Dân Chúa Âu Châu

NHÂN MỪNG XUÂN ẤT DẬU 2005, HÃY TƯỞNG NHỚ GẦN HAI TRIỆU NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐÓI NĂM ẤT DẬU 1945


BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG


I- DẪN NHẬP


Lịch sử Việt Nam cho chúng ta biết: trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển đất nước; trải qua hàng chục cuộc chiến chống quân xâm lược Tầu phương Bắc từ năm 101 trước Công nguyên tới năm 939 sau Công nguyên, hay những lần phản công bẻ gẫy các cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ trong các năm 1257-1294, và giải phóng đất nước bằng cuộc trường kỳ kháng chiến của Lê Lợi đánh đuổi quân Minh từ 1418-1428 v.v.. dân tộc ta chưa bao giờ phải hy sinh mạng sống nhiều bằng năm Ất Dậu 1945.
Câu hỏi được đặt ra là: tại sao chỉ trong năm Ất Dậu 1945 lại xẩy ra tai họa trầm trọng như thế?
Để trả lời cho thắc mắc này, nhất là đối với tuổi trẻ Việt Nam, chúng tôi xin mời quí đọc giả cùng ngược giòng thời gian để ôn lại chặng đường đầy máu và nước mắt của dân tộc ta trong thập niên 1940-1950.

 

II- VIỆT NAM TRONG THỜI ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN


Dù muốn hay không, cơn lốc chính trị, kinh tế và quân sự của Thế Chiến II đã ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình và các sinh hoạt của dân tộc Việt Nam. Sau khi cuộc chiến toàn diện tại Âu Châu chấm dứt vào ngày 7.5.1945, quân đội Anh bắt đầu phản công Phát Xít Nhật tại Miến Điện và Hải quân cùng Không quân Mỹ trực tiếp nhẩy vào cuộc chiến chống Nhật tại Á Châu, sau biến cố Hạm đội Mỹ bị không quân Nhật tấn công tại Trân Châu Cảng.
Ngày 9.5.1945 vào lúc 19 giờ 30, đại sứ Nhật Matsumoto gửi tối hậu thư cho Toàn quyền Decoux, bắt buộc ông phải đặt nền hành chánh Đông Dương và tất cả quân lực Pháp ở Đông Dương dưới quyền chỉ huy tối cao của Nhật Bản. Lúc 21 giờ, các đơn vị của quân đội Nhật chiếm cứ tất cả các cơ sở hành chánh và các đồn binh trên khắp lãnh thổ Đông Dương.


III- VIỆT NAM ĐỘC LẬP


Trước sự kiện chỉ trong vòng 24 giờ, cả một lực lượng hùng hậu của Thực dân Pháp đã đô hộ Việt Nam hơn nửa thế kỷ bị tan rã, nhiều người Việt Nam không khỏi vui mừng và coi như sự xâm lăng của người Pháp đến đây là chấm dứt.


Ngày 10.3.1945, đại sứ Matsumoto công bố Việt Nam Độc Lập. Ngày 11.3.1945, vua Bảo Đại tuyên bố chế độ bảo hộ đến đây là chấm dứt. Sự kiện lịch sử trên đã chứng minh nước Việt Nam kể từ nay được tự chủ. Để có một cơ cấu hành chánh cầm quyền trong giai đoạn chuyển tiếp, ông Trần Trọng Kim, với sự ủng hộ của đảng Đại Việt và các phong trào quốc gia có khuynh hướng thân thiện với Nhật Bản, đã thành lập Nội Các đầu tiên của nước Việt Nam Độc Lập.


III- NẠN ĐÓI KHỦNG KHIẾP VÀO THÁNG BA NĂM ẤT DẬU 1945


Từ các nguyên nhân xa gần của cuộc khủng hoảng kinh tế Thế giới và Đệ Nhị Thế Chiến, xã hội Việt Nam dù muốn hay không đã bị ảnh hưởng về mọi lãnh vực. Sau khi Đức Quốc Xã đầu hàng vô điều kiện, lực lượng Đồng Minh, đặc biệt là Hoa Kỳ và Anh quốc đã tấn công quân Nhật trên chiến trường Á Châu. Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng và là vị trí đang có sự hiện diện của quân đội Nhật. Hải phận Việt Nam bị Hải quân Mỹ phong tỏa. Trên lãnh thổ thì các phi cơ oanh tạc của Hoa Kỳ bắt đầu thả bom xuống các vị trí quân sự và hệ thống giao thông tiếp tế. Để có lương thực, quân đội Nhật gom góp toàn bộ lúa gạo của VN và ra lệnh trồng cây đay thay lúa trên các cánh đồng. Đay được chế biến thành các bao bố dùng làm phương tiện chứa đựng quân trang và quân dụng để chuyển vận tới chiến trường. Hành động của quân đội Nhật trực tiếp đưa đến nạn nói kinh khủng nhất tại VN.


