Dân Chúa Âu Châu

lao-hoa-bacsigiadinh.com Đứng về phương diện sinh vật học, rất khó mà xác định tiến trình lão hóa. Những biến đổi sinh lý xảy ra trong thời gian, với thời gian chứ không phải vì thời gian đi qua. Những biến đổi đó xảy ra không đồng bộ trong toàn cơ thể con người. Nhịp độ thay đổi khác nhau tùy theo từng bộ phận, từng tế bào.

Tiến sĩ Leonard Hayflick, một nghiêm cứu gia ở viện nghiên cứu Vistar, Philadenphia, Mỹ Quốc, đã ví cơ thể con người như là một tiệm đồng hồ trong đó có rất nhiều đồng hồ mà mỗi chiếc chạy theo mỗi giờ khác nhau. Các tế bào, các cơ quan trong thân thể con người hoạt động giống như những chiếc đồng hồ độc lập, theo nhịp độ khác nhau trên tiến trình lão hóa.

Có người tuy niên đại cao nhưng tuổi sinh lý thấp vì các cơ quan sinh lý của họ đã suy. Hiểu biết về tuổi sinh lý do vậy rất cần thiết cho tuổi thọ, tuy rằng khoa học chưa có phương pháp chính xác để đo tuổi sinh lý.

Các nhà chuyên khoa bệnh tuổi già đã thử đo chiều dài của vành tai, cơ năng hoạt động của tim, sức mạnh của bắp thịt, khả năng vận động thân thể, màu sắc của tóc v.v….với hy vọng tìm được một mẫu số để đo lường và tiên đoán nhịp độ của lão hóa, nhưng họ đã không thành công vì có quá nhiều yếu tố chi phối tiến trình lão hóa và những yếu tố đó đã vừa đa dạng mà lại còn không đồng bộ cho tất cả mọi người.

 Tác giả Sunsanne Robb viết về lão hóa như sau: “Lý thuyết gia nào thử giải thích hiện tượng lão hóa của con người cũng vấp phải một sự thử thách lớn lao. Lão hóa có thể xem như một mức độ tăng gia rất phức tạp của sự phát triển hay cũng có thể là một quá trình đi đôi với sự suy thoái và mất mát. Lão hóa có liên hệ với sự phản ứng của cơ thể đối với các ảnh hưởng di truyền và môi sinh. Hơn nữa lão hóa là một quá trình rất cá biệt, bi chi phối bởi nhiều nguồn ảnh hưởng tác động lẫn nhau. Vì thể tuổi sinh lý đơn phương không thể dùng để tiên đoán một cách chính xác tuổi thọ của một cá nhân”.

 Nói tóm lại, vấn đề sống lâu là một vấn đề hoàn toàn cá nhân. Con người chịu ảnh hưởng của di truyền, môi sinh, hoàn cảnh xã hội, lối sống cá nhân, tình trạng tâm thần v.v… nhưng con người cũng có khả năng chi phối đời sống của mình về nhiều mặt để đạt được mục đích sống lâu.

Con người có thể chặn đứng tiến trình lão hóa không? Tất nhiên là không, nhưng con người có khả năng giảm thiểu các chứng bệnh xảy ra ở tuổi già tức là làm chậm tiến trình lão suy với kết quả là kéo dài tuổi thọ.

Tuy nói vấn đề sống lâu tùy thuộc từng cá nhân, nhưng về phương diện môi sinh, vấn đề đó trở thành một vấn đề của tập thể. Ví dụ trong một cộng đồng sống xúm xít gần nhau, cùng sử dụng một nguồn nước chung, một khoảng không gian chung, thì mỗi cá nhân phải có bổn phận giữ cho nguồn nước và không khí được trong sạch và tất cả mọi người trong cộng đồng phải có cố gắng như nhau. Nếu một vài cá nhân trong cộng đồng đó cứ xả rác vào nguồn nước và phun khói vào không khí, thì tất cả cộng đồng phải chịu ảnh hưởng xấu của tình trạng môi sinh.

Tuổi thọ của một cá nhân tùy thuộc vào tình trạng môi sinh là thế. Cơ thể con người là một hệ thống mở ngỏ, tác động qua lại với môi sinh. Nó nhận được sự nuôi dưỡng từ môi sinh, nhưng đồng thời cũng chiu đựng từ môi sinh những nguy cơ và đe dọa đối với sự mất còn của nó. May mắn thay, cơ thể có một hệ thống điều chỉnh tự động để tự bảo vệ. Ví dụ nếu áp huyết bị sụt thì tức khắc hệ thần kinh phát ra tín hiệu để tăng nhịp tim đập, tăng lực co bóp của tim, làm co thắt các mạch máu và kết quả là áp huyết được tăng trở lại mức bình thường, trong một thời gian ngắn chờ đợi sự điều trị.

 Ngoài ra, còn có hệ thống miễn nhiễm, miễn dịch để giúp bảo vệ cơ thể khi có sự xâm nhập của vi khuẩn, siêu vi trùng, nấm (mầm bệnh). Do đó, những người bị bệnh AIDS hay SIDA thường tổn mạng vì hệ thống miễn nhiễm bị virus AIDS/SIDA phá hủy.

 Con người có thể sống đến bao nhiêu tuổi? Trong điều kiện lý tưởng, ví dụ có gene di truyền tốt, có hệ thống điều chỉnh tự động tốt, có hệ thống miễn nhiễm tốt, có hoàn cảnh môi sinh tốt, có điều kiện dinh dưỡng tốt, có lối sống lành mạnh v.v… thì con người, trên lý thuyết, có thể sống rất lâu.

Theo Leonard Mayflick tuổi thọ tối đa của con người là từ 110 đến 120. Những nhà nghiên cứu ở Đại Học California còn nâng tuổi thọ của con người lên khoảng từ 120 đến 150 tuổi. Hiện nay, riêng tại Hoa Kỳ, số người sống trên 100 tuổi đã tới trên 60.000 và sẽ còn gia tăng.

Trong lịch sử nhân loại, đã có nhiều người có tuổi thọ rất cao như: người Mỹ Delina Filking sanh ngày 4/5/1815, chết ngày 4/12/1928, thọ 113 tuổi; ngư phủ Nhật Bản chết năm 1986, thọ 121 tuổi; bà Jeanne Calment, người Pháp sanh tháng 2/1875, mất tháng 8/1997, thọ 122 tuổi. Ấy là không kể các nhân vật trong Thánh Kinh sống cả gần ngàn năm như Adam, sống trên 900 tuổi, Noah 950 tuổi, Methuselah sống tới 969 năm.

 Giống như các động vật có vú khác, loài người trải qua 3 giai đoạn sinh tồn như sau:

  1. Giai đoạn phôi thai: Giai đoạn này lệ thuộc vào sự nuôi dưỡng của mẹ để sinh trưởng và phòng chống những đe dọa của môi sinh.
  2. Giai đoạn tăng trưởng: Đây là giai đoạn mà cơ thể đã đạt được sự cân bằng với môi sinh bằng cách bảo trì có hiệu quả các chức năng của tế bào.
  3. Giai đoạn lão hóa: Trong giai đoạn này, khả năng bảo trì và sửa chữa các tế bào dần dần trở thành kém hiệu quả, nhiều loại tế bào chết đi và các chức năng của cơ thể suy giảm.

Các khoa học gia tin rằng, con người có một tuổi thọ nhất định tùy theo các yếu tố di truyền và dù cho có loại bỏ hết tất cả các bệnh có khả năng gây tử vong hay là những đe dọa của môi sinh, thì tuổi thọ đó cũng chỉ được tăng thêm 10 năm là cùng. Tuy nhiên tuổi thọ đó là bao nhiêu cho từng cá nhân hay từng cộng đồng thì không thể xác định được.

Vậy nếu quý cụ thọ, ví dụ đến tuổi 60 ngày hôm nay, thì quý cụ có thể yên trí rằng cụ có những gene di truyền tốt đã giúp quý cụ chống đỡ mọi đe dọa của bệnh tật, môi sinh suốt 60 năm nay. Nay quý cụ chỉ cần theo đúng những phương pháp phòng, chống, chữa bệnh và những nguyên tắc căn bản về dinh dưỡng, tập luyện thể chất và tâm trí, thì có thể sống thoải mái, hưởng trọn tuổi vàng.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức