Dân Chúa Âu Châu

Biến Động Miền Trung

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG


Trong tháng 7 và 8/2009, khi quí độc giả Dân Chúa Âu Châu đang vui hưởng những ngày hè đẹp đẽ để lấy lại sức khoẻ sau một năm làm việc mệt nhọc, thì tại Việt Nam, công-an Việt Cộng (VC) và lũ bất lương tỉnh Quảng Bình, đã bất chấp luật pháp quốc gia, đánh đập tàn nhẫn Tu Sĩ và Giáo-dân trong các buổi cầu nguyện đòi lại Thánh-đường Tam Tòa. Các buổi cầu nguyện hiệp thông cùng giáo dân xứ Tam Tòa của các giáo xứ thuộc Địa-phận Vinh trong những ngày qua cho thấy sự đoàn kết keo sơn gắn bó của cộng đồng giáo dân trước hiểm họa đàn áp tôn giáo do Cộng-sản vô-thần gây ra. Sự phản đối của cộng đồng Công Giáo Việt Nam ở ngoại quốc đã nói lên tinh thần tương trợ các nạn nhân đang phải sống dưới chế độ bạo quyền Cộng-sản. Hệ thống truyền thông và báo chí ngoại quốc đã quan tâm tới biến cố Tam Tòa, cũng như Thái Hà trước đây, chứng tỏ Thế-giới ngày nay luôn lắng tai nghe những tiếng kêu đòi dân chủ và tư do tôn giáo ở bất cứ quốc gia nào.
Vì sự quan trọng của vấn đề, chúng tôi sẽ trình bày biến cố Tam Tòa một cách đầy đủ, qua sự tổng hợp các nguồn tin từ Việt Nam, trên hệ thống Internet và truyền thông của ngoại quốc.

I-Nhà Thờ Tam Tòa trước năm 1945

Giáo xứ Tam Tòa (tọa lạc tại đường Nguyễn Du, thành phố Đồng Hới hiện nay) được thành lập khoảng năm 1631 với tên gọi xứ đạo Đông Hải (hoặc Họ Lũy tức Lũy Thầy hay Lũy Trường Dục). Đây là tiền thân của giáo xứ Tam Tòa, ở về phía Nam Quảng Bình. Năm 1774, cuộc chiến cuối cùng giữa Nhà Nguyễn và Nhà Trịnh xẩy ra. Quân của Trịnh Sâm chiếm được thủ đô Thuận Hóa của Nhà Nguyễn ngày 29.1.1775 và phá tan Lũy Thầy, một chiến tuyến phòng ngự nổi tiếng do Đào Duy Từ xây dựng. Quảng Bình và Triệu Phong thời bấy giờ là hai Phủ thuộc đất Thuận Hóa. Vì lý do thời cuộc, Nhà-thờ Đông Hải được chuyển về khu vực Cầu Ngắn, nay thuộc phường Phú Hải, và được gọi là giáo xứ Sáo Bùn. Khoảng năm 1886, Sáo Bùn có trên dưới 200 nóc nhà và 1200 giáo dân. Ở đây có Viện Dục Anh để giúp nuôi trẻ em nghèo và Tu viện Dòng Mến Thánh Giá.
Năm 1886, quân Văn Thân trong chiến dịch Cần Vương, với khẩu hiệu ``bình Tây, sát Tả’’ (1) đã tàn sát người Công Giáo bất cứ nơi nào họ gặp. Nhóm này đã đột kích vào giáo xứ Sáo Bùn, không chỉ giết chết hơn 50 giáo dân, lại đang tâm đốt phá Nhà-thờ Sáo Bùn. Bị bách hại một cách vô nhân đạo, giáo dân phải chạy về Đồng Hới lánh nạn. Sau khi các vụ bách hại chấm dứt, Linh mục Claude Bonin (1839-1925) đã tập trung các giáo dân tị nạn Nam Quảng Bình lại và quyết định thành lập một giáo xứ mới ở phía bắc thành Động Hải (sau này gọi là Đồng Hới) và lấy tên là giáo xứ Tam Tòa. Ngày 8/12/1887 Linh-mục Claude Bonin khánh thành ngôi Thánh-đường Tam Tòa đầu tiên và giáo dân đã trồng nhiều cây phi-lao để cản bụi cát, tạo cho ngôi Thánh-đường có một quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và thiêng liêng thánh thiện. Năm 1934, Linh mục Réné Toussaint Morineau (thường gọi là Cố Trung) được bổ nhiệm làm Chánh xứ Tam Tòa. Năm 1945 khi Việt Minh chiếm được chính quyền ở Miền Bắc, bắt đầu áp dụng chế độ độc và tiêu diệt tôn giáo, thì những hàng cây phi-lao do giáo dân trồng đã bị đốn hết để làm củi cho hậu cần quân VC. Một nơi tôn nghiêm và cảnh trí đẹp đẽ như vậy đã bị VC tàn phá, biến Tam Tòa thành vùng trơ trụi, quạnh hiu.
Những công trình hiện diện tại Tam Tòa cho tới khi giáo dân rời đi năm 1954 đều là công sức của Linh-mục Morineau: Năm 1940 Ngài xây nhà thờ Tam Tòa, làm nhà cha sở trong một khu vườn rộng rất đẹp và khang trang, thiết lập hệ thống đường xá trong giáo xứ, nhất là con đường nối liền nhà thờ với quốc lộ 1, vận động sở Công Chánh xây một bờ đê kiên cố từ cầu Mụ Kề đến hết nhà cha xứ, xây dựng trường Sainte Marie, xây Dòng Mến Thánh Giá đối diện với nhà cha sở, xây Nhà Dục Anh ở cuối làng để nuôi trẻ mồ côi.
Chính nhờ ngôi Thánh-đường khang trang và sự phát triển đức tin ngày một sống động mà giáo dân trở về ngày một đông. Vào thời điểm đó giáo xứ Tam Toà đã trở thành một giáo xứ lớn nhất của tỉnh Quảng Bình, trực thuộc Địa-phận Huế. Năm 1953, cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận sau khi chịu chức Linh mục đã về làm cha phó của giáo xứ này.

II-Nhà Thờ Tam Tòa sau năm 1945

Năm 1954, sau hiệp định Genève, hầu hết giáo dân Tam Tòa, cùng với rất nhiều dân cư ở đây và giáo dân các xứ thuộc hạt Nam Quảng Bình phải di cư vào Đà Nẵng sinh sống và thành lập một giáo xứ Tam Tòa tại Đà Nẵng. Một số khác sống rải rác ở Huế, Ninh Thuận, Bình Tuy...
Năm 1956, theo người ta kể lại, Nhà-thờ Tam Tòa bị Việt Cộng trưng dụng vài lần làm nơi đấu tố địa chủ trong chiến dịch mang tên ``Cải cách ruộng đất’’, một chiến dịch đã giết chết hàng chục ngàn nông dân miền Bắc. Một nơi thờ phượng trang nghiêm của một tôn giáo mà bọn vô thần đã nhẫn tâm dùng vào việc bất chính! Sau cuộc di cư 1954, số giáo dân còn lại ở Tam Tòa được coi sóc bởi 2 Linh-mục Trần Quang Nghiêm và Lương Minh Thể. Hạt Bình Chính với 24 giáo xứ, trong đó có nhiều giáo xứ rất lớn, có đông giáo dân (từ 3000 trở lên) như Giáp Tam, Chợ Sáng, Cầu Nâm, Đan Sa, Hướng Phương, Kinh Nhuận, Vĩnh Phước II, v.v. Tất cả các giáo xứ này đều nằm trong hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch ở phía bắc Quảng Bình, cách xa thành phố Đồng Hới. Đến năm 1962, Lm. Thể qua đời và năm 1964 chiến tranh vùng hỏa tuyến bộc phát mãnh liệt, Lm. Nghiêm phải lánh nạn và Tam Tòa từ thời gian đó không có linh mục coi sóc.
Ngày 11/2/1965 (có nơi ghi năm 1968), nhà thờ Tam Tòa bị máy bay Mỹ oanh kích, đổ nát, chỉ còn lại tháp chuông và được duy trì như vậy cho đến ngày nay.
Sau khi VC chiếm được miền Nam, ngày 30-04-1975, một số giáo dân gốc Tam Tòa đã theo đoàn người di tản rời quê hương và hiện đang định cư trên các quốc gia tự do như Hoa Kỳ, Pháp, Hòa Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Anh-quốc. Ngôi Nhà-thờ năm xưa đã bị bom đạn tàn phá, nhưng giáo dân còn lại tại Tam Tòa vẫn quây quần bên mảnh đất của Tiền Nhân, tiếp tục bảo vệ đức tin và trung thành với việc thờ phượng Chúa.
Sau 1975, tuy thuộc Giáo-phận Huế, nhưng không một Linh mục nào ở Huế được Việt Cộng cho về Quảng Bình nhận chức cai quản một giáo xứ; mặc dù Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể đã nhiều lần xin với chính quyền địa phương. Hành động này chứng tỏ Việt Cộng cố tình làm trở ngại mọi sinh hoạt tôn giáo của Công Giáo. Đó cũng là nguyên nhân tại sao mấy chục năm qua Đồng Hới không có Nhà-thờ và không có cha xứ.
Ngày 26.3.1997, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 143/QĐ-UB công nhận tháp chuông Nhà-thờ Tam Toà là chứng tích tội ác chiến tranh. Ngày 15/5/2006, Tổng Giáo phận Huế chuyển giao Hạt Nam Quảng Bình cho Giáo-phận Vinh, trong đó có giáo xứ Tam Tòa. Ngay sau đó, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, Giám mục Giáo phận Vinh bổ nhiệm linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng về quản xứ Sen Bàng, kiêm xứ Tam Tòa. Vào lúc này Tam Tòa có hơn 1000 giáo dân sinh sống tại địa bàn thành phố Đồng Hới. Do nhà thờ cũ đổ nát, mọi sinh hoạt tôn giáo phải mượn nhà của một giáo dân tại đường Nguyễn Du, cách nền nhà thờ Tam Tòa khoảng 100 mét về phía Tây Bắc.
Ngày 08/12/2007, 13 linh mục cùng khoảng 1000 tín hữu đã tổ chức Rước Kiệu và dâng Thánh-lễ đầu tiên tại nền nhà thờ Tam Tòa, một hình thức biểu hiện sự mong muốn đòi lại quyền sở hữu sau gần nửa thế kỷ. Ngày 13/02/2008, nhằm mùng 7 Tết Mậu Tý, ĐGM Cao Đình Thuyên và 17 linh mục cùng giáo dân đã tổ chức Thánh-lễ tại Nhà-thờ đổ nát Tam Tòa. Tỉnh Quảng Bình hiện nay có trên 100.000 giáo dân, nhưng thành phố Đồng Hới lại không được phép thành lập một giáo xứ và xây cất một nhà thờ. Tại sao?

III-Diễn tiến của cuộc xung đột

Theo bản Cấp báo, Thông báo rồi Đơn Khiếu-nại của Tòa Giám mục Xã Đoài ngày 20 và 21-07-2009, cùng thông tin liên tục từ các phương tiện truyền thông quốc nội và hải ngoại thì sáng ngày 20-07-2009, Anh Chị Em Giáo-hữu Tam Toà, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, với sự giúp đỡ của Giáo hữu một số Giáo xứ bạn, đã dựng một nhà tạm trên nền Nhà-thờ Tam Toà để cử hành Thánh Lễ. Công việc vừa hoàn thành thì hàng trăm Công an tỉnh Quảng Bình (với sự hỗ trợ của nhiều thành phần côn đồ bất hảo) đã ngang nhiên xông vào phá đổ nhà tạm, xúc phạm Thánh-giá, cướp máy móc vật liệu, đánh đập dã man giáo dân già trẻ bằng hung khí, cướp các máy quay phim chụp hình của họ, cuối cùng tống một số người lên xe đem về đồn giam nhốt.
Sau đó nhà cầm quyền còn huy động người dân khác đạo trong vùng tới phá rối. Để tránh một cuộc xung đột tôn giáo do Việt Cộng cố tình gây ra, Giáo-dân phải giải tán. Trong thời gian này người ta thấy công an chìm nổi và lũ côn đồ được thuê mướn canh gác khu vực nhà thờ, hăm dọa và hành hung những ai đến thăm viếng hiệp thông với Giáo xứ Tam Tòa. Hành động này không khác gì kế hoạch của công an Hà-nội đã áp dụng trong biến cố Thái Hà.
Để hiểu tình hình đã xẩy ra như thế nào, chúng tôi ghi lại đây bản Thông-cáo của Tòa Giám Mục Quảng Bình
THÔNG CÁO (SỐ 4)
V/v Tam Tòa tại Đồng Hới, Quảng Bình
1-Tin 2 linh mục và một số giáo dân Vinh bị nhóm "côn đồ" đánh đập tại Tam Tòa trước sự chứng kiến của những người mang sắc phục công an, làm cho dư luận khắp nơi thêm phẫn nộ, bàng hoàng, lo lắng. Nhiều nơi điện thoại về Tòa Giám mục thăm hỏi tình hình và phỏng vấn. Cha Fx. Võ Thanh Tâm - Tổng đại diện Giáo phận Vinh đã xác định chắc chắn có sự việc trên.
2- Chiều 27/7/2009, linh mục Phaolô Nguyễn Đình Phú và mấy giáo dân bị đánh trọng thương về tới Kỳ Anh (Hà Tĩnh). 21 giờ cùng ngày, linh mục Phêrô Ngô Thế Bính được đưa về Phòng khám Đa Khoa của Tòa Giám mục Xã Đoài. Giáo dân kéo đến, thấy cảnh linh mục bị đánh bầm dập mặt mũi và thân thể mang nhiều vết thương đã không thể kìm nén được sự phẫn uất của mình. Không khí sục sôi.
3- Chiều 27/7/2009, Tòa Giám mục nhận được tin chị Yên bị công an Quảng Bình tới nhà mang đi hôm 26/9/2009 được thả về. Lúc 01 giờ sáng 28/7/2009, Tòa Giám mục nhận được tin anh Thống bị mang đi hôm 26/7/2009, lúc đó đang bị công an tống ra đường.
4- Sáng 28/8/2008, phái đoàn Tòa Giám mục vào thăm Cha Phú tại giáo xứ của ngài coi sóc. Được Cha Phú kể lại, phái đoàn hiểu thêm âm mưu ác độc của nhóm côn đồ và những kẻ tiếp tay trong sắc phục công an đứng chứng kiến cảnh tượng kinh khủng đó. Ngài nói, chỉ trước đó mấy phút, khi xe của ngài vừa đậu tại phần đất gần nền nhà thờ Tam Tòa thì nhóm côn đồ ập tới đánh ngài và các giáo dân cùng đi.
5- Tại phòng khám Tòa Giám mục, từng đoàn người đến thăm Cha Bính và hỏi thăm sự thể. Dù bị đau đớn, ngài vẫn cố kể lại những hành động của nhóm côn đồ đánh hội đồng trước sự chứng kiến của công an Quảng Bình, làm cho không khí căng thẳng lan nhanh khắp Giáo phận Vinh. Cha Tổng đại diện và các linh mục tại Tòa Giám mục cố trấn an mọi người bình tĩnh, cầu nguyện, với ý thức rằng hành động của ma quỷ rất dễ lún sâu trong vũng lầy nhơ nhớp của nó. Còn con cái Chúa phải chiến đấu với quỷ ma bằng cách thế khôn ngoan như Lời Chúa dạy.
6- Tối 28/7/2009, một số gia đình có nạn nhân đang bị công an Quảng Bình bắt giữ báo cho Tòa Giám mục biết là chính quyền địa phương đề nghị tới "làm thủ tục" đón người nhà về. Rồi cả ngày 29/7 vấn đề đó cũng chưa xong!
7- Chiều 29/7/2009 phái đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội tới Tòa Giám mục thăm Giáo phận Vinh và gửi quà thăm anh chị em giáo dân Tam Tòa.
8- Ngày 30/7/2009, vào lúc 10 giờ, ông Nguyễn Đức Thịnh - Vụ phó vụ Công giáo và bà Đào Thị Đượm - Chuyên viên Công giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã tới Tòa Giám mục gặp và trao đổi với linh mục Võ Thanh Tâm - Tổng Đại diện Giáo phận Vinh cùng với linh mục Phạm Đình Phùng - Chánh văn phòng Tòa Giám mục Xã Đoài. Tại cuộc gặp này, Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ muốn nghe những ý kiến từ Giáo phận Vinh. Linh mục Tổng đại diện lần lượt nêu lên các ý sau đây :
-Sự việc Tam Tòa lúc đầu chỉ là việc nhỏ. Giáo dân chỉ đến dựng cái lán che trên nền nhà thờ Tam Tòa, nền đất thánh thiêng của giáo dân Tam Tòa suốt mấy trăm năm qua. Thế mà công an Quảng Bình đã đánh đập tàn nhẫn, bắt giữ trái phép giáo dân, chiếm đoạt Thánh Giá - biểu tượng cao quý của người Công giáo, chiếm đoạt tài sản của Giáo hội và của giáo dân, rồi lại tiếp tục sa vào sai lầm khi 2 linh mục và một số giáo dân bị đánh trọng thương, càng làm cho dư luận ngày thêm bất bình phẫn uất. Cha Tổng nói: "Chính tôi là người đã vào Tam Tòa thăm các nạn nhân. Họ kể và tôi thấy những viết thương bầm tím trên người họ mà xót xa, đau đớn".
-Về phía Giáo hội, chúng tôi cố gắng trấn an dân chúng. Họ sục sôi vì những hành động tàn nhẫn của công an Quảng Bình.
-Chúng tôi tự hỏi: Nếu UBND tỉnh Quảng Bình nói chỉ có giáo dân và lương dân xô xát với nhau, vậy tại sao công an chỉ bắt giữ giáo dân, đánh đập, giam cả 10 ngày nay rồi, mà lại không bắt một ai là lương dân?
-Nếu công an nói rằng họ đến để dẹp việc gây rối trật tự công cộng thì tại sao lại lấy hết tất cả các máy quay phim, chụp hình của giáo dân, tới nay cũng chưa trả lại. Nếu họ làm việc chính nghĩa thì phải để cho dân thấy chứ?
-Và nếu công an đến để dẹp việc gây rối thì tại sao lấy hết tất cả, từ Thánh Giá, khung sắt, tôn lợp, xe cộ, máy phát điện, thức ăn, cả đến tiền bạc của giáo dân mà không lập biên bản gì cả?
-Cụ thể hơn cả là tại sao trong mấy ngày qua, công an không bắt nhóm "côn đồ" đông tới hàng trăm đánh đập 2 linh mục và các giáo dân trong ngày 27/7/2009?
9- Sau khi nghe những lời trình bày của linh mục Tổng đại diện và linh mục Chánh văn phòng, đại diện Ban tôn giáo chính phủ hiểu rõ hơn vấn đề và muốn được Tòa Giám mục đưa ra những đề xuất. Tòa Giám mục lặp lại những yêu cầu từ ban đầu:
-Thả ngay, thả hết những giáo dân bị công an Quảng Bình đánh đập và đang bị bắt giữ.
-Săn sóc, chữa lành những giáo dân bị công an đánh đập.
-Bồi thường tại chỗ lán che của giáo xứ Tam Tòa.
-Trả lại Thánh giá, trả lại tài sản của Giáo hội và tài sản của giáo dân.
-Dừng ngay việc xuyên tạc sự thật, bôi nhọ tôn giáo, kích động hận thù, gây chia rẽ khối đoàn kết lương giáo.
-Còn việc 2 linh mục và các giáo dân bị đánh đập, UBND tỉnh Quảng Bình phải chịu trách nhiệm việc chữa trị, lo thuốc men và phải xét xử những kẻ "côn đồ" theo pháp luật.
10- Lúc 18 giờ ngày 30/7/2009, Tòa Giám mục nhận được tin từ người nhà của các nạn nhân cho biết: công an Quảng Bình đã thả thêm 4 giáo dân bị bắt giữ từ ngày 20/7/2009. Hiện còn 3 giáo dân bị giữ. Còn ông Nguyễn Công Lý bị mang đi ngày 26/7/2009 đã được thả ngày sau đó.
Xin mọi người tiếp tục hiệp ý cầu nguyện và thể hiện tình yêu thương liên đới với Tam Tòa.
Văn phòng Thư ký Tòa Giám mục - Chánh Văn phòng - (Đã ký và đóng dấu) - Linh mục Antôn Phạm Đình Phùng

IV-Nhà Thờ Tam Tòa bị Mỹ dội bom hay Việt Cộng phá hoại?

Khi nghiên cứu tài liệu về việc Nhà-thờ Tam Tòa bị phá sập, chúng tôi nhận thấy có những nguồn tin khác nhau:

1- Nghi ngờ Việt Cộng đặt bom giật sập

-Theo tác giả Thu Hiền (Hà Nội) Vietland Staffs thì có thể để đánh lạc hướng tội ác, Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã tổ chức cho gài bom nổ nơi tôn giáo để tìm cách lên án Mỹ, nhằm né tránh cuộc thảm sát tại Huế. CSVN cho nổ bom hai "thí điểm" tôn giáo quan trọng là chùa An Xá thuộc xã Lộc Thủy, Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và Nhà Thờ Tam Tòa để nhằm đổ thừa cho Đế Quốc Mỹ, đánh lận con đen. Một số nhân chứng kể lại cho thấy là vào sớm ngày thứ Ba 27 tháng 2 năm 1968 (1), không có chiếc máy bay Mỹ nào bay qua, nhưng còi báo động tại Quảng Bình hụ lớn, dân chúng được đưa xuống hầm ẩn tránh "bom Mỹ" thì ngôi Chùa An Xá và nhà thờ Tam Tòa bị nổ tung.
Con số ngẫu nhiên 20 và ngày Thứ Ba có thánh lễ! Chùa An Xá được chính quyền báo cáo cho biết là Bom Mỹ thả trúng chính diện làm cho 12 Phật Tử chết, nhà thờ Tam Tòa nổ tung làm cho 8 Giáo Dân chết. Những "bằng chứng" tội ác đế quốc Mỹ "đã" thả bom cơ sở tôn giáo được Hà Nội đánh bóng đưa tin. Nhiều người lúc đó thắc mắc là ngày Thứ Ba mà sao Nhà thờ Tam Tòa lại có thánh lễ và Chùa An Xá cũng có đông Phật Tử tới viếng để rồi bị đế quốc Mỹ thả bom chết! Hay có thể là những xác chết nầy được chở từ Huế vào để làm bằng chứng chụp hình, làm phim phản tuyên truyền!
Vụ nổ của hai cơ sở tôn giáo tại Quảng Bình vẫn nằm trong những câu hỏi:
-Có phải thật sự hai cơ sở nầy bị Mỹ Đánh Bom?
-Có Phải đảng CSVN dàn dựng để đánh lạc hướng vụ thảm sát Tết Mậu thân do CSVN gây ra?
-Tại sao ngày thứ Ba 27 tháng 2 năm 1968 lại có nhiều giáo dân đi lễ và Phật tử viếng chùa?
Nếu vụ nổ xẩy ra vào ngày Chúa Nhật 25 tháng 2 thì sẽ không ai thắc mắc chuyện nầy. Tuy nhiên, CSVN chọn cho bom nổ ngày 27 tháng 2 năm 1968 có thể vì lý do lúc đó phía Hoa Kỳ có nhiều phi vụ thả bom Khe Sanh gần Quảng Bình. Ngày Chủ Nhật 25 tháng 2 thì không có phi vụ nào gần Quảng Bình nên rất khó dàn dựng sân khấu.
Hiện nay chùa An Xá được CSVN "xóa dấu tích" tội ác đế quốc Mỹ, cho xây lại vào năm 1994; trái lại, nhà thờ Tam Tòa thì vẫn còn bị cho làm "di tích tội ác đế quốc Mỹ".

2-Nghi ngờ Do bom Mỹ phá sập

a)-Ông Bùi Tín, Đại-tá quân đội VC, trước là Phó Tổng biên-tập báo Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền của đảng CSVN, từng có mặt tại Đồng Hới vào những năm 1960, nay tị nạn chính trị tại Pháp-quốc, có viết bài: ``Đáp lễ bài ``Hãy nói sự thật’’ trên báo Quân-đội Nhân-dân (chủ nhật 2.8.2009): Đâu là sự thật?’’ Trong bài này có đoạn ông Bùi Tín viết như sau:
``… - thêm nữa bom Mỹ có phá hủy phần lớn nhà thờ Tam Tòa, nhưng theo tôi được biết khi ấy cả Đồng Hới đã sơ tán triệt để, không có linh mục hay giáo dân nào ở lại trong nhà thờ, nên bom Mỹ không gây thương vong cho dân thường, nên gọi là Chứng tích tội ác chiến tranh "để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ" thì có phần khiên cưỡng;…
-hồi ấy tôi đã thấy 2 ụ súng phòng không lớn được đắp ngay cạnh nhà thờ, nên ở ngoài khơi Đồng Hới tàu chiến, tàu sân bay, máy bay do thám Mỹ của hạm đội 7 có thể biết rất rõ từng mục tiêu, nên các cuộc ném bom có nhiều khả năng nhằm vào các mục tiêu quân sự ấy.’’ (Bùi Tín - Paris 4-8-2009)

b)- Tác giả Lữ Giang trong bài ``Một Nhà Thờ cho TP Đồng Hới, có ghi:
Trong thời gian chiến tranh, ba tỉnh bị lãnh bom đạn của Mỹ nhiều nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Riêng tỉnh Quảng Bình bị oanh tạc nặng nề nhất vì nằm sát với vỹ tuyến 17. Người ta ước lượng từ 1965 đến 1972 đã có khoảng 40.000 phi vụ oanh tạc Quảng Bình và khoảng 3.000 trận pháo kích do các tàu chiến ở ngoài khơi hay phía Nam bờ Bến Hải bắn vào. Vì thế, Quảng Bình gần như bằng địa. Không một chiếc cầu nào bắc qua quốc lộ 1 còn tồn tại và quốc lộ này không còn xử dụng được nữa. Dân chúng phải di tản ra khỏi vùng ven biển. Thành phố Đồng Hới được dời lên Cổn ở vùng núi phía Tây... Ngôi nhà thờ lớn nhất và đẹp nhất của thành phố Đồng Hới và tỉnh Quảng Bình là nhà thờ Tam Toà đã bị máy bay Mỹ phá sập vào năm 1968, chỉ còn chừa lại cái tháp cao chơi vơi. Hình như người Mỹ muốn giữ lại cát tháp này làm một dấu ghi nhớ (point de repère) để mỗi khi trở lại oanh tạc Đồng Hới, cứ theo dấu đó mà lao vào.

V-Nhận định

Để có thêm bằng chứng, chúng tôi đã phải nghiên cứu các tài liệu chiến sử của quân đội Mỹ tại Việt Nam và biến cố Nhà Thờ Tam Tòa, căn cứ vào thời điểm của các nguồn tin nêu trên.
1-Thời điểm 11.2.1965 (do báo Quân- đội Nhân-dân VC ghi)
Qua các tài liệu chiến sử, chúng tôi được biết ngày 27.1.1965, Tướng Nguyễn Khánh dành được sự kiểm soát hoàn toàn chính phủ và cũng là thời kỳ một cuộc ``Bắc Tiến’’ đã được thực hiện theo quan niệm ``Tại sao chúng ta cứ ngồi để cho định đánh?’’ Biến cố trung-úy phi-công Phạm Phú Quốc bị tử trận trong khi thi hành nhiệm vụ lái bay từ căn cứ không quân Đà Nẵng vượt qua Vĩ-tuyến 17 bỏ bom trục lộ giao thông của tỉnh Hà Tĩnh vào năm 1965 là một bằng chứng xác định thời điểm năm 1965 là đúng. Phi công Phạm Phú Quốc, một lần cùng Nguyễn Văn Cử, thay vì lái máy bay hộ tống hành quân, lại quay về thả bom Dinh Thống Nhất, nhằm giết chết Tổng-thống Ngô Đình Diệm và Cố-vấn Ngô Đình Nhu vào năm 1962, nhưng không thành công. Biến cố Phạm Phú Quốc thực ra nằm trong chương trình không-tập miền Bắc của Không-quân Mỹ để trả đũa các cuộc tấn công của VC vào tàu Maddox của Hải-quân Mỹ tại vịnh Bắc Việt vào ngày 31.7.1964, và cơ sở quân sự Mỹ tại Pleiku ngày 6.2.1965. Đây là nguyên cớ mở đường cho quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân đưa tới chương trình oanh tạc miền Bắc của chính phủ Mỹ.

Theo tài liệu Tối-mật (Top Secret) của Bộ Ngoại-giao Hoa Kỳ được giải mật và phổ biến công khai, chúng tôi tìm thấy Điệp văn ngày 11.2.1965 của Tham Mưu Trưởng Liên Quân Mỹ gửi cho Bộ-trưởng Quốc-phòng McNamara có ghi: ``Để trả lời sự yêu cầu của ngài tại buổi họp ngày 8.2.1965, một chương trình quân sự mở đầu các hoạt động chống Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã được khai triển… Chương trình kéo dài trong một thời gian hơn 8 tuần lễ và được giới hạn tại các mục tiêu dọc theo đường số 7 và phía Nam của Vĩ-tuyến 19. Chương trình sử dụng các lực lượng VNCH và Mỹ, và ưu tiên cho không-tập. Nó cũng được cung cấp bởi các cuộc hải pháo và tiếp tục các hoạt động hiện tại, kể cả cuộc hành quân 34A, bắt đầu lại các cuộc tuần tra DeSoto và cho phép các cuộc hành quân trên đất liền băng qua biên giới.’’ (DeSoto là chương trình tuần tra của Hải-quân Mỹ tại các vùng biển phía Tây Thái Bình Dương),
Tuy nhiên, mãi tới ngày 2.3.1965, cuộc hành quân ``Sấm sét quay cuồng’’ (Rolling Thuder) mới mở màn. 100 chiến đấu cơ thả bom của Mỹ bắt đầu tấn công các mục tiêu miền Bắc. Kế hoạch Rolling Thunder thay vì chỉ thực hiện trong khoảng thời gian 8 tuần lễ, đã kéo dài 3 năm. Ngày 8.3.1965, những binh sĩ chiến đấu Mỹ đầu tiên đến Việt Nam là 3000 Thuỷ Quân Lục Chiến đổ bộ lên bờ biển để bảo vệ căn cứ Không-quân Đà Nẵng, cùng với 23.000 cố vẫn quân sự Mỹ đã có mặt tại Việt Nam. (Tài liệu: 109. Memorandum from the Joint Chiefs of Staff to Secretary of Defense McNamara (Source: Washington National Records Center, RG 330, OSD Files: FRC 71 A 6489, Vietnam 381. Top Secret: Sensitive).
Như vậy thời điểm ngày 27.2.1968 đối với tài liệu của tác giả Thu Hiền và Lữ Giang nêu trên có sự sai biệt về năm. Nhưng sự nghi ngờ của Thu Hiền về sự kiện tại sao có cử hành Thánh-lễ vào ngày thứ ba và có người tham dự là một nghi vấn đáng tin tưởng.
Thời điểm Nhà-thờ Tam Tòa bị tàn phá ngày 11.2.1965 do báo Quân-đội Nhân-dân của VC công bố thì đúng thời điểm năm 1965; nhưng sai ngày tháng.
Bài của ông Bùi Tín xác định được yếu tố chiến trường, nhưng tiếc rằng thiếu yếu tố thời gian. Tuy vậy, ông Bùi Tín đã chứng minh được sự gian dối của VC về vấn đề đã sơ tán triệt để, thì làm gì có những người chết trong nhà thờ?
Nếu VC đã đắp 2 ụ phòng không ngay bên cạnh Nhà-thờ Tam Tòa thì đúng là họ có ý đồ hiểm độc, ném đá dấu tay, biến Mỹ thành kẻ phá hoại và trở thành kẻ thù của Công Giáo. Để khóa họng súng phòng không của địch, Không-quân Mỹ oanh tạc hoặc Hải-quân pháo kích vào vị trí này là việc không thể tránh khỏi trong bất cứ cuộc chiến tranh nào.

2-Thời điểm ngày 27.2.1968

a)-Website http://www.historyplace.com/unitedstates/vietnam/index-1965.html có ghi lại tất cả các hoạt động quân sự của quân đội Mỹ tại Việt Nam, nhưng chúng tôi không tìm thấy hoạt động quân sự nào trong ngày 27.2.1968. Như vậy nhận định của tác giả Thu Hiền có thể tin được về việc VC tự đặt bom phá Nhà-thờ Tam Tòa, rồi đổ tội cho quân Mỹ.
Vì giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ tạm dịch sang tiếng Việt sự kiện xẩy ra trong ngày 27.2.1968:
February 27, 1968 -Influential CBS TV news anchorman Walter Cronkite, who just returned from Saigon, tells Americans during his CBS Evening News broadcast that he is certain "the bloody experience of Vietnam is to end in a stalemate.
Xin tạm dịch: " Walter Cronkite, phối trí viên tin tức đài truyền hình có ảnh hưởng lớn CBS, người vừa mới trở về từ Sài Gòn kể cho dân Mỹ trong phần đưa tin buổi chiều của đài CBS rằng ông ta chắc chắn biến cố đẫm máu của Việt Nam sẽ chấm dứt trong bế tắc.’’ (The History Place presents The Vietnam War, The Jungle War 1965-1068).

b)-Trong Website của viện đại-học Ohio: http://ehistory.osu.edu/osu/books/1968/index.cfm?page=0212 trang 212 – 1968 The Defining War – 1968), có ghi các cuộc hành quân của quân đội Mỹ từ ngày 24 đến ngày 27.2.1968 và riêng ngày 27.2.1968 cuộc giao tranh cũng chỉ xẩy tại Cửa Việt, chứ không liên quan tới Tam Tòa của Quảng Bình nằm trong lãnh thổ của miền Bắc, bên kia Vĩ-tuyến 17.
On 27 February, for example, an enemy B-40 rocket-propelled grenade struck an LCU on the Cua Viet laden with explosives resulting in the disabling of both the LCU and an escort patrol boat. Most of the convoyed vessels, however, completed the trip without incident.
(Xin tạm dịch: ví dụ, một trái hỏa tiễn B-40 của địch bắn trúng chiếc phà ``LCU’’ chứa chất nổ tại Cửa Việt đưa tới sự thiệt hại cho cả phà và tầu hộ tống tuần tra. Tuy vậy, phần lớn đoàn tầu hộ tống hoàn thành cuộc chuyển vận mà không có vấn đề.’’
The 3d Marine Division also took measures to safeguard the Cua Viet and attempt to keep North Vietnamese regulars and VC main force units out of the northeastern quadrant of Quang Tri Province above the Cua Viet. (Sư đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến cũng thực hiện việc bảo vệ Cửa Việt và cố gắng đẩy lui quân chính quy và các đơn vị lực lượng chính của Việt Cộng ra khỏi một phần tư tỉnh Quảng Trị nằm về phía Bắc Cửa Việt’’
Thật ra, từ tháng 1.1968 tới tháng 4.1968, 6000 lính Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ và Tiểu-đoàn 37 Biệt Động Quân của QLVNCH bị 3 sư-đoàn VC, quân số khoảng 20.000 người có các trung đoàn chiến xa, phòng không, đặc công và pháo binh yểm trợ, bao vây và bắt đầu tấn công vào ngày 21.1.1968. Chiến trường Khe Sanh được VC coi là Điện Biên Phủ đối với quân đội Mỹ. Cuộc chiến đã kéo dài 77 ngày đêm với những trận mưa bom và pháo kích lớn chưa từng có sau Thế Chiến II. Mưu đồ biến Khe Sanh thành Điện Biên Phủ của Tướng Võ Nguyên Giáp bị thất bại hoàn toàn. Trong thời gian này tất cả hỏa lực yểm trợ của Không-quân và Hải-quân Mỹ phải được ưu tiên cho chiến trường Khe Sanh và các cuộc hành quân giải phóng cố đô Huế trong dịp Tết Mậu Thân, thì người ta không nghĩ các cuộc không-tập Quảng Bình nằm bên kia Vĩ-tuyến 17 đã xẩy ra?
Như vậy, thời điểm Nhà-thờ Tam Tòa bị phá nổ tung vào ngày 27.2.1968 vẫn còn những điểm cần thận trọng.

VI-Tại sao Việt Cộng Quảng Bình cố giữ Nhà thờ Tam Toà?

Theo tác giả Thu Hiền nêu trên thì CSVN có phải muốn giữ nhà thờ Tam Tòa làm nơi "di tích tội ác đế quốc Mỹ không?
Sự thật không phải vậy, nhưng sự thật là ông Nguyễn Hữu Hoài, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ Ban Nhân Dân (UBND) tỉnh Quảng Bình là người có phần hùn trong công ty du lịch vùng Phi quân-sự ở Vĩ-tuyến 17 ``DMZ’’ (Demilitarized Zone), Khe Sanh & Phong Nha. Nhà thờ Tam Tòa được giữ lại để làm "di tích" bán vé cho Tour tham quan tại Huế cho khách ngoại muốn đi tham quan. Tour "thăm di tích chiến tranh" DMZ & Phong Nha đi từ Huế với giá $25-$40 USD cho khách nước ngoài. Xe TOURS của Sing Cafe & DMZ sẽ đón khách tại Huế vào lúc 6 giờ sáng, sau đó tới Đông Hà để đón hướng dẫn viên nói tiếng Anh "được đảng huấn luyện" nơi đây. TOURS gồm Hiền Lương, Khe Sanh và Phong Nha ... Quảng Bình, sau đó khách sẽ ghé thăm nhà thờ "di tích" Tam Tòa ...

Theo chúng tôi: Nếu nói Nhà-thờ Tam Tòa là di tích chiến tranh do Mỹ gây ra cần giữa lại, tại sao biết bao nhiêu di tích chiến tranh tại miền Bắc, như cầu Long Biên, bệnh viện Bạch Mại, phố Khâm Thiên v.v… bị tàn phá do phi cơ B-52 và F-111A của Không-quân Mỹ oanh tạc 12 ngày đêm, từ 18-29/12/1972, trong chiến dịch Linebacker-2, mà VC không giữ lại?
Nếu nói cần giữ lại các di tích lịch sử chiến tranh do Mỹ gây ra, tại sao chùa An Xá bị phá hủy cùng ngày với Nhà-thờ Tam Tòa lại được VC "xóa dấu tích" tội ác đế quốc Mỹ và cho xây lại vào năm 1994; trái lại, nhà thờ Tam Tòa thì vẫn còn bị giữ làm "di tích lịch sử tội ác đế quốc Mỹ?"
Nếu nói cần giữ lại các di tích lịch sử chiến tranh, tại sao các vụ khủng bố của VC dưới đây không được cả hai phía VNCH và VC giữ lại hoặc làm đài kỷ niệm và tưởng niệm:
Ngày 20.5.1962, bom nổ tại khách sạn Hưng Đạo làm bị thương 8 người Việt và 3 người Mỹ. Ngày 16.2.1964, rạp hát Kinh Đô bị đánh bom làm 3 người Mỹ chết và hơn 32 người bị thương. Ngày 25.8.1964, khách sạn Caravelle bị đặt bom làm sập nhiều tầng. Phía MTDTGP nói có hơn 100 người bị chết và bị thương. Ngày 4.10.1965, Sân vận động Cộng Hòa bị đặt bom làm 11 người thiệt mạng, 42 thường dân khác bị thương. Ngày 5.12.1967, du kích Việt Cộng tấn công vào làng người Thượng Đắk Sơn, phóng hoả đốt cháy 150 nhà dân và giết chết 252 người, chỉ vì 54 tay súng người thiểu số cương quyết chống trả. Đặc biệt cuộc tàn sát và chôn sống hơn 5.000 người dân huế trong biến cố Mậu Thân 1968. Hàng ngàn người chết trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 do VC pháo kích và tấn công người dân trên Đại-lộ Kinh-hoàng Quảng Trị và Quốc-lộ 13 tại An Lộc, Bình Long. Ngày 9.3.1974, trường tiểu học Cai Lậy (Tiền Giang) bị tàn phá do súng cối 82 ly của VC. Theo tướng Lâm Quang Thi, vụ tấn công này đã làm 34 học sinh đang chào cờ buổi sáng bị chết và hơn 70 bị thương. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có 32 học sinh chết và 55 bị thương. Nhạc sĩ Anh Bằng có viết bài hát nhằm "Tố cáo Cộng Sản pháo kích dã man vào trường tiểu học ở Cai Lậy", có đoạn lời hát như sau:
Hỡi bé thơ ơi, sao tội tình gì em lại bỏ đi, em lại bỏ đi, Kìa thầy giảng bài tình thương trong lớp, Bạn bè còn ngồi chăm chỉ lắng nghe, Sao em vội bỏ mái trường ngày xưa thân mến, vội bỏ ra đi...
Vụ trên cũng được nhắc lại trong hồi ký Tù-binh và Hòa-bình của nhà văn, Đại-úy Dù, Phan Nhật Nam viết năm 1974.

V-Vấn đề pháp luật

Theo hiến pháp của VC Điều 70: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hay không theo một tôn giáo nào". Điều khoản này được xác định rõ hơn qua Điều 5 trong Pháp-lệnh Tôn-giáo năm 2005 : "Nhà nước bảo đảm quyền hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của Pháp luật".
Giáo phận Vinh yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình trả lại khu đất nhà thờ Tam Tòa, để xây dựng một Thánh-đường mới, theo nhu cầu phụng vụ của giáo dân địa phương là điều chính đáng. Trước và sau hiệp định Genève 1954, Địa bàn quản lý của Giáo-phận Huế bao gồm cả hạt Nam Quảng Bình. Do đó, Nhà-thờ Tam Tòa vẫn thuộc sự quản lý cả về phương diện lý thuyết và thực tiễn. Việc giáo dân Tam Tòa, vì hoàn cảnh chiến tranh phải di cư đi nơi khác làm ăn sinh sống, và Nhà-thờ dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng số giáo dân còn lại vẫn có quyền sở hữu; mặc dù họ không có khả năng tái thiết Nhà-thờ để tiếp tục các sinh hoạt đạo. Như vậy quyền sở hữu Nhà-thờ và đất đại của giáo xứ Tam Tòa vẫn thuộc về Tòa Giám-mục Huế.
Điều 70 hiến pháp của VC cũng quy định rõ ràng rằng: "Những nơi thờ tự của các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, không ai được xâm phạm". Điều này được quy định cụ thể hơn tại Điều 26 trong Pháp-lệnh Tôn-giáo năm 2005: "Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưởng tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm mọi việc xâm phạm tài sản đó" và Điều 27: "Đất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường..."
Giáo phận Vinh và giáo dân giáo xứ Tam Tòa có quyền đòi lại toàn bộ đất và tài sản theo hiện trạng ban đầu. Điều 256 Luật đất đai 2003 quy định: "Chủ sở hữu, người sở hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó..."

Kết luận

Nhà-thờ Tam Tòa thuộc quyền sở hữu của Công Giáo thì phải trả lại cho Giáo-phận và Giáo-dân.
Nếu Nhà-thờ Tam Tòa bị bom Mỹ tàn phá thì chính phủ Mỹ phải bồi thường sau chiến tranh, xây lại Nhà-thờ này. Dĩ nhiên chính phủ Mỹ phải điều tra lại sự kiện Nhà-thờ Tam Tòa có bị bom Mỹ tàn phá không? Đơn vị Không-quân hay Hải-quân nào thi hành nhiệm vụ vào thời điểm đó?
Nhân cơ hội này chúng tôi xin đề nghị Địa-phận Vinh nên làm đơn yêu cầu chính phủ Mỹ bồi thường và xây lại Nhà-thờ mới cho Giáo-dân Tam Tòa. Sự việc sẽ không gặp khó khăn vì Việt Nam đã xóa bỏ hận thù Đế-quốc và thiết lập quan hệ ngoại-giao với Hoa Kỳ từ thập niên 1990.
Nếu chính phủ Mỹ từ chối thì xin Giáo-hội Công Giáo Hoa Kỳ; hoặc xin một giáo xứ người Mỹ kết nghĩa và trợ giúp xây lại Nhà-thờ Tam Tòa.