Dân Chúa Âu Châu

Nhà độc tài Kadhafi bị thảm sát Lịch sử Lybie sang trang!

BY: THIÊN PHONG TỔNG KẾT

CHI TIẾT VỤ HẠ SÁT NHÀ ĐỘC TÀI KADHAFI

Vào ngày 20.10, cựu lãnh tụ độc tài Libya bị hạ sát sau khi quân chính quyền mới nước này chiếm được Sirte, sinh quán của ông và cũng là một căn cứ tử thủ cuối cùng của tàn quân trung thành với ông.
Moammar Kadhafi, thọ 69 tuổi, nắm quyền 42 năm ở Libya từ sau khi quân đội đảo chính năm 1969 cho đến tháng 8 năm nay khi phải chạy trốn khỏi thủ đô Tripoli.
Phóng sự truyền hình al-Jazeera cho thấy ông Kadhafi còn sống lúc bị quân cách mạng bắt nhưng sau đó chiếu lên hình ảnh tử thi ông Kadhafi. Lúc bị bắt, ông Kadhafi có một khẩu súng mạ vàng. Binh sĩ chính phủ lâm thời sau đó mang súng này đi diễn hành vui mừng.
Theo tin sơ khởi chưa được xác định chắc chắn, một đoàn xe chở Kadhafi và tùy tùng định chạy khỏi Sirte nhưng bị máy bay NATO xạ kích. Kadhafi phải núp trong một ống cống bên đường. Khi toán quân cách mạng đổ tới bao vây, Kadhafi còn nói: "Đừng bắn." Tuy nhiên quân cách mạng vẫn bắn chết nhiều người trong khoảng 20 vệ sĩ trung thành và bắt sống Kadhafi, có thể đã bị thương nặng.

Thủ tướng chính quyền lâm thời Mahmoud Jibril xác nhận Kadhafi đã chết, không phải do máy bay xạ kích. Một phát ngôn viên chính phủ nói là Kadhafi bị thương nặng ở đầu và cả hai chân, chết trên xe tản thương và thi hài đã được đưa tới thành phố Misurata.
Tờ Telegraph ở Anh dẫn lời một số nhân chứng cho hay Kadhafi bị quân cách mạng hành quyết bằng một phát súng lục 9 mm bắn vào đầu.
Abu Bakr Yunis, cựu bộ trưởng quốc phòng cũng chết trong trận tấn công cuối cùng của quân cách mạng vào Sirte. Ít nhất 17 viên chức cao cấp của chế độ bị giết hoặc bị bắt trong số có Moussa Ibrahim, phát ngôn viên chính thức của Kadhafi qua suốt thời gian cuộc cách mạng nổi dậy ở Libya.
Mutassim, một trong những người con của Kadhafi cũng bị giết. Chưa có tin tức đầy đủ về những người khác trong gia đình Kadhafi. Mặc dầu Kadhafi đã chết, súng vẫn còn nổ ở Sirte vì hãy còn một số ổ kháng cự lẻ tẻ.

Đến hôm 22.10, đã có thêm một số chi tiết chung quanh vụ bắt giữ đại tá Kadhafi, nhưng cái chết của ông tiếp tục đặt ra nhiều nghi vấn. Liên hiệp quốc và tổ chức Ân xá Quốc tế đã đồng thanh yêu cầu mở điều tra để xác định xem cựu lãnh đạo Libya đã bị hành quyết hay không.
Theo hãng tin AFP, Omran Chaaban, 21 tuổi khẳng định anh là người đầu tiên bắt sống Kadhafi, trốn trong một đường ống thoát nước phía Tây thành phố Sirte. Anh cho biết: "Khi nhìn thấy ông ta, tôi hoàn toàn sửng sờ, không nói nên lời mà chỉ tự bảo: "Xong rồi, Kadhafi tiêu rồi".
Theo lời kể của Ahmed Gazal, chiến hữu của Omran, sáng hôm đó, đơn vị của họ đến tăng cường để tham gia tấn công dứt điểm Sirte thì đụng phải một nhóm quân của Kadhafi, thoát chết từ đoàn xe vừa bị khối NATO oanh kích. Sau khi chạm súng, một trong những người thuộc nhóm bảo vệ Kadhafi cho biết ông ta đang trốn trong đường ống. Là người đứng gần nhất, Omran đã nắm chân kéo Kadhafi ra ngoài. Khi bị bắt, Kadhafi bị thương, dính đầy máu trên người và mặt.
Khi trở lại xe, một đám đông phấn khích vây quanh họ. Theo các hình ảnh vidéo lan truyền trên mạng, Kadhafi đã bị tát, bị đánh, bị kéo tóc. Theo lời Omran, sau đó người ta đã đưa Kadhafi đến xe cứu thương và ông ta đã chết trên đường đến Misrata.

Chính quyền mới của Libya khẳng định là Kadhafi đã chết vì các vết thương sau khi hai lần bị kẹt giữa hai lằn đạn kể từ lúc bị bắt. Một viên đạn trúng ngay đầu đã khiến ông ta tử thương.
Tuy nhiên, Liên hiệp quốc và tổ chức Ân xá Quốc tế đã đồng thanh yêu cầu mở điều tra để xác định xem cựu lãnh đạo Libya có đã bị hành quyết hay không. Riêng Ân xá Quốc tế thì cảnh báo rằng nều thật sự Kadhafi đã bị giết sau khi bị bắt, thì hành động đó sẽ bị coi là "tội ác chiến tranh".
Gia đình của ông Kadhafi hôm qua cũng đòi điều tra về hoàn cảnh xảy ra cái chết của ông, đồng thời yêu cầu giao trả thi hài của cựu lãnh đạo Libya và con trai Mouatassim, mà theo họ đã bị các "nhân viên của NATO" hành quyết. Họ muốn được chôn cất những người này theo đúng nghi thức Hồi giáo.
Theo nhiều nguồn tin khác nhau từ hội đồng quân sự ở Misrata, nơi đang lưu giữ thi hài hai cha con Kadhafi, nhà cựu độc tài sẽ được chôn cất trong những ngày tới tại một nơi bí mật, để tránh sau này những người ngưỡng mộ ông ta kéo đến đây hành hương. Một cuộc khám nghiệm tử thi cựu lãnh đạo Libya, Đại tá Muammar Gaddafi, đã được tiến hành vào ngày thứ bảy 22.10 ở thành phố Misrata, theo lời quan chức chính quyền lâm thời Libya.
Nhiều người dân tiếp tục tới một kho lạnh tại một khu chợ ở Misrata, vốn thường được dùng để chứa thịt gia súc giết mổ, để nhìn tận mắt thi thể ông Gaddafi, theo phóng viên BBC News, Gabriel Gatehouse, có mặt tại chỗ. Thi thể của Đại tá Gaddafi có những vết thương khác nhau trên mình ông. Và có vẻ có những vết thương trên đầu, mặc dù chưa rõ liệu vết đạn bắn trên đầu đó có phải là nguyên nhân cái chết của ông hay không.
Người ta thỉnh thoảng nghe thấy những tiếng hô "Allahu Akbar" (Thượng Đế vĩ đại), từ đám đông những người xếp hàng bên ngoài chờ vào xem xác Gaddafi.

TIỂU SỬ VÀ NHỮNG NĂM THÁNG CAI TRỊ CỦA KADDAFI

Đại tá Muammar Kaddafi sinh ra trong một gia đình Bedouin.
• Sinh ra tại Sirte, Libya ngày 7.6.1942
• Tham dự học viện quân sự tại Libya, Hy Lạp và Anh
• Nắm quyền vào ngày 1.9.1969
• Sách Xanh được công bố vào năm 1975
• Kết hôn hai lần, có bảy người con trai và một con gái

Ông luôn luôn sử dụng nguồn gốc bộ tộc, khiêm tốn của mình, thích đón tiếp quan khách trong lều của ông và luôn dựng lều trong các chuyến viếng thăm ngoại quốc.
Triết lý chính trị của ông, được giải trình dài dòng trong Sách Xanh, là "chính phủ của quần chúng". Năm 1977, ông Kaddafi tuyên bố một nhà nước Libya "Jamahiriya" - một từ mới có nghĩa là một nhà nước của quần chúng. Lý thuyết là Libya đã trở thành một nền dân chủ của nhân dân, được điều hành thông qua các Hội đồng Cách mạng Quần chúng.
Ông Kaddafi là một người thao túng chính trị, dùng các bộ lạc chống lại lẫn nhau và chống lại các cơ quan nhà nước hoặc các chính thể. Ông cũng phát triển một sự sùng bái cá nhân khá mạnh. Sự cai trị của ông dần dần đã trở nên có đặc tính bảo trợ và kiểm soát chặt chẽ của một nhà nước cảnh sát.
Giai đoạn tồi tệ nhất tại đất nước Libya có lẽ là những năm 1980, khi Đại tá Kaddafi thử nghiệm với người dân các lý thuyết xã hội của ông. Một phần trong "cuộc cách mạng văn hóa" của ông là cấm tất cả các doanh nghiệp tư nhân hoạt động và sách vở không lành mạnh thì bị đốt cháy. Ông cũng đã ra lệnh ám sát những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài. Tự do ngôn luận và lập hội hoàn toàn bị dẹp bỏ và ngoài ra còn vô số những hành vi đàn áp bạo lực khác.

