Biến cố trong tháng
Tường thuật buổi cầu nguyện hòa bình của Israel-Palestine-Vatican tại Vatican
BY: VRNS
Theo CNA, ĐTC Phanxicô đã tiếp đón Tổng thống Israel và Palestine đến Vatican vào chiều Chúa nhật ngày 8.6 để gặp gỡ và cầu nguyện, "khẩn cầu cho hòa bình".
Buổi gặp gỡ cầu nguyện còn có sự tham dự của Đức Thượng Phụ Constantinople, Bartholomew I. Ba vị lãnh đạo đã cầu nguyện cho hòa bình tại Đất Thánh và cho khắp vùng Trung Đông.
ĐTC Phanxicô đã phát biểu hôm 8.6 tại vườn Vatican rằng: "Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu xa vì quí vị đã chấp nhận lời mời của tôi để đến đây và tham dự buổi cầu nguyện với Thiên Chúa về hồng ân hòa bình. Tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ cầu nguyện này sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho một hành trình mới, mà ở đó chúng ta cùng tìm kiếm những gì mang lại sự hợp nhất và vượt qua những gì gây chia rẽ."
ĐTC đã đưa ra lời mời trên đây trong chuyến hành hương gần đây đến Đất Thánh hồi cuối tháng năm 2014. Tổng thống Palestines và Israel đã nhanh chóng chấp nhận lời mời.
ĐTC đã có cuộc gặp riêng với từng vị tổng thống tại nhà khách Santa Marta khi hai vị này đến Vatican. Cả ba sau đó đã cùng hội kiến, với sự tham dự của Đức Thượng Phụ Constantinople, Bartholomew I, trước khi diễn ra buổi cầu nguyện "Khẩn cầu cho hòa bình".
Buổi cầu nguyện được chia thành ba phần, theo thứ tự lần lượt từng cộng đồng Do Thái, đến Kitô giáo và Hồi giáo. Các lời cầu nguyện được xướng lên bằng tiếng Do Thái, tiếng Anh, tiếng Ý, và tiếng Ả Rập. Nội dung tập trung vào việc ca ngợi Thiên Chúa vì công trình sáng tạo, khẩn cầu ơn tha thứ tội lỗi và nài xin ơn hòa bình.
Sau khi cầu nguyện, ĐTC Phanxicô, Tổng thống Israel Shimon Peres, và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lần lượt có ba bài phát biểu ngắn gọn về sự cần thiết của hòa bình.
ĐTC Phanxicô nói, "vô số người dân thuộc các nền văn hóa, quốc gia, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau đã hiệp thông cùng đồng hành với buổi gặp gỡ và cầu nguyện cho hòa bình này. Buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Đất Thánh, Trung Đông và cho toàn thế giới này là lời "đáp ứng mong muốn nhiệt thành của tất cả những ai đang khao khát hòa bình, và ước mơ về một thế giới mà trong đó con người có thể sống với nhau như anh chị em và không còn là thù địch và coi như kẻ thù của nhau."
ĐTC sau đó còn cho biết, "việc kiến tạo hòa bình còn đòi hỏi nhiều sự can đảm hơn là trong chiến tranh."
ĐTC lưu ý tiếp, lịch sử đã cho thấy rằng hòa bình không thể hiện hữu chỉ đơn thuần bởi sức mạnh của con người. "Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây, bởi vì chúng ta biết và chúng ta tin rằng, chúng ta cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chúng ta không rũ bỏ trách nhiệm của mình, nhưng chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa trong hành động có tính trách nhiệm cao trước lương tâm của chúng ta và trước dân tộc của chúng ta."
ĐTC Phanxicô tiếp tục khuyến khích những người hiện diện "phá vỡ vòng trôn ốc của hận thù và bạo lực" bằng tình "anh em." Chúng ta phải "ngước mắt lên trời và chấp nhận nhau như con cái của cùng một Cha."
Kế đến, Tổng thống Israel Shimon Peres đã đưa ra một lời kêu gọi cho hòa bình. Ông nói, "Tôi đến đây để kêu gọi hòa bình giữa các quốc gia." Ông cũng thừa nhận rằng, "hòa bình không đến một cách dễ dàng." Vị tổng thống Israel tiếp tục, ngay cả khi hòa bình "dường như xa xôi, chúng ta vẫn phải theo đuổi để khiến nó trở nên gần gũi." Ông nhấn mạnh, "chúng ta được lệnh phải theo đuổi hòa bình". Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng, "nếu chúng ta theo đuổi hòa bình với quyết tâm, với đức tin, chúng ta sẽ đạt được nó." Ông còn nhắc trong cuộc đời của mình (năm nay ông đã 90 tuổi), ông đã nhìn thấy cả hòa bình và chiến tranh. Ông cho biết sẽ không bao giờ quên được sự tàn phá do chiến tranh gây ra. "Chúng ta mắc nợ con em chúng ta trong việc tìm kiếm hòa bình", ông Peres nhấn mạnh.
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thì dựa theo lời cầu nguyện để khẩn cầu Thiên Chúa "thay mặt cho những người dân Palestine – bao gồm người Hồi giáo, Kitô giáo và người Samari, những người đang khao khát hòa bình, công lý; khao khát một cuộc sống xứng đáng và sự tự do."
"Lạy Chúa, xin ban cho khu vực và người dân của chúng con sự an toàn và ổn định. Hãy gìn giữ thành phố được chúc phúc Giêrusalem; trước hết là Thánh địa Kiblah, sau đó là Đền thánh Hồi giáo, thứ ba Thánh Địa Hồi giáo Mecca và các thành phố của phước lành và hòa bình với tất cả những gì bao quanh nó."
Nhà lãnh đạo chính trị Hồi giáo khẳng định, "Lạy Chúa, hòa giải và hòa bình là mục tiêu của chúng con."
Ông cũng cầu nguyện xin Chúa giúp "cho Palestine và Giêrusalem trở thành một vùng đất an toàn cho tất cả các tín hữu, và là một nơi để cầu nguyện và thờ phượng cho các tín đồ của ba tôn giáo độc thần Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và cho tất cả những ai muốn hành hương các địa điểm được nhắc đến trong kinh Koran."
Buổi cầu nguyện kết thúc bằng những cái bắt tay hòa bình giữa các nhà lãnh đạo, và trồng một cây ô liu, biểu tượng của ước mơ hòa bình.
Một đoạn Kinh Thánh được trích từ sách Ngôn sứ Isaia 65,17-25 17 Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. 18Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng. 19Vì Giê-ru-sa-lem, Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. 20Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi thọ không tròn; vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ, và chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa. 21Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái. 22Người ta sẽ không xây nhà cho kẻ khác ở, không trồng nho cho kẻ khác ăn; vì cây được bao nhiêu tuổi, dân Ta cũng sẽ thọ bấy nhiêu; và những kẻ Ta chọn sẽ được hưởng kết quả do tay chúng làm. 23Chúng sẽ không luống công vất vả, không sinh con cho con chết bất ưng, vì chúng sẽ là dòng dõi những người được Ðức Chúa ban phúc lành, bản thân chúng cũng như cả nòi giống. 24Trước khi chúng kêu Ta, chính Ta đã đáp lời, chúng hãy còn đang nói thì Ta đã nghe rồi. 25Sói với chiên con sẽ cùng nhau ăn cỏ, sư tử cũng ăn rơm như bò, còn rắn sẽ lấy bụi đất làm lương thực. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta." Ðức Chúa phán như vậy. (Pv. VRNs
Thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về tình hình Biển Đông
BY: CHỦ TỊCH HĐGMVN
THƯ CủA HộI ĐồNG GIÁM MụC VIệT NAM Về TÌNH HÌNH BIểN ĐÔNG
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
V/v: Tình hình Biển Đông
Từ ngày 02.05.2014 vừa qua cho đến nay, Trung quốc ngang nhiên đưa dàn khoan HD-981 và một lực lượng lớn tàu bè các loại trong đó có cả tàu quân sự vào xâm chiếm và hoạt động trong vùng đặc quyền và thềm lục địa của Việt Nam. Trong các ngày 03 và 04.05.2014 tàu quân sự Trung quốc với sự yểm trợ của máy bay đã tấn công tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Đây là hành vi khiêu khích và leo thang nghiêm trọng với ý đồ rõ ràng thực hiện từng bước kế hoạch xâm lược Việt Nam của Trung Quốc, bất chấp các ứng xử quốc tế mà Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Qui tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC). Tình hình này có nguy cơ đưa đến chiến tranh rất cao.
Quan ngại trước tình hình căng thẳng và nguy hiểm này, HĐGMVN, với trách nhiệm của mình, xin nêu lên quan điểm và kêu gọi như sau:
1. GHCG luôn kiên trì lập trường xây dựng Hoà bình, phản đối chiến tranh. Hoà bình không làm mất điều gì, nhưng chiến tranh có thể làm mất tất cả. Vì thế, mọi tranh chấp hiện nay cần phải kiên trì với đường lối đối thoại; loại trừ tất cả mọi hành vi khiêu khích, gây hấn, kích động chiến tranh, hận thù của đôi bên. Chính quyền Trung Quốc phải ngừng ngay mọi hành vi xâm lăng này. Hãy để những lời của ĐHG Phaolô VI vang lên một lần nữa: "Đừng có ai chống lại người khác nữa, đừng, đừng bao giờ nữa!... chiến tranh đừng bao giờ xảy ra, đừng bao giờ chiến tranh một lần nữa!" (Diễn từ tại Liên Hiệp Quốc, 1965), "Hoà bình chỉ thể hiện chính mình trong hoà bình, một nền hoà bình không tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý nhưng được nuôi dưỡng bởi sự hy sinh cá nhân, sự khoan dung, lòng thương xót và tình yêu" (Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình, 1975).
2. Với Chính phủ Việt Nam, tuy phải kiên trì đường lối ngoại giao, đối thoại để giải quyết xung đột, nhưng hãy có lập trường kiên định lấy đạo lý truyền thống dân tộc vì dân, vì nước để thực hiện đường lối chính sách với Trung Quốc. Những thoả ước tôn trọng tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng, giữa hai Đảng Cộng sản thực tế đã cho thấy không mang lại ích lợi cho dân nước mà còn đưa đất nước vào tinh trạng lâm nguy.
3. Với người Công giáo Việt Nam, đây là lúc chúng ta cần biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc của mình theo lời ĐGH Bênêđíctô XVI huấn dụ: "Là người Công giáo tốt cũng là công dân tốt". Lòng yêu nước thể hiện ở việc chúng ta không thể thờ ơ với tình hình của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai, chuyên cần hy sinh cầu nguyện cho quê hương đất nước và với lương tâm của mình, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đáp lại lời mời gọi cứu nguy Tổ quốc.
4. HĐGMVN xin các Giáo phận tổ chức một ngày cầu nguyện cho Quê hương, kêu gọi mọi người sám hối, tiết giảm chỉ tiêu ăn uống, mua sắm để góp phần nâng đỡ các ngư dân nạn nhân của tàu TQ, và các chiến sĩ cảnh sát, hải giám VN bị thương, theo như sáng kiến kêu gọi một ngày cầu nguyện hoà bình tại Syria của ĐTC Phanxicô ngày 07.05.2013.
Thực hiện theo Giáo huấn Xã hội của GHCG, HĐGMVN luôn nỗ lực thể hiện đường lối xây dựng hoà bình trong sứ vụ của mình và mong muốn công lý và hoà bình được thực thi trong xung đột hiện nay.
Ngày 09.05.2014
Chủ tịch HĐGMVN
(dấu ấn)
Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM TGP Tp Hồ Chí Minh.
NHậN ĐịNH BÀI "TÌNH HÌNH BIểN ĐÔNG" CủA HộI ĐồNG GMVN
Trong những năm gần đây, trước những biến cố có tính cách bước ngoặc, hay nguy hại cho đất nước, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, một hội đồng không có chức danh ăn bổng lộc của nhà nước Việt cộng. Một Hội Đồng luôn bị những con mắt khóm của Việt cộng tìm cách bao vây bóp nghẹt, và toan tính phá cho nát, dẹp cho tan. Không những thế, nhà cầm quyền CS còn nhắm vào khối Công Giáo do hội đồng này lãnh đạo mà dập vùi. Nhưng kết quả xem ra lại có tác dụng nghịch chiều. CS càng hung hăng vùi dập, Công Lý, Sự Thật càng nở hoa. Cộng sản càng cố chấp gian dối, tội lỗi của tập thể ấy càng lúc càng bị bóc trần. Bởi lẽ, dù CS có ma mãnh như thế hay hơn nữa, cộng sản cũng không bao giờ uốn cong, bóp méo được một ý chí bền vững, ngay thẳng của những người Ra Khơi vì dân tộc mình. Bởi lẽ, họ yêu nước và diễn tả lòng yêu nước của mình bằng lề luật, bằng sức sống, bằng niềm tin trong Công Lý, trong Sự Thật. Họ yêu nước bằng sự hy sinh, lòng quảng đại cho đất nước và cho tha nhân. Họ không yêu nước bằng mồm và càng không bao giờ là một thứ ngôn ngữ chia phần, tranh danh, đoạt lợi.
Thật vậy, khởi đi từ bước chân Người Đi Cho Công Lý là Tồng Giám Mục Ngô Quang Kiệt tại Hà Nội, Hội Đồng GMVN cho thấy rằng, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, thuận lợi hay không thuận lợi, các Vị luôn luôn đồng hành với dân tộc và tổ quốc Việt Nam. Bởi lẽ, trước khi là một Giám Mục, thì các vị đã là người Việt Nam. Một khi là người Việt Nam các Ngài cũng mang trong mình truyền thống hào hùng của dân tộc Việt. Cũng có những niềm kiêu hãnh với núi sông của mình. Và dĩ nhiên, dù không muốn họ cũng phải cam chịu những nỗi đau, những tủi nhục do nhà cầm quyền hay do những hành động vô ý thức của người mình gây ra. Nhưng trên hết, họ luôn yêu thiết tha và quảng đại với quê hương Việt Nam như vị tiền nhiệm của họ là Đức cố Hồng Y Nguyễn văn Thuận đã minh xác là: "Con có một tổ Quốc Việt Nam, con có một đồng bào Việt nam để con yêu mến và phục vụ"
Điều này đã được chứng minh trong suốt chiều lịch sử kể từ khi đạo Công Giáo có mặt trên đất nước này. Đặc biệt, trong suốt 70 năm qua, với chủ trương Vô tôn giáo, tập đoàn CS không ngừng tạo ra rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt của tôn giáo. Tệ hơn thế, nhà nước CS muốn dập vùi tôn giáo bởi một lý do rất cơ bản. Tôn giáo luôn luôn nói lên lời Công Lý và sống trong phương cách bảo vệ Sự Thật. Đó là khát vọng của mọi người dân Việt Nam. Trớ trêu thay, đây lại là những điểm đối đầu quan trọng nhất trong sách lược tạo ra và bảo vệ gian dối của nhà cầm quyền cộng sản, nên họ đã không từ chối áp dụng bất cứ một phương cách tồi tệ, đê hèn nào để kìm kẹp, trấn áp Công Lý và Sự Thật, kể cả việc bức tử, giam cầm nhiều LM ở ngoài bắc, trong đó có cha chính Vinh, cha sở nhà thờ Hà Nội, hay LM Nguyễn văn Lý. Nhưng không vì thế mà Giáo Hội Công Giáo coi tập đoàn lãnh đạo nhà nước CS như những kẻ thù không đội trời chung. Trái lại, Giáo Hội vẫn luôn yêu mến con người, và cầu nguyện cho những người lãnh đạo của đất nước. Không phải cầu cho họ được sống lâu và độc ác hơn, gian dối hơn. Nhưng cầu cho họ biết nhìn ra chân lý để phục vụ đất nước trong công lý và trong tình người.
Và còn tích cực hơn thế, HĐGMVN luôn đóng góp công sức vào việc bảo vệ đời sống luân lý, đạo đức và cải thiện đời sống xã hội, ngõ hầu góp phân vào việc thăng tiến con người, thăng tiến xã hội trong mưu cầu đem lại nguồn sống yên vui hạnh phúc cho con người. Điển hình như trong là thư góp ý với nhà nước về việc sửa đổi Hiến Pháp vào năm 2013
I. THƯ GÓP Ý CủA HĐGMVN.
Như tôi đã có lần đề cập đến trước đây, Lá Thư góp Ý của HĐGMVN như một làn Gió Mới, một chuyển bến tốt lành, không phải cho riêng ai, mà cho tất cả mọi người Việt Nam. Nội dung Lá Thư có khả năng làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của xã hội Việt Nam và mở ra một hướng đi chung cho mọi người cùng bước tới trong tin yêu. Cùng chia sẻ với nhau mọi tiềm thức trong tự tình dân tộc và cùng xây dựng một niềm tin mới cho đất nước. Ở đây, tôi xin được tóm gọn lại như sau:
1. Trước hết, về hình thức, Lá Thư tuy đề gửi cho "ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992" là một ủy bạn đặc biệt nghiên cứu về tiến trình sửa đổi Hiến Pháp, nhưng nó không gò bó, không mang một hình thức trình diễn, kiến nghị, chủ nghĩa với những hàng chữ dài vô cảm mang nhãn hiệu "CHXHCNVN" đi kèm với khẩu hiệu rêu rao của nó ở trên phần đầu của lá thư. Trái lại, phong cách của lá thư ngắn gọn, trực diện, nhân văn. Viết những điều cần viết. Nói những điều cần nói. Tuy là ngắn, nhưng chứa đựng hầu như tất cả tâm nguyện, khát vọng, không phải chỉ của người viết, hay của hơn tám triệu thành viên trong tôn giáo mà họ là đại diện, nhưng có thể là của tất cả mọi người. Bởi vì, xét cho cùng, suy cho tận, mọi người đều muốn nói lên một tiếng nói chung, quang minh chính trực như thế. Bởi vì, chẳng còn mấy người thiết tha gì đến sự hiện diện của hàng chữ vô cảm kia nữa, nên khi Lá Thư không có hàng chữ ấy trình diễn, nó làm cho mọi người thấy thoải mái, riêng lá thư thì thêm nét đẹp trong sáng, đáng trân trọng!
2. Kế đến là nội dung. Lá Thư mang những lời giảng giải ý nghĩa đích thực của những ngôn từ, lý lẽ trong cuộc sống nhân bản, mà không ai có thể phủ nhận, hay có thể tước đoạt được. Những quyền thuộc về con người, làm nên phẩm gíá con người như sự tự do, chính trị, đoàn thể, tôn giáo, ngôn luận, tư tưởng là bất khả xâm phạm. Theo đó, không ai có đặc quyền chính trị, cũng chẳng ai có quyền từ khước, tước đoạt quyền làm người của con người mà xã hội tiến bộ đã công nhận. Kế đến, phải trả quân đội, các lực lượng võ trang, công an, an ninh tình báo về với chức năng riêng của họ. Hai tổ chức này không thể trực thuộc bất cứ một lực lượng chính trị nào, nhưng là của toàn dân với nhiệm vụ giữ an ninh, bảo vệ luật pháp nghiêm minh và bảo vệ cương vực và lãnh thổ.
Nhìn chung là như thế, tuy nhiên, theo tôi, Lá Thư lại mang thêm những ý nghĩa khác nhau cho phía người nhận hay những người đọc.
THÔNG CÁO BÁO CHÍ Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam
Sydney, 11.05.2014 – Liên Hiệp Truyền Thông CGVN bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn với Lời Kêu Gọi của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, "Về Tình Hình Biển Đông" và chia sẻ những âu lo của các Giám Mục Việt Nam trước hành vi ngang nhiên vi phạm lãnh hải Việt Nam trên Biển Đông của Trung Cộng.
Những tin tức về tình hình Biển Đông từ ngày 1.5.2014 cho thấy Trung Cộng đã ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 và sử dụng một số lớn tàu bè và tầu chiến quân sự cũng như phi cơ xâm chiếm và hoạt động phi pháp trong vùng biển đặc quyền và thềm lục địa của Việt Nam. Hơn thế nữa, các tầu chiến quân sự của Trung Cộng được sự yểm trợ của máy bay đã tấn công các tầu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam ngay trong hải phận Việt Nam.
Hành động khiêu khích của Trung Cộng đã nói lên tham vọng của Bắc Kinh thực hiện kế hoạch từng bước xâm lược Việt Nam, bất chấp những nguyên tắc Quốc Tế như Công Ước Quốc Tế về Luật Biển UNCLOS và Qui tắc giải quyết DOC trên Biển Đông, mà chính Trung Cộng và Việt Nam đã cùng ký kết.
Những diễn biến này cho thấy Trung Cộng đã ngang nhiên chà đạp nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam và vi phạm công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 bất chấp những phản đối của Hoa Kỳ, Nhật Bản, và các quốc gia Asean.
Trong hoàn cảnh đau thương này của đất nước, đứng trước nguy cơ xâm lăng Việt Nam của Trung Cộng, cũng như trước những bất công do nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam áp bức lòng yêu nước và tự do dân chủ cho Việt Nam, Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam xin cùng Hiệp Thông, Cầu Nguyện, và chia sẻ với Quê Hương, Dân Tộc, và GHVN.
Liên Hiệp Truyền Thông CGVN, với trách nhiệm và bổn phận của mình, long trọng nói lên quan điểm và lập trường như sau:
1) Nghiêm khắc lên án và tố cáo trước dư luận quốc tế những hành vi xâm lăng Việt Nam của Trung Cộng, đồng thời, đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phải tôn trọng Tự Do, Dân Chủ, và Nhân Quyền cho Dân Tộc và Quê Hương Việt Nam.
2) Hoàn toàn ủng hộ "Quan Điểm và Lời Kêu Gọi" của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ Tịch HĐGMVN, "Về Tình Hình Biển Đông". GHCG luôn kiên trì lập trường xây dựng hòa bình và phản đối chiến tranh nhưng hòa bình phải được xây dựng trên công lý.
3) Hưởng ứng và mời gọi mọi người Việt Nam tích cực hành động theo lời Kêu Gọi của HĐGMVN: "Lòng yêu nước thể hiện ở việc chúng ta không thể thờ ơ với tình hình đất nước trong hiện tại cũng như tương lai, chuyên cần hy sinh cầu nguyện cho quê hương đất nước và với lương tâm của mình. Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ Quốc, sẵn sàng đáp lại lời mời gọi cứu nguy Tổ Quốc."
4) Tha thiết mời gọi quý Cộng Đồng, Cộng Đoàn, và quý Tôn Giáo bạn trên toàn thế giới đưa ra những sáng kiến tổ chức các buổi cầu nguyện cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam.
Trong niềm tin vào Thiên Chúa, chúng tôi tha thiết mời gọi những trái tim Việt Nam cùng đoàn kết để hiệp thông, chia sẻ, và đồng hành với Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam trong hoàn cảnh đau thương này.
Chúng tôi tha thiết kêu gọi Quý Quốc Hội, Quý Chính Phủ, Quý Đảng Phái Chính Trị các quốc gia, Quý Tổ Chức Nhân Quyền, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, Quý Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Tế, cùng Quý Cơ Quan Truyền Thông Thế Giới và Quý Cơ Quan Truyền Thông Việt Nam trên toàn thế giới, cùng đồng hành đấu tranh cho nền Hòa Bình chân chính và bảo vệ Quê Hương Việt Nam yêu quý.
Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam.
LIÊN Hệ
- ĐC Vinh Sơn Nguyễn Văn Long
GM Phụ Tá TGP Melbourne, Australia
TGP Melbourne, Australia
- Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài
Giám Đốc Radio VERITAS Asia
Buick St. North Fairview,
Quezon City, Philippines
P.O. Box 2642
- Lm. Gioan Trần Công Nghị
Giám Đốc Thông Tấn Xã Công Giáo
VietCatholic
P.O. Box 735, Avalon, CA 90704
- Lm. Joachim Nguyễn Đức Việt Châu
Chủ Nhiệm Nguyệt San DC Mỹ Châu
PO Box 1419 Gretna,
LA 70053-5440, USA.
- Lm. Antôn Nguyễn Hữu Quảng
Chủ Nhiệm Nguyệt San DC Úc Châu
715 Sydney Rd. Brunswick Vic 3056,
Australia
- Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu
Chủ Nhiệm Nguyệt San DC Âu Châu
Magazine Catholique
Katholische Monatszeitschrift
- Lm. Paul Chu Văn Chi
Phó Giám Đốc Vietcatholic Network,
Sydney Australia
92 The River Rd - Revesby
NSW 2212
Australia
LIÊN LạC
Lm. Paul Van Chi Chu
Tel: (02) 9773 0933
Mob: 0410 552 650
Kết quả bầu cử nghị viên thành phố tại Pháp 2014
BY: HÀ MINH THẢO
Đúng 20 giờ ngày 30.03.2014, tất cả các phòng phiếu bầu cử nghị viên các thành phố lớn đóng cửa, các cơ quan truyền thông lập tức công bố các dự đoán tỷ lệ vắng mặt (hay tham gia) đầu phiếu. Tiếp theo, kết quả các khảo sát ý kiến những cử tri đầu phiếu xong được loan truyền và chính khách từ các đảng phái tranh luận về các kết quả này: đảng xã hội (PS) cầm quyền thất bại, các đảng Liên minh vì một Phong trào Nhân dân (UMP), Liên minh Dân chủ và Độc lập (UDI) và Mặt trận Quốc gia (FN) chia nhau thắng lợi.
I. NGƯỜI DÂN KHIỂN TRÁCH CHÍNH PHỦ
Trong chế độ đệ Ngũ Cộng hòa Pháp, quyền Hành pháp được hành xử bởi Tổng thống và Chánh phủ, Thủ tướng và các Tổng, Bộ trưởng. Ngày 06.05.2012, cử tri Pháp đã bầu ông François Hollande vào chức vụ Tổng thống nhiệm kỳ 2012-2017. Ngày 15.05.2012, ông cử Dân biểu Trưởng khối PS, Jean-Marc Ayrault, vào chức vụ Thủ tướng và thành lập Chánh phủ. Theo Hiến pháp, khi cùng một đảng phái (ở đây là PS), Tổng thống hoạch định chính sách, đúng nguyên tắc, phải phù hợp với những điều đã hứa với cử tri khi tranh cử, và Chánh phủ thực thi.
Trong những tháng vận động tìm sự tín nhiệm nơi đồng bào, điều quan trọng nhất ông Hollande hứa sẽ tăng sức mua của người tiêu thụ để gia tăng kinh tế hầu giảm bớt số người thất nghiệp. Đây là niềm ước muốn của mọi người, nên cử tri đã "dè dặt" bầu phiếu cho ông với 51,90% số phiếu hợp lệ. Ông chê Tổng thống tiền nhiệm Nicolas Sarkozy phung phí Ngân sách quốc gia như mua và xài phi cơ "sang trọng" mà nay ông vẫn tiếp tục xử dụng…
Do đó, công chi vẫn gia tăng mà tăng trưởng kinh tế không thấy, nên buộc phải ngày càng gia tăng thuế khiến mãi lực (hay sức mua, Pouvoir d"achat) người dân ngày càng giảm. Trích nạp bắt buộc (prélèvements obligatoires) tức tiền thuế các loại và trích nạp các quỹ an ninh xã hội mà các xí nghiệp và tư nhân phải nộp cho Ngân sách quốc gia và các Quỹ này (năm 2011: cư dân ở Pháp phải đóng 32% số tiền trích nạp bắt buộc cho Ngân sách, 14% cho địa phương, 53% cho các Quỹ an ninh xã hội và khoảng 1% cho Ngân sách Liên hiệp Âu châu). Số bách phân tiền trích nạp bắt buộc này năm 2011 là 43,90% Tổng sản lượng nội địa (TSLNĐ). Điều này có nghĩa là khi cư dân ở Pháp lãnh lương nguyên (salaire brut) 100 euro thì phải đóng các loại thuế và trích nạp các quỹ an ninh xã hội hết 43,90 euro. Số còn lại gọi là sức mua. Bách phân Trích nạp này tăng lên 44,90% năm 2012 và 46,30% năm 2013. Tính thành tiền, những số tiền trích nạp bắt buộc hàng năm lần lượt là 876,3 tỷ euro cho năm 2011, 913,9 (2012) và 966,9 (2013). Sang năm 2014, Chính phủ dự trù giảm 0,30% so với năm 2013, theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ngày 01.01.2014, chánh phủ, do sự chỉ đạo của Tổng thống và ủng hộ của phe đa số tại hai viện Lập pháp), đã tăng Thuế Trị giá Gia tăng (TVA, Taxe sur Valeur Ajoutée) với các thuế suất như sau:
- 19,60% lên tròn 20%;
- 7% lên 10%;
- 5,50% không thay đổi (Hành pháp đề nghị làm tròn thành 5%, nhưng các Dân biểu thân chính không đồng ý).
Người dân không có khả năng để mua thì xí nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ không sản xuất vì "cung" chỉ để đáp ứng "cầu" (trừ sản xuất cho mức "tồn kho an toàn"). Khi không sản xuất, nhà kinh doanh buộc phải "cám ơn" công nhân. Mức tăng trưởng kinh tế nước Pháp năm 2012 là 0% so với năm 2011 và, năm 2013 chỉ là 0,3% so với năm trước. Do đó, tỷ lệ người thất nghiệp ngày càng tăng: 10,2% số người trong tuổi lao động năm 2012 và 10,9% vào cuối tháng 12.2013. Trong một quốc gia xã hội chủ nghĩa thứ thật như Pháp, hiện tượng thất nghiệp cao là một nguy hiểm chính trị, kinh tế và xã hội. Về chính trị, sự bất lực của cánh hữu lẫn tả phái, để lên tiếng chống đôi bên, cử tri bất mãn bầu các đảng mà đôi khi họ nuôi ít nhiều hy vọng. Ngày xưa, đảng cộng sản hô hào chống "chủ bóc lột", nay chủ không thèm bóc lột mà chỉ mời "thôi việc", cử tri hết tín nhiệm… Ngày nay, Pháp gặp khủng hoảng, một phần thực sự do Khu vực Euro, nên Mặt trận quốc gia (Font National, FN) nêu cao lá cờ "chống Euro" và hứa sẽ bắt đầu bằng giảm thuế địa phương (impôts locaux) và tăng cường bảo vệ an ninh khi các ứng cử viên FN đắc cử Thị trưởng tại các thành phố.
Nước Pháp bảo đảm cư dân ở Pháp (kể cả ngoại kiều với những điều kiện nhiều hơn về lưu trú) một số tiền thu hàng tháng không thấp hơn mức Lợi tức Tương trợ Sinh động (Revenu de Solidarité active, RSA): độc thân (499,31 euro), vợ chồng (kể cả đồng phái) hay độc thân với 1 con (748,97), vợ chồng với 1 con hay độc thân với 2 con (898,76), vợ chồng với 2 con hay độc thân với 3 con (1.048,55). Từ đây, mỗi con tăng thêm thì số tiền được tăng tương ứng là 199,79 euro. Số tiền này còn được tăng thêm một khoản cô đơn (tức cho cha hay mẹ nuôi con một mình, majoration pour isolement). RSA được tài trợ bởi Thuế Tương trợ trên Tài sản (Taxe de Solidarité sur la Fortune) đánh hàng năm trên những tài sản có trị giá từ 1,3 triệu euro. Đây là một biện pháp "lấy của nhà giầu chia cho người nghèo", chủ trương của xã hội chủ nghĩa thứ thật. Tại nước "ngụy XHCN" như Việt Nam thì đánh thuế đồng bào để nuôi những kẻ tự cho mình là "đầy tớ nhân dân", kể cả những linh mục, sư sãi quốc doanh. Người dân khổ sở chỉ được ăn "bánh vẽ":
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết
là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn
cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng
nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thơi
Nhai ngồm ngồm...
(Chế Lan Viên 8-1991)
Trở lại nước Pháp. Một thành quả duy nhất để biện minh cho sự "có giữ lời hứa", Chính phủ PS đưa ra dự luật "Mariage pour Tous", nhưng "cấm" những tranh luận công khai vì "khi bầu ông Hollande làm Tổng thống" người Pháp đã đồng thuận đề nghị này. Những cuộc biểu tình với nhiều trăm ngàn hay triệu người không được lắng nghe. Nhiều cử tri coi như nguyên tắc dân chủ bị nhà nước vi phạm. Ngoài ra, luật này tạo ra bất công vì chỉ bình quyền (hưởng tiền trợ cấp gia đình) mà không đồng nghĩa vụ (mang nặng đẻ đau để sinh tạo thế hệ mới dân Pháp) đã đẩy cả triệu người xuống đường gây bao đổ vỡ cho tình đoàn kết đồng bào. Khi phán quyết tính cách hợp hiến của đạo luật, Hội đồng Hiến pháp ghi nhận đạo luật chỉ do ý muốn của các nhà lập pháp, chứ đâu phải do nguyện vọng toàn dân Pháp. Do đó, trong cuộc tuyển cử này, nhiều cử tri đã từ chối xử dụng lá phiếu của mình.
Ngoài ra, cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh nhiều chính trị gia cả hai phe tả - hữu bị tai tiếng. Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy bị nghi ngờ từng lạm dụng quyền thế. Bên PS, Tổng trưởng Tư pháp Christiane Taubira bị tố cáo nói dối khi tuyên bố không được báo cáo về chuyện thẩm phán điều tra "nghe lén điện thoại" cựu Tổng thống Sarkozy với luật sư để tìm bằng cớ.
II. KẾT QUẢ TUYỂN CỬ TOÀN QUỐC
Trong năm nay, số ứng cử viên từ khoảng 270.000, lần tuyển cử trước vào năm 2008, tăng đến 928.901 vì, trước khi, chỉ buộc nộp đơn ghi danh tại các thành phố có từ 3.500 cư dân trở lên. Từ năm nay, con số này đã đem xuống chỉ còn 1.000. Tại các thành phố có từ 3.500 cư dân trở lên, số ứng viên cũng đã tăng 12%, từ 8.578 liên danh năm 2008 đã tăng lên thành 9.630 cho năm 2014.
Tính về tuổi, tuổi trung bình ứng cử viên là 50. Ứng cử viên trẻ nhất là nột người nữ vừa đúng 18 tuổi vào ngày 22.03.2014, ghi danh tại thành phố Mémont (Doubs) có khoảng 300 cư dân. Ứng viên cao tuổi nhất cũng là người nữ gần 103 tuổi (sinh ngày 14.05.1911), ứng cử tại Marseille.
A. Vòng Một ngày 23.03.2014.
1. Số cử tri:
- ghi danh: 45.773.248;
- tham gia đầu phiếu: 29.088.710;
- vắng mặt: 16.684.538 tức 36,45% so với số ghi danh (lần trước 2008: 33,46%) kỷ lục.
2. Kết quả:
- cực tả: 3,83%;
- tả phái: 33,91%;
- EELV xanh: 1,16%;
- độc lập: 9,16%;
- trung phái: 3,38%;
- hữu phái: 43,48%;
- mặt trận quốc gia: 4,76%;
- cực hữu: 0,12%.
Tại vòng này, 30.136 thành phố (trong tổng số 36.682 đơn vị hành chánh này ở Pháp) đã chọn được các nghị viên lãnh đạo. Một thành phố duy nhất, Hénin-Beaumont, thắng bởi Mặt trận quốc gia.
B. Vòng Hai ngày 30.03.2014.
1. Số cử tri:
- ghi danh: 18.336.841;
- tham gia đầu phiếu: 11.393.287;
- vắng mặt: 6.943.287 tức 37,87% so với số ghi danh (lần trước 2008: 34,90%) kỷ lục.
2. Kết quả:
- cực tả: 1,89%;
- tả phái: 39,25%;
- EELV xanh: 0,47%;
- độc lập: 5,87%;
- trung phái: 2,01%;
- hữu phái: 43,64%;
- mặt trận quốc gia: 6,75%;
- cực hữu: 0,12%.
Sự thất bại nặng nề của Chính phủ và PS đem lại thắng lợi lớn cho FN và đảng này trở thành lực lượng chánh trị thứ ba tại Pháp với sự điều hành 12 thành phố và tham gia sinh hoạt chính trị trong các thành phố có từ 1.000 cư dân trở lên với 1.546 nghị viên thành phố. Đảng này chỉ tham gia tranh cử tại 597 thành phố có từ 1.000 cư dân trở lên (gần 50% các thành phố này có trên 10.000 dân).
Khi kết quả được công bố, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault ngỏ lời với đồng bào chấp nhận sự thất bại và giải thích những khó khăn Chính phủ đã gặp phải và đã cố gắng giải quyết. Ông sẽ có quyết định…
III. ẢNH HƯỞNG TỪ KẾT QUẢ TUYỂN CỬ
Quyết định toàn dân qua lá phiếu tín nhiệm, tiến trình truyền thống dân chủ bắt buộc mọi công dân phải chấp hành, dù ai cũng biết kết quả các cuộc tranh cử giữa kỳ thường rất khó cho Chánh phủ tại chức.
A. Thủ tướng từ chức để Tổng thống đề cử Thủ tướng mới.
Trưa thứ hai 31.03.2014, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault vào điện Elysée gặp Tổng thống Francois Hollande để hội kiến và đưa đơn từ chức. Tổng thống chấp nhận. Sau đó, từ Điện Matignon, Phủ Thủ tướng loan báo Thủ tướng và Chính phủ từ chức đã xuất nhiệm. Sau đó, ông cùng phu nhân đáp xe hỏa về Nantes và chờ ngày nhận lại nhiệm vụ Dân biểu Quốc hội. Trong chế độ "tam quyền phân lập", nhân viên hành pháp không thể kiêm nhiệm chức vụ lập pháp hay tư pháp để tránh cảnh vừa đá bóng vừa thổi còi.
Đến tối, chiếu kết quả cuộc tuyển cử nghị viên thành phố mà cử tri trừng phạt mình, Tổng thống François Hollande đã ngỏ lời cùng đồng bào qua các hệ thống truyền thông về việc bổ nhiệm ông Manuel Valls, Tổng trưởng Bộ Nội vụ, 51 tuổi, gốc Tây ban nha, từng là Thị trưởng Evry, ngoại ô Paris năm 2001 và Dân biểu Quốc hội, một năm sau đó, vào chức vụ Thủ tướng để thành lập một "Chính phủ chiến đấu và nhất quán" với nhiệm vụ "đem lại sinh lực mới cho kinh tế Pháp". Ông trấn an giới doanh nhân qua "khế ước trách nhiệm" (pacte de responsabilité), giảm phần đóng góp xã hội, đổi lại tăng sức tuyển dụng nhân viên. Đồng thời, ông cũng đề nghị "khế ước liên đới" (pacte de responsabilité) với kế hoạch giảm thuế cho dân từ nay đến 2017.
B. Thành phần chính phủ mới.
Sự bổ nhiệm ông Manuel Valls (có người gọi ông là "Sarkozy tả phái"), chính khách được đồng bào mến mộ nhất hiện nay, vẫn không làm vừa lòng nhiều người như bà Cécile Duflot, đảng Xanh, tổng trưởng xuất nhiệm Bộ Gia cư. Do đó, đảng này không tham chính và đe dọa không bỏ phiếu thuận khi Thủ tướng trình bầy chính sách tổng quát trước Quốc hội ngày 08.04.2014.
Ngày 02.04.2014, chính phủ Manuel Valls với 16 Tổng trưởng (8 ông và 8 bà) được thông báo đến quốc dân. Ngoài Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, ba Tổng trưởng khác đã rời nội các. Bên cạnh những vị thay đổi Bộ quản nhiệm và hai vị mới, sự tham chính của bà Ségolène Royal, người bạn đời cũ của ông Hollande với 4 con và đã chia tay sau khi thất cử vòng hai Tổng thống năm 2007 và đã tham gia nhiều lần các nội các. Sự ngạc nhiên nhất dịp này được dành cho bà Christiane Taubira vẫn còn là tổng trưởng Tư pháp.
Thành phần chính phủ mới chưa hoàn tất vì ông Manuel Valls còn phải bổ nhiệm khoảng 12 Bộ trưởng vào thứ tư 09.04.2014.
IV. TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ TIẾP TỤC
Dân biểu Claude Bartolone, chủ tịch quốc hội, sáng hôm 02.04.2014, cho biết Thủ tướng Manuel Valls sẽ đọc diễn văn về chánh trị tổng quát (Discours de politique générale) trước Quốc hội vào ngày 08.04.2014 và hứa sự tín nhiệm của Viện cho tân Chánh phủ. Sau đó, quyết định này đã được sự chấp thuận của Hội đồng Tổng trưởng trong phiên họp ngày 04.04.2014.