*- CÁC NHÂN CHỨNG SỐNG


Để tìm hiểu sự thật về nạn đói lớn lao này, chúng tôi đã phỏng vấn hai cụ lớn tuổi, các chứng nhân sống của năm 1945, và ghi lại những gì các cụ đã kể như sau:

- Cụ Trần Văn Vinh, 70 tuổi, đã kể lại rằng: Thực dân Pháp lo thu góp lúa gạo dồn vào kho lẫm vì tình hình chính trị và quân sự trở nên bất ổn. Quân đội Nhật cần có những bao bố đựng và chuyên chở vật dụng chiến tranh, nên khuyến khích dân bỏ lúa trồng đay để bán với giá cao. Tháng 3 năm 1945 thời tiết thay đổi bất ngờ khiến cho vụ lúa chiêm bị thất bại. Nước biển gần làng Cốt Lâm, Bùi Chu, Nam Định tràn vào các cánh đồng làm cho ruộng lúa trở nên mặn và mức thu hoạch giảm xuống còn khoảng 5 thùng, thay vì từ 12 tới 15 thùng một sào. Tuy vậy, 5 thùng thóc thu hoạch lại không hoàn toàn là lúa mẩy, phần lớn bị lép. Giá một thùng thóc trước tháng 3 khoảng 7 hào; nhưng sau đó tăng 25 đồng, có nơi lên tới 30-50 đồng. Tình trạng khan hiếm lúa gạo đã khiến cho những người chuyên môn đi cày thuê cuốc mướn không có lương (chỉ lãnh công gạo hàng ngày) của hai làng Ngọc Tỉnh và Hội Khê bị chết đói tới gần một nửa làng. Các gia đình còn lại, kể cả nhà giầu đều phải ăn cơm độn với khoai lang hay sắn và nấu cháo ăn bớt lại. Vì sợ cướp bóc, các gia đình tương đối còn lúa gạo trong nhà ban đêm phải khóa chặt cổng, gài then cửa nhà thật kỹ.


Ngoài chợ, mỗi người bán hàng phải có một người đứng canh chừng, vì lúc nào cũng có người đói đang đứng ngay trước mặt và sẵn sàng cướp đồ ăn bằng bất cứ giá nào. Nhiều người đói quá chịu không nổi, dù nồi cháo cám đang nóng như lửa mà họ, sau khi nhúng tay xuống vũng nước rồi, thọc đại vào nồi cháo cám. Cháo cám đặc dính vào bàn tay và người đói vừa đưa lên miệng liếm thật lẹ, vừa chạy ra xa để tránh bị ăn đòn. Những người nghèo quá không có cơm cháo, gặp thứ gì có thể ăn được là họ ăn liền, từ rau má, rau cúc mọc hai bên lề đường hay củ chuối chát mới moi lên từ lòng đất. Vì ăn cháo, rau và củ chuối quá nhiều, chân họ bị phù thũng và sưng lớn như chân voi. Chỉ vài ngày sau họ chết lăn ra đường. Suốt một quãng đường dài, từ chợ Cầu tới Nhà Thờ, tôi thấy nhiều người chết đói nằm la liệt hai bên đường.


Người chết vừa đem chôn xong lớp này, lại tới lớp khác. Họ chết liên tục, không ngừng nghỉ! Có sống vào thời điểm thê thảm nhất của lịch sử, người ta mới thấy giá trị của con người thật quá rẻ! Dân làng không có phương tiện chuyên chở, nhiều xác chết bị lôi lê lết trên đường tới hố chôn tập thể. Một thảm cảnh làm cho tôi không bao giờ quên được là có những người còn đang ngấp ngoái, mà người ta cũng đành cầm lòng lôi đi chôn sống.


