Dân Chúa Âu Châu

Tầu Cộng là nguyên nhân đưa tới sự tan rã của Các Mãnh Hổ Tamil

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Kể từ tháng 4+5/2009, quân đội Tích Lan (Ceylon hay Sri Lanka) bao gồm Hải, Lục và Không-quân đã mở cuộc tổng tấn công miền Đông-Bắc lãnh thổ Tích Lan, nơi tổ chức có tên “Các Mãnh Hổ Giải Phóng Lãnh Thổ Eelam Của Dân Tamil" (The Liberation Tigers of Tamil Eelam), thường viết tắt là “Các Mãnh Hổ Tamil” (Tamil Tigers) làm chủ tình hình hơn 27 năm qua. Cuộc đấu tranh dành chủ quyền và đất nước riêng cho dân thiểu số Tamil không thành công và nay cuộc chiến coi như bị thất bại hoàn toàn, sau khi thủ lãnh của tổ chức này tự vẫn trên chiến trường.
Về yếu tố thời gian thì biến cố này đã xẩy ra trong tháng 5/2009; nhưng vì sự quan trọng của nó, vì có bàn tay của Tầu Cộng nhúng vào, nên chúng tôi muốn giới thiệu tới độc giả để Quí Vị có cái nhìn chính xác hơn về Tích Lan.

1- Đôi hàng lịch sử Tích Lan

Về truyền thuyết: Trong sách Mahavamsa có kể về một Công-chúa lãng mạn mà người ta nghĩ là nàng muốn giao tình với sư tử. Do đó nàng không còn được coi trọng trong gia đình vì cái tính kỳ cục của mình, nên quyết định bỏ nhà ra đi. Nàng tham dự vào đoàn lữ hành, nhưng đoàn này bị một con sư tử tấn công. Tất cả các người lữ hành đều bỏ chạy, chỉ còn lại một mình Công-chúa đứng âu yếm nhìn sư tử. Con sư tử bỗng trở nên thân thiện và để nàng cỡi lên, rồi chạy vào rừng. Sau sự giao hợp với sư tử, nàng sinh đôi, một trai và một gái, đặt tên là Sinhabahu và Sinhasivali (chữ Sinha đối với ngôn ngữ của người Sinhalese và Tamil đều có nghĩa là sư tử).
Khi hai đứa trẻ lớn lên, chúng lìa xa gia đình. Sau đó người con trai giết chết sư tử và lấy em gái mình làm vợ. Hai người sinh một bọc có 16 con trai. Vì tính hung bạo và tàn ác, người con trưởng tên là Vijaya bị cha đuổi đi cùng với 700 con cháu. Vijaya đem con cháu đến đảo Lanka vào cùng ngày Đức Phật nhập Niết Bàn. Khi tới đảo, Vijaya gặp nữ quỷ Kuvanna, người đã giết 700 con cháu của chàng. Vijaya ép nữ quỷ kết bạn trăm năm và tạo quyền lực cho chàng. Nữ quỷ Kuvanna đã làm theo ý chàng dù phản bội dân mình và Vijaya đã giết hết lũ quỷ trên đảo này. Nhưng cùng vào thời điểm đó chàng Vijaya đã hứa hôn với công chúa của vua Pandu ở phía Nam Ấn Độ. Khi con gái vua tới đảo Lanka, Vijaya bắt nữ quỷ Kuvanna phải trốn đi. Sau đó chàng kết hôn với công chúa. Bằng cách này Vijaya nắm toàn quyền trên đảo. Biên niên sử kể rằng người Sinhalese xuất phát từ Vijaya và dân chàng. Sách cũng kể rằng Sri Lanka là đất hứa của Phật Giáo và người Sinhalese là dân phải bảo vệ đạo này.

Về dân tộc & tôn giáo

Dân Tích Lan có khoảng 20.242.000 người, bao gồm nhiều giống dân khác nhau: Sinhalese: 73,8%, Tamil: 13,9%, Moors:7,2%, Tamil gốc Ấn Độ: 4,6%, các dân tộc thiểu số khác: Burghers, Kaffirs, Malays và Veddha: 0,5%. Dân Sinhalese, nói tiếng Sinhala, theo đạo Phật giáo, chiếm đa số trong các cơ cấu chính quyền. Xưa kia Tích Lan được coi là một trung tâm của Phật Giáo trong vùng Á Châu. Thực-dân Anh chiếm Tích Lan năm 1815 và đưa một số dân từ miền Nam Ấn Độ đến đây để khai thác các nông trại trồng trà, cà phê và cao su. Phần lớn số người này là người Tamil và do làm việc với người Anh, nên các sinh hoạt chịu ảnh hưởng văn hóa của Tây-phương. Do đó, dưới con mắt dân Sinhalese và chính quyền Tích Lan, người Tamil bị coi là hợp tác với Thực-dân Anh, nên bị kỳ thị, không có quốc tịch và quyền bầu cử.
Các tôn giáo chính tại Sri Lanka gồm: Phật Giáo chiếm khoảng 70%, Ấn Độ Giáo (Hinduism): 15%; Thiên Chúa Giáo: 8%; Islam: 7%.

Về lịch sử cận đại

Eelan là tên thời xưa của quốc gia Tích Lan (Ceylon thời thuộc địa Anh) hay Sri Lanka ngày nay. Tích Lan là vị trí giao thông chiến lược hàng hải. Nhiều tuyến đường biển từ vùng Tây Á và Đông Nam Á Châu gặp nhau tại đây. Sau khi chiếm Tích Lan vào năm 1815, Thực-dân Anh thành lập hội đồng lập pháp vào năm 1833 gồm bốn đại diện: 3 người Âu Châu và đại diện của các dân tộc thiểu số: 1 người Sinhalese, 1 Tamil và 1 Burgher. Đến năm 1921 dưới thời toàn quyền William Manning hội đồng này cải tổ theo tư tưởng công xã. Nhân cơ hội này người Tamil muốn có đại diện riêng của mình bèn thành lập một tổ chức có tên “Hội Nghị Toàn Tích Lan Tamil” (All Ceylon Tamil Congress), do G.G. Ponnambalam đứng đầu.
Đến năm 1948 Anh quốc trao trả độc lập cho Tích Lan. Chính phủ mới ra đời đổi tên nước từ Ceylon thành Sri Lanka và ban hành “Đạo-luật Công-dân Tích Lan” (The Ceylon Citizen Act) trong đó tước quyền ứng cử và bầu cử của các công nhân đồn điền người Tamil gốc Ấn Độ mà Thực-dân Anh đã tuyển mộ và đem đến Tích Lan. Thủ lãnh Ponnambalan im lặng khiến cho người Tamil nghĩ ông ta không chú trọng tới quyền lợi của người Tamil gốc Ấn Độ. Năm 1949, một đảng chính trị của người Tamil được thành lập có tên là Đảng Liên Bang (The Federal Party) do S.J.V. Chelvanayakam cầm đầu, tách ra khỏi “Hội Nghị Toàn Tích Lan Tamil”. Năm 1956 chính quyền lại ban hành “Đạo Luật Ngôn Ngữ Chính” (The Official Language Act hay Sinhala Only Act) lấy ngôn ngữ Sinhala làm tiếng nói chính của Tích Lan. Hai đạo luật này bị coi là kỳ thị chủng tộc đưa tới sự căng thẳng chính trị giữa hai sắc dân Sinhalese và Tamil. Đảng Liên Bang chống hai đạo luật này nên trở thành nổi tiếng trong dân Tamil qua các cuộc bầu cử đòi bình đẳng và chấp nhận hai ngôn ngữ Tamil và Sinhala trong mọi cơ cấu của đất nước. Đảng Liên Bang dự trù thành lập vùng tự trị cho dân Tamil, nhưng không được đảng của dân Sinhalese chấp nhận.

Về sinh hoạt chính trị

Năm 1970 Mặt-trận Thống-nhất do Sirimavo Bandaranaike cầm đầu thắng cử và lên nắm chính quyền. Dựa vào đa số dân Sinhalese, đảng cầm quyền ngang nhiên ban hành chính sách giới hạn sinh viên Tamil và sinh viên của các dân tộc thiểu số khác vào đại học, bằng cách đòi hỏi số điểm đậu phải cao hơn sinh viên Sinhalese. Ngoài ra, số lượng được thâu nhận người Tamil làm việc trong cơ cấu công quyền cũng bị hạn chế, chỉ khoảng 10%. Đảng Liên Bang phản đối và Chelvanyakam phải từ chức trong Quốc-hội. Hiến-pháp mới năm 1972 cũng có nhiều điều luật kỳ thị đối với dân Tamil khiến cho tuổi trẻ Tamil muốn thành lập quốc gia riêng cho người dân mình. Năm 1973, các đảng của người Tamil đòi hỏi các vùng tự trị của họ trở thành quốc gia riêng biệt mang tên Tamil Eelam. Năm 1975 các đảng người Tamil kết hợp thành “Mặt-trận Tamil Thống-nhất Giải-phóng” (The Tamil United Liberation Front: TULF). Năm 1976, đại hội đầu tiên của Mặt-trận được tổ chức tại Vaddukodai đã thông qua một quyết định mang tên Quyết Định Vaddukodai, trong đó lên án chính quyền do người Sinhalese nắm giữ đã dùng hiếp pháp năm 1972 để hủy bỏ lãnh thổ, ngôn ngữ, quyền công dân, đời sống kinh tế, cơ hội kiếm công ăn việc làm và học vấn của người Tamil. Quyết định kêu gọi thành lập Quốc-gia Tự-do, Chủ-quyền, Xã-hội Trần-thế Tamil Eelam.
Năm 1977 chiến dịch bầu cử mở đầu cho chương trình thành lập quốc gia Tamil đã đưa tới các cuộc xung đột đẫm máu, khiến cho 300 dân Tamil bị giết. Năm 1983 cuộc bạo động khác tiếp diễn được gọi là “Tháng sáu đen” gây tử thương cho khoảng từ 1.000 tới 3.000 người. Chính quyền Sinhalse dùng nhiều biện pháp tàn bạo đối với dân Tamil. Bị áp bức, người Tamil nhận thấy chỉ có giải pháp duy nhất là thành lập một quốc gia riêng biệt để bảo vệ dân mình. Sau hàng chục năm đấu tranh, người Tamil đã dành được quyền tự trị miền Đông-Bắc, có hệ thống luật pháp riêng, lực lượng quân sự Hải-quân (Sea Tigers), Lục-quân và Không-quân (Tamil Air Force), cảnh sát, ngân hàng, đài phát thanh và truyền hình v.v… Song song với lực lượng quân sự, sinh viên ở đại học Jaffina cũng thành hình tổ chức mang tên Pongu Tamil (Cuộc nổi dậy của người Tamil) thu hút khoảng 4.000-5.000 sinh viên. Năm 2003, phong trào này được khoảng 150.000 người hỗ trợ và trở thành biến cố kỷ niệm hàng năm.

