Biến cố trong tháng
Sự Việc Vừa Xảy Ra Tại Giáo Điểm Con Cuông Ngày 1.7.2012
BY: THANH TRÚC, PHÓNG VIÊN RFA
Linh mục, giáo dân bị hành hung, ảnh tượng bị đập nát
GPVO - Liên tiếp trong những thời gian qua, giáo dân tại giáo điểm Con Cuông (thuộc xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) luôn chịu sự kìm kẹp, phân biệt đối xử và vu khống bởi chính quyền địa phương. Chính quyền liên tục cho người đe dọa, ngăn cản, khủng bố linh mục và bà con giáo dân. Gần đây nhất là sự kiện hàng ttrăm cán bộ và côn đồ đến quấy rối, ngăn cản không cho linh mục GB. Nguyễn Đình Thục cử hành Thánh lễ mừng kính thánh Gioan Tẩy giả ngày 24.6.2012. Sự kiện hôm nay 1.7.2012 là cao điểm và là kết quả những toan tính lâu dài, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của các thế lực đen tối.
Theo lời của nữ tu Đinh Thị Bắc thì vào lúc 11 giờ 50 phút, xe công an, xe tuyên truyền của Phòng Văn hóa huyện Con Cuông, dân phòng và một nhóm côn đồ đã tập trung trước cổng nhà nguyện giáo điểm Con Cuông. Công an tiến hành phá khóa lao vào và dùng vũ lực của số đông trấn áp hai nữ tu Đinh Thị Bắc và Hồ Thị Hiền đang phục vụ tại đây. Công an viên Phạm Văn Tuyên đã đấm đá một nữ giáo dân tên là Bảy khi chị lên tiếng đòi nhóm người này dừng việc hành hung các nữ tu.
Đến 13 giờ 30, một số bà con cư trú tại giáo điểm Con Cuông đã đến nhà nguyện và bắt đầu đọc kinh. Khoảng 50 người bắt đầu la ó, gào thét, xô đẩy giáo dân ra khỏi nhà nguyện. Đội ngũ cán bộ và nhóm côn đồ lúc trưa ùa vào nhạo cười, đập phá bàn ghế, hoa nến, chén đĩa. Nghiêm trọng nhất là việc đập nát tượng Đức Mẹ trên cung thánh.
Vào khoảng 14 giờ, khi linh mục GB. Nguyễn Đình Thục đặt chân tới khuôn viên nhà nguyện để chuẩn bị cử hành thánh lễ Chúa nhật, lập tức, bị một số cán bộ và nhóm người đông đảo đang đợi sẵn ùa đến bao vây yêu cầu linh mục không được cử hành thánh lễ và đấm đá túi bụi vào ngài. Bà con giáo dân thấy họ đánh đập cha xứ như vậy thì xông lên chịu đòn thay. Vì giáo dân ít nên họ tiếp tục càn lướt, đánh đập làm bị thương nhiều người. Đặc biệt, có trường hợp chị Maria Ngô Thị Thanh bị côn đồ dùng loa cầm tay đánh vào đầu gây chấn thương dập sọ não, hiện đang phải cấp cứu tại Hà Nội. Tuy nhiên sau đó, số giáo dân ít ỏi đã cố gắng đẩy lui những người xúc phạm nơi thánh. 41 người phía chính quyền chiếm giữ nhà nguyện thấy tình hình bên ngoài bất ổn nên chốt cửa, tự giam mình bên trong.
Linh mục GB. Nguyễn Đình Thục đã dâng lễ ngay tại sân nhà nguyện vì các đối tượng bên trong không chịu mở cửa. Mái ngói của nhà nguyện luôn phải hứng chịu những trận mưa gạch đá, các cánh cửa nhà nguyện bị tháo dỡ. Bà con hoang mang chứng kiến sự hiện diện của cảnh sát cơ động 113 và một lực lượng quân đội với súng ống sẵn sàng chĩa vào nhà nguyện.
Cùng thời điểm đó, nhận được tin linh mục và bà con đồng đạo của mình gặp nạn, đông đảo giáo dân hạt Bột Đà lên hiệp thông, san sẻ những đau thương hoạn nạn đang xẩy đến với họ. Toàn thể giáo dân có mặt hết sức bất bình và phẫn nộ trước cảnh nhà cầm quyền trấn áp và bắt đi nhiều tín hữu. Nhóm 41 đối tượng trên có cả một số thành viên ban ngành cấp huyện, xã và côn đồ sợ hãi trước tinh thần giáo dân nên không dám rời ra khỏi nhà nguyện. Số đối tượng quá khích còn lại phía ngoài vẫn tìm cách khống chế bà con giáo dân. Khi Thánh lễ đang diễn ra, có hai đối tượng người Thanh Chương xông vào ném đá nhà nguyện. Giáo dân đã giữ lại và họ khai báo là chính quyền địa phương đã trả 500.000 đồng cho một lần đến quấy rối.
Đến 16 giờ 30‘ cùng ngày, sau khi thánh lễ kết thúc, ông Vi Văn Kim, Phó chủ tịch huyện Con Cuông; ông Hoàng Đình Tấn, Trưởng công an huyện; ông Bằng, công an tỉnh Nghệ An đã vào làm việc. Bất chấp sự đe dọa từ phía chính quyền, giáo dân vẫn tập trung đông đảo tại nhà nguyện để yêu cầu thả ngay và vô điều kiện những giáo dân bị bắt đồng thời phải lập biên bản làm rõ sự việc đã xảy ra.
Sau nhiều lý do quanh co nhằm chối bỏ trách nhiệm, ông Kim đã thay mặt chính quyền trực tiếp xin lỗi bà con. Lúc đó, biên bản cũng được lập xong theo đúng những gì đã xảy ra nhưng lại phải "chờ con dấu". Trong biên bản, phía chính quyền buộc phải thừa nhận việc cho người đến quấy phá, đánh đập giáo dân, xúc phạm ảnh tượng, nơi thờ tự là những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật và gây chia rẽ khối đoàn kết trong quần chúng nhân dân.
Đến 3 giờ 30‘ sáng ngày 02.07.2012, trật tự tại giáo điểm Con Cuông mới được vãn hồi. Sau đêm thức trắng đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con đồng đạo tại xã Yên Khê và phụ cận, giáo dân các nơi bắt đầu ra về trong tâm trạng bất an vì những nhức nhối chưa được chính quyền cộng tác giải quyết tại đây. Vừa ra khỏi nhà nguyện chừng 500m, một nhóm côn đồ đuổi theo anh Phạm Văn Hoàn (họ Hội Phước, xóm 3 Tường Sơn, Anh Sơn) và dùng ống tuýp sắt vụt anh tới tấp. Anh Hoàn bị trọng thương và xe máy của anh cũng bị đập nát trước sự chứng kiến của đông đảo công an mặc cảnh phục.
Sự kiện này mới chỉ là bước khởi đầu cho những âm mưu đen tối của thế lực sự dữ. Mặc dầu vậy, bà con giáo dân tại giáo điểm Con Cuông, cùng với sự hiệp thông chia sẻ của giáo dân toàn giáo phận, luôn sẵn sàng vác lấy thập giá Đức Kitô, trên bước đường mưu cầu bình an, tự do tôn giáo, để công lý và hòa bình được thực thi trên mảnh đất miền tây xứ Nghệ.
Để chia sẻ với những đau thương của anh chị em giáo dân Con Cuông, xin mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo quyền và bất công; cầu cho các cấp lãnh đạo chính quyền sớm nhận ra những nhu cầu chính đáng, những quyền lợi cơ bản của người dân được đáp ứng. (giaophanvinh.net)
Đồng Lam
Đại diện Linh mục đoàn Giáo phận thăm giáo điểm Con Cuông
GPVO - Vụ việc chính quyền huyện Con Cuông liên tục cho người đe dọa, ngăn cản, khủng bố linh mục và bà con giáo dân kèm theo những hành vi phạm thánh vào ngày 1.7.2012 đã thực sự gây rúng động cho người dân Giáo phận Vinh nói riêng và cộng đồng Công giáo nói chung. Dư chấn của nó trong những ngày vừa qua đã nhân rộng và bùng phát mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, trong lòng người giáo dân Việt Nam và những ai yêu chuộng công lý, sự thật.
Sáng nay 7.7.2012, đại diện Linh mục đoàn Giáo phận Vinh do Cha Phêrô Trần Phúc Chính dẫn đầu đã đến thăm, động viên, tặng quà và chia sẻ những đau thương với bà con giáo dân nơi mảnh đất miền Tây xứ Nghệ đang trải qua những ngày tháng bị bức bách nặng nề.
Tại gia đình nhà chị Maria Ngô Thị Thanh, quê giáo họ Chính Yên, bị đánh dập sọ não, sau khi được cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức – Hà Nội, hiện đang được điều trị tại Phòng khám đa khoa Tòa Giám mục, đại diện Linh mục đoàn đã thể hiện niềm xúc động sâu xa đối với người giáo dân trung kiên, sắt son bảo vệ cho niềm tin cốt tử của mình.
Ngay sau khi sự vụ xảy ra, Toà Giám mục đã cấp báo và có Thông cáo gửi đến các thành phần dân Chúa trong giáo phận. Tòa Giám mục cũng đã gửi Văn thư đến UBND Tỉnh Nghệ An và các phòng ban liên quan về sự việc đáng lên án này.
Được biết, vào sáng ngày 6.7.2012, nhiều giáo dân hạt Bột Đà nhất là các vị trong Hội đồng mục vụ đã nhận được giấy triệu tập lần thứ nhất của công an tỉnh Nghệ An yêu cầu có mặt tại trụ sở công an huyện Anh Sơn. Lệnh triệu tập do đại tá Nguyễn Viết Hòa, trưởng cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh ký và đóng dấu. Hành động này làm tăng thêm sự bất bình và phẫn nộ của người Công giáo Vinh cũng như mọi người yêu chuộng công lý, hòa bình khắp nơi. Hơn nữa, trong những ngày vừa qua, nhiều báo đài tỉnh Nghệ An đã xuyên tạc sự thật, vu khống các linh mục, tu sĩ và giáo dân vi phạm pháp luật. Đó là những hành động đáng bị lên án và hơn bao giờ hết, sự thật cần được tôn trọng và bảo vệ. (Jos. Tân Yên)
ĐGm Phaolô viếng thăm giáo điểm Con Cuông
GPVO - Sáng ngày 19.7.2012, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã tới giáo điểm Con Cuông (thuộc xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) để thăm hỏi, động viên và cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ việc xảy ra vào ngày 1.7.2012 và những ngày trước đó. Cùng đi với ngài có quý cha Tòa Giám Mục, cha Giuse Ngô Văn Hậu - quản xứ Quan Lãng và cha GB. Nguyễn Đình Thục - phụ trách Đồng Lam.
Sau điểm dừng chân tại nhà thờ giáo xứ Quan Lãng, phái đoàn đã tới giáo điểm Con Cuông. Tại gia đình giáo dân Gioakim Phạm Thế Trận, Đức Cha Phaolô đã được ông bà và mọi người thuật lại toàn bộ diễn tiến sự việc xảy ra trong các buổi trưa, chiều, tối 1.7 và rạng sáng 2.7. Tại đây, Đức Cha cũng đã gặp gỡ, trò chuyện và tặng quà các nạn nhân vụ bạo hành nghiêm trọng này. Trong niềm xúc động sâu xa, Đức Giám Mục giáo phận đã chia sẻ tâm tư của người chủ chăn trước những thương đau, khổ ải vì đức tin mà đoàn chiên đang phải đối diện và gánh chịu.
Sau khi thăm gia đình ông Trận và các nạn nhân, phái đoàn đã tới viếng nhà nguyện với chứng tích vụ tấn công còn được giữ nguyên. Vị chủ chăn cùng đoàn chiên nhỏ bé tại Con Cuông quây quần để cùng hiệp dâng lời cầu nguyện. Cầu nguyện cho cuộc sống của người dân tại giáo điểm này được trở lại bình yên; cầu nguyện cho các nạn nhân được mau chóng hồi phục về thể lý, tâm lý; cầu nguyện cho công lý và sự thật được tôn trọng và cũng không quên nguyện xin Đức Mẹ thứ tha cho những kẻ có hành vi phạm thánh:
"Cha cảm ơn các con và cha rất vui mừng khi các con đã mạnh mẽ bảo vệ cho đức tin của chúng ta. Cha mong muốn cuộc sống bình yên sớm trở lại tại mảnh đất này. Cha và giáo phận luôn đồng hành với các con trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng ta hãy bước theo chân Chúa Giêsu thực hiện giới răn yêu thương, tha thứ. Đồng thời, chúng ta cùng xin Đức Mẹ thứ tha cho những người xúc phạm đến ảnh tượng của Ngài” – vị cha chung giáo phận tâm tình.
Đức Cha và phái đoàn cũng đã động viên, chia sẻ, tặng quà hai Sơ Đinh Thị Bắc, Hồ Thị Hiền, dòng Mến Thánh Giá Vinh đang phục vụ tại đây.
Xúc động trước sự quan tâm của vị chủ chăn giáo phận và tình liên đới của anh chị em đồng đạo, giáo dân Con Cuông đã bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới Đức Cha, quý cha và mọi thành phần trong và ngoài giáo phận.
Chuyến thăm kết thúc với nhiều dấu ấn đặc biệt sẽ còn đọng lại trong mỗi người con tại giáo điểm Con Cuông. Mỗi giáo dân tại mảnh đất miền Tây xứ Nghệ đã cảm nghiệm được tình liên đới và sự quan tâm của gần nửa triệu con tim trong giáo phận và anh chị em đồng đạo cũng như những người thành tâm thiện chí trong - ngoài nước luôn sát cánh bên họ, Mẹ giáo phận vẫn luôn từng giây từng phút dõi theo bước đường của người con bé nhỏ trên hành trình đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho công lý và hòa bình được thể hiện. PV
Chính quyền Nghệ An huy động xe thiết giáp trước cổng TGM Xã Đoài
Bản tin từ Facebook Giáo Xứ Xã Đoài cho hay trưa hôm qua, 14.7.2012, chính quyền địa phương tỉnh Nghệ An huy động một đoàn xe thiết giáp cùng với quân đội đến trước cổng Tòa Giám Mục Xã Đoài, án ngữ tại đó khoảng 30 phút sau đó rời đi về phía Hưng Trung, Hưng Nguyên.
Trưa ngày 14.7.2012, một đoàn xe thiết giáp đã dừng lại trước cổng TGM Xã Đoài.
Tin nói sự xuất hiện khá là bất thường này diễn ra vào khi giáo dân chuẩn bị một buổi cầu nguyện qui tụ hàng chục ngàn người vào ngày Chúa Nhật 15 tháng Bảy, tức hôm nay, tại nhà thờ Xã Đoài, với mục đích phản đối hành động đàn áp của chính quyền đối với giáo dân ở giáo điểm Con Cuông thuộc giáo phận Vinh.
Giải thích ý nghĩa buổi cầu nguyện này, Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp giáo phận Vinh nói:
"Giáo phận Vinh có truyền thống đoàn kết hiệp nhất với nhau trong lúc vui cũng như lúc buồn. Buổi lễ hôm nay tập trung về 20 giáo hạt từ Quảng Bình cho đến Hà Tĩnh cho đến Vinh. Tinh thần cầu nguyện hiệp thông và hiệp nhất đã cầu nguyện trong buổi hôm nay."
Với câu hỏi ông nhận định thế nào về sự hiện diện bất thường của đoàn xe bọc sắt và quân đội trước cổng Tòa Giám Mục Xã Đoài ngày hôm qua, một ngày trước khi có buổi tập họp và cầu nguyện đông người hôm nay, Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp trả lời:
"Có lẽ trước đây thì một số người cũng sợ rằng cuộc tập trung cầu nguyện này sẽ biến thành một cuộc biểu tình mang tính chất chính trị. Nhưng mà giáo dân Vinh thì cho đến nay biết phân biệt đâu là lễ nghi và đâu là hình thức biểu hiện chính trị. Cuộc cầu nguyện hôm nay mang tính chất tôn giáo của những người con trong giáo phận trong giáo hội liên đới với nhau. Và cho đến hôm nay vẫn thực hiện được điều đó."
Được biết trước đó, hàng loạt xe vận tải khác của quân đội cũng được huy động chạy ngang qua Tòa Tổng Giám Mục. Theo người dân địa phương, đã lâu lắm, có thể hàng chục năm qua mới xảy ra cảnh một đội quân được huy động cùng với đầy đủ trang bị và phương tiện như vậy.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Ðại Hội Các Gia Đình Công Giáo Thế Giới Kỳ 7 Tại Milano "Gia Đình: Công Việc và Mừng Lễ"
BY: G. TRẦN ĐỨC ANH OP & LINH TIẾN KHẢI
Chiều thứ sáu, 1.6.2012, ÐTC Biển Ðức 16 đã đến viếng thăm tổng giáo phận Milano bắc Italia, nhân dịp Ðại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới. Ngài lưu lại tại đây hơn 48 tiếng đồng hồ, cho đến gần 6 giờ chiều Chúa Nhật 3.6.2012.
Từ phi trường Milano-Linate, ÐTC dùng xe bọc kính để tới quảng trường trước nhà thờ chính tòa Milano. Dọc đường lối 100 ngàn tín hữu và dân chúng đứng hai bên để chào đón ngài rất tưng bừng.
Milano là thủ đô kinh tế của Italia và là thủ phủ của miền Lombardi hiện có hơn 1 triệu 340 ngàn dân cư. Về mặt tôn giáo, tổng giáo phận Milano cổ kính có từ thế kỷ thứ 4, với vị Giám Mục nổi bật là thánh Ambrosio. Hồi xưa lãnh thổ giáo phận này rộng mênh mông, bao gồm cả vùng nói tiếng Ý bên Thụy sĩ cũng như miền Piemonte đông bắc Italia. Qua dòng lịch sử, đã có 17 giáo phận đã được cắt ra từ lãnh thổ giáo phận Milano, dầu vậy, ngày nay Milano vẫn còn là giáo phận lớn nhất tại Âu Châu với hơn 5 triệu 434 ngàn tín hữu Công Giáo sống trên lãnh thổ rộng 4.208 cây số vuông, thuộc 1.104 giáo xứ, do 2009 linh mục giáo phận và 836 linh mục dòng săn sóc với sự cộng tác của 120 phó tế vĩnh viễn. Giáo phận do ÐHY Angelo Scola cai quản với sự cộng tác của 4 Giám Mục phụ tá.
Tại quảng trường rộng 17 ngàn mét vuông trước nhà thờ chính tòa Milano, 60 ngàn người đã dành cho ÐTC một cuộc tiếp đón nồng nhiệt. Ðông đảo các gia đình và người trẻ trong số các tín hữu hiện diện. Họ ca hát, vẫy những khăn màu trắng để chào mừng ngài. Tại đây cũng có bố trí các màn hình khổng lồ 12 mét vuông để những người đứng xa cũng có thể thấy Ðức Giáo Hoàng, và qua màn hình này, dân chúng cũng có thể theo dõi cuộc gặp gỡ của ngài với các gia đình thế giới vào chiều tối thứ bẩy, cũng như thánh lễ sáng Chúa Nhật 3.6.2012.
Lên tiếng sau lời chào mừng của ông thị trưởng và ÐHY Scola Tổng Giám Mục sở tại, ÐTC chào thăm chính quyền và giáo quyền địa phương trước khi chào thăm đại diện các gia đình quốc tế. ĐTC cầu nguyện và khích lệ giáo phận đã tích cực cứu giúp dân chúng bị động đất ở miền Emilia Romagna.
Hai trận động đất ngày 20 và 29.5.2012 ở miền Emilia Romagna đã làm cho 24 người chết, hơn 350 người bị thương, 14 ngàn người phải di tản và sống trong các lều tạm trú, 305 thánh đường bị hư hại, trong đó có một số bị sụp hoàn toàn. Cả Ðền thánh Antôn thành Padova cũng bị thiệt hại.
Trong diễn văn, ÐTC cũng nêu cao mối liên hệ mật thiết giữa giáo phận Milano với người kế vị thánh Phêrô qua dòng lịch sử, và bao nhiêu vị đại mục tử đã hướng dẫn Giáo phận này, nhất là thánh Ambrosio, thánh Carlo Borromeo, cũng như một số vị Giáo Hoàng xuất thân từ đây, như Ðức Piô 11 và đặc biệt là vị tôi tớ Chúa ÐGH Phaolô 6 đã làm TGM Milano.
Vào lúc quá 7 giờ rưỡi tối, ÐTC đã đến nhà hát Scala, nổi tiếng nhất tại thành Milano để tham dự buổi hòa nhạc cùng với các đoàn đại biểu chính thức từ các nước trên thế giới đến dự Ðại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới, cũng như chính quyền các cấp và đại diện các giới. Ban nhạc và ca đoàn của nhà hát, do nhạc trưởng Barenboim 70 tuổi điều khiển, đã trình diễn Hợp tấu số 9 của Ludwig van Beethoven với lời "Bài ca vui tươi" do Friedrich Schiller biên soạn.
Tường thuật ngày thứ hai ÐTC viếng thăm mục vụ tổng giáo phận Milano
Sáng thứ bẩy 2.6.2012 là ngày thứ hai ÐTC viếng thăm tổng giáo phận Milano nhân dịp đại hội kỳ VII các gia đình thế giới đã có bốn sinh hoạt chính. Ban sáng lúc 10 giờ ngài gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong nhà thờ chính tòa. Tiếp đến vào lúc sau 11 giờ ngài gặp gỡ các người trẻ sắp chịu phép Thêm Sức tại vận động trường Giuseppe Mazza. Vào ban chiều lúc 5 giờ ÐTC gặp gỡ các giới chức chính quyền dân sự, quân đội và giới doanh thương thành phố. Và lúc 8 giờ rưỡi tối ngài chủ sự buổi canh thức với các gia đình và tín hữu tại công viên Bresso.
1. Tình yêu đối với Chúa Giêsu là linh hồn và là lý lẽ của chức thừa tác linh mục
Ban sáng ÐTC đã cử hành thánh lễ riêng trong tòa TGM. Lúc 9 giờ 50 ngài đã đến nhà thờ chính tòa để chủ sự buổi hát kinh giờ ba theo lễ nghi Ambrogio, với sự tham dự của các linh mục, tu sĩ nam nữ và các chủng sinh. ÐTC đã được các Giám Mục phụ tá, Ðức Ông Manganini cha sở nhà thờ chính tòa và Kinh sĩ đoàn tiếp đón ở cửa nhà thờ. Ngỏ lời với mọi người ÐTC đã đề cao tầm quan trọng của tình yêu thương đối với Chúa Giêsu Kitô và nỗ lực sống kết hiệp với Người trong cuộc đời thánh hiến.
ÐTC nói: nếu Chúa Kitô, để xây dựng Giáo Hội Người, tự trao mình vào trong tay của linh mục, thì tới lượt mình, linh mục cũng phải tín thác nơi Chúa mà không dè dặt: tình yêu đối với Chúa Giêsu là linh hồn và là lý lẽ của chức thừa tác linh mục…Dấu chỉ sáng ngời của tình bác ái mục vụ và của một con tim không chia sẻ là sự độc thân linh mục và sự đồng trinh thánh hiến...
ÐTC đã cám ơn các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh về chứng tá đã ra sức phục vụ Tin Mừng, đôi khi đến hy sinh cả mạng sống và Ngài khích lệ: hãy tin tưởng nhìn về tương lai, bằng cách tin tưởng nơi lòng trung thành của Thiên Chúa và sức mạnh ơn thánh của Người, luôn có khả năng thực hiện những điều kỳ diệu mới.
Sau khi ban phép lành cho mọi người hiện diện, ÐTC đã chào một số các linh mục tu sĩ tàn tật ngồi trên xe lăn. Rồi ngài xuống hầm nhà thờ chính tòa để viếng hài cốt của thánh Carlo Borromeo, nguyên TGM Milano.
2. Hãy hướng tới các lý tưởng cao đẹp và hay nên thánh, vì nên thánh là ơn gọi bình thường của mọi kitô hữu
Lúc 11 giờ 50 ÐTC đã tới vận động trường Giuseppe Mazza để gặp gỡ các người trẻ sắp sửa lãnh bí tích Thêm Sức. Trong khi chờ đợi ÐTC đến, giới trẻ đã sắp bốn chữ Pietro bằng các mảnh vải mầu vàng lớn chào mừng ÐTC là Người Kế Vị Thánh Phêrô.
Ngoài các trẻ em chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức, còn có gia đình các em, các linh mục tu sĩ và các giáo lý viên nam nữ, tất cả khoảng 70.000 người thuộc hơn 1.000 giáo xứ toàn tổng giáo phận ngồi chật sân vận động.
Cho tới năm 1980 sân vận động này mang tên San Siro, là tên của khu phố và là một trong nhiều sân vận động của thành phố. Năm 1980 nó được gọi là sân vận động Giuseppe Mazza, là tên một cầu thủ túc cầu nổi tiếng của đội bóng Inter của Milano, qua đời năm 1979. Ðội bóng này đã hai lần thắng giải túc cầu quốc tế năm 1934 và 1938. Sân vận động được xây năm 1925 và khánh thành năm 1926, có 80.000 chỗ ngồi. Vào dịp tổ chức giải túc cầu quốc tế 1990 sân vận động được canh tân với vòng thứ ba và mái che. Năm 2009 sân vận động Giuseppe Mazza được nguyệt san Times xếp vào hạng các sân vận động đẹp nhất thế giới hiện nay.
Buổi gặp gỡ đã diễn ra dưới hình thức bốn cảnh đối thoại giữa con cái và cha mẹ, giữa các bạn trẻ và các linh mục tu sĩ và giáo lý viên và với cả ÐHY Scola nữa, xem kẽ với các lời nguyện. Cứ sau mỗi cảnh, hàng ngàn bạn trẻ ở giữa sân vận động lại dùng các mảnh vải, các mảnh bìa nhiều mầu sắp các đội hình rất đẹp và ngoạn mục: hình Thánh giá, hình đền thờ và quảng trường thánh Phêrô, các khóm hoa, hình rẻ quạt diễn tả 7 ơn của Chúa Thánh Thần, lưới cá, chim bồ câu vv...
