Như đã nói trên đây, rất khó mà định nghĩa tuổi già. Nếu căn cứ theo tuổi niên đại, tức là số năm con người sống kể từ khi sinh ra đời, thì tuổi già bắt đầu từ tuổi nào? Năm mươi? Sáu mươi? Bảy mươi hay Tám mươi?
Những con số này đều vô nghĩa nếu không có một hệ thống đo tuổi già khác đi kèm theo, đó là tuổi sinh lý.Ví dụ nếu một người 50 tuổi mà tóc đã bạc hết và các công năng cơ thể đã giảm sút thì người đó xem như đã già. Trái lại một người 60 tuổi mà thân thể còn cường tráng, các công năng cơ thể còn hoạt động đều đặn thì người đó chưa có thể xem là đã già.
Còn nhớ khi Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan bị ám sát, các bác sĩ mổ lấy viên đạn ra đều nhận xét là ngũ tạng của ông ta tốt như ngũ tạng người trung niên, vì ông ta có đời sống lành mạnh, tích cực, nom ông ta trẻ hơn tuổi thực.
Vì tuổi niên đại có thể ghi chép, thống kê nên các xã hội đều dùng số tuổi niên đại vào các mục đích hành chánh, pháp lý. Ở các nước Âu Mỹ nơi có chương trình an sinh xã hội, người ta lấy tuổi 65 làm mốc cho tuổi già để áp dụng các chương trình hưu bổng, trợ cấp, y tế miễn phí v.v…Hãy tạm gọi tuổi này là tuổi pháp lý.
Người ta suy luận rằng ở tuổi 65 con người không còn khả năng hoạt động hữu hiệu nữa, cho họ về hưu là vừa. Ở Mỹ, nếu có đóng góp vào Quỹ An Sinh Xã Hội thì khi đến tuổi 65, được quyền hưởng hưu bổng an sinh xã hội và y tế miến phí.
Nhưng tuổi 65 cũng chỉ có giá trị tương đối để định tuổi già. Với các tiến bộ khoa học, người dân nước Mỹ nay có tuổi thọ cao hơn nhiều so với tuổi thọ trung bình của họ vào đầu thế kỷ, cho nên đã có đề nghị về phía chánh quyền cũng như về phía Quốc Hội nhằm nâng cao tuổi hưởng An Sinh Xã Hội từ 65 lên 67. Trên thực tế, số người làm việc quá tuổi 70 đã tăng nhiều đến nỗi chính quyền phải ra luật cấm chủ nhân các hãng xưởng, công sở, thải hồi nhân viên vì lý do già quá tuổi 70. Như thế trong xã hội Mỹ, tuổi 70 vẫn chưa hẳn là tuổi “hết xài”, tuổi “lão giả an chi” như trong xã hội Việt Nam khi xưa.
Một điểm đáng lưu ý là, tuổi niên đại trắng đen trên giấy tờ, theo nguyên tắc ta không thay đổi thêm bớt tùy tiện, nhưng tuổi sinh lý là cái mà ta có thể tùy nghi làm tốt xấu. Ta có thể là 60 tuổi với cơ thể một người 40 hay ngược lại. Sự lựa chọn là do chính ta quyết định.
Trong lãnh vực nghiên cứu, các nhà lão khoa đã phân chia tuổi già làm 7 loại mà khi nhìn kỹ ta có thể thấy tại sao mỗi cá nhân già theo cách khác nhau.
1- Tuổi niên đại. Đây là tuổi mà ta nghĩ tới trước tiên, nhưng các thầy thuốc lại ít quan tâm tới. Đó là số năm con người sống trên trái đất kể từ khi thoát thai khỏi lòng mẹ.
2-Tuổi di truyền. Khi cha mẹ ông bà thọ lâu thì con cháu cũng có cơ hội sống lâu hơn, vì những hậu duệ này đã được hưởng nhiều gene trường thọ nơi tiền nhân.
3-Tuổi theo thống kê. Đây là số năm trung bình mà con người có hy vọng sống. Tuổi này thay đổi theo thời gian, không gian, và cùng nơi cùng lúc, tùy theo giống tính, phái tính, nghề nghiệp, lối sống, tình trạng sức khỏe.
4-Tuổi theo cấu tạo cơ thể. Các bộ phận cơ thể khi tới một tuổi cao nào đó sẽ có nhiều thay đổi về cấu tạo, thí dụ như chiều cao con người ngắn lại, thủy tinh thể mắt vẩn đục, thành động mạch cứng, tuyến giáp trạng teo. Thành ra dù ta không có bị bệnh hoạn, tai nạn, tới một thời điểm không định trước, sự chết cùng xảy ra.
5-Tuổi sinh lý. Các chức năng của cơ quan, bộ phận con người trải qua nhiều thay đổi đưa tới sự suy yếu toàn diện.
6-Tuổi theo bệnh tật. Khi qua khỏi một cơn bệnh hiểm nghèo, nhiều người trông thấy, cảm thấy như già đi cả chục tuổi.
7-Tuổi tâm lý. Tâm trí con người trải qua nhiều thay đổi với tuổi cao, nhưng thường chậm hơn so với các thay đổi khác.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.