Dân Chúa Âu Châu

Tại sao Liên Hiệp Quốc lại ưu đãi cho nữ giới một ngày có tên là "NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ" (8.3.1910 - 8.3.2007)

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Có thể nói rằng suốt từ thời "Tạo Thiên Lập Địa" cho đến ngày nay, phụ nữ luôn bị nam giới đè nén về mọi lãnh vực. Nhưng với sự tiến bộ của loài người và nhờ được học hỏi ngày càng nhiều nơi trường học hay trong các tổ chức văn hóa, phụ nữ trong các xã hội tiên tiến đã biết tranh đấu cho quyền lợi của mình. Mục tiêu trước mắt là làm sao được bình đẳng với nam giới trên chính trường cũng như trong các sinh hoạt văn học, kinh tế và xã hội.
Nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8.3.2007, chúng tôi mời quí độc giả thử tìm hiểu xem tại sao các bà lại được "o bế" như vậy?

1- CÁC CUỘC ĐẤU TRANH CỦA PHỤ NỮ TRƯỚC KHI NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ ĐƯỢC CÔNG NHẬN

-Cuộc đấu tranh đầu tiên

Người Mỹ đã đi tiên phong trong cuộc cách mạng dành độc lập (4.7.1779) và công nhân Mỹ cũng tiên phong trong cuộc đấu tranh cho quyền lợi của mình. Ngày 8.3.1857, các công nhân ngành dệt tại Nữu Ứơc đã vùng lên đòi giảm giờ làm việc và cải thiện môi trường lao động. Hai năm sau, các nữ công nhân ngành dệt đã thành lập công đoàn (syndicat) đầu tiên để bảo vệ quyền lợi của mình.
-Ngày 8.3.1908, 15.000 phụ nữ đã diễn hành trên các đường phố Nữu Ứơc để đòi được giảm giờ làm việc, tăng lương và hủy bỏ việc thuê mướn trẻ em. Để công chúng quan tâm đến cuộc đấu tranh, phụ nữ đã đưa ra khẩu hiệu "Bánh mì và Hoa hồng" (Bread and Roses). Bánh mì là biểu tượng cho sự ấm no và Hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp. Cuộc đấu tranh của phụ nữ đã phát triển mạnh trên đất Mỹ và Ngày Phụ nữ Quốc gia đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ ngày 28.2.1909. Đảng Xã hội Mỹ lợi dụng thành quả đấu tranh của phụ nữ, nên công nhận ngày này để tuyên dương cuộc đình công của thợ dệt tại Nữu Ước năm 1908.

2- NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ RA ĐỜI

Về lịch sử thì sáng kiến về Ngày Quốc tế đấu tranh của Phụ nữ (Women’s International Struggle Day) đã được bà Clara Zetkin, một nhà Xã hội Đức, đã đề ra tại Hội nghị Quốc tế Phụ nữ, vào hai ngày 26 và 27.8.1910 tại Thủ đô Copenhagen, Đan Mạch. Hội nghị này do các đảng Xã hội Quốc tế tổ chức với mục tiêu đấu tranh cho quyền lợi công nhân và quyền bầu cử của nữ giới. Hội nghị diễn ra trong Nhà Công Chúng (Folkets Hus) nay là Undomshuset tại Jagtvej 69, 2200 Copenhagen N, nơi mà trong tuần lễ đầu tháng 3.2007, các đài truyền hình đã chiếu cảnh xung đột giữa cảnh sát và tuổi trẻ.

