Dân Chúa Âu Châu

Đảng Cộng Hòa và Tổng Thống George W. Bush Bị Thất Bại Nặng Nề Trong Cuộc Bầu Cử Quốc Hội Mỹ

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Ngày thứ ba, 07.11.2006, dân chúng Mỹ đã tham gia cuộc bầu cử Quốc Hội trung-kỳ để chọn 1/3 Nghị sĩ Thượng viện (Congress), 435 Dân biểu Hạ viện (U.S. House of Representatives). Các Ứng Cử Viên (ƯCV) thắng hay thất cử đồng thời có ảnh hưởng tới các chức vụ Thống đốc Tiểu bang.

Có thể nói đây là một trong các cuộc bầu cử mà người ta có thể biết trước được đảng nào thắng đảng nào thua. Đây cũng là cuộc bầu cử, tuy nhỏ, nhưng số lượng luật sư đã được cả hai đảng tung vào chính trường để quan sát và kiểm soát phiếu đông không ai ngờ được. Theo tin đài ABC đảng Dân Chủ đã gửi 7.000 luật sư lên máy bay tới các tiểu bang Arizona, Florida, Maryland, Missouri và 14 tiểu bang khác để theo dõi diễn biến và kết quả bầu cử. Ngoài ra, đảng Dân Chủ cũng được 2.000 luật sư từ Ủy ban Luật sư cho Quyền Công dân giúp đỡ trong việc theo dõi có cử tri nào bị ngăn cản bỏ phiếu, bị quấy rối và gian lận trong việc bỏ phiếu không.
Sự kiện này xẩy ra do kinh nghiệm bắt nguồn từ cuộc bầu cử năm 2000, khi số phiếu của ỨCV George W. Bush và Al Gore chênh lệch nhau chỉ vài ngàn phiếu tại tiểu bang Florida, nơi mà em của ỨCV Bush làm Thống đốc. Sau nhiều lần kiểm phiếu, cuối cùng Tối Cao Pháp Viện đã phán quyết George W. Bush thắng cử.

Đảng Cộng Hòa trong những ngày cuối đã vận dụng hết khả năng, tốn hơn 4,5 triệu Đô-la cho chiến dịch gọi điện thoại tự động đến các gia đình khuyến khích bỏ phiếu cho Ứng cử viên đảng Cộng Hòa. Ngoài ra, chính phủ Bush đã lợi dụng hai biến cố quan trọng đạt được là: sự trao quyền trách nhiệm cho Khối NATO tại A Phú Hãn -và phán quyết của Tòa án Iraq tuyên bố tử hình cựu TT. Saddam Hussein. Khi khơi lại hai biến cố này chính phủ Mỹ muốn nhắc tới sự thành công trong việc lật đổ chế độ độc tài và bắt sống Saddam Hussein nhằm đánh động tình cảm của cử tri Mỹ, với hy vọng dành thắng lợi trong cuộc bầu cử.

Tuy vậy, kết quả của cuộc bầu cử vừa qua cho thấy đảng Cộng Hòa nói chung và Tổng thống George W. Bush nói riêng đã bị thất bại, mất quyền kiểm soát tại Thượng viện, Hạ viện và một số Tiểu bang.
Kết quả cuối cùng được ghi nhận như sau:
*Thượng Viện: (51/100 ghế đạt đa số)
-Đảng Cộng Hòa: được 49 ghế, mất 6 ghế
-Đảng Dân Chủ: được 51 ghế, thêm 6 ghế
-Độc lập: 0 ghế
*Hạ Viện (218 ghế đạt đa số)
-Đảng Cộng Hòa: được 196 ghế, mất 28 ghế
-Đảng Dân Chủ: được 229 ghế, thêm 29 ghế
-Độc Lập: mất 1 ghế
*Thống đốc Tiểu bang
-Đảng Cộng Hòa: được 21 mất 6
-Đảng Dân Chủ: được 28 thêm 6
-Độc lập: 0

Đặc biệt trong cuộc bầu cử này có Keith Ellison, thuộc đảng Dân Chủ, (nguyên là người Công giáo đã cải đạo Islam trong khi học đại học và tốt nghiệp luật sư) đã thắng cử tại tiểu bang Minnesota. Đặc biệt thứ hai là nữ dân biểu Nancy Pelosi trở thành chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, một chức vụ mà xưa nay đều nằm trong tay nam giới. Đặc biệt thứ ba là khoảng 12-15 triệu di dân sống bất hợp pháp tại Mỹ lại không là đề tài tranh cử.
Mất đa số tại lưỡng viện Quốc hội có nghĩa TT. Bush sẽ gặp khó khăn trong việc ban hành các sắc luật và chính sách mới, khi phải thông qua Quốc Hội. Sự thất bại này, dĩ nhiên, phải có những nguyên do. Để tìm hiểu vấn đề, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày các mục dưới đây.

I- TẠI SAO ĐẢNG DÂN CHỦ THẮNG THẾ?

Có nhiều nguyên nhân đưa tới sự thắng lợi của đảng Dân Chủ và sau đây là một số nguyên nhân chính:
-Vì kinh tế không tăng trưởng: 57% cử tri không tán đồng chính sách kinh tế của TT. Bush. 51% cử tri nghĩ là đảng Dân Chủ sẽ khá hơn. Có thể sự thành công về kinh tế trong thời kỳ TT. Bill Clinton nắm chính quyền vẫn còn là một kinh nghiệm khó quên. Kinh tế bất ổn, giá dầu cao (tăng 3 Đô-la một gallon), thị trường nhà cửa bị khủng hoảng, (vì ngân hàng trung ương và ngân khố đã 16 lần tăng tiền lời để giải quyết nạn lạm phát); lương công nhân không tăng so với hàng hóa sản xuất (23% nói chỉ đủ tiêu dùng, 17% không đủ tiền xài trong nhà, 36% không cáng đáng nổi ngân sách gia đình) và tình trạng thất nghiệp cũng không khả quan gì hơn. Chính vì vậy mà sự tiêu dùng của dân chúng không cao đưa đến tình trạng bất quân bình về mức Cung và Cầu.
-Vì chính sách giảm thuế cho giới lương cao: Chính sách hàng đầu của TT. Bush trong nhiệm kỳ đầu là giảm thuế. Nhưng sự giảm thuế này chỉ có lợi cho giới lương cao. Chính việc giảm thuế lại là nguyên nhân đưa tới sự thâm thủng ngân sách, trong đó phí tổn về chiến tranh Iraq khá lớn lao. Để duy trì 149.000 lính tại Iraq chính phủ Mỹ phải chi hàng tỷ Đô-la một tháng.
-Vì thâm thủng ngân sách: Trong tháng 9/2006, Bộ Thương mại vẫn còn bị thiếu hụt 64,7 tỷ Đô-la (6,8%) so với tháng 8/2006: 69 tỷ! Đa số sự bất cân bằng trong cán cân mậu dịch gây ra phát xuất từ các dịch vụ buôn bán với Trung Cộng. Sự thiếu hụt lên tới 781 tỷ Đô-la so với năm 2005 là 716, 7 tỷ.
-Vì chính sách bảo vệ (protectionism): TT. Bush quan tâm nhiều về tự do thương mại và ủng hộ các cuộc đàm phán về giao thương thế giới. Tuy nhiên, về xuất nhập cảng của Hoa Kỳ đang trong tình trạng lỗ lã kỷ lục (8 tháng đầu 2006 lỗ 800 tỷ USD so với 4,2 tỷ trong năm 2001). Đây là một trong các nguyên nhân đưa tới sự thiếu hụt ngân sách trầm trọng. Sự kiện này cũng chứng tỏ chính sách tự do kinh doanh trên thị trường thế giới trong giai đoạn này không có lợi cho Mỹ và đồng Đô-la bị giảm giá là sự kiện tất nhiên.
-Vì tôn giáo giảm sự yểm trợ: Tin Lành chiếm 1/4 phiếu trong cuộc bầu cử năm 2002 và đa số tín hữu đã bầu cho ỨCV thuộc đảng Cộng Hòa. Nay họ lại có thiện cảm với đảng Dân Chủ. Một số vụ tham nhũng và xâm phạm tình dục do nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa gây ra khiến cho cử tri mất tin tưởng. Sự mất tin tưởng này được giải thích rằng, Thượng viện, đa số thuộc đảng Cộng Hòa, luôn đề cao giá trị luân lý và nếp sống đạo đức mà một số nghị sĩ lại bê bối trong lãnh vực tiền bạc và dục tính thì cần phải xét lại. Về phía Công giáo cũng có sự thay đổi, 56% bỏ cho Dân Chủ. Chính vì vậy mà người ta nghĩ rằng trong cuộc bầu cử tổng thống tới đây, giá trị và đạo đức cá nhân sẽ đóng vai trò quan trọng.
-Vì chiến tranh Iraq: 37%, và 9.10 người được hỏi đều nói vì sự thất bại tại Iraq nên họ bầu cho đảng Dân Chủ.
-Vì khủng bố: 40% cử tri phát biểu không hài lòng về chương trình chống khủng bố.

II- THỊ TRƯỜNG KINH TẾ CÓ NHỮNG BIẾN CHUYỂN SAU CUỘC BẦU CỬ

-Thị trường Mỹ: Đảng Dân Chủ thắng thế và sự ra đi của BT. Quốc phòng Donald Rumsfeld là “tin buồn” cho các công ty sản xuất về lãnh vực quốc phòng, y dược, dầu hỏa và bảo hiểm. Đặc biệt kỹ nghệ quốc phòng, như công ty Lockheed và Halliburton, sẽ bị lỗ nhiều nhất trong số các công ty sản xuất và đầu tư.
Ngược lại, các công ty sản xuất về điện năng, dụng cụ kỹ thuật và điện tử lại vui vẻ chào mừng sự thắng lợi của đảng Dân Chủ. Bằng chứng là thị trường chứng khoán gia tăng. Dow Jones tăng 19,77 điểm (lên 12.176,54) trong khi Nasdaq tăng 9,06 lên 2.384,94. Nếu nền kinh tế Mỹ không phát triển trở lại, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008 và đảng Cộng Hòa có nguy cơ sẽ bị thất bại. Do đó, TT. Bush cần đạt được những thành quả lớn về mọi lãnh vực trong hai năm cuối của nhiệm kỳ để lấy lại niềm tin trong dân chúng và nâng cao uy tín cho đảng.

-Thị trường thế giới: Sự giới hạn của Quốc hội do đảng Dân Chủ đa số chi phối có thể ảnh hưởng tới các chương trình giao thương mà Tổng thống Bush đã ký kết hay đang dự trù.
Ví dụ: khi chính phủ cho phép các công ty siêu quốc gia của Mỹ thiết lập cơ xưởng sản xuất tại Trung Cộng, thì dân Mỹ sợ sẽ bị thất nghiệp hàng loạt. Đây cũng là một trong các nguyên nhân đưa tới sự thất bại của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử vừa qua.

III- VAI TRÒ LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI CỦA TT. GEORGE W. BUSH BỊ SUY GIẢM!

Sự từ chức (hay cất chức) của BT. Donald Rumsfeld và sự thất bại của đảng Cộng Hòa chứng tỏ chính sách quốc phòng không đạt được kết quả như chính phủ và dân chúng Mỹ mong đợi. Sự thất bại này có ảnh hưởng tới uy tín lãnh đạo thế giới của TT. George Bush trên chính trường thế giới. Biến cố Hạ viện biểu quyết với số phiếu 228/161 phủ quyết Dự luật bình thường hóa quan hệ giao thương với VN (HR-5602: permanently normalize trade relations with Vietnam) là một đòn độc làm cho TT. Bush tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC không có quà cáp gì ngoài hai bàn tay trắng! Sự bẽ bàng của TT. Bush còn nặng nề hơn khi 66 Dân biểu đảng Cộng Hòa của mình đã cùng 94 dân biểu đảng Dân Chủ và một Dân biểu độc lập bỏ phiếu chống đối!
Trong nhiệm kỳ của mình, TT. Bush muốn thực hiện hoài bão “Thế kỷ mới của Hoa Kỳ” (The new American Centery) đã được đề cập từ năm 1997. Trong số những người đồng hành và tích cực nhất có phó tổng thống Dick Cheney và BT. quốc phòng Donald Rumsfeld. Câu hỏi thuyết này đưa ra là “Hoa Kỳ có quyết tâm khai triển một thế kỷ mới thích hợp với các nguyên tắc và lợi ích của Mỹ không?” (Does the United States have the resolve to shape a new century favourable to American principles and interests?).
Biến cố khủng bố ngày 11.9.2001 là nguyên nhân mở đầu cho chủ trương trên. TT. Bush đã thực hiện chính sách “chiến tranh chống khủng bố” với hai mục tiêu: kêu gọi sự đồng tình hỗ trợ của các quốc gia đồng minh và lật đổ nhóm cầm quyền Hồi giáo quá khích Taleban ở A Phú Hãn. Sau đó, chính sách “Tiến tới chiến lược Tự do và Dân chủ Hóa Trung Đông” được chính phủ Bush đề ra năm 2003. Khi quyết định thực hiện cho bằng được các chính sách của mình, TT. Bush biết rằng nó sẽ khó khăn, nhưng có giá trị cho những cố gắng và hy sinh của Mỹ quốc. Can thiệp vào Iraq là sự cần thiết trong việc thi hành đường lối đã vạch ra của chính phủ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, can thiệp vào Iraq với những lý do không chính đáng và không có quyết định của Liên Hiệp Quốc, chính phủ Mỹ đã tự tạo nên sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và các nước trong Liên Hiệp Âu Châu. Pháp và Đức, hai cường quốc của Liên Hiệp Âu Châu, đã ra mặt chống lại chính sách của TT. Bush. Sự bất thân thiện này làm cho chương trình chống khủng bố của Tây phương và Hoa Kỳ rơi vào khủng hoảng một phần. Theo các cuộc thăm dò thì đa số các nhà lãnh đạo chính quyền và dân chúng trong LHÂC muốn TT. Bush thất bại ngay trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai vào năm 2004.

Sau cuộc bầu cử Quốc Hội Mỹ vừa qua, theo nhà bình luận Marco Incerti thì về vấn đề Iraq và chính sách an ninh giữa LHÂC và Hoa Kỳ sẽ phát triển tốt đẹp hơn. Nhưng về phương diện thương mại thì đảng Dân Chủ Mỹ lại có khuynh hướng bảo vệ thị trường Mỹ một cách cứng rắn. Vì thế, Chủ tịch Đặc nhiệm LHÂC, Jose Manuel Barroso, muốn mở lại cuộc đàm phán về thương mại (Trade Negotiation) dựa trên căn bản Chương trình Phát triển Daha (Doha development Agenda) của Tổ chức Mậu dịch Thế giới. Ngày 27.10.2006, chủ tịch Liên hiệp Phi Châu, ông Denis Sassou N’Guesso (người Congo) đã khẩn cấp kêu gọi tất cả hội viên và đặc biệt 8 hội viên giầu có (G-8) hãy khai thông những bế tắc với lý do Chương trình Phát triển Daha là niềm hy vọng đời sống được cải thiện và thoát ra khỏi kiếp nghèo đói của hàng triệu dân Phi Châu.

