Để giải thích diễn tiến lão hóa, nhiều khoa học gia đã đưa ra một số thuyết khác nhau. Và, lý thuyết cũng vẫn chỉ là những giả dụ chứ chưa được sự đồng thuận của các khoa học gia. Tại Hoa Kỳ, Viện Sức Khỏe và Viện Lão Khoa (National Institutes of Health – National Institue of Aging) phân chia những lý thuyết này thành hai nhóm :
- Nhóm Lý thuyết Căn Cứ Trên Sự Sắp Đặt Theo Thảo Trình.
a. Hóa già theo thảo trình.
Ngay từ khi thụ thai, gene di truyền đã sắp đặt một hành trình bất biến mà con người sẽ đi qua tám giai đoạn của cuộc đời: thụ thai, phát triển thai nhi, sanh đẻ, tăng trưởng, tuổi dậy thì, tuổi trưởng thành, tuổi già rồi chết.
Ta thấy tuổi dậy thì xuất hiện vào 14-15 tuổi, tắt kinh khi nữ giới được 45 hay 50 tuổi, tóc bạc vào tuổi 55 trở lên, vậy thì sự hóa già cũng được một cái đồng hồ gene sắp đặt sẵn để đến tuổi nào đó, cơ thể suy yếu, già đi rồi mai một.
b.Kích thích tố thuyết.
Trong cơ thể, kích thích tố giữ vai trò quan trọng điều hành nhiều chức năng của các cơ quan, bộ phận: như biến hóa căn bản, tăng trưởng lớn mạnh của cơ thể…vậy thì rất có thể kích thích tố cũng điều khiển, kiểm soát tiến trình sự hóa già. Chẳng hạn kích thích tố tăng trưởng giảm dần với tuổi cao và khi về già kích thích tố này không còn nữa.
c. Miễn dịch thuyết.
Cơ thể khi sanh ra đã được trang bị một hệ thống phòng thủ chống sự xâm nhập của các vật lạ, gọi là sự miễn dịch.
Cũng như bất cứ lực lượng phòng vệ nào, miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng nhiều cách. Có thể là các bạch cầu trực tiếp tấn công, vô hiệu hóa vi trùng, nấm bệnh. Có thể là những bạch cầu đặc biệt tạo ra chất kháng thể, lưu thông trong máu và vô hiệu hóa những ngoại xâm.
Lý thuyết hóa già do miễn dịch suy yếu dựa vào hai nhận xét. Thứ nhất là với tuổi già, cơ thể sản xuất ít kháng thể đồng thời phẩm chất cũng kém. Thứ hai là với tuổi già, cơ thể đôi khi tạo ra kháng thể chống lại chính các phân tử protein bình thường, gây ra bệnh tật, suy yếu như trường hợp viêm khớp ở nhiều người già.
Như vậy, do sắp đặt trước, khả năng miễn dịch suy giảm với thời gian, cơ thể dễ bị bệnh, sẽ suy yếu, già rồi chết. Thí dụ như khi bị cúm, người trẻ dễ chống lại nó và mau bình phục hơn một người cao tuổi.
2- Thuyết Về Sự Lầm Lẫn.
a. Sự hư hao, tả tơi.
Cơ thể, thịt xương, chức năng…hao mòn theo thời gian vì những va chạm, xâm lấn…mà nếu không được chữa trị, tu bổ thì chúng sẽ bị tiêu hủy và loại bỏ, mệnh một.
Thuyết này được nhà bác học người Đức August Weismann đưa ra năm 1882. Theo ông ra, sự chết xảy ra là vì một mô hư hao không bao giờ tự nó tân trang được.
Sự hư hao tả tơi còn làm sói mòn các diễn tiến sinh hóa bình thường trong tế bào, mô, cơ quan. Theo Dan Georgakas, cơ thể già vì thường xuyên bị tác hại bởi nhiều áp lực từ bên ngoài như xúc động cảm giác, va chạm thực chất, nhiễm độc môi trường.
b. Phản ứng tròng chéo.
Chất tròng chéo thường là một hóa chất cột hai phân tử riêng rẽ với nhau. Sự trồng chéo (cross linkage) chất đạm làm tổn thương mô và tế bào, ngăn cản sự thu nhập dưỡng chất, bài tiết chất phế thải, đưa đến sự suy yếu của cơ thể. Sự tròng chéo thường thấy ở các phân tử protein trong chất tạo keo (collagen), làm da khô, nhăn, không đàn hồi, hay ở khớp xương kém co ruỗi, khi tuổi cao. Thuyết này cũng liên hệ tới sự sử dụng chất đường. Khi đường vào cơ thể, nó sẽ bám vào chất đạm, làm đạm chất chuyển sang màu vàng, trở nên bất khiển dụng, gây nguy hại và làm già cơ thể.
c.Thuyết về sự tích lũy những sai lầm.
Để tăng trưởng, cơ thể liên tục biến chế các phân tử protein và DNA, nhưng những phân tử này không phải lúc nào cũng được sản xuất hoàn hảo. Có nhiều tổn thương trong sự tổng hợp chất đạm tạo ra chất chất đạm dị hình mà khi tích tụ nhiều sẽ gây hư hao cho tế bào, mô và các bộ phận. Theo thuyết này, khi ta về già thì cơ thể dễ phạm những lầm lỗi kể trên, đưa đến sự già.
đ.Tích trữ những đột biến.
Thuyết này liên quan tới các tế bào thân (somatic cells) là những tế bào luôn luôn sinh sản và hủy diệt. Gene trong tế bào bị ảnh hưởng của tác nhân nguy hại, như tia phóng xạ, hóa chất độc, thay đổi cấu tạo, làm tế bào hư hao, chức năng lêch lạc, khiến cơ thể không còn hoạt động. Sự đột biến này còn truyền sang thế hệ kế tiếp của tế bào khi tế bào này sinh sản.
e. Thuyết gốc tự do.
Sự tích lũy các tổn thất của tế bào do gốc oxy gây ra làm tế bào cũng như cơ quan một ngày nào đó sẽ ngưng hoạt động. Đó là thuyết gốc tự do.
Gốc tự do (free radical) là một phân tử hóa học có một cấu trúc khác với những phân tử thông thường vì nó có một nguồn điện không thăng bằng, một điện tử tự do (free electron). Phản ứng của gốc tự do rất cần thiết cho sự sống vì nó tạo ra năng lực, sự miễn nhiễm, sự phát tín hiệu của hệ thần kinh, sự tổng hợp kích thích tố (hormone), sự co giãn của các thớ thịt nhưng nếu số lượng của gốc tự do quá cao thì lại nguy hại cho sự sinh tồn.
Khi một gốc tự do dính vào một phân tử lành mạnh thì nó biến phân tử này thành một phân tử bất khả dụng, vì gốc này đánh phá cấu trúc của các phân tử, tạo ra những chất phế thải gọi là lipofuscin. Chất lipofuscin chặn đứng khả năng tự sửa chữa và sinh sản của tế bào. Với thời gian, tác hại của gốc tự do dẫn đến sự lão suy của tế bào và tạo ra những tế bào biến thể, nguồn gốc của các bệnh ung thư.
Gốc tự do cũng phá hoại mô collagen và elastin khiến cho da bị mất tính chất co giãn và căng cường, một ví dụ là da mặt bị nhăn nheo ở những người già. Khi hợp với các phân tử protein thì gốc tự do tạo ra phản ứng tròng chéo giữa các phân tử (cross linkage), một hiện tượng của lão suy. Nguyên do của lão suy này là các phân tử riêng rẽ của một phân tử bị một chất hóa học hàn lại với nhau và bị mất khả năng hấp thụ nước, dưỡng khí, hay là các chất bổ dưỡng từ các mạch máu.
Gốc tự do tạo ra nguy cơ ung thư, tình trạng suy nhược của người già, bệnh xơ cứng động mạch và bệnh huyết áp cao.
Nguồn sản xuất gốc tự do gồm có: phó sản của sự căng thẳng tâm thần (stress by- product), bệnh tật, mệt mỏi, môi sinh xấu như không khí ô nhiễm khói thuốc hút, ozone, nitro-oxy và phóng xạ (bao gồm ánh sáng mặt trời, chất phế thải nguyên tử, phóng xạ thất thoát từ lò viba); ngoài ra còn có các chất mỡ oxy-hóa, nước có khử trùng bằng chất chlorine, các chất hóa học trộn vào thực phẩm như sodium nitrite, sulfurdioxide v.v…
Trên đây là tóm lược các lý thuyết cố giải thích sự hóa già. Lý thuyết nào nghe cũng thuận tai nhưng chưa được chứng minh, không có đủ dữ kiện khoa học hỗ trợ và vẫn chỉ còn là lý thuyết.
Kết luận
Tóm lại, khi các tế bào bị hư hại nhanh hơn khả năng tự sửa chữa thì tiến trình lão hóa bắt đầu. Bình thường thì hệ thống miễn nhiễm trong thân thể làm nhiệm vụ phòng ngự và sửa chữa. Hệ thống đó tiêu diệt các tế bào biến thể hoặc bị hư hại do các nguồn tác hại như gene xấu, sự biến thể tự phát, chất độc trong môi trường, vi trùng, vi khuẩn, gốc tự do, phản ứng tròng chéo (cross linkage), sự tích lũy các phế liệu.
Ngoài ra chất thiên nhiên chống oxy-hóa (antioxidants) tìm thấy trong sinh tố C và E, selenium và apteine có thể ngăn chặn sự cấu tạo của gốc tự do và các phản ứng tròng chéo. Tuy nhiên, nếu hệ thống phòng vệ và sửa chữa cơ thể không đủ sức để đối phó với sự thương tổn các tế bào thì khó mà ngăn chặn được lão hóa.