Dân Chúa Âu Châu

Máu Tăng Ni và Phật Tử đã đổ vì Đấu Tranh cho Độc Lập Tự Do (copy 1)
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

-Bài 1:

Nói tới Tây Tạng (Tibet), người ta liên tưởng đến miền cao nguyên lạnh giá với ngọn núi cao nhất thế giới Everest trong dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) tuyết phủ quanh năm và mỗi năm có hàng chục ngàn người du lịch đến đất nước này.
Nói tới Tây Tạng, người ta cũng không quên những câu chuyện huyền bí về hệ phái Phật Giáo Mật Tông, sự tái sinh và nhập thể vào trẻ em của các Đạt-la Lạt-ma (Dalai Lama) hay tuyệt kỹ khinh công tự nâng mình lên khỏi mặt đất và công lực của một số cao Tăng, từ khoảng cách ba bốn thước có thể xuất chưởng quật ngã đối thủ v.v...
Trong bài này chúng tôi không kể những chuyện huyền bí, nhưng đề cập tới biến cố mà cả thế giới đang hướng về Tây Tạng, nơi xẩy ra cuộc đấu tranh đòi độc lập tự chủ cho dân tộc nói chung và Phật Giáo nói riêng.
Để hiểu toàn bộ vấn đề Tây Tạng, chúng tôi sẽ trình bày trong 2 bài:
-Bài 1: Tây Tạng: Máu Tăng Ni và Phật tử đã đổ vì đấu tranh cho độc lập tự do.
-Bài 2: Hoa Kỳ đã thành công trong chiến lược dùng Tây Tạng làm phân hóa Cộng sản Liên-sô và Tàu Cộng; Ấn Độ và Tàu Cộng trong thập niên 1950-1960. (đón đọc trong số tới)

I-Đôi hàng về Tây Tạng

Tây Tạng thuộc vùng cao nguyên Trung Á với độ cao trung bình 4.900 mét, một vùng cao nhất địa cầu mà người ta quen gọi là "mái nhà của Thế-giới". Tây Tạng có biên giới giáp Ấn Độ về phía Tây-Bắc, Bhutan phía Đông-Nam, Nepal và dẫy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) phía Tây Nam, Trung quốc phía Đông-Bắc và sa mạc Dakla Makan phía Bắc. Theo thống kê vào năm 1959, dân số của Tây Tạng có khoảng 6.330.567 người. Nhưng theo thống kê năm 2000 của Tàu Cộng dân Tây Tạng trong nước chỉ có 5.400.000 người!
Nhiều vùng đất (Bộ-lạc) được vua Songtsan Gampo (605-649), vua thứ hai của Tây Tạng, thống nhất vào thế-kỷ 7 và chế độ Quân chủ này kéo dài tới thế kỷ 11. Sau đó vương quyền Tây Tạng trở nên yếu dần và bị Mông Cổ xâm lăng từ 1240-1644.
Từ năm 1644-1912, Nhà Thanh chiếm lục địa và cai trị Trung Hoa đã lập ra Đạt-lai Lạt-ma, người lãnh đạo Tây Tạng cả về tôn giáo lẫn chính trị, qua cơ cấu hành chính gồm, một chính phủ (Kashag) và 4 bộ trưởng (Kalon). Thủ đô đặt tại Lhasa.
Năm 1903 Anh quốc chiếm Tây Tạng và Nga Sô cũng không bỏ tham vọng. Sau đó hai nước đã ký Hiệp ước Anh-Nga (Anglo-Russian Convention) vào năm 1907, công nhận chủ quyền của Trung Hoa trên Tây Tạng.

