Dân Chúa Âu Châu

KATRINA, trận bão lớn nhất và gây tổn thất cao nhất trong lịch sử thiên tai bão lụt của Hoa Kỳ


BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG


Vào những ngày cuối của tháng tám và đầu tháng chín 2005, một trận bão khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ đã thổi vào tiểu bang Louisiana và Mississipi. Cuồng phong đã đánh sập hàng ngàn căn nhà, sóng thần đã tràn ngập thành phố và dìm chết nhiều người tại New Orleans, Biloxi và Alabama. Trong hàng chục ngàn người bị khốn khổ, đã có hàng ngàn người Việt tị nạn bị rơi vào tình vô gia cư.


Để đi sâu vào chi tiết, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày một số điểm dưới đây:


I- ĐÔI HÀNG VỀ TIỂU BANG LOUISIANA


Louisiana nằm về phía Đông sông Mississipi, khởi sự được thành lập vào năm 1699. Sau đó vùng đất này được tổ chức thành lãnh thổ New Orleans vào năm 1804 và gia nhập Liên Bang vào ngày 30.4.1812. Một thời gian sau, khu vực phía Tây của sông Mississipi cũng được sát nhập vào phần đất này. New Orleans giáp ranh với Tiểu bang Arkansas về phía Bắc, sông Mississipi về phía Đông, Vịnh Mễ Tây Cơ về phía Nam và Tiểu bang Texas về phía Tây. New Orleans có diện tích khoảng 112.836 cây số vuông, dân số trên 4,5 triệu người; đa số là Công Giáo. Người da trắng chiếm 28% và da đen 67%.


Khoảng năm 1718, người Pháp tên là Jean Baptiste La Moyne đã chọn địa điểm này làm nơi buôn bán bên sông Mississipi và với thời gian nó phát triển thành một thành phố văn hóa thịnh vượng.
Sông Mississipi tạo nên một vùng phù sa mầu mỡ. Bình nguyên này rộng khoảng 9 triệu mẫu Tây (ha) được dân New Orleans canh tác thành công với trên 32.000 nông trại. Tuy nhiên, điều bất lợi duy nhất cho dân chúng ở vùng này là đất đai lại nằm thấp hơn mặt nước biển và mặt nước sông Mississipi. Người ta đã phải xây đập ngăn nước dọc theo bờ biển và giòng sông, một hình ảnh giống như các đê điều sông Hồng ở Hà Nội Việt Nam.


Nằm sát vịnh Mễ Tây Cơ, New Orleans có nguồn tài nguyên thiên nhiên dầu lửa phong phú. Số lượng sản xuất dầu thô trung bình một năm là 105,4 triệu thùng và khí đốt khoảng 1.620.500 mét khối. Đây còn là một hải cảng quan trọng và địa danh du lịch nổi tiếng đứng hàng thứ hai về lợi tức thu nhập của Tiểâu bang. Nói chung về Nông, Lâm, Ngư nghiệp của Louisiana khá dồi dào và sự phát triển đều đặn.


II- TRẬN BÃO KATRINA VÀ SỰ TÀN PHÁ KHỦNG KHIẾP CỦA NÓ


Nhiều người không khỏi thắc mắc rằng tại sao trận bão quá hung dữ này lại mang tên người đẹp Katrina? Ông khí tượng nào đó bị "vợ bỏ, đào chê" hay sao nên muốn trả thù nữ giới chăng?
Thực tế thì Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới (World Meteorological Organiza-tion) mỗi khi phát hiện một cơn bão thường (tốc độ gió từ 17 mét/giây) tới bão lớn (tốc độ gió 32 mét/giây), người ta thường đặt cho nó một cái tên để dễ nhớ. Tập quán này bắt đầu từ năm 1953. Không hiểu vào thời gian đầu người ta muốn đề cao phụ nữ hay cho dễ nhớ hay sao mà các trận bão đều được hân hạnh đặt cho cái tên tiên nữ hạ giới nghe rất thân thương và xếp theo vần A,B,C v.v... Tới năm 1979, có lẽ phụ nữ khiếu nại: đâu chỉ đàn bà dữ tợn như vậy, nên người ta bắt đầu đặt tên đàn ông cho các trận bão để chứng tỏ "nam nữ bình quyền gieo tai họa?’’


Mỗi năm, người ta làm một danh sách tên cho các trận bão sẽ dùng cho năm đó và tái xử dụng danh sách này vào năm thứ 6 kế tiếp. Nếu bất ngờ xẩy ra một cơn bão khủng khiếp và sự tàn phá lớn lao ngoại lệ, người ta có thể đặt cho nó một cái tên khác ngoài danh sách đã chọn.
Ví dụ: nhiều tên bão đã được ấn định, nhưng sau đó bị thay đổi như trong danh sách năm 2001: tên Lorenzo được thay thế bằng Luis, Michelle bằng Marilyn, Olga bằng Opal và Rebekah bằng Roxanne… 3 tên trong danh sách của năm 1996 sẽ được xử dụng lại vào năm 2002 được đổi lại: Critobal thành Cesar, Fay thành Fran và Hanna thành Hortense…
Danh sách tên bão năm 2005 dành cho vùng Đông-Bắc Thái Bình Dương sẽ được dùng lại vào năm 2011 theo thứ tự là: Arlene, Bret, Cindy, Dennis, Emily, Franklin, Gert, Harvey, Irene, Jose, Katrina, Lee, Maria, Nate, Ophelia, Philippe, Rita, Stan, Tammy, Vince, Wilma.


Trong năm 2005 thì cơn bão vừa xẩy ra tại New Orleans là cơn bão thứ 11, nên rơi đúng vào tên Katrina, người đẹp gieo tai họa!
Bão Katrina chính thức thổi vào New Orleans ngày 28.8.2005 với tốc độ khủng khiếp 75 mét/giây, khoảng 240 cây số giờ và áp suất không khí xuống thấp tới 902 hPa. Cuồng phong đã tạo nên các lớp sóng cao tới gần 10 mét. Cuồng phong cũng làm cho nước hồ Pontchartrain dâng cao và phá vỡ một vài nơi hệ thống đê đập ngăn chặn nước biển và nước sông Mississipi. Nước tràn vào thành phố New Orleans có nơi cao tới 7 mét.


Để dễ theo dõi, chúng tôi xin ghi lại thứ tự thời gian mà người đẹp Katrina đã hà hơi thành cuồng phong và làm cho phần lớn dân chúng New Orleans bị "tán gia bại sản’’.
Ngày 23.8.2005, bão Katrina đã được phát hiện ngoài khơi. Ngày 26.8.2005: bão gia tăng cấp 2 tiến vào vịnh Mễ Tây Cơ và tàn phá Louisiana và Mississipi, gây tử thương cho 9 người và làm hư hỏng hệ thống điện cho 1,2 triệu người. Ngày 27.8.2005: bão gia tăng cấp 3 tàn phá vùng bờ biển vịnh Mễ Tây Cơ và dân chúng vùng thấp ở Louisiana được lệnh di tản cấp thời. Tổng thống Bush tuyên bố tình trạng khẩn trương tại Louisiana. Ngày 28.8.2005: bão gia tăng cấp 4, rồi cấp 5 khiến TT. Bush phải ban hành tình trạng khẩn trương trên vùng Mississipi. Ngày 29.8.2005: bão tàn phá vùng Grand Isle, cửa sông Mississipi và Alabama khiến cho hai tháp quan sát mực nước sông bị phá hủy. Hơn 1,3 triệu tư gia và cơ sở bị ngập lụt.


Ngày 30.8.2005: New Orlean không còn điện, nước uống và thực phẩm. Bọn phá hoại cướp thực phẩm và đồ đạc trong các siêu thị và tư gia. Chúng không ngần ngại đốt cả nhà dân và lợi dụng đêm tối không có đèn điện hãm hiếp phụ nữ. Trước tình trạng ngày một nguy ngập, quân đội Mỹ được lệnh cấp cứu bằng trực thăng và quân xa. Ngày 31.8.2005: TT. Bush bay quan sát vùng vịnh để coi cảnh tàn phá và ra lệnh cho Thị trưởng Ray Nagin cấp thời cứu trợ các nạn nhân. Quá nhiều người tị nạn tập trung trong đại thính đường ở trung tâm New Orleans sẽ gây ra trình trạng thiếu vệ sinh và ô nhiễm, nên hàng chục ngàn dân nghèo không có phương tiện tự túc được di chuyển bớt sang Tiểu bang Texas. Số dân tị nạn đông quá khiến Thống đốc Rick Perry tuyên bố Texas không thể chứa đông hơn 250.000 người tị nạn.


