Sức Khoẻ Là Vàng
(Eugénisme)
Ba ngày tết, ta thường chúc mừng nhau sống lâu trăm tuổi, sức khỏe dồi dào, hạnh phúc với bầy đàn con cháu. Truyền thống cha ông ta để lại, chúng ta vẫn lập đi lập lại câu chúc tươi đẹp đầu môi trong những ngày đầu xuân.
Hỏi ai lại không muốn những lời chúc tụng đó sẽ trở thành sự thực. Ước sao được vậy, còn gì bằng, nhưng đổi lại, ta phải trả bằng một giá qua công việc tương xứng. Nói một cách khác, ta phải theo một lối sống cho phù hợp với quy luật trời đất, môi sinh.
Đã từ ngàn năm xưa, qua sách Nội kinh, cha ông chúng ta chỉ bày, hướng dẫn phải làm thế nào để được sống lâu trăm tuổi, nếu không muốn nói rằng sức khỏe cần phải có. Hiểu sát nghĩa hơn, đó chính gọi là phép dưỡng sinh. Phép Dưỡng sinh, chẳng những có thể phòng ngừa bệnh tật, mà còn có thể kéo dài thêm tuổi thọ.
Thước ngọc khôn cùng của luật tạo hóa, mặc khải cho chúng ta nhận thức được điều ấy: phương pháp chủ yếu được quy tụ trên hai phương diện, nội nhân và ngoại nhân.
Ngoại nhân: hư tà tặc phong, sương gió độc bên ngoài tùy thời mà tránh.
Nội nhân: "điềm đạm hư vô", điều dưỡng tinh thần bên trong là điều chủ yếu, không tham cầu gì, cõi lòng được thanh tịnh, không có vọng tưởng, không ham mê rượu chè sắc dục, không chạy theo phù phiếm nhất thời, thì Chân khí bên trong mới được điều hòa là điều kiện cần thiết duy nhất cho sức khỏe, hỏi còn bệnh tật nào xâm nhập được.
Đạo Dưỡng sinh với vài nét đại cương dựa trên bốn điều mà người xưa khuyên bảo:
* Điều dưỡng tinh thần.
* Điều tiết ăn uống và sinh hoạt,
* Thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên
* Rèn luyện thân thể: lao động không quá sức, và nghỉ ngơi hồi dưỡng có chừng mực.
1) ĐIỀU DƯỠNG TINH THẦN:
Giữ cho nội tâm được "điềm đạm hư vô" thì chân khí bên trong mới được điều hòa mà không bị hao tán (chân khí ví như một thành lũy được kiên cố gìn giữ nội an bên trong, là mấu chốt chủ yếu quyết định sức khỏe, énergie ancestrale), tư tưởng yên định, thanh tĩnh, ý chí an nhàn, chất phác, đơn sơ, thật thà, ít có dục vọng, bỏ gạt ham muốn không chính đáng. Tu thân dưỡng tính để rèn luyện thân thể, mà không ham mê sắc dục, chạy theo vọng tưởng hảo huyền, chi phối bởi danh vị, tiền tài, tạp kiểu đua đòi, xem thường các xu hướng đà tiến giả tạo nhất thời, như thế tật bệnh nào còn do đâu xâm nhập được nữa.
Người đời nay, như trong Nội Kinh có nêu rằng: "họ không như thế, ham uống rượu như uống nước, coi sự sai trái như sự sinh hoạt bình thường, sau khi rượu say lại nhập phòng bừa bãi, phóng túng về sắc dục, làm kiệt hết tinh khí, hao tổn đến chân nguyên, không biết gìn giữ tinh khí cho đầy đủ, mà thường sử dụng tinh lực quá mức, chỉ cốt thỏa lòng chốc lát, làm trái ngược nghệ thuật dưỡng sinh, cho nên khoảng tuổi năm mươi đã già yếu rồi".
2) ĐIỀU TIẾT ĂN UỐNG:
Ăn quá no, rượu chè quá độ, béo bổ vô chừng, lấy miếng ngon làm chính, vui chơi buông thả, chính lẽ ấy là nguyên nhân của trăm ngàn bệnh tật sinh ra. Ta chớ lầm "tứ khoái" bốn việc sinh lý cần thiết cho con người (ăn, ngủ, đại, tiểu tiện, giao hợp) và "tứ đổ tường" (bốn việc hại, Nhất sắc, gái đẹp, nhì tài, cờ bạc, tam khí, á phiện, tứ tửu, rượu), mà xã hội ngày nay đang lâm vào cái cảnh thê thảm như báo chí hằng ngày tường thuật.
Bàn qua về ngũ vị: ngũ vị là 5 vị ngọt, chua, cay, đắng, mặn được lấy từ các thức ăn uống. Vị chua sinh can, đắng sinh tâm, ngọt sinh tỳ, cay sinh phế, mặn sinh thận, đó là âm tinh của tạng phủ sinh ra ở ngũ vị. Nhưng ngũ tạng chứa tinh, lại có thể vì ăn uống ngũ vị quá nhiều mà bị thương tổn.
* Cho nên, theo Nội Kinh ăn nhiều thức chua quá thì Can khí thịnh mà Tỳ khí hư suy. Ăn nhiều vị chua, dễ làm cho da thịt dày cộm và co dúm, mà môi cũng sẽ bị cong vếu.
* Ăn nhiều thức mặn quá thì xương lớn bị thương, cơ thịt teo liệt, tâm khí không được thoải mái. Ăn nhiều vị mặn làm cho huyết mạch khó lưu thông và sắc trạch ngoài da sẽ bị biến đổi.
* Ăn nhiều thức ngọt quá, thì tim buồn bực không yên, sắc mặt đen, thận khí không thăng bằng. Ăn nhiều vị ngọt, dễ làm cho xương đau nhức mà tóc cũng sẽ bị rụng
* Ăn nhiều thức đắng quá thì tỳ không nhuận, tiêu hóa không tốt, dạ dày hay đầy. Ăn nhiều vị đắng, dễ làm cho da bị khô mà lông cũng sẽ bị rụng.
* Ăn nhiều thức cay quá thì cân mạch bị phá hoại mà cũng dãn ra, đồng thời tinh thần cũng bị tổn hại. Ăn nhiều vị cay thì gân dễ bị co cứng, mà móng chân móng tay cũng bị khô.
Vì vậy phải chú ý đến ăn uống, ngũ vi cần được điều hòa để cho xương được thẳng ngay, gân được mềm dẻo, khí huyết được lưu thông, thớ thịt được chắc kín, gân cốt, khí lực được mạnh, đó là áp dụng nghiêm chỉnh phép đạo dưỡng sinh, có thể hưởng tuổi thọ lâu dài. Trên đài truyền hình Pháp, trong tháng hai này có đề cập tới tuổi thọ, nói về một phóng sự ở nước Nhật, Okinawa, theo lời tường thuật, một nơi tương đối nghèo, nhưng số người dân sống trên trăm tuổi đã chiếm một tỉ lệ cao nhất trên thế giới. Tìm hiểu bí quyết, thật là giản dị, cuộc sống hằng ngày đơn sơ, tâm tình người dân chất phác, thức ăn chánh không ngoài cá và rau cỏ, ít dùng thịt thà béo bổ. Đấy cũng là tấm gương đáng noi theo để hưởng được tuổi thọ.
3) THÍCH ỨNG VỚI HOÀN CẢNH TỰ NHIÊN:
Trong sách cổ có đề cập đến thời tiết. "Tứ khí điều thần luận": là khí hậu bốn mùa, xuân hạ thu đông, ăn mặc, sinh hoạt thế nào cho thích hợp với biến hóa của thời tiết để có thể bảo vệ sức khỏe lâu dài . Người xưa có nói:" Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàng", đó là quy luật của trời đất, ta nên lấy đó làm cương lĩnh, nói rõ hơn là phép dưỡng sinh bảo vệ tính mạng.
a) Ba tháng mùa xuân: là mùa muôn vật thay cũ đổi mới, sinh khí phát động trong khoảng trời đất, tất thảy đều vui tươi hớn hở tươi tốt, nhộn nhịp. Nên ngủ muộn, và dậy sớm, thể thao nhẹ nhàng, chăm bón thể xác, bách bộ khoan thai để cho tư tưởng ý thức được nẩy nở hoạt bát dồi dào. Thực hiện được như vậy là thích ứng với thời tiết khí hậu mùa xuân, là phù hợp với điều dưỡng "sinh khí". Nếu làm trái nghịch với phép dưỡng sinh này thì sẽ phương hại đến Can khí, chờ đến mùa hè sẽ sinh ra bệnh hàn (rét lạnh), khiến cho sức thích ứng của con người đối với khí dương thịnh mùa hè bị giảm sút (potentiel énergétique).
b) Ba tháng mùa hè: là lúc muôn vật tươi tốt phồn vinh, thiên khí, địa khí thăng giáng, giao hợp hết thảy vạn vật đều khai hoa nở nhụy. Nên ngủ muộn, và dậy sớm, nên tránh sự nóng nảy, giận dữ để cho thần chí được thoải mái, nội tâm bình tĩnh, khí khoan hòa để cho ý chí được đầy đủ phát huy. Đó là quy luật thích ứng với điều dưỡng "trưởng khí" của mùa hạ. Hành động nghịch lại, sẽ làm tổn thương đến tâm khí, chờ đến mùa thu dễ sinh bệnh sốt rét, vì làm giảm bớt năng lực thích ứng với khí "thu liễm" của mùa thu.
c) Ba tháng mùa thu: là mùa mà muôn vật đã thay đổi, khí trời mát, gió thổi mạnh, khí đất lặng lẽ, muôn vật biến sắc. Nên ngủ sớm, và dậy sớm. Ý thức, tư tưởng cần giữ gìn được trong sạch, tinh thần bình tĩnh mới có thể hòa hoãn được khí hậu se sắt, nghiêm ngặt của mùa thu ảnh hưởng đến cơ thể con người. Nên giữ nội tâm yên tịnh, không nóng nảy, hấp tấp, không để lạc mất ý chí, giữ cho Phế khí thanh tịnh, thở hít điều hòa. Giữ được như vậy là hợp với lẽ điều dưỡng "thu khí "của mùa thu. Làm trái nghịch, tất nhiên đã phương hại đến Phế khí, chờ đến mùa đông, sẽ phát bệnh tiết tả (đại tiện ra phân sống), làm giảm bớt năng lực thích ứng với khí tiềm tàng của mùa đông.
d) Ba tháng của mùa đông: là lúc muôn vật tiềm tàng ẩn náu. Không nên hoạt động nhiều sẽ động đến dương khí. Nên ngủ sớm dậy muộn, để cho ý chí yên tĩnh, tránh nơi rét lạnh, tìm chỗ ấm áp, ăn mặc kín không để cho da dẻ tiết ra mồ hôi sẽ ảnh hưởng đến sự bế tàng của dương khí. Đó là điều dưỡng thích ứng với khí hậu mùa đông. Nếu xem thường trái ngịch với phương pháp ấy, thì sẽ tổn thương đến thận khí. Đến mùa xuân năm sau, sẽ phát sinh ra bệnh nụy quyết (chân tay liệt rũ và lạnh) làm giảm sút năng lực thích ứng với "sinh khí" của mùa xuân.
Lao động, làm việc và nghỉ ngơi có chừng mực, không làm quá sức cho nên thể xác và tinh thần đều khỏe để gia tăng tuổi thọ.
Sinh lí về sinh dục đóng một vai trò chánh trong đạo dưỡng sinh.
Sinh dục giữa nam và nữ cũng có phần khác nhau: theo Nội kinh
* "Nữ 14 tuổi, thiên quý phát triển đầy đủ, ... hành kinh đúng kỳ cho nên dễ có con. ..., cho đến năm 49 tuổi, thiên quý khô kiệt, kinh nguyệt đã mãn cho nên thân thể già yếu mà không sinh đẻ được nữa.
* Nam đến năm 16 tuổi, thận khí thịnh vượng, thiên quý phát triển mạnh, tinh khí đầy đủ, lúc này nếu giao hợp với nữ có thể sinh con.. Đến năm 56 tuổi, Can khí suy kém, thiên quý khô kiệt, tinh khí ít dần, thận tạng sút kém,... Đến tuổi già, ngũ tạng suy sút, gân cốt không bền chắc, thân thể nặng nề, đi đứng khó khăn, thiên quý cũng kiệt hết, nên không thể sinh con cái được nữa".
Tuy có hạn độ nhất định, nhưng nếu chú ý đến phép dưỡng sinh, chẳng những có thể kéo dài tuổi thọ (longévité), mà dầu tuổi tuy cao, còn có thể kéo dài được số năm sinh dục thêm nữa (sexualité). Cho thấy rằng sự quan sát sâu rộng ấy đã có từ trước đây trên hai ngàn năm, cho đến ngày nay vẫn còn mang một chân giá trị rất quan trọng.
Từ thời thượng cổ: có hạng người gọi là "chân nhân" (homme parfait) có thể cầm giữ được huyền cơ tạo hóa của trời đất, nắm được quy luật biến hóa của âm dương, thở hít tinh khí, khác hẳn người thường cho nên tuổi thọ của các vị ấy đặc biệt dài có thể sống lâu mãi mãi. Đó là do người ấy có đạo đức cao thâm, nắm vững được đạo dưỡng sinh.
Đến thời trung cổ: có những hạng người gọi là "chí nhân" (sages) cũng đạo đức cao sâu, sống hòa hợp với sự biến hóa của âm dương, cũng am hiểu được đạo dưỡng sinh tuy với ít nhiều quan niệm có phần khác nhau, và tuổi thọ cũng gần như các vị chân nhân
Thời sau, còn có hạng người gọi là "thánh nhân": yên vui với khoảng hòa khí của trời đất, thuận theo quy luật tự nhiên, sống thích ứng với tập quán thế tục, hành vi không xa rời người đời, không đua đòi với tập tục, bên trong không để tư tưởng bị vướng mắc, tự thấy mình là đầy đủ, cho nên hình thể lâu già yếu, tinh thần ít bị hao tán, nên cũng có thể sống tới ngoài trăm tuổi.
Sau cùng, có hạng người khác nữa gọi là "hiền nhân" (homme vertueux): biết dựa theo quy luật vận hành tự nhiên của trời đất, trăng sao tinh tú, thích ứng với sự biến hóa thăng giáng của âm dương, noi theo nếp sống của các vi chân nhân cho thích hợp với lẽ đạo dưỡng sinh, cho nên cũng có thể thọ mệnh dài lâu, nhưng cũng có thời kỳ suy kiệt.
Tóm lại điều quan trọng trong phép dưỡng sinh là quy tụ vào hoàn cảnh tự nhiên và hoàn cảnh xã hội, cùng với điều dưỡng tư tưởng và hình thể, là quan niệm chỉnh thể (un entier, un tout). Đúng hơn nữa, ta phải giữ gìn Chân khí (còn gọi là Chân nguyên, là Tinh khí tiên thiên) cho được đầy đủ bền chặt, mà không phung phí dục vọng bừa bãi, làm kiệt hết tinh lực.
Vào thời hiện đại, còn chúng ta chỉ là kẻ "phàm nhân" (profane, homme du commun), thành tựu được đôi ba điều răn dạy vàng ngọc ấy, giữa cái xã hội đảo điên ngày nay, thì đã là niềm an ủi lớn với cái tuổi thọ được ngoài chừng thất tuần, âu cũng là điều đáng khen lắm rồi.
4) RÈN LUYỆN THÂN THỂ CỦA PHÉP DƯỠNG SINH:
Bằng cách vận dụng đến hai mạch Nhâm và Đốc trong cơ thể để bảo vệ thân thể, gồm nhiều tác động như sau. Hai mạch Nhâm Đốc tuy hai mà một, hai mạch mà một công dụng. Trước hết gìn giữ tinh thần cho được thanh tịnh làm cơ bản, quên hết lo âu, gạt bỏ ham muốn phù du, khinh thường ước vọng bâng quơ bất chánh, quên những sầu tư, giận dữ,.. luôn luôn giữ vững ý chí mà không bị xao lãng. Tiếp đó, chủ tâm đến hai mạch Nhâm và Đốc, hai mắt nhắm lại, xem xét bên trong (nội quan), hít một hơi dài qua mũi, ý dẫn khí, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, như lời người xưa miêu tả
".. tưởng mình điều khiển một hạt châu (nội công), dẫn mạch Nhâm giáng xuống và chậm chậm nạp vào Khí hải (đan điền) tới Hội âm, tiếp đến Mệnh môn dấy lên dẫn mạch Đốc qua xương cùn (coccyx) ngược thẳng lên tới đỉnh đầu, Nê hoàn (tức đan điền thượng, chỗ giữa hai lông mày) đuổi theo cái gốc động tính, dẫn mạch Nhâm giáng xuống mà trở về Khí hải. Hai mạch lên xuống xoay vần như cái vòng không đầu mối, trước giáng sau thăng luôn luôn không đứt. Tâm như nước đứng, thân như cái bầu rỗng không đựng vật, liền nhớm nhẹ hậu môn, mũi từ từ nín thở, nếu có căng thẳng thì từ từ hít hơi vào. Nếu tinh thần hôn mê, nên ngừng một lát, cần mẫn làm thêm, thực hiện kiên trì, quan khiếu tự mở, mạch lạc lưu thông, trăm bệnh không phát, v.v." Đó là một trong những phương cách của đạo dưỡng sinh để có thể kéo dài thêm được tuổi thọ.
Song song với tập luyện ngày ngày, để cho được kết quả hoàn hảo, ta cần phải từ bỏ "sáu hại" và tuân theo "thập thiểu"
Lục hại (sáu cái hại, six vices): Một là khinh bạc danh lợi (honneurs et faveurs), hai là cầm thanh âm sắc tướng (musique et beauté féminine), ba là liêm khiết của cải, bốn là giảm bớt mùi vị ngon béo, năm là đuổi ngăn hư vọng (pensées déplacées), sáu là bài trừ ghen ghét (jalousie). Trong sáu điều nếu có một điều thì đạo dưỡng sinh xa cách.
Thập thiểu (dix modérations): Một là ít tư tưởng, hai là ít vọng niệm, ba là ít cười, bốn là ít nói, năm là ít uống rượu, sáu là ít giận, bảy là ít khoái lạc, tám là ít buồn rầu, chín là ít ưa thích (désir), mười là ít cơ mưu (ruse).
Người xưa giải thích rằng:" nhiều tư tưởng thì thần hao tán, nhiều tham vọng niệm thì tâm lao nhọc, cười nhiều thì tạng phế lật ngược lên (désorganise la circulation énergétique du poumon), nói nhiều thì khí huyết hư hao, uống rượu nhiều thì thương thần tổn thọ (blesse le Shen et abrège la vie), giận nhiều thì tấu lý chạy nổi vượt ra ngoài (vide des pores), nhiều khoái lạc thì tâm thần lãng mạn, nhiều lo rầu thì đầu mặt khô khan (un excès de chagrin dessèche le visage), nhiều ưa thích thì chí khí tan lở, nhiều mưu mẹo thì chí lự mê mệt (un excès de ruse alourdit l’esprit et le plonge dans la torpeur). Ấy là loại chặt đốn mạng sống con người còn hơn là rìu búa"
KẾT LUẬN
Phép dưỡng sinh, chẳng những có thể phòng bệnh, mà còn có thể kéo dài tuổi thọ. Những phương cách mà cha ông ta để lại, là một kho tàng vô cùng quý báu một khi ta đã cố tâm tích cực noi theo nghiêm chỉnh và thực hiện được mục đích, hỏi còn gì bằng, tương lai tuổi thọ đang chờ ta thụ hưởng.
Đạo dưỡng sinh đã có từ đời thượng cổ, vẫn còn mang một chân giá trị rất quan trọng ngày nay. Lời khuyên bảo của người xưa để lại, mang nặng một ý nghĩa giáo dục:
Điều dưỡng tinh thần "điềm đạm hư vô" là chủ yếu, nội tâm gìn giữ cho được yên định, thư thái, không hờn giận, ghen ghét, không vọng tưởng, ham muốn đua đòi bâng quơ, không dục vọng bừa bãi, phí phạm tinh khí, để cho chân khí bền chặt không hao tán bên trong là điều thiết yếu cho sự phòng ngừa bệnh tật được hữu hiệu và hưởng được tuổi thọ. Chân khí ví như thành lũy bên trong kiên cố giữ vững nội an, hợp với vệ khí (énergie défensive) canh phòng cẩn mật bờ cõi bên ngoài chống lại ngoại tà, còn bệnh tật nào do đâu xâm nhập.
Thứ đến, điều tiết ăn uống và sinh hoạt, vì có câu " bệnh tòng khẩu nhập", trăm bệnh do ăn uống mà sinh ra, rượu chè no say, vui chơi buông thả, phóng túng sắc dục, làm kiệt hết tinh khí, hao tổn đến chân nguyên là nhân tố của trăm ngàn tai hại cho thể xác và tinh thần, để rồi chuốc lấy hậu quả là già yếu bệnh tật trước tuổi.
Sau đến, nên tránh tặc phong, gió độc, ăn mặc cho phù hợp với thời tiết, lao động, nghỉ ngơi có chừng mực mà không phí phạm sức lực, sinh hoạt phụ họa theo biến hóa của thời tiết. Sự hoạt động sinh mệnh của cơ thể con người không thể giây phút tách rời với giới tự nhiên được. Giấc ngủ là món ăn bồi dưỡng cho thể xác tinh thần, lao động là bộ máy cần thiết cho cơ thể toàn thân, giờ giấc phải được nhịp nhàng với hoàn cảnh tự nhiên giới (monde naturel), môi sinh (environne-ment), thực hiện được như thế là giữ đạo dưỡng sinh đúng phép, hầu tránh được bệnh tật, mà hưởng được mệnh thọ lâu dài.
Cuối cùng là bền tâm rèn luyện tinh thần và thể xác (qua hai mạch Nhâm và Đốc) cho được cường tráng hầu có được sức khỏe mới có được tuổi thọ bền lâu.
Vậy chúng ta hãy cầu chúc cho nhau kiên nhẫn và thành công, như thành ngữ có câu: "Có công mài sắt có ngày nên kim".
Còn nhớ ngày trước, ngay sau khi công chúng Mỹ đang xôn xao lo ngại về sự xuất hiện của bệnh Than ở một vài nơi thì đã có một nhóm người lợi dụng cơ hội chào bán những thứ mà họ bảo đảm là có thể ngăn ngừa và chữa khỏi bệnh này. Những kỳ hoa, dị thảo, tiên dược hiếm có mà chỉ mươi ngày sau tai biến đã được Tiên biến hóa và kịp thời tung ra thị trường bán rồi.
Sự bịp bợm quá lộ liễu và vô lý đến nỗi chính quyền liên hệ phải can thiệp ngay. Ngày 7 tháng 11.2001, Cơ quan Food and Drug Administration cho hay là: "Cho tới bây giờ, không có một dẫn chứng khoa học đáng tin cậy nào cho là những thực phẩm phụ thêm (dietary supplement) trên thị trường có thể ngăn ngừa hay chữa khỏi bệnh Than, ngoại trừ mấy thuốc kháng sinh đã và đang được công nhận cho dùng“. Cơ quan Federal Trade Commission nhắc nhở dân chúng là đám gian lận con buôn thường theo dõi thời cuộc và khéo léo giăng bẫy tới sự lo âu sợ hãi của giới tiêu thụ. Ngay vị Giám đốc của National Center for Complimentary and Alternative Medecine, Bác Sĩ Stephen Straus, hôm 14 tháng 11, 2001 cũng phải lên tiếng lưu ý công chúng khỏi bị mắc bẫy bởi quảng cáo là có những phương thức khác để chống lại bệnh Than. Ông ta nói: "Không có một bằng chứng nào về sự hữu hiệu của "alternative medecine“ trong việc trị một cách thỏa đáng bệnh Than và các tác nhân sinh học khác“. Complimentary và Alternatice Medecine được coi là những phương thức không chính thống nhằm làm giảm triệu chứng khó khăn của cơ thể.
Việc gian lận, mập mờ đánh lận con đen này thì thời gian nào cũng thấy xuất hiện, ngay từ thuở xa xưa. Có người đã nhận xét là cứ mỗi phút lại có một tên gian lận ra đời, và sẽ có hai người sẵn sàng tin theo, rơi vào cạm bẫy. Chúng lợi dụng sự lo âu, tuyệt vọng của người gặp nạn để làm tiền. Hàng năm, dân chúng tổn phí rất nhiều để mua những thứ mà đám "bán vịt trời giữa đồng“ này tung ra.
Trong phạm vi sức khỏe, đã có những anh lang vườn, những chú bán thuốc dạo không có căn bản chữa bệnh, làm thuốc nhưng vẫn hành nghề, lường gạt dân chúng. Họ giới thiệu, bán những thứ mà họ quảng cáo là cải lão hoàn đồng, bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu sầu, là thần dược, là có thể giúp mình "nhất dạ lục giao“ hoặc "ra bẩy vào ba“... Họ nhắm vào những người có một số vấn đề thông thường như sau.
VIÊM KHỚP
Viêm khớp là chứng rất thường thấy và có thể do cả trăm loại bệnh gây ra. Bất cứ bệnh nào có ảnh hưởng tới màng hoạt dịch (synovial membrane) hay gây thoái hóa sụn đều có thể làm khớp bị viêm. Vì thế điều trị khớp là tùy theo việc tìm ra và điều trị nguyên nhân chính gây viêm. Trong đa số các trường hợp, aspirin và các thuốc chống đau nhức khác đều rất công hiệu làm giảm viêm, bớt sưng và đau. Không có dược phẩm hay phương thức trị liệu nào có thể trị dứt viêm khớp. Mà số người đau đớn vì chứng này rất đông. Họ tuyệt vọng, mong mỏi có thuốc chữa lành.
Thế là các vị lang băm bèn chụp lấy cơ hội, tung ra hàng loạt những phương thức, dụng cụ, quảng cáo rùm beng là "chữa khỏi đau nhức khớp, không hết trả lại tiền“, "hết đau nhức trong mười ngày“... Ngoài tiệm, ta thấy những vòng từ trường, vòng bằng đồng, bao tay hở ngón có chứa "uranium“, những dụng cụ điện tử bí mật để trị bá bệnh. Ta cũng thấy nhiều thuốc bôi, thuốc uống, thuốc chích, những món ăn đặc biệt với nhiều sinh tố để "trị dứt“ viêm khớp. Theo các chuyên gia khoa học thì uranium vô ích đối với viêm khớp; vòng đồng chỉ làm dơ cổ tay; sinh tố thì thiếu gì trong thực phẩm, chẳng những không có công dụng gì để chữa phong thấp mà uống nhiều quá lại có hại. Nhiều người còn quảng bá dùng nọc độc rắn, tắm trong dầu hỏa kerosene, hoặc xịt khớp với WD-40.
Nhiều đồng hương về thăm quê đã mua những vòng từ trường, nệm từ trường, chăn từ trường do một quốc gia láng giềng Việt Nam sản xuất và mang sang Mỹ dùng. Có khi cả trăm bạc Mỹ một chiếc vòng đeo cổ tay, vài trăm đô xanh một chiếc chăn. Về dùng mãi mà đau vẫn hoàn đau. Rõ thật là dại: tiền mất, tật mang. Nhiều tên còn quảng cáo một cách có khoa học là đã chế ra một thứ aspirin đặc biệt để trị lành viêm khớp. Thưa quý vị, aspirin là aspirin, chẳng có gì "đặc biệt“ cả mà nếu uống phân lượng cao quá thì lại có nhiều khó khăn, sự cố hiểm nghèo đấy.
CHỐNG GIÀ
Già là một diễn biến bình thường của con người trong chu kỳ "sinh, lão, bệnh, tử“. Đã vào chu kỳ thì sớm muộn gì nó cũng đến. Mà cái lẽ "sớm, muộn“ này nó tùy thuộc vào nhiều thứ. Gene di truyền ông bà cha mẹ có tốt không? Dinh dưỡng có đầy đủ? Nếp sống cá nhân có sa đọa, bê tha? Môi trường chung quanh có ô nhiễm? Có vận động cơ thể, có an vi hòa hợp, có thuận vợ thuận chồng?... Thuận lợi ở những điểm này thì chắc là sự già nó cũng chậm tới hơn. Vả lại, già đâu có phải là bất hạnh. Già mà "vui như Tết“, "khỏe như voi“ thì già nó cũng có cái thú của già. "Càng già càng dẻo càng dai, càng gẫy chân chõng, càng sai chân giường“. Hoặc già mà còn chơi (được) trống bỏi thì với nhiều vị chẳng là một cái thú hay sao?!
Ấy vậy mà nhiều người vẫn sợ già. Họ đi tìm thuốc trường sinh, cải lão hoãn đồng. Thế là bọn lang băm chụp lấy cơ hội làm giầu. Họ tung ra những thứ gọi là có thể ngăn chặn hoặc lật ngược diễn tiến lão hóa. Nào là mật ong chúa, sừng non tê giác, vây cá mập, kích thích tố ngựa vằn, ngọc hành lợn rừng... Lại còn "tân trang da mặt không cần giải phẫu“ với máy điện làm rung da, tăng vòng ngực với iso-tensor, bust-developpers, thuốc bôi làm biến nhăn da cổ, da mặt. Vết nhăn thẳng thấy biến mà chỉ thấy đồng tiền biến dần khỏi trương mục ngân hàng.
UNG THƯ
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ của y khoa học trong việc tìm hiểu căn nguyên, diễn tiến cũng như trị liệu, ung thư vẫn còn là một nan giải, không đáp số cho loài người. Nhiều nạn nhân ung thư sống trong đau đớn thể xác, tâm hồn với sự ưu tư chăm sóc của bà con, họ hàng.
Vì y khoa học chưa có giải đáp cho mọi vấn đề ung thư nên những tay chuyên bịp đã đưa ra đáp số. "Chúng tôi có thuốc chữa tuyệt ung thư ruột trong ba tháng, ung thư tử cung trong sáu tháng, ung thư gan trong một năm“. Những môn thuốc "gia truyền“ được quảng cáo. Những lọ thuốc trình bày hấp dẫn được tung ra thị trường. Những phòng mạch kín đáo được truyền tai, giới thiệu, ca tụng. Lại còn món ăn đặc biệt ít chất đạm, dược phẩm đặc chế Laetrile, nước chiết lá đu đủ xanh, đu đủ đỏ. Phí tiền và thì giờ cho những món hàng này đã làm bệnh trầm trọng hơn vì tác dụng phụ của "thuốc“ cũng như quá trễ để dùng các phương thức trị liệu được công nhận giá trị.
MẬP PHÌ
Mập phì có thể do di truyền, có thể là biến chứng một vài bệnh kinh niên. Nhưng trong đa số các trường hợp, mập phì là hậu quả của sự "thu nhập“ năng lượng nhiều hơn sự xuất dùng.
Một người bình thường chỉ cần khoảng 2200 calories mỗi ngày để đủ sức làm mọi việc, mà nhét vào một lượng thực phẩm đủ loại có gấp đôi số năng lượng kể trên, thì năng lượng đó đi đâu? Nó sẽ được tích trữ trong cơ thể dưới dạng những tảng mỡ ở vòng mông, vòng bụng, bao quanh trái tim, xen lẫn trong tế bào gan, đóng bựa vào lòng mạch máu. Thế là béo mập, lên cân, bệnh tật.
Mà lên cân là nhiều người sợ hãi. Đâu còn đường cong tuyệt mỹ, đâu còn vẻ đẹp thanh tú. Phải đi mua mấy loại thuốc giảm cân. Phải dùng những thực phẩm đặc chế. Thuốc làm giảm ước muốn ăn uống. Thuốc làm mau no bụng. Thuốc làm tiêu mỡ béo. Dầu thoa nắn. Khăn bó cơ thể. Giảm mỡ dễ dàng, chẳng mất tý sức lực nào. Đánh trúng tâm lý người muốn có "co“ thon đẹp, đám lang băm nâng cao giá sản phẩm, và người tiêu thụ vẫn phải ngửa cổ cho họ chém. Nhưng, chỉ tiền mất tật mang, nếu không áp dụng phương thức sẵn có, không mất tiền mua nhưng công hiệu là "ăn ba phần đói bẩy phần no“, và "con người cần vận động cơ thể“ mà cổ nhân ta vẫn nhắc nhở. Khỏi phải thuốc uống, thuốc thoa, khăn bó bụng. Chẳng thấy đốt mỡ mà chỉ thấy cháy túi.
MÁI TÓC
Cái tóc là góc con người. Mái tóc thề ngang lưng tăng thêm vẻ ngây thơ cho cô gái mười bẩy. Lọn tóc đuôi gà thêm vẻ đoan chính cho cô gái quê. Công tử Hà Thành trai lơ mà có thêm mái tóc chải đuôi vịt bóng lộn bi ăng tin thì khối cô mê. Vậy mà một sớm một chiều nó rụng đi từng đám thì "chết tôi rồi, các cụ ơi“. Một lão bà trên bẩy mươi tuổi kêu hỏi thăm, mỗi ngày tôi rụng mất mấy chục sợi tóc, làm sao bây giờ hở bác sĩ?!
Rụng tóc là hiện tượng tự nhiên, cũng như tre già, măng mọc. Mỗi ngày trung bình tóc rụng khoảng trên dưới một trăm sợi, đồng thời lại một số sợi khác mọc ra. Mỗi sợi tóc có tuổi thọ trung bình là một vài tháng. Đến kỳ thì nó rụng, nhường chỗ cho bầy trẻ khác ngoi lên chứ. Nó cũng rụng khi ta đau ốm hoặc do ảnh hưởng vài hóa chất, dược phẩm.
Hiện nay, mới có một loại âu dược được chấp nhận cho dùng để giúp mọc tóc. Tìm ra thuốc này cũng chỉ là một tình cờ: Minoxidil, một thuốc chữa cao huyết áp. Một số người khi uống thấy mọc lông mọc tóc tùm lum, ngay cả những nơi không muốn. Thế là nhà bào chế bèn chế biến thành thuốc mọc tóc. Cũng được đi, nhưng cũng tốn tiền và phải dùng lâu. Ngoài ra, phương pháp cấy tóc cũng tốt nhưng cần được thực hiện bởi các phẫu thuật gia khéo tay, kinh nghiệm.
Các vị lang băm thêm một môi trường mầu mỡ để làm tiền. So sánh các quảng cáo về các loại "làm đẹp“ cho con người thì thuốc mọc tóc mọc lông đứng hàng thứ nhì, chỉ thua món hàng làm tiêu mỡ. Các thần dược làm tóc mọc trong vòng 48 giờ đồng hồ được bán với giá mà mới nghe đã làm tóc người yếu bóng vía dựng đứng lên, nếu họ có tóc. Các nhà chuyên môn cho hay các phương thức đó chưa được chứng minh là an toàn, công hiệu để ngăn rụng tóc cũng như làm tóc mọc lại.
Rồi lại tới cái lo loại bỏ bớt lông tóc mọc ở chỗ không muốn. Lại tốn tiền cho thuốc bôi rụng lông, máy điện nhổ lông, vừa đau vừa hư da mà lông vẫn mọc lại. Theo các nhà thẩm mỹ chân chính thì phương pháp đốt điện (electrolysis), thực hiện bởi người có kinh nghiệm, là đáng tin cậy hơn cả.
Cũng ở phạm vi cái tóc, có người còn quảng cáo là: "Xin cứ gửi cho chúng tôi vài sợi tóc, kèm theo vài ông Hoa Thịnh Đốn cho phí tổn. Chúng tôi sẽ phân chất và cho biết quý vị thiếu những sinh tố gì, dinh dưỡng nào. Nếu cần mua những chất thiếu chúng tôi sẽ chỉ chỗ cho mà chỗ mua. Rẻ òm à, chỉ có 199 mỹ-kim 99 cents là đủ dùng cho cả tháng 31 ngày“.
Các khoa học gia cho hay, phân chất tóc có thể cho biết người đó có tiếp cận với một hóa chất nào không, như arsenic, chì, thủy ngân chứ chẳng thể nói cho ta biết cơ thể cần gì, thiếu gì. Lại một chuyện bịp có vóc dáng khoa học.
CÁC VỊ THẦY CÚNG
Trong bất cứ xã hội nào, niềm tin con người trước quyền uy của Đấng Tối Cao vẫn là một hướng dẫn, một chỗ tựa cho cuộc sống. Nhưng đã có nhiều kẻ khai thác lòng tin này của người khác, nhất là khi họ ở trong tình trạng tuyệt vọng, bệnh hoạn. Đó là những ông thầy, bà cốt chuyên nghề cúng vái, chữa bệnh bằng tàn nhang, nước thải, những tay phù thủy bắt quyết trừ tà. Thời buổi văn minh, tin học thì có những người lợi dụng truyền thông để nhận của cho của dân chúng rồi hứa hẹn cầu nguyện thần linh giải trừ bệnh hoạn.
Kết quả một điều tra của nhóm học giả khoa học, triết lý và tôn giáo tại Nữu Ước đã đưa ra kết luận: "Một số khá đông quần chúng đã bị lợi dụng bởi những nhà trị bệnh trên màn ảnh truyền hình; họ đã xâm nhập nhiều gia đình, giới thiệu những phương thức không có căn bản khoa học. Họ nhận được nhiều tiền ủng hộ của dân chúng mà không đền đáp một phương thức trị liệu giá trị nào cho những người kinh niên bệnh hoạn.“
Tôn giáo đã bị thương mại hóa, mà một số người vẫn tin theo.
CÁC MÁNH LỚI THUYẾT PHỤC
Những ma giáo nhân có cả trăm phương ngàn kế để thuyết phục giới tiêu thụ đang trong tuyệt vọng, cần có một cái phao để bám.
Tâm trạng của con bệnh trầm kha là "có bệnh thì vái tứ phương“. Họ tìm tới bất cứ phương tiện nào hứa hẹn có thể giảm thiểu nỗi bất hạnh của họ. Lang băm sẵn sàng đáp ứng. Với người đau đớn, có hứa hẹn giảm đau. Với bệnh bất khả trị thì cho hy vọng hão huyền. Người bệnh mà đi mua cái hy vọng không đâu, chẳng những phí tiền mà còn phí thời gian quá ngắn ngủi còn lại. Với người lo sợ ô nhiễm thực phẩm, họ nói chúng tôi có sẵn món ăn hoàn toàn thiên nhiên và gán cho thực phẩm thường bán là chất độc. Họ quên rằng, với kỹ nghệ thực phẩm tiến bộ hiện nay, các chất độc hại đều bị loại bỏ trước khi món ăn được tung ra thị trường. Với vài bệnh nan y, đang là mối lo chung của nhân loại, như bệnh Liệt kháng HIV-AIDS, họ cũng khoe khoang là có tiên dược trị dứt.
Họ dùng những từ ngữ hoặc câu nói rất khoa học để giới thiệu món hàng cũng như gợi tính tò mò, thuyết phục dùng thử không mất tiền trong một thời gian. Họ dùng những nhân chứng khoe đã dùng sản phẩm và thấy công hiệu. Đôi khi họ biếu lợi tức để người tiêu thụ trở thành người bán hàng cho họ. Họ giới thiệu thuốc có thể tẩy độc đường tiêu hóa, lọc máu, mang cơ thể trở lại tình trạng sinh hóa cân bằng, hòa hợp với thiên nhiên. Con người ai chả có lúc đau chỗ này, khó chịu chỗ kia. Thế là họ bịa ra một bệnh rồi giới thiệu món thần dược mà họ mới phát minh.
Hoàn lại tiền nếu không công hiệu là thủ đoạn mà các lang băm thường dùng nhất. Vì họ biết rằng đa số không gửi trả lại món hàng tào lao mà kẻ bán cũng chẳng bao giờ bồi hoàn tiền. Có thì giờ thì xin cứ thuê trạng sư mà kiện củ khoai.
YẾU ĐIỂM CỦA NẠN NHÂN
Nạn nhân của lang băm thường có vài yếu điểm như quá ngây thơ, dễ tin.
Nhiều người cứ tin rằng, món hàng đó đã được công bố trên giấy trắng, mực đen, trên đài, trên sóng thì phải là đúng. Nếu không đúng thì ai cho phép quảng bá. Họ đâu có để ý là không ai mất công, mất thì giờ kiểm chứng lời quảng cáo. Nhiều khi lại chỉ nghe bạn bè lối xóm khoe là tôi dùng thứ này hết đau nhức ngay, thứ kia hết hẳn ung thư. Thế là dùng theo để hy vọng hết bệnh. Có người tin ở những ma thuật, những kỳ diệu của món hàng, dễ dàng chấp nhận một giải pháp có sẵn cho bất hạnh của mình. Đa số thì quá thất vọng vì tình trạng của mình mà đành tìm tới bất cứ cái gì cho một tia hy vọng, dù mong manh. Có còn hơn không. Một số không nhỏ lại hay đa nghi, dị ứng với những tiến bộ khoa học, nên tìm tới các phương thức được khoe là tự nhiên.
TRÁNH TIỀN MẤT TẬT MANG
Đồng ý là có bệnh thì vái tứ phương, nhưng cũng cần cảnh giác với ông thần bịp bợm quanh quẩn đâu đó.
Cần tìm hiểu rõ ràng những lời quảng cáo, những giới thiệu của mọi người. Tìm hiểu về món hàng mình sắp bỏ tiền ra mua, coi có giá trị hay không. Hãy đề phòng những tiểu xảo như thuốc tôi chữa lành bệnh tức thì, dễ dàng; thuốc tôi là thuốc gia truyền, là đặc chế, chỉ bán qua bưu điện. Cảnh giác với những thuốc trị bá bệnh hoặc thần dược. Cảnh giác với những nhân chứng cò mồi được chia hoa hồng lợi nhuận.
KẾT LUẬN
Vấn đề gian bịp trong lãnh vực sức khỏe con người là chuyện xưa như trái đất mà mọi chính quyền đều để tâm ngăn chặn. Nhưng dân bịp họ cũng có nhiều mánh lới để qua mặt luật lệ quốc gia. Phương thức bảo vệ hữu hiệu nhất cho người tiêu thụ là sự thông minh, sáng suốt của chính mình. Đặt nghi vấn trước một khoác lác quá đáng. Tham khảo các cơ quan được tín nhiệm trước khi mở hầu bao.
Để khỏi vướng vào cảnh "Tiền mất mà Tật vẫn mang trên người“.
Lấy vợ xin lấy vợ sún răng
Đỡ tiền nha sĩ, ngại sâu ăn
Sáng, trưa, chiều, tối em ăn cháo
Khỏi phải mua bàn chải đánh răng
Lấy vợ xin anh lấy vợ hô
Lỡ sau mà có gặp côn đồ
Em cười, chúng tưởng Chung Vô Diệm
Hồn xiêu phách lạc cõi hư vô
Mặc dù không biết tác giả của bài thơ trên, nhưng nội dung dí dỏm cũng diễn tả được tầm quan trọng của bộ răng trên khuôn mặt. Một thống kê gồm 57.000 người tham dự cho biết trên khuôn mặt của họ thì hàm răng được chú trọng nhiều nhất so với cặp mắt, mũi, và đôi môi. Ngày nay, trong những chương trình thẩm mỹ trên truyền hình như The Extreme Makeover hoặc The Swan, chúng ta đều thấy những người sau khi đã đuợc nâng cằm, nắn mũi, xẻ mí mắt hoặc sửa ngực đều có một nụ cười với hàm răng thật đều đặn! Giả như phải đối thoại với một người có một hàm răng sún hoặc khấp khểnh, răng đã ngả màu nâu hoặc vàng khè, tự nhiên chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu ngay. Cũng có một số người đã phải đi sửa hàm răng cho thẳng và trắng lại trước khi đi tìm việc làm. Khi 1 chiếc răng hoặc nhiều răng bị rụng hoặc hư hại, thì có những hậu quả như sau:
- Mất đi nụ cười. Tự nhiên chúng ta không dám cười hoặc cười gượng vì sợ người ngoài thấy mình bị sún răng, khiến chúng ta bị mặc cảm và mất đi phần duyên dáng và tự nhiên của con người.
- Cách phát âm thay đổi hoặc không được rõ, chính xác.
- Khuôn mặt sẽ không được đầy đặn và cân đối. Hai gò má có thể bị hóp vào hoặc đôi môi bị nhũn nhão không còn điểm tựa nên khó trang điểm bằng son và nhìn trông già đi trước tuổi rất nhiều.
- Sự nhai cắn và nghiền nhỏ thức ăn không còn hữu hiệu được nữa. Lúc đó chúng ta bắt đầu đẩy thức ăn sang một bên hoặc đẩy hết thức ăn ra đằng trước để nhai.
- Những răng bên cạnh khoảng trống sẽ bắt đầu bị lung lay, xiêu vẹo, và nghiêng ngả về chỗ trống. Kể cả răng ở hàm đối diện (bất kể hàm trên hoặc dưới) cũng có thể mọc dài vào trong khoảng trống đã bị nhổ.
- Theo thời gian, các răng còn lại sẽ nghiêng đổ lệch lạc và hàm răng sẽ càng ngày càng thưa thêm.
- Vì chân răng nằm chính giữa ổ xương răng nên khi ăn và nhai cắn, xương hố răng được tác động và toàn thể xương răng được bảo tồn. Nhưng nếu chân răng bị mất hoặc bị nhổ đi, thì hậu quả tất nhiên ổ xương sẽ bị teo lại, làm giảm đi bề sâu (depth) và bề dày (width) của xương.
Để tránh những tình trạng nêu trên xảy ra, chúng ta cần phải đi trồng răng giả. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến với nha sĩ gia đình hoặc với nha sĩ chuyên khoa về răng giả (Prosthodontist). Bài viết này sẽ trình bày những phương cách thay thế những răng bị rụng đang được thực dụng trong ngành nha khoa, cộng thêm những sự lợi hại của từng phương cách. Mặc dù nha sĩ có trách nhiệm phải trình bày những phương thế đó, nhưng chính chúng ta cũng nên tự học hỏi hiểu biết thêm để đo lường, suy xét chọn lựa phương pháp hữu hiệu nhất cho mình khi phải thay thế những chiếc răng đã bị rụng mất.
Răng giả được chia làm 2 loại:
- Tháo rời (removable prostheses)
Có nghĩa là bộ răng giả phải được gỡ ra ngâm vào trong nước mỗi đêm trước khi đi ngủ. Phân bộ này thì có loại phần hàm (partial denture) hoặc loại toàn hàm (full/complete denture), tùy theo số chân răng còn lại trong miệng.
- Cố định (fixed appliances)
Có nghĩa là bộ răng giả được gắn cứng trong miệng hoặc trong xương hàm. Khi nghĩ tới trồng răng giả cố định thì ta có quyền lựa chọn làm cầu răng (bridge) hoặc trồng chân răng vào xương hàm (dental implant).
Việc chọn lựa phương pháp trồng răng dựa vào những điểm sau đây:
- Sự thẩm mỹ (Esthetics)
- Sự bảo tồn mặt răng (Preservation of tooth structure)
- Sự bảo tồn chân răng và xương hố răng (Preservation of periodontal tissues & alveolar bone)
- Sự thoải mái và phát âm chính xác (Comfort & Phonetics)
- Thời gian chờ đợi (Restoration time)
- Tình trạng tài chánh (Cost)
- Sự bền lâu (Longevity)
- Công việc bảo trì (Maintenance)
- Răng giả tháo rời (Removable Prostheses)
Răng giả tháo rời được chia ra hai loại: loại bán phần hàm (partial denture) và loại toàn hàm (full denture). Loại bán phần hàm được làm khi một hàm trong miệng (bất kể hàm trên hoặc hàm dưới) bị rụng vài răng liên tiếp nhau khiến cho hàm răng có nhiều khoảng trống. Những thành phần cơ bản trong bộ răng giả phần hàm gồm có: một khung sườn cứng (metal framework) đúc bằng kim loại, những móc (clasps) bám chặt vào mặt và thân răng còn tồn tại trong hàm với mục đích làm cho sườn hàm răng được vững chắc không di động trong lúc nhai cắn. Trên sườn sẽ được gắn những chiếc răng bằng nhựa (acrylic resin), lấp đi những khoảng trống thiếu răng. Những răng giả được chế tạo bằng chất nhựa có đầy đủ các màu và kích thước khác nhau giống y hệt với những chiếc răng bên cạnh và hợp với khuôn mặt màu da mỗi người. [Hình A1 & 2]
Loại răng giả toàn hàm được làm khi hàm bị rụng hết răng. Loại toàn hàm sẽ có đầy đủ mặt răng được gắn lên trên một sườn bằng nhựa cứng gọi là acrylic base. Chất nhựa này có nhiều màu khác nhau tương xứng với màu nướu răng của từng người. Bộ răng giả toàn hàm được gắn trên mặt nướu và nền tảng xương hàm nhờ ‘sức hút bề mặt’ (surface tension) giữa nướu và chất nhựa acrylic, giống như sức dính giữa hai miếng kính ướt ép sát vào nhau. Nếu phải gắn toàn bộ răng giả cho hàm trên và hàm dưới, thì bộ răng giả ở trên sẽ dính vô nướu chặt hơn so với bộ hàm dưới vì diện tích (surface area) của vòm miệng nhiều hơn nên tạo ra nhiều sức hút. Hơn nữa, hàm dưới lại không có nhiều xương và mặt nướu như hàm trên. Thêm vào đó, những bắp thịt chung quanh gò má và lưỡi luôn luôn cử động khiến bộ răng ở dưới rất dễ bị di chuyển khi nói chuyện hoặc khi nhai cắn. Thông thường bệnh nhân phải mất thời gian từ vài tuần đến vài tháng tập cách ăn nói để quen với bộ răng giả trong miệng. Trong thời gian này, bệnh nhân nên nhẫn nại và kiên trì — tập ăn các đồ mềm hoặc cắt nhỏ, tránh ăn những thức ăn dẻo và có thể phải đi lại nhiều lần cho nha sĩ điều chỉnh lại bộ răng nếu thấy cấn hoặc đau nhức. [Hình B1 & B2]
Giống như loại bán phần hàm, bộ răng nhựa phải được sắp xếp đúng theo cách thức động tác nhai nghiền thức ăn (occlusion), sự thẩm mỹ (esthetics), sự thoải mái (comfort) và phát âm rõ ràng (phonetics).
KỸ THUẬT LÀM BỘ RĂNG GIẢ
Để làm một bộ răng giả phần hàm cho kỹ lưỡng, nha sĩ cần phải lấy hẹn với bệnh nhân tối thiểu từ 4 - 6 lần để thực hiện những điểm quan trọng sau đây:
1. Khuôn mẫu răng dự bị (Preli-minary Impression) - Sau khi hàm răng của bệnh nhân đã được lấy mẫu và đúc lại bằng thạch cao, đây là thời điểm nha sĩ phải quan sát và học hỏi nghiên cứu toàn bộ răng của bệnh nhân trước khi sắp xếp kế hoạch cho bộ răng giả. Nha sĩ có thể đề nghị nhổ răng, trám răng, bọc răng, đặt những móc ở vị trí nào, v. v... để cho bệnh nhân lường trước những việc sẽ làm và những phí tổn phải trả.
2. Khuôn mẫu răng cuối cùng (Final Impression) - sau khi đã thực hiện những công việc (trám, mài, bọc răng) trên những chiếc răng còn lại, thì khuôn mẫu răng này sẽ được gửi vô laboratory để người ta đúc một khung sườn bằng sắt nằm trên mặt nướu và xương hàm.
3. Cast Framework Try-in - Nha sĩ sẽ đặt thử bộ sườn sắt này vào trong hàm và để ý đến sự cân bằng, di động hoặc xem những móc răng có bám chặt vào những chiếc răng còn lại hay không, v.v...Nếu thấy vừa ý, thì nha sĩ có thể tiến tới phần ghi chú khớp nhai cắn (bite record), chọn lựa màu răng (shade selection).
4. Esthetic Try-In - Đây là giai đoạn bộ răng giả được gắn tạm trong miệng, xem có được thoải mái không, cách nhai cắn có chính xác không, phát âm có rõ không, hình dạng và màu răng có hợp không, hoặc nhìn có thẩm mỹ không v.v... Vì những chiếc răng giả vẫn được sắp xếp và gắn tạm trong sáp nến nên nếu bệnh nhân không đồng ý một điểm nào, thì đây là giai đoạn nên sửa và điều chỉnh lại trước khi phòng laboratory chế biến bộ răng này thành nhựa cứng resin.
5. Delivery. Ngày giao gắn bộ răng giả, nha sĩ có thể phải mài sơ qua để cho khỏi bị cấn hoặc cắn lệch lạch.
Cách thức làm bộ răng giả toàn hàm cũng đòi hỏi nhiều buổi hẹn như trên, chỉ khác mỗi chỗ là không phải thử sườn sắt như trong bộ răng giả phần hàm. Cả hai phần bộ răng giả mới này có thể cần phải sửa đi sửa lại vài lần mới hết các chỗ cấn làm đau hoặc trầy nướu răng.
Khi nói tới sự phí tổn thì phương pháp làm bộ răng giả tháo rời là rẻ nhất so sánh với những cách trồng răng cố định. Bộ răng giả có thể dùng được từ 10 tới 20 năm hay suốt đời tùy thuộc vào sự khéo tay và kinh nghiệm của nha sĩ, cách thức lấy khuôn mẫu răng có chính xác và đúng phương pháp không, bệnh nhân có giữ gìn kỹ lưỡng không và tỷ lệ hao mòn xương hàm mỗi năm.
Để bảo trì bộ răng giả, cách thức chăm sóc rất là giản dị. Điều quan trọng là nên cẩn thận đừng làm rơi xuống đất hoặc làm gẫy, đặc biệt là các móc (clasps) của bộ răng ‘partial’ một khi đã cong thì sẽ không ăn khớp với những chiếc răng cột trụ nữa. Những bộ răng giả tháo rời cũng có phần làm bằng nhựa nên lúc nào cũng phải ngâm trong nước (nếu không mang trong miệng) để khỏi bị khô và tránh được phần co giãn. Tốt hơn hết, mỗi đêm sau khi đã chà cọ kỹ lưỡng, chúng ta nên ngâm bộ răng giả vào hộp nước có pha thêm chất thuốc tẩy [Polident; Efferdent]. Chúng ta cũng không nên mang bộ răng giả suốt ngày, nhất là khi đi ngủ vì nướu răng cần sự luân chuyển không khí (air exchange) và giữ gìn sạch sẽ. Nếu không rửa sạch, thức ăn sẽ bị bám dính lâu ngày gây nên mùi hôi. Thêm vào đó sự ẩm ướt giữa nướu răng và bộ răng giả có thể đưa tới bệnh nấm (fungal disease) do vi trùng Candida albicans gây ra. Mặc dù bệnh nhân không còn răng thật nữa nhưng vẫn cần phải đi nha sĩ hàng năm để tái khám xem bộ răng giả còn được vững chắc hay không và theo dõi sự tiêu mòn của xương hàm có thể ảnh hưởng tới bộ răng giả của mình. Khi bộ răng giả bị sứt mẻ hoặc không thấy thoải mái trong miệng, chúng ta nên trở lại văn phòng để nha sĩ điều chỉnh lại. Chúng ta không nên tự tay sửa mài bộ răng của mình hoặc dùng keo Superglue để gắn lại vì có thể làm cho hàm răng giả bị hư hại vĩnh viễn (irreversible damage). Lúc đó có thể ta phải trả tiền để ‘mua’ bộ răng giả khác!!!
Trong phần tới chúng tôi sẽ biên về đề tài Răng Giả Cố Định. Xin quý vị đón đọc!
...................
Bác Sĩ Nha Khoa Anne-Marie Hòa Nguyễn chuyên trị bệnh nướu răng và trồng răng implant (Periodontology & Implantology). Cô ra trường nha khoa Baylor College of Dentistry năm 1990 và có bằng Master of Science về chuyên khoa nướu răng tại University of Texas -San Antonio năm 1996. Cô có bằng Board Certified của Hội American Board of Periodontology. Hiện BSNK Hòa Nguyễn đang làm việc tại văn phòng ở vùng Tây Nam (Southwest) Houston. Nếu có những thắc mắc liên quan tới nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, TX 77036. ĐT: 713.917.0907. Copyright (2005 Anne-Marie H Nguyen, DDS, MS.
Trong bài viết về đề tài Trồng Răng Giả - Phần I, chúng tôi đã bàn về phương cách trồng răng giả tháo rời (removable prostheses). Khi nói đến vấn đề đeo răng giả, một số bệnh nhân than phiền rằng họ không thể nào đeo răng giả được, dù là loại bán phần hàm hoặc loại răng giả toàn hàm vì những lý do như bị cấn đau, vướng víu, xục xịch, nhai không được hoặc ăn không ngon. Cũng có vài bệnh nhân khác bị cảm giác buồn nôn mỗi khi mang một bộ răng giả tháo rời. Cuối cùng các bệnh nhân này đành ‘bỏ cuộc’ và tìm tới những phương cách khác để thay lại những chiếc răng thật họ đã mất. Bài viết này sẽ trình bầy những ưu điểm và khuyết điểm trong việc trồng răng giả cố định (fixed prostheses) - có nghĩa là bộ răng giả sẽ được gắn dính cứng trong miệng hoặc trong xương hàm. Trong phần này, bệnh nhân có quyền lựa chọn làm cầu răng (Bridge) hoặc trồng/cấy chân răng bằng kim loại thẳng vào xương hàm (Dental implant). Khi làm xong, bệnh nhân có cảm giác như đó là răng thật của mình, có mầu sắc giống hệt như những chiếc răng khác, ăn uống ngon lành, và không bao giờ phải tháo gỡ ra!
CẦU RĂNG (BRIDGE)
Cầu răng được áp dụng khi bệnh nhân bị mất đi 1-3 răng, hoặc nhiều hơn. Cầu răng được chia ra làm ba loại:
Cầu răng ‘thông thường’ [conventional bridge]: gồm có hai răng đứng ở hai đầu và răng giữa đã bị mất. Nha sĩ sẽ phải mài nhỏ hai chiếc răng bên cạnh để làm hai cái mão răng (crown), rồi làm thêm cái răng chính giữa để thế vô chỗ răng đã bị mất. Sau đó 3 chiếc răng sẽ được hàn dính lại với nhau thành một chiếc cầu ba nhịp, tiếng Anh được gọi là three-unit bridge.
Chiếc cầu răng dài bao nhiêu thì tùy theo số chân răng bị mất. Thí dụ, nếu bệnh nhân bị mất 2 răng ở giữa, thì sẽ phải cần một chiếc cầu răng bốn nhịp (four-unit bridge).
(2 + 2 = 4)
hoặc bị mất đi 2 chiếc răng xen kẽ thì sẽ phải làm 5-unit bridge.
(3 + 2 = 5)
hoặc bị mất đi 4 chiếc răng ở giữa thì sẽ phải cần 6-unit bridge.
(2 + 4 = 6)
hoặc phức tạp hơn nữa là bệnh nhân bị mất đi hơn nửa số răng còn lại trong hàm, thì nha sĩ sẽ cần phải làm công việc ‘tái tạo toàn hàm’ [full-mouth reconstruction]. Nếu trong trường hợp này, thì bệnh nhân sẽ cần phải làm 15-unit bridge.
(7 + 8 = 15)
Đây là loại cầu thông dụng nhất được làm bằng vàng, ceramics, hoặc bằng sứ được đắp lên trên nền kim loại (porcelain-fused-to metals).
2. Cầu răng ‘cánh ép’ [Maryland bridge]: cũng có răng đứng ở hai đầu và răng giữa bị mất. Sự khác biệt là loại cầu này bảo tồn mặt răng nhiều hơn thay vì bị mài hết chung quanh, như đã được diễn tả ở trên.
Những chiếc răng cột trụ cũng bị mài xén đi bớt để đủ chỗ cho hai cánh nẹp bằng kim loại được ép và dính cứng vào mặt sau của răng. Chiếc cầu này sẽ được dán cứng vào mặt răng bằng chất resin hoặc bằng xi-măng. Hiện tại, cầu răng này rất ít được làm vì nó đòi hỏi nhiều thời gian, kinh nghiệm của vị nha sĩ và thường hay bị rớt ra vì nhiều lý do khác như bị nước miếng làm ô uế (salivary contamination), hoặc khớp nhai cắn quá mạnh (heavy occlusion), v.v...
3. Cầu ‘Đà’ [Cantilever Bridge]: chỉ có duy nhất một đầu cầu để gánh đỡ cho một chiếc răng đã bị mất, khác với những loại cầu vừa được diễn tả ở trên là phải có hai đầu cầu.
Chúng ta có thể ví chiếc cầu này như một tấm ván nhô ra dùng để nhảy xuống hồ bơi, hoặc nói nôm na như kiểu ‘thằng mập cõng thằng gầy’! Thỉnh thoảng nha sĩ có thể dùng 1 hoặc 2 chân răng để làm trụ chống cho 1 chiếc răng đã bị mất.
Thí dụ như: hoặc , như được diễn tả trong hình quang tuyến ghi nhận sau đây.
Loại cầu này chỉ nên làm khi
a) chiếc răng bị mất không có sức nhai cắn mạnh hoặc cần phải làm việc nhiều.
b) chiếc răng cột trụ phải được vững chắc và khỏe mạnh để gánh chịu thêm sức đè nặng của chiếc răng đã bị mất.
Nếu không, thì hậu quả sẽ mang tới phần mất xương cho chiếc răng cột trụ và đưa tới chuyện ‘một cây cầu gẫy’! Nói tóm tắt là loại cầu này phần nhiều dùng để làm ‘kiểng’, che lấp khoảng trống vì sự mất răng mà thôi!
Trong ba loại cầu đã được diễn tả, vài điểm quan trọng chúng ta nên ghi nhớ: Chiều dài cầu răng sẽ tùy thuộc vào số chân răng bị mất cộng thêm những chiếc răng cột trụ (2-unit, 3-unit, 6-unit, 14-unit bridge . . . ) Bởi vậy, tiền phí tổn sẽ dựa trên tổng số răng phải làm để thay thế cho những chiếc răng đã bị mất.
Những chân răng cột trụ phải được khỏe mạnh, vững chắc và không mắc bệnh nướu răng. Vì nếu không có những răng trụ chống vững chắc hoặc bệnh nhân không biết gìn giữ kỹ lưỡng, thì cầu răng sẽ dễ bị hư hoại. Thêm vào đó, khi một trụ bị hư hỏng hoặc bị gẫy thì cả dàn cầu cũng bị sập đổ!!!
Khi những chiếc răng cột trụ đã bị mài đi, bệnh nhân có thể dễ bị buốt răng khi đụng phải những thực phẩm có nhiệt độ nóng hoặc lạnh. Khi tình trạng tê răng bị kéo dài sau nhiều ngày tháng, bệnh nhân có thể phải đi rút tủy. Răng bị rút tủy sẽ bị yếu đi và tiền phí tổn này thì bệnh nhân sẽ phải chịu.
Nếu chúng ta không có thời gian mỗi ngày để đánh răng và dùng chỉ răng nha khoa (dental floss), tốt hơn hết đừng nên làm cầu răng mà hãy nghĩ tới bộ răng giả tháo rời. Việc chăm sóc cầu răng đòi hỏi nhiều thời gian và phức tạp hơn so với việc gìn giữ bộ răng giả tháo rời.
Nên nhớ cầu răng chỉ thay cho một chỗ trống mà thôi. Nhưng nếu bị mất nhiều chân răng hoặc mất răng ở nhiều chỗ khác nhau trong một hàm thì việc trồng răng giả rất là phức tạp và phí tổn nhiều. Thí dụ, một bệnh nhân bị mất đi 8 chiếc răng () và còn lại 6 chiếc răng đứng xen kẽ như sau:
thì bệnh nhân sẽ có 2 đường lựa chọn:
a) Chọn làm cầu răng 14-nhịp (14 x $800 - 1000 USD = <$14.000 USD).
b) Chọn làm bộ răng giả tháo rời (removable partial denture) để thay cho 8 chiếc răng đã bị mất ~ $1.500 - 2.000 USD
Nói tóm lại về sự thích ứng (flexibility) của chiếc cầu răng giả trong công việc lắp đi những khoảng trống trong hàm, thì dĩ nhiên là hoàn toàn không có!
6. Nếu bị tình trạng phức tạp như trên, chúng ta nên tìm tới những nha sĩ có nhiều kinh nghiệm về phần làm răng giả hoặc tìm tới những nha sĩ chuyên khoa về bộ môn răng giả [Prostho-dontics] để tham khảo ý kiến, vì trường hợp này đòi hỏi nha sĩ phải học hỏi nghiên cứu kỹ lưỡng khớp nhai cắn của bệnh nhân và tình trạng của những chiếc răng tồn tại. Bệnh nhân có quyền hỏi kinh nghiệm của nha sĩ đó bằng cách cho mình xem những trường hợp tương tự đã làm trong quá khứ và đã làm được bao nhiêu lần! Nếu vị nha sĩ đó có đầy đủ kinh nghiệm, kiến thức và hình ảnh thì dĩ nhiên họ sẽ hãnh diện và không ngần ngại bày tỏ những công trình đó cho bệnh nhân xem.
7. Nếu những chiếc răng cột trụ còn nguyên vẹn, tinh tuyền và không tì vết trám hoặc sâu (virgin teeth), bằng mọi cách chúng ta nên bảo vệ những chiếc răng đó và đồng thời hỏi nha sĩ những cách trồng răng khác như dental implant hoặc đeo bộ răng giả tháo rời (removable denture). Vì không có gì quý bằng chiếc răng thật của mình!
TIẾN TRÌNH LÀM CẦU RĂNG.
Khi đã quyết định làm cầu răng, trong buổi hẹn đầu tiên nha sĩ sẽ mài nhỏ đi những chiếc răng cột trụ. Nếu cầu răng được làm bằng men/sứ, thì nha sĩ sẽ chọn mầu tương xứng với những chiếc răng đứng bên cạnh. Sau đó, nha sĩ sẽ lấy khuôn mẫu răng và gửi tới phòng lab để nha công (lab technician) đổ khuôn để đúc thành chiếc cầu răng. Bệnh nhân sẽ phải đeo tạm bộ răng giả làm bằng chất resin từ 2 - 4 tuần trong khi chờ đợi cho cầu răng làm xong. Khi đeo chiếc cầu răng ‘tạm’ này, đây là thời gian thuận tiện nhất để bệnh nhân cho nha sĩ biết những ý kiến, tư tưởng của mình về bộ cầu răng ‘thật’ sắp có của mình, thí dụ:
Tôi muốn tẩy răng trắng hơn!
Tôi muốn mặt răng đừng hô ra quá!
Tôi muốn chiều dài của chiếc răng dài hoặc ngắn hơn!
Tôi muốn răng được khít chặt vào hơn!.....
Tôi không muốn thấy viền mão răng (crown margin) bằng sắt lộ ra!
Nếu không cho nha sĩ biết những ý nguyện trong đầu của mình, khi bộ răng thật về thì có thể không sửa được hoặc bệnh nhân sẽ phải trả thêm những phí tổn để sửa lại!!!!
Buổi hẹn kỳ hai, chiếc cầu mới sẽ được gắn tạm vào răng và điều chỉnh, nếu cần, cho tới khi đạt được sự thoải mái và thích hợp với việc nhai cắn cho bệnh nhân. Ta có thể xin nha sĩ dùng xi-măng gắn tạm chiếc cầu này để đeo thử trong vài tuần, rồi sau đó sẽ thay thế bằng loại xi-măng vĩnh viễn. Nếu bệnh nhân không bằng lòng một điểm nào đó thì nên bàn luận với nha sĩ (nước mầu không đúng, không thẩm mỹ, v.v...) trước khi quyết định xi măng vĩnh viễn vào trong răng!
CÁCH THỨC SĂN SÓC CẦU RĂNG
Thông thường bệnh nhân muốn biết là chiếc cầu răng sẽ dùng được trong bao nhiêu năm.
Câu trả lời đơn giản nhất là tùy theo bệnh nhân có biết cách giữ gìn kỹ lưỡng hay không.
Nếu biết chăm sóc giữ gìn cẩn thận, không để cho những chiếc răng cột trụ bị sâu, gẫy, hoặc bị bệnh nướu răng. Thêm vào đó, bệnh nhân không có những tật xấu như nhai đá cục, cắn xương, hoặc nghiến răng thì cầu răng sẽ được đứng vững lâu bền. Chúng ta nên bỏ thời giờ để chải răng, dùng chỉ nha khoa và đi khám răng thường xuyên theo định kỳ để bảo trì hàm răng quý giá này!
Một điểm phức tạp trong công việc săn sóc cầu răng là bệnh nhân phải được chỉ dẫn cách dùng sợi chỉ nha khoa để đẩy sạch những vụn thức ăn bám dưới chân cầu. Vì những chiếc răng được hàn dính tụm lại nên bệnh nhân phải cần tới một vật dụng để luồn sợi chỉ xuống dưới cầu răng, gọi là ‘Floss Threader’, rồi kéo sợi chỉ đó qua lại cho sạch đồ ăn bám dưới gầm cầu. Chúng ta nên làm công việc này mỗi tối trước khi đi ngủ.
Sau khi đọc bài viết về phần răng giả cố định, tác giả mong ước bệnh nhân sẽ hiểu biết thêm về những cách trồng răng giả để việc chọn lựa và quyết định được vững chắc hơn. Trong phần III sẽ đăng vào số báo kỳ tới, chúng ta sẽ biết thêm một cách trồng răng giả cố định khác là loại dental implant. Để tóm lại, khi mất răng chúng ta nên xét lại những điểm quan trọng sau đây đã được so sánh:
(xem biểu đồ)
Chú Ý:
Tất cả những điều nêu trên tùy thuộc vào kinh nghiệm của mỗi nha sĩ.
Cần thời gian để tập nhai cắn và phát âm cho chính xác
* Giá tiền thay đổi tùy theo mỗi văn phòng và mỗi tiểu bang!
Thời gian lâu dài sẽ tùy theo bệnh nhân biết gìn giữ kỹ lưỡng
Thưa quí-vị bác-sĩ,
Gần đây nhiều người Việt mình uống trà Đinh (trà đắng), và nghe nói trà chữa được nhiều bệnh, vậy xin quí vị bác-sĩ cho biết ý kiến. Chân thành cảm-ơn quí bác-sĩ.
CHẾT! CHẾT! CHẾT.
HÃY NGỪNG UỐNG TRÀ ĐINH NGAY.
Trong đại hội Y khoa châu Âu ngày 16 tháng10, tại Hotel Novotel Paris 14, mà chủ đề là bệnh Tiểu đường. Giáo sư Trần Đại Sỹ diễn giảng đề tài về khả năng Y khoa Trung quốc, Việt Nam trong trị tiểu đường có đoạn:
«Tại Trung quốc, sau khi Hồng quân chiếm được Hoa lục (tháng 9.1949), họ đã thiết lập mỗi tỉnh đều có một viện nghiên cứu, giáo dục y học cổ truyền mang tên Trung y học viện. Tại Việt Nam thì cấp quốc gia có Viện Đông Y, rồi Viện Y Học Dân Tộc, rồi Viện Châm Cứu. Ấy là chưa kể bên cạnh còn những hội nghiên cứu từng loại bệnh, từng loại thảo dược.
Việt Nam là một quốc gia có nền y học dân gian, khác hẳn với y học Trung quốc. Trong suốt chiều dài chiến tranh (1945-1985, kể cả chiến tranh Hoa-Việt, Miên-Việt) hoàn cảnh khó khăn, người ta khai thác cùng kỳ cực y học dân gian. Sau chiến tranh, các kinh nghiệm đó được chỉnh đốn lại, rồi khai triển, xử dụng. Kết quả không thua nền y khoa bác học và Tây y.
Đó là nói về những nét chung chung sự quan tâm của giới cầm quyền, lưu tâm đến kinh nghiệm dân gian. Thế nhưng trong dân gian, người biết cùng kỳ cực thì ít, mà người chỉ nghe qua, biết qua thì nhiều. Họ không tự hiểu rằng họ chỉ nghe truyền khẩu chút ít mà thôi. Thế nhưng họ rồi khăng khăng cho rằng điều mình biết là thuốc tiên thuốc thánh.
Bỏ qua những phong trào chỉ xuất hiện trong một làng, một huyện hay một tỉnh. Tôi xin nói qua về ba phong trào lớn, khắp quốc gia, lan ra thế giới do làn sóng Việt kiều.
- Một là Xuyên tâm liên, Sau 1975, Tây dược khan hiếm toàn miền Nam Việt Nam. Thảo dược không đủ đáp ứng nhu cầu. Dân chúng một vài nơi có kinh nghiệm dùng cây Xuyên tâm liên để trị sốt, viêm. Sau khi một ký giả đăng tin có thầy lang dùng Xuyên tâm liên trị được bệnh viêm phổi, sưng khớp. Thế là cả nước cùng dùng Xuyên tâm liên trị đủ thứ bệnh. Xuyên tâm liên được rút nước cốt chế thành viên, dùng trong hầu hết các bệnh xá, bệnh viện. Mà trên thực tế Xuyên tâm liên chỉ có tác dụng làm hạ nhiệt mà thôi.
Xuyên tâm liên còn có tên là Công cộng, Nguyên cộng, Lam khái liên. Thời Pháp thuộc tại Pondichery có tên Roi des amers. Tại Anh là Green chireta. Tên khoa học là Andrographis paniculata (Burm). Còn có tên là Justicia paliculata Burm. Thuộc họ Ô rô (Acanthaceae)
Cái nguy hiểm là Xuyên tâm liên có độc tố phá vỡ các tế bào não, tâm, thận. Sau một thời gian, Xuyên tâm liên cướp đi cuộc sống không biết bao nhiêu người, phong trào này mới dứt.
- Hai là Tim sen, Tim sen vị đắng, nhập tâm, tâm bào kinh. Tác dụng của nó là hạ nhiệt. Hạ nhiệt tim, thận, tỳ, phế. Vì vậy những người bị thực nhiệt uống vào thì hỏa hạ xuống; trong người cảm thấy sảng khoái, ngủ được. Những người bị âm hư, uống vào cũng ngủ được, nhưng ít lâu sau sẽ bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường, tắc tĩnh động mạch. Nam thì bất lực sinh lý (Dysfonction Érectille), nữ thì kinh nguyệt xáo trộn. Ngoài ra tim sen có độc tố. Độc tố này làm hủy hoại tế bào óc, thận và tim.
- Ba là trà đắng (trà đinh), Gần đây trong nước rộ lên phong trào uống Trà đắng. Trà đắng có hai loại, một tên là Ilex cornuta Lindl mọc ở Giang tô, Triết giang, Thượng du Bắc Việt. Một loại có tên Ilex latifonia Thund mọc ở Triết giang, Phúc kiến, Quảng Tây và Thượng du Bắc Việt. Sau khi thu thái, người ta cuộn lại giống hình cái đinh, nên gọi là Trà đinh. Trong nội địa Việt Nam rộ lên phong trào dùng trà đinh để trị huyết áp cao, mất ngủ, cholestérol, tiểu dường. Rồi con buôn nhảy ra khai thác: Trà tiên trị bách bệnh.
Phong trào đó lan ra hải ngoại. Hầu hết những bà thất học, bất chấp lời can của Bác sĩ gia đình, của thân thuộc là nạn nhân. Họ như bị ma, quỷ nhập, cứ thi nhau uống. Loại trà này dược học Trung quốc gọi là Khổ đinh trà. Có tác dụng tả hỏa, thanh nhiệt rất mạnh vì vậy nó làm cho dễ ngủ, nhất là một vài dạng huyết áp cao, tiểu đường hạ xuống (Huyết áp cao do Can dương thượng thăng. Tiểu đường do Phế âm hư). Tính của nó hàn. Khi dùng từ 5g một ngày:
- Khí huyết bị bế tắc.
- Thận, tâm, tỳ, phế dương bị tổn hại.
- Máu ứ đọng trong các tiểu mạch, tim đập chậm lại.
Tại Liên Âu đã xẩy ra rất nhiều tai nạn khi dùng loại trà này. Trà được đưa vào Liên Âu qua đường du lịch, bất hợp pháp. Những nạn nhân hầu hết là phụ nữ lớn tuổi, thất học, khi về thăm Việt Nam, Nam Trung quốc mang sang.
Xin thuật hai y án mới nhất:
1. Bà X R, 53 tuổi, thất học, buôn bán, sống tại Berlin (Đức)
Có một con gái 18 tuổi, đã cắt tử cung. Tuyệt kinh từ năm 43 tuổi. Thường bị mất ngủ, phong thấp. Tết Ất Dậu (2005) về thăm quê. Được người nhà khuyên uống Trà đinh. Sau khi uống, thấy ngủ được (do tính hàn), và phong thấp giảm đau (do tính hàn, chống phong là dương tà). Khi rời Việt Nam về Berlin, mang theo 10 kg, chia thành túi nhỏ 5g, tặng cho khách hàng của bà. Riêng bà mỗi ngày uống 5g buổi sáng, 10 buổi chiều. Sau hơn tháng:
- Tóc bắt đầu đổi mầu úa vàng, sáng dậy tóc bị gẫy.
- Trí nhớ giảm thoái,
- Nhịp tim còn 55/ phút,
- Bàn chân, tay lạnh,
- Lưng lạnh,
- Độ kính lão từ 1,5 tăng lên 2,5.
- Ăn vào đầy ứ, khó tiêu.
Bác sĩ gia đình là người Đức, nên không hề biết gì về Trà đinh, mà cứ cho rằng bà X bị tình trạng lão hóa tăng do làm việc quá độ. Sang tháng thứ 5, đang đi đường bị choáng váng, ngã. Đưa vào bệnh viện. Bệnh viện tìm ra:
- 65% tế bào óc không làm việc,
- Tâm lực suy yếu.
- Bao tử, ruột, gần như không làm việc.
- Siêu vi gan B, do độc tố.
Bà từ trần tại bệnh viện sau 21 ngày.
2. Bà ZM, 75 tuổi. Không nghề nghiệp, hưởng tiền trợ cấp già.
Vì con dâu bà là học trò của tôi. Luật nước Pháp không cho con điều trị cho cha mẹ. Nên con dâu bà nhờ tôi làm y sĩ điều trị cho bà (Médecin traitant) đã 9 năm. Cũng qua liên hệ này tôi nhận thù lao của bà bằng CMU. Suốt 9 năm, tôi săn sóc bà cực tận tình: chích ngừa, kiểm soát ăn uống, dạy Khí công. Cho nên sức khỏe của bà rất tốt. Tới tháng 7-2005 bà chỉ phải dùng 2 loại thuốc là 2 gói (sachets) trà Hao ling trị Cholestérol và Amlor 5 trị huyết áp cao. Giữa tháng 7 bà về Việt Nam thăm quê hương. Không biết ai khuyến khích, bà bỏ hết 2 loại thuốc trên mà chỉ uống Trà đinh với lượng cao là 10g một ngày, mà lý ra chỉ dùng 5g là đã có tai vạ rồi. Khi về Pháp, bà mang theo 5kg Trà đinh. Bà có hẹn với tôi định kỳ hằng tháng vào ngày 5 tháng 9 năm 2005, để kiểm soát sức khỏe. Khi bà trình diện, nhìn sắc diện bà, tôi kinh hãi:
- Tóc, lông mi, lông mày hóa ra mầu úa thay vì muối tiêu,
- Da mặt ủng vàng,
- Tứ chi lạnh,
- Huyết áp 13-7 (trước kia là 16-8).
- Tim đập 50/ phút.
- Kiểm soát đường tại chỗ 8,5 g/l.
Vì buổi sáng bà không ăn gì, tôi gửi thẳng bà tới laboratoire, hai ngày sau tôi được kết quả:
- Hồng cầu còn 3.5 triệu,
- Créatinine tăng tới 54
- Bà bị Hépatite B+C.
Tôi gửi bà tới một đồng nghiệp nội khoa, và báo cho con dâu bà biết. Tôi khẩn thiết yêu cầu bà ngừng Trà đinh ngay. Bà cự nự rằng chết thì chết, chứ bà không bỏ thuốc tiên đó. Con trai bà biết không cản được mẹ, anh ta dấu hết Trà đinh của bà. Bà đứng trước balcon đe dọa: Nếu không trả thuốc tiên cho bà thì bà nhảy lầu tự tử ngay. Bà được toại nguyện. Ngay lập tức ngày 9.9.2005 tôi nhận được thư bảo đảm có báo nhận. Trong thư bà rút lại không nhận tôi là y sĩ điều trị của bà. Thông thường muốn đổi y sĩ điều trị, thì bệnh nhân chỉ viết thư báo cho cơ quan bảo hiểm y tế biết, và điện thoại cho y sĩ điều trị là đủ. Đây bà muốn trả ơn 9 năm chăm sóc bà bằng hành động làm nhục trên. Tôi vội fax thư của bà cho văn phòng bảo hiểm y tế của bà và con dâu bà. Tôi xoa tay, hết trách nhiệm.
Ngày 14.9.2005, con dâu bà báo cho tôi biết, bà bị hôn mê, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bệnh viện kết luận bà bị hôn mê vì trúng độc. Hiện (11.10.2005) bà bị liệt 2 chân, tay phải, một mắt mù 100%, một mắt thị lực còn 40%. Trong cơn hôn mê bà réo tên tôi cầu cứu. Nhưng tôi vô thẩm quyền, chỉ có thể vào nhà thương thăm bà vì bà là mẹ chồng của một người học trò tôi, chứ tôi không còn quyền y sĩ điều trị.
Dr. Bùi Kim Loan (Gyneco-Obst)
Hopital Bietighiem, Universitat Heidelberg, Germany
Bs. Michael Holtzman cùng các cộng sự viên tại Đại Học Washington, St Louis tìm hiểu cơ nguyên nhiễm siêu vi trùng cảm cúm.
Kết quả thử nghiệm cho thấy khi chuột bị nhiễm siêu vi trùng tăng cao một thứ bạch đản tên là CCL5.
Thực vậy, chuột bị cảm cúm sản xuất CCL5 gấp trăm lần chuột bình thường.
Chuột thiếu CCL5 chết lẹ vì nhiễm siêu vi trùng cảm cúm gấp bội lần chuột bình thường. Nghiên cứu bệnh lý học cho thấy đại thực bào tích tụ đầy rẫy trong bộ máy hô hấp chuột chết vì thiếu CCL5.
Đại thực bào bị chết vì không kịp di chuyển khi bị siêu vi trùng cảm cúm tấn công.
CCL5 có thể phát xuất dấu hiệu giúp đại thực bào khỏi tử vong khi nhiễm siêu vi trùng cảm cúm. Hay nói cách khác, chính CCL5 giảm tế bào tử hủy, giúp đại thực bào không bị tử vong.
Nguyên tắc tăng CCL5 có thể giúp đại thực bào sống còn và tăng cường hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể. (Nature Medicine, October 9, 2005)
Cảm Cúm Đang Tới
Mùa cúm (flu) sắp tới. Nhưng bây giờ cũng là mùa của bệnh cảm (common cold). Cảm và cúm thường hay lẫn lộn.
Trời trở lạnh. Người ta thường tụ họp ở nhà nhiều hơn. Và đó là lúc siêu vi trùng cảm dễ truyền nhiễm từ người nọ sang người kia. Mỗi năm, tại Hoa Kỳ, người ta bị cảm trở đi trở lại nhiều lần, tổng số lên tới một tỷ lần. Cảm rất thông thường: người lớn bị cảm từ 2 tới 4 lần mỗi năm, còn trẻ em thì nhiều hơn, từ 6 tới 8 lần mỗi năm. Phụ nữ lứa tuổi từ 20 tới 30, bị bệnh cảm nhiều hơn đàn ông, có lẽ là vì họ tiếp xúc thường xuyên với trẻ em khi bị mắc bệnh cảm.
Nguyên nhân bệnh cảm:
Có khoảng hơn 200 siêu vi trùng có thể sinh ra bệnh cảm. Nhất là siêu vi trùng như rhinoviruses gây cảm nặng. Những siêu vi trùng khác như parainfluenza hay siêu vi trùng respiratory syncitial virus gây cảm nhẹ cho người lớn, nhưng lại gây cảm nặng cho trẻ em, nhất là khi chúng tấn công cuống phổi hay lá phổi của trẻ em.
Rhinoviruses (rhin, theo chữ Hy-lạp nghĩa là nose, mũi), 30 tới 35 phần trăm là nguyên nhân của bệnh cảm truyền cho người lớn, xuất hiện vào khoảng đầu thu, mùa xuân hay mùa hè. Có hơn 110 loại siêu vi trùng rhinovirus, rất thích hợp với nhiệt độ 330C (91F), tương đương với nhiệt độ của màng nhầy trong mũi chúng ta.
Coronaviruses cũng sinh ra bệnh cảm cho người lớn, thường vào mùa đông hay đầu xuân. Có tới 30 loại siêu vi trùng này, nhưng thực ra chỉ có 3 hay 4 siêu vi trùng tấn công được vào người.
Tuy nhiên, khoảng 10-15% bệnh cảm là do những siêu vi trùng khác, như:
Adenoviruses, coxsackieviruses, echoviruses, orthomyxoviruses (kể cả loại cúm influenza A và B), paramyxoviruses (kể cả siêu vi trùng parainfluenza), siêu vi trùng hô hấp syncytial virus và enteroviruses.
Khoảng 30-50% bệnh cảm của người lớn, có thể do siêu vi trùng sinh ra. Phần khác, cũng có rất nhiều siêu vi trùng gây bệnh cho trẻ em, nhưng cho tới lúc này chưa ai biết rõ là những loại siêu vi trùng gì.
Người mắc bệnh cảm bị nhiễm siêu vi trùng cảm, nhưng cũng có thể bị nhiễm thêm nhiều vi trùng khác. Đôi khi siêu vi trùng cảm có thể phát hiện siêu vi trùng herpes simplex, làm lở mũi, lở miệng.
Khí hậu có sinh ra cảm không?
Thời tiết thay đổi thất thường như nóng quá hay lạnh quá có lẽ không có ảnh hưởng là bao nhiêu cho sự nẩy sinh bệnh cảm, hoặc làm cho bệnh cảm năng thêm. Vấn đề tập thể dục, dinh dưỡng, hay bệnh thịt dư trong cổ họng (tonsillar hypertrophy) của trẻ em, đều không có liên hệ gì với bệnh cảm.
Triệu chứng bệnh cảm
Sau khi siêu vi trùng xâm nhập vào cơ thể, thì khoảng 1 tới 3 ngày sau là thấy có triệu chứng. Bình thường kéo dài khoảng tuần lễ. Có tới 25 phần trăm bệnh kéo dài 2 tuần lễ. Đối với những ai hút thuốc lá, triệu chứng cảm sẽ nặng hơn.
Những triệu chứng bệnh cảm gồm có chảy nước mũi, nước mũi, nghẹt mũi, hắt xì, đau tai, ngứa và khô cổ họng, và ho; ăn không ngon, mệt mỏi; khả năng vị giác và khứu giác có thể bị giảm, khan giọng, nói như nghẹt mũi. Người lớn có thể bị nóng sốt nhẹ, nhưng trẻ em có thể bị nóng nhiều hơn.Triệu chứng cảm sinh ra là do phản ứng miễn nhiễm của cơ thể, lúc vi trùng xâm nhập vào mũi và cổ họng.
Hiện giờ không có thử nghiệm để định bệnh cảm, mà bác sĩ chỉ dựa theo triệu chứng để định bệnh.
Phòng ngừa cảm:
Bệnh cảm khá thông thường, khó mà tìm cách tránh được. Tuy nhiên cũng xin trình bày vài phương pháp căn bản để tránh cảm như sau. Nên tránh không gần người đang bị cảm, nhất là trong 3 ngày đầu, vì lúc đó, siêu vi trùng dễ truyền nhiễm nhiều nhất. Nên rửa tay nếu lỡ chạm vào da người có bệnh, hoặc ngay cả sau khi bạn và người mắc bệnh cùng rờ vào một vật gì. Không nên để ngón tay vào mũi hay mắt của bạn.
Nếu bị cảm, bạn cũng nên có bổn phận tránh truyền nhiễm bệnh sang người khác, chẳng hạn như khi ho hay hắt xì, nên lấy khăn giấy che mũi, che miệng. Rửa tay sau khi ho hay hắt xì. Nếu bạn bị cảm, thì nên tránh xa những người bị bệnh suyễn hay bệnh phổi kinh niên, đừng lây bệnh sang họ, nhất là trong 3 ngày đầu khi mới bị cảm, vì đó là lúc truyền bệnh dễ nhất.
Chữa bệnh cảm:
Cần nhất là phải uống nhiều nước hay nước trái cây. Uống nhiều nước cho mũi và cổ họng khỏi bị khô, và để giúp cho đờm, nước mũi ra ngoài dễ dàng. Không nên uống cà phê, nước trà hay nước ngọt như colas, vì có chất caffeine dễ làm cơ thể bị khô nước. Xúc miệng bằng nước muối ấm, ngậm cough drops, hay bơm throat spray, để có thể giúp khỏi đau cổ họng và giảm ho (thuốc mua tự do nhưng nên hỏi dược sĩ).
Thuốc giảm đau nhức mình mẩy, như: acetaminophen (tylenol), aspirin (chỉ dùng cho người lớn, không dùng cho con nít), hoặc ibuprofen (Advil hay Motrin: không được dùng nếu bị yếu bao tử hay lở loét bao tử).
Nếu bị ho và nghẹt mũi thì nên dùng dùng thuốc chống nghẹt (decongestants) hay thuốc kháng histamines (antihistamines), có bán tự do. Có những thuốc kháng histamines mới, không buồn ngủ, nhưng cần toa bác sĩ, thí dụ như: texofenadine (Allergra), loratidine (Claritine) và cetirine (Zyrtec). Những thuốc này rất mắc tiền, chữa bệnh dị ứng rất tốt, nhưng có lẽ không giúp gì được nhiều cho bệnh cảm. Hình như thuốc kháng histamines cũ như diphenhydramine (Benadryl) và chlorpheniramine (Chlor-Trimeton), mặc dầu làm cho bệnh nhân buồn ngủ, nhưng lại có hiệu quả hơn và làm giảm nghẹt mũi và ho, khá hơn. (Bạn nên hỏi ý kiến dược sĩ hay bác sĩ trước khi mua thuốc hay dùng thuốc, vì đôi khi cũng có phản ứng phụ cho một số bệnh nhân, chẳng hạn như khi bị bệnh cao huyết áp hay bị bệnh co mạch máu tim -ischemic heart disease- thì không nên uống thuốc cảm nếu có chứa nhiều chất pseudoephe-drine).
Bệnh cảm không chữa bằng thuốc trụ sinh, trừ khi bệnh nhân bị nhiễm thêm vi trùng khác.
Biến chứng
Bình thường thì bệnh cảm sẽ dần dần bình phục trong vài tuần lễ, dù uống thuốc hay không uống thuốc. Nhưng siêu vi trùng cảm có thể bám vào bộ phận hô hấp, làm nhiễm trùng, như viêm xoang, nhiễm trùng tai và viêm cuống phổi, cần phải dùng thuốc trụ sinh. Bạn cũng nên đi gặp Bác sĩ ngay, nếu có những biến chứng sau đây: Triệu chứng cảm thấy bất thường, có vẻ trầm trọng hơn, nóng sốt nhiều hơn.(102 đ F hay cao hơn). Người đờ đẫn. Vùng xoang (sinus) bị đau hay cảm thấy đau răng. Đau lỗ tai, nổi hạch ở cổ. Khó thở. Ho nhiều hơn, mặc dầu thấy triệu chứng cảm lại có vẻ bớt hơn. Ho ra đờm xanh, vàng, là nhiễm thêm vi trùng, làm viêm xoang, hay viêm cuống phổi.
Cảm có thể gây suyễn. Nếu đang bị hen, suyễn, hay viêm cuống phổi kinh niên, thì bệnh có thể nặng hơn, và kéo dài nhiều tuần lễ.
Bệnh cảm của trẻ em
Hầu hết trẻ em dưới năm tuổi bị cảm thường xuyên- trung bình 6 tới 8 lần một năm. Trên 6 tuổi, sẽ ít bị cảm hơn. Khi tới tuổi vị thành niên, sẽ bị cảm từ 2 tới 4 lần một năm, giống như người lớn.
Bất cứ trẻ em nào bị nóng và có triệu chứng cảm đều phải đưa đi gặp bác sĩ. Vì chủ trương chữa cảm cho con nít là làm cho trẻ được dễ chịu hơn, đặc biệt giảm nghẹt mũi. Nên dùng máy làm ẩm không khí để cho mũi trẻ khỏi bị khô. Trong trường hợp trẻ đã lớn tuổi, có thể dùng thuốc nhỏ mũi hoặc rửa mũi, để làm cho thông mũi (nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình). Cũng giống như người lớn, có thể cho trẻ uống acetaminophen để chữa nóng và đau nhức. Ibuprofen (Children’s Motrin hay Children’s Advil) cũng dùng được để chữa nóng và đau nhức cho trẻ em nhỏ tuổi. Bạn không nên cho trẻ uống aspirine, vì nếu lỡ con bạn không phải bị bệnh cảm mà là cúm, thì có thể sinh ra hội chứng Reye, làm chết người. Hội chứng Reye hiếm có, rất nguy hiểm, có thể làm hư gan, viêm màng óc, và gây tử vong, 30%.
Sau hết, chúng ta thử tìm hiểu vài tập tục khác chữa cảm mà người Mỹ hay dùng. Như uống nhiều Sinh tố C, tuy chưa chứng minh được là dùng để trị cảm hay phòng ngừa cảm. Có thể uống một liều lượng tối thiểu sinh tố C mỗi ngày.
Thuốc có chất kẽm (Zinc lozenges) chưa biết rõ có thể làm bệnh cảm chóng bình phục hay không, vì thử nghiệm chưa có kết quả cụ thể.
Nên tránh tập tụ đắp rượu cồn (alcohol), khi bị lạnh.
Ăn súp gà, mặc dầu không phải để chữa cảm, nhưng cũng tốt, vì cơ thể bệnh nhân cần thêm nước.
Mặc áo ấm, không phải để tránh cảm cúm, nhưng có thể phòng ngừa viêm sưng phổi.
Nói tóm lại, mùa thu và mùa đông là thời điểm bị bệnh cảm, cũng vào thời kỳ bệnh cúm. Chỉ còn vài tuần nữa cúm sẽ tới. Nhưng cúm khác với cảm. Cúm do siêu vi trùng Influenza A, B, và đôi khi C, còn cảm thì do 200 siêu vi trùng khác, nhiều nhất là Rhinoviruses như đã trình bày ở trên.
(Tham khảo: American Lung Association- Cold and Flu- 1997; The National Institute of Allergy and Infectious Diseases of the National Institutes of Health -The common cold- 1998; D. Rosin: The common cold and your sinuses, 1998)
Có người đã nói:
"Sống một cách khỏe mạnh không phải là một nghệ thuật ta phải học, mà đó là một khuynh hướng bẩm sinh ta phải trở về với nó".
Á Đông ta quan niệm "nhân chi sơ, tính bản thiện".
Khởi thủy, mọi sự đều tốt đẹp. Sau khi sanh, mẹ tròn, con vuông. Con lớn lên theo nhịp điều hòa của tạo hóa. Nếu không có những ngoại cảnh ngang trái, những vi phạm luật thiên nhiên, thì con người cứ thuận buồm xuôi gió cho tới khi đi vào miền vĩnh cửu với sự chết.
Nhưng, vì những ngoại cảnh không tốt, những phung phí, vô độ, con người không còn cái lành mạnh bẩm sinh. Người ta đau yếu, bệnh hoạn. Người ta không vui với cuộc đời và người ta vội vàng đi tìm kiếm con đường trở lại cái an bình ban đầu: những bài học Vệ Sinh Thường Thức, những quy luật sống, những kiêng khem, vận động...để có một Sức Khỏe Tốt.
Ta vẫn thường nghĩ rằng, không khuyết tật, không cao huyết áp, tiểu đường, cholesterol, không ung thư, loét bao tử...là khỏe mạnh. Nhưng thực ra như vậy chưa đủ. Sức khỏe đã được khoa học quan niệm một cách rộng rãi hơn.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Khỏe mạnh bao gồm sự gắn bó của ba khía cạnh: thể chất vẹn toàn, tâm thần ổn định và gia đình xã hội hài hòa.
Một cơ thể không có bệnh tật nhưng phần hồn thì luôn luôn tiêu cực bi quan thì liệu có khỏe mạnh được không. Ấy là chưa kể nếu gia đạo bất an, bằng mặt không bằng lòng với lân bang, chòm xóm. Làm sao mà ăn ngon ngủ yên, làm sao mà chẳng thường trực "vui là vui gượng kẻo mà"..
Tổ chức The American Health Foundation, một tổ chức y tế lớn ở Hoa Kỳ, đã nêu ra mười điều mà họ gọi là The Ten Golden Rules for Good Health.
Chúng tôi xin cùng quý vị khai triển, áp dụng những lời nhắn nhủ này, như là một quyết tâm đầu năm Dương Lịch 2006 và Âm Lịch Bính Tuất.
1- Cần có sự khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ.
Rất cần thiết nhưng nhiều khi chúng ta cũng hay quên. Chiếc xe hơi, làm bằng kim loại bền chắc, hàng năm đều được chính quyền nhắc nhở mang đi kiểm soát để có thể lưu hành trên trục lộ, cũng như lâu lâu phải tự động mang tới bác thợ máy để chỉnh trang tune up. Cơ thể con người bằng xương bằng thịt chắc là cũng cần sự định kỳ chăm sóc như vậy.
a- Mục đích là để tìm ra những bệnh có thể chữa được mà triệu chứng chưa lộ diện và điều chỉnh những yếu tố nguy hiểm có thể gây ra bệnh. Đồng thời cũng để bác sĩ hiểu rõ tình trạng sức khỏe chung của mình.
b- Bao lâu khám tổng quát một lần. Tùy theo tuổi và điều kiện sức khỏe của mỗi người. Sau đây là đề nghị lịch trình cho những người không có triệu chứng bệnh: Từ 18-24 tuổi thì cứ mỗi 5 năm; sau 30 tuổi thì mỗi 3 năm; tuổi 40-60 thì cách năm khám một lần; ngoài 60 tuổi thì nên khám tổng quát hàng năm. Có nhiều ý kiến cho rằng khám hàng năm cho mọi người cũng tốt thôi.
c- Cần sửa soạn gì trước khi đi khám. Ghi những điều gì mà mình muốn hỏi bác sĩ, những khó khăn triệu chứng bệnh trạng, thuốc men đang uống. Giả dụ là mình bị đau bụng thì ghi rõ đau bao lâu, lúc nào thì đau, đau kéo dài lâu mau, đau có di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, làm gì để bớt đau, có yếu tố nào làm đau tăng lên....Vì nhiều khi gặp thầy thuốc, quá xúc động lại quên đi vài điều.
d- Bác sĩ sẽ làm gì. Bác sĩ sẽ hỏi tình trạng sức khỏe, bệnh cũ, bệnh mới, quá trình giải phẫu, tai nạn đã có, thói quen tốt xấu trong đời sống, bệnh tình của thân nhân trực hệ, thuốc đang uống, dị ứng với thuốc hoặc môi sinh...
Sau đó là phần khám tổng quát toàn cơ thể. Sự khám này được thực hiện một cách hết sức chuyên môn, đầy nhân tính và tôn trọng người bệnh. Chiều cao, sức nặng, huyết áp, nhịp tim được ghi nhận.
Cũng như Đông Y, bác sĩ sẽ áp dụng phương thức Vọng,Văn,Vấn, Thiết để chẩn bệnh. Nghe nhịp tim, phổi, nắn bụng, nhìn mắt, khám tai, cuống họng, miệng. Đây là một cuộc khám xét từ đầu tới chân, không sót một cơ quan, địa điểm nào. Ở nữ giới, còn khám ngực, tử cung; nam giới, khám nhiếp tuyến. Rồi sẽ có việc thử máu, nước tiểu, và nếu cần, chụp hình quang tuyến phổi.
e- Phần thảo luận. Sau khi có đủ các dữ kiện về tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ cho ta biết kết quả, rồi cho toa thuốc.
Đây là lúc ta cần hỏi bác sĩ tất cả những thắc mắc về bệnh trạng của mình, kết quả thử nghiệm, có phải uống thuốc không, uống trong thời gian bao lâu, phản ứng thuốc, có cách chữa nào khác ngoài dược phẩm, bao giờ phải trở lại để tái khám.
Người được coi như lương y tốt là người bỏ nhiều thì giờ cắt nghĩa tường tận cho bệnh nhân và trả lời những câu hỏi một cách vui vẻ, cởi mở.
Cũng trong dịp khám tổng quát này, ta nên hỏi bác sĩ về chủng ngừa các bệnh xem có cập nhật không. Như là viêm gan A, B, phong đòn gánh, yết hầu, sưng phổi.Và nhớ chích ngừa Cúm mỗi cuối năm.
Việc khám tổng quát chỉ giản dị có vậy nhưng mang lại cho ta rất nhiều lợi ích, nhất là tránh được những bệnh trầm kha.
2- Hãy đừng ghiền thuốc lá
Tác dụng độc hại của thuốc lá thì ai cũng biết, ngay cả quý vị hiện đang liên tục "nhớ nhà châm điếu thuốc". Vì hậu quả của cái món "khói vàng bay lên cây" này đã được chứng minh cụ thể. So với không hút thuốc, người ghiền thuốc lá có tỷ lệ tử vong vì ung thư phổi 22 lần nhiều hơn; gấp đôi bị tai biến não; 10 lần nhiều hơn bị nghẹt phổi mãn tính; và nhiều nguy cơ bị ung thư miệng, cuống họng, thanh quản, tụy tạng hơn.
Chẳng thế mà trên mỗi bao thuốc lá đều có một lời nhắn nhủ, cảnh cáo: hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi, có hại cho sức khỏe, gây bệnh tim mạch, ảnh hưởng tới thai nhi.
Tại mọi quốc gia, ngân quỹ công tư đã tốn cả nhiều tỷ bạc để chữa những bệnh gây ra vì thuốc lá. Đồng thời các công ty sản xuất thuốc lá đang bị kiện bồi thường cả vài trăm tỷ mỹ kim thiệt hại do thuốc lá gây ra cho nhân loại cũng như cho tài sản quốc gia.
Nếu bỏ được thì ta nên cố, dù biết rằng khó khăn vì đây là một thói quen nó vương vấn, như ta thường nói: "Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên". Ghiền thuốc lá thì lại dễ tái diễn vì thuốc bán sẵn khắp nơi, trình bày hấp dẫn, quảng cáo mời chào ân cần.
Trên thị trường có bán nhiều dược phẩm giúp ta cai thuốc lá. Hoặc giản dị là dùng diệu kế "thuốc xin thì hút, thuốc mua thì đừng" để giảm thiểu số lượng thuốc hút trong khi lập kế hoạch giã từ nicotine.
3- Uống rượu vừa phải thôi
Tranh luận, nghiên cứu về ích lợi của rượu với sức khỏe đã diễn ra rất hào hứng, nhưng kết luận chính xác chưa được thống nhất.
Sau một cuộc nghiên cứu kéo dài 12 năm trên nhiều triệu người, Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ, đưa ra một kết luận là uống rượu vừa phải dường như có tác dụng tốt vào bệnh tim mạch. Một số các nhà chuyên môn y học cũng cho là một người uống một, hai drinks mỗi ngày thì ít bị bệnh tim mạch hơn là người không uống. Một drink tương đương với 150 cc rượu vang, 50 cc rượu mạnh 80 độ, hay 360cc rượu bia.
Nhưng theo nhiều nhà chuyên môn khác thì nếu chưa bao giờ uống, có lẽ cũng chẳng nên bắt đầu để hy vọng có điều tốt. Vì ta nên nhớ là rượu ít có giá trị dinh dưỡng, lại nhiều calories, nên được dự trữ trong cơ thể dưới dạng mỡ. Đồng thời rượu cũng làm tiêu hao các sinh tố B, C, K và chất kẽm, potassium, magnesium là những chất rất cần trong cơ thể.
Và uống nhiều rượu làm tăng các bệnh ung thư vú, trực tràng; dễ gây ra tai biến mạch máu não, xơ gan, ung thư thực quản cũng như là nguyên nhân của nhiều trường hợp tự tử, giết người, gia phong rối loạn.
Nam vô tửu như kỳ vô phong. Nhưng gió mạnh thì cờ cũng rách bươm; mà rượu nhiều thì gan cũng xơ cứng, da vàng bụng trướng.
4- Hãy để ý tới sức nặng cơ thể
Sức nặng cơ thể thay đổi tùy theo tuổi tác, cao thấp và cấu trúc bộ xương. Người trưởng thành cao 5f10 nên nặng từ 160-170 lbs là vừa.
Để đáp ứng nhu cầu căn bản cho cơ thể làm việc, ta cần từ 1800 đến 2500 Calories cho 24 giờ. Ăn nhiều mà không vận động, năng lượng dư thừa chuyển thành dự trữ mỡ làm ta béo mập, gây nhiều bệnh cũng như làm giảm tuổi thọ.
Muốn tính lượng calorie trong thức ăn cũng không khó: Từ năm 1990, đạo luật về nhãn hiệu dinh dưỡng đã được ban hành, mục đích giúp ta chọn thức ăn theo ý muốn. Trên nhãn hiệu, nhà sản xuất thực phẩm phải ghi rõ thành phần các chất dinh dưỡng, số lượng calorie cũng như những gia vị trong món ăn.
Giản dị như các cụ ta thì cứ "Ăn ba phần đói, bẩy phần no" là tốt hơn cả. Vừa còn hơi thèm thuồng món ăn mà lại nhẹ bụng, đi lại dễ dàng.
5- Canh chừng lượng cholesterol trong máu
Có ba thành phần cholesterol trong máu mà ta cần lưu ý. Tổng số cholesterol, HDL và LDL.
Lý tưởng nhất là khi lượng cholesterol toàn phần ở dưới 200mg/dl. Từ 200 tới 239mg/dl, ta cần ăn kiêng khem chất béo. Trên 240mg thì cần phải uống thuốc cho hạ xuống.
Cholesterol cao gây ra bệnh xơ cứng động mạch đưa đến bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
HDL trung bình là 45 mg/dl và càng cao càng tốt; LDL thuộc loại xấu, dưới 130 mg/dl thì được chứ cao trên 160 mg/dl cần được điều trị hạ thấp.
Ta có thể tự đo cholesterol với các thuốc thử bán ở chợ tốn chừng 15-20 đồng.
Nếu cholesterol cao thì ăn thịt không có mỡ, thịt gà bỏ da; dùng dầu thảo mộc; nướng hoặc hấp, đừng chiên; ăn nhiều cá, trái cây, rau, đậu.
6- Cần biết giá trị dinh dưỡng của thực phẩm
Đa số thực phẩm bầy bán đều mang một nhãn hiệu ghi rõ giá trị dinh dưỡng. Từ một gói mỳ khô, một bình sữa, lon nước ngọt đều có. Chỉ cần dành ra vài phút đọc là ta có thể chọn lựa thức ăn thích hợp và tránh được nguy cơ mắc các bệnh về tim, cao huyết áp, béo mập, bệnh tiểu đường và vài loại ung thư.
7- Dành thì giờ cho có lúc nhàn rỗi và đi du lịch
Cơ thể làm việc quần quật suốt 365 ngày thì cũng nên dành ít tuần đi đây đi đó, nghỉ xả hơi.
Hàng năm, dân bản xứ tiêu gần hai trăm tỷ mỹ kim cho việc đi du lịch. Giải trí và du lịch là một trong những ưu tiên hàng đầu trong đời sống của họ.
Đi coi biểu diễn thể thao, cắm trại, đi câu cá, đi săn bắn cho thư giãn tâm hồn sau những ngày cực nhọc với công kia việc nọ. Đi du lịch để cho biết đó biết đây cũng như để có một đời sống riêng tư, quên hết mọi việc ở thế gian trong một thời gian ngắn.
Đấy cũng là một cách bảo trì bộ máy con người để sống và sinh hoạt hữu hiệu.
8- Thích nghi với những sức ép, căng thẳng trong đời sống hàng ngày
Xã hội đầy dẫy những khó khăn, trở ngại, bực mình, những hỉ, nộ, ái, ố, lạc. Quan trọng là làm sao ta thích nghi được với chúng để mà sống. Sự thích nghi này tùy thuộc vào khả năng đối phó, đương đầu của mỗi cá nhân.
Ta sẵn sàng giải quyết vấn đề, nếu không được thì rút lui, quên nó đi. Đấy là chiến thuật mà khoa học mệnh danh là "Fight or Flight response". Á châu ta thì "Tẩu vi thượng sách" hoặc "chín bỏ làm mười".
9- Sắp xếp một chương trình vận động cơ thể
Có nhiều lý do để không vận động cơ thể: Tôi không có hứng thú tập.Tập làm tôi đói, tôi phải ăn nhiều hơn rồi tôi mập. Tập làm lông nheo mắt tôi hư, phấn son loang lổ. Chạy treadmill nhỡ dạ con của tôi nó tuột ra ngoài thì sao!
Nhưng chỉ có một lý do để ta phải vận động: nếu ta muốn sống MẠNH, sống VUI.
Cần phải có một chương trình tập luyện thích hợp với mình rồi dành thì giờ để thực hiện, coi sự tập như một thiết yếu hàng đầu, một người bạn đồng hành.
10- Biết tự lượng khả năng và giới hạn sức khỏe của mình
Các cụ bảo: biết người, biết mình. Sức trói gà không chặt mà đòi tỷ thí võ đài với Mike Tyson thì chắc là bị knock out xuống tận đất đen. Ghép nối mạch máu tim hai ba lần mà đòi chạy marathon thì đi xe nhà đòn Tobia còn mau hơn.
Thành ra, xin cứ liệu cơm gắp mắm.
KẾT LUẬN
Đấy là một số "quyết tâm thực hiện" tối thiểu để có một sức khỏe lành mạnh do một tổ chức y tế uy tín ở Hoa Kỳ đưa ra. Chúng tôi chắc nó có một giá trị hướng dẫn nào đó.
Riêng với tiết mục thứ bảy thì người viết thích thú nhất. Có điều kiện để nhàn hạ và đi du lịch đều đều thì chúng tôi xin ký cả mười đầu ngón tay.
Tháng Giêng 1988, Tổng Thống thứ 40 của Hiệp Chủng Quốc, Ronald Reagan 77 tuổi, bí tiểu tiện được chuyển cấp cứu đến bệnh viện Hải Quân Hoa Kỳ - Marinehospital Bethesda - để mổ tiền liệt tuyến- một bướu hiền. Tin tức đã được các bác sĩ riêng của Tổng Thống và Tòa Nhà Trắng công bố rộng rãi trên đài truyền hình và truyền thanh của nước Mỹ.
Người đàn ông trên 50 tuổi thường bị bệnh bướu tiền liệt tuyến. Bướu, nói chung có 2 loại:
- bướu hiền, do sự phì của tuyến - Prostata Adenom & benigne Prostatahyperplasie (BPH).
- bướu dữ, gây nên bởi sự phát triển tế bào ung thư - Prostata Krebs - Prostatacarcinom
- Một sự phát hiện ung thư tiền liệt tuyến kịp thời, bệnh chưa di căn nhờ phương pháp giải phẫu cắt bỏ toàn bộ tiền liệt tuyến, túi hứng tinh và ống phóng tinh thì con bệnh lành hẳn 100%. Đây là một trong những phẫu thuật lớn - đại phẫu - của ngành giải phẫu niếu đạo.
- Một sự phát hiện trễ hay khi bướu đã di căn đến xương, đến phổi thì chỉ còn con đường duy nhất là đến... nằm vạ ở nghĩa trang mà thôi.
- Triệu chứng mang bệnh như: són tiểu, đái rắt, đái đêm, đau buốt khi đi tiểu... là nguyên nhân để các ông phải đến bác sĩ chuyên khoa khám về niếu đạo.
Tuy nhiên điểm may mắn là người ta thường gặp bướu hiền của tiền liệt tuyền thường hơn là bướu dữ, căn bệnh ung thư.
Tuyến nằm sau bọc đái (bàng quang), lớn bằng trái cau, nặng 30 gr, bao quanh ống dẫn tiểu, tiết một chất dịch có vị ngọt, mầu trắng đục như sữa kích thích sự sống động của tinh trùng: tinh dịch.
Trong cuốn sách rất được ưa chuộng tựa đề Der geplagte Mann - Người đàn ông lo âu - Juergen Thorwald - tác giả đã mô tả nhiệm vụ tuyến như sau: vào thời điểm mà sự kích thích sinh dục đạt đến cao độ, tiền liệt tuyến hoạt động như một cái máy ép bóp mạnh, một vài phân khối cocktail tinh trùng + tinh dịch được tống đi vào ống dẫn tinh, qua ống dẫn tiểu rồi bắn xối xả ra ngoài: xuất tinh. Đó là lúc sướng nhất của người đàn ông và...
Nhiều thế hệ đã đi qua, đã bao nhiêu thời giờ đã hao tốn trong bấy nhiêu lần bàn cãi về mầm sinh ra bệnh của tiền liệt tuyến: bướu hiền hay bướu dữ để tìm hiểu có phải là hậu quả của tánh mạnh hoặc là yếu kém trong sự phát triển tình dục. Trình độ y học hiện tại chưa tìm được câu trả lời chính xác.
Số người đàn ông chết do ung thư đưa đến hàng năm thì theo thống kê tính chung trên thế giới, thì số tử vong tại Hoa Kỳ và Âu Châu và các nước kỹ nghệ do ung thư tiền liệt tuyến được xếp vào hàng đầu. Trong khoảng thời gian 365 ngày trên nước Đức có thêm 168.000 nguời đàn ông mắc phải chứng bệnh ung thư, trong đó có 31.600 ca ung thư tiền liệt tuyến chiếm vị trí số một; kế đến là 27.900 ca ung thư phổi; tiếp theo là 24.600 ca ung thư ruột già.
Hàng năm số người chết do bệnh ung thư tiền liệt tuyến là 12.000 người, hiện tại trên toàn cõi CHLB Đức có khoảng chừng 700.000 người đàn ông mắc phải bệnh (thống kê của Bayer Diagnostika (AKTIV FOR YOU - tháng 04.2003).
Kể từ năm 1971, các hãng bảo hiểm sức khoẻ của CHLB Đức chịu hoàn toàn sở phí của sự thăm dò cho tất cả người đàn ông trên 45 tuổi để có thể phát hiện kịp thời chứng ung thư tiền liệt tuyến. Thống kê của tất cả các hãng bảo hiểm sức khoẻ: mặc dù không trả tiền thù lao và tổn phí khám nghiệm, chỉ có 11% người đàn ông trong lứa tuổi nói trên tại CHLB Đức đã tự nguyện đi đến phòng mạch.
A- Phương pháp định bệnh:
Sau phần khám nghiệm tổng quát cơ thể bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu sẽ tiếp tục theo các phương thức sau đây để cố tìm cho ra cơn bệnh:
1-Digitale rectale Palpation - Digitale - rektale Untersuchung (DRU): qua ngã hậu môn, thầy thuốc nhờ ngón tay trỏ có thể sờ thấy bề mặt sau chiếm đến 75% diện tích chung của tuyến, nằm phần cuối của ruột già: phần sinh bệnh thì cứng hơn và rất dễ phát hiện. Khi tìm thấy một dấu hiệu không bình thường, người bệnh được gởi đến những chuyên gia về bệnh niếu đạo. Cách thức khám giản tiện và rẻ tiền, nhưng một khi mà ngón tay đã phát hiện được cục u của tuyến thì thường thường là bệnh được khám phá hơi chậm.
2- Transrectale Prostatasonographie - transrektale Ultraschalluntersuchung (TRUS): siêu âm qua ngã hậu môn để tìm chính xác độ lớn, vị trí của bướu giúp cho thầy thuốc chích sinh thiết (biopsie) và lấy tế bào tuyến để khám nghiệm cơ thể bệnh lý học.
Đây là một phương pháp chính xác để định bệnh nếu thầy thuốc chích đúng chỗ (vẫn có những trường hợp bị tổ trác... chích lệch chỗ!).
3- PSA (Prostata Spezifisches Antigen):
PSA là một Glycoprotein, là một diếu tố (enzyme) do các tế bào tiền liệt tuyến ở trạng thái bình thường, của tế bào bướu hiền và cả tế bào bướu dữ tiết ra, diếu được hoà lẫn vào tinh dịch. Do đó chúng ta thừa hiểu nồng độ của PSA tăng lên trong máu trong nhiều trường hợp: bướu hiền, bướu dữ, viêm tiền liệt tuyến và ngay khi có đặt ống xông tiểu. Vì sự đa dạng của sự gia tăng nông độ diếu tố, thầy thuốc đôi khi cũng bị nhiễu loạn để định chính xác bệnh tiền liệt tuyến.
Hiệp hội Ung Thư Hoa Kỳ American Cancer Society khuyến cáo nên khám DRU (1), đo lượng PSA (3) hàng năm cho các ông kể từ 50 tuổi. Lứa tuổi 45 với những người được liệt vào nhóm người "nguy hiểm" khả năng gặp bệnh cao hơn và sớm hơn - yếu tố di truyền trong gia đình -: ông, cha, hay anh em ruột thịt đã có mang bệnh ung thư tiền liệt tuyến.
Ung thư tiền liệt tuyến sẽ được chữa lành nếu bệnh phát hiện sớm, thường thường là chưa có triệu chứng về đường tiểu tiện. Khi các triệu chứng mang bệnh đã xuất hiện thì phần lớn bướu đã lan đi, mọi cố gắng chữa trị bằng thuốc men hay giải phẫu sẽ không dứt hẳn bệnh. Do đó tất cả cố gắng của y học làm thế nào định bệnh càng sớm thì khả năng trị dứt hẳn bệnh càng cao. Trước thời đại của PSA thì có đến 33% trường hợp tìm ra bệnh thì đã quá muộn. Những năm gần đây, nhờ định lượng được PSA định ra bệnh được sớm hơn, chỉ còn có 7% trường hợp phát hiện trễ (thống kê đại học Muenchen / Đức).
Trên toàn cõi CHLB Đức có 240 trung tâm y khoa về chuyên khoa tiết niệu - trung tâm đại học, các bệnh viện thuộc đại học, bệnh viện cấp lớn - tính tiền theo lối tổng đều (pauschal - global) cách chữa trị và thuốc men không đồng nhất. Cộng thêm vào với sự phối hợp (1) + (2) + (3) nêu trên, bác sĩ chuyên khoa còn làm sinh thiết (biopsie), kết quả thường được biết ngay trong ngày (Same - day - Diagnose). Nếu kết quả sinh thiết:
*dương tính: có tế bào ung thư, sự chữa trị được bắt đầu ngay.
*âm tính: nếu lượng PSA cho những lần đo kế tiếp không giảm xuống thì bắt buộc làm lại sinh thiết tuyến.
Sự định ra bệnh ung thư tiền liệt tuyến sẽ đưa đến cho người bệnh một sốc (schock) nặng:
1- sợ cái chết sẽ đến do căn bệnh nan y đưa đến, hết thuốc chữa
2- biến chứng không tránh khỏi sau cuộc giải phẫu:
- đái mế hay đái dầm: không kiềm chế được đường tiểu.
- liệt dương sau khi mổ, làm mất hẳn cái phong độ nam giới => xìu như con bún tẩm nước mắm.
Chúng ta có thể khẳng định 100% là: mặc dù là một cơ quan nhỏ bé của cơ thể, tiền liệt tuyến có một chức năng rất khiêm tốn nhưng quả thật vô cùng cần thiết cho sự sống: mang con người đến chốn thiên thai khoái lạc của trần gian và cũng chính nó cũng mang lại cho loài người sự đau thương trầm thống khi nó vướng bệnh.
Người mắc phải bướu ung thư chỉ trong thời gian ngắn rất dễ rơi vào cảnh trầm cảm, mất hẳn thăng bằng cuộc sống, không muốn phơi bày ra sự thật ngay cả với vợ hay người bà con thân thuộc. Nhiều trường hợp phải nhờ các nhà phân tâm học giúp đỡ cho người bệnh thoát ra khỏi cái khủng hoảng tinh thần trước khi bắt đầu chữa bệnh...
Tôi đã có gặp những trường hợp ngoài sức tưởng tượng là có những cặp vợ chồng vào tuổi xế chiều đã từ chối sự chữa trị bằng giải phẫu và thuốc men mà kết quả là sẽ đưa đến 100% liệt dương. Họ nhất quyết bảo vệ cuộc sống chăn chiếu đang có trong tay cho đến giây phút cuối cùng.
B- Phương pháp chữa trị:
Bướu chưa di căn: bướu đang còn hạn chế, đang còn trong giai đoạn sớm, nhờ giải phẫu lấy toàn bộ mầm sinh bệnh ở giai đoạn này thì khả năng dứt hẳn bệnh rất nhiều. Nếu bệnh đã kéo dài trên hai năm, một khi mà bệnh đã phát triển thì sự chữa trị chỉ còn là tạm thời và chờ đợi qua ngày. "watchful waiting" - chú ý trong chờ đợi - nghĩa là đã định ra được bệnh nhưng không chữa trị, chờ cho đến khi bệnh có triệu chứng tại chỗ hay đã di căn thì cuộc sống còn lại của người bệnh không quá 10 năm.
1- Phương pháp giải phẫu:
* Cắt bỏ tiền liệt tuyến theo đường mổ bụng là phương pháp giải phẫu đã thực hiện 100 năm rồi. Kể từ năm 1980, cách mổ xẻ được hoàn thiện hơn theo sự phát triển của máy móc y tế và trang bị dụng cụ hiện đại, được xếp vào hạng đại phẫu cũng ngành tiết niệu. Ngay cả cho những người trẻ với những loại ung thư "trầm trọng" có thể sống thêm ít nhất là 10 năm. Không có hoa hồng nào là không có gai, sau cuộc giải phẫu dù có khéo tay đến đâu đi nữa, bệnh nhân sẽ bị rối loạn đường tiểu và liệt dương.
* Những năm gần đây còn có phương pháp mổ nội soi, không có sẹo mổ lớn. Ưu điểm là thời gian nằm bệnh viện ngắn hơn nhưng thời gian mổ kéo dài 4 lần nhiều hơn phương pháp mổ bụng. Nhưng hậu quả như rối loạn đường tiểu, chứng liệt dương cũng không thể tránh khỏi. Phương pháp còn mới, kết quả cũng còn phải chờ thời gian lâu nữa mới định giá được vị trí trung thực của nó.
* Sự kết hợp mổ nội soi với người máy (OP-Robotersystemen) như trong địa hạt mổ tim hở đang còn trong thời kỳ triển khai.
2- Xạ quang (Strahlentherapie) và hoá trị (Chemotherapie): khi bệnh đã lan ra.
* Kích thích tố tuyến dịch (Hormontherapie) + cắt bỏ dịch hoàn (orchiektomie): Khoảng 40 năm, theo nghiên cứu khoa học y học đã biết rõ dịch hoàn tạo kích thích tố (homone) sinh dục, và chính Testosteron là nguồn gốc của ung thư tiền liệt tuyến.
Chúng ta có thể kết luận:
- nếu không có kích thích tố Testosteron thì sẽ không có ung thư tiền liệt tuyến.
- Thế giới chưa ghi nhận trường hợp ung thư tiền liệt tuyến ở người đàn ông bị thiến, chắc chắn các quan hoạn thì không bao giờ bị ung thư tiền liệt tuyến.
* Nguyên nhân đưa đến chứng ung thư nói chung, chưa có trả lời rõ rệt. Trên 50 tuổi là thời điểm thường phát sinh bệnh, tuổi trung bình mắc bệnh là 72,3 tuổi. Tuổi sống của người đàn ông gia tăng rõ rệt thì số bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến cũng theo đà tăng lên theo.
Y học cũng biết rõ là sự bài tiết Testosteron do tuyến não thuỳ (Hypophyse) điều khiển. Hãng thuốc Nhật Takeda đã tìm được một loại thuốc ức chế hoạt động của não thùy để chận đứng sự tiết ra kích thích tố Testosteron tức là làm ngưng sự phát triển của bướu làm giảm thiểu rối loạn đường tiểu. Người ta cũng còn ghi nhận, khi dùng thuốc phần nhiều là cục bướu sẽ nhỏ lại giúp ích rất nhiều cho phẫu thuật viên.
Lúc ban đầu vì hạn chế thời gian có hiệu quả của thuốc, thuốc phải chích hàng ngày; dần dần hãng thuốc bào chế đã kéo dài được hoạt động dài hơn (depot) của thuốc, cho nên chỉ cần chích 1 tháng một lần. Hiện đang nghiên cứu để chỉ cần chích 3 tháng 1 lần.
* Sự cắt bỏ hai dịch hoàn đã thực hiện trên 40 năm, chận đứng 100% sự bài tiết Testosteron, có kết quả nhanh hơn là phải dùng thuốc như đã nêu trên. Khác biệt với cách dùng thuốc là khi thiến đi thì hai dịch hoàn sẽ không thể tái tạo lại được, đây chỉ là vấn đề tâm linh của con người.
Số tiền mua thuốc kích thích tố khá tốn kém, nên các hãng bảo hiểm sức khoẻ đang bàn cãi là có nên tiếp tục trả tiền thuốc hay là... cắt bỏ dịch hoàn. Trên thế giới có cả triệu người đang dùng thuốc này, một món lợi kếch xù của hãng thuốc Takeda.
Vấn đề tâm linh của người bệnh là khi nhuốm bệnh thì thường kéo thêm vào chứng trầm cảm, không giao tiếp với người thân, bạn bè. Sự bất hoạt động và cô đơn gây nên sự xáo trộn trong cuộc sống.
Trên CHLB Đức có những cuộc tiếp xúc để trao đổi kinh nghiệm, khó khăn gặp phải cho từng nhóm người vướng phải bệnh trầm kha này để chính họ tự chuẩn bị hành trang cho cuộc sống còn lại của chính mình.
Không ai hiểu rõ bệnh bằng thầy thuốc học chuyên khoa niếu đạo, nhưng không ai biết nỗi khổ tâm hay đau đớn bằng chính người mang bệnh. Làm thế nào để tránh không gặp phải bệnh, thì y học không thể trả lời được.
Một điều nhận xét chung:
- Cơ thể nặng nề, sức vóc phì nộm, trọng lượng quá cao, thức ăn nhiều thịt, nhiều mỡ và nhất là lượng rượu, thuốc lá là những môi trường xấu, nói chung dễ sinh bệnh tật mà chính con người tự tìm đến.
- Trong cuộc sống với thức ăn thanh đạm nhiều Vitamine: rau, quả, giá, đậu nành... thì mầm sinh bệnh ít hơn, có khả năng làm con người lánh xa được bệnh.
- Một điểm cần phải nêu lên lần nữa là yếu tố di truyền: con cái hay là anh em, ruột thịt của người mắc bệnh thì khả năng nhuốm bệnh những 2 - 3 lần nhiều hơn và thời điểm mắc phải bệnh 10 năm sớm hơn.
- Ảnh hưởng của tia phóng xạ: sau thế chiến thứ nhì, số lượng người Nhật vướng phải bệnh ung thư không gia tăng mặc dù đã sống dưới ảnh hưởng trực tiếp của 2 trái bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki.
Nguồn gốc và dịch tễ học:
- Kể từ năm 1995, số người mắc phải ung thư tiền liệt tuyến gia tăng đáng sợ. Năm 1979 tại Hoa Kỳ, chỉ phát hiện được có 64.000 trường hợp, đến năm 1999 thì tăng vọt lên đến 244.000 (Wingo và cộng sự viên) tính ra có đến 4 lần nhiều hơn.
- Điểm ghi nhận là nhóm người Mỹ da đen chiếm đến 21% ung thư tiền liệt tuyến trong tổng số người đàn ông mắc các bệnh ung thư.
- Tại CHLB Đức thì vào năm 1991 tìm thấy 16.000 trường hợp, đến năm 1995 lên đến 20.000 (Hoelzel & al. 1991, Hoelze 1995).
- Người Âu châu phía Đông mắc bệnh thấp hơn nhóm người sống ở phía Tây. Tỷ số người ở phía Tây Đức là 29 / 100.000, người anh em Đông Đức (trước đây) chỉ có 19,9 / 100.000.
- Người Á Châu chiếm tỷ số mắc bệnh thấp nhất: 1-7 / 100.000.
- Hong Kong 2,6
- Nhật Bản 3,8
- Singapur 4,2
- Thuỵ Điển 20,4
- Thuỵ Sĩ 22,5
- Việt-Nam: trong thời gian 10 năm công tác tại Bệnh Viện Trung ương Huế và miền Trung Việt-Nam qua chương trình huấn luyện quốc gia: Deutscher Akademischer Austausch Dienst (DAAD) - German Academic Exchange Servive - Office Allemand d‘ Exchanges Universitaires, đã tìm thấy những mẫu nghiệm dương tính của ung thư tiền liệt tuyến; một thống kê chính xác chưa thực hiện được.
Chương trình hợp tác CHLB Đức và Đại Học Y Khoa Huế cho năm 2004-2005 sẽ thực hiện là đo lường được nồng độ PSA (Prostata Spezifisches Antigen), trang bị máy móc hiện đại để việc chẩn đoán bệnh được sớm, đào tạo chuyên viên tại chỗ và đón nhận bác sĩ chuyên ngành giải phẫu niếu đạo tu nghiệp tại CHLB Đức.
Tính ra người Mỹ da đen có khả năng nhuốm bệnh 30 lần nhiều hơn người Nhật Bản và con cháu của Nhật Hoàng vướng bệnh 10 lần ít hơn người dân Đức. Một điểm đáng chú ý là con của Thiên Hoàng di dân đến Hoa Kỳ thì chỉ số mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến cao hơn đồng hương của họ sống tại đảo Phù Tang. Điểm này đưa đến kết luận là môi trường và cách ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của con người.
(migraine cataméniale hay là migraine menstruelle)
Một chứng bệnh đã làm không những cho các y gia mà chung cho các vị chuyên khoa cũng đều bị rối óc, lúng túng, bực chí vì chưa đạt được kết quả mong muốn, đó là chứng đau nửa đầu trong khi có kinh nguyệt. Chứng này thường được thấy ở giới nữ tuổi đương xuân-kì hoặc trong thời kì bộ máy sinh dục còn hoạt động. Hằng hà thuốc men, dược phẩm đủ loại bày bán trong các dược phòng nhưng chẳng mấy khi hữu hiệu. Theo sự thăm dò quần chúng thì tỉ lệ phụ nữ mắc phải, suýt soát hai triệu người ở Pháp.
Tâm trạng bất ổn của người bệnh với nỗi lo sợ cơn đau nhức cứ mỗi chu kỳ kinh nguyệt đến, đã ảnh hưởng ít nhiều xáo trộn cho cuộc sống nếu không muốn nói là một cực hình mà không may mắc phải.
Triệu chứng này với vài đặc điểm như tình chí bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi chẳng yên, khiến họ phải đi khám bác sĩ: đau váng một nửa bên đầu, khi bên trái, lúc bên phải, thay đổi tùy theo lúc, đau như búa bổ, đau khủng khiếp như lời miêu tả của họ, đau đến độ ói mửa mật xanh mật vàng, trốn tránh tiếng động ồn ào, hai tay che úp vào tai để được yên tĩnh, ngay cả ánh sáng cũng hãi sợ, chạy tìm trú ẩn nơi bóng tối, như thể đi tìm một thế giới riêng biệt không tiếng người nói bên trong, không tiếng xe cộ bên ngoài, không chút ánh sáng mà tối tăm yên lặng là thiên đàng của họ.
Một điều may, là triệu chứng đau chỉ đến theo định kỳ kinh nguyệt, và tùy theo bản tính của từng cá nhân, theo đó chứng đau nửa đầu chỉ tới trước khi kinh nguyệt 3 hay 5 ngày, hoặc trong khi, hay sau khi kinh nguyệt đã dứt.
Ta cũng nên phân biệt "Chứng đau nửa bên đầu" còn được gọi theo các chuyên gia là "Thiên đầu thống" (migraine) với chứng đau đầu lan tỏa cả não là "Chân đầu thống" (céphalées) Giữa hai chứng này khác nhau xa, để chúng ta dễ bề chẩn bệnh và cách chữa bệnh cũng không giống nhau chút nào.
Hỏi: nguyên nhân tại sao?
Đáp: Theo giải thuyết sinh lý học tây phương, thì tỉ suất kích thích tố estradiol xuống quá thấp và quá nhanh trong lúc kinh nguyệt. Hoặc ảnh hưởng của oestrogènes trên các đường dây quan hệ kế cận thường có, đã bị xáo trộn nhiều v.v.
Theo giải thích phương đông, được dựa trên hai đường kỳ kinh (Méridiens curieux) Nhâm mạch và Xung mạch, cả hai đã đóng một vai trò tích cực tối ư quan trọng ở giới nữ. Vài nét đại cương sẽ giúp ta được am hiểu hơn: Nhâm mạch, là kỳ kinh có trọng trách bảo vệ trong việc thụ thai (fécondation), Xung mạch thì giữ một vai trò về nuôi dưỡng thai (activité progestéronique). Như vậy cho ta thấy rằng trường hợp sẩy thai (avortement), hay rong huyết, băng huyết (ménorragies, métrorragies) là vì Xung mạch bất túc (insuffisance) yếu kém. Trên phương diện điều hành tuyến nội tiết (rôle endocrinien) ở bộ phận sinh dục giới nữ thì quả là kỳ kinh Xung mạch được kể lên hàng đầu. Ta không thể đề cập đến hệ thống sinh dục ngoài và trong của giới nữ mà không nói đến hai kỳ kinh Xung mạch, Nhâm mạch và Đan điền (Đan điền là đường chính giữa của bụng dưới rốn 3 thốn, là vị trí huyệt Quan nguyên của mạch Nhâm, nơi tinh thất của nam giới, và bào cung của nữ giới), thì thật là một việc thiếu sót lớn đáng tiếc.
Hỏi: tại sao bị nôn mửa, ngoài cơn nhức đầu khủng khiếp?
Đáp: Hai kỳ kinh Nhâm mạch và Xung mạch không những hội tụ ở vùng Đan điền, mà còn gặp nhau ở vùng cổ qua huyệt Liêm tuyền. Lý do đó, mỗi lần có kinh nguyệt, Xung mạch bị chuyển động mạnh dội truyền tới họng hầu mà làm cho nôn mửa.
Hỏi: tại sao làm cho mắt hoa, sợ ánh sáng phải tìm chỗ tối tăm?
Đáp: Kỳ kinh Nhâm mạch, cũng chạy từ huyệt Hội âm lên đến môi miệng, cho tới huyệt Thừa khấp Vị kinh, sau đó đi thẳng vào con ngươi. Cứ như thế, mỗi lần có kinh nguyệt, Nhâm mạch lại bị chuyển động mạnh lên đến con ngươi, nên làm cho mắt mờ, mắt hoa, sợ ánh sáng v.v.
Còn nhiều dấu hiệu lâm sàng (signes cliniques) khác nữa với nhiều thay đổi tùy từng cá nhân.
CHẨN BỆNH:
- Đau nửa bên đầu, đau dữ dội,
- kèm theo là nôn mửa, nhưng không nhất định, lợm giọng, mệt mỏi
- mắt rít, sợ ánh sáng, tìm chỗ tối,
- tai ù, lánh xa nơi ồn ào, tiếng động, tìm chỗ yên lặng, thanh vắng không tiếng người nói, không tiếng động xe cộ bên ngoài.
- tâm phiền dễ cáu giận,
- giấc ngủ không yên, có lúc đau sườn,
- miệng khô, mặt đỏ,
- lưỡi hồng ít rêu,
- mạch huyền, hoặc tế sắc
- Mỗi cơn đau kéo dài từ 4, 5 tiếng đồng hồ cho tới hai ba ngày
- trước khi hay trong khi hoặc sau khi có kinh nguyệt
- Nên nhớ là trong thời kỳ thai nghén, triệu chứng nhức nửa bên đầu biến hẳn, đủ chứng tỏ vai trò ý nghĩa của hai kỳ kinh nói trên.
Chứng trạng vừa kể cũng tương tự với một vài tiêu chuẩn của hội International Headache Society (IHS) trên phương diện chẩn bệnh.
CHỮA TRỊ:
Theo tây phương
- Các loại paracétamol để hạ bớt cơn đau
- Phối hợp với codéine, hay caféine, nên cẩn thận vì dùng lâu sẽ bị quen thuốc (nghiền thuốc, accoutumance) dùng các loại thuốc này với sự hướng dẫn của vị Y Sĩ.
- Các loại thuốc chống viêm mà không có chất xteroit "AINS" (anti-inflammatoire non stéroidien), cũng thường cho kết quả nhưng dùng phải dè dặt vì những hậu chứng của thuốc gây nên (effets secondaires).
- Các loại như DHE (Dihydroergotamine) phải được kê toa của Bác Sĩ vì có những trường hợp phản chỉ định (contre-indication)
- Các loại thuốc đặc biệt như: triptans thường được dành cho những trường hợp nặng và các loại đau đầu ngoan cố. Nên rất cẩn thận vì có nhiều phản chỉ định như Xuất huyết não, Áp huyết cao, chứng huyết khối động mạch vành v.v.
Tóm lại các loại thuốc kể trên phải có toa Bác-Sĩ mới được dùng vì lý do độc dược nguy hại cho sức khỏe.
Theo Đông phương:
Nắm được nguyên nhân của bệnh lý là hai kỳ kinh Nhâm mạch và Xung mạch, và cũng theo kinh nghiệm tiền nhân, ta có thể dùng một vài huyệt dưới đây:
Huyệt Trung cực: dùng trong trường hợp kinh nguyệt không đều, và thống kinh (algoménorrhée)
Huyệt Quan nguyên: cũng trong chiều hướng đó
Kinh trung: Kỳ huyệt ở bụng dưới
Tử cung: kỳ huyệt ở dưới rốn 4 thốn đo ra ngang 3 thốn.
Phối hợp: Tam âm giao, Túc tam lý và Hợp cốc
Kèm theo: Phong trì, Thiên trụ, Bách hội và kỳ huyệt Thái dương
Liệu trình: mỗi ngày châm một lần, châm 3- 5 ngày trong khi cơn đau
Ngoài cơn đau: mỗi chu kỳ kinh nguyệt châm ngừa 3-5 ngày trước khi có kinh
Cứ như thế, châm độ chừng 4, 5 kỳ kinh nguyệt liên tiếp.
Theo kinh nghiệm bản thân, ta sẽ nhận thấy kết quả mang lại với nhiều lạc quan.
Cũng như được nêu trên, kết quả mong muốn sẽ phải nhờ cậy vào các vị y-sĩ có kinh nghiệm.
KẾT LUẬN
Phải chăng tạo hóa đã làm ngơ trước những bất công? Số phận thật lắm éo le cho người phụ nữ. Là một chứng bệnh khá ngoan cố, mắc chứng này từ lâu năm thường được thấy trong giới nữ từ tuổi xuân-kì, rồi lạt phai dần vào khoảng 38-40, cho đến khi mãn kinh. Chứng bệnh này ta gọi theo danh từ chuyên gia là "Thiên đầu thống" (migraine) có nghĩa là đau nửa bên đầu khi có kinh nguyệt (migraines menstruelles). Vì là chứng mãn tính, nên khó tránh khỏi những dư âm xáo trộn của nó trong cuộc sống hằng ngày trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Số người mắc phải không hoàn toàn là tất cả nói chung, mà tỉ lệ tùy nhiều yếu tố như gia truyền, bẩm sinh, hoàn cảnh xã hội, tập quán, phong tục văn hóa, thói quen ăn uống v.v. đều có thể sanh ra chứng bệnh này.
Cách chẩn bệnh không mấy khó khăn, thường là trong thời kì kinh nguyệt thì cơn đau dữ dội nửa bên đầu mới xuất hiện kèm theo choáng váng, nôn mữa, mắt rít sợ ánh sáng, tai ù, lánh xa tiếng động, ngủ không yên, thường cáu giận.
Về cách chữa trị, tùy theo ý muốn cá nhân, với dược phẩm tây-y thường làm hạ cơn đau khá nhanh chóng, nhưng nhất thời và dùng thuốc nên rất dè dặt vì những hậu chứng của nó, và cần sự chỉ dẫn tường tận của vị y-sĩ. Với lối chữa theo đông-y kết quả thường được lâu bền, nhưng cần kiên nhẫn, vì là chứng mãn tính, chữa trị một ngày, làm sao để trị tiệt nọc được căn bệnh? Tóm lại cả hai phương cách chữa trị đông tây đều hỗ trợ cho nhau. Được như vậy, người bệnh mới tìm lại được niềm tin vững bền, cuộc sống sẽ được đầy ý nghĩa và khoan khoái nhiều hơn.
Bác Sĩ Nha Khoa Anne-Marie Hòa Nguyễn chuyên trị bệnh nướu răng và đặt implant (Periodontology & Implantology). Cô ra trường nha khoa Baylor College of Dentistry năm 1990 và có bằng Master of Science về phân khoa nướu răng tại University of Texas -San Antonio năm 1996. Cô có bằng Board Certified bởi Hội American Board of Periodontology. Hiện BSNK Hòa Nguyễn đang làm việc tại văn phòng ở vùng Tây Nam (Southwest) Houston. Nếu có những thắc mắc liên quan tới nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, TX 77036. ĐT: 713.917.0907. Copyright ã2006 Anne-Marie H Nguyen, DDS, MS
Trong những số báo trước, chúng tôi đã bàn về những phương cách thay thế cho một hay nhiều răng thật bị mất đi bằng bộ răng giả tháo rời hoặc bằng chiếc cầu răng. Lần này, chúng tôi xin trình bày về kỹ thuật khác bằng cách trồng trụ implant vào xương hàm. Kỹ thuật implant thật ra đã có từ thập niên 60 nhưng không thịnh hành mấy. Khoảng 10 năm gần đây, dental implant mới phát triển rộng rãi nhờ các tiến bộ về kỹ thuật và vật liệu xử dụng. Trong năm 2005, riêng tại Hoa Kỳ đã có hơn 1 triệu cây implant đặt trong miệng để thay thế những chiếc răng bị mất!
Dental Implant là gì?
Dental implant là phương pháp cấy trụ răng nhân tạo thẳng vào những khoảng trống trong xương hàm để thay thế những chân răng đã bị mất. Đa số các loại implant hiện nay được làm bằng chất titanium, không gây ra phản ứng phụ hoặc làm độc tới xương hàm và cơ thể. Sau khi bị mất một hoặc nhiều chiếc răng mà chưa kịp thay thế bằng bộ răng giả, thì những ổ xương hàm theo thời gian sẽ bị sụp và teo lại theo chiều sâu (depth) và chiều dày (width) của xương. Bệnh nhân sẽ thấy ổ xương bị hõm vào khi lấy ngón tay sờ vào mặt xương tại những chỗ mất răng. Khuôn mặt có thể bị thay đổi nhanh chóng làm già hẳn đi trước tuổi. Giống như những chân răng thật bám chặt vào xương hàm, chiếc răng implant sẽ duy trì ổ xương này bằng cách liên tục tác động mỗi ngày trong việc nhai cắn. [Hình 1A & B]
Hình 1A. Implant thay răng cửa
Hình 1B. Implant thay răng hàm
Những trường hợp nào cần tới dental implant?
Phương pháp này có thể đáp ứng được nhu cầu riêng của từng người bệnh, để thay thế một răng, nhiều răng hoặc toàn hàm. [Biểu đồ 1]
Nếu chúng ta chỉ bị mất một răng thôi mà hai chiếc răng đứng bên cạnh không có những vết trám hoặc không bị sâu hoặc sứt mẻ, thì việc xử dụng implant để thay thế cho một răng sẽ tốt hơn là làm chiếc cầu răng. Với dental implant, mặt răng hai bên sẽ không bị mài hoặc xén đi. Dr. Carl Misch, một giáo sư nổi tiếng trong ngành implant, nhận xét là sau khi những chiếc răng được gắn chặt với nhau bởi cầu răng, thì bựa răng đóng nhiều hơn, tỉ lệ sâu răng cao hơn, và có thể cần tới việc rút tủy răng. Dr. Misch giải thích thêm rằng 30% số cầu răng sẽ phải làm lại trong vòng 10 năm, và 50% số cầu răng sẽ phải thay thế trong vòng 15 năm. Thêm nữa, nhiều học giả cho thấy trồng 1 răng implant sẽ bền hơn, so với chiếc cầu răng 3 nhịp. Người ta tiên đoán đa số cầu răng sẽ bị hư trong 5-6 năm so với 10-15 năm cho implant. Bởi thế, implant được coi là tiêu chuẩn chính (standard of care) trong việc tái tạo răng sau khi bị mất. [Hình 2]
Implant có thể dùng làm trụ cho chiếc cầu răng, giúp cho bệnh nhân đỡ phải đeo bộ răng giả tháo rời. [Hình 3]
Trong trường hợp bệnh nhân bị mất hết răng và phải cần làm bộ răng giả toàn hàm thì phương pháp implant có thể ứng dụng để tạo thêm phần vững chắc cho bộ răng giả, tùy theo ý thích của người bệnh khi muốn đeo bộ răng giả tháo rời hay muốn cố định [Hình 4-A và Hình 4-B].
Phương pháp này gồm hai phần, một phần có những trụ implant (2 tới 6 trụ) được gắn chặt vào xương hàm và phần kia là những mấu nhỏ hoặc những lỗ khoan nhỏ đặt bên trong bộ răng giả đối diện với các trụ móc để khi đeo bộ răng giả vào thì hai phần sẽ ăn khớp với nhau. Bộ răng giả lúc đó sẽ được giữ chặt lại trên những trụ implant. Bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin và an tâm hơn với bộ răng giả của mình khi ăn uống hoặc nói chuyện mà không sợ nó rớt ra hoặc bị cập kênh trong miệng. Những cuộc nghiên cứu đã cho ta thấy là người có hàm răng giả, dù chỉ được cấy có hai trụ răng implant thôi, cũng cảm thấy khoan khoái hơn khi ăn uống hoặc nói chuyện. Dr. Carl Misch cũng cho biết rằng những người đeo bộ răng giả thông thường chỉ cắn được với cường độ 5-50 pounds (< 22 kg), trong khi những người có răng thật cắn với cường độ 250-1000 pounds (< 455 kg). Do đó những chiếc răng implant có thể giúp những bệnh nhân mất răng có lại những tác động nhai cắn như người bình thường.
Theo những cuộc khảo cứu về sinh hoạt thường nhật, những người không răng cần dùng nhiều thuốc men hơn (17%) so với những người còn răng, nhất là các thuốc giúp cho cơ quan tuần hoàn và tiêu hóa. Thêm vào nữa, những người được cấy răng cho biết họ ăn uống ngon miệng hơn, có sức khoẻ tốt hơn và có đời sống vui tươi hơn so với những người chỉ có bộ răng giả nằm trên vòm nướu mà thôi.
Những điều kiện cần thiết trong việc trồng răng implant?
Dĩ nhiên, bệnh nhân lý tưởng nhất cho việc trồng răng implant phải là người có sức khỏe lành mạnh, không bệnh hoạn, không hút thuốc, không nghiện rượu và có một bộ xương hàm sâu và rộng. Quan trọng hơn nữa là bệnh nhân phải biết cách giữ gìn kỹ lưỡng, chăm sóc răng của mình mỗi ngày. Việc gắn implant sẽ khó thành công nếu bệnh nhân bị bệnh nướu răng toàn miệng khiến cho vi trùng có thể xâm nhập vào những trụ implant. Người có bệnh tiểu đường cũng bị ảnh hưởng vì việc hồi phục vết thương chậm lại hoặc không hồi phục hoàn toàn. Đặt răng implant trên những người nghiện thuốc lá hoặc nghiện rượu cũng khó thành công vì sự lưu thông của máu bị giảm thiểu hoặc bị nghẽn dễ đưa tới sự thất bại hoặc nhiễm trùng. Những người có tật nghiến răng cũng phải được xem xét kỹ lưỡng vì thông thường họ có sức cắn gấp 4, 5 lần (1600 pound/square in, psi) so với người bình thường (400 psi). Với sức cắn này thì chẳng có loại răng giả nào có thể chịu nổi áp xuất cao đó và sẽ đưa tới tình trạng bể răng hoặc implant bị rớt ra. Cuối cùng, tuổi tác không còn được coi là vấn đề quan trọng khi nói tới sự tồn tại lâu bền của chiếc răng implant. Tuy vậy, Hội Đồng Nha Khoa khuyến cáo giới nha sĩ là nên đặt implant sau lứa tuổi 15 (phái nữ) và tuổi 18 (phái nam), vì phải chờ đợi và thích ứng với việc phát triển của bộ xương hàm vào lứa tuổi vị thành niên.
Giai đoạn giải phẫu đặt Implant
Cuộc giải phẫu trồng implant vào xương hàm có thể thực hiện tại phòng mạch nha khoa. Tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người, nha sĩ có thể cho bệnh nhân uống thuốc an thần (Valium, Halcion) để cảm thấy thoải mái yên tâm trong khi giải phẫu. Đồng thời cũng trợ thêm thuốc tê (local anesthesia) vào những chỗ cần đặt implant. Phẫu thuật đặt dental implant vào xương hàm sẽ tùy theo loại implant do nha sĩ lựa chọn. Hiện nay, implant được chia ra làm 2 loại:
1) One-stage implant: chỉ cần mổ 1 lần để cấy trụ implant vào xương hàm. Sau khi mổ, ta có thể thấy ngay đầu ống của trụ implant. Loại này có những ưu điểm và khuyết điểm của nó nên bệnh nhân phải hỏi kỹ lưỡng trước khi lựa chọn phần này.
2) Two-stage implant: Phần đông các bác sĩ chọn loại này vì thời gian phải chờ đợi 4 - 6 tháng để cho xương ‘liên kết’ [osseointegration] với trụ implant. Nhờ sự liên kết xương này mà các implant làm bằng chất titanium được giữ chặt trong xương giống như những chân răng thật bám chặt vào ổ xương hàm.
Phần giải phẫu có hai giai đoạn:
Giai đoạn I: thời gian mổ xẻ kéo dài khoảng độ 1 tới 2 tiếng, tùy theo trường hợp dễ hay khó hoặc tổng số implant cần phải trồng vào xương hàm. Trong phần này, nha sĩ sẽ mổ màng nướu răng ra để đặt trụ implant vào xương hàm. Có những mũi khoan đặc biệt để chuẩn bị kích thước chiều sâu và chiều rộng của từng trụ implant, tùy theo loại răng nào đã bị mất. Thí dụ, khi bị mất chiếc răng cửa thì nha sĩ có thể đặt loại implant nhỏ đi theo với bề dày của ổ xương (2.8 - 3.1 mm). Để thay thế cho một chiếc răng hàm bị mất, thì đường kính của trụ răng implant có thể rộng hơn (4.5 - 6.0 mm). Nếu đặt trụ implant quá lớn thì có thể làm tổn hại những chiếc răng đứng bên cạnh, bể ổ xương, hoặc chân implant bị lộ ra quá nhiều và có thể sẽ đưa đến sự thất bại. Chiều dài của trụ implant sẽ được giới hạn bởi vị trí của đường dây thần kinh, xoang mũi (sinus), sống mũi, v.v... Sau khi hoàn tất, implant được chôn kín trong xương và nướu răng được khâu vào trở lại bình thường [Hình 5].
Trong 1, 2 ngày đầu sau khi mổ, bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu hoặc hơi bị sưng. Nhưng đây là những dấu hiệu bình thường sau một cuộc giải phẫu. Thông thường, bệnh nhân phải chờ đợi từ 3 - 6 tháng để những tế bào xương bám vào bề mặt của trụ implant và giữ chặt nó trong khối xương. Ngày nay nhờ những cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng, nhiều nha sĩ đã cho bệnh nhân đeo ngay những chiếc mão răng hoặc bộ răng giả nằm trên trụ implant mà không cần phải tốn thời gian chờ đợi sự ‘liên kết xương’ được hoàn tất. Nhưng việc khảo cứu này vẫn chưa được thiết lập chắc chắn vì tiến trình theo dõi quá ngắn ngủi.
Giai đoạn II: thời gian mổ xẻ khoảng độ 10 tới 30 phút. Trong phần này, nướu răng sẽ một lần nữa được mở ra và đầu implant sẽ gắn liền với một trụ nhỏ ở trên đỉnh (transmucosal abutment). Bệnh nhân sẽ cảm nhận những đầu implant nhú ra từ bên trong nướu răng [Hình 6] Sau 2 tuần chờ đợi cho vết mổ được lành, nha sĩ sẽ làm những chiếc mão răng, cầu răng, hoặc bộ răng giả dựa trên những cột trụ implant [Hình 7].
Hình 6 Hình 7
Những biến chứng hay nguy hiểm có thể xảy ra khi trồng răng dental implant
Trồng implant có thể gây những biến chứng như sau:
1. Chảy máu, nhiễm trùng
2. Dị cảm (paresthesia) hoặc tê bại (anesthesia) tới cằm, lưỡi, răng hoặc gò má vì dây thần kinh ở hàm dưới bị tổn thương
3. Tổn thương xoang mũi hoặc đâm thủng màng xoang mũi (Sinus perforation) ở hàm trên
4. Sự liên kết xương không hoàn hảo đưa tới việc xương không bám chặt vào mặt implant. Hậu quả là implant bị lung lay và phải lấy ra.
Tuy nhiên, những sự khó khăn trên có thể tránh được nếu việc khám bệnh, chẩn đoán, và chọn lựa bệnh nhân được thi hành một cách cẩn thận kỹ lưỡng.
Sự phí tổn khi lựa chọn làm dental implant
Khi nghĩ tới làm răng implant chúng ta biết là phải liên quan tới cuộc giải phẫu. Như đã trình bầy ở trên, chúng ta thấy sự phức tạp và khó khăn trong việc đặt implant. Việc này đòi hỏi sự cộng tác và kết hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và tất cả bác sĩ chuyên khoa liên quan tới công việc trồng răng implant. Thí dụ, một người bệnh bị mất hết răng và muốn tái tạo bộ răng giả bằng phương pháp dùng implant cho cả hàm trên lẫn hàm dưới thì có thể phải cần: 1) Bác sĩ quang tuyến (radiologist) để chụp hình X-ray đo lường kích thước sâu rộng của bộ xương hàm, nhận định đường dây thần kinh, xoang mũi để tránh những việc nguy hiểm trong lúc mổ xẻ; 2) Bác sĩ giải phẫu (implant surgeon) để đặt implant vào xương hàm; 3) Bác sĩ chuyên khoa bộ môn răng giả (prosthodontist) để hướng dẫn vị bác sĩ giải phẫu đặt trụ implant cho đúng chỗ ngõ hầu giúp công việc trồng răng giả được chính xác và hoàn hảo hơn; 4) Bác sĩ gây mê (anesthesiologist) để giúp cho bệnh nhân thoải mái an tâm trong lúc giải phẫu. Nói tóm lại, khi tất cả các bác sĩ đó ngồi lại để nghiên cứu, học hỏi, trao đổi ý kiến, đưa ra những khía cạnh khác nhau và đo lường những sự khó khăn trước khi khởi sự thì cuộc giải phẫu sẽ tiến triển tốt đẹp, nhanh chóng và an toàn hơn.
Thí dụ trình bầy ở trên diễn tả trường hợp phức tạp nhất. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta chỉ bị mất 1, 2 răng lẻ tẻ hoặc nhiều lắm là 5, 6 răng. Một nha sĩ có thể chuẩn bệnh và làm từ đầu tới cuối mà không cần tới những bác sĩ khác. Những hình X-ray có thể được chụp ngay tại văn phòng thay vì phải đi vào nhà thương để chụp những hình phức tạp (CT Scan, Tomogram, v.v...) đắt tiền hơn. Nếu tình trạng sức khoẻ cho phép, bệnh nhân cũng có thể trồng răng implant bằng cách chích thuốc tê tại những chỗ mất răng mà không cần tới bác sĩ gây mê. Như vậy, bệnh nhân sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Nói tới đây không có nghĩa là chúng ta có tiến hành một cách cẩu thả mà không có đường hướng kế hoạch rõ ràng. Người nha sĩ trong văn phòng vẫn phải có trách nhiệm và làm theo tiêu chuẩn cần thiết để đem sự an toàn đến cho bệnh nhân. Chúng ta không nên gọi điện thoại tới văn phòng để hỏi giá tiền hoặc mặc cả vì đây không phải là tiêu chuẩn chính, mà hãy dành thời giờ lấy hẹn để tham khảo ý kiến với vị nha sĩ đó. Là bệnh nhân, chúng ta có quyền đòi hỏi để biết kinh nghiệm, sự huấn luyện, bằng cấp, kiến thức và khả năng của vị bác sĩ đó riêng trong việc trồng răng implant. Chúng ta nên để ý xem cách thức làm việc của văn phòng, như thời gian dành riêng cho cuộc tham khảo, cách cư xử của nha sĩ và nhân viên trong văn phòng, việc giữ gìn sạch sẽ trong phòng mạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y Tế, v. v... Nếu còn vấn đề nào thắc mắc hoặc do dự, thì đây là lúc ta nên đi tham khảo ý kiến thêm của một nha sĩ khác (second opinion) trước khi khởi sự. Đừng vì ham rẻ tiền mà bỏ qua đi những yếu tố quan trọng khác có thể dẫn tới sự nguy hại đến cơ thể! Khi phải đi mua xe, mua nhà, hay quần áo thì phần đông chúng ta bỏ ra rất nhiều thời gian ngắm nghía, so sánh lợi hại, hoặc đặt ra nhiều điều kiện thì tại sao ta lại không đầu tư thời giờ để tìm hiểu tất cả các vấn đề trong công việc trồng răng implant cho mình!!
Về tài chánh thì việc trồng răng implant tương đối đắt hơn so với cách trồng răng giả tháo rời hoặc làm cầu răng. Hiện tại, có vài hãng bảo hiểm đã cho công việc trồng implant là hữu ích và đài thọ một phần ngân khoản để bệnh nhân có thể trồng răng bằng cách này. Giá tiền trồng cấy răng implant và chụp mão răng thay đổi tùy theo địa phương hoặc tùy văn phòng. Tốt hơn hết, bệnh nhân nên thỏa thuận và biết rõ phí tổn tổng cộng trong việc đặt implant trước khi khởi sự để tránh việc bỡ ngỡ hoặc phiền toái sau này.
Sự bền lâu của trụ răng implant [Longevity]
Nhiều người Việt Nam chúng ta thường đòi hỏi nha sĩ phải bảo đảm cho những trụ răng implant khi đã được trồng vào trong xương hàm. Tác giả cũng đã nghe và thấy một vài quảng cáo đăng trong báo hoặc trên radio là sẽ làm cho bệnh nhân những chiếc răng implant ‘tồn tại suốt đời!’ Trong bao nhiêu ngàn bài nghiên cứu đã được đưa ra toàn quốc thì không có 1 bài viết nào bảo đảm sự thành công 100%!!! Thật ra theo sự nhận xét khiêm nhường của tác giả thì chẳng có gì trên đời là vĩnh viễn cả! Nói tới trụ răng implant thì sau khi đã được nằm trong xương và khoang miệng bệnh nhân dĩ nhiên không tránh nổi sự hiện diện của nhiều loại vi trùng ẩn náu, hoặc thức ăn nước uống 5, 7 lần mỗi ngày, hoặc sức ép (pressure) trong việc nhai cắn v. v... Chưa kể tới những bệnh hoạn sẵn có trong cơ thể như là bệnh tiểu đường, xốp xương, loãng máu, ung thư hoặc những tật xấu như hút thuốc, nghiện rượu, không chăm sóc răng miệng mỗi ngày. Nói tới đây, chúng ta phải hiểu rõ là có rất nhiều yếu tố mà người nha sĩ không cầm chắc được trong tay khi nói tới việc bảo đảm cho sự lâu bền của trụ răng implant. Trong trường hợp này bệnh nhân chỉ ước mong vị nha sĩ đó sẽ mang ra áp dụng những kiến thức chuyên môn đã hấp thụ được và sẽ làm hết khả năng để bảo đảm sự an toàn thoải mái và tốt đẹp cho công việc.
Cách thức săn sóc răng Implant
Giống như những chiếc răng thật, những trụ răng implant cũng đòi hỏi chúng ta phải chải răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày. Càng chăm sóc giữ gìn sạch sẽ bao nhiêu thì càng bảo đảm trong sự lâu bền của trụ răng trong nhiều năm tháng. Bệnh nhân cũng nên đi khám răng thường xuyên 2, 3 lần mỗi năm để những trụ implant được chùi rửa kỹ lưỡng hơn. Giống như bộ răng giả bình thường hoặc những phương cách trồng răng kiểu khác, thì trụ răng implant và những bộ phận ăn khớp với nhau cũng phải trải qua những sự hao mòn thông thường (‘wear and tear’) và cuối cùng cũng cần tu bổ như thay bộ mấu mới (clip replacements), vặn ốc cho chặt (screw tightening), thay lớp lót (relines) hoặc điều chỉnh những cơ phận khác để thích hợp với sự năng động trong xương (dynamic of bone).
Kết Luận
Nếu chúng ta cảm thấy hàm răng của mình không được đẹp, thì nay đã có nhiều phát minh mới để giúp chúng ta có được một hàm răng mỹ thuật hơn. Nha Khoa thẩm mỹ đã giúp cho nhiều người có được nụ cười đẹp tự nhiên hơn. Kỹ thuật cấy răng vào xương hàm đã tiến triển khả quan trong nhiều năm qua nhờ vào những công trình thí nghiệm và khảo cứu trên súc vật. Thêm vào đó, việc theo dõi kỹ lưỡng và học hỏi trên những bệnh nhân đã giúp công việc trồng răng implant vào xương hàm được thoải mái, an toàn và lâu bền hơn cho nhiều người khác.
Sau khi đọc xong những bài viết về những cách thức trồng răng giả, tác giả mong ước quí độc giả sẽ hiểu biết thêm để chọn lựa và quyết định đúng. Tóm lại, trước khi làm răng giả chúng ta nên so sánh những điểm quan trọng trong biểu đồ sau đây (xem biểu đồ).
- Nhổ Răng Cấm Khôn hay không khôn?
- Lại đến mùa ngừa cúm
- Lá Bùa Nha Khoa Đầu Năm Để Có Một Nụ Cười Tươi Đẹp
- Sức Khỏe Răng Miệng và Nhiễm Trùng Đường Phổi
- VẤN ĐỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE
- Chứng run tay (Maladie de Parkinson / Parkinson’s disease)
- Dấu Hiệu Khi Thiếu Sinh Tố
- Nắng Sài Gòn Nắng Viễn Phương
- ‘Răng Long Tóc Bạc’ Bộ Răng và Khoang Miệng trong tuổi cao niên
- Liệt Nửa Người (Hémiplégie)