Năm 1911, vào lúc triều đại Phổ Nghi Nhà Thanh sụp đổ, Tây Tạng tuyên bố độc lập và nền độc lập kéo dài tới khi có cuộc nội chiến giữa người Quốc Gia và Cộng sản tại Trung Hoa.
Mao Trạch Đông và đảng Cộng sản chiến thắng, chiếm được lục địa và tuyên bố sự ra đời của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vào ngày 1/10/1949.
Sau đó Mao Trạch Đông điều động 40.000 quân tiến chiếm Tây Tạng. Quân đội sơ khai của Tây Tạng chỉ vỏn vẹn có 5.000 lính nên đã bị thất bại tại chiến trường Chamdo. Sự thất bại đưa tới tình trạng bị chiếm đóng và chính quyền Tây Tạng phải ký Thỏa-hiệp 17 điểm vào tháng 5/1951.
Các điểm quan trọng đáng chú ý là:
-Tây Tạng phải thống nhất và trục xuất các lực lượng đế quốc gây hấn để trở về với đại gia đình mẫu quốc, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc!
-Tây Tạng được quyền tự trị dưới sự lãnh đạo của chính quyền Nhân dân Trung ương.
-Tây Tạng không được thay đổi hệ thống chính trị hiện hữu và tình trạng, nhiệm vụ và quyền hành của Dalai Lama.
-Tự do tôn giáo được tôn trọng.
-Quân đội Tây Tạng sẽ được tái tổ chức, từ từ sát nhập vào Quân đội Giải phóng Nhân dân.
-Vấn đề ngôn ngữ, giáo dục, nông nghiệp, kỹ nghệ, thương mại sẽ được cải tiến từng bước cho phù hợp với Tây Tạng.
-Thành lập Ủy ban quân sự và hành chính, bộ chỉ huy quân sự tại Tây Tạng. Chi phí cho các dịch vụ chuyên chở, thực phẩm và vật dụng cần thiết của Quân đội Giải phóng Nhân dân sẽ do chính quyền địa phương trợ giúp v.v...
Năm 1947, chính phủ Mỹ, do tổng thống Harry Truman lãnh đạo đã công nhận Tây Tạng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Các quốc gia khác trên thế giới cũng công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng.

II-Tại sao Tăng Ni và dân chúng Tây Tạng biểu tình chống Tàu Cộng?

Dân Tây Tạng đã phát động hai cuộc nổi dậy lớn nhất vào 1956 và 1959, nhưng đều thất bại. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã phải chạy tị nạn qua Ấn độ. Mao Trạch Đông có lần đã thuyết phục Ngài trở về nước sau lần nổi dậy thứ nhất, nhưng Ngài biết được âm mưu hiểm độc của Tàu Cộng, nên không dám về. Cuộc tổng nổi dậy lần thứ hai của dân Tây Tạng xẩy ra vào tháng 3.1959 khiến thủ tướng Chu Ân Lai (Zhou Enlai) ký sắc lệnh giải tán chính phủ Tây Tạng.
Để có thể tranh đấu cho quyền lợi của dân tộc Tây Tạng, ngày 20.6.1959, Đức Đạt-lai Lạt-ma thành lập chính phủ lưu vong tại Dharamsala, một thị trấn ở miền Bắc Ấn Độ và long trọng bác bỏ Thỏa hiệp 17 điểm mà Tàu Cộng áp đặt lên Tây Tạng.
Cuộc đấu tranh dành độc lập của dân Tây Tạng dựa trên ba lý do cơ bản:
-Lịch sử đã chứng minh, Tây Tạng vốn là một quốc gia có đầy đủ chủ quyền và tư cách pháp lý từ thời vua Songtsan Gampo (605-649).
-Tây Tạng đã chính thức tuyên bố là một quốc gia độc lập vào năm 1911 theo tiêu chuẩn quốc-tế, một nước có lãnh thổ, dân số và chính quyền hợp pháp. Giả sử Tây Tạng chưa tuyên bố là một quốc gia độc lập theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc đặt ra, Tây Tạng vẫn có quyền tuyên bố độc lập tự chủ sau khi bị Tàu Cộng chiếm đất nước mình. Trường hợp này có thể dựa vào tập quán chính trị thế giới. Hai vụ điển hình đã xẩy ra là Đông Timor (thuộc Nam Dương) và Kosovo (thuộc Nam Tư Serbia) đã tuyên bố độc lập.
-Nếu Tàu Cộng dựa vào cuộc chiến thắng xâm lược và Thỏa hiệp 17 điểm để nói rằng chính phủ Tây Tạng đã ký Thỏa hiệp sát nhập vào Trung quốc thì sự ký kết đó đã xẩy ra dưới áp lực và do thua trận, chứ không phải do thỉnh nguyện hay tình nguyện. Quyết định của Đức Đạt-lai Lạt-ma về việc hủy bỏ Thỏa hiệp 17 điểm là hợp lý.

Hiện nay chính quyền lưu vong và dân chúng tị nạn Tây Tạng có hai khuynh hướng chính trị khác nhau:

2.1-Khuynh hướng ôn hòa:

Từ các đài truyền hình thế-giới người ta được biết ngày chủ nhật 16/3/2008, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã tuyên bố: "Tàu Cộng đang thi hành chính sách "diệt chủng văn hóa" (China causing ‘cultural genocide’) và Ngài cũng yêu cầu thế-giới hãy điều tra các vụ thảm sát tại Tây Tạng do Tàu Cộng gây ra trong các cuộc nổi dậy của dân chúng vào các năm 1956, 1959 và 2008.
Năm 1959, được Cơ quan Trung ương Tình báo Mỹ (CIA) yểm trợ, dân tộc Tây Tạng nổi dậy chống lại bạo quyền Cộng-sản Tàu; nhưng bị thất bại và bị đàn áp khốc liệt. Đức Đạt-lai Lạt-ma cùng 80.000 dân Tây Tạng phải chạy qua Ấn Độ.
Tính đến năm 1966 khoảng 4/5 các chùa chiền và đền thờ Phật giáo đã bị Tàu cộng phá hủy. Cơ quan nhân quyền quốc tế phỏng đoán trong các cuộc nổi dậy có khoảng 1,3 triệu người đã bị giết chết qua ngục tù, tra tấn, lưu đày hay cải tạo. Ngoài ra ngôn ngữ Tây Tạng đã bị tiếng Tàu thống trị trong phạm vi trường học, ngoại giao và thương mại.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thành công trong việc gây uy tín trên chính trường thế-giới qua hành động tranh đấu nhân quyền cho các dân tộc bị áp bức mà giải thưởng Nobel hòa bình năm 1989 là một chứng minh cụ thể.
Nếu cuộc đấu tranh của dân Tây Tạng không diễn ra trong hòa bình thì ảnh hưởng của Ngài sẽ bị phôi pha và có hại cho cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Chính vì chủ trương sống chung hòa bình với Tàu Cộng, Đức Đạt-lai Lạt-ma chỉ tranh đấu cho Tây Tạng được tái tự trị chứ không đòi độc lập. Vì thế, Ngài đã tuyên bố sẽ từ chức, nếu các cuộc biểu tình vượt ra khỏi sự kiểm soát.

2.2-Khuynh hướng cứng rắn:

Qua hình ảnh biểu tình chống đối Tàu Cộng nhân dịp rước Đuốc Thế Vận Hội (Olympic) 2008, sinh viên và các tu sĩ trẻ Tây Tạng đã tạo được sự chú ý của thế-giới. Các thế hệ sinh sau năm 1950 và 1959 của Tây Tạng đang là mối lo sợ cho nhà cầm quyền Bắc Kinh. Giới quan sát báo chí nhận ra thế hệ trẻ ngày nay không hẳn đồng ý với Đức Đạt-lai Lạt-ma chủ trương "tranh đấu ôn hòa" chỉ đòi hỏi một nước Tây Tạng được tự trị hầu bảo toàn nền văn hóa dân tộc. Như vậy Ngài chấp nhận sự thống trị của Tàu Cộng theo kiểu nín thở qua sông!
Dựa vào các biến cố chính trị của thế giới, người ta nhận thấy tuổi trẻ Tây Tạng đã đọc lịch sử và phân tích được các yếu tố lợi hại trong việc đấu tranh đòi độc lập. Tuổi trẻ có khuynh hướng muốn chống ngoại xâm bằng bạo lực. Đây là mối lo sợ nhất của Tàu Cộng. Sự tiến bộ của ngành truyền thông Internet khiến cho mọi hành động đàn áp của Tàu Cộng sẽ không che mắt được thế-giới. Sự kiện mới đây cho thấy dân chúng thế-giới đã hướng về Tây Tạng và tỏ thái độ bất thân thiện với Tàu Cộng.
Cái ưu điểm của dân chúng Tây Tạng là đã có một quốc gia lịch sử, khác hẳn với hoàn cảnh Đông Timor và Kosovo.
Vì thế, Tăng Ni, Phật tử và dân chúng Tây Tạng hãy kiên trì đấu tranh đòi độc lập cho bằng được, dù phải trả bất cứ giá nào. Một điều vô cùng quan trọng là các cuộc biểu tình chống Tàu Cộng là phải xẩy ra nhiều nơi trên thế-giới và bất bạo động.
Nếu có hình ảnh Tăng Ni nào bạo động đập phá, cầm gậy, cầm vũ khí v.v... thì khó chiếm được cảm tình và sự hỗ trợ của dân chúng Tây phương, nơi mà người ta đã loại Tôn giáo ra khỏi chính trị từ lâu.

