Dân Chúa Âu Châu

Kỷ niệm 20 năm Bức Tường Bá-Linh Sụp Đổ. Khiến Chế Độ Cộng Sản Đông Đức, Đông Âu và Sô Viết Giẫy Chết

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Ngày 9/11/2009 kỷ niệm 20 năm (9/11/1989 - 9/11/2009) ngày bức tường Ô-nhục Bá Linh sụp đổ, một biến cố trọng đại nhất đã xẩy ra tại Âu Châu sau Thế chiến II. Các chế độ Cộng-sản Đông Đức, Đông Âu và Sô Viết đã bất ngờ tan rã nhanh ngoài sức tưởng tượng của nhân loại. Nếu tìm hiểu sâu xa hơn, người ta nhận thấy biến cố bức tường Bá Linh sụp đổ dĩ nhiên phải có lý do của nó.
Để quí độc giả có cái nhìn chính xác về biến cố này, chúng tôi trình bày các nguyên nhân đưa tới ngày 9/11/1989.

I-Nguyên Nhân xa

Sau Thế Chiến II, Joseph Stalin trở thành nhà độc tài khét tiếng và Sô Viết là trung tâm quyền lực của Cộng-sản Quốc-tế. Các quốc gia theo Chủ-nghĩa Cộng-sản, trong đó có miền Bắc Việt Nam do ông Hồ lãnh đạo, phải tuân thủ các quyết định về đường lối cách mạng do Sô Viết đề ra. Sau khi Stalin chết ngày 5/3/1953, Nikita Krushchev lên cầm quyền và chủ trương xét lại các chính sách của Stalin. Krushchev từng gây nên các biến cố khiêu khích Hoa Kỳ và Tây Phương tại Liên Hiệp Quốc như: nắm tay đấm lên bàn phản đối Tổng Thư-ký Liên Hiệp Quốc Hammarskjold về vấn đề giải quyết thuộc địa Congo và lấy giầy đập bàn khi bị Phi Luật Tân tố cáo Đế-quốc Sô Viết ở Đông Âu. Ngoài ra, ông ta còn cho chở các dàn phóng hỏa tiễn tới Cuba để khiêu khích Hoa Kỳ và xung đột chính trị với Tầu Cộng. Vì các hoạt động khiêu khích có thể tạo nên Thế chiến III nên Krushchev bị hạ bệ. Leonid Brezhnev lên thay thế mở màn cho cái gọi là “Chủ thuyết Brezhnev” (Brezhnev Doctrine) được báo Pravda, cơ quan ngôn luận của đảng, công bố ngày 26/9/1968. Sau đó Brezhnev lập lại chủ thuyết này trong bài diễn văn tại Hội-nghị Đảng Liên hiệp Công nhân Ba-Lan ngày 13/11/1968. Một trong các điểm chủ yếu là:
“Khi các lực lượng thù địch của Chủ-nghĩa Xã-hội cố gắng chuyển biến sự phát triển của một quốc gia Xã-hội nào đó thành Chủ-nghĩa Tư-bản, nó không chỉ là vấn đề của quốc gia liên hệ, mà là vấn đề chung và liên quan tới tất cả các quốc gia xã-hội.” (1)
Chính vì Chủ thuyết Brezhnev, mà hiệp ước "Warsaw Pact", một Liên-minh Quân-sự của các nước Cộng-sản Đông Âu ra đời, để can thiệp vào bất cứ nước nào. Điển hình là quân đội của Liên-hiệp này đã được điều động dẹp tan các phong trào nổi dậy đòi tự do và dân chủ do sinh viên cầm đầu tại Hung Gia Lợi năm 1956. Liên quân Sô Viết, Bảo Gia Lợi, Đông Đức, Hung Gia Lợi và Ba Lan, với quân số gần 500.000 lính, cũng đã can thiệp vào Tiệp Khắc ngày 20/8/1968, nhằm dẹp bỏ chính sách cải tổ tự do chính trị của chủ tịch Alexandre Dubcek. Dubcek bị bắt đưa qua Mạc Tư Khoa. Mặc dù vậy, chính phủ lâm thời Svoboda không được đa số dân chúng ủng hộ.
Tại Ba Lan thì Liên Đoàn Đoàn Kết "Solidarnosc" (Solidarity) được thành lập vào năm 1980 và trong hội nghị năm 1981, Lech Walesa được bầu làm chủ tịch. Nhà Cầm quyền Cộng-sản Ba Lan không chấp nhận một tổ chức tự trị, nên ra lệnh đàn áp và Thiết Quân Luật "Martial Law". Nhưng trước áp lực từ nhiều phía, kể cả Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Nhà Cầm quyền chịu đàm phán. Kết quả là một chính phủ liên hiệp ra đời và Tadeusz Mazowiecki trở thành Thủ-tướng không là đảng viên Cộng-sản năm 1989. Sự thành công của Liên Đoàn Đoàn Kết Ba Lan có được là do sự ủng hộ nhiệt tình của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II. Chính Lech Walesa đã nói: "Đức Thánh Cha, qua các cuộc gặp gỡ, đã bày tỏ rằng chúng tôi thật là thần diệu. Ngài nói với chúng tôi đừng sợ." (The Holy Father, through his meetings, demonstrated how numerous we were. He told us not to be afraid.)
Chủ thuyết Brezhnev cũng đưa tới hậu quả là quân đội Sô Viết xâm lăng A Phú Hãn kể từ ngày 24/12/1979. Sự xâm lăng A Phú Hãn của Sô Viết bị thế giới chống đối. Hoa Kỳ đã trực tiếp trợ giúp cho các chiến đấu quân Mujahedeen chống lại quân xâm lược. Sự sa lầy của chủ-thuyết Brezhnev tại A Phú Hãn đã đưa tới thất bại cả về quân sự, chính trị và kinh tế. Cuối cùng, sau 9 năm chiếm đóng A Phú Hãn, qua hiệp định Genève 1988, quân đội Sô Viết phải rút về nước vào đầu năm 1989. Sau khi quân Sô Viết rút đi, chế-độ Cộng-sản do Mohammed Najubullah cầm đầu bị sụp đổ. Khi Brezhnev chết Giám đốc cơ quan mật vụ KGB Juri Andropov lên thay thế và không được bao lâu cũng về âm-phủ. Sau đó Konstantin Chernenko được bầu vào chức vụ Tổng Thư Ký đảng.
Năm 1985, sau khi Chernenko qua đời, Mikhail Gorbachev lên thay thế. Qua kinh nghiệm toàn bộ các chính sách về quân sự, kinh tế và chính trị đều bị thất bại, Gorbachev đưa ra chính sách "Perestroika", cải tổ chính trị và kinh tế, vào tháng 6/1987; và chính sách "Glasnost", công khai, cởi mở, tự do thông tin cho quần chúng các hoạt động của chính phủ. Đây là vết son lịch sử của Sô Viết, nó mở ra một tương lai tự do, dân chủ cho dân chúng Nga sau này. Chính sách cởi mở của Gorbachev đã đưa tới luồng gió cách mạng trong lành cho toàn Đông Âu. Một trong những điểm quan trọng nhất của chính sách là "Không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước Cộng-sản anh em".
Chủ thuyết Brezhnev chỉ có hiệu quả tới khi nó chấm dứt vào lúc Mikhail Gorbachev từ chối xử dụng lực lượng quân sự, khi Ba Lan tổ chức bầu cử tự do vào năm 1989; năm mà Liên Đoàn Đoàn Kết đánh bại đảng Cộng sản. Nó được thay thế bởi Chủ-nghĩa được đặt tên khôi hài là "Sinatra Doctrine" vào năm 1989.
Sinatra Doctrine lấy tựa đề bài hát "My Way" của ca sĩ lừng danh Thế-giới Sinatra. Nó có nghĩa Sô Viết để cho các nước Cộng-sản đàn em đi theo đường lối riêng của mình, không can thiệp vào nội bộ của các nước CS láng giềng. Gorbachev không chỉ đề ra chính sách không can thiệp vào nội bộ của các nước Cộng-sản, mà còn thỏa thuận với Hoa Kỳ về vấn đề giảm thiểu hoặc hủy bỏ các loại vũ khí nguyên tử. Gorbachev đã tham dự các cuộc họp với Tổng-thống Mỹ Ronald Reagan tại thành phố Genève của Thuỵ Sĩ vào năm 1985 và Reykjavik thủ đô Băng Đảo (Ice Land) vào năm 1986. Ngoài ra, ngày 1/12/1989, Gorbachev đã hội kiến với Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II tại Rô-ma, chấm dứt 70 năm thù địch giữa Vatican và Liên Bang Sô Viết. (2) Chính vì chính sách cởi mở và yêu chuộng hòa bình mà Gorbachev được tặng giải thưởng Nobel Hòa-bình vào năm 1990.

II-Hoa Kỳ quyết tâm bảo vệ Bá Linh

Các chính phủ Mỹ đều quan tâm tới Bá Linh, vì Sô Viết và khối Đông Âu thời Stalin khiêu khích Đồng Minh Tây Phương bằng phong tỏa đường bộ dẫn tới Tây Bá Linh vào năm 1948. Để cứu sống hàng chục ngàn dân Tây Bá Linh, Hoa Kỳ và Đồng Minh Anh-quốc, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan phải mở "Cầu Không Vận", dùng máy bay tiếp tế các nhu yếu phẩm cho dân chúng Tây Bá Linh. Trước tình trạng bị cô lập với thế giới bên ngoài, hơn 300.000 dân Tây Bá Linh đã biểu tình đòi Sô Viết hủy bỏ cấm vận. Mãi tháng 5/1949, Stalin mới hủy bỏ phong tỏa Tây Bá Linh. Chính vì không chịu được sự đàn áp và mất tự do dưới chế độ cộng sản, dân Đông Đức bắt đầu trốn khỏi Thiên-đường Cộng-sản. Năm 1950 có 197.000 người tị nạn; năm 1951: 165.000; năm 1952: 182.000 và năm 1953: 331.000. Năm 1953 dân Đông Đức chạy trốn lên cao nhất vì sợ đất nước mình bị "Sô Viết Hóa" (Sovietization).
Sự an toàn của thành phố Bá Linh được bảo đảm hay không tùy thuộc khá nhiều vào quyết tâm của các chính phủ Mỹ. Điển hình là cuộc viếng thăm thành phố Bá Linh và công khai lên án Chủ-nghĩa Cộng-sản của Tổng-thống John F. Kennedy vào ngày 26/6/1963. TT. Kennedy đã nói một câu nổi danh và đi vào lịch sử Đức Quốc: "Ich bin ein Berliner" (Tôi là một người Bá Linh). TT. Kennedy cho rằng việc xây tường Bá Linh như một ví dụ của sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng-sản: "Tự do có rất nhiều khó khăn và Dân-chủ thì không hoàn toàn, nhưng chúng tôi không bao giờ phải dựng một bức tường lên để giữ dân chúng" (3).
TT. Ronald Reagan cũng tới thăm Bá Linh vào tháng 6/1987. Trong bài diễn văn tại cổng Brandenburg ở Bá Linh, TT. Reagan nói trực tiếp qua microphone với Tổng Thư Ký đảng Cộng-sản Sô-viết Mikhail Gorbachev:
"Chúng tôi chào mừng sự thay đổi và cởi mở, vì chúng tôi tin rằng tự do đi đôi với an ninh, tiến bộ tự do con người chỉ có thể làm tăng sức mạnh hòa bình thế giới. Có một dấu hiệu mà Sô Viết có thể thực hiện mà không sợ lầm lỗi, nó sẽ tiến triển bất ngờ vì tự do và hoà bình. Tổng Thư ký Gorbachev, nếu ông tìm hòa bình, nếu ông tìm sự thịnh vượng cho Liên hiệp Sô Viết và Đông Âu, nếu ông tìm tự do hãy tới cổng này. Ông Gorbachev, hãy mở cổng này. Ông Gorbachev, hãy giật sập bức tường này!"(4)
Câu nói của Tổng-thống Ronald Reagan: "Mr. Gorbachev, open this gate. Mr. Gorbachev, tear down this wall!" tại cổng Brandenburg ở Bá Linh, cũng trở thành câu nói để đời đối với dân tộc Đức nói riêng và thế giới nói chung.

III-Nguyên nhân gần

Bức tường Bá Linh được xây từ ngày 13/8/1961, nhằm mục đích ngăn cản người Đông Đức vượt qua Tây Đức tìm tự do. Nhưng bức tường ban đầu vẫn không cản nổi ý nguyện vượt thoát của dân Đông Đức. Do đó, nhà cầm quyền cộng sản cho thành lập thêm bãi mìn và hàng rào điện. Mỗi khi dây kẽm gai bị đụng và rơi xuống thì tự động điện tín báo động nổi lên ở vọng gác, nơi luôn có 4-6 lính gác trực suốt ngày đêm. Khi điện báo động thì hệ thống đèn điện chiếu thẳng vào khu vực phát ra tiếng động, súng máy tự động nhả đạn vào mục tiêu. Xe tuần tiễu và chó săn luôn túc trực, lính gác kiểm soát mỗi giờ và phản ứng khi có báo động. Vì thế vấn đề vượt qua hàng rào kẽm gai, bãi mìn và tường cao 3-4 mét trở nên khó khăn hơn. Người vượt thoát đã phải dùng khí cầu, ván buồm cỡi sóng (surf-board), máy bay thể thao dân sự và đào đường hầm, có những đường hầm phải đào mất hai ba tháng, để trốn khỏi "thiên đường ác ôn cộng sản", nơi mà quanh năm bị đói khát và nhân phẩm bị chà đạp.
Không vượt qua được biên giới Bá Linh, người Đông Đức đã tìm đường qua biên giới các nước khác như Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc. Đặc biệt Hung Gia Lợi đã mở cửa thông thương biên giới với Áo Quốc ngày 23/8/1989. Tới tháng 9/1989 có hàng chục ngàn dân Đông Đức du lịch qua Hung Gia Lợi rồi chạy qua Áo-quốc. Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Hung Gia Lợi (Gyula Horn) và Áo Quốc (Alois Mock) cắt hàng rào kẽm gai tại biên giới hai nước vào năm 1989 thì làn sóng du lịch qua Hung Gia Lợi gia mãnh liệt. Đây là "Bước Ngoặc Lịch Sử của Đông Âu".
Trước làn sóng du lịch này, Nhà Cầm-quyền Đông Đức không cho phép xuất ngoại qua Hung Gia Lợi nữa. Những người đã trót qua đó được phép trở về. Dân chúng bất mãn về hành động ngăn cản du lịch sang các nước cộng-sản. Họ biểu tình phản đối và hô to khẩu hiệu "Gorby, cứu chúng tôi" (Gorby! Save us – Gorbi! Rette uns) vì lúc đó Mikhail Gorbachev đang dự lễ kỷ niệm 40 năm của Đông Đức. Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền diễn ra khắp trên lãnh thổ, khiến chủ tịch đảng Erich Honecker phải từ chức ngày 18/10/1989 và Egon Krenz lên kế vị. Ngày 7+8/11/1989 Bộ Chính Trị (Politburo) Đông Đức giải tán. Tháng 9/1989 dân biểu tình hô to khẩu hiệu: "Wir wollen raus! – We want out" (Chúng tôi muốn xuất ngoại) và hát "Wir bleiben hier – We’s staying here" (chúng tôi đứng ở đây). Biến cố này trở thành cuộc "Cách-mạng Hòa-bình" có một không hai trong lịch sử Đức quốc và Âu Châu. Tháng 11/1989 có hơn nửa triệu người biểu tình tại công trường Alexander. Bị cấm du lịch qua Hung Gia Lợi, dân Đông Đức đổi hướng qua Ba Lan và Tiệp Khắc. Cuối cùng vào ngày 9/11/1989, chính phủ Egon Krenz phải cho dân Đông Đức sang Tây Đức qua ngả biên giới Bá Linh với tính cách thăm gia đình hoặc với tính cách tư nhân. Các qui định mới có hiệu lực kể từ ngày 17/11/1989.

IV-Chống đối sự sụp đổ bức tường Bá Linh

Có thể nói, nhờ thiện chí và quyết tâm của Mikhail Gorbachev và cựu Thủ-tướng Tây Đức, Helmut Kohl, mà dân chúng Đức được thống nhất và đưa tới sự chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông Âu và Tây Âu; giữa Hoa Kỳ và Sô Viết. Nhưng việc thống nhất này gặp sự chống đối của hai nhà lãnh đạo nổi tiếng Âu Châu là Tổng-thống Pháp Francois Mitterand và Thủ-tướng Anh, bà Magaret Thatcher.
Vào tháng 9/1989, bà Magaret Thatcher yêu cầu Mikhail Gorbachev đừng để bức tường Bá Linh sụp đổ và thổ lộ tâm tình rằng bà mong muốn nhà lãnh đạo Sô Viết thực hiện những gì ông ta có thể ngăn lại. Nữ Thủ-tướng Thatcher phát biểu: "Chúng tôi không muốn một nước Đức thống nhất. Nó sẽ dẫn tới một sự thay đổi các biên giới sau chiến tranh, và chúng tôi không cho phép nó xẩy ra, vì một sự tiến triển như thế sẽ hủy hoại sự ổn định của toàn thể tình hình thế giới và có thể gây nguy hiểm cho nền an ninh của chúng tôi". (5)
Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Tổng-thống Pháp Francois Mitterand cảnh báo Nữ Thủ tướng Anh rằng, một quốc gia Đức thống nhất có thể chiếm nhiều đất hơn Hitler đã làm và Âu Châu sẽ gánh chịu mọi hậu quả. (6)
Sự phản đối Đức-quốc thống nhất của
hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp dựa trên yếu tố lịch sử. Adolf Hitler đã tạo nên Thế Chiến II, gây cho hơn 50 triệu người chết. Chính sách diệt chủng của Hitler đã tàn sát hơn 5 triệu dân Do Thái. Nếu chia hai nước Đức thì họ lo kình chống nhau, không còn thời giờ và sức mạnh để xâm lăng các quốc gia khác. Khi nước Đức thống nhất thì nguy cơ một Hitler thứ hai có thể tái diễn và Âu Châu sẽ lại chịu mọi hậu quả nghiêm trọng.

V-Lễ kỷ niệm 20 năm bức tường Bá Linh sụp đổ

Biến cố bức tường Bá Linh bị sụp đổ, lôi theo sự phá sản của các chế độ cộng sản Đông Âu và Sô Viết, đã trở thành biến cố lịch sử trọng đại không chỉ đối với dân tộc Đức mà chung cho toàn Âu Châu. Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông và Tây đã chấm dứt. Vì thế, ba nhà lãnh đạo quan trọng nhất liên quan tới biến cố này là Mikhail Garbachev, George Bush và Helmut Kohl đã họp mặt tại Đức-quốc vào ngày 31.10.2009.
Ngày 3/11/2009, Mikhail Gorbachev phát biểu trước các phóng viên rằng: "Nếu Liên-hiệp Sô Viết muốn, họ có thể chận đứng sự thống nhất. Và cái gì sẽ xẩy ra? Tôi không biết. Có thể Thế chiến III.’’
Ông Gorbachev cũng phê bình là Hoa Kỳ lợi dụng sự chiến thắng Thế chiến II để bành trướng sức mạnh qua Âu Châu và Thế-giới. Ông kết luận: "Người Mỹ cần hiểu rằng sự độc quyền của họ đã chấm dứt". Tuy nhiên, cuối cùng Gorbachev cũng phải công nhận rằng: "Nhưng Hoa Kỳ sẽ là người lãnh đạo một thời gian dài, sẽ rất có ảnh hưởng, sự thật là thế, dù quí vị thích hay không." (7)
Nhiều lãnh tụ của các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu cũng đã hiện diện trong lễ kỷ niệm này, như Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Anh Gordon Brown và Bộ-trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton v.v... Trong đêm kỷ niệm biến cố này, đặc biệt có sự hiện diện của Mikhail Gorbachev, cựu Tổng Thư Ký đảng Cộng-sản Sô Viết, cựu chủ tịch Liên Đoàn Đoàn Kết, nguyên Tổng thống Ba-Lan Lech Walesa và cựu Thủ tướng Hung Gia Lợi Miklos Nemeth, người ra lệnh mở cửa biên giới Áo-Hung. Ba nhân vật quan trọng đã đóng vai trò then chốt trong việc sụp đổ của các chế độ cộng sản Đông-Âu và Sô Viết.
Sau các bài phát biểu của Đô trưởng Bá Linh, Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Nga và Thủ tướng Anh, Bộ-trưởng Ngoại-giao Mỹ … 1.000 khối hộp lớn do tuổi trẻ vẽ, mang thông điệp hòa bình, được xếp thành hàng như các con cờ Dominos chạy dài 1,5 cây số, đã được Lech Walesa và Miklos Nemeth đẩy khối thứ nhất cho đổ. Từng khối hình đổ liên tiếp tượng trưng cho sự sụp đổ toàn bộ hệ thống cộng sản Đông Âu và Sô Viết. Hàng ngàn pháo bông được phóng lên, một cảnh bừng sáng tỏa khắp khung trời Bá Linh trong đêm lịch sử trọng đại. Nó chứng minh ánh sáng văn minh, tự do, dân chủ của Tây phương đã thắng bóng tối u-mê, độc tài cộng-sản.
Trong dịp này, cựu Tổng thống, nay là Thủ tướng Nga, Vladimir Putin có kể lại vào thời điểm đó, dân Đông Đức kéo tới cơ quan Mật Vụ Stasi biểu tình bạo động. Họ cũng kéo đến tòa Đại sứ Sô Viết, nơi Putin đang có mặt và là sĩ quan tình báo của KGB tại Đức. Khi đám đông giận giữ hỏi cơ sở này của ai, Putin nói ông là thông dịch viên và đây là cơ sở của ngoại quốc chứ không phải Stasi. Nhờ ông nói thông thạo tiếng Đức, nên đám biểu tình thông cảm bỏ đi. Nếu đám biểu tình mà phá tòa Đại-sứ Sô Viết thì không biết hậu quả tại hại sẽ xẩy ra như thế nào?

VI-Việt Nam thì sao?

Bức tường Bá Linh đã sụp đổ. Các chế độ cộng sản Đông Âu và Sô Viết đã tan rã 20 năm rồi, mà "Bức tường Ô-nhục Ý-thức hệ Cộng-sản Việt Nam" vẫn còn. Việt Cộng vẫn duy trì đảng Cộng-sản và bắt dân "Yêu nước là yêu Chủ-nghĩa Xã-hội!", một chủ nghĩa đã giẫy chết và bị ném vào sọt rác từ lâu. Hai bằng chứng dưới đây cho thấy Việt Cộng vẫn gục mặt sợ hãi, không dám cho dân Việt coi Tivi và bài viết về lễ kỷ niệm 20 năm Bức tường Ô-nhục Bá Linh sụp đổ:
1-Nhà báo Huy Đức của báo Sài Gòn Tiếp Thị, chủ "Blog Osin", đã bị đuổi trong tháng 8/2009 vừa qua, vì dám viết "Bức Tường Ô-nhục" (a Wall of Shame) và phê bình Sô Viết xâm lược, cũng như chửi mánh Việt Cộng Giải-phóng Miền Nam qua đoạn văn: "… Liên Xô, quốc gia đóng vài trò quyết định trong cuộc chiến chống Phát xít, thay vì được ghi nhớ như là “giải phóng quân” đã trở thành một lực lượng chiếm đóng và đã áp đặt lên Đông Âu một chế độ tước đoạt hết của con người những quyền căn bản … Một cuộc chiến không còn được coi là “giải phóng” nếu những gì mà nhân dân cuối cùng được hưởng không phải là độc lập tự do."
Không chỉ Huy Đức mà nhà báo Đoan Trang cũng bị bắt, vì chống Tầu Cộng chiếm các hải đảo của Việt Nam. Blogger Bùi Thanh Hiếu chống Tầu và lên án Nhà cầm quyền VC cướp đất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
2-Đài truyền hình Việt Nam không cho chiếu buổi lễ kỷ niệm 20 năm bức tường Bá Linh sụp đổ. Nhiều người ngoại quốc làm việc tại Hà Nội cho đài BBC biết họ không xem được chương trình của các hãng truyền thông nước ngoài truyền hình trực tiếp kỷ niệm 20 năm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ. Không nói ra, nhưng ai cũng hiểu được rằng Việt Cộng đã kiểm duyệt và cắt bỏ. Hệ thống truyền thông và báo chí Việt Nam hoàn toàn im lặng, cả trước và trong ngày 9/11/2009 là điều dĩ nhiên. Họ chỉ được phép nói, đăng, thông tin những gì Nhà cầm quyền cho phép! Để chối tội và với giọng điệu gian trá, đài truyền hình viện cớ "Vì lý do kỹ thuật?" Người ta được biết lâu nay, đài truyền hình BBC World trong hệ thống VCTV ở Việt Nam luôn phát chậm lại 30 phút. Lý do phát chậm, chả nói ra, ai cũng thừa hiểu là để kiểm duyệt và cắt bỏ!
----------------------------------------

Chú thích:
(1): "When forces that are hostile to Socialism try to turn the development of some socialist country towards Capitalism, it becomes not only a problem of the country concerned, but a common problem and concern of all socialist countries."
(2): The Brezhnev Doctrine stayed in effect until it was finally ended due to the refusal of Mikhail Gorbachev to use military force when Poland held free elections in 1989 and Solidarity defeated the Communist Party. It was superseded by the facetiously named Sinatra Doctrine in 1989. December 1, 1989 - Pope John Paul II and Mikhail Gorbachev met in Rome, ending 70 years of hostility between the Vatican and the USSR.
(3): Kennedy used the construction of the Berlin Wall as an example of the failures of communism: “Freedom has many difficulties and Democracy is not perfect, but we have never had to put a wall up to keep our people in".
(4): "We welcome change and openness; for we believe that freedom and security go together, that the advance of human liberty can only strengthen the cause of world peace. There is one sign the Soviets can make that would be unmistakable, that would advance dramatically the cause of freedom and peace. General Secretary Gorbachev, if you seek peace, if you seek prosperity for the Soviet Union and Eastern Europe, if you seek liberalization, come here to this gate. Mr. Gorbachev, open this gate. Mr. Gorbachev, tear down this wall!"
(5): "We do not want a united Germany. This would lead to a change to postwar borders, and we cannot allow that because such a development would undermine the stability of the whole international situation and could endanger our security".
(6): After the fall of the Berlin Wall, French President Francois Mitterand warned Thatcher that a unified Germany could make more ground than Adolf Hitler ever had and that Europe would have to bear the consequences.
(7) “If the Soviet Union had wanted, it could have stopped reunification. And what would have happened then? I don’t know. Maybe World War III,” … “The Americans should understand that their monopoly has ended,” … “But that America is going to be a leader for a long time, that it is going to be very influential — this is a fact, whether you like it or not.”
------------------------------------------------------
Đính chính:
Trong bài Biến Cố tháng 11/2009, DCÂC số 395, chúng tôi có ghi: "Bà Oprah Winfrey thất vọng bèn hủy bỏ chương trình giới thiệu "Dân Đan hạnh phúc" (De lykkelige Danskere - The happy Danes)
Xin đính chính là bài viết gửi trước ngày 15 mỗi tháng, chúng tôi chờ từ ngày 2 tới 14/10/2009 mà chương trình Talk Show của bà chưa xuất hiện trên Ti Vi Mỹ và Đan Mạch. Mãi tới ngày 21/10/2009 chương trình của bà mới chiếu trên TV Mỹ với tựa đề: "The happiest people on Earth" (Dân tộc hạnh phúc nhất trên trái đất). Sau khi mua lại phụ bản bản quyền, đài TV 4 của Đan Mạch mới được phép chiếu chương trình này vào lúc 22:00 giờ ngày 17/11/2009. (Đỗ Đức Thống)

Tài liệu tham khảo:
en.wikipedia.org/wiki/Brezhnev_Doctrine
en.wikipedia.org/wiki/Warsaw_Pact_invasion_of_Czechoslovakia
en.wikipedia.org/wiki/Solidarity_(Polish_trade_union)
en.wikipedia.org/wiki/John_F._Kennedy
news.bbc.co.uk/2/hi/europe/8344960.stm
www.highbeam.com/doc/1P2-3960810.html
uk.reuters.com/article/idUKTRE5A723V20091109
www.bredalsparken.dk/~soren-kretzschmer/berlinmurens_fald_og_nutiden_-.html
en.wikipedia.org/wiki/Berlin_Wall
http://www.thenews.com.pk/daily_detail.asp?id=206611
www.bbc.co.uk/vietnamese/viet..._viet_tv.shtml ;