Những việc này được theo sau là một thập kỷ cô lập của phương Tây sau khi vụ đánh bom Lockerbie.
Đối với người dân Libya chỉ trích Đại tá Kaddafi, tội ác lớn nhất của ông có thể là việc đã chiếm dụng và phung phí tiền của vào các chuyến đi nước ngoài và chuyện tham nhũng. Với dân số chỉ có 6 triệu người và các khoản thu nhập từ dầu lửa hàng năm tới 32 tỷ đô la Mỹ trong năm 2010, tiềm năng của Libya là rất lớn. Tuy nhiên hầu hết người dân Lybia không cảm thấy sự giàu có của đất nước mình và điều kiện sống có thể khiến gợi nhớ tới các nước nghèo hơn Libya rất nhiều. Tình trạng thiếu công ăn việc làm bên ngoài chính phủ có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp được ước tính là 30% hoặc nhiều hơn.

Hình thức chủ nghĩa xã hội đặc biệt của Libya cung cấp miễn phí giáo dục, y tế và trợ cấp nhà ở và giao thông vận tả được bao cấp nhưng mức lương rất thấp và sự giàu có của nhà nước và lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài chỉ đem lại lợi lộc cho một tầng lớp thượng lưu nhỏ.
Năm 1999, nhà lãnh đạo Libya đã trở lại chính trường quốc tế sau thời gian bị cô lập gần như hoàn toàn sau khi ông chấp nhận trách nhiệm vụ đánh bom Lockerbie. Sau vụ tấn công 11 tháng 9 năm 2001, ông ký với chính phủ Mỹ cái gọi là "cuộc chiến chống khủng bố". Ngay sau khi Mỹ xâm chiếm Iraq năm 2003, Libya đã tuyên bố từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình vũ khí sinh học. Cả hai quyết định này bị những người chỉ trích Libya nhìn nhận một cách hoài nghi.
Trong những năm cuối cùng dưới sự cai trị của ông, khi phát sinh câu hỏi người kế nhiệm ông, hai con trai ông dường như công khai cạnh tranh và làm hại lẫn nhau trong cuộc cạnh tranh này. Ảnh hưởng của Saif al-Islam, người con trai lớn vốn quan tâm đến các phương tiện truyền thông và các vấn đề nhân quyền, dường như suy yếu trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Mutassim, người có một vai trò đầy quyền lực trong lĩnh vực an ninh.
Vào đầu năm 2011, được khuyến khích từ các nước láng giềng phía tây và phía đông, người dân Libya đã nổi dậy chống lại 40 năm cầm quyền tàn bạo của nhà lãnh đạo này. Cuộc nổi dậy đã lật đổ ông Kaddafi bắt đầu tại Libya vào tháng 2 năm 2011 ở thành phố Benghazi, thành phố lớn thứ hai nước này, một thành phố mà ông đã bỏ quên và người dân tại đó ông không hề tin tưởng trong suốt quá trình cai trị của mình.

THẾ GIỚI NÓI VỀ CÁI CHẾT CỦA KADHAFI

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới nói rằng cái chết của ông Kadhafi hôm nay đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử Libya, và mong mỏi người dân nước này đoàn kết và hòa giải để xây dựng dân chủ và tái thiết.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu: "Ngày hôm nay đánh dấu bước chuyển lịch sử của Libya. Trong những ngày tới chúng ta sẽ chứng kiến cảnh vui mừng cũng như nỗi đau khổ của những người mất mát. Giờ là lúc để mọi người Libya đồng tâm. Người Libya chỉ có thể có tương lai tốt đẹp nếu có đoàn kết dân tộc và hòa giải. Chiến binh của mọi bên đều phải buông vũ khí trong hòa bình. Đây là lúc để hàn gắn và tái thiết, là thời điểm của lòng quảng đại chứ không phải để trả thù".
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng cái chết của Kadhafi đánh dấu một bước tiến đối với người dân Libya, và đề nghị chính quyền mới ở nước này nhanh chóng cải cách dân chủ: "Cái chết của Kadhafi là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 tháng qua của người dân Libya nhằm tự giải phóng khỏi chế độ độc tài và tàn bạo tồn tại hơn 40 năm qua".
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe cho rằng ngày 20.10 là sự chấm dứt của 42 năm bạo quyền tại Libya, và khẳng định Pháp tự hào vì đã giúp mang lại sự tự do cho quốc gia Bắc Phi: "Đây là một sự kiện lịch sử. Đó là sự khởi đầu của một giai đoạn mới, của một nền dân chủ, tự do và sự tái thiết của Libya". Pháp là quốc gia dẫn đầu trong chiến dịch của liên quân NATO áp đặt lệnh cấm bay và các chiến dịch không kích, cũng như hỗ trợ và công nhận lực lượng nổi dậy ở Libya.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle người Đức bày tỏ hy vọng Libya sẽ tiến vào một "chương mới hòa bình và dân chủ" sau cái chết của ông Kadhafi, nói.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhận được thông tin về Kadhafi khi đang cùng thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chuẩn bị cho một cuộc họp báo, sau khi cùng nhau tham dự một cuộc họp. "Chỉ có người dân Libya mới có thể quyết định số phận của Kadhafi", AFP dẫn lời ông Medvedev nói.
Từ Washington, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng cái chết của đại tá Kadhafi đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn đầu tiên trong cuộc cách mạng ở Libya: "Trong khi một vài giao tranh vẫn còn đang diễn ra, người dân Libya đã giải phóng được đất nước của họ. Giờ là lúc mà người dân Libya có thể tập trung tất cả những tài năng xuất chúng của họ để bồi đắp thêm sự đoàn kết quốc gia, tái thiết đất nước và kinh tế, tiếp tục cuộc chuyển giao dân chủ, và bảo vệ giá trị và nhân quyền của mọi người Libya".
Ông McCain cũng khẳng định Mỹ sẽ cùng với các đồng minh châu Âu và các đối tác Ảrập tiếp tục ủng hộ người dân Libya, vì họ cần phải làm cho giai đoạn thứ hai trong cuộc cách mạng dân chủ cũng có được thành công như giai đoạn đầu tiên.
Thủ tướng Anh nói ngắn gọn: "Đây là ngày để nhớ tới những nạn nhân của Kadhafi", với ngụ ý nhắc tới những nạn nhân trong vụ chiếc máy bay của hãng Pan America bị đánh bom trên bầu trời Lockerbie, Scotland, vào năm 1988.

Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi cho rằng cuộc chiến tại Libya đã kết thúc sau khi có những thông tin cho rằng ông Kadhafi bị bắt và bị giết, hãng tin ANSA cho hay. "Những điều tồi tệ đã đi qua. Giờ đây cuộc chiến ở Libya đã chấm dứt", ông Berlusconi nói.
Ngoại trưởng Italy Franco Frattini thì khẳng định việc Kadhafi bị bắt là một thắng lợi tuyệt vời dành cho người dân Libya. "Libya cuối cùng cũng đã có được tự do. Chúng tôi đều chờ đợi để được thấy những cuộc bầu cử dân chủ ở Libya", ông Frattini phát biểu.
Từ thủ đô Brussels của Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) cho hay cái chết của Kadhafi "đánh dấu sự chấm dứt của một kỷ nguyên chuyên quyền". "Tin tức về Kadhafi có ý nghĩa như dấu chấm hết cho sự đàn áp mà người dân Libya phải chịu đựng quá lâu", Chủ tịch EU Herman Van Rompuy nói trong một tuyên bố chung với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso.
Cái chết của Đại tá Kaddafi cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Trung Quốc, và chính phủ Bắc Kinh nhanh chóng ra thông cáo về sự kiện này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Khương Du phát biểu: "Lịch sử Libya vừa sang trang mới. Chúng tôi hy vọng rằng tiến trình chính trị bao gồm tất cả các bên sẽ được bắt đầu sớm nhất có thể được nhằm bảo đảm đoàn kết sắc tộc và dân tộc, khôi phục ổn định xã hội và nền kinh tế để người dân có cuộc sống hòa bình và hạnh phúc."
Bà Khương nói Đại sứ quán Trung Quốc tại Tripoli vẫn hoạt động bình thường, nhưng không bình luận về liên hệ với Hội đồng Chuyển giao Quốc gia (NTC) ở Libya. Quan hệ giữa Bắc Kinh và NTC trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc phản ứng thờ ơ trước nghị quyết của LHQ về bảo vệ dân thường ở Libya và thông tin các công ty Trung Quốc vẫn tìm cách bán vũ khí cho Gaddafi.

TOÀ THÁNH VÀ LIBYA SAU CÁI CHẾT CỦA ĐẠI TÁ KADDAFI

"Tòa Thánh và Libya sau cái chết của Đại tá Kaddafi": là tiêu đề của một lưu ý của phòng báo chí Tòa Thánh tối thứ năm 20.10. Tòa Thánh nhắc lại sự ủng hộ của mình cho "người dân Libya" và "Hội đồng chuyển tiếp", nhắm đến sự "bình định" và "tái thiết", trong "công lý" và "luật pháp". Sau đây là thông báo của Phòng báo chí Tòa Thánh:
Tin tức về cái chết của đại tá Muammar Kaddafi kết thúc giai đoạn quá dài và bi thảm của cuộc đấu tranh đẫm máu, để đánh bại một chế độ cứng rắn và áp bức.
Sự kiện bi thảm này một lần nữa buộc người ta suy tư về cái giá của sự đau khổ lớn lao của con người, vốn đi kèm sự khẳng định và sự sụp đổ của bất kỳ chế độ nào không dựa trên sự tôn trọng và phẩm giá con người, nhưng dựa vào sự khẳng định thống trị của quyền lực.
Hiện nay người ta phải mong muốn rằng, bằng cách tránh cho người dân Lybia khỏi các bạo lực mới do một tinh thần trả đũa hoặc trả thù, các người cai trị mới cần thực hiện càng nhanh càng tốt công tác cần thiết của bình định và tái thiết, trong một tinh thần bao hàm, trên cơ sở của công lý và pháp luật, và rằng cộng đồng quốc tế cam kết giúp đỡ cách hào phóng việc xây dựng lại đất nước.
Về phần mình, cộng đồng Công Giáo nhỏ bé sẽ tiếp tục đưa ra chứng tá và sự phục vụ vô vị lợi của mình, đặc biệt trong các lĩnh vực từ thiện và y tế, và Tòa Thánh sẽ cam kết vì lợi ích của người dân Libya trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, trong một tinh thần cổ vũ công lý và hòa bình.
Về việc này, thật là thích hợp để nhắc lại rằng một tập quán liên lỉ của Tòa Thánh, để thiết lập các quan hệ ngoại giao, là công nhận Nhà nước chứ không công nhận chính quyền. Vì vậy, Tòa Thánh đã không thực hiện sự công nhận chính thức đối với Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) như là chính phủ của Libya. Nếu Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) được thành lập một cách hiệu quả như là chính phủ tại Tripoli, Tòa Thánh sẽ coi Hội đồng này là đại diện hợp pháp của người dân Libya, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tòa Thánh đã có nhiều liên lạc khác nhau với chính quyền mới của Libya. Trước hết, Phủ Quốc Vụ Khanh Toà thánh, cơ quan chịu trách nhiệm về quan hệ ngoại giao của Tòa Thánh, đã liên lạc với đại sứ quán Libya bên cạnh Tòa Thánh, sau khi có sự thay đổi chính trị tại Tripoli. Gần đây trong thời gian tham dự các cuộc họp của Đại hội đồng LHQ, tổng thư ký phụ trách quan hệ với các quốc gia (tức Ngoại trưởng Toà thánh), Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, đã có cơ hội hội kiến với Vị Đại diện thường trực của Libya tại Liên Hiệp Quốc, ông Abdurrahman M. Shalgham. Và, gần đây hơn, Sứ thần Tòa Thánh tại Libya, Tổng Giám mục Tommaso Caputo, cư trú ở Malta, đã tới thăm Tripoli ba ngày (từ ngày 2 đến ngày 4.10), trong thời gian đó Ngài đã gặp thủ tướng của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC), ông Mahmoud Jibril. Tổng Giám mục Caputo cũng được Bộ trưởng Ngoại giao tiếp kiến.
Trong các cuộc gặp gỡ khác nhau, cả hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Libya. Tòa Thánh đã có cơ hội nhắc lại sự ủng hộ đối với người dân Libya, và ủng hộ quá trình chuyển tiếp. Tòa Thánh mong muốn chính phủ mới thành công trong việc xây dựng lại đất nước. Về phần mình, các nhà lãnh đạo của Libya mới cho biết họ đánh giá rất cao các lời kêu gọi nhân đạo của ĐTC Biển Đức XVI, và sự cam kết của Giáo Hội ở Libya, đặc biệt nhờ sự phục vụ của các bệnh viện hoặc các trung tâm cứu trợ khác của 13 cộng đoàn tu sĩ (sáu cộng đoàn ở Tripolitania và bảy cộng đoàn ở Cyrenaica).


Nguồn: Vietcatholic.net; BBC tiếng Việt; Viet.rfi.fr ; Photo: AFP