Sức Khoẻ Là Vàng
Trong chu kỳ của cuộc sống, người cao niên thường trở lại giai đoạn phải lệ thuộc vào gia đình như đã lệ thuộc vào cha mẹ trong tuổi ấu thơ. Đó là vì khi tới tuổi cao, khả năng làm việc của họ giảm bớt, lại có thể nẩy sinh ra một số bệnh liên hệ tới tuổi già, khiến họ mất khả năng tự túc, tự tồn, thậm chí mất cả khả năng hiểu biết.
Đây là một vấn đề mà các xã hội Đông và Tây có giải pháp khác nhau mặc dầu có chung một mục tiêu là giúp đỡ người già trong giai đoạn khó khăn nhất của đời họ.
Xin lần lượt xét về tình trạng người già trong hai xã hội này.
XÃ HỘI TÂY PHƯƠNG
Tại các xã hội Tây phương, địa vị người già tùy thuộc vào khả năng kiểm soát tài chánh. Khi có khả năng này, người già không lo bị sống cô đơn với các chứng bệnh kinh niên. Họ có thể thuê mướn những chuyên viên y tế để chăm sóc tại gia hoặc lựa chọn lối sống tập thể trong các cơ sở chuyên chăm sóc người già với đầy đủ tiện nghi y tế, vật chất.
Nhưng đó cũng là thiểu số. Còn phần đông người già với hạn hẹp tài chánh phải nhờ vả hoặc gia đình thân thích hoặc các cơ quan chính phủ, cơ sở cộng đồng, các tổ chức từ thiện.
Tại các quốc gia kỹ nghệ cao, như Hoa kỳ chẳng hạn, nhu cầu công ăn việc làm đã khiến gia đình phân cách, trái ngược với tình trạng các gia đình sinh sống gần gũi nhau trong các trang trại lớn vào đầu thế kỷ 20. Do đó, đa số người già thường sống cô đơn trong ngôi nhà mà họ đã tạo lập từ thuở trung niên. Con cái họ thường là ở xa, có khi cách cả hàng ngàn cây số.
Thêm vào đó, đa số người già ở đây đều trải qua nhiều cuộc hôn nhân trong đời, rất ít người sống cùng với người phối ngẫu ban đầu. Con cái nhiều dòng, con ông con bà, con chúng ta, khó có sự đoàn kết trong tình máu mủ ruột thịt.
Nhận thức được sự khó khăn này, chính phủ Mỹ đã lập ra chương trình An Sinh Xã Hội, chương trình chăm sóc y tế miễn phí cho người già từ 65 tuổi sắp lên ( medicare ). Chính phủ còn trợ cấp cho các chương trình giúp đỡ người già do các cộng đồng địa phương thực hiện. Các cộng đồng này điều hành nhiều trung tâm cao niên, cung cấp bữa ăn trưa với giá rẻ cho người già, cung cấp vài dịch vụ y tế căn bản như khám sức khoẻ, đo huyết áp, khám mắt, thử đường, cholesterol trong máu. Nhiều trung tâm còn tổ chức các cuộc giải trí lành mạnh, như thể dục thể thao, đi bộ, bơi lội, đi xe đạp v.v.
Các trung tâm cao niên này đã tạo ra một môi trường làm vơi bớt nỗi cô đơn của họ. Các bữa cơm tập thể cũng cung cấp cho họ những chất dinh dưỡng căn bản hàng ngày.
Một cuộc khảo sát về ích lợi của bữa ăn tập thể đối với người cao niên cho thấy họ có khả năng hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn người già dùng bữa ăn cô độc ở nhà. Có thể đây cũng là một yếu tố tâm lý chứng minh người già cần một môi trường gia đình hay đoàn thể để tâm hồn được ổn định, đưa đến sự cải thiện các chức năng cơ thể.
Tóm lại, ở Mỹ người già có thể vừa trông cậy vào sự giúp đỡ của gia đình vừa dựa vào sự trợ giúp của chính phủ và cộng đồng xã hội.
NGƯỜI GIÀ Ở VIỆT NAM
Ở các xã hội Đông phương như Việt Nam chẳng hạn, người già căn bản đều nương tựa vào gia đình trong giai đoạn chót của cuộc đời. Xã hội Việt Nam chưa có những chương trình giúp đỡ người già hoặc có những trung tâm cao niên có tổ chức như ở Mỹ.
May mắn thay, người Việt Nam có truyền thống hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Người Việt nào cũng xem mình có bổn phận đền đáp công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
"Công cha như núi Thái Sơn,
Nghiã mẹ như nước trong nguồn chẩy ra",
là điều tâm niệm của con người Việt.
Do truyền thống tốt đẹp đó mà gia đình trở thành đơn vị gốc của xã hội. Đơn vị đó tồn tại qua nhiều cuộc xáo trộn kinh tế, chính trị của xã hội. Người già có một chỗ dựa nào đó trong cái đơn vị gốc này. Những người thiếu may mắn, không con cái, thì vẫn có thể nhờ vả bà con nội ngoại.
Cũng do truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà cuộc sống chung giữa người già và người trẻ dưới mái ấm của gia đình thường rất hài hòa, ổn định. Trong xã hội Tây phương sự sống chung này không nhiều vì mỗi bên đều muốn có sự riêng tư.
NGƯỜI GIÀ VIỆT VIỄN CƯ
Đối với người Việt định cư tại nước ngoài, quý vị cao niên vẫn còn thừa hưởng cái truyền thống hiếu thảo của dân tộc. Các cụ vẫn còn được con cái phụng dưỡng như hồi còn ở bên nhà. Tuy đã có các chương trình trợ cấp của chính phủ, các cụ vẫn không chọn lối sống cô độc, lẻ loi.
Ngoại trừ khi quá yếu đau, sự hiện diện của các cụ còn là một lợi ích cho con, đặc biệt cho cặp vợ chồng trẻ.
Khi cả hai vợ chồng đều đi làm thì các cụ trở thành quản gia cho họ. Khi họ có con nhỏ, các cụ kiêm luôn việc giữ trẻ, đôi khi phụ trách cả công việc bếp núc. Các cụ vui vẻ làm những công việc đó cho con cái, không than phiền.
Sự xung khắc do khoảng cách tuổi tác ít khi xẩy ra, chỉ trừ một số rất nhỏ trong đó hoặc dâu, rể đã tiêm nhiễm nặng chủ nghĩa cá nhân Âu Mỹ. Trong trường hợp này, các cụ tuy bị khổ tâm không ít, nhưng vì thương cháu nên không nỡ đoạn tuyệt với dâu rể. Sự khổ tâm, chịu đựng này có thể đưa đến những hậu quả tâm thần trầm trọng.
Một số các cụ cảm thấy cô đơn vì không có bạn đồng trang lứa để hàn huyên, trao đổi. Các cụ không thích đến các trung tâm cao niên để giải trí như người địa phương, đôi khi vì thiếu phương tiện di chuyển. Mà các trung tâm này cũng chỉ có ở các thành phố có đông người mình định cư, và số người tham dự vẫn ít oi.
Nói tóm lại, môi trường thích hợp nhất đối với các cụ vẫn là gia đình trong đó các cụ sống thoải mái giữa đông đảo con cháu. Tâm lý chung là các cụ thường chọn ở với con trai vì theo quan niệm Đông phương, dâu là con mà rể là khách, các cụ thà nhờ vả nương tựa con trai và con dâu hơn.
Quan niệm này khác với quan niệm Tây phương, đặc biệt là người Mỹ. Họ cho rằng con trai chỉ là con cho tới khi nó lấy vợ, còn con gái thì là con của họ suốt đời (A son is a son until he gets a wife, a daughter is a daughter all her life). Quả thật khi người con trai Mỹ lấy vợ thì đương sự đặt trọng tâm sinh hoạt vào nhà vợ, tách khỏi cha mẹ trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Nhưng dù ở với con nào, các cụ ta vẫn được sống thoải mái hơn các cụ Mỹ cùng hoàn cảnh. Lý do là dù hội nhập vào xã hội Mỹ, người mình vẫn còn giữ truyền thống tốt đối với cha mẹ.
Sống dưới mái ấm đại gia đình, các cụ ta hưởng được sự chăm sóc cả vật chất lẫn tinh thần. Yếu tố tinh thần lại có ảnh hưởng không ít tới tới sức khoẻ thể xác của các cụ. Cho nên truyền thống phụng dưỡng cha mẹ không những tốt đẹp về phương diện văn hóa mà còn tốt về phương diện kinh tế bằng cách giảm thiểu tốn kém về các dịch vụ y tế dành cho các cụ.
Trong các gia đình Việt Nam còn giữ được nền nếp cổ truyền, các cụ do tuổi tác được con cháu trọng nể, đương nhiên trở thành những nhân vật tiêu biểu cho trật tự và tình đoàn kết của các thành phần trong gia đình. Các cụ giữ vai trò xúc tác cho mọi hoạt động của các con cháu nhắm thăng tiến, hướng thượng và xây dựng hạnh phúc cho mọi người. Vai trò của các cụ trong việc tiếp tay giáo dục trẻ con không bị hạn chế, chống đối như các cụ già trong xã hội Âu Mỹ.
Tuy nhiên, tình trạng này trong tương lai gần sẽ có một vài biến chuyển. Đám trẻ được trường học dậy cho lối suy tư và hành động tự lập đối với gia đình thường trở nên ương ngạnh. Chúng xem các cụ thuộc thế hệ đã qua, không phù hợp với lý tưởng tự do của chúng.
Cho nên nếu các cụ không cởi mở mà quá khắt khe theo lối sống cổ truyền thì e rằng sớm muộn cũng mất đi mối quan hệ tình cảm với lũ trẻ.
Các cụ cần thích nghi với hoàn cảnh mới, với sự hội nhập vào xã hội mới, tìm hiểu tâm tư, ước mơ, lối suy nghĩ của tuổi trẻ, sẵn sàng chấp nhận những khác biệt, đặt trọng tâm vào tình thương. Có thế các cụ mới hòa đồng được với sự đổi đời do hoàn cảnh tạo nên.
Mà có hòa đồng, thích nghi thì các cụ mới bảo vệ được sức khoẻ tâm thần, nắm được bí quyết của tiến trình an hưởng tuổi vàng.
Cali Today News – Mùa cúm đang lấp ló sau hè. Bận/mặc áo quần thật ấm áp và thủ sẵn vài thùng chicken soup.
Có những "điều tâm niệm" đã có từ ngàn xưa nhưng tới nay đã hết hiệu nghiệm. Hãng thông tấn CNN đã thỉnh ý các nhà chuyên môn để cống hiến quý vị vài chiêu phòng chống bệnh cúm:
1. Chớ nhấy mũi vào hai bàn tay
Qua hàng bao thế hệ, cha mẹ cũng như thầy cô giáo lúc nào cũng nhắc nhở con nít: phải bụm miệng và mũi khi hắt xì hơi hoặc ho. Quy luật này vẫn còn được áp dụng nhưng có thay đổi: ngày nay trẻ con được dậy là phải quay mũi miệng vào cùi chỏ hay tay áo.
Bác sĩ Priya Sampathkumar, nhà chuyên môn về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Mayo Clinic ở thành phố Rochester, tiểu bang Minnesota giải thích: "Nhất là đối với con nít quá nhỏ, sau khi trẻ con nhấy mũi hay ho vào hai bàn tay của chúng, đâu phải lúc nào chúng cũng rửa tay ngay đâu, nhưng lại dùng đôi bàn tay sờ mó khắp nơi và đủ mọi người."
Khuyên người khác nhấy mũi/ho vào khuỷu tay nhằm mục đích ngăn không cho vi khuẩn lây lan cho trẻ con cũng như cho người lớn.
2. Giữ hai bàn tay sạch sẽ
Muốn tránh làm nạn nhân của bệnh cúm thì điều tiên quyết là phải giữ đôi bàn tay thật sạch sẽ, theo lời khuyên của Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh Tật - Centers for Disease Control and Prevention (CDC).
Rửa tay cho đúng cách lâu hơn rửa tay thông thường hàng ngày: CDC khuyên ta nên kỳ cọ đôi bàn tay trong 20 giây đồng hồ - thời gian cần có để hát bài "Happy Birthday" hai lần.
Trong một cuộc nghiên cứu mới đây, người ta khám phá rằng, người lớn, nhất là phái nam, không rửa tay đủ, sau khi dùng phòng vệ sinh. Những nhà nghiên cứu của Hiệp Hội Vi Trùng Sinh Vật Học Hoa Kỳ - American Society for Microbiology - nhận xét rằng một phần ba đàn ông chẳng thèm rửa tay sau khi dùng phòng vệ sinh, phải nữ thì chỉ có 12% mà thôi.
Nếu không có sẵn nước và xà phòng thì sao? Thì dùng hand sanitizers - ngoài thị trường hiện có bán loại "Early Defense"của hãng Vicks, hỏi mấy tiệm thuốc tây như Walgreens, Long Dược (Long Drugs), v …,v…thế nào cũng có, hay hỏi tổng quát hand sanitizers cũng được. Bác sĩ Sampathkumar còn bật mí thêm: "Mùa đông khi phải rửa tay nhiều lần, dùng loại alcohol gel sẽ làm cho da mịn màng hơn."
3. Chớ uống quá nhiều thuốc bổ khi ốm đau
Những nghiên cứu y khoa về hiệu nghiệm của dược thảo và dược phẩm bổ túc thuốc bổ đã đi tới những kết luận trái ngược nhau.
Tính cách trị liệu của zinc lozenges chưa được kiểm chứng, nhưng zinc nasal gel khá hiệu nghiệm, theo kết quả một cuộc kiểm soát toàn diện do Trường Y Khoa viện đại học Stanford, đăng tải trên tạp chí Clinical Infectious Diseases - Bệnh Truyền Nhiễm Lâm Sàng, Tháng Chín 2007.
Các thử nghiệm về thuốc Echinacea chưa có kết quả chung quyết.
Nhất là khi đã bị nghẹt mũi, uống thuốc bổ là tiền vứt đi.
4. Chớ chạy trên treadmill
Trái với lời đồn đại, không thể đổ mồ hôi để tránh cảm. Bác sĩ Richard Deichmann, nội trú tại bệnh viện Oschner Medical Center, thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana cảnh báo: làm toát mồ hôi quá mức trong khi cơ thể của bạn đang cần nước là một điều không nên làm.
Bác sĩ Sampathkumar góp ý thêm: "Hãy để ý xem cơ thể của bạn muốn gì. Bạn không nên tiếp tục chạy 10 dặm một ngày như bạn vẫn thường làm nếu cơ thể không đủ sức. Nhưng bạn cũng không cần phải nằm lì trên giường nếu bạn thấy có thể đi tới đi lui được, hay vận động nhẹ nhàng."
5. Chớ uống quá nhiều thuốc cảm
Phenylephrine là dược chất có trong thuốc chống nghẹt mũi mà nhiều người hay dùng để thông mũi, nhưng nó không giúp cho bạn hết cảm hay cúm. Dùng nó có thể thấy bất an, tim đập mạnh hay mất ngủ.
Dùng loại xịt vào mũi có thể làm khô nước mũi và có thể ít phản ứng phụ hơn, nhưng không nên dùng quá ba bốn ngày.
Đối với trẻ con thì một ủy ban của Cơ quan Quản trị Thực Phẩm và Dược Phẩm - Food and Drug Administration (FDA) - vừa mới đưa ra lời cảnh báo: chớ cho con nít uống thuốc cảm ho không cần toa bác sĩ.
6. Nên ăn những món nào mình thấy ngon miệng, nóng hay lạnh
Mùi vị thức ăn làm bạn cảm thấy ngon và muốn ăn. Khi nghẹt mũi, không cảm thấy được mùi vị ngon của thức ăn nên bạn chẳng thiết ăn uống. Bác sĩ Sampathkumar khuyên bạn nên dùng món có sẵn muôn thuở: súp nóng để thông mũi của bạn, do đó sẽ giúp bạn được ngon miệng hơn. Bác sĩ Sampathkumar nói thêm: "Chẳng có lý do gì để bảo rằng hễ cứ bị lạnh là sẽ bị bệnh cảm lạnh, vì cảm là do vi trùng, vi khuẩn chứ đâu có phải vì lạnh đâu. Nếu bạn có em bé bị bệnh cảm lạnh mà cứ nằng nặc đòi ăn kem thì cứ cho bé ăn thả dàn, không sao cả."
7. Chớ có hút thuốc
Thêm một lý do nữa để cai thuốc lá: người hút thuốc lá dễ bị cảm cúm hơn người không hút. Và tệ hơn nữa: số người chết vì cảm cúm cao hơn cho người hút thuốc lá, người không hút thì nhiều hy vọng sống hơn.
Phần thượng phổi của người hút thuốc lá dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn người không hút. Xin hãy tưởng tượng: những ống dẫn không khí qua mũi, qua thượng phổi bị sưng tấy vì khói thuốc, điều này làm cho những chỗ này lâu bình phục vì khói thuốc.
Hàng năm, cứ vào đầu mùa Thu là giới chức y tế lại nhắc nhở dân chúng nhớ đi chích ngừa Flu, kẻo mà vào đầu Đông Flu lại ghé thăm mình. Vì với các nhà chuyên môn, chích ngừa vẫn là phương pháp rất hữu hiệu để tránh dịch bệnh "Ông Cúm Bà Co" này.
CÓ 2 LOẠI VACCIN NGỪA CÚM
1. Thuốc chích với virus đã bị vô hiệu hóa dành cho người từ 6 tháng tuổi trở lên, kể cả người khỏe mạnh lẫn người có bệnh kinh niên. Cũng có vaccin với liều lượng cao dành cho người trên 65 tuổi để tạo ra tính miễn dịch mạnh hơn, vì ở tuổi cao khả năng phòng bệnh yếu đi.
2. Thuốc xịt lỗ mũi với virus cúm đã được làm giảm độc tính, dành cho người khỏe mạnh từ 2 tới 49 năm tuổi, không có thai.
BAO GIỜ CHÍCH NGỪA?
Ở Bắc Bán Cầu như Hoa Kỳ, Gia nã Đại, Cúm hoành hành mạnh nhất từ tháng 12 tới tháng 2 năm sau, nhưng đầu tháng 10 đã lai rai xuất hiện và có thể kéo dài tới tháng 5. Sau chích ngừa, cần khoảng 2 tuần lễ để tạo ra tính miễn dịch chống lại virus cúm. Do đó, ngay sau khi đọc nhắc nhắc nhở này, xin bà con lấy hẹn với bác sĩ gia đình hoặc tới các pharmacy để chích ngừa.
NHỮNG AI CẦN NGỪA
Mọi người đều cần chích ngừa trước khi mùa Cúm bắt đầu, đặc biệt là nhóm người sau đây:
- Phụ nữ có thai
- Trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là dưới 2 tuổi
- Người từ 50 tuổi trở lên
- Mọi tuổi nếu đang có các bệnh mãn tính
- Những ai sống trong viện dưỡng lão hoặc các cơ sở chăm sóc lâu dài
- Người chăm sóc hoặc sống chung với cá nhân có rủi ro bị biến chứng với Cúm.
NHỮNG AI KHÔNG CHÍCH NGỪA?
Không chích ngừa nếu:
- Dị ứng trầm trọng với trứng gà. Lý do là virus ngừa cúm được nuôi dưỡng trong tinh cốt trứng gà
- Đã có phản ứng trầm trọng với thuốc ngừa cúm
- Trẻ em dưới 6 tháng, vì thuốc ngừa cúm chưa được chấp thuận dùng cho lứa tuổi này
- Người đang có vấn đề sức khỏe với nóng sốt. Đợi sau khi khỏi bệnh hãy chích ngừa.
THUỐC NGỪA CÚM CÓ GÂY RA PHẢN ỨNG GÌ KHÔNG?
Thuốc ngừa cúm dạng chích và xịt mũi đều có thể gây ra vài phản ứng rất nhẹ.
1. Thuốc chích chỉ gây ra vài khó chịu như:
- Hơi đau đau, hơi đo đỏ, hơi sưng sưng ở chỗ kim chích
- Hơi nóng sốt
- Hơi rêm đau mình mẩy xương cốt
Khó chịu này xuất hiện sớm sau khi chích và kéo dài vài ngày mà thôi.
Xin chi tiết một chút về vaccin ngừa cúm.
Thường thường, thuốc ngừa bệnh do một công ty bào chế nghiên cứu sản xuất. Riêng thuốc chích ngừa cúm được sản xuất sau một loạt những hợp tác của các nhà chuyên môn về dịch bệnh này trên thế giới. Hàng năm, hơn 130 trung tâm nghiên cứu về flu của 106 quốc gia dành nhiều thời gian để theo dõi về hoạt động của các virus có thể gây cúm và cách thức lây lan của chúng. Kết quả sẽ được gửi về 5 Trung tâm nghiên cứu lớn về bệnh nhiễm của các quốc gia hợp tác mật thiết với Cơ quan Y tế Thế giới (WHO). Đó là CDC của Hoa Kỳ và các cơ quan tương tự của Trung Hoa, Anh, Nhật và Úc. Nơi đây, các nhà chuyên lựa ra 3 nhóm virus có thể gây bệnh cúm trong mùa sắp tới tại Bắc Bán Cầu và vaccin được các nhà bào chế sản xuất. Tại Hoa Kỳ. cơ quan FDA quyết định và chịu trách nhiệm theo dõi việc sản xuất này, mục đích là có vaccin an toàn cho người tiếp nhận.
Năm nay 2012, vaccin sẽ có ba nhóm virus tương tự như năm ngoái: influenza A H3N2, influenza B virus, và 2009 H1N1.
Mặc dù cúm năm nay cũng do những virus năm ngoái gây ra, nhưng vẫn phải chích lại, vì tính miễn dịch của năm cũ giảm dần, do đó hàng năm cần được tăng cường thêm.
Trong chương trình của đài phát thanh Lạc Việt tại Vancouver ngày 17.9.2011 vừa qua, một nữ thính giả cho hay là sau 4 năm chích ngừa bà đều bị cúm, cho nên "tôi hổng thèm chích nữa". Người viết bèn "khẳng định" với bà là virus dùng trong chích ngừa cúm đều đã bị giết chết cho nên không gây ra bệnh cúm. Có thể là bà bị virus bệnh Cảm Lạnh (Common Cold) hoặc rất có thể là một loại virus cúm khác lén lút đến thăm.
2. Thuốc xịt lỗ mũi Flumist gồm virus đã được làm giảm độc tính cũng chỉ gây ra vài khó chịu nhẹ như sổ mũi, nhức đầu, ho…mà thôi.
Cũng xin lưu ý rằng, nếu sau chích ngừa mà có phản ứng trầm trọng, ta có thể khiếu nại với cơ quan National Vaccine Injury Compensation Program (VICP) điện thoại: 1-800. 338.2382.
Vài thắc mắc thường được nêu ra và cần được trả lời:
Nếu bị cúm, tôi phải làm gì?
Trước hết là nên ở nhà, không đi làm, không đi học, không tới nơi hội họp đông người, không đi shopping…để không truyền bệnh cho người khác.
Theo các nhà chuyên môn y tế, chỉ nên ra ngoài sau khi đã hết nóng sốt khoảng 24 giờ. Mà nếu có bắt buộc phải rời khỏi nhà để mua dược phẩm hoặc nhu cầu cá nhân gì khác thì nên mang khẩu trang hoặc che miệng mũi với khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi, để virus không lan vào không khí.
Và nhớ rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa lan tràn virus cúm qua những vật dụng mà người bệnh mới cầm sờ.
Có cần đi bệnh viện không?
Cúm đôi khi có thể trở nên trầm trọng và gây ra vài biến chứng cho một số người như viêm phổi, nhưng trong đa số các trường hợp, bệnh thuyên giảm trong vòng 2 tuần lễ. Do đó, có thể điều trị ở nhà với nghỉ ngơi, uống nước hoặc súp đầy đủ để tránh khô nước; giảm nóng sốt, ho với dược phẩm thích hợp mua tại dược phòng.
Nếu có thể được, nên để bệnh nhân nằm riêng với phòng tắm, phòng vệ sinh cũng như các vật dụng riêng hàng ngày như chén, bát, khăn ăn khăn tắm, thùng rác, nước uống…
Cho bác sĩ hay nếu cúm nặng như khó thở, không ăn uống được, nằm li bì, sốt đi sốt lại, ho ra đàm, có thai hoặc đang có bệnh kinh niên khác.
Có thuốc trị Cúm không?
Có chứ, thuốc giúp rút ngắn thời gian bệnh và giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Cần được bác sĩ khám bệnh rồi biên toa.
Nhắc lại là virus là những phần tử nhỏ li ti, cần nương nhờ tế bào động vật để tăng sinh. Sau khi xâm nhập tế bào, virus phân thành nhiều virus con, thoát ra khỏi tế bào mẹ và gây tác hại cho cơ thể. Thuốc trị Cúm ngăn chặn sự thoát thân của virus từ tế bào mẹ nuôi, giảm triệu chứng bệnh. Để có công hiệu, thuốc cần được dùng ngay khi bệnh mới xuất hiện.
Một câu chuyện vui đọc được trên net: Xin giảm giá
Bận rộn suốt buổi sáng đi khám bệnh cho hơn chục bệnh nhân trong khu phố, thầy thuốc tới nhà nọ chữa cho ông chồng bị Cảm Cúm. Bà vợ của ông ta năn nỉ:
- Thưa bác sĩ, ông có thể giảm giá chữa bệnh cho nhà tôi được không?
- Lý do gì vậy, thưa bà?
- Vì ông ấy chính là người đã gây ra lây Cúm cho cả khu phố này đấy ạ.
Sau mấy giây tính nhẩm, bác sĩ đồng ý "đít cao" 2 quan tiền, vì đã thu khá bộn bạc từ sáng tới giờ.
Đó là chuyện xảy ra vào thời xa xưa, khi dân chúng không biết cách phòng tránh Cúm, bệnh nhân không mang khẩu trang khi ra khỏi nhà, không rửa tay loại bỏ virus Cúm. Và thầy thuốc còn đi khám bệnh dạo tại gia. Chứ bây giờ, lấy hẹn rồi mà nhiều khi vẫn còn phải ngồi đợi cả giờ đồng hồ mới được diện kiến dung nhan ông bà thầy trong mươi phút.
PHẦN 2: PHƯƠNG CÁCH ĐIỀU TRỊ
Tiếp theo Nguyệt san số 338, tháng 12, năm 2010.
Sơ lược trong số báo số 338.
Tình dục ở lớp tuổi cao niên không đơn giản như ở lớp tuổi trẻ về mọi phương diện, từ tình yêu cho đến tình dục. "Yêu nhau, tam tứ núi cũng trèo, thất bát khe cũng lội, thập lục đèo cũng qua." Khung cảnh nồng nàn đầm ấm, tha thiết, cử chỉ âu yếm, lời nói trìu mến dịu dàng, là thiên đàng ngày nào, ôi thay, nay còn đâu, chỉ còn lại sự nhàm chán, ngày lại ngày, ra vào mặt giáp mặt, nhìn nhau như kẻ xa lạ. Hoặc bên ngoài hai kẻ dáng mạo như hợp với nhau nhưng lòng dạ lại xa cách "mạo hợp thần li" quanh quẩn, tháng 12 năm 2010 bốn bức tường tưởng như đã ngăn đôi, nẩy sinh ra nhiều cảnh chua chát, thường là xô xát nhau, cãi cọ những chuyện không đâu, gắt gỏng nhau thường xuyên nếu ta thiếu một chút tế nhị, lời qua tiếng lại, làm sao tránh cơn giận dữ to tiếng khó đo lường trước được. Do đó sự căng thẳng thường xuyên giữa đôi vợ chồng già đã vô tình làm mất nguồn hứng ham muốn tình dục. Ta có câu "tiên tình yêu, hậu tình dục". Như hình với bóng.
Kế đến là tình chăn gối, tình tự giao hợp, đã là việc khó khăn với tuổi tác ngày càng cao, hì hà hì hục, cực nhọc, gay go mãi mới "chiếu tướng" được bà một canh khác nào như thể "khải hoàn ca", để làm tròn nhiệm vụ của giới mày râu. Không còn dễ dàng như bầy trẻ "ngày bảy đêm ba ra vào không kể". Nay lại thêm tình trạng căng thẳng cứ như thế kéo dài tháng này qua năm nọ, thử hỏi còn đâu lòng ham muốn tình dục nữa? Ông cũng chẳng thích thú chi, vì lửa tình mới chớm, nguồn hứng tình dục chưa trọn đến thì đã tiêu tan, thừa dịp Bà nhà lại càng lạnh nhạt dửng dưng hơn. Kẻ thiệt, người mất, kết cuộc là tan rã làm mất dịp tốt, cơ hội hiếm có, khi kề gần nhau.
Tình dục muốn tồn tại giữa vợ chồng già, điều tiên khởi phải là thương mến nhau, nhường nhịn nhau, không nên tranh chấp, câu nệ những gì không đáng chi, chín bỏ làm mười, được như vậy, mới vãn hồi, cứu vớt được tinh thần dục vọng đôi bên.
Đường tình rõ thật quá mong manh, tình đời nhàm chán với thời gian chăn gối, chung đụng kéo dài quá lâu, thói đời là vậy. Để nối lại giây liên lạc thường bị sứt mẻ giữa vợ chồng già, sau đây là vài lời khuyên nhủ của nữ Bác Sĩ giới tính (sexologue) và là y học tâm thể (psychosomaticienne) Ghislaine PARIS cộng tác với Bernadette Costa-PRADES qua ý kiến trình bầy trong quyển sách của hai vị này: Faire lamour pour éviter la guerre dans le couple (1) tạm dịch là Làm tình để tránh nội chiến giữa vợ chồng với đầy ý nghĩa, biện luận khá ngộ nghĩnh, ly kỳ nhưng hấp dẫn.
Xem đó thì đồng nghiệp nữ Bác Sĩ giới tính cũng rập theo ý chánh là tiên tình yêu, hậu tình dục và cho rằng:
- Để tránh đụng độ, gấu ó nhau, hãy chớ nên đổ lỗi cho nhau, nên nhường nhịn nhau, nên thứ tha cho nhau để hiểu nhau hơn là điều tiên khởi, hầu tránh được sự tan vỡ.
- Thứ đến, trong giờ phút giao hợp, cần nên tránh những thói quen (routine), cử chỉ thông thường, nhàm chán sợ rằng sẽ giảm mất tình ham muốn xác thịt đối với phái nữ. Người đàn ông khí thái trực ngôn, nói thẳng, xử lí bằng trí óc, hành động nhanh chóng nên thiếu kiên nhẫn, đàn bà ngược lại đa cảm, không vội vã, tánh tình hòa hoãn, ý nghĩ quanh co, thường khó hiểu, giải bầy bằng trái tim. Hai thái độ như đêm với ngày ta phải biết dung hòa đôi bên mới tiến hành được công việc mong muốn. Ta hãy tự trách, máy chưa nổ, kèn trống xung phong chưa vang, xáp lá cà chưa có lệnh của Bà mà ta đã xua quân, ồ ạt xe pháo đâm thọc vào cửa lòng nội thành của chúa nữ thì làm sao thành công được. Thất bại nắm chắc!
- Kế tiếp, hành động nên theo một vài nghi thức nào đó (rituel), một vài lễ nghi trịnh trọng, nhưng không kém phần hấp dẫn gợi tình hầu tạo được nguồn hứng khởi, tìm lại được nguồn hạnh phúc thích thú trong khi giao cấu để có được niềm vui nẩy nở.
- Thêm vào đó, ví như loại chồn, khôn ngoan dư lực, mưu kế dư thừa, đàn ông, ta cần biết cái tài quyến rũ, phong cách quyến rũ đủ để xiêu lòng người bạn đời. Quyến rũ (séduire) là điều rất cần, mơn trớn (câliner) là thiết yếu đối với phái nữ. Lời nói thương yêu, lịch sự, giọng nói dịu dàng, thả lời ong bướm, chưa đủ, thêm những cử chỉ vuốt ve, nịnh hót, tay nắm tay, xích lại gần nhau, sưởi ấm lòng nhau... mới gọi là kẻ tài ba của phái mạnh chứ.
- Nhưng chưa đủ, ta phải biết xoay xở, nuôi một vài ảo ảnh (fantasme) hư hư, thực thực, ngông cuồng, nữa tỉnh nữa mơ rất cần cho tình dục khiêu dâm, gợi tình, làm trổi dậy lòng ham muốn giới tính (sexuel), ý nghĩ lãng mạn (romantisme) cho cả đôi bên được hưởng thụ.
- Tiến thêm bước nữa, để thêm phần ngoạn mục, chàng nên có chút dũng cảm "thoát y" mà không ngại ngùng trước mặt đôi bạn già, như một cuộc diễn tuồng trên sân khấu chỉ dành riêng cho hai ta mà thôi. Chính là lúc gợi tình cao đỉnh giữa hai tâm hồn đang còn thờ ơ, hờ hững, lạnh lùng, là giờ phút đầy xúc cảm, đầy náo động từ tâm hồn đến thể xác, là dịp duy nhất thúc dục cả đôi bên để nối lại tình yêu, hàn gắn lại tình dục vợ chồng.
- Cuối cùng, nếu chàng là người tài đức vẹn toàn, vậy thừa dịp đó nên mau khai thác nhược điểm của phái nữ và cho thêm phần nào mặn mà thực tế, thì ngần ngại gì mà không tặng yêu cho nàng một chiếc cà rá, bằng vàng còn gì bằng, bằng ngọc còn gì hơn.
- Rủ nhau cùng đi tửu quán thưởng thức các món sơn hào hải vị,
- Cùng nhau du lịch đây đó, du sơn ngoạn thủy, thay đổi khung cảnh nhàm chán, quanh quẩn giữa bốn bức tường không lối thoát.
Còn bao nhiêu sự bất ngờ, bao nhiêu ngạc nhiên dành cho nàng, kể sao cho xiết, chắc chắn thành công với sự kiên nhẫn và sáng kiến của cụ ông. Thưa phải thế không ạ?
Bấy nhiêu lời khuyên nhủ, dăm ba ý kiến ngộ nghĩnh ly kỳ táo bạo, điều hay mới lạ, tư tưởng xây dựng hầu giúp gợi lại được tình dục đã bị lạnh lùng lãng quên từ lâu.
Bước qua giai đoạn thực tế, nói rõ hơn là những ích lợi của sự giao cấu qua lời biện bạch của Bác sĩ y khoa Frédéric SALDMANN chuyên khoa tim và khoa dinh dưỡng qua quyển sách La vie et le temps (2)
GIAO HỢP LÀ MÔI TRƯỜNG THUẬN TIỆN SỐNG ĐỘNG VỚI NHIỀU ÍCH LỢI THỰC TIỄN CỦA NÓ.
- Những mối liên hệ lạ lùng giữa giới tính (sexualité) và sức khỏe (Les étonnants liens entre sexualité et santé): không những cho những cảm giác khoan khoái mà còn có hiệu lực bảo vệ sức khoẻ, sự kiện này được dẫn chứng qua nhiều bài vở tài liệu nghiên cứu trên tầm vóc quốc tế, và hầu hết đều nhìn nhận rằng sự giao cấu đều đặn sẽ che chở cho nhiều bệnh tật như ung thư, bệnh tim mạch v.v
- Theo tổ hợp nghiên cứu, thì Ocytocine, như một kích thích tố do sự tổng hợp (synthèse) của giải cấu tạo dưới đồi (hypothalamus) và được tiết ra bởi giải tuyến yên (hypophyse).
- Các nhà nghiên cứu khoa học cho rằng kích thích tố Ocytocine được gọi là kích thích tố giao cấu và tình yêu hormone de l'amour vì nó được tiết ra song song với sự giao hợp. Hơn nữa nó bảo vệ cho bệnh ung thư vú. Vào đầu thế kỷ 18, theo giáo sư Ramazzini nhận xét rằng số các nữ tu sĩ mắc bệnh ung thư vú lên khá cao, theo giải thích vì suy kém về mặt kích thích Ocytocine. Đặc điểm của kích thích tố này được tiết nhiều hơn song song với sự giao cấu đều đặn.
- Ocytocine được coi như kích thích làm gia tăng sự thú vui, khoái lạc ham muốn (hormone du plaisir), hơn nữa nó làm giảm bớt tánh tình sợ sệt, và gia tăng sự can đảm trong cuộc sống giao tế hằng ngày. Vẫn theo nhận xét của các nhà nghiên cứu, Ocytocine giúp tải uế, tống khứ những tế bào và các chất phương hại dễ sanh ra ung thư.
- Ocytocine thật ra chất này được tiết ra trong thời kỳ sanh đẻ và trong lúc giao cấu.
- Đề cập về sự giao cấu, theo các vị lão gia châm cứu Trung y cho rằng Tinh khí là thụ tinh fécondant và nuôi dưỡng người đàn bà qua sự điều hòa các chức năng cơ thể con người. Nói cách khác, người đàn bà không có sự giao hợp nẩy nở, đều đặn thường là môi trường thuận lợi cho cơ chế phát triển gây nên bệnh tật.
- Nó giúp cho kẻ mày râu trừ bệnh ung thư tiền liệt tuyến (prostate) với sự năng động xuất tinh (éjaculation fréquente). Thật lạ thay, sự kiện này đã được dẫn chứng của nhóm nghiên cứu bên Mỹ châu trên 30000 người nam, và nhóm nghiên cứu Úc châu đều cùng một kết luận như vậy. Tóm lại sự xuất tinh đã giúp cho giải tiền liệt tuyến tẩy uế những chất độc làm ra ung thư. Vẫn theo lời của tác giả "21 lần xuất tinh mỗi tháng sẽ giảm bớt mối nguy cơ nan bệnh một phần ba; Giao hợp 21 lần trong mỗi tháng sẽ giảm bớt ung thư giải tuyến tiền liệt (prostate)".
- Bệnh tim cũng được che chở qua sự giao hợp theo đó thì 3 lần giao hợp trong mỗi tuần sẽ tăng thêm tuổi thọ 10 năm! Vẫn theo thuyết này thì sự giao hợp không những không hại cho trái tim mà còn giúp ích trợ tim là đằng khác. Ví như là một cách thể thao làm cho tần số nhịp tim gia tăng và các cơ bắp gia tăng hoạt động trong cơ thể. So sánh với cuộc chạy chân trong vòng 20 phút với mỗi lần giao hợp. Einstein nói rằng cuộc đời như chiếc xe đạp, nếu ta ngưng đạp sẽ bị té ngã. Phải chuyển động luôn.
- Sự bài tiết testostérone cũng vậy, phụ thuộc với sự giao hợp. Càng nên năng giao hợp để bảo đảm sự bài tiết testostérone được khả quan hơn. Các chuyên gia cho rằng tỷ suất testostérone trong máu giảm 1% mỗi năm và bắt đầu từ tuổi 30. Testostérone như xăng nhớt để bảo trì chiếc xe để bảo đảm cho tuổi già phái nam (andropause).
- Tác giả còn nêu lên sự nguy hại về tuổi tác về nghỉ hưu (retraite) vì mất hoạt động tâm trí và thể xác, do đó bệnh tật sẽ phát hiện nhiều hơn..
- Bàn về phương cách điều trị, tác giả đề nghị các loại thuốc như: Viagra, Cialis, Levitra, hoặc Testostérone, tất nhiên nên theo lời chỉ dẫn của Y Sĩ điều trị ghi toa.
ĐIỀU TRỊ BÊN PHƯƠNG ĐÔNG:
Nhân sâm (3): Nghiên cứu dược tính của nhân sâm, Y học cổ truyền đã mang lại những công dụng thiết thực và đã được công bố kết quả định tính (qualificatif) áp dụng qua lâm sàng. Các nhà khoa học từ giữa thế kỷ trước với những thiết bị (équipement) khoa học công nhận rằng:
- Nhân sâm có rất nhiều tác dụng: tăng quá trình ức chế (inhiber) và hưng phấn (stimuler) vỏ não. Chất saponin với lượng nhỏ chủ yếu làm hưng phấn trung khu thần kinh, với lượng lớn có tác dụng ức chế.
- Tăng sức lao động trí óc và chân tay, chống mỏi mệt, làm tăng hiệu suất hoạt động tư duy (pensée) và thể lực (force physique), có thể chống lão hóa, cải thiện chức năng của não ở người lớn tuổi, tăng khả năng tập trung trí tuệ, tăng trí nhớ. Nhân sâm còn có tác dụng kích thích hormon sinh dục nam cũng như nữ.
- Trị liệt dương theo một nghiên cứu dùng nhân sâm ghi nhận với kết quả rất lạc quan, cho thấy chức năng tình dục được hồi phục hoàn toàn 15 người trên 27 bệnh nhân, 9 bệnh nhân chuyển biến tốt, 3 bệnh nhân không kết quả. Uống nước chiết (extrait) xuất 500mg mỗi ngày để trị các trường hợp, liệt dương, tảo tiết, phóng tinh yếu, tình dục giảm, đều có kết quả nhất định, theo GS. DƯƠNG NẠI NGẠN - Khoa Học Phổ Thông.
- Tác dụng đối với sự sinh trưởng và phát dục của động vật: thí nghiệm trên một số động vật so sánh với số động vật không dùng nhân sâm, cho thấy trọng lượng (poids) con vật tăng lên, thời gian giao cấu của con vật kéo dài, hiện tượng tình dục xuất hiện rõ rệt.
- Nói về sâm, ta nên chia ra nhiều loại sâm tuy là cùng tên. Nhưng khác nhau nhiều về thành phần hóa học, và công dụng nên không giống nhau như: Nhân sâm Việt Nam, Tam thất, Đảng sâm, Sâm Bố chính, Thổ Cao ly sâm, Sa sâm, Đan sâm, Huyền sâm, Nam sâm, Sâm rừng, Khổ sâm v.v.
Cẩu Kỷ Tử (4): Fructus lycii, Lycium sinensi Miller, Rượu cẩu khởi tử cũng gọi là Kỷ tử, Địa cốt tử, Khủ khởi, Khởi tử, phạm vi ứng dụng, người cao tuổi phòng chống suy yếu, tăng cường sức khỏe, bổ gan bổ thận, giảm suy yếu, bổ tinh huyết, ích thận khí, bổ chân âm của can và thận, giữ cho người trẻ lâu, tăng tuổi thọ. Loại Cẩu kỷ ở Cam châu Trung Quốc có mầu đỏ thịt dẻo ít hột là thứ tốt nhất. Ông Đào Hoàng Cảnh nói rằng: Ly gia thiên lý nhân vật phục xa nhà ngàn dặm chớ ăn Cẩu Kỷ là vì sức cường dương của nó. kích thích đến tình dục. Nghe đó đủ hiểu sức bổ thận của nó mạnh mẽ đến mức nào. Cẩu kỷ tử, vị ngọt, mát, tính nhuận, đuổi phong, sáng mắt, mạnh gân xương, bổ tinh tráng dương.
Tứ tử bổ dưỡng hoàn (5): Bách tử nhân, tùng tử nhân, khởi tử, nữ trinh tử. Bài thuốc có tác dụng làm cho cơ thể khỏe mạnh, an thần, kéo dài tuổi thọ đối với người cao tuổi âm hư, thần kinh suy nhược.
Nhung hươu: Thuốc bổ thận bổ tinh, chủ trị thận hư, tinh ít, lưng gối đau mỏi, tai ù, liệt dương.
CHÂM CỨU TRƯỜNG HỢP THẬN KHÍ BẤT TÚC, MỆNH MÔN HƯ (6)
Quan nguyên: làm gia tăng khí thận, bồi thận cố bản, bổ khí hồi dương, ôn điều huyết thất tinh, có công dụng bảo kiện phòng bệnh, trị di tinh liệt dương, thận dương suy, toàn thân suy nhược.
Thận du: chữa trị liệt dương, di tinh, bổ thận âm, thận khí, thận suy.
Tam âm giao: điều huyết thất ở tinh cung, sơ can ích thận, trị bệnh thuộc hệ sinh dục, bổ tam âm.
Mệnh môn: Bồi nguyên bổ thận, dưỡng tinh, gia tăng chân khí, phối Quan nguyên trị liệt dương.
Chí thất: Bổ thận ích tinh, suy nhược sinh nhục, di tinh mộng tinh, liệt dương.