Ngỏ lời với các bạn trẻ sau Phúc Âm, ÐTC mời gọi người trẻ hãy hướng tới các lý tưởng cao đẹp và hãy nên thánh: Từ khi được sinh ra bởi nước và Thánh Thần các con đã là thành phần gia đình của Thiên Chúa, và là các kitô hữu chi thể của Giáo Hội. Giờ đây các con đã lớn lên và có thể nói tiếng "có" của các con với Thiên Chúa, một tiếng "có" tự do và ý thức. Bí tích Thêm Sức xác nhận bí tích Rửa Tội và đổ tràn đầy trên các con Thánh Thần với các ơn trợ giúp các con trở thành chứng nhân trung thành và can đảm của Chúa Giêsu.
Vì thế cha mời gọi các con luôn tươi vui trung thành tham dự thánh lễ Chúa Nhật, khi toàn cộng đoàn tụ họp nhau để cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và tham dự vào Hy Tế Thánh Thể. Và cũng hãy đến với bí tích Sám Hối, Giải Tội: đó là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu, Ðấng tha tội lỗi chúng ta và giúp chúng ta chu toàn việc thiện. Thế rồi các con cũng không được thiếu lời cầu nguyện cá nhân mỗi ngày. Hãy tập đối thoại với Chúa, tâm sự với Người, hãy nói với Người các vui buồn lo lắng, và xin Người ban ánh sáng và trợ giúp con đường đời sống các con.
Sau phần lời nguyện cầu cho nhiều ý chỉ khác nhau ÐTC đã ban phép lành cho mọi người. Buổi gặp gỡ các bạn trẻ đã rất là hào hứng và tươi vui vì các hoạt cảnh sắp đội hình rất có nghệ thuật của các bạn trẻ thuộc nhiều lứa tuổi giữa sân banh.
3. Chính quyền phải phục vụ công ích và bảo vệ các quyền tự do của con người
Lúc 5 giờ chiều ÐTC đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính quyền các cấp trong phòng khánh tiết của tòa TGM. Ngỏ lời trong cuộc gặp gỡ, ÐTC nhắc đến thánh Ambrosio vốn là một vị thống đốc tỉnh Liguria và Aemilia có trụ sở tại thành Milano này. Trước khi được bầu một cách bất ngờ làm Giám Mục thành Milano - điều mà ngài không hề muốn vì cảm thấy mình không được chuẩn bị - thánh nhân đặc trách duy trì trật tự công cộng và thi hành công lý tại đó.
Trong bài chú giải Tin Mừng theo thánh Luca, thánh Ambrosio nhắc nhở rằng "Quyền bính đến từ Thiên Chúa đến độ người thi hành quyền bính chính là thừa tác viên của Thiên Chúa" (Expositio Evangelii secumdum Lucam, IV, 29). (Epistula 51, 11).
Có một yếu tố khác chúng ta có thể rút ra từ giáo huấn của thánh Ambrosio, đó là: đức tính đầu tiên của người cai trị là công bằng, nhân đức công cộng tuyệt hảo, vì nó liên hệ tới thiện ích của toàn thể cộng đoàn. Nhưng điều này vẫn chưa đủ. Thánh Ambrosio kèm theo một đức tính khác, đó là lòng yêu mến tự do mà ngài coi là một yếu tố phân biệt giữa người cầm quyền tốt và người cầm quyền xấu, vì như chúng ta đọc thấy trong một thư khác của thánh nhân: "những người tốt lành yêu mến tự do, còn những người đáng trách yêu sự nô lệ" (Epistula 40,2). Tự do không phải là một đặc ân của vài người, nhưng là một quyền cho tất cả mọi người, một quyền quí giá mà chính quyền dân sự phải bảo đảm. Tuy nhiên, tự do không có nghĩa là ý riêng độc đoán của cá nhân, nhưng đúng hơn, nó bao hàm trách nhiệm của mỗi người. Ở đây chúng ta có một trong những yếu tố chủ yếu trong đặc tính đời của Nhà Nước, đó là bảo đảm tự do để tất cả mọi người có thể đề nghị quan điểm của họ về cuộc sống chung, nhưng luôn luôn trong sự tôn trọng người khác, và trong khuôn khổ luật pháp nhắm đến thiện ích của tất cả mọi người".
ÐTC cũng xác quyết rằng các luật lệ quốc gia cần phải tìm được lý do biện minh và sức mạnh nơi luật tự nhiên, vốn là nền tảng của một trật tự thích hợp với phẩm giá con người, vượt lên trên quan niệm hoàn toàn duy thực nghiệm, vì từ quan niệm này không thể có những đường hướng có tính chất luân lý đạo đức (Xc Diễn văn tại Quốc hội Ðức ngày 22.9.2011). Nhà Nước phục vụ, bảo vệ con người và an ninh của con người trong nhiều khía cạnh, bắt đầu là quyền sống mà không bao giờ được phép cố tình hủy diệt. Như thế mỗi người có thể thấy luật pháp và hoạt động của các cơ chế nhà nước phải đặc biệt phục vụ gia đình. Nhà Nước được kêu gọi nhìn nhận căn tính riêng của gia đình, dựa trên hôn nhân và cởi mở đối với sự sống; cũng vậy Nhà Nước phải nhìn nhận và bảo vệ quyền đầu tiên của các cha mẹ được tự do giáo dục và huấn luyện con cái theo dự phóng giáo dục mà họ thấy là giá trị và thích hợp. Nhà nước không thi hành công lý cho gia đình nếu không nâng đỡ tự do giáo dục để mưu ích chung cho toàn thể xã hội.
Sau cùng, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh sự cộng tác quí giá giữa Nhà Nước và Giáo Hội, không phải để tráo lộn các mục đích và vai trò khác biệt giữa chính quyền dân sự và Giáo Hội, nhưng vì sự đóng góp mà Giáo hội đã và còn có thể mang lại cho xã hội, do kinh nghiệm, đạo lý, truyền thống, các tổ chức và hoạt động của Giáo hội để phục vụ dân chúng.
4. Lễ hội chứng từ của các gia đình với Đức Thánh Cha
(Xin nội dung lễ hội và các chứng từ trang 23)
ĐTC bế mạc Đại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới
Đại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới với chủ đề "Gia đình: lao động và mừng lễ" đã kết thúc tốt đẹp với thánh lễ trọng thể do ĐTC Biển Đức 16 cử hành tại công viên Bresso, lúc quá 10 giờ sáng Chúa Nhật 3.6.2012 trước sự hiện diện của hơn 1 triệu tín hữu.
Địa điểm hành lễ cách trung tâm Milano lối 10 cây số, nguyên là một phi trường được sử dụng thời sau thế chiến thứ 2, nay là một khu vực rộng 640 hécta xanh tươi, được phân làm nhiều khu. Công viên này tiếp tục được mở rộng về diện tích cũng như về các loại cây được trồng.
Trước lễ đài khổng lồ có mái vòm che mưa nắng, có khoảng 1 ngàn linh mục đồng tế đến từ các nước và cả các giới chức chính quyền, đứng đầu là chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Ông Mario Monti, cùng với nhiều bộ trưởng trong chính quyền. Một khu vực bên trái lễ đài được dành cho ca đoàn với 500 ca viên. Trên lễ đài, đã có 250 GM Italia và các nước ngồi sẵn, trong khi 60 HY đã đi rước với ĐTC lên bàn thờ.
Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC mời gọi các tín hữu noi gương cuộc sống hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, sống tình yêu thương với nhau và với mọi người, chia sẻ những vui mừng và đau khổ, học cách tha thứ và đón nhận tha thứ, chăm sóc và giáo dục con cái. Ngài cũng mời gọi những người ly dị tái hôn hãy gắn bó với Giáo Hội và mọi thành phần Giáo Hội hãy quan tâm nâng đỡ họ: Gia đình, lao động và mừng lễ: 3 hồng ân của Thiên Chúa, 3 chiều kích trong cuộc sống chúng ta phải tìm được sự hòa hợp quân bình. Hòa hợp thời gian làm việc và những đòi hỏi của gia đình, của công việc làm, của chức phận làm mẹ, lao động và mừng lễ, sự hòa hợp như thế là điều quan trọng để xây dựng xã hội với khuôn mặt con người. (Xin xem trọn bài giảng của ĐTC trang 17)
Cuối thánh lễ, ĐHY Ennio Antonelli, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, đã cám ơn ĐTC, tổng giáo phận Milano và chính quyền đã cộng tác vào việc tổ chức và tiến hành tốt đẹp Đại hội các gia đình này. Về phần ĐTC, ngài cũng lên tiếng cám ơn các vị trong ban tổ chức đồng thời loan báo: Đại hội kỳ 8 gia đình Công Giáo thế giới sẽ diễn ra tại thành phố Philadelphia, Hoa Kỳ vào năm 2015 tới đây. ĐTC cám ơn Đức Cha Charles Chaput, dòng Capuchino, TGM giáo phận Phila, đã quảng đại đón nhận trách nhiệm này.
ĐTC chào thăm các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, và trước khi ngài ban phép lành, Đức Cha De Scalzi, chủ tịch Quỹ Gia Đình 2012 ở Milano, loan báo cho mọi người: ĐTC đã dành 500 ngàn Euro từ quĩ bác ái của ngài để giúp các giáo phận bị động đất. Ngân khoản này sẽ được trao cho các GM 5 giáo phận Ferrara, Modena, Mantova, Carpi, Bologna, để giúp các gia đình và những người gặp khó khăn nhiều nhất vì động đất trong giáo phận của các vị.
Sau thánh lễ lúc 12 giờ rưỡi, ĐTC đã về tòa TGM Milano để dùng bữa với các HY, GM và một số đại diện từ 5 châu, trong đó có gia đình người Irak, Mêhicô, Australia, Tây Ban Nha. Ban chiều, vào lúc 4 giờ rưỡi, ngài chào thăm và cám ơn một số thành viên của Quỹ Gia Đình 2012 cũng như ban tổ chức đại hội cũng như cuộc viếng thăm của ngài, trước khi ra phi trường để đáp máy bay trở về Roma vào lúc gần 7 giờ chiều.
Pháp Quốc Và Liên Hiệp Âu Châu
BY: HÀ MINH THẢO
Ngày 06.05.2012, cử tri Pháp đã tuyển ông François Hollande vào chức vụ Tổng thống trong nhiệm kỳ 2012-2017. Trong thời gian vận động tranh cử, ứng cử viên đảng Xã hội này luôn yêu cầu bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, tái đàm phán Hiệp ước Âu châu về thắt chặt kỷ luật ngân sách mà bà và Tổng thống Sarkozy đã chủ xướng.
I. TUYỂN CỬ TỔNG THỐNG PHÁP.
Ngay từ đầu năm 2011, các cuộc thăm dò dân ý cho thấy ứng cử viên đảng Xã hội (dù là Hollande hay Martine Aubry và, nhất là, Dominique Strauss-Kahn) đều đắc cử trước Tổng thống xuất nhiệm vì, một cách chung, ông chỉ ghi những thành tích trên trường quốc tế, nhưng nhiều thất bại trong nước. Do đó, ông Sarkozy gặp nhiều khó khăn khi phải chịu sự chấm điểm của đồng bào.
A. Đặc tính cuộc tuyển cử năm nay.
1. Sự đơn độc của Tổng thống xuất nhiệm.
Lần đầu tiên, trong một cuộc bầu cử Tổng thống có 10 ứng cử viên thì 9 người đều chống lại nhân vật thứ 10, đương kim Tổng thống tranh cử nhiệm kỳ hai. Do đó, đã có những người cho rằng ông Hollande thắng cử không phải là người xuất sắc, nhưng vì người ta muốn triệt hạ ông Sarkozy chỉ lo cho người giàu và để số người thất nghiệp tăng trong 5 năm qua.
Trong khi vận động bầu cử năm 2007, ông Sarkozy hứa giảm số đó còn 5% số người trong tuổi làm việc lúc mãn nhiệm 2012. Sự thật, số bách phân cuối tháng 06/2007 là 8,40%, rồi tháng 06/2008 giảm còn 7,60% và, từ đó, tăng đến 9,40% vào cuối năm 2011. Trong thời gian gần, nhiều xí nghiệp lớn định sa thải nhân viên mà, do sự can thiệp của ông Sarkozy, họ đã cố gắng trì hoãn. Do đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OCDE) tiên đoán đến cuối 2012, tỷ lệ này sẽ là 10,40% và Viện Quan sát Pháp thời cơ kinh tế (OFCE) nghĩ rằng sẽ lên đến 10,70% số người trong tuổi làm việc. Năm 2007, khẩu hiệu ‘làm việc nhiều hơn để thu lợi tức cao hơn’ (travailler plus pour gagner plus) đã góp phần giúp ông thắng phiếu trước bà Ségolène Royal, ứng cử viên Xã hội, nay đã trở thành một đề tài châm biếm cho mọi người.
2. Tranh cử với những quan điểm cực đoan.
10 ứng cử viên đã tham dự cuộc tuyển cử năm nay gồm 3 thuộc hữu phái, 5 thuộc tả phái, 1 trung phái và 1 độc lập. Trong số này, ba vị (Sarkozy, Hollande và François Bayrou) có khả năng thắng cử nhưng vì do ảnh hưởng của giới truyền thông và các viện thống kê công bố các thăm dò dân ý, nên mọi người chỉ chú ý đến 2 ứng viên Hollande và Sarkozy. Ngoài ra, rất nhiều cử tri công nhận ông Bayrou là một ‘tín hữu Công giáo tốt và công dân tốt’, nhưng họ không thể bầu phiếu được vì ông không có đa số tại Quốc hội vì nước Pháp được điều hành bởi Thủ tướng được sự tín nhiệm của Quốc hội. Ðiều khác, chủ trương trung dung của ông hài hòa, hợp lý, không mị dân nên thiếu sức hấp dẫn. Ý tưởng ‘sản xuất ở Pháp, tiêu dùng hàng Pháp’ của ông để giảm nhập cảng (cán cân ngoại thương 2011 bị khiếm ngạch 70,67 tỷ euro), tăng tăng trưởng và bớt người thất nghiệp. Hai ứng cử viên vào vòng hai đã dùng lấy ý kiến này, sau khi họ đã đặt mua các áo T-shirt cho các ủng hộ viên từ ngoại quốc.
- Bên hữu phái, để thuyết phục cử tri đầu phiếu cho ông thay vì cho bà Le Pen (ứng cử viên Mặt trận Quốc gia, Font National), ông Sarkozy phải hứa áp dụng các biện pháp ‘cực hữu’ như sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về người nhập cư, thêm điều kiện khó khăn cho người ngoại quốc xin sum hợp gia đình… và, cùng với Tổng trưởng Nội vụ Claude Guéant và Thủ tướng François Fillon, đáp trả với bà Le Pen về ‘Thịt Halal (Hồi giáo), Thịt Casher (Do thái giáo)’ khiến tín hữu các tôn giáo phản đối. Đức cha Michel Dubost, Chủ tịch Hội Đồng Liên lạc với các tôn giáo Hội đồng Giám mục Pháp tuyên bố với báo La Croix: «François Fillon nên nhớ Đạo luật 1905 về Phân quyền Giáo hội và Quốc gia là không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của tôn giáo, và cũng không phán xét về ‘truyền thống tôn giáo’… Nói chung, tôi nghĩ rằng các vấn đề đó không nên đề cập trong cuộc tranh cử tổng thống».
Ngày 11.03.2012, khi vận động tranh cử tại Villepinte, ông Sarkozy cam kết khi tái đắc cử, Pháp sẽ rút khỏi không gian Schengen nếu Liên hiệp Âu châu không điều chỉnh các hiệp ước liên quan đến quyền tự do đi lại. Ông tuyên bố như vậy để thu hút phiếu cử tri Mặt trận quốc gia mà các lãnh đạo đảng này thường quy trách nhiệm cho người nhập cư là nguồn cội mọi sự bất ổn. Schengen, một làng ở Luxembourg, nơi các quốc gia Pháp, Đức, Bỉ, Hòa lan và Luxembourg đã ký kết Thỏa hiệp về tự do đi lại vào năm 1985. Năm 1997, Thỏa hiệp này được áp dụng cho 27 nước thành viên Liên hiệp Âu châu đã ký Hiệp ước Amsterdam.
Ông Sarkozy đề nghị cần quy định quyền trừng phạt, đình chỉ hay trục xuất khỏi không gian Schengen một quốc gia mà Chính phủ không đủ khả năng kiểm soát biên giới mình. Giới thẩm quyền Liên hiệp Âu châu cho biết đang có dự thảo để các nước thành viên có quyền tái lập tạm thời việc kiểm soát biên giới bên trong không gian Schengen châu Âu, trong trường hợp có nạn nhập cư bất hợp pháp ồ ạt, không kiểm soát được.
- Bên tả phái, ngược lại, ông Jean-Luc Mélenchon (Mặt trận Tả phái, Front de Gauche) muốn chiếm phiếu của ông Hollande (đảng Xã hội) bằng ‘lấy của nhà giàu phát cho người nghèo’:
a) Thuế lợi tức, tăng từ 5 bậc (tranches) với bách phân thuế đến 100% cho những lợi tức chịu thuế từ 360.000 euro/năm. Tăng thu ngân sách được 20 tỷ euro. Ông Hollande đề nghị 75% và từ 1 triệu;
b) Giảm 30 tỷ euro trợ cấp góp các quỹ an ninh xã hội từ giới chủ xí nghiệp;
c) Ước thu 100 tỷ euro do bỏ bớt những sự miễn đóng góp thuế và các quỹ xã hội khác;
d) Tăng lương tối thiểu tháng từ 1.398 euro lên 1.700 euro, tức tăng 21,50%;
e) Tái lập tuổi đi hưu lúc 60 tuổi;
f) Bồi hoàn 100% chi phí y tế…
B. Kết quả tuyển cử.
1. Bầu cử vòng một ngày 22.04.2012. 79,47% số người ghi danh đã tham gia đầu phiếu, nhưng chỉ 98,09% tỷ số đó là hợp lệ và kết quả là: ông François Hollande đạt được 28,63% số phiếu hợp lệ; ông Nicolas Sarkozy (Liên minh vì một Phong trào Nhân dân, Union pour un mouvement populaire) 27,18%; bà Marine Le Pen 17,90%; ông Jean-Luc Mélenchon 11,11%; ông François Bayrou (Phong trào Dân chủ, Mouvement démocrate) 9,13%; bà Eva Joly (Sinh thái học Âu châu Xanh, Europe Écologie Les Verts) 2,31%; ông Nicolas Dupont-Aignan (Đứng lên Nền Cộng hòa, Debout la République) 1,79%; ông Philippe Poutou (Tân đảng chống tư bản, Nouveau Parti anticapitaliste) 1,15%; bà Nathalie Arthaud (Tranh đấu thợ thuyền, Lutte ouvrière) 0,56% và ông Jacques Cheminade (độc lập) 0.25%.
Năm nay, đảng Cộng sản (Parti communiste français) không giới thiệu ứng cử viên tranh cử mà đã phải sát nhập vào Front de Gauche của ông Mélenchon vì không tiền sau khi những ứng cử viên Tổng thống PCF Robert Hue (năm 1995 thu 8,64% phiếu hợp lệ và chỉ được 3,37% năm 2002) và Marie George Buffet chỉ có 3,37% năm 2007). Sau khi tham chính với đảng xã hội mà số người thất nghiệp ngày càng gia tăng khiến các đảng viên phải than vãn: «Khi xưa, chúng ta chống chủ bóc lột. Ngày nay, muốn bị bóc lột, chủ không thèm ».
Đảng này (như đảng Cộng sản Việt Nam) đều thuộc Cộng sản Đệ Tam do Lénine thành lập ngày 02.03.1919 tại Moskva (Nga) do Đảng Cộng sản Liên Xô lãnh đạo để đấu tranh lật đổ các chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, thiết lập chuyên chính vô sản. Kế vị Lénine là Josef Staline. Nhưng Cộng sản Đệ Tứ giới thiệu hai ứng cử viên ông Philippe Poutou và bà Nathalie Arthaud. Đệ Tứ Quốc tế hay Cộng sản Đệ Tứ là liên minh quốc tế của những người theo chủ nghĩa Trotskiste thành lập năm 1938 tại Paris, theo khuynh hướng ‘cách mạng thường trực’ do Trotsky đưa ra từ sau khi Lenin qua đời (1924) để chống lại đường lối ‘cách mạng vô sản trong một quốc gia’ của Staline. Kể từ năm 1953, Đệ Tứ Quốc tế phân hóa thành nhiều nhóm nhỏ.
2. Bầu cử vòng hai ngày 06.05.2012. Ngày 10.05.2012, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Jean-Louis Debré đã chính thức công bố kết quả như sau:
- ông François Hollande thu 18.000.668 phiếu, tức 51,6% số phiếu hợp lệ;
- ông Nicolas Sarkozy thu 16.860.685 phiếu, tức 48,4% số phiếu hợp lệ.
Như vậy ông François Hollande đạt đa số tuyệt đối và đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2012-2017, bắt đầu lúc 24 giờ ngày 15.05.2012.
Đây là Tổng thống thứ 7 của Đệ Ngũ Cộng hoà Pháp và chấm dứt 17 năm hữu phái ngự trị tại Điện Elysée.
C. Tân Tổng thống là ai?
François Hollande sinh ngày 12.08.1954 tại Rouen (Normandie) trong một gia đình trung lưu, cha là bác sĩ tai mũi họng và Mẹ là trợ tá xã hội (assistante sociale). Ông đã theo học tại trường Jean Baptiste de La Salle ở Rouen, rồi tại Trung học Pasteur (Paris, năm 1968) và tốt nghiệp Institut d‘Etudes Politiques (IEP) và Ecole des Hautes Etudes Commerciales (HEC) tại Paris. Sau đó, năm 1980, ông mãn khóa học tại Ecole nationale d‘administration. Tại đây, ông đã gặp bà Ségolène Royal, sau đó, hai người sống chung (concubinage, không đám cưới) và có 4 con. Năm 2007, sau khi bà Royal thất cử tổng thống ở vòng hai, họ đã chia tay. Hiện nay, ông đang sống chung với ký giả Valérie Trierweiler.
Gia nhập đảng Xã hội năm 1979, ông được bầu làm Dân biểu Quốc hội lần đầu năm 1988 và, năm 1997, nhận chức Đệ Nhất Bí thư đảng Xã hội cho đến tháng 11.2008. Năm 2011, ông đã tuyên bố ứng cử tổng thống năm 2012 với vài đảng viên xã hội khác như ông Dominique Strauss-Kahn, v.v… Ngày 14.05.2011, ông Strauss-Kahn gặp ‘tai nạn tình dục’ tại khách sạn Sofitel ở Manhattan (Nữu Ước, Hoa kỳ) khiến ông phải bỏ cuộc. Sau đó, khi bầu sơ bộ, các cử tri thân đảng Xã hội đã chọn ông làm ứng cử viên tổng thống của đảng Xã hội.
Ngày 15.05.2012, ông François Hollande đã đến nhận chức vụ tại Dinh Tổng thống lúc 10 giờ. Ông Nicolas Sarkozy đã tiếp và bàn giao với tân Tổng thống, quan trọng nhất là mật mã để điều khiển võ khí nguyên tử. Sau đó, ông rời Điện Elysée. Lúc 16 giờ 45, tổng thư ký Phủ Tổng thống đọc thông cáo báo tin Tổng thống đã cử ông Jean-Marc Ayrault giữ chức Thủ tướng.
II. LIÊN HIỆP ÂU CHÂU.
Sau khi ông Hollande thắng cử, chủ trương chung nhằm thăng bằng ngân sách Merlel-Sarkozy chỉ dựa trên sự kiệm ước (sự khắc khổ, thắt lưng buộc bụng) đã bị nhiều chỉ trích. Tân Tổng thống cũng đồng ý là phải thăng bằng ngân sách nhưng bằng việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Thật vậy, Pháp, cũng như nhiều quốc gia thành viên khác không thể dễ dàng kích thích kinh tế mà luôn vấp phải hai điều kiện quan trọng khu vực Euro về Nợ công 60% tổng sản lượng nội địa (TSLNĐ) hay GDP (Gross Domestic Product, tiếng Anh hay Produit Intérieur Brut (PIB), tiếng Pháp) và Bội chi ngân sách 3% TSLNĐ.
Đức đang có mức tăng trưởng là 2,30% và khiếm hụt công là 2,50% tổng sản lượng nội địa năm 2011 và mức tăng trưởng kinh tế Pháp chỉ là 1,70% năm 2011 và 0% cho tam cá nguyệt 01.2012. Phải có tăng trưởng ít nhất là 2% TSLNĐ hàng năm mới hy vọng giảm số người thất nghiệp. Đức thành công thì Pháp cũng phải làm được.
A. Những Hiệp ước liên tiếp nhưng vô hiệu.
Ngày 07.02.1992, Tổng thống Pháp François Mitterand đã ký Hiệp ước Maastricht về việc thành lập Euro, đồng tiền chung Âu châu. Hiệp ước quy định nền kinh tế và tài chính các quốc gia gia nhập phải hội đủ 5 điều kiện mà 2 điều chính là Khiếm hụt Công phải dưới 3% TSLNĐ và Nợ công phải dưới 60% TSLNĐ. Ngày 01.01.1999, Euro được khai sinh trong sổ sách và ngày 01.01.2002, Euro tiền mặt có hiệu lực thanh toán.
Sau đó, các nước thành viên vẫn vi phạm 2 điều kiện này, kể cả hai quốc gia kinh tế hàng đầu khu vực Euro là Đức và Pháp. Do đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp Âu châu ngày 22.03.2005, Đức và Pháp yêu cầu các nước thành viên khác ký ‘Thỏa ước Bình ổn Kinh tế và Phát triển (Pacte de stabilité et de croissance) để cam kết không vi phạm hai quy định trên.
Thời gian qua, để đối phó các cuộc khủng hoảng kinh tài từ năm 2008, sự khiếm hụt công bị đào sâu hơn do chính phủ dùng công quỹ để tài trợ các xí nghiệp trong khi giới này, lợi dụng khó khăn tạm thời, đẩy các công nhân mình vào thảm trạng thất nghiệp hầu bảo tồn cổ tức trả cho giới tư bản. Các quỹ an ninh xã hội bị thất thu vì số người lao động giảm bớt. Số bách phân khiếm hụt này tại Pháp năm 2009 đã là 7,9% và sang năm 2010 là 7,9%, rồi vào năm 2011 giảm còn 5,2%, mục tiêu năm 2012 là 5,70% TSLNĐ.
Liên hiệp Âu châu đã họp thượng đỉnh ngày 08 và 09.12.2011 tại Bruxelles để đồng thuận ‘tăng cường kỷ luật ngân sách’. Theo đó, ngân sách các quốc gia thành viên phải được thông qua bởi Ủy ban Âu châu và nếu bị vi phạm mức khiếm hụt 3% TSLNĐ sẽ bị trừng phạt ‘tự động’. Các điều này đã được thống nhất trong Hội nghị thượng đỉnh không chính thức ngày 30.01.2012. ‘Thỏa hiệp bình ổn, hợp tác và điều hành trong Liên hiệp kinh tế và tài chính’ (Traité pour la stabilité, la coordination et la gouvernance dans l‘Union économique et monétaire) được các nước ký tháng 03.03.2012 và chỉ được áp dụng sau khi 25 quốc gia (Anh và Cộng hòa Séc không dự) chuẩn nhận.
B. Khiếm hụt Công.
Tại Hy Lạp, ngày 04.10.2009, Đảng Xã hội của ông George Papandreou thắng cuộc bầu cử Quốc hội. Trong tháng 10 này, các số liệu cho tài chính công cho thấy mức thâm hụt ngân sách 12% và công nợ đến 113,4% TSLQN, năm 2009. Đây là một bất ngờ đối với tân chánh phủ vì họ chờ một sự thâm hụt ngân sách chỉ 6% TSLNĐ. Do đó, Ủy ban Âu châu mở cuộc điều tra ‘toàn diện’ và áp đãt những biện pháp khắc nghiệt để kiểm soát công chi. Sau đó, khám phá khác là thâm hụt công Hy lạp trung bình từ 1991 đến 2000 là 6,8% TSLNĐ, chứ không là 3% để gia nhập đồng Euro. Lỗi tại ai nếu không phải là tại các giới thẩm quyền Ủy ban Âu châu không chu toàn trách nhiệm?
Ngày 07.12.2009, các cơ quan định mức tín nhiệm nợ (agence de notation) đã lần lượt hạ điểm tín dụng Hy lạp khiến những nhà đầu tư chỉ chịu mua trái phiếu nước này với lãi suất ngày càng cao khi cần tiền để trả vốn vay và tiền lời.
Ngày 06 đến 08.01.2010, các chuyên gia từ Ủy ban Âu châu và Ngân hàng Trung ương Âu châu để kiểm tra tài chính công Hy lạp. Ngày 13.01.2010, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, theo lời yêu cầu của Hy lạp, nghiên cứu những khả năng hỗ trợ kỹ thuật để giúp xây dựng lại nền tài chính của mình. Ngày 14.01.2010, Chính phủ công bố kế hoạch khắc khổ của Hy lạp, mà mục tiêu là củng cố tài chính thông qua việc giảm chi tiêu công cộng tới 47,7% TSLNĐ năm 2013, so với 52% trong năm 2009. Từ đó, Hy lạp rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội chưa từng thấy. Do đó, sau cuộc bầu cử Quốc hội, các đảng đã không thể thành lập chính phủ và phải bầu lại có thể ngày 17.06.2012. Một giải pháp đang được suy nghĩ để Hy lạp có thể ra đi trong trật tự khỏi khu vực Euro.
C. Nợ Công.
Nợ công nước Pháp là tổng số nợ các chính quyền công quyền trung ương và địa phương, các quỹ an ninh xã hội, xí nghiệp công cùng những cam kết tài chính.
Nợ công Pháp năm 1995 chỉ là 663,50 tỷ euros, tức 55,5% TSLNĐ, nên Pháp được gia nhập vào Khu vực Euro. Sau đó, bách phân đó tăng dần: cuối năm 2007, nợ công đã là 1.211,60 tỷ euros, tức 64,20% TSLNĐ và cuối tháng 09.2011 đã lên đến 1.688,90 tỷ euros, tức 85,30%. Nợ công sẽ tiếp tục tăng từ 87,4% năm 2012 và, có thể, đến 87,3% TSLNĐ vào năm 2013. Từ tháng 09.2012, Pháp phải đi vay để trả lương cho công chức, quân nhân… Nếu các khoản nợ đến 90% TSLNĐ thì sẽ có những ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Có vay phải hoàn trả là lẽ đương nhiên, nhưng cái phải lo là tiền lời (lãi, intérêts) và sự tăng lãi suất. Năm 2011, Pháp vay 1.689 tỷ euros và lãi suất là 3%, thì tiền lời phải trả mỗi năm cũng đã là 50,67 tỷ euros, thứ nhì sau ngân sách Bộ Quốc gia Giáo dục. 70% nợ của Pháp vay từ các nhà đầu tư ngoại quốc và mỗi khi lãi suất tăng 1% thì phải trả thêm 3 tỷ euros. Ai ấn định lãi suất vay?
Các nhà đầu tư cho vay với lãi suất cao hay thấp tùy mức tín nhiệm nơi người vay là con nợ tốt hay xấu về việc trả nợ. Nhưng làm sao người cho vay có thể biết nước đi vay, nên họ phải nhờ đến các cơ quan định mức tín nhiệm nợ (agence de notation). Khi nền kinh tế và tài chánh một quốc gia bị xấu đi thì các cơ quan này cho điểm thấp xuống tức phải trả tiền lời/năm với bách phân cao hơn vì được coi là khả năng hoàn trái xuống thấp hơn.
D. Tổng thống Pháp viếng thăm Thủ tướng Đức.
Sau khi nhậm chức và bổ nhiệm Thủ tướng, Tổng thống François Hollande đã rời Paris đi Berlin để gặp gở Thủ tướng Angela Merkel theo lời mời của bà này để làm quen. Khi tranh cử, bà đã từ chối gặp ông Hollande vì bà ủng hộ Tổng thống Sarkozy. Ứng cử viên Sarkozy đã đề nghị bà không nên qua tham dự các hội họp tranh cử của ông vì lý do tế nhị.
Trên đường đi, phi cơ chở ông Hollande đã bị sét đánh trúng và phải trở lại căn cứ quân sự gần Paris để lên chiếc thứ hai đi tiếp.
Sự hợp tác được thấy giữa Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống François Hollande tại cuộc họp đầu tiên dưới áp lực từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã thể hiện được sức mạnh Pháp-Đức vượt ra ngoài những tranh chấp. Đó là nhận định của các quan sát viên ngày 16.05.2012. Nhị vị đồng ý ủng hộ việc Hy lạp ở lại khu vực Euro.
Thủ tướng Anh David Cameron, ngày 16.04.2012, tuyên bố tại Viện Dân biểu rằng khu vực Euro cần phải thực hiện cấp bách các biện pháp để bảo đảm các thành viên yếu nhất bằng phải đi theo một hướng khác. Hoặc có thể hòa giải, hoặc đi đến một sự tan rã và đó là một sự lựa chọn không thể trì hoãn.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vi phạm trắng trợn quyền Tự do tôn giáo!
BY: THIÊN PHONG TỔNG KẾT
LTS – Cộng đồng tỵ nạn Việt Nam hải ngoại đang chuẩn bị mừng kỷ niệm 37 năm Ngày Quốc Hận (30.04.1975-30.04.2012) ghi dấu 37 năm xa Quê Hương và thành kính tưởng niệm, ghi ơn hàng trăm ngàn các chiến sĩ đã bỏ mình vì Tổ Quốc, bao trăm ngàn thuyền nhân đã bỏ mình trên con đường đi tìm tự do. Đang khi đó, nhìn về Quê Hương yêu dấu, thấy Tổ Quốc từ 37 năm qua kể từ biến cố tang thương đó, đang càng ngày càng đắm chìm trong thù hận, trong gian dối, trong nghèo đói vì bóc lột tận xương tuỷ…đất nước đang bị giặc Tầu khống chế về mọi lãnh vực từ kinh tế đến chính trị, vì nhà cầm quyền csVN dâng đất, dâng biển cho giặc Tầu.
Biến cố trong tháng này, xin gửi đến quý độc giả những biến cố trầm trọng cho thấy bộ mặt ác độc của nhà cầm quyền csVN, đang ra sức hạn chế và bách hại Giáo Hội, trong các biến cố mới nhất ở tổng giáo phận Hà Nội và giáo phận Kontum.
Trong bản tường trình gởi Đức Tổng Giám mục Hoàng Đức Oanh, cha Nguyễn Quang Hoa cho biết là ngày 23.2.2012, sau khi làm lễ an táng cho một giáo dân tại làng Turia Yốp (xã Đăk Hring, Huyện Đăk Hà, trên đường trở về giáo xứ, cha Hoa đã bị ba thanh niên chạy xe môtô đuổi theo đánh. Khi cha Hoa dừng xe lại và thậm chí đã ngã xuống đường, hai trong số ba thanh niên nói trên tiếp tục dùng thanh sắt đánh túi bụi vào vị linh mục này. Khi cha Nguyễn Quang Hoa bỏ chạy vào rừng cao su, hai thanh niên còn đuổi theo đánh khoảng 200 mét. Trước khi bỏ đi, chúng còn đập phá xe của cha Hoa. Hậu quả của trận đòn tàn nhẫn này là cha Hoa bị nhiều vết rách, vết bầm tím tụ máu ở khắp người và nặng nhất là bị dập phổi bên phải.
Không chỉ hành hung cha Nguyễn Quang Hoa, chính quyền địa phương huyện còn Đăk Hà còn không cho tổ chức lễ Phục Sinh tại làngTuria Yốp, xã Đăk Hring, với lý do là "tình hình trật tự an ninh không đảm bảo".
Quá bất bình trước quyết định này, Đức Giám Mục Kon Tum, Hoàng Đức Oanh đã gởi một văn thư đề ngày 04.04 cho các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam để đòi thực hiện quyền tự do tôn giáo cho hàng ngàn giáo dân ở Turia Yôp. Nhưng cho tới nay, Đức Cha Oanh vẫn chưa được phúc đáp.
1. Tự do tôn giáo là quyền căn bản và thánh thiêng!
Văn thư của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Kon Tum, gửi Quý Vị Lãnh Đạo Cao Cấp Nước CHXHCN Việt Nam, về vụ việc tại Turia Yôp, huyện Đăk Hà, tỉnh KonTum.
TOÀ GIÁM MỤC KONTUM
Office of the Bishop - Diocese of Kontum
146 Trần Hưng Đạo - Kontum - Việt Nam
Số 33/VT/’12/Tgmkt
Kontum, ngày 04 tháng 04 năm 2012
Kính gửi: Ngài Trương Tấn Sang, Chủ Tịch Nước CHXHCNVN.
Ngài Nguyễn Sinh Hùng, Chủ Tịch Quốc Hội NCHXHCNVN.
Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng NCHXHCNVN.
Kính thưa Quý Ngài,
Ngày 03.04.2012, Tòa Giám mục Kontum nhận được Văn Thư số 269/UBND-NC của huyện Đăk Hà (1) từ chối không cho tổ chức lễ Phục Sinh tại Turia Yôp, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kontum, nơi đây ngày 23.02.2012, linh mục Nguyễn Quang Hoa đã bị đánh trọng thương sau khi đi dâng lễ an táng cho một bà già dân tộc. Chúng tôi xin mạn phép chính quyền tỉnh Kontum đạo đạt lên Quý Vị lãnh đạo cao nhất Nước qua lá thư ngỏ này ước nguyện của mấy ngàn người có đạo tại một vùng đã không được hưởng quyền tự do tôn giáo mấy chục năm qua (1972-2012)! Việc trình lên Quý Ngài lãnh đạo tối cao không nhằm tìm ân huệ hay giúp đỡ can thiệp, nhưng để làm trọn nhiệm vụ kính báo.
Tự do tôn giáo là quyền căn bản và thánh thiêng!
Tự do tôn giáo không phải là một ân ban, mà là một quyền căn bản thánh thiêng! Chúng tôi đã theo đuổi con đường gặp gỡ, trao đổi đối thoại. Từ Thôn, lên Xã, lên Huyện, lên Tỉnh. Rồi lại từ Tỉnh, xuống Huyện, xuống Xã! Và nay xin lên tận Trung Ương cho trọn tình vẹn nghĩa. Với cấp Tỉnh hay Xã, Thôn, chúng tôi cảm thấy còn có thể đối thoại được với các vị như: Ông Bí thư tỉnh Hà Ban, Ông Chủ Tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hùng, Thiếu tướng Giám đốc Sở Công An Lê Duy Hải; còn với cấp huyện Đăk Hà, cách riêng với Ông Bí Thư Hạnh, xem ra khó quá!
Kể cả suốt mấy chục năm nay (1972-2012) Huyện Đăk Hà, đối với người công giáo, vẫn được mệnh danh một "Huyện ghét đạo nhất" Tỉnh. Chuyện "hành hạ người có đạo" tinh vi đến nỗi đến giờ này vị giám mục khả kính hiền lành P. Trần Thanh Chung vẫn cứ nói: "Đi (cqcs Đăk Hà) cũng không cho" (Xin phép không tiện viết đầy đủ). "Nhóm Hàmòn" - mà một số cán bộ đã vô tình "phóng đại" thành "Tà đạo Hàmòn" do một số yao phu dựng nên - cũng chính là "thành tích của chính sách cấm cách của huyện Đăk Hà", vì hơn 30 (1972-2004) năm anh chị em tại Hàmòn vẫn chịu cảnh 3 không – không linh mục, không nhà thờ, không bí tích! Mãi tới năm 2004, chúng tôi mới được phép xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên nhỏ xíu với kích thước 7m x 10m tại Kon Trang Hlong Hloi sau cả mấy năm "đấu tranh đối thoại". Ngày khánh thành, 95% giáo dân đứng ngoài trời, đứng trên đất "của nhà nước", vì chính quyền chỉ cắt trả Giáo hội có 10m ngang dọc mà thôi! Chẳng lẽ "tự do tôn giáo là như thế sao!?"
"Tất cả vì ích quốc lợi dân".
"Tất cả vì ích quốc lợi dân"! Ngày 30.03.2012, trong buổi tiếp Thiếu tướng Lê Duy Hải, Giám đốc Sở Công An tỉnh Kontum đến thăm và trao đổi về chuyện Turia Yôp tại Tòa Giám Mục Kontum, Linh mục Tổng đại diện Nguyễn Vân Đông đã bất ngờ hỏi: "Nếu chính quyền không cho Đức Cha đến dâng lễ tại Turia Yôp, Đức Cha có đi không? Nếu Đức Cha không đi, xin Đức Cha từ chức cho rồi"! Một câu hỏi nói lên được ý nguyện và lập trường của cả gia đình Giáo phận. Được đặt lên phục vụ dân mà không phục vụ dân "đến nơi đến chốn" thì từ chức là phải đạo thôi! Chúng tôi đã trả lời thật rõ ràng: "Vấn đề ở đây là quyền lợi và hạnh phúc của người dân trên hết! Vì hạnh phúc chính đáng của người dân có đạo, dù có bị cấm, tôi vẫn phải đi!". Như "con giun bị dày xéo", nó cũng quằn quọai để thoát chết! Người có đạo chúng tôi, một khi bị dồn ép quá, bị dồn ép gần 40 năm rồi, cũng muốn được thở, được "sống cho ra sống"! Chính Quý Ngài đã học và từng dạy "Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh" và "Đấu tranh là hạnh phúc!" Đơn giản vậy thôi! Có ai lại đi chụp cho con giun "cái mũ chống đối người giẫm lên nó" đâu! Đừng ai chụp cho cái mũ phản động hay chống đối người thi hành công vụ, cũng đừng ai vu cho cái tội âm mưu lật đổ Chính Quyền hoặc diễn tiến hòa bình này nọ! Oan lắm!
Chính quyền Đăk Hà nêu lý do "tình hình trật tự an ninh không đảm bảo" không thuyết phục được ai trong cái thế giới kỹ thuật số hôm nay, lại còn không sợ xúc phạm đến danh dự công lao bao người con của một đất nước từng tự hào "đánh thắng hai tên đế quốc đầu xỏ" sao? Sau hơn 30 năm hoà bình, mà không bảo đảm an ninh tối thiểu cho dân tại một vùng chỉ cách QL 14 vài cây số, ở sát nách thị trấn Đăk Hà giàu nhất tỉnh Kontum, thì phải hiểu thế nào?
Còn bảo: "Chưa có nơi thờ phượng", "Ở đây bà con giáo dân không cần linh mục, bà con giữ đạo tại gia" hoặc "các yao phu làm lễ cho bà con có đạo" đều không lọt tai một ai có chút lương tri và có chút trí khôn!!! Chẳng lẽ đến hôm nay vẫn coi "Tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ nhân dân" nên cần cấm đoán hoặc tiêu diệt sao? Hay "Tôn giáo là một tổ chức phản động" như một cháu dân tộc lớp 10 mới hỏi chúng tôi như thế tháng trước đây!? Có lúc nào Quý Ngài giật mình chợt nảy ra ý nghĩ "Trời ơi! Giặc Tàu từ Biển Đông đã tràn tới Đăk Hà rồi" không?
Kính thưa Quý Ngài,
Sau khi đã kiên trì và nhẫn nại gặp gỡ, trình bày, đối thoại, chúng tôi phải làm gì cho phải đạo? Xin Quý Ngài xét cho, chúng tôi nên chấp hành lệnh cấm đạo qua VT 269/UBND-NC của huyện Đăk Hà hay nghe theo khát vọng và nhu cầu sống quyền tự do tôn giáo chính đáng của mấy ngàn người dân có đạo Vùng Turia Yôp đã được Hiến Pháp và Luật Nhà Nước CHXHCNVN công nhận? Nghe Lời Thiên Chúa hay nghe lời sai trái của người đời? Hôm nay chúng tôi cũng muốn lập lại đại ý nội dung trong thư gửi các vị lãnh đạo cao nhất Nước ngày 11.09.2008: "Chúng tôi không dại gì chống chế độ, chúng tôi quan niệm chế độ hôm nay như một con tàu lênh đênh trên biển cả nhiều sóng gió. Chỉ cần hướng cái bánh lái nhỏ xíu một chút là dân được hưởng tự do hạnh phúc, mà chính quyền cũng hạnh phúc tự do"(2). Hy vọng qua vụ Turia Yôp này, Quý Ngài ở Trung Ương hiểu dân tình hơn; các quan chức địa phương thương người dân có đạo hơn, để cùng nhau xây dựng một xã hội có nhân nghĩa hơn, huynh đệ hơn và bình đẳng hạnh phúc hơn! Xin đừng ai quên: Chính những cán bộ đầy tớ nhân dân mà tham nhũng, quan liêu, hành dân mới thực sự là những kẻ đang phá chế độ! Dầu sao, là người có Đạo, chúng tôi vẫn phải cám ơn Quý Cấp, vì có những vụ như Turia Yôp, Tin Mừng yêu thương được loan báo rộng rãi, và chính chúng tôi, những sứ giả Tin Mừng, cũng được nhắc nhở: "Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện" (2Tm 4,2).
Trân trọng,
+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám Mục Giáo Phận Kontum.
2. Tường trình vụ hành hung cha Giuse Nguyễn Văn Bình
Theo tin từ được đăng trên trang mạng Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam: Sáng ngày 14.4.2012 linh mục Nguyễn Văn Bình (Chánh xứ Yên Kiệu) cùng nhiều giáo dân đã bị đánh trọng thương trong cuộc đàn áp nghiêm trọng của " chính quyền" nhằm vào ngôi nhà tình thương gia đình Agape.
Trong bản tường trình được đăng trên trang mạng Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, cô Maria Hà Thị Tuyến, một giáo dục viên chăm sóc trẻ mồ côi tại nhà từ thiện của cha Giuse Nguyễn Văn Bình, đã chứng kiến từ đầu sự việc khoảng 30 thanh niên hành hung mọi người trong nhà, đập phá nhà và hành hung cha Bình, cho biết là từ một tháng nay, những người trong nhà nuôi trẻ mồ côi vẫn "sống trong sợ hãi về tính mạng", do bị dọa giết. Sau đó nhà bị cúp điện và hàng đêm họ bị kiểm tra hộ khẩu, giấy tờ tùy thân, khiến trẻ nhỏ cũng sống không yên.
Theo lời kể của cô Tuyến, trước khi đánh cha Bình ngất xỉu vào buổi sáng, đêm hôm đó, khoảng 30 thanh niên đã xông vào nhà từ thiện đập phá mọi thứ, giật cả ảnh Chúa Giêsu và mang đi tượng Đức Mẹ. Nhóm thanh niên này đánh đập dã man một số giáo dục viên, trong đó có cô Tuyến, trước sự chứng kiến của công an và chính quyền địa phương.
Phỏng vấn cha Nguyễn Văn Bình, chánh xứ Yên Kiện
Hiện tại cha Nguyễn Văn Bình, chánh xứ Yên Kiện, giáo phận Hà Nội, vẫn còn bị tổn thương ở lá lách và máu còn chảy ra từ một bên tai, đó là hậu quả của những cú đạp vào đầu và đá vào hông bằng giày sau khi bị nhiều côn đồ đánh ngã. Đây là những côn đồ đã được bảo kê bởi công an ở vòng ngoài và canh gác các đường vào một cô nhi viện.
Diễn biến sự việc
Cha Bình nói: "Cái tai thì nó đấm, khi mình ngất xỉu rồi thì nó lấy mũi giày đá vào. Từ lúc 4 giờ sáng có khoảng 35 đến 40 người tấn công vào nhà, đánh những người trong nhà tình thương này. Cả những trẻ em cũng bị tát và đánh. Sau đó vài chục phút thì chúng rút đi sau khi đã đập nhà và các cây cột nhà. Đến 9 giờ thì quay lại với gần 200 người, tiếp tục đập nhà và tường nhà cho sụp xuống. Tôi đang đi dâng lễ thì nghe được điện thoại báo tin. Quay về thì bị chặn ở vòng ngoài, khi vào được bên trong thì có điện thoại nên tôi nghe, nhưng có 2 người vào giựt điện thoại, tôi la lên có trộm thì chúng quay lại đánh tôi luôn. Họ biết tôi là linh mục nên mới đánh như vậy. Những ai quay phim chụp ảnh điều bị tịch thu thiết bị và bị đánh. Họ nói những ai quay phim chụp ảnh sẽ bị đánh chết. Những người đứng ở những nhà gần đó quay phim hay chụp ảnh cũng bị truy tìm luôn. Họ rất là ngạo mạn. Tất cả các đồ dùng trong nhà điều bị vứt ra bên ngoài. Tượng đức Mẹ cũng bị lấy đi. Chính họ đang chà đạp lên nhân quyền, đặc biệt là các quyền căn bản của trẻ em."
Mục đích của ngôi nhà tình thương
Cha Bình cho biết: "Lúc đầu chính quyền địa phương vẫn chấp nhận cho tôi xây lại ngôi nhà cấp 4 này. Nhưng sau đó biết nó sẽ dùng làm cô nhi viện thì họ tìm cách ngăn cản. Tôi đang chờ đợi câu trả lời thiện chí từ chính quyền địa phương trước khi kiện tụng. Tôi sẽ bảo vệ quyền sống của các em mồ côi này. Hiện tại chỉ có 3 trẻ mồ côi và 3 người phụ trách. Với kế hoạch sẽ biến khu đất này thành một cô nhi viện Công Giáo, với 50 đến 70 trẻ mồ côi sẽ được sống trong các gia đình, mỗi gia đình có từ 5 đến 7 em."
Thay lời kết
Ngoài việc lên tiếng phản đối nhà cầm quyền cộng sản đang vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, chúng ta hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo lực, cho tự do tôn giáo được tôn trọng tại Việt Nam.
Cùng với Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, cùng với Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, chủ chăn giáo phận Kontum, chúng ta:
1. Thẳng thắn lên án: "Những hành vi đánh người dã man vô cớ của nhóm côn đồ trên là hành vi phạm pháp, xúc phạm thô bạo đến phẩm giá con người và không thể được chấp nhận."
2. Mau chóng điều tra và làm sáng tỏ vụ việc này để những hành động đánh người dã man sẽ không còn xảy ra với bất kỳ người dân nào, phẩm giá con người luôn được tôn trọng.
3. Tự do tôn giáo không phải là một ân ban, mà là một quyền căn bản thánh thiêng!
Thảm Sát Và Tuyển Cử Tổng Thống Tại Pháp
BY: HÀ MINH THẢO
Sáng ngày 19.03.2012, một người vào trường Ozar Hatorah ở Toulouse và dùng súng bắn chết một giáo sư và ba học sinh và làm bị thương nặng một em khác. Do đó, nhiều ứng cử viên tuyên bố tạm ngưng vận động tranh cử và Hội đồng thượng cấp Tuyền thông (CSA, Conseil Superieur de l"Audiovisuel) cho biết những phát biểu của các ứng cử viên không được tính giờ cho sự công bằng thời gian truyền thông giữa các vị này.
I. CÔNG DÂN TOULOUSE ĐỀ CAO CẢNH GIÁC.
A. Các vụ ám sát với bảy người chết và hai bị thương nặng.
Khoảng 8 giờ thứ hai ngày 19.03.2012, một người đi xe máy cực mạnh 500 cm3 T-Max 530 Yamaha và dùng súng colt 45 và một khẩu 9 mm đã bắn chết một giáo sư tôn giáo 30 tuổi, ông Jonathan Sandler, hai con của ông 3 và 6 tuổi cùng một học sinh 10 tuổi tại tư thục Do thái Ozar Hatorah ở Toulouse. Một em khác 17 tuổi bị thương trong tình trạng nghiêm trọng. Các nhân chứng thấy hung thủ có đeo máy quay phim trước ngực để thu hình khi bắn.
Các chuyên viên điều tra hình sự sớm nhận định mối liên hệ vụ này với hai vụ sát hại một trung sĩ Nhảy Dù Imad Ibn Ziaten, 30 tuổi, tại Toulouse ngày 15.03.2012 và hai quân nhân Dù, hạ sĩ Abel Chennouf, 25 tuổi và binh nhất Mohamed Legouad, khác cùng một hạ sĩ khác, Loic Liber, bị thương nặng tại Montauban ngày 15.03.2012.
