Biến cố trong tháng
SADDAM HUSSEIN Cựu TT Iraq
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Nhà độc tài SADDAM HUSSEIN Cựu tổng thống Iraq đã đền tội trước thềm năm mới
Trong lúc mọi người đang chuẩn bị đón chào Năm Mới 2007 thì bất ngờ trên Internet và đài truyền hình Iraq chịu hình cựu Tổng thống Saddam Hussein bị treo cổ, như một bằng chứng xác định nhà độc tài hung ác nhất ở Trung Đông đã đền tội. Người Muslim hệ phái Shia thì vui mừng, nhưng người Muslim hệ phái Sunni lại đau buồn và biểu tình chống đối.
Dư luận trên Thế giới cũng không thống nhất về án tử hình và câu hỏi được đặt ra là:
-Tại sao Saddam Hussein bị treo cổ?
Trả lời cho thắc mắc này, chúng ta cần lật lại những trang sử trong những năm gần đây của Iraq.
Đôi hàng tiểu sử
Saddam Hussein tên thật là Saddam Hussein Abd al-Majid al-Tikriti, sinh ngày 28.4.1937, ở thị trấn Al-Awja, cách thành phố Tikrit 13 cây số, thuộc khu vực người Muslim hệ phái Sunni. Tên “Saddam” tiếng Ả-rập có nghĩa là “kẻ đối đầu”. Saddam không bao giờ gặp bố vì ông bỏ nhà ra đi từ lúc cậu bé mới được 6 tháng. Cùng trong thời gian này người anh 13 tuổi của Saddam bị chết vì ung thư. Người mẹ túng quẫn không nuôi nổi, phải gửi con trai của mình cho ông cậu Khairallah Talfah nuôi tới 3 tuổi. Không thể sống đời sống góa bụa, Mẹ Saddam tái giá, lấy Ibrahim al-Hassan và sinh được 3 con. Người cha ghẻ không ưa gì đứa con trai của vợ, nên mới 10 tuổi Saddam phải bỏ nhà về thủ đô Baghdad sống với ông cậu Talfah. Năm 1963, ông cậu cho phép Saddam thành hôn với con gái mình là Sajida Talfah.
Đúng ra cuộc giao ước kết hôn giữa hai gia đình bắt đầu khi Saddam mới 5 tuổi và Sajida mới 7 tuổi. Sau đó lễ thành hôn đã diễn ra ở Ai Cập trong thời gian Saddam tị nạn chính trị tại đây. Cuộc hôn nhân đầu mang lại cho hai người 5 con, 2 trai (Uday, Qusay) và 3 gái (Rana, Raghad, Hala). Uday sau này kiểm soát toàn bộ hệ thống truyền thông và được Liên hiệp các nhà báo Iraq vinh danh là nhà báo của thế kỷ. Qusay nắm lực lượng Vệ binh Cộng hòa và cảnh sát. Theo dư luận thì Saddam còn cưới Samira Shahbandar vào năm 1986, sau khi bắt ép chồng phải ly dị. Samira sinh cho Saddam một con trai tên Ali. Hai vợ chưa đủ, Saddam lại cưới bà vợ thứ ba là Nidal al-Hamdani, tổng giám đốc trung tâm nghiên cứu năng lượng mặt trời, sau khi ép buộc chồng phải ly dị.
Sau vụ hai con rể phản loạn và con trưởng Uday bị ám sát, Saddam Hussein không tin ngay cả vợ và con gái của mình. Vợ (Sajida) và hai con gái (Raghad và Rana) bị quản thúc tại gia.
Sống với ông cậu có tinh thần quốc gia cao độ, nên cuộc đời của Saddam chịu ảnh hưởng trực tiếp tinh thần này. Vừa tới tuổi thanh xuân, Saddam đã vào học trường quốc gia và gia nhập Đảng Xã Hội Ba’ath (Ba’ath Socialist Party) lúc mới 20 tuổi. Năm 1968 Saddam tham gia vào cuộc đảo chính Tướng Abdul Karim Kasim, người cũng đã thành công trong một cuộc đảo chính năm 1958. Saddam bị bắn vào chân, nhưng trốn thoát và chạy ra ngoại quốc. Ngày 25.2.1960 Saddam bị kết án tử hình khiếm diện, vì tội tham gia đảo chính. Sau thời gian học tại Ai Cập, Saddam theo đoàn quân Cách Mạng Ramadan do Ahmed Hassan al- Bakr và đảng Ba’ath chủ động lật được Tướng Kasim vào năm 1963. Nhưng tình hình trở nên rối ren và một cuộc đảo chính khác đã xảy ra do Tướng Abdul Salam Arif cầm đầu và trở thành Tổng thống. Năm 1968, nhờ Ai Cập hỗ trợ, Ahmed Hassan al-Bakr đảo chính lật đổ TT. Arif lên nắm chính quyền. Saddam lại bị bắt bỏ tù ngày 14.10.1964. Nhờ thành tích hoạt động, dù đang ở trong nhà lao, Saddam được đề cử vào chức vụ Phó Tổng Thư ký đảng Ba’ath.
Theo giới truyền thông Iraq thì Saddam vượt ngục năm 1967. Tháng bẩy 1968 ông ta có chân trong Hội đồng Lãnh đạo Cách mạng và đưa ra nhiều đường lối mới vào thập niên 1960-1970. Khi Tổng thống Ahmed Hassan al-Bakr (TT. từ 1968-1979) bị bệnh phải từ chức ngày 16.7.1979, Saddam lên thay thế trong chức vụ Tổng thống. Cuộn phim còn ghi lại trong phòng qui tụ nhiều sĩ quan cao cấp cho thấy có 68 người chống đối đã bị Saddam Hussein ra lệnh lôi đi và 21 bị xử tử.
Sau khi nắm quyền lực trong tay, Saddam Hussein đã thi hành chính sách đàn áp đối lập, bất kể sự đối lập phát xuất từ các tổ chức chính trị hay tôn giáo. Bề ngoài, ông ta vẫn cho tổ chức các cuộc bầu cử. Nếu không tìm hiểu sâu hơn, người ta cứ tưởng dân chúng Iraq có quyền tự do. Nhưng thực tế cho thấy Saddam Hussein đã áp dụng chính sách đe dọa và khủng bố những ai không bỏ phiếu cho mình.
Nắm quyền lực tại Iraq chưa đủ, Saddam Hussein muốn bành trướng thế lực ra ngoài lãnh thổ và có tham vọng trở thành lãnh tụ cho cả vùng Trung Đông. Để chứng tỏ sức mạnh, Saddam Hussein mở màn hai cuộc chiến:
1- Với Iran
Trận chiến kéo dài gần 8 năm, từ 22.9.1980 tới 20.8.1988. Nguyên nhân gây nên cuộc chiến bắt nguồn từ sự tranh chấp giữa hai vương quyền xa xưa, thời Mesopotamia (gồm vùng thung lũng Tigris-Euphrates, ngày nay là Iraq) và vùng cao nguyên tới phía Đông (vịnh Ba Tư, ngày nay là Iran). Nguyên nhân gần là sự tranh dành thành phố giầu tài nguyên thiên nhiên Khuzestan (nay nằm trong lãnh thổ Iran) là lãnh địa của Đế quốc trung lập Elamite có thủ đô là Susa, không thuộc vương quyền nói tiếng Ả Rập-Do Thái (Semitic), cũng không thuộc vương quyền nói tiếng Ấn-Âu. Nguyên nhân trực tiếp là sự xung đột về đường dẫn nước Shett-el-Arab và sự bành trướng hệ phái Shia, sau cuộc cách mạng Islam do đạo trưởng Ayatollah Ruhollah Khomeini cầm đầu.
Để khiêu khích, Iran đã khai hỏa bằng pháo binh vào lãnh thổ Iraq và TT. Sadam Hussein đã trả đũa bằng lệnh tổng tấn công Iran. Cuộc chiến bất phân thắng bại kéo dài trong suốt 8 năm trời không chỉ giết chết hơn 1,5 triệu người, mà còn tạo nên sự chia rẽ trầm trọng giữa hai hệ phái Islam, Shia và Sunni; cũng như giữa các nước Ả Rập trong vùng Trung Đông.
2- Với Kuwait
Sau khi chiến tranh Iran-Iraq kết thúc ngày 20.8.1988, TT. Saddam Hussein cần một ngân khoản lớn để tái thiết đất nước và xây dựng lại nền kinh tế đã bị suy sụp toàn bộ trong cuộc chiến. Để có khả năng đánh bại Iran trong chiến tranh vừa qua, Saddam Hussein phải vay nợ 30 tỷ Mỹ-kim từ các quốc gia Ả Rập trong vùng, trong đó Kuwait cho vay hơn một nửa, 17 tỷ. Viện cớ Iraq đã tốn xương máu và tiền bạc trong suốt 8 năm chống trả với Iran để bảo vệ các nước Islam hệ phái Sunni, Saddam Hussein yêu cầu Kuwait 3 điều kiện:
-Hủy bỏ số nợ cũ,
-Cung cấp tài chính tái thiết Iraq, vì Kuwait đã bơm dầu từ giếng Al-Rumailah thuộc vùng dầu hỏa ranh giới giữa hai nước. Số lượng dầu hỏa này trị giá khoảng 2,4 tỷ Mỹ-kim.
-Trả thêm cho Iraq 10 tỷ Mỹ-kim vì khủng hoảng tài chính do chiến tranh gây ra.
Để làm áp lực, Saddam Hussein điều động một lực lượng quân sự hùng hậu tới biên giới Kuwait và đe dọa sẽ tấn công, nếu ba yêu sách không được thỏa mãn. Kuwait chỉ chịu xóa nợ cũ và từ chối thỏa mãn hai yêu sách sau, nên Saddam Hussein ra lệnh tấn công Kuwait ngày 2.8.1990. Chỉ trong 24 giờ, quân Iraq làm chủ tình hình Kuwait.
Thấy tình thế nguy ngập có thể tạo nên cuộc chiến lan rộng toàn vùng Trung Đông, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (HĐBA/LHQ) liền triệu tập cuộc họp khẩn cấp để lên án hành động xâm lăng của Iraq, Với đa số, HĐBA/LHQ đã ban hành Quyết định 660, ngày 2.8.1990, yêu cầu quân Iraq phải rút khỏi Kuwait. Liên Đoàn Ả Rập, qua Đại hội bất thường tại Moharram, cũng lên án cuộc xâm lăng và đòi Iraq phải thi hành quyết định của Liên Hiệp Quốc. Sợ bị Iraq tấn công bất ngờ trong khi lực lượng quân sự còn yếu kém, Ả Rập Saudi đã yêu cầu quân đội Đồng Minh gồm Hoa Kỳ, Anh và Pháp đổ bộ vào vùng biên giới giáp Iraq để bảo vệ đất thánh.
Dù có quyết định của HĐBA/LHQ và sự phản đối từ khắp nơi trên thế giới, Saddam Hussein vẫn không chịu rút quân. Ngày 16.1.1991, Không quân Mỹ được lệnh mở đầu cuộc chinh phạt bằng các phi vụ oanh tạc cơ sở quân sự và quốc phòng của Iraq. Sau đó lực lượng bộ binh và thiết giáp của Đồng Minh nhập cuộc tiến công từ nhiều hướng và đánh bật quân Iraq ra khỏi Kuwait. Toàn bộ lực lượng và chiến cụ của quân Iraq bị hủy diệt nằm ngổn ngang trên sa mạc và trên đường tháo chạy. Quân Đồng Minh thắng lợi tiến về thủ đô Baghdad. Nhưng TT. George Bush bất ngờ ra lệnh dừng quân. Đây là sự khó hiểu của các tướng lãnh trên chiến trường cũng như nhiều nhà lãnh đạo quốc gia Đồng Minh. Cuộc chiến kết thúc với những cam kết của Saddam Hussein, trong đó có một số điểm quan trọng như: phải để phái đoàn LHQ tới thanh tra các cơ sở sản xuất vũ khí nguyên tử và vũ khí giết người hàng loạt; không được xâm phạm không phận từ vĩ tuyến 38 tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (nhằm bảo vệ dân Kurdistan ở phía Bắc) và vĩ tuyến 32 tới biên giới Ả Rập Saudi (nhằm bảo vệ dân Shiite ở phía Nam.)
3- Với dân Kurdistan
Dân Kurdistan ngày nay coi như bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Hơn 3,5 triệu dân Kurdistan phải sống rải rác tại vùng biên giới giữa các quốc gia Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và tại Âu Châu. Iran, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý cho dân Kurdistan thành lập một quốc gia độc lập tại khu tam giác giáp ranh giữa ba quốc gia này. Họ vẫn dùng dân Kurdistan làm con cờ trong thế chính trị, khi có sự xung đột giữa các nước trong vùng.
Iran hỗ trợ cho Liên Hiệp Yêu Nước Kurdistan “P.U.K” (Patriotic Union of Kurdistan) để chống Iraq; Iraq hỗ trợ cho Đảng Dân Chủ Kurdistan “K.D.P” (Kurdistan Democratic Party) để chống lại Iran và tay sai của Iran; Syria ủng hộ Đảng Công Nhân Kurdistan “P.K.K” (Kurdistan Workers’ Party) gồm phần lớn dân Kurdistan đang sống và có ảnh hưởng chính trị lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì sự can thiệp của ba nước vào nội bộ dân Kurdistan khiến họ không thể đoàn kết trong một tổ chức kết hợp để có tiếng nói mạnh trên diễn đàn quốc tế và lực lượng quân sự mạnh để đòi yêu sách.
4- Các cuộc chống đối TT. Saddam Hussein
Phải sống dưới chế độ độc tài, không chỉ dân Kurdistan hay Shiite mà cả dân Sunni cũng bất mãn. Một số vụ chống đối điển hình đã xẩy ra như sau:
-Ngày 14.6.95, nhóm Duaini của dân Sunni đặt chất nổ tại Baghdad nhằm chống lại các hành động độc đoán của S. Hussein.
-Ngày 10.7.1996, hai con rể của Saddam Hussein là Tướng Saddam Kamel Hussein Khaled và Đại tá Kamel Hassen al-Majid chống bố vợ bị thất bại phải chạy trốn sang Jordan. Khi ở Jordan hai người con rể có tiết lộ là chỉ 3 tháng trước ngày quân đội Đồng Minh giải phóng Kuwait, Iraq sắp thành công chương trình chế tạo trái bom nguyên tử đầu tiên. Ngày 22.12.1996, Đại tá Kamel Hassen bất đồng với vua Hussein của Jordan, muốn tỵ nạn tại quốc gia thứ ba và yêu cầu các nước Ả Rập giúp ông lật đổ Saddam Hussein, nhưng không ai tiếp nhận. Sau đó qua sự móc nối của mẹ vợ và vợ, hai chàng rể lại xin được trở về thú tội với bố vợ. Nhưng những kẻ phản bội không thể tha thứ được, Saddam Hussein đã ra lệnh cho con trưởng, Saddam Uday giết chết hai chàng rể phản nghịch vào ngày 23.2.1997. Hai con gái, Ragda và Rana bị quản chế tại gia cùng với mẹ ở Ouja.
-Gia đình của hai chàng rể bất mãn đã vận động phe nhóm dùng vũ khí chống lại Saddam Hussein, nhưng không thành công. Một số cận vệ thuộc Liên đoàn Bảo vệ Phủ Tổng thống cũng bị xử tử, vì có âm mưu ám sát Tổng thống.
-Ngày 20.7.1996, anh em họ của Saddam Hussein là Barzan Ibrahim Tarkriti, đại sứ Iraq tại Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ sự bất mãn và tuyên bố không trở về Iraq nữa.
-Ngày 12.12.1996, Saddam Uday bị hai người đeo mặt nạ bắn trọng thương ở bụng và bọng đái, khi anh ta đậu xe tại Bộ chỉ huy Mật vụ thuộc khu vực Mansour. Uday thoát chết, nhưng phải ngồi xe lăn nhiều tháng.
5- Ngày tàn của một bạo chúa
Saddam Hussein tự cho mình là nhà cách mạng xã hội và canh tân dựa theo chính sách của cố Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser. Phụ nữ được hưởng nhiều tự do và tham dự vào các công tác ngoài xã hội, kể cả các chức vụ trong chính quyền. Hệ thống pháp luật được thành lập theo khuôn mẫu Tây phương chứ không áp dụng luật Sharia của Islam. Nhưng Saddam Hussein lại không cho bất cứ ai phê bình và chống đối các hành động, dù bạo hành của mình. Thẳng tay đàn áp, bắt bỏ tù và thủ tiêu các thành phần đối lập. Quyết tâm thực hiện chương trình chế tạo bom nguyên tử và vũ khí giết người hàng loạt, bất tuân các Quyết định của LHQ kể từ cuộc chiến Bão Tố Sa Mạc 1992-1993 là hậu quả đưa tới quyết định tấn công Iraq và lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein do Hoa Kỳ khởi xướng.
Cuộc hành quân năm 2003 của Đồng Minh do Hoa Kỳ chủ động tiến vào lãnh thổ Iraq như tiến vào chỗ không người. Với thành quả kỹ thuật quốc phòng đã đạt tới đỉnh cao và vũ khí hiện đại, chỉ trong vòng 2 tuần lễ, quân đội Đồng Minh hoàn toàn làm chủ tình thế. Saddam Hussein phải trốn chui trốn lủi dưới hầm và bị bắt ngày 13.12.2003 tại làng Al-Dawr.
Ngày 5.11.2006, Saddam Hussein bị đưa ra tòa án đặc biệt của Iraq vì tội phạm hình sự chống lại con người. Can phạm bị qui trách đã giết 148 người, tra tấn và hành hạ đàn bà, trẻ em và bắt bỏ tù 399 người trái phép. Ngoài ra, tội nhân cũng phải chịu trách nhiệm khi ra lệnh dùng bom hóa học tấn công giết 5.000 ngàn người Kurdistan ở Halabja và nhiều ngàn người bị thương tại các vùng phía Bắc Iraq.
Saddam Hussein bị kết án treo cổ.
Ngày 26.12.2006, bị can kháng án nhưng bị từ chối và án lệnh được thi hành vào 3 giờ sáng ngày 30.12.2006 tại căn cứ quân sự Al-Adala, thuộc thành phố Kazimain nằm về phía Đông-Bắc thủ đô Baghdad. Đây cũng là nơi xưa kia Saddam Hussein tra tấn và giết chết nhiều người. Theo tin tức Iraq thì thi hài của nhà độc tài được chôn cất gần mộ hai con trai của mình đã bị chết trong cuộc giao chiến với lính Mỹ tại Tikrit vào năm 2003. Video do một trong ba người vệ binh quay lúc Saddam Hussein bị treo cổ được đài truyền hình Al-Iraqiya chiếu lại đã gây nên làn sóng phẫn nộ của người Muslim phái Sunni. Hiện chính quyền Iraq đã điều tra và bắt hai cảnh sát đặc biệt hành động trái phép. Hành động này là nguyên nhân tạo nên sự phẫn nộ trong hàng ngũ Muslim hệ phái Sunni, cũng như sự phê phán của nhiều người trên thế giới.
Tuy nhiên, đối với những người đối lập Saddam Hussein thì hành động này cần thiết và có giá trị để chứng minh ông ta đã chết thật. Ngoài các cuộc biểu tình chào mừng chiến thắng của người Shiite với vẻ mặt hân hoan vui mừng, vì không còn sợ Saddam Hussein nữa; người ta cũng được nghe một người thi hành án lệnh đã hô to: “Vạn tuế Mugtada al-Sadr”, lãnh tụ của phe Shitte quá khích từng công khai dùng lực lượng quân sự, chống lại quân chính phủ Iraq và Mỹ.
6- Các biến chuyển sau cái chết của Saddam Hussein
Saddam Hussein là một nhà độc tài đã gây ra các cuộc xung đột vũ trang giết chết hơn một triệu người tại Trung Đông, cũng như các cuộc thanh trừng đẫm máu ngay trên đất nước Iraq, đặc biệt đối với dân Kurdistan ở phía Bắc và dân Shiite ở phía Nam, từ năm 1980… khách quan mà nói ông ta phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình trong quá khứ. Nhận định hay phê phán về bản án tử hình nặng hay nhẹ thì tùy thuộc vào luật pháp của mỗi quốc gia hoặc mỗi tôn giáo.
6.1- Về phía các nước Hồi giáo
-Người Muslim hệ phái Sunni ở Iraq và trong các quốc gia Islam tại Trung Đông, đặc biệt dân chúng Palestine đều phản đối án tử hình dành cho nạn nhân. Theo họ, Saddam Hussein là một biểu tượng anh hùng và cái chết đưa ông ta lên hàng Tử Đạo. Chính vì vậy mà các cuộc biểu tình mang theo hình Saddam Hussein đã diễn ra.
-Dân Muslim ở Iran, Kuwait và Kurdistan thì vui mừng, vì họ là nạn nhân trong các cuộc chiến do Saddam Hussein gây nên.
-Tại Libya, nhà độc tài Muammar al-Gadaffi lại thương tiếc và ra lệnh cả nước để tang Saddam Hussein 3 ngày.
-Tại Yemen, trước khi thi hành án xử tử, Thủ tướng Abdul Kade Benjamman viết thư cho TT. George W. Bush và Thủ tướng Iraq, Nouri Al-Maliki, xin can thiệp hủy bỏ án tử hình.
-Tại A Phú Hãn (Afghanistan) nhóm Taleban phản đối án tử hình và cảnh cáo cuộc thánh chiến chống tay sai và Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn.
-Ả Rập Saudi, hệ phái Sunni lớn nhất tại Trung Đông lên án Chính quyền Iraq, đa số dân Shiite, đã hành quyết Saddam Hussein vào ngày lễ quan trọng “Eid al-Adha” và bản án có tính cách chính trị. Ngày đại lễ này kỷ niệm biến cố Tổ phụ Abraham hiến con mình là Isaác cho Thượng Đế. Khi giết chết Saddam Hussein vào ngày này, theo ý nghĩ của người Sunni, phe Shiite muốn mượn lễ vật hiến tế này dâng lên Thượng Đế.
6.2- Về phía Tây phương
-Hồng Y Renato Martino, đặc trách về pháp luật và cựu đặc nhiệm của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã lên án bản án tử hình Saddam Hussein, vì nó trái nghịch với Giáo lý Công giáo. (Điều Răn thứ năm: “Chớ giết người”)
-Các nhà lãnh đạo của các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu cũng không chấp nhận bản án tử hình dành cho Saddam Hussein. Đa số đồng ý với bản án chung thân khổ sai là đủ.
-Cùng quan điểm với Tổng thống Mỹ George W. Bush, Tân Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-Moon, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nam Hàn (2004-2006) không trực tiếp lên án, nhưng phát biểu: “án tử hình Saddam Hussein là một quyết định công bằng với quá khứ.” Theo các nhà bình luận chính trị thì lời phát biểu trên không thích hợp với quan niệm chung của đa số các quốc gia hội viên LHQ muốn hủy bỏ án tử hình trên Thế giới.
-Phải chăng ông Tân Tổng Thư Ký LHQ người Nam Hàn, một cách gián tiếp, muốn cảnh cáo các nhà độc tài cộng sản còn lại, đặc biệt Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) của Bắc Hàn luôn lăm le giải phóng Nam Hàn và khiêu khích thế giới bằng vũ khí nguyên tử hãy noi gương:
-Trùm cộng sản Nikolae Ceausescu của Rumenia bị xử tử đúng vào ngày Lễ Giáng Sinh 25.12.1989, và
-Nhà độc tài Saddam Hussein bị treo cổ trước thềm năm mới, ngày 30.12.2006.
Cái chết của điệp viên Nga
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Trong hai tháng 11 và 12.2006, cả thế giới đều bàng hoàng khi nhìn trên truyền hình thấy cựu điệp viên Nga bị đầu độc chết tại Luân Đôn. Câu chuyện bắt đầu từ ngày 1.11.2006, Alexander Litvinenko bị bệnh và được đưa vào nhà thương khám nghiệm. Sau đó ông ta bị kiệt lực, tóc trên đầu rụng hết. Ngày 23.11.2006, các bác sĩ đành bó tay và Litvinenko đã chết trên giường bệnh.
-Litvinenko là ai và tại sao bị đầu độc?
-Ai chủ mưu giết Litvinenko?
-Phóng xạ nguyên tử Polonium 210 là gì?
Để trả lời cho các câu hỏi trên, mời quí độc giả theo dõi các mục dưới đây.
I- LITVINENKO LÀ AI VÀ TẠI SAO BỊ ĐẦU ĐỘC?
Theo báo chí ngoại quốc thì Alexander Litvinenko sinh ngày 4.12.1962, cựu đại tá trong Cục An ninh Liên Bang Nga “F.S.B” (Federal Security Service of the Russian Federation) và từng hoạt động trong cơ quan mật vụ có tên là Ủy Ban An Ninh Quốc Gia K.G.B (Komitet Gosudarstvennoy Bezopasnosti = Committee for State Security) thời cực thịnh của đế quốc Sô Viết. Là người cương trực, ông công khai tố cáo cấp trên đã ra lệnh thủ tiêu nhà tỷ phú Boris Berezovsky, gốc Do Thái, với lý do ông này mờ ám trong việc kinh doanh và tiếp xúc với Mafia Chechnya. Nhà tỷ phú đã thoát chết nhiều lần, kể cả vụ xe bị bom nổ vào năm 1994. Boris phải xin tị nạn chính trị tại Anh quốc vào năm 2001.
Vì sự tố cáo có liên quan tới chính quyền, Litvinenko bị bắt bỏ tù một thời gian, sau được thả rồi xin tị nạn chính trị tại Anh quốc vào năm 2000 và hiện đã có quốc tịch Anh. Trong thời gian ở Anh quốc, Litvinenko đã xuất bản hai quyển sách có tựa đề: “Blowing up Russia: Terror from Within” (Nổ tung nước Nga: Khủng bố từ nội bộ) và “Gang from Lubyanka” (Băng đảng từ Lubyanka). Trong sách Litvinenko đề cập tới vụ tổng thống Putin nắm được quyền lực là do một cuộc đảo chính (a Coup d’état) được tổ chức bởi F.S.B. Phe chống TT. Putin cũng tố cáo chiến thuật của F.S.B làm chấn động dân chúng Nga bằng vụ đặt bom nổ tại chung cư nhiều tầng ở Ryazan, Mạc Tư Khoa và một số thành phố khác, nhằm đổ tội cho quân khủng bố Chechnya, rồi lấy lý do chính đáng tấn công Chechnya. Vụ bom nổ này gây cho hơn 300 người chết và cuộc chiến xâm lăng Chechnya lần thứ hai mở màn vào năm 1999.
