Dân Chúa Âu Châu

Thảm Sát Và Tuyển Cử Tổng Thống Tại Pháp

BY: HÀ MINH THẢO

Sáng ngày 19.03.2012, một người vào trường Ozar Hatorah ở Toulouse và dùng súng bắn chết một giáo sư và ba học sinh và làm bị thương nặng một em khác. Do đó, nhiều ứng cử viên tuyên bố tạm ngưng vận động tranh cử và Hội đồng thượng cấp Tuyền thông (CSA, Conseil Superieur de l"Audiovisuel) cho biết những phát biểu của các ứng cử viên không được tính giờ cho sự công bằng thời gian truyền thông giữa các vị này.

I. CÔNG DÂN TOULOUSE ĐỀ CAO CẢNH GIÁC.

A. Các vụ ám sát với bảy người chết và hai bị thương nặng.

Khoảng 8 giờ thứ hai ngày 19.03.2012, một người đi xe máy cực mạnh 500 cm3 T-Max 530 Yamaha và dùng súng colt 45 và một khẩu 9 mm đã bắn chết một giáo sư tôn giáo 30 tuổi, ông Jonathan Sandler, hai con của ông 3 và 6 tuổi cùng một học sinh 10 tuổi tại tư thục Do thái Ozar Hatorah ở Toulouse. Một em khác 17 tuổi bị thương trong tình trạng nghiêm trọng. Các nhân chứng thấy hung thủ có đeo máy quay phim trước ngực để thu hình khi bắn.
Các chuyên viên điều tra hình sự sớm nhận định mối liên hệ vụ này với hai vụ sát hại một trung sĩ Nhảy Dù Imad Ibn Ziaten, 30 tuổi, tại Toulouse ngày 15.03.2012 và hai quân nhân Dù, hạ sĩ Abel Chennouf, 25 tuổi và binh nhất Mohamed Legouad, khác cùng một hạ sĩ khác, Loic Liber, bị thương nặng tại Montauban ngày 15.03.2012.
Đức cha Robert Le Gall, Tổng Giám mục Toulouse đã phản ứng ngay, từ New York (Hoa kỳ), đang tham dự một cuộc họp với lãnh đạo Do thái: "Sau khi ám sát các quân nhân Dù trong những ngày gần đây tại Toulouse và Montauban ảnh hưởng sâu sắc đến giáo tỉnh chúng ta, một bước xa hơn đã được thực hiện trong phim kinh dị này buổi sáng với cái chết của bốn người trong đó có ba trẻ em học trường Ozar Hatorah Do Thái ở khu phố La Roseraie, Toulouse"
Đức cha Bernard Podvin, phát ngôn viên Hội đồng Giám mục Pháp cho biết các Giám mục và tín hữu Pháp bày tỏ sự phẫn nộ vì vụ thảm sát ghê tởm chống lại một giáo viên và học sinh Do thái và chia sẻ những cảm xúc của gia đình nạn nhân và cộng đồng Do thái, Giáo hội Công giáo hiệp thông cầu nguyện.
Trong ngày, trả lời ký giả của Zenit.org về cuộc tấn công ở Toulouse, Linh mục Federico Lombardi, s.j., giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết: "Cuộc tấn công tại Toulouse nhằm vào một giáo viên và ba trẻ em Do thái là một hành động khủng khiếp và nhục nhã, chưa kể các hành vi khác đầy bạo lực và vô nghĩa gần đây làm tổn thương nước Pháp". Cha lên án hành động này: "Việc này gây nên một sự phẫn nộ sâu sắc và khủng hoảng tinh thần cần phải lên án mạnh mẽ và ghê tởm vì tuổi tác và sự vô tội của nạn nhân trẻ và đã được thực hiện trong một cơ sở giáo dục hòa bình".

Cha Lombardi kết luận bằng nhắc lại lời Đức Tổng giám mục của Toulouse về sự liên đới: "Chúng tôi bày tỏ sự đoàn kết với những tang gia và Cộng đồng Do thái và mối quan tâm của chúng tôi trước sự kiện khủng khiếp cùng sự liên đới tinh thần sâu xa nhất của chúng tôi".
Lập tức, những biện pháp an ninh được tăng cường tại các đền thờ Do thái và trường học. Lúc gần 20 giờ, Tổng thống Nicolas Sarkozy công bố qua truyền hình quốc gia gia tăng cường «biện pháp chống khủng bố Vigipirate" lên mức "đỏ" (écarlate) trong khắp vùng Midi-Pyrénées. Đây là lần thứ nhất tại Pháp, mức cao nhất này được ban hành để ngăn chặn một nguy cơ do các cuộc tấn công lớn, với các biện pháp an ninh đặc biệt hạn chế đi lại. Vigipirate là những biện pháp được áp dụng lần đầu khi xảy ra cuộc chiến Iraq năm 1991 với nhiều mức khác nhau. Sau mức Vigipirate "đỏ" là tình trạng khẩn cấp (état d"urgence, quy định bởi Hiến pháp 1958, Điều 16).

B. Truy tầm thủ phạm.

Nạn nhân đầu tiên là trung sĩ Dù Imad Ibn Ziaten rao bán gấp trên mạng Internet qua cửa hàng "Bon Coin", có ghi quân nhân để chứng minh xe ít chạy. Chức vụ này được sự chú ý của hung thủ, cùng với 575 người khác đã đọc. Hung thủ xin hẹn để tiến hành việc mua xe này. Nhưng khi đến nơi, hắn dùng súng bắn xuyên qua nón an toàn, rồi lên xe máy Yamaha rời nhanh hiện trường. Các cảnh sát chuyên viên về tin học nhận danh được, qua địa chỉ IP, của Abdelkader, anh và bà Zoulikha Aziri, mẹ của hung thủ, để theo dõi câu chuyện giữa họ.
Ngoài ra, các máy chụp ảnh gắn quanh trường Ozar Hatorah cũng ghi được số đăng bộ của chiếc xe máy đã được khai mất cắp.

C. Tiến hành bắt nghi can.

Sau khi xác định nơi cư ngụ của nghi can nhờ bổ túc với các dữ kiện lưu trữ tại Trung tâm Tình báo quốc nội (DCRI, Direction Centrale du Renseignement Intérieur), vào lúc 3 giờ 10 sáng ngày 21.03.2012, các cảnh sát viên tinh nhuệ đơn vị RAID (recherche, assistance, intervention, dissuation, truy tầm, hỗ trợ, can thiệp) đã bắt đầu cuộc hành quân đến dãy nhà số 17, đường Sergent-Vigné trong khu vực Côte pavée, Toulouse để bắt hung thủ sát hại các quân nhân Dù và 4 người song tịch Pháp Do thái đã nói trên.
Khi cảnh sát đến hiện trường, tay súng đã nổ súng và làm bị thương nhẹ hai cảnh sát. Sáu hoặc bảy tiếng súng nổ đã được nghe. Cảnh sát liên lạc với bà mẹ để nhờ can thiệp, nhưng bà cho biết bà không có ảnh hưởng để nói gì.

Đương sự tên là Mohamed Merah, một thanh niên 24 tuổi, quốc tịch Pháp gốc Algeria, đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới Afghanistan và Pakistan, khai thuộc al-Qaeda và Salafi để trả thù cho trẻ em Palestine và với lý do khác là những quân nhân đã can thiệp quân sự của họ tại Afghanistan.
Khi nghe như vậy, Thủ tướng Palestine Salam Fayyad lên án vụ giết người này. Ông nói rằng đã đến lúc chấm dứt việc lấy cớ người Palestine để biện minh cho lý do giết người.
Trong khi đó, anh trai nghi can là Abdelkader, 29 tuổi, cũng bị bắt vì có chứa chất nổ trên xe. Sau đó, bà mẹ của Mohamed và cô bạn sống chung với Abdelkader cũng bị bắt. Mới đầu, anh ta khai là không biết gì về hành động của em (phù hợp với Mohamed đã nói với cảnh sát RAID). Hôm 23.03.2012, anh cho thẩm vấn viên biết anh hãnh diện về hành động của em mình và cho biết đã hiện diện khi Mohamed trộm chiếc Yamaha T-Max. Ngày 23.03.2012, bà mẹ đã được trả tự do.

Một sĩ quan cảnh sát được cử để thương lượng và kêu gọi nghi can đầu hàng. Đương sự cho biết, nếu không bị vây bắt, sáng nay, hắn dự tính sẽ bắn cảnh sát chống hình sự và tiếc không giết được nhiều hơn. Hắn hứa sẽ đầu hàng vào lúc trưa, rồi xế chiều… Lần cuối cùng, khoảng 23 giờ 30, đương sự từ chối đầu hàng và sẽ giết tối đa, nếu bị tấn công… ước mong chết, tay cầm súng và sẽ được về thiên đàng. Vì điện và gaz dẫn vào nhà đều bị tắt để tránh bị phá nổ và mọi người đều được di tản, nên tòa nhà rơi vào tối đen, chỉ có đèn rọi của cảnh sát.
Ngày 22.03.2012, lúc 10 giờ 30, những cảnh sát RAID nổ súng và tiến vào bằng cửa chính và cửa sổ, sau khi bắn chỉ thiên. Lục soát từng bước cho đến gần 11 giờ 30, Mohamed chạy ra khỏi phòng tắm và bắn nhiều loạt đạn tiểu liên tự động và colt 45 vào cảnh sát khiến họ phải bắn trả trong khi đương sự nhảy cửa sổ và chết, tay cầm súng. Khắp nhà là một kho võ khí rất nhiều loại súng và chất nổ.

