Sức Khoẻ Là Vàng
Vạn vật sống trong một hỗn tạp trộn lẫn nhiều loại khí bao quanh trái đất, gọi là không khí hay khí quyển (atmosphere). Không khí thay đổi, di động không ngừng và tạo ra thời tiết.
Thời tiết là tình trạng của không khí ở một nơi vào một thời điểm nào đó. Thời tiết tùy thuộc vào nhiệt độ nóng hoặc lạnh của không khí, mưa hay tạnh, có gió hay không. Gió là sự di động của không khí. Nhiệt độ thay đổi tùy theo mùa, theo ngày và tùy thuộc vào nhiệt độ trên mặt đất: càng lên cao, nhiệt độ không khí càng lạnh vì xa đất. Một năm là thời gian trái đất lượn một vòng quanh mặt trời. Mùa là tùy theo trái đất khi đó ở gần hay xa mặt trời, và số ánh sáng mặt trời dọi lên trái đất. Mùa Hạ, phần trái đất trực diện với mặt trời, khí hậu nóng, mùa Đông, phần trái đất ở phía bên kia mặt trời nên khí hậu lạnh.
Có bốn mùa khác nhau trong một năm: Xuân, Hạ, Thu và Đông. Đông là thời gian lạnh nhất đến từ tháng Chạp tới tháng Hai ở Tây Bán Cầu. Nhiệt độ lạnh trong mùa Đông có thể gây ra một số vấn đề khó khăn cho sức khỏe con người. Nhưng không thể tránh lạnh bằng đi vào giấc ngủ mùa Đông như một vài thú vật, con người phải sống với cái lạnh cũng như tận hưởng cái thú của mùa lạnh. Trong tận hưởng, có những đề phòng để tránh chuyện không tốt cho sức khỏe.
Bình thường, cơ thể có những cơ chế trời cho để thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ chung quanh. Ngoài ra, con người với vốn kiến thức sẵn có, cũng tạo ra nhiều phương thức để tránh tổn thương do thời tiết gây ra.
Khi nhiệt độ xuống dưới mức trung bình thì làm sao cho ấm và an toàn cho cơ thể là một thách đố, một khó khăn. Mà nếu lại có những bão tố mùa đông thì nhiều vấn đề khác đặt ra. Ta có thể tránh tai nạn ngoài đường bằng cách ở trong nhà, nhưng trong nhà cũng có những rủi ro. Tiếp cận lâu với khí lạnh ở trong nhà hoặc ngoài trời có thể đưa đến những vấn đề sức khỏe trầm trọng đôi khi chết người. Mọi người đều có thể bị nguy hiểm, đặc biệt trẻ em, người cao tuổi và người đang đau bệnh.
Để cho gia đình được an toàn trong mùa Đông, mọi người đều cần biết cách phòng ngừa những vấn đề khó khăn của sức khỏe do sức lạnh gây ra và cần phải làm gì khi có chuyện khẩn cấp xẩy ra khi bị lạnh quá độ.
Có hai vấn đề sức khỏe liên hệ với nhiệt độ lạnh giá là sự Giảm Nhiệt (Hypothermia) và sự Cóng Lạnh (Frosbite) mà mọi người cần biết để đề phòng, đặc biệt là cho người cao tuổi và trẻ em.
Sự GIảM NHIệT
Giảm nhiệt xẩy ra khi nhiệt độ trong cơ thể giảm xuống dưới 95F hoặc 35C. Nhiệt độ bình thường của cơ thể thay đổi giữa 97 F tới 100 F (36.2 C tới 37.6 C). Nhiệt độ thấp vào buổi sáng vì các bắp thịt thư giãn suốt đêm và chưa ăn uống để sinh nhiệt. Buổi chiều thì nhiệt độ nhích lên cao vì cơ thể đã hoạt động và thực phẩm tiêu thụ đã tạo ra nhiệt. Nhiệt độ được bộ phận hypothalmus ở não điều hòa, giữ ở mức trung bình dù thời tiết chung quanh có thay đổi. Nhưng sự điều hòa lại có giới hạn: suy yếu khi cơ thể không khỏe và khi sự thay đổi nhiệt độ bên ngoài quá nhanh và quá mạnh.
Cơ thể bị giảm nhiệt vì nhiệt năng được tiêu dùng nhiều hơn là được cung cấp. Giảm nhiệt rõ ràng nhất là khi cơ thể tiếp cận không những với thời tiết lạnh mà còn với gió và độ ẩm của không khí. Gió làm nhiệt trong cơ thể bay đi mau hơn. Tiếp cận với lạnh kéo dài sẽ đưa tới cạn nguồn dự trữ nhiệt trong cơ thể rồi giảm nhiệt. Giảm nhiệt ảnh hưởng tới não bộ, nạn nhân kém nhận thức, hành động khó khăn với các hiểm nghèo do giảm nhiệt gây ra.
Nguy cơ gây giảm nhiệt:
Có nhiều yếu tố đưa tới giảm nhiệt: nhà không được sưởi đủ nóng, ăn không đủ chất dinh dưỡng để có nhiệt năng, uống nhiều rượu, có bệnh kinh niên như về tim, gan, tuyến giáp trạng (thyroid), có bệnh nhiễm trùng, do tác dụng của một số dược phẩm, ở ngoài lạnh quá lâu, mặc quần áo không đủ ấm, mới gặp tai nạn hay té xuống nước, người sống cô đơn, túng thiếu.
Người cao tuổi rất hay bị tai nạn giảm nhiệt. Khả năng phân biệt sự thay đổi nhiệt độ chung quanh của họ yếu đi, họ cần nhiệt độ kích thích cao hơn để đáp ứng như là lấy thêm chăn để đắp hoặc vặn lò sưởi nóng hơn. Nhiều người cao tuổi cũng thích nhiệt độ mát trong nhà. Với người còn di động làm việc thì nhiệt độ 70 F trong nhà không sao, nhưng người đau nằm một chỗ sẽ có hậu quả không tốt.
Sự suy dinh dưỡng đưa đến giảm kho dự trữ, giảm lớp mỡ bao che cơ thể, giảm sinh nhiệt năng. Sự không di động đưa đến giảm sinh nhiệt cơ thể đồng thời không kiếm chỗ ấm hơn hoặc lấy thêm quần áo. Nhiều dược phẩm trị đau nhức, bệnh tâm trí có thể làm xáo trộn khả năng điều hòa thân nhiệt và đưa đến nguy cơ giảm nhiệt.
Dấu hiệu:
Giảm nhiệt có thể xẩy ra trong vòng một giờ, trong vài giờ, tùy theo số lượng nhiệt năng mất đi.
Triệu chứng của giảm nhiệt gồm có: trong người thấy mệt mỏi, lờ đờ, tâm thần rối loạn, nói ngượng nghịu, người lạnh giá, cơn run rẩy rùng mình, ngón chân ngón tay lợt lạt, cử động khó khăn, cơ thịt cứng nhắc, người lạnh toát. Nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần. Nạn nhân có thể rơi vào tình trạng hôn mê.
Điều trị:
Giảm nhiệt là một vấn đề sức khỏe trầm trọng, cần được cấp cứu tức thì. Nạn nhân cần phải nhập bệnh viện điều trị để tránh các biến chứng hiểm nghèo có thể xẩy ra.
Đừng tự chữa hoặc chữa cho người bị giảm nhiệt mà kêu cấp cứu ngay. Trong khi chờ đợi, để nạn nhân nằm nơi ấm áp, kín gió; sưởi ấm ngực, cổ, đầu và bẹn với chăn thường hoặc chăn điện. Đừng nâng cao chân người bị nạn vì làm vậy máu sẽ dồn nhiều về phía trên người, khiến chân bị băng lạnh nhiều hơn.
Phòng ngừa:
- Kiểm soát nhà coi lấp kín các khe hở làm mất nhiệt mà lại đưa hơi lạnh vào nhà.
- Giữ nhiệt độ trong nhà không nóng quá, khoảng 72 F là đủ.
- Mặc quần áo đủ ấm, không bó sát quá để máu lưu thông và thoáng khí vì không khí là lớp cách nhiệt rất tốt.
- Khi ra ngoài lạnh, nên mặc quần áo nhiều lớp: trong cùng là loại vải hút hơi ẩm như lụa, polypropylene; lớp giữa là hàng len giữ nhiệt trong cơ thể; lớp ngoài vừa giữ nhiệt vừa chắn gió, ngăn nước.
- Một phần tư nhiệt trong cơ thể bay đi ở đầu, nên cần đội nón che đầu, tai.
- Che chở bàn tay, bàn chân bằng tất và bao tay (bao hở ngón cái ấm hơn bao tay riêng ngón).
- Khi ra ngoài lạnh, che miệng để khỏi mất nhiệt qua hơi thở.
- Nếu quần áo, cơ thể bị ướt thì cần lau khô, thay quần áo ngay vì đồ ướt làm mất rất nhiều nhiệt của cơ thể.
- Dự trữ thêm một cái mền trong phòng ngủ, phòng khách để khi cần đã có sẵn.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Mùa Đông cần nhiều thực phẩm để có nhiều nhiệt năng. Uống nước ấm như trà, cà phê, nước súc-cù-là vừa làm ấm người vừa mang thêm chất lỏng cho cơ thể. Về mùa lạnh cũng như mùa nóng, cơ thể vẫn đổ mồ hôi nên vẫn cần nước đầy đủ.
- Tránh uống rượu vì rượu làm giảm nhiệt độ cơ thể.
- Hỏi bác sĩ hoặc nha sĩ xem thuốc nào ảnh hưởng tới thân nhiệt để phòng ngừa.
- Nếu sống một mình thì nên sắp xếp để có người thỉnh thoảng hỏi thăm xem mình ra sao.
- Người cao tuổi đừng cho là mình không bị giảm nhiệt nếu ta không cảm thấy lạnh, vì ở nhóm người này cơ chế điều hòa thân nhiệt không còn tốt.
- Trẻ em dưới một tuổi không nên để ngủ trong một phòng lạnh vì em bé mất nhiệt dễ hơn người lớn đồng thời các em cũng khó thích nghi với độ quá lạnh.
Chứng Cóng Giá
Cóng giá (Frostbite) là sự tổn thương cơ thể gây ra do hiện tượng lạnh giá, đóng băng. Cóng giá đưa đến mất cảm giác tạm thời hay vĩnh viễn ở bộ phận bị thương tổn. Mũi, tai, má, cằm, ngón tay ngón chân là những nơi hay bị cóng giá nhất. Nguy cơ cóng giá tăng lên nếu máu huyết lưu thông bị cản trở hoặc không mặc quần áo đủ ấm khi trời rất lạnh.
Thương tổn do lạnh giá có thể nông ngoài da hoặc sâu ở tế bào dưới da. Khi nông thì da hơi đau, tái, cứng trong khi đó tế bào nằm dưới lại mềm. Khi tế bào dưới sâu bị cóng giá thì da không còn cảm giác, tê dại, cứng ngắc. Nhiều nạn nhân không biết bị cứng giá cho tới khi có người nhìn thấy và cho hay.
Cóng giá là một trường hợp cấp cứu, cần được chữa trị trong bệnh viện ngay. Trong khi chờ đợi, ta đặt nạn nhân vào phòng ấm áp, và ngâm phần bị cóng giá trong nước ấm chứ không phải nước nóng; không nên thoa bóp phần bị cóng giá, tránh gây tổn thương thêm cho tế bào, và đừng hơ bộ phận cóng giá trên lửa, heating pad vì phần cóng không còn cảm giác, dễ bị phỏng. Ngón tay cóng giá có thể đặt vào nách là nơi có nhiệt độ cao.
Ngoài ra, thời tiết quá lạnh cũng ảnh hưởng tới một số sinh hoạt khác như làm việc ngoài trời lạnh, lái xe trên đường băng giá. Khi phải làm việc ngoài trời vào mùa lạnh, nên có vài cẩn tắc như:
1. Sắp đặt để công việc cần làm ở chỗ lạnh được thực hiện vào thời điểm ấm áp nhất trong ngày.
2. Tránh đứng hay ngồi quá lâu ở một vị thế, khiến máu không lưu thông và nhiệt không được sản xuất.
3. Ai chưa làm quen ngoài lạnh cần tập dần dần một thời gian ngắn cho quen.
4. Uống nhiều nước ấm hoặc nước súp, tránh rượu, ít cà phê.
5. Nên nghỉ xả hơi nhiều lần trong công việc.
6. Mặc quần áo thích hợp. Hàng bông, len trong; lớp ngoài không thấm nước và ngăn được gió như hàng nylon.
7. Đội nón ấm trên đầu vì 40% nhiệt thất thoát là từ chỏm tóc.
8. Mang giầy không thấm nước với hai đôi tất: tất trong bằng bông, ngoài bằng len.
9. Đừng để bị ướt, nếu ướt, thay quần áo khô ngay.
Còn lái xe thì việc ưu tiên là kiểm tra lại cái xe cho an toàn máy móc, từ bình nước giải nhiệt tới gạt nước trước sau; bình điện, bánh xe tốt; bình xăng gần đầy để tránh đóng băng trong bình và trong ống dẫn xăng. Rồi cẩn thận nhìn trước, ngó sau trong khi lái, để được an toàn trong mùa Đông.
À quên, còn một trở ngại khác của mùa Đông, tuy không hiểm nghèo nhưng cũng làm trạng thái tinh thần của nhiều người trầm xuống. Đó là Nỗi Buồn Mùa Đông mà ngôn ngữ Anh gọi là “Blues Winter”. Tâm trạng này xẩy ra vào cùng một thời gian của mỗi năm, thường vào đầu tháng Chín và kéo dài tới tháng Ba, tháng Tư, là thời gian mà ngày ngắn, đêm dài. Người mang “Nỗi Buồn Mùa Đông” có tất cả các triệu chứng của bệnh trầm cảm: chán chường, uể oải, không có sinh lực, ngủ nhiều... Theo thống kê thì nữ giới hay bị chứng này hơn nam giới. Nhiều giải thích cho là vì trong mùa Đông, ngày ngắn đêm dài, nên chất serotonin trong não thấp. Mà ít chất này là lý do khiến con người u sầu, ảo não. Rồi lại suốt ngày ngồi trong khung trời âm u ảm đạm, không ánh sáng thiên nhiên làm con người chán chường hơn. Ánh sáng đèn nhân tạo đã được sử dụng để chữa hiện tượng này. Người bệnh cũng được khuyên nên ra ngoài trời, phơi nắng hanh vàng nhiều hơn và gia tăng vận động cơ thể.
Hoặc, như bầy chim trốn lạnh, cứ đến cuối Thu, đầu Đông, là ta làm một cuộc Nam du, về miền nắng ấm.
Rhumatisme articulaire Rheumatoid arthritis
Đề tài bài này, đã được tác giả thuyết trình tại hội nghị Âu Châu (Parlement européen tại Strasbourg) kỳ 7, Hội nghị Thế Giới Châm Cứu của WFAS (World Federation of Acupuncture -Moxibustion Societies) và có trên 39 Quốc Gia tham dự từ 5 đến 7 Tháng 11 2009.
Báo chí y khoa hiện nay đề cập nhiều về chứng bệnh này, hơn nữa chúng ta đang giữa mùa đông, gió thổi lạnh buốt từ bốn phương tới, mưa tầm tã, lụt lội ẩm ướt nhiều nơi đã là mối đe dọa không ít cho sức khỏe con người, nếu ta còn mãi chểnh mảng xem thường cuộc sống hằng ngày.
Phần lớn là phái nữ chịu thiệt thòi mang bệnh nhiều hơn là phái nam theo con số ghi nhận qua tỉ lệ thống kê! chắc chắn là vì nhiều yếu tố phức tạp khác biệt nhau giữa nam nữ. Nói vậy thì đấng tạo hóa thiên vị chăng?
