Sức Khoẻ Là Vàng
Bs. Anne-Marie Hòa Nguyễn tốt nghiệp Nha Khoa tại Baylor College of Dentistry và ngành chuyên khoa nướu răng (Periodontology) tại University of Texas-San Antonio. BSNK A-M Hòa Nguyễn hiện tại đang hành nghề chuyên khoa tại Houston, Texas. Nếu có những thắc mắc liên quan tới vấn đề trong ngành nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, Texas 77036. ĐT: (713) 917-0907. Copyright @ 2007 Anne-Marie H Nguyễn, DDS, MS.
Bs. Trương Hữu Đức tốt nghiệp Nha Khoa và chuyên khoa ngành rút tủy (Endodontology) tại Harvard University. BSNK Trương Hữu Đức hiện tại đang hành nghề chuyên khoa tại Boston, Massachusetts.
Trong 2 thập niên trở lại đây ta thấy có phong trào chạy theo những phương pháp để làm cho bộ răng mình được đều đặn và trắng đẹp. Họ bị ảnh hưởng qua hình ảnh của những cô người mẫu cười toe toét quảng cáo trên sách báo hoặc trên màn ảnh. Quá hơn nữa là có người chịu bỏ ra một món tiền thật lớn để xin nhổ đi những chiếc răng còn tốt nhưng chỉ hơi xiêu vẹo hoặc phai mầu của chính mình để thay vào đó bằng bộ răng giả hay những trụ Implant nhân tạo. Buồn hơn nữa là trong giới nha sĩ lại có những người vì lợi lộc tài chính làm lu mờ lý trí nên chiều theo ý của người bệnh, mặc dù con đường đó không phải là giải pháp hữu hiệu và hơn nữa đi ngược dòng luân lý và suy xét cơ bản bình thường của một nhân sĩ. Tôi còn nhớ mãi một chàng trai khoảng độ 50 tuổi nghiện thuốc lá và cũng chẳng để ý đến việc giữ vệ sinh răng miệng cho lắm. Chàng ta xin tôi nhổ hết những chiếc răng sẵn có của anh để thay thế bằng 1 bộ răng giả thẳng tắp và trắng mịn. Sau khi khám xong thì chỉ thấy 3, 4 chiếc răng của anh cần rút tủy và trám lại thôi; đồng thời rửa và nạo những chân răng cho sạch hết vi trùng. Tôi khuyên anh bằng mọi cách nên duy trì bộ răng ‘trời cho’ của mình vì chẳng có nguyên liệu nhân tạo nào có thể giúp cho mình nhai cắn và nói chuyện thoải mái bằng những răng sẵn có. Tôi chỉ buồn rằng mình không có tài thuyết phục anh chàng này bỏ cái ý định ‘tối tăm’ đó. Hai tháng sau anh ta trở lại văn phòng buồn bã; khuôn mặt anh hóp vào như một ông già 70 tuổi. Tôi sửng sốt và bàng hoàng khi biết anh đã kiếm được 1 nha sĩ đồng ý nhổ hết hàm răng của anh ta đi và thay bằng bộ răng giả ‘lập cập’ trong miệng. Tôi băn khoăn tự hỏi, ‘trong trường hợp này thì lỗi tại ai?’ Tại chàng trai đó thúc đẩy nha sĩ cho bằng được để làm toại nguyện ý riêng của mình? Hay là vị nha sĩ nhổ hàm răng đó không trình bầy cặn kẽ những khó khăn, hậu quả khi bị mất răng cho người bệnh?!!!
Trong những số báo trước chúng tôi đã đề cập về các đề tài trồng răng giả, cầu răng và Implant kể cả những ưu điểm và khuyết điểm của mỗi phương cách. Khi đụng tới những vấn đề nêu trên thì điểm quan trọng là người bệnh đã bị mất răng rồi. Nhưng, trong trường hợp những chiếc răng còn lại bị sâu lan rộng tới vùng tủy thì điểm ưu tiên là phải bảo tồn chiếc răng nguyên thủy đó trước khi dự định nhổ và thay thế bằng những răng nhân tạo. Theo thống kê, mỗi năm công việc rút tủy (rút gân máu) đã cứu vãn hơn 17 triệu chân răng! Có thể chúng ta đã nghe biết về việc rút tủy nhưng chưa bao giờ trải qua kinh nghiệm đó. Bài viết sau đây sẽ giải thích và giúp chúng ta hiểu biết thêm về phân khoa [Endodontics] này, lý do tại sao cần phải lấy gân máu cũng như thu thập những kiến thức phổ thông liên quan tới chữa trị tủy răng.
Hỏi: Gân máu là gì?
Đáp: Thật sự chân răng chúng ta không có ‘gân’ mà chính xác hơn nên gọi là tủy răng [pulp]. Tủy răng được kết hợp bởi các mạch máu (venules), sợi thần kinh tủy (nerve fibers), chất lỏng giữa tế bào (interstitial fluid), tế bào cấu tạo răng (odontoblast, fibroblast) và chất tạo keo (collagen). Tủy răng là một cơ quan dẫn truyền cảm giác (sensory organ). Những yếu tố kích thích cảm giác như hơi nóng/ lạnh, sự thay đổi hình dạng hay vị thế của răng (mechanical deformation), và sự tổn thương đến tủy đều đưa đến nhức răng (pain). Chân răng được coi là còn ‘sống’ (vital tooth) khi những cơ cấu trong tủy răng lành mạnh và sinh động. Tủy răng nằm ngay chính giữa lòng chân răng, dọc theo chiều dài của răng. Phần bao bọc bên ngoài lớp tủy được gọi là ngà răng [dentin]. Men răng [enamel] là lớp ngoài cùng che bọc lớp ngà răng. [Hình A]
H: Lấy tủy máu là gì?
Đáp: Lấy tủy máu (hoặc chỉ máu/gân máu) là một phương cách chữa răng để giữ lại chân răng. Khi sợi tủy đã được rút sạch, răng cũng sẽ hết đau vì chiếc răng coi như đã ‘chết’ [non-vital tooth] và sẽ mất đi phần cảm giác. Tuy vậy, chân răng vẫn tồn tại và còn có thể dùng được sau khi đã được đắp lại bằng chì hoặc bọc kín bằng chiếc mão răng (crown).
H: Khi nào cần đi rút tủy?
Đáp: Thông thường nhất là khi đường tủy bị tổn thương do chứng bệnh sâu răng [dental caries] gây nên. Thoạt đầu, lỗ răng sâu còn nhỏ nên có thể không cho người bệnh một triệu chứng nào. Sau khi lớp men răng đã bị sâu mòn thì răng có thể bị đau buốt khi đụng chạm tới các chất chua ngọt hoặc nóng lạnh. Nếu không được chữa trị sớm, sự sâu mòn sẽ lan tới lớp ngà răng rồi tới tủy răng và có thể đưa tới sự đau răng liên tục kéo dài trong nhiều ngày tháng. Sâu răng dài hạn còn đưa tới sự mục nát lớp tủy răng [necrotic pulpitis]. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể lên cơn sốt, sưng mủ vì nhiễm trùng hoặc đau đớn nhiều hơn trước. [Hình B]. Đây là yếu tố do vi trùng gây ra (bacterial factor).
2) Răng bị mẻ hoặc gẫy. Trong trường hợp tai nạn, một phần răng có thể bị vỡ và tủy răng bị chạm đến. Đây là yếu tố do thương tích gây ra (traumatic factor).
3) Tủy răng bị ăn mòn [internal resorption]. Hệ thống tủy răng (pulpal system) bị hủy hoại bên trong vì một lý do không được chính xác (idiopathic factor). Lấy tủy răng sẽ làm ngừng sự ăn mòn này.
4) Chiếc răng bị trám mảng lớn hoặc bị mài nhỏ đi khi làm mão hoặc cầu răng [crown and bridge]. Khi lớp men và ngà răng bị mài hoặc bị hủy hoại thì dĩ nhiên lớp tủy răng không còn được bảo vệ nữa. Vì vậy sau khi răng bị trám hoặc phải làm những mão răng/cầu răng thì có một số người cảm thấy buốt răng và đau đớn khi ăn uống thực phẩm nóng hoặc lạnh.
5) Răng bị rớt ra khỏi hàm [avulsion]. Khi bị ngã hoặc bị va chạm nặng, chân răng bị đập mạnh và có thể rớt ra khỏi hàm. Nếu chân răng được cắm hoặc trồng lại ngay vào xương hàm (reimplantation) trong khoảng thời gian từ 15-30 phút sau khi tai nạn xảy ra, thì hy vọng chân răng đó còn dùng lại được. Thông thường những chân răng này rốt cuộc cũng phải bị rút tủy vì đường tủy dần dần bị hủy hoại theo thời gian. Lưu ý: Khi toàn thân răng bị rớt trên mặt đường bụi cát, xin quí vị nên nhớ rửa sạch chân răng trong nước trước khi cắm lại vào trong ổ xương, để phòng sự nhiễm trùng. Nếu quí vị không thấy thoải mái trong việc làm này vì sợ sệt hoặc thấy máu me nhiều quá, thì nên dặn bệnh nhân ngậm chiếc răng đó trong miệng hoặc ngâm vào ly sữa tươi rồi lập tức chở người bệnh tới văn phòng nha sĩ để được điều trị.
H: Triệu chứng hoặc dấu hiệu khi tủy răng bị hư hoại?
Đáp: Nếu đường tủy bị nhiễm trùng, thoạt đầu chúng ta có thể không cảm thấy đau đớn gì cả. Nhưng nếu không được chữa trị, sự nhiễm trùng sẽ đưa đến những cơn đau nhức liên tục. Trong vài trường hợp, vết ung nhọt (abscess) có thể cấu tạo. Cuối cùng răng có thể phải bị nhổ đi. Những dấu hiệu chúng ta nên để ý:
Răng bị đau dữ dội khi đụng/chạm vào [pain to touch]
Nhạy cảm/ê răng khi ăn uống thực phẩm có nhiệt độ nóng lạnh [sensitivity to hot/cold]. Cơn buốt này kéo dài liên tục trong vài giờ.
Buốt răng khi thay đổi vị trí nằm hoặc ngồi [pain upon postural changes]
Ê răng liên lỉ [lingering pain]
Bọng mủ nổi lên trên nướu răng [fistula, sinus tract]
Mặt bị sưng - gần vùng răng bị hư hoại [facial swelling]
Màu răng thâm đen, không nhất thiết đi đôi với sự đau đớn [discolored tooth]
H: Để xác định nên rút tủy hay không, nha sĩ phải làm những gì?
Đáp: Quan trọng nhất là thu thập dữ kiện từ bệnh nhân [subjective assessment], như thời gian đau đớn, ê răng kéo dài trong bao lâu, đau trong lúc nhai cắn, cơn sốt, tai nạn, v.v...
Phần thử nghiệm [objective assessment] gồm có chụp hình quang tuyến X-ray chân răng bị đau và những chiếc răng lân cận, gõ nhẹ trên mặt răng [percussion], hoặc đặt một miếng đá lạnh trên mặt răng [Ice test] để tái diễn lại sự nhậy cảm của tủy răng. Thỉnh thoảng người nha sĩ cần dùng tới máy phát điện để thử nghiệm tủy răng [electric pulp tester]. Máy này tạo nên một luồng điện nhỏ vào trong răng để giúp người nha sĩ nhận biết tủy răng có bị viêm hoặc nhiễm trùng không. Phương pháp thử nghiệm này không làm bệnh nhân đau đớn hoặc cảm thấy sốc, ngoại trừ cảm giác rêm rêm trong răng và cảm giác này không còn sau khi luồng điện được tắt đi. CHÚ Ý: Không nên áp dụng máy phát điện thử nghiệm tủy răng trên những bệnh nhân đang đeo máy trợ tim [heart pacemaker] hoặc những hệ thống hồi sinh điện tử [life support system].
H: Cách thức lấy gân máu như thế nào?
Đáp: Trong cách chữa trị này, mặt nhai của răng sẽ được khoan thủng một lỗ từ trên đi dần xuống lớp tủy [Hình C]. Sau khi tìm được đường tủy thì mỗi đường ống tủy sẽ được đo lường cẩn thận để biết chiều dài của mỗi chân răng. Thông thường, nha sĩ sẽ phải dùng X-ray để xác định rõ chiều dài hoặc dùng một dụng cụ bằng điện để tìm thấy chiều dài đường tủy (apex locator). Nếu giai đoạn này không được xác định vững chắc, thì nha sĩ có thể rút không hết tủy vì kim quá ngắn hoặc đâm thủng xuyên vào xương hàm vì kim giũa quá sâu. Sau khi đã biết kích thước rồi thì người nha sĩ sẽ bắt đầu dùng kim giũa và rửa sạch lồng chân răng [Hình D]. Cuối cùng lồng tủy được lấp bằng một loại cao su nhân tạo (gutta percha) [Hình E]. Lỗ khoan sẽ được lấp tạm đi trong khoảng thời gian ngắn. Nếu răng không còn gây phiền toái hoặc đau đớn nữa thì mặt răng sẽ được trám lại bằng một phương cách vĩnh viễn (permanent restoration).
H: Thời gian rút tủy là bao lâu? Mất bao nhiêu lần hẹn?
Đáp: Tùy theo sự cấu tạo [anatomy] và phức tạp [complexity] của mỗi chân răng. Tỉ dụ chiếc răng cửa chỉ có 1 ống tủy [canal] ngay thẳng thì có thể làm xong trong 15- 20 phút. Cùng loại răng cửa nhưng đường ống tủy có thể bị hóa vôi [calcified canal] hoặc quanh co thì có thể phải mất tới 45 - 60 phút và cần phải thận trọng hơn để phòng những sự rủi ro. Càng về phía sau hàm, thì chân răng càng nhiều (2 tới 4 chân răng) và có nhiều đường ống tủy hơn [Hình F & G]. Răng hàm ở trên thông thường có 3 chân nhưng tới 3-4 ống tủy thì thời gian tốn phí có thể lên tới 60 - 90 phút hoặc 2, 3 lần hẹn mới xong. Điểm thứ hai dựa trên khả năng và kinh nghiệm hành nghề [practical experience] của nha sĩ. Những nha sĩ chuyên khoa về ngành rút tủy có thể làm nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn vì đây là công việc hàng ngày của họ.
H: Có cần phải uống thuốc trụ sinh (antibiotics) trước hoặc sau khi rút tủy không?
Đáp: Một vài trường hợp bệnh nhân cần phải uống thuốc trụ sinh trước khi đi chữa răng như những người có khớp xương nhân tạo [artificial joints], valve tim bị hở [mitral valve prolapse], hệ thống kháng sinh yếu kém [weak immune system] v.v... Họ chỉ cần uống một liều thuốc trụ sinh ấn định do Hội Đồng chuyên khoa về tim Hoa Kỳ [American Heart Association] đã đề ra rõ ràng. Nếu bị sưng hoặc lên cơn sốt thì lúc đó bệnh nhân mới cần phải uống thuốc trụ sinh từ 7 đến 10 ngày. Bệnh nhân nên hỏi và nghe lời chỉ dẫn của những bác sĩ/nha sĩ để đề phòng những việc xui xẻo bất ngờ xảy đến.
H: Sau khi răng đã được rút tủy rồi thì nên làm gì?
Đáp:Răng đã rút tủy rồi thì được ví như chiếc bình sành rỗng hoặc cành cây khô. Vì răng không còn mạch máu dinh dưỡng nữa và chất lượng nước trong răng bị giảm thiểu, răng sẽ trở nên dòn và dễ bị rạn nứt hoặc gãy khi cắn phải một vật quá cứng. Nếu lỗ trên mặt răng được khoan nhỏ thì mặt răng sẽ được trám kín bằng chất nhựa resin trắng hoặc bằng chất chì amalgam. Trong trường hợp răng bị sâu quá lớn hay bị vỡ nhiều, thì mặt răng cần được bọc lại (crowns) để tránh bị bể hoặc gãy đôi. Hầu hết các nha sĩ đều khuyên nên bọc răng lại sau khi được rút tủy.
H: Sau khi đã được rút gân máu rồi thì chiếc răng đó có còn gây phiền toái cho chúng ta nữa không?
Đáp: Bình thường thì không có cảm giác gì. Nhưng sau vài tuần nếu thấy răng không được yên ổn, còn đau nhức và nhai cắn khó chịu thì chúng ta nên trở lại cho nha sĩ tái khám.
Nên nhớ, mặc dù đã rút tủy rồi răng vẫn có thể bị sâu lại vì sự sâu răng chỉ là hiện tượng răng bị rã do vi trùng gây nên. Nhiều bệnh nhân tỏ ra ngạc nhiên khi được biết răng đã lấy tủy máu rồi mà vẫn còn bị sâu. Sự khác biệt là răng sẽ không bị đau nhức. Nhưng nếu răng không được coi khám kỹ lưỡng, thì chiếc răng rút tủy đó cũng có thể phải nhổ đi vì vết sâu quá to đến nỗi không còn chữa trị được nữa.
H: Những biến chứng nào có thể xảy ra trong việc rút tủy?
Đáp: 1) Vi trùng bị đẩy ra khỏi phạm vi của đường tủy. Thỉnh thoảng khi đi rút tủy thì những vi trùng đã nằm sẵn trong hệ thống đường tủy [pulpal system] có thể bị đẩy ra ngoài vùng chân răng. Trong trường hợp này, những tế bào chung quanh chân răng bị viêm và có thể đưa tới sự nhiễm trùng. Thông thường nha sĩ sẽ biên toa thuốc chống đau nhức [analgesics] và thuốc trụ sinh [antibiotics] để bệnh nhân uống trong vài ngày đầu.
2) Kim mài giũa bị gẫy trong ống tủy [broken instruments]. Tình trạng này không gây ảnh hưởng gì tới bệnh nhân. Nếu lấy được kim gẫy ra thì tốt; nếu không thì công việc rút tủy đường ống đó sẽ có thể không hoàn tất hoặc không được hoàn hảo. Trong trường hợp này, nha sĩ có trách nhiệm phải nói với bệnh nhân trường hợp gẫy kim xảy ra trong lúc rút tủy để tránh sự bất ngờ hoặc phiền toái trong tương lai.
3) Đường ống tủy bị bỏ sót (missed canal) hoặc rút không sạch (unfinished). Sự xác định vị trí của đường ống tủy nhiều khi rất khó. Nhiều văn phòng nha sĩ chuyên khoa rút tủy được trang bị với những máy kính hiển vi [operating microscope] dùng trong những trường hợp khó khăn, để tìm ra những đường ống tủy nhỏ li ti. Nếu không tìm hết những đường dẫn tủy hoặc giũa không sạch, thì chiếc răng đó vẫn có thể ở vào tình trạng nhiễm trùng và bệnh nhân vẫn bị đau sau khi đã được rút tủy lần đầu. Nha sĩ lúc đó bắt buộc phải mở ra làm lại hoặc phải gửi đi cho những nha sĩ chuyên khoa để được chữa trị.
4) Đường ống tủy bị đâm thủng [perforation] bởi những dụng cụ hay kim giũa dùng trong lúc rút tủy. Tình trạng này dễ xảy ra nếu đường ống tủy quanh co hoặc bị hoá vôi [calcified canal]. Nói chung khi răng bị đâm thủng thì đây là chỗ vi trùng sẽ xâm nhập vào ống tủy qua đường nước miếng đưa đến sự nhiễm trùng hoặc bị viêm mô xương làm cho bệnh nhân đau đớn. Phương cách chữa trị tùy theo chỗ bị thủng- ở đầu, ngang chân hoặc cuối đuôi/gốc răng. Nếu lỗ thủng lớn nằm ngang hoặc bên hông và gần trên mặt nướu răng, thì có thể không cứu vãn được và răng có thể sẽ bị nhổ. Nếu lỗ thủng nằm gần đuôi răng, việc này chữa trị bằng cách cho toa thuốc giảm đau hoặc bằng thuốc trụ sinh trong vòng 10 ngày. Đây cũng là trường hợp nha sĩ nên thông báo cho bệnh nhân biết sự việc đã xảy ra để tránh sự phiền toái trong tương lai.
5) Chất trám cao su hoặc xi-măng bị chảy ra ngoài chân răng [overextension of gutta percha or cement material]. Nếu kích thước chân răng không được xác định trong lúc mài giũa thì chất trám đường tủy (cao su lỏng gutta percha hoặc chất cement) có thể bị đẩy ra ngoài quá mức khỏi phạm vi chân răng. Nếu trường hợp này xảy ra, thì các ngoại chất này có thể dẫn tới trường hợp nhiễm trùng và hủy hoại vùng xương chung quanh chân răng.
H: Nếu răng đã được rút gân máu 1 lần mà bị sưng và đau lại thì phải làm sao? Những nguy hiểm và lợi hại trong việc phải làm lại chiếc răng này?
Đáp: Nếu răng đã được rút gân máu 1 lần mà bây giờ lại sưng và đau lại thì chúng ta nên tìm tới nha sĩ chuyên khoa [Endodontist] để tham khảo ý kiến và tìm ra đúng nguồn gốc gây ra sự đau đớn này, vì một trong những lý do đã được nêu trên. Nói chung, đây là trường hợp chiếc răng bị tái nhiễm (re-infection), có thể gây ra cơn đau nhức, sưng phình và lên cơn sốt. Một lý do thông thường khác có thể xảy ra là người bệnh chưa kịp làm chiếc mão răng (crown) sau khi rút tủy để bảo vệ mặt răng khi nhai cắn những vật cứng và đã đưa tới tình trạng răng bị nứt đôi. Khi tình trạng răng đã bị nứt hoặc gãy đôi thì chiếc răng đó có thể phải bị nhổ đi!
Trong trường hợp ‘tái điều trị’ [retreatment] những chân răng đã được rút tủy 1 lần rồi thì công việc còn khó hơn nữa vì nhiều chiếc răng cũ này đã được đóng cốt (post & core) hoặc đã có mão răng (crown) bao bọc chung quanh bít kín phần mặt răng. Lúc đó, nha sĩ phải khoan qua chiếc mão răng đó hoặc phá nó đi để vào tới đường tủy. Nếu xương chung quanh chân răng bị phá hủy, thì nha sĩ có thể phải giải phẫu để nạo đi hết các tế bào hư hoại (necrotic) và cắt đi vài millimeters gốc răng bị hư thối (apicoectomy) rồi sau đó đắp xương lại. Trong những trường hợp khó khăn này, người bệnh nhân phải trả thêm nhiều tiền hơn vì tình trạng phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn để chữa trị.
Kết Luận:
Hy vọng bài viết này giúp quý vị hiểu rõ thêm về việc rút tủy răng. Với những kỹ thuật tối tân hiện tại, công việc rút tủy răng được làm rất nhanh chóng, nhẹ nhàng và không đau đớn gì cả. Tác giả mong ước bài viết này sẽ giúp cho nhiều người hiểu biết tầm quan trọng để giữ lại một chân răng. Nếu muốn tránh công việc rút tủy, chúng ta nên giữ gìn bộ răng của mình bằng cách chải răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày, nhất là sau khi mỗi bữa ăn. Nên dành thời giờ đi khám răng thường xuyên 1-2 lần mỗi năm. Khi răng đã có những dấu hiệu đau hoặc nhạy cảm thì nên tìm tới văn phòng nha sĩ để được chữa trị sớm và kịp thời.
-------------------------
Tài Liệu Tham Khảo:
Restoration of Endodontically Treated Teeth. The Endodontist’s Perspective, Part 1. American Association of Endodontists. Spring/Summer 2004.
Kratchman, Sam. Getting to the Root of Root Canals. www.intelihealth.com. November 20, 2001.
Myths about Root Canal Treatment. December 18, 2000. The University of Pennsylvania School of Dental Medicine.
www.intelihealth.com.
4. Nguyễn Thu Tâm. Lấy Gân Máu. Sống Mạnh. Page 18, 32.
Kính thưa quí vị,
Có thể quí vị đã có đọc những dòng chữ này rồi, nhưng chúng tôi muốn trích dịch ra tiếng Việt Nam và phổ biến rộng rãi, trong hy vọng có thể cứu được mạng người trong cơn nguy cấp, khi chờ đợi được các chuyên viên Y-tế săn sóc. Chỉ cần một ống tiêm thuốc (loại dùng xong rồi phế thải, bằng nhựa), hoặc một cây kim có thể cứu mạng một bệnh nhân đang bị chứng tai biến mạch máu não (stroke).
Việc cứu chữa thật đơn giản và dễ dàng một cách lạ lùng, nhưng có thể mang đến những kết quả cũng không kém lạ lùng và hữu hiệu. Chúng ta chỉ cần một phút để đọc tài liệu này, và các điều ghi trong tài liệu quả là những hướng dẫn tuyệt vời. Xin quí vị ghi nhớ hoặc lưu giữ tài liệu này để sẵn sàng áp dụng, vì biết đâu, một ngày nào đó, quí vị sẽ dùng đến để cứu sống mạng người.
Cô Irene Liu kể chuyện: "Cha tôi bị tê liệt và chết sau đó vì ông là nạn nhân của bệnh tai biến mạch máu não. Ước chi tôi biết được thủ thuật này từ trước. Khi tai biến mạch máu não xảy ra, tất cả những tia huyết quản nhỏ trong não bộ sẽ từ từ vỡ ra sau đó." Khi có bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, chúng ta phải giữ bình tĩnh, đừng cuống quít.
Điều quan trọng nhất là ĐỪNG BAO GIỜ DI CHUYỂN NẠN NHÂN, bất kỳ là họ đang bị nạn ở đâu. Vì nếu nạn nhân bị di chuyển, các tia huyết quản trong não bộ sẽ vỡ ra.
Từ từ giúp bệnh nhân ngồi thẳng dậy, và chúng ta có thể bắt đầu công việc "rút máu".
Nếu quí vị có sẵn một ống tiêm thuốc, thì tốt nhất, nếu không thì một cây kim may, hay một cây kim gút, cũng có thể giúp chúng ta được.
1. Trước hết, chúng ta hơ nóng kim bằng lửa (bật lửa, đèn nến) để sát trùng, rồi dùng kim để chích trên mười đầu ngón tay.
2. Chúng ta không cần tìm một huyệt đặc biệt nào cả, chỉ cần chích vào đầu ngón tay, cách móng tay độ một ly (milimetre).
3. Chích kim vào cho đến khi có máu rỉ ra.
4. Nếu máu không chảy, nên nặn đầu ngón tay cho đến khi thấy máu nhỏ giọt.
5. Khi máu đã chảy từ cả mười đầu ngón tay, thì chờ vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh dậy.
6. Nếu mồm bệnh nhân bị méo, thì chúng ta phải nắm hai (lỗ) tai của bệnh nhân kéo mạnh, cho đến khi hai tai đều ửng màu đỏ.
7. Châm vào dái tai (ear lobe) hai mũi mỗi bên cho đến khi máu nhỏ giọt từ mỗi dái tai.
Sau vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh lại. Chúng ta hãy kiên tâm chờ cho đến khi bệnh nhân hoàn toàn hồi tỉnh và không có một triệu chứng nào khác thường mới mang bệnh nhân đến bệnh viện. Vì nếu nạn nhân được chuyên chở vào bệnh viện sớm hơn. Có thể những dằn xóc của xe cứu thương sẽ làm cho các mao quản (capillaries) trong não bộ bị vỡ ra. Nếu sau khi đó mà họ còn có thể đi đứng được, thì đúng là do phúc đức của Tổ Tiên họ.
Cô Liu nói tiếp: "Tôi học cách cứu chữa qua cách làm xuất huyết này từ một Đông y tên Hà Bảo Định (Ha Bu-Ting). Ngoài ra, tôi còn có cơ hội áp dụng phương pháp này nữa. Vì thế nên tôi khẳng định là phương pháp hữu hiệu 100%.
Năm 1979, tôi đang dạy tại đại học Fung-Gaap tại Đài Trung. Một buổi trưa nọ, tôi đang giảng bài trong lớp, thì một giáo sư khác chạy sổ vào lớp học của tôi, vừa thở vừa nói "Cô Liu, đến gấp dùm, ông giám sự của chúng ta đang bị tai biến mạch máu não". Tôi chạy lên lầu 3 ngay tức thì và thấy ông giám sự của chúng tôi là Trần Phúc Tiên, mặt mày nhợt nhạt, tiếng nói ngọng nghịu, và mồm thì méo xệch qua một bên, ông hội đủ tất cả những triệu chứng của một người đang bị tai biến mạch máu não. Tôi bảo một người sinh viên đang thực tập tại đại học, đến dược phòng bên ngoài mua cho tôi một ống tiêm, và dùng kim tiêm để châm đầu mười ngón tay của ông Trần, cho đến khi mỗi đầu ngón tay có một giọt máu cỡ hạt đậu. Sau vài phút, mặt ông Trần đã nhuận sắc trở lại, và mắt ông cũng đã bắt đầu có thần. Nhưng mồm ông thì vẫn méo, nên tôi kéo hai tai ông cho đến khi hai tai đều đỏ vì máu đọng, rồi châm vào mỗi bên dái tai hai mũi để hai giọt máu tươm ra.
Khi hai giọt máu hai bên dái tai được rỉ ra, một phép lạ đã xảy ra. Chỉ nội trong vòng từ 3 đến 5 phút, mồm ông ta đã từ từ trở lại hình dạng nguyên thủy, và tiếng nói của ông cũng trở lại bình thường. Chúng tôi để ông nghỉ ngơi một lúc, rồi rót cho ông một tách nước trà nóng rồi đưa ông đi đến bệnh viện Ngụy Hoa gần đó. Ông nghỉ ngơi tại bệnh viện một đêm, rồi hôm sau lại trở về nhiệm sở làm việc. Sau đó, mọi việc đều bình thường. Ông không có triệu chứng nào nguy hại sau đó.
Trái lại, các nạn nhân của bệnh tai biến mạch máu não thường khó trở lại bình thường, vì các tia máu trong não bộ bị vỡ trong khi xe cứu thương di chuyển họ đến bệnh viện. Kết quả là không thể làm cho họ vãn hồi lại trạng thái cũ." Theo các thống kê, thì hiện nay, bệnh tai biến mạch máu não là nguyên nhân giết chết người ta hàng thứ nhì. Những người may mắn thì có thể sống còn, nhưng phải mang tật nguyền suốt đời. Đó là một tai họa khủng khiếp có thể xảy đến cho một cá nhân. Nếu chúng ta có thể ghi nhớ phương pháp cho xuất huyết trên đây, để có thể giúp đỡ những nạn nhân của căn bệnh quái ác này, để áp dụng tức thời trên nạn nhân, thì chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh nhân sẽ tỉnh lại và được phục hồi 100%.
Chúng tôi hy vọng là quí vị có thể phổ biến tài liệu này để bệnh tai biến mạch máu não không còn là một căn bệnh giết người như hiện nay nữa.
Trong những năm vừa qua, thứ dân tại mấy quốc gia Đông Nam châu Á luôn luôn gặp phải những thiên tai, bệnh tật. Nào là cơn sóng thần tại Thái Lan, bệnh SARS, bệnh cúm gia cầm, bệnh Chân-Tay-Miệng… Bây giờ lại tới bão xoáy ở Miến Điện với nhiều chục ngàn tử vong, trên triệu người không nhà cửa, không lương thực, thiếu thuốc men, chăm sóc, động đất tại Trung Quốc với cả ngàn người thiệt mạng.
Riêng với bệnh Chân-Tay-Miệng thì bệnh đang là mối lưu tâm của nhà chức trách y tế tại Trung Quốc, Việt Nam, Hồng Kông.
Theo báo cáo mới nhất, tại Trung Quốc hiện nay đã có 28.000 người nhiễm bệnh Tay-Chân-Miệng với số tử vong là 42 người. Bệnh xảy ra từ tháng 3 mà mãi tới đầu tháng 5, chính quyền Trung quốc mới lên tiếng báo động và đưa ra các biện pháp phòng chữa. Dư luận thế giới có cảm tưởng rằng sự báo động này quá trễ, chẳng khác chi trước đây họ đã trì hoãn công bố về dịch cúm gia cầm. Nhưng đại diện Y tế Thế giới Hans Troedsson tại Trung Quốc nói là lúc ban đầu, các trường hợp xảy ra không rõ ràng. Ông cũng cho biết dịch bệnh Tay-Chân-Miệng không gây ảnh hưởng cho Thế vận hội vào tháng 8 tới, vì bệnh nhân hầu hết là trẻ em, sống xa thành phố Bắc Kinh.
Tai Việt Nam, bệnh Chân-Tay-Miệng đang phát triển nhanh ở các tỉnh phía nam như Sài Gòn, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Ninh Thuận, Quy Nhơn, Đà Nẵng và sẽ xảy ra ở các tỉnh phía bắc vào những tháng tới khi thời tiết ấm nắng. Trong tháng 4, riêng bệnh viện Nhi Trung Ương 1 ở Sài Gòn đã nhận từ 40-50 bệnh nhân một ngày, nhiều gấp đôi so với tháng 3. Bệnh viện Nhi 2 từ đầu năm nhập viện 800 trẻ trong đó 10% bị viêm thần kinh, tim. Theo cục trưởng cục y tế dự phòng Nguyễn Huy Nga, tới tháng 4 vừa qua, tại Việt Nam đã có khoảng 3000 trẻ em bị bệnh với 10 tử vong. Cũng như tại Trung Quốc, đa số bệnh ở Việt Nam do EV71 gây ra.
Cục trưởng cục khám chữa bệnh lý Ngọc Kính cho hay Hội đồng chuyên môn bộ y tế sẽ đưa ra hướng dẫn điều trị bệnh Chân-Tay-Miệng trong tuần này. Giới chức y tế đã phát động chương trình hướng dẫn dân chúng để ý tới bệnh và các phương thức phòng chống. Đồng thời, ban kiểm dịch tại phi trường Nội Bài đã được lệnh từ sở y tế thành phố Hà Nội, đo thân nhiệt khách nhập cảnh đến từ các quốc gia có dịch Chân-Tay-Miệng như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, nếu mang dấu hiệu bệnh như bóng nước trên da, miệng lở. Cũng theo các giới chức y tế Việt Nam, bệnh có hai thời kỳ xuất hiện: đợt dầu là tháng 4 tháng 6 rồi giảm dần cho tới đợt thứ hai từ tháng 9-12.
Tiếng Anh của bệnh Chân-Tay-Miệng là Foot-Hand-Mouth disease.
Nguyên nhân
Tác nhân gây bệnh là các virus đường ruột (enterovirus), thông thường nhất là loại coxackiesvirus A16, đôi khi loại enterovirus 71 (EV71). Các coxackiesvirus A9, A10, B1, B5 cũng gây ra bệnh tương tự như bệnh Chân-Tay-Miệng.
Bệnh xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, theo mùa tại vùng có khí hậu ôn hòa với cao độ là cuối hè đầu thu. Vùng nhiệt đới bệnh có quanh năm.
Hiện nay, tại Trung Quốc và Việt Nam virus đường ruột EV71 đang là tác nhân gây bệnh chính.
EV 71 được tìm ra đầu tiên tại tiểu bang California, Hoa Kỳ vào thời gian từ năm 1969- 1972, ở một số bệnh nhân Tay Chân Miệng với biến chứng viêm màng não, màng tim. Sau đó, EV71 xuất hiện tại nhiều quốc gia.
Năm 1975, dịch EV 75 xảy ra ở Bulgarie với 44 tử vong, năm 75 tại Hung Gia Lợi với 45 tử vong. Trong 5 năm vừa qua, dịch EV71 xuất hiện ở Mã lai năm 1997 với 30 tử vong, Đài Loan năm 1998 với 78 tử vong và năm 2001 với 26 tử vong, dải đất Gaza năm1997, Cyprus năm 1996. Thành phố Denver, Colorado Hoa Kỳ có một số trường hợp bệnh Chân-Tay-Miệng do EV71 gây ra vào thời gian từ năm 2003-2005.
Enterovirus EV75 gây ra nhiều tổn thương thần kinh như viêm màng não vô nhiễm (aseptic meningitis), liệt tương tự bệnh tê liệt cột sống (poliomyelitis), viêm cuống não và viêm cơ tim. Viêm cuống não là trầm trọng nhất với tỷ lệ tử vong rất cao, 40-80%.
Bệnh Chân-Tay-Miệng chỉ thấy ở loài người và xảy ra nhiều hơn ở trẻ em từ 4 tháng tới 6 tuổi. Trẻ nam có tỷ lệ bệnh cao hơn trẻ nữ. Tại các quốc gia yếu kém về kinh tế, trẻ đã bị nhiễm bệnh ngay từ tấm bé trong khi đó tại nơi có nền kinh tế khá hơn thì bệnh xuất hiện trễ, ở tuổi trung niên. Người lớn cũng có thể mắc bệnh nhưng rất hiếm.
Tác nhân Enterovirus tập trung trong đường ruột người bệnh và tồn tại trong phân từ 1-18 tuần lễ sau khi lành bệnh, trong miệng từ 1- 4 tuần lễ. Virus cũng tìm thấy trong đất cát, nước, rau, tôm cua và là nguồn lây lan bệnh qua ăn uống với thực phẩm nhiễm virus.
Đôi khi có sự hiểu lầm giữa hai bệnh Tay-Chân-Miệng với bệnh Chân-Miệng (Foot-Mouth disease) ở súc vật như heo, cừu bò vì tên bệnh hao hao như nhau. Hai bệnh không liên hệ với nhau và do những virus khác nhau gây ra. Cả hai bệnh đều do họ virus Picornaviridae, nhưng bệnh Chân-Tay súc vật là do loại Aphthovirus còn bệnh Chân Tay Miệng ở người là do các virus đường ruột Enterovirus.
Xin nhắc lại là virus khác với vi khuẩn hay vi trùng, (bacteria).
Vi khuẩn là các đơn bào, có nhân di truyền DNA, sinh sản bằng cách tự phân đôi, có thể sống ngoài không gian. Đa số vi khuẩn lành tính, chỉ có một số nhỏ gây bệnh. Bệnh chữa được bằng kháng sinh.
Virus là những hạt có một ít DNA bao bọc bằng màng protein. Virus rất nhỏ mà chỉ kính hiển vi điện tử mới nhìn thấy. Muốn sống, virus cần một tế bào "chủ trọ". Khi đã ngự trị trong chủ trọ, DNA của virus tiêu hủy DNA của ân nhân và tạo ra nhiều phiên bản. Tế bào chủ tan vỡ, các phiên bản virus tung ra khắp cơ thể, gây bệnh. Virus có thể nằm yên cả mươi năm rồi một lúc nào đó bừng tỉnh và gây bệnh. Kháng sinh không chữa được bệnh do virus gây ra. Một virus bị tiêu diệt thì loại virus mới sẽ xuất hiện và nguy hại hơn.
Triệu chứng
Tay Chân Miệng có các dấu hiệu đặc biệt ở miệng và tứ chi.
Bệnh bắt đầu với cơn sốt nhẹ, người bệnh thấy mệt mỏi, chán ăn uống. Vài ngày sau, trên da nổi lên những chấm ban đỏ rất nhỏ, chừng vài mụm. Các chấm này sẽ lớn lên thành mụn nước hoặc mủ mầu trắng đục, hình bầu dục với viền mầu đỏ. Dấu hiệu trên da tập trung ở:
- Trong lòng bàn tay, ngón tay
- Gan bàn chân, ngón chân
- Hai bên miệng, lưỡi, nướu răng, cuống họng có những vết loét lở.
- Bóng nước đôi khi có ở hai bên mông hoặc các vùng khác của cơ thể.
Các vết trên da không gây ngứa nhưng hơi đau khì đè ngón tay lên.
Loét trong miệng và cuống họng gây đau, khiến cho bệnh nhân từ chối ăn, uống và có thể đưa tới thiếu nước cơ thể.
Ở giai đoạn này, bệnh Chân Tay Miệng có thể nhầm với bệnh thủy đậu hoặc viêm mụn nước do vi khuẩn.
Nói chung bệnh Chân Tay Miệng không trầm trọng và hầu hết bình phục sau một tuần lễ.
Tuy nhiên nếu tác nhân là loại virus EV71 thì bệnh nặng hơn.
Virus EV71 gây tổn thương cho não bộ, đưa tới viêm màng não và não. Bệnh nhân rơi vào tình trạng rối loạn tâm trí, co giật và có thể đưa tới tử vong. May mắn là trường hợp này cũng hiếm.
Tuy nhiên, hiện nay, EV71 đang là mầm gây ra bệnh Tay Chân Miệng ở Trung quốc, Việt Nam.
Lây lan bệnh
Bệnh lây lan vừa phải từ người qua người, do tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, nước miếng, nước từ các bóng nước, khi bệnh nhân hắt hơi, nhảy mũi và trong phân người bệnh.
Những ngày đầu của bệnh là thời gian lây lan mạnh nhất và virus tồn tại trong phân cả mấy tuần lễ sau khi không còn dấu hiệu bệnh. Bệnh cũng có thể truyền qua đường hô hấp khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, sổ mũi. Nước miếng chẩy ra từ em bé bị bệnh có nhiều virus và rất lây. Cho tới khi các bóng nước trên da khô lành, bệnh nhân vẫn là nguồn lây lan quan trọng.
Là bệnh nhiễm nhưng không phải ai nhiễm virus cũng bị bệnh. Trẻ em dưới 10 tuổi thường hay bị bệnh hơn cả vì các em chưa có hệ thống miễn dịch hoàn hảo.
Phụ nữ có thai chưa mắc bệnh bao giờ, cũng có thể bị bệnh Tay-Chân-Miệng nhưng may mắn là bệnh thường nhẹ và không có triệu chứng. Nếu mắc bệnh trước khi sanh thì bệnh của mẹ có thể lây sang con nhưng không gây tổn thương cho các bộ phận của hài nhi..
Trẻ em sinh hoạt chung với nhau ở nhà giữ trẻ, mầm non, trường học cũng là môi trường tốt cho bệnh lan truyền từ em này sang em khác.
Đã mắc bệnh đều có miễn dịch với virus của kỳ này và vẫn có thể mắc bệnh với virus khác cùng nhóm.
Chẩn đoán
Chẩn đoán căn cứ trên tuổi tác của bệnh nhân, các dấu hiệu của bệnh, khám miệng và quan sát các mụn nước trên da.
Đôi khi, bác sĩ cũng làm thử nghiệm kiếm tác nhân gây bệnh với mẫu phết cuống họng và phân người bệnh. Trên thực tế, vì cần nhiều ngày mới có kết quả nên thử nghiệm ít khi được áp dụng.
Điều trị
Bệnh Tay Chân Miệng thường không cần điều trị vì đa số tự lành trong thời gian từ 7-10 ngày.
Bệnh không điều trị bằng kháng sinh vì kháng sinh không công hiệu với virus.
Bệnh có thể chữa và chăm sóc tại nhà với:
- Trẻ tham dự mẫu giáo, mầm non bị bệnh nên để ở nhà để tránh lan bệnh cho trẻ khác
- Cho trẻ uống nhiều nước lạnh để tránh khô nước. Có thể cho trẻ ăn kem, que nước đá có hương vị (popsicles).
- Để tránh đau thêm cho các vết lở ở miệng, không cho uống nước có chất chua hoặc cay, như nước cam hoặc thức ăn cứng.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng lỏng, tránh thực phẩm còn quá nóng.
- Giảm sốt và đau cơ thể với thuốc chống đau acetaminophen (Tylenol, paracetamol) hoặc ibuprofen (Advil).
- Không cho bé uống aspirin vì thuốc này có thể gây ra hội chứng Reyes rất trầm trọng với tổn thương hệ thần kinh.
- Nếu trẻ xúc miệng được, xúc miệng với dung dịch nước muối (một thìa muối pha trong một ly nước ấm) để giảm đau lở loét trong miệng.
- Thoa kem gây tê trên vết thương ngoài da.
- Không làm vỡ bóng nước để tránh nhiễm độc với các vi khuẩn khác. Bình thường, bóng nước tự khô lành trong mươi ngày.
- Tránh tiếp xúc với chất lỏng của mụn nước, có rất nhiều virus.
Trẻ em cần được đưa vào bệnh viện cấp cứu nếu có các triệu chứng như:
- Trẻ dưới 3 tuổi liên tục nóng sốt quá 3 ngày.
- Dấu hiệu khô nước như miệng khô, mất cân, lơ đãng, đi tiểu ít.
- Mất ngủ, cáu kỉnh, hoảng hốt.
- Bụng trướng, ói mửa, sợ ánh sáng, co giựt cơ thể.
- Khó thở, đổ mồ hôi lạnh, nhịp tim tăng nhanh
- Đi đứng không vững, chân yếu.
Phòng tránh
Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa bệnh Chân Tay Miệng.
Ý kiến chung là bệnh Chân, Tay, Miệng cũng hơi trở ngại trong việc phòng tránh vì đa số nguồn gây bệnh không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, nếu giữ gìn được vệ sinh cá nhân thì nguy cơ lây nhiễm bệnh giảm rất nhiều.
Sau đây là các điều cần làm:
- Hướng dẫn mọi người trong nhà nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi thay tã cho trẻ bị bệnh vì virus có thể còn sống trong phân cả nhiều tuần lễ sau khi bệnh lành.
- Đừng để trẻ em chơi chung đồ chơi với trẻ khác
- Không ôm hôn khi trẻ đang bị bệnh.
- Hướng dẫn trẻ che mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng giấy lau rồi vất riêng.
- Mang bao tay cao su khi thoa phấn, kem, chăm sóc thay tã cho trẻ.
- Tẩy rửa bàn ghế, sàn nhà, vật dụng nhiễm virus với dung dịch nước pha với chất tẩy chlorine.
- Không dùng chung chén bát, đũa thìa, khăn mặt với người bệnh.
- Trẻ em bị bệnh nên giữ ở nhà. Gia đình nên thông báo với trường học, lớp mẫu giáo, mầm non về tình trạnh bệnh của con em.
- Trẻ bị bệnh chỉ nên trở lại trường sau 2 tuần lễ hết dấu hiệu, triệu chứng.
Kết luận
Bệnh Chân-Tay-Miệng tuy lành nhưng rất hay lây, đôi khi nguy hiểm.
Để tránh lây lan, nên bảo vệ vệ sinh môi trường, vệ sinh dụng cụ đồ chơi của trẻ em, bảo đảm an toàn thực phẩm nước uống, loại bỏ phân trẻ bị bệnh.
Riêng với các em tại trường mẫu giáo, mầm non, nên cố gắng để các em không tiếp xúc quá gần với nhau và tẩy rửa đồ chơi khi các cháu chung vui.
Tuy là không bắt buộc khai báo, nhưng nếu bệnh Chân-Tay-Miệng xảy ra nhiều tại địa phương, trường học, nên thông báo cho cơ quan y tế để được theo dõi và áp dụng phương thức phòng tránh lây lan.
Trong vũ trụ trời đất giao hòa, trời khi sáng khi tối, đêm ngày tuần tự tiếp diễn theo đạo luật của thiên nhiên, con người lệ thuộc vào đó cùng sống hòa nhịp trong khuôn khổ của môi sinh tạo hóa, theo đó sự thức và ngủ cũng được nhịp nhàng xoay vần với thời gian.
Ta có câu ‘Ăn vi chủ, ngủ vi tiên’ vì rằng giấc ngủ là căn bản sự sống con người. Giấc ngủ là vàng, là thần dược sức khỏe, là giấc ngủ bồi sức (sommeil réparateur), là thời gian mà trí hóa, thân thể được hoàn toàn nghỉ ngơi. Miệng đời không ngoa, thời gian ngủ, nếu ta tính nhẩm, nó chiếm tới một phần ba đời người. Cho thấy giấc ngủ rất cần thiết vậy. Tâm tình con người thay đổi khi giấc ngủ của ta bị cướp đoạt, tánh tình trở nên khó chịu, gắt gỏng, quàu quạu lắm lúc đến cuồng điên, ngay đến cả con vật cũng vậy trong phòng thử nghiệm có những phản ứng tương tự cắn xé lồng lộn dữ dằn với đồng loại khi nó bị phá giấc ngủ.
Mất ngủ do rất nhiều nguyên nhân:
- Lo âu ngày đêm, suy tư quá độ, buồn phiền triền miên, giận dữ không nguôi, phương hại đến tâm (thần) tỳ (huyết) làm cho khí huyết yếu kém, không dưỡng được tâm nên gây ra mất ngủ.
- Thân hình gầy yếu, tai ù, xây sẩm, kém trí nhớ, là vì thận âm suy nhược hay can dương xông lên, thần khí bất ổn nên khó ngủ.
- Tánh tình sợ hãi quá độ, lo lắng quá mức, mộng mị thường xuyên, người gầy yếu, vì là do tâm đởm suy sút thường phá giấc ngủ.
- Ăn uống không hợp với phép vệ sinh, những vị khó tiêu, đêm nằm bụng ì à ì ạch miệng đắng, đàm dãi, mắt kém, nên bị loạn năng ở vị, vị không hòa thì ngủ không được.
- Thời gian hồi sức sau các chứng bệnh lâu năm, hoặc sau khi sanh đẻ khí huyết bị hư hao, lam lũ nhọc mệt quá sức thể xác và tâm trí, thần khí không được ổn định, cho nên mất ngủ.
Một số bệnh lí khác cũng làm mất ngủ như:
- bệnh thần kinh, tâm thần hốt hoảng (stress), tâm thần suy nhược (dépression nerveuse),
- bệnh tim, bệnh phổi (suyễn), ngưng thở nhất thời (apnée du sommeil), ung thư.
- bệnh gan, phong thấp, đau nhức đủ loại.
- khối u tiền liệt tuyến, (hypertrophie de la prostate), tiểu đêm (miction nocturne), thời kỳ mãn kinh nguyệt (ménopause) cơn bốc hỏa (bouffées de chaleur), vật vã tay chân.
- tiếng động, xe cộ ồn ào, làm ca (travail posté), thuốc thang có những loai làm mất ngủ, ăn uống những vị khó tiêu, cà phê, trà v.v.
Có được giấc ngủ yên lành, theo nội kinh là nhờ phần âm khí dưới sự quản trị của thần khí. Tâm thần ổn định, mới có được giấc ngủ. Khi cơ thể ta bị tà khí (énergie perverse) xâm nhập quấy nhiễu thần khí (Shen Mental) thì không sao ngủ được. Hoặc phần dinh khí (énergie nutritive) suy kém, không sao nuôi dưỡng được thần khí, cũng làm cho mất ngủ.
Thức ngủ, giải thích như thế nào?
A) Theo giải thích của đông phương, trong nội kinh nói rằng: Bình thường Vệ khí (énergie défensive) tuần hành ban ngày ở dương phận (yang) thì mắt mở thức tỉnh, là thần minh; ban đêm tuần hành ở âm phận (yin) mắt nhắm lại cho nên giấc ngủ đến. Thức ngủ, hai thái cực cần thiết trong đời sống bình thường của vạn vật cứ tuần tự tiếp diễn không ngưng. Vệ khí tuần hành hết một chu kì ngày đêm (cycle jour-nuit) ở âm phận rồi đi lần vào dương phận thì mắt bắt đầu mở, và tỉnh táo. Trường hợp ngược lại, có những người thèm ngủ và giấc ngủ tới rất dễ dàng, thường là trên những thân hình béo mập, nặng nề, vì rằng vệ khí tuần hành ở vùng dương phận chậm chạp, thiếu phấn chấn, và thời gian dừng lại ở âm phận tương đối dài hơn, khiến con người muốn nhắm mắt do đó mà ngủ nhiều.
B) Theo giải thích tây phương, khá phức tạp, vậy xin tóm tắt là: thức ngủ là do ở bộ phận của giải cấu tạo dưới đồi (hypothalamus) ở phần bên (hypothalamus latéral), phần hậu (postérieur) và vùng bụng, bên và tiền của giải này (ventrolatéral antérieur) cùng với sinh chất hóa học trung gian (médiateur chimique).
Mất ngủ, một chứng hay là bệnh mà nguyên nhân còn mênh mông rộng lớn. Với khuôn khổ của tờ báo, chúng ta chỉ bàn đến giấc ngủ ở tuổi già mà thôi.
Hơn nữa ở đây không bàn đến mất ngủ do các bệnh tật gây nên như đã nêu trên. Xin hẹn đến một dịp khác vậy.
Nội kinh có nói: người già nằm mà khó ngủ, người trẻ ngủ mà khó tỉnh. Ta thấy hai thái cực trái ngược, tại sao vậy? Ngày đêm, thức ngủ của người già, người trẻ khác nhau như thế nào?
Cũng theo giải đáp trong sách cổ thì, người trẻ khí huyết thịnh vượng, cường tráng, cơ bắp trơn tru, đường thở thông suốt, sự vận hành Dinh (énergie nourricière), Vệ (énergie défensive) bình thường, cho nên ban ngày tỉnh, ban đêm ngủ được yên ổn. Ngược lại, người già huyết khí suy kém, dinh vệ hao tổn, tiều tụy, bắp thịt không được trơn tru, sự tuần hành (circulation énergétique) dinh vệ rít lại (gripper), sáp trệ mất độ thường. Lý do đó mà ban ngày không được mạnh mẽ sáng suốt tỉnh táo, và ban đêm nằm mà không ngủ được. Ta cũng nên nhớ rằng hai khí Dinh và Vệ phải được vận hành phân bố đều đặn là yếu tố căn bản để nuôi dưỡng cơ thể và phòng vệ bố trí cẩn mật toàn thân hầu bảo đảm sức khỏe con người. Chướng ngại bất kể từ đâu đến sẽ làm phương hại cho vai trò tuần hành tối ư cần thiết của khí Dinh và Vệ. Lí do đó mà gây nên xáo trộn thường xẩy ra trong đời sống.
Chung quy lại, người già ban ngày khó tỉnh, ban đêm khó ngủ, nói ở đây không phải là bệnh tật gì, vì người già đến lúc suy lão khí huyết hư hao là giai đoạn về chiều, cơ nhục không trơn tru, đường tuần hành dinh vệ bị sáp trệ, nên ngày khó tỉnh, ngủ ngồi, ngủ gà ngủ gật, và đêm lại khó ngủ, là lẽ tất nhiên của lớp tuổi về xế chiều trong sinh lí của thiên nhiên tạo hóa vạn vật. Thiết tưởng người thầy thuốc cũng như thân chủ (cao niên) không vì thế mà hốt hoảng thuốc men, vì e rằng thuốc thang dùng không chính đáng còn mang lại nhiều hại hơn lợi.
PHƯƠNG CÁCH CHỮA TRỊ
Xin nhắc lại mất giấc ngủ ở tuổi già không hẳn là bệnh, cho nên khi dùng thuốc men cần được cân nhắc kĩ lưỡng:
Tây phương: thuốc ngủ (somnifères, hypnotiques), thuốc an thần (tranquilisants, anxiolytiques), thuốc thần kinh (neuroleptiques) ê hề trên thị trường dược phẩm. Tuy nhiên ta nên tuân theo lời ghi toa của y sĩ, vì nói chung lại tất cả các loại thuốc này được xem như là con dao hai lưỡi. Điều lợi và điều hại thường đi đôi với nhau, khó mà lường trước được. Sự quen thuốc (accoutumance) hay là phụ thuộc vào nó (dépendance) đều là ám ảnh không ít của người thầy thuốc khi ghi toa. Đó là chưa nói đến những loại thuốc có thể phương hại đến trí nhớ sau này.
Đông phương: cho rằng mất giấc ngủ ở tuổi già không hẳn là bệnh, mà là do khí huyết hư hao trong thời kì suy lão về chiều cho nên sự tuần hành dinh vệ bị sáp trệ đã gây nên tình trạng này. Vậy điều ta nên làm là gia tăng, bồi bổ khí huyết bằng hai lối song song với nhau: Châm cứu, và ăn uống cho hợp lẽ.
Xin nêu một vài huyệt thí dụ dưới đây theo kinh nghiệm người xưa:
- Thần môn, để bổ tăng thần kinh bị suy nhược, ổn định thần chí và phối với Nội quan trị mất ngủ.
- Tam âm giao: bổ tỳ, tăng khí huyết, trợ vận hóa, thông khí trệ, tăng vận hành.
- Tâm du: dưỡng tâm, an thần, định chí, lý huyết điều khí, trị mất ngủ.
- Tỳ du: trợ vận hóa, hòa vinh huyết, trị thiếu máu, và trị mất ngủ.
- Thận du: bổ thận tạng, tăng huyết.
- v.v.
- Ta nên hạn chế và dùng ít huyệt vì thế năng (énergie potentielle) ở tuổi già không còn dồi dào sung mãn như ở tuổi trẻ.
Ẩm thực (le manger et le boire): miếng ăn miếng uống là việc rất cần cho đời sống. ’Dĩ thực vi tiên’ lấy ăn làm đầu. Cũng như ca dao chúng ta có câu ‘Ăn được ngủ được là tiên. Không ăn không ngủ là tiền vứt đi ‘. Người già cần phải ăn hơn bao giờ hết. Còn ăn còn sống. Không ăn không uống là dấu hiệu không mấy tốt cho sức khỏe. Ăn uống phải cho điều hòa (équilibré), có thịt, có cá, có rau cỏ, có trái cây, thay đổi mỗi bữa cho vừa miệng ăn. Tránh bớt xào, kho, sợ rằng khó tiêu. Chớ có đam mê rượu chè để rồi mất cả lí trí. Sau bữa ăn nên đi bách bộ cho dễ bề tiêu hóa. Về mặt tinh thần, nên tránh những cảnh tượng quá xúc động, hình ảnh quá bạo lực dữ dội. Ngoài ra ta cũng nên nhớ rằng có nhập thì có xuất, nói rõ hơn là có ăn, thì phải có ỉa. Ăn được mà đại tiện không thông là cả một vấn đề nan giải gọi là bón. Nếu dằng dai, bệnh bón trở thành kinh niên. Và rồi trăm chứng có thể xẩy ra bất thường như bệnh trĩ, nặng hơn thì bướu, nguy hơn nữa thì ung thư ruột, nguy ngập và khẩn cấp là thủng ruột (perforation). Thậm chí có những trường hợp ráng sức rặn ỉa đến ụ tim hay bị nhồi máu cơ tim như trước đây trên vài tập san y khoa có tường thuật đã xẩy ra ở những người có mang bệnh đau tim sẵn. Chẳng thế mà chúng ta thường đùa bỡn với hai câu ‘tứ khoái’. Có nghĩa là bốn cái sướng của con người tầm thường bằng da bằng thịt như chúng ta: thứ nhất là ăn, thứ nhì là ngủ, thứ ba là ỉa và thứ tư là đ…(đọc giả điền tiếp). Vậy thì tứ khoái, bốn cái sướng tầm thường này xét ra theo nghĩa y khoa không ngoài sinh lí cần thiết của con người; ta chớ lầm với nghĩa ‘tứ khoái‘ (les quatre délices) của các giới trưởng giả vua chúa thời xưa ca tụng cho rằng "Nhất sắc, nhì tài, tam khí, tứ tửu".
KẾT LUẬN
Mất giấc ngủ ở tuổi già mà ta thường thấy, ban ngày tình chí mập mờ, tỉnh không ra tỉnh, mắt lờ đờ, ngủ gà ngủ gật, đêm đến, thao thức nằm trằn trọc, dỗ mãi mới được giấc ngủ. Mất ngủ ở người già không hẳn là chứng bệnh, ngoài các bệnh lí thực thọ. Đây chỉ là do khí huyết hư hao suy kém ở vào tuổi suy lão về chiều, cơ nhục kém phần trơn tru, thế năng (énergie potentielle) không còn sung mãn cho nên sự vận hành của dinh vệ bị rít lại, sáp trệ, chậm chạp đã gây nên tình trạng mất ngủ.
Vệ khí tuần hành ban ngày ở phần dương, thì mắt mở, đêm về, đi vào phần âm, thì mắt nhắm lại. Thức ngủ là thuộc vào sự vận hành của khí dinh vệ. Dinh vệ có sung mãn, cơ nhục có được trơn tru, trong trẻo, vận hành khí huyết có được thông suốt, thì mới tạo được giấc ngủ yên lành. Vậy ta phải làm những gì? Thuốc men ngay? Không hẳn thế. Dược phẩm thì ôi thôi tràn ngập trên thị trường, tuy nhiên thuốc thang cần phải cân nhắc kĩ lưỡng và chỉ có thầy thuốc mới thẩm quyền ghi toa chính đáng, dặn dò khuyên bảo được thôi. Đành rằng thuốc để chữa bệnh, nhưng là con dao hai lưỡi, dùng không chính đáng, nó sẽ trở thành mối hại vô cùng, lắm lúc rứt bỏ nó không được, hoặc ngưng nó cũng không xong (accoutumance) hoặc phải phụ thuộc nó suốt đời (dépendance), đó là chưa nói đến các hậu chứng như mất trí nhớ có thể gây nên sau này.
Vấn đề ăn uống của người già rất là quan trọng. Bữa ăn hằng ngày chính là liều thuốc thiên nhiên hữu hiệu phải gồm có cơm, thịt, cá, rau cỏ, trái cây chất tươi. Thức ăn cho được điều hoà (équilibré), ngon miệng. Ta nên nhớ ngũ cốc (céréales) là phần chánh để nuôi dưỡng cơ thể, thịt cá để bổ ích, rau cỏ để bổ xung, hoa quả để trợ giúp, tất cả hợp nhau để kết thành tinh, tích khí (la quintessence). Từ đó dinh vệ mới được tạo thành, sức khỏe mới có, giấc ngủ mới thành. Sự tinh hoa của tạo hóa, tuyệt diệu của thiên nhiên, huyền bí của trời đất mà vạn vật đang được thọ lĩnh là cũng nhờ môi sinh vậy.
Ngoài ra ta cũng cần thúc đẩy hoạt động cơ thể bằng những huyệt bồi bổ khí huyết và phục hồi lại thần trí để mong hái được kết quả mau chóng, được giấc ngủ bình thường.
Trước khi tạm ngưng bút, chúng ta mượn qua những lời người xưa chúc tụng cho nhau, cho các vị bô lão: ‘ Đa thọ, đa nam, đa phú quí ’.
Mùa xuân Paris
Nói đến rủi ro cái nóng của một số ngày Hè thì không những các nhà y học quan tâm mà nắng gắt cũng được tao nhân mặc khách diễn tả.
Cụ Nguyễn Khuyến đã viết về nắng Hè như sau:
“Ai sui con cuốc gọi vào hè
Cái nóng nung người, nóng nóng ghê”.
Nhà thơ Trần Vấn Lệ thì cảm thấy :
« Nước mắt hình như đang bốc hơi »
vì
« Hôm nay nóng quá, nắng bừng sôi »
Nắng nóng đến nỗi nung đốt cả người và làm cho nước mắt cũng phải bốc hơi như các nhà thơ tả lại thì quả là « quá quắt » lắm.
Nhưng có lẽ cũng không oan. Vì y học đã chứng minh là có nhiều rủi ro này trên sức khỏe con người.
Nắng là ánh sáng mang thêm sức nóng của mặt trời trực tiếp chiếu xuống. Bình thường thì nắng bức tăng dần từ sáng tới cao độ là trưa rồi giảm dần tới chiều và ban đêm.
Khi ta sống trong không gian quá nóng thì cơ thể sẽ có một số phản ứng để làm bớt nóng. Đó là:
Mạch máu giãn nở, máu dồn nhiều tới da khiến nhiệt phân tán đi. Các hạch mồ hôi hoạt động mạnh, mồ hôi tiết ra nhiều, bốc hơi làm giảm nhiệt trong cơ thể.
Khi nhiệt độ thay đổi mà các cơ chế trên không điều hòa thích nghi được hoặc khi có những nguy cơ tăng, giảm nhiệt khác thì một số bệnh liên quan tới sức nóng sẽ xảy ra.
Các bệnh do nắng gắt gây ra
Các tai nạn này thường xảy ra vào mùa hè khi khí trời vừa nóng vừa ẩm. Lý do là sự ẩm thấp của không khí trì hoãn bốc hơi trên da.
Người già và em bé thường hay bị hơn tuổi khác vì sức đề kháng với bệnh kém hữu hiệu. Riêng nữ giới dường như ít gặp rủi ro này hơn nam giới vì quý bà quý cô hiểu rõ khả năng chịu đựng cho nên sớm tránh né trước khi lâm nguy.
Tia nắng có thể xuyên qua lớp da không quần áo làm tổn thương cho các phân tử DNA, nhiễm thể của tế bào da. Tia cực tím của nắng gắt vào mùa Hè dễ làm da tổn thương, đưa tới mau già, ung thư da.
Sau đây là một số bệnh do nắng gắt gây ra:
1-Ban đỏ da
Phơi lâu trong nắng, da sẽ mần đỏ, ngứa. Tuyến mồ hôi bị tắc, nở to, bể vỡ tạo ra những mụn nước nhỏ trên da. Tiếp tục phơi nắng lâu hơn thì da sẽ bị viêm, đôi khi nhiễm độc.
Để tránh khó chịu này, cần mặc quần áo rộng che cả thân hình, tránh nắng quá độ.
Khi đã nổi ban, thoa và uống thuốc chống dị ứng như Bénadryl hoặc bôi kem Caladryl.
2- Chuột rút
Trường hợp này xảy ra ngay sau khi hoạt động mạnh dưới trời nắng, đổ mồ hôi nhiều mà lại không uống nước có đủ chất muối để thay thế. Các bắp thịt lớn, như ở bắp chân, ở bụng sẽ co rút gây ra đau nhức mà ta gọi là chuột rút (Cramp).
Để tránh chuột rút, cần uống nước có pha muối sodium trong thời gian vận động.
Không nên dùng muối viên vì muối làm sót bao tử đồng thời nước vẫn chưa được thay thế.
3- Ngất xỉu
Hơi nóng có thể làm ngất xỉu vì mạch máu ngoại vi giãn nở, giảm lượng máu trở lại tim và lên não bộ đồng thời đổ mồ hôi nhiều đưa đến thiếu nước.
Để tránh rủi ro này, không nên phơi nắng quá lâu. Khi cảm thấy có thể bị xỉu thì di chuyển ngay vào chỗ có bóng mát và nhớ uống nhiều nước.
4- Kiệt sức
Nhiều nhà chuyên môn tin tưởng rằng kiệt sức sẽ đưa tới trúng cảm nhiệt (Heat stroke).
Người bị kiệt sức không có dấu hiệu thần kinh nhưng bị nhức đầu, chóng mặt, ói mửa, mệt mỏi, đau nhức các bắp thịt. Hơi nóng làm cơ thể mất nước, thiếu muối vì đổ mồ hôi quá nhiều.
Lực sĩ vận động cật lực, người lao động chân tay quá sức trong môi trường nóng bức mà lại không uống đầy đủ nước là hay bị kiệt sức vì nóng.
Ngoài ra, quý lão niên đang dùng thuốc lợi tiểu để trị cao huyết áp cũng thường hay bị rắc rối này.
Để tránh kiệt sức vì nắng, nên uống nhiều nước có muối và rời khỏi nơi nắng gắt ngay.
5- Trúng cảm nhiệt
Đây là một cấp cứu sinh tử, bệnh nhân cần được điều trị tức thì tại bệnh viện với các phương tiện hữu hiệu. Nếu chậm trễ, nạn nhân có thể bị thiệt mạng.
Trúng nhiệt (heat stroke) xảy ra khi cơ thể tiếp cận với sức nóng quá lâu mà bộ phận điều hòa thân nhiệt bị tràn ngập, không cáng đáng, thích nghi được với sức nóng.
Sau đây là một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ trúng nhiệt:
a- Người cao tuổi, người đang bệnh hoạn suy nhược, người mập béo hoặc khi sống tĩnh tại trong căn phòng hầm hơi, nóng ẩm.
b-Trẻ em trúng cảm nhiệt khi ngồi trong xe đợi cha mẹ dưới ánh nắng gay gắt.
c- Khi ở trong nắng mà uống nhiều rượu, có bệnh tim, bị khử nước (dehydrated).
đ- Khi đang dùng một vài dược phẩm như thuốc chống dị ứng, thuốc chữa bệnh tâm thần, thuốc ngủ.
Dấu hiệu đầu tiên là bệnh nhân đổ mồ hôi rất nhiều (rồi một lúc sau lại ngưng), nhiệt độ tăng cao có khi tới 41◦ C, da nóng và khô, khó thở, tim đập nhanh, huyết áp giảm, tính tình cáu kỉnh, gây gổ, có ảo giác nghe nhìn các sự việc không có thật. Trường hợp nặng có thể đưa đến tổn thương não bộ, kinh phong, liệt bán thân, hôn mê, đôi khi chết.
Trong khi chờ đợi xe cấp cứu đưa đi bệnh viện, việc quan trọng tức thì là phải làm hạ nhiệt độ trong người nạn nhân:
a- Di chuyển họ vào nằm ở chỗ mát râm, cắt bỏ quần áo để máu huyết lưu thông và cơ thể thoáng thoát.
b- Dội hay phủ khăn thấm nước lạnh lên cơ thể.
c- Hướng gió quạt vào người nạn nhân, nhất là nơi máu lưu thông nhiều như nách, háng, cổ, để phân tán hơi nóng.
đ- Nhiều chuyên viên khuyên không nên cho nạn nhân uống nước vào lúc này.
e- Không nên cho uống thuốc hạ nhiệt như Tylenol, Aspirin vì thuốc có thể gây thêm tổn thương cho lá gan.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Kinh nghiệm thường khuyên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Các rắc rối vì hơi nóng thường hay tái phát cho nên phòng ngừa lại càng quan trong hơn.
Sau đây là một số dự phòng:
1- Nếu biết là sẽ phải làm việc dưới nắng gắt thì trước đó vài ngày tiếp xúc dần dần với nắng để cơ thể quen đi.
2- Không nên cố gắng quá sức mình khi làm việc trong trời nắng. Khi cảm thấy có triệu chứng rắc rối, ngưng công việc ngay và tránh vào chỗ bóng mát nghỉ ít phút cho khỏe.
3- Uống nhiều nước pha muối trong khi ở ngoài nắng;
4- Tránh nhiều cà phê, rượu vì những thứ này làm đị tiểu tiện nhiều khiến cơ thể mất nước;
5- Mặc quần áo rộng rãi thoải mái, vải xốp, màu lạt để tránh giữ nhiệt và để thấm mồ hôi.
Vải ka ki màu xanh lợt là tốt vì nó phân tán chứ không hút sức nóng.
Tránh vải làm bằng hợp chất như nylon, polyester.
Mỗi khi áo ướt sũng mồ hôi thì thay áo khô ngay.
6- Đầu đội nón rộng vành, mắt mang kính râm.
8- Bôi kem chống nắng có độ bảo vệ cao (SPF 20 tới 30). Độ SPF càng cao, sự bảo vệ da càng lâu.
9- Du di thời khóa biểu làm việc, nhiều giờ vào buổi sáng và xế chiều; trưa nghỉ ngơi vài giờ vừa tránh nắng vừa dưỡng sức.
10- Không để trẻ em đợi trong xe dưới trời nắng dù đã xuống kính xe vì nhiệt độ trong xe có thể lên tới 65◦C (150◦F)
11- Tránh tập luyện cơ thể giữa buổi trưa vừa nóng vừa ẩm thấp.
Uống nhiều nước trước khi, trong khi và sau khi tập, chứ đừng đợi tới khi khát mới uống.
Khi đang bị nóng sốt, không tập luyện vì nhiệt độ sinh ra do sự vận động cơ bắp sẽ tăng nhiệt độ trong cơ thể.
12- Làm việc dưới nắng bức, lâu lâu nên nghỉ tay, vào bóng râm thư giãn một lúc, “uống ly chanh đường” uống ly nước lạnh cho “phẻ” mát rồi hãy tiếp tục.
Kết luận
Khi nói tới ảnh hưởng của sức nắng gay gắt thì ta có thể ví cơ thể với cái đầu máy xe hơi. Nếu cả hai đều có nhiệt độ quá cao thì sẽ có khó khăn, trục trặc.
Biết trước để tránh sự quá nóng là điều khôn ngoan. Vì khi cơ thể đã bị trúng nhiệt rồi thì chẳng khác gì ta đang lái chiếc xe mà nước trong bình giải nhiệt đã sôi cạn, máy sắp bốc cháy, chỉ đủ sức lết tới nghĩa địa xe phế thải.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.
Texas-Hoa Kỳ
(www:nguyenyduc.com)
Những người đàn ông muốn có bộ xương vững chắc cần nên tập thể dục thường xuyên bằng cách chạy bộ, theo một cuộc nghiên cứu mới.
Trong một cuộc khảo sát một nhóm đàn ông từ 19 tới 45 tuổi thường xuyên tập thể dục, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng môn chạy bộ có vẻ đem lại phúc lợi cho xương nhiều hơn các môn thể dục khác.
Tuy rằng cả những người chạy bộ lẫn những người cử tạ đều có mật độ xương (bone density) cao hơn nơi xương sống, khi so sánh họ với những người thường đi xe đạp đường dài, nhưng phần lớn phúc lợi cho xương của những người cử tạ có vẻ phát xuất từ sự kiện bắp thịt của họ gia tăng khối lượng. Trong khi đó, môn chạy bộ tỏ ra có hiệu ứng giúp cho xương vững chắc, bất kể khối lượng bắp thịt của những người chạy.
“Những kết quả từ cuộc khảo sát này xác định rằng cả môn tập tạ lẫn những môn thể dục có tác động cao (highimpact exercise) đều giúp tăng cường mật độ xương,” người cầm đầu cuộc nghiên cứu, Giáo Sư Pamela S. Hinton, thuộc trường đại học University of Missouri ở Columbia, nói trong một bản tin của trường này và thêm: “Tuy nhiên, những môn thể dục và thể thao có tác động cao, như chạy bộ, tỏ ra có nhiều phúc lợi hơn.”
Giáo Sư Hinton và các đồng nghiệp đã đăng phúc trình nghiên cứu trên đặc san Journal of Strength and Conditioning Research (Ðặc San Nghiên Cứu Sức Mạnh và Luyện Tập) số Tháng Hai năm 2009.
Bộ xương của chúng ta gồm có những mô sinh động và phản ứng đối với thể dục bằng cách trở thành vững chắc hơn.
Những môn thể dục nào khiến cho than thể cần phải kháng cự trọng lực – như chạy bộ, nhẩy cao và cử tạ - có nhiều hiệu ứng cho xương nhất. Trái lại, những môn thể dục có tác động thấp (low-impact), như bơi lội hoặc chạy xe đạp, tương đối ít ảnh hưởng tới xương hơn.
Giáo Sư Hinton khuyên những người thường tập thể dục hoặc chơi những môn thể thao có tác động thấp – như bơi lội, chạy xe đạp hoặc chèo thuyền
- hãy nên tập tạ hoặc chạy bộ để giúp cho xương vững chắc hơn.
Bà nói them rằng khi tập thể dục chúng ta hãy nhắm vào tất cả những bắp thịt khắp thân thể để tạo ảnh hưởng tới xương. Bà nói: “Những chương trình thể dục để gia tăng sức mạnh của bộ xương cần nên được thiết kế để tạo ảnh hưởng cho khắp bộ xương. Chỉ những nơi nào trên bộ xương chịu ảnh hưởng từ những động tác thì mới trở thành vững chắc hơn.” (n.m.)
THIẾU NGỦ CÓ THỂ LÀM TĂNG NGUY CƠ MẮC BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
Giấc ngủ đầy đủ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, theo một cuộc nghiên cứu mới ở Hoa Kỳ.
Những người ngủ trung bình dưới 6 tiếng đồng hồ mỗi đêm trong thời gian lâu dài tỏ ra có nguy cơ phát sinh bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn gần 5 lần, khi so sánh với những người ngủ trung bình từ 6 tới 8 tiếng đồng hồ mỗi đêm, theo một cuộc nghiên cứu đã được tường trình tại một cuộc hội thảo của Hội Tim Mỹ (AHA - American Heart Association) ở Palm Harbor, Florida, hôm 11 Tháng Ba.
“Cuộc nghiên cứu này đem lại them những bằng chứng về sự liên quan giữa tình trạng thiếu ngủ và những vấn đề xấu cho sức khỏe. Giấc ngủ cần nên được coi như thuộc vào nỗ lực săn sóc sức khỏe trong suốt đời,” người cầm đầu cuộc nghiên cứu, Giáo Sư Lisa Rafalson, thuộc trường đại học University at Buffalo, New York, nói trong một bản tin của Hội Tim Mỹ.
Cuộc nghiên cứu - bao gồm 1,455 người đã báo về những thói quen lien quan tới giấc ngủ của họ - so sánh mức đường glucose trong máu của những người này trong thời gian 6 năm. Những kết quả căn cứ vào những điều chỉnh về tuổi tác, chỉ số khối lượng thân thể (body mass index), mức đường glucose và kích thích tố insulin trong máu, nhịp tim đập, áp huyết cao, tiểu sử gia đình về bệnh tiểu đường, và những triệu chứng trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu không thấy có sự khác biệt gì đáng kể trong mức đường glucose hoặc nguy cơ phát sinh bệnh tiểu đường loại 2 giữa những người ngủ trung bình từ 6 tới 8 tiếng đồng hồ mỗi đêm và những người ngủ trung bình trên 8 tiếng đồng hồ mỗi đêm.
Giáo Sư Rafalson nói: “Chúng tôi hy vọng những kết quả tìm thấy này sẽ thúc đẩy thêm những cuộc nghiên cứu về sự liên quan rất phức tạp giữa giấc ngủ và những chứng bệnh.”
GIỚI THIẾU NIÊN CẦN CÓ ĐỦ SINH TỐ D ĐỂ GIẢM NGUY CƠ MẮC BỆNH TIM VÀ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
Những thiếu niên ở tuổi “teen” có mức sinh tố D thấp trong máu thì có nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường cao hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, xét một cách tổng quát, những thiếu niên thuộc sắc dân da trắng có mức sinh tố D cao hơn gần hai lần so với những thiếu niên Mỹ gốc Phi Châu, và cao hơn 30% so với những thiếu niên Mỹ gốc Mexican.
“Những số liệu về mức sinh tố D trong máu của những người trẻ tuổi dẫn tới một số lo ngại về sự chọn lựa thức ăn của họ và cả tới thời gian mà họ tiếp xúc với ánh nắng,” lời Bác Sĩ Robert Eckel, một cựu chủ tịch của Hội Tim Mỹ (American Heart Association).
Cơ thể của chúng ta sản xuất sinh tố D khi phản ứng với ánh nắng, và sinh tố này hiện hữu trong một số thực phẩm, như cá, sữa và trứng.
Sinh tố D giúp duy trì sự vững chắc của xương bằng cách yểm trợ cho xương hấp thụ chất calcium, đồng thời nó cũng giúp duy trì mức bình thường của chất phosphorus chất calcium trong máu.
Sinh tố D hòa tan trong chất béo và những người quá nặng cân hoặc phì mập thường có mức sinh tố này thấp trong máu.
Sau khi đã điều chỉnh những yếu tố như chỉ số khối lượng thân thể (body mass index), mức độ hoạt động thể chất, tuổi tác, sắc tộc, và địa vị kinh tế xã hội, các nhà nghiên cứu vẫn thấy có những liên quan đáng kể giữa mức sinh tố D thấp và tình trạng kém sức khỏe trong số các thiếu niên ở tuổi “teen” (lứa tuổi từ 13 tới 19).
Những thiếu niên nào có mức sinh tố D thấp nhất thì có nguy cơ cao gấp 4 lần bị mắc hội chứng biến dưỡng (metabolic syndrome) và một loạt những yếu tố liên quan tới quan tới bệnh tim và bệnh tiểu đường, như có vòng bụng lớn, áp huyết cao, mức đường cao trong máu.
Cuộc nghiên cứu này - đã được tường trình tại cuộc hội thảo thường niên của Hội Tim Mỹ - đã phân tích 3,577 thiếu niên tham gia cuộc khảo sát National Health and Nutrition Examination Survey (Khảo Sát Sức Khỏe và Dinh Dưỡng Toàn Quốc).
Người cầm đầu cuộc nghiên cứu, Tiến Sĩ Jared P. Reis, thuộc trường y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg School of Public Health ở Baltimore, nói: “Tuy cuộc nghiên cứu này là quan trọng, nhưng chúng tôi tin rằng cần nên thi hành thêm những cuộc thí nghiệm lâm sàng để xác định những hiệu ứng của sinh tố D bổ sung đối với nguy cơ mắc bệnh tim trong giới thiếu niên,
trước khi xét tới những đề nghị dùng sinh tố D bổ sung để ngăn ngừa bệnh tim mạch.”
Thường thì chúng ta e ngại bị cao huyết áp, nhiều hơn là thấp huyết áp. Vì sợ bị rơi vào cảnh liệt hạ chi đi xe lăn vì tai biến mạch máu não hoặc bị suy thận suy tim, những biến chứng trầm trọng của “tên sát nhân thầm lặng” này.
Tuy nhiên, nếu huyết áp quá thấp thì lại có nhiều rủi ro cho sức khỏe, đôi khi đe dọa tới tính mệnh.
Huyết áp là sức ép của máu lên lòng động mạch khi trái tim thu bóp để đẩy máu vào động mạch và khi tâm trương giãn ra để tiếp nhận máu.
Huyết áp được đo theo đơn vị mili mét thủy ngân (mmHg), với hai con số: số trên là huyết áp tâm thu (systolic) và số dưới là huyết áp tâm trương (diastolic).
Huyết áp thay đổi tùy theo thời gian trong ngày: thấp nhất vào ban đêm khi ngủ, cao hơn khi thức dậy; buổi chiều cao hơn buổi sáng, nhất là khi đi lại, lao động chân tay, tinh thần căng thẳng.
Huyết áp cũng thay đổi tùy theo tư thế cơ thể.
Khi ngồi huyết áp tâm trương cao hơn nằm khoảng 5mmHg. Ngồi không dựa lưng, tâm trương cao hơn 6mmHg. Ngồi chéo cẳng chân, tâm thu tăng từ 2-8mmHg. Ngồi mà tay buông thõng, HA cao hơn là khi tay dơ cao.
Cơ thể rất nhạy cảm với sự thay đổi huyết áp, đặc biệt là một số tế bào ở thành động mạch. Khi huyết áp đột nhiên tăng hoặc giảm, các tế bào này sẽ can thiệp khiến cho huyết áp trở lại mức trung bình để có đủ máu chuyển tới các cơ quan sinh tử như tim, não, thận.
HA ở tay trái hoặc tay phải không khác biệt mấy, tuy nhiên nếu đo lần đầu, nên đo cả hai bên để so sánh.
Hiện nay các nhà chuyên môn coi huyết áp bình thường là bằng hoặc dưới 120/80, lý tưởng là 115/75.
Thế nào là huyết áp thấp
Các nhà y học cũng đồng ý với nhau là huyết áp thấp khi một trong hai kết quả bằng hoặc dưới 90 cho tâm thu, 60 tâm trương. Như vậy nếu có kết quả 115/50 thì là huyết áp thấp.
Đây là con số chung chung, với người này là thấp nhưng lại bình thường với người khác vì họ không có các khó khăn dấu hiệu bệnh như chóng mặt, xỉu hoặc bất tỉnh.
Người tập luyên cơ thể, các lực sĩ thường hay có huyết áp và nhịp tim hơi thấp hơn bình thường mà họ vẫn khỏe mạnh.
Có nhiều loại thấp huyết áp khác nhau:
a-Thấp với tư thế đứng (Orthostatic hypotension).
Chẳng hạn khi đang nằm hoặc ngồi mà đứng lên, nhất là với động tác quá nhanh, đứng xếp hàng lãnh “tem phiếu” cả nửa ngày, đứng lâu khi tắm hoa sen, đôi khi do ngồi làm việc liên tục nhiều giờ.
Bình thường, khi đổi tư thế như vậy, sẽ có khoảng từ 300-800 cc máu dồn xuống phần dưới cơ thể theo sức hút của trái đất, khiến cho não thiếu dinh dưỡng. Con người cảm thấy xây xẩm, lảo đảo, chóng mặt.
May mắn là cơ thể đã có sẵn một số đáp ứng tim mạch, thần kinh, sinh hóa để đối phó với rủi ro này. Chẳng hạn các cơ bắp ở hạ chi co hẹp, thành bụng ép vào tĩnh mạch đẩy máu từ dưới ngược lên phía trên. Do đó hậu quả của huyết áp thấp chỉ thoảng qua khoảng dăm ba giây-phút. Nếu các cơ chế này hoạt động kém hữu hiệu, hậu quả sẽ lâu dài.
Hiện tượng này thường thấy ở người cao tuổi hoặc người suy nhược, nhưng đôi khi cũng có ở người trung niên khỏe mạnh khi họ ngồi lâu với cẳng chân bắt chéo rồi bất chợt đứng dậy.
Nguyên nhân có thể do tác dụng của một số dược phẩm, khiếm khuyết hồi huyết tĩnh mạch, giảm khối lượng máu, suy tim, rối loạn thần kinh.
Trong trường hợp này, các nhà chuyên môn coi thấp huyết áp là khi tâm thu giảm ít nhất 20mmHg, tâm trương giảm ít nhất 10mmHg sau khi đứng dậy khoảng 3 phút.
b-Thấp do rối loạn liên lạc giữa thần kinh tim-não
Khi đứng quá lâu, huyết áp thường thấp, nhưng cơ thể có thể điều chỉnh để bình thường hóa.
Tuy nhiên, ở một số người, nhất là giới trẻ thì cơ chế điều chỉnh này không làm việc đúng đắn. Thay vì báo động huyết áp thấp, thần kinh tại tim lại phát ra tín hiệu ngược lại (huyết áp cao), não bộ bèn giảm nhịp tim và hạ huyết áp. Máu đưa xuống phần bụng và hạ chi nhiều, lên não ít. Tình trạng trở nên xấu và bệnh nhân cảm thấy xây xẩm, quay cuồng.
c-Thấp sau bữa ăn (Postprandial hypotension)
Trong vòng 2 giờ sau khi ăn, huyết áp có thể giảm tới 20mmHg, đặc biệt là ở người tuổi cao, người đang bị cao huyết áp, có bệnh tim mạch, người già có tiền sử té ngã, người đang dùng thuốc trị cao huyết áp. Sự kiện này có thể gây ra ngất sỉu, cơn đau thắt ngực, chóng mặt, mệt, buồn nôn, mờ mắt thậm chí cả stroke nữa.
Có nhiều cách giải thích:
Như là sau khi ăn, máu tụ nhiều ở cơ quan nội tạng (ruột, bao tử) để giúp sự tiêu hóa thực phẩm, giảm khối lượng máu cho các bộ phận khác (não).
Hoặc là sau bữa ăn có sự giảm lượng máu từ tim đưa ra;
Hoặc thấp huyết áp là do tác dụng của insulin làm giảm đường huyết kéo theo giảm huyết áp;
Hoặc sự quá giãn tĩnh mạch ngoại vi.
Bình thường thì cơ thể điều chỉnh được bằng cách tăng lượng máu bơm ra từ tim và co mạch máu ngoại vi. Nhưng ở nhiều người, cơ chế này “trục trặc”, thiểu tuần hoàn não, khiến con người lảo đảo, quay cuồng.
Nguyên nhân gây ra thấp huyết áp
a-Giảm khối máu do mất nước tại các mô cơ thể vì ói mửa, tiêu chảy, nóng sốt, dùng nhiều thuốc lợi tiểu, phỏng nặng, vận động quá mức với đổ mồ hôi. Máu lưu thông giảm, huyết áp thấp, không đủ dưỡng khí nuôi tế bào, cơ thể mệt mỏi, yếu, chóng mặt.
Nếu mất nước quá nhiều và không được điều trị bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng shock, nguy hiểm tới tính mạng.
b-Nội ngoại xuất huyết đều giảm khối lượng máu và đưa tới thấp huyết áp.
c-Trong thời gian có thai, mạch máu giãn mở, giảm sức ép của máu lên động mạch do đó áp huyết áp xuống thấp khiến cho bà bầu hay chóng mặt. May mắn là huyết áp sẽ trở lại bình thường sau khi sanh.
d-Một số bệnh tim như suy tim, rối loạn van tim, nhịp tim chậm, cơn suy tim đều làm huyết áp xuống thấp vì máu lưu hành ít đi.
đ-Mấy bệnh nội tiết như tiểu đường, nhược hoặc cường tuyến giáp, đường huyết thấp.
e-Nhiễm trùng huyết, cơn dị ứng trầm trọng, dinh dưỡng thiếu sinh tố B12, folic acid.
g-Dược phẩm như thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, thuốc viagra, vài loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống đau, rượu.
h-Bệnh Parkinson, chấn thượng sọ não, ngộ độc hóa chất, phản ứng với thuốc, suy gan, nằm bất động quá lâu.
Dấu hiệu, triệu chứng
Các dấu hiệu thường thấy gồm có chóng mặt, ngất xỉu, buồn ngủ, kém tập trung, buồn nôn, mờ mắt, hơi thở nhanh, da lạnh, khát nước.
Khi huyết áp thấp trầm trọng, bệnh nhân có thể bị trụy tuần hoàn (shock).
Điều trị
Thấp huyết áp ở người khỏe mạnh mà chỉ có chóng mặt thoảng qua khi đứng lên ngồi xuống thường thường không cần đến trị liệu.
Với các trường hợp nặng, điều trị nguyên nhân gây ra huyết áp thấp có thể giải quyết được vấn đề.
Trường hợp huyết áp xuống rất thấp gây ra shock thì cần được cấp cứu tại bệnh viện.
Bác sĩ có thể cho dùng dược phẩm tăng khối máu (fludocortione, clonidine, viên ngừa thai); thuốc co mạch (midrodine, ritalin, vài loại chống trầm cảm) hoặc thuốc điều khiển sản xuất epinephrine/norepinephrine (ức chế beta atenolol, propanolol) để nâng huyết áp.
Phòng tránh
Các phương thức sau đây được áp dụng để giảm thiểu dấu hiệu triệu chứng của huyết áp thấp:
1-Uống nhiều nước để ngăn ngừa cơ thể khô nước và nâng cao huyết áp.
2-Dùng thêm muối có thể nâng cao huyết áp, nhưng cần được bác sĩ hướng dẫn để tránh rủi ro suy tim.
3-Mang tất đàn hồi để tránh máu tụ ở hạ chi, nhờ đó máu nhiều hơn ở phần trên cơ thể.
4-Tránh uống rượu vì rượu làm mất nước và làm giãn mạch.
5-Đừng đứng quá lâu; từ từ đứng lên khi nằm hoặc ngồi.
6-Có huyết áp thấp sau khi ăn: không nên uống thuốc chống huyết áp trước khi ăn; tránh đứng bất thình lình và nên nằm nghỉ sau khi ăn; giảm tinh bột trong phần ăn, chia phần ăn làm nhiều bữa nhỏ.
7-Với một số người, nước uống có caffeine làm co mạch nhưng nên uống vào buổi sáng để tránh khó ngủ ban đêm.
8-Nằm ngủ với gối hơi cao hơn chân có thể giảm triệu chứng bằng cách giữ lại natri, bớt tiểu đêm.
9-Khi đứng lâu: một chân co hoặc để trên ghế; lâu lâu ngồi xuống hoặc cúi mình về phía trước, để tay lên đầu gối.
Khi nào cần đi khám bệnh
Thấp huyết áp mà lại thêm đau ngực, nhiệt độ cơ thể trên 101◦ F (38.3 ◦C), rối loạn hô hấp, tim đập không đều, tiêu chẩy và nôn ói kéo dài, ho ra đàm, không ăn uống được, đều cần đi bác sĩ ngay để được khám bệnh và điều trị.
Kết luận
Một trong những triết lý sống khá hay của người Á Đông là không thái quá mà cũng chẳng nên bất cập.
Cao quá cũng có hại mà thấp quá cũng mang lại rủi ro. Cho nên cứ “Trung Dung”, cố gắng giữ huyết áp suýt soát 120/80 là tốt hơn cả.
Đó là điều mong ước của mọi người.
Danh Xưng
Khi mới xuất hiện ở loài người vào tháng 4 năm 2009, Cúm A/H1N1được gọi là cúm Heo vì virus gây bệnh tương tự như virus gây cúm Heo ở bắc Mỹ.
Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, các khoa học gia nhận thấy virus này rất độc đáo, do sự phối hợp các gene từ virus cúm heo, cúm gia cầm H5N1 và cúm người. Do đó tên mới của cúm này là Cúm A/H1N1 Mới Lạ (novel influenza A/H1N1) , đối chiếu với Cúm Hàng Năm (seasonal influenza) xảy ra theo mùa tại các quốc gia.
Cơ quan Y Tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng đại dịch toàn cầu của Cúm Mới Lạ vì bệnh đã thấy ở hơn 70 quốc gia trên thế giới. Đại dịch không phải vì sự trầm trọng của bệnh mà vì sự lây lan quá rộng lớn của virus A/H1N1.
Truyền bệnh
Cúm Mới Lạ H1N1 rất dễ nhiễm và lây lan từ người sang người giống như cúm hàng năm. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, virus trong các giọt nước nhỏ từ mũi miệng bay lẫn vào không khí và người khác hít thở sẽ bị bệnh.
Đôi khi cũng lây bệnh khi sờ tay vào vật dụng dính virus rồi đưa lên mũi, miệng.
Bệnh bắt đầu lây lan kể từ ngày đầu tiên trước khi có triệu chứng và kéo dài cho tới 7 ngày sau khi bị bệnh ( giống như cúm hàng năm.
Cúm Mới Lạ không lan truyền qua thức ăn do đó, ăn thịt heo hoặc các sản phẩm làm bằng thịt heo không mang bệnh.
Nước máy đã được khử trùng với hóa chất như chlorine ít có khả năng lan truyền virus cúm. Nghiên cứu cho hay chlorine có thể vô hiệu hóa tác hại của cúm gia cầm H5N1. Theo CDC, cho tới nay chưa có trường hợp người mắc bệnh khi uống nước có nhiễm virus cúm.
Nước tại hồ bơi đã khử trùng với chlorine cũng an toàn cho người tắm.
Tuổi mắc bệnh
Đa số người bị Cúm Mới Lạ là từ 5 tới 24 tuổi. Người trên 65 tuổi bị bệnh rất ít và chưa có tử vong nào. Đây là điều khác biệt so với cúm theo mùa thường thấy ở người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai hoặc ở mọi tuổi đang có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh hô hấp, tim mạch, bệnh tế bào máu, thần kinh hoặc suy yếu hệ miễn dịch.
Mức độ nguy hiểm của cúm mới lạ chưa được biết rõ như cúm hàng năm. Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 35.000 tử vong và trên 200.000 người phải nhập viện vì Cúm Hàng Năm trong khi đó cho tới ngày 24 tháng 7, 2009 có 43,771 ca bệnh với 302 tử vong vì Cúm Mới Lạ A/H1N1. Việt Nam cho biết bệnh ngày càng lan rộng và đã có 612 ca, may mắn là chưa có tử vong. Toàn thế giới có 700 ca tử vong.
Dấu hiệu bệnh
Các triệu chứng chính gồm có: nóng sốt, ho, đau họng, nhức đầu, đau mình mẩy, ớn lạnh, mệt mỏi, đôi khi nôn ói, tiêu chẩy
Đi khám bác sĩ ngay nếu:
- Khó thở, đau ngực
- Môi đỏ tía
- Ói ra nước hoặc thức ăn
- Có dấu hiệu khô nước như chóng mặt khi đứng, ít tiểu tiện, trẻ em khóc không có nước mắt.
- Co giựt, kinh phong.
Điều trị
Thuốc đặc trị oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza) rất công hiệu để chặn đứng sự tăng sinh của virus trong cơ thể, khiến cho bệnh nhẹ hơn, ít biến chứng và bệnh nhân cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên đa số bệnh nhân không cần dùng thuốc để hoàn toàn khỏi bệnh.
Cơ quan Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ CDC khuyên dùng Tamiflu cho bệnh nhân từ 1 tuổi trở lên còn Relenza từ 7 tuổi trở lên.
Để công hiệu, thuốc cần được uống trong vòng 2 ngày kể từ khi có triệu chứng.
Thuốc cũng được dùng để phòng tránh bệnh cúm mà công hiệu lên tới từ 70-90%.
Không cho trẻ em uống thuốc hạ nhiệt có chất aspirin.
Phòng Tránh
Hiện nay thuốc chủng ngừa Cúm Mới Lạ H1N1 đang được bào chế. Các nhà sản xuất dự trù có thuốc chủng vào mùa thu năm 2009.
Trong khi chờ đợi, ta có thể tránh bệnh với các phương thức sau đây:
- Che miệng, mũi với khăn mỗi khi ho hoặc hắt hơi. Ném khăn vào thùng rác sau khi dùng.
- Rửa sạch tay bằng xà bông và nước từ 15-20 giây, nhất là sau khi ho hoặc hắt hơi mà lấy tay che miệng, mũi. Chất rửa có cồn cũng rất công hiệu.
- Tránh đưa tay lên miệng và mũi vì virus lây lan qua cách này.
- Nếu mắc bệnh, nghỉ ở nhà khoảng 7 ngày kể từ khi có triệu chứng bệnh hoặc cho tới khi không còn triệu chứng bệnh. Nhờ vậy bệnh bớt lan qua người khác.
- Virus dính trên vật dụng như sách vở, quả đấm cửa, điện thoại, quần áo, bát đĩa, mặt bằng bàn ghế… còn sống được từ 2-8 giờ. Các vật dụng này cần được lau rửa giặt giũ với nước và xà bông hoặc nước pha chất khử trùng.
- Khi phải tiếp cận với người mang bệnh, nên giữ khoảng cách 1m8 (6 feet).
- Không dùng chung bát đĩa với bệnh nhân.
- Nếu chăm sóc bệnh nhân, nên mang khẩu trang, tránh đối diện với bệnh nhân, hỏi bác sĩ coi có nên uống thuốc chống cúm. Giặt khẩu trang bằng vải sau mỗi lần dùng.
- Để bệnh nhân nằm riêng phòng với cửa đóng và nếu có thể, có phòng vệ sinh riêng. Nhà ở cần thoáng khí.
- Khi tiếp xúc với người khác, bệnh nhân phải mang khẩu trang.
- Theo dõi thông tin công cộng về trường học đóng cửa, tránh tiếp cận với đám đông và các biện pháp bảo vệ xã hội khác.
- Áp dụng biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu căng thẳng, lo âu trước dịch bệnh.
Du lịch
Vì dịch cúm bất thường đang lan rộng, du khách từ vùng có dịch tới các cửa khẩu đều được kiểm soát coi có triệu chứng bệnh như nóng sốt với máy đo thân nhiệt và khai báo nếu bị ho, sổ mũi. Nên thành thực hợp tác với nhà chức trách để bảo vệ sức khỏe chung.
- Nếu đang đau bệnh, không nên du lịch.
- Giới hạn du lịch tới vùng đang có dịch cúm.
- Tuân theo các hướng dẫn về y tế, phòng tránh bệnh tại nơi sắp tới
- Sau khi du lịch về, để ý tới tình trạng sức khỏe. Nếu có các triệu chứng bệnh cúm, nên tới bác sĩ để khám nghiệm, điều trị.
Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc Tế đang phát động chiến dịch thông tin toàn cầu để giúp các cộng đồng đối phó với vi rút cúm heo. Chữ thập đỏ Quốc tế cho biết mục tiêu chính nhắm tới sẽ là các quốc gia đang phát triển, tức là những nơi không có được các cơ sở y tế và theo dõi ở mức độ như tại các quốc gia đã phát triển. Từ trụ sở của Hội chữ thập đỏ Quốc tế tại Geneve, thông tín viên Lisa Schlein tường trình như sau:
Chữ thập đỏ Quốc tế cho biết dân chúng tại những quốc gia đang phát triển dễ có nguy cơ bị nhiễm vi rút cúm heo H1N1, đã vậy có phần chắc họ lại không có đủ thông tin cần thiết có thể cứu mạng sống cho họ.
Vì vậy, tuy chiến dịch này mang tính cách toàn cầu, Chữ thập đỏ cho biết ưu tiên trong vài tuần sắp tới sẽ là dân cư ở tận những nơi xa xôi nhất thế giới. Chữ thập đỏ sẽ gửi tới họ những thông tin để giúp họ có thể cứu mạng sống.
Giới chức cao cấp của Chữ thập đỏ đặc trách y tế khẩn cấp, ông Tammam Aloudat, nói rằng các quốc gia Bắc bán cầu đã trải qua đợt đầu tiên của trận đại dịch cúm heo và giờ đây đang phải chuẩn bị cho đợt tấn công thứ nhì.
Ông nói rằng không ai biết được là đợt thứ nhì sẽ có nghiêm trọng hơn hay vẫn chỉ vừa phải như đợt đầu.
Ông Aloudat nói: “Điều đó sẽ chẳng thành vần đề vì chúng ta đã dự phóng vi rút có thể sẽ gây ra nhiều triệu cái chết ngoài số tử vong của bệnh cúm theo mùa mỗi năm. Vì thế cho dù là trong tình huống khá nhất, chúng ta vẫn phải đối phó với tình trạng khẩn cấp, một tình trạng khẩn cấp ở mức độ khác với những gì chúng ta đã chứng kiến trước đây trong thời hiện đại.
Những chuyên gia về đại dịch giải thích là một đợt thứ hai không nhất thiết phải kéo theo bất cứ thay đổi nào trong thành phần của virút. Và virút có thể vẫn giữ nguyên như cũ. Tuy nhiên virút có thể lây nhiễm sang những người không bị mắc bệnh trong đợt đầu tiên. Do đó họ thiếu miễn nhiễm để chống lại dịch bệnh.
Ông Robert Kaufman, người đứng đầu nhóm chống Cúm của Liên hội Chữ thập đỏ quốc tế cho biết là ảnh hưởng của virút lạ trên cộng đồng không được miễn nhiễm không phải chỉ ở chỗ bệnh tật và chết chóc. Nhưng cũng chính là ở khả năng làm gián đoạn những dịch vụ chữa trị.
Ông Kaufman giải thích: “Ví dụ như chúng ta thấy ở Nam bán cầu vùng Chilê, Argentina, một vài nơi của Bolivia nơi những cơ sở y tế bị quá tải. Các vụ giải phẫu bị hoãn lại vì những cơ sở y tế và những y bác sĩ đều bận rộn và cần phải chữa trị cho bệnh nhân bị các loại bệnh cúm.”
Những công ty dược phẩm đang chế các loại vắcxin chống virút H1N1. Những vắcxin này hy vọng có thể được đem ra sử dụng trong vài tuần tới. Tuy nhiên sẽ không đủ vắcxin cho mọi người và có nhiều lo ngại là những quốc gia đang phát triển sẽ bị thiếu vắcxin này.
Trong khi vắcxin quan trọng như vậy, nhưng các giới chức của Hội Chữ thập đỏ quốc tế cho rằng đây không phải là phương thức duy nhất để mọi người có thể an toàn. Các giới chức này nói là những người thực hành đúng năm phương cách có thể giảm thiểu khả năng bị lây nhiễm.
Phương pháp mà Hội Chữ thập đỏ quốc tế đưa ra rất giản dị là rửa tay, che miệng, giữ khoảng cách, cách ly người bệnh và đổ rác đúng cách.
Lisa Schlein VOA
Cảm Lạnh (Common Cold) là bệnh thường xảy ra nhất là từ tháng 11 tới tháng 4.
Trong khoảng thời gian này, bệnh xuất hiện với ba cao điểm: vào mùa Thu khi trẻ em bắt đầu đi học rồi giữa mùa Đông và cuối cùng là vào mùa Xuân khi mà mọi người tưởng là đã không còn bị cảm lạnh viếng thăm.
Cũng như bệnh Cúm (Flu), Cảm lạnh do virus gây ra với cả vài trăm loại khác nhau nhưng nhóm rhinovirus (virus mũi) là thường thấy hơn cả.
Như tên gọi, virus này xâm nhập cơ thể qua mũi và miệng.
Virus nằm trong các giọt nước nhỏ li ti từ miệng mũi bệnh nhân thoát ra khi họ ho, hắt xì hơi hoặc nói. Chúng bay lởn vởn trong trông khí cả mấy tiếng đồng hồ và người lành hít phải là mang bệnh.
Virus cũng lây lan qua các đồ dùng của bệnh nhân như điện thoại, khăn mặt, bát đĩa, bàn viết máy vi tính…Sờ đụng vào các vật dụng đó rồi đưa tay lên miệng, lên mũi là mắc Cảm lạnh ngay.
Hiện nay, chưa có vaccine ngừa cảm lạnh.
Phương thức phòng bệnh giản dị và hữu hiệu là không tiếp cận quá gần với người bệnh, bệnh nhân che miệng mũi khi ho; rửa tay thường xuyên; không dùng chung vật dụng với bệnh nhân, nghỉ ngơi tại nhà khi mắc bệnh, uống nhiều nước.
Trẻ em từ 1 tới 5 tuổi thường hay bị cảm lạnh cả chục lần mỗi năm và cũng thường hay bị các biến chứng như sưng phổi, viêm tai trong, viêm phế quản. Lý do là hệ miễn dịch của các em chưa mạnh, các em cũng hay tụ tập tại nhà giữ trẻ, mẫu giáo, rồi cũng chưa có thói quen rửa tay, che mũi miệng như người lớn.
Người lớn ít bị cảm lạnh hơn, nhưng cũng được virus tới thăm dăm sáu lần mỗi năm. Với họ, sự mệt mỏi thể xác, căng thẳng tinh thần, kém dinh dưỡng là những rủi ro khiến cảm lạnh dễ xảy ra, vì sức đề kháng miễn nhiễm suy giảm.
Cũng có nhiều ngộ nhân cho là gặp luồng gió độc từ phương bắc thổi tới, phơi dầu trong mưa, tắm nước lạnh buổi sáng gây ra Cảm lạnh. Nhưng đó cũng chỉ là do truyền khẩu kể lại, chứ nếu không có virus thì cũng không bị bệnh này.
Kể từ khi xâm nhập mũi miệng, virus cần từ 1 đến 4 ngày để âm thầm bố trí rồi ra mặt gây bệnh. Đây là thời kỳ mà y học gọi là ủ bệnh (incubation period) và cũng là lúc mà bệnh lan truyền mạnh mẽ sang người khác.
Mới đầu, bệnh nhân cảm thấy một chút mơ hồ uể oải mệt mỏi, giảm năng lực hoạt động, nhức xương nhức thịt…Vài ngày sau thì sự hành hạ của virus rõ ràng, khó chịu hơn.
Khởi thủy là mũi nghẹt và khô. Nghẹt vì sung huyết tĩnh mạch màng niêm ở mũi khiến cho bệnh nhân khó thở.
Rồi tới chẩy nước nhớt từ mũi, dấu hiệu tiêu biểu của Cảm lạnh. Nước mũi có thể loãng rồi trở nên đặc sệt, màu vàng hoặc xanh có lẫn bạch huyết cầu chống cự với virus. Khi vi khuẩn trong mũi tái hoạt động thì nước mũi chuyển sang mầu xanh nhạt. Hiện tượng này tuy gây khó chịu nhưng công bình mà nói nó lại có ích để loại bỏ các virus mai phục trong mũi. Nếu không bị tống xuất, chúng sẽ xâm nhập cuống họng, lan ra các xoang ở mặt hoặc chạy tọt vô phổi gây viêm nhiễm.
Vào thanh quản, virus gây viêm cơ quan phát âm này, dọng nói khan khan. Xuống họng, virus gây đau khiến cho bệnh nhân không muốn cả nuốt thức ăn lẫn nói. Xương mặt có mấy cái xoang thông với mũi và miệng. Rhinovirus cũng có thể lan tới và gây viêm xoang, tắc nghẽn ống thông. Bệnh nhân cảm thấy đầy đầy và đau nhức trên đầu, trên mặt. Phù viêm xoang cũng là dấu hiệu khó chịu nhất cho người bệnh.
Ngoài ra bệnh nhân cũng bị ho, lên cơn nóng số nhẹ (102°F hoặc 39°C), chẩy nước mắt, mệt mỏi, không muốn làm việc gì, chỉ muốn nằm. Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi có vật gì như đàm nhớt, bụi bặm hiện diện ở họng. Ho là để tống xuất vật này ra.
Thường thường các dấu hiệu của Cảm lạnh chỉ kéo dài từ 5 tới 7 ngày. Một số ít bệnh nhân có biến chứng như viêm tai trong, viêm xoang, viêm họng, sưng phổi, viêm phế quản, khò khè như hen suyễn.
Người lớn nên đi bác sĩ khám bệnh nếu có các dấu hiệu như nóng sốt trên 102°F hoặc 39°C, đau nhức cơ thể, đổ mồ hôi, ho ra đàm có màu xanh, sưng hạch cổ, đau xoang mặt.
Với cháu bé, đi bác sĩ ngay nếu có nóng sốt cao, run lạnh, ho liên tục, nôn ói, đau tai, đau bụng, khó thở, không ngủ được, khóc luôn miệng.
Về điều trị Cảm lạnh, có mấy điều quan trọng cần được mọi người lưu ý:
-Không có phương thức nào trị khỏi được Cảm lạnh
-Kháng sinh không công hiệu với virus gây Cảm lạnh.
-Thuốc chống cảm, ho, nghẹt mũi trên thị trường không những không làm cảm lạnh lành hoặc mau chấm dứt mà còn có nhiều tác dụng phụ cần biết để tránh.
Trên thị trường có cả trăm loại thuốc chữa Cảm lạnh được quảng cáo, vì nhu cầu của dân chúng quá cao và là có thực. Cứ thấy hắt hơi sổ mũi ho là bổ nháo bổ nhào ra tiệm thuốc tây mua thuốc. Thuốc do các viện bào chế uy tín sản xuất cũng có mà thuốc rỏm vô danh cũng nhiều. Lại còn thuốc quảng cáo là có thêm vitamin, khoáng chất, antioxi-dant. Bệnh nhân hoa cả mắt không biết lựa thứ nào.
Theo các nhà chuyên môn y tế, trong đa số các trường hợp, không cần thuốc men mà chỉ cần áp dụng vài sự tự chăm sóc là bệnh cũng qua đi. Vì bản chất của Cảm lạnh là vậy: có vẻ như hung dữ nhưng hiền như “ma sơ”, tiền hung hậu cát. Nếu thấy cần có thuốc để giảm bệnh thì cân nhắc coi dấu hiệu nào cần đến thuốc, thuốc gì, dùng bao lâu và liệu có phản ứng phụ nào không.
Có 3 loại thuốc để giảm dấu hiệu cảm lạnh:
<h2 style="MARGIN: 12pt 0cm 3pt">1- Thuốc chống nghẹt mũi</h2>
Hoạt chất chính của thuốc này là một chất tổng hợp tương tự như epinephrine (adrenaline) do phần tủy tuyến thượng thận tiết ra. Cả hai thứ có tác dụng làm co mạch máu. Tại mũi, thuốc làm giảm sung huyết, niêm mạc xẹp xuống, lỗ mũi thông, bệnh nhân thở dễ dàng. Nhưng thuốc cũng làm nhịp tim nhanh, tăng áp xuất huyết ở người đang bị cao huyết áp, kích thích thần kinh với sợ hãi, nóng nảy, run tay, khó ngủ, chóng mặt, nhức đầu, đổ mồ hôi, nôn ói…Đang bị cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường không nên uống thuốc này nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Có hai dạng thuốc: thuốc uống hoặc nhỏ xịt vào mũi.
a-Thuốc nhỏ xịt, hít vào mũi
Nhiều người, ngay cả bác sĩ dược sĩ, thích dạng này vì thuốc tác dụng trực tiếp vào mũi nhanh hơn, ít gây ra tác dụng phụ cho cơ thể cũng như ít có tương tác với thuốc trị bệnh khác.
Tuy nhiên dạng này thường gây ra mấy rủi ro như:
-Tác dụng ngược lại (rebound action), mũi nghẹt hơn khi tác dụng của thuốc hết. Để bớt nghẹt mũi, bệnh nhân phải dùng thuốc thường xuyên hơn, thậm chí tăng liều lượng. Lâu ngày có thể ghiền thuốc xịt, thuốc nhỏ mũi.
-Một vấn đề nữa là dùng nhiều, các sợi tóc bé tí ở mũi có nhiệm vụ ngăn cản vi khuẩn, bụi bậm vào mũi, sẽ bị hủy hoại, con người dễ bị bệnh. Đó là hiện tượng viêm mũi do thuốc (Rhinitis medicamentosa)
Thuốc không nên dùng ở cháu bé, trẻ em vì thường gây ra nhiều tác dụng ngoại ý như tăng huyết áp, ảnh hưởng tới tim. Với các em, nghẹt mũi được giải quyết dễ dàng với vài giọt nước muối sinh lý, nhỏ vào lỗ mũi dăm lần trong ngày.
b-Thuốc uống
Thuốc uống có thể là nước hoặc viên. Khi uống vào, thuốc sẽ đi qua qua nhiều cơ quan trong cơ thể trước khi có tác dụng trên mũi. Do đó, thuốc sẽ gây ra tác dụng phụ tại các nơi này.
Lợi điểm trước hết của thuốc uống là không gây ra hiện tượng nhờn thuốc và viêm mũi do thuốc. Ngoài ra, tác dụng của thuốc lâu hơn, có khi cả 12 giờ, bệnh nhân chỉ uống hai lần/ngày là đủ. Thuốc ảnh hưởng lên niêm mạc ở mũi, miệng, các xoang cho nên người bệnh bớt khó chịu hơn.
Thuốc chống nghẹt mũi thường dùng là pseudoephedrine hoặc phenylephrine.
<h2 style="MARGIN: 12pt 0cm 3pt">2- Thuốc chống đau, giảm nóng sốt.</h2>
Đau mình, nhức đầu là chuyện thường xảy ra khi bị cảm lạnh, nhưng may mắn là chúng không kéo dài quá vài ngày và không quá dằn vặt.
Thuốc thường dùng là acetaminophen, ibuprofen rồi đến aspirin.
Aspirin thường gây ra xuất huyết bao tử nên cần dè dặt. Cũng nên nhớ là không bao giờ cho các cháu dưới 12 tuổi dùng aspirin, vì có thể gây ra hội chứng Reye, tổn thương thần kinh, đôi khi chết người.
Acetaminophen hoặc paracetamol được dùng nhiều hơn vì tương đối an toàn. Tuy nhiên không dùng quá thường và quá liều lượng chỉ định để tránh tổn thương cho gan. Thuốc có trong nhiều dạng thuốc chống cảm lạnh khác nhau, cho nên cần coi kỹ nhãn hiệu để tránh ngộ độc do quá liều lượng cho trẻ em.
<h2 style="MARGIN: 12pt 0cm 3pt">3- Thuốc ho</h2>
Ho không phải là một bệnh mà chỉ là triệu chứng của một bệnh nào đó trong cơ thể. Ho cũng là một phản ứng tự nhiên khi có chất kích thích ở họng, như nhớt từ mũi từ miệng, vật lạ từ ngoài bay vào họng. Ho là để tống xuất các vật này ra ngoài. Nhiều bệnh nhân sau giải phẫu còn được khuyến khích ho để thông đàm, loại vi khuẩn.
Nhưng cảm lạnh mà ho liên tục thì quả là cũng đau ngực, khó chịu. Do đó mới có thuốc chống giảm ho. Có thể là ho khan hoặc ho ra đàm và với nhiều người, thuốc ho đều có thể phần nào làm nhẹ.
Tuy nhiên, nhiều bác sĩ có ý kiến là không nên uống thuốc ho, vì thuốc không chữa được nguyên nhân gây ra ho, đôi khi lại tạo ra tác dụng phụ không muốn, đặc biệt là ở trẻ em.
Cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ khuyến khích không nên dùng thuốc cảm ho ở trẻ em dưới 2 tuổi. Các viện bào chế cũng tự nguyện ghi cảnh báo lên nhãn hiệu là không nên cho trẻ em dưới 4 tuổi dùng thuốc cảm ho bán tự do trên thị trường. Sự ngộ độc khi các em uống quá liều lượng có thể đưa tới tử vong.
Ho khi cảm lạnh chỉ kéo dài vài tuần. Nếu ho quá lâu, lại ra đàm có màu thì nên đi khám bệnh ngay, vì có thể bị bội nhiễm, vi khuẩn, sưng phổi.
Thuốc ho thường dùng là Dextromethorphan, Guaifendesin.
Ngoài các thuốc kể trên, một số người còn dùng thêm thuốc chống dị ứng diphenhydramine, sinh tố C, kẽm (zinc), và cho hay cảm lạnh cũng bớt quấy rầy.
Kháng sinh tuyệt đố không có vai trò nào, trừ khi bị bội nhiễm vi khuẩn, sưng phổi.
Cảm lạnh ở trẻ em
Với trẻ em, các nhà chuyên môn đề nghị là:
-Để các cháu nghỉ ngơi thoải mái. Nếu ở tuổi mẫu giáo, đi học nên giữ em ở nhà. Không tiếp xúc với em bé khác để tránh lan truyền.
-Tránh sống trong môi trường có khói thuốc lá.
-Cho các cháu uống nhiều nước (cam…) để làm loãng đàm rãi, nước mũi cũng như tránh khô nước vì nóng sốt, chẩy nước mũi, nhất là khi cháu tiêu chẩy, nôn ói..
-Cho các cháu dùng thêm nước súp gà nóng có chất cysteine có tác dụng giảm nghẹt mũi.
-Với cháu không bú sữa mẹ và bú bình, nên giới hạn sữa vài ngày, vì sữa làm nhớt mũi khô, khó loại bỏ.
-Không khí trong phòng khô làm giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm. Dùng máy phun bụi nước để giảm kích thích mũi, tránh khô khó thở. Nhớ không hướng bụi nước vào giường các cháu. Muốn tránh meo mốc, nên thay nước mỗi ngày và rửa máy bơm bụi nước theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
-Khi cháu bị nghẹt mũi, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào một lỗ mũi để làm loãng nhớt, rồi cũng làm như vậy ở lỗ mũi bên kia. Hút nhớt mũi với ống hút làm bằng cao su. Nước muối này có thể mua ở tiệm thuốc tây hoặc làm lấy ở nhà với một chút muối và nửa ly nước lã tinh khiết. Có thể dùng nước muối ở mọi tuổi, ngay cả bé sơ sinh.
-Cũng có thể đặt cháu nằm úp trên đùi mình, lấy bàn tay vỗ nhẽ vào lưng hoặc để cháu ngồi trên lòng, hơi cong người về phía trước, lấy bàn tay dập nhẹ lên lưng.
-Thoa một chút petroleum gel Vaseline quanh lỗ mũi để tránh cho da khỏi bị viêm do nước mũi kích thích.
-Để bớt ho: ½ thìa mật ong cho bé từ 2-5 tuổi, 1 thìa từ 6-11 tuổi, 2 thìa cho cháu từ 12 tuổi trở lên. Đừng cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong vì không an toàn.
-Với trẻ trên 4 tuổi có thể cho kẹo ho (không bao giờ cho trẻ dưới 4 tuổi, sợ hóc nghẹn).
-Nếu các cháu kêu đau khô cổ: cháu lớn cho súc miệng với nước muối hoặc vài giọt dung dịch 1 thìa nước chanh pha với 2 thìa mật ong để họng bớt kích thích. Trẻ trên 4 tuổi có thể ngậm kẹo ho.
-Giữ đầu cháu cao và ở vị trí ngồi nhiều hơn để giúp loại đàm nhớt.
Nếu sau ba bốn ngày mà cháu không bớt, lại có nóng sốt cao, đau họng, nôn ói…nên đưa cháu đi bác sĩ ngay.