Dân Chúa Âu Châu

Chơi với Trung Cộng, Tòa Thánh Vatican lúc nào cũng mất ngủ!

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Trong thượng tuần tháng năm vừa qua, Tòa Thánh Vatican đã rơi vào tình trạng ăn không ngon, ngủ không yên, khi Nhà cầm quyền Trung Cộng (TC) và cái gọi là Giáo Hội Quốc Doanh quyết định phong chức một số Giám Mục (GM) mà không cần có sự chấp thuận của Tòa Thánh. Sự kiện này làm cho việc đàm phán nhằm tái lập quan hệ ngoại giao giữa La Mã và Bắc Kinh rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa hơn về lãnh vực chính trị và ngoại giao giữa hai nước, chúng tôi mời quí độc giả theo dõi các điểm sau đây:

I- QUAN HỆ VATICAN VÀ TRUNG QUỐC

Theo thống kê vào tháng 4.2006 của Nhà Cầm quyền Trung Cộng thì có 200 triệu người theo nhiều tôn giáo khác nhau và 100.000 cơ sở hoạt động tôn giáo. Có 5 tôn giáo chính là: Công giáo Quốc doanh (0,4%), Công giáo La Mã (0,4-0,6%), Tin Lành Quốc doanh (1,2-1,5%), Tin Lành độc lập (2,55%), Phật giáo (8%), Lão giáo (4%), Hồi giáo (1,5%) và khoảng 2,1 triệu hội viên Pháp Luân Công (Falun Gong)
Để mở đường cho sự thân thiện và tái lập ngoại giao với các nước chưa có đại diện tại Vatican, trong đó có Trung Quốc, ngày 24.10.1999, Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã ngỏ lời xin lỗi các quốc gia về những việc lầm lỡ trong quá khứ của Giáo Hội. Đối với Trung Quốc thì những lầm lỗi này do các vị Thừa sai đã hiểu lầm về các tập quán của người dân bản xứ. (Cấm thắp hương nhang thờ cúng ông bà là một trường hợp.)
Tiếp theo thiện chí của vị tiền nhiệm, ngày 19.5.2005, trong lúc khuyến cáo Thế giới chống lại những xung đột về văn hóa, đương kim Giáo Hoàng Biển Đức (Benedict) XVI kêu gọi các quốc gia chưa có đại diện ngoại giao với Vatican nên thiết lập, đặc biệt Ngài muốn ám chỉ Trung Quốc, Ả Rập Saudi và Việt Nam.
Sự thực thì vấn đề tái lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và TC đã khởi sự sau chuyến viếng thăm Ý Đại Lợi của chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), ngày 11.2.1999, Hồng Y Angelo Sadano, Thư ký Tòa Thánh có tuyên bố là La Mã sẵn sàng di chuyển Khâm Sứ Tòa Thánh từ thủ đô Đài Bắc (Taipei) qua Bắc Kinh (Beijing) “không phải ngày mai mà ngay đêm nay, nếu Nhà Cầm quyền Trung Cộng cho phép.”

Đáp lại lời kêu gọi của Tòa Thánh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố là “Chúng tôi sẽ không bao lâu tái lập quan hệ với Vatican. Dưới triều đại Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI hy vọng Vatican sẽ tạo điều kiện tốt để bình thường hóa sự quan hệ.”
TC cũng đưa ra hai điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự tái lập quan hệ ngoại giao với Vatican là:
-Vatican phải chấm dứt quan hệ với Đài Loan,
-Vatican không được xen vào nội bộ của Trung Quốc, kể cả về vấn đề tôn giáo. Bất cứ sự can thiệp nào cũng sẽ được coi là vi phạm chủ quyền quốc gia.
Hai điều kiện căn bản của Tòa Thánh trong vấn đề tái lập ngoại giao với ĐGH Biển Đức là:
-Các GM là những người đại diện của Giáo Hội trước Nhà Cầm quyền TC, vì thế nên hủy bỏ hoặc giảm thiểu sự kiểm soát của Giáo Hội Quốc Doanh,
-Việc phong chức các GM chỉ có tính cách tôn giáo phải do Tòa Thánh Vatican quyết định, chứ không phải Nhà Cầm quyền TC.
Nhưng phía TC lo ngại quan hệ về tinh thần và pháp lý sẽ đưa tới tình trạng người dân trong nước có chiều hướng qui phục một quốc gia ngoại bang. Các đòi hỏi của Vatican có thể so sánh với tình trạng: Tây Tạng của người Tây Tạng, người Hồi làm chủ Tân Cương (Xinjang) và biết đâu, người Thiên Chúa Giáo lại đòi tự trị một vùng nào đó có lợi cho Giáo Hoàng thì sao?
Xa hơn nữa, theo phía TC thì ảnh hưởng từ một Giáo Hội thống nhất tại Hoa lục biết đâu chẳng đưa tới một cuộc nổi dậy lật đổ Chế độ CS tại nước này, như đã xẩy ra ở Ba Lan và Đông Âu?
Để giải tỏa vấn đề, một số giới chức cao cấp tại Tòa Thánh có đề nghị giải pháp tương tự hiện đang áp dụng cho Việt Nam. Tuy nhiên, các GM Trung Hoa lại cho rằng đó là giải pháp không hiệu quả. Không có quan hệ ngoại giao tại VN, khi bổ nhiệm GM, Tòa Thánh thường đưa ra ba ứng cử viên và Nhà Cầm quyền CSVN có quyền chọn trong số ba người này. Nhưng CSVN thì lúc nào cũng cù cưa, cố tình kéo dài hàng tháng và hàng năm rồi mới trả lời. Sự trì hoãn có chủ đích tạo nên một khoảng trống GM tại các địa phận. Ngoài ra, Nhà Cầm quyền Hà Nội luôn có khuynh hướng chọn các ứng cử viên theo những “tiêu chuẩn riêng của đảng” để mong rằng họ có thể dễ bề can thiệp vào nội bộ của giáo hội sau này!

2- NHỮNG XUNG ĐỘT ĐẦU TIÊN

Năm 2000, vào ngày độc lập 1.10 của TC, ĐGH Gio-an Phao-lô II phong Thánh cho 120 vị tử đạo người Hoa trong đó có các Thừa sai. Phía TC phản đối cả về quyết định phong thánh và ngày phong thánh. TC đòi thay đổi vào ngày khác, nhưng Tòa Thánh vẫn cử hành nghi lễ như chương trình đã đề ra.
Để trả đũa, Giáo Hội Quốc Doanh TC tự phong chức cho 5 GM, mà không cần thăm dò ý kiến của Tòa Thánh. TC cho rằng việc phong thánh cho những người bị giết trong cuộc cách mạng chống lại các đế quốc Tây phương vào thế kỷ 19 và 20 là hành động vinh danh một thế kỷ Chủ nghĩa Đế quốc tại Trung Hoa. Sau vụ này, TC chấm dứt mọi liên lạc với Vatican.
Ngoài ra, việc ĐGH phong chức Hồng Y cho GM Zen Ze-Kiun, Tổng Giáo phận Hồng Kông cũng là một sự khiêu khích đối với TC và làm cho chương trình tái lập ngoại giao trở nên căng thẳng. Theo phía TC thì quyết định phong chức Hồng Y này nằm trong kế hoạch dài hạn của Vatican nhằm lật đổ chế độ CS, như đã xẩy ra tại Ba Lan trước đây. Sở dĩ TC quá nghi ngờ về quyết định của Tòa Thánh, vì H.Y Zen là người nổi tiếng chống Chủ Nghĩa Cộng Sản tại Hồng Kông. Donald Tsang, tân Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lãnh thổ Hồng Kông cũng là người Công Giáo đi lễ mỗi Chúa nhật. Nếu hai người hợp tác chặt chẽ với nhau và cổ động cho chương trình cải tổ về hiến pháp và tổ chức bầu cử dân chủ chức vụ chủ tịch lãnh thổ Hồng Kông, thì vấn đề sẽ trở nên khá phức tạp và nguy hiểm cho sự thống nhất lãnh thổ Trung Quốc.

-Về phương diện lịch sử

Người ta thấy quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung Quốc đã bị gián đoạn ngay từ năm 1949, khi Mao Trạch Đông chiếm được quyền lực và nhuộm đỏ Trung Hoa bằng Chủ nghĩa Cộng sản, một chủ nghĩa dựa trên nền tảng duy vật và coi tôn giáo chỉ là liều thuốc phiện đầu độc con người!

-Về phương diện chính trị

Sau khi nắm toàn quyền sinh sát tại Hoa lục, Nhà Cầm quyền TC từ chối giao thiệp với bất cứ chính phủ nào có liên hệ ngoại giao với Đài Loan, nơi mà TC coi là phần đất không thể tách rời khỏi mẫu quốc. Chính vì vậy mà hiện nay, vì quyền lợi về kinh tế, phần lớn các nước trên thế giới, đặc biệt các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ ngoại giao với TQ và không công nhận Đài Loan là một quốc gia.

-Về phương diện tôn giáo

Nhà Cầm quyền TC, vào năm 1951, bắt Giáo hội Công giáo chấm dứt mọi liên hệ với ĐGH và chỉ công nhận Giáo hội Quốc doanh do họ thành lập là Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa (Chinese Catholic Patriotic Association). Giáo Hội do Nhà Nước CS kiểm soát có khoảng 4 triệu giáo dân. Nhà Cầm quyền và GH Quốc Doanh tự chỉ định các Giám mục và chỉ công nhận ĐGH như là vị lãnh đạo tinh thần, chứ không phải là nhà lãnh đạo thế giới. Về giáo lý, họ cũng không công nhận toàn bộ thần học Công giáo.
ĐGH Gio-an Phao-lô II là vị chủ chăn Công giáo toàn cầu có tinh thần chống Chủ Nghĩa Cộng Sản đã lên án mạnh mẽ các hành động đàn áp tôn giáo của các chế độ CS, từ Đông Âu đến Á Châu, Phi châu và Trung Mỹ. Chính vì vậy mà Giáo Hội thần phục La Mã (GH Thầm Lặng), có khoảng 8-10 triệu giáo dân phải sinh hoạt thầm kín và khoảng 90% GM đã được Tòa Thánh bí mật phong chức. Cũng từ đó, vấn đề thiết lập ngoại giao với các nước CS đối với Cố GH không quá cần thiết.

Ngoài ra, người ta phải công nhận là ảnh hưởng của ĐGH Gio-an Pha-lô II đã bao trùm thế giới trong suốt cuộc chiến tranh lạnh, giữa Thế giới Tự do và Cộng sản. Sự sụp đổ của các chế độ CS Liên-sô và Đông Âu được các nhà bình luận chính trị thế giới cho là công lớn của Ngài và Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan là một thực tế không ai chối cãi được.
Chính vì lập trường chống CNCS cứng rắn như vậy mà sau khi ĐGH Gio-an Phao-lô II băng hà thì hàng loạt các cuộc bắt bớ LM, GM và những cấm đoán gắt gao đối với người Công giáo đã xẩy ra tại Trung Quốc. Lời tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao TC ở trên chứng minh cho một thực tế.

3- CÁC CUỘC TIẾP XÚC GIỮA TÒA THÁNH VÀ NHÀ NƯỚC TRUNG CỘNG

Cuộc tiếp xúc đầu tiên xẩy ra vào ngày 28.6.2005 tại Thượng Hải (Shanghai) qua việc phong chức GM cho LM Quốc doanh Xing Wenzhi dưới quyền chủ lễ của GM Thượng Hải, Aloysius Jin Luxian. Tin tức Tòa Thánh cho biết ĐGH đã chấp thuận sự phong tấn phong này.
Trường hợp thứ hai xẩy ra tại tỉnh Xian, một thành phố có trên 2 triệu người nằm ở trung tâm phía Bắc Trung quốc. GM Anthony Li Duan vì đau ốm đã đề cử vị phụ tá là Anthony Dang Mingyan lên kế vị. GM này cũng được Tòa Thánh chúc lành.
Cuối cùng, trong tháng tám 2005, ĐGH Biển Đức XVI đã chào đón một nhóm gồn 26 vị thuộc Giáo hội Quốc Doanh và giám đốc chủng viện. ĐGH cũng đã mời 4 GM Trung Hoa, trong đó có 3 GM quốc doanh và một chưa được Nhà Nước chấp thuận, đến Rô-ma tham dự Thuợng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới được tổ chức vào tháng 10.2005; nhưng chưa ai được cấp thẻ thông hành (passport).

4- TÒA THÁNH VATICAN CÓ NÊN TIẾP TỤC ĐÀM PHÁN VỚI TRUNG CỘNG KHÔNG?

Foto: Hồng Y Zen Ze-Kiun Tổng Giáo phận Hương Cảng (Hong Kong)

Ngày 2.5.2006, H.Y Zen Ze-Kiun khuyên Tòa Thánh nên ngưng cuộc đối thoại với TC với lý do là hai bên bất đồng ý kiến về việc phong chức GM. Nhà Cầm quyền TC phải giải thích nguyên nhân trước khi tiếp tục các cuộc đàm phán. Ngài tuyên bố với báo South China Morning Post là “cuộc đối thoại không thể tiếp tục, vì dân chúng nghĩ là chúng ta chuẩn bị đầu hàng.”
Trong khi đó Bộ trưởng Ngoại giao TC tuyên bố bênh vực cho Giáo Hội Quốc Doanh có quyền phong chức GM mà không cần Tòa Thánh chấp thuận và cho rằng sự chỉ trích của Vatican không có cơ sở.
5- QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA VATICAN VÀ HOA KỲ CÓ ẢNH HƯỞNG GÌ ĐỐI VỚI TRUNG CỘNG?

-Về phương diện chính trị

Có thể nói, khi bức tường Bá Linh sụp đổ và các chế độ Cộng sản Liên-sô và Đông Âu bị tan rã vào cuối thập niên 1980 và những năm đầu của thập niên 1990 thì uy tín của Vatican lên rất cao. Nhưng kể từ cuộc chiến tranh chống Iraq lần thứ nhất, cuộc chiến Kosovo, A Phú Hãn và chiến tranh Iraq lần hai thì ảnh hưởng của Vatican bắt đầu bị giảm dần trên chính trường Thế giới.
Lý do rất dễ hiểu là khi CNCS không còn thì nhu cầu cần sự tiếp tay của Vatican, đầu não của hơn một tỷ giáo dân, một lực lượng chống CS mạnh nhất thế giới. Công đoàn Đoàn kết (Solidarity) do Lech Walesa là một ví dụ cụ thể. Công Đoàn này được coi là lực lượng tranh đấu tách Ba Lan ra khỏi ảnh hưởng của Liên Sô. Công Đoàn bị Tướng Wojciech Jaruzelski cấm hoạt động khi tuyên bố tình trạng thiết quân luật vào ngày 13.12.1981. Sau này ông tiết lộ phải áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng quân sự hầu tránh khỏi sự can thiệp trực tiếp của quân Liên Sô vào Ba Lan, như đã xẩy ra tại Hung Gia Lợi và Tiệp khắc trước đây.

Ngoài ra, các chính phủ của các quốc gia ngày nay không còn đề cao Thiên Chúa Giáo như trong các thập niên trước. Nhiều nguyên thủ quốc gia nguyên là đảng viên CS trước đây hoặc vô thần và thuộc phe Xã Hội, cánh Tả v.v… Chính vì vậy mà tương quan giữa các chính quyền của các quốc gia và Tòa Thánh Vatican không còn mật thiết như trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Chủ Nghĩa Tư Bản và Chủ Nghĩa Cộng Sản.

Người ta hy vọng cuộc viếng thăm của Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II tại Cuba sẽ có những biến chuyển về chính trị tại nước này. Nhưng sau cuộc viếng thăm, dù trùm CS Fidel Castro có tham dự Thánh Lễ do ĐGH cử hành, nhưng Cuba vẫn duy trì CNCS và độc tài đảng trị.
Vì thế, sự tin tưởng vào “quyền lực” của Vatican bị giảm dần và đó cũng là lý do tại sao Trung Cộng nói riêng và các nước CS còn lại nói chung không còn “sợ” Vatican như trước đây. Họ chỉ “lợi dụng” uy tín Tòa Thánh trong khi cần sự ủng hộ nào đó về chính trị và kinh tế. Xin giúp đỡ để trở thành hội viên của Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) chẳng hạn. Khi mục tiêu đã đạt được, người CS lại tỏ vẻ lạnh nhạt và bộ mặt vô thần lại hiện ra ngay.

Chính sách thiết lập ngoại giao với Trung Quốc của Hoa Kỳ và EU đã làm cho uy tín Tòa Thánh Vatican bị giảm đi phần nào trên chính trường quốc tế.
Ngược giòng thời gian, ngày 10.1.1984, Tổng thống Mỹ, Ronald Reagan, đã quyết định thiết lập ngoại giao toàn phần với Vatican. Mặc dù được kêu gọi đáp ứng vì nhiều lợi ích, nhưng Tối Cao Pháp Viện từ chối quan tâm tới vụ này. Sở dĩ TT. Reagan quyết định như vậy vì một trong các mục tiêu đầu tiên của ông là thừa nhận Vatican như một quốc gia và đồng minh. Quyết định này kết thúc hơn một thế kỷ Hoa Kỳ đã phản đối một sự quan hệ như vậy.

Để thắt chặt mối tương quan, TT. Reagan đã bổ nhiệm nhiều người Công giáo vào Ban Tham mưu Tòa Bạch Ốc như: Giám đốc C.I.A William Casey, Cố vấn An ninh Quốc gia đầu tiên Richard Allen, Cố vấn An ninh Quốc gia William Clark, Bộ trưởng Ngoại giao Tướng Alexander Haig, Vernon Walters và William Wilson, đại sứ đầu tiên của TT. Reagan tại Vatican.
Nếu trước đây, dưới thời Cố TT. Ronald Reagan, người ta từng ca tụng chính sách chống CS và quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Hoa Kỳ là “Liên Minh Thần Thánh” (the holy alliance), thì ngày nay sự thân thiện cả về chính trị và tôn giáo giữa hai quốc gia có triệu chứng không còn mật thiết như xưa. Thời “vàng son” của hai cụ già gân Gio-an Phao-lô II và Ronald Reagan đã qua đi, thì chính sách chống CS cũng không còn là mối quan tâm hàng đầu đối với Hoa Kỳ và Đồng Minh Tây phương nữa! Chính phủ Bill Clinton là một trường hợp điển hình.

Hai sự kiện dưới đây có thể chứng minh cho nhận định trên:
-Tòa Thánh lên án chiến tranh Iraq có thể coi là một bằng chứng chứng tỏ sự không đồng thuận về chính sách ngoại giao giữa Vatican và Hoa Kỳ.
-Tòa Thánh đề nghị nên ghi vào hiến pháp EU tinh thần Thiên Chúa Giáo đã không được các nhà lãnh lạo EU quan tâm. Sự kiện này chứng tỏ ảnh hưởng của Tòa Thánh đối với các chính quyền Tây phương không còn mạnh như xưa.
Giữ vững đường lối như vậy, nên Vatican là quốc gia duy nhất tại Âu Châu hiện nay còn duy trì quan hệ với Đài Loan. Sự kiện Tổng thống Đài Loan, Trần Thủy Biên, tới tham dự lễ an táng Cố Giáo Hoàng Gio-an Pha-lô II tại La Mã là một bằng chứng nói lên mối liên hệ Vatican-Đài Loan.

-Về phương diện kinh tế

Trung Quốc là thị trường lớn nhất Thế giới. Nếu cứ mỗi người một ngày mua một chai Coca Cola thì hãng này sẽ bán ít nhất khoảng một tỷ chai, một lợi tức khổng lồ bằng thị trường Châu Mỹ và châu Âu cộng lại. Đó là miếng mồi ngon mà nhà tư bản và đầu tư nào của Tây phương cũng thèm muốn. Vì thế, đa số các quốc gia trong LHÂC (EU), Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Nga, Nhật Bản và Úc Đại Lợi v.v… đều không dám làm phiền lòng anh khổng lồ, chỉ vì lợi ích thị trường kinh tế đem lại. Vatican nếu có bị Hoa Kỳ và Đồng Minh Tây phương quên lãng thì cũng là chuyện đương nhiên.

(Foto: Tổng thống George W. Bush dự Thánh Lễ tại một Thánh Đường tại Bắc Kinh nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc ngày 20.11.2005)

-Về phương diện tôn giáo

Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc ngày 20.11.2005, TT. George W. Bush đã dự Thánh Lễ tại một ngôi Thánh Đường ở Bắc Kinh. Sau Thánh Lễ, TT. Bush đã phát biểu: “Tinh thần của Thiên Chúa đã hiện diện mãnh liệt trong Nhà thờ này. Tôi cám ơn quí vị đã truyền đạt thông điệp tình yêu của Thiên Chúa. Cách đây không lâu, dân chúng không được thờ phượng công khai trong xã hội này. Hy vọng của tôi là chính phủ Trung Quốc sẽ không còn sợ hãi các tín đồ Thiên Chúa Giáo đã cùng nhau quây quần để thờ phượng công khai. Một xã hội lành mạnh là một xã hội mở vòng tay đón nhận tất cả các niềm tin.”

Sự thăm viếng và tham dự Thánh Lễ của TT. Bush có thể coi như con dao hai lưỡi. Lời tuyên bố của TT. Bush được coi như một sự khuyến cáo TC hãy cởi mở về tôn giáo; nhưng nó cũng có thể coi là “gậy ông đập lưng ông!” Quốc hội và Ủy Ban Tranh Đấu cho Nhân Quyền và Tự do Tôn giáo của Mỹ đã nhiều lần lên án TC vi phạm nhân quyền, đặc biệt quyền tự do tín ngưỡng. Giáo Hội Công Giáo Thầm Lặng là một bằng chứng điển hình. Nay TT. Bush tự do tham dự Thánh Lễ, nếu chỉ nhìn một cách phiếm diện, người ta lại nghĩ lầm là tại TQ vẫn có tự do tôn giáo, tại sao lại lên án?

KẾT LUẬN

Nói chung thì sự giằng co giữa uy quyền quốc gia và Vatican tại các nước CS còn lại: Trung Quốc, Việt Nam, Căm Bốt, Lào và Cuba, của hàng Tu sĩ và giáo dân không phải không có. Hơn thế, sự khác biệt về quan điểm “Đạo và Đời”giữa thế hệ già và trẻ trong hàng ngũ GM, LM và giáo dân cũng đang trở thành nỗi thao thức của Giáo Hội. Sự tranh thủ lòng trung thành giữa các Giáo Hội và giáo dân bản xứ với Tòa Thánh và giữa các Giáo Hội và giáo dân với Nhà Nước CS ngày càng trở nên gay gắt.

*-Nếu Vatican nhượng bộ TC về Đài Loan tức bị sa vào bẫy chính trị. Bỏ rơi Đài Loan cả về phương diện tôn giáo và chính trị sẽ kéo theo tình trạng đất nước Tây Tạng??? cũng sẽ bị quên lãng với thời gian và bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Nó tạo nên một tiền lệ cho các nước CS khi họ thiết lập quan hệ về ngoại giao với các quốc gia khác.
*-Nếu Vatican chỉ đặt vấn đề ngoại giao về phương diện tôn giáo thôi thì không sợ thế giới và các tôn giáo khác phê phán.

Đức Giê-Su từng nói: “Con cái thế gian thì khôn ngoan hơn con cái của Đức Chúa Trời.”
Vậy ai sẽ thắng ai trong trận chiến “dành dân” này?