Nôm na ta thường gọi là phong thấp. Nhưng thực là chứng đau các khớp do phong tà (gió độc) hàn tà (khí trời lạnh) thấp tà (khí ẩm) cả ba loại tà này kết hợp xâm nhập cơ thể làm trở ngại sự tuần hoàn, chuyển vận khí huyết gây ra đau nhức ở các khớp và cử động khó khăn.
Chứng bệnh thường thấy ở lớp tuổi ngoài năm mươi, trừ trường hợp nặng thì không kể tuổi tác già trẻ như nhau, vì tà khí đã xâm nhập sâu đến tạng phủ rồi, bệnh tình sẽ trở nên nghiêm trọng. Nếu chẳng may tim lâm bệnh, là mối lo ngại lớn của người thầy thuốc cũng như của người bệnh, vì sự tiên lượng (pronostic) với tình trạng này không được sáng sủa cho mấy.
Hỏi: tại sao bị phong thấp? nguyên nhân phát bệnh từ đâu?
Đáp: Theo sách Nội Kinh, phần lớn là do ăn uống, như ta thường nói "bệnh tòng khẩu nhập", cách ăn uống không hợp với phép vệ sinh với môi sinh (environnement), kế đó là lam lũ mệt nhọc quá sức mà thiếu nghỉ ngơi, dãi gió dầm mưa (s’exposer aux intempéries) thường xuyên, sau cùng là nơi ăn chốn ở có nhiều khí ẩm thấp, đó là ba yếu tố chánh làm giảm chức năng kháng cự của cơ thể nên dễ gây ra bệnh này.
Hỏi: Thế nào gọi là phong thấp?
Đáp: Để giúp hiểu một cách giản dị, ta có ba hoặc bốn loại thấp khớp thường gặp:
Đau khớp có loại nặng nhẹ.
1) Loại đau nhẹ: ta gọi là hành tý (douleur erratique), thuộc loại có nhiều Phong tà (gió độc) thắng hơn hai tà Hàn Thấp kia. Chứng đau nhức ở đây không chỗ nhất định, mà di chuyển luôn. Gặp được nóng ấm thì thấy đỡ.
2) Loại đau nhức khớp khá mạnh: gọi là thống tý (douleur violente) thuộc loại có nhiều Hàn (lạnh) thắng hơn hai tà kia (Phong, Thấp), chỗ đau ít khi di chuyển, gặp khí lạnh đau nhiều hơn, gặp khí ấm, nóng, thì đỡ.
3) Loại đau nhức khá nặng, nhức thì ít đối với da thịt tê dại thì nhiều; gọi là trước tý (douleur paresthésique), chân tay, thân mình nặng nề, khớp sưng đau, cơ bắp, da thịt gầy mòn, chỗ đau không di dịch, khớp xương chụp qua quang tuyến, cho thấy xương bị sứt mẻ như chuột gặm,
4) Chứng nhiệt tý (Chaleur): thường phát hiện đột ngột, mình mẩy nóng hầm, khớp sưng đỏ đau nhức dữ dội (douleur intense) kèm theo là tâm thần buồn bã. Cũng có loại nhiệt tý với biến chuyển tăng dần, không như đột ngột kể trên.
CHỮA TRỊ
Gồm hai phần: chữa nguyên nhân và tại cục bộ
A) Chữa trị căn nguyên (traitement étiologique)
1) Trường hợp Phong tà (gió độc) thắng: dùng huyệt cách du, huyết hải, hai huyệt này để tăng lượng huyết hầu giúp xua đuổi tà phong.
2) Nếu là Hàn tà (khí lạnh) trội hơn hai tà khí kia: dùng huyệt thận du, quan nguyên để tăng cường thận khí hầu thắng hàn tà.
3) Khí ẩm quá mạnh xâm hiếp hai tà khí kia: huyệt túc tam lý, thương khưu có khả năng để tả khí ẩm và tăng cường chính khí.
4) Nếu là Nhiệt tý: nên thanh nhiệt với vài huyệt: Hợp cốc, khúc trì, đại chùy, huyết hải
5) Chống đàm trệ: phong long (anti-glaires) thường được dùng v.v..
B) Chữa trị tại cục bộ (traitement local): xin xem hình trước và sau khi chữa trị:
- Viêm bao quanh khớp vai capsulite giạng giới hạn 45°, quay trong 0°
- Sau khi chữa trị
- Thấp khớp xương bàn tay số 3
- Sau khi chữa trị
- Thấp khớp cổ chân và sưng phù
- Sau khi chữa trị
KẾT LUẬN
Bệnh tý là do ba loại tà Phong (gió độc), Hàn (khí lạnh), Thấp (khí ẩm) cùng xâm nhập cơ thể gây tắc nghẽn sự vận chuyển khí huyết trong các kinh lạc là nguyên nhân của các cơn đau nhức da thịt, cơ bắp, các khớp sưng to, cử động nặng nề, khó khăn. Tê thấp là bệnh mạn tính biến chuyển lâu năm, âm ỉ qua ngày tháng, trải qua nhiều giai đoạn, khi giảm, khi tăng, dần dà làm hao mòn thể xác để rồi gây nên phế tật không sao chữa lành. Ta nên biết chẩn bệnh càng sớm càng hay để tránh các hậu họa. Cách trị liệu sẽ tùy thuộc mỗi loại tà khí gây nên, như khu phong, tán hàn, trừ thấp. Đối với bệnh đã lâu năm, thì nên bồi bổ khí huyết, tư dưỡng âm, can, thận và nên hóa đàm trệ (antiglaires). Thuốc thang bên trời âu này, chẳng bao giờ thiếu hụt, tuy nhiên công hiệu chỉ nhất thời, chốc lát, vì ngưng thuốc, bệnh lại tái diễn, đó là quan niệm chung của các nhà chuyên khoa. Chưa nói đến các chứng hậu của thuốc men. Vậy ta nên chọn lựa con đường chữa trị cho hợp lí, hợp tình nếu không muốn nói là phép ăn uống cho hợp với vệ sinh, cuộc sống cho được thăng bằng, ổn định. Đời sống về tình chí (vie psycho - affective) con người cũng dự vào phần đóng góp lớn lao cho sức khỏe. Ta cũng nên nhớ rằng theo Nội kinh, nội tâm thường xuyên bị quấy nhiễu là nguyên tố nội nhân dễ gây thành trăm ngàn chứng bệnh tật nguyền.
Tóm lại phương pháp dưỡng sinh (eugénisme) là giải pháp bảo đảm cho sức khỏe được lâu bền và tránh được bệnh tật ngặt nghèo, chẳng vậy mà ta thường có câu: sức khỏe là vàng. n
(Trung Tâm Phát Triển Trung Y Học Cổ Truyền)
www.cdmtc.org. /
Cặp mắt nhỏ bé như hai hòn bi thủy tinh đã được ví quý giá như ngọc, quý hơn hai bàn tay lớn hơn gấp bội mà chỉ là vàng.
Vì là bộ phận rất tinh vi, mỏng manh nên tạo hóa đã sắp đặt để hai con mắt được bảo vệ với các thành phần như sau:
-Các mảnh xương sọ họp lại thành một bức tường bao quanh ổ mắt để bảo vệ nửa phần sau của nhãn cầu.
Mi mắt để che chở phần trước của mắt. Mi mắt khép kín để tránh vật lạ xâm nhập và luôn luôn chớp mở để mắt không khô.
-Lông mày và lông mi để ngăn bụi bậm, vi khuẩn loạng quạng bay vào mắt.
-Lớp kết mạc mỏng lót mi mắt và phần trước của nhãn cầu.
-Nước mắt để làm mắt trơn, loại bỏ vật lạ và có nhất nhờn để chống nhiễm trùng.
Bảo vệ như vậy tưởng là đã an toàn, vậy mà nhiều khi mắt cũng hay bị tổn thương, bệnh hoạn. Nguyên nhân gây bệnh có thể là từ bên ngoài hoặc từ con mắt.
Sau đây là một số rối loạn thường thấy.
Mắt khô
Bình thường, giác mạc được bôi trơn bằng chất nước tiết ra từ những tuyến nước mắt nằm ở phía trên nhãn cầu.
Nước mắt có vị mặn vì xuất thân từ máu. Thành phần cấu tạo nước mắt gồm có nước, muối, chất đạm, chất béo, các phân tử hydrocarbons. Mỗi lần mi mắt chớp là nước mắt phủ rộng lên trên nhãn cầu, giúp cho mắt không bị khô và đau. Giác mạc có nhiều dây thần kinh, rất nhậy cảm với đau khi bị thương tích.
1. Nguyên nhân gây ra khô mắt
Bất cứ nguyên nhân nào làm giảm nước mắt đều đưa đến khô mắt. Đó là:
-Tuổi cao
Tuổi càng cao nước mắt càng ít, đặc biệt là phụ nữ ở tuổi mãn kinh
-Do dược phẩm như thuốc lợi tiểu, thuốc hạ cao huyết áp loại chặn beta, thuốc ngủ, chống dị ứng, chống đau nhức, chống trầm cảm, thuốc ngừa thai, rượu hoặc sau khi làm xạ trị.
-Mất sự cân bằng giữa các thành phần cấu tạo nước mắt như chất dầu, nước và chất nhầy (mucous) khiến cho nước mắt mau bốc hơi, mắt khô.
- Trong bệnh viêm khớp, ban đỏ lupus, hội chứng Sjogren, khô miệng, bệnh HIV.
-Tổn thương nhãn cầu, viêm nhiễm mi mắt
-Thiếu sinh tố A đôi khi cũng đưa tới khô mắt
-Thời tiết khắc nghiệt, không khí khô, quá nóng, nhiều gió.
-Khói thuốc lá, nhìn, đọc sách quá lâu, không chớp mắt làm mắt khô nhiều hơn.
2. Dấu hiệu
Dấu hiệu thường thấy là cảm giác ngứa, cháy bỏng trên giác mạc, đôi khi có ghèn quanh mi mắt.
Khó chịu giảm khi thời tiết mát, trời mưa, nhiều sương mù, nhiều độ ẩm, chẳng hạn khi đang tắm.
Khô mắt có thể là báo hiệu một bệnh trầm trọng. Vì vậy nếu mắt khô kéo dài quá lâu, cần đi khám bác sĩ.
Bác sĩ khám mắt đều có thể xác định được rối loạn này. Đôi khi bác sĩ có thể đo lượng nước mắt tiết ra với một miếng giấy thử đặt ở mí mắt dưới.
3.Điều trị
Khô mắt mà không chữa, giác mạc có thể bị tổn thương, đưa tới kém hoặc mất thị lực.
1. Nước mắt nhân tạo được dùng rất phổ biến để giảm thiểu khô mắt và tăng độ nhờn của mắt, nhờ đó thị lực rõ ràng hơn.
Thành phần chính của nước mắt nhân tạo có thể là các chất Hydroxypropyl Methylcellulose, Carboxy Methylcellu-lose, Polyvinyl Alcohol. Ngoài ra, một số sản phẩm có chất như Benzalkonium Hexachloride để khỏi mau hư.
Khi dùng nên theo hướng dẫn của bác sĩ và nhà sản xuất, chẳng hạn mỗi ngày ba lần, mỗi lần một giọt. Dùng quá nhiều đôi khi gây ra mờ mắt nhất là nếu dị ứng với một hoạt chất trong nước mắt nhân tạo.
Thuốc mỡ (ointment) làm nhờn mắt và nên dùng vào ban đêm để sáng dậy mắt ẩm ướt hơn. Không nên dùng thuốc mỡ khi mang kính sát tròng (contact lense).
2. Nhớ chớp mắt thường xuyên. Đôi khi vì mải miết đọc sách, coi TV đến nỗi quên cả chớp mắt, giác mạc sẽ khô, khó chịu.
3. Trong nhà nên để máy phun bụi nước để không khí bớt khô.
4. Ăn thêm vài củ cà rốt nho nhỏ mỗi ngày để có thêm sinh tố A.
5. Mang một loại kính đặc biệt (moisture chambers glasses) bao kín mắt để giữ hơi ẩm khi nước mắt bay hơi. Có thể mua kính này tại phòng mạch các bác sĩ về mắt.
6. Lâu lâu lấy chiếc khăn mặt nhúng vào nước nóng ấm, vắt khô rồi đắp lên mắt trong vài phút. Hơi nóng làm thông ống dẫn nước mắt và nước mắt trào ra.
Ngoài ra, vi phẫu thuật khép ống dẫn nước mắt xuống mũi hoặc sử dụng tia Laser có thể được áp dụng trong vài trường hợp đặc biệt để chữa mắt khô.
Viêm kết mạc
Đây là trường hợp kết mạc phủ nhãn cầu và mi mắt bị kích thích và đỏ. Tiếng Anh gọi là Pinkeye, mắt hồng. Mắt kèm nhèm chẩy nước, hai mí mắt sưng đỏ, nhiều ghèn.
Tác nhân gây bệnh thường thấy là những virus tương tự các virus trong bệnh cảm lạnh. Đôi khi vi khuẩn cũng gây ra viêm giác mạc.
Viêm kết mạc (Conjunctivitis) rất hay lây qua sự dùng chung các dụng cụ liên hệ tới mắt như khăn mặt, đồ trang điểm hoặc khi dụi tay lên mắt đang đau. Vì thế, rửa tay thường xuyên và không dụi mắt là phương pháp hữu hiệu để phòng tránh lây lan viêm mắt.
Viêm kết mạc do virus tự lành sau mấy ngày. Thuốc nhỏ mắt được dùng khi mắt cảm thấy cộm, ngứa.
Viêm do vi khuẩn được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhỏ mắt và cần được bác sĩ xác định trước khi dùng.
Viêm do dị ứng thường kéo dài lâu hơn và xảy ra tùy theo mùa. Điều trị căn bản là tránh xa các chất gây ra dị ứng.
Mỗi ngày dùng khăn mặt tẩm nước nóng, chườm lên mắt vài ba lần để giảm kích thích khó chịu. Nếu viêm vì dị ứng, hay bị ngứa thì chườm khăn ngâm nước lạnh.
Lau ghèn mắt với miếng vải mỏng, cục bông gòn tẩm nước lạnh. Nhớ ném xa các miếng vải lau này để tránh lây bệnh cho người khác.
Nên phân biệt mắt hồng pinkeye với mắt đỏ red eye trong đó các mạch máu trên mắt giãn nở, chứa đầy máu.
Nguyên nhân có thể là do không khí quá khô, mắt tiếp xúc quá lâu với ánh sáng mặt trời, bụi bậm vật lạ vào mắt, dị ứng, chấn thương hoặc nhiễm trùng. Nguyên nhân thông thường khác nữa là khi ho mạnh hoặc làm việc cố gắng quá sức.
Mới nhìn, mắt đỏ coi có vẻ rất đáng sợ, nhưng không nguy hại lắm và thường thì tan đi sau dăm ngày.
Tuy nhiên nếu mắt đỏ kéo dài cả tuần kèm theo đau nhức nhãn cầu, nhức đầu, thị giác rối loạn hoặc thương tích mắt thì nên đi bác sĩ ngay.
Lẹo Mắt
Chân lông mi có nang tiết ra chất nhờn. Vi khuẩn trên da có thể xâm nhập nang và làm nang sưng to, ứ đọng với chất nhờn. Đó là lẹo mắt (stye).
Bệnh nhân than phiền chẩy nước mắt, đau, đỏ, ngứa. Khi mủ thành hình, phần giữa của lẹo nổi lên một chấm mầu vàng. Lẹo bớt đau khi vỡ mủ. Đôi khi mủ tiếp tục tích tụ, lẹo lớn lên và gây ra khó khăn cho thị giác.
Lẹo có thể xảy ra vì:
-Viêm mi mắt (Blepharitis), do vi khuẩn hoặc chất gây dị ứng.
-Dùng chung hoặc dùng quá nhiều mỹ phẩm.
-Đôi khi do căng thẳng tinh thần.
Chữa lẹo cũng giản dị thôi.
-Mỗi ngày chườm lẹo với khăm tẩm nước ấm ít nhất 4 lần, mỗi lần lâu 10 phút.