III- Các Cuộc Biểu Tình Chống Tàu Cộng Tại Tây Tạng và Trung Quốc

Kể từ ngày 10.3.2008, các cuộc biểu tình có lúc ôn hòa, có lúc bạo động của Tăng Ni và dân chúng Tây Tạng đã diễn ra.
-Tại Tứ Xuyên (Sichuan): Tăng Ni, Phật Tử biểu tình đã đụng độ với cảnh sát Tàu Cộng ở huyện Aba. Theo một cư dân cho biết có một cảnh sát bị chết và bốn xe cảnh sát bị đốt. Trong khi đó Trung Tâm Nhân Quyền và Dân chủ Tây Tạng ở Ấn Độ nói rằng ít nhất có 7 người Tây Tạng bị bắn chết tại đây.
-Tại Thanh Hải (Qinghai): 100 Tăng Ni đã xuống đường biểu tình, bất chấp lệnh nhà cầm quyền Tàu Cộng cấm họ dời khỏi Tu viện Rongwo ở thành phố Tongren, bằng cách trèo qua ngọn đồi sau Tu viện, nơi họ đốt nhang và pháo bông để phản đối sự đàn áp tại thủ đô Lhasa. Cơ sở kinh doanh bị đóng cửa. Cảnh sát gác gần tu viện và bắt nhà báo phải xóa bỏ hình ảnh có cảnh sát.
-Tại tỉnh Cam Túc (Gansu): Hơn 100 sinh viên đã biểu tình tại trường đại học ở Lanzhou. Lệnh giới nghiêm được ban hành ở thành phố Xiahe và cảnh sát đã bắn lựu đạn cay vào khoảng 1.000 Tăng Ni từ Tu viện lịch sử Labrang và dân biểu tình.

IV- Biểu Tình Chống Tàu Cộng Trên Thế Giới

Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã vượt qua biên giới Tây Tạng đến những thành phố khác trên thế giới.

4.1-Tại Á Châu

Các cuộc biểu tình đã diễn ra tại thủ đô và một số tỉnh lớn ở: Thái Lan, Tân Gia Ba, Nam Dương, Nhật Bản, Nepal, Ấn Độ, Do Thái...
Đặc biệt tại Đài Loan (Taiwan) theo tin tức của nhật báo Mỹ, tờ The Wall Street Journal số phát hành ngày 13.3.2008 có ghi lại việc Ủy ban Thế Vận Trung Quốc muốn ngọn đuốc Thế vận Bắc Kinh 2008 chạy ngang qua Đài Loan; nhưng bị chính phủ Đài Loan từ chối vì lo ngại rằng việc chấp nhận có thể tạo sự hiểu lầm là Đài Loan muốn sát nhập vào Trung Quốc.

4.2-Tại Âu Châu

Quốc Hội Liên Hiệp Âu Châu đã khuyến cáo chính phủ và nguyên thủ quốc gia của 27 hội viên nên tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, nếu Tàu Cộng không chịu đàm phán với Đức Đạt-lai Lạt-ma.
Các cuộc biểu tình chống Tàu Cộng đã diễn ra tại thủ đô và một số tỉnh lớn ở: Ái Nhĩ Lan, Anh, Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Đan Mạch, Hòa Lan, Hy Lạp, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Slovenia, Thụy Sĩ, Tiệp Khắc, Ukrain, Ý Đại Lợi.

-Anh quốc:

Hoàng thái tử Charles tuyên bố không tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.
Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng cho biết không tham dự. Ông cho biết sẽ tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma, khi Ngài đến viếng thăm Anh quốc vào tháng 5/2008. Quyết định này có thể gây tổn hại cho nỗ lực của thủ tướng đang muốn thắt chặt bang giao với Trung Cộng.
Tại Anh quốc, cuộc rước đuốc Thế Vận Hội (Olympic Torch) đã bị dân Tây Tạng và những người Anh đồng tình ủng hộ biểu tình cản trở.
-Ba Lan: Tại thủ đô Warsaw khoảng 200 người đã biểu tình trước sứ quán Trung Quốc. Họ đem theo cờ Tây Tạng và hô to "Tây Tạng tự do". Trong số những người biểu tình có phó chủ tịch Thượng Viện Ba Lan, ông Zbigniew Romaszewski, đại biểu Quốc Hội Andrzej Halicki... Những người biểu tình cũng kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.
-Bỉ quốc: có khoảng 100 người đã biểu tình trước Điện Công Lý ở thủ đô Brussels kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án Trung Cộng. Cảnh sát Bỉ đã xô xát với người biểu tình trước văn phòng tòa đại sứ Trung Cộng tại Liên Âu. Cảnh sát đã ngăn cản không cho người biểu tình bước chân vào khuôn viên tòa đại sứ, nhưng một người biểu tình đã ném một lá quốc kỳ Tây Tạng cho một người đứng gần cổng và người này đã phóng được cây cờ vào sân tòa nhà này. Cảnh sát bắt giữ ít nhất 3 người và đuổi người biểu tình qua phía bên kia đường. Trước đó, 5 người biểu tình đã cắm quốc kỳ Tây Tạng trước tòa đại sứ Trung Cộng ở Brussels. Sau đó họ đã bị cảnh sát Bỉ bắt giữ.