Đức cha Robert Le Gall, Tổng Giám mục Toulouse đã phản ứng ngay, từ New York (Hoa kỳ), đang tham dự một cuộc họp với lãnh đạo Do thái: "Sau khi ám sát các quân nhân Dù trong những ngày gần đây tại Toulouse và Montauban ảnh hưởng sâu sắc đến giáo tỉnh chúng ta, một bước xa hơn đã được thực hiện trong phim kinh dị này buổi sáng với cái chết của bốn người trong đó có ba trẻ em học trường Ozar Hatorah Do Thái ở khu phố La Roseraie, Toulouse"
Đức cha Bernard Podvin, phát ngôn viên Hội đồng Giám mục Pháp cho biết các Giám mục và tín hữu Pháp bày tỏ sự phẫn nộ vì vụ thảm sát ghê tởm chống lại một giáo viên và học sinh Do thái và chia sẻ những cảm xúc của gia đình nạn nhân và cộng đồng Do thái, Giáo hội Công giáo hiệp thông cầu nguyện.
Trong ngày, trả lời ký giả của Zenit.org về cuộc tấn công ở Toulouse, Linh mục Federico Lombardi, s.j., giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết: "Cuộc tấn công tại Toulouse nhằm vào một giáo viên và ba trẻ em Do thái là một hành động khủng khiếp và nhục nhã, chưa kể các hành vi khác đầy bạo lực và vô nghĩa gần đây làm tổn thương nước Pháp". Cha lên án hành động này: "Việc này gây nên một sự phẫn nộ sâu sắc và khủng hoảng tinh thần cần phải lên án mạnh mẽ và ghê tởm vì tuổi tác và sự vô tội của nạn nhân trẻ và đã được thực hiện trong một cơ sở giáo dục hòa bình".
Cha Lombardi kết luận bằng nhắc lại lời Đức Tổng giám mục của Toulouse về sự liên đới: "Chúng tôi bày tỏ sự đoàn kết với những tang gia và Cộng đồng Do thái và mối quan tâm của chúng tôi trước sự kiện khủng khiếp cùng sự liên đới tinh thần sâu xa nhất của chúng tôi".
Lập tức, những biện pháp an ninh được tăng cường tại các đền thờ Do thái và trường học. Lúc gần 20 giờ, Tổng thống Nicolas Sarkozy công bố qua truyền hình quốc gia gia tăng cường «biện pháp chống khủng bố Vigipirate" lên mức "đỏ" (écarlate) trong khắp vùng Midi-Pyrénées. Đây là lần thứ nhất tại Pháp, mức cao nhất này được ban hành để ngăn chặn một nguy cơ do các cuộc tấn công lớn, với các biện pháp an ninh đặc biệt hạn chế đi lại. Vigipirate là những biện pháp được áp dụng lần đầu khi xảy ra cuộc chiến Iraq năm 1991 với nhiều mức khác nhau. Sau mức Vigipirate "đỏ" là tình trạng khẩn cấp (état d"urgence, quy định bởi Hiến pháp 1958, Điều 16).
B. Truy tầm thủ phạm.
Nạn nhân đầu tiên là trung sĩ Dù Imad Ibn Ziaten rao bán gấp trên mạng Internet qua cửa hàng "Bon Coin", có ghi quân nhân để chứng minh xe ít chạy. Chức vụ này được sự chú ý của hung thủ, cùng với 575 người khác đã đọc. Hung thủ xin hẹn để tiến hành việc mua xe này. Nhưng khi đến nơi, hắn dùng súng bắn xuyên qua nón an toàn, rồi lên xe máy Yamaha rời nhanh hiện trường. Các cảnh sát chuyên viên về tin học nhận danh được, qua địa chỉ IP, của Abdelkader, anh và bà Zoulikha Aziri, mẹ của hung thủ, để theo dõi câu chuyện giữa họ.
Ngoài ra, các máy chụp ảnh gắn quanh trường Ozar Hatorah cũng ghi được số đăng bộ của chiếc xe máy đã được khai mất cắp.
C. Tiến hành bắt nghi can.
Sau khi xác định nơi cư ngụ của nghi can nhờ bổ túc với các dữ kiện lưu trữ tại Trung tâm Tình báo quốc nội (DCRI, Direction Centrale du Renseignement Intérieur), vào lúc 3 giờ 10 sáng ngày 21.03.2012, các cảnh sát viên tinh nhuệ đơn vị RAID (recherche, assistance, intervention, dissuation, truy tầm, hỗ trợ, can thiệp) đã bắt đầu cuộc hành quân đến dãy nhà số 17, đường Sergent-Vigné trong khu vực Côte pavée, Toulouse để bắt hung thủ sát hại các quân nhân Dù và 4 người song tịch Pháp Do thái đã nói trên.
Khi cảnh sát đến hiện trường, tay súng đã nổ súng và làm bị thương nhẹ hai cảnh sát. Sáu hoặc bảy tiếng súng nổ đã được nghe. Cảnh sát liên lạc với bà mẹ để nhờ can thiệp, nhưng bà cho biết bà không có ảnh hưởng để nói gì.
Đương sự tên là Mohamed Merah, một thanh niên 24 tuổi, quốc tịch Pháp gốc Algeria, đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới Afghanistan và Pakistan, khai thuộc al-Qaeda và Salafi để trả thù cho trẻ em Palestine và với lý do khác là những quân nhân đã can thiệp quân sự của họ tại Afghanistan.
Khi nghe như vậy, Thủ tướng Palestine Salam Fayyad lên án vụ giết người này. Ông nói rằng đã đến lúc chấm dứt việc lấy cớ người Palestine để biện minh cho lý do giết người.
Trong khi đó, anh trai nghi can là Abdelkader, 29 tuổi, cũng bị bắt vì có chứa chất nổ trên xe. Sau đó, bà mẹ của Mohamed và cô bạn sống chung với Abdelkader cũng bị bắt. Mới đầu, anh ta khai là không biết gì về hành động của em (phù hợp với Mohamed đã nói với cảnh sát RAID). Hôm 23.03.2012, anh cho thẩm vấn viên biết anh hãnh diện về hành động của em mình và cho biết đã hiện diện khi Mohamed trộm chiếc Yamaha T-Max. Ngày 23.03.2012, bà mẹ đã được trả tự do.
Một sĩ quan cảnh sát được cử để thương lượng và kêu gọi nghi can đầu hàng. Đương sự cho biết, nếu không bị vây bắt, sáng nay, hắn dự tính sẽ bắn cảnh sát chống hình sự và tiếc không giết được nhiều hơn. Hắn hứa sẽ đầu hàng vào lúc trưa, rồi xế chiều… Lần cuối cùng, khoảng 23 giờ 30, đương sự từ chối đầu hàng và sẽ giết tối đa, nếu bị tấn công… ước mong chết, tay cầm súng và sẽ được về thiên đàng. Vì điện và gaz dẫn vào nhà đều bị tắt để tránh bị phá nổ và mọi người đều được di tản, nên tòa nhà rơi vào tối đen, chỉ có đèn rọi của cảnh sát.
Ngày 22.03.2012, lúc 10 giờ 30, những cảnh sát RAID nổ súng và tiến vào bằng cửa chính và cửa sổ, sau khi bắn chỉ thiên. Lục soát từng bước cho đến gần 11 giờ 30, Mohamed chạy ra khỏi phòng tắm và bắn nhiều loạt đạn tiểu liên tự động và colt 45 vào cảnh sát khiến họ phải bắn trả trong khi đương sự nhảy cửa sổ và chết, tay cầm súng. Khắp nhà là một kho võ khí rất nhiều loại súng và chất nổ.
Nhiều nghi vấn vẫn còn được tranh luận như tại sao Mohammed Merah không được theo dõi dù đã có những tiền án cũng như đã đến Pakistan và Afghanistan trong năm 2010 và 2011 và, đặc biệt là Mohammed Merah có tên trong danh sách đen của những người bị nghi ngờ cấm đi trên các chuyến bay tại Hoa Kỳ.
Trong khi đó, cuộc tranh cử lại tiếp tục với những hứa hẹn về an ninh (19% số người hỏi) và nhập cư (10%) chỉ đứng ở vị trí thứ 9 và 11 về sự lưu tâm của người dân, thua xa các vấn đề kinh tế và việc làm (56%) và sức mua (34%).
II. KINH TẾ NƯỚC PHÁP NĂM 2011.
Hiện nay, nền kinh tế Pháp không ở trong thời kỳ suy thoái vì, về mặt kỹ thuật, tổng sản lượng quốc nội (GDP, Gross Domestic Product) giảm liên tiếp trong hai tam cá nguyệt (TCN). Đệ tam TCN, GDP Pháp tăng 0,30% so với đệ nhị TCN và đệ tứ TCN 2011, GDP Pháp tăng 0,20% so với đệ tam TCN.
Tuy nhiên, với mức tăng trưởng kinh tế yếu kém như vậy, số người thất nghiệp không thể giảm mà có khuynh hướng gia tăng như OCDE (Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế) tiên đoán sẽ tăng 10% số người trong tuổi làm việc, so với 9,6% hiện nay.
Nhiều ứng cử viên cứ hứa mướn thêm người bằng những hợp đồng được ngân sách quốc gia tài trợ (contrat aidé) hay miễn đóng các quỹ an sinh xã hội. Những hứa hẹn này chỉ gây thêm công chi. Tổng thống ứng cử viên từng giảm bớt phần đóng vào quỹ trợ cấp gia đình và, gần đây, hứa miễn đóng các quỹ an sinh xã hội phần chủ cho các hợp đồng thuê người trên 55 tuổi.
Hiện nay, ngân sách quốc gia hàng năm phải trả khoảng 50 tỷ euros tiền lời trên các khoản nợ công.
III. TUYỂN CỬ TỔNG THỐNG.
Khoảng 45 triệu cử tri được mời tham gia bầu chọn tổng thống tổ chức vào ngày 22.04.2012 và, nếu không có ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối số phiếu hợp lệ, thì vòng hai sẽ được diễn ra ngày 06.05.2012. Đây là cuộc gặp gỡ giữa một ứng cử viên với những cử tri để từng cử tri trao phần quyền "làm chánh trị", tức điều hành quốc sự của mình cho ứng cử viên mà mình tự do lựa chọn để trao sự tín nhiệm thay mình thực thi những quyền hành và trách nhiệm mà Hiến pháp quy định dành cho chức vụ Tổng thống.
A. Tính đặc biệt chức vụ Tổng thống tại Pháp.
Tổng thống Cộng hòa Pháp kiêm tước vị Đồng Thái tử (Coprince) Công quốc (Principauté) Andorre. Cộng hòa Pháp đã được lãnh đạo bởi Tổng thống từ năm 1848, thời Đệ Nhị Cộng hòa, đầu tiên tại Âu châu và thứ nhì trên thế giới, sau Hoa kỳ với Tổng thống George Washington từ 1789. Từ đó đến nay, chức vụ nầy đã được hoàn tất bởi 23 vị.
Khác với tổng thống đa số các quốc gia Âu châu, Tổng thống Pháp hành xử thực quyền, là chức vụ cao nhất nước, nhưng quyền Hành pháp được đặc biệt phân nhiệm giữa tổng thống, do quốc dân bầu và thủ tướng, do tổng thống bổ nhiệm nhưng không có quyền bãi nhiệm. Vì thủ tướng chịu trách nhiệm trước quốc hội tức cần được tín nhiệm bởi đa số dân biểu viện lập pháp này. Do đó:
1. Khi Tổng thống và Quốc hội cùng một màu sắc chính trị (xanh dương cho phe hữu, hồng cho Xã hội, đỏ cho Cộng sản và xanh lá cây cho Môi trường, ba đảng này hợp thành phe tả) thì tổng thống có toàn quyền, thủ tướng chỉ thực thi chính sách của tổng thống. Không đồng ý với tổng thống, thủ tướng (Premier Ministre), tổng trưởng (Ministre), bộ trưởng (Secrétaire d"Etat) phải từ chức. Đó là tình trạng hiện nay.
2. Khi Tổng thống và Quốc hội không cùng màu sắc chính trị được mệnh danh là "sống chung chính trị" (cohabitation politique). Quyền hiến định của tổng thống bị giới hạn và thủ tướng, được sự tín nhiệm của Quốc hội, điều khiển quốc sự: Président thì présider tức chỉ "chủ tọa Hội đồng Tổng trưởng" (Conseil des ministres, tổng thống họp với chính phủ mỗi thứ tư) và Gouvernement có nhiệm vụ gouverner, tức cầm quyền. Từ 1986 đến 2002, tình trạng này đã xảy ra ba lần:
a. từ 1986 đến 1988, với Tổng thống François Mitterand (đảng Xã hội) và Thủ tướng Jacques Chirac (Rassemblement pour la République RPR, Tập hợp vì nền Cộng hòa);
b. từ 1993 đến 1995, với Tổng thống Mitterand và Thủ tướng Edouard Balladur (RPR);
c. từ 1997 đến 2002, với Tổng thống Chirac và Thủ tướng Lionel Jospin (đảng Xã hội). Lần đầu tiên thời Đệ Ngũ Cộng hòa, ông Jospin giữ chức Thủ tướng trọn 5 năm, cùng một nhiệm kỳ với Quốc hội và, trong cuộc tuyển cử Tổng thống vòng một ngày 21.04.2002, đã bị ông Jean-Marie Le Pen đánh bại, không được vào vòng hai và phải từ giả chính trường.
B. Trợ cấp Tài chính tranh cử Tổng thống năm 2012.
1. Mức chi tiêu tối đa để được ngân sách quốc gia hoàn trả. Định mức là 16,851 triệu euros cho mỗi ứng cử viên tham dự vòng đầu cuộc bầu cử ngày 22.04.2012 và hai ứng cử viên tranh cử vòng nhì là 21,594 triệu euros.
Ngày 19.03.2012, Hội đồng Hiến pháp niêm yết danh sách 10 ứng cử viên và mỗi người nhận một số tiền tạm ứng là 153.000 euros.
2. Ba mức bồi hoàn. Theo điều 3 luật ngày 06.11.1962 về bầu cử Tổng thống theo thể thức phổ thông đầu phiếu qui định về việc ngân sách quốc gia bồi hoàn chi phí tranh cử cho các ứng cử viên như sau cho đến năm 2007:
- Bậc 1, bồi hoàn 5% tổng số chi tối đa cho vòng 1 nếu ứng viên thu dưới 5% số phiếu hợp lệ;
- Bậc 2, bồi hoàn 50% tổng số chi tối đa cho vòng 1 nếu ứng viên thu từ 5% số phiếu hợp lệ;
- Bậc 3, bồi hoàn 50% tổng số chi tối đa cho 2 vòng cho 2 ứng viên tham dự.
Năm 2012, nhằm mục đích tái cân bằng tài chính công do thủ tướng công bố ngày 07.11.2011, một trong các biện pháp để "giới hạn bồi hoàn chi phí các cuộc tranh cử, giảm chi tiêu 5% giới hạn thực hiện phí. Theo đó, tỷ lệ bồi hoàn Bậc 1 là 4,75% tổng số chi tối đa cho vòng 1; Bậc 2 là 47,50% tổng số chi tối đa cho vòng 1 và Bậc 3 là 47,50% tổng số chi tối đa cho vòng 2.
C. Thăm dò dân ý.
Kết quả cuộc thăm dò dân ý do viện thống kê phổ biến ngày 21.03.2012, trên báo "20 phút" và các đài truyền hình BFMTV và RMC, cho thấy ứng cử viên Nicolas Sarkozy, đương kim Tổng thống, đứng đầu ý định bỏ phiếu trong vòng đầu là 30%, trước François Hollande 28%. Cuộc thăm dò được thực hiện ngày 19 và 20.03.2012 (khi xảy ra những vụ sát hại tại Toulouse và Montauban mà chưa biết ai là thủ phạm). Năm 2007, ở vòng một, ông Sarkozy thu được 31% số phiếu hợp lệ, nhờ số phiếu của ông Le Pen [16,86% (2002) còn 10,44 (2007)]. Năm nay, ông Sarkozy đang hướng về các đề tài mà bà Le Pen chủ trương như nói "không" với Liên hiệp Âu châu và chống nhập cư. Nhưng, vào vòng nhì, ông Hollande thu được 57% ý định đầu phiếu.
Bên tả phái, nếu ông Jean-Luc Mélenchon (Front de gauche, Mặt trận tả phái, trong có Cộng sản) được 13% ý định bầu trong vòng đầu tiên, đang chiếm phiếu của ông Hollande thì là điều không lạc quan cho người Pháp vì hai khuynh hướng cực tả và cực hữu đang lên, biểu hiệu nuớc Pháp đang gia tăng khủng hoảng.
KHỦNG HOẢNG CHÁNH TRỊ ÐẪM MÁU TẠI SYRIA
BY: HÀ MINH THẢO
Trong giờ đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật 12.02.2012, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã thật xúc động khi lên tiếng kêu gọi sự đối thoại tại Syria, đặc biệt khi nhắc đến sự hủy diệt các trẻ nhỏ trong các cuộc tấn công tàn bạo những ngày qua. Đức Thánh Cha đã nói: "Tôi theo dõi với nhiều lo âu các giai đoạn bi thảm vì những bạo hành gia tăng tại Syria, đã khiến nhiều nạn nhân bị thiệt mạng. Tôi nhớ đến họ, nhất là các trẻ em, trong kinh nguyện của tôi, những người bị thương, và những ai chịu đau khổ vì hậu quả của một cuộc tranh chấp càng ngày càng gia tăng. Tôi muốn lập lại lời kêu gọi khẩn cấp để chấm dứt những bạo hành và đổ máu. Cuối cùng, tôi mời gọi mỗi người, và trước hết các giới chức chính trị, hãy ưu tiên dành cho tiếng nói cho sự đối thoại để hòa giải và hợp tác trong hòa bình. Điều khẩn cấp là phải đáp ứng những nguyện ước chính đáng của các thành phần khác nhau trong quốc gia, cũng như đến mong ước của cộng đồng quốc tế, đang lo lắng cho lợi ích chung của cả vùng này".
Thật vậy, ngày 10.02.2012, tại Alep, thành phố thứ hai của Syria đã bị lâm vào cuộc khủng hoảng. Nhiều cuộc tấn công đã xẩy ra tại đây, trước đây rất yên tĩnh. Đây là ngã tư của nhiều quốc gia, một nơi có nhiều Kitô hữu, và trong số các người Công giáo cũng có những người Armenia đã chạy trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu thế kỷ XX, cũng như những người Chaldée, tị nạn từ Iraq, cùng các chủng viện và tu viện, đang phục vụ cho dân chúng. Kết quả, ít ra cũng có 25 người chết và 175 người bị thương trong hai vụ tấn công bằng những chiếc xe có gài bom để phá hủy hai công thự của sở cảnh sát thành phố Alep. Ngoài ra, tại Homs, tình hình vẫn ‘bi thảm’. Đức cha Mario Zenari, Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại thủ đô Damascus, đã than phiền về ‘sự tuyệt vọng và đau khổ đang diễn ra hàng ngày của dân chúng’ và khuyên cộng đồng quốc tế ‘phải hành động thật nhanh chóng để giải trừ các vụ bạo hành đang tiếp diễn’.
Ngày 15.01.2011, người dân Tunisia đã thành công lật đổ Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali, chấm dứt 23 năm cầm quyền của ông. Sau đó, những cuộc tranh đấu cho dân chủ đã xảy ra tại nhiều nước Trung Đông khác như Ai cập, Libya… và đã lan tràn tới Syria, quốc gia ngự trị bởi nhà độc tài tàn bạo Bachard al-Assad.
I. BACHARD AL-ASSAD LÀ AI?
A. Tới khi mang quân hàm Đại tá.
Bác sĩ Bashar al-Assad sinh ngày 11.09.1965 tại Damascus, thủ đô Syria, là con trai của cố Tổng thống Hafez al-Assad. Lúc đầu, ông không có khát vọng chính trị. Ông Hafez al-Assad đã chọn lựa và chuẩn bị cho anh trai là Basil al-Assad để nối ngôi Tổng thống tương lai. Ông đã học tại trường Franco-Arab al-Hurriyet Damascus và thông thạo tiếng Pháp và Anh. Tốt nghiệp y khoa, ông hành nghề bác sĩ nhãn khoa tại quân y viện Tishreen (ngoại ô Damascus), sau đó tu nghiệp tại Luân đôn (Anh quốc), nơi ông gặp người vợ tương lai, Asma al-Akhras, Syria Hồi giáo Sunni. Tuy nhiên, Basil đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1994 và Hafez đã phải chọn đứa con trai út Bashar. Do đó, Bashar đã phải quay trở lại Syria và được huấn luyện tại Học viện quân sự ở Homs, bắc Damascus, và được thăng hàm Đại tá tháng giêng năm 1999 và thi hành những sứ vụ tạo niềm tin nơi chính phủ Syria. Đặc biệt, ông đã viếng thăm Liban để gặp Tổng thống Emile Lahoud, và tháng 11.1999, đã hội kiến với Tổng thống Pháp Jacques Chirac tại điện Elysée.
B. Tổng thống Cộng hòa.
1. Chính sách đối nội.
Khi Tổng thống Hafez al-Assad qua đời, Quốc hội sửa đổi Hiến pháp để hạ thấp tuổi tối thiểu để ứng cử Tổng thống, từ 40 còn 34 và đề nghị ông Bashar al-Assad nhận chức Tổng thống ngày 25.06.2000. Ông hứa hẹn sẽ thực hiện các cải cách kinh tế và chính trị ở Syria, và được bầu làm Tổng thống trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 10.06.2000.
Sau khi nhậm chức Tổng thống, chế độ tự do được cởi mở một chút đủ để được quảng cáo là ‘Mùa Xuân Damascus’. Nhiều trăm tù nhân chính trị được tự do, diễn đàn về dân chủ hóa Syria được cho phép và chấm dứt tình trạng khẩn cấp đã có hiệu lực từ năm 1963. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, Assad tuyên bố có những lằn ranh đỏ không thể vượt qua và hàng chục trí thức lại bị bắt giữ. Tuy có một số cải cách kinh tế, nhưng sự can thiệp của chính phủ được thắt chặt và tham nhũng lan tràn làm suy yếu nền kinh tế của đất nước. Thêm nữa, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa kỳ làm tình hình thêm phức tạp.
2. Chính sách đối ngoại.
Dù mối liên hệ luôn căng thẳng giữa Syria và Do Thái, nhưng Tổng thống Assad đã thành công nối lại cuộc đàm phán hòa bình về cao nguyên Golan mà Do thái chiếm đóng từ năm 1967. Hoa Kỳ và Do Thái cáo buộc ông Assad hỗ trợ các nhóm vũ trang như Hezbollah, Hamas và Thánh chiến Hồi giáo.
Tháng 05.2001, thừa dịp tiếp đón Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, ông đã phát biểu tại Damascus để chỉ trích Do Thái: "Chúng ta nhận thấy công lý bị vi phạm các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Liban, Golan và Palestine, với những tàn sát các nguyên tắc bình đẳng khi nói rằng Thiên Chúa đã tạo ra một dân tộc vượt trội các dân tộc khác [...]. Họ xâm phạm các nơi thánh thiêng và mưu toan tiêu diệt những lề luật của các tôn giáo hữu thần với tâm tình phản bội Đức Kitô và cũng cùng một cách đó mà họ đã cố gắng phản bội và giết tiên tri Mahomet".
Ông Assad phản đối cuộc tấn công vào Iraq của quân đội Mỹ năm 2003, bằng sử dụng lá phiếu Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bất chấp tình trạng thù địch tồn tại giữa Syria và Iraq. Với vụ ám sát Thủ tướng Liban Rafik Hariri, và Syria là nơi ẩn náu của nghĩa quân Palestine, ông phải hứng chịu sự chống đối mãnh liệt của Hoa kỳ và Pháp.
Trong thế giới Á Rập, Bashar al-Assad có mối quan hệ tốt đẹp với Tổ chức Giải phóng Palestine và cố gắng thiết lập mối giao hảo với các quốc gia bảo thủ Á Rập khác, bằng đứng bảo trợ chương trình nghị sự dân tộc Á Rập.
Ông đã được tái bầu Tổng thống sau khi thắng với 97,62% số phiếu bầu tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 27.05.2007.
Syria phải rút quân ra khỏi Liban từ tháng 06.2001 dưới áp lực quốc tế. Vụ ám sát Thủ tướng Rafik Hariri tháng 02.2005 đã gây sự phẫn nộ của một phần lớn người dân Liban, các cáo buộc đã nhanh chóng qui vào các tổ chức bí mật Syria, khiến cuộc rút quân sớm hoàn tất vào tháng 04.2005.
Phó Tổng thống Abdel Halim Khaddam, tuyên bố từ chức ngày 30.12.2005 trong một cuộc phỏng vấn trên đài Al-Arabiya tại Dubai và đã tị nạn tại Paris với gia đình. Tháng 01.2006, ông cáo buộc Assad đã đe dọa Hariri trong những tháng trước khi ông này bị ám sát, và Assad cũng như là một trong những người đứng đầu hệ thống mafia tại Syria và Liban.
Bashar al-Assad đã ủng hộ Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong tiến trình thành lập Liên minh Địa Trung Hải (Union pour la Méditerranéa) và đã trở thành một đối tác không thể thiếu trong sự thành công của dự án. Ông đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh ngày 13-14.07.2008 tại Paris và đã được mời tham dự cuộc Diễn binh nhân Lễ Quốc khánh ngày 14.07.2008 cùng với lãnh đạo các quốc gia khác là thành viên Liên minh Địa Trung Hải. Sự hiện diện của ông trên khán đài danh dự đã gây ra những sự tranh luận.
III. CUỘC KHỞI NGHĨA TỪ NĂM 2011.
Làn sóng phản đối có tên ‘Mùa xuân Ả Rập’, xuất phát từ Tunisia, lan sang Ai Cập, các tầng lớp người dân biểu tình đòi hỏi tự do và dân chủ, nhất là nhân quyền phải được tôn trọng hơn. Họ bị quân đội và các cơ quan bí mật đàn áp. Ngày 18.03.2011, cuộc đòi tự do và dân chủ đã lan tới Syria khi 4 người biểu tình bị thiệt mạng và cả trăm người bị thương trong các cuộc xuống đường lần đầu tiên chống chính quyền Tổng thống Bachar Al Assad lên cầm quyền từ năm 2000 do cảnh sát bắn đạn thật khi họ hô to khẩu hiệu và giương cao biểu ngữ với hàng chữ ‘Thượng Đế, Syria và Tự do’. Tại Deraa, tòa nhà biểu tượng của quyền lực, Trụ sở Đảng Baath, bị phóng hỏa.
Đảng Baath (Phục hồi Xã hội chủ nghĩa Ả rập) cầm quyền tại nước này từ năm 1963. Ngày 13.11.1970, Bộ trưởng Quốc phòng Hafez al-Assad trở thành Tổng thống sau cuộc đảo chính quân sự không đổ máu, mang tên ‘Phong trào Chỉnh đốn’, cho đến khi qua đời năm 2000 và được Tổng thống Bachar Al Assad kế quyền.
Đến ngày 25.03.2011, hàng chục người đối lập đã bị bắt và bất chấp sự đàn áp và những nhượng bộ từ chính phủ, phong trào lan rộng đến tất cả các thành phố lớn như Damascus, Homs, Banias… Ngày 03.08.2011, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lên án ‘hành vi vi phạm phổ biến về nhân quyền và việc sử dụng vũ lực chống lại người dân’ của các cơ quan an ninh, hy vọng có thể tránh được cuộc nổi dậy dẫn đến vụ thảm sát của Hama vào năm 1982.
Ngày 08.07.2011, Đại sứ Hoa kỳ và Pháp tại Damas đã đến Hama, ở bắc Damascus, với 800 ngàn dân, đang bị lực lượng quân đội và chiến xa bao vây, sau khi gây tử vong 22 người, trong đó có một trẻ em 12 tuổi. Tiếp theo, ngày 11.07.2011, các sứ quán hai nước này tại Damascus bị những người thân chế độ tấn công và đập phá.
Cuối tháng 08.2011, Hội đồng Quốc gia Syria (Conseil national syrien, tiếng Pháp và Syrian National Council, tiếng Anh) được thành hình và đã chính thức được giới thiệu với thế giới ngày 01.11.2011 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) gồm 190 thành viên đại diện cho các thành phần chống lại chế độ Bashar al-Assad từ Huynh đệ Hồi giáo đến những đảng phái người Kurdes hay Syria hải ngoại, dưới sự lãnh đạo của Burhan Ghalioun. Ngày 09.10.2011, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem đã cảnh cáo sẽ chống lại các quốc gia công nhận Hội đồng này. Ngày 10.10.2011, Hội đồng chuyển quyền Lybia và Pháp quốc chính thức công nhận Hội đồng Quốc gia Syria.
Ngày 14.01.2012, tướng Mustapha al-Cheikh, nguyên là người lãnh đạo số hai của lực lượng quân sự miền Bắc Syria, phụ trách tình báo, là nhân vật cao cấp nhất trong quân đội Syria đào ngũ, tỵ nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố thành lập Hội đồng Quân sự Cấp cao để phối hợp, tổ chức các chiến dịch võ trang nhằm chống lại chính quyền của Tổng thống Bachar el Assad.
IV. VẬN ĐỘNG HÒA GIẢI QUỐC TẾ.
A. Sự can thiệp của Liên đoàn các quốc gia Á Rập.
Ngày 26.10.2011, một phái đoàn của Liên đoàn các quốc gia Á Rập (viết tắt Liên đoàn Á Rập, Ligue des Etats arabes, tiếng Pháp và League of Arab States, tiếng Anh) do Ngoại trưởng Qatar, Hamad ben Jassem, dẫn đầu đã đến Damascus để thảo luận với ông Bachar al-Assad nhằm tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria và ‘tránh một cuộc can dự của nước ngoài’. Ngoài ra, Tổ chức Human Rights Watch cũng yêu cầu Liên đoàn Á Rập đề nghị chính phủ Syria cho gởi đến các quan sát viên độc lập.
Ngày 30.10.2011, tại Doha (Qatar), Liên đoàn Á Rập, họp với đại diện Damascus, đưa ra kế hoạch chấm dứt bạo lực tại Syria mà nội dung chi tiết không được tiết lộ. Trong một phiên họp kế tiếp vào ngày 02.11.2011 tại Cairo (Ai Cập), chính quyền Damascus chấp nhận kế hoạch do Liên đoàn Á Rập đề ra để giúp Syria ra khỏi vòng xoáy bạo động tại đây từ 7 tháng qua. Theo đó, chánh phủ Assad ngưng các vụ đàn áp, triệt thoái quân đội khỏi các thành phố đang chiếm để đàn áp biểu tình, trả tự do những người bị bắt trong các cuộc trấn áp và cho phép các tổ chức phi chính phủ, truyền thông quốc tế đến quan sát tình hình. Ngoài ra, Ủy ban Bộ trưởng của Liên đoàn sẽ tổ chức liên lạc giữa chính quyền Syria và phe đối lập, để hai bên có thể tiến hành đối thoại trong thời gian tới. Vì chính phủ Syria không thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch do Liên Đoàn đề nghị để ra chấm dứt bạo động như đã hứa và các vụ trấn áp vẫn tiếp diễn, nhất là tại thành phố Homs với thêm 23 người thiệt mạng hôm qua, trong cuộc họp các ngoại trưởng tại Cairo hôm 12.11.2011, Liên Đoàn Á Rập đã quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động của Syria và yêu cầu các thành viên triệu hồi đại sứ tại Damascus. Sau đó, Syria sẽ còn bị trừng phạt về kinh tế, chính trị.
Ngày 13.11.2011, Tổng thư ký Liên đoàn Á Rập Nabil al-Arabi tuyên bố yêu cầu Hội đồng Bảo an giúp đỡ để bảo vệ thường dân tại Syria vì các nước Ả Rập không có khả năng tự thực hiện. Hôm 16.11.2011, Liên đoàn ra thời hạn 3 ngày để Syria chấp nhận các yêu cầu: chấm dứt các cuộc đàn áp phong trào phản kháng, thả toàn bộ tù chính trị và cho phép quan sát viên vào theo dõi tình hình. Sau thời hạn đó, nếu không thi hành, Damascus sẽ bị trừng phạt kinh tế. Ngày 27.11.2011, Liên đoàn Á Rập đã thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria và sẽ có hiệu lực ngay tức khắc. Đó là việc ngưng mọi giao dịch thương mại và phong tỏa các tài sản của chính phủ Damascus tại các nước Ả Rập, ngưng các chuyến bay thương mại đến Syria, cấm các nhân vật cao cấp trong chính phủ này đến lãnh thổ các nước thuộc Liên đoàn. Nền kinh tế Syria vốn đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của Âu châu và Hoa Kỳ nay lại thêm có nguy cơ bị bóp nghẹt do một nửa lượng hàng xuất cảng và gần một phần tư lượng hàng nhập cảng của Syria là với các nước Á Rập.
Tối ngày 26.12.2011, 50 quan sát viên từ các nước Á Rập do tướng Moustapha al-Dabi, người Soudan, dẫn đầu đã tới Syria với nhiệm vụ giám sát tình hình tại đây. Hôm sau, các quan sát viên đã bắt đầu công việc tại thành phố Homs, một trọng điểm của phong trào phản kháng chế độ Assad, nơi mà trong vòng 24 giờ qua đã có hơn 30 người bị giết do các vụ tấn công của quân đội chính phủ. Đồng thời, nhiều chiến xa cũng được rút ra khỏi một số khu phố của thành phố. Ngày 30.12.2011, 32 thường dân đã tử vong vì đạn của quân đội. Bất chấp đàn áp, dân chúng đã rầm rộ xuống đường chống chế độ tại các thành phố lớn, nhất là ở những nơi có phái đoàn quan sát viên Á Rập đến thăm viếng. Ngày 01.01.2012, Ủy ban đại diện Liên đoàn Á rập kêu gọi triệu hồi các quan sát viên khỏi Syria với lý do chính quyền Syria ‘tiếp tục sát hại thường dân vô tội’, bất chấp, trước đó, Liên đoàn đang chuẩn bị gửi thêm một nhóm quan sát viên thứ nhì đến Syria vào ngày 05.01.2012.
B. Sự can thiệp vô hiệu của Liên hiệp quốc.
Ngày 09.06.2011, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bắt đầu thảo luận về một dự thảo nghị quyết về Syria do Anh, Pháp, Đức và Bồ đào nha đệ nạp kêu gọi chính quyền Damascus cải cách và gỡ bỏ lệnh phong toả các thành phố để các tổ chức nhân đạo quốc tế làm công tác cứu nạn. Nhưng đã bất thành vì Nga và Trung quốc đe dọa phủ quyết.
Ngày 19.12.2011, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua nghị quyết ‘Lên án chính quyền Syria vi phạm nhân quyền trầm trọng và thường xuyên, đặc biệt là giết người bừa bãi, lạm dụng vũ lực, sát hại những người biểu tình và các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền’. Với 133 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 43 vắng mặt, một tháng sau khi bản dự thảo nghị quyết do Anh, Pháp và Đức soạn thảo được Ủy ban Nhân quyền Đại hội đồng tán thành. Nhưng nghị quyết của Đại hội đồng không có giá trị cưỡng hành.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, ngày 23.12.2011, lên án các vụ khủng bố vừa xảy ra tại Damascus giết chết ít nhất 44 người. 15 thành viên Hội đồng cũng bày tỏ ‘lời chia buồn chân thành nhất tới các nạn nhân của những hành động bỉ ổi này và tới gia đình họ cũng như nhân dân Syria’. Thường thì Hội đồng chỉ gửi lời chia buồn đến chính phủ quốc gia bị tấn công, như vậy, có thể hiểu là chính phủ Bacchar al-Assad đang bị quốc tế cô lập.
Sau buổi cầu nguyện thứ sáu ngày 20.01.2012, hàng ngàn người Syria, dưới sự hướng dẫn của Hội đồng Quốc gia Syria, xuống đường biểu tình yêu cầu các quan sát viên Á Rập chuyển giao sứ mạng vận động hòa bình tại quốc gia này cho Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Do đó, ngày 27.01.2011, Hội đồng họp kín tại New York (Hoa Kỳ) để thảo luận về hồ sơ Syria, trên cơ sở một dự thảo nghị quyết do các nước phương Tây và Á Rập đề nghị. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon kêu gọi Hội đồng nên có cùng một tiếng nói khi: "Nhiều người đã xuống đường để đòi hỏi dân chủ, tự do và phẩm giá. Chúng ta cần phải giúp đỡ họ vì họ đã bị đàn áp trong một thời gian quá dài". Đại sứ Marocco, thay mặt các nhà ngoại giao Anh, Pháp soạn thảo, có tham khảo ý kiến của Qatar, Hoa Kỳ, Đức, Bồ Đào Nha và Marocco. Tuy nhiên, ngày 04.02.2012, trong phiên họp khoáng đại, trái với 13 thành viên khác trong Hội đồng bỏ phiếu thuận dự thảo nghị quyết, Nga và Trung Quốc dùng phiếu chống để phủ quyết văn kiện.
Với số 384 trẻ em Syria bị thiệt mạng và 380 em bị bắt giữ, theo Unicef, kể từ khi bắt đầu phong trào phản kháng tháng 03.2011 đến cuối tháng 01.2012, và khoảng 6.000 dân thường đã bị giết hại, dư luận thế giới phản đối sự phủ quyết này. Amnesty International nói: "Sự phủ quyết vô trách nhiệm của Nga và Trung Quốc là một sự phản bội bất nhân đối với người dân Syria". Nhưng tại sao Nga và Trung Quốc đã hàng động như vậy?
Nga không thể phó mặc để nhìn Syria, đồng minh hiếm hoi còn lại tại Trung Đông và khách hàng quan trọng mua vũ khí của Nga đang gặp nguy hiểm. Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vitaly Churkin đã tuyên bố trong phiên họp Hội đồng Bảo an ngày 31.01.2012: "Không có cơ hội nào cho một kế hoạch thay đổi chế độ tại Syria. Liên hiệp quốc không thể áp đặt một cuộc dàn xếp chính trị nội bộ tại nước này vì Hội đồng Bảo an không có nghĩa vụ đó. Người dân Syria có quyền tự quyết định cho vận mệnh mình và có thể vẫn có một cơ hội khác cho việc phá vỡ vòng xoáy bạo lực tại đây". Trung Quốc phản đối dùng vũ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria và gây sức ép buộc Damas phải thay đổi chế độ. Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc khẳng định việc sử dụng vũ lực đối với một nước là đi ngược lại ‘tiêu chuẩn cơ bản trong các quan hệ quốc tế’ và vi phạm nguyên tắc của Liên hiệp quốc.
Ngày 16.02.2011, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết khác về Syria, với đa số phiếu áp đảo: 137 phiếu thuận, 12 chống (trong đó có Nga và Trung Quốc) và 17 nước không bỏ phiếu.
C. Sự lo ngại của Tòa Thánh về Syria.
Tòa Thánh lo âu về tình hình tại Syria vì, trong lúc bạo lực gia tăng, không ai hay định chế nào có thể đưa ra giải pháp. Tòa Thánh bày tỏ sự đau lòng vì đã có biết bao nhiêu nạn nhân vô tội. Khi tiếp Ngoại giao đoàn ngày 09.01.2012, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói: "Chúng ta không thể thản nhiên trước những gì đang xẩy ra tại Syria. Tôi cảm thấy hết sức lo ngại cho các người dân của các quốc gia trong đó đang có nhiều căng thẳng và bạo hành, đặc biệt là tại Syria, nơi tôi mong ước sẽ chấm dứt nhanh chóng các vụ đổ máu chan hòa và sẽ có sự khởi đầu của một đối thoại có kết quả giữa các thành phần chính trị, được phụ giúp bởi sự hiện diện của các quan sát viên độc lập".
Linh mục Dall’Oglio, Dòng Tên, sáng lập viên cộng đồng khổ tu Sirô-Công Giáo Deir Mar Musa, hoạt động tại Syria nhiều năm qua, cho biết tình hình nghiệm trọng đòi hỏi sự huy động tất cả những người có thiện tâm. Cha phỏng đoán là nỗ lực này cần phải chú ý đến những sự tế nhị khác nhau, đang chịu nhiều đau khổ, như các cộng đồng Chính Thống giáo Byzantin đang duy trì những mối liên hệ mật thiết với Giáo hạt tại Moscou, và có một vai trò rất tế nhị hiện thời, đó là của những người Arménien đang chiếm đại đa số trong các Kitô hữu tại Syria. Theo cha, Vatican có thể dùng kinh nghiệm lâu đời về đối thoại với thế giới Hồi giáo vì cuộc nội chiến tại đây có nguy cơ biến thành một sự hủy hoại mà các cộng đồng Kitô có thể sẽ phải gặp như các cộng đồng tại Irak.
Khi cuộc khủng hoảng xảy ra, thái độ của người Kitô giáo tại Syria là ngờ vực. Ngày 27.10.2011, Tiến sĩ Samuel Gregg, Giám đốc Nghiên cứu Viện Acton tại Michigan, cho biết: "Nói chung, người Kitô giáo không muốn tham gia cuộc nổi dậy chống lại chế độ Assad bởi vì việc chọn lựa giữa Bashar al-Assad và Phong trào Huynh Đệ Hồi giáo không phải là một chọn lựa đơn giản, dễ dãi".
Biến cố cưỡng chế nhà đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng
BY: THIÊN LONG TỔNG KẾT
Trong suốt mấy tuần đầu năm 2012, dư luận trong và ngoài nước hết sức xôn xao về vụ nhà cầm quyền csVN huyện Tiên Lãng, Hải Phòng huy động một lực lượng đông đảo hàng trăm công an và quân đội cưỡng chế khu đầm đã cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn thuê từ năm 1993, và đã bị phản kháng bằng mìn tự tạo và súng hoa cải, làm cho bốn công an và hai bộ đội bị thương. Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án "giết người và chống người thi hành công vụ".
Đây là lần đầu tiên người dân "đơn thương độc mã" dám đứng lên đương đầu một cách mạnh mẽ như thế với lực lượng cưỡng chế thu hồi đất. Vụ này đang gây nhiều tranh luận, đặt lại các vấn đề quan trọng từ Luật đất đai cho đến Hiến pháp, mà hiện nay một số chính quyền địa phương cấp huyện, xã đang tùy tiện ứng xử với quyền hành quá lớn trong tay, gây oan ức cho nhiều người nông dân bị mất đất. Nhiều nhà bình luận nhận định rằng: biến cố này có thể là một khúc quanh, khiến cho nhà cầm quyền csVN phải lo sợ, vì những gì sắp xẩy đến?! Có thể làm sụp đổ cả chế độ toàn trị của đảng csVN đã mục nát từ bên trong!
Biến cố trong tháng 1.2012 xin được gửi đến quý độc giả những điểm chính sau đây:
1. Tóm tắt biến cố cưỡng chế nhà đất tại Tiên Lãng
2. Nội vụ biến cố theo lời kể của gia đình
3. Phản ứng của dân chúng, của ĐGM Hải Phòng, của nhà cầm quyền CSVN.
4. Khúc quanh?
1. Tóm tắt biến cố cưỡng chế nhà đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng: công an bộ đội trọng thương.
Bản tin của đài RFI ngày mùng 5.1.2012 loan tin: Đối đầu và chạm súng từ một vụ cưỡng chế nhà đất ở miền Bắc khiến sáu công an và bộ đội bị thương nặng. 7 giờ sáng thứ năm, hơn một trăm người gồm cán bộ uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, công an và bộ đội kéo đến cưỡng chế một khu đất 50 hectares. Khu đất này do ông Đào Văn Vươn thầu canh tác nuôi trồng, đã hết hạn thầu nhiều năm, nhưng không chịu nộp thuế, giao đất.
Đoàn người của chính quyền bị vướng mìn, phải rút lui để di tản người bị thương. Công an thành phố điều động lực lượng vũ trang lớn hơn trở lại lần thứ nhì, đến gần nhà kêu gọi bên trong giao nộp vũ khí và tuân thủ cưỡng chế, lại bị bắn ra từ trong nhà. 6 công an và bộ đội bị trọng thương trong hai lần chạm súng, trong số đó có viên thượng tá trưởng công an huyện Tiên Lãng.
Hằng trăm công an Hải phòng và bộ đội được điều động đến hiện trường, thì cả nhà ông Vươn đã bỏ trốn. Nhà cầm quyền ra lệnh truy bắt. Công an Hải Phòng hôm thứ sáu khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ. Công an tạm giữ 6 người trong gia đình chủ đầm Đoàn Văn Vươn. Những người bị tạm giam chờ truy tố gồm 4 người nam giới họ Đoàn, cùng hai phụ nữ tên là Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Hiền. Công an xác định nghi can trực tiếp nổ súng là Đoàn Văn Quý. Quý đã bỏ trốn, công an đang truy bắt. Nghi can Đoàn Văn Vươn nhận đã cầm đầu nhóm người chống lại lực lượng cưỡng chế.
40,3 ha đầm nuôi trồng thủy sản bị cưỡng chế của Đoàn Văn Vươn đang bị một nhóm người lạ sử dụng các phương tiện đánh bắt bằng điện vơ vét hải sản trong nhiều ngày qua. Phản ánh với VietNamNet, chị Phạm Thị Hiền (vợ của Đoàn Văn Quý) và chị Nguyễn Thị Thương (vợ của Đoàn Văn Vươn) cho biết, nhiều ngày nay, rất nhiều người lạ mặt đã sử dụng các phương tiện đánh bắt bằng điện như kích điện, te điện… thu hoạch số thủy hải sản mà gia đình các chị đầu tư, nuôi thả từ đầu năm 2011.
Riêng vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, thật ra ban đầu huyện chỉ giao 21 hecta đất bãi bồi ven biển. Sau đó với kiến thức của một kỹ sư nông nghiệp và với quyết tâm, ông đã lấn ra biển thêm được 19,3 hecta, rồi được hợp thức hóa bằng cách giao đất bổ sung. Không chỉ đổ mồ hôi nước mắt, tiền bạc vay mượn, ông Vươn còn bị mất đi một đứa con và một người cháu tại đây. Thế nhưng chưa hết thời hạn hợp đồng, chủ tịch huyện đã ra quyết định cưỡng chế để giao lại cho người khác mà không hề bồi thường, và ngôi nhà của ông Quý dù không nằm trong phần đất bị thu hồi cũng đã bị san bằng. Hiện ông Vươn và người em là Đoàn Văn Quý - người đã nổ súng vào lực lượng cưỡng chế - đang bị giam giữ và bị truy tố, cùng với hai người khác trong gia đình.
2. Vợ ông Đoàn Văn Vươn kể lại những gì Đã xảy ra trong vụ nổ súng ở Hải Phòng
Vào ngày 16.1.2012, trả lời câu hỏi: Còn sự việc hôm đó diễn ra như thế nào thưa bà? của đài RFI, bà Nguyễn Thị Thương - vợ ông Đoàn Văn Vươn, kể lại diễn tiến sự việc dẫn đến vụ nổ súng ở Tiên Lãng, Hải Phòng hôm 5.01, cũng như tình cảnh gia đình bà hiện nay như sau:
"Gia đình em nhận được cái quyết định cưỡng chế, và gia đình em đã nỗ lực làm đơn, đi kêu gọi tất cả các ban ngành từ cấp trung ương đến cấp địa phương nhưng đều không được trả lời. Và đến ngày 5/1 là cái ngày định mệnh đã xảy ra, do nhà em bức bách quá và cũng là bộc phát thôi. Chúng em từ trước đến giờ vẫn là người làm ăn chân chính, không có tiền án tiền sự và cũng không có một cái gì gọi là vướng mắc đối với bà con chung quanh cả.
Bởi vì nhà em làm cái đầm này rất là vất vả. Từ trước đến giờ đổ không biết bao nhiêu là mồ hôi, xương máu và cả con người nữa. Cả con cả cháu em đều mất ở cái đầm này, và cũng trả giá rất là nhiều. Đến bây giờ thì nhà em đã vay mượn, sau gần chục năm thì mới hoàn thiện được cái đầm, và đến bây giờ đã bắt đầu được thu hoa lợi để trả công trả nợ. Năm năm nay thì nhà em cũng trả nợ được hai phần ba rồi, nhưng hiện tại vẫn còn nợ khoảng hơn ba tỉ nữa.
Huyện đã cưỡng chế và không bồi thường cho gia đình em một thứ gì cả, mà quyết định thu trắng! Cũng vì bức xúc, nên gia đình em nghĩ là, dù gì cũng chết. Nếu như mà huyện không cho mình con đường sống, thì không biết mình sống thế nào. Cũng vì bị ép, dồn tới chân tường mà gia đình em đã làm những việc như thế này.
Hôm ấy thì chị em em cái vùng cưỡng chế thì người ta đã khoanh vùng, chúng em không xuống được nhà mình. Tối hôm ấy chúng em đã di dời hết toàn bộ phụ nữ và trẻ em vào trong làng để ở nhờ. Ngay sau đó thì cánh đàn ông nhà em chắc là họ không cam tâm, nên là họ không chịu di dời.
Bảy rưỡi đoàn cưỡng chế sẽ bắt đầu xuống, nhưng mà chưa đến sáu giờ thì họ đã đưa đoàn cưỡng chế xuống đầm nhà em rồi. Khi chúng em chạy lên đê nhìn xuống thì khoảng một lúc sau, khi mà cuộc chạm súng đã xảy ra thì khoảng tầm mười một giờ, họ đã bắt mấy chị em em, và cả anh trai lớn của em ở ngay trên đê.
Cũng không biết là họ bắt vì lý do gì, mà bây giờ họ cứ ghép cho chúng em cái tội là chồng em biết thì chúng em cũng phải biết. Và họ cứ quy trách nhiệm cho chúng em là tham gia vào mưu đồ chống lại người thi hành công vụ. Nhưng thật ra chúng em chỉ là phụ nữ, không biết cái gì cả, mà có chuyện gì thì cánh đàn ông nhà em cũng không cho phụ nữ và trẻ em biết. Cho nên chúng em cũng không được biết bất cứ một cái thông tin gì, chỉ thấy xót xa, đứng trên đê để nhìn xuống thôi, mà họ cũng bắt! Và ngay cháu đang học lớp 11 cũng bị bắt.
Khi họ bắt chúng em thì họ đối xử rất là tàn tệ. Họ dùng dùi cui điện và gậy sắt họ đánh rất là đau. Và khi lên chỗ công an thành phố thì họ cũng lấy lời khai và cũng đánh. Đánh đến nỗi mà mình không nhận rồi cũng phải nhận, không có cũng phải nhận, đến lúc nhận họ mới thôi. Họ lấy dùi cui họ thúc vào bụng em rất là đau, lúc ấy là em không đi được nữa và cũng không nói được cái gì nữa. Em nghĩ lúc ấy nếu em mà có thai thì chắc là sẽ không giữ nổi, vì họ đánh rất đau.
Đến bây giờ em được tại ngoại rồi nhưng vẫn phải dùng thuốc, và mọi người cứ động viên em đi khám bệnh, nhưng mà bây giờ bọn em cả sức khỏe lẫn tinh thần đều bị tổn thương và chỉ ở nhà thôi, chẳng đi đâu cả."
3. Phản ứng của dân chúng, của ĐGM Hải Phòng, của nhà cầm quyền CSVN.
Dư luận chung: chính quyền dối trá, độc ác!
Bà Nguyễn Thị Thương - vợ ông Đoàn Văn Vươn, trả lời câu hỏi của đài RFI: "Còn tài sản của gia đình ở trong nhà cũng bị mất mát phải không thưa bà? " đã lên án chính quyền "ra tay độc ác đến như vậy": "Vâng ạ. Bởi vì chúng em không nghĩ là chính quyền của cái huyện Tiên Lãng này lại ra tay độc ác đến như vậy! Chúng em nghĩ cái quyết định cưỡng chế này thì cũng không đến mức nào, vì cái quyết định ấy rất là sai trái và họ sẽ không làm. Vì vậy mà bọn em vẫn tin là sẽ quay lại đầm nhà em và tiếp quản tiếp. Thế nên bọn em không có di dời bất cứ một cái tài sản gì cả. Sau cái buổi chiều hôm ấy, khi mà gia đình em đã vừa bị bắt vừa di tản hết, thì họ đã cho ngay lực lượng khác xuống để tiếp quản đầm nhà em. Và toàn bộ những ngôi nhà, những trang trại mà em xây dựng trên đất của gia đình em, thì họ phá hủy nốt hết. Cả những bàn thờ - bàn thờ gia tiên, bàn thờ Thiên Chúa đều bị họ phá hủy hết. Ảnh của gia đình em thì trôi nổi trên sông, những người dân đi biển họ còn vớt họ mang về cho gia đình em".
Ngày 17.1.2012 nhiều báo ở Việt Nam tường thuật cuộc họp báo của ông Ðỗ Trung Thoại, phó chủ tịch thành phố Hải Phòng, ngoài chuyện yêu cầu báo chí phải tự bịt miệng và không được đưa tin tiếp về vụ việc cưỡng chế trái luật kiểu cướp ngày đã đẫn đến người dân nổ súng nổ mìn khi bị dồn vào đường cùng, ông còn nói rằng hai ngôi nhà của anh em ông Ðoàn Văn Vươn đã bị san bằng chỉ vì "dân bất bình nên phá nhà ông Vươn."
"Tưởng sự dối trá đến thế là cùng nhưng vẫn chưa đủ khi gần đây, ông Phó Chủ Tịch UBND TP. Hải Phòng Ðỗ Trung Thoại lại nêu việc phá ngôi nhà của ông Quý là do... nhân dân bức xúc. Một sự vu oan giá họa, trắng trợn đổ tội cho nhân dân và đó là câu dối trá vô liêm sỉ nhất mà mình được nghe từ miệng một quan chức chính quyền cấp tỉnh."
Báo Dân Trí ngày 18.1.2012 viết: "Còn giả sử, vâng giả sử nếu do nhân dân bức xúc phá nhà ông Quý thì gần một trăm chiến sĩ công an, quân đội và nhiều vị lãnh đạo các cấp có mặt tại thời điểm đó tại sao không ngăn cản, bảo vệ? Trách nhiệm của công bộc đối với những người đóng thuế nuôi họ để đâu? Rồi "nhân dân bức xúc" là ai? Tên tuổi là gì? Tại sao cho đến giờ chưa có "nhân dân bức xúc" phá nhà nào bị truy tố vì tội phá hoại tài sản công dân? Ðó là chưa kể có nhiều bức ảnh đã ghi lại cảnh đập phá này."
Bài viết này kết luận, "Ðổ tội cho nhân dân, vu vạ cho cấp dưới là vô liêm sỉ. Sự lèo lái, tráo trở đã không còn giới hạn."
Trên báo điện tử của Dòng Chúa Cứu Thế ngày 18.1.2012, đăng tải phóng ảnh Ðơn Kêu Cứu của ông Ðoàn Văn Vươn đề ngày 5 tháng 12, 2011 là ngày ông bị cưỡng chế tài sản. Khi vụ việc xảy ra thì ông cầm đơn đi kêu cứu với nhà cầm quyền Hải Phòng nêu ra các tráo trở của nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng.
Báo Ðại Ðoàn Kết ngày 18.01.2012 gọi những quyết định tráo trở của nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng là "những quyết định trời ơi."
Rất nhiều người dân khác khi tiếp xúc với phóng viên cũng bày tỏ nỗi bức xúc trước sự đổ tội của chính quyền cho họ. "Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến dân để làm đơn phản ứng việc này. Không thể để thế được. Ðừng vừa làm sai, vừa la làng," một người dân nói.
Người hảo tâm khắp nơi đã đóng góp giúp đỡ gia đình anh em ông Ðoàn Văn Vươn 278.585.271 đồng (tức khoảng $13,200 USD) chỉ trong ít ngày tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện kêu gọi trên blog của ông.
Đức giám mục Hải Phòng hiệp thông với gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Theo trang thông tin điện toán Chuacuuthe.com của Dòng Chúa Cứu Thế đăng ngày 14.1, ngay sau khi sự việc nổ súng xảy ra ngày 5.1.2012, Đức Giám Mục Hải Phòng đã cử cha tổng đại diện đến tận nơi tìm hiểu sự việc. Hôm qua, ngày 14.01.2012, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục Hải Phòng đã viết thư gởi Cha chánh xứ Suy Nẻo, Hội đồng mục vụ và giáo dân xứ này, để nói rõ ý kiến của ngài về ông Phêrô Đoàn Văn Vươn như sau1:
Phản ứng chạy tội và chữa cháy của nhà cầm quyền csVN:
Nhiều người, trong đó có cả cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh và một cựu tướng tư lệnh Quân Khu 4, trước đó là cựu thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, đã lên tiếng phản đối việc dùng quân đội và công an đàn áp trái phép một gia đình nông dân để thu hồi đất. Theo ông Nguyễn Quốc Thước, cựu trung tướng tư lệnh Quân Khu 4, vụ cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng hôm 5.1 là "sai lầm" và hậu quả của hành động nông nổi này sẽ "tác động đến tình hình chung của toàn đất nước."
Trang web Chính phủ Việt Nam cho hay thủ tướng Việt Nam yêu cầu chủ tịch UBND TP Hải Phòng "kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn". Người lãnh đạo TP Hải Phòng được yêu cầu phải báo cáo cho ông Nguyễn Tấn Dũng.
Theo ông Ngô Nhận Dụng, báo Người Việt: Ðoàn Văn Vươn là một biến cố, vì nó đã gây chấn động tới những lãnh tụ to đầu nhất của đảng cầm quyền. Có hai tay "cố vấn tối cao" vẫn còn ngồi phía sau sân khấu điều khiển đám lãnh tụ đương quyền, là Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh. Bình thường các ông già đang chuẩn bị ngày tang lễ này không bao giờ bàn đến công việc trị dân của đám đàn em. Nhưng tuần này một người đã phá lệ; chứng tỏ tầm quan trọng của biến cố Ðoàn Văn Vươn. Lê Ðức Anh, từng đóng vai chủ tịch nước từ năm 1992-1997, đã phải mượn bài phỏng vấn của một tờ báo đảng để "chạy tội."
Tại sao nói là Lê Ðức Anh muốn chạy tội? Thứ nhất, muốn gỡ tội cho cả đảng Cộng Sản; Lê Ðức Anh nói, "Có thể khẳng định chính quyền sai từ xã đến huyện!" Nói vậy tức là trút hết trách nhiệm lên cấp dưới, các chính quyền huyện và xã, và giới hạn trách nhiệm trong phạm vi nhỏ đó mà thôi.
Như thế mà ông Lê Ðức Anh lại muốn đổ hết tội lỗi lên đầu cá nhân các cán bộ cấp huyện và xã. Ðúng là ông chỉ muốn gỡ tội cho đảng Cộng Sản. Nói rõ hơn: Gỡ tội những kẻ điều khiển đảng; những kẻ đã lập ra đảng Cộng Sản; những kẻ đã dùng đảng Cộng Sản cướp chính quyền; những kẻ từ năm 1945 có dã tâm chiếm độc quyền chính trị nên tàn sát bao nhiêu người yêu nước không cùng chính kiến; những kẻ lợi dụng lòng yêu nước của dân Việt Nam để củng cố độc quyền chính trị, độc quyền kinh tế cho một nhóm người. Bài phỏng vấn Lê Ðức Anh là một chỉ thị cho Ban Tuyên Huấn, đưa xuống cho các báo các đài thi hành: Ðược phép tha hồ phê bình hai anh em nhà Lê Văn Hiền, Lê Văn Liêm; nhưng giới hạn tới đó thôi. Tuyệt đối không đụng tới cấp cao hơn! Ðó cũng trở thành chỉ thị cho Nguyễn Tấn Dũng, phải mở cuộc điều tra, kết tội hai anh em nhà đó, nhưng không đi xa hơn một bước! Tất cả đồng lòng chối bỏ tội lỗi của đảng!
4. Khúc quanh?
Nhà bỉnh bút trang Nguoiviet.com đã bình luận như sau:
"Phải gọi đó là một biến cố. Biến cố này đánh dấu một khúc quanh. Chúng ta chưa thể tiên đoán cuối cùng sẽ ra sao, nhưng sẽ còn biến chuyển, và có thể đưa tới các biến cố khác. Tên anh Ðoàn Văn Vươn sẽ đi vào lịch sử Việt Nam, như tên anh Mohamed Bouazizi trong lịch sử nước Tunisie. Trong bài báo cuối tuần qua, Lê Phan đã nhìn thấy những điểm tương đồng trong hoàn cảnh hai người. Họ đều là những người dân bình thường cố gắng vươn lên trong xã hội.
Họ đều dùng sức lao động của mình, làm việc cực nhọc và có sáng kiến. Hẳn không ai muốn "sinh sự," không ai muốn chống đối chế độ, vì họ không mong gì hơn là lo cho gia đình. Bouazizi, một sinh viên tốt nghiệp, sống ở thành phố thì xoay sở bằng nghề bán trái cây dạo. Ðoàn Văn Vươn là nông dân, người nông dân Việt Nam tiêu biểu, đổ mồ hôi trên đất bùn phèn mặn để biến thành ruộng, vườn, ao cá. Cả hai người cùng bị chế độ độc tài tham nhũng ở xứ họ đẩy tới "bước đường cùng." Quả là bước đường cùng, không tìm đâu ra lối thoát. Anh Bouazizi, 26 tuổi, đã tự thiêu. Cái chết của anh khiến giới thanh niên phẫn nộ nổi lên lật đổ chế độ; châm ngòi cho Mùa Xuân Á Rập năm 2011.
Anh Ðoàn Văn Vươn may mắn còn sống sót. Với tuổi 49, anh đủ đức tin và can đảm để không tự hủy mình; anh đủ kiên nhẫn để đi khiếu nại hết bàn giấy này tới bàn giấy khác xin người ta đừng cướp công lao khó nhọc của gia đình mình. Nhưng anh và gia đình anh cũng bị đẩy tới "bước đường cùng" không khác gì Bouazizi; và họ đã phản kháng bằng chất nổ. Vụ Ðoàn Văn Vươn có thể châm ngòi cho một cuộc nổi dậy của nông dân Việt Nam hay không? Dù chưa ai nghĩ sẽ có một cuộc nổi dậy, nhưng biến cố mà anh gây ra cho thấy lịch sử Việt Nam có thể bước vào một ngả rẽ. Lâu nay, những vụ nông dân biểu tình đòi đất, xô xát với đám khuyển mã của chế độ cướp đất, đều là những hành động tập thể. Nhiều người cùng kêu oan, tiếng kêu la lớn hơn. Ði trong đám đông, người nọ dựa người kia, nếu có xô xát thì trách nhiệm cũng được san sẻ cho nhiều người.
Ðoàn Văn Vươn là một biến cố đặc biệt. Vì đây là lần đầu tiên một nông dân thấp cổ bé miệng, một thân một mình, đứng dậy khiếu oan; khi kêu oan mãi không được thì quyết tâm kháng cự lúc quân cướp kéo tới chiếm đất chiếm nhà mình. Sau biến cố Ðoàn Văn Vươn mọi người đã nhìn thấy cơn phẫn nộ bùng lên khắp nước. Hỏi nhau: Chuyện gì sẽ xẩy ra? Không ai biết trước được. Mùa Xuân Á Rập đã tỏa hương sang tới bên Miến Ðiện. Cảnh tượng Miến Ðiện dân chủ hóa có thể thúc đẩy những nhà trí thức và thanh niên Việt Nam muốn nhìn xa hơn, và can đảm hơn. Ai biết được chuyện gì sẽ xẩy ra? Ông Lê Ðức Anh chắc phải được công an báo cáo tình hình nghiêm trọng như thế nào, cho nên ông mới phải xuất hiện công khai một lần nữa. Nhân khi đổ tội cho cấp xã, cấp huyện, ông nói thêm, "Nếu thành phố Hải Phòng và trung ương không xử lý nghiêm việc này thì rất nguy hại." Nói như vậy là để báo động cả guồng máy đảng trước nguy cơ sụp đổ. Nhưng cũng cốt ý nói rằng nếu chế độ sụp đổ vì một biến cố này thì "Tôi đã bảo mà! Tôi không có trách nhiệm nữa nhé!"
Việc xuất hiện của Lê Ðức Anh để báo đảng phỏng vấn cho thấy họ đang run thật. Biến cố Ðoàn Văn Vươn nếu chưa gây ra một cuộc nổi dậy của nông dân Việt Nam như cảnh tượng bên Tunisie sau vụ anh Mohamed Bouazizi tự sát; thì cũng đánh dấu một khúc quanh. Ðảng Cộng Sản Việt Nam đang run sợ. Vì run sợ, ít nhất họ sẽ lo tìm hiểu, học tập kế thoát thân tập thể của bọn quân phiệt Miến Ðiện; thay vì chỉ lo một mình ôm tiền chạy, hoặc từng anh lo riêng "hạ cánh an toàn." Nếu vậy thì biến cố Ðoàn Văn Vươn cũng vẫn là một khúc quanh quan trọng.
Nguồn: 1Chuacuuthe.com
www.nguoi-viet.com
RFI
Blog danlambao
Đài Á Châu Tự Do (www.rfa.org)
Vietcatholic.com
www.vietbao.com
Khủng Hoảng Nợ Công Âu Châu
BY: HÀ MINH THẢO
Cuộc khủng hoảng nợ công khu vực Euro từ 2 năm qua đã gây giông tố không những cho khu vực mà, ngày nay, còn đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu như báo cáo về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới trong tam cá nguyệt 3/2011 vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation de coopération et de développement économiques, OCDE) công bố hôm 28.11.2011, cho thấy tình hình chung sẽ còn tiếp tục xấu đi trong ba tháng cuối năm 2011. Đà tăng trưởng chậm lại trong toàn khối OCDE, khủng hoảng nợ công mà nhiều quốc gia đang phải giải quyết khiến mục tiêu của Âu châu muốn giảm bớt khiếm hụt ngân sách xuống còn 4,5 % TSLNĐ vào năm tới ngày càng xa vời!
Đến Paris ngày 07.12.2011, Bộ trưởng Tài chính Hoa kỳ, Timothy Geithner, nói ông tin tưởng sự thành công của các quốc gia Âu châu đối phó với khủng hoảng nợ công. "Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng đó là Hoa kỳ và phần còn lại thế giới tin tưởng sự thành công và tin chắc sẽ thành công."
Bài này được viết tiếp theo bài "Khủng hoảng Nợ Công" đăng trong "Dân Chúa Âu Châu" số 348 tháng 10.2011.
I. HY LẠP.
A. Khả năng "thắt lưng buộc bụng" đã cạn.
Đến cuối tháng 09.2011, số bách phân thất nghiệp Hy lạp đã lên đến 16% lực lượng lao động. Từ giữa năm 2010, Hy lạp đã được hỗ trợ tài chính 110 tỷ Euro để thoát khỏi phá sản, và lời hứa một gói cứu viện thứ hai trị giá 159 tỷ Euro, nếu chính quyền Athens đồng ý một kế hoạch tiết kiệm 28 tỷ Euro hầu, đến năm 2015, giảm được 12% trong tỷ lệ khiếm hụt ngân sách so với TSLQN. Mục tiêu là có tiền thanh toán nợ 350 tỷ Euro đang bóp nghẹt Hy lạp và làm lành mạnh hóa nền tài chính và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước này.
Các chủ nợ (Liên hiệp Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế), bất chấp lời khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế cho rằng nước này không còn có khả năng gánh chịu thêm những biện pháp khắc khổ nữa để nếu muốn họ tháo khoán khoản tín dụng 8 tỷ Euro đã hứa cấp hầu tránh được tình trạng phá sản.
Những điều kiện khắc nghiệt mà Hy lạp bị buộc phải thực hiện cho đến nay đã đưa nước này vào vòng suy thoái nặng nề hơn dự kiến: TSLQN Hy lạp, mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự báo sẽ giảm 3,5% trong năm 2011, trong thực tế có thể giảm đến 5,5%, theo ước tính mới của chính phủ Hy lạp xuống đến 5,8%, theo dự tính bởi các chuyên viên ngân hàng Barclays. Tại sao vậy?
Trước hết, sức mua của người tiêu thụ Hy lạp bị giảm sút quá mạnh và quá nhanh do tiền lương bị sụt (40% đối với một số công chức) và số người thất nghiệp luôn gia tăng (từ 7,2% lực lượng lao động năm 2008 đã vượt mức 16% từ tháng 6 vừa qua). Do đó, mức cầu nội địa phải giảm bớt.
Thêm vào đó, môi trường kinh tế quốc tế khó khăn, lại thêm chi phí tài chính (tiền lời vay nợ) và chi phí nhân viên (đóng góp các quỹ an ninh xã hội như về thất nghiệp) khiến khả năng cạnh tranh bị giảm, hàng hóa khó xuất cảng.
Hai nguyên nhân làm đình đốn nền kinh tế và, do đó, TSLQN giảm và thuế dự trù bị thất thu, ảnh hưởng đến ngân sách. Kết quả, thay vì giảm bớt, lại thấy nợ vay Hy lạp lại tăng lên từ 127,10% TSLQN năm 2009 đến 142,80% năm 2010 và dự kiến tới trên 160% vào năm 2011 và sẽ tiếp tục tăng vào năm 2012.
Nguy hiểm hơn, khi nền kinh tế và tài chánh một quốc gia bị xấu đi thì các cơ quan định mức tín nhiệm (agence de notation) cho điểm thấp xuống tức phải trả tiền lời/năm với bách phân cao hơn vì được coi là khả năng hoàn trái xuống thấp hơn.
[Có 3 cơ quan định mức tín nhiệm chính toàn cầu có biệt danh "Big Three": Moody (được thành lập đầu tiên năm 1909 bởi John Moody để đánh giá nợ các công ty đường sắt, khu vực luôn gọi vốn từ tư nhân), Fitch Ratings (từ năm 1913, kiểm soát bởi doanh nhân người Pháp Marc Ladreit của Lacharrière Fimalac) và Standard & Poor (lập năm 1941) chiếm 90% thị phần thế giới. Thị phần còn lại được chia cơ quan nhỏ, kể cả cơ quan Dagong (Trung quốc vừa hạ điểm nước Pháp từ AA- xuống A+ vì tăng trưởng kinh tế thấp và nợ công ngày càng tăng cao). Để xếp hạng một quốc gia hoặc công ty phải là kết quả của công tác ít nhất là 2 nhà phân tích thảo luận nội bộ với các nhà phân tích khác có kinh nghiệm, nhưng phần lớn dựa trên thông tin công cộng. Để cho điểm, cơ quan đánh giá cử một "phân tích viên chính" chịu trách nhiệm để liên tục đánh giá tín dụng quốc gia hay công ty đó và nguy cơ vỡ nợ các khoản vay của nó bằng đánh giá bởi một điểm số, trong đó khoảng từ AAA+ (tốt nhất) đến D (thấp nhất).]
B. Trưng cầu Dân ý.
Tối ngày 31.10.2011, Thủ tướng Hy lạp George Papandreou tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch cứu nguy đồng Euro mà các lãnh đạo khu vực này đã chấp thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 26 và 27.10.2011. Theo đó, các ngân hàng tư nhân sẽ xóa 50% số nợ cho Hy lạp vay, tức khoảng 100 tỷ Euro, Âu châu sẽ cho Hy lạp vay 100 tỷ từ nay đến 2014 và đứng ra bảo lãnh 30 tỷ Euro. Một phần tiền này sẽ được dùng vào việc tăng vốn cho các ngân hàng Hy lạp, tức các cơ sở tài chính này sẽ đặt dưới sự giám sát của Liên hiệp Âu châu. Ngày 20.10.2011, chính quyền Hy lạp đã phải chấp thuận tăng thêm nữa các biện pháp khắc khổ như cắt giảm thêm lương, cho khoảng 30 ngàn nhân viên trong lĩnh vực công tạm thời nghỉ việc để Âu châu chấp thuận cho đợt giải ngân này.
Ngay ngày hôm sau, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và cả hai tỏ quyết tâm là Âu châu phải thực thi kế hoạch cứu nguy khu vực Euro. Tổng thống Pháp cho rằng "đây là cách thức duy nhất để giải quyết vấn đề nợ của Hy lạp". Chiều ngày 0.11.2011, hai vị lãnh đạo Pháp và Đức họp riêng với các Chủ tịch Hội đồng Âu châu, Ủy ban châu Âu và Eurogroup, t2ổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Cannes (Pháp quốc), bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, và, sau đó, với Thủ tướng Hy lạp George Papandreou để yêu cầu giải thích về quyết định tổ chức trưng cầu dân ý của ông. Theo chính phủ Pháp, Thủ tuớng Hy lạp có quyền cho tổ chức trưng cầu dân ý nhưng phải làm trước Lễ Giáng sinh năm nay và, thay vì đặt câu hỏi cho người dân là có chấp nhận kế hoạch khắc khổ của chính phủ hay không, thì chỉ nên hỏi là có muốn tiếp tục ở trong khu vực đồng Euro hay không. Như vậy, khi người dân trả lời "không", Hy lạp rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung.
Điều mà các lãnh đạo Âu châu lo sợ nhất là việc các các quốc gia lần lượt rời khu vực Euro. Sau Hy lạp, phải chăng sẽ đến lượt Ý, Tây ban nha, Bồ đào nha, những nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Sự tan rã của khu vực Euro đe dọa sự tồn tại của Liên hiệp Âu châu, như lời tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói với các phóng viên báo "Le Monde" ngày 13.12.2011: "Euro là trái tim Âu châu. Nếu nó tan vỡ, Âu châu sẽ không cưỡng lại sự tan vỡ. Cuộc khủng hoảng về sự tự tin và sự tín nhiệm của Euro đã đặt ra một nguy cơ đối với tính bền vững của Liên minh Âu châu".
Phải chăng ông George Papandreou thấy những chính sách khắc khổ mà người dân phải chịu trái với những gì ông đã hứa trước đó khi tranh cử, nên ông muốn biết ý cử tri qua cuộc trưng cầu dân ý vì ông cũng không muốn tổ chức bầu cử trước thời hạn như yêu cầu của lãnh đạo đảng cánh hữu Dân Chủ Mới, Antonis Samaras?
Cuối cùng thủ tướng Papandreou bỏ ý định tổ chức trưng cầu dân ý và yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu còn tín nhiệm ông hay không. Do đó, sáng ngày 05.11.2011, với 153 phiếu thuận trên 298 phiếu bầu, Quốc hội Hy lạp đã tái xác nhận sự tín nhiệm thủ tướng Georges Papandreou. Tuy nhiên, sự tín nhiệm đó chỉ nhằm để cho ông Papandreou rời "chiếc ghế thủ tướng" trong danh dự, nhất là sau khi chính ông đã gây ra khủng hoảng trong nội bộ đảng xã hội Pasok cầm quyền do quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về những điều kiện mà Âu châu đòi hỏi để đổi lấy kế hoạch trợ giúp của họ.
Sau đó, ông Papandreou đến gặp tổng thống Hy lạp để thảo luận về thành phần "chính phủ đồng thuận" mà ông kêu gọi hữu phái và cực hữu đối lập tham gia.
C. Chính phủ "đoàn kết dân tộc".
Tối ngày 07.11.2011, tổng trưởng tài chính 17 quốc gia thành viên khu vực Euro yêu cầu 2 đảng Xã hội và Dân chủ Mới nhanh chóng thành lập chính phủ "đoàn kết dân tộc" để phải viết một văn bản cam kết tuân thủ thỏa thuận mà Hy lạp đã đạt được trong Phiên họp thượng đỉnh khu vực Euro 26-27.10.2011, nhất là phải hứa thi hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu, giải quyết bội chi ngân sách nhà nước và nợ công Hy lạp. Văn bản chính thức này là điều kiện quyết định để khối Euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế giải ngân 8 tỷ Euro trong tháng 11 vừa qua, như đã định trong khuôn khổ chương trình cứu nguy Hy lạp 110 tỷ đã được thông qua từ tháng 05.2010. Hy lạp cần có 8 tỷ trong số đó để thanh toán nợ đáo hạn trước ngày 30.11.2011.
Trưa ngày 10.11.2011, tổng thống Hy lạp đã đề cử ông Lucas Papademos, 64 tuổi, cựu phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương Âu châu từ năm 2002 đến 2010 sau khi đã là thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy lạp, vào chức vụ Thủ tướng với nhiệm vụ thành lập chính phủ "đoàn kết dân tộc", có nhiệm vụ thực hiện các quyết định đã đạt được trong Hội nghị Thượng đỉnh các nước khu vực đồng Euro ngày 26-27.10.2011. Tân thủ tướng Papademos tuyên bố: "Tôi tin rằng sự tham gia của Hy Lạp vào khu vực đồng Euro là một bảo đảm cho sự ổn định tiền tệ, một nhân tố cho sự thịnh vượng kinh tế, và cho dù có những khó khăn, cũng sẽ hỗ trợ được cho việc vực dậy nền kinh tế quốc gia".
Sự chọn lựa một chuyên gia tài chính có chủ trương hội nhập Âu châu giữ chức thủ tướng, sau 4 ngày thương thảo căng thẳng, đã mang lại những phản ứng tích cực từ các đối tác Âu châu và các chủ nợ Liên hiệp Âu châu cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đòi hỏi đất nước đang trên bờ vực phá sản này cần có một giải pháp chính trị rõ ràng.
Bắt tay vào việc, chính phủ "đoàn kết dân tộc" đã thuyết phục Quốc hội thông qua kế hoạch thứ nhì cứu nguy Hy lạp đã đạt được hồi cuối tháng trước, gồm:
- nhận thêm 130 tỷ tín dụng để tránh mất khả năng thanh toán nợ đáo hạn,
- được xóa 100 tỷ Euro nợ công của nhà nước Hy Lạp, tương đương với 50 % khoản tiền mà các cơ quan tài chính tư nhân, là các ngân hàng Hy lạp và Âu châu, các hãng bảo hiểm đã cho chính phủ Athènes vay.
Đổi lại, Hy lạp phải thi hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng một cách triệt để, và gần như là bị đặt dưới sự giám sát của các chủ nợ là Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
II. CÁC TÂN CHÍNH PHỦ MỚI KHÁC.
A. Ý đại lợi.
Ngày 12.08.2011, chính phủ Ý đã thông qua một kế hoạch kinh tế khắc khổ, tiết kiệm 45,5 tỷ Euro trong 2 năm bằng tăng thuế và giảm chi tiêu nhà nước, để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực Euro, đang có nguy cơ tràn sang nước Ý. Sau đó, ngày 14.09.2011, Hạ viện Ý đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch kinh tế khắc khổ này của thủ tướng Silvio Berlusconi, nhưng với mệnh giá 53,3 tỷ Euro.
Ngay khi Hạ viện chuẩn bị bỏ phiếu cho kế hoạch kinh tế khắc khổ thì phía ngoài cổng Hạ viện, dân chúng ồ ạt biểu tình phản đối chính phủ và đã xẩy ra những xô xát giữa những người biểu tình và một vài thành viên của Hội đồng chính phủ. Cảnh sát đã phải can thiệp để lấy lại an ninh trật tự trước Hạ viện. Nguyên nhân là cho đến đầu tháng 08.2011, thủ tướng Berlusconi vẫn tuyên bố là nền kinh tế Ý rất vững chắc và không có nguy cơ vỡ nợ. Nhưng, sau đó, khi các công trái phiếu Ý bị ế trên thị trường chứng khoán quốc tế, Ngân hàng Trung ương Âu châu lên tiếng cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của Ý và lập tức Hội đồng Âu châu làm áp lực lên chính phủ Ý để đưa ra chính sách "thắt lưng buột bụng" này.
Ngày 08.11.2011, Hạ viện Ý bỏ phiếu về Bản quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 của chính phủ Berlusconi. Văn kiện này đã được thông qua, nhưng kết quả đã cho thấy thủ tướng Ý không còn đa số ở Quốc hội. Sau cuộc bỏ phiếu, ông Berlusconi cho biết ông sẽ từ chức.
Dù Quốc hội thông qua kế hoạch kinh tế khắc khổ 53,3 tỷ Euro và cải tổ cơ cấu như đã cam kết với Liên hiệp Âu châu, nhằm giảm nợ công, cải tiến thủ tục hành chính và thúc đẩy tăng trưởng, nhưng Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Thủ tướng Đức vẫn thúc giục Ý phải sớm thành lập chính phủ mới để thay thế chính phủ cựu Thủ tướng Berlusconi. Do đó, Tổng thống Giorgio Napolitano, đã đẩy nhanh tiến trình chính trị để Quốc hội biểu quyết nhanh những biện pháp và cải tổ nói trên tại Thượng viện ngày 11.11.2011 và tại Hạ viện ngày 12.11.2011. Sau đó, Thủ tướng Berlusconi triệu tập nội các để chính thức tuyên bố từ chức và nộp đơn từ chức lên Tổng thống Napolitano.
Ngày 13.11.2011, Tổng thống Napolitano yêu cầu ông Mario Monti, 68 tuổi, nguyên là Ủy viên Âu châu, trong 10 năm liền đã đặc trách các hồ sơ kinh tế, thương mại Liên hiệp Âu châu và được xem là một chính trị gia có uy tín đối với giới đầu tư, thành lập nội các. Tân Thủ tướng tuyên bố ông tin tưởng là nước Ý vượt qua được khủng hoảng và đề ra mục tiêu "lành mạnh hóa các khoản chi tiêu công cộng để đưa nước Ý trở lại con đường tăng trưởng, đồng thời vẫn quan tâm đến những công bằng xã hội".
Ngày 14.11.2011, tân Thủ tướng Mario Monti bắt đầu thảo luận với các đảng chính trị để thành lập nội các. Thị trường tài chính quốc tế hài lòng về việc đề cử giáo sư kinh tế này vào chức vụ Thủ tướng. Do đó, Roma đã thành công trong việc phát hành thêm 3 tỷ Euro công trái với lãi suất giảm bớt so với phiên giao dịch thứ sáu ngày 11.11.2011. Trưa ngày 16.11.2011, ông Mario Monti đã trình diện Hội đồng chính phủ mới tại dinh Tổng Thống, gồm 1 Thủ tướng và 17 Tổng trưởng. Đây là lần đầu tiên một Hội đồng chính phủ Ý hoàn toàn là "chuyên viên" và "phi chính đảng".
Ngày 24.11.2011, lãnh đạo của ba nền kinh tế lớn nhất khu vực Euro, Đức, Pháp và Ý họp ở Strasbourg để bàn cách đối phó với khủng hoảng nợ công trong khối Euro. Nhưng Pháp, cũng như nhiều nước Âu châu khác, vẫn bất đồng với Đức về vai trò của Ngân hàng Trung ương Âu châu can thiệp để bảo vệ các quốc gia đang gặp khó khăn vì Berlin lo ngại lạm phát tăng cao do các chính phủ buông lỏng việc siết chặt ngân sách và chính Ngân hàng Trung ương Âu châu cũng không muốn can thiệp trong lúc này. Ngoài ra, Đức cũng chống lại việc phát hành trái phiếu Âu châu (Euro-obligation, tiếng Pháp hay Euro-bond, tiếng Anh) theo đề nghị của Ủy ban Âu châu, như là một hình thức để các nước khối Euro tương trợ nhau gánh chung nợ công. Nhân dịp này, Thủ tướng Ý trấn an các đối tác về quyết tâm của ông giảm bớt nợ công khoảng 1.900 tỷ Euro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ý.
Ngày 04.05.2011, chính phủ Ý dự trù tiết kiệm thêm 20 tỷ Euro từ nay đến năm 2014 chủ yếu nhờ vào các biện pháp như tăng thuế, giảm trợ cấp an sinh xã hội và lương hưu … Mặt khác, nội các Mario Monti dự trù một kế hoạch 10 tỷ Euro để vực dậy nền kinh tế Ý, được báo chí ủng hộ và mệnh danh là chương trình "Cứu nguy nước Ý" trong lúc các dự đoán tổng sản phẩm nội địa Ý năm 2012 sẽ giảm từ 0,4 đến 0,5 %.
Khi loan báo các biện pháp hà khắc này, bà Elsa Fornero, Tổng trưởng Xã hội, đã không cầm được nước mắt khi bà nhắc đến chữ "hy sinh" mà những tầng lớp người nghèo phải gánh chịu. Về phần mình Thủ tướng Mario Monti tuyên bố ông không nhận tiền lương để góp phần làm nhẹ gánh nợ công của Ý. Giới phê bình nhận định: tuy đây chỉ là giọt nước trong biển cả nhưng điều đó nói lên tính nhân bản của chính phủ Monti và quyết tâm phục hồi kinh tế và tài chính Ý của nội các mới.
B. Tây ban nha.
Trong cuộc tuyển cử Quốc hội Tây ban nha ngày 21.11.2011, đảng Nhân Dân do ông Mariano Rajoy lãnh đạo đã đạt được thắng lợi vẻ vang với 45% phiếu tín nhiệm hợp lệ và giành được đa số tuyệt đối tại viện Lập pháp với 186/350 ghế dân biểu. Sau hơn 7 năm cầm quyền, chính phủ Xã hội nhận được tỷ lệ phiếu thấp nhất từ khi nền dân chủ được tái lập cuối thập niên 1970. Đảng này là nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế bắt buộc phải có các biện pháp khắc khổ. Nhờ đó, Liên minh Cộng sản-Sinh thái từ 2 ghế dân biểu trong Quốc hội cũ đã giành được 10 ghế.
Ông Mariano Rajoy, lãnh đạo cánh hữu, sẽ nhậm chức Thủ tướng vào ngày 20.12.2011 tới, một người được cho là kiên trì dù không có sức thu hút quần chúng, sẽ phải nhanh chóng đưa ra những chính sách chống khủng hoảng được biết trước là khắt khe hơn các biện pháp của đảng Xã Hội đã thực hiện.
Theo giới phân tích thì chính phủ tương lai đang đứng trước nhiệm vụ vô cùng khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp 21,5% lực lượng lao động, cao nhất trong Liên hiệp Âu châu, thâm hụt ngân sách trên 6% TSLNĐ, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt được 0,8% trong 12 tháng qua. Trong tình trạng bất lợi này, chánh phủ hữu phái sẽ dùng "đũa thần" nào để có thể giữ lời hứa giảm thâm hụt ngân sách xuống 4,4% TSLNĐ vào cuối năm 2012 và, đồng thời, hồi phục dần nền kinh tế Tây ban nha.
III. LIÊN HIỆP ÂU CHÂU CHỜ HIỆP ĐỊNH MỚI.
Liên hiệp Âu châu đã có Phiên họp thượng đỉnh từ chiều ngày 8 đến trưa ngày 09.12.2011 tại Bruxelles để đồng thuận "tăng cường kỷ luật ngân sách". Theo đó, ngân sách các quốc gia thành viên phải được thông qua bởi Ủy ban Âu châu và nếu bị vi phạm mức khiếm hụt 3% TSLNĐ sẽ bị trừng phạt "tự động".
Có 23 quốc gia, trong đó có 17 nước thành viên khu vực Euro, chấp thuận thỏa thuận này. Hai quốc gia Cộng hòa Séc và Thụy điển xin chờ ý kiến Lập pháp trước khi trả lời và hai nước Hung gia lợi và Anh quốc không tham gia.
Nhiều giải pháp đã bị bỏ qua vì sự chống đối của Đức. Hai biện pháp được thỏa thuận là thành lập "Cơ chế ổn định Âu châu" (MES, Mécanisme Européen de stabilité) tiến hành sớm hơn một năm, kể từ tháng 07.2012 và "Quỹ Bình ổn Tài chính Âu châu" FESF được gia hạn đến giữa năm 2013.
Ngoài ra, khả năng cho vay của cơ chế MES cũng đã gây tranh luận nhiều vì, theo lý thuyết, MES có 500 tỷ Euro nhưng vì Đức sợ phải chi thêm nên giải thích 500 tỷ đó là tính chung cả hai quỹ MES và FESF. Đức cũng từ chối việc MES có quyền vay tiền Ngân hàng Trung ương Âu châu vô giới hạn.
Trong khi chờ đợi Hiệp định mới, các quốc gia khu vực Euro chỉ được quyền trông cậy vào Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để vay tiền.
Thái Hà vì Sự Thật và Công Lý
BY: HÀ MINH THẢO
Năm 1928, Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) mua khu đất nằm trên quốc lộ 6, nay là phố Nguyễn lương Bằng, với tổng diện tích 61.455m2. Từ đó và liên tục, DCCT, dưới danh xưng "Les Pères Rédemptoristes", đứng tên sở hữu hợp pháp do Bằng khoán Điền thổ số 42, ngày 16.08.1944 tại Sở Quản thủ Điền thổ Hà Nội (Consevation de la Propriété Foncière de Ha Noi).
Ngày 20.07.1954, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp đã ký Hiệp định Genève để chia đôi Quê Hương thành hai quốc gia. Các tu sĩ di cư vào Nam, hoặc bị trục xuất hay bị bắt và đã qua đời trong ngục tù. Cha Bích đã phải điều hành Giáo xứ một mình.
Bất chấp sự phản đối mãnh liệt của Cha Bích, vì Cha chỉ là người quản lý tài sản, nhà cầm quyền Hà nội đã chiếm đoạt từng bước miếng đất này, từ 61.455 m2 giờ đây chỉ còn 2.700 m2. Ngày 18.08.1996, Cha đã gửi đơn khiếu nại tới Chính quyền về việc Xí nghiệp Dệt Thảm Len bán khu đất đó cho Công ty cổ phần May Chiến Thắng. Không được trả lời, Cha Bích tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới các cấp chính quyền đề nghị tôn trọng quyền sở hữu và giao lại khu đất cho Nhà Dòng và Giáo xứ, nhưng đã không nhận được một trả lời về việc giải quyết.
Ngày 05.01.2008, giáo dân phản đối Công ty Chiến Thắng vi phạm trên khu đất đang tranh chấp nên Ủy ban Nhân dân (UBND) Hà Nội quyết định lập Đoàn Thanh tra Liên ngành. Ngày 11.04.2008, Đoàn Thanh tra mời đại diện Giáo xứ ra Sở Tài nguyên-Môi trường để thông báo kết luận tạm thời. Tại đây, họ đưa ra những giấy được nói là do Cha Bích ký bàn giao, nhưng đầy mâu thuẫn và không có tính cách thuyết phục.
Vì các cán bộ Thành phố thua lý, nên khuya ngày 21.09.2008, đám "quần chúng nhân dân tự phát" gồm côn đồ và xã hội đen được huy động đến phá nhà nguyện Tu viện và hét những khẩu hiệu dọa giết Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô quang Kiệt và Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, Bề Trên Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế và Chính xứ Thái Hà.
Ngày 07.10.2011, Cha Giuse Nguyễn văn Phượng DCCT, Linh mục Chính xứ Thái Hà đã đến trụ sở Ủy ban UBND phường Quang Trung để nghe "Công bố dự án Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa". Phiên họp thất bại vì gặp sự phản đối mạnh mẽ của gần 50 giáo dân giáo xứ Thái Hà trong khuôn viên Ủy ban phường. Như vậy, trong những năm qua, hệ thống xử lý nước thải bệnh viện không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, làm ô nhiễm môi trường, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ, viên chức, bệnh nhân và nhân dân khu vực xung quanh.
Hơn thế nữa, Bệnh viện lâu nay những hoạt động không đúng chức năng. Nhà nguyện Tu viện đã được biến thành nơi ăn chơi, nhảy nhót. Do đó, ngày 07.10.2011, Cha Chính xứ đã gởi văn thư đến chính quyền Hà Nội và quận Đống Đa để kiến nghị ngưng chĩa loa phóng thanh công suất lớn vào khu vực Nhà thờ và Tu viện phát thanh bất kể giờ giấc. Vũ trường và địa điểm hoạt động karaoke phải cách cơ sở tôn giáo từ 200m trở lên. Xem xét để giao trả khu đất cho nhà thờ và tu viện DCCT để sử dụng đúng vào mục đích tôn giáo.
"Chính quyền" giở trò "quần chúng tự phát". Lúc 14 giờ 45 ngày 03.11.2011, cả trăm người tự cho là Cựu chiến binh, là Hội phụ nữ, là Thanh niên… xông vào Nhà Thờ Thái Hà dùng loa tay chửi bới các linh mục, tu sĩ và giáo dân, đe dọa giết người trắng trợn được báo nhà nước tháp tùng để ghi những cảnh vũ phu này. Đa số người trong họ miệng đầy mùi rượu, say máu đã hung hãn dùng búa tạ đập tung cánh cửa cổng Nhà thờ. Họ chỉ ngưng và rút lui sau khi chuông nhà thờ đổ và anh chị giáo dân các nơi ùa đến tiếp cứu.
Sáng ngày 18.11.2011, các Linh mục, tu sĩ và nhiều trăm giáo dân tuần hành đến trụ sở Ban Tiếp dân UBND Hà Nội để đòi Sự Thật và Công Lý. Đoàn biểu tình đi trong trật tự và mang theo các biểu ngữ: "Mượn thì phải trả", "Phản đối việc đài truyền hình Hà Nội vu khống, nói sai sự thật về Thái Hà", hình nhà nguyện bị biến thành nơi ăn chơi sa đọa của cán bộ, công nhân viên, "Đừng xâm phạm đất đai và tài sản tôn giáo", "Dừng ngay việc xâm phạm tài sản đất đai tôn giáo", "Điều 70 Hiến pháp: đất đai tôn giáo được pháp luật bảo hộ"… Đoàn người đi ngang qua Nhà Thủy Tạ. Nhiều phóng viên các hãng thông tấn quốc tế thực hiện phỏng vấn các Linh mục. Sau đó, đến Nhà thờ Lớn Hà Nội và đi vòng quanh tượng Đức Mẹ và giải tán tại đây.
PHẢN ỨNG TẠI QUỐC NỘI
Đòi hỏi tôn trọng quyền sở hữu – tự do tôn giáo
Ngày 04.11.2011, Linh mục Alphongsô Phạm Hùng, Chưởng ấn, gửi đến Cha Giuse Chính xứ, và, qua Cha, đến các tu sĩ và giáo dân Giáo xứ Thái Hà: "Tổng Giáo Phận Hà Nội: - luôn khẳng định và tôn trọng quyền sở hữu DCCT trên khu đất 61.455m2 tại 180 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội, bao gồm cả cơ sở trên diện tích này, - không chấp nhận những hành vi thiếu văn hóa và vi phạm pháp luật của nhóm người đã xâm nhập khuôn viên nhà thờ và tu viện Thái Hà với những lời lẽ xúc phạm, gây hấn và bạo lực trên, - luôn hiệp cầu nguyện với tu viện và giáo xứ Thái Hà để nhờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Alphongsô chuyển cầu, xin Chúa là Cha nhân từ ban cho tu viện và giáo xứ được bình an, mọi quyền lợi chính đáng được tôn trọng, những vấn đề tài sản đất đai sớm được giải quyết trong công bình, sự thật và yêu thương."
Ngày 05.11.2011, Thư Tòa Giám mục Kontum viết: "… linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Giáo phận đã hỏi về việc Giáo xứ Thái Hà đã làm gì để truyền thông Nhà nước … đã tuyên truyền rằng Giáo xứ (DCCT Hà Nội) đã sai phạm "về vấn đề khiếu nại xin ngưng việc sử dụng đất của Giáo xứ Thái Hà tại Bệnh viện Đống Đa (nơi Nhà nước mượn của Giáo hội) để xây dựng khu xử lý chất-nước thải". Việc đó cũng giống như Chính quyền "đang mượn" nhiều cơ sở của chúng ta như Trường Yao Phu Cuenot, Nhà thờ Hiếu Đạo, Trường Minh Đức…v.v… "để làm việc" nếu Nhà nước sử dụng sai mục đích chúng ta cũng lên tiếng như thế mà thôi. Xin hiệp thông và khẳng định quyền sở hữu đất của Giáo xứ Thái Hà (DCCT Hà Nội) của Toà Tổng Giáo phận Hà Nội để hiệp thông cầu nguyện cho Giáo xứ Thái Hà (DCCT Hà Nội), cho Tổng Giáo phận Hà Nội; và đặc biệt cho Giáo phận chúng ta được sớm trao trả lại các cơ sở tôn giáo để chúng ta phụng sự Chúa và Giáo hội trong công bằng, chân lý và sự thật."
Ngay sau biến cố xẩy ra, nhiều giáo xứ tại Việt Nam đã tổ chức các buổi cầu nguyện hiệp thông với giáo xứ Thái Hà và cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình tại Việt Nam: vào chiều ngày mùng 6.11.11, hơn 3000 giáo dân đã tụ họp tại nhà thờ Kỳ Đồng Chúa Cứu Thế Sài Gòn dâng Thánh Lễ và thắp nến hiệp thông cầu nguyện. Tiếp đến là vào chiều 12.11 và Chúa Nhật 13.11, nhân lễ Các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam, hơn 4000 giáo dân tụ họp dâng lễ và thắp nến cầu nguyện tại nhà thờ Thái Hà. Hơn 3000 giáo dân giáo xứ Hàm Long, giáo xứ Phú Đa, mừng lễ vào Chúa Nhật và sau đó cùng hiệp thông hát Kinh Hoà Bình, thắp nến cầu nguyện cho Thái hà, cho Công Lý và Hòa Bình tại Việt Nam. Ngày 18.11, cộng đoàn Vinh tại Hà Nội tổ chức Thánh lễ tại đền thánh Giêrađô Chúa Cứu Thé để cầu nguyện cho Thái Hà và cho đất nước.
PHẢN ỨNG TỪ HẢI NGOẠI
"Thái Hà bị tấn công liên tục chỉ vì họ không khuất phục trước bạo quyền
Tại Melbourne, Úc đại lợi, lúc 19 giờ ngày 19.11.2011, tại tiền đình Quốc hội Tiểu bang Victoria (Parliament House), giáo dân và đồng bào không phân biệt tôn giáo, chủng tộc đã hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyệt san Dân Chúa Úc châu, cùng tham dự đêm thắp nến, cầu nguyện hiệp thông với Giáo xứ Thái Hà, đòi hỏi công lý và sự thật cho quê hương. Đồng thời, để nói cho những người khách mời và người dân Úc hiểu rõ về những hành vi dã man, tàn bạo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Sau lời giới thiệu và chào mừng quan khách, Cha Anthony Nguyễn hữu Quảng, chủ nhiệm Dân Chúa Úc châu, đã nói lý do đêm cầu nguyện cho Giáo xứ Thái Hà và Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà nội đang bị sự khủng bố của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội. Tiếp đến, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn văn Long, Giám mục phụ tá Melbourne tóm tắt những âm mưu thâm độc mà nhà cầm quyền Hà Nội đang dùng để khủng bố, trấn áp tu sĩ và Giáo dân để mong xoá dấu tích lịch sử Tu viện DCCT và Nhà thờ Thái Hà:
Ngài nói: "Kính thưa toàn thể quý vị,
Hôm nay, chúng ta, những người quan tâm đến tình hình đất nước và đặc biệt là tại Giáo Xứ Thái Hà, đến đây để bày tỏ sự liên đới của chúng ta với đồng bào quốc nội và nhất là những người đang tranh đấu cho tự do, công lý và những giá trị nhân bản đang bị một chính phủ độc tài đảng trị chà đạp coi thường. Nhân danh ban tổ chức, tôi xin chào đón và cảm ơn quý vị, Công Giáo cũng như không Công Giáo, các đoàn thể tổ chức, cũng như mọi người đến đây không những vì một Thái Hà hay một tôn giáo mà vì tương lai cho cả một dân tộc và vì tiền đồ cho cả một Tổ Quốc.
Thái Hà là một biểu tượng của chí khí anh dũng của dân tộc ta, quyết không khuất phục trước bạo quyền. Chính vì thế, một chính phủ độc tài đảng trị thì không thể dung thứ Thái Hà. Đơn giản có thế. Bất chấp mọi nguy hiểm qua các phương tiện truyền thông "lề phải" của chính quyền, Thái Hà bị tấn công liên tục chỉ vì họ không khuất phục trước bạo quyền.
Có thể nói, sau những biến cố ở Toà Khâm Sứ, Đồng Chiêm hay Cồn Dầu, Thái Hà là thành lũy cuối cùng của lòng kiên cuờng có tổ chức. Đối với một chính phủ độc tài, không gì đáng sợ cho họ hơn là ý chí bất khuất có tổ chức. Chúng ta có thể nói rằng một trăm cá nhân đối kháng thì họ chưa chắc sợ bằng một Thái Hà.
Thế thì chúng ta hiểu tại sao chính quyền cộng sản Việt Nam lại quyết tâm triệt hạ Thái Hà cho bằng đuợc và họ đã dùng những thủ đoạn hạ cấp nhất để đạt mục tiêu đó. Ngày 3 tháng 11 mới đây, họ đã cho hơn 100 du đãng và côn đồ đến để nhục mạ, đe doạ tính mạng các linh mục, giáo dân. Sau đó những người này còn dùng búa lớn để đập phá khu vực thờ phượng linh thiêng. Thử hỏi những hạng người như thế thì không phải côn đồ thì là gì. Thế mà, ở nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa ViệtNam, nhà nước còn "vừa ăn cuớp vừa la làng" qua các phương tiện truyền thông của họ. Thử hỏi một tập đoàn lãnh đạo như thế thì sẽ đưa đất nước chúng ta đi về đâu? Thật trớ trêu, khi đất nước chúng ta đứng trước bao thử thách, từ thành thị đến thôn quê, từ Nam Quan tới mũi Cà Mâu, từ đất liền đến hải đảo, thì những người lãnh đạo lại đối xử với đồng bào một cách dã tâm như vậy. Như con tầu lửa đang lao xuống vực thẳm nhưng người điểu khiển con tầu lại sách nhiễu hành khách thay vì cứu nguy cho cả tầu.
Kính thưa toàn thể quý vị,
Hôm nay chúng ta đến đây không chỉ lên án những hành động bất nhân và phi pháp đang xẩy ra tại quê nhà. Chúng ta đến đây cũng không chỉ ủng hộ cho một số đồng bào Công Giáo tại Thái Hà, vì đấy không phải là một vấn đề tôn giáo đơn thuần. Thiết nghĩ trên hết mọi lý do, chúng ta đến đây vì tương lai của một dân tộc, vì tiền đồ của một đất nước. Thái Hà là biểu tượng cho một chí khí anh dũng của dân tộc ta. Thắp một ngọn nến cho Thái Hà chính là thắp lên cho đêm đen đang bao trùm xuống trên quê hương chúng ta. Tiếp sức cho Thái Hà chính là tiếp sức cho những đồng bào quốc nội đang mong mỏi và đấu tranh cho một Việt Nam thực sự có tự do, pháp quyền, công bằng, văn mình và thái hoà.
Thiết nghĩ, đây cũng là cơ hội để người Việt chúng ta tại hải ngoại đồng tâm nhất trí với nhau trong cùng một mục đích chung, không phân biệt tôn giáo, khuynh hướng chính trị; không phân biệt Bắc, Trung hay Nam; thậm chí không phân biệt là công dân Úc hay còn là công dân Việt Nam. Mục đích chung đó là gì, là một Việt Nam tự do, công bằng, văn minh. Mọi người Việt Nam chúng ta dù mang quốc tịch Úc hay hộ chiếu Việt Nam không phải cúi mình hổ thẹn – như lời Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt từng nói – nhưng hãnh diện sánh vai với cộng đồng nhân loại."
Trong phần phát biểu ý kiến, Đức cha Hilton Deakin và các Dân biểu tiểu bang Victoria đã lên án việc làm cuả nhà nước cộng sản Việt Nam và UBND Hà Nội đối với Giáo xứ Thái Hà là hành động không thể chấp nhận.
Sau khi suy niệm Phúc âm, Đức cha Nguyễn văn Long đã đọc Lời Nguyện, đồng ca "Kinh hoà bình", đọc kinh Mân côi và hát "Ave Maria". Đức cha ban phép lành và chúc bình an cho mọi người tham dự trước khi khúc hát "Việt Nam, Việt Nam" được mọi người hoan ca.
