Dân Chúa Âu Châu

IRAN KHIÊU KHÍCH THẾ GIỚI BẰNG QUYẾT ĐỊNH TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Thế giới ngày nay đang đứng trước viễn tượng sẽ bị tiêu hủy một phần hay toàn phần vì vũ khí nguyên tử. Các cuộc thảo luận giữa Hoa Kỳ, Nga Sô, Trung Quốc và Bắc Hàn nhằm khuyến khích Bắc Hàn ngưng phổ biến chương trình phát triển vũ khí nguyên tử chưa đi tới hồi kết thúc, thì bất ngờ tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad, khiêu khích thế giới bằng quyết định tiếp tục phát triển năng lượng nguyên tử. Ngày Chúa nhật 8.1.2006, bộ trưởng ngoại giao Iran, Hamid Reza Asefi, tuyên bố Iran đã tháo bỏ các dấu niêm phong của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc Tế (IEIA) và sẵn sàng bắt đầu chương trình nghiên cứu và phát triển năng lượng nguyên tử kể từ ngày thứ hai 9.1.2006.

Những người không quan tâm về sự tiêu diệt nhân loại do bom nguyên tử gây nên thì thắc mắc: tại sao một quốc gia độc lập tự chủ lại không có quyền phát triển năng lượng nguyên tử để thay thế dầu hỏa, hơi đốt và than đá?
Để đi sâu vào vấn đề, chúng tôi sẽ trình bày các điểm đáng quan tâm sau đây:

I- VIỆC CHẾ TẠO VÀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ

Trước tình trạng ngày càng hiếm hoi và giá dầu hỏa và hơi đốt trên thị trường thế giới gia tăng tới mức độ đáng lo ngại; trước sự ô nhiễm môi trường ngày càng lớn lao và những trở ngại trong việc khai thác mỏ quặng than đá v.v… quốc gia văn minh nào cũng nghĩ tới chương trình phát triển năng lượng nguyên tử, để không bị lệ thuộc một phần hay toàn phần về nhiên liệu, mà các nước dầu hỏa Trung Đông thường hay làm áp lực hầu đòi hỏi một vấn đề nào đó về chính trị, kinh tế hay tài chánh.

a)- Tiến Trình Phát Triển Năng Lượng Nguyên Tử

Muốn xây dựng một nhà máy nguyên tử phụng sự hòa bình hay chế tạo bom nguyên tử, người ta phải thực hiện từng bước các công việc như sau:
- Khai thác mỏ quặng Uranium (mining),
- Chế biến (conversion),
- Chuyển hóa (hay làm giầu) Uranium trong lò phản ứng (enrichment – reactor)
- Chế bom nguyên tử (atom bomb)
- Tái chuyển hóa từ lò phản ứng (reprocessing)
- Chế tạo bom khinh khí (plutonium bomb)

b)- Phản ứng phân tán dây chuyền các nguyên tử

Một miếng đồng (Cu) hay Uranium (U) nếu không có kỹ thuật khoa học biến chế thì nó cũng chỉ là một miếng kim loại bình thường. Vì thế, không phải quốc gia nào cũng có khả năng phát triển năng lượng và vũ khí nguyên tử. Chỉ có các quốc gia mà khoa học kỹ thuật đã đạt tới trình độ cao và có khả năng tài chánh, mới có thể thực hiện công trình chuyển hóa nguyên tử Uranium qua từng giai đoạn và để sử dụng trong nhiều lãnh vực khác nhau. Cũng không phải bất cứ Uranium nào cũng có thể chuyển hóa thành năng lượng nguyên tử. Thực ra, chỉ có Uranium 235 mới sử dụng có hiệu quả trong lãnh vực này. Tuy nhiên, trong số 1.000 nguyên tử Uranium xuất hiện tự nhiên chỉ có 7 nguyên tử loại U-235 chuyển hóa được, số còn lại 993 sẽ đậm đặc thành U-238. Sự phát nổ kinh khủng của một trái bom nguyên tử có được là do sự phát nổ của các nguyên tử và phân tử theo hệ thống tự phân tán và phát nổ dây chuyền.