Trong những năm vừa qua, người tỵ nạn Tamil ở rải rác trên thế giới đã vận động và thu hút được người ngoại quốc đồng tình ủng hộ như: ở Pháp: 7.000 người, Anh quốc: 30.000; Gia Nã Đại: 75.000; Úc Đại Lợi: 2.000 và nhiều người bản xứ tại các quốc gia Tân Tây Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Ý Đại Lợi, Nam Phi v.v… Biến cố quốc gia Tamil đã được cựu Thủ-tướng nổi danh Á Châu là Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) của Tân Gia Ba (Singapore) lưu tâm và khuyên nên tìm giải pháp cho Tamil, theo chính sách của Mã Lai trước đây. Sau các cuộc xung đột, Thủ tướng Mã Lai, Tunku Abdul Rahman, đã chấp thuận cho Tân Gia Ba tự trị, tách khỏi Mã Lai để thành hình quốc gia Tân Gia Ba giầu có ngày nay.
Nhưng kể từ khi cuộc khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11.9.2001, Tổng-thống George W. Bush đề ra chính sách chống khủng bố trên toàn thế giới, thì hầu hết các tổ chức mệnh danh là giải phóng dân tộc hay dành quyền tự trị đều bị liệt vào tổ chức khủng bố. Tamil Tigers cũng không thoát khỏi số phận, bị Hoa Kỳ và Đồng-minh Tây-phươmg xếp vào danh sách của các tổ chức khủng bố. Các cuộc đàm phán để giải quyết dứt khoát cuộc chiến đã kéo dài 27 năm giữa chính quyền Tích Lan và Các Mãnh Hổ Tamil do Na Uy làm trung gian bị thất bại. Kể từ tháng 2/2009, nhờ Tầu Cộng hỗ trợ, chính quyền Sri Lanka hủy bỏ hệ thống tự trị của dân Tamil và mở cuộc tổng tấn công vào các lãnh thổ do Tamil Tigers quản trị. Với quân số ít và vũ khí thô sơ, Các Mãnh Hổ Tamil bị thua lớn và phải tuyên bố buông súng. Vì không muốn bị bắt, Thủ lãnh Velupillai Prabhakaran đã tự tử bằng thuốc độc cyanid mà ông ta luôn để trong túi nhỏ treo trước ngực.

2- Nguyên nhân thành hình của tổ chức “Tamil Tigers”

Ông bà chúng ta thường nói: “Không có lửa làm sao có khói?” Tích Lan, đất nước mà, về tôn giáo, người ta thường gọi là quê hương thứ hai của Đức Phật, sau Népal, đã rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị. Vấn đề chủng tộc đa số và thiểu số cùng với sự khác biệt tôn giáo đã trở thành các cuộc tranh chấp về quyền lợi trong xã hội. Tổ chức “Các Mãnh Hổ Tamil” được thành hình do các nguyên nhân:
-Dân số của Tích Lan hơn 20 triệu người, trong đó người Sinhalese theo Phật-giáo chiếm tới trên 70% và sinh sống tại vùng phía Nam và miền Trung-tâm. Số còn lại: Ấn Giáo (Hinduism) 15%, Tamil: 10%, Thiên Chúa Giáo 8%, Muslim: 7%. Phần lớn, 90%, dân Tamil sống ở vùng Đông-Bắc
-Sau khi Thực-dân Anh trao trả độc lập thì người Tamil theo đạo Hindu gốc Ấn Độ được Thực-dân Anh đem tới đảo Tích Lan trước đây lại không được nhập quốc tịch và bị đuổi về Ấn Độ, mặc dù con cháu của họ được sinh ra tại Tích Lan.
-Dựa vào đa số, người Sinhalese nắm hầu hết quyền hành trong các cơ cấu của chính quyền và dành được nhiều ưu tiên về quyền lợi trong xã hội. Chỉ tiếng Sinhala được coi là ngôn ngữ chính áp dụng trong tất cả các lãnh vực và Phật Giáo trở thành quốc giáo được qui định trong hiếp pháp 1972.
-Người Sinhalese có tinh thần quốc gia cực đoan lại moi lại đống tro tàn lịch sử, ghen tức dân Tamil và các dân tộc thiểu số khác được hưởng nhiều quyền lợi, cả về giáo dục và kinh tế, xã hội dưới thời Thực-dân Anh. Nay người Anh không còn, lợi dụng đa số, người Sinhalese bắt đầu kỳ thị các sắc dân thiểu số khác để dành mọi quyền lợi ưu tiên cho chủng tộc mình.

3- Các hoạt động quân sự của Tamil Tigers

Ban đầu noi gương thánh Gandhi của Ấn Độ, các sinh viên Tamil tổ chức biểu tình bất bạo động và tuyệt thực để phản đối chính sách kỳ thị của chính phủ. Nhưng các cuộc biểu tình và tuyệt thực không làm cho chính quyền thay đổi chính sách kỳ thị và đàn áp khiến cho Các Mãnh Hổ Tamil bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công bằng quân sự.
Năm 1983 Các Mãnh Hổ Tamil mở màn cho các hoạt động quân sự bằng cuộc tấn công một đồn lính, giết chết 15 người. Biến cố này đưa tới cuộc biểu tình bạo động lớn nhất trong lịch sử của người Sinhalese tại thủ đô Colombo. Nhà cửa của người Tamil bị đốt phá và khoảng 3.000 người Tamil bị sát hại.
Tamil Tigers có khoảng 15.000 tay súng. Hoạt động chủ yếu của Tamil Tigers là khủng bố các cơ sở của chính quyền và quân đội, bằng bom nổ và bom tự sát. Cái hay của thủ lãnh Prabhakaran là khuyến khích được phụ nữ đeo bom tự sát trong mình và trước khi những người này thi hành nhiệm vụ, ông ta thường cùng ăn bữa cơm cuối cùng với họ, như một sự khích lệ và tuyên dương công trạng.

Năm 1975 thủ lãnh Prabhakaran bắn chết tỉnh trưởng Jaffna ở phía Bắc. Năm 1986 Tamil Tigers giết chết thủ lãnh của Tổ-chức Giải-phóng Lãnh-thổ Tamil Eelam và 200 thành viên, để dành độc quyền đại diện cho dân Tamil về lãnh vực chính trị. Tamil Tigers đã trực tiếp nhúng tay vào cuộc khủng bố bằng bom tự sát giết chết Tổng-thống thứ ba của Tích Lan là Ranasinghe Premadasa vào năm 1988, khi ông này đang dự cuộc diễn hành kỷ niệm ngày độc lập của đất nước tại thủ đô Colombo. Tamil Tigers cũng giết chết nữ ứng cử viên Tổng-thống Chandrika Kumaratunga trong cuộc tranh cử vào tháng 12/1999, và các cuộc khủng bố người Sinhalese và Muslim. Chính các hoạt động khủng bố và sử dụng trẻ em trên chiến trường đã làm cho Tamil Tigers ngày một mất tiếng trên chính trường thế giới và mất sự ủng hộ của nhiều người.
Ngược lại, Tamil Tigers cũng bị giết khoảng 20.000 người. Cái yếu của thủ lãnh Tamil Tigers là quá cứng rắn về quân sự và yếu về phương diện tuyên truyền và ngoại giao; nên mất sự hỗ trợ của các chính phủ ngoại quốc. Tamil Tigers bị 32 quốc gia xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố trên thế giới. Tháng 2/2002 trước áp lực thế giới và nhu cầu hòa bình, Tamil Tigers đã đồng ý ngưng chiến và bỏ đòi hỏi thành lập quốc gia riêng biệt; nhưng phải được chia sẻ quyền lực với chính phủ Tích Lan. Na Uy và một vài quốc gia đồng ý làm quan sát viên cho cuộc ngưng chiến. Nhưng qua năm 2003 sau khi bị loại khỏi cuộc bầu cử quốc hội, Tamil Tigers hủy bỏ thỏa hiệp ngưng chiến. Các cuộc khủng bố bằng bom tự sát tiếp tục được thi hành. Hậu quả của cuộc chiến kéo dài 27 năm đã đưa tới cái chết của khoảng 90.000 người.

4- Ai hỗ trợ Tamil Tigers?

Khi nói Các Mãnh Hổ Tamil có lực lượng Bộ-binh, Hải-quân và Không-quân người ta nghĩ ngay tới vấn đề ai hỗ trợ?
Như trên đã trình bày, Thực-dân Anh đưa những người Tamil ở phía Nam Ấn Độ tới Tích Lan thì sự liên hệ giữa những người Tamil theo đạo Ấn với đất nước Ấn Độ vẫn còn. Do đó, trong cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho dân Tamil ở Tích Lan, dĩ nhiên có sự hậu thuận của chính quyền Ấn. Trong thập niên 1980, quân Ấn mang danh bảo vệ hòa bình đã được điều động tới giữ gìn an ninh và làm giảm sự căng thẳng giữa Tamil Tigers và chính quyền Tích Lan. Nhưng vào năm 1990 lực lượng Ấn rút khỏi Tích Lan, vì không giải quyết được tình trạng tiếp tục bạo động tại quốc gia này. Nhận thấy quân đội và chính phủ Ấn không nhiệt thành hỗ trợ dân Tamil trong cuộc tranh đấu đòi tự chủ cho dân Tamil, Các Mãnh Hổ Tamil bất mãn và quyết định tấn công cả các nhân vật quan trọng trong chính quyền Ấn. Người ta nghĩ Thủ-tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi bị ám sát vào năm 1991 cũng do tổ chức này chủ mưu.
Ngoài Ấn Độ, người Tamil tị nạn trên thế giới đã đóng góp rất nhiều công sức và tiền bạc cho Các Mãnh Hổ Tamil. Ngoài các hoạt động yểm trợ về truyền thông báo chí và biểu tình, theo báo Time mỗi năm người Tamil tị nạn tại các quốc gia trên thế giới; đặc biệt tại Tây-phương, Gia Nã Đại và Úc Đại Lợi v.v… đã yểm trợ cho Các Mãnh Hổ Tamil khoảng 200 triệu Mỹ-kim (US Dollar).
Dựa vào thành quả trên, chúng tôi nhận thấy người Tamil tị nạn đã học được bài học kháng chiến và yểm trợ kháng chiến giống như Phong trào Giải-phóng Palestina “PLO” (Palestina Liberation Organization) của Yassir Arafat trong thập niên 1970-1980. Đây là những bài học quí giá cho các tổ chức kháng chiến trên thế giới.

5- Ai giúp chính quyền Tích Lan tiêu diệt Tamil Tigers?

Có thể nói, ngày nay Hoa Kỳ và Đồng-minh Tây-phương đang bị rơi vào tình trạng bị Tầu Cộng qua mặt về chính sách đòi hỏi về Nhân-quyền và phong tỏa kinh tế đối với các quốc gia không tôn trọng Nhân-quyền. Khi một chế độ độc tài cai trị độc đoán và đàn áp các tổ chức đòi dân chủ, tự do và nhân quyền thì Hoa Kỳ và Đồng-minh thường lên án. Khi tình trạng vi phạm lên cao thì các chế độ độc tài bị phong tỏa kinh tế, cấm bán vũ khí v.v.... Tầu Cộng lưu manh hơn, họ lợi dụng tình trạng này để gây ảnh hưởng đối với các quốc gia liên hệ bằng chính sách bán vũ khí không hạn chế, viện trợ tài chính để giải quyết khủng hoảng kinh tế hoặc cho vay với số lời rất thấp trong thời gian dài hạn. Các nước bị phong tỏa kinh tế và quân sự đang là bạn của Hoa Kỳ và Tây-phương nay trở thành thù định. Họ bị rơi vào cái hố lớn mà không biết. Chịu ơn thì phải dành các ưu tiên cho Tầu Cộng về phương diện kinh tế và quốc phòng. Tầu Cộng được xây dựng các hải cảng, bề ngoài nói là mở mang thị trường xuất nhập cảng, nhưng trong sách lược thì các hải cảng này sẽ trở thành điểm chiến lược của Hải-quân Tầu. Tầu Cộng cũng đòi hỏi được ưu tiên trong việc khai thác mỏ quặng, sử dụng công nhân Tầu và độc quyền xuất cảng hàng hóa cũng như nguyên liệu sản xuất vào các nước con nợ.
Ngoài Việt Nam, Miến Điện…, Tích Lan đã trở thành một con mồi ngon. Sau khi bị Hoa Kỳ và Tây-phương cúp viện trợ trực tiếp (Hoa Kỳ: 7,4 triệu USD và Anh quốc 1,24 triệu Bảng Anh) và phong tỏa về quân sự thì chính quyền Tích Lan đã quay sang chơi thân với Tầu Cộng và được giúp 1 tỷ USD cùng với hàng tấn quân dụng, đạn dược. Theo Viện nghiên cứu Hòa-bình Thế-giới tại Stockholm của Thụy Điển thì năm 2008 Tầu Cộng đã cho không Tích Lan 6 phản lực cơ chiến đấu Jian-7, sau khi phi cơ của Tamil Tigers tấn công phi trường và tiêu hủy 10 phi cơ của Không-quân Tích Lan vào năm 2007. Một trong các phi cơ của Tầu đã bắn hạ phi cơ của Tamil Tigers vào năm 2008.
Theo tin an ninh tình báo của Ấn Độ thì từ năm 2007, Tầu Cộng khuyến khích Pakistan bán vũ khí và huấn luyện phi công Tích Lan lái máy bay do Tầu Cộng tặng. Ngoài việc cung cấp vũ khí, Tầu Cộng còn ngăn chặn việc đưa vấn đề Tích Lan ra trước Hội-đồng Bảo-an Liên Hiệp Quốc. Trong cuộc tổng tấn công vào chiến khu của Tamil, quân đội Tích Lan đã dùng phản lực cơ chiến đấu Jian-7, các súng phòng không và hệ thống Radar JY-11 3D do Tầu cung cấp. Không chỉ thế, Tầu Cộng còn che dấu hành động của mình bằng cách nhờ đồng minh Pakistan mỗi năm viện trợ quân sự cho chính quyền Tích Lan 100 triệu USD.

Bài Biến cố trong tháng 6 vừa qua, chúng tôi có đề cập tới vấn đề Tổng-thống Pakistan xin chính phủ Mỹ viện trợ 5 tỷ USD cho Hồi Quốc và A Phú Hãn trong 5 năm; vậy Pakistan lấy tiền đâu để giúp Tích Lan, khi kinh tế Pakistan đang suy thoái trầm trọng? Hiện Tầu Cộng đã đổ hơn 1 tỷ USD xây xa lộ, hai nhà máy phát điện và hải khẩu mới tại Hambantota, thành phố quê hương của Tổng-thống Tích Lan Mahinda Rajapakse. Hambantota một thời được được Ngũ Giác Đài (Pantagon) sử dụng làm trường huấn luyện Hải-quân Mỹ. Như vậy Tích Lan có thể rơi vào tình trạng bị lệ thuộc trầm trọng vào Tầu Cộng. Khi có hành động phản lại thì qua đảng cộng sản Tích Lan, Tầu Cộng sẽ lật đổ bất cứ Tổng-thống nào của nước này. Đây cũng là sách lược Tầu Cộng áp dụng tại Népal trong kế hoạch lật đổ vương quyền.
Theo Brahma Chellaney, chuyên gia về chiến lược ngoại giao, thì Tầu Cộng không sợ tốn khi viện trợ cho Tích Lan, với mục đích muốn dùng nước này làm điểm chiến lược trong việc kiểm soát đường hàng hải chuyên chở dầu hỏa từ Ấn Độ Dương (Indian Ocean) qua Thái Bình Dương (Pacific Ocean), phòng ngừa khi bị Hoa Kỳ và Tây-phương phong tỏa về nhiên liệu. Về phương diện kinh tế khi sản xuất được hàng hóa mà không có thị trường tiêu thụ sẽ bị lỗ vốn và phá sản. Khi có thị trường tiêu thụ mà không có phương tiện chuyên chở hoặc phải thuê phương tiện chuyên chở mắc mỏ thì giá hàng lên cao, cũng bị khủng hoảng. Ngày nay, Tầu Cộng đứng hàng thứ hai trên thế giới về kinh tế. Hàng hóa của Tầu Cộng sản xuất càng nhiều thì càng cần có phương tiện chuyển vận đến các thị trường Âu Châu, Mỹ Châu, Trung Đông v.v…
Muốn bảo vệ nền ngoại thương, bảo đảm được đường chuyển vận hàng hải để không bị hải tặc cướp hoặc không phải thuê tầu buôn ngoại quốc chuyên chở thì Tầu Cộng phải tự mình chuyển hàng hóa đi bán. Do đó phải phát triển hải quân. Các thương thuyền thời bình là các hạm đội chở hàng xuất cảng, thời chiến là các hạm đội chuyên chở chiến cụ và tiếp tế. Trong tương lai có thể thương thuyền của Tầu sẽ phát triển mạnh, đủ sức cạnh tranh với các thương thuyền của các quốc gia, và biết đâu sẽ làm phá sản các công ty hàng hải của các nước trên thế giới. Tầu Cộng đã xây dựng các hải cảng tại Miến Điện (Myammar), Wardar nay mở rộng thành căn cứ Hải-quân tại Hồi Quốc (Pakistan), tại Bangladesh. Tầu Cộng cũng mở rộng đường buôn tới các đảo thuộc Ấn Độ Dương như: Maldives, Seychelle, Mauritius, Madagascar. Kiểm soát được Ấn Độ Dương, Tầu Cộng sẽ bảo vệ được nguồn cung cấp nhiên liệu, đặc biệt tuyến hàng hải chở dầu hỏa từ Trung Đông qua ngã vịnh Ba Tư (Iran) và từ Phi Châu về Trung Quốc.
Theo chiều hướng này, tháng 12/2008, Tầu Cộng đã gửi 3 chiến hạm đến vùng vịnh Aden thuộc hải phận Somalia, để chặn đứng cướp biển và bảo vệ các tầu buôn của họ chuyển hàng tới Âu Châu qua ngã kinh đào Suez của Ai Cập và xuống phía Nam Phi Châu. Đây là bằng chứng chứng minh tại sao Tầu Cộng phát triển việc khai thác và xây dựng các hải cảng ở ngoại quốc trong thời bình. Các hải cảng này dĩ nhiên sẽ trở thành căn cứ hải quân khi có chiến sự. Đảo Guam của Hoa Kỳ là một ví dụ cụ thể về điểm chiến lược của Hải-quân Mỹ tại Thái Bình Dương mà ngày nay Tầu Cộng đã học được.

