Dân Chúa Âu Châu

BSNK Anne-Marie Hoà Nguyễn là một nha sĩ chuyên khoa về ngành nướu răng đang hành nghề tại vùng Tây Nam Houston. BSNK A-M Nguyễn tốt nghiệp nha khoa tại trường Baylor College of Dentistry và chuyên khoa về bệnh nướu răng tại viện đại học Texas-San Antonio. Mọi ý nghĩ và kiến thức trong bài viết này đều được trích dịch từ sách vở đã được đăng tải trên những tờ báo uy tín.
Nhiều người tin rằng ‘Cứ sanh 1 đứa bé là mất một cái răng’. Tuy có tính cách khôi hài, câu nói dí dỏm này cũng đúng sự thật một phần. Trong lúc mang thai, cơ thể của người mẹ có nhiều thay đổi kể cả trong khoang miệng. Để trấn an tinh thần và để mở mang kiến thức cho những phụ nữ sắp hoặc đang bước vào con đường làm mẹ, bài viết này được viết theo hình thức Hỏi Đáp sẽ giúp bạn hiểu thêm về những biến đổi liên quan đến nha khoa trong thời kỳ thai nghén.
H. Mang thai có ảnh hưởng gì trong khoang miệng?
Đ. Những hiện tượng tiêu biểu thường xảy ra trong miệng khi mang thai là:
1. Viêm nướu răng [Pregnancy Gingivitis]. Đây là chứng bệnh thông thường nhất có thể xảy ra cho 60-70% phụ nữ mang thai. Nướu răng sẽ bị sưng đỏ và chảy máu. Hiện tượng này thường thấy vào tháng thứ 3, gia tăng đến tháng thứ 8 và giảm dần đến lúc sanh. Sự thay đổi về nướu răng này có thể do sự gia tăng của kích thích tố progesterone gây ra. Chính vì sự thay đổi này cũng làm cho 1 số vi trùng sinh sôi gây ra bệnh nướu răng có cơ hội phát triển. Tình trạng này có thể nhẹ hoặc nặng, làm ảnh hưởng tới một ít hoặc nhiều chân răng.
2. Bướu răng [Pregnany Tumor] chữ này nếu được hiểu là ‘bướu’ theo đúng nghĩa như bướu trong những bệnh ung thư, thì không được chuẩn cho lắm, vì thật ra nó không phải là 1 cái bướu theo ý nghĩa đó. Bướu này hoàn toàn lành chứ không phải là bướu dữ. Bướu răng này có thể xảy ra cho tới 10% tổng số phụ nữ mang thai. Bướu răng có thể lớn từ 1-2 mm tới 1-2 cm. Bướu có màu đỏ ửng thường hiện ra vào chu kỳ thứ 2 hoặc trễ hơn. Bướu răng có thể bị nặng hơn cho những bệnh nhân bị bựa răng hoặc cao răng đóng nhiều chung quanh chân răng. Tuy không làm đau đớn, nhưng có thể chảy máu nhiều và làm cho sản phụ khó chịu và sợ hãi. Bướu răng mọc ra vì do sự tăng trưởng những mạch máu ở vùng viêm nướu. Vì tình trạng này xảy ra vào điểm cuối chu kỳ mang thai và tự động trở lại bình thường sau khi sanh nở, thì sự thay đổi này có thể là do sự gia tăng của kích thích tố estrogen.
3. Răng lung lay toàn bộ. Liên hệ tới độ nặng nhẹ của bệnh nướu răng. Hiện tượng này do sự lỏng lẻo của giây gân chằng quấn chung quanh rễ / chân răng. Bệnh này thông thường chấm dứt sau khi sanh.
4. Bệnh khô miệng. Do sự thay đổi của kích thích tố trong thời kỳ thai nghén. Cảm giác khô miệng xảy ra cho 40% tổng số phụ nữ có thai. Trong trường hợp này thì nên uống nhiều nước lã hoặc nhai kẹo cao su ‘không đường’ [sugarless] thì sẽ giúp giảm bớt chứng khô miệng.
5. Bênh sâu răng. Nhiều phụ nữ mang thai thường bị buồn nôn và ói mửa. Mỗi lần như vậy, chất acid từ dạ dày dội lên làm cho miệng chua và làm mòn tan chất men răng. Thêm vào đó, người mẹ lúc nào cũng cảm thấy đói và hay ăn vặt. Thức ăn bám vào chân răng và đổi thành chất acid. Hai hiện tượng này làm tan men răng dẫn đến bệnh sâu răng.
H. Làm sao tránh được những hiện tượng xảy ra như trên?
Đ. Điều quan trọng nhất là luôn luôn gìn giữ sạch sẽ bộ răng của mình. Chúng ta nên dùng những kem đánh răng có chất fluoride. Nên đánh 2 lần mỗi ngày và sau những bữa ăn. Cũng nên dùng chỉ răng (dental floss) mỗi ngày. Nếu buồn nôn ói mửa thì nhớ súc miệng ngay bằng nước ấm hoặc dùng những thuốc nước có chất fluoride. Nên ăn uống chừng mực, và đầy đủ chất bổ dưỡng cho người mẹ và thai nhi. Nên đi khám răng thường xuyên theo định kỳ để nha sĩ có thể theo dõi, chẩn bệnh và giúp phòng ngừa bệnh sâu răng hoặc bệnh nướu răng trước khi hoặc trong lúc mang thai.
H. Có nên tiếp tục chữa trị răng trong lúc mang thai không?
Đ. Nên đi khám răng thường xuyên để phòng bệnh đau răng. Hội đồng Nha Khoa khuyên bảo chúng ta nên hoãn lại những tác động làm răng không cần thiết trong lúc có thai như là tẩy trắng răng (dental bleaching), trám răng thẩm mỹ (veneers, cosmetic bonding), giải phẫu thẩm mỹ nướu răng (cosmetic periodontal surgery). Nếu không có gì khẩn cấp hay cần thiết, nên chờ sau 3 tháng đầu rồi hãy chữa răng. Nhưng cũng không nên chờ cận đến ngày sanh, vì lúc đó bụng người mẹ quá lớn làm cấn thai và khó thở lúc nằm trên ghế nha khoa. Hơn nữa, bào thai nằm đè nặng lên tĩnh mạch máu chủ dưới (inferior vena cava) làm giảm sự lưu thông máu từ mẹ đến bào thai.
H. Nếu cần phải chữa trị răng, thì uống thuốc nào an toàn?
Đ. Tất cả phụ nữ mang thai nên cẩn thận khi dùng tất cả những loại thuốc có toa hoặc thuốc bán tự do. Đa số những thuốc chích tê răng (local anesthetics) được coi là an toàn trong lúc có thai. Thuốc trụ sinh như penicillin, amoxicillin và clindamycin cũng có thể dùng được trong thời kỳ mang thai. Nên tránh dùng thuốc trụ sinh tetracycline, doxycycline vì thuốc này sẽ làm cho răng của thai nhi bị đổi thành màu vàng hoặc màu nâu. Cũng nên tránh những thuốc đau nhức có chất ibuprofen, vì thuốc này làm ảnh hưởng đến sự lưu thông của mạch máu cho thai nhi. Nếu bị đau răng thì có thể dùng thuốc Tylenol. Tốt hơn hết, nên tham khảo ý kiến của BS Sản Khoa nếu phải uống bất cứ loại thuốc nào.
H. Có nên chụp hình quang tuyến X-ray răng trong khi có thai không?
Đ. Độ lượng quang tuyến dùng trong phòng nha rất thấp so với những quang tuyến trong ngành Y khoa như chụp phổi, ruột, xương, v..v.. Chỉ nên chụp quang tuyến trong những trường hợp rất cần thiết giúp trong việc chẩn bệnh và để được chữa trị. Khi cần chụp hình X-ray, nên dùng áo chì [lead shield] để che cho bệnh nhân từ cổ xuống bụng. Hiện tại nhiều văn phòng nha khoa được trang bị máy quang tuyến bằng điện tử (digital X-ray), nên số lượng quang tuyến được giảm đi nhiều.
H. Bệnh nướu răng có ảnh hưởng gì trên thai nhi?
Đ. Trong một cuộc khảo cứu của viện đại học Birmingham ở Alabama năm 2001, bệnh nướu răng đã được đề cập là một trong những bệnh có thể làm sanh non. Sự nghiên cứu này cho biết khoảng 13.6% phụ nữ mang thai sinh con sớm (sanh trước 37 tuần) nếu bị bệnh nướu răng. Sau khi đã loại bỏ những yếu tố như là hút thuốc lá, uống rượu, chủng tộc, và tuổi tác thì kết quả xác định bệnh sinh non gia tăng gấp 4 tới 7 lần nếu bệnh nhân mắc bệnh nướu răng.
Một cuộc khảo cứu khác cũng cho biết là những phụ nữ bị mắc bệnh nướu răng thời kỳ nặng cũng có thể bị một chứng bệnh áp suất cao [PRE-ECLAMPSIA] gấp đôi so với người không bị bệnh nướu răng.
Tuy nhiên, cũng không thể kết luận được rằng nếu chữa bệnh nướu răng là sẽ giảm đi phần nguy cơ sinh non. Kết quả của những khảo cứu này cho thấy cần có một sự phối hợp giữa nha khoa và sản khoa để giúp cho sức khỏe của người mẹ và thai nhi được gia tăng.
H. Tóm lại, khi mang thai thì phụ nữ phải làm những điều gì cần thiết?
Đ. Hội đồng Nha Khoa khuyên bảo chúng ta nên luôn luôn gìn giữ bộ răng cho sạch.
Bảo trì và khám răng định kỳ
Thời gian an toàn để chữa răng (nếu cần thiết) là sau tuần thứ 12 (sau 3 tháng) mang thai.
Đình hoãn những tác động làm răng không cần thiết cho tới khi sanh nở xong
Trong những trường hợp khẩn cấp, bệnh nhân có thể được chữa răng vào bất cứ chu kỳ nào của bào thai. Nếu bệnh răng không chữa có thể làm nguy hiểm đến sức khỏe người mẹ.
Tham khảo và theo ý kiến BS sản phụ khoa trước khi uống thuốc trụ sinh (antibiotics) hoặc đau nhức (pain killers)
Nên chọn cách chích thuốc tê vào chân răng (Local anesthesia) hơn là cách gây mê toàn bộ (general anesthesia) hoặc gây mê sảng (conscious sedation).
Tác giả xin chân thành cảm tạ BS Nguyễn Tiến Dỵ và BS Nguyễn Thành Tâm đã đóng góp ý kiến và sửa chữa trong bài viết này.