Hồ Cẩm Đào, trùm CS Trung Quốc sang vỗ về đàn em CS Việt Nam
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
Cuộc viếng thăm VN của Trùm Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tạo nên nhiều thắc mắc trong giới truyền thông VN hải ngoại cũng như thế giới. Các nhà nhận định thời cuộc bình luận cuộc Nam du của họ Hồ dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Người thì đặt nặng về vấn đề chính trị và quốc phòng, người khác lại chú tâm về vấn đề kinh tế và hợp tác trong vùng. Để tìm hiểu ý nghĩa của cuộc viếng thăm này có ảnh hưởng gì tới tình hình VN hay không; chúng tôi sẽ trình bày một số điểm sau đây.
I- HỒ CẨM ĐÀO LÀ AI?
Hồ Cẩm Đào sinh năm 1942. Nhập đảng CS và từng hoạt động tại các tỉnh Cam Túc, Quý Châu và Tây Tạng. Năm 1982 họ Hồ có chân trong Ban Chấp Hành Đoàn Thanh Niên CS, rồi chủ tịch Liên đoàn Thanh niên và Bí thư tỉnh ủy Tây Tạng năm 1985. Trong thời gian nắm quyền tại đây, họ Hồ đã có công lớn trong việc đàn áp thẳng tay các cuộc nổi dậy đòi độc lập của dân chúng Tây Tạng. Biện pháp này sau được áp dụng trong vụ trấn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên tại Thiên An Môn vào năm 1989. Đối với dân Tây Tạng thì họ Hồ có liên quan tới cái chết bí mật của nhà lãnh đạo tối cao Phật giáo, Panchen Lama. Sau sự thành công trong chính sách đàn áp quyết liệt các cuộc nổi dậy của dân chúng Tây Tạng, Hồ Cẩm Đào được nhiều đảng viên biết tiếng và trở thành nhân vật có giá trong đảng. Với công trạng trên, Hồ Cẩm Đào được thuyên chuyển về trung ương nắm chức vụ chủ nhiệm trường huấn luyện cán bộ cao cấp. Chính nơi đây ông ta đã đưa vào chương trình huấn luyện hai môn học mới là kinh tế thị trường và các tiêu chuẩn về vấn đề quản trị. Năm 1992, họ Hồ được bầu vào ủy viên thường trực Bộ Chính Trị và được coi là một đảng viên có tinh thần cải cách. Hồ Cẩm Đào trở thành Phó Chủ tịch Trung Quốc vào năm 1998, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương năm 1999 và Tổng Bí Thư tại Đại hội 16 của Đảng. Ngày 15-3-2003, họ Hồ được bầu vào chức vụ Chủ tịch nước và lên thay Giang Trạch Dân trong chức vụ chủ tịch Quân ủy Trung ương Quân đội Nhân dân vào ngày 19-9-2004. Hồ Cẩm Đào đã kết hôn và có một con trai và một gái.
II- NGUYÊN NHÂN VÀ THÔNG CÁO CHUNG VIỆT NAM - TRUNG QUỐC
Đáp lời mời của Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư BCH/TƯ Đảng CSVN, Hồ Cẩm Đào đã chính thức sang thăm VN từ ngày 31.10.2005 tới 2.11.2005; nhân dịp CSVN kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng, 60 năm thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và 30 năm thống nhất đất nước. Đây là chuyến thăm VN lần thứ 3 của Hồ Cẩm Đào và là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Tổng Bí Thư và Chủ tịch nước. Trong cuộc thăm viếng này, họ Hồ đã hội thảo với các nhà lãnh đạo CSVN như: Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và phát biểu trước Quốc hội. Dựa vào bài phát biểu trước Quốc hội VN, người ta có thể hiểu được mục đích của cuộc Nam du của lãnh tụ Trung Quốc. Ngoài những lời chúc tụng nhau theo kiểu "mèo khen mèo dài đuôi", người ta thấy có một số điểm đáng lưu ý trong Thông Cáo Chung 9 điểm của VN và Trung Cộng như sau:
-Đề cao tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước và hai đảng cộng sản anh em cũng như sự đồng nhất trong các vấn đề quốc tế mà hai nước đều quan tâm - Đề cao sự hợp tác và giúp đỡ nhau trong kế hoạch phát triển đất nước trên cơ sở Chủ nghĩa Xã hội - Đề cao sự phát triển kinh tế, hợp tác kỹ thuật và nâng cao mức độ giao thương giữa hai nước qua kế hoạch phải đạt tới chỉ tiêu vào năm 2010 là 10 tỉ Mỹ-kim - Trợ giúp VN gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) và xây dựng khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc.
-Hai bên sẽ giải quyết vấn đề ký kết các văn kiện về biên giới và cắm cọc biên giới trên đất liền, chậm nhất vào năm 2008. Hiệp định về sự hợp tác đánh cá, khai thác nguồn dầu hỏa giữa ba nước VN và Trung Cộng - Vấn đề hải quân kiểm soát vịnh Bắc Bộ cũng như vùng biển Đông (DOC) sẽ được giải quyết trong hòa bình - VN khẳng định lập trường chỉ công nhận một nước Trung Quốc, phản đối Đài Loan đòi độc lập và không phát triển quan hệ chính thức nào đối với Đài Loan.
-Hai bên cùng ủng hộ chương trình chống khủng bố, tôn trọng các nền văn hóa, văn minh thế giới và thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế - Hai bên đồng cổ võ cho mục tiêu cải tổ Liên Hiệp Quốc và giúp đỡ các nước phát triển đã đề cập tới trong Đại Hội Đồng LHQ tháng 9.2005 vừa qua - Hai bên đồng ý tăng cường sự hợp tác với các tổ chức LHQ, ASEAN, ACD, ARF, ASEM, GMS. -Cuối cùng "Hoàng Đế" Trung Quốc ngỏ lời mời CT Trần Đức Lương và TBT Nông Đức Mạnh sang "triều cống" vào một dịp thuận tiện.
Phía tiểu quốc VN thì khẩn khoản được chiêm ngưỡng dung nhan của "Thiên Tử" vào dịp tổ chức Hội nghị không chính thức lần thứ 14 gồm các nhà lãnh đạo trong tổ chức Cộng đồng Kinh tế Á châu Thái Bình Dương (APEC) vào cuối năm 2006.
III- HỒ CẨM ĐÀO CAO NGẠO PHÁT BIỂU TRƯỚC QUỐC HỘI VN
Tới thăm nước bạn mà họ Hồ lại trơ trẽn khoe khoang thành tích của Trung Quốc vĩ đại quá mức và hách dịnh nhắc khéo tiểu quốc An Nam hãy nghe giáo điều Mác-Lê:
"Lâu nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc kiên trì lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng "ba đại diện“ làm chỉ đạo, kiên trì độc lập tự chủ, cải cách mở cửa, tiến cùng thời đại, không ngừng hoàn thiện chế độ xã hội chủ nghĩa, không ngừng tìm tòi và phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, làm cho bộ mặt Trung Quốc đã thay đổi long trời lở đất, sức sản xuất xã hội, sức mạnh tổng hợp nhà nước và đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao…"
Sau khi ca tụng chế độ cộng sản, Hồ Cẩm Đào huênh hoang về thành tích kinh tế của Tàu: "Trong 26 năm kể từ năm 1978 đến năm 2004, GDP của Trung Quốc đã từ chỗ chưa đến 147,3 tỷ USD tăng lên tới 1.649,4 tỷ USD, tăng bình quân hàng năm 9,4%; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 20,6 tỷ USD lên tới 1.154,8 tỷ USD, tăng bình quân hàng năm trên 16%. Tính đến cuối năm 2004, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được sử dụng thực tế tại Trung Quốc đạt 562,1 tỷ USD…"
Vẫn một lập luận cố hữu "dân chủ bánh vẽ" và bốc thơm đảng qua việc đề cao vai trò độc quyền lãnh đạo của đảng CS trong chương trình phát triển kinh tế. Họ Hồ phát biểu tiếp: "Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tập trung sức lực xây dựng toàn diện xã hội khá giả với trình độ cao hơn và đem lại nhiều lợi ích hơn cho hơn 1 tỷ dân trong 20 năm đầu thế kỷ này. Mục tiêu này, nói cụ thể tức là đến năm 2020 đưa GDP Trung Quốc tăng gấp 4 lần so với năm 2000, đạt khoảng 4.000 tỷ USD, bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 USD..."
IV- KẾT QUẢ CỦA CUỘC CÔNG DU
13 văn kiện hợp tác về các phương diện đã được hai bên, VN và TQ ký kết gồm:
1- Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa VN -TQ.
2- Hiệp định về việc TQ hỗ trợ dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt Vinh-Sài Gòn.
3- Thỏa hiệp cho vay giữa Bộ Tài chính VN và Ngân hàng xuất nhập khẩu TQ về sử dụng tín dụng ưu đãi để hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên - Lạng Sơn và Lào Cai.
4- Thỏa hiệp cho vay giữa Bộ Tài chính VN và Ngân hàng Xuất nhập khẩu TQ về hiện đại hóa đường sắt Bắc-Nam VN;
5- Hợp đồng về TQ bán điện cho 6 tỉnh miền Bắc VN.
6- Thỏa hiệp về hợp tác dầu khí.
7- Thỏa hiệp hợp tác hóa chất.
8- Thỏa hiệp cho vay sản xuất khuôn mẫu nhựa và trục in tại VN.
9- Thỏa hiệp khung hợp tác giữa Tổng công ty than VN với ngân hàng xuất khẩu TQ.
10- Thỏa hiệp hợp tác giữa công ty điện lực VN (EVN) với ngân hàng xuất nhập khầu TQ về việc cung cấp tín dụng xuất khẩu cho dự án nhiệt điện Hải Phòng 1.
11- Bản ghi nhớ về việc hợp tác xây dựng nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 2.
12- Thỏa hiệp tổng quát giữa EVN với ngân hàng xuất nhập khẩu TQ về viêc cung cấp tín dụng xuất khẩu cho dự án nhiệt điện Quảng Ninh.
13- Hợp đồng công ty cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh và tập đoàn điện khí Thượng Hải.
V- NHẬN ĐỊNH VỀ CHUYẾN THĂM VN CỦA HỒ CẨM ĐÀO
5.1- VN được gì sau chuyến thăm của Hồ Cẩm Đào?
Về Bản Thông Cáo Chung thì đây cũng chỉ là những lời phát biểu có tính cách ngoại giao và sự đồng thuận về một số lãnh vực chính trị và kinh tế giữa hai nước cộng sản anh em. Dĩ nhiên, sau hậu trường làm gì không có những thỏa hiệp về quốc phòng và quân sự? Đặc biệt là sự giàn xếp và nhường nhịn nhau trong cuộc tranh chấp biên giới giữa VN và Căm Bốt (đòi lại đất vùng IV và đảo Phú Quốc); giữa VN (Hoàng Sa, biên giới phía Bắc, lãnh hải) và Trung Quốc?
Ngoài ra, nồng cốt của cuộc viếng thăm VN vẫn chỉ là sự củng cố chế độ cộng sản theo phương thức Trung Cộng. Họ Hồ muốn ru ngủ dân Nam bằng hào nhoáng của sự phát triển kinh tế tại các thành phố lớn của Tàu, để dân Nam tiếp tục tin tưởng vào Chế độ Cộng sản mà quên đi cái nghèo đói trường kỳ ở nông thôn và cái cốt lõi dân chủ tự do tới giờ mà dân chúng vẫn chưa được toại nguyện.