Ngày 8 tháng 3 cũng được những người Cộng sản lợi dụng và chính thức công nhận trong đại hội Đệ III Cộng sản Quốc tế vào năm 1921. Trong thập niên 1920-1930 ngày này được đánh dấu là ngày Phụ nữ Xã hội trong các nước theo Chủ nghĩa Xã hội (hay cộng sản) và những nhóm khuynh Tả tại các quốc gia Tư bản. Phong trào Phụ nữ trung lưu tại các quốc gia Tây phương không tham dự. Sau Đệ II Thế chiến ngày này không được nhắc tới. Nhưng vào năm 1974 thì Phong trào Phụ nữ Giải phóng xuất hiện với danh nghĩa Phong trào Phụ nữ Xã hội Chủ nghĩa vào khoảng năm 1970. Biểu tượng của phong trào này là phụ nữ mang vớ (bít tất) dài mầu đỏ (Red stockings) trong các hội nghị và khi biểu tình.
Mục tiêu đấu tranh là thảo luận về vai trò phụ nữ, giới tính, quyền làm chủ thân xác mình, bình đẳng về lương bổng, tự do phá thai và chia sẻ kinh nghiệm với các phụ nữ khác qua khẩu hiệu: không có đấu tranh giai cấp nếu không có đấu tranh phụ nữ; và không có đấu tranh phụ nữ thì không có đấu tranh giai cấp. (No class struggle withouth women’s struggle; No women’s struggle withouth class struggle).

Ngày 25.3.1911, 145 nữ công nhân, phần lớn là di dân Ái Nhĩ Lan và Do Thái của hãng Triangle Shirtwaist Company tại Nữu Ước đã chết vì hỏa hoạn trong xưởng dệt. Họ không chạy thoát ra ngoài được vì cửa của cơ xưởng bị khóa chặt với mục đích không cho công nhân ra ngoài trước khi hết giờ làm việc. Cuộc biểu tình đã diễn ra và có hơn 80.000 người tham dự để tiễn đưa 145 nạn nhân bị chết cháy về bên kia thế giới.
Cũng trong năm 1911, sau kết quả của Hội nghị Copenhagen, cuộc biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Đấu tranh của Phụ nữ đã được tổ chức tại Áo quốc, Đan Mạch, Đức, Thụy Sĩ vào ngày 19.3. Có trên một triệu phụ nữ và đàn ông tham dự. Ngoài các đòi hỏi về quyền bỏ phiếu và có cơ sở để hoạt động, phụ nữ còn tranh đấu cho quyền làm việc, huấn luyện và chấm dứt sự kỳ thị trong công việc.

Năm 1913-1914: Ngày Quốc tế Đấu tranh của Phụ nữ trở thành cơ cấu chống Đệ I Thế chiến. Như một thành phần của phong trào hòa bình, phụ nữ Nga tổ chức Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên vào ngày Chủ nhật cuối tháng hai. Trong tinh thần chống chiến tranh, phụ nữ Nga đã biểu tình đòi "Bánh mì và hòa bình" (Bread and Peace) vào ngày 8.3.1917. Để bày tỏ sự đoàn kết, phụ nữ tại một số quốc gia Âu châu cũng biều tình chống chiến tranh.
Năm 1975, Liên Hiệp Quốc (LHQ) bắt đầu mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ, mùng 8 tháng 3. Hai năm sau, tháng 12.1977, Đại Hội Đồng LHQ chấp thuận quyết định công bố Ngày LHQ cho Quyền lợi và Hòa bình Thế giới của Phụ nữ (United Nations Day for Women’s Rights and International Peace). Trong quyết định, Đại Hội Đồng công nhận vai trò của phụ nữ trong các nỗ lực hòa bình và phát triển; đòi hỏi chấm dứt sự kỳ thị và tăng cường sự hỗ trợ cho phụ nữ được hoàn toàn và bình đẳng dự phần vào nỗ lực này.
Sau đó các Hôïi nghị Liên Hiệp Quốc về Nữ giới đã được tổ chức tại: Mexico City năm 1975, Copenhagen (Denmark) 1980, Nairobi (Kenya) 1985, Beijing (Trung Quốc) 1995 v.v…

3- THÀNH QUẢ ĐẤU TRANH CỦA PHỤ NỮ

3.1- Quyền chính trị

Nhiều phụ nữ đã trở thành bộ trưởng, thủ tướng, phó tổng thống và tổng thống tại hàng chục quốc gia trên thế giới là bằng chứng chứng minh thành quả của nữ giới trong cuộc tranh đấu cho quyền lợi của phái mình trên chính trường.
Thành quả đấu tranh đem lại cho phụ nữ khắp trên thế giới thì nhiều, không thể kể ra hết trong một bài viết. Chúng tôi chỉ ghi lại một số thành quả tiêu biểu của phụ nữ ở Âu châu:
-Về quyền bầu cử: Ngày nay, phụ nữ trong các quốc gia hội viên của Liên Hiệp Âu châu (LHÂC) đã có quyền bầu cử.
-Về tham chính trong Quốc hội: Phụ nữ đã trở thành dân biểu tai các quốc gia với tỷ lệ so với nam giới ngày càng cao như: Na Uy và Thụy Điển: 47%, Croatia: 45%, Hòa Lan: 39%, Đan Mạch: 37%, Tây Ban Nha: 30%, Ý: 17%, Tiệp Khắc: 13%, Pháp: 12%, Hy Lạp: 13%, Hung Gia Lợi: 10%, Nga sô: 10%.

3.2- Quyền sinh đẻ

Ngày xưa người phụ nữ thường than vãn mình "bị đẻ", vì cái gì đàn ông muốn là Trời muốn! Nhưng ngày nay tại đa số các quốc gia trên Thế giới thì phụ nữ muốn có con hay không là quyền của họ.
-Về sinh đẻ: Theo thống kê, trung bình mỗi người phụ nữ Âu châu chỉ đẻ 1,5 con! Phụ nữ Ý và Tây Ban Nha được coi là "lười đẻ" nhất, dưới 1 con!
-Về phá thai: Đa số các quốc gia trên thế giới cũng như LHÂC ngày nay cho phép phụ nữ được tự do phá thai. Một số điều kiện ràng buộc khác nhau tại mỗi nước là vấn đề luân lý đạo đức, thời gian của bào thai, tình trạng bị hiếp dâm, bệnh hoạn và hoàn cảnh của người mẹ. Ngày nay phụ nữ muốn đẻ thì đẻ, nếu không họ có quyền ngừa thai hay phá thai.
-Về thời gian được nghỉ khi sinh đẻ: Phụ nữ được nghỉ từ 5 tuần ở Ý tới 156 tuần ở Hung Gia Lợi. Vấn đề được hưởng lương hoặc trợ cấp nhiều hay ít tùy thuộc chính sách xã hội của mỗi quốc gia.

3.3- Quyền lao động

Ngày nay phụ nữ Âu châu có quyền làm việc trong mọi lãnh vực và được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi theo luật lao động qui định.
-Về lương bổng: Tuy Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã xác định quyền bình đẳng giữa nam và nữ, nhưng tình trạng lương bổng vẫn chưa công bằng. Cùng một công việc mà chủ trả lương cho phụ nữ thường thấp hơn nam giới, chỉ đạt 60/100 và cao nhất 92/100.

3.4- Quyền học vấn

Theo thống kê Đệ II Tam Cá Nguyệt 2006 của LHÂC: trong 27 quốc gia thuộc Liên Hiệp thì tỷ lệ tốt nghiệp cấp ba (đại học) tuổi từ 25 tới 59 cho thấy nữ giới đã "đè đầu" nam giới! Nữ: 24%, nam: 23%. Phụ nữ Phần Lan đứng hàng đầu: 42%, kế đến là Estonia và Đan Mạch: 39%; Tiệp Khắc và Malta: 13%; thấp nhất là Romania: 12%. Tuy nhiên, các bà các cô chỉ thích học các ngành "lười suy nghĩ" như: khoa học nhân văn và nghệ thuật: 66% (Humanities and arts), còn những khoa "nhức đầu" như khoa học, toán học và vi tính (Sciences, Mathematics, Computing) thì quí bà, quí côø lại "thở dài", chỉ có 38%.
Phụ nữ của ba quốc gia theo gần bén gót nam giới về giỏi computer là Đan Mạch: 25%, Lục Xâm Bảo và Hung Gia Lợi: 21%. Phụ nữ tại 4 quốc gia ấm ớ nhất về khả năng sử dụng computer là Bảo Gia Lợi: 69%, Ý: 64%, Bồ Đào Nha: 61% và Hy Lạp: 60%.

3.5-Quyền lao động

Tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ tháng giêng 2007 trong 27 quốc gia LHÂC là 8,5% so với nam giới 6,7%. Phụ nữ có việc làm đứng hàng đầu là Đan Mạch: 73,2% và thấp nhất là Malta: 34,6%. Tuy nhiên, hầu như 1/3 phụ nữ (31,1%) làm việc không đủ giờ lao động (37 giờ/tuần) so với nam giới (7,7%).
4- TẠI SAO NGÀY QUỐC TẾ ĐẤU TRANH CỦA PHỤ NỮ NGUYÊN THỦY (Women’s International Struggle Day) NAY CHỈ CÒN LẠI NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (Women’s International Day)?
Về lịch sử thì sự ra đời của Ngày Quốc tế Đấu tranh của Phụ nữ xuất phát từ những người theo Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) và do các tổ chức Xã hội đề cao. Tư tưởng này dĩ nhiên xuất phát từ lý thuyết Cộng sản của Karl Marx (1818-1883). Bản Tuyên Ngôn Cộng sản (the Communist Manifesto) ngày 25.2.1948 của Karl Marx và Friedrich Engel đã mở màn cho phong trào đấu tranh giai cấp và sự bành trướng Chủ nghĩa Cộng sản (CNCS) do Vladimir Lénin (1870-1924) phát động. Trước khi lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng 10 thành công tại Nga Sô, Vlademir Lénin đã tới thăm thủ đô Copenhagen 3 tuần vào năm 1910, đúng vào thời điểm Hội nghị Quốc tế Phụ nữ được các đảng Xã hội tổ chức và Ngày Quốc tế Đấu tranh của Phụ nữ, ngày 8 tháng 3 được chọn trong Hội nghị này.
Vì thế, trong cuộc Cách mạng tháng 10, Lénin đã tung ra chiến dịch đấu tranh giai cấp nhằm lật đổ Chế độ Quân chủ của Nga Hoàng (Nicholas II) bằng sách động nữ giới biểu tình "Phản Chiến" qua khẩu hiệu "Bánh mì và Hòa bình" (Bread and Peace). Họ đòi bánh mì và rút binh lính Nga từ chiến trường Đệ I Thế chiến. Bài bản này sau lại được các nhóm "Phản Chiến" Tây phương, đặc biệt tại Mỹ, đứng đầu là nữ tài tử màn bạc, Jane Fonda, khuấy động trong toàn cuộc chiến Việt Nam. Kết quả là dân chúng Tây Âu lên án Hoa Kỳ xâm lăng VN, dân chúng Mỹ đòi rút quân đội về nước và Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử!
Vì có tính cách "đấu tranh giai cấp" trong chủ trương của những người theo Chủ Nghĩa Cộng Sản; nên dù mang danh nghĩa là Ngày Quốc tế Đấu tranh của Phụ nữ, nhưng không mấy quốc gia Tây phương, Hoa Kỳ và các nước dân chủ tự do kỷ niệm. Thực tế cho thấy chỉ có các nhóm thiên Tả và phản chiến tổ chức ngày này trước thập niên 1990. Sau khi các Chế độ Cộng sản Đông Âu và Liên Sô bị sụp đổ, Liên Hiệp Quốc mới công nhận ngày 8 tháng 3 là Ngày LHQ cho Quyền lợi và Hòa bình Thế giới của Phụ nữ, chứ không còn là Ngày Quốc tế Đấu tranh của Phụ nữ, một khẩu hiệu sặc mùi cộng sản.
Đa số các quốc gia tự do dân chủ theo chiều hướng của Liên Hiệp Quốc ủng hộ các chương trình giải phóng người phụ nữ thoát khỏi cảnh nghèo đói, bệnh hoạn, mù chữ, bị bán dâm, và được bình đẳng trong các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế v.v…

5- NHÂN PHẨM CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM THÌ SAO?

Mang danh là đấu tranh giai cấp, giải phóng người phụ nữ, nhưng trong chiến tranh VN, Việt Cộng đã làm gì đối với phụ nữ?

5.1-Chính sách "BA KHOAN!"

Trong thời kỳ chiến tranh, VC đã lợi dụng tối đa nhân lực, cả nam lẫn nữ, vào cuộc chiến mang danh là Giải Phóng Miền Nam. Người phụ nữ bị ép buộc phải lao động trong các cơ cấu sản xuất, kỹ nghệ cũng như nông nghiệp. Người phụ nữ cũng phải trực tiếp cầm súng chiến đấu trong các tổ du kích, biệt động thành, cứu thương, tiếp tế v.v… Chính vì vậy mà VC không cho phép họ yêu đương theo lẽ tự nhiên chồng vợ. Họ phải dành thời giờ để yêu Bác và Đảng! Ba khẩu hiệu nổi tiếng và đáng ghi vào lịch sử mà VC đặt cho cái tên nghe rất êm tai là "Ba Khoan":
Chưa yêu thì khoan yêu.
Yêu rồi thì khoan cưới.
Cưới rồi thì khoan có con!

5.2-Hành động cưỡng dâm tập thể phụ nữ

Để giải quyết tình dục cho cán binh, theo dư luận đồn đãi thì VC thành lập các toán "Nữ Hộ Lý". Nhiều phụ nữ, bề ngoài mang danh là tình nguyện hiến thân xác mình vì đại cuộc, nhưng thực ra bị ép buộc làm phận sự "mời các anh cán binh vào Thiên Thai!" trong những đêm dài thổn thức. Sự đồn đãi này có thể có lý do và bằng chứng dưới đây xác định sự đói khát tình dục, "có chày mà thiếu cối" của các cán binh và cán bộ VC.

Trong tác phẩm "Tù binh và Hòa bình" trang 326-327, nhà văn Phan Nhật Nam, người từng tham dự các cuộc họp Bốn Bên (Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Cộng, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) về trao đổi tù binh, đã ghi những lời tố cáo của Phái đoàn VNCH về hành động vô luân thường đạo lý của VC như sau:
"… Như quí vị đã ép buộc các thanh thiếu nữ và thiếu phụ vùng Tam Quan, Hoài Ân (Bình Định) hiến thân, gần gũi với cán binh, lúc Cộng sản Bắc Việt tạm kiểm soát những vùng trên trong cuộc tổng công kích 1972, hành vi cưỡng ép này được phía quí vị ngụy danh thành một động tác "ghi ơn bộ đội!"
Bằng chứng trên đây chỉ là một trong nhiều trường hợp, (như biến cố Tết Mậu Thân 1968 và tại các vùng mất an ninh do VC kiểm soát một phần hay toàn phần) chứng minh VC đã phạm trọng tội không thể tha thứ được đối với phụ nữ miền Bắc và miền Nam. Một hành động vô luân, vô đạo đức; một sự cưỡng dâm tập thể có một không hai trong lịch sử dân tộc. Hành động này cần phải lên án gắt gao và các nạn nhân của cả hai miền phải được xin lỗi và bồi thường danh dự.

6- TÒA NHÀ LỊCH SỬ CỦA NGÀY ĐẤU TRANH CỦA PHỤ NỮ TẠI THỦ ĐÔ COPENHAGEN ĐÃ BỊ GIẬT SẬP VÀ SAN BẰNG!

Trong những ngày đầu của tháng 3.2007, hình ảnh lửa bùng cháy và khói tỏa mịt mù tại Thủ đô Copenhagen và một số cuộc biểu tình hoặc chiếm tòa đại sứ và lãnh sự Đan Mạch do tuổi trẻ chủ động tại Đức, Na Uy, Ý, Thụy Điển, Nữu Ước v.v… đã được các đài truyền hình Âu châu và CNN của Mỹ chiếu trên màn ảnh. Biến cố này xẩy ra dĩ nhiên phải có nguyên nhân.
Từ Nhà Công Chúng (Folket Hus) của Phụ nữ Xã hội tới Nhà của Tuổi Trẻ (Ungdomshuset)
-Ngày 12.11.1897, công trình xây dựng Nhà Công chúng (Folkets Hus) hoàn tất và được dùng làm trụ sở hội họp của Mặt trận Công nhân. Tòa nhà này cũng được sử dụng để tổ chức các cuộc họp lớn trong năm 1910 như: Đại hội Phụ nữ Thế giới và Liên đoàn Công nhân Nữ giới. Cũng trong tòa nhà này, ngày 8 tháng 3 được chọn là ngày Quốc tế Đấu tranh của Phụ nữ (Den Kvindernes Internationale Kampdag). Đặc biệt hơn, trước khi trở thành trùm cộng sản Nga Sô và Thế giới, Lénin đã tới thăm Đan Mạch 3 tuần và có mặt tại trụ sở này, nhân dịp Hội nghị Quốc tế Xã hội.
Như vậy tòa nhà này được coi là một di tích lịch sử chính trị đối với với phe Cộng sản và thiên Tả ở Đan Mạch cũng như nhiều nơi trên Thế giới, những người yểm trợ Tuổi trẻ trong vụ tranh đấu vừa qua.

Năm 1956, Mặt trận Công nhân di chuyển tới khu vực mới, bây giờ là chỗ giải trí Vega, Enghavevej 40, Copenhagen V. Nơi này rộng hơn và đủ chỗ cho 900 người ngồi, nếu đứng được 1.500 người. Vì thế, Nhà Công chúng bị bỏ trống từ năm 1960. Tới cuối năm 1970 có nhóm nhạc Tinglutti dùng để chơi nhạc dân tộc. Nhưng sau đó tòa nhà này lại rơi vào tình trạng vô chủ. Năm 1981, một nhóm mang danh là BZ’ere (ký hiệu của những người trẻ chuyên đi chiếm (Besaetter) các ngôi nhà bỏ trống trong thành phố) chiếm cư với khẩu hiệu "Ungdomshus - Nu" (Giờ là Nhà Tuổi trẻ). Ngày 29.10.1982, Đô trưởng Thủ đô Copenhagen, Egon Weiderkamp, đã trao chìa khóa tòa nhà cho nhóm BZ’ere sử dụng với tên khai sinh mới là "Ungdomshuset". Sau đó, Tòa Đô chính chuyển giao Nhà Công chúng (Folkets Hus) cho nhóm Tuổi trẻ.

Ngày 27.1.1996, Ungdomshuset bị hỏa hoạn lần 2 (lần 1 năm 1986). Ngày 9.4.1997, Nhà Tuổi trẻ ký hợp đồng thuê mướn với Trung tâm Tuổi trẻ của Thủ đô Copenhagen và có thể hủy bỏ giao kèo trong vòng 3 tháng. Nhưng có lẽ vì tuổi trẻ thiếu người quản trị và có trách nhiệm, ăn ở không vệ sinh và gây ra hỏa hoạn; nên ngày 10.4.1997, Tòa án Copenhagen khuyến cáo Nhà Tuổi trẻ không được dùng vào các hoạt động công cộng và nên bán.
Ngày 28.10.1999, Tòa đô chính Copenhagen quyết định bán Nhà Tuổi trẻ và mãi tới ngày 16.11.2000 mới bán được cho công ty HUMAN A/S với giá 2,6 triệu kroner. Ngày 26.9.2001, công ty HUMAN nhượng lại cho nhóm Thiên Chúa Giáo có tên là "Nhà Cha" (Faderhuset). Hai ngày sau nhóm Nhà Cha hủy bỏ giao kèo thuê mướn của Tuổi Trẻ. Cuối năm 2001-2002, nhóm Nhà Cha tới để thay ổ khóa cơ sở của mình, nhưng bị Tuổi trẻ nổi sùng tấn công làm bị thương một số người. Trước sự chiếm cư bất hợp pháp, sở hữu chủ là nữ Mục sư Ruth Evensen không biết làm sao hơn bèn đưa nội vụ ra tòa án.

Năm 2003, Tòa án Thành phố cứu xét vấn đề và ngày 7.1.2004, Tòa án phán quyết chủ quyền thuộc về nhóm Nhà Cha. Tuổi trẻ kháng án lên Tòa án Quốc gia miền Đông (Ostre Landsret) nhưng bị thất bại. Tháng 9-2006, một số nghệ sĩ đứng ra lập một Quỹ (Fond) giúp tuổi trẻ. Quỹ được sự ủng hộ của Đô trưởng và chính trị gia đã hai lần đề nghị mua Ungdomshuset với giá 15 triệu kroner (khoảng 2 triệu Euro), nhưng nhóm Nhà Cha nhất định không bán.
Ngày 16.12.2006, tuổi trẻ biểu tình, đốt phá và nhiều cuộc đụng độ với cảnh sát đã xẩy ra. 273 thanh thiếu niên bị bắt giữ, trong số có những thanh thiếu niên đến từ Hòa Lan, Đức, Na Uy và Thụy Điển.

Ngày 9.2.2007, Tòa Đô chính đề nghị tuổi trẻ dời tới trường Stevnsgades Skole của thành phố và cho hạn chót là ngày 19.2.2007. Tuổi trẻ đồng ý, nhưng với điều kiện chỉ trả 1 kroner mà thôi, còn tất cả các chi phí do chính quyền thành phố phải chịu. Tòa Đô chính không chấp nhận và hủy bỏ mọi cam kết.
7 giờ sáng ngày 1.3.2007, cảnh sát mở cuộc hành quân bất ngờ để giải tỏa Ungdomshuset. Toán cảnh sát thứ nhất đổ bộ từ trực thăng xuống mái nhà và toán thứ hai xông vào nhà qua các cửa sổ bên hông, trong khi một máy phun bọt xà bông vào các cửa sổ ở phía trước để làm giảm tiếng động của phi cơ trực thăng và tuổi trẻ trong nhà không nhìn thấy gì bên ngoài. Khi cảnh sát đột nhập vào nhà thì nhóm trẻ canh gác bên trong còn đang ngủ, nên bị bắt gọn. Trong nhà tuổi trẻ dự trữ rất nhiều hòn đá, mỗi hòn nặng 2-3 kg được dùng để ném cảnh sát khi nhà bị giải tỏa.
Sau đó, tuổi trẻ xuống đường biểu tình, đốt phá xe dọc hai bên đường, đập cửa kính tiệm buôn, lập chướng ngại vật trên đường bằng đốt các thùng rác v.v... Hai nơi rối loạn nhất là khu vực Norrebrogade phía Bắc trung tâm và Christianhavn phía Nam trung tâm Copenhagen. Tại Christianhavn tuổi trẻ xông cả vào trường Trung học Đệ nhị cấp (Christianhavn Gymnasium) đập phá cửa kính và lật đổ các tủ sách gây thiệt hại lên tới 500.000 kroner.
Nhận thấy còn Ungdomhuset sẽ còn là nguyên nhân tạo ra nhiều cuộc bạo động trong tương lai; nên với sự đồng ý của sở hữu chủ Faderhuset, ngày 3 tới 5.3.2007 cảnh sát đã cho phép giật sập và san bằng Ungdomshuset.

Ngày 8.3.2007 tòa nhà di tích lịch sử của Hội nghị Quốc tế Đấu tranh của Phụ nữ xưa kia, nay là Nhà Tuổi trẻ tại Thủ đô Copenhagen bị giật sập và san bình địa.
Tuy nhiên, phụ nữ khắp nơi trên Thế giới đã tranh đấu và đạt được nhiều thắng lợi về mọi lãnh vực. Cuộc tranh dành quyền lực và quyền lợi giữa phe Adam và Eva sẽ còn nhiều gây cấn.
Người ta chưa biết đến thời điểm nào nhân loại sẽ lại được sống êm ái dưới chế độ "Mẫu hệ?"