-Lấy ngón tay thoa nhẹ trên lẹo để lẹo mau lành
-Thoa thuốc kháng sinh dạng mỡ hoặc dung dịch thuốc nhỏ mắt mỗi ngày ba lần.
-Nên để lẹo tự lành chứ không nên nặn mủ để tránh bệnh trầm trọng hơn.
-Không nên bôi mỹ phẩm lên mi mắt hoặc mang kính sát tròng cho tới khi lẹo lành.
Nếu không chữa, lẹo có thể hết rồi lại xuất hiện hoặc lây lan qua nang lông kế cận hoặc gây ra viêm nhiễm tế bào của mi mắt.
Cần đi khám bác sĩ nếu:
-Lẹo tiếp tục sưng sau một tuần lễ tự chăm sóc.
-Nhìn khó khăn.
-Mi mắt sưng to, có vẩy
-Lẹo chẩy máu.
-Mắt không chịu đựng được với ánh sáng.
Chắp mắt
Chắp (Chalazion) là bệnh của một loại tuyến nhỏ ở viền mi mắt. Các tuyến này do nhà cơ thể học người Đức Heinrick Meibom tìm ra vào thế kỷ thứ 17 vì thế được gọi là tuyến meibom. Tuyến tiết ra chất nhờn.
Khi bị viêm vì dị ứng, tuyến sẽ sưng lên và gọi là chắp.
Điều trị gồm có:
-Giữ gìn mắt và mi mắt sạch sẽ.
-Nhỏ nước mắt nhân tạo cho mắt trơn ướt.
-Chườm khăn thấm nước ấm lên mi mắt mỗi ngày vài ba lần.
-Nếu cần, thoa thuốc kháng sinh dạng mỡ lên mi mắt.
-Đôi khi bác sĩ có thể chích một chút thuốc corticosteroid để giảm sưng hoặc rạch mổ để nạo hết mủ.
Quầng đen quanh mắt
Thông thường thì mọi người đều nói rằng quầng đen quanh mắt là hậu quả của mấy đêm thức trắng coi phim bộ, khi trong người mỏi mệt, khi đau ốm, mất cân, vì suy nghĩ nhiều hoặc tâm tình căng thẳng.
Cũng có ý kiến cho là ở tuổi già, lớp da quanh mắt mỏng hơn để lộ các mạch máu ở dưới tạo ra quầng đen.
Hoặc vì cơ thể thiếu nước, hay dụi mắt, thiếu dinh dưỡng, do di truyền hoặc khi nằm ngủ, nước tụ quanh mi mắt tạo ra vết quầng.
Mới đây có thêm một giải thích khác có tính cách khoa học hơn. Đó là dưới lớp da rất mỏng chung quanh mắt có những mạch máu rất nhỏ, nhỏ đến nỗi mà hồng huyết cầu muốn đi qua phải thay hình lách tới. Đôi khi có mấy hồng huyết cầu thoát ra khỏi mạch máu, tan vỡ vào da. Huyết cầu tố của hồng cầu bị phân hóa, tạo ra chất mầu xám và tạo ra quầng đen quanh mắt. Hiện tượng này tương tự như da bị bầm (bruise) vì va chạm mạnh.
Thường thường quầng mắt không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe và mất đi sau thời gian ngắn. Một vài sản phẩm thoa trên da có sinh tố C, K alpha hydroxyl acid có thể làm mất các vết quầng.
Nếu quầng mắt tồn tại lâu, nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân rồi điều trị.
Ngoài ra, mắt sưng húp hoặc có túi dưới mắt cũng có thể xảy ra.
Sưng mắt có thể là do di truyền, tụ nước vì thay đổi thời tiết, thay đổi lượng hormone trong cơ thể, do dị ứng, viêm da hoặc do một vài dược phẩm.
Sưng húp không gây nguy hại gì ngoại trừ trông hơi khó chịu.
Để giảm mi mắt sưng, nên ngủ đầy đủ; ngủ với gối hơi cao để tránh tụ nước quanh mắt; chườm quanh mắt với khăn nước lạnh hoặc với mấy miếng dưa chuột tươi mát.
Nếu mắt tiếp tục sưng lâu đặc biệt là khi các phần khác của cơ thể cũng sưng thì nên đi bác sĩ để được khám bệnh vì đây có thể là do bệnh thận, bệnh tuyến giáp hoặc do tác dụng phụ của vài dược phẩm.
Kết luận
Kể ra thì còn một số rủi ro khác của mắt. Nhưng người viết cũng đã mỏi đôi mắt. Và mắt người đọc chắc cũng căng căng.
Vậy thì xin cùng nhau tạm ngưng, nhắm cặp mắt vài giây, lấy ngón tay thoa nhẹ lên mi mắt, rồi nhìn ra ngoài trời nắng ấm hoặc tuyết trắng rơi rơi…cho mắt thư giãn, thoải mái. Để cùng bảo vệ hai hòn ngọc quý giá ngự ở phần cao nhất của cơ thể, chỉ dưới có đỉnh đầu mà thôi.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, Texas-Hoa Kỳ
Trích từ www.erct.com
SƠ-LƯỢC
Tuổi già còn cảm xúc ham muốn tình dục không? ham muốn tình dục sẽ hết ở lớp tuổi nào? Tình dục con người có hạn độ nhất định chăng? Tình dục người già thể hiện dưới hình thức nào? diễn tả qua da thịt? hay thành tựu qua phương cách khác? bằng lý tưởng hay ảo ảnh (fantasme) vuốt ve nâng niu mơn trớn (rapports de tendresse).
Tiên tình yêu, hậu tình dục như hình với bóng. Một nghệ thuật hay một chiến lược? Đó là bí quyết để thành công giữa đôi vợ chồng già khi chăn gối gần gũi nhau; Làm sao giữ gìn được lâu bền tình già, một chiến thuật không ai giống ai. Cách trị liệu, hỗ trợ tình trạng suy kém tình dục bằng dược liệu thiên nhiên hay bằng thuốc men nhân tạo, lợi hại thế nào?
NHẬP ĐỀ
Một đề tài được xem như tối kị (tabou) đối với người á đông chúng ta, e rằng phạm đến thương luân bại lí khi đề cập tới vấn đề ‘tình dục’ (sexualité), hơn nữa ngại rằng chạm đến tuổi tác cha ông chúng ta và các vị bô-lão.
Thành thực mà xét thì vấn đề tình dục chiếm một vai trò thiết yếu trong đời sống chúng ta tuy không được phơi bầy ra nơi thanh-thiên bạch-nhật, nhưng là điểm quan trọng liên hệ mật thiết với cuộc sống chăn gối vợ chồng. Con người bình thường bằng da bằng thịt, theo đó nhu yếu sinh lý (besoin physiologique) đòi hỏi cơ thể chúng ta bốn công việc cần thiết đó là: ăn, ngủ, đại tiểu tiện và giao hợp, bốn cái sung sướng tầm thường trên đời này của con người phàm như chúng ta, mà thường gọi là tứ khoái.
Thật là nhột nhạt khi đề cập đến tình dục trước bầy con cháu? Không thể chấp nhận về mặt đạo lý truyền thống của người da vàng á đông chúng ta? Đề cập tới tình dục, có chăng nữa chỉ là bàn bạc trong kín đáo, trao đổi giữa đôi bạn thân tình mà thôi.
Tuy nhiên thời đại ngày nay, thành kiến, phong tục cổ kính cha ông ta để lại, đã bị sụp đổ bởi một luồng gió mới làm thay đổi cả một xã hội cổ lệ, trật tự, một trào lưu mới quá ư tân tiến, hoàn toàn thay hình đổi lốt, đảo ngược thể chất, tập tính con người từ âu sang á. Con cháu chúng ta tuổi chỉ mới lên bảy, lên tám, miệng còn hơi sữa, bắt đầu "dậy" lại cho ông bà, cha mẹ, khiến chúng ta không khỏi giật mình, ngỡ ngàng khi chúng giải thích chẳng chút ngại ngùng thế nào là dương vật, thế nào là cương, thế nào là nhu, thế nào là sanh đẻ v.v..!!! bởi lẽ chúng đã được hướng dẫn từ lớp tiểu học (médecine scolaire) qua các môn như cơ thể học, sinh lý học. Đến các lớp trung học, các cô cậu thì được cha mẹ ân cần nhắc nhở chỉ dẫn khi trai gái gần gũi nhau nhớ phải phòng ngừa nên mang "áo mưa" và thuốc ngừa thai nghe con! Qua truyền hình, báo chí thì ôi thôi, hình ảnh sống sượng được phơi bày mà không còn gì là giấu giếm, thẹn thùng nữa.
Trên bình diện y khoa, là diễn đàn tự do, thanh-thiên bạch-nhật, vấn đề này trở nên tầm thường (démocratiser) như trăm ngàn bệnh tật khác, chẳng có gì là lạ kì cả. Nó được phơi bày, phân tách tỉ mỉ, mổ xẻ với đầy chi tiết với tất cả sự thật ngay cả đến từng sợi lông, kẽ tóc, chân tơ ra trước công chúng. Còn gì là tối kị? Mỉa mai hơn nữa, trình bày trước công luận, thì đề tài lại trở nên hấp dẫn li kì, lí thú mà ai nấy cũng muốn xen vào góp phần bàn cãi. Sự thật quá phũ phàng được phơi bày trước đại chúng, nó đã được bật mí. Còn đâu là tối kị (tabou) nữa?. Giá trị con người ngày nay đã hoàn toàn bị đảo lộn mà tương lai còn bấp bênh chưa biết sẽ trôi giạt vào đâu nếu ta không cầm vững tay lái.
Trước hết ta nên định nghĩa thế nào là tuổi già, tuổi trẻ?
* Được tạm chia các lớp tuổi theo kiểu tây phương như sau:
Từ 50-64 tuổi, được gọi là cao niên (séniors), chưa phải là già nua;
Từ 65-79 tuổi (đệ tam niên, young old)
Từ 80-99 tuổi (đệ tứ niên, tuổi hạc, homme vieux, old old)
Từ 100-109 tuổi (vieillard centenaires)
Trên 110 tuổi (đại lão, grand âge, super centenaires)
* Theo tổ chức quốc tế y-tế (OMS/ Organisation Mondiale de la Santé) định nghĩa tuổi già là tuổi về hưu nghỉ việc 57,5 tuổi. Nhưng định nghĩa này đã lỗi thời, vì nó được thay đổi theo từng quốc gia, như trên 65 tuổi ở Tây Ban Nha, Hòa Lan, và còn có vài quốc gia ngoài 70 tuổi v.v..
Thiết tưởng cần nói rõ hơn tuổi hưu là dựa trên niên đại (l’âge chronologique) tính theo tuổi khai trong thẻ kiểm tra, nhưng tình dục là tuổi của cơ mạch (l’âge des artères, l’âge biologique, ou fonctionnel ou physiologique), tuổi sinh học không ai giống ai. Có những người già lọm khọm trước tuổi, có những vị trẻ mãi không già, mà ta thường đùa gọi là ‘già gân’ có nghĩa là gân cốt còn tráng kiện.
* Theo Nội kinh: tùy từng lứa tuổi, ta gọi là anh nhi (nourrisson), ấu nhi, thiếu nhi, nhi đồng, v.v. Trên sáu tuổi gọi là tiểu nhi, trên mười tám tuổi gọi là thiếu niên, trên hai mươi là tráng niên, trên năm mươi là lão v.v.
Vấn đề còn rất mênh mông. Vì khuôn khổ tờ báo có giới hạn, nên ở đây ta chỉ bàn tình dục của kẻ mày râu mà thôi, còn về phái nữ, hẳn nhiều phức tạp nhưng lý thú hơn. Có mấy ai nghĩ rằng tuổi tình dục ở giới nữ còn kéo dài ngoài 80? tình còn nóng rực hơn là ở nam phái, vậy tác giả xin hẹn trình bày vào một dịp khác.
Tình dục có từ tuổi nào và hết đến tuổi nào?
* Trong Nội kinh Thiên Thượng cổ thiên chân luận (*):
"… Con trai 8 tuổi, thận khí sung túc, lông tóc dài ra, răng thay,
năm 16 tuổi, thận khí thịnh vượng, thiên quý phát triển, tinh khí đầy đủ và có thể tiết ra, lúc này nếu giao hợp với con gái thì có thể sinh con;
Năm 24 tuổi, thận khí đầy đủ, gân xương bền chắc…;
Năm 32 tuổi, gân xương to lớn, da thịt béo tốt, mạnh mẽ;
Năm 40 tuổi, thận khí suy kém, tóc rụng, răng khô;
Năm 48 tuổi, dương khí suy kiệt sắc mặt khô ráo, tiều tụy, râu tóc điểm trắng;
Năm 56 tuổi, can khí suy kém, gân mạch hoạt động kém, thiên quý khô kiệt, tinh khí cũng ít..;
Năm 64, răng rụng dần, tóc thưa dần;
Lúc này tuổi già, thiên quý khô kiệt, râu tóc bạc trắng, thân thể nặng nề, di chuyển không được bình thường, không thể sinh con được nữa. "
Tình dục ở phái nam vào lớp 59, 60 tuổi khi về hưu, hay tuổi ngoài 70 còn không?
Thưa rằng: còn chứ! Theo các nhà chuyên khoa, tình dục còn hoạt động cho đến khi nhắm mắt xuôi tay thì thôi, chừng nào mắt còn mở nhìn đời, thì chừng ấy tình dục vẫn còn. Trừ trường hợp ít thấy ở các quan hoạn (eunuque) vào thời xưa, hay bộ phận sinh dục bên trong bị hư hỏng bởi bẩm sinh, hay vì độc dược, hoặc sau khi giải phẫu liên quan tới, v.v.
Theo Nội kinh: "Tuổi sinh dục tuy có hạn độ nhất định, tuy nhiên biết gìn giữ phép dưỡng sinh (eugénisme) thì không những có thể kéo dài tuổi thọ, mà còn có thể kéo dài được số năm sinh dục (l’âge sexuel)". Ta nên nói rõ thêm là nhờ thiên quí (chất của thận tinh có tác dụng điều tiết sự sinh trưởng, sinh sản), của trời phú cho, của tổ tiên cha ông chúng ta truyền lại cho mỗi người trong chúng ta (le Koei céleste, gène inné / a substance originating from the kidney-essence). Cho nên mặc dầu, tuy tuổi cao nhưng có thể có con (procréation) trường hợp hiếm thấy nhưng vẫn có trong xã hội con người, điển hình như một vài tài tử ngôi sao điện ảnh, tuổi tuy ngoài bát tuần mà vẫn có con, đã được đăng tải trên các báo chí trước đây.
* Theo thuyết tây phương: tuyến nội tiết kích thích tố testostérone vẫn tiếp tục hoạt động không ngừng bất cứ ở lớp tuổi nào, nhưng chất lượng giảm dần theo tuổi tác. Theo đó thì chừng nào kích thích tố testostérone còn hoạt động, thì chừng ấy con người vẫn còn cảm thấy sự ham muốn (désir). Ta cần nói rõ thêm, ham muốn tình dục là một việc, nhưng thực hiện được sự giao hợp lại là chuyện khác (copuler).
Tóm lại tuổi già về nghỉ hưu, nhưng tình dục không có tuổi về hưu.
Các cụ lại còn đùa dai ‘Già thì già tóc, già tai, già răng, già lợi, đồ chơi không già’, rõ thật cụ già gân, ‘già còn chơi trống bỏi‘.
Sinh hoạt tình dục ở người già có gì khác biệt với người trẻ? có chứ trên mọi khía cạnh.
Lịch trình con người cũng như muôn vàn vật trên đời này theo một định luật tạo hóa bất di bất dịch, nó được thay đổi biến chuyển từ cơ thể vật chất, thể xác cho đến tâm tình nội tâm trí óc. Do đó sự biến đổi từ tánh tình qua hình thể con người theo tuổi tác là việc thường tình.
Tình dục được thay đổi từ năng lực (intensité), qua nhịp độ (fréquence) cho tới kiểu cách (style) v.v.
* Sau bao nhiêu năm chăn gối, chung đụng, dĩ nhiên tình yêu lẫn tình dục phần nào nhàm chán do đó không được như thưở ban đầu.
Thuở đầu: ‘ngày bảy đêm ba, ra vào không kể’;
Nhưng nay thì: ‘Năm thì mười họa, nên chẳng chớ. Một tháng đôi lần, có cũng không’ (3);
Nay còn đâu kiểu cọ uyển chuyển, những ngón đàn độc đáo tuyệt vời mà anh trao gởi cho em ngày đầu, ‘vợ đẹp càng tổ đau lưng’:
‘Trai đu gối hạc khom khom cật, gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng’ (3),
nay chỉ còn lại lưng eo chữ ngũ, gân cốt cứng cành như khúc gỗ;
Nhưng xá chi, mỏi thì mỏi: ‘Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo’ (3);
Còn đâu những lời ái ân, âu yếm: Em nói anh nghe, Anh nói em nghe; nay chúng ta nói hàng xóm nghe!
‘Quân tử có thương thì đóng cọc. Xin đừng mần mó, nhựa ra tay’ (3),
nhưng nay thì nhựa còn đâu nữa? lỗ giếng đã cạn ráo từ lâu!
Còn gì để ngắm nhìn ngực ngà nở nang: ‘Quân tử có thương thì bóc yếm’ (3);
‘Thân em như tấm lụa đào’ Nay lụa đào chỉ còn lại mảnh da nhăn nheo héo hắt bọc thân.
Ta tự than vãn: Trời! nhìn ngắm lại ta, thân hình ta ngày nay có thể như vầy được sao?
* Ta còn minh mẫn, trí óc còn sáng suốt mà! Ta còn yêu đời với đầy ham muốn. Còn nước còn tát. Để thay thế vào sự mất mát vì tuổi tác, thua canh này, ta xoay ra canh khác, nhóm lại ngọn lửa tình dục, sưởi ấm lại tình yêu, qua muôn vàn lối khác, bằng ve vãn, lời nói ngọt ngào âu yềm, trìu mến, hình ảnh gợi cảm, gợi tình, lúc gần gũi nhau, những cử chỉ vuốt ve, mơn trớn (rapports de tendresse). Đó cũng là một lối tình dục thực hiện qua kiểu cách ‘cao thượng’ (amour platonique) giữa vợ chồng già, khi mà tình trạng sức khỏe của đôi bên không được tráng kiện (valide), sung sức như xưa.
* Bên phương tây, tình dục được giải thích ra sao, so sánh với bên ta?
Vấn đề tình dục không còn là bóng gió nữa, nó được đem ra ánh sáng trình bày rất tỉ mỉ với thống kê dẫn chứng đầy đủ dựa trên các tài liệu của các vị chuyên khoa cùng với ghi nhận và theo dõi của các y tá, nhân viên chăm nom trong các viện dưỡng lão cho thấy rằng, theo tài liệu của MSAM-7 (1) thực hiện trên 14000 người đàn ông xếp theo lớp tuổi:
- từ 50 đến 80 tuổi, cho thấy những vị từ 60 đên 70 tuổi có đến 5,9 lần giao hợp mỗi tháng;
- từ 70 đến 80 tuổi có 3,7 lần giao hợp mỗi tháng
Một viện nghiên cứu khác của Bretschneider qua những cụ ông, cụ bà tuổi rất cao từ 80 đến 102 tuổi cho thấy 63% cụ ông và 30% cụ bà vẫn có giao hợp. Và trong số đó 82% giới nam và 64% giới nữ có giao hợp nhưng thể hiện bằng cách ’vuốt ve, mơn trớn, âu yếm’ (rapports de tendresse).
Bài tường thuật viết tiếp, tình dục, trái với những thành kiến trước đây, đã mang lại thêm nhiều cao điểm đáng kể; theo đó tỉ lệ số tử vong cao hơn được ghi ở đàn ông trên 70 tuổi đã ngưng hoạt động tình dục giao hợp từ lâu năm (2).
Làm sao để cứu vãn tình thế nhàm chán sau bao nhiêu năm chăn gối?
Tình còn đẹp như thuở ban đầu? hay nay tánh tình thay đổi dễ giận dễ hờn, nặng lời gấu ó nhau? há chăng lời thề xưa chung tình đến bạc đầu đã quên sao?
Khi mà ‘Nhạt phấn phai hương’, nhan sắc cũng tàn tạ theo thời gian năm tháng, thảy thảy theo tuổi tác đều bị thay đổi từ hình dạng tới tâm tình, từ ngoài đến trong. Thử hỏi tình dục còn sức hấp dẫn lôi cuốn giữa cặp vợ chồng già, hay là đã nhàm chán trong cuộc sống hằng ngày?
Chắc chắn là còn, còn mãi nếu ta biết chăm bón, bổ dưỡng nó mà điều thiết yếu là biết nhường nhịn nhau, tạo cho được bầu không khí thuận hòa, tranh cãi làm gì, hơn thiệt làm chi, Thông cảm nhau, thứ tha cho nhau, chín bỏ làm mười là điều tiên khởi, là điểm thiết yếu, bằng không thì tan vỡ, hối tiếc thì đã muộn rồi.
Đời người được mấy gang tay? Cuộc đời quá ngắn ngủi. Không may một trong hai người được gọi về bên kia thế giới, hỏi còn gì buồn cho bằng chim lẻ bạn!
‘Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn’. Nói sao cho hết, tả sao cho cùng chuyện tình, là cả một nghệ thuật đầy tế nhị (un art subtil). Khi ta đã biết khai thác và bổ dưỡng nó thì chắc chắn hạnh phúc còn luôn mãi trong ta. Ta hãy tìm mọi cách để tạo cho được một môi trường thuận hòa, thông cảm, đừng quá câu nệ những gì tiểu tiết, lẻ tẻ, nhỏ nhặt không đáng chi để rồi hối tiếc sau này.
‘Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau‘ Lời qua tiếng lại vô ý tứ, thiếu tế nhị vô tình làm phật lòng nhau vô ích để rồi tình nghĩa bị lạt phai sứt mẻ. Chúng ta đều biết tính-tình nóng-nảy, giận hờn, quạu quạu, nói năng gắt gỏng đã làm mất nguồn hứng tình dục trong giờ phút đầy xúc cảm đang mong đợi, thật oan uổng vậy!
Ta năng gìn giữ chăm bón nó, trước là tình yêu, sau đến, mới là tình dục. Tiên tình yêu, hậu tình dục, như hình với bóng. Tình dục của kẻ mày râu, theo các nhà tâm lí học phân tách, thường chỉ là một nhu cầu (besoin) còn về phái yếu là bằng trái tim (amour). Ta phải biết dung hòa cả đôi bên, có được như vậy tình dục mới tạo được ý nghĩa và thích thú giữa vợ chồng già.
Đó là bí quyết thành công của tình dục bất kể tuổi nào. Chẳng thế mà ta thường nói tình yêu lẫn tình dục là cả một nghệ thuật. mà chính ta phải tự tìm kiếm và tạo nên.
Ngày đầu ta yêu nhau trong thực tế, bằng xác thịt, qua nhan sắc, nay tuổi tác cao, ta tìm con đường khác miễn là đạt tới đích ‘Ba mươi sáu nẻo đường đều dẫn đến thành La Mã (Tous les chemins mènent à Rome / All roads lead to Rome), ta yêu qua trí tưởng, bằng ảo ảnh hay qua lời nói âu yếm, mơn trớn, vỗ về những lời dịu ngọt đầm ấm, hay những cử chỉ tâm tình, tay nắm tay, vuốt ve (rapports de tendresse), đấy cũng là ý nghĩa hình ảnh của tình dục ‘cao thượng’ (amour platonique). Chúng ta nên thanh cao hóa (sublimer) tình dục bằng ý tưởng thánh hóa (déification) vì tình dục, theo đó không chỉ qua xác thịt mà thôi.
‘Tìm được vợ hiền là tìm thấy hạnh phúc, và nhận được ơn ĐỨC CHÚA ban cho’ (Kinh Thánh /CN 18/22) (4).
Ta thường ví von ‘Vợ có chồng như rồng có mây, chồng có vợ như cây có rừng’
Còn gì đẹp cho bằng tình thâm nghĩa trọng ‘Vợ chồng sống gửi thịt, chết gửi xương’ (vợ chồng gắn bó cả lúc sống đến lúc chết, sống gần gũi, chết cũng chôn gần nhau).
Vợ chồng già khác nào chiếc xe cũ kĩ, tuy nhiên không có nghĩa là vô dụng, xe càng già ta càng năng bổ dưỡng hơn (entretien); bánh xe tuy lăn chậm chạp, nhưng không đồng nghĩa là bị ‘panne / broken-down‘, Chúng ta cũng không khác chi, tuổi càng già, ta lại nên năng bảo trì hầu tránh bị ‘trục trặc’ (panne sexuelle, sex broken-down) dọc đường. Thử hỏi có mấy ai suốt cuộc sống tình dục lại không ý thức được điều này nhất là các vị cao niên? Tóm tắt lại, tuổi già không phải là vật phế bỏ, ngược lại miệng đời khéo đùa dai: Càng già, giá càng cao, lại càng dẻo càng dai!
KẾT LUẬN (phần nhất)
Tình dục ở tuổi cao niên nếu ta không biết gìn giữ hay vô tình thờ ơ, chóng chầy nó sẽ tan biến. Người pháp hay đùa bỡn:’ Tout nouveau, tout beau, tout passe, tout lasse, tout casse.’ Thuở ban đầu, ta say hoa đắm nguyệt, cái gì cũng đẹp, cũng xinh, và rồi với thời gian, mọi sự đều mòn mỏi, héo hắt, và cuối cùng tan rã theo bọt bèo. Tình người cũng vậy, không thoát khỏi cái định luật thiên nhiên của trời đất. Tuy nhiên, ta có thể cứu vãn tình thế bất cứ ở hoàn cảnh nào, khi mà thân tàn sắc phai nhưng ta còn đủ lí trí, sáng suốt đáp ứng được trước mọi nghịch cảnh; Tuổi tác ta đã cao, thân hình ta đã đổi dạng thay hình, sức lực ta đã hao hụt, nhưng trí óc ta hãy còn phần nào sáng suốt, ngần ngại gì, ta dựng lại bàn cờ, bầy canh khác, hãy tìm lại những gì đã mất, đổi bại thành thắng, thua canh này, ta thắng canh sau. Ta nên nhớ tiên tình yêu, hậu tình dục, như hình với bóng. Nếu quả vậy, ta nên vun bón trước là tình yêu, sau là tình dục tự nhiên tới, nó được thực hiện qua muôn vàn phương cách, nếu không là va chạm, cọ xát bằng da bằng thịt, thì qua bằng cử chỉ âu yếm, tay cầm tay, mơn trớn vuốt ve (rapports de tendresse), an ủi cho nhau, lời nói trìu mến sưởi ấm lòng nhau đó cũng là ý nghĩa hình ảnh của tình dục ‘cao thượng’ (amour platonique). Chúng ta nên thanh cao hóa (sublimer) tình dục bằng ý tưởng thánh hóa (déification).
Đấy là ý nghĩa của tình yêu, và tình dục của đôi vợ chồng già, khi mà tuổi tác ngày càng cao.
BS. BÙI VĂN THỌ
............................
(1) Qua báo chí y-khoa Pháp
(2) Tường thuật các báo chí y-khoa pháp
(3) Thơ Hồ xuân Hương
(4) Kinh Thánh / Châm ngôn 18/22
(*)Nội Kinh Tố Vấn (Médecine interne).
Có những triệu chứng tưởng chừng rất mơ hồ nhưng nếu bạn không chủ quan, sớm nhận biết và được chẩn đoán đúng, nhiều khả năng giúp bạn „thoát“ được những căn bệnh hiểm nghèo.
1. Dấu hiệu cảnh báo ung thư
Khi ung thư vừa phát sẽ không thấy đau đớn hay có dấu hiệu nào nên các xét nghiệm tầm soát là rất quan trọng. Khi ung thư phát triển theo các loại khác nhau, các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện.
Tuy nhiên, những dấu hiệu này có thể xuất phát từ nguyên nhân khác. Nên đi gặp bác sĩ. Trong nhiều trường hợp phát hiện và điều trị ung thư càng sớm càng có nhiều cơ may chữa dứt bệnh.
Ung thư bàng quang:
- Tiểu ra máu. Nước tiểu có màu đỏ sậm hay mờ nhạt, lợn cợn.
- Đau buốt khi tiểu.
- Đi tiểu nhiều lần hay tiểu gấp
Ung thư vú:
- Cảm thấy có một cục u dầy lên trong ngực, vùng xung quanh, dọc theo vùng xương cổ và dưới bầu vú hay vùng nách.
- Thay đổi kích cỡ hay hình dáng bầu vú.
- Chảy nước (không phải sữa) hay máu từ núm vú.
- Thay đổi mầu sắc hay cảm giác ở da vú. Núm vú, hay quầng vú (vùng thâm xung quanh núm vú). Da vú bị co rút, nhăn hay có vẩy.
Ung thư đại tràng, trực tràng:
- Thay đổi thói quen đi cầu
- Táo bón. Đi cầu nhiều lần và hay phân lỏng bất thường.
- Cảm thấy ruột luôn đầy.
- Máu nằm trong hay ngoài phân. Có thể mầu đỏ sậm hay đỏ tươi.
- Phân ra hẹp hơn bình thường.
- Bao tử phình to, đầy hay co rút.
- Thường sình hơi.
- Sụt cân không lý do.
- Mệt mỏi thường xuyên.
Ung thư thận:
- Tiểu ra máu
- Một khối ở vùng hông
- Đau mơ hồ vùng lưng hay vùng hông
- Ho không rõ nguyên nhân trên ba tuần
Ung thư phổi:
- Ho kéo dài, có thể là ho vì hút thuốc trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tức ngực. Có người bị đau lưng.
- Khàn tiếng.
- Thở đứt quãng hay khò khè.
- Viêm phổi hay viêm cuống phổi nhiều lần.
- Ho ra máu.
- Mệt mỏi, ăn không ngon, sụt cân.
- Cảm thấy vai, cánh tay, bàn tay yếu đi.
Ung thư buồng trứng:
Thường không có triệu chứng sớm. Khi có triệu chứng, các dấu hiệu bao gồm:
- Sưng nề hay khó chịu vùng bụng dưới
- Cảm thấy đầy bụng sau bữa ăn nhẹ. Sụt cân và chán ăn
- Đầy bụng, khó tiêu, buồn ói
- Tiêu chảy, bón hay tiểu nhiều lần
- Chảy máu từ âm đạo
Thường thì ung thư đã phát tán ở thời điểm phát hiện
Ung thư tuyến tiền liệt:
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Nếu có các dấu hiệu này là:
- Đi tiểu nhiều lần, nhất là về đêm
- Khó tiểu, nhất là lúc bắt đầu, khó giữ lại nước tiểu hay không tiểu được
- Dòng nước tiểu yếu hay bị gián đoạn
- Đau hay cảm giác rát bỏng khi đi tiểu
- Đau khi phóng tinh
- Máu trong nước tiểu hay tinh dịch
- Đau kéo dài hay cứng vùng phía dưới lưng, hông hay bắp đùi.
Ung thư tinh hoàn:
- Một khối ở tinh hoàn
- Cảm giác nặng ở bìu
- Đau âm ỉ vùng bụng dưới hay ở háng
- Đột ngột có nước ở bìu
- Đau hay khó chịu một bên tinh hoàn hay bìu
- Vú to lên hay nặng
Đàn ông từ 15 tuổi trở lên nên tự khám tinh hoàn đều đặn để phát hiện khối u hay thay đổi kích thước, hình dạng tinh hoàn
Ung thư họng:
- Khàn tiếng hay thay đổi giọng nói
- Khối ở vùng cổ hay cảm giác có một cục trong họng
- Ho kéo dài
- Khó nuốt. Cảm giác nặng hay rát bỏng khi nuốt
- Thường xuyên bị khó tiêu và nóng ngực. Hay bị ói hay nghẹn.
- Đau trong ngực hay trong họng
2. Những dấu hiệu cảnh báo tiểu đường:
1/3 người bị tiểu đường không biết mình mắc bệnh. Nên đi gặp BS ngay nếu bạn có ít nhất một trong các dấu hiệu sau:
- Tiểu nhiều lần
- Khát quá mức
- Đói quá mức
- Sụt cân bất thường
- Mỏi mệt - Bứt rứt - Mờ mắt
Ở tiểu đường type 1, các triệu chứng diễn ra nhanh chóng hơn. Với loại này, cơ thể không tạo được Insulin hay số lượng rất ít
Ở tiểu đường type 2, các triệu chứng diễn ra chậm hơn. Cơ thể không tạo ra đủ Insulin hay tạo ra không đúng cách. Loại này thường gặp ở người trên 40 tuổi, béo phì và không tập thể dục.
Tiền tiểu đường xảy ra trước khi bị tiểu đường type 2. Chẩn đoán và điều trị loại này giúp bạn không bị tiểu đường type 2.
Tiểu đường có thể diễn ra âm thầm không triệu chứng. Phát hiện và điều trị sớm giúp giảm nguy cơ biến chứng
3. Những dấu hiệu cảnh báo đau tim:
- Khó chịu ở ngực. Thường diễn ra trên vài phút hay biến mất rồi bị lại, cảm giác giống như đè ép, nặng ngực hay đau.
- Khó chịu ở nửa trên thân người. Có thể đau hay khó chịu ở một hay hai tay hay ở lưng, cổ, hàm hay vùng bao tử
- Thở gấp. Thường đi kèm với khó chịu ở ngực nhưng cũng có thể xảy ra trước đó
- Các triệu chứng khác. Bao gồm vã mồ hôi lạnh, buồn ói hay đầu óc quay cuồng
Triệu chứng thường gặp nhất ở cả nam lẫn nữ là đau hay khó chịu ở ngực... Nhưng phụ nữ thường có thêm các dấu hiệu khác như thở gấp, buồn ói, ói và đau lưng hay đau hàm
Nếu có dấu hiệu cảnh báo đau tim, nên đi cấp cứu ngay
4. Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ:
- Đột ngột bị tê hay yếu ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên người
- Đột nhiên bị lẫn lộn, khó nói chuyện hay nói bậy bạ vô nghĩa
- Đột ngột khó nhìn ở một hay hai mắt
- Đột ngột khó đi, chóng mặt, mất thăng bằng hay không phối hợp được
- Đột ngột nhức đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.
Đây là hướng dẫn chung. Nếu bạn có nhiều nguy cơ bệnh tật, các xét nghiệm nên làm sớm hơn. Các xét nghiệm phụ trợ như tầm soát tiểu đường hay tăng nhãn áp cũng có thể cần thiết. Nên theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Mặc dù hiếm, đàn ông vẫn có thể bị ung thư vú và nếu thấy một cục trong vú nên đi gặp bác sĩ.
(nguồn Tuổi Trẻ và Văn Khố Thuyền Nhân, Úc Châu)
Hàng năm, khi "Đã thấy Xuân về với gió đông"(1), thì vạn vật đều hân hoan đón nắng vàng rực rỡ sau mấy tháng âm u tuyết lạnh. Nhưng vào Xuân cũng là thời gian mà nhiều người "chẳng tiếc thương mà lệ nhòa, mũi nghẹt; vì rủi ro mang đến tự thiên nhiên".
Đó là rủi ro Viêm-Mũi-Dị-Ứng.
Nhiều người được Viêm chiếu cố cho hay rất khó mà tránh khỏi dị ứng này, ngoại trừ lang thang nơi sa mạc, vân du trên đỉnh núi tuyết trắng hoặc thu mình trong căn phòng điều hòa nóng lạnh.
Dị Ứng Viêm Mũi (Allergic Rhinitis) hoặc "Sốt Cỏ Khô" (Hay fever) là bệnh rất thông thường, ảnh hưởng tới 15% dân chúng, từ người lớn tới trẻ em.
Bệnh có thể xẩy ra theo mùa hoặc quanh năm. Theo mùa thì vào đầu Xuân, trong Hạ hay sớm Thu mà nguyên nhân là phấn hoa của cây cỏ hoặc do bào tử mốc meo. Còn suốt năm là do bụi rệp trong nhà, lông chó lông mèo.
Cho tới nay, đã có vài giả thuyết nhưng chưa có giải thích thỏa đáng tại sao cùng nô nức đi ngắm hoa anh đào mà nhiều người an toàn thưởng ngoạn, người khác thì ngứa mắt, hắt xì, luôn luôn Kleenex trên tay lau chùi mũi mắt. Hoặc bằng cách nào mà cha hoặc mẹ bị dị ứng thì con cái có 40% nguy cơ mắc bệnh và nếu song thân cùng bị thì rủi ro của con sẽ cao hơn, tới 60%.
Có ý kiến cho là bệnh càng ngày càng thường xảy ra vì đời sống văn minh hơn, con người khỏe mạnh hơn, hệ thống miễn dịch hữu hiệu hơn. Và hệ thống này với lương tâm chức nghiệp quá cao, đã đáp ứng hơi quá đáng với những chất mà bình thường vẫn được coi là vô hại.
Mới đây, Cơ Quan Y Tế Thế Giới cho hay có tới 25% dân số của các quốc gia kỹ nghệ cao bị viêm mũi dị ứng.
Bác sĩ Donald Leung, Trưởng Khoa Dị Ứng của National Jewish Medical and Research Center, Denver đặt vấn đề là "có một cái gì đó ở đời sống Tây phương làm tăng số bệnh dị ứng". Vì dân chúng Ấn Độ, Nam Dương ít bị phản ứng trong khi đó tỷ lệ dị ứng của dân Mỹ tăng tới 31 % từ năm 1985 tới năm 1995.
Nhưng may mắn là khoa học đã làm sáng tỏ một số nguyên do gây dị ứng cũng như đưa ra những biện pháp phòng ngừa, điều trị khá hữu hiệu.
Tác động dị ứng
Tưởng cũng nên phân biệt dị ứng (Allergy) với hiện tượng quá nhạy cảm (Sensitive). Một người thấy khó chịu cay mắt khi ngồi gần khói thuốc lá là người đó quá nhạy với khói thuốc chứ không dị ứng. Còn dị ứng thì phức tạp hơn.
Trong tác động dị ứng, có ít nhất ba thành phần tham dự: chất gây ra dị ứng (allergens) chất kháng thể (Antibody) và hóa chất trung gian Histamine.
a- Chất gây dị ứng là những hạt phấn của cỏ cây hoa lá, hạt bụi bặm và vi sinh vật lởn vởn trong không khí.
b- Chất kháng thể IgE hiện diện trong máu là một thành phần của hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể khi chất gây dị ứng xâm nhập.
c- Hóa chất Histamine là sản phẩm của sự tác động giữa chất gây dị ứng và kháng thể. Histamine làm giãn nở các mạch máu ở mũi, chất lỏng thoát ra và đưa đến những dấu hiệu, triệu chứng khó chịu của người bệnh.
Nguyên nhân
Những hạt phấn hoa thường là thủ phạm gây ra phản ứng dây chuyền trong Viêm Mũi Dị Ứng. Tùy địa phương, tùy mùa mà tác nhân này có nhiều hay ít.
Vào đầu Xuân, có phấn từ hoa cây cối; cuối Xuân phấn từ cỏ; rồi vào Hạ có phấn từ cỏ dại phấn hương; mùa Thu có dị ứng do các bào tử của mốc meo. Với thời tiết nắng ấm, phấn lởn vởn trong không khí có khi cả mấy tháng.
Phấn là những hạt nho nhỏ hình tròn hoặc bầu dục mà chức năng chính yếu là sinh sản qua sự thụ phấn, để làm giầu cỏ cây cho trái đất. Thụ phấn có thể trong cùng một cây hoặc nhờ gió và ong bướm trao duyên từ hoa này sang hoa khác.
Điểm đáng lưu ý là phấn hoa không hương thơm của cây cối cần gió đưa đi thụ phấn lại gây nhiều dị ứng hơn là phấn do những ong thợ bay từ hoa này sang hoa khác hút mật. Phấn hoa thường có nhiều vào buổi sáng và chỉ cần vài chục hạt là đủ gây phản ứng.
Hạt phấn theo gió bay đi rất xa, cả mấy trăm dặm, nên muốn chạy trốn cũng khó, mà chặt cây gây dị ứng ở vườn nhà thì còn phấn từ vườn người.
Cỏ dại phấn hương (ragweed) là thủ phạm gây dị ứng nhiều nhất ở Bắc Mỹ, rồi đến cỏ Bermuda, phấn cây sồi (oak), tần bì (ash), cây du (elm), cây hồ đào (pecan).
Triệu chứng
Phấn hoa bay vào mũi khi ta hít thở không khí, kháng thể chống lại và cơ thể tiết ra Histamine. Hóa chất này gây ra những triệu chứng của dị ứng như: chảy nước mũi, ngứa lỗ mũi và miệng, nghẹt mũi khiến phải thở bằng miệng, hắt xì hơi; mắt ngứa, chảy nước mắt, mí mắt sưng húp. Nghẹt mũi là triệu chứng mà 90% nạn nhân than phiền đồng thời cũng làm họ khó chịu nhất.
Nhiều người ho khan, thở hụt hơi, khò khè trong phổi nhất là ban đêm gây mất ngủ. Trường hợp nặng, có thể đưa tới viêm xoang mũi, viêm tai trong, mệt mỏi toàn thân, nhức đầu, cáu kỉnh, ói mửa, ăn uống không được.
Thực ra những triệu chứng dị ứng không nguy hại lắm nhưng làm ta bực mình, đôi khi cản trở sinh hoạt hàng ngày. Có người hắt xì hơi cả vài chục lần liên tiếp. Cơn dị ứng kéo dài có khi tới nửa giờ, xảy ra nhiều lần trong ngày. Bệnh có thể hành hạ cả vài tuần và là nguyên do nghỉ sở của nhiều người đi làm cũng như nghỉ học của nhiều học sinh.
Điều trị
Việc điều trị có mục đích giảm thiểu các khó chịu do chất histamine gây ra. Dược phẩm thường dùng gồm các thuốc Anti- Histamine uống và xịt mũi; thuốc uống, chích hoặc xịt mũi có chất steroids; thuốc Pseudoephedrine chống nghẹt mũi; phối hợp thuốc chống Histamine và thuốc chống nghẹt mũi.
Antihistamine là thuốc căn bản được dùng trước tiên để làm giảm các triệu chứng như ngứa ngáy, hắt xì hơi, chẩy nước mũi, ngứa và chẩy nước mắt. Thuốc ngăn sự sinh sản hóa chất histamine nhưng không có công hiệu với nghẹt mũi.
Thuốc cũng được dùng như điều trị phòng ngừa: Bệnh nhân dị ứng theo mùa có thể dùng thuốc trước hoặc ngay đầu mùa dị ứng; còn dị ứng quanh năm thì dùng trước khi tiếp cận với chất gây bệnh. Cũng không lấy làm lạ khi thấy có người phải uống thuốc quanh năm, tuỳ theo tình trạng bệnh. Và cũng tùy theo ý kiến của thầy thuốc.
Thuốc anti-histamine được mua bán hoặc tự do hoặc cần toa bác sĩ.
Một vài loại anti-histamine thế hệ cũ được dùng từ năm 1930 có thể vào não bộ và gây ra sự ngây ngất, buồn ngủ nên ta cần cẩn thận khi lái xe hơi hay điều khiển máy tự động.
Từ năm 1980, một số anti-histamine không gây ngây ngất được tung ra thị trường, cần toa bác sĩ và cũng khá đắt tiền.
Xin liệt kê tên vài dược phẩm như sau:
a- Thuốc antihistamine gây ngây ngất buồn ngủ như Diphenhydramine (Benadryl), Chlotrimeton.
Benadryl là loại thường dùng nhất. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ không tốt nhất là với quý vị trên 60 tuổi. Chẳng hạn: mất định hướng, chóng mặt, xỉu, kém chú ý, ngây ngất buồn ngủ, hay quên, khô miệng, táo bón, đi tiểu khó khăn, mờ mắt. Khi uống Benadryl thì không nên uống rượu, thuốc ngủ vì sẽ ngủ nhiều hơn. Và để tránh kích thích bao tử, nên uống thuốc với chút sữa hoặc ăn chút thực phẩm.
b- Thuốc không gây buồn ngủ: Thuốc uống Allegra, Claritin, Zyrtec. Claritin đã được mua không cần toa bác sĩ. Các thuốc này có lợi điểm là không gây ngây ngất buồn ngủ nên thuận lợi cho người phải lái xe hoặc làm việc trí óc cần nhiều tập trung.
Mới đây, bên Gia Nã Đại có thuốc Aerius không gây ngây ngất, công hiệu cho cả nghẹt mũi lẫn ngứa chẩy nước mắt, nước mũi và không cần đơn thuốc lang y.
Ngoài ra còn các loại huốc xịt mũi Sinarest, Afrin, Astelin, các loại thuốc có chất steroid như Beconase, Vancenase, Nasocort đều rất công hiệu.
Để tránh tác dụng phụ của antihistamine, thuốc chống nghẹt mũi, cũng như các thuốc khác, xin tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhất là với quý vị bị tăng nhãn áp (glaucoma), viêm sưng nhiếp tuyến, cao huyết áp.
Phòng ngừa
Dị ứng thường do tác nhân từ môi trường gây ra nên sự phòng ngừa nhắm vào việc ngăn chặn tiếp xúc với các tác nhân đó. Sau đây là một vài phương thức:
- 1- Dị ứng với phấn hoa: Số lượng phấn hoa trong không khí cao nhất từ nửa đêm tới 8 giờ sáng, đặc biệt vào những ngày nắng ấm và khô. Trong khoảng thời gian này cần tránh tối đa việc đi ra ngoài trời; đóng cửa nhà và cửa xe, dùng máy điều hòa không khí. Nếu cần ra ngoài, mang mạng che mũi miệng.
Thời gian an toàn để ra ngoài là sau một cơn mưa, những giọt nước sẽ rửa sạch không khí khỏi những phấn hoa bay lượn.
Không nên phơi quần áo ngoài sân vườn, tránh vướng phấn hoa, mặc vào bị dị ứng.
Nếu ban ngày làm việc ngoài vườn, thì tắm rửa, gội đầu trước khi lên giường chứ chẳng nên nằm ngủ với mớ phấn hoa trên tóc, trên mình. - Dị ứng với mốc meo: Trong nhà, mốc meo thường có ở phòng tắm, cầu tiêu nên cần được lau rửa với dung dịch chlorine; tránh làm vườn, cào lá để khỏi hít mốc, bụi.
- Dị ứng với bụi bặm trong nhà: Giữ cho nhà ít bụi chừng nào hay chừng đó, nhất là ở buồng ngủ; bọc gối, nệm; giặt khăn trải giường hàng tuần với nước nóng để trừ mạt; dùng loại màn cửa giặt được dễ dàng; chạy máy điều hòa không khí để làm giảm độ ẩm trong nhà.
- Dị ứng với súc vật: đừng nuôi chó mèo trong nhà; tắm chúng hàng tuần; đừng để chó mèo nằm trên thảm trong phòng khách, phòng ngủ.
Tiêm ngừa.
Bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể nghiên cứu, thử nghiệm xem ta có vấn đề với tác nhân nào rồi chích ngừa để tăng cường cơ chế miễn dịch của cơ thể với tác nhân đó.
Nhắc lại miễn dịch là khả năng của cơ thể chống lại bệnh nhiễm hoặc tác nhân gây bệnh bằng kháng thể (antibodies) và bạch cầu trong máu.