Đến lúc cùng cực như vậy không ai còn khả năng giúp đỡ ai. Mỗi người, mỗi gia đình đều nghĩ rằng, nếu không tự bảo toàn mạng sống qua nạn đói, có thể ngày mai tới lượt họ sẽ bị tử thần cướp đi. Linh mục Hội có thương con chiên bổn đạo hoặc người lương dân cách nào đi nữa, cũng chỉ có khả năng nấu cháo loãng phân phối cho họ ở mức độ rất hạn chế. Người ta nhìn nhau trong nước mắt. Thấy bà con hàng xóm đang hấp hối, miệng thì thầm cầu khẩn miếng khoai, tô cháo v.v... mà mọi người còn sống đành lặng thịnh trông theo. Trước cái chết có thể tới bất cứ lúc nào, dù thương yêu tha nhân đến đâu đi nữa, người ta cũng chỉ biết than trời.

- Cụ Trần Đình Tính, 75 tuổi, nguyên quán ở làng Nam Hưng, tỉnh Bùi Chu, đã kể lại rằng: nguyên nhân đưa tới nạn đói, vì giống như tình trạng đã và đang xẩy ra ở các làng khác. Tại làng Nam Hưng quân đội Nhật bắt nhổ lúa để trồng cây đay, mặc dù lúa đang tốt và có đòng. Thực tế là quân đội Nhật cần các bao bố để đựng và chuyên chở vật dụng chiến tranh, nên họ phải trồng đay. Cây đay có thể cao từ 2 tới 2 mét rưỡi, ngọn khá lớn. Tình trạng dẹp lúa trồng đay đã trực tiếp đưa tới nạn đói. Các nhà giầu, thường là người bên Lương, cho người nghèo vay mượn lúa gạo và họ chỉ có thể trả vào vụ lúa Chiêm (từ tháng 1 tới tháng 5) hoặc vào vụ lúa Mùa (từ tháng 6 tới tháng 10). Nay ruộng lúa bị hủy hoại để trồng đay, dân chúng còn đủ lúa gạo đâu để sinh sống.
Các kho lẫm thì bị quân đội Nhật quản trị và cung cấp cho binh lính của họ. Mặc dù có kiếm được chút tiền về dịch vụ bán đay đi nữa, nhưng có tiền mà không có gạo thì đồng tiền cũng chỉ là tờ giấy vô nghĩa! Không chỉ giáo dân nghèo chết đói, mà cả đến các Linh mục cũng không còn lúa gạo hay thực phẩm để ăn. Linh mục Dụ và Linh mục Phán cũng đã về chầu Chúa vì không còn thực phẩm. Có sống ở trong giai đoạn thiếu hụt thực phẩm khủng khiếp như thế này, người ta mới biết không ai còn khả năng giúp ai. Giáo dân chết đói dài dài, đâu còn gì để cứu đói Cha Cụ! Ngay cả bố mẹ vợ của tôi, còn ít lúa gạo mà không dám ăn đúng tiêu chuẩn để sinh tồn, nên lâu ngày kiệt lực rồi bất ngờ ra đi về bên kia thế giới một cách thật vô lý.


Cảnh đói khát xẩy ra ở mọi nơi. Hoàn cảnh trở nên vô cùng thảm thương. Trên đường đi kiếm rau cỏ dại về ăn cho đỡ đói, khi đi ngang qua gốc cây đa gần nhà ông Phó Quế, tôi thấy một người mẹ ngồi bồng đứa con thơ. Thực ra bà ta đã chết từ bao giờ rồi! Đứa trẻ vô tội vẫn ôm cứng lấy mẹ, vừa khóc vừa bú vú mẹ! Thật là thảm thương không tả nổi! Người mẹ hiền chỉ còn là cái xác không hồn thì còn sữa đâu cho con! Đi xa hơn nữa, qua các cống dẫn nước vào ruộng nay đã khô, tôi thấy hai ba đứa nhỏ. Tôi thắc mắc không hiểu bố mẹ chết đói bỏ chúng lại hay vì không thể kiếm ra cơm cháo cho con, nên đành đem chúng ra bỏ ngoài đó. Lúc tôi đi qua thì những đứa nhỏ còn sống, lúc về thì chúng đã theo ông bà về bên kia thế giới rồi!