Theo báo Độc Lập của Anh thuật lại thì Litvinenko có gặp hai người Nga tại khách sạn Luân Đôn vào ngày 1.11.2006, nơi mà trước đó ông cũng đã gặp chuyên viên tình báo người Ý tên là Mario Scaramella tại nhà hàng Sushi (Itsu) của người Nhật. Cuộc khám nghiệm cho biết Mario cũng bị nhiễm xạ, nhưng nhẹ. Trong số hai người Nga này có một người là cựu nhân viên F.S.B và họ đã mời Litvinenko uống nước trà trong khi đàm đạo. Tờ Thời báo Chủ nhật cũng thuật tin này. Sau hôm gặp mặt, Litvinenko bị bệnh nặng. Thận hư, ói mửa liên tục, xương bị phá hủy và bạch huyết cầu không còn đủ để chống lại độc tố. Ban đầu các bác sĩ tại bệnh viện đại học ở Luân đôn cho rằng Litvinenko bị đầu độc bằng chất Thallium, một loại độc dược có tên là sulfide thường dùng để giết chuột hay sulfat (muối acit sulphuric) để giết sâu bọ. Nhưng ngày 24.11.2006, các chuyên gia y tế Anh đã tìm thấy trong nước tiểu có phóng xạ nguyên tử Polonium 210.
Trước khi chết, ngày 21.11.2006, Litvinenko đã viết một bức thư tố cáo TT. Putin đã nhúng tay vào vụ đầu độc này. Litvinenko dùng thư để cám ơn tất cả những ai đã giúp đỡ và ủng hộ trong lúc bệnh hoạn ngặt nghèo. Ông viết rõ trong thư là từ giường bệnh ông có thể nghe tiếng vỗ cánh của thiên thần sự chết (Angel of death). Chúng tôi xin chuyển ý bức thư như sau:
Phần đầu Litvinenko viết cám ơn những người đã giúp đỡ ông gồm: các bác sĩ, y tá đã chăm sóc ông trong thời gian bệnh; cảnh sát đã bảo vệ an ninh cho cá nhân và gia đình ông; chính phủ Anh, công chúng Anh và người vợ thân yêu Marina đã luôn có mặt bên ông. Kế đến ông viết tiếp:
“… Vì thế, tôi nghĩ rằng có thể là lúc để nói một hay hai điều cho người có trách nhiệm về tình trạng hiện nay của tôi. Ông có thể thành công trong việc làm cho tôi im tiếng, nhưng sự im lặng đó có một giá trị. Ông tự chứng tỏ mình man rợ và lạnh lùng như người phê bình thù địch nhất của ông đã tuyên bố. Ông đã tự chứng tỏ mình không tôn trọng sự sống, tự do hoặc bất cứ giá trị văn minh nào. Ông đã tự chứng tỏ mình không xứng đáng trong chức vụ, không xứng đáng được nam và nữ giới văn minh tín nhiệm. Ông có thể thành công làm cho một người im tiếng, nhưng tiếng gào thét phản kháng khắp trên thế giới sẽ vang vọng trong tai ông cho đến hết cuộc đời còn lại của ông, ông Putin ạ.
Xin Chúa tha thứ cho ông về những gì ông đã làm, không chỉ đối với tôi, nhưng cả đối với nước Nga thân yêu và dân tộc này.”
Thư của Litvinenko đã được người bạn thân, Alexander Goldfarb, đọc công khai trên hệ thống truyền hình sau khi ông qua đời.
Qua các dữ kiện nêu trên, người ta nhận thấy Litvinenko bị đầu độc vì các nguyên do sau đây:
-Tiết lộ bí mật của TT. Putin trong kế hoạch đặt bom nổ giết dân mình và đổ tội cho quân khủng bố để tấn công Chechnya lần thứ hai.
-Tiết lộ bí mật của F.S.B trong kế hoạch thủ tiêu nhà tỷ phú Boris Berezovsky.
-Quy trách nhiệm cho F.S.B nhúng tay vào vụ ám sát nữ ký giả Anna Politkovskaya vào ngày 7.10.2006. Sự quy trách này dựa trên tài liệu Litvinenko nhận được ngày 1.11.2006 và lời tuyên bố của ông ta với báo Chechnya vào ngày 16.11.2006. Nữ ký giả này sinh ngày 30.8.1958 tại Mỹ, bị bắn ngay tại nhà ở thủ đô Mạc Tư Khoa vào ngày 7.10.2006. Năm 2004 bà cũng đã bị ám hại bằng nước trà chứa chất độc, nhưng thoát chết.
Năm 2004, Litvinenko đã thoát nạn sau một vụ tấn công bằng chai bom xăng (loại molotovcocktail mà lính Nga dùng trong thế chiến II thay cho lưu đạn tay). Ahmed Sakayev, phát ngôn viên của nhóm kháng chiến Chechnya cũng bị tấn công bằng bom xăng tại tư gia ở Luân Đôn vào ngày 16.10.2006.
II- AI CHỦ MƯU GIẾT LITVINENKO?
Hiện nay có các giả thuyết về cái chết của Litvinenko như sau:
-Kẻ thù hay bạn của TT. Putin gây nên?
- Chính TT. Putin chủ mưu?
- F.S.B nhúng tay?
- Tổ chức Mafia ở St. Petersburg trả thù?
- Boris Berezovsky hay bạn của Litvinenko can dự?
Dĩ nhiên các giả thuyết đưa ra đều có những nguyên do của nó. Ngoài TT. Putin và F.S.B đang nắm quyền lực, có thể ra lệnh cho các nhà bác học chế tạo hoặc cung cấp Polonium; các nhóm đối lập khác cũng có thể mua Polonium từ các chuyên gia làm trong phòng thí nghiệm nguyên tử để đầu độc Litvinenko.
Xét về nguyên do tại sao Litvinenko phải chết thì yếu tố chính trị có thể được đặt vào hàng đầu. Ngoài các hành động trong quá khứ liên quan tới cuộc xâm lăng Chechnya, người ta cần nhớ là TT. Putin sắp mãn nhiệm kỳ. Nếu không thay đổi luật pháp để có thể trở thành tổng thống nhiệm kỳ thứ ba thì TT. Putin sẽ “về vườn”. Trước quyền lực ngoài tầm tay, TT. Putin phải chọn một người kế vị để bảo đảm danh dự và cả tính mạng của ông ta. Muốn vậy, TT. Putin và phe nhóm không thể để cho bất cứ người đối lập nào khơi lại các hành động bất hợp pháp trong quá khứ, vì nó sẽ làm giảm uy tín cho phe nhóm. Nếu không, phe đối lập sẽ thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Khi phe đối lập thắng cử, họ sẽ thi hành chính sách thân thiện với Hoa Kỳ và Tây phương. Các hành động vi phạm nhân quyền và xâm lăng bất hợp pháp Chechnya trong quá khứ của TT. Putin và F.S.B sẽ bị lôi ra ánh sáng để chịu tội trước tòa án công lý. Cái họa đó cần phải dập tắt. Nữ ký giả Politkovskaya và cựu tình báo kiêm nhà văn Litvinenko là hai “cái loa” rất nguy hiểm trước thế giới cần phải bịt lại. Nhận định của chúng tôi trùng hợp phần nào với Andrei Ryabov, một chuyên viên của Viện Bảo Trợ Gorbachev tại thủ đô Mạc Tư Khoa. Theo ông Andrei Ryabov thì các nhóm chính trị tại Nga chưa có được trình độ tranh cử tự do dân chủ như ở Tây phương, nơi mà các cuộc tranh đấu chính trị được giới hạn bởi luật pháp và hiến pháp.
-Giả thuyết 1: kẻ thù của TT. Putin đầu độc Litvinenko. Giả thuyết này dựa vào sự kiện phe nhóm Silovik tại Điện Cẩm Linh (Kremlin). Theo Boris Kagarlitsky, Giám đốc Viện Độc Lập về những vấn đề Toàn Cầu Hóa (The Independent Institue of the Globalization Problems) thì phe này bao gồm các nhân viên mật vụ có thể được huấn luyện để tạo nên sự tan vỡ giữa Nga Sô và Tây phương, hầu khích động tinh thần quốc gia, tạo cơ hội cho một đại diện trong nhóm trở thành tổng thống. Cái chết của nữ ký giả Politkovskaya và Litvinenko chứng tỏ có một sự tranh chấp quyền lực trong nội bộ. Giết hai nhà đối lập phe nhóm của TT. Putin giảm được nguy hại trong cuộc tranh cử tổng thống trong tương lai.
-Giả thuyết 2: Phần lớn các chuyên viên Nga nghi ngờ là chính TT. Putin chủ mưu trong vụ đầu độc này. TT. Putin là người từng hành động theo ý mình, bất cần sự quan tâm hay chống đối từ nội địa hoặc trên thế giới. Tuy nhiên, Alexei Mukhin, Giám đốc Trung tâm Tin tức Chính trị Độc lập tại Mạc Tư Khoa, lại phát biểu theo ý nghĩ khác rằng, nữ ký giả Polikovskaya bị giết đúng vào ngày sinh nhật của TT. Putin và chỉ trước một ngày cuộc họp thượng đỉnh giữa EU và Nga Sô được tổ chức tại thủ đô Helsinki, Phần Lan, thì tại sao TT. Putin lại hành động như vậy được?
-Giả thuyết 3: Một số người cho rằng bạn bè của TT. Putin chủ mưu. Giả thuyết này đặt trên vấn đề là, khi TT. Putin không còn nắm quyền lực và nếu các nhà phản kháng nặng ký nhất, như Politkovskaya và Litvinenko còn sống thì hành động vi phạm nhân quyền, đặt bom nổ giết dân mình và xâm lăng Chechnya bất hợp pháp của TT. Putin sẽ bị khui ra trước pháp luật. Nếu không bị tù, TT. Putin cũng mất uy tín và không thể sửa đổi hiến pháp để ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 3 hoặc tạo uy tín cho phe nhóm của mình lên cầm quyền.
-Giả thuyết 4: thủ phạm là nhà tỷ phú Berezovsky. Một số chuyên viên khác lại cho rằng những kẻ giết Litvinenko có thể tìm ngay trong đám dân Nga tị nạn, nơi Litvineko cư trú. Đó là Boris Berezovsky, một người bị truy tố là làm xáo trộn nước Nga với hy vọng lật đổ nhà lãnh đạo điện Cẩm Linh trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008. Chánh Công tố, Yury Chaika tuyên bố với báo chí là sẽ cung cấp tài liệu về Boris Berezovsky cho phái đoàn điều tra của Anh quốc khi tới Mạc Tư Khoa.
-Giả thuyết 5: Theo báo Izvestia thân điện Cẩm Linh thì có bốn giả thuyết về cái chết của Litvinenko:
1- Đầu tiên người ta nghi Litvinenko có thể mua bán vật dụng nguyên tử bất hợp pháp cho Berezovsky nên bị nhiễm độc.
2- Đề cao Litvinenko như một anh hùng. Suy luận này dựa trên chứng cớ Berezovsky và nhóm khủng bố Chechnya có thể đã chế tạo được bom nguyên tử bằng cách dùng Polonium làm chất kích nổ. Litvinenko uống Polonium như là hành động dâng hiến đời mình để phụng sự cho đất mẹ.
3- Litvinenko cũng có thể hành động phản lại Berezovsky và bị ông chủ cũ này giết chết để bịt miệng. Lý do là người ta tìm thấy Polonium ở văn phòng Berezovsky.
4- Cục An ninh Nga có thể giết Litvinenko vì sự phản bội. Tuy nhiên, theo báo Izvestia thì Litvinenko chỉ là “con chốt” trong bàn cờ chính trị, không có lý do nào để Mạc Tư Khoa phải can dự vào một vụ giết người tai tiếng trên sân khấu chính trị quốc tế như vậy.
-Giả thuyết 6: Theo báo chí Luân Đôn thì Mafia ở St. Peterburg có thể đã đầu độc Litvinenko. Thuyết này dựa vào những dữ kiện do Mario Scaramella tiết lộ, vì ông ta đã từng giúp Quốc hội Ý điều tra tình báo Nga trong cuộc chiến tranh lạnh. Scaramella tuyên bố với đài phát thanh BBC (radio) ông biết rõ ai là thù địch của Litvinenko. Ông này cũng cho biết công việc của ông trong nhiều năm qua nhằm mục đích tìm ra đường giây giữa Mafia và các viên chức cao cấp trong chính quyền Nga. Ông cũng cho Litvinenko coi các điện thư, từ các băng đảng ở St. Peterburg, cảnh cáo về sự sống của hai người.
-Giả thuyết 7: Oleg Gordievsky, cựu trưởng toán tình báo của K.G.B từng hoạt động điệp viên nhị trùng và cộng tác với cơ quan tình báo Anh quốc “M16” có phát biểu với tờ Thời Báo là Điện Cẩm Linh (Kreml) đứng sau vụ đầu độc Litvinenko và Politkovskaya, vì hai người dám công khai chỉ trích TT. Putin (cũng từng là một cựu trùm mật vụ K.G.B.). Theo Gordievsky chỉ có K.G.B mới có khả năng thực hiện một vụ đầu độc tuyệt kỹ này. Trước đây, sau khi hành động điệp viên nhị trùng bị bại lộ ông ta được lệnh triệu hồi về Mạc Tư Khoa. Biết khi trở về Nga sẽ bị thủ tiêu, Gordievsky xin tị nạn chính trị tại Anh quốc với sự giúp đỡ của M16
III- PHÓNG XẠ NGUYÊN TỬ POLONIUM LÀ GÌ?
Polonium: ký hiệu nguyên tử PO mang số 84, hóa chất giống như Tellurium và Bismuth, có trong quặng mỏ Uranium. Polonium được nghiên cứu để có thể sử dụng làm nóng trong các phi thuyền không gian. Khi hòa chung hoặc trộn với beryllium, Polonium sẽ trở thành phân tử gốc, nó thải ra một phân tử để hấp dẫn một phân tử khác, nên có ký hiệu là 210Po mà báo chí thường quen viết Po 210. Phân tử này được sử dụng trong các loại vũ khí nguyên tử như là phân tử kích động nổ (có thể hiểu đơn giản như cò súng, khi bóp thì hạt nổ bị kích nổ và đẩy viên đạn ra khỏi nòng súng).
Về lịch sử thì Polonium cũng được gọi là “Radium F” (phóng xạ F) do bà Marie Curie và chồng là Pierre Curie (người Ba Lan) khám phá ra vào năm 1898. Cái tên hóa học Polonium được đặt cho chất phóng xạ này là để ghi nhớ công trình phát minh khoa học của ông bà Marie Curie, và đất nước Ba Lan (Poland, tiếng La-tinh là Polonia). Đi sâu hơn vào lãnh vực chính trị người ta biết được khi đặt cái tên Polonium bà Marie muốn nhắc nhở tới số phận của nước Ba Lan thời đó đang bị liên minh ba quốc gia Nga, Phổ và Áo thống trị. Họ không công nhận nền độc lập của Ba Lan. Bà Marie là người đầu tiên khám phá ra chất phóng xạ nguyên tử của kim loại Uranium và cũng bị chết vì khám phá của mình. Khi bà tách rời uranium và radium, thì phóng xạ nguyên tử lại cao hơn cả uranium và radium. Chất Polonium rất hiếm trong thiên nhiên. Nó có ở trong mỏ Uranium và chỉ có chừng 100 micrograms (100/ 10-6) trong một tấn uranium. Mỗi năm người ta sản xuất được khoảng 100 gram từ các lò phản ứng nguyên tử, Do đó, Polonium là chất rất hiếm hoi và chỉ có các bác học trong phòng thí nghiệm của lò nguyên tử hay cơ xưởng chế tạo vũ khí hạch nhân mới có thể sản xuất được.
Theo các nhà nghiên cứu thì Polonium cũng được tìm thấy trong khói thuốc lá của lá thuốc trồng bằng phân hóa học Phosphate và dĩ nhiên chỉ có số lượng cực nhỏ. Người nghiện thuốc lá bị ảnh hưởng trực tiếp là ung thư phổi và theo thống kê chỉ có khoảng 16,4% thoát chết. Như vậy có phải vì lịch sự, mời bạn bè hút thuốc lá càng nhiều, càng chóng đưa bạn về Nước Chúa không? Phải chăng đó cũng là một loại “đầu độc cực nhẹ?”
IV- VỤ ĐẦU ĐỘC SẼ RA SAO?
Theo tin ngày 5.12.2006 của đài truyền hình CNN thì Chánh Công tố Yuri Chaika tuyên bố là Nga sẽ không cho phép dẫn độ các can phạm sang Anh quốc và xác định bất cứ cuộc xét xử nào cũng phải diễn ra tại Nga. Lời tuyên bố này chứng tỏ sự thiếu thiện chí trong cơ cấu hành chính và tư pháp của Nga trong việc đưa ra ánh sáng và kết án những kẻ phạm pháp trong vụ đầu độc vừa qua. Yuri Chaika cũng tuyên bố là các nhà điều tra Nga không được phép nói chuyện với hai người đàn ông mà cảnh sát Anh hy vọng sẽ thẩm vấn là:
1-Andrei Lugovoy, một cựu nhân viên của K.G.B, người đã gặp Litvinenko tại khách sạn Millennium ở Luân Đôn, cùng ngày Litvinenko gặp Mario Scaramella. Ngày 6.12.2006, khi phái đoàn điều tra của Anh tới thì đột nhiên Lugovoy bị bệnh, nên phái đoàn điều tra của Anh không được tiếp xúc. Các bác sĩ nói là ông ta cũng bị nhiễm độc Polonium 210. Nhưng sau đó Lugovoy được trả lời cuộc thẩm vấn và tuyên bố mình vô tội trong vụ này. Lugovoy đã bay sang Anh quốc ba lần kể từ ngày 16.10.2006 tới 1.11.2006 và đã gặp cả Litvinenko lẫn Boris Berezovsky. Lugovoy trước kia là cận vệ của thủ tướng Jegor Kayda (cũng mới bị bệnh bất ngờ) và tỷ phú Berezovsky. Tháng bẩy 2001 Lugovoy bị án tù một năm hai tháng vì tội giúp cộng tác viên của Berezovsky vượt ngục. Sau này Lugovoy kinh doanh và làm chủ một tài sản trên 167 triệu Đô-la.
2-Mikhail Trepashkin, cựu tình báo viên nhị trùng, đồng đội với Litvinenko đã một lần cảnh giác Litvinenko có thể bị giết. Trepashkin hiện bị phạt bốn năm tù vì tiết lộ bí mật quốc gia. Theo Yelena Liptser, nữ luật sư của Trepashkin thì thân chủ của bà không được phép gặp phái đoàn điều tra của Anh quốc. Lý do: Alexander Sidorov, phát ngôn viên của Trung tâm Cải huấn Liên bang cho hay là Trepashkin đang trong thời gian thi hành án tù nên không được gặp nhân viên an ninh ngoại quốc.
KẾT LUẬN
Cái khó cho cảnh sát Anh là Anh quốc và Nga sô không ký kết thỏa hiệp song phương về dẫn độ tội phạm hình sự. Nên việc đem một công dân Nga ra trước tòa án Anh để truy tố sẽ bị cản trở, nếu không được quốc hội Nga chấp thuận. Thực tế thì Nga Sô công nhận hiệp ước EU về dẫn độ phạm nhân hình sự; nhưng cái rắc rối ở chỗ là Hiếp pháp của Nga lại minh định: “Một công dân Nga không thể bị dẫn độ qua các biên giới của Liên Bang Nga hoặc trao cho quốc gia khác” (A Russian citizen cannot be sent beyond the borders of the Russian Federation or given to another state.) Như vậy, nếu cuộc điều tra có tìm ra thủ phạm, thì các thủ phạm này vẫn sống yên ổn tại Nga. Nếu có bị tòa án Nga tuyên án một hai năm tù thì phải chăng đó chỉ là cái án giả tạo, nhằm che tội cho TT. Putin, như Litvinenko đã tố cáo trong thư?
Đảng Cộng Hòa và Tổng Thống George W. Bush Bị Thất Bại Nặng Nề Trong Cuộc Bầu Cử Quốc Hội Mỹ
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Ngày thứ ba, 07.11.2006, dân chúng Mỹ đã tham gia cuộc bầu cử Quốc Hội trung-kỳ để chọn 1/3 Nghị sĩ Thượng viện (Congress), 435 Dân biểu Hạ viện (U.S. House of Representatives). Các Ứng Cử Viên (ƯCV) thắng hay thất cử đồng thời có ảnh hưởng tới các chức vụ Thống đốc Tiểu bang.
Có thể nói đây là một trong các cuộc bầu cử mà người ta có thể biết trước được đảng nào thắng đảng nào thua. Đây cũng là cuộc bầu cử, tuy nhỏ, nhưng số lượng luật sư đã được cả hai đảng tung vào chính trường để quan sát và kiểm soát phiếu đông không ai ngờ được. Theo tin đài ABC đảng Dân Chủ đã gửi 7.000 luật sư lên máy bay tới các tiểu bang Arizona, Florida, Maryland, Missouri và 14 tiểu bang khác để theo dõi diễn biến và kết quả bầu cử. Ngoài ra, đảng Dân Chủ cũng được 2.000 luật sư từ Ủy ban Luật sư cho Quyền Công dân giúp đỡ trong việc theo dõi có cử tri nào bị ngăn cản bỏ phiếu, bị quấy rối và gian lận trong việc bỏ phiếu không.
Sự kiện này xẩy ra do kinh nghiệm bắt nguồn từ cuộc bầu cử năm 2000, khi số phiếu của ỨCV George W. Bush và Al Gore chênh lệch nhau chỉ vài ngàn phiếu tại tiểu bang Florida, nơi mà em của ỨCV Bush làm Thống đốc. Sau nhiều lần kiểm phiếu, cuối cùng Tối Cao Pháp Viện đã phán quyết George W. Bush thắng cử.
Đảng Cộng Hòa trong những ngày cuối đã vận dụng hết khả năng, tốn hơn 4,5 triệu Đô-la cho chiến dịch gọi điện thoại tự động đến các gia đình khuyến khích bỏ phiếu cho Ứng cử viên đảng Cộng Hòa. Ngoài ra, chính phủ Bush đã lợi dụng hai biến cố quan trọng đạt được là: sự trao quyền trách nhiệm cho Khối NATO tại A Phú Hãn -và phán quyết của Tòa án Iraq tuyên bố tử hình cựu TT. Saddam Hussein. Khi khơi lại hai biến cố này chính phủ Mỹ muốn nhắc tới sự thành công trong việc lật đổ chế độ độc tài và bắt sống Saddam Hussein nhằm đánh động tình cảm của cử tri Mỹ, với hy vọng dành thắng lợi trong cuộc bầu cử.
Tuy vậy, kết quả của cuộc bầu cử vừa qua cho thấy đảng Cộng Hòa nói chung và Tổng thống George W. Bush nói riêng đã bị thất bại, mất quyền kiểm soát tại Thượng viện, Hạ viện và một số Tiểu bang.
Kết quả cuối cùng được ghi nhận như sau:
*Thượng Viện: (51/100 ghế đạt đa số)
-Đảng Cộng Hòa: được 49 ghế, mất 6 ghế
-Đảng Dân Chủ: được 51 ghế, thêm 6 ghế
-Độc lập: 0 ghế
*Hạ Viện (218 ghế đạt đa số)
-Đảng Cộng Hòa: được 196 ghế, mất 28 ghế
-Đảng Dân Chủ: được 229 ghế, thêm 29 ghế
-Độc Lập: mất 1 ghế
*Thống đốc Tiểu bang
-Đảng Cộng Hòa: được 21 mất 6
-Đảng Dân Chủ: được 28 thêm 6
-Độc lập: 0
Đặc biệt trong cuộc bầu cử này có Keith Ellison, thuộc đảng Dân Chủ, (nguyên là người Công giáo đã cải đạo Islam trong khi học đại học và tốt nghiệp luật sư) đã thắng cử tại tiểu bang Minnesota. Đặc biệt thứ hai là nữ dân biểu Nancy Pelosi trở thành chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, một chức vụ mà xưa nay đều nằm trong tay nam giới. Đặc biệt thứ ba là khoảng 12-15 triệu di dân sống bất hợp pháp tại Mỹ lại không là đề tài tranh cử.
Mất đa số tại lưỡng viện Quốc hội có nghĩa TT. Bush sẽ gặp khó khăn trong việc ban hành các sắc luật và chính sách mới, khi phải thông qua Quốc Hội. Sự thất bại này, dĩ nhiên, phải có những nguyên do. Để tìm hiểu vấn đề, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày các mục dưới đây.
I- TẠI SAO ĐẢNG DÂN CHỦ THẮNG THẾ?
Có nhiều nguyên nhân đưa tới sự thắng lợi của đảng Dân Chủ và sau đây là một số nguyên nhân chính:
-Vì kinh tế không tăng trưởng: 57% cử tri không tán đồng chính sách kinh tế của TT. Bush. 51% cử tri nghĩ là đảng Dân Chủ sẽ khá hơn. Có thể sự thành công về kinh tế trong thời kỳ TT. Bill Clinton nắm chính quyền vẫn còn là một kinh nghiệm khó quên. Kinh tế bất ổn, giá dầu cao (tăng 3 Đô-la một gallon), thị trường nhà cửa bị khủng hoảng, (vì ngân hàng trung ương và ngân khố đã 16 lần tăng tiền lời để giải quyết nạn lạm phát); lương công nhân không tăng so với hàng hóa sản xuất (23% nói chỉ đủ tiêu dùng, 17% không đủ tiền xài trong nhà, 36% không cáng đáng nổi ngân sách gia đình) và tình trạng thất nghiệp cũng không khả quan gì hơn. Chính vì vậy mà sự tiêu dùng của dân chúng không cao đưa đến tình trạng bất quân bình về mức Cung và Cầu.
-Vì chính sách giảm thuế cho giới lương cao: Chính sách hàng đầu của TT. Bush trong nhiệm kỳ đầu là giảm thuế. Nhưng sự giảm thuế này chỉ có lợi cho giới lương cao. Chính việc giảm thuế lại là nguyên nhân đưa tới sự thâm thủng ngân sách, trong đó phí tổn về chiến tranh Iraq khá lớn lao. Để duy trì 149.000 lính tại Iraq chính phủ Mỹ phải chi hàng tỷ Đô-la một tháng.
-Vì thâm thủng ngân sách: Trong tháng 9/2006, Bộ Thương mại vẫn còn bị thiếu hụt 64,7 tỷ Đô-la (6,8%) so với tháng 8/2006: 69 tỷ! Đa số sự bất cân bằng trong cán cân mậu dịch gây ra phát xuất từ các dịch vụ buôn bán với Trung Cộng. Sự thiếu hụt lên tới 781 tỷ Đô-la so với năm 2005 là 716, 7 tỷ.
-Vì chính sách bảo vệ (protectionism): TT. Bush quan tâm nhiều về tự do thương mại và ủng hộ các cuộc đàm phán về giao thương thế giới. Tuy nhiên, về xuất nhập cảng của Hoa Kỳ đang trong tình trạng lỗ lã kỷ lục (8 tháng đầu 2006 lỗ 800 tỷ USD so với 4,2 tỷ trong năm 2001). Đây là một trong các nguyên nhân đưa tới sự thiếu hụt ngân sách trầm trọng. Sự kiện này cũng chứng tỏ chính sách tự do kinh doanh trên thị trường thế giới trong giai đoạn này không có lợi cho Mỹ và đồng Đô-la bị giảm giá là sự kiện tất nhiên.
-Vì tôn giáo giảm sự yểm trợ: Tin Lành chiếm 1/4 phiếu trong cuộc bầu cử năm 2002 và đa số tín hữu đã bầu cho ỨCV thuộc đảng Cộng Hòa. Nay họ lại có thiện cảm với đảng Dân Chủ. Một số vụ tham nhũng và xâm phạm tình dục do nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa gây ra khiến cho cử tri mất tin tưởng. Sự mất tin tưởng này được giải thích rằng, Thượng viện, đa số thuộc đảng Cộng Hòa, luôn đề cao giá trị luân lý và nếp sống đạo đức mà một số nghị sĩ lại bê bối trong lãnh vực tiền bạc và dục tính thì cần phải xét lại. Về phía Công giáo cũng có sự thay đổi, 56% bỏ cho Dân Chủ. Chính vì vậy mà người ta nghĩ rằng trong cuộc bầu cử tổng thống tới đây, giá trị và đạo đức cá nhân sẽ đóng vai trò quan trọng.
-Vì chiến tranh Iraq: 37%, và 9.10 người được hỏi đều nói vì sự thất bại tại Iraq nên họ bầu cho đảng Dân Chủ.
-Vì khủng bố: 40% cử tri phát biểu không hài lòng về chương trình chống khủng bố.
II- THỊ TRƯỜNG KINH TẾ CÓ NHỮNG BIẾN CHUYỂN SAU CUỘC BẦU CỬ
-Thị trường Mỹ: Đảng Dân Chủ thắng thế và sự ra đi của BT. Quốc phòng Donald Rumsfeld là “tin buồn” cho các công ty sản xuất về lãnh vực quốc phòng, y dược, dầu hỏa và bảo hiểm. Đặc biệt kỹ nghệ quốc phòng, như công ty Lockheed và Halliburton, sẽ bị lỗ nhiều nhất trong số các công ty sản xuất và đầu tư.
Ngược lại, các công ty sản xuất về điện năng, dụng cụ kỹ thuật và điện tử lại vui vẻ chào mừng sự thắng lợi của đảng Dân Chủ. Bằng chứng là thị trường chứng khoán gia tăng. Dow Jones tăng 19,77 điểm (lên 12.176,54) trong khi Nasdaq tăng 9,06 lên 2.384,94. Nếu nền kinh tế Mỹ không phát triển trở lại, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008 và đảng Cộng Hòa có nguy cơ sẽ bị thất bại. Do đó, TT. Bush cần đạt được những thành quả lớn về mọi lãnh vực trong hai năm cuối của nhiệm kỳ để lấy lại niềm tin trong dân chúng và nâng cao uy tín cho đảng.
-Thị trường thế giới: Sự giới hạn của Quốc hội do đảng Dân Chủ đa số chi phối có thể ảnh hưởng tới các chương trình giao thương mà Tổng thống Bush đã ký kết hay đang dự trù.
Ví dụ: khi chính phủ cho phép các công ty siêu quốc gia của Mỹ thiết lập cơ xưởng sản xuất tại Trung Cộng, thì dân Mỹ sợ sẽ bị thất nghiệp hàng loạt. Đây cũng là một trong các nguyên nhân đưa tới sự thất bại của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử vừa qua.
III- VAI TRÒ LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI CỦA TT. GEORGE W. BUSH BỊ SUY GIẢM!
Sự từ chức (hay cất chức) của BT. Donald Rumsfeld và sự thất bại của đảng Cộng Hòa chứng tỏ chính sách quốc phòng không đạt được kết quả như chính phủ và dân chúng Mỹ mong đợi. Sự thất bại này có ảnh hưởng tới uy tín lãnh đạo thế giới của TT. George Bush trên chính trường thế giới. Biến cố Hạ viện biểu quyết với số phiếu 228/161 phủ quyết Dự luật bình thường hóa quan hệ giao thương với VN (HR-5602: permanently normalize trade relations with Vietnam) là một đòn độc làm cho TT. Bush tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC không có quà cáp gì ngoài hai bàn tay trắng! Sự bẽ bàng của TT. Bush còn nặng nề hơn khi 66 Dân biểu đảng Cộng Hòa của mình đã cùng 94 dân biểu đảng Dân Chủ và một Dân biểu độc lập bỏ phiếu chống đối!
Trong nhiệm kỳ của mình, TT. Bush muốn thực hiện hoài bão “Thế kỷ mới của Hoa Kỳ” (The new American Centery) đã được đề cập từ năm 1997. Trong số những người đồng hành và tích cực nhất có phó tổng thống Dick Cheney và BT. quốc phòng Donald Rumsfeld. Câu hỏi thuyết này đưa ra là “Hoa Kỳ có quyết tâm khai triển một thế kỷ mới thích hợp với các nguyên tắc và lợi ích của Mỹ không?” (Does the United States have the resolve to shape a new century favourable to American principles and interests?).
Biến cố khủng bố ngày 11.9.2001 là nguyên nhân mở đầu cho chủ trương trên. TT. Bush đã thực hiện chính sách “chiến tranh chống khủng bố” với hai mục tiêu: kêu gọi sự đồng tình hỗ trợ của các quốc gia đồng minh và lật đổ nhóm cầm quyền Hồi giáo quá khích Taleban ở A Phú Hãn. Sau đó, chính sách “Tiến tới chiến lược Tự do và Dân chủ Hóa Trung Đông” được chính phủ Bush đề ra năm 2003. Khi quyết định thực hiện cho bằng được các chính sách của mình, TT. Bush biết rằng nó sẽ khó khăn, nhưng có giá trị cho những cố gắng và hy sinh của Mỹ quốc. Can thiệp vào Iraq là sự cần thiết trong việc thi hành đường lối đã vạch ra của chính phủ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, can thiệp vào Iraq với những lý do không chính đáng và không có quyết định của Liên Hiệp Quốc, chính phủ Mỹ đã tự tạo nên sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và các nước trong Liên Hiệp Âu Châu. Pháp và Đức, hai cường quốc của Liên Hiệp Âu Châu, đã ra mặt chống lại chính sách của TT. Bush. Sự bất thân thiện này làm cho chương trình chống khủng bố của Tây phương và Hoa Kỳ rơi vào khủng hoảng một phần. Theo các cuộc thăm dò thì đa số các nhà lãnh đạo chính quyền và dân chúng trong LHÂC muốn TT. Bush thất bại ngay trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai vào năm 2004.
Sau cuộc bầu cử Quốc Hội Mỹ vừa qua, theo nhà bình luận Marco Incerti thì về vấn đề Iraq và chính sách an ninh giữa LHÂC và Hoa Kỳ sẽ phát triển tốt đẹp hơn. Nhưng về phương diện thương mại thì đảng Dân Chủ Mỹ lại có khuynh hướng bảo vệ thị trường Mỹ một cách cứng rắn. Vì thế, Chủ tịch Đặc nhiệm LHÂC, Jose Manuel Barroso, muốn mở lại cuộc đàm phán về thương mại (Trade Negotiation) dựa trên căn bản Chương trình Phát triển Daha (Doha development Agenda) của Tổ chức Mậu dịch Thế giới. Ngày 27.10.2006, chủ tịch Liên hiệp Phi Châu, ông Denis Sassou N’Guesso (người Congo) đã khẩn cấp kêu gọi tất cả hội viên và đặc biệt 8 hội viên giầu có (G-8) hãy khai thông những bế tắc với lý do Chương trình Phát triển Daha là niềm hy vọng đời sống được cải thiện và thoát ra khỏi kiếp nghèo đói của hàng triệu dân Phi Châu.
IV- NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG TƯƠNG LAI CỦA TT. BUSH
Một số vấn đề mà TT. Bush sẽ bị cản trở trước Quốc Hội là:
-Luật theo dõi khủng bố năm 2006 (the Terrorist Surveillance Act). Dự luật này đề nghị cho phép cơ quan an ninh nghe dân nói chuyện trên điện thoại, nhưng đã bị đảng Dân Chủ chống đối và một số nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa không hài lòng với lý do nó đi ngược lại với luật pháp Mỹ.
-Luật hỗ trợ năng lượng (bipartisan energy legislation) được Thượng viện do đa số Cộng Hòa chấp thuận. Nhưng khi đảng Dân Chủ đa số tại Thượng viện nắm quyền vào đầu năm 2007 có thể sẽ thay đổi hoặc giới hạn một số lãnh vực.
-Luật thương mại (permanently normalize trade relations with Vietnam legislation) việc bình thường hóa quan hệ giao thương với Việt Nam (HR5602) đã bị Hạ viện phủ quyết ngày 13.11.2006, trước khi TT. Bush tham dự Hội nghị APEC tổ chức tại Hà Nội.
-Luật tiêu dùng của Liên bang (a federal spending bill) và
-Bản thỏa hiệp với Ấn Độ về kỹ thuật nguyên tử dân sự… (an agreement with India on civilian nuclear technology.)
-Về ngoại giao thì TT. Bush cần hoàn tất dự luật cho phép cộng tác với Ấn Độ về kỹ thuật nguyên tử dân sự và thông qua dự luật thương mại.
-Việc bổ nhiệm John Bolton làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc năm 2005, TT. Bush đã không đưa ra Thượng viện phê chuẩn, vì nghi ngại sẽ bị phủ quyết. Nay chức vụ này cần được gia hạn và hợp thức hóa trước năm 2007, trước khi đảng Dân chủ nắm quyền lực tại Thượng viện.
Để tỏ vẻ thân thiện với đảng Dân Chủ, TT. Bush bắt đầu phát biểu một cách ôn hòa và xác nhận rằng, dù có những khác biệt giữa hai đảng, nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta hiện có 149.000 binh lính tại Iraq và chương trình chống khủng bố trên thế giới cần có sự hợp tác lưỡng đảng. Sự ra đời của nhóm nghiên cứu về Iraq do cựu Bộ trưởng Ngoại giao James Baker cầm đầu là một bằng chứng chứng minh chính phủ Bush đã và đang muốn tìm một giải pháp hòa bình và rút quân. Muốn thực hiện được kế hoạch này, Hoa Kỳ và Anh quốc cần sự can thiệp của Iran và Syria vào nội tình Iraq, nơi đang xẩy ra các cuộc xung đột giữa hệ phái Sunni và Shia Muslim.
Trong những ngày gần đây đảng Dân Chủ đã áp lực đòi TT. Bush phải đưa ra chương trình rút quân từng bước khỏi Iraq. Mưu lược của đảng Dân Chủ ở chỗ là khi quân Mỹ rút ra khỏi Iraq rồi, nếu thắng cử trong cuộc bầu cử vào năm 2008, chính phủ của đảng Dân Chủ sẽ không bị sa lầy về chính trị và không còn phải gánh vác các phí tổn hàng tỷ Đô-la cho chiến tranh Iraq nữa.
V- CON DIỀU HÂU GẪY CÁNH, CON PHƯỢNG HOÀNG BAY CAO
Ngày 9.11.2006, TT. Bush chính thức tuyên bố chấp thuận sự từ chức của BT. Quốc phòng, Donald Rumsfeld, và bổ nhiệm ông Robert Gates 63 tuổi, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (C.I.A) vào chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng. TT. Bush viện cớ là quốc gia cần có một triển vọng tốt đẹp tại Iraq.
-Đôi hàng về cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ:
Cựu BT. Quốc phòng, Donald Rumsfeld 74 tuổi, được mệnh danh là con diều hâu của Ngũ Giác Đài. Ông được bổ nhiệm vào chức vụ BT. Quốc phòng thời TT. George H. W. Bush (bố) và George W. Bush (con). Ông là tác giả của cuộc chiến Trung Đông I và cuộc tấn công Iraq nhằm lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein. Lật đổ một chế độ độc tài đối với Mỹ không khó. Nhưng tái xây dựng và vãn hồi an ninh một quốc gia Islam và chưa hiểu biết nhiều về Tự do, Dân chủ thì không phải là một việc làm sẽ thành công trong một vài tháng. Vì thế, BT. Rumsfeld bị chỉ trích về tình hình Iraq vẫn không sáng sủa gì hơn, lính Mỹ bị chết ngày một nhiều và hành động vi phạm hiệp ước Genève về tù binh chiến tranh của lính Mỹ khi thẩm vấn tù nhân Iraq v.v...
Nhiều người đã đề nghị thay đổi BT. Quốc phòng, trong đó có cả tám tướng đã về hưu, cựu Tổng Tư lệnh khối NATO, tướng Wesley Clark và cựu Tổng Tham Mưu Trưởng, tướng Anthony Zinni. Dù vậy, TT. Bush vẫn bênh vực và tín nhiệm Donald Rumsfeld cho tới khi đảng Cộng Hòa bị thất bại trong cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua.
BT. Rumsfeld trong khi từ chức xác nhận có sự thất bại về việc vãn hồi an ninh trật tự tại Iraq. Nhưng ông cũng minh định có những thành công đáng khích lệ về cơ cấu hành chánh, chính quyền dân chủ được dân bầu, các trường học và bệnh viện hoạt động trở lại cũng như tự do báo chí v.v…
-Đôi hàng về tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ:
Robert Gates từng tốt nghiệp tiến sĩ ngành ngoại giao quốc tế, hiện là Viện trưởng Đại học A&M Texas, hội viên nghiên cứu về chiến lược Iraq dưới sự cầm đầu của cựu BT. Ngoại giao James Baker. Ông từng là nhân viên trong chính phủ George Bush (bố) với nhiệm vụ hoạch định chính sách của Hoa Kỳ trong trận chiến Trung Đông I, đàm phán trong cuộc khủng hoảng con tin Mỹ bị nhóm cách mạng Hồi giáo bắt giữ (Iran-Contra) thời TT. Ronald Reagan (1987), đối phó với cuộc xâm lăng của Sô-viết tại A Phú Hãn và tái tổ chức C.I.A sau những cuộc điều tra của Thượng viện vào thập niên 1970 và 1980. Robert Gates đã phục vụ qua sáu đời tổng thống và được tặng nhiều huy chương cao quí.
KẾT LUẬN
Sự thất bại trong cuộc bầu cử và sự thay đổi Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy chính sách của TT. Bush trong hai năm chót sẽ biến chuyển ôn hòa hơn. Người ta chờ đợi một sự cải tổ về chiến thuật và chiến lược tại chiến trường Iraq trong những ngày tới.
Nếu so sánh với cuộc chiến tại Việt Nam thì chính sách mới có thể coi là sự tái thực hiện chương trình “Phượng Hoàng” do CIA chủ trương. Chương trình này nhằm sử dụng lực lượng quân sự và bán quân sự của người bản xứ vào việc triệt hạ hạ tầng cơ sở của đối phương, bình định lãnh thổ, phát triển kinh tế và xã hội, hơn là sử dụng lực lượng thuần túy quân sự ngoại bang trong các cuộc hành quân tiêu diệt địch. Sự vắng bóng lính Mỹ một phần nào sẽ giải tỏa được sự chống đối của dân bản xứ và các nhóm nổi loạn hô hào chống Mỹ.
Sau đó chương trình “Iraq Hóa” (chiến tranh Iraq là của người Iraq) và quân Mỹ sẽ cuốn gói rút lui trong danh dự. Có thể nói “Việt Nam Hóa chiến tranh” tại miền Nam Việt Nam xưa, nay được Mỹ tái sử dụng.
Phương sách rút quân ra khỏi Iraq sẽ làm đẹp lòng dân Mỹ và đa số các quốc gia đồng minh. Nó là món quà quí giá, mà TT. Bush hy vọng sẽ lấy lại uy tín và có thể đem thắng lợi về cho đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2008.
Cộng Sản Bắc Hàn công khai khiêu khích thế giới bằng cuộc thí nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Ngày 9.10.2006, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (CHDCNDTT) hay quen gọi là Bắc Hàn đã thử trái bom nguyên tử đầu tiên dưới lòng đất và cuộc thí nghiệm đã thành công. Hành động tiếp tục tiến hành chương trình phát triển vũ khí hạch nhân của Bắc Hàn đã tạo nên sự chống đối trên khắp thế giới. Về phương diện kỹ thuật và khoa học, đại sứ Bắc Hàn trong khi gặp báo chí tại Nữu Ước đã trả lời một cách tự hào về tài năng của các bác học nước mình và coi đây là biến cố mà thế giới nên chia vui.
Để tìm hiểu sâu xa hơn về biến cố này, chúng tôi lần lượt trình bày các vấn đề sau đây:
I- ĐÔI HÀNG VỀ TÌNH TRẠNG KINH TẾ VÀ XÃ HỘI CỦA BẮC HÀN.
Nhìn vào nền kinh tế của Bắc Hàn, người ta thấy tốc độ phát triển chỉ ở mức từ 1-1,5%. Tình trạng nghèo đói và suy sụp được chứng minh qua tường trình của tổ chức Lương Nông Quốc tế FAO (Foods and Agiculture Organization) với 37% trẻ em bị thiếu dinh dưỡng, 23% bị thiếu cân và 7% bị coi là “hết thuốc chữa”. Trong thập niên 1990, có khoảng 2,5 triệu người dân Bắc Hàn bị chết đói do hạn hán, lũ lụt và khả năng quản lý nông nghiệp tồi tệ.
Suốt hơn 10 năm nay, thay vì sử dụng các nguồn viện trợ từ bên ngoài để cải tạo xã hội, nâng cao mức sống của dân và phát triển kinh tế, nhà cầm quyền cộng sản nước này lại ăn bẩn, dùng tiền vào chương trình phát triển vũ khí nguyên tử. Người ta ước tính khoảng hơn 1/3 tổng sản lượng quốc nội (GDP) đã bị nhà nước sử dụng cho các hoạt động quân sự (tỉ lệ thông thường ở các quốc gia chỉ khoảng 5-9%). Dù trong những năm gặt hái được mùa, Bắc Hàn vẫn thiếu khoảng 1 triệu tấn lương thực. Riêng trong năm 2005, Nam Hàn đã phải viện trợ cho Bắc Hàn khoảng 500.000 tấn gạo.
Một vài con số nêu trên chứng tỏ nhà cầm quyền Bắc Hàn vô lương tâm, mặc kệ dân đói khổ, miễn sao họ thực hiện được chương trình chế tạo bom nguyên tử để che lấp sự nghèo đói và lạc hậu của mình!
II- TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ CỦA BẮC HÀN.
Ngày nay, các nước cộng sản cũng như các nước theo Hồi giáo vẫn đeo đuổi chương trình phát triển vũ khí nguyên tử và hóa học, với mục đính chống trả cái mà họ gọi là sự bành trướng của đế quốc tư bản Hoa Kỳ; mặc dù chính sách bành trướng nhằm mục đích tự do và dân chủ hóa các quốc gia còn lạc hậu và phải sống dưới chế độ độc tài. Bắc Hàn là một trong năm nước cộng sản còn lại vẫn ngủ không yên, vì chính sách toàn cầu hóa và dân chủ hóa của Hoa Kỳ. Họ vẫn lo sợ hơn 30.000 lính Mỹ đang đóng tại vĩ tuyến 38, biên giới chia cắt Đại Hàn, sẽ bất ngờ tấn công giải phóng Bắc Hàn, như trường hợp của Iraq. Vì thế, cộng sản Bắc Hàn phải chứng minh được sức mạnh của mình để trả đũa quân đội Mỹ, nếu một cuộc giải phóng được Mỹ thực hiện. Biến cố thử bom nguyên tử không phải bất ngờ xẩy ra. Nó là kết quả của công trình nghiên cứu từ hơn 10 năm qua, trước năm 1993. Với áp lực từ phía Hoa Kỳ và thế giới, Bắc Hàn có lúc nhượng bộ, có lúc âm thầm thực hiện chương trình của mình.
Năm 1993: trước thiên tai, nghèo đói và bị áp lực của thế giới, Bắc Hàn tuyên bố hủy bỏ ý định phát triển chương trình năng lượng nguyên tử. Nhưng sau đó lại xác quyết ý định của mình.
Năm 1994: Bắc Hàn chịu ký với Hoa Kỳ về thỏa hiệp hủy bỏ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử, để đổi lấy sự tài trợ của quốc tế nhằm xây dựng hai lò nguyên tử nhiệt điện.
Năm 1998: vào tháng tám, Bắc Hàn phóng bốn phi đạn qua Nhật Bản, tới Thái Bình Dương và tuyên bố có khả năng bắn tới bất cứ phần lãnh thổ nào của Nhật Bản. Sau khi biểu dương lực lượng, Bắc Hàn mới chịu ngồi vào bàn hội nghị cao cấp tại Bình Nhưỡng (Pyongyang) với Hoa Kỳ để bàn về việc hủy bỏ các phương tiện chế tạo nguyên tử chôn ngầm dưới đất.
Năm 1999: Sau cuộc viếng thăm của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, William Perry, ngày 17.9.1999, Tổng thống Bill Clinton hủy bỏ phong tỏa kinh tế Bắc Hàn. Ngày 13.9.1999 Bắc Hàn hứa ngưng các cuộc thí nghiệm hỏa tiễn tầm xa. Với thiện chí này, Hoa Kỳ đã ký giao kèo 4,6 tỷ Đô-la cho chương trình thiết lập hai lò nguyên tử nhiệt điện.
Năm 2000: Bắc Hàn lại tráo trở tuyên bố tiếp tục chương trình, nếu Hoa Kỳ không bồi thường cho sự tổn thất điện lực gây ra do hậu quả chậm trễ trong việc xây cất hai lò nguyên tử.
Năm 2001: vào tháng sáu, Bắc Hàn tuyên bố sẽ thử hỏa tiễn, nếu Tổng thống George W. Bush không tái bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Không được Hoa Kỳ đáp ứng yêu cầu, Bắc Hàn thí nghiệm hỏa tiễn tầm ngắn Taepodong-1 vào tháng 11. Tháng 12, TT. Mỹ cảnh cáo Iraq và Bắc Hàn phải chịu trách nhiệm, nếu hai nước này sản xuất vũ khí giết người hàng loạt và cung cấp cho quân khủng bố.
Năm 2002: Ngày 29.1.2002, TT. George W. Bush lên án ba nước Bắc Hàn, Iran và Iraq là “Trục độc ác”(the Axis of Evil), vì có hành động tiếp tay cho khủng bố. Tháng 10, Hoa Kỳ tố cáo Bắc Hàn bí mật tiến hành chương trình vũ khí nguyên tử, như vậy vi phạm thỏa hiệp năm 1994. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn hủy bỏ việc cung cấp dầu hỏa cho Bắc Hàn. Quyết định này đưa tới hậu quả là Bắc Hàn tháo bỏ các dấu niêm và máy ảnh kiểm soát của Nguyên Tử Cuộc Thế giới (IAEA), đồng thời trục xuất các phái đoàn thanh tra của tổ chức này.
Năm 2003: ngày 10.1.2003, Bắc Hàn rút khỏi Hiệp ước Không Phổ biến Nguyên tử. Ngày 12.2.2003, Nguyên Tử Cuộc Thế giới đưa vấn đề Bắc Hàn ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ngày 24.2.2003, Bắc Hàn lại khiêu khích bằng cách thí nghiệm hỏa tiễn từ lục địa chống chiến hạm giữa quần đảo Đại Hàn và Nhật Bản. Trước tình trạng có thể gây nên cuộc thi đua vũ trang tại Á châu, thế giới và Hoa Kỳ làm áp lực mạnh đối với Bắc Hàn. Kết quả đưa tới là tháng 8, Hoa Kỳ, Nam Hàn, Trung Cộng, Nhật Bản và Nga Sô tái ngồi vào bàn hội nghị với Bắc Hàn.
Năm 2004: vào tháng 2, sáu quốc gia tham dự cuộc họp lần hai, nhưng không đưa tới kết quả thực tiễn nào và cuộc họp thứ ba diễn ra vào tháng sáu cũng không thành công. Tháng 8.2004, Bắc Hàn lại đòi viện trợ, giảm phong tỏa kinh tế và xóa tên trong danh sách quốc gia hỗ trợ khủng bố của Hoa Kỳ. Về phía Mỹø thì Hoa Kỳ đòi Bắc Hàn phải mở cửa cho các phái đoàn thanh tra tới kiểm soát.
Năm 2005: tháng 2, Bắc Hàn lại tuyên bố sẽ hủy bỏ chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử, nếu Hoa Kỳ cam kết không lật đổ chế độ này.
Năm 2006, tháng 4, Bắc Hàn chịu ngồi vào bàn hội thảo nếu Hoa Kỳ không phong tỏa các ngân khoản họ gửi tại ngân hàng Macau, Trung Cộng và Mông Cổ. Tháng 7, Bắc Hàn lại thử thêm 6 hỏa tiễn, kể cả hỏa tiễn tầm xa Taepodong-2, có thể bay tới phía Tây của Hoa Kỳ. Nhưng vụ thử hỏa tiễn này bị thất bại, rơi ngay sau khi được phóng lên 40 giây. Hoa Kỳ đã lên án Bắc Hàn cố tình khiêu khích trong vụ này. Ngày 6.10.2006, Bắc Hàn tuyên bố thành công trong việc thí nghiệm trái nguyên tử đầu tiên dưới lòng đất.
Đây là hành động trực tiếp phản lại những hứa hẹn trên đầu môi chóp lưỡi của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Hàn. Và đây cũng là bản chất của các chế độ cộng sản.
Sở dĩ chúng tôi phải chứng minh dài dòng về tiến trình ngoại giao và đàm phán giữa Hoa Kỳ và các quốc gia với Bắc Hàn không ngoài mục đích chứng minh sự kiện “lưu manh và ngoan cố” của cộng sản Bắc Hàn. Kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy Hoa Kỳ và Đồng minh Tây phương thường bị thua trong các cuộc đàm phán, chỉ vì chia rẽ nội bộ chần chừ trong việc đưa tới quyết định trừng phạt một chế độ độc tài và tàn ác.
III- NGUYÊN NHÂN KHIẾN BẮC HÀN ĐEO ĐUỔI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ.
Trung tâm phát triển và sản xuất bom nguyên tử của Bắc Hàn đặt tại Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng chừng 100 cây số về phía Bắc. Cơ sở này bao gồm một lò phản ứng hạt nhân 5 megawatt và một nhà máy chế biến plutonium để cung cấp nguyên liệu cần thiết cho việc sản xuất vũ khí nguyên tử, từ những thanh nhiên liệu đã chế biến.
Câu trả lời cho vấn đề tại sao Bắc Hàn cố tình đeo đuổi mục đích chế tạo bom nguyên tử là:
- Bắc Hàn muốn vấn đề của mình được nghiêm chỉnh cứu xét trong các cuộc thương lượng về vấn đề tài giảm binh bị và muốn Mỹ cùng các quốc gia khác phải nhượng bộ yêu sách của Bắc Hàn về chính trị và kinh tế.
-Hậu quả tức khắc của cuộc thí nghiệm là tạo nên sự căng thẳng chính trị và làm sáng tỏ vai trò của Bắc Hàn tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, làm sáng giá thêm vai trò của Bắc Hàn tại diễn đàn khu vực như: Tổ chức Kinh tế Á châu-Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp hội các quốc gia vùng Đông Nam Á (ASEAN).
- Vụ nổ bom nguyên tử đã mở thêm lỗ hổng đối với chương trình hạn chế phổ biến vũ khí nguyên tử và trực tiếp khuyến khích việc thi đua vũ trang tại Á châu. Nhật Bản có thể quyết định phát triển vũ khí hạch nhân như một phương tiện ngăn chặn mọi sự tấn công vào lãnh thổ mình. Nam Hàn, Đài Loan và Việt Nam có thể viện cớ chạy đua vũ trang. Như vậy, vai trò bảo đảm an ninh của Mỹ ở châu Á sẽ không còn ảnh hưởng mạnh, vì mỗi nước đều có thể phòng thủ và trả đũa các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử. Như vậy, cả khu vực sẽ bị hủy hoại nếu một cuộc chiến tranh nguyên tử xẩy ra.
-Vụ thử bom nguyên tử, nếu nhìn bề ngoài, người ta thấy ảnh hưởng của Trung cộng đối với Bắc Hàn bị suy giảm phần nào. Trung Quốc không kiềm chế nổi hay không muốn kiểm soát đàn em, để rồi nay có thể bị áp lực từ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc phải cắt giảm hay ngừng chuyên chở dầu hỏa và viện trợ thực phẩm cho Bình Nhưỡng.
-Cuộc khủng hoảng sẽ khuyến khích nhiều nước nuôi mộng ước chế tạo bom nguyên tử sẽ tiến hành kế hoạch của mình. Iran là một ví dụ. Liên Hiệp Quốc có thể trở thành bất lực hay bị yếu đi, nếu không có biện pháp trừng phạt có hiệu quả đối với biến cố này.
IV- BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT CỦA THẾ GIỚI
Liên Hiệp Quốc: Ngày 14.10.2006, với số phiếu 15.0, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (HĐBA/LHQ) đã ban hành quyết định trừng phạt Bắc Hàn, sau vụ nước này thí nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên. Quyết định này có liên quan tới các QĐ 825 (1993), QĐ1540 (2004) và QĐ 1695 (2006). Nội dung quyết định khá dài, vì giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ nêu lên một số điểm chính yếu dưới đây:
-Lên án cuộc thử bom nguyên tử được Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (CHDCNDTT) tuyên bố ngày 9.10.2006. Hành động này không tôn trọng các quyết định 1695 (2006), cũng như lời phát biểu của chủ tịch HĐBA ngày 6.10.2006 về việc thử bom nguyên tử sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án, vì đe dọa nền hòa bình và an ninh thế giới.
-Yêu cầu CHDCNDTT không tiếp tục thử bom nguyên tử và phóng hỏa tiễn.
-Yêu cầu CHDCNDTT rút lại lời tuyên bố rút khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí nguyên tử.
-Yêu cầu CHDCNDTT trở lại hiệp ước không phát triển vũ khí nguyên tử, tôn trọng việc giám sát của Quốc tế Nguyên tử Cục và chú tâm về sự cần thiết đối với tất cả các quốc gia tham dự vào hiệp định, để tiếp tục chu toàn các nhiệm vụ do hiệp định qui định.
-Quyết định: CHDCNDTT phải hủy bỏ các hoạt động liên quan tới chương trình hỏa tiễn và phóng hỏa tiễn.
-Quyết định: CHDCNDTT phải hủy bỏ tất cả vũ khí nguyên tử và các chương trình nguyên tử hiện tồn tại theo tinh thần hiệp định không phát triển vũ khí nguyên tử như đã thỏa thuận và phải cung cấp phương tiêïn, tài liệu theo yêu cầu của Quốc tế Nguyên tử Cục.
-Quyết định: CHDCNDTT phải hủy bỏ tất cả các loại vũ khí giết người hàng loạt và chương trình hỏa tiễn đã hay chưa hoàn tất.
-Quyết định: các quốc gia hội viên LHQ phải ngăn chặn sự tiếp tế trực tiếp hay gián tiếp, cung cấp hoặc chuyển nhượng cho CHDCNDTT, qua lãnh thổ mình hay từ quốc gia mình, hoặc sử dụng tầu thủy hay máy bay mang quốc kỳ nước mình…
-Bất cứ loại xe tăng, chiến xa, hệ thống pháo binh hạng nặng, phi cơ chiến đấu, trực thăng chiến đấu, chiến hạm, hỏa tiễn và hệ thống phóng hỏa tiễn …
-Các vật dụng, trang bị, hàng hóa, và kỹ thuật được qui định trong danh sách tài liệu S/2006/814 và 815; và xa xỉ phẩm.
-CHDCNDTT không được phép xuất nhập các vật dụng nêu trên và các quốc gia hội viên phải cấm nhập cảng các hàng hóa của CHDCNDTT.
-Các quốc gia hội viên phải ngăn chặn chương trình huấn luyện kỹ thuật, cố vấn, dịch vụ hay các sự trợ giúp liên quan tới kỹ nghệ sản xuất, phương tiện; phong tỏa các trương mục, các dịch vụ tài chính khác và nguồn kinh tế hay các vật liệu liên quan tới bom nguyên tử, hóa học và vi trùng.
-Mời gọi và cổ võ các cố gắng của sáu quốc gia trở lại bàn hội nghị gồm Trung Cộng, Bắc Triều Tiên, Nam Hàn, Nhật Bản, Nga Sô và Hoa Kỳ.
Qua quyết định trên của HĐBA/LHQ, người ta không thấy biện pháp trừng phạt bằng quân sự. Như vậy, một cuộc tấn công lật đổ chế độ cộng sản Bắc Hàn sẽ chưa thể xẩy ra. Trừ khi chủ tịch Kim Chính Nhất (Kim Yong Il) ngông cuồng tấn công quân Mỹ tại vĩ tuyến 38 hoặc chiến hạm Mỹ đang di chuyển trên hải phận quốc tế. Bao giờ quyết định trên có hiệu lực cũng không thấy ghi rõ trong văn bản. Thực tế cho thấy Trung Cộng giáp biên giới với Bắc Hàn và hai nước cộng sản anh em này không thể rời bỏ nhau thì vấn đề phong tỏa của LHQ làm sao có hiệu lực?
V- ẢNH HƯỞNG TAI HẠI SAU VỤ THÍ NGHIỆM BOM NGUYÊN TỬ
Các loại cổ phiếu ở châu Á đã giảm giá mạnh do vụ thử hạt nhân. Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI giảm 2,6%. Đồng Won của Nam Hàn giảm giá mạnh, từ 949 xuống 963 Won/ Đô-la. Trong khi đó, trị giá đồng Yen của Nhật Bản cũng xuống mức thấp nhất trong tám tháng qua: 119,29 Yen/Đô-la. Thị trường Hương Cảng, Tân Gia Ba, Úc, Sydney, Nam Dương, Mã Lai và Phi Luật Tân cũng không thoát khỏi bị ảnh hưởngï.
Vụ thử bom nguyên tử tạo nên sự lo sợ và nghi ngại của giới đầu tư, vì an ninh và mức độ giảm giá sẽ còn bị khủng hoảng trong những ngày tới. Thị trường tiền tệ của châu Á xuống giá do các nhà đầu tư tìm mua Mỹ kim để tránh tình trạng bất ổn trên thị trường hiện nay. Thị trường tài chính Nam Hàn được dự đoán là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đó là Nhật Bản, vì hai quốc gia này là thù địch đối với Bắc Hàn. Nam Hàn hiện nay đứng hạng 10 về kinh tế trên thế giới. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương tuyên bố sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết, kể cả việc cung cấp thêm tiền mặt, để ổn định thị trường tài chính. Theo các nhà bình luận thời cuộc dự đoán thì các thị trường châu Á sẽ tiếp tục biến động. Trên thị trường hàng hóa, giá dầu và giá vàng đều tăng trở lại. Giá dầu thô tại Nữu Ước tăng trên 60,46 Đô-la/thùng, giá vàng tăng 1% lên 579,40 Đô-la/ounce.
VI- HOA KỲ KHÔNG LẬT ĐỔ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI BẮC HÀN
Ngày 10.10, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không tấn công Bắc Hàn, Tổng thống Bush cũng không có quyết định lật đổ chế độ cộng sản Bắc Hàn. Lời xác quyết của chính phủ Mỹ nhằm chứng minh rằng, Bình Nhưỡng có thể an tâm, không cần thí nghiệm bom nguyên tử thêm để phòng thủ và không sợ một cuộc xâm lược kiểu Iraq của Mỹ.
Về khả năng phát triển hạch nhân của Bắc Hàn, một chuyên gia tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng vụ thử mang tính cách chính trị nhiều hơn, vì cần hàng chục thử nghiệm như vậy mới có thể tạo ra được bom nguyên tử và sẽ cần nhiều thử nghiệm nữa để có thể thu nhỏ quả bom đó xuống mức độ có thể sử dụng được.
Ấn Độ cần khoảng 24 năm từ khi tiến hành vụ thử đầu tiên cho đến khi thực hiện thí nghiệm thành công đầu đạn nguyên tử vào năm 1998.
KẾT LUẬN
Theo tin tức từ Kyoto tại Nhật Bản thì Mỹ đã phát hiện được âm mưu chuyển tiền của Bắc Hàn vào các trương mục của ngân hàng ngoại quốc. Ngân hàng Tanchon Commercial Bank của Bắc Hàn đã gửi cả tiền Đô-la Mỹ và Euro của Liên Hiệp Âu châu tại ngân hàng Thương mại Quân sự Việt Nam (Military commercial Bank). Sự kiện này được ngân hàng quân sự VN công khai xác nhận sau quyết định của Ngân hàng Trung ương VN, khi có sự yêu cầu của chính quyền Mỹ. Ngân hàng Tanchon đã bị từ chối không cho tham dự vào dịch vụ tài chánh và kinh doanh của Hoa Kỳ, vì bị nghi ngờ chuyển tiền cho chương trình phát triển và chế tạo vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, số tiền ký thác của Bắc Hàn sau đó được nhanh chóng chuyển qua các ngân hàng khác, trong đó có ngân hàng của Đức và ngân hàng Ngoại thương VN (the Bank for Foreign Trade of VN, hoặc Vietcombank).
Trước đây, ngân hàng Banco Delta Asia SARL của Macao cũng được chính quyền Mỹ yêu cầu phong tỏa trương mục của Bắc Hàn vào tháng 9.2005. Theo tin tình báo tài chính thì ngân hàng của Bắc Hàn đã ký thác khoảng 23 trương mục tại 10 quốc gia, kể cả ở Nga sô; trong đó có 10 trương mục tại VN. Chính vì vậy mà chính quyền Mỹ yêu cầu các quốâc gia hội viên Liên Hiệp Quốc phong tỏa tất cả các trương mục đáng nghi ngờ của các ngân hàng Bắc Hàn. Trong chuyến công du Việt Nam vào tháng bẩy vừa qua, Bộ trưởng ngân khố Mỹ, Stuart Levey, đã yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội hợp tác trong việc điều tra và phong tỏa các trương mục ngân hàng đáng nghi ngờ của Bắc Hàn.
Sự kiện trên cho thấy có một thỏa hiệp ngấm ngầm nào đó giữa hai nhà cầm quyền cộng sản Bắc Hàn và Việt Nam. Biết đâu trong tương lai Việt Nam đãõ giúp Bắc Hàn về tài chính sẽ nhận được sự giúp đỡ chế tạo bom nguyên tử? Như vậy, có thể VN sẽ là nước thử bom nguyên tử kế tiếp, sau Bắc Hàn?
Sự kiện tuyên bố nêu trên của chính phủ Mỹ chứng tỏ Hoa Kỳ chỉ là “con cọp giấy” như Mao Trạch Đông đã từng chê bai. Quốc gia nào không có bom nguyên tử thì Mỹ hù. Quốc gia nào có bom nguyên tử thì Mỹ mời vào bàn hội nghị. Chính sách “Con lừa và củ cà rốt” của Hoa Kỳ không hiệu nghiệm đối với các nước cộng sản. Họ “lì lợm, chịu đấm ăn xôi” và bao nhiêu cà rốt đưa ra họ cứ đớp mà không sợ bị nhục, chứ không nghe Mỹ để hủy bỏ ý đồ thâm độc.
Việt Nam vẫn còn là bài học quí giá cho các chính quyền Mỹ về cái gọi là “thiện chí hòa bình!”
Nay Bắc Hàn sẽ là trái bồ hòn mà Tổng thống George W. Bush có lẽ phải ngậm suốt đời, vì sự thất bại trong chính sách ngoại giao đối với các nước cộng sản.
BCTT:Chuyện bé xé ra to
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Trong khi tâm tình với sinh viên, với cương vị cựu giáo sư thần học, ĐGH Biển Đức XVI chỉ gợi lại một chứng tích lịch sử, nhưng một số người Muslim đã hiểu lầm và tỏ thái độ chống đối một cách đáng tiếc!
Trong chuyến công du mục vụ tại Đức Quốc từ ngày 12.9.2006, ĐTC Biển Đức XVI đã phát biểu về một số vấn đề liên quan đến đức tin, lịch sử của sự tàn bạo trong chiến tranh và những hành động bạo lực dựa vào tôn giáo. Lời phát biểu của Ngài có liên quan một chút về đạo Islam đã trở thành nguyên cớ phẫn nộ và chống đối của vài nhóm người Muslim ở một số quốc gia, đặc biệt tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Ngài dự trù sẽ viếng thăm vào tháng 11.2006.
Để tìm hiểu vấn đề, chúng tôi mời quí độc giả theo dõi một số dữ kiện quan trọng dưới đây:
I- ĐGH Biển Đức XVI đã phát biểu những gì?
(Hoàng đế Manuel II Palaiologos hay Palaeologus)
Tại đại học Regenburg, nơi ĐGH từng dậy thần học vào thời kỳ 1959, Ngài đã tâm tình với sinh viên về lãnh vực thần học và tôn giáo. Trong phần trình bày về tôn giáo, Ngài đã gợi lại cuộc đối thoại giữa Hoàng Đế Manuel II và một đạo sĩ người Ba Tư vào thế kỷ 14. Năm 1391, tại trại binh gần Ankara, Hoàng đế uyên bác Byzantine Manuel II Paleologus và một học giả Ba Tư có bàn về chân lý Thiên Chúa giáo và Hồi giáo (Islam). Trong cuộc đối thoại lần thứ bẩy (trên tổng số 26 cuộc đối thoại), Hoàng Đế đã đề cập tới đề tài Thánh Chiến dưới thờ Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire):
“Hãy trình bày trung thực cho tôi cái gì mới mẻ mà Mohammed đem lại, và ở đó ông sẽ chỉ tìm thấy những gì độc ác và bất nhân, giống như mệnh lệnh của Mohammed truyền bá đức tin bằng gươm giáo mà ông ta rao giảng”.
Sau khi bày tỏ quan điểm một cách quá mạnh mẽ, Hoàng Đế Manuel II tiếp tục giải thích các lý do truyền bá đức tin bằng bạo lực thì thực là vô lý. Bạo lực không xứng hợp với bản tính Thiên Chúa và tâm hồn con người. Không thể làm vừa lòng Thiên Chúa bằng máu và không hành động có lý do là nghịch lại với bản tính Thiên Chúa. Đức tin được sinh ra bởi tâm hồn, không phải thể xác. Bất cứ ai muốn hướng dẫn người nào đó về đức tin cần có khả năng nói đúng và lý luận một cách chân thực, không bạo lực và trừng trị... Để thuyết phục một linh hồn không cưỡng chế, người ta không cần cánh tay mạnh hay bất cứ loại vũ khí nào hay bất cứ phương tiện nào khác để trừng phạt một người phải chết.”
II- Phản Ứng Của Một Số Quốc Gia Islam.
Lời phát biểu của ĐGH Biển Đức XVI đã gây chấn động trong thế giới Islam và sự phản ứng mạnh mẽ của một số người Muslim đã xẩy ra tại một số quốc gia.
-Tại Thổ Nhĩ Kỳ: Đạo sĩ cao cấp nhất của nước này, ông Ali Bardakoglu đã lên tiếng kêu gọi ĐGH phải rút lại lời phát biểu của mình và xin lỗi Hồi Giáo. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia được Ngài dự trù đến thăm vào tháng 11.2006. Chính vì vậy mà tờ nhật báo Anh ngữ The Daily News yêu cầu chấm dứt phê bình, vì Tòa Thánh đã phổ biến sự hối tiếc về lời tuyên bố của ĐGH.
-Tại Pakistan: trả lời cho bài nói chuyện của ĐGH, ngày 15.9.2006, Quốc hội Pakistan đã thông qua quyết định lên án nhận định của Ngài và Bộ Ngoại giao cũng phàn nàn vì nó chống lại Tiên tri của Islam.
-Tại Syria: đạo trưởng của phái Sunni Muslim đã gửi thư cho ĐGH nói rằng ông ta e ngại lời bình luận của Ngài về Islam sẽ làm cho quan hệ về tín ngưỡng trở nên xấu thêm.
-Tại Gaza, thủ tướng Palestine tuyên bố nhận định của ĐGH không trung thực và có tính cách phỉ báng căn nguyên thánh thiện của tôn giáo và lịch sử đạo Islam. Sau đó hàng ngàn người biểu tình đòi Ngài xin lỗi và bạo động đưa tới sự đốt phá Nhà Thờ Chính Thống Giáo ở West Bank. Ở thành phố Nablus vào ngày thứ bẩy 16.09.2006, một số người biểu tình đã tung lựu đạn vào một Thánh Đường tại Gaza và hai Thánh đường khác bị thiệt hại vì bom cháy. Nhóm khủng bố này tự xưng là “Những con sư tử của Độc thần” (Lions of Monotheism) và hành động tấn công giáo đường là trả đũa cho những nhận định của ĐGH.
-Tại Yemen: Tổng thống Ali Abdullah Saleh đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao nếu ĐGH không xin lỗi.
-Tại Somalia: đạo sĩ Sheik Abubakar Hassan Malin hô hào người Muslim giết ĐGH, vì bất cứ ai xúc phạm tới Tiên tri Mohammed đều phải bị giết bởi những người Muslim ở gần nhất.
-Tại Jordan: nhật báo do chính phủ trách nhiệm Al Rai, cho rằng lời phát biểu của ĐGH làm chấn động Hồi giáo và Ngài cần nên xin lỗi.
-Tại Lebanon: đạo sĩ cao cấp của phái Shia Muslim, Ayatollah Mohammed Hussein Fadlallah, không chấp nhận xin lỗi qua đài phát thanh Vatican. Ông này đòi Ngài tự mình xin lỗi, không qua hệ thống văn phòng.
-Tại Ấn Độ: đạo trưởng Muslim của đền thờ lịch sử Jama Masjid, ông Syed Ahmed Bukhari, cũng yêu cầu ĐGH phải công khai xin lỗi.
-Tại Ma-rốc: chính phủ nước này đã phản ứng bằng cách triệu hồi đại sứ ở Vatican về nước; một hình thức tạm thời cắt đứt quan hệ ngoại giao.
-Tại Ai Cập: chính quyền nước này yêu cầu đặc sứ Tòa Thánh tại nước này tới Bộ Ngoại giao để họ trình bày lý do phản đối. Trong khi đó Hiệp hội Huynh đệ Muslim không nghĩ sự đính chính của ĐGH trên đài phát thanh như vậy là đủ. Phó Hội, Mohammed Habib, đòi Ngài với tư cách cá nhân phải tự đứng ra xin lỗi. Mohammed Sayyed Tantawi, Viện trưởng đại học al-Azhar ở thủ đô Cairo thì phàn nàn Ngài không hiểu gì về đạo Islam.
-Tại Iraq: Nhóm Islam có tên “Đạo binh Thánh chiến Mujahedeen” đe dọa trên mạng lưới Internet sẽ tấn công ĐGH bằng bom tự sát. Nhóm này không nêu đích danh Ngài; nhưng dùng từ ngữ hạ cấp như “những con chó của Ngài ở Rô-ma” và hù sẽ “bẻ gẫy Thập Tự Giá ở nhà Ngài”. Trong khi đó Thủ tướng Nuri Kamal al-Maliki kêu gọi không nên bạo động gây tổn thương tới anh em Thiên Chúa giáo tại đây, chỉ vì ĐGH đã giải thích không đúng về đạo Islam.
III- Lập Trường Của Tòa Thánh Vatican
Trong một thông cáo mới đây, phát ngôn viên báo chí của Tòa Thánh Vatican, Federico Lombardi, đã nói: “Rõ ràng rằng mục tiêu của ĐTC là phát triển thái độ kính trọng và đối thoại với các tôn giáo và văn hóa khác, và rõ ràng bao gồm cả Islam.”
Theo ông Lombardi thì bài nói chuyện của ĐGH là “sự cảnh cáo, nói cho văn hóa Tây phương để tránh sự coi thường Thiên Chúa và ngụy biện coi sự nhạo báng thần thánh là bài học của tự do.”
Để xoa dịu phần nào sự phẫn nộ của người Muslim, ngày 16.9.2006, Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã bày tỏ sự “thật đáng tiếc” của ĐTC về những gì Ngài tuyên bố vô tình chạm đến niềm tin của người Muslim.
Ngoài những phát biểu của Tòa Thánh, ngày 16.9.2006, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, cũng đã bày tỏ quan niệm của mình với báo Bild là ĐTC trong cuộc thăm viếng Đức quốc đã cổ võ cho việc đối thoại giữa các tôn giáo, nhưng đáng tiếc Ngài vô tình lồng bạo lực với Islam. Đây là nguyên nhân khiến cho một số người hiểu lầm. Ngài đã tự bày tỏ sự hối tiếc nếu có ai bị va chạm.
Sự chống đối và đe dọa sẽ giết ĐGH của một vài nhóm cuồng tín khiến cho cảnh sát Ý phải gia tăng bảo vệ an ninh cho Ngài trong khi cử hành thánh lễ Chúa Nhật 17.9.2006 tại công trường Thánh Phêrô. Tuy vậy, người ta vẫn lo sợ sự trả thù Ngài sẽ xẩy ra bất cứ lúc nào và tại bất cứ nơi đâu; giống như trường hợp của ĐGH Gio-an Phao-lô II.
IV- Ý Niệm Về Thánh Chiến (Jihad)
Khi nói tới Thánh chiến của người Muslim, thường người ta nghĩ ngay tới khủng bố, vụ 11.9.2001 tại Nữu Ước của Hoa Kỳ là một ví dụ. Nhưng Jihad đối với người Muslim không hoàn toàn chỉ có khủng bố. Chính vì vậy mà các tín hữu Thiên Chúa Giáo nói chung và Công giáo nói riêng cần tìm hiểu sơ qua về thế nào là Jihad?
-Đối với người Muslim bảo thủ và cuồng tín thì mục tiêu chính là chinh phục toàn thế giới và biến thế giới thành một nước Islam. Vì không có sức mạnh đủ để đương đầu với Tây phương và Hoa Kỳ, họ phải dùng chiến thuật khủng bố. Như vậy, hành động khủng bố chỉ là chiến thuật hợp lý theo quan điểm của người Muslim. Chiến thuật này được sử dụng không phải tự họ bày ra, mà có ghi trong kinh Koran.
Hồi giáo có 5 Điều luật căn bản mà người tín hữu phải tuân giữ là: Tuyên xưng đức tin – Kinh nguyện – Đóng thuế (zakat) – Ăn chay và Hành hương đất thánh. Nhưng trong kinh Koran còn nói tới Jihad, được coi như điều luật thứ sáu. Bình thường Jihad được hiểu là Thánh Chiến. Nhưng thực tế nó có nghĩa là cố gắng hy sinh vì Thượng Đế Allah.
Jihad có nhiều loại:
-Jihad fi sabilillah là thánh chiến vì Thượng Đế Allah.
-Jihad bin nafs/Qalb: linh hồn hay tâm tình Jihad là cuộc chiến nội tâm để đạt tới sự tốt lành.
-Pennen Jihad chiến đấu cho sự tốt lành qua việc học hỏi đạo Islam.
Có hai loại tiểu biểu: Tiểu Jihad (Jihad al-akbar) thực tế được hiểu là thánh chiến và Đại Jihad (Jihad al-asghar) là cuộc chiến đấu của bản thân để sống làm sao xứng đáng là một người tín hữu lương thiện. Đây là điều quan trọng nhất.
Như vậy khi nói Thánh chiến (Jihad) là khủng bố thì không đúng hoàn toàn và nó chỉ là một phần nhỏ trong đời sống của người Muslim. Đối với nhóm quá khích thì khủng bố là hành động tự vệ chống lại mối đe dọa đức tin và sự tồn tại của họ. Vì thế, bất cứ người Muslim nào cũng có bổn phận phải tự vệ và chiến đấu bằng vũ khí.
Khi ĐGH lập lại một sự kiện lịch sử thời Hoàng Đế Manuel II, Ngài chỉ nêu ra như một bằng chứng khách quan. Nếu đi sâu hơn về kinh Koran người ta sẽ thấy những qui định rõ ràng trong kinh này.
Trong Kinh Koran có nhiều chương hay đoạn gọi là Sura. Trong bài này chúng tôi chỉ trích dẫn một vài đoạn tượng trưng như dưới đây:
-Sura 9,5 có đề tựa là Swordverse (Gươm Đoạn). Đọc đoạn này người ta thấy được phép trừng trị thù địch: “một lần, khi các tháng thánh qua rồi, (và địch thù từ chối hòa bình) anh em được giết những kẻ tôn thờ thần thánh khi anh em đối đầu chúng, trừng phạt và đề kháng mọi hoạt động chúng làm. Nếu chúng ăn năn hối hận, quan tâm đến việc cầu nguyện (Salat) và thi hành bổn phận bác ái (Zakat), anh em phải tha chúng. Thượng Đế là Đấng tha thứ, rất thương xót.”
Một đoạn khác nói về Luật Chiến Tranh (Rules of War)
-Sura 2:190: “Nhân danh Thượng Đế anh em có quyền chiến đấu chống lại những kẻ tấn công mình, nhưng đừng gây hấn. Thượng Đế không yêu thương những kẻ gây hấn
-Sura 2:191: “Anh em được giết những kẻ gây chiến chống lại mình và trục xuất chúng từ nơi chúng trục xuất anh em. Áp bức thì tồi tệ hơn sát nhân. Đừng đánh chúng tại đền thánh Masjid (*), trừ khi chúng tấn công anh em ở trong đó. Nếu chúng tấn công, anh em có quyền giết chúng. Đó là sự trả thù chính đáng đối với những kẻ không tin.” (*) đền này ở Mecca),
-Sura 3,169 có ghi về Tử Vì Đạo: “Đừng nghĩ rằng những ai bị giết vì danh Thượng Đế là chết thật. Họ đang sống với Ngài, được hưởng sự quan phòng của Ngài.”
Kết luận
Ngày nay với sự phát triển ngành thông tin báo chí trên toàn thế giới thì mỗi lời nói của một nhà lãnh đạo nào cũng sẽ lan rộng khắp năm châu bốn biển. Trong phạm vi nhỏ bé của phòng hội đại học Regenburg, những tâm tư tình cảm mà ĐGH dành cho sinh viên, đa số là công giáo, chỉ là sự trao đổi kinh nghiệm qua chứng tích lịch sử mà ai cũng có thể tìm đọc trong các sách và trên hệ thống Internet. Dòng tâm sự này phải hiểu theo tinh thần Cha và các con trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Nhưng qua báo chí và hệ thống truyền thanh, truyền hình, lời phát biểu của Ngài bỗng lan rộng ra khắp thế giới và bị hiểu lầm là hạ giá trị đạo Islam. ĐHY Paul Poupard đứng đầu văn phòng đối thoại với các tôn giáo thế giới cũng yêu cầu những người bạn Muslim có thiện tâm hãy đọc lại nguyên bản phát biểu của ĐGH để hiểu đâu là sự thật và ý nghĩ của Ngài.
ĐGH Biển Đức là một nhà thông thái. Nhưng có nhà thông thái cao tuổi nào khi phát biểu tránh khỏi bị hiểu lầm, đặc biệt về phương diện thần học và tín lý? Với lập trường kính trọng và đối thoại với tất cả các tôn giáo, người ta không nghĩ Ngài muốn đánh giá nhẹ đạo Islam. Hy vọng với thời gian, sự phẫn nộ của một số người Muslim sẽ chìm xuống, sự thông cảm sẽ được phục hồi, giống như vụ các bức tranh biếm họa đăng trên nhật báo Jyllands-Posten tại Đan Mạch trước đây.
Người Công giáo nên cầu nguyện cho ĐGH. Người Muslim chân chính nên thông cảm và bỏ qua những việc đáng tiếc vừa xẩy ra. Có như vậy các tín hữu của các tôn giáo mới có thể sống hòa bình trong thế giới tự do. Nếu không, một cuộc chiến tranh tôn giáo biết đâu lại chẳng xẩy ra?
Chơi với Trung Cộng, Tòa Thánh Vatican lúc nào cũng mất ngủ!
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Trong thượng tuần tháng năm vừa qua, Tòa Thánh Vatican đã rơi vào tình trạng ăn không ngon, ngủ không yên, khi Nhà cầm quyền Trung Cộng (TC) và cái gọi là Giáo Hội Quốc Doanh quyết định phong chức một số Giám Mục (GM) mà không cần có sự chấp thuận của Tòa Thánh. Sự kiện này làm cho việc đàm phán nhằm tái lập quan hệ ngoại giao giữa La Mã và Bắc Kinh rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa hơn về lãnh vực chính trị và ngoại giao giữa hai nước, chúng tôi mời quí độc giả theo dõi các điểm sau đây:
I- QUAN HỆ VATICAN VÀ TRUNG QUỐC
Theo thống kê vào tháng 4.2006 của Nhà Cầm quyền Trung Cộng thì có 200 triệu người theo nhiều tôn giáo khác nhau và 100.000 cơ sở hoạt động tôn giáo. Có 5 tôn giáo chính là: Công giáo Quốc doanh (0,4%), Công giáo La Mã (0,4-0,6%), Tin Lành Quốc doanh (1,2-1,5%), Tin Lành độc lập (2,55%), Phật giáo (8%), Lão giáo (4%), Hồi giáo (1,5%) và khoảng 2,1 triệu hội viên Pháp Luân Công (Falun Gong)
Để mở đường cho sự thân thiện và tái lập ngoại giao với các nước chưa có đại diện tại Vatican, trong đó có Trung Quốc, ngày 24.10.1999, Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã ngỏ lời xin lỗi các quốc gia về những việc lầm lỡ trong quá khứ của Giáo Hội. Đối với Trung Quốc thì những lầm lỗi này do các vị Thừa sai đã hiểu lầm về các tập quán của người dân bản xứ. (Cấm thắp hương nhang thờ cúng ông bà là một trường hợp.)
Tiếp theo thiện chí của vị tiền nhiệm, ngày 19.5.2005, trong lúc khuyến cáo Thế giới chống lại những xung đột về văn hóa, đương kim Giáo Hoàng Biển Đức (Benedict) XVI kêu gọi các quốc gia chưa có đại diện ngoại giao với Vatican nên thiết lập, đặc biệt Ngài muốn ám chỉ Trung Quốc, Ả Rập Saudi và Việt Nam.
Sự thực thì vấn đề tái lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và TC đã khởi sự sau chuyến viếng thăm Ý Đại Lợi của chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), ngày 11.2.1999, Hồng Y Angelo Sadano, Thư ký Tòa Thánh có tuyên bố là La Mã sẵn sàng di chuyển Khâm Sứ Tòa Thánh từ thủ đô Đài Bắc (Taipei) qua Bắc Kinh (Beijing) “không phải ngày mai mà ngay đêm nay, nếu Nhà Cầm quyền Trung Cộng cho phép.”
Đáp lại lời kêu gọi của Tòa Thánh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố là “Chúng tôi sẽ không bao lâu tái lập quan hệ với Vatican. Dưới triều đại Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI hy vọng Vatican sẽ tạo điều kiện tốt để bình thường hóa sự quan hệ.”
TC cũng đưa ra hai điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự tái lập quan hệ ngoại giao với Vatican là:
-Vatican phải chấm dứt quan hệ với Đài Loan,
-Vatican không được xen vào nội bộ của Trung Quốc, kể cả về vấn đề tôn giáo. Bất cứ sự can thiệp nào cũng sẽ được coi là vi phạm chủ quyền quốc gia.
Hai điều kiện căn bản của Tòa Thánh trong vấn đề tái lập ngoại giao với ĐGH Biển Đức là:
-Các GM là những người đại diện của Giáo Hội trước Nhà Cầm quyền TC, vì thế nên hủy bỏ hoặc giảm thiểu sự kiểm soát của Giáo Hội Quốc Doanh,
-Việc phong chức các GM chỉ có tính cách tôn giáo phải do Tòa Thánh Vatican quyết định, chứ không phải Nhà Cầm quyền TC.
Nhưng phía TC lo ngại quan hệ về tinh thần và pháp lý sẽ đưa tới tình trạng người dân trong nước có chiều hướng qui phục một quốc gia ngoại bang. Các đòi hỏi của Vatican có thể so sánh với tình trạng: Tây Tạng của người Tây Tạng, người Hồi làm chủ Tân Cương (Xinjang) và biết đâu, người Thiên Chúa Giáo lại đòi tự trị một vùng nào đó có lợi cho Giáo Hoàng thì sao?
Xa hơn nữa, theo phía TC thì ảnh hưởng từ một Giáo Hội thống nhất tại Hoa lục biết đâu chẳng đưa tới một cuộc nổi dậy lật đổ Chế độ CS tại nước này, như đã xẩy ra ở Ba Lan và Đông Âu?
Để giải tỏa vấn đề, một số giới chức cao cấp tại Tòa Thánh có đề nghị giải pháp tương tự hiện đang áp dụng cho Việt Nam. Tuy nhiên, các GM Trung Hoa lại cho rằng đó là giải pháp không hiệu quả. Không có quan hệ ngoại giao tại VN, khi bổ nhiệm GM, Tòa Thánh thường đưa ra ba ứng cử viên và Nhà Cầm quyền CSVN có quyền chọn trong số ba người này. Nhưng CSVN thì lúc nào cũng cù cưa, cố tình kéo dài hàng tháng và hàng năm rồi mới trả lời. Sự trì hoãn có chủ đích tạo nên một khoảng trống GM tại các địa phận. Ngoài ra, Nhà Cầm quyền Hà Nội luôn có khuynh hướng chọn các ứng cử viên theo những “tiêu chuẩn riêng của đảng” để mong rằng họ có thể dễ bề can thiệp vào nội bộ của giáo hội sau này!
2- NHỮNG XUNG ĐỘT ĐẦU TIÊN
Năm 2000, vào ngày độc lập 1.10 của TC, ĐGH Gio-an Phao-lô II phong Thánh cho 120 vị tử đạo người Hoa trong đó có các Thừa sai. Phía TC phản đối cả về quyết định phong thánh và ngày phong thánh. TC đòi thay đổi vào ngày khác, nhưng Tòa Thánh vẫn cử hành nghi lễ như chương trình đã đề ra.
Để trả đũa, Giáo Hội Quốc Doanh TC tự phong chức cho 5 GM, mà không cần thăm dò ý kiến của Tòa Thánh. TC cho rằng việc phong thánh cho những người bị giết trong cuộc cách mạng chống lại các đế quốc Tây phương vào thế kỷ 19 và 20 là hành động vinh danh một thế kỷ Chủ nghĩa Đế quốc tại Trung Hoa. Sau vụ này, TC chấm dứt mọi liên lạc với Vatican.
Ngoài ra, việc ĐGH phong chức Hồng Y cho GM Zen Ze-Kiun, Tổng Giáo phận Hồng Kông cũng là một sự khiêu khích đối với TC và làm cho chương trình tái lập ngoại giao trở nên căng thẳng. Theo phía TC thì quyết định phong chức Hồng Y này nằm trong kế hoạch dài hạn của Vatican nhằm lật đổ chế độ CS, như đã xẩy ra tại Ba Lan trước đây. Sở dĩ TC quá nghi ngờ về quyết định của Tòa Thánh, vì H.Y Zen là người nổi tiếng chống Chủ Nghĩa Cộng Sản tại Hồng Kông. Donald Tsang, tân Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lãnh thổ Hồng Kông cũng là người Công Giáo đi lễ mỗi Chúa nhật. Nếu hai người hợp tác chặt chẽ với nhau và cổ động cho chương trình cải tổ về hiến pháp và tổ chức bầu cử dân chủ chức vụ chủ tịch lãnh thổ Hồng Kông, thì vấn đề sẽ trở nên khá phức tạp và nguy hiểm cho sự thống nhất lãnh thổ Trung Quốc.
-Về phương diện lịch sử
Người ta thấy quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung Quốc đã bị gián đoạn ngay từ năm 1949, khi Mao Trạch Đông chiếm được quyền lực và nhuộm đỏ Trung Hoa bằng Chủ nghĩa Cộng sản, một chủ nghĩa dựa trên nền tảng duy vật và coi tôn giáo chỉ là liều thuốc phiện đầu độc con người!
-Về phương diện chính trị
Sau khi nắm toàn quyền sinh sát tại Hoa lục, Nhà Cầm quyền TC từ chối giao thiệp với bất cứ chính phủ nào có liên hệ ngoại giao với Đài Loan, nơi mà TC coi là phần đất không thể tách rời khỏi mẫu quốc. Chính vì vậy mà hiện nay, vì quyền lợi về kinh tế, phần lớn các nước trên thế giới, đặc biệt các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ ngoại giao với TQ và không công nhận Đài Loan là một quốc gia.
-Về phương diện tôn giáo
Nhà Cầm quyền TC, vào năm 1951, bắt Giáo hội Công giáo chấm dứt mọi liên hệ với ĐGH và chỉ công nhận Giáo hội Quốc doanh do họ thành lập là Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa (Chinese Catholic Patriotic Association). Giáo Hội do Nhà Nước CS kiểm soát có khoảng 4 triệu giáo dân. Nhà Cầm quyền và GH Quốc Doanh tự chỉ định các Giám mục và chỉ công nhận ĐGH như là vị lãnh đạo tinh thần, chứ không phải là nhà lãnh đạo thế giới. Về giáo lý, họ cũng không công nhận toàn bộ thần học Công giáo.
ĐGH Gio-an Phao-lô II là vị chủ chăn Công giáo toàn cầu có tinh thần chống Chủ Nghĩa Cộng Sản đã lên án mạnh mẽ các hành động đàn áp tôn giáo của các chế độ CS, từ Đông Âu đến Á Châu, Phi châu và Trung Mỹ. Chính vì vậy mà Giáo Hội thần phục La Mã (GH Thầm Lặng), có khoảng 8-10 triệu giáo dân phải sinh hoạt thầm kín và khoảng 90% GM đã được Tòa Thánh bí mật phong chức. Cũng từ đó, vấn đề thiết lập ngoại giao với các nước CS đối với Cố GH không quá cần thiết.
Ngoài ra, người ta phải công nhận là ảnh hưởng của ĐGH Gio-an Pha-lô II đã bao trùm thế giới trong suốt cuộc chiến tranh lạnh, giữa Thế giới Tự do và Cộng sản. Sự sụp đổ của các chế độ CS Liên-sô và Đông Âu được các nhà bình luận chính trị thế giới cho là công lớn của Ngài và Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan là một thực tế không ai chối cãi được.
Chính vì lập trường chống CNCS cứng rắn như vậy mà sau khi ĐGH Gio-an Phao-lô II băng hà thì hàng loạt các cuộc bắt bớ LM, GM và những cấm đoán gắt gao đối với người Công giáo đã xẩy ra tại Trung Quốc. Lời tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao TC ở trên chứng minh cho một thực tế.
3- CÁC CUỘC TIẾP XÚC GIỮA TÒA THÁNH VÀ NHÀ NƯỚC TRUNG CỘNG
Cuộc tiếp xúc đầu tiên xẩy ra vào ngày 28.6.2005 tại Thượng Hải (Shanghai) qua việc phong chức GM cho LM Quốc doanh Xing Wenzhi dưới quyền chủ lễ của GM Thượng Hải, Aloysius Jin Luxian. Tin tức Tòa Thánh cho biết ĐGH đã chấp thuận sự phong tấn phong này.
Trường hợp thứ hai xẩy ra tại tỉnh Xian, một thành phố có trên 2 triệu người nằm ở trung tâm phía Bắc Trung quốc. GM Anthony Li Duan vì đau ốm đã đề cử vị phụ tá là Anthony Dang Mingyan lên kế vị. GM này cũng được Tòa Thánh chúc lành.
Cuối cùng, trong tháng tám 2005, ĐGH Biển Đức XVI đã chào đón một nhóm gồn 26 vị thuộc Giáo hội Quốc Doanh và giám đốc chủng viện. ĐGH cũng đã mời 4 GM Trung Hoa, trong đó có 3 GM quốc doanh và một chưa được Nhà Nước chấp thuận, đến Rô-ma tham dự Thuợng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới được tổ chức vào tháng 10.2005; nhưng chưa ai được cấp thẻ thông hành (passport).
4- TÒA THÁNH VATICAN CÓ NÊN TIẾP TỤC ĐÀM PHÁN VỚI TRUNG CỘNG KHÔNG?
Foto: Hồng Y Zen Ze-Kiun Tổng Giáo phận Hương Cảng (Hong Kong)
Ngày 2.5.2006, H.Y Zen Ze-Kiun khuyên Tòa Thánh nên ngưng cuộc đối thoại với TC với lý do là hai bên bất đồng ý kiến về việc phong chức GM. Nhà Cầm quyền TC phải giải thích nguyên nhân trước khi tiếp tục các cuộc đàm phán. Ngài tuyên bố với báo South China Morning Post là “cuộc đối thoại không thể tiếp tục, vì dân chúng nghĩ là chúng ta chuẩn bị đầu hàng.”
Trong khi đó Bộ trưởng Ngoại giao TC tuyên bố bênh vực cho Giáo Hội Quốc Doanh có quyền phong chức GM mà không cần Tòa Thánh chấp thuận và cho rằng sự chỉ trích của Vatican không có cơ sở.
5- QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA VATICAN VÀ HOA KỲ CÓ ẢNH HƯỞNG GÌ ĐỐI VỚI TRUNG CỘNG?
-Về phương diện chính trị
Có thể nói, khi bức tường Bá Linh sụp đổ và các chế độ Cộng sản Liên-sô và Đông Âu bị tan rã vào cuối thập niên 1980 và những năm đầu của thập niên 1990 thì uy tín của Vatican lên rất cao. Nhưng kể từ cuộc chiến tranh chống Iraq lần thứ nhất, cuộc chiến Kosovo, A Phú Hãn và chiến tranh Iraq lần hai thì ảnh hưởng của Vatican bắt đầu bị giảm dần trên chính trường Thế giới.
Lý do rất dễ hiểu là khi CNCS không còn thì nhu cầu cần sự tiếp tay của Vatican, đầu não của hơn một tỷ giáo dân, một lực lượng chống CS mạnh nhất thế giới. Công đoàn Đoàn kết (Solidarity) do Lech Walesa là một ví dụ cụ thể. Công Đoàn này được coi là lực lượng tranh đấu tách Ba Lan ra khỏi ảnh hưởng của Liên Sô. Công Đoàn bị Tướng Wojciech Jaruzelski cấm hoạt động khi tuyên bố tình trạng thiết quân luật vào ngày 13.12.1981. Sau này ông tiết lộ phải áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng quân sự hầu tránh khỏi sự can thiệp trực tiếp của quân Liên Sô vào Ba Lan, như đã xẩy ra tại Hung Gia Lợi và Tiệp khắc trước đây.
Ngoài ra, các chính phủ của các quốc gia ngày nay không còn đề cao Thiên Chúa Giáo như trong các thập niên trước. Nhiều nguyên thủ quốc gia nguyên là đảng viên CS trước đây hoặc vô thần và thuộc phe Xã Hội, cánh Tả v.v… Chính vì vậy mà tương quan giữa các chính quyền của các quốc gia và Tòa Thánh Vatican không còn mật thiết như trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Chủ Nghĩa Tư Bản và Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Người ta hy vọng cuộc viếng thăm của Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II tại Cuba sẽ có những biến chuyển về chính trị tại nước này. Nhưng sau cuộc viếng thăm, dù trùm CS Fidel Castro có tham dự Thánh Lễ do ĐGH cử hành, nhưng Cuba vẫn duy trì CNCS và độc tài đảng trị.
Vì thế, sự tin tưởng vào “quyền lực” của Vatican bị giảm dần và đó cũng là lý do tại sao Trung Cộng nói riêng và các nước CS còn lại nói chung không còn “sợ” Vatican như trước đây. Họ chỉ “lợi dụng” uy tín Tòa Thánh trong khi cần sự ủng hộ nào đó về chính trị và kinh tế. Xin giúp đỡ để trở thành hội viên của Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) chẳng hạn. Khi mục tiêu đã đạt được, người CS lại tỏ vẻ lạnh nhạt và bộ mặt vô thần lại hiện ra ngay.
Chính sách thiết lập ngoại giao với Trung Quốc của Hoa Kỳ và EU đã làm cho uy tín Tòa Thánh Vatican bị giảm đi phần nào trên chính trường quốc tế.
Ngược giòng thời gian, ngày 10.1.1984, Tổng thống Mỹ, Ronald Reagan, đã quyết định thiết lập ngoại giao toàn phần với Vatican. Mặc dù được kêu gọi đáp ứng vì nhiều lợi ích, nhưng Tối Cao Pháp Viện từ chối quan tâm tới vụ này. Sở dĩ TT. Reagan quyết định như vậy vì một trong các mục tiêu đầu tiên của ông là thừa nhận Vatican như một quốc gia và đồng minh. Quyết định này kết thúc hơn một thế kỷ Hoa Kỳ đã phản đối một sự quan hệ như vậy.
Để thắt chặt mối tương quan, TT. Reagan đã bổ nhiệm nhiều người Công giáo vào Ban Tham mưu Tòa Bạch Ốc như: Giám đốc C.I.A William Casey, Cố vấn An ninh Quốc gia đầu tiên Richard Allen, Cố vấn An ninh Quốc gia William Clark, Bộ trưởng Ngoại giao Tướng Alexander Haig, Vernon Walters và William Wilson, đại sứ đầu tiên của TT. Reagan tại Vatican.
Nếu trước đây, dưới thời Cố TT. Ronald Reagan, người ta từng ca tụng chính sách chống CS và quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Hoa Kỳ là “Liên Minh Thần Thánh” (the holy alliance), thì ngày nay sự thân thiện cả về chính trị và tôn giáo giữa hai quốc gia có triệu chứng không còn mật thiết như xưa. Thời “vàng son” của hai cụ già gân Gio-an Phao-lô II và Ronald Reagan đã qua đi, thì chính sách chống CS cũng không còn là mối quan tâm hàng đầu đối với Hoa Kỳ và Đồng Minh Tây phương nữa! Chính phủ Bill Clinton là một trường hợp điển hình.
Hai sự kiện dưới đây có thể chứng minh cho nhận định trên:
-Tòa Thánh lên án chiến tranh Iraq có thể coi là một bằng chứng chứng tỏ sự không đồng thuận về chính sách ngoại giao giữa Vatican và Hoa Kỳ.
-Tòa Thánh đề nghị nên ghi vào hiến pháp EU tinh thần Thiên Chúa Giáo đã không được các nhà lãnh lạo EU quan tâm. Sự kiện này chứng tỏ ảnh hưởng của Tòa Thánh đối với các chính quyền Tây phương không còn mạnh như xưa.
Giữ vững đường lối như vậy, nên Vatican là quốc gia duy nhất tại Âu Châu hiện nay còn duy trì quan hệ với Đài Loan. Sự kiện Tổng thống Đài Loan, Trần Thủy Biên, tới tham dự lễ an táng Cố Giáo Hoàng Gio-an Pha-lô II tại La Mã là một bằng chứng nói lên mối liên hệ Vatican-Đài Loan.
-Về phương diện kinh tế
Trung Quốc là thị trường lớn nhất Thế giới. Nếu cứ mỗi người một ngày mua một chai Coca Cola thì hãng này sẽ bán ít nhất khoảng một tỷ chai, một lợi tức khổng lồ bằng thị trường Châu Mỹ và châu Âu cộng lại. Đó là miếng mồi ngon mà nhà tư bản và đầu tư nào của Tây phương cũng thèm muốn. Vì thế, đa số các quốc gia trong LHÂC (EU), Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Nga, Nhật Bản và Úc Đại Lợi v.v… đều không dám làm phiền lòng anh khổng lồ, chỉ vì lợi ích thị trường kinh tế đem lại. Vatican nếu có bị Hoa Kỳ và Đồng Minh Tây phương quên lãng thì cũng là chuyện đương nhiên.
(Foto: Tổng thống George W. Bush dự Thánh Lễ tại một Thánh Đường tại Bắc Kinh nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc ngày 20.11.2005)
-Về phương diện tôn giáo
Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc ngày 20.11.2005, TT. George W. Bush đã dự Thánh Lễ tại một ngôi Thánh Đường ở Bắc Kinh. Sau Thánh Lễ, TT. Bush đã phát biểu: “Tinh thần của Thiên Chúa đã hiện diện mãnh liệt trong Nhà thờ này. Tôi cám ơn quí vị đã truyền đạt thông điệp tình yêu của Thiên Chúa. Cách đây không lâu, dân chúng không được thờ phượng công khai trong xã hội này. Hy vọng của tôi là chính phủ Trung Quốc sẽ không còn sợ hãi các tín đồ Thiên Chúa Giáo đã cùng nhau quây quần để thờ phượng công khai. Một xã hội lành mạnh là một xã hội mở vòng tay đón nhận tất cả các niềm tin.”
Sự thăm viếng và tham dự Thánh Lễ của TT. Bush có thể coi như con dao hai lưỡi. Lời tuyên bố của TT. Bush được coi như một sự khuyến cáo TC hãy cởi mở về tôn giáo; nhưng nó cũng có thể coi là “gậy ông đập lưng ông!” Quốc hội và Ủy Ban Tranh Đấu cho Nhân Quyền và Tự do Tôn giáo của Mỹ đã nhiều lần lên án TC vi phạm nhân quyền, đặc biệt quyền tự do tín ngưỡng. Giáo Hội Công Giáo Thầm Lặng là một bằng chứng điển hình. Nay TT. Bush tự do tham dự Thánh Lễ, nếu chỉ nhìn một cách phiếm diện, người ta lại nghĩ lầm là tại TQ vẫn có tự do tôn giáo, tại sao lại lên án?
KẾT LUẬN
Nói chung thì sự giằng co giữa uy quyền quốc gia và Vatican tại các nước CS còn lại: Trung Quốc, Việt Nam, Căm Bốt, Lào và Cuba, của hàng Tu sĩ và giáo dân không phải không có. Hơn thế, sự khác biệt về quan điểm “Đạo và Đời”giữa thế hệ già và trẻ trong hàng ngũ GM, LM và giáo dân cũng đang trở thành nỗi thao thức của Giáo Hội. Sự tranh thủ lòng trung thành giữa các Giáo Hội và giáo dân bản xứ với Tòa Thánh và giữa các Giáo Hội và giáo dân với Nhà Nước CS ngày càng trở nên gay gắt.
*-Nếu Vatican nhượng bộ TC về Đài Loan tức bị sa vào bẫy chính trị. Bỏ rơi Đài Loan cả về phương diện tôn giáo và chính trị sẽ kéo theo tình trạng đất nước Tây Tạng??? cũng sẽ bị quên lãng với thời gian và bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Nó tạo nên một tiền lệ cho các nước CS khi họ thiết lập quan hệ về ngoại giao với các quốc gia khác.
*-Nếu Vatican chỉ đặt vấn đề ngoại giao về phương diện tôn giáo thôi thì không sợ thế giới và các tôn giáo khác phê phán.
Đức Giê-Su từng nói: “Con cái thế gian thì khôn ngoan hơn con cái của Đức Chúa Trời.”
Vậy ai sẽ thắng ai trong trận chiến “dành dân” này?
Sau 5 năm sân khấu chính trị của Ý Đại Lợi tương đối yên tĩnh, nay lại nổi sóng qua cuộc bầu cử quốc hội trong hai ngày 9 & 10.04.2006
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Kể từ sau Đệ II Thế chiến đến nay, sân khấu chính trị tại Ý Đại Lợi không được ổn định so với các nước khác trong Liên Hiệp Âu Châu (LHÂC). Sự bất ổn về chính trị thường tạo nên những bất lợi về các lãnh vực kinh tế và xã hội. Người ta cũng hơi bỡ ngỡ là Ý Đại Lợi, một quốc gia mà đa số dân chúng theo Thiên Chúa giáo và Giáo đô Vatican của Công Giáo nằm trong lòng nước Ý; nhưng đảng cộng sản và cánh tả lại là lực lượng lớn nhất tại đất nước này trong những thập niên vừa qua. Dù là một quốc gia lớn, nhưng vai trò của nước Ý không quan trọng trong LHÂC, khi so sánh với các quốc gia Anh, Đức và Pháp.
Để tìm hiểu cuộc bầu cử Quốc Hội kỳ này có gì đặc biệt, mời quí vị theo dõi các mục dưới đây:
I- ĐÔI HÀNG VỀ THỦ TƯỚNG SILVIO BERLUSCONI
Silvio Berlusconi sinh ngày 29-9-1936 trong một gia đình Milan. Năm 1961, ông tốt nghiệp ngành Luật và bắt đầu kinh doanh bằng mượn tiền ngân hàng, nơi cha ông làm việc, để lập công ty xây dựng đầu tiên có tên là Edilnord. Công ty này hoạt động trong vùng Milan và đã xây một chung cư với 4.000 căn ở ngoại ô phía Đông của thành phố vào thập niên 1960.
Berlusconi tiếp tục với chương trình thiết lập đường dây truyền hình tại địa phương có tên Telemilano sau trở thành hệ thống truyền hình lớn nhất tại Ý (Mediaset). Thành công trong ngành truyền thông chưa đủ, Berlusconi còn sở hữu nhà in lớn nhất ở Ý là Mondadori và nhật báo Il Giornale. Sự thành công về nhiều lãnh vực khiến Berlusconi phát triển tài chánh vượt biên giới quốc gia qua sự thành lập đại công ty tài chánh Fininvest có 150 chi nhánh ở trong và ngoài nước.
Năm 1993, Berlusconi sáng lập đảng FORZA ITALIA (Tiến lên Italia), tên này xuất phát từ khẩu hiệu của những người ủng hộ đội bóng tròn AC Milan cũng do ông ta làm chủ. Năm 1994, Berlusconi thắng cử và trở thành Thủ tướng do sự liên kết với Cánh Hữu gồm: Liên Minh Quốc Gia (National Alliance) và Liên Hiệp Miền Bắc (Northern League). Nhưng sự hợp tác chỉ kéo dài được 7 tháng thì Berlusconi bị tòa án Milan buộc tội gian lận về thuế má khiến cho chính phủ liên hiệp bị tan rã.
Năm 1996, Berlusconi thất bại trước thủ lãnh Cánh Tả, Romano Prodi trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Năm 2001, Berlusconi thắng cử và trở lại chính trường với sự liên hiệp với 2 đảng trước đây.
Silvio Berlusconi là một nhà chính trị giầu có nhất tại Ý với một gia tài lớn, khoảng 12 tỷ Đô-la. Ngoài 3 đài truyền hình tư nhân lớn nhất tại Ý và đội bóng đá AC Milan, Berlusconi còn sở hữu các công ty thực phẩm, quảng cáo, bảo hiểm và xây dựng. Sự thành công về tài chánh và kinh tế là nguyên nhân khiến Berlusconi không ngần ngại tự khoe mình là “lãnh tụ chính trị giỏi nhất tại Âu Châu và Thế giới’’ (The best political leader in Europe and the world).
*-Các vụ tố cáo Thủ tướng Berlusconi và nhân viên chính phủ liên quan tới gian lận thuế má, hối lộ và tình báo.
-Vụ 1:
David Millers là luật sư riêng của Silvio Berlusconi trong thập niên 1990. Theo tin tức thì Ls Mills, người kết hôn với Bộ trưởng Văn hóa Anh Quốc, Tessa Jowell, đã giúp Berlusconi thành công trong hai lần bị đưa ra tòa, đã được Berlusconi tặng 600.000 Đô-la vào năm 1997. Ls Mills không chỉ không cung cấp hồ sơ chính xác liên quan tới đại công ty truyền thông Mediaset của Berlusconi, mà còn cùng với 12 nhân vật khác bị tố cáo gian lận thuế.
Được biết vào thập niên 1980, Quốc Hội đã thông qua đạo luật đặc biệt nhằm hủy bỏ sự độc quyền truyền thông của đài turyền hình quốc gia RAI của Ý. Lợi dụng cơ hội này, Berlusconi đầu tư vào ngành truyền thông và trở thành “Quyền lực Truyền Thông’’ nhờ sự giúp đỡ của cựu Thủ tướng Bettino Craxi, đảng trưởng đảng Xã Hội. Cựu Thủ tướng Craxi cũng bị toà án kết tội tham nhũng, đã bỏ trốn sang Tunesia và từ trần tại đây vào năm 2.000.
Vụ Ls Mills nhận tiền hối lộ của Berlusconi cũng gây nhiều thắc mắc tại Anh Quốc. Người ta nghi ngờ bà Jowell có thể có những liên quan về kinh tài của chồng. Bà Jowell đã khẳng định không làm gì sai trái và trong tuần qua Thủ tướng Anh, Tony Blair, từ chối mọi sự khai thác những gì bí mật về một Bộ trưởng Anh Quốc. Tin cuối cùng cho biết, có lẽ để bà Jowel không bị dính dáng vào nội vụ Berlusconi, Ls Mills và bà Jowell đã tuyên bố ly thân cuối tuần vừa qua.
Ls Mills đã làm cố vấn tài chánh cho TT. Berlusconi trong thập niên 1980 và 1990. Ông ta đã đưa ra kế hoạch mở rộng việc kinh tài ra ngoại quốc bằng 150 chi nhánh tài chánh nằm dưới quyền công ty tài chánh Fininvest.
Theo tin tức báo chí Ý thì Công tố viện Milan hy vọng sẽ lại có thể đưa Berlusconi ra toà vào tháng 5.2006. Chính vì vậy mà sự thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội kỳ này chẳng khác gì bản án sẽ đưa Berlusconi vào tù, nếu tòa án có đủ tài liệu buộc tội Berlusconi tham nhũng, hối lộ và gian lận thuế má.
Vụ 2:
-Bộ trưởng Y tế Francesco Storance bị tố cáo dính dáng vào vụ thâu băng phe đối lập trong cuộc tuyển cử vào năm ngoái phải đệ đơn từ chức.
Trong suốt 5 năm cầm quyền, Thủ tướng Berlusconi bị ra tòa ít nhất là 6 lần vì chính sách kinh tài chính trị bất hợp pháp, hối lộ, lem nhem và gian dối trong các vụ kết toán tiền bạc (Medusa Cinema, Macherio, AC Milan) và hối lộ quan tòa.
Để tránh bị tòa án hỏi tội, Chính phủ Berlusconi đã lợi dụng đa số trong Quốc Hội, thông qua sự cải tổ làm giảm bớt tình trạng giới hạn về sự gian lận. Đạo luật được thông qua với đa số trong Quốc Hội, cho phép Thủ tướng và các viên chức cao cấp không bị truy tố khi họ đang thi hành công vụ; nhưng sau đó bị tòa án hiếp pháp hủy bỏ.
Vào thứ sáu vừa qua, báo La Republica từ chối tin tức cho rằng Bộ trưởng Nội vụ Anh và Bộ trưởng Tư pháp Ý đòi trao Ls Mills cho Ý theo án lệnh của công tố viện Milan, dựa theo luật bắt giữ của LHÂC.
Dù sao đi nữa, Thủ tướng Berlusconi đã thành công trên chính trường và nắm chính quyền lâu nhất, 5 năm, kể từ sau Đệ II Thế chiến đến nay.
II- ĐÔI HÀNG VỀ CỰU THỦ TƯỚNG ROMANO PRODI
Romano Prodi sinh năm 1939, tốt nghiệp kinh tế và từng là giáo sư dậy chính sách kinh tế và kỹ nghệ. Ông đã giảng dậy tại đại học Milano, Bologna của Ý và giáo sư thỉnh giảng tại đại học Harvard và Stanford của Hoa Kỳ.
Từ tháng 11.1978 tới tháng 2.1979, không tham gia đảng phái nào, nhưng Romano Prodi được đề cử giữ chức vụ Bộ trưởng Kỹ nghệ trong chính phủ Giulio Andreotti. Tháng 2.1995, Liên hiệp Cánh Tả Trung Tâm ra đời (ULIVO) đã chỉ định Prodi làm ứng cử viên Thủ tướng và trong cuộc bầu cử vào tháng 4.1996 Liên hiệp Cánh Tả đã thắng Cánh Hữu của Berlusconi. Romano Prodi thành lập Nội Các; nhưng chỉ kéo dài tới năm 1998 thì bị đảng Cộng sản, cùng trong Liên hiệp Cánh Tả, bất tín nhiêïm. Trong thời gian cầm quyền Thủ tướng Prodi đã cải tổ kinh tế để đủ tiêu chuẩn gia nhập đồng tiên chung EURO của LHÂC.
Về lãnh vực công nghiệp thì trong thập niên 1980, Prodi đã từng giữ chức vụ chủ tịch Viện Tái Thiết Kỹ nghệ (IRI: Istituto per la Riscostruzione Industriale). Sau khi nắm chính quyền, Thủ tướng Prodi cho tư hữu hóa hai công ty lớn là Credito Italiano và Banca Commerciale Italiana vào tháng 3.1993.
Tháng 9.1999 tới tháng 11.2004, Romano Prodi được bầu vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban Đặc nhiệm của LHÂC.
III- CHƯƠNG TRÌNH TRANH CỬ
*-Liên hiệp Cánh Hữu Nhà Tự Do của Berlusconi gồm đảng Forza Italia và đảng Tân Phát-xít (New Fascism) Liên Minh Quốc Gia (The National Alliance), Liên Hiệp miền Bắc (The Northern League) và Liên Hiệp Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (UDC: The Union of Christian Democaters)
-Để chiếm ưu thế trong cuộc tranh cử, Silvio Berlusconi tung đòn bất ngờ là giảm thuế. Nhưng thực tế cho thấy vấn đề giảm thuế chỉ có lợi cho giới kinh doanh, tư bản.
-Để đối đầu, Romano Prodi cũng tung đòn giảm thuế, nhưng không dành cho những người có hàng triệu EURO hay Đô-la. Đòn hấp dẫn hơn có lẽ là lời hứa rút toàn binh lính Ý khỏi Iraq càng sớm càng tốt.
Được biết vào năm 2003, là đồng minh tri kỷ với Hoa Kỳ, Thủ tướng Berlusconi đã gửi 3.000 quân tới Iraq trong chương trình tái thiết đất nước, sau cuộc lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein. Chương trình rút quân đội Ý ra khỏi Iraq của Berluscon sẽ được thực hiện vào cuối năm 2006 và thay vào đó là lực lượng dân sự.
-Liên hiệp Cây Ô-Liu của Prodi gồm các đảng: Dân Chủ Cánh Tả, Margherite, Cộng sản Tái Lập, Mầu Xanh, Cộng sản Ý và Các Giá Trị Ý.
IV- HỆ THỐNG BẦU CỬ TẠI Ý:
-Một Liên hiệp đạt được hơn 50% phiếu, nhưng ít hơn 340 ghế tại Hạ Viện (55%) sẽ tự động được 340 ghế.
Theo thống kê thì năm 2001 có 81,5% cử tri đi bầu tức khoảng 50 triệu người, trong đó có 4 triệu cử tri sống ở ngoại quốc.
-Theo hệ thống bầu cử tại Ý được tu chính vào năm 2005 thì cử tri chỉ bầu cho đảng chứ không bầu cho cá nhân ứng cử viên. Các đảng sẽ quyết định ứng cử viên và danh sách theo thứ tự. Các đảng được phép ứng cử theo một liên hiệp và phải cho biết tên của ứng cử viên Thủ tướng cùng với chương trình tranh cử. Nếu Liên hiệp thắng cử không đạt đủ đa số tuyệt đối thì sẽ tự động được chia đều trong Hạ Viện và Thượng Viện.
Có 3 giới hạn: một Liên hiệp phải đạt được 10% phiếu, các đảng trong danh sách hợp tác phải đạt được 4% và mỗi đảng trong Liên hiệp phải đạt được 2%.
-Các cử tri chỉ nhận một phiếu bầu và chỉ có biểu tượng của đảng mà thôi.
Theo kết quả thì Liên Hiệp của Thủ tướng Berlusconi đạt được 155 ghế trong số 315 ghế tại Thượng Viện và LH của cựu Thủ tướng Prodi đạt được 154 ghế, hơn nhau có 1 ghế. Kết quả sẽ tùy thuộc vào số lượng hơn 1 triệu phiếu bầu từ ngoại quốc.
Romano Prodi thắng ở Hạ Viện, nếu Berlusconi lại thắng ở Thượng Viện thì vấn đề rắc rối ở chỗ là Tổng thống Ý không biết đề cử ai thành lập chính phủ, Prodi hay Berlusconi? Lý do: không ai đạt được đa số ở cả Thượng lẫn Hạ viện. Với con số khác biệt khoảng 25.000 phiếu trên tổng số 40 triệu cử tri, người ta nghĩ uy tín của các ứng cử viên Thủ tướng và chương trình của họ không chiếm được cảm tình của cử tri và cũng có thể vì cử tri đã chán ngấy các chính trị gia, những người chỉ biết hứa cho qua cuộc bầu cử!
V- KẾT QUẢ CỦA CUỘC BẦU CỬ
Cuộc bầu cử nhằm tuyển chọn 630 Dân Biểu tại Hạ Viện và 315 Nghị sĩ tại Thượng Viện được tổ chức vào ngày Chúa nhật 9.4.2006 đã diễn ra trong trật tự nhưng rất gay go. Có 47,2 triệu cử tri đi bầu, trong đó có khoảng 2,8 triệu người Ý sống ở ngoại quốc có quyền bỏ phiếu bằng thư.
Theo kết quả ngày 11.4.2004 thì trong cuộc bầu cử ngày 9+10.4.2006, có 40 triệu cử tri đi bầu
-Romano Prodi đạt 49,8% phiếu và nhiều hơn 0,1%; như vậy sẽ tự động được 55% hay 340 ghế trên 630 ghế tại Hạ Viện.
-Silvio Berlusconi chỉ đạt 49,7%
*-Thủ Tướng Berlusconi đòi đếm phiếu lại.
Romano Prodi và đảng Cánh Tả Trung Tâm thắng ở Hạ Viện chỉ với 0,1% phiếu, đủ tiêu chuẩn đa số. Tại Thượng Viện nếu Prodi và Cánh Tả cũng chỉ thắng Cánh Hữu của Berlusconi 1 ghế thì số lượng phiếu thắng cử không cao. Vì thế, Thủ tướng Berlusconi đòi đếm lại phiếu, sau khi người ta phát giác có một số phiếu bị vất ngoài thùng rác và số phiếu bất hợp lệ lên quá cao.
KẾT LUẬN
Cuộc bầu cử vừa qua chứng tỏ chương trình tranh cử cũng như chương trình tái phục hồi kinh tế đất nước của hai ứng cử viên không có gì khác biệt cho lắm. Sự thắng lợi của Romano Prodi nếu chỉ một số ít phiếu sẽ tạo nên các khủng hoảng về chính quyền trong tương lai. Một đảng dù nhỏ trong Liên hiệp mà bất tín nhiệm chính phủ thì cuộc khủng hoảng chính trị lại xẩy ra. Cái vòng luẩn quẩn, nay chính phủ này, mai chính phủ khác lại tái diễn trên chính trường Ý Đại Lợi vào những ngày tới! Sự khủng hoảng chính trị và sự trì trệ về kinh tế càng làm cho vai trò của Ý Đại Lợi kém quan trọng trong LHÂC!
Phải chăng “Đế quốc Truyền Thông & Tài Chánh’’ của Berlusconi tới ngày bị sụp đổ khi tòa án Milan mở lại vụ án tham nhũng của ông Thủ tướng tỷ phú mà con gian lận thuế má và hối lộ?
NHẠO BÁNG ĐẠO
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Nếu không cảnh giác có thể sẽ đưa tới chiến tranh Tôn Giáo
Nhân biến cố 12 hí họa của báo Jyllands-Posten đã gây nên làn sóng biểu tình chống đối, đốt và đạp lên quốc kỳ, phá hủy tòa đại sứ và lãnh sự của Đan Mạch; chúng tôi xin thuật lại một số vụ xúc phạm tới đạo Islam cũng như Thiên Chúa Giáo trong những năm qua, hầu chúng ta có thể đề phòng và tránh được những xung đột với các tôn giáo bạn.
1-Đối Với Đạo Islam
Kể từ năm 1989 có tới 15 vụ xúc phạm tới đạo Islam và các nạn nhân đều bị lên án tử hình hay tù tội. Một số vụ quan trọng nhất gồm:
-Năm 1989, nhà văn Salman Rushdie gốc Ấn Độ sinh sống ở Anh quốc đã bị Đạo trưởng Ayatollah Khomeini của Iran lên án tử hình về tác phẩm "The Satanic Verses" với lý do sách này viết về Tiên tri Muhammed như một người lái buôn. Đạo trưởng Khomeini đã ra lệnh cho bất cứ người Muslim nào cũng có bổn phận phải giết tác giả Rushdie. Giải thưởng là 3 triệu Mỹ-kim. Vì thế, tác giả phải sống cuộc đời ẩn trốn và được cơ quan an ninh bảo vệ. Salman Rushdie bí mật được mời qua Đan Mạch hai lần để trình bày quan điểm và nhờ chính phủ Đan Mạch can thiệp và tìm biện pháp giải trừ cái án tử hình.
Năm 1991: Hitoshi Igarashi, người Nhật dịch sách The satanic Verses của Salman Rushdie bị giết chết ngay tại đại học Tsukuba Ibaraki, nơi ông giảng dậy. Nhà dịch thuật người Ý cũng bị hành hung tại Milan. William Nygaard giám đốc xuất bản sách bị bắn chết năm 1993 và có tới 37 người nằm trong danh sách bị lên án tử hình vì sách của Salman Rushdie. Khi đạo trưởng Khomeini chết rồi, mặc dù các chính phủ Tây phương, trong đó có Đan Mạch và Hoa Kỳ làm áp lực mạnh; nhưng các chính quyền Iran kế tiếp tuyên bố không thể cải án lệnh được. Mãi tới năm 1998 vụ án tự nó dần dà phôi pha theo thời gian.
Năm 1994: bà Taslima Nasrin 37 tuổi, theo đạo Hồi, là bác sĩ làm việc tại bệnh viện công ở Bangladesh. Bà Nasrin đã viết 15 tác phẩm tranh đấu cho nhân quyền và quyền lợi của người thiểu số. Năm 1993, bà xuất bản quyển "Lajja", tiếng Bangladesh có nghĩa là "Tủi Nhục" liên quan tới vụ một số người Muslim cuồng tín tấn công người Ấn Độ. Bà cũng viết trong quyển The Statesman rằng: "Kinh Koran phải được duyệt xét lại một cách cẩn thận…" Sách và bài viết của bà đưa tới hậu quả là bà bị Hội Đồng Chiến Sĩ Islam có tên "Sabaha Sainik Parishad" lên án tử hình. Năm 1994 bà bị lên án tử hình lần thứ hai bởi Nazrul Islam về tội nhạo báng đạo. Hiện nay bà Nasrin đang tị nạn tại Thụy Điển.
Năm 1995: tiến sĩ Nasr. Harmid Abu Zaid, giáo sư đại học phân khoa lịch sử, bị tòa án buộc phải ly dị vợ vì tội sa ngã, không xứng đáng kết hôn với người phụ nữ Islam. Sự hiểu biết và giải thích về Thánh kinh Koran của ông ta có vẻ như tấn công vào tôn giáo và đất nước. Ông và vợ đã phải xin tị nạn tại Hòa Lan.
Năm 1997, một thiếu nữ Do Thái, Tatiana Soskin, đã bị bắt vì vẽ hình Tiên tri Muhammed mặt heo đang đọc kinh Koran. Hình vẽ đã tạo nên tình trạng căng thẳng giữa người Do Thái và Palestine.
Năm 1998, Ghulam Akbar, tín đồ hệ phái Shia Muslim tuyên bố có vẻ như chống lại Muhammed đã bị tòa Rahmyar Khan tuyên án tử hình theo điều 295 bộ hình luật Pakistan.
Năm 2000, Tòa án Lahore, theo điều 295 (a, c) và 298 của hình luật Pakistan, tuyên án tử hình và 35 tù dành cho Hasnain Muhammad Yusurf Ali. Lý do: ông này đã làm mất thanh danh tên gọi của Tiên tri Muhammed.
Năm 2001, tuần báo Mỹ, Time đã đăng hình Muhammed với Tổng Lãnh Thiên thần Gabriel đang chờ thông điệp của Thiên Đế. Hình này cũng bị dân Hồi ở Kashmir biểu tình chống đối và báo Time đã phải xin lỗi.
Năm 2002 có ba vụ:
-Hashem Aghajari thuộc Hàn Lâm Viện Iran trong bài thuyết trình có đề cập tới sự thách thức của người Muslim là hãy tự chế, đừng quá mù quáng tin theo giới đạo sĩ. Bài thuyết trình của ông như khiêu khích thế giới Hồi giáo và ông bị kết án tử hình vào tháng 12-2002 vì tội chống lại Muhammed.
-Isioma Daniel, nhà báo người Nigeria đã làm cho dân Muslim tức giận. Nguyên do: trên báo This Day ông viết rằng: Tiên tri Muhammed đồng ý về cuộc thi Hoa Hậu Thế Giới (Miss World) và có thể đã chọn một thí sinh làm vợ. Bài báo gây nên cuộc xung đột giữa Ki-tô hữu và Muslim. Hậu quả đưa tới cái chết cho khoảng 200 người. Nhà báo Daniel bị lên án tử hình và phải trốn khỏi Nigeria. Vì bạo động xẩy ra, cuộc thi Hoa Hậu Thế giới năm 2002, thay vì được tổ chức tại Nigeria, đã phải chuyển qua Anh quốc.
-Doug Marlette, nhà báo được giải thưởng báo chí Pulitzer đã cho đăng bức hình Tiên tri Muhammed cỡi xe ngựa với trái hỏa tiễn nguyên tử tấn công. Ông ta nhận được trên 4.500 điện thư (email) của người Muslim, trong đó có một số điện thư lên án tử hình hoặc sẽ biến ông thành người tàn phế.
Năm 2004: nhà sản xuất phim và bình luận gia báo chí người Hòa Lan, ông Theo Van Gogh, đã bị ám sát trên đường phố vào ngày 2.11.2004. Hậu quả đưa tới cái chết bất ngờ bắt nguồn từ sự kiện vào năm 2003, ông đã thực hiện một phim ngắn 10 phút, phim "Submission part 1" (Tùng Phục). Phim này có nội dung nó phê bình sự hành hung và ngược đãi phụ nữ trong thế giới Hồi giáo. Hình người phụ nữ mặc áo đen mỏng manh trông rõ cả ngực và thân hình, cùng với những dòng chữ từ kinh Koran viết trên thân mình… theo dân Muslim là sự phỉ báng đạo Islam. Ngoài ra, Van Gogh cho rằng đạo Islam là "Tôn Giáo Không Dung Thứ." Chính vì vậy mà dân Muslim tại Hòa Lan đã biểu tình chống đối. Người phụ nữ trong phim, bà Ayaan Hirsi Ali 36 tuổi, gốc Somalia, hiện là dân biểu, cũng bị đe dọa giết chết. Chính phủ Hòa Lan đã phải bảo vệ an ninh đặc biệt cho bà. Ngày 21.11.2005, bà Ayaan Hirsi Ali đã bí mật tới Đan Mạch nhân vụ ra mắt tác phẩm "Tôi Tố Cáo." Bà được sự bảo vệ chặt chẽ của cục an ninh và tình báo "PET" của Đan Mạch. Nhưng khi trở về Hòa Lan, trên phi cơ và sau ghế bà ngồi, chiêu đãi viên hàng không phát giác có hai thanh niên người Trung Đông lạ mặt đáng nghi ngờ, nên đã gọi cho cảnh sát mời xuống điều tra.
Năm 2005 có hai vụ:
- Tháng 2.2005, bảo tàng viện Varldskulturmuséet ở Goteborg của của Thụy Điển cho trưng bày bức tranh "Màn cảnh tình yêu" (Scène d’ Amour) do Louzla Darabi vẽ. Bức tranh là một phần trong cuộc triển lãm tranh về HIV/ AIDS và vẽ lại một người đàn ông và người phụ nữ đang giao hợp. Họa sĩ và giám đốc bảo tàng viện bị một vài người Muslim đe dọa giết chết. Sự phẫn nộ ở chỗ trên bức hình có lời trích dẫn từ Kinh Koran đề ở góc. Một số người khác thì cảnh cáo họa sĩ hãy coi gương Theo van Gogh và Hirsi Ali ở Hòa Lan.
- Tháng 4.2005, Nhật báo khổ ngắn Aftonbladet của Thụy Điển đăng tin về việc Runar Sogaard, trong bài thuyết giảng đã nghi ngờ Tiên tri Muhammed là người xâm phạm tình dục trẻ em. Lời nói của ông này, nếu tìm hiểu lịch sử đạo Hồi, thì nó có liên quan tới vụ Muhammed đã hứa hôn với cô bé Aisha lúc mới 7 tuổi. Không chỉ vậy, Sogaard nói hài hước cả về Đức Giê-su và Đức Phật Thích Ca. Ông bị người Muslim đe dọa giết chết, nên đã lên TV xin lỗi về chuyện khôi hài của mình. Nhưng một số người Muslim không dung tha và án tử hình do một đạo sĩ Phi châu đưa ra vẫn còn hiệu lực.
* Theo đạo thì không được vẽ hình ảnh về Tiên tri Muhammed. Nhưng thực tế cho thấy hình Tiên tri Muhammed từng được bán trên đường phố ở thủ đô Teheran. Bằng chứng là năm 1999, Indvild Flaskerud, người Na Uy và là nhà nghiên cứu về tôn giáo đã mua được tấm hình lớn (plakat) của Tiên tri Muhammed bán trên đường phố ở Iran. Như vậy, vấn đề in hình ảnh của Tiên tri và bán trong tiệm buôn hay trên đường phố không hẳn bị cấm đoán ở Iran. Có thể có sự khác biệt giữa hai hệ phái Shia và Sunni.
2- Đối Với Thiên Chúa Giáo:
Có 8 trường hợp hình vẽ, phim ảnh và sách báo của ngoại quốc được phổ biến trong những năm gần đây đã xúc phạm tới Thiên Chúa giáo. Vì giới hạn của bài viết, chúng tôi không đề cập tới trong dịp này.
3- Đan Mạch và Thập Tự Giá Có Bị Người Muslim Xúc Phạm Không?
Những người Muslim hay Ki-tô hữu chân chính thì không hành động sai với đạo giáo. Chỉ mộït thiểu số, vì không hiểu biết, nên có hành động chưa đúng.
Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi xin kể lại câu truyện về lịch sử Quốc Kỳ Đan Mạch.
Theo sách lịch sử Đan Mạch có đoạn nói về Quốc kỳ và Thập Tự Giá như sau:
"… Trong cùng năm đó vua Valdemar Sejr đăng quanq có 16 tàu với chiến binh người Estland xuất phát từ đảo Osel ngoài lãnh thổ Estland nhắm hướng Đan Mạch. Những nước, kể từ vụ Blekinge, nơi mà họ tàn phá và hủy hoại toàn thể Listerland. Năm 1206, vua Valdemar Sejr và Anders Sunesen đem một đạo quân Thập Tự Đông tiến để cải dân Estland trở lại đạo Ki-tô và ngăn ngừa những cuộc phá phách từ mạn này, và các ngài đã chiếm được Osel và Dago. ĐGH Honorius III cho phép vua Valdemar Sejr được đặt các nước tà giáo mà vua chiếm được dưới quyền cai trị của vương quốc Đan Mạch và giáo hội Đan Mạch. Năm 1219, một đạo quân Thập Tự hùng hậu được điều động đánh Estland. Có thể nói sự nhiệt tình của cả nước Đan Mạch đối với đạo quân thật lớn lao, vì nó được coi là một cuộc thánh chiến. Người ta không chỉ chuẩn bị thao dượt vũ khí mà còn cầu nguyện và ăn chay.
Vào mùa Hè, vua Valdemar và Sunesen đem quân vượt qua biển Đông với hạm đội có 500 chiếc tàu và tiến lên lãnh thổ ngày nay là Tellinn. Tại đây cũng là trận Volmer có tính cách quyết định, ngày 15 tháng 6, vào lúc tờ mờ tối trại binh Đan Mạch bị quân đội Estland tấn công. Chính trong trận chiến này lá cờ biểu tượng quốc gia Đan Mạch khai sinh. Theo truyện thần thoại thì TGM Anders Sunesen giáo phận Lund giữa lúc giao tranh đứng thẳng, mặt hướng lên trời và giơ hai tay lên cầu nguyện. Bao lâu ngài giữ tay giơ cao, quân Đan Mạch thắng lợi. Khi ngài mỏi tay và hạ xuống thì quân Estland lại thắng. Khi các linh mục khám phá được điều này, các ngài vội chạy tới đỡ tay TGM.
(*) Bất ngờ một lá cờ đỏ với Thập Tự Giá mầu trắng từ trời rơi xuống, và người ta nghe được tiếng Chúa: "Hãy giơ cao cờ lên, các con sẽ chiến thắng!" Và dưới lá cờ này, người Đan Mạch đã thắng trận. Người ngoại đạo Estland phải đầu hàng và chịu rửa tội.
Câu truyện này ngờ ngợ giống sự tường thuật trong Kinh Thánh Cựu Ước, sách thứ 2 của Mô-sê, Xuất Hành, đoạn 17, câu 8-16, nói về dân Do Thái giao chiến với dân A-ma-lếch. Thực tế thì lá cờ là quà của ĐGH Honorius III tặng. Nhưng khắp nơi, kể từ sau sự kiện trên nó trở thành biểu tượng của Đan Mạch. (Valdemar Sejr, Anders Sunesen og Dannebrog af Mads Kierkegaard)
Lịch sử trên đây xác định Thập Tự Giá trên quốc kỳ Đan Mạch là một biểu tượng không chỉ có ý nghĩa về niềm hào hùng của đất nước, mà còn là biểu tượng của niềm tin Ki-tô giáo. Nó không là một tấm vải bình thường với hai ba mầu lòe loẹt hay với một hai dấu hiệu tượng trưng nào đó. Vì thế, hành động đạp và đốt cờ Đan Mạch, nói một cách khách quan, cũng xúc phạm tới dân Đan và đạo Chúa. Giám mục Tin Lành, Karsten Nissen, thuộc giáo phận Aalborg trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền thanh đã phát biểu: "Thập Tự Giá là một biểu tượng hùng mạnh Ki-tô Giáo. Với tư cách một người Đan Mạch và Ki-tô hữu, nhìn quốc kỳ bị đốt như vậy, tôi cũng muốn nổi loạn! "
Như vậy, khi người Muslim nhìn hí họa về Tiên tri Muhammed và người Ki-tô khi nhìn quốc kỳ có Thập Tự Giá bị đạp và đốt thì hãy bình tâm suy nghĩ.
(*) Để hiểu rõ hơn về câu truyện cờ Đan Mạch, chúng tôi xin trích đoạn sách Cựu Ước (Xh 17: 8-16) có liên quan tới sự kiện nêu trên:
"Giao chiến với nguời A-ma-lếch". "... 8-A-ma-lếch đến đánh Ít-ra-en tại Rơ-phi-đim. 9-Ông Mô-sê bảo ông Giô-suê: "Anh hãy chọn một số người, và ngày mai ra đánh A-ma-lếch. Còn tôi, tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm cây gậy của Thiên Chúa." 10-Ông Giô-suê làm như ông Mô-sê đã bảo: ông đã giao chiến với A-ma-lếch, còn các ông Mô-sê, A-ha-ron và Khua thì lên đỉnh đồi. 11-Khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì A-ma-lếch thắng thế. 12-Nhưng ông Mô-sê mỏi tay, nên người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông A-ha-ron và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên. 13-Ông Giô-suê đã dùng lưỡi gươm đánh bại A-ma-lếch và dân của ông ta. 14- Đức Chúa phán với ông Mô-sê: "hãy chép lại việc này vào sách để lưu niệm và hãy nói vào tai Gio-suê rằng: Ta sẽ xóa hẳn tên tuổi A-ma-lếch, khiến cho thiên hạ không còn nhớ đến nó nữa." 15-Ông Mô-sê dựng một bàn thờ và đặt tên là: "Đức Chúa, cờ trận của chúng tôi." 16-Ông nói: "bởi vì một bàn tay đã giơ lên chống lại ngai của Đức Chúa, nên có chiến tranh giữa Đức Chúa và A-ma- lếch từ đời nọ đến đời kia."
(Kinh Thánh trọn bộ, Cựu Ước và Tân Ước, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch)
4- Đức Giê-Su Có Bị Xúc Phạm Tại Đan Mạch Không?
Quí độc giả sống ngoài Đan Mạch chắc sẽ không thể nào tưởng tượng được một quốc gia lấy Thiên Chúa Giáo Tin Lành làm quốc giáo mà để cho một người Đan, Jens Jorgen Thorsen (sinh: 2.2.1932 tại Copenhagen), vẽ hình Đức Giê-su trần truồng… tại nhà ga xe lửa Birkerôd vào năm 1984. Không chỉ thế, Jens Jorgen Thorsen còn thực hiện một cuốn phim về Đức Giê-su. Lịch sử cuốn phim bắt đầu từ ngày 5.7.1973, Viện Phim Ảnh Đan Mạch (Det Danske Filminstitut) đã tài trợ cho Jens Jorgen Thorsen 600.000 kroner để thực hiện phim: "Chúa Giê-su Trở Lại" (Jesus vender tilbage – tiếng Anh: The Return), trong đó có phần nhạo báng đạo. Khoảng 5.000 người đã xuống đường biểu tình chống đối tại thủ đô Copenhagen. Ngày 2.7.1975, phim này bị đình chỉ vì nội dung mang tính chất xúc phạm tới Kinh Thánh. Nhưng đạo diễn không bị truy tố ra tòa. Phim không thực hiện; nhưng cốt truyện phim được dịch ra Anh ngữ và dịch qua tiếng Đan có tên "Thorsens Jesusfilm: en uforkortet oversaettelse til Dansk" vào năm 1975. Như một sự thách thức mới, ngày 27.6.1989, Viện Phim Ảnh Đan Mạch lại cung cấp cho Jens Jorgen Thorsen 3,5 triệu để thực hiện cuốn phim trên và phim được chiếu công khai tại Đan Mạch kể từ ngày 13.3.1992. Nội dung phim nói về Chúa Giê-su trở lại trái đất, nhưng Giáo Hội không vui vẻ nhìn lại Đấng Cứu Thế. Ngài hoang mang về cảnh vật, trong đó có chủ nghĩa khủng bố ngày nay. Ngài lại yêu một nữ khủng bố viên trên đường cùng đi Ba Lê v.v… Vì là một phim nhạo báng đạo, nên khán giả dĩ nhiên không có bao nhiêu người coi. Ngày 15.11.2000, Jens Jorgen Thorsen chết tại Thụy Điển và cuốn phim cũng chìm vào quá khứ.
Người ta cũng không thể tưởng tượng được ở một quốc gia lấy Thiên Chúa Giáo Tin Lành làm quốc giáo, khi một người dân xúc phạm tới Chúa Giê-Su mà chính quyền và giáo hội cũng không can thiệp, không cấm chiếu phim hay truy tố ông ta ra tòa án về tội phạm thượng! Như vậy đủ thấy rằng, về phương diện trần tục, cái quyền tự do ngôn luận và báo chí của Đan Mạch quả đứng hàng đầu thế giới! Nhưng về lãnh vực tôn giáo thì nhiều tín hữu than rằng cái tự do xúc phạm đến Thiên Chúa đã vượt ra ngoài biên giới của tự do!
Ngoài chuyện phạm thượng nêu trên, siêu thị Hvickly trong năm 2003 có bày bán những đôi dép Nhật được mang vào mùa Hè, trên đó người ta vẽ hình gia đình Thánh Gia gồm: Đức Giê-su, Mẹ Maria và Thánh Giu-se. Thế mà chính phủ không ra lệnh thu hồi, hàng giáo phẩm và giáo dân chỉ phản đối đại khái trên báo chí. Không cơ quan công quyền hay giáo quyền nào đưa ra biện pháp truy tố hay trừng phạt. Cuối cùng, ngày 12.5.2003, phó Hội đồng Giáo xứ Vordingborg kiện siêu thị Kvickly ra tòa về tội xúc phạm tới tôn giáo. Vì bị báo chí phê bình và quần chúng bất mãn, (báo Công Giáo "Katolsk Orientering" cũng đăng lại hình ảnh), nên siêu thị Kvickly tự dẹp loại dép xúc phạm tới Thiên Chúa của chính đất nước mình. Không có cuộc biểu tình bạo động hay tấn công siêu thị này.
5- Quan Điểm Của Tòa Thánh Vatican
Về phương diện đạo đức thì bất cứ một sự xúc phạm nào đối với các tôn giáo và bạo động chống lại Tôn giáo đều bị Tòa Thánh Vatican lên án. Trong biến cố vừa qua, Tòa Thánh đã phát biểu như sau:
Trong một bản tuyên cáo chính thức được đưa ra ngày 4.2 liên quan đến các bức biếm họa Hồi Giáo, Tòa Thánh Vatican tuyên bố: "Tự do ngôn luận không có nghĩa là được quyền xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của các tín hữu." Bản tuyên cáo cũng đưa ra lời kêu gọi mọi phía hãy chung sống trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Bản tuyên cáo không công khai nhắc đến những bức tranh châm biếm xuất hiện trên một số báo chí ở Âu Châu, nhưng Tòa Thánh lên án tư tưởng phê bình châm biếm gây phẫn nộ cho người khác. Đường lối đó là một hành động khiêu khích không chấp nhận được.
Tòa Thánh cũng đưa ra những lời lẽ phê bình tế nhị đối với các người quá khích Hồi Giáo. Bản tuyên cáo viết: "Những xúc phạm đó là do một cá nhân hay nhóm truyền thông gây ra không thể quy tội cho tất cả những cơ chế công cộng của quốc gia liên hệ. Do vậy những hành đồng bạo lực để phản kháng cũng là điều đáng tiếc".
Bản tuyên cáo kết luận: " Bạo động bằng lời nói hay hành động, cho dù xuất phát từ đâu cũng là mối đe dọa cho nền hòa bình."
Trả lời cuộc phỏng vấn cơ quan truyền thông I Media, Đức TGM Michael Fitzgerald tuyên bố các nhà lãnh đạo Kitô Giáo cũng như Hồi Giáo phải tìm cách làm giảm thiểu mối căng thẳng gây ra do vụ tranh châm biếm này. Ngài cũng nhắc đến vụ sát hại một linh mục ở Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày Chúa Nhật mùng 5.2 vừa qua là một dấu chỉ cho thấy cần phải nghiêm chỉnh kính trọng những giá trị tôn giáo và xã hội.
Đức TGM Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn nói thêm: "Tự do ngôn luận phải được sử dụng có trách nhiệm và phản ứng của Thế Giới Hồi Giáo như thế cũng là không xứng hợp."
Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý Và Hòa Bình vừa đưa ra bản tuyên bố có nội dung chỉ trích những người có hành động bất kính đem Hồi Giáo ra chế diễu. Đồng thời bản tuyên cáo cũng nói Hồi Giáo nên đáp lại tình đoàn kết của người Kitô Giáo đối với những anh chị em Hồi Giáo bị xúc phạm." ĐHY Renato Martino, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình còn đưa ra nhận định rằng vì vụ tranh biếm họa mà các giáo sĩ Công Giáo trở thành mục tiêu trả thù của người Hồi Giáo. Các giáo sĩ đó là những người những đem đời sống tôn giáo ra để bác nhịp cầu đối thoại và kiến tạo hòa bình cho thế giới.
Bản tuyên cáo của Hội Đồng Tòa Thánh được đưa ra đúng lúc thành phố Roma chuẩn bị tổ chức tang lễ cho cha Andrea Santoro, nhà truyền giáo người Ý bị một kẻ quá khích người Thổ Nhĩ Kỳ sát hại. Chính hung thủ đã nói với hãng truyền hình ở thủ đô Ankara rằng hắn giết vị linh mục để phản đối bức biếm hoạ vị tiên tri Mohammed. Ngoài vụ này, Hội Đồng Tòa Thánh cũng muốn kín đáo nhắc tới vụ nhóm thanh niên quá khích đột nhập nhà dòng Phan Xi Cô ở Thổ Nhĩ Kỳ, bóp cổ một linh mục và đe dọa giết các vị khác.
Vào ngày 10.2, khi trả lời cuộc phỏng vấn nhật báo Il Giornale phát hành ở Ý, đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các vụ bạo động đang xảy ra trên khắp thế giới Hồi Giáo là do sự xếp đặt lèo lái của những kẻ quá khích. (theo các tin đăng trên Vietcatholic)
Kết luận
Những sự kiện trên đây cho thấy các hình vẽ xúc phạm hay không xúc phạm tới tôn giáo; xúc phạm nghiêm trọng hay không, phản đối nhiều hay ít, là tùy theo quan niệm và quyền tự do tại mỗi quốc gia. Sự phản ứng mạnh mẽ hay nhẹ nhàng cũng tùy thuộc mức độ dân trí của từng nơi. Cái khó của dân chúng trên thế giới ngày nay là làm sao sống hòa đồng và hòa bình trên một trái đất, ngày càng gia tăng dân số với các nền văn hóa khác nhau và sự phát triển mạnh mẽ của ngành truyền thông. Ngày xưa một sự kiện xẩy ra tại nước nào thì chỉ dân nước đó hay. Ngày nay, một sự kiện quan trọng xẩy ra tại một quốc gia thì cả thế giới đều biết. Chính vì vậy mà hận thù hay phẫn nộ về một vấn đề nào đó sẽ bộc phát trên toàn thế giới nhanh chóng không thể tưởng tượng được. Vì vậy, các nhà lãnh đạo chính quyền và tôn giáo cần tìm hiểu lịch sử văn hóa và đề cao cảnh giác. Nếu không, một cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu không lường được sẽ xẩy ra!
IRAN KHIÊU KHÍCH THẾ GIỚI BẰNG QUYẾT ĐỊNH TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Thế giới ngày nay đang đứng trước viễn tượng sẽ bị tiêu hủy một phần hay toàn phần vì vũ khí nguyên tử. Các cuộc thảo luận giữa Hoa Kỳ, Nga Sô, Trung Quốc và Bắc Hàn nhằm khuyến khích Bắc Hàn ngưng phổ biến chương trình phát triển vũ khí nguyên tử chưa đi tới hồi kết thúc, thì bất ngờ tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad, khiêu khích thế giới bằng quyết định tiếp tục phát triển năng lượng nguyên tử. Ngày Chúa nhật 8.1.2006, bộ trưởng ngoại giao Iran, Hamid Reza Asefi, tuyên bố Iran đã tháo bỏ các dấu niêm phong của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc Tế (IEIA) và sẵn sàng bắt đầu chương trình nghiên cứu và phát triển năng lượng nguyên tử kể từ ngày thứ hai 9.1.2006.
Những người không quan tâm về sự tiêu diệt nhân loại do bom nguyên tử gây nên thì thắc mắc: tại sao một quốc gia độc lập tự chủ lại không có quyền phát triển năng lượng nguyên tử để thay thế dầu hỏa, hơi đốt và than đá?
Để đi sâu vào vấn đề, chúng tôi sẽ trình bày các điểm đáng quan tâm sau đây:
I- VIỆC CHẾ TẠO VÀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ
Trước tình trạng ngày càng hiếm hoi và giá dầu hỏa và hơi đốt trên thị trường thế giới gia tăng tới mức độ đáng lo ngại; trước sự ô nhiễm môi trường ngày càng lớn lao và những trở ngại trong việc khai thác mỏ quặng than đá v.v… quốc gia văn minh nào cũng nghĩ tới chương trình phát triển năng lượng nguyên tử, để không bị lệ thuộc một phần hay toàn phần về nhiên liệu, mà các nước dầu hỏa Trung Đông thường hay làm áp lực hầu đòi hỏi một vấn đề nào đó về chính trị, kinh tế hay tài chánh.
a)- Tiến Trình Phát Triển Năng Lượng Nguyên Tử
Muốn xây dựng một nhà máy nguyên tử phụng sự hòa bình hay chế tạo bom nguyên tử, người ta phải thực hiện từng bước các công việc như sau:
- Khai thác mỏ quặng Uranium (mining),
- Chế biến (conversion),
- Chuyển hóa (hay làm giầu) Uranium trong lò phản ứng (enrichment – reactor)
- Chế bom nguyên tử (atom bomb)
- Tái chuyển hóa từ lò phản ứng (reprocessing)
- Chế tạo bom khinh khí (plutonium bomb)
b)- Phản ứng phân tán dây chuyền các nguyên tử
Một miếng đồng (Cu) hay Uranium (U) nếu không có kỹ thuật khoa học biến chế thì nó cũng chỉ là một miếng kim loại bình thường. Vì thế, không phải quốc gia nào cũng có khả năng phát triển năng lượng và vũ khí nguyên tử. Chỉ có các quốc gia mà khoa học kỹ thuật đã đạt tới trình độ cao và có khả năng tài chánh, mới có thể thực hiện công trình chuyển hóa nguyên tử Uranium qua từng giai đoạn và để sử dụng trong nhiều lãnh vực khác nhau. Cũng không phải bất cứ Uranium nào cũng có thể chuyển hóa thành năng lượng nguyên tử. Thực ra, chỉ có Uranium 235 mới sử dụng có hiệu quả trong lãnh vực này. Tuy nhiên, trong số 1.000 nguyên tử Uranium xuất hiện tự nhiên chỉ có 7 nguyên tử loại U-235 chuyển hóa được, số còn lại 993 sẽ đậm đặc thành U-238. Sự phát nổ kinh khủng của một trái bom nguyên tử có được là do sự phát nổ của các nguyên tử và phân tử theo hệ thống tự phân tán và phát nổ dây chuyền.
Giai đoạn 1:
1 nguyên tử (atom) Uranium 235 có 4 phân tử (neutron) và 2 phân tử phân tán khác (fission fragment) như: Kr (Krypton), Cs (Cesium), Rb (Rubidium), Xe (Xenon) hay Sr (Strontium) v.v..
Giai đoạn 2:
1 nguyên tử biến thành 2 nguyên tử và 8 phân tử, và 4 phân tử phân tán.
Giai đoạn 3:
1 nguyên tử biến thành 4 nguyên tử, 16 phân tử, và 8 phân tử phân tán. Và cứ thế tiếp tục gia tăng số lượng nguyên tử và phân tử.
Như vậy năng lượng nguyên tử dựa trên căn bản phân tán 1 nguyên tử bằng cách bắn (bombardment) 1 phân tử vào nó. Nguyên tử U-235 không chỉ phân tán mà còn phát sinh 2 hay 3 phân tử nữa; và các phân tử này lại bắn vào các nguyên tử khác tạo nên sự phản ứng phân tán dây chuyền. Khi một nguyên tử phân tán, nó sẽ tạo nên một số lớn năng lượng. Số năng lượng này được giữ lại và kiểm soát để sử dụng trong các nhà máy phát điện hay chuyển hóa để chế tạo bom nguyên tử.
Về giá cả thì năng lượng nguyên tử tốn có 2,26 xu / kilô Watt. Trong khi hơi đốt giá 3,64 và than đá 3,33 xu (pence). Đó là lý do các quốc gia tiên tiến muốn phát triển năng lượng nguyên tử để không bị lệ thuộc về lãnh vực nhiên liệu.
Tuy nhiên, các lò nguyên tử có thể trở thành các "lò sát sinh" vì phóng xạ (radioactive) của nó. Khi các thiết bị của nhà máy bị hư hỏng hoặc các thùng chứa chất thải (radioactive waste) bị ăn mòn dần và tạo nên các lỗ hổng khiến phóng xạ bung ra ngoài. Ai cũng biết rằng không có loại thùng chứa nào có thể bảo đảm an toàn suốt đời. Vì thế, bảo vệ các chất thải phóng là một vấn đề khá khó khăn và nguy hiểm. Ngoài việc gây nên chết chóc về kỹ thuật, người ta còn lo ngại một khi quân khủng bố mua được các chất thải này để chế tạo bom nguyên tử thì đúng là tai họa cho nhiều quốc gia. Thảm họa Chernobyl của Sô Viết trước đây là một trường hợp cảnh báo nhân loại không biết lúc nào sẽ bị hủy diệt vì bom nguyên tử.
2- DIỄN TIẾN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NGUYÊN TỬ CỦA IRAN:
Bất cứ quốc gia nào cũng muốn trở thành cường quốc cả về kinh tế lẫn quân sự. Muốn có sức mạnh vô địch hay làm cho địch thủ phải kiêng nể, không gì bằng sức mạnh bom nguyên tử. Iran là một trong số các quốc gia đông dân nhất tại Trung Đông, có 69 triệu người với diện tích 1.648.000 cây số vuông và trữ lượng dầu hỏa đứng hàng thứ hai trong vùng, nên chính quyền Iran nào cũng muốn nước mình trở thành cường quốc. Chính vì thế mà vua Riza Shah Pahlavi đã yêu cầu chính phủ Pháp giúp đỡ chương trình phát triển năng lượng nguyên tử từ năm 1974. Tuy nhiên, chương trình này bị hủy bỏ sau cuộc cách mạng Islam do đạo trưởng Ayatollah Ruhollah Khomeini lãnh đạo và lật đổ vương quyền Shah vào ngày 17.1.1979. Sau cách mạng thành công và khi các ông Đạo nắm chính quyền, chương trình này được bí mật tiếp tục với mục tiêu chế tạo vũ khí nguyên tử vào năm 1984. Năm 2002, dân tị nạn Iran tiết lộ cho chính phủ Mỹ biết Iran có 2 cơ xưởng bí mật chế tạo nguyên tử. Sau đó chính phủ Iran đã xác nhận. Trước áp lực của thế giới và chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Iraq, Iran lo sợ một cuộc tấn công của Hoa Kỳ, nên đã phải chấp thuận cho phái đoàn thanh tra của IEIA đến kiểm soát và niêm phong các dụng cụ biến chế trong lò nguyên tử.
Tháng 9.2003 IEIA quyết định lên án Iran tiếp tục chương trình nguyên tử và ba quốc gia Anh, Đức, Pháp đại diện cho LHÂC đứng ra đàm phán với Iran về vấn đề ngưng chuyển hóa Uranium. Tháng 7.2004 Iran bị phát hiện đã xây dựng các lò ly tâm nhằm chuyển hóa Uranium để chế tạo bom nguyên tử. Tháng 3.2005, Anh, Đức, Pháp và Hoa Kỳ nhận thấy đàm phán với Iran không đi tới đâu, nên muốn đưa vấn đề ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Ngày 2.8.2005, Mahmoud Ahmadinejad,ï từng nhúng tay trong vụ bắt con tin tòa đại sứ Mỹ ở thủ đô Teheran vào năm 1979, đã thắng cựu tổng thống, đạo sĩ Akbar Hashemi Rafsanjani, trong cuộc bầu cử và trở thành tân tổng thống dân cử đầu tiên kể từ năm 1979. Sau khi nhậm chức, Mahmoud Ahmadinejad công khai tuyên bố sẽ hủy bỏ những hứa hẹn về việc đình chỉ chương trình phát triển năng lượng nguyên tử. Ngày 10.8.2005, Cơ quan IEIA hủy bỏ cuộc họp với Iran với lý do nước này đã tháo gỡ các dấu niêm cấm sử dụng phương tiện chuyển hóa Uranium ở lò nguyên tử Isfahen. Ngày 1.10.2005, Mahmoud Ahmadinejad lại đe dọa sẽ phong tỏa dầu hỏa, nếu HĐBA/LHQ quyết định phong tỏa kinh tế Iran. Ngông cuồng hơn nữa, ngày 25.10.2005, TT. Iran tuyên bố Do Thái sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Ngày 2.1.2006, Iran từ chối đề nghị của Nga Sô về việc giúp chuyển hóa Uranium trên đất Nga. Ngày 9.1.2006, Iran tuyên bố sẽ tháo gỡ dấu niêm của IEIA tại các lò nguyên tử và quyết định tiếp tục thực hiện chương trình nguyên tử của mình. Theo tin tức tình báo thì ngày nay Iran có thể đã sản xuất được 5.000 máy ly tâm đang được chôn dấu sâu dưới đất ở lò nguyên tử Natanz. Các máy ly tâm sẽ được dùng vào việc làm giầu Uranium.
Trước sự tráo trở của chính phủ Iran, ngày 12.1.2006 Bộ trưởng Ngoại giao của Anh (Jack Straw), Đức (Frank Walter Steinmeier) và Pháp (Philip Douste Blazy), cùng với Javier Solana, điều hợp viên ngoại giao của LHÂC tuyên bố với báo chí là thời gian đã đến lúc HĐBA/LHQ phải cưỡng bức Iran thi hành quyết định của IEIA.
Trong cuộc thăm viếng Hoa Kỳ ngày 13.1.2006, nữ thủ tướng Đức, Angela Merkel, và tổng thống George W. Bush cùng lên án hành động của Iran và muốn giải quyết vấn đề trên căn bản ngoại giao, mặc dù trước đây chính phủ Mỹ cảnh cáo có thể dùng biện pháp quân sự.
Trước áp lực của LHQ, Hoa Kỳ và LHÂC, ngày 13.1.2006, tổng thư ký LHQ, Kofi Annan tuyên bố là chính quyền Iran vẫn còn muốn thương lượng với LHÂC có giới hạn.
3- TẠI SAO IRAN MUỐN CHẾ TẠO BOM NGUYÊN TỬ?
3.1-Thù hận xưa
-Iran đã bị Iraq tấn công trong thập niên 1980, có bom nguyên tử trong tay, Iran sẽ không còn sợ Iraq hay bất cứ địch thủ nào trong vùng.
-Iran cũng như các quốc gia Ả Rập vùng Trung Đông không chấp nhận một quốc gia Do Thái tồn tại trong lòng Ả Rập. Các cuộc chiến năm 1948, 1967 và 1973 là bằng chứng chứng minh các nước trong vùng muốn hủy diệt Do Thái. Nhưng với sự trợ giúp của Hoa Kỳ và khối người Do Thái ở Mỹ, Do Thái đã chiến thắng oanh liệt cả ba trận chiến và đã chế tạo được bom nguyên tử để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia mình. Ba cuộc chiến chống Do Thái của của nước Ả Rập đều bị thất bại và nay thì không nước nào dám khai chiến với Do Thái khi chưa có vũ khí nguyên tử.
-Năm 1981, không quân Do Thái đã oanh kích và phá hủy lò phản ứng nguyên tử của Iraq tại Osirag. Nguyên nhân khiến Do Thái phải hành động được giải thích là vì chiến lược trong vùng và vì Iraq ủng hộ các tổ chức khủng bố người Palestine. Sự tấn công vào một nước Islam của Do Thái như một sự khiêu khích các quốc gia Ả Rập, trong đó có Iran. Mới đây, Do Thái cũng cảnh cáo sẽ tấn công lò phản ứng nguyên tử của Iran, nếu nước này nuôi mộng phát triển vũ khí nguyên tử. Do Thái sợ rằng, khi Iran có bom nguyên tử thì chỉ cần một trái bom 100 Megaton cũng đủ hủy diệt toàn bộ quốc gia Do Thái. Iran sẽ trở thành cường quốc nguyên tử và có uy quyền nhất tại vùng Trung Đông, một vị trí mà chính quyền Iran nào cũng mong muốn.
3.2- Mộng bá quyền Trung Đông?
Trước sự bất mãn của Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ, ngày 13.1.2006, Iran vẫn khiêu khích bằng đe dọa sẽ không hợp tác với IAEA nếu vấn đề của Iran bị đưa ra trước HĐBA/ LHQ; và nếu bị trừng phạt bằng biện pháp phong tỏa kinh tế. Ngày 14.1.2006, tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad vẫn cương quyết giữ vững lập trường là Iran có quyền phát triển năng lượng nguyên tử mà không quốc gia nào có thể ngăn cản.
Đây là lần thứ hai Iran tháo gỡ các dấu niêm của IAEA. Tháng 8 năm ngoái Iran đã tháo gỡ các dấu niêm tại lò nguyên tử Isfahan và năm nay ở Natanz để tái chuyển hóa Uranium. Bề ngoài Iran tuyên bố là để sản xuất nhiệt điện; nhưng theo LHÂC và Hoa Kỳ thì mục tiêu xa của Iran là chế tạo bom nguyên tử. Nguyên nhân rất dễ hiểu là Iran có trữ lượng dầu hỏa lớn thứ nhì tại Trung Đông thì không có lý do gì cần thiết phải thiết lập nhà máy sản xuất năng lượng nguyên tử để thay thế dầu hỏa, hơi đốt và than đá.
-Iran đã chiến tranh với Iraq trong thập niên 80 và tiếp tục ủng hộ các tổ chức khủng bố chống Do Thái như: Hezbullah ở Lebanon, Jihad và Hamas tại Palestina. Tại Iraq người Muslim hệ phái Shia chiếm tới 60% dân số, có nghĩa Iran có thể khống chế cả về chính trị, kinh tế và dầu hỏa của Iraq trong tương lai. Như vậy Iran sẽ là nước cung cấp dầu hỏa quan trọng thứ hai trong vùng. Với ưu thế này, Iran có thể làm áp lực với bất cứ quốc gia nào dám chống đối mình.
-Iran muốn bành trướng đạo Islam hệ phái Shia. Iran đã từng xung đột với Ả Rập Saudi và cạnh tranh về đất thánh Mecca, nơi hàng năm có cả 2 triệu người Muslim hành hương. Muốn trả thù hay chứng tỏ mình là một quốc gia có quyền lực trong vùng, cả về trần thế lẫn đạo giáo, Iran cần có sức mạnh nguyên tử.
-Bắc Hàn là một gương xấu đối với thế giới. Khi Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử rồi và không tôn trọng các khuyến cáo của IEIA, thì kể cả siêu cường quốc số một của thế giới là Hoa Kỳ cũng không dám biểu lộ hành động cưỡng bức, mà phải "năn nỉ" Bắc Hàn ngồi vào bàn hội nghị. Lấy trường hợp Bắc Hàn làm kinh nghiệm, Iran ngày càng tỏ ra cứng rắn trước Hoa Kỳ, LHÂC và LHQ.
4- CÁC QUỐC GIA HIỆN CÓ VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ
Hiện nay trên thế giới chỉ có các quốc gia sau đây có vũ khí nguyên tử gồm: hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử và bom nguyên tử.
-Hoa Kỳ: 10.500 (thử lần đầu năm 1945)
-Nga Sô: 18.000 (1949)
-Anh quốc: 200 (1952)
-Pháp quốc: 350 (1960)
-Trung Cộng: 200 (1964)
-Ấn Độ: 60-90 (1974) –
-Hồi Quốc: 30-52 (1998)
-Bắc Hàn: 0-18.
-Do Thái: không công bố
Tại Trung Đông, ngoài Do Thái, chưa có quốc gia Ả Rập nào có vũ khí nguyên tử. Iran có thể trở thành nước đầu tiên trong vùng có vũ khí giết người hàng loạt. Như vậy, Iran sẽ là mối nguy cho Do Thái nói riêng và nhiều quốc gia nói chung. Khi Iran có vũ khí nguyên tử thì việc chuyên chở dầu hỏa ở vịnh Ba Tư có thể trở nên khó khăn, nếu Iran muốn tạo nên một sự xung đột với quốc gia nào. Kinh đào Suez của Ai Cập đã từng gây ra các cuộc khủng hoảng cả về chính trị và quân sự là một ví dụ cụ thể.
5- CÁC QUỐC GIA CÓ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ, NHƯNG ĐÃ KÝ HIỆP ƯỚC ĐÌNH CHỈ PHỔ BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ
Bạch Nga (Belarus) - Kazahkstan - Nam Phi - Á Căn Đình (Argentine) - Úc Đại Lợi - Ba Tây - Ai Cập - Iraq - Nhật Bản - Lybia - Ba Lan - Romania - Nam Hàn - Thụy Điển - Thụy Sĩ - Đài Loan - Nam Tư - Gia Na Đại - Ý Đại Lợi - Lithuania - Hòa Lan - Saudi Arabia.
KẾT LUẬN:
Muốn thấy tầm ngụy hại của một trái bom nguyên tử, người ta có thể nghiên cứu sức tàn phá của nó. Một trái bom nguyên tử 100 Megaton có sức công phá toàn bộ nhà cửa bằng gỗ và rừng cây trong phạm vi từ 100-169 cây số, tính từ vị trí bom rơi. Trên không thì hậu quả của nó là làm gián đoạn hệ thống truyền tin điện tử và dụng cụ bao trùm một khu vực rộng lớn. Dựa vào sự tàn phá của trái bom nguyên tử mà Hoa Kỳ thả xuống thành phố Hiroshima ngày 6-8-1945, người ta không khỏi kinh hoàng khi số người chết lên tới 78.000 và số bị thương 90.000 người. Vì sự tàn phá khủng khiếp như vậy nên ai cũng sợ bom nguyên tử và Hiệp ước Đình chỉ Phát triển Vũ khí Nguyên tử được LHQ khuyến khích là một quyết định cần thiết. Nhà bác học nguyên tử lừng danh thế giới, Niels Bohr, đã từng cảnh giác về tầm ngụy hại của bom này mà thế giới sẽ phải đối diện trong tương lai: "một thế giới hay hư vô" (One World or None)
Cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Đại Hàn
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Ngày 04.12.2005, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Nhà Cầm quyền Trung Cộng không tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh vào tuần tới tại thủ đô Kuala Lampur của Mã Lai. Cuộc họp tay ba này gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Đại Hàn nhằm tiếp tục thảo luận về chương trình đình chỉ sản xuất vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Trung Cộng chỉ tuyên bố đại khái là "không khí hiện nay" không thích hợp.
Để tìm hiểu nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này, chúng tôi sẽ trình bày các điểm sau đây.
I- HẬU QUẢ CỦA CUỘC CHIẾN TRANH TẠI Á CHÂU DO NHẬT BẢN GÂY RA
Ngược giòng lịch sử người ta thấy chủ nghĩa Quân phiệt của Nhật đã gieo bao tang tóc cho một số dân tộc Đông Nam Á trong cuộc chiến được mệnh danh là Đại Đông Á. Với khẩu hiệu "Châu Á của Người Á Châu", Chế độ Quân phiệt của Nhật đã lôi cuốn phần lớn tinh thần quật khởi dành độc lập từ Thực dân Tây phương tại các quốc gia trong vùng. Sự cường thịnh, đặc biệt về lãnh vực quân sự và kinh tế của Nhật Bản đã khiến cho các quốc gia Á Châu kính nể; trong đó có Việt Nam. Phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục của các nhà cách mạng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Cường Để là bằng chứng điển hình. Dựa vào sức mạnh quân sự ngang ngửa với Tây phương, Nhật Bản phát động chương trình xâm lăng một số các quốc gia và lãnh thổ Á Châu, điển hình là Hương Cảng, Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương, Tân Gia Ba, Triều Tiên, Trung Hoa và ba nước Đông Dương gồm Việt Nam, Căm Bốt và Lào.
Sức mạnh quân sự của Nhật Bản mạnh nhất vào các năm 1939-1941. Cuộc tấn công Đệ Thất Hạm Đội của Hải Quân Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng vào tháng 12.1941 cho thấy khả năng quốc phòng của Nhật Bản mạnh đủ để đối đầu với các quốc gia Tây phương và Hoa Kỳ. Nhưng sau hai trái bom nguyên tử của Hoa Kỳ thả xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15-8-1945. Thế Chiến II kết thúc, nhờ sự nâng đỡ của Hoa Kỳ, Nhật Bản từ từ phát triển và trở thành cường quốc kỹ nghệ số một tại Á Châu. Cuộc chiến tranh do Nhật Bản gây ra tại khu vực Đông Nam Á đưa tới hậu quả có khoảng 15 triệu người bị chết vào hai thập niên 1930-1940. Đối với Việt Nam thì tai nạn chết đói của khoảng 2 triệu người miền Bắc vào năm Ất Dậu 1945 là một bằng chứng. Để hàn gắn vết thương chiến tranh và xoa dịu nỗi đau thương của các dân tộc bị quân Nhật xâm chiếm, chính phủ Nhật đã bồi thường bằng các chương trình tái thiết hoặc viện trợ về kinh tế, văn hóa và xã hội. Đập thủy điện Đa Nhim của Việt Nam là một trường hợp điển hình.
Về khía cạnh giải phóng dân tộc thì sự thất bại của Nhật Bản lại là cơ hội tốt cho một số quốc gia đứng lên giành lại tự chủ hoặc các quốc gia Thực dân Tây phương phải tự ý trao trả độc lập. Miến Điện độc lập 1947, Lào năm 1949, Nam Dương 1945, Phi Luật Tân năm 1946…
Chiến tranh qua đi, nhưng hận thù khó quên. Chỉ một hành động sơ hở nào đó cũng có mãnh lực khơi lại đống tro tàn và gây nên các cuộc xung đột, nhẹ nhất là về quan hệ ngoại giao.
II- CUỘC KHỦNG HOẢNG NGOẠI GIAO GIỮA NHẬT BẢN, NAM HÀN VÀ TRUNG QUỐC
Cái không khí không lành mạnh về ngoại giao hiện nay phát xuất từ sự kiện Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đã tới thăm Đền Thờ Anh Hùng Tử Sĩ Yasukuni ở thủ đô Tokyo; nơi tôn kính hơn 2,5 triệu dân quân anh hùng của Nhật Bản đã hy sinh vì tổ quốc.
Nhưng tại sao đi thăm một Đền Thờ Anh Hùng Dân Tộc của Thủ tướng Nhật lại là cớ cho chính quyền Nam Hàn và Trung Cộng nổi giận?
Nguyên nhân 1:
Đối với Đại Hàn và Trung Quốc thì Đền Yasukuni là biểu tượng của Chủ nghĩa Quân phiệt và có tính cách khiêu khích các quốc gia đã hơn một lần bị quân Nhật xâm chiếm.
Đền Thờ Anh Hùng Tử Sĩ ban đầu mang tên Tokyo Shokansha hoặc Shokonjo (có nghĩa để tưởng nhớ các anh linh dân tộc) sau đổi thành Yasukuni Jinja (có nghĩa quốc gia hòa bình), được xây dựng vào năm 1869 dưới triều đại Hoàng Đế Meiji. Công trình xây dựng này nhằm ghi ơn các hiệp sĩ (Shogun) và chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường để bảo vệ vương quyền và đất nước từ năm 1853 tới 1945. Các anh hùng đã bỏ mình trong các cuộc chiến trong lịch sử gồm: cách mạng Satsuma, chiến tranh Trung-Nhật lần I, chiến tranh Nga-Nhật, Thế Chiến I, Biến Cố Mãn Châu, chiến tranh Trung-Nhật lần II và chiến tranh Thái Bình Dương. Đền tọa lạc ngay trung tâm Thủ đô và gần lâu đài của Hoàng Đế.
Nguyên nhân 2:
Vào năm 1978 chính phủ Nhật lại cho phép tôn kính 1.068 anh hùng (người Nhật coi như các Thánh Tử Đạo Showa) trong đó có Thủ tướng Hideki Tojo và 13 sĩ quan cao cấp đã bị Tòa án Quốc Tế, sau Thế Chiến II, kết án là tội phạm chiến tranh. Hài cốt hoặc di ảnh của các vị này đã được bí mật đưa vào Đền Yasukuni. Giới có thẩm quyền cai quản Đền Yasukuni không chấp nhận phán quyết của Tòa án Quốc tế về chiến tranh và lịch sử. Sách giáo khoa của Nhật về sự tàn ác của quân đội Nhật trong chiến tranh bị sửa đổi và tờ truyền đơn của Đền Thờ nhằm hướng dẫn tuổi trẻ có ghi: "chiến tranh thật là một bi kịch đã xẩy ra; nhưng nó cần thiết để bảo vệ độc lập của Nhật Bản và sự thịnh vượng chung với các nước láng giềng Á Châu. 1.068 người Nhật được tôn vinh tại đây đã bị kết án một cách sai lầm là tội phạm chiến tranh bởi Tòa án Đồng Minh."
Thực ra không chỉ các nam anh hùng mà có tới 57.000 nữ anh hùng cũng được tôn kính trong Đền này. Một trong các nữ anh hùng là xướng ngôn viên của dài phát thanh Maoka ở Karafuto (Sakhalin) đã tự sát ngày vào 20.8.1945, khi quân Sô Viết bất ngờ tấn chiếm vùng này sau Thế Chiến II. Trước khi chết nữ xướng ngôn viên đã nói: "Thưa quí thính giả, đây là lần phát thanh cuối cùng và chấm dứt của chúng tôi. Tạm biệt tất cả!"
Trước đây Thủ tướng Yasuhiro Nakasone cũng đến thăm Đền Yakusuni vào năm 1985 và Thủ tướng Ryutaro Hashimo năm 1996. Thủ tướng Koizumi, thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền là vị Thủ tướng thứ ba đã tới thăm Đền này 5 lần kể từ khi ông giữ chức vụ Thủ tướng vào năm 2001. Lần thăm cuối vào hồi tháng 10.2005 vừa qua. Không chỉ Thủ tướng Nhật mà gần 200 Nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Tự do hiện cầm quyền cũng đã tới thăm Đền Anh Hùng Tử Sĩ. Các cuộc thăm viếng này như một sự khiêu khích và tạo nên tranh cãi tại nội địa cũng như sự chống đối tại các quốc gia bị Nhật xâm lăng; đặc biệt tại Nam Hàn và Trung Quốc. Nhiều Dân biểu Nhật từng đưa vấn đề cần dẹp di ảnh của Thủ tướng Tojo, một tội nhân chiến tranh, ra trước Quốc Hội; nhưng đều bị người quốc gia phản đối.
Ngoại trưởng Tàu, Lý Triệu Tinh, tuyên bố là cuộc viếng thăm của Thủ tướng Nhật làm tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Phía Nam Hàn cũng phát biểu rằng Tổng thống Roh Moo-hyun khó có thể tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh với Thủ tướng Nhật. Đại Hàn ngày nay là Triều Tiên thuở xưa đã bị Nhật Bản chiếm đóng từ năm 1910 và bị Tokyo cai trị đến khi Thế chiến thứ II chấm dứt vào năm 1945.
Theo thống kê, hàng năm có khoảng 8 triệu người tới thăm Đền Thờ Yasukuni. Nhiều người tỏ lòng tôn kính các Hồn Thiêng (Mitama) người quá cố với niềm tin rằng các Linh Hồn Tiền Nhân vẫn còn lai vãng trên trái đất để phù hộ các thế hệ mai sau. Để tỏ lòng thanh tịnh và tôn kính, khi thăm Đền Thờ, người khách không phải là người đau ốm hay có vết thương hoặc đang trong thời kỳ tang chế. Các tình trạng này được coi là không tinh khiết. Tại gần giếng nước trước lối vào, người khách phải dùng muỗng lấy nước rồi giữ nước trong lòng bàn tay đưa lên miệng và súc miệng cho sạch rồi nhổ ra. Khách không được húp nước trực tiếp từ cái muỗng vào miệng hay uống nước.
Thực ra, hàng năm nhân dịp kỷ niệm ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, các Thủ tướng Nakasone, Hashimoto và Koizumi đã công khai xin lỗi về sự thiệt hại nhân mạng và tài sản của các dân tộc bị Nhật xâm chiếm trong thời Thế Chiến II, kể cả Anh quốc. Nhưng hành động đến thăm Đền Yasukuni có vẻ như khơi lại đống tro tàn khiến cho Trung Quốc và Nam Hàn phản đối.
Được biết ngày 27.4.1996 phong trào đòi bồi thường cưỡng bức lao động đối với công nhân Tàu và cưỡng bức tình dục đối với phụ nữ Đại Hàn đã được phát động. Người ta ước tính có khoảng từ 200.000-300.000 phụ nữ đã là nạn nhân, trong đó có phụ nữ Tàu, Đại Hàn, Á Châu và cả Hòa Lan. Điển hình là hai phụ nữ Đại Hàn, bà Young-Suk bị cưỡng hiếp từ năm 11 tuổi, bà Park Ok-ryun bị bắt thỏa mãn tình dục cho 30 lính Nhật một ngày; bà Jan Ruff-O Herne (Hòa Lan) đòi chính phủ Nhật phải công khai xin lỗi. Trước sự tranh đấu của các nạn nhân, chính phủ Nam Hàn đã ứng trước cho 150 nạn nhân số tiền là 25.000 Đô-la và chính phủ Đài Loan ứng trước số tiền tương tự. Hai quốc gia này hy vọng chính phủ Nhật sẽ bồi hoàn. Công ty xây dựng Kajima của Nhật đã chịu trả 4,6 triệu Đô-la cho 1.000 công nhân Tàu bị cưỡng bức lao động. Về công lý, Tòa án Yamaguchi của Nhật cũng đã ra lệnh cho chính phủ phải trả 300.000 Yen (2.280 Đô-la) cho 3 phụ nữ Nam Hàn bị cưỡng bức tình dục.
IV- THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN CÓ LO NGẠI VỀ SỰ KHỦNG HOẢNG NGOẠI GIAO KHÔNG?
Về việc Trung Cộng tuyên bố đình chỉ Hội nghị Thượng đỉnh hàng năm từ ngày12 tới 14.12.2005 đến một thời điểm thích hợp, Thủ tướng Nhật Bản đã bày tỏ quan điểm của mình với báo chí rằng: " Quyết định của Trung Quốc đối với ông không thành vấn đề. Quyết định trì hoãn cuộc họp của Trung Quốc cũng tốt thôi. Tuy nhiên, người ta không thể lợi dụng Đền Thờ Yakusuni như một lá bài ngoại giao. Trung Quốc và Nam Hàn muốn dùng nó như lá bài ngoại giao thì họ sẽ không thành công."
Lời tuyên bố của Thủ tướng Koizumi chứng tỏ lập trường cứng rắn của chính phủ Nhật Bản trong vấn đề ngoại giao và lịch sử của mỗi quốc gia.
Các nhà nhận định thời cuộc cho rằng, Trung Cộng đang trên đà phát triển cả về kinh tế lẫn quốc phòng, kỹ thuật quân sự và không gian, đồng thời là cường quốc số một tại Á Châu hiện nay, nên họ muốn chứng tỏ vai trò quan trọng của mình tại vùng này. Các vụ biểu dương lực lượng tại eo biển Đài Loan và tầu ngầm nguyên tử xâm phạm hải phận phía Nam của Nhật Bản trong thời gian vừa qua chứng tỏ con Rồng Lửa Trung Cộng bắt đầu muốn quậy tại biển Đông.
Ngoài ra, Trung Cộng muốn chơi ván bài tháu cáy trên chính trường nhằm đòi hỏi Nhật Bản phải nhượng bộ về một lãnh vực nào đó, như hợp tác kinh tế, tăng cường đầu tư và trợ giúp kỹ thuật hoặc ủng hộ mạnh mẽ Trung Quốc tại các tổ chức trong vùng và trên thị trường kinh tế Á Châu v.v...
KẾT LUẬN:
Thực tế cho thấy rằng các cuộc thăm viếng Đền Thờ Yasukuni của các Thủ tướng Nhật tạo nên xung đột về lịch sử và chính trị là điều tất nhiên. Sự kiện này không khác gì cuộc Diễn hành Màu Cam (The Orange March) qua khu vực người Công Giáo ở Armagh và Drumcree, Londonderry tại Bắc Ái Nhĩ Lan đã tạo nên các xung đột cả về chính trị lẫn quân sự trong những năm vừa qua. Cuộc diễn hành Màu Cam nhằm kỷ niệm thủ lãnh Tin Lành, William of Orange đã đánh thắng vua James của Công Giáo tại chiến trường Boyne vào năm 1690. Nếu cuộc diễn hành chỉ được tổ chức trong khu vực của người Tin Lành thì không có chuyện gì xẩy ra. Sự xung đột không thể tránh khỏi vì đoàn diễn hành lại đi ngang qua khu vực Công Giáo, như một sự khiêu khích có tính cách lịch sử.
Nói chung, các cuộc xung đột về chính trị, quân sự hay ngoại giao đã hay sẽ xẩy ra đều vì quyền lợi và tự ái dân tộc.
- Hồ Cẩm Đào, trùm CS Trung Quốc sang vỗ về đàn em CS Việt Nam
- Trận động đất lớn nhất và gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử Hồi Quốc
- Katrina, trận bão lớn nhất và gây tổn thất cao nhất trong lịch sử thiên tai bão lụt của Hoa Kỳ
- Lớp lãnh đạo Việt Cộng thay nhau đi ve vãn nhiều quốc gia
- Tại sao Hitler bị ám sát nhiều lần mà không chết?
- ĐGH Gioan Phaolo II, Nhà lãnh đạo xuất chúng đã từ trần
- Berut "Hòn Ngọc" của Trung Đông
- Xuân Ất Dậu 2005, hãy tưởng nhớ gần hai triệu người đã chết đói năm Ất Dậu 1945
- Một trận động đất đã gây nên những đợt sóng thần có tốc độ nhanh chưa từng thấy
- Ukraine một cuộc cách mạng Dân Chủ không đổ máu