Giai đoạn 1:

1 nguyên tử (atom) Uranium 235 có 4 phân tử (neutron) và 2 phân tử phân tán khác (fission fragment) như: Kr (Krypton), Cs (Cesium), Rb (Rubidium), Xe (Xenon) hay Sr (Strontium) v.v..

Giai đoạn 2:

1 nguyên tử biến thành 2 nguyên tử và 8 phân tử, và 4 phân tử phân tán.

Giai đoạn 3:

1 nguyên tử biến thành 4 nguyên tử, 16 phân tử, và 8 phân tử phân tán. Và cứ thế tiếp tục gia tăng số lượng nguyên tử và phân tử.

Như vậy năng lượng nguyên tử dựa trên căn bản phân tán 1 nguyên tử bằng cách bắn (bombardment) 1 phân tử vào nó. Nguyên tử U-235 không chỉ phân tán mà còn phát sinh 2 hay 3 phân tử nữa; và các phân tử này lại bắn vào các nguyên tử khác tạo nên sự phản ứng phân tán dây chuyền. Khi một nguyên tử phân tán, nó sẽ tạo nên một số lớn năng lượng. Số năng lượng này được giữ lại và kiểm soát để sử dụng trong các nhà máy phát điện hay chuyển hóa để chế tạo bom nguyên tử.
Về giá cả thì năng lượng nguyên tử tốn có 2,26 xu / kilô Watt. Trong khi hơi đốt giá 3,64 và than đá 3,33 xu (pence). Đó là lý do các quốc gia tiên tiến muốn phát triển năng lượng nguyên tử để không bị lệ thuộc về lãnh vực nhiên liệu.

Tuy nhiên, các lò nguyên tử có thể trở thành các "lò sát sinh" vì phóng xạ (radioactive) của nó. Khi các thiết bị của nhà máy bị hư hỏng hoặc các thùng chứa chất thải (radioactive waste) bị ăn mòn dần và tạo nên các lỗ hổng khiến phóng xạ bung ra ngoài. Ai cũng biết rằng không có loại thùng chứa nào có thể bảo đảm an toàn suốt đời. Vì thế, bảo vệ các chất thải phóng là một vấn đề khá khó khăn và nguy hiểm. Ngoài việc gây nên chết chóc về kỹ thuật, người ta còn lo ngại một khi quân khủng bố mua được các chất thải này để chế tạo bom nguyên tử thì đúng là tai họa cho nhiều quốc gia. Thảm họa Chernobyl của Sô Viết trước đây là một trường hợp cảnh báo nhân loại không biết lúc nào sẽ bị hủy diệt vì bom nguyên tử.

2- DIỄN TIẾN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NGUYÊN TỬ CỦA IRAN:

Bất cứ quốc gia nào cũng muốn trở thành cường quốc cả về kinh tế lẫn quân sự. Muốn có sức mạnh vô địch hay làm cho địch thủ phải kiêng nể, không gì bằng sức mạnh bom nguyên tử. Iran là một trong số các quốc gia đông dân nhất tại Trung Đông, có 69 triệu người với diện tích 1.648.000 cây số vuông và trữ lượng dầu hỏa đứng hàng thứ hai trong vùng, nên chính quyền Iran nào cũng muốn nước mình trở thành cường quốc. Chính vì thế mà vua Riza Shah Pahlavi đã yêu cầu chính phủ Pháp giúp đỡ chương trình phát triển năng lượng nguyên tử từ năm 1974. Tuy nhiên, chương trình này bị hủy bỏ sau cuộc cách mạng Islam do đạo trưởng Ayatollah Ruhollah Khomeini lãnh đạo và lật đổ vương quyền Shah vào ngày 17.1.1979. Sau cách mạng thành công và khi các ông Đạo nắm chính quyền, chương trình này được bí mật tiếp tục với mục tiêu chế tạo vũ khí nguyên tử vào năm 1984. Năm 2002, dân tị nạn Iran tiết lộ cho chính phủ Mỹ biết Iran có 2 cơ xưởng bí mật chế tạo nguyên tử. Sau đó chính phủ Iran đã xác nhận. Trước áp lực của thế giới và chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Iraq, Iran lo sợ một cuộc tấn công của Hoa Kỳ, nên đã phải chấp thuận cho phái đoàn thanh tra của IEIA đến kiểm soát và niêm phong các dụng cụ biến chế trong lò nguyên tử.