Ngày 1.8.2005: đoàn cứu cấp tiếp tục đi vớt người từ mái nhà, trên các chung cư và vùng đất cao. Bộ trưởng An ninh Nội Địa, Michael Chertoff, ra lệnh cho 4.200 Vệ Binh Quốc Gia tới Louisiana trong số 40.000 VBQG mà chính quyền Louisiana, Kathleen Blanco, đã yêu cầu.


Ngày 2.9.2005: thực phẩm, thuốc men và nước uống được đưa tới trung tâm tị nạn. TT. Bush tới thăm Alabama, Mississippi and Louisiana, sau đó ký một ngân khoản 10,5 triệu Mỹ-kim trợ giúp cấp thời nạn nhân bão lụt. Mỗi gia đình di tản được 2.000 Mỹ-kim trong thời gian tạp trú tại các trung tâm tị nạn. Đồng thời Quốc Hội Hoa Kỳ cũng đã phê chuẩn quỹ cứu trợ khẩn cấp là 62 triệu Mỹ-kim. Trước tình trạng nước dâng cao và cô đọng trong thành phố, Công Binh được gửi tới để hút nước ra. Thời gian dự trù sẽ mất từ 36 tới 80 ngày.
Ngày 3.9.2005: hàng ngàn người được di chuyển khỏi đại thính đường của Trung tâm Hội nghị Morial tại Louisiana để sở vệ sinh làm sạch sẽ và cung cấp điện cho người tiêu thụ. Ngày 4.9.2005: ủy ban cứu trợ tiếp tục vớt khoảng 17.000 người bằng trực thăng và thuyền trong thành phố. Ngày 6.9.2005: tình trạng tiêu chảy, nhiễm trùng được ghi nhận cả ở người lớn lẫn trẻ em.

*- Người Việt Nam tị nạn lần 2
Sóng thần tràn ngập thành phố, nặng nhất là thị trấn Biloxi, một thành phố ngư nghiệp nằm bên bờ biển phía Nam tiểu bang Mississippi. Theo tin tức trên Internet thì hàng ngàn người Việt tị nạn, trong đó có nhiều tín hữu Công giáo, đang sinh sống tại New Orleans đã lâm vào cảnh vô gia cư và tài sản bị tiêu tan. Tại Biloxi có ngôi thánh đường nổi tiếng của người Công Giáo là nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của linh mục Phan Đức Đổng. Nước lụt đã tràn ngập Thánh Đường và khi nước rút, thì trên nền của Thánh Đường đầy rác và bùn. Các tượng ảnh bị rơi nằm rải rác khắp nơi và giáo dân phải dự lễ ngoài trời. Lm Nguyễn Thế Tiến ở giáo xứ Maria Nữ Vương VN cũng ra sức cứu trợ khoảng 350 giáo dân và các Linh mục tại Trung tâm Tận Hiến ở Baton Rouge đã thuê 12 xe buýt để chuyên chở đồng bào Louisiana. Hiện nay các đoàn thể người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đang tổ chức các cuộc quyên góp để giúp đồng hương bị nạn.

*-Thiệt hại về vật chất


Theo ước tính thì thiệt hại về vật chất có thể lên tới trên 200 tỷ Mỹ-kim. Thiên tai cũng tạo nên tình trạng khan hiếm dầu hỏa và làm cho giá dầu thô tăng 71 Mỹ-kim một thùng vào ngày 30.8.2005 và giá giảm còn 63 Mỹ-kim vào ngày 16.9.2005. Giá dầu gia tăng vì các giàn khai thác dầu của Mỹ tại vịnh Mễ Tây Cơ bị bão làm hư hại. Số lượng dầu lửa xử dụng từ nguồn cung cấp tại vịnh Mễ Tây Cơ chiếm tới ¼ tổng số tiêu thụ dầu lửa toàn quốc của Hoa Kỳ.
Khi bão làm sập nhà cửa hay gia cư bị nước lụt làm hư hỏng thì chỉ nhưng ai có đóng bảo hiểm mới được bồi thường. Thực tế cho thấy, dân nghèo lấy tiền đâu ra để đóng bảo hiểm? Theo thống kê chỉ có 40% dân New Orleans có bảo hiểm (NFIP) về hỏa hoạn và sự tàn phá của bão. Loại bảo hiểm này lại không bao gồm sự thiệt hại do lụt lội gây ra. Cũng theo thống kê, chỉ có 85.000 bảo hiểm về nhà cửa và cơ sở. Trong số 213.000 cơ sở có tới 150.000 bị ngập lụt và hư hỏng không hy vọng được bồi thường.

*-Thiệt hại về nhân mạng:


Tính đến nay, số người bị chết vẫn chưa nhất định, khoảng 700 người. Con số tổn thất về nhân mạng thấp hơn số lượng tiên đoán trước đây của thị trưởng New Orleans là 10.000 người. Có 273.000 người rơi vào cảnh vô gia cư trong thời gian lũ lụt và hơn 780.000 người tại Louisiana, Mississipi và Alabama phải sống bằng tiền trợ cấp xã hội nay sẽ ra sao, khi họ trở thành những người với hai bàn tay trắng?
Theo thị trưởng Ray Nagin, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và chuyên viên y tế được nghỉ 5 ngày phép với gia đình tại khách sạn ở Las Vegas hoặc Atlanta. Sự chấp thuận cho nhân viên được nghỉ phép có lương nhằm mục đích trấn an và an ủi những người đã và đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Trong khi dân chúng được di tản thì các nhân viên công quyền phải ở lại thành phố giữa lúc tai họa xẩy ra. Họ không được phép chạy theo gia đình, nhưng liều chết để cứu dân. Họ không biết hoàn cảnh gia đình mình như thế nào và sau tai họa lại bị phê phán bởi chính trị gia và báo chí về lý do tại sao họ có nước uống và thực phẩm trong khi nhiều người dân đang đói khát!
Vì ngày đêm phải làm việc quá sức trên đường phố và cứu dân trong lúc không biết gia đình mình ở đâu, mà lại vô cớ bị chỉ trích, một cảnh sát viên tức quá đã tự sát và một cảnh sát viên khác tự kết liễu đời mình khi anh ta nghe tin vợ bị chết đuối!
Chính vì vậy mà không chỉ nhân viên của thành phố New Orleans được nghỉ phép mà khoảng 400-500 binh sĩ Mỹ thuộc Trung đoàn 256 tại chiến trường Iraq và một số binh lính tại A Phú Hãn có gia đình ở New Orleans bị hoạn nạn cũng được phép về nhà để tìm kiếm và an ủi thân nhân.


III- CHÍNH PHỦ BUSH BỊ PHÊ PHÁN QUÁ THỜ Ơ VỚI DÂN NGHÈO


Theo đúc kết của chính phủ Mỹ thì hiện nay có 1,1 triệu người Mỹ có đời sống dưới mức nghèo khổ, tăng 12,7% so với 12,5% năm 2003. Theo thống kê thì số lượng người nghèo tăng tới 37.000.000 người. Dân nghèo ở New Orleans, đa số da đen, không có phương tiện di chuyển đã trở thành nạn nhân của bão lụt. Chính vì vậy mà một số lãnh tụ da đen và dân da đen đã phê phán chính quyền Tiểu bang và Liên bang quá thờ ơ trong việc cứu cấp họ. Chính phủ đã biết bão Katrina và sức tàn phá mãnh liệt của nó. Nhưng sau gần cả tuần lễ mà nhiều người tị nạn vẫn chưa được tiếp tế nước và thực phẩm! Chính quyền địa phương ra lệnh di tản mà không cung cấp phương tiện công cộng thì người nghèo không có xe cộ làm sao chạy kịp? Khi tại họa xẩy ra, quân đội đã không được lệnh can thiệp đúng lúc. Mãi tới ngày 7.9.2005, Công Binh quân đội Mỹ mới may mắn lấp được hai lỗ hổng của đập ngăn nước cạnh sông Mississipi và bơm cho nước trong thành phố từ từ giảm xuống. Chứng kiến cảnh xác chết trôi lềnh bềnh, kỳ đà và chuột tìm xác người để ăn, người dân nào bất mãn và báo chí làm sao không phản đối chính quyền?
Là siêu cường quốc duy nhất và giầu nhất trên thế giới mà Hoa Kỳ lại thiếu máy bơm nước, khiến Liên Hiệp Âu Châu phải giúp đỡ. Phu nhân của cựu TT. Bill Clinton, Hillary Clinton, đã yêu cầu Quốc Hội thành lập ủy ban điều tra chính quyền về biện pháp cứu trợ thiên tai. Kết quả của những lời chỉ trích chính phủ đã đưa tới quyết định của Tổng thống George W. Bush cách chức Michael Brown, chủ tịch Cơ quan Thiên tai Liên Bang (FEMA), mặc dù Michael Brown đã có công lớn trong cuộc tranh cử của Tổng thống.


KẾT LUẬN


Nhiều người không khỏi khâm phục sự thành công mau chóng của Hoa Kỳ trong chiến thuật điều quân, hành quân và tấn công A Phú Hãn nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố của Osama bin-Laden và nhà cầm quyền Taliban; cũng như đánh bại quân đội Iraq và lật đổ Saddam Hussein trong một thời gian ngắn kỷ lục. Nhưng người ta thất vọng siêu cường quốc Hoa Kỳ đã không phản ứng kịp thời và cứu cấp đúng lúc, khi dân mình bị bão lụt. Tai họa khủng bố ngày 11.9.2001 đã xẩy ra được coi như một bài học và sự cảnh giác quí báu, thế mà chính quyền trung ương và địa phương vẫn không có kế hoạch thích ứng trong vụ thiên tai này! Để trấn an dư luận, tối 16.9.2005, TT. Bush đã xuất hiện trên đài truyền hình hứa sẽ trợ giúp và tái xây dựng New Orleans. Nhưng TT. Bush lấy đâu ra tiền dùng cho chương trình này?


Cho tới nay, Quốc Hội Mỹ chỉ phê chuẩn một ngân khoản cứu trợ đặc biệt là 62 tỷ Mỹ-kim. Chương trình tái xây dựng sẽ tốn khoảng 200 tỷ Mỹ-kim, một ngân khoản quá lớn mà chính phủ Mỹ không biết đào đâu cho ra. TT. Bush dự trù sẽ giải quyết bằng cách cắt giảm các chi phí không cần thiết, mà không phải gia tăng thuế như chính sách giảm thuế đã được thực hiện trong thời gian qua. Nếu không tăng thuế, chính phủ Bush phải tăng tiền lời, mà tăng tiền lời thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự khôi phục nền kinh tế quốc gia. Hiện nay sự thiếu hụt trong ngân sách của chính phủ được ghi nhận khoảng 333 tỷ Mỹ-kim và có hy vọng giảm xuống chừng 314 tỷ vào tam cá nguyệt đầu năm 2006. Nhưng theo các chuyên viên về kinh tế thì sự thiếu hụt trong ngân sách của chính phủ trước bão Katrina khoảng 350 tỷ Mỹ-kim, sẽ tăng lên khoảng 450 tỷ trong thời gian tới. Bất lợi này là do ảnh hưởng của sự gia tăng giá dầu lửa, tốn phí về chiến tranh Iraq và hậu quả của bão Katrina. Nó sẽ ảnh hưởng tới công ăn việc làm, tình trạng lạm phát cũng như hàng hóa sản xuất trong những tháng tới. Sự tái suy thoái của nền kinh tế Mỹ khó có thể tránh được.
Sự hứa hẹn của TT. Bush thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn thấy tội nghiệp cho đồng bào tị nạn Việt Nam. Sau 30 năm xây dựng cơ nghiệp nay nhiều gia đình trở thành trắng tay! Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và nếu có khả năng hãy đóng góp chút ít để an ủi các đồng hương đang bị sạt nghiệp lần thứ hai, sau biến cố 30.4.1975.