Dân Chúa Âu Châu

MuadongTrời rét lắm! Sao em không áo ấm?

Để gió lùa, đem lạnh xuống da xương!

Trúc Lang.

 

Sống trong đất nước thanh bình, mình không phải :

“Gửi mau áo rét cho người chiến binh”.

Nhưng cũng có những mối ưu tư, sửa soạn để làm sao được an toàn với những giá lạnh của “ Mùa Ðông đã đến đây rồi”.

Thực vậy, nhiệt độ xuống thấp của mùa Đông có thể gây ra một số vấn đề khó khăn cho cơ thể. Nhưng, vì không thể tránh lạnh bằng cách đi vào giấc ngủ mùa đông như một vài thú vật, con người vẫn phải sống với lạnh cũng như tận hưởng cái thú của mùa lạnh.

Trong tận hưởng, có những đề phòng để tránh chuyện không tốt cho sức khỏe.

Thử tưởng tượng..

 Một cặp tình nhân, tay lạnh trong tay, chậm bước dọc Hồ Gươm đêm gió thổi.Thủ thỉ thương yêu, thưởng thức từng hạt lạc rang húng lìu thơm nóng.

Đôi vợ chồng đầu bạc, bên lò sưởi tí tách tiếng củi cháy, cùng nhau coi từng tấm ảnh cưới khi xưa, nhìn nhau ôn lại “ chuyện chúng mình”. Năm sáu chục năm qua.

Và bầy trẻ, chạy đùa trong tuyết đá, đắp những hình nhân trắng sóa, rồi đập phá, ngây thơ hò hét, ném tuyết cho nhau.

Kể thì đẹp đấy. Nhưng đâu đây, những rủi ro vì thay đổi nhiệt độ bên ngoài cũng sẵn sàng ảnh hưởng tới ta.

Bình thường, cơ thể có những cơ chế mà Thượng Đế ban cho để thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ chung quanh. Đó là sự đổ mồ hôi và bốc hơi qua lớp da, giãn nở của mạch máu ngoại vi để tản nhiệt. Hơi lạnh làm bắp thịt run run tỏa  hơi nóng, mạch máu co lại để giữ nhiệt. Do đó, dù có thay đổi thời tiết bên ngoài nhưng hơi nóng trong người được giữ ở mức bình thường. Ngoài ra, với vốn kiến thức sẵn có, ta cũng tạo nghĩ ra nhiều phương thức để tránh tổn thương vì giá lạnh.

 

Trước hết là sự Giảm Thân Nhiệt.

Giảm nhiệt ( Hypothermia) xảy ra khi nhiệt độ trong cơ thể xuống dưới 95°F. Bình thường là từ 97°F tới 100°F .

Có nhiều nguy cơ đưa tới giảm nhiệt độ: nhà không được sưởi đủ nóng; ăn không đủ chất dinh dưỡng ; uống nhiều rượu; có bệnh kinh niên về tim, gan, tuyến giáp trạng; đang mắc bệnh nhiễm trùng; do tác dụng của một số dược phẩm; ở ngoài lạnh quá lâu; mặc quần áo không đủ ấm; mới gặp tai nạn hay té xuống nước; người sống cô đơn, túng thiếu.

Giảm nhiệt có thể xẩy trong vòng một vài giờ, tùy theo số lượng hơi nóng mất đi nhiều ít.

Nạn nhân thấy mệt mỏi, lờ đờ, tâm thần rối loạn, nói ngượng nghịu, người lạnh giá, cơn run rẩy rùng mình, ngón chân ngón tay lợt lạt, cử động khó khăn, cơ thịt cứng nhắc, người lạnh toát.

Nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh sau đó chậm dần. Giảm nhiệt ảnh hưởng tới não bộ, nạn nhân kém nhận thức, ứng phó  khó khăn với các rủi ro và có thể rơi vào tình trạng hôn mê.

Giảm nhiệt là một vấn đề sức khỏe trầm trọng cần được cấp cứu tức thì tại bệnh viện điều trị để tránh các biến chứng hiểm nghèo có thể xảy ra.

Trong khi chờ đợi, đặt nạn nhân nằm nơi ấm áp, kín gió; sưởi ấm ngực, cổ, đầu và bẹn với chăn thường hoặc chăn điện.

Đừng nâng cao chân nạn nhân vì làm vậy sẽ dồn máu về phần trên của cơ thể khiến chân bị băng lạnh nhiều hơn.

Cũng như các rủi ro bệnh tật khác, sự phòng ngừa là quan trọng. Mà cũng chẳng đòi hỏi nhiều công sức, chỉ một vài để ý, lưu tâm:

a- Kiểm soát nhà coi lấp kín các khe hở làm mất nhiệt mà hơi lạnh lại lùa vào.

b- Giữ nhiệt độ trong nhà không nóng quá, khoảng 72° F là vừa. Cao quá, da khô ngứa, dễ chẩy máu cam. Mặc thêm tấm áo len hồng người yêu mới tặng, vừa đẹp vừa ấm lòng cả hai.

c- Mặc quần áo nhiều lớp, không bó sát quá để máu lưu thông và thoáng khí. Không khí là lớp cách nhiệt rất tốt.

đ- Khi ra ngoài lạnh, nên mặc quần áo nhiều lớp: trong cùng là loại vải hút hơi ẩm như lụa, polypropylene; lớp giữa là hàng len giữ nhiệt trong cơ thể; lớp ngoài vừa giữ nhiệt vừa chắn gió, ngăn nước.

e- Một phần tư nhiệt trong cơ thể bay đi ở đầu nên ta cần đội nón nỉ, che kín đầu và tai, kẻo lạnh quá rụng mất chỗ đeo khuyên vàng.

g- Che chở bàn tay, bàn chân bằng tất và bao tay.

h- Khi ra ngoài lạnh, che mũi miệng để khỏi mất nhiệt qua hơi thở.

i- Nếu quần áo, cơ thể bị ướt thì cần lau khô, thay quần áo ngay. Đồ ướt làm mất rất nhiều nhiệt của cơ thể.

k- Dự trữ thêm một cái mền trong phòng ngủ, phòng khách để khi cần thì đã có sẵn mà dùng.

l- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Mùa Đông cần nhiều thực phẩm hơn để có nhiều nhiệt năng. Uống nước ấm như trà, cà phê, nước chocolate vừa làm ấm người vừa mang thêm chất lỏng cho cơ thể. Về mùa lạnh cũng như mùa nóng, cơ thể vẫn đổ mồ hôi nên vẫn cần tiêu thụ  nước đầy đủ.

m- Tránh uống nhiều rượu vì rượu làm giảm nhiệt độ cơ thể. Nhiều người cứ nói” làm cốc rượu cho nóng người”. Thực tế là có nóng một lúc rồi người lạnh toát ngay.

n- Hỏi bác sĩ hoặc nha sĩ xem các thuốc mình đang uống có ảnh hưởng tới thân nhiệt không để phòng ngừa.

o- Nếu sống một mình thì nên sắp xếp để có người thỉnh thoảng hỏi thăm xem mình ra sao.

p- Người cao tuổi đừng cho là mình không bị giảm nhiệt nếu ta không cảm thấy lạnh. Ở nhóm người này cơ chế điều hòa thân nhiệt không còn nhậy cảm như khi còn trẻ.

r-Trẻ em dưới một tuổi không nên để ngủ trong một phòng lạnh một mình vì em bé mất nhiệt dễ hơn người lớn đồng thời các em cũng khó thích nghi với độ quá lạnh.

Kế đến là sự Cóng Giá, những tổn thương gây ra do lạnh giá, đóng băng.

Cóng Giá  đưa đến mất cảm giác tạm thời hay vĩnh viễn ở bộ phận bị thương tổn. Mỹ gọi là Frost-bite. Mũi, tai, má, cằm, ngón tay, ngón chân là những nơi hay bị cóng giá cắn nhiều nhất.

Nguy cơ cóng giá tăng lên nếu máu bị cản trở hoặc không mặc quần áo đủ ấm khi khí trời rất lạnh.

Thương tổn do lạnh giá có thể ở ngoài da hoặc nằm sâu trong tế bào dưới da.

Khi nông thì da hơi đau, tái, cứng trong khi đó tế bào bên dưới lại mềm.

Khi tế bào dưới sâu bị cóng giá thì da không còn cảm giác, tê dại, cứng ngắc. Nhiều nạn nhân không biết bị cứng giá cho tới khi có người nhìn thấy, cho hay

Chứng cóng giá là một trường hợp cấp cứu, cần được chữa trị tức thì tại bệnh viện.

Trong khi chờ đợi:

a- Đặt nạn nhân vào phòng ấm áp.

b-Ngâm phần bị cứng giá trong nước ấm chứ không phải nước nóng.

c-Không thoa bóp phần bị cóng giá, tránh gây tổn thương thêm cho tế bào.

đ-Đừng hơ bộ phận cóng giá trên lửa, tấm sinh nhiệt (heating pad) vì phần cóng không còn cảm giác, dễ bị phỏng. Ngón tay cóng giá có thể đặt vào nách là nơi có nhiệt độ thích hợp.

            Một rủi ro khác của mùa Đông, tuy không hiểm nghèo nhưng cũng làm trạng thái tinh thần của nhiều người trầm xuống. Đó là Nỗi Buồn Mùa Đông mà ngôn ngữ Anh gọi là “Blues Winter” hoặc “ Seasonal Affective Disorder” -SAD.

Qua nhiều thế kỷ, các nhà văn nhà thơ cũng đã tả nỗi buồn, mệt mỏi, mất mát này vào cuối Thu sang Đông với ngày ngắn đêm dài; và với

“Đây băng tuyết giữa mùa đông tê tái

Rơi rơi rơi và bao phủ đồng quê

Con đường làng hiu quạnh ngủ say mê

Cây trắng xóa , cửa nhà đều trắng sóa”-Xuân Tâm trong Xa lạ-1941

Tâm trạng trầm buồn này xảy ra vào cùng một thời gian của mỗi năm. Thường là từ đầu tháng Mười và kéo dài tới tháng Ba, tháng Tư, trầm trọng nhất là vào tháng Giêng, tháng Hai. Đây là thời gian mà ngày ngắn, đêm dài, ở những vùng thiếu ánh chiêu dương kéo lê thê ngày lại ngày.

Người mang “Nỗi Buồn Mùa Đông” có tất cả các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Buồn của mỗi người có diễn tiến khác nhau.

            Có cậu hết ăn lại ngủ. Có người thì chán chường, uể oải, ăn uống ngủ nghê đều bỏ, cảm thấy không có sinh lực, tự cô lập. Nhiều mợ nhiều cô chỉ thèm ăn của ngọt như kẹo, bánh.

Nhiều giải thích cho là vì trong mùa Đông, ngày ngắn đêm dài, nên chất serotonin trong não xuống thấp. Mà ít chất này là lý do khiến con người u sầu, ảo não. Ngoài ra chất melantonin lại tăng. Chất này đưa tới lắng đọng tâm trí, dễ đi vào giấc ngủ. Tương tự như nhiều thú vật đi vào giấc ngủ dài suốt những tháng Đông lạnh giá, sống bằng chất béo dự trữ dưới da.

TheoViện Tâm Thần Hoa kỳ ở Maryland thì sự bất bình thường của gen 5-HTTLPR cũng là nguy cơ đưa đến Blues Winter.

Nhiều người có thói quen cứ tới mùa lạnh là giảm hoạt động, để tiết kiệm năng lượng. Rồi lại suốt ngày ngồi trong khung trời âm u ảm đạm, không ánh sáng thiên nhiên làm lòng người não nề hơn. Nhất là khi vắng người yêu; như Tương Phố:

“Sương giá lòng em sao ấm nữa!

 Anh đi, đi để lửa hương tàn.

Trời đông lạnh lẽo muôn vàn,

 Lòng em, so tiết đông hàn, giá hơn”

Ánh sáng đồng bộ với đồng hồ sinh học trong cơ thể. Tới mùa Đông, không ánh sáng, đồng hồ sinh học này lỗi nhịp nên gây ra buồn chán và bóng tối làm ta cảm thấy cô đơn và bất lực

Nỗi buồn Mùa Đông có thể thấy ở nhiều người trong một gia đình. Và bạn gái ta hay vướng mắc chứng này hơn là bọn mày râu.

Ánh sáng đèn nhân tạo đã được sử dụng để chữa hiện tượng này. Mình chỉ cần ngồi gần đèn nửa giờ mỗi buổi sáng là đủ.

Người Buồn mùa Đông cũng được khuyên nên ra ngoài trời, phơi nắng vàng nhiều hơn khi mặt trời chợt lú ra. Và gia tăng vận động cơ thể.

 Trong nhà thì ngồi với nhau, thủ thỉ chuyện này kia nọ, làm chung một việc nào đó, đọc sách cho nhau nghe để giữ sự thân mật và tương trợ cho nhau. Điện thoại cho bạn bè gần xa để hàn huyên tâm sự, lên tinh thần.

Bác sĩ cũng có thể cho dùng vài loại thuốc chống trầm buồn. Đôi khi phải uống thuốc từ giữa Thu tới đầu Xuân cho có công hiệu.

Hoặc, như bầy chim trốn lạnh, cứ đến cuối Thu, đầu Đông là ta làm một cuộc Nam du về miền nắng sáng.

Cho ấm lòng người, lòng mình.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

www.bsnguyenyduc.com

Texas-Hoa Kỳ

 

Texas-Hoa Kỳ