Sức Khoẻ Là Vàng
Bác Sĩ Nha Khoa Anne-Marie Hòa Nguyễn chuyên trị bệnh nướu răng và đặt implant (Periodontology & Implantology) tốt nghiệp Baylor College of Dentistry năm 1990, có bằng Master of Science về phân khoa nướu răng tại University of Texas - San Antonio năm 1996 và Board Certified bởi Hội American Board of Periodontology năm 1997, hiện đang hành nghề ở vùng Tây Nam (Southwest) Houston. Nếu có những thắc mắc liên quan tới nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, TX 77036. ĐT: 713.917.0907. Copyright ã2006 Anne-Marie H Nguyen, DDS, MS.
Phần đông chúng ta có 32 cái răng, nhưng ít ai có bộ xương hàm rộng đủ để tất cả các răng có thể mọc ngay ngắn và trật tự. Thông thường, một bộ răng của người lớn có 6 răng hàm ở hàm trên và 6 răng hàm ở hàm dưới, tổng cộng là 12 chiếc răng hàm. Răng hàm thứ nhất mọc vào khoảng độ 6 tuổi. Răng hàm thứ nhì mọc vào lúc 12 tuổi. Còn bốn chiếc răng hàm thứ ba, được gọi là ‘răng khôn’, thường mọc vào lứa tuổi thanh niên 18 - 20, lúc mà con người được xem là đã trưởng thành và khôn lớn. Vậy, răng khôn là 4 chiếc răng hàm phát triển và mọc trễ nhất trong miệng của chúng ta. Những chiếc răng này đứng ở bốn góc trong cùng của miệng nên tư thế và vị trí ít khi được bình thường [Hình 1]. Nhiều răng khôn mọc ngầm trong quai hàm (impaction), có thể kẹt ở vị trí đó suốt đời, hoặc gây nhiều biến chứng phức tạp.
Hình 1. Diễn tả vị trí của bộ răng hàm
Biến chứng liên quan tới răng mọc ngầm
Vì khuynh hướng răng hàm cuối cùng bị nằm cứng chặt trong xương hàm hoặc không thể di chuyển vào đúng vị trí của nó nên hay gây nhiều rắc rối và phiền toái cho bệnh nhân. Chính vì không đủ chỗ nên những chiếc răng khôn thường mọc lên và phát triển theo chiều hướng nào dễ dàng nhất, như đã được diễn tả trong những họa hình. Nếu những chiếc răng đó chỉ nhú ra chút ít hoặc bị chôn ngầm hẳn trong xương và vòm nướu thì có thể xẩy ra các biến chứng như sau:
1. Sâu răng [tooth decay/caries]: Khi chiếc răng khôn chỉ ló ra một phần thì dĩ nhiên việc chải và gìn giữ mặt răng cho sạch rất khó thực hiện được. Vụn thức ăn và bựa răng đầy vi trùng sẽ đóng tụ trên mặt răng và lâu ngày sẽ tạo ra một lỗ sâu trên chiếc răng khôn đó [Hình 2]. Trong trường hợp chiếc răng khôn nằm nghiêng dựa vào chiếc răng phía trước thì có thể làm cho răng này bị sâu luôn.
2. Sưng màng nướu [Pericoronitis]: Trong trường hợp này một phần bề mặt chiếc răng khôn bị bao phủ bởi một màng nướu. Lâu ngày thức ăn bị ứ đọng ở dưới màng nướu này và đưa tới sự nhiễm trùng. Nhiều lúc màng nướu bị sưng quá to khiến cho bệnh nhân lên cơn sốt và không thể mở miệng lớn được.
3. Sai lệch vị trí [Poor Position]: Vì không đủ chỗ, nên nhiều chiếc răng khôn mọc lệch lạc và quay ngang ngửa để tự tìm chỗ cho mặt răng trồi lên [Hình 3].
4. Tạo nên nang thũng [Cystic Formation]: Khi một chiếc răng hàm bị kẹt cứng trong xương, toàn chiếc răng được bao bọc bởi một túi (sac or cyst) có màng mỏng, chứa đựng chất lỏng có máu hoặc mủ [Hình 5]. Nang thũng nẩy nở chậm, nhưng sức ép của nang thũng có thể gây tổn thương tới những chiếc răng bên cạnh, hoặc tới xương hàm và giây thần kinh. Biến chứng của nang thũng dẫn tới cơn sưng và đau nhức chung quanh vùng xương hàm có chiếc răng cấm.
5. Viêm nha chu [Periodontal Diseases]: Khi những chiếc răng khôn mọc lệch lạc hoặc không nhô lên thẳng, xương hàm của những chiếc răng đứng phía trước bị hủy hoại, tạo nên một hố sâu chứa đựng những vụn bã thức ăn và nhiều loại vi trùng khác nhau, dẫn tới bệnh nướu răng tại vùng này.
Khi nào nên đi nhổ răng khôn?
Nhiều vị chuyên khoa giải phẫu hàm mặt (oral-maxillofacial surgeon) khuyên nên nhổ đi những chiếc răng khôn khi chân răng mọc được 3/4 chiều dài. Vì vậy, thời điểm tốt nhất để đi nhổ những chiếc răng khôn là ở lứa tuổi thanh niên (16 - 19 tuổi). Thứ nhất, tuổi tác càng cao thì công việc nhổ răng hàm càng khó khăn vì lúc đó chân răng đã có cơ hội mọc đủ dài để cắm chặt trong ổ xương. Thứ nhì, khi còn trẻ tuổi thì khả năng phát triển xương để đắp vào chỗ trống của chân răng sau khi nhổ sẽ nhanh chóng và chắc chắn hơn. Hơn nữa, khả năng và thời gian bình phục sau khi nhổ răng sẽ dễ dàng và mau chóng hơn. Cũng có vài trường hợp răng hàm cấm mọc ngay thẳng và không gây nên khó khăn gì cả. Theo như thống kê thì chỉ khoảng dưới 10% dân số có bộ răng đủ 32 chiếc trong miệng. Nhưng dù ở tuổi nào đi nữa, những triệu chứng sau đây sẽ giúp chúng ta quyết định nên hay không nhổ những chiếc răng khôn:
1. Đau nhức (pain)
2. Nhiễm trùng (infection)
3. Sưng mặt (Facial swelling)
4. Sâu răng (tooth decay)
5. Sưng hạch ở vùng cổ (neck lymphadenopathy)
6. Sưng màng nướu (pericoronitis)
7. Viêm nướu răng hoặc mất xương răng (periodontal diseases)
Vì có nhiều khó khăn liên quan tới việc giải phẫu để nhổ những chiếc răng khôn và có nhiều triệu chứng không thể hiện rõ ràng cho người bệnh, Hội Đồng Nha Khoa khuyên chúng ta nên cho con em đi khám răng thường xuyên và theo dõi sự cấu tạo và phát triển của những chiếc răng này bằng quang tuyến để đề phòng những biến chứng gây hại tới sức khỏe.
Tiến trình giải phẫu nhổ răng khôn
Điều quan trọng nhất trong việc nhổ răng khôn là buổi tham khảo đầu tiên (initial consultation), trừ khi người bệnh là bệnh nhân thường xuyên của văn phòng. Đây là cơ hội cho vị nha sĩ tổng quát (general dentist) sơ lược lại hồ sơ bệnh lý của người bệnh, những thuốc đang uống hoặc các dị ứng, và những triệu chứng liên quan đến những chiếc răng khôn. Sau đó, vị nha sĩ sẽ khám khoang miệng và chụp hình quang tuyến để biết rõ vị trí của chiếc răng cấm liên quan tới những vùng quan trọng như giây thần kinh, xoang mũi, v.v... Tùy theo khả năng hoặc kinh nghiệm của từng nha sĩ và tùy theo vị trí khó khăn của chiếc răng khôn, một số trường hợp cần phải được gửi tới một nha sĩ chuyên khoa hàm mặt (oral-maxillofacial surgeon) để giải phẫu hầu bảo đảm sự an toàn cho người bệnh.
Phần đông cuộc giải phẫu để nhổ những chiếc răng khôn có thể thực hiện tại phòng mạch nha khoa và chỉ cần chích thuốc tê (local anesthesia) tại vùng chung quanh răng hàm. Tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người, nha sĩ có thể cho bệnh nhân uống thuốc an thần nhẹ để cảm thấy thoải mái trong khi giải phẫu. Nếu người bệnh có vấn đề sức khỏe tổng quát hoặc quá lo lắng sợ hãi thì có thể phải cần tới việc gây mê toàn khoa (conscious sedation/general anesthesia).
Giá tiền nhổ răng cấm tùy theo: 1) trình độ khó khăn; 2) tùy theo địa phương; hoặc 3) tùy văn phòng. Hiện tại, phần đông những hãng bảo hiểm Nha Khoa và Y Khoa đều đài thọ phí khoản của công việc nhổ răng cấm. Tốt hơn hết, bệnh nhân nên thỏa thuận và biết rõ tổng cộng tất cả các phí tổn trong việc nhổ răng trước khi khởi sự để tránh sự ngỡ ngàng hoặc phiền toái sau này.
Biến chứng và phản ứng phụ trong lúc và sau khi nhổ răng cấm
Giải phẫu nhổ răng khôn được coi là một việc thông thường và an toàn đối với nhiều nha sĩ. Tuy nhiên, những ai cần nhổ răng cấm cũng nên biết trước những biến chứng hoặc phản ứng phụ có thể xảy ra trong lúc giải phẫu. Phản ứng phụ (Side-effects) thường luôn xảy ra rất nhẹ và chỉ ảnh hưởng tạm thời, như rỉ máu trong 24 giờ đầu, sưng mặt, đau nhức, cứng quai hàm trong 1, 2 ngày đầu. Biến chứng (complications) là những vấn đề rắc rối hơn có thể xảy ra trong lúc hoặc sau khi giải phẫu. Biến chứng thông thường nhất là chảy máu quá nhiều (excessive bleeding), nhiễm trùng (infection), phản ứng bất ngờ tới những thuốc gây mê (unexpected reaction to sedation medications), tổn hại đến chiếc răng hàm bên cạnh hoặc những chiếc răng khác (damage to adjacent or other teeth), gãy xương hàm (jaw fracture), gây thiệt hại tới đường giây thần kinh đưa tới sự tê liệt tạm thời (temporary numbness) hoặc hiện tượng mất cảm giác vĩnh viễn (permanent paresthesia/anesthesia). Những hiểm họa này xảy ra hay không tùy thuộc vào vị trí của chiếc răng ngầm, các loại thuốc dùng trong lúc giải phẫu, hoặc những yếu tố khác như sức khỏe tổng quát của người bệnh (như bệnh tiểu đường, bệnh gan, loãng máu, cao máu, v. v...), hoặc tùy vào kinh nghiệm của bác sĩ giải phẫu. Cho nên, việc chẩn bệnh trước khi giải phẫu được xem là điểm quan trọng để có thể tránh được những sự nguy hiểm bất ngờ, và cũng để cho người bệnh hiểu biết trước những biến chứng có thể xảy ra trước khi quyết định nhổ răng (informed consent).
Những điều cần làm sau khi nhổ răng
Trước khi ra về, nha sĩ thường căn dặn một vài điều quan trọng sau khi nhổ răng và cho bệnh nhân những toa thuốc để giúp cho vết thương bình phục mau chóng.
NÊN:
- Chườm đá ngoài da để giảm độ sưng ngay sau khi mổ.
- Nếu còn rỉ máu, nên cắn chặt trên miếng bông gòn trong khoảng 15-30 phút hoặc cắn trên bịch trà khô (Lipton Tea Bag).
- Uống thuốc đau nhức và trụ sinh đúng độ như đã ghi trong toa.
- Giữ gìn sạch sẽ răng và miệng sau 24 - 48 giờ sau khi mổ.
- Ăn những thực phẩm mềm lỏng hoặc xay nghiền như soup gà, yogurt, phở/mì chay cắt nhỏ để không cần nhai cắn.
- Uống nhiều nước (sữa, trái cây) sau khi máu đã ngừng chảy.
KHÔNG NÊN:
- Nhai cắn những thực phẩm dai hoặc cứng (cà rốt, bắp rang, mè vừng, etc.) trong khoảng 2 tuần. Những vụn thức ăn đó có thể bị rơi hoặc dắt vào những ổ xương hàm gây ra nhiễm trùng
- Chải răng chung quanh chỗ mổ liền sau khi mổ. Nên cẩn thận khi chải răng tại những nơi này. Tốt hơn hết hãy chờ sau 48 tiếng.
- Súc miệng liên tục khi thấy máu chảy trong miệng. Càng súc miệng thì máu sẽ bị chảy nhiều hơn, vì máu cần thời gian để đọng lại.
- Uống nước bằng ống hút hoặc khạc nhổ quá mạnh, vì có thể làm cho cục máu long ra.
- Hút thuốc lá ngay sau khi mổ hoặc uống rượu mạnh. Chú Ý: Uống rượu có thể gây phản ứng nguy hại khi pha trộn với những thuốc đau nhức!!!
- Làm việc quá độ. Nên dùng thời giờ để dưỡng bệnh.
Nên gọi cho văn phòng trong những trường hợp khẩn cấp như:
- Chảy máu quá nhiều hoặc không nuốt được
- Sưng mặt liên tục hoặc tái hồi (persistent or recurrent swelling)
- Cơn đau liên tục
- Lên cơn sốt
- Bị phản ứng thuốc (nôn mửa, nổi ngứa)
KẾT LUẬN:
Tác giả mong ước bài viết này sẽ giúp nhiều người hiểu biết thêm về chiếc răng khôn và những biến chứng liên quan tới răng của mình. Điểm quan trọng là chúng ta nên đi khám răng thường xuyên để "phòng bệnh hơn chữa bệnh", hầu chính mình hoặc con cái có được một hàm răng đẹp và khỏe mạnh như những người bản xứ. Đừng vì những lý do như thời gian eo hẹp, tốn phí tiền bạc, hoặc những tư tưởng lỗi thời như "răng nó không bị đau thì đừng đụng vào" mà bỏ mất đi cơ hội chữa trị đúng lúc, để rồi sẽ phải tốn kém gấp 5, 10 lần để sửa lại những chiếc răng khác bị hư lây một cách vô lý!
Tác giả chân thành ghi ơn Bs. Nguyễn Tiến Dỵ và A. Trịnh Lê Trung đã sửa chữa nét văn cho bài viết này được hoàn hảo.
Chà, cuộc đời sao mà mau thế, Thu đã đây rồi, với hơi thu lành lạnh khiến ta bâng khuâng. Lại đến lúc chúng ta bàn chuyện chống cúm trước khi Đông sang. Trong năm, Đông là mùa đáng ngại nhất.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization), mỗi mùa Đông, bệnh cúm đến thăm 20% dân số địa cầu, gây ra 5 triệu trường hợp bệnh nặng, và ít nhất 250.000-500.000 cái chết. Cúm quan trọng đến nỗi, Tổ chức Y tế Thế giới, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh Hoa Kỳ (CDC), không ngớt để mắt theo dõi sự hoành hành của nó.
(Cứ đụng đến cúm là dữ, vùng Đông Nam Á từ năm trước, lai rai có dịch cúm gà, diệt mãi không xong, thỉnh thoảng lây sang người, khiến người chết. Bệnh cúm gà chưa có thuốc ngừa.)
Sơ lược về cúm
Cúm gây bởi siêu vi cúm "Influenza" (Influenza virus), đến vào mùa Đông mỗi năm, từ tháng 12 tới khoảng tháng 4. [Cảm (cold) thì quanh năm, do những siêu vi hiền hơn siêu vi cúm.]
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm, cúm gây ra ít nhất 250.000-500.000 cái chết trên khắp thế giới. Riêng ở Mỹ, những năm gần đây, tuy không có dịch lớn, cúm vẫn giết hại 20.000-50.000 người mỗi mùa Đông. 80-90% những người chết vì cúm ở khoảng tuổi trên 65. Thứ đến, những người mang các bệnh kinh niên. Bây giờ, người ta lại thấy cả trẻ em trong khoảng tuổi 6 đến 23 tháng cũng hay có biến chứng nguy hiểm khi nhiễm cúm. Mức độ tấn công của cúm có thể lên đến 20-30% (cứ 10 người, 2-3 người bị cúm), làm xáo trộn hoạt động nhiều giới: trẻ em nghỉ học, người lớn nghỉ việc.
Siêu vi cúm có đặc tính gian manh, biết thay hình đổi dạng, mỗi năm mỗi khác, nên việc phòng ngừa cúm cần được thực hiện hàng năm. Thuốc chích ngừa cúm mỗi năm một khác, với hy vọng có thể ngừa được dịch cúm tiên đoán sắp xảy ra trong mùa Đông năm đó.
Siêu vi cúm có trong nước mũi, nước miếng người bệnh. Bệnh truyền từ người bị cúm sang người lành khi những hạt nước nhỏ li ti chứa siêu vi cúm, bắn ra từ mũi, miệng người bệnh lúc họ ho, hắt hơi. Bắt tay, ôm nhau cũng có thể truyền bệnh (tay bạn dính nước mũi, nước miếng người bệnh, rồi bạn vô tình đưa tay lên mũi, miệng mình, thế là xong!). Trong nhà có người nhiễm cúm, bạn khó tránh lây bệnh.
Cúm nặng hơn cảm nhiều, gây nhức đầu, nóng sốt (thường trên 38.3 độ C hay 101 độ F), ớn lạnh, yếu mệt, khó chịu trong người, nhức mỏi các bắp thịt. Đi kèm là các triệu chứng hô hấp: sổ mũi, đau cổ họng, ho khan, đau tức vùng giữa ngực. Những trường hợp cúm nặng có thể làm người bệnh mê sảng. Nóng sốt cao nhất trong vòng 24 tiếng đầu (có thể lên đến 41 độ C), sau đó giảm dần 2-3 ngày sau. Thỉnh thoảng, cũng có những trường hợp sốt kéo dài cả tuần. Nhức đầu thường dữ dội, làm người bệnh khó chịu nhất. Các bắp thịt toàn cơ thể nhức mỏi như dần, nhất là ở vùng lưng dưới và chân. Có người đau nhức cả các khớp xương.
Nếu không có biến chứng, các triệu chứng nhẹ đi trong vòng 3 đến 5 ngày, nhưng thời gian hồi phục để có thể trở lại làm việc như trước thường chậm hơn khi bị cảm, mất nhiều ngày hay nhiều tuần, nhất là ở người lớn tuổi.
Cúm không nguy hiểm vì các triệu chứng, song vì các biến chứng (complications) của nó. Biến chứng thường xảy ra nhất của cúm là sưng phổi. Siêu vi trùng cúm, dữ hơn các siêu vi trùng cảm, làm tổn thương niêm mạc (mucosa) lót lòng các ống phổi. Sưng phổi do chính siêu vi trùng cúm gây ra, hoặc do các vi trùng (bacteria) luôn có sẵn trong đường hô hấp. Các vi trùng này thường ngày không sao, nay nước đục thả câu, bám vào những chỗ niêm mạc bị siêu vi cúm làm tổn thương, tấn công luôn, gây sưng phổi. Biến chứng sưng phổi hay xẩy ra ở các vị lớn tuổi, hoặc người có bệnh tim, bệnh phổi kinh niên.
Biến chứng nguy hiểm khác của cúm là hội chứng Reye (Reye syndrome) ở trẻ em. Hội chứng Reye hay xảy ra nhất trong khoảng tuổi 2 đến 16, vài ngày sau khi nhiễm cúm. Khi các triệu chứng của cúm có vẻ như đang bớt dần, trẻ đột nhiên buồn nôn, ói mửa. Sau đó khoảng 1-2 ngày, trẻ lờ đờ, mê sảng, giật kinh phong (seizure), rồi đi dần vào mê sảng và có thể chết. Trước kia, khi người ta chưa biết nhiều về hội chứng Reye, tử vong lên đến hơn 40% (10 trẻ bị hội chứng Reye, hơn 4 trẻ chết). Nay, dù với sự định bệnh mau chóng và các cách chữa trị thích ứng, tử vong vẫn còn khoảng 10% (10 trẻ bị, 1 trẻ chết). Cơ chế gây hội chứng Reye ở trẻ em nhiễm cúm hiện chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, người ta nhận thấy các trẻ nhiễm cúm, nếu dùng Aspirin, sẽ dễ bị hội chứng Reye hơn các trẻ không dùng Aspirin. Con số trẻ em bị hội chứng Reye nay đã giảm đi nhiều, kể từ khi các bậc phụ huynh được báo động, không còn dùng Aspirin cho các trẻ em bị cảm hay cúm.
Các biến chứng khác của cúm: viêm sưng các bắp thịt, sưng cơ tim, sưng óc,... Ngoài ra, ở những người đang có bệnh tim, phổi hay thận kinh niên, cúm cũng có thể làm các cơ quan này, vốn đã yếu sẵn, thành suy yếu hơn, đe dọa tánh mạng người bệnh.
Ngừa cúm
Phương pháp trị cúm hữu hiệu nhất vẫn là ngừa cúm. Với bệnh cúm, quả "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Từ năm ngoái, ngoài thuốc chích để ngừa như hàng năm, còn có thêm thuốc ngừa Flumist, xịt vào mũi. Thích thật, không phải chích mà vẫn ngừa được cúm! Nhưng tiếc thay, Flumist kém hữu hiệu hơn thuốc chích, chỉ nên dùng ngừa cho người khỏe trong khoảng 5 đến 49 tuổi.
Thuốc chích ngừa cúm chế từ các siêu vi cúm A và B đã gây bệnh trong mùa cúm năm trước, cấy vào trứng, cho sinh sôi nảy nở, sau đó bị làm yếu đi để không thể gây bệnh, nhưng vẫn có khả năng tạo kháng thể cho người được chích. Sau khi chích ngừa, dù sự bảo vệ không 100%, ít ra cũng 50-80%. Rủi vẫn bị cúm, triệu chứng thường nhẹ hơn, ít nóng sốt, ít sưng phổi.
Thuốc chích và cả thuốc xịt Flumist đều dùng trứng làm chất đệm, nên những người ăn trứng có phản ứng (egg allergy: nổi mẩn đỏ, lên cơn suyễn, chóng mặt, xỉu,...), không nên chích ngừa hoặc dùng Flumist.
Những ai cần chích ngừa cúm?
Tiểu Ban Cố Vấn về Chích Ngừa đề nghị chích ngừa cúm cho các trẻ em (từ 6 tháng trở lên) và những người lớn bị nguy hiểm nếu nhiễm cúm, do cao tuổi hoặc vì đang mang bệnh làm cơ thể yếu sẵn:
- Người lớn trên 64 tuổi, dù không có bệnh gì quan trọng.
- Trẻ em trong khoảng tuổi 6-23 tháng.
- Phụ nữ mang bầu, thai kỳ sẽ vào tháng thứ 4 trở đi khi mùa cúm đến.
- Trẻ em tuy ngoài khoảng tuổi 6-23 tháng và người lớn tuy dưới 65, tuy không mang thai, nhưng đang có các bệnh kinh niên như bệnh tim, bệnh phổi (kể cả suyễn), bệnh thận, bệnh tiểu đường, thiếu máu nặng, bệnh AIDS,..., hoặc người đang phải dùng những loại thuốc khiến sức kháng cự của cơ thể suy giảm (như thuốc Prednisone), thuốc chống ung thư.
- Người đang ở trong các viện chăm sóc đặc biệt (nursing homes).
- Người dưới 19 tuổi đang phải dùng Aspirin lâu dài (vì họ có thể bị hội chứng Reye nếu nhiễm cúm).
- Các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế, có nhiệm vụ trực tiếp săn sóc những người thuộc các thành phần kể trên, cả người nhà (household contacts) nữa, cũng nên chích ngừa để tránh nhiễm cúm rồi lây lại cho người thuộc các thành phần cần được chích ngừa cúm kể trên.
Ngoài ra, tuy không thuộc các thành phần trên, nhưng sợ cúm dữ, ai trong chúng ta cũng có thể chích ngừa (trừ người nào bị nhạy ứng với trứng).
Chích ngừa cúm lúc nào tốt nhất?
Ở Mỹ, thường dịch cúm bắt đầu vào tháng 12. Cúm tấn công mạnh nhất vào khoảng tháng giêng (1) và tháng hai (2), sau đó có thể vẫn còn hoành hành cho đến tháng 4 khi vào Xuân.
Khoảng 2 tuần sau khi chích ngừa, cơ thể bắt đầu có kháng thể (antibody) chống cúm. Kháng thể tồn tại trong cơ thể 6 tháng hay hơn. Tuy nhiên, ở một số vị có tuổi, lượng kháng thể giảm dưới mức bảo vệ sau 4 tháng. Việc chích ngừa thường được thực hiện trong khoảng các tháng 10, 11 và 12. Thời điểm tốt nhất để chích ngừa cúm, là vào khoảng tháng 10 đến giữa tháng 11.
Thuốc ngừa cúm có gây phản ứng gì quan trọng?
Với người ăn trứng không bị phản ứng, chích ngừa cúm ít khi gây phản ứng quan trọng, trừ hơi đau một chút thôi ở chỗ chích độ 1-2 ngày. Nếu có nóng sốt, uể oải, đau nhức các bắp thịt sau khi chích ngừa, các triệu chứng này cũng chỉ kéo dài 1-2 ngày.
Cho những vị chưa kịp chích ngừa mà cúm đã đến, hoặc vì nhạy ứng với trứng nên không thể chích ngừa, có thể dùng thuốc uống Amantadine hay Rimantadine để ngừa. Điều cần biết là khác với cách ngừa bằng thuốc chích (ngừa được cả cúm A lẫn B), thuốc Amantadine hay Rimantadine chỉ giúp ngừa cúm A thôi. Amantadine có thể gây khó ngủ, chóng mặt, người bứt rứt, khó tập trung tư tưởng, sảng, có ảo giác, kinh giật, còn Rimantadine ít gây phản ứng phụ hơn.
Hai thuốc mới, Tamiflu và Relenza, cũng giúp ngừa cúm (cả cúm A lẫn cúm B), song đắt hơn nhiều so với Amantadine, Rimantadine.
Chích ngừa cúm có ngừa được cảm?
Cảm là cảm (cold), cúm là cúm (flu), chưa có thuốc "chích ngừa cảm cúm". Cảm xảy ra quanh năm, do những siêu vi trùng khác. Chích ngừa cúm không ngừa được cảm. Xin bạn đừng bắt đền bác sĩ nếu bạn vẫn bị cảm sau khi chích ngừa cúm.
Thực, đời là trường tranh đấu, hết đứa này đến đứa khác bắt nạt loài người hiền lành chúng ta, đặc biệt lũ siêu vi. Cúm người, cúm gà, bệnh AIDS, bệnh SARS,...
Trụ sinh không trị được siêu vi. Cách chữa tốt là ngừa bằng thuốc, nếu đã có thuốc ngừa. Thời điểm tốt nhất để ngừa bệnh cúm người, tháng 10 đến giữa tháng 11, nhất là cho các vị cao niên.
Bác Sĩ Nha Khoa Anne-Marie Hòa Nguyễn chuyên trị bệnh nướu răng và đặt implant (Periodontology & Implantology) tốt nghiệp Baylor College of Dentistry năm 1990, có bằng Master of Science về phân khoa nướu răng tại University of Texas - San Antonio năm 1996 và Board Certified bởi Hội American Board of Periodontology năm 1997, hiện đang hành nghề ở vùng Tây Nam (Southwest) Houston. Nếu có những thắc mắc liên quan tới nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, TX 77036. ĐT: 713.917.0907. (Copyright@2007 Anne-Marie H Nguyễn, DDS, MS.)
Trong dịp Tết Nguyên Đán, mọi người Việt Nam chúng ta đều nhộn nhịp mua bán bánh mứt và hoa quả ngon đẹp; quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ; sửa soạn những bộ quần áo sặc sỡ để vui chơi trong những ngày hội chợ đầu năm. Để kịp đón giao thừa, các cụ thường thúc dục con cháu quét dọn, lau nhà, chớ để tới ngày đầu năm mới làm. Tôi còn nhớ ông bà thân sinh thường nhắc nhở nên tránh làm những việc trong ngày đầu năm, chẳng hạn: đừng ăn to nói lớn, nấu bếp, quét dọn, lau chùi, rửa bát, hoặc làm đổ bể đồ đạc trong nhà v.v... kẻo bị XUI cả năm. Trong nhiều năm hành nghề Nha Sĩ, tôi để ý thấy các văn phòng bác sĩ/nha sĩ khác cũng đóng cửa vào những ngày đầu năm này vì bệnh nhân chẳng mấy ai có ‘can đảm’ đến để được chữa trị. Mới ngày mùng 2 đầu năm 2007, tôi có nhận được một cú điện thoại của một bệnh nhân Việt Nam gọi để hủy bỏ buổi hẹn chữa răng, vì lý do là ‘sợ XUI và phải bị đi chữa răng cả năm’! Tôi cười thầm trong lòng sau khi ghi chép vào hồ sơ của người bệnh vì sự mê tín dị đoan đó và biết chắc trước sau tôi cũng sẽ phải gặp bệnh nhân đó cả năm để chữa trị căn bệnh nướu răng đã đến độ trầm trọng! Trước thềm năm Đinh Hợi 2007, tác giả xin thân tặng quí độc giả bài viết ‘Lá Bùa Nha Khoa’, đúc kết những điểm căn bản thực tế và hữu dụng để giúp chúng ta gìn giữ một hàm răng khỏe mạnh và nụ cười tươi đẹp đem nguồn vui tới cho mọi người. Nếu áp dụng ‘lá bùa’ này tác giả tiên đoán trong năm mới ngân quĩ gia đình của quí vị không ít thì nhiều sẽ giảm đi sự hao hụt, tối thiểu trong lãnh vực tiêu thụ ‘rượu và thuốc lá’. Sống ở nước Mỹ này trên 30 năm, chúng ta nên thật sự suy nghĩ và thi hành câu ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’. Nếu đã mắc bệnh rồi, thì nên tìm hiểu và chữa trị ngay, chứ không nên ngồi chờ ‘ngày lành tháng tốt’ kẻo không kịp. Nhiều khi chờ đợi quá lâu, căn bệnh sẽ trở nên trầm trọng làm cho việc chữa trị khó hơn, nhiều phí tổn và tỷ lệ thành công sẽ bị giảm thiểu. Xin chúc quí vị may mắn!
Nhân dịp Năm Mới, tác giả xin chân thành cám ơn quí độc giả qua sự chú ý theo dõi những bài viết trong năm qua. Mong rằng ngòi viết và những lời văn đơn sơ này đã đóng góp một phần nào trong việc phòng tránh những bệnh về răng và khoang miệng. Xin thân chúc quí vị độc giả và gia quyến một năm mới an lành, hạnh phúc, thịnh vượng, sức khỏe dồi dào và vạn sự thành đạt.
- Đánh răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày ít nhất 2 lần. Tẩy sạch những chất bựa đóng chung quanh mặt răng và nướu răng sẽ giúp giảm đi bệnh viêm nha chu.
- Mỗi năm nên đi khám răng định kỳ từ 3 tới 6 tháng để phòng bệnh sâu răng, bệnh nướu răng hoặc bệnh ung thư khoang miệng. Đây cũng là dịp để nha sĩ nạo sạch những kẽ hở trong răng mà chúng ta không thể thấy được.
- Chải sạch những bộ răng giả hàng ngày, trước và sau khi đeo. Nên gỡ bộ răng giả ra trước khi đi ngủ để tránh sự phát triển của vi trùng trong khoang miệng. Mặc dù thiếu hoặc không còn răng, bệnh nhân cũng nên tiếp tục đi khám răng và khoang miệng theo thường lệ.
- Nên khai báo cho nha sĩ gia đình biết những triệu chứng bất thường trong khoang miệng: Nướu răng bị sưng hoặc chảy máu, răng lung lay hoặc tách rời, lở loét, khô miệng, hoặc hôi miệng kinh niên.
- Hạn chế uống rượu. Tiêu thụ lượng rượu quá độ là một yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh ung thư khoang miệng, cuống họng, và những bệnh toàn cơ khác.
- Nên tránh hoặc hạn chế hút thuốc lá. Ngoài những bệnh nguy hiểm toàn cơ gây ra bởi việc hút thuốc lá, tỷ lệ những người hút thuốc mắc bệnh nướu răng tăng gấp 7 lần so với những người không hút.
- Nên uống nước và dùng kem đánh răng có chất fluoride để ngăn chặn sâu răng. Fluoride là một chất hóa học tốt để bảo vệ men răng và phòng ngừa bệnh sâu răng.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng mỗi ngày.
- Những thực phẩm có tính chất dai dẻo như caramel, kẹo đường, hoặc nước ngọt (Coke, café) có thể bám trên mặt răng nhiều giờ và đưa đến tới tình trạng sâu răng.
- Nên biết những loại thuốc nào mình đang uống. Nhiều loại thuốc uống theo toa hoặc bán trên quầy hàng có ảnh hưởng phụ làm khô miệng, có thể dẫn tới chứng hôi miệng, tình trạng sâu răng hoặc bệnh viêm nha chu [Table 1].
- Giữ cho khoang miệng được ẩm ướt bằng cách uống nhiều nước lọc. Nước miếng được coi như là một loại xà bông rất tốt trong miệng và có tính chất sát trùng, giúp trong việc phòng bệnh nướu răng và sâu răng. Nếu ở trong tình trạng khô miệng [Table 2], nên uống nhiều nước, nhai kẹo cao su không có chất đường hoặc dùng nước bọt nhân tạo. Nên tránh những nước uống có chất alcohol và caffeine, tránh hút thuốc, tránh ăn thực phẩm khô mặn (crackers, toasts) và thực phẩm có lượng đường cao.
- Các loại thuốc nước súc miệng, hơi xịt miệng, hoặc kẹo the chỉ giúp che đậy bệnh hôi miệng tạm thời mà thôi. Trên thực tế, đa số các loại thuốc súc miệng đều chứa chất alcohol kích thích những mô phần trong miệng (Irritation of oral tissues) làm cho bệnh hôi miệng thành nặng hơn. Tốt hơn hết, nên tới văn phòng nha sĩ để tìm đúng nguyên nhân gây ra bệnh hôi miệng.
- Những yếu tố quan trọng khác làm cho bệnh nướu răng thêm trầm trọng: hút thuốc lá, bệnh tiểu đường, căng thẳng tinh thần, di truyền, hoặc vài loại dược phẩm dùng chữa trị những bệnh toàn cơ.
- Để ý xem mình có tật nghiến răng hay không, để tránh tình trạng mẻ hoặc gãy răng. Nha sĩ có thể làm những miếng nhựa đặt trên răng (mouthguard) để bảo vệ mặt răng khỏi mòn khi ta nghiến răng.
Table 1. Những loại thuốc làm nướu răng tăng phồng [gingival enlargement]* (*Xin tham khảo với bác sĩ/nha sĩ gia đình hoặc dược sĩ.)
1. Calcium channel blockers. Thuốc dùng để chữa trị bệnh cao máu hoặc trợ tim. [Nifedipine, Verapamil, Diltiazem, etc.]
2. Anti-convulsants. Thuốc dùng để chống chứng gây co giật, động kinh [Phenytoin, Sodium valproate, Phenobarbitone, etc.]
3. Immunosuppressants. Thuốc áp chế miễn dịch, làm giảm sức đề kháng của cơ thể với các vật lạ khác, dùng trong những trường hợp thay ghép những bộ phận trong cơ thể. [Cyclosporin]
Table 2. Lý do gây ra tình trạng khô miệng
1. Ảnh hưởng phụ của những loại thuốc uống, như chống đau nhức [pain relievers], chống trầm cảm [anti-depressants], chống dị ứng [anti-histamines], thuốc thông mũi [decongestant].
2. Biến chứng căn bệnh và nhiễm trùng. Bệnh tiểu đường, bệnh thiếu máu, bệnh cao máu, những bệnh làm suy nhược hệ thống miễn nhiễm có thể dẫn tới tình trạng khô miệng.
3. Mất nước. Tình trạng như lên cơn sốt, chảy quá nhiều mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy, mất máu, bị phỏng nặng.
4. Trị liệu bằng phương pháp phóng xạ.
5. Giải phẫu để cắt bỏ tuyến nước bọt (trong trường hợp ung thư hoặc những căn bệnh liên quan đến tuyến bài tiết).
Bác Sĩ Nha Khoa Anne-Marie Hòa Nguyễn chuyên trị bệnh nướu răng và đặt implant (Periodontology & Implantology) tốt nghiệp Baylor College of Dentistry năm 1990, có bằng Master of Science về phân khoa nướu răng tại University of Texas - San Antonio năm 1996 và Board Certified bởi Hội American Board of Periodontology năm 1997, hiện đang hành nghề ở vùng Tây Nam (Southwest) Houston. Nếu có những thắc mắc liên quan tới nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, TX 77036. ĐT: 713.917.0907. Copyright (2006 Anne-Marie H Nguyễn, DDS, MS.)
Nhiều người trong chúng ta đều chắc hẳn đã nghe và hiểu biết ít nhiều về căn bệnh nướu răng (còn được gọi là bệnh nha chu). Trong 5 năm gần đây, rất nhiều bài viết đã được đăng trong các báo chí toàn cầu khuyến cáo mọi người về sự liên hệ quan trọng giữa bệnh nướu răng và những bệnh khác trong toàn cơ thể (systemic diseases). Các khoa học gia đã khám phá thấy bệnh nướu răng là một trong những yếu tố nguy hiểm góp phần làm phát triển những biến chứng của mạch máu tim, đưa tới các bệnh hiểm nghèo như: bệnh tắc nghẽn động mạch tim (myocardial infarction), chai cứng thành mạch máu tim (atherosclerosis), và tai biến mạch máu não (stroke). Thêm vào đó, ngành y-nha học cũng nhận thấy có sự liên hệ giữa bệnh nướu răng với bệnh tiểu đường (diabetes), sanh con sớm hoặc thiếu tháng (premature, low-birth weight babies), nhiễm trùng đường phổi (respiratory infection) và bệnh loét bao tử (stomach ulcer). Để có thể hiểu rộng thêm về những vấn đề nêu trên, tác giả sẽ trình bày chi tiết hơn từng căn bệnh để chúng ta có thể hiểu rằng khoang miệng được liên kết chặt chẽ với những bộ phận khác trong cơ thể. Kỳ này bài viết chú trọng tới những điểm liên quan giữa bệnh nướu răng và nhiễm trùng đường phổi.
Thống kê đã cho biết mỗi năm tại Hoa Kỳ có khoảng 100,000 người chết về bệnh viêm phổi [pneumonia]. Trong số này, có khoảng 10% dân số nói chung và khoảng 50% số người cao niên bị mắc bệnh nướu răng trầm trọng. Nhiều cuộc khảo cứu đã chứng minh có mối tương quan trực tiếp giữa bệnh nhiễm trùng đường phổi và bệnh trong khoang miệng. Sự liên hệ này thường xảy đến cho những người bệnh bị suy nhược về sức khỏe, già yếu, hoặc mắc những bệnh liên quan tới đường phổi.
TÓM TẮT VỀ BỆNH NƯỚU RĂNG
Bệnh nướu răng là một căn bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp tới nướu răng, tới gân dây chằng (periodontal ligament), và ổ xương răng (alveolar bone).(Foto)
Nguyên nhân chính của bệnh nướu răng là do một số vi trùng nguy hiểm hiện diện trong vùng nướu răng. Những vi trùng này ẩn nấp trong một chất trắng như vôi gọi là ‘bựa răng’ hoặc ‘cao răng’ (plaque); chất vôi này bám chung quanh chân răng, và chúng tiết ra nhiều chất nội độc tố (toxins) hủy hoại các mô bao bọc chung quanh chân răng và xương hàm. Nhiều cuộc khảoy cứu cho thấy chất vôi tích tụ dưới chân răng đóng thành màng, gọi là ‘màng vi sinh’ (màng sinh học = biofilm). Màng này góp phần vào sự sinh tồn (mutual survival) của các loại vi trùng hiện diện trong khoang miệng. Hiện tượng cộng sinh này (symbiotic relationship) giúp cho trên 300 loại vi trùng sống tương trợ lẫn nhau với những cấu tạo phức tạp chung quanh chân răng. Nhìn dưới ống kính hiển vi, người ta nhận thấy loại ‘vi trùng ái khí’ (aerobic bacteria) bám nhiều nhất gần viền cổ nướu răng. Đi sâu dần xuống chân răng, các loại ‘vi trùng đôi khi kỵ khí’ (microaerophilic, facultative anaerobes) sống sót theo sự thay đổi của lượng dưỡng khí. Phần gốc cuối chung quanh chân răng là nơi không còn dưỡng khí, tạo ra một môi trường thuận lợi cho loại ‘vi trùng kỵ khí’ (anaerobic bacteria) tụ tập và phát triển. Màng vi sinh đó bám chặt dai dẳng ở gầm nướu răng và rất khó loại trừ nếu chúng ta không đánh răng mỗi ngày. Khi số vi trùng gây bệnh (pathogens) tụ tập càng ngày càng nhiều thì phản ứng của cơ thể là chống lại những chất lạ xâm nhập vào người bằng cách tiết ra những chất kháng độc tố để đem lại sự quân bình trong cơ thể. Tình trạng bệnh nướu răng trở nên trầm trọng hay không tùy thuộc vào sự tương tác năng động (dynamic interactions) giữa vi trùng và hệ thống miễn nhiễm của cơ thể (human immune system).
VI TRÙNG DI CHUYỂN TỪ TRONG MIỆNG TỚI ĐƯỜNG PHỔI BẰNG CÁCH NÀO?
Có 2 cách để vi trùng trong miệng có thể lọt vào buồng phổi:
Cách thứ nhất là qua đường máu [hematogenous spread]. Khi bệnh nướu răng phát triển trong miệng, thông thường người bệnh sẽ nhận thấy nướu răng của mình dễ bị chảy máu hoặc mủ khi bị đụng chạm nhẹ trong lúc đánh răng. Tình trạng viêm nướu răng càng nặng bao nhiêu, số vi trùng hiện diện trong máu (bacteremia) sẽ càng cao bấy nhiêu. Chúng ta cũng nên biết là việc vi trùng lưu thông qua đường máu là nguyên nhân chính gây ra chứng viêm nội mạc tim (bacterial endocarditis) và cũng liên quan đến chứng nhiễm trùng những khớp xương nhân tạo (prosthetic joint infection).
Cách thứ hai là qua đường hô hấp [aspiration]. Đây là đường nhiễm trùng thông thường nhất trong các bệnh viện hoặc viện dưỡng lão. Nhiều bác sĩ xác định rằng một số lớn vi trùng gây bệnh nướu răng nằm trong cao răng (Actinobacillus, Bacteroides, Fusobacteria, Porphyromonas spp.) cũng là những vi trùng kỵ khí gây ra bệnh viêm phổi. Họ cũng nhận thấy sự hít vào những chất nằm phía trên cổ họng xảy ra cho khoảng 45% số người khỏe mạnh trong lúc ngủ, so với 70% số người khi trạng thái tỉnh táo của họ bị suy kém. Vì tình trạng thiếu kém vệ sinh răng miệng, bựa răng đóng dầy đặc trong miệng, cộng thêm sự liệt kháng của cơ thể đã đưa đến sự hủy hoại nướu và xương hàm; đồng thời cũng tạo ra một môi trường thích hợp cho những vi trùng sinh sôi nẩy nở và lan dần xuống đường khí quản gây ra nhiều bệnh khác trong buồng phổi của con người.
NHỮNG DỮ KIỆN NÀO ĐÃ GIÚP CHO 2 BỆNH (NƯỚU RĂNG VÀ PHỔI) LIÊN KẾT VỚI NHAU?
Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng vi trùng sinh sống trong miệng và cổ họng có thể lan qua đường máu hoặc hít vào buồng phổi gây ra bệnh viêm phổi hay làm cho những căn bệnh phổi khác trở nên trầm trọng hơn. Cũng có rất nhiều các cuộc khảo cứu khác chứng minh và hỗ trợ sự liên kết chặt chẽ giữa hai bệnh (nướu răng và phổi) với nhau. Một bài nghiên cứu dịch tễ học (epidemiological study) cho biết những người không giữ gìn vệ sinh trong miệng thì hay mắc bệnh phổi mãn tính gấp 4.5 lần so với những người giữ vệ sinh đầy đủ. Khi so sánh những ổ xương hàm bị hủy hoại trong căn bệnh nướu răng, một chương trình khảo cứu dài trong 25 năm đã cho biết là các bác sĩ có thể tiên đoán được tỷ lệ số bệnh nhân mắc căn bệnh bế tắc khí quản (COPD) khi nhập viện. Nhưng đây không có ý ám chỉ hay quả quyết là bệnh nướu răng sẽ gây ra bệnh phổi. Nói cho chính xác hơn thì bệnh nướu răng có thể được xem là một nguy cơ (risk indicator) gây ra bệnh phổi.
Những cuộc nghiên cứu can thiệp (intervention studies) đã minh chứng rõ ràng rằng bựa răng cũng góp phần vào căn bệnh phổi và tỷ lệ nhiễm trùng đường phổi giảm rõ rệt đối với những bệnh nhân giữ được vệ sinh răng miệng: Một nghiên cứu cho thấy là khi những người bệnh được súc miệng với thuốc nước sát trùng 0.12% chlorhexidine thì tỷ lệ bệnh viêm phổi được giảm tới 65%, so với nhóm người dùng loại thuốc trấn an (placebo effect).
Những nghiên cứu khác cho thấy nếu loại vi trùng có khả năng gây ra bệnh phổi [potential respiratory pathogens] có sẵn trong bựa răng của bệnh nhân lúc nhập viện hoặc đang nằm trong phòng hồi sinh thì bệnh nhiễm trùng phổi được tiên đoán sẽ xảy ra trong vòng 5 ngày.
Những nghiên cứu thâu thập tại các viện dưỡng lão chứng minh là việc đánh răng và bổ sung thêm phần súc miệng với hóa chất iodine đã làm cho bệnh viêm phổi giảm đi một cách đáng kể.
Những cuộc khảo cứu nêu trên đã cho thấy việc tẩy trùng khoang miệng là một việc làm khá đơn giản và rẻ tiền giúp giảm đi số lượng bệnh viêm phổi.
NHỮNG LỜI KHUYÊN THỰC DỤNG
Sự hít thở vào buồng phổi những vi khuẩn nằm trong khoang miệng đã đem lại bệnh tật, sự tử vong, và nhiều phí tổn cho những người già yếu. Ba yếu tố làm cho việc phòng bệnh nha khoa ở vào tuổi cao niên bớt hiệu quả là: tài chánh, ý chí, và hoàn cảnh xã hội của từng người. Người ta cho rằng càng lớn tuổi, thì việc chăm sóc răng miệng càng không còn cần thiết. Điều này bắt nguồn từ những yếu tố khác như sự phân cách giữa ngành y và nha khoa, việc tốn phí để mua bảo hiểm nha khoa cho những vị cao niên, tâm trạng không thoải mái khi để cho người khác giữ gìn vệ sinh răng miệng cho mình, hoặc ác cảm khi đi chữa răng vì trước đây đã gặp những bực bội và phiền toái. Tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe ta nên nhớ rằng:
Bệnh sâu răng và bệnh nướu răng là những bệnh nhẹ có thể tránh được bằng nhiều cách: 1) dùng bàn chải, chỉ răng nha khoa (floss) và kem đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày để làm sạch giữa những kẽ răng và tại viền nướu răng; 2) khám răng định kỳ để được chải răng kỹ lưỡng hơn tại phòng nha khoa; 3) giới hạn lượng đường trong thức ăn. Những người bị khô miệng bởi số lượng nước miếng bị giảm thiểu vì những ảnh hưởng phụ do nhiều loại thuốc gây nên thì thường hay bị sâu răng và họ nên dùng chất fluoride mỗi ngày để cho men răng được cứng rắn hơn. Những người mất nhiều răng và đã được thế bằng những bộ răng giả thì có thể phải tập dùng những loại bàn chải răng đặc biệt để chà rửa mặt răng cho sạch. Những người mang bệnh nướu răng loại nặng nên bỏ ra nhiều thời giờ và công lao hơn để chải những chân răng đã bị lộ ra. Ba yếu tố làm cho việc phòng bệnh nha khoa ở vào tuổi cao niên bớt hiệu quả là: tài chánh, ý chí, và hoàn cảnh xã hội của từng người.
Chúng ta nên coi việc giữ gìn vệ sinh răng miệng là quan trọng để phòng bệnh thay vì cho rằng đó chỉ là việc làm sạch đẹp răng mà thôi. Muốn chải răng có hiệu quả nhất cần phải khéo tay, xúc giác nhạy bén, và thị giác tốt - nhưng tất cả các khả năng này đều bị giảm thiểu ở những người cao tuổi. Chúng ta nên khuyến khích các người già yếu tự góp phần vào việc vệ sinh răng miệng mỗi ngày. Nhưng, những cộng tác viên xã hội, y tá, kể cả người thân trong gia đình cũng cần nhận ra tầm quan trọng của việc giữ gìn răng miệng khi phải chăm sóc người bệnh hoạn già yếu. Điều đáng buồn là khi những người y tá/phụ tá làm trong những viện dưỡng lão lại ít để ý tới việc giữ vệ sinh hoặc biết những cách bảo vệ răng miệng cho chính họ hoặc cho những người bệnh dưới sự chăm sóc của họ. Hơn nữa, ít khi họ bị khiển trách về công việc giữ vệ sinh cho người bệnh không được hoàn tất. Bởi vậy, họ đặt công việc lặt vặt này vào loại thấp nhất trong những công việc đầy ấp hằng ngày.
KẾT LUẬN
Sự ngăn cách giữa hai ngành y và nha khoa đã được thấy rõ trong khoảng 160 năm qua, tuy rằng cả hai ngành chữa trị cùng một bệnh nhân. Điểm cốt yếu là giới nha sĩ cần phải học hỏi để hiểu thêm về những bệnh lý trong ngành y khoa và giới y sĩ cũng phải biết thêm về các bệnh trạng trong phạm vi nha khoa để chúng ta cùng nhau phối hợp trong việc chữa trị hầu đem lại những giải pháp và lợi ích khả quan hơn cho bệnh nhân. Muốn cho sự phối hợp này tiến xa hơn, các nha sĩ và y sĩ cần phải liên lạc thường xuyên để chia sẻ thông tin cho nhau và dùng những phương thức phối hợp hữu hiệu để giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe trong miệng và toàn cơ thể. Theo quan niệm của ngành y nha khoa hiện đại, không có triệu chứng nào là không đáng quan tâm. Tuy nhiên, nhịp sống hối hả hằng ngày đã khiến nhiều người trong chúng ta lơ là với những biểu hiện bất thường của cơ thể, đến khi bệnh trở nên trầm trọng thì các cơ hội chữa trị có thể đã khá muộn màng. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, còn nếu bệnh đã xảy ra thì sự phát hiện và chữa trị sớm bao giờ cũng là giải pháp lựa chọn tốt nhất.
Tác giả xin chân thành cảm tạ Rev. Anthony Nguyễn Ngọc Sơn & A. Trịnh Lê Trung đã đóng góp ý kiến và sửa chữa trong bài viết này.
Qua số báo Dân Chúa kỳ này, chúng tôi xin gởi đến quý vị một phúc trình ngắn về những vấn đề chăm sóc sức khoẻ và y tế tại CHLB Đức. Chuyện lớn nhất, quan trọng nhất, cũng lại là một câu chuyện lù mù nhất. Đó là chuyện thuốc men cho và chăm sóc sức khoẻ: Krankenversicherung.
- Nhóm người có bảo hiểm sức khoẻ:
Cho đến ngày hôm nay, Tây Đức (cũ) vẫn còn chuyển một số tiền khổng lồ được che đậy dưới danh từ mỹ miều thuế "đoàn kết anh em" để tái thiết Đông Đức (cũ), 80 tỷ Euro / 1 năm. Như vậy kể từ 1989 - 2005 = 17 năm x 80 tỷ vị chi là 1.360 tỷ Euro mà ban đầu chính phủ chỉ kêu gọi quỹ tương trợ kéo dài trong vài ba năm mà thôi!!!. Người dân Đức "chính cống" được hỗ trợ bởi nhóm người ngoại quốc đến tìm công ăn việc làm để phát triển kính tế, rồi cùng cong lưng đóng thuế, lại mất toi thêm tiền "đoàn kết anh em" hàng tháng. Thế vẫn chưa đủ! Các chính phủ lại kêu ầm lên là không có tiền để bù đắp cho lỗ hổng ngành bảo hiểm sức khoẻ. Mà muốn có sức khoẻ để đi cày thì mọi người dở khóc dở cười lại phải tiếp tục móc túi ra để trả tiền... thuốc men, tiền khám bệnh!
(xem biểu đồ 1)
Do đó vấn đề bảo hiểm sức khỏe làm cho đám dân nghèo lại càng khốn khổ thêm, phải đóng mỗi tam cá nguyệt tiền phòng mạch. Ai muốn đi khám bác sĩ chuyên khoa cũng phải qua bác sĩ gia đình nếu không muốn mất thêm 10 Euro. Tiền mua thuốc cũng phải đóng tiền mặc dù có toa của bác sĩ cấp, chưa kể những loại thuốc thông thường: đau nhức, chảy mũi... thì không được hãng bảo hiểm trả tiền, muốn mua ví dụ như Aspirine... cũng không cần phải có toa mà cứ đi mua dùng như đồ tạp hoá...! Rên cũng có mà la hét cũng có... nhưng rồi phải cần có sức lực để kiếm ra tiền.... Cho nên đâu cũng vào đó, phải lo thuốc men đầy đủ để có sức mà cày... Ngoài ra những người lãnh thất nghiệp, nhận trợ cấp xã hội, và tiền hưu trí bị cắt giảm hàng năm gây ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống bình nhật.
I.- NHÓM NGƯỜI DI DÂN:
Trên 12% trong tổng số dân đang sinh sống trên CHLB Đức là người di dân "Migrant" đến ăn nhờ ở đậu gồm có: nhóm thợ khách "Gastarbeiter + dân tỵ nạn "Asylsuchenden", - (khối người từ đông Âu gốc Đức hồi hương "Aussiedler" không thuộc thành phần này) - Đây tập họp nhiều sắc dân khác nhau đang cố hội nhập vào cuộc sống hàng ngày, nền văn hóa và hệ thống bảo vệ sức khoẻ mới lạ. Theo thống kê của "Viện Nghiên Cứu Sức Khoẻ / Đ. H. Bielefeld – giáo sư Oliver Razum ngày 22. 10. 2004 tạp chí Deutsches Aerzteblatt cho thấy nhóm người hội nhập:
- ít ốm đau hơn,
- số tử vong thế hệ thứ I thấp hơn khi so sánh người bản xứ cùng một lứa tuổi và cùng phái.
Tuy sống dai hơn, nhóm người di dân cũng bị hạn chế nhiều trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ với 3 lý do sau đây (mà không một sắc tộc nào tránh khỏi được):
- khó khăn trong khi diễn đạt bằng lời - trình bày bệnh lý không rõ ràng.
- khư khư trong đầu căn bệnh, con bệnh cũng như cách chữa trị như quê nhà
- bị ám ảnh vì những khó khăn trong thời gian sống lây lất trước đây.
Trong giai đoạn qua CHLB Đức đã nghiễm nhiên trở thành nơi dung thân của nhóm dân "Migrant" đi tìm nguồn sống mới nhất là khối dân từ đông Âu. Hệ thống bảo vệ sức khoẻ cũng phải chuyển hướng để phục vụ đắc lực cho thích hợp với nhóm người mới tới; ngành y tế cộng đồng lo bới tìm cho ra những bệnh hoạn mà nhóm người sau này mang theo (trong người và trong máu). Cuối năm 2002 có đến 7. 350. 000 có quốc tịch ngoại quốc sinh sống trên lãnh thổ Đức vị (8,9% tổng số dân, mà năm 1980 chỉ có 7,2%), trên 50% đến từ miền Trung Đông mà nhóm dân Thổ chiếm đến 1. 900. 000 người. Họ là thợ khách "Gastarbeiter" đã đến Đức trước thập niên 1960, đến năm 1973 thì chấm dứt lấy thêm thợ ngoại quốc để xây dựng kỹ nghệ, qua chính sách nhân đạo đoàn tụ gia đình thì số người Thổ được tăng thêm nữa. Nhóm thế hệ thứ I phần đông đã ở lại Đức vào tuổi xế chiều. Gia tăng theo qua sự sinh đẻ, cộng tất cả 3 thế hệ thứ I + II và III thì tổng số người Thổ đã tăng đến 3 - 4 lần nhiều hơn.
(xem bảng thống kê)
Thống kê tính đến ngày 31.12.2002 - theo báo cáo của các sở ngoại kiều cấp tỉnh
- So sánh với năm 1980 có 1.460.000 người Thổ sống ở Đức, tính ra 32% trên tổng số
Số người xin tỵ nạn "Asylsuchenden" dựa theo tổng kết của Bundesamt fuer die Anerkennung auslaendischer Fluechtlinge (BAFL): vào năm 2002 có 91.500 người, năm 1994 con số đã lên đến 127.000 người.
Con số nêu trên không kể đến:
1. nhóm người "ăn chui ở lậu" "illegal Aufenthalt", họ không được chăm sóc sức khỏe chu đáo đã có ca sinh con đẻ tại nhà không có cô mụ hay bác sĩ sản khoa theo dõi.
2. vào năm 1980 có chừng 3.000.000 người gốc Đức từ khối đông Âu trở về quê cha đất tổ "Aussiedler", họ không thuộc diện người tỵ nạn vì đã có hộ chiếu Đức cầm tay.
3. và nhóm người di dân "Migrant" xin nhập tịch: lấy ví dụ người gốc Thổ => vào năm 1997 có 42.000 qua đến năm 2001 con số lên đến 178.000.
Hai danh từ thường được bàn cãi: di dân "Migrant" và ngoại quốc "Auslaender" thường bị xã hội ruồng bỏ gọi người dân thứ cấp hay cấp II. Cũng cần nhấn mạnh nơi đây là:
- không phải tất cả những người di dân "Migranten" là ngoại quốc "Auslaender" (lấy ví dụ nhóm người gốc Đức "Aussiedler")
- không phải người ngoại quốc "Auslaender" là người di dân "Migrant" (lấy ví dụ thế hệ thứ II hay III của nhóm người thợ khách "Gastarbeiter" trước đây.
Là một tập thể nhỏ trong tổng số người dân Đức, nhóm di dân gặp khó khăn khi bệnh hoạn vì lý do ngôn ngữ và tập quán, tinh thần bất ổn định vì xa cách quê hương tách ly gia đình, lo sợ tình trạng pháp lý ăn nhờ ở đậu, ví dụ sợ hãi bị đuổi trở về cố hương, hợp đồng làm việc liệu có kéo dài thêm ra? Phải sống chung đụng trong trại tỵ nạn hay chung cư cùng nhiều sắc dân và đối diện thường trực trong lo âu với bọn cực đoan kỳ thị màu da.
Công ăn việc làm dưới một chế độ hà khắc, đưa đến tình trạng sức khoẻ bị đe dọa khi so sánh với đồng nghiệp người Đức cùng trong một tình trạng xã hội và gia đình:
- giờ giấc làm việc bất nhất ví dụ làm ca "Schichtarbeit"
- công ăn việc làm bằng chân tay khá nhọc nhằn
- dễ bị thất nghiệp
- sống trong môi trường thiếu lành mạnh: hút thuốc lá quá nhiều
- người thợ khách, người tỵ nạn mong muốn sẽ có cải tổ trong tổ chức, lề lối làm việc để cuộc sống đỡ phải căng thẳng hơn. Phía chính quyền Đức thì chỉ lo sợ những con bệnh có thể tràn lây cho quần chúng, ví dụ tất cả những người ngoại quốc muốn đặt chân đến mảnh đất để mưu cầu một cuộc sống lâu dài dưới bất cứ hình thức nào (thờ thuyền, tỵ nạn, hồi hương....) đều phải chụp hình phổi vì sợ lao phổi.... Tuy nhiên còn có bao nhiêu con bệnh khác cũng nguy hiểm cho cộng đồng và xã hội (gần đây có thêm AIDS - HIV - nhận xét khi chăm sóc sức khoẻ nhóm người Việt Nam mới đến).
Qua thống kê các sở Y Tế Cộng Đồng: trong cùng một lứa tuổi và giống, nhìn chung thì:
-• nhóm dân mới đến ít đau ốm và sống dai hơn người bản xứ mặc dù điều kiện sinh sống thấp kém hơn,
-• nhóm người các nước chậm tiến ít bị ung thư vú, ung thư ruột già hơn nước mới hội nhập.
-• nhóm người từ khối Đông Âu có số tử vong về các bệnh tim và mạch máu rất cao, người Thổ thì bị bệnh ung thư bao tử nhiều hơn người Đức
-• tính cách di truyền, cách thức ăn sống vẫn còn ảnh hưởng và kéo dài nhiều năm của nhóm di dân nó ảnh hưởng nhiều cho tình trạng sức khỏe và bệnh tật.
- nhóm người đến từ vùng Trung Đông chết vì dồn máu cơ tim (Herzinfarkt) chưa bằng ½ số người Đức. Điểm nhận xét nơi đây là người Thổ có diếu tố (enzyme) để giảm mỡ trong máu (HDL) rất thấp và có phải là nguyên nhân của nhồi máu máu cơ tim!!!.
-•với rất nhiều cố gắng các sở Y Tế Công Đồng của CHLB Đức không thể cung cấp được những nhận xét về các chứng bệnh riêng biệt của 90. 000 người Việt Nam
Qua nhiều năm làm thông dịch tại phòng mạch và dịch những bệnh án cho người đồng hương không có thù lao, tôi có 2 nhận xét chung:
- người lớn: thế hệ thứ I người Viêt Nam định cư khắp mọi nơi thường bị huyết áp cao, lượng mỡ trong máu tăng (có thể do cách ăn uống, thiếu diếu tố để làm hủy hoại mỡ), nạn sún răng.
- con nít: trẻ con người Việt sinh đẻ tại Đức, vào thế hệ II, phần nhiều không được chủng ngừa theo đúng quy trình ấn định vì kiến thức y học phổ thông, ngôn ngữ hạn chế và lo làm ăn không có thì giờ đến phòng mạch cho con...
II.- NHÓM NGƯỜI CƯ TRÚ BẤT HỢP PHÁP:
Có đến 500.000 - 1.500.000 người (trong đó có khoảng 3.000 người Việt phần đông ở Berlin) đang sống bất hợp pháp tại CHLB Đức. Điểm bất ngờ là đã có nhiều người sống lây lất cả chục năm trong thế giới âm u "Schatten-welt". Họ sống phập phồng lo sợ bị cảnh sát phát hiện và bị ám ảnh đang bị truy nã đuổi ra khỏi nước Đức. Họ là nhóm người đến từ Nam Mỹ, các nước đông Âu, dân Phi và Á Châu. Họ không được luật pháp che chở, không có giấy tờ tùy thân, không có bảo hiểm sức khoẻ.
Nhiều cơ quan từ thiện, các cơ sở tôn giáo, các nhà chính trị hảo tâm đã đưa ra 2 yêu sách nhân đạo:
- được chăm sóc sức khỏe
- trẻ em được đi đến trường.
Dr. Heiner Geißler, chủ tịch hội "der Aktion Courage e.V. Bonn" chống nạn kỳ thị chủng tộc, vào năm 2001 đã yêu cầu Bộ Trưởng Nội Vụ Otto Schily duyệt xét lại điều khoảng số § 76 luật cho người ngoại kiều sinh sống tại CHLB Đức: yêu cầu cho chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế chính phủ. Cựu Bộ Trưởng Nội Vụ đã báo động: chính vì sự sợ hãi bị khui ra tình trạng sống bất hợp pháp cho nên họ sống trong bệnh hoạn cho đến ngày xuống hố. Bệnh sẽ chuyền sang cho người thân cận, gây ra tình trạng bất ổn định tâm linh cho nhóm người sống chung quanh. Tại nạn lao động, có biến chứng trầm trọng khi mang bầu, suy thận, lao, nhiễm HIV là tình trạng thường gặp, họ cầu cứu vào sự giúp đỡ y tế chỉ trong giai đoạn tuyệt vọng. Sự ốm đau kéo dài trong thời gian quá dài đã đưa đến tình trạng cố tật cũng như bị nhiều cơn bệnh khác nhau trong một cơ thể con người. Tuy nhiên về phía Bộ Nội Vụ không đưa ra một giải pháp thích hợp. Cũng trong năm 2001, Prof. Dr. Rita Suessmuth (CDU - MdB) đã yêu cầu bỏ luật trừng phạt các bác sĩ, cơ sở giải đáp thắc mắc (Beratungsstellen) và cơ quan từ thiện giúp đỡ nhóm người sống lây lất này.
Phía các thầy thuốc có lương tâm đang cố gắng:
- đi tìm một số tiền để giúp đỡ nhóm người sống bất hợp pháp này
- nhận lãnh trách nhiệm chữa trị mà yêu cầu không bị buộc tội vi phạm luật pháp: đưa ra toà hay mất công ăn việc làm.
Chính họ nhìn thấy hàng ngày nỗi khốn khổ nhưng họ không được phép xoa dịu nỗi thương đau của cuộc đời; chính họ đi ngược lại tiếng nói của lương tâm, trái ngược với lời thề Hippokrate đã đọc trước khi bước chân vào nghề: cứu nhân độ thế. Trên CHLB Đức có 50 người thầy thuốc của nhiều chuyên ngành, cô mụ và nha sĩ chấp nhận chăm sóc "không cần giấy tờ - Papierlosen" với tinh thần nhân đạo: không lấy tiền, sống bằng tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm, cấp cho người đau những loại thuốc mẫu.
Địa chỉ quan trọng khi cần đến chăm sóc sức khỏe
- Buero fuer medizinische Fluechtlingshilfe, Gneiseaustraße 2a, 10961 Berlin, Tel: 0 30 / 697 67 46
- Medizinische Fluechtlingshilfe e.V., Engelsburger Straße 168, 44793 Bochum, Tel: 02 34 / 90 41 38 0 – E.mail:
- MediNetz Bonn c% Informationsstelle Lateinamerika e.V.
Oskar-Romero-Haus, Heerstraße 205, 53111 Bonn, E.mail:
- MediNetz Bremen, Friedenstraße 21, 28203 Bremen. Tel: 04 21 / 790 19 59, E.Mail:
- Cafe fuer offene Grenzen c% Dritte Welt Haus, Falkstraße 74, 60487 Frankfurt/Main, Telefon: 069 / 79 20 17 72.
- MediNetz Freiburg, c% Linke Liste, Spechtpassage, Adlerstraße 12, 79098 Freiburg, Telefon: 0761 / 2 08 83 31.
- Medizinische Vermittlungs- und Beratungsstelle fuer Fluechlinge und Migrantinnen.
C% WIR Zentrum, Hospitalstraße 109, 22767 Hamburg, Telefon: 0 40 / 38 57 39
- AG Medizinische Versorgung, c% AGISRA, Steinbergerstraße 40, 50 733 Koeln, Telefon: 02 21 / 12 40 19.
- Cafe 104, c% Bayerischer Fluechtlingsrat, Schwanthaler Straße 139, 81371 Muenchen, Telefon: 0 89 / 7 67 70 29 64.
Theo bản báo cáo của Dr. A, Franz, Malteser Migranten Medizin, Aachener Straße 12, 10713 Berlin: hàng năm đã có trên ngàn người qua các cơ quan từ thiện đã chuyển đến phòng mạch các bác sĩ có lương tâm tình nguyện không lấy tiền và cấp thuốc, tuy nhiên công việc giúp đỡ nhân đạo cần có các mạnh thường quân giúp đỡ để có thể tiếp tục hoạt động.
Một vài điểm cần phải nêu ra đây là: theo điều số §76, tiết 2 của Bộ Luật dành cho người ngoại quốc => nhà thương là một cơ sở công cộng, có bổn phận phải báo cáo ngay cho sở Ngoại Kiều mỗi khi co ù người đến xin chữa trị mà không có chỗ cư trú hợp pháp. Oái ăm thay, ngay khi xuất viện thì người bệnh được xe cảnh sát đón ngay trước cổng rồi còn hộ tống đến phi trường sau đó được máy bay chuyển " không tiền - kostenlos" về cố quốc. Tránh né một sự trở về ép buộc sau bao nhiêu chuẩn bị khó khăn để thoát đi, đã có nhiều bệnh nhân chuồn lẹ khỏi giường nằm bằng cửa sau... tránh mặt được cớm. Tại các phòng mạch tư thì chưa có trường hợp bị điệu ra xe để trở về bản xứ vì luật pháp không bó buộc người thầy thuốc tư phải báo cáo. Nhìn sang nước láng giềng, Ý Đại Lợi đã có một mô hình rất đẹp: có nhiều bệnh viện dành ra một số giường dùng chữa trị miễn phí, danh tánh bệnh nhân được phép ngụy danh, quỹ xã hội sẽ trích ra tiền để trang trải viện phí và thuốc men để công việc nhân đạo còn khả năng hoạt động. Tuy là một quốc gia giàu mạnh số một tại Âu Châu, CHLB Đức vẫn chưa tìm được một giải pháp nhân đạo hợp lý.
III. NHÓM NGƯỜI VÔ GIA CƯ:
Dựa theo báo cáo của Bundesarbeitsgemeinschaft Wohnungslosenhilfe e.V. (BAG W) thì vào năm 2002 có 410.000 người sống bên lề đường, trong đó có 43.000 người ở vùng đông Đức và 290.000 vùng tây Đức, 20.000 không có chỗ thường trú rõ ràng. Trên toàn cõi nước Đức có 50 địa điểm y tế để chăm sóc nhóm người vô gia cư, có một số phòng mạch tiếp tay vào công tác nhân đạo này. Vấn đề tiền bạc thì do lòng hảo tâm, một số phòng mạch được sở bảo hiểm sức khoẻ bỏ tiền ra bù đắp và có nơi ngân sách của tỉnh trang trải chí phí ví dụ: Nordrhein-Westfalen.
Hệ thống bảo hiểm sức khoẻ đang trong giai đoạn biến chuyển, chỉ có những người được bảo hiểm y tế hay nhưng người được sở xã hội trả tiền thuốc men thì mới được săn sóc, số người còn lại gặp khó khăn khi ốm đau...
Địa chỉ cần thiết
- BAG Wohnungslosenhilfe e.v., Postfach 13 01 48, 33544 Bielefeld, Telefon: 0521/1 44 36 13.
- Marburger Bund, Landesverband NRW Rhld-Pfalz "Aerzte helfen Obdachlosen e.V."
Riehler Straße 6, 50668 Koeln, Telefon: 02 21 / 72 46 24.
- Armut und Gesundheit in Deutschland e.V. Barbarossaring 4, 55118 Mainz, Tel.: 06131 / 6 27 90 71.
Ta có câu "tay bắt mặt mừng" khi gặp lại người thân, quen thuộc, bạn hữu sau bao ngày xa cách. Đưa tay bắt tay người mà ta quen biết, hay chưa hề gặp, cũng là lối giao tế ngoài xã hội ngày nay.
Tuy nhiên nhiều lúc ta ngại ngùng khi chìa tay ra bắt, vì lẽ tay ta run, làm sao tránh được sự nhận xét của người đối diện.
Một vài con số cho ta thấy ở trên đất Pháp, có tới một trăm ngàn người mắc phải, và gia tăng chừng tám ngàn người mỗi năm theo sự ước lượng của ban thống kê.
Run tay, chỉ là một trong những hình thức ban đầu thường thấy của bệnh run tay run chân. Trường hợp nặng thì toàn thân đều lay động. Chứng bệnh này được mô tả qua các sách cổ y, mà Nội Kinh đề cập cách đây hơn hai ngàn năm, thuộc loại bệnh của người cao niên vào lớp tuổi 55, 60 và nhiều hơn sau đó.
Bên trời âu, bệnh này được đặt tên là bệnh Parkinson (tên của một vị y gia Anh Cát Lợi Parkinson James 1755-1824).
Ngoài chứng run tay, nó còn bao gồm nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc mỗi giai đoạn, như cách đi đứng không vững loạng choạng như người say rượu, dễ bị vấp ngã. Đầu lắc lư rung chuyển, toàn thân cũng bị lay động mất sự tự nhiên trong cử động đi đứng.
Trong mục bài này, chúng ta chỉ đề cập đến chứng bệnh run tay đơn giản mà thôi vì lẽ khuôn khổ giới hạn của tờ báo.
CHỨNG RUN TAY LÀ GÌ?
-Tây phương: là một bệnh do sự thoái hóa của hệ thần kinh trung ương (maladie neuro-dégénérative).
Đa số là người cao niên vào lớp tuổi 55 và 65 thường lâm vào chứng bệnh này, phía nam có phần nhiều hơn phía nữ. Là một bệnh có tánh cách kinh niên, với nhiều biến chuyển và hiện giờ, theo giới chuyên khoa, không chữa được, hoặc đang trong thời kì thử nghiệm và nguyên nhân cũng không biết từ đâu gây nên.
- Đông phương: theo lý luận của cổ y, với tuổi tác, tuổi càng trọng, bệnh càng dễ có cơ phát hiện, mà nguyên nhân chánh là khí huyết suy kém dần đi. Sự chuyển hóa (métabolisme) trong cơ thể sa sút dần, tiềm lực công năng không còn hiệu quả như trước. Quan niệm của người xưa được dựa trên yếu tố căn bản môi sinh của vũ trụ phù hợp với lí lẽ và luật lệ bất di dịch của thiên nhiên, có sanh, có trưởng thì phải có tử. Đau ốm, bệnh tật chỉ là do cách ăn uống, vệ sinh trong cuộc sống của chúng ta hằng ngày không phù hợp đã xem thường, phạm đến điều lệ chính trực của tạo hóa.
CHỨNG RUN TAY CÓ NHỮNG TRIỆU CHỨNG GÌ?
Khi bệnh mới phát, người bệnh tự cảm thấy tay run, hoặc cả tứ chi run vào thời kì biến chuyển, chứng run tay tiếp diễn trong khi ta nghỉ ngơi mà không điều khiển được (tremblement des membres au repos).
Cơ thể, bắp thịt không còn mềm mại, dẻo dai mà cứng đơ (rigidité musculaire), đi đứng ngập ngừng không mấy vững. Tay mất sự vận động tự nhiên, không còn uyển chuyển, hoặc cử động mất sự tự chủ, vụng về, lắm lúc làm đổ bể các vật nắm trong tay. Tay không yên, vân vê, mân mê không ngưng như hình ảnh của người đang cuốn một điếu thuốc lá (rouler une cigarette). Viết lách, thì nét chữ ban đầu bình thường nhưng từ từ nhỏ dần, nét viết run rẩy (micrographie),
Với nét mặt sững sờ, không diễn cảm, không ý vị (inexpressif) khó tránh được sự lưu ý của người đối diện. Theo sự biến chuyển của bệnh tình, ta nhận thấy ngôn ngữ, ăn nói hấp tấp, ban đầu nói lớn, sau nhỏ dần. Mắt chớp ít lại kèm theo với chảy nước mắt sống (larmoiement). Nước dãi không cầm lại được (sialorrhée) nhiễu ra mép miệng. Mức độ thông minh cũng suy kém, lặp đi lặp lại một câu. Đứng ngồi chẳng yên.
Tất thảy đều ảnh hưởng ít nhiều về mặt tinh thần, tâm sự trầm uất (dépression nerveuse), tánh tình người bệnh bắt đầu suy sút và thay đổi nhiều. Vào giai đoạn chót của bệnh biến là lâm vào một tình trạng khó giải thoát đó là bị lẫn tâm thần (confusion mentale).
TẠI SAO TAY BỊ RUN, NGUYÊN NHÂN TỪ ĐÂU?
- Tây phương: cho rằng do nhiều yếu tố, như gia truyền, các kim loại nặng (métaux lourds), thuốc trừ sâu bệnh (pesticides), khí trời ô nhiễm, hoặc do các dược phẩm an thần kinh (neuroleptiques), Nhưng rồi căn nguyên chánh vẫn đành bó tay. Giới chức chuyên khoa đang ráo riết cố tìm hiểu mối dây bí ẩn mà không hiểu từ đâu gây ra.
- Theo giải thích của Đông-y: thì câu trả lời đã có hơn hai ngàn năm nay, theo đó dựa trên thuyết khí hóa (conception énergétique) quan niệm rằng âm hư phong động, tinh khí kém ở cơ thể người già, khiến cho mộc khí thái quá (Can khí) xông lên đầu làm lay động, hoặc Can khí tản ra phần cuối tay chân làm lay động tứ chi. Ta cũng nên nhớ, các hoạt động, tác động, theo Nội Kinh là do Can khí chủ trị. Chứng bệnh run tay, vẫn theo cổ y học đông-y, là đồng thời cũng do tinh khí ở não dần dà bị suy kém theo tuổi tác. Vì sách có nói "’ Não là bể của tủy "’
Chứng run tay còn thường được thấy ở người nghiện rượu lâu năm, do phong đàm và Tỳ Can hư nên khó chữa trị.
BỆNH RUN TAY BIẾN CHUYỂN NHƯ THẾ NÀO?
Bệnh chứng gồm ba giai đoạn.
- Giai đoạn sơ khởi, chứng bệnh kéo dài có khi từ 3 tới 8, 9 năm, thời gian này không ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, có thể nói là đời sống bình thường, người bệnh không cho rằng mình đã mắc bệnh một cách âm thầm, nhưng thật ra nó đã tiềm tàng trong cơ thể (latent) mà người pháp ví von như thể thời kỳ "’tuần trăng mật" giữa người và bệnh.
- Kế đến là giai đoạn thứ nhì. Sau thời gian phẳng lặng 6, 7 năm, người bệnh mới bắt đầu cảm thấy có một vài triệu chứng khác thường như sự mất vận động tự nhiên (akinésie), và loạn vận động không tự chủ được (dyskinésie), do sự co thắt của gân mạch kém, cử động chậm chạp, tay run bất thường và nhiều lúc thường xuyên trừ khi trong giấc ngủ. Sự mất tự chủ này đã khiến cho người bệnh mang thêm một mối lo, nhìn nhận mình đã mang một tật nguyền đáng kể, thì phần nào đã muộn trễ rồi. Hoạt động hằng ngày vụng về lại gây thêm nhiều trở ngại trong các động tác tay chân đi đứng. Họ cảm thấy thêm nhiều cực nhọc không những về phần thể xác, mà con về mặt tinh thần sa sút kém đi dần.
- Bước qua thời kì chót, thì bệnh biến đã khá trầm trọng. Điều đáng ngại là người bệnh lâm vào một tình trạng không mấy sáng sủa đó là bị lẫn tâm thần (confusion mentale),
Là giai đoạn cuối của bệnh run tay, thuốc men (traitement curatif) không chắc gì còn hiệu quả nữa, có chăng chỉ là chữa trị tạm bợ vá víu các triệu chứng mà thôi (traitement symptomatique).
Cho ta thấy rằng chứng run tay tuy giới hạn ở bàn tay, nhưng thường là dấu hiệu bệnh biến của nội tạng của hệ thần kinh trung ương thoái hoá, tay run, chân run, đầu lay động, trường hợp nặng thì cả thân mình đều lay động
ĐIỀU TRỊ:
Tây phương:
Hiện nay giới thẩm quyền cho rằng không có một loại thuốc nào công hiệu chữa được bệnh (traitement curatif).
- Tuy nhiên loại thuốc thường được nhắc đến hàng đầu là L-Dopa tỏ ra khá hiệu quả về triệu chứng (traitement symptomatique). Nhưng vì dược phẩm này mang rất nhiều hậu chứng (effets secondaires) nguy hại cho sức khỏe. Chính vì lý do đó, nên các y-sĩ sau một thời gian suy nghĩ, cân nhắc mới hạ bút ghi toa dè dặt, không vội vã, trễ ngày nào hay ngày ấy.
- Một số loại thuốc tượng trưng khác tuy ít hại nhưng cũng bớt phần nào công hiệu và ghi toa theo các triệu chứng mà thôi
- Mới đây với phương pháp điều trị bằng điện kích thích não (implantation d’électrodes de stimulation, stimulation cérébrale profonde) được áp dụng trong trường hợp nặng nhưng đang trong thời kì thí nghiệm. Cần thêm một thời gian nữa mới kết luận và rút tỉa được sự lợi hại thế nào.
- Trong khi chờ đợi, các y gia chuyên khoa tỏ ý muốn bước thêm một bước nữa, họ đang bàn tính trù liệu cách chữa trị trong tương lai qua lối gien (thérapie génique).
Đông phương:
- Để tranh thủ thời gian, trước một chứng bệnh vô cùng nan giải và phức tạp, công việc cấp bách đầu tiên của người thầy thuốc là hạ thủ ngay dùng phương pháp tối ư cần thiết là "’Đầu châm" (craniopuncture). Phương pháp này sẽ huy động một cách đại quy mô và bồi bổ nhanh chóng Tinh Khí Huyết, hầu mang lại cho sự dinh dưỡng phải có cho não tủy. Cách điều trị này đã mang lại kết quả phần nào lạc quan đối với bệnh mới phát khởi,
- Điều hòa lại Thiếu dương sau đó và bổ Tam tiêu, vì như đã nói trên,
- Bổ Dương minh để phục hồi lại công năng tiềm lực tác động tứ chi,
- Bổ thần khí là phần chính yếu con người, để mang lại sự bình an tâm trí cho người bệnh, mang lại cho họ ý chí niềm tin,
- Khuyến khích họ năng thể dục đi đứng hằng ngày để bảo dưỡng các cử động.
- Ăn uống cho hợp lẽ với phép vệ sinh nếp sống tuổi tác, không bừa bãi dục vọng phí phạm làm kiệt quệ đến chân âm.
KẾT LUẬN
Bệnh run tay, tuy giới hạn ở bàn tay, nhưng thường là dấu hiệu bệnh biến của nội tạng do sự thoái hóa của hệ thần kinh trung ương, tay run, chân run, đầu lay động, có khi cả thân mình đều lay động được thấy trong trường hợp nặng. Thuộc chứng bệnh mạn tính (maladie chronique), năm này qua năm nọ, đa số là người cao niên vào lớp tuổi 60, 70 mắc phải. Ta cần phải chẩn bệnh được sớm ngày nào hay ngày ấy. Nguyên nhân bệnh, y-khoa bên trời âu đang ráo riết tìm tòi nhưng chưa khám phá ra được căn nguyên. Bên ta, nhận thức được đã trên hai ngàn năm và lý luận dựa trên yếu tố khí hoá (source énergétique humaine), cho rằng phần tử chính của Tinh Khí Huyết đã suy kém, dần dà khô kiệt theo niên cao tuổi tác là trọng điểm của căn bệnh. Nhưng cũng nên nhớ rằng vệ sinh ăn uống, nếp sống hằng ngày đã đóng góp phần lớn trong công cuộc giúp cho chúng ta có được một sức khỏe khả quan mặc dầu tuổi cao, và kéo dài được thêm tuổi thọ.Về mặt điều trị, cho tới nay, không có loại thuốc nào công hiệu đối với bệnh này, có chăng chỉ là lối điều trị vá víu nhất thời. Công cuộc tìm tòi và chữa trị vẫn tiếp diễn không ngừng. Bên trời tây cũng như bên trời ta, cả hai bên đều nỗ lực tìm kiếm trên con đường khám phá cái bí ẩn tuyệt đối mà tạo hóa chưa tiết lộ cho chúng ta. Vậy chừng nào? Hy vọng ngày ấy sẽ không còn xa! Điều đáng hằng nhắc nhở cho ta, là phải có một nếp sống lành mạnh, điều dưỡng tinh thần là trọng điểm, nội tâm giữ cho được yên tịnh, thư thái, không vọng tưởng đua đòi, không dục vọng bừa bãi thái quá để phải phí phạm tinh khí. Thứ đến, điều tiết ăn uống như ta có câu "’bệnh tòng khẩu nhập". Trăm bệnh do ăn uống mà sinh ra, rượu chè no say, vui chơi buông thả, phóng túng sắc dục, làm kiệt hết tinh khí. Tất thảy là nhân tố của trăm ngàn bệnh tật gây nên. Như cha ông chúng ta để lại những lời khuyên quý báu là "’khuôn vàng thước ngọc" là tôn chỉ để chúng ta được noi theo hầu mang lại cho chính chúng ta một sức khoẻ dồi dào. Một sức khoẻ ngang tầm tay mà chúng ta không cần tìm kiếm đâu xa. Sức khoẻ theo quan niệm người Á đông chúng ta, đã được xây đắp trên một nền tảng vững chắc, một triết lí sâu sắc (philosophie médicale) đầy tế nhị, không kém phần đậm đà với bao ý nghĩa, và vô cùng ý vị: trụ cột cơ bản đó (piliers fondamentaux) không ngoài trời đất, thiên nhiên vũ trụ đã ân cần giao phó cho chúng ta những điều lệ bất di dịch nhưng là tối ư quan trọng, khả dĩ để chúng ta có tạo được một sức khỏe mong muốn, tránh được tật bệnh và sống thọ, cho ta mà không hề hậu ý trao đổi bán buôn gì cả. Ôi! Thật là huyền diệu.
Đó chính là bí quyết (secret) của sức khỏe, tuổi thọ mà tạo hoá mặc khải cho chúng ta khi ta tự biết suy ngẫm.
Paris, Xuân Đinh Hợi
Sinh tố là những chất hữu cơ cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì sức khỏe cũng như góp phần vào việc điều hành chức năng của các cơ quan, bộ phận trong người.
Tên tiếng Anh của Sinh Tố là Vitamin, có nguồn gốc tiếng La Tinh "vita“ có nghĩa là đời sống và amino là chất dinh dưỡng cần thiết.
Hầu hết các sinh tố được cung cấp từ thức ăn, vì cơ thể con người không tổng hợp được, ngoại trừ hai sinh tố D và K. Điều may mắn là trong thực phẩm đều có đủ các loại sinh tố.
Mặc dù cơ thể chỉ cần một lượng sinh tố rất nhỏ nhưng lượng nhỏ đó giữ vai trò rất quan trọng cho sự sống còn của con người. Không có sinh tố thì những sinh vật cao cấp như loài người không thể tồn tại.
Sau đây là một số công dụng của sinh tố:
- Góp phần vào việc cấu tạo tế bào máu, xương và răng.
- Điều hành có hiệu quả những chức năng của tim và hệ thần kinh, tăng cường thị lực của mắt...
- Giúp cơ thể biến thực phẩm thành năng lượng.
- Giữ vai trò xúc tác trong các phản ứng sinh hóa và biến năng lượng để giúp tế bào hoàn thành các chức năng rất cần thiết cho sức khỏe của con người.
- Ngoài ra, sinh tố còn có tác dụng hỗ trợ cơ thể sử dụng các khoáng chất, chất đạm, chất bột đường và nước.
Điều cần lưu ý là các sinh tố không cung cấp năng lượng (calori) và không có khả năng tự nó làm tăng trưởng cơ thể như các chất đạm, chất béo, carbohydrate, khoáng chất và nước.
Có 13 loại sinh tố chính. Đó là sinh tố A, C, D, E, K và tám sinh tố thuộc nhóm B như B1 (thiamin), B2 (riboflavin), B3 (niacin), B5 (pantothenic acid), B6 (pyridoxine), B12 cobalamin), folacin (acid foli) và biotin.
Đặc biệt, sinh tố A vừa có trong thực phẩm từ động vật như thịt, trứng... lại cũng có ở dạng gọi là caroten trong thực vật. Khi được đưa vào cơ thể, caroten được biến thành sinh tố A. Caroten có nhiều trong cà rốt, rau xanh, cà chua.. Caroten còn là một chất chống oxy hóa rất hữu hiệu.
Ngoài ra còn một số chất không là sinh tố nhưng có các chức năng gần giống như sinh tố (vitaminlike substances). Chẳng hạn như bioflavonoid, carnitine, coenzyme, inositol.
Sinh tố được chia ra làm hai nhóm: Nhóm hòa tan trong chất béo như các sinh tố A, D, E, và K và nhóm hòa tan trong nước gồm có sinh tố C và các sinh tố B.
Sự phân biệt này rất quan trọng vì cơ thể tồn trữ sinh tố hòa tan trong chất béo ở gan và mô béo tương đối lâu hơn, nên tình trạng thiếu hụt các sinh tố nhóm này chậm xẩy ra. Còn những sinh tố hòa tan trong nước chỉ tồn tại một thời gian ngắn trong cơ thể và cần được bổ sung thường xuyên để tránh các bệnh gây ra do thiếu những sinh tố nhóm này.
Đa số sinh tố rất dễ bị sức nóng và ánh sáng hủy hoại. Do đó, dù trong quá trình tồn trữ và nấu nướng thực phẩm, một số sinh tố bị mất đi. Sự mất mát càng lớn khi thực phẩm được tồn trữ dưới ánh sáng, sức nóng hoặc không được ướp lạnh, cất giữ đúng cách.
Sinh tố hòa tan trong mỡ béo có tính chất ổn định hơn sinh tố hòa tan trong nước khi thực phẩm được nấu nướng. Ví dụ, khi đun sôi thì lượng sinh tố hòa tan trong nước bị phân hủy trong nước nóng, cho nên muốn duy trì lượng sinh tố này thì không nên nấu quá lâu và chỉ nên nấu với ít nước.
Mỗi sinh tố có nhiệm vụ riêng của nó. Trong một số trường hợp, vài loại sinh tố có tác dụng hỗ tương nhưng không thể thay thế cho nhau.
Ví dụ:
- Sinh tố D có hiệu quả tốt hơn nếu dùng chung với sinh tố A.
- Cặp sinh tố D và A hoạt động tốt hơn nếu có sự hiện diện của sinh tố B;
- Sinh tố E được tăng hiệu năng khi đi chung với cặp sinh tố D và A;
- Sinh tố C có ảnh hưởng đến tác dụng của sinh tố A;
- Khi thiếu sinh tố B1 thì sự hấp thụ những sinh tố khác trong cơ thể gặp trở ngại.
Mặc dầu cơ thể cần sinh tố, nhưng sinh tố không thể thay thế thực phẩm. Nếu thay thế được thì người ta đã không cần những bữa ăn rườm rà mà chỉ cần uống vài viên sinh tố.
Các dấu hiệu khi cơ thể thiếu sinh tố.
1- Thiếu sinh tố A
Nhu cầu sinh tố A mỗi ngày là 900mcg.
Thiếu sinh tố A sẽ đưa đến giảm thị giác, mờ mắt ban đêm, giác mạc khô và đục, răng yếu mau hư, da khô có vẩy, tóc khô giòn, cơ thể dễ bị nhiễm trùng, xương chậm phát triển.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu sinh tố A ít khi xẩy ra vì thực phẩm ăn vào hàng ngày có rất nhiều sinh tố này.
Sinh tố A có nhiều trong dầu gan cá, gan và thận động vật, sữa, lòng đỏ trứng gà, các loại rau trái cây có lá và vỏ mầu vàng...
2- Thiếu sinh tố D
Thiếu sinh tố D sẽ làm giảm sự hấp thụ calcium và phosphore ở ruột với hậu quả là xương và răng mềm và biến dạng. Trẻ em thiếu sinh tố D sẽ bị bệnh còi xương: xương ngực nhô về phía trước, xương sọ chậm khép kín, xương sống cong, răng sữa chậm mọc, răng khôn mỏng manh, men răng mau hư.
Ngoài ra, thiếu sinh tố D cũng đưa đến chứng co cứng và giựt các cơ (tetany), đặc biệt là cơ mặt, bàn tay, bàn chân.. Chứng này cũng xẩy ra trong trường hợp calcium huyết xuống thấp.
Nhu cầu sinh tố D hàng ngày vào khoảng 5mcg.
Thực phẩm cung cấp rất ít sinh tố D, nhưng thiên nhiên đã giúp cơ thể tạo ra sinh tố D qua tác dụng của tia nắng mặt trời lên da. Mỗi ngày ta chỉ cần phơi nắng khoảng mười phút, hai ba lần mỗi tuần là có đủ số sinh tố D cần thiết.
Sinh tố D có nhiều trong các loại cá béo như cá trích, cá thu, cá hồi, cá ngừ... Gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa có một ít sinh tố D. Rau và trái cây hầu như không có sinh tố này.
3- Sinh tố E
Dấu hiệu do thiếu sinh tố E ít khi thấy ở con người, vì sinh tố này có trong mọi loại thực phẩm. Ngoài ra, sinh tố được tồn trữ trong một thời gian khá lâu trong tất cả các mô bào.
Sinh tố E giúp duy trì sự vẹn toàn của tế bào máu, bảo vệ tế bào phổi với ô nhiễm và giúp các tế bào này hô hấp hiệu quả hơn. Trái với sự tin tưởng của nhiều người, sinh tố E không tăng cường khả năng tình dục của nam giới.
Trẻ sơ sinh, nhất là khi sinh thiếu tháng, không có đủ sinh tố E sẽ có một số dấu hiệu như phú nề, vết thương trên da, tế bào máu bất bình thường..
Mỗi ngày cơ thể cần khoảng 8mg sinh tố E.
Sinh tố E có nhiều trong rau salad và các loại dầu thực vật ngoại trừ dầu dừa, mầm lúa mì, bắp, các loại hạt có vỏ cứng như hạt dưa, hạt bí, trong măng tây và các loại rau có lá màu lục...
Thực phẩm động vật có rất ít sinh tố E.
4- Sinh tố K
Sinh tố K giúp cơ thể chống chẩy máu khi bị thương tích trên da thịt hoặc xuất huyết tại các cơ quan nội tạng. Sinh tố này cũng giúp gan tổng hợp các yếu tố đông máu, mà khi thiếu, máu sẽ ở trong tình trạng liên tục loãng.
Khi thiếu sinh tố K, máu sẽ không đông, vết thương chẩy máu liên tục.
Các vi khuẩn trong ruột tạo ra 80% số lượng sinh tố K cần thiết, phần còn lại do thực phẩm cung cấp. Sinh tố này có nhiều trong trà xanh, củ cải, đậu nành, dầu thực vật, gan, lòng đỏ trứng...
5- Sinh tố B1
Thiếu sinh tố B1, con người trở nên dễ mệt mỏi, kém tập trung, ăn không ngon, đau bụng, buồn nôn, đầu ngón tay tê dại, nhịp tim nhanh, mất cảm giác vì viêm dây thần kinh ngoại vi, sưng phù cơ thể...
Sinh tố B1 (hoặc thiamine) có nhiều trong mầm lúa mì, mầm đậu nành, hạt hướng dương, gạo lức, lòng đỏ trứng, gan động vật, thịt nạc, cá...
Nhu cầu hàng ngày của cơ thể với sinh tố B1 là từ 1-3mg.
6- Sinh tố B2
Các dấu hiệu do thiếu sinh tố B2 gồm có: cơ thể mệt mỏi, vết thương chậm lành, thủy tinh thể đục, mắt cay không chịu được ánh sáng mạnh, lưỡi đau, môi nứt nẻ, da khô, tóc dễ gẫy, móng tay chân giòn...
B2 có nhiều trong sữa, phó mát, thịt nạc, tim gan thận động vật, trứng, hạt ngũ cốc, rau có lá mầu lục...
Mỗi ngày cơ thể cần 1,5mg B2.
7- Sinh tố B3
Khi thiếu sinh tố B3 hoặc Niacin, các triệu chứng sau đây có thể xẩy ra: giảm sinh lực, mất ngủ, hay quên, tâm thần căng thẳng, lo âu, tính tình gắt gỏng; nhức đầu, sưng và chẩy máu ở nướu răng, viêm ngứa trên da... Thiếu trầm trọng có thể đưa tới bệnh Pellagra với viêm da, rối loạn thần kinh, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, giảm cân, giảm trí nhớ...
Sinh tố này có nhiều trong các thực phẩm giầu chất đạm như gan, thận, thịt nạc, cá, nấm, các loại hạt, sữa, ngũ cốc, rau, trứng...
Nhu cầu hàng ngày từ 5 tới 17mg sinh tố B3.
8- Sinh tố B6
Thiếu sinh tố B6 (Pyridoxine) có những biểu hiện như giảm sinh lực, ăn mất ngon, mất ký, ngủ mê, buồn rầu, tinh thần dễ bị kích động, cơ co rút và yếu, tê đầu ngón tay, da khô, thiếu hồng cầu, da chung quanh mắt, mũi, miệng trở nên nhờn và đóng vẩy,... Trẻ em thiếu sinh tố này thường hay lên cơn động kinh, bẳn tính...
B6 có nhiều trong cám gạo và lúa mì, hạt hướng dương, có ít hơn trong trái chuối, trái bơ, cá, thận, gan, thịt gà, đậu nành...
Nhu cầu sinh tố B6 khoảng 2mg/ngày.
9- Sinh tố B12
Mỗi ngày, nhu cầu sinh tố B12 là từ 2 đến 4mcg. Nếu ăn 100gram thịt bò là đã có đủ số lượng B12 này.
Thiếu sinh tố B12 thường thấy ở người chỉ ăn rau trái cây hoặc những người không sản xuất được yếu tố nội tại tạo sinh tố B12, vì bị cắt bỏ bao tử, thiếu máu ác tính, nhiễm ký sinh trùng...
Dấu hiệu thiếu sinh tố B12 gồm có: lưỡi viêm đỏ, cơ thể yếu đuối, ăn không ngon, da vàng nhợt, khó thở, giảm cân, đi đứng không vững, rối loạn thần kinh, tính tình cáu kỉnh, buồn rầu...
Gan là cơ quan chứa nhiều sinh tố B12 nhất rồi đến thận, tim, thịt bò, cá, lòng đỏ trứng, sữa, sữa chua, phó mát, sò, cua... Thực phẩm thực vật không có sinh tố B12.
10- Sinh tố C
Hiện nay, tình trạng thiếu sinh tố C trong cơ thể ít khi xảy ra, vì có rất nhiều thực phẩm cũng như nước uống chứa sinh tố này. Tuy nhiên, khi thiếu, các dấu hiệu sau đây sẽ xuất hiện: giảm cân, mệt mỏi, kém tập trung, đau nhức khớp và cơ, khó thở, sưng và chẩy máu nướu, chẩy máu dưới da, vết thương lâu lành. Thiếu trầm trọng sinh tố C sẽ đưa tới bệnh scurvy với rụng răng, mềm xương, mạch máu dễ vỡ, chẩy máu, thiếu máu, suy tim, tử vong...
Sinh tố C có nhiều trong các loại trái chua như chanh, cam, dâu, cà chua... hoặc trong súp-lơ, khoai lang, khoai tây...Thịt cá chứa rất ít sinh tố C.
Mỗi ngày nên tiêu thụ khoảng 60mg sinh tố C.
KẾT LUẬN
Trên đây là dấu hiệu khi cơ thể thiếu sinh tố trầm trọng. Sự thiếu trầm trọng này thường hay xảy ra khi con người ‘nhất bên trọng, nhất bên khinh’, chỉ thích ăn thực phẩm này mà bỏ rơi thực phẩm kia. Hoặc tiêu thụ thực phẩm không có chất dinh dưỡng.
Cho nên, để tránh nguy cơ bệnh tật gây ra do thiếu sinh tố, cần ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Vì mỗi thực phẩm có thành phần chất dinh dưỡng riêng.
Ngoài ra, mỗi ngày có thể uống thêm một viên đa sinh tố, để trong lòng đỡ thắc mắc, lo ngại thiếu vitamin. Đặc biệt là đối với quý vị tuổi cao, ‘ăn cho xong bữa‘, cốt sao no bụng thì thôi...
Nắng tháng Tám, rám trái bưởi.
Kinh nghiệm dân gian.
Viễn cư, chẳng nghe tiếng Cuốc quê hương mà sao Hè cũng nóng:
"Cái nóng nung người, nóng nóng ghê". (1)
Dallas 115 độ, cây cỏ khô héo. Xe lửa nhiều quốc gia Âu châu ngưng chạy vì đường sắt nóng cong. Nước Pháp mất đi gần 5000 con dân trong dăm tuần lễ. Không phải vì chiến tranh, động đất mà vì hậu quả của sức nóng nắng hầm tháng 8 năm 2004.
Vậy mà ông lãnh đạo xứ cờ hoa vẫn phom phom cùng hội viên "Câu Lạc Bộ 1000F" của ông ta chạy đua 5 cây số trong 7 phút ở trang trại vùng Texas. Để tranh nhau giật giải chiếc áo thung mang huy hiệu Tổng Thống. Nhờ mặc áo này biết đâu ông ta chẳng tránh được ảnh hưởng xấu của nắng trên da. Và để an toàn nghĩ thêm cách chinh phục thế giới.
Với diện tích 17 thuớc vuông, da là bộ phận trải rộng lớn nhất của cơ thể. Về phương diện cấu tạo, da đã làm ngạc nhiên nhiều kiến trúc sư vì tính cách bền bỉ, nhậy cảm, đàn hồi mà Thượng đế đã tạo cho da. Lại còn những chức năng quan trọng mà da trách nhiệm để bảo vệ cơ thể. Nào là rào cản chống lại sự xâm nhập của vi sinh gây bệnh, hóa chất độc hại. Nào là điều hòa thân nhiệt trước thay đổi phũ phàng của thời tiết nóng lạnh. Lại còn mang khỏi cơ thể, qua mồ hôi, những chất phế thải trong người. Cũng như mang cảm giác mềm mát cho bàn tay người tình mơn trớn, nâng niu.
Nhưng da cũng chịu chung số phận hóa già của các bộ phận trong cơ thể, cũng dễ dàng hư hao trước rủi ro của không gian và thời gian. Da khô nhăn nheo với tuổi đời chồng chất. Da ung thư, cháy xém dưới tia nắng mặt trời.
TIA NẮNG GẮT CÓ THỂ GÂY TÁC DỤNG XẤU CHO LỚP DA KHÔNG ĐƯỢC CHE TRỞ.
Nhìn qua lăng kính, ánh nắng có bẩy mầu hòa hợp: tím, chàm, da cam, xanh dương, xanh lục, vàng và đỏ. Đó là những tia tương đối lành mà mắt thường có thể nhìn thấy. Nhưng cái tia tử ngoại, cực tím mà ta không nhìn thấy mới là đáng ngại, mới là rủi ro làm da khô, da ngứa, ung thư da.
Cực tím A chui sâu vào da, tiêu hủy sự đàn hồi, khiến cho da sớm nhăn già và cũng là rủi ro của ung thư;
Cực tím B giảm khả năng bảo vệ cháy nắng và là thủ phạm chính của ung thư da.
Cực tím C là nguy cơ tử vong cho cho mọi sinh vật, từ cỏ cây cho tới động vật.
Nói vậy chẳng lẽ nắng chỉ mang tới rủi ro hay sao?!
Ánh nắng rất cần cho sự sinh tồn của mọi sinh vật. Không có nắng làm sao có sự quang hợp để biến khí carbon và nước thành thực phẩm nuôi thảo mộc. Mà không có thảo mộc thì con người và súc vật lại khốn đốn, thiếu thức ăn.
Ánh nắng cũng cần cho sức khỏe thể xác và tâm thần nữa chứ. Thường xuyên âm u là ta dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, mất ngủ, rối loạn chuyển biến dưỡng chất cũng như sản xuất kích thích tố trong cơ thể. Cho nên mới có " Nỗi buồn Mùa Đông"-Blue Winters của cư dân các vùng hiếm nắng.
Mà không có nắng Mai thì sao có
"Nắng vàng giỡn trên má,
Cô mơ tình nhân hôn" (2).
Và
"Nắng lên nửa bãi chiều rồi..."
để cho Huy Cận
"Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ" (3)
Nhưng, chỉ năm mười phút, vài giờ thì không sao, chứ nhiều ngày nhiều tháng dưới nắng chang chang, không áo quần che chở thì cũng có nhiều vấn đề lắm đấy.
UNG THƯ DA LÀ VẤN ĐỀ ĐÁNG NGẠI HƠN CẢ.
Hàng năm, số người bị ung thư da tăng. Theo Viện Da Liễu Hoa Kỳ, tỷ lệ ung thư da vào thập niên 1930 là 1/1500; tới thập niên 1980 con số nhích lên là 1/250. Hiện nay có thể là 1/70. Vì môi trường càng ngày càng xấu, khí quyển càng mất chất bảo vệ ozone trước tia tử ngoại của nắng...
Nguy cơ ung thư tăng theo với số tuổi của con người, nhất là từ 50 tới 70 tuổi. Cứ một trong ba người Mỹ trên 65 tuổi là ít nhất cũng bị ung thư da một lần trong suốt cuộc đời. Vùng mặt và đầu là nơi mầu mỡ cho ung thư tàn phá.
Tùy theo chủng tộc, giống tính, cũng như địa dư mà ung thư nhiều ít. Nam giới dễ ung thư hơn các bà các cô. Có lẽ các ông mình trần, phơi nắng cắt cỏ, bón cây hơi nhiều, để cho vườn nàng đẹp. Da mầu ít hơn da trắng vì họ có nhiều tế bào sắc tố che chở. Dân mắt xanh, tóc đỏ, người sống gần xích đạo, trên cao độ cũng dễ bị ung thư.
Chín mươi phần trăm trường hợp ung thư da là do chất độc hại ảnh hưởng vào da. Nhất là tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời.
MÀ MUỐN BẢO VỆ, TRÁNH UNG THƯ VÌ NẮNG GẮT THÌ CŨNG DỄ THÔI.
Ta cứ mặc quần áo trùm kín như mấy trự Trung Đông Ả Rập là xong. Lại mang thêm chiếc mạng phủ mặt của kiều nữ Taliban, là tha hồ ra nắng.
Nhưng, hãy coi chừng. Mấy ngài an ninh phi cảng là hay nghi ngờ, chiếu cố lắm đấy ạ. Có dấu khí cụ trong quần không? Có cài chất nổ trong áo ngực. Xin vào phòng kín. Thoát y. Kiểm tra. Đôi giầy tây mà còn phải tháo ra, đi chân không qua máy rà kim khí cơ mà. Rõ rắc rối.
Sao ta chẳng theo những nàng mặt phấn da hồng Sài Gòn, Hà Nội. Lái Honda Dream, quần áo thùng thình gió bay, bao tay lụa cao cao tới nách, mạng nhung che mặt, nghiêng nghiêng vành nón rộng. Để bảo vệ nền da ngà ngọc. Thêm cặp kính râm thời trang nữa thì tha hồ mà liếc dọc nhìn ngang.
Rồi gửi xe, ta vào mỹ viện, lựa vài chai kem chống nắng. Để thoa ngăn ngừa tử ngoại phá hủy DNA và khả năng miễn nhiễm của da.
Bôi trên da, mỹ phẩm có công dụng phản chiếu tia nắng, nhất là các loại có từ 15 Yếu Tố Bảo Vệ (Sun Protection Factor-SPF) trở lên. Độ càng cao thì sự bảo vệ càng lâu. Phơi nắng càng nhiều thì cứ vài giờ nên thoa lại, nhất là khi đổ mồ hôi. Cũng là cơ hội tốt cho những người tình xích lại. Gần nhau.
Các mỹ phẩm chống nắng thường thường rất an toàn, nhưng khi dùng thì có đôi điều nên để ý:
- Trẻ em từ 6 tháng trở lên đều có thể thoa kem chống nắng; dùng loại hơi đục hoặc kem hơn là dung dịch trong suốt;
-Trước khi thoa, thử một chút kem trên mu bàn tay coi xem có bị dị ứng, đỏ da hay không. Mỗi nhà bào chế dùng các gia phụ khác nhau;
-Thoa mỹ phẩm lên toàn thân, trừ vùng da quanh mắt;
-Thoa từ 15-30 phút trước khi phơi nắng để chất chống tử ngoại thấm vào da;
-Lựa mỹ phẩm không tan trong nước nếu ta bơi lội;
-Tham khảo bác sĩ nếu trẻ em bị mụn trứng cá, để coi dùng kem nào không làm bệnh tăng lên.
Rồi an toàn tắm biển-phơi da...
Biết bao giờ nhân hòa để trở về với nắng Hè quê hương.
Mà trèo me hái sấu Hàm Long; mà trộm ổi, tắm sông Nghi Tàm, Quảng Bá.
Hoặc nhớ lại những 55-57. Theo thầy trẻ Nguyên Sa, mới ở Pháp về, lang thang chợ Thái Bình, Cống Quỳnh- Phạm Ngũ Lão. Đi trong nắng... mà không cần nón mũ. Vì:
"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát;
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông".(4)
Ôi! Hà Đông. Chùa Trầm. Động Nhũ.
Một thời đã qua...Biết bao nhiêu là kỷ niệm...
...Và có người thấm lệ, nhìn xa...
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC, Texas- Hoa Kỳ
1- Quốc Văn Giáo Khoa Thư
2- Nắng mai-Thanh Tịnh
3- Ngậm ngùi-Huy Cận
4- Áo Lụa Hà Đông-Nguyên Sa
Bác Sĩ Nha Khoa Anne-Marie Hòa Nguyễn chuyên trị bệnh nướu răng và đặt implant (Periodontology & Implantology) tốt nghiệp Baylor College of Dentistry năm 1990, có bằng Master of Science về phân khoa nướu răng tại University of Texas - San Antonio năm 1996 và Board Certified bởi Hội American Board of Periodontology năm 1997, hiện đang hành nghề ở vùng Tây Nam (Southwest) Houston. Nếu có những thắc mắc liên quan tới nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng
6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, Texas 77036. ĐT: 713.917.0907.
Copyright-2007 Anne-Marie H Nguyễn, DDS, MS.
Cộng đồng VN tại Hoa Kỳ nói chung và tại thành phố Houston nói riêng, số người cao niên càng ngày càng gia tăng. Một phần những vị trung niên qua Mỹ từ lâu trở thành già đi, cộng thêm với nhiều gia đình đưa bố mẹ qua Mỹ đoàn tụ ngày càng đông đảo. Theo thời gian thì việc săn sóc người già ngày càng trở thành một vấn đề quan trọng. Dĩ nhiên sự thay đổi của tuổi già là điều không thể tránh được. Theo diện mạo bên ngoài thì ai cũng nhận ra như: da nhăn, tóc bạc, lưng khòm, mắt mờ, tai lãng, sức yếu, v.v... Bên trong cơ thể, các bộ phận cũng càng ngày càng suy thoái đi, từ hệ thần kinh, hệ tim mạch đến các hệ tiêu hóa, vận động đều suy giảm chức năng. Nhưng với đà tiến bộ y học ngày nay cộng thêm thức ăn dinh dưỡng đầy đủ và không khí sạch sẽ, tuổi thọ con người đã tăng lên rất nhiều. Chúng ta thấy nhiều người sống đến 80, 90 tuổi là việc bình thường.
Nói về khoang miệng và răng thì rất nhiều người VN, già cũng như trẻ, vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng về cách chăm sóc và giữ gìn vì họ đã sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh hoặc môi trường mà vấn đề vệ sinh hoặc sự phòng bệnh hơn chữa bệnh không được quan tâm và chú trọng nhiều. Họ nghĩ rằng khi mình già đi thì chuyện mất răng, đau răng, chảy máu răng, rụng răng là chuyện đương nhiên. Nếu bị mất đi vài chiếc răng thì họ có thể đeo những bộ răng giả bán phần (partial denture) hoặc những chiếc răng giả cố định (fixed bridge) để lấp đi những chỗ trống. Bài viết này tác giả xin trình bày những sự thay đổi trong hàm răng và khoang miệng của tuổi hạc để chúng ta nhận thức được tầm quan trọng việc gìn giữ và bảo trì hàm răng sẵn có của mình trong lúc còn trẻ. Đồng thời cũng để chúng ta, là bậc con cháu, kiên nhẫn và thông cảm với những khó khăn mà cha mẹ, ông bà, hoặc những vị cao tuổi phải trải qua khi những chiếc răng bị mất hoặc những biến đổi trong khoang miệng.
Những biến đổi trong khoang miệng của người cao niên.
1. Sự co rút nướu răng [gum receding; gum recession]
2. Sâu chân răng [root caries]
3. Mòn răng [tooth wear]
4. Thay đổi màu răng [tooth discoloration]
5. Bệnh nướu răng [periodontal disease; gum disease]
6. Tình trạng mất răng [tooth loss]
7. Tình trạng mất xương hàm [bone loss]
8. Chứng khô miệng [dry mouth]
9. Thay đổi vị giác [taste alteration].
10. Ung thư khoang miệng [oral cancer].
Sự co rút nướu răng là một tình trạng dễ thấy ở người lớn tuổi do hậu quả của việc đánh răng quá mạnh tay và không đúng phương cách trong bao nhiêu năm, hoặc bị bệnh nướu răng. Khi nướu răng bị co rút, chân răng sẽ lộ ra nhiều làm cho răng dễ bị buốt hoặc bị sâu, vì chân răng không còn lớp men bảo vệ nữa nên lớp ngà răng ở phần này rất mềm và yếu. Tỉ lệ sâu chân răng ở người lớn tuổi nhiều gấp 3-4 lần so với người trẻ. Những yếu tố khác có thể làm cho răng dễ bị sâu hơn như: tình trạng khô miệng, ổ xương răng bị hủy hoại gây ra những chỗ rỗng chung quanh thân răng, hoặc khó khăn trong việc chải răng vì bệnh tật.
Răng là một bộ phận duy nhất trong cơ thể có khả năng chịu đựng sự cọ sát. Dù vậy sau bao nhiêu năm xử dụng, lớp men răng không ít thì nhiều cũng bị mòn đi. Không phải chỉ ở lứa tuổi cao niên chúng ta mới thấy sự kiện này. Sự mòn răng còn thấy rõ hơn ở những người trẻ tuổi nếu có tật nghiến răng trong khi ngủ [nocturnal bruxism] hoặc có thói quen ghì chặt hai hàm răng [teeth clenching] những khi bị căng thẳng, tức giận hoặc gắng sức v. v... Khi lớp men trên mặt nhai của chiếc răng đã bị mòn thì lớp ngà răng sẽ lộ ra. Tình trạng này cũng có thể biến đổi màu răng thành vàng hoặc nâu vì lớp ngà răng dễ bị nhuộm màu từ các thức ăn nước uống [cà phê, nước trà] quen dùng mỗi ngày. Nếu mài sát quá độ thì lớp tủy răng có thể bị lộ ra đưa tới sự nhức nhối đau đớn hoặc cả mặt răng bị mòn đến mặt nướu làm cho khuôn mặt ngắn đi hoặc nhìn già trước tuổi!
Hình 1. Hàm răng dưới bị mòn để lộ lớp ngà và tủy răng.
Phần lớn người Việt Nam chúng ta và nhất là các vị cao niên đều mắc bệnh nướu răng (bệnh nha chu), với nhiều tình trạng nặng nhẹ khác nhau. Những triệu chứng thông thường nhận thấy rõ ràng là sưng màng nướu, chảy máu trong lúc đánh răng, hôi miệng, răng lung lay hoặc tách rời. Khi có những triệu chứng này trong lúc còn trẻ, chúng ta cần phải lưu ý nha sĩ khi đi khám răng để được điều trị chuyên môn một cách đầy đủ thì mới có hy vọng chặn đứng được bệnh này. Nếu không thì vi trùng sẽ phát triển và hoành hành mạnh hơn làm hủy hoại những ổ xương hàm dẫn tới sự rụng răng. Một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là khi đã được điều trị bệnh nướu răng rồi thì bệnh nhân cần phải được theo dõi thường xuyên hơn để ngăn chặn sự tái phát của căn bệnh này.
Hình 2A/B: Bệnh nướu răng trong thời kỳ nặng, dẫn tới việc nhổ răng toàn hàm.
Dĩ nhiên ở tuổi cao niên thì tình trạng mất răng càng thấy rõ rệt. Nguyên nhân thông thường nhất gây ra sự mất răng là bệnh sâu răng và bệnh nướu răng. Một khi đã bị nhổ một vài chiếc răng rồi thì những chỗ trống cần phải được thay thế bằng những phương cách như: bộ răng giả tháo rời (removable denture), răng giả cố định (fixed prostheses), hoặc bằng những trụ implant để giúp tái tạo tác động nhai cắn và tránh hậu quả khác như mất thẩm mỹ, ăn nói khó khăn, má hóp, các răng xiêu vẹo ngả nghiêng v. v...
Về vấn đề khô miệng, người lớn tuổi thường hay bị tình trạng này với nhiều nguyên nhân như:
Tuyến nước miếng teo đi theo tuổi tác
Những bệnh liên quan tới tuyến nước miếng (salivary gland diseases)
Ảnh hưởng phụ (side-effects) của các loại thuốc cao huyết áp, thuốc an thần, thuốc ho, thuốc suyễn, thuốc chống dị ứng, v. v...
Chữa trị bằng quang tuyến (radiation therapy) hoặc hóa học trị liệu các bệnh ung thư, nhất là ở vùng đầu và cổ. Các tế bào của tuyến nước miếng rất nhạy cảm (sensitive) và dễ bị hủy hoại bởi tia phóng xạ và các hóa chất chữa ung thư.
Nói tổng quát, nước miếng có rất nhiều công dụng, chẳng hạn như tính chất kháng vi khuẩn (antibacterial), kháng siêu vi trùng (antivirus), kháng trị nấm (antifungal), diệu tố hòa tan (buffering enzymes) các chất acid tạo ra do sự lên men của các thức ăn đọng lại trên răng, tiêu hóa một phần các thức ăn có chứa tinh bột như cơm, bánh mì, và tẩy sạch khoang miệng (mechanical cleansing of the oral cavity). Tóm lại, nước miếng được coi như là một loại xà bông rất tốt trong miệng. Vì những công dụng nêu trên của nước miếng, tình trạng khô miệng có thể đưa tới những hậu quả như sau:
Ăn và nói khó khăn
Thay đổi vị giác, ăn uống không còn ngon miệng.
Sâu răng, nhiều ở cổ răng hơn là trên mặt răng
Đeo bộ răng giả khó khăn hơn vì khi không có nước miếng, độ bám của hàm răng giả sẽ giảm đi và cọ xát vào nướu răng gây thêm đau đớn
Khoang miệng dễ bị nhiễm trùng hoặc nhiễm các loại nấm.
Về phần ung thư khoang miệng, thì bệnh này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cho dù răng còn hay không. Thống kê mỗi năm cho biết có khoảng 1/2 tổng số 8,000 người chết vì bệnh ung thư quai hàm mặt ở vào lứa tuổi 65 trở lên. Nếu bệnh ung thư được phát giác sớm thì việc chữa trị rất thành công.
Những khó khăn trong việc chăm sóc răng miệng cho người cao niên
1. Việc chải răng trở nên rất khó khăn và không chính xác, nhất là những người mắc bệnh như bị viêm khớp bàn tay, tê thấp, hệ thống thần kinh bị suy nhược run lẩy bẩy như bệnh Parkinson’s, bị liệt do tai biến mạch máu não (stroke).
Khi răng miệng không được giữ vệ sinh đúng mức thì bệnh sâu răng và bệnh nướu răng dễ phát triển trong khoang miệng.
2. Không có bảo hiểm vì không còn đi làm hoặc đã về hưu; tiền bảo hiểm y tế của liên bang qua chương trình Medicare và Medicaid thông thường trả rất giới hạn hoặc hoàn toàn không trả trong việc chữa trị răng miệng.
3. Ngân khoản về hưu không được dồi dào. Bởi đó, những vị cao niên chỉ tìm cách chữa trị trong trường hợp khẩn cấp mà thôi nên công việc phòng bệnh không còn thấy quan trọng nữa.
4. Lệ thuộc vào con cái hoặc người khác giúp mình hoặc chở đi tới phòng mạch vì những thay đổi thể lý. Người già có thể mất đi khả năng đã có như không thể lái xe được, không tự nấu ăn hay chăm sóc vệ sinh cơ thể được nữa.
5. Thiếu đi động lực thúc đẩy [lack of personal motivation]
Phương cách phòng ngừa
1. Sâu chân răng có thể được ngăn ngừa bằng cách thường xuyên chải răng với một loại kem đánh răng có nồng độ fluoride cao. Nên chải răng và xúc miệng ngay sau khi ăn và hạn chế ăn vặt.
2. Để tránh sự mòn răng và nếu ai có tật nghiến răng trong lúc còn trẻ, nha sĩ có thể làm một bộ bằng nhựa mềm hoặc cứng chụp lên mặt răng (occlusal mouth guard), để ngăn cho hai hàm răng không cọ xát vào nhau vào bất cứ lúc nào (khi ngủ hoặc khi làm việc).
3. Sự mất răng có thể tránh được bằng cách phòng ngừa và điều trị bệnh sâu răng và bệnh nướu răng từ lúc còn trẻ.
4. Chứng khô miệng có thể giảm đi bằng cách thường xuyên hớp từng ngụm nước nhỏ, nhai kẹo cao xu / ngậm kẹo chanh không có chất đường, hoặc thoa các loại nước miếng nhân tạo [Xero-Lube, Salivart] vào nướu răng và bên trong bộ răng giả. Nếu bị khô miệng do ảnh hưởng phụ của các loại thuốc, chúng ta có thể hỏi ý kiến của bác sĩ y khoa gia đình để xin thay thế bằng loại thuốc khác ít gây khô miệng hơn.
5. Những bộ răng giả tháo rời cũng có phần làm bằng nhựa nên lúc nào cũng phải ngâm trong nước (nếu không mang trong miệng) để khỏi bị khô và tránh được phần co giãn. Tốt hơn hết, mỗi đêm sau khi đã chà kỹ lưỡng, nên ngâm bộ răng giả vào hộp nước có pha chất thuốc tẩy [Polident; Efferdent]. Không nên mang bộ răng giả suốt ngày, nhất là khi đi ngủ vì nướu răng cần sự luân chuyển không khí (air exchange) và cần giữ gìn sạch sẽ. Nếu không rửa sạch, thức ăn sẽ bám vào bộ răng lâu ngày sẽ gây nên mùi hôi. Thêm vào đó sự ẩm ướt giữa nướu răng và bộ răng giả có thể đưa tới bệnh nấm (fungal disease; candidiasis) và có thể lan xuống vùng cổ gây nhiều phiền toái cho những người cao tuổi.
6. Mặc dù bệnh nhân không còn răng thật nữa nhưng vẫn cần phải đi nha sĩ hàng năm để tái khám xem bộ răng giả còn được vững chắc hay không, theo dõi sự tiêu mòn của xương hàm mỗi năm, và phòng ngừa bệnh ung thư.
Kết Luận
Tiếng Việt có câu ‘Sinh Lão Bệnh Tử’. Dĩ nhiên con người sinh ra ai cũng phải lớn lên, trưởng thành và chấp nhận sự lão hóa. Nhưng tuổi già không có nghiã là tuổi bệnh tật. Nếu chúng ta ý thức chịu khó chăm sóc hàm răng của mình trong lúc còn trẻ thì khi về tuổi ‘xế chiều’ mình vẫn có được bộ răng khỏe mạnh, trắng đẹp và một nụ cười vui tươi!
Tài Liệu Trích Dịch:
1. Christensen, Gordon. Providing oral care for the Aging Patient. JADA 138, pp. 239-242. February 2007.
2. Your Mouth and Teeth Age, Too. Simple Steps to Better Dental Health. Nov. 2006.
3. Chánh, Việt. Những biểu hiện ở răng miệng của người lớn. S–NG M_NH 136, pp. 11, 36-37. May-Aug 2004.
Tác giả xin chân thành cảm tạ A. Trịnh Lê Trung và BS Nguyễn Tiến Dỵ đã đóng góp ý kiến và sửa chữa trong bài viết này.
Hình ảnh ngày nào còn gợi lại trong trí nhớ chúng ta: vào một buổi chiều nào đó khi các nữ sinh lũ lượt trên đường tan học về, gặp các chàng trai đi kè kè sát bên chọc ghẹo đùa dai, ngáng đường, lời lẽ ngộ nghĩnh không mấy đẹp. Không biết gì hơn, các nàng cúp nón lại, e thẹn, cúi đầu nhanh bước tránh lời trêu ghẹo, bèn đáp qua những lời mắng yêu, mắng đùa, mắng thương "cái anh Phải Gió"…tiếng qua lời lại, không kẻ thắng người bại, đôi bên đành tự xử huề vậy, và đánh đổi qua những nụ cười duyên dáng, những liếc mắt đằm thắm trao đổi đầy ý nghĩa và như thầm nói sẽ "gặp lại nhau nhé anh".
Đứng về mặt thầy thuốc, hai chữ "PHẢI GIÓ" mang một định nghĩa xác thực và nghiêm trọng hơn. "Phải gió" đồng nghĩa với "Trúng gió" hay "Trúng Phong’’(tạm dịch là attaque directe du Vent). Đi sâu vào địa hạt y-khoa, ta có thể phân tách được năm trường hợp xẩy ra khi bị "Trúng phong", bệnh nặng hay nhẹ còn tùy thuộc nhiều yếu tố:
-1) Trường hợp gió độc đánh vào lạc mạch (vaiseaux secondaires), người bệnh cảm thấy da thịt bị tê dại (paresthésie).
-2) Trường hợp gió phạm vào đường kinh mạch (méridiens principaux), bệnh nhân cảm thấy thân mình nặng nề, chân tay không vận chuyển và cử động được.
-3) Phong tà nhập vào tới phủ (entrailles), thì bệnh nhân ngã lăn ra bị mê man không biết gì (perte de connaissance), trường hợp nhẹ, sẽ tỉnh lại sau đó (apoplexie).
-4) Tà phong xâm nhập vào tới tạng (organes) thì bệnh nhân đã lâm vào tình trạng trầm trọng, miệng lưỡi ngọng nghịu khó nói, đờm dãi nôn ra mồm miệng. Trường hợp nặng hơn nữa thì sẽ gây ra tử vong, chết đột ngột.
-5) Trường hợp nhẹ và thông thường: phong tà sau khi xâm nhập vào da thịt, sẽ âm ỉ biến thành loại bệnh đa dạng, hoán chuyển theo các đường kinh lạc, thừa dịp chính khí suy kém trong cơ thể và rồi tự do hoành hành mà sinh ra trăm bệnh không nhất định. Do đó cách chữa trị có phần khó khăn mà ta gọi là thương hàn bệnh (maladies évolutives du Froid).
Hỏi: nguyên nhân từ đâu người ta bị trúng phong?
Đáp: không ngoài hai yếu tố, ngoại nhân (cause externe) và nội nhân (cause interne).
Yếu tố ngoại nhân: theo Nội kinh, phong tà, gió độc là nguyên nhân chủ yếu để sinh ra trăm bệnh. Khi đã xâm nhập vào cơ thể, nó có khả năng biến hóa ra các thứ bệnh khác không nhất định. Thí dụ phong tà xâm nhập vào một phía bên người, qua các du huyệt của ngũ tạng lục phủ, truyền vào và lưu lại trong khí dinh vệ (énergie nourricière, et énergie défensive) làm cho công năng dinh vệ suy giảm, tất nhiên chân khí (énergie vitale) bị ly khai, chỉ còn lại tà khí (énergie perverse) thao túng bên trong kềm hãm sự vận chuyển khí huyết nuôi dưỡng làm ứ trệ nên gây ra chứng bán thân bất toại…
Nội kinh còn nêu: mùa thu nếu bị cảm thấp, sẽ gây ra bệnh ho, bệnh tình không khỏi sẽ biến chuyển ra bên ngoài thân, sinh ra thành chứng bại liệt.
Một vài thí dụ khác: theo nội kinh, tà phong nhập vào phong phủ, theo đường kinh lên đầu, gọi là não phong; vào mắt, sợ gió và lạnh, gọi là chứng mục phong; uống rượu mà trúng phong gọi là lậu phong; nhập phòng đang ra mồ hôi mà trúng gió, gọi là nội phong; phong nhập vào ruột gây nên ỉa chảy gọi là trường phong v.v..
Ngoài ra còn có các loại tà phong trái mùa (énergie anormale) từ tám phương tới như đại nhược phong, mưu phong, cang phong, hung phong, anh nhi phong, đại cường phong v.v. có thể gây ra tổn thương đến tánh mạng đối với những người bị hư hao về mọi mặt như trong nội kinh có giải thích rằng: hư nhân (énergie de l’homme en état de vide), hư niên (énergie de l’année en état de vide) lại gặp hư phong (énergie déréglée des saisons) nếu 3 hư này (3 vides) được kết hợp với nhau thì sẽ phát bạo bệnh mà chết đột ngột, hoặc ngã lăn ra mê man (coma), hoặc dẫn đến chứng bệnh bán thân bất toại (liệt nửa người, hémiplégie). Cho nên cha ông chúng ta thời xưa ý thức được điều ấy mà giữ vững phép dưỡng sinh để tránh được phong tà, như tránh được mũi tên viên đạn.
Yếu tố nội nhân: Tình trạng buồn phiền, hay nhọc mệt quá độ làm cho dương khí trong người ta trở nên căng thẳng, khẩn trương, do đó làm cho âm tinh (le Jing, la quintessence) hao kiệt. Đến mùa hạ bị khí nóng như lửa đốt, hợp vào mà phát sinh bệnh " tiểu quyết" với chứng trạng là mắt mờ, tai điếc, bệnh tình cứ gia tăng mãi như nước vỡ bờ. Hoặc do sự giận dữ làm cho dương khí xông lên làm rối loạn đường kinh lạc mà phát sinh bệnh "bạc quyết" (có nghĩa là khí huyết rối loạn), làm cho gân cốt suy kém và bị giãn ra sau cùng là phát sinh bệnh " thiên khô" (gọi là bại liệt nửa người).
Kỳ thực, theo lý luận, nhận xét của người xưa, yếu tố nội nhân vẫn là chính khí (énergie vitale) suy hư khí huyết ứ trệ không nuôi dưỡng được kinh mạch, tạng phủ nên gây ra các chứng bệnh kể trên. Vì lý do đó, nếu ngộ cảm ngoại tà, nhưng chính khí của ta còn vững mạnh phòng thủ thì phong tà không thể tuyệt đối làm phương hại đến sức khỏe của ta được.
Hỏi: Cơ chế gây nên trúng phong như thế nào? (Mécanisme de déclenchement de Zhong Feng).
Đáp: khá phức tạp. Như đã nói trên, vì chính khí suy hư, như cửa ngõ không then chốt cài kín, ra vào tự do, sẽ thuận lợi cho tà khí xâm nhập dễ dàng vào cơ thể. Sự suy kém chính khí này thường thấy vào lớp tuổi sau thời kỳ trung niên, là vì bộ vị can thận khí huyết không đầy đủ đã là một trong những nguyên nhân của nội phong (vent interne). Ta có thể tóm tắt chia làm 5 loại như sau:
1) Trúng phong vì ngoại tà (vent externe).
2) Trúng phong do hỏa bốc (nội nhân) như giận dữ, tánh tình nóng nảy (coléreux, irascible) tâm trí mệt nhọc, dâm dục vô độ, vệ sinh ăn uống không đúng phép.
3) Trúng phong do chính trong người ta gây ra (vent interne) mà can phong là chủ chốt.
4) Trúng phong do đàm ẩm.
5) Trúng phong do khí hư (vide de l’énergie). Nhất là can khí (énergie du foie) sau lớp tuổi trung niên.
Hỏi: tại sao bị bất tỉnh, mê man (apoplexie, coma)?
Đáp: tà khí đánh sâu vào tạng phủ làm cho kinh mạch bị bế tắc ứ trệ không thể vận hành, đồng thời công năng tinh khí (quintessence) của 5 tạng 6 phủ bị gián đoạn ngưng trệ ở não bộ, là tổng hành dinh chính yếu tối ư quan trọng và bất khả xâm của con người, và cũng là lý do chứng quyết (afflux) của khí huyết xông lên tràn ngập vào não mà gây nên tình trạng bất tỉnh hôn mê. Thuyết Tây phương cũng nhận thức rằng do sự ngưng trệ gián đoạn công năng một phần nào hoặc toàn bộ guồng máy ở não đã gây nên bất tỉnh, hôn mê (apoplexie ou ictus apoplectique). Như vậy cho thấy rằng lí luận bệnh lí bên phương đông cũng như bên phương tây gặp nhau ở hội điểm này.
Hỏi: LIỆT NỬA NGƯỜI: Có những triệu chứng gì?
Đáp: Để chữa bệnh cho được thích đáng. ta nên cần biết có hai loại
A) Trúng phong vào các đường kinh lạc (méridiens principaux et secondaires):
Vựng quyết (apoplexie) bệnh nhân tỉnh lại sau một thời gian ngắn bất tỉnh.
Miệng méo, mắt xếch, lưỡi cứng, nói năng ngọng nghịu, da thịt tê dại, tứ chi nặng nề, co giật, cử động đi đứng khó khăn (dysbasie), bại liệt nửa người. Mạch phù, khẩn, huyền.
B) Trúng phong vào tạng phủ: (organes, entrailles)
Choáng váng, chóng mặt, tim hồi hộp, miệng lưỡi ngọng nghịu, kế đó ngã lăn ra mê man bất tỉnh.
a) Trường hợp nhẹ, bệnh nhân tỉnh lại ngay sau đó. Người bệnh còn có thể nuốt được nước (conservation de la fonction de déglutition), phản xạ mắt còn giữ được bình thường (conservation de réflexe oculaire). Môi khép kín, miệng răng cắn chặt, tay nắm lại. Mạch hoạt và huyền (glissant et tendu).
b) Nếu là trường hợp nặng, tình trạng mê man cứ tiếp diễn gọi là đại quyết (coma cadavérique), thêm vào các chứng nói trên, đờm dãi mồm miệng phèo ra, hơi thở rống lên (respiration stertoreuse), miệng méo, mắt xếch một bên, miệng há lớn, tay buông xõng, tiểu tiện không kiềm chế được (incontinence urinaire). Tứ chi lạnh giá. Mạch vi, yếu (faible et petit). Nặng hơn nữa thì mặt mày ửng hồng, mồ hôi ra như tắm. Mạch phù, nhược và tế.
Hỏi: ĐIỀU TRỊ được không?
Đáp: trước tiên ta nên biết phân tách hai loại vừa kể trên gọi là bế chứng (signes d’obstruction de l’énergie) tương đối nhẹ và thoát chứng (signes d’échappement de l’énergie) đã trầm trọng rồi.
Trước tình trạng khẩn cấp đó, ta cần có 2 thái độ cấp bách đối phó:
1) Nhập viện khẩn cấp,
2) Trong khi chờ đợi ban cứu thương: nếu may mắn gặp được thầy thuốc có khả năng với tầm hiểu biết khá rộng, họ sẽ không để phí mất thời giờ và liền tay tức khắc "hạ đao" với những huyệt công hiệu quen thuộc. Hành động chớp nhoáng như thế để kịp thời tái lập lại sự vận chuyển các đường kinh lạc khí huyết đã bị hư hao hầu tránh khỏi các di tật (séquelles) mặt méo, miệng môi xếch, mắt khô và không nhắm lại được, mắt mở thường trực dễ bị loét giác mạc (ulcère de la cornée), đi đứng như chân rũ (steppage), tay khòng và yếu v.v.. Tranh thủ thời gian cũng là việc cấp bách, vì rằng mỗi giây phút trôi qua là một tật nguyền khác đang đe dọa dồn dập tới, nếu không muốn nói là tánh mạng người bệnh đang lâm vào tình trạng nguy ngập.
3) Sau phần cứu cấp, kế tiếp là phần liệu pháp vận động (kinésithérapie) phải áp dụng cấp tốc và tăng cường hoạt động để lấy lại cử động bình thường các cơ khớp.
4) Công cuộc chữa trị chưa được hoàn thành nếu ta quên lời chỉ dẫn khuyên bảo cho người bệnh để phòng ngừa sự tái phát thường không may xẩy ra. Khi xuất viện về nhà, phải có thầy thuốc điều trị (médecin traitant) theo dõi ngày ngày bệnh tình. Có được như thế, thì người bệnh mới được an tâm và bệnh tình cũng được bảo đảm bội phần.
KẾT LUẬN:
Liệt nửa người, bán thân bất toại, trúng phong, thiên phong, thiên khô cùng là một bệnh. Một chứng bệnh được xem như khẩn cấp vì tánh mạng người bệnh đang bị đe dọa; khẩn cấp vì bệnh tình diễn ra rất nhanh chóng; khẩn cấp vì bệnh xuất hiện qua đa dạng, đa hình, nên nó cũng đòi hỏi việc chẩn bệnh phải được tương đương nhanh chóng, phân tách kĩ lưỡng hầu áp dụng được phương thức chữa trị thích đáng. Bán thân bất toại thường thấy ở sau lớp tuổi trung niên (năm mươi tuổi trở lên), tuổi càng cao, bệnh tật lại càng gần, mà yếu tố chánh theo trong nội kinh là vì khí huyết của bộ can thận (système Foie- Rein) suy kém. Thêm vào đấy tình huống con người thường bị quấy nhiễu, dễ sầu dễ cảm, lo nghĩ thâu đêm, giận hờn không nguôi, vệ sinh ăn uống buông thả, dâm dục vô độ, cuộc sống bê tha khiến tinh khí hao kiệt, lại gặp phải mưa to gió lớn, phong tà trái mùa, thảy thảy dễ bề dẫn đến bệnh tình bại liệt nguy ngập. Chữa trị bại liệt không phải là phương pháp vẹn toàn, mà chỉ là giải pháp vớt vát, được sớm ngày nào hay ngày ấy, hy vọng tránh thoát được những di tật (séquelles) thường xẩy ra trên thực tế. Theo thực trạng mà xét thì không mấy gì khả quan đối với các trường hợp nặng, vì vô phương chữa trị. Trước cái viễn ảnh không mấy gì lạc quan đó, mà ta có câu " ngừa bệnh hơn chữa bệnh".
Giáng Sinh 2007
- Rút Tủy răng [root canal]
- Chỉ với một cây kim, ta có thể cứu được mạng người
- Bệnh Tay-Chân-Miệng
- GIẤC NGỦ NGƯỜI GIÀ
- Phòng ngừa rủi ro Nắng Hạ
- CHẠY BỘ GIÚP CHO BỘ XƯƠNG VỮNG CHẮC
- Huyết Áp Thấp
- Điều cần biết về bệnh Cúm Mới Lạ H1N1
- 5 biện pháp đơn giản giúp ngừa cúm A/H1N1
- Thận trọng với thuốc ho, cảm lạnh