Túc tam lý: thông điều kinh lạc khí huyết, bồi nguyên, bổ hư nhược, phòng ngừa bệnh. Bên đất Phù-tang, xứ Hoa Anh Đào, người Nhật thường dùng huyệt này để phòng ngừa bệnh tật, gia tăng sức khỏe và được trường thọ. Tục ngữ trong dân gian có câu: "Nhược yếu an, Tam lý thường bất càn" có nghiã rằng muốn được bình an vô bệnh thì huyệt Tam lý không được để cho khô. Tầm quan trọng của huyệt: "Tam lý cứu bất tuyệt, nhất thiết tai bệnh tức" năng cứu huyệt Tam lý thì những bệnh tai ác đều phải tiêu diệt.
Thần môn: suy nhược thần kinh, trị bệnh thần chí.
KẾT LUẬN:
Bên phương tây, theo lời biện giải (explication) dựa trên các tài liệu của các nhóm khoa học "21 lần xuất tinh mỗi tháng sẽ giảm bớt nguy cơ bệnh tật một phần ba; 3 lần giao hợp trong mỗi tuần sẽ tăng thêm tuổi thọ 10 năm. Phòng bệnh ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, trợ tim v.v. -Sự bài tiết testostérone phụ thuộc với sự giao hợp. Càng nên năng giao hợp để bảo đảm sự bài tiết testostérone được khả quan hơn. Testostérone như xăng nhớt để bảo trì chiếc xe để bảo đảm cho tuổi già phái nam (andropause)
Bên phương đông (7), dựa trên các sách giáo khoa giá trị cổ Y như Nội kinh Tố Vấn, Linh khư, trên hai ngàn năm trước đây, khuyên nhủ phải biết giữ gìn Chân khí là tinh khí tiên thiên của cha mẹ để lại, mà dục vọng bừa bãi tinh lực sẽ bị kiệt hao. Phép dưỡng sinh tu thân dưỡng tính để rèn luyện thân thể thì có thể hưởng được tuổi thọ tự nhiên trăm tuổi, nay phóng túng về sắc dục làm kiệt hết tinh khí, hao tổn chân nguyên, cho nên khoảng tuổi mới 50 đã già yếu rồi. Sắc dục quá độ làm cho tinh khí hao tán, bị quyết nghịch (afflux) thành chứng không thể nói năng được, bốn chi mềm yếu không thể vận động được đó là do thận hư.
- Vua chúa thời xưa có mấy ai sống thọ, thị nữ cung tần, sắc dục quá độ làm cho tinh khí hao tán.
- Điều răn thứ SÁU trong hội thánh Chúa Kitô, cũng trong chiều hướng đó.
- Ta thử nhìn về đời sống của động vật, phần nhiều chúng chỉ làm tình giao hợp chỉ trong thời kỳ động dục (période de rut) chẳng mấy khi ngoài thời kỳ đó.
Đứng về mặt khách quan (objectif) ta tự hỏi đâu là chân lý? Bên nào tà? Phía nào chính? Đông phương và Tây phương ví như đêm với ngày, ta theo bên nào? Trên con đường mê lộ (labyrinthe) độc giả tự phải tìm lấy một con đường, một lối thoát, kiếm chọn một giải đáp cho phù hợp với bản thân với chính mình. Trường đời thật lắm oái oăm, bên trời Âu cũng như bên trời Á, bên nào cũng đều có dẫn chứng điều hay sự thật. Chao ôi, tựa như ta đang mắc trong lưới nhện chằng chịt đầy cám dỗ, không biết mô tê để tìm lối ra. Thân này ví xẻ làm đôi.
Để kết thúc, tác giả bài này với thiển nghĩ xin cống hiến đôi hàng hèn mọn về khía cạnh "tình dục ở lớp tuổi cao niên", và mong rằng phần nào giúp ích quý độc giả được giải trí trong giờ nhàn rỗi, âu cũng là dịp tốt để áp dụng đôi lời khuyên nhủ bổ ích, thích hợp trong cuộc sống hằng ngày giữa đôi vợ chồng già. Cuộc đời như giấc mộng quá ngắn ngủi, với chút thờì gian còn lại, ta hãy ra sức vun bón, tô điểm thêm, cải thiện cho cuộc sống được mang một ý nghĩa thanh cao, đẹp đẽ không những cho đời này mà còn mai đây bên kia chân trời xa cách.
Tài liệu tham khảo:
1. Faire lamour pour éviter la guerre dans le couple Dr. Ghislaine PARIS en
Collaboration avec Bernadette COSTA-PRADES (Albin Michel Mars 2010).
2. La vie et le temps Dr. Frédéric SALDMANN (Flammarion 2011).
3. VNthư quán: nhân sâm.
4. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi).
5. Bài thuốc dân gian gia truyền (Âu An Khâm)
6. Médecine traditionnelle chinoise (Nguyen Van Nghi, Christine Recours-Nguyen 1984 Edition NVN.)
7. Nội kinh Tố vấn Chương I, Linh Khư Chương 19.
Thực ra thì da có thể trở nên khô vào bất cứ mùa nào, nhưng mùa Đông có một số "thiên thời, địa lợi" khiến cho da dễ nhăn khô hơn.
Da khô không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, nhưng hơi khó chịu vì khô làm ta cảm thấy ngứa ngáy, gãi muốn chẩy máu mới đã cơn ngứa.
Và da khô nom nó cũng kém thẩm mỹ, đặc biệt là nếu xuất hiện trên khuôn mặt mày ngài da phấn, hoặc trên đôi bàn tay vốn mịn màng, mát dịu khi tay cầm tay.
Nguyên nhân
Mùa Đông có nhiều yếu tố "thuận lợi" cho da khô xuất hiện:
- Thời tiết mùa Đông thường là lạnh và không khí lại khô. Tất cả đều làm bay lớp ẩm trên da. Thế là da trở thành khô như tờ giấy bản phơi nắng.
Nói vậy không có nghĩa là vào mùa Hè, da không khô. Nếu cơ thể tiếp xúc quá lâu với tia tử ngoại, với hơi nóng của ánh nắng mặt trời thì da cũng bốc hết hơi ẩm và khô.
- Mùa lạnh là phải tìm cách sưởi cho ấm thân mình. Mà nếu để máy điều hòa không khí quá cao hoặc lò sưởi than hồng, củi khô nóng rát thì không khí trong phòng cũng ngột ngạt khô khan, thu hút hết độ ẩm của da.
- Lạnh là đâu có tắm nước lạnh được. Phải tắm với nước nóng. Nhiều người ngâm cả nửa giờ trong bồn hoặc dưới vòi nước nóng, để cho "khí huyết lưu thông". Tắm xong lại lấy khăn lông chà khắp thân mình, cũng để cho đỏ da, thắm thịt. Thế là bao nhiêu lớp nhờn giữ ẩm cho da tan biến theo nước nóng trôi ra cống rãnh, khiến cho da khô. Nhất là nếu lại dùng xà bông có độ tẩy rửa quá cao hoặc shampoo quá mạnh, để tắm để gội cho sạch da, sạch tóc.
Các nhà chuyên môn có nhận xét là với tuổi cao, da thường hay khô vì các cụ lười uống nước và cũng vì cảm thấy không khát. Và nam giới dường như tuyến nhờn trên da hoạt động mạnh hơn, nên da tương đối ẩm hơn da nữ giới.
Da khô còn thấy trong một số bệnh như:
- Bệnh suy tuyến giáp (thyroid gland), trong đó không có đủ hormon của tuyến này để kích thích hạch mồ hôi và hạch nhờn hoạt động, khiến cho mặt không còn trơn, trán không còn bóng, da khô.
- Bệnh nhân bị chứng vẩy nến (Psoriasis) cũng có làn da rất khô và ngứa.
- Da khô thấy trong bệnh tiểu đường không kiểm soát.
- Mất nước trong cơ thể vì tiêu chẩy, ói mửa, đổ mồ hôi nhiều khi làm việc ngoài nắng hoặc vận động cơ thể quá mạnh mà không uống nước cũng làm cho da khô.
Da khô xẩy ra khi dùng một vài dược phẩm như thuốc trị mụn trứng cá Accutane, thuốc lợi tiểu, vài loại kháng sinh hoặc khi uống nhiều rượu, cà phê.
Dinh dưỡng kém, thiếu sinh tố A và các sinh tố nhóm B làm da khô
Dấu hiệu
Da thường hay khô ở vùng bụng, hai bên cạnh sườn, tay, chân.
Khô quá, da sẽ nhăn nheo, co lại, mặt da gồ ghề với những mảnh da mỏng nhỏ tróc ra. Đôi khi da quá khô đến nỗi nứt nẻ, chẩy máu, đặc biệt là ở bàn tay, bàn chân.
Khô da thường đi đôi với cảm giác ngứa vì da luôn luôn bị kích thích. Mà ngứa là phải gãi cho đã. Nhưng sự gãi không giải quyết được vấn đề và còn có thể làm da trầy rách, mở đường cho vi khuẩn xâm nhập, gây ra viêm nhiễm da.
Nếu không phòng tránh, chữa trị, da khô có thể đưa tới viêm da, viêm nang lông. Da có thể bị nhiễm trùng lở loét trầm trọng.
Chăm sóc, Điều trị
Thường thường da khô không gây nguy hại cho sức khỏe và mỗi người có thể tự chăm sóc với các hiểu biết và phương thức sẵn có.
Tuy nhiên, khi da khô mà không giảm bớt với chăm sóc cá nhân, khi khô và ngứa ảnh hưởng tới giấc ngủ hoặc khi da bị viêm nhiễm…đều cần phải được bác sĩ khám và điều trị. Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân gây ra khô da và chữa tận gốc các nguyên nhân đó.
Chúng ta có thể áp dụng một số phương thức như sau để tránh cho da khỏi khô, nhất là vào mùa Đông tháng giá.
1. Theo ý kiến nhiều người, về mùa Ðông, ta ít đổ mồ hôi lại mặc quần áo che kín thân mình, cơ thể tương đối sạch sẽ nên cũng không cần tắm mỗi ngày mà có thể mỗi hai ngày. Nhưng mỗi ngày cần lau rửa những vùng kín không thoáng khí.
2. Khi tắm không nên kéo dài quá 15 phút và tắm với nước vừa đủ ấm để khỏi bị lạnh, thoa xà bông ở các vùng bí hơi như nách, hạ bộ, hậu môn, bàn tay bàn chân. Tắm nước quá nóng quá lâu lấy đi các chất nhờn bảo vệ da và làm da mau hư và khô.
3. Sau khi tắm, lau nhẹ những giọt nước trên mình với tấm khăn mềm, thoa vỗ nhẹ để giữ độ ẩm càng nhiều càng tốt rồi bôi kem ẩm lên da.
Ðừng chà sát mạnh đến đỏ người như nhiều người làm, gọi là cho máu lưu thông, nóng mình. Chà mạnh làm mất chất nhờn trên da và gây tổn thương cho tế bào da.
Khi da còn hơi ướt, bôi kem mềm da phủ lên trên để giữ một chút ẩm.
4. Da mặt: Không nên dùng xà bông hoặc mỹ phẩm lau mặt quá mạnh để tránh mất độ ẩm và chất dinh dưỡng trên da.
Thoa kem buổi sáng và buổi tối nhất là chung quanh mắt và trán nơi có nhiều vết nhăn. Da khô làm đường nhăn trên mặt nổi rõ hơn vào mùa Ðông. Trước khi đi ngủ nhớ lau hết phấn son trên mặt.
5. Dùng xà bông, shampoo nhẹ ít chất tẩy rửa (detergent) để tránh kích thích da.
6. Bôi kem mềm ẩm da nhiều lần trong ngày.
7. Ðừng hút thuốc lá vì nicotine làm mạch máu co hẹp, giảm lưu thông máu tới các tế bào, chất dinh dưỡng và oxy ít đi
8. Tránh ánh nắng gay gắt. Bôi kem chống tia tử ngoại khi ra ngoài trời nắng gắt.
9. Khi chạy máy sưởi trong nhà, không khí rất khô làm da bị khô và ngứa. Nhiệt độ trong nhà nên giữ mức vừa phải, đừng quá nóng. Muốn cho không khí trong phòng bớt khô, có thể dùng một máy phun bụi nước. Nhưng nhớ giữ máy sạch sẽ, đừng để vi khuẩn, nấm độc sinh sôi nẩy nở trong đó và gây ra nhiễm bệnh cho mọi người trong nhà.
10. Mặc quần áo nhẹ, nhiều lớp để tránh quá nóng, đổ mổ hôi. Lựa loại vải thiên nhiên như tơ lụa, bông gòn để da dễ thở
11. Mang bao tay, đội mũ khi ra ngoài lạnh để da khỏi bốc hơi nước.
12. Dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng.
Ăn nhiều loại rau có mầu vàng đậm như cà rốt, dưa canteloup, cam…có nhiều betacaroten, cần thiết cho da. Giảm thiểu các loại hành, tỏi…có nhiều sulfur kích thích da.
Bớt tiêu thụ thực phẩm chiên rán, nước ngọt, nước trái cây nhái hiệu, cà phê đen.
13. Ngoài ra, muốn da tốt ta nên ngủ đầy đủ và vận động cơ thể mỗi ngày. Ngủ để giúp các tế bào có thì giờ tái tạo, tu bổ hư hao. Vận động giúp máu huyết lưu thông để nuôi dưỡng da.
Về kem tăng ẩm da, nhiều người thích loại có chất Alpha hydroxy acid lấy ra từ rượu vang đỏ, sữa chua và trái cây. Chất này kích thích tế bào da tăng sinh mạnh, làm da mịn.
Da mỗi người có độ acid/kiềm khác nhau, nên cần nhờ chuyên viên thẩm mỹ thử và hướng dẫn loại kem ẩm thích hợp.
Các tinh dầu thực vật rất tốt để giữ da ẩm. Dầu Avocado đặc rất thích hợp cho da khô thiếu nước; dầu cà rốt: tốt cho da bị ngứa, rát; dầu castor tốt cho da bị khô nứt.
Nếu da có ngứa, xin đừng gãi mà lấy một chiếc khăn mềm ngâm nước đá lạnh phủ lên, là cảm thấy dễ chịu ngay. Cũng có thể ra tiệm thuốc tây mua các lotion có chất camphor, menthol, calamine hoặc diphedrinamin (benadryl), thoa trên da ngứa.
Nếu cần, bác sĩ có thể cho thuốc bôi có chất cortisone, rất tốt để trị ngứa da.
Da nhăn
Một vấn đề khác về da cũng được nhiều người lưu tâm là da nhăn khô vào mùa Đông hoặc khi tới tuổi về già. Thay đổi cấu trúc da là một hiện tượng bình thường của sự lão hóa. Sau tuổi 25, chất collagen và elastin chống đỡ cho lớp da bắt đầu thoái hóa; tế bào mỡ giảm dần; tuyến nhờn kém hoạt động; tế bào da tăng sinh chậm chạp, tế bào mới ít, tế bào già nhiều, kém nuôi dưỡng. Tất cả đưa đến da khô, xệ xuống, nhăn nheo. Ngoài ra dưới tác dụng của ánh nắng, tia tử ngoại, da cũng mau hư hao. Sự hư hao này được coi như vĩnh viễn khó mà trở lại tình trạng tốt đẹp như thuở thanh thiếu niên, nhi đồng được.
Da đặc biệt nhăn ở trên mặt là mối ưu tư lớn của nhiều người.
Trên thị trường có bán nhiều mỹ phẩm chứa vài chất dinh dưỡng như sinh tố E, kem trái dừa, vài chất đạm amino acid, chất chiết từ nhau thai mà các nhà sản xuất nói có thể xóa bỏ sự hóa già này của da. Theo các nhà nghiên cứu thì các sản phẩm này chỉ làm da ẩm mềm tạm thời mà thôi, chứ không làm da bớt nhăn nheo.
Riêng kem có sinh tố A Tretinoin dường như có thể tạo ra chất collagen dưới da, tăng thêm sự lưu thông máu. Nhờ đó da bớt nhăn nheo và bớt khô một phần nào.
Ngoài ra, để giảm thiểu da nhăn, nên dinh dưỡng đầy đủ, bảo vệ mặt với nắng gắt và không khí lạnh; bớt cau có nhăn nhó; sống thư giãn ít căng thẳng.
Nếu da vẫn cứ ngoan cố nhăn nheo, thì đi mỹ viện, bơm căng da mặt, da cổ, chích Botox là da thẳng tuốt mịn màng ngay ấy mà.
(Y Dược Ngày Nay, www.yduocngaynay.com)
Trong giờ y học thường thức, trước khi giảng dậy về đề tài giữ gìn vệ sinh thân thể. Cô giáo hỏi: "Các em có hiểu câu ca dao tục ngữ răng với tóc là vóc con người nghĩa là gì không?"
Andy (giơ tay): Thưa cô, câu đó có nghĩa là vóc dáng của người ta có đẹp hay không là tùy thuộc rất nhiều vào hàm răng và mái tóc ạ! Răng đẹp, tóc mượt là dấu hiệu của một người có sức khoẻ tốt!
Cô giáo: Đúng! Andy rất là giỏi, bây giờ có em nào cho cô và các bạn biết phải làm sao để gìn giữ hàm răng và mái tóc của mình cho tốt không?
Brian (giơ tay): Thưa cô tóc thì em không biết nhưng em biết có ba phương pháp để giữ răng khỏi sâu, khỏi bị hư và khỏi bị... rụng ạ!
Cô giáo: Thank you Brian, em có thể kể ra ba phương pháp đó cho cô và các bạn cùng học hỏi không?
Brian: Thưa cô! Ba phương pháp đó là:
• Thứ nhất là phải chải răng với kem đánh răng và clean răng bằng dental floss sau mỗi bữa ăn.
• Thứ hai là phải thường xuyên đi đến văn phòng nha khoa cho bác sĩ kiểm tra, rửa răng (cleaning) mỗi năm ít là một lần.
• Thứ ba là... đừng xía vào chuyện của người khác!
Cô giáo: Hưưmmm! (Cau mày) Có lý!!!!!!
Bạn thân mến, nếu những ông Biệt Phái, Sa Đốc và các Kinh Sư mà chịu khó thực hành ba phương pháp bảo vệ răng của Brian nêu trên thì có lẽ họ đã tránh được rất nhiều đau khổ và phiền muộn trong cuộc đời của họ. Bạn biết tại sao không? Là bởi vì họ hay xía vào chuyện của Chúa Giêsu lắm! Họ cứ rình rập, soi mói, hoạnh hoẹ và cứ thích chĩa mũi của họ vào những công việc tốt lành của Chúa Giêsu, những chuyện chẳng liên quan và ăn nhậu gì đến họ cả. Này nhé!
• Khi các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; [họ] đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?" Bạn thấy mấy người Biệt Phái này (Lc 5,30) rỗi hơi không? Chuyện ăn chay hay ăn mặn của các môn đệ và của Chúa Giêsu thì ăn nhậu gì đến họ mà họ phải thắc mắc, phải xía vào chi dzậy?
• Khi họ thấy Đức Giê-su dùng bữa với những người thu thuế, thì họ càm ràm và lải nhải với các môn đệ: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy " (Mt 9,11). Bạn thấy kỳ khôi không? Chuyện Chúa Giêsu ăn uống với ai, ở đâu, ăn cái gì... thì mắc mớ chi đến họ? Họ là ai mà dám chửi người khác là quân tội lỗi? Cũng may là những quân tội lỗi đang ngồi cùng bàn với một Đấng hiền lành và khiêm nhường, chứ nếu không thì dễ gì mà họ tha cho mấy anh Biệt Phái và Kinh Sư?
• Khi họ nhìn thấy các môn đệ của Chúa Giêsu bứt lúa vào ngày Sabath, họ liền chỉ trích gay gắt: "Coi kìa, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!" (Mc 2,23-28). Lúa ở ngoài đồng vô vàn vô số, bứt vài bông thì nhằm nhò gì? Vả lại lúa đó đâu phải của họ đâu mà họ phải ngứa mép. May cho họ là hai ông Gioan và Giacôbê, biệt danh là con của thiên lôi không nghe thấy, chứ hai anh em ông này mà nghe thấy thì không chừng các ngài lại khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ họ ra tro chứ đâu phải chỉ xin vài cái răng làm kỷ niệm!
Bạn có biết sau những lần xía vào chuyện của Chúa Giêsu thì những ông Biệt Phái được cái gì không? Được nghe chửi! Thật đấy! Họ bị Chúa Giêsu dũa cho tơi bời, chửi cho te tua không một chút vị nể. Mà không phải là một lần mà là rất nhiều lần bị Chúa Giêsu mắng cho. Nhưng họ vẫn không chừa cái tật hay xía chuyện, hay chỉ trích và xét đoán người khác! Thiệt là lạ!
• Loài rắn độc kia, xấu như các người, thì làm sao nói điều tốt được? (Mt 12,34).
• Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế (Mt 23,27).
• Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? (Lc 11,40)
• Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta dẫm lên mà không hay (Lc 11,44).
Bạn thấy đấy! Khi soi mói, tọc mạch và xía vào chuyện của Chúa Giêsu và của các môn đệ, mấy anh Biệt Phái và Ký Lục toàn là chuốc lấy đau khổ, tức giận và ô nhục chứ chẳng được lợi gì cả (Lc 11,53).
Thế nhưng trong thực tế, rất nhiều lần tôi và bạn lại hành xử giống y hệt như họ mới căng chứ! Chúng mình thích ý kiến, ý cò, thích xen vào chuyện đời tư của người khác lắm! Rồi sau đó chúng mình còn phê bình, chỉ trích, xét đoán, đàm tiếu và bình luận nữa chứ! Vì thế cho nên những chuyện bất đồng, xung khắc, nghi kỵ và hận thù đã, và vẫn còn đang xẩy ra trong gia đình, trong cộng đoàn các dòng tu và trong giáo xứ cũng như trong các đoàn thể mà chúng mình đang sống và sinh hoạt. Thật đáng buồn phải không thưa bạn?
• Tại sao con của anh Hai nộp đơn xin thi vào trường thuốc, con chị Ba thì nộp đơn xin thi vào trường luật còn con của chị thì lại xin thi vào chủng viện vậy? Bộ nó chán đời rồi hay sao? Hay là thất tình? Nó học giỏi lắm mờ! Mắc chi đi tu uổng dzậy?
• Tại sao cha cứ đi vắng liên tục, vừa mới thấy cha đi tháng trước, bây giờ lại đi nữa, còn cha phó thì cứ lủi thủi ở nhà làm lễ và đi xức dầu, làm đủ mọi chuyện?
• Tại sao con trai của chị hào hoa phong nhã, to con tốt tướng, có học có hành mười phân vẹn mười như vậy mà sao lại đi cưới cái con bé đó đen như cột nhà cháy, lại quê mùa, dốt nát như vậy? Sao chị không ngăn cản nó?
• Tại sao cha quản nhiệm của mình mua xe mới quá dzậy? Khấn khó nghèo rồi mà lái xe mới như dzầy thì không được! Cha phải đi xe cũ thôi thì mới tránh được những cám dỗ chứ!
Bạn đã từng nghe qua hay có kinh nghiệm về những chuyện tương tự như vậy không? Bạn thấy lạ không?
• Con người ta thi vào trường thuốc, trường luật và vào chủng viện thì mắc mớ gì đến bà Hai mà bà ta phải chất vấn lên lớp người ta như vậy? Bộ cứ phải là luật sư, bác sĩ mới được còn tu sĩ, giáo sĩ thì vứt vào sọt rác à?
• Các linh mục làm việc dựa trên luật lệ của địa phận. Cứ hễ đi vắng khỏi giáo xứ là đi vacation hay sao? Bộ mỗi lần cha đi giảng phòng, họp hành, đám ma, đám cưới, tĩnh tâm, workshop... thì phải báo cáo với giáo dân à? Mắc mớ gì đến ông Ba mà ông cứ phải thắc mắc, xầm xì và cứ xét đoán cha sở hoài dzậy?
• Con trai người ta lập gia đình, chúng nó có duyên có phận, chúng nó hạp nhau thì mới lấy nhau, cái nết đánh chết cái đẹp, mắc gì đến chị Tư mà chị cứ phải ngứa miệng phê bình, dèm pha và làm quan án vậy?
• Linh mục lái xe mới hay xe cũ thì có ảnh hưởng gì đến hòa bình của thế giới chứ? Lái xe cũ cứ bị nằm đường, phải tốn tiền sửa hoài cho nên cha sở mới bấm bụng mua chiếc xe mới cho bảo đảm, đi làm lễ, xức dầu không lo bị trễ giờ... Mắc gì mà cô Năm phải phê bình, xét đoán, phải lo cha sa chước cám dỗ vậy? Thiệt là kỳ cục!
Bạn thân mến,
Nếu bạn muốn thêm bạn, bớt thù, bớt đi những ưu sầu phiền muộn, buồn bã, bực bội và giận dữ...
Nếu bạn muốn đón nhận những nụ cười thân thiện và cảm thông của những người chung quanh...
Nếu bạn muốn bình an, tình yêu, hạnh phúc và niềm vui đích thực tồn tại trong gia đình của bạn...
Nếu bạn muốn có những nụ cười sảng khoái và yêu đời với tha nhân và muốn họ đón nhận những nụ cười ấy từ bạn... Và nếu bạn không muốn gắn răng giả (cả hàm hay nửa hàm, hay vài cái đi chăng nữa...)
Thì xin bạn đừng bắt chước các Biệt Phái, Ký Lục, bà Hai, ông Ba, chị Tư và Cô Năm. Xin bạn:
• Đừng xía vào chuyện của người khác
• Đừng phê bình, đâm bị thóc, chọc bị gạo
• Đừng châm chích, chọc giận và gây chia rẽ
• Và đừng xét đoán cũng như đừng phê phán những việc của thiên hạ!
Nếu bạn cứ còn tiếp tục cái kiểu, và cứ giữ cái tật giống như các Kinh Sư, Biệt Phái, bà Hai, ông Ba, chị Tư và Cô Năm thì thật tôi bảo thật cho bạn hay...thể nào cũng có ngày bạn phải gọi đến số điện thoại miễn phí 1-800-GAY-RANG để lấy hẹn đi trồng răng giả đấy! Coi chừng, giá không rẻ đâu!
Chúng ta ở Mỹ càng ngày càng sống lâu hơn. Trong vòng một thế kỷ qua, tuổi thọ trung bình kể từ lúc sinh ra của người sống tại Mỹ đã tăng lên đáng kể, từ 47 tuổi năm 1900, lên đến 77 tuổi năm 2004. Tính ra, vào năm 2030, người trên 65 tuổi sẽ chiếm hơn 20% dân số, tức khoảng 70 triệu người.
Hệ thống duy trì sức khỏe cho các vị cao niên tại Mỹ tốt, nhờ vào các phương cách y khoa phòng ngừa. Việc ngừa bệnh và tăng cường sức khỏe tại Mỹ hiện được chia làm ba cách: primary prevention (phòng ngừa tiên khởi, phòng ngừa thứ nhất), secondary prevention (phòng ngừa thứ nhì) và tertiary prevention (phòng ngừa thứ ba).
Phòng ngừa tiên khởi nhắm mục đích ngừa đừng để bệnh xẩy ra trong tương lai; phòng ngừa thứ nhì nhắm mục đích tìm và chữa bệnh sớm trong giai đoạn bệnh chưa gây triệu chứng; phòng ngừa thứ ba nhận định tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh, tìm các phương cách giúp người bệnh sống khỏe mạnh và an toàn hơn.
Phòng ngừa tiên khởi
Các vị cao niên nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày một tuần; bỏ ngay thuốc lá nếu đang hút; bớt uống rượu nếu có uống rượu nhiều. Thể dục thường xuyên giúp chúng ta tăng cường sức khỏe; giảm thiểu nguy cơ bị các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, cao áp huyết, tiểu đường, rỗng xương, béo mập, ung thư ruột già, ung thư vú, căng thẳng tinh thần (anxiety), buồn chán (depression), lẫn; giúp bớt té ngã, như vậy, ngừa những chấn thương do sự té ngã; khiến chúng ta sinh hoạt trong đời sống hàng ngày khá hơn; và cũng là cách trị liệu hữu hiệu trong nhiều trường hợp bệnh, như các rối loạn tinh thần khiến chúng ta lúc buồn lúc vui (mood disorders), lẫn, đau nhức kinh niên, suy tim, tai biến mạch máu não, bón, khó ngủ.
Aspirin nên được dùng cho những vị mang nguy cơ có thể sẽ bị bệnh tim mạch trong vòng 5 năm tới (nguy cơ >3% so với người thường), chẳng hạn như những người có bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, chúng ta cẩn thận khi dùng aspirin vì aspirin có thể gây chẩy máu đường tiêu hóa, nhất là cho các vị trên 75 tuổi, các vị có bệnh loét bao tử hoặc từng chẩy máu đường tiêu hóa trong quá khứ, các vị đang uống những thuốc warfarin, steroid.
Cứ mỗi 10 năm, chúng ta chích ngừa phong đòn gánh (tetanus), để lỡ có đứt tay trầy chân, chúng ta yên tâm sẽ không bị phong đòn gánh, một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm có thể gây tử vong. Thuốc thường được pha chung với thuốc ngừa bệnh bạch hầu (diptheria, một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm tạo những màng trắng ở họng), nên được gọi là thuốc chích ngừa Td (tetanus- diptheria vaccine).
Hàng năm, các vị cao niên 65 tuổi trở lên nên chích ngừa cúm khoảng tháng 10, 11, trước khi cúm đến vào mùa Đông. Người dưới 65 tuổi song đang mang các bệnh tim, phổi, hoặc những bệnh kinh nhiên khác khiến sức để kháng của cơ thể suy giảm, cũng nên chích ngừa cúm.
Các vị cao niên 65 tuổi trở lên cần chích ngừa bệnh sưng phổi pneumococcus, chỉ cần một lần trong đời. Giống ngừa cúm, người dưới 65 tuổi song đang mang các bệnh tim, phổi, hoặc những bệnh kinh nhiên khác khiến sức để kháng của cơ thể suy giảm, cũng nên chích ngừa sưng phổi pneumococcus.
Gần đây, có thuốc chích Zostavax ngừa bệnh shingles (một bệnh do siêu vi, gây đau đớn, có khi rất dữ, nhất là cho người lớn tuổi, Việt Nam ta hay gọi nôm na là "bệnh giời ăn"), các vị 60 tuổi trở lên nên chích thuốc Zostavax ngừa bệnh này.
Phòng ngừa thứ nhì
Phòng ngừa thứ nhì (secondary prevention) gồm việc truy tìm các ung thư ruột già, vú, nhiếp hộ tuyến, cổ tử cung; đo áp huyết định kỳ; thử máu xem có cao các chất mỡ trong máu; truy tìm bệnh rỗng xương; truy tìm bệnh phình nở động mạch aorta trong bụng (abdominal aortic aneurysm).
50 tuổi trở lên, cả đàn ông lẫn phụ nữ, chúng ta nên truy tìm ung thư ruột già, dù không có triệu chứng gì cả. Phương pháp truy tìm ung thư ruột già tốt nhất là soi toàn ruột già (colonoscopy), nếu bình thường, 10 năm chúng ta sẽ soi lại.
Nguy cơ bị ung thư nhiếp hộ tuyến tăng sau tuổi 50. Tiếc thay, hiện vẫn chưa có phương pháp truy tìm ung thư nhiếp hộ tuyến thực chính xác. Từ 50 tuổi trở lên, đàn ông chúng ta nên nhờ bác sĩ thăm khám nhiếp hộ tuyến hàng năm, và thảo luận với bác sĩ có nên thử PSA hay không. [Thường chất PSA trong máu tăng cao khi có ung thư nhiếp hộ tuyến, nhưng có nhiều trường hợp thử thấy PSA tăng cao, khi đâm kim lấy mô nhiếp hộ tuyến xem dưới kính hiển vi (biopsy), không thấy có ung thư, ngược lại, cũng có trường hợp ung thư, song PSA lại không cao nhiều, nên phương pháp truy tìm ung thư này không thực chính xác lắm, việc có nên thử PSA hay không sẽ tùy vào ý muốn của bạn, sau khi nghe lời giải thích của bác sĩ.]
Ung thư vú tăng cao nhiều sau tuổi 50. Từ tuổi 40 trở đi, phụ nữ nên đi khám vú hàng năm, và chụp phim vú mỗi 1-2 năm. Đến tuổi 50 trở đi, vẫn đến bác sĩ khám vú hàng năm, và mỗi năm nên chụp phim vú.
Việc làm Pap smear để truy tìm ung thư cổ tử cung cần được tiếp tục cho đến khi quá tuổi 65-70 mới ngưng, nếu ít nhất 3 lần làm Pap smear trong vòng 10 năm trước đó hoàn toàn bình thường.
Cao áp huyết xảy ra rất nhiều ở người có tuổi, đưa đến các biến chứng tim mạch như chết cơ tim cấp tính (heart attack), tai biến mạch máu não (stroke). 1-2 năm, chúng ta nên đến nhờ bác sĩ đo hộ áp huyết, để nếu có cao áp huyết còn sớm chữa.
Bệnh rỗng xương nhiều ở phụ nữ đã mãn kinh. Phụ nữ 65 tuổi trở lên nên chụp phim truy tìm rỗng xương. Phụ nữ trước tuổi 65, đã mãn kinh, tùy trường hợp, bác sĩ sẽ khuyên chụp phim hay không.
Đàn ông hút thuốc lá có thể bị phình nở động máu aorta trong bụng (abdominal aortic aneurysm), nếu bể vỡ dễ gây tử vong. Đàn ông 65-75 tuổi hút thuốc lá hay từng hút trong quá khứ, hoặc có anh, em bị bệnh phình nở động máu aorta trong bụng, nên làm siêu âm bụng một lần để truy tìm bệnh phình nở động máu aorta.
Phòng ngừa thứ ba
Phòng ngừa thứ ba (tertiary prevention) nhận định hiện trạng sức khỏe của người bệnh, và tìm các phương cách giúp người bệnh sống khỏe mạnh và an toàn hơn. Ở các vị cao niên, phòng ngừa thứ ba gồm những việc bác sĩ nhận định sức khỏe tổng quát của các vị, những hoạt động để chăm sóc cho chính bản thân hàng ngày (tắm rửa, ăn uống…) rồi về mặt trí óc, tri thức có sáng suốt không, về mặt tinh thần, có dấu chứng buồn chán (depression) không.
Về mắt, các vị cao niên nên được khám bởi bác sĩ chuyên khoa Mắt mỗi 1-2 năm, truy tìm những bệnh quan trọng như cao áp suất mắt (glaucoma). Về tai, bác sĩ cũng nên để ý xem tai vị cao niên có nghe kém không.
Về dinh dưỡng, các vị cao niên cần một thực phẩm đầy đủ những chất cần cho cơ thể. Các vị cần ít nhất 1200 mg calcium, 800 đơn vị sinh tố D mỗi ngày. Hàng ngày, thuốc đa sinh tố (multivitamins) cũng rất tốt, ngừa một số bệnh kinh niên có thể xảy ra do thiếu sinh tố. Nếu vị cao niên nào xuống cân, 10% hay hơn sức nặng trong vòng 1 năm qua, bác sĩ cần lưu ý và tìm hiểu tại sao.
Hàng năm, có khoảng 30% người cao niên té ngã, tỉ lệ này tăng lên 50% ở các vị trên 80 tuổi. Té ngã có thể đưa đến gãy xương hoặc phải vào nhà thương, nên các phương cách giúp tránh té ngã cũng là những phòng ngừa quan trọng ở các vị cao niên. Các yếu tố khiến dễ té ngã gồm những thay đổi vóc dáng, cách đi đứng do tuổi tác, mắt kém, tri thức không sáng suốt, bệnh ảnh hưởng đến sức mạnh và sự phối hợp của các bắp thịt, các yếu tố môi trường (sàn nhà trơn trượt, thảm trải sàn không được chắc, đèn không đủ sáng, giầy dép không vừa chân, lỏng lẻo, vân vân), thuốc dùng. Riêng về thuốc, càng dùng nhiều thuốc, càng dễ có phản ứng phụ của thuốc và té ngã, bác sĩ nên thường xuyên nhận định thuốc nào vị cao niên còn cần, thuốc nào không cần nữa nên bỏ. (Khi đi khám bệnh, chúng ta nên luôn mang thuốc theo, và cho bác sĩ biết thuốc nào còn cần, thuốc nào không thấy cần nữa.)
Ngoài ra, nhưng việc khác như tiểu són, còn lái xe được không, ở nhà có bị con cái hất hủi, bỏ bê không, vân vân, bác sĩ cũng cần để ý thăm hỏi, giúp các vị cao niên giải quyết vấn đề.
Sức khỏe còn quí hơn vàng. Chúng ta may mắn sống trên đất Mỹ, nơi có nền y khoa tốt.
Hiểu biết về các phương cách ngừa bệnh và duy trì sức khỏe ở đây, chúng ta không những sống khỏe mạnh và an toàn hơn, còn giúp người thân duy trì sức khỏe, đồng thời cũng giúp bác sĩ nhiều hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho mình, cho người thân của mình.
(Y Dược Ngày Nay, www.yduocngaynay.com)
Mùa này, nhiều người chúng ta đang bị cảm. Mấy bữa nay ho quá là ho, uống thuốc ho hoài không bớt, chúng ta muốn bác sĩ cho thuốc ho khác mạnh hơn, và thêm cả trụ sinh nữa. Chuyện không giản dị, khi cái ho do cảm đang trên đà mạnh, chẳng thuốc ho nào giúp nhiều, và trụ sinh càng vô ích thôi [vì cảm do siêu vi (virus), trụ sinh chỉ đánh được vi trùng (bacteria), chẳng ăn thua gì với các siêu vi]. Thậm chí, American College of Chest Physicians, một hiệp hội y khoa của các bác sĩ chuyên về lồng ngực ở Mỹ, còn khuyên chúng ta không dùng thuốc ho cho cơn ho vì cảm.
Bệnh cảm thường (common cold) là bệnh nhẹ đường hô hấp trên, rất hay xảy ra, trẻ em 5 đến 7 lần một năm, còn người lớn chúng ta cũng 2-3 lần một năm. Chúng ta cần phân biệt cảm với các bệnh cúm (flu), viêm họng (pharyngitis), viêm ống phổi (acute bronchitis), viêm xoang do vi trùng (acute bacterial sinusitis), viêm mũi do dị ứng (allergic rhinitis), ho gà (pertussis). Trong các bệnh vừa kể, viêm mũi do dị ứng hay khiến chúng ta lẫn lộn với cảm nhất.
Có đến trên 200 loại siêu vi (virus) có thể gây bệnh cảm.
Siêu vi cảm ẩn trong nước mũi, nước miếng người bệnh. Chúng ta nhiễm cảm khi bắt tay người bệnh có dính siêu vi cảm, rồi vô tình đưa lên mắt, mũi chúng ta, hoặc chúng ta rờ phải các đồ vật chung quanh người bệnh có dính siêu vi. (Nhiều siêu vi cảm có thể sống vài tiếng đồng hồ bên ngoài cơ thể ta.) Bệnh cũng truyền từ người bị cảm sang ta khi những hạt nước nhỏ li ti có chứa siêu vi, bắn ra từ mũi, miệng họ trong lúc họ ho, hắt hơi,...
Cảm không dữ bằng cúm, song cũng có thể gây các biến chứng viêm các xoang quanh mũi, viêm tai giữa, khiến suyễn trở lại, bệnh phổi, bệnh tim có sẵn nặng hơn.
Triệu chứng cảm
Thời gian từ lúc mới lây bệnh đến lúc bệnh phát ra ngắn, chỉ khoảng 24-72 tiếng đồng hồ. Khác với cúm (triệu chứng rất đột ngột và nặng), triệu chứng cảm nhẹ và từ từ hơn.
Triệu chứng thay đổi tùy người, nhưng nói chung, khi bị cảm, chúng ta hay chảy mũi, nghẹt mũi, hắt xì, rát họng, ho, nhức đầu, thấy trong người ớn lạnh, uể oải không khỏe. Cúm gây sốt cao, còn cảm thường không gây sốt, hoặc chỉ sốt nhẹ. Rát họng khó chịu nhất trong ngày đầu, trong khi chảy mũi, nghẹt mũi, hắt xì nặng nhất khoảng ngày thứ 2 và thứ 3. Ho thường bắt đầu làm phiền chúng ta khoảng ngày thứ 4, 5.
Cảm thường kéo dài khoảng 10 ngày, người hút thuốc lá lâu khỏi hơn, khoảng 13 ngày. Một số người đến 2 tuần sau mới khỏi hẳn. Cũng có người tuy khỏe rồi, vẫn ho lai rai vài tuần sau khi cảm. Cảm không khiến ta mệt dữ như cúm. Ngoài các triệu chứng vừa kể, khi thăm khám bạn, bác sĩ không thấy có những dấu chứng gì lạ lắm.
Chữa trị cảm
Sự chữa trị bệnh cảm thường (common cold), trong những trường hợp không có biến chứng, gồm các phương cách giúp chúng ta dễ chịu, trong lúc chờ cho cơn cảm đi qua.
Trụ sinh (antibiotics) vừa tốn kém, lại chẳng ăn thua, không làm cảm sợ và đi mau hơn. Trụ sinh chỉ diệt được vi trùng (bacteria), không có kết quả trong những bệnh gây do siêu vi trùng (virus) như bệnh cảm, bệnh cúm. Chúng... "siêu" hơn vi trùng, nên không sợ trụ sinh. (Các tài liệu y học, và cả cơ quan y tế CDC của chính phủ Mỹ vẫn luôn đưa lời kêu gọi, yêu cầu các bác sĩ không nên dùng trụ sinh để chữa cảm, cúm). Việc sử dụng trụ sinh chỉ cần thiết, khi đã có các biến chứng (complications) do vi trùng, như viêm tai giữa (otitis media), viêm các xoang quanh mũi (sinusitis),... Các khảo cứu cho thấy, nếu dùng sớm, trụ sinh cũng không ngăn ngừa được các biến chứng. Và một khi biến chứng xảy ra, vi trùng đã kháng, đã lờn mặt loại trụ sinh đang sử dụng; dĩ nhiên lúc đó chúng ta cần đổi trụ sinh, có khi phải dùng một loại trụ sinh khác độc hại hơn, đắt tiền hơn, làm thủng túi tiền chúng ta. (Người ta cũng nhận thấy, cộng đồng nào sử dụng nhiều trụ sinh, số vi trùng kháng thuốc trụ sinh trong cộng đồng đó cũng nhiều hơn các cộng đồng khác, chứng tỏ việc dùng trụ sinh bừa bãi không những hại cho mình, mà còn hại cho cả người chung quanh).
Ta dùng Tylenol hay các thuốc Aspirin, Advil, Nuprin, Aleve, … (mua không cần toa bác sĩ) để bớt nhức đầu, rát cổ, ớn lạnh. Các thuốc uống như Sudafed, Genaphed và các thuốc xịt mũi như Afrin, Dristan dùng vài ngày giúp chúng ta bớt nghẹt mũi; các thuốc xịt Ipratropium, Cromolyn giúp chúng ta đỡ chảy mũi. Những thuốc chữa dị ứng như Claritin, Loratadine, Clarinex, Allegra, Zyrtec không ăn thua, uống vào nước mũi vẫn chảy ròng ròng. Những thuốc mạnh hơn như Benadryl, Chlor-Trimeton giúp bớt chảy mũi song làm khô luôn môi, miệng, mắt, và ở các vị cao niên có thể nguy hiểm, gây bí tiểu, dật dờ, trí óc mất sáng suốt.
Còn ho? Ho ít chúng ta không cần uống thuốc ho, khi ho nhiều, các thuốc ho chứa chất dextromethorphan hay guaifenesin như Robitussin DM, Robafen DM giúp chúng ta bớt ho chút nào hay chút nấy, lúc ho dữ quá, chúng cũng chẳng giúp bao nhiêu, uống thường còn có thể khiến chúng ta mệt. Các thuốc ho chứa chất Codein không giúp cái ho do cảm, và gây nhiều tác dụng phụ hơn thuốc ho Robitussin DM, Robafen DM. American College of Chest Physicians không cổ võ việc dùng thuốc ho khi bị cảm, theo họ, ho cứ để cho ho, nhất là khi ho có đàm, vì ho là cơ chế tốt của cơ thể giúp chúng ta tống xuất bớt đàm nhớt dơ trong bộ hô hấp ra ngoài, không để chúng ứ đọng trong phổi gây sưng phổi. (Trong cơn cảm vừa qua, người viết ho dữ lắm, ngày lẫn đêm, song không uống ngụm hay viên thuốc ho nào, rồi cơn cảm qua đi, cái ho tự dứt, đâu có chết! Chúng ta không nên cuống lên, ho chút, vội kiếm thuốc ho uống. Tháng 3 tới này, MediCal của tiểu bang California sẽ chẳng còn cho thuốc ho nữa, chắc vì họ thấy nhiều người dùng thuốc ho không đúng, mùa này, ai đến bác sĩ cũng xin thuốc ho, bác sĩ khó từ chối, và như vậy đâm ra quá tốn kém tiền của đất nước.)
Bạn đang bị cảm (hay cúm), nóng lòng muốn "chích thuốc" để cảm mau hết. Đúng theo sách vở, các siêu vi cảm đâu có sợ kim chích, làm gì có thuốc chích để cảm cuốn gói đi nhanh hơn. Bạn đừng tin vào ai dụ bạn, bảo chích thuốc hoặc dùng trụ sinh cảm sẽ mau hết, tốn tiền vô ích, có khi còn hại. (Bạn nên hỏi lại, "Thuốc chích tên gì thế bác sĩ nhỉ, xin viết xuống đây cho tôi biết, để tôi tìm đọc trên internet xem thuốc chích này có thực chữa cảm không", hoặc, "Tài liệu nào nói trụ sinh trị cảm, xin bác sĩ cho xem".)
Chúng ta khó tránh cảm 2-3 lần mỗi năm, vì khác với cúm đã có cách ngừa (chích ngừa, thuốc xịt Flumist), cảm chưa có cách phòng ngừa hữu hiệu. Nhưng xin đừng sợ lắm, cảm là bệnh nhẹ thôi, thường sẽ mau chóng ra đi. Đa số các trường hợp cảm, chúng ta có thể tự chữa lấy ở nhà, không cần đến bác sĩ. Còn thuốc ho, muốn dùng lúc ho nhiều không ngủ được hoặc sợ ho làm phiền người khác, bạn thử các thuốc ho Robitussin DM, Robafen DM (mua không cần toa bác sĩ), chúng giúp được chút nào hay chút nấy, không giúp thì thôi. Nếu nóng sốt, hoặc ho dữ trên 10 ngày chưa thấy bớt, bạn nên đi khám bác sĩ xem có bị biến chứng của cảm như viêm xoang quanh mũi (sinusitis), viêm ống phổi cấp tính (acute bronchitis), hoặc suyễn trở lại. Viêm xoang quanh mũi cần đến trụ sinh.
Cảm là bệnh xảy ra nhiều nên triệu triệu đô la đã được đổ ra để nghiên cứu. Nhưng càng nghiên cứu, người ta càng thấy việc chữa cảm không có nhiều lựa chọn: nghỉ ngơi, và nếu cần, dùng thuốc Tylenol, Aspirin, hoặc Advil, Nuprin, Aleve cho đỡ nhức đầu, rát cổ, ớn lạnh, dùng thuốc Sudafed, Genaphed, Afrin, Dristan cho bớt nghẹt mũi, dùng các thuốc xịt Ipratropium, Cromolyn cho bớt chảy mũi (các thuốc mạnh như Benadryl, Chor-Trimeton giúp bớt chảy mũi, song gây nhiều tác dụng phụ); ho nhiều thử dùng thuốc ho Robitussin DM hay Robafen DM xem nó có giúp chăng, không giúp thì thôi, ho cứ để ho, chờ cảm qua đi ho sẽ hết (thường khoảng 10 ngày nếu không hút thuốc lá), không nên nhờ bác sĩ cho thuốc ho khác "mạnh" hơn, chúng cũng chẳng giúp mà còn có thể gây các tác dụng phụ khó chịu, nguy hiểm. Cảm đi ho sẽ tự hết, không phải vì dùng thuốc ho này mạnh hơn thuốc ho nọ (và càng không phải vì trụ sinh).
Ngày nay, với phương tiện truyền thông internet, chúng ta dễ dàng tìm hiểu nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe chúng ta, chẳng hạn, chúng ta có thể vào các websites www.uptodate.com, www.webMD.com để đọc những tài liệu về các bệnh tật thông thường hay xảy ra. Nâng cao kiến thức về mọi mặt, bao giờ cũng tốt cho bản thân chúng ta và gia đình.
Tuy bệnh dội ngược bao tử-thực quản (gastro-esophageal reflux disease, hay viết tắt là GERD) rất hay xẩy ra, song nhiều người chúng ta còn mơ hồ về căn bệnh.
Thường khi có triệu chứng ở vùng bụng trên, chúng ta chỉ kể một cách giản dị: tôi bị bệnh bao tử, hoặc "yếu" bao tử. Thực ra, có nhiều loại bệnh bao tử khác nhau: bệnh dội ngược bao tử-thực quản, bệnh loét bao tử, loét tá tràng, bệnh đau song không có vết loét (nonulcer dyspepsia), bệnh ung thư bao tử,... Việc chữa trị, tất nhiên, tùy vào sự định bệnh, vì có thể khác biệt rất xa.
Thức ăn sau khi ta nhai nát trong miệng được đẩy vào họng, và xuống thực quản (esophagus) lúc ta nuốt. Thực quản là một ống cấu tạo bởi những bắp thịt đặc biệt, giữ nhiệm vụ dẫn thức ăn xuống bao tử (stomach). Ở chỗ tiếp nối giữa thực quản và bao tử, có một bắp thịt nhỏ, hoạt động như một van đóng lại mở ra.
Khi thức ăn đang từ thực quản xuống bao tử, bắp thịt này mở lỏng ra để thức ăn đi xuống. Khi thức ăn đã trong bao tử, bắp thịt này khép kín để thức ăn không đi ngược lên lại thực quản. Nếu vì một hay nhiều lý do sẽ được thảo luận ở một đoạn sau, có sự dội ngược các chất ở trong bao tử lên lại thực quản, hay cao hơn nữa, lên đến cổ họng, ta sẽ có triệu chứng của bệnh dội ngược bao tử-thực quản.
Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh rất đa dạng. Triệu chứng hay xẩy ra nhất là nóng ngực (tiếng Mỹ nôm na là heartburn (nóng tim), nhưng trong Việt ngữ, chúng ta dùng chữ "nóng ngực" chính xác hơn). Nóng ngực thường xẩy ra sau khi ăn. Người bệnh có cảm giác nóng ở vùng bụng trên hay ở vùng giữa ngực đằng sau xương ức. Cảm giác nóng có thể lan lên đến vùng cổ họng. Các triệu chứng điển hình khác của bệnh: ợ hơi, ợ chua, hoặc ợ cả thức ăn lên miệng, khó nuốt thức ăn.
Bệnh dội ngược bao tử-thực quản kinh niên cũng gây những triệu chứng khác như khan tiếng (nhất là vào buổi sáng). Ngoài ra, bệnh còn làm đau hoặc khó chịu cổ họng hoài, khò khè ban đêm. Có khảo cứu cho thấy, hơn 80% người lớn bị suyễn có những dội ngược bất thường từ bao tử lên thực quản. Nhiều vị ho tháng này qua năm khác, chỉ vì bị bệnh dội ngược bao tử-thực quản. Quan trọng hơn nữa, bệnh có thể gây triệu chứng đau ngực rất khó phân biệt với cơn đau ngực do bệnh hẹp tắc động mạch vành tim (coronary artery disease). Định bệnh trong trường hợp này cần sự hỏi bệnh tỉ mỉ, đôi khi cần phải làm thêm các phim chụp hoặc thử nghiệm, đo tim đặc biệt.
Do sự đa dạng của các triệu chứng, và, trong nhiều trường hợp, vì có triệu chứng nhẹ, nhiều người bệnh không đi khám bác sĩ, nên rất khó xác định bệnh xẩy ra nhiều đến mức độ nào.
Tại sao lại thế?
Bình thường, trong lúc ta ăn uống, thế nào cũng có chút nước bao tử dội ngược lên phần thực quản tiếp giáp với bao tử. Điều này bình thường vì khi ta ăn, bắp thịt nhỏ giữa thực quản và bao tử đóng mở liên tục, một ít nước bao tử dội ngược lên thực quản là điều khó tránh. Thỉnh thoảng, trong lúc ăn, ta có thể thấy hơi nong nóng vùng ức. Triệu chứng này thường chỉ thoáng qua, do khi thực quản tiếp tục co bóp để đưa thức ăn xuống bao tử, đưa luôn cả những nước bao tử đi ngược đường xuống trở lại bao tử, mặt khác, nước miếng của ta đi theo thức ăn xuống thực quản, cũng sẽ trung hòa được một phần chất acid có trong chất nước bao tử dội lên thực quản. Tuy nhiên, khi sự dội ngược xẩy ra nhiều hoặc thường xuyên, cái bình thường trở thành bất thường, nhẹ hay nặng tùy mức độ dội ngược ít hay nhiều.
Nghiên cứu cơ chế của sự dội ngược bao tử-thực quản, người ta nhận thấy muốn có sự dội ngược, có hai điều kiện cần hội đủ: các chất trong bao tử dội ngược lên, và cơ chế chống dội ngược bị xáo trộn.
- Các chất trong bao tử dễ dội ngược lên thực quản:
Các chất chứa trong bao tử dễ dội ngược lên thực quản khi khối lượng trong lòng bao tử tăng lên (như sau khi ta ăn no).
Các chất trong bao tử cũng dễ dội ngược, khi ở quá gần chỗ tiếp giáp bao tử và thực quản. Như khi ta vào giường ngay sau khi ăn, bao thử ở vị trí nằm ngang, khiến các chất chứa trong bao tử dễ lên lại chỗ nối bao tử-thực quản (gastroesophageal junction), và dội lên thực quản.
Khi áp suất trong lòng bao tử tăng cao (như khi ta béo mập, có thai, hoặc đeo giây lưng thắt hơi chặt), các chất chứa trong bao tử cũng dễ bị đẩy ngược lên phía thực quản.
- Cơ chế chống dội ngược bị xáo trộn: Như chúng ta đã biết, ở chỗ tiếp giáp giữa thực quản và bao tử, có một bắp thịt đặc biệt (sphincter), hoạt động như một van đóng lại mở ra. Khi thức ăn đang xuống bao tử, bắp thịt này lỏng ra để thức ăn đi xuống. Khi thức ăn đã vào hẳn bao tử, bắp thịt này khép kín để thức ăn và các chất trong bao tử không dội ngược được lên thực quản. Có sự dội ngược khi bắp thịt van đóng mở ấy bị yếu, không thường xuyên khép chặt.
Bắp thịt van yếu trong trường hợp ta bị những bệnh tấn công các bắp thịt, mang thai, hút thuốc lá, giải phẫu trong quá khứ làm hư hoại bắp thịt van,... Một số thuốc như thuốc chữa cao áp huyết (Procardia, Adalat, Verapamil,...), thuốc suyễn (Theo-dur, Slo-bid,...) cũng làm bắp thịt van yếu đi. Hoặc ngược lại, dù bắp thịt này làm việc bình thường, nhưng khi áp suất trong bao tử tăng cao (béo mập, ăn quá no,...), quá sức chịu đựng của bắp thịt van, bắp thịt van khép không được kín, lúc đó cũng có sự dội ngược.
Biến chứng
Ngoài những triệu chứng khó chịu chúng ta đã có dịp tìm hiểu ở một đoạn trên, bệnh dội ngược bao tử-thực quản còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Trong các chất dội ngược từ bao tử lên thực quản, có các chất hóa học, trong đó chất acid (tiết bởi các tế bào lót thành bao tử) là chất quan trọng nhất gây biến chứng.
Chất acid, khi dội ngược lên thực quản lâu ngày, có thể làm hư hoại niêm mạc của phần thực quản tiếp giáp với bao tử, gây bệnh viêm thực quản (esophagitis). Chỗ thực quản bị viêm kinh niên sau này có khi sẽ hẹp lại (stricture) gây khó nuốt, vì trên đường từ thực quản xuống dạ dày, thức ăn đi qua một chỗ hẹp, sẽ len lách xuống khó khăn hơn. Hẹp thực quản được chữa bằng cách nông chỗ hẹp với những dụng cụ y khoa đặc biệt, hoặc bằng giải phẫu.
Tuy nhiên, biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh dội ngược bao tử-thực quản là ung thư thực quản, một trong những ung thư nguy hiểm và khó chữa. Những tế bào bình thường của thực quản, phải thường xuyên tiếp xúc với chất acid, bị chất acid biến đổi, lâu ngày có thể biến thành tế bào ung thư.
Bài kỳ sau, chúng ta sẽ bàn đến việc làm thế nào để định ra và chữa trị bệnh dội ngược bao tử-thực quản. TAGS: Dội ngược bao tử-thực quản (Gastro-esophageal reflux disease, GERD).
Định bệnh
Như tất cả mọi tật bệnh khác trong y học, định ra bệnh dội ngược bao tử-thực quản dựa vào bệnh sử, thăm khám và các phương pháp khác như phim chụp, soi thực quản và bao tử,...
Bao giờ phần bệnh sử (phần bạn kể bệnh) cũng là phần quan trọng nhất. Vì lời kể của bạn là đầu mối bác sĩ dựa vào để suy luận và định bệnh. Giúp bác sĩ mau chóng định bệnh, bạn cần kể bệnh mạch lạc, có đầu có đuôi, và đầy đủ các chi tiết cần thiết. "Bao tử tôi hay bị yếu khi ăn đồ nóng, hoặc "Tôi hay bị đầy hơi khi ăn đồ nóng", rồi... cười, không đủ để bác sĩ định xem bạn bị: bệnh dội ngược bao tử-thực quản, bệnh loét bao tử, bệnh loét tá tràng, bệnh đau nhưng không có loét (nonulcer dyspepsia), hay bệnh ung thư bao tử,... Hoặc bạn thực ra bị bệnh hẹp tắc động mạch vành tim (coronary artery disease), và đầy hơi ở đây là một triệu chứng đau ngực trá hình (atypical chest pain) của loại bệnh nguy hiểm này.
Vậy, khi kể bệnh cho bác sĩ nghe, bạn nên kể theo thứ tự thời gian, dùng con số để diễn tả và lần lượt đi qua 8 điểm sau đây:
1. Bạn bị đau hay có triệu chứng bất thường từ bao lâu nay (how long): mới vài ngày qua, một tuần qua, vài tháng qua, hay đã nhiều năm,...? (không nên dùng những chữ mơ hồ như "lâu rồi", "mới đây").
2. Bao lâu triệu chứng bất thường xẩy ra một lần (how often): mấy lần mỗi ngày, hay mấy lần mỗi tuần? hay chỉ thỉnh thoảng vài lần một năm,...?
3. Mỗi khi bạn có triệu chứng bất thường, triệu chứng kéo dài bao lâu (how long does it last): vài giây, vài phút, vài tiếng, cả ngày, liên tiếp vài ngày,...?
4. Triệu chứng bất thường xẩy ra trong trường hợp nào (in what circumstance does it occur): ngày hay đêm? lúc đang hoạt động hay nghỉ ngơi? sau khi ăn? mấy tiếng sau khi ăn? Triệu chứng xẩy ra sau khi ăn một thức ăn đặc biệt nào? (Chúng ta hay dùng chữ "đồ nóng" một cách mơ hồ để chỉ một số những thức ăn. Y học Mỹ chỉ dùng khái niệm nóng lạnh để nói về nhiệt độ. Nên diễn tả một cách chính xác: "Tôi bị đầy hơi ở vùng bụng trên mỗi khi ăn thức ăn có mỡ, có ớt, hay khi uống nước cam chua,..." thay vì: "Tôi bị đầy hơi mỗi khi ăn đồ nóng", kẻo bị bác sĩ Mỹ, qua thông dịch, hiểu lầm là bạn có triệu chứng mỗi khi ăn thức ăn nóng nấu trên bếp.)
5. Triệu chứng bất thường hay đau đích xác ở đâu và có lan truyền đi chỗ khác hay không (where is it): nếu có thể được, bạn chỉ chỗ có triệu chứng bất thường hay bị đau bằng một ngón tay.
6. Đau ra sao (how is the pain): đau như dao đâm? đau như lửa đốt? đau như có vật nặng đè?
7. Các triệu chứng bất thường khác đi kèm khi bị đau (what are the associated symptoms): khi bị đau, bạn có bị khó thở, choáng váng, toát mồ hôi, buồn nôn hay ói mửa? hoặc bất cứ triệu chứng gì khác đi kèm khi đang bị đau?
8. Khi có triệu chứng bất thường hay bị đau như bạn vừa kể trên, bạn làm gì cho dễ chịu hơn (what do you do to get relief?): bạn phải ngồi hoặc nằm nghỉ hay vẫn có thể tiếp tục làm việc, hoặc phải đi đi lại lại cho bớt đau. Khi bị đau, bạn hay dùng thuốc gì ở nhà để chữa đau (Aspirin, Tylenol, Maalox, Mylanta,...) và kết quả ra sao?
Bạn cũng đừng quên mang theo tất cả những thuốc men đang dùng ở nhà đến cho bác sĩ xem, kể cả những thuốc mua không cần toa. Điều này vô cùng quan trọng, giúp vào sự định bệnh rất nhiều. Vì nhiều thuốc có thể gây đầy hơi, khó chịu, hoặc đau vùng bụng trên. Thí dụ những thuốc chống đau như Motrin, Advil, Naproxen,.. những thuốc có chứa chất Aspirin như Anacin, Alka-Selzer. Biết bạn đang dùng thuốc gì, bác sĩ có thể đoán biết các bệnh bạn đang bị, hoặc triệu chứng bạn đang có có phải do thuốc gây ra hay không. Nếu nghi triệu chứng do thuốc gây ra, cùng với sự chữa trị bằng các thuốc bao tử, bác sĩ còn khuyên bạn nên ngưng thuốc nghi gây triệu chứng. Sự thăm khám trong trường hợp bệnh dội ngược bao tử-thực quản thường không cho thấy gì đặc biệt. Một đôi khi, bạn thấy vùng bụng trên khó chịu, hay hơi đau khi vùng này được bác sĩ sờ nắn. Sau phần bệnh sử và thăm khám, nếu định bệnh đã khá rõ (người bệnh khéo kể bệnh, có các triệu chứng điển hình của bệnh, thăm khám không cho thấy có bệnh gì khác), bác sĩ thường bắt đầu chữa cho bạn ngay. Nếu chưa có định bệnh rõ rệt, hoặc khi sự chữa trị không cho những kết quả mong muốn, bác sĩ có thể sẽ cho bạn chụp phim hoặc soi thực quản và bao tử, để xác định xem có đúng bạn bị bệnh dội ngược bao tử-thực quản hay không.
Các cách chẩn đoán khác như: theo dõi sự chuyển động của thực quản, đồng thời đo nồng độ acid (pH monitoring) trong lòng thực quản, cũng có khi được xử dụng để định bệnh.
Chữa không dùng thuốc
Sự chữa trị bệnh dội ngược bao tử-thực quản nhắm bốn mục tiêu: làm giảm sự dội ngược, trung hòa các chất dội lên từ bao tử, giúp các chất dội lên mau xuống lại bao tử, và bảo vệ niêm mạc thực quản trước tác dụng độc hại của các chất dội lên.
Để đạt được các mục tiêu trên, có nhiều cách chữa trị riêng rẽ hay phối hợp. Đầu tiên, chúng ta bàn đến những phương cách chữa trị không dùng thuốc.
Nếu nặng cân, chúng ta nên xuống cân.
- Khi ngủ, nên nằm với tư thế đầu và ngực cao hơn bụng, bằng cách kê đầu giường cao lên 4-6 inches (chèn gỗ hoặc vật cứng dưới đầu giường).
- Nên mặc quần áo rộng rãi không thắt chặt làm tăng áp suất trong bụng.
- Tránh một vài loại thực phẩm như thức ăn mỡ màng, chocolate, peppermint, vì chúng làm lỏng bắp thịt van giữa thực quản và bao tử. Uống nhiều rượu cũng vậy. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tránh các thức ăn thức uống biết chắc cứ mỗi khi dùng lại khiến chúng ta có triệu chứng, chẳng hạn những thức uống chứa nhiều chất acid như colas, nước cam, rượu vang đỏ (red wine).
- Tránh ăn quá no, tránh uống nhiều nước trong lúc ăn.
- Trong vòng 2-3 tiếng sau khi ăn, không nên đi nằm ngay, và nên tránh ăn trước khi đi ngủ.
- Bỏ hút thuốc lá và bớt uống rượu. Nước miếng trong miệng ta có tác dụng tốt, làm trung hòa chất acid dội lên thực quả từ bao tử, thuốc lá khiến nước miếng bớt tiết ra.
- Nhai kẹo chewing gum cũng tốt, vì khi nhai chewing gum, nước miếng trong miệng chúng ta sẽ tiết ra nhiều.
Chữa với thuốc
Triệu chứng nhẹ, thỉnh thoảng nóng ngực chút sau khi ăn dù đã thực thi những cách chữa không dùng thuốc kể trên, ta chỉ cần dùng các thuốc có tác dụng trung hòa acid (antacids) như Maalox, Mylanta, Gaviscon,… vào lúc có triệu chứng.
Khi triệu chứng xẩy ra thường hơn, ta dùng những thuốc làm bao tử bớt tiết chất acid như Tagamet, Zantac, Pepcid,...
Triệu chứng nặng hơn nữa và dùng những thuốc trên không kết quả, chúng ta dùng những thuốc như Omeprazole, Prilosec, Prevacid, … có tác dụng chống tiết chất acid trong bao tử rất mạnh. Những thuốc này mắc hơn nhiều, và có thể gây một số tác dụng phụ quan trọng nếu dùng dài lâu, như gẫy xương, cơ thể thiếu sinh tố B12, thiếu muối Magnesium, … Sau một thời gian dùng thuốc, khi triệu chứng đã thuyên giảm nhiều, chúng ta nên ngưng thuốc, hoặc chuyển qua những thuốc nhẹ hơn Tagamet, Zantac, Pepcid.
Với những trường hợp nặng, thường sự chữa trị kéo dài vài tháng, có khi cả năm.
Giải phẫu
Một số trường hợp bệnh dội ngược bao tử-thực quản cần đến giải phẫu, vì dùng thuốc tối đa không kết quả, triệu chứng vẫn làm cuộc sống người bệnh mất vui, hoặc vì những lý do khác như dùng thuốc lâu quá năm này sang năm khác có thể đưa đến những vấn đề không tốt do tác dụng phụ của thuốc, v.v..
Có nhiều kỹ thuật giải phẫu khác nhau, giúp bắp thịt van giữa thực quản và bao tử chắc hơn, làm việc hữu hiệu hơn, khiến các thức trong bao tử bớt dội lên thực quản.
Tóm lại, bệnh dội ngược bao tử thực quản xẩy ra nhiều, có trường hợp nhẹ, có trường hợp nặng. Nhẹ, chúng ta chữa bằng những cách giản dị, xuống cân, nằm ngủ đầu và ngực cao hơn bụng, tránh một số thực phẩm, bỏ thuốc lá, bớt uống rượu,… và thỉnh thoảng triệu chứng xẩy ra, dùng những thuốc như Maalox, Mylanta, Gaviscon, Tagamet, Zantac, Pepcid. Nặng, chúng ta cần thuốc mạnh hơn như các thuốc Omeprazole, Prilosec, Prevacid, …, những thuốc này mắc hơn và có thể gây một số vấn đề cho cơ thể nếu dùng dài lâu. Khi bệnh nặng quá, dùng thuốc không kết quả, hoặc phải dùng thuốc dài lâu vừa tốn kém vừa sợ tác dụng phụ của thuốc, chúng ta cần đến giải phẫu.
Nhiều người chúng ta chưa rõ khám tổng quát là gì. Có vị tưởng cứ thử máu lung tung hàng năm là khám tổng quát.
Khám tổng quát hay khám định kỳ (general check up, check up visit) là buổi thăm khám với mục đích ngừa bệnh. Thử máu, nếu bác sĩ thấy cần, chỉ là một phần của khám tổng quát. Khám tổng quát khác với thăm khám để chữa trị (khi chúng ta có vấn đề gì, chúng ta đi khám, nhờ bác sĩ tìm hiểu và chữa vấn đề).
Như vậy, tùy theo tuổi (19-39 tuổi, mỗi 2-3 năm; 40-64 tuổi, trung bình mỗi 2 năm; và từ 65 tuổi trở lên, mỗi 1-2 năm), dù khỏe mạnh, không có triệu chứng hoặc vấn đề gì, chúng ta cũng nên đi khám tổng quát theo hạn kỳ để ngừa bệnh.
Bác sĩ làm gì trong buổi khám tổng quát
Trong buổi thăm khám tổng quát nhắm mục đích ngừa bệnh này, bác sĩ sẽ xem xét lại mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe của bạn, hướng dẫn và khuyên bạn cần làm những gì (như chăm sóc răng ra sao, bao lâu nên đi khám mắt một lần, …), uống, chích thuốc gì để ngừa bệnh, duy trì sức khỏe (như dùng bao nhiêu calcium và sinh tố D mỗi ngày, chích thuốc Td để ngừa hai bệnh phong đòn gánh và bạch hầu mỗi 10 năm, …). Nếu cần, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến các bác sĩ chuyên ngành khác (như giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa đường tiêu hóa để soi ruột già, bác sĩ mắt để khám mắt).
Cụ thể, trong buổi khám tổng quát, bác sĩ sẽ ghi chép vào hồ sơ những gì bạn kể, các bệnh bạn đang mang, các thuốc dùng, các phòng ngừa (khám phụ khoa, chụp phim vú, soi ruột già,…) đã được làm hoặc chưa từng làm trong quá khứ. Sau đó, bác sĩ sẽ đo áp huyết, xem chiều cao, sức nặng, thị giác và khám từ đầu đến chân bạn xem có gì bất thường. (Như vậy, chúng ta thấy, không khám, chỉ thử máu lung tung mỗi năm có phải là khám tổng quát đâu!)
Tổng hợp bệnh sử (medical history) do bạn kể và những gì tìm thấy trong lúc thăm khám, đồng thời xem lại các thử máu những lần trước, rồi tùy thời gian trôi qua đã bao lâu, bác sĩ có thể sẽ cho thử lại những gì cần làm lại (không phải mỗi lần khám tổng quát là phải thử lại đủ mọi thứ, thí dụ, nếu bạn không có bệnh cao áp huyết hay tiểu đường, và cholesterol bình thường, chúng ta chỉ thử cholesterol mỗi 5 năm), làm những trắc nghiệm để tìm hiểu thêm (như ở các vị cao niên, làm siêu âm bụng để truy tìm bệnh phình nở động mạch chủ ở người trong đời từng hút trên 100 điếu thuốc lá, hoặc có người trong gia đình bị bệnh này).
Bác sĩ cũng khuyên bạn những điều cần thực hiện để ngừa bệnh, tăng tiến sức khỏe. Bác sĩ sẽ đưa bạn xem một danh sách (checklist) những truy tìm hay những dịch vụ khác cần làm để ngừa những bệnh có thể ngừa được.
Bắt đầu từ năm 2009, trong thăm khám tổng quát để ngừa bệnh, bác sĩ cũng sẽ nói chuyện với các vị có Medicare về các dự định cuối đời của các vị, vào lúc bệnh nặng không còn nói được ý nguyện của mình (advance directives). “Advance directives” là những tài liệu pháp lý trong đó vị có Medicare viết sẵn những ý nguyện muốn bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho mình sẽ làm những gì, không làm những gì khi mình sắp lìa bỏ cõi đời.
Mang theo những gì khi đi khám tổng quát
Khi đi khám tổng quát để ngừa bệnh, bạn cần mang theo, và kể cho bác sĩ nghe tất cả những gì có thể giúp bác sĩ hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình:
- Hồ sơ bệnh lý, kể cả hồ sơ đã chích ngừa những gì nếu có.
- Bệnh sử gia đình (family health history): có người nào trong gia đình mang bệnh cao áp huyết, tiểu đường, ung thư,...
- Các thuốc đang dùng hoặc một danh sách các thuốc đang dùng, và cho biết mình dùng thuốc với phân lượng bao nhiêu, ngày mấy lần, lý do tại sao.
- Phòng bệnh hơn chữa bệnh, tùy tuổi, tùy thời gian trôi qua kể từ lần khám tổng quát trước, dù không có triệu chứng hay vấn đề gì, bạn cũng nên đi khám tổng quát đều để bác sĩ có dịp rà soát lại toàn diện, trong ngoài chiếc xe cơ thể của bạn, chỉ dẫn bạn cách giữ gìn xe cho tốt.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Chuyên Khoa Nội Thương
8748 E. Valley Blvd., Ste H
Rosemead, CA 91770
Tel: (626) 288-3306
- Khi nào các bộ phận trong cơ thể con người bắt đầu thoái hóa?
- VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ THUỐC NGỦ
- Ảnh Hưởng Của Nắng Trên Cơ Thể
- 10 tuyệt chiêu giữ mắt luôn khoẻ khi dùng máy tính
- Rối loạn tiêu hoá môi trường trong ruột
- Những điều kỳ diệu của con người
- Đau lưng
- Những điều bạn nên biết về hai con mắt quý báu của mình
- Bệnh Suyễn (Asthma)
- Bệnh viêm phổi