Kết luận

Từ khi chính quyền Tích Lan mở cuộc tổng tấn công vào vùng phía Bắc và khi quân Tamil Tigers bị tổn thất nặng thì các cuộc biểu tình chống chính quyền Tích Lan và các chính quyền không ủng hộ Tamil Tigers đã diễn ra tại một số các quốc gia Âu Châu như: Anh quốc, Đan Mạch, Đức, Gia Nã Đại, Pháp, Thụy Sĩ, Na Uy, Úc Đại Lợi và Hoa Kỳ. Ngày 19.5.2009, sau cái chết của thủ lãnh Prabhakaran, Tổng-thống Mahinda Rajapaksa của Tích Lan đã tuyên bố toàn quốc chiến thắng Tamil Tigers. Hàng ngàn người đã xuống đường ăn mừng chiến thắng.
Nhưng sau bức màn chiến thắng này, mấy ai hiểu được: vì quyền lợi lâu dài, Tầu Cộng đổ tiền bạc, quân dụng, vũ khí vào Tích Lan để chính quyền nước này dẹp tan Tamil Tigers, trước sự hờ hững của Hoa Kỳ và Đồng-minh Tây-phương. Các cuộc biểu tình của dân tị nạn Tamil trên thế giới không làm cho các chính phủ Mỹ, Liên Hiệp Âu Châu và Ấn Độ tích cực can thiệp vào Tích Lan. Hình ảnh dân Tamil không khác hình ảnh Tây Tạng (Tibet). Thế giới lạnh lùng nhìn. Bên kia thì Tầu Cộng ăn mừng, vì đạt được một hải cảng chiến lược cho Hải-quân có giá trị bằng cả tỷ USD, làm chủ Ấn Độ Dương và bảo vệ nguồn tiếp tế nguyên liệu từ Ả Rập Saudi và vùng vịnh Ba Tư. Tổng-trưởng Nội-vụ của Ấn Độ, Palaniappan Chidambaram, đã phát biểu khá chính xác: Tầu Cộng lợi dụng “Nước đục thả câu” (Chinese is fishing in troubled waters) trong khi Hoa Kỳ và Tây Phương đang bị khủng hoảng kinh tế, tài chính; bị chia rẽ về chiến tranh chống khủng bố và nhu nhược đối với Bắc Hàn và Iran.