Miễn dịch chủ động khi chính các tế bào của cơ thể sản sinh ra kháng thể thích đáng sau khi bị nhiễm bệnh hoặc được kích thích bằng tiêm chủng chất gây nhiễm (vaccin). Còn miễn dịch thụ động là chích kháng thể làm sẵn lấy từ người khác hoặc từ súc vật đã bị nhiễm.
Mới đầu, người bệnh sẽ được chích mỗi tuần lễ một lượng rất nhỏ chất gây dị ứng rồi tăng phân lượng lên từ từ cho tới khi triệu chứng thuyên giảm và để bệnh nhân quen dần với tác nhân này. Lúc đó thay vì có tác động dị ứng thì cơ thể sẽ tạo ra một kháng thể chống lại chất gây dị ứng và chặn không cho chất histamine được sản xuất.
Phương pháp thường được áp dụng cho bệnh nhân không thuyên giảm sau khi dùng dược phẩm hoặc đã tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng. Người mang thai không nên khởi sự tiêm ngừa cũng như không nên chích khi đang có bệnh suyễn nặng.
Nếu được thực hiện chính xác, miễn dịch trị liệu khá công hiệu, nhất là với phấn hoa, nhưng rất tốn kém và thời gian thực hiện kéo dài tới vài ba năm mới hoàn tất. Nhưng để đền đáp lại, ta có thể bình an theo nhà thơ Nguyễn Bính thung dung lần bước vào khung cảnh "Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng, Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng". Để vui với cụ Xuân thứ tư của tân thiên kỷ.
Chẳng cũng thích thú lắm sao!
Phân tách
• Sữa, Sữa đậu Nành KỴ Mật Ong: Trong Đậu phụ (tàu hũ) thường có thạch cao và trong Mật ong thì có đường. Hai thành phần này gặp nhau sẽ tạo hiện tượng vón cục, đông cứng trong dạ dày gây khó thở, hụt hơi rồi hôn mê. Đặc biệt, nếu mắc bệnh tim mạch, thời gian dẫn đến tử vong có thể nhanh hơn.
• Sữa đậu Nành KỴ Đường đen: Trong đường đen có chất acid malic, khi hòa tan trong sữa đậu nành sẽ tạo ra chất lắng làm giảm chất bổ của sữa đậu nành. Mặt khác khi uống vào dễ bị đầy bụng, khó tiêu khiến hấp thụ các chất khác cũng giảm.
• Sữa đậu Nành KỴ Trứng gà: Gây chứng khó tiêu, đầy bụng!
• Sữa Bò KỴ Cam Quýt Bưởi Chanh: Sữa Bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%. Khi pha sữa bò lẫn (hoặc uống) cùng với nước trái cây chua sẽ làm cho chất cazeine kết dính, lắng đọng lại gây khó tiêu và rối loạn tiêu hóa. Trẻ em, nếu uống lâu dài sẽ dễ mắc bệnh methemoglobin, gây khó thở, tim tái và có nguy cơ tử vong.
• Thịt Gà KỴ Kinh Giới kỵ nhau: Ăn cùng lúc… dễ bị phong ngứa!
• Thịt Dê KỴ Dưa hấu: Dễ ngộ độc!
• Thịt Dê KỴ nước Trà: Gây niêm mạc ruột dẫn đến táo bón, nguy cơ ung thư.
• Thịt Rắn KỴ Củ Cải xào: Nguy hiểm chết người!
• Thịt Ngỗng KỴ Quả Lê: Ăn vào có thể bị sốt cao!
• Thịt Chó KỴ Cải Thìa: Coi chừng tiêu chảy không thuốc chữa!
• Thịt Chó KỴ Nước chè: Ăn thịt chó mà uống nước chè là... coi chừng mắc ung thư ruột!
• Gan động vật, lòng đỏ trứng gà KỴ một số loại rau: Không nên ăn cùng với các loại rau cần, khoai, cà rốt... vì có chứa nhiều cellulose và acid oxalic ảnh hưởng hấp thụ sắt trong thức ăn.
• Cá Chép KỴ Cam thảo: Ăn chung dễ bị trúng độc!
• Ba-Ba (cua đinh) KỴ rau Dền, rau Sam: Gây đau bụng quằn quại, nguy hiểm tính mạng!
• Hải Sản KỴ Trái cây: Vừa ăn Hải Sản xong mà ăn liền các loại trái cây như là nho, lựu, hồng... thì dễ xuất hiện các triệu chứng như là nôn ọe, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy... vì trong loại trái cây này có chứa acid tannic gặp protein (trong hải sản) sẽ bị đông lại và trầm lắng, tạo ra khó tiêu hóa. Vì vậy, sau khi ăn hải sản khoảng 4 tiếng... mới nên ăn những trái cây trên.
Cũng nên biết thêm: sau khi ăn Thịt (mọi thứ thịt) cũng không nên uống trà ngay!
• Các loại động vật có vỏ sống dưới nước KỴ VitaminC: Tôm, cua, ốc, hến... (nói chung) chứa nhiều asen hóa trị 5 không gây độc cho cơ thể... tuy nhiên, khi ăn những thực phẩm này mà uống vitamin C hoặc những các thứ có chứa nhiều vitamin C (như cam, chanh, cà chua, nho, mướp đắng, rau ngót...) sẽ chuyển thành chất rất độc có thể gây chết người.
• Trứng Gà KỴ Óc Heo: Tăng cholesterol, dễ cao huyết áp đột ngột dẫn đến tử vong!
• Trứng Vịt KỴ Tỏi: Biến thành chất độc hại... nhất là khi dùng tỏi (khử hôi) đã cháy sém!
• Chuối Hột KỴ Mật, Đường: Sình bụng, phình dạ trướng!
• Chuối Tiêu KỴ khoai Môn, Sọ: Gây đau bụng quằn quại!
• Củ cải KỴ Trái cây: Các loại Lê, Táo, Nho có chất đồng Ceton phản ứng với acid cianogen lưu huỳnh có trong Củ Cải khiến người ăn bị suy tuyến giáp trạng và bướu cổ.
• Cà rốt, Rau câu, rau cải KỴ Dấm carontine và acid acetic: Xào cà rốt tuyệt đối không cho giấm, vì acid acetic sẽ phá hoại hết carontine. Cũng như vậy, rau câu, rau chân vịt, rau cải có chứa nhiều carontine cũng không nên nêm giấm vào khi xào.
• Khoai Lang KỴ Hồng, Mận: Trong trái hồng có chứa vị chát (tanin) và pectin. Khi ăn khoai lang cùng với hồng... tinh bột trong khoai lang sẽ tiết ra nhiều vị toan lẫn chất tanin và pectin trong hồng, hình thành sỏi trong dạ dày. Nếu tình trạng nặng sẽ gây loét và chảy máu dạ dày. Người bị đau dạ dày rất cần phải lưu ý hơn để tránh ăn cùng lúc những món này.
• TRÁNH uống nhiều nước có chất Gas đang khi ăn: Ảnh hưởng quá trình tiêu hóa, cụ thể là làm loãng dịch vị, gây cản trở co bóp thức ăn dẫn đến viêm dạ dày.
Đã biết nhưng làm sao để dễ nhớ? Thử nhẩm bài vần dưới đây:
Mật ong, Sữa, Sữa đậu Nành,
Ăn cùng tắc tử... phải đành xa nhau!
Gan Lợn, Giá (đậu) nực cười,
Xào chung, mất sạch bổ tươi ban đầu!
Thịt Gà, Kinh giới kỵ nhau,
Ăn cùng một lúc, ngứa đầu phát điên!
Thịt Dê, ngộ độc do đâu?
Chỉ vì Dưa Hấu, xen vào bữa ăn!
Ba-Ba ăn với Dền, Sam,
Bụng đau quằn quại, khó toàn vẹn thân!
Động kinh, chứng bệnh rành rành,
Là do thịt Lợn, rang chung Âu tầu!
Chuối Hột ăn với Mật, Đường,
Bụng phình, dạ trướng, dọc đường phân rơi!
Thịt Gà, rau Cải có câu,
Âm dương, khí huyết thoát vào hư vô!
Trứng Vịt, lẫn Tỏi, than ôi,
Ăn vào chắc chết, mười mươi rõ ràng!
Cải Thìa, thịt Chó xào vô,
Ăn vào, đi tả, hôn mê khôn lường!
Sữa bò, Cam, Quýt, Bưởi, Chanh...
Ăn cùng một lúc, liên thanh sấm rền!
Quả Lê, thịt Ngỗng thường thường,
Ăn vào cơ thể đùng đùng sốt cao!
Đường đen pha Sữa đậu Nành,
Đau bụng, tháo dạ, hoành hành suốt đêm!
Thịt Rắn, kị Củ Cải xào,
Ăn vào, sao thoát lưỡi đao tử thần!
Nôn mửa, bụng dạ không yên,
Vì do Hải Sản ăn liền trái cây!
Cá Chép, Cam Thảo, nhớ rằng,
Ăn chung, trúng độc, không cần hỏi tra!
Nước Chè, thịt Chó no say
Thỉnh thoảng như thế... có ngày ung thư!
Chuối Tiêu, Môn, Sọ phiền hà,
Ruột đau quằn quại, như là dao đâm!
Khoai lang, Hồng, Mận ăn vô,
Dạ dày viêm loét, tổn hư tá tràng!
Ai ơi, khi chưa dọn mâm?
Nhắc nhau nấu nướng, sai lầm hiểm nguy!
Giàu Vitamin C chớ có ham
Nấu cùng Ốc, Hến, Cua, Tôm, Nghêu, Sò!
Ăn gì? Ăn với cái gì?
Là điều cần nhớ, nên ghi vào lòng!
Chẳng may ăn phải, vài giờ...
Chúng tạo chất độc bảng A chết người!
Quý nhau mời tiệc lẽ thường!
Thức ăn tương phản, trăm đường hại nhau!
Ngoài ra, trong sự ăn uống cũng nên biết có một số thực phẩm:
1. Ảnh hưởng tới sự hấp thụ protein như:
• lòng trắng trứng sống (trong có chứa chất antitrypsin, chống lại sự tiêu hóa protein của thịt, cá, sữa).
• sữa tươi (có chất kháng men tiêu hoá protein) vì vậy một số người uống sữa tươi bị đầy bụng lâu tiêu.
• các loại đậu chưa nấu chín.
2. Làm mất tác dụng của vitamin như:
• món gỏi cá (vì trong cá sống có chất kháng vitamin B1 gọi là pyrithiamine).
• trứng sống hay chưa chín (vì chất avidin trong trứng sống hay chưa chin hẳn... khi ăn vào sẽ kết hợp với vitamin H hay biotin tạo thành hợp chất avitin (biotin làm cơ thể thiếu vitamin).
• bắp cải, bầu bí, dưa chuột (có chất men ascorbic oxidase phá hủy vitamin C)
3. Cản trở sự hấp thu chất khoáng như:
• các trái cây chua như me, khế, xoài xanh…(chất acid oxalic cản trợ sự hấp thu calcium).
• các loại rau có glucozit như bắp cải, củ cải, cải bẹ…(dưới ảnh hưởng của các men trong cơ thể, glucozit bị phân hủy tạo ra thiocyamate và isothiocyanate càn trở việc kết hợp iốt của tuyến giáp).
4. Có chứa độc tố như:
• măng, sắn tươi (glucozit chứa trong loại thực phẩm này khi gặp nước, acid hoặc men tiêu hóa sẽ tạo thành acid cyanhydric ở thể tự do gây ngộ độc).
Do đó khi ăn sắn, bạn nhớ bóc hết vỏ dày, cắt khúc, đem ngâm nước rồi hãy nấu chín.
• cà chua xanh và khoai tây (vỏ khoai tây, nhất là mầm khoai, có nhiều chất solanin, gây ngộ độc)
Mỗi năm, cả thế giới phát hiện 10 triệu trường hợp ung thư (UT), nhưng theo Tổ chức y tế thế giới ước tính đến năm 2020 có khoảng 15 triệu, tăng 50%, nếu chúng ta không tích cực “hành động”. Hầu hết các chứng UT có thể biết trước, thay đổi cách sống có thể làm giảm nguy cơ. Đây là “tế cấp tam thập điều” để ngăn ngừa UT:
- Một nghiên cứu của Phần lan thấy rằng quá trình lên men có liên quan tới việc dưa bắp cải (sauerkraut, của Đức) sản sinh các hợp chất kháng UT – kể cả ITC, indole và sulforaphane. Để giảm lượng sodium, hãy rửa dưa muối trước khi ăn.
- Ăn bông cải (broccoli), nhưng nên hấp hoặc chưng chứ đừng nấu bằng lò vi-ba. Bông cải là “siêu thực phẩm ngăn ngừa UT, nên ăn thường xuyên. Tuy nhiên, nghiên cứu của Tây ban nha thấy rằng bông cải nấu bằng lò vi-ba làm giảm 97 % flavonoid (chất kháng UT). Do đó nên luộc, hấp, chưng, trộn hoặc ăn sống.
- Ăn món trộn với dầu hạnh nhân Brazil (brazil nut) vì chất selenium giúp ngăn chặn quá trình phát triển tế bào UT và “điều chỉnh” AND. Nghiên cứu của ĐH Harvard ở hơn 1.000 người đàn ông (bị UT tiền liệt tuyến) cho thấy rằng những người có mức selenium cao thì giảm phát triển bệnh 48% trong 13 năm kế tiếp so với những đàn ông có mức selenium thấp. Nghiên cứu trong 5 năm, ĐH Cornell và ĐH Arizona thấy rằng lượng 200mg selenium mỗi ngày (tương đương 2 hạt hạnh nhân Brazil) giúp giảm 63% UT tiền liệt tuyến, giảm 58% UT trực tràng, 46% bướu phổi ác tính, và giảm 39% hấu hết các loại UT gây tử vong.
- Bổ sung calcium và vitamin D. Nghiên cứu của Trường Thuốc Dartmouth cho thấy rằng việc bổ sung này làm giảm polyp đại tràng (nguy cơ gây UT) ở những người dễ phát triển bệnh này.
- Hãy thêm tỏi vào món ăn. Tỏi chứa sulfur khả dĩ kích thích sức đề kháng UT tự nhiên của hệ miên nhiễm và có thể ngăn ngừa ung bướu. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng tỏi có thể làm giảm UT bao tử khoảng 12%.
- Phi 2 nhánh tỏi đâp giập với 2 muỗng dầu ôliu, rồi trộn với cà chua và dùng với mì sợi. Chất lycopene (có trong cà chua) giúp đề kháng UT đại tràng, UT tiền liệt tuyến và UT bàng quang. Dầu ôliu giúp cơ thể hấp thu lycopene, còn mì sợi (giàu chất xơ) giúp giảm nguy cơ UT đại tràng.
- Mỗi tuần, nên mua dưa đỏ (cantaloupe) về xắt miếng và cho và o tủ lạnh để ăn dần mỗi sáng. Dưa đỏ giàu carotenoid – loại hoá chất thực vật làm giảm nguy cơ UT phổi.
- Trộn nửa chén trái việt quất (blueberry) với bột ngũ cốc dùng mỗi sáng. Việt quất giàu chất chống ôxít hoá. Chính chất chống ôxít hoá làm trung hoà các căn nguyên tự do làm tổn hại tế bào và gây bệnh.
- A-ti-xô giàu silymarin – chất chống ôxít hoá khả dĩ chống UT da. Loại này dễ an và ngon. Có thể luộc hoặc hấp khoảng 30-45 phút thì mềm.
- Thịt nướng ăn ngon miệng nhưng nó chứa nhiều hoá chất gây UT. Viện nghiên cứu UT Mỹ thấy rằng thịt ướp nước sốt và nướng thì giúp giảm tạo ra loại hoá chất như vậy. Nên luộc thịt rồi nướng.
- Nghiên cứu cho thấy rằng những đàn ông uống 8 ly nước lớn mỗi ngày giúp giảm nguy cơ UT bàng quang được 50%. Phụ nữ uống nước nhiều giúp ngăn ngừa UT đại tràng khoảng 45%.