Cái đau khổ lúc bấy giờ là không ai còn khả năng nuôi giúp ai. Thấy người ta đang sắp chết mà đành nhắm mắt đi qua! Nhà nào còn chút lúa gạo đều phải dành dụm, ăn cầm chừng để khỏi chết vào ngày mai. Những người chết chôn ban ngày không kịp, người ta phải đốt đuốc chôn cả vào đêm khuya. Cảnh chết đói diễn ra từ trước tháng 3 và kéo dài tới tháng 5 năm 1945. Sau nạn đói, bệnh dịch tả lan tràn và nhiều người chưa bị chết đói lại chết vì bệnh. Cả bầu trời, trong suốt thời gian nạn đói hoành hành, hầu như lúc nào cũng âm u ảm đảm không thể tưởng tượng được. Cái ám khí của người chết, cảnh đồng lúa cháy rụi, khiến cho người ta có cảm tưởng như sắp tới ngày Tận Thế. Trong làng tôi, để tránh cái cảnh thê lương u uất vô tả, ông Chánh Đương phải đánh chiêng ở đầu làng và bố tôi phải đánh trống cuối làng, mong xua tan những ám khí và các oan hồn của người chết đói đang lảng vảng đâu đây. Người ta không chỉ sợ chết đói mà sợ cả ma, đặc biệt là về ban đêm. Những tiếng hú của gió, những tiếng khóc than của nhiều người sắp chết và tiếng gia súc rên rỉ ... đã tạo cho không khí về ban đêm thêm hoang lạnh. Nó chẳng khác gì nghĩa địa về đêm, ghê sợ vô cùng.


Nhiều nơi, dân làng còn sống sót lại phải gỡ cột, xà, đòn tay và thượng lương của nhà mình đem bán hoặc đổi lấy lúa gạo hay ngô khoai ăn cho đỡ đói. Cảnh làng mạc trông chẳng khác gì như mới bị cơn bão khủng khiếp thổi qua! Nó thê lương không diễn tả nổi. Những người còn sống sót sau nạn đói hoành hành đều bàng hoàng về tại họa đã xẩy ra và những gì đang hiện ra trước mắt họ. Người ta không chỉ bị chết vì thiếu thức ăn mà còn bị quân đội Nhật giết chết một cách vô cùng tàn ác, chỉ vì một vài tội không đáng chết. Tôi được biết một bà buôn cám với lính Nhật. Vì ham lời, bà ta đã trộn mạt cưa lẫn với cám. Ngựa của lính Nhật ăn cám trộn mạt cưa bị đau bụng rồi chết. Lính Nhật mổ bụng ngựa ra xem và khi biết được mạt cưa trộn trong cám, chúng đã bắt bà bán cám rồi bỏ vào bụng con ngựa đốt cả người lẫn ngựa ngay tại chỗ. Đây chỉ là một trong nhiều hành động tàn ác mà quân lính Nhật đã đối xử với dân Việt Nam trong thời kỳ này.


IV- DÂN THÌ CHẾT ĐÓI MÀ CHÍNH PHỦ BẢO ĐẠI THỜ Ơ!


- Sự chuyển quyền từ Pháp qua Nhật, tạo nên sự bất ổn toàn bộ về chính trị và kinh tế đối với Việt Nam, đặc biệt Bắc Kỳ và Bắc-Trung Kỳ. Mặc dù vua Bảo Đại chính thức chấp chánh từ ngày 2.5.1933; nhưng ông vua chót của Triều Nguyễn chỉ biết ăn chơi và săn bắn, nên trở thành bù nhìn của Thực dân Pháp. Chính trong hoàn cảnh đất nước có gần 2 triệu người chết đói mà chính phủ Bảo Đại đã không có chương trình cứu đói cụ thể. Dân chúng rơi vào tình trạng sống chết mặc bây. Theo thống kê, năm 1937, Nam Kỳ có 2.200.000 mẫu ruộng và số lúa xuất cảng từ Sàigòn là 1.548.000 tấn, thặng dư hơn 1,5 triệu tấn lúa; thế mà gần 2 triệu người miền Bắc bị chết đói một cách thật vô lý! Ai là tội đồ đưa tới cái chết gần 2 triệu người dân Việt Nam trong năm 1945? Thực tế lịch sử cho thấy: không chỉ địch thù Pháp và Phát Xít Nhật phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hành động gây ra chiến tranh; nhưng trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức chính trị của Việt Nam thời đó không phải là nhỏ. Chiến dịch „tiêu thổ kháng chiến“ của Việt Minh là một bằng chứng điển hình.


Chứng kiến thiên tai sóng thần (Tsunami) vừa xẩy ra tại Á Châu, ai cũng phải công nhận là một thiên tai kinh khủng. Nhìn hơn 150.000 xác chết nằm la liệt trên bờ biển, trên đường phố, trong các căn nhà sụp đổ, dưới sình lầy … tại Nam Dương, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Mã Lai, Miến Điện … ai trong chúng ta không ghê sợ?
Nhưng nếu tưởng tượng lại cái cảnh gần hai triệu người VN bị chết đói thảm khốc năm Ất Dậu 1945, thì hình ảnh đó phải rùng rợn gấp hai chục lần! Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân.