Dân Chúa Âu Châu

Kết Quả Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Hiệp Quốc Về Sự Thay Đổi Khí Hậu.

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Từ thỏa hiệp Kyoto và mở đầu cho giai đoạn 1 Hội-nghị Liên Hiệp Quốc về sự thay đổi khí hậu được tổ chức tại Copenhagen Đan Mạch từ ngày 7 đến 18/12/2009 nhằm đi tới mục tiêu thiết thực mà mọi người hy vọng sẽ đạt được những ràng buộc pháp lý (Legally binding). Không kể Đan Mạch là chủ nhân tổ chức, có 192 quốc gia được mời tham dự Hội Nghị này.
Để có một chương trình bàn thảo thiết thực và sự cộng tác từ các tổ chức Quốc-tế, ngày 8/6/2009, tại thành phố Bonn của Đức, tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace), Tổ-chức Vô Chính-phủ ”NGO” (Non-Government Organizations) và Quỹ Bảo-vệ Đời-sống Thiên-nhiên ”WWF” (World WildLife Fund) đã đưa ra bản Hiệp-ước Khí-hậu Copenhagen (Copenhagen Climate Treaty) làm tiêu chuẩn để bàn bạc. Chúng tôi ghi lại một vài điểm đại cương như sau:
-Sự gia tăng độ nóng phải dưới 2oC; thiết lập ngân sách và ấn định số lượng thải khí độc CO2 kể từ Hội Nghị Copenhagen 2009 tới năm 2050; các quốc gia đã và đang phát triển có trách nhiệm giải thích làm sao trái đất bị hâm nóng và dân chúng cần phải hiểu nguy cơ này; giúp đỡ tài chính và kỹ thuật cần thiết cho dân nghèo chống lại sự thay đổi khí hậu.
-Dự án khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2020 không được cao hơn 36,1 tỷ tấn (Giga tons = 109 tons) so với mức độ năm 1990 và sẽ giảm xuống 7,2 tỷ tấn vào năm 2050 hoặc 80% so với năm 1990.
-Mỗi năm dành 160 tỷ Mỹ-kim (khoảng 115 tỷ EURO) cho vấn đề khí hậu qua việc đánh thuế nhiên liệu, tầu biển và máy bay. Đồng thời các quốc gia giầu, chiếm 20% dân số Thế-giới 6,7 tỷ người, gồm Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản, phải chi khoảng 100 tới 200 Mỹ-kim (MK) mỗi đầu người cho số lượng khí độc CO2 do nước mình thải ra đã vượt quá tiêu chuẩn trung bình của mỗi đầu người dân trên Thế-giới.
-Ấn định mục tiêu thiết thực để Thế-giới theo dõi vấn đề giảm thiểu thải khí độc CO2 phải đạt được cao điểm, tối đa là năm 2015. Các quốc gia giầu phải đi tiên phong.
-Phần lớn của 160 tỷ Mỹ-kim hàng năm được để vào quỹ gọi là "Phương tiện Khí hậu Copenhagen” (The Copenhagen Climate Facility) để dùng vào các hoạt động và trang bị kỹ thuật về lãnh vực này.

I- Kết quả của Hội-nghị

Ba ngày cuối có sự hiện diện của các Tổng-thống và Thủ-tướng của các quốc gia tham dự, nên được gọi là Hội-nghị Thượng-đỉnh LHQ. Hội nghị trong những ngày cuối đã diễn ra thật sôi nổi và căng thẳng đến nỗi suýt nữa bị tan vỡ vì bất đồng giữa các quốc gia tham dự. Như chúng tôi đã tường trình trong Bài-1 là Trung Cộng, Ấn Độ và một số quốc gia đã không đồng ý giảm thiểu số lượng thải khí độc CO2.
Các nước này dựa vào lý do quốc gia mình đang trên đà phát triển và đang thi hành chính sách xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, vào ngày cuối 18/12/2009 Hội-nghị đã phải họp kéo dài thêm 12 giờ đồng hồ nữa để đạt được kết quả. Tổng thống Mỹ Obama đã hủy bỏ thời gian ấn định phải trở về Hoa Kỳ, ở lại thảo luận nhiều giờ với các Tổng thống và Thủ tướng của các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu, Ấn Độ, Ba Tây, Nam Phi và Trung quốc để đi tới Thỏa hiệp Copenhagen (Copenhagen Accord) chỉ có tính chất chính trị, có nghĩa không bị ràng buộc về pháp lý. Sau đây là vài điểm quan trọng:
-Về mục tiêu xa: Cắt giảm sự thải khí độc trên thế giới tuỳ thuộc vào khoa học, giữ mức gia tăng nhiệt độ dưới 2oC (Celcius).
-Về ràng buộc pháp lý: Sự hứa hẹn liên hệ tới một hiệp ước ràng buộc pháp lý có trách nhiệm sẽ diễn ra vào cuối năm tới, tức tại Hội-nghị Mexico 2010.
-Về tìm tài chính cho các quốc gia nghèo: Văn bản ghi đại ý: "Các quốc gia đã phát triển sẽ cung cấp nguồn tài chính đầy đủ, dự đoán và hiệu quả, kỹ thuật và khả năng xây dựng để hỗ trợ sự hoàn thành hoạt động thích ứng tại các quốc gia đang phát triển”. Người ta muốn nói tới sự yếu kém đặc biệt và cần sự giúp đỡ là các nước ít phát triển nhất, các nước ngoài hải đảo đang phát triển và các quốc gia Phi Châu. Các quốc gia đã phát triển đưa ra mục tiêu cùng nhau huy động 100 triệu Mỹ-kim một năm từ năm 2020 để đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển. Quỹ sẽ xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, công và tư, song phương và đa phương.”
Một phụ lục đưa ra việc tìm kiếm tài chính ngắn hạn cam kết bởi các quốc gia đã phát triển cho năm 2010-2012 gồm:
Liên Hiệp Âu Châu (EU): 10,6 tỷ Mỹ-kim, Nhật Bản: 11 tỷ và Hoa Kỳ: 3,6 tỷ. Đế Quốc Mỹ giầu có nhất Thế-giới hứa hẹn bết nhất, chỉ bằng 32,8% Nhật Bản.
-Về giảm thiểu lượng khí thải
Về chi tiết của kế hoạch giảm thiểu bao gồm trong 2 phụ lục riêng rẽ. Một dành cho các quốc gia đã phát triển và một dành cho các nước đang phát triển tình nguyện cam kết thi hành. Như vậy không có sự ràng buộc về pháp lý nào cả. Hoa Kỳ còn xem xét lại (under consideration), chỉ có Liên Hiệp Âu Châu được chấp nhận bởi luật pháp.
-Về việc xác định: một điểm kéo dài là Tầu Cộng không chấp nhận sự kiểm soát quốc tế, và đề nghị sự phát triển kinh tế phải được theo dõi và thông báo kết quả cho Liên Hiệp Quốc mỗi 2 năm, đồng ý một số kiểm tra quốc tế để thoả mãn những lo âu của Tây phương về số tiền trợ giúp được dùng vào đúng mục tiêu, nhưng phải bảo đảm sự tôn trọng chủ quyền quốc gia.
-Về bảo vệ rừng: Thỏa hiệp công nhận sự quan trọng về vấn đề phá rừng, suy thoái rừng, và sự cần thiết phải giảm thiểu khí thải từ rừng. Thành lập quỹ bảo vệ từ các quốc gia đã phát triển.
-Về thị trường than (Carbon): Có lưu tâm, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể nào.
Mặc dù không có sự thỏa thuận ràng buộc; nhưng nhiều quốc gia đã tự nguyện giảm khí thải từ năm 2020 như sau:
-Liên Hiệp Âu Châu: 20% so với mức độ năm 1990, nếu các nước khác cũng hứa hẹn cắt giảm CO2, mức cắt giảm là 30%. Đan Mạch và Na-uy hứa giảm CO2 nhiều hơn, khoảng 40%.
-Hoa Kỳ: 17% so với mức độ 2005 (hoặc 1,8% so với năm 1990).
-Nhật Bản: 25% so với mức độ năm 1990.
-Úc Đại Lợi: 5-15% so với năm 2000.

II- Những người bác bỏ sự khẳng định của Liên Hiệp Quốc cho rằng CO2 là nguyên nhân đưa tới sự hâm nóng địa cầu.

Nếu có hàng trăm bác học, chuyên viên khí tượng và giáo sư đại học trên Thế-giới ủng hộ quyết định của Liên Hiệp Quốc về địa cầu bị hâm nóng là do khí độc CO2 thải quá nhiều, khiến nhiệt độ gia tăng khoảng 0,6oC trong thế kỷ 19 và 0,17oC trong mỗi thập niên của 30 năm vừa qua; thì cũng có hàng trăm nhà thông thái và chuyên gia chống đối, với lý do là có những năm nhiệt độ không tăng mà còn lạnh hơn, và khí CO2 chưa hẳn là nguyên nhân làm cho địa cầu ngày càng nóng hơn. Chúng tôi chỉ xin ghi lại một vài chuyên gia như:
-Robert M. Carter nhà địa chất của viện nghiên cứu địa lý biển cả của đại học James Cook ở Úc cho rằng: kể từ năm 1998 địa cầu không nóng hơn và do con người gây ra là vấn đề cần phải xét lại.
-Vicent R. Gray là nhà hóa học chuyên về than cho rằng Liên Hiệp Quốc tuyên bố địa cầu bị hâm nóng do khí CO2 thải ra nhiều chỉ là khuyết điểm tai hại.
-Antonino Zichichi, giáo sư vật lý nguyên tử của đại học Bologna và chủ tịch của Liên-đoàn Bác-học Quốc-tế cho rằng: "Cách thức mà Liên chính phủ về Thay-đổi Khí-hậu của Liên Hiệp Quốc sử dụng thì rời rạc và không có giá trị đối với quan điểm của khoa học. Không thể bác bỏ rằng hiện tượng quan sát có thể có nguyên nhân thiên nhiên. Có thể con người có chút hay không dính dáng gì tới nó’’. (1)
-Khabibullo Abdusamarov nhà toán học và phi hành gia của đài quan sát Pulkovo của Hàn Lâm Viện Nga Sô cho rằng: "Địa cầu hâm nóng kết quả không do việc thải khí nhà kính vào khí quyển, nhưng từ mức độ cao bất thường của sóng điện từ mặt trời tăng trưởng lớn lao lâu dài, qua suốt thế kỷ vừa qua … Gán cho hiệu quả của nhà kính đối với khí quyển của trái đất thì không được công nhận có tính cách khoa học … Khí nóng nhà kính trở nên nhẹ hơn do kết quả phát triển lên cao vào bầu khí chỉ có nghĩa là khí nóng bị hút mất”. (2)
Sự bất đồng ý kiến của hàng trăm bác học, giáo sư đại học và chuyên viên khí tượng khiến cho vấn đề kết luận CO2 là nguyên nhân hâm nóng địa cầu trở thành một nghi vấn và cần xét lại.

III- Bao giờ Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long bị nước biển tràn ngập?

3/1- Tin tức về phía Việt Nam

Dựa vào tài liệu của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức Thế-giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam hồi tháng tám 2009 đã công bố, nếu mực nước biển dâng cao thêm 65cm, thì hơn 6% diện tích Sài Gòn bị ngập lụt; nếu dâng lên 1 mét thì khoảng 500 cây số vuông diện tích của Sài Gòn sẽ bị nhận chìm dưới nước biển. Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của khoảng 17 triệu người, có diện tích 40.000 cây số vuông, cung cấp hơn 50% sản lượng lúa và hoa quả cho toàn quốc; nếu nhiệt độ trung bình tăng hơn 3°C vào năm 2100, thì mực nước biển sẽ lên cao hơn một mét. Vựa lúa lớn nhất của Việt Nam sẽ bị mất đi 38% diện tích. Sài Gòn sẽ gặp hiểm họa này trước tiên.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, đại học Cần Thơ, thuộc Mạng lưới Nghiên cứu Đồng bằng và Quan trắc Toàn Cầu, DRAGON – Mékong cho biết: Trong mùa khô năm nay, tại một số nơi, nước mặn đã thâm nhập sâu hơn 60 cây số so với mức của năm ngoái. Ông giải thích, hiện tượng mặn hóa tiến nhanh là do hai yếu tố kết hợp: nước biển dâng cao hơn và mực nước sông Mékong xuống thấp. Khí hậu nóng hơn đã gây ra hiện tượng giãn nở của các đại dương và tan băng, làm cho mực nước biển dâng lên.
Theo thông báo đầu tiên của Việt Nam cho công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, thì những năm gần đây, các cơn bão xuất hiện ở Việt Nam có cường độ mạnh hơn. Quỹ đạo bão có dấu hiệu dịch chuyển dần về phía Nam và mùa bão kết thúc muộn hơn, nhiều cơn bão có đường đi dị thường hơn. Đánh giá về các ảnh hưởng do những hiện tượng của biến đổi khí hậu này gây nên cho Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, và là thành viên của Dự án Biến đổi khí hậu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:
"Đối với một đất nước mà có 3.200 km bờ biển như mình, trong đó có những vùng có liên quan trực tiếp tới đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu long, mực nước biển dâng sẽ tác động rất nhiều đến hai đồng bằng, hai vựa lúa. Thứ nhất là đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước và xuất khẩu. Thứ hai là vùng dọc bờ biển Miền Trung, Miền Bắc, từ Quảng Ninh cho tới Cà Mau, và khi cộng với hai đồng bằng nói trên, theo Tổng cục Thống kê, là vùng cư trú tập trung của 75% dân số cả nước.” Cửa Bồ Đề, Mũi Cà mau, mỗi năm mất cả hàng chục mét vào phía trong..."

3/2- Tin tức của Quốc-tế

Theo tường trình "Áp-lực lớn lao đối với các thành phố vĩ đại"(Mega-Stress for Mega-Cities) của Quỹ Bảo-tồn Đời-sống Thiên-nhiên Quốc-tế thì 11 Thủ-đô và thành phố lớn sẽ bị thiệt hại nặng nề do khí hậu thay đổi, khi nước biển dâng cao 1 mét do bão và mưa gây nên lụt lội.
Thứ tự của ba con số của biểu đồ là: 1- nguy cơ thiệt hại do khí hậu thay đổi/ 2- ảnh hưởng so với dân cư / 3- khả năng đối phó (con số hàng thứ ba càng nhỏ thì khả năng đối phó càng cao). Mức độ lớn nhất được ghi bằng số 9 và nhỏ nhất là số 1:
Dhaka-9/8/7 (Bangladesh), Jarkata-8/6/7 (Nam Dương/Indonesia), Manila-8/9/7 (Phi Luật Tân/Philippines), Calcutta-7/6/7 (Ấn Độ/India), Nam Vang-7/4/10 (Phnom Penh - Cambodia), Sài-gòn-6/8/3 (Việt Nam), Thượng Hải-6/8/2 (Shanghai/Trung-quốc), Bangkok-5/5/4 (Thái Lan), Hương Cảng-4/7/1 (Hong Kong/Trung-quốc), Kuala Lumpur-4/3/3 (Mã Lai/Malaysia) và Tân Gia Ba-4/4/1 (Singapore).

Nước biển dâng lên 1 mét, khi có bão thì sóng biển sẽ lên cao từ 2 mét tới 7 mét, như trận bão Ketsana ở Phi Luật Tân trong thời gian vừa qua. Nếu nước biển dâng cao 1 mét thì 11% dân số Việt Nam, 10% Tổng Sản-lượng Quốc-nội (GDP) và 29% vùng đất ẩm thấp bị ảnh hưởng. Tổn thất có thể lên tới 17 tỷ Mỹ-kim một năm và 12% đất mầu mỡ bị hư hại. Vùng châu thổ sông Cửu Long bị thiệt hại nặng nhất. Nước vùng sông Cửu Long có thể dâng cao từ 16% tới 19% vào khoảng năm 2010-2038 và cao hơn nữa vào khoảng năm 2070-2099 so với mức độ năm 1961-1990. Sài Gòn bị thiệt hại nặng do mưa, bão và lụt lội, Ngoài ra, nếu nước biển dâng cao 1 mét thì 2.500 km2 rừng Đước sẽ bị nhận chìm dưới nước biển và 1.000 km2 đất nông trại và hệ thống sản xuất cá tôm (đồ biển) bị nước muối tàn phá. Nước biển dâng cao khiến dân vùng ngoại-ô bỏ đồng ruộng chạy về Sài Gòn và các thành phố để sinh sống sẽ làm giảm sức sản xuất nông phẩm và gây nên nhiều khó khăn cho thành phố. Theo báo cáo của văn phòng LHQ thì từ năm 1997-2006 có 7.500 người Việt Nam bị chết do thời tiết gây ra.
Các cuộc nghiên cứu của Ngân-hàng Thế-giới (World Bank) vào năm 2007 cũng cho thấy Việt Nam là một trong số hai quốc gia bị tàn phá cao nhất trên thế giới và cao nhất tại Đông Á, khi nước biển dâng cao 1 mét vào năm 2100. Lý do: tỷ lệ dân số Việt Nam cao và các hoạt động kinh tế đa số nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. 11% dân số (9 triệu dân) bị ảnh hưởng, tỷ lệ cao nhất Thế-giới; 5% đất đai và 10% Tổng Sản-lượng Quốc-nội (GDP) bị thiệt hại. Nếu nước biển dâng cao từ 3-5 mét thì thật là một thảm họa!
Trong bản Tường-trình Phát-triển Thế-giới năm 2010 (World Development Report 2010), Chủ-tịch Ngân-hàng Thế-giới, ông Robert B. Zoellick cũng cảnh báo: "Các quốc gia phải hành động ngay bây giờ, cùng nhau và theo một cách khác trước đây để đối phó với biến đổi khí hậu. Những nước đang phát triển bị ảnh hưởng nhiều hơn từ biến đổi khí hậu - đây là một cuộc khủng hoảng không phải do họ gây ra, nhưng họ lại ít được chuẩn bị nhất để đối phó với nó. Vì vậy, một thỏa thuận công bằng ở Copenhagen là rất quan trọng”
Ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, báo cáo nhận thấy 3 yếu tố chính khiến người dân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu:

1- Một số lượng dân cư lớn sống dọc theo bờ biển và ở đảo thấp - chẳng hạn hơn 130 triệu người Trung Quốc, gần 40 triệu người Việt Nam và khoảng 2 triệu người ở Đảo Thái Bình Dương, nhiều người trong số đó sống ở các hòn đảo thấp và đảo san hô.

2- Một số nước nghèo còn bị ảnh hưởng vì phụ thuộc vào nông nghiệp. Khi sức ép lên đất đai, nguồn nước và rừng gia tăng – hậu quả của tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường do công nghiệp hóa quá nhanh – họ sẽ còn gặp nhiều vấn đề hơn nữa về quản lý, vì khí hậu sẽ ngày càng khó lường và khắc nghiệt. Chẳng hạn ở đồng bằng sông Mê-kông, mùa mưa sẽ có lượng mưa cao hơn trong khi mùa khô có thể kéo dài thêm 2 tháng.

3- Các nền kinh tế khu vực vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn thủy hải sản. Chỉ riêng ở Đông Nam Á, giá trị của những rặng san hô nếu được quản lý tốt là 13 tỷ Đô-la. Khu vực này đã và đang chịu nhiều sức ép từ ô-nhiễm công nghiệp, phát triển ven biển, đánh bắt quá mức. Ngoài ra, thuốc trừ sâu nông nghiệp và dinh dưỡng cuốn theo nước cũng đã gây nên ô-nhiễm.
3/3- Biện pháp đối phó
Hơn 80% dân số sống dựa vào nông nghiệp, dĩ nhiên Nhà cầm quyền Việt Cộng phải nhận ra tầm quan trọng trong việc đối phó với sự thay đổi khí hậu có ảnh hưởng tới nông nghiệp. Theo ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì Việt Nam đã chuẩn bị như sau:
"Hàng năm Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư cho thủy lợi độ 10.000 tỷ đồng. Hiện nay Bộ cũng tập trung vào 3 quy hoạch vào 3 vùng: quy hoạch tổng thể thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng, Đồng bằng sông Hồng cũng vậy, rồi Miền Trung cũng thế. Trong các chương trình hành động, Bộ luôn đề ra mục tiêu đạt tới. Trong báo cáo trình lên chính phủ, tôi đã khẳng định nếu như mực nước biển dâng lên 1 mét hoặc dưới 1 mét một chút thì ta quyết tâm bảo vệ thứ nhất là dân không phải di dời chỗ ở, thứ hai là sản xuất vẫn đảm bảo được 3,8 triệu hec-ta canh tác hai vụ.”
Trước thực tế này, Việt Nam đang tìm quan hệ hợp tác quốc tế và đa ngành để giải quyết hiểm họa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một số chuyên gia cho rằng cần phải thành lập một nhóm tư vấn quốc tế về lĩnh vực này. Vào tháng 12 năm ngoái, Nhà cầm quyền Việt Cộng đã thông qua một chương trình hành động trên bình diện quốc gia để thích ứng với thay đổi khí hậu. Ngân sách dự trù cho chương trình này lên đến 2.000 tỷ đồng, tương đương 74 triệu € (EURO), và theo ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ-trưởng Tài-nguyên Thiên-nhiên và Môi-trường, Việt Nam sẽ vận động từ 3-5 tỷ Mỹ-kim từ nguồn tài trợ quốc-tế để xây đập ngăn nước biển và lũ lụt tại vùng châu thổ sông Cửu Long.

3/4- Ai sẽ giúp Việt Nam?

a)-Đan Mạch

Theo chỗ chúng tôi được biết thì chương trình có tên Sự Thay-đổi Khí-hậu và Hệ thống Sinh-vật (hệ Sinh-thái) Cửa sông Việt Nam "CLIMEEViet" (Climate Change and Estuarine Ecosystems Vietnam), đã bắt đầu thực hiện vào mùa Xuân năm 2009 và sẽ kéo dài trong 3 năm. Chương trình này do sự hợp tác giữa các nhà sinh vật học và địa chất học của Viện Hải-học Nha Trang (VN) và Đại-học Aarhus, Đại-học Koebenhavn và Đại-học kỹ-thuật của Đan Mạch. Chương trình được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc-tế Đan Mạch "DANIDA" (Danish International Development Agency). Trong toàn bộ chương trình chúng tôi hy vọng có việc nghiêu cứu về rừng Đước và tái trồng rừng Đước đã bị phá hủy quá nhiều. Cây Đước có hiệu quả: hút nước, cản sóng biển và hút khí CO2 rồi tồn trữ dưới gốc.
Đan Mạch viện trợ cho Việt Nam khoảng 40-50 triệu Mỹ-kim liên quan tới biến đổi khí hậu, 18,7 triệu MK về cải tổ luật pháp và dự tính sẽ được Quốc-hội tiếp tục viện trợ qua cơ quan Yểm-trợ Phát-triển Chính-thức "ODA" (Official Development Assistance). Chương trình thiết thực nhất hiện nay là Đan Mạch sẽ giúp đỡ xây dựng hệ thống phế thải từ các bệnh viện tại Hà Nội và Sài Gòn, cũng như bảo vệ đầm Nha Phú, cửa sông chảy ra biển ở phía Bắc Nha Trang. Đây là một trong số hơn 250 cửa sông của Việt Nam có thể bị hủy hoại bởi sự thay đổi khí hậu; nó sẽ gây tổn thất nặng nề cho dân chài Việt Nam. Nơi đây dân chúng đang phát triển nghề nuôi tôm hùm để xuất cảng. Lars Chresten Lund-Hansen, giảng sư viện sinh vật học của đại học Aarhus, chủ tịch chương trình "CLIMEEViet" cho rằng, nếu nước biển dâng cao từ 0,5 mét tới 1 mét thì khoảng 30% - 40% đất đai của Việt Nam bị ngập lụt, phần lớn ở vùng châu thổ sông Cửu Long (Mékong) và sông Hồng.

b)-Nhật Bản:

Nhật Bản là một quốc gia nhiệt tình nhất trong việc giảm thiểu khí độc và trợ giúp các nước khác. Để giúp Việt Nam đối phó với sự thay đổi khí hậu, Nhật Bản hứa cho Việt Nam vay 350 triệu Mỹ-kim.
c)-Hòa Lan: Chính phủ Hòa Lan hứa cung cấp kỹ thuật xây cất đê đập ngăn nước biển. Như quý vị cũng biết vùng lãnh thổ giáp biển của Hoà Lan thấp hơn mặt nước biển, nhưng Hòa Lan đã thành công trong việc nới rộng đất ra biển bằng hệ thống các đập ngăn nước biển và làm những nhà nổi.
d)-UNDP: (the United Nations Development Program) Chương trình Phát-triển Liên Hiệp Quốc hứa trợ giúp Việt Nam 8 triệu Mỹ-kim.
e)- Hoa Kỳ: Hứa giúp nâng cao hệ thống quan sát khí tượng để các tỉnh phía Nam Việt Nam có khả năng theo dõi tình trạng lụt lội.

Kết Luận

Đưa vấn đề này lên báo, chúng tôi không có ý gây khủng hoảng tinh thần cho dân chúng Sài Gòn và đồng bào vùng châu thổ sông Cửu Long. Vấn đề này đã được Liên Hiệp Quốc, các tổ chức Quốc-tế và cả Nhà cầm quyền Việt Cộng công bố công khai, nhằm lưu ý quần chúng và cùng với Liên Hiệp Quốc cố tìm ra giải pháp cứu nguy cho dân tộc Việt Nam. Quí độc giả Dân Chúa Âu Châu có thân nhân ở các vùng liên hệ cũng nên thông báo cho gia đình và bà con hàng xóm biết để định liệu, vì mấy ai được nghe và được thông báo?
Việc quan trọng là cần theo dõi tình hình trợ giúp của quốc tế cho vấn đề và kế hoạch Nhà cầm quyền Việt Cộng được thực hiện ra sao. Người ta có thực sự tiến hành các dự án đắp đập ngăn nước biển không? Nếu cứ ỷ lại vào Nhà cầm quyền tham nhũng thối nát thì có ngày ngủ dậy, bỗng thấy nước biển dâng lên tới đầu gối thì chạy không kịp. Nếu có chạy được, gia sản coi như bị nhận chìm dưới nước biển.
Chúng tôi cần minh định rằng: thời điểm năm 2050 hay 2100 Sài-gòn và phần lớn các tỉnh vùng châu thổ sông Cửu Long bị nước biển tràn ngập chỉ là thời điểm dự đoán. Đến thời điểm đó có lẽ phần lớn Quí độc giả và chúng tôi chắc không còn để chứng kiến thảm họa. Nếu có, con cháu của chúng ta trong các vùng bị ảnh hưởng lãnh đủ.
Hai thời điểm nêu trên có thể xẩy ra sớm hơn hay trễ hơn, tùy theo vấn đề giảm thiểu khí độc CO2 nhiều hay ít; nhiệt độ địa cầu có tăng không, băng tuyết vùng Bắc và Nam Cực tiếp tục tan hay dừng lại; các dự án xây đập mà quốc tế sẽ trợ giúp hoạt động như thế nào và Việt Cộng thực hiện có thành công không hay tiền viện trợ bị đút vào túi cán bộ v.v…
Ngoài ra, nhân loại có phát minh được các phương pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật nào khác để khắc phục sự gia tăng khí độc CO2 trên bầu khí quyển không?
Hy vọng trong tương lai chúng tôi sẽ có dịp bàn về chuyện” buôn khói”.

----------------
1- Cước chú
(1): Models used by the Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC) are incoherent and invalid from a scientific point of view. It is not possible to exclude that the observed phenomena may have natural causes. It may be that man has little or nothing to do with it).
(2): ”Global warming results not from the emission of greenhouse gases into the atmosphere, but from an unusually high level of solar radiation and a lengthy – almost throughout the last century – growth in its intensity...Ascribing ‘greenhouse’ effect properties to the Earth’s atmosphere is not scientifically substantiated...Heated greenhouse gases, which become lighter as a result of expansion, ascend to the atmosphere only to give the absorbed heat away.”

2- Tài liệu tham khảo:
<cite>- www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_5961.asp</cite>
- www.tinvietonline.com/10/4/2009/12/355821/Anh-huong-cua-bien-doi-khi-hau-doi-voi-Viet-Nam.html
- vn.myblog.yahoo.com/jw!zxXyWBqGGBZ6JhjRNx.uWs4-/article
- www.sbtn.net/default.aspx
- www.freevietnews.com/tintuc/index.php&
- www.kyivpost.com/news/world/detail/55490/
- videnskab.dk/content/dk/miljo_natur/danske_forskere_skal_redde_vietnams_flodmundinger_fra_klimaodelaggelser
- go.worldbank.org/HRSIXVZ630
- vietnamnews.vnagency.com.vn/showarticle.php

3- Đính chính:
Trong bài Biến Cố Trong Tháng, Dân Chúa Âu Châu số 327 tháng 1/2010, có hai lỗi:
-Trang 6, cột 2, dòng 26: Marrakesh Acoord xin sửa lại là Accord.
-Trang 8 cột 1, dòng 4 "Và chúng tôi sẽ không gánh trách nhiệm… xin bỏ chữ "không”.
Xin cáo lỗi cùng quí độc giả.