- Hãy có thói quen uống trà. Trà xanh được đánh giá cao ở Á châu hằng ngàn năm qua. Tây phương nghiên cứu mới đây cho thấy trà đề kháng nhiều loại UT, kể cả bệnh tim. Một số khoa học gia tin rằng một loại hoá chất trong trà là EGGG có thể là một trong các hợp chất kháng UT mạnh nhất được phát hiện từ trước tới nay.
- Hãy uống một chút bia, đừng uống nhiều.. Bia đề kháng vi khuẩn Helicobacter pylori, loại gây ung bướu khả dĩ dẫn đến UT bao tử. Uống bia, rượu nhiều có thể gây UT vú, miệng, họng, thực quản và gan.
- Các nhà nghiên cứu Úc dân Canada và thấy rằng những người ăn từ 4 phần cá hồi trở lên mỗi tuần thì giảm gần 1/3 nguy cơ bệnh bạch cầu. Các nghiên cứu khác cho thấy việc ăn cá có mỡ (cá hồi, cá thu, cá bơn, cá mòi và cá ngừ - kể cả tôm, sò) thì giảm nguy cơ UT tử cung ở phụ nữ. Omega-3 có trong cá rất có lợi cho sức khoẻ và kỳ diệu!
- Nên bổ sung viên đa vitamin mỗi sáng. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng vitamin và khoáng chất khả dĩ cải thiện hệ miễn nhiễm và giúp ngăn ngừa nhiều chứng UT.
- Mỗi ngày phơi nắng sáng 15 phút để làm khoẻ xương. Ánh nắng chứa nhiều vitamin D tự nhiên rất cần cho cơ thể. Nghiên cứu cho thấy rằng thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều chứng UT như UT vú, đại tràng, tiền liệt tuyến, buồng trứng, bao tử, loãng xương, tiểu đường, đa ngạch kết (xơ cứng) và cao huyết áp. Nhưng nên tránh ánh nắng gắt, vì nó có thể gây UT da. Cũng có thể bổ sung vitamin D.
- Cắt đôi trái kiwi và múc phần “thịt” mà ăn. Trái kiwi chứa chất chống ôxít giúp ngăn ngừa UT. Nó còn chứa vitamin C, vitamin E, lutein và đồng.
- Cẩn thận khi quan hệ tình dục. Có thể đề phòng bằng cách dùng bao cao-su để ngăn ngừa lây nhiễm papillomavirus (HPV), loại virus này có thể gây UT cổ tử cung.
- Giảm ăn mở động vật. Nghiên cứu của ĐH Yale cho thấy rằng các phụ nữ ăn nhiều mỡ động vật có nguy cơ 70% bị bạch cầu, ăn nhiều chất béo bão hoà tăng nguy cơ là 90%. Do đó nên ăn ít chất béo động vật, thay vào đó nên dùng dầu thực vật và dầu cá.
- Nho chứa nhiều hợp chất resveratrol giúp đề kháng UT, ăn nho chứ đừng uống rượu nho, vì rượu làm tăng nguy cơ UT vú ở phụ nữ. Nho có khả năng làm mạnh hệ miễn nhiễm.
- Hành tươi tốt cho sức khoẻ vì nó khả dĩ chống UT tiền liệt tuyến khoảng 50%. Ăn sống tốt hơn nhúng tái hay nấu chín.
- Hằng ngày nên dùng nước chanh. Các nhà nghiên cứu Úc thấy rằng chanh có khả năng làm giảm UT miệng, họng và bao tử.
- Sau bữa tối nên đi dạo 30 phút. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, hoạt động này giúp giảm nguy cơ UT vú. Đi bộ giúp điều chỉnh mức estrogen (hormone gây UT vú) và giảm cân hiệu quả.
- Dùng thực phẩm hữu cơ, vì chúng không có thuốc trừ sâu hoặc thuốc tăng trưởng. Cả 2 loại thuốc này đều có thể làm tổn thương tế bào và gây UT.
- Cây bồ công anh (dandelion) có thể làm giảm nguy cơ UT.
- Tự giặt ủi quần áo không dùng máy sấy khô. Nhiều loại máy sấy khô dùng hoá chất perc (perchloroethylene), chất này có thể gây tổn hại thận, gan và UT. Đừng lạm dụng ly nhựa uống nước hằng ngày hoặc đựng đồ ăn bằng đồ nhựa.
- Dùng dưa leo (dưa chuột) tươi thay vì dưa muối và dùng cá hồi tươi. Nghiên cứu cho thấy rằng thực phẩm muối hoặc hun khói chứa nhiều carcinogen (chất gây UT).
- Đừng ăn nhiều khoai tây chiên và bánh qui vì chúng chứa nhiều acrylamide - chất gây UT, sản sinh trong quá trình nướng. Theo Michael Jacobson, giám đốc điều hành Trung tâm Khoa học về Quan tâm Cộng đồng, acrylamide gây khoảng 1.000 đến 25.000 trường hợp UT mỗi năm. FDA đang xem xét mức nguy hại của acrylamide.
- Nên nằm giường vải, ngồi ghế vải (kiểu ghế bố) để cơ thể thoải mái, tránh tổn hại da.
- Nghiên cứu của ĐH Quốc gia New York ở Stony Brook cho thấy rằng quý ông chịu stress nhiều và ít giao thiệp, hoặc các thành viên gia đình có mức cao về sinh kháng thể tiền liệt tuyến (prostate-specific antigen – PSA) trong máu thì dễ bị UT tiền liệt tuyến.
(Theo Reader’s Digest)
Bác sĩ Nha khoa Anne-Marie Hoà Nguyễn chuyên trị bệnh nướu răng và đặt implant (Periodontology & Implantology) tốt nghiệp Baylor College of Dentistry năm 1990, có bằng Master of Science về phân khoa nướu răng tại University of Texas - San Antonio năm 1996 và Board Certified bởi Hội American Board of Periodontology năm 1997, hiện đang hành nghề ở vùng Tây Nam (Southwest) Houston. Nếu có những thắc mắc liên quan tới nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, Texas 77036. ĐT: 713.917.0907.
Copyright (c) 2011 Anne-Marie H Nguyễn, DDS, MS.
Mùa Thu 2010, tôi có dịp vào bệnh viện thăm một bệnh nhân bị ung thư phổi. Khi tới nơi, tôi thấy cơ thể của ông chỉ còn có da bọc xương và ông cố gắng níu lấy sự sống qua từng hơi thở khò khè và khó nhọc. Người vợ đứng bên cạnh âu yếm vuốt tóc và ngực của chồng như đang cố giúp và hỗ trợ tinh thần cho ông. Thỉnh thoảng bà vợ lại nhỏ vài giọt nước vào miệng của bệnh nhân cho đỡ khát. Tôi không thể nào cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh vợ chồng họ sắp phải xa lìa nhau. Sau khi tôi ra về, 2 giờ sau thì ông đã trút hơi thở cuối cùng trong tay người vợ.
Tôi biết khi còn sống, ông ta hút thuốc lá rất nhiều. Khi biết mình đã mắc bệnh ung thư phổi và đã trải qua thời gian giải phẫu và trị liệu, lúc đó ông mới quyết tâm bỏ thuốc lá. Nhưng đã quá muộn màng!
Tôi luôn thắc mắc và tự hỏi: Tại sao người ta lại tìm tới điếu thuốc để giải sầu, để giảm căng thẳng và tìm nguồn vui trong làn khói trắng!? Cho dù có hàng trăm ngàn bài viết nói về tác hại của thuốc lá, nhưng "chứng nào tật đó" là vẫn "nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên". Thật khó khăn đến thế nào trong việc cai nghiện thuốc lá!
Tôi nhận thấy có rất ít bài viết bằng tiếng Việt nói về tác hại của thuốc lá trong khoang miệng và đường khí quản. Vì quan tâm và muốn xây dựng một môi trường trong lành cho chính bản thân, cho gia đình, cộng đồng và xã hội, bài viết này xin gửi tặng quí độc giả, nhất là những ai vẫn còn "vương vấn" với thuốc lá, để chúng ta cùng hiểu rõ thêm tác hại của điếu thuốc qua khoang miệng và đường khí quản trong cơ thể của con người.
BẠN CẦN BIẾT
Theo thống kê, ở Mỹ mỗi ngày có hơn 1,000 người chết vì những bệnh gây ra do hút thuốc (khoảng 400,000 người mỗi năm). Trung bình mỗi ngày trên thế giới có 10,000 người chết do sử dụng thuốc lá, tương đương với 10 máy bay loại lớn chở khách bị tai nạn mỗi ngày. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì bạch phiến (cocaine), heroin, rượu, tai nạn giao thông, AIDS, tự tử, và bị giết (homicide) cộng lại.
Mỗi năm dân Mỹ tiêu khoảng 170 tỷ đô la để chữa những bệnh do thuốc lá gây ra.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam có 50% nam giới và 3.4% nữ giới hút thuốc lá. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, 10% dân số VN (khoảng 7.5 triệu người) sẽ chết sớm do hút thuốc lá. Cũng theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, tới năm 2020, số người Việt Nam chết do sử dụng thuốc lá sẽ nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, bệnh lao phổi, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại!
Trong năm 2010, giá trung bình của một gói thuốc lá ở Hoa Kỳ là $6.00. Với giá này, một người hút 1 gói/ngày sẽ tốn $2,200 mỗi năm và trong vòng 20 năm sẽ tốn khoảng $44,000 cho thuốc lá.
HẬU QUẢ TAI HẠI TRONG KHOANG MIỆNG VÀ HÀM RĂNG
1. Răng bị đổi màu. Một điểm nên nhớ là những người hút thuốc càng lâu thì công việc tẩy răng sẽ càng khó khăn hơn.
2. Hôi miệng - Mùi khói thường tích trữ và tụ đọng trong miệng quyện với những mùi của đồ ăn tạo nên một mùi rất hôi.
3. Bệnh nướu răng. (Xin đọc phần dưới)
4. Mất răng/rụng răng sớm.
5. Ung thư khoang miệng.
6. Giảm thiểu khả năng khứu giác và vị giác.
7. Giảm thiểu sự thành công trong việc chữa trị bệnh nướu răng; vết thương lâu lành
8. Giảm thiểu sự thành công trong việc trồng răng bằng implant.
9. Da mặt có nhiều nếp nhăn: thuốc lá làm tăng tiến trình lão hoá của da. Da mặt sẽ bị đen xạm và xuất hiện những vết nhăn.
TÓM TẮT BỆNH NƯỚU RĂNG
Bệnh nướu răng là căn bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp tới nướu răng (gingiva) và những cơ phần bao bọc chân răng như gân dây chằng (periodontal ligament), mạch máu (vascular system), dây thần kinh (nerve) và xương hố răng (alveolar bone).
Nguyên nhân chính của bệnh nướu răng là do một số vi trùng nguy hiểm hiện diện trong vùng nướu răng. Những vi trùng này nằm trong những chất trắng như vôi được gọi là "bựa răng" hoặc "cao răng" (plaque) bám chung quanh chân răng. Nếu để lâu ngày, những chất này sẽ rắn lại và biến thành đá răng (calculus). Số vi trùng ẩn nấp trong cao răng sinh sôi nẩy nở và tiết ra nhiều chất nội độc tố (toxins). Các chất độc này tàn phá những tế bào chung quanh chân răng và xương hàm rồi tạo nên những hố rỗng mỗi ngày một sâu rộng nằm giữa nướu răng và xương hố răng. Lúc này màng nướu sẽ không còn bó sát với chân răng nữa và những hố rỗng ngày càng bị đào sâu và rộng hơn, chứa đựng thêm nhiều thức ăn, cao răng và vi trùng hơn trước. Nếu không được chẩn đoán và chữa trị sớm, bệnh sẽ trở nên trầm trọng hơn và dẫn đến rụng răng.
HÚT THUỐC LÁ VÀ BỆNH NƯỚU RĂNG
- So với những người không hút thuốc, nhiều cuộc khảo cứu cho chúng ta thấy những người hút thuốc sẽ có nhiều vấn đề như:
- Chân răng bị đóng nhiều chất bựa/cao răng hơn.
- Xương hố răng bị mất với một tầng suất cao hơn.
- Bệnh nướu răng trầm trọng hơn.
- Cụ thể nhất đối với những người hút thuốc thì:
- Tình trạng nướu bị tàn phá tăng từ 2.6 đến 6 lần, so với những người không hút thuốc.
- Tình trạng mất xương hố răng tăng 4.7 lần, so với những người chưa từng hút thuốc.
THỐNG KÊ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC HÚT THUỐC LÁ VÀ BỆNH NƯỚU RĂNG
1. Một cuộc khảo cứu cho thấy những người hút hơn 1.5 gói/ngày thì nguy cơ mắc bệnh nướu răng gấp 6 lần so với những người không hút. Những người hút <0.5 gói/ngày thì nguy cơ chỉ gấp 3 lần.
2. Những người hút thuốc mất răng nhiều hơn so với những người không hút. Theo số liệu của Cơ quan Phòng ngừa Bệnh lý cho biết số người trên 65 tuổi chưa bao giờ hút thuốc thì chỉ có 20% là bị mất răng. Trong khi đó những người trên 65 tuổi đã từng hút thuốc thì có 41.3% bị mất răng.
3. Việc chữa trị bệnh nướu răng cho những người hút thuốc khó thành công hơn so với những người không hút thuốc hoặc đã được cai thuốc. Kết quả thành công trong việc chữa trị không thể nào đoán trước được hoặc có thể không thuận lợi cho những người đang hút thuốc.
4. Việc trồng trụ răng bằng implant dễ thất bại ở những người hút thuốc, vì sự lành vết thương bị cản trở hoặc bị suy nhược.
5. Trong vòng 5 năm sau khi chữa trị nướu răng, những người vẫn còn hút thuốc sẽ mất răng nhiều gấp đôi những người không hút.
TÁC ĐỘNG CỦA THUỐC LÁ TRONG TIẾN TRÌNH CỦA BỆNH NƯỚU RĂNG
1. Chất cao trong miệng
Chất bựa chứa đựng những hoá chất có trong điếu thuốc và nội độc tố (endotoxin) tiết ra bởi vi trùng. Bựa răng bám chặt một cách lì lợm vào cạnh răng làm đổi màu răng. Sự hiện diện của chất cao cũng sẽ làm cho nướu rất khó bám vào cổ răng và dễ dẫn tới bệnh viêm nướu răng.
2. Vi trùng học [microbiology]
Bệnh nướu răng bắt đầu với việc khám phá ra vi trùng Actinobacillus actinomycetemcomitans (A.a.) và Bacteroides. Nhiều cuộc khảo cứu đã cho chúng ta thấy những người hút thuốc thường có nhiều chất cao bám vào chân răng và chứa đựng nhiều loại vi khuẩn độc hại hơn; số lượng vi trùng A.a. tăng gấp 3.1 lần và vi trùng Bacteroides tăng gấp 2.3 lần. Khi số lượng vi trùng nằm trong xương hố răng ở mức cao, dĩ nhiên lượng chất nội độc tố cũng tăng lên làm cho bệnh nướu răng tiến triển nhanh và trầm trọng hơn.
3. Ảnh hưởng trên hệ tuần hoàn máu
Chất Carbon Monoxide (CO) trong điếu thuốc lá sẽ làm tăng lượng CO trong máu và làm giảm hiệu lực của hệ tuần hoàn máu (hemoglobin exchange system).
Trong khi nướu răng đang bị tấn công bởi những độc tố và vi trùng, cơ thể con người rất cần những kháng thể (antibodies) đến những nơi này để giải vây, nhưng nếu hệ tuần hoàn máu bị gián đoạn thì kháng thể sẽ không đến được; do đó những chỗ đang bị nhiễm trùng rất khó có thể tự hồi phục.
4. Ảnh hưởng trên những hạch bài tiết [exocrine gland]
Hút thuốc dẫn tới sự giảm thiểu khối lượng nước miếng (decreased salivary output). Nước miếng có rất nhiều công dụng, chẳng hạn như có tính kháng khuẩn (antibacterial), kháng siêu vi trùng (antivirus), kháng trị nấm (antifungal), chất lượng dung hoà (buffering capacity), và tẩy sạch khoang miệng (mechanical cleansing of the oral cavity). Tóm lại, nước miếng được xem như là một loại xà bông rất tốt trong miệng, có tính chất sát trùng. Nhưng khi miệng bị khô, vi trùng sẽ có cơ hội bám vào chân răng chặt hơn, dễ dàng sinh sôi nẩy nở và tiết ra nhiều chất nội độc tố dẫn đến bệnh nướu răng.
5. Yếu tố nhiệt độ
Bình thường, xoang miệng của chúng ta có nhiệt độ là 37-380C. Khi hút thuốc, nhiệt độ khoang miệng lên tới 420C. Khi nhiệt độ lên cao như vậy, những chất protein và tạo keo (collagen) sẽ bị biến tính (denaturation) hoặc bị phân tán (fragmentation), dẫn đến sự tan rã của nướu răng, xương hố răng và những gân dây chằng một cách nhanh chóng.
KẾT LUẬN
Hút thuốc ảnh hưởng rất nhiều đến răng miệng, làm cho răng vàng, miệng hôi, răng rụng, ung thư khoang miệng, v. v...Tốt nhất là đừng bao giờ tập hút thuốc hoặc đi vào con đường này. Đừng quá ích kỷ dìm cuộc đời trong điếu thuốc lá vì những người thân yêu vẫn luôn bên cạnh và họ cần bạn biết bao! Đừng đánh đổi mạng sống của chính mình và phụ lòng những người thân yêu qua làn khói trắng mỏng manh và độc hại này. Hãy cố gắng và dùng chính nghị lực của mình để từ bỏ chúng.
Chúc các bạn thành công!
Houston, 06/2011
Đôi vai chúng ta quan trọng lắm, vai gánh việc nước, vai vác việc nhà. Tiếc thay, vai lại hay đau khi ta có tuổi.
Cấu trúc của vai
Vai được tạo thành bởi 3 xương (các xương bả vai, quai xanh, và cánh tay), 4 khớp, và 4 bắp thịt (supraspinatus, infraspinatus, subscapularis, và teres minor).
Cấu trúc đặc biệt của vai giúp vai rất di động, khiến ta làm được đủ mọi việc với hai cánh tay. Nhưng chính sự linh hoạt này lại khiến vai dễ tổn thương, và ta hay bị vấn đề ở vai khi có tuổi.
4 bắp thịt gắn vào vai có nhiệm vụ giữ cho vai được vững, nối kết với nhau, tạo thành một “khoen quay” (rotaror cuff). Theo thời gian, khoen quay ấy dễ bị tổn thương (injury) hoặc thoái hóa (degeneration). Đầu của bắp thịt supraspinatus (gọi là “gân”, tendon), nằm giữa hai đầu xương bả vai phía trên, và xương cánh tay phía dưới, nên sau, dễ viêm sưng do hai xương này, trong lúc chuyển động, chèn ép nó. Viêm gân, ta gọi “tendinitis”. Thực ra, để che chở cho đầu gân supraspinatus chạy giữa 2 xương, có một bọc chất nhờn, gọi là “bursa”, nằm ngay phía trên gân supraspinatus, cũng trong khe nhỏ giữa hai đầu xương bả vai và cánh tay. Ở nhiều người, sau những năm tháng bị hai đầu xương chèn ép cùng với dây gân supraspinatus, bọc chất nhờn này chịu vạ lây, cũng viêm, gọi là “bursitis”. Vậy, viêm gân supraspinatus, tức “tendinitis”, và viêm bọc chất nhờn làm đệm, “bursitis”, hay đi chung với nhau.
Tại sao vai lại đau?
Ở người lớn chúng ta, các tổn thương hoặc sự thoái hóa của “khoen quay” (rotator cuff) là nguyên nhân gây đau vai nhiều nhất. Gánh nặng của cuộc đời, đè mãi lên vai ngày này sang ngày khác, khiến các dây gân tạo thành “khoen quay” yếu dần, thoái hóa và dễ rách. Do thế, người trên 40 tuổi hay đau vai, tuy không đau nhiều. (Người dưới 40, nếu đau vai, thường do những chấn thương nặng, như té ngã, bị đánh, và đau rất dữ).
Nguyên nhân hay gây đau vai thứ nhì là viêm gân và viêm bọc chất nhờn. Khi khoảng cách giữa hai đầu xương bả vai phía trên, và xương cánh tay phía dưới hẹp lại, dây gân đầu bắp thịt supraspinatus, chạy trong khe hở này, bị chèn ép, trở nên viêm, và gây đau (tendinitis). Bọc chất nhờn “bursa”, nằm ngay phía trên gân supraspinatus, cũng trong khe nhỏ giữa hai đầu xương bả vai và cánh tay, hay bị viêm theo (bursitis). Thế nên, bạn đau vai, sau khi thăm khám, bác sĩ bảo bạn bị “tendinitis” (viêm gân), và “bursitis” (viêm bọc chất nhờn bursa), cũng không có gì khó hiểu. Cho tiện, chúng ta hay gọi chung cả hai tình trạng là “hội chứng chèn ép” (impingement syndrome).
Những nguyên nhân ở ngay tại vai gây đau vai khác, hiếm xảy ra hơn: trật khớp, hoặc gãy xương do chấn thương, bệnh khớp thoái hóa (osteoarthritis), bệnh gout, bệnh rheumatoid arthritis, lupus, psoriasis, nhiễm trùng khớp,...
Những cơ quan gần vai, khi có vấn đề, gây đau, cái đau cũng có khi cảm thấy ở vai. Chẳng hạn, đau do bệnh xương sống cổ, đau do các cơn đau tim (angina), hoặc chết cơ tim cấp tính (heart attack), do ung thư phổi phía trên gần nơi vai, đau do bị sạn túi mật,... Trường hợp này, đau vai là cái đau lan truyền từ một cơ quan khác (referred pain).
Hỏi bệnh
Bạn yên tâm, khi lắng nghe và hỏi bệnh bạn để truy tìm nguyên nhân chứng đau vai của bạn, bác sĩ đã sẵn trong đầu những định bệnh phân biệt, những nguyên nhân nguy hiểm và quan trọng trước, rồi mới đến những nguyên nhân ít quan trọng hơn.
Lấy thí dụ, đau lan truyền từ chỗ khác đến vai nên được ta nghĩ đến trước, vì có thể do một bệnh nguy hiểm. Đau vai đã đành, nhưng các triệu chứng khác như đau cổ (neck pain), tê vai và tay, hoặc đau ngực, đau bụng, các triệu chứng thuộc đường hô hấp,... cũng nên được ta đặc biệt chú ý.
Đau do nguyên nhân ngay tại vai, khác với cái đau lan truyền từ chỗ khác đến, thường nó đau hơn khi ta chuyển động vai và tay. Nếu bạn bảo: “Bác sĩ, ôi cha, vai tôi nó nhói đau, mỗi khi tôi giơ tay với lấy đồ đạc để trên cao, hạ tay xuống thì bớt”, bác sĩ thở phào, nhẹ nhõm, vì nguyên nhân gây đau của bạn nằm ngay tại vai. Nhiều phần là bạn bị “hội chứng chèn ép” (impingement syndrome), khi giơ tay cao, khe hở giữa xương bả vai và xương cánh tay hẹp lại, chèn dây gân supraspinatus và bọc chất nhờn bursa gây đau.
Còn nếu bạn kể: “Dạo này gắng sức chạy nhẩy ngoài sân tennis, tôi hay thấy ngực trái rêm rêm, vai trái cũng đau, vào ngồi nghỉ vài phút mới dễ chịu, có hôm đành phải bỏ ra về. Tôi cầm vợt tay phải, có cầm bằng tay trái đâu”, ấy chết, ta nên nghĩ đến những cơn đau tim, do bệnh hẹp tắc động mạch tim, tạo đau ngực lan truyền lên vai.
Như mọi cái đau khác, về câu chuyện đau vai, xin bạn kể cái đau bắt đầu làm phiền bạn từ bao giờ, bao lâu nó xẩy ra một lần, và thường trong trường hợp nào, mỗi lần nó đến nó kéo dài bao lâu, bạn đau đích xác ở đâu, cái đau nó như thế nào, có triệu chứng gì khác đi kèm cơn đau, khi đau bạn làm gì cho bớt đau,... (thú thực, bác sĩ nào cũng thích những vị kể bệnh có duyên, mạch lạc). Đau vai do những nguyên nhân ngay tại vai hay khiến ta đau, hoặc đau nhiều hơn, khi thực hiện những công việc thường làm hàng ngày, như chải đầu, mặc áo, quài tay ra sau lấy ví từ túi quần, để cài sú-chiêng (bra strap),... Những công việc này, trước có gì đâu, nay vì đau vai, trở thành khó làm. Đau cũng hay xẩy ra về đêm, khiến ta khó ngủ, nhất là khi nằm nghiêng bên phía vai đau. Cử động của tay và vai yếu hoặc không thực hiện được là những triệu chứng khác của vấn đề gây đau nằm ngay tại vai.
Nếu bị chấn thương nơi vai, xin bạn kể đích xác chấn thương đã xẩy ra như thế nào. Sức khỏe của bạn, ngoài cái đau vai, trước giờ vẫn tốt, hoặc bạn có bị thêm những bệnh gì khác. À, còn công việc hàng ngày và những thú vui của bạn, cũng xin kể kỹ, để xem, có những hoạt động nào khiến vai bạn dễ bị tổn thương hay không, chẳng hạn nâng tạ nặng và cố nâng cho cao mỗi ngày, có thể làm vai tổn thương, tạo “hội chứng chèn ép”.
Thăm khám
Sự thăm khám vai đau tỉ mỉ lắm, không dễ như ta tưởng, sờ sờ nắn nắn mấy cái là xong. Quí biết mấy, khi đi khám bác sĩ, bạn ăn mặc giản dị, và trong lúc ngồi chờ trong phòng khám, bạn đoán với vấn đề của mình, bác sĩ sẽ khám ở đâu, rồi sửa soạn sẵn cho bác sĩ.
Nhìn dễ nhất, nên khi khám vai, bác sĩ nhìn trước, xem hai vai bạn có đều nhau không, hay vai to vai bé do các bắp thịt vai bị teo nhỏ, vai có sưng đỏ,... Xong, bác sĩ sẽ khám cổ, ngực và bụng, xem chúng có gì lạ, gây đau lan truyền đến vai bạn?
Sau đó, vai sẽ được khám kỹ, các khớp sẽ được sờ nắn xem có chỗ nào đau, và bạn sẽ được yêu cầu chuyển động vai, tự ý (active range of motion) hoặc thụ động với sự hướng dẫn của bác sĩ (passive range of motion) theo mọi chiều, để xem chiều chuyển động nào bị kém và gây đau. Một số cách khám đặc biệt sẽ được làm, tùy trường hợp (forced forward flexion, forced passive internal rotation, Yergason test, testing for glenohumeral instability,...). Rồi, sức mạnh của các bắp thịt (muscle strength), cảm giác của da (sensation) và các phản xạ thần kinh ở tay cũng được lượng định, xem có gì bất thường.
Phim chụp
Không phải trường hợp đau vai nào cũng cần chụp phim bạn ạ. Bao giờ cũng vậy, phim chụp chỉ dùng để hỗ trợ cho những suy luận trong đầu bác sĩ, và để hướng dẫn sự chữa trị, không nên hy vọng gì nhiều vào phim chụp khi ta chưa có một định bệnh sơ khởi gì trong đầu (có gì thay thế được đầu óc người bác sĩ?).
Phim chụp xương vai (X-rays) rất cần trong trường hợp bạn bị chấn thương (trauma), và khi ta nghi ngờ có viêm khớp (arthritis), hoặc ung thư từ nơi khác chạy đến vai,... Nghi ngờ đau vai chẳng phải là do nguyên nhân nằm ngay tại vai, nhưng do đau lan truyền từ cổ ư, ta chụp phim xương sống cổ (cervical spine X-ray) xem sao. Nghi ngờ cái đau lan truyền từ ngực tới? ta chụp phim ngực (chest X-ray) nhé, lỡ biết đâu trong ngực có ung thư phổi hay bướu gì khác làm bạn đau vai.
Các phim chụp đặc biệt như Cat scan, MRI, arthrography (chích thuốc cản quang vào khớp rồi chụp phim), cho ta thấy rất rõ những cơ cấu trong vai, những phần phim chụp xương vai không thấy được, xem thực sự phần nào của vai bị hư hoại. Song những phim chụp đặc biệt này chỉ cần thiết khi triệu chứng đau vai vẫn làm phiền bạn hoài, và bác sĩ chuyên khoa Xương (orthopedist) muốn đem bạn đi mổ.
Chữa trị đau vai
Bạn cũng biết, bệnh nào cũng thế, ta cốt trị cái gốc. Tìm ra nguyên nhân gây đau vai, chữa được nguyên nhân này, đau vai tất bớt. Nắm vững cơ thể học của vai, có sẵn những định bệnh phân biệt gây đau vai trong đầu, hỏi bệnh kỹ, thăm khám tỉ mỉ, nhiều phần bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân chứng đau vai của bạn.
Không kể những nguyên nhân từ xa gây đau lan truyền đến vai, trong những thứ nằm ngay tại vai gây đau, tổn thương hoặc sự thoái hóa của khoen quay (rotator cuff) là nguyên nhân hay làm vai của bạn đau nhất. Thứ đến là “hội chứng chèn ép”. Ở đây, chỉ xin đề cập đến sự chữa trị của hai nguyên nhân hay gây đau vai này.
Trong những trường hợp vai mới đau, ta có thể dùng những thuốc chống viêm không có chất steroid (nonsteroidal antiinflammatory drugs) như Advil, Motrin, Naprosyn,... cho bớt đau. Những phương pháp vật lý trị liệu (physical therapy) cũng có thể giúp bạn bớt đau, đồng thời bạn được hướng dẫn tập những thế thể dục giúp vai làm lại được những cử động đã bị giới hạn. Tập để làm mạnh những bắp thịt quanh vai còn tốt, hầu gánh vác bớt những công việc cho vai, cũng là một trong những mục đích của vật lý trị liệu.
Nếu bạn đau nhiều, nên không tập tành được những thế thể dục chỉ dẫn bởi người chuyên viên vật lý trị liệu (physical therapist), bác sĩ sẽ chích vào vai bạn một thuốc có chứa chất steroid, để làm giảm những viêm sưng trong vai, giúp bạn bớt đau. Nếu cần, cứ mỗi 3 tháng có thể chích một mũi, nhưng không nên quá 3 lần.
Thường, sau 3-6 tháng chữa trị như trên song không kết quả, bạn vẫn đau nhiều, và không làm việc được như xưa, ngay cả những công việc cần thiết thường ngày, đã đến lúc ta phải nhờ bác sĩ chuyên khoa Xương giải phẫu cái vai đi thôi. Thường, bác sĩ sẽ gọt bớt đầu xương bả vai phía trên (acromioplasty), để khe hở giữa hai đầu xương bả vai và xương cánh tay được rộng ra, khiến khoen quay cùng các dây gân của nó hết bị chèn ép. Ngày nay, phẫu thuật có thể thực hiện được qua một ống soi (arthroscopic acromioplasty), và tiện, bác sĩ sẽ dùng ống soi để xem xét các cơ cấu khác của vai, không chừng còn có gì khác trục trặc.
Đau vai hay xẩy ra lắm, khi ta trên 40. Chỉ vì vai giúp ta nhiều việc, ta dùng đến nó luôn, nên nó dễ tổn thương. Đau vai thường do nguyên nhân ngay tại vai, nhưng cẩn thận, có khi do một vấn đề khác nguy hiểm hơn. Thăm khám vai, do thế, cần tỉ mỉ. Sự chữa trị đau vai sẽ tùy nguyên nhân gây đau ta tìm ra.