IV- NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG TƯƠNG LAI CỦA TT. BUSH

Một số vấn đề mà TT. Bush sẽ bị cản trở trước Quốc Hội là:

-Luật theo dõi khủng bố năm 2006 (the Terrorist Surveillance Act). Dự luật này đề nghị cho phép cơ quan an ninh nghe dân nói chuyện trên điện thoại, nhưng đã bị đảng Dân Chủ chống đối và một số nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa không hài lòng với lý do nó đi ngược lại với luật pháp Mỹ.
-Luật hỗ trợ năng lượng (bipartisan energy legislation) được Thượng viện do đa số Cộng Hòa chấp thuận. Nhưng khi đảng Dân Chủ đa số tại Thượng viện nắm quyền vào đầu năm 2007 có thể sẽ thay đổi hoặc giới hạn một số lãnh vực.
-Luật thương mại (permanently normalize trade relations with Vietnam legislation) việc bình thường hóa quan hệ giao thương với Việt Nam (HR5602) đã bị Hạ viện phủ quyết ngày 13.11.2006, trước khi TT. Bush tham dự Hội nghị APEC tổ chức tại Hà Nội.
-Luật tiêu dùng của Liên bang (a federal spending bill) và
-Bản thỏa hiệp với Ấn Độ về kỹ thuật nguyên tử dân sự… (an agreement with India on civilian nuclear technology.)
-Về ngoại giao thì TT. Bush cần hoàn tất dự luật cho phép cộng tác với Ấn Độ về kỹ thuật nguyên tử dân sự và thông qua dự luật thương mại.
-Việc bổ nhiệm John Bolton làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc năm 2005, TT. Bush đã không đưa ra Thượng viện phê chuẩn, vì nghi ngại sẽ bị phủ quyết. Nay chức vụ này cần được gia hạn và hợp thức hóa trước năm 2007, trước khi đảng Dân chủ nắm quyền lực tại Thượng viện.
Để tỏ vẻ thân thiện với đảng Dân Chủ, TT. Bush bắt đầu phát biểu một cách ôn hòa và xác nhận rằng, dù có những khác biệt giữa hai đảng, nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta hiện có 149.000 binh lính tại Iraq và chương trình chống khủng bố trên thế giới cần có sự hợp tác lưỡng đảng. Sự ra đời của nhóm nghiên cứu về Iraq do cựu Bộ trưởng Ngoại giao James Baker cầm đầu là một bằng chứng chứng minh chính phủ Bush đã và đang muốn tìm một giải pháp hòa bình và rút quân. Muốn thực hiện được kế hoạch này, Hoa Kỳ và Anh quốc cần sự can thiệp của Iran và Syria vào nội tình Iraq, nơi đang xẩy ra các cuộc xung đột giữa hệ phái Sunni và Shia Muslim.
Trong những ngày gần đây đảng Dân Chủ đã áp lực đòi TT. Bush phải đưa ra chương trình rút quân từng bước khỏi Iraq. Mưu lược của đảng Dân Chủ ở chỗ là khi quân Mỹ rút ra khỏi Iraq rồi, nếu thắng cử trong cuộc bầu cử vào năm 2008, chính phủ của đảng Dân Chủ sẽ không bị sa lầy về chính trị và không còn phải gánh vác các phí tổn hàng tỷ Đô-la cho chiến tranh Iraq nữa.

V- CON DIỀU HÂU GẪY CÁNH, CON PHƯỢNG HOÀNG BAY CAO

Ngày 9.11.2006, TT. Bush chính thức tuyên bố chấp thuận sự từ chức của BT. Quốc phòng, Donald Rumsfeld, và bổ nhiệm ông Robert Gates 63 tuổi, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (C.I.A) vào chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng. TT. Bush viện cớ là quốc gia cần có một triển vọng tốt đẹp tại Iraq.
-Đôi hàng về cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ:
Cựu BT. Quốc phòng, Donald Rumsfeld 74 tuổi, được mệnh danh là con diều hâu của Ngũ Giác Đài. Ông được bổ nhiệm vào chức vụ BT. Quốc phòng thời TT. George H. W. Bush (bố) và George W. Bush (con). Ông là tác giả của cuộc chiến Trung Đông I và cuộc tấn công Iraq nhằm lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein. Lật đổ một chế độ độc tài đối với Mỹ không khó. Nhưng tái xây dựng và vãn hồi an ninh một quốc gia Islam và chưa hiểu biết nhiều về Tự do, Dân chủ thì không phải là một việc làm sẽ thành công trong một vài tháng. Vì thế, BT. Rumsfeld bị chỉ trích về tình hình Iraq vẫn không sáng sủa gì hơn, lính Mỹ bị chết ngày một nhiều và hành động vi phạm hiệp ước Genève về tù binh chiến tranh của lính Mỹ khi thẩm vấn tù nhân Iraq v.v...
Nhiều người đã đề nghị thay đổi BT. Quốc phòng, trong đó có cả tám tướng đã về hưu, cựu Tổng Tư lệnh khối NATO, tướng Wesley Clark và cựu Tổng Tham Mưu Trưởng, tướng Anthony Zinni. Dù vậy, TT. Bush vẫn bênh vực và tín nhiệm Donald Rumsfeld cho tới khi đảng Cộng Hòa bị thất bại trong cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua.
BT. Rumsfeld trong khi từ chức xác nhận có sự thất bại về việc vãn hồi an ninh trật tự tại Iraq. Nhưng ông cũng minh định có những thành công đáng khích lệ về cơ cấu hành chánh, chính quyền dân chủ được dân bầu, các trường học và bệnh viện hoạt động trở lại cũng như tự do báo chí v.v…

-Đôi hàng về tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ:

Robert Gates từng tốt nghiệp tiến sĩ ngành ngoại giao quốc tế, hiện là Viện trưởng Đại học A&M Texas, hội viên nghiên cứu về chiến lược Iraq dưới sự cầm đầu của cựu BT. Ngoại giao James Baker. Ông từng là nhân viên trong chính phủ George Bush (bố) với nhiệm vụ hoạch định chính sách của Hoa Kỳ trong trận chiến Trung Đông I, đàm phán trong cuộc khủng hoảng con tin Mỹ bị nhóm cách mạng Hồi giáo bắt giữ (Iran-Contra) thời TT. Ronald Reagan (1987), đối phó với cuộc xâm lăng của Sô-viết tại A Phú Hãn và tái tổ chức C.I.A sau những cuộc điều tra của Thượng viện vào thập niên 1970 và 1980. Robert Gates đã phục vụ qua sáu đời tổng thống và được tặng nhiều huy chương cao quí.

KẾT LUẬN

Sự thất bại trong cuộc bầu cử và sự thay đổi Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy chính sách của TT. Bush trong hai năm chót sẽ biến chuyển ôn hòa hơn. Người ta chờ đợi một sự cải tổ về chiến thuật và chiến lược tại chiến trường Iraq trong những ngày tới.
Nếu so sánh với cuộc chiến tại Việt Nam thì chính sách mới có thể coi là sự tái thực hiện chương trình “Phượng Hoàng” do CIA chủ trương. Chương trình này nhằm sử dụng lực lượng quân sự và bán quân sự của người bản xứ vào việc triệt hạ hạ tầng cơ sở của đối phương, bình định lãnh thổ, phát triển kinh tế và xã hội, hơn là sử dụng lực lượng thuần túy quân sự ngoại bang trong các cuộc hành quân tiêu diệt địch. Sự vắng bóng lính Mỹ một phần nào sẽ giải tỏa được sự chống đối của dân bản xứ và các nhóm nổi loạn hô hào chống Mỹ.
Sau đó chương trình “Iraq Hóa” (chiến tranh Iraq là của người Iraq) và quân Mỹ sẽ cuốn gói rút lui trong danh dự. Có thể nói “Việt Nam Hóa chiến tranh” tại miền Nam Việt Nam xưa, nay được Mỹ tái sử dụng.

Phương sách rút quân ra khỏi Iraq sẽ làm đẹp lòng dân Mỹ và đa số các quốc gia đồng minh. Nó là món quà quí giá, mà TT. Bush hy vọng sẽ lấy lại uy tín và có thể đem thắng lợi về cho đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2008.