Dân Chúa Âu Châu

Những Thành Công và Thất Bại Đầu Tiên Của Tổng Thống Barack Obama, Sau Ngày Nhậm Chức 20.1.2009

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Ngày 20.1.2009, Barack Obama nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ với những lời chúc tụng và tung hô của gần 2 triệu người tham dự đứng dài khoảng 2,4 cây số dọc theo hai bên đường, từ đài kỷ niệm cố TT. Washington tới tòa nhà Quốc Hội Mỹ Capitol. Theo báo New York Daily News tốn phí cho lễ nhậm chức Tổng thống lên tới 160 triệu Đô-la, một sự chi phí cao nhất từ trước tới nay, so với lễ nhậm chức của TT. George W. Bush chỉ tốn 42,3 triệu Đô-la. Trên thế giới thì hàng trăm triệu người theo dõi sự kiện lớn lao của Hoa Kỳ trên các đài truyền hình. Các lãnh tụ của các quốc gia từ các lục địa Á, Âu, Mỹ và Phi châu cũng hân hoan gửi điện chúc mừng và hy vọng Thế giới sẽ có những đổi mới.
Trong ngày trọng đại như thế mà John Roberts, Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện (TCPV) và Barack Obama, Tân Tổng thống lại đọc sai lời tuyên thệ! Nguyên văn câu tuyên thệ gồm 35 chữ:
“Tôi (Barack Hussein Obama) long trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ trung thành thi hành chức vụ Tổng thống Hiệp Chủng Quốc, và sẽ đem hết khả năng để duy trì, bảo vệ và bảo tồn Hiến pháp Hiệp Chủng Quốc”
(I do solemnly swear (eller affirm) that I will faithfully execute the office of President of the United States, and will to the best of my ability, preserve, protect, and defend the Constitution of the United States.)
Khi TT. Obama bị khớp ngay giây phút đầu thì Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện nhắc lại lời thề một lần nữa. Nhưng ông ta lại đọc sai một chữ khiến TT. Obama cũng lập lại sai luôn. Chữ “faithfully“ (trung thành) là trạng từ và theo văn phạm thì trạng từ phải đặt sau động từ execute. Khi có trợ động tử thì trạng từ faithfully phải đặt giữa trợ động từ will và động từ execute. Chủ tịch TCPV cũng bị khớp, nên lại để chữ faithfully sau nhóm chữ the United States: „…I will execute the office of the United States faithfylly!”
Đúng là chuyện khó tin nhưng có thật, hai ông luật sư giỏi của đại học luật trứ danh Hardvard, một Tổng thống, một Chủ tịch TCPV lại đọc sai văn phạm trong một buổi lễ vô cùng quan trọng và trước mắt của hàng trăm triệu người trên Thế giới. Vì thế, ngày 22.1.2009, Chủ tịch TCPV John Roberts lại phải mời TT. Obama tuyên thệ lại lần thứ hai tại Tòa Bạch Ốc, để dư luận không hoài nghi Obama chưa thành Tổng thống, vì đọc không đúng lời tuyên thệ! (Xin coi hình đính kèm)
Những hy vọng của dân chúng Mỹ và Thế giới về một Hoa Kỳ đổi mới có thể nhận ra qua một số quyết định và sự thành công cũng như thất bại dưới đây của TT. Obama trong thời gian vừa qua.

I- Thành công về phía Hoa Kỳ

Ngay sau khi trở thành Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, TT. Barack Obama đã có những quyết định khá quan trọng như sau:

1.1- Hủy bỏ nhà tù ở vịnh Guantanamo của Cuba

Từ sau biến cố khủng bố Nữu Ước ngày 11.9.2001 và sau cuộc can thiệp vào A Phú Hãn, quân đội Mỹ đã bắt hàng trăm tên khủng bố. Nhưng thay vì đưa ra tòa án Mỹ để kết tội, chính phủ Bush lại giam giữ các tên khủng bố tại nhà tù Guatanamo, một hòn đảo của Cuba. Hành động này đi ngược với Thỏa ước Genève về tù binh. Bị thế giới chỉ trích về cả tính cách bất hợp pháp và các phương pháp thẩm vấn, nhưng chính phủ Mỹ vẫn không giải quyết. Ngày 22.1.2009, sau khi nhậm chức, TT. Obama đã ký nghị định nhằm hủy bỏ nhà tù Guantanamo trong vòng năm nay. 245 tù nhân sẽ được di chuyển đi nơi khác để xét xử theo luật pháp và phóng thích tùy theo tội trạng.

1.2- Giới hạn mức lương tối đa của nhân viên phục vụ tại Tòa Bạch Ốc

Hòa chung sự khốn khó của dân chúng trong cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, TT. Obama cũng xét lại lương bổng của các nhân viên phục vụ tại Tòa Bạch Ốc và đưa ra giới hạn mức lương không quá 100.000 Đô-la. Đây là biện pháp thắt lưng buộc bụng mà TT. Obama học được từ cuộc khủng hoảng kinh tài lớn nhất thế kỷ 20 vào năm 1929-1930. Không chỉ về lương bổng bị hạn chế, TT. Obama còn hủy bỏ tất cả quà cáp do các hội ái hữu (Lobbies) trao tặng các cố vấn Tòa Bạch Ốc. TT. Obama muốn nhắc nhở các công chức họ luôn là đầy tớ của dân và công vụ phải ưu tiên hàng đầu.

1.3- Giới hạn mức lương tối đa của các giám đốc ngân hàng

Sau khi hạn chế mức lương tối đa của nhân viên Tòa Bạch Ốc, TT. Obam cũng hạn chế lương tối đa cho các giám đốc ngân hàng và công ty không quá 500.000 Đô-la một năm, nếu muốn nhận quỹ cứu trợ của chính phủ. Lương tổng thống Obama chỉ có 400.000 Đô-la một năm mà tiền thưởng của một số công ty cho các giám đốc lên tới 18 triệu trong năm 2008 thì không thể chấp nhận được, khi mà đất nước đang bị khủng hoảng kinh tài. Thượng Nghị Sĩ McCaskill cũng phát biểu họ không được kiếm nhiều tiền hơn Tổng thống Mỹ. Bình thường tiền thưởng cho các giám đốc ngân hàng vào khoảng 10% tới 50% lương bổng, tùy theo thoả hiệp của các ngân hàng và công ty. Cái mánh mung của các ngân hàng hay công ty là trong khi họ xin chính phủ giúp đỡ tài chính (tức thuế của dân mà chính phủ phải bảo vệ), vì gặp khó khăn mà họ lại thưởng cho các giám đốc hàng chục triệu Đô-la thì không thể coi là hành động hợp lý được! Các qui định khác cũng được thắt chặt thêm như: các giám đốc muốn được tiền thưởng thì phải đảm nhiệm chức vụ trong nhiều năm, làm gia tăng lợi tức công ty và không có điều kiện nào ràng buộc về tiền thưởng v.v…
Tuy nhiên, các chuyên viên về bồi thường trong lãnh vực tư nhân lại cảnh cáo rằng, hành động như vậy là xâm phạm vào các quyết định nội bộ của công ty tài chính. Nó có thể làm giảm sự hăng say tham gia vào chương trình cứu nguy kinh tế và làm chậm sự phục hồi trong lãnh vực tài chính. Nhận định này dựa trên lý thuyết là một giám đốc ngân hàng hay công ty kiếm lời cổ phần hay kiếm việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn công nhân thì tại sao họ không được quyền hưởng lương cao và tiền thưởng gấp nhiều lần công nhân?

1.4- Cứu vãn nền kinh tế và tài chính Mỹ với ngân khoản 787 tỷ Đô-la

Ngân khoản cứu nguy nền kinh tế ban đầu dự trù 838 tỷ Đô-la, nhưng bị Quốc hội cắt giảm còn 787 tỷ Mỹ-kim đã được Thượng viện thông qua ngày 13.2.2009 với số phiếu 60 thuận và 38 chống.
TT Obama tuyên bố đây là bước đầu tốt đẹp cho chương trình phục hồi kinh tế Mỹ và kiếm việc cho 4 triệu việc làm. Timothy Geithner, Bộ trưởng Ngân khố tuyên bố chương trình cấp cứu các ngân hàng sẽ lên tới 1 ngàn tỷ (trillion) Đô-la thay vì 200 tỷ (billion), vì hệ thống ngân hàng hiện tại đi ngược lại với sự phục hồi và đó là động lực nguy hiểm mà chúng ta phải thay đổi. Về phía đảng Cộng Hòa, Nghị sĩ Mitch McConell, lãnh đạo khối thiểu số, cho rằng đạo luật này không có gì bảo đảm trong việc tìm 4 triệu việc làm hay phục hồi kinh tế. Hạ viện muốn gia tăng tiền cho trường học, các chính quyền địa phương và các tiểu bang cá biệt; nhưng Thượng viện lại đặt nặng vấn đề giảm thuế.

1.5- Bảo vệ sức khoẻ trẻ em

TT. Obama cũng ký nghị định về việc mở rộng bảo hiểm sức khoẻ cho trẻ em. Đây là một quyết định thay đổi hẳn đường lối cũ của cựu TT. George W. Bush và là một thành công lớn đối với những gì Tân Tổng thống đã hứa hẹn. Ngân khoản 33 triệu Đô-la sẽ dùng cho việc bảo hiểm khoảng 4 triệu trẻ em của các gia đình có lợi tức thấp nhất. Theo tường trình thì một gia đình 4 người có lợi tức khoảng 21.000 Đô-la một năm mà giá bảo hiểm sức khoẻ tốn 12.680 Đô-la, có nghĩa một nửa lợi tức. Như vậy gia đình 4 người làm sao có thể sống với số tiền hơn 1.000 đô-la một tháng? Có khoảng 7 triệu trẻ em của các gia đình có lợi tức hai lần thấp hơn mức nghèo đói. Ở Hoa Kỳ hiện nay có khoảng 35,6 triệu người được xếp vào dưới mức nghèo đói. Nancy Pelosi, Phát ngôn viên của Hạ Viện tuyên bố: ”Đây là khởi đầu cho sự thay đổi mà dân chúng Mỹ bỏ phiếu cho cuộc bầu cử vừa qua”. Vấn đề bảo hiểm sức khoẻ đã bị cựu TT. George W. Bush cản trở nhằm dùng số tiền này phí cho quân đội Mỹ đang chiến đấu tại Iraq và Afghanistan.

II- Thất bại trên chính trường nội địa

-Thượng nghị sĩ Tom Daschle được TT. Obama đề cử vào chức vụ hướng dẫn chương trình bảo vệ sức khoẻ thế giới (Universal healthcare) bị phát giác trốn thuế 128.000 Đô-la, nên phải từ chức.
-Nancy Killefer làm việc cho công ty cố vấn lớn McKinsey &Co được đề cử vào chức vụ chánh văn phòng với nhiệm vụ giám sát tiền bạc đóng thuế của dân phải được sử dụng đúng với các chương trình. Nhưng bà lại bị báo chí phát giác không đóng thuế thất nghiệp cho người giúp việc trong gia đình bà; nên phải từ chức!
-Tony Rezko, người Mỹ gốc Syria, một tài phiệt chủ công ty Reznar Corp tại Chicago, Tiểu bang Illinois. Ông này bị tai tiếng và điều tra về hối lộ và thành lập quỹ tranh cử vào Thượng Viện của Obama. Ông ta cũng từng đề nghị giúp Obama có việc làm, dính líu tới vụ bán nhà trị giá 1,5 triệu Đô-la, rẻ hơn 300.000 Đô-la, cho gia đình Obama ở Kenwood, và miếng đất dài 3 mét thuộc tài sản của Rezko với giá 104.500 Đô-la, cao hơn giá trị tài sản 60.000 Đô-la. Tháng 6/2007 Obama đề nghị chương trình 14 triệu Đô-la, kể cả 885.000 Đô-la tiền công cho Rezko và Davis, nhằm giúp người có lợi tức thấp v.v…
-Tướng Anthony Zinni nguyên là Tư lệnh chiến trường Trung Đông, cho biết được chọn làm tân đại sứ Iraq. TT. Obama và Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đã gọi điện thoại chúc mừng. Nhưng bất ngờ ông lại được chọn làm đại sứ tại Ả Rập Saudi mà không có lời giải thích. Hành động này chứng tỏ quyết định của TT. Obam thiếu đắn đo và không thống nhất.
Người ta phê bình TT. Obama vì trong chiến dịch tranh cử, Ứng cử viên Obama đưa ra khẩu hiệu “đạo đức chính trị và sự thật mờ ám của các chính sách của Hoa Thịnh Đốn” (ám chỉ chính phủ Bush) mà nay ông ta lại bổ nhiệm một số nhân vật có hành động không đạo đức chính trị tí nào vào chức vụ quan trọng thì chính ông tự phản lại mình! Uy tín của TT. Obama bị tổn thương ngay trong thời gian đầu khiến ông phải than “Tôi điên đầu!” (Iscrewed up)

III- Thành công trên chính trường thế giới

Thành công nổi bật nhất là làm giảm sự căng thẳng với Nga Sô.

Sự hòa hoãn giữa Hoa Kỳ và Nga Sô cũng được xác định qua cuộc điện đàm giữa TT. Obama và TT. Dmitrij Medvedev ngày 27.1.2009. Vấn đề sẽ trở nên tốt hơn khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G.20 tại Luân Đôn vào tháng 4/2009. Kết quả của chính sách hòa hoãn của TT. Obama đưa tới việc Nga Sô ngày 28.1.2009 quyết định rút các dàn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử nhắm hướng Âu châu khỏi Kaliningrad, gần biên giới Ba Lan. Các dàn phóng hỏa tiễn của Nga Sô được đặt gần biên giới Ba Lan là do quyết định của TT. George W. Bush thiết lập hệ thống Radar phòng thủ chống hỏa tiễn tại Ba Lan và Tiệp Khắc.
Tuy nhiên, TT. Obama chưa có một chính sách thiết thực đối với Nga Sô. Ông vẫn xác định là không thừa nhận bất cứ quốc gia nào nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng (ám chỉ các quốc gia trong Liên bang Sô-viết xưa) và không công nhận chủ quyền các tỉnh Abkhazia và South Ossetia thuộc lãnh thổ Georgia, nhưng lại đòi độc lập nằm trong lãnh thổ Nga Sô.

IV- Thất bại trên chính trường thế giới

4.1- Thất bại vì chính sách bảo vệ kinh tế (Protectionism)

Trong bài Biến Cố Trong Tháng, Nguyệt san Dân Chúa Âu Châu số 314, trang 9, mục 4/2 Về phương diện kinh tế, chúng tôi cũng đã viết: “Bề ngoài thì các nhà lãnh đạo các quốc gia Á châu, Âu châu, Phi châu, Úc châu, Trung Đông và Nam Mỹ tươi cười chúc mừng Tân Tổng thống Obama với nhiều hy vọng; nhưng trong lòng lại lo ngay ngáy, kể các nhà kinh doanh và tài chính. Tại sao vậy? Tại vì đảng Dân Chủ luôn đề cao thuyết Bảo vệ (Protectionism).
Chính sách bảo vệ kinh tế đã được Ứng cử viên Barack Obama tung ra vào tháng 8/2008 qua khẩu hiệu “Buy American - Vote Obama” (có nghĩa dân Mỹ mua hàng Mỹ sản xuất - Bầu cho Obama). Nay, sau khi trở thành Tổng thống, trong dự luật cứu nguy kinh tế và tài chính đệ trình Quốc hội thông qua, TT. Obama cũng bao gồm đề nghị “Buy American”. Đề nghị như vậy TT. Obama đi ngược lại với qui định tự do kinh doanh của Tổ chức Thương mại Thế giới “WTO” và chính sách “Toàn Cầu Hoá” (Globalization) và dĩ nhiên ông gặp chống đối từ nhiều quốc gia, điển hình là:

-Liên hiệp Âu châu phản đối
Ngày 3.2.2009, Liên Hiệp Âu châu tiếp tục làm áp lực chính phủ Mỹ phải xét lại chính sách “Buy American” qua dự luật khôi phục kinh tế với 787 tỷ Đô-la. Lý do đưa ra là chỉ sắt, thép và sản phẩm kỹ nghệ được tài trợ trong kế hoạch, có nghĩa sắt, thép và hàng hóa kỹ nghệ nhập từ ngoại quốc không được hưởng trợ cấp. Phát ngôn viên của Liên Hiệp Âu Châu cho biết Liên Hiệp sẽ khiếu nại trước Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Ban đầu TT. Obam nhất quyết yêu cầu Quốc hội đừng trì hoãn đạo luật kích thích (the Stimulus Bill) của mình, mặc dù có những khác biệt, nhằm phục hồi kinh tế Mỹ. Nhưng cuối cùng vì áp lực khắp thế giới, trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình CNN và Fox News ngày 3.2.2009, TT. Obama công nhận có sai lầm và nói là sẽ sửa đổi khẩu hiệu “Buy American” trong dự luật bằng một từ ngữ khác, để tránh một cuộc chiến tranh thương mại có thể xẩy ra.
Chính sách bảo vệ qua chương trình Buy American làm cho tinh thần quốc gia lên cao và ảnh hưởng tới một số nước khác. Một bằng chứng điển hình là hàng trăm công nhân Anh của các nhà máy điện đã đình công để phản đối thợ nước ngoài đến từ Ý Đại Lợi và Bồ Đào Nha.

Nữ Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, trong cuộc điện đàm với TT. Obama đã nói rằng “Thuyết bảo vệ là câu trả lời sai!” (Protectionism the wrong answer) và Hoa Kỳ cần hủy bỏ các chính sách hạn chế trong thương mại. Thủ tướng Đức bênh vực cho tự do giao thương cũng có lý của bà, vì Đức quốc là nước xuất cảng sản phẩm kỹ nghệ lớn nhất trong Liên Hiệp Âu Châu. Mọi hạn chế đối với hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ dĩ nhiên gây bất lợi cho Đức và nhiều quốc gia khác. Lời phát biểu của Thủ tướng Đức đồng thanh với cảnh cáo của chủ tịch Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF, ông Dominique Strauss-Kan, từ thủ đô Tokyo, Nhật Bản: “chính sách này không bao giờ đạt được thành quả tốt”
-Gia Nã Đại phản đối: Là quốc gia lân bang và là khách hàng lớn nhất của Hoa Kỳ nằm trong thị trường chung Mỹ châu, chính phủ Gia Nã Đại cũng cảnh cáo rằng “Buy American” có thể đưa tới hậu quả suy thoái kinh tế hoàn cầu.

4.2- Lép vế khi chấp nhận đối thoại với Iran

Trong hội nghị Davos, Manouchehr Mottaki, Bộ trưởng Ngoại giao Iran nói nước ông sẵn sàng trả lời tích cực nếu TT. Obama hứa thay đổi chính sách ngoại giao. Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad, trong lễ kỷ niệm 30 năm Cách mạng Islam thành công 1979-2009, cũng tuyên bố chào mừng các cuộc đối thoại với Hoa Kỳ dựa trên căn bản tôn trọng lẫn nhau. Cao ngạo hơn nữa, TT. Iran còn đòi Hoa Kỳ phải xin lỗi Iran vì cựu TT. George W. Bush liệt kê Iran vào một trong các quốc gia thuộc “Trục Tội Ác” (The Axis of Evil). Chính phủ Bush không bao giờ thèm nói chuyện với khủng bố và hợp tác với các nước chứa chấp hay ủng hộ khủng bố.
Thực ra, lời tuyên bố của hai Tổng thống Mỹ và Iran chỉ có tính cách ngoại giao. Vấn đề là Do Thái có cùng quan điểm với Hoa Kỳ hay không. Khi Iran tiếp tục phát triển bom nguyên tử và trực tiếp ủng hộ hai tổ chức thù địch của Do Thái là Hamas tại Gaza của Palestina và Hizbollah ở Lebanon, thì vì sự sinh tồn của đất nước và trước khi Iran có ý định khiêu khích, Do Thái sẽ bỏ bom các cơ sở nguyên tử của Iran. Kế hoạch này đã được hoạch định trong thời TT. Bush còn tại chức và các phi công Do Thái đã tập dượt để thi hành nhiệm vụ. Do Thái đã oanh tạc các cơ sở chế tạo bom nguyên tử tại Iraq trước đây.
Hoa Kỳ đã liệt kê Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố Thế giới mà TT. Obama lại bắt tay với Iran, một nước từng bị lên án trợ giúp khủng bố Hamas và Hizbollah, thì chính phủ Obama không thể bỏ Do Thái đứng về phe Iran được. Thực tế cho thấy hiện nay TT. Obama chưa dứt khoát về một chính sách phong tỏa hay có hành động quân sự trừng phạt, khi Iran bất tuân quyết định của Liên Hiệp Quốc về việc ngưng chế tạo bom nguyên tử và công khai ủng hộ các tổ chức khủng bố hoặc trực tiếp gây hấn với Do Thái. Một cuộc tấn công của Do Thái vào lãnh thổ Iran sẽ gây biến động toàn vùng Trung Đông, làm rạn nứt tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và các nước Ả Rập, làm khủng hoảng thị trường dầu hỏa thế giới cũng như chiến trường Iraq và Afghanistan. Vì thế, chính phủ Obama không dễ bỏ rơi Do Thái hoặc trở thành địch thù của Iran và các nước Ả Rập. Đây là bài toán khó mà qua nhiều đời Tổng thống Mỹ đã không giải được.

4.3- Có nguy cơ phải rời căn cứ quân sự tại Kyrgyzstan

Theo tin tức của Nga Sô thì Quốc hội Kyrgyzstan có chương trình đóng cửa căn cứ quân sự và phi trường Manas. Chính phủ Mỹ đã thuê căn cứ này với giá 63 triệu Đô-la một năm và sử dụng 320 nhân công người bản xứ. Căn cứ Manas rất quan trọng vì không quân Mỹ phát xuất từ đây để thi hành các nhiệm vụ tiếp xăng cho phi cơ oanh kích và yểm trợ quân Mỹ tại A Phú Hãn. Nhân cơ hội một lính Không quân Mỹ giết chết một người Kyrgyzstan vào tháng 12/2006, dân chúng và chính phủ Kyrgyzstan đã bày tỏ sự bất mãn đối với Hoa Kỳ. Nga Sô muốn hất cẳng Mỹ ra khỏi vùng này, nên hứa cho Kyrgyzstan vay một ngân khoản dài hạn 40 năm với số lời 0,75% và chịu thuê căn cứ này với giá 300 triệu Đô-la, nhiều gấp gần 5 lần Hoa Kỳ. Chính phủ Nga cũng hứa hủy bỏ 180 triệu Đô-la còn nợ của Kyrgyzstan. Theo thông tấn Nga RIA-Novosti thì tại hội nghị Mạc Tư Khoa, tổng thống Kurmanbek Bakiyev cũng xác nhận quyết định đóng cửa căn cứ Manas.
Trong tháng vừa qua, tướng David Petraeus, tư lệnh các cuộc hành quân tại Trung Đông và Trung Á, kể cả A Phú Hãn đã tới Kyrgyzstan để bàn thảo về vấn đề này. Nhưng với sự mời gọi và số tiền hứa hẹn quá lớn lao của Nga Sô đối với một quốc gia nghèo nhất trong vùng, người ta khó hy vọng Mỹ có thể tiếp tục thuê căn cứ Manas. Trong những tháng vừa qua, các tuyến đường chở vật dụng tiếp tế cho quân đội NATO theo đường bộ, qua ngã Pakistan vào Afghanistan đã bị khủng bố Al-Qaeda và Taleban tấn công và cướp đoạt. Như vậy, vấn đề tăng cường, tiếp liệu và chuyên chở 30.000 quân Mỹ tăng cường cho chiến trường A Phú Hãn sẽ gặp nhiều trở ngại, khi căn cứ Không quân Manas không còn.

Kết luận

Tuy trong một thời gian ngắn, nhưng TT. Obama đã thực hiện được một số lời hứa mà ông đưa ra trong thời kỳ tranh cử và sau khi nhậm chức. Các chính sách của một chính phủ thành công nhiều hay ít phải qua một thời gian thử thách, thi hành và rút tỉa kinh nghiệm. Một số thành công hay thất bại nêu trên chưa thể được coi là bằng chứng để nhận định chính sách của chính phủ Obam đúng hay sai, đi đúng hướng hay trật đường rầy.
Chúng ta chờ xem TT. Obama có thực hiện được ước mơ thứ hai là khôi phục kinh tế Mỹ và đem lại hạnh phúc ấm no, đặc biệt cho người nghèo da đen đồng chủng của ông không.
Nếu TT. Obama không thành công trong các chương trình đổi mới, thần tượng Obama của tuổi trẻ và người da đen sẽ dần dà phôi pha trong đầu óc và con tim của họ.
Nếu Thế giới, vì chính sách Bảo vệ của TT. Obama, tiếp tục rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bất an vì các cuộc chiến cục bộ, thì những hy vọng ban đầu về một TT. Obama đổi mới sẽ tiêu tan trong lòng người khắp năm châu.