Dân Chúa Âu Châu

Thất bại tại Hội Nghị Olympic TT. Barack Obama bất ngờ được giải thưởng Nobel Hòa Bình

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

I- Đôi hàng về Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc-tế (The International Olympic Committee)

Kể từ ngày 1 tới 9/10/2009, Phiên-họp của Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc-tế lần thứ 121 và Hội-nghị Thế Vận lần thứ 13 (the 121st IOC Session and XIII Olympic Congress) được tổ chức tại Thủ-đô Kobenhavn (Copenhagen) Đan Mạch. Mục đích của Hội-nghị nhằm bàn thảo về các vấn đề cải tổ, phát triển và chọn thành phố tổ chức Thế Vận Hội năm 2016 tiếp sau Thế Vận Hội năm 2012 được tổ chức tại Thủ đô Luân Đôn, Anh-quốc.
Từ ngày 1 tới 6/10/2009, các vấn đề bàn thảo gồm: Sự thân hữu giữa các vận động viên thể thao, các Câu lạc bộ, Liên đoàn và các Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc Gia “NOC” (The National Olympic Committee); bảo vệ sức khoẻ trong khi tập luyện và tranh tài; đời sống xã hội và chuyên nghiệp của các lực sĩ trong khi và sau khi tranh tài; làm sao đặt biến cố thi đua lên hàng đầu, giá trị của Thế Vận Hội, tính cách quốc tế và sự phát triển các quốc gia, phong trào thể thao tự trị, sự quản trị và luân lý đạo đức tốt, sự quan hệ giữa phong trào Thế Vận và mục đích của nó, tiến tới một xã hội năng động, sự tranh đua thể thao luôn là mời gọi, các biến cố thể thao của tuổi trẻ, sự quản trị mới về quyền lợi thể thao, làm thế nào gia tăng số lượng khán giả, sự thông tin với mục tiêu của thế hệ điện toán v.v…
Từ ngày 7 tới 9/10/2009, bầu Chủ tịch Ủy-ban Thế Vận Hội và các hội viên; chọn lựa các bộ môn thể thao mới. Hai môn Golf (đánh gôn) và Rugby (bóng bầu dục) đang được quyết định cho vào danh sách các môn chơi mới kể từ Thế Vận Hội năm 2016. Phần cuối của chương trình là cuộc tiếp tân “See you in Denmark” (Chào bạn tại Đan Mạch) vào ngày 9/10/2009 tại công viên giải trí Tivoli, một World Disney nhỏ của Đan Mạch.
Hiện nay có 205 Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc Gia trong đó có 192 quốc gia độc lập được Liên Hiệp Quốc công nhận và 13 đại diện của các lãnh thổ được công nhận trước năm 1996. Hội viên của Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc-tế hiện có 106 hội viên trong đó có 16 phụ nữ, 22 hội viên danh dự trong số này có 3 phụ nữ và một hội viên vĩnh viễn là Juan Antonio Samaranch chủ tịch suốt đời, và 12 hội viên là Hoàng-tử và Công-chúa của các vương quyền gồm: Công-chúa Nora của Liechteinstein, Hoàng-tử Albert của Monaco, Công-chúa Anne của Anh quốc, Đại Huân-tước Heri và Jean của Lục Xâm Bảo (Luxembourg), Hoàng Thái-tử Wilhem-Alexander của Hòa Lan, Hoàng-tử Nawaf Faisal Fahd Abdullaziz của Ả-rập Saudi, Hoàng-tử Tunku Imran của Mã Lai, Hoàng-tử Haya Bint Al Hussein của Jordan, Hoàng Tử Dona Pilar de Borbon của Tây Ban Nha, Sheik Al-Thani Tamim bin Hamad bin Khalifa của Qatar và Sheik Ahned bin Seed Al Maktoum của Ả Rập Thống-nhất Emirater. Ngoài các hội viên chính thức còn có 23 hội viên danh dự, trong đó có Tiến-sĩ Henry Kissinger, chủ nhân ông chính sách bán đứng VNCH.
Ủy-ban Tổ-chức Đan Mạch (The Danish Organizing Committee) chịu trách nhiệm tổ chức Phiên-họp của Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc-tế lần thứ 121 và Hội-nghị Thế Vận lần thứ 13, gồm: Kai Holm: chủ tịch Ủy-ban tổ chức, Carina Christensen: Bộ-trưởng Văn-hóa, Ritt Bjerregaard: Đô trưởng Kobenhavn, Lars Krarup: chủ tịch Biến cố thể thao Đan Mạch, Jørgen Christensen: chủ tịch phát triển vùng Thủ-đô, Niels Nygaard: chủ-tịch Ủy-ban Thế Vận Quốc-gia. Cuối hội nghị kỳ này Hoàng Thái-tử Frederik của Đan Mạch đã được bầu vào hội viên của Ủy-ban Thế Vận Quốc-tế. Sự tham gia của ông vua tương lai của Vương-quốc Đan Mạch bị phe đối lập chống đối với lý do: Vua là tượng trưng cho tinh thần một quốc gia được đánh giá cao về phương diện văn minh dân chủ và dân chúng hạnh phúc ấm no; nay lại ngồi chung với những hội viên mà quá khứ không tốt đẹp gì như:
-Guy Drut, cựu Bộ-trưởng Thể-thao của Pháp đã bị phạt tù treo 15 tháng và bồi thường 50.000 Euro về tội tham nhũng - Lee Kun-hee, cựu chủ-tịch ban giám đốc công ty Samsung của Nam Hàn bị kết án về tội tham nhũng, hối lộ và rửa tiền - Franco Carraro, cựu chủ tịch liên đoàn bóng đá của Ý bị phạt vì can dự vào việc thoả thuận trong các cuộc đấu bóng đá tại Ý năm 2006 - Francis W. Nyangweso, cựu Thiếu-tướng, Tham mưu trưởng Quân-đội, Bộ-trưởng Quốc-phòng và Văn-hóa, phục vụ dưới chế độ độc tài Idi Amin của Uganda, can tội tấn công vào dân chúng vô tội trong thập niên 1970 - Sepp Blatter, người Thụy Sĩ, chủ tịch liên đoàn bóng đá FIFA bị tố cáo hối lộ cả triệu Mỹ-kim từ công ty ISL. Nội vụ chưa ngã ngũ - Ibrahim Diallos, cựu Bộ-trưởng Thông-tin và Văn-hóa Guinea năm 1997, bị tố cáo có hành động độc đoán qua chính sách kiểm duyệt và đàn áp ngành thông tin báo chí.

II- Chương trình Hội-nghị và cuộc dự tranh

Ngày thứ năm 1/10/2009: Lễ khai mạc được tổ chức tại Hí Viện Ca Nhạc Kịch Quốc Gia (Opera Hus). Nữ Hoàng Margrette là thượng khách cùng với các vị lãnh đạo và các hội viên của Ủy-ban Thế Vận Hội Thế-giới và Quốc gia, cùng với đại diện của 4 quốc gia dự tranh tổ chức Thế Vận Hội 2016.
Ngày thứ sáu 2/10/2009: Cuộc tuyển chọn thành phố tổ chức Thế Vận Hội năm 2016 được diễn ra tại Trung-tâm Bella Center. Có 4 thành phố nộp đơn dự tranh theo thứ tự thời gian là: Chicago (Hoa Kỳ), Tokyo (Nhật Bản), Rio de Janeiro (Ba Tây) và Madrid (Tây Ban Nha).
Sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng-thống Ba Tây Luia Inacio Lula da Silva; Vua Carlos II và Thủ tướng Tây Ban Nha Zepatero, và Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama không phải là lần đầu tiên. Đây chỉ là kinh nghiệm bắt nguồn từ kết quả mà sự hiện diện và cổ động của Thủ tuớng Anh Tony Blair đã đem lại kết quả cho Luân Đôn được tổ chức Thế Vận Hội 2012; sự hiện diện của cựu Tổng thống Vladimir Putin, nay là Thủ tướng Nga, đã đem lại kết quả cho Nga Sô được tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông 2014 tại Sochi. Trên nguyên tắc vấn đề thể thao được tách biệt ra khỏi chính trị. Nhưng Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc-tế không ngăn cản các nhà lãnh đạo hay các chính trị gia của các quốc gia tham gia vào hội viên của các Ủy-ban Thế Vận Hội hoặc tới tham dự các phiên họp và hội nghị.

