Dân Chúa Âu Châu

Thảm họa Nhật Bản Động đất, Sóng thần và Phóng xạ Nguyên Tử

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Ngày thứ sáu, 11.3.2011, một trận động đất lớn nhất trong lịch Nhật Bản, với chấn động (magnitude) 8,9 tới 9,0 (Richter Scale), ở độ sâu khoảng 13,5 cây-số dưới lòng biển đã xẩy ra. Sau trận động đất là sóng thần (Tsusami) cao trên 10 mét đã tràn ngập thành phố hải cảng Sendai và Minamisanriku. Sóng thần cuốn trôi tất cả nhà cửa, xe cộ, tàu bè và vật dụng. Sau trận động đất thứ nhất các trận động đất nhỏ cũng xẩy ra với chấn động từ 5 tới 6. Riêng tại Thủ-đô Đông Kinh (Kyoto) chấn động lên tới 6,6, nhà cửa rung rinh nhưng không có tổn thất lớn lao nào. Thiên tai không ngừng tại đó, động đất và sóng thần đã làm hư hại các lò điện nguyên tử tại Fakushima-Daiichi nằm cách Thủ-đô Đông Kinh khoảng 240 cây-số về hướng Đông-Bắc.
Khi coi hình ảnh thiên tai tàn phá trên các đài truyền hình, có lẽ ai cũng thắc mắc:

1) Tại sao có động đất và sóng thần?

Dù kỹ thuật tiến bộ, nhưng các nhà khoa học không thể tiên đoán một cách chính xác động đất sẽ xẩy ra ở đâu. Động đất xẩy ra do sự chuyển động bất ngờ của hai dẫy núi hay mặt đất đụng mạnh vào nhau, rồi tách ra theo chiều ngang, chiều sâu hay chiều cao. Nó tạo nên hình thể bất thường trên bề mặt của trái đất. Sự tách rời trên mặt đất tạo nên những hố sâu dài hay ngắn tùy theo sức mạnh của trận động đất và thời gian chấn động. Nếu sự tách rời xẩy ra dưới biển thì tạo nên các luồng sóng thần. cao hay thấp tuỳ theo chấn động mạnh hay yếu và hố sâu to, dài hay ngắn. Người ta có thể đo chấn động của một trận động đất bằng máy đo và biểu động đồ sẽ chứng minh được sức mạnh của nó.
Ban đầu người ta e ngại sóng thần tại Nhật Bản nó có thể tàn phá 20 quốc gia trong vùng Thái Bình Dương gồm: Nga-sô, Đài Loan, Nam Dương, Phi Luật Tân, Papua New Guinea, Úc, Tân Tây Lan, Mễ Tây Cơ, Guatemala, El Salvador, Costa Rica, Nicaragua, Panama, Chí-lợi, Ecuador, Colombia và Ba Tây. Tại Nga, chính quyền đã di tản khoảng 11.000 dân sống trên các đảo Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các quốc gia nêu trên đã không gặp tai họa lớn như ở Nhật Bản.
Sở dĩ Nhật Bản thường bị thiên tai vì lãnh thổ Nhật nằm trong ``Vòng lửa Thái Bình Dương´´ (the Pacific Ring of Fire), có nghĩa có nhiều hoạt động của động đất và núi lửa kéo dài từ Tân Tây Lan (New Zealand) nằm về phía Nam Thái Bình Dương qua Nhật Bản tới tận vùng băng tuyết Alaska và vòng xuống phía Bắc và Nam Mỹ-châu. Vì thế, người ta cũng lo ngại biết đâu có một ngày nào đó nước Nhật sẽ không còn tồn tại trên bản đồ Thế-giới!
Sau trận động đất và sóng thần, Thủ-tướng Nhật Naoto Kan đã gửi 50.000 binh sĩ tới vùng bị thiên tai để tìm các nạn nhân mà người ta hy vọng còn sống sót.

2) Lò nguyên tử và phóng xạ nguyên tử là gì?

Ngày 12.3.2011, 210.000 người sống trong vòng đường kính 20 cây số quanh lò nguyên tử Fukushima-Daiichi được lệnh di tản. Nguyên nhân của sự di tản này bắt nguồn từ sự hư hại của các lò điện nguyên tử, nơi mà phóng xạ sẽ thoát ra. Sau trận động đất và sóng thần, các bức tường chắn và nóc của lò nguyên tử Fukushima-Daiichi số 1 bị nổ tung. Hệ thống dẫn nước lạnh để làm giảm độ nóng trong lò cũng bị hư hỏng. Tuy vậy phòng thép chắn lò máy nguyên tử (Reactor) chưa bị nổ và nhân viên nhà máy đã phải đã cấp thời bơm nước biển vào để giảm nhiệt độ. Ngày 13.3.2011, hệ thống làm lạnh tại lò máy nguyên tử 3 cũng bị hư luôn. Ngày 14.3.2011, lò máy nguyên tử số 3 bị nổ và số 2 bị hư hỏng. Có 11 nhân viên bị thương. Tuy vậy, Thế-giới Nhiệt-lượng Nguyên-tử Cục ``IAEA´´ (The International Atomic Energy Agency) cho biết phóng xạ nguyên tử không thoát ra. Để bảo đảm an toàn, cho đến ngày này đã có hơn 300.000 người được lệnh di tản khỏi khu vực quanh lò nguyên tử Fukushima..
Để có ý niệm khái quát về một lò điện nguyên tử, chúng tôi ghi lại đây sơ đồ thiết kế một lò điện nguyên tử mà các quốc gia đang sử dụng để tiết nghiệm được hàng trăm lần phí tổn so vớ sử dụng xăng dầu. Một cục Uranium bằng ngón tay cái sau khi biến chế có sức tỏa nhiệt gần bằng một tấn (1.000kg) than đá.

Sơ đồ lò điện nguyên-tử:
-Số 1: Cục Uranium (Core) đã biến chế để phát nổ tạo nên nhiệt hâm nóng các thanh kim loại (rods).
-Số 2: Các thanh kim loại dẫn nhiệt.
-Số 3: Bình chứa hơi nóng.
-Số 4: Hơi nóng được dẫn qua ống tới đầu máy phát điện (Turbin), rồi truyền điện ra ngoài để sử dụng.
-Số 5: hệ thống phun nước lạnh vào lò đốt để giảm độ nóng quá mức.
-Số 6: Phòng kích nổ nguyên tử làm bằng thép dầy.
-Số 7: Hệ thống nước lạnh.
-Số 8: Tháp cao điều hòa hệ thống nước lạnh và thải khói.
-Số 9: Tường nhà máy điện nguyên tử.
Khi hệ thống làm lạnh bị trở ngại thì nước chung quanh các thanh kim loại (số 1, số 2) trong phòng thép (số 6) bị nung nóng. Vì thế, nhân viên làm tại lò nguyên tử Fukushima-Daiichi phải tạm dùng nước biển bơm vào hệ thống dẫn nước lạnh (số 5). Khi hệ thống phun nước lạnh bị hư và mực nước xuống thấp hay cạn thì các thanh kim loại bị tăng độ nóng, làm chảy bộ phận phá nổ nguyên tử (số 1) trong lò, phóng xạ nguyên tử sẽ thoát ra ngoài. Tại các lò này người ta đo được ở mức 760 microsieverts /một giờ; sau 2 phút tăng lên tới 3.130 microsievert/giờ. Có một máy phát điện diesel dùng để phun nước trong trường hợp khẩn cấp, nhưng máy này lại bị hư sau trận động đất và sóng thần tràn vào. Theo các chuyên gia thì sự hư hại các lò nguyên tử của Nhật Bản một phần vì chúng đã quá cũ, trên 30 năm rồi.
Theo sự yêu cầu của chính phủ Nhật, Chủ-tịch Đặc-nhiệm Điều-chỉnh Nguyên-tử Hoa Kỳ tuyên bố sẽ gửi toán chuyên gia, kể cả các chuyên viên về làm lạnh tới Nhật Bản để giúp đỡ, đặc biệt về hệ thống cung cấp nước lạnh cho lò nguyên tử. Theo Hiệp-hội Nguyên-tử Quốc-tế (World Nuclear Association) thì hiện nay Nhật Bản có 54 lò điện nguyên tử, cung cấp 30% điện cho toàn quốc.

3) Hậu quả do phóng xạ nguyên tử gây ra

-Về cường độ phóng xạ

Theo số lượng đo lường mức độ phóng xạ ngày 15-16/3/2011 tại lò nguyên tử Fukushima 1, vào khoảng 8mSv/giờ tới 1000 mSv/giờ thì chưa nguy hiểm lắm. Nhưng người ta vẫn nghi là chính phủ Nhật tuyên bố không rõ ràng về con số phóng xạ đo được. Nếu so với mức độ phóng xạ 10.000 mSv/giờ tới 30.000 mSv/giờ xẩy ra tại Chernobyl của Ukraine vào năm 1986, thì sự nguy hiểm tại các lò nguyên tử của Nhật Bản chưa đáng lo ngại. Tai họa phóng xạ nguyên tử ở Chernobyl đã giết chết 32 người và ít nhất có 4.000 người bị bệnh ung thư
-Về triệu chứng bệnh
Các triệu chứng xẩy ra cho người bị nhiễm độc phóng xạ nguyên tử gồm: nôn mửa, tiêu chảy, chảy máu, nhức đầu, mệt mỏi… Các triệu chứng này xẩy ra từ 24 tới 48 giờ sau khi bị nhiễm phóng xạ với mức độ 1-2 Sv. (1 Sv = 100 rems, 1 Sv = 1J/kg = 1 m2/s2 = 1 m2.s-2). Độ nhiễm xạ càng cao thì tình hình sức khoẻ càng nguy hiểm và có thể dẫn tới chết bất ngờ. Để phòng ngừa, chính phủ Nhật đã cung cấp 230.000 viên thuốc cho các nạn nhân đang tạm trú tại các trung tâm tỵ nạn. Thuốc này có hiệu quả chống phóng xạ nguyên tử xâm nhập vào thân thể và gây nên bệnh ung thư.

-Về thiệt hại kinh tế:

Cho đến lúc bài viết được đúc kết và gửi đi, theo hãng thông tấn Reuters của Anh, người ta ước lượng thiên tai động đất và sóng thần gây tổn thất cho Nhật Bản khoảng 200 tỷ Mỹ-kim, (14-15 tỷ Yen). Nếu các lò nguyên tử tại Fukushima phát nổ toàn bộ và phóng xạ thoát ra thì số tổn thất về sinh vật không lường được. Giá trị Thị trường chứng khoán của Nhật bị sút giảm trầm trọng. Giá cổ phần của Nikkel giảm 7,7%, một cảnh tượng chưa từng có trong hàng chục năm trước đây. Cổ phần của công ty nhiệt điện nguyên tử Tepco bị mất giá 24%. Cổ phần của các công ty lớn như Sony và Toyota cũng rơi vào tình trạng suy sụp đáng ngại.
Nền kinh tế ngắn và dài hạn của Nhật Bản dĩ nhiên sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng; mặc dù chính phủ đã phải hà hơi tiếp sức cho thị trường cả tỷ đồng Yen. Sự khủng hoảng kinh tế đưa tới giá nhiên liệu và thực phẩm gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp chắc chắn sẽ lên cao gấp đôi so với mức bình thường. Thủ-tướng Nhật đã phải than thiên tai động đất và sóng thần là tai họa này lớn nhất kể từ sau Đệ II Thế-chiến.

Mặc dù thiên tai xẩy ra tại Nhật Bản, nhưng thị trường thế giới cũng bị ảnh hưởng lây. Chúng ta có thể nhận thấy qua việc đi chợ coi giá cả thực phẩm và xăng dầu hiện nay đã lên cao. Thành phố Sendai, nơi có cả triệu dân cư, nay phần lớn bị sóng thần hủy hoại, hoang tàn như một bãi rác.
-Về thiệt hại nhân mạng:
Người ta ước lượng có hàng chục ngàn nạn nhân, trong đó có gần 4.000 người chết đã kiểm xác, hàng ngàn người coi như mất tích không tìm được xác, trong đó có khoảng 8.000 dân thành phố biển Otsuchi! Nếu tất cả các lò nguyên tử bị phát nổ thì số người bị nhiễm xạ và bị bệnh cấp thời, hoặc kéo dài trong một thời gian lâu, thì số tổn thất cả về sinh mạng lẫn tài chính sẽ lên khá cao. So với trận động đất và sóng thần năm 2004 tại Nam Dương có 200.000 người bị chết thì số lượng người chết trong trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản ít hơn. Nhưng tổn thất về cơ sở kinh tế và tài chính thì cao hơn nhiều.

-Về ngăn ngừa tai họa phóng xạ nguyên tử:

Trước thiên tại Nhật Bản, các quốc gia Hoa Kỳ, cũng như Liên Hiệp Âu Châu đã phải coi lại vấn đề an toàn của các lò điện nguyên tử. Ngày 14.3.2011, Thủ-tướng Đức, bà Angela Markel, đã ra lệnh ngưng hoạt động các lò điện nguyên tử đã cũ để kiểm soát lại. Năm ngoái chính phủ Đức đã cho các lò điện nguyên tử cũ được gia hạn thời gian hoạt động dài hơn. Nay qua tại họa ở Nhật bản chính phủ cần phải kiểm soát lại tất cả 17 lò điện nguyên tử của Đức-quốc. Chính phủ Đức chưa có chương trình xây dựng các lò mới. Ngoài ra, chính phủ Thụy Sĩ cũng hủy bỏ chương trình thay các lò điện nguyên tử cũ bằng xây các lò mới.

**Trong 25 năm qua đã có các tai nạn về lò nguyên tử như sau:
-Ngày 28/3/1979 xẩy ra tại Three Mile Island Tiểu-bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, 140.000 người phải di tản. Không có người chết.
-Tháng 8/1979 xẩy ra tại Erwin Tiểu-bang Texas, Hoa Kỳ, có 1.000 người bị bệnh vì nhiễm phóng xạ nguyên tử.
-Tháng 2-3/1981 xẩy ra tại Tsuruga, Nhật Bản, có 278 người bị bệnh.
-Ngày 26/4/1989 xẩy ra tại Chernobyl, Ukraine. Đây là tai họa phóng xạ nguyên tử nguy hại nhất. Có 200 người bị bệnh nặng trong đó có 32 chết trong vòng 3 tháng. Một đám mây khổng lồ mang theo phóng xạ nguyên tử bay qua Bắc Âu.
-Tháng 4/1993 xẩy ra tại Tomsk-7 phía Tây Tây Bá Lợi Á (Siberia), mây mang theo hơi phóng xạ, Uranium 235 và Plutonium-237. Số thiệt hại không ghi nhận.
-Ngày 11/3/1997 xẩy ra tại Tokaimura, phía Bắc Tokyo, Nhật Bản. Có 37 người bị nhiễm phóng xạ.
-Ngày 30/9/1999 xẩy tại Tokaimura, Nhật Bản, 2 nhân viên bị tai nạn trong lò biến chế Uranium. 600 người bị nhiễm xạ và 320.000 người phải ở trong nhà, đóng cửa kín một ngày.
-Ngày 9/8/2004 xẩy tại Mihama, cách Tokyo, Nhật Bản 350 cây số về phía Bắc. 4 nhân viên bị chết và 7 bị phỏng nặng.
Chính vì nước Nhật thường xuyên bị thiên tai và trở ngại kỹ thuật nguyên tử như trên, nên trong biến cố động đất, sóng thần và lò điện nguyên tử vừa qua, dân chúng Nhật đã không bị náo động và xã hội không trở nên hỗn loạn.
-Về sự thay đổi lãnh thổ Nhật Bản và trục trái đất
Trận động đất ngày 11/3/2011 vừa qua đã làm cho đảo chính của Nhật Bản, phần đất Đông-Bắc di chuyển 8 feets (2,4 mét) và trục của trái đất cũng bị di chuyển 4 inches! (10,16cm) Nó cũng tạo ra 160 chấn động đất trong vòng 24 giờ sau đó.