-Đức quốc:

Nữ thủ tướng Angela Merkel là nhà lãnh đạo đầu tiên tuyên bố không tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Nữ lực sĩ Yvonne Boenisch, người đoạt huy chương vàng về Nhu Đạo tại Thế Vận Hội Hy Lạp năm 2004, cũng tuyên bố tẩy chay.
Quyết định tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma của thủ tướng Đức hồi năm ngoái đã khiến cho mối bang giao giữa Tàu Cộng và Đức trở nên lạnh lẽo suốt 4 tháng trời.

-Hòa Lan: Ngày Chủ Nhật 16 tháng ba có khoảng 100 người đã lôi sập một phần hàng rào bao quanh tòa đại sứ và hạ cờ Trung Quốc xuống. Hơn 400 người biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc ở The Hague, và thay vào đó là cờ Tây Tạng trước khi cảnh sát Hòa Lan đến kịp thời và can thiệp.

-Thụy Sĩ: Cảnh sát đã phải dùng lựu đạn cay để ngăn chận những người biểu tình ủng hộ Tây Tạng có ý định đột nhập lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Zurich, trong lúc rất nhiều người Thụy Sĩ biểu tình cùng người Tây Tạng bên ngoài lãnh sứ quán.

-Pháp quốc: xô xát đã diễn ra trước tòa đại sứ Trung Cộng ở thủ đô Ba Lê. Cảnh sát chống bạo động đã dùng hơi cay giải tán đám biểu tình khoảng 500 người và bắt giữ khoảng 10 người. Một người biểu tình đã trèo lên tòa đại sứ Trung Cộng hạ lá quốc kỳ Trung Cộng xuống và thay vào đó lá quốc kỳ Tây Tạng.
Đặc biệt trong cuộc rước đuốc Thế Vận Hội, những người biểu tình ở Paris đã làm cho lực lượng an ninh phải tắt đuốc đưa lên xe buýt đi đoạn đường còn cuối cùng còn lại.
Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, dự tính không tham dự lể khai mạc Thế Vận Hội, nếu Tàu Cộng không chịu đàm thoại với Đức Đạt-lai Lạt-ma.
-Ý Đại Lợi: khoảng 100 người đã tới biểu tình trước cổng toà đại sứ Trung Cộng ở thủ đô Rô-ma.

4.3-Tại Mỹ Châu:

-Hoa Kỳ:

Các cuộc biểu tình đã diễn ra tại thủ đô và một số tiểu bang, thành phố lớn ở: Hoa Kỳ, Ba Tây, Chí Lợi, Costa Rica, Gia Nã Đại, Uruguay…
Đặc biệt tại Hoa Kỳ xô xát đã xảy ra giữa những người biểu tình và cảnh sát bên ngoài lãnh sứ quán Tàu Cộng ở khu Manhattan, Nữu Ước. Ở Hoa Thạnh Đốn, khoảng 80 người biểu tình trước tòa Đại sứ Tàu. Họ giơ cao cờ Tây Tạng và hô to khẩu hiệu "Nhục nhã cho Trung Quốc" và "Chấm dứt giết chóc".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Condoleezza Rice, lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tự chế và nên đối thoại với người Tây Tạng.
Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ cũng đã bay qua Ấn Độ thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala ngày 21.3.2008 để bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ cuộc đấu tranh của Tây Tạng. Bà Pelosi phát biểu: "Tình trạng Tây Tạng là một thử thách đối với lương tâm của thế-giới. Hoa Kỳ cần phải cam kết đối phó với thử thách đó. Chúng ta phải nhất quán khi nói về nhân quyền ở bất cứ nơi nào."

Bà Pelosi là một trong những người thường phê bình chính sách vi phạm nhân quyền của Tàu Cộng và chính bà đã trao Huy chương Quốc hội Mỹ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma trong dịp Ngài tới thăm Hoa Thịnh Đốn vào tháng 10/2007.
Tuyên bố trong cuộc họp báo trước cuộc biểu tình tại công viên Liên Hiệp Quốc, đức giám mục Anh Giáo Desmond Tutu nói rằng Ngài không vận động một cuộc tẩy chay toàn diện Thế Vận Hội vì đây là một cơ hội tranh tài của các lực sĩ. Tuy nhiên, các lãnh tụ thế giới nên tẩy chay lễ khai mạc để dạy cho Trung cộng một bài học. Ngài nói đuốc Thế Vận Hội cũng không nên rước qua vùng Tây Tạng và Hy Mã Lạp Sơn trong mùa hè năm nay, vì đây là một hành động khiêu khích. Nhân danh người dân Tây Tạng, nhân danh đức Đạt Lai Lạt Ma, chính phủ Tàu Cộng phải bỏ những gì mà họ đang làm, và nên ngồi lại thương thuyết với nhà lãnh đạo của Tây Tạng để tìm kiếm một đường lối nhằm giải quyết vấn đề.