Theo Hồ Cẩm Đào thì: " …Mục tiêu này, nói cụ thể tức là đến năm 2020 đưa GDP Trung Quốc tăng gấp 4 lần so với năm 2000, đạt khoảng 4.000 tỷ USD, bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 USD..." Cứ nhìn vào mục tiêu của Trung Cộng phải đạt được vào năm 2020, người ta nhận thấy anh khổng lồ này vẫn còn ì ạch trên đường trở thành nước kỹ nghệ giầu có. Hiện nay Tổng sản lượng quốc gia trên mỗi đầu người tại các quốc gia Tây phương, Hoa Kỳ và Đài Loan ở mức độ từ 20.000 tới 30.000 Mỹ-kim, mà mãi tới năm 2020 Trung Cộng mới đạt được 3.000 Mỹ-kim, thì tối thiểu phải tới năm 2050, hoặc xa hơn nữa, may ra Trung Cộng mới theo kịp Đài Loan, nếu không có những khủng hoảng về chính trị, kinh tế, quân sự hay dầu hỏa xẩy ra.
Về 13 thỏa hiệp kinh tế đã được ký kết thì thực ra VN vẫn chỉ là khách hàng và người đi vay để hiện đại hóa về điện lực và đường xe lửa. Các văn bản không thấy đàn anh viện trợ miễn hoàn trả một ngân khoản nào. Tình hữu nghị thắm thiết chỉ có thể chứng minh khi TQ giúp VN đầu tư vào các chương trình xây dựng kinh tế và kỹ nghệ sản xuất lâu dài; các khoản trợ cấp tài chánh không bồi hoàn hoặc cho vay với một số lời tượng trưng hoặc thấp hơn so với các quốc gia tự do v.v… Hợp tác về dầu hỏa, hóa chất hay kỹ thuật thì phần lợi vẫn ngả về phía Trung Quốc.
Về đầu tư: Các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu vào Việt Nam từ tháng 8.1999 với 2 dự án có tổng vốn 15,35 triệu Mỹ-kim và đầu tư vào chương trình xây dựng chợ Sắt (Hải Phòng) và kinh doanh nhà hàng ăn Trung Quốc (Hà Nội). Đến nay, Trung Quốc đã đầu tư vào 350 dự án với tổng vốn trên 732,3 triệu Mỹ-kim tại 42 tỉnh và thành phố của Việt Nam, nhưng vẫn chỉ đứng vào hàng thứ 14 trong tổng số 62 quốc gia có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Trung Quốc lại khôn khéo tập trung chủ yếu vào những địa phương có cơ sở hạ tầng tương đối tốt và những nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống như Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng.
Về giao thương: Năm 2004, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều đạt 7,19 tỷ Mỹ-kim. Tám tháng đầu năm nay đạt khoảng 5,56 tỷ Mỹ-kim, tăng 30,2% so với cùng thời kỳ năm ngoái và cao hơn kế hoạch cả năm 2005 là 5 tỷ Mỹ-kim. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là dầu thô, hàng nông sản, thuỷ-hải sản, khoáng sản, lâm sản, hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử vi tính. Trung Quốc nhập vào Việt Nam xăng dầu, sắt thép, vật liệu dệt may-da-giày, phân bón, thiết bị và phụ tùng xe hơi, xe máy v.v…
5.2- VN có thoát khỏi gọng kìm của Trung Cộng không và tại sao Hoa Kỳ bỏ chạy rồi nay lại bám vào VN?
-Về phía Trung Cộng:
Nhằm bảo đảm an ninh phía Nam, Trung Cộng phải thân thiện với VC bằng bất cứ giá nào để tránh một cuộc tấn công từ lãnh thổ VN, nếu Hoa Kỳ muốn trở lại vùng này. Sự chuẩn bị chiến tranh và trực diện với Hoa Kỳ trong tương lai có thể dựa vào lời phát biểu của Tướng Zhu Chenhu rằng: "nếu Mỹ can thiệp cứu Đài Loan, chúng tôi sẽ trả đũa. Chúng tôi, người Hoa, đã tự sửa sọan để thấy sự hủy diệt của các thành phố phía đông của Xian (Tây An, trung tâm Hoa Lục). Dĩ nhiên, người Mỹ sẵn sàng thấy hàng trăm thành phố bị hủy hoại bởi Trung Quốc.“
Lời tuyên bố trên chứng tỏ Trung Cộng không thể nào để VN là một tiền đồn của Mỹ tấn công vào Hoa Lục. Nếu VN chống lại thì chắc chắn Hồ Cẩm Đào sẽ dậy cho VN bài học thứ hai, sau bài học Đặng Tiểu Bình đã dậy vào năm 1978-79. Với khả năng tấn công bằng vũ khí hiện đại và bom nguyên tử thì VN, với sức mạnh quân sự hiện nay, sẽ giống như "trứng chọi với đá!"
Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc kéo theo nhu cầu lớn về dầu hỏa mà VN có thể cung cấp. Thỏa hiệp 6 nêu trên đã bảo đảm một phần. Nhằm bảo đảm số dầu khí cần thiết cho sự phát triển kinh tế đều đặn, trước đây Trung Cộng muốn mua hãng dầu Mỹ UNOCAL, vì hãng này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh, để làm chủ vùng dầu ngoài khơi Vũng Tàu và 2 nhà máy điện Cần Thơ. Nhưng Hạ Viện Mỹ đã ngăn chặn kịp thời. UNOCAL đã thăm dò dầu khí tại VN từ năm 1996, và khám phá mỏ khí đốt tự nhiên đầu tiên cho hãng vào năm 1997. UNOCAL cũng thăm dò ba khu vực dầu khí có tên là - Block B, Block 48/95, và Block 52/97. Tính chung, UNOCAL có quyền khai thác vùng lãnh hải VN rộng 16.766 ki-lô mét vuông. Công ty này đã đầu tư 174 triệu Mỹ-kim vào chương trình thăm dò dầu hỏa VN với hãng dầu quốc doanh PetroVietnam. Trong 3 dự án lớn với PetroVietnam, hãng UNOCAL sở hữu 42,38% trong 2 dự án đầu và có 43,4% trong dự án cuối. UNOCAL còn đầu tư cả vào 2 nhà máy điện VN nằm trong vùng Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ. Đây là hai nhà máy nhiệt điện, có tên là O Mon 1A và 1B là 2 xưởng đốt dầu khí để sản xuất khoảng 600 Mega Watt.
Vì nhu cầu dầu hỏa cần thiết cho sự phát triển đất nước, Công ty dầu hỏa Trung Quốc CNOOC, lợi dụng sự khủng hoảng của UNOCAL, nhảy vào mua với giá cao nhất. Tuy UNOCAL chỉ là công ty dầu khí lớn thứ 9 Hoa Kỳ (sở hữu trữ lượng ước tính 1,75 tỉ thùng), nhưng là công ty duy nhất tại Mỹ cung cấp loại khoáng địa hiếm có (rare earth minerals) để dùng vào việc sản xuất các phi đạn điều chỉnh đúng hướng (Cruise missiles) và loại bom chính xác. Sản nghiệp của UNOCAL không chỉ trải dài từ Vịnh Mễ Tây Cơ tới Biển Caspian, nhưng bao quát cả vùng Đông Nam Á, gồm Thái Lan, Miến Điện, Indonesia, Việt Nam và Phi Luật Tân. Âm mưu của công ty dầu khí Trung Cộng CNOOC đòi mua UNOCAL, nếu nhìn sâu một chút, người ta thấy rõ nó không thuần túy vì lý do kinh tế, mà nằm trong kế hoạch quốc phòng và chính sách bao vây kinh tế và bành trướng quyền lực của Trung Cộng; ít nhất trong vùng Đông Nam Á.
-Về phía Hoa Kỳ:
Theo tin ngày 12.10.2005 của hãng thông tấn Reuters thì đại Công ty dầu khí Mỹ CHEVRON đã dành được quyền khai thác dầu khí VN. Công ty này sẽ sở hữu 50% cổ phần của Lô 122, với diện tích 6.981 Ki-lô mét vuông. Phần còn lại thuộc về công ty Petronas Carigali (PETR-UL) của Mã Lai. Ấn Độ cũng thông báo đã được khai thác Lô 127 tại Phú Khánh với trữ lượng ước tính khoảng 1 tỷ thùng. Khu lòng chảo Phú Khánh có độ sâu từ 50 mét tới 2.500 mét và có khối trầm tích dày đến 8.000 mét. Công ty dầu khí độc quyền VN, PetroVietnam, cũng cho biết trữ lượng dầu thô và khí đốt của khu vực nằm gần hai giếng lớn nhất là Bạch Hổ và Sư Tử Đen có thể tương đương với khoảng 1,5 tới 2 tỉ thùng dầu. Nếu chỉ tính hai hãng dầu lớn của Mỹ, UNOCAL và CHEVRON, người ta thấy Hoa Kỳ đã có phần lớn dầu khí tại hải phận VN. Nếu nhìn xa hơn, người ta sẽ thấy là Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cạnh tranh chiếm thị trường và trên chiến tuyến dầu hỏa.
-Về phía Việt Nam:
Để làm áp lực bắt Việt Nam phải nằm trong quỹ đạo của mình, Trung Cộng tiến hành các kế hoạch đánh phá về lãnh vực kinh tế và tài chánh bằng nhiều thủ đoạn như: nhập tiền giả để làm mất giá trị đồng bạc VN; lén đưa các loại ma túy từ biên giới Lạng Sơn hay từ ngã Lào vào VN để hủy hoại tinh thần giới trẻ; tuôn hàng hóa rẻ tiền và các loại hàng lậu, kể cả rau xanh hoa trái vào thị trường VN hầu làm chết các ngành công kỹ nghệ và nông nghiệp của VN. Các chương trình hợp tác kinh tế, dầu khí hay khoáng chất là cơ hội tốt cho Trung Cộng nắm và khai thác nguồn tài nguyên giầu có của VN. Đó là mặt nổi. Về mặt chìm thì tình báo Trung Cộng sẽ mua chuộc các cấp lãnh đạo VN, từ trung ương tới địa phương, bằng hối lộ tiền bạc để chiếm những ưu thế về chính trị và kinh tế; bằng mỹ nhân kế để khuynh đảo, gài bẫy và có bằng chứng, nếu bị phản bội. Lê Khả Phiêu là một trường hợp điển hình. Tình trạng trai thừa gái thiếu tại Trung Quốc có thể dẫn tới các cuộc mua vợ, mua lao động nữ đưa qua Trung Quốc hay Đài Loan và các cuộc kết hôn Việt-Tàu theo kiểu Trọng Thủy – Mỵ Châu. Tới một thời điểm nào đó dân Tàu trở về VN cùng với dân Tàu đang sống ở VN chiếm đa số tại một thành phố nào đó, họ sẽø tuyên bố đòi tự trị một phần hay nhiều phần lãnh thổ. Lúc đó đại họa sẽ xẩy ra. Một cuộc chiếm dân và chiếm đất bí mật và tinh vi.
Kết luận
CSVN cũng khôn ngoan lợi dụng thời cơ có dầu khí chơi trò làm eo theo kiểu "Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ, biết vào tay ai?" Khi anh chàng khổng lồ vụng về Trung Quốc tỏ ra hung hãn, vũ phu thì em gái VN sẽ ngả theo anh cao bồi hào hoa Mỹ quốc và ngược lại. Đó là chiến thuật "đu dây". Nhưng, nếu đu không khéo lại trở thành "một cổ đôi tròng!" thì dân ta lại lầm than khốn khổ. Cuối cùng, nếu có bị áp lực mạnh quá từ phía dân chúng và người quốc gia hay Hoa Kỳ thì CSVN lại giả bộ than thở "bán anh em xa; mua láng giềng gần?" Thế là huề cả làng!