Các buổi cầu nguyện hiệp thông, hội thảo và tuần hành vẫn tiếp tục ngay tại Quê Hương và trên khắp thế giới không chỉ ủng hộ cho một số đồng bào Công giáo tại Thái Hà, vì đấy không phải là một vấn đề tôn giáo đơn thuần. Mọi người Việt phải vì tương lai của Dân tộc và tiền đồ của Đất Nước Việt Nam. Thái Hà là biểu tượng cho chí khí anh dũng của Người Việt, một dân tộc không thể bị đô hộ. Thắp một ngọn nến cho Thái Hà chính là thắp lên cho đêm đen đang bao trùm xuống trên quê hương Việt Nam. Tiếp sức cho Thái Hà chính là tiếp sức cho những đồng bào quốc nội đang mong mỏi và đấu tranh cho một khối người Việt thực sự có độc lập, tự do, dân chủ, công bằng, văn mình và thái hoà.
THAY LỜI KẾT
Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam gởi Tâm Thư Cầu nguyện cho Thái Hà, Giáo hội và Quê Hương
Từ Sydney, Úc đại lợi, ngày 10.11.2011, Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam phản đối trước cộng đồng thế giới và nghiêm khắc lên án việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục dùng hệ thống truyền thông, công an và côn đồ để trấn áp và xuyên tạc ý chí đòi công lý, hòa bình, và sự thật của anh chị em giáo dân Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội. Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam:
1. Chấm dứt những hành vi khủng bố Giáo xứ Thái Hà.
2. Chấm dứt việc đàn áp Giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác. Bảo đảm an ninh cho các nơi thờ tự của tất cả các tôn giáo.
3. Nghiêm chỉnh tôn trọng luật pháp do chính họ ban hành và trả lại tất cả tài sản đã chiếm đoạt của Giáo hội Công giáo và của các tôn giáo bạn.
4. Tuyệt đối tôn trọng Nhân Quyền và Tự do Tôn giáo theo như bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc khẳng định. Trong niềm tin vào Thiên Chúa, chúng tôi hiệp thông, chia sẻ, và đồng hành với Giáo Xứ Thái Hà. Chúng tôi tha thiết kêu gọi Quý Quốc Hội, Chính Phủ, Quý Đảng Phái Chính Trị các quốc gia, Quý Tổ Chức Nhân Quyền,… cùng đồng hành đấu tranh cho Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam. Khoảng 23 giờ ngày 16.11.2011, nhà cầm quyền Hà Nội đã đưa cảnh sát cơ động, công an, an ninh các loại và nhiều thiết bị, xe cộ vào khu vực Tu viện DCCT Thái Hà nhằm bắt đầu chiến dịch làm thay đổi dấu tích, xóa bỏ tu viện đã cho mượn, nhằm mục đích chiếm cướp lâu dài. Tại Nhà thờ Thái Hà, giáo dân tập trung cầu nguyện rất đông.
Vào ngày 17.11.2011, Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam gởi Tâm Thư Cầu nguyện cho Thái Hà, Giáo hội và Quê Hương đến quý Đồng Hương, Cộng đồng và Cộng đoàn Công giáo Việt Nam toàn thế giới, trước những biến cố đau thương tại Giáo xứ Thái Hà và những sự vi phạm Tự do Tôn giáo và Nhân Quyền tại Việt Nam, đồng thời, những nguy cơ đe dọa mất nước do Trung Cộng gây nên. Tâm tình mời đồng bào khắp nơi tổ chức cầu nguyện và hiệp thông đặc biệt cho Giáo hội và Quê Hương Việt Nam.
Nhà độc tài Kadhafi bị thảm sát Lịch sử Lybie sang trang!
BY: THIÊN PHONG TỔNG KẾT
CHI TIẾT VỤ HẠ SÁT NHÀ ĐỘC TÀI KADHAFI
Vào ngày 20.10, cựu lãnh tụ độc tài Libya bị hạ sát sau khi quân chính quyền mới nước này chiếm được Sirte, sinh quán của ông và cũng là một căn cứ tử thủ cuối cùng của tàn quân trung thành với ông.
Moammar Kadhafi, thọ 69 tuổi, nắm quyền 42 năm ở Libya từ sau khi quân đội đảo chính năm 1969 cho đến tháng 8 năm nay khi phải chạy trốn khỏi thủ đô Tripoli.
Phóng sự truyền hình al-Jazeera cho thấy ông Kadhafi còn sống lúc bị quân cách mạng bắt nhưng sau đó chiếu lên hình ảnh tử thi ông Kadhafi. Lúc bị bắt, ông Kadhafi có một khẩu súng mạ vàng. Binh sĩ chính phủ lâm thời sau đó mang súng này đi diễn hành vui mừng.
Theo tin sơ khởi chưa được xác định chắc chắn, một đoàn xe chở Kadhafi và tùy tùng định chạy khỏi Sirte nhưng bị máy bay NATO xạ kích. Kadhafi phải núp trong một ống cống bên đường. Khi toán quân cách mạng đổ tới bao vây, Kadhafi còn nói: "Đừng bắn." Tuy nhiên quân cách mạng vẫn bắn chết nhiều người trong khoảng 20 vệ sĩ trung thành và bắt sống Kadhafi, có thể đã bị thương nặng.
Thủ tướng chính quyền lâm thời Mahmoud Jibril xác nhận Kadhafi đã chết, không phải do máy bay xạ kích. Một phát ngôn viên chính phủ nói là Kadhafi bị thương nặng ở đầu và cả hai chân, chết trên xe tản thương và thi hài đã được đưa tới thành phố Misurata.
Tờ Telegraph ở Anh dẫn lời một số nhân chứng cho hay Kadhafi bị quân cách mạng hành quyết bằng một phát súng lục 9 mm bắn vào đầu.
Abu Bakr Yunis, cựu bộ trưởng quốc phòng cũng chết trong trận tấn công cuối cùng của quân cách mạng vào Sirte. Ít nhất 17 viên chức cao cấp của chế độ bị giết hoặc bị bắt trong số có Moussa Ibrahim, phát ngôn viên chính thức của Kadhafi qua suốt thời gian cuộc cách mạng nổi dậy ở Libya.
Mutassim, một trong những người con của Kadhafi cũng bị giết. Chưa có tin tức đầy đủ về những người khác trong gia đình Kadhafi. Mặc dầu Kadhafi đã chết, súng vẫn còn nổ ở Sirte vì hãy còn một số ổ kháng cự lẻ tẻ.
Đến hôm 22.10, đã có thêm một số chi tiết chung quanh vụ bắt giữ đại tá Kadhafi, nhưng cái chết của ông tiếp tục đặt ra nhiều nghi vấn. Liên hiệp quốc và tổ chức Ân xá Quốc tế đã đồng thanh yêu cầu mở điều tra để xác định xem cựu lãnh đạo Libya đã bị hành quyết hay không.
Theo hãng tin AFP, Omran Chaaban, 21 tuổi khẳng định anh là người đầu tiên bắt sống Kadhafi, trốn trong một đường ống thoát nước phía Tây thành phố Sirte. Anh cho biết: "Khi nhìn thấy ông ta, tôi hoàn toàn sửng sờ, không nói nên lời mà chỉ tự bảo: "Xong rồi, Kadhafi tiêu rồi".
Theo lời kể của Ahmed Gazal, chiến hữu của Omran, sáng hôm đó, đơn vị của họ đến tăng cường để tham gia tấn công dứt điểm Sirte thì đụng phải một nhóm quân của Kadhafi, thoát chết từ đoàn xe vừa bị khối NATO oanh kích. Sau khi chạm súng, một trong những người thuộc nhóm bảo vệ Kadhafi cho biết ông ta đang trốn trong đường ống. Là người đứng gần nhất, Omran đã nắm chân kéo Kadhafi ra ngoài. Khi bị bắt, Kadhafi bị thương, dính đầy máu trên người và mặt.
Khi trở lại xe, một đám đông phấn khích vây quanh họ. Theo các hình ảnh vidéo lan truyền trên mạng, Kadhafi đã bị tát, bị đánh, bị kéo tóc. Theo lời Omran, sau đó người ta đã đưa Kadhafi đến xe cứu thương và ông ta đã chết trên đường đến Misrata.
Chính quyền mới của Libya khẳng định là Kadhafi đã chết vì các vết thương sau khi hai lần bị kẹt giữa hai lằn đạn kể từ lúc bị bắt. Một viên đạn trúng ngay đầu đã khiến ông ta tử thương.
Tuy nhiên, Liên hiệp quốc và tổ chức Ân xá Quốc tế đã đồng thanh yêu cầu mở điều tra để xác định xem cựu lãnh đạo Libya có đã bị hành quyết hay không. Riêng Ân xá Quốc tế thì cảnh báo rằng nều thật sự Kadhafi đã bị giết sau khi bị bắt, thì hành động đó sẽ bị coi là "tội ác chiến tranh".
Gia đình của ông Kadhafi hôm qua cũng đòi điều tra về hoàn cảnh xảy ra cái chết của ông, đồng thời yêu cầu giao trả thi hài của cựu lãnh đạo Libya và con trai Mouatassim, mà theo họ đã bị các "nhân viên của NATO" hành quyết. Họ muốn được chôn cất những người này theo đúng nghi thức Hồi giáo.
Theo nhiều nguồn tin khác nhau từ hội đồng quân sự ở Misrata, nơi đang lưu giữ thi hài hai cha con Kadhafi, nhà cựu độc tài sẽ được chôn cất trong những ngày tới tại một nơi bí mật, để tránh sau này những người ngưỡng mộ ông ta kéo đến đây hành hương. Một cuộc khám nghiệm tử thi cựu lãnh đạo Libya, Đại tá Muammar Gaddafi, đã được tiến hành vào ngày thứ bảy 22.10 ở thành phố Misrata, theo lời quan chức chính quyền lâm thời Libya.
Nhiều người dân tiếp tục tới một kho lạnh tại một khu chợ ở Misrata, vốn thường được dùng để chứa thịt gia súc giết mổ, để nhìn tận mắt thi thể ông Gaddafi, theo phóng viên BBC News, Gabriel Gatehouse, có mặt tại chỗ. Thi thể của Đại tá Gaddafi có những vết thương khác nhau trên mình ông. Và có vẻ có những vết thương trên đầu, mặc dù chưa rõ liệu vết đạn bắn trên đầu đó có phải là nguyên nhân cái chết của ông hay không.
Người ta thỉnh thoảng nghe thấy những tiếng hô "Allahu Akbar" (Thượng Đế vĩ đại), từ đám đông những người xếp hàng bên ngoài chờ vào xem xác Gaddafi.
TIỂU SỬ VÀ NHỮNG NĂM THÁNG CAI TRỊ CỦA KADDAFI
Đại tá Muammar Kaddafi sinh ra trong một gia đình Bedouin.
• Sinh ra tại Sirte, Libya ngày 7.6.1942
• Tham dự học viện quân sự tại Libya, Hy Lạp và Anh
• Nắm quyền vào ngày 1.9.1969
• Sách Xanh được công bố vào năm 1975
• Kết hôn hai lần, có bảy người con trai và một con gái
Ông luôn luôn sử dụng nguồn gốc bộ tộc, khiêm tốn của mình, thích đón tiếp quan khách trong lều của ông và luôn dựng lều trong các chuyến viếng thăm ngoại quốc.
Triết lý chính trị của ông, được giải trình dài dòng trong Sách Xanh, là "chính phủ của quần chúng". Năm 1977, ông Kaddafi tuyên bố một nhà nước Libya "Jamahiriya" - một từ mới có nghĩa là một nhà nước của quần chúng. Lý thuyết là Libya đã trở thành một nền dân chủ của nhân dân, được điều hành thông qua các Hội đồng Cách mạng Quần chúng.
Ông Kaddafi là một người thao túng chính trị, dùng các bộ lạc chống lại lẫn nhau và chống lại các cơ quan nhà nước hoặc các chính thể. Ông cũng phát triển một sự sùng bái cá nhân khá mạnh. Sự cai trị của ông dần dần đã trở nên có đặc tính bảo trợ và kiểm soát chặt chẽ của một nhà nước cảnh sát.
Giai đoạn tồi tệ nhất tại đất nước Libya có lẽ là những năm 1980, khi Đại tá Kaddafi thử nghiệm với người dân các lý thuyết xã hội của ông. Một phần trong "cuộc cách mạng văn hóa" của ông là cấm tất cả các doanh nghiệp tư nhân hoạt động và sách vở không lành mạnh thì bị đốt cháy. Ông cũng đã ra lệnh ám sát những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài. Tự do ngôn luận và lập hội hoàn toàn bị dẹp bỏ và ngoài ra còn vô số những hành vi đàn áp bạo lực khác.
Những việc này được theo sau là một thập kỷ cô lập của phương Tây sau khi vụ đánh bom Lockerbie.
Đối với người dân Libya chỉ trích Đại tá Kaddafi, tội ác lớn nhất của ông có thể là việc đã chiếm dụng và phung phí tiền của vào các chuyến đi nước ngoài và chuyện tham nhũng. Với dân số chỉ có 6 triệu người và các khoản thu nhập từ dầu lửa hàng năm tới 32 tỷ đô la Mỹ trong năm 2010, tiềm năng của Libya là rất lớn. Tuy nhiên hầu hết người dân Lybia không cảm thấy sự giàu có của đất nước mình và điều kiện sống có thể khiến gợi nhớ tới các nước nghèo hơn Libya rất nhiều. Tình trạng thiếu công ăn việc làm bên ngoài chính phủ có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp được ước tính là 30% hoặc nhiều hơn.
Hình thức chủ nghĩa xã hội đặc biệt của Libya cung cấp miễn phí giáo dục, y tế và trợ cấp nhà ở và giao thông vận tả được bao cấp nhưng mức lương rất thấp và sự giàu có của nhà nước và lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài chỉ đem lại lợi lộc cho một tầng lớp thượng lưu nhỏ.
Năm 1999, nhà lãnh đạo Libya đã trở lại chính trường quốc tế sau thời gian bị cô lập gần như hoàn toàn sau khi ông chấp nhận trách nhiệm vụ đánh bom Lockerbie. Sau vụ tấn công 11 tháng 9 năm 2001, ông ký với chính phủ Mỹ cái gọi là "cuộc chiến chống khủng bố". Ngay sau khi Mỹ xâm chiếm Iraq năm 2003, Libya đã tuyên bố từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình vũ khí sinh học. Cả hai quyết định này bị những người chỉ trích Libya nhìn nhận một cách hoài nghi.
Trong những năm cuối cùng dưới sự cai trị của ông, khi phát sinh câu hỏi người kế nhiệm ông, hai con trai ông dường như công khai cạnh tranh và làm hại lẫn nhau trong cuộc cạnh tranh này. Ảnh hưởng của Saif al-Islam, người con trai lớn vốn quan tâm đến các phương tiện truyền thông và các vấn đề nhân quyền, dường như suy yếu trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Mutassim, người có một vai trò đầy quyền lực trong lĩnh vực an ninh.
Vào đầu năm 2011, được khuyến khích từ các nước láng giềng phía tây và phía đông, người dân Libya đã nổi dậy chống lại 40 năm cầm quyền tàn bạo của nhà lãnh đạo này. Cuộc nổi dậy đã lật đổ ông Kaddafi bắt đầu tại Libya vào tháng 2 năm 2011 ở thành phố Benghazi, thành phố lớn thứ hai nước này, một thành phố mà ông đã bỏ quên và người dân tại đó ông không hề tin tưởng trong suốt quá trình cai trị của mình.
THẾ GIỚI NÓI VỀ CÁI CHẾT CỦA KADHAFI
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới nói rằng cái chết của ông Kadhafi hôm nay đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử Libya, và mong mỏi người dân nước này đoàn kết và hòa giải để xây dựng dân chủ và tái thiết.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu: "Ngày hôm nay đánh dấu bước chuyển lịch sử của Libya. Trong những ngày tới chúng ta sẽ chứng kiến cảnh vui mừng cũng như nỗi đau khổ của những người mất mát. Giờ là lúc để mọi người Libya đồng tâm. Người Libya chỉ có thể có tương lai tốt đẹp nếu có đoàn kết dân tộc và hòa giải. Chiến binh của mọi bên đều phải buông vũ khí trong hòa bình. Đây là lúc để hàn gắn và tái thiết, là thời điểm của lòng quảng đại chứ không phải để trả thù".
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng cái chết của Kadhafi đánh dấu một bước tiến đối với người dân Libya, và đề nghị chính quyền mới ở nước này nhanh chóng cải cách dân chủ: "Cái chết của Kadhafi là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 tháng qua của người dân Libya nhằm tự giải phóng khỏi chế độ độc tài và tàn bạo tồn tại hơn 40 năm qua".
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe cho rằng ngày 20.10 là sự chấm dứt của 42 năm bạo quyền tại Libya, và khẳng định Pháp tự hào vì đã giúp mang lại sự tự do cho quốc gia Bắc Phi: "Đây là một sự kiện lịch sử. Đó là sự khởi đầu của một giai đoạn mới, của một nền dân chủ, tự do và sự tái thiết của Libya". Pháp là quốc gia dẫn đầu trong chiến dịch của liên quân NATO áp đặt lệnh cấm bay và các chiến dịch không kích, cũng như hỗ trợ và công nhận lực lượng nổi dậy ở Libya.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle người Đức bày tỏ hy vọng Libya sẽ tiến vào một "chương mới hòa bình và dân chủ" sau cái chết của ông Kadhafi, nói.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhận được thông tin về Kadhafi khi đang cùng thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chuẩn bị cho một cuộc họp báo, sau khi cùng nhau tham dự một cuộc họp. "Chỉ có người dân Libya mới có thể quyết định số phận của Kadhafi", AFP dẫn lời ông Medvedev nói.
Từ Washington, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng cái chết của đại tá Kadhafi đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn đầu tiên trong cuộc cách mạng ở Libya: "Trong khi một vài giao tranh vẫn còn đang diễn ra, người dân Libya đã giải phóng được đất nước của họ. Giờ là lúc mà người dân Libya có thể tập trung tất cả những tài năng xuất chúng của họ để bồi đắp thêm sự đoàn kết quốc gia, tái thiết đất nước và kinh tế, tiếp tục cuộc chuyển giao dân chủ, và bảo vệ giá trị và nhân quyền của mọi người Libya".
Ông McCain cũng khẳng định Mỹ sẽ cùng với các đồng minh châu Âu và các đối tác Ảrập tiếp tục ủng hộ người dân Libya, vì họ cần phải làm cho giai đoạn thứ hai trong cuộc cách mạng dân chủ cũng có được thành công như giai đoạn đầu tiên.
Thủ tướng Anh nói ngắn gọn: "Đây là ngày để nhớ tới những nạn nhân của Kadhafi", với ngụ ý nhắc tới những nạn nhân trong vụ chiếc máy bay của hãng Pan America bị đánh bom trên bầu trời Lockerbie, Scotland, vào năm 1988.
Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi cho rằng cuộc chiến tại Libya đã kết thúc sau khi có những thông tin cho rằng ông Kadhafi bị bắt và bị giết, hãng tin ANSA cho hay. "Những điều tồi tệ đã đi qua. Giờ đây cuộc chiến ở Libya đã chấm dứt", ông Berlusconi nói.
Ngoại trưởng Italy Franco Frattini thì khẳng định việc Kadhafi bị bắt là một thắng lợi tuyệt vời dành cho người dân Libya. "Libya cuối cùng cũng đã có được tự do. Chúng tôi đều chờ đợi để được thấy những cuộc bầu cử dân chủ ở Libya", ông Frattini phát biểu.
Từ thủ đô Brussels của Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) cho hay cái chết của Kadhafi "đánh dấu sự chấm dứt của một kỷ nguyên chuyên quyền". "Tin tức về Kadhafi có ý nghĩa như dấu chấm hết cho sự đàn áp mà người dân Libya phải chịu đựng quá lâu", Chủ tịch EU Herman Van Rompuy nói trong một tuyên bố chung với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso.
Cái chết của Đại tá Kaddafi cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Trung Quốc, và chính phủ Bắc Kinh nhanh chóng ra thông cáo về sự kiện này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Khương Du phát biểu: "Lịch sử Libya vừa sang trang mới. Chúng tôi hy vọng rằng tiến trình chính trị bao gồm tất cả các bên sẽ được bắt đầu sớm nhất có thể được nhằm bảo đảm đoàn kết sắc tộc và dân tộc, khôi phục ổn định xã hội và nền kinh tế để người dân có cuộc sống hòa bình và hạnh phúc."
Bà Khương nói Đại sứ quán Trung Quốc tại Tripoli vẫn hoạt động bình thường, nhưng không bình luận về liên hệ với Hội đồng Chuyển giao Quốc gia (NTC) ở Libya. Quan hệ giữa Bắc Kinh và NTC trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc phản ứng thờ ơ trước nghị quyết của LHQ về bảo vệ dân thường ở Libya và thông tin các công ty Trung Quốc vẫn tìm cách bán vũ khí cho Gaddafi.
TOÀ THÁNH VÀ LIBYA SAU CÁI CHẾT CỦA ĐẠI TÁ KADDAFI
"Tòa Thánh và Libya sau cái chết của Đại tá Kaddafi": là tiêu đề của một lưu ý của phòng báo chí Tòa Thánh tối thứ năm 20.10. Tòa Thánh nhắc lại sự ủng hộ của mình cho "người dân Libya" và "Hội đồng chuyển tiếp", nhắm đến sự "bình định" và "tái thiết", trong "công lý" và "luật pháp". Sau đây là thông báo của Phòng báo chí Tòa Thánh:
Tin tức về cái chết của đại tá Muammar Kaddafi kết thúc giai đoạn quá dài và bi thảm của cuộc đấu tranh đẫm máu, để đánh bại một chế độ cứng rắn và áp bức.
Sự kiện bi thảm này một lần nữa buộc người ta suy tư về cái giá của sự đau khổ lớn lao của con người, vốn đi kèm sự khẳng định và sự sụp đổ của bất kỳ chế độ nào không dựa trên sự tôn trọng và phẩm giá con người, nhưng dựa vào sự khẳng định thống trị của quyền lực.
Hiện nay người ta phải mong muốn rằng, bằng cách tránh cho người dân Lybia khỏi các bạo lực mới do một tinh thần trả đũa hoặc trả thù, các người cai trị mới cần thực hiện càng nhanh càng tốt công tác cần thiết của bình định và tái thiết, trong một tinh thần bao hàm, trên cơ sở của công lý và pháp luật, và rằng cộng đồng quốc tế cam kết giúp đỡ cách hào phóng việc xây dựng lại đất nước.
Về phần mình, cộng đồng Công Giáo nhỏ bé sẽ tiếp tục đưa ra chứng tá và sự phục vụ vô vị lợi của mình, đặc biệt trong các lĩnh vực từ thiện và y tế, và Tòa Thánh sẽ cam kết vì lợi ích của người dân Libya trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, trong một tinh thần cổ vũ công lý và hòa bình.
Về việc này, thật là thích hợp để nhắc lại rằng một tập quán liên lỉ của Tòa Thánh, để thiết lập các quan hệ ngoại giao, là công nhận Nhà nước chứ không công nhận chính quyền. Vì vậy, Tòa Thánh đã không thực hiện sự công nhận chính thức đối với Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) như là chính phủ của Libya. Nếu Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) được thành lập một cách hiệu quả như là chính phủ tại Tripoli, Tòa Thánh sẽ coi Hội đồng này là đại diện hợp pháp của người dân Libya, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tòa Thánh đã có nhiều liên lạc khác nhau với chính quyền mới của Libya. Trước hết, Phủ Quốc Vụ Khanh Toà thánh, cơ quan chịu trách nhiệm về quan hệ ngoại giao của Tòa Thánh, đã liên lạc với đại sứ quán Libya bên cạnh Tòa Thánh, sau khi có sự thay đổi chính trị tại Tripoli. Gần đây trong thời gian tham dự các cuộc họp của Đại hội đồng LHQ, tổng thư ký phụ trách quan hệ với các quốc gia (tức Ngoại trưởng Toà thánh), Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, đã có cơ hội hội kiến với Vị Đại diện thường trực của Libya tại Liên Hiệp Quốc, ông Abdurrahman M. Shalgham. Và, gần đây hơn, Sứ thần Tòa Thánh tại Libya, Tổng Giám mục Tommaso Caputo, cư trú ở Malta, đã tới thăm Tripoli ba ngày (từ ngày 2 đến ngày 4.10), trong thời gian đó Ngài đã gặp thủ tướng của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC), ông Mahmoud Jibril. Tổng Giám mục Caputo cũng được Bộ trưởng Ngoại giao tiếp kiến.
Trong các cuộc gặp gỡ khác nhau, cả hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Libya. Tòa Thánh đã có cơ hội nhắc lại sự ủng hộ đối với người dân Libya, và ủng hộ quá trình chuyển tiếp. Tòa Thánh mong muốn chính phủ mới thành công trong việc xây dựng lại đất nước. Về phần mình, các nhà lãnh đạo của Libya mới cho biết họ đánh giá rất cao các lời kêu gọi nhân đạo của ĐTC Biển Đức XVI, và sự cam kết của Giáo Hội ở Libya, đặc biệt nhờ sự phục vụ của các bệnh viện hoặc các trung tâm cứu trợ khác của 13 cộng đoàn tu sĩ (sáu cộng đoàn ở Tripolitania và bảy cộng đoàn ở Cyrenaica).
Nguồn: Vietcatholic.net; BBC tiếng Việt; Viet.rfi.fr ; Photo: AFP
- Khủng Hoảng Nợ Công
- Khủng hoảng chính trị ở Libaya & Syria
- Biết Người Biết Ta
- Tường thuật thánh lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II
- Cuộc cách mạng hoa đăng! rực sáng ánh lửa cầu nguyện cho Tổ quốc, cho Sự thật - Công lý
- Thảm họa Nhật Bản Động đất, Sóng thần và Phóng xạ Nguyên Tử
- Ngọn lửa tự thiêu của 1 thanh niên đã đốt cháy chính quyền Tunisia
- Các cuộc chiến Israel - Palestine (1)
- Các cuộc chiến giữa Do Thái và các nước Ả Rập
- Dân Tộc Palestine và những thăng trầm lịch sử