1-Hoa Kỳ: Phái đoàn hùng hậu nhất. Không kể các đại biểu của quốc gia nằm trong danh sách IOC, với tư cách cá nhân, 4 nhân vật quan trọng của Hoa Kỳ đã đến để cổ võ cho thành phố Chicago gồm: Tổng thống Barack Obama cùng phu nhân Michelle Obama, Michael Johnson, lực sĩ huy chương vàng 100m tại Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, Oprah Winfrey: giám đốc chương trình Talk Show OPRAH. Bà được coi là một phụ nữ có uy thế nhất nước Mỹ hiện nay, được tuần báo TIME xếp vào một trong 100 người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong thế kỷ 20. Tạp chí kinh tế tài chính Forbes ghi bà vào danh sách các tỷ phú của Mỹ trong năm 2003. Oprah Winfrey là người Mỹ da đen đầu tiên trở thành tỷ phú. Năm 1998, bà được Hàn Lâm Viện Quốc gia về Nghệ thuật Truyền hình và Khoa học trao tặng “Giải-thưởng Thành công Đời người” (Lifetime Achievement Award from the National Academy of Television Arts and Sciences).
Phu nhân Tổng thống Mỹ, Michelle Obama, Oprah Winfrey và Michael Johnson tới ngày thứ năm 1/10/2009 để cùng với Ủy-ban Thế Vận Hoa Kỳ chuẩn bị kế hoạch vận động. TT. Barack Obama đến đúng ngày tuyển chọn thứ sáu 2/10/2009. Phần giới thiệu của phái đoàn Mỹ, chủ tịch Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc-gia Hoa Kỳ, Thống đốc Illinois, Thị trưởng Chicago và TT. Obama, theo chúng tôi trực tiếp theo dõi, đã phát biểu có tính cách phô trương sự giầu có và tiến bộ của Hoa Kỳ. Chỉ có Phu nhân Tổng-thống Michelle Obama phát biểu hay, cảm động và hấp dẫn nhất, khiến cho khan thính giả mến phục. Bà đã gợi lên hình ảnh người cha đáng kính, mộng ước của con gái quí yêu, tuổi trẻ thuộc đủ mọi mầu da sắc tộc đã và đang ao ước Thế Vận Hội được tổ chức tại thành phố Chicago. Với giọng nói hùng hồn và đầy tính thuyết phục cùng tài hùng biện của một luật sư giỏi, bà đã đánh động được con tim của khán thính giả.
Tuy nhiên, “Một con én không làm nên mùa Xuân!” Sự giầu có của Mỹ và ảnh hưởng quyền lực của Tổng thống Siêu-cường-quốc vẫn không đem lại kết quả. Chicago đã bị loại ngay vòng 1. Sau đó, TT. Obama phát biểu chữa thẹn đại ý là “Trong một cuộc chơi đội banh giỏi có khi vẫn bị thất bại!” Bà Oprah Winfrey thất vọng, bèn hủy bỏ chương trình giới thiệu “Dân Đan Hạnh Phúc” (De lykkelige Danskere - The happy Danes). Chương trình này đã được quay tại Copenhagen nhưng không được chiếu toàn bộ như đã dự định trên Talk Show của bà ta.
Được biết Hoa Kỳ đã tổ chức 4 kỳ Thế Vận Hội: năm 1904 tại St. Louis Missouri; năm 1932 và 1984 ở Los Angeles tiểu bang California; năm 1996 ở Atlanta tiểu bang Georgia. Hoa Kỳ cũng tổ chức Thế Vận Hội mùa Đông tại Salt Lake City thuộc tiểu bang Utah vào năm 2002.

2-Ba-Tây:

Ba Tây hiện nay được liệt vào danh sách các quốc gia giầu có và phát triển, nên cuộc dự tranh của nước này đã gây được sự chú ý của hội viên nhiều quốc gia và hội viên của Ủy-ban Thế Vận Hội Quốc tế. Đến Copenhagen vận động cho Ba Tây có: Tổng thống Luia Inacio Lula da Silva, Ủy-ban Thế Vận Quốc gia, Đô trưởng Rio de Janeiro và Pelé, cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới. Trước đoàn đại diện quá hùng hậu của Hoa Kỳ, Tổng-thống Ba Tây nghĩ rằng: người ta nói Ba Tây sẽ thất bại vì có Tổng thống Mỹ đến vận động cho thành phố Chicago. Trong bài thuyết trình vận động cho Rio de Janeiro, TT. Silva đã mượn khẩu hiệu “Yes We Can” (Vâng, Chúng tôi có thể) của TT. Obama trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008 tại Đại-hội Đảng Dân Chủ ở New Hampshire. “Yes, We Can” đã trở thành khẩu hiệu thời danh trên chính trường Hoa Kỳ, nó chứng tỏ thiện chí và khả năng của con người có quyết tâm sẽ hoàn thành được giấc mơ của mình.
Nhiều người nghĩ lầm rằng “Yes, We Can” là câu nói của TT. Obama. Thực tế đây là một câu trong bài diễn văn tranh cử của TT. Obama, được mượn từ câu “Sí, se puede” có nghĩa là “Vâng, có thể làm được: Yes, it can be done” của tiếng Tây Ban Nha. Khẩu hiệu này đã được Cesar Chavez, người sáng lập Hiệp Hội Nông Dân “UFW” (United Farm Worker), dùng vào năm 1972 tại Phoenix, tiểu bang Arizona. Khẩu hiệu này được ban nhạc Hip Hop và Pop có tên là Black Eyed Peas của William James Adams, Jr, quen gọi là will.i.am, phổ nhạc và đưa vào Video ngày 2/2/2008 với tên “WeCan08”. Ban nhạc này đã đạt được giải thưởng “Emmy”. Khẩu hiệu “Yes We Can” được Barack Obama lập lại vào ngày cuối Đại-hội Đảng Dân Chủ tại Denver, tiểu bang Colorado và trở thành câu nói thời danh, sau khi Obama trở thành Tổng-thống Mỹ.

3-Tây Ban Nha

Phái đoàn hùng hậu thứ ba là Tây Ban Nha, ngoài Ủy-ban Thế Vận Quốc gia, Đô-trưởng Madrid, còn có sự tham dự đặc biệt của Vua Juan Carlos II và Thủ-tướng Zapatero. Tây Ban Nha bị thất bại trong kỳ dự tranh Thế Vận Hội 2012, đứng hàng thứ hai sau Luân Đôn. Kỳ này cũng đứng hàng thứ hai, sau Ba Tây.

4-Đông Kinh (Tokyo)
Thủ-tướng Nhật Yukio Hatoyama đã cầm đầu phái đoàn cùng với Ủy-ban Thế Vận Quốc Gia và Đô trưởng Đông Kinh. Phái đoàn Nhật Bản coi như nhẹ ký nhất trong 4 phái đoàn. Tuy vậy cũng đứng hạng ba, trước Hoa Kỳ.

III- Kết quả của cuộc tuyển chọn

Đặc nhiệm đánh giá về sự tuyển chọn chủ nhân tổ chức các cuộc tranh tài Thế Vận 2016 gồm các nhân vật trong IOC: chủ-tịch là Nawal El Moutawakel, nữ Bộ-trưởng Thể-thao của Maroc, Gilbert Felli (Thụy Sĩ), Ching-Kuo Wu (Đài Loan), Craig Reedie (Anh Quốc), Guy Drut (Pháp), Mounir Sabet (Ai Cập), Alexander Popov (Nga-sô), Els van Breda Vriesman (Hòa Lan), Gregory Hartung (Úc).
Sau khi chiếu một đoạn phim quảng cáo cho thành phố dự tranh, đại diện của các quốc gia liên hệ lên trình bày trước hội nghị về các ưu điểm của thành phố dự tranh tổ chức Thế Vận Hội 2016. Khi phần trình bày kết thúc, 106 hội viên của Uỷ-ban Thế Vận Hội Quốc-tế sẽ bỏ phiếu qua 3 vòng loại.
Vòng 1: Madrid: 28 phiếu, Rio de Janeiro: 26, Tokyo: 22, Chicago: 18. Chicago của Hoa Kỳ ít phiếu nhất bị loại ngay vòng đầu.
Vòng 2: Rio de Janeiro: 46 phiếu, Madrid: 29, Tokyo: 20. Tokyo ít phiếu nhất bị loại ở vòng 2
Vòng 3: Rio de Janeiro: 66 phiếu, Madrid: 32. Rio de Janeiro nhiều phiếu nhất ở vòng 3, được chọn là thành phố tổ chức Thế Vận Hội năm 2016.

IV- Tốn phí cho một Thế Vận Hội

Dự tranh là một chuyến, nhưng có khả năng tổ chức một Thế Vận Hội không lại cả một vấn đề phải tính toán trước. Để giúp độc giả có một khái niệm về phí tổn khi tổ chức một Thế Vận Hội, chúng tôi lấy Thế Vận Hội 2008, từ ngày 8/8 tới 24/8/2009 tại Bắc Kinh, Trung Quốc làm ví dụ:
-Có 10.500 lực sĩ tham dự trong 302 cuộc tranh tài của 28 loại thể thao.
-Theo Tạp chí Zheng Ming Magazine, Thế Vận Hội Bắc Kinh được coi là tốn kém nhất từ trước đến nay: ngân sách dự trù 30 tỷ Yuan, nhưng thực tế lên quá 400 tỷ Yuan, khoảng 58,5 tỷ USD (Đô-la Mỹ). Tính chung toàn bộ dự án “Face Project”, mà Đảng Cộng-sản Tầu cho rằng, nó sẽ làm nở mày nở mặt với thiên hạ, tốn phí đã lên tới 65 tỷ USD, tương đương với 450 tỷ Yuan, tốn gấp 4 lần Thế Vận Hội 2004 tại thủ đô Athens, Hy Lạp.
-Theo tin tức thế giới có khoảng 1,5 triệu người dân bị di chuyển đi nơi khác để xây dựng làng Thế Vận Hội. Phía Tầu Cộng nói chỉ có khoảng 6.000 dân bị di chuyển. Về du khách: theo văn phòng du lịch của Tầu Cộng công bố có 77% giữ chỗ khách sạn 5 sao, 44% giữ chỗ khách sạn 4 sao. Thế Vận Hội thu hút 500.000 du khách ngoại quốc và 1,1 triệu du khách nội địa. Số tiền lời về các dịch vụ thương mại khoảng 116 tỷ Yuan.
-Về an ninh: Tầu Cộng phải huy động 100.000 công an, cảnh sát vũ trang và lính; 300.000 máy ảnh tình báo theo dõi. Ai thông báo cho cảnh sát biết nguy cơ về an ninh sẽ được thưởng từ 10.000 tới 500.000 Yuan. Có 400.000 người tình nguyện giúp đỡ ban tổ chức và 200 xí nghiệp bị đóng cửa để giảm bớt ô nhiễm thành phố trong thời gian tranh tài v.v… Theo Thông Tấn Xã Tầu Cộng số tiền thu được: 20,5 tỷ Yuan, chi tiêu hết: 19,34 tỷ Yuan, lời: 1,16 tỷ Yuan (khoảng 146 triệu USD). Nhưng có mấy ai tin được những gì Cộng-sản nói?

V- Tổ chức Thế Vận Hội lời hay lỗ?

Theo nhận định của Robert Barney, Giám đốc Trung-tâm Nghiên-cứu Thế Vận Hội của Đại-học miền Tây Gia Nã Đại thì “Không bao giờ một cuộc chơi Thế Vận đem lại lợi lộc… kể cả các Liên bang, đô thị, tỉnh thành hay quốc gia, nó luôn chứng tỏ một món nợ phải trả đâu đó!” (There has never been an Olympic Games that has made a profit....” ‘including federal allotments, municipal allotments, provincial or state allotments, it’s always been that a debt has to be paid somewhere). (Howard Berkes, “Olympic Caveats: Host Cities Risk Debt, Scandal,” NPR, 10/1/09).
Theo Annie Lowrey trong “An Olympic-Sized Mess,” Foreign Policy, ngày 9/30/09 thì Thế Vận Hội Athens và Beijing lỗ nhiều tỷ Dollars. Montreal (Gia Nã Đại) chủ nhân Thế Vận Hội 1976 phải mất 30 năm mới trả hết nợ vay. Chắc quí độc giả cũng biết Thế Vận Hội Montreal chỉ có 92 nước tham dự. Đài Loan bỏ cuộc vì Thủ tướng Gia Nã Đại Pierre Elliot Trudeau đã công nhận Tầu Cộng (Cộng-hòa Nhân-dân Trung-quốc), nên thông báo cho Đài Loan không thể tham dự với tên Cộng Hòa Trung Hoa (Republic China), mặc dù được mang cờ và hát quốc ca. Một số nước Phi-châu cũng bỏ cuộc. Jean Cluade Ganga của Congo dẫn đầu 28 quốc gia Phi-châu bỏ tham dự Thế Vận Hội Montreal. Lý do: IOC từ chối loại bỏ đoàn bóng bầu dục quốc gia Tân Tây Lan (Rugby Union). Morocco, Cameroon và Ai Cập đã tham dự nhưng sau ngày thứ nhất thì rút về nước.
Theo Katie Connolly trong “Chicago’s Olympic Bid: Both A Blessing And A Burden,” Newsweek’s “The Gaggle” Blog, ngày 9/28/09 thì ước tính phí tổn của Thế Vận Hội 2012 tại Luân Đôn lên gấp ba lần kể từ khi được tuyển chọn tổ chức Thế Vận Hội 2012.

VI- Tổng thống Mỹ Obama bị đánh bại và bị chỉ trích!

TT. Obama tới Đan Mạch với 2 mục tiêu:
-Cổ động cho thành phố Chicago được tuyển chọn tổ chức Thế Vận Hội 2016,
-Hội đàm bí mật trên phi cơ dành riêng cho Tổng thống Mỹ ”Air Force One” với Tướng Stanley McChrystal, Tư Lệnh Lực-lượng Mỹ và NATO tại A Phú Hãn. Cuộc hội đàm bí mật và chớp nhoáng nằm trong kế hoạch gửi thêm lính Mỹ tới chiến trường A Phú Hãn. Kế hoạch này đã được hậu thuẫn bởi Bộ-trưởng Ngoại giao Hillary Clinton; đặc ủy Richard Holbrooke; Đô đốc Mike Mullen chủ tịch Bộ Tham mưu Liên Quân; Tướng David Petraeus Tổng Tư Lệnh chiến trường Iraq và A Phú Hãn. Tuy nhiên, chiến lược này bị Phó Tổng thống Joe Bid; Tham mưu trưởng Ban Tham-mưu Tòa Bạch Ốc Rahm Emanuel và cố vấn An-ninh Quốc-gia James Jones ngăn cản.
Sự kiện này cho thấy có sự bất đồng về chiến lược giữa giới quân sự và dân sự trong chính quyền Obama. Lịch sử tái diễn, trong cuộc chiến Việt Nam phe quân sự chủ trương phải chiến thắng bằng quân sự, trong khi phe dân sự, đứng đầu là Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger, lại chủ hòa và bán đứng Việt Nam Cộng Hòa! Liệu TT. Barack Obama có rơi vào vết xe cũ của TT. Richard Nixon đối với VNCH không?

TT. Obama bị chỉ trích vì các nguyên do:

1-Ưu tiên không đúng chỗ: trong khi hàng triệu người Mỹ thất nghiệp và số người thất nghiệp tại Chicago và tiểu bang Illinois gia tăng gấp đôi, mà TT. Obama không lo, lại vừa gia tăng 500.000,00 USD cho Quỹ của Hiệp-hội Thống đốc thuộc đảng Dân Chủ ”DGA” (Democratic Governors Association); vừa đi Đan Mạch vận động cho thành phố Chicago được tổ chức Thế Vận Hội 2016. (Theo “Obama Speaks To Democratic Governors,” The Associated Press, 10/1/09).

2-Phí tổn quá mức cho một chuyến đi:

TT. Obama di chuyển bằng máy bay đặc biệt “Air Forces One” (Không-quân số 1). Hai chiếc Air Forces One hiệu Boeing 747-200s, hai đuôi máy bay mang số 28000 và 29000 trị giá 650 triệu Mỹ-kim (USD). Máy bay có thể bay 630 miles một giờ và bay xa 7.800 miles. Khi hết xăng, máy bay có thể được tiếp tế nhiên liệu trên không; nên không bị hạn chế bởi khoảng cách đường bay xa hay gần. Máy bay nặng 833.000 pounds (khoảng 378 tấn). Trên máy bay có chỗ chứa đủ 2.000 bữa ăn cho hành khách. Để duy trì liên lạc với Ban Tham Mưu Phủ Tổng thống và các Tư-lệnh quân sự ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn máy bay được trang bị 80 máy điện thoại và 383 km dây cáp đôi. Các đường dây và bên trong máy bay được che chở đặc biệt để không bị ảnh hưởng của điện từ trường và các sóng có khả năng làm hư hỏng hệ thống điện tử. Trong máy bay cũng có phòng riêng để làm việc, phòng nghỉ xả hơi cho Tổng thống, phu nhân và gia đình; cũng như phòng dành cho Ban Tham Mưu và nhân viên an ninh. Ngoài ra, còn một phòng khánh tiết và hội họp, khi cần có thể sử dụng thành trung tâm y tế.
Theo tường trình của Văn phòng Kế toán của Chính phủ năm 2000 mỗi giờ bay của Air Forces One tốn 54.100,00 USD; ngày nay giá khoảng 67.000,00 USD/1 giờ bay. Theo tường trình ngày 15.6.2009 của ký giả John McCormick của báo Tribune thì chuyến bay của TT. Obama từ Thủ-đô Washington D.C tới thành phố Chicago, để trình bày vào buổi trưa về cải tổ hệ thống bảo hiểm sức khoẻ, rồi trở về Washington D.C tốn 236.000,00 USD (hai trăm ba mươi sáu ngàn Đô-la!), chưa kể phí tổn về nhân viên bảo vệ an ninh, đoàn mô-tô hộ tống xe Tổng-thống và trực thăng di chuyển từ phi trường tới địa điểm thuyết trình. Trực thăng chở Tổng thống có tên là “Marine One”. Theo báo Washington Post 28 chiếc “Marine One” giá từ 6 tỷ USD lên 11 tỷ USD.
Như vậy, chuyến đi của TT. Obama từ Washington D.C tới Copenhagen, giả sử mất 10 giờ đi và về, thì tốn phí, cho chiếc máy bay Air Forces One không thôi, sẽ lên tới 67.000 x 10 giờ = 670.000 USD. Nếu có thêm 2 chiếc phản lực chiến đấu F-16 hộ tống như thông thường thì phí tổn lên tới 1 triệu USD.
Tốn 670.000,00 USD hay 1 triệu USD cho chuyến đi chỉ để nói trong 10 phút trước Hội nghị Thế Vận Hội Quốc Tế! Đúng là chỉ có Tổng thống Siêu-cường-quốc Hoa Kỳ mới dám phung phí tiền bạn theo kiểu tỷ phú.

VI- Tổng thống Mỹ bất ngờ được giải thưởng Nobel Hòa Bình

Ngày 9/10/2009, Ủy-ban Giải thưởng Nobel Na Uy (The Norwagian Nobel Committee) đã công bố giải thưởng Nobel Hòa-bình năm 2009 dành cho Tổng thống Mỹ, Barack Obama. Quyết định này làm sửng sốt nhiều người. Có hai ý kiến khác nhau: đồng ý và không đồng ý.

1-Những người đồng ý:

Theo Ủy-ban Giải Nobel Hòa-bình thì TT. Obama đáng được nhận giải thưởng với lý do: “Để khích lệ sáng kiến giảm thiểu vũ khí nguyên tử, giảm sự căng thẳng đối với thế giới Muslim, giảm áp lực ngoại giao, và sự hợp tác tốt hơn là chủ nghĩa đơn phương” (to encourage his initiatives to reduce nuclear arms, ease tensions with the Muslim world and stress diplomacy and cooperation rather than unilateralism).
Trong Dân Chúa Âu Châu số 317, bài Biến Cố Trong Tháng 3/2009: “Những thành công và thất bại đầu tiên của TT. Barack Obama sau ngày nhậm chức 20.1.2009”, chúng tôi có viết “thành công nổi bật nhất là làm giảm sự căng thẳng với Nga-sô… Nga-sô ngày 28.1.2009, quyết định rút các dàn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử khỏi Kalingrad, gần biên giới Ba-Lan…” Đây là một trong các nguyên nhân Tổng thống Mỹ được trao giải Nobel Hòa-bình 2009.
Trong cuộc viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/4/2009, TT. Obama đã đọc bài diễn văn lịch sử trước Quốc-hội và trong đó có một câu xác quyết một vấn đề mà thế giới Muslim rất hân hoan chào đón: “Hoa Kỳ hiện không và sẽ không bao giờ chiến tranh với Islam” (The United States is not, and will never be, at war with Islam). Đây là yếu tố thứ hai khiến TT. Obama được cứu xét và trao giải Nobel Hòa-bình 2009.
Theo chúng tôi nghĩ, câu tuyên bố trên hơi hớ hênh! Thiếu câu thòng: “Nếu Hoa Kỳ không bị tấn công bởi một quốc gia Islam”. Trong trường hợp Taliban và Al-Qaeda lật ngược thế cờ tại A Phú Hãn, lên nắm chính quyền tiếp tục tấn công và tống cổ quân đội Mỹ ra khỏi lãnh thổ thì sao?
Trong cuộc hội kiến tại Mạc Tư Khoa (Moscow) vào tháng 7/2009, TT. Mỹ Obama và TT. Nga Dmitry Medvedev đã bàn thảo về sự giới hạn mỗi xe phóng đầu đạn nguyên tử trong khoảng từ 500 tới 1.100, và số lượng đầu đạn hiện có khoảng 1.700 tới 2.200 giảm xuống còn khoảng 1.500. Hoa Kỳ hiện có 2.200 và Nga Sô có 2.800.
Tuy nhiên chưa có một thỏa hiệp chính thức nào được ký kết. Mới đây, trong cuộc họp báo tại thủ đô Mạc Tư Khoa (Moscow) ngày 13/10/2009, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Bà Hillary Clinton cũng xác nhận có những bất đồng với Nga Sô về hai lãnh thổ đòi tự trị ở Georgia, đặc biệt áp lực và phong tỏa Iran nhằm mục đích đòi nước này hủy bỏ chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử… thì thành quả hòa bình chưa có gì bảo đảm.
Tổng Giám Mục Desmond Tutu của Nam Phi, người được Giải Nobel Hòa-bình năm 1984 phát biểu: “Nó là phần thưởng trả lời cho sự hứa hẹn của thông điệp hy vọng của TT. Obama.” (It is an award that speaks to the promise of President Obama’s message of hope.)

2-Những người không đồng ý:

-Từ Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Anh, Đức, Pháp, Úc, Trung Đông và A Phú Hãn nhiều báo đã phê bình việc trao giải Nobel Hòa-bình cho TT. Obama là quá vội vã và chưa có bằng chứng cụ thể về các hoạt động hòa bình.
-Ngay cả Tổng Thống Obama khi nhận được tin cũng ngạc nhiên. Trong một tuyên bố ngắn gọn, Tổng Thống Obama nói “Tôi không cảm thấy mình xứng đáng đứng trong hàng ngũ của rất nhiều nhân vật có tài năng chuyển hóa đã được vinh danh bởi giải thưởng này” (I do not feel that I deserve to be in the company of so many transformative figures that have been honored by this prize).
-Theo cuộc thăm dò của tờ báo nổi tiếng của Hoa Kỳ, báo Washingtonpost, có 45% người Mỹ đồng ý TT. Obama xứng đáng được giải thưởng Nobel; nhưng 55% không đồng ý. Cuộc thăm dò tại Đan Mạch của báo Metroxpress cũng cho thấy tỷ lệ không đồng ý cao hơn: 64% không đồng ý, 36% đồng ý!
Không giống các giải thưởng Nobel khác được trao bởi Thụy Điển, giải thưởng Nobel Hòa-bình kỳ này được quyết định bởi Ủy-ban gồm 5 hội viên do Quốc-hội Na Uy tuyển chọn. Giống như Quốc-hội, Ủy-ban này có khuynh hướng “thiên Tả lệch lạc” (leftist slant), với 3 hội viên được tuyển chọn bởi các đảng cánh Tả trung tâm (Left-of-center). Đa số các quốc gia Bắc Âu có khuynh hướng thiên Tả nằm trong các đảng Cực Tả hay Dân chủ Xã-hội, một biến dạng của chủ nghĩa Cộng-sản. Vì thế, TT. Obama thuộc đảng Dân Chủ “chủ hòa và nhượng bộ” được chọn là chuyện đã xẩy ra.
-Thời gian quyết định xẩy ra quá sớm. TT. Obama mới nhậm chức được hơn 9 tháng thì các chính sách của ông chưa thực hiện đầy đủ và thành quả chưa là bao, mà đã trao giải Nobel Hòa-bình là một sự hấp tấp!
-Chiến tranh A Phú Hãn chưa chấm dứt thì chưa kể đã có hòa bình. Đặc biệt TT. Obama lại tăng cường 21.000 lính cho chiến trường A Phú Hãn, thì không thể coi là rút quân theo kế hoạch hòa bình.
-Vấn đề Do Thái và Palestina vẫn chưa đi tới một kết quả thực tiễn nào để chứng minh có hòa bình thực sự.
Cựu Tổng thống Ba Lan, Lech Walesa, lãnh tụ của Liên Đoàn Đoàn Kết “Solidarity” có công trong cuộc lật đổ chế độ Cộng-sản Ba Lan, được trao giải Nobel Hòa-bình năm 1983, cũng cho rằng “Quá sớm? Quá sớm. Ông ta cho tới nay chưa đóng góp gì. Ông ta mới ở giai đoạn đầu. Ông ta chỉ mới bắt đầu hành động. Có thể đây là sự khích lệ để ông ta hành động. Chờ xem nếu ông ta bền tâm. Hãy cho ông ta thời gian để hành động”.
Trước giây phút công bố, người ta nghĩ giải Nobel Hòa-bình 2009 sẽ được trao cho một trong số ứng viên như: Thủ-tướng Morgan Tsvangirai, một Nghị-sĩ Colombia, một nhà bất đồng chính kiến của Tầu, hoặc người phụ nữ A Phú Hãn đấu tranh cho nhân quyền v.v… Năm nay có tới 205 người được đề nghị nhận giải Nobel Hòa-bình, con số kỷ lục.
Barack Obama là tổng-thống đang tại chức thứ ba được giải Nobel Hòa-bình, sau TT. Theodore Roosevelt (1906) và Woodrow Wilson (1919).