Dân Chúa Âu Châu

KHỦNG HOẢNG CHÁNH TRỊ TẠI LIBYA VÀ SYRIA

BY: HÀ MINH THẢO

Ngày 15.01.2011, người dân Tunisia đã thành công lật đổ tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali, chấm dứt 23 năm cầm quyền của ông. Sau đó, trước áp lực biểu tình của nhân dân Ai cập, ông Hosni Mubarak cũng đã phải trao lại quyền hành cho quân đội vào ngày 11.02.2011 sau gần 30 năm giữ chức tổng thống. Sau đó, những cuộc tranh đấu cho dân chủ đã xảy ra tại nhiều quốc gia Trung Đông khác, trong đó, máu người vô tội vẫn tiếp tục đổ tại Libya và Syria. Đây là nạn nhân không những của hai nhà độc tài tàn bạo Muammar al-Gadhafi và Bachard al-Assad mà còn do xung đột quyền lợi giữa cường quốc thành viên các định chế quốc tế (Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Minh ước Bắc đại tây dương, …).

I. NGUYÊN NHÂN LỊCH SỬ

Sau khi các quốc gia cộng sản chư hầu Liên xô và chính liên bang này tan rã năm 1991 và Trung quốc chưa hẳn là một nước đáng ngại, Hoa kỳ đã là cường quốc duy nhất về kinh tế và quân sự.
Thập niên 1990 đã là những năm được gọi là bắt đầu tiến trình toàn cầu hoá văn hóa và kinh tế. Hậu quả, các văn hóa phẩm, do chạy theo lợi nhuận, phản luân lý và tôn giáo được phát triển cùng nền kinh tế mà lợi tức không phân phối đồng đều làm gia tăng số người nghèo. Lợi dụng hậu quả đó, các nhóm khủng bố được lớn mạnh. Ngày 11.09.2001, tổ chức Al-Qa"ida (có nghĩa là nền tảng, cơ sở, căn cứ, do Usama Bin Ladin sáng lập năm 1988) tấn công vào Tháp Đôi (Nữu ước) và Ngũ giác đài (Hoa thạnh đốn).
Sau đó, chính quyền tổng thống George W. Bush cùng với các quốc gia Tây Âu, kêu gọi các nước khác tham gia Mặt trận toàn cầu chống khủng bố. Cơ hội ngàn vàng đã đến: các nước độc tài gia nhập Mặt trận này để các quốc gia Bắc Mỹ và gia Tây Âu không dòm ngó tình trạng nhân quyền tại đó mà chỉ chạy theo quyền lợi thương mại mà thôi… Do đó, cuộc cách mạng hoa lài đã nở rộ tại Tunisia từ ngày 18.12.2011.

II. KHỦNG HOẢNG CHÁNH TRỊ TẠI LYBIA

A. Đôi dòng lịch sử

Ngày 01.09.1969, Muammar al-Gadhafi (28 tuổi) chỉ huy một nhóm nhỏ các sĩ quan quân đội lật đổ Vua Idris (đang nằm bệnh viện ở Thổ nhĩ kỳ) và đặt Thái tử Sayyid Hasan ar-Rida al-Mahdi as-Sanussi (cháu Vua Idris), lên làm vua. Nhưng Vua Sayyid sớm nhận thức mình đang có ít quyền hơn khi còn là thái tử. Cuối tháng đó, Vua Sayyid bị truất phế, quản thúc tại gia và Cộng hòa Libya Ả Rập được tuyên bố ra đời với Gadhafi là "Lãnh tụ Anh cả và là Người hướng dẫn Cách mạng" cho đến ngày nay.
Trong thập niên 1980, Libya bị cáo buộc tội thực hiện nhiều hành động khủng bố như cho nổ bom ở vũ trường tại Berlin (1986) làm thiệt mạng 2 người Mỹ và Hoa kỳ trả đũa bằng ném bom vào các mục tiêu gần Tripoli và Benghazi. Tháng 12 năm 1988, 2 nhân viên tình báo Libya đánh bom chuyến bay Pan Am 103. Năm 1989, 6 người Libya khác cũng đánh bom chuyến bay UTA 772.
Năm 2003, chính phủ Libya đã thông báo quyết định từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân của mình và chi gần 3 tỷ Mỹ kim bồi thường cho các gia đình nạn nhân 2 chuyến bay nói trên. Từ đó, nước này đã bình thường hóa quan hệ với Liên minh Âu châu và Hoa kỳ.

B. Đặc điểm cuộc nổi loạn tại quốc gia này

Sau Tunisia và Ai cập, ngày 15.02.2011, phong trào chống đối của người Ả rập đã đến Libya với các cuộc biểu tình bắt đầu từ thành phố Benghazi ở miền đông và, sau đó, đã lan tràn tới thủ đô Tripoli. Libya, với nhà lãnh đạo lâu nhất thế giới 41 năm, là quốc gia giàu tài nguyên dầu khí có một mức sống cao hơn so với các nước láng giềng, nhưng chính hệ thống chính trị đàn áp, độc đoán khiến người dân biểu tình muốn thay đổi và đòi được phân chia phúc lợi công bằng hơn.

1. Quốc gia Libya

Libya bao gồm lối 140 bộ tộc chính với dân số Libya trên 6,5 triệu người, trong đó 90% là người Ả rập và 85% trong số đó xuất thân từ 4 bộ lạc lớn: Warfalah, Kadhafa, Makarha và Tuareg. Mỗi bộ lạc lớn là sự kết hợp của nhiều bộ lạc và bộ tộc nhỏ có cùng chung huyết thống sinh sống trên cùng khu vực địa lý. Lãnh đạo bộ lạc là cheikh (tù trưởng hay lãnh tụ) có nhiệm vụ gìn giữ sự thống nhất nội bộ và là gạch nối trung gian giữa chính quyền trung ương và các bộ lạc.
Mỗi bộ lạc được tổ chức như một đơn vị kinh tế, chính trị và xã hội độc lập với chính quyền trung ương. Không gian sinh tồn của họ là một khu vực bất khả xâm phạm: không bộ lạc nào được quyền xâm phạm lãnh thổ của bộ lạc khác. Khi có tranh chấp, chính quyền trung ương tổ chức một cuộc thương thuyết giữa các vị tù trưởng của các bộ lạc lớn để giải quyết. Lãnh thổ Libya chia thành những khu vực:
- Khu vực phía đông (Cyrenaica), nơi xuất phát cuộc nổi dậy, là địa bàn sinh trú của bộ lạc Warfalah cùng nhiều bộ lạc nhỏ khác như Zawayah, Awaqir, Abid,…
- Khu vực trung tâm (Tripolitania) là nơi sinh sống của bộ lạc Kadhafa, trong đó Kadhafi là một bộ tộc lớn, qui tụ các bộ lạc nhỏ khác như Mugharbah, Ziaan, Rojahan, …
- Khu vực sa mạc Sahara phía tây nam (Fezzan) là vùng đất qui tụ các bộ lạc du mục Beduins và Tuareg và những nhóm du mục nhỏ khác như Hausa, Tebu, …
Nguồn lợi chính của Libya là dầu lửa, được khám phá năm 1956.

2. Sự cầm quyền lâu dài của Muammar al-Gadhafi

Năm 1969, Gadhafi tuyên bố thành lập Cộng hòa Á rập Lybia tôn trọng các nguyên tắc một quốc gia có nền Cộng hòa theo khuôn mẫu tự do dân chủ thông thường như sự tam quyền phân lập, nhưng ông đã tổ chức chính quyền dựa trên sự liên minh và phân quyền giữa ba bộ lạc lớn: Warfallah, Kadhafa và Makarha.

Khi cầm quyền, Gadhafi phân chia đồng đều các chức vụ trong chính quyền, quân đội và kinh tài cho các lãnh đạo của các bộ lạc lớn. Ngoài ra, mỗi bộ lạc được phép cai quản một khu vực và có quyền đưa người vào các chức vụ cấp khu vực như sau:
- Bộ lạc Warfallah, lớn nhất với hơn một triệu dân, cai quản khu vực phía đông (Cyrenaica), trải dài trên một vùng đất rộng lớn phía đông Libya, giáp ranh với Ai cập, thủ phủ là Benghazi, có nhiều giếng dầu thô, khí đốt và hải cảng xuất cảng dầu lớn nhất nước. Tuy nhiên, Cyrenaica đã không được tài trợ tương xứng với nguồn lợi mang lại, nên đã là nơi phát sinh cuộc nổi dậy chống Gadhafi và nhiều đơn vị quân đội đã tham gia phe chống đối.
- Bộ lạc Kadhafa, 126 000 dân trong có gia đình Gadhafi, lãnh đạo khu vực trung tâm (Tripolitania), thủ phủ là Sabha. Bộ lạc này được trang bị vũ trang hùng hậu nhất và là lực lượng đáng tin cậy nhất của gia đình Gadhafi, an ninh do chính các con trai của Gadhafi trực tiếp chỉ huy.
- Makarha là bộ lạc lớn thứ ba cai quản một khu vực rộng lớn phía tây nam (Fezzan), nhưng là vùng sa mạc Sahara nghèo khổ. Hiện sống tại đây còn có các bộ lạc du mục Beduins và Tuareg, với hơn 500 000 người, trong sa mạc Sahara phía nam, và bộ lạc Zuaya, một chi nhánh của bộ lạc Warfallah, sinh sống cạnh các giếng dầu phía đông Libya, đang đe dọa gia nhập vào phe chống đối.
Gadhafi nắm quyền trong suốt 41 năm qua là do biết dung hòa quyền lợi của các bộ lạc để tranh thủ sự ủng hộ. Nay quyền lợi không được phân chia đồng đều, nên ông đang sắp mất chính quyền cũng vì các bộ lạc. Thêm vào đó, việc bắn giết người của bộ lạc Warfallah, tức sát hại đồng chủng là một cấm kỵ, không thể tha thứ. Ngoài ra, thái độ khinh thường các định chế quốc tế của ông đã gây rất nhiều bất mãn trong giới lãnh đạo các cường quốc Tây phương.

3. Chiến sự tại Libya

Để tránh cho nhân dân nổi dậy không bị oanh tạc bởi không lực của Gadhafi, các quốc gia Liban, Anh, Pháp và Hoa kỳ đã đệ nạp một dự thảo Nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và được thông qua ngày 17.03.2011, mang số 1973, với 10 phiếu thuận và 5 nước vắng mặt (trong đó có Nga và Trung quốc là hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết). Trong nghị quyết này, Hội đồng Bảo an yêu cầu chính quyền Libya ngừng bắn và oanh tạc các thành phố do phe đối lập đang chiếm giữ để bảo vệ dân thường, đóng cửa không phận Libya đối với phi cơ Libya, trừ khi chở hàng nhân đạo và sơ tán ngoại kiều khỏi Libya, các nước thành viên Liên hiệp quốc không cho phép phi cơ Libya cất, hạ cánh hay bay qua không phận nước mình, phong tỏa các tài khoản của công ty dầu mỏ quốc gia và Ngân hàng Trung ương Libya, cho phép áp dụng mọi biện pháp, ngoại trừ chiếm đóng Libya hay bất kỳ phần lãnh thổ nào của nước này bởi lực lượng nước ngoài.
Thi hành Nghị quyết 1973 của Liên hiệp quốc, một chiến đấu cơ Pháp đã nhả đạn vào một xe quân sự của phe Kadhafi vào lúc 16 giờ 45 (giờ quốc tế) ngày thứ bảy 19.03.2011, khai diễn cuộc chiến quốc tế tại Libya. Sau đó, hơn 110 hỏa tiễn Tomahawk từ các tàu ngầm và chiến hạm của Mỹ và Anh cũng đã bắn vào trên 20 mục tiêu khác. Bộ Quốc phòng Pháp loan báo: có khoảng hai chục máy bay Rafale, Mirage 2000, máy bay tiếp liệu của Pháp, cũng như máy bay trinh sát Awacs tham gia.
Đến nay, ngày 15.07.2011, sau gần 2 tháng bắt đầu cuộc chiến, bao nhiêu người vô tội đã chết oan trong khi Gadhafi vẫn còn tại chức.
Ngày 11.07.2011, Đài quốc tế Pháp (RFI) loan tin: "Con trai của đại tá Gadhafi, ông Saif al Islam, cho biết Tripoli đang đàm phán với Pháp. Nhân vật này xác định trên báo chí Algérie, Paris đã hứa là nếu đạt được thỏa thuận thì sẽ buộc phe nổi dậy ngưng bắn. Bộ Ngoại giao Pháp đã bác bỏ lời tuyên bố này và nhấn mạnh "Gadhafi phải ra đi".
Ngày 12.07.2011, Quốc hội Pháp chấp thuận tiếp tục chiến dịch quân sự tại Libya với 482 phiếu thuận và 27 chống. Luật buộc sau 4 tháng tham chiến, chánh phủ cần sự chấp thuận của Quốc hội.

III. KHỦNG HOẢNG CHÁNH TRỊ TẠI SYRIA

Syria giữ một vai trò quan trọng trong khu vực, đặc biệt nhờ vị trí trung tâm của nó trong cuộc xung đột Ả rập - Do thái từ năm 1967, Do thái đã chiếm Cao nguyên Golan của nước này, và bởi sự tham gia tích cực vào các công việc tại Liban và Palestine.
Đảng Baath (Phục hồi Xã hội chủ nghĩa Ả rập) cầm quyền tại nước này từ năm 1963. Ngày 13.11.1970, Bộ trưởng Quốc phòng Hafez al-Assad trở thành Tổng thống sau cuộc đảo chính quân sự không đổ máu, mang tên "Phong trào Chỉnh đốn", cho đến khi qua đời năm 2000. Con trai của ông là Bashar al-Assad trở thành Tổng thống, lãnh đạo Syria với một thiểu số những quan chức quân sự và chính trị. Năm 2007, ông Assad đã thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý với 97,62% phiếu bầu để tiếp tục chức vụ cho đến ngày nay.
Ngày 18.03.2011, 4 người biểu tình bị thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc xuống đường lần đầu tiên chống chính quyền kể từ khi Tổng thống Bashar Al Assad lên cầm quyền vào năm 2000 do cảnh sát bắn đạn thật khi họ hô to khẩu hiệu và giương cao biểu ngữ với hàng chữ "Thượng Đế, Syria và Tự do. Ngày 23.03.2011, tại thành phố Deraa, lực lượng an ninh đã bắn vào đám đông tham gia tang lễ một người biểu tình bị bắn chết trước đó khiến 2 người bị chết. Paris kêu gọi chính quyền Damas đình chỉ ngay việc sử dụng võ lực nhắm vào thường dân.
Ngày 25.04.2011, chính quyền Damas điều động lực lượng an ninh có cả xe tăng đến Deraa đàn áp người biểu tình làm thiệt mạng 5 người. Tại Jableh, hôm 25.04.2011, cảnh sát cũng đã sát hại ít nhất 13 người, bắt giữ hàng chục người biểu tình ôn hòa. Damas đã tuyên bố hàng loạt các biện pháp cải tổ quan trọng, trong đó có việc xóa bỏ lệnh giới nghiêm.
Trong cuộc họp tại Bruxelles hôm 17.05.2011, đại sứ 27 thành viên Liên hiệp Âu châu đã thảo luận về dự định mở rộng diện trừng phạt nhắm vào chế độ Syria. Thụy sĩ cũng hành động như vậy. Ngày 17.05.2011, Tổng thống Obama loan báo những biện pháp trừng phạt mới khi cho biết là chính người dân Syria là tác nhân quyết định việc tổng thống Syria ở lại hay ra đi và Tổng thống Bashar Al Assad, nếu muốn tại vị, chỉ có một con đường duy nhất đó là chuyển hướng sang chế độ dân chủ.

Ngày 09.06.2011, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bắt đầu thảo luận về một dự thảo nghị quyết về Syria do Anh, Pháp, Đức và Bồ đào nha đệ nạp kêu gọi chính quyền Damas cải cách và gỡ bỏ lệnh phong toả các thành phố để các tổ chức nhân đạo quốc tế làm công tác cứu nạn. Tuy nhiên, Nga cho biết sẽ phủ quyết mọi nghị quyết của Liên hiệp quốc về Syria. Theo Thủ tướng Thổ nhĩ kỳ Recep Tayyip Erdogan, có hơn 1.600 người Syria sang tỵ nạn tại nước này từ tháng 4 đến nay. Ngày 11.06.2011, Trung quốc cũng đe dọa phủ quyết dự thảo nghị quyết này. Vì quyền lợi của hai thành viên thường trực, dự thảo nghị quyết… rơi vào quên bẵng.
Tỉnh Hama ở phía bắc thủ đô Damas khoảng 210 cây số đã trở thành tâm điểm của phong trào nổi dậy chống chế độ Syria, với 800 000 dân, đang bị lực lượng quân đội và chiến xa bao vây. Công an tiến hành xét nhà và đã gây tử vong 22 người, trong đó có một trẻ em 12 tuổi. Cư dân quyết định tử thủ bằng rào cản bằng bao cát và vỏ xe, canh giữ các ngả đường dẫn vào thành phố, không để cho quân đội chiếm thành phố.

Ngày 05.07.2011, Hoa kỳ kêu gọi chính phủ Syria rút lực lượng ra khỏi Hama và chấm dứt chiến dịch bắt giữ người. Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng vụ đàn áp ở Hama làm tổn hại thêm tính chính đáng của chế độ Syria và khiến người ta phải đặt nghi vấn về thực tâm cải tổ dân chủ của chế độ này.
Ngày 08.07.2011, Đại sứ Hoa kỳ và Pháp tại Damas đã đến Hama. Thông báo của bộ ngoại giao Pháp cho biết công việc đầu tiên của ông Eric Chevallier, đại sứ Pháp, đã đến Hama là ghé thăm bệnh viện, bác sĩ, y tá, và những thường dân bị thương cùng thân nhân của họ. Trong khi đó, Washington loan báo là đại sứ Robert Ford đã đến Hama để ở bên cạnh người biểu tình trong bối cảnh phong trào đòi cải cách chính trị, chấm dứt chế độ độc tài bùng phát từ giữa tháng 3 năm nay nhưng bị đàn áp mạnh với hơn 1.300 người tử vong. Thông cáo bộ ngoại giao Syria viết: "sự hiện diện của đại sứ Mỹ tại Hama không có phép là một bằng chứng rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ dính líu vào biến cố hiện nay, âm mưu xúi giục gây thêm căng thẳng và tạo bất ổn chính trị".
Ngày 11.07.2011, hai Sứ quán Hoa kỳ và Pháp tại Damas bị những người thân chế độ tấn công đập phá. Sau đó, Paris quyết định đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố: "Tổng thống Syria al-Assad "không còn cần thiết nữa" và đã mất "tính chính đáng" của một nhà lãnh đạo vì đã nuốt lời hứa cải cách, vì đã nhận sự trợ giúp của Iran để đàn áp dân của mình".

IV. NHẬN ĐỊNH THEO GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO

A. Quyền Hành Chánh Trị

Quyền hành chính trị, dựa trên bản tính xã hội của con người, rất cần thiết vì những trọng trách được giao cho quyền hành ấy, vốn là và phải là một nhân tố tích cực tới mức không thể thay thế được làm nên đời sống dân sự (Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo số 393). Quyền hành này được người dân giao cho nhà cầm quyền, phải bảo đảm cho có được một đời sống cộng đồng trật tự và ngay thẳng, không tước đoạt sự hoạt động tự do của các cá nhân và tập thể, nhưng phải điều tiết và định hướng cho sự tự do ấy bằng cách tôn trọng và bảo vệ sự độc lập của các cá nhân và chủ thể xã hội hầu đạt được Công Ích. Quyền này phải được thi hành trong khuôn khổ luân lý và theo đúng trật tự pháp lý được luật pháp công nhận (số 394).
Chính quyền phải nhìn nhận, tôn trọng và phát huy các giá trị nhân bản và luân lý thiết yếu, "phát xuất từ chính sự thật của con người, phản ánh và bảo vệ phẩm giá con người; là những giá trị mà không cá nhân, tập thể hay Nhà Nước nào có thể tạo ra, sửa đổi hay huỷ bỏ" (số 397). Chính quyền phải ban hành các luật công bằng, tức là những luật phù hợp với phẩm giá con người và phù hợp với những gì lý trí đúng đắn đòi hỏi (số 398).

Quyền phản đối theo lương tâm. Các công dân không bị buộc trong lương tâm phải theo những chỉ thị của chính quyền dân sự nếu những mệnh lệnh ấy trái ngược với những đòi hỏi của trật tự luân lý, trái ngược với những quyền căn bản của con người hay trái ngược với giáo huấn của Tin Mừng. Không được cộng tác, dù chỉ là hình thức, vào những việc ngược với luật Chúa, dù đã được luật pháp dân sự cho phép, đó là một nghĩa vụ quan trọng của lương tâm (số 399).
Quyền phản kháng. Nhìn nhận luật tự nhiên là nền tảng và đặt giới hạn cho luật thiết định và đặt giới hạn cho luật thiết định, nghĩa là chấp nhận rằng: thật là chính đáng khi phản kháng những nhà cầm quyền vi phạm các nguyên tắc thiết yếu của luật tự nhiên một cách nghiêm trọng hay liên tục (số 400). Giáo huấn xã hội Công giáo có đưa ra những tiêu chuẩn để thi hành quyền phản kháng: "Phản kháng bằng vũ khí trước sự đàn áp của chính quyền chỉ chính đáng khi hội đủ các điều kiện". Sử dụng vũ khí được coi như giải pháp sau cùng để chấm dứt "một chế độ độc tài công khai và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho các quyền căn bản của con người và làm tổn thất nghiêm trọng cho ích chung của đất nước". Sử dụng vũ khí được coi như giải pháp sau cùng để chấm dứt "một chế độ độc tài công khai và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho các quyền căn bản của con người và làm tổn thất nghiêm trọng cho ích chung của đất nước" (số 401).

B. Hòa Bình

Trước khi là ân huệ Chúa ban cho và là dự phóng của con người phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, hoà bình trước hết là thuộc tính căn bản của Ngài: "Đức Chúa là sự bình an" (Tp 6, 24). Hoà bình và bạo lực không thể đi đôi với nhau; nơi nào có bạo lực, nơi đó không thể có Thiên Chúa (x. 1Bn 22,8-9) (số 488). Hoà bình là một điều gì lớn lao hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh; hoà bình nói lên cuộc sống sung mãn (x. Mch 2,5). Đó là một trong những ân huệ cao cả nhất mà Chúa ban cho con người và vì thế, nó đòi chúng ta phải tùng phục kế hoạch của Thiên Chúa (số 488).

Hòa Bình: Kết quả của Công Lý và Bác Ái. Hoà bình là một giá trị và là một nghĩa vụ của hết mọi người dựa trên một trật tự hợp lý và luân lý của xã hội, bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, "là nguồn sống đầu tiên, là sự thật căn bản và là sự thiện hảo tối cao", thiết lập được một trật tự dựa trên nền tảng công lý, là tôn trọng sự cân bằng giữa mọi chiều hướng của con người, và bác ái hay tình yêu (số 494).

Nghĩa vụ bảo vệ người vô tội. Quyền sử dụng vũ lực vào các mục tiêu phòng thủ chính đáng được gắn liền với nghĩa vụ bảo vệ và giúp đỡ các nạn nhân vô tội không có khả năng tự bảo vệ mình trước những hành vi xâm lược hay đàn áp. Trong các cuộc xung đột hiện nay, thường diễn ra trong phạm vi quốc gia, người ta cũng phải tuân thủ trọn vẹn những mệnh lệnh của luật nhân đạo quốc tế. Những dân thường rất hay bị tấn công và có khi trở thành mục tiêu của chiến tranh (số 504). Nguyên tắc nhân đạo, được khắc ghi trong lương tâm mỗi người và mọi dân tộc, cũng bao gồm bổn phận phải bảo vệ dân thường khỏi những hậu quả của chiến tranh. "Việc bảo vệ tối thiểu phẩm giá của mỗi người, tuy đã được luật nhân đạo quốc tế bảo đảm, nhưng vẫn rất hay bị vi phạm nhân danh những yêu cầu về chính trị hay quân sự, là những điều lẽ ra không bao giờ được đặt cao hơn giá trị của con người. Hiện nay, chúng ta nhận thấy cần phải tìm ra một sự đồng thuận mới về các nguyên tắc nhân đạo và cần phải củng cố nền tảng của các nguyên tắc ấy để ngăn chặn không cho tái diễn những hành động tàn bạo và lạm dụng" (số 505). Cộng đồng quốc tế có bổn phận luân lý là can thiệp cho các tập thể ấy, vì sự sống còn của họ đang bị đe doạ hay vì các quyền căn bản của họ đang bị vi phạm nghiêm trọng. Các quốc gia không thể giữ thái độ thờ ơ; ngược lại, nếu các biện pháp khác đều tỏ ra vô hiệu, "cộng đồng có quyền hợp pháp và thậm chí có bổn phận áp dụng các biện pháp cụ thể để tước khí giới kẻ xâm lược hay bạo tàn" (số 506).