Nhiều nghi vấn vẫn còn được tranh luận như tại sao Mohammed Merah không được theo dõi dù đã có những tiền án cũng như đã đến Pakistan và Afghanistan trong năm 2010 và 2011 và, đặc biệt là Mohammed Merah có tên trong danh sách đen của những người bị nghi ngờ cấm đi trên các chuyến bay tại Hoa Kỳ.
Trong khi đó, cuộc tranh cử lại tiếp tục với những hứa hẹn về an ninh (19% số người hỏi) và nhập cư (10%) chỉ đứng ở vị trí thứ 9 và 11 về sự lưu tâm của người dân, thua xa các vấn đề kinh tế và việc làm (56%) và sức mua (34%).

II. KINH TẾ NƯỚC PHÁP NĂM 2011.

Hiện nay, nền kinh tế Pháp không ở trong thời kỳ suy thoái vì, về mặt kỹ thuật, tổng sản lượng quốc nội (GDP, Gross Domestic Product) giảm liên tiếp trong hai tam cá nguyệt (TCN). Đệ tam TCN, GDP Pháp tăng 0,30% so với đệ nhị TCN và đệ tứ TCN 2011, GDP Pháp tăng 0,20% so với đệ tam TCN.
Tuy nhiên, với mức tăng trưởng kinh tế yếu kém như vậy, số người thất nghiệp không thể giảm mà có khuynh hướng gia tăng như OCDE (Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế) tiên đoán sẽ tăng 10% số người trong tuổi làm việc, so với 9,6% hiện nay.
Nhiều ứng cử viên cứ hứa mướn thêm người bằng những hợp đồng được ngân sách quốc gia tài trợ (contrat aidé) hay miễn đóng các quỹ an sinh xã hội. Những hứa hẹn này chỉ gây thêm công chi. Tổng thống ứng cử viên từng giảm bớt phần đóng vào quỹ trợ cấp gia đình và, gần đây, hứa miễn đóng các quỹ an sinh xã hội phần chủ cho các hợp đồng thuê người trên 55 tuổi.
Hiện nay, ngân sách quốc gia hàng năm phải trả khoảng 50 tỷ euros tiền lời trên các khoản nợ công.

III. TUYỂN CỬ TỔNG THỐNG.

Khoảng 45 triệu cử tri được mời tham gia bầu chọn tổng thống tổ chức vào ngày 22.04.2012 và, nếu không có ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối số phiếu hợp lệ, thì vòng hai sẽ được diễn ra ngày 06.05.2012. Đây là cuộc gặp gỡ giữa một ứng cử viên với những cử tri để từng cử tri trao phần quyền "làm chánh trị", tức điều hành quốc sự của mình cho ứng cử viên mà mình tự do lựa chọn để trao sự tín nhiệm thay mình thực thi những quyền hành và trách nhiệm mà Hiến pháp quy định dành cho chức vụ Tổng thống.

A. Tính đặc biệt chức vụ Tổng thống tại Pháp.

Tổng thống Cộng hòa Pháp kiêm tước vị Đồng Thái tử (Coprince) Công quốc (Principauté) Andorre. Cộng hòa Pháp đã được lãnh đạo bởi Tổng thống từ năm 1848, thời Đệ Nhị Cộng hòa, đầu tiên tại Âu châu và thứ nhì trên thế giới, sau Hoa kỳ với Tổng thống George Washington từ 1789. Từ đó đến nay, chức vụ nầy đã được hoàn tất bởi 23 vị.
Khác với tổng thống đa số các quốc gia Âu châu, Tổng thống Pháp hành xử thực quyền, là chức vụ cao nhất nước, nhưng quyền Hành pháp được đặc biệt phân nhiệm giữa tổng thống, do quốc dân bầu và thủ tướng, do tổng thống bổ nhiệm nhưng không có quyền bãi nhiệm. Vì thủ tướng chịu trách nhiệm trước quốc hội tức cần được tín nhiệm bởi đa số dân biểu viện lập pháp này. Do đó:
1. Khi Tổng thống và Quốc hội cùng một màu sắc chính trị (xanh dương cho phe hữu, hồng cho Xã hội, đỏ cho Cộng sản và xanh lá cây cho Môi trường, ba đảng này hợp thành phe tả) thì tổng thống có toàn quyền, thủ tướng chỉ thực thi chính sách của tổng thống. Không đồng ý với tổng thống, thủ tướng (Premier Ministre), tổng trưởng (Ministre), bộ trưởng (Secrétaire d"Etat) phải từ chức. Đó là tình trạng hiện nay.
2. Khi Tổng thống và Quốc hội không cùng màu sắc chính trị được mệnh danh là "sống chung chính trị" (cohabitation politique). Quyền hiến định của tổng thống bị giới hạn và thủ tướng, được sự tín nhiệm của Quốc hội, điều khiển quốc sự: Président thì présider tức chỉ "chủ tọa Hội đồng Tổng trưởng" (Conseil des ministres, tổng thống họp với chính phủ mỗi thứ tư) và Gouvernement có nhiệm vụ gouverner, tức cầm quyền. Từ 1986 đến 2002, tình trạng này đã xảy ra ba lần:
a. từ 1986 đến 1988, với Tổng thống François Mitterand (đảng Xã hội) và Thủ tướng Jacques Chirac (Rassemblement pour la République RPR, Tập hợp vì nền Cộng hòa);
b. từ 1993 đến 1995, với Tổng thống Mitterand và Thủ tướng Edouard Balladur (RPR);
c. từ 1997 đến 2002, với Tổng thống Chirac và Thủ tướng Lionel Jospin (đảng Xã hội). Lần đầu tiên thời Đệ Ngũ Cộng hòa, ông Jospin giữ chức Thủ tướng trọn 5 năm, cùng một nhiệm kỳ với Quốc hội và, trong cuộc tuyển cử Tổng thống vòng một ngày 21.04.2002, đã bị ông Jean-Marie Le Pen đánh bại, không được vào vòng hai và phải từ giả chính trường.

B. Trợ cấp Tài chính tranh cử Tổng thống năm 2012.

1. Mức chi tiêu tối đa để được ngân sách quốc gia hoàn trả. Định mức là 16,851 triệu euros cho mỗi ứng cử viên tham dự vòng đầu cuộc bầu cử ngày 22.04.2012 và hai ứng cử viên tranh cử vòng nhì là 21,594 triệu euros.
Ngày 19.03.2012, Hội đồng Hiến pháp niêm yết danh sách 10 ứng cử viên và mỗi người nhận một số tiền tạm ứng là 153.000 euros.
2. Ba mức bồi hoàn. Theo điều 3 luật ngày 06.11.1962 về bầu cử Tổng thống theo thể thức phổ thông đầu phiếu qui định về việc ngân sách quốc gia bồi hoàn chi phí tranh cử cho các ứng cử viên như sau cho đến năm 2007:
- Bậc 1, bồi hoàn 5% tổng số chi tối đa cho vòng 1 nếu ứng viên thu dưới 5% số phiếu hợp lệ;
- Bậc 2, bồi hoàn 50% tổng số chi tối đa cho vòng 1 nếu ứng viên thu từ 5% số phiếu hợp lệ;
- Bậc 3, bồi hoàn 50% tổng số chi tối đa cho 2 vòng cho 2 ứng viên tham dự.
Năm 2012, nhằm mục đích tái cân bằng tài chính công do thủ tướng công bố ngày 07.11.2011, một trong các biện pháp để "giới hạn bồi hoàn chi phí các cuộc tranh cử, giảm chi tiêu 5% giới hạn thực hiện phí. Theo đó, tỷ lệ bồi hoàn Bậc 1 là 4,75% tổng số chi tối đa cho vòng 1; Bậc 2 là 47,50% tổng số chi tối đa cho vòng 1 và Bậc 3 là 47,50% tổng số chi tối đa cho vòng 2.

C. Thăm dò dân ý.

Kết quả cuộc thăm dò dân ý do viện thống kê phổ biến ngày 21.03.2012, trên báo "20 phút" và các đài truyền hình BFMTV và RMC, cho thấy ứng cử viên Nicolas Sarkozy, đương kim Tổng thống, đứng đầu ý định bỏ phiếu trong vòng đầu là 30%, trước François Hollande 28%. Cuộc thăm dò được thực hiện ngày 19 và 20.03.2012 (khi xảy ra những vụ sát hại tại Toulouse và Montauban mà chưa biết ai là thủ phạm). Năm 2007, ở vòng một, ông Sarkozy thu được 31% số phiếu hợp lệ, nhờ số phiếu của ông Le Pen [16,86% (2002) còn 10,44 (2007)]. Năm nay, ông Sarkozy đang hướng về các đề tài mà bà Le Pen chủ trương như nói "không" với Liên hiệp Âu châu và chống nhập cư. Nhưng, vào vòng nhì, ông Hollande thu được 57% ý định đầu phiếu.
Bên tả phái, nếu ông Jean-Luc Mélenchon (Front de gauche, Mặt trận tả phái, trong có Cộng sản) được 13% ý định bầu trong vòng đầu tiên, đang chiếm phiếu của ông Hollande thì là điều không lạc quan cho người Pháp vì hai khuynh hướng cực tả và cực hữu đang lên, biểu hiệu nuớc Pháp đang gia tăng khủng hoảng.