Những người trẻ châu Á đặt câu hỏi với ĐTC
Cuộc gặp gỡ giữa ĐGH Phanxicô với những người tham dự Ngày Giới Trẻ châu Á đã bắt đầu với chứng từ của ba người trẻ, đại diện cho các thực tại khác nhau của châu Á: một thiếu nữ người Hàn Quốc, một người Hoa sinh sống tại Hồng Kông và một thiếu nữ người Campuchia.
Thiếu nữ người Campuchia chia sẻ tâm tình bị giằng xé giữa ơn gọi làm tu sĩ và nhu cầu tiếp tục việc học để giúp gia đình và những người nghèo khổ nhất.
Chứng từ thứ hai là của Giovanni, một người Hoa, 24 tuổi, sống tại Hongkong, nói đến tình cảnh của Giáo hội tại lục địa Trung Hoa luôn bị kiểm soát một cách gắt gao nhưng vẫn trung thành với đức tin Công giáo. Đồng thời, Gioavanni cũng bày tỏ ý muốn của đông đảo người trẻ tại Hongkong được tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế giới tại thành phố của họ.
Marina Park Giseon, người Hàn Quốc, cũng đưa ra những câu hỏi tế nhị về tình cảnh đất nước Hàn Quốc bị chia hai: "Nếu chúng con đã phải sống 60 năm trong hận thù lẫn nhau với miền Bắc, con nghĩ rằng lỗi không chỉ ở một phía". Cô cũng nhấn mạnh đến ý tưởng cho rằng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa duy vật của xã hội Hàn Quốc đôi khi đã dẫn đến chỗ đánh mất các giá trị. "Xem ra chủ nghĩa tư bản tại Hàn Quốc không mấy đặt trọng tâm vào sự an ninh và hạnh phúc của con người", cô nhận định.
ĐTC đã chăm chỉ lắng nghe, ghi chép và nồng nhiệt cám ơn chứng từ của mỗi người, và trả lời ứng khẩu bằng tiếng Ý, sau khi đọc bài diễn văn của ngài với các người trẻ bằng tiếng Anh.
Với chứng từ thứ nhất, ĐTC khuyên nên đi theo con đường Chúa đã chọn cho cô chứ không phải chọn một trong hai con đường mình tính chọn.
Với người Hàn Quốc, ĐTC nói: "Anh chị em nói cùng một ngôn ngữ, hãy nghĩ tới anh chị em của mình ở miền Bắc, và khi trong gia đình, người ta nói cùng một ngôn ngữ, ở đó cũng có một niềm hy vọng của con người".
Với các người trẻ, ĐTC nói: "Thần Khí Đức Giêsu có thể đem lại một sự sống mới cho con tim của mỗi người và có thể biến đổi từng hoàn cảnh, cho dù bề ngoài xem ra tuyệt vọng nhất".
Cuối cùng, ĐTC kêu gọi các người trẻ tập họp tại Solmoe hãy là những thừa sai loan báo Tin Mừng, "Tin Mừng về niềm hy vọng, tại trường học, nơi làm việc, trong gia đình, tại đại học và trong các cộng đoàn".
3. "CHỉ CÓ CHứNG TÁ CủA NIềM VUI MớI LÔI CUốN NGƯờI KHÁC"
Ngày thứ ba chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô:
WHĐ (17.08.2014) – Sự kiện chính trong ngày thứ ba của chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô là cử hành Thánh Lễ tôn phong chân phước cho Tôi tớ Chúa Paul Yun Ji-Chung và 123 bạn tử đạo, tại cổng Gwanghwamun ở Seoul vào lúc 10 giờ sáng. Buổi chiều, sau khi đến thăm trung tâm phục hồi chức năng của người khuyết tật "Nhà Hy vọng" ở Kkottongnae, ĐTC có hai cuộc gặp gỡ: gặp các cộng đoàn tu sĩ Hàn Quốc tại trung tâm "Ngôi trường Tình yêu" ở Kkottongnae và gặp các nhà lãnh đạo tông đồ giáo dân tại trung tâm linh đạo ở Kkottongnae. Vào buổi sáng, trước khi cử hành Thánh Lễ tôn phong chân phước, ĐTC đã đến viếng Đền thánh Tử đạo Seo So mun.
Thánh Lễ tôn phong chân phước
ĐTC Phanxicô đã ca ngợi "sự hy sinh cao cả" của các vị tử đạo và lời mời gọi của các ngài "hãy đặt Chúa Kitô lên trên hết".
"Tất cả các ngài đã sống và chết cho Chúa Kitô, và bây giờ được cùng với Người thống trị trong niềm vui và vinh quang".
Việc tôn phong Chân phước Paul Yun Ji-Chung và các bạn của Người là dịp để chúng ta trở về những thời khắc đầu tiên, thời kỳ phôi thai của Giáo hội tại Hàn Quốc. Đây là dịp mời gọi anh chị em, những người Công giáo Hàn Quốc, nhớ lại những điều lớn lao mà Thiên Chúa đã thực hiện ở vùng đất này và trân trọng di sản đức tin và đức ái đã được tổ tiên giao phó cho anh chị em.
Kitô giáo Hàn Quốc được khai sinh từ thế kỷ 18, khi các học giả Hàn Quốc nghe nói đức tin được loan báo ở Trung Quốc. Họ đã đến Trung Quốc để học hỏi về đạo Thiên Chúa với các nhà thừa sai Dòng Tên, rồi trở về giảng dạy giáo lý, rửa tội cho hàng ngàn người, dù không có linh mục.
Nhưng nhà cầm quyền Hàn Quốc bắt đầu bách hại các Kitô hữu và cấm sách vở Công giáo. Paul Yun Ji-chung và James Kwong Sang-yon, cả hai đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc, đã bị chém đầu năm 1791 vì vi phạm các nghi lễ của Nho giáo. Cuộc hành quyết đánh dấu sự bắt đầu một cuộc bách hại lớn đối với giáo dân Hàn Quốc.
Sau khi ĐTC công bố chính thức tôn phong Chân phước cho các vị tử đạo, khắp quảng trường Gwanghwamun vang dậy tiếng hò reo vui mừng của cộng đoàn tham dự gần một triệu người, cùng tiếng kèn trống rộn rã. Các màn hình khổng lồ đặt ở hai bên bàn thờ chiếu hình vẽ các vị Tân chân phước.
Bài giảng của ĐTC nói về nguồn gốc của Kitô giáo Hàn Quốc cho thấy "tầm quan trọng, phẩm giá và nét đẹp" của ơn gọi của người giáo dân Công giáo.
"Trong sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa, đức tin Kitô giáo đã không đến với đất nước Hàn Quốc qua các nhà thừa sai; nhưng qua tim óc của chính người dân Hàn Quốc". Họ được thúc đẩy bởi sự tò mò tri thức để tìm kiếm chân lý tôn giáo. Qua cuộc gặp gỡ đầu tiên với Phúc Âm, các Kitô hữu Hàn Quốc đầu tiên đã mở rộng tâm trí mình cho Chúa Giêsu. Họ muốn biết thêm về Đấng Kitô đã chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại từ cõi chết ấy".
Đã có các vị tử đạo khác của Hàn Quốc được tuyên thánh: Thánh Gioan Phaolô II tuyên thánh cho 103 vị tử đạo Hàn Quốc vào ngày 6.5.1984 trong chuyến viếng thăm Hàn Quốc.
ĐTC Phanxicô khẩn cầu những vị thánh này, thánh Anrê Kim Taegon, thánh Paul Chong Hasang và các bạn, cùng với các vị tử đạo vừa mới được tôn phong Chân phước.
ĐTC đã giảng về bài Phúc Âm trong chương 17 của Phúc Âm theo thánh Gioan và sự liên quan với các vị tử đạo vừa được tôn phong Chân phước.
Với các tu sĩ: Chỉ có chứng tá của niềm vui mới lôi cuốn người khác
Ngỏ lời với các cộng đoàn tu sĩ của Hàn Quốc, ĐTC Phanxicô kêu gọi tín thác vào lòng Chúa thương xót và tập trung vào đời sống cộng đoàn trong việc truyền bá niềm vui Phúc Âm cho thế giới: "Chỉ khi chứng tá của chúng ta vui tươi, chúng ta mới lôi cuốn được người khác đến với Chúa Kitô".
ĐTC cảm ơn các tu sĩ trong nỗ lực dựng xây Nước Thiên Chúa, và ngài nói rằng đời sống tu sĩ là một món quà lớn lao làm phong phú cho Giáo hội.
Ngài kêu gọi các tu sĩ suy tư về vai trò trung tâm của niềm vui trong cuộc sống của người sống đời thánh hiến.
ĐTC cũng cảnh báo về những xao lãng và gương xấu, và lưu ý rằng nghèo khó trong đời sống thánh hiến vừa là một "thành trì" bảo vệ, vừa là một "người mẹ" hướng dẫn chúng ta đi theo đường ngay chính.
ĐTC còn cảnh báo về cơn cám dỗ "chấp nhận một não trạng thế tục, hoàn toàn thực dụng, dẫn đến việc đặt niềm hy vọng của chúng ta nơi phương tiện của con người mà thôi và phá huỷ chứng từ về đời sống khó nghèo mà Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã sống và dạy chúng ta".
ĐTC kêu gọi các tu sĩ ý thức vai trò của mình trong việc định hướng ơn gọi trong tương lai, và thúc giục họ "hãy làm tất cả những gì anh chị em có thể làm được để cho thấy rằng đời sống dâng hiến là một món quà quý giá cho Giáo hội và thế giới. Đừng giữ lại cho riêng mình; nhưng hãy chia sẻ, mang Chúa Kitô đến mọi ngõ ngách trên đất nước thân yêu này".
4. "CHỉ CÓ THể ĐốI THOạI NếU CHÚNG TA BIếT RÕ MÌNH LÀ AI"
Ngày thứ tư chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô:
Chúa nhật 17.08, ngày thứ tư trong chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô, có hai sự kiện chính: ĐTC gặp các giám mục Á châu tại Đền Haemi lúc 11 giờ và cử hành Thánh Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, tại lâu đài Haemi lúc 16 giờ.
Gặp các giám mục Á châu
Trước hết, ĐHY Oswald Gracias, TGM Mumbai, Ấn Độ, với tư cách chủ tịch HĐGM Á châu, đã đại diện các giám mục chào mừng ĐTC.
Trong phần đáp từ, ĐTC khai triển đề tài về "đối thoại".
Ngài bày tỏ hy vọng rằng "các quốc gia mà Toà Thánh chưa có quan hệ đầy đủ sẽ không ngần ngại thúc đẩy một cuộc đối thoại vì lợi ích của tất cả".
ĐTC nói rằng "Giáo hội được kêu gọi linh động và sáng tạo trong việc làm chứng cho Tin Mừng, nhờ đối thoại và mở ra với mọi người".
ĐTC giải thích thêm: "Căn tính này chính là đức tin sống động trong Chúa Kitô", và ngài đặt câu hỏi với các giám mục: "Liệu căn tính ấy có được thể hiện rõ ràng trong các chương trình giáo lý và mục vụ giới trẻ, trong việc phục vụ người nghèo và những người sống vất vưởng bên lề xã hội giàu có của chúng ta và trong những nỗ lực thúc đẩy ơn gọi linh mục và đời sống tu trì hay không?"
Nhưng để xác định căn tính ấy không phải là điều dễ dàng. Có nhiều trở ngại cản đường, bởi vì "chúng ta sẽ luôn bị cám dỗ bởi tinh thần thế tục". Trong những trở ngại ấy, có "sự sai lầm của thuyết tương đối, làm lu mờ ánh quang chân lý". Và ĐTC xác định rằng ngài đang nói về "chủ nghĩa tương đối thực dụng, diễn ra hằng ngày, làm suy yếu căn tính của chúng ta mà rất khó nhận ra".
Một nguy cơ khác là "tính hời hợt", nói cách khác, đó là "xu hướng chạy theo thời trang, những tiện nghi và thú tiêu khiển, hơn là chú tâm vào những điều thực sự quan trọng". Tính hời hợt này cũng có thể thấy trong việc "bị cuốn hút vào những chương trình mục vụ và lý thuyết, làm phương hại đến việc gặp gỡ trực tiếp và hiệu quả với các tín hữu, nhất là những người trẻ, những người cần có nền tảng giáo lý vững chắc và được hướng dẫn về mặt thiêng liêng"
Và cám dỗ cuối cùng rình chực mỗi Kitô hữu là "sự an toàn giả tạo ẩn dưới những câu trả lời dễ dàng, những công thức có sẵn, những lề luật và quy định".
Thánh Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ châu Á
ĐTC mở đầu bài giảng bằng cách lặp lại chủ đề của Đại hội Giới trẻ châu Á tại Hàn Quốc: "Vinh quang của các thánh tử đạo tỏa sáng trên bạn! Đây là một đoạn chủ đề của Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, điều này an ủi và củng cố tất cả chúng ta. Hỡi những người trẻ Á châu: các con là những người thừa kế của một chứng từ cao cả, của chứng nhân cao quý về Chúa Kitô. Ngài là ánh sáng thế gian; Ngài là ánh sáng của cuộc sống chúng ta! … ".
ĐTC cũng khai triển một đoạn khác trong chủ đề của Đại hội: "Hỡi bạn trẻ châu Á, hãy thức tỉnh!"
Về từ "Châu Á", ĐTC ghi nhận rằng "Lục địa châu Á, vốn được thấm nhuần những truyền thống triết học và tôn giáo rất phong phú, là một môi trường tuyệt vời để các con làm chứng cho Chúa Kitô "là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14, 6)". Vì thế, ngài khích lệ các bạn trẻ châu Á: "Đừng sợ đem sự khôn ngoan của đức tin vào mọi hoàn cảnh của đời sống xã hội!"
Và ĐTC cho biết, nhờ Chúa Thánh Thần đồng thời hiệp nhất với các chủ chăn, các bạn trẻ sẽ phân định được những giá trị tích cực trong các nền văn hóa đa dạng ở Á Châu.
Về từ "Giới trẻ", ĐTC nêu lên những đặc tính của người trẻ: lạc quan, đầy sức sống và thiện chí. Và ngài khuyến khích các bạn trẻ: "Hãy để Đức Kitô biến những lạc quan vốn có nơi các con thành niềm hy vọng Kitô giáo, biến sức sống của các con thành các nhân đức, và thiện chí của các con thành tình yêu tự hiến đích thực!... Như thế, tuổi trẻ của các con sẽ trở nên quà tặng cho Chúa Giêsu và cho thế giới".
ĐTC cũng nói đến một cám dỗ của người trẻ là "xua đuổi những người xa lạ, những người nghèo và người đau khổ". Họ đang kêu cứu, đang van xin.
Cuối cùng, với từ "Thức tỉnh!", ĐTC nói rằng Chúa đã trao trách nhiệm cho người trẻ.
Kết thúc bài giảng, ĐTC hy vọng các bạn trẻ hiệp nhất với Chúa Kitô và Giáo hội và bước đi trên con đường ấy, con đường chắc chắn sẽ mang lại nhiều niềm vui.
Sau Thánh lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, ĐHY Oswald Gracias, TGM Mumbai, Ấn Độ kiêm chủ tịch HĐGM Á châu, đã ngỏ lời cám ơn ĐTC và loan báo Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ bảy sẽ được tổ chức tại Indonesia vào năm 2017.
5. "HÃY ĐÓN NHậN ƠN HOÀ GIảI VÀO TRONG TÂM HồN VÀ CHIA Sẻ ƠN ấY CHO NGƯờI KHÁC!"
Ngày thứ năm chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô:
Hai sự kiện cuối cùng trong chuyến tông du của ĐTC Phanxicô đều diễn ra tại Seoul vào buổi sáng thứ hai 18.08: gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo tại toà TGM Seoul cũ lúc 9 giờ và cử hành Thánh Lễ cầu cho cho hoà bình và hoà giải, tại nhà thờ chính toà Myeong-dong ở Seoul lúc 9 giờ 45. Sau đó, ĐTC đến căn cứ không quân Seoul để trở về Roma. Sau nghi lễ tạm biệt tại đây, chiếc máy bay của hãng hàng không Hàn Quốc chở ĐTC và phái đoàn cùng đi đã cất cánh lúc 13 giờ.
Gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo
Đứng trước một bức hoạ các vị tử đạo Hàn Quốc, trọng tâm của chuyến viếng thăm này, ĐTC chào từng người một, trong đó có Giám mục Anh giáo của giáo phận Seoul, chủ tịch Giáo hội Luther và lãnh đạo các Giáo hội Trưởng lão. Các vị lãnh đạo Phật giáo và đại diện của các cộng đồng Kitô giáo khác cũng có mặt, cùng với Đức TGM Chính thống giáo. Đức TGM Chính thống giáo đã tặng ĐTC một cây thánh giá Byzantine. ĐTC rất hài lòng về món quà này; ngài nói sẽ dùng để ban phép lành cuối lễ (và ngài đã làm như vậy).
Kết thúc buổi gặp gỡ, ĐTC đã ứng khẩu nói bằng tiếng Tây Ban Nha và được cha John Che-chon Chong S.J. - tân giám tỉnh Dòng Tên Hàn Quốc, phiên dịch.
Các quan sát viên về tôn giáo cho rằng mối quan hệ giữa các tín ngưỡng khác nhau tại Hàn Quốc là thân thiện (ít là ở bề ngoài), và hiếm khi xảy ra những căng thẳng như ở những nơi khác trên thế giới.
Điều mà họ không nói, đó là sự thân thiện ấy là kết quả của tinh thần bao dung tôn giáo đáng ca ngợi hay của tình trạng dửng dưng về tôn giáo đang gia tăng. Một cuộc thăm dò mới đây về vấn đề này cho thấy gần một nửa số dân Hàn Quốc không theo bất cứ tín ngưỡng nào.
Tình trạng này giúp ta hiểu được nhiều lời kêu gọi của ĐTC dành cho họ: ngài là một khuôn mặt mới trong một không gian đang trống rỗng niềm tin ở Hàn Quốc.
Thánh Lễ cầu cho cho hoà bình và hoà giải
ĐTC kết thúc chuyến tông du Hàn Quốc với Thánh Lễ cầu cho cho hoà bình và hoà giải, cử hành tại Nhà thờ chính toà Myeong-dong. Sau đây là vài ý chính bài giảng trong Thánh Lễ:
"Cao điểm chuyến viếng thăm của tôi là Thánh lễ xin ơn hoà bình và hoà giải này. Lời cầu xin này có một âm vang đặc biệt trên bán đảo Triều Tiên. Đầu tiên và trước hết, Thánh Lễ hôm nay là lời nguyện xin ơn hòa giải trong gia đình Hàn Quốc. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng khi hai hoặc ba người cùng cầu xin điều gì (x. Mt 18,19-20) thì lời cầu xin ấy sẽ có sức mạnh. Vậy khi cả một dân tộc dâng lời nguyện xin chân thành lên trời cao thì lời cầu xin ấy càng thêm mạnh mẽ biết bao!
Trong Thánh lễ này, tất nhiên chúng ta nghe lời hứa ấy trong bối cảnh của kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Triều Tiên, kinh nghiệm về chia rẽ và xung đột kéo dài đã hơn sáu mươi năm. Nhưng lời mời gọi hoán cải tha thiết của Thiên Chúa cũng thách đố những người theo Chúa Kitô tại Hàn Quốc xem lại mình đã góp phần xây dựng một xã hội thực sự công bằng và nhân đạo ra sao... Và nó thách đố anh chị em, vừa là Kitô hữu và cũng là người Hàn Quốc, quyết từ khước một não trạng dựa trên ngờ vực, đối đầu và cạnh tranh, và thay vào đó hình thành một nền văn hóa xây dựng trên giáo huấn Phúc Âm và các giá trị truyền thống cao quý nhất của dân tộc Triều Tiên.
Chúa Giêsu đòi chúng ta tin rằng tha thứ là cánh cửa dẫn đến hòa giải. Khi dạy chúng ta tha thứ cho anh em mình không ngần ngại, Người đòi buộc chúng ta thực hiện một điều thật quyết liệt, nhưng Người cũng ban ơn cho chúng ta để làm điều đó...
Vậy, đây là sứ điệp mà tôi để lại cho anh chị em khi tôi kết thúc chuyến viếng thăm Hàn Quốc: Anh chị em hãy tín thác vào quyền năng của thập giá Chúa Kitô! Hãy đón nhận ơn hoà giải vào trong tâm hồn và chia sẻ ơn ấy cho người khác! Xin anh chị em hãy làm chứng một cách thuyết phục về sứ điệp hòa giải của Chúa Kitô trong gia đình, trong cộng đoàn của anh chị em và ở mọi lĩnh vực đời sống quốc gia. Tôi tin tưởng rằng, trong tình thân hữu và hợp tác với các Kitô hữu khác, với những người theo các tôn giáo khác, và với mọi người thiện chí quan tâm đến tương lai của xã hội Hàn Quốc, anh chị em sẽ là men của Nước Thiên Chúa nơi đất nước này...
Vậy, chúng ta hãy cầu nguyện để có những cơ hội mới cho đối thoại, gặp gỡ và vượt qua những khác biệt, để luôn có sự quảng đại trợ giúp nhân đạo cho những ai túng thiếu, và để ngày càng có sự nhìn nhận rằng mọi người Triều Tiên đều là anh chị em với nhau, thuộc về một gia đình duy nhất, một dân tộc duy nhất và cùng nói một ngôn ngữ.
Trước khi rời Hàn Quốc, tôi muốn cảm ơn Tổng thống Park Geun-hye, giới chức chính quyền dân sự và Giáo hội, và tất cả những ai góp phần làm nên chuyến viếng thăm này. Đặc biệt tôi muốn gửi lời ca ngợi đối với các linh mục Hàn Quốc, hằng ngày lao động phục vụ Tin Mừng và xây dựng Dân Chúa trong đức tin, cậy, mến.
Kết thúc Thánh Lễ, ĐHY Andrew Yeom Soo-jung, TGM Seoul, dâng lời cám ơn ĐTC "tận đáy lòng" về cuộc viếng thăm của ngài: "ĐTC đã tỏ cho người trẻ thấy rằng Ngài là vị mục tử tốt lành, đồng hành với họ và đi bên cạnh họ". Đức hồng y cũng cám ơn "ĐTC đã tôn phong Chân phước cho các vị tử đạo của chúng con là Paul Yun Ji-Chung và 123 người bạn." Vì thế, ngài nhấn mạnh thêm rằng "từ nay chúng con thấy mình càng có trách nhiệm hơn đối với công cuộc loan báo Tin Mừng ở Hàn Quốc".
GIớI TRẻ VIệT NAM THAM Dự ĐạI HộI GIớI TRẻ CHÂU Á LầN THứ SÁU
DAEGU, HÀN QUỐC – Tham dự Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu tại giáo phận Daejeon, Hàn Quốc, đoàn Việt Nam gồm 1 giám mục, 3 linh mục, 3 tu sĩ và 28 bạn trẻ đã đặt chân đến sân bay Incheon lúc 7g00 sáng ngày 10.08/2014. Đoàn được các bạn trẻ tại giáo phận Daegu, Hàn Quốc đón tiếp rất nồng hậu từ lúc vừa xuống khỏi máy bay cho đến tận khi di chuyển vào hội trường Đại hội Giới trẻ chính thức tại Daejeon.
Đoàn đã ở ở tại Daegu 3 ngày rưỡi. Cùng được đón tiếp với đoàn Việt Nam là một nhóm nhỏ của đoàn Hong Kong. Các bạn trẻ đến từ Việt Nam và Hong Kong được chia thành các nhóm nhỏ cùng với các tình nguyện viên tại Daegu. Đó là các nhóm cùng hoạt động, thi đua và sẻ chia với nhau trong 3 ngày rưỡi tại Daegu. Các bạn trẻ cùng ăn, cùng cầu nguyện, cùng dâng lễ, cùng hát, cùng múa.... Những quãng đường dọc ngang trong thành phố đã nối kết những con người nói các ngôn ngữ khác nhau, đến từ các quốc gia khác nhau trở thành một tập thể yêu thương và cố gắng cùng nhau. Những buổi cầu nguyện, những Thánh lễ đã hòa nhịp sống của những bạn trẻ đến từ các múi giờ khác nhau. Những món ăn Hàn Quốc và cả buổi buffet tự nấu chỉ toàn đặc sản Hàn Quốc đã giúp người trẻ trở nên một trong tình thân và tình yêu của Đức Kitô.
Trong 3 ngày rưỡi này, ngoài những hoạt động chung với nhóm nhỏ, người trẻ còn được trải nghiệm cuộc sống tại các gia đình (homestay) và đón nhận sự tiếp đãi nồng hậu, nhiệt tình của các gia đình tại đây. Những trải nghiệm này có lẽ sẽ theo các tham dự viên suốt thời gian dài và sẽ phần nào ảnh hưởng đến đời sống thường ngày và trong đời sống đức tin. Tham dự viên học hỏi được cách người Hàn hiểu đạo và sống đạo để chắt lọc và áp dụng cho mình để ngày càng biết yêu thương hơn nữa.
Kết thúc thời gian này là những món quà được trao tặng cho nhau từ các bạn trẻ của 3 quốc gia, những đặc trưng, đặc sản và những gì truyền thống, tinh hoa nhất được các bạn trân trọng gửi trao nhau trước lúc chia tay.
(Thiên Thanh)
Giải túc cầu Thế giới lần thứ 20 tại Ba Tây
BY: THANH SƠN
FIFA World Cup diễn ra đều đặn 4 năm một lần, trừ hai kỳ bị huỷ bỏ vào các năm 1942 và 1946 vì ảnh hưởng của Thế chiến thứ hai. Những đội tuyển quốc gia vào đây tranh tài đã phải sang lọc kỹ lưỡng từ những vòng loại rất cam go.
Và được FIFA chia ra như sau: Châu Âu 13 đội, Châu Mỹ 9 đội, Châu Á 4 đội, Châu Phi 4 đội tổng cộng = 32 đội. Vòng đầu được chia ra làm 8 đội đấu luân phiên và loại ra phân nửa 16 đội được vào vòng bát kết. 16 đội chia ra làm 8 cặp đá với nhau còn lại 8 đội, vào tứ kết. Tiếp tục đá một trận nữa còn 4 và tiến vào bán kết, hai đội thắng sẽ vào chung kết, hai đội thua sẽ tranh hạng 3. Còn hai đội vào chung kết sẽ tranh chiếc cúp vàng.
Bây giờ Thanh Sơn (phóng viên của Dân Chúa) sẽ tường thuật tóm tắt lại cho vừa với khuôn khổ của bài báo về giải Túc Cầu Thế Giới lần thứ 20 này, đan xen với những bài thơ Đường để hầu qúy vị một vài trống canh vậy.
KHAI MẠC WORLD CUP
Thế giới Túc cầu hội mở khai
Năm Châu tỉ đấu thật hùng oai
Long trời lở đất muôn người đợi
Sấm chớp giăng đầy thế mới hay
Trái bóng tung lên mê vạn kẻ
Đường banh bập xuống triệu người
say
Băm hai đội tuyển anh hùng luận
Một cái cúp vàng đợi kẻ tài.
Tiếng còi của trọng tài đã khai mở giải Túc Cầu Thế Giới chiều nay bắt đầu từ thứ năm ngày 12.06.2014 tại sân vận động NEW CORINTHIANS STADIUM, SAO PAULO – BRASIL. Hôm nay trong giáo hội Công giáo cũng là ngày lễ kính "Chúa Giêsu linh mục thượng phẩm đời đời" Thật là trùng hợp khi tượng Chúa Cứu Thế nổi tiếng nhất thế giới ở Ba Tây đang dõi mắt nhìn xuống bãi biển Copacabana có sân vận động đang thi đấu giải túc cầu bên dưới để giang tay chúc lành cho giải túc cầu thế giới lần thứ 20 này.
Trận cầu khai mạc giữa đội chủ nhà Ba Tây và Kroatia diễn ra khá là hấp dẫn 3-1 cho đội chủ nhà Ba Tây. (Vì tính cách khuôn khổ của tờ báo nên tôi xin đi vào vòng bát kết 1/8)
Vòng ngoài năm nay cũng có nhiều ngạc nhiên chúng ta thấy ở vòng Bát kết có tới 5 đội Nam Mỹ, và 3 đội của Bắc Mỹ gồm Hoa Kỳ, Mexico và Costa Rica- đều lấy được vé đi vào vòng bát kết 1/8
Những sự bất ngờ là đội đương kim vô địch Tây Ban Nha bị đá văng ra ngay từ vòng đầu một cách nhục nhã. Anh, Ý, Bồ Đào Nha, Nga, cũng sớm trở về nước. Anh Luis Suarez thì bị FIFA treo giò không thể ra sân tiếp sức cho các đồng đội Uruguay phải lãnh án phạt nặng từ FIFA – 110.000 USD. và 4 tháng không được tham gia bất cứ hoạt động nào liên quan đến túc cầu vì dám dùng miếng "cẩu xực xí quách".
Như vậy còn 16 đội đi tiếp vào vòng trong gồm có: Ba Tây, Chí Lợi, Colombia, Uruguay, Hòa Lan, Mễ Tây Cơ, Costa Rica, Hy Lạp, Pháp, Nigeria, Đức, Algeria, Á Căn Đình, Thụy Sĩ, Bỉ, Mỹ.
Cỗ xe tăng lăn vào "tứ kết"
Lù lù sừng sững cỗ xe tăng
Tới tới lui lui mãi nhập nhằng
Bắn phá vài ba viên bì bõm
Công thành bảy tám trái lăng nhăng
Đâu ngờ phút cuối tung đòn hiểm!
Sấm chớp ào ào lưới rách phăng!
Hiệp phụ khung thành hai phát
trúng
Đi vào tứ kết rõ là căng.
30.06.2014
Đức - Algeria 2-1:
Đội tuyển Đức đêm nay với một trận đấu khá khó khăn nhất từ vòng loại đến nay. Sau 90 phút mà chưa thắng nổi đành phải đá tiếp 2 hiệp phụ. Phút thứ 92 Andre Schuerrle mới ghi được bàn thắng 1-0.
Gần cuối hiệp phụ thứ hai phút 119 Özil ghi bàn thắng thứ 2 làm cho cầu trường lại nổ tung lên một lần nữa, và nâng lên 2-0 cho đội tuyển Đức. Tuy chỉ còn vài phút nữa là chấm dứt trận đấu nhưng Algeria vẫn không chịu buông xuôi cho đến những giây cuối cùng và đội tuyển Algeria đại diện Châu Phi cũng đã có một cú sút ngoạn mục tung lưới của đội tuyển Đức làm cho cả cầu trường như nổ tung ra. Algeria đã phải dừng cuộc chơi lại với thất bại 1-2, nhưng vẫn ngẩng cao đầu trở về nhà đợi 4 năm nữa sẽ có cơ hội để bước tiếp vào World Cup năm 2018. Như vậy là đội tuyển Đức giành được 1 vé vào tứ kết để gặp đội tuyển Pháp vòng tứ kết 1/4
Ba Tây hạ Chí Lợi 4-3
Hai bên quyết đấu rất tưng bừng
Bốn trận thư hùng vẫn chửa ngừng
Chí Lợi công thành như sấm sét
Ba Tây phản pháo cũng không dừng
Nửa cân phía nọ phi không nghỉ
Tám lạng bên này phóng chẳng
ngưng
Quyết định bàn cân mười một mét
Ba Tây cả nước bỗng ăn mừng.
28.06.2014
Nhiều người nghĩ rằng Ba Tây sẽ đè bẹp đối thủ láng giềng Chí Lợi một cách dễ dàng "nhưng"chuyện xảy ra chẳng như dự đoán.
Trận đấu đã diễn ra sôi nổi hào hứng ngay từ những phút đầu tiên gặp gỡ ấy... Đội chủ nhà Ba Tây chơi tấn công dồn dập, nhưng Chí Lợi cũng phản đòn không kém. Hai bên ngang ngửa 1-1 Brazil: Luiz (18") Chile: A.Sanchez (32") Đá thêm hai hiệp phụ vẫn đều cuối cùng thì dẫn nhau ra chấm 11m phân xử.
Mỗi bên được 5 cú đá định mệnh để phân thắng bại. Ba Tây đã được may mắn hơn Chí Lợi khi chỉ đá hỏng 2 quả phạt đền trong 5 qủa ở con số này. Chí Lợi đã đá hỏng tới 3 trái nên đành khóc hận chia tay ra về. Như vậy Đội tuyển Ba Tây đã may mắn giành vé vào chơi vòng tứ kết với tổng tỷ số 3-2 sau loạt đá luân lưu ở chấm phạt đền 11 mét.
Đức-Pháp 1-0 "gà trống đá xe tăng"
Gà trống vòng ngoài đá rất hăng
Vào đây tứ kết đụng xe tăng
Bay lên xuất cước tung đòn hiểm
Hạ xuống đánh đầu lắm cú căng
Sơ hở vài giây "Gà" gẫy cánh
Bất ngờ! một phút "Ó" vinh thăng"
"Lên voi" Thế giới tôn như thánh
"Xuống chó" Năm châu lại gọi
thằng.
Đội Pháp được mệnh danh là "gà trống", từ vòng loại vào tới "tứ kết" họ chưa gặp khó khăn lắm, được báo chí thế giới ca tụng khá nhiều. Đội cầu được trẻ trung hóa dưới sự dìu dắt của Huấn Luyện Viên Didier Deschamps.
Trong suốt hai hiệp 90 phút này tôi thấy đội cầu Đức vẫn luôn làm chủ tình hình của trận đấu. Năm nay đội cầu Đức đá rất vững với đa số là những cầu thủ không qúa trẻ, nhưng cũng chỉ có vài cầu thủ lớn tuổi một chút như Klose.
Đúng phút thứ 12, quả đá phạt trực tiếp của Toni Kroos từ xa, ít người đã nghĩ là nguy hiểm nhưng bất ngờ Hummels đánh đầu rất đẹp ở trong vòng cấm và đưa banh vào khung thành bên trái làm cho thủ môn Lloris trở tay không kịp đem tỉ số 1-0 về cho đội tuyển Đức. Đây cũng là bàn thắng duy nhất trong cả trận đấu của hai đội. Gần cuối hiệp hai cả hai phía đều có khá nhiều cơ hội để làm bàn nhưng đều không đưa banh vào lưới được. Đặc biệt phút cuối cùng của hiệp hai phía Đức rất may mắn nhờ thủ môn xuất sắc Neuer cản bằng một tay phải phải với cú sút thật căng của Benzema trong vùng cấm địa. nhờ thế mà Đức không phải đá thêm hai hiệp phụ nữa. Tiếng còi chấm dứt trận đấu vang lên khi phút thứ 90 + 3´.
Như vậy "Cỗ xe tăng" Đức sẽ gặp Ba Tây chủ nhà ở trận bán kết. Đây chắc chắn là một trận đấu vô cùng gay cấn mà cả thế giới sẽ thức để đón xem.
05.07.2014
Ba Tây tiễn Colombia. 2-1
Ba Tây đá phạt rất là hay
Xuất cước ngàn cân trái bóng bay
Xé lưới Colom hai qủa trước
Bể thành địch thủ nhất chua cay
Dồn lên cố gỡ không thành sự
Tấn xuống liên hoàn chẳng đổi thay
Phút cuối gay go đầy kịch tính
Một-hai...khóc hận phút chia tay.
Trong suốt trận đấu ta phải công nhận Colombia, là một đội tuyển công tốt mà thủ cũng hay. Suốt 90 phút đã làm cho đội tuyển Ba Tây vô cùng mệt mỏi. Những đường công đã lấn át cả đội đàn anh Ba Tây. Tuy nhiên kinh nghiệm chiến trường thì không thể nào bằng đàn anh Ba Tây được cả, nên có thất bại trước đội nhà Ba Tây thì cũng không có gì là lạ cả. Vào đúng phút thứ 7 Neymar đã đưa banh bằng cú sút phạt góc bên cánh trái của anh, banh đưa đến chân Thiago Silva và trung vệ không bỏ lỡ cơ hội làm bàn mở tỷ số 1-0 cho đội nhà Ba Tây.
Sau bao nhiêu cố gắng tấn công để gỡ lại của đội tuyển Colombia gây rất nhiều khó khăn cho Ba Tây nhưng không thể nào lọt vào luới của Ba Tây được.
David Luiz chính là người hùng đã mang đến bàn thắng thứ 2 cho Brazil đúng vào phút thứ 68, anh sút qủa phạt như sấm sét từ cự ly gần 35 mét vào cánh trái của khung thành Colombia làm cho thủ môn không tài nào cản nổi nâng tỉ số lên 2-0 cho Ba Tây. Sau khi Rodriguez ghi bàn thắng từ cú phạt đền 11m vào phút 80 rút ngắn tỷ số xuống 1-2 cho Colombia là lúc cả sân vận độn sôi nổi hẳn lên.
Trong suốt trận tứ kết giữa Ba Tây và Colombia chúng ta thấy ngay một nhân vật với khuôn mặt còn rất trẻ đã tỏa sáng trên sân cỏ. Đó chính là James Rodriguez mới 23 tuổi. Anh đã có nhiều lần dẫn banh xuất sắc với những kỹ thuật khá mới, Anh chính là ngôi sao sáng rực của dội tuyển Colombia đã ghi được 6 bàn thắng tại World Cup này. Tuy không thể đưa đội nhà đi tiếp vào bán kết, nhưng James Rodriguez được coi là một trong những tài năng sáng chói tại World Cup năm nay.
05.07.2014
Argentina-Bỉ: 1-0
"Tăng gô vũ điệu bổng như diều"
Vòng ngoài thắng hết cả ba chiêu
Bởi thế vào đây cứ đá liều
Bỏ ngỏ sân nhà khoe đẳng cấp
Đâu ngờ địch đến phách hồn xiêu
Một giây bất cẩn đành ôm hận
Muôn thuở bạc đầu nuốt cô liêu
Độc nhất một bàn phân thắng bại
"Tăng gô" vũ điệu bổng như diều.
Từ vòng ngoài Bỉ đã thắng cả 3 trận và đem về số điểm tuyệt đối cho đội nhà 9 điểm đứng ở đầu bảng H. Vào bát kết đụng đội tuyển Mỹ và thắng 2-1 ở hai hiệp phụ. Hôm nay trái banh quyết định cho trận đấu giữa Bỉ và Argentina: Phút thứ 9, sau khi Messi đưa banh ở bên cánh phải gần khu vực giữa sân tới Di Maria, Di Maria chuyền banh tiếp rất nhanh cho Zabaleta nhưng banh lại đụng vào chân của Vertonghen và vô tình trở thành đường chuyền thuận lợi cho Higuain. Không một chút đắn đo, trong chớp mắt tiền đạo của đội tuyển Argentina tung ra cú volley rất mạnh vào sát góc trái hất tung lưới của thủ môn Courtois đội tuyển Bỉ, đem đến bàn thắng duy nhất cho đội tuyển Argentina.
Như vậy đội tuyển của Argentina sẽ đi tiếp vào vòng bán kết và gặp đội tuyển Hòa Lan, đây là trận đấu quyết định coi đội nào đi vào chung kết nên chắc chắn là rất hấp dẫn.
06.07.2014
Hòa Lan - Cốt Ta: 4-3 "sướng mê tơi"
Tu-líp năm nay nở khắp trời
Cối xay- quạt gió sướng mê tơi
Hai bên quần thảo phân cao thấp
Bốn trận thư hùng chẳng đến nơi
Phút cuối da cam thay chú nhện
Thần sầu cản bóng lẹ tựa dơi
Cos-ta ngã gục trên sân cỏ
Trận đấu vang danh tiếng để đời.
Chúng ta đã nhìn thấy đội cầu màu da cam của vương quốc hoa Tulip khác xa với 2 năm trước khi tranh tài của Euro Cup. Tinh thần đồng đội và lối đá bình tĩnh cũa những cầu thủ gạo cội như Robben, van Persie, và đặc biệt là Sneijder đã đưa đội của họ vào bán kết, và màu áo da cam tươi đẹp đến người hâm mộ khắp thế giới.
Hai trận trước bát kết và tứ kết, Hòa Lan đã hạ Mễ Tây Cơ trong những phút cuối cùng của trận đấu.
Trong trận đấu với Costa Rica này đội da cam đã rất kiên nhẫn tấn công nhưng không thể thắng được. Có tới hai lần banh đụng cột dọc, một lần đụng xà ngang nhưng banh không vào. Thủ môn Navas của Costa Rica có tới 13 lần cản phá những đợt tấn công vũ bão của đội Hòa Lan tấn xuống. Costa Rica đã giữ đều được đến hết 120 phút cũng là nhờ công của chàng thủ môn Navas xuất sắc này.
Hòa Lan có cặp bài trùng khá lợi hại là Robin van Persie và Robben, đồng thời hàng phòng thủ khá chắc chắn mà thế giới đã được chứng kiến trước sức tấn công vũ bão của đội tuyển Tây Ban Nha ở vòng ngoài, Đôi đượng kim vô địch Tây Ban Nha không thể thắng nổi mà lại còn ôm thất bại ê chề với kết qủa 1-5 nên trở về xứ bò tót sớm. (Đúng là bò tót năm nay bị gẫy sừng và long móng).
Ta thấy đội cầu màu da cam đã chứng tỏ bản lĩnh cao cho tới thời điểm này, thực sự mạnh cả công lẫn thủ.
Kết quả đá 11m: Tất cả 4 cầu thủ Hòa Lan là Van Persie, Robben, Sneijder, Dirk Kuyt đều đá rất thành công. Đặc biệt rất nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi thủ môn Tim Krul của đội tuyển Hòa Lan đã được thay vào đúng phút chót. Sau khi đá xong những trái banh cuối cùng để phân thắng bại thì mọi người mới hoàn toàn bái phục sự thay người của huấn luyện viên Van Gaal Hòa Lan này hết sức đúng.
Kết qủa là Hòa Lan thắng 4-3, nhờ bàn tay vàng của thủ môn Tim Krul mới được thay vào sân này. Như thế Hòa Lan giành quyền vào bán kết và sẽ gặp đội tuyển Argentina.
Hòa Lan nơi được mệnh danh là rất nhiều "cối xay, quạt gió" và vương quốc của loài hoa Tulip đấu với đội "tango" Argentina vào ngày thứ tư 09.07.
07.07.2014
Đức- Ba Tây 7-1: " động đất Ba Tây- rung trời Nam mỹ"
Điệu vũ sam ba lạc phách rồi
Xe tăng cán nát tiến lên ngôi
Rung trời! Nam Mỹ run cầm cập
Động đất! Ba Tây vãi mồ hôi
Bảy qủa giáng vào như búa tạ
Hai tăng đánh xuống tựa thiên lôi
Khung thành nát bét ngàn năm hận
Chiếc lưới ủi an một trái tồi.
Tiếng còi của trọng tài vang lên để mở màn cho trận bán kết giữa hai đội tuyển chủ nhà Ba Tây và Đức, đến phút thứ 11 thì Đức đã làm bàn tung lưới của Ba Tây nhờ cú dứt điểm đẹp của Thomas Müller. Đây cũng là bàn thắng thứ 5 đang đưa anh vào vị trí vua phá lưới trong kỳ World Cup này.
Tiếp theo là những điều không thể tưởng tượng đã diễn ra.
Chỉ trong vòng 30 phút đầu "Cỗ xe tăng " Đức đã ủi sấp cả khung thành đưa banh vào lưới của đội tuyển "Samba" áo vàng Ba Tây tới 5 lần.
Các bàn thắng Müller ở phút 11,
Klose ở phút 23,
Kroos ghi liền hai bàn phút 24 và 26, Kherida nâng tỷ số lên 5-0 vào phút 29.Schurrle vào làm bàn 69 và 79. Cuối cùng Ba Tây cũng ghi được một bàn danh dự từ Oscar vào phút thứ 90. Brazil 1-7 Đức là tỉ số cuối cùng của trận bán kết thứ nhất. Đội tuyển Đức đã chơi một trận hoàn hảo, hạ gục chủ nhà Brazil.
Đây là một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử túc cầu thế giới của những đội thuộc hàng cao thủ như Ba Tây bao giờ. "Cỗ xe tăng" Đức và đặc biệt hơn nữa là vào tận nhà địch thủ Samba để trả cả vốn lẫn lời với tỉ số là 7-1.
Tiền đạo Đức Miroslav Klose là cầu thủ duy nhất của cả hai đội đã từng thi đấu trong trận chung kết World Cup 2002 giữa Brazil và Đức. Hôm nay anh đã trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử World Cup, với 16 bàn tổng cộng và như thế anh đã đứng trên cả Ronaldo (với 15 bàn).
Argentina, Hòa Lan 4-2
Tăng gô dẫm nát cành tulip:
Quạt gió vi vu ngỡ an lành
Tăng gô vũ điệu giữa thiên thanh
Hai bên so cước không tung lưới
Bốn trận gườm găng chẳng vỡ thành
Xanh trắng nhiều phen công sấm
chớp
Vàng cam lắm bận thủ cực nhanh
Dìu nhau tới bến mười một mét
Tu Líp hôm nay bỗng gẫy cành.
Một lần nữa Hòa Lan lại vỡ mộng với chiếc Cúp vàng World Cup dù họ đã tiến gần tới nơi nhưng không thể nắm được.
Đúng là thành bại chỉ cách nhau trong tích tắc mà thôi. Chỉ còn lại nỗi đau như những cành hoa Tulip vừa bị cơn bão lướt qua gẫy gập xuống trong đau đớn. Xung quanh cầu trường vọng lại đau đó tiếng thở dài và lòng tiếc nuối, mọi hy vọng vỡ tan.
Có thể đây sẽ là kỳ World Cup cuối cùng trong sự nghiệp của Wesley Sneijder, nhưng tiếc rằng nó đã kết thúc khá buồn khi anh là một trong số hai cầu thủ đã đá hỏng quả luân lưu 11 mét khiến Hòa Lan không thể đi vào chung kết. Hòa Lan sẽ gặp Ba Tây ngày 13.07 để tranh hạng ba.
HÒA LAN- BA TÂY 3-0
"Sam ba lạc điệu"
Buồn thay đội bóng của Ba Tây
Thất bại chua cay trước cối xay
Bảy-một còn chưa qua bữa trước
Ba-không đã đến lại hôm nay
Hòa Lan Tu Líp bừng tươi nở
Điệu vũ Sam ba ngậm đắng cay
Lúc thịnh người người theo nịnh hót
Khi suy kẻ kẻ đóng đinh đầy.
Đội tuyển Ba Tây chủ nhà đã phải ngậm trái sầu khi tiếng còi của trọng tài chấm dứt vang lên. Tôi thấy đúng là thói đời vẫn luôn "bạc trắng như vôi". Khi ta thành công thì muôn người theo tâng bốc, đến khi thất bại thì vạn kẻ đóng đinh, chê bai, kết án, lìa bỏ, và tự cho mình cái quyền để ra hình phạt cho kẻ thất bại.
Hãy học tấm gương của người Nhật ở vòng ngoài khi đội tuyển của họ thất bại trước đội Cote d’Ivoire ở trận ra quân
Cổ động viên Nhật khiến cả thế giới cảm phục vì họ đã nhặt hết rác ở cầu trường sau trận đấu.
Các cổ động viên Nhật Bản đã để lại ấn tượng mạnh mẽ tại World Cup 2014 bởi sự ý thức của mình, khiến cả thế giới phải cảm phục.
Mỗi cổ động viên "Samurai Xanh" đều đem theo một chiếc túi nylon để nhặt rác rồi đem vứt vào thùng. Không chỉ tại World Cup mà ở tất cả các sự kiện lớn nhỏ diễn ra nơi công cộng, người Nhật đều có ý thức thu dọn rác như vậy, hoàn toàn tự nguyện chứ không cần phải ai đó nhắc nhở.
Ý thức tuyệt vời của các cổ động viên Nhật khiến cổ động viên nhiều nước cảm thấy xấu hổ với hành động xả rác bừa bãi của mình.
Ý thức đó có lẽ cũng đã phần nào lý giải cho chúng ta thấy vì sao người Nhật đã vượt qua những khó khăn chồng chất để xây dựng đất nước cường thịnh như hôm nay. Họ đã vươn mình đứng dậy sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, hay gần nhất là sau thảm họa động đất-sóng thần hôm 11.03.2011. Họ đã tạo nên một hình ảnh đẹp làm gương cho cả thế giới.
12.07.2014
Đường lên ngôi vô địch của đội tuyển Đức
Bây giờ đất Nam Mỹ không còn là vùng đất bất khả chiến bại của những selecao, albicelestes, La Celeste, La Albirroja, La Roja, La Tri.
Die Mannschaft đã chứng minh Châu Âu cũng có sức mạnh để chinh phục cúp vàng ở đất Nam Mỹ. Thời thế đã đổi chiều rồi.
Hôm nay đội tuyển được mệnh danh là "cỗ xe tăng" đại diện cho Châu Âu vào chung kết đã đem được chiếc cúp vàng từ Châu Mỹ xuyên đại đương về đây.
Lần đầu tiên một đội túc cầu Châu Âu đã chiến thắng trên đất Nam Mỹ sau gần một thế kỷ qua 20 lần tổ chức World Cup.
Bàn thắng tuyệt vời! của Mario Götze phút 113 đã đem danh hiệu vô địch thế giới cho Đức lần thứ tư.
Đâu là nguyên nhân thành công của Die Mannschaft?
Thưa, có rất nhiều yếu tố làm nên lịch sử lần thứ tư chiếm được ngôi vô địch đó. Một trong những nguyên nhân rất quan trọng đó chính là tinh thần đồng đội.
Người Đức có tinh thần kỷ luật khá cao. Đội Tuyển Đức đang như một mùa xuân nở rộ với nhiều cầu thủ, đã cùng nhau thi đấu nhiều năm, gắn bó và đoàn kết, để làm nên chiến thắng này.
Cả nước Đức vui mừng với bàn thắng tuyệt vời! của Mario Götze ở trận chung kết, và anh đã trở thành người hùng của Đức sau 24 năm chờ đợi, như thế hôm nay đã khép lại giải Túc cầu Thế Giới đã được khai mạc từ ngày 12.06.cho đến 13.07.2014. (Đức hạng nhất Argentina hạng nhì Hòa Lan hạng ba).
Đức 1-0 Argentina
Đức đã lên ngôi "vô địch"
Chiếc cúp vàng nay có chủ rồi
Vinh quang đội Đức đã lên ngôi
Hụt hơi rã cẳng không chùn bước
Thở dốc băng đầu quyết tiến thôi
Đích đến vinh quang ngàn khổ
luyện
Danh thành cao qúy vạn tinh khôi
Quốc gia hãnh diện cùng con cháu
Vô địch năm Châu mãi sáng ngời
Túc cầu là môn thể thao đối kháng, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là đạt đến tinh thần thể thao cao đẹp, đầy tinh thần thượng võ. Chính vì lý do đó mà nó đã rất lôi cuốn thế giới.
Đức Giáo Hoàng đã không ngừng ca ngợi thể thao đặc biệt là túc cầu trong việc đưa mọi người xích lại gần với nhau hơn.
Đức Giáo Hoàng sẽ triệu tập tất cả các ngôi sao túc cầu cho trận đấu "giữa các tôn giáo ‘ở Rome. Các tên tuổi cầu thủ lớn nhất trong thế giới sẽ gặp nhau tại sân vận động Olympic ở Rome vào đầu tháng 09.2014 cho một trận đấu giao hữu giữa các tôn giáo với nhau để xây dựng "hòa bình thế giới".
Chuyến Tông Du Thánh Địa của ĐTC Phanxicô
BY: THÀNH THI
Sứ điệp Tự do tôn giáo, Hoà bình và Bác ái, Chung sống hoà bình, Hướng đến tương lai, Đại kết các Kitô hữu,Đối thoại liên tôn, Sống tình huynh đệ và Hân hoan phục vụ Hội Thánh
Ngày thứ nhất chuyến tông du Thánh Địa của ĐTC Phanxicô: Sứ điệp Tự do tôn giáo, Hoà bình và Bác ái
Trong ngày đầu tiên của chuyến tông du Thánh Địa, thứ bảy 24.05.2014, ĐTC đã viếng thăm vương quốc Jordan. Tại đây, ngài được Hoàng gia, chính phủ và dân chúng Jordan nhiệt liệt chào đón. Trong gần 24 tiếng lưu lại Jordan, ĐTC đã đến Hoàng cung Al-Husseini thăm chính thức Hoàng gia và chính phủ Jordan, dâng Thánh lễ tại sân vận động quốc tế tại Amman, viếng nơi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa và gặp những người tị nạn và người trẻ khuyết tật
Thăm chính thức Hoàng gia và Chính phủ Jordan: "Tự do tôn giáo là quyền căn bản của con người"
Sau nghi lễ đón tiếp tại phi trường quốc tế Queen Alia tại thủ đô Amman, lúc 14g20 (giờ địa phương), ĐTC đã được Quốc vương, Hoàng hậu, Hoàng gia và chính phủ chào đón chính thức theo nghi lễ quốc gia. Trong cuộc gặp đông đủ giới chức chính phủ Jordan, ĐTC đã đọc bài diễn văn nêu rõ ngài muốn tiếp bước các vị tiền nhiệm Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đến thăm vương quốc Jordan, cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của quốc vương Abdullah II, hoàng gia, chính phủ và nhân dân Jordan. ĐTC nêu cao lòng quảng đại và sự hào hiệp của Jordan khi đón nhận những người tị nạn Palestin, Irak và gần đây nhất là Syria tìm đến Jordan mong được chở che. ĐTC đánh giá cao nỗ lực của các tín đồ Hồi giáo, được sự khích lệ của quốc vương Abdullah II, trong việc tổ chức cuộc đối thoại liên tôn, thúc đầy tiến trình gặp gỡ, hiểu biết nhau giữa những người Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. ĐTC đặc biệt trân trọng thành quả tôn trọng tự do tôn giáo tại Jordan, nhờ đó cộng đồng Kitô hữu thiểu số đã đưa ra được những sáng kiến, tổ chức các hoạt động bác ái và phục vụ của mình. Nhân dịp này ĐTC khẳng định:
"Tự do tôn giáo là quyền cơ bản của con người và tôi không thể không nói lên niềm hy vọng rằng quyền này sẽ được tôn trọng tại toàn vùng Trung Đông và khắp thế giới".
Thánh lễ tại sân Vận động quốc tế tại Amman: "Nền hoà bình sẽ được củng cố nếu mọi người không quên mình đều là con của Cha trên Trời"
Lúc 16g00 (giờ địa phương), tại sân vận động quốc tế Amman, ĐTC Phanxicô đã dâng Thánh lễ đồng tế với hàng giáo phẩm và giáo sĩ địa phương. Tham dự Thánh lễ có đông đảo tín hữu Jordan và các quốc gia lân cận.
Trong bài giảng Thánh lễ, trước một cử tọa tiêu biểu cho lòng khát khao hoà bình, ĐTC nhấn mạnh:
"Hoà bình không phải là điều có thể mua được nhưng là món quà phải kiên nhẫn kiếm tìm và tác tạo bằng hành động dù lớn hay nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Nền hoà bình sẽ được củng cố nếu chúng ta nhận ra mình cùng một dòng dõi và đều là thành viên trong gia đình nhân loại; nếu chúng ta không quên mình có cùng một Cha trên trời và tất cả đều là con cái Chúa, được Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài".
Gặp những người tị nạn và người trẻ khuyết tật: "Chỉ có thể giải quyết mọi xung đột bằng đối thoại"
Sau khi viếng và cầu nguyện bên bờ sông Giođan, nơi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa lúc 19g00 cùng ngày, ĐTC đã gặp 600 người tị nạn và người trẻ khuyết tật. Trong bài huấn từ, ĐTC bày tỏ niềm đồng cảm, thương yêu của ngài đối với các nạn nhân của những cuộc chiến kéo dài và những người chịu khuyết tật. Nhân dịp này, ĐTC kêu gọi cộng đồng quốc tế: "Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng để cho Jordan phải một mình đảm đương phận sự cứu trợ nhân đạo khẩn cấp lại còn phải tiếp tục trợ giúp cả một khối lượng đông đảo những người tị nạn. Một lần nữa, tôi hết lòng kêu gọi hãy tái lập hoà bình tại Syria. Hãy chấm dứt bạo lực và tôn trọng luật nhân đạo, bảo đảm cho những ai đang chịu đau khổ được hưởng những trợ giúp cần thiết! Các bên tham chiến hãy từ bỏ việc sử dụng vũ khí để giải quyết vấn đề và trở lại đàm phán. Chỉ có thể giải quyết mọi xung đột bằng đối thoại và kiềm chế, bằng sự đồng cảm với những ai đang chịu đau khổ, bằng việc tìm kiếm giải pháp chính trị và ý thức tinh thần trách nhiệm đối với anh chị em của mình".
Ngày thứ hai chuyến tông du Thánh Địa của ĐTC Phanxicô: Sứ điệp Chung sống hoà bình, Hướng đến tương lai, Đại kết các Kitô hữu
Chúa nhật 25.05 là ngày thứ hai chuyến tông du Thánh Địa của ĐTC Phanxicô. Ngài giã từ Jordan lúc 8g15 sáng và đáp máy bay qua Palestin. Sau khi hạ cánh tại phi trường Bethlehem, ĐTC bắt đầu thực hiện lịch làm việc dày đặc, trải trên hai lãnh thổ Palestin và Israel.
Trong ngày Chúa nhật 25.05, những hoạt động của ĐTC gồm:
Tại Palestin: (1) Thăm Tổng thống Palestin; Gặp gỡ chính quyền Palestin, (2) dâng Thánh lễ tại Quảng trường Máng cỏ tại Bethlehem, (3) Ăn trưa với các gia đình Palestin tại tu viện Dòng Phan sinh Casa Nova ở Bethlehem, (4) Viếng Hang đá Giáng sinh Bethlehem, (5) Gặp trẻ em các trại tị nạn tại Trung tâm Phoenix.
Tại Israel: (1) Hội kiến riêng với Thượng phụ Bartholomaios, Giáo chủ Contantinopolis và ký Tuyên bố chung tại Toà Sứ thần Toà Thánh, (2) Cuộc gặp gỡ đại kết kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ giữa Đức giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras tại Vương cung Thánh đường Mồ Thánh, (3) Ăn tối với các Đức Thượng phụ và Giám mục tại Toà Thượng phụ Latinh Giêrusalem.
Hội kiến với Tổng thống Mahmoud Abbas và giới chức chính quyền Palestin: "Palestin và Israel cần can đảm và kiên trì kiến tạo hoà bình"
Mở đầu chuyến viếng thăm lãnh thổ Palestin, ĐTC Phanxicô đã có cuộc hội kiến riêng với Tổng thống Mahmoud Abbas và sau đó gặp gỡ toàn thể giới chức cao cấp chính quyền Nhà nước Palestin.
Trong bài diễn văn tại cuộc gặp gỡ, ĐTC nhắc đến tình hình bất ổn kéo dài suốt mấy thập niên qua và đến nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa và nhấn mạnh: "Đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng này". Đồng thời ngài bày tỏ lòng mong mỏi chân thành nhân dân Palestin và Israel sớm tìm ra giải pháp cùng chung sống trong hoà bình:
"Tôi cầu nguyện cho nhân dân Palestin và Israel cùng các nhà lãnh đạo của mình biết can đảm và kiên trì mỗi ngày tiến bước trong cuộc hành trình đạt được nền hoà bình đáng mong mỏi này. Nền hoà bình trong yên ổn và tin cậy lẫn nhau phải trở thành khung quy chiếu bền vững khi đứng trước các vấn đề cần phải giải quyết. Nhờ một nền hoà bình như vậy mới có cơ hội phát triển một cách quân bình và trở thành kiểu mẫu cho việc giải quyết các cuộc khủng hoảng khác trong khu vực".
ĐTC dâng Thánh lễ tại Quảng trường Máng cỏ Bethlehem: "Hãy đón nhận và bảo vệ trẻ thơ"
Sau cuộc gặp gỡ giới chức chính quyền Palestin, ĐTC đã cử hành Thánh lễ tại Quảng trường Máng cỏ tại Bethlehem. Tham dự Thánh lễ có Tổng thống Palestin, ông Mahmoud Abbas, đông đảo tín hữu đến từ Dải Gaza và Galilê (thuộc lãnh thổ Israel) và các lao động người châu Á nhập cư.
Dâng Thánh lễ tại nơi Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu, ĐTC kêu gọi mọi người hãy tôn trọng quyền sống của trẻ thơ: "Hài Nhi Giêsu ở Bethlehem thì mong manh, yếu ớt như mọi trẻ sơ sinh. Người chưa biết nói nhưng Người chính là Lời đã trở nên xác phàm, ngự đến để biến đổi cõi lòng và cuộc đời của mọi người nam nữ. Hài Nhi này, cũng như mọi trẻ sơ sinh, dễ bị tổn thương, đang cần được đón nhận và che chở. Ngày nay cũng vậy, trẻ em cần được chào đón và bảo vệ, ngay từ lúc được tượng thai trong lòng mẹ".
Gặp trẻ em các trại tị nạn: "Đừng để quá khứ ấn định đời mình"
Sau khi dâng Thánh lễ tại Quảng trường Máng cỏ và ăn trưa với các gia đình Palestin tại tu viện Dòng Phan sinh Casa Nova ở Bethlehem, ĐTC đã đến trại tị nạn Deheisheh (Bethlehem) thăm các trẻ em tị nạn người Palestin.
Các em thiếu nhi người Palestin này vốn chào đời tại các vùng do quân đội Israel chiếm đóng và hiện đang tị nạn trên phần lãnh thổ thuộc Palestin. ĐTC đã chăm chú lắng nghe và khen ngợi các em đã hát cho ngài nghe những bài ca rất cảm động. Sau khi nghe các thiếu nhi kể về xuất thân và hoàn cảnh gia đình, ĐTC khuyên các thiếu nhi: "Đừng để quá khứ ấn định đời của các con mà hãy nhìn về phía trước", đồng thời căn dặn các em –và cũng nói với mọi người– hãy kiến tạo hoà bình và tránh xa bạo lực:
"Các con hãy biết điều này: Bạo lực không thể khuất phục được bạo lực. Chỉ hoà bình mới chiến thắng bạo lực. Khuất phục bạo lực chỉ có thể bằng hoà bình, làm lụng và phẩm giá đích thực của tổ quốc chúng con ngày mai".
Gặp Thượng phụ Giáo chủ Chính thống giáo Bartholomaios: "Cuộc gặp gỡ huynh đệ của chúng tôi hôm nay là một bước tiến mới trong hành trình hiệp nhất"
Một trong những điểm nhấn trong chuyến tông du Thánh Địa của ĐTC Phanxicô là cuộc gặp gỡ giữa ngài và Thượng phụ Giáo chủ Chính thống giáo Bartholomaios tại Vương cung Thánh đường Mồ Thánh.
Cuộc gặp gỡ giữa hai vị lãnh đạo tôn giáo nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ giữa Đức giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras (1964–2014), với một chương trình giàu ý nghĩa: hội kiến riêng giữa Đức giáo hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Bartholomaios; ký bản Tuyên bố chung; cầu nguyện chung.
Bản Tuyên bố chung gồm 10 điểm, trong đó nhấn mạnh hai Giáo hội Rôma và Constantinopolis được thiết lập bởi hai vị tông đồ anh em ruột với nhau: Thánh Phêrô và Thánh Anrê, và khẳng định:
"Cuộc gặp gỡ huynh đệ của chúng tôi hôm nay là một bước đi mới và cần thiết trong hành trình tiến đến sự hiệp nhất mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dẫn chúng ta tiến bước".
Bản Tuyên bố đánh giá cao với sự trân trọng đặc biệt dành cho những nỗ lực hiệp nhất của Nhóm làm việc chung về Thần học và của các vị lãnh đạo tiền nhiệm: Hai Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và Đức Thượng phụ Dimitrios:
"Dưới thời của các Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và Đức Thượng phụ Dimitrios, những cuộc gặp gỡ về mặt thần học đã đạt sự tiến bộ rất đáng kể. Hôm nay chúng tôi chân thành nói lên sự trân trọng của mình đối với những thành tựu đã gặt hái được và mọi nỗ lực đang diễn ra".
Ngày tông du thứ hai của ĐTC Phanxicô đã khép lại với bữa cơm tối với các Đức Thượng phụ và Giám mục tại Toà Thượng phụ Giêrusalem.
Ngày thứ ba chuyến tông du Thánh Địa của ĐTC Phanxicô: Sứ điệp Đối thoại liên tôn, Sống tình huynh đệ và Hân hoan phục vụ Hội Thánh
Ngày 26.05, chuyến tông du Thánh Địa của ĐTC Phanxicô bước sang ngày thứ ba, cũng là ngày cuối cùng.
Chương trình làm việc của ĐTC trong ngày thứ ba tông du Thánh Địa hoàn toàn diễn ra trên lãnh thổ quốc gia Israel, gồm:
(1) Thăm vị Đại giáo trưởng Hồi giáo tại Giêrusalem, (2) Viếng Bức tường Phía Tây tại Giêrusalem, (3) Đặt vòng hoa tưởng niệm tại Núi Herzl (tiếng Do Thái là Har Hazikaron, Núi Tưởng niệm), (4) Viếng Yad Vashem, Đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái bị thảm sát trong Đệ II Thế chiến, (5) Thăm chính thức hai vị Giáo trưởng Do Thái giáo tại Trung tâm Heichal Shlomo ở Giêrusalem, (6) Thăm chính thức Tổng thống Nhà nước Israel tại Dinh Tổng thống ở Giêrusalem, (7) Hội kiến riêng với Thủ tướng Israel tại Trung tâm Notre Dame ở Giêrusalem, (8) Ăn trưa với phái đoàn cùng đi tại Trung tâm Notre Dame, (9) Thăm và hội kiến riêng với Thượng phụ Giáo chủ Constantinopolis tại nhà thờ Chính thống giáo Viri Galileai ở Núi Cây Dầu, (10) Gặp gỡ các linh mục, chủng sinh, nam nữ tu sĩ tại nhà thờ Gethsemane dưới chân Núi Cây Dầu, (11) Đồng tế với hàng Giáo phẩm và phái đoàn cùng đi tại Phòng Tiệc ly ở Giêrusalem, (12) Kết thúc chuyến tông du: Chào từ biệt tại phi trường quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv. Máy bay cất cánh lúc 20g15 (giờ địa phương) tại Tel Aviv và về đến Roma lúc 23g00 (giờ Roma).
Thăm vị Đại Giáo trưởng Hồi giáo tại Giêrusalem: "Chúng ta cùng đương đầu với những thách đố chung"
Sáng thứ hai 26.05, mở đầu chương trình làm việc ngày thứ ba chuyến tông du thánh Địa, lúc 8g15 (giờ địa phương), ĐTC đã đến thăm vị Đại giáo trưởng Hồi giáo tại Giêrusalem, Muhammed Hussein.
Trong diễn văn đáp từ, ĐTC bày tỏ lòng biết ơn vị Đại giáo trưởng, Hội đồng tối cao và cộng đồng Hồi giáo đã cho ngài cơ hội được đến thăm một nơi thánh và nêu rõ mục đích chuyến tông du của ngài:
"Tôi rất ước ao được làm người hành hương viếng những nơi đã từng chứng kiến sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô nơi trần gian. Nhưng cuộc hành hương của tôi sẽ không hoàn tất nếu không được gặp gỡ những con người và các cộng đồng sống tại Đất này. Vì thế tôi đặc biệt vui mừng được đến với quý vị, những anh em tín hữu Hồi giáo thân mến".
Kết thúc đáp từ, ĐTC bày tỏ nguyện ước: "Anh em thân mến, các bạn thân mến, từ nơi thánh này, tôi chân thành cầu mong cho mọi người và mọi cộng đồng đang đến với tổ phụ Abraham: Mong sao chúng ta biết tôn trọng và yêu thương nhau như anh em, chị em! Mong sao chúng ta học biết nhận ra những nỗi đau khổ của mọi người! Mong sao không có ai lạm dụng Danh Thiên Chúa qua việc sử dụng bạo lực! Mong sao chúng ta cùng nhau phục vụ công lý và hòa bình!".
Viếng Yad Vashem, Đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái bị thảm sát trong Đệ II Thế chiến: "Đừng bao giờ xảy ra nữa"
Sau khi viếng Bức tường phía Tây và đặt vòng hoa tưởng niệm tại Núi Herzl, đúng 10g00 sáng ngày 26.05, ĐTC đã đến Yad Vashem, Đài Tưởng niệm sáu triệu người Do Thái bị phát xít Đức giết hại trong cuộc Đại thảm sát (Holocaust) hồi Đệ II thế chiến. Tại đây, Tổng thống, Thủ tướng và vị Giáo trưởng chủ tịch Hội đồng Yad Vashem nghênh đón ĐTC.
ĐTC đã đặt vòng hoa tưởng niệm và đọc một đoạn Cựu ước. Ngài chia sẻ với mọi người hiện diện:
"Tại Đài tưởng niệm này, chúng ta nghe vọng lại lời Chúa hỏi: "Ađam, ngươi đang ở đâu?". Câu hỏi mang trọn nỗi niềm của một người Cha mất con. Người Cha thấu hiểu mối nguy của việc sử dụng tự do; Ngài biết con cái mình có thể bị hư mất, nhưng có lẽ Ngài không thể hình dung sự hư hỏng lại lớn đến vậy, vực thẳm lại sâu đến vậy! Tại đây, trước cuộc Đại thảm sát vô cùng bi thảm, câu hỏi "Ngươi đang ở đâu?" vọng lên như một tiếng nói yếu ớt từ đáy vực thẳm hun hút".
ĐTC kết thúc bài phát biểu bằng lời nguyện:
"Xin Chúa lấy lòng thương xót nhớ đến chúng con. Xin ban cho chúng con ơn biết xấu hổ những gì loài người chúng con đã làm, xấu hổ vì đã tôn thờ chính mình, đã khinh thường và hủy hoại thân xác đã được Chúa dựng nên từ đất và dùng hơi thở của chính Chúa mà ban cho sự sống. Xin đừng bao giờ để điều này xảy ra nữa, lạy Chúa, đừng bao giờ nữa!".
Thăm chính thức hai vị Giáo trưởng Do Thái giáo tại Trung tâm Heichal Shlomo ở Giêrusalem: "Chúng ta cùng nhau làm chứng cho chương trình tạo dựng của Chúa"
Lúc 10g45, ĐTC đã đến Trung tâm Heichal Shlomo, cạnh Đại Hội đường Do Thái giáo ở Giêrusalem, thăm hai vị Giáo trưởng Do Thái Yitzhak Yosef và David Lau.
ĐTC bày tỏ sự trân trọng của ngài trước thành quả của cuộc đối thoại Công giáo–Do Thái giáo từ Công đồng Vatican II đến nay, đồng thời mong muốn thúc đẩy mối quan hệ giữa hai tôn giáo có cùng một nguồn gốc sẽ còn thắt chặt hơn nữa qua những hành động thiết thực.
Sau cuộc viếng thăm hai vị Giáo trưởng Do Thái, ĐTC đến Dinh Tổng thống Israel chào thăm Tổng thống Shimon Peres.
ĐTC đã gọi Tổng thống Shimon Peres là "người của hòa bình" và là "người kiến tạo hòa bình". Chính vì vậy, ngài chia sẻ với Tổng thống Shimon Peres tự do tôn giáo là yếu tố căn bản xây dựng nền hòa bình tại Israel nói riêng và tại Trung Đông nói chung:
"Cần phải kiên quyết khước từ tất cả những gì đi ngược lại việc xây đắp hòa bình và những mối quan hệ đáng được tôn trọng giữa các tín đồ Do Thái, Kitô và Hồi giáo. Ví dụ, việc dựa vào bạo lực và khủng bố, mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, những nỗ lực nhằm áp đặt quan điểm riêng bất chấp quyền lợi của người khác, mọi biểu hiện của chủ nghĩa bài Do Thái, những biểu hiện chống lại cá nhân hoặc những nơi thờ phượng của người Do Thái, Kitô giáo hay Hồi giáo".
Gặp gỡ các linh mục, chủng sinh, nam nữ tu sĩ tại nhà thờ Gethsemane: "Các con được Chúa mời gọi hãy hân hoan bước theo Ngài trên miền đất thánh này"
Vào lúc 16g00, sau cuộc hội kiến riêng với Đức Thượng phụ Chính thống giáo, ĐTC gặp gỡ các linh mục, chủng sinh, nam nữ tu sĩ tại nhà thờ Gethsemane, dưới chân Núi Cây Dầu.
Đây là hoạt động cuối cùng của ĐTC trong chuyến tông du ba ngày tại Thánh Địa. Ngài muốn dành thời gian cuối của chuyến tông du để gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, những người âm thầm và kiên nhẫn phục vụ Giáo hội tại một nơi rất khó khăn. ĐTC trân trọng sự hiện diện của các linh mục, tu sĩ tại Thánh Địa, giúp Giáo hội thực thi sứ mạng của mình: "Các con được Chúa mời gọi hãy hân hoan bước theo Ngài trên miền đất thánh này. Đó là một ơn Chúa ban và cũng là trách nhiệm các con gánh vác. Sự hiện diện nơi mảnh đất này của các con là hết sức cần thiết. Toàn thể Hội Thánh biết ơn các con và nâng đỡ các con bằng lời cầu nguyện".
Sau cuộc gặp gỡ các linh mục, chủng sinh, nam nữ tu sĩ tại nhà thờ Gethsemane, ĐTC đã dâng Thánh lễ đồng tế với hàng Giáo phẩm và phái đoàn cùng đi tại Phòng Tiệc Ly ở Giêrusalem.
Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC đã dùng hình ảnh Phòng Tiệc Ly để nói đến nhiều điều: về sự phục vụ, hy sinh, về tình bạn, về lời từ biệt của Chúa Giêsu, về thói nhỏ nhen, tọc mạch và sự phản bội, về sự chia sẻ, tình huynh đệ, sự hoà hợp và bình an; và về sự ra đời của một gia đình mới là Giáo hội. Từ Phòng Tiệc Ly Giáo hội đã ra đi, nhờ được hơi thở ban sự sống của Chúa Thánh Thần thúc đẩy. Quy tụ bên Mẹ Chúa Giêsu để cầu nguyện, Giáo hội luôn sống trong niềm trông đợi lại được tràn đầy Chúa Thánh Thần. ĐTC kết thúc bài giảng bằng lời nguyện xin: "Lạy Chúa, xin gửi Thánh Thần Chúa đến và xin canh tân bộ mặt trái đất".
Đúng 19g30 (giờ Giêrusalem), ĐTC đáp trực thăng từ Núi Scopus bay đến phi trường quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv. 20g00, Chính phủ Israel thay mặt nhân dân cử hành nghi thức chào từ biệt ĐTC. 20g15, máy bay chở ĐTC cất cánh, rời Tel Aviv, trở về Roma, kết thúc chuyến tông du ba ngày tại Thánh Địa.
Một chuyến tông du đầy ắp chương trình làm việc và niềm hy vọng vào những thành quả của công cuộc xây dựng hòa bình cho Trung Đông và thế giới, tôn trọng tự do tôn giáo, hiệp nhất các Kitô hữu và đối thoại chân thành với các tôn giáo.
(Nguồn: WHĐ)
- Tường thuật buổi cầu nguyện hòa bình của Israel-Palestine-Vatican tại Vatican
- Thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về tình hình Biển Đông
- Thông cáo báo chí Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam
- Kết quả bầu cử nghị viên thành phố tại Pháp 2014
- Các đánh giá về Đức Phanxicô sau một năm lên ngôi giáo hoàng
- Ukraine cuộc cách mạng mùa đông 2014 Chế độ độc tài đã sụp đổ
- Hoàng Sa - Trường Sa có còn của Việt Nam?
- Nelson Mandela một vĩ nhân đi vào hồn lịch sử của thế giới
- Thư chung gửi Cộng đồng Dân Chúa
- Giáo dân bị hành hung và bị bắt, ảnh tượng thánh bị đập nát