Đây là một tập tục tốt thời Đệ ngũ Cộng hòa Pháp để Thủ tướng tân cử trình bầy long trọng trước các dân biểu những đường hướng mà Chính phủ sẽ thực thi trong việc điều khiển quốc sự. Vượt hẳn tính cách giới thiệu của diễn văn, Chính phủ, sau đó, còn cần được sự biểu quyết tín nhiệm của Viện Lập pháp này, chiếu Điều 49.1 Hiến pháp.
Nói đến việc biểu quyết thì cần nhớ phải biết có đủ Đa số tuyệt đối hay không. Quốc hội gồm 577 dân biểu, tức đa số tuyệt đối là (577+1)/2 = 288. Nhóm PS hiện có 290, nhưng chỉ có 289 vào tháng sau khi bà Cécile Duflot (tổng trưởng vừa xuất nhiệm, đảng Xanh) nhận lại "ghế" Dân biểu từ tay bà Danièle Hoffman-Rispal, dự khuyết thuộc PS. Tuy nhiên, hiện đang có khoảng 80 Dân biểu xã hội đang dọa không bỏ phiếu thuận cho Thủ tướng Valls nếu ông không đồng ý giảm bớt giúp đỡ cho giới chủ để dành nhiều trợ cấp hơn cho giới nghèo và lao động. Chúng ta nghĩ đó chỉ là những tự "quảng cáo" bằng bênh vực chiếu lệ và mị dân mà thôi.
Trong thực tế, họ phải hiểu rằng chống Thủ tướng Valls có nghĩa là không thuận với Tổng thống Hollande và ông này còn vũ khí chánh trị khác là: Giải tán Quốc hội. Khi đó, họ phải đối mặt với cử tri và, chẳng may, những "chủ" này không đồng ý việc làm của đảng họ trong gần hai năm qua, với lá phiếu, họ tín nhiệm người khác. Nếu điều xấu đến cho tả phái, Quốc hội đổi mầu "xanh thay hồng", đảng UMP cử người ra làm Thủ tướng và Tổng thống ngồi chơi chờ năm 2017 tái ứng cử. Người Pháp mau quên như cố Tổng thống François Mitterand đã thắng Thủ tướng Jacques Chirac năm 1988. Hơn nữa, từ đó tới nay, có Thủ tướng nào tại chức thắng Tổng thống đâu, chưa kể Thủ tướng Lionel Jospin còn bị loại ngay vòng một.
Đặc tính siêu việt của chế độ đa đảng là khi người dân thực sự làm chủ thì họ có thể thay người giỏi vào thay họ điều hành quốc sự và cho kẻ "hồng hơn chuyên" nghỉ. Nghĩ thật thương hại đồng bào chúng ta.
Các đánh giá về Đức Phanxicô sau một năm lên ngôi giáo hoàng
BY: VŨ VĂN AN
Dù rất nổi tiếng trong năm đầu tiên của triều giáo hoàng, nổi tiếng đến độ không một ngày nào, báo chí không đề cập tới ngài, nỗi đi đâu, ngài cũng được reo hò chào đón, đến nỗi, người khắp năm châu lũ lượt kéo tới Vatican, mong được nhìn thấy ngài, nâng số du khách hàng năm viếng Vatican lên tới 7 triệu, hơn hẳn bất cứ danh lam thắng cảnh nào khác trên thế giới, nhưng Đức Phanxicô vẫn không tránh khỏi sự chống đối của một số người. Như Ahmed Chutani, người Pakistan bán đồ kỷ niệm tại công trường nhà thờ Thánh Phêrô chẳng hạn. Theo Eric J. Lyman của USA TODAY, anh ta bảo: Đức Phanxicô làm việc buôn bán của anh ta ra tệ. "Ngài luôn nói đến người nghèo, nên người nghèo kéo tới Vatican đông ơi là đông, nhưng họ có tiền đâu mà chi tiêu, họ chỉ đứng nhìn, có mua gì đâu. Nếu có mua, thì cũng trả giá ỉ ôi, nài nỉ giảm giá!".
USA TODAY kể truyện trên cho vui thôi. Nhưng theo họ, có nhiều chống đối đáng lo ngại hơn, nhất là về các cố gắng cải cách của ngài. Trong cuộc phỏng vấn gần đây của hãng tin Công Giáo Đức KNA, Đức HY Oscar Andres Rodriguez Maradiaga cho hay: giống bất cứ cuộc cách mạng nào khác, các cố gắng cải cách của Đức Phanxicô mang theo nhiều rủi ro. Ngài bảo: "Tôi có nghe người ta nói "chúng tôi cầu xin cho ngài qua đời càng sớm càng hay". Điều này thật là ác ý, vậy mà họ nghĩ họ là người Kitô hữu".
Vẫn luôn có những người như trên, Đức HY nói thêm: "các luật sĩ chống Chúa ngày xưa cũng đã nói như thế".
Cũng giống ngày xưa, con số của họ không nhiều. Phần lớn công chúng hân hoan khi nói về Đức Phanxicô và tự hào gọi ngài là giáo hoàng của họ dù không phải là người Công Giáo. Riêng người Công Giáo Á Căn Đình thì khỏi nói. Nhà báo Peter Stanford tường trình việc nhà kim hoàn nổi tiếng Juan Carlos Pallarols tự tay làm một chén lễ bằng bạc để tặng người bạn đồng hương của mình nhân dịp một năm làm giáo hoàng của ngài. Gia đình Pallarols vốn là thợ kim hoàn của các vị giáo hoàng từ đời Đức Lêô XIII. Các khách hàng của Pallarols gồm Bill Clinton, Antonio Banderas và Sharon Stone. Gần bằng tuổi Đức Phanxicô (ông năm nay 71), Pallarols quen ngồi cạnh ngài tại tiệm hớt tóc ở khu San Telmo, Buenos Aires. Ngài chủ sự lễ cưới cho các con trai của ông.
Ông là người nhận từ tay Đức TGM Bergoglio các đồ bằng vàng hoặc bằng bạc người ta dâng tặng để ông nấu ra bán, giúp ngài có tiền giúp các linh mục làm việc tại các khu ổ chuột. Biết thế, nên thay vì chiếc chén lễ bằng vàng và bạc dâng tặng Đức Bênêđíctô XVI trước đây, ông chỉ dám dâng lên Đức Phanxicô chiếc chén lễ đơn giản bằng bạc thôi. Để bù lại, ông muốn có bàn tay của "5 triệu người" góp vào. Đi đâu, mà ông đi đâu có vừa, hết Paris, New York, tới Tokyo tham dự các buổi triển lãm, ông cũng mang chiếc chén đi theo và yêu cầu mọi người gõ vào đó một nhát búa. Ngay trên máy bay, ông cũng không ngại đem chiếc chén ra yêu cầu các hành khách khác gõ một nhát búa tượng trưng vào đó. Mỗi người gõ đều ghi lại mấy dòng lưu niệm. Một trong những dòng này ghi: "Nhân Ngày Trinh Nữ Lujan, quan thầy Á Căn Đình, quê hương chúng ta, và nhân danh mọi người Á Căn Đình yêu quê hương, rất thân ái", dưới ký tên Cristina Fernandez de Kirchner, tổng thống Á Căn Đình.
Mọi người đều rõ: lúc còn là TGM Buenos Aires, Đức Phanxicô dùng toà giảng cực lực phê phán các chính sách kinh tế và xã hội của bà Fernandez de Kirchner, và người tiền nhiệm của bà, tức người chồng quá cố Nestor Kirchner. Đến nỗi, hai vợ chồng thề không tham dự Thánh Lễ do ngài cử hành. Nhưng bà đâu có từ chối lời mời tham dự lễ đăng quang giáo hoàng. Còn hân hoan là đàng khác!
Đó là một nét hết sức đặc trưng chung quanh Đức Phanxicô. Kirchner không cưỡng lại được điều mà linh mục Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, dùng để tóm tắt năm đầu tiên triều giáo hoàng Phanxicô: "sự chú ý vĩ đại, sức lôi cuốn vĩ đại" không những người Công Giáo mà mọi người trên thế giới qua "lời nói yêu thương, quan tâm, nhân từ, gần gũi, thân cận". Cha gọi triều đại Đức Phanxicô là "một thời để thương xót".
Ủy Ban Thường Vụ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thì gọi đây là "một thời để tạ ơn" vì Đức Phanxicô đã "khuyến khích ta trở thành một Giáo Hội của người nghèo và dành cho người nghèo" và nhấn mạnh tới lòng thương xót.
NĂM ĐIềU CHủ YếU TRONG NĂM ĐầU
Nicole Winfield của The Associated Press thì kê khai năm điều chủ yếu của năm đầu triều đại Phanxicô. Thứ nhất, Đức Phanxicô là người "phá lệ": rửa chân cho một phụ nữ và một người Hồi Giáo nhân Thứ Năm Tuần Thánh, miễn điều kiện phép lạ để được phong thánh cho Đức Gioan XXIII, không cư ngụ tại tông điện… Cô nhà báo này tự hỏi: liệu ngài có dám phá lệ cấm người Công Giáo ly dị tái hôn mà không có tuyên bố vô hiệu rước lễ hay không? Ít nhất thì ngài cũng đã cho phép cuộc tranh luận công khai trong hai năm về vấn đề này.
Thứ hai, ngài phá cả lệ liên quan tới an ninh: trong cuộc tông du Ba Tây, nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới, ngài đã để cho đoàn xe của ngài thực sự bị bao vây bởi quần chúng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn là nhân cuộc tông du này, ngài đã nói một câu thời danh: "Tôi là ai mà dám phê phán" khi đề cập tới người đồng tính. Câu này, dù bị giải thích sai ngữ cảnh, thực tế đã thay đổi tận căn gốc giọng điệu của Giáo Hội đối với vấn đề đồng tính luyến ái và mở ra cuộc tranh luận liệu Giáo Hội có nên chấp nhận các cuộc kết hợp dân sự hay không, một vấn đề chắc chắn sẽ được THĐ tháng Mười tới đề cập.
Thứ ba, dù là một tu sĩ Dòng Tên, Đức Tân Giáo Hoàng đã chọn Thánh Phanxicô, một tu sĩ thế kỷ 13, từng từ bỏ giầu sang để phục vụ người nghèo, làm tông danh. Không những theo chân Thánh Phanxicô trong việc phục vụ người nghèo, người thất nghiệp, người bị bỏ rơi, ngài còn nhập tâm ơn gọi Thánh Nhân "tái thiết Giáo Hội của Ta" qua diễn trình cải cách tận gốc nền hành chánh của Vatican. Tuy nhiên, ngài vẫn là một tu sĩ Dòng Tên, theo nghĩa: nhiệt thành truyền giáo, với phong cách quản trị có tính hợp tác nhưng đầy uy quyền
Thứ tư, khi từ chức, Đức Bênêđíctô nhấn mạnh rằng ngài sẽ "ẩn dật khỏi thế gian" để cầu nguyện. Nhưng dần dà, Đức Phanxicô đã thuyết phục ngài ra khỏi cảnh ẩn dật ấy và càng ngày càng dành cho ngài một vai tuồng công cộng trong sinh hoạt Giáo Hội, thay vì giữ ngài như "một pho tượng trong viện bảo tàng". Gần đây, Đức Bênêđíctô đã tham gia với Đức Phanxicô trong lễ tấn phong 19 tân Hồng Y, được phỏng vấn cho một cuốn sách sắp xuất bản về Đức Gioan Phaolô II và dành giờ viết thư cho một nhà báo Ý để nói rằng không ai ép ngài từ chức cả. Chắc chắn, ngài sẽ tham dự Lễ Phong Hiển Thánh cho Đức Gioan Phaolô II.
Về hai vị giáo hoàng tại thế này, Đức HY Nichols của Westminster cho hay: "Nói một cách đơn giản, muốn hiểu Đức Bênêđíctô, bạn phải đọc điều ngài viết. Muốn hiểu Đức Phanxicô, bạn phải xem việc ngài làm".
Thứ năm, tháng Năm này, Đức Phanxicô sẽ tông du Do Thái, và tháng Tám, ngài sẽ tông du Nam Hàn. Trong khi chờ đợi, chắc chắn ngài dành toàn lực cho việc cải tổ nền hành chánh của Vatican. Trong đó, có việc ngài vừa thành lập văn phòng kinh tế song song với phủ quốc vụ khanh mà mục tiêu trước mắt là giải quyết ổn thoả các rắc rối liên quan tới Ngân Hàn Vatican đầy tai tiếng.
Rồi đến tháng Mười, sẽ có THĐ Giám Mục Thế Giới nơi sẽ xem xét kết quả cuộc thăm dò mới đây cho thấy một số không nhỏ người Công Giáo khắp thế giới mong có thay đổi trong các giáo huấn liên quan tới ngừa thai, ly dị và đồng tính luyến ái.
Trước viễn tượng trên, một người bạn Á Căn Đình gốc Do Thái của ngài là Claudio Epelman tin rằng ngài đủ sức chu toàn sứ mệnh: "Ngài sẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Đừng hỏi tôi cách nào vì tôi không biết. Nhưng nhất định ngài sẽ đi xa hơn các mong chờ của ta".
CUộC CÁCH MạNG CủA NGÀI ĐÃ BắT ĐầU CHƯA?
Paul Vallely của tờ The Guardian tuy cho rằng trong năm đầu tiên, Đức Phanxicô đã thổi một luồng gió mới vào Giáo Hội Công Giáo, nhưng không ai rõ ngài là người thực sự như thế nào, là cấp tiến hay bảo thủ hoặc một điều gì đó không tiên đoán được?
Ông cho rằng hiện đang thiếu sự nhất trí về câu hỏi này. Vì ai cũng muốn kéo ngài về phía mình trong trận chiến văn hóa tôn giáo (religious culture war). Lý do rất hiển nhiên: ngài đang lôi cuốn 7 triệu người tới tham dự các biến cố liên quan tới ngài, gấp ba lần so với vị tiền nhiệm một năm trước đó.
Người bảo thủ nói ngài là người lớn tiếng chống đối phá thai. Ngài cho biết ngài là "người con của Giáo Hội" nghĩa là trung thành với tín lý hiện thời. Ngài chủ trương: người ly dị tái hôn không được rước lễ. Ngài không hát bình ca trong Thánh Lễ vì ngài mất một lá phổi hồi còn thanh niên.
Người cấp tiến bảo: sự chống đối phá thai của Đức Phanxicô chẳng có chi là lớn tiếng cả, trái lại, ngài còn bảo Giáo Hội xưa nay quá "bị ám ảnh" bởi chuyện này. Họ bảo câu "tôi là người con của Giáo Hội" là nói về quá khứ, chứ không nói về tương lai. Ngài nhiều lần ngụ ý cho thấy ngài muốn chấm dứt chính sách cấm người ly dị tái hôn rước lễ. Ngài không hát bình ca vì ngài cảm thấy phong cách thờ phượng này không phù hợp với người giáo dân tầm thường trong thế giới không phải là Âu Châu.
Nói chung, người cấp tiến nhấn mạnh tới "phép lạ khiêm nhường trong thời đại vênh vang" (Elton John) của ngài, việc ngài phá lệ rửa chân cho phụ nữ và người Hồi Giáo, cho hay người vô thần có thể lên thiên đàng nếu "vâng theo lương tâm họ". Người cấp tiến cũng nhấn mạnh tới câu "Tôi là ai mà dám phê phán?" hay coi giáo triều như một thứ "phong cùi của ngôi giáo hoàng".
Người bảo thủ bảo đó chỉ là những giải thích tùy tiện, lầm lẫn phong cách với thực chất và quên mất rằng giáo huấn thực sự của đức tân giáo hoàng chứng tỏ điều George Weigel gọi là "tính liên tục liền một mảnh" (seamless continuity) với hai vị tiền nhiệm.
Thực hư ra sao? Theo Vallely, 3 phương diện sau đây soi sáng phần nào:
1) Về chính trị, từ Đức Lêô XIII trở đi, Giáo Hội đã tách mình ra khỏi các quá lạm của chủ nghĩa tư bản và đi tìm đường lối thứ ba giữa tư bản và cộng sản vô thần. Đức Phanxicô từng bị phe cực hữu Hoa Kỳ gọi là người Mácxít, dù với cùng lập trường như thế, Đức Giaon Phaolô II không bị tố giác như vậy. Điểm dị biệt, theo Vallely, là Đức Phanxicô không "thần học trừu tượng", lời kết án chủ nghĩa tư bản phát sinh từ lối sống của ngài với người nghèo. Từ lúc Á Căn Đình trở thành tâm điểm của cuộc chạy nợ lớn nhất thế giới vào năm 2001, gần một nửa dân số nước này sa vào cảnh nghèo đói. Ngài tuyên bố: "Không chia sẻ sự giầu có của mình với người nghèo là ăn cắp của họ".
Ngài đã phục chế Thần Học Giải Phóng. Rôma từng tìm cách dẹp bỏ phong trào này trong hai thập niên 1970 và 1980. Lúc còn là bề trên Dòng Tên tại Á Căn Đình, Đức Phanxicô cũng là thành phần của động thái dẹp bỏ này vì cho là mặt nạ của đấu tranh giai cấp Mácxít. Nhưng khi làm giáo hoàng, theo Vallely, ngài mời người sáng lập của phong trào là Gustavo Gutierrez tới Rôma và để Vatican tuyên bố rằng Thần Học Giải Phóng không còn "trong bóng tối mà nó bị buộc phải bước vào trong các năm qua" nữa. Vatican cũng đã mời Leonardo Boff, một thành viên chủ chốt khác của Thần Học Giải Phóng, cộng tác vào tài liệu thần học môi sinh mà Đức Phanxicô dự tính ban hành nay mai.
2) Nhưng thái độ đối với tính dục nơi Đức Phanxicô không được rõ ràng như thế. Cuộc phỏng vấn của tờ Corriere della Sera vào tuần trước không làm sáng tỏ bao nhiêu các vấn đề liên quan tới ngừa thai, ly dị, đồng tính luyến ái, phái tính và các linh mục ấu dâm.
Một trong những hành vi táo bạo nhất của ngài là phát hành bản câu hỏi chưa từng có để biết xem người tín hữu giáo dân khắp thế giới nghĩ gì về việc Giáo Hội xử lý nền đạo đức học tính dục. Căn cứ vào các kết quả từ Đức, Ái Nhĩ Lan, Phi Luật Tân và Nhật Bản, người ta thấy hố phân cách khá sâu giữa giáo huấn chính thức và tâm tư giáo dân. Người ta đang hy vọng rằng hai THĐ giám mục sắp tới sẽ có những thay đổi về hướng tâm tư của giáo dân.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn của tờ Corriere della Sera, Đức Phanxicô lớn tiếng ca ngợi thông điệp Sự Sống Con Người của Đức Phaolô VI là thông điệp duy trì giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, ngăn cấm việc ngừa thai nhân tạo. Đức Phaolô VI làm thế bất chấp ý kiến của phe đa số trong ủy ban tham vấn ủng hộ việc bãi bỏ này. Dù bị nhiều chống đối từ đó, Đức Phaolô VI đã được Đức Phanxicô coi là "thiên tài tiên tri, đã có can đảm chống lại đa số, bảo vệ kỷ luật luân lý, hãm đà xuống dốc của văn hóa, chống đối chủ nghĩa Tân Malthus, hiện tại và tương lai", dù cho rằng Giáo Hội nên thận trọng áp dụng giáo huấn của mình một cách "nhân từ" trong lãnh vực kiểm soát sinh đẻ nhân tạo.
Đối với hôn nhân đồng tính cũng thế. Đức Phanxicô nhắc lại giáo huấn truyền thống cho rằng hôn nhân phải là "giữa một người đàn ông và một người đàn bà" nhưng thêm: Giáo Hội cần xem xét vấn đề kết hợp dân sự để bảo vệ các quyền dân sự và hợp luật của "nhiều tình huống chung sống khác nhau". Thế rồi, theo chính sách Vallely gọi là bước một bước lùi hai bước, các viên chức Vatican nhấn mạnh rằng trong tiếng Ý, "kết hợp dân sự" có ý nói tới các đám cưới không có đạo chứ không phải các đám cưới đồng tính.
Vấn đề phụ nữ cũng không hơn gì. Đức Phanxicô nói với tờ Corriere della Sera rằng: "Phụ nữ có thể và phải hiện diện nhiều hơn tại những chỗ đưa ra quyết định trong Giáo Hội". Nhưng trước đó, ngài cho biết việc phong chức cho phụ nữ đã được đóng lại, không có chuyện hồng y phụ nữ: "Phụ nữ trong Giáo Hội cần được trân quý chứ không giáo sĩ hóa".
Tuy nhiên, không vấn đề nào đáng lo ngại bằng việc lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Sau phúc trình gay gắt của LHQ lên án Vatican tiếp tục che chở các linh mục phạm tội, Đức Phanxicô không ngần ngại tuyên bố rằng phần lớn việc lạm dụng loại này xẩy ra trong gia đình hơn là trong Giáo Hội và thêm: "Giáo Hội Công Giáo có lẽ là định chế công duy nhất đã hành động một cách trong sáng và có trách nhiệm. Không định chế nào khác đã làm hơn thế. Vậy mà Giáo Hội lại là định chế duy nhất bị tấn công". Vallely cho rằng Đức Phanxicô hình như đang mua thì giờ đối với các vấn đề này.
3) Về cải tổ, điều rõ ràng là bất kể nhãn hiệu cấp tiến hay bảo thủ, ai cũng nhận rằng ngài là người rốt ráo (radical). Ngài muốn có sự thay đổi trong cơ cấu điều hành Giáo Hội, không còn là ông chủ mà là người phục vụ. Về phương diện này, theo Vallely, sự biến đổi đang diễn tiến nhanh chóng.
Ngài đã sa thải các vị hồng y quản trị ngân hàng Vatican, mời các cố vấn bên ngoài vào đóng các trương mục đáng hồ nghi và thiết lập một nhóm để cải tổ cơ cấu dài hạn. Các cố vấn quản trị đang duyệt lại việc kế toán, truyền thông và hệ thống quản trị của Tòa Thánh. Ngài vừa thiết lập Văn Phòng Kinh Tế do một người ngoài đứng đầu, là Đức HY George Pell, người mà tính không nương tay đã mang lại cho ngài hỗn danh "Pell Pot" (nhại Poll Pot) tại quê hương Úc Đại Lợi.
Ngài đã thay thế các vị bảo thủ trong cơ quan cử nhiệm giám mục. Ngài cũng đã thiết lập Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn nhiều quyền hành gồm các vị đại diện 5 châu, tất cả đều chỉ trích Giáo Triều, nhằm đặt kế hoạch cho việc tản quyền tận gốc. Tính hợp đoàn được ngài nhấn mạnh trong việc đưa ra kế hoạch.
Dù gì, theo Vallely, bầu khí theo răm rắp (conformity) và sợ sệt đã được lấy đi. Tháng rồi, Đức Phanxicô đã mời các vị Hồng Y tranh luận vấn đề rước lễ của các người ly dị tái hôn và chọn Đức HY Walter Kasper, một vị cấp tiến vốn chống lại giáo huấn hiện thời, nói chuyện với hội nghị. Khi cuộc tranh luận trở nên nóng bỏng, Đức Phanxicô tỏ ra vui mừng. Ngài nói: "các kình chống huynh đệ và cởi mở luôn phát huy sự lớn mạnh của tư duy thần học và mục vụ. Tôi không sợ điều này; ngược lại, tôi muốn nó".
Vallely cho rằng đối với người ngoài, những điều trên xem ra chỉ như việc tan giá (glacial progress), nhưng bên trong Giáo Hội Công Giáo, xem ra cuộc cách mạng đã bắt đầu rồi.
Ukraine cuộc cách mạng mùa đông 2014 Chế độ độc tài đã sụp đổ!
BY: NAM ĐIỀN TỔNG KẾT
TYMOSHENKO: CHế Độ ĐộC TÀI ĐÃ SụP Đổ!
Những biến cố dồn dập xẩy ra vào ngày thứ bẩy 22.02.2014 đã được các hãng thông tấn quốc tế và các đài truyền hình, phát thanh cũng như các mạng lưới truyền thông điện toán loan tin rộng rãi cho thấy một trang sử mới đang được hình thành tại đất nước Ukraine, sau ba tháng khủng hoảng:
Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu truất phế Tổng thống Yanukovych, vài giờ sau khi ông bỏ văn phòng ở thủ đô Kiev để lánh về miền đông. Kế hoạch tới Nga của ông sau đó không thực hiện được do máy bay bị chặn.
Theo hãng thông tấn Reuters và AFP, quốc hội Ukraine hôm thứ bẩy 22.2 đã đồng loạt bỏ phiếu truất phế TT Viktor Yanukovych và quyết định sẽ bầu cử sớm vào ngày 25.5. Tân chủ tịch quốc hội Oleksander Turchynov cho biết ông Yanukovych đã "từ bỏ trách nhiệm theo hiến pháp, đe dọa chức năng của nhà nước, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine". Các đại biểu quốc hội vỗ tay và hát quốc ca khi thông qua nghị quyết này.
Sự kiện diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Yanukovych rời văn phòng tổng thống ở thủ đô Kiev và tới thành phố Kharkiv, miền đông Ukraine. Người biểu tình tuyên bố chiến thắng ở Kiev sau khi kiểm soát được các tòa nhà chính phủ. Cả văn phòng tổng thống và dinh thự sang trọng của ông Yanukovych ở ngoại ô Kiev đều bị người biểu tình chiếm giữ.
Theo Sky News, Yanukovych cho biết ông sẽ không từ chức và so sánh tình hình hiện nay ở Ukraine với việc quân phát xít lên nắm quyền vào những năm 1930 ở Đức. Trong khi đó, theo chủ tịch Quốc hội Turchynov thì ông Yanukovych vừa bị cấm lên máy bay tới Nga. "Ông ta đã cố lên một máy bay tới Nga nhưng bị cảnh sát biên giới chặn lại. Ông ta hiện đang trốn ở đâu đó tại vùng Donetsk".
Trong một diễn biến khác, cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko, người được mệnh danh là "nữ hoàng khí đốt", vừa được trả tự do. Bà bị bắt năm 2011 vì các cáo buộc lạm quyền, bị kết án 7 năm. Quốc hội Ukraine bỏ phiếu bầu nhất trí trả tự cho ngay lập tức cho lãnh đạo hàng đầu phe đối lập. Bà đã vẫy chào những người ủng hộ khi rời khỏi bệnh viện của nhà tù và tuyên bố "chế độ độc tài đã sụp đổ". Bà Tymoshenko nhận được sự chào đón nồng nhiệt khi xuất hiện trên quảng trường Độc lập, tâm điểm của làn sóng biểu tình và bạo lực suốt ba tháng qua khiến hơn 100 người chết và 500 người bị thương.
Trong bài phát biểu chiều tối thứ bẩy 22.2 trên xe lăn ngay khi được thả trước đám đông khoảng 50.000 người tại quảng trường Độc lập, Kiev, bà đã bật khóc. Bà tuyên bố: "Các bạn là những anh hùng! Các bạn là những gì tốt đẹp nhất Ukraine có! Đất nước Ukraine là của những người tự do. Đây là Tổ quốc của các bạn". Người biểu tình đã triệt tiêu được "bệnh ung thư của chế độ độc tài".
Trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói "không khí hòa bình" đã bao trùm Kiev sau khi TT Yanukovych ra đi.
Thỏa thuận hòa bình mà ông Yanukovych và các lãnh đạo đối lập ký hôm 21.2 nay dường như bị xếp xó sau các diễn biến mới nhất. Nó cũng đã không có tác dụng chấm dứt biểu tình khi các đám đông vẫn trụ lại quảng trường Độc lập và kêu gọi Yanukovych từ chức.
ĐIểM LạI NHữNG BIếN Cố CHÍNH TRONG BA THÁNG BIểU TÌNH
- 21.11.2013: Chính quyền Ukraine hoãn các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu nhằm ưu tiên thắt chặt quan hệ kinh tế với Nga, khiến các nhóm đối lập ủng hộ châu Âu phản đối và kêu gọi biểu tình.
- 8.12: khoảng 500.000 người xuống đường ở Kiev, thủ đô Ukraine, để biểu tình, phong tỏa các tòa nhà chính phủ trong một cuộc đối đầu ngày càng leo thang về tương lai của đất nước. Lực lượng biểu tình thân EU chiếm khu vực quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kiev. Cuộc biểu tình này kết thúc với việc một đám đông kéo đổ tượng Lenin. Đây là hành động phản đối những cuộc thảo luận bí mật giữa tổng thống Viktor Yanukovych và tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc biểu tình lớn nhất ở nước cộng hòa trước kia thuộc Liên Xô kể từ sau Cách mạng Cam đòi dân chủ hồi năm 2004 đã khiến chính quyền phản ứng mạnh.
- 11.12.13: Lực lương an ninh buộc phải rút lui khi tổ chức trấn áp người biểu tình.
- 17.12.13: Tổng thống Viktor Yanukovych sang Moscow, nơi ông đạt được gói hỗ trợ kinh tế trị giá 15 tỷ Mỹ kim. Nga đồng ý giảm mạnh giá gas bán cho Ukraine nhằm hỗ trợ nền kinh tế láng giềng.
- 19.01.2014: khoảng 200.000 người tập hợp ở thủ đô Kiev - Ukraine để tham gia tuần hành chống lại TT Viktor Yanukovych và thách thức lệnh cấm biểu tình. Các vụ đụng độ đẫm máu giữa họ và cảnh sát đã xảy ra, khiến hàng chục người bị thương.
- 22.1: Làn sóng biểu tình tiếp tục diễn ra. Cảnh sát phá vỡ các rào chắn ở trung tâm Kiev. Người biểu tình tấn công lực lượng an ninh bằng đá và bom xăng, nhưng bị đáp trả bằng hơi cay, lựu đạn cay và đạn cao su.
- 28.1: Thủ tướng Mykola Azarov từ chức, quốc hội hủy luật chống biểu tình.
- 2.2: Các lãnh đạo phe đối lập kêu gọi phương tây hỗ trợ tài chính và hóa giải mâu thuẫn ở Ukraine, trước hơn 60.000 người biểu tình ở Kiev.
- 7.2: TT Yanukovych gặp đồng minh, TT Nga Vladimir Putin, bên lề lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Mùa đông ở thành phố Sochi.
- 16.2: Người biểu tình rút khỏi tòa thị chính Kiev, sau khi chiếm giữ tòa nhà từ hôm 1.12, và các công thự khác trong nước. Những người biểu tình bị bắt được ân xá vào ngày hôm sau. Hàng chục nghìn người tập trung trên quảng trường Độc lập.
- 18.2: Bạo lực nổ ra khi 20.000 người biểu tình tuần hành từ quảng trường Độc lập đến trụ sở quốc hội, yêu cầu ông Yanukovych phải bị tước bỏ những quyền hạn quan trọng. Kiev đóng cửa hệ thống tàu điện ngầm và hạn chế giao thông khi người biểu tình tái chiếm tòa thị chính. Cảnh sát chống bạo động phá hàng rào chắn nhưng hàng nghìn người biểu tình từ chối rời khỏi quảng trường Độc lập, đồng thời dùng gạch đá, pháo hoa và bom xăng để đáp trả. Bất ổn lan rộng đến cả phía tây Ukraine, nơi các tòa nhà của chính quyền cũng bị người biểu tình tấn công.
- 19.2: TT Yanukovych thay thế người đứng đầu lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh, tuyên bố chiến dịch "chống khủng bố". Cũng ngày 19.2, trong buổi tiếp kiến khách hành hương vào ngày thứ tư hàng tuần trên quảng trường Thánh Phêro, ĐTC Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Ukraine, sau khi 26 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ở thủ đô Kiev hôm 18.2. Phát biểu trước hơn 50.000 người ở quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô tha thiết kêu gọi: "Tôi vẫn lo âu theo dõi thật sát những diễn biến tại Kiev trong những ngày này. Tôi bày tỏ sự cảm thông với người dân Ukraine và cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo lực cũng như gia đình họ. Tôi kêu gọi tất cả mọi phe ngừng mọi hành động bạo lực và tìm kiếm một thoả thuận hoà bình tại Ukraine".
Ở Kiev, người biểu tình trên quảng trường Độc lập đã tổ chức một buổi cầu nguyện cho những người đã ngã xuống vào tối thứ năm. Họ thắp sáng bầu trời đêm bằng các màn hình điện thoại di động và hô to "Anh hùng, anh hùng" nhằm ám chỉ những người đã thiệt mạng.
- 20.2: Người biểu tình tấn công cảnh sát ở Kiev, phá vỡ một thỏa thuận ngừng bắn mà ông Yanukovych đưa ra và tái chiếm quảng trường Độc lập. Lực lượng an ninh nã đạn vào người biểu tình. Ban y tế phe đối lập cho biết 60 người đã bị bắn chết trong ngày hôm đó. Các ngoại trưởng của Pháp, Đức và Ba Lan cùng một đại sứ của Nga nhóm họp khẩn cấp. Liên minh châu Âu nhất trí trừng phạt giới chức Ukraine.
- 21.2: Thỏa ước sơ bộ cho chính trị cho tương lai Ukraine đã được TT Yanukovich và các phe đối lập ký sau cuộc họp kéo dài gần 6 giờ đồng hồ qua trung gian của các ngoại trưởng Ba Lan, Pháp, Đức: tổ chức bầu cử tổng thống sớm, tiến hành cải cách hiến pháp và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Quốc hội Ukraine bỏ phiếu tái sinh hiến pháp 2004, giới hạn quyền lực của tổng thống.
Tính từ ngày 18.2 tới ngày 21.2, tổng cộng 77 người đã thiệt mạng, trong đó có cả cảnh sát, vì bạo lực ở thủ đô Ukraine. Ngoài con số này, bộ Y tế nước này xác nhận có 571 người bị thương trong 3 ngày bạo lực ở thủ đô Kiev. Con số thương vong do khủng hoảng Kiev được cho là cao hơn nhiều so với thống kê chính thức
VÌ ĐÂU LÊN NÔNG NỗI? UKRAINE TRONG THế GIằNG CO ĐÔNG - TÂY
Các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã được bùng phát từ tháng 11.2013, sau khi TT Yanukovich rút khỏi một thỏa thuận thương mại như dự kiến với Liên minh châu Âu (EU) và thay vào đó quyết định chấp nhận viện trợ của Nga. Trong một quyết định "bất ngờ", chính phủ Ukraine hôm 21.11.2013 đã đình chỉ việc chuẩn bị ký kết thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU), thay vào đó sẽ khôi phục đàm phán về một thỏa thuận với Nga. Đây được xem là một thắng lợi của TT Nga Vladimir Putin trong nỗ lực duy trì quan hệ và ảnh hưởng đối với nước Cộng hòa có vị trí chiến lược quan trọng nhất thuộc Liên Xô (trước đây).
Các nước phương Tây từng cảnh báo TT Yanukovych về việc trấn áp các cuộc biểu tình thân EU, hối thúc ông quay lại châu Âu và triển vọng về một sự phục hồi kinh tế với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi Nga cáo buộc phương Tây can thiệp vấn đề nội bộ của Ukraine.
Ukraine từng xảy ra tình trạng hỗn loạn về chính trị kể từ khi giành độc lập từ Liên Xô cách đây hơn 22 năm, nhưng chưa trải qua bạo lực ở quy mô này trước đây. Các phóng viên nhận định người dân Ukraine đang lo ngại về những gì mà ông Yanukovych có thể đã trao đổi với Nga để được Nga giúp đỡ.
Nhắc lại, thỏa thuận khí đốt giữa tập đoàn Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine đã sửa đổi lại thỏa thuận gây tranh cãi mà cựu thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko ký hồi năm 2009. Đây cũng là lý do khiến bà phải ngồi tù hai năm trước.
Ukraine phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga và các khu vực công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở Đông Ukraine đang đặc biệt lo lắng về giá khí đốt. Khoảng 75% sản phẩm kỹ thuật của Ukraine được xuất sang Nga. Nhưng giao thương giữa hai nước đã giảm trong hai năm trở lại đây, cụ thể là giảm 11% năm 2012 và 14,5% trong năm nay. Kiev hiện cần khoảng 17 tỷ đôla trong năm tới để trả tiền nợ khí đốt của Nga.
Hỗn loạn diễn ra ở Ukraine phản ánh cả sự đấu đá giằng xé trong nội bộ nước này lẫn sự giằng co giữa Nga và phương Tây. Thực ra Ukraine vốn đã bị giằng xé giữa 2 xu hướng thân Nga và thân phương Tây trong suốt 22 năm qua kể từ khi tách khỏi Liên Xô và tuyên bố độc lập vào năm 1991.
Nhóm thân Nga (cũng có tham gia biểu tình ủng hộ chính phủ) cho rằng Nga mới là anh em đích thực, chung truyền thống, chung Chính thống giáo. Họ sợ sự "bành trướng" của phương Tây sẽ làm tan rã, chẳng hạn, các giá trị gia đình của Ukraine. Nga lo ngại rằng một thỏa thuận giữa Ukraine với EU sẽ giúp hàng hóa EU đổ ồ ạt vào nước họ qua ngõ Ukraine. Moscow muốn Kiev gia nhập liên minh hải quan thay vì ký thỏa thuận với EU. Liên minh còn gồm cả Belarus và Kazakhstan, tuy nhiên các lãnh đạo biểu tình xem mô hình này là hiện thân mới của Liên Xô.
Các nhóm muốn thoát khỏi "ảnh hưởng của Nga" thì muốn khẳng định bản sắc Ukraine, chủ quyền của nước này (trước Nga), và trông chờ vào những điều kỳ diệu từ EU. Họ cho rằng Ukraine đã trong vòng "cương tỏa" của Nga hàng mấy trăm năm, từ thời Nga hoàng và Liên Xô. Theo họ, việc chơi với EU, ký kết thỏa thuận hợp tác với EU sẽ giúp Ukraine có thêm "tự do", thị trường rộng lớn, việc làm, kinh tế tăng trưởng và hiện đại. Tuy nhiên thoả thuận này cũng đòi hỏi các cải cách sâu rộng và tốn kém mà chính phủ Ukraine cho rằng sẽ đặt nhiều doanh nghiệp đang phụ thuộc vào giao thương với Nga vào tình thế nguy hiểm.
Nhưng ban lãnh đạo hiện thời của Ukraine tính khác. Nền kinh tế nước này chưa thể cạnh tranh với EU được - "sân chơi" EU đặt ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo và hàng hóa EU nhiều khả năng sẽ tràn ngập thị trường nước này. Hơn nữa, EU thường hay đặt điều kiện về chính trị, trong đó có việc đòi Ukraine phải thả đối thủ không đội trời chung của ông Yanukovych là cựu thủ tướng Tymoshenko, người đã bị giam giữ từ năm 2011.
Trong bối cảnh ấy, Nga trở thành lựa chọn tối ưu khi họ có nhiều khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng của Ukraine. Nga vốn không thể để "mất" Ukraine - từng là nước cộng hòa lớn nhất trong Liên Xô và nay vẫn là nước lớn nhất và có vị trí quan trọng nhất trong không gian hậu Xô viết. Thực tế Nga đã ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh thái độ quay trục của Ukraine sang Nga.
Một chi tiết đáng chú ý là đương kim TT Ukraine Yanukovych có gốc gác Nga, nói tiếng Nga rất thạo còn nói tiếng Ukraine thì không được trôi chảy cho lắm. Ngược lại bà Tymoshenko cũng rất thạo tiếng Nga (bà sinh ra ở vùng nói tiếng Nga của Ukraine) nhưng vẫn thông thạo bản ngữ Ukraine, tự nhận mình luôn "tư duy bằng ngôn ngữ Ukraine" và phản đối việc sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức thứ 2 ở Ukraine.
Cách đây 22 năm, Ukraine trở thành nước độc lập mà không cần một cuộc chiến. Ngay cả xét theo tiêu chuẩn của Đông Âu, lịch sử của Ukraine vô cùng đẫm máu. Ký ức về những biến cố kinh hoàng trong thế kỷ 20 của nước này đã góp phần giảm căng thẳng nội bộ kể từ Ukraine được độc lập vào năm 1991. Nhưng quốc gia này vẫn là một chính thể mỏng manh, chia rẽ giữa người nói tiếng Nga và người nói tiếng Ukraine, bị Moscow thao túng, và hiện nay có nền kinh tế bấp bênh, thâm hụt ngân sách trầm trọng và nợ ngập đầu. Chủ nghĩa dân tộc trước kia chỉ giới hạn ở một số vùng ở miền tây Ukraine, nay đã lan rộng. Những thế lực xung khắc nhau đang tranh giành quyền kiểm soát thủ đô.
Thay vì hiện đại hóa đất nước và xây dựng các thể chế, giới chóp bu quyền lực vơ vét các tài nguyên của đất nước, khiến đất nước dễ bị áp lực từ bên ngoài. Hiện nay một thế hệ người Ukraine mới, những người cảm thấy mình là một phần của Châu Âu, đang đấu tranh để thay đổi toàn bộ hệ thống chính trị và vứt bỏ di sản hậu Xô Viết. Họ không muốn là một phần của cuộc tranh giành quyền lực bên trong cùng một giới chóp bu thối nát. Trên Quảng trường Độc lập, họ nhảy múa và đồng ca một bài tên là "Bức tường" thể hiện tinh thần của họ. "Chúng ta sẽ ở đâu khi cuộc chiến của họ chấm dứt? Liệu chúng ta có thể làm mọi thứ để bức tường này sập đổ?"
Bức tranh Ukraine cũng không phải chỉ có hai màu đen trắng. Không thể nói phiến diện rằng phe biểu tình thì tốt, chính phủ thì xấu, châu Âu hay Hoa Kỳ luôn đúng và Nga thì sai bởi còn có nhiều yếu tố lịch sử, địa lý và dân tộc đan xen trong chuyện Ukraine. Trên thực tế biểu tình ở Ukraine chỉ là sự bùng phát ra ngoài của xung khắc nội bộ ở một xã hội đang đứng ở ngã ba đường. Giới trẻ và người dân phía Tây Ukraine hướng về EU, Hoa Kỳ nhưng láng giềng sát nách họ lại là Nga. Ngày nay, người dân phía Đông có nhiều cảm tình với Nga nhưng người phía Tây tiếp tục nghi ngờ chủ nghĩa Đại Nga và muốn đi về hướng khác. Sau Cách mạng Cam 2004, các nhân vật chính trị Ukraine đều mang khá bè phái, chỉ dựa vào một nhóm ủng hộ cụ thể mà thiếu khả năng liên kết cả nước.
Di sản của quá khứ cũng đang tiếp tục tác động đến tâm tư người dân ở quốc gia 45 triệu dân, thu nhập trên 3000 USD đầu người một năm và thể hiện ra trong các đợt biểu tình.
THAY LờI KếT: VN CÓ THể HọC HỏI ĐƯợC NHIềU ĐIềU Từ CUộC KHủNG HOảNG CHÍNH TRị ĐANG DIễN RA ở UKRAINE?
Nước Ukraine rộng 603.700 km² (gấp đôi Việt Nam) với dân số khoảng 45 triệu là một quốc gia thuộc khu vực Đông Âu. Ukraine đông giáp với Liên bang Nga, bắc giáp với Belarus (Bạch Nga), tây giáp với Ba Lan, Slovakia và Hungary, tây nam giáp với Romania và Moldova và nam giáp với Biển Đen và Biển Azov. Thành phố Kiev là thủ đô của Ukraine. Ukraine là một quốc gia thống nhất gồm 24 tỉnh, một nước cộng hòa tự trị Krym và hai thành phố đặc biệt không thuộc trung ương Kiev và Sevastopol. Đây là một nước theo thể chế cộng hòa bán tổng thống. Ukraine có rất nhiều đảng chính trị, nhiều đảng trong số đó có ít thành viên và không được công chúng biết tới. Các đảng nhỏ thường tham gia vào các liên minh đa đảng (khối bầu cử) cho mục tiêu tham gia vào bầu cử nghị viện.
Về tôn giáo có Chính thống giáo Ukraine - Tòa Thượng phụ Kiev (50.4%), Công giáo Hy lạp Ukraine (8%), Chính thống giáo độc lập Ukraine (7,2%), Công giáo (2,2%), Tin Lành (2,2%), Do Thái (0,6%)
Bài học 1: Dân chúng Ukraine vì đã thấm đòn nhừ tử bài học lịch sử tang thương do chế độ cộng sản đã gây ra, đã để lại và còn đang là căn bệnh ung thư làm tan rã đất nước, chặn họng tự do, kinh tế thụt lùi và càng ngày càng bị thòng lọng kinh tế Nga thắt họng! Đó là căn bệnh ung thu trầm kha cần phải can đảm cắt bỏ.
Bài học 2: Quyết liệt đập tan và kéo đổ tượng Lenin, tượng trưng cho trang lịch sử đau thương của ách thống trị tàn bạo sắt máu của cộng sản búa liềm Nga trong đêm 8.12 kết thúc biểu tình với khoảng 500.000 người xuống đường ở Kiev, thủ đô Ukraine, Cuộc biểu tình lớn nhất ở nước cộng hòa trước kia thuộc Liên Xô kể từ sau Cách mạng Cam đòi dân chủ hồi năm 2004.
Bài học 3: Cương quyết tranh đấu mặc dù tiết đông giá lạnh suốt trong tháng 12.2013 và tháng 1.2014. Dân chúng tiếp tế bánh, rượu, củi đốt, lốp xe và ngay cả gỡ lượm đá trên các đường phố làm khí giới tự vê.
Bài họ 4: Lòng ái quốc chân chính thiêu đốt, đức tin quả cảm nung nấu, tình thần dân tộc độc lập quả cảm, tiếng mẹ đẻ Ukraine được nêu cao…
Giờ đây trong khúc quanh lịch sử này toàn dân Ukraine cần nắm tay nhau, nhìn về tương lai, hàn gắn những đổ vỡ vật chất và tinh thần… Các bức tường phân rẽ về chủng tộc, chính trị, kinh tế, văn hoá và ngay cả tôn giáo vẫn còn đó. Trên Quảng trường Độc lập, đám đông biểu tình đã nhảy múa và đồng ca một bài tên là "Bức tường": "Chúng ta sẽ ở đâu khi cuộc chiến của họ chấm dứt? Liệu chúng ta có thể làm mọi thứ để bức tường này sập đổ?" (theo BBC, Nydailynews, Reuter, AFP, các nhật báo Pháp)
Hoàng Sa - Trường Sa có còn của Việt Nam?
BY: PHẠM TRẦN
Ngày 19.01.2014 đánh dấu 40 năm Trung Cộng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và đến ngày 14.03.2014 lính Trung Cộng vẫn tiếp tục chiếm giữ 8 đảo đá ngầm ở Trường Sa trong 26 năm nhưng Nhà nước và quân đội cộng sản Việt Nam chưa có bất cứ hành động nào để đòi lại, ngay cả việc kiện Trung Cộng ra trước Tòa án Quốc tế cũng không dám làm thì chủ quyền lãnh thổ có còn không?
Tìm câu trả lời không khó. Sau đây là những bằng chứng Nhà nước CSVN đã thuần phục Trung Cộng theo phương châm 16 chữ vàng "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt":
- Thứ nhất, Nhà nước cấm dân không được tổ chức tưởng niệm các chiến sỹ và đồng bào đã bỏ mình trong 2 trận chiến chống quân Trung Cộng xâm lăng và giết hại trên 40,000 quân và dân trong cuộc chiến tranh biên giới thứ nhất từ 17-02 đến 18.03.1979 và cuộc chiến thứ 2 từ 1984 đến 1986 ở Vị Xuyên (Hà Tuyên), nay là Tỉnh Hà Giang.
Nhưng tại sao học trò Việt Nam không được Bộ Giáo dục và đào tạo cho học về cuộc chiến này?
Trong sách giáo khoa môn Sử lớp 12, họ chỉ viết 10 dòng về cuộc chiến đẫm máu năm 1979 mà không nói gì đến cuộc chiến thứ hai ở Vị Xuyên.
Cuốn sách có đến 11 tác giả, đứng đầu bởi ông Phan Ngọc Liên, tổng chủ biên chỉ ghi lại có vỏn vẹn như sau:
"Bảo vệ biên giới phiá Bắc: Hành động thù nghịch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như: cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng lên sự kiện "nạn kiều", cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn sáng 17.2.1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đòan mở cuộc tiến quân dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).
Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18.3.1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta." (Trang 207, Lịch sử 12, Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam, tháng 01 năm 2012)
Thương vong nhân mạng và thiệt hại vật chất của phía Việt Nam trong cuộc chiến này như thế nào? Tại sao giấu đi, với mục đích gì?
Tại sao lại không nói gì đến cuộc chiến đẫm máu từ 1984 đến 1990 buộc quân Việt Nam phải rút khỏi tại cao điểm 1.502 (Núi Đất hay Lão Sơn) ở huyện Vị Xuyên (Tỉnh Hà Giang).
- Thứ hai, Việt Nam đã bị ép nhượng đất cho Trung Cộng như thế nào trong các cuộc đàm phán phân định ranh giới lãnh thổ hai nước.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ của CSVN tại Bắc Kinh từ 1974 đến 1989 nói: "Đánh ta năm 1979 một mặt gạt bỏ sự hàm ơn của ta đối với những giúp đỡ trước đây của nhân dân Trung Quốc, mặt khác tự phơi bày ý đồ vụ lợi trong sự viện trợ cho ta. Khi không đạt được thì trở mặt. Năm 1984, Trung Quốc huy động một trung đoàn với hỏa lực mạnh liên tục tấn công bắn giết phân đội quân ta đóng giữ cao điểm 1.502 (Núi Đất hay Lão Sơn) ở huyện Vị Xuyên, cuối cùng chiếm lấy cao điểm ấy làm điểm quan sát từ xa, nhòm vào nội địa ta. Ở biên giới phía Bắc nước ta từ trước đến nay, dân hai bên đã có những việc xâm canh, xâm cư, dân ta cũng có một số điểm xâm canh sang đất Trung Quốc, diện tích không đáng kể, dân Trung Quốc xâm canh, xâm cư sang nước ta tại rất nhiều điểm, tổng diện tích khá lớn. Trong đàm phán phân định biên giới, Trung Quốc luôn nêu lên "phân định theo hiện trạng", tranh luận qua lại, Trung Quốc luôn nêu "nhân nhượng lẫn nhau vì đại cục (?), cuối cùng Trung Quốc vẫn ăn hơn thì mới chịu. Thác Bản Giốc vốn của ta nay họ chiếm đứt được một nửa. Xưa Nguyễn Trãi tiễn cha đến tận ải Nam Quan, trước nay ta vẫn nói đất nước ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, sau đàm phán, biên giới nước ta tụt lùi xuống mãi đến chợ Tân Thanh, đối diện đã là trụ sở hải quan của Trung Quốc…." (17.03.2010, Bauxite Viet Nam).
Như vậy rõ ràng Việt Nam đã mất một phần đất "không nhỏ" về tay Trung Cộng, rõ rệt là phần đẹp nhất của Thác Bản Giốc.
Thứ ba, đảng CSVN đã âm thầm chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp của quân đội Trung Cộng trên 8 đảo đá ngầm họ chiếm của Việt Nam trong trận chiến ở quần đảo Trường Sa ngày 14.03.1988, quan trọng nhất là các bãi Colin, Len Đao và Gạc Ma. Có 64 binh sỹ Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống quân xâm lược này.
Nhà nước Việt Nam đã không có bất cứ hành động nào chiếm lại mà còn để cho Trung Cộng tự do đưa tầu võ trang của Hải Quân đến kiểm soát an ninh trong khu vực. Các tầu Hải giám và Kiểm ngư của Trung Cộng còn tự do bảo vệ hàng trăm tầu đánh cá của ngư dân Trung Cộng đến đánh bắt tự do trên vùng biển Trường Sa. Trung Cộng còn thiết lập các khu vực nuôi cá ở Trường Sa mà Việt Nam không dám phản đối hay phá bỏ.
Trung Cộng còn ngang ngược đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông mỗi năm khỏang 3 tháng, bắt đầu từ tháng Năm. Năm 2013, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm đánh bắt từ ngày 16.5 đến 01.8.2013 gây thiệt hại cho ngư dân Việt Nam và công khai vi phạm vào vùng biển của Việt Nam.
Wu Zhuang, giám đốc cục thủy sản Biển Đông thuộc bộ nông nghiệp Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã của Trung Cộng rằng: "Việc thúc đẩy tuần tra ngư nghiệp thường xuyên xung quanh quần đảo Trường Sa là ưu tiên hàng đầu trong việc thực thi luật ngư nghiệp."
Việt Nam, như thường lệ chỉ biết "phản đối bằng nước bọt" cho có lệ.
CÁC ANH HÙNG HOÀNG SA LÀ AI?
Thứ bốn, vì sợ mất lòng Trung Cộng, Nhà nước CSVN không dám nhìn nhận và ghi ơn 74 Quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Hòang Sa từ ngày 17.01 đến 19.01.1974.
Trung Cộng đã từ chối không nói chuyện về Quần đảo Hoàng Sa với Việt Nam mà lãnh đạo Việt Nam không dám phản đối để tiếp tục theo đuổi phương châm "vừa là đồng chí vừa là anh em" với Trung Cộng.
Ngay đối với 64 chiến sỹ Quân đội Nhân dân hy sinh ở Trường Sa, nhà nước không dám tổ chức lễ tưởng niệm trong phạm vi lớn cả nước mà chỉ để cho Hải Quân tổ chức hạn chế và không dám nói thẳng lính và tầu chiến của Trung Cộng đã tấn công chiếm đảo của Việt Nam.
Mãi đến ngày 31.12.2013, Hải quân Việt Nam mới dám nói đích danh Trung Cộng đã đem quân chiếm một số bãi đá ngầm của quần đảo Trường Sa.
Báo Tuổi trẻ Online tường thuật: "Tàu Hải quân Việt Nam khi qua khu vực các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam luôn tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện 14.3.1988 - chống Trung Quốc xâm chiếm quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trong diễn văn của mình, thượng tá Ngô Duy Đỗ, phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn Trường Sa, trưởng đoàn công tác, nhấn mạnh: "Ở vùng biển này, cách đây gần 26 năm đã diễn ra trận chiến đấu quyết liệt, quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146-Trường Sa anh hùng, của các tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505, Trung đoàn công binh 83 chống lại cuộc tấn công trắng trợn, bất ngờ của Hải quân Trung Quốc… Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta trên biển Đông nhưng đối phương đã đưa lực lượng lớn xuống quần đảo Trường Sa, ngang nhiên dùng vũ lực chiếm giữ trái phép một số bãi đá ngầm của ta, gây nên sự kiện 14.3.1988, làm cho tình hình càng thêm căng thẳng, phức tạp".
Ai cũng biết tình hình phức tạp và có nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở Biển Đông là do Trung Cộng gây ra nhưng phía đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam thì vẫn cổ võ việc dùng "biện pháp hòa bình" để giải quyết xung đột.
Câu sáo ngữ này, từ 40 năm qua đối với Hòang Sa và 26 năm đối với Trường Sa chỉ như "đàn gẩy tai trâu" vì Trung Cộng đã tăng cường binh lính và tầu chiến để thi hành "chiến lược biển" của chủ tịch Tập Cận Bình ở Biển Đông. Trung Cộng cũng "chủ quyền hoá" vùng biển "đường Lưỡi Bò" chiếm 85% diện tích Biển Đông bằng cách tổ chức chính quyền cơ sở ở Tam Sa (Hoàng Sa (của Việt Nam), Trung Sa (gồm bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough cùng vùng biển xung quanh tranh chấp giữa Trung Cộng và Phi Luật Tân) và Trường Sa (của Việt Nam).
"Thiện chí hòa bình" của nhà nước Việt Nam đối với tranh chấp biển đảo với Trung Cộng, chỉ phản ảnh tính "nhu nhược" của một nhà nước có chủ quyền bởi vì Việt Nam có thể kiện Trung Cộng ra trước Tòa án Quốc tế như Phi Luật Tân đã làm ngày 22.01.2013 theo Luật Biển năm 1982.
Nhưng việc Việt Nam không dám kiện Trung Cộng như Phi Luật Tân là một bằng chứng khác chứng minh lãnh đạo Việt Nam rất sợ hãi Bắc Kinh như đã chứng minh trong thỏa hiệp "hợp tác cùng phát triển" ở Biển Đông sau chuyến thăm Hà Nội 2 ngày (13 - 15.10.2013) của thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường (Li Keqiang).
Tuyên bố chung Hà Nội đã đem thắng lợi cho Trung Cộng vì thực tế đã xác nhận chính sách nhất quán từ xưa đến nay của Trung Cộng vẫn là làm theo chỉ đạo của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) đưa ra từ năm 1979, đó là:"chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác"
Lập trường này, một lần nữa đã được chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình lập lại với Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Cộng trong phiên họp ngày 30.7.2013 tại Bắc Kinh.
Ông Tập Cận Bình lưu ý các ủy viên bộ chính trị rằng "Trung Quốc phải kiên trì phương châm "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác" để thúc đẩy các hoạt động hợp tác hữu nghị cùng có lợi (trên các vùng biển tranh chấp, tức Biển Đông và Biển Hoa Đông)." (Theo Báo Giáo dục Việt Nam, 01.08.2013)
Thứ Năm, nhà nước cộng sản Việt Nam tìm mọi cách ngăn chận không cho người dân biểu tình phản đối Trung Cộng đàn áp, bắn giết ngư dân Việt Nam trên Biển Đông; xâm chiếm biển đảo của Việt Nam và còn lùng bắt những ai viết bài chống Trung Cộng là những việc làm phản tuyên truyền và chỉ có lợi cho Bắc Kinh.
Nếu đảng và chính phủ Việt Nam tin rằng chống Trung Cộng chỉ là cái cớ để người dân và các "thế lực thù địch" lợi dụng chống đảng và chống nhà nước nhằm gây mất ổn định để lật đổ chính quyền, xóa đảng thì việc đảng bị nhân dân xa lánh là điều tất yếu.
Tư duy xuyên tạc và chụp mũ này của đội ngũ những người làm công tác tư tưởng và bảo vệ an ninh cho đảng đã chia rẽ thay vì đoàn kết và gây thêm hận thù thay vì hòa giải với nhân dân là một sai lầm chính trị chỉ làm lợi cho kẻ thù.
ĐẢNG CSVN HÃY TRẢ LỜI
Vì vậy, lãnh đạo đảng và nhà nước hãy can đảm trả lời cho dân biết:
- Tại sao đảng không dám suy tôn 74 anh hùng liệt sỹ Việt Nam Cộng Hòa đã đổ máu hy sinh bảo vệ lãnh thổ của Tổ Quốc tại Hoàng Sa tháng 01/1974?
- Phải chăng đảng và nhà nước, sau 38 năm thống nhất đất nước, vẫn còn hận thù 74 liệt sỹ Việt Nam Cộng hòa để gia đình họ bị vô ơn, bạc nghĩa chỉ vì 40 năm trước đây họ không phải là lính cộng sản?
Cuộc sống cô quạnh, thiếu thốn không có chỗ ở của Bà Huỳnh Thị Sinh, goá phụ trung tá VNCH Ngụy Văn Thà, chỉ huy hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 đã hy sinh tại Hoàng Sa là một bằng chứng của sự vô ơn này.
- Tại sao hàng năm nhà nước không dám tổ chức lớn các buổi tưởng nhớ đến công lao của 64 liệt sỹ quân đội nhân dân bỏ mình tại Trường Sa tháng 03.1988?
- Tại sao nhà nước lại cấm dân không được tổ chức truy điệu đồng bào và chiến sỹ đã hy sinh trong 2 cuộc chiến biên giới chống Trung Cộng xâm lăng từ 1979 đến 1990?
- Tại sao dân biểu tình chống các hành động chiếm đóng lãnh thổ Việt Nam của Trung Cộng lại bị công an đàn áp dã man?
- Tại sao, cho đến năm 2013, lịch sử "bây giờ" về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn chưa được viết vào sách giáo khoa để dậy cho học sinh và sinh viên?
- Tại sao lại có những sách dậy trẻ mầm non xuất bản có cờ Trung Cộng và có hình Việt Nam với hình "lưỡi bò" ở Biển Đông mà lại không có, hoặc có nhưng rất nhỏ về 2 Quần đảo Hòang Sa và Trường Sa?
- Tại sao nhiều khu đất "bờ xôi ruộng mật", nhiều vùng đất chiến lược quốc phòng và nhiều vùng biển "hái ra bạc khạc ra tiền" đã "rơi" vào tay người Hoa?
- Tại sao lại có nhiều phố Tầu và làng Tầu được phép mọc lên giữa làng xóm hiền hòa Việt Nam?
- Tại sao các công trường, nhà máy do người Hoa làm chủ lại là những "mật khu" bất khả xâm phạm đối với người Việt Nam ngay trên lãnh thổ của tổ tiên mình?
- Tại sao hàng triệu người Việt không có công ăn việc làm mà nhiều chục ngàn người Hoa lại được thong dong đưa vào Việt Nam lấy mất công việc của công nhân bản xứ?
- Tại sao nhà nước có dư công an và côn đồ đi bảo vệ các nhóm lợi ích và Chủ đầu tư để đàn áp dân chống cưỡng chế đất đai hay đi khiếu kiện đòi công bằng thì lại thiếu lực lượng an ninh đi lùng bắt số người Hoa cự ngụ bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, và để cho thương lái người Hoa tiếp tay phá họai nền nông nghiệp của Việt Nam?
- Sau cùng, tại sao Việt Nam lại để cho Trung Cộng "ăn sâu, bám rễ" vào dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên để bây giờ thua lỗ đã trông thấy trước mắt mà tương lai vẫn còn mù mịt tăm hơi?
Tất cả những thắc mắc này đều có liên quan đến chủ quyền và quyền tự hào dân tộc. Chúng cũng chứa tiền lẫn mồ hôi, nước mắt của người dân mà đảng và nhà nước có hay?
Trước những nỗi đau ấy của dân thì ai là người có bản lĩnh trong lãnh đạo Việt Nam có thể cho dân biết đến bao giờ mới có ngày trở về với Tổ quốc của Hoàng Sa và những phần đảo Trường Sa bị Trung Cộng chiếm đóng, hay sẽ chẳng bao giờ?
Ngày 22.01.2013, Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong đơn khởi kiện Philippines nêu 13 yêu sách cụ thể, trong đó nội dung quan trọng nhất là Philippines yêu cầu Toà ra phán quyết yêu sách "đường lưỡi bò" vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và không có giá trị. Trung Quốc tìm mọi cách phản đối, ngăn cản vụ kiện; chĩa mũi nhọn công kích Philippines cả trên mặt trận ngoại giao lẫn trong tuyên truyền và trên thực địa, hòng gây sức ép buộc Philippines phải từ bỏ vụ kiện. Mặc dù vậy, Philippines vẫn kiên trì theo đuổi vụ kiện và tiến trình của Toà Trọng tài vẫn diễn ra theo đúng các trình tự được quy định trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982. Toà Trọng tài đã được thành lập với 5 Trọng tài viên do ông Ghana là chủ tịch Toà Trọng tài. Toà Trọng tài cũng đã tiến hành cuộc họp đầu tiên thông qua Quy tắc tố tụng của Toà và ấn định thời gian biểu cho Philippines nộp bản Biện hộ. Nhiều nước như Ấn Độ, Nhật, EU, Mỹ… đã lên tiếng công khai ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp Biển Đông tại các cơ quan tài phán quốc tế, bao gồm Toà Trọng tài, ủng hộ vụ kiện của Philippines; phản đối việc Trung Quốc gây sức ép đối với Philippines trên vấn đề vụ kiện. Nhiều học giả, luật sư, nhà nghiên cứu cũng đã lên tiếng ủng hộ cho việc giải quyết tranh chấp thông qua Toà Trọng tài. Vụ kiện đã mở ra một cục diện mới cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng pháp lý. Các nước liên quan cần có sự hỗ trợ tích cực cho vụ kiện của Philippines thành công và không thể đứng ngoài.
Trong năm 2013, Malaysia tỏ ra kiên quyết hơn trên vấn đề Biển Đông; không chấp nhận yêu sách "đường lưỡi bò" và không chấp nhận "cùng khai thác" trên thềm lục địa của Malaysia; tăng cường đầu tư vào lĩnh vực an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực của hải quân; nâng cấp và mở rộng căn cứ quân sự tại Bintulu Sarawak, nằm gần bãi ngầm Tăng Mẫu; chủ động đề nghị tiến hành cuộc gặp 4 nước ASEAN liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông (Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei) để thống nhất lập trường trên vấn để Biển Đông.
Nelson Mandela một vĩ nhân đi vào hồn lịch sử của thế giới
BY: THANH SƠN
Tổng thống Jacob Zuma thông báo vào đêm 05.12.2013 cho đất nước Nam Phi và toàn thế giới "MỘT VĨ NHÂN VỪA RA ĐI".
Ông là biểu tượng của hòa bình và hòa giải dân tộc, là cựu tù nhân chính trị, là Tổng thống đầu tiên của Nam Phi đa sắc tộc 1994-1999, xứng đáng nhận Nobel Hòa bình 1993, vừa thanh thản ra đi, thọ 95 tuổi, để lại niềm thương tiếc cho đất nước Nam Phi và toàn thế giới.
Đúng thế, Ông Nelson Mandela đã để lại những di sản vô giá không chỉ cho người dân Nam Phi mà cho cả cộng đồng nhân loại là đức tính quả cảm, kiên nhẫn, khoan dung, không hận thù, tình thương và tôn trọng nhân phẩm giá trị cao quý con người.
Sự ra đi của Nelson Mandela tạo niềm thương tiếc vô biên không chỉ cho 53 triệu người dân Nam Phi mà cho toàn thể nhân loại. Chắc chắn người dân Nam Phi sẽ mãi mãi ghi nhớ ông như một người cha, "Tata" gọi theo tiếng Nam Phi, một vị Tổng Thống da đen Nam Phi đầu tiên đã cống hiến cả cuộc đời tranh đấu chống lại chính sách kỳ thị chủng tộc và cuối cùng đã chiến thắng giành lại quyền tự do dân chủ cho đại đa số người dân da đen trong tinh thần bất bạo động. Hơn thế nữa ông cũng còn được xem như nhà lãnh đạo được quý mến, kính trọng nhất trong số những nhà lãnh đạo trên toàn thế giới vào cuối thế kỷ 20, là mẫu gương, là biểu tượng cho sự vận động tự do, dân chủ, nhân quyền, chuyển giao quyền lực một cách hòa bình trong tinh thần hòa hợp và tôn trọng.
SƠ LƯỢC VỀ ĐẤT NƯỚC NAM PHI VÀ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI KỲ THỊ APATHEID
Nam Phi có một lãnh thổ rất lớn, rộng gấp bốn Việt Nam, với nhiều tài nguyên vượt hơn các nước Phi Châu khác. Ngoài canh nông, xứ này có trữ lượng rất cao về kim cương, vàng và một kho kim loại hiếm rất cần thiết cho nền công nghiệp.
Những bộ lạc của nhiều tộc đã có mặt ở đây nhiều ngàn năm trước. Nhưng lịch sử thành văn của Nam Phi bắt đầu với những tường thuật của các nhà hàng hải Châu Âu đi qua Nam Phi trên những con đường thương mại Đông Ấn. Nhà hàng hải Châu Âu đầu tiên đi vòng quanh Cape (Mũi Hảo Vọng) bằng đường biển là nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Bartolomeu Dias năm 1488. Mũi Hảo Vọng là nơi những nhà hàng hải Bồ Đào Nha thường làm nơi nghỉ chân. Đây là một con đường hàng hải đầy hứa hẹn tới Ấn Độ giàu có, mà Bồ Đào Nha đang gắng sức thực hiện.
Khoảng hai thế kỷ sau đó 1688, Những người hàng hải Hòa Lan tranh giành với người Bồ Đào Nha và thành lập một số khu định cư đánh cá nhỏ do ông Jan van Riebeeck tại Mũ Hảo Vọng. Cho những công nhân của công ty Đông Ấn và Hoa Lan. Trong suốt thế kỷ mười bảy và mười tám, những khu định cư phát triển chậm chạp nhưng vẫn thuộc sở hữu của người Hòa Lan. Những người định cư Hòa Lan cuối cùng gặp những người Anh và chiến tranh xảy ra.
Vương quốc Anh đã nắm quyền kiểm soát vùng Mũi Hảo Vọng từ năm 1795 và người Anh đã sát nhập Thuộc địa Cape năm 1806. Và củng cố chúng bằng cách khuyến khích người Anh tới định cư.
Sự phát hiện mỏ kim cương năm 1867 và vàng năm 1886 đã thúc đẩy phát triển nền kinh tế, và làn sóng nhập cư tăng thêm.
Một trong những điều khoản chính của hiệp ước chấm dứt chiến tranh là ‚Người da đen‘ sẽ không được phép bầu cử, ngoại trừ tại Thuộc địa Cape. Từ 1948 bắt đầu luật chế độ Apatheid ra đời sự phân biệt đối xử rất là bất công với người da đen. Và ở đâu có bất công thì ở đó có đấu tranh cho nhân quyền.
NELSON MANDELA CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
Ông sinh ra vào năm 1918 tại vùng nông thôn Transkei, thuộc tỉnh Eastern Cape, xuất thân từ bộ tộc Thembu; cha ông là vị tộc trưởng hội đồng bộ tộc, do đó ông thấm nhuần tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng và tự hào về bộ tộc mình. Cha qua đời khi Nelson mới lên 9 tuổi. Ông được học trung học của những nhà truyền đạo người Anh Quốc.
Năm 22 tuổi ông lên thành phố Johannesburg với 2 bàn tay trắng, đây được xem như thành phố lớn nhất Nam Phi. Ông xin được một chân gác đêm tại Crown Mines để sinh sống và học thêm.
"Nơi đây ông gặp gỡ nhiều nhà hoạt động da đen và tham gia tổ chức African National Congress (Nghị Hội Dân Tộc Phi) gọi tắt là ANC[1]. Tiền thân cuả tổ chức này, Nghị hội Dân tộc Nam Phi bản địa [South African Native National Congress] thành hình năm 1912 để chống chính sách kỳ thị người da đen của chính phủ do người da trắng thiểu số lãnh đạo. Phong trào chống chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc sau đó mở rộng kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần và từ đó chấp nhận những người theo chủ nghĩa cộng sản. Đến năm 1923 SANNC trở thành ANC và có phân đảng quân sự".
Một thời gian sau thì bị đuổi việc gác đêm tại Crown Mines. 1941-1943, Nelson Mandela làm thư ký tập sự nơi một thị trấn cạnh Johannesburg. Trong thời gian này tại Johannesburg ông tốt nghiệp lớp hàm thụ ban đêm chương trình cử nhân tại đại học Nam Phi năm 1943, và muốn theo đuổi sự nghiệp chính trị như một luật sư.
Năm 1943 Nelson Mandela ghi tên theo học Luật tại đại học University of Witwatersrand và gia nhập Đoàn Thanh niên ANC. Đam mê đấu tranh chính trị khiến Mandela rớt năm cuối và không tốt nghiệp Luật tại ĐH Witwatersrand năm 1949.
1950 Nelson Mandela tiếp tục hoạt động với ANC và chịu ảnh hưởng chủ nghĩa cộng sản và Duy vật biện chứng. 1952 Nelson Mandela bắt đầu làm việc với tổ hợp luật H.M. Basner. Đến tháng 8, 1953 ông qua kỳ khảo hạch và làm việc như một luật sư văn phòng luật sư Terblanche and Briggish.
Ông bị bắt vào tháng 12.1956 cùng với 156 người hoạt động da đen khác. Với chủ trương đấu tranh bất bạo động. Sau sáu năm xét xử, toà kết luận Nelson Mandela vô tội.
Ông vẫn tiếp tục tìm cách đi vận động chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc không chỉ ở Nam Phi và nhiều quốc gia thuộc châu phi và liên kết với giới lãnh đạo ở Anh quốc.
Ông bị bắt lại vào năm 1962 với tội phạm nghiêm trọng hơn là chủ mưu hoạt động cách mạng vũ trang, bạo động và phá hoại bị kết án chung thân khổ sai và đầy sang đảo Robben. Trong phiên tòa này ông đã đọc bài diễn văn lịch sử dài 4 tiếng đồng hồ nói lên khát vọng tự do dân chủ, triết lý chính trị của ông và chấm dứt với câu để đời "Đây là một lý tưởng mà tôi theo đuổi và mong nó sẽ thành hiện thực. Nhưng, lạy Chúa, nếu cần thì đó có thể là là một lý tưởng mà tôi sẵn sàng để chết."
Sau vụ án, nhiều người Nam Phi da trắng tin rằng tổ chức ANC không còn nữa, và sự nghiệp chính trị của Nelson Mandela xem như chấm dứt. Có người nghĩ rằng ông sẽ phải chết trong tù.
Nhưng qua trại tù đã không làm nhụt đi ý chí, quyết tâm mà nghịch lại là nơi đã giúp ông gia tăng nội lực tinh thần, tính nhân bản, sức phán đoán, nhận định chính trị. Qua những lời như sau, "Người tước đoạt tự do của người khác cũng là một tù nhân của lòng hận thù, bị giam cầm đằng sau song sắt của thiên kiến và hẹp hòi." Ngoài ra ông vẫn tiếp tục theo đuổi học ngành luật trong tù, không ngừng vận động với thế giới bên ngoài qua thư từ, yêu cầu ủng hộ cho phong trào chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc.
Theo thời gian chính nghĩa, lẽ phải tất thắng, phong trào chống chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc lên cao, được sự đồng tình ủng hộ nhiều quốc gia trên thế giới. Vào năm 1989 Tổng thống Nam Phi da trắng phải đồng ý nói chuyện thương lượng với ông trong nhà tù, chuẩn bị phóng thích ông. Tháng 2 năm 1990 tân Tổng thống Nam Phi De Klerk ra lệnh thả tự do cho ông sau 27 năm bị cầm tù.
Vào tháng 4 năm 1994 cuộc tổng tuyển cử tự do, mỗi người dân Nam Phi dù trắng hay đen có quyền sử dụng lá phiếu lựa chọn người mình tin tưởng và Nelson Mandela đã thắng cử, trở thành vị Tổng Thống da đen đầu tiên của nước Nam Phi. Khi đó ông được 75 tuổi. Một trong những mục tiêu đầu tiên của ông là hòa hợp, hòa giải với khối người da trắng, và ngay cả những kẻ thù của ông, những người hành hạ, bỏ tù ông, phế bỏ chính sách kỳ thị chủng tộc, bất bình đẳng, phân chia giàu nghèo. Trong buổi lễ nhậm chức ngày 10 tháng 5 năm 1994 ông nói:
"Chúng ta đã chiến thắng trong nỗ lực gieo hạt giống niềm tin cho hằng triệu con người. Chúng ta đồng thuận cùng xây dựng một xã hội mà trong đó mọi người Nam Phi, da đen lẫn da trắng có thể tin tưởng hãnh diện không còn sợ hãi, đảm bảo quyền tối thượng cao quý nhất của con người, một quốc gia đa chủng tộc sống hòa bình với chính mình và với thế giới."
Sau 5 năm cầm quyền, ông quyết định không tái tranh cử Tổng Thống mặc dù xác suất tái đắc cử rất cao, một lần nữa ông đã làm tấm gương sáng cho những nhà làm chính trị trên toàn thế giới cho những chế độ mù quáng bám chặt vào quyền lực để có thể hy sinh hằng triệu mạng sống của người khác.
Ông còn được xem như người nhận nhiều bằng tưởng thưởng, huy chương cao quý nhất của nhiều quốc gia trên toàn thế giới, với hơn 250 giải thưởng, trong số đó có giải Nobel Hòa bình vào năm 1993 cùng với cựu Tổng thống De Klerk.
NHỮNG TUYÊN BỐ VÀ CÂU NÓI BẤT HỦ CỦA NELSON MANDELA
Khi phải đối mặt với án tử hình, trong phiên xét xử tại một tòa án ở Rivonia tháng 4.1964
Ông Mandela nói: "Tôi đã dành cả cuộc đời mình, không màng đến bản thân để đấu tranh vì người dân châu Phi. Tôi đã chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi cũng chiến đấu chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi đã ấp ủ lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, trong đó tất cả mọi người sống với nhau trong sự hài hòa và cơ hội được chia đều. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng có thể sống để chứng kiến nó thành hiện thực. Nhưng nếu cần, tôi sẵn sàng chết vì lý tưởng đó".
Khi được phóng thích sau 27 năm ngồi tù, phát biểu trước công chúng từ ban công của Tòa thị chính Cape Town ngày 11.02.1990
"Nhân danh hòa bình, dân chủ và tự do cho tất cả chúng ta, xin chào các bạn. Tôi đứng đây trước các bạn không phải như là một nhà tiên tri mà như là một người đầy tớ khiêm tốn của các bạn. Sự hy sinh không mệt mỏi và anh dũng của của các bạn đã cho tôi cơ hội có mặt ở đây ngày hôm nay. Vì vậy, tôi nguyện dành phần đời còn lại phục vụ các bạn".
Về vấn đề phân biệt chủng tộc, trong cuốn tự truyện Long Walk to Freedom được xuất bản vào năm 1994.
Ông Mandela viết: "Không ai sinh ra đã ghét những người khác màu da với mình hoặc có nền giáo dục không tương xứng hay khác biệt về tôn giáo. Mọi người phải học để ghét và nếu họ có thể tìm hiểu để ghét thì họ cũng có thể được dạy để yêu, vì tình yêu đến theo cách tự nhiên hơn là sự thù địch".
Nói về tự do: "Tôi rất quý tự do của tôi nhưng tôi còn quan tâm nhiều hơn tới tự do của các bạn. Tự do mà người ta đang kêu gọi dành cho tôi có nghĩa gì khi mà Tổ chức ANC (Đại hội dân tộc Phi) vẫn bị mất tự do?".
Nói về lòng can đảm: "Tôi đã học được rằng, lòng can đảm không phải là sự vắng mặt của sự sợ hãi mà là sự chiến thắng sợ hãi. Tôi thậm chí còn không thể nhớ nổi mình đã cảm thấy sợ bản thân mình bao nhiêu lần, nhưng tôi giấu nó đằng sau vỏ bọc của sự táo bạo. Một người đàn ông dũng cảm không có nghĩa là anh ta không cảm thấy sợ hãi, nhưng anh ta có thể chiến thắng nỗi sợ hãi đó".
Trong lễ nhậm chức ở Pretoria, tháng 05.1994: "Không bao giờ, không bao giờ và không bao giờ vùng đất xinh đẹp này một lần nữa phải nếm trải sự áp bức bóc lột của người khác và phải chịu sự sỉ nhục là một nơi tồi tệ của thế giới".
Về cuộc Mỹ cầm đầu tấn công Iraq tháng 09.2002: "Chúng tôi thực sự bàng hoàng khi một nước, dù đó là một siêu cường hay chỉ là một nước nhỏ sẵn sàng bỏ qua Liên Hợp quốc để tấn công vào một quốc gia độc lập. Không một quốc gia nào có thể tự cho phép mình hành động như vậy".
Về cái chết, trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1996: "Chết là một điều gì đó không thể tranh khỏi. Khi một người đàn ông đã làm những gì ông xem là nhiệm vụ của mình với người dân và đất nước, ông ta có thể yên nghỉ thanh thản. Tôi tin rằng mình đã nỗ lực hết sức và đó là lý do tại sao tôi sẽ thảnh thơi an nghỉ trong cõi vĩnh hằng".
Dưới đây là một số tuyên bố sâu sắc khác của ông Mandela.
"Tôi không phải là một đấng cứu thế, tôi là một người đàn ông bình thường đã trở thành một nhà lãnh đạo vì hoàn cảnh đặc biệt".
"Nếu bạn muốn dàn hòa với kẻ thù của bạn, bạn phải làm việc với anh ta. Sau đó, anh ấy sẽ trở thành đối tác của bạn."
"Lòng tốt của con người tựa như một ngọn lửa, ngọn lửa này có thể bị ẩn đi nhưng không bao giờ bị dập tắt".
"Sau khi leo lên một ngọn đồi lớn, người ta chỉ thấy rằng có nhiều ngọn đồi khác lớn hơn cần phải chinh phục".
"Đừng đánh giá tôi bởi những thành công của tôi, mà hãy đánh giá tôi qua việc tôi vấp ngã và đứng lên bao nhiêu lần".
MANDELA LÃNH TỤ KIỆT XUẤT CỦA NỀN LẬP HIẾN
Madela là con người đầu tiên đưa địa vị của dân da đen lên chót vót ngai vàng bình đẳng và cùng lúc đội vương miện tôn vinh giá trị con người cho dân da đen xưa nay vẫn bị coi là thấp hèn. Việc này to lớn đến mức bằng mọi trí tưởng tượng có lẽ chúng ta cũng cảm thấy: việc đội đá vá trời này có lẽ chỉ có Thượng Đế mới làm được. Nếu không Thượng Đế cũng phải trao việc đó vào tay ai. Và người được trao sứ mệnh khó khăn đó chính là Nelson Madela.
Chúng ta thử nhìn rộng hơn để so sánh và tham chiếu. Mọi cuộc cách mạng hay bạo động thường khuôn viên trong biên giới của quốc gia. Nhưng cuộc cách mạng phi bạo lực của Mandela lại đem đến bình đẳng cho người da đen vẫn bị coi là thấp kém nhất. Trước đó, người da đen bị kỳ thị kinh khủng, đến mức không được bén mảng vào phố của người da trắng, khát rã cổ cũng không được sán lại quán bia với chiếc vòi đã được lập trình bằng qui tắc chỉ chảy vào cốc của người da trắng. Triết gia Pháp Montesquieu còn viết thẳng ra: da đen làm cho người ta cảm thấy sự nặng nề, u tối, dốt nát, từ đó không thể phát tiết ra bất cứ cái gì tinh hoa và cao cả.
Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1865), người được coi là cha đẻ thứ hai của nước Mỹ với công lao độc nhất vô nhị "Giải phóng nô lệ". Đấy là bước đầu tiên người nô lệ mà chủ yếu là da đen được giải phóng khỏi chế độ bị mua bán và đối xử như đồ vật. Cuộc giải phóng đó vĩ đại nhưng đó vẫn là món quà thụ động từ tay người da trắng rớt xuống thân phận của người da đen. Nhưng với sự xuất hiện của Nelson Mandela thì món quà đó đã có một tên gọi và ý nghĩa khác hẳn: món quà tự tay mình giành lấy và đạt được bởi chính sự tự giác và chủ động của mình. Món quà thụ động người khác đem cho đã thành hoa quả do chính tay người da đen trồng cấy với thợ cầy và thợ gặt đầu tiên có tên Mandela. Món quà đó còn đi tới những thành tựu khác vĩ đại hơn nhiều, rằng không chỉ được bình đẳng với người da trắng, mà với chính bản mẫu mang tên Mandela, người da đen đã trở thành Tổng thống da đen đầu tiên ở một nước Nam Phi khét tiếng về nạn phân biệt chủng tộc. Chính vì thành công vĩ đại phi phàm của Mandela mà rất nhiều các lãnh tụ trên thế giới đã không tiếc lời ca ngợi ông.
Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 18.07 hàng năm kể từ năm nay 2013 để vinh danh cuộc đời tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi Nelson Mandela.
Ngài Nelson Mandela một mình dùng tay nâng tất cả người da đen có dân số khoảng 1/3 toàn cầu ở địa vị thấp nhất lên ngai vàng bình đẳng, Nelson Mandela đã để lại di sản vô giá không chỉ cho người dân Nam Phi mà cho cả cộng đồng nhân loại là đức tính quả cảm, kiên nhẫn, khoan dung, không hận thù, tình thương và tôn trọng nhân phẩm giá trị cao quý con người. Hơn thế nữa cung cách hành xử của ông mãi mãi là bài học cho xã hội loài người và cho những chế độ độc tài toàn trị còn sót lại trên trái đất này.
TUẦN LỄ TIỄN ĐƯA: NHỮNG LỜI PHÁT BIỂU KÍNH TRỌNG VỀ ÔNG
Tuần lễ này những nhà nguyên thủ quốc gia từ Tổng thống, Thủ tướng, Hoàng gia, các dân biểu cùng với các giới tài tử, nghệ sĩ nổi tiếng khắp nơi trên thế giới đang tiến về thủ đô nước Nam Phi Johannesburg để tỏ lòng kính mến, tiễn đưa một người tù nhân, một vị Tổng Thống, một chính khách, nhưng đúng nghĩa nhất là một người đi xây dựng hòa bình thế giới đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó ông sẽ được mai táng ở Qunu nơi ông sinh ra, nơi chôn nhau cắt rốn của ông.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon: "Nelson Mandela là một người vĩ đại khi đấu tranh bảo vệ công lý, hòa bình và là một nguồn tạo cảm hứng đầy giản dị cho mọi người. Ông đã mang lại ảnh hưởng to lớn đối với nhiều người trên thế giới bằng sự đấu tranh quên mình cho quyền bình đẳng và tự do của con người."
Riêng tại Hoa Kỳ bốn vị Tổng Thống tiền nhiệm và đương nhiệm Barrrack Obama, George Bush, William Clinton và Jimmy Carter cũng đi đến dự tang lễ. Đây có thể xem như sự kiện đầu tiên xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ từ ngày lập quốc.
Tổng thống Mỹ, Barack Obama: Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong buổi lễ rằng ông xin nghiêng mình trước một "vĩ nhân của lịch sử...người đã đưa đất nước Nam Phi hướng tới công lý".
"Chúng ta đã mất đi một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất, can đảm nhất và hết sức nhân hậu … Ông đã không còn thuộc về chúng ta. Giờ đây, ông thuộc về thời đại.
Bằng khát vọng mãnh liệt và ý chí không thể lay chuyển khi ông hy sinh sự tự do của bản thân để mang đến tự do cho người khác, Mandela đã chuyển hóa Nam Phi và khiến cho tất cả chúng ta rung động.
Hành trình của ông từ một tù nhân đến một tổng thống cho thấy nhân loại và các quốc gia có thể thay đổi để đi đến một tương lai tốt hơn."
Thủ tướng anh David Cameron: "Một ánh sáng vĩ đại đã rời bỏ thế giới. Nelson Mandela là một anh hùng của thời đại chúng ta. Tôi đã yêu cầu treo cờ rũ ở số 10 Phố Downing."
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry: "Ông đã cống hiến tất cả những gì ông có để hàn gắn đất nước mình và lãnh đạo đưa đất nước trở lại với cộng đồng các quốc gia, bao gồm cả việc khẳng định ông sẽ rời bỏ quyền lực và đảm bảo sẽ có một sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Ngày nay, tất cả những ai trên thế giới khao khát dân chủ đều nhìn vào đất nước của Mandela và Hiến pháp dân chủ của đất nước đó và coi đó như một tấm gương hy vọng về những gì có thể đạt được."
Được biết, đã có gần 100 nhà lãnh đạo và cựu lãnh đạo quốc tế tề tựu tại lễ tang.
MỘT TẤM GƯƠNG ĐỂ NOI THEO
Từ nguyên thủ quốc gia cho đến người dân bình thường mọi nơi kính phục, ngưỡng mộ, quý mến, nói và viết rất nhiều về ông không phải vì Nelson Mandela đã là Tổng Thống nước Nam Phi. Ông được quý mến vì cuộc đời ông, quan niệm nhân bản và cung cách cư xử thái độ của ông sau khi ra khỏi nhà tù, đối với giới lãnh đạo, thành phần thống trị người da trắng đã bỏ tù ông trên một phần tư thế kỷ, đàn áp đối xử bất công đến người dân Nam Phi trong suốt gần hai trăm năm.
"Ông Mandela là gương mẫu cho những người đấu tranh bất bạo động cho một lý tưởng. Trong 27 năm tù, ông luôn luôn duy trì ý chí, lý tưởng của mình dù tình hình trong tù như thế nào. Đó là một tấm gương lớn cho người đấu tranh. Khi dấn thân tham gia tranh đấu thì chuyện tù đày khó có thể tránh được cho nên lúc nào cũng phải sẵn sàng. Giai đoạn đặc biệt khi ra nhà tù là ông luôn luôn không có sự căm thù nào. Ông đấu tranh không phải với tinh thần thù hận mà với tinh thần hòa giải với những người mà ông bắt buộc phải cùng làm việc để đưa Nam Phi vào giai đoạn mới…".
Cũng như Gandhi đã thành công tại Ấn Độ, cuộc đấu tranh bất bạo động của Nelson Mandela dù trải qua hơn 26 năm tù, cuối cùng đã chuyển hóa được chế độ da trắng kỳ thị, đem lại dân chủ hài hòa cho Nam Phi.
Theo Ahmed Kathrada, 85 tuổi, 25 năm tù chung với Nelson Mandela thì ông "luôn luôn là nguồn cảm hứng của những người yêu chuộng và tranh đấu cho tự do. Trong thập niên 1960, với án tù chung thân, Nelson Mandela vẫn giữ được ngọn lửa hy vọng và chuyển ngọn lửa này cho bạn đồng tù vì mục tiêu của cuộc tranh đấu là chính đáng".
Và ngợi ca ông Mandela chính là vì các đức tính hiếm hoi đó, nhất là tinh thần khắc kỷ quên mình, và vì ông tin vào sự tử tế của con người, một niềm tin có khía cạnh tôn giáo, của người đốt đuốc soi đường cho người khác.
TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ VĨ NHÂN?
Những câu nói bất hủ của huyền thoại Nam Phi Nelson Mandela:
"Đừng đánh giá tôi dựa trên những thành công, hãy đánh giá tôi dựa trên số lần tôi gục ngã và đứng dậy" là một trong những câu nói bất hủ của huyền thoại Nelson Mandela.
Ngày 25.02.1985, mặc dù đã bị cầm tù suốt hơn 20 năm, ông vẫn thẳng thắn khước từ đề nghị của Tổng thống Nam Phi khi đó là P.W.Botha về việc từ bỏ phương thức đấu tranh chính trị bằng bạo lực để đổi lấy tự do:
"Chỉ những người tự do mới có thể thương lượng mà thôi, tù nhân thì không. Tự do của tôi và của ông không thể tách rời".
Trước khi ra tù năm 1990, ông Mandela nói: "Khi tôi bước đến với tự do, tôi biết rằng nếu không bỏ lại nỗi đau và sự căm thù lại phía sau, tôi vẫn sẽ ở trong tù".
Trong tự truyện "Hành trình đến tự do" của huyền thoại Nelson Mandela, xuất bản năm 1994, ông viết:
"Từ chối nhân quyền của con người chính là thách thức nhân tính của họ".
"Về cơ bản thì tôi là người lạc quan. Đó là do tự nhiên hay được giáo dục thì tôi không biết. Một phần của sự lạc quan là luôn hướng về phía mặt trời và liên tục bước về phía trước. Đã từng có nhiều thời điểm đen tối, khi mà niềm tin vào nhân tính của tôi bị thử thách khốc liệt, nhưng tôi không bao giờ và không thể để bản thân mình từ bỏ. Vì đó là cội nguồn của thất bại và cái chết."
Khi thôi làm Tổng thống Nam Phi, ông tuyên bố: "Tôi bước xuống với ý thức, một cảm giác rõ ràng rằng bằng một cách nhỏ nhoi, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với dân tộc tôi và đất nước tôi".
Ông cũng từng nói:
"Giáo dục là vũ khí mạnh mẽ nhất để thay đổi thế giới".
"Dũng cảm không phải là không hề sợ hãi mà là nỗ lực vượt qua nó. Người dũng cảm không phải là người không biết sợ mà là người chinh phục được nỗi sợ hãi."
"Mọi thứ luôn trông có vẻ bất khả thi cho đến lúc bạn hoàn thành nó".
"Thù hận giống như thể uống thuốc độc và rồi tự hi vọng điều đó sẽ giết chết kẻ thù của bạn".
"Vinh quang lớn nhất trong cuộc đời không phải là không hề thất bại mà đứng lên sau mỗi thất bại".
"Tự do không chỉ là bẻ gãy gông cùm của mình mà còn là tôn trọng và đề cao tự do của người khác".
Trong bộ phim tài liệu về cuộc đời mình, ông Nelson Mandela chia sẻ:
"Cái chết là điều không thể tránh khỏi. Khi một người đã hoàn thành điều mà người đó coi là trách nhiệm với dân tộc mình, với đất nước mình, anh ta có thể yên nghỉ. Tôi tin rằng tôi đã hoàn thành nỗ lực đó, và vì vậy, đó là lý do tôi sẽ yên nghỉ trong vĩnh hằng".
LỜI KẾT
Tại sao ông là một người được cả thế giới tiếc thương và ngưỡng mộ? Thưa, vì ông đã sống đúng như lời Chúa Giêsu đã truyền dạy: " Tám Mối Phúc Thật"
"Phúc thay! ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa".
Cả đời ông đã không ngừng nghỉ là kiến tạo hòa bình, và công bình cho dân Nam Phi và cho nhân loại, để nâng cao phẩm giá mỗi người được tốt hơn lên.
Ông luôn: Trọng sự thật, không điêu ngoa gian dối, không tham quyền cố vị, không độc tài, luôn vui vẻ và khiêm nhường. Và ông đã làm được như thế nên hôm nay khi ông thanh thản ra đi hơn 100 những nhà nguyên thủ quốc gia đến cúi đầu kính trọng và tiễn biệt ông.
Mong sao Thiên Chúa ban cho Việt Nam có được một người như ông để dẫn đưa đất nước thoát cảnh độc tài và ngoại bang đem tự do, công bằng, bác ái và hòa bình cho dân tộc đang khốn khổ của chúng ta.
Ngọn đuốc vĩ nhân Nelson
Nelson ngọn đuốc của Nam Phi
Dẫn bước soi đường thế giới đi
Công lý cả đời luôn kiến thiết
Hoà bình suốt kiếp mãi hành thi
Yêu thương bác ái không lùi bước
Dân chủ nhân quyền chẳng sợ
nguy
Thế giới cúi đầu trong luyến tiếc
Toàn dân kính cẩn tiễn Ông đi
(Tham khảo và tóm lược từ nhiều nguồn)
Thư chung gửi Cộng đồng Dân Chúa. Hội thánh Công giáo tại Việt Nam và công cuộc tân phúc-âm-hóa
BY: HĐGM VIỆT NAM
Anh chị em thân mến,
"Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em" (x. 2Cr 13,13). Chúng tôi, các giám mục từ 26 giáo phận Việt Nam, quy tụ tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn để tham dự Đại hội lần thứ XII của HĐGM Việt Nam, xin cảm ơn anh chị em đã cầu nguyện nhiều cho chúng tôi để Đại hội diễn ra cách tốt đẹp và bình an. Nay Đại hội đã kết thúc, qua Thư Chung này, chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em những công việc đã làm trong Đại hội, cách riêng về sứ vụ Tân Phúc-Âm-hoá.
1. Bước vào Đại hội trong khung cảnh Năm Đức Tin, chúng tôi vui mừng được nghe biết về những hoa trái thiêng liêng nơi các tín hữu cũng như các cộng đoàn giáo xứ, giáo phận, dòng tu, đã tích cực học hỏi và nỗ lực canh tân đời sống đức tin. Các cuộc cử hành phụng vụ và sinh hoạt mục vụ đã giúp cho đức tin của mỗi người được thanh luyện, củng cố và đổi mới. Đồng thời, khi nghe biết về những khó khăn và thử thách mà một số cộng đoàn phải đối diện, chúng tôi hiểu rằng sống đức tin luôn luôn là một thách đố, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đệ Chúa Giêsu vẫn được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa, trở thành chất xúc tác cho việc xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.
Ngoài ra, chúng tôi cũng lắng nghe và góp ý cho nhau về nhiều sinh hoạt và công việc của Hội Thánh tại Việt Nam, cách riêng là công trình xây dựng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang. Đại hội cũng dành nhiều thời giờ cho việc bầu chọn Ban Thường vụ của HĐGM cũng như các chủ tịch của các Ủy ban trực thuộc HĐGM trong nhiệm kỳ mới.
2. Giờ đây chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em về định hướng và chương trình mục vụ trong những năm tới. Trong ba năm qua (2010-2013), tất cả chúng ta đã cùng nhau học hỏi và sống ý nghĩa Giáo Hội: mầu nhiệm - hiệp thông - sứ vụ. Định hướng đó và tinh thần của Năm Đức Tin cần được tiếp nối bằng nỗ lực "Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo", cũng là chủ đề của Thượng HĐGM lần thứ XIII, diễn ra tại Rôma, từ ngày 7 - 28 tháng 10 năm 2012. Thật vậy, ánh sáng Đức Kitô chiếu tỏa trên khuôn mặt các Kitô hữu và ánh sáng ấy phải lan đến những người khác, giống như từ ngọn nến phục sinh, vô vàn những ngọn nến khác được thắp lên trong Đêm Vọng Phục Sinh.[1] Ngoài ra, chúng ta còn được nhắc nhở cách riêng về sứ mệnh đó trong năm nay, khi Hội Thánh tại Việt Nam kỷ niệm 25 năm tuyên phong 117 chứng nhân đức tin (19.06.1988 - 19.06.2013), là những hoa trái thánh thiện của công cuộc Phúc-Âm-hóa.
3. Mục tiêu của Phúc-Âm-hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm. Như thế, trước hết chính bản thân chúng ta phải được Phúc-Âm-hóa, phải củng cố và làm mới lại đức tin của mình, rồi mới có thể giúp những anh chị em đã xa rời đức tin tái khám phá vẻ đẹp và ánh sáng đức tin. Ngày nay, khi một số người chỉ còn là Kitô hữu trên danh nghĩa, chúng ta hãy sống cho đúng với ơn gọi Kitô hữu của mình trong niềm vui, hãy chiếu tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho những người chung quanh.
Phúc-Âm-hóa là sứ vụ mang tính toàn diện, vì "ánh sáng đức tin không chỉ soi chiếu đời sống nội bộ của Hội Thánh hoặc chỉ để xây dựng thành đô vĩnh cửu trong thế giới mai sau, mà còn giúp chúng ta xây dựng xã hội hiện nay nhằm hướng tới một tương lai hi vọng".[2] Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta hướng đi này. Người đứng về phía những nạn nhân của các thảm họa và bất công. Người liên đới với những ai bị xã hội loại bỏ. Liên đới và xót thương những nạn nhân và những người bị gạt ra bên lề xã hội phải trở thành đòi hỏi thiết yếu trong sứ vụ Phúc-Âm-hóa.[3]
4. "Tân Phúc-Âm-hóa" không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì "Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời" (Dt 13,8), nhưng là "mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả".[4] Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.
Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ. Từ kinh nghiệm của các nước đã có nhiều Kitô hữu bỏ đạo, nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện cuộc hoán cải mục vụ này, thì trong tương lai không xa, Hội Thánh tại Việt Nam cũng có thể rơi vào tình trạng băng giá của mùa đông đức tin như một số nơi trên thế giới.
Chương trình canh tân đời sống đức tin cần được lồng vào trong tổng thể của kế hoạch mục vụ mà HĐGM trình bày trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010: "Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống". Thư Chung ấy là chương trình hành động của Hội Thánh tại Việt Nam trong nhiều năm. Dựa trên định hướng căn bản này, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy cùng với chúng tôi thực hiện kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014-2016):
- Năm 2014: Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình;
- Năm 2015: Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn;
- Năm 2016: Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội.
5. Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình. Cách cụ thể, mới đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo triệu tập Thượng HĐGM khóa ngoại lệ vào tháng 10 năm 2014 về "Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh Phúc-Âm-hoá". Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 cũng nhấn mạnh: "Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận".[5]
6. Để thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.
- Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình công giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này.
- Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, "hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau" (Cl 3,12-13).
- Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống. Vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống. Vì thế, các bậc cha mẹ phải ý thức trách nhiệm của mình là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế, bằng chính gương sáng của mình.
- Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.
7. Để đồng hành với các gia đình trong sứ mệnh cao cả nói trên, chúng tôi đề nghị một số việc mục vụ sau:
Việc chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân và gia đình là đòi hỏi khẩn thiết hơn bao giờ hết. Các bạn trẻ cần ý thức và sống đời hôn nhân như một ơn gọi và sứ mệnh cao quý, được chọn lựa với ý thức, tự do và trách nhiệm. Đôi bạn Kitô hữu còn được mời gọi sống bí tích Hôn Phối như dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, một tình yêu phong nhiêu, duy nhất và bất khả phân ly. Để được như thế, cần có sự chuẩn bị xa, chuẩn bị gần, và chuẩn bị trực tiếp cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân.
Trong bối cảnh có nhiều biến động về văn hóa-xã hội ngày nay, chúng tôi thiết nghĩ cần phải nhắc lại chân lý này: định chế gia đình đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Định chế này dựa trên bản tính con người, do chính Thiên Chúa thiết lập, hướng đến thiện ích của chính gia đình và xã hội; vì thế, mọi cá nhân và tập thể xã hội cần nhìn nhận và tôn trọng định chế này.
Đồng hành với các gia đình trẻ ngày nay là yêu cầu mục vụ quan trọng, để giúp họ sống tình yêu vợ chồng với tinh thần trách nhiệm, phục vụ sự sống, biết hòa hợp tình thương trong tổ ấm gia đình với trách nhiệm xây dựng Hội Thánh, xã hội và đất nước.
Với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, một đàng chúng ta vẫn phải nêu cao lý tưởng đời sống hôn nhân công giáo, đàng khác phải đồng hành và nâng đỡ họ, thay vì bày tỏ thái độ lên án và loại trừ.
Hiện nay, có nhiều nhóm, hiệp hội, phong trào tu đức và tông đồ đang dấn thân chăm lo mục vụ gia đình theo những cách thế và mức độ khác nhau. Những phong trào này cần được các mục tử đồng hành và hướng dẫn, nâng đỡ và khích lệ, để họ góp phần cách cụ thể và hài hòa với chương trình mục vụ chung trong mỗi giáo xứ, giáo phận.
Các giáo phận nên quan tâm đến việc đào tạo giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân chuyên trách mục vụ gia đình. Những người này sẽ cộng tác với các giám mục giáo phận trong việc xây dựng và triển khai những chương trình mục vụ gia đình trong giáo phận cũng như giáo xứ. Chúng tôi cũng muốn gửi lời kêu gọi đặc biệt đến anh chị em văn nghệ sĩ và giới truyền thông công giáo. Ước mong anh chị em vận dụng tài năng Thiên Chúa ban, để tôn vinh vẻ đẹp đích thực của tình yêu hôn nhân và gia đình. Các linh mục tương lai cũng cần được chuẩn bị chu đáo hơn về mục vụ gia đình, để có thể đồng hành với các gia đình cách hữu hiệu.
Anh chị em thân mến,
Trên đây, chúng tôi đã chia sẻ với anh chị em những thao thức mục vụ cũng như những đề nghị cụ thể, nhằm góp phần vào nỗ lực "Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo". Ước mong những đề nghị này được anh chị em - cách riêng, các linh mục là những cộng tác viên gần gũi của hàng giám mục - đón nhận để cầu nguyện, suy nghĩ, khai triển và thực hiện ở nhiều cấp độ: gia đình, giáo xứ, giáo phận. Hướng về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những tấm gương sáng ngời trong sứ mệnh Phúc-Âm-hóa, chúng ta hãy thân thưa với các ngài:
Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là con thảo của Cha trên trời, là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh, xin giúp chúng con biết trân trọng di sản đức tin mà các ngài đã truyền lại cho chúng con bằng máu và nước mắt. Xin cho chúng con mạnh dạn sống đức tin trong gia đình cũng như xã hội, theo tấm gương xán lạn của Thánh Gia Thất, để chiếu tỏa ánh sáng đức tin khắp nơi nơi; nhờ đó chúng con có thể tích cực góp phần thi hành sứ mệnh truyền giáo, đem lại hoa quả dồi dào trên quê hương Việt Nam thân yêu.
Làm tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn, ngày 10 tháng 10 năm 2013
+ Cosma Hoàng Văn Đạt
Giám mục Bắc Ninh
Tổng thư ký HĐGMVN
+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Tổng giám mục Hà Nội
Chủ tịch HĐGMVN
Chú thích:
[1] Đức giáo hoàng Phanxicô, Lumen fidei,
số 37.
[2] Nt., số 51.
[3] Sứ điệp FABC X.
[4] Đức Chân phước Gioan Phaolô II, Diễn
văn tại Đại hội XIX của CELAM, Port-au-
Prince.
[5] HĐGMVN, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân
Chúa 2010, số 43.
HỘI ĐỒNG GMVN: BIÊN BảN ĐạI HộI LầN THứ XII
1. HĐGM Việt Nam đã họp Đại hội lần thứ XII từ chiều thứ Hai ngày 07.10.2013 đến trưa thứ Sáu ngày 11.10.2013, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng giáo phận Thành phố Sài Gòn.
2. Về tham dự Đại hội có sự hiện diện đông đủ các vị chủ chăn của 26 giáo phận: Đức Hồng Y, các Đức Tổng giám mục, các giám mục và linh mục giám quản giáo phận Vĩnh Long.
3. HĐGM vui mừng chào đón Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam; đồng thời chúc mừng ĐC Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục giáo phận Mỹ Tho, vừa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng giám mục Phó Tổng giáo phận Thành phố Sài Gòn; chúc mừng Đức tân giám mục chính tòa giáo phận Bùi Chu; vui mừng và chào đón các thành viên mới của HĐGM Việt Nam, đó là ĐC Phêrô Nguyễn Văn Viên, tân giám mục phụ tá giáo phận Vinh, ĐC Anphong Nguyễn Hữu Long, tân giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa.
4. HĐGM lắng nghe những sinh hoạt phong phú trong Năm Đức Tin được diễn ra ở nhiều lãnh vực.
5. Đại hội tiếp tục trao đổi về dự án kiến thiết Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang.
6. HĐGM dành nhiều thời gian soạn thảo Thư Chung với những định hướng mục vụ cụ thể cho những năm sắp tới.
7. Đại hội đã bầu ra Ban Thường vụ và Chủ tịch của các Ủy Ban trực thuộc HĐGM Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2016.
Ban Thường vụ gồm có:
Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Phaolô
Bùi Văn Đọc
Phó Chủ tịch: Đức Tổng giám mục
Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng
Tổng thư ký: ĐC Cosma Hoàng Văn Đạt
Phó Tổng thư ký: ĐC Phêrô Nguyễn Văn
Khảm
Các Ủy Ban trực thuộc HĐGM Việt Nam gồm có:
1/ Ủy Ban Giáo lý đức tin
Chủ tịch: ĐC Giuse Nguyễn Năng
2/ Ủy Ban Kinh Thánh
Chủ tịch: ĐC Giuse Võ Đức Minh
3/ Ủy Ban Phụng tự
Chủ tịch: ĐC Phêrô Tzrần Đình Tứ
4/ Ủy Ban Nghệ thuật thánh
Chủ tịch: ĐC Matthêu Nguyễn Văn Khôi
5/ Ủy Ban Thánh nhạc
Chủ tịch: ĐC Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
6/ Ủy Ban Loan báo Tin mừng
Chủ tịch: ĐC Anphong Nguyễn Hữu
Long
7/ Ủy Ban Giáo sĩ-Chủng sinh
Chủ tịch: ĐC Antôn Vũ Huy Chương
8/ Ủy Ban Tu sĩ
Chủ tịch: ĐC Phêrô Nguyễn Văn Đệ
9/ Ủy Ban Giáo dân
Chủ tịch: ĐC Giuse Trần Xuân Tiếu
10/ Ủy Ban Truyền thông xã hội
Chủ tịch: ĐC Giuse Nguyễn Tấn Tước
11/ Ủy Ban Giáo dục công giáo
Chủ tịch: ĐC Giuse Đinh Đức Đạo
12/ Ủy Ban Mục vụ giới trẻ
Chủ tịch: ĐC Giuse Vũ Văn Thiên
13/ Ủy Ban Văn hóa
Chủ tịch: ĐC Giuse Vũ Duy Thống
14/ Ủy Ban Công lý-Hòa bình
Chủ tịch: ĐC Phaolô Nguyễn Thái Hợp
15/ Ủy Ban Mục vụ Gia đình
Chủ tịch: ĐC Giuse Châu Ngọc Tri
16/ Ủy Ban Bác ái xã hội- Caritas
Chủ tịch: ĐC Tôma Aquinô Vũ Đình
Hiệu
17/ Ủy Ban Mục vụ di dân
Chủ tịch: ĐC Giuse Nguyễn Chí Linh.
8. Đại hội cũng trao đổi về một số vấn đề khác như tình trạng các dòng tu chưa rõ nguồn gốc, vai trò linh mục chánh văn phòng của văn phòng Tổng thư ký HĐGM, việc xướng tên thánh Giuse trong các Kinh Nguyện Thánh Thể.
9. Đại hội bế mạc trong niềm vui cùng với Tổng giáo phận Thành phố Sài Gòn mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.
Trung Tâm Mục Vụ TGP. TP. SG
Ngày 11.10.2013
Tổng thư ký HĐGM Việt Nam
(Đã ký)
+ Cosma Hoàng Văn Đạt
Giám mục giáo phận Bắc Ninh
Giáo dân bị hành hung và bị bắt, ảnh tượng thánh bị đập nát
BY: VĂN PHÒNG TGM XÃ ĐOÀI
GPVO - Sau vụ bắt người trái phép ông Ngô Văn Khởi và anh Nguyễn Văn Hải, bà con giáo dân xứ Mỹ Yên (thuộc xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) rất bức xúc trước việc làm không rõ ràng của chính quyền suốt hai tháng qua.
Ngày hôm qua (03.9.2013), khi giáo dân Mỹ Yên đến Ủy ban nhân dân xã Nghi Phương, chính quyền đã hẹn 16h chiều nay (04.9.2013) thả những người bị bắt. Thế nhưng, khi bà con đến Ủy ban nhân dân theo Bản Cam Kết của phía chính quyền thì đã bị lực lượng công an và bộ đội đánh đập nặng nề và bắt đi nhiều người. Một số giáo dân bị đánh đập trọng thương đã được chuyển về Phòng khám đa khoa Tòa Giám mục Xã Đoài cấp cứu, một số khác đang được cấp cứu tại Bệnh viện 115, thành phố Vinh.
Theo thông tin chúng tôi vừa nhận được, hiện Phòng khám đa khoa Tòa Giám mục đã chật kín giường cho các nạn nhân của vụ gây thương tích trên, một số bị đánh trọng thương ở đầu đang được các y bác sĩ chăm sóc. Còn tại bệnh viện 115, cũng có nhiều giáo dân Mỹ Yên đang được điều trị, riêng trường hợp anh Phêrô Nguyễn Văn Điệp (18 tuổi) bị chấn thương tụ máu trong não đang trong tình trạng rất nguy kịch.
Hiện các lực lượng công an, bộ đội, chó nghiệp vụ, thuộc nổ, hơi cay, lựu đạn khói đã được sử dụng để khống chế và đàn áp người giáo dân Mỹ Yên. Lực lượng dân quân đã đột nhập vào nhiều gia đình trong giáo xứ kèm theo những vũ khí trên để đập phá nhà cửa và đánh đập nhiều người. Riêng tại tư gia anh Nguyễn Văn Văn, các thánh tượng đã bị đập vỡ và xúc phạm, nhiều thành viên trong gia đình bị gây thương tích nặng nề do các lực lượng từ phía chính quyền.
Nhiều người giáo dân xứ Mỹ Yên cũng như vùng lân cận đang bị chính quyền bắt giữ và hiện tại vẫn chưa có con số thống kê cụ thể.
Hiện thời, lực lượng công an và quân đội với nhiều loại vũ khí đang "chốt" tại ngọn đồi phía sau giáo xứ Mỹ Yên, đồng thời cắm chốt tại Ủy ban nhân dân xã Nghi Phương khiến cho diễn biến càng căng thẳng.
Trong tình hình khó khăn xảy ra tại giáo xứ Mỹ Yên, chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho người giáo dân nơi đây được bình yên, cho các nhà cầm quyền biết tôn trọng tự do tôn giáo, tôn trọng pháp luật để người dân thật sự yên tâm sống đạo.
1. TƯờNG TRÌNH Về NộI DUNG VÀ DIễN TIếN CủA Vụ VIệC ĐÃ XảY RA Từ NGÀY 22.05.2013 TạI TRạI GÁO, GIÁO Xứ Mỹ YÊN
Với những nội dung trên, chúng tôi hy vọng quý độc giả sẽ hiểu rõ nội dung vụ việc hơn, nhằm bảo vệ Công lý và bênh vực người dân. Đồng thời, với thiện chí đối thoại, chúng tôi đề xuất nhà cầm quyền tôn trọng Lẽ Phải, trả lại tự do và công lý cho người dân giáo xứ Mỹ Yên." (xin xem nội dung trong các trang thông tin của Liên Hiệp truyền thông và của giáo phận Vinh): www.vietcatholic.net/News/Html/114914.htm hoặc giaophanvinh.net/modules.php
2. THÔNG CÁO CủA TÒA GM XÃ ĐOÀI Về VIệC CHÍNH QUYềN NGHệ AN Tổ CHứC DÙNG VŨ LựC TRấN ÁP GIÁO DÂN
GPVO - "Tòa Giám mục Xã Đoài cực lực lên án việc chính quyền tỉnh Nghệ An dùng bạo lực đàn áp quần chúng nhân dân, xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của người dân, xúc phạm niềm tin tôn giáo. Chúng tôi mạnh mẽ phản đối việc chính quyền không tôn trọng sự thật trong vụ việc ngày 22.5.2013, xuyên tạc và phủ nhận thiện chí đối thoại của Tòa Giám mục giáo phận Vinh trong việc bênh vực quyền lợi người dân, bảo vệ công lý xã hội... Tòa Giám mục Xã Đoài khẩn thiết kêu gọi mọi tín hữu giáo phận Vinh và những người yêu chuộng hòa bình hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ đàn áp này và lên tiếng bênh vực cho công lý."
3. THƯ CHUNG CủA ĐứC GIÁM MụC GIÁO PHậN VINH KÊU GọI HIệP THÔNG VớI GIÁO Xứ Mỹ YÊN
GPVO - "Cùng với Thông cáo của Tòa Giám mục Xã Đoài, tôi cực lực lên án cách ứng xử bất nhân và những hành vi bạo lực dã man của cơ quan công quyền. Đồng thời, tôi tha thiết mời gọi anh chị em cầu nguyện, dâng những hy sinh cũng như có những hành động cụ thể biểu lộ sự hiệp thông với giáo xứ Mỹ Yên và tình liên đới với các nạn nhân của bạo lực.
Đặc biệt, trong toàn giáo phận Vinh, vào mỗi Chúa Nhật, các giáo xứ sẽ tổ chức các buổi cầu nguyện và Thánh lễ để cầu cho hai ông Phêrô Ngô Văn Khởi và Antôn Nguyễn Văn Hải đang bị giam giữ, cũng như cho tất cả các nạn nhân của bạo lực. Nhân dịp này, chúng ta hãy khẩn khoản nài xin Thiên Chúa luôn gìn giữ giáo phận và cho nhà cầm quyền biết sử dụng quyền bính để phục vụ công ích, biết tôn trọng phẩm giá người dân, tôn trọng niềm tin tôn giáo. Việc cầu nguyện này sẽ tiếp tục cho đến khi các nạn nhân bị bắt được thả và các người bị thương được hoàn toàn bình phục.
Với tư cách là Giám mục giáo phận, tôi khẩn nài Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em. Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi và cho giáo phận chúng ta."
THAY LờI KếT: HIệP THÔNG CầU NGUYệN CHO CÔNG LÝ – HÒA BÌNH
"Đứng trước sự kiện đau thương và sự kiện tấn công dã man tại Giáo Xứ Mỹ Yên, cũng như lời kêu gọi của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp và Tòa GM Giáo Phận Vinh, Liên Hiệp Truyền Thông CGVN cực lực phản đối trước cộng đồng thế giới và quý Cộng Đồng Việt Nam trong nước và hải ngoại, đồng thời, nghiêm khắc lên án việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục dùng hệ thống Công An, Cảnh Sát và côn đồ do nhà cầm quyền điều động như công cụ để đàn áp và tấn Công Giáo dân Giáo Xứ Mỹ Yên, Tỉnh Nghệ An, Giáo Phận Vinh.
Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam xin cùng Hiệp Thông, Cầu Nguyện, và chia sẻ với Giáo Xứ Mỹ Yên và Giáo Phận Vinh, đồng thời, nghiêm khắc lên án và tố cáo trước dư luận quốc tế những hành vi đàn áp , tấn công, hành hung, và xúc phạm niềm tin Công Giáo tại Giáo Xứ Mỹ Yên. Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (xin xem danchua.eu/3431.0.html)
Cầu cho Công Lý – Hòa Bình mau được thể hiện tại Quê Hương.
Cầu cho Quê Hương mau thoát ách chế độ cộng sản vô thần!
TIN GIỜ CHÓT
Trong cuối tuần lên khuôn số báo DCÂC tháng 10.2013, đã có rất nhiều diễn tiến quan trọng tiếp tục xẩy ra tại giáo phận Vinh. Quý độc giả chắc chắn đã theo dõi hàng ngày trên các phương diện truyền thông, nhất là qua trang thông tin điện tử chính thức của giáo phận Vinh (x. giaophanvinh.nett/). Xin ghi nhận tổng quát những diễn tiến và những văn thư quan trọng đã được đăng tải để rộng đường dư luận:
1. Ngày 9.9: Hai Giáo phận KonTum và Thanh Hóa hiệp thông với Giáo phận Vinh và Giáo xứ Mỹ Yên (x. danchua.eu/3437.0.html).
- Ngày 18.9: Thư hiệp thông của Đức TGM Hà nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn với Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp và Giáo phận Vinh (x. giaophanvinh.net/modules.php)
2) Ngày 15.9: Thực chất việc Phái đoàn Tôn giáo của chính phủ Việt Nam tới thăm Vatican ra sao? www.vietcatholic.net/News/Html/116088.htm
3) Sáng ngày 16.09.2013, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp cùng với 200 linh mục giáo phận Vinh và hơn 3.000 giáo dân đã đến địa điểm hành hương ở Trại Gáo thuộc giáo xứ Mỹ Yên để làm lễ cầu nguyện cho các giáo dân bị trấn áp, cũng như một nền công lý và hòa bình đích thực cho đất nước. (x. giaophanvinh.net/modules.php)
- Sáng ngày 17.9.2013, các linh mục quản xứ, cùng gần 7000 giáo dân của giáo hạt Nhân Hòa đã hành hương về Linh Địa Trại Gáo để cùng cùng dâng thánh lễ, cầu nguyện cho những anh em giáo xứ Mỹ Yên, Đức Cha Phaolô và cầu nguyện cho chính quyền Nghệ An.
4. Ngày 20.9: Đức Cha Nguyễn Thái Hợp trả lời phỏng vấn của VietCatholic (x. www.vietcatholic.net/News/Html/116092.htm)
5. Thư hiệp thông của các cộng đồng CGVN tại hải ngoại: Liên đoàn CGVN Hòa Kỳ, Úc Châu và Đức quốc,
6. Hiệp thông cầu nguyện: đáp lời kêu gọi của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, tất cả các giáo xứ trong giáo phận và các cộng đồng CGVN tại hải ngoại tổ chức các buổi thắp nến cầu nguyện
Quan trọng hơn hết là "Thư của Đức Giám mục Giáo phận Vinh gửi các Đức Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (18.9) và "Tuyên bố của Linh Mục đoàn Giáo Phân Vinh về vụ Mỹ Yên (16.9): www.vietcatholic.net/Media/Tuyen%20Bo%20Cua%20Linh%20Muc%20Doan%20Vinh.pdf
- Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio de Janeiro
- Một trăm ngày đầu của ĐGH Phanxicô
- Đại hội Công giáo Việt Nam lần thứ 37 tại Đức quốc
- Bản án phi nhân, phi nghĩa, chà đạp công lý và nhân quyền
- ĐTC Phanxicô Tân Chủ Chăn Giáo Hội Hoàn Vũ
- Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tuyên bố từ nhiệm
- Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới Năm 2013
- Tổng Thống Barack Obama tiếp tục nhiệm kỳ
- Ðức Thánh Cha khai mạc Năm Ðức Tin
- Sứ giả hòa bình ĐTC Biển Đức XVI đến Liban