Tháng 9.2003 IEIA quyết định lên án Iran tiếp tục chương trình nguyên tử và ba quốc gia Anh, Đức, Pháp đại diện cho LHÂC đứng ra đàm phán với Iran về vấn đề ngưng chuyển hóa Uranium. Tháng 7.2004 Iran bị phát hiện đã xây dựng các lò ly tâm nhằm chuyển hóa Uranium để chế tạo bom nguyên tử. Tháng 3.2005, Anh, Đức, Pháp và Hoa Kỳ nhận thấy đàm phán với Iran không đi tới đâu, nên muốn đưa vấn đề ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Ngày 2.8.2005, Mahmoud Ahmadinejad,ï từng nhúng tay trong vụ bắt con tin tòa đại sứ Mỹ ở thủ đô Teheran vào năm 1979, đã thắng cựu tổng thống, đạo sĩ Akbar Hashemi Rafsanjani, trong cuộc bầu cử và trở thành tân tổng thống dân cử đầu tiên kể từ năm 1979. Sau khi nhậm chức, Mahmoud Ahmadinejad công khai tuyên bố sẽ hủy bỏ những hứa hẹn về việc đình chỉ chương trình phát triển năng lượng nguyên tử. Ngày 10.8.2005, Cơ quan IEIA hủy bỏ cuộc họp với Iran với lý do nước này đã tháo gỡ các dấu niêm cấm sử dụng phương tiện chuyển hóa Uranium ở lò nguyên tử Isfahen. Ngày 1.10.2005, Mahmoud Ahmadinejad lại đe dọa sẽ phong tỏa dầu hỏa, nếu HĐBA/LHQ quyết định phong tỏa kinh tế Iran. Ngông cuồng hơn nữa, ngày 25.10.2005, TT. Iran tuyên bố Do Thái sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Ngày 2.1.2006, Iran từ chối đề nghị của Nga Sô về việc giúp chuyển hóa Uranium trên đất Nga. Ngày 9.1.2006, Iran tuyên bố sẽ tháo gỡ dấu niêm của IEIA tại các lò nguyên tử và quyết định tiếp tục thực hiện chương trình nguyên tử của mình. Theo tin tức tình báo thì ngày nay Iran có thể đã sản xuất được 5.000 máy ly tâm đang được chôn dấu sâu dưới đất ở lò nguyên tử Natanz. Các máy ly tâm sẽ được dùng vào việc làm giầu Uranium.

Trước sự tráo trở của chính phủ Iran, ngày 12.1.2006 Bộ trưởng Ngoại giao của Anh (Jack Straw), Đức (Frank Walter Steinmeier) và Pháp (Philip Douste Blazy), cùng với Javier Solana, điều hợp viên ngoại giao của LHÂC tuyên bố với báo chí là thời gian đã đến lúc HĐBA/LHQ phải cưỡng bức Iran thi hành quyết định của IEIA.
Trong cuộc thăm viếng Hoa Kỳ ngày 13.1.2006, nữ thủ tướng Đức, Angela Merkel, và tổng thống George W. Bush cùng lên án hành động của Iran và muốn giải quyết vấn đề trên căn bản ngoại giao, mặc dù trước đây chính phủ Mỹ cảnh cáo có thể dùng biện pháp quân sự.
Trước áp lực của LHQ, Hoa Kỳ và LHÂC, ngày 13.1.2006, tổng thư ký LHQ, Kofi Annan tuyên bố là chính quyền Iran vẫn còn muốn thương lượng với LHÂC có giới hạn.

3- TẠI SAO IRAN MUỐN CHẾ TẠO BOM NGUYÊN TỬ?