-Gia Nã Đại:

Thủ tướng Stephen Harper cũng dự tính không tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.

4.4-Tại Úc Châu

Cuộc biểu tình đã diễn ra tại thủ đô và một vài thành phố lớn ở: Tân Tây Lan và Úc Đại Lợi.
Đặc biệt tại Úc Đại Lợi: sau khi một số người biểu tình leo thang trèo vào bên trong lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, họ đã ném trứng và dùng cột cờ cầm tay đánh vào một chiếc xe đang tiến vào bên trong lãnh sự quán. Thủ tướng Úc, Kevin Rudd, tuyên bố vẫn chống lại việc tẩy chay Thế Vận Hội, nhưng kêu gọi Tàu Cộng hãy giải quyết vấn đề nhân quyền tại Tây Tạng qua những cuộc thương thuyết. Nhiều người ngạc nhiên khi ông Rudd nói chuyện thông thạo tiếng Tàu tại đại học Bắc Kinh. Ông hiểu rất rõ về tình trạng nhân quyền tại quốc gia này. Ông nói Trung cộng đang đối phó với nhiều vấn đề từ nạn đói nghèo, sự cách biệt giàu nghèo, và nhất là vấn đề nhân quyền luôn là một vấn đề nhức nhối. Nói chuyện trước hàng trăm sinh viên trong hội trường của đại học này, ông Rudd kêu gọi các lãnh tụ Trung cộng hãy ngồi lại với đức Đạt Lai Lạt Ma để thương thuyết, thay vì phải đối đầu. Ông nói Úc Đại Lợi cũng như những nước khác công nhận chủ trương một nước Trung Hoa, nhưng họ cũng nghĩ rằng có sự cần thiết để giải quyết vấn đề nhân quyền tại Tây Tạng. Ông Rudd cho biết theo ý ông, Thế Vận Hội là một cơ hội cho Trung cộng mở cửa ra với thế giới, và vì thế ông không chủ trương tẩy chay đại hội thể thao này.

4.5-Liên Hiệp Quốc

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tuyên bố không tham dự Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.

V-Thái độ của Phật Giáo chính thống Việt Nam đối với biến cố Tây Tạng

Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ viết thư cho Đức Đạt-lai Lạt-ma ủng hộ cuộc đấu tranh của chư Tăng và dân Tây Tạng.
Thư này gửi sang Paris nhờ phòng thông tin Phật giáo quốc tế chuyển đến tận tay Đức Đạt-lai Lạt-ma ở Dharamsala, Bắc Ấn Độ, thủ đô tị nạn của dân chúng Tây Tạng:
"Bất nhẫn khi nghe tin quân đội Trung quốc bắn giết 80 người Tây Tạng, và công an Trung quốc trá hình Tăng sĩ Tây Tạng nhằm gây rối hòng lấy cớ đàn áp các cuộc biểu tình thượng tuần tháng 3 này, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ viết cho Đức Dalai Lama trong bức thư đề ngày 15.3.2008 tại Saigon như sau:
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi bàng hoàng xúc động trước sự đàn áp bằng vũ lực cuộc biểu tình bất bạo động của chư Tăng và nhân dân Tây Tạng. Đạo Phật mang nguyên lý hòa bình và bất bạo động. Ấy thế mà những cuộc phản kháng ôn hoà của quần chúng Phật tử Á châu - từ Tây Tạng, Miến Điện đến Việt Nam - đã bị đàn áp tàn nhẫn gây đổ máu. Chính quyền Trung quốc bảo rằng đàn áp nhằm mang lại "trật tự và ổn định". Nhưng người Phật tử ý thức rằng bạo động không thể dẹp tan bạo động, vũ lực tàn bạo không mang lại hoà bình.
"Người Phật tử Tây Tạng đấu tranh nhằm ngăn chặn sự tiêu diệt văn hoá và tín ngưỡng, đang phản chống sự bất công của một chính sách cai trị độc đảng. Chỉ có đối thoại, chứ không là tàn phá, mới mở đường tiến tới giải pháp tối hậu cho Tây Tạng. Theo quan điểm của tôi, Trung quốc phải tức khắc chấm dứt mọi hình thức bạo động và mở ngay cuộc đối thoại với Ngài, là người lãnh đạo tâm linh và quốc gia của nhân dân Tây Tạng. Để hỗ trợ cho cuộc thương thảo này, Liên Hiệp Quốc, các chính phủ và quốc hội trong thế giới cũng như cộng đồng quốc tế cần tạo áp lực để nhà cầm quyền Trung quốc chấm dứt cuộc đàn áp vũ lực hầu đáp ứng những đòi hỏi cụ thể của nhân dân Tây Tạng.
"Tại Á châu ngày nay, các chế độ độc đoán đàn áp Phật giáo, vì các chế độ này rất sợ lực lượng hoà bình và tự do của người Phật tử. Dù vậy các chế độ ấy vẫn không ngừng lợi dụng Phật giáo để tuyên truyền cho họ, nhằm chế ngự tiềm lực Phật giáo đồng thời bành trướng chế độ của họ. Tháng 4 năm 2006, lần đầu tiên sau 57 năm xích hoá Trung quốc, Bắc Kinh tổ chức Hội nghị Phật giáo quốc tế lần thứ nhất với sự tham dự khoảng 30 quốc gia trong thế giới. Năm nay, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ tổ chức từ 12 đến 17.5.2008 tại Việt Nam Đại lễ Phật Đản Tam hợp, dự trù mời 4000 khách ngoại quốc đến tham dự. Các nhà lãnh đạo Hà Nội tôn vinh Đức Phật nhưng lại đàn áp tàn nhẫn các Trưởng tử của Đức Phật. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị ngăn cấm hoạt động, thành viên và quần chúng Phật tử của Giáo hội bị sách nhiễu và bắt giam. Khôi hài xiết bao khi chỉ có những người Cộng sản và khách ngoại quốc là có quyền tham dự Khánh Đản đức Phật, trong khi đó người Phật tử vắng bóng trên diễn đài?
"Nhân danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi cầu siêu cho tất cả những người chết vì tự do trong các cuộc biểu tình vừa qua và cầu an cho tất cả chư Tăng mất tích. Tôi hỗ trợ toàn tâm cuộc đấu tranh dũng cảm cho sự sống còn của nhân dân Tây Tạng, và chia sẻ mọi ngưỡng vọng của Ngài để mang lại quyền sống và quyền tự do. Ngày hôm nay đây, mọi người Phật tử Việt Nam đều là người Tây Tạng. Người Phật tử Việt Nam đứng bên cạnh Ngài trong cuộc đấu tranh bất bạo động để thực hiện quyền tự do tôn giáo và quyền làm người. Bởi vì thiếu nhân quyền, con người không thể nào tồn tại trọn vẹn trong tự do.
"Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và tôi cũng như hàng giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không bao giờ quên những thông điệp, kiến nghị mà Ngài đã cất lên từ đầu thập niên 1990 đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản trả tự do cho chúng tôi. Trong những ngày đen tối nơi tù ngục ấy, chúng tôi khó biết đầy đủ những nỗ lực của Ngài. Chỉ từ khi tôi được ân xá vào năm 1998, tôi mới được người phát ngôn của Giáo hội chúng tôi, là đạo hữu Võ Văn Ái, cho biết sự can thiệp quan trọng đầy lòng từ bi của Ngài. Tôi không bao giờ quên mối liên đới thâm tình của Ngài đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngài luôn hiện hữu trong tâm tư cầu nguyện của tôi, và tôi hy vọng thiết tha Ngài sẽ thành công dẫn dắc nhân dân Tây Tạng qua khỏi cơn nguy biến khó khăn hôm nay’’.
Phe Phật Giáo quốc doanh trong cái gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, và tay sai Việt Cộng trong và ngoài nước vẫn không một lời chia sẻ! Thế mới biết tại sao xưa họ hăng say chống hai chế độ của TT. Ngô Đình Diệm và TT. Nguyễn Văn Thiệu-Kỳ vì đàn áp Phật Giáo, nay thì họ im hơi lặng tiếng dưới chế độ Việt Cộng và Tàu Cộng?

VI-Thái độ thân Tàu Cộng của vài quốc gia đối với biến cố Tây Tạng

6.1-Việt Nam: theo Tân Hoa Xã, trong một cuộc họp mới đây với đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Vũ Dũng đã nói rằng: "Việt Nam hoàn toàn ủng hộ các biện pháp mà chính phủ Trung Quốc áp dụng để ổn định tình hình tại Tây Tạng".
Bản tin của thông tấn xã AFP trích thuật lời ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, nói hôm thứ tư: "chính phủ Việt Nam tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ có những biện pháp phù hợp bảo đảm an ninh trật tự, duy trì ổn định xã hội và phát triển kinh tế ở Tây Tạng nói riêng và ở Trung Quốc nói chung’... Mọi vấn đề liên quan đến Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc".

6.2-Căm Bốt: Tân Hoa Xã trích lời một nhân viên ngoại giao hàng đầu của Căm Bốt nói rằng những xáo trộn xảy ra tại thủ đô Lhasa của Tây Tạng trong những ngày qua là âm mưu của một nhóm nhỏ người với những động cơ không rõ ràng.

6.3-Bangladesh: Tân Hoa Xã cho hay phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao nước này mới đây đã phổ biến một tuyên bố nói rằng: "Bangladesh đoàn kết với Trung Quốc trong vấn đề Tây Tạng, và tất cả các vấn đề liên quan đến Tây Tạng và vấn đề nội bộ của Trung Quốc."
6.4-Ấn Độ: Ấn độ là quốc gia ân nghĩa đối với dân tị nạn và chính phủ lưu vong Tây Tạng; nhưng, chính phủ Ấn lại công nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc vào năm 2003. Quyết định trên được coi là một sự đáp lễ trước việc Trung Quốc thừa nhận khu tranh chấp Sikkim là một phần thuộc lãnh thổ Ấn Độ.
Năm 2001, con đường lịch sử nối liền hai quốc gia đã được mở lại nhằm phát triển giao thương. Chính sách của Ấn Độ đối với Tàu Cộng được phương Tây coi là hời hợt và bế tắc.
Có ít nhất 100.000 người Tây Tạng tị nạn tại Ấn Độ, nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên Thế-giới. Hàng năm còn có thêm hàng nghìn người tị nạn đến với đất nước này. Chính quyền Ấn biết rõ người Tây Tạng tị nạn, đặc biệt là thanh niên, luôn cổ vũ mạnh mẽ phong trào ly khai và đòi độc lập. Nếu ủng hộ, Ấn sẽ gặp rắc rối với Tàu Cộng về phương diện ngoại giao và kinh tế.

Kết luận

Chính vì Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu và không một quốc gia nào công nhận sự ra đời của quốc gia Tây Tạng kể từ năm 1947; nên việc đấu tranh đòi độc lập cho Tây Tạng không phải là chuyện dễ.
Tàu Cộng chơi trò ma giáo qua cái gọi là chương trình phát triển đất nước để di chuyển hàng triệu người Hán và gia đình tới Tây Tạng với danh hiệu khai phá, làm đường, xây cầu cống, mở mang hệ thống giao thông, khuếch trương kỹ nghệ, du lịch v.v... Với thời gian, số người Hán sẽ đông hơn người Tạng. Như vậy, khi có cuộc trưng cầu dân ý hủy bỏ sự tự trị của Tây Tạng để sát nhập vào một tỉnh của Trung Quốc, thì người Tây Tạng sẽ trở thành thiểu số và mất nước.
Đây cũng là trường hợp Kosovo, thánh địa của Nam Tư (Serbia) đã mất về tay người Hồi giáo Albania.
Tàu Cộng chơi trò diệt văn hóa Tây Tạng, văn hóa Phật Giáo, để thay thế bằng văn hóa vô thần Cộng sản. Yêu nước phải yêu Xã hội Chủ nghĩa!
Tàu Cộng từ từ hủy diệt ngôn ngữ Tây Tạng, vì tất cả các công sở, công văn, giấy tờ và trường học v.v... chỉ dùng tiếng Tàu phổ thông, tiếng Tạng sẽ dần dà đi vào lãng quên và trở thành cổ ngữ! Khi ngôn ngữ của một dân tộc không còn tồn tại thì mất nước là chuyện đương nhiên.
Khi sản phẩm kỹ nghệ của Tây phương và Hoa Kỳ đang khan hiếm chỗ tiêu thụ thì thị trường khổng lồ Trung quốc sẽ hấp dẫn tất cả các nhà sản xuất. Họ không dại gì ủng hộ Tây Tạng, một vùng núi đồi trùng điệp lại nghèo tài nguyên thiên nhiên.
Khi các nhà kỹ nghệ Tây phương và Hoa Kỳ đang gặp khó khăn trong việc trả lương cao cho nhân công thì Trung Quốc là thị trường nhân công khổng lồ chịu làm với giá rẻ. Như vậy không ai dại gì hỗ trợ Đức Đạt-lai Đạt-ma và dân nghèo Tây Tạng.
Khi Đức Đạt-lai Đạt-ma thứ 14 qua đời thì vấn đề đấu tranh đòi độc lập của dân chúng Tây Tạng cũng bị suy yếu dần.
Vì thế, dân chúng Tây Tạng nói chung và Tăng Ni, Phật Tử nói riêng có quyền đòi cho Tây Tạng được độc lập tự chủ, hoặc ít nhất là được tự trị hoàn toàn.
Cơ hội ngàn năm một thuở có thể đánh động lương tâm Thế-giới và làm cho quốc-tế phải chú tâm là Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Giai đoạn này là thời điểm quan trọng có tính cách quyết định cho vận mệnh đất nước và sự sống còn của Tây Tạng.