Dân Chúa Âu Châu

Ngọn lửa tự thiêu của 1 thanh niên đã đốt cháy chính quyền Tunisia

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Trong những tháng vừa qua đã xẩy ra một số biến cố quan trọng tại Phi Châu và Trung Đông, nên chúng tôi tạm ngưng loạt bài chủ đề về Israel và Palestine, mặc dù các biến cố này đã và đang có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc xung đột Do Thái - Ả-rập và Do Thái - Palestine.

-Ngày 9/1/2010 cuộc trưng cầu dân ý của dân chúng miền Nam Sudan đã được tổ chức để đi tới quyết định thành lập một quốc gia mới. Kết quả của cuộc bỏ phiếu chính thức được công bố ngày 6/2/2011 cho thấy 98,86% dân miền Nam Sudan, sau 55 năm mong chờ, đã đạt được ước nguyện. Quyết định thành lập tân quốc gia Nam Sudan, nếu không có gì cản trở, sẽ diễn ra vào ngày 9/7/2011 như đã được qui định. E ngại làn sóng cách mạng của Hồi-giáo tại Bắc Phi Châu và Trung Đông có thể gây trở ngại cho sự tuyên bố độc lập của Nam Sudan; nên chúng tôi chờ và sẽ bàn về vấn đề này khi tân quốc gia thực sự ra đời.

-Tháng 1 và 2 năm 2011 đã xẩy ra các cuộc nổi dậy đòi lật đổ chính quyền độc tài tại một số quốc gia phía Bắc Phi Châu và Trung Đông. Nguyên nhân mở màn đưa tới làn sóng cách mạng dân chủ là vụ tự thiêu của một thanh niên Tunisia để phản đối sự đàn áp của cảnh sát. Vụ tự thiêu đã phát sinh các cuộc biểu tình bạo động và làm sụp đổ chính quyền Tunisia. Làn sóng cách mạng dân chủ lan rộng tới Ai Cập. Các quốc gia khác đã và đang bị ảnh hưởng dây chuyền là Algeria, Iran, Jordan, Yemen, Libya, Syria và Saudi Arabia.

Tùy theo sự quan trọng của vấn đề, chúng tôi sẽ lựa chọn và trình bày biến cố tại một vài quốc gia Bắc Phi-châu và Trung Đông trong những số báo tới. Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập tới hai biến động quan trọng nhất đã xẩy ra tại quốc gia Tunisia và Ai Cập; đặc biệt tình hình Ai Cập sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề hòa bình giữa Do Thái và Palestine.

I)- Sự sụp đổ của chế độ độc tài Tunisia

Theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc và Ngân Hàng Thế Giới thì dân số Tunesia có khoảng 10,4 triệu người, nhưng có tới 14% thất nghiệp. Nguồn lợi kinh tế chính dựa trên nông nghiệp, du lịch và công nghệ. Lợi tức trung bình mỗi đầu người một năm là 3.720 Mỹ-kim. Ngôn ngữ chính là tiếng Ả-rập và tiếng Pháp, vì Tunesia là cựu thuộc địa của Pháp-quốc.

Nguyên nhân đưa tới các cuộc biểu tình bạo động.
Ngày 17.12.2010, Mohamed Bouazizi, một thanh niên Tunisia 26 tuổi, tốt nghiệp đại học nhưng lâm vào hoàn cảnh thất nghiệp. Không kiếm được việc làm để sống, Bouazizi bèn buôn bán rau quả trên đường Sidi Bouzid để kiếm ăn và giúp gia đình. Vì không có giấy phép anh ta bị cảnh sát tịch thu quầy hàng. Không còn cách gì sinh sống, Bouazizi đã tự thiêu để phản đối. Cuộc tự thiêu bất ngờ làm bùng nổ phong trào xuống đường biểu tình của giới trẻ chống chính phủ. Bouazizi được coi như một biểu tượng tử đạo dưới một chế độ độc tài và áp bức. Các cuộc biểu tình tại thủ đô Tunis ban đầu ôn hòa, sau trở thành bạo động.

Mục đích của các cuộc biểu tình là lật đổ chính quyền của Tổng thống Zine al-Abidine Ali, một chính quyền bị lên án là tham nhũng và để đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Giá thực phẩm và xăng dầu lên quá cao, dân nghèo không có tiền mua. Theo các nhà đầu tư ngoại quốc thì Tunisia là nơi an toàn cho kinh doanh và nhân công rẻ. Đây là hai yếu tố lợi điểm cho ngành sản xuất hàng hóa. Nhưng lợi tức của quốc gia phần lớn lại rơi vào tay chính phủ và giới giầu có. Thực tế cho thấy số lượng dân thất nghiệp lên cao và tuổi trẻ dù có bằng cấp đại học cũng không kiếm được việc làm.

Trước áp lực của các cuộc biểu tình, ngày 12.1.2011, Tổng-thống Ben Ali ra lệnh cho Bộ-trưởng Nội vụ thả những người bị bắt trong các cuộc bạo động và thành lập Uỷ-ban Đặc-biệt điều tra tham nhũng. Chính quyền cũng hứa sẽ giải quyết nạn thất nghiệp và sẽ kiếm 300.000 việc làm.

Mặc dù có lệnh giới nghiêm ban đêm, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục và dân chúng tiến vào trung tâm thủ đô ngày 13.1.2011. TT. Ben Ali lại hứa hẹn giảm giá thực phẩm, cho tự do báo chí và Internet, cải tổ guồng máy công quyền theo chế độ dân chủ đa số. Ông ta vừa phát biểu sẽ không ra tranh cử Tổng-thống vào năm 2014, vừa giải tán chính phủ, và kêu gọi Quốc-hội chuẩn bị bầu cử trong vòng 6 tháng, trước khi ông ta ban bố tình trạng khẩn trương của đất nước. Lệnh giới nghiêm được ban hành trên toàn quốc và lực lượng an ninh được quyền bắn bất cứ ai không tuân hành lệnh.

Theo hiến pháp thì một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày. Phát ngôn viên Quốc-hội, Foued Mebazaa, được đề cử vào chức vụ Tổng-thống tạm thời đã yêu cầu Thủ-tướng Mohammed Ghannouchi thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia.

Chính phủ Tunisia cho rằng các cuộc bạo động được đài truyền hình Al-Jazeera phát hình bằng tiếng Ả-rập và tiếng Anh, cở sở chính đặt tại quốc gia Trung Đông Qatar đã gây nguy hại cho Tunisia. Đài truyền hình Al-Jazeera đã tạo điều kiện cho Mun’sif Al-Marzouqi, nhà tranh đấu cho dân quyền, từ Pháp-quốc trở về cổ động phong trào chống đối chính phủ. Vì thế chính quyền Tunisia quyết định đóng cửa tòa đại sứ và cắt đứt ngoại giao với Qatar.

Tuy vậy, các cuộc xung đột giữa cảnh sát và dân biểu tình đã xẩy ra. Theo tin tức của Liên Hiệp Quốc ngày 6/2/2011, có 219 người chết trong các cuộc bạo động và cảnh sát bị chỉ trích vì hành động bạo hành. Trước áp lực trong và ngoài nước và tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, Tổng thống Ben Ali, người nắm chính quyền từ năm 1987, đã phải trao quyền cho phó Tổng thống, rồi đem vợ con bỏ chạy ra nước ngoài, đến tị nạn tại Ả-rập Saudi ngày 14.1.2011. Sau khi chính quyền sụp đổ dân nổi dậy đã đập phá các lâu đài, dinh thự và cơ sở kinh doanh của gia đình Tổng-thống Ben Ali. 30 thân nhân của gia đình ông ta tính trốn ra ngoại quốc, nhưng đã bị bắt lại.

Theo tin ngày 31/1/2011 của đài truyền hình ``BBC´´ của Anh-quốc, dựa vào lời phát biểu của Daniel Lebegue trưởng chi nhánh của tổ chức ``Trong sạch Quốc-tế´´ của Pháp tại Tunisia, thì TT. Ben Ali và vợ Trabelsi kiểm soát khoảng 30%-40% kinh tế Tunisia. Theo nhà văn và nhà báo Nicolas Beau, tài sản trong các ngành: ngân hàng, bảo hiểm, phân phối, chuyển vận, du lịch và bất động sản của vợ chồng Ben Ali ước tính vào khoảng $10 tỷ Mỹ-kim; chưa kể tiền bạc và đầu tư tại Thụy-sĩ, Pháp, Á Căn Đình (Argentine) và Ả-rập Emirates. Chính quyền Thụy-sĩ đã phong tỏa hàng chục triệu Mỹ-kim và chiếc phản lực tư nhân hiệu Falcon 9000 của TT. Ben Ali tại Geneva. Chính phủ Pháp cũng đang thi hành biện pháp phong tỏa.

Cuộc cách mạng thành công mau chóng vì chỉ có cảnh sát đàn áp dân biểu tình; còn quân đội không ủng hộ TT. Ben Ali. Tướng Rachid Ammar, Chủ tịch Bộ Tham-mưu từ chức vì không tuân hành lệnh của Tổng-thống cho binh sĩ bắn vào người biểu tình. Không được quân đội ủng hộ, TT. Ben Ali bị cô lập và để bảo toàn mạng sống đã trốn ra ngoại quốc. Như vậy chỉ gần một tháng, từ ngày 17/12/2010 tới ngày 14/1/2011, cuộc cách mạng lật đổ chế độ cầm quyền Tunisia đã thành công.
Một chính phủ đoàn kết do Thủ-tướng Mohammed Glannouchi cầm đầu hứa hẹn sẽ có bầu cử tự do trong vòng 6 tháng.

II)- Tổng thống Ai Cập bị lật đổ

1)-Đôi hàng về chính trị

Cộng-hòa Ai Cập ra đời vào ngày 18/6/1953, sau khi quân đội dưới quyền điều động của Tướng Muhammad Naguib đảo chính vua Farouk năm 1952 và trở thành Tổng-thống đầu tiên. Tuy nhiên, năm 1954 TT. Naguib lại bị Trung-tá Gamal Abdel Nasser đảo chính và lên nắm chính quyền tới năm 1970 thì qua đời. Tướng Mohamed Anwar El-Sadat lên thay thế. Sau khi bắt tay thỏa hiệp hòa bình với Do Thái vào năm 1979, năm 1981 TT. Sadat bị giết chết trong cuộc diễn binh kỷ niệm chiến thắng Yom Kippur 1973. Phó Tổng-thống Mohamed Hosni Mubarak lên cầm quyền cho đến ngày nay.

Trong thời kỳ chiến tranh giữa các nước Ả-rập với Do Thái, chính quyền Ai Cập đã ban hành ``Luật Khẩn-trương´´ số 162 năm 1958 (Emergency Law No. 162 of 1958); tiếp tục có hiệu lực khi chiến tranh Ả-rập và Do Thái bùng nổ vào năm 1967. Năm 1980 Luật này được tạm ngưng 18 tháng; nhưng lại áp dụng sau cuộc ám sát TT. Sadat năm 1981 và được gia hạn mỗi ba năm. Các qui định của Luật Khẩn-trương gồm:

``Quyền hạn của cảnh sát được mở rộng, các quyền do hiến pháp qui định bị giới hạn và việc kiểm duyệt là hợp pháp, các hoạt động biểu tình ngoài đường phố của các tổ chức chính trị không-chính phủ (Non-government) bị hạn chế tối đa, không chấp nhận các tổ chức chính trị mang mầu sắc tôn giáo và các tặng phẩm tiền bạc không khai báo bị cấm chỉ…´´

Từ năm 2003, một phong-trào đấu tranh cho sự thay đổi của Ai Cập ``Kefaya´´ ra đời nhằm mục đích chống TT. Mubarak và đòi cải tiến hệ thống chính trị dân chủ và tự do cho toàn dân. Vì thế, tháng 2/2005, bất ngờ TT. Mubarak tuyên bố cải tổ luật bầu cử Tổng-thống để mở đường cho nhiều ứng cử viên ra tranh cử. Nhưng cuộc bầu cử bị coi là gian lận bị phe đối lập biểu tình chống đối. Ứng cử viên Ayman Nour bị thất bại, xuống đường biểu tình nên bị tù ngày 29/1/2005. Ông này bị cáo buộc về sự liên quan tới quyền lực luật sư nhằm bảo vệ sự thành lập đảng El-Ghad. Hành động của TT. Mubarak đã bị chính phủ Mỹ phàn nàn về cái gọi là cải tiến dân chủ, tự do và cai trị theo luật pháp.

2)-Nguyên nhân đưa tới các cuộc biểu tình

Từ cuộc cách mạng Tunisia, Ai Cập là quốc gia thứ hai bị ảnh hưởng nặng nhất. Nguyên nhân đưa tới cuộc cách mạng lật đổ TT. Hosni Mubarak là Luật Khẩn-trương và tình trạng kinh tế không phát triển, số thất nghiệp của tuổi trẻ gia tăng.

Ai Cập mỗi năm nhận tiền viện trợ của chính phủ Mỹ khoảng $2,2 tỷ Mỹ-kim. Tuy vậy, tình trạng kinh tế không phát triển theo kế hoạch. Giá thực phẩm lúa gạo và ngô khoai dành cho người và nuôi súc vật trên thị trường Thế-giới lên cao và khan hiếm, khiến dân nghèo chiếm đa số trong khoảng 80 triệu dân không biết kiếm đâu ra tiền để mua. Hơn 40% dân Ai Cập chỉ sống sót với trên dưới €1 Euro một ngày! Giá cả trên thị trường Ai Cập gia tăng từ 15% tới 60%!

-Theo Tiến-sĩ kinh tế Nimrod Raphaeli thì Ai Cập đang lâm vào tình trang kinh tế suy sụp sau biến cố khủng bố ngày 11.9.2001. Nguồn lợi chính về ngoại tệ là du lịch bị suy giảm từ khoảng $2 đến $3 tỷ Mỹ-kim. Nguồn lợi từ kinh đào Suez cũng giảm sút vì tình trạng cướp biển gia tăng tại Biển Đỏ, khiến cho tầu bè ngoại quốc chọn đường hàng hải khác an toàn hơn.

-Tiến-sĩ Nabil Hashad, giám đốc Trung-tâm Tài-chính và Ngân-hàng Ả-rập cho biết trữ lượng ngoại tệ giảm còn $14 tỷ Mỹ-kim. Mahmud bul-Eyoon, Thống-đốc Ngân-hàng Trung-ương của Ai Cập tuyên bố rằng không thể phá giá đồng tiền Ai Cập nữa (Egypt Pound bằng khoảng $6,5 Dollars). Sau đó Thống-đốc Ngân-hàng Trung-ương phải xin Kuwait bảo chứng $150 triệu Mỹ-kim vào Ngân-hàng Trung-ương Ai Cập để bảo đảm giá trị đồng tiền Ai Cập. Ai Cập nợ trong nội địa khoảng $160 tỷ Mỹ-kim và khoảng $183 tỷ Mỹ-kim nợ ngoại quốc; mặc dù 2,7 triệu người Ai Cập làm việc từ nước ngoài mỗi năm gửi tiền về khoảng 7,8 tỷ Mỹ-kim (năm 2009).

-Theo cựu Thủ-tướng Atel Ebid dân số Ai Cập sẽ tăng lên 123 triệu người vào năm 2019. Mỗi năm có 800.000 người kiếm việc làm nên cần đầu tư khoảng $7 tỷ Mỹ-kim (36 tỷ Egypt Pound) và con số này sẽ gia tăng với đà phát triển dân số. Không có vấn đề bảo hiểm hay trợ cấp thất nghiệp, nên phát sinh tình trạng bạo động chống đối chính quyền.

-Theo Văn-phòng Lao-động Quốc-tế ``ILO´´ (The International Labour Office) tỷ lệ thất nghiệp của Ai Cập lên cao nhất kể từ năm 2005. Tuổi trẻ bị thất nghiệp từ 15%-24%, chiếm một nửa dân thất nghiệp, gấp ba lần người lớn thất nghiệp. Dân số Ai Cập hiện nay khoảng 80 triệu người. Số người thất nghiệp khoảng 22 triệu trong đó tuổi trẻ chiếm tới 60%. Đây chính là nguyên nhân đưa tới bất mãn và bạo động.

-Theo thống kê về Trung Đông và Bắc Phi Châu thì tỷ lệ thất nghiệp vùng này cao nhất thế giới. Hội-đồng Liên-hiệp Kinh-tế của Liên-đoàn Ả-rập cũng ước lượng tỷ lệ thất nghiệp khoảng 20%.

III- Các lựng lượng liên quan tới biến cố

Ngày 25/1/2011, ngọn lửa cách mạng từ Tunisia đã lan tới Ai Cập, hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình tại quảng trường Tahrir tại Thủ-đô Cairo và ở một số tỉnh lớn đòi Tổng-thống Hosni Mubarak từ chức để thành lập một chế độ dân chủ tự do. Nhận thấy cuộc biểu tình trên đường phố và trên hệ thống truyền thông Internet gây nguy hại cho chế độ cầm quyền, ngày 27/1/2011 chính phủ ra lệnh cắt đứt hệ thống Internet. Ngày 30/1/2011 chi nhánh của đài truyền hình Al-Jazeera tại Thủ-đô Cairo bị đóng cửa, 6 phóng viên của đài này bị bắt và dụng cụ máy móc, phim ảnh bị tịch thu. Trước hành động không dân chủ này, ngày 30/1/2011 chính phủ Mỹ, qua Bộ-trưởng Ngoại giao Hillary Clinton, đã cảnh cáo là TT. Hosni Mubarak phải chuyển quyền để thành lập một chính phủ dân chủ. Trước áp lực trong và ngoài nước, TT. Mubarak nhượng bộ một phần, bổ nhiệm phó Tổng-thống và thành lập chính phủ mới. Nhưng dân biểu tình không chấp nhận nếu TT. Mubarak chưa từ chức. Lệnh giới nghiêm (cấm di chuyển trên đường ban đêm) được ban hành. Nhưng dân biểu tình vẫn bất tuân lệnh. Ngày 31/1/2011 hàng chục ngàn người tiếp tục biểu tỉnh tại các thành phố lớn. Riêng tại quảng trường Tahrir số người biểu tình lên tới 250.000 người và gần 1 triệu người vào ngày 10/2/2011.

Ba tổ chức đối lập quan trọng, trong số 24 đảng phái và tổ chức, đòi lật đổ TT. Mubarak là:

1)- Phong trào Tuổi-trẻ ngày 6 tháng 4 (6 April Youth Movement).

Phong trào này do một số tuổi trẻ có học vấn cao cho ra đời vào ngày 6/4/2008. Họ dùng phương tiện truyền thông Internet ``Facebook´´ tranh đấu cho công nhân tại thành phố kỹ nghệ Mahalla al-Kubra. Họ kêu gọi tổng đình công cả nước. Vì thế mới có cái tên ``Phong-trào Tuổi-trẻ ngày 6 tháng 4´´. Do thành công qua hệ thống mạng lưới điện tử, Phong-trào này tiếp tục hoạt động vớI các chương trình khác như ``Twitter, Flickr´´ và nhiệt tình trong việc cổ võ và tham gia vào các cuộc biểu tình chống TT Mubarak. Đặc biệt cuộc biểu tình vào ngày thứ ba 25/2/2011 mà họ gọi là ``Ngày nổi giận´´ (Day of anger). Phong trào kêu gọi dân chúng xuống đường biểu tình và tiếp tục cho đến khi mục tiêu đạt được. Phong trào cũng đưa ra danh sách bao gồm nhiều đòi hỏi như: yêu cầu Bộ-trưởng Nội-vụ từ chức, chấm dứt lệnh giới nghiêm và tăng lương lên mức tối thiểu v.v… Phong-trào Tuổi-trẻ ủng hộ mục tiêu tranh đấu cho dân chủ và đón chào Mohamed ElBaradei, trưởng toán thanh tra Nguyên-tử Cục của Liên Hiệp Quốc trở về Ai Cập vào tháng 2/2010 cùng nhập cuộc. Thanh niên Wael Ghonim, đại diện công ty điện tử Google.com tại Ai Cập, được coi là anh hùng cách mạng, vì đã hô hào tuổi trẻ xuống đường biểu tình qua mạng lưới điện tử ``Facebook´´. Ghonim sau vài ngày bị cảnh sát bắt giam. Nhờ áp lực trong và ngoài nước Ghanim được thả và xuất hiện trước quảng trường Tahrir, được đón tiếp như một anh hùng. Nhưng anh ta khiêm nhượng nói ``Quí vị, những người biểu tình mới là anh hùng´´. Sụ kiện này chứng tỏ tuổi trẻ Ai Cập đã có trình độ học vấn khá cao và mạng lưới Internet đã trở thành thông dụng trên khắp đất nước.

2)-Hiệp-hội Quốc-gia cho sự Thay-đổi ``NAC´´ (National Association for Change)

Sau khi không ra ứng cử vào Nguyên-tử Cục của LHQ nhiệm kỳ kế tiếp 2010-2012, Mohamed ElBaradei, người đã được trao giải Nobel Hòa-bình năm 2005 và là cựu trưởng toán ``Nguyên-tử Cục Quốc-tế´´ (the International Atomic Energy Agency (IAEA) của Liên Hiệp Quốc, từng đi thanh tra chương trình phát triển nguyên tử hòa bình tại Bắc Hàn và Iran. đã trở về nước và thành lập Hiệp-hội Quốc-gia cho sự Thay-đổi. ElBaradei cùng xuống đường ủng hộ các cuộc biểu tình chống áp bức và tham nhũng. Ngày 25/2/2011 Hiệp-hội này chính thức đưa ra ba yêu cầu:

-Kêu gọi TT. Mubarak không ra ứng cử nhiệm kỳ 6 được dự định tổ chức vào tháng 9/2011.
-Chống bất cứ bằng hình thức nào con trai của TT. Mubarak là Gamal Mubarak lên kế nghiệp bố và
-Tổ chức bầu cử Quốc-hội mới, vì trong Quốc-hội cũ đảng cầm quyền ``NDP´´chiếm tới 90% số ghế.

3)- Tổ chức Huynh Đệ Muslim (Muslim Brotherhood)

Thủ lãnh của tổ chức ``Huynh Đệ Muslim´´ tuyên bố sẽ thành lập Ủy-ban Các Nhóm Đối-lập dưới sự chỉ đạo của tiến-sĩ Mohamed ElBaradei. Tổ chức ``Huynh Đệ Muslim´´ là tổ chức đối lập lớn nhất tại Ai Cập. Tổ chức này bị cấm hoạt động từ năm 1952, vì muốn biến Ai Cập trở thành quốc gia Islam và cai trị bằng luật Sharia của Hồi-giáo. Hai ba năm trước đây Tổ-chức này không có ảnh hưởng nhiều trong Quốc-hội. Mãi tới năm 2009 mới đạt được khoảng một phần năm ghế trong Quốc-hội và có khả năng hô hào xuống đường biểu tình. Hình ảnh cầu nguyện ngay trên quảng trường mà chúng ta thấy trên các đài truyền hình là bằng chứng cho thấy họ có tổ chức chặt chẽ. Theo tin tức ngày 15/2/2011 thì tổ chức Huynh Đệ Muslim đã chính thức thành lập một đảng chính trị để tham gia vào các hoạt động chính trị.

4)- Phe Quân-đội:

Ngày 2/2/2011, TT. Mubarak nhượng bộ một phần, thay đổi chính phủ, và bổ nhiệm một số chức vụ mớI như: Tướng Cảnh-sát hồi hưu Mahmoud Wagdi giữ chức vụ Bộ-trưởng Nội-vụ thay Habib el-Adly vì có hành động đàn áp biểu tình; Tướng Omar Suleiman, Giám-đốc cơ quan tình báo, giữ chức vụ Phó Tổng-thống; Cựu Tư-lệnh Không-quân, Tướng Ahed Shafig giữ chức vụ Thủ-tướng; Bộ-trưởng Quốc-phòng là Thống Tướng Hussein Tantawi được thăng chức Phó Thủ-tướng; còn Ahmed Aboul Gheit vẫn giữ chức Bộ-trưởng Ngoại-giao.

Theo Yuval Steinitz, cựu chủ tịch Quốc-hội Do Thái về lãnh vực Ngoại-giao và Quốc-phòng thì lực lượng hiện dịch của Ai Cập có 450.000 quân, Không-quân của Ai Cập cũng được Mỹ trang bị phi cơ chiến đấu phản lực tối tân như Không-quân Do Thái. Nhưng về xe tăng, đại bác, dàn phòng không và tầu chiến thì tối tân hơn cả Do Thái. Theo tin tức tình báo của Do Thái thì Ai Cập là quốc gia đầu tiên trong vùng có Vệ-tinh Tình-báo (Spy Satellite) mang tên EgyptSat-1. Ai Cập sẽ phóng thêm 3 Vệ-tinh nữa có tên: DesertSat-1, EgyptSat-2 và DesertSat-2 trong vòng hai năm tới. Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Ai Cập $1,3 tỷ Mỹ-kim cho năm 2009 và khoảng $1,33 tỷ Mỹ-kim cho năm 2011.

Ngay từ đầu, quân đội tuyên bố sẽ không dùng vũ lực đàn áp dân biểu tình. Sự tuyên bố này chứng tỏ quân đội đứng ở vị trí trung lập, không theo phe TT. Mubarak và cũng không đứng về phe biểu tình. Chính vì vậy mà biến cố vừa qua không đẫm máu.

Ngày 14/2/2011, nhằm cảnh cáo các nhóm Muslim quá khích, quân đội tuyên bố sẽ không chấp nhận sự khống chế của các tổ chức này. Sự kiện này cho thấy quyền lực của Hội-đồng Quân-đội có ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình Ai Cập.

IV)- Sự nhượng bộ của TT. Mubarak

Các nhượng bộ của TT. Mubarak được ghi nhận như sau:
-Sau một vài ngày phong toả hệ thống Internet, vì áp lực từ ngoại quốc, vì quyền tự do ngôn luận, báo chí, truyền thông, ngày 1/2/2011 chính quyền cho hoạt động trở lại.
-Ngày 1/2/2011, TT. Mubarak tuyên bố không ra ứng cử Tổng-thống nhiệm kỳ 6 được tổ chức vào tháng 9/2011.

-Con trai của TT. Mubarak là Gamal (Jamal) đã phải rút lui khỏi chức vụ Tổng Thư-ký của đảng Dân-chủ Quốc-gia NDP, vì người ta nghĩ là ông ta sẽ kế nghiệp bố.

-Ngày 6/2/2011, Phó Tổng-thống Suleiman chịu hội đàm với tổ chức Huynh Đệ Muslim, một tổ chức đã bị cấm hoạt động, vì các hoạt động bạo động chống chính quyền mà vụ ám sát TT. Anwar Sadat là một chứng minh. Đây phải nói là một sự nhượng bộ khá lớn.

-Đêm ngày thứ năm 10/2/2011 có thể nói toàn dân Ai Cập và Thế-giới hồi hộp chờ TT. Mubarak công bố trước công chúng về việc ông ta sẽ tự nguyện dời bỏ chức vụ. Buổi trực tiếp truyền hình của đài truyền hình quốc gia Ai Cập thông báo TT. Mubarak sẽ nói chuyện vào lúc 9 giờ tối (21 giờ đêm); nhưng TT. Mubarak đã xuất hiện trễ hơn 30 phút. Đến giờ phút chót TT. Mubarak vẫn tuyên bố ông ta còn trách nhiệm trước quốc dân và đất nước cho tới nhiệm kỳ Tổng-thống hết hạn vào tháng 9/2011. Đặc biệt trong buổi nói chuyện này TT. Mubarak đã ``đá giò lái´´ TT. Mỹ Barack Obama qua lời tuyên bố: ``Tôi không chấp nhận là mục tiêu của áp-lực ngoại quốc´´ (I will not accept to be subject og foreign pressure´´. Lời tuyên bố của TT. Mubarak để đáp lễ TT Mỹ Obama từng phát biểu trên truyền hình là TT. Mubarak phải chuyển giao quyền lực và thay đổi chế độ ngay trong lúc này.

Nhưng thật bất ngờ, vào giờ phút chót, chiều ngày 11/2/2011, Phó Tổng-thống Sulemain lên đài truyền hình quốc gia tuyên bố TT. Hosni Mubarak đã quyết định từ chức và quyền hành trao lại cho Hội-đồng Tối-cao Quân-đội.

-Ngày 13/2/2011, Hội-đồng Tối-cao Quân-đội, do Tướng Tantawi, cựu Phó Thủ-tướng và Bộ-trưởng Quốc-phòng giữ chức vụ chủ-tịch, đã giải tán chính phủ và Quốc-hội để chuẩn bị chương trình bầu cử tự do trong vòng 6 tháng.

Nhận định

1)-Tunisia

Mặc dù cuộc lật đổ chính quyền thành công; nhưng tình trạng chính trị trở nên bất ổn và tương lai đất nước không biết đi về đâu. Tình trạng này khiến cho các nhà đầu tư có thể bỏ cuộc và nền kinh tế Tunisia sẽ càng khủng hoảng hơn. Chính vì thế mà hàng ngàn người bỏ nước ra đi. Cho tới ngày 14/2/2011 có hơn 5.000 người chạy tới đảo nhỏ Lampadua ngoài biển giữa Tunisia và Ý Đại Lợi. Dân số tại đảo này chỉ có khoảng 4.500 người, ít hơn số người tị nạn khiến Chính phủ Ý đã phải yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu giúp đỡ tài chính và giải quyết vấn đề tràn ngập dân tị nạn. Chính quyền Ý cũng cho rằng có thể có những tên khủng bố được gài vào số người tị nạn để sống hợp pháp và xây dựng cơ sở tại Âu Châu.

2)- Ai Cập

-Đối với Do Thái

Nói chung, TT. Mubarak vừa ủng hộ Do Thái, vừa tham gia tích cực vào Liên-đoàn Ả-rập (The Arab League) để cố đạt cho được nền hòa bình trong vùng tại Hội-nghị Thượng-đỉnh tại Beirut, Lebanon ngày 28/3/2002. Hội-nghị này được triệu tập do sáng kiến của Ả-rập Saudi. Mục đích của Hội-nghị nhằm bàn thảo về cuộc xung đột giữa Do Thái và các quốc gia Ả-rập. Các nước Ả-rập chấp nhận sống chung hòa bình với Do Thái với điều kiện là:

-Do Thái phải rút khỏi tất cả các lãnh thổ chiếm được trong các cuộc chiến ranh, kể cả Cao-nguyên Golan, -công nhận một quốc gia Palestine tại Bờ Phía Tây và Gaza với Đông Jerusalem là Thủ-đô, -giải quyết vấn đề dân tỵ nạn Palestine tại các quốc gia Ả-rập trong vùng.

Sáng kiến hòa-bình lại tiếp tục được Liên-đoàn Ả-rập đưa ra vào tháng7/2007 qua hội nghị tại Riyadh, thủ-đô Ả-rập Saudi. Bộ-trưởng Ngoại-giao Ai Cập và Jordan đã đưa sáng kiến cho Do Thái. Tuy nhiên, các cuộc đụng độ quân sự giữa Do Thái và tổ chức Hamas của Palestine làm ngưng các hoạt động ngoại giao. Năm 2009, chính quyền Mubarak hủy bỏ Hội-nghị Cairo Chống Chiến-tranh (the Cairo Anti-war Conference) và bị chỉ trích là thiếu hành động chống Do Thái.

Thủ-tướng Do Thái Binyamin Netanyahu mới họp mặt với TT. Hosni Mubarak ba tuần trước khi các cuộc biểu tình xẩy ra, với mục đích tiếp tục thắt chặt tình hữu nghị, sống chung hòa bình giữa hai nước kể từ năm 1979. Do Thái còn chút hy vọng ở chỗ Phó Tổng-thống tạm thời của chính phủ Ai Cập hiện nay là Omar Suleiman, Giám-đốc Tình-báo; người đã hợp tác với Do Thái trong việc chận đứng sự tiếp tế vũ khí và tiền bạc của Iran viện trợ cho Hamas qua ngả biên giới Gaza. Ngày 12/2/2011, Chủ-tịch Hội-đồng Tối-cao Quân-đội tuyên bố chính phủ Ai Cập tiếp tục tôn trọng các hiệp định đã được ký kết với ngoại quốc. Lời tuyên bố này, một phần trả lời cho chính phủ Mỹ và Do Thái bớt lo ngại về Hiệp-ước Hòa-bình 1979 giữa Ai Cập và Do Thái.

-Đối với Hoa Kỳ:

Do Thái thường được coi là em út của Hoa Kỳ và Ai Cập là bạn thân của Mỹ. Ai Cập là quốc gia lớn và đông dân số nhất ở Trung Đông; nên bất cứ biến chuyển nào xẩy ra cũng có ảnh hưởng tới toàn vùng. Ai Cập cũng là quốc gia đầu tiên, duy nhất công nhận quốc gia Israel và ký hiệp ước hòa bình với Do Thái từ năm 1979. Nếu Ai Cập rơi vào tay chính phủ Islam và luật Sharia được thi hành thì biết đâu Hoa Kỳ lại trở thành kẻ thù của người Muslim?

Chính vì vậy mà Tổng-thống Jimmy Carter kiến trúc sư của Thỏa-hiệp Hòa-bình Ai Cập - Do Thái năm 1978, nay cũng tuyên bố tình trạng bất ổn chính trị và bạo động như vậy TT. Mubarak phải từ chức. Hoa Kỳ muốn giữ Mubarak tại chức; nhưng dân chúng đã quyết định. Tổng-thống Mỹ Barack Obama cũng yêu cầu Tổng-thống Hosni Mubarak chuyển giao quyền lực để thiết lập chế độ dân chủ.

Ai Cập mỗi năm nhận viện trợ của Hoa Kỳ khoảng $1,5 tỷ Mỹ-kim cho mục tiêu tân trang lực lượng quân sự, bảo vệ an ninh và sự ổn định trong vùng. Trên các đài truyền hình quí độc giả cũng thấy chiến đấu cơ F.16 nhào lộn trên bầu trời và xe tăng tối tân thuộc thế hệ thứ ba M1A2. Abrams (1) của Lục-quân Hoa Kỳ đã xuất hiện tại các quảng trường Tahrir ở Thủ-đô Cairo.

Chính phủ Mỹ chưa tuyên bố cúp viện trợ; nhưng ngày 28.1.2011, Robert Gibs, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cảnh giác là viện trợ dân sự và quân sự cho Ai Cập đang được xét lại! Theo báo TIME của Mỹ, thời Tổng-thống George W. Bush các nhóm đối lập của Ai Cập được viện trợ $45 tỷ Mỹ-kim một năm qua chương trình gọi là ``Viện trợ dân-chủ và cai-trị´´ (Democacy-and-governance Aid). Chương trình này nhằm thúc đẩy việc dân chủ hóa vùng Bắc Phi-châu, các quốc gia nhỏ bị Liên-bang Sô-viết sát nhập trước đây và Trung Đông. Đến thời TT. Barack Obama số tiền viện trợ cho Ai Cập bị cắt giảm còn $25 tỷ cho năm 2010 và 2011. Chính phủ Obama cũng hủy bỏ viện trợ dân chủ cho các nhóm không ghi danh với chính phủ Ai Cập để tránh viện trợ bị rơi vào tay các nhóm khủng bố. Chính vì chương trình này mà người ta cho rằng thành quả của cuộc cách mạng dân chủ tại Ai Cập trong tháng 2/2011 vừa qua, một phần do công lao của người sáng lập chương trình viện trợ dân chủ là TT. George W. Bush.

Để tránh đổ máu và ngăn ngừa TT. Mubarak có thể bị giết, chính phủ Mỹ đã bàn thảo về hai giải pháp để TT. Mubarak ra đi mà không bị mất mặt: -một là mời ông ta di chuyển tới dinh thự dành cho Tổng-thống nghỉ mùa Hè tại khu biển nổi tiếng Sharm el-Sheikh để an cư; -hai là mời ông ta đi khám sức khoẻ hàng năm tại Đức-quốc như thường lệ và lưu tại đây một thời gian.

Sự vắng mặt của TT. Mubarak sẽ được những người biểu tình coi như ông ta dời chức vụ và họ sẽ ngưng biểu tình. Cuối cùng giải pháp một đã được áp dụng: TT. Mubarak và gia đình được đưa đi Sharm el-Sheikh một cách an toàn. Sau đó Phó Tổng-thống Omar Suleiman mới lên đài truyền hình tuyên bố TT. Mubarak từ chức.

***Những điểm bất lợi:

-Ngày 14/2/2011, Ahmed Abu Al-Gheit, Bộ trưởng Ngoại-giao Ai Cập đã gọi điện thoại tới các nhà lãnh đạo Thế-giới khẩn cấp giúp đỡ Ai Cập phục hồi kinh tế, vì sau 18 ngày biểu tình Ai Cập đã bị tổn thất khoảng $6,2 tỷ Mỹ-kim. Al-Gheit cũng kêu gọi các hãng du lịch của các quốc gia, trong đó có Nga Sô, hãy tiếp tục chương trình gửi du khách tới Ai Cập vì tình hình đã được ổn định. Ai Cập hiện còn nợ ngoại quốc khoảng $183 tỷ Mỹ-kim chiếm gần 90% Tổng-sản lượng quốc-nội (GDP).

-Các tổ chức của người Muslim quá khích có cơ hội hoạt động trở lại sau 30 chục năm bị cấm đoán.

-Chính quyền có thể rơi vào tay các tổ chức của người Muslim, vì 90% dân số theo Hồi-giáo. Ai Cập có thể trở thành Quốc-gia Islam và luật Shariah của Hồi-giáo sẽ được áp dụng. Thời TT. Mubarak luật Shariah không được áp dụng; nhưng được công nhận trong hiến pháp.

-Tổ chức Huynh Đệ Muslim có thể sẽ bị tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda lợi dụng hay hợp tác để chống Hoa Kỳ và Tây-phương. Lý do: Ayman al-Zawahiri là nhân vật số hai của tổ chức Al-Qaeda, sau trùm khủng bố Osama bin-Laden, phát xuất từ tổ chức Huynh Đệ Muslim của Ai Cập. Theo các nhà lãnh đạo Chính Thống giáo thì tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda chi nhánh tại Ai Cập đã phát động chiến dịch bạo động, đặt bom nổ chống Thiên Chúa giáo, khiến cho nhiều giáo hữu phải bỏ nhà chạy đi tị nạn.

-Vấn đề bảo vệ Chính Thống giáo đã được chính quyền Mubarak khôi phục. Việc cải đạo, tức bỏ đạo này theo đạo khác (Proselytism) đã được hủy bỏ tại Ai Cập, có nghĩa không bị luật pháp cản trở hay trừng phạt. Sự kiện này khiến cho phe Hồi-giáo bất mãn. Theo luật lệ của Hồi-giáo thì một người Muslim bỏ đạo theo đạo khác sẽ bị xử tử hình. Theo luật quốc gia Ai cập một lần sinh ra là người Muslim thì người đó luôn luôn là một người Muslim. Điều II của Hiếp-pháp Ai Cập cũng minh định rõ: ``Islam là tôn giáo quốc gia và tiếng Ả-rập là ngôn ngữ chính. Triết lý của luật Islam là cội nguồn của pháp luật ´´ (Islam is the religion of the state and Arabic its official language. Islamic jurisprudence is the principal source of legislation).

-Mặt-trận Islam Ai Cập (Front of Egyptian Islam) trong một công bố mới đây nói rằng ``Người Chính Thống Coptics sẽ trải qua một cuộc tắm máu´´. Trong tháng 1/2011 đã có trên 10 cuộc biểu tình của hàng ngàn người Muslim hô to khẩu hiệu: ``Shenouda, hãy chờ, chúng ta sẽ đào mả ngươi với bàn tay chúng ta; Islamic, Islamic, Ai Cập vẫn là Islamic´´ (2) (Shenouda III là Giáo Hoàng của Chính Thống giáo Coptic tại Ai Cập).

Từ năm 1981 đã xẩy ra 1.500 vụ tấn công các cơ sở của Chính Thống giáo. Có nhiều ngàn người bị giết và bị thương. Các cuộc tấn công này khiến cho nhiều ngàn dân Coptics phải chạy tị nạn sang các tỉnh khác vào thập niên 1990. Trong 10 năm qua làn sóng chống Thiên Chúa giáo lên cao và nhiều cuộc tàn sát đã xẩy ra: -năm 2001 tại Kosheh, -2010 tại Nag Hammadi và cuộc khủng bố bằng bom nổ tại Alexandria. Giáo dân Coptics phàn nàn là chính quyền và hệ thống pháp luật trừng trị quá nhẹ tay đối với tội phạm, có khi tha bổng các thủ phạm.

-Trên quảng trường Tarhrir trong những ngày biểu tình, người ta thấy có một băng vải dài 20 mét với hàng chữ ``Cút đi, Mubarak, Ông do người Mỹ và đang làm việc cho chúng´´ ((Go Away, Mubarak, you are from the Americans, and you’re working for them).

Phải chăng khẩu hiệu này cho thấy phong trào chống Hoa Kỳ đã bắt đầu.

Tuy nhiên, ngày 4/2/2011, tiến sĩ Mohammed AlBaradei đã tuyên bố không ra ứng cử Tổng-thống. Ngày 9/2/2011, Mohammed Mursi, thủ lãnh cao cấp của tổ chức Huynh-đệ Mouslim cũng tuyên bố ``Huynh-đệ Muslim không tìm kiếm quyền lực. Chúng tôi không muốn tham gia vào lúc này và chúng tôi không đưa người ra tranh cử Tổng-thống´´. (3)
Lý do họ đưa ra là thời gian này cần sự thống nhất đất nước và đoàn kết dân tộc. Hai lời tuyên bố này chứng tỏ các phe phái muốn nhường quyền điều hành đất nước cho quân đội trong giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn, và dù có tổ chức bầu cử tự do, chưa chắc họ đã thắng phe quân đội. Hơn thế nữa, tình hình bất ổn như hiện nay khiến các tổ chức đối lập chính quyền cũ chưa chắc đã giải quyết được vấn nạn kinh tế và thất nghiệp, cũng như không chắc được chính phủ Mỹ tiếp tục viện trợ. Do đó họ khôn khéo nằm chờ thời.

…………………………………………………………………………………………………………..
Ghi chú:
(1) Abram Tanks trang bị đại-bác 105mm và đại-liên M.60. Loại xe này lấy tên Tướng Creighton Abram, cựu Tham-mưu trưởng Bộ Tham-mưu quân đội Mỹ và Tư-lệnh lực lượng Mỹ tại Việt Nam từ năm 1968-1972).
(2) The Front of Islamic Egypt in a statement said Copts will experience a “bloodbath.” Last month over 10 mass demonstrations were held by thousands of Muslims shouting, “Shenouda, just wait, we will dig your grave with our own hands and Islamic, Islamic, Egypt will remain Islamic”.
(3)- “The Muslim Brotherhood does not seek power. We do not want to participate at the moment, We will not put forward a candidate for the presidency.”

Tài liệu tham khảo:
http://www.huffingtonpost.com/2011/01/30/muslim-brotherhood-egypt-_n_816055.html
Story continues below
http://www.bbc.co.uk/news/world-africa-12157599
http://www.guardian.co.uk/global/blog/2011/jan/14/tunisia-wikileaks
http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,548300,00.html
http://www.guardian.co.uk/media/greenslade/2006/oct/26/tunisiabreakstieswithqatar
Muslim Brotherhood, Egypt Opposition Party, In The Spotlight During Protests
http://www.jpost.com/Defense/Article.aspx?id=205797
http://www.bbc.co.uk/news/world-middle-east-12290167
http://www.yabiladi.com/forum/corruption-egypt-reached-unprecedented-heights-44-2450094.html
http://www.christianitytoday.com/ct/2011/februaryweb-only/muslimbrotherhood.html?start=3
english.ruvr.ru/2011/02/14/44377047.html