Sức Khoẻ Là Vàng
Hoa Kỳ mới mất đi một cây cổ thụ quý giá có một trăm năm với hai ngày lẻ tuổi thọ. Trước sự ra đi này, đích thân vị nguyên thủ quốc gia cũng phải lên tiếng tỏ ý nuối tiếc là người Mỹ mới mất một bảo vật hiếm có. Đó là nhà tài tử nổi danh Bob Hope.
Vâng, Bob Hope mới mãn phần vào ngày Chủ Nhật 27 tháng Bẩy năm 2003 sau khi bị bệnh sưng phổi. Mới cách đây một tháng, “con người toàn hảo” Gregory Peck, một tài tử màn bạc nổi tiếng cũng đã nhẹ nhàng buông bàn tay nắm chặt của người vợ hiền để ra đi ở tuổi 87.
Riêng với người Việt chúng ta, nhất là các chiến sĩ quân cán chánh mình chắc là vẫn còn nhớ Bob Hope. Bob đã hướng dẫn phái đoàn các nghệ sĩ sân khấu, màn ảnh tới Việt Nam vào Giáng Sinh năm 1966 để khích lệ cũng như giải trí cho quân đội đồng minh và các chiến sĩ quốc gia khi họ chung lưng chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở Á châu. Để rồi bây giờ chúng ta có cả trên một triệu người hiện diện nơi chôn rau cắt rốn của Bob mà chia sẻ cái mất mát của nhân dân Hoa Kỳ. Cũng như thêm lời cầu nguyện cho linh hồn con người đa tài này được An Vui chốn Vĩnh Hằng.
Bob luôn luôn có một nụ cười rất tươi trên làn môi hơi méo sệch kèm theo cặp mắt nheo góc chân chim đầy tình cảm hướng về người đối diện. Ông ta bao giờ cũng có thái độ tích cực, lạc quan. Nhìn thấy gương mặt ông ta là ai cũng cười theo và thấy yêu đời hơn. Phải chăng một nụ cười có công hiệu như mười thang thuốc bổ mà các cụ ta vẫn hằng ví von.
Một trăm tuổi mới ra đồng, ngửa mình trên thảm cỏ xanh, nghe nhạc vàng giun dế, gửi nụ cười tình tán chị Hằng Nga, kể cũng thọ đấy nhỉ.
Nhớ lại vào đầu thế kỷ trước, sống tới ngoài tứ tuần đã đủ mừng, đã vội vàng mời bà con lối xóm tới ăn khao “tứ tuần đại khánh”. Rồi trâu bò, gà vịt được hy sinh để các “ cụ non” chén chú chén anh, say sưa với nhau. Vui Xuân kẻo hết Xuân đi.
Sống tới tuổi cao hơn, dăm bẩy chục là điều ít thấy, huống chi là trăm tuổi. Vì thế mới có câu nói truyền đời “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Sống bẩy mươi hiếm ơi là hiếm. Tuổi thọ trung bình khi đó chỉ lởn vởn ở con số 45. Tại chốn đình chung, các cụ non này đã trịnh trọng được chễm chệ rung đùi mâm trên, chiếu cạp điều; đã được mõ làng một điều thưa, hai điều trình, “nhà cháu xin chào các cụ, rước các cụ sơi rượu ạ”. Nghe cũng sướng con ráy.
Nhiều cụ non còn hành động như... các cụ non: lún phún vuốt vài sợi ria mép, đi đứng khệnh khạng, nói năng lè nhè, lâu lâu lại giả vờ ôm ngực ho khan vài tiếng, tỏ ra là mình già rồi. Để được trong ngõ ngoài làng chú ý thêm. Các cụ non cũng được miễn nhiều tạp dịch, tuần đinh trong làng xã. Thực là làm cụ non cũng có nhiều điều lý thú. Tại gia thì tha hồ được bà xã chiều chuộng, nâng niu. Đôi khi còn được bả kiếm thêm cho vài dì hai, dì ba, dăm ả hầu tơ để lo cơm nước, tắm rửa cũng như đấm bóp, xoa lưng, cùng vui vầy giấc ngủ đêm trường.
Mà các bậc đế vương kim cổ, các nhà độc quyền cai trị đều muốn sống lâu. Để lần tới khố dân đen. Cho nên mới có “Thánh thọ vô cương”, “Vạn tuế! Vạn vạn tuế!”, “Vive le Roi!”, hoặc “Quan Tổng Thống, Quan Tổng Thống muôn năm!!” trước khi coi một phim giải trí cuối tuần.
Để hưởng hết lộc trời, để trị vì thiên hạ, đã có những tìm kiếm thuốc trường sinh, những thuật sống lâu trăm tuổi, những luyện kim đan, những tên bán vịt trời giữa chợ, ..., quảng rao thuốc tiên, thuốc thánh.
Nào Lư Sinh, Từ Phước vượt Biển Đông kiếm thuốc trường sinh bất tử cho Tần Thủy Hoàng Đế. Không tìm ra thuốc, sợ tận sinh khi về, họ chốn biệt, lập nghiệp ở đất Phù Tang. Nào nàng Eos cầu xin bề trên cho người yêu Tithonus được trường thọ mà quên không xin cho chàng khỏi suy nhược loạn cương dương. (Nên nàng đành gạt lệ, hồ hởi bước đi bước nữa, kiếm người tình trẻ trung, nhiều sinh lực.) Lại còn những suối nước Vĩnh Cửu ở rừng già Jupiter, bờ biển Venezuala, đảo Trinitad, những lời khuyên nằm giữa trinh nữ để thu lượm sinh khí như Vua Cha David. Rồi cấy tế bào ngọc hành để tăng cường sinh khí của nhà khoa học Charles B Sequard, linh dược gia truyền chế từ sừng tê giác, mật gấu, sữa voi của thầy tu Roger Bacon. Và gần đây, những KH–3, Gerovital, những Q-10, Glutathione, Sod, DHEA, Omega-3, Omega-6, antioxidants, nấm Cổ Linh Chi, ... Riêng cái món nấm Cổ Linh Chi này đang rất được nhiều đồng hương ta muốn sống lâu tin tưởng: bỏ ra cả ngàn đô xanh mua được một kí nấm rổm về dùng rồi than trời như bọng, uổng tiền.
Sao chẳng ta về ta tắm ao ta, học cách sống lâu, sống khỏe trong TÚI KHÔN Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Đồng Ấu của Trần Trọng Kim, của Đỗ Thận:
“Một ông thầy thuốc già, chữa bệnh giỏi có tiếng. Phải khi ông ốm nặng, các học trò đến chầu chực thuốc thang bên cạnh. Ông cố gượng nói rằng: “Lão biết mình đã đến ngày tận số rồi nhưng lão có nhắm mắt cũng yên lòng vì lão có để lại cho đời được ba thầy thuốc rất hay”. Ông nói tới đây, nhọc quá phải nghỉ. Các thầy thuốc học trò thấy ông nói thế , đều lắng tai nghe, ai cũng nghĩ bụng trong ba người ấy thế nào chả có tên mình. Ông nghỉ một lúc rồi lại nói: “Trong ba thầy thuốc ấy thì hay nhất là thầy SẠCH SẼ, thứ nhì là thầy ĐIỀU ĐỘ, thứ ba là thầy THỂ THAO. Sau khi lão mất rồi, nếu các anh biết theo ba thầy ấy mà chữa bệnh cho người ta, thì thiên hạ khỏi được bao nhiêu là bệnh tật”.
Cách đây cả trên nửa thế kỷ mà các học giả khả kính của ta đã nói tới những điều mà y khoa học hiện đại mới đề cập và khuyên nhủ bá tính áp dụng. Phải chăng đó là y khoa phòng ngừa, là vệ sinh công cộng, là sống đời sống lành mạnh, là ăn uống cân bằng, dinh dưỡng, là vận động cơ thể, là giữ cho tâm thân an lạc, tiết kiệm sinh khí.
Bằng cách nào để sống lâu, sống mạnh là những đề tài ta nên suy tư, khai triển từ cái TÚI KHÔN vừa kể.
Hoặc nếu không muốn mất công thì ta đành len lén đi theo Ngộ Không Tôn Lão, vào lò luyện kim đan của Tây Vương Mẫu nuốt hết bình thuốc bất tử, bước ra vườn tiên, nằm gác chân chữ ngũ, nhâm nhi vài trái đào trường sinh mọng chín thơm tho. Có khi lại sống lâu ngang với Ông Trời.
Rồi cùng An Hưởng Tuổi Vàng với gia đình, thân thuộc. Và chậm rãi sửa soạn cho ngày rửa sạch chân cẳng, thơ thới bước lên bàn thờ, ngồi hầu cờ tướng tổ tiên.
Chẳng cũng thú vị lắm sao!!
Mùa lạnh là mùa của bộ hô hấp, thuốc ho bán chạy như tôm tươi. Khúc khắc ho chút, nhiều vị đã vội đem thuốc ho ra uống. Thuốc ho đầy bên ngoài, đi khám bệnh hỏi, các bác sĩ cũng sẵn lòng biên toa. Ai cũng sợ ho lâu, mong uống vài liều thuốc, ho sẽ biến mất. Song thuốc ho không hẳn an toàn, và không phải trường hợp ho nào cũng cần đến.
Ở Mỹ, thuốc ho xuất hiện ngày càng thêm lắm, nhưng quanh quẩn cũng chỉ vài thứ thuốc pha đi trộn lại với những tỉ lệ khác nhau.
Những chất trong thuốc ho
Thường thuốc ho chứa những chất sau đây:
1. CHẤT CHỐNG HO (ANTITUS-SIVES):
Codeine và dextromethorphan là hai chất có tác dụng chống ho qua cơ chế ức chế trung khu ho trên óc. Chúng được pha trong đa số các thuốc ho, và hữu hiệu với những trường hợp ho kinh niên ở người lớn.
Còn trong những trường hợp ho cấp tính như khi ta bị cảm, cúm (ho độ 1 tuần 10 ngày), rất ít khảo cứu được làm để tìm hiểu xem chúng có giúp hay không, đã thế, khảo cứu này thì bảo có, khảo cứu kia lại nói không. Có nghĩa rằng khi nhiễm cảm, cúm và ho đến ngủ không được, phiền cả người khác, chúng ta muốn thử thuốc ho thì thử, song không chắc chúng có ích gì, nên kiên nhẫn độ 1 tuần 10 ngày ho sẽ bớt. [Bác sĩ khổ nhất vào lúc này, mới vài ngày người bệnh lại đến kỳ kèo, phàn nàn sao cho thuốc ho uống không bớt, đòi dùng trụ sinh và đổi thuốc ho khác. Cảm, cúm gây do siêu vi trùng (virus), trụ sinh để diệt vi trùng (bacteria), có giết được siêu vi trùng đâu, còn đổi thuốc ho khác không chắc có hơn, nhưng có thể gây nhiều phản ứng phụ mệt lắm].
Ở trẻ con, chưa có khảo cứu giá trị nào chứng minh được rằng hai chất codeine và dextromethorphan giúp các cháu bớt ho, thêm vào đấy, vài cái chết đã xảy ra cho các cháu do việc dùng thuốc ho chứa hai chất này, nhất là cho trẻ dưới 1 tuổi. Với các cháu bé, chúng ta rất nên thận trọng, thuốc ho thực cần mới dùng.
Thuốc ho chứa chất codeine (như Robitussin AC) có thể gây buồn nôn, ói mửa, ngầy ngật, chóng mặt, và bón (codeine thuộc nhóm thuốc nha phiến, narcotics, nên gây phản ứng phụ giống các thuốc nha phiến khác). Thuốc chứa chất dextromethorphan (Robitussin DM, Robafen DM), với lượng vừa phải dùng chữa ho, không gây những phản ứng phụ kể trên, nhưng có thể làm tri giác mất sáng suốt (confusion), nóng nảy (irritability), căng thẳng (nervoussness), và phấn khích quá độ (excitation). Thuốc ho chứa chất dextromethorphan, không gây buồn ngủ, ói mửa, mua được bên ngoài không cần có toa bác sĩ, nên hay bị lạm dụng, dùng quá lượng.
Một chất khác, diphenhydramine (Benadryl), cũng có tác dụng chống ho qua cơ chế ức chế trung khu ho trên óc, công hiệu ngang ngửa với codeine và dextromethorphan. Diphenhydramine rất hay gây buồn ngủ, và nếu uống quá liều, có thể gây tử vong cho trẻ em, nên ít được pha dùng trong các thuốc ho mua bên ngoài không cần toa.
2. CHẤT ANTIHISTAMINES VÀ DECONGESTANTS:
Với những trường hợp ho cấp tính do cảm, cúm, các thuốc có tác dụng chống chất histamine (antihistamines, chữa những bệnh dị ứng) như chlorphenira-mine và dexbrompheniramine, khi dùng chung với thuốc chữa nghẹt mũi (decongestants), có thể giúp giảm ho do khiến đàm nhớt phía sau mũi không tiết ra nhiều, bớt chảy xuống cổ họng gây ho. Chlorpheniramine và dexbrompheni-ramine thuộc nhóm thuốc antihistamines cũ nên có tác dụng gây khô mạnh (các thuốc thuộc nhóm antihistamines mới như Allegra, Claritin, Clarinex, Zyrtec ít tác dụng này). Vì vậy, để cho mạnh, rất nhiều thuốc ho pha thêm chất chlorphe-niramine hoặc dexbrompheniramine, có khi thêm cả chất thuốc chống nghẹt mũi nữa. Dùng những thuốc ho loại này ta sẽ chịu cái bất lợi mồm miệng rất khô và cũng hay mệt, buồn ngủ, bón, đôi khi khó tiểu.
Chất thuốc chống nghẹt mũi pha trong nhiều thuốc ho (thường là pseu-doephedrine) có thể gây bứt rứt, chóng mặt, khó ngủ. Ở trẻ con, nó có thể khiến trẻ có ảo giác (hallucination), và lên những cơn cứng người (dystonic reaction). Dùng các thuốc chống nghẹt mũi, áp huyết của người lớn lẫn trẻ con có thể tăng cao. Gần đây, Cơ quan Quản trị Thực và Dược phẩm (Food and Drug Administration, viết tắt FDA) đã ra lệnh rút khỏi thị trường chất thuốc chống nghẹt mũi phenylpropanolamine (PPA, pha trong nhiều thuốc ho và thuốc giúp giảm ăn), vì trong một khảo cứu, người ta nhận thấy những phụ nữ dùng phenylpropanolamine có khuynh hướng bị chảy máu óc nhiều hơn những phụ nữ không dùng. Hiện tại, những chất có công dụng chống nghẹt mũi khác như pseudoephedrine hay phenylephrine còn lưu hành ngoài thị trường có thực sự an toàn không, người ta chưa rõ. Cẩn thận vẫn hơn, cần đến thì dùng, song chúng ta không nên dùng những thuốc loại này lâu quá.
3. CHẤT CÓ TÁC DỤNG LONG ĐÀM (EXPECTORANT):
Một số thuốc ho còn pha thêm chất guaifenesin, được xem có tác dụng long đàm, làm đàm lỏng hơn dễ khạc. Thực sự, lượng guaifenesin pha trong các thuốc ho hơi thấp, không làm long đàm hữu hiệu như chúng ta mong muốn. Lượng guaifenesin có thể làm long đàm đúng ra cao hơn vậy, nhưng lại hay gây buồn nôn, ói mửa, chóng mặt, nhức đầu, nổi mẩn trên da, tiêu chảy, dật dờ và đau bụng.
Thuốc ho, dùng thế nào cho phải?
Trên cõi đời này, có ai trong chúng ta chưa bao giờ ho? “Stocks” lúc lên lúc xuống, song kỹ nghệ chế thuốc ho coi bộ lúc nào cũng lên, thuốc ho ra đời ngày càng nhiều, dưới đủ mọi dạng (kỳ này chơi “stocks”, đầu tư vào kỹ nghệ thuốc ho quách!). Nhiều chất thuốc chống ho hiện diện trong cả các thuốc tổng hợp quảng cáo chữa đau nhức, chảy mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, và tất nhiên, cả ho nữa. Các thuốc tổng hợp này xem ra thì tiện thật, một liều thuốc chữa luôn mọi triệu chứng, nhưng chúng hay gây nhiều phản ứng phụ hơn và cũng đắt hơn.
Có phải cứ ho chút, đã cần uống thuốc ho? Như đang bị cảm nhẹ, chỉ thỉnh thoảng ngứa cổ phát ho vài tiếng? Không đâu bạn, những trường hợp ho cấp tính mới đây, chút đỉnh, không làm bạn mất ngủ hoặc thấy trở ngại cho công việc, bạn chưa cần dùng đến thuốc ho vội. Thuốc ho có thể khiến bạn dật dờ khó chịu, nhất là những thuốc trong chứa chất codein, antihistamine và decongestant. Những trường hợp ho có đờm, dùng thuốc ho có khi còn hại, vì ho giúp phổi ta tống xuất bớt những tác nhân gây hại xâm nhập vào phổi. Với trẻ em, ta lại càng nên thận trọng, nếu không thực cần thiết cũng nên tránh dùng. Khi ho đến mất ngủ (hoặc người ngủ cùng giường với bạn mất ngủ, cằn nhằn), trở ngại công việc (bạn đồng sở sợ hãi nhìn bạn cứ ho sù sụ), đành thôi, thử dùng thuốc ho vậy, may ra tạm bớt ho được vài tiếng (xin nhớ, trong lúc đang cảm, cúm nặng, ho nhiều, thuốc ho không chắc có giúp mấy). Thuốc ho là loại thuốc dùng khi thấy cần, nên hầu hết các thuốc ho đều để nhãn khuyên ta uống nếu thấy cần (thường mỗi 4 đến 6 tiếng, không nên quá 6 lượng một ngày), chứ không để ngày uống 3 lần, 4 lần... như nhiều thuốc khác.
Với những trường hợp ho kèm nóng sốt, hoặc kéo dài lâu chưa thuyên giảm, bạn nên đi khám bác sĩ, tìm nguyên nhân gây ho, thay vì tiếp tục tự chữa bằng thuốc ho ở nhà (xin nhớ đem theo chai thuốc ho bạn đang dùng, thuốc ho bên ngoài muôn mặt, nhiều tên, thú thực, bác sĩ không thể nắm vững hết). Sưng phổi (pneumonia), lao phổi (tuberculosis), ung thư phổi (lung cancer) chẳng hạn, là những nguyên nhân quan trọng gây ho, không chữa bệnh thêm nguy hiểm, cái ho sẽ càng nặng, thuốc ho chẳng ăn thua gì. Bác sĩ sẽ cố tìm hiểu bạn sao nóng sốt, hoặc ho sao lâu thế, đồng thời, nếu cần phải dùng đến thuốc ho giúp bạn tạm bớt ho, trong lúc ta tận lực chữa trị nguyên nhân gây ho, bác sĩ sẽ khuyên bạn dùng một thuốc ho đúng với nhu cầu của bạn, và ít gây phản ứng phụ, ít ảnh hưởng đến đời sống cũng như công việc của bạn.
Ôi, ho làm khổ bao người (và bao... bác sĩ, khi người bệnh cứ nhất định đòi dùng trụ sinh lúc chưa cần đến). Cũng vì vậy, thuốc ho tranh nhau ra đời, làm giàu cho kỹ nghệ chế thuốc ho. Thuốc ho có thể giúp, cũng có thể gây phiền toái, đôi khi còn nguy hiểm. Những cái ho cấp tính, chút ít, bạn chờ thêm, lắng nghe cơ thể bạn, đừng dùng thuốc ho vội. Ho nhiều, muốn thử dùng thuốc ho, bạn nên đọc kỹ công thức thuốc, xem trong thuốc chứa những chất gì. Thuốc càng chứa nhiều chất, càng dễ gây phản ứng phụ. Nhất là nếu bạn mang bệnh cao áp huyết, nên tránh dùng những thuốc ho trong chứa chất decongestant chữa nghẹt mũi. Ho dữ quá, ho kèm nóng sốt, ho khạc ra máu, ho lâu chưa hết, bạn đi khám bác sĩ cho chắc ăn.
Các nguyên tắc ăn uống để giữ gìn sức khỏe Đông y cho rằng, nên ăn nhiều vào ban ngày vì lúc này khí dương thịnh, cơ thể hoạt động nhiều. Buổi chiều tối là lúc dương suy, ăn ít thì tốt hơn. Hằng ngày, nên ăn uống vào những giờ nhất định để tiến trình tiêu hóa và hấp thu của tỳ vị được diễn ra bình thường.
Việc ăn uống cần đảm bảo điều độ. Nếu ăn cùng lúc một lượng thực phẩm lớn, tỳ vị sẽ phải làm việc nhiều, dễ bị tổn thương. Ngược lại, việc ăn uống quá ít cũng làm cơ thể suy yếu do không được cung cấp đủ những chất dinh dưỡng cần thiết. Sau đây là một số nguyên tắc ăn uống khác:
1. Điều hòa ngũ vị: Đông y cho rằng, mỗi vị tác động lên cơ thể theo một cách riêng: - Chua (ô mai, thạch lựu): Hạn chế bài tiết mồ hôi, nước tiểu. - Cay (gừng, hành, tỏi, ớt): Hành khí, hoạt huyết, phát tán. - Ngọt (mật ong, các loại gạo, mì): Bồi bổ cơ thể. - Đắng (trần bì, mướp đắng): Giải độc, thanh nhiệt, lương huyết, giáng khí. - Mặn (muối, rong biển): Chống táo bón, nhuận tràng, bồi bổ âm huyết. Nếu điều phối hợp lý các vị trên, thức ăn sẽ thơm ngon, bổ dưỡng, giúp cân bằng sức khỏe. Việc quá thiên về một vị nào đó sẽ gây bất lợi cho ngũ tạng.
2. Phối hợp thức ăn hợp lý: - Dùng một loại thực phẩm phụ để làm tăng tác dụng của thực phẩm chính. - Kết hợp các thực phẩm sao cho chúng tăng cường được hiệu quả của nhau. - Kết hợp các thực phẩm sao cho loại này có thể hạn chế tác hại của loại kia. - Không dùng chung 2 loại thực phẩm kỵ nhau.
3. Phối hợp hàn nhiệt: Phối hợp hàn nhiệt là một cách điều hòa âm dương trong chế biến thức ăn. Đối với thực phẩm có vị cay nóng, nên thêm cải xanh, cải trắng, măng non... để dưỡng âm. Còn với những thức ăn có tính hàn như thịt vịt, thịt gà, nên thêm gia vị cay nóng như tỏi, hồi, tiêu, gừng. Ngoài ra, những người có thể chất suy nhược, âm hư nên dùng các thực phẩm có tính bổ âm như vừng, mật ong, sữa, rau xanh, trái cây, đậu phụ, cá... Người thể chất dương hư nên dùng nhiều thực phẩm có tính bổ dương như thịt dê, hươu, nai...
4. Ăn uống theo khí hậu, thời tiết: Mùa xuân, dương khí thịnh, khí dương của cơ thể cũng tăng lên. Lúc này, nên dùng thêm những thực phẩm trợ dương như hành, rau thơm, chao.... Nên hạn chế ăn chất béo, giảm vị chua, tăng vị ngọt để dưỡng tỳ khí. Mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, khí nóng dễ xâm nhập cơ thể gây chán ăn, năng lực tiêu hóa giảm. Để khí dương không bị thương tổn, nên dùng các thức ăn có vị chua, ngọt vừa phải như đậu xanh, dưa hấu, ô mai... Không nên ăn các món nhiều dầu mỡ, hạn chế vị cay, ngọt. Không dùng quá nhiều đồ lạnh, nước đá vì chúng sẽ khiến bụng bị hàn, gây đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy... Vào mùa đông, thời tiết lạnh lẽo, cần ăn nhiều chất đạm. Khi chế biến, nên dùng thêm gia vị cay nóng như ớt, tiêu, gừng, tỏi. Tối kỵ các thực phẩm đông lạnh, cứng bởi chúng thuộc âm, dễ gây tổn thương đến khí dương của tỳ vị. Tuy nhiên, cũng không nên ăn quá nhiều thức ăn nóng để tránh hiện tượng khí dương uất kết, hóa nhiệt. VIETLOVE.COM
Ở một số quốc gia, vào thời kỳ mà quan niệm “tứ đức tam tòng” được ăn sâu vào tâm thức, khi mà triết lý Khổng Mạnh được tuân theo triệt để, thì người vợ thường được coi như là sở hữu của người chồng. Người chồng có bổn phận hoặc có quyền “dậy vợ từ thuở bơ vơ mới về” thì việc bạo hành trong hôn nhân được coi như là chuyện thế gian sự thường.
Cùng ý nghĩ đó, người Hy Lạp xa xưa thường dạy vợ bằng chân tay rồi cười, giải thích: “Đàn ông ở đây chúng tôi đều hành động như vậy vì đó là làm điều tốt để giúp vợ tu thân”!
Dân Nga có câu châm ngôn: “Người vợ có thể yêu người chồng không bao giờ đánh đập, nhưng bà ta không bao giờ kính trọng ông ta”. Luật tập tục ở Anh cho phép người chồng trừng phạt vợ bằng khí giới không lớn quá ngón tay cái.
Bên Hoa Kỳ, chịu ảnh hưởng luật trên, cũng có điều lệ tương tự và đến thập niên 1960, các quan tòa ở đây vẫn còn không chịu xét xử các trường hợp bạo hành gia đình, cho đó là chuyện trong nhà, cần đóng cửa bảo nhau.
Với thời gian, vấn đề bạo hành gia đình đã được công luận xét lại và các nhà nhân quyền đã kết án, nhất là từ năm 1970. Tuy vậy, vấn đề bạo hành hiện nay vẫn còn ít nhiều xảy ra mặc dù luật pháp đã có những điều luật trừng phạt người phối ngẫu vũ phu bạo hành. Riêng tại Hoa Kỳ, Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ ước lượng hàng năm có tới 4 triệu người vợ bị hành hạ và cứ 1 trong 4 bà vợ bị hành hung ít nhất một lần trong cuộc đời. Sự bạo hành này còn đưa đến ảnh hưởng xấu về cả thể chất lẫn tâm thần cho con cái, đôi khi chính bản thân chúng cũng bị lạm dụng.
Có người cho rằng bạo hành gia đình là một bản năng tự nhiên trong mọi xã hội cho nên không thể ngăn ngừa và sửa chữa được. Lập luận này không đứng vững vì đã có nhiều xã hội tồn tại trong đó bạo hành ít khi xẩy ra.
Trái với tin tưởng thông thường, bạo hành hôn nhân không phải chỉ xảy ra ở giới hạ lưu kém lợi tức mà là vấn đề của mọi tuổi, mọi giai tầng xã hội, của những cặp hôn nhân đồng cũng như dị tính. Từ thuở khai thiên, đa số người bị hành hung, lạm dụng là người thường được coi là yếu đuối, phụ thuộc, người vợ, nhưng người nam đôi khi cũng là nạn nhân của bạo hành. Đây là một loạt những hành động có tính cách hành hung, khống chế mà người này áp đặt trên người kia. Nó là phần bất hạnh trong quan hệ tình cảm của con người.
NHỮNG HÌNH THỨC BẠO HÀNH
Bạo hành không chỉ là hành động bạo lực thể chất mà còn diễn ra dưới nhiều hình thức:
1- Bạo lực. Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Không vừa ý, cứ nện cho một trận là cạch đến già. Hành động có mục đích gây thương tích cho nạn nhân như đấm, đạp, xô đẩy, tát, nắm tóc kéo lê, vặn cổ tay, đâm bằng dao. Giới hạn sử dụng phương tiện duy trì sức khỏe, như giấu dược phẩm, thực phẩm, nước uống; phá rối không cho ngủ hoặc ép dùng rượu, cần sa ma túy; bỏ rơi nơi đường vắng vẻ nguy hiểm.
2- Lạm dụng tinh thần. Nạn nhân bị nghe những lời khủng bố đến nỗi bị hoảng loạn tâm thần như là dọa cắt nguồn tài trợ tài chánh; không cho thăm nom hoặc kiếm cách đòi lại con; nhục mạ trước công chúng, dùng lời lẽ chỉ trích quá đáng; dùng lời đường mật hứa hẹn cho có hy vọng rồi nuốt lời; liên tục truy hỏi, nói nặng lời để hạ nhân phẩm, làm mất niềm tự trọng, kể lại một cách diễu cợt những vụ tình ái riêng tư.
3- Bao vây kinh tế. Tạo ra hoàn cảnh mà người phối ngẫu phải lệ thuộc về tiền nong, không cho giữ tiền, bắt phải hỏi xin và chứng minh mọi mua sắm chi tiêu lớn nhỏ, tìm cách không cho vợ có việc làm để phải lệ thuộc vào mình.
4- Lạm dụng tình dục. Cưỡng bách làm tình, dầy vò bộ phận sinh dục, không cho dùng thuốc ngừa thai, làm tình hậu môn. Cưỡng hiếp khi nạn nhân ngủ, đau ốm; coi vợ như một thứ đồ chơi, chê bai cách làm tình của vợ; đi với vợ mà để ý hay nói tới đàn bà khác; không quan tâm tới nhu cầu sinh lý của vợ.
5- Cô lập. Kiểm soát từ việc làm tới giao du, di chuyển, không cho thăm viếng họ hàng bạn bè.
6- Hăm dọa cho sợ hãi bằng lời nói, cử chỉ cũng như khó mắt; đập phá đồ đạc để thị uy, đánh chó chửi mèo.
7- Hành động quyền uy, độc tài. Chồng chúa vợ tôi, coi người phối ngẫu như tôi tớ, mình như chủ nhân ông của lâu đài, độc đoán mọi việc lớn nhỏ.
8- Hành hạ pháp lý. Gây khó dễ bằng cách bắt người phối ngẫu phải liên tục ra tòa vì những lý do không đâu như trễ nãi trả tiền trợ cấp, không cho thăm con vì bị gán cho là người mẹ bất xứng.
NHỮNG YẾU TỐ LÀM TĂNG NGUY CƠ BẠO HÀNH
Người lạm dụng với phụ nữ có thể là người chồng, người tình, người chồng cũ. Trong thâm tâm họ, nhiều lý do hoặc chính đáng hoặc ngụy tạo được nêu ra để bào chữa cho hành động của mình. Đồng thời cũng có những hoàn cảnh, những xáo trộn trong đời sống đưa đẩy khiến họ bạo hành.
1- Sự nghiện ngập. Kết quả nhiều nghiên cứu cho hay, có đến một nửa trường hợp bạo hành là do người nghiện rượu gây ra. Khi say, lý trí bị tê liệt, họ có những hành động không hợp lý. Nhưng đôi khi họ cũng giả say hành hạ vợ để tránh lưới pháp luật.
2- Ghen tuông. Người chồng thường buộc tội vợ dan díu lăng nhăng với người khác, đôi khi vợ có bầu với mình nhưng cứ ngược ngạo nói là con người nào đó rồi hành hung vợ.
3- Gia đình có khó khăn tài chánh, công việc của người chồng có nhiều trở ngại, căng thẳng, nội tình xáo trộn vì bệnh tật, vì mâu thuẫn giữa bố mẹ, con cái.
4- Một số người còn ôm lấy cái quan niệm cũ xưa cho rằng vợ con là sở hữu của họ, muốn chứng tỏ họ là chúa, nên khi chỉ một bực mình nhỏ nhặt là họ mang vợ ra hành hạ. Nhiều người không cần nại lý do, muốn hành hung lúc nào là làm.
5- Có người khi còn bé chứng kiến bạo lực xảy ra giữa bố mẹ rồi cho sự hành hung vợ là chuyện bình thường trong mọi hôn nhân.
HẬU QUẢ SỰ BẠO HÀNH
Nạn nhân của bạo hành sẽ mang những thương tích về thể chất cũng như giao động về tinh thần.
Trên người có nhiều vết bầm, vết sẹo trên da, những gẫy xương, thương tích trong miệng, dưới cơ quan sinh dục. Có nạn nhân bị hư thai, sanh non hoặc mang thai ngoài ý muốn sau khi bị hành hiếp hay đau yếu lặt vặt như nhức đầu, đau mình, rối loạn tiêu hóa.
Về tinh thần, họ trở nên hoảng sợ, thiếu tự tin, thụ động, buồn rầu, lo nghĩ. Nhiều khi họ tự trách mình đã gây ra những lỗi lầm với chồng cho nên mới có chuyện. Nhiều người nói là cái đau về thể xác thì có thể chịu đựng được nhưng cái đau tinh thần thì quá mãnh liệt, họ không kham nổi nên đôi khi đưa đến tìm quên trong rượu chè, hút xách. Họ thường là thân chủ trung thành của phòng cấp cứu hay bác sĩ gia đình.
LUẬT PHÁP VỚI SỰ BẠO HÀNH
Đa số các trường hợp bạo hành đều không được đưa ra ánh sáng vì người hành hung đương nhiên phủ nhận mà nạn nhân lại giấu diếm. Họ sợ sẽ bị chồng hành hạ trả thù nặng hơn nên cắn răng chịu đựng, nghĩ rằng xấu chàng hổ ta. Họ cũng không muốn ai biết chuyện chẳng lành vì nếu hôn nhân chẳng may tan vỡ thì miệng người đàm tiếu, quy trách nhiệm cho mình. Cho nên rất khó khăn khi nói chuyện với nạn nhân để hiểu rõ sự tình hầu giúp đỡ.
Có một số câu hỏi được dùng để tìm hiểu nội vụ như là hỏi dò nạn nhân xem có trở ngại gì trong tình nghĩa vợ chồng; có bao giờ cảm thấy bất an ở nhà; thấy họ luôn luôn hốt hoảng sợ hãi thì hỏi coi ông chồng có bao giờ dùng vũ lực; ông chồng có cấm chỉ bà đi ra ngoài mua bán, thăm bạn bè; có bao giờ bà bị chồng ép buộc làm tình; thái độ của ông chồng khi say rượu; chồng có đập phá đồ đạc trong nhà. Những câu nói như: “Bà đâu có tội tình gì mà phải chịu đựng sự hành hạ như vậy”, đôi khi làm nạn nhân tin tưởng hơn để dốc bầu tâm sự.
Tại hầu hết các quốc gia, bạo hành gia đình đều bị pháp luật có biện pháp trừng trị. Bên Mỹ, khi người bạo hành mới chỉ là thường trú nhân thì có tể bị trục xuất về nguyên quán nếu tòa kết tội bạo hành hay vi phạm lệnh cấm tới gần.
Nếu cảm thấy thân thể bị đe dọa, nạn nhân có thể kêu cảnh sát để được che chở. Khi bạo hành liên tục xảy ra, nạn nhân có thể xin tòa án ban hành lệnh tạm thời cấm chỉ hung nhân tới gần. Để có giấy này, nạn nhân phải trình diện trước vị quan tòa, trình bày những chứng tích bị bao hành như báo cáo của cảnh sát, giấy chứng thương của bác sĩ. Một vài tiểu bang ở Mỹ, khi các bác sĩ nghi ngờ có bạo hành đều phải thông báo cho cảnh sát, nhất là khi nạn nhân ở trong tình trạng nguy hiểm và không có nơi nương tựa.
Hầu hết mỗi thành phố đều có nhà tạm trú ngắn hạn cho nạn nhân trong khi chờ giải quyết khó khăn, có đường dây điện thoại nóng-khẩn cấp để hướng dẫn, hỗ trợ.
LÝ DO KHÔNG RA ĐI
Một câu hỏi thường được nêu ra là tại sao nạn nhân không chịu dứt khoát xa lánh người đã hành hạ mình. Nhiều lý lẽ được nêu ra:
- Chia tay là một việc cần sửa soạn chứ không phải đùng đùng xách gói ra đi.
- Vẫn còn thương yêu.
- Phụ thuộc tài chánh; không chịu trả tiền trợ cấp.
- Muốn con cái có cột trụ là người cha.
- Sợ chồng đe dọa lấy mất con, đe dọa tính mệnh mình hay thân nhân, phá hủy đồ đạc, tài sản.
- Tự trách mình đã làm chồng phật ý vì vụng về, thiếu duyên dáng.
- Tôn giáo, gia đình không cho phép dứt bỏ.
Nhiều anh chồng vũ phu cũng lắm đòn phép, tỏ vẻ hối hận ăn năn, thề thốt sẽ không bao giờ đụng tới chân lông của vợ. Vợ nhẹ dạ, cả tin, cho chồng cơ hội để thay đổi để rồi ngựa quen đường cũ, đâu vẫn hoàn đó.
Cuối cùng thì đa số cũng vẫn phải ra đi vì sự an toàn của mình nhưng sau những sửa soạn, quyết tâm, với nhiều nghị lực bản thân và hỗ trợ từ bên ngoài. Họ phải tập trung vào việc làm sao để nếp sống riêng rẽ được ổn định: sẵn sàng về sức khỏe thể xác, tinh thần, an toàn tài chánh, bảo hiểm sức khỏe, có nơi ăn ở, trường học cho con cái.
BẠO HÀNH NỮ TRÊN NAM
Thế còn bạo hành mà quý bà vợ áp đặt trên ông xã thì sao?
Mới nghe thì tưởng như truyện Phong Thần nhưng các chuyên gia về vấn đề gia đình đều xác nhận là bạo hành gia đình diễn ra hai chiều. Đã có nhiều trường hợp người đàn ông bị vợ ức hiếp, đôi khi đánh đập khá tàn nhẫn. Người đàn bà thường không dùng khí giới mà xé quần áo, đập phá đồ quý riêng của chồng, tiêu hủy hình ảnh kỷ niệm, la hét xỉ vả hoặc hành hạ tâm thần một cách đớn đau như cảnh Thúc Sinh chứng kiến Kiều bị Hoạn Thư hành hạ. Họ sẽ dùng sức mạnh khi có cơ hội như trường hợp một phụ nữ cách đây mấy năm cắt đứt của quý của đức lang quân.
Những trường hợp bạo hành ngược này ít được công luận biết vì người đàn ông không dám nói ra sợ bị nhạo báng, xấu hổ mà cũng vì ít người tin là có thật. Thân nam nhi mà bị vợ hành thì đâu dám đi khoe hoặc trình cớ cò bót. Và bạo hành tiếp tục xảy ra với đàn ông là nạn nhân và đàn bà chủ động.
Một chuyên gia về vấn đề khó khăn trong gia đình, bà Patricia Pearson, tác giả cuốn sách “When she was bad: Violent women and the Myth of Innocence”, cho hay là đàn bà cũng có thể trở nên vũ phu bạo lực chứ không phải chỉ riêng đàn ông, và vấn đề bạo hành ngược này sẽ được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn trong tương lai gần đây.
Mong vậy thay!
Một chứng bệnh thông thường đã có từ ngàn năm xưa, được xem như một loại bệnh thuộc về hàn thấp, song không hẳn là phong tê thấp, mà do sự chuyển hóa (métabolisme) thất thường của thức ăn. Bệnh này thường gặp trong giới mày râu hơn là giới liễu bồ, tỉ lệ qua các báo chí y-khoa, cho hay chín nam mới có một nữ. Miệng người cho rằng con tạo sao lắm bất công. Tuổi ngoài 20 đã có thể bị rồi, và tuổi càng cao, lại càng dễ bị. Theo châm ngôn thời xưa Hippocrate, thì trai không bệnh gút trước thời giao cấu (coit), nữ không mắc bệnh trước thời mãn kinh (ménopause), quan hoạn (eunuques) thì chẳng bao giờ biết đến thống phong. Cứ theo sự ước lượng thì trên 1% người dân ở các nước Âu châu mắc bệnh gút. Quan niệm thời xưa, bệnh gút chỉ thấy ở xã hội quan liêu ăn sung mặc sướng. Châm ngôn, Pháp ngữ thường nói “une maladie des riches”, và nhắc đến các danh nhân lỗi lạc, như Léonard de Vinci, Newton, Darwin v.v... cũng đều không tránh khỏi. Thời nay với nếp sống rất cao, ăn uống dồi dào dư dả ở các nuớc văn minh tân tiến, cho nên bất kể tầng lớp xã hội nào, không cứ gì giàu nghèo, cũng đều chung một bệnh, nếu ta xem thường thói quen ăn uống, bất chấp kiêng cữ là gì. Ta thử đi ngược lại dòng thời gian, thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, nạn đói kém lan tràn khắp nơi, có mấy ai mắc bệnh gút? Nếu không muốn ám chỉ tới cách ăn uống.
Hỏi: bệnh gút là gì?
Danh từ chuyên môn của ta gọi là “thống phong”, nhưng sau này để dễ hiểu, ta mượn danh từ ngoại ngữ là “goutte articulaire” nên cho gọn, ta gọi tắt là bệnh “gút khớp”. Từ đời thượng cổ, bệnh này mang từ ngữ là “podagre”, mãi cho tới thời trung cổ (moyen-âge) được đổi thành là “goutte” cho hợp với định nghĩa.
CÓ NHỮNG TRIỆU CHỨNG GÌ? Bệnh gút rất là đa dạng, nên ở đây chúng ta chỉ đề cập đến gút khớp ngón chân cái mà thôi.
Chẩn bệnh, không mấy gì khó khăn. Người bệnh đi khám sau cơn đau nhức liên tục, đau bất thần, chỉ trong một vài giờ nhịp độ đã gia tăng dữ dội, thường thường vào quãng giữa đêm, phá mất giấc ngủ do những cơn đau tới tấp, hung tợn, trăn trở không yên, chân cẳng nặng nề kèm theo là cơn nóng sốt, ớn lạnh, thân mình mệt mỏi. Cứ như thế, khớp ngón sưng đỏ rất nhanh, làn da trở nên mọng đỏ như nhót, nóng hầm, nhức nhối khôn tả, đi đứng cực kỳ khó khăn, chân cẳng trở nên nặng nề cảm tưởng như cả tấn chì, đủ để diễn tả ý nghĩa thế nào là cơn thống phong.
Riêng về phái nữ, ta ít khi thấy trường hợp dữ dội như trên, phần nhiều bệnh gút chỉ thể hiện qua các cục kết (tophus) cũng gọi là sạn urat ở cùi chỏ, khuỷu tay, vành tai v.v.
NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA BỆNH:
1) Theo lời khai người bệnh, thường thì sau bữa ăn không cứ gì là thịnh soạn, nhưng rượu chè, đôi khi quá chén, họp mặt bạn bè, đùa vui nhậu nhẹt, với các thức ăn chứa nhiều chất purine như thịt vụn, thịt cổ cánh, lòng lợn (abat, tripes de porc), hoặc loại cá sardines, cá trổng (anchois), cá trích (hareng) v.v.
2) Sau cuộc giải phẫu cũng có thể gây nên bệnh gút.
3) Sau khi bị chấn sang (traumatisme physique).
4) Sau cuộc khủng hoảng tinh thần (traumatisme psychique), lo âu quá độ cũng có thể cho bệnh gút..
5) Thể dục quá sức lâu ngày.
6) Có những loại dược phẩm gây ra chứng gút như lợi niệu (diurétiques) v.v. trong khi chữa bệnh áp huyết cao, v.v.
7) bệnh gút do nhân tố di truyền (facteur génétique) thường là yếu tố gây nên bệnh gút. v.v.
GIẢI THÍCH SINH LÝ BỆNH HỌC THEO ĐÔNG PHƯƠNG (physio-pathologie):
* Ẩm thực: vấn đề ăn uống hằng ngày đã mang một tầm quan trọng không nhỏ cho sức khỏe con người. Khi ăn uống quá độ, tỳ, là tạng âm trở nên quá thực làm phương tổn đến thận (theo luật ngũ hành) do đó thận (tông khí) không bài tiết được acide urique (uricoélimination).
* Nhiễu loạn tâm thần (perturbation psychique): bảy loại tình chí (sept sentiments) trong Nội kinh có nói, khi bị kích thích quá độ sẽ ảnh hưởng tới tạng phủ có liên quan, như:
- lo âu quá mức sẽ ảnh hưởng đến tỳ vị, gây nên ăn uống vô độ (boulimie), hay đã làm cho khí dương bốc lên, khí âm bì hãm lại
- Mang nhiều tham vọng (ambition), ước muốn vô độ, một trong tình chí liên lụy đến tạng can, tiếp đó ảnh hưởng đến bộ tỳ vị, và lây lan cả đến thận, và cứ như thế theo luật ngũ hành, sẽ gây rối loạn chức năng trong ngũ tạng lục phủ.
- Cách đây không lâu, có nhóm khảo nghiệm bên kia bờ đại tây dương cho hay trong số người có nhiều tham vọng lớn lao, kết quả thử nghiệm trí tuệ thông minh (test d’intelligence) của họ rất cao song song với chất uricémie của họ cũng vượt lên cao trên mức trung bình. Thêm vào đó, hình thái, sắc diện của những người này thuộc hình hỏa (type feu), cho thấy có sự trùng hợp với giả thuyết đông phương đã có hơn hai ngàn năm nay.
- Là những tạng người hoặc tánh tình nóng nảy triền miên, tức giận không nguôi, uất ức dai dẳng, can hỏa bốc lên phương hại đến tỳ vị làm mất cán cân quân bình. v.v...
THỬ NGHIỆM
Trong máu, chất uricémie thường vọt lên cao trên mức trung bình 60 mg/l ở nữ và 70 mg/l ở nam. Có thể trên 90 mg/l. nhưng bệnh không nhất thiết phát hiện, lại có lúc tỷ lệ dưới mức bình thường 60 mg/l. bệnh gút lại xuất phát, cho nên ta không lấy đó làm chuẩn.
CÓ NHỮNG BIẾN CHỨNG NÀO NGUY HẠI?
-Có thể ảnh hưởng đến tim và mạch máu
-Có thể phương hại sau này đến thận (néphropathie, insuffisance rénale) thận hư hoặc sỏi thận, (lithiase urique), hay cơn sỏi thận (colique néphrétique).
ĐIỀU TRỊ:
Tây phương:
A) Trong lúc cơn đau hung tợn (accès aigu):
- Colchicine, công hiệu rất nhanh chóng, thời gian chữa trị được rút ngắn lại thay vì bệnh thường kéo dài trên tuần lễ. Colchicine chống bệnh gút, được xếp vào loại độc dược, nên thận trọng và hãy theo lời chỉ dẫn của y sĩ.
- Các loại thuốc chống viêm (Anti-Inflammatoire Non Stérodien / AINS).
- Dược phẩm chống đau hiện có rất nhiều (nhưng trừ phi Aspirine, vì có thể làm bệnh gia tăng). Nên theo lời giải thích dặn dò của y-sĩ.
- Nên uống nước nhiều, không dưới hai lít mỗi ngày. Tốt hơn nữa, nước có loại kiềm hóa (eau alcaline).
B) Ngoài cơn đau:
1) Ngừa bệnh: có thể dùng allopurinol (hypouricémiant) để ngừa bệnh, dược phẩm có công dụng làm hạ tỉ lệ uricémie. Thế nhưng là con dao hai lưỡi, cần cân nhắc kĩ lưỡng và chỉ có y sĩ mới quyết định được với đồng tâm chặt chẽ cộng tác của người bệnh. Vì một khi đã theo thuốc, thì phải tiếp tục theo đều đặn dùng cho đến khi vô hạn định, nếu không muốn nói là mãn đời.
2) Ngừa bệnh: bằng kiêng cữ là điều thiên nhiên và dễ thực hiện
- Kiêng cữ rượu bất kể dưới hình thức nào, ngay cả bia (bière)
- Kiêng cữ các thức ăn như:
Thịt vụn (abats)
Tuyến ức bê, cừu (ris de veau), bầu dục, cật (rognons), gan, lòng (tripes) thịt lợn ướp (charcuterie), thú săn (gibier), bồ câu, vịt, thịt đỏ tươi, gà tây con, lợn con, thịt bê, thịt phơi khô, nước dùng (bouillon de viande)
Các loại cá: cá trổng (anchois), sardine, cá trích (hareng), cá hồi (truite), cá thu chấm đen (cabillaud), xúp cá (soupe de poissons)
- Tôm, ốc, ngao, sò (fruits de mer)
- Pho mát lên men nhiều (fromages très fermentés)
Các loại acides aminés (acide glutamique, acide aspartique) thường làm gia tăng chất purines trong máu
Đông phương:
Trong cơn đau nhức dữ dội
Thuốc ta: cũng dùng colchicine, ta gọi là tỏi độc (colchique). Là một loại cỏ mọc hoang những vùng ôn đới. Tác dụng dược lý của nó được áp dụng để hạ nhiệt, chống dị ứng, và chống bệnh gút. Gần đây có giả thuyết cho rằng có lẽ có tác dụng kích thích vỏ thượng thận do đó có sự tiết hocmon như cortison.
Châm cứu:
- Trong cơn đau: hai huyệt Túc tam lý và Tam âm giao, đủ để hạ cơn đau, và nhằm lập lại sự lưu thông khí huyết của tỳ vị, tốt hơn nữa kích thích bằng máy điện (stimulation). Kết quả nhanh chóng. Nếu như người bệnh chịu đựng được, thêm ba huyệt thái bạch, thương khưu và Hành gian. Hai huyệt Giải khê, Hãm cốc, cũng cho kết quả nhanh chóng như nhau. Kết quả hay không là tùy thuộc cách thao tác và sự am hiểu của người thủ thuật.
Ngoài cơn đau nhức:
- Trấn an người bệnh, lập lại lưu thông khí huyết, chỉnh đốn lại quân bình âm dương tỳ vị, thận can với những huyệt tương xứng (points adéquats).
- Kiêng cữ và vệ sinh ăn uống như đã kể trên,
Vì rằng "Phục dược bất như giảm khẩu" uống thuốc chẳng bằng kiêng cữ. Chớ nên quá ỷ lại vào thuốc men. Ta nên tự thành thực hiểu rằng, bệnh thường có là do ăn uống gây ra "Bệnh tòng khẩu nhập", bệnh qua miệng vào mà.
KẾT LUẬN
Thống phong, còn gọi là bệnh gút khớp, đã có từ ngàn năm nay, theo quan niệm thời xưa, thì do bất túc hay suy giảm công năng bộ máy chuyển hóa ăn uống (déficience du métabo-lisme alimentaire). Một chứng bệnh rất tầm thường, được diễn ra thường xuyên, tuy nhiên bịn rịn, lắm lúc bực bội, không mấy được thoải mái trong cuộc sống hằng ngày.
Ngoài cách ăn uống, còn rất nhiều yếu tố khác dự vào sự xáo trộn gây ra bệnh này, như thói quen ẩm thực không được hợp với bản tánh cá nhân, rượu chè quá chén, hay tình chí bất an, tinh thần khủng hoảng, tâm tình nóng nảy, ngược ý thường xuyên, uất ức dai dẳng, tham vọng, ước ao vô đáy. Nhân tố di truyền (facteur génétique) cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Dược phẩm, một vài loại mà ta dùng hằng ngày cũng có thể gây nên bệnh gút. Tất cả nêu trên đã làm xáo trộn chức năng lý hóa điều hòa của các tạng phủ tỳ vị, thận can v.v.
Cách chữa trị ngày nay đã là bước tiến khả quan với nhiều dược phẩm công hiệu nhanh chóng, thế nhưng vô tình đã làm mờ đi đường lối chữa trị tự nhiên, nhẹ nhàng vô hại, bằng kiêng cữ ăn uống. Tìm hiểu sâu hơn chút nữa, về mặt bề trái của sự công hiệu thuốc men, là những chứng hậu (effets secondaires) hay bệnh độc hại (maladies délétères) do chính thuốc men gây ra có thể có trong tương lai gần hay xa, mà không một ai tiên đoán được.Vậy chớ gì ta hãy thức tỉnh, theo một đường lối chữa trị khác, phần nào tự nhiên hơn.
Rượu là một dược phẩm xưa nhất mà nhân loại biết tới. Và rượu cũng là một trong nhiều chất độc hại con người tự nguyện tiêu thụ.
Tại vài quốc gia Âu Mỹ, rượu là nguyên nhân thứ nhất gây ra chậm phát triển trí tuệ, đứng trên cả Hội chứng Down (Down syndrome), một trường hợp con chậm trí của mẹ luống tuổi sanh con lần đầu.
Từ thế kỷ thứ 18, các nhà nghiên cứu và các thầy thuốc Anh, Pháp đã quan sát thấy hậu quả không tốt của rượu đối với thai nhi mà người mẹ uống trong khi có thai. Những ảnh hưởng tai hại này đã được ghi trong Thánh Kinh: “người nữ có thai đều được nghiêm túc khuyến cáo là không uống rượu nho hoặc đồ uống mạnh và không được ăn thực phẩm không tinh khiết để tránh tổn thương cho thai nhi”. Triết gia Aristote thì nói những người mẹ say sưa, điên khùng, thường sanh ra con lù đù, chậm chạp.
ẢNH HƯỞNG NÀY ĐƯỢC CÁC GIỚI CHỨC Y TẾ PHÁP CÔNG BỐ VÀO NĂM 1968.
Đến năm 1973, trên tạp chí Y học Lancet, Kenneth Lyons Jones và David W. Smith đặt tên cho ảnh hưởng này là Fetal Alcohol Syndrome. Họ đã nghiên cứu hình dáng bất bình thường của năm đứa trẻ do các bà mẹ nghiện rượu kinh niên sanh ra. Rồi đến ngày 31 tháng Năm 1977, trong chương trình phát hình buổi chiều, đài NBC đã mang trình diện hình ảnh em bé Melissa bị ảnh hưởng của rượu mà người mẹ uống khi mang thai em. Đầu em nhỏ, thân hình mảnh khảnh, mí mắt hẹp. Dung mạo bất bình thường của em bé đã gây một xúc động lớn trong quần chúng.
Ngay ngày hôm sau hai cơ quan uy tín về Bệnh Nghiện Rượu ở Mỹ vội vàng lên tiếng rằng: đàn bà có thai mà uống trên 2 “drinks” rượu mỗi ngày thì đều có nguy cơ sinh con dị dạng, chậm trí. Mỗi “drink” tương dương với 15 ml rượu nguyên chất. Họ cũng công bố kết quả các nghiên cứu dịch tễ rằng rượu là chất gây quái thai, tâm trí bất thường khi còn là bào thai hoặc khi tăng trưởng. Các hệ thống thông tin lớn cũng vội vàng phổ biến rộng rãi tin tức quan trọng này. Từ đó, công chúng bắt đầu lưu tâm nhiều hơn với vấn nạn Mẹ-Rượu-Con-Khuyết-Tật. Giới y khoa mở rộng phạm vi nghiên cứu, điều trị. Y tế công cộng đưa ra các chương trình phòng ngừa, giáo dục hướng dẫn phụ nữ có thai đừng uống rượu.
Đến năm 1989, trên mỗi chai rượu đều ghi lời cảnh cáo về Fetal Alcohol Syndrome (FAS) như sau: “According to the Surgeon General, women should not drink beverages during pregnancy because of the risk of birth defects”. Việc ghi nhãn hiệu này cũng phải trải qua nhiều vận động từ năm 1977 vì các hãng sản xuất rượu bảo vệ quyền lợi của họ nên phản đối. Cũng năm 1989, trên giấy khai sinh có dành một ô trống để ghi nếu người mẹ có thai mà ghiền rượu.
Giống như ảnh hưởng không ít của thuốc lá, nhiều người cũng đứng ra kiện các nhà sản xuất rượu vì tác dụng tai hại này trên thai nhi.
ẢNH HƯỞNG CỦA RƯỢU TRÊN THAI NHI
Khi người mẹ uống rượu thì mẹ uống bao nhiêu con cũng uống bấy nhiêu vì rượu theo máu lưu chuyển sang con với cùng nồng độ. Nếu trong máu mẹ có mức rượu là 0,3 thì con cũng 0,3. Nhưng nhờ người to, lá gan lớn nên mẹ loại rượu ra mau hơn con. Thành ra người mẹ có thể say rượu trong vài giờ nhưng con tiếp tục li bì vài ngày, và say khướt (binge) trong thời gian ngắn lại hại hơn là uống lai rai kinh niên.
Sau khi uống, chất rượu ethanol được chuyển thành acetaldehyde mà chất này có tác dụng độc hại lên tế bào thai nhi. Các chuyên gia đã đề nghị một số giải thích ảnh hưởng này như sau:
a- Rượu tương tác với chất prostaglandins, một chất có liên hệ rất nhiều tới tăng trưởng và các chức năng của thai nhi.
b- Rượu làm giảm sự lưu thông máu từ mẹ qua con do đó chất dinh dưỡng, dưỡng khí giảm và tế bào thai nhi bị suy yếu, kém tăng trưởng.
c- Rượu cũng có thể ảnh hưởng tới sự hấp thụ khoáng chất zinc và magnesium hoặc làm thay đổi các yếu tố (enzymes), lượng kích thích tố như corticosteroid, kích thích tố tăng trưởng. Mỗi người, mỗi chủng tộc có những enzymes khác nhau để hủy rượu, nên ảnh hưởng của rượu thay đổi tùy người, tùy giống.
d- Rượu làm thay đổi cấu trúc của màng tế bào, đưa đến thay đổi hình dạng, kích thước, làm chậm tăng trưởng và phân bào. Mọi tế bào đều bị ảnh hưởng, nhất là tế bào thần kinh vào giai đoạn đầu của thời kỳ có thai.
e- Rượu cũng giảm khả năng tổng hợp các chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh cho nên các sinh hoạt trí não bị ảnh hưởng rất nặng.
Ảnh hưởng cũng thay đổi theo tuổi của đứa bé. Tuổi còn thơ, bé hay bồn chồn, dễ kích thích, ăn ngủ khó khăn, chậm lớn, chậm phát triển, cử động không hòa nhịp. Trước khi đi học thì chúng hay năng động, chia trí, kém nhận biết, diễn tả ngôn ngữ khó khăn. Đến khi đi học thì không chú ý, quá hoạt động, không biết làm toán, học không vô, hành động mất kiểm soát. Lớn lên: kém trí nhớ; kém suy luận, nhận xét; không biết cách sử dụng tiền bạc; không biết hậu quả việc làm; dục tính không hợp lý; ghiền rượu thuốc; có vấn đề trong hành vi, cư xử.
Hội chứng này là một tàn tật (disability) kéo dài suốt đời, khó mà chữa và đứa trẻ không “lớn lên là hết” (grow out of it) vì tế bào thần kinh hư hao là không phục hoạt được. Nhiều tế bào thần kinh không được di chuyển tới vị trí định trước nên có vùng não không tăng trưởng, bỏ trống, thiếu dây thần kinh nối kết nên các chức năng bị rối loạn. Đây là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới sức khỏe nạn nhân cũng như có nhiều hậu quả xấu cho gia đình và xã hội.
ẢNH HƯỞNG CỦA RƯỢU TÙY THEO GIAI ĐOẠN CỦA SỰ CÓ BẦU VÀ SỐ LƯỢNG RƯỢU TIÊU THỤ:
a- Thời điểm:
Quan sát ở súc vật cho thấy uống rượu vào ba tháng đầu của thai nghén đưa tới khuyết tật cơ quan cơ thể; thời kỳ nhì và ba đưa đến hành vi bất thường. Nhiều quan sát cho thấy ngưng uống vào giai đoạn ba của thai nghén cũng giảm bớt một phần ảnh hưởng xấu. Dăm lần uống say mềm (binge) rồi ngưng cũng nguy hại dù sau đó ngưng hoàn toàn.
b- Về số lượng:
Câu hỏi đầu tiên được nêu ra là có một mức an toàn nào cho người mẹ ghiền rượu không? Một số ý kiến là đã có nhiều thế hệ phụ nữ mang thai uống rượu mà có sao đâu. Ngoài ra, cơ thể mỗi người mỗi khác nên rất khó mà xác định số lượng nào thì có hại cho thai nhi cũng như uống bao nhiêu thì an toàn.
Số lượng uống nhiều ít được dư luận trong ngoài y giới lưu ý và trở thành một đề tài về sức khỏe công cộng. Phụ nữ được hướng dẫn, giải thích không nên uống rượu khi có thai. Truyền thông cũng nhắc nhở các bà mang bầu là đã có công sửa soạn có thai thì cũng nên tránh rượu để khỏi gây rủi ro cho con mình.
Mới đầu, vấn đề còn quá mới nên nhiều thầy thuốc cho là nếu uống chừng dưới 30 ml một ngày thì không sao. Ngay cả tổ sư môn học sinh đẻ Benson trong sách sản phụ khoa của ông ta xuất bản năm 1977 cũng cho là “đôi khi uống rượu, chẳng hạn một coctail trước bữa ăn tối, thì không có ảnh hưởng gì cho thai nhi”. Nhưng sau đó vì ảnh hưởng của rượu quá rõ ràng nên sách tái bản năm 1983 nói rằng: “có thai mà tránh uống rượu là điều hay nhất; rằng đôi khi uống thì được mà ghiền kinh niên thì có thể sinh ra con dị dạng, chậm trí”.
Theo một quan sát của Royal College of Obstetricians and Gynecologists thì khi uống dưới 8.5 drinks một tuần hoặc 1 drink một ngày thì con không bị FAS hoặc bị ảnh hưởng.
Năm 1977, hai tổ chức quan trọng về bệnh nghiện rượu bên Mỹ “National Institute of Alcohol Abuse and Alcoholism” và “National Council on Alcoholism” ra chung một thông cáo tuyên bố rằng “hụ nữ có thai mà mỗi ngày uống từ 6 drinks (khoảng 90 ml) trở lên thì có nhiều nguy cơ sanh con khuyết tật”. Cẩn thận hơn nữa, hai cơ quan xác nhận thêm “ngay cả từ 2 tới 6 drinks cũng có thể gây ra tổn thương cho thai nhi”.
Tập san của Hội Y Sĩ Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1984 có đăng một bài mà ý chung là “dù chỉ uống rượu vừa phải cũng gây ra chậm tăng trưởng cho thai nhi”.
Càng ngày càng có nhiều chứng minh chắc chắn là tác hại của rượu lên thai nhi tùy thuộc vào số lượng: uống nhiều, hại nhiều; mức độ rượu cao có tác dụng xấu hơn mức độ làng nhàng, chẳng hạn khi đột nhiên uống tới say mềm là hại. Vì không đồng ý với nhau về con số, nên giới chức thẩm quyền khuyên chẳng nên uống rượu khi có bầu.
Vấn đề FAS đặt ra đúng vào lúc tỷ lệ phụ nữ, nhất là thiếu nữ, dùng rượu tăng cao. Trong khi đó kỹ nghệ sản xuất rượu lại rất mạnh và đóng góp nhiều cho ngân sách nhiều quốc gia. Rượu lại rất phổ thông, được bán hợp pháp, được quảng cáo rộng rãi, được nhiều người uống.
Riêng với người mẹ thì cũng có nhiều ấn đề trong thời gian mang thai. Họ dễ bị băng huyết, nhau tách sớm, sẩy thai.
DẤU HIỆU CỦA KHUYẾT TẬT
Ngay khi mới sanh, đứa bé có dấu hiệu như của một người ghiền nhớ rượu: rất dễ bị kích thích, mình run rẩy, cơ thịt co dựt như lên kinh phong.
Hai thay đổi chính sau đây đã được diễn tả:
1- Thay đổi hình dáng:
- Mặt là nơi có những thay đổi rõ ràng, đặc biệt nhất. Đầu nhỏ, tóc mọc sau gáy, trán nhô, mặt dẹp, gò má thấp, tai thấp, mi mắt sụp, mắt nhỏ, mũi ngắn, sống mũi dẹp, môi trên mỏng đôi khi chẻ, răng nhỏ, cằm lẹm, khoảng cách giữa mũi và miệng rộng;
- Lồng ngực nhô ra hoặc xẹp vào, cột sống nghiêng vẹo;
- Khớp xương và tứ chi bất bình thường: ngón tay út ngắn, co quắp; dấu ngón tay mờ, cơ thịt nhão, khớp xương lỏng lẻo; cử động xương hông giới hạn;
- Ngũ quan cũng bị ảnh hưởng: về thị giác thì có lé mắt (strabismus), rung dật nhãn cầu (nystagmus), cận thị cả hai mắt. Dây thần kinh mắt bị giảm sản;
- Một phần ba nạn nhân bị điếc trong khi đó thì nhiều em lại có nhạy thính giác bất thường. Hầu hết hay bị viêm tai giữa.
- Tim thận có dị tật. Vách nhĩ thất thủng. Thận giảm sản, chia đôi; bọng đái có túi (ladder diverticula), ngọc hành nằm trong bụng.
Các em đều chậm lớn, biếng ăn, nhẹ kí, ngủ nghỉ bất thường. Đa số có thể tăng trưởng được nhưng rất chậm.
2- Chậm phát triển trí tuệ:
Hầu hết các em có chỉ số trí tuệ IQ chỉ khoảng 68. Khả năng đọc hiểu ở trình độ lớp 4, khả năng toán học ở lớp 2. Về phương diện giáo dục, chúng được xếp vào loại “có thể dậy dỗ được”. 90% kém khả năng tiếp nhận và diễn tả ngôn ngữ, và 95% không biết tiêu tiền.
Tiếng nói lơ lớ, âm thanh trong họng, đều đều, cứng nhắc, phát âm không rõ dù ý nghĩa và nội dung bình thường.
Thời gian phản ứng chậm, kém tập trung; không phân biệt được mầu sắc; khó nhớ tên người và sự vật; kém phán xét, không biết hậu quả hành động của mình; không ý thức được tương lai; không phân biệt khen chê, ơn nghĩa; kém phối hợp các hành động.
Ngay từ khi còn bé, các em đã ngang ngược, hay đòi hỏi và gây bực mình cho người khác. Lớn lên chúng thích cô đơn, bất cần đời, không chơi với ai, không nghe ai, lười biếng, thụ động, buồn vô cớ, ăn cắp vặt, xâm phạm tình dục, lạm dụng rượu.
Một hội nghị vào năm 1980 của các chuyên gia về hội chứng này đã đề nghị là để định bệnh, phải có một trong các dấu hiệu của ba loại sau đây:
1- Chậm tăng trưởng trước và sau khi sanh với thiếu cân, thiếu chiều cao, đầu nhỏ so với tuổi
2- Rối loạn về hệ thần kinh trung ương với các dấu hiệu bất bình thường các chức năng thần kinh, chậm phát triển về hành vi hoặc có hư hao trí tuệ
3- Có ít nhất hai dấu hiệu bất thường về đầu-mặt như đầu nhỏ, mắt ti hí, mép trên rộng, môi trên mỏng, mũi ngắn, gò má dẹp.
ĐIỀU TRỊ - CHĂM SÓC
Chăm sóc, giải quyết những vấn nạn xã hội của người mẹ say sưa, những hậu quả của đứa con tật nguyền là trọng tâm.
Động cơ đưa người mẹ tới nghiện rượu cần được tìm hiểu, giúp đỡ. Có vấn đề gia đình, việc làm. Có đam mê, áp lực của bè bạn. Không hay biết tác hại của rượu.
Những chối cãi, giấu giếm cần được phát hiện, phanh phui.
Giáo dục, giải thích về hậu quả của rượu với mẹ và bào thai. Những khuyết tật, những chậm trí, những vần đề cá nhân và xã hội của đứa bé tăng trưởng trong say sưa của mẹ. Những tốn kém cho gia đình và ngân sách quốc gia.
Kinh nghiệm cho hay phụ nữ có thai trẻ, độc thân, kém văn hóa, ghiền thuốc lá thì lại hay uống rượu nhiều hơn. Họ cần được khuyên giải nhiều hơn. Trường hợp cần để bảo vệ thai nhi thì có thể đặt người mẹ dưới sự giám sát của pháp luật. Ghiền rượu khi có thai được nhiều người coi như một bạo hành với thai nhi, lấy đi cái quyền sống cuộc đời bình thường của chúng.
Trong hướng dẫn, giáo dục nên nhấn mạnh ở ảnh hưởng xấu của rượu và lợi ích cho cả mẹ lẫn con khi mẹ ngưng uống. Không bao giờ quá trễ để bỏ rượu, vì ngưng lúc nào là thai nhi bớt say lúc đó. Dọa nạt nhiều khi đưa tới thái độ đối kháng, bướng bỉnh.
Với con, việc chăm sóc điều trị phức tạp, tốn phí và lâu dài hơn vì đứa bé sinh ra với nhiều bệnh về thể xác và tâm thần. Vào tuổi đi học, các em đều mang nhiều vấn đề khó khăn tại học đường Lớn lên, các em hay có những hành vi bất xứng, phạm pháp, không giữ được liên hệ gia đình nhất là với người mẹ đã sinh ra mình. Đa số các em được chăm sóc bởi cha mẹ nuôi hoặc trong viện mồ côi. Nhiều em sau này cũng rơi vào vòng nghiện ngập, bê tha. Và chính quyền phải mang gánh nặng cưu mang giúp đỡ các em suốt đời.
KẾT LUẬN
Tuy tỷ lệ Mẹ-Rượu-Con-Khuyết-Tật không cao, nhưng những đứa con sinh ra đều mang nhiều tàn phế của cơ thể và sống trong những hoàn cảnh đáng thương. Tất cả chỉ vì sự thiếu ý thứ kèm theo một chút yếu lòng của người mẹ.
Đã mất công mang thai, đã hoài bão có con thì người mẹ cũng nên dằn lòng cho qua khỏi thời gian chín tháng mười ngày cưu mang. Để mẹ tròn, con vuông, cho gia đình đầm ấm với tiếng nói trong vui của trẻ thơ lành mạnh.
Sở dĩ có sự ưu ái NÀNG muỗi vì các Nàng có nhiều điều để nói.
Thứ nhất là đa số loại muỗi thường hay đốt ta ở trong nhà hay ngoài vườn để hút máu là các mợ. Các Mợ có miệng dài với vòi để hút máu của động vật máu ấm. Còn các cậu muỗi hầu hết đều sống nhờ mật hoa và nước lã.
Thứ hai là đa số các mợ cần phải sống bằng máu mới làm công việc sanh đẻ được.
Thứ ba là khi đốt người (hay thú vật) hút máu như vậy thì các mợ nhả vào huyết quản một chút nước miếng có chất độc hoặc các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Thứ tư là các mợ chỉ đẻ trứng trên mặt nước: hoặc là nước đang chẩy, nước ao tù, nước trên sông, trong lạch hoặc nước mưa đọng trong cái ống lon rỉ sét ở đầu nhà. Tất nhiên là các cậu muỗi thì trời không giao cho cái trách nhiệm đẻ trứng này.
Muỗi cũng như ong kiến là vấn đề cho con người mỗi khi Hè tới. Khí hậu nóng ấm là thời gian phát triển ưa thích của nhóm sinh vật này. Chúng đốt, chúng cắn, chúng hút máu, chúng truyền chất độc khiến vô số người phải đi bác sĩ.
Trước khi nói tới những khó chịu do các côn trùng này gây ra, xin nhắc qua về sự khác biệt giữa CHÂM ĐỐT và CẮN. Hai hành động này đôi khi như giống nhau mà lại hơi khác nhau.
Châm đốt thường do côn trùng có nọc độc (poisonous) để tự vệ khi bị phá. Khi đốt, chúng sẽ chích vào sinh vật quấy phá chúng một liều chất độc qua cái ngòi. Đây là hành động tự vệ, trả thù của chúng như là để trừng phạt và cảnh giác lần sau đừng quấy rầy chúng nữa. Đó là những con ong các loại, con kiến.
Còn cắn là do các côn trùng không có nọc độc (non poisonous), khi cắn chỉ truyền vào chút nước miếng có lẫn chất chống đông máu. Chúng sống nhờ máu hút được. Muỗi, bọ chét, chấy rận, con cái ghẻ, bọ chét cắn người ta và sinh vật khác.
MUỖI
Muỗi là một loại côn trùng biết bay có hai cánh nhỏ, thân hình mảnh mai, chân dài, cánh hẹp, lấm tấm nhiều vẩy trên gân cánh. Từ đầu, nhú ra một sợi xúc tu với nhiều sợi lông loắn xoắn. Lông ngắn ở muỗi cái, lông dài và rậm rạp ở muỗi đực. Miệng muỗi cái dài, có vòi để hút, còn miệng muỗi đực rất thô sơ.
Có khoảng trên 2000 loại muỗi khác nhau. Chúng sống khắp nơi, từ miền nhiệt đới nóng ấm tới vùng bắc cực lạnh giá; từ vực sâu tới đỉnh núi cao. Muỗi cân nặng khoảng 2.5 milligrams, có thể bay nhanh tới 1.5 mile một giờ. Muỗi có thể di chuyển xa cả trăm miles.
Muỗi cái hút máu để sống và để có thể sinh sản. Mỗi lần hút khoảng 5 phần triệu của một lít. Muỗi có thể đánh hơi ra thân chủ xa cả vài chục thước bằng nhiều cách: nhìn thấy sự di động của động vật; có thể phát hiện những tia hồng ngoại phát ra từ thân thể con mồi; đặc biệt là chúng ngửi thấy mùi các hóa chất mà động vật tiết ra như carbon dioxide, lactic acid. Lactic acid là hóa chất tiết ra từ các bắp thịt trong khi làm việc.
Khi phát hiện con mồi thì muỗi sẽ bám sát. Chúng cắn để hút máu. Việc hút máu cũng rất khoa học: trước khi hút, chúng nhả vào một chút chất chống đông máu để máu dễ dàng chạy vào ruột chúng. Nước miếng của muỗi cũng có thể có vi khuẩn truyền một số bệnh truyền nhiễm.
Chúng có thể hút bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm, nhưng thời điểm ưa thích là sáng sớm và khi chạng vạng hoàng hôn. Lý do là giữa trưa mà bay ra ngoài thì chúng có thể bị tổn thương vì hơi nóng làm khô nước. Lý do khác nữa là ở hai thời điểm này, những con mồi của chúng cũng hay ra ngoài. Chúng hút máu đủ no rồi tung cánh bay đi. Vì thế khi muỗi bám vào da mà động vật xua đuổi chúng đi thì chúng sẽ bay trở lại, lấy đủ thực phẩm đã. Nên, nhiều khi để tránh tiếng vo ve gây khó ngủ ban đêm, thà cứ thí cô hồn cho chúng vi lượng máu cho xong. Muỗi no đi ngủ, mình cũng ôm “gối mềm” ngủ cho ngon giấc.
Sau khi hút no thì mợ muỗi phải kiếm một chỗ yên tĩnh để thưởng thức, tiêu hóa chiến lợi phẩm là máu. Nghỉ ngơi, muỗi cũng có tư thế đặc biệt: muỗi thường thì thân mình song song với mặt bằng, còn đầu thì chiếu nghiêng. Muỗi anophele truyền bệnh số rét thì nghỉ ngược lại: đầu và vòi song song với mặt bằng, mình nghiêng nghiêng. Vì thế các cụ ta gọi chúng là muỗi đòn xóc.
Cái vụ muỗi cắn này cũng có chuyện nên nói. Số là có người thì muỗi chê mà ngược lại một số người khác thì muỗi rất chiếu cố, chắc vì thịt họ thơm. Có thử nghiệm đã thử để hai người trong một phòng kín, hầm hơi có ít con muỗi. Một người lãnh đủ một người rất ít vết muỗi cắn. Lý do tại sao thì chưa có giải thích. Các nghiên cứu gia đang coi xem trong hơn hai trăm hóa chất mà da ta tiết ra, không hiểu hóa chất nào lại hấp dẫn với các nàng muỗi như vậy. Cho nên, khi ở nơi có muỗi thì ta có thể chạy xa, xua đuổi chúng nhưng không trốn ẩn với chúng được.
Muỗi đẻ trứng trên mặt nước, nhất là nơi nước tù nước đọng. Sau dăm ngày, trứng nở thành ấu trùng ngọ nguậy chuyển động. Các chú cá con là rất khoái ăn trứng và ấu trùng muỗi. Khi thời tiết ấm nóng, muỗi có thể sanh đẻ mỗi hai tuần.
Muỗi cắn, ngoài chuyện khó chịu, ngứa ngáy tại chỗ còn gây lan truyền một số bệnh nhiễm. Đáng kể nhất là bệnh sốt rét, bệnh viêm não, bệnh dengue
*Sốt rét ngã nước hiện còn hoành hành ở nhiều quốc gia vùng nhiệt đới và đưa tới nhiều tử vong đáng sợ. Muỗi truyền lan bệnh là những mợ Ano-pheles. Ký sinh trùng thuộc nhóm Plasmodium. Các mợ hút máu người bệnh, tiêu hóa máu nhưng không tiêu hóa ký sinh trùng. Khi cắn người kế tiếp, các mợ đổ bệnh cho những nạn nhân mới này. Cứ như vậy, số rét lan truyền.
Bệnh có thể chữa và phòng ngừa bằng thuốc căn bản Chloroquine. Những ai đi du lịch về vùng nhiễm bệnh nên xin thầy thuốc cho thuốc viên uống trước khi đi, trong thời gian du lịch và một tuần lễ sau khi trở về. Hiện nay, đang có nhiều nghiên cứu để chế ra thuốc chủng ngừa sốt rét, như là chủng ngừa bệnh cúm, chủng ngừa đậu mùa
* Sốt Dengue, còn gọi là Sốt Đập Lưng (breakbone fever) do muỗi Aedes Aegyti truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Bệnh ít gây tử vong ngoại trừ trường hợp Số Đập Lưng Xuất thường thấy ở các quốc gia Đông Nam Á châu và Châu Mỹ La Tinh. Bệnh nhân có triệu chứng như, đau xương khớp, nhức đầu, nóng sốt, nổi ban trên da và làm cơ thể suy nhược. Không có thuốc chữa khỏi bệnh mà cũng không có chủng ngừa.
*Sốt Vàng (Yellow Fever) cũng do muỗi Aedes Aegypti truyền một siêu vi trùng. Bệnh này có nhiều ở Phi châu và thường gây tử vong. May mắn là có thuốc chủng ngừa bệnh.
*Bệnh Giun Chỉ (Filiriasis) có nhiều ở vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới. Bệnh do các giun ký sinh gây ra và được muỗi Aedes, Culex, Anopheles và Mansonia truyền đi. Bệnh có thể chữa được bằng thuốc Diethylcarbamazine.
Đến đây thì chắc nhiều người thấy mà ớn giống muỗi, muốn tránh xa chúng, không muốn mắc bệnh do chúng truyền lan và cũng không muốn chúng quấy rầy giấc ngủ ban đêm. Vậy thì xin nói về việc này.
Như đã nói ở trên, muỗi xuất hiện ở ngoài trời nhiều nhất từ lúc tranh tối tranh sáng và suốt đêm. Vậy thì khi chúng hùng hổ ra kiếm mồi, thì ta ở trong nhà. Mà nếu cần ra thì mặc quần áo phủ người càng kín càng an toàn, đặc biệt là ba vùng cổ: cổ tay, cổ chân và cổ đỡ đầu. Tránh đi tới vùng sình lầy, nước đọng, chỗ um tùm cây bụi. Ngồi ngoài balcon, để cái quạt chạy nhẹ với gió thổi hiu hiu cũng xua đuổi muỗi khá tốt.
Bôi thuốc đuổi muỗi. Có nhiều loại thuốc xua muỗi, nhưng loại được nhiều chuyên gia tín nhiệm là DEET. Vài diều cần nhớ khi dùng DEET:
- Mua thuốc về, nhớ đọc kỹ nhãn hiệu với cách dùng, rủi ro có thể có.
- Thuốc có 30% DEET là vừa đủ mạnh. Trẻ em dùng loại 10% DEET.
- Đừng bôi thuốc lên vết thương trên da hay chỗ da bị viêm đỏ
.Đùng bôi quá gần mắt, miệng nhất là ở trẻ em
- Đừng để trẻ em tự thoa thuốc này
- Thoa vừa đủ để che da và quần áo
- Đừng bội phần da dưới quần áo
- Đừng xịt thuốc khi ở trong phòng kín
- Sau khi vào trong nhà, xả nước cho sạch thuốc ngừa trên da
Khi phải ở lâu trong vùng có muỗi, như đi câu cá ban đêm, có thể nhúng quần áo trong hóa chất Permethrin, để đuổi muỗi.
Có thể đốt hương xua muỗi, dùng đèn giết muỗi, Nằm ngủ trong mùng màn vừa tránh được muỗi cắn mà lại vừa có tự do riêng. Triệt hạ trứng và ấu trùng muỗi ở nơi ao tù, nước đọng.
Ngoài các bệnh nhiễm, muỗi cắn thường không gây phản ứng mạnh. Chỉ một chút ngứa ngáy khó chịu ở chỗ bị cắn, chườm nước đá lên ngay là xong. Nhưng nhiều khi ở trẻ em, sau khi muỗi cắn, ngứa, các em gãi đến trầy da, rồi nhiễm trùng. Thành ra, khi muỗi đốt sưng lên thì đắp ngay nước đá, hoặc bôi lớp mỏng Caladryl lotion.
CON ONG, CÁI KIẾN
Giờ xin nói chuyện Con Ong, cái KIẾN
Nhóm côn trùng châm đốt thuộc ba họ: họ Formicoidea với nhóm nhà Kiến (ants); họ Apoidea với các ong mật (honeybees), ong nghệ (bumblebees); họ Vespoidea với ong hornets, Wasps, yellow jackets.
ONG.
Ong Mật Apis có nguồn gốc ở các châu Á, Phi và Âu. Chúng có nhiều loại và hầu hết đều châm dốt.
Họ ong này sống thành từng đàn với từ cả trăm ngàn ong thợ. Đàn ong wasps thường nhỏ hơn. Cũng như muỗi, chỉ có ong cái mới châm chích. Bầy lao công ong cái là lực lượng bảo vệ tổ ong chống lại bất cứ sự xâm phạm nào. Một chú gấu hoặc anh thợ săn mà nhòm ngó mật ngọt là một số phụ nữ bảo vệ này sẽ tủa ra và tấn công. Bình thường, ong hiền lành, chỉ hung dữ để tự vệ ở gần tổ ong. Còn châm chích cá nhân chỉ xẩy ra khi ong đi kiếm mật hoa, nước uống hoặc vật liệu làm tổ, khi bị đe dọa như bị đập, đuổi hoặc vướng vào quần áo, tóc người ta.
Ong chích bằng một cái ngòi nằm ở cuối thân. Ngòi ăn thông với túi nọc độc. Thực ra, ngòi là bộ phận đẻ trứng đã được biến hóa, vì thế chỉ ong cái mới châm chích.
Ngòi ong mật có nhiều ngạnh dài hơn ngòi ong wasps. Khi ong mật châm chích, ngòi kẹt lại ở da người, tiếp tục bơm nọc độc làm phản ứng mạnh hơn. Tội nghiệp một điều là, sau khi châm chích xong thì chị ong mệnh một, vì ngòi có ngạnh vướng lại, kéo theo các bộ phận trong bụng. Nhưng nọc độc của ong trên da kẻ xâm phạm tiết ra hóa chất pheromone, có mùi chuối, báo động hiểm nguy cho các ong khác để chúng ồ ạt kéo tới tấn công trả thù.
Ngòi ong wasp có ngạnh ngắn hơn, không bị kẹt sau khi châm chích nên chúng có thể châm nhiều lần kế tiếp rồi bay đi.
Ong mật làm tổ trong khoảng trống có sẵn như lỗ hổng trong thân cây hoặc khoảng lõm của căn nhà. Tổ Ong yellow jackets giống như giấy thường thấy trong lùm cây, dưới mái hiên nhà. Đôi khi chú yellow jacket này lại nằm dưới cỏ, chẳng may ta đi chân đất giẫm phải là chúng đốt ngay.
Thành phần hóa học trong nọc độc của ong mật và Wasp cũng hơi khác nhau. Nọc ong Mật có chất phospholipase A2 gây đau và loãng máu, melitten làm màng tế bào hư hao, hyaluronidase giúp phân tán các hóa chất độc. Nọc này không có chất histamine như nọc ong wasp. Nọc wasp và hornets có nhiều serotonin, histamine, catecholamine. Tùy theo nồng độ của serotonin mà nạn nhân đau nhiều hay ít.
Nói chung, nọc ong mỗi lần đốt chỉ gây ra phản ứng tại chỗ, không nguy hiểm lắm. Ở chuột, cần khoảng 3 mg cho mỗi cân nặng để gây ra tử vong. Ở người phản ứng nguy hại xẩy ra với từ 500 tới 1200 lần bị ong chích. Đã có người sống sót sau khi bị chích tới 2243 lần. Trẻ em và người cao tuổi thường bị nhiều phản ứng của nọc ong vì chậm tháo thân khỏi bầy ong hung dữ.
Mấy năm gần đây, giống ong mật Châu Phi được vô tình nhập cảnh lậu vào nước Mỹ đã là đề tài báo động cho truyền thông cũng như mối quan tâm cho giới chức y tế và canh nông Hoa Kỳ. Lý do là ong rất hung dữ, tung hoành ở các tiểu bang Texas, Arizona, New Mexico, California, Nevada và gây ra nhiều tử vong. Chúng được kêu là killer bees. Vì khi đã tấn công đối thủ là chúng bám sát, tấn công tới tấp nhiều đợt liên tục. Ong mật Châu Phi này giống ong mật thường ở đây, chỉ khác là cánh nhỏ hơn. Cả hai ong, trên mình đều có nhiều lông. Ong yellow jackets ít lông hơn ong mật, nhưng có vân đen,vàng hoặc trắng rất bóng trên mình.
Ong đốt gây ra một phản ứng tại chỗ: da sưng, đỏ, đau, ngứa. Phản ứng này thường tan biến trong vài giờ. Tuy nhiên, với nhiều lần đốt liên tục, phản ứng bất thường mạnh như nghẹt thở, hạ huyết áp, sưng ngứa cùng mình, suy thận có thể xẩy ra và đưa tới nguy hiểm cho tính mạng.
Khi bị ong đốt, tức khắc chườm chỗ đốt bằng túi nước đá. Có thể bôi kem có chất Corticosteroids hoặc Diphenhydramine (Benadryl, Caladryl). Nâng cao phần cơ thể bị đốt. Uống vài viên Ibuprofen hoặc Acetaminophen (Tylenol), một chút Benadryl.
Còn phản ứng mạnh, tổng quát thì nên đi nhà thương cấp cứu. Với các phương tiện y học rất hiện đại, nạn nhân của cả trăm ong đốt đều được cấp cứu hoàn toàn, với điều kiện đừng trì hoãn quá lâu.
Còn việc lấy ngòi ong ra thì sao? Trước đây, người bị đốt thường bóp vào chỗ ong đốt để nặn ngòi và chất độc ra. Nhưng nhiều nghiên cứu mới đây cho rằng làm như vậy là bóp giúp nọc tiết vào da mau hơn, nên họ khuyên chỉ cần lấy tấm giấy hay plastic cứng, một lưỡi dao cạo nhẹ là lấy được ngòi ra. Nên nhớ là chất độc thấm ra rất mau, chỉ trong mươi giây đồng hồ, nên cần lấy ngòi ra càng nhanh càng tốt.
KIẾN CẮN
Bây giờ đến con Kiến mà kiện củ khoai.
Có đến cả trên mười ngàn loại kiến khác nhau. Chúng sống thành từng đàn với phân chia nhiệm vụ rõ rệt cho các thành viên: con thì lo việc tìm kiếm thực phẩm, nhóm lo làm tổ, một số lo sinh sản. Đa số thành viên của đàn là nữ kiến lao động, không có cánh, không sanh trứng được nhưng làm hầu hết công việc của đàn: kiếm thực phẩm, nuôi kiến con, bảo vệ tổ. Các kiến nữ hoàng sanh ra đã có cánh, thân hình lớn hơn kiến khác và là nhóm duy nhất có thể đi tơ, đẻ trứng. Kiến đực không có nhiệm vụ nào quan trọng ngoài việc hàng năm vào một thời điểm nào đó, rủ nữ hoàng kiến bay lên không trung, giao hợp, rồi đi hoang, chết dần dần. Một lần đi tơ trên là đủ tinh trùng cho kiến hoàng hậu đẻ cả trăm ngàn cái trứng. Kiến lửa có thể đẻ cả trăm cái trứng trong một giờ.
Kiến có mọi nơi trên trái đất, ngoại trừ miền luôn luôn băng giá, trên đỉnh núi rất lạnh và vài hải đảo. Chúng sống dưới đất, trong rừng cây mục nát, trên cành cây sống, trong nhà ở của con người.
Nói chung, kiến cũng có vài ích lợi. Chúng là mồi ăn cho nhện, chim gõ kiến (woodpecker), rùa và cũng tiêu diệt một số côn trùng có hại. Chúng tạo ra những ngõ ngách dưới đất, giúp không khí và nước lưu chuyển tới nuôi dưỡng cây cỏ. Chúng ăn hạt một số thực vật, để rồi lại bị chim muông làm thịt, chim muông bay xa gieo rắc hạt lạ khắp nơi.
Kiến lớn nhỏ đều đốt nhưng loại đáng kể và hay gây ra phản ứng là Kiến Lửa Đỏ (Red Fire Ants). Kiến này có tên khoa học là Solenopsis invicta. Đây là loại côn trùng không cánh, làm tổ trong vườn nhiều nắng và dọc theo đường lộ. Khi thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt thì chúng di chuyển vào nơi bóng mát, khu người ở. Một ổ kiến lớn có tới cả vài trăm ngàn con, được lãnh đạo bởi một kiến hoàng hậu duy nhất. Khi châm chích, kiến cũng có một kỹ thuật đặc biệt: chúng cắn một vết rồi chuyển mình châm tiếp tạo ra nhiều vết thương xếp thành một vòng bán nguyệt.
Vết kiến đốt sưng đỏ, đau ran rồi mấy giờ sau, một mụn nước nhỏ nổi lên. Đôi khi phản ứng này lan rộng ra cả một vùng lớn của da. Với cả trăm vết kiến liên tục đốt, một người suy yếu sẵn cũng có thể thiệt mạng.
Khi bị kiến đốt, lau sạch vết thương nhưng đừng làm da hư hao thêm; chườm túi nước đá khoảng nửa giờ cho khỏi sưng; nâng cao phần bị cắn. Nếu quá đau, có thể uống vài viên thuốc Tylenol, Advil. Cần coi lại xem ngừa phong đòn gánh có còn hữu hiệu không.
NHỆN CẮN
Tiện đây cũng nói qua một chút tới một côn trùng trong nhà, đôi khi cắn người và có thể gây ra tai nạn khá nặng. Đó là những con nhện.
Có cả dăm chục loại nhện khác nhau, nhưng hai loại sau đây là đáng kể vì chúng lẩn quẩn gần nơi ta sinh hoạt và chúng gây đau và hủy hoại tế bào chung quanh vết cắn.
Nhện Nâu Ẩn Dật (Brown Recluse Spider). Nhện thường có ở ngóc ngách trong nhà, đôi khi ẩn mình trong mớ quần áo ném dưới sàn nhà. Chúng sẽ cắn khi áo mặc và chúng nằm giữa vải và da.
Một phản ứng nhẹ với cảm giác ngứa, rát, đau sẽ xẩy ra. Nhưng sau 24 giờ, vết thương lan rộng, đỏ với mụn nước ở giữa. Sau vài ngày, mụn nước khô, đóng vẩy. Vẩy rơi gây ra một vết loét rộng từ một phân tới vài chục phân.
Triệu chứng tổng quát gồm có nóng sốt, ớn lạnh, đau nhức mình mẩy, mần đỏ, băng huyết. Nạn nhân có thể bị thiệt mạng. Nọc độc của nhện này có các hóa chất dộc như alkaline phosphatase, hyaluronidase, lipase, hemolysine, tất cả đều hủy hoại màng tế bào, khiến tiểu cầu tụ với nhau thành cục, gây băng huyết. Chẳng may bị nhện này đốt thì cần đi bác sĩ, vì điều trị cần một số dược phẩm như Dapsone, Prednisone, cạo mổ vết thương và huyết thanh chống nọc độc của nhện.
Nhện Góa Đen (Black Widow Spider). Nhện này có nhiều ở vùng nhiệt đới, thường làm mạng lưới ở ngôi nhà phụ, dưới tảng đá, đống vật liệu vụn.
Nọc độc loại nhện này có alpha-latrotoxin đặc biệt làm tổn thương dây thần kinh. Nạn nhân thường ói mửa, nhức đầu, bụng đau và co cứng, đổ mồ hôi, sưng đỏ nơi bị đốt. Trên da, nổi nhiều vết ban đỏ, mụn nước.
Cũng như với nhện nâu, khi bị nhện đen góa đốt, cần đi bác sĩ vì điều trị cần đến dung dịch Calcium và huyết thanh chống nọc nhện.
Nói đến sâm là phải nghĩ ngay tới nước Trung Hoa với vua Thần Nông. Đây là một nhân vật với nhiều huyền thoại, sống cách đây nhiều ngàn năm, vừa là một đấng minh quân vừa là một nhà nông kinh nghiệm, biết thêm về y lý trị bệnh. Nhà vua chỉ dẫn cho dân chúng về cách dùng dược thảo và đã viết một cuốn sách nói về cả trăm thứ cây thuốc mà ông đã khổ công đi đó đây để sưu tầm. Theo sách, thì vua Thần Nông là người đầu tiên đã nhận ra công dụng chữa bệnh của một loại rễ cây có hình dạng giống con người, mọc hoang trong rừng. Nhà vua đặt tên cho cây đó là Nhân Sâm.
Nhân sâm đã được coi như một dược thảo hàng đầu (Sâm, Nhung, Quế, Phụ) ở nhiều quốc gia Á châu như Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, và ở Nga. Trong những thập niên vừa qua, nhân sâm bắt đầu được sử dụng ở các quốc gia Âu Mỹ và cũng được khoa học thực nghiệm nghiên cứu về công hiệu chữa bệnh của một thảo mộc mà nhiều triệu người đã và đang dùng, do kinh nghiệm truyền cho nhau. Nhiều nhà bào chế thuốc đã xếp sâm vào nhóm những chất có tác dụng thích nghi (adaptogen) đối với nhiều chức năng của cơ thể và coi sâm như một chất dùng thêm có khả năng tăng cường sinh lực, giảm căng thẳng, ngăn ngừa một số bệnh tật và làm chậm tiến trình lão suy.
Nguồn gốc
Nguyên thủy thì nhân sâm mọc hoang trên rừng núi, dưới bóng mát ở những nơi có khí hậu lạnh như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, miền Đông Liên Bang Sô Viết, Bắc Mỹ châu.
Người Trung Hoa được coi như dân tộc đầu tiên biết sử dụng sâm để trị các bệnh của tuổi già và họ giữ kín cho tới thế kỷ thứ 18 công dụng của sâm mới được các quốc gia Âu Mỹ biết tới. Thoạt đầu, các nhà thảo mộc Tây phương cũng không tin tưởng cho lắm vào công dụng của sâm như người Trung Hoa tả. Nhưng sau khi nhìn thấy tận mắt một số hiệu quả, thì họ tin theo.
Năm 1716, tu sĩ dòng Tên Petrus Jartoux truyền đạo ở miền Bắc Trung Hoa, viết một tài liệu cho hay sâm có thể mọc ở miệt rừng núi Gia Nã Đại vì môi trường giống nhau. Tu sĩ Lafitau ở Gia Nã Đại bèn cho người khai thác sâm hoang ở chung quanh vùng Montreal và xuất cảng sang Tầu để gây quỹ cho dòng tu. Cũng vào thế kỷ 18, một số nhà thám hiểm người Pháp thấy thổ dân Bắc Mỹ dùng một loại cây hoang để trị bệnh tiêu hóa, họ mang một ít về Âu châu để thử nghiệm và thấy công hiệu.
CÁC LOẠI SÂM
Theo American Botanical Council thì có ba loại sâm chính: sâm Á châu, sâm Mỹ châu và sâm Siberian.
1- Sâm Á châu:
Thường được gọi là nhân sâm, tên thực vật học là Panax ginseng C.A. Meyer. C.A. Meyer là tên nhà thảo mộc học đã nghiên cứu sâm đầu tiên vào năm 1842. Đây là loại sâm nổi tiếng của Trung Hoa, đã được coi là đứng đầu các vị thuốc bổ (sâm, nhung, quế, phụ), để tu bổ ngũ tạng, làm dịu cảm xúc, bớt náo động, loại trừ chất độc trong cơ thể, làm thị giác tinh tường, làm tăng trí nhớ và tinh thần minh mẫn và nếu dùng liên tục thì sẽ sống lâu. Panax do gốc Hy Lạp pan có nghĩa là tất cả, và alkos là chữa lành, tức là trị bá bệnh; còn ginseng theo nghĩa tượng hình Trung Hoa là “tinh túy của đất trong hình dạng người”.
Y học Á châu đã dùng nhân sâm từ nhiều ngàn năm. Tây phương biết đến nhân sâm là qua sự nhận xét và giới thiệu của một tu sĩ dòng tên Petre Jartoux vào khoảng năm 1714. Trong khi truyền giáo ở miền Bắc Trung Hoa, vị tu sĩ này thấy dân chúng dùng một loại rễ cây hoang để trị nhiều bệnh rất công hiệu, ông ta bèn viết một bài để giới thiệu với các thầy thuốc ở Âu châu. Từ đó, các nhà nghiên cứu ở Âu châu, Nhật Bản, Liên Xô, Hoa Kỳ đã để tâm nghiên cứu về loại dược thảo có hình người này.
Nhân sâm có thành phần hóa học như sau: hỗn hợp saponins, tinh dầu panaxen, phytosterol, tinh bột, đường, amino acid, acid phosphoric, vài sinh tố B1, B2 và vài khoáng chất. Hiện nay có khoảng 22 chất saponin được phân loại, gọi là ginsenosides hay panaxosides, là những dược liệu chính của sâm. Hóa chất này có công thức hóa học tương tự như loại kích thích tố mà cơ thể con người dùng để đối phó với căng thẳng của đời sống.
W.H Lewis cho hay chất triết của nhân sâm có tác dụng làm chậm sự phát triển của một vài tế bào u bướu, có vài tác dụng làm giảm đường trong máu. Nghiên cứu của V.W. Petkov và D. Staneva- Stoicheva ở Bulgarie cho hay nhân sâm có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, giảm huyết áp, giảm đường trong máu, kích thích hô hấp, hỗ trợ tế bào thần kinh đáp ứng với stress, tăng hồng huyết cầu và huyết tố, giảm cholesterol. Ng và H.W. Yeung cho hay nhân sâm có công dụng làm giảm thời gian phản ứng với các kích thích thính, thị giác; tăng sự lanh lợi, tập trung trí thuệ; tăng phối hợp giữa thị giác và cử động. Họ cũng cho hay nhân sâm có công dụng như chất antioxidant chống lại một vài bệnh về gan, mắt, vữa xơ động mạch. S. Shibata, O. Tanaka và H. Saito cũng cho rằng sâm làm tăng sự bền bỉ, chịu dựng của cơ thể với căng thẳng các loại, có tác dụng chống kinh phong hạ nhiệt, tăng chức năng bao tử, chống viêm tế bào.
Bên Đức, chính quyền cho phép nhân sâm được mang nhãn hiệu bán như một thuốc bổ, tăng cường sinh lực khi bị suy nhược, mệt mỏi, khi kém tập trung, và trong thời kỳ phục sức sau bệnh hoạn. Dược thư Liên Xô xuất bản năm 1961 công nhận nhân sâm là vị thuốc chính thức trong y học của Liên bang này.
Cho tới nay, đã có cả trăm nghiên cứu khoa học về công dụng của nhân sâm. Sự nghiên cứu này cần được tiến hành lâu dài và có hệ thống hơn nữa để có thể xác định giá trị chữa bệnh của loại dược thảo này.
2- Sâm Mỹ châu:
Sâm Mỹ châu được tu sĩ Joseph Francois Lafitau khám phá ra cách dây gần ba trăm năm, ở vùng Montreal, Gia Nã Đại, có tên khoa học là Panax quinquefolius. Vị tu sĩ này đã khai thác, xuất cảng rất nhiều sang Trung Hoa từ thế kỷ thứ 18.
Sâm Mỹ châu mọc hoang ở miền Đông Bắc Mỹ châu, từ Quebec, Ontario xuống Wisconsin, Minnesota, Florida, Alabama, Oklahoma. Không như sâm Á châu bị khai thác triệt để nên còn rất ít, sâm Mỹ châu hiện vẫn còn nhiều và được các quốc gia Hoa Kỳ, Gia Nã Đại coi là cây hiếm quý cần được bảo vệ.
Sâm Mỹ châu đã được Abraham Whisman ở Virginia bắt đầu trồng từ năm 1870. Hiện nay Gia Nã Đại đứng hàng đầu trong việc trồng và xuất cảng sâm này. Nước Mỹ cũng xuất cảng tới 30% tổng số sâm Mỹ châu trên thế giới. Năm 1995, có tới hơn 700,000 kí sâm trồng và 150,000 kí sâm mọc hoang được xuất cảng từ Hoa Kỳ. Trung Hoa và Đại Hàn dẫn đầu trong việc xuất cảng sâm các loại trên thế giới.
Sâm Mỹ châu rất được dân chúng Trung Hoa ưa thích vì tính chất bổ âm (âm/dương) của nó, và ngọt dịu hơn sâm Á châu. Theo quan niệm Á châu, sự hài hòa giữa âm và dương trong vũ trụ và trong con người đưa tới sự ổn định môi trường và sự khỏe mạnh của con người. Sâm Á châu có nhiều dương tính, nóng, làm hưng phấn cơ thể, làm tăng cường sức lực. Ngược lại, sâm Mỹ châu có nhiều âm tính, lạnh, làm giảm căng thẳng, làm mạnh nội tạng.
Sâm Mỹ được thổ dân ở đây dùng để chữa chẩy máu cam, khó thở, tăng cường sự mầu mỡ sinh sản nữ giới, làm tăng trí tuệ, sức khỏe thể xác, chống mỏi mệt. Vợ một tù trưởng có thai kể cho chồng hay là trong giấc mơ ban đêm, thần nhân nói nếu muốn sanh không đau thì cứ ngậm một miếng củ sâm hoặc uống một chút nước lá sâm.
Sâm Mỹ châu đã được ghi vào sách the United States Pharmacopeia từ năm 1842 tới 1882. Sâm này cũng có hóa chất như nhân sâm đặc biệt là hỗn hợp gisenosides. Sâm, nói chung, vẫn chưa được hội nhập vào kỹ thuật trị liệu ở Hoa Kỳ, mặc dù rất nhiều người đang dùng dược thảo này. Lý do là chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về sâm Mỹ như nhân sâm, và có nhiều ý kiến khác nhau về sâm. Thực ra, công dụng của sâm thay đổi đôi chút với loại sâm, thời gian hái sâm, bộ phận cây sâm, cách pha chế, cách dùng và phân lượng dùng.
E.J Staba và S.E. Chen, trong “An Overview of Ginseng Chemistry, Pharmacology and Anti-tumor Effects” đã ghi nhận là với phân lượng nhỏ, sâm làm kích thích hệ thần kinh, nhưng phân lượng cao lại làm dịu; chống mệt mỏi, thích nghi được với các căng thẳng, chống nhăn da và làm tế bào da mau sinh sản; chống lại độc tính của chloroform, amphetamines; làm tăng trọng lượng của túi tinh dịch và nhiếp hộ tuyến, tăng tinh trùng; làm tăng kí với lượng nhỏ nhưng giảm kí với lượng lớn. Việc nghiên cứu công dụng của sâm ở Hoa kỳ còn mới mẻ và chưa hội nhập vào với phương pháp trị bệnh thực nghiệm. Theo một vài tác giả, cần có những quan tâm mạnh hơn nữa nhất là kết quả việc dùng sâm ở con người với lợi điểm cũng như tác dụng không tốt của sâm.
3- Sâm Siberian:
Tên thực vật học là Eletherococcus senticosus, sâm này có nhiều ở Đông Bắc Trung Hoa, kế cận với Nhật và Đại Hàn và miền Đông Nam nước Nga.
Tiến sĩ Stephen Fulder cho rằng đây không phải thuộc họ sâm nhưng được gọi như sâm vì nó tác dụng tương tự, đã được người Nga dùng thay thế cho nhân sâm quá đắt và khó kiếm. Hoạt chất của sâm là chất eleutherosides, có công dụng giống như ginsenosides của sâm Á châu hoặc sâm Mỹ châu.
I.Brekham, một chuyên gia người Nga về sâm, cho binh sĩ uống sâm chạy thi với nhóm khác uống thuốc lừa (placebo), thì nhóm dùng sâm chạy mau hơn và lâu hơn. Các nhà khoa học Nga xếp sâm vào nhóm thực vật làm tăng sức đề kháng không đặc biệt, giúp cơ thể có thể chịu đựng mệt mỏi, bệnh tật, tuổi già, làm việc cực nhọc, vượt qua được các bệnh thông thường như cảm lạnh.
Năm 1961, một hội nghị về sâm đã diễn ra ở Lenigrad, Liên Sô. Năm sau, sâm Siberian được chính quyền Sô Viết chấp thuận cho dân chúng dùng như loại thuốc bồi bổ sức khỏe, thích nghi với căng thẳng của đời sống và chữa các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, viêm phế quản kinh niên, bệnh thần kinh tâm lý, vữa xơ động mạch máu.
Theo J. A. Duke và E.S. Ayensu trong Medicinal Plant of China, thì loại sâm này được dân chúng ở vùng Đông Bắc Hoa Lục dùng để chữa các bệnh phong khớp xương, viêm cuống phổi, bệnh tim, đồng thời nếu dùng liên tục, để tăng cường sức khỏe, làm ăn ngon miệng, giúp trí nhớ tốt, kéo dài tuổi thọ.
Chính quyền y tế Đức quốc cũng coi sâm Siberian có công dụng như nhân sâm để giúp cơ thể khỏe mạnh, giúp mau hồi phục sau bệnh hoạn cũng như gia tăng sự bền bỉ trong lao động trí óc, chân tay.
Theo nhiều nhà chuyên môn, sự khác biệt của ba loại sâm chính này như sau:
- Sâm Á châu có tính cách kích thích, làm nóng cơ thể, tăng cường sức khỏe, được dùng ở người lớn tuổi, người suy yếu tổng quát, người cần dùng sức lao động và sự bền bỉ.
- Sâm Mỹ có hàn tính, thoa dịu, thích hợp cho người hay năng động, nhưng cũng giúp cơ thể tăng cường dẻo dai, sức chịu đựng.
- Còn sâm Siberian thì dung hòa giữa hai loại trên, không ôn quá mà cũng không hàn quá, và có cùng đặc tính.
Ngoài ra còn các loại sâm khác như sâm Brazilian, sâm Angelica sinensis, sâm Acanthopanax sessiliflorus. Giáo sư Đỗ Tất Lợi, trong tác phẩm Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam còn kể thêm nhân sâm Việt Nam, Đảng sâm có ở quận Thượng Đảng, Trung Quốc, ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Việt Nam; sâm Bố Chính ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình Việt Nam; Thổ Cao Ly sâm, Sa sâm.
Trồng sâm
Sâm được trồng từ hạt giống của cây sâm khỏe, tốt đã mọc từ 6, 7 năm trở lên. Sâm không thể trồng như trồng lúa. Trồng sâm cần thời gian lâu để sâm mọc. Hạt giống sâm được chôn sâu dưới đất mầu mỡ, không có nước ứ đọng, dưới bóng mát. Bên Trung Hoa người ta dùng phân xanh và khô dầu để bón, tránh dùng phân bắc và nước tiểu. Âu Mỹ dùng phân hóa học và thuốc sát trùng để diệt nấm độc ăn hại sâm.
Cứ đến mùa Đông thân lá sâm héo tàn, nhưng khi Xuân đến, cây nẩy chồi từ củ sâm nằm sâu dưới đất. Khoảng 6, 7 năm sau đào sâm lấy củ. Củ sâm được chế biến, sấy khô rồi đóng hộp. Riêng những củ to thường được hấp trước khi sấy khô để giữ tinh túy của sâm. Sâm mọc hoang có khi lâu đời cả mấy chục năm trong rừng gỗ lớn nên rất đắt và quý. Nhưng số sâm mọc hoang mỗi ngày một khan hiếm vì nhiều người đi tìm lấy. Đa số sâm bán trên thị trường bây giờ là sâm trồng. Việc trồng sâm đã được nhiều quốc gia thực hiện, nên hiện nay trên thị trường có đủ loại sâm.
Phần chính làm thuốc của cây sâm là khúc củ sâm, mầu vàng sậm, có nhiều rễ nhánh nhỏ, nằm sâu dưới đất. Lá sâm có năm cánh, với một bông hoa nhỏ mầu xám lạt nằm ở cuống lá; thân cây gắn trên củ sâm nằm sâu dưới đất. Thân cây sâm thường héo chết vào mùa Đông, để rồi mọc trở lại từ củ sâm vào đầu mùa Xuân. Toàn cây cao độ 60 phân.
Lựa sâm
Trên thị trường có rất nhiều loại sâm, nhưng thường thấy nhất và nhiều người mua là hồng sâm và bạch sâm. Hồng sâm là những củ to, mập, dáng đẹp, giống hình người còn bạch sâm nhỏ hơn, trắng và khô. Sau khi đào, sâm được rửa sạch, phơi sấy, và đóng hộp: hồng sâm trong hộp gỗ, bạch sâm trong hộp giấy. Ngoài ra còn sâm bách chi (rễ phụ), nhân sâm tu với rễ nhỏ như râu tóc, sâm nhị hồng với rễ nhỏ hơn nữa mọc ngang từ rễ chính ra.
Sâm Mỹ thường được xuất cảng qua Á châu và rất được ưa chuộng. Còn ở Mỹ thì lại có nhiều sâm nhập cảng từ Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản. Nổi tiếng trên thế giới vẫn là sâm Đại Hàn và sâm Trung Hoa.
Sân càng to càng tốt vì sống lâu năm dưới đất, hút nhiều chất dinh dưỡng nên khỏe hơn.•
Hồng sâm tốt hơn bạch sâm.•
Sâm từ Đại Hàn là tốt nhất rồi dến sâm từ Trung Hoa rồi Nhật Bản.•
Khi nếm, sâm tốt có vị hơi đắng nhưng ngọt dịu. Sâm mà không có vị gì là sâm không tốt.•
Củ sâm tốt hơn râu và lá sâm.•
Cách thức dùng sâm
Có nhiều cách dùng sâm:
1. Thái mỏng rồi ngậm sâm trong miệng cho tới khi mềm tan.
2. Nấu sâm trong ấm sành, ấm thủy tinh độ một giờ rồi uống nước sâm. Sâm nấu như vậy có thể giữ trong tủ lạnh rồi uống dần mỗi ngày. Vì sâm khá đắt, nên có thể nấu nước thứ hai mà sâm vẫn còn hương vị. Tránh dùng ấm kim loại sợ kim khí vô hiệu hóa hoạt chất của sâm.
3. Ngâm sâm trong rượu, nhấm nháp dần dần. Ngâm càng lâu, rượu càng ngon.
4. Sâm chế biến thành bột hòa tan trong nước sôi, uống như cà phê hay trà.
5. Sâm viên uống như các thuốc viên khác. Kỹ nghệ chế sâm viên hiện nay khá phổ biến và chính xác, vì phân lượng hoạt chất chính trong mỗi viên thuốc sâm đều như nhau.
6. Sâm bốc chung với các vị thuốc, sắc lên rồi uống nước thuốc.
7. Sâm miếng thái mỏng nấu thành súp với thịt hoặc gạo.
An toàn của sâm
Một câu hỏi thường được nhiều người nêu ra là sâm có an toàn không?
Giáo sư Brekhman thuộc Institute of Biologically Active Sciences bên Nga cho hay, để có ảnh hưởng không tốt, con người phải dùng cả mấy kí lô sâm một lúc.
Tính cách an toàn của sâm chưa bao giờ bị cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nghi ngờ và cơ quan này đã cho sâm được bán tự do vì các nghiên cứu cho hay sâm không có tác dụng nguy hại cho người dùng.
Sâm đã được ghi vào danh bạ y dược tại các nước ở Âu châu và được công nhận như một thực phẩm dùng thêm rất an toàn.
Tuy nhiên, cũng như dược phẩm khác, khi dùng sâm nên theo chỉ dẫn của lương y hay nhà bào chế.
Áp dụng thực tế
Sâm đã được dùng ở các nước Á châu từ nhiều ngàn năm và đang được y học hiện đại nghiên cứu, sử dụng. Cũng như các dược thảo khác, tác dụng của sâm nhẹ nhàng, thấm từ từ nhưng kéo dài chứ không mau, mạnh như Âu dược.
Theo Đông y, sâm không phải là thứ để chữa lành một bệnh riêng biệt nào mà được coi như chất bồi bổ sức khỏe, duy trì sinh lực và kéo dài tuổi thọ. Sâm rất công hiệu khi cơ thể suy nhược, dưới nhiều căng thẳng thể xác và tâm thần, phục hồi sinh lực sau khi bị trọng bệnh.
Sự dùng sâm thay đổi tùy theo điều kiện cấu tạo cơ thể và sức khỏe của mỗi cá nhân. Theo kinh nghiệm, nếu muốn tăng cường sinh lực chung thì loại sâm nào cũng như nhau. Người trên 45 tuổi nên dùng sâm Á châu vì sâm này kích thích mạnh; dưới tuổi 45 còn trai tráng có thể dùng hai loại sâm ôn hòa kia. Người cần sức lao động cao thì sâm Á châu giúp bền bỉ, sung sức hơn; nữ giới thích hợp với sâm Mỹ châu còn nam giới thì sâm Á châu lại tốt.
Đấy chỉ là gợi ý. Trước khi dùng, nên tham khảo ý kiến người có hiểu biết về món dược thảo này. Cũng như với các dược thảo khác, ta nên bắt đầu dùng với phân lượng nhỏ rồi tăng dần để dò sức chịu đựng của mình đồng thời lượng định công hiệu và tác dụng không muốn của thuốc.
(Chứng tiểu tiện không tự chủ ở phái nữ)
(Incontinence urinaire de la femme)
Són đái, hoặc không nín tiểu được là một vấn đề rất tế nhị ít khi được đề cập tới, kín đáo hơn nữa khi bàn đến đối diện với một phái nữ. Thật vậy, ngay cả trong cùng giới, cũng chẳng mấy ai thổ lộ chuyện riêng tư của mình vì coi như tối kị (tabou). Không nói ra được thì bận tâm, mà nói ra chỉ sợ mang lấy hổ thẹn, nên tự gây ra mối mặc cảm, do dự, giằng co mãi cho tới khi bệnh đã nặng mới đi khám bác sĩ, thì mọi chuyện đã phần nào trễ muộn. Theo sự ước lượng mới đây tại nước pháp, thì có tới 25% trong giới nữ mắc phải. Cho ta thấy con số đáng quan tâm không ít.
Chứng són đái và chứng không nín tiểu được do rất nhiều nguyên nhân. Nhưng đây chúng ta chỉ giới hạn bàn đến trong vấn đề “Chứng tiểu tiện không tự chủ ở phái nữ” mà thôi.
Chứng đái dầm ban đêm trong giấc ngủ, tiểu tiện luôn trong ngày, và vẫn cứ vãi són, mà tình huống vẫn tỉnh táo, không tự chủ, hai chứng này không được thảo luận và bàn đến ở đây.
Theo cuộc thăm dò dư luận quần chúng thực hiện được, cho hay có tới 49% lớp tuổi từ 31 đến 50 bị mắc phải, và 51% ở lớp tuổi trên 50.
Nguyên nhân này được chia làm ba lứa tuổi khác nhau.
a) Thường là vào lớp tuổi trẻ với sự luyện tập thể dục cao cấp, gắng sức quá mức hoặc với những trận cười ngặt nghẽo (fou rire).
b) Kế đến, tuổi trung bình sau khi sanh đẻ. Trường hợp sanh đẻ khó, cần đến sự vận dụng kềm kéo kẹp v.v. khó tránh khỏi những chấn thương ở cửa mình, hay vùng lân cận chạm đến bàng quang, niệu đạo, hay cơ thắt (sphincter) v.v.
c) Và sau cùng, lớp tuổi sau khi mãn kinh nguyệt rất thường thấy. Tuổi càng cao bệnh tình lại phát lộ nhiều hơn (các y gia thời xưa gọi là tiểu tiện thất cấm).
COU NHỮNG TRIỆU CHƯUNG GI:
Són đái, và không nín được là lý do chính mà người bệnh đến thăm bác sĩ. Theo lời khai, đái són thường xẩy ra sau khi làm việc về mệt nhọc, chạy ngược, chạy xuôi trong ngày, đi đứng nhiều, lắm khi không kịp tới phòng vệ sinh thì đã văng tung tóe trong quần lót (miction impérieuse), tiểu vội vàng, tiểu vặt, vì theo họ, không thể nhịn hay nín được thêm giây phút nào vì là việc cấp thiết hơn cả. Công việc xốc vác hằng ngày, nếu không chăm chú dè dặt cũng bi són, đại tiện khó khăn sẽ làm gia tăng són đái, thậm chí khi cười, hoặc la hét con cái cũng bị vãi ra không hay. Xúc động bất thần, sợ hãi quá mức, khủng hoảng tinh thần cũng làm cho són. Vấn đề chăn gối, vợ chồng đi lại, nhiều lúc cũng làm cho són. Trước tình cảnh bực bội khó chịu nan giải đó họ không biết gì hơn là phải mang lót (couche, garniture) thường xuyên cho qua ngày.
NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY NÊN:
1) Chứng tiểu tiện không tự chủ, một trong những nguyên nhân do cơ lực thường xuyên cố gắng quá sức (incontinence d'effort), khiến cho hệ thống co giãn nâng đỡ niệu đạo (urètre) và cổ bàng quang (col vésical) suy kém dần và phối hợp với khả năng cơ thắt kém yếu (insuffisance sphinctérienne). Chứng này được thấy ở các trường hợp sanh đẻ khó, cơ lực quá sức căng giản thường xuyên, thời kỳ ho hen kéo dài, táo bón kinh niên, vận lực thể thao cao cấp.
2) Chứng tiểu tiện không tự chủ còn thấy qua trường hợp như mỗi lần cảm thấy buồn tiểu, thì không thể chần chờ được, không thể nín được một giây phút nào, mà phải đi tiểu ngay vì xem đó như một nhu cầu cấp bách (miction impérieuse). Lý do là vì sự hoạt động căng thẳng quá mạnh của bàng quang (hyperactivité de vessie).
3) Chứng tiểu tiện không tự chủ, cũng được thấy những lúc khí trời lạnh giá, ta gọi là bị “giác quan thất thường” (instabilité sensorielle)
4) Sợ hãi mà vãi đái, cũng được gọi là “xúc cảm thất thường” (instabilité émotionnelle), do Tâm khí bất túc không tác động đến Can Thận
5) Tiểu tiện phụ thuộc (miction conditionnée): nhìn thấy, hoặc nghĩ đến đã về đến trước cửa nhà, chưa kịp mở khóa là muốn tiểu tiện liền tức khắc, không thể nín giữ lại được.
Theo lý luận phương đông:
Tiểu tiện không tự chủ được là do mất sự khống chế (contrôle) trong tình huống ý thức tỉnh táo. Danh từ chuyên khoa gọi là “dị niệu” bao gồm hai chứng tiểu tiện không nín được và són đái. Dị niệu còn được gọi là “niệu sàng” thường gặp ở lớp tuổi người cao niên hoặc “tiểu tiện thất cấm”
Ta nên phân tích từng trường hợp vì có nhiều chứng hậu khác nhau:
- Do Thận khí hư hàn, do thận âm hư, thì không chế ước được thủy dịch, nên tiểu tiện không nín được
- Do Tỳ Phế khí hư,
- Do uất nhiệt ở Bàng quang, không co lại được là vì công năng của phế tỳ thận bị sút kém v.v...
Nhưng ở đây, là do thận khí hư hàn, mệnh môn hỏa suy, mất chức năng khí hóa, mất khả năng co thắt gây nên. Bàng quang khí hóa thất thường mà thành bệnh.
ĐIỀU TRỊ
A) Tây phương:
Tùy từng trường hợp mà áp dụng liệu pháp
* Tập luyện động ứng (techniques comportementales) rất cần thiết. Kết quả được lâu bền
* Liệu pháp vận động, tập luyện hội âm (kinésithérapie, rééducation périnéale) thường được áp dụng ngay từ sơ khởi điều trị.
* Anticholinergiques, theo các vị chuyên gia, dùng trong trường hợp do sự hoạt động quá mạnh của bàng quang
* Electrothérapie, cùng kế phải giải phẫu và chạy điện, khá phức tạp, đang trong thời kỳ thử nghiệm. v.v...
B) Đông phương
Châm cứu:
Âm lăng tuyền, Dương lăng tuyền, chủ về són đái, đái dầm
Khúc tuyền, Âm cốc, Phục lưu, làm ngưng năng tiểu tiện, và đái dầm.
Thận du, Bàng quang du, Khí hải, Trung cực, Tam tiêu du, được dùng ở đây, vì là thận khí bất túc, công năng khí hóa bị giảm yếu.
Quan nguyên, chủ về đàn bà tiểu tiện dắt, đi luôn không cầm.
Tam âm giao, để điều lý kinh khí tam âm
Và dùng vài ba huyệt an thần giúp cho người bệnh tìm được thoải mái và sự thanh tịnh thần trí. v.v...
Thuốc nam:
được trích từ các sách cổ như:
- “Bổ trung ích khí thang”: Hoàng kỳ (Radix Astragali), Bạch truật (Radix Atractylodis alba), Trần bì (Citrus deliciosa), Thăng ma (Rhizoma Cimicifugae), Sài hồ (Radix Bupleuri), Đảng sâm (Radix Codonopsis), Quy thân (Radix Angelica sinensis).
- “Quế chi gia long cốt mẫu lệ thang”: Quế chi (Ramulus Cinnamomi), Thược dược (Radix Paconiae albae), Cam thảo (Radix Glycyrrhizae),Sinh khương (Rhizoma Zingiberis recens), Đài táo (Fructus Zinziphi Sativae), long cốt (Fossilia ossis Mastodi), mẫu lệ (Concha ostreae). v.v...
KẾT LUẬN
Són đái và không nín tiểu tiện được, là hai chứng rất thường thấy ở phái nữ vào lớp tuổi tứ tuần trở lên, tuổi mà đường kinh nguyệt trong thời kỳ đang mãn dần. Tuổi càng đậm, chứng bệnh lại năng thấy, gia tăng theo niên lão.
Chứng bệnh khó nói ra, tế nhị, ngần ngại khi đề cập tới với một ai, hơn nữa, vốn là người nữ với một đức tính kín đáo, dè dặt, ngại ngùng, bên này phương đông cũng như bên kia phương tây, chẳng mấy ai muốn bộc lộ, ngay cả với trước bác sĩ. Nếu không muốn nói đó là tự cho một điều hổ thẹn và tối kị (tabou) mà ta muốn giấu kín mãi trong lòng. Thế rồi thời gian cứ trôi qua, bệnh dai dẳng theo tháng ngày, chỉ thêm tự chuốc lấy mặc cảm với chính mình, bịn rịn, khó chịu cả với những người chung quanh ta. Phải chi nếu ta can đảm, mạnh dạn thêm chút nữa để khai bệnh, trình bày với bác sĩ, hầu tránh được bao nhiêu bệnh chứng phức tạp khó chữa trị sau này, đó là điều đáng khuyến khích vậy. Càng sớm càng hay, chữa trị không gì gọi là khó khăn lắm. Ngày nay ta có đủ phương tiện và chọn lựa phương cách điều trị thích hợp cho mỗi cá nhân, không cứ hoàn toàn thuốc tây, cũng chẳng bó buộc thuốc ta, vì cả hai giải pháp đều mang lại không nhiều thì ít với kết quả phần nào mong đợi.
Đối với những cha mẹ có con nhỏ, những tháng lạnh đem đến những nỗi phiền toái cũng như lắm nỗi lo. Những bậc cha mẹ phải đem con đi gởi baby-sitter lúc sáng sớm trời còn rét căm căm rồi rước con về lúc trời đã tối; các cháu lại hay bệnh, cháu này lây qua cháu khác tạo nên một vòng lẩn quẩn tưởng không bao giờ dứt. Có những điểm mà chúng ta có thể để ý để bảo vệ sức khỏe các cháu trong những tháng mùa đông, cũng như có những điều chúng ta nên biết để săn sóc các cháu đúng mức lúc cháu bệnh.
Có những yếu tố làm cho các cháu hay bị nhiễm trùng trong những tháng mùa đông; ai cũng biết đây là những tháng của bệnh cúm, bệnh sưng họng, bệnh tiêu chảy, v...v... Mùa đông, chúng ta thường quanh quẩn trong nhà nên nói chung điều kiện ăn ở chật chội hơn những tháng khác, siêu vi trùng lây từ người này sang người khác chủ yếu là do sự đụng chạm (contact) trực tiếp hoặc gián tiếp chứ không phải do chuyền trong không khí như trước đây người ta vẫn tưởng. Cho nên nói chung nếu bạn đụng chạm trực tiếp như bắt tay, ôm hôn một người mang vi trùng cảm (cold virus) bạn dễ bị lây hơn nếu bạn chỉ ngồi nói chuyện đối diện với người đó. Trẻ em thường truyền bệnh cho nhau lúc chơi đùa với nhau, và lúc người lớn săn sóc cho đứa này đến đứa kia (như thay tã, rửa ráy sau khi đi cầu) mà không rửa tay cẩn thận. Cho nên về mùa đông nên để ý nhiều hơn đến những biện pháp vệ sinh như rửa tay, bỏ tã, khăn dơ vào những nơi thích hợp, chùi rửa phòng tắm cẩn thận.
CHỦNG NGỪA SƯNG MÀNG ÓC VÀ SƯNG PHỔI
Một số bệnh ở trẻ em như sưng màng óc (meningitis) hoặc sưng phổi do một vi trùng tên Hemophilus influenza gây nên. Vi trùng này tuy tên hơi giống virus bệnh cúm (influenza) là một loại vi trùng hoàn toàn khác biệt; khác với virus cúm, vi trùng Hemophilus Influenza (hay được bác sĩ gọi tắt là H. flu) có thể chữa được bằng thuốc trụ sinh một cách dễ dàng. Thường các cháu từ 6 tháng đến 6 tuổi dễ mắc vi trùng này, nhất là các cháu ở những nơi đông trẻ em như các nhà giữ trẻ. Thuốc chích ngừa bệnh này mới được áp dụng trong vòng mấy năm gần đây và ngừa được các trường hợp bệnh.
CÁC TRẺ BỊ SUYỄN
Trẻ bị suyễn thường dễ lên cơn suyễn (asthma attack) lúc chúng bị nhiễm virus (viral infection), hoặc lúc thay đổi nhiệt độ đột ngột như đi từ một phòng sưởi ấm ra ngoài trời lạnh. Mặt khác, mùa đông người lớn cũng như con nít quây quần nhiều trong nhà, những trẻ bị suyễn dễ bị nhiễm cảm cúm và một khi đã bị lây bệnh dễ bị trở nặng hơn các trẻ khác. Cho nên lúc những trẻ từng bị suyễn trở bệnh, chúng ta cần phải cẩn thận. Nếu cháu càng lúc càng ho nhiều, hoặc cháu bắt đầu “wheezing” (tiếng thở nghe “vi vút” như tiếng gió rít, thường cha mẹ bệnh nhân nói cháu “khò khè”), hoặc nếu cháu thở nhanh dồn dập, nhanh hơn bình thường, bạn nên liên lạc với bác sĩ của cháu để xem có cần cho cháu uống thuốc hoặc hít (inhale) thuốc suyễn hay không. Nếu cháu đang sống hay đang cần hít thuốc suyễn thường xuyên (những thuốc có chất theophylline như “Slo-bid”, hoặc Ventolin, hoặc các thuốc hít trị suyễn như Ventolin hoặc thuốc có chất corticoid như Vanceryl, Azmacort) bạn nên kiểm soát với bác sĩ có cần tăng liều lượng lên không, có cần xài thuốc hít (inhaler) dồn dập nhiều hơn không. Những thuốc này nếu dùng đúng cách, đúng liều lượng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ có thể làm giảm thiểu rất nhiều những cơn suyễn cấp tính (asthma attack) làm cha mẹ phải chầu chực thâu đêm suốt sáng ở phòng cấp cứu hoặc đôi khi phải nằm lại bệnh viện. Ngoài ra, trẻ con bị suyễn cần được chích ngừa cúm như sẽ bàn ở đoạn sau.
CÁC BỆNH CẢM THÔNG THƯỜNG
Bệnh cúm là một đe dọa khác trong những tháng lạnh, thường bắt đầu từ tháng 12. Tưởng nên nhắc lại ở đây là chúng ta cần phân biệt các chứng cảm cúm thông thường (common cold) và bệnh cúm (influenza). Bệnh cảm thông thường do một số siêu vi trùng ở mũi và họng gây ra và thường chỉ làm nóng, sổ mũi, ho sơ sơ vài hôm rồi khỏi không cần thuốc men gì đặc biệt.
Một điều phụ huynh nên nhớ là những “thuốc ho”, thuốc nóng thông thường như Pediacare, Tylenol, Triaminic, v...v... chỉ làm cho cháu bớt nóng, ngăn cản đừng cho chúng ho nhưng không làm thay đổi căn bệnh của chúng, nghĩa là con siêu vi trùng vẫn còn đó và phải đợi một thời gian nào đó thường là 5-7 ngày cơ thể của cháu bé mới đủ sức “thanh toán” nổi con siêu vi trùng. Nói như vậy có nghĩa bạn đừng sốt ruột quá, nếu bác sĩ khám thấy cháu không có triệu chứng gì nguy hiểm bạn nên chờ đợi kiên nhẫn và đừng vì quá sốt ruột cho cháu uống thuốc quá liều hoặc nghe những lời chỉ bảo của những người không chuyên môn sẽ có thể có hại. Tốt hơn hết là bạn trình bày cho bác sĩ biết những triệu chứng của em bé làm cho bạn lo lắng, và bác sĩ của bạn sẽ cùng theo dõi bệnh tình của em bé với bạn để đối phó nếu có điều gì bất trắc. Nên để ý cho cháu uống đủ nước, nếu cháu không ăn được những món ăn thông thường hàng ngày như cơm cháo, bánh trái cũng không nên quá sốt ruột vì có thể bộ tiêu hóa cháu còn mệt không tiêu hóa được như thường ngày. Nên để ý nhiệt độ trong nhà vào mùa đông, tránh đừng để quá nóng làm các cháu bé oi bức và làm nhiệt độ cơ thể tăng lên giả tạo làm cho bác sĩ tưởng lầm cháu sốt. Cũng nên tránh không nên để không khí quá khô làm cho cháu bé khó chịu, đường hô hấp (mũi họng) dễ khô, dễ chảy máu cam hoặc dễ ho. Người lớn nên tự giác đừng hút thuốc lá trong nhà làm cho bệnh các cháu nặng thêm, tránh đừng nấu nướng quá nhiều trong nhà.
BỆNH CÚM (FLU)
Bệnh cúm (influenza) do virus cúm gây ra, gây những triệu chứng nặng hơn nhất là ở trẻ em mang bệnh kinh niên như bệnh tim, bệnh suyễn, bệnh đái đường, trẻ thiếu tháng, v...v... Những trẻ này kháng cự yếu kém trước sự tấn công của siêu vi trùng cúm và được bác sĩ cho chích ngừa trước mùa đông. Cũng nên nhớ, chủng ngừa cúm chỉ ngừa được bệnh cúm “chính hiệu” chứ không ngừa được những bệnh cảm (cold) thông thường.
Bệnh cúm chỉ nguy hiểm đối với người già và một số người kém sức đề kháng như đã nói ở trên; tuy nhiên trong một số trường hợp cúm vì bệnh nhân được cho uống aspirin hoặc thuốc có chứa chất aspirin (một số thuốc nóng nhét đít của Pháp chứa aspirin và thuốc ngủ Phenobarbital) có thể một hai tuần sau trở nặng gây ói mửa, mê man do tổn thương nặng ở não và ở gan. Bệnh này gọi là Hội chứng Reye (Reye’s syndrome) là một nhóm triệu chứng được mô tả lần đầu năm 1963 và sau đó rất thường gặp ở Mỹ và nhiều nơi khác. Hầu hết các nghiên cứu đều chứng minh rằng bệnh này liên quan đến việc bệnh nhân dùng thuốc aspirin trong lúc bị cúm hoặc trái rạ (chicken-pox) và ở Mỹ các cơ quan y tế công cộng đã cố gắng phổ biến rộng rãi trong quần chúng mối hại của việc dùng aspirin cho bệnh cảm thông thường của trẻ em. Mặt khác, các nhà sản xuất aspirin cũng đang làm áp lực để chính phủ không được buộc họ ghi rõ lời cảnh cáo tác dụng độc ngay trên hộp thuốc aspirin (package labeling). Tuy nhiên phần lớn quần chúng Mỹ đã ý thức nguy cơ của hội chứng Reye; trong một cuộc thăm dò dư luận mới đây trên 50% phụ huynh biết không nên dùng aspirin lúc cháu bị cảm, và đáng ngạc nhiên hơn nữa hết 40% phụ huynh đã từng nghe nói đến hội chứng Reye. Nếu sau khi đọc bài này, bạn nhớ đến hội chứng Reye và aspirin thì cũng tạm đủ rồi. Thật vậy, không những người Việt chúng ta mà cả người châu Âu cũng không ý thức lắm về vấn đề này, và chỉ gần đây thôi chính phủ Anh quốc mới ra khuyến cáo: Cha mẹ không dùng aspirin cho những bệnh cảm cúm ở trẻ em.
NGỪA BỆNH CÚM
Có hai biện pháp ngăn ngừa bệnh cúm: Chủng ngừa và uống thuốc ngừa. Chủng ngừa là biện pháp an toàn hữu hiệu và kinh tế hơn cả. Thuốc chủng ngừa gồm những siêu vi (virus) đã được giết đi (inactivated), sau khi chích vào cơ thể do sự tiếp xúc với virus cơ thể sinh ra những chất kháng thể (antibodies) để chống lại bệnh cúm và giúp cho chúng ta tránh được bệnh dù có dịch xảy ra, hoặc nếu bệnh cũng chỉ nhẹ thôi. Nói chung thuốc chủng ngừa cúm hữu hiệu chừng 70% cho tới 80%.
Những trẻ thuộc các nhóm sau đây cần được chủng ngừa cúm:
Những trẻ trên 6 tháng bị bệnh kinh niên về hô hấp (như suyễn), bệnh đường tim mạch (như bệnh tim, bệnh đái đường).
Những trẻ phải uống aspirin lâu dài như những trẻ mắc chứng Kawasaki là một bệnh làm cho trẻ sốt kéo dài, lở miệng, đỏ mắt và có những hậu quả về tim mạch.
Đối với các trẻ em khác, có thể chủng ngừa cúm theo yêu cầu của cha mẹ (như sinh viên hoặc học sinh nội trú, học sinh tại các trường trẻ tàn tật, những nơi đông trẻ con dễ bị lây) cần phải bàn từng trường hợp một với bác sĩ của gia đình...
Nên để ý, những trẻ từng có phản ứng mạnh với trứng nói chung không nên dùng thuốc chủng ngừa bệnh cúm vì trong thuốc chủng có những vết protein của trứng lúc bào chế. Nếu bạn hoặc con bạn bị nổi mề đay, hoặc sưng môi, sưng lưỡi, hoặc khó thở, hoặc ngất xỉu sau khi ăn hột gà, phải tránh chích ngừa cúm và cho bác sĩ biết mình bị những triệu chứng vừa kể.
Nói chung thời gian tốt nhất để chích ngừa là tháng 10 cho năm nay. Mỗi năm phải chích lại một lần vì thuốc phần lớn chỉ hiệu nghiệm cho strain virus cúm năm đó. Lần đầu được chích, trẻ dưới 9 tuổi sẽ phải chích 2 lần trong năm đầu. Những người không chích ngừa kịp hoặc không thể chích ngừa có thể uống thuốc Amantadine để ngừa cúm loại A nếu dịch cúm xảy ra. Thuốc này ít dùng ở trẻ nhỏ.
BỆNH TIÊU CHẢY
Bệnh tiêu chảy cũng là một vấn đề khác làm điên đầu các bậc cha mẹ trong mùa đông. Theo thói quen ở Việt Nam, phản ứng đầu tiên lúc cháu tiêu chảy là yêu cầu bác sĩ cho thuốc để cháu “cầm ỉa”. Thật ra, phần lớn các bệnh tiêu chảy của con nít ở Mỹ đều do siêu vi trùng (virus) gây ra và nếu cha mẹ khéo săn sóc chúng, đừng để chúng bị thiếu nước quá độ, sau vài ngày chúng sẽ khỏi từ từ. Những thuốc làm ngưng đi cầu nếu dùng bừa bãi, dùng quá liều, sẽ có thể gây ngộ độc làm cho việc theo dõi rất khó khăn. Đương nhiên, cháu cần có bác sĩ canh chừng và hướng dẫn theo dõi, nhưng điều đáng nhấn mạnh ở đây là sự hướng dẫn cách săn sóc cách ăn uống của cháu quan trọng hơn rất nhiều lần những thuốc cầm đi cầu. Đừng ép cháu ăn nhiều, cho cháu uống nước đầy đủ, dùng những dung dịch như Pedialyte, Gatorade để giúp cháu bù vào lượng nước mất đi lúc tiêu chảy để cháu khỏi mất sức. Nếu cháu sốt cao, phân có máu, đàm, hoặc đau bụng nhiều cần đi khám bác sĩ gấp.
NGỪA TAI NẠN
Sau hết, mùa lạnh cũng là mùa của những lễ lạc liên miên. Những cháu nhỏ nếu phải thức khuya nhiều và ăn uống không điều độ có thể mệt mỏi cáu kỉnh và dễ bệnh. Những cô cậu mới lớn cần được nhắc nhở về những biện pháp an toàn lúc lái xe cũng như lúc vui chơi, lái xe cẩu thả lúc thời tiết xấu, uống rượu trong lúc lái xe và tình dục bừa bãi có thể đưa đến những tai nạn thê thảm.
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng là yếu tố quan trọng cho một sức khỏe tốt của mọi người, mọi lứa tuổi, nhất là người cao niên.
Suy dinh dưỡng là tình trạng gây ra do sự mất cân bằng giữa thực phẩm tiêu thụ và nhu cầu năng lượng của cơ thể. Sự kiện này có thể là do ăn quá ít hoặc ăn không đồng đều các thực phẩm căn bản như đạm, chất béo và chất bột đường.
Được coi như suy dinh dưỡng khi bị sụt ngoài ý muốn từ 5 đến 10% sức nặng cơ thể trong vòng sáu tháng tới một năm. Theo thống kê, có tới một phần ba (1/3) những người trên 65 tuổi bị suy dinh dưỡng, nhất là về chất đạm.
Suy dinh dưỡng có ảnh hưởng quan trọng tới sức khỏe, bệnh tật và là nguy cơ đưa tới tử vong của nhóm người này.
DIỄN TIẾN BÌNH THƯỜNG Ở TUỔI GIÀ
Khi tới tuổi cao, cơ thịt giảm, da khô, xương xốp nhưng ở bụng, ở mông thì tế bào mỡ phát triển.
Các chức năng sinh học suy yếu: chuyển động co bóp và sự hấp thụ thực phẩm của ruột và bao tử giảm; bớt cảm giác về ăn uống như nếm, ngửi, nhìn thực phẩm; răng lung lay; ít khát nước, ít thấy đói.
Nhiều dược phẩm mà người già dùng cho các bệnh kinh niên cũng ảnh hưởng tới khẩu vị.
NGUY CƠ SUY DINH DƯỠNG
Có nhiều nguy cơ đưa đến suy dinh dưỡng:
a- Sống đơn độc. Ăn ngon cần có người cùng ăn mới thấy có hứng thú. Người sống một mình thường ăn qua loa cho xong bữa, nên ăn ít, nhất là khi không có người bạn đường nấu cho mình cũng như để chia sẻ ngọt bùi.
b- Rối loạn tâm thần như trầm cảm (depression), đặc biệt là với với quý cụ sống trong viện dưỡng lão; tiếc thương vì sự ra đi của người bạn trăm năm.
c- Không ý thức sự quan trọng của dinh dưỡng, ăn gì cũng được, cốt sao cho no bụng thì thôi.
d- Ăn không đủ chất dinh dưỡng hoặc không đúng cách, không biết cất giữ, nấu nướng thức ăn.
e- Thiếu thốn vật chất, không được cung cấp đủ thực phẩm. Nhiều người đau ốm kinh niên để dành tiền mua thuốc hoặc trả tiền nhà, điện nước hơn là mua thực phẩm. Họ có thể ăn thực phẩm rẻ tiền, quá hạn, hết chất dinh dưỡng, chỉ cốt sao cho khỏi đói bụng.
g- Phụ thuộc vào người khác. Người bị đau xương khớp kinh niên, di chuyển khó khăn không đi mua và không nấu nướng được. Các cụ bị suy yếu tâm thần có thể quên không ăn hoặc thấy ăn uống là không cần thiết. Nhiều người cần sự giúp đỡ bón thức ăn.
h- Người già bị gia đình bỏ rơi, lạm dụng, không được nuôi dưỡng đầy đủ.
i- Các bệnh kinh niên như ung thư, bệnh phổi, bệnh tim đều đưa tới suy dinh dưỡng. Giảm dịch vị bao tử khiến sự hấp thụ các chất dinh dưỡng như sắt, đường lactose bị trở ngại. Chức năng của gan giảm, khiến cho sự chuyển hóa thực phẩm chậm. Thất thoát chất dinh dưỡng qua ói mửa, nước tiểu, phân...
k- Biếng ăn vì tác dụng của dược phẩm đang dùng. Một vài dược phẩm có nguy cơ đưa tới ăn mất ngon (Digoxin, Prozac, Quinidine, quá nhiều sinh tố A); gây ói như vài loại thuốc kháng sinh, Aspirin, Theophyl-line; làm kém hấp thụ thức ăn như các loại thuốc trị táo bón, thuốc trị suyễn loại theophylline, thuốc kích thích amphetamines. Dùng nhiều sinh tố D có thể đưa tới tổn thương cho thận; dùng nhiều chất sắt có thể làm chất này tồn trữ và gây hại cho gan.
l- Bệnh răng miệng. Răng cũng lung lay, răng giả không khít hàm đưa tới khó khăn nhai thức ăn; miệng khô nước miếng khiến nhai thực phẩm như nhai bông gòn; nuốt thức ăn xuống thực quản khó khăn.
m- Mất cảm giác nếm, ngửi thực phẩm. Nhiều vị cao niên mất hứng thú trong ẩm thực vì họ không cảm thấy hương vị và nhìn thấy sự hấp dẫn của thực phẩm do giác quan yếu. Thực phẩm trở nên không mùi không vị, đôi khi họ ăn thức ăn thiu hư mà không biết. Nhiều khi, để có khẩu vị, họ tăng gia vị như ăn nhiều muối, nhiều đường, nhiều đồ cay. Mất cảm giác một phần là do các nụ nếm của lưỡi bị cọ sát với răng mà hư hao bớt đi.
n- Uống nhiều rượu. Số người cao tuổi uống rượu lên tới 10%. Các cụ uống ít một nhưng nhiều lần trong ngày, gọi là nhâm nhi cho ấm bụng, tiêu cơm. Rượu không mang chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhiều vị lại dùng rượu thay cơm, ăn ít thực phẩm, nhất là dùng rượu để quên đời, giải sầu.
o- Trường hợp suy dinh dưỡng vì mất khoái cảm ăn (loss of appetite) cần được nói thêm. Nhiều người cứ cho chuyện mất ngon miệng là chuyện đương nhiên ở người già mà thực ra nó có thể gây ra do một số bệnh kinh niên như:
Bệnh phổi: sự mất kí ngoài ý muốn thường thấy ở 75% người có bệnh phổi mặc dù họ ăn uống đầy đủ. Đó là do năng lượng mất đi và tăng chỉ số biến hóa, đưa đến suy yếu hoành cách mô, thở khó khăn.
Bệnh tim: theo nhiều chuyên gia, sau thời gian vài năm mất kí vì bệnh phổi thì bệnh tim sẽ xuất hiện. Bệnh nhân mất thêm kí, ăn mất ngon, mệt mỏi, cơ thịt tiêu hao. Ngoài ra thuốc trị bệnh tim cũng làm giảm sự ăn ngon.
Bệnh ung thư: hầu hết người mắc bệnh ung thư đều mất kí, có thể vì có sự tăng gia biến hóa, thay đổi nội tiết hoặc do tác dụng của thuốc chữa ung thư.
Sa sút trí tuệ: nhóm người này thường mất khả năng tự ăn uống, không còn cảm giác với thực phẩm. Đôi khi họ không chịu mở miệng để hứng thực phẩm, không chịu nhai hoặc nuốt chửng thực phẩm, đánh phá người bón thức ăn cho họ, dấu thực phẩm.
NHỮNG DẤU HIỆU CỦA SUY DINH DƯỠNG
Suy dinh dưỡng đôi khi được phát hiện khi các cụ thấy quần áo tự nhiên rộng, lỏng. Còn khi đi khám bác sĩ thì định bệnh căn cứ vào bệnh sử, khám toàn thân, cân đo sức nặng, thử nghiệm máu (hồng cầu, kích thích tố tuyến giáp, chức năng gan), thử phân kiếm ký sinh trùng, máu; chụp quang tuyến tim phổi, bộ máy tiêu hóa...
Người bị suy dinh dưỡng thường đờ đẫn, lơ là với mọi người, với sự việc xẩy ra chung quanh hoặc đôi khi lại gắt gỏng, khó tính. Da khô, xanh lợt, dễ bầm, vết thương lâu lành. Tóc khô dòn, rụng nhiều; móng tay khô, nứt; ăn không ngon miệng; giảm cảm giác với mùi vị thực phẩm; miệng khô, lưỡi và môi lở; nhai nuốt khó khăn; hay buồn ói, buồn nôn; đại tiện bón, lỏng bất thường; nhịp tim nhanh; hơi thở khó khăn. Cơ thể mỗi ngày một gầy đi, sức khỏe suy giảm, các bệnh đang có trầm trọng thêm lên, di chuyển khó khăn, dễ ngã, dễ bị tai nạn.
HẬU QUẢ CỦA SUY DINH DƯỠNG
- Thương tổn thể xác và tâm thần.
- Dễ dàng mắc các chứng bệnh truyền nhiễm.
- Tăng rối loạn với các bệnh chuyển hóa.
- Giảm khả năng hoạt động.
- Tăng nguy cơ tử vong.
Điều trị và phòng ngừa suy dinh dưỡng
Vấn đề ưu tiên là phát hiện và điều trị các nguyên nhân đưa tới suy sinh dưỡng như đã kể ở trên.
Người bệnh cần được thầy thuốc theo dõi, chuyên viên dinh dưỡng giúp chỉ dẫn món ăn bổ dưỡng, nhân viên xã hội giúp giải quyết các vấn đề về hoàn cảnh, giới thiệu tới các cơ quan tương trợ người già, các hội đoàn dân sự.
Sự biếng ăn là nguy cơ thông thường nhất đưa tới suy dinh dưỡng. Sau đây là vài phương thức để tránh tình trạng này:
a- Khuyến khích người cao tuổi kiếm bạn cùng ăn cho vui. Người cao tuổi có thể đến ăn tại các trung tâm cao niên, ăn chung với người thân trong gia đình, tại các cơ sở tôn giáo có sinh hoạt xã hội.
b- Nhiều người bỏ bữa ăn vì cảm thấy mệt khi nấu nướng. Nên nghỉ cho khỏe, rồi nấu chứ đừng bỏ bữa ăn. Đôi khi nấu một lần cho hai bữa ăn. Cùng lắm có thể mua thực phẩm nấu sẵn rồi hâm lại bằng microwave.
c- Khuyến khích ăn nhiều vào bữa mà người cao tuổi thích. Nếu bữa trưa là thời gian tốt để ăn thì có thể tăng phần ăn ở bữa này. Ăn làm nhiều bữa nhỏ thay vào ba bữa ăn chính thường lệ.
d- Tránh mau no bụng như đừng uống nước, uống thuốc trước khi ăn.
e- Tránh thực phẩm gây ra nhiều hơi như cabbage, đậu, nước ngọt có hơi, cà phê.
h- Năng vận động cơ thể để kích thích khẩu vị.
g- Giữ gìn vệ sinh răng miệng. Người hay bị khô miệng thì ăn nhiều canh, nước xốt. Khó khăn nhai với răng giả thì có thể dùng thực phẩm bầm nhỏ, nấu thịt nhỏ lửa lâu hơn để có thịt mềm.
i- Nhiều người cứ ăn là muốn nôn ói, thì nên tránh ăn nhiều quá một lúc, mà chia ra làm nhiều bữa nhỏ, tránh đồ mỡ béo.
k- Khuyến khích dùng thêm thực phẩm phụ cũng như sinh tố, khoáng chất.
l- Thêm gia vị vào thực phẩm để tăng sức quyến rũ khẩu vị người cao tuổi.
KẾT LUẬN
Suy dinh dưỡng, nhất là ngoài ý muốn, là vấn đề hệ trọng đối với người cao tuổi. Nó làm tăng nguy cơ bệnh hoạn và tử vong ở lớp người này. Hầu hết những nguyên nhân đưa tới suy dinh dưỡng đều có thể điều trị và phòng ngừa được.
- Dưỡng Sinh
- Tiền mất Tật mang
- Trồng Răng Giả Kiến thức phổ thông (copy 1)
- Trồng Răng Giả Kiến thức phổ thông
- Tác dụng của Trà Đinh (trà đắng)
- Cơ Nguyên Nhiễm Siêu Vi Trùng Cảm Cúm
- ĐỂ CÓ SỨC KHỎE TỐT
- Ung thư tiền liệt tuyến phát hiện sớm - kết quả tốt
- Chứng đau Nửa Đầu trong khi kinh nguyệt
- Trồng Răng Giả: Phần III Cấy Răng bằng Implant