Dân Chúa Âu Châu

Liệu Pakistan & Hoa Kỳ có thắng được Du Kích quân Taleban không?

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Trong những ngày vừa qua, cuộc chiến giữa quân đội Hồi Quốc (Pakistan) và nhóm Taleban đã diễn ra ác liệt. Gần nửa triệu người dân đã phải bỏ nhà cửa và đồ đạc để chạy khỏi vùng giao tranh. Thực phẩm thiếu, nước uống không trong lành và nhà vệ sinh không đủ sạch sẽ sẽ gây nên bệnh hoạn, đặc biệt đối với các cụ già và trẻ thơ. Trước tai họa này không chỉ chính quyền Hồi Quốc mà cả Liên Hiệp Quốc đang khẩn cấp tìm biện pháp cứu trợ nạn nhân chiến tranh. Nhiều người tự hỏi:
-Tại sao chính phủ Hồi Quốc trong đầu tháng 5/2009 đã chấp nhận cho nhóm Taleban được kiểm soát và ban hành luật "Sharia "tại vùng thung lũng Swat, nay lại hành quân tấn công nhóm này?
Để hiểu rõ cuộc chiến đang diễn ra tại Hồi Quốc, mời quí độc giả theo dõi các mục dưới đây:

1- Nhóm Taleban là ai?

Ngược dòng thời gian chắc quí độc giả còn nhớ Cộng sản Liên Bang Sô Viết đã xâm lăng A Phú Hãn (Afghanistan) vào thập niên 1980. Hoa Kỳ muốn đẩy Liên Sô ra khỏi vùng này, nên hỗ trợ tài chính và vũ khí cho kháng chiến quân Mujahideen do Mullah Mohammad Omar chỉ huy. Các kháng chiến quân phần lớn thuộc dân tộc Pastun ở trung tâm lãnh thổ Talebanistan; nên tổ chức kháng chiến có tên là Taleban. Được Cơ-quan Tình-báo Trung-ương Hoa Kỳ C.I.A (Central Intellingence Agency) hậu thuẫn, Sở Tình-báo Hồi Quốc "ISI " (Inter-Service Intelligence) trực tiếp trợ giúp việc tổ chức và huấn luyện cho Taleban, dùng biên giới A Phú Hãn và Hồi Quốc làm địa bàn tấn công vào các lực lượng của Sô Viết tại A Phú Hãn. Năm 1992, kháng chiến quân mở rộng vùng hoạt động, lấy thành phố Kandahar nằm về phía Nam A Phú Hãn làm cơ sở và tiến lên giải phóng thủ đô Kabul. Cuộc kháng chiến thành công. Chế-độ Cộng-sản Kabul bị lật đổ. Tổng-thống Mohammad Najibullah tay sai của Liên Sô bị treo cổ. Quân đội Liên Sô thua to phải rút về nước. Taleban lên nắm chính quyền và cai trị một cách độc đoán, qua việc ban hành luật Sharia của đạo Islam. Tất cả tài liệu phim ảnh, sách báo, ca nhạc và văn hóa đồi truỵ của Tây-phương đều bị đốt; phụ nữ phải ở nhà, trẻ gái trên 10 tuổi không được đến trường học và khi ra ngoài đường đàn bà phải mặc áo chùm kín mặt chỉ để lộ hai con mắt v.v…
Hồi Quốc, Ả-rập Saudi và Liên-hiệp Ả-rập Emirates là ba nước đầu tiên công nhận chính quyền Taleban. Thủ lãnh của Taleban là Mullah Mohammad Omar không chỉ cho trùm khủng bố Osama Bin Laden mượn đất thành lập tổ chức Al-Qaeda và các trung tâm huấn luyện khủng bố, mà còn gả con gái cho Osama Bin-Laden nữa. Do đó, tuy là hai tổ chức riêng biệt, nhưng các hoạt động của Omar và Bin-Laden đều lấy danh nghĩa đạo Islam chống Hoa Kỳ và Đồng-minh Tây-phương. Sau cuộc khủng bố tại Nữu Ước (New York) và Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C) ngày 11.9.2001, Hoa Kỳ bắt đầu tấn công các cơ sở của nhóm cầm quyền Taleban và các trung tâm huấn luyện của tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại A Phú Hãn bằng hỏa tiễn phóng từ các chiến hạm và phi cơ. Sau đó, năm 2003 quân đội Mỹ đổ bộ vào nước này. Nhóm cầm quyền Taleban bị sụp đổ. Thủ lãnh Mullah Mohammad Omar của Taleban và Osama bin-Laden của Al-Qaeda bị thua phải đem quân chạy trốn vào vùng đồi núi giáp biên giới A Phú Hãn và Hồi Quốc. Cho đến nay quân đội Mỹ và Đồng-minh vẫn chưa bắt được hoặc biết rõ tin tức hai nhân vật nguy hiểm này đang ở đâu, còn sống hay đã chết?

2- Thoả hiệp giữa Taleban và chính quyền Hồi Quốc

Kể từ khi bị quân đội khối NATO do Mỹ cầm đầu chiếm A Phú Hãn, quân Taleban và Al-Qaeda chạy trốn tại các vùng núi đồi gần biên giới Hồi Quốc và tiếp tục hoạt động du kích không chỉ chống quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh NATO mà còn gây rối loạn tại vùng biên giới giữa hai nước. Qua các nhóm Taleban địa phương ở Hồi Quốc Taleban tố cáo chính quyền Hồi Quốc là tay sai của Mỹ. Để cảnh cáo việc hợp tác với Hoa Kỳ, Taleban cho thực hiện nhiều cuộc tấn công cơ sở của Mỹ, Đồng-minh và chính phủ Hồi Quốc bằng bom tự sát. Cuộc ám sát nữ Thủ-tướng Benazir Bhutto cũng nằm trong kế hoạch này. Vùng phía Tây-Bắc của Hồi Quốc trở nên bất ổn đến nỗi chính quyền phải chấp thuận ngưng chiến và cho Taleban quyền kiểm soát tại vùng thung lũng Swat, kể cả việc ban hành luật Sharia tại Malakand vào tháng 2/2009, với điều kiện Taleban phải giải tán và nộp vũ khí cho chính quyền. Thừa thắng xông lên, Taleban tiếp tục đối xử tàn bạo đối với ai chống lại chúng. Các trường học dành cho nữ sinh bị phá, phụ nữ phải tôn trọng các qui định như Taleban đã ban hành khi nắm quyền tại A Phú Hãn. Trong tháng 4/2009 quân Taleban không chịu bỏ vũ khí mà còn tiếp tục tiến xuống phía Nam, chỉ cách thủ đô Islamabad khoảng 100 cây số. Tình hình trở nên khẩn cấp khiến cho chính phủ Mỹ và Tây-phương lo ngại Taleban có thể chiếm luôn thủ đô Islamabad và cướp kho vũ khí nguyên tử.

Về lịch sử, vùng Waziristan là đất của Bộ-lạc Pastun, nơi mà dưới thời kỳ thuộc địa, Đế-quốc Anh cũng không thể đàn áp nổi, nên đành phải cho họ tự trị. Dân bộ lạc Pastun cũng chiếm đa số tại A Phú Hãn và Taleban là tổ chức của người Pastun bắt nguồn từ trung tâm lãnh thổ Talebanistan. Khi Hồi Quốc dành được độc lập vào năm 1947, chính phủ vẫn tôn trọng những thỏa hiệp trước đây. Đến nay, quân đội Hồi cũng không thể kiểm soát được vùng Waziristan, bị tổn thất hơn 700 lính trong các cuộc giao tranh với du kích quân, nên phải thỏa hiệp với điều kiện của Taleban là quân đội Hồi phải hủy bỏ các chướng ngại vật và đồn kiểm soát trên trục lộ giao thông vào vùng này. Đổi lại, quân Taleban hứa sẽ không tấn công quân đội và chấm dứt vượt qua biên giới tấn công vào A Phú Hãn. Giới nhận định thời cuộc cho rằng quân đội Hồi Quốc đã thua cuộc chơi này. Bằng chứng là sau khi quân đội chấm dứt các cuộc hành quân vùng biên giới thì các cuộc tấn công vượt qua biên giới vào A Phú Hãn gia tăng và số lượng bom tự sát nhắm vào các đơn vị và cơ sở của quân đội Mỹ, NATO và chính quyền A Phú Hãn lên cao gấp ba lần.
Taleban lợi dụng các đền thờ Islam có cảm tình với họ để tuyển mộ chiến binh chống quân đội Mỹ và Tây-phương tại A Phú Hãn. Nhờ tiền bạc và lợi dụng danh nghĩa Islam Taleban khuyến khích thanh thiếu niên tham gia thánh chiến và tình nguyện mang bom tự sát. Taleban cũng dùng chiến thuật khủng bố thủ lãnh của các bộ lạc, nếu họ không chịu cộng tác.
Một trường hợp điển hình đã xẩy ra. Báo TIME trong một cuộc phỏng vấn kể lại rằng: Malik Haji Awar Khan, 55 tuổi, thủ lãnh của 2.000 chiến binh bộ lạc Mutakhel Wazir ở phía Bắc Waziristan đã sát cánh với Taleban một năm trước đây. Khi ông ta không tiếp tục nữa, quân Taleban bắt cóc con nhỏ của ông. Awar Khan từng là cựu kháng chiến quân Mujahideen tham gia thánh chiến chống Sô-viết vào thập niên 1980; nhưng nay ông không thích chiến đấu trong hàng ngũ Taleban và Al-Qaeda với lý do bọn này chỉ vì tiền và quyền lực. Malik Sher Muhammad Khan, một thủ lãnh lão thành ở Wana kể rằng Taleban đi trên đường phố la lớn trẻ không được tới trường học các môn mới như toán học và khoa học; phụ nữ không được lái xe. Khi tràn tới vùng Buner, cách thủ đô gần 100 cây số, Taleban cảnh cáo phụ nữ không được ra khỏi nhà, đàn ông không không được cạo râu và các tiệm buôn không được bán phim ảnh và âm nhạc v.v…
Theo Muhammad Khan thì ông và dân làng muốn tiến bộ, vì trong làng có những người không biết viết tên mình. Do đó chỉ có khoảng 5% dân số Waziristan ủng hộ phiến quân. Một số người khác thì vi muốn có tiền, đã cung cấp dịch vụ và cho Taleban thuể đất thành lập trại huấn luyện. Số còn lại đành im lặng vì sợ hãi. Một vài tháng trước đây phiến quân tràn vào lãnh địa của ông vì ông chỉ trích sự hiện diện của chúng trong khu vực. Trong cuộc xung đột, chúng đã ném một trái lựu đạn giết chết vợ ông. Ông ta nói nếu có súng, ông có thể cứu vợ thoát chết. Ông ta cũng than thở là dân làng không có cách nào đuổi chúng đi được; nên vùng này trở thành căn cứ địa của Taleban trong việc huấn luyện quân khủng bố đến từ nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Á.

3- Luật Sharia qui định gì?

Quí độc giả nghe nói nhiều về luật Sharia của đạo Islam được áp dụng tại một số quốc gia; nhân dịp này chúng tôi ghi lại một cách khái quát một số qui định điển hình liên quan đến gia đình và phụ nữ được qui định như sau:
Nguyên nghĩa của Sharia là đường (way) hay lối đi (path). Thực tế Sharia không phát sinh từ Kinh Thánh Koran (Qur’an), không phải là lời trực tiếp của Thượng Đế Allah, nhưng được các hệ phái Islam diễn giải theo quan điểm của mình từ Kinh Koran. Sharia không giống 10 Giới Răn của đạo Do Thái và Thiên Chúa Giáo. Luật lệ và việc thi hành Sharia có một số qui định như sau:
Về hôn nhân: một người đàn ông Muslim chưa có vợ chỉ được kết hôn với một phụ nữ chưa có chồng hay còn trinh trong đạo và ngược lại. Người đàn ông có thể cưới 4 vợ; nhưng chỉ được phép nếu các vợ được đối xử công bằng ngang nhau. Người phụ nữ không thể kết hôn khi không được sự thỏa thuận của người giám hộ của nàng. Nếu cô ta kết hôn thì người chồng sẽ là người giám hộ mới của nàng. Người giám hộ có thể chọn người thích hợp cho cô gái còn trinh; nhưng cô gái được tự do phản đối và có quyền từ chối. Người giám hộ không thể cưới người đàn bà đã ly dị hoặc góa bụa, nếu bà ta không muốn tái hôn. Người phụ nữ chỉ được lấy một chồng. Muốn cưới vợ người đàn ông phải cho nàng một thứ gì đó vì nó là quyền lợi của nàng. Đó là bổn phận của chàng rể phải cho cô dâu một món quà.
Về Ly dị: Người vợ muốn ly dị cần được sự thỏa thuận của chồng. Tuy nhiên, nhiều trường phái cho phép nàng được ly dị nếu nàng chứng minh cho toà án người chồng đối xử tệ bạc, không giúp đỡ tài chính hay bất lực. Nếu người chồng thỏa thuận việc ly dị thì nàng không phải trả lại tặng vật mà chàng đã cho nàng khi kết hôn. Đàn ông có quyền đơn phương ly dị. Sự ly dị chỉ có hiệu quả khi người chồng nói chàng ly dị nàng. Lúc này người đàn ông phải trả cho vợ tặng vật chung do sự trì hoãn. Người phụ nữ ly dị ở tuổi tái lập gia đình phải chờ ba tháng trước khi kết hôn để đảm bảo nàng không có thai và người chồng đã ly dị phải giúp nàng về tài chính trong thời gian này. Trong một số hoàn cảnh (ví dụ như bị lạm dụng), người vợ có thể yêu cầu tòa án cho hai người ly thân. Nếu người đàn ông nói với vợ "Tôi ly dị bà " ba lần thì anh ta không thể kết hôn với nàng nữa, ngoại trừ nàng lấy người khác và lại ly dị. Tuy nhiên, mỗi trường phái giải thích và cho phép hành động khác nhau.
Các qui định khác
Theo Kinh Thánh Koran và điều luật Hadith thì người trộm cắp bị phạt tù hoặc chặt một ngón tay hay ngón chân tùy theo số lần phạm tội và loại tội trạng. Nhẩy đầm và các màn giải trí dưới hình thức hài hước bị cấm. Người đàn ông hay phụ nữ phạm tội ngoại tình sẽ bị phạt ném đá đến chết. Đối với nam và nữ chưa kết hôn thì bị phạt 100 roi đòn…

4- Quốc-gia nào trực tiếp hỗ trợ Taleban?

-Hồi Quốc:

Như trên đã trình bày, Tình báo Hồi Quốc đã trực tiếp trong việc tổ chức, huấn luyện và hỗ trợ Taleban trong cuộc chiến chống Liên Sô xâm lăng vào thập niên 1980. ISI là cơ quan tình báo của quân đội, một trong ba ngành chính của Cục Tình-báo Hồi Quốc (Pakistan’s Intelligence Agencies), được thành lập năm 1947 trong cuộc xung đột Ấn Độ - Hồi Quốc. Sau được cải tổ và thi hành cả nhiệm vụ theo dõi đối lập chính trị, Cố Thủ-tướng Bhutto bị ám sát, theo dư luận có thể có bàn tay của ISI. Trong cuộc phỏng vấn mới đây của báo Thời Báo Washington (Washington Times) đại sứ HờI Quốc tại Hoa Kỳ, Husain Haqqani, xác nhận Sở Tình-báo "ISI " (Inter-Service Intelligence) trợ giúp Taleban đã 20 năm và thời kỳ đắc lực hỗ trợ thánh chiến Jihadis đã qua rồi. Nay đảng cầm quyền, Quốc Dân Đảng Hồi Quốc (Pakistan People’s Party) quyết tâm chống khủng bố và là bạn đồng hành với Hoa Kỳ. Ông cũng kêu gọi Đồng-minh, đặc biệt Hoa Kỳ, hãy quên đi quá khứ và bỏ qua những bất đồng để trợ giúp Pakistan, vì muốn Hồi Quốc thay đổi theo thể chế dân chủ cần phải có thời gian để dân chúng làm quen và chấp nhận. Tuy vậy, Howard Berman, Chủ-tịch Ủy-ban Ngoại-giao Hạ Viện Mỹ đề nghị đạo luật viện trợ quân sự cho Hồi Quốc, nhưng với điều kiện Tổng-thống Mỹ phải bảo đảm việc Hồi Quốc không dùng viện trợ này để giúp khủng bố tấn công vào Ấn Độ. Yêu cầu này phát xuất từ kinh nghiệm tình báo Hồi Quốc đã nhúng tay vào các vụ khủng bố năm 2001-2002 tại Quốc-hội Ấn và vùng Kashmir; và 8 vụ khủng bố tại Mumbai (Bombay), thành phố hải cảng tài chính và lớn nhất của Ấn Độ, vào ngày 26-29.11.2008. Cuộc khủng bố giết chết 173 người và 308 bị thương.

-Iran:

Theo ký giả Kate Clark, cuộc điều tra của đài truyền hình BBC của Anh quốc đã khám phá Iran gửi vũ khí qua biên giới cho Taleban. Sự thật này được xác nhận bởi các thành viên của Taleban là họ nhận được vũ khí do Iran sản xuất từ phía chính phủ và từ nhập lậu. Đại sứ Iran tại thủ đô Kabul phủ nhận điều này và tuyên bố là chính phủ Iran ủng hộ chính quyền của Tổng-thống Hamid Kazai. Tuy nhiên, qua những gì Iran hứa với Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Âu Châu về việc hủy bỏ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử, sau lại tiếp tục chương trình này; người ta không thể tin những gì Iran nói nữa. Một khẩu sung cá nhân Kalashnikov do Iran chế tạo giá bán cao hơn khoảng 200-300 USD so với giá của Hồi Quốc, Nga Sô và Trung Quốc. Một nhóm tại Iran cũng cung cấp loại mìn có tên là "Mìn Rồng " (Dragon mine) có khả năng phá huỷ xe thiết giáp (tank) hạng nặng. Đại sứ Anh ở Kabul, Sir Sheard Cowper-Coles cũng xác nhận có một toán ở nội địa Iran cung cấp vũ khí cho Taleban. Nhưng toán này là ai thì vẫn còn trong bí mật.

5- Chiến lược mới của Hoa Kỳ

Sau 8 năm can thiệp vào A Phú Hãn và hỗ trợ một chính phủ thành hình theo thể chế dân chủ theo Tây phương, chính phủ Mỹ vẫn chưa đạt được thắng lợi hoàn toàn về phương diện an ninh lãnh thổ. Hàng chục ngàn Quân đội Mỹ và Đồng-minh NATO không bảo đảm được an ninh cho dân chúng A Phú Hãn, đặc biệt là vùng phía Nam. Trước tình hình không mấy khả quan như vậy, Tổng-thống Mỹ, Barach Obama, đã quyết định thay đổi chiến lược mà các nhà nhận định thời cuộc gọi là "Cuộc chiến của Obama". Ba trong các quyết định quan trọng là:
-Thay thế Tư-lệnh quân đội Mỹ tại A Phú Hãn, Đại-tướng David McKiernan, người chỉ huy lực lượng Mỹ được 11 tháng qua mà kết quả bình định lãnh thổ chưa đạt được theo yêu cầu. Tư-lệnh chiến trường mới là Trung-tướng Stanley McChrystal, Tham Mưu Trưởng Liên Quân Mỹ. Sự thay đổi Tư-lệnh chiến trường, theo Bộ-trưởng Quốc-phòng Robert Gates là để có tư tưởng và cái nhìn mới về A Phú Hãn.

-Tăng cường 21.000 lính Mỹ, thay vì 17.000 như cựu TT. George W. Bush đề nghị, cho chiến trường A Phú Hãn nhằm tấn công Taleban và Al-Qaeda trên khắp các chiến tuyến, đặc biệt là các vùng ẩn trú của địch tại biên giới giữa hai quốc gia A Phú Hãn và Hồi Quốc.
-Thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa hai chính phủ A Phú Hãn và Hồi Quốc, thống nhất kế hoạch tấn công và tiệu diệt quân phiến loạn Taleban và Al-Qaeda. Cuộc họp giữa Tổng-thống Mỹ, Barack Obama, Hamid Kazai (A Phú Hãn) và Asif Ali Zardari (Hồi Quốc) tại Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C) vào ngày 6/5/2009 đã chứng minh có sự thống nhất về chiến lược giữa ba chính phủ. Trong cuộc họp thượng đỉnh này Hồi Quốc đề nghị một khoản tiền 30 tỷ Đô-la viện trợ trong thời kỳ 5 năm tới cho hai nước có đủ phương tiện chống Taleban và Al-Qaeda.
Mở đầu cho kế hoạch này, ngày 12/5/2009, quân-đội Hồi Quốc đã huy động khoảng 50.000 lính mở cuộc tấn công vào vùng thung lũng Swat, nơi mà thủ lãnh Taleban ở Wardak tuyên bố họ có 6.000 tay súng, sẽ sẵn sàng trả đũa các cuộc tấn công. Quân-đội Hồi có khoảng 100.000 lính biên phòng; nhưng quân dụng bị thiếu thốn và binh sĩ không có kinh nghiệm về cuộc chiến chống du kích. Sự kiện này quí độc giả có thể nhìn thấy hình ảnh trên đài truyền hình. Trong cuộc hành quân vừa qua, người ta thấy lính Hồi Quốc được chở cả bằng xe dân sự.
Đồng hành với các cuộc tấn công của quân đội Hồi Quốc, phi cơ không người lái "Predator hay Drone " của Mỹ đã thực hiện 30 phi vụ phóng hỏa tiễn vào vùng Waziristan nằm sát biên giới hai nước, giết được hàng chục quân Taleban. Nhưng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn cũng giết chết 700 thường dân khiến dân địa phương cho rằng Mỹ xâm phạm chủ quyền của Hồi Quốc và giết hại dân họ. Biến cố Mỹ Lai của Việt Nam có thể xẩy ra tại A Phú Hãn và Hồi Quốc sẽ là cơ hội phát triển phong trào phản chiến và đòi quân đội Mỹ rút ra khỏi A Phú Hãn, như trong chiến tranh Việt Nam.

Kết luận

Khi quân đội Hồi Quốc mở màn tấn công căn cứ địa quan trọng của Taleban tại vùng thung lũng Swat có nghĩa công khai thi hành kế hoạch diệt khủng bố của chính phủ Mỹ. Như vậy, sự tuyên chiến đã bắt đầu và Taleban sẽ dùng mọi biện pháp mạnh để trả thù. Một trong các biện pháp đã được công bố. Ngày 14.5.2009, Muslim Khan, phát ngôn viên của Taleban đã ra lệnh:
"Tất cả dân biểu đại diện cho miền Malakand trong Quốc-hội quốc gia và trong quốc hội thành phố phải từ chức trong vòng ba ngày. Nếu không tất cả thân nhân nhân trong gia đình sẽ bị bắt và nhà cửa bị phá hủy toàn bộ."
Malakand là vùng dân Pastun chiếm đa số và là cơ sở của Taleban đã được chính quyền Hồi Quốc nhượng bộ cho ban hành luật Sharia với hy vọng an ninh trong vùng này được tái lập. Nay do cuộc tấn công vào vùng thung lũng Swat và Malakand của quân chính phủ khiến Taleban hủy bỏ tất cả thỏa hiệp đã ký kết trước đây. Ngoài ra, Muslim Khan cũng yêu cầu đảng chính trị Pakistan’s Islamist phải công khai ủng hộ chiến binh Taleban. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình CNN của Mỹ, Muslim Khan cho biết ông ta đã sống 4 năm và làm nghề thợ sơn ở Tiểu bang Boston, Hoa Kỳ.
Như vậy, trong những ngày tới cuộc chiến giữa quân đội Hồi Quốc và Taleban sẽ tàn khốc và dã man hơn.