3.1-Thù hận xưa

-Iran đã bị Iraq tấn công trong thập niên 1980, có bom nguyên tử trong tay, Iran sẽ không còn sợ Iraq hay bất cứ địch thủ nào trong vùng.
-Iran cũng như các quốc gia Ả Rập vùng Trung Đông không chấp nhận một quốc gia Do Thái tồn tại trong lòng Ả Rập. Các cuộc chiến năm 1948, 1967 và 1973 là bằng chứng chứng minh các nước trong vùng muốn hủy diệt Do Thái. Nhưng với sự trợ giúp của Hoa Kỳ và khối người Do Thái ở Mỹ, Do Thái đã chiến thắng oanh liệt cả ba trận chiến và đã chế tạo được bom nguyên tử để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia mình. Ba cuộc chiến chống Do Thái của của nước Ả Rập đều bị thất bại và nay thì không nước nào dám khai chiến với Do Thái khi chưa có vũ khí nguyên tử.
-Năm 1981, không quân Do Thái đã oanh kích và phá hủy lò phản ứng nguyên tử của Iraq tại Osirag. Nguyên nhân khiến Do Thái phải hành động được giải thích là vì chiến lược trong vùng và vì Iraq ủng hộ các tổ chức khủng bố người Palestine. Sự tấn công vào một nước Islam của Do Thái như một sự khiêu khích các quốc gia Ả Rập, trong đó có Iran. Mới đây, Do Thái cũng cảnh cáo sẽ tấn công lò phản ứng nguyên tử của Iran, nếu nước này nuôi mộng phát triển vũ khí nguyên tử. Do Thái sợ rằng, khi Iran có bom nguyên tử thì chỉ cần một trái bom 100 Megaton cũng đủ hủy diệt toàn bộ quốc gia Do Thái. Iran sẽ trở thành cường quốc nguyên tử và có uy quyền nhất tại vùng Trung Đông, một vị trí mà chính quyền Iran nào cũng mong muốn.

3.2- Mộng bá quyền Trung Đông?

Trước sự bất mãn của Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ, ngày 13.1.2006, Iran vẫn khiêu khích bằng đe dọa sẽ không hợp tác với IAEA nếu vấn đề của Iran bị đưa ra trước HĐBA/ LHQ; và nếu bị trừng phạt bằng biện pháp phong tỏa kinh tế. Ngày 14.1.2006, tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad vẫn cương quyết giữ vững lập trường là Iran có quyền phát triển năng lượng nguyên tử mà không quốc gia nào có thể ngăn cản.

Đây là lần thứ hai Iran tháo gỡ các dấu niêm của IAEA. Tháng 8 năm ngoái Iran đã tháo gỡ các dấu niêm tại lò nguyên tử Isfahan và năm nay ở Natanz để tái chuyển hóa Uranium. Bề ngoài Iran tuyên bố là để sản xuất nhiệt điện; nhưng theo LHÂC và Hoa Kỳ thì mục tiêu xa của Iran là chế tạo bom nguyên tử. Nguyên nhân rất dễ hiểu là Iran có trữ lượng dầu hỏa lớn thứ nhì tại Trung Đông thì không có lý do gì cần thiết phải thiết lập nhà máy sản xuất năng lượng nguyên tử để thay thế dầu hỏa, hơi đốt và than đá.
-Iran đã chiến tranh với Iraq trong thập niên 80 và tiếp tục ủng hộ các tổ chức khủng bố chống Do Thái như: Hezbullah ở Lebanon, Jihad và Hamas tại Palestina. Tại Iraq người Muslim hệ phái Shia chiếm tới 60% dân số, có nghĩa Iran có thể khống chế cả về chính trị, kinh tế và dầu hỏa của Iraq trong tương lai. Như vậy Iran sẽ là nước cung cấp dầu hỏa quan trọng thứ hai trong vùng. Với ưu thế này, Iran có thể làm áp lực với bất cứ quốc gia nào dám chống đối mình.

-Iran muốn bành trướng đạo Islam hệ phái Shia. Iran đã từng xung đột với Ả Rập Saudi và cạnh tranh về đất thánh Mecca, nơi hàng năm có cả 2 triệu người Muslim hành hương. Muốn trả thù hay chứng tỏ mình là một quốc gia có quyền lực trong vùng, cả về trần thế lẫn đạo giáo, Iran cần có sức mạnh nguyên tử.
-Bắc Hàn là một gương xấu đối với thế giới. Khi Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử rồi và không tôn trọng các khuyến cáo của IEIA, thì kể cả siêu cường quốc số một của thế giới là Hoa Kỳ cũng không dám biểu lộ hành động cưỡng bức, mà phải "năn nỉ" Bắc Hàn ngồi vào bàn hội nghị. Lấy trường hợp Bắc Hàn làm kinh nghiệm, Iran ngày càng tỏ ra cứng rắn trước Hoa Kỳ, LHÂC và LHQ.

4- CÁC QUỐC GIA HIỆN CÓ VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ

Hiện nay trên thế giới chỉ có các quốc gia sau đây có vũ khí nguyên tử gồm: hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử và bom nguyên tử.
-Hoa Kỳ: 10.500 (thử lần đầu năm 1945)
-Nga Sô: 18.000 (1949)
-Anh quốc: 200 (1952)
-Pháp quốc: 350 (1960)
-Trung Cộng: 200 (1964)
-Ấn Độ: 60-90 (1974) –
-Hồi Quốc: 30-52 (1998)
-Bắc Hàn: 0-18.
-Do Thái: không công bố

Tại Trung Đông, ngoài Do Thái, chưa có quốc gia Ả Rập nào có vũ khí nguyên tử. Iran có thể trở thành nước đầu tiên trong vùng có vũ khí giết người hàng loạt. Như vậy, Iran sẽ là mối nguy cho Do Thái nói riêng và nhiều quốc gia nói chung. Khi Iran có vũ khí nguyên tử thì việc chuyên chở dầu hỏa ở vịnh Ba Tư có thể trở nên khó khăn, nếu Iran muốn tạo nên một sự xung đột với quốc gia nào. Kinh đào Suez của Ai Cập đã từng gây ra các cuộc khủng hoảng cả về chính trị và quân sự là một ví dụ cụ thể.
5- CÁC QUỐC GIA CÓ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ, NHƯNG ĐÃ KÝ HIỆP ƯỚC ĐÌNH CHỈ PHỔ BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ
Bạch Nga (Belarus) - Kazahkstan - Nam Phi - Á Căn Đình (Argentine) - Úc Đại Lợi - Ba Tây - Ai Cập - Iraq - Nhật Bản - Lybia - Ba Lan - Romania - Nam Hàn - Thụy Điển - Thụy Sĩ - Đài Loan - Nam Tư - Gia Na Đại - Ý Đại Lợi - Lithuania - Hòa Lan - Saudi Arabia.

KẾT LUẬN:

Muốn thấy tầm ngụy hại của một trái bom nguyên tử, người ta có thể nghiên cứu sức tàn phá của nó. Một trái bom nguyên tử 100 Megaton có sức công phá toàn bộ nhà cửa bằng gỗ và rừng cây trong phạm vi từ 100-169 cây số, tính từ vị trí bom rơi. Trên không thì hậu quả của nó là làm gián đoạn hệ thống truyền tin điện tử và dụng cụ bao trùm một khu vực rộng lớn. Dựa vào sự tàn phá của trái bom nguyên tử mà Hoa Kỳ thả xuống thành phố Hiroshima ngày 6-8-1945, người ta không khỏi kinh hoàng khi số người chết lên tới 78.000 và số bị thương 90.000 người. Vì sự tàn phá khủng khiếp như vậy nên ai cũng sợ bom nguyên tử và Hiệp ước Đình chỉ Phát triển Vũ khí Nguyên tử được LHQ khuyến khích là một quyết định cần thiết. Nhà bác học nguyên tử lừng danh thế giới, Niels Bohr, đã từng cảnh giác về tầm ngụy hại của bom này mà thế giới sẽ phải đối diện trong tương lai: "một